Ngày 01-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài giảng của Đức TGM Hà Nội nhân ngày đầu năm: Nhân loại mới
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
03:56 01/01/2008

NHÂN LOẠI MỚI



Lc 2, 16-21

Ngày đầu năm mới là một ngày thiêng liêng. Ai cũng mong ước năm mới mọi sự sẽ đổi mới. Sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhất là được sống bình an. Các bài Sách Thánh đặc biệt bài Tin mừng hôm nay mời gọi ta hãy tìm đổi mới trong Chúa Giêsu. Chính Người sinh ra một nhân loại mới. Đó là nhân loại được chúc phúc, được cứu độ và sống trong an bình.

Đó là một nhân loại được chúc phúc. Khi Chúa Giêsu ra đời nhân loại được chúc phúc. Có nhiều dấu hiệu loan báo phúc lành của Chúa. Một làn ánh sáng từ trời soi sáng cánh đồng Bêlem. Xuất hiện muôn vàn thiên sứ hát mừng trên trời cao. Chúa Giêsu đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Chúa Giêsu chính là phúc lành tuyệt hảo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Mang lấy bản tính nhân loại, Chúa Giêsu làm cho nhân loại được chúc phúc bằng những phúc lành phong phú nhất của Thiên Chúa.

Đó là một nhân loại được cứu độ. Con trẻ được đặt tên là Giêsu. Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Chúa Giêsu đi vào tận những tù ngục giam hãm để giải cứu con người. Người sinh ra làm một trẻ thơ để nâng đỡ những con người bé nhỏ. Người sinh trong cảnh thiếu thốn để nâng lên những ai nghèo hèn. Người bị bạo vương Hêrôđê săn đuổi để đứng về phía những người bị áp bức. Người sinh ra trong chuồng súc vật tăm tối để trân trọng những ai bị loại trừ. Người là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Thật là một cuộc đổi mới không ai có thể ngờ tới.

Đó là một nhân loại sống trong hòa bình. Đêm Chúa Giáng Sinh trời đất giao hòa. Trời Bêlem sáng lên. Thiên nhiên trở nên xinh đẹp. Các thiên thần làm đầy không gian bằng những bài ca tuyệt diệu của cõi thiên đàng. Các mục đồng vui tươi hớn hở loan truyền tin vui. Cả một bầu khí hòa bình tỏa ra chung quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến tái lập trật tự. Trật tự đó là con người và vạn vật vâng phục Thiên Chúa. Luật lệ phát xuất từ con người luôn gây ra tranh chấp. Vì con người chỉ nghĩ đến tư lợi hạn hẹp của riêng mình. Mọi luật lệ muốn công bằng và lâu bền phải qui về Thiên Chúa. Thiên Chúa ban hòa bình thực sự. Hòa bình trong công lý. Công lý là những người bé nhỏ, yếu ớt phải được tôn trọng. Chúa Giêsu tự nguyện làm trẻ nhỏ sơ sinh chính là một nền hòa bình trong vâng phục Thiên Chúa và là công lý kêu gọi kính trọng bảo vệ những kẻ yếu hèn.

Hòa bình như thế không phải là một trật tự im lìm. Trật tự im lìm chỉ có trong nghĩa địa hay nhà tù. Đó là trật tự chết chóc, tàn lụi. Trái lại hòa bình là một năng động, là một sức sống, là sự phấn đấu không ngừng.

Ta hãy chiêm ngắm tấm gương của các mục đồng. Các mục đồng đã biết lắng nghe sứ điệp hòa bình dù giữa đêm hôm mùa đông đang say ngủ. Nghe biết sứ điệp hòa bình rồi, các mục đồng vội vã đi tìm Chúa Giêsu là nguồn mạch hòa bình, dù phải bỏ giấc ngủ, dù phải đi ngoài trời lạnh giá. Sau khi gặp Chúa, các mục đồng ra đi loan truyền sứ địêp hòa bình cho mọi người. Đó chính là những phấn đấu không ngừng cho hòa bình.

Chúng ta đặt năm mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho năm mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn phấn đấu đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.

Lạy Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.

+Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Giám Mục Hà Nội
 
Dõi theo ánh sao
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:17 01/01/2008
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH

DÕI THEO ÁNH SAO


Mt 2,1-12

Dõi theo ánh sao các nhà đạo sĩ đã mau mắn lên đường trong hy vọng tràn đầy.” Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện “ ( Mt 2,2 ). Các nhà đạo sĩ sau khi gặp Hêrôđê,các Ngài đã ra đi và cũng ánh sao đó lại xuất hiện, dẫn lối chỉ đường cho các Ngài đến hang đá Bêlem tìm gặp Hài Đồng Giêsu. Tin Mừng viết rõ, các Ngài dâng Hài Đồng Giêsu những đặc sản quí giá của địa phương là vàng, nhũ hương và mộc dược ( Mt 2, 11 ).

ÁNH SÁNG BỪNG LÊN CHIẾU RỌI, ĐÓ LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ:

Ngôn sứ Isaia viết:”Dân đang lần bước trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi “( Is 9,1 ). Ánh sáng chiếu soi là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Sao Hy Vọng cho muôn dân, muôn nước. Quả thật, từ khi ông bà Adam và Evà phạm tội, nhân loại chìm trong tối tăm của khổ đau và sự chết. Con người tưởng rằng không bao giờ có thể thoát khỏi bóng tối của đau khổ, của tối tăm, của sự chết. Nhân loại vì nguyên tổ phạm tội luôn dò dẫm, lần mò trong bóng tối tăm, mong chờ,mỏi mòn chờ mong ánh sáng cứu độ chiếu rọi nhân gian, soi chiếu thế giới. Ngôi Sao Hy Vọng,một Ngôi Sao lạ xuất hiện ở phương trời Đông, và sẽ không bao giờ lặn. Lễ Hiển Linh là lễ Con Thiên Chúa đến trần gian không chỉ dành riêng cho Dân Do Thái nhưng là tỏ mình cho mọi người, cho dân ngoại. Đại diện là ba nhà đạo sĩ trong đó có tất cả mọi người chúng ta. Ngộ giả Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng, đã chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của chúng ta thì Người cũng muốn mỗi người chúng ta phải trở thành những ánh sao soi chiếu người khác. Chúa luôn yêu thương, trung tín với con người dù cho con người thất trung, phản bội. Do đó, con người đừng bao giờ thất vọng về chính mình. Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Sao Hy Vọng đã không bao giờ làm ai thất vọng, chúng ta cũng đừng bao giờ để ai thất vọng vì chúng ta.

XIN CHO NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG CHO BA NHÀ ĐẠO SĨ PHƯƠNG ĐÔNG VẪN DẪN ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI GẶP CHÚA:

Ngôi sao xưa đã dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ Phương Đông đến gặp Chúa nơi hang đá Bêlem và rồi các nhà đạo sĩ đã gặp được Vua Trời Đất. Các Ngài vui mừng, phấn khởi. Tin Mừng không thấy ghi lại một câu nói nào của ba nhà đạo sĩ hay câu nói nào của Mẹ Maria hoặc thánh cả Giuse. Nhưng chúng ta có thể ngầm hiểu chính sự im lặng thánh của Mẹ Maria, của thánh cả Giuse và ngay sự im lặng của ba nhà đạo sĩ đã nói lên giờ phút linh thiêng Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại mà ba nhà đạo sĩ là đại diện mọi người. Sự im lặng thánh diễn tả việc các nhà đạo sĩ cung chiêm Chúa cả Trời Đất với tất cả lòng yêu mến, kính trọng và tin cậy của họ nơi Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã tỏ mình ra cho mọi dân tộc, Ngài đem an bình, hạnh phúc và ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúa đã tỏ mình ra từ lâu nhưng thực tế còn biết bao người chưa nhận biết Chúa, còn biết bao người chưa thấy Ngôi Sao Hy Vọng dù rằng Ngôi Sao vẫn cứ luẩn quẩn trên bầu trời để dẫn đưa con người tìm gặp Chúa. Thế giới ngày nay văn minh, khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhưng còn biết bao người chưa nhận ra Ngôi Sao dẫn đường để tìm gặp Chúa. Ngôi sao xưa đã dẫn các nhà đạo sĩ phương Đông tìm ra được nơi Chúa sinh ra và họ đã cung chiêm, bái lạy Hài Đồng Giêsu. Xin cho Ngôi Sao xưa vẫn là Ngôi sao ngày nay đang dẫn mọi người đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Sao Hy Vọng, xin giúp nhiều người, mọi người nhận ra Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng để tất cả như ba nhà đạo sĩ mau mắn đến thờ lạy Vua Giêsu. Xin cho chúng con trở thành những Ngôi Sao lạ để dẫn đường cho nhiều người tìm gặp Chúa. Amen.
 
Cạm bẫy
Nguyễn Hy Vọng
09:59 01/01/2008
CẠM BẪY

1. Mưu người bẫy chó

Dân Eskimo ở băc cực, họ bẫy chó sói bằng cách mài một con dao thật mõng, thật sắc. Họ nhúng lưỡi dao vào chậu máu súc vật, rồi mang để ngoài trời cho đong lại. Họ làm đi làm lại như thế nhiều lần, cho đến khi lưỡi dao bọc toàn máu. Họ mang lưỡi dao ra cắm ở một cánh đồng. Chó sói ngửi mùi máu thì chạy đến và liếm nhanh, liếm mạnh. Lưỡi dao căt lưỡi nó nhưng nó vẫn không hay biêt, nó tiếp tục liếm chính máu nó, cho đến khi gục chêt.

2. Mưu qủy bẫy người

Một hôm Satan triệu tập tât cả qủy già, trẻ, lớn, bé, đực, cái về dự đại hội. Satan:
- Mục đích của buổi họp là bàn thảo kế hoặch làm sao kéo thật nhiều linh hồn vào hỏa ngục. Ai có ý kiến gì cứ tự nhiên phát biểu.

Một quỷ con chạy ra, nói:
- Thưa đại vương, em sẽ bảo với mọi người là không có Thiên Chúa, đừng phí thì giờ đi nhà thờ vô ich.

Satan:
- Như thế chỉ lừa được một số người, vì nhiều người đã biêt có một Thiên Chúa, Đấng Chí Cao tạo dựng mọi loài mọi vật.

Một qủy cái bước ra, tâu:
- Thưa đại vương, em sẽ bảo với mọi người là không có hỏa ngục, làm gì có chuyện Thiên Chúa dựng nên hỏa ngục để hành hạ con người, vì Ngài vô cùng tôt lành cơ mà.

Satan trầm tư, rồi nói:
- Cach này có thể lừa đuọc một số người, nhưng nhiều người đã biêt Thiên Chúa là Đấng vô cùng tôt lành, nhưng cũng vô cùng công minh. Ngài ban thưởng người lành và phạt kẻ gian ác, mấy ai không hiểu là phải có hỏa ngục là nơi chứa tội phạm.

Một qủy cái già đứng lên:
- Thưa đại vương, em sẽ nói vào tâm trí con người ý nghĩ: còn lâu mới chết, những việc của đời sau khoan nghĩ đến, hãy tận hưởng những gì có trưóc mắt đã.

Satan trầm tư một chút:
- Cách này được lắm, có thể kéo nhiều linh hồn vào hỏa ngục.

Một qủy trung niên bước ra dâng kế:
- Em sẽ nói với mọi người là Thiên Chúa là Đấng tôt lành, phạm bao nhiêu tội cũng chẳng sao, Ngài sẽ tha thứ hêt.Tại sao không hưởng thụ? Không hưởng thụ thì uổng cuộc đời.

Satan:
- Phải đó, cách đó lừa được nhiều nhiều người.

Một lão qủy bước ra và nói:
- Thưa đại vương, tôi có kế hoặch: chúng ta biêt con người có thời gian rất ngắn ngủi ở cõi trần, trí óc và trái tim của chúng thì rât hạn hẹp. Tôi đề nghị là chúng ta phải nhet đầy vào đầu óc, vào tim chúng những gì không phải là Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa thì chúng chẳng còn thì giờ, tâm, và trí đâu mà nghĩ đến Thiên Chúa, nghĩ đến cõi đời đời.

Satan ngẫm nghĩ rồi gật gù:
- Hay! Hay! Bằng cách đó, chúng ta có thể kéo được nhiều triệu linh hồn vào hỏa ngục.

Và Satan nói tiếp:
- Tao có một tư tưởng lớn nói với chúng mày. Loài người là lũ hay băt chươc, do đó, tât cả những gì xấu sa, chúng mày phải cố gắng dùng mọi cách lập đi, lập lại. Khi có nhiều kẻ làm điều xấu, điều tội thì chúng sẽ không còn coi là xấu, là tội; nghiã là chúng mất ý thức về tội, thì chúng rât dễ phạm tội; và như thế, chúng mày và tao dễ dàng kéo chúng vào hỏa ngục như trở bàn tay.

Để thực hiện kế hoặch, tao truyền chúng mày đi khắp mọi nơi, dù già, trẻ, gái, trai, đứa nào còn hơi thở là nhet vào óc, tim, linh hồn chúng những thứ phù phiếm: danh vọng, chức quyền, tiền của, gái đẹp, hưởng thụ xác thịt, rượu chè, cờ bạc, hút xách, xì ke, ma túy, phim ảnh dâm dục, tình yêu lãng mạn, lăng loàn, tiểu thuyêt nhãm nhí, vô ich, âm nhạc tục tĩu, cac kiểu quần áo hở hang, các bông tai, bông mũi, cà rá hột xoàn… để chúng chạy theo ‘mốt’, và bù đầu, bù óc kiếm tiền mua sắm những thứ đó… Tao truyền cho các qủy phải nhet vào linh hồn chúng sự kiêu ngạo, gen tị, thù hận, gen get... nhét vào đầu chúng rằng tha thứ là yếu đuối, hận thù là anh hùng… Phải nói vào óc mấy thằng cầm bút mê danh, thờ tiền, viêt chuyện bêu xấu Bà Maria để nhiều người không xin Bà đó giúp đỡ; vì Bà Maria mà nhiều linh hồn thoát khỏi tay tao. Cả Đấng Cứu Thế, chúng bây cũng phải nhét vào đầu mấy thằng văn sĩ viêt láo viêt lếu. Chúng bây phải nhet vào đầu óc những tên có bằng cấp nhưng mê ngủ, là nặn ra những lý thuyết ảo như cộng sản, thế giới đại đồng, vô thần,..Chúng bay phải cố gắng nhét vào đầu óc những kẻ nắm quyền, háo danh, ham quyền, thờ tiền, mê sắc dục,.. là phải tiêu diệt tôn giáo, bằng luật pháp, giáo dục, phim ảnh, sách báo, và mọi phương tiện có thể, để chẳng ai còn nghĩ đến nhân nghĩa, đạo đức, đời sau… Nói tóm lại là chúng bây phải dẫn chúng vào mê lộ, là đi ngược lại Sách Thánh, thì chúng mày và tao tha hồ có nhiều kẻ để mà hành hạ, và để tao quên đi chút nào cơn nóng điên cuồng của tao trong hỏa lò này. Đứa nào lười biếng lừa dối người trần gian, nếm mùi bàn tay móc săt của tao. Lệnh đã truyền. Thi hành gấp. Thi hành gấp.

3. Bạn có rơi vào lưới của Satan không?

- Bạn có xem danh vọng, quyền lực, của cải, khoái lạc xác thịt trên Thiên Chúa không?
- Bạn có yêu mọi thứ phù phiếm chóng qua ở đời này hơn yêu tha nhân không?
- Bạn có nghĩ còn lâu mới chêt không?
- Bạn có đặt niềm tin vào sự khôn lanh của bạn, hoặc vào sức mạnh của nòng súng, quyền lực của đảng phái đang cầm quyền không?
- Bạn có nghĩ có thể tự cứu, không cần đến Thiên Chúa không?
- Bạn có coi con người là phương tiện để tiến lên danh vọng, điạ vị, giầu sang không?
- Bạn có gen tị, thù get những ai may mắn, giỏi hơn bạn không?
- Bạn có khinh thường những kẻ kém bạn về học vấn, tiền của, xe cộ, nhà cửa, sức khỏe, sắc đẹp, trí khôn không?
- Bạn có mê bài bạc, rượu chè, hút xách không?
- Bạn có nói xấu người nọ, người kia, bịa chuyện, kể chuyện tục tĩu, vô ich không?
- Bạn có phí thì giờ đọc sách báo vô bổ, nge nhạc nhãm nhí, những thứ chẳng ich lợi cho linh hồn bạn không?
- Bạn có viêt văn, làm thơ, làm nhạc, vẽ tranh, chụp hình để khiêu gợi lòng dục đê hèn của con người không?
- Bạn có làm việc chỉ vì mong được mọi người biêt đến danh của bạn không?
- Bạn có làm việc chỉ vì muốn được lời ngợi khen của mọi người xung quanh không?
- Bạn có nghĩ rằng sống là để ăn ngon, mặc đẹp không?
- Bạn có nóng giận, đập phá, chửi rủa lời thô bỉ, độc địa không?
- Bạn có cầu cơ, lên đồng, coi bói không?
- Bạn có tin lịch bói ngày tôt, ngày xấu không?
- Bạn có qúa quan tâm đến cái đẹp của thân xác, quần áo… mà lơ là cái đẹp của tâm hồn không?...

Satan giăng bẫy với thiên hình vạn trạng. Là người, không ai biêt hêt sự gian manh, quỷ quyệt của nó. Số phận của kẻ sa lưới Satan, phạm tội thì tệ hơn chó sói trên đây. Bởi chó sói chêt là hêt, còn kẻ sa lưới Satan phạm trọng tội thì phải vào nơi mà: “lửa không hề tăt và giòi bọ không hề chêt”, cộng với sự hành hạ của lũ ác qủy đời đời kiếp kiếp chẳng bao giờ ngưng.

4. Câu chuyện làm gương

4.1.Có một nữ tu nổi tiếng đạo đức trong một dòng nọ. Khi nữ tu chêt, các bạn đặt xác nữ tu vào hòm nhưng chưa đậy nắp. Các nữ tu cầu xin với ngưòi đã chêt: Chị về thiên đàng, xin cầu cho chúng tôi. Bổng xác người chêt ngồi dậy và nói:“Tôi đã vào hỏa ngục. Tôi che dấu mọi người để được mang tiếng là đạo đức. Có lần gã đàn ông quét dọn tu viện đến gần, nói những lời tán tỉnh, tôi cảm thấy thich. Có lần hắn chạm vào người tôi, tôi cảm thấy khoái lạc. Tôi mang tội trọng trong linh hồn nhưng vẫn rước lễ. Tội chồng thêm tội. Những việc đạo đức của tôi đều vô ích, vì tôi đã phạm trọng tội, nhưng không xưng tội và không ăn năn. Khốn cho tôi.” Nói xong, xác chêt nằm xuống.

4.2. Có một vị thẩm phán đã giữ chức vụ này hơn 10 năm. Ông lấy cắp một cái laptop (máy vi tính). Máy vi tính đã gắn ‘chip’, nên người ta dễ dàng tìm thấy nó nằm trong nhà của ông thẩm phán này. Khi bị bắt, ông chối, nhưng khi thử máy dò nói dối, ông bị kêt án là gian phạm. Là thẩm phán, ông biêt tội ăn cắp của chính phủ, và tội nói dối sẽ như thế nào. Ma qủy đã dẫn ông từ tội ăn cắp máy vi tính (không phải là một trọng tội). Nhưng sau khi ông biêt không thể chối được tội ăn cắp, ma qủy đã thổi vào lòng kiêu ngạo của ông: ta ngồi gế chánh án nhiều năm. Ta chỉ kêt án phạm nhân, ta không thể nào chịu được, khi phải đứng trước vành móng ngựa để bị kết án. Nghĩ thế, ông đã dùng súng tự sat.

Ma qủy đã dẫn con người vào bẫy, từ tội nhẹ đến tội nặng. Cái chêt phần xác thì ai cũng phải chêt, nhưng phần linh hồn của ông thẩm phán này đi đâu, sau khi tự sat?

Than ôi! Nhiều người đã vào hỏa ngục mới biêt rằng, khi sống ở trần gian, đã rơi vào cạm bẫy của Satan !!!

4. Làm sao thoát cạm bẫy Satan?

Loài người không có khả năng thoát khỏi cạm bẫy của Satan, như chó sói trong câu chuyện trên, không thoát khỏi cạm bẫy của con người.

Chúa Giêsu Kitô dạy: “..Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.” Hàm ý: chúng ta phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Không có ơn Chúa, chúng ta sẽ sa vào lưới của Satan và phải chịu khổ hình đời đời trong hỏa ngục. Muốn thoát khỏi cạm bẫy Satan, chúng ta phải nhận thức sự giới hạn, yếu đuối, hèn kém, tội lỗi của chúng ta. Phải trở về với Thiên chúa, xin ơn tha thứ và quyết tâm tuân giữ những gì Thiên Chúa đã dạy: “Không phải những ai nói ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà được vào Nước Trời, những chỉ những ai làm theo ý Cha ta trên trời”

Chúng ta phải từ bỏ ma quỷ, cùng những sự sang trọng ma qủy; bởi: “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, lại vừa làm tôi tiền của được”

Theo Chúa, chúng ta có bổn phận nhắc nhở anh em chúng ta: “Các con hãy đi và rao giảng cho muôn dân những điều Thầy đã truyền cho anh em.”

Thiên Chúa đã cho bạn và tôi sự tự do, hoặc chọn Thiên Chúa, hoặc chọn tiền của. Tiền của nói ở đây là đại diện cho tât cả những lạc thú, sự cao ngạo, quyền lực, danh vọng hão, tự ái, hận thù, gen get, mọi sang trọng trần gian...mà Satan dùng để giăng bẫy loài người.

Bài này là lời nhăc nhở cho chính tôi, và cho những ai thực tâm theo Chúa.

Lạy Thiên Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
 
Đức tin được củng cố nhờ chấp nhận thử thách
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
11:01 01/01/2008
ĐỨC TIN ĐƯỢC CỦNG CỐ NHỜ CHẤP NHẬN THỬ THÁCH

- Mẹ ơi, con thương Mẹ biết là chừng nào!

Vừa nói, Béatrice - thiếu nữ 15 tuổi - vừa trìu mến ôm hôn Mẹ. Hôn Mẹ xong, Béatrice chạy đi lấy xe đạp, đạp đến trường học. Niềm vui cộng với lòng yêu đời rạng rỡ trên khuôn mặt mĩ miều của cô gái đang ở tuổi dậy thì. . Nhưng khi đến gần trường thì Béatrice bị một người lái xe chạy ẩu tung mạnh vào chiếc xe đạp, khiến Béatrice ngã nhào xuống đất bất tỉnh.

Đợi mãi không thấy con về nhà sau giờ học, bà Sophie - Mẹ của Béatrice - điện thoại báo cảnh sát. Chỉ lúc này, bà mới biết Béatrice bị tai nạn và người ta đã chở cô đến nhà thương. Chính bà Sophie kể lại biến cố đau thương.

Trên đường từ nhà đến bệnh viện, trong đầu tôi quay cuồng hai chữ: ”Sống hay Chết? Chết hay Sống?” Rồi tôi chỉ biết khẩn khoản thân thưa cùng Chúa:

- Lạy Chúa, xin giúp con chấp nhận điều gì sẽ xảy ra tốt hơn cho con của con.

Khi đến nơi, chúng tôi mới biết Béatrice bị chết ngay tại chỗ. Lúc đó, tôi thực sự kinh nghiệm trong chính thân xác tôi lời cụ già Siméon nói với Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA:

- Một lưỡi gươm sẽ đâm qua trái tim Bà (Luca. 2,35).

Tôi cảm thấy đau đớn khắp thân người và bị đau nhói nơi ngực. Về phần Bernard - chồng tôi - khi nghe tin không lành của đứa con gái yêu dấu, chàng gập đôi người lại, hai tay ôm lấy ngực, giống y như người bị lưỡi gươm đâm thâu qua.

May mắn thay, suốt trong thời gian hoạn nạn tang chế này, tôi luôn cảm nhận sức trợ lực của THIÊN CHÚA. Trong đêm canh thức bên xác con nơi nhà thương, có lúc chúng tôi đến nhà nguyện để cầu nguyện. Bước vào nhà nguyện, đôi mắt chúng tôi chạm ngay bức ảnh Đức Mẹ MARIA đặt nơi cung thánh. Gương mặt Đức Mẹ bồng Đức Chúa GIÊSU trông thật hiền dịu trìu mến.

Trong phòng riêng của Béatrice ở nhà chúng tôi, nó cũng đặt bức ảnh này nơi bàn thờ nhỏ. Cái nhìn yêu thương của Đức Mẹ MARIA như lời ủi an chúng tôi trong cơn sầu khổ vì phải chia lìa đứa con gái dấu yêu.

Sau khi chôn cất Béatrice, chúng tôi tìm thấy trong chiếc cặp nó mang đến trường ngày xảy ra tai nạn, một cuốn sổ tay chép đầy tư tưởng tốt đẹp lành thánh. Chẳng hạn như câu:

- THIÊN CHÚA muốn dọn cho con một lối thoát diệu kỳ. Chỉ vì lý do duy nhất này mà Ngài làm cho con phải đi qua đêm tối thử thách. Ở cuối con đường cho dù xem ra tăm tối nhất - con đường Chúa dẫn con đi - bao giờ cũng kết thúc bằng vinh quang chiến thắng, bởi vì THIÊN CHÚA là Tình Yêu.

Kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh sau khi Béatrice qua đời, một đứa con gái khác của chúng tôi đi dự trại trượt tuyết mùa đông. Một ngày, vì dụng cụ trượt tuyết bị hư, nó đem đến tiệm để sửa. Khi trở lại chỗ trượt tuyết thì nó hay tin: nơi đáng lý nó trượt tuyết đã xảy ra cơn bão tuyết dữ dội vùi dập đến 12 người trượt tuyết! Chúng tôi thầm nghĩ:

- Béatrice phù hộ cho chị nó thoát nạn! Béatrice hẳn đang hưởng hạnh phúc nơi thế giới của Tình Yêu THIÊN CHÚA!

Ngày lễ giỗ một năm Béatrice qua đời, tôi nhận món quà quý hóa. Một trong những bạn thân của Béatrice, trước đó sống vô thần, không có Đức Tin. Vậy mà chính hôm ấy, thiếu nữ gặp tôi và nói:

- Cháu đang được hồng phúc khám ra ra Tình Yêu THIÊN CHÚA!

Tôi cảm động nói không nên lời.

Thời gian sau khi Béatrice - đứa con gái cưng qua đời - chúng tôi nhận không biết bao nhiêu ơn lành THIÊN CHÚA tuôn đổ trên gia đình. Tôi quyết định đi hành hương đền thánh Đức Mẹ Fourvière ở Lyon (Đông Pháp) để cảm tạ THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA.

Trước đó, tôi thường than thở: 15 năm thật quá ít ỏi, giờ đây trái lại, tôi nói:

- 15 năm, quả thật thời gian của ân sủng diệu kỳ!!!

... Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Chúa GIÊSU, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: ”Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước THIÊN CHÚA là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước THIÊN CHÚA với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Máccô 9,13-16).

(Jean Toulat, ”Ces Enfants du ciel”, Fayard/1993, trang 101-103).
 
Bài giảng của đức TGM Huế trong thánh lễ truyền chức Linh Mục
+TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể
11:36 01/01/2008
Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Huế trong Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục ngày 01.01.2008

1. Kính thưa cộng đoàn,

Trong ngày đầu năm dương lịch hôm nay, chúng ta long trọng mừng kính mầu nhiệm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Năm 431, công đồng Ê-phê-xô đã công bố tín điều nầy, làm nức lòng mọi kitô hữu khắp hoàn cầu.

Vào lúc truyền tin, Đức Maria thưa xin vâng và lập tức cưu mang Con Thiên Chúa bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Cho nên Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa, vì tư cách làm mẹ liên quan đến cả con người, đến cả ngôi vị con người, chứ không phải chỉ liên quan đến thân xác, đến tính người mà thôi. Đây là ơn trọng đại nhất Thiên Chúa ban cho Mẹ.

Đức Maria đã hết mình cọng tác vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu, nên Mẹ cũng trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ chúng ta và Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ.

Hội Thánh đặt năm mới trong ánh sáng ân sủng của Mẹ Maria và dưới dấu chỉ của sự chúc phúc, bằng cách chọn bài đọc I là lời chúc phúc trong sách Dân số. Lời chúc phúc ấy cũng được gửi đến cho chúng ta hôm nay.

Bài Phúc âm vừa rồi nói đến các mục đồng đã tìm gặp Hài nhi Giêsu cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse, rồi trên đường về, họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”. Còn Mẹ Maria thì ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng, cùng rút ra những bài học thiết thực cho cuộc sống mình.

2. Anh chị em thân mến,

Trong Thánh lễ nầy, Hội Thánh sẽ truyền chức linh mục cho năm Thầy Phó tế. Nghi thức truyền chức được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, cách riêng mẹ của các linh mục.

Các Thầy nầy là con cái chúng tôi và là thân nhân, bạn hữu của anh chị em. Sau khi cầu nguyện, cân nhắc và bàn hỏi với các vị hữu trách, chúng tôi thấy các Thầy nầy đáng được truyền chức linh mục để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh, làm cho Nhiệm thể Chúa Kitô được phát triển không ngừng.

Xin anh chị em sốt sắng cầu nguyện cho các Thầy được càng ngày càng trở nên những tôi tớ trung thành và khiêm nhượng của Chúa và của cộng đoàn.

3. Còn các con thân mến,

Các con được truyền chức linh mục, để rao giảng, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn.

a. Vì là thừa tác viên rao giảng Tin mừng, nên hằng ngày, các con phải thấm nhuần lời Chúa và đem ra thực hành, trước khi giảng dạy cho người khác.

Phải tìm những cách thích hợp nhất để có thể truyền đạt cho các tín hữu những điều mình đã chiêm niệm và đã sống, thì lời giảng dạy của các con mới có sức thuyết phục, và chính các con mới nếm được một cách ý vị hơn “những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep. 3,8).

b. Để thi hành thừa tác vụ thánh hoá, các con sẽ cử hành các giờ kinh Phụng vụ và các Bí tích, đặt biệt là Hy tế Thánh Thể. Được gần gũi với các mầu nhiệm thánh như vậy, thì các con hãy ăn ở thánh thiện hơn. Các con hãy bắt chước điều các con cử hành. Các con hãy hiến tế chính mình làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu Kitô thánh hoá nhân loại. Hằng ngày hãy biết bỏ mình, tránh khỏi tính hư nết xấu và chế ngự các đam mê dục vọng, luôn tiến bước trong đời sống mới, để cho hình ảnh Chúa Kitô ngày càng toả sáng trong thân mình các con, trong cách ăn nết ở của các con.

c. Nhiệm vụ thứ ba là lãnh đạo cộng đoàn, quy tụ và dìu dắt cộng đoàn.

Quyền bính trong Hội Thánh là để phục vụ, không nề hà, không tính toán so đo, không quản ngại gian khổ. Là người hướng dẫn cộng đoàn, các con hãy thực hành khổ chế riêng của người mục tử nhân lành là từ bỏ ý riêng, không tìm tiện nghi xa hoa, không ham tiền của danh vọng, nhưng chỉ tìm làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Vậy lời giảng dạy của các con phải nên lương thực nuôi dưỡng tâm hồn tín hữu, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui và hãnh diện cho Dân Chúa, để lời nói và gương lành các con luôn nâng đỡ khích lệ mọi người.

Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là Đấng đã sinh dưỡng giáo dục Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm tối cao, xin Mẹ hướng dẫn, dạy dỗ, bảo ban các con trong cuộc sống và tác vụ linh mục, để càng ngày các con càng trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu, con yêu dấu của Mẹ. Amen.
 
Ân tình ngài con mãi không quên
Lm Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R
14:59 01/01/2008
Vào những dịp cuối năm, tôi thường dành ra một ít thời gian để nhìn lại những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống của chính mình, dầu đó là thành công hay thất bại. Đôi khi có những biến cố diễn ra ngoài cả dự tính và tiên liệu của chính bản thân. Đối với những việc như vậy tôi coi đó như là hồng ân, vì trong thực tế, tôi không nghĩ mình thực sự có khả năng để làm được điều ấy.

Trong cuộc đời của tôi, suốt hơn 45 năm vừa qua, tôi đã trải qua nhiều sự thăng trầm, sóng gió của cuộc đời. Có những lần tôi đã lâm vào tình trạng bế tắc, không lối thoát, hoàn toàn không một tia hy vọng. Những lúc như thế, tôi vô cùng thất vọng, và chỉ còn biết cầu xin vào ơn trên giúp đỡ. Tôi đã cầu nguyện một cách hết sức thành khẩn, van nài Đấng thiêng liêng cứu giúp và giải thoát tôi khỏi cơn hiểm nguy, cho tôi có được một con đường sống. Tôi đã nhìn thấy cái chết sờ sờ trước mắt. Tôi bất lực hoàn toàn và chỉ biết phó mạng cho ông Trời để ngài quyết định.

Trải qua những cơn nguy nan, cùng cực và đầy khổ sở, tôi dần dà khám phá ra được chân lý của cuộc đời, đó chính là, “sau cơn mưa trời lại sáng.” Người xưa có câu: “Sông có khúc, con người có lúc.” Nghiệm cho cùng thì điều này rất chí lý, không ai trong chúng ta mà không trải qua những tháng ngày cùng cực, đen tối, dù ngắn hay lâu, dù nhiều hay ít. Âu đó cũng là quy luật của kiếp sống con người. Chả có ai trong chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ sinh ra mà không nếm mùi đau khổ. Đau khổ về thể xác, về tâm lý hay về mặt tinh thần. Cái đau khổ của mỗi người có thể có cường độ khác nhau, nhưng tóm lại, hễ là con người thì chúng ta, ai nấy đều chia sẻ sự khổ đau. Dù muốn hay không, ít nhiều, chúng ta đều trải qua cái kinh nghiệm của đau khổ. Nhưng đau khổ không thể giết chết chúng ta, chỉ có sự thiếu ý chí và muốn buông xuôi tất cả, điều đó làm cho chúng ta nhụt chí, muốn tìm quên lãng, thậm chí dẫn đến việc muốn quyên sinh, đôi khi chọn con đường tự tử để lẫn tránh đau khổ.

Tôi may mắn, vì là người Kitô Hữu, tôi đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Tôi tin rằng Ngài sẽ nâng đỡ tôi, nhất là những khi tôi gặp khó khăn, khi tôi cùng đường, hoặc những khi tôi bị bủa vây bởi địch thù tứ phía. Kinh nghiệm trong cuộc sống dạy cho tôi là mỗi khi như vậy, tôi nên tìm nơi nương náu và trú ẩn nơi Thiên Chúa, vì Ngài chính là kiên thuẫn và là thành trì kiên cố cho tôi trú ngụ. Ở bên Ngài, tôi sẽ được che chở và không có gì sẽ hãm hại được tôi (xem ThánhVịnh 22). Chính Thiên Chúa, Ngài là Đấng Cứu Độ tôi, là đá tảng và là hang động cho tôi ẩn náu. Tất cả những điều này, tôi đã khám phá ra với dòng thời gian suốt gần nửa thế kỷ.

Hôm nay nhân dịp ngày cuối cùng của niên lịch 2007, tôi ước ao được chia sẻ cùng qúi vị độc gỉa thân thương một cảm nghiệm sâu sắc của cá nhân như thể một chứng từ mời gọi chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời và tương lai của chúng ta cho sự an bài nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên chúng ta và là người Cha (Mẹ) rất nhân từ, hết lòng yêu thương chúng ta là những con cái của Ngài.

Trong cuộc đời của tôi, thỉnh thoảng Chúa hay dành cho tôi những sự "ngạc nhiên", như tựa đề của cuốn sách được viết bởi linh mục dòng tên, cha Gerard W. Hughes, S.J. God of Surprises (Thiên Chúa của Sự Ngạc Nhiên). Ngạc nhiên vì tôi không thể nào hay biết trước, và cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Điều này suy ra cũng rất dễ hiểu, vì nó vượt quá thân phận mọn hèn của tôi, thế nên càng ngày, tôi càng cảm thấy thấm thía kinh "Magnificat", lời ca vãn của Đức nữ đồng trinh Maria, khi được sứ thần Gabriel báo tin là Bà sẽ được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn để làm Mẹ của Đấng Tối Cao. Mẹ Thiên Chúa. Ôi! Hạnh phúc thay! Ôi niềm vui tuyệt vời và niềm vinh dự không thể ngờ tới, khi Mẹ được báo tin trọng đại này. Làm gì có thể xảy ra điều đó, một thiếu nữ tầm thường, vô danh như Mẹ, tại một thôn làng nhỏ bé mà lại được Thiên Chúa chiếu cố đến? Đó là sự "ngạc nhiên" mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ yêu dấu của chúng ta, Đức Trinh nữ Maria. Bởi vậy mà Mẹ đã lớn tiếng ca ngợi, tán dương Thiên Chúa vì lòng lân tuất và vì tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho Mẹ.

"Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung ô Chúa í a... Thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã dũ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ, vì vậy đến muôn đời sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phước, sẽ khen tôi muôn đời đến muôn đời... Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao trọng, danh Người là thánh, lượng từ ai trải qua, từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người. .."

Có lẽ đó chính là tâm tình mà tôi đã có được trong những ngày cuối năm. Tôi say sưa cùng với Mẹ dâng lời cảm tạ và tán dương Thiên Chúa, vì Ngài đã đoái thương đến tôi, một tôi tớ của Ngài.

Trong những ngày qua, tôi đã bỏ ra khá nhiều thì giờ để ôn lại dĩ vãng của đời mình, kể từ khi tôi rời xa quê hương bằng con đường vượt biển... Cuộc vượt biên của tôi đầy cam go, khổ sở và vô vàn hiểm nguy. .. nhiều lần tôi và những người bạn đồng hành tưởng chừng đã phải bỏ cuộc, chúng tôi dường như không có lối thoát.… đành phải mạo hiểm và phó mặc số mạng của mình cho ông "Trời". Lúc ấy chúng tôi thực sự cảm nghiệm được một cách sâu xa về sự mỏng giòn của mạng sống con người. Quả thực nó không khác gì như "sợi chỉ mành, treo trước gió". Nó mong manh quá. .. chỉ cần chú tài công ngủ gật và trật bánh lái thì con thuyền nan nhỏ bé của chúng tôi sẽ bị nhận chìm dưới lòng biển cả. Nhưng không hiểu vì lý do nào, mà mặc dù sóng gió và bão tố lúc ấy có khi lên đến cấp 6 hoặc cấp 7, con thuyền bằng gỗ nhỏ bé của chúng tôi, vỏn vẹn chỉ có 11 mét chiều dài, và độ hơn 3 mét chiều ngang, ấy vậy mà nó vẫn lướt sóng. Và sau 4 ngày trời vất vả chèo chống với sóng cả ba đào, chúng tôi đã cập bến bình an, cơn ác mộng đã tạm thời trôi qua... ai nấy đều thì thầm dâng lời cảm tạ và tri ân Thượng Đế, vì Ngài đã giải cứu chúng tôi thoát khỏi cơn hoạn nạn và đã cho chúng tôi cơ hội may mắn để sống còn.

Thế nhưng, gian truân vẫn chưa hết, nhất là trên hành trình tìm kiếm ơn gọi của bản thân tôi... Những tháng ngày sống tại trại tị nạn ở đảo Pulau Bidong, Mã-Lai-Á là những ngày tháng cùng cực và đầy lo âu sợ hãi, lo sợ vì không có gì bảo đảm cho một ngày mai tươi sáng. Bởi vậy, tôi thiết nghĩ: nếu như anh chị em nào đã một lần trải qua cái kinh nghiệm vượt biên... và đã từng sống tại các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á, thì có lẽ sẽ mường tượng và cảm nghiệm được một cách sâu sắc điều mà tôi đang chia sẻ.

Đối với tôi, 6 tháng trời sống tại đảo Pulau Bidong là một kinh nghiệm thật đặc biệt, mà nhờ đó sau này, tôi am tường và có thể cảm thông được với nhiều người, nhất là những ai cùng mang thân phận "tị nạn" như tôi. Tôi hiểu được thế nào là tâm tình của một người mất xứ và xa quê hương, nơi hầu hết tất cả mọi thành phần trong gia đình ruột thịt của tôi vẫn còn đó. Niềm nhớ thương gia đình, nơi tôi phải đành lòng bỏ lại để ra đi, lắm lúc làm cho tim tôi thắt lại, tôi cảm thấy một niềm đau vô tận, nó dày vò và đay nghiến tâm hồn tôi. .. có những lúc tưởng chừng như không có gì có thể làm cho tôi nguôi ngoai. Nỗi nhớ thương người thân yêu trong gia đình đã làm cho tôi thẫn thờ chết điếng, mặc dù hơi thở vẫn còn đó. Vì đối với tôi lúc bấy giờ, ra đi là vĩnh viễn không có ngày trở về. Cái làm cho tôi đau đớn nhất là biết rằng từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ có dịp gặp lại những khuôn mặt yêu dấu: như cha mẹ và anh chị em cùng các cháu của tôi. Ngay cả khi các ngài khuất bóng, tôi cũng sẽ không có cơ hội để trở về. .. Hẵn nhiên bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi. .. và đó không còn là điều bất khả nữa.

Có lẽ, chính những tháng ngày khi sống lưu lạc tại trại tị nạn, mà bây giờ tôi hiểu được phần nào (và dần dà tôi cũng đã cảm nghiệm được) cái suy tư của các nhà thần học gia như Hans Urs von Balthasar cũng như Jungen Moltmann khi các ngài bàn đến cái thực trạng ở hỏa ngục. Đối với các ngài thì hỏa ngục là "nơi" mà không có hy vọng. Vì lẽ đó, sống trong sự tuyệt vọng, thì có lẽ một cách nào đó, chúng ta đang sống và cảm nghiệm được hỏa ngục là gì.

Sáu tháng trời trên hòn đảo nhỏ bé, thiếu thốn hầu như về mọi phương diện, từ vật chất lẫn đến tinh thần, nhưng điều đó vẫn có thể chấp nhận và chịu đựng được. Tuy nhiên, cái đau khổ lớn lao, theo tôi, chính là: "không biết tương lai mình sẽ đi về đâu", vì ở vào hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, tôi không có thân nhân ruột thịt, như anh chị em hay cha mẹ ruột, đang định cư ở đệ tam quốc gia, bởi vậy mà hầu như không có quốc gia nào họ muốn nhận mình cả, vì mình không thuộc diện có ưu tiên, cho nên chỉ nằm chờ "hốt rác"(1). Chờ đợi theo tôi là một đau khổ, quí vị hoặc anh chị em nào đã trải qua cái "thời gian chờ đợi" thì sẽ hiểu, nó khổ sở đến chừng nào.

Nhưng có lẽ số của tôi vẫn còn đỏ, vận vẫn còn may, nên sau 6 tháng trời chờ đợi trong sự tuyệt vọng, tôi may mắn được phái đoàn Úc kêu lên phỏng vấn và cho đi định cư ở Úc. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái giây phút khi tôi nhận được tin là trong danh sách của những người sắp sửa rời đảo có tên của tôi. Thế là tôi được rời đảo để chuyển sang trại chuyển tiếp, chuẩn bị làm thủ tục hồ sơ để lên đường đi định cư, tôi sung sướng ngây ngất, vì cuối cùng tôi cũng đã thoát được cái "trại giam" không biên giới này, vì ở đó, mặc dầu tôi vẫn được tự do đi lại, nhưng biết đi đâu … vì chung quanh chỉ là biển cả...

Tôi đặt chân đến thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc - Western Australia - vào tháng 8 năm 1982, cho đến tháng 8. 2007 vừa qua là giáp 25 năm trời, kể từ khi tôi được định cư tại nước Úc. Nhìn lại một phần tư thế kỷ vừa qua, biết bao những thăng trầm trong cuộc sống. ..!!! Có những lúc tưởng chừng như tôi đã muốn buông xuôi bỏ cuộc. .., vì những khó khăn trong cuộc sống mới, nơi một đất nước mà tôi hoàn toàn xa lạ. Cái khó khăn đầu tiên và có lẽ lớn nhất, đó là khó khăn về mặt ngôn ngữ. Tôi không biết thông thạo tiếng Anh, khi tôi đặt chân đến nước Úc, lẽ đó nên tôi đã tham gia các lớp học tiếng Anh dành cho người mới đến. Tôi bắt đầu học tiếng Anh bằng những mẫu tự: A, B, C....

Những giờ sinh ngữ đầu tiên bằng tiếng Anh vẫn là một kỷ niệm đẹp đối với tôi. Tôi cố gắng chu môi, méo miệng để phát âm cho thật đúng như bà giáo kính yêu người Úc của tôi đã dậy, nhưng có lẽ cũng chỉ hoài công vô ích, vì sau đó… chả có mấy ai hiểu tôi muốn nói gì. .. Thế nhưng tôi vẫn không nản chí, tôi cố gắng siêng năng học tập và quyết tâm sẽ khắc phục được cái khó khăn này bằng những phương pháp mà tôi đã được gợi ý... Thế rồi thời gian qua đi, mỗi ngày, tôi cảm thấy mình tự tin nhiều hơn, và khả năng Anh ngữ của tôi có được một bước tiến rất khả quan, từ đó, tôi có đà và cứ như thế tôi thăng tiến trong công việc học tập của chính mình … Đến bấy giờ khi nhìn lại 25 năm trời vừa qua, với những đoạn đường mà tôi đã trải qua, mà có lẽ một lúc nào đó trong qúa khứ tôi đã nghĩ: mình sẽ không có đủ khả năng và nghị lực để vượt qua. Vì đối với tôi, lúc đó, nó là một điều không tưởng, vì thú thật, tôi có cảm tưởng như Chúa đã mời tôi làm một điều, mà điều đó có thể được coi như ngoài sức lực của chính mình. Nhưng sau này nghiệm lại, tôi xác tín rằng: CHÍNH CHÚA ĐÃ LÀM MỌI SỰ TRONG ĐỜI TÔI, phần tôi, tôi chỉ là công cụ bé nhỏ của Ngài. Những gì mà tôi đã gặt hái và thành đạt cho đến ngày hôm nay, tất cả điều đó đều là ân sủng và là hồng ân của Chúa. Bởi vậy, tôi luôn luôn dâng lời cảm tạ và hết lòng tri ân thật thẩm sâu trước tình yêu bao la, không bờ bến mà Chúa đã ban cho tôi. Ngài đã đoái nhìn đến phận hèn của tôi, và đã giải cứu tôi khỏi những bách hại vì danh Ngài. .. và nay Ngài đã cho tôi một cơ hội quí báu không thể ngờ được. Ngài đã cho tôi "trời mới, đất mới. .. và đường đời tôi đổi mới. .. xin ca ngợi lòng thương xót Chúa đến muôn đời. .. vì đời đời Ngài đã yêu tôi và Chúa đã ấp ủ tôi dưới cánh tay của Ngài."

Bởi vậy đối với tôi: TẤT CẢ ĐỀU LÀ HỒNG ÂN CỦA CHÚA, và suốt đời ÂN TÌNH NGÀI CON MÃI KHÔNG QUÊN.

Viết để thay lời cảm tạ trong ngày cuối năm 2007, và xin được gởi đến tất cả quí vị, cũng như quí bạn hữu xa gần, tấm lòng tri ân của tôi, vì quí vị đã yêu thương nâng đỡ tôi trong hành trình ơn gọi vừa qua. Xin quí vị nhận nơi đây tấm lòng biết ơn sâu thẳm của tôi, và xin Thiên Chúa, cũng như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ yêu dấu của chúng ta, ban cho quí vị và gia đình muôn vàn hồng ân, đặc biệt trong năm mới 2008 này.

Thành Phố Perth, Western Australia.

Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R L.J. Goody Bioethics Centre

Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au

(1) Từ "hốt rác" là một trong những từ rất quen thuộc dành cho những anh chị em tị nạn chính trị, mà không có thuộc diện ưu tiên, để phái đoàn họ mở hồ sơ và cấp giấy thông hành cho đi định cư ở đệ tam quốc gia. Nên phải bị liệt vào diện "hốt rác", nghĩa là phải nằm tại đảo chờ cơ hôị may mắn. .. khi phái đoàn Mỹ họ mở những đợt nhân đạo thâu nhận những người tị nạn, cho đi định cư ở Mỹ mà không cần giấy bảo lãnh của thân nhân ruột thịt.
 
Ngày 1 tháng 1: Kính Ðức Bà Maria, Mẹ của Thiên Chúa
PhóTế Huỳnh Mai Trác
17:48 01/01/2008
Ðức Bà Maria âm thầm đi vào lịch sử Giáo Hội cũng như đã sống một cuộc đời thầm lặng bên cạnh Chúa Giêsu và Thánh Giuse. Nhưng chính vì thế mà Ðức Mẹ được Thiên Chúa nâng lên địa vị cao cả trên tất cả thiên thần và mọi loài thọ tạo.

