Ngày 03-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:01 03/01/2015
CHỌN SỰ VUI VẺ
N2T

Có một bà cụ ngày nào cũng như ngày nào rất là vui vẻ, trên mặt lúc nào cũng như cười, người chung quanh đều bị ảnh hưởng của bà cụ nên tâm tình của mọi người đều luôn vui vẻ.
Có người hỏi bà cụ làm thế nào mà giữ được tâm tình vui tươi như thế, có phải là có bí quyết thần bí và đặc biệt không ?
Bà cụ trả lời:
- “Một chút cũng không có, hoàn toàn không có bí quyết”, sau đó bà cụ giải thích:
“Rất đơn giản, mỗi buổi sáng thức dậy thì tôi đối mặt với hai lựa chọn là hy vọng ngày hôm nay thật vui vẻ hay là không vui. Ngài coi, tôi chọn điều nào ? Đương nhiên là tôi chọn vui vẻ, cho nên cả ngày tâm tình tôi đều vui vẻ.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Vui vẻ có hai loại: một loại vui vẻ phát xuất từ trong tâm hồn, và một loại vui vẻ khác phát xuất do ngoại cảnh bên ngoài. Vui vẻ phát xuất từ tâm hồn thì làm cho người ta cảm nhận được cuộc sống đáng yêu; vui vẻ phát xuất từ ngoại cảnh thì chóng qua và làm cho người ta nhàm chán.
Loại người vui vẻ được phát xuất từ bên trong như: các linh mục, các tu sĩ, và những người có đời sống nội tâm phong phú.v.v...họ là những người luôn vui vẻ trong Chúa, luôn nhận ra được ân huệ Chúa ban cho họ trong cuộc sống đời thường dù phải gặp qua nhiều thử thách.
Hạng người vui vẻ được phát xuất từ ngoại cảnh như: các cô tiếp viên hàng không, các cô phục vụ ở nhà hàng, những công nhân làm việc giới thiệu hàng hóa, tiếp thị.v.v...cái vui vẻ của họ là vì ép buộc, vì đồng tiền, vì nghề nghiệp mà phải vui vẻ, và có khi người ta mượn cái vui vẻ bên ngoài để che lấp cái buồn chán bên trong.
Bí quyết để vui vẻ bình an hằng ngày của người Ki-tô hữu là tha thứ, là cảm thông, là bao dung, là phục vụ, là yêu thương...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Hiển Linh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:05 03/01/2015
Lễ CHÚA HIỂN LINH
N2T

Tin Mừng: Mt 2, 1-12
“Từ phương Đông chúng tôi đến thờ lạy Ngài.”


Anh chị em thân mến,
Thời nay có rất nhiều chiêm tinh gia xuất hiện, và có rất nhiều người chạy đến với họ, để họ chỉ cho biết hậu vận tương lai của mình cũng như của gia đình và của người thân, nhưng những chiêm tinh gia này không biết Đức Chúa Giê-su là ai và cũng chẳng biết trên đời này có Ngài hay không nữa ?

Ba nhà hiền sĩ ở phương đông đã nhìn thấy sao lạ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài giáng sinh, và các ông đã mau mắn lên đường để triều bái vị vua mới sinh ra.

Ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời đã mở trí khôn cho ba nhà hiền sĩ, đã khơi dậy tính mạo hiểm vốn có của các nhà bác học khiến cho họ lên đường đi tìm vua nhỏ mới sinh ra, nhưng Hài Nhi bé nhỏ nằm trong hang lừa ấy mới chính là ngôi sao lạ vĩ đại soi sáng tâm hồn của các ông và đổi mới hẳn tâm hồn của các ông, khiến cho các ông cũng trở thành những vị sao sáng soi dẫn đường cho thiên hạ nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa con cái loài người, mà cụ thể là đang ở trong tâm hồn của các ông.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một ánh sao, ánh sao lạ đêm giáng sinh của Con Thiên Chúa làm người, cho nên cuộc sống của họ làm cho người khác phải ngạc nhiên: họ sống hiền hòa với mọi người, biết giúp đỡ tha nhân, biết thông cảm với những sai lầm của người khác để khoan dung, thông cảm và yêu thương; họ là những người thành tâm khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi người, cho nên đối với họ, ai cũng là người anh em thân cận, ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một ngôi sao lạ lấp lánh chiếu sáng giữa dòng đời phản chiếu ánh sáng của Tin Mừng cho mọi người, ai cũng hiểu điều đó, nhưng trong thực tế, có những tín hữu đã tắt mất ánh sáng của Tin Mừng trên con người họ, họ sống như những người đi trong bóng tối bằng những ghen tương ích kỷ của mình, bằng những phê phán người này kẻ nọ của họ, cho nên không ai thấy được ánh sao lạ của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ, nói cách khác, không ai nhìn thấy được khuôn mặt nhân từ và yêu thương của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ.

Lễ Chúa Hiển Linh đề cao vai trò chứng nhân của người Ki-tô hữu trong cuộc sống đời thường, bởi vì ngày hôm nay Thiên Chúa không còn giáng trần trong hang lừa máng cỏ nữa, nên ánh sao lạ cũng không còn và Ngài cũng không còn tỏ hiện ra cho các nhà hiền sĩ nữa, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Ngài, trong bí tích Rửa Tội, Ngài đã làm cho chúng ta -mỗi người Ki-tô hữu- trở nên ánh sao lạ của Ngài ngay trong cuộc sống ở trần gian này.

“Lạy Đức Chúa Giêsu là ánh sao sáng dẫn đường cho nhân loại, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã làm cho mỗi người trong chúng con trở thành ánh sao của Chúa, đem ánh sáng Tin Mừng dọi sáng cho mọi người bằng chính đời sống tốt lành của chúng con. Xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng con, để chúng con có đủ can đảm làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống đời thường của chúng con. Amen”
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:08 03/01/2015
N2T

35. Tình yêu, giống như dây xích vàng, đem quả tim tương ái của song phương buộc chặt lại.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:13 03/01/2015
KHÔNG HỢP LỆ
Cha sở ngồi nghe giáo dân báo oán: anh người thành phố và chị là người thuộc giáo phận XL, cả hai đã học qua lớp giáo lý hôn nhân ở thành phố và có giấy chứng nhận của cha phụ trách cũng như của cha sở.
Chuyện rắc rối là ở đây: anh đem các hồ sơ như giấy chứng nhận rửa tội, thêm sức, độc thân và chứng chỉ đã học giáo lý hôn phối.v.v... tất cả đều có đầy đủ chữ ký và con dấu của cha sở mình về bên nhà gái theo thủ tục của đạo, nhưng cha sở ở đó không chấp nhận và phán một câu: phải học giáo lý hôn nhân ở đây thì mới hợp lệ.
Cha sở nghe thì buồn buồn trong lòng: ngay cả chữ ký của mình, con dấu của mình mà cũng không hợp lệ sao, tại sao làm khó giáo dân quá vậy ?
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giám mục Nepal kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo
Lã Thụ Nhân
03:13 03/01/2015
Trong một cuộc gặp gỡ đại kết được tổ chức tại Kathmandu hôm Giáng sinh, Đức Cha Paul Simick, Đại Diện Tông Tòa tại Nepal nói rằng một đất nước đón nhận và tôn trọng Chúa Giêsu "thì đạt phẩm giá và được tôn trọng trên trường quốc tế bởi vì điều đó thể hiện sự tôn trọng các giá trị dân chủ. Tâm linh và tôn giáo là các khía cạnh nâng cao vị thế quốc gia".

Một số đại diện chính phủ và các nhóm xã hội dân sự, cũng như các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác và hàng ngàn người Nepal, Kitô hữu và người Ấn giáo đã tham dự cuộc gặp gỡ. Trong bài phát biểu của mình, Đức Giám Mục Simick lưu ý đến sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Nepal và trên khắp thế giới. Ngài nói: "Chúa Kitô đã sinh ra cho tất cả mọi người, và sứ mạng của Ngài cũng nhằm hạn chế sự khác biệt giữa nhân loại, là những người anh em với nhau. Tương tự như vậy, chúng ta phải loại bỏ bạo lực, phân biệt đối xử và khủng bố trên toàn thế giới".

Đức Giám Mục Narayan Sharma của Hội Thánh “The Church of the ‎Believers” thúc giục các Kitô hữu Nepal đừng sợ tiếp cận mọi người xung quanh bằng những giáo huấn của Kinh Thánh. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Sushil Koirala cam đoan với cộng đồng Kitô hữu Nepal rằng trong Hiến pháp mới của quốc gia này, quyền của các Kitô hữu và những người thiểu số khác sẽ được bảo vệ. Hiện nay Nepal có khoảng 150,000 Kitô hữu, trong đó có 8,000 người Công Giáo. Trước khi chế độ quân chủ sụp đổ vào năm 2006, Ấn giáo là quốc giáo và có ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người dân. Việc tuyên bố nhà nước thế tục đã đưa đất nước này đến tự do tôn giáo; Tuy nhiên, người thiểu số, nhất là các Kitô hữu, vẫn bị sách nhiễu và đe dọa từ các cộng đồng đa số.
 
Một Giáng Sinh đầy thử thách đối với người dân Malawi
Lã Thụ Nhân
04:03 03/01/2015
Theo hãng thông tấn Công Giáo Fides, người dân Malawi mừng lễ Giáng sinh trong không khí ảm đạm. Cha Piergiorgio Gamba, một nhà truyền giáo Monfort cho hay: "Những gì tôi muốn nói không phải là những lời chỉ trích hay phán xét hoặc thậm chí là nhìn nhận tiêu cực về Malawi, nhưng chỉ đơn giản là suy tư về những thách đố mà chúng tôi một lần nữa phải đối mặt".

Ngay sau cái chết của tám cảnh sát thiệt mạng trong một tai nạn xe cộ khủng khiếp, Giáng sinh năm nay đã có những thách thức cho người dân Malawi. Tình hình an ninh ở đất nước này đã xuống tới mức tồi tệ nhất. Gần đây, một cảnh sát đã bị một bọn cướp có vũ trang sát hại ở ngân hàng First Merchant. Những tên tội phạm đã lấy đi 90.000 Kwacha, đồng tiền của Malawi. Giữa sự mất an ninh ngày càng gia tăng tại đất nước này, một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc đã cảnh báo các nhà đầu tư Trung Quốc nên chuyển sang các nước láng giềng vì lý do mất an ninh.

Cha Gamba nói thêm "Mưa muộn ở Malawi gây lo lắng cho nhà nông nhất là những nông dân trang trại, chiếm đến 80% dân số. Tương tự như vậy, các chương trình phân phối phân bón của chính phủ vẫn chưa trở thành hiện thực. Không có phân bón, sẽ không có thu hoạch để nuôi sống người dân".