Tại Công đồng Ephêsê năm 431, Ðức Mẹ được tuyên xưng là Mẹ của Thiên Chúa. Ðức Mẹ đã sống thầm lặng đến nỗi được nhắc nhở rất ít trong các sách Tin Mừng, nhưng “khi thời gian đã tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến, được sinh ra bởi một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc dân sống dưới lề luật.”

Khi thiên thần Gabriel đến truyền tin thì Ðức Mẹ đã khiêm nhường xin vâng: “Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa xin làm theo như lời Ngài truyền.” Những lời này bày tỏ sự vâng lời tuyệt đối và phú thác hoàn tòan vào Thiên Chúa. Ðức Bà Maria đã ưng thuận với tất cả lòng yêu mến đón nhận Ðức Chúa Con xuống thế làm người. Thiên Chúa đã đến trong lòng người Trinh nữ để mở ra con đường sống mới cho nhân loại.

Ðức Mẹ đã đón nhận Ðấng chí thánh trong đơn sơ, yêu thương và thầm lặng. Niềm vui của Ðức Mẹ cũng như niềm vui của các thiếu nữ Sion được kết hợp với hôn thê của mình: “Ya vê Thiên Chúa của ngươi đang ở giữa các ngươi.” Lòng trông cậy đơn sơ, phú thác, chịu đựng mọi đau khổ để vâng theo thánh ý Thiên Chúa dược bày tỏ khi Ðức Mẹ đứng lặng thinh dưới chân thánh giá và nhận làm mẹ thánh Gioan và đi theo thánh Gioan cho đến lúc về Trời.

Khi Giáo hội suy niệm về tấm lòng của Ðức Mẹ thì Giáo Hội tràn ngập Thánh Thần. Khi thiên thần truyền tin, và Ðức Mẹ ưng thuận thì từ giờ phút đó Ðức Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Mẹ đã cưu mang Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Trong chương trình cứu độ, Ðức Mẹ đã đóng góp vai trò đặc biệt và lớn lao. Thiên thần Gabiel đã thưa: “Hãy vui mừng vì Thiên Chúa ở cùng Bà. Lời chào chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn Ðức Mẹ và chính Ðức Mẹ, được Chúa Thánh Thần soi sáng khi Ðức Mẹ thốt lên: “Từ nay có nhiều thế hệ gọi tôi là người có phước.”

Chúng ta cầu xin Ðức Mẹ cầu bàu cùng Đức Chúa Giêsu cho chúng ta. Chúng ta cầu xin Ðức Mẹ như là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội và cũng là Mẹ của chúng ta nữa. Ðó là tước hiệu cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã dành cho Ðức Bà Maria.

Thật là chính đáng để ca tụng Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa, tinh tuyền và cao cả trên mọi thiên thần và mọi tạo vật. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa làm người, Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa, chúng con chúc tụng Mẹ cho đến muôn đời. Amen
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 01/01/2008
THỢ ĐÁ GỌT BÙN

N2T


Quốc đô của nước Sở là Sính có một thợ nề, anh ta cùng với người thợ đá góp sức với nhau. Ông người Sính này khi xử lý bùn, vì không cẩn thận nên bùn giọt trên mũi từng giọt, anh ta bèn nói với thợ đá giúp gọt sạch nó.

Anh thợ đá cầm cái rìu múa may mạnh như gió, “xòa” một tiếng, vết bùn bay mất tiêu, cái mũi hoàn toàn vô sự. Trong toàn bộ quá trình, người đất Sính rất bình tĩnh, sắc mặt như không có gì xảy ra.

Sau khi người đất Sính chết, câu chuyện của họ truyền đến tai Tống nguyên quân, ông ta sai người đi tìm người thợ đá đến, nói: “Ông cũng đến giúp tôi gọt xem sao !”

Người thợ đá trả lời: “Không làm được, trước đây tôi có thể gọt, nhưng hôm nay bạn đối thủ của tôi đã chết rồi.”

(Trang tử: Từ vô quỷ)

Suy tư:

Có những tuyệt kỷ công phu khi nổi hứng lên mới thi triển được, có những tuyệt chiêu khi ở trong trạng thái tự nhiên thì mới phát huy công lực, có những biệt tài mà khi gặp bạn tri kỷ mới thi triển được...

Thợ đẽo đá và thợ nề là hai công việc khác nhau hoàn toàn, nhưng họ vẫn trở thành một cặp bạn bè tương xứng vì biết tin tưởng nhau, vì tin tưởng vào tài nghệ của bạn mình, anh thợ đá thi triển tuyệt chiêu gọt bùn cách tài tình vì có người bạn rất bình tĩnh và tin tưởng anh ta.

Cộng đoàn sẽ không phát triển được nếu các thành viên không tin tưởng nhau; cộng đoàn cũng sẽ không bao giờ có đoàn kết, nếu người có trách nhiệm mà trình độ hiểu biết và kinh nghiệm quá nông cạn, bởi vì như thế họ chỉ a dua theo khi làm việc chung mà không có một sáng kiến giúp cộng đoàn phát triển...

Khi bạn tri kỷ không còn nữa thì người ta không hề muốn thi triển tuyệt kỷ công phu của mình. Cũng vậy, khi không còn tinh thần nữa thì người ta cũng không muốn làm việc gì khác ngoài việc làm tốt bổn phận của mình mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 01/01/2008
N2T


14. Trên trời có hết thảy giàu sang vĩnh viễn, nhưng không có nghèo khó; trên đất ở đâu cũng có sự nghèo khó, nhưng con người ta không biết giá trị của nó.

(Thánh Bernardus)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
1.5 triệu người Công Giáo Tây Ban Nha biểu tình phò gia đình truyền thống
Đặng Tự Do
05:19 01/01/2008
1.5 triệu người Công Giáo Tây Ban Nha đã đứng chật quảng trường Colon ở thủ đô Madrid trong một cuộc biểu tình khổng lồ phò gia đình truyền thống hôm 30/12/2007. Cuộc biểu tình nổ ra khi còn không đầy hai tháng nữa là xảy ra cuộc tổng tuyển cử.

Đảng Xã Hội cầm quyền của thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã tuyên bố ngạo mạn và thách thức người Công Giáo tại đất nước này rằng nếu tái đắc cử họ sẽ thông qua một đạo luật cấp tiến nhất tại Âu Châu theo đó người đồng tính sẽ được kết hôn dễ dàng và các kết hiệp đồng tính được coi bình đẳng với hôn nhân truyền thống. Trong các tuyên bố tranh cử, Đảng Xã Hội cầm quyền cũng hứa sẽ đẩy nhanh tốc độ ly dị tại Tây Ban Nha bằng cách giảm thiểu các thủ tục hành chánh và thời gian hòa giải trước khi ly dị.

Đức Thánh Cha xuất hiện trên màn ảnh truyền hình
Những người biểu tình đã nhiệt liệt hoan hô khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI xuất hiện trên màn ảnh khổng lồ của cầu truyền hình trực tiếp từ Vatican.

Đức Thánh Cha nói: “Được xây dựng trên kết hiệp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, gia đình là nơi sự sống nhân loại nương náu và được che chở từ khi bắt đầu cho đến cái chết tự nhiên”.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến, đảng Xã Hội hiện nay vẫn dẫn trước đảng Bình Dân Tây Ban Nha có truyền thống Công Giáo 2%. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 9/3 tới đây.

Tây Ban Nha đã là nước có truyền thống Công Giáo vững mạnh nhưng tình hình đã có những thay đổi bất lợi trong 3 thập niên qua từ sau cái chết của tướng Francisco Franco. Hiện nay, Tây Ban Nha là nước có sinh suất thấp nhất Âu Châu và tỷ lệ ly dị tăng đáng kể.

Những người trẻ tại Tây Ban Nha đã bầu cho Zapatero trong một chiến thắng đáng kinh ngạc vào năm 2004. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền Zapatero chú ý vào những chính sách chống lại Giáo Hội Công Giáo hơn là phát triển kinh tế. Chính vì thế, những người trẻ Tây Ban Nha, với quan tâm lớn nhất là công ăn việc làm và lương bổng có lẽ sẽ không bầu nhiều cho đảng Xã Hội như trong cuộc bầu cử 3 năm trước đây.

Kiko Arguello, một nhà tranh đấu, phát biểu trước đám đông trong tiếng vỗ tay vang dội của những người biểu tình:

“Những nhà nước vô thần, vô tín ngưỡng này muốn chúng ta tin rằng cuộc đời chúng ta chẳng có ý nghĩa gì. Điều đó không đúng”.
 
10,000 tín hữu Công Giáo Canada ký thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha viếng thăm
Nguyễn Việt Nam
05:38 01/01/2008
Quebec - Ít nhất 10,000 tín hữu Công Giáo Canada đã ký một thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha viếng thăm Canada nhân Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Quebec vào năm tới.

Theo dự trù Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Quebec sẽ diễn ra vào tháng 6/2008. Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đứng ra tổ chức đại hội này và cũng là một cộng sự viên thân cận của Đức Thánh Cha đã cố gắng thuyết phục Đức Thánh Cha tham dự đại hội này. Những người tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 đã bày tỏ hy vọng rất cao là Đức Thánh Cha sẽ có thể tham dự. Tuy nhiên, Tòa Thánh chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến điều này.

ĐHY Marc Ouellet
Theo tin của đài phát thanh Vatican, phát đi hôm 27/12, trong năm 2008, Đức Thánh Cha sẽ tông du 3 nơi ở Ý và 3 quốc gia khác.

Trong nội địa Ý chương trình tông du của Đức Thánh Cha như sau:

- Ngày 17-18 tháng 5 Đức Thánh Cha sẽ đi Savona và Genoa để gặp giới trẻ Ý và viếng đền Đức Mẹ tại Guardia.

- Ngày 14-15 tháng 6 Đức Thánh Cha sẽ viếng Brindisi và Santa Maria di Leuca.

- Ngày 7 tháng 9 Đức Thánh Cha sẽ đi Sardinia viếng đền Đức Mẹ tại đây.

Chuyến tông du ngoài nước Ý được dự trù như sau:

- Tháng 4 Đức Thánh Cha sẽ đi Hoa Kỳ, đến New York và Washington.

- Tháng 7 Đức Thánh Cha sẽ đi Úc tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

- Một ngày chưa được ấn định trong năm 2008, Đức Thánh Cha sẽ đi Pháp nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lô Đức.

Như vậy, trong chương trình này không thấy đề cập đến chuyến viếng thăm Canada vào tháng 6/2008.

Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura, sứ thần Tòa Thánh tại Canada, đã chuyển thư mời với 10,000 chữ ký này về Tòa Thánh.
 
Cuộc gặp gỡ năm 2008 của cộng đoàn Taizé
Thúy Dung
05:54 01/01/2008
Geneva - Hôm 31/12/2007, Thầy Alois, nhà lãnh đạo của cộng đoàn đại kết Taizé đã công bố rằng Cuộc Họp Giới Trẻ Âu Châu trong năm 2008 sẽ diễn ra tại Brussels, Belgium.

Cuộc gặp gỡ năm 2007 đã có đến 40,000 bạn trẻ tham dự tại Geneva, Thụy Sĩ. Đức Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô I của Chính Thống Giáo Constantinople, Giáo Chủ Anh Giáo Tổng Giám Mục Rowan Williams, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, và chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Jose Manuel Barroso đã đến nói chuyện với giới trẻ.

Cộng đoàn đại kết Taizé đã được thầy Roger Schutz, một thần học gia Tin Lành sáng lập. Vào năm 1940, lúc 25 tuổi thầy Roger thiết lập một nhà cầu nguyện đại kết ở Taizé, một làng gần Cluny miền đông nước Pháp. Thoạt đầu nhà cầu nguyện cũng được dùng làm nơi trú ẩn cho người Do Thái bị quân Đức Quốc Xã lùng bắt để tiêu diệt trong thế chiên thứ II.

Sau ít năm, cộng đồng Taizé được chính thức thiết lập như một tu viên đại kết do thầy Roger Schutz làm bề trên tiên khởi với khoảng 100 thành viên có cả người Công Giáo cũng như Tin Lành. Công đồng Taizé nhằm hoà giải giữa những người Kitô Giáo với nhau đã thu hút hàng ngàn người thăm viếng mỗi năm và sách hướng dẫn cầu nguyện và suy niệm của thầy Rogers đã được rất nhiều người Kitô Giáo thuộc các hệ phái khác nhau nồng nhiệt đón nhận.

Cách đây 8 năm, thầy Alois, 51 tuổi một người Công Giáo Đức được chọn thay thế thầy Roger điều khiển cộng đoàn. Thầy Alois được chọn làm người kế vị vì sức khỏe của thầy Roger quá yếu. Và trong thời gian mới đây, người ta thường thấy thầy Roger phải ngồi xe lăn.

Ðược biết, Cộng Ðoàn Ðại Kết Taizé đã bắt đầu sáng kiến tổ chức Cuộc Họp Giới Trẻ Âu Châu, trong khoảng thời gian cuối năm cũ đầu năm mới, vào năm 1978.
 
Giao thừa trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
07:16 01/01/2008
Sydney -
Giáo dân cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ tối Giao Thừa
Cầu cảng Syney
Đức Thánh Cha viếng máng cỏ Giáng Sinh
Giao thừa tại Brazil
Giao thừa tại Berlin
Giao thừa tại Mạc Tư Khoa
Giao thừa tại Paris
Tổng thống Pháp đọc diễn văn Năm Mới
Giao thừa tại Luân Đôn
Giao thừa tại New York
Lúc 12 giờ đêm pháo hoa đã bắn lên đầy trời Cầu Cảng (Harbor Bridge) Sydney với hơn một triệu người hò reo đón chào năm mới. Chuông nhà thờ đổ dồn. Một số nhà thờ nơi phong trào Chầu Thánh Thể tổ chức buổi chầu trọng thể từ 11 giờ đến 12 giờ khuya, anh chị em đã kết thúc giờ chầu cuối năm và bắt tay trao bình an cho nhau. Người Công Giáo Việt Nam trên mảnh đất Úc Châu cũng đã cử hành thánh lễ giao thừa từ 7 giờ tối với những lời cầu nguyện đặc biệt cho công lý được toàn thắng trong vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội.

Tại Bắc Kinh, Trung quốc đã bắt đầu năm Thế Vận với những buổi tiệc, pháo bông, ca nhạc và khiêu vũ do nhóm những nhà tổ chức Thế Vận Mùa Hè tổ chức.

Tại Hà Nội, nhiều người Công Giáo thay vì đi chơi ở đâu đó, thì kéo đến phố Nhà Chung – nay có thêm một tên mới trong lòng người Công Giáo Hà Thành: Phố Cầu Nguyện - để cầu nguyện với giáo dân và nam nữ tu sĩ giáo xứ Chính Tòa và Nhà Chung. Nhiều anh chị em đến từ Nhà Thờ Lớn, từ Hàm Long, Cửa Bắc, Hàng Bột. Đặc biệt nhất là giáo dân giáo xứ Cổ Nhuế tối nay đến đây đông một cách bất ngờ. Hình ảnh giáo dân quỳ cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ có lẽ là hình ảnh đẹp nhất và cảm động nhất trong đêm giao thừa năm nay.

Tại Bangkok, Thái Lan, phát ngôn viên quân đội Thái, thiếu tá Akara Thiprote, cho biết 5 trái bom đã phát nổ trong một âm mưu khủng bố của các thành phần Hồi Giáo phiến loạn đến từ miền Nam nước này. 27 người bị thương trong vụ nổ tại khách sạn Sungai Kolok.

Tại Baghdad, một cảnh chưa từng xảy ra từ sau khi Hoa Kỳ tấn công nước này vào năm 2003: dân chúng đã mừng năm mới bằng những buổi tiệc trên đường phố. Tại hai khách sạn sang trọng tại thủ đô Iraq là the Palestine and the Sheraton, người ta đứng chật như nêm.

Hai thành viên mới của Liên Hiệp Châu Âu là Cyprus và Malta đã bắt đầu sử dụng đồng Euro từ lúc giao thừa. Như vậy, cho đến nay đã có 15 quốc gia sử dụng chung đồng Euro.

Tại Vatican, lúc 6 giờ chiều 31/12/2007, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều I trọng thể lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp kết thúc năm dương lịch 2007.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô còn có Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma, hơn 20 Hồng Y và 20 Giám Mục thuộc giáo triều, 7 Giám Mục phụ tá Roma, đông đảo các cha sở và tín hữu cùng với Ông Đô Trưởng và chính quyền miền Lazio và thành phố Roma, cùng với gần 10 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã rộng ban trong 12 tháng qua. Dựa vào bài thánh ca Te Deum, ngài cầu xin Chúa trợ giúp mọi người dân thành Roma, trong đó đang có tình trạng thiếu thốn và nạn nghèo đè nặng trên đời sống nhiều cá nhân và gia đình, khiến cho họ không thể nhìn về tương lai với niềm tín thác.

Đức Thánh Cha nói: ”Nhiều người, đặc biệt là người trẻ, bị thu hút vì sự đề cao giả tạo hay đúng hơn là sự tục hóa thân xác và tầm thường hóa tính dục; và làm sao không kể ra nhiều thách đố, liên hệ tới trào lưu duy tiêu thụ và trần tục hóa, đang đề ra những câu hỏi cho các tín hữu và những người thiện chí? Nói tắt một lời, ở Roma này người ta cũng cảm thấy có sự thiếu hy vọng và thiếu tin tưởng nơi sự sống và chúng trở thành một ”sự ác đen tối” trong xã hội tây phương tân tiến ngày nay”.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã thắp một ngọn nến nơi cửa sổ phòng làm việc của ngài để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trước đó, ngài cũng đã đến cầu nguyện tại “máng cỏ” Giáng Sinh theo hình Ngôi Nhà Nagiarét.

Pháo bông đã bị cấm tại thủ đô Brussels của Bỉ quốc vì lo sợ bị khủng bố. Cảnh sát đã câu lưu 14 người hôm 21/12 vừa qua vì nghi ngờ họ có liên quan đến một âm mưu cướp ngục để giải thoát các phần tử khủng bố al-Qaida đang bị giam giữ.

Thủ đô Paris đã tưng bừng chào đón Năm Mới quanh khu vực đại lộ Champs-Elysees và tháp Eiffel. Một lực lượng đông đảo gồm 4,500 cảnh sát và 140 lính cứu hỏa đã được bố trí trong khu vực. Dân “nhả khói” thành Ba Lê đã không còn được thú vui hút thuốc trong các hộp đêm để đón mừng năm mới. Lệnh cấm hút thuốc trong nhà tại các nơi công cộng như hộp đêm, nhà hàng, khách sạn, sòng bài và tiệm cà phê đã có hiệu lực từ năm ngoái. Trong thông điệp phát lúc nửa đêm, tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy, một người Công Giáo, người vừa được triều yết Đức Thánh Cha hồi tháng trước đã đọc một thông điệp mang đậm mầu sắc Kitô Giáo với những từ ngữ như “thông điệp của hy vọng, đức tin trong đời và trong tương lai”.

Tại Berlin, một cuộc liên hoan khổng lồ đã diễn ra tại cửa thành Brandenburg, dọc theo công viên Tiergarten cho tới phần phía Tây của thành phố. Ba sân khấu, 13 ban nhạc, 100 quán bán bia đã hoạt động nhộn nhịp suốt đêm.

Tại Luân Đôn, hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại quảng trường Trafalgar và dọc theo bờ sông Thames để xem pháo bông và nghe tiếng đồng hồ Big Ben gõ 12 tiếng bính boong.

Tại Madrid, hàng ngàn người đã tụ tập tại quảng trường Puerta del Sol để đón chào năm mới. Nhiều người theo truyền thống đã ăn 12 trái nho – mỗi trái tượng trưng cho một tháng trong năm để được may mắn. Số người đón chào Năm Mới tại Madrid đã giảm hơn năm ngoái vì những khó khăn kinh tế và sau một ngày biểu tình khổng lồ phò gia đình.

Tưởng cũng nên nhắc lại là 1.5 triệu người Công Giáo Tây Ban Nha đã đứng chật quảng trường Colon ở thủ đô Madrid trong một cuộc biểu tình khổng lồ phò gia đình truyền thống hôm Chúa Nhật 30/12/2007. Cuộc biểu tình nổ ra khi còn không đầy hai tháng nữa là xảy ra cuộc tổng tuyển cử tại nước này. Những người biểu tình đã nhiệt liệt hoan hô khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI xuất hiện trên màn ảnh khổng lồ của cầu truyền hình trực tiếp từ Vatican.

Tại Mạc Tư Khoa, tổng thống Vladimir Putin đã đọc thông điệp Năm Mới cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 8 năm của ông. Ông Vladimir Putin cho rằng thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là những phát triển vượt bậc về kinh tế và phục hồi lại tình đoàn kết trong quốc gia.

Tại Havana, nhà độc tài già Fidel Castro, đã đọc một bài diễn văn Năm Mới có lẽ cũng là lần cuối cùng trong đời. Trong bài diễn văn Fidel đã ca ngợi nhân dân Cuba vì “50 năm chống Mỹ”. Trước đó, trong một lá thư được đọc trong phiên họp cuối cùng trong năm 2007 của quốc hội Cuba, nhà độc tài Fidel Castro, năm nay 81 tuổi, đã bày tỏ ước muốn về hưu. Trong 17 tháng qua, quyền hành tại Cuba đã được giao cho Raul Castro, 76 tuổi, đảm trách. Tuy nhiên, Fidel Castro, trên nguyên tắc, vẫn là nguyên thủ quốc gia. Mặc dù đã cai trị Cuba từ năm 1959 đến nay, Fidel Castro vẫn chối leo lẻo cho rằng mình không phải là người “đeo bám quyền lực”. Lá thư của Fidel Castro khá dài chỉ nhằm mục đích thuyết phục người dân Cuba tin vào luận điệu chỉ gạt được con nít 3 tuổi này. Cuối lá thư, Fidel Castro cho biết ông ta có ước muốn được về hưu vì sức tàn lực kiệt nhưng cũng chưa nói rõ thời gian nào sẽ về hưu. Các quan sát viên quốc tế cho rằng, với lá thư này có lẽ ngày đó cũng không còn xa.

Tại Quảng Trường Times ở New York hàng triệu người đã hoan hô khi quả cầu ánh sáng lần thứ 100 đã rơi xuống chào đón Năm Mới. 9,576 hạt ánh sáng đã tung toé tạo thành một kỳ quan ánh sáng khổng lồ.

Tại Ba Tây, 2 triệu người đã tụ tập tại bãi biễn Copacabana ở Rio de Janeiro để xem pháo bông bắn đầy trời kéo dài gần 20 phút. Tại Sao Paulo, 2.3 triệu người đã chào đón giao thừa trong khu Avenida Paulista, trung tâm tài chính lớn nhất của Ba Tây.
 
Ngày đầu năm ĐTC chủ sự Thánh Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
LM Trần Đức Anh, OP
11:05 01/01/2008
VATICAN. Sáng ngày Tết dương lịch 1-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là dịp cử hành Ngày Hòa Bình quốc tế lần thứ 41.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng, có 5 vị là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh, Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, và sau cùng là Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 Hồng y đẳng phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Lajolo, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Quốc gia thanh Vatican, và ĐHY Rylko Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.

Trong số 8 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, 22 HY và hàng chục GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 5 ca đoàn khác, gồm ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma, Ca đoàn các bạn trẻ Ca Viên Ngôi Sao từ Đức, và 4 ca đoàn khác từ Hoa Kỳ. 70 LM thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.

Bài Giảng

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nói đến khát vọng hòa bình của nhân loại và nhắc đến sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm nay với chủ đề ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Ngài nói:

Tất cả chúng ta đều khao khát sống trong hòa bình, nhưng hòa bình chân thực, như được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh, không phải chỉ là một sự chinh phục của con người hoặc là thành quả của những thỏa hiệp chính trị; hòa bình trước tiên là hồng ân của Chúa mà chúng ta phải không ngừng cầu khẩn, và đồng thời phải dấn thân kiên nhẫn thực hiện, trong tinh thần ngoan ngoãn tuân theo các giới răn của Chúa. Trong sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới hôm nay, tôi đã muốn làm nổi bật quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và việc xây dựng hòa bình trên thế giới. Gia đình tự nhiên, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là ”chiếc nôi của sự sống và tình thương” và là ”người giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được về hòa bình”. Chính vì thế, gia đình là tác nhân chính yếu của hòa bình, và mọi sự phủ nhận hoặc thu hẹp các quyền của gia đình, làm lu mờ sự thật về con người, sẽ đe dọa chính nền tảng của hòa bình” (nn.1-5). ”Tiếp đến, vì nhân loại là một ”đại gia đình”, nên nếu ta muốn sống trong hòa bình thì không thể không lấy hứng từ các giá trị làm nền tảng và điều hành cộng đoàn gia đình”.

ĐTC nhắc đến những dịp kỷ niệm trong năm nay, 60 năm công bố Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ, 40 năm Đức Phaolô 6 thành lập Ngày Hòa bình thế giới và 25 năm Tòa Thánh chấp nhận Hiến chương về các quyền của gia đình. Ngài nói: ”Dưới ánh sáng các dịp kỷ niệm ấy, tôi mời gọi mọi người nam nữ hãy ý thức hơn nữa về sự kiện mình cùng thuộc về một gia đình nhân loại và dấn thân để sự sống chung trên mặt đất này ngày càng phản ánh xác tín vừa nói, vì sự thiết lập một nền hòa bình chân thực và lâu bền tùy thuộc xác tín chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC quảng diễn ý nghĩa của lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và ngài đề cao mẫu gương của Mẹ Maria trong việc con người kiến tạo hòa bình. Ngài nói:

”Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, cùng với tước hiệu Đức Trinh Nữ, là những tước hiệu cổ kính nhất và là nền tảng của mọi tước hiệu khác mà chúng ta tôn kính và tiếp tục cầu khẩn Đức Mẹ từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Đông và Tây phương... Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Đức Maria, Mẹ trọn đời đồng trinh Con Duy Nhất của Chúa Cha, chúng ta hãy học từ Mẹ cách thức đón nhận Chúa Hài Đồng đã sinh ra cho chúng ta tại Bethlehem. Nếu chúng ta nhận ra nơi Hài Nhi do Mẹ sinh ra là Con đời đời của Thiên Chúa và đón nhận Người như Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, thì chúng ta có thể được gọi và thực sự là con Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ đã viết: ”Thiên Chúa sai Con Ngài đến, sinh bởi người nữ, sinh dưới Lề Luật, để cứu chuộc những người ở dưới lề luật, để họ được nhận làm con” (Gal 4,4).

”Thánh Sử Tin Mừng Luca nhiều lần lập lại rằng Đức Mẹ suy niệm thinh lặng về những biến cố ngoại thường mà Thiên Chúa đưa dẫn Mẹ vào. ”Mẹ Maria cũng giữ những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).. Hài Nhi khóc oe oe trong máng cỏ, tuy bề ngoài giống như mọi hài nhi trên thế giới, nhưng đồng thời cũng rất khác biệt: Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Chúa thật và là người thật. Mầu nhiệm nhập thể này của Ngôi Lời và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria thật là cao cả và không dễ hiểu đối với trí tuệ loài người. Nhưng nơi trường của Mẹ Maria chúng ta có thể đón nhận trong tâm hồn điều mà con mắt và trí tuệ tự mình không thể hiểu và cũng không chứa đựng nổi. Thực vậy, đây là một hồng ân cao cả đến độ chúng ta chỉ có thể đón nhận trong đức tin, tuy không thể thấu hiểu hết. Và chính trên con đường đức tin ấy, mà Mẹ Maria đến gặp chúng ta, nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta. Người là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu trong thể xác, Người là Mẹ vì đã hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa Cha. Thánh Augustino đã viết: ”Chính chức vị làm Mẹ Thiên Chúa sẽ không có giá trị gì đối với Mẹ, nếu Mẹ không mang Chúa Kitô trong tâm hồn, với một số phận may mắn hơn là việc Mẹ chịu thai Chúa trong thân xác” (De Sancta Virginitate, 3,3). Và Mẹ Maria tiếp tục gìn giữ trong tâm hồn Mẹ tất cả những biến cố kế tiếp mà Mẹ chứng kiến và giữ vai trò chính về sau này, cho đến cái chết trên thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, chỉ khi nào gìn giữ trong tâm hồn, nghĩa là đặt chung tất cả và tìm được sự hiệp nhất của tất cả những gì chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể noi gương Mẹ Maria đi vào trong một nhiệm một vị Thiên Chúa, vì yêu thương, đã làm người và kêu gọi chúng ta theo Ngài trên con đường yêu thương; một tình yêu phải được diễn tả hằng ngày qua việc quảng đại phục vụ anh chị em. Ước gì năm mới mà chúng ta tín thác khởi sự hôm nay, trở thành một thời gian trong đó chúng ta được tiến triển trong tri thức của tâm hồn, là sự khôn ngoan của các thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho tôn nhan Ngài chiếu sáng rạng ngời trên chúng ta, thuận lợi và chúc lành cho chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I (cf Nm 6,24-7).

Trong phần lời nguyện phổ quát, có 5 ý nguyện bằng 6 thứ tiếng: Bồ đào nha, Nga, Đức, Arập, và Tây Ban Nha, được xướng lên, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là một cộng đồng hiệp thông trong tình yêu thương và liên đới, cầu cho ĐTC và các vị chủ chăn của Giáo Hội luôn là những sứ giả không biết mệt mỏi của chân lý và chứng nhân hòa bình; cầu cho các gia đình, Giáo Hội tại gia, luôn thể hiện nơi mình mẫu mực nhân loại được hòa giải trong yêu thương và chiếu tỏa Tin Mừng hòa bình; cầu cho mọi dân tộc trên trái đất biết chiến thắng những xúi giục của bảo lực và chiến tranh, đồng thời dồn toàn năng lực vào việc kiến tạo hòa bình vững bền; sau cùng là cầu cho mọi người hiện diện biết cảm nghiệm an bình trong gia đình, trường học, nơi làm việc và trong mọi lãnh vực của đời sống dân sự.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với 60 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp để đọc kinh Truyền Tin.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm giáng sinh và chức vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ngài nói: ”Mẹ Maria, sau khi mang lại một thân xác cho Con Duy Nhất của Thiên CHúa, đã trở thành mẹ của các tín hữu và toàn nhân loại.. Và nhân danh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và loài người, từ 40 năm nay, trong ngày đầu năm, Ngày Hòa Bình thế giới được cử hành. Đề tài tôi chọn cho ngày hôm nay là ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Chính tình yêu kiến tạo và giữ cho gia đình được hiệp nhất, gia đình là tế bào sinh tử của Giáo Hội, tạo điều kiện cho sự thiết lập nơi các dân tộc trên thế giới các mối quan hệ liên đới và cộng tác của các phần tử cùng một gia đình nhân loại duy nhất... Vì thế có một quan hệ mật thiết giữa gia đình, xã hội và hòa bình. Bởi vậy ”người nào, dù vô tình, cản trở định chế gia đình, thì cũng làm cho hòa bình trong toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, trở nên mong manh, vì làm suy yếu ”tác nhân chính yếu của hòa bình” (n.5). Ngoài ra, ”Chúng ta không sống cạnh nhau một cách tình cờ; tất cả chúng ta đang tiến bước trên cùng một con đường như con người và vì thế như anh chị em với nhau (n.6). Vì thế, điều thực sự quan trọng là mỗi người đảm nhận trách nhiệm của mình trước mặt Chúa và nhìn nhận Chúa là nguồn mạch nguyên thủy cuộc sống của mình và của tha nhân.”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng ca ngợi, khuyến khích và liên đới với các sáng kiến của các cộng đoàn Giáo Hội ở mọi đại lục nhân Ngày Hòa Bình Thế giới. Ngài chào thăm các tham dự viên tham gia cuộc tuần hành ”Hòa bình ở các nơi trên mặt đất” do Cộng đồng thánh Egidio khởi xướng ở Roma và nhiều thành phố trên thế giới. ĐTC cũng nhắc đến các thành viên Phong trào tình yêu gia đình đã canh thức đêm giao thừa vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho Đại gia đình Giáo Hội. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc dồi dào an bình và những điều thiện hảo trong năm mới.
 
ĐTC Bênêđictô XVI: Gia đình là “trụ sở chính của hoà bình”.
Trương Văn Tiến
23:54 01/01/2008
VATICAN -- Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cử hành trọng thể thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa tại đền Thánh Phêrô để bắt đầu năm mới 2008. Trong Thánh lễ, Ngài đã giải thích rằng Ngôn ngữ hoà bình được học hành ngay chính trong các gia đình. Người nào gây trở ngại cho các gia đình là chính họ đang khiến cho hoà bình trở nên dễ tan vỡ.

Sau thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu nam nữ tập trung tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chú giải về chủ đề: “Gia đình nhân loại, cộng đồng hoà bình” của Ngày Hoà Bình Thế Giới 1.1.2008

Giám mục thành Rôma diễn giải: “Chính Tình Yêu tạo tác nên gia đình – là tế bào sống trọng yếu của xã hội, và cũng chính Tình yêu đang gìn giữ hiệp nhất gia đình, sẽ khiến cho việc thiết lập các mối quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa các dân tộc trên toàn cõi đất trở nên dễ dàng hơn; các mối quan hệ này sẽ thích hợp cho từng thành viên của gia đình nhân loại duy nhất.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Người nào gây cản trở cho các gia đình – dù là do vô thức – cũng là đang khiến cho hoà bình trở nên dễ tan vỡ trong toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, bởi vì chính họ đang làm yếu đi tác nhân chính của hoà bình.”

Ngài nói thêm: “Chúng ta không sống gần kề nhau do ngẫu nhiên; tất cả chúng ta đang cùng bước đi trên cùng một con đường như là con người và như là anh chị em với nhau.”

“Vì lý do này, thật là quan trọng khi mỗi một chúng ta tự đảm nhận lấy trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và nhận ra nơi Người nguồn gốc bản lai sự hiện hữu của riêng mình và sự hiện hữu của tha nhân.”

Đức Giáo Hoàng tuyên bố: “Khởi từ việc ý thức được điều này, sẽ nẩy sinh ra một lòng dấn thân hoạt động để biến nhân loại này thành một cộng đoàn hoà bình, được xây dựng nền tảng trên một luật chung cho phép tự do được thật sự là tự do, chứ không phải là sự độc đoán mù quáng; một luật chung bảo vệ kẻ yếu khỏi những lạm dụng của kẻ mạnh. “

Ngày đầu năm 2008 lại trùng hợp với lễ kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới, nên Đức thánh Cha cũng đã mời gọi cộng đồng quốc tế “ cùng đi trên con đường đoàn kết đích thực và hoà bình bền vững”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Phan Thiết mừng Bổn Mạng và khánh thành Nhà Tĩnh Tâm Hưu Dưỡng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:14 01/01/2008
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT MỪNG LỄ BỔN MẠNG

KHÁNH THÀNH NHÀ TĨNH TÂM VÀ HƯU DƯỠNG


PHAN THIẾT -- Hôm nay, ngày đầu năm mới Dương lịch, Giáo Hội mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa. Một ngày lễ vừa để kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, vừa để “nối dài niềm hân hoan kính mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa”, Đấng đã mặc lấy xác phàm và sinh bởi Mẹ Đồng Trinh Maria. Mẹ đã ban cho trần gian Đấng Cứu Thế, từ đó Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo hội.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã gởi cho toàn thế giới thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2008. Nếu muốn có hoà bình, hãy ủng hộ gia đình, đó có thể coi là tựa đề phần đầu của thông điệp có chủ đề: gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình.

Ngày đầu năm mới, Giáo phận Phan thiết tổ chức Lễ khánh thành nhà tĩnh tâm–hưu dưỡng. Đây là công trình được xây dựng trên diện tích 4000m2 mà nhà nước trả lại cho Toà Giám Mục năm 2006. Sau 10 tháng thi công công trình đã hoàn thành với diện tích 2700m2, bao gồm 1 trệt 3 lầu. Có 40 phòng, trong đó dãy trệt dành cho các cha già hưu dưỡng, các dãy lầu làm văn phòng mục cho các uỷ ban, hội trường, nhà nguyện làm nơi tĩnh tâm cho các đoàn thể.

Đồng tế thánh lễ có Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông Tổng Đại Diện JB Lê Xuân Hoa, linh mục đoàn giáo phận. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, hội đồng mục vụ các cấp và quan khách cùng chung lời tạ ơn.

Lời mở đầu, Đức Cha Phaolô chào mừng cộng đoàn Dân Chúa:

Kính thưa Đức Cha Nicolas, Đức Ông, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh. Anh chị em từ các nẻo đường của các Giáo phận, từ các giáo xứ xa gần về đây sum họp, một ngày qui tụ đầm ấm thân thương hợp nhất của Giáo phận để tạ ơn Chúa sau khi hoàn tất công trình xây dựng nhà tĩnh tâm và hưu dưỡng của Giáo phận. Tôi xin có lời chào mừng Đức Cha, Đức Ông, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em và quí vị ân nhân, quan khách. Hôm nay, cùng với Giáo hội hoàn cầu, chúng ta mừng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ của Giáo hội và là bổn mạng của Giáo phận Phan Thiết. Từ hơn ba mươi năm qua, Đức Mẹ đã ban nhiều ân huệ cho Giáo phận. Hôm nay chúng ta tạ ơn Đức Mẹ, dâng tương lai Giáo phận cho Đức Mẹ xin Đức Mẹ tiếp tục nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình trần thế này.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô suy niệm:Tin mừng Lc 2, 16-21.

Ngày 25 tháng 12 vừa qua, chúng ta đã mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai giáng sinh làm người. Hôm nay chúng ta mừng Mẹ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ đã cưu mang, đã sinh hạ, dưỡng dục Chúa cho đến ngày Chúa trưởng thành. Hai lễ này cũng là hai mặt của một mầu nhiệm Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Đã là người thật thì Ngài có mẹ có cha. Là người, Ngài được thụ thai trong lòng mẹ, được chăm nom, bú mớm, học bò, học đi, học chữ, học nghề…để trưởng thành. Là người, Ngài bám rễ sâu vào một dân tộc, dù là nhỏ bé như xứ Palestine nhưng nó có lịch sử, có văn hoá, có tiếng nói, có vị trí địa lý trên mặt địa cầu này.

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Đức Giêsu là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người.

Trong Tin Mừng ta thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài được loan báo trong các biến cố như: Truyền tin, Lời Thiên thần loan báo cho các mục đồng, Lời Tiên tri Simêon. Ngài lớn lên trong mái ấm gia đình. Đến năm 30 tuổi Ngài bắt đầu công cuộc rao giảng, lúc đó Ngài mới chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa. Sứ mệnh của Ngài là đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó và thực hiện cuộc giải phóng thiêng liêng cho mọi người. Trong giai đoạn này, có những người khám phá ra lai lịch mầu nhiệm của Ngài. Trước tiên là các tông đồ. Phêrô sau mẻ cá lạ lùng đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. (Lc 5,8). Sau nhiều phép lạ, nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều,Chúa thăm dò dư luận quần chúng về Ngài, rồi Chúa hỏi các Tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ông Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Tuy nhiên niềm tin đó chưa bao lâu, thì cuộc khổ nạn của Chúa đã làm tan biến hết. Mặc dầu Chúa đã báo trước cái chết thê thảm nhục nhã của Ngài. Các Tông đồ tuyệt vọng và trốn biệt. Chỉ còn Gioan vì thương Chúa quá nên bỏ đi không được. Mãi cho tới ngày Phục Sinh, Chúa đã gặp họ, họ mới hoàn hồn. Tôma một người cứng lòng tin, đòi thọc ngón tay vào lỗ đinh và thọc cạnh tay vào cạnh sườn bị đâm thâu. Ngày thứ tám, Chúa xuất hiện và cho Tôma một cơ hội để phục hồi lòng tin. Chúa đến bên ông và mời ông cứ làm như ông muốn. Lúc đó Tôma đã khiêm tốn quỳ xuống và tuyên xưng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.”.

Cuộc đời trần thế của Chúa, từ ngày chào đời cho đến ngày chịu đóng đinh trên thập giá rồi phục sinh, là một mầu nhiệm lớn lao. Ngài vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Nơi Ngài không tách rời bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Mẹ Đức Giêsu Nazareth cũng là Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa.

Hôm nay Hội thánh mừng danh thánh mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vừa để tôn vinh hồng ân Chúa ban cho mẹ, vừa tạ ơn Chúa đã thực hiện công trình Cứu độ chúng ta cách kỳ diệu khi xuống thế làm người. Trong hồng ân ấy, Chúa còn cho Mẹ một tước hiệu nữa, Mẹ trở thành Mẹ của chúng ta.

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là “Người Mẹ của Hòa Bình”. Đầu năm Dương Lịch, cả Hội Thánh dâng lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong những ngày Giáng Sinh vừa qua, hình ảnh Mẹ Maria bên cạnh hài nhi Giêsu, Hoàng tử Hòa Bình và thánh cả Giuse đã cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thực của bốn chữ “bình an dưới thế”. Đó là sự bình an của máng cỏ khó nghèo. Đó là sự bình an của những tâm hồn mục đồng đơn sơ chất phác. Đó là sự bình an của những đạo sĩ phương đông khao khát kiếm tìm chân lý. Đó là sự bình an của những tâm hồn khiêm hạ tuân phục thánh ý Thiên Chúa như Maria, như Giuse. Đó là sự bình an được gặp gỡ Thiên Chúa, bồng ẵm Chúa trên đôi tay già nua cằn cỗi của mình như cụ già Simêon. Cầu nguyện cho hòa bình và mỗi người phải là tác nhân đi xây dựng hòa bình, phải là những tông đồ mang “Hoàng Tử Bình An” đến cho nhân loại.

Nhìn về Giáo phận Phan Thiết thân yêu,nhờ ơn Đức Cha Nicolas đã chọn Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng cho Giáo phận, kể từ ngày được khai sinh trong khói lửa chiến tranh mịt mù, lớn lên giữa bao thăng trầm lịch sử, tưởng chừng như không còn chút tương lai. Vậy mà hơn 30 năm qua dưới bàn tay dìu dắt vừa êm đềm dịu hiền, vừa mạnh mẽ vô song của Mẹ, Giáo phận cứ từng bước đi lên. Tòa Giám mục, từ một căn nhà gỗ bé nhỏ đến những dãy nhà khang trang, rồi chủng viện Nicolas và đến ngôi nhà lớn lao trước mắt chúng ta đây. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tapao, nơi Mẹ khơi nguồn hồng ân, muôn vàn khách hành hương lui tới đêm ngày. Tại các xứ đạo, họ đạo, giáo điểm với niềm tin đang được khơi dựng từ từ, con số các linh mục tu sĩ, chủng sinh tăng lên không ngừng…, đó là những hình ảnh, những dấu ấn lớn lao biểu lộ sự yêu thương che chở của Mẹ. Ngày hôm nay chúng ta hãy reo mừng tạ ơn Mẹ. Đời đời chúng ta yêu mến Mẹ. Chúng ta hãy cùng với Mẹ tung hô Thiên Chúa vinh quang “Linh hồn tôi tung hô Chúa…”

Cuối thánh lễ, Đức Ông Tổng Đại Diện JB Lê Xuân Hoa đọc lời cám ơn.

Trọng kính Đức Cha Phaolô Trọng kính Đức Cha Nicolas Kính thưa quí Cha Hạt trưởng, quí cha, quí tu sĩ và chủng sinh.

Quí đại diện Hội Đồng Mục Vụ các cấp trong Giáo Phận. Quí khách và quí anh chị em giáo hữu. Chỉ còn ít phút nữa, Thánh lễ tạ ơn sẽ kết thúc, xin thay lời cho Toà Giám Mục trân trọng gửi đến tất cả quí cha, quí vị lòng quí mến trong tâm tình yêu thương, hiệp nhất cùng nhau tạ ơn Chúa. Cách đây một năm, trước ngày đặt viên đá đầu tiên, tức ngày 22. 02. 2007, mảnh đất này chưa được sử dụng thích đáng, kể là hoang sơ, nếu không nói là hoang phế. Nhưng hôm nay, tại đây có một ngôi nhà, tuy không hoành tráng gì nhưng cao ráo, rộng rãi, hài hoà trong màu sắc và đường nét, tạo thành một quang cảnh hữu tình, tăng thêm phần mỹ quan cho Thành phố thân yêu này. Nhà này được mệnh dang là nhà Tĩnh Tâm, nơi sinh hoạt Mục Vụ cũng là nhà Hưu Dưỡng cho các linh mục lớn tuổi. Đựơc như hiện nay trước hết là nhờ ơn Chúa và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, nhờ sự tài trợ của Thánh Bộ Truyền Giáo, các cơ quan Công giáo hải ngoại, sau là nhờ sợ giúp đỡ về mọi mặt của quý Đức Cha, quí cha, quí ân nhân và anh chị em giáo hữu toàn Giáo phận. Hết tâm tình, TGM xin tạ ơn Chúa và trân trọng cảm ơn mọi thành phần dân Chúa. Về mặt giấy tờ hành chánh cũnh như việc thiết kế và kỹ thuật xây dựng công trình, không thể không nói lên lời tri ân đặc biệt đối với: Cơ quan chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận, TP Phan Thiết, phường Lạc Đạo.Sở xây dựng tỉnh Bình Thuận,Thạc sĩ xây dựng Trần Đức Minh, Luật sư Nguyễn Văn Phương (trưởng phòng luật sư đoàn Khôi Nguyên TP. Sài gòn).Công ty tư vấn thiết kế Thăng Long tỉnh Bình Thuận. Công ty tư vấn thiết kế Kiến Vạn TP Sài gòn.Công ty xây dựng Phương Nam Bình Thuận. Tập thể cán bộ và công nhân tham gia xây dựng công trình Riêng cho buổi lễ hôm nay, TGM cám ơn các Ban Phụng Vụ, âm thanh, ánh sáng, trang trí, ban tiếp tân, An ninh trật tự và một số anh chị em giáo dân nhà thờ Chính Toà,Đức Thắng và Tánh Linh đã tận tình giúp đỡ trong những ngày qua. Kính thưa quí Đức Cha, quí cha, quí vị, nhìn vào mức độ phát triển hạ tầng cơ sở hiện nay của Xã hội và Tôn Giáo tại Việt Nam thì ngôi nhà này và mấy công trình phụ chỉ là một không gian kiến trúc rất khiêm tốn chẳng có tầm cỡ gì, tuy nhiên cái giá trị không gian tinh thần thật không nhỏ. Và đây chính là điểm chủ yếu. Nơi đây phải là ngôi nhà Tĩnh tâm, ngôi nhà Cầu Nguyện, ngôi nhà của Thiên Chúa là tình yêu, nơi Thiên Chúa gặp gỡ con cái của Người để những ai ở đây được thanh luyện lòng trí, tăng bổ đạo đức, sống yêu thương hiệp nhất để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ thánh nhân. Xin dâng lên Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mẹ của Giáo phận, công trình nhỏ bé này, xin cùng Mẹ tạ ơn Chúa về mọi ơn lành mà Chúa đã ban cho Giáo phận. Tình yêu Chúa muôn đời con ca ngợi Thánh danh Ngài con mãi mãi tôn vinh

Phan thiết, ngày đầu năm mới 2008
 
Đức TGM Nguyễn Như Thể khai mạc Năm Tòan Xá 100 năm nhà thờ chính tòa Phú Cam Huế
LM. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
10:18 01/01/2008
Đức Tổng Giám mục Huế, Đức Stêphanô Nguyễn Như Thể, tuyên bố khai mạc Năm Toàn Xá (01.01.2008) 100 Năm Nhà Thờ Chính Toà Phủ Cam HUẾ

Kính thưa cộng đoàn,

1. Trên chiếc Logo hình trái tim, bên trong là hình Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam, 2 bên có 2 hàng số: 326 và 100.

-326 là kỷ niệm 326 năm thành lập Giáo xứ Phủ Cam.

-100 là kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam.

2. Đầu năm Dương lịch 2008 hôm nay, Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 ban phép cho Giáo phận chúng ta mở Năm Thánh, Năm Toàn Xá, với vô số đặc ân thiêng liêng suốt cả năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam.

Trong dịp nầy, xin anh chị em ý thức lại tầm quan trọng của Nhà thờ Chính Toà. Đây là Nhà thờ mẹ của Giáo phận:

-là nơi đặt Toà của Giám Mục chủ chăn Giáo phận,

-là nơi biểu lộ sức sống của Giáo phận,

-là nơi thể hiện sự hiệp nhất của Giáo phận.

3. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận nhà, cách riêng Giáo xứ Chính Toà Phủ Cam được sống vững mạnh trong đức tin, đức cậy, đức mến, suốt dòng lịch sử cho đến hôm nay.

Chúng ta vô cùng tri ân Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 đã ban cho chúng ta được ơn phúc lớn lao là Năm Thánh, Năm Toàn Xá nầy.

Chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các vị chủ chăn Giáo phận đã khuất bóng, cách riêng Đức cha Allys Lý đã khởi công xây dựng Nhà thờ Chính Toà cũ, Đức cố Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục và Đức cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã xây dựng Nhà thờ Chính Toà mới nầy.

4. a. Trong tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân Đức Thánh Cha và các vị chủ chăn Giáo phận đã qua đời.

b. Và với quyết tâm sống Năm Toàn Xá có kết quả,

-tăng triển đức tin,

-canh tân đời sống,

-dấn thân phục vụ,

tôi tuyên bố khai mạc Năm Toàn Xá 2008, kỷ niệm 100 năm Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam
 
Món quà đầu năm: Giáo phận Bắc Ninh vui mừng có thêm 8 tân linh mục
Nguyễn xuân Trường
10:25 01/01/2008
BẮC NINH -- Ngày 1.1.2008, Ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày đầu năm mới dương lịch, đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã long trọng truyền chức linh mục cho 8 thày phó tế: Giuse Lê Quốc Chinh, Giuse Trần Văn Chỉnh, Gioan Baotixita Nguyễn Như Định, Giuse Hà Mạnh Hoàn, Giuse Hoàng Trọng Hựu, Anrê Nguyễn Quang Phúc, Đaminh Nguyễn Minh Tân và Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận. Trong số này, vị tiến chức nhiều tuổi nhất sinh năm 1952 và trẻ tuổi nhất sinh năm 1974.

Thánh lễ truyền chức diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Trung tâm Thánh Mẫu Từ Phong, giáo phận Bắc Ninh. Trung tâm này tọa lạc trên một ngọn đồi và vừa được khánh thành ngày 30.9.2007. Có khoảng 80 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đồng tế với đức cha Phêrô. Ước tính có gần 5,000 tín hữu tham dự thánh lễ. Thánh lễ diễn ra trong tiết trời rất đẹp. Trời trong xanh, chan hòa ánh nắng.

Trong bài giảng, đức cha Phêrô nêu lên những con số thống kê về linh mục và giáo dân Việt Nam cho thấy nhu cầu cần thêm nhiều linh mục phục vụ dân Chúa. Thêm 8 tân chức, giáo phận Bắc Ninh đã có tất cả 42 linh mục phục vụ 125,000 giáo dân trong tổng số hơn 7 triệu dân sinh sống tại các vùng đất thuộc giáo phận. Như thế, cánh đồng truyền giáo tại giáo phận quả là bao la. Đức cha kêu mời các tân linh mục noi gương truyền giáo hăng say của thánh Phanxicô Xaviê. Tiếp đó, đức cha đã dùng câu truyện cây tre để sánh ví với căn tính hi sinh của linh mục. Người chủ vườn chặt bỏ hết cành lá, róc hết mấu mắt, rồi bổ đôi thân tre để dùng làm chiếc máng dẫn nước từ suối nguồn vào mảnh vườn làm trỗi dậy những cây cối xanh tốt. Để trở nên dụng cụ có ích, cây tre phải hi sinh đau đớn. Chúa cũng sử dụng các linh mục như vậy. Các linh mục cần phải khiêm nhường hi sinh để làm dụng cụ chuyển tải tình yêu và sự sống của Chúa cho muôn dân. Đức cha mong ước các tân linh mục sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu đến độ có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.

Cuối thánh lễ, tân linh mục Giuse Lê Quốc Chinh thay lời cho 8 tân chức dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và bày tỏ lòng tri ân các Đấng bậc đã dày công đào tạo, cảm ơn bố mẹ, gia đình, ân nhân, thân hữu bạn bè gần xa và rất nhiều người đã cầu nguyện, trợ giúp, nâng đỡ, khích lệ các tân chức cả tinh thần lẫn vật chất. Ngài xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các tân linh mục để có thể chu toàn những sứ vụ mới Chúa trao.

Tiếp đó, cha đại diện nội vụ Giuse Trần Quang Vinh đã bày tỏ niềm vui mừng của giáo phận Bắc Ninh có thêm 8 linh mục là những thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Bắc Ninh hi vọng sẽ có một mùa gặt bội thu. Cha Đại diện cảm ơn đức cha chủ tế, quý linh mục và mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận đã đến chung vui với Bắc Ninh.

Cánh đồng truyền giáo tại Bắc Ninh quả là bao la. Vì thế, thật là ý nghĩa khi chọn câu Kinh Thánh “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (x. Mc 16,15) làm khẩu hiệu lễ truyền chức. Nhớ lại những năm tháng trong thập niên 80 thế kỉ trước, cả giáo phận Bắc Ninh chỉ có “một linh mục rưỡi” mà giáo phận vẫn duy trì giữ vững đức tin. Giờ đây giáo phận đã có 42 linh mục. Như thế, lúc này không chỉ là giữ đạo, mà phải là thời của truyền đạo, thời của loan báo Tin Mừng một cách nhiệt thành.

Lễ truyền chức hôm nay diễn ra tại Trung Tâm Thánh Mẫu. Nhìn lên tượng Đức Mẹ ban ơn tại trung tâm, tôi thấy Mẹ đang giang rộng cánh tay, mở rộng trái tim ban ơn cho cả cộng đoàn hiện diện. Mẹ có nhiều cách ban ban ơn, nhưng chắc chắn một trong những cách đó là Mẹ muốn ban ơn qua những đôi tay của các tân linh mục. Mẹ thầm mong các tân linh mục mở rộng lòng, giang rộng đôi tay để cử hành bí tích, để chúc lành, để phục vụ, để cho đi tất cả yêu thương.

Người Việt thường tin rằng: Đầu năm gặp xui, cả năm xúi quẩy; đầu năm đón lộc, cả năm may lành. Vậy thì, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2008, giáo phận Bắc Ninh đã vui mừng đón nhận “lộc” Trời ban: 8 tân linh mục. Hi vọng những “chồi lộc” thánh ân này sẽ trở thành những cây xanh tươi tốt sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho muôn người chung hưởng. Tin tưởng rằng, ngày đầu năm mới đón lộc chỉ là khởi điểm của cả một năm Bắc Ninh đón nhận nhiều phúc lộc, vui hưởng nhiều ơn lành hơn nữa.

Ngày 2.1.2008, ngày liền sau hôm lễ truyền chức, tất cả 8 tân linh mục đều cùng dâng lễ tạ ơn tại quê hương mình vào lúc 9 giờ sáng. Như thế, có thể nói, khắp mọi nơi trong giáo phận Bắc Ninh từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn tới thành thị đều cùng vang lên lời tạ ơn Thiên Chúa, đều cùng chung hưởng một niềm vui trọng đại.

Xin chúc mừng 8 tân linh mục! Ước mong cho đời linh mục dâng hiến luôn chan chứa niềm vui như một lễ truyền chức kéo dài. Cảm tạ Thiên Chúa đã trao ban những tân linh mục như những quà tặng quí giá cho giáo phận Bắc Ninh. Tin rằng, với lòng hi sinh phục vụ chan chứa tin yêu, các tân linh mục sẽ trở thành những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.
 
Nhà Nước Sơn La: "Sơn La không có nhu cầu tôn giáo"!!!
An Dân
16:28 01/01/2008
NHÀ NƯỚC “SƠN LA!!!”

Đọc bài “Noel buồn tại Sơn La” của tác giả Hà Thạch và bài của Giuse Lương Văn Tuấn, tôi cũng buồn, nhưng lại chẳng ngạc nhiên, bởi tỉnh Sơn La từ trước tới nay vốn là tỉnh có chính sách đàn áp tôn giáo một cách bài bản và có hệ thống nhất, bất chấp các qui định của Hiến Pháp và luật pháp về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

1. Những qui định thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản pháp qui về quyền tự do tín ngưỡng

Công an và quân đội đàn áp giáo dân Sơn La
- Điều 26, Hiến Pháp 1959, ra ngày 31.12.1959, trong chương III: qui định về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, viết: “Công dân Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

- Điều 70, Hiến Pháp năm 1992, kế thừa Hiến Pháp 1946, 1959, 1980, tái khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tín ngưỡng tự do tôn giáo...”

- Sắc lệnh 234/SL, ngày 14/6/1955, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, chương I, nêu rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm tới quyền tự do ấy”.

- Nghị quyết số 297/CP, ngày 11.11.1977 của Hội đồng Chính phủ, về một số chính sách đối với tôn giáo, quả quyết: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân...”

- Nghị định 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 và Nghị định 26/1999/NĐ-CP, cùng nhất loạt khẳng định: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, cũng đã nêu rõ: “Công dân có tín ngưỡng cũng như tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các sinh hoạt lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý mà mình tin theo...”

2. Sơn La và chiến dịch đàn áp, tuyên truyền bôi nhọ Kitô giáo.

Bất chấp các qui định đã được ghi trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật trước đây cũng như bây giờ, tỉnh Sơn La luôn đi đầu trong công tác triệt hạ tôn giáo.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, cần thiết phải nhắc lại ở đây một chút lịch sử hình thành các cộng đoàn công giáo đang hiện diện tại tỉnh Sơn la. Theo thống kê của Hội thừa sai Balê thực hiện vào năm 1939, thì thời đó đã có các thừa sai làm tuyên uý cho vùng Sơn La – Lai Châu. Công việc phục vụ của các thừa sai chủ yếu là dành cho các quân nhân và gia đình quân nhân. Tuy nhiên, không có con số thống kê cụ thể số các tín hữu của giai đoạn này. Từ đó đến nay, số tín hữu công giáo không ngừng gia tăng. Hiện nay, theo ước tính của chúng tôi số tín hữu công giáo đang sinh hoạt tôn giáo tại Sơn La vào khoảng 3000 người, không kể những người vì không trụ lại được sau những cuộc đàn áp tôn giáo, nay đã “tạm thời nghỉ đạo”, và rất nhiều người còn “chưa dám xưng mình có đạo”. Trong số các tín hữu còn thực hành đạo, có khoảng 2000 tín hữu người Kinh gốc dưới xuôi lên Sơn La làm ăn kinh tế, một số khác lên Sơn La diện “đi làm kinh tế mới” theo chương trình của Chính phủ và khoảng 1000 anh chị em người H’Mông, có đạo từ khoảng hơn hai mươi năm nay.

Trước năm 2004, nghĩa là trước khi “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” ra đời, các tín hữu công giáo người Kinh tại Sơn La, do sự cấm cách ngặt nghèo, nên chỉ dám bày tỏ đức tin cách âm thầm tại tư gia. Mỗi năm đôi lần, họ về quê tham dự các nghi thức thánh. Từ khi “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” ra đời, nhận thấy chính sách nhà nước về tôn giáo đã cởi mở và thông thoáng hơn, các cộng đoàn dần hình thành. Ban đầu là những nhóm nhỏ, sau lớn hơn. Sau một thời gian sinh hoạt ổn định, cuối năm 2005, các cộng đoàn công giáo tại Sơn La đã chính thức đệ đơn lên các cấp chính quyền, đăng ký được phép sinh hoạt công khai theo như Pháp lệnh đã qui định. Cũng trong giai đoạn này, nhiều lần Toà Giám mục Hưng Hoá đã gửi công văn tới Chính quyền Sơn La “đề nghị cho các linh mục lên làm việc mục vụ tại Sơn La” , nhưng đều bị Chính quyền Sơn La từ chối với một lý do lãng nhách: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chính sách đàn áp tôn giáo ở Sơn La chia làm hai thời kỳ: trước khi có Pháp lệnh và sau khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời. Thời kỳ nào thì việc đàn áp tôn giáo tại Sơn La cũng diễn ra một cách quyết liệt.

Trước khi Pháp lệnh tín ngưỡng ra đời, Đối tượng đàn áp chủ yếu mà chính quyền Sơn La nhắm triệt tiêu là các tín hữu công giáo H”Mông. Tại một số bản làng chúng tôi đến, điều dễ nhận thấy là, ngay giữa bản luôn hiện hữu một đồn biên phòng với chức năng duy nhất: “Cấm đạo”. Điều này chính các chiến sĩ biên phòng nói với chúng tôi. Ngoài việc, luôn có các chiến sĩ biên phòng thường trực tại bản, tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức các chiến dịch đàn áp tôn giáo một cách qui mô, từ việc dỡ bỏ bàn thờ, khủng bố, đe doạ bỏ tù và nhất là cắt hết mọi nguồn trợ cấp kinh tế, không chấp nhận cho vay vốn xoá đói giảm nghèo... Những người kiên quyết không bỏ đạo, thì chính quyền thường xuyên mời lên uỷ ban, đe doạ và áp dụng những hình phạt như: đánh đập, quỳ gối trong tư thế giang hai tay... như cán bộ nói là để “giống Chúa Giêsu”.

Sau khi pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ra đời, thay vì có những thay đổi cho thích hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo, chính quyền Sơn La gia tăng sự đàn áp không chỉ đối với các tín hữu Công giáo, Tin lành người H”Mông mà ngay cả các tín hữu người Kinh đang làm ăn sinh sống tại tỉnh này. Ngoài việc ngăn cản không cho các tín hữu Công giáo tự do sinh hoạt thờ tự, chính quyền tỉnh Sơn La còn mở cả một chiến dịch lớn, quy mô, vừa thuyết phục giáo dân bỏ đạo, vừa tuyên truyền vận động các đoàn thể nhân dân chống lại người công giáo, gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa những người lương dân và người công giáo. Tại các trường học, chính quyền áp lực với các giáo viên nêu danh sách các em học sinh công giáo trước toàn trường và công bố hình phạt nếu các em không bỏ đạo... Tại các tiểu khu, chính quyền đến từng gia đình trong tiểu khu vận động các gia đình không có đạo chống lại gia đình có đạo...

Hỗ trợ cho chiến dịch đàn áp này, tháng 6 năm 2006, Ban Dân vận tỉnh uỷ đã ban hành một tập tài liệu phổ biến rộng rãi trong toàn dân, với tiêu đề: “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách tôn giáo của Nhà nước” . Mục đích của tập tài liệu này cốt để huy động toàn dân tham gia vào “công tác triệt hạ tôn giáo”. Tập tài liệu nêu rõ:

“Ở Sơn La, từ xưa tới nay, các tổ chức hoạt động tôn giáo đều trái phép vì không thoả mãn những nội dung cơ bản sau: giáo lý, giáo luật, chức sắc, nghi lễ, cơ sở vật chất như nhà thờ, chùa chiền... Tôn giáo ở Sơn La chưa đủ điều kiện để hoạt động.”

Phần ba của tập tài liệu nói về “Tác hại của hoạt động tôn giáo trái phép ở Sơn La” mới đáng quan tâm. Tập tài liệu viết:

“Hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở một số nơi (chủ yếu là Công giáo và Tin lành) đã và đang làm tổn hại đến truyền thống đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, nó trực tiếp gây chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo ngay trong từng gia đình, trong từng bản, từng dòng họ, làm băng hoại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, bỏ thờ cúng tổ tiên ông bà, người sinh thành dưỡng dục mình để thờ Chúa Giêsu; và ảnh hưởng xấu tới quan hệ thân tộc.

Bản thân người theo đạo phải mất rất nhiều thời gian lao động nhất là vào mùa vụ gieo trồng, bởi vì ngày chủ nhật là ngày “nghỉ xác” không làm việc chỉ có làm việc đạo.

Hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở một số nơi bước đầu đã làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở, làm giảm uy tín của trưởng bản, trưởng dòng họ.”


3. Nhà nước Sơn La!!!

Không cần bàn luận về tập tài liệu này, bởi tự bản chất, tập tài liệu không chỉ đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước Cộng sản, mà nó còn “vi hiến” một cách trắng trợn và nghiêm trọng. Nó cho thấy có một “Nhà nước Sơn La” tự trị, bất chấp các qui định của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bất chấp các qui định của luật pháp Việt Nam liên quan tới các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo.

Điều dễ nhận thấy là tập tài liệu đã để lại những di chứng nặng nề, tạo nên một dư luận xã hội không tốt về chính sách của Nhà nước về tôn giáo, và nhất là tập tài liệu đã gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa người lương và người theo đạo, gây nên sự hiểu lầm giữa các đảng viên cộng sản với một bộ phận dân chúng; biến những vị cán bộ - đầy tớ nhân dân, trở thành những ông quan hách dịch, ngu muội trong nhận thức, điên cuồng trong các chiến dịch đàn áp tôn giáo tại tỉnh này. Dịp Giáng sinh vừa qua là một minh chứng cụ thể. Khi tôi đang viết những dòng này thì được biết em Nguyễn Thị Xuân, vừa bị Ban giám hiệu Trường phổ thông Trung học Cò Nòi mời lên Ban Giám hiệu làm việc theo đề nghị của uỷ ban nhân dân xã Cò Nòi, vì đã dám “chơi đàn” trong đêm Giáng Sinh 2007 vừa qua.

Hiện nay, có một dư luận tại tỉnh Sơn La cho rằng: “ông Thào Xuân Sùng – một người H’Mông - Bí thư tỉnh uỷ, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, thực chất là một “vua Mèo” mới, chính phủ biết ông làm bậy nhưng chẳng làm ‘chó’ (xin lỗi dân người ta nói vậy) gì được!!!”.

Tôi nghĩ chính phủ làm được, nếu chính phủ thật có tâm và có lòng với những anh em vùng cao, những người đang chịu cảnh đàn áp, ức hiếp của công quyền. Tôi nghĩ rằng, chính phủ cần phải làm gấp để tránh những hậu quả đáng tiếc khác có thể xảy ra, giúp xã hội Việt Nam ổn định, nhất là để người dân đừng nghĩ rằng: “Cái Thông tư của thủ tướng đề nghị chính quyền Sơn La tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng lại là cái Thông tư cấm đạo” như ông bạn của Hà Thạch đã nghĩ.

Ngày 1/1/2008
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ưu Tư Của Một Giáo Dân Hà Nội Đầu Năm 2008
Thế Linh
15:04 01/01/2008
HÀ NỘI -- Tối nay 1.1.2008 khi tôi nghe đài RFI loan báo Việt Nam chính thức trở thành Thành Viên Không Thường Trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi không khỏi bật cưòi. Cười một cách chua cay! Vâng đúng thế. Xin có một dụ ngôn sau đây:

Có một ông trong khu phố luôn đánh đập chửi bới vợ con. Ông nhu nhược chẳng giám bảo vệ vợ con khỏi những bọn lưu manh côn đồ trong khu phố. Nhưng oái ăm thay nực cười thay ông được bầu làm thành viên bảo vệ an ninh trật tự trong phường. Ông sẽ giải hòa và can thiệp khi có đánh nhau ẩu đả trong khu phố. Ôi ông bảo an khu phố tội nghiệp! Ông tham gia vào việc công ích hoàn toàn ngược lại những gì ông đang làm trong gia đình ông. Trưóc hết xin hãy trở thành ngưòi bảo an, ngưòi cha ngưòi chồng tốt trong gia đình ông đã!

Vâng đúng thế, Việt Nam cũng như vậy đấy! Riêng với giới Công Giáo chúng tôi, với những tin đã đưa: chính quyền Việt Nam kỳ thị, chèn ép và đàn áp những ngưòi trong nhà mình, những người con trong nhà mình. Những người Công Giáo ở Sơn La, Điện Biên Phủ, họ làm gì nên tội. Họ không chống đối nhà nước, làm gián điệp phản bội tổ quốc. Vậy mà tại sao công an nhà nước đàn áp đánh đập họ khi họ tụ họp để mừng lễ Phục Sinh (tháng 4 vừa qua) và lễ Giáng Sinh vừa qua. Các linh mục Địa Phận Hưng Hóa cho biết rằng Lễ Phục Sinh vừa qua công an hành hung ông giáo dân, người cho mượn nhà của mình để giáo dân tụ họp mừng lễ. Ở đây không có nhà thờ vì tỉnh Sơn La và Điện Biên Phủ trả lời Toà Giám Mục Hưng Hóa rằng hai tỉnh này không có nhu cầu về tôn giáo, nghĩa là không có ngưòi có công giáo! Vậy mà một lúc có hàng trăm giáo dân tụ họ trước Ủy Ban để đòi thả cha Thoại ra.

Ở Hà Nội, nhà nưóc chiếm Tòa Khâm Sứ của giáo phận để bán phở, mở ngân hàng, để thể duc thẩm mỹ và nhảy nhót ầm ỹ mà vẫn còn không chịu trả lại cho giáo phận để dùng phục vụ hàng trăm ngàn ngưòi về đạo đức tâm linh. Nhà nưóc làm gì có biện pháp nào tăng cường đạo đức cho giới trẻ. Nhà nưóc bó tay trưóc nạn xì ke ma tuý. Có trưòng học nào của nhà nưóc dạy con em chúng tôi đạo đức làm ngưòi đâu. Công giáo chúng tôi chỉ cậy dựa vào Giáo Hội là nơi duy nhất dạy đạo đức cho chúng tôi nhất là cho con em chúng tôi. Chính nhà nưóc cũng công nhận rằng ở những vùng công giáo tệ nạn xã hội giảm hẳn.Vậy mà nhà nưóc vẫn coi công giáo (10% dân số) như diện đáng chú ý có mầm mống phản động. Nhà nưóc vẫn tiếp tục chèn ép chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn sống an lành thờ phượng Chúa và xây dựng đất nước.

Đài RFI bình luận thật đúng, họ e ngại rằng “Việt Nam chỉ chuyên đi đánh chiếm nước ngưòi ta như Campuchia có bao giờ đi bảo vệ hòa bình bao giờ đâu mà bây giờ có thể làm quen với việc bảo vệ hòa bình trên thế giới.” Tôi xin đưọc tiếp lời rằng Việt Nam có bao giờ xây dựng hòa bình công bằng bình đẳng trong nưóc đâu. Việt Nam làm gì có khái niệm gì về nhân quyền và tự do tôn giáo cho người dân đâu mà giờ đây đi bảo an cho thế giới. Các cấp chính quyền và công an của Việt Nam không có tình người với những người dân trong nước thì làm sao họ có thể phát triển tình người tình huynh đệ trên thế giới. Vụ Sơn La và vụ Toà Nhà Khâm Sứ vừa qua là một trong muôn ngàn bằng chứng. RFI lo hộ cho Việt Nam sẽ bỏ phiếu thế nào với vai trò quốc tế của mình ví dụ trong vụ chính phủ độc tài Miến Điện đàn áp biểu tình của các nhà sư vừa qua.

Lãnh thổ của mình còn chẳng bảo vệ được vẹn toàn mà còn dám đi bảo vệ gìn giữ an ninh cho nước khác.
 
Hà Nội ơi, Xin cứ lên tiếng cho Công Lý và Hoà Bình!
Bs Vũ Linh Huy
16:16 01/01/2008
Hà Nội ơi,
Xin cứ lên tiếng cho Công Lý và Hoà Bình!


Nến sáng tin yêu đã rạng ngời;
Tiếng đòi Công Lý vọng khắp nơi!
Nhân dân cả nước cùng trông đợi;
Bè bạn năm châu quyết góp lời!
Bao năm giữ đạo trong sợ hãi,
Giờ đây thắp nến đứng giưã trời!
Đẹp thay khí phách Dân Thánh Chúa,
Sát cánh bên nhau, đẹp tuyệt vời!

Sát cánh bên nhau, đẹp tuyệt vời,
Biểu lộ Đức Tin giưã trần đời,
Chê cười, khinh dể, ta chẳng sợ;
Thẩm tra, doạ nạt, quyết không lui!
Hoà Bình, ta giữ, dù khiêu khích,
Công Lý, ta đòi, được mới thôi!
Hỡi ai mê ngủ trong quyền lực,
Tỉnh dậy ngay đi, kẻo muộn rồi!

Boston, ngày 1 tháng 1 năm 2008
Ngày Tôn Vinh Mẹ Thiên Chuá
Ngày Hoà Bình Thế Giới

Kính tặng Đức Tổng Giám Mục,
Quý Cha, Quý Dì, Quý Thày,
cùng toàn thể Cộng Đồng Dân Thánh Chuá Hà Nội.
 
Ngày đầu năm, trước Tòa Khâm Sứ Hà Nội: Phố Cầu Nguyện với trên 2000 người giữa thủ đô vô thần
Nhóm phóng viên VietCatholic
17:45 01/01/2008
HÀ NỘI -- Trưa ngày 01.01.2008, phố Nhà Chung đã biến thành nhà thờ. Khoảng trên 2000 người đã tụ họp cầu nguyện tại đây. Các cảnh sát đã chặn đầu phố hướng dẫn xe cộ lưu thông theo hướng khác giúp giáo dân biến lòng đường thành nguyện đường. …

Sau thánh lễ tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội, vị linh mục mời gọi: “Năm mới chúng ta có nhiều ước vọng (…) Một trong những ước vọng cháy bỏng nhất là chúng ta xin lại được nhà đất toà khâm sứ. Để cho điều ấy trở thành hiện thực, chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động. Chúng ta hành động chứ không bạo động. Vì thế giờ đây quý cha quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân chúng ta đi sang Toà Khâm Sứ cầu nguyện”.

Đi đầu là thánh giá nến cao và hơn 20 cha đồng tế. Tiếp theo là mấy trăm chủng sinh, nữ tu và hàng nghìn giáo dân. Nhiều người ở bên ngoài nhà thờ, hai bên lối đi Toà Giám Mục đứng đón đoàn cầu nguyện.

Mọi người bắt đầu rầm rập tiến bước. Những bước đi dứt khoát và đầy tự tin. Có linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân. Có già có trẻ có lớn có bé. Có người Việt cũng như người ngoại quốc. Chúng tôi thấy có nhiều người Tây Phương, người Phi Châu và cả một nhóm rất đông người Hàn Quốc.

Khi đoàn linh mục, chủng sinh và tu sĩ vừa qua khỏi sân Nhà Thờ Lớn, đông đảo giáo dân đã tràn xuống quảng trường Nữ Vương Hoà Bình trước Nhà Thờ Lớn đi ngược phố Nhà Chung sang khu vực Toà Khâm Sứ.

Toà Khâm Sứ đã khoá cổng. Sau cổng còn đặt rất nhiều tảng bê tông lớn hình khối. Do đó đoàn người tràn xuống lòng lề đường. Phố Nhà Chung bỗng chốc tràn ngập người. Xe cộ không thể tiếp tục lưu thông. Lối đi không kệt vì đã có rất đông cảnh sát có mặt kịp thời để chặn đầu phố, hướng dẫn lưu thông đi hướng khác, bảo đảm sự trật tự và thánh thiêng của giờ cầu nguyện. Hoan hô các anh cảnh sát giao thông! Một cách chân thành chưa bao giờ thấy các anh công an cảnh sát tuyệt vời như hôm nay ở đây: giữ trật tự cho giáo dân cầu nguyện.

Các bảo vệ bên trong Toà Khâm Sứ đứng lùi vào một góc xa để quan sát. Các nhân viên an ninh mặc thường phục co cụm một chỗ để chụp hình, chỉ trỏ các đối tượng của mình và bàn tán. Hàng trăm máy quay phim và chụp hình của đủ các bên hoạt động với công suất tối đa. Nhưng không ai có thể chụp được toàn cảnh vì bị chìm trong biển người gần như bất động và đang chăm chú vào việc cầu nguyện, say xưa với lời kinh tiếng hát của mình.

Chúng tôi có cảm giác mình đang đứng trong nhà thờ. Đuờng phố là lòng nhà thờ. Tường rào sắt là bao lơn của cung thánh. Bàn thờ là gốc đa nơi có thánh giá và tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Nơi đây đang hiện diện đủ các thành phần của cộng đồng dân Chúa để thờ phượng sốt sắng trong ngày đầu năm nắng đẹp và rét ngọt. Phố xá được lời kinh thánh hoá bỗng chốc trở nên thật thơ mộng và thanh bình, không còn chút gì là xô bồ náo loạn của ít phút trước đó.

Cộng đoàn cầu nguyện khoảng nửa tiếng thì kết thúc vào lúc khoảng gần 12 h trưa. Ai cũng thấy hơi ngắn. Nhiều người xuýt xoa giá mà buổi cầu nguyện kéo dài thêm được nữa. Sau lời “lễ xong chúc anh chị em đi bình an- Tạ ơn Chúa”, chúng tôi thấy đoàn người giải tán trong trật tự. Xe cộ chưa được phép lưu thông. Phố xá bỗng chốc vắng lặng kinh người. Chỉ còn các nhân viên an ninh và bảo vệ ngơ ngác vì vừa thoát khỏi sự căng thẳng khi phải nghe những lời kinh tiếng hát du dương, ngọt ngào, êm ái nhưng rực nóng một tình yêu và rực cháy một niềm tin.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vấn-Đề Chủ-Quyền Đối với Hai Quần-Đảo Hoàng-Sa Và Trường-Sa
Tạ Quốc Tuấn
09:48 01/01/2008
Vấn-Đề Chủ-Quyền Đối với Hai Quần-Đảo Hoàng-Sa Và Trường-Sa:
Vài Nhận-Xét Về Lập Luận Của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan

Tạ-quốc-Tuấn

Cuộc tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đã kéo dài hơn bốn chục năm rồi. Ngoại trừ trận đụng-độ lớn giữa hải-quân Việt-nam Cộng-hòa và hải-quân Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974, trong đó Trung-Cộng với một lực-lượng lớn hơn lại không bị phân-tán cũng như suy-yếu vì nội-chiến nên đã cưỡng-chiếm được quần-đảo này, và một trận nổ súng nhỏ ngày 14.3.1988 tại vùng quần-đảo Trường-sa giữa hải-quân của hai nước cộng-sản Việt-nam và Trung-hoa, phần nhiều sự tranh-chấp đều diễn ra dưới hình-thức tranh-biện qua các lời tuyên-bố, thông-cáo, văn-thư hay bạch-thư của các chính-phủ Việt-nam và Trung-hoa thuộc cả hai phe quốc-gia và cộng-sản. Ngoài ra, còn có nhiều bài báo, biên-khảo hay sách viết về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của một số học-giả, nhà văn, nhà báo hai bên nữa.

Để biện-minh hành-động xâm-lăng của mình năm 1974 trái với tinh-thần của bản Hiến-chương Liên-hiệp-quốc mà Trung-Cộng từ khi gia-nhập vào tháng 10 năm 1971 đã cam-kết tôn-trọng và bảo-vệ, Trung-Cộng đã nại cớ hai quần-đảo Hoàng-sa (hay là Tây-sa trong từ-ngữ Trung-hoa) và Trường-sa (Trung-hoa gọi là Nam-sa) vốn từ lâu là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc nhưng đã bị Nhật-bản xâm-chiếm trong Thế-chiến II và đã được chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc thu hồi lại năm 1946, sau khi trận chiến này chấm dứt. Trung-hoa Dân-quốc cũng đã phụ-họa sự biện-minh này. Các luận-cứ của Trung-Cộng còn được nhiều tài-liệu ngoại-quốc nhắc đi nhắc lại.

Trong bài này chúng tôi sẽ đưa ra những nhận-xét về các luận-cứ của các giới trong chính-phủ Trung-hoa, quốc-gia lẫn cộng-sản, đã cố-gắng chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Tuy các phe tranh-chấp gồm có Việt-nam (trước là Việt-nam Cộng-hòa, sau là Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam), Trung-quốc (cả Trung-hoa Dân-quốc lẫn Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc), Phi-luật-tân, và gần đây lại còn thêm cả Mã-lai-á, Brunei, v.v..., nhưng hai phe tranh-chấp chính là Việt-nam và Trung-hoa. Chúng tôi không nghiên-cứu luận-cứ của Việt-nam vì nhiều người đã làm việc này rồi, Trái lại, chúng tôi chỉ cứu-xét luận-cứ của Trung-quốc thôi, vì ngoài lý-do Trung-quốc là một trong hai phe tranh-chấp chính ra mà còn vì lý-do là dù là quốc-gia hay cộng-sản, Trung-quốc vẫn có một ảnh-hưởng và một thế-lực quan-trọng tại Đông-nam Á-châu.

Mặt khác, chúng tôi cũng giới-hạn thời-gian nghiên-cứu vào từ sau trận Thế-chiến thứ II trở lại đây thôi, không đề-cập tới thời-gian trước đó. Chỉ từ khi vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa được đề-cập tới trong một hiệp-ước quốc-tế, Hoà-ước Cựu-kim-Sơn ký ngày 8 tháng 9 năm 1951, nhất là từ khi người ta tìm thấy có nhiều túi dầu rất quan-trọng ở trong vùng này, sự tranh-chấp chủ-quyền mới trở nên ngày một mạnh. Thêm vào đó là biến-cố Đảng Cộng-sản Trung-quốc nắm được chính-quyền ở Hoa-lục ngày 1.10.1949, đã làm sôi-động chính-trường quốc-tế, nhất là ở vùng Đông-Á và Đông-nam Á-châu, từ thập-niên 1950 trở đi.

Sau hết, bài này chỉ cứu-xét các luận-cứ chính-thức của cả hai chính-phủ Trung-Cộng và Đài-loan thôi. Luận-cứ của các nhân-vật hay cơ-quan ngoài chính-quyền sẽ là đối-tượng của một bài nghiên-cứu khác.

Các tài-liệu sử-dụng trong bài này nếu là của chính-phủ đều phát-xuất từ Bắc-kinh hay Đài-bắc. Nếu có nguyên-bản Hoa-văn thì chúng tôi dùng làm tài-liệu chính; nếu không, chúng tôi dùng bản dịch Anh-ngữ cũng của hai chính-phủ đó. Trong trường-hợp không có hai loại tài-liệu này, chúng tôi căn-cứ vào bản dịch Anh-ngữ của nhiều nguồn khác, nhất là của Tòa Tổng Lãnh-sự Hoa-kỳ tại Hương-cảng (như các nhà nghiên-cứu các vấn-đề Hoa-lục đã dùng trước năm 1971) hay của các đài phát-thanh Hoa-kỳ, Anh-quốc, v.v...

Vì sử-dụng các tài-liệu thuộc nhiều loại khác nhau như vậy nên không có sự thuần-nhất trong việc ghi chép nhiều địa-danh và đặc-biệt là nhân-danh Trung-hoa. Chúng tôi cố-gắng ghi các từ đó bằng Việt-ngữ. Tuy nhiên khi không biết rõ một từ viết bằng Hoa-ngữ như thế nào, chúng tôi sẽ không ghi bằng Việt-ngữ vì sợ có thể ghi sai và bắt-buộc giữ lại lối ghi âm trong tài-liệu mà chúng tôi dùng. Lối ghi âm này có khi là bằng pinyin (phan-âm) được dùng ở Hoa-lục hay trong các tài-liệu của các người hay cơ-quan ngoại-quốc biên-soạn từ thập-niên 1980 trở đi, hoặc bằng phương-pháp Wade-Giles hiện vẫn được dùng trong phần lớn các tài-liệu phát-xuất từ Đài-loan hoặc của các tác-giả thuộc phe Trung-hoa Dân-quốc cũng như trong các tài-liệu ngoại-quốc trước thập-niên 1980.

Ngoài ra, có một số danh-từ riêng hay địa-danh mà người Trung-hoa dùng khác người Việt-nam. Trong tài-liệu này, khi đứng về phương-diện Trung-quốc, chúng tôi sẽ dùng các từ theo lối của người Hoa, còn khi đứng về phương-diện Việt-nam chúng tôi dùng các từ theo người Việt.

Chẳng hạn người Hoa nói Tây-sa, Nam-sa, Nam-hải (hay Nam Trung-quốc-hải), Quốc-vụ Viện (Trung-Cộng), Hành-chính Viện (Đài-loan), v.v..., còn người Việt lại nói Hoàng-sa, Trường-sa, Đông-hải (hay biển Đông), Chính-phủ...

Nhận-xét về các luận-cứ

Luận-cứ của các chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc (gọi tắt là Đài-loan) và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc (tức Trung-Cộng) thường được phát-biểu những khi có một biến-cố hay sự việc nào có liên-quan tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

I. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino (1951)

Năm 1945 Nhật-bản bị các nước Đồng-minh đánh bại ở Thái-bình-dương phải đầu-hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ-bỏ các đất-đai ở ngoại-quốc mà Nhật-bản đã chiếm được trong thời-kỳ toàn-thịnh của chế-độ quân-phiệt, trong đó có hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Bốn năm sau, Đảng Cộng-sản Trung-quốc chiếm được toàn-thể Hoa-lục và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc ra chào đời ngày 1.10.1949, còn chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc phải lánh nạn sang Đài-loan. Với hai biến-cố trọng-đại này vấn-đề tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bắt đầu bước vào giai-đoạn mới.

Lần đầu tiên Trung-Cộng chính-thức lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1951 Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino đã tuyên-bố là vì quần-đảo Trường-sa ở kế-cận quần-đảo Phi-luật-tân nên nó phải thuộc về Phi-luật-tân. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 5, Bắc-kinh đã có phản-ứng. Chính-phủ Trung-Cộng tuyên-bố như sau:

"Lời tuyên-truyền vô-lý của Chính-phủ Phi-luật-tân đối với lãnh-thổ của Trung-quốc rõ-ràng là sản-phẩm chỉ-thị của Chính-phủ Hoa-kỳ. Bọn khiêu-khích Phi-luật-tân và những kẻ Hoa-kỳ ủng-hộ chúng phải bỏ ngay mưu-đồ mạo-hiểm đó đi, nếu không thì hành-động này có thể đưa tới những hậu-quả nghiêm-trọng. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại-bang nào xâm-lược quần-đảo Nam-sa hay bất cứ đất-đai nào khác thuộc về Trung-quốc."(1)

Tuy nhiên Trung-Cộng chỉ nói qua-loa như vậy thôi chứ không đưa ra được một bằng-chứng nào, dù là lịch-sử hay pháp-lý, cho thấy Trường-sa thuộc quyền Trung-hoa làm chủ. Sự thiếu-sót này kéo dài cho tới hiện-tại.

II. Dịp có Hoà-hội Cựu-kim-sơn (1951)

Đến đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính-phủ Hoa-kỳ, năm mươi mốt quốc-gia trước kia đã từng tham-gia hay có liên-hệ tới cuộc chiến chống xâm-lăng Nhật-bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham-dự Hội-nghị Hoà-bình nhóm họp ở Cựu-kim-Sơn (Hoa-kỳ) để thảo-luận vấn-đề chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh và tái-lập bang-giao với Nhật-bản. Điểm đáng chú-ý là cả hai phe Quốc-gia và Cộng-sản Trung-hoa đều không được mời tham-dự hội-nghị. Trong hội-nghị, vấn-đề chính là thảo-luận bản dự-thảo hòa-ước do hai nước Anh và Hoa-kỳ đề-nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại-trừ Liên-sô và một số nước đàn em, các nước tham-dự hội-nghị đã ký hòa-ước với Nhật-bản(2).

Vì thấy mình bị Hoa-kỳ gạt ra ngoài hoà-hội, các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh, ngay từ cuối năm 1950, đã có phản-ứng. Một mặt họ ra một số tuyên-bố chính-thức, mặt khác họ cho phép đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung-Cộng tham-dự hoà-hội và để trình-bày quan-điểm của Bắc-kinh về một số vấn-đề cần phải được thảo-luận, trong đó có vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Vì giới-hạn của đề-tài, ở đây chúng ta chỉ xét tới các luận-cứ của chính-phủ Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền này thôi.

Ngày 4.12.1950 Châu Ân-lai, lúc đó là Bộ-trưởng Ngoại-giao, trong bản tuyên-bố đầu tiên của chế-độ, đã nêu ra căn-bản chính để ký một hoà-ước với Nhật-bản:

"Bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc-gia trong œy-hội Viễn-đông thỏa-thuận và thông-qua ngày 19.6.1947 -- các văn-kiện quốc-tế mà Chính-phủ Hoa-kỳ đã ký-két là căn-bản chính cho một hòa-ước liên-hợp với Nhật-bản."(3)

Châu Ân-lai còn nói thêm:

"Nhân-dân Trung-quốc rất ước muốn sớm có một hoà-ước liên-hợp với Nhật-bản cùng với các quốc-gia đồng-minh khác trong thời-kỳ Thế-chiến thứ hai. Tuy nhiên căn-bản của hoà-ước phải hoàn-toàn thích-hợp với bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng được qui-định trong các văn-kiện này."(4)

Tuy bản tuyên-bố trên của Trung-Cộng không đề-cập đến vấn-đè chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa mà chỉ đề-cập tới các vấn-đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan-điểm chính-yếu của Bắc-kinh nên chúng ta cần phải nghiên-cứu kỹ nó cùng với bản tuyên-bố ngày 15.8.1951 là tuyên-bố chính-thức của Bắc-kinh về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để tìm hiểu giá-trị các luận-cứ của Trung-Cộng.

Thực vậy, khi nghiên-cứu dự-thảo hoà-ước Cựu-kim-sơn của Anh-Mỹ gửi cho các quốc-gia được mời tham-dự hoà-hội, Chính-phủ Trung-Cộng thấy điều 2 của bản dự-thảo này không qui-định là hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản từ-bỏ phải dược trao cho quốc-gia nào. Vì thế ngày 15.8.1951, sau khi đề-cập tới quan-điểm của Trung-Cộng về từng vấn-đề một được nêu trong bản dự-thảo(5), Châu Ân-lai đã tuyên-bố:

"... Dự-thảo Hiệp-ước qui-định là Nhật-bản sẽ từ-bỏ mọi quyền đối với đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel), nhưng lại cố ý không đề-cập tới vấn-đề tái-lập chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Thực ra, cũng như các quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Đông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật-bản chiếm đóng trong một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những đảo này.

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa do đó tuyên-bố: dù Dự-thảo Hiệp-ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều-khoản về vấn-đề này hay không và dù các điều-khoản này có được soạn-thảo như thế nào, chủ-quyền bất-khả xâm-phạm của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trên đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) sẽ không vì thế mà bị ảnh-hưởng."(6)

Họ Châu sau đó kết-luận vấn-đề này bằng cách phủ-nhận giá-trị bất cứ một thỏa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Bắc-kinh:

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa một lần nữa tuyên-bố: Nếu không có sự tham-dự của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trong việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký hòa-ước với Nhật-bản dù nội-dung và kết-quả một hiệp-ước như vậy có như thế nào, Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương cũng coi hòa-ước ấy hoàn-toàn bất-hợp-pháp, và vì vậy sẽ vô-hiệu."(7)

Tuy rằng lời kết-luận này nhằm chung toàn-thể hòa-ước với Nhật-bản, nó cũng bao-trùm luôn cả vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Trong bản tuyên-bố này chúng ta nhận thấy có những điểm đáng chú-ý sau:

Thứ nhất, tuy tuyên-bố là đảo Nam-uy và quần-đảo Hoàng-sa lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc, Châu Ân-lai lại không nêu ra một chi-tiết nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với các đảo này.

Đành rằng trong một bản tuyên-bố chính-thức của chính-phủ không thể nào kể hết mọi chi-tiết hay dẫn-chứng, nhưng ít nhất nó cũng phải nêu ra một vài thí-dụ cụ-thể để hỗ-trợ lời tuyên-bố và để giúp người ngoại-cuộc có thể hiểu rõ một cách khách-quan hơn những điều được trình-bày trong bản tuyên-bố. Làm thế nào người ngoại-cuộc có thể thông-cảm và ủng-hộ lời tuyên-bố nếu nó không mang một chi-tiết nào, dù là nhỏ nhất, để giúp người ngoại-cuộc có thể kiểm-chứng tính-cách xác-thực và chân-thực của lời tuyên-bố? Nếu tuyên-bố chỉ để tuyên-bố thì lời tuyên-bố rất yếu. Chúng ta cũng nên biết rằng trong bản tuyên-bố này khi đề-cập đến các vấn-đề khác họ Châu đã nêu nhiều chi-tiết để chứng-minh hay biện-hộ.

Vì vậy sự không dẫn-chứng của Châu Ân-lai đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thật đáng cho chúng ta phải ngạc-nhiên và khiến chúng ta phải tự hỏi phải chăng vì biết Trung-Cộng quả không có một căn-bản nào vững-vàng, về pháp-lý cũng như về lịch-sử, để chứng-minh chủ-quyền này nên Trung-Cộng phải bỏ không viện-dẫn chứng-cớ?

Thứ hai, bản tuyên-bố này, cũng như các bản tuyên-bố khác sau này của Trung-Cộng, và cả của Đài-loan, đã đề-cập tới việc Chính-phủ Trung-hoa thu-hồi Hoàng-sa và Trường-sa sau khi Nhật-bản đầu hàng tháng 8 năm 1945.

Một câu hỏi được đặt ra: việc Chính-phủ Trung-hoa (khi đó là Trung-hoa Dân-quốc) thu-hồi hai quần-đảo này có phải là một hành-vi hợp-pháp không?

Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xẩy ra trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã chiếm Lâm-đảo thuộc quần-đảo Hoàng-sa, nói là để khai-thác thương-mại nhưng thực ra chính là để lập căn-cứ chiến-lược làm bàn đạp tấn-công vùng Đông-nam Á. Theo R. Serene thì "Năm 1938 Nhật-bản mượn cớ khai-thác thương-mại đã chiếm Lâm-đảo để bành-trướng sự kiểm-soát tới các đảo Cam-tuyền và Linh-côn..."(8). Rồi đến ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại-giao Nhật-bản ra một thông-cáo loan tin là ngày hôm trước, 30.3,

Nhật-bản đã quyết-định đặt quần-đảo Trường-sa duới quyền kiểm-soát của Nhật-bản vì lý-do tại đây đã thiếu một chính-quyền hành-chính địa-phương nên đã làm thiệt-hại đến quyền-lợi của Nhật-bản(9). Trong suốt thời-gian của trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã đóng quân trên hai quần-đảo này cho tới khi đầu hàng quân-đội Đồng-minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến-tranh đang ở mức-độ ác-liệt nhất thì các nhà lãnh-đạo tối-cao của Hoa-kỳ, Anh và Trung-hoa Dân-quốc đã bí-mật gặp nhau tại Cairo, thủ-đô nước Ai-cập, từ 23 đến 27 tháng 11(10) để thảo-luận các chiến-lược tiêu-diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Ngày 26, Tổng-thống Hoa-kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ-tướng Anh Winston Churchill và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc Tưởng Giới-thạch đã ký một bản tuyên-cáo chung (thường được gọi là Tuyên-cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau:

"Đối-tượng của các nước này [tức là của ba nước Đồng-minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật-bản trên tất cả các đảo ở Thái-bình-dương mà nước này đã cưỡng-đoạt hay chiếm-đóng từ khi có trận Thế-chiến thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh-thổ Nhật-bản đã cướp của người Trung-hoa, như là Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ, phải được hoàn trả Trung-hoa Dân-quốc. Nhật-bản cũng sẽ phải bị trục-xuất khỏi các lãnh-thổ khác ã chiếm được bằng võ-lực và lòng tham."(11)

Đọc đoạn trích-dẫn trên chúng ta thấy Tuyên-cáo Cairo có hai qui-định quan-trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ được qui-hoàn cho Trung-quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh-thổ khác mà Nhật-bản chiếm được thì bản tuyên-cáo này chỉ qui-định việc trục-xuất Nhật-bản thôi, chứ không hề nói tới việc qui-hoàn chúng cho Trung-quốc. Chỉ có điều đáng tiếc, và đó cũng là nguyên-nhân gây ra những vụ tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa sau này, là Tuyên-cáo Cairo đã không nói các lãnh-thổ khác ấy phải được qui-hoàn cho nước nào.

Quyết-định này đã được Tổng Thư-ký đảng Cộng-sản Liên-sô Joseph Stalin tán-thành. Trong một bữa ăn trưa công-tác giữa ông, Tổng-thống Roosevelt và Thủ-tướng Churchill tại Tòa Đại-sứ Liên-sô ở Tehran (Ba-tư) ngày 30.11.1943, khi Churchill hỏi ông đã đọc bản Tuyên-cáo Cairo chưa thì Stalin cho biết ông đã đọc rồi và còn nói thêm là mặc dù ông không thể cam-kết điều gì, ông hoàn-toàn tán-thành bản tuyên-cáo và tất cả những điều nói trong đó. Ông cho hay việc hoàn Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ lại cho Trung-quốc là phải(12). Ngoài ra, Stalin hoàn-toàn không hề nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một năm rưỡi sau, quyết-định của tam-cường tại Hội-nghị Cairo được tái xác-nhận trong một hội-nghị thượng-đỉnh tam-cường khác nhóm tại Potsdam từ 17.7 đến 2.8.1945 để ấn-định các điều-kiện cho Nhật-bản đầu hàng. Tổng-thống Hoa-kỳ, Thủ-tướng Anh (13) và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc đã ra một tuyên-ngôn (thường gọi là Tuyên-ngôn Potsdam) ngày 26.7.1945 trong đó có ghi là "Các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thi-hành"(14).

Tại hội-nghị Potsdam này các nhà lãnh-đạo tam-cường đã quyết-định chia Đông-dương làm hai khu-vực để cho tiện việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây. Vĩ-tuyến thứ 16 được chọn làm ranh-giới: việc giải-giới ở khu-vực bắc vĩ-tuyến ủy-thác cho Quốc-quân Trung-hoa và ở khu-vực phía nam do liên-quân Anh-„n đảm-nhận(15). Vì quần-đảo Hoàng-sa nằm ở giữa hai vĩ-tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải-giới quân-đội Nhật trú-đóng ở đây thuộc thẩm-quyền Quốc-quân Trung-hoa. Trái lại, việc giải-giới ở quần-đảo Trường-sa phải do liên-quân Anh-„n đảm-nhận do lẽ quần-đảo này nằm giữa hai vĩ-tuyến thứ 8 và 12.

Nhật-bản khi đầu hàng đã chịu điều-kiện qui-định trong bản Tuyên-cáo Cairo và ghi nhận trong Văn-kiện Đầu hàng ngày 2.9.1945(16). Đồng-thời, khi ra lệnh cho quân-đội Nhật-bản ở ngoại-quốc đầu hàng và nộp vũ-khí cho quân-đội Đồng-minh, Nhật-hoàng Hirohito đã ban-hành Tổng Mệnh-lệnh số 1, trong đó điều I khoản (a) qui-định là:

"Các tư-lệnh Nhật-bản và tất cả lục, hải-quân cùng các lực-lượng phụ-thuộc ở trên đất Trung-hoa (ngoại trừ Mãn-châu), Đài-loan và Đông-Pháp ở 16 độ bắc vĩ-tuyến đầu hàng Đại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch"(17).

Việc giải-giới quân-đội Nhật-bản của Quốc-quân Trung-hoa ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 được coi là bắt đầu từ ngày 9.9.1945, khi Quốc-quân Trung-hoa do Tướng Lư-Hán chỉ-huy tiến vào thành-phố Hà-nội để thi-hành nhiệm-vụ này, và chấm-dứt vào cuối tháng 8 năm 1946 khi đội quân chiếm-đóng Trung-hoa cuối-cùng rời khỏi Việt-nam(18) sau khi Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Pháp một thỏa-ước ngày 28.2.1946 nhường lại quyền giải-giới cho quân-đội Pháp(19). Tuy nhiên theo Bành Phẩm-quang viết trong bài "Quần-đảo Nam-sa tiền-đồn phòng-thủ lãnh-hải" thì:

"Ngày 26.10.1946, hạm-đội đặc-biệt của Trung-hoa Dân-quốc gồm 4 chiến-hạm, mỗi chiếc chở một số đại-diện của các bộ và 59 binh-sĩ thuộc trung-đội độc-lập về cảnh-vệ của hải-quân (tiền-thân của thủy-quân lục-chiến) từ cảng Ngô-tùng xuất-phát ngày 29 tháng 10 và ngày 29 tháng 11 thì các tàu Vĩnh-hưng và Trung-kiện mới tới đảo Vĩnh-hưng thuộc quần-đảo Tây-sa và đổ-bộ lên đây. Ngày 4 tháng 12 chiến-hạm Vĩnh-hưng còn đi qua đảo La-bột, đảo Ba-bột v.v... rồi trở lại. Còn hai chiến-hạm Thái-bình và Trung-nghiệp đến ngày 9 tháng 12 mới tới quần-đảo Nam-sa. Tháng 12 hoàn-tất công-tác chiếm đóng đảo Thái-bình, ngày 15 tháng 1 chiến-hạm Thái-bình tới các đảo I-thái, Đế-đô, Song-tử, Nam-cực, v.v... rồi trở về. Đến đây công-tác chiếm đóng và tiếp thu quần-đảo Tây-sa và Nam-sa đã hoàn-tất và lần-lượt trở về cảng Du-lâm."(20)

Như vậy việc Quốc-quân Trung-hoa đổ-bộ lên hai quần-đảo này, mà cả hai Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc và Trung-Cộng gọi là "tiếp-thu", là một hành-vi bất-hợp-pháp vì nhiều lý-do:

a) Theo quyết-định của hội-nghị Potsdam, Quốc-quân Trung-hoa chỉ có quyền giải-giới quân-đội Nhật-bản ở trên quần-đảo Hoàng-sa chứ không có quyền ở trên quần-đảo Trường-sa vốn thuộc thẩm-quyền liên-quân Anh-„n. Chúng tôi không biết và cũng không thấy có tài-liệu nào cho thấy là liên-quân Anh-„n hay chính-phủ hoàng-gia Anh đã ủy-thác việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở đây cho Quốc-quân Trung-hoa.

b) Việc giải-giới phải thực-hiện trước cuối tháng 8/1946. Tuy nhiên Quốc-quân Trung-hoa lại đổ-bộ quân lính lên hai quần-đảo này vào hai tháng 11 và 12 năm 1946 và tháng 1 năm 1947, như thế là đã làm một hành-vi xâm-lược chứ không phải là hành-vi thụ-ủy hợp-pháp, vì từ tháng 8/1946 hành-vi giải-giới của Quốc-quân Trung-hoa không còn căn-bản pháp-lý nữa.

Thực vậy, theo Hiệp-ước Về Việc Pháp Khước-từ Trị-ngoại Pháp-quyền và các Quyền Liên-hệ khác ở Trung-quốc, do Đại-sứ Pháp tại Trung-hoa là Jacques Meyrier ký với Bộ-trưởng Ngoại-giao Trung-hoa Dân-quốc Wang Shih-chieh ngày 28.2.1946 và có hiệu-lực từ ngày 8.6.1946, lãnh-thổ của Quốc-dân Chính-phủ Trung-hoa là Trung-hoa Dân-quốc (nghĩa là Hoa-lục và các đảo lân-cận) và của Chính-phủ Cộng-hòa Pháp là Pháp-quốc, Algeria, tất cả các thuộc-địa, các xứ bảo-hộ ở hải-ngoại cùng là các thác-quản địa của Pháp (điều 1). Mặt khác, theo văn-thư trao-đổi cùng ngày, việc quân-đội Pháp thay-thế Quốc-quân Trung-hoa (lúc đó đang chiếm đóng ở Viêt-nam phiá bắc vĩ-tuyến thứ 16) để canh giữ tù-binh Nhật-bản, duy-trì an-ninh trật-tự được thực-hiện từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 và chấm-dứt trễ nhất là ngày 31 tháng 3.

Trong khi đó, theo Hoà-ước Pháp-Hoa do Khâm-sai Đại-thần Thanh-triều là Tổng-đốc Trực-lệ Lý Hồng-chương ký với đại-diện Pháp là Trung-tá Hải-quân Fournier tại Thiên-tân ngày 11.5.1884, Trung-quốc khước bỏ mọi quyền đối với Việt-nam và Việt-nam từ ngày đó trở đi không còn là một thuộc-quốc của Trung-hoa nữa. Hoà-ước này được tái-xác-nhận hơn một năm sau trong một hòa-ước khác ký ngày 9.6.1885. Mặt khác, sau khi Thế-chiến thứ II chấm-dứt, hoàng-đế Việt-nam khi đó là Bảo-đại (1925-1945) ngày 11.3.1945 đã hủy bỏ tất cả các hiệp-ước bảo-hộ Pháp-Việt và tuyên-bố Việt-nam độc-lập. Nền độc-lập của Việt-nam được tái-xác-nhận ngày 2.9.1945 khi Đảng Cộng-sản Việt-nam nắm chính-quyền (19.8.1945). Chính nước Pháp cũng công-nhận nền độc-lập của Việt-nam trong điều 1 của Tạm-ước Pháp-Việt ký ngày 6.3.1946. Nói cách khác, kể từ 11.3.1945 trở đi lãnh-thổ của nước Việt-nam độc-lập gồm giải đất từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu và các đảo phụ-thuộc Việt-nam ở ngoài khơi, kể cả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trưởng-sa. Như vậy đối với cả hai nước Pháp và Trung-hoa, Việt-nam không phải là thuộc-quốc của nước nào cả.

Do đó, việc "tiếp-thu" hay "giải-giới" của Quốc-quân Trung-hoa do Bành Phẩm-quang báo-cáo kể trên, dù là để thi-hành quyết-định của các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II, đúng là một hành-vi bất-hợp-pháp, trái với các nguyên-tắc căn-bản của luật quốc-tế. Nó đã vi-phạm đến chủ-quyền của nước Việt-nam độc-lập.

c) Bản Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam hoàn-toàn không đề-cập tới vấn-đề trao-hoàn cho Trung-quốc hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản cưỡng-chiếm vào đầu trận thế-chiến thứ II. Sự thiếu-sót này có phải là do các nhà lãnh-đạo đồng-minh sơ-ý hay quên không? Lẽ dĩ-nhiên là không. Trái lại, chúng ta phải giải-thích là các vị ấy đã không quan-niệm hai quần-đảo này là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Điểm đặc-biệt đáng chú-ý hơn nữa là chính Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc, Đại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch, đã tham-dự cả hai hội-nghị và đã ký vào cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam, chứ không phải một người đại-diện nào khác để bảo là có thể đã không thi-hành đúng chỉ-thị của Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc. Nếu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thực-sự thuộc chủ-quyền của Trung-quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi trao-hoàn có Mãn-châu, Đài-loan và Bành-hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng-sa và Trường-sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam chúng ta cũng không thấy từ "vân vân" để có thể nói là vấn-đề đã dược bao-hàm trong hai văn-kiện này.

Mười hai năm sau khi tham-dự Hội-nghị Cairo và ký bản Tuyên-cáo, ngày 8.2.1955 Tưởng Giới-thạch vẫn còn nhắc lại là:

"Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-hoa, kể cả Đông-tam tỉnh, Đài-loan và Bành-hồ phải được trao-hoàn lại cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng."(21)

Một lần nữa, ông hoàn-toàn không nói gì đến việc phải trao-hoàn hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Vào lúc ông nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo này mà cả chính-phủ của ông lẫn chính-phủ của Mao Trạch-đông đang đòi.

d) Giải-giới quân-đội Nhật-bản ở Hoàng-sa và Trường-sa không thể hiểu là tiếp-thu hay thu-hồi được. Hai hành-động này có bản-chất khác nhau. Giải-giới chỉ có nghĩa là tước bỏ tất cả vũ-khí của một đội quân nào để cho đội quân đó không thể dùng vào việc chiến-tranh được nữa. Dù việc giải-giới đó được thực-hiện trên phần lãnh-thổ của một nước khác với nước có phận-sự giải-giới nó cũng không thể là lý-do để cho nước giải-giới chiếm lãnh-thổ đó được, trừ phi trong hiệp-định ủy-thác việc giải-giới đó có qui-định thêm cho phép nước giải-giới được chiếm lấy lãnh-thổ đó. Ngược lại, tiếp-thu hay thu-hồi ngụ ý chỉ nước làm công việc này tiếp-nhận lại phần lãnh-thổ của mình trước đó đã bị một nước khác chiếm đoạt.

Như chúng ta được biết, cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung-hoa Dân-quốc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Hoàng-sa thôi, chứ không hề cho phép Trung-hoa Dân-quốc thu-hồi quần-đảo này cùng là giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Trường-sa hay thu-hồi quần-đảo đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu-hồi hai quần-đảo này của Trung-hoa Dân-quốc là bất-hợp-pháp và vi-phạm trầm-trọng luật quốc-tế vì đi trái với quyết-định của Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam.

Vì các lý-do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn-nhận rằng lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai đã mâu-thuẫn với lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 cũng của họ Châu. Một đằng Trung-Cộng đòi các quốc-gia phải tuân theo hai văn-kiện quốc-tế này và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Đông-dương để giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây cũng là một chính-sách căn-bản, một đằng lại cho việc tiếp-thu hai quần-đảo không hề được qui-định trong hai văn-kiện quốc-tế là một hành-vi hợp-pháp.

Thứ ba, Trung-Cộng coi bất cứ một hòa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng vào việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký-kết là bất-hợp-pháp và vô-hiệu.

Hòa-ước Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 ký với Nhật-bản có phải là một hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu không?

Theo định-nghĩa của luật quốc-tế, một hiệp-ước bị coi là bất-hợp-pháp khi nào nó nhằm theo đuổi một đối-tượng vô-luân, khi nào nó tạo ra những nghĩa-vụ bất-hợp-pháp trái với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận, trái với nhân-quyền, trái với các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, hoặc-giả một hiệp-ước mà sự thi-hành sẽ tạo nên một bất-công pháp-lý cho một quốc-gia đệ tam, hoặc khi nó được được ký-kết bất-xứng hay mâu-thuẫn với các nghĩa-vụ của hiệp-ước có trước mà tất cả hay một trong các nước kết-ước đã ký (22). Chính Trung-Cộng cũng chấp-nhận giải-thích này và quan-điểm của Trung-Cộng được hai học-giả luật quốc-tế nổi tiếng là Thiệu Kim-phủ và Trần Thể-cường trình-bày trong hai bài biên-khảo.

Khi bàn về Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trần Thể-cường đã nhắc lại định-nghĩa của luật quốc-tế là "một quốc-gia có bổn-phận không được ký các hiệp-ước nào không phù-hợp với các nghĩa-vụ của các hiệp-ước có trước. Việc ký-kết những hiệp-ước như vậy là một hành-vi bất-hợp-pháp không thể tạo nên những kết-quả hợp-pháp có lợi cho quốc-gia vi-phạm luật.(23)

Mặt khác, trong bài "'Lưỡng Cá Trung-Quốc' Mậu-Luận Hòa Quốc-Tế-Pháp Nguyên-Tắc"(24), Thiệu Kim-phủ đã viện-dẫn lời của L. Oppenheim cho rằng "Hiệp-ước phải phù-hợp với luật-pháp, biểu-hiện trong các nguyên-tắc của luật quốc-tế được công-nhận một cách phổ-biến cũng như trong các tập-tục của các quốc-gia"(25) và "các nghĩa-vụ mâu-thuẫn với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận thì không thể là đối-tượng của một hiệp-ước được."(26) Ngoài ra, ông cũng viện-dẫn điều 103 của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc nói rằng khi có sự phân-tranh giữa các nghĩa-vụ của một quốc-gia hội-viên Liên-hiệp-quốc theo Hiến-chương này và các nghĩa-vụ do hiệp-ước quốc-tế khác tạo nên, nghĩa-vụ theo Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ ưu-thắng. Rồi ông kết-luận là hiệp-ước nào không phù-hợp với Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ bị coi là vô-hiệu không thể chấp-hành được.

Đem áp-dụng các định-nghĩa nêu trên vào Hòa-ước Cựu-kim-sơn, chúng ta thấy các quốc-gia ký hòa-ước với Nhật-bản là để chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh có từ khi xảy ra trận Thế-chiến thứ II, khôi-phục địa-vị của Nhật trên trường quốc-tế, làm giảm tình-trạng căng-thẳng trên thế-giới ngõ hầu xúc-tiến việc tạo-dựng và duy-trì hòa-bình trên thế-giới, v.v... Như vậy các quốc-gia này đã tuân-thủ các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc và theo đuổi một đối-tượng cao-quý, chứ không phải là vô-luân. Riêng đối với Trung-Cộng, nếu muốn, nước này có thể viện cớ không được mời tham-dự hòa-hội Cựu-kim-sơn để coi hoà-ước không thể chấp-hành đối với mình thôi, chứ không thể coi nó là hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu được.

Ngược lại, đứng về phương-diện hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, chính Trung-Cộng đã có hành-vi bất-hợp-pháp khi nhà cầm quyền Bắc-kinh cổ-võ và biện-minh cho việc Trung-hoa Dân-quốc đem quân đến chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa dưới danh-nghĩa tiếp-thu.

Thực vậy, điều 2 của Hoà-ước Cựu-kim-sơn sau khi đã nói về việc Nhật từ-bỏ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi đối với tất cả các lãnh-thổ nào không phải là lãnh-thổ chính của Nhật-bản mà nước này đã chiếm được từ khi có trận Thế-chiến thứ I cho đến khi chấm-dứt trận Thế-chiến thứ II đã qui-định thêm trong đoạn (f) như sau:

"Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi trên quần-đảo Trường-sa và quần-đảo Hoàng-sa."

Các qui-định trong điều 2 như vậy đã theo đúng với quyết-định của Hội-nghị Cairo năm 1943 được diễn-tả trong bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn luôn đòi phải được coi là căn-bản chính cho một hòa-ước ký với Nhật-bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung-Cộng đã coi quyết-định của các đại-cường là hợp-lý, hợp-tình và hợp-pháp.

Về giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam, cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều nhìn-nhận là có hiệu-lực. Chúng ta có thể nêu ra vài thí-dụ.

Về phía Trung-hoa Dân-quốc, ngày 8.2.1955, khi duyệt-xét tình-hình thế-giới, Tổng-thống Tưởng Giới-thạch, đã nói như sau:

"Tôi còn nhớ rằng năm 1945, cố Tổng-thống Hoa-kỳ Roosevelt và đương-kim Thủ-tướng Anh Churchill đã cùng tôi họp hội-nghị ở Cairo để thảo-luận về các vấn-đề liên-quan tới việc tiến-hành chiến-tranh chống Nhật-bản và hậu-quả của nó. Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-quốc kể cả Đông-Tam tỉnh, Đài-loan và

Bành-hồ phải được trao-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng. Như vậy giá-trị của nó, tức là của bản Tuyên-cáo Cairo, dựa trên một số thỏa-thuận và không ai có thể hoài-nghi được. ..........

"Có ngưới phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo. .. Nếu người ta có thể phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo, thì bản Tuyên-ngôn Potsdam và tất cả các hiệp-ước, thỏa-ước quốc-tế được ký-kết từ khi chấm-dứt Thế-chiến thứ II sẽ ra sao? Có thể phủ-nhận giá-trị của những văn-kiện này được không? Nếu như các nước dân-chủ không thừa-nhận bản Tuyên-cáo Cairo mà chính họ đã ký-kết thì làm thế nào mà bây giờ hay trong tương-lai họ có thể chỉ-trích khối Cộng-sản xâm-lăng xé bỏ các hiệp-ước, thỏa-ước được?..."(27)

Về quan-điểm của Bắc-kinh đối với vấn-đề giá-trị của hai văn-kiện quốc-tế quan-trọng này, chúng ta đã thấy (a) khi cuộc tranh-luận tại Liên-hiệp-quốc về địa-vị của đảo Đài-loan đang tiến-hành, ngày 24.8.1950 nhà cầm quyền Cắm-thành đã gửi một bức công-điện cho tổ-chức quốc-tế này trong đó có đề-cập tới Tuyên-cáo Cairo và Tuyên-ngôn Potsdam coi là "những thỏa-ước có ước-thúc-lực" mà các quốc-gia ký-kết phải tôn-trọng và tuân-hành(28), (b) hoặc như qua lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 của Châu Ân-lai nói trên, (c) cũng như trong lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như sau:

"Dù xét về thủ-tục mà hòa-ước được chuẩn-bị hay về nội-dung, ta thấy Dự-thảo Hòa-ước Anh-Mỹ trắng-trợn vi-phạm các thỏa-ước quốc-tế quan-trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết-ước, như là. .. bản Tuyên-cáo Cairo,. .. bản Tuyên-ngôn Potsdam. ..

Vi-phạm sự thỏa-thuận theo bản Tuyên-cáo Cairo và bản Tuyên-ngôn Potsdam, Dự-thảo Hòa-ước chỉ qui-định là Nhật-bản sẽ khước-từ các quyền đối với Đài-loan và Bành-hồ..."(29)

Bên cạnh quan-điểm của nhà cầm quyền Bắc-kinh còn có quan-điểm của học-giả nữa. Chẳng hạn Trần Thể-cường đã viết một bài nhan-đề "Đài-loan đích Chủ-quyền Thuộc ư Trung-quốc," trong đó ông có nói:

"Bản Tuyên-cáo Cairo. .. là một văn-kiện quốc-tế 'ràng buộc về pháp-lý các quốc-gia đương-sự.' Hơn nữa, bản Tuyên-ngôn Potsdam do Trung-quốc, Hoa-kỳ và Anh-quốc ký ngày 26 tháng 7 năm 1945 để thúc Nhật-bản đầu hàng đã tái xác-định các nghĩa-vụ trong bản Tuyên-cáo Cairo. Bản Tuyên-ngôn Potsdam qui-định là 'các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thì-hành.' Câu 'sẽ được thi-hành' như vậy chứng-tỏ rằng bản Tuyên-cáo Cairo là một văn-kiện tạo nên nghĩa-vụ quốc-tế, chứ không phải chỉ là lời tuyên-bố về các ý-định của các người ký. ..

Đứng về phương-diện học-lý của luật quốc-tế, không thể nào nghi-ngờ hiệu-lực ước-thúc của bản Tuyên-cáo Cairo, một hiệp-ước quốc-tế. " (30)

Như vậy là cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều đồng-ý là bản Tuyên-cáo Cairo có hiệu-lực đối với các quốc-gia kết-ước. Trung-hoa, một trong những quốc-gia đó, có bổn-phận phải tuân-thủ những điều cam-kết. Do đó, tuy không tham-dự việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trung-Cộng không thể nào coi hòa-ước này bất-hợp-pháp được vì lẽ nó đã qui-định đúng những quyết-định của bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn đòi mọi quốc-gia kết-ước phải tuân theo. Nói cách khác, vì Hòa-ước Cựu-kim-sơn là một văn-kiện quốc-tế nhằm thi-hành những quyết-định của Hội-nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu-lực như bản Tuyên-cáo Cairo, kể cả đối với Trung-Cộng vốn tự nhận là "đại-diện duy-nhất chân-chính của nhân-dân Trung-hoa."

Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15.8.1951 về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nói trên, khi bình-luận về việc ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, trong một thông-cáo của Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh ngày 18.9.1951, Châu Ân-lai không hề nói gì về vấn-đề hai quần-đảo này cả mà chỉ lập lại lập-trường cũ, phủ-nhận giá-trị và hiệu-lực của hòa-ước vì đã được ký-kết mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng(31).

Sự im-lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc-chắn là Trung-Cộng phải biết rằng hòa-hội Cựu-kim-sơn đã bác-bỏ đề-nghị của phái-đoàn Nga-sô đòi trao trả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-Cộng và về phản-ứng của phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam(32).

Thực vậy, ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng-đại hội-nghị thứ 2 của Hòa-hội Cựu-kim-sơn, đại-biểu Nga-sô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ-trích tính-cách bất-hợp-pháp và sự vô-nghĩa cùa bản dự-thảo hòa-ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật-bản đã đưa ra một đề-nghị 7 điểm gọi là để hướng-dẫn việc ký-kết hòa-ước thực-sự với Nhật-bản. Điểm 6 đề-nghị trao trả hai quần-đảo này cho Trung-Cộng. Hai ngày sau, 7.9.1951 Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu, trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam, đã lên tiếng tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Về đề-nghị của Gromyko, chính-phủ Bắc-kinh không chính-thức lên tiếng. Chỉ có bán nguyệt-san Anh-ngữ của Trung-Cộng People's China (Nhân-dân Trung-quốc) tường-thuật lại trong một bài nhan-đề "At the San Francisco 'Conference'" (Tại "Hội-nghị" Cựu-kim-sơn), trong đó có ghi điểm 6 của đề-nghị Nga-Sô như sau:

"Qui-hoàn Đài-loan, quần-đảo Bành-hồ (Pescadores), quần-đảo Tây-sa và các lãnh-thổ Trung-hoa khác cho nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa." (33)

Ngoài điểm này ra, bài tường-thuật cũng không đả-động gì đến việc hòa-hội bác-bỏ đề-nghị của Nga-sô và phản-ứng của Quốc-gia Việt-nam. Sự im-lặng này đáng lạ vì bài tường-thuật được viết trong khoảng thời-gian giữa các ngày 5.9.1951 (ngày Gromyko nêu đề-nghị 7 điểm), ngày 7.9.1951 (ngày trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam) và ngày 16.9.1951 (ngày báo phát-hành). Như vậy không thể nào Trung-Cộng không biết gì đến phản-ứng của Việt-nam đối với đề-nghị của Nga-sô và không có lý nào nhà cầm quyền Cấm-thành lại quên được, nhất là bài báo nói trên trước khi được in đã phải được nhà cầm quyền Trung-Cộng kiểm-duyệt và cho phép.

Một điểm khác chúng ta cũng nên nhớ là bất cứ một hành-vi nào của Quốc-gia Việt-nam (và sau này của Việt-nam Cộng-hòa) đều bị Trung-Cộng theo dõi rất kỹ và, khi thấy thuận-tiện, phê-bình, chỉ-trích rất nặng-nề. Nếu quả thực hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là của Trung-quốc thì việc trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền trong hòa-hội không thể nào mà không bị Trung-Cộng chỉ-trích dữ-dội và lên án, đe-dọa như sau này Trung-Cộng sẽ làm.

Sự im-lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi trong bản tuyên-bố ngày 5.5.1952(34) về hòa-ước mà Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Nhật-bản ngày 28.4.1952, Châu Ân-lai không nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, mặc dù hai quần-đảo này đã được đề-cập tới trong điều 2 của hòa-ước như sau:

"Điều 2.- Hai bên nhìn-nhận là theo điều 2 Hòa-ước với Nhật-bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại Cựu-kim-sơn ở Hoa-kỳ, Nhật-bản đã khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa hay đòi-hỏi liên-quan đến Đài-loan (Formosa) và Bành-hồ (the Pescadores), cũng như quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa."(35)

Theo điều-khoản này, Nhật-bản chỉ nhắc lại việc khước-từ thôi chứ không nói rõ là Nhật-bản qui-hoàn hai quần-đào này cho Trung-hoa Dân-quốc. Có một sự khác-biệt rất lớn giữa hai hành-động khước-từ và qui-hoàn. Khước-từ là một hành-động tiêu-cực do đó người (hay nước) khước-từ nhìn-nhận là từ ngày có (hay ký) quyết-định khước-từ người (hay nước) ấy sẽ không còn bất cứ một thứ quyền hợp-pháp nào đối với vật mà người (hay nước) ấy từ-bỏ. Tuy nhiên, người (hay nước) này không chuyển-giao hay chuyển-nhượng vật đó cho một người (hay nước) khác. Trái lại, qui-hoàn là một hành-động tích-cực, có nghĩa là người chiếm-hữu một vật gì, dù là chiếm-hữu hợp-pháp hay là bất-hợp-pháp, trả vật đó lại cho sở-hữu-chủ hợp-pháp của nó. Sở-hữu-chủ của vật được qui-hoàn là đối-tượng xác-định của hành-động qui-hoàn.

Vì mục-đích của chúng tôi trong bài biên-khảo này chỉ là tìm hiểu các luận-cứ của Trung-quốc về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi nên chúng tôi không tìm hiểu nguyên-nhân của sự im-lặng của Trung-Cộng.

III. Phản-ứng của Trung-quốc đối với việc Phi-luật-tân lại đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1956)

Sau khi hòa-hội Cựu-kim-sơn bế-mạc, cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan không có dịp nào để lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho tới năm 1956 khi Phi-luật-tân lên tiếng đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa.

Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư-thuyền và thương-thuyền và giám-đốc một trường hàng-hải(36) đã khám-phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Phi-luật-tân(37) khoảng 400 dặm về phía tây. Ông hy-vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai-thác phân chim trong những hòn đảo kế-cận.

Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp-tục khám-phá những hòn đảo này trong một chuyến du-hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV -- vẫn được dùng để huấn-luyện các sinh-viên trường hàng-hải của Cloma -- do thuyền-trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều-khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng(38). 40 thủy-thủ trên tàu, tất cả đều có quốc-tịch Phi-luật-tân, đã dựng quốc-kỳ Phi-luật-tân trên một hòn đảo và chính-thức tuyên-bố chiếm-hữu đảo này theo tục-lệ quốc-tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm-yết cáo-thị chiếm-hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù-lao với diện-tích tổng-cộng 64.976 dặm vuông, là "Freedomland" hay Đất Tự-do(39).

Ngày 15.5.1956 Cloma chính-thức thông-báo cho Phó Tổng-thống kiêm Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos P. Garcia hay là một số công-dân Phi-luật-tân đã quan-sát, trắc-lượng và chiếm-hữu "một lãnh-thổ ở Nam-hải, bên ngoài hải-phận Phi-luật-tân và không thuộc thẩm-quyền quản-hạt của nước nào."(40) Cloma cũng nói thêm là lãnh-thổ này đã được Cloma và các đồng-sự tuyên-bố chiếm-hữu.

Mặt khác, Cloma đã gửi "cáo-thị" về việc chiếm-hữu này tới báo-chí trong và ngoài nước, yêu-cầu đăng-tải theo thủ-tục luật quốc-tế. Cáo-thị nhấn mạnh là sự tuyên-bố này căn-cứ vào quyền khám-phá và/hay chiếm-hữu công-khai.

Sáu ngày sau, ngày 21.5.1956, Cloma gửi một bức thư thứ nhì cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân để thông-báo cho Chính-phủ Phi-luật-tân hay là lãnh-thổ mà ông tuyên-bố chiếm-hữu được đặt tên là "Freedomland." Kèm theo thư là danh-sách các đảo và cù-lao.

Trong thư Cloma còn nói thêm là:

"Kính xin lưu-ý là sự tuyên-bố này do 'các công-dân Phi-luật-tân' làm chứ không phải là 'nhân-danh Chính-phủ Phi-luật-tân' bởi vì chúng tôi không được phép làm như vậy. Tuy nhiên việc này sẽ có hậu-quả là lãnh-thổ trở thành một phần của Phi-luật-tân. Vì lý-do đó chúng tôi hy-vọng và thỉnh-cầu Chính-phủ Phi-luật-tân ủng-hộ cùng là bảo-vệ sự tuyên-bố của chúng tôi và xin cũng đừng đưa một tuyên-bố nào khác ra Liên-hiệp-quốc để tránh khỏi khuyến-khích, xúi-giục sự phản-đối của các nước khác."(41)

Sau đó Cloma chính-thức tuyên-bố thành-lập một chính-quyền riêng-biệt cho quần-đảo Freedomland và gửi một bản tuyên-cáo về việc thành-lập chính-quyền này cho Ngoại-trưởng Phi-luật-tân ngày 6.7.1956. Bản tuyên-bố còn yêu-cầu Phi-luật-tân cho quần-đảo hưởng qui-chế bảo-hộ.

Vấn-đề rắc-rối thêm khi Ngoại-trưởng Phi-luật-tân trong thư trả lời Cloma đã viết:

"Về phần Bộ Ngoại-giao, thiểm Bộ coi các đảo, cù-lao, ám-sa san-hô, thiển-than và các bãi cát bao gồm ở trong vùng mà ông mệnh-danh là "Freedomland", ngoại trừ nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, là đất vô-chủ, có cái mới nổi lên, có cái đã được ghi-chú trên bản đồ quốc-tế chưa thám-sát và sự hiện-hữu đáng nghi-ngờ, và tất cả đều chưa có ai tới chiếm-hữu, chưa có ai cư-ngụ; nói một cách khác, điều đó có nghĩa là mọi công-dân Phi-luật-tân có quyền tự-do khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp như công-dân bất cứ quốc-gia nào khác, ngày nào mà chủ-quyền chuyên-hữu của bất cứ quốc-gia nào trên những đảo này không được thiết-lập theo các nguyên-tắc vẫn được luật quốc-tế chấp-nhận hay được cộng-đồng các quốc-gia thừa-nhận.

"Còn về nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, Chính-phủ Phi-luật-tân coi những đảo này như là ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh thắng trận Thế-chiến thứ 2 do kết-quả của Hòa-ước Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 do đó Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi trên quần-đảo Spratly và quần-đảo Paracel và cho tới nay các quốc-gia đồng-minh chưa có một vụ dàn-xếp đất-đai nào về hai quần-đảo này. Vì thế ngày nào mà nhóm các đảo đó còn ở trong tình-trạng này, mọi công-dân hay nhân-viên các quốc-gia đồng-minh có quyền khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp trên căn-bản bình-đẳng cơ-hội và đối-đãi về các vấn-đề xã-hội, kinh-tế và thương-mại liên-quan tới hai quần-đảo này.

"Phi-luật-tân là một trong những quốc-gia đồng-minh đã đánh bại Nhật-bản trong trận Thế-chiến thứ 2 và cũng là quốc-gia ký Hòa-ước Nhật-bản đã nói bên trên.

"Về phương-diện vị-trí địa-dư của những hòn đảo và cù-lao bao gồm trong "Freedomland", vì chúng kế-cận biên-giới lãnh-thổ Phi-luật-tân về phía tây, vì những quan-hệ lịch-sử và địa-chất của chúng đối với quần-đảo Phi-luật-tân, vì giá-trị chiến-lược lớn-lao của chúng đối với nền quốc-phòng và an-ninh của chúng ta, ngoài tiềm-năng kinh-tế đáng kể về ngư-nghiệp, sản-phẩm san-hô, hải-sản và phốt-phát, chắc chắn là Chính-phủ Phi-luật-tân không coi thường sự khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp của các công-dân Phi-luật-tân tại những nhóm đảo và cù-lao này ngày nào họ còn theo đuổi những mục-đích hợp-pháp."(42)

Ngoài ra, trong một buổi họp báo tại Manila ngày 19.5.1956, ông Carlos P. Garcia cũng tuyên-bố là một nhóm đảo ở Nam-hải, kể cả đảo Thái-bình và đảo Trường-sa, đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng kế-cận nước này.

Các sự-kiện và lời tuyên-bố này đã đưa đến những phản-ứng mãnh-liệt trên thế-giới. Vì đề-tài của bài này, ở đây chúng tôi chỉ đề-cập tới phản-ứng của Trung-quốc thôi chứ không đề-cập tới phản-ứng của Việt-nam và của các quốc-gia khác.

Ngày 29.5.1956 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một tuyên-bố về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo, nội-dung như sau:

"Theo tin gần đây của một vài hãng thông-tấn ngoại-quốc Bộ-trưởng Ngoại-giao Phi-luật-tân Carlos Garcia đã tuyên-bố trong một cuộc họp báo là nhóm các đảo ở Nam Trung-quốc-hải kể cả đảo Thái-bình và đảo Nam-uy 'đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng ở kế-cận.' Các báo-cáo của các hãng thông-tấn ngoại-quốc còn tiết-lộ là Chính-phủ Phi-luật-tân hiện đang tiếp-xúc với bè lũ Tưởng Giới-thạch ở Đài-loan mưu toan 'dàn xếp' cái gọi là vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa. Về vấn-đề này, Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa thấy cần phải tuyên-bố như sau:

"Đảo Thái-bình và đảo Nam-uy ở Nam-hải nói trên, cùng với những đảo nhỏ ở lân-cận đều được gọi chung là quần-đảo Nam-sa. Quần-đảo này lúc nào cũng là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp đối với quần-đảo này. Ngay từ ngày 15.8.1951, Bộ-trưởng Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa Châu Ân-lai trong bản Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước ký với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn đã long-trọng vạch rõ rằng: 'Cũng như toàn-thể quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Đông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù đã có thời-kỳ những đảo này bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng, Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại.' Cớ do Chính-phủ Phi-luật-tân nêu ra để che-đậy ý-đồ xâm-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc, quần-đảo Nam-sa, hoàn-toàn không thể biện-minh được.

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng tuyên-bố: sự xâm-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc đối với quần-đảo Nam-sa của bất cứ quốc-gia nào, vì bất cứ lý-do nào, và bằng bất cứ phương-tiện nào, cũng tuyệt-đối không thể dung-thứ được."(43)

Một lần nữa chúng ta thấy bản tuyên-bố vừa kể trên cũng không nêu ra một chi-tiết cụ-thể nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo Trường-sa, và cả Hoàng-sa nữa. Vẫn chỉ là sự tái khẳng-định chủ-quyền đó một cách vu-vơ thôi.

Về phía Đài-loan, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc, qua đại-sứ ở Manila, đã phản-kháng mạnh-mẽ cùng Chính-phủ Phi-luật-tân và viện vào cớ là quần-đảo này thuộc về Trung-quốc từ thế-kỷ thứ 15. Chúng tôi rất tiếc không được rõ nội-dung sự phản-kháng này nên không biết luận-cứ của Đài-loan ra sao và căn-cứ vào đâu Đài-loan cho là chủ-quyền đó có từ thế-kỷ thứ 15.

Song-song với việc phản-kháng tại Manila, phát-ngôn-viên Đài-loan còn loan tin Đài-loan phái một lực-lượng đặc-nhiệm tới quần-đảo Trường-sa "có thể và chắc chắn sẽ xảy ra" và quả thực một hạm-đội Đài-loan đã được phái tới nơi trong một thời-gian ngắn để ngăn-chặn mọi việc không hay xảy ra.

Nhận được tin này, Ngoại-trưởng Phi-luật-tân vội-vàng chỉ-thị cho Đại-sứ Phi-luật-tân tại Đài-bắc là Narciso Ramos báo cho Chính-phủ Đài-loan "không nên quá e-ngại về diễn-biến của tình-hình." Ngoài ra ông cũng loan-báo là Chính-phủ Phi-luật-tân chưa có một thái-độ chính-thức nào về những lời tuyên-bố của Cloma và tuy Phi-luật-tân chưa thăm-dò ý-kiến với Chính-phủ Hoa-kỳ về vấn-đề này, ông nghĩ rằng nếu sau này cần có một trung-gian hòa-giải thì Hoa-kỳ sẽ là "một trọng-tài công-minh chính-trực" vì Hoa-kỳ có quan-hệ thân-hữu với cả hai nước.

Trong khi đó, ngày 8.6.1956 Cloma lại phái một đoàn thứ 2 mang thực-phẩm ra tiếp-tế cho 29 thủy-thủ đã ở lại quần-đảo trong chuyến đi thứ nhất.

— đảo Thái-bình, các thủy-thủ của Cloma thấy hải-quân Đài-loan đã bốc rỡ những mốc bia đánh dấu mà họ dựng lên trên đảo trong chuyến đi thứ nhất và đã dựng một dấu hiệu của Trung-hoa Dân-quốc trên mốc bia cũ của Nhật-bản và cũng vẽ dấu hiệu Trung-hoa trên tường một căn nhà đổ nát trước kia thuộc trại lính Nhật-bản.

Cuộc chạm trán đầu tiên giữa đội của Cloma và hải-quân Đài-loan xảy ra ngày 1.10.1956. Lúc thuyền-trưởng Filemon Cloma đang ở trên tàu PMI IV bỏ neo ở ngoài khơi đảo Ciriaco thì có hai chiếc tàu của Đài-loan từ phía nam tiến lại gần. Thuyền-trưởng Cloma được mời lên tàu của Đài-loan để thuơng-nghị với thuyền-trưởng họ Hồ. Cuộc thảo-luận kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Sau đó một đoàn thủy-quân Đài-loan lên tàu của Cloma kiểm-soát trong hai tiếng đồng hồ. Họ tịch-thu tất cả súng ống, võ-khí, bản đồ và các tài-liệu trên tàu. Mặc dù có phản-kháng, thuyền-trưởng Cloma vẫn bị giữ trên tàu mãi đến 9 giờ đêm hôm đó. Hôm sau, thuyền-trưởng Cloma lại dược mời lên tàu Đài-loan. Tuy từ-chối không chịu nhận Freedomland là lãnh-thổ của Trung-hoa và không chịu ký vào tờ tuyên-bố là ông và các thủy-thủ sẽ rời Freedomland không bao giờ trở lại, nhưng ông không bị bắt-buộc phải nộp võ-khí cho các viên-chức Đài-loan. Ngày 3.10.1956 tàu của Đài-loan rời khu-vực này.

Nói tóm lại, cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc đều nhận hai quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa là lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, cả hai chính-phủ Quốc-Cộng Trung-hoa lại vẫn không đưa ra dược một dẫn-chứng cụ-thể nào để bênh-vực quan-điểm của mình mà chỉ biết dùng võ-lực để ép người khác phải nhìn-nhận quan-điểm của họ. Chính-sách sử-dụng võ-lực này 18 năm sau (1974) đã được Trung-quốc dùng tới một lần nữa, lần này đến phiên Trung-Cộng.

IV. Dịp Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng (1959)

Ngót ba năm sau, năm 1959, lại có một biến-cố khác đã xảy ra khiến cho Trung-quốc có dịp lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Đêm ngày 20 rạng ngày 21.2.1959, một đơn-vị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa phát-giác thấy Trung-Cộng đã lén đưa ngư-dân đổ-bộ lên các đảo Cam-tuyền (Robert), Duy-mộng (Drummond) và Quang-hòa (Duncan) trong nhóm Nguyệt-thiềm (Crescent) thuộc quần-đảo Hoàng-sa với mục-đích chiếm lấy quần-đảo. Đây không phải là lần đầu họ làm như vậy. Năm 1956 các ngư-dân Trung-Cộng đã lén-lút đổ-bộ lên Lâm-đảo (Wooded Island) và đảo Linh-côn (Lincoln Island), cũng thuộc nhóm Nguyệt-thiềm, và sau được thay-thế bằng quân chính-qui của Trung-Cộng. Tuy nhiên lần đổ bộ này họ không thành-công. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã ngăn-chặn các ngư-thuyền của họ và ra lệnh cho họ rút lui. Khi họ từ-chối và kháng-cự, các lực-lượng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã bắt giữ 82 ngư-dân và 5 ngư-thuyền. Vài bữa sau họ được thả.

Ngót một tuần sau, Bắc-kinh mới phản-ứng. Trong một bản tuyên-bố ngày 27.2.1959, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã vu-cáo là hải-quân VNCH đã xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa, bắt cóc 82 ngư-dân và chiếm giữ 5 ngư-thuyền cùng các tài-sản khác của ngư-dân Trung-Cộng. Bản tuyên-bố còn nói thêm là:

"Quần-đảo Tây-sa là một phần của lãnh-thổ Trung-quốc. Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa đã long-trọng tuyên-bố về sự-kiện này ngày 15.8.1951 và ngày 29.5.1956. Bây giờ hải-quân Nam-Việt đã vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc và bắt cóc các ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa. Điều này làm cho nhân-dân Trung-hoa hết sức tức-giận.

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng cảnh-cáo nhà cầm quyền Nam-Việt phải phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc, trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi, bồi-thường thiệt-hại cho những người này và bảo-đảm không để cho những việc bất-hợp-pháp tương-tự tái-diễn trong tương-lai. Nếu không, nhà cầm quyền Nam-Việt sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả các hậu-quả."(44)

Bản tuyên-ngôn này, cũng như biết bao bản tuyên-ngôn trước đó, không hề đưa ra một chi-tiết nào để chứng-minh Hoàng-sa, và cả Trường-sa nữa, là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố cũng mang một vài điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

Thứ nhất, khác với những lần trước Trung-Cộng chỉ nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa và sự không dung-thứ những hành-vi nào mà Trung-Cộng cho là vi-phạm đến chủ-quyền đó thôi, lần này bản tuyên-bố đã đe-dọa rằng nhà cầm quyền Nam-Việt, một danh-từ Trung-Cộng thường dùng để gọi Việt-nam Cộng-hòa, "sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả những hậu-quả." Lời đe-dọa đó sau này được Trung-Cộng thực-hiện bằng việc đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa năm 1974.

Thứ hai, Trung-Cộng đã coi việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa là xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa và vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải chỉ đến ngày 20 và 21.2.1959, nghĩa là ngày xảy ra biến-cố bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa mới tới đồn-trú tại đây; trái lại họ đã đồn-trú ở đó từ lâu rồi. Một việc quan-trọng như vậy, đến độ Trung-Cộng phải ghép vào loại "vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc" chắc chắn là cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan đều phải biết. Trái lại, theo sự khảo-cứu của chúng tôi, cả Trung-Cộng lẫn Đài-loan không hề lên tiếng phản-đối việc đồn-trú này. Phải đợi đến khi ngư-dân Trung-Cộng bị bắt giữ thì Trung-quốc mới có phản-ứng. Hơn nữa, chỉ có nhà cầm quyền Bắc-kinh mới lên tiếng kết tội Việt-nam Cộng-hòa. Trái lại Đài-loan hoàn-toàn im-lặng, không ra một lời tuyên-bố nào, dù là chính-thức hay bán chính-thúc, về việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại quần-đảo Hoàng-sa cũng như về việc bắt giữ ngư-dân, ngư-thuyền Trung-Cộng.

Thứ ba, Trung-Cộng đã vu-cáo hải-quân Việt-nam Cộng-hòa "bắt cóc ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa." Sở-dĩ chúng tôi phải dùng từ "vu-cáo" ở đây là vì Trung-Cộng đã dùng từ "bắt cóc" gán-ghép cho hành-động của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa.

Theo định-nghĩa "bắt cóc" là tội bắt giữ người một cách bất-hợp-pháp và di-chuyển người đó đi nơi khác. Theo luật quốc-nội cũng như luật quốc-tế, đây là một hình-tội. Muốn bị kết tội bắt cóc, ngưới bắt giữ phải phạm những yếu-tố sau đây: cố-ý phạm tội, bắt giữ nạn-nhân bất-hợp-pháp, và di-chuyển nạn-nhân đi chỗ khác.

Cố-ý phạm tội có nghĩa là người bắt cóc phải đã có ý-định bắt cóc nạn-nhân trước khi thực-hiện ý-định đó. Trong việc bắt giữ các ngư-nhân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không hề có ý-định bắt giữ họ từ trước mà chỉ giữ họ lại khi họ không chịu rời khỏi các đảo Cam-tuyền, Duy-mộng và Quảng-hòa theo như yêu-cầu của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa thôi.

Bắt cóc là một hành-vi bất-hợp-pháp. Tuy nhiên, nếu người bắt giữ người khác do trách-nhiệm, bổn-phận của mình trong phạm-vi pháp-luật cho phép, dù là pháp-luật quốc-nội hay pháp-luật quốc-tế, người bắt giữ không làm hành-vi bất-hợp-pháp. Trong vụ bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quăn Việt-nam Cộng-hòa chỉ thi-hành nhiệm-vụ của mình là bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Đó là một nhiệm-vụ mà bất cứ quân-nhân nuớc nào trên thế-giới, kể cả Trung-Cộng, cũng phải thi-hành. Hơn nữa, nếu người bắt giữ không chịu thả nạn-nhân khi nạn-nhân có quyền được thả ra thì mới có thể bị coi là phạm tội bắt cóc. — đây, hảị-quân Việt-nam Cộng-hòa đã thả các ngư-dân Trung-Cộng ngay sau khi đã làm các hành-vi thuộc bổn-phận của mình nên cũng không thể coi là bắt cóc họ. Nói cách khác, họ chỉ bắt giữ theo luật-định chứ không bắt cóc.

Ngoài ra, việc bắt cóc ngụ-ý chỉ người làm ra hành-động giới-hạn sự di-chuyển của nạn-nhân, không cho nạn-nhân đi đâu hết. Trái lại, nếu chỉ ngăn-chặn không cho nạn-nhân tới một chỗ nào vì một lý-do hợp-pháp nào thì việc đó không phải là bắt cóc. Mặt khác, nếu nạn-nhân có cách thoát khỏi sự giam giữ mà không nguy-hại đến tính-mệnh của mình, việc bắt giữ nạn-nhân cũng không thể coi là bắt cóc được. Trong vụ này các ngư-dân Trung-Cộng đã được hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại ba hòn đảo nơi xảy ra biến-cố, mà Việt-nam Cộng-hòa cho là phần lãnh-thổ của mình và ủy-thác cho hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bảo-vệ và canh giữ, để cho tự-do đi bất cứ nơi nào khác ngoại trừ đổ bộ lên ba hòn đảo này nếu không có phép của Việt-nam Cộng-hòa. Như vậy khi hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ các ngư-dân Trung-Cộng không chịu rút lui khỏi ba đảo họ không bắt cóc các ngư-dân đó.

Sau hết, cũng nên nói thêm là Trung-Cộng đã dùng sai từ "bắt cóc". Bắt cóc đòi hỏi việc di-chuyển nạn-nhân đi một nơi khác với nơi bị bắt giữ và nơi đó không được tiết-lộ. — đây các ngư-dân Trung-Cộng không hề bị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa di-chuyển đi dâu cả, mà chỉ bị ngăn không được lưu lại ba hòn đảo thôi. Hành-vi của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không thể bị ghép tội bắt cóc được.

Thứ tư, chính-quyền Bắc-kinh đòi Vi(r)t-nam Cộng-hòa chẳng những là phải "phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc" mà còn phải "trao

Dụng-ý của Trung-Cộng * đây khi vu-cáo như vậy là có ý muốn tỏ cho thế-gi3/4i biết rằng hải-quân Vi(r)t-nam Cộng-hòa đã có hành-dộng bất-hợp-pháp của những tên hải-tặc chuyên-môn đánh cư3/4p trên mặt bể, chứ không phải là hành-dộng hợp-pháp của các quân-nhân bảo-v(r) lãnh-thổ quốc-gia. Tuy nhiên, sự vu-cáo này của Trung-Cộng cũng không đáng cho mọi người ngạc-nhiên vì Trung-Cộng có thói quen vu-cáo và lăng-nhục những nư3/4c hay những người đối-nghịch v3/4i Trung-Cộng và thói quen đó đã nổi tiếng trên thế-giới.