Trong số những tai ương khác mà cha Gamba nói đến bao gồm phán quyết về quyền bãi công và sự thiếu sự hỗ trợ liên tục của các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ cho ngân sách Malawi. Cha Gamba cho biết thậm chí Ngân hàng Dự trữ của Malawi đã đưa ra một chiến dịch dạy người dân sử dụng tốt tiền giấy để tránh việc phải in thêm tiền mới.

Cha Gamba nói thêm: trớ trêu thay "Malawi xuất khẩu toàn bộ gỗ rừng và nhập khẩu tăm, xuất khẩu bông vải và nhập khẩu quần áo, xuất khẩu hàng triệu kilôgram thuốc lá nguyên liệu và nhập khẩu thuốc lá thành phẩm".
 
Nhiều người Nigeria gạt nỗi sợ hãi đánh bom tự sát để tham dự Thánh Lễ Giáng sinh
Lã Thụ Nhân
03:22 03/01/2015
Năm nay Thông điệp Giáng sinh "Urbi et Orbi" gởi thành Rôma và toàn thể thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc đến Nigeria. Như để đáp lời Đức Thánh Cha, hàng trăm người Công Giáo trong đó có rất nhiều người là nạn nhân của phiến quân Boko Haram, trước đó đã gạt sang một bên nỗi sợ hãi những kẻ đánh bom tự sát và tham dự thánh lễ Giáng Sinh tại Maiduguri.

Đức Thánh Cha an ủi Nigeria

Trong dịp Giáng sinh này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng mắt nhìn đến Nigeria và Phi châu: "Xin Chúa Kitô Đấng Cứu Thế ban bình an cho Nigeria, là nơi nhiều máu đang tiếp tục đổ ra và cũng là nơi quá nhiều người bị tước mất tài sản vô cớ, bị bắt làm con tin hoặc bị giết. Tôi cầu khẩn hòa bình trên những miền khác nữa của lục địa châu Phi, tôi đặc biệt nghĩ đến Libya, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, và các khu vực khác nhau của nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi van xin tất cả những ai có trách nhiệm chính trị hãy dấn thân thông qua đối thoại để vượt thắng những khác biệt và để xây dựng một cuộc sống chung lâu dài và huynh đệ”.

Những lời cảm động này của Đức Thánh Cha chắc chắn mang lại một tia hy vọng Giáng sinh cho nhiều người dân vùng Đông Bắc Nigeria. Người dân Nigeria biết rằng họ không đơn độc trong sự đau khổ của mình.

Giáo Phận Maiduguri là trung tâm trợ giúp nhân đạo

Đức Giám Mục Oliver Dashe Doeme của Giáo phận Maiduguri, một khu vực được xem là trung tâm tàn bạo của phiến quân Boko Haram, nói rằng tình hình ở các bang bị ảnh hưởng đang phải tiếp tục chịu đau khổ. Bài giảng Giáng sinh của ngài là một sự an ủi. Ngài nói với người dân rằng tên của họ được ghi trong sách sự sống ở trên trời ngay cả khi họ phải chịu đựng đau đớn và bị khước từ ở thế gian.

Cha Gideon Obasogie, Giám đốc Truyền thông của Giáo phận Maiduguri nói rằng việc phiến quân Boko Haram tiếp quản nhiều thị trấn và làng mạc ở Đông Bắc Nigeria đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của mình. Một số người đang sống trong các hang động và trong rừng. Những người khác thì tìm cách lánh nạn trong nhà của những người hảo tâm và trong các nhà xứ "vẫn còn an toàn" trong khu vực để trốn tránh những cuộc tấn công của phiến quân Boko Haram.

13 ngàn người thiệt mạng kể từ năm 2010

Theo Trung tâm giám sát di dân nội địa thì "cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Boko Haram gia tăng đáng kể từ giữa năm 2014, gây ra một cuộc khủng hoảng về an ninh chưa từng có ở vùng Đông Bắc Nigeria. Cuộc nổi dậy đã buộc 1,5 triệu người phải sơ tán đến các vùng khác của đất nước này và ít nhất 150 ngàn người khác ở các nước láng giềng như Chad, Niger và Cameroon".

"Africa Check.org" trích lời Tổng thống Goodluck Jonathan của Nigeria, cho biết 13 ngàn người đã thiệt mạng kể từ khi phiến quân Boko Haram nổi dậy hồi năm 2010. Con số này được nhiều tổ chức giám sát tình hình ở Nigeria cho là khá chính xác.

Phiến quân Boko Haram tuyên bố chúng có nhiệm vụ thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở vùng Đông Bắc Nigeria. Chiến dịch tàn bạo của chúng nhắm vào các Kitô hữu, nhà thờ, trường học và các chợ. Tuy nhiên, các thánh đường Hồi giáo và người Hồi giáo chúng cũng không tha.

Phiến quân Boko Haram đã mua xe tăng, bệ phóng tên lửa và các loại vũ khí chống máy bay. Sự leo thang mới đây trong việc sử dụng phụ nữ khoác những chiếc áo tự sát đánh dấu thêm sự liều lĩnh của chúng nhưng ít mang ý nghĩa chiến thuật. Vụ bắt cóc ít nhất 276 nữ sinh một trường trung học của chính phủ ở thị trấn Chibok ở bang miền Nam Borno đã gây sốc về sự táo tợn của chúng. Kể từ khi họ bị bắt cóc vào ngày 14/04/2014, tung tích của 219 nữ sinh này cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.

Những người chỉ trích nói rằng bắt đầu từ tháng Mười, họ đã ghi nhận sự cải thiện trong các hoạt động quân sự chống lại phiến quân Boko Haram. Mặc dù có những thách thức, quân đội Nigeria được cho là đã thực hiện một số bước tiến đáng kể trong việc làm suy giảm các cuộc tấn công của phiến quân Boko Haram. Cuối tháng Mười hai vừa qua, một tòa án quân sự Nigeria đã kết án tử hình 54 binh lính vì không chấp nhận chiến đấu chống lại phiến quân Boko Haram.

Giáo Hội hoàn vũ sát cánh người dân Nigeria

Đức Giám Mục Oliver Dashe Doeme của Giáo phận Maiduguri nói rằng Giáo Phận Maiduguri tiếp tục phần việc của mình cùng với Giáo phận Yola trong việc hỗ trợ những người trốn chạy bạo lực. Những người dân rất cần nước sạch, thực phẩm, quần áo, chỗ ở và sự chăm sóc y tế.

Trong tất cả những nỗ lực này, Giáo Hội hoàn vũ và Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt sát cánh cùng tất cả những ai đau khổ và người dân Nigeria.
 
Các Giám mục Thái Lan công bố Năm Thánh cầu nguyện cho Lễ Hiện Xuống mới
Lã Thụ Nhân
03:31 03/01/2015
Các Giám mục Công Giáo Thái Lan đã tuyên bố "Năm Thánh" nhằm khôi phục lại nhiệt tình Tân Phúc Âm hóa và kỷ niệm 350 năm Công nghị đầu tiên ở Ayutthaya, Thái Lan. Năm Thánh trọng thể sẽ được đánh dấu bằng việc mở Đại Hội khoáng đại đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan với chủ đề: "Các môn đệ của Chúa Kitô sống Tân Phúc Âm hóa", dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 25 tháng Tư, 2015. Các giám mục đã khai mạc Năm Thánh ở Thái Lan bằng ba hồi chiêng trong thánh lễ trọng thể vào ngày 06/12 vừa qua.

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã quy tụ tại Lux Mundi, là Đại Chủng viện quốc gia ở huyện Samphran tỉnh Nakhon Pathom miền trung tây Thái Lan. Đức Cha Andrew Vissanu Thanya Anan, Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Thái Lan và là cựu Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, giải thích ý nghĩa của Năm Thánh như sau: "Năm Thánh là thời điểm thích hợp của ân sủng và lòng thương xót để tái khám phá nhiệt tình Phúc âm hóa, đã được các nhà truyền giáo thực hiện có hiệu quả trong quá khứ nhằm phối hợp các nguồn lực để đem lại sức sống mới cho các sứ mạng của Giáo Hội Thái Lan đối với các thách đố đang nổi lên ngày nay". Ngài nói thêm: "một Lễ Hiện Xuống mới sẽ thúc đẩy Tân Phúc Âm hóa, hội nhập đức tin và văn hóa; và sẽ mang lại động lực giúp đối thoại liên tôn toàn diện trong bối cảnh châu Á".

Bộ Truyền giáo đã chấp thuận việc cử hành "Đại Hội khoáng đại của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan" vào tháng Tư. Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavier Kriengsak Kovitavanij của Bangkok, Chủ tịch Đại Hội khoáng đại, đã chủ sự Thánh Lễ hôm 06 tháng 12 vừa qua để khai Năm Thánh. Một số chương trình đào tạo đức tin đã được lên kế hoạch cho Năm Thánh, nhất là tập trung vào việc dạy giáo lý và duy trì các Cộng đoàn Kitô nhỏ. Công nghị đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan đã được tổ chức ở cố đô Ayutthaya vào năm 1664. Tòa Thánh Vatican cũng đã phát hành con tem kỷ niệm đánh dấu 350 năm Công nghị Ayutthaya.

Hiện nay, dân số Công Giáo Thái Lan ít hơn 1 phần trăm dân số. Khoảng 95 phần trăm người Thái theo đạo Phật, và nhiều người trong số những người còn lại là người Hồi giáo, làm cho quan hệ liên tôn là một khía cạnh quan trọng của đời sống người Công Giáo tại quốc gia Đông Nam Á này. Trong 50 năm qua, Thái Lan đã chứng kiến việc thành lập hai Tổng giáo phận Bangkok và Tare-Nongsaeng vào ngày 18 tháng Mười Hai năm 1965 và sau đó đã thành lập sáu giáo phận mới tại Chanthaburi, Ratchaburi, Chiang Mai, Ubonratchathani, Udonthani và Nakhonratchasima.
 
Đức Hồng Y Francis George kết thúc việc điều trị thử nghiệm vì thuốc không chặn được ung thư
Đặng Tự Do
03:59 03/01/2015
Đức Hồng Y Francis George, nguyên Tổng Giám Mục Chicago mới vừa nghỉ hưu gần đây vì bệnh ung thư, đã ngừng sử dụng một loại thuốc ung thư thử nghiệm sau khi các bác sĩ phát hiện ra rằng việc điều trị đã không có hiệu quả.

Đức Hồng Y George đã nghỉ hưu hồi tháng Mười Một, sau khi tiết lộ rằng ngài đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư lần thứ 2. Vị Hồng Y nói rằng có lẽ cuối cùng ngài phải chết vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của tổng giáo phận Chicago nói rằng cho đến nay, căn bệnh này đã không lây lan đến bất kỳ cơ phận quan trọng nào.

Đức Hồng Y George đã tự nguyện tham gia thử nghiệm loại thuốc mới này. Các bác sĩ tại Đại học Chicago cho biết mặc dù thuốc mới đã không giúp được Đức Hồng Y, nhưng kết quả các thử nghiệm có thể giúp các bệnh nhân ung thư khác.
 
Số các trung tâm phá thai ở Mỹ giảm liên tục trong 5 năm qua
Đặng Tự Do
06:31 03/01/2015
Số lượng các trung tâm phá thai ở Mỹ đã giảm 23% trong 5 năm qua, National Catholic Register cho biết như trên dựa theo các số liệu từ Operation Rescue.

Trong năm qua, 73 trung tâm phá thai ở Mỹ bị đã bị đóng cửa. Operation Rescue cho biết là từ năm 1991, 75% các cơ sở phá thai ngoại khoa trong nước đã đóng cửa.

Sự sụt giảm số lượng các trung tâm phá thai có thể là do một số yếu tố: thứ nhất là do việc sử dụng rộng rãi thuốc phá thai RU-486 thường được gọi hoa mỹ là "viên thuốc sáng hôm sau", thứ hai là việc thông qua luật mới bắt buộc các trung tâm này phải nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho sản phụ trong tiến trình phá thai.

Các phong trào phò sinh cũng có một tác động không nhỏ. Sue Thayer từng là một bác sĩ phá thai, giờ đây bà hoán cải và kết hợp tích cực với nhóm 40 ngày. Đây là một nhóm phò sinh sẵn sàng cầu nguyện trước các trung tâm phá thai liên tục 40 ngày cho đến khi các trung tâm này đóng cửa. Gần đây, họ đã làm 2 trung tâm tại Knoxville và Storm Lake phải dẹp tiệm.
 
Người leo lên mái vòm Đền Thờ Thánh Phêrô biểu tình có thể bị truy tố
Đặng Tự Do
06:43 03/01/2015
Một công tố viên Vatican dự định truy tố hình sự đối với một người đàn ông người Ý đã nhiều lần trèo qua mái nhà của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để biểu tình chống các chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu.

Marcello di Finizio đã bị giam giữ tại Vatican sau khi bị bắt vào hôm 21 tháng 12, sau khi ngủ qua một đêm trên mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô. Ông cột một đầu dây thừng vào một pho tượng và một đầu kia vào bụng mình để ngủ trên một độ cao đến 80m.

Đây là lần thứ 5 ông đã trèo qua mái nhà, cầm biểu ngữ và yêu cầu sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng trong cuộc chiến chống lại các chính sách của Liên minh châu Âu.

Một công tố viên Vatican sẽ liệt kê chi tiết những phàn nàn chống lại di Finizio, và một thẩm phán Vatican sẽ quyết định liệu ông có phải ra trước một phiên tòa hình sự hay không.

Đầu năm nay, ông trèo lên một cần cẩu tại thành phố Trieste và biểu tình trong suốt 80 ngày, mỗi ngày từ 8h sáng đến chiều, nhưng người ta không chú ý.
 
Canada công bố ngày 02 tháng Tư hàng năm là ngày “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”
Đặng Tự Do
06:58 03/01/2015
Với 44 phiếu thuận và 26 phiếu chống Thượng viện Canada đã thông qua quyết định theo đó ngày 02 tháng Tư hàng năm là ngày "Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II"

Việc bỏ phiếu đã trở nên căng thẳng vì sự chống đối quyết liệt của Thượng Nghị Sĩ Serge Joyal đưa ra hôm 15 tháng 12. Serge Joyal là Thượng Nghị Sĩ tự do của Quebec. Serge Joyal cho rằng dự luật này nên bị phản đối bởi vì nó đi ngược lại Hiến chương về các quyền và tự do của Canada vào năm 1982.

Lý luận của Serge Joyal dựa trên những hiểu nhầm tai hại về đạo Công Giáo. Ông nói:

"Dự luật này cho phép công nhận pháp lý một hệ thống tư tưởng và nguyên tắc tôn giáo mà thường đi ngược lại một số quyền cơ bản được quy định trong Hiến chương về các quyền và tự do”. Ông ta đưa ra một thí dụ rằng đạo Công Giáo dạy rằng người phụ nữ phải tôn kính người đàn ông như tôn kính Chúa Trời. Thành thử, người phụ nữ không bao giờ được thụ phong linh mục, mà chỉ có người nam mới được.

Thật là đáng kinh ngạc trước những hiểu biết hoang đường như vậy của một ông Thượng Nghị Sĩ.
 
Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho người Brazil nhân dịp 450 năm ngày khai sinh thành phố Rio de Janeiro
Đặng Tự Do
07:05 03/01/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp video cho người dân Brazil nhân ngày kỷ niệm 450 năm thành lập thành phố Rio de Janeiro, là thành phố lớn thứ hai của quốc gia này.

Nhắc tới bức tượng nổi tiếng của thành phố là tượng Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, Đức Thánh Cha đặt ra câu hỏi là Chúa Kitô nhìn thấy gì khi Ngài nhìn xuống thành phố này. Chúa Kitô thấy "vẻ đẹp tự nhiên" cũng như "sự tương phản tạo ra bởi sự bất bình đẳng xã hội rất lớn: sự sang trọng và đau khổ, bất công, bạo lực," ngài nói trong video được phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra hôm 01 tháng 1.

"Giữa sự thờ ơ ích kỷ và những cuộc biểu tình bạo lực luôn luôn có một lựa chọn khác có thể được: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ, đối thoại giữa người dân với nhà cầm quyền, bởi vì chúng ta đều là người ... Mọi người đều có một cái gì đó để góp phần xây dựng một nền văn minh công bình và huynh đệ hơn."

Đức Thánh Cha kết luận rằng:

"Tôi tin rằng tất cả mọi người có thể học hỏi nhiều từ các ví dụ về lòng quảng đại và tình đoàn kết giữa những người đơn sơ nhất".
 
Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland nhất quyết đưa chủ một tiệm bánh của người Công Giáo ra tòa
Đặng Tự Do
07:24 03/01/2015
Bất chấp những thảo luận tại Quốc Hội về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland, ủy ban này trong một tài liệu dày tới 16 trang với những lý luận lòng vòng cương quyết ăn thua đủ với tiệm bánh Ashers Baking.

Ashers Baking Company, một tiệm bánh có quy mô của một thương nghiệp gia đình đã là nạn nhân mới nhất của Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland hồi tháng 11 vừa qua.

Trước đó, vào tháng Năm, 2014, QueerSpace, một tổ chức vận động đồng tính luyến ái ở Bắc Ireland, nơi hôn nhân đồng tính không được công nhận đã đến cửa hàng bánh này để đặt một số bánh trị giá chỉ có 36.5 bảng Anh, trong đó có ghi hàng chữ “Support gay marriage” - "Ủng hộ hôn nhân đồng tính".

Gia đình người chủ tiệm bánh đã từ chối không làm số bánh này vì những hàng chữ trên đi ngược lại niềm tin của họ. Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland của chính phủ Bắc Ái Nhĩ Lan đã lập tức vào cuộc. Sau khi gửi nhiều thư hăm dọa, ủy ban đã chính thức tuyên bố sẽ truy tố tiệm bánh này vì “phân biệt đối xử” và vì “những thương tổn tâm lý trầm trọng gây ra cho những người đồng tính”

Daniel McArthur, quản lý tiệm bánh nói:

“Gia đình chúng tôi rất hoang mang và chịu một áp lực rất nặng nề. Chúng tôi chỉ là một thương nghiệp nhỏ với quy mô gia đình làm sao lấy đâu ra tiền để tranh cãi, kiện tụng với một cơ quan nhà nước được hỗ trợ dồi dào với nguồn tài chính bất tận từ tiền thuế của người dân.

Hàng ngày chúng tôi còn chịu những kẻ khiêu khích đến đây chửi rủa và lăng mạ nhưng nhà nước không quan tâm bảo vệ chúng tôi.

Asher Baking sẵn sàng phục vụ bất cứ khách hàng nào mặc kệ lối sống tình dục của họ nhưng chúng tôi không muốn bị buộc phải đề cao một chủ trương chống lại niềm tin Kinh Thánh của chúng tôi. Trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi chỉ biết cầu nguyện xin Thiên Chúa chỉ bảo đàng lành cho chúng tôi”.

Tuy nhiên, được sự nâng đỡ của giáo phận và của các phong trào Công Giáo, Asher Baking sẵn sàng chấp nhận cuộc chiến “David và Goliath”.

Giữa những chú ý rộng rãi của giới truyền thông, Quốc Hội đã thảo luận về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban này một khi vụ kiện thất bại. Ủy ban có lẽ cũng đánh hơi được mình đã đi quá lố nên yêu cầu Asher Baking bồi thường cho một “Mr. Lee” nào đó, là người của QueerSpace đến đặt bánh, vì “những thương tổn tâm lý trầm trọng” của Mr. Lee này. Asher Baking từ chối. Ủy ban xuống nước yêu cầu Asher Baking làm bánh cho “Mr. Lee”. Asher Baking lại từ chối. Bây giờ, ủy ban đưa Asher Baking ra tòa và Asher Baking sẵn sàng ra tòa vì anh Daniel McArthur nói: “Ý Chúa muốn như thế”

 
Đức TGM Tomasi: Mỹ - Nga không làm gì cho các Kitô hữu bị bách hại
Lm. Trần Đức Anh OP
11:07 03/01/2015
GENÈVE. Đức TGM Silvato Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, than phiền rằng Hoa Kỳ và Liên bang Nga ”chỉ nói miệng” mà không làm gì trong thực tế để bảo vệ các tín hữu Kitô bị bách hại ở Trung Đông.

Đức TGM Tomasi, người Mỹ, năm nay 75 tuổi, thuộc dòng thừa sai Thánh Carlo Borromeo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 3-1-2014, ngài nói: ”Cả Mỹ lẫn Nga đều nói về hòa bình và ủng hộ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông, nhưng cho đến nay không có bước tiến cụ thể nào. Trong lãnh vực này ai cũng biết chỉ có sự can thiệp của quốc tế mới có thể tái lập an ninh và trật tự tại Irak và Siria. Nhưng sự dấn thân của quốc tế bị chặn đứng vì những quyền lợi đối nghịch nhau giữa Mỹ và Nga. Thêm vào đó có những xung đột trong nội bộ Hồi giáo giữa người Shiite và Sunnit cũng như những đối nghịch chính trị nội bộ tại Siria và Irak”.