Thứ tư, chính-quyền Bắc-kinh đòi Việt-nam Cộng-hòa chẳng những là phải "phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc" mà còn phải "trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Chỗ này Trung-Cộng vu-cáo quá lố. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa chỉ giữ các ngư-dân Trung-Cộng và ngư-thuyền thôi và không hề lấy một chút tài-sản nào khác chứ đừng nói là "chiếm mang đi." rả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Dụng-ý của Trung-Cộng ở đây khi vu-cáo như vậy là có ý muốn tỏ cho thế-giới biết rằng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-dộng bất-hợp-pháp của những tên hải-tặc chuyên-môn đánh cướp trên mặt bể, chứ không phải là hành-dộng hợp-pháp của các quân-nhân bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Tuy nhiên, sự vu-cáo này của Trung-Cộng cũng không đáng cho mọi người ngạc-nhiên vì Trung-Cộng có thói quen vu-cáo và lăng-nhục những nước hay những người đối-nghịch với Trung-Cộng và thói quen đó đã nổi tiếng trên thế-giới.

V. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân về chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1971)

Mười hai năm lại trôi qua đi không có dịp nào dể các nhà cầm quyền Bắc-kinh và Đài-bắc lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, cho tới năm 1971.

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang(45) ngày 10.7.1971, trước buổi khai-mạc hội-nghị kỳ thứ 6 của Hiệp-hội các Quốc-gia Á-châu và Thái-bình-dương trên cấp bậc Tổng-trưởng tại Manila, Tổng-thống Phi-luật-tân Ferdinand Marcos tố-cáo quân-đội Đài-loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Thái-bình (Itu Aba, hay Ligaw theo tên Phi-luật-tân), đã đặt những ổ trọng-pháo để tăng-cường sự phòng-thủ đảo này và trong một vài trường-hợp đã bắn cảnh-cáo vào những phi-cơ và tàu của Phi-luật-tân đi trinh-sát trong vùng. Ông cũng nói thêm là Hội-đồng An-ninh Quốc-gia

Phi-luât-tân trong phiên họp ngày hôm đó đã đồng-thanh cho rằng vì những diễn-biến nhanh-chóng xảy ra trong vùng và vì đảo này ở kế-cận lãnh-thổ Phi-luật-tân nên việc một nước ngoài chiếm đóng ở đây là một mối đe-dọa trầm-trọng cho nền an-ninh của Phi-luật-tân(46). Ngoài ra, ông còn nhắc lại quan-điểm của Phi-luật-tân (đã nói ở đoạn III bên trên) là quần-đảo Trường-sa đang ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh theo Hòa-ước với Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951. Trong hòa-ước này Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi đối với quần-đảo này. Vẫn theo lời Marcos, vì quần-đảo Trường-sa ở dưới chế-độ giám-hộ, không nước nào có quyền mang quân-đội vào bất cứ hòn-đảo nào trong nhóm quần-đảo này nều không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh. Sau hết, ông loan-báo thêm là vì Đài-loan thiết-lập một đồn binh tại đảo Thái-bình không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh nên Phi-luật-tân đã yêu-cầu Chính-phủ Đài-bắc rút quân-đội khỏi nơi này.

Lời tuyên-bố cùa Marcos đã gây ra phản-ứng tại nhiều quốc-gia. Vài ngày sau khi có lới tuyên-bố này, các Chính-phủ Anh và Hoà-lan loan-báo hai nước khước-từ quyền giám-hộ trên quần-đảo Trường-sa(47). Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa, qua lời tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trần-văn-Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng-định chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo Trường-sa mà các dữ-kiện lịch-sử và pháp-lý chứng tỏ là thuộc về Việt-nam, ít nhất là từ thế-kỷ thứ 18. Ông cũng nhắc lại lời tuyên-bố của cựu Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu tại Hoà-hội Cựu-kim-sơn ngày 7.9.1951 (đã nói ở phần II bên trên).

Về phần Đài-loan, Ngoại-trưởng Châu Thư-giai đã tuyên-bố rằng quần-đảo Nam-sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung-hoa và quân-đội Đài-loan đã chiếm đóng quần-đảo này hơn 20 năm qua. Sau đó ông đã hội-đàm với Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos Romulo, nhưng nội-dung không được tiết-lộ.

Đáng tiếc là Châu ngoại-trưởng đã không đưa ra một chi-tiết hay một thí-dụ nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo này "từ thời xa-xưa" và cũng không cho biết là "thời xa xưa" ấy là từ bao giờ. Chúng tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là Đài-loan đã cho leo thang thời-gian chủ-quyền. Trong lần phản-ứng năm 1956 (nói ở phần II bên trên), Đài-loan nói là Trung-quốc có chủ-quyền trên hai quần-đảo này từ thế-kỷ thứ 15, nay lại đổi thành từ thời xa-xưa. Hơn nữa, ông lại cố-tình che dấu tính-cách bất-hợp-pháp của việc Quốc-quân Đài-loan chiếm đóng ở đây như chúng tôi đã trình-bày trong đoạn II bên trên.

Mặt khác, trong vụ này nhà cầm quyền Bắc-kinh đã không chính-thức lên tiếng mà chỉ cho phép hãng thông-tấn nhà nước là Tân Hoa-xã phổ-biến ngày 16.7.1971 một bài nhan-đề là "Philippine Authorities Openly Violate China's Territorial Sovereignty by Occupying Islands of China's Nansha Islands" (Nhà Cầm Quyền Phi-luật-tân Công-khai Vi-phạm Chủ-quyền Lãnh-thổ của Trung-quốc Bằng Cách Chiếm đóng Các Đảo thuộc Quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc), để lên án việc Phi-luật-tân phái quân tới chiếm đóng vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa, cho "đó là một biến-cố trầm-trọng của một sự vi-phạm trắng-trợn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc của nhà cầm quyền Phi-luật-tân trong lúc theo đuổi chính-sách xâm-lược và mưu-đồ chiến-tranh ở Á-châu của đế-quốc Mỹ." Bài này nói là:

"Quần-đảo Nam-sa gồm đảo Thái-bình, đảo Nam-uy, đảo Trung-nghiệp, đảo Mã-hoan và nhiều cù-lao khác ở Nam-hải. Những đảo này lúc nào cũng là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có quyền bất khả tranh-nghị và hợp-pháp trên những đảo này. Mặc dù quần-đảo Nam-sa đã có lần rơi vào tay đế-quốc Nhật-bản sau khi nước này tung ra trận chiến-tranh xâm-lăng, khi Nhật-bản đầu hàng Chình-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại quần-đảo này.(48)

Sau khi nhắc lại các lời tuyên-bố ngày 15.8.151 của Châu Ân-lai và ngày 29.5.1956 của phát-ngôn viên Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là "tuyệt-đối không nước nào được phép vi-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa vì bất cứ lý-do nào và dưới bất cứ hình-thức nào", bài của Tân Hoa-xã còn cảnh-cáo:

"Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa tuyệt-đối không thể nào dung-thứ việc chính-phủ Phi-luật-tân công-khai vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc. Chính-phủ Phi-luật-tân phải ngưng ngay việc vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc và rút nhân-viên ra khỏi quần-đảo Nam-sa."(49)

Điểm đáng chú-ý là bài này làm ngơ không đả-động gì đến việc Đài-loan chiếm đóng đảo Thái-bình và tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Trường-sa.

Một lần nữa, Trung-Cộng, giống Đài-loan, không đưa ra được bằng-chứng nào mà chỉ nói vu-vơ là quần-đảo Trường-sa thuộc về Trung-quốc thôi.

VI. Luận-cứ nêu ra trong vụ đụng-độ hải-quân với Việt-nam Cộng-hòa (1974)

Vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bước sang một giai-đoạn mới vào tháng giêng năm 1974, lần này đưa đến việc giải-quyết bằng vũ-lực qua một cuộc đụng-độ hải-quân công-khai và trực-tiếp giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa. Vì là một nước rất nhỏ bé, về địa-dư cũng như về nhân-số, so với Trung-Cộng, vì không được sự giúp đỡ tận-tình của các quốc-gia tự nhận là đồng-minh, vì bị thế-giới làm ngơ và vì kiệt sức trước cuộc chiến-tranh trong nước đã kéo dài ngót 30 năm, Việt-nam Cộng-hòa chỉ chống lại Trung-Cộng được có hai ngày để rồi cuối cùng nhìn thấy quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng mà hậu-quả còn kéo dài tới ngày nay.

Biến-cố này xảy ra sau khi Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã quyết-định sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào xã Phước-hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước-tuy, ngày 6.9.1973(50).

Đây không phải là lần đầu tiên có sự sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và quần-đảo Truòng-sa vào các đơn-vị hành-chính nội-địa ở Việt-nam. Thực vậy, trong thời Pháp-thuộc, ngày 21.12.1933 quần-đảo Trường-sa đã được sáp-nhập vào địa-phận tỉnh Bà-rịa(51) và ngày 30.3.1938 quần-đảo Hoàng-sa được sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên(52). Từ khi Việt-nam giành được độc-lập khỏi tay thực-dân Pháp, quần-đảo Hoàng-sa dược tổ-chức thành xã Định-hải, do một phái-viên hành-chính cai-trị và trực-thuộc quận Hoà-vang, tỉnh Quảng-nam ngày 13.7.1961(53), rồi đến ngày 21.10.1969 xã Định-hải (tức quần-đảo Hoàng-sa) sáp-nhập vào xã Hòa-long cùng quận Hòa-vang, tỉnh Quảng-nam(54); còn quần-đảo Trường-sa được đặt thuộc tỉnh Phước-tuy (tên mới của tỉnh Bà-rịa) ngày 22.10.1956(55). Nghị-định ngày 6.9.1973 chỉ đổi quận trực-tiếp quản-trị quần-đảo Trường-sa.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy là trong các việc sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trước đây các chính-phủ Trung-hoa không hề lên tiếng phản-đối gì cả. Chỉ đến lần cuối cùng, năm 1973, thì cả Bắc-kinh lẫn Đài-loan mới có phản-ứng.

A. Phản-ứng của Trung-Cộng

1. Tuyên-bố ngày 1.1.1974

Điều chúng ta không hiểu rõ là vì lý-do gì mà mãi hơn 4 tháng sau khi có việc sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào quận Đất Đỏ Bắc-kinh mới có phản-ứng.

Ngày 11.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một bản tuyên-bố(56), mở đầu như sau:

"Cách đây không lâu, nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã trắng-trợn loan báo đặt hơn mười đảo thuộc quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc, kể cả Nam-uy và Thái-bình, dưới quyền quản-trị của tỉnh Phước-tuy ở Nam-Việt. Đây là một sự xâm-phạm điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc."

Sau khi nhắc lại lời tuyên-bố đã từng được nói tới nhiều lần là "cũng giống như các quần-đảo Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa, quần-đảo Nam-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc," bản tuyên-bố đã tố-cáo đây không phải là lần đầu Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-động như vậy:

"Trong những năm gần đây nhà cầm quyền Sài-gòn đã gia-tăng xâm-chiếm vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa và Tây-sa, trong nhiều trường-hợp đã ồn-ào đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo này, ngay cả dựng các "bia chủ-quyền" trên đó. Giờ đây nhà cầm quyền Sài-gòn lại đi thêm bước nữa, công-khai sáp-nhập hơn mười đảo, kể cả đảo Nam-uy và Thái-bình, vào ranh-giới của mình. Hành-động này tạo nên một bước mới nhằm nắm vĩnh-viễn quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc."

Đoạn bản tuyên-bố nhắc lại lập-trường cũ của Trung-Cộng:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại ở đây rằng các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa tất cả đều là phần của lãnh-thổ Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này."

Sau hết bản tuyên-bố đã kết-luận bằng cách phủ-nhận giá-trị hành-động của Việt-nam Cộng-hòa.

"Quyết-định của nhà cầm quyền Sài-gòn đem sáp-nhập đảo Nam-uy, Thái-bình và các đảo khác ở quần-đảo Nam-sa vào Nam-Việt là bất-hợp-pháp và vô-hiệu-lực. Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ dung-thứ việc xâm-phạm đến sự vẹn-toàn lãnh-thổ và chủ-quyền nào do nhà cầm quyền Sài-gòn gây ra."

Bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 này vẫn không đưa ra bằng-chứng nào để chứng-minh hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thuộc về Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố đó có mấy điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

Thứ nhất, không giống các lần tuyên-bố trước, lần tuyên-bố này có giọng điệu gay-gắt hơn ("trắng-trợn loan báo," "xâm-phạm điên-cuồng," "ồn-ào đòi chủ-quyền") như báo-hiệu trước những biện-pháp mạnh của Trung-Cộng sẽ dùng tới.

Thứ hai, trong những bản tuyên-bố trước Trung-Cộng chỉ nói đến việc các nước vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc thôi, lần này Trung-Cộng lại vu-cáo Việt-nam Cộng-hòa gia-tăng xâm-chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong mưu-đồ nắm vĩnh-viễn hai quần-đảo này. Sự vu-cáo đó dường như nhằm đánh lạc hướng dư-luận quốc-tế, qui tội xâm-lăng cho Việt-nam Cộng-hòa trước, để cho việc đánh chiếm hai quần-đảo này của Trung-Cộng trở nên hợp-pháp, nghĩa là muốn chứng-minh Trung-Cộng chỉ dùng võ-lực để bảo-vệ lãnh-thổ, chủ-quyền của mình thôi. Nhận-xét này đã được chứng-minh rõ-ràng sau ngày 19 và 20.1.1974. Khi Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, thế-giới đã hoàn-toàn im-lặng, không một nước nào lên tiếng. Ngay cả Liên-hiệp-quốc, một tổ-chức quốc-tế có bổn-phận duy-trì an-ninh thế-giới, cũng giữ thái-độ im-lặng khó hiểu. Ngoài ra, sau biến-cố này Việt-nam Cộng-hòa tính đưa nội-vụ ra trước Liên-hiệp-quốc và chuẩn-bị hồ-sơ kiện tại Toà Án Quốc-tế, nhưng một số nước vẫn nhận là đồng-minh của Việt-nam Cộng-hòa đã tìm cách ngăn-cản để cho Việt-nam Cộng-hòa không thể làm được việc này. Đấy là chưa kể vào thời-gian xảy ra vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Đệ Thất Hạm-đội của Hoa-kỳ đang tuần-tiễu và hoạt-động ở quanh vùng biển Đông, gọi là để bảo-vệ Việt-nam Cộng-hòa, cũng không có một phản-ứng nào trước hành-động của Trung-Cộng.

Thứ ba, từ năm 1956 trở đi, mỗi khi nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, Trung-Cộng bao giờ cũng dùng từ "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp" hay "chủ-quyền hợp-pháp". Tuy nhiên trong lần tuyên-bố ngày 11.1.1974 này -- và cả những lần sau đó, như chúng ta sẽ thấy -- Trung-Cộng chỉ nói tới "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị" hay "chủ-quyền bất-khả xâm-phạm" thôi và hoàn-toàn không dùng từ "hợp-pháp" nữa. Có lẽ Trung-Cộng đã yên-chí là thế-giới đã mắc phải bả của mình rồi nên thấy không cần dùng từ này nữa!

Thứ tư, lần đầu tiên Trung-Cộng đã công-khai bộc-lộ rõ nguyên-nhân thầm-kín thúc-đẩy việc tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa: đó là nguồn tài-nguyên thiên-nhiên ở vùng này. Thực vậy, bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 có câu:

"Các tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này cũng thuộc về Trung-quốc."

Điểm đáng chú-ý ở đây là sự sử-dụng chữ của Trung-Cộng. Bản tuyên-bố không nói là những tài-nguyên thiên-nhiên trên càc quần-đảo này mà lại nói tới "những tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này" cũng thuộc về Trung-quốc. Như vậy, Trung-Cộng cố đòi cho kỳ được chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa không phải chỉ vì chỗ phân chim, phốt-phát hay các tài-nguyên khác tìm thấy trên hai quần-đảo mà chính là nhằm vào những túi dầu có ở quanh hai quần-đảo đương-tranh. Đây mới là động-lực chính thúc-đẩy Trung-cộng ra tay hành-động mạnh.

Tưởng cũng cần nhắc lại là Trung-Cộng chỉ lên tiếng với các lời lẽ gay-gắt hơn và sau này đi đến hình-thức tranh-chấp cực-đoan hơn bằng cách dùng đến võ-lực để chiếm quần-đảo Hoàng-sa, sau khi mấy công-ty dầu ngoại-quốc đã ký giao-kèo khai-thác dầu ở ngoài khơi Việt-nam với chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa. Giả thử quanh hai quần-đảo này không có các túi dầu quan-trọng thì chưa chắc Trung-Cộng đã làm gì, có lẽ vẫn giữ nguyên thái-độ cũ là chỉ tuyên-bố, đe-dọa suông như mọi lần, chứ không đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Vì vậy chúng ta có thể đề-quyết không sợ bị sai-lầm là chính vì các túi dầu của Việt-nam Cộng-hòa mà Trung-Cộng đã ra tay.

2. Tuyên-bố ngày 20.1.1974

Tuy nhiên bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 mới chỉ là màn giáo đầu. Tám ngày sau đã xảy ra một cuộc hải-chiến hai ngày 19 và 20.1.1974 tại vùng quần-đảo Hoàng-sa giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng. Điều chúng ta thắc-mắc là không hiểu tại sao Trung-Cộng không chọn quần-đảo Trường-sa để ra tay mà lại chọn quần-đảo Hoàng-sa. Phải chăng vì quần-đảo này ở gần hải-phận của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa (Bắc-Việt) hơn nên các cuộc hành-quân của Trung-Cộng không bị trở-ngại và còn được Bắc-Việt chống lưng cho hơn là một cuộc hành-quân ở quần-đảo Trường-sa nằm mãi sâu xuống phía nam và gần hải-phận của Việt-nam Cộng-hòa?

Sau khi có trận hải-chiến ở vùng Hoàng-sa ngày 20.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã tung ra một bản tuyên-bố khác(57). Bản tuyên-bố này rất quan-trọng vì đã đề-cập tới một số dữ-kiện không hề nói tới trong những bản tuyên-bố khác. Chúng ta sẽ lần-lượt cứu-xét những dữ-kiện đó.

Trước hết, theo đường lối vu-khống cố-hữu của Trung-Cộng, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đã che dấu sự thật và vu-cáo là hải-quân và không-quânViệt-nam Cộng-hòa đã có hành-động trước như là tấn-công các ngư-thuyền của Trung-Cộng và chiếm hai đảo trong quần-đảo Hoàng-sa ngày 15.1.1974, tấn-công các đảo khác ngày 19.1.1974 và bắn vào các chiến-hạm Trung-Cộng đang đi tuần-tiễu. Rồi để biện-minh hành-động quân-sự của mình, nhà cầm quyền Trung-Cộng đã tuyên-bố:

"Vì bị đẩy tới quá mức chịu-đựng nên các đơn-vị hải-quân, ngư-dân và dân-binh của chúng ta [tức là của Trung-Cộng] mới anh-dũng chống trả để tự-vệ và để trừng-phạt đích-đáng quân địch xâm-lăng."

Sau khi vu-cáo "nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu định xâm-chiếm hai quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc" và nhắc lại việc Việt-nam Cộng-hòa sáp-nhập hơn mười đảo thuộc quần-đảo Trường-sa như đã nói tới trong bản tuyên-bố ngày 11.1.1974, Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh đã lên án là Việt-nam Cộng-hòa "giờ đây còn trắng-trợn khiêu-khích Trung-quốc về quân-sự và chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc bằng võ-lực. Đó là điều táo gan đến cùng-cực."

Nói cách khác, bản tuyên-bố này cố vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến, đã có những hành-động gấy-hấn trước và một Trung-Cộng hiếu-hòa, chỉ ra tay hành-động khi không thể chịu đựng sự khiêu-khích và xâm-lăng của Việt-nam Cộng-hòa được nữa. Mục-đích của lời vu-cáo này hiển-nhiên là nhằm vào dư-luận thế-giới nói chung và Hoa-kỳ nói riêng hầu chặn trước không cho một nước nào phản-đối Trung-Cộng đã vi-phạm Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, mà Trung-Cộng là một hội-viên trước đó ba năm, bằng việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Về điểm này Trung-Cộng đã thành-công. Không một nước nào trong Liên-hiệp-quốc dã lên tiếng cả.

Bản tuyên-bố còn phê-bình các hành-động của Việt-nam Cộng-hòa là:

"Đồng-thời với việc xâm-nhập võ-trang vào lãnh-thổ Trung-quốc, nhà cầm quyền Sài-gòn lại còn dùng đến chiến-thuật 'kẻ có tội đâm đơn kiện trước,' bịa-đặt là Trung-quốc 'đột-nhiên thách-thức' chủ-quyền của chúng trên quần-đảo Tây-sa nhằm cố-gắng làm rối-loạn dư-luận quần-chúng và lại còn khẳng-định là Sài-gòn hoàn-toàn có chủ-quyền trên quần-đảo Tây-sa và không một quốc-gia nào tham-dự Hội-nghị Cựu-kim-sơn năm 1951 lại phản-đối việc chúng đòi chủ-quyền."

Tới đây Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh nhắc lại lời tuyên-bố cố-hữu là: "Như mọi người đều biết, quần-đảo Tây-sa cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc." Điểm đáng nói ở đây là sau khi tuyên-bố chủ-quyền này là "một sự thực bất-khả tranh-nghị" bản tuyên-bố của Bắc-kinh đã gài thêm một câu là "mọi người Trung-hoa đều chủ-trương như vậy."

Câu này nhằm chặn họng trước Đài-loan để đề-phòng trường-hợp Đài-loan, vì nhu-cầu muốn duy-trì sự giao-hảo với Việt-nam Cộng-hòa vào lúc các quốc-gia khác dần-dần bỏ rơi Đài-loan sau khi Trung-Cộng được gia-nhập Liên-hiệp-quốc năm 1971 và đang được Hoa-kỳ o-bế, và vì vốn có cừu-thù với Trung-Cộng, coi việc gì Trung-Cộng làm cũng là trái với quyền-lợi của Trung-quốc, quay ra chống-đối hành-động cưỡng-chiếm Hoàng-sa của Trung-Cộng, khiến cho Đài-loan không thể làm gì khác được. Hơn nữa, câu này còn có ý thách-thức Đài-loan có dám đi ngược lại với quyền-lợi của Trung-quốc không.

Về điểm này Trung-Cộng cũng đã thành-công. Đài-loan không những đã phụ-họa với Trung-Cộng trong việc đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà lại còn phái thêm quân đến chiếm đóng vài hòn đảo thuộc quần-đảo Trường-sa của Việt-nam Cộng-hòa để sẵn-sàng chống lại khi cần.

Mặt khác, trái với các tuyên-bố trước đây chỉ đề-cập tới việc quần-đảo Hoàng-sa (và cả Trường-sa) bị Nhật-bàn chiếm đóng trong thời Thế-chiến thứ II và sau đó Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã thu-hồi lại, lần này bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đưa ra một chi-tiết tuy không mới lạ đối với Việt-nam nhưng lại mới đối với các người ngoại-cuộc: đó là việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa.

"Mặc dù vài hòn đảo thuộc quần-đảo Tâỵ-sa có một thời-kỳ trước Thế-chiến thứ II đã bị Pháp chiếm đóng và sau đó đến lượt Nhật-bản, nhưng sau Thế-chiến, quần-đảo Tây-sa cũng như các đảo khác trong Nam-hải đã được Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ chính-thức thu-hồi."

Chúng ta tự hỏi tại sao Trung-Cộng lần này lại đề-cập tới việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa? Câu hỏi này thật khó trả lời.

Nếu bảo rằng đó chỉ là để đáp lại lời tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa ngày 12.1.1974 và 16.1.1974 trong đó đã nêu việc trong thời-gian Việt-nam bị Pháp đô-hộ (1862-1945) "nhân-danh vương-quốc Việt-nam, Chánh-phủ Pháp đã thực-hiện việc chiếm-cứ chính-thức đảo Hoàng-sa"(58) và đặt "quần-đảo Hoàng-sa thành đơn-vị hành-chánh sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên" cùng "thiết-lập hai đơn-vị hành-chánh tại quần-đảo Hoàng-sa là đơn-vị Croissant và đơn-vị Amphytrite"(59) để chứng-minh chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo thì lập-luận này không đúng. Tại sao? Đây không phải là lần đầu tiên Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra bằng-chứng này. Thực vậy, suốt từ khi có Hòa-hội Cựu-kim-sơn năm 1951, và nhất là từ năm 1956, trở đi, Việt-nam Cộng-hòa đã nhiều lần nhắc tới việc Pháp đã nhân-danh Việt-nam chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để chứng-minh chủ-quyền của mình. Lại nữa, trong vụ Phi-luật-tân đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa năm 1976 (đã nói ở đoạn III bên trên),

Xử-lý Thường-vụ Toà Đại-sứ Pháp tại Manila ngày 9.6.1956 đã thông-báo cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân về việc Pháp chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(60). Như vậy không phải là Trung-Cộng không biết đến việc Pháp chiếm-hữu hai quần đảo.

Câu hỏi là tại sao trong mọi lần trước Trung-Cộng không đả-động gì đến sự-kiện này mà nay lại nhắc tới? Phải chăng đó là vì Trung-Cộng muốn leo thang việc chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo đương-tranh có từ trước Thế-chiến thứ II nhưng đã bị Pháp chiếm mất? Không chắc như vậy. Một luận-cứ kiểu này không thể nào đánh đổ được luận-cứ của Việt-nam Cộng-hòa về tính-cách hợp-pháp của chủ-quyền của Việt-nam Cộng-hòa trên quần-đào này cũng như trên quần-đảo Trường-sa, và cũng không thể nào chứng-minh được chủ-quyền của Trung-Cộng. Vả lại, nếu đúng vì mục-đích này thì tại sao trong các lần tuyên-bố trước Trung-Cộng không hề nêu yếu-tố Pháp ra, mà chỉ nói tới yếu-tố Nhật-bản chiếm đóng Hoàng-sa và Trường-sa thôi?

Hay là vì những lần trước Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố Pháp này? Càng không đúng nữa vì các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ 1951 đến nay luôn luôn đề-cập tới yếu-tố Pháp. Chắc-chắn Trung-Cộng đã nghiên-cứu kỹ-lưỡng các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa. Vì thế không có lý-do gì để tin được là Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố này.

Cũng không thể cho rằng Trung-Cộng đã coi thường yếu-tố này. Không một nhà hoạch-định chính-sách của một quốc-gia nào có thể và có quyền coi thường bất cứ một chi-tiết nào, dù là cỏn-con, để có ảnh-hưởng tai-hại cho quốc-gia. Điều này lại càng đúng hơn nữa đối với Cộng-sản nói chung và Trung-Cộng nói riêng, vốn có thói quen "cái tóc chẻ tư" trong việc nghiên-cứu bất cứ vấn-đề nào.

Mặt khác, trong bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 này Trung-Cộng đã chú-trọng đến bản-chất và giá-trị cái mà họ gọi là sự thu-hồi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của Chính-phủ Trung-hoa sau khi Thế-chiến thứ II chấm dứt. Các bản tuyên-bố trước chỉ nói là "Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi" hai quần-đảo thôi. Lần này bản tuyên-bố đi xa hơn bằng cách thêm trạng-từ "chính-thức" để làm nổi bật giá-trị hành-vi của Trung-Cộng và đồng-thời để biện-minh sự đòi hỏi chủ-quyền của mình.

Hơn nữa, sau khi lập lại lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như mọi lần trước, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974, để biện-hộ cho việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của mình, đã viện-dẫn đến chiêu-bài là:

"Trung-quốc là một quốc-gia xã-hội chủ-nghĩa. Chúng tôi không bao giờ chiếm đóng lãnh-thổ của nước khác, nhưng chúng tôi cũng sẽ không để cho các nước khác chiếm đóng lãnh-thổ của chúng tôi."

Ngoài ra, làm như có sự đồng-nhất quan-niệm và chính-sách của nhà cầm quyền Cấm-thành và nhân-dân Trung-quốc trong mọi việc, bản tuyên-bố này còn gài thêm một câu là:

"Để bảo-vệ sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc, Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa có quyền làm mọi hành-vi cần-thiết để tự-vệ."

Trước đây các lãnh-tụ Trung-Cộng chỉ nói đến chính-phủ không thôi. Từ bản tuyên-bố này trở đi nhân-dân Trung-quốc được chính-quyền Bắc-kinh đoái-hoài tới trong vụ tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Sau hết, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 lại một lần nữa đã cố tô vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến dám chống-đối một lân-bang khổng-lồ bằng cách đòi "Nhà cầm quyền Sài-gòn phải ngưng ngay lập-tức mọi khiêu-khích quân-sự chống Trung-quốc" với mục-đích chứng-minh cho thế-giới biết rằng chỉ có Trung-Cộng mới hiếu-hòa thôi. Bản tuyên-bố kết-thúc bằng một sự đe-dọa quen-thuộc: "Nếu không, họ sẽ phải chịu mọi hậu-quả do các hoạt-động này gây nên."

3. Bài tường-thuật nội-vụ trận hải-chiến tại Hoàng-sa

Cùng lúc với bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 trên, guồng máy tuyên-truyền của Trung-Cộng đã cho phổ-biến một bài tường-thuật nội-vụ cuộc hải-chiến nhan-đề "Saigon Authorities Invade China's Hsisha Islands and Provoke Armed Conflicts"(61).

Bài tường-thuật này bổ-túc bản tuyên-bố nói trên. Nó đã xuyên-tạc mọi chi-tiết, bóp méo hay thổi phồng các dữ-kiện hay sự-kiện trong một mục-đích chung là tô vẽ hai hình-ảnh. Một hình-ảnh Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến đã "trắng-trợn xâm-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc cùng là điên-cuồng khiêu-khích nhân-dân Trung-hoa," với những hành-động nào là "mặt dạn mày dày phái chiến-thuyền và phi-cơ xâm-nhập lãnh-hải và lãnh-không của Trung-quốc ở chung quanh và phía trên quần-đảo Tây-sa, cưỡng-chiếm quần-đảo của Trung-quốc và nổ súng bắn vào các ngư-dân Trung-hoa đang làm công-tác sản-xuất và vào hải-hạm Trung-hoa đang đi tuần-tiễu theo thường-lệ," nào là "khuấy-rối và phá-hoại ngư-thuyền Trung-hoa...đang làm công-tác sản-xuất ở gần đảo Cam-tuyền, bắn lên đảo có treo quốc-kỳ của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa và vô-lý ép ngư-thuyền Trung-hoa phải rời hải-vực của mình," nào là "chiếm đảo Cam-tuyền và om-sòm hạ quốc-kỳ của Trung-hoa ở đó," nào là "đâm vào các ngư-thuyền Trung-hoa một cách tàn-bạo và vô-lý," nào là "tiếp-tục gia-tăng khiêu-khích và không thèm để ý đến những lời cảnh-cáo liên-tiếp của Trung-quốc," nào là "bắn chết và gây trọng-thương cho một số [ngư-dân Trung-hoa]," nào là "dội bom san bằng đảo," v.v... Hình-ảnh khác là một Trung-Cộng hiếu-hòa, với những hành-động như là "đấu-tranh chính-đáng bằng cách lý-luận với họ [tức là quân-sĩ Việt-nam Cộng-hòa] và yêu-cầu họ rời khỏi lãnh-thổ của Trung-quốc, "rồi chỉ chống trả lại khi "bị dồn-ép đến quá mức chịu-đựng" và "để tự-vệ."

Bài tường-thuật còn nhắc lại lời vu-cáo là "Nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu nuôi ý-đồ thôn-tính các hòn-đảo của Trung-quốc ở Nam-hải và đã chiếm-đóng một cách bất-hợp-pháp một vài hòn đảo thuộc quần-đảo Nam-sa và Tây-sa của Trung-quốc" và bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 của phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã "nghiêm-khắc lên án sự xâm-lấn vô-luân của nhà cầm quyền Sài-gòn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và tái khẳng-định là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa." Tuy nhiên, vẫn theo bài tường-thuật, "dù chính-phủ Trung-hoa đã liên-tiếp cảnh-cáo, chúng [tức là Việt-nam Cộng-hòa] vẫn phái quân-lực tới lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc và gây-chiến. .. khiến cho nhân-dân Trung-hoa hết sức phẫn-nộ." Bài tường-thuật kết-thúc bằng câu đe-dọa là "Nếu nhà cầm quyền Sài-gòn nhất-quyết cố-ý hành-động như vậy, không chịu ngưng ngay việc lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc thì nhất-định chúng sẽ phải ăn trái đắng của chính chúng."

4. Tuyên-bố ngày 4.2.1974

Để đề-phòng mọi bất-trắc có thể xảy ra, ngày 1.2.1974 Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã phái một đội đặc-nhiệm hải-quân tới tăng-viện phòng-thủ năm đảo thuộc quần-đảo Trường-sa và dựng bia chủ-quyền tại đây. Vì thế, ngày 4.2.1974, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng lại ra một bản tuyên-bố(62) tố-cáo hành-động này, coi đó là "một sự xâm-lấn điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và một khiêu-khích quân-sự mới chống lại nhân-dân Trung-hoa" do đó "Chính-phủ và nhân-dân Trung-quốc cực-lực lên án và phản-đối [hành-động này]."

Hơn nữa, bản tuyên-bố còn nói rằng:

"Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần tuyên-bố là các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa tất cả đều là phần lãnh-thổ của Trung-quốc và nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị đối với các quần-đảo này và các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó."(nhấn mạnh thêm)

Đoạn bản tuyên-bố kết-thúc bằng lời tuyên-bố cố-hữu là:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhất-quyết không để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc vì bất cứ lý-do gì. Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết không thể lay-chuyển được."

Tuy bản tuyên-bố vẫn mang những vu-cáo quen-thuộc và những luận-điệu cũ-rích nhưng nó cũng có một điểm mới đáng nói. Đó là nó đã nới rộng phạm-vi tranh-chấp chủ-quyền.

Trong những lần tuyên-bố trước, Trung-Cộng chỉ nói rằng các quần-đảo Tây-sa, Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa là phần lãnh-thổ của Trung-quốc mà Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị (có khi lại nói là chủ-quyền bất-khả xâm-phạm) không thôi. Lần này, bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 còn nới rộng thêm ra và cho rằng cả các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó cũng thuộc chủ-quyền của Trung-quốc.

Như đã nói ở một đoạn bên trên, lý-do sự tranh-chấp chủ-quyền trên các quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa (và cả Trung-sa lẫn Đông-sa nữa) là các túi dầu ở đây. Lý-do này một lần nữa được Trung-Cộng để lộ cho thấy, dù chỉ là gián-tiếp, trong bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 này, khi Bắc-kinh còn đòi thêm cả chủ-quyền ở các vùng biển chung quanh các quần-đảo, nơi gần dây người ta tìm thấy có những túi dầu quan-trọng.

B. Phản-ứng của Đài-loan

Về phần Đài-loan, chính-phủ của Tưởng Giới-thạch đã nhiều lần lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong thời-gian có trận hải-chiến ngày 19-20.1.1974. Trong số những tuyên-bố này, có hai tuyên-bố đáng cho chúng ta xét ở đây.

1. Tuyên-bố của Bộ Ngoại-giao Đài-loan ngày 7.2.1974

Tuyên-bố thứ nhất là của Bộ Ngoại-giao Đài-loan vào ngày 7.2.1974, nội-dung như sau:

"Gần đây Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa tuyên-bố chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa (Spratly). Đối với lời tuyên-bố này, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã cực-lực phản-kháng với Chính-phủ Việt-nam và tái khẳng-định lập-trường là quần-đảo này là phần lãnh-thổ cố-hữu của Trung-hoa Dân-quốc và không ai có thể nghi-ngờ chủ-quyền của Trung-hoa Dân-quốc đối với quần-đảo này.

"Quần-đảo này đã bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận Thế-Chiến thứ II và được qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc khi, sau chiến-tranh, vào tháng 12 năm 1946, Chính-phủ Trung-hoa đã phái một hải-đội tới thu-hồi khỏi tay Nhật-bản. Từ đó trú-quân thường-trực Trung-hoa đã tới đóng ở đó. Hơn nữa, ngày 1.12.1947, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã loan-báo cùng thế-giới tên tiêu-chuẩn của các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo.

"Những đảo này, tạo thành phần hoàn-chỉnh lãnh-thổ Trung-hoa, là một sự thực bất-khả tranh-nghị. Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc vì vậy cương-quyết tái khẳng-định chủ-quyền của Trung-hoa trên quần-đảo Nam-sa. Lập-trường này không thể bị bất cứ nước nào thay-đổi bằng bất cứ biện-pháp nào."(63)

Về tuyên-bố của Đài-loan chúng ta có mấy nhận-xét sau quần-đảo này.:

Thứ nhất, bản tuyên-bố đã đề-cập tới việc hải-quân Trung-hoa tới thu-hồi quần-đảo Trường-sa khỏi tay người Nhật vào tháng 12 năm 1946 và từ đó có quân trú-đóng tại đây.

Trong phần II bên trên chúng tôi đã trình-bày tính-cách bất-hợp-pháp của sự tiếp-thu quần-đảo Trường-sa do hải-quân Trung-hoa Dân-quốc thực-hiện nên không cần nhắc lại ở đây. Vì hành-vi tiếp-thu Trường-sa bất-hợp-pháp nên luận-cứ này của Đài-loan không có giá-trị nữa.

Thứ hai, ngày 1.12.1947 Chính-phủ Đài-loan đã thông-tri cho thế-giới hay việc đặt tên tiêu-chuẩn cho các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo Trường-sa. Vấn-đề đặt ra là việc đật tên đó có phải là yếu-tố cần-thiết không có không được để chứng-minh quần-đảo Trường-sa thuộc Trung-quốc hay không.

Đứng về phương-diện thực-tế, việc đật tên cho một vật gì chẳng qua chỉ là để cho người khác hiểu được người nói muốn ám-chỉ, đề-cập tới vật đó thôi. Nó không có tính-cách bắt-buộc. Đứng về mặt pháp-lý cũng vậy, việc một người hay một quốc-gia đặt tên cho một vật gì không có nghĩa là vật đó đương-nhiên thuộc quyền sở-hữu hay thuộc chủ-quyền của người hay quốc-gia đặt tên cho nó. Nếu không thì bất cứ một người hay quốc-gia nào cũng có thể đặt tên cho một vật rồi chiếm ngay lấy vật đó làm vật sở-thuộc của mình. Giả thử nếu Việt-nam đật một tên tiêu-chuẩn cho đảo Đài-loan rồi tuyên-bố cùng thế-giới hay rằng Đài-loan thuộc chủ-quyền của Việt-nam thì Đài-loan sẽ nghĩ sao? Nếu Hoa-kỳ, Nga, Anh, Pháp, v.v..., mỗi nước cũng đặt cho Đài-loan một tên rồi bảo nó thuộc chủ-quyền của mình, như vậy có được không?

Vì lý-do này, luận-cứ thứ 2 của Đài-loan không đứng vững và không có giá-trị.

Thứ ba, căn-cứ vào hai sự-kiện nêu trên (tiếp-thu và đặt tên), Đài-loan tuyên-bố rằng quần-đảo Trường-sa là một phần lãnh-thổ của Trung-hoa Dân-quốc và sự thực này bất-khả tranh-nghị.

Chúng ta thấy điều tuyên-bố này không có gì mới lạ. Nó chỉ là nhắc lại những lời tuyên-bố của Trung-Cộng từ trước tới nay. Cũng giống trường-hợp các tuyên-bố của Trung-Cộng, nó thiếu-sót các chứng-liệu để chứng tỏ rằng chủ-quyền của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là bất-khả tranh-nghị. Sự thiếu-sót này làm cho luận-cứ của Đài-loan, cũng như của Trung-Cộng, không có giá-trị về thực-tế cũng như về pháp-lý.

2. Tuyên-bố của Tưởng Kinh-quốc ngày 24.2.1974

Mười bảy ngày sau khi Bộ Ngoại-giao Đài-bắc ra bản tuyên-bố nói trên, Tưởng Kinh-quốc, con trai của Tưởng Giới-thạch và lúc đó đang giữ chức Hành-chính-viện Viện-trưởng tức Thủ-tướng Chính-phủ Đài-loan, trong một cuộc phỏng-vấn dành cho ký-giả Roy Rowan của tạp-chí Time ngày 24.2.1974 tại Đài-bắc cũng đã đề-cập tới vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa như sau(64):

Hỏi: Xin Thủ-tướng cho rõ quan-điểm của ngài về vụ tranh-chấp đối với hai nhóm quần-đảo Paracel và Spratly. Liệu quí-quốc có phòng-vệ đội trú-quân đóng ở quần-đảo Spratly của quí-quốc khi bị tấn-công không?

Đáp: Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này. Cách đây nhiều năm, Chính-phủ chúng tôi đã duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Paracel. Lực-lượng này chỉ là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam. Việc chúng tôi rút các lực-lượng đó đi không có nghĩa là chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên quần-đảo Paracel. Việc này chằng qua cũng giống như việc chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên đảo Hải-nam. Quần-đảo Spratly được qui-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc đồng-thời với việc quang-phục Đài-loan khỏi tay Nhật-bản. Từ nhiều năm rồi binh-sĩ của chúng tôi đã trú-đóng ở trên hòn đảo chính của nhóm Spratly. Chúng tôi cuơng-quyết làm những gì có thể được để phòng-vệ quần-đảo này. Tôi thấy cần phải nói rõ là quân-đội của chúng tôi có bổn-phận phòng-vệ lãnh-thổ ủy-thác cho họ.

Hỏi: Liệu có thể có việc Trung-Cộng tấn-công nhóm Spratly không?

Đáp: Vì Cộng-sản có thể tính-toán lầm nên chúng tôi không thể gạt bỏ việc đó được.

Có bốn điểm đáng nói trong các câu trả lời của Tưởng Kinh-quốc:

Thứ nhất, Tưởng Kinh-quốc làm như hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đương-nhiên thuộc về Trung-quốc rồi nên không đưa ra một bằng-chứng nào để chứng-minh chủ-quyền thuộc về Trung-quốc. Cũng vì thế tuy ông ta nói là "Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này," nhưng nói xong bỏ đấy, ông không đề-cập tới lịch-sử đó mà chỉ nói về sự từ-bỏ chủ-quyền trên Hoàng-sa và việc thu-hồi cùng bảo-vệ Trường-sa. Do đó, những ai muốn tìm hiểu xem vì lý-do nào Đài-loan nhận có chủ-quyền trên hai quần-đảo này không còn cách nào biết được.

Thứ hai, việc Trung-hoa Dân-quốc duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Tưởng Kinh-quốc nói ở đây chính là việc mà Bành Phẩm-quang tường-thuật trong một bài báo chúng ta đã xem qua trong phần II. Chỉ có một chi-tiết mới là theo họ Tưởng, lực-lưọng trú đóng ở Hoàng-sa là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam của Trung-quốc.

Thứ ba, cũng vì lý-do này, theo ông, việc Đài-loan từ-bỏ chủ-quyền đối với quần-đảo Hoàng-sa cho Trung-Cộng cũng giống việc từ-bỏ chủ-quyền đối với đảo Hải-nam. Nó không có nghĩa là Đài-loan từ-bỏ chủ-quyền trên quần-đảo này. Nói cách khác, Tưởng Kinh-quốc ngụ-ý là dù cho quần-đảo Hoàng-sa có rơi vào tay Trung-Cộng thì nó vẫn còn thuộc chủ-quyền của Trung-quốc, chứ không phải là của nước khác, không đi đến đâu mà thiệt.

Thứ tư, ông cũng đề-cập tới việc quần-đảo Trường-sa qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc và phòng-thủ Trưòng-sa, không có thêm chi-tiết gì mới lạ. Có lẽ ông không biết, hay biết mà lờ không nói, đến tính-cách bất-hợp-pháp của cái ông gọi là "qui-hoàn" này.

VII. Các tuyên-bố của Trung-quốc từ sau trận hải-chiến tháng 1/1974

Sau khi quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng tháng 1/1974, các chính-phủ Trung-hoa, cả cộng-sản lẫn quốc-gia, mỗi khi có dịp vẫn tiếp-tục lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(65). Tuy nhiên, với thời-gian các tuyên-bố của chính-phủ đó ngày một thưa dần, nhường chỗ cho các tư-nhân lên tiếng thay-thế. Tất cả những tuyên-bố này đều nhắc lại gần như nguyên-văn các tuyên-bố chúng ta đã xét trên đây, không có gì khác-biệt hay mới lạ. Trong phần này chúng tôi chỉ nêu ra phải thí-dụ điển-hình thôi.

A. Tuyên-bố ngày 30.3.1974

Cuối tháng 3 năm 1974, trong khóa họp thứ 30 của Hội-nghị Á-châu Viễn-đông Kinh-tế œy-hội (hay Á-Viễn Kinh-ủy-hội) thuộc Liên-hiệp-quốc nhóm tại Colombo, thủ-đô xứ Tích-lan (Sri Lanka), khi phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa lên án vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của Việt-nam, đại-biểu của Trung-Cộng là Chi Lung đã lên tiếng ngày 30.3.1974(66).

Chi Lung bác-bỏ lập-luận của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa mà ông gọi là "chủ-trương vô-liêm-sỉ" và tái xác-định lập-trường của Trung-Cộng về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cùng là các hải-khu quanh đó. Ông nói thêm là điều 4 chương-trình nghị-sự của khóa họp hiện-tại đã ghi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là các khu đảo cận-hải của nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt và còn ghi thêm là "đã có khế-ước thám-sát và phát-triển khoảng 30 khu [như vậy] ở Nam-hải." Đoạn Chi Lung tuyên-bố:

"Quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải vốn-dĩ là một phần bất-khả-phân của lãnh-thổ Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này cũng như là các hải-khu quanh đó. Mặt khác, vào ngày 15.8.1951, trong một Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn, Ngoại-trưởng Châu Ân-lai đã long-trọng tuyên-bố là 'cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Đông-sa, quần-đảo Tây-sa và đảo Nam-uy lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật chiếm đóng một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng của đế-quốc chủ-nghĩa Nhật-bản, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những quần-đảo này.' Từ đó trở đi Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần nhắc lại lập-trường này.

"Việc văn-phòng hội-nghị ghi trong tài-liệu nói trên rằng quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc là các đảo cận-hải của chính-quyền Sài-gòn ở Nam-Việt là một việc sai-lầm. Phái-đoàn Trung-quốc yêu-cầu văn-phòng áp-dụng mọi biện-pháp để sửa lại lỗi-lầm này để sau này không tái-diễn việc tương-tự nữa."

Trước lời phản-đối kịch-liệt của đại-biểu Việt-nam Cộng-hòa, mà Trung-Cộng gọi là "gào" đòi "chủ-quyền" trên quần-đảo Hoàng-sa và "khả-ố tấn-công Trung-quốc", Chi Lung lại lên tiếng cho rằng hành-động của Việt-nam Cộng-hòa chỉ cốt để "che-đậy sự xâm-lăng của mình một cách lão-luyện". Ông nói thêm rằng "Nhà cầm quyền Sài-gòn từ lâu đã muốn chiếm quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc" bằng cách "chẳng những là đã sáp-nhập vào lãnh-thổ của chúng hơn mười đảo của Trung-quốc, kể cả đảo Nam-uy và đảo Thái-bình thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa, mà lại còn công-khai khiêu-khích võ-trang chống Trung-quốc và chiếm lãnh-thổ Trung-quốc bằng võ-lực," một việc Chi Lung coi là "hết sức mặt dạn mày dầy." Đoạn ông ta "tái khẳng-định chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với những quần-đảo này và những hải-khu chung quanh đó" và kết-luận là "Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc bằng bất cứ lý-do gì" và "Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết và bất-di bất-dịch."

Ngoài những lời-lẽ thô-bỉ và kém lễ-độ không xứng-đáng với tư-cách đại-diện quốc-gia tại hội-nghị quốc-tế (chủ-trương vô-liêm-xỉ, gào đòi chủ-quyền, khả-ố tấn-công, hết sức mặt dạn mày dầy), lời tuyên-bố của Chi Lung chẳng qua chỉ là nhắc đi nhắc lại những luận-cứ cũ-rích của Trung-Cộng và không mang thêm một chi-tiết mới lạ nào cả. Tiện đây chúng ta cũng cần nói thêm là kể từ khi có trận hải-chiến tháng 1/1974 và sau vụ cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, trong các tuyên-bố chính-phủTrung-Cộng, về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng như về bất cứ vấn-đề gì khác có liên-quan tới Việt-nam Cộng-hòa, đã càng ngày càng dùng nhiều lời-lẽ thô-bỉ đối với Việt-nam Cộng-hòa. Sở-dĩ nhà cầm quyền Cấm-Thành phải dùng đến thái-độ này có lẽ là vì họ biết rằng họ bị đuối lý không thể tranh-luận một cách đứng-đắn với Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nên đành phải dùng đến hình-thức này, một hình-thức Trung-Cộng tỏ ra rất điêu-luyện.