Đức TGM Tomasi cũng cho biết Tòa Thánh muốn tìm cách đưa những phe đối tác khác nhau tới chỗ đối thoại với nhau. Ngài nói: ”Nếu chúng ta không làm gì để tìm giải pháp hòa bình cho Trung Đông, thì chúng ta sẽ đồng chịu trách nhiệm về sự cáo chung sự hiện diện của Kitô giáo tại Irak và Siria”.

Theo Đức TGM Tomasi, Tòa Thánh có thể có những dự án làm trung gian trong năm mới này. Gần đây, Tòa Thánh đã góp phần tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, và đã đạt được một thành công ngoạn mục về mặt ngoại giao.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức TGM cũng khẳng định rằng ”Chúng ta cần phải từ bỏ não trạng theo đó nếu có những khó khăn và vấn đề thì phải dùng con đường xung đột bạo lực để giải quyết chúng. Thực tế có những phương thế khác, cần kiến tạo sự tín nhiệm, để có thể nói chuyện với nhau và tìm những thỏa hiệp có thể được mọi phe chấp nhận” (KNA 3-1-2015)
 
5 tin 'bong bóng xì hơi' cuả báo chí Mỹ nói về Vatican.
Trần Mạnh Trác
15:57 03/01/2015


Theo ký giả John L. Allen Jr. thì báo chí Mỹ đã thổi phồng quá đáng 5 câu chuyện cuả Vatican, mà chúng ta tạm gọi là 5 quả 'bong bóng xì hơi' như sau: (thứ tự từ nhỏ đến lớn)

Bong bóng số 5: "ĐGH nói tiên tri sẽ chết trong vòng hai năm"

Trong một cuộc họp báo tháng tám, ĐGH Phanxicô nói như sau, "Điều này sẽ không kéo dài lâu, hai hoặc ba năm gì đó, và sau đó thì... về nghỉ ở nhà Cha."

Báo chí đã bàn luận rộng rãi như đó là lời tiên tri về cái chết của chính ngài, hoặc có lẽ là một lời nhắc khéo về một kế hoạch từ chức bí mật.

Sự thật không phải như vậy.

Hoàn cảnh cuả câu nói là để trả lời cho một câu hỏi rằng, ĐGH nghĩ gì về sự nổi tiếng 'như một siêu sao' của ngài. Ngài nói "Điều này sẽ không kéo dài lâu," nghiã là sự hồ hởi cuả quần chúng thì không lâu bền. Vinh quang là phù du. Ngài không có ý nói về sức khoẻ hay tuổi thọ của mình.

Bong bóng số 4: 'Đột phá' với Trung Quốc

Trong chuyến đi Hàn Quốc, ĐGH Phanxicô đã được phép bay qua không phận Trung Quốc. Và theo thông lệ, ngài gửi một điện tín đến vị lãnh đạo của nước mà ngài bay qua.

Thông điệp ngắn gọn của ngài gửi cho Chủ tịch Tập Cận Bình được đồn đoán là một bước ngoặt đáng kể.

"Tôi xin kính chúc những điều tốt đẹp nhất đến với ngài và quí đồng bào, và tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước lành hòa bình và hạnh phúc cho quí quốc".

Nguyên văn chỉ có 25 chữ, vậy mà nó đã gây ra một cơn sốt truyền thông, như thể đã có một thỏa thuận bất ngờ về ngoại giao, và ĐGH sẽ đáp xuống Quảng trường Thiên An Môn vào những ngày kế tiếp.

Sự thật là mối quan hệ giữa Roma và Bắc Kinh thì luôn luôn vẫn là "một bước tiến, hai bước lùi", giống như những lần khác trong 2 thập kỷ vừa qua, và chắc chắn sẽ không xảy ra vì một bức điện tín đơn giản.

Gần đây Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican, đã trả lời về quan hệ Vatican và Trung Quốc như sau: "Cuộc hành trình đã và vẫn còn dài, được đánh dấu bằng nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, và vẫn chưa đi đến hồi kết thúc. Nó sẽ kết thúc khi nào Chúa muốn. "

Bong bóng số 3: ĐHY Kasper và TGM Chaput

Thượng Hội Đồng về gia đình, diễn ra tại Roma hồi tháng Mười vừa qua, đã là một cuộc hội nghị 'lắm chuyện', mà hai trong những nguyên nhân là v/đ người đồng tính và việc rước lễ cho người Công Giáo ly dị và tái hôn.

Một số những câu chuyện xảy ra ngoài lề đã trở thành những pha 'giật gân' được báo chí phóng đại một ngàn lần to hơn.

Thí dụ, Đức Hồng Y Walter Kasper, cổ động cho một giải pháp giúp những người ly dị, bị đồn thổi là đã nói rằng các giám mục châu Phi "không nên bảo chúng tôi phải làm gì". Lời nói đó được phân tích như là đang có một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nhóm châu Phi và Châu Âu.

Sau khi Thượng Hội Đồng kết thúc, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, tuy không tham gia, cho biết báo chí đã tạo ra "sự nhầm lẫn", và đó là " trò của ma quỷ." Vì người ta thường coi ĐGM Chaput là một nhân vật bảo thủ, cho nên lời nói đó đã được phán đoán như là một lời phê bình tới chính ĐGH.

Trong thực tế, ĐHY Kasper có ý nói là các khu vực khác nhau thì nên tìm giải pháp riêng cho họ, và ĐGM Chaput đã nói rằng các phương tiện truyền thông gây ra nhầm lẫn chứ không có ý nói về tình trạng cuả Thượng Hội Đồng. Nhưng sự cường điệu cuả những lời bình luận trên báo chí làm cho câu chuyện trở thành to lớn hơn và bầu không khí trở thành nóng bỏng hơn là so với những gì hai vị dự định muốn nói.

Cho nên chúng ta phải kiểm chứng những luận điệu cuả báo chí, nhất là trong bối cảnh mà báo chí đang tưởng tượng là có một cuộc khủng hoảng nào đó.

Bong bóng số 2: Quan điểm cuả Giáo hoàng về sự tiến hóa

Ngày 27 tháng 10, Đức Phanxicô nói với Viện Khoa học rằng "tiến hóa trong tự nhiên là không trái ngược với quan niệm sáng tạo," và nói thêm rằng Thiên Chúa không phải là một "ảo thuật gia", tạo ra sự vật với một "cây đũa thần".

Tuyên bố này đã được ca ngợi là một cuộc cách mạng về thần học.

Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm trên Internet, trên Google, thì sẽ thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã hoàn toàn nói lại những điều tương tự đã được nói bởi Đức Piô XII (thông điệp Humani Generis vào năm 1950.) và bởi Đức John Paul II (gọi tiến hóa là "hơn là một giả thuyết.")

Bong bóng số 1: Súc vật cũng lên thiên đàng

Nhưng quả bong bóng to nhất có lẽ là câu chuyện bắt đầu vào ngày 27 Tháng 11, khi ĐTC Phanxicô dạy về ơn cứu chuộc đã cho biết nó có nghĩa là "việc mang tất cả mọi sự đạt tới sự hình thành một cách viên mãn." ( “the bringing of all things into the fullness of being.”)

Một tờ báo Ý suy đoán rằng có lẽ ĐTC Phanxicô cũng có ý định bao gồm cả súc vật nữa, và trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi Ngài an ủi một cậu bé đã bị mất con chó của mình rằng "chúng ta sẽ lại thấy chúng ở trên trời." (“we will see our animals again in heaven.”)

Và khi câu chuyện lây lan qua báo chí tiếng Anh, thì nó trở thành việc ĐTC Phanxicô an ủi một cậu bé quẫn trí bị mất chó, và từ đó câu chuyện đạt được 'một bước nhảy vọt', trở thành một bằng chứng nữa cho thấy rằng vị giáo hoàng luôn luôn tìm cách đi ra ngoài những khuôn mẫu hẹp hòi.

Nhưng đó chỉ là một câu chuyện bịa đặt, dù là tuyệt vời, nhưng vẫn là hoàn toàn không có thực.

Có người sẽ hỏi, vậy chứ súc vật có thể lên Thiên Đàng không?

Theo Đức Benedictô XVI thì khi súc vật chết, có nghĩa là chúng "chấm dứt cuộc sống trên trái đất" ("means the end of their existence on earth,") và chúng không có "ơn gọi để sống một cuộc sống vĩnh cửu" ("are not called to eternal life.")

Vậy khi một vị mục tử dỗ dành một em bé nào đó, thì những cách an ủi phải được hiểu theo hoàn cảnh và lợi ích mục vụ cho giới nhi đồng, giống như việc người ta dùng Santa Claus để dạy những đức tính cho trẻ con, như việc cha mẹ dọa ma để con cái tránh những hành động nguy hiểm, nhà trường đọc chuyện thần thoại để học sinh phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo...
 
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể viếng thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2016
Đặng Tự Do
16:57 03/01/2015
84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội tại quốc gia này đang trải qua nhiều thách đố cam go chủ yếu vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và khuynh hướng duy đời cực đoan do thủ tướng Enda Kenny lèo lái từ tháng Ba năm 2011 đến này.

Tuy là người Công Giáo, ngày 20 tháng 7 năm 2011, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Enda Kenny tấn công Tòa Thánh trong một động thái chưa từng có từ hàng lãnh đạo cao cấp của quốc gia này. Kenny lên án mơ hồ nhưng rất nghiêm trọng rằng Giáo Hội đã cản trở việc điều tra các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ái Nhĩ Lan và đe dọa rằng "các mối quan hệ lịch sử giữa Giáo Hội và nhà nước Ái Nhĩ Lan có thể không được như trước nữa".

Năm ngày sau đó, Tòa Thánh đã triệu hồi sứ thần Tòa Thánh tại nước này là Đức Tổng Giám Mục Leanza về Vatican như một cử chỉ biểu lộ “sự kinh ngạc, và thất vọng trước những phản ứng thái quá” của Enda Kenny.

Đức Tổng Giám Mục Charles Brown, năm nay 55 tuổi, quê quán ở New York, Hoa Kỳ đã phục vụ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1994, đặc trách về các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngày 26 tháng 11 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan để thể hiện ý chí của Tòa Thánh giải quyết vấn đề trong công lý và tránh để các chính trị gia nước này biến vấn đề thành một dịp đầu cơ chính trị.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có ý định sang thăm Ái Nhĩ Lan nhưng bị các nhà lãnh đạo nước này cản trở.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 2 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Charles Brown cho biết là giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được lời mời chính thức của các nhà lãnh đạo nước này và Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2016. Đó là một cuộc viếng thăm rất được người Công Giáo Ái Nhĩ Lan trông đợi.
 