B. Tham-luận ngày 2.7.1974

Ngoài ra, tại Hội-nghị Liên-hiệp-quốc về Luật Biển kỳ 2 nhóm tại Caracas, thủ-đô nước Venezuela, từ 20.6 đến 29.8.1974, trong một bài tham-luận đọc trước hội-nghị ngày 2.7.1974, Trưởng phái-đoàn Trung-Cộng tham-dự hội-nghị là Thứ-trưởng Ngoại-thương Sài Thụ-phiên đã bác-bỏ những lời tố-cáo của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa về việc Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa và khẳng-định là "Quần-đảo Tây-sa và Nam-sa ở biển Nam xưa nay vẫn là một phần lãnh-thổ không thể chia cắt của Trung-quốc, quyết không cho phép nhà cầm quyền Sài-gòn vì bất cứ cớ nào xâm-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc."(67)

Giống như các tuyên-bố khác của Trung-Cộng, tham-luận của họ Sài không nêu ra một bằng-chứng nào để cho hội-nghị thấy rõ chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa quả thực thuộc về Trung-quốc. Lời khẳng-định của họ Sài không có gì đáng chúng ta chú-ý, ngoại trừ từ "xưa nay" được gài thêm mà trong các tuyên-bố trước đây không có. Từ này được thêm có lẽ vì từ vụ hải-chiến tháng 1/1974 Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra nhiều bằng-chứng lịch-sử và pháp-lý để chứng-minh chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Truòng-sa thực-sự thuộc về Việt-nam từ mấy thế-kỷ rồi nên Trung-Cộng phải thêm từ "xưa nay" hầu để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc cũng có từ lâu. Tuy nhiên, bài tham-luận của họ Sài, cũng như tất cả những bản tuyên-bố khác của Trung-Cộng, vẫn chỉ nói mập-mờ như vậy thôi, chứ không hề nêu ra được một thí-dụ điển-hình nào cả.

C. Các tuyên -bố trong năm 1979

Mặt khác, từ sau khi Đảng Cộng-sản Việt-nam chiếm được Nam-Việt (30.4.1975) bang-giao Việt-Hoa, vốn không mấy tốt đẹp từ thập-niên 1960 trở đi nên dù vẫn được các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh ví như quan-hệ giữa môi và răng, môi hở thì răng lạnh, đã trở nên suy-sụp nhanh quá mức, biến thành bang-giao giũa hai quốc-gia thù-nghịch. Ngoài những vụ Việt-nam đuổi các Hoa-kiều cư-trú hay sinh-trưởng ở Việt-nam ra khỏi nước Việt, đưa đến việc Trung-Cộng xua quân vượt biên-giới đánh chiếm mấy tỉnh ở miền Bắc, việc tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng leo thang. Trong năm 1979 có ít nhất là 8 lần vấn-dề này được nêu ra.

Quan-trọng nhất có ba lần.

1. Tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trung-Cộng ngày 16.3.1979

Trong một buổi họp báo ở Bắc-kinh ngày 16.3.1979(68), ngoại-trưởng Trung-Cộng Hoàng-Hoa đã có mấy lời tuyên-bố hết sức phi-lý, không thể chấp-nhận được.

Thực vậy, khi nói về vấn-đề tranh-chấp biên-giới Việt-Hoa, Hoàng-Hoa đã nhìn-nhận với các ký-giả ngoại-quốc là có thể có nhiều điều đáng nghi-ngờ về vấn-đề sở-hữu "vài chục cây số vuông" dọc biên-giới Hoa-Việt được qui-định trong hiệp-ước giữa triều-đình Mãn-Thanh và nhà cầm quyền đô-hộ Pháp ký vào cuối thế-kỷ thứ 19(69). Câu nói của họ Hoàng phải hiểu là vì ngu-dốt không biết gì về lịch-sử, địa-lý và chính-trị Việt-nam (điều này có thể có được, nhưng khó tin) hoặc vì để lấy lòng nhà cầm quyền Mãn-Thanh hầu thu-hoạch được lợi lớn hơn (có lẽ đây là nguyên-nhân chính), Pháp đã trao vài chục cây số vuông lãnh-thổ của Việt-nam cho Trung-quốc cuối thế-kỷ thứ 19. Cái phi-lý và trơ-trẽn của Hoàng-Hoa là ông ta đã tiêu-biểu cho thái-độ Trung-quốc khinh-thị các nước nhỏ bé.

Đành rằng con số vài chục cây số vuông lãnh-thổ của một quốc-gia quả có nhỏ bé thực, nhất là so với một nuớc có lãnh-thổ bao-la như Trung-quốc, nhưng nó vẫn là một vấn-đề trọng-đại đối với Việt-nam. Đáng lý ra Hoàng-Hoa, với chức-vụ ngoại-trưởng của mình, nghĩa là đại-diện cho Trung-quốc về phương-diện ngoại-giao cũng như bang-giao quốc-tế, phải thẳng-thắn tuyên-bố nhìn-nhận chủ-quyền của Việt-nam đối với vài chục cây số vuông đó, phải tỏ ra là Trung-quốc hối-tiếc về sự lầm-lẫn này đã làm tổn-hại rất lâu cho một quốc-gia vốn có mấy ngàn năm bang-giao với Trung-quốc và quan-hệ Việt-Hoa đó, như trên đã nói, vẫn được Trung-quốc coi rất mật-thiết giống như quan-hệ giữa răng và môi, và phải đưa ra những đề-nghị để giải-quyết vấn-đề, dù chỉ là đề-nghị sơ-khởi và trên lý-thuyết. Đằng này họ Hoàng chỉ nói khơi-khơi rằng đó không phải là một điểm tranh-chấp quan-trọng. Nói cách khác, tuy nhìn-nhận sự sai-lầm, Trung-Cộng vẫn cứ chiếm giữ phần đất đó một cách bất-hợp-pháp như thường và bất-chấp dư-luận quốc-tế.

Mặt khác, về vấn-đề Hoàng-sa và Trưòng-sa, Hoàng-Hoa còn nói thêm rằng vào thời-kỳ có hiệp-ước nói trên Trung-quốc không thể cùng Pháp ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải và vì thế không thể nào có sự nghi-ngờ về quyền sở-hữu của Trung-quốc trên hai quần-đảo Tây-sa vá Nam-sa vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sừ chứng-minh.

Điều đáng tiếc là Hoàng-Hoa đã không cho biết vì những lý-do nào vào cuối thế-kỷ thứ 19 Trung-quốc không thể ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải với Pháp được. Mặc dù chúng ta có thể suy-luận ra được các nguyên-nhân, nhưng ở đây chúng ta không cần nói đến vì không phải là mục-đích của bài này. Điểm chúng ta cần nhấn mạnh là sự biện-hộ rất phi-lý của Hoàng-Hoa.

Chúng ta không thể nào viện-cớ vì không thể ấn-định ranh-giới lãnh-hải của một quốc-gia để bảo quốc-gia đó có quyền sở-hữu một phần lãnh-thổ nào đó. Nếu biện-luận theo kiểu họ Hoàng thì chúng ta cũng có thể nói được rằng vì không thể ấn-định ranh-giới được nên không thể có sự nghi-ngờ nào về quyền sở-hữu của Việt-nam ở ngay chính đại-lục Trung-hoa, trên một giải dất chạy dài từ hồ Động-đình (tỉnh Hồ-nam) ở phía bắc và từ tỉnh Tứ-xuyên ở phía tây xuống tới phần lãnh-thổ Việt-nam hiện-tại vì đã có nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh. Các nhà lãnh-đạo Cấm-Thành nói chung và Hoàng-Hoa nói riêng nghĩ sao về biện-luận này? Trung-quốc có chịu nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam đó không? Hơn nữa, nói theo kiểu Hoàng-Hoa thì Trung-quốc phải nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mới đúng vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh chủ-quyền này. Các chứng-cớ đó Việt-nam Cộng-hòa đã viện-dẫn minh-bạch rất nhiều lần và ai muốn cũng có thể kiểm-chứng được, chứ không chỉ nói mù-mờ như Hoàng-Hoa và các nhà lãnh-đạo khác của Trung-Cộng đã làm.

Sau hết, cũng cần nói thêm là trong buổi họp báo này Hoàng-Hoa còn cho biết thêm là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa năm 1958 đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng nhưng vào mùa hè năm 1977 Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Đồng đã phủ-nhận sự nhìn-nhận ấy.

2. Giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng ngày 23.3.1979

Một tuần sau buổi họp báo của Hoàng-Hoa, tờ Nhân-dân Nhật-báo, cơ-quan ngôn-luận của Đảng Cộng-sản Trung-quốc ở Bắc-kinh, đã đăng-tải nguyên-văn bức giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng Lý Tiên-niệm gửi Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Đồng ngày 10.6.1977 trong đó có ghi rõ bối-cảnh các vụ tranh-chấp biên-giới giữa Trung-quốc và Việt-nam theo quan-điểm của Trung-Cộng (70). Một trong những điểm nêu ra trong bức giác-thư này có liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Theo bức giác-thư, ngày 15.6.1956 một thứ-trưởng ngoại-giao Việt-nam đã chính-thức nói với Trung-Cộng rằng "đứng về quan-điểm lịch-sử" thì hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa "là lãnh-thổ của Trung-quốc." Hơn nữa, trong các văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 chính-phủ Cộng-sản Việt-nam cũng đã chấp-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo này.

Qua hai chi-tiết này chúng ta biết thêm được rằng một luận-cứ khác của Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa cũng đã nhìn-nhận chủ-quyền đó thuộc Trung-quốc. Có điều đáng tiếc là bức giác-thư này không nói rõ tên của viên thứ-trường ngoại-giao Việt-nam đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc và ông ta đã tuyên-bố như vậy trong trường-hợp nào, ở đâu, ngày nào, với ai, và nguyên-văn lời tuyên-bố đó ra sao. Hơn nữa vì bức văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa không hề được công-bố nên chúng ta không thể kiểm-chứng những điều bức giác-thư nêu ra xem có đúng sự thực không hay đã bị bóp méo, sửa đổi cho hợp với lập-luận hay mục-đích của Trung-Cộng.

Tuy nhiên, dù bức giác-thư có trích-dẫn đứng-đắn các lời tuyên-bố của Hà-nội, chúng ta thấy việc nhìn-nhận của Hà-nội không phản-ảnh quan-điểm thực và lâu dài của nhà cầm quyền Hà-nội, mà chỉ là nhìn-nhận có tính-cách giai-đoạn thôi. Thực vậy, vẫn theo bức giác-thư, Phạm-văn-Đồng đã có lần giải-thích là những lời tuyên-cáo ủng-hộ chủ-quyền của Trung-quốc đối với Hoàng-sa và Trường-sa này được đưa ra chẳng qua là vì trong thời-gian kháng-chiến(71) "lẽ dĩ-nhiên là chúng tôi phải đặt việc chống đế-quốc chủ-nghĩa Hoa-kỳ lên trên mọi việc khác." Về giải-thích này, Lý Tiên-niệm đã đáp lại là các vấn-đề chủ-quyền lãnh-thổ phải được cứu-xét một cách nghiêm-túc.

Ngoài ra, Lý Tiên-niệm còn cho biết là sự thay-đổi lập-trường của Hà-nội đã xảy ra vào năm 1974 và 1975 khi Việt-nam đã "lợi-dụng cơ-hội giải-phóng miền nam Việt-nam để xâm-chiếm sáu đảo trong nhóm quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc." Cũng cần nói thêm ở dây là bức giác-thư còn nói là thái-độ của Liên-sô về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Nam-sa và Tây-sa cũng đã thay-đổi vào năm 1975.

3. Phản-đề-nghị của Trung-Cộng ngày 26.4.1979

Để trả lời một đề-nghị của Hà-nội nhằm giải-quyết cuộc tranh-chấp, ngày 26.4.1979, Thứ-trưởng Ngoại-giao Trung-Cộng Hàn Niệm-long đã đưa ra một phản-dề-nghị của Bắc-kinh(72). Trung-Cộng đề-nghị là trong khi chờ đợi một cuộc dàn-xếp về vấn-đề biên-giói trên căn-bản Hòa-ước Trung-Pháp(73), hai nước Việt và Hoa nên tôn-trọng ranh-giới đã được đôi bên đồng-lòng thỏa-thuận năm 1957 là lãnh-hải nên được hoạch-định một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế và Việt-nam phải "quay trở lại lập-trường trước."

— đây chúng ta không cần nói tới đề-nghị dàn-xếp vấn-đề biên-giới Việt-Hoa trên căn-bản Hoà-ước Pháp-Hoa mà chỉ bàn tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Về điểm này, chúng ta nhận thấy có sự mâu-thuẫn và phi-lý trong luận-cứ của Trung-Cộng. Trung-Cộng một mặt chủ-trương giải-quyết vấn-đề ranh-giới lãnh-hải, hay nói cách khác là chủ-quyền lãnh-hãi, một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế, nhưng mặt khác lại đòi Việt-nam phải quay trở lại lập-trường trước, tức là phải công-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một trong những nguyên-tắc căn-bản và sơ-đẳng của việc giải-quyết một tranh-chấp, một mâu-thuẫn hay một xung-đột nào, dù là ở trên lãnh-vực quốc-gia hay trong lãnh-vực quốc-tế, là hai bên đương-tranh phải giữ nguyên hiện-trạng vào lúc đưa việc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột ra giải-quyết. Đối-tượng của sự giải-quyết ở đây là sự bất-đồng, nó là nguyên-nhân hay nguyên-động-lực của sự tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột. Nếu một bên đương-tranh bị bắt-buộc phải công-nhận trước quan-điểm hay đòi hỏi của bên kia trước khi cuộc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột được mang ra giải-quyết thì sự giải-quyết không còn đối-tượng nữa. Nếu có giải-quyết thì chẳng qua chỉ là làm một việc thừa. Hơn nữa, giải-quyết theo kiểu này thì đâu có công-bằng và hợp-lý nữa?

Sở-dĩ Trung-Cộng đòi-hỏi một cách phi-lý và mâu-thuẫn như vậy có lẽ là vì Trung-Cộng biết rằng nếu áp-dụng một cách đứng-đắn, công-bằng và hợp-lý các nguyên-tắc của luật quốc-tế đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thì Trung-Cộng sẽ bị thua do lẽ Trung-Cộng, và cả Đài-loan nữa, không thể nào chứng-minh một cách đứng-đắn, thành-thực và phi-chính-trị được là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Đấy là chưa kể một nguyên-nhân khác là Trung-Cộng biết rằng khi đó Việt-nam, vốn bị cô-lập trên trường quốc-tế, vẫn cần đến sự giúp-đỡ và chống lưng của Trung-Cộng nên dù đòi-hỏi của Trung-Cộng có phi-lý và mâu-thuẫn thế nào đi chăng nữa, Việt-nam cũng sẽ bắt-buộc phải chịu theo.

4. Tuyên-bố tháng 9/1983

Vào đệ tam tam-cá-nguyệt 1983, trong một buổi họp báo hàng tuần tại Bắc-kinh(74), phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là Qi Huaiyuan đã cho hay là gần đây có quân-lính ngoại-quốc chiếm-đóng bất-hợp-pháp ám-tiêu Danwan(75) và nột vài quốc-gia đã liên-tiếp đòi chủ-quyền lãnh-thổ trên một vài hòn đảo và ám-tiêu thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa. Vì vậy, ông nhắc lại lập-trường cố-hữu của Trung-Cộng là chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải không thể để cho bất cứ nước nào vi-phạm, vì bất cứ lý-do gì hay bằng bất cứ cách nào. Đoạn ông nói thêm là:

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên quần-đảo Nam-sa cùng các hải-khu lân-cận, và các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc."

Tuy lời tuyên-bố trên không có gì mới lạ nhưng chúng ta thấy Trung-Cộng đã càng ngày càng để lộ rõ lý-do Trung-quốc cố đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa, cũng như quần-đảo Hoàng-sa: đó là kho tài-nguyên thiên-nhiên, hay nói cho đúng hơn là những túi dầu, ở vùng này. Vì vậy, trong lần tuyên-bố này, Trung-Cộng đã nhấn mạnh bằng cách thêm câu "các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc" sau khi nói về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc trên quần-đảo và những hải-khu lân-cận.

Hơn nữa, trong khi những tuyên-bố trước chỉ nói đến tính-cách bất-hợp-pháp của việc bất cứ quốc-gia nào khác chiếm đóng hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi, lần này Qi Huaiyuan còn nói đến tính-cách bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận của sự khai-thác các tài-nguyên thiên-nhiên ở đây cùng những hoạt-động khác nữa.

"Việc bất cứ một quốc-gia nào khác chiếm đóng bất cứ một hòn đảo nào trong quần-đảo Nam-sa và khai-thác cũng như các hoạt-động khác ở những vùng này là việc làm bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận được."

Kết-luận

Qua việc nghiên-cứu các lời tuyên-bố của hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ năm 1951 đến nay, chúng ta nhận thấy rằng cả hai chính-phủ này có luận-cứ vu-vơ, mơ-hồ và võ-đoán. Họ chỉ nói đi nói lại nhiều lần là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị hay chủ-quyền hợp-pháp và chủ-quyền đó có từ xa-xưa lắm rồi, nhưng lại không đưa ra được một bằng-chứng cụ-thể nào, căn-cứ vào các tiêu-chuẩn lịch-sử, địa-lý hay luật quốc-tế, để chứng-minh là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Vì vậy những luận-cứ đó hoàn-toàn không có tính-cách thuyết-phục, dù là đối với những người đễ tính nhất. Cái lầm lớn nhất của cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc là cứ làm như chủ-quyền đó là vấn-đề đương-nhiên, không cần biện-minh. Sở-dĩ chúng tôi bảo là sai-lầm là bởi vì khi có sự tranh-chấp về một quyền nào đối với vật nào, các phe đương-tranh ít nhất cũng phải đưa ra các bằng-cớ cần-thiết để chứng-minh quyền sở-hữu của mình đối với vật tranh-chấp ngõ hầu có thể thuyết-phục những người ngoại-cuộc. Việc không chứng-minh quyền sở-hữu này có thể khiến cho người ngoại-cuộc nghĩ rằng sự thực thì phe không đưa ra bằng-chứng không hề có quyền sở-hữu, mà hành-động đòi chủ-quyền chỉ là vì do lòng tham muốn chiếm-đoạt vật của người khác.

Ngoài ra, cả Bắc-kinh lẫn Đài-bắc đã có hành-vi bất-hợp-pháp là cố tình coi việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa năm 1946 là Trung-quốc đã thu-hồi hai quần-đảo này để rồi vin vào đó họ tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo, mặc dù các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II chỉ quyết-định giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở đây thôi chứ không hề quyết-định qui-hoàn hai quần-đảo này cho Trung-quốc. Ngay cả trong Hoà-ước Cựu-kim-sơn năm 1951 Nhật-bản cũng không hề tuyên-bố hay nhìn-nhận qui-hoàn Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Lý-do này rất dễ hiểu: các nước đồng-minh trong Thế-chiến thứ II củng như Nhật-bản đều biết rằng hai quần-đảo này không phải là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Hành-vi bất-hợp-pháp này có hậu-quả rất tai-hại là nhiều người ngoại-quốc không nghiên-cứu kỹ và chỉ dựa vào các tuyên-bố của Bắc-kinh hay Đài-loan đã mặc-nhiên nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Các tài-liệu do người ngoại-quốc viết về vấn-đề này đã cho thấy rõ hậu-quả tai-hại đó. Rất hiếm, nếu không thể nói quả-quyết được là không có, tài-liệu do người ngoại-quốc biên-soạn hay viết đã tham-chiếu các tài-liệu của Việt-nam chứng-minh chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa thực sự thuộc về Việt-nam, mà chỉ tham-chiếu tài-liệu của Trung-quốc, cả quốc-gia lẫn cộng-sản, thôi.

Ngay cả việc giải-giới do Quốc-quân Trung-hoa thực-hiện năm 1946 cũng là hành-vi không hợp-pháp nốt. Một mặt, qua hiệp-ước ký với Pháp ngày 28.2.1946 Trung-hoa Dân-quốc đã chuyển-nhượng việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 cho Pháp nhưng mặt khác cuối năm 1946 lại cho quân đến giải-giới quân-đội Nhật-bản chẳng những ở Hoàng-sa mà còn ở cả Trường-sa nữa, để sau này vịn vào hành-động đó cả hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc coi là Trung-quốc đã tiếp-thu và có chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Như vậy, nếu áp-dụng riêng luật quốc-tế theo yêu-sách của Trung-Cộng không thôi chúng ta thấy là Trung-quốc cũng không có tư-cách pháp-định làm chủ hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Nói tóm lại, luận-cứ chính-thức của hai chính-phủ Trung-Cộng và Đài-loan không có sức thuyết-phục được ai về chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa vì đã không đưa ra được một bằng-chứng nào và lại dựa vào hành-vi bất-hợp-pháp.

Tạ-quốc-Tuấn
(Nguồn: VuHuuSan.net



Chú-Thích
(1) Đề-cập tới trong bài "Notes on the Nanwei and Sisha Islands," đăng trong PEOPLE'S CHINA, Bắc-kinh, tập IV, số 5, phụ-trương ng. 1.9.1951, tr. 7.
(2) Toàn văn bản Hòa-ước Cựu-kim-sơn đăng trong: (a) UNITED NATIONS TREATY SERIES, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) AMERICAN FOREIGN POLICY, 1950-1955: BASIC DOCUMENTS do bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ xuất-bản năm 1957, ấn-bản số 5446, tr. 425-439.
(3) "Chou En-lai's Statement on the Peace Treaty with Japan," đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập II, số 12, phụ-trương ngày 16.12.1950, tr. 17 (viết tắt: Chou En-lai's Statement). Nhấn mạnh thêm.
(4) Chou En-lai's Statement, tr. 19. Nhấn mạnh thêm.
(5) Bản Anh-ngữ nhan-đề "Foreign Minsiter Chou En-lai's Statement on the U.S.-British Draft Peace Treaty with Japan," (viết tắt: Foreign Minister) đăng trong (a) PEOPLE'S CHINA, tập IV, số 5, phụ-trương ngày 1.9.1951, tr. 3-6 (Chúng tôi trích-dẫn theo bản này); hay (b) bản tin Tân Hoa-xã số 777, Bắc-kinh ngày 16.8.1951, tr. 75-78.
(6) Foreign Minister, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.
(7) Foreign Minister, tr. 6.
(8) R. Serene, "Petite Histoire des Paracels," đăng trong SUD-EST ASIATIQUE, Bruxelles, số 19, th. 1/1951, tr. 38.
(9) Xem: (a) B.B., "Les Iles Spratlys," đăng trong L'ASIE FRANCAISE, Paris, tập 39, số 269, th. 4/1939, tr. 123; (b) Charles Rousseau, "Chine, France, Japon, Philippines et Vietnam -- Différend Concernant l'Appartenance des Iles Spratlys et Paracels," đăng trong REVUE GENERALE DE DROIT INTERNATIONAL PUBLIC, Paris, năm thứ 76, tập 76, số 3, th. 7-9/1972, tr. 828.
(10) Chi-tiết về hội-nghị này và hội-nghị Tehran được in trong tập THE FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES -- DIPLOMATIC PAPERS: THE CONFERENCES AT CAIRO AND TEHRAN, 1943, (viết tắt: FRUS Cairo-Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961.
(11) FRUS Cairo-Tehran, tr. 448-449.
(12) Xem bài "Roosevelt-Churchill-Stalin Luncheon Meeting", trong FRUS Cairo-Tehran, tr. 566.
(13) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi đảng bảo-thủ Anh thất-cử.
(14) DOCUMENTS ON AMERICAN FOREIGN RELATIONS, do Raymond Dennett và Robert K. Turner biên-tập và Prince University Press xuất-bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 - 31.12.1946.
(15) Jean R. Sainteny, HISTOIRE D'UNE PAIX MANQUéE: INDOCHINE 1945-1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.
(16) Xem UNITED STATES STATUTES-AT-LARGE, trong Executive Agreement Series, số 493, tập 59, phần II, Government Printing Office, Washington, D.C., 1945, tr. 1734-1735.
(17) Herbert Feis thuật lại trong sách JAPAN SUBDUED: THE ATOMIC BOMB AND THE END OF THE WAR IN THE PACIFIC, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1961, tr. 139.
(18) Xem thêm chi-tiết trong VIETNAM AND CHINA: 1938-1954 của King C. Chen, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1969, tr.115-154.
(19) Ngày 28.2.1946 Pháp và Trung-quốc đã ký (a) một hiệp-ước 13 điều mệnh-danh là "Hiệp-ước giữa Trung-hoa Dân-quốc và Pháp-quốc về việc Pháp-quốc Khước-từ Trị-ngoại Pháp-quyền và Các Quyền Liên-hệ Khác ở Trung-quốc", (b) một thỏa-ước 11 điều mang tên là "Thỏa-ước giữa Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc và Chính-phủ Pháp-quốc Liên-quan tới Quan-hệ Trung-hoa và Đông-dương", và (c) một văn-thư trao-đổi. Các tài-liệu này in trong: (a) TREATIES AND AGREEMENTS BETWEEN THE REPUBLIC OF CHINA AND OTHER POWERS, do Chen Yin-ching biên-soạn, Sino-American Publishing Service xuất-bản tại Washington, D.C., 1957, tr. 258-270; (b) King C. Chen, sđd, tr. 360-374.
(20) TRUNG-HOA BÁO, Đài-bắc, ng. 14.7.1971.
(21) Xem bài "Review of International Situation" đăng trong PRESIDENT CHIANG KAI-SHEK'S SELECTED SPEECHES AND MESSAGES IN 1955, do China Publishing Co. ấn-hành tại Đài-bắc năm 1956, tr. 22. (viết tắt: Review) Đông-tam tỉnh nói ở đây là danh-xưng người Trung-hoa vẫn dùng để gọi Mãn-châu.
(22) Thí-dụ xem L. Oppenheim, INTERNATIONAL LAW: A TREATISE, do H. Lauterpacht hiệu-đính, Longmans, Green & Co., xuất-bản ở Luân-đôn, tập I, ấn-bản thứ 7, 1948.
(23) Ch'en T'i-ch'iang, "Taiwan -- A Chinese Territory", đăng trong Law in the Service of Peace: International Association of Democratic Lawyers' Review, số 5, 1956, tr. 42.
(24) Đăng trong báo Quốc-tế Vấn-đề Nghiên-cứu, số 2, 1959, tr. 7-17 và bản dịch Anh-ngữ in trong sách Oppose the New U.S. Plots to Create "Two Chinas" của nhà Xuất-bản Ngoại-văn, Bắc-kinh, 1962, tr. 85-97.
(25) Oppenheim, I, tr. 808.
(26) Oppenheim, I, tr. 807.
(27) Review, tr. 22-23.
(28) TRUNG-HOA NHÂN-DÂN CộNG-HòA-QUốC ĐốI-NGOạI QUAN-Hệ VĂN-KIệN-TậP, Bắc-kinh, tập I, tr. 134 (viết tắt: Đối-ngoại). Nhấn mạnh thêm.
(29) ĐốI-NGOạI, tập II, tr. 30 và 36.
(30) NHÂN-DÂN NHậT-BÁO, Bắc-kinh, ng. 8.2.1955, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.
(31) Toàn bản văn nhan-đề "Foreign Minister Chou En-lai's Statement on San Francisco Peace Treaty" đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập IV, số 7, ngày 1.10.1951, tr. 39. Vì bài này không đề-cập tới hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nên chúng tôi không trích-dịch nơi đăy.
(32) Từ 2.6.1948 đến 26.10.1955 phần đất do chính-quyền quốc-gia (không Cộng-sản) cai-trị gọi là Quốc-gia Việt-nam. Sau đó mới gọi là Việt-nam Cộng-hòa.
(33) PEOPLE'S CHINA, tập 4, số 6, ngày 16.9.1951, tr. 4. Nhấn mạnh thêm.
(34) Toàn bản văn đăng trong PEOPLE'S CHINA, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.
(35) Toàn bản văn hòa-ước giữa Trung hoa Dân-quốc và Nhật-bản đăng trong TREATIES AND AGREEMENT, sđd, tr. 454-456. Vì không có bản văn bằng Hoa-ngữ nên chúng tôi dịch hai danh-từ Spratly Islands và Paracel Islands bằng danh-từ thông-dụng của Việt-nam là quần-đảo Trường-sa và quần-đảo Hoàng-sa.
(36) Đây không phải là Hải-học-viện Phi-luật-tân như nhiều tài-liệu cho tới nay vẫn đề-cập tới một cách sai lầm.
(37) Palawan là một hòn đảo khoảng 4.550 dặm vuông ở tây-nam thủ-đô Manila và bắc Borneo.
(38) Nhiều tài-liệu hiện-hữu đã không để ý đến chi-tiết này mà lại nói là chính Tomas Cloma đem thủy-thủ tới chiếm đóng.
(39) Đây cũng là một chi-tiết mà các tài-liệu hiện-hữu đã sai-lầm khi cho rằng chỉ có hòn đảo lớn mà Tomas Cloma đặt chân tới lần đầu mới mang tên là Freedom Island.
(40) Trích đăng trong bài "Freedomland: Gov't States Position on Imbroglio over Isles," trong bán-nguyệt-san NEW PHILIPPINES, Manila, số tháng 2/1974, tr. 7.
(41) nt.
(42) nt. Nhấn mạnh thêm.
(43) Tân Hoa-xã, ấn-bản Anh-ngữ, ngày 29.5.1956, nhan-đề "Foreign Ministry Statement on Nansha Islands", đăng trong SURVEY OF CHINA MAINLAND PRESS (viết tắt: SURVEY) của Toà Tổng Lãnh-sự Hoa-kỳ tại Hương-cảng, số 1301, ng, 4.6.1956, tr. 20. Nhấn mạnh thêm.
(44) Tân Hoa-xã, ấn-bản Anh-ngữ, ngày 27.2.1959, nhan-đề "Statement on Kidnapping of Chinese Fishermen by South Vietnam Navy," đăng tải trong SURVEY số 1966, ngày 5.3.1959, tr. 47. Hai bản tuyên-bố ngày 15.8.1951 và 29.5.1956 đã được trích-dẫn và phê-bình trong hai phần số II và III bên trên.
(45) Tức phủ tổng-thống Phi-luật-tân.
(46) Tường-thuật lại trong bài Freedomland, bđd.
(47) nt.
(48) Đăng-tải trong SURVEY, số 4944, ng. 27.7.1971, tr. 140. Nhấn mạnh thêm.
(49) nt.
(50) Do Nghị-định số 420-BNV/HCDP/26.X ngày 6.9.2973 của Tổng-trưởng Nội-vụ Lê-công-Chất.
(51) Do Nghị-định số 4762.CP ngày 21.12.1933 của Thống-đốc Nam-kỳ M.J. Krautheimer.
(52) Do Dụ số 10 ngày 30.3.1938 của Hoàng-đế Bảo-đại.
(53) Do Sắc-lệnh số 174-NV ngày 13.7.1961 của Tổng-thống Ngô-đình-Diệm.
(54) Do Nghị-định số 709-BNV/HCDP/26 của Tổng-trưởng Nội-vụ Trần-thiện-Khiêm.
(55) Do Sắc-lệnh số 143-NV ngày 22.10.1956 của Tổng-thống Ngô-đình-Diệm.
(56) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, Bắc-kinh, tập 17, số 3, ngày 17.1.1974, tr.3, dưới nhan-đề "Statement by Spokesman of Chinese Ministrty of Foreign Affairs."
(57) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 4, ng. 25.1.1974, tr. 3-4, dưới nhan-đề "Statement of the Chinese Ministry of Foreign Affairs."
(58) Tuyên-bố ngày 12.1.1974 của phát-ngôn-viên Bộ Ngoại-giao Việt-nam Cộng-hòa, nhan-đề "Việt-nam Cộng-hòa Bác-bỏ Lời Tố-cáo Phi-lý cùa Trung-Cộng về Quần-đảo Hoàng-sa." Bản quay ronéo, tr. 1.
(59) "Tuyên-bố của Bộ Ngoại-giao Việt-nam Cộng-hòa Về Việc Trung-cộng Vi-phạm Chủ-quyền của Việt-nam Cộng-hòa Trên Các Quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa" ngày 16.1.1974. Bản quay ronéo, tr. 1-2.
(60) Tường-thuật trong bài Freedomland, bđd.
(61) Đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 4, ngày 25.1.1974, tr. 4.
(62) Toàn văn đăng trong PEKING REVIEW, tập 17, số 6, ngày 8.2.1974, tr. 3, dưới nhan-đề "Statement by Spokesman of Foreign Ministry."
(63) Toàn văn đăng trong FREE CHINA WEEKLY, Đài-bắc, ngày 10.2.1974, tr. 1, dưới nhan-đề 'ROC Reaffirms Spratly Title."
(64) TIME, New York, 11.3.1974.
(65) Xem Tạ-quốc-Tuấn, "Diễn-tiến Cuộc Tranh-chấp Về Chủ-quyền Trên Hai Quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa Từ Sau Trận Hải-chiến 19-20 Tháng 1/1974" đăng trong Việt-nam Tập-chí, Campbell, California, số 3 & 4, th. 8/1991, tr. 49-82. (Vì sự sơ-ý kỹ-thuật bài này tuy được đăng trọn-vẹn nhưng lại ghi lầm là "Còn Nữa").
(66) Tường-thuật trong PEKING REVIEW, tập 17, số 14, ngày 5.4.1974, tr. 1, nhan-đề "China's Sovereignty Over Hsisha, Nansha Islands Reaffirmed."
(67) Đài Bắc-kinh, chương-trình Việt-ngữ, ngày 3.7.1974, hồi 21 giờ 30. Chúng tôi trích nguyên-văn theo bản tin, không sửa đổi dù cách hành-văn lai-căng.
(68) Tường-thuật trong British Broadcasting Corporation, Summary of World Broadcasts, Part III: The Far East (viết tắt: FE), số 6070.
(69) Đó là Trung-Pháp Hòa-ước ký tại Thiên-tân ngày 11.5.1884, sau được ưng-chuẩn bằng một hòa-ước khác ký ngày 9.6.1885.
(70) FE số 6075.
(71) Ý Phạm-văn-Đồng nói tới cuộc chiến-tranh 1960-1975.
(72) FE, số 6102.
(73) Hàn Niệm-long không nói rõ hòa-ước nào. Có lẽ là hòa-ước 1884 (Xem chú-thích 69 bên trên).
(74) Tường-thuật trong báo BEIJING REVIEW (tên viết theo phương-pháp phan-âm tức pinyin của Trung-Cộng), tập 26, số 39, ngày 26.9.1983, tr. 8.
(75) Tên Việt-nam là Đá Hoa-lau và tên Anh-ngữ Swallow Reef.
 
Đất, Nước cùng Biển Đông trong những niên, kỷ mới: Theo Cha xuống biển
Vũ Hữu San
09:54 01/01/2008
Đất, Nước cùng Biển Đông trong những niên, kỷ mới:
Theo Cha Xuống Biển

Vũ-Hữu-San

Hân hoan chào đón thiên-niên-kỷ mới.

Năm 1999 vừa qua đi, toàn-thể thế giới hân hoan chào đón năm 2000. Nhiều người cho rằng chúng ta đã bước qua thế-kỷ thứ 21. Tuy vậy, cũng có những người nghĩ rằng năm 2000 chỉ là năm cuối cùng của thế kỷ 20. Với nhóm này, thập-niên mới, thế-kỷ mới, thiên-niên-kỷ mới chỉ bắt đâu vào ngày 1 tháng 1 năm 2001.

Dù sao đi nữa theo phong-tục, trong những ngày đầu năm thiêng-liêng như lúc này, ngoài các điều tốt đẹp nhất chúc nhau, người ti-nạn chúng ta cũng thường hay ôn lại quá-khứ và cầu-nguyện cho đồng bào trong nước sớm được hưởng một đời sống tự-do và no ấm.

Trong tiền-bán thế kỷ 20, con người trải qua hai trận thế-chiến. Khắp thiên-hạ vừa vừa mới hân-hoan nhìn thấy chế-độ thực-dân cáo-chung, thì hơn một phần ba nhân-loại lại bị sa chân vào một chế-độ không kém tàn-độc nữa là Cộng-sản. Đi ngược lại đà tiến-bộ chung, cộng-sản ra đời tai Nga-So và sụp đổ nhanh chóng khi gốc rễ của nó hoàn-toàn tan-rã ngay tại Nga-Sô. Những chế-độ độc-tài đảng-trị Cộng-Sản sau chót còn rơi rớt lại tại Việt-Nam, Trung-Hoa, Bắc-Hàn, Cuba chắc chắn cũng đang đi tới nhũng ngày cuối cùng của chúng.

Nhân dịp này, chúng tôi xin ít phút nhìn lại quá-khứ từ những ngày đầu dân ta sinh-hoạt trong môi-trường nước nhiều cạn ít. Chúng tôi quan-niệm rõ rệt là Biển Đông nắm giữ vai trò quan-trọng về cả chiến-lược và kinh tế có ảnh-hưởng sinh-tử đối với quốc-gia và tương-lai dân-tộc.

Vua Rồng quê từ ngoài Biển Đông đi vào

Khi nghiên-cứu truyền-thuyết người ta có thể hiểu được tiến-trình hình-thành của một dân-tộc. Đó là ý-kiến của Keith Weller Taylor khi viết cuốn sách "The Birth of Vietnam" (University of California Press, 1983.) Trong chương đầu tiên (1- Lac Lords), Taylor bàn ngay đến những cách nhìn của ông về truyền-thống hàng-hải Việt-Nam qua những truyện thần-thoại đầu tiên của dân-tộc chúng ta. Theo đó những vua Hùng truyền đi từ Lạc-Long-quân. Ông vua Rồng này quê từ ngoài biển cả đi vào, giúp dân trừ yêu-quái trên đất liền, dạy dân cách trồng lúa để ăn, may quần áo để mặc.

Khi khảo-sát văn-hoá thời Đông-Sơn, nhiều học-giả, gồm cả Đông-phương lẫn Tây-phương như Chikamouri, Bezacier, Manuel, và nhất là Keith Welle (tác-giả "The Birth of Vietnam", University of California Press, California, 1983); đã đồng-ý rằng: "Các hình vẽ và trang-trí trên trống đồng Đông-Sơn luôn luôn tạo nên ý-tưởng về những biểu-tượng của nghệ-thuật hàng-hải, đồng-thời minh-chứng một cách không thể lầm lẫn về tầm ảnh-hưởng của một thế-lực dựa trên căn-bản của biển cả."

Nguồn-gốc Biển Đông của dân-tộc cũng được chứng-minh một cách khoa-học. Sau đây, chúng tôi xin duyệt qua một số lý-thuyết đáng tin cậy.

Dân Việt trong thời-gian xa khơi trước

Nước Việt-Nam nằm trong vùng Đông-Nam-Á. Khu-vực này quan-trong về mặt nhân-loại-học. Giáo-sư Peter Bellwood viết trong cuốn sách "The Cambridge History of Southeast Asia", Vol. 1- From Early times to C 1800- ( edited by Nicolas Tarling, Cambridge University Press: 1992, p. 56-57), tiền-sử Đông-Nam-Á có những ảnh-hưởng quan-trọng đối với toàn-thể thế-giới vì nhiều lý-do như sau:

- Vùng Đông-Nam-Á ghi-nhận sự tiến-hoá của loài người đi từ những loài "khỉ" nhân-hình hominids. Tiến-trình này đã bắt đầu từ hàng triệu năm trước.

- Người Đông-Nam-Á đã thực-hiện những thành-tích vượt biển di-dân đầu tiên của loài người. Nhiều chuyến hải-hành ra khơi, đi từ lục-địa Đông-Nam-Á sang lục-địa Úc-Châu và ra các đảo ngoài Thái-binh-Dương khởi-sự cách đây ít nhất là 40,000 năm.

-Khu-vực phía Bắc của Đông-Nam-Á, trong đó có vùng Bắc Việt-Nam nắm nhiều yếu-tố minh-chứng cho sự khởi-nguyên việc cấy lúa cùng thuần-hoá các loại khoai lang, khoai sọ và trồng chuối, mía...

-Đông-Nam-Á là khu-vực được các nhà ngữ-học đặc-biệt lưu-tâm nghiên-cứu. Đây là nơi phát-nguyên hai loại ngôn-ngữ Nam-Đảo/ NamÁ mà địa-bàn ảnh-hưởng đã lan rộng nhất, hơn nửa vòng trái đất từ Madagascar tới Easter island.

Các cuộc khảo cổ gần đây đã chứng minh sự tồn tại của con người trên lãnh thổ Việt Nam từ thời Đồ đá cũ (300.000 -500.000 năm). Các nhà nhân chủng học Đông Phương đều công nhận rằng: "Việt Nam có thể là một trong những cái nôi xuất hiện loài người sớm nhất."

Vào thời kỳ Đồ đá mới, các nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn (gần 10.000 năm trước CN) đã chứng tỏ sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi, có thể là cả nghệ thuật trồng lúa nước.

Biển Đông Quá-khứ, Cái Nôi phát-nguyên Văn-Hoá của Dân-tộc.

Ngày nay nhìn vào bản-đồ Đông-Nam-Á, chúng ta thấy Biển Đông là một vùng biển gần như nội-địa, diện-tích bằng 4 phần 5 Địa-trung-Hải. Trong quá-khứ cách nay vài chục ngàn năm cho tới vài trăm ngàn năm là thời-gian mà khoa-học có nhiều dữ-kiện tương-đối chính-xác, người ta biết hình-dạng Biển Đông hoàn-toàn khác hẳn. Lúc đó Biển Đo6ng nhỏ hẹp hơn bây giờ khá nhiều. Một số nhà nghiên-cứu cho rằng sự thay đổi về địa-lý Biển Đông không những chỉ làm thay đổi môi-trường sinh-sống của sinh, thực-vật trên đất, dưới biển trong vùng mà còn tạo-dựng lên cả một cuộc biến-đổi lớn làm phát-sinh những nền văn-minh quan-trọng về nông-ngư-nghiệp cùng hàng-hải có thể gọi là tiền-tiến vào bậc nhất của nhân-loại.

Đã có nhiều nhà khoa-học cố gắng giải-thích sự hình-thành nền văn-hóa hàng-hải của dân Việt nói riêng và của dân Đông-Nam-Á nói chung. Những sắc-thái đặc-thù này khác-biệt hẳn với sắc-thái văn-hóa hoàn-toàn lục-địa của Trung-Hoa. Một số lý-thuyết được tóm tắt như sau:

Trong lịch-sử trái đất, mực nước biển đã dâng lên hạ xuống nhiều lần, sự sai-biệt có tới 150m. Cách nay chừng 18,000 năm, diện-tích Biển Đông chỉ bằng hơn phân nửa hiện nay. Khi băng đá hai cực địa-cầu tan rã thì nước biển dâng lên nhanh. Dân-cư vùng duyên-hải vốn sống bằng cách thu-lượm tôm cá, sò ốc phải dồn về những vùng cao hơn. Cho đến khoảng 4,000 năm trước Tây-lịch (TTL), hàng trăm ngàn dặm vuông lục-địa đã bị ngập dưới Biển Đông. Vì diện-tích đất đai bị suy-giảm nên mật-độ dân-số gia-tăng. Nhiều sự tiếp-xúc, trao đổi, va chạm giữa những giống người khác nhau đã xảy ra. Lúc xưa dân-cư sống rải rác khắp nơi trong vùng đất thấp rộng lớn Sunda, nay cùng gặp nhau trong một môi-trường sinh-hoạt mới vùng đồi núi. Tiến-bộ khởi-sự từ đó.

- Chester Norman cho rằng nền Văn-minh Hòa-Bình được tạo-dựng trong thời-gian thềm lục-địa Sunda bị ngập nước. Khi đó vịnh Bắc-phần và vịnh Thái-Lan mà lúc trước là hai vùng đồng-bằng trũng, nay cũng thành-hình hai vịnh biển.

Từ nhiều ngàn năm trước, người dân thuộc nền văn-hóa Hoà-Bình ở miền Tây Biển Đông chỉ sống bằng cách săn-bắn, hái-lượm và trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung-lũng. Bỗng nhiên mật-độ dân-cư tăng lên nhanh, con người phải có phương-pháp mới để sản-xuất thêm thực-phẩm. Loài trâu, loài heo được gia-súc-hóa.

Sau đó, người ta lại di-chuyển từ thung-lũng xuống khai-phá đồng-bằng khi vùng châu-thổ các sông Hồng, sông Mã, sông Cửu-Long. .. thành hình. Yếu-tố quan-trọng nhất của đà phát-triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ-cốc thuần-hóa sau này thích-hợp cho ruộng nước. Khoảng 5,500 năm trước, cây lúa đã được trồng trọt. (The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Periods, báo World Archaeology 2, No. 3, 1971: 300-320)

Lý-thuyết Norman cho rằng một số lớn dân Đông-Nam-Á khởi-sự trước hết bằng cuộc sống ở duyên-hải, sau này hội-nhập với dân-cư vùng cao-nguyên nhưng rồi trở về lại vùng đồng-bằng gần biển, sau nữa ngườ dân này phát-triển về hàng-hải.

- Wilheim G. Solheim cho rằng 6,000 năm trước, dân Đông-Nam-Á đã mạo-hiểm ra khơi vì nhu-cầu di-chuyển. Gió bão và hải-lưu của Biển Đông và Thái-bình-Dương đã cuốn trôi một số người tới Nhật-Bản, trong khi các nhóm khác bị quét sang Phi-luật-Tân, Nam-Dương và Melanesia. Tiếp theo, những toán dân-chúng di-chuyển tới các đảo ngoài khơi Thái-bình-Dương và sang Madagascar.

Bàn rộng hơn thế nữa, cũng theo Solheim, Biển Đông của Đông-Nam-Á thời cổ còn là nơi phát-sinh những đường hàng-hải giao-tiếp với các nơi ở dọc biển Á-châu, Âu-châu, Phi-châu, Đại-dương-châu và cả Mỹ-châu.

Solheim lý-luận rằng chỉ có sự kiện Đông-Nam-Á giữ vai-trò trung-tâm phân-tán như trục một cái bánh xe tỏa nan-hoa ra khắp nơi mới giải-thích được hiện-tượng lịch-sử là tại sao các chủng-tộc khác-biệt của loài người sống xa cách nhau trên khắp thế-giới lại có nhiều sự tương-đồng về sinh-hoạt văn-hóa như vậy! ("World Ethnographic Sample..." A Possible Historical Explanation, báo American Anthropologist 70, 1968: 569.)

Cùng nhận-định như Solheim nhưng đi trước ông tới 40 năm, nhà ngữ-học Pháp Paul Rivet đã làm nhiều cuộc nghiên-cứu và kết-luận rằng: "Từ vùng Đông-Nam Á-châu, một thứ ngôn-ngữ đã được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-hải, Phi-châu và Mỹ-châu". (Sumerien et Océanien, Collection Linguistique, Paris, 1929.

Sau nhiều năm nghiên-cứu khả-năng thuyền buồm, Giáo-sư R. Buckminster Fuller cho ra mắt một tập tài-liệu nhan đề 'Fluid Geography' vào năm 1944. Theo đó, người Đo6ng-Nam-Á biết dùng thuyền buồm chạy vát có khả-năng đi ngược chiều gió để hải-hành đi khắp nơi. Rồi các loại thuyền hai thân hay có thân phụ outriggers ra đời. Ân-cư vùng Biển ông mở ra những hải-lộ đi các nơi trên hai đại-dương „n-Độ và Thái-Bình. Trên „n-Độ-Dương, người Đông-Nam-Á đã đi hết con dường cho đến tận biển Ba-Tư và Địa-Trung-Hải. Lời dẫn-giải và bàn rộng thuyết này tìm thấy trong sách 'Geography' (Reprinted in James Meller (ed.), The Buckminster Fuller Reader, Pelican Books, London, 1972.)