Chiếc tàu chở hàng đầy người di cư trôi giạt ngoài khơi Ý
Đặng Tự Do
17:12 03/01/2015
Một chiếc tàu thứ hai chở đầy người di cư - dường như bị bỏ rơi bởi thủy thủ đoàn - đang trôi giạt khoảng 64km ngoài khơi bờ biển phía nam của Ý.

Lực lượng không quân Ý đã cử một máy bay trực thăng đến chiếc tàu Ezadeen, mang cờ hiệu Sierra Leone, để thả lính biên phòng và các bác sĩ xuống con tàu này. Báo cáo sơ khởi cho biết trên tầu có 450 người di cư trong đó có nhiều trẻ em.

Chỉ trong một tuần qua, đây là lần thứ hai một câu chuyện tương tự đã xảy ra. Gần 1.000 người di cư, chủ yếu là người Syria, đã đến Ý hôm thứ Tư 31 tháng 12 sau khi một tàu chở hàng chở họ đi đã bị bỏ rơi ở vùng biển Adriatic. Trong năm 2014, Ý đã giải cứu khoảng 170,000 người di cư và người tị nạn trên biển khi họ cố gắng để vào châu Âu.

Câu chuyện này cho thấy sự tuyệt vọng của người Syria. Sau hơn 3 năm nội chiến, những người tị nạn Syria sống đói khát nơi những trại tạm cư đang trải qua một mùa đông khắc nghiệt trong sự hờ hững của thế giới. Họ không còn nhìn thấy tương lai ở Jordan, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ nên chấp nhận liều mạng vượt biển vào Âu Châu.
 
Các giám mục Hoa Kỳ chuẩn bị Tuần lễ di dân cho các tín hữu
Lã Thụ Nhân
20:11 03/01/2015
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã phát hành một loạt các tài liệu để giúp các tín hữu chuẩn bị cho Tuần lễ Di dân Quốc Gia 2015 sẽ diễn ra từ ngày 04 đến 10 tháng Giêng với chủ đề: "Chúng ta là một gia đình trong Thiên Chúa."

Trong một thông báo trên website, các giám mục cho biết chủ đề này "nhằm lưu ý tầm quan trọng của gia đình trong đời sống hàng ngày của chúng ta". Điều này nhắc nhở "đến tầm quan trọng đặc biệt khi đối phó với hiện tượng di dân, khi các thành viên gia đình thường xa cách nhau".

Các tài liệu có sẵn trên trang web của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ bao gồm các thẻ cầu nguyện, các lời cầu nguyện, và thông tin liên quan đến nạn buôn người, tuyển dụng lao động nước ngoài, trẻ vị thành niên và người tị nạn nước ngoài không có người giám hộ.

 
Các Giám mục Công giáo Ghana lên tiếng chống tham nhũng
Lã Thụ Nhân
20:30 03/01/2015
Các Giám mục Công Giáo Ghana đã lên tiếng chống lại tệ nạn tham nhũng tại đất nước này. Các giám mục chỉ trích những điều mà các ngài gọi là "tệ nạn kép của hối lộ và tham nhũng" trong xã hội Ghana. Các ngài nói rằng hai tệ nạn này đang tàn phá cấu trúc xã hội. Các ngài cảnh báo chống lại tình trạng các kẻ tham nhũng đã không bị trừng trị theo đúng pháp luật khiến nạn tham nhũng giờ đây đã trở nên công khai và phổ biến.

Các Giám mục Ghana đã tuyên bố như trên trong thông điệp năm mới gửi người dân Ghana. Thông điệp này được đưa ra bởi Đức Giám Mục Joseph Osei-Bonsu của Giáo phận Konongo-Mampong đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ghana.

Các giám mục nói thêm: "Tham nhũng hoành hành ở nước ta như hiện nay, chủ yếu là vì mặc dù chúng ta có các cơ quan vững mạnh, nhưng nói chung những người điều hành các cơ quan này và phần nhiều các cá nhân trong nước lại thiếu liêm chính. Nếu người dân được hướng dẫn lương tâm ngay chính và trung thực, có thể sẽ không có tham nhũng, hay ít nhất nó sẽ giảm mạnh và Ghana sẽ tốt hơn so với hiện nay".

Về chính trị, các Giám Mục hy vọng rằng trong năm 2015, các chính trị gia sẽ làm công việc của họ tận tâm và sẽ tránh được tệ biển thủ công quỹ. Các Giám mục cho biết: "Liên quan đến điều này, chúng ta nên nhớ rằng năm 1994, Thượng Hội đồng Giám mục Phi Châu đã tha thiết cầu xin Chúa cho Phi Châu có các chính trị gia thánh thiện - cả nam lẫn nữ - và các vị Nguyên thủ quốc gia thánh thiện, những người hết sức yêu mến người dân của mình và muốn phục vụ hơn là được phục vụ", các giám mục đã trích dẫn từ văn kiện "Giáo Hội tại Phi Châu".

Một lĩnh vực khác mà các giám mục quan tâm là cách thực hiện chính trị tại Ghana. Các ngài lên án sự cạnh tranh không cần thiết giữa các đảng phái chính trị. Các giám mục nhấn mạnh: "Chúng ta nên đặt dấu chấm hết cho nền văn hóa lăng mạ rất thịnh hành ở đất nước chúng ta, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Một số những tuyên bố và hành động của những người Ghana ở địa vị cao không cổ võ cho hòa bình. Thay vào đó họ tạo ra sự hỗn loạn, hận thù, đau đớn và oán giận. Chúng ta cần phải thẳng thắn với các chính trị gia và chỉ ra sai lầm của họ. Chúng ta nên đặt dấu chấm hết cho thói xu nịnh, bợ đỡ và có can đảm trừng trị các chính trị gia của chúng ta khi họ đi sai đường".

Các Giám mục cũng nhận xét rằng người Ghana cần phải quan tâm đến vấn đề đạo đức. Các ngài khuyên bảo: "Là một quốc gia, chúng ta sẽ không được hưởng hòa bình nếu trong nước vô đạo đức". Các Giám mục kêu gọi người dân Ghana chống lại những ảnh hưởng đồi bại của các nội dung khiêu dâm. Các bậc cha mẹ được đặc biệt kêu gọi thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong gia đình bằng cách cổ võ các giá trị truyền thống như tôn trọng người già, đứng đắn và nghiêm túc.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Ghana gồm các Giám mục từ năm giáo phận của đất nước này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng Kỷ Niệm Hôn Phối và Thượng Thọ tại Giáo Xứ Đức Mẹ La vang Houston Texas.
JB Nguyễn Đức Vượng
17:03 03/01/2015
1. Kỷ Niệm Hôn Phối vào Lễ Thánh Gia:

Ai ai là người Công Giáo chúng ta cũng biết về năm Gia đình, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Tổng Giáo Phận Galveston Houston Texas, đã lấy chủ đề của Đại hội Thánh Mẫu La Vang năm 2014 “ Năm Gia Đình Chúng Con, Về Bên Mẹ La Vang”. Qua sứ điệp ngắn gọn này, hàng ngày trong các thánh lễ chiều, các gia đình có ngày kỷ niệm Hôn phối được quý Cha mời đến dâng thánh lễ cầu nguyện và chúc mừng cho họ. Vào ngày 28/12/2014 lúc 6 giờ chiều. Quý Cha đã dâng thánh lễ mừng kỷ niệm Hôn phối cho 25 đôi đã được 25 năm 30,35,40 50, 60 và đặc biệt có đôi 65 năm Hôn phối, họ vui mừng được nhìn thấy đàn con là 9 người, cháu 30 người và cả chắt nữa. Một trong những câu trả lời gọn ghẽ và chắc nịch khi cha xứ hỏi: lý do gì mà ông bà giữ được nhau cho đến hôm nay? Chúng con chỉ biết dâng cho Chúa và nhịn nhục nhau. Cha xứ đến hỏi thêm một đôi 25 năm được gọi là đôi trẻ nhất: Có trường nào dậy Hôn phối cho các bạn không? Người chồng đứng lên trả lời ngay: Chỉ có một trường dậy đó là Giáo Hội qua gia đình Thánh Gia mà hôm nay chúng ta mừng kính.

Vâng năm nay nhiều bài viết được Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã bàn họp. Đức Thánh Cha đã bắt đầu gửi đến cho Thế Giới một Đại Hội về Gia Đình những bài Giáo Lý và Ngài sẽ hiện diện tại Philadelphia vào trung tuần tháng 9/2015.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã và đang ban cho Giáo Hội chúng ta có được những Gia đình mẫu mực noi gương Thánh Gia để nhờ Ba Đấng luôn che chở phù trì và nhất là nên gương mẫu mực nuôi sống các Gia đình chúng ta, để làm chứng cho thế giới hôm nay về tình thương của Chúa và lời thề hứa mà cha ông chúng ta đã thực hiện trước mặt Chúa, luôn là hoa quả tốt lành cho tương lai của thế giới hôm nay. Uớc chi những Phép Lành qua lời chúc phúc của Đ1ưc Thánh Cha Phanxicô, được gửi đến từng đôi; hy vọng từng bông hoa những người con, cháu dâng tặng trong ngày kỷ niệm này làm ấm lòng và nhân lên niềm cậy trông vào ơn Chúa của quý vị.

2. Kỷ Niệm Thượng Thọ: Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa:

Ngày lễ Đầu Năm 01/01/2015. Vào lúc 6 giờ chiều. Các Cụ kỷ niệm thượng thọ từ 70 năm đến 90 tuổi với 15 cụ Ông và cụ Bà được quý Cha cùng hội đồng Mục Vụ tổ chức mừng lễ Thượng Thọ với Phép Lành Tòa Thánh đã được Ban Tổ Chức, xin từ Roma.

Hôm nay ngày đầu năm, Giáo Hội cho chúng ta sau một tuần Bát Nhật mừng Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Sinh ra làm người để ở cùng chúng ta. Con Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người đó, không thể không kể đến Đức Trinh Nữ Maria, Ngài được chịu thai bởi Phép Đức Chúa Thánh Thần và sinh hạ con trẻ Giêsu là Con và là Thiên Chúa đó. Khởi đầu một công trình cứu độ.

Ngày đầu năm, thì cũng thật là ngày vui tươi, ngày mà Giáo Hội cho chúng ta mừng đó là ngày lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa để cho Giáo xứ nhớ đến những người cha, mẹ, ông, bà đã từng sinh thành dưỡng dục chúng ta. Cùng mừng, cùng cầu nguyện cho họ một cách trọng thể như hôm nay cho các cụ ngày thượng thọ, là niềm hạnh phúc Chúa dành cho các Gia đình, những bậc làm Cha Mẹ được sống lâu và còn ở bên con cháu. Họ sang một tuổi mới thêm thánh đức nhân lên cho cho thế hệ chúng ta.

Một Thánh Lễ trang trọng đã được dâng cầu nguyện cho bậc làm cha mẹ như hôm nay đem lại một ấn tượng thật chẳng quên của đời người đã bao công vất vả sinh thành dưỡng dục con cháu.

Xin Chúa luôn đồng hành và gìn giữ họ trong ơn nghĩa của Chúa cho tới ngày được ra đi trong bình an của Ngài.

Hình ảnh Kỷ Niệm Thượng Thọ: https://www.flickr.com/photos/128596977@N08/sets/72157647762540304/

Hình ảnh Kỷ Niệm Hôn Phối: https://www.flickr.com/photos/128596977@N08/sets/72157647730030043/
 
Huynh đoàn Thánh Gioan, Flemington mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh
22:04 03/01/2015
Melbourne, vào lúc 10.30 sáng Thứ Bảy 3/1/2015. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Huynh đoàn Đa Minh Thánh Gioan, Flemington đã cùng đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính bổn mạng.

Mời coi hình

Với những bộ áo dòng trắng, các đoàn viên huynh đoàn đã sốt sắng trang trí bàn thờ Thánh Gioan và cờ dòng ở nơi trang trọng trong nguyện đường để chuẩn bị dâng Thánh lễ mừng kịnh bổn mạng. Sau khi vị đại diện huynh đoàn lên đọc tiểu sử Thánh Gioan Tông đồ là bổn mạng huynh đoàn. Huynh đoàn đã cùng với cộng đoàn đọc kinh thần vụ, sau đó là Thánh lễ đồng tế mừng kính bổn mạng do Linh mục Phêrô Hoàng Mạnh Hùng OP. Tổng Đặc trách Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam Úc châu chủ tế cùng quý cha Giuse Đinh Trọng Chinh OP. Và Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm Trung tâm Vinh Sơn Liêm đồng tế.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Linh mục chủ tế đã mời gọi mọi người nên gia nhập vào các huynh đoàn Đa Minh, vì theo quan điểm xưa, khi thấy các đoàn viên thường là lớn tuổi nên người ta hay nói vào dòng để chuẩn bị sự chết, và vào dòng để dễ dàng nên Thánh. Vì theo thư Thánh Gioan, chúng ta đã là con cái đấng chí Thánh, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và đương nhiên chúng ta sẽ được nên Thánh. Vì Thiên Chúa Đấng luôn yêu thương chúng ta, dù chúng ta bất toàn, chúng ta tội lỗi, chúng ta không xứng đáng, chúng ta vẫn được chia sẻ phẩm tính của con cái Thiên Chúa.

Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được thừa hưởng gia tài của Chúa, chúng ta nên đón nhận gia tài đó để làm cho gia tài mỗi ngày một giầu có hơn như những người con hiếu thảo làm sáng danh gia nghiệp của gia đình mình, dòng tộc mình, để đón nhận ơn gọi, được sai đi đến mọi nơi, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đến muôn nơi làm tỏ rạng danh Chúa.

Mặc dù một ngày thời tiết Melbourne thật nóng, nhiệt độ lên đến 41 độ C theo dự báo của Nha khí tượng, nhưng đáp lại lời mời của huynh đoàn, các huynh đoàn bạn, đại diện ban mục vụ, các ban ngành, đoàn thể trong cộng đoàn cũng đến hiệp cùng huynh đoàn để dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Gioan cùng ngợi khen Thiên Chúa, cùng cảm tạ Ngài đã ban bình an cho mọi người trong năm qua, cùng cầu nguyện cho các đoàn viên đã qua đời được nghỉ ngơi bình an bên Cha Thánh trên nước Trời.

Sau Thánh lễ, Huynh đoàn Thánh Gioan đã chụp tấm hình kỷ niệm cùng quý cha đồng tế, sau đó mọi người được mời xuống hội trường trung tâm để dùng bữa trưa trong tình thân ái của những người là con cái Chúa. Dịp này, mọi người vừa dùng bữa vừa trao đổi, chuyện trò, tâm sự vui vẻ bên nhau.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tìm hiểu Tin Mừng Thứ Ba: Niên biểu và các nguồn
Vũ Van An
19:18 03/01/2015
Việc định niên biểu soạn thảo cho Tin Mừng Luca hiện vẫn chưa có được sự đồng thuận của các học giả. Có hai quan điểm về việc này. Quan điểm truyền thống và quan điểm phê phán.

Niên biểu soạn thảo

Như trên đã thấy, các giáo phụ, nhất là các giáo phụ thế kỷ thứ hai, thường cột thế giá Tin Mừng Luca cũng như Công Vụ vào thế giá của Thánh Phaolô. Thành thử, Thánh Irênê cho rằng Thánh Luca soạn thảo Tin Mừng của ngài sau khi Thánh Phaolô qua đời. Người ta dễ hiểu tại sao Thánh Irênê chủ trương như thế: ngài vốn coi Thánh Luca là môn đệ của Thánh Phaolô, mà môn đệ thường không viết lách gì cho tới khi thầy của mình hết giảng dạy (1). Theo quan điểm này, Tin Mừng Luca có thể được viết trong khoảng năm 63 hay năm 64, vì Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 62.

Quan điểm có tính phê phán hơn coi Tin Mừng Luca lấy nguồn từ Tin Mừng Máccô và vì Tin Mừng Máccô được viết vào lúc xẩy ra cuộc triệt hạ Đền Thờ Giêrusalem, khoảng năm 70, nên Tin Mừng Luca không thể được soạn thảo trước năm 70. Quan điểm này, vì thế, đặt niên biểu soạn thảo giữa năm 75 và năm 100. Có người còn đặt niên biểu ấy muộn hơn nữa, sau khi thế kỷ thứ nhất chấm dứt, dựa trên suy đoán: Tin Mừng này được soạn ra để phản bác các phong trào bất chính thống ở đầu thế kỷ thứ hai. Phe chủ trương sớm hơn thì dựa vào sự kiện Thánh Luca tỏ ra không biết gì tới hệ thống giám mục, một hệ thống chỉ bắt đầu phát triển ở đầu thế kỷ thứ hai.

Linh mục Karris (đã dẫn) và linh mục Léon-Dufour (đã dẫn), vì thế, cho hay: ta phải dựa vào khoa phê bình văn chương để tìm ra niên biểu cho Tin Mừng này. Theo linh mục Karris, cả Tin Mừng Luca lẫn Công Vụ đều không cho thấy có sự hiểu biết nào về cuộc bách hại tàn khốc vào cuối triều đại của Domitian (các năm 81-96). Hai soạn phẩm này cũng không phản ảnh cuộc tranh cãi kịch liệt giữa Giáo Hội và hội đường sau khi người Biệt Phái canh tân Do Thái Giáo tại Jamnia (các năm 85-90). Bởi thế, niên biểu soạn thảo Tin Mừng Luca là vào giữa các năm 80-85.

Linh mục Léon-Dufour thì nghiêng về niên biểu trước năm 70 vì hai chủ trương đầu trong ba chủ trương sau đây không hợp lý:

a. Tin Mừng Luca được soạn sau năm 95: Có người cho rằng Cv 5: 36tt dựa nhiều vào Josephus (2). Ý kiến này bị đa số bác bỏ. Mặt khác, lại có người cho rằng Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Gioan (3) khá nhiều vì giữa hai Tin Mừng, ta thấy có nhiều tương đồng. Nhưng phần đông cho những tương đồng này là kết quả của giao lưu giữa các truyền thống song hành và của môi trường giống nhau mà ra.

b. Tin Mừng Luca được soạn sau năm 70: Những người có chủ trương này (4) căn cứ vào lời Thánh Luca cho rằng “nhiều người” đã soạn thảo trước ngài (1:1-4). Họ cho rằng chữ “nhiều” đây có ý nói đến một khoảng thời gian dài đã trôi qua. Tuy nhiên, lối nói này cũng có thể chỉ là cách cường điệu hóa mà thôi. Họ cũng cho rằng cách mô tả khá chi tiết và cụ thể biến cố hủy diệt Giêrusalem cho thấy soạn giả đã thấy việc ấy diễn ra rồi (xem Lc 19:43tt; 21: 20, 24): đắp lũy chung quanh, đạo binh vây hãm tư bề, ngã gục dưới lưỡi gươm, bị đày đi khắp các nơi, bị dân ngoại dày xéo, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Họ cho rằng những chi tiết được nhìn từ “post eventum” (sau biến cố) này là để làm rõ và cụ thể lời tiên tri của Chúa Giêsu. Nhưng có người như C.H. Dodd (5) cho rằng những biến cố ấy chung cho bất cứ loại vây hãm thành phố nào và chúng vẫn đã xẩy ra thời Cựu Ước (xem Đnl 28:64; Hs 9:7; Dcr 12:3).

c. Tin Mừng Luca được soạn trước năm 70: Đây là chủ trương của đại đa số học giả Công Giáo và cả của một số học giả không Công Giáo. Vì Công Vụ không nhắc gì tới các biến cố sau năm 63, cũng không nói gì tới việc hủy diệt Giêrusalem năm 70, sự qua đời của Thánh Giacôbê vào năm 62, hay sự qua đời của Thánh Phaolô vào khoảng cùng năm. Việc Công Vụ kết thúc một cách đột ngột cũng có thể vì hạn tù của Thánh Phaolô đã chấm dứt. Sau cùng, liệu Thánh Luca có thể diễn tả Rôma một cách thiện cảm như thế, nếu ngài được chứng kiến cảnh Nero bách hại tàn nhẫn vào năm 64? Tuy nhiên, ta vẫn chưa có được sự đồng thuận hoàn toàn. Nhiều người vẫn theo chủ trương của Thánh Giêrôm (De Viris ill. XIV, 1, 11tt; XV, 5-7), người thoạt đầu ủng hộ chủ trương của Thánh Irênê, nhưng sau đó, theo quan điểm của Eusebius (đã dẫn, II, 22) coi Thánh Luca soạn Công Vụ lúc Thánh Phaolô còn sống.

Có nhóm dựa vào Công Vụ để xác định niên biểu của Tin Mừng Luca: vì Công Vụ không thể soạn sau năm 67, nên Tin Mừng Luca phải được soạn trước năm đó. Đây là quan điểm được Ủy Ban Kinh Thánh chấp nhận năm 1912 (Enchiridion Biblicum, 401). Có nhóm dựa vào Tin Mừng Máccô mà định niên biểu của Tin Mừng Luca vào khoảng giữa các năm 64 và 70. Tóm lại, niên biểu trước 70 được đa số các học giả chấp nhận.

Về nơi soạn thảo Tin Mừng này, thì theo hai linh mục Robert và Feuillet hiện có rất ít nhất trí. Thoạt đầu Thánh Giêrôm cho là nó được soạn thảo tại Boetia, sau đó, ngài lại cho là tại Rôma. Các địa danh sau đây đã được nhắc tới: Hy Lạp, Achaia, Boetia, Xêdarê, Antiôkia, Alexandria và Rôma. Theo hai linh mục này, ngay khoa phê bình nội bản cũng không cung cấp được tư liệu nào chính xác hơn. Tuy nhiên, khoa này củng cố quan điểm cho rằng Tin Mừng Luca được viết cho Kitô hữu gốc dân ngoại và không phải là người Palestine.

Nguồn của Tin Mừng Luca

Vấn đề quan trọng hơn là tìm hiểu các nguồn đóng góp cho Tin Mừng Luca. Các nguồn này khá nhiều, như chính Lời Mở Đầu của Thánh Luca đã xác nhận: ngài soạn Tin Mừng của mình sau khi “có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta” (1:1).

Những người đó là ai? Đây là một câu hỏi hiện chưa có câu trả lời nhất trí. Tuy nhiên, theo linh mục Fitzmyer, S.J., (6), hiện đã có câu trả lời được rất nhiều học giả ủng hộ. Câu trả lời này dựa trên điều được ngài gọi là Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải (modified Two-Document Hypothesis). Trong hình thức cổ điển, giả thuyết này chủ trương bản văn Hy Lạp của Tin Mừng Máccô có trước hai bản Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca. Giả thuyết này cũng cho rằng có một nguồn viết khác bằng tiếng Hy Lạp gồm 230 câu chung cho cả hai bản Mátthêu và Luca, và không tìm thấy nơi bản Máccô. Người ta đặt cho nguồn trước là “Mc” (tắt của Máccô) và nguồn sau là “Q” (tắt của Quelle, tiếng Đức có nghĩa là ‘nguồn’). Ít nhất từ B.H. Streeter (7), có sự canh cải đầu tiên đối với giả thuyết này bằng cách nhìn nhận nguồn thứ ba gồm những tư liệu chỉ thấy có trong Luca. Người ta đặt tên cho nguồn này là “L” (tắt của Luca). Một canh cải tương tự cũng xẩy ra cho Tin Mừng Mátthêu: vì có những tư liệu chỉ có Mátthêu mới có, nên người ta gom chúng vào nguồn “M” (tắt của Mátthêu). Các canh cải này đã thay đổi tận gốc giả thuyết hai nguồn nguyên thủy, đến độ có người cho đây là giả thuyết bốn nguồn. Nhưng linh mục Fitzmyer cho rằng danh xưng Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải thích hợp hơn vì trong yếu tính, nó vẫn tùy thuộc giả thuyết hai nguồn.

Trước giả thuyết này là Giả Thuyết Truyền Thống (Traditionshypothese), hay Truyền Thống Ba (Triple Traditon) một giả thuyết cho rằng cả ba soạn giả Tin Mừng Nhất Lãm đều lấy tư liệu của mình từ một truyền thống truyền khẩu nói về các việc làm và lời dạy của Chúa Giêsu, mà không hề lệ thuộc nhau, ngoại trừ việc bản Mátthêu Hy Lạp tùy thuộc bản Mátthêu Aram, là bản cũng soạn thảo dựa theo truyền thống truyền khẩu kia. Giả thuyết này nay ít được học giả nào ủng hộ. Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải hiện được coi là căn bản cho các khoa phê bình hình thức, phê bình hiệu đính và phê bình soạn tác (Form-Criticism, Redaction-Criticism & Composition-Criticism).

Trên thực tế, mọi nhà chú giải Tin Mừng Luca đều đồng ý rằng: soạn giả tin mừng này không những biết mà còn sử dụng các soạn phẩm có trước viết về cuộc đời Chúa Giêsu để soạn ra tin mừng của mình. Cả những người không nhìn nhận giả thuyết hai nguồn, cũng thừa nhận rằng Tin Mừng Luca ít nhất cũng tùy thuộc Tin Mừng Mátthêu. Nhưng trong Lời Mở đầu, Thánh Luca nói rõ “nhiều người”. Nhiều là bao nhiêu? Linh mục Fitzmyer cho rằng: ít nhất có ba nguồn chính, đó là “Mc”, “Q” và “L”. “L” không nhất thiết là nguồn chữ viết.

1. Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Máccô

Sự lệ thuộc này xét về nhiều phương diện:

a. Tư liệu chung: B.H. Streeter (8) cho rằng các tư liệu mà Tin Mừng Luca mượn của Tin Mừng Máccô lên tới 55 phần trăm. Theo B. de Solages (9), Tin Mừng Luca lấy 7,036 trong số 8,485 chữ của Tin Mừng Máccô. Dĩ nhiên nguyên việc này vẫn chưa nói được ai lệ thuộc ai.

b. Cùng trình tự: Thứ tự trong Tin Mừng Luca rất giống với thứ tự trong Tin Mừng Máccô. Cả trong giả thuyết Truyền Thống, các đoạn mà cả Tin Mừng Mátthêu lẫn Tin Mừng Luca cùng có chung với Tin Mừng Máccô cũng đều cùng trình tự với Tin Mừng Máccô. Và khi Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca ra khỏi trình tự này, thì cả hai cũng khác nhau luôn về trình tự.

Để thấy rõ, ta nên xem 5 “khối” lớn tư liệu được Tin Mừng Luca lấy từ Tin Mừng Máccô, trong đó có khá nhiều đoạn được thêm vào và hai đoạn bị bỏ đi:

(
1) Máccô 1:1-15 = Luca 3:1-4:15 (5 đoạn theo lối phân chia của Fitzmyer)
(2) Máccô 1:21-3:19 = Luca 4:31-6:19 (11 đoạn)
(Luca mạo nhập: 6:20-8:3)
(3) Máccô 4:1-9:40 = Luca 8:4-9:50 (20 đoạn)
(tại 9:17, Luca bỏ khá nhiều: Mc 6:45-8:26)
(Tại 9:50, Luca bỏ chút chút: Mc 9:41-10:12)
(Luca mạo nhập khá nhiều: 9:51-18:14)
(4) Máccô 10:13-13:32 = Lc 18:15-21:33 (23 đoạn)
(5) Máccô 14:1-16:8 = Luca 22:1-24:12 (16 đoạn).

Giữa các khối chung với Tin Mừng Máccô trên, Tin Mừng Luca chêm vào nhiều đoạn nho nhỏ lấy từ “Q” và “L”. Nhưng các chỗ chêm vào này không ảnh hưởng bao nhiêu đối với thứ tự Máccô như các mạo nhập và bỏ sót trên đây, thứ tự ấy vẫn còn đó. Các chêm vào này là:

Luca 3:7-14 (Gioan Tẩy Giả rao giảng)
Luca 3:23-38 (Gia phả của Chúa Giêsu)
Luca 4:2b-13 (Chúa Giêsu bị cám dỗ)
Luca 5:1-11 (Vai trò của ngư phủ Simon; mẻ cá)
Luca 19:1-10 (Giakêu)
Luca 19:11-27 (Dụ ngôn mười nén bạc)
Luca 22:28-33, 35-38 (Diễn văn trong Bữa Tiệc Ly)
Luca 23:6-16 (Hêrốt và Philatô)
Luca 23:27-32 (Đường Thánh Giá)
Luca 23:39b-43 (Hai tên trộm)
Luca 23:47b-49 (Chúa Giêsu sinh thì).


Thứ tự Máccô cũng không bị ảnh hưởng bởi hai trình thuật tuổi thơ và phục sinh hết sức đặc trưng của Luca, vì chúng chỉ là những đoạn thêm vào khởi đầu và kết thúc của trình thuật Máccô. Thứ tự Máccô cũng không chịu ảnh hưởng bởi các mạo nhập (interpolations) của Luca.

Có những người như E.P. Sanders (9) kể ra nhiều trường hợp ngoại lệ trong đó, thứ tự này không được tôn trọng, như các đoạn:

Mátthêu 7:2b Luca 6:38c Máccô 4:24b
Mátthêu 11:10b Luca 7:27b Máccô 1:2b
Mátthêu 3:11b Luca 3:16c Máccô 1:7b
Mátthêu 6:33b Luca 12:31b Máccô 4:24b


Nhưng theo linh mục Fitzmyer những đoạn như thế vốn được coi là của nguồn “Q” chứ không phải của nguồn “Mc”. Hơn nữa, đây chỉ là những chi tiết vụn vặt.

c. Cùng cách dùng chữ: Cách dùng chữ trong nhiều đoạn của 3 Tin Mừng Nhất Lãm khá giống nhau, cả việc đặt chỗ cho chữ, lẫn cấu trúc các câu và thành ngữ. Điều này thấy rõ trong các cuốn đối chiếu các bản văn Tin Mừng (11).

d. Tính nguyên khởi trong trình thuật Máccô: Linh mục J. A. Fitzmyer cho rằng khi khảo sát tư liệu Máccô trong hai Tin Mừng Mátthêu và Luca, người ta chỉ có thể có một kết luận là: không chi tiết nào cho thấy Tin Mừng Máccô vay mượn hay rút ngắn hai tin mừng Mátthêu và Luca. Vả lại, trình thuật Máccô có tính nguyên khởi (primitive) nhiều hơn do đặc tính “tươi mát và dựa vào hoàn cảnh”. Điều này muốn ám chỉ số lượng lớn các chi tiết sống động và cụ thể trong trình thuật Máccô, cách Tin Mừng này sử dụng các câu chữ có thể gây nhiều hiệu quả, một văn phong và một văn phạm không chau chuốt (rough), duy trì các chữ Aram. Người ta vẫn cho rằng các khác biệt trong Tin Mừng Luca là nhằm cải thiện và chau chuốt văn phong của Tin Mừng Máccô, gần như sự khác biệt giữa văn nói và văn viết vậy.

Về sự tùy thuộc Tin Mừng Máccô này, theo linh mục Léon-Dufour, trong số các lý do khiến Thánh Luca bỏ một số tư liệu của Tin Mừng Máccô là vì ngài muốn được sự thông cảm của độc giả, không muốn gây ngỡ ngàng cho họ như việc Chúa Giêsu bị thân nhân coi là điên (Mc 3:20-21), hay việc Người không biết ngày giờ diễn ra tận thế (Mc 13:32), hoặc bị Cha Người bỏ rơi (Mc 15:34) (12)

2. Tin Mừng Luca hoán vị tư liệu Máccô

Trong Tin Mừng Luca, có 7 chỗ hoán vị tư liệu Máccô khá nổi tiếng mà một số người dùng chúng để chứng minh là Tin Mừng Luca không tôn trọng trình tự của Tin Mừng Máccô. Kết luận ấy không vững, vì ta có thể coi 7 hoán vị này không thuộc phạm vi “hiệu đính” (redaction) mà thuộc phạm vi “sọan tác” (composition) của Thánh Luca và ta thấy rõ lý do tại sao Thánh Luca lại làm như thế:

(1) Thánh Gioan Tẩy Giả bị giam cầm (Mc 6:17-18) được Tin Mừng Luca chuyển lên 3:19-20 vì muốn chấm dứt câu truyện về Gioan Tẩy Giả trước khi Chúa Giêsu bắt đầu thừa tác vụ của Người.

(2) Chúa Giêsu về thăm Nadarét (Mc 6:1-6) được Tin Mừng Luca chuyển tới lúc khởi đầu thừa tác vụ của Chúa Giêsu tại Galilê (4:16-30) cho hợp với chương trình: nó trình bày cách ngắn gọn chủ đề nên trọn và biểu tượng bác bỏ vốn là đặc điểm của trọn bộ thừa tác vụ của Chúa Giêsu.

(3) Việc gọi bốn tông đồ (Mc 1:16-20) trở thành Lc 5:1-11, nói về vai trò người đánh cá Simong, cho hợp tâm lý hơn, vì trình bày việc các môn đệ được Chúa Giêsu lôi cuốn sau một số thừa tác vụ và lời giảng dạy của Người.

(4) Việc chọn Nhóm Mười Hai (Mc 3:13-19) và tường trình về việc đám đông đi theo Chúa Giêsu (Mc 3:7-12) đã được Tin Mừng Luca chuyển tới Lc 6:12-16, 17-19 vì nhờ thế mà có được một khung cảnh và một cử tọa hợp luận lý hơn để nghe Bài Giảng Ở Chỗ Đất Bằng (Lc 6:20-49).

(5) Đoạn nói về thân nhân thực sự của Chúa Giêsu (Mc 3:31-35) được chuyển tới Lc 8:19-21 sau dụ ngôn người gieo giống và lời giải thích dụ ngôn này, để minh giải mối liên hệ giữa lời Chúa và các môn đệ nghe lời ấy.

(6) Chúa Giêsu tiên đoán việc Người bị phản bội tại Bữa Tiệc Ly (Mc 14:18-21) trở thành một phần trong bài diễn từ đọc sau bữa ăn trong Lc 22:21-23 để nối với ba lời nói khác là Lc 22:24-30, 31-34 và 35-38.

(7) Thứ tự trong cuộc thẩm vấn Chúa Giêsu tại Thượng Hội Đồng Do Thái đã được đảo ngược: trong Tin Mừng Máccô 14, Chúa Giêsu bị thẩm vấn (55-64a), bị hành hạ (64b-65), và bị Phêrô chối bỏ (66-72); nhưng trong Luca, Người bị Phêrô chối bỏ trước (54c-62), bị hành hạ (63-65), cuối cùng mới bị thẩm vấn (66-71). Ở đây, ta thấy Tin Mừng Luca quan tâm đến việc thống nhất tư liệu về Phêrô, trong khi Tin Mừng Máccô đề cập tới Phêrô ở câu 14:54, rồi cách quãng để nhắc tới ngài ở câu 14: 66-72, và chỉ nhắc đến một lần Chúa Giêsu ra trước Thượng Hội Đồng.

Có người cũng nhắc đến dụ ngôn hạt mù-tạt (Lc 13:18-19) như hoán vị của Mc 4:30-32, nhưng theo linh mục Fitzmyer, phần đông cho rằng Tin Mừng Luca lấy dụ ngôn đó từ nguồn “Q”.

3. Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu?

Trên đây đã nói tới những phần chung giữa Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca, mà không thấy có trong Tin Mừng Máccô. Những phần này lên tới 230 câu. Các tư liệu chung này được giải thích nhiều cách: một là Thánh Mátthêu mượn của Thánh Luca, hay Thánh Luca mượn của Thánh Mátthêu, hai là cả hai vị cùng sử dụng một nguồn chung.

Rất ít học giả ngày nay cho rằng Mátthêu mượn của Luca (13). Như vậy có hẳn Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu không? Muốn trả lời câu hỏi này, trước nhất, phải chú ý điều này: không bao giờ thấy Luca lặp lại những thêm thắt có tính đặc trưng Mátthêu như câu ngoại trừ ở công thức ngăn cấm ly dị (Mt 19:9; xem Mc 10:11); lời Chúa hứa với Phêrô (Mt 16:16b-19; xem Mc 8:29); Phêrô đi trên nước (Mt 14:28-31; xem Mc 6:50); và những đoạn rất Mátthêu trong trình thuật khổ nạn, nhất là giấc mộng của vợ Philatô (Mt 27:19) hay Philatô rửa tay (Mt 27:24).

Cái khó thực sự là giải thích lý do tại sao Luca không sử dụng các tự liệu phụ trội của Mátthêu trong các song hành của mình, nếu Tin Mừng này phụ thuộc Tin Mừng Mátthêu. Các thí dụ trên đây liên quan tới cả câu hay cả một đoạn văn (pericope), Luca cũng bỏ những thêm thắt nhỏ hơn của Mátthêu vào Máccô:

Luca 3:22 Mátthêu 3:17 (tuyên xưng công khai) Máccô 1:11
5:3 4:18 (“cũng gọi là Phêrô”) 1:16
5:27 9:9 (“Mátthêu”) 2:14
6:4-5 12:5-7 (ngắt hạt lúc ngày Sabát) 2:26-27
8:18b 13:12a (được cho thêm) 4:25
8:10-11 13:14 (trích dẫn Isaia 6:9-10) 4:12
9:1-5 10:7 (Nước Trời đã gần) 6:8-11
9:20b 16:16b (Phêrô: Chúa Giêsu là con Thiên Chúa) 8:29b

Trong các thí dụ trên, khó có thể hiểu tại sao Thánh Luca thích sử dụng hình thức đơn sơ hơn của Thánh Máccô, dù người ta giả thiết ngài có bản của Thánh Mátthêu trước mặt.

Thứ hai, trên đây là xét theo Truyền Thống Ba Bản Văn, còn nếu chỉ xét trong Truyền Thống Hai Bản Văn, thì khó hiểu được là tại sao Thánh Luca có bản văn đầy đủ về Các Mối Phúc trong Mt 5: 3-6 và về Kinh Lạy Cha trong Mt 6:9-13 mà lại không sao chép nguyên văn, nhưng đã chỉ trình bày chúng như ngài đã trình bày tại Lc 6:20-21 và Lc 11:2-4.

Thứ ba, người ta cũng khó hiểu khi Thánh Luca “chẻ” các bài giảng trong Tin Mừng Mátthêu, nhất là Bài Giảng Trên Núi, để lấy một phần của nó cho vào Bài Giảng Ở Chỗ Đất Bằng của ngài và rải rác các phần còn lại thành những đoạn rời rạc, không ăn có gì với nhau trong trình thuật du hành. Dĩ nhiên, phần du hành này cũng quan trọng để tạo ra bức tranh ghép theo cách riêng, nhưng người ta vẫn không hiểu tại sao một nhà nghệ sĩ tài ba như Thánh Luca lại có thể tiêu hủy một kiệt tác của Thánh Mátthêu là Bài Giảng Trên Núi!

Thứ tư, ngoại trừ đoạn Lc 3:7-9, 17 (Gioan Tẩy Giả rao giảng) và Lc 4:2b-13 (Chúa Giêsu bị cám dỗ), Thánh Luca không bao giờ chêm tư liệu của Truyền Thống Hai Bản Văn vào cùng một ngữ cảnh như Thánh Mátthêu. Nếu ngài có bản văn Mátthêu trước mặt để lấy tư liệu, tại sao ngài lại không tôn kính nguồn này như đã tôn kính nguồn Máccô?

Thứ năm, phân tích tư liệu Truyền Thống Hai Bản Văn trong Tin Mừng Luca và trong Tin Mừng Mátthêu, ta thấy rằng đôi khi Tin Mừng Luca và đôi khi Tin Mừng Mátthêu duy trì được khung cảnh nguyên thủy của một đoạn nhất định nào đó (14). Nhưng nếu Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu về tư liệu, thì giải thích thế nào được sự kiện ấy? Tốt nhất chỉ biết giải thích rằng cả hai Tin Mừng này đều lệ thuộc một nguồn chung.

Còn tiếp
________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú
(1) xem M.J. Lagrange, Enchiridion Biblicum, 1927.
(2) Titus Flavius Josephus (37 – c. 100), người ghi chép lịch sử Do Thái, nhấn mạnh tới thế kỷ thứ nhất Công Nguyên và cuộc chiến tranh Do Thái Rôma thứ nhất, kết quả là Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy năm 70. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Cuộc Chiến Tranh Do Thái (khoảng năm 75) và Cổ Thời Người Do Thái (khoảng năm 94).
(3) Tin Mừng Gioan được nhiều người cho là xuất hiện giữa các năm 90 và 100.
(4) Xem Fitzmyer, đã dẫn, các tr.53-57.
(5) The Fall of Jerusalem and the ‘Abomination of Desolation’ trong Journal of Roman Studies 37 (1947)
(6) Đã dẫn, tr.63
(7) The Four Gospel, 1927
(8) Đã dẫn, tr.160
(9) A Greek Synopsis, tr. 1052
(10) Argument from Order and the Relationship between Matthew and Luke” New Testament Studies 15, (1968-1969) tr.253
(11) Xem W.R. Farmer, Synopticon: The Verbal Agreement between he Greek Texts of Matthew, Mark and Luke Contextually Exhibited, Cambridge, cambridge University, 1969.
(12) Introduction to the New Testament, do A.Robert – A. Feuillet chủ biên, Desclee Company, 1965, tr.269)
(13) Xem L. Vaganay, Le problème synoptique, Tournai, Desclée, 1954.
(14) Xem Vaganay, Le problème synoptique, 295-299.