- William Meacham khi nghiên-cứu bản-đồ địa-hình đáy biển, cho biết lúc xưa bờ Biển Đông tương-đối bằng phẳng. Khoảng 14,000 năm trước đây, bè tre đã xuất-hiện. Rồi nước biển cứ cao dần. Khi mực nước biển gần đạt đến mức-độ như hiện nay, chừng -25m, bờ biển đã lùi sâu vào lục-địa, gặp đúng chỗ địa-thế lởm chởm, lồi lõm. Nhiều nhóm người sống trên các hải-đảo. Sự liên lạc, di-chuyển bằng thuyền bè trở nên càng ngày càng cần-thiết hơn. Các trở ngại, khó khăn trên biển đã thúc-đẩy con người phải phát-minh ra những cánh buồm, những bánh lái, những loại thuyền nhiều thân và những cơ-phận điều-khiển khác để việc hải-hành được an-toàn hơn, tránh bị thổi ra ngoài khơi. (Origins and Development of the Yueh Coastal Neolithic trong The Origins of Chinese Civilisation, University of California Press, 1983: 147-175.)

Meacham tin rằng 6,000 - 4,000 năm trước Tây-lịch, những nền văn-minh vùng châu-thổ sông Hồng bắt đầu nảy nở. Đồ gốm đã được nặn trên bàn xoay ở Đậu-Dương. Khoa khảo-cổ cũng tìm thấy dây câu, lưới bắt cá và thuyền độc-mộc. Nhiều dân-cư sống bằng ngư-nghiệp. (4,000 năm TTL..)

- Carl Sauer duyệt-xét những biến-chuyển về địa-lý Biển Đông trong thời-khoảng mười mấy ngàn năm trước đây, đưa ra kết-luận về tinh-thần tiến-bộ của cư-dân người Việt (Yueh) thời cổ như sau: "Mực nước Biển Đông dâng cao làm tăng thêm nhịp bồi-đắp phù-sa lên những khu thung-lũng duyên-hà trong khi các vùng đất thấp tiếp-tục bị lụt. Dân-cư khi xưa sống rải rác thì lúc này thu lại thành các vùng cư-trú dọc theo nguồn nước... Một thế-giới mới đã thành-hình, sự thay đổi môi-trường vật-lý địa-dư đã trở thành cơ-hội thuận-tiện tối đa cho những dân thích phiêu-lưu và mong tiến-bộ... Người dân bỏ sự nhàn rỗi và nhờ trí-óc tò-mò để tìm thử-nghiệm, một cộng-đồng như vậy chỉ cần một thời-gian ngắn để chuyển-tiếp từ ngư-nghiệp sang thẳng nông-nghiệp (Environment and Culture During the Last Deglaciation, trong Proceedings of the American Philosophical Society 92.1: 65-77.)

Cùng với Meacham, Sauer ý-thức tầm quan-trọng của ngư-nghiệp và hàng-hải trong tiến-trình văn-minh Đông-Á thời cổ. Khác biệt hẳn với các nơi khác trên thế giới, Biển Đông và vùng đất chung-quanh có tới hai vụ gió mùa trong một năm, nên hoàn-cảnh rất thuận-lợi cho sự phát-triển các ngành nông-nghiệp, ngư-nghiệp và hàng-hải. (Agricultural Origins and Dispersals, Series Two, New York 1952: 24-25.)

- Charles F. Keyes viết trong cuốn sách "The Golden Peninsula" (New York, 1977) rằng Việt-Nam là nơi phát-khởi nền văn-minh Hoà-Bình trải rộng khắp Đông-Nam-Á. Keyes đã xác-định hai điểm sau:

- Quá-trình văn-hóa thời tiền-sử của toàn vùng Đông-Nam-Á thường được chia ra làm những giai-đoạn mà chỉ-danh từng giai-đoạn lấy từ địa-danh các vị-trí khảo-cổ tiêu-biểu nhất như Hòa-Bình, Bắc-Sơn, Đông-Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc-phần Việt-Nam (trang 182.)

- Thời-đại Đồ Đồng xuất hiện vào khoảng 3,000 đến 2,500 năm TTL. ở Đông-Nam-Á, nghĩa là khởi-sự sớm hơn Trung-Hoa và „n-Độ. Biểu-tượng chính của nền văn-minh này là những Trống Đồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Sulawesi thuộc Nam-Dương quần-đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Đông-Sơn nhỏ hẹp của Việt-Nam, từ đó trống được phân-phối đi khắp Đông-Nam-Á theo đường hải-thương (trang 16.)

Biển Đông là Biển Mẹ

Xem xét qua các lý-thuyết như vậy, những nhận xét sau đây đáng được nêu ra:

-Biển Đông và Việt-Nam không những chỉ có liên-hệ trong thời hữu-sử mà sự liên-hệ mật-thiết còn phải kể từ thuở xa xưa hơn vào thời tiền-sử.

-Nước Biển Đông khi lên khi xuống, tuy đôi lúc làm giông-bão cuồng-loạn thổi trôi người vật, nhà cửa ra biển nhưng luôn luôn là cái nôi hiền dịu, thai-nghén và ấp-ủ văn-minh nông-nghiệp và hàng-hải của dân Việt.

Lịch-sử có những lần tái-diễn

Khi còn trong chế-độ bộ lạc thì các bộ lạc Việt cổ sinh-hoạt ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã đã có trình độ tiến-bộ vượt bực. Họ sống tập trung và xen kẽ, thường trao đổi sản phẩm với nhau, xâm nhập lẫn nhau nên có quan hệ xa gần càng ngày càng khăng khít. Họ là cội nguồn, đã tạo nên những cơ sở vật chất và tinh thần đầu tiên cho thời buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân đẻ ra một bọc trăm trứng nở trăm con, 50 con theo mẹ lên miền núi đồi, 50 con theo cha xuống miền sông biển là nhằm giải thích sự có mặt của các bộ lạc và nói lên cội nguồn thống nhất, cao quý của dân tộc Việt Nam.

Các con theo mẹ lên núi, khai phá cao-nguyên. Những con theo cha xuống miền biển, dựa duyên-hải mở đường Nam-Tiến. Biên-giới phương Bắc và phương Tây, nay bền vững, con cháu Rồng Lạc tiếp-tục con đường của cha ra ngoài Biển Đông.

Biển Đông Tương-lai, Lãnh-hải thành lãnh-thổ

Trước hết hãy nhìn xa về tương-lai Biển Đông qua ước-đoán của các nhà địa-chất

Đường biểu-diễn cao-độ của đại-dương có những dạng Sin-động. Tổng-quát biên-độ mực nước dâng lên hạ xuống lớnh nhất sau một nhịp thời-gian chừng 120,000 năm. Có lẽ hiện nay, nước Biển Đông đã lên đến mức tối-đa. Khoảng chừng ngàn năm trở lại đây, nhiều nơi tại vùng châu-thổ sông Hồng-Hà và Cửu-Long-giang từng bị ngập nước. Đôi khi nước biển có thể đã dâng cao hơn hiện thời.

Trong một vài thế-kỷ tới, mực nước có thể tăng giảm, nhưng có tăng lên cũng một vài thước là cùng. Các vùng đất thấp đông dân-cư đáng lo ngại bị ngập lụt nhiều nhất là khu châu-thổ các cửa sông Mae Nam và thủ-đô Vọng-Các của Thái-Lan. Sau đó, nước sẽ phải rút xuống.

Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, cả vịnh Bắc-Việt và Thái-Lan sẽ trở thành khô-cạn, người Việt chúng ta không còn có dịp theo mẹ lên núi nữa mà lại khởi-sự theo cha tiếp-tục tiến xuống Biển Đông.

Thềm lục-địa chúng ta bảo-vệ hôm nay sẽ là lãnh-thổ để lại cho con cháu chúng ta sau này. Thời-gian tuy có thể nói là xa, nhưng cũng cần tiên-liệu bây giờ. Ký ức tiền-nhân từ nhiều ngàn năm trước căn dặn con cháu khi táng, hướng đầu ra phiá Biển Đông!

Rồi miền Trung Việt sỏi đá sẽ nở hoa

Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, khi nước rút xuống 20m, eo biển Malacca trở thành khô cạn. Biển Đông thực sự biến thành một cái biển nội-địa. Sự phồn-thịnh của các thương-cảng tại Tân-gia-Ba và Mã-lai-Á chìm vào quá-khứ. Nước biển sẽ không còn thoát ra „n-độ-Dương. Biển Đông chỉ còn thông được với Thái-bình-Dương qua eo biển Đài-Loan và có lẽ mấy rãnh nhỏ xuyên qua ngả Phi-luật-Tân mà thôi.

Tại vịnh Thái-Lan, hải-cảng Vọng-Các lùi dần vào đất liền, trở nên một giang-cảng. Khmer giống như Ai-Lao sẽ biến thành một quốc-gia nội-địa. Thái-Lan chỉ còn khu phía Tây thông ra được biển Andaman và „n-độ-Dương. Các hải-cảng Hải-phòng, Sài-Gòn mất dần tầm-mức quan-trọng. Tuy vậy nhờ nằm cạnh vùng biển sâu, Cam-Ranh và các cảng miền Trung-Việt sẽ còn tiếp-tục hoạt-động và phát-triển mạnh. Tất cả khu-vực nội-địa rộng lớn từ Vân-Nam và Thái-Lan sang Ai-Lao, qua Khmer, tới Việt-Nam chỉ còn trông cậy vào sự thông-thương ra biển qua các cửa ngõ này mà thôi.

Chỉ cần mực nước biển rút xuống 50, 60m; vịnh Bắc-Việt thành khô cạn, vịnh Thái-Lan thâu lại như một cái hồ nội-địa, và diện-tích lãnh-thổ Việt-Nam tăng lên gấp hai lần. Phần đất mới do thiên-nhiên sắp ban-phát này rất phẳng-phiu, không núi non rừng rậm. Với sự cần-cù nhẫn-nại cố-hữu của dân ta, hầu hết đất nước Việt-Nam với vùng đồng-bằng bao la sẽ phì-nhiêu xanh tốt kéo dài suốt dọc từ Bắc xuống Nam qua nhiều ngàn cây số.

Tuy vậy, khi diện-tích đất đai gia-tăng, dân-số toàn-thể nhân-loại cũng gia-tăng. Trong lúc diện-tích mặt biển suy-giảm, số lượng hải-sản cũng suy-giảm theo; nhiều đổi thay về môi-trường sinh-sống sẽ xảy ra và nhịp-độ tranh-chấp lãnh-thổ cùng hải-phận cũng tăng theo cùng với mực nước rút... Những luật-lệ đặt ra hôm nay không còn phù-hợp trong lúc đó. Vì thềm lục-địa thoai-thoải của mình, người Việt-Nam cũng nên tiên-liệu những gì xem ra lợi-ích hay tệ- hại cho các thế-hệ mai sau.

Sức người không tát cạn Biển Đông nhưng thuận vợ thuận chồng, hoà anh hoà em, mến yêu đồng-bào, dân Việt hy-vọng vẫn trường-tồn và ngự-trị Biển Đông. Nếu khoa khảo-cổ đúng, tiền-nhân Việt ta đã tiền-tiến trong nhiều lãnh-vực, từng vẫy vùng trên mặt biển mênh mông thì hậu-nhân Việt sẽ vẫn tiếp-tục vững chắc tiến bước trên con đường đó cho dù Biển Đông có ngày khô-cạn.

Những Thiên-kỷ hình thành và phát triển đã qua

Dân tộc Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát triển trên vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã phía Bắc của Việt Nam ngày nay. Con người từ các vùng đồi núi xuống vùng đồng bằng, từ đời này sang đời khác đã khai hoá đất để trồng trọt. Họ đã tạo ra một hệ thống đê điều để chế ngự dòng sông Hồng gây nhiều lũ lụt hàng năm. Quá trình lao động không ngừng để chế ngự nước - chống lũ, lụt, bão, hạn hán, xây dựng đê điều, đào kênh phục vụ cho việc trồng lúa - đã tạo nên nền văn minh lúa nước và văn hoá làng xã.

Vào thời đại Đồ đồng đã ra đời một nền văn minh thống nhất và độc đáo, đạt mức độ kỹ thuật và nghệ thuật cao, nền văn minh Đông Sơn rực rỡ.

Các nghiên cứu nhân chủng, lịch sử và khảo cổ gần đây đã khẳng định sự tồn tại một thời kỳ các Vua Hùng khoảng 1000 năm trước Công nguyên [Image] trên Vương quốc Văn Lang, sau đó đổi tên là Âu Lạc. Đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Âu Lạc đã bị xâm chiếm và sát nhập vào đế chế phong kiến Hán hùng mạnh ở phương Bắc.

Thiên-kỷ tới, Đệ Tam, Đệ Ngũ hay Đệ Lục Thiên-kỷ

Theo cách tính Tây-Lịch, năm nay là năm 2,000 sau Công-nguyên và nhân-loại đang bước vào Thiên-niên-kỷ thứ ba.

Đối với người Việt-Nam quen với câu nói 4,000 năm văn-hiến, thì ngưỡng cửa thời-gian này thuộc Đệ Ngũ Thiên-kỷ

Còn nếu căn cứ vào niên đại 2879 trước Công nguyên, vào lúc Lộc Tục xưng hiệu Kinh Dương Vương, "Lịch sử Việt Nam đã có gần 5000 năm lập-quốc", và bậc thềm rõ ràng đã tới Đệ Lục Thiên-kỷ vậy.

Nhưng hiểu cho rộng rãi hơn, qua nhiều thành tựu nghiên cứu của các ngành khảo cổ học (Archaeology) và dân tộc học (Ethnology) đã cho thấy: Lịch sử nền văn-minh Lạc Việt đã có cách đây hàng vạn năm, tức cần một con số còn lớn hơn nữa !

Sự thống trị của Trung Hoa kéo dài một thiên-kỷ

Dân ta bị ách thống trị của phong kiến Trung Hoa kéo dài mười thế kỷ. Nhưng người Tàu đã thất-bại trong chính-sách, họ không bẻ gẫy được sức kháng cự của dân tộc ta và không đồng hoá được nền văn hoá Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên-cứu đã cố công tìm hiểu sức kháng-cự mạnh mẽ ấy. Họ phân-tích tinh-thần dân Việt và hồn nước Việt-Nam, đặc-biệt là tiến-sĩ Keith Weller Taylor. Như một nhà hùng-biện bạo miệng nhất, Ông tuyên-bố là hồn Việt-Nam đi từ hồn của nước (aquatic spirit). Ông khẳng định rằng quan-niệm về một cái hồn "nước" là năng-lực chính-trị và là động-cơ đưa đến sự tự-chủ (lập nên ngành chính-thống). Quan-niệm (hồn Nước) này đã dự vào việc tạo-dựng thành tập-thể dân-tộc Việt-Nam ngay từ trong thời tiền-sử. .. (The birth of Vietnam, University of California Press, 1983, p. 6).

Vào thế kỷ thứ mười sau Công nguyên đất nước đã giành được độc lập vững chắc và xây dựng một nhà nước độc lập mang tên Đại Việt. Dù chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đã phát triển qua nhiều thế kỷ trong khuôn khổ một nhà nước độc lập. Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo thâm nhập vào Đại Việt mang theo nhiều yếu tố văn hoá quần chúng và nhiều hình thức đặc biệt. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có ngôn ngữ riêng và một nền văn minh nông nghiệp phát triển khá cao.

Thiên-niên-kỷ tự-trị

Đất nước đã trải qua nhiều triều đại vua chúa phong kiến mà quan trọng nhất là triều Lý (thế kỷ11 và 12), triều Trần (thế kỷ 13 và 14), triều Lê (thế kỷ 15, 16 và 17) với một nền hành chính tập quyền, một lực lượng quân đội mạnh, một nền kinh tế và văn hoá phát triển cao.

Trong suốt thời kỳ này, Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống lại các âm mưu xâm lược của các đế chế phong kiến Trung Hoa và Mông Cổ. Các cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ chống quân xâm lược Tống (thế kỷ 11), Nguyên (thế kỷ 13), Minh (thế kỷ 15) đã giành được những thắng lợi vang dội.

Tuy vậy sau mỗi cuộc kháng chiến, tinh-thần dân-tộc Việt Nam càng trở nên mạnh hơn, các dân tộc đoàn kết hơn và đất nước bước vào một thời kỳ cường thịnh mới.

Môi-Trường, Niềm hy-vọng trong Thiên-kỷ mới

Như trình-bày ở trên, những thế kỷ vừa qua mang đến cho loài người nhiều tiến-bộ khoa-học. Tuy vậy, một số thức-giả rất quan ngại cho vấn-đề môi-sinh bị suy-thoái quá trầm-trọng.

May mắn thay đứng trước nguy-cơ tự-diệt, trong vòng vài thập-niên gần đây, nhân-loại tự biết bảo nhau cùng bảo-vệ sinh-cảnh và không còn phá-hoại môi-trường thiên-nhiên một cách vô ý-thức như trước kia nưã. Nhiều cơ-quan môi-sinh bắt đầu ghi nhận những bằng cớ chứng tỏ chiều-hướng môi sinh của thế giới đang chuyển đổi về một hướng tốt đẹp hơn. Tại các quốc gia Tây phương, không khí, nước và đất đai đang trở nên trong sạch hơn, và ngay cả đến Trung Quốc cũng đang cho thấy có sự chú tâm mới đến việc bảo vệ môi sinh. Nạn nhân mãn đang chậm lại, tác dụng nhà kiếng cũng giảm. Nhiều tự-chế của con nguời sẽ tránh cho địa-cầu bị hâm nóng và lỗ hổng trong lớp khí ozone cũng không tiếp-tục lớn thêm.

Trong chiều-hướng lạc-quan, chúng tôi tin rằng dân-tộc ta cũng ý-thức được đại-hoạ. Trước hết là Việt-Nam sẽ thoát ách cộng-sản như nhiều nước khác ở Đông-Âu, rồi ta sẽ nâng cao dân-trí, kiểm-soát được dân-số, cải-thiện được mức sinh-hoạt. Giang-Sơn gấm vóc gồm có đất liền và biển cả cũng sẽ sạch sẽ hơn. Chỉ trừ khi chúng ta lầm ý-thức, lạc đường lối - và điều này có xác-xuất quá nhỏ - liên-hệ Biển Đông với quê-hương ta trong những thiên-kỷ tới là những liên-hệ thuận-lợi, tốt nhiều hơn xấu.

Dựa trên các quan-điểm nhiều hy-vọng như vậy, chúng tôi sẽ lần lượt duyệt qua tác dụng Biển Đông trên quê-hương và dân-tộc qua các khu-vực:

- Vùng biên-giới Hoa-Việt và Hải-giới.
- Sông Hồng
- Đồng bằng sông Hồng
- Đất trườn ra Biển
- Vịnh Bắc-phần
- Duyên-hải Miền Trung
- Đồng bằng sông Mã
- Hoàng-Sa
- Biển sâu Miền Trung
- Đồng bằng sông Cửu-Long
- Biển Nam-phần
- Biển Tây (Phú-Quốc)

Duyên-hải và vùng Biên-giới Hoa-Việt

Khi ngày tháng cuối cùng của thiên-kỷ vừa qua sắp hết, trong một lúc vội vã chỉ muốn bám chặt vào tư-lợi đảng-phái, Cộng-Sản Việt-Nam đã để lại cho dân-tộc một mối hận lớn lao. Có lẽ trong thiên-kỷ tới, mối hận này sẽ khó lòng rửa sạch. Đó là chuyện Hà-Nội ngoan ngoãn ký vào bản thoả-hiệp về đường biên giới với Trung-Hoa ngày 30 tháng 12 năm 1999.

Vốn sợ oai đảng Cộng-Sản đàn anh trong bàn hội-nghị, Cộng-sản Việt-Nam đã hoàn toàn im lặng không đòi hỏi, cũng như không giám nói gì đến những vùng đất lịch-sử Việt-Nam lâu đời, bao gồm các quặng mỏ quí như mỏ vàng Bình Di, mỏ bạc Đường Gấm, Hoa Lâm, mỏ chì ở Tùng Bách, mỏ đồng ở Tụ Long.

Ngoài mặt, Cộng-Sản Việt-Nam tuyên-bố bảo-vệ Tổ-Quốc chống xâm-lăng, nhưng trên thực-tế đảng này đã có manh-tâm "đi đêm" với cả hai kẻ thù truyền-kiếp, cả Tây lẫn Tàu. Đọc lại lịch-sử đau buồn thời bị trị cuối thế-kỷ 19, chúng ta biết rằng vì muốn được yên thân khai-thác thuộc-địa Đông-Dương, đám thực-dân mới là Pháp không muốn đám thực-dân cũ là Tàu gửi quân quấy phá, nên Pháp đã cố ý nhượng-bộ bằng cách "hối-lộ". Họ cắt cho nhà Thanh Trung Hoa một số vùng đất của Việt Nam một cách thản-nhiên. Khu-vực như kể trên, không những khá rộng mà đặc-biệt, còn chứa đựng những tài nguyên vô-giá.

Việc Pháp thản-nhiên cắt đất Việt-Nam vì họ xét rằng việc ấy có lợi cho kế-sách thực-dân của họ. Thế nhưng Cộng-Sản Việt-Nam sẽ trả lời ra sao với lịch-sử khi Đảng của họ dám tự-quyền xác-nhận việc hai đế-quốc xâu xé lãnh-thổ Việt-Nam lúc xưa (Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 và 1895) là hợp-pháp. Họ lại còn trải thảm đỏ đón tiếp Thủ-Tướng Trung-Cộng qua thăm viếng để cám ơn Cộng-đảng Tàu nưã!

Một khi đất bị cắt thì vùng duyên-hải và hải-phận cũng theo đó mà bị mất luôn. Dian H. Murray cả-quyết rằng khu duyên-hải quận-lỵ Trường Bình thuộc về lãnh-thổ Việt-Nam từ lâu đời. Sử-gia này viết trong cuốn sách "Pirates of the China Coast, 1798-1810"; California, 1987, trang 18: "Chiang-p'ing was technically a part of Vietnam until 1885". Đi xa hơn nưã vào quá-khứ lịch-sử, nhà địa-lý-học Harold J. Wiens còn vẽ ra biên-giới thời Lý-Tống của nước ta ăn sâu vào Quảng Tây nhiều trăm dặm Anh. (China's March Towards the Tropics, Conn, 1954.)

Sau nữa, nếu người Việt-nam cho dù không đọc sách ngoại-ngữ, cũng biết rằng biết rằng từ thời Tiền Lê, Đại-Hành Hoàng-Đế đã xác-định hải-phận quốc-gia đến tận vịnh Liêm-Châu. Trong "Hành Lục Tập", sứ-giả Tống-Cảo nhà Tống đã thành-thực viết rằng: "Cuối Thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải-giới Giao-Chỉ, Nha Nội đô chỉ-huy-sứ của Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiến-thuyền và 300 quân đến Thái-Bình-Trường để đón..." Thái-Bình-Trường thuộc phủ Liêm-Châu, rất xa Mống Cái hay đảo Trà-Cổ; và nằm về phiá Đông của Kinh Tuyến 108 độ 03 phút Đông vài chục hải-lý.

Sông Hồng và Sông rạch miền Bắc

Việt Nam có hai đồng bằng lớn là đồng bằng châu-thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu-Long. Sông ngòi xứ ta rất nhiều, tất cả đều chảy vào Biển Đông, chỉ trừ có một con sông là sông Kỳ-Cùng chảy ngược về phía Trung-hoa. Tổng-số chiều dài các con sông là 41.000 km với lưu-lượng chừng 300 tỷ m3 nước. Phụ vào đó là 3.100 km kinh rạch nhân-tạo.

Đứng chung trong bảng thống kê lớn như vậy, sông Hồng chỉ chiếm có 510 km chảy trên lãnh thổ Việt-Nam, (trong tổng-số chiều dài Vân-Nam - Biển Đông 1.149 km của nó.) Tuy vậy, đối với dân ta, con sông này chính là con sông khởi-nguyên lịch-sử của dân-tộc. Ngoài ra Sông Hồng còn đáng nói là rất quan-trọng trên nhiều lãnh-vực khác, chuyện hơi dài xin không kể ra đây.

Mấy triệu năm trước, sông Hồng của Việt-Nam đã từng cuồn cuộn chảy với một lưu-lượng nước thật lớn lao, nhiều lần lớn hơn hiện-thời. Khi đó, hầu hết nước từ cao nguyên Tây-tạng đã đổ vào sông Hồng. Từ trên cái "mái nhà của trái-đất", nguồn nước hùng-vĩ đã mang ra Biển Đông những khối-lượng phù-sa khổng-lồ tạo-dựng nên đồng-bằng Bắc-Việt. Trong những giai-đoạn Băng Đá, khi vịnh Bắc-Việt khô cạn, con Sông Cái này đã đưa nhiều lớp kết tầng thủy-tra-thạch chạy dài tới tận Hoàng-Sa. Rồi dòng sông chính của miền Bắc nước ta bị thu nhỏ khi địa-chấn xảy ra và khu-vục Vân-Nam được nâng cao lên. Nguồn nước thượng-nguồn lúc xưa chảy vào Hồng-Hà từ đó bắt đầu chảy sang phía Dương-Tử-Giang làm con sông vùng Hoa-Nam thêm to lớn. (The Junks & Sampans of the Yangtze, G. R. G. Worscester, Annapolis, 1971:2.)

Đồng bằng sông Hồng

Ngày nay đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) rộng vào khoảng 15.000km2. Địa bàn này là nơi cư trú của người Việt cổ, cũng là nơi hình thành nền văn-minh lúa nước. Đây còn là vựa lúa lớn thứ hai của đất nước gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Tây. Tính chi-tiết hơn, trong diện-tích 1.479.466 ha của châu-thổ, số đất đang sử dụng là 1.032.000 ha (82,46%) bao gồm hầu hết là đất nông nghiệp với 822.182 ha (chiếm 55,67%). Tuy nhỏ hơn vùng đồng-bằng Cửu-Long, nhưng theo nhiều nhà canh-nông, vùng đất phù sa sông Hồng thuộc loại màu mỡ nhất của đất nước ta.

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên lại ban tặng cho ĐBSH thêm một thứ đặc sản, đó là mùa đông. Cái lạnh mùa đông là điều kiện thuận lợi cho cây trái vùng hàn đới, ôn đới sinh sôi nảy nở. Chính vì thế động thực vật ở đây rất phong phú.

Trong vòng thập-niên qua, môi-trường sinh-hoạt của nông-dân miền Bắc khá hơn đôi chút. Tuy vậy, cho dù nông-thôn đã được điện-lực-hoá nhưng hiện-thời tình-trạng vệ-sinh toàn vùng rất tồi tệ. — miền quê, hầu hết ao hồ bị ô-nhiễm nặng. — thành-phố, tình-trạng cũng không khá hơn, sông Tô-Lịch nay là một con rạch nước tù hãm, mang nhiều mầm bệnh tật.

Những năm qua các nước láng giềng đã từng gây ô-nhiễm và tự-động ngăn chặn nguồn nước của con sông Cửu-Long. Vi-phạm đó gây hạn hán và nạn ngập mặn khắp vùng đồng-bằng châu-thổ miền Nam nước ta. Kinh-nghiệm "trận chiến môi sinh Mekong" sắp xảy ra, thúc đẩy dân Việt-Nam lưu-tâm ngay đến nguồn nước sông Hồng tại Vân-Nam trước khi quá muộn.

Một khi Trung-cộng khởi sự chặn đầu lấy hết nguồn nước ở Vân Nam, rồi tiến tới việc chặn đứng cuối nguồn con sông tại vịnh Bắc-Việt - như họ đã từng ngang-nhiên chiếm đoạt Hoàng-Sa - Việt Nam sẽ chịu bó tay, hay sẽ phải ứng xử ra sao ?

Ngoài mối ưu-tư về nguồn nước, dân chúng ta còn cần thêm năng-lượng trong thiên-kỷ tới và do đó các đập thủy-điện sẽ được xây cất thêm trên những dòng sông lớn. Hậu-thế xem ra phải đối đầu với những di-hại mà chúng ta chưa ý-thức hôm naỵ. Kinh-nghiêm chiếc đập trên Sông Đà chắc chắn sẽ mở ra nhiều dự-án cải-thiện để có thể hoàn-chỉnh mọi công-trình sau này sao cho hoàn-chỉnh hơn.

Đất trườn ra Biển

Những bãi Tự-Nhiên, những đầm Nhất Dạ, các cửa Đại-Ác, cửa Thần-Phù trong lịch-sử năm xưa ở sát biển, hiện giờ đã lùi sâu vào nội-địa. Các bạn quê đường biển di-cư 1954, ngày nay hồi-hương không còn nghe được tiếng biển gầm vì nhiều làng xóm mới mọc lên chắn ngang những con đường ra ngoài bãi biển.

Người ta ước-lượng rằng hàng năm đất bồi thêm lấn ra biển từ 50 đến 80 thước. Như thế mỗi năm khu tân-bồi được nhìn thấy không có bao nhiêu, nhưng sau một thiên-kỷ thì đất sẽ trườn ra ngoài Biển Đông 4, 5 hay 7 chục cây-số. Trường hợp mực nước biển lại theo đúng chu-kỳ phỏng-định mà rút xuống, vùng đất mới sẽ lớn nhanh theo gia-tốc. Vào những năm 3000, 4000; Vịnh biển Bắc-Phần sẽ nhỏ hẹp lại và diện-tích vùng ĐBSH rất có thể tăng lên gấp rưỡi.

Vịnh Bắc-phần

Như đã trình-bày ở trên, vì đáy biển phía Việt-Nam nông cạn và cũng vì bờ biển đảo Hải-Nam dốc xuống nên thềm lục-địa của Bắc-phần nước ta rất lớn, choán ra khắp vịnh Bắc-Việt. — đây, vấn-đề phân chia thềm lục-địa giữa Việt-Nam và Trung-Hoa đã xảy ra khá lâu, vẫn đang trong vòng tranh-chấp.

Việt-Nam Cộng-Sản muốn giữ đường Brévié (Kinh-tuyến 108.03' Đông) theo thỏa-hiệp đã ký từ năm 1887 giữa Pháp, lúc đó đang bảo-hộ Việt-Nam và nhà Mãn-Thanh, lúc đó đang cai-trị toàn cõi Trung-Hoa. Đường Brévié này đáng lẽ cùng nằm trong nghị-trình thương-thảo biên-giới, nhưng Trung-Cộng chỉ chọn phần thịt ngon là biên-địa còn cai xương khó gậm là hải-giới thi` lại lờ đi. Cộng-sản Tàu dự-trù sẽ ép buộc Cộng-sản Việt phải nhượng-bộ thêm trong những cuộc đàm-phán vào năn 2000.

Tháng 12/1999 vừa qua, phái-đoàn Hà-Nội ngoan ngoãn chấp-nhận quyết-định của đàn anh, cam-tâm kết-thúc buổi họp. Vì hèn kém và chỉ lo tư-lợi cho đồng-đảng của mình, đảng Cộng-Sản đã phạm trọng-tội bán dân, bán đất, bán nước nhiều lần. Người Việt-Nam chân-chính chúng ta mong rằng lịch-sử phán-xét chuyện này để răn đe hậu-thế.

Qua thế-kỷ 21 mới nàỵ, Trung-Cộng đang có âm-mưu thâm-độc gì?

Trung-Cộng đã cho biết họ muốn chia vịnh Bắc-Việt theo đường trung-tuyến giữa những bờ biển. Bắc-kinh buộc Hà-Nội phải công-nhận đảo Hải-Nam như là một lục-địa. Trong khi đó, không những họ chẳng chịu kể Bạch-long-Vĩ của Việt-Nam là một hòn đảo mà còn hạ giá-trị đảo này xuống cho ngang hàng với một hòn đá ngầm không có hải-phận đặc quyền kinh-tế. Ngoài ra, Trung-Cộng còn cố ý ngăn-chặn không cho Việt-Nam được đưa ra một yếu-tố thật quan-trọng trong Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc là sự nối-tiếp địa-hình của đất liền chạy dài ra ngoài biển.

Theo các chuyên-gia Luật Biển, Việt-Nam có đầy đủ yếu-tố căn-bản như vậy để hưởng đặc-quyền chiều rộng thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế mở rộng cho tới 350 hải-lý (Vietnam's National Interests and the Law of the Sea, Mark J. Valentcia & Jon van Dyke, trong Ocean Development and International Law, Apr/ Jun 1994: 228-229.)

Việc phân chia hải-phận Vịnh Bắc-Việt cũng như việc xác-định chủ-quyền Quốc-gia chúng ta trong những vùng đất, vùng biển nào khác đều quan-trọng. Một chính-quyền chân-chính phải quyết-tâm bảo-vệ lãnh-thổ.

Cho dù yêu-cầu về đường Brévié trong Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 có bị Trung-Cộng bỏ qua, những yếu-tố căn-bản pháp-lý hiện-hành cũng vẫn tạo nhiều ưu-thế cho chủ-quyền Việt-Nam. Cho dù không phải là chuyên-gia Luật Biển, chúng tôi cũng xin đơn-cử một vài điều căn-bản xác-quyết như sau:

- Hình-thể Thềm lục-địa Việt-Nam kéo dài chạy thoai thoải ra biển rõ rệt chiếm ưu-thế hơn bờ biển sâu của Đảo Hải-Nam.

- Bạch-Long-Vĩ với các yếu-tố dân-sinh, lịch-sử, kinh-tế xứng đáng được hưởng quy-chế một hòn đảo.

- Chiều dài bờ biển lục-địa Việt-Nam bao quanh vịnh dài gấp 2 lần bờ biển đảo Hải-Nam và bán-đảo Liên-Châu thuộc Trung-Cộng.

- Dân-cư Việt-Nam sinh-sống tiếp-cận với vịnh biển nhiều gấp 3 đến 5 lần dân duyên-hải Trung-Cộng, tuỳ theo cách tính toán. Riêng đảo Hải-Nam, dân-số hiện nay chỉ có khoảng 7 triệu người mà thôi.

- Khảo-cổ văn-minh-học thế-giới và cả sử Trung Hoa cũng chứng-minh rằng những người Việt đã từng làm chủ mọi sinh-hoạt trong Vịnh Bắc-Việt từ hàng chục ngàn năm trước trong khi người Tàu chỉ mới xuất-hiện ngoài biển này từ thời Hán, tức là mới 2 ngàn năm mà thôi. Sử Trung-Hoa lại còn ghi rõ một chi-tiết là đám quân xâm-lược dùng "nam-phương lâu-thuyền" nữa mới thật là lý-thú!

Công-pháp Quốc-Tế đứng về phía Việt-Nam. Trong tinh-thần thượng-tôn luật-pháp, ý-thức của nhân-loại đang gia-tăng về một trật-tự cần-thiết trên biển; thời-gian hiển-nhiên cũng đứng về phía dân-tộc chúng ta. Điều cần-thiết lúc này là chúng ta phải làm sáng-tỏ chính-nghiã chủ-quyền của chúng ta cùng cộng-đồng thế-giới. Nếu vì đối-phương hiếp-đáp, áp-bức trong bàn hội-nghị mà cuộc điều-giải bất- thành, Việt-Nam cần đưa vụ vịnh Bắc-Việt này (cũng như những tranh-chấp các quần-đảo Hoàng Sa Trường Sa) ra trước Tòa-Án Quốc-Tế.

Sau nữa, toàn dân trong cũng như ngoài nước hy-vọng rằng nhà cầm quyền Cộng-Sản Việt-Nam không nên muối mặt ký-kết thêm hiệp-định bất bình-đẳng một lần nữa. Dù chót đã hứa với Bắc-Kinh sẽ thoả-thuận về những tranh-chấp Biển Đông trong năm 2,000, Cộng-sản Hà-Nội nên hồi-tâm lại, đặt quyền-lợi quốc-gia trên hết. Hãy phản công lại mới được!

Duyên-hải miền Trung

Sách Địa-lý Việt-Nam thường ghi-nhận một cách tổng quát là biển miền Trung sâu, bờ biển dựng đứng. Nếu chỉ đọc và hiểu sơ sài như vậy thì thật là tai-hại vì có người đã từng nghĩ rằng Hoàng-Sa không liên-hệ gì tới thềm lục-địa Việt-Nam.

Sự thực, nhận-xét này chỉ có nghĩa tương-đối khi biển miền Trung được các tác-giả mang ra so-sánh với biển miền Bắc và biển miền Nam mà thôi. Đi sâu vào chi-tiết, chúng ta thấy chỉ có một đoạn ngắn bờ biển miền Trung khá dốc tại Bình-Định, Phú-Yên và Khánh-Hoà. Suốt từ Thanh-Hoá chạy qua các tỉnh Nghệ-An, Hà-Tĩnh, Quảng-Bình, Quảng-Trị, Thừa-Thiên, Quảng-Nam cho tới Quảng-Ngãi; biển rất nông cạn. Tình-trạng đáy biển chạy thoai-thoải ra ngoài khơi, gần tương-tự như tại vịnh Bắc-Việt. Xa xa hơn về phía Nam, kể từ Mũi Dinh Ninh-Thuận qua Bình-Thuận, đáy biển trở lại nông cạn hơn và thoai-thoải nối dài ra phiá Trường-Sa.

Nếu lại quan-sát địa-hình đáy biển, người ta thấy quần-đảo Hoàng-Sa nằm sát với thềm lục-địa của Việt-Nam. Tuy toàn thể khu-vực quần-đảo nổi cao hơn vùng biển vây quanh nó, nhưng nền đất Hoàng-Sa được nối thẳng vào thềm lục-địa Việt-Nam như là qua một cái cửa ngõ thông vào vùng cù-lao Ré và bờ biển Quảng-Ngãi. Hành-lang đó khá nông, chỗ sâu nhất chỉ chừng 500 m. Trong khi đó, đáy biển đột ngột lại sụt xuống về phía Trung-Hoa, độ sâu lên tới hàng ngàn mét, rồi 2000m, 3000m hay hơn nữa.

Những hải-đồ có ghi độ sâu đáy biển chứng-minh rõ rệt quần-đảo Hoàng-Sa là phần nối dài của lục-địa Việt-Nam. Đường đồng-thâm (iso-depth contour) 1000 thước bao kín các vùng về phía Bắc và Đông, trong khi các đường nông cạn lại mở rộng qua phía Việt-Nam theo chiều hướng Tây Tây Nam.

Nói một cách khác, nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600 tới 700 m thì Hoàng-Sa dính vào Việt-Nam như một khối đất liền và xa cách hẳn Trung-Hoa bằng một vùng biển nước sâu tới cả 1,000m.

Đồng-bằng sông Mã

Trong những thời Băng Đá xa xưa, đồng-bằng Sông Mã đã nhiều lần dính liền vào đồng-bằng Sông Hồng. Bốn hệ-thống sông ngòi của các sông Hồng, sông Mã, sông Thái-Bình và sông Cả hợp-đoàn mang phù-xa xây đắp cả duyên-hải Bắc-phần lẫn Bắc Trung-phần. Vùng đồng-bằng rộng lớn này lan ra gần kín vịnh Bắc-Việt. Bản-đồ 3 chiều của đáy biển cho chúng ta nhìn rõ hình-thể sự liên-kết đồng-bằng hồi đó vói dấu vết của các con sông.

Theo Gorman, khi mực nước Biển Đông dâng lên thì xảy ra hiện-tượng di-dân và thay đổi văn-hoá. Những người thuộc nền văn-minh Hoà-Bình sinh sống bằng cách săn bắn, hái lượm và trồng trọt trong những thung-lũng nhỏ hẹp bao quanh bởi các giẫy núi đá vôi. Sau đó cư-dân Hoà-Bình đã dần dần di-chuyển từ thung-lũng miền núi xuống phía biển khi vùng đồng-bằng được tái-lập. Các loại ngũ-cốc được thích-hợp-hoá cho các ruộng nước. 3,500 năm TTL, hiển-nhiên đã có sự trồng trọt cây lúa. (The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Recent Periods, báo World Archaeology 2, No. 3, 1971: 300-320.)

Dọc theo "bờ biển" lúc xưa, tại các vùng chân núi đá vôi từ Nghệ-An qua Thanh-Hoá, Ninh-Bình, Hoà-Bình, Hà Tây ngày nay; các nhà khảo-cổ tìm thấy rất nhiều cổ-vật của những giai-đoạn đó. Địa-điểm quan-trọng nhất trong thời-đại Đồ Đồng là Đông-Sơn mà từ đó, trống đống được phân-phối đi khắp Đông-Nam-Á bằng đường biển.

Trong những thiên-kỷ tới khi chu-kỳ địa-chất tái-diễn, sinh-hoạt của dân ta sẽ phải thích-nghi với môi-trường thay đổi. Tuy nậy nhờ tiến-bộ kỹ-thuật, sư tiên-đoán tương-lai thêm chính-xác, hoàn-cảnh đất nước sẽ muôn-phần tốt đẹp hơn thời quá-khứ.

Hoàng-Sa và việc tranh-chấp hải-phận

Quần-đảo Hoàng-Sa đã bị Trung-Cộng cưỡng-chiếm vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Tuy có bị cưỡng-chiếm, nhưng Hoàng-Sa chưa phải hoàn-toàn mất hẳn nếu như người Việt-Nam chúng ta còn ý-chí phục-hoàn đất cũ, không chịu buông xuôi. Biến-cố Hoàng-Sa 1974 cần được ngàn đời nhắc nhở để nung nấu lòng yêu nước của con dân Hồng-Lạc chống kẻ thù truyền-kiếp phương Bắc.

Vì Tiên Lễ Hậu Binh, Việt-Nam sẵn sàng thương-thuyết trên căn-bản Công-pháp Quốc-tế. Là một dân-tộc kiên-trì sau cả ngàn năm Bắc-thuộc mà còn dành lại được quyền tự-chủ, chúng ta không quản-ngại gì trong kế-sách trăm năm thu-hồi lãnh-thổ và hải-phận đã mất. Tâm-lý của kẻ xâm-lược là vội vã đánh nhanh, chiếm lẹ. Mục-đích của kẻ thực-dân là khai-thác tài-nguyên, nên ước mong của Trung-Công là cố gắng đẩy mạnh cuộc thương-thuyết cho hoàn-tất sớm sủa để hưởng lợi. Như đã từng đề-cập ở trên, thời-gian là yếu-tố đứng về phía chúng ta. Không vì ảo-tưởng miếng mồi thơm ngon mà sa vào cái bẫy sập của kẻ thù.

Một khi hạ quyết-tâm, không những ta đã bền chí trường-kỳ tranh-đấu mà còn làm đối-phương không thể nào ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng sợ bị quấy-phá. Như vậy, chúng làm sao an-tâm trong việc khai-thác tài-nguyên cho được. Chúng ta không tài giỏi đã để mất Hoàng-Sa, nhưng hãy bảo nhau biến Hoàng-Sa thành một miếng xương lớn móc trong cổ họng con hạm Trung-Hoa, khiến nó một ngày nào đó không nuốt trôi đành lòng nhả ra mà thôi.

Trời cao có mắt, một khi nước Tàu đại-loạn, Việt-Nam hãy chờ đợi để lấy lại mảnh đất của mình đã mất. Quá-khứ cho biết suốt dòng lịch-sử, nước Trung-Hoa ít khi được hưởng thái-bình lâu dài. Quốc-gia ta cần nghiên-cứu một kế-sách tái-chiếm này cho hoàn-bị. Những vị anh-hùng trong tương-lai sẽ hiên-ngang trở lại Hoàng sa. Sẵn có địa-lợi vì Hoàng-Sa gần sát với quân-cảng Việt hơn Tàu, một khi thiên-thời và nhân-hoà hợp nhất, việc này tưởng như khó khăn mà sẽ đương-nhiên xảy ra.

Thượng-sách là như vậy, nhưng theo suy-luận của một số người thông-thạo Luật Biển thì Việt-Nam cũng không thiệt-hại hay mất mát nhiều về hải-phận (cho dù Trung-Cộng xâm-chiếm mất Hoàng-Sa) nếu như các phe thương-thuyết đều tôn-trọng Luật Biển LHQ. Những ưu-thế của Việt-Nam đã được trình-bày ở trên, riêng Hoàng-Sa nằm trong một số trường-hợp đặc-biệt như sau:

- Việc chiếm-đóng bằng bạo-lực không đưa đến chủ-quyền.

- Hoàng-Sa gồm nhiều đảo nhỏ, không có cư-dân, không tự-túc kinh-tế nên không được hưởng quy-chế hải-phận đăc-quyền kinh-tế.

- Nền đất quần-đảo Hoàng-Sa nằm trên thềm lục-địa, lại đặc-biệt nối liền với Cù-lao Ré và tỉnh Quảng-Ngãi.

- Yếu-tố thời-gian rõ rệt đang giúp cho Việt-Nam một thế đứng vững mạnh hơn trên trường quốc-tế công-pháp. Trong khi đó thế-giới luật-gia lại đang gia-tăng áp-lưc nặng nề lên phía Trung-Cộng. Hoả-mù tuyên-truyền của họ trong những thập-niên 1970, 1980 nay đã đang tan rã thành từng mảng. Chủ-quyền Việt-Nam trên Hoàng-Sa Trường-Sa thực-sự là một chính-nghiã sáng ngời.

Thời-đại "màu đỏ máu" của Cộng-Sản Nga-Hoa bao trùm 1/3 nhân-loại và cả chiến-thuật "Biển Người" lỗI-thờI của Trung-Cộng đến nay thực-sự qua rồi. Đã đến lúc ánh sáng công-lý của thế-kỷ 21 có khả-năng hoá-giải sách-lược "Biển Sách" nguỵ-tạo lịch-sử của Trung-Cộng. Số lượng những luật-gia hàng đầu khắp Á, Âu, Mỹ bênh-vực Việt-Nam tăng lên nhiều, đặc-biệt là một vài tên tuổi lớn sau đây:

- Mark Valancia và các Chuyên-gia thuộc Viện Đông Tây ở Honolulu đã dựa trên Luật Biển, phủ-nhận các tuyên-cáo của Trung-Cộng, vẽ ra hải-phận Việt-Nam dựa theo nhiều giải-pháp phân chia. Theo giả-thuyết của Valancia, các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa không thể được hưởng quy-chế "Đặc-quyền kinh-tế", vùng biển sở-hữu của Việt-Nam có thể tới 1,000,000 cây sô vuông hay 3 lần lớn hơn lãnh-thổ. (Valencia, Mark J. with Jon M. Van Dyke and Noel Ludwig. Sharing the Resources of the South China Sea. The Hague: Martinus Nijhoff for Kluwer Law International (1997). [also Honolulu: University of Hawaii Press (1999)]

- Nữ giáo-sư Monique Chemillier-Gendreau trình-bày mọi lý lẽ chủ-quyền mà Trung-Hoa nói là lịch-sử. Bà trả lời lần lượt từng điểm một, mang sách sử cả Hoa, cả Việt, Pháp, Anh ra làm bằng-cớ; hoàn-toàn bác bỏ được mọi luận-cứ mập mờ của kẻ xâm-lăng.

Cũng qua sử sách, với hàng chục dẫn-chứng, tác-giả đã quả quyết: Việt-Nam là nước độc nhất đã thực-sự hành-sử chủ-quyền quốc-gia trên hai quần-đảo từ thế-kỷ 18.

Đọc xong cuốn sách, cả thế-giới luật-gia, sử-gia, học-giả nào cũng phải thấy rõ rằng Trung-Quốc chưa hề bao giờ có chủ-quyền tại Hoàng-Sa và Trường-Sa. (Monique Chemillier-Gendreau La Souverainete sur les Archipels Paracels et Spratleys, Paris: Editions L'Harmattan, 1996. Pp. 306.).

- Gần đây nhất, một nhà báo Anh là Templer nhận-xét rằng dù Trung-Cộng có cố-ý khoa-trương nhưng các nước Âu Mỹ dần dần thấy răng lý-lẽ chủ-quyền Việt-Nam mạnh mẽ hơn vì đã Việt-Nam đã thực-sự từ lâu chiếm đóng những quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. (Robert Templer, Shadows and Wind: A View of Modern Vietnam, Viking Penguin, September 1999).

(Nguồn: VuHuuSan.net>
 
Thừa sai hải ngoại Paris: Chương trình mừng 350 năm thành lập 1658-2008
GS. Trần Văn Cảnh
09:57 01/01/2008

THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS

350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam



(Bài 1)

Chương trình mừng 350 năm thành lập, 1658-2008

Trong tác phẩm vừa mới phát hành, nhan đề « Câu chuyện đẹp về Thừa sai Hải Ngoại 1658-2008 » (La belle histoire des Missions Etrangères 1658-2008), ký giả Gilles VAN GRASDORFF viết một lới giới thiệu tóm tắt về Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris[1] như sau: « Ngày 29 tháng 07 năm 1658, François Pallu và Pierre Lambert de La Motte đã được Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII đặt làm Giám Quản Tông Toà Ðàng Ngoài và Ðàng Trong: Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại được thành lập. Sau thời gian thích ứng khó khăn trong hai thế kỷ XVII và XVIII, Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại đã qua một thời vàng son trong thế kỷ XIX: mở rộng địa bàn hoạt động. Càng ngày càng đông và càng ngày càng năng động, các thừa sai đã lập sở tại Trung Hoa và Ần Ðộ, tại Ðại Hàn và Nhật Bản, Tại Mãn Châu và Tây Tạng. Ngoài sứ mệnh rao giảng tin mừng, họ còn hiện diện khắp nơi, xây cất nhà thờ, nhà thương, chẩn tế viện; họ còn nổi bật với công việc nghiên cứu ngôn ngữ, động vật và thực vật; họ còn thiết lập việc in ấn. Trong thế kỷ XX, các thừa sai đã tận tình cố gắng để thiết lập hàng giáo sĩ bản địa hầu có người tiếp nối.

Từ lúc đầu cho đến ngày nay, Thừa Sai đã gởi sang Á Châu hơn 4500 linh mục. Năm 2008 này, mừng sinh nhật 350 năm thành lập, Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris hoàn toàn hướng về tương lai. Hơn bao giờ hết, Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris tiếp tục công việc xây cái cầu nối giữa Giáo Hội Pháp với các Giáo Hội Ðịa Phương Á Châu, sứ mệnh mà Giáo Hoàng đã trao gởi vào năm 1658[2] ».

11. NĂM HỒNG PHÚC 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập

2008 trở về 1658, tính ra chẵn 350 năm. Ðể kỷ niệm 350 năm thành lập, Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris tổ chức[3] một chương trình mừng lễ NĂM HỒNG PHÚC. Chương trình, đã được phổ biến trong tập hồ sơ báo chí và trên mạng http://128.mepasie.net/350eme-anniversaire.fr-fr.50.0.contents.htm, gồm những những điểm chính như sau:

Tháng giêng

· Chủ Nhật 060108, 18 giờ: Lễ Ba Vua, quan thầy Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại, tại nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê.

· Thứ ba 080108, 11 giờ: Khai mạc 5 phòng triển lãm về « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại ở Á Châu: 350 năm lịch sử và mạo hiểm», tại ME (Missions Etrangères), 128 rue du Bac, 75007 Paris.

-Hầm dưới nhà nguyện, về 23 vị tử đạo ở Viêt Nam, Ðại Hàn và Trung Hoa;

-Phòng các Vị Tử Ðạo, về kỷ vật của các thừa sai khi xưa, đặc biệt của các vị tử đạo;

-Phòng François PALLU, về 5 nước Việt Nam, Lào, Cao Mên, Thái Lan và Miến Ðiện

-Phòng Lambert de LA MOTTE, về các nước Ấn Ðộ, Nam Ðương, Mã Lai, Ðại Hàn, Nhật, Trung Hoa, Ðài Loan và Madagascar

-Phòng COTOLENDI, về các công trình mà các thừa sai đã đóng góp vào Á Châu về các khoa học tự nhiên, sáng tác dịch thuật, in ấn xuất bản

Mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật, từ 14 đến 18 giờ

Tháng hai

· Triển lãm về « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại ở Á Châu: 350 năm lịch sử và mạo hiểm», tại ME, 128 rue du Bac, 75007 Paris.

Mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật, từ 14 đến 18 giờ.

· Chủ nhật thứ I mùa chay, 100208, cha MARCOVITS, Ða Minh, giảng lễ tại nhà nguyện ME, 128 rue du Bac, về « Thuật chuyện Chúa Giê Su bị cám dỗ trong sa mạc »

· Chủ nhật thứ II mùa chay, 170208, cha MARCOVITS, Ða Minh, giảng lễ tại nhà nguyện ME, 128 rue du Bac, về « Con là đá Phêrô và trên đá này ta sẽ xây Giáo Hội ta »

· Chủ nhật thứ III mùa chay, 240208, cha MARCOVITS, Ða Minh, giảng lễ tại nhà nguyện ME, 128 rue du Bac, về « Chúa Giêsu nói chuyện với thiếu phụ samaritanô »

Tháng ba

· triển lãm về « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại ở Á Châu: 350 năm lịch sử và mạo hiểm», tại 128 rue du Bac, 75007 Paris.

Mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật, từ 14 đến 18 giờ. Cho đến ngày 15 tháng ba

· Chủ nhật thứ IV mùa chay, 020308, cha MARCOVITS, Ða Minh, giảng lễ tại nhà nguyện ME, 128 rue du Bac, về « Người mù từ thủa mới sinh »

· Chủ nhật thứ V mùa chay, 090308, cha MARCOVITS, Ða Minh, giảng lễ tại nhà nguyện ME, 128 rue du Bac, về « Lazarô sống lại »

Tháng tư

· Thứ sáu, 040408 và thứ bảy 050408, từ 9 giờ 30 đến 17 giờ, Hội thảo về lịch sử, tinh thần và hoạt động của các Sở Thừa Sai Hải Ngoại ở Á Châu, tại Học Viện Công Giáo Paris, số 21 rue d’Assas, 75006 Paris; sáng từ 9, 30 đến 12, 30 giờ; chiều từ 14 đến 17 giờ.

Muốn tham dự phải ghi danh trước ở Học Viện Công Giáo Paris.

Thứ sáu, 040408, ba đề tài sau đây: Tinh thần nào đã nuôi duỡng các vị sáng lập Thừa Sai Hải Ngoại ? Những hỗ trợ tôn giáo nào, những hỗ trợ chính trị nào đã giúp Hội Thừa Sai thành hình ?

Chiều tối, lúc 20 giờ, ở ME, Chủng Viện rue du Bac, sẽ có chiếu phim về Lịch Sử và cuộc sống của các Thừa Sai Hải Ngoại. Vào cửa tự do.

Thứ bảy, 050408, hội thảo hướng về sự khám phá tha nhân qua kinh nghiệm thừa sai 350 năm ở Á Châu: tinh thần gia đình trường tồn; khác biệt lớn về sự tiếp nhận đạo công giáo trong những nước phật giáo tiểu thừa và những nước hồi giáo Á Châu; Các chủ nghĩa dân tộc và cộng sản đang bành trướng đã cản trở hay chám dứt công việc truyền giáo của các Thừa Sai Hải Ngoại, khiến họ phải thích ứng: Các linh mục thừa sai vẫn được gởi đi, nhưng thêm vào đó, một số giáo dân trẻ tự nguyện cũng đã được gởi đi phục vụ trong một thời gian.

Tháng năm

· Thứ bảy 240508,

o 16 giờ 00: Khai trương chính thức Vườn Á Châu, ở ME. Muốn vào phải có thiệp mời

o 20 giờ 00: Hoà tấu thánh nhạc của Charles Gounod, do Ban Hợp xướng « Alessandra Lupidi », tại nhà thờ St-François-Xavier, Vào cửa tự do.

· Chủ nhật 250508, 10 giờ: Lễ tại nhà nguyện ME, hát bộ lễ « Nhà Nguyện » cũng của nhà soạn nhạc Charles Gounod.

Tháng sáu

· Chủ nhật 080608, 18 giờ 00: Lễ tạ ơn ở Nhà Thờ Ðức Bà Paris, do Ðức Hồng Y André Ving-Trois chủ tế, kỷ niệm 350 năm việc bổ nhiệm hai Giám Mục Ðại Diện Tông Toà tiên khởi là Ðức Cha François PALLU và Ðức Cha Pierre de LA MOTTE. Hai giám mục này đã được coi như hai vị sáng lập ra Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris.

· Thứ bảy 210608, 20 giờ 00: Vũ Ấn độ, do nhóm Nrityavani ở Bangalore thực hiện; ở ME. Vào cửa tự do.

Tháng mười

· Từ thứ tư 011008 đến thứ hai 061008: Triển lãm di sự của Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu ở nhà nguyện ME. Mở cửa từ 7 đến 18 giờ mỗi ngày. Vào cửa tự do.

· Chủ nhật 121008, 11 giờ: Lễ truyền hình ngày thế giới cầu nguyện cho các Thừa Sai ở nhà nguyện ME. Ban hợp xướng « Alessandra Lupidi » hát lễ.

Tháng giêng năm 2009

· Chủ nhật 040109, 10 giờ, lễ kết thúc Năm Hồng Ân. Lễ truyền thanh trên Ðài France-Culture.

12. LOẠT BÀI « THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS, 350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam »

Là một giáo dân, gốc Thanh Hoá, sinh ra (1943) và sống đạo, hầu hết chỉ gặp các cha việt nam; lớn lên vào lúc Giáo Hội Việt Nam tự lập với Hàng Giáo Phẩm thiết lập vào năm 1960, gồm 17 giám mục việt nam và 2 giám mục thừa sai hải ngoại Paris, tôi không biết gì về các cha thừa sai hải ngoại Paris và hầu như dửng dưng với sự hiện diện của các ngài, nếu không nói là ác cảm vì phong trào độc lập liệt họ vào nhóm người thực dân.

2008 đến, 65 tuổi, sắp về hưu, hồi tưởng lại, tôi nhớ ra rằng ông bà nội ngoại tôi, bố mẹ tôi, tất cả đều đã được các cha Thừa sai coi sóc, giúp đỡ và dậy dỗ về đạo đời; bản thân tôi đã được Ðức Cha Louis De COOUMAN (1881-1970), gốc thừa sai, giám mục giám quản tông toà Thanh Hoá, ban phép Thêm sức; khi lớn lên, được gặp Ðức Cha Paul-Marcel PIQUET (1888-1966), gốc thừa sai, giám mục Nha Trang, rồi làm việc chung với nhiều cha thừa sai, tôi bàng hoàng phát giác ra rằng mình có một cái nợ chẳng những về đức tin, mà cả về giáo dục và văn hoá với các cha thừa sai hải ngoại Paris.

Trong Năm Hồng Ân 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại Paris, tôi muốn tìm hiểu một cách khách quan về hội, trước là để cùng chung vui với các cha thừa sai quen biết, sau là để chia sẻ với nhiều bạn đọc cũng đã có một tâm trạng như tôi và nhất là để nói với các cha thừa sai lòng biết ơn của tôi. Trần tình như vậy, xin mời bạn đọc vào thăm loạt bài « Thừa sai hải ngoại Paris, 350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam[4] ».

Trong một công trình xây dựng, hai nhóm người góp tài nghệ và công sức của mình. Nhóm nghiên cứu (bureaux d’études), vẽ hoạ đồ, tính phí tổn, đặt kế hoạch, thảo chương trình. Nhóm thực hiện công trình (conducteurs de travaux), thâu tìm và điều hành nhân viên cộng tác, thuê khoán các nhà thầu nhỏ, mua sắm vật liệu và máy móc, canh chừng, chống trả và loại bỏ trộm cắp, đề phòng tai nạn, dầm mưa dãi nắng trên các công trường, đương đầu với mọi nghịch cảnh, có khi thiệt hại cả đến tính mạng ! Thực hiện việc xây dựng một giáo hội cũng giống như thực hiện một công trường xây dựng nhà cửa, cầu đường. Các thừa sai hải ngoại Paris đều là những ngưới xây dựng, ở đủ mọi cấp bậc, từ kỹ sư, kỹ thuật, đến thợ, đã góp công lao tâm sức liên tục suốt 350 năm vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam. Nhiều vị đã bỏ mình vì bệnh tật, vì thiếu thốn, vì tai nạn, vì cướp bóc, vì hãm hại, vì tử đạo ! Ngôi nhà Giáo Hội Việt Nam, hôm nay đã được xây dựng vững chắc và đầy đủ nếu không nói là huy hoàng, một phần rất lớn nhờ công sức và tài trí của các cha thừa sai hải ngoại Paris.

Hy vọng rằng, qua loạt bài này, với những dữ kiện lịch sử khách quan, bạn đọc sẽ khám phá ra những công sức mà các cha thừa sai hải ngoại Paris đã góp vào để xây dựng Giáo Hội Việt Nam và thăng tiến ngôn ngữ và văn hoá, khoa học việt nam.

Song song với loạt bài nền có tính cách tìm hiểu chung này về HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS, nếu hoàn cảnh cho phép, một số bài phóng sự, tường trình các sinh hoạt kỷ niệm NĂM HỒNG ÂN 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập của hội, cũng sẽ được thực hiện và gởi đến bạn đọc.

Xin chúc bạn đọc một năm mới khang an và thành đạt.

Paris, ngày 01 tháng 01 năm 2008

Trần Văn Cảnh

--------------------------------------------------------------------------------

Chú Thích

[1] Thói quen chúng ta vẫn gọi là Hội Thừa Sai Paris. Nhưng tên này không cho thấy thực tế là những Phái đoàn Thừa Sai mà Paris đã gởi ra hải ngoại và những Sở Thừa Sai mà Paris đã lập ở hải ngoại. Ðó là lý do khiến chúng tôi trở về nguyên ngữ tiếng pháp mà dịch đầy đủ là « Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris » (La Société des Missions Etrangères de Paris).

[2] VAN GRASDORFF Gilles: La belle histoire des Missions Etrangères 1658-2008, Edition PERRIN; 2007, 492 trang, tr. bìa sau.

[3] Với sụ điều hợp của cha Gérard MOUSSAY, giám đốc Văn Khố « Archives des Missions Etrangères ». Xin cám ơn Cha đã tiếp chuyện và đã cho tin và tài liệu. Cũng xin cám on cha Jean MAIS và cha Claude LANGE, hai đồng nghiệp tại Viện Ðại Học Ðà Lạt trước năm 1975, đã khuyến khích va giúp tài liệu.

[4] Tựa đề này lấy hứng từ luận án tiến sĩ của cha Claude LANGE, Luận án đã được ấn hành với tên là « Giáo Hội Công Giáo và Hội Thừa Sai Hải Ngoại tại Việt Nam ».

LANGE Claude: L’église catholique et la Socìté des Missions Etrangères au Vietnam: Vicariat apostolique de Cochinchine XVII et XVIII siècles; Paris: L’Harmattan; 2004; 208 trang.
 
Giới thiệu Phong trào ''Mẹ Hành Hương''
Rev. Josef Kentenich
12:02 01/01/2008

Giới thiệu Phong trào "Mẹ Hành Hương"



Có một người kể rằng: “Gia đình chúng tôi có rất nhiều công việc bận rộn, nhưng khi hình Mẹ Hành Hương đến thì chúng tôi luôn luôn chào đón. Mẹ đến và giúp chúng tôi nhớ lại một điều quan trọng nhất trong những điều quan trọng mà chúng tôi đã làm là dành thời gian cho Chúa và Mẹ Maria.“

Đức Mẹ Hành Hương
Mẹ Hành Hương là một phong trào được khởi xướng từ Schönstatt do Đấng sáng lập - Cha Kentenich. Qua phong trào đó đã cho chúng tôi thấy được những kinh nghiệm: nếu chúng ta trao cho Mẹ một cơ hội để Người hành động, thì Người sẽ thực hiện điều chúng ta mong.

Trong Kinh Thánh cũng đã nói đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elisabeth (Lc 1,39f). Qua nhiều năm người Kitô hữu cũng biết được rằng: Đức Mẹ mang Chúa Giêsu đến và Người giúp chúng ta có một mối liên hệ mật thiết với Chúa.

Khi chúng ta có nhiều việc bận rộn để làm, để nghĩ thì chúng ta cũng nên dành một chỗ cho Chúa như Mẹ Maria. Cùng với Mẹ chúng ta dễ dàng dành một ít thời gian cho Chúa hơn. Qua mỗi lần chuyển giao, bình an của Chúa luôn luôn là một món quà cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên mở rộng cửa để được món quà đó.

Trong một nhóm khoảng 10 gia đình hoặc 10 người thì Mẹ và Chúa Giêsu sẽ trở thành những người khách đặc biệt ở từng gia đình và từng người từ 2 đến 3 ngày và điều này sẽ tiếp diễn từ tháng này qua tháng nọ.

Mỗi gia đình hay mỗi người trong những ngày này nên có một chút gì đó đặc biệt hơn vì đây là một cuộc gặp gỡ riêng tư. Tấm hình thánh từ Schönstatt này có thể được đặt ở nơi, nơi mà có sự hiện diện của từng người trong gia đình.

1950 ông Joao Pozzobon ở Brazil đã nảy ra sáng kiến cho phong trào Mẹ Hành Hương và sau đó đã có hàng triệu người cùng tham gia.

„Gia đình chúng tôi thường thì không cùng nhau nói chuyện và cầu nguyện nhiều. Một lần tôi đặt hình Mẹ Hành Hương ở trong bếp và đang đứng trước hình thì ngay sau đó cả gia đình tôi cùng vào. Chúng tôi đã cùng nhau nói chuyện và cùng cầu nguyện nữa. Qua bầu không khí đó, tôi nghĩ rằng: Chúa và Mẹ đã thật sự ở đây.“

„Lần đầu tiên Mẹ Hành Hương đến với gia đình chúng tôi. Khi đó, đứa con gái 17 tuổi hỏi chúng tôi:, Đây là cái gi?’ Tôi chỉ nói với nó:, nếu con muốn, con có thể nói tất cả những gì mà con cảm thấy khó khăn, nặng nề cho Mẹ Maria nghe’. Ngay ngày hôm sau, tôi thấy một tờ giấy nhỏ đặt trước hình với lời cầu xin:, Mẹ Maria, con cần sự giúp đỡ của Mẹ trong cuộc thi của con.’ “

„Trong nhóm của chúng tôi với hình Mẹ Hành Hương đã tạo cho chúng tôi tình bằng hữu với nhau. Chúng tôi thuộc về nhau và giúp đỡ lẫn nhau.“

„Trong ngôi làng nhỏ của chúng tôi có một gia đình mới với hai người con. Gia đình này không có nhiều giao thiệp với những người láng giềng xung quanh. Tôi không biết tôi có nên bắt chuyện với họ không. Và cuối cùng tôi quyết định sẽ đến nhà họ và tin rằng sẽ nhận được niềm vui. Sau buổi nói chuyện chung với nhau, họ đã đồng ý gia nhập vào nhóm và cùng chúng tôi chuyển giao Mẹ Hành Hương.“

„Với hình Mẹ Hành Hương thì không bao giờ có điều gì nhàm chán xảy ra. Những điều xảy ra luôn luôn khác nhau. Tôi thấy rất hay rằng người ta đã thật sự đưa Mẹ vào từng tình huống của họ.“


Những kinh nghiệm qua nhiều nhóm, nhiều người đã cho chúng tôi thấy rằng: Khi chúng ta có nhiều việc, chúng ta cũng cần giây phút để nghỉ ngơi. Khi chúng ta gặp sợ hãi hay gặp nhiều vấn đề khó khăn, chúng ta biết sẽ có người cầu nguyện cho chúng ta. Cùng với người hàng xóm nói chuyện của nhau cho nhau nghe, qua đó chúng ta thấy mình không có cô đơn. Cũng giống như vậy khi chúng ta gặp trắc trở trong công việc, chúng ta cũng cần có ai đó để bàn chuyện. Thì từ đây chúng tôi biết được rằng có rất nhiều người mong được Mẹ Hành Hương đến thăm.

Một chút thời gian cho Chúa và cho nhau

Cuộc sống chúng ta giống như một con đường.

Đời người được bắt đầu từ lúc sinh ra.

Đời người được kết thúc khi ta chết đi.

Mỗi ngày như một bước trên con đường cuộc sống của chúng ta.

Không có khoảnh khắc nào sẽ quay trở lại. Cuộc sống của chúng ta chứa đựng đầy những khoảnh khắc. Mỗi một khoảnh khắc giống như một bước tiến trên con đường cuộc sống chúng ta.

Điều quan trọng trong mỗi khoảnh khắc là chúng ta nên giữ lại mục tiêu của mình. Chúa Giêsu, Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường rất tốt. Ngài nói: „Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế“(Mt 28,20)

Chúa Giêsu đã hứa, Ngài sẽ ở với chúng ta. Và mỗi người trong chúng ta sẽ đi theo con đường của mình mà Chúa đã chỉ.

Khi rửa tội cha mẹ chúng ta đã nói: họ muốn con của họ cùng đi với Chúa trên con đường, vì con đường của Chúa là con đường tốt.

Khi rước lễ lần đầu và thêm sức chúng ta có thể tự quyết định, và những sự việc khác trong cuộc sống cũng vậy.

Thật ra đó là một điều kì diệu. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường tốt và Ngài muốn tất cả chúng ta cùng với Ngài đi trên con đường đó.

Con đường này thì không dễ dàng cho chúng ta.

Thời gian chúng ta có rất nhiều, nhưng tất cả thời gian đó đều có việc cả. Chúng ta rất bận rộn trong những việc quan trọng của chính mình, và chính vì vậy mà chúng ta thường nói: tôi không có thời gian.

Mỗi ngày chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều sự việc, và những sự việc đó rất rất là quan trọng. Vấn đề khó khăn bắt đầu từ đây, đó là khi chúng ta lớn tiếng, khó chịu, không vừa ý về những việc làm của mình thì cái nhìn đúng của cuộc sống trong con mắt chúng ta sẽ bị mất đi.

Tôi không có thời gian cho Chúa, tôi không có thời gian cho mọi người-những người mà sống chung với tôi.

Thời gian trôi đi rất nhanh, nếu chúng ta không để ý đến. Chúng ta trở nên bực tức, không bình an, càu nhàu....... và bất thình lình nơi chúng ta sống sẽ không còn đẹp nữa. Mỗi người chỉ còn biết chạy theo con đường riêng và vội vã với những cuộc hẹn của chính mình. Chúng ta quên mất Chúa, quên mất mọi người xung quanh. Chúng ta chỉ đi với những vấn đề khó khăn và lo lắng riêng mà quên mất điều Chúa hứa -Ngài sẽ ở bên và cùng mang gánh nặng với ta, Ngài sẽ chúc lành và tặng niềm vui cho chúng ta.

Chúng ta đã tức giận nhau và không còn nhìn thấy những điểm tốt của nhau nữa.

„Đây là Mẹ con!“

Chúa Giêsu đã là một con người giống như chúng ta. Người biết rõ cuộc sống thì như thế nào. Vì yêu thương chúng ta, nên Ngài đã chịu chết trên thánh giá, và từ trên thánh giá Ngài đã tặng cho chúng ta một món quà quí giá là trao Mẹ của Ngài cho chúng ta.

Maria là người mẹ tốt của chúng ta. Người giúp chúng ta trong cuộc sống. Chính vì vậy mà nhiều nơi trên Thế Giới, Mẹ được yêu mến và được kính trọng. Mọi người đi hành hương tới Mẹ, tại nơi đó họ đều nhận được một sức mạnh mới. Ở Schönstatt cũng vậy, cũng là một nơi hành hương. Ở đây có một ngôi nhà nguyện nhỏ, Mẹ đã đến ngự và hiện diện. Một nơi mà tại đó Chúa đã tặng ban nhiều phép lành cho Thế Giới.

Mẹ biết con người ngày nay có rất nhiều khó khăn và không có nhiều thời gian. Chính vì vậy mà Mẹ muốn giúp mọi người.

Phong trào „Mẹ Hành Hương“ Dành một chút thời gian cho Chúa và cho nhau.

Phong trào Đức Mẹ Hành Hương được diễn tiến như sau:

Trong mỗi vòng di chuyển ít nhất là 7 gia đình, nhưng cách tốt nhất là 10 gia đình cho mỗi vòng đi với một tấm ảnh Đức Mẹ. Tấm ảnh này sẽ được chuyển từ nhà này đến nhà khác trong vòng đi đó. Điều quan trọng nhất là: Chúng ta cần dành riêng cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu một chỗ đẹp trong nhà chúng ta, nơi mà thường diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Chúng ta hãy để cho mình được chúc lành qua việc đến thăm của Mẹ. Sự chúc lành này được phát xuất từ ngôi nhà nguyện của ơn thánh. Để được như thế chúng ta cần phải luôn luôn có một chút thời gian dù là rất ngắn ngủi cho Chúa và Mẹ.

Trong 3 ngày Đức Mẹ ở với gia đình, chúng ta trong mỗi người cần tự tạo cho mình một vài phút cho Chúa và cho nhau vì chúng ta là một gia đình.

Một vài người kể lại rằng:

„Cùng nhau cầu nguyện, đơn giản là chúng tôi không làm đươc. Nhưng khi Mẹ đến ở với gia đình chúng tôi thì đã không còn có những tiếng la mắng nữa. Tôi và chồng cùng với hai con trai tôi đã thống nhất với nhau là sẽ làm như vậy. Và điều đó đã làm cho chúng tôi trở nên tốt.

„Cái gì? Đó chỉ là một tấm hình bình thường, nó đến rồi đi, chẳng có gì đặc biệt. Tôi đã nghĩ như thế trong một khoảng thời gian dài. Nhưng trong một lần Mẹ đến nhà đã làm tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi cảm thấy người đứng trước mặt tôi là Mẹ Thiên Chúa và bỗng nhiên tôi nhận ra được rằng, còn hơn thế nữa, đó không chỉ đơn giản là một tấm hình đến nhưng là Mẹ Maria, Người ở đây, Người thăm tôi và gia đình tôi.“

Một người phụ nữ đã hơn 30 năm lập gia đình, nhưng chưa bao giờ bà và chồng bà cùng nhau cầu nguyện. „ Khi lần đầu tiên Mẹ đến với chúng tôi, trong gia đình tôi lúc bấy giờ vừa xảy ra một nỗi đau lớn. Tôi đã hỏi chồng tôi là chúng tôi có nên cầu nguyện chung với nhau trong khi Mẹ đang ở nhà chúng tôi không. Sau đó ông ấy cũng đồng ý với tôi. Và bây giờ chúng tôi làm điều đó luôn luôn mỗi khi Mẹ Hành Hương đến nhà. Đối với tôi đây là niềm vui lớn mà Mẹ đã ban cho tôi.“


Những điều quan trọng:

1. Nên để hình ở một nơi mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy.

2. Chúng ta có thể làm một vài việc nhỏ bé để trong gia đình chúng ta có một ít gì đó đẹp hơn bình thường để làm quà cho Mẹ. Chúng ta có thể nói với Mẹ rằng: thật tuyệt vời khi Mẹ cùng với con của Mẹ đến với gia đình chúng con. Chúng con muốn dành cho Người một ít thời gian.

Ví dụ:

* Chúng ta cố gắng cùng nhau quây quần bên mâm cơm và cùng nhau cầu nguyện trước bữa ăn.

* Chúng ta có thể đốt cho Mẹ Hành Hương một cây nến và cùng với gia đình cầu nguyện kinh tối để kết thúc một ngày với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

* Chúng ta có thể cho mình một ít phút thinh lặng để cám ơn và cầu nguyện về những gì đẹp đẽ của ngày vừa qua và cầu nguyện chung với nhau.

* Chúng ta cố gắng dành thời gian để nói chuyện và cùng nhau giải quyết vấn đề.

* Chúng ta có thể cầu nguyện kinh tối cùng với con cái.

* Chúng ta không nên cãi nhau hay chửi người này người kia về một việc gì đó mà nên lo lắng để chúng ta có một bầu không khí tốt đối với nhau.

* Chúng ta thử cố gắng làm một việc gì đó tốt để đem lại niềm vui cho người khác.

Chúng ta có thể nghĩ ra nhiều việc khác tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Schönstatt là gì?

Schönstatt là một nơi thuộc miền Tây nước Đức. Đây là một nơi khởi đầu và là một trung tâm hoạt động mang tính quốc tế, với mục đích cùng chung với nhau củng cố niềm tin cho mọi thành phần tín hữu trên Thế Giới.

Mỗi ngày đều có người hành hương từ khắp nơi trên Thế Giới đến cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa trong ngôi nhà nguyện nhỏ thuộc Schönstatt. Ở đây họ đã phong cho Mẹ với tước hiệu “Mẹ Cực Mầu Cực Nhiệm.“ Mẹ đã giúp họ tìm thấy quê hương của chính họ, Mẹ cũng ban ơn thánh và sức mạnh để họ biến đổi bản thân, lòng can đảm và sự nhiệt tình làm việc cho Thế Giới như một người tông đồ.

Từ những thông tin của Schönstatt đã giúp nhiều người mỗi ngày sống với niềm tin của họ và giúp họ trạm khắc niềm tin Ki-tô giáo vào Thế Giới. Schönstatt là một nơi hành hương, được phát xuất từ khi cha sáng lập Cha Kentenich (1885 – 1968) ký „Giao ước tình yêu“ với Mẹ Maria vào ngày 18-10-1914 tại ngôi nhà nguyện đầu tiên. Kể từ đó Mẹ đã hiện diện và nơi đây trở thành nơi hành hương.

Cha Kentenich là một vị linh mục đã sống với một niềm tin mạnh mẽ và sâu sắc. Cha cũng là một người linh hướng và đã giúp nhiều người biết tin tưởng, yêu mến vào Chúa và Mẹ Maria.

Trên Thế Giới đã có khoảng 180 ngôi nhà nguyện, các ngôi nhà nguyện này đều được xây giống như ngôi nhà nguyện đầu tiên ở Schönstatt.

Qua phong trào Đức Mẹ Hành Hương đã có hơn hàng triệu người thuộc hơn 80 nước trên Thế Giới liên kết với Schönstatt.

Lạy Đức Bà Maria, lạy Mẹ nhân thay, con xin dâng mình con cho Đức Mẹ; mà cho được làm chứng con hết lòng làm con Đức Mẹ, thì đêm hôm nay (ngày hôm nay ) con xin dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, trái tim cùng trót cả và mình con cho Đức Mẹ. Lạy Đức Bà Maria, lạy Mẹ khoan thay; này con thuộc về Đức Mẹ, thì xin Đức Mẹ gìn giữ con như của riêng Đức Mẹ vậy. Amen.

Với tâm hồn bé thơ, con phó thác vào quyền năng và lòng từ ái của Mẹ. Con hoàn toàn tin tưởng, cậy trông tuyệt đối nơi Mẹ nhiệm mầu và Chúa Giêsu, con Mẹ.” (Cha Josef Kentenich)

Xin cho chúng con nên giống Mẹ, biết sống tín thác, xứng đáng, khiêm nhường và bác ái. Hầu mang lại an vui, thuận hòa và yêu mến đến cho mọi người. Xin cho chúng con qua từng thời đại, luôn sẵn sàng vì Chúa.” (Cha Josef Kentenich)
 
Văn Hóa
Gốc dân Da Đỏ Canada
GS. Trần Trung Lương
09:38 01/01/2008

Bài mở đầu niên giám 2008: GỐC DÂN DA ĐỎ CANADA



Những người đầu tiên trên giải đất Canada này xuất hiện vào thời tiền lịch sử, cách nay tới cả 100.000 năm. Con số được nhiều nhà khoa học đồng ý về khoảng cách đó là15.000 năm. Họ là những người Á Châu đã theo eo biển Beringia miền cực bắc vào Mỹ châu qua ngả Alaska. Những người gốc Á Châu này đã toả đi khắp miền Bắc Mỹ. Tuy mang cùng bộ mặt Á Châu nhưng họ rất khác biệt nhau. Riêng ở Canada có tới hơn 50 sắc dân, căn cứ vào những ngôn ngữ còn lại dấu vết. Họ trao đổi hàng hóa với nhau nhưng cũng thù nghịch nhau, tiêu diệt lẫn nhau.

Người da trắng Âu Châu tới đây vào thế kỷ thứ 15. Những người đầu tiên là người Pháp, người Hòa Lan và người Anh. Ban đầu họ trao đổi hàng hóa với dân Da Đỏ ở miền đông Canada. Món hàng trao đổi ban đầu của Da Trắng là sắt, súng đạn và xoong chảo nấu ăn. Cùng với các món hàng này, người da trắng đã đem bệnh tật từ Âu Châu sang Bắc Mỹ: bệnh đậu mùa, bệnh lên sởi, cảm cúm, bệnh phổi. Các thứ bệnh này đã tiêu diệt phần lớn các sắc dân Đa Đỏ. Điển hình là dân Huron ở mạn bắc Ontario. Theo sử của người da trắng ghi thì năm 1600, dân số Huron là 25.000 người. Nhưng qua trận dịch đậu mùa, năm 1640 dân số Huron chỉ còn 9.000.

Theo sử gia nhân chủng Henry Dobyns: trước khi người da trắng tới Bắc Mỹ thì dân số các sắc dân Da Đỏ hơn 18 triệu, nhưng vì nhiễm bệnh của dân Da Trắng mà vô phương chống đỡ nên chỉ trong 130 năm, 95% dân số Đa Đỏ đã chết. Sử gia Charles C. Mann trong cuốn “1491” đã có chứng cớ rõ rệt về dân số Da Đỏ ở New England. Năm 1616, do trận dịch viêm gan, 90% dân số đã chết. Tới năm 1633, tức 17 năm sau, một trận dịch đậu mùa đã tiêu diệt 1/3 dân số còn lại.

Sử gia Will Ferguson phát biểu: Các con số thống kê đã không nói lên sự thật hãi hùng về các bệnh dịch đã tàn phá các sắc dân Da Đỏ sau khi tiếp xúc với các dân Da Trắng từ Âu Châu tới.

Từ con số 18 triệu hay 10 triệu ban đầu đến thống kê dân số năm 2001, tổng số người Da Đỏ ở Canada hiện nay là 976.305 người.

Nhìn tổng quát về địa bàn sinh sống thuở ban đầu, các sắc dân Da Đỏ có thể xếp loại theo những vùng rộng lớn sau đây:

1. Dân miền đông với Liên bang IROQUOIS / SIX NATIONS

Đây là những sắc dân sống ở miền Sông Laurent và Các Đại Hồ, nổi bật là sắc dân Iroquois. Người Iroquois làm nghề nông, canh tác đặc biệt bắp ngô, bí ngô và các loại đậu. Họ sống trong những căn nhà rất dài, có cái dài tới 100 thước, chứa tới 50 người, gồm tứ đại đồng đường: ông bà, con cái, cháu và chắt. Họ sống quy tụ thành những cộng đồng. Các cộng đồng Iroquois này đã kết hợp lại thành Liên Minh Iroquois. Liên minh này còn gọi là Five Nations. Five Nations gồm 5 sắc dân Mohawk, Oneida, Onondaga, Cayuga, và Seneca. Sắc dân Mohawk được coi là anh cả. Sau này, Five Nations đổi ra SIX NATIONS khi có thêm sắc dân Tuscarora ở phía nam gia nhập năm1722.

Five Nations do ‘thiên sứ’ Dakanahwideh lập ra năm 1451. Thời đó, các người Iroquois cũng đánh lẫn nhau dữ lắm, Dakanahwideh đã đi hoà giải họ và viết ra Đạo Luật Hoà Bình, Great Law of Peace. Đạo luật này chính là hiến pháp của liên bang Iroquois.. Đạo Luật Hòa Bình này gồm 117 chương, dài 75.000 chữ, được truyền khẩu qua các thế hệ. Đạo luật này phân định rõ ràng các cấp chính quyền, và các đặc quyền của phụ nữ. Nhiều người tin rằng chính Đạo Luật này đã sinh ra hiến pháp Hoa Kỳ.

Điều đặc biệt về người Iroquois là họ theo chế độ mẫu hệ. Xã hội Iroquois được cai trị bởi 2 hội đồng: Hội đồng các lãnh tụ ( Council of Chiefs) và Hội Đồng Đại Mẫu ( Clan Mothers )

Riêng sắc dân Mohawk trong liêng bang Iroquois nổi tiếng là nnhững người dữ tợn ăn thịt kẻ thù ( eaters of men ).

2. Dân Miền Rừng phiá bắc

Đây là các sắc dân sống ở phía trên lãnh địa Iroquois, ở bắc Quebec, dọc Ontario và lên tới các lãnh địa miền Tây Bắc ( Northwest Territories ). Khác với các sắc dân phía nam, dân miền bắc này là dân du mục, sống thành nhóm nhỏ, ở trong lều. Phía tây bắc là nhóm Dene, gồm các sắc dân Kutchin,Dogrib, Beaver va Chipewyan. Phía đông nam là nhóm Algonquian, gồm sắc dân Cree, Ojibwa, Ottawa. Phía giáp bờ Đai Tây Dương là sắc dân Maliseet và Mi’kmaq. Chính sắc dân Mi’kmaq này là những người Da Đỏ đầu tiên tiếp xúc với người Âu Châu.

Dân Miền Rừng phía bắc này nổi tiếng về các thuyền đi trên sông, làm bằng vỏ cây birch. Loại thuyền này nhẹ, dễ sửa chữa và chở được nhiều hàng. Nội địa Canada là sông và hồ. Nhờ loại thuyền này mà việc buôn bán trên sông hồ trở nên dễ dàng và phát đạt. Sử gia Arthur Lower đã định nghĩa: Canada is a canoe route. Xuồng là một biểu tượng Canada.

3.. Dân miền đồng bằng

Đây là các sắc dân Blacfoot, Cree, Assiniboine, Sioux, Crow. sống ở Alberta và Saskatchewan. Họ sống trong lều, khung làm bằng các cây sào lớn chụm lại và bao quanh bằng da thú. Điểm lợi của loại lều này là dựng lên và tháo đi rất lẹ, Hình ảnh tượng trưng cho các sắc dân ở miền này là ‘cỡi ngựa bắn súng’. Thời tiền sử, ngựa là con vật đầu tiên của Bắc Mỹ. Không hiểu vì lý do gì ngựa đã biến khỏi đây, rồi xuất hiện bên Âu Châu. Người Tây Ban Nha đã đem ngựa từ Âu Châu sang Nam Mỹ, và rồi ngựa được đưa trở lại Bắc Mỹ.

Ngựa xuất hiện đã thay đổi nếp sống Da Đỏ. Ngựa đã cho người ta nhiều tự do hơn, vận hành nhanh hơn, lưu động dễ hơn. Ngựa cũng cho người ta nới rộng khu săn bắn, và mở rộng mặt trận đánh nhau.

Người Da trắng đã đem tới Bắc Mỹ ngựa và súng. Hễ nhắc tới người Da Đỏ ở miền này là người ta nghĩ tới nguười da đỏ Sioux mặc áo da thú, đầu đội mũ lông chim, cỡi ngựa và bắn súng

Loại thú mà người Da Đỏ săn ở miền này là loại bò rừng. Con thú này nhiều vô cùng. Đây là nguồn lương thực, y phục, keo hồ, và làm giây cung săn bắn. Da được dùng che lều, chăn đắp, giầy dép và vật liệu bọc thuyền. Phân được dùng làm chất đốt. Sừng được dùng làm đồ để uống nước. Bong bóng được dùng đựng nước. Người ta đã tính ra tới 300 công dụng từ con bò săn được. Có 3 cách săn bò: giương bẫy, bắn bằng cung tên, lùa cho chúng rơi xuống vực.

Săn bò tuy vất vả nhưng đem lại một nguồn lương thực lớn lao. Mỗi con bò rừng trung bình nặng tới 900 kí lô. Người da đỏ thường có thói quen bắt hết cả đàn, mà trung bình mỗi đàn có tới 250 con.

Người Da Đỏ tuy bắt được nhiều bò rừng như vậy, nhưng theo sử ghi thì con số này không thấm thía gì với số bò rừng mà người da trắng đã giết. Năm 1800, toàn vùng Bắc Mỹ có tới 60 triệu con bò, thế mà tới năm 1889 số bò rừng còn lại chỉ vào khoảng 800 con. Người da trắng giết bò không nương tay. Họ giết bò cốt để lấy da, và nhiều người cho rằng người da trắng cũng có thâm ý là tiêu diệt kho lương thực của thổ dân.

4. Dân Miền Tây

Nhờ khí hậu ấm áp và đất đai mầu mỡ, người Da Đỏ vùng này đã phát triển rất mạnh và sống rất trù phú. Khi người da trắng đến đây, họ ước tính nửa tổng số dân Da Đỏ đang sống ở miền British Columbia với 30 ngôn ngữ khác nhau. Các sắc dân chính ở miền này là Haida, Tlingit, Tsimishian, Kwakiut, Salish, Nootka.

Điều nổi bật ở các sắc dân giầu có này là chế độ chủ tớ. Tớ đây thường là các nô lệ bắt được từ các cuộc chiến. Giai cấp giầu có sống xa hoa, nhà cửa sang trọng. Giai cấp nô lệ chiếm tới một phần ba dân số. Nghệ thuật điêu khắc, hội họa được đề cao trong xã hội Da Đỏ ở đây.

Một đặc điểm của văn hóa Da Đỏ miền này là các cột gỗ ‘Totem’. Đây không phải là biểu tượng tôn giáo mà là biểu tượng sự giàu sang cũng như để ghi dấu các biến cố của một bộ lạc, một dòng họ. Có những cột cao tới 20 thước và nặng tới 4 tấn. Totem phát xuất từ sắc dân Nisga’a, và sau này sắc dân Kwakiutl thêm 2 cánh gỗ vào cột. Totem cũng được dùng làm mồ giữ xác các tù trưởng. Sắc dân Haida bao giờ cũng dựng cột totem truớc lối vào nhà. Điêu khắc trên cột totem là một nét văn hóa Da Đỏ hiện còn tồn tại ở miền bờ biển Thái Bình Dương này.

5. Dân Inuit miền bắc cực

Dân Inuit là sắc dân Da Đỏ sống cực khổ nhất tại niền Bắc Cực. Họ chính là những người đã từ Á Châu sang tới đây qua ngả Siberia. Họ thuộc 8 bộ lạc khác nhau nhưng nói cùng một ngôn ngữ: tiếng Inuktitut. Những người da trắng mà họ tiếp xúc ban đầu là những người đi săn cá voi, những nhà thám hiểm bị lạc trên băng đảo, và xưa nhất là nhóm Viking. Sắc dân Inuit kỳ cựu nhất là sắc dân Sadlermiut sống ở miền bắc Hudson Bay. Nhóm này sau khi tiếp xúc với người da trắng đi săn cá biển, đã nhiễm bệnh của da trắng và bị tận diệt. Dân số Inuit hiện nay vào khoảng 40.000. Họ sống bằng việc săn bắn. Hiện nay họ đi xe tuyết có gắn động cơ chứ không còn do đàn chó kéo như xưa nữa. Dân Inuit đi săn hươu caribou, bò tót, cá voi, hải cẩu, gấu bắc cực.

Ngày xưa các sách đều gọi họ là dân Eskimo. Eskimo có nghĩa ‘người ăn thịt sống’. Dân Inuit coi đây là một sự xỉ nhục họ. Danh xưng Inuit chính ra là tên gọi những người da đỏ sống ở miền đông bắc cực, còn những người sống ở miền tây tên là Inuvialuit, và cư dân phía bắc Alaska xưng tên mình là Inupiat. Hiện nay, các sách báo đã dùng danh xưng Inuit để chỉ chung các cư dân ở bắc cực.

Nét đặc trưng của người Inuit là cổng đá Inuksuk. Vì sống trên một giải đất rộng mênh mông, để đánh dấu phương hướng và các lộ trình, người Inuit đã dựng lên những cổng làm bằng nhiều tảng đá chồng lên nhau. Nhiều cổng Inuksuk đã tồn tại hàng ngàn năm. Inuksuk còn được dùng để kính nhớ các danh nhân.

Năm 1999 đặc khu Nunavut được thành lập, và Inuksuk được chọn làm biểu tượng của miền đất tân lập này. Thế Vân Hội Mùa Đông năm 2010 sắp tới sẽ được tổ chức tại Vancouver, và Inuksuk đã được chọn làm biểu tượng của thế vận hội này.

Khi nói tới người Inuit, người ta thường nhớ ngay tới những đặc phẩm sau đây:

- IGLOO: nợi cư trú của người Inuit làm bằng tuyết

- PARKA: áo ấm của người Inuit làm bằng da thú caribou, chống lạnh, chống nước, chống gió. Hiện nay parka là loại áo mùa đông rất nổi tiếng của Canada

- KAYAK: loại thuyền độc mộc làm bằng gỗ cây birch, ngoài bọc bằng da

thú, không ngấm nước và không thể chìm, đi rất nhanh.

- UMIAK: loại thuyền lớn, đáy bằng, dùng để chuyên chở hàng hoá và gia

đình. Thuyền có thể chở tới 20 người. Thuyền này được dùng trong mùa săn bắn.

Trên đây là nói về các sắc dân Da Đỏ thuở ban đầu. Hiện nay bản đồ Canada được được ghi là có 10 tỉnh bang giáp giới với Hoa Kỳ, miền cực đông là tỉnh bang Newfoundland và miền cực tây là British Columbia. Nằm trên 10 tỉnh bang này là giải đất rộng mênh mông, phía trên là bắc cực. Trên giải đất mênh mông này có 3 tỉnh bang đặc biệt mà đa số là người Da Đỏ:

- Yukon, rộng 482.443 cây số vuông, thủ phủ là Whitehorse

- North West Territories, rộng 1.346.106 cây số vuông, thủ phủ là Yellowknife

- Nunavut, rộng 2.093.190 cây số vuông, thủ phủ làIqaluit

Theo hiến pháp Canada, 1982, điều 25 và 35, tất cả các người Da Đỏ đều được xếp vào 3 lớp này: Indians, Metis, Inuit

Chính quyền liên bang có một cơ quan lớn đặc trách người Da Đỏ, mang tên ‘Indian and Northern Affairs Canada’. Vì gồm nhiều sắc dân và không thống nhất với nhau được, nên người Da Đỏ không có một hội đồng đại diện trung ương. Mỗi khi có sự tranh chấp thì chính quyền liên bang phải thoả hiệp với từng sắc dân.

Một số lãnh tụ Da Đỏ nổi tiếng:

- Kedanahwideh, được dân Da Đỏ coi là một vị thiên sứ Trời sai xuống giúp người Inroquois. Ông đã liên kết người Iroquois thành một liên minh chặt chẽ và đã viết ra một hiến pháp hoà bình danh tiếng mang tên ‘Great Law of Peace’. Nhiều người tin rằng hiến pháp Hoa Kỳ hiện nay đã lấy cảm hứng từ hiến pháp của người Iroquois này.

- Membertou, người đã giúp dân Acadians không những khỏi bị người Iroquois tiêu diệt, mà còn kết thân được với người Iroquois đầu thế kỷ 17.

- Maquinna, lãnh tụ của sắc dân Nootka ở miền tây đã cho các nhà buôn người Anh vào buôn bán và lập thương điếm ở Vancouver vào thập niên 1780

- Tecumseh, vị lãnh tụ sắc dân Shawnee đã hướng dẫn đạo binh Da Đỏ First Nations đánh bại đoàn quân Hoa Kỳsang xâm lăng Canada và đã chiếm được Detroit năm 1812.

- Louis Riel, 1844-1885, lãnh tụ của người Metis ( Metis là những người lai, mẹ Da Đỏ, bố da trắng ). Ông đã lập ra tỉnh bang Manitoba, đã lãnh đạo cuộc chiến nổi tiếng chống lại chính quyền Canada và đã bị Canada kết án tử hình.

- John Amagoalik, một lãnh tụ người Inuit, người đã góp công rất nhiều cho việc thành lập tỉnh bang Nunavut năm 1999.

Một số địa danh có gốc Da Đỏ:

- Canada, do tiếng ‘Kanata’ của người Huron, có nghĩa là ‘ làng xóm’

- Saskatchewan, tiếng người Cree, ‘ dòng sông chảy mạnh’

- Manitoba, tiếng người Cree, ‘ hồ đồng cỏ’

- Ontario, tiếng người Huron, ‘hồ đẹp’

- Quebec, tiếng người Algonquin, ‘lối đi chật’

- Yukon, tiếng người Loyukurah, ‘ dòng sông lớn’

- Nunavut, tiếng ngườì Inukitut, ‘đất của chúng ta’

- Saskatoon ( Manitoba), tiếng người Cree, ‘ trái dâu’

- Winnipeg ( Manitoba), tiếng người Cree, ‘ dòng sông nước đục’

- Etobicoke ( Ontario), tiếng người Ojibway, ‘rừng cây alders’

- Mississauga ( Ontario ), tên bộ lạc Mississauga, ‘ dòng sông có nhiều nhánh’

- Oshawa ( Ontario ), tiếng người Seneca, ‘ băng qua dòng thác’

- Ottawa ( Ontario), tiếng người Algonquin, ‘ nơi buôn bán trao đổi’

- Chicoutimi ( Quebec), tiếng Montagnais, ‘ nơi nước hết sâu’

- Gaspe ( Quebec ) tiếng Mi’kmaq, ‘tới biên giới’

- Niagara Falls ( Ontario ), tiếng Iroquois, ‘ thác nước đổ như sấm sét’

- Toronto ( Ontario ), tiếng Mohawk, ‘ nơi hẹn hò’

Trần Trung Lương

Toronto, tháng 12, 2007

Tài liệu tham khảo:

- Structure of Canadian History, J.L.Finlay / D.N.Sprague,

Prentice-Hall Canada Inc., Scarborough, On. 1989

- Fact Finder, Chambers Harrap Publishers Ltd 2004

- Canadian History for Dummies, Will Ferguson,

John Wiley & Sons Canada Ltd, Mississauga, On. 2005
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đầu Năm - Newly Flowering
Nguyễn Đức Cung
01:23 01/01/2008

HOA ĐẦU NĂM – Newly Flowering


Ảnh của Nguyễn Đức Cung


MỪNG NĂM MỚI 2008 – Happy New Year !

Ước mong Tình Yêu tràn đầy khắp nơi!

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền