Ngày 29-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài giảng đón mừng năm Giáp Ngọ
Lm.Giuse Phạm Bá Lãm
15:29 29/01/2014
(Mt 5,1-10.6,25-34)

Những lời chúc xuân của Chúa Giêsu xem ra lạ thường và khó hiểu. Trong đêm giao thừa, Chúa ban tám mối phúc thật, phải gọi là tám mối phúc thiệt, nghĩa là thật mà thiệt ! Còn trong ngày mồng một tết, Chúa bảo chúng ta ăn no ngủ kỹ, đừng lo cho ngày mai, thế nhưng chúng ta đã phải lo trối chết mới được ăn tết.

Chúa lấy gương mẫu sống tự nhiên của chim trời và hoa huệ, vì trời sinh voi trời sinh cỏ. Nhưng chúng ta đâu phải là chim là hoa, mà là người, phải tất bật mới sống được. Có lẽ lời dạy của Chúa ứng với tuổi thơ chỉ biết “ăn no vô lo” hoặc “ăn vô mà vô lo”, vì đã có cha mẹ lo giùm. Chúa ở trong gia đình Nagiarét 30 năm trường, biết rõ những vui buồn của cuộc sống, nên mới khẳng định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34), mà khổ thì phải lo. Chúa bảo “Chả lo gì” thì ít ra cũng hàm ý “Chỉ lo già” !

Suy cho cùng: chỉ có những ai sống tám mối phúc thật mới không lo gì. Bởi lẽ cứ tin tưởng nơi Chúa quan phòng, thì dù nghèo khổ, đói khát, chịu thương chịu khó… vẫn an bần lạc đạo: an bình với duyên nghèo và an vui với đạo lành. Chúa sẽ biến đổi nỗi buồn thành niềm vui (Ga 16,20), niềm vui không ai lấy mất được (Ga 16,22) và niềm vui trở nên trọn vẹn (Ga 16,24). Những cái mà người đời tìm kiếm: giầu sang, quyền quý, bổng lộc… phải chăng chỉ là những phúc giả, những lộc ảo ? Phù vân quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân (Gv 1,2). Phúc thật là khởi đi từ cái nghèo thật để đến cái giầu thật, là làm giầu trước mặt Thiên Chúa (Lc 12,21). Phúc thật là chấp nhận thương đau để được thương yêu. Phúc thật chính lả bước qua cửa hẹp để đưa đến sự sống (Mt 7,13-14), là “tiên ưu hậu lạc” như ông Lagiarô, chứ không phải “ưu tiên lạc hậu” như ông trọc phú.

Bí quyết hạnh phúc là chấp nhận cuộc sống trong niềm tín thác nơi Chúa. Từ chỗ cam lòng đến bằng lòng và vui lòng, thì không còn khổ và chẳng phải lo. Theo thánh Augustinô: trong tình yêu không có đau khổ, nếu có thì yêu luôn nỗi khổ ấy. Nếu còn lo thì “Hãy trút mọi nỗi lo âu cho Chúa” (1 Pr 5,7), để tình yêu Chúa sẽ biến tất cả những cái đó thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng (Mt 11,30). Chúa mời gọi chúng ta “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Chúa ra tay hùng mạnh nhưng cũng đầy yêu thương, giúp chúng ta vững bước trong năm Phúc Âm Hoá đời sống gia đình. Vững bước tức là vừa mạnh, vừa nhanh, vừa chắc chắn như hình tượng của con ngựa trong năm Giáp Ngọ này. Ít là có 3 tính cách của loài ngựa như sau: năng lực, tốc độ và trung tín. Sức mạnh của bất cứ cỗ máy hay vật nào cũng lấy sức ngựa làm tiêu chuẩn, người gọi là mã lực. Tốc độ như ngựa phi đường xa, bước nhảy vọt như phi mã hay thời gian sánh ví với “bóng câu qua cửa sổ”. Trung tín không kém loài chó: một khi con ngựa đã chịu thuần phục để cho chủ cưỡi thì luôn gắn bó trung thành. Mạnh, nhanh, nhưng còn sức nhớ lạ lùng: người ta thường bảo ‘ngựa già nhớ đường’, cũng như người già nhớ đường về quê hương.

Năm ngựa nói về chuyện ngựa như sau. Một cặp vợ chồng rất mê đánh số đề, một buổi sáng ra ngoại ô, thấy có một cây to đổ xuống bên đường, vì đêm qua mưa to gió lớn. Nhìn thấy mấy nhân viên đang cưa cây, bà vợ nói với chồng: họ đang cưa ngọn, đúng rồi, trời cho: cưa ngọn tức là con ngựa ! Hai người hí hủm đánh số 12 của con ngựa. Thế nhưng tối về, số đề không ra con ngựa mà ra con chó với số 11. Ông chồng bừng tỉnh: mình vội vàng quá, nhìn không kỹ, trời mách bảo mà mình không hay. Cưa ngọn thì cây còn, tức là con cầy. Thế mà mình không biết !

Chuyện vui đầu năm về cưa ngọn mà cây còn gởi một lời nhắn bảo chúng ta phải sống đạo có cây có ngọn, nghĩa là phải trưởng thành và cân bằng giữa nội dung và hình thức. Có những người sống đạo ngọn mà quên thân với gốc. Những hoa lá cành rườm rà, rậm rạp, rối rắm cần phải cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái (Ga 15,2). Đã hơn một lần Chúa Giêsu dạy: vì một chi thể làm cớ phạm tội thì phải móc mắt, chặt tay, chặt chân để bảo vệ toàn thân (Mt 5,29-30; Mc 9,43-47). Đức Thánh Cha nhắc bảo chúng ta sống giản dị, bớt đi những sang trọng phô trương bên ngoài, để nghĩ đến người nghèo. Chúng ta nhớ lại lời chất vấn: “Anh chị em có có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ không ?” Sự sang trọng của ma quỷ là phô trương đánh bóng cho mình khác hẳn với sự sang trọng của Thiên Chúa là tìm vinh danh Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1,31; 2 Cr 10,17). Đình đám, hoành tráng, sành điệu, nổ dữ… khác hẳn với hữu xạ tự nhiên hương: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5,16).

Người Công Giáo trong năm Giáp Ngọ phải thực sự là những nhân chứng, chứ không là ngựa chứng. Mã đáo thành công: thành công trong việc ra đi loan báo Tin Mừng. Hãy cùng với thánh Phaolô chạy đến hết đường, luôn giữ vững niềm tin (2 Tm 4,7). Chúng ta vẫn chạy và bao lâu năm chạy vẫn còn tốt, như thánh Augustinô dạy: bene currit (chạy tốt).

Lm.Giuse Phạm Bá Lãm

Chính Xứ Hoà Hưng
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 29/01/2014
MA QUỶ VÀ ĐỒNG BỌN
N2T

Một lần ma quỷ cùng đồng hành với bạn của nó, trên đường đi nhìn thấy một người khom lưng nhặt một vài thứ, bạn của nó hỏi:
- “Người ấy tìm gì thế ?”
Ma quỷ trả lời:
- “Một vài chân lý.”
Người bạn của nó hỏi lại:
- “Những thứ đó làm cho người không an lòng phải không ?”
Ma quỷ nói:
- “Không phải thế, ta muốn nó trở thành tín điều của tôn giáo.”

Suy tư:
Các tín điều của Giáo Hội thì bất di bất dịch, là những điều phải tin trong Giáo Hội, chẳng hạn như 12 tín điều kinh Tin Kính và những tín điều khác đã được Giáo Hội long trọng tuyên bố là tín điều của đức tin.
Trong cuộc sống đời thường của người Ki-tô hữu, có không ít các tín hữu –có lẽ quá đạo đức- đã đem những điều rất đơn sơ trong giáo lý ra làm tín điều của mình và bắt người khác phải làm theo như thế, bằng không thì sẽ trở thành kẻ rối đạo, nhưng những tín điều của Giáo Hội dạy thì họ lại thờ ơ không thèm tuân giữ:
- Họ tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, nhưng họ lại đi chùa cúng phật, coi bói, dị đoan...
- Họ tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, đã xuống thế làm người chịu nạn chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại.v.v...nhưng họ lại bỏ Ngài vào hàng thứ yếu trong cuộc sống của họ.
- Họ tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, soi sáng họ sồng Tin Mừng giữa cuộc đời, nhưng chưa lần nào họ nghe theo lời của Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mà chỉ nghe theo bạn bè, nghe theo người khác hướng dẫn họ dần dần xa cách Thiên Chúa...
Ma quỷ không phải là kẻ ngu, nhưng là một tên khôn ngoan quỷ quyệt, nó thúc giục chúng ta làm những việc xem ra tích cực như góp ý cho người khác thật nhiều, để rồi từ từ biến chúng ta thành kẻ khó ưa của người khác...
Hãy cảnh giác về những “tín điều” của chính mình bằng lời cầu nguyện và khiêm tốn.
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:41 29/01/2014
Chương 52:

THÁNH LỄ


” Đây là mình Thầy, hiến tế vì an hem. An hem hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22, 19)

N2T

1. Nếu khi còn sống con nhiệt thành tham dự một thánh lễ, thì ích lợi rất nhiều so với sau khi chết nhờ người khác dâng một trăm thánh lễ.

(Thánh Anselmo)
-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Đầu năm chia sẻ…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:44 29/01/2014
ĐẦU NĂM CHIA SẺ CÂU HỎI CỦA BẠN:
ĐI TU CÓ ĐƯỢC VỀ NHÀ ĂN TẾT KHÔNG ?


1.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Đó là những ngày linh thiêng nhất trong cuộc đời của những con dân nước Việt, từ khi có trí khôn cho đến khi về già đều không thể quên được ngày Tết dân tộc, tết quê hương của mình. Bởi vì chính ngày tết là ngày gợi lên rất nhiều tình cảm thân thương giữa con người với nhau: trong năm giận dỗi nhau, tết đến là xí xóa tất cả; trong năm cải vả chát chúa thậm chí không muốn nhìn mặt nhau, nhưng tết đến là lại làm hòa vui vẻ...

Tết làm cho mọi người như trẻ lại, do đó mới gọi là Xuân, trẻ mãi đẹp mãi như xuân, ai ai cũng nụ cười hớn hở trên môi; tết đến làm cho con người ta như quên đi tất cả mọi nhọc nhằn lo âu trong năm qua, dù vẫn biết khó khăn vẫn còn đó; tết đến làm cho mọi người như xích lại gần với nhau hơn vì chính mùa xuân là mùa đơm hoa kết quả, hoa của yêu thương và quả của phục vụ.

Còn những kẻ dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời thì sao, họ có được phép vui tết không, họ có thể vui xuân với mọi người không, họ có thể tạm thời gác công việc qua một bên để vui tết với quê hương, gia đình bà con thân thuộc không ? Đối với các tu sĩ nam nữ đi truyền giáo xa xôi và cả ở ngoại quốc có thể về nhà vui tết không.v.v...

Trước tết, có thầy đại chủng viện và các “xơ” (soeurs) trẻ quen biết đến thăm tôi để về nhà ăn tết, nhìn những khuôn mặt hớn hở của họ mà lòng tôi cũng vui không kém như mình được nghỉ về quê ăn tết vậy, không vui sao được khi họ sắp về nhà cùng với gia đình bà con thân thuộc và bạn bè đón vui cái tết đầm ấm yêu thương. Đó đó, dù ở nơi xa xôi, thậm chí cả ở nước ngoài xa xôi ngăn trở, người ta vẫn cứ mong về quê hương trong những dịp tết nguyên đán.

Trước khi là người Công Giáo, trước khi trở thành một linh mục hay một tu sĩ, thì chúng ta –trước hết- là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt Nam, cho nên dù cho bây giờ có người mang quốc tịch nước ngoài, thì tôi tin chắc rằng chúng ta vẫn cứ mong muốn được ăn tết trên quê hương của mình...

2.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Về quê ăn tết với gia đình không phải là lỗi phạm lời khấn hứa từ bỏ của các tu sĩ nam nữ, nhưng là một sự an ủi khích lệ sau những năm tháng dài đi truyền giáo ở các xứ đạo hoặc cứ điểm truyền giáo xa xôi.

Đi tu là từ bỏ những gì thuộc về thế gian để theo Chúa, nhưng như thế nào mới là từ bỏ ?

Chúng ta đang sống trong thế gian này, hoặc nói theo đức tin thì Thiên Chúa đặt chúng ta sống ở trong thế gian này, chúng ta truyền giáo cho người của thế gian này, chúng ta dùng tất cả các phương tiện của thế gian này để truyền giáo, để tu hành.v.v...thì làm sao gọi là từ bỏ thế gian được ! Chúng ta không thể đi đi dạy học bằng đôi tay không: không cơ sở vật chất, không bàn ghế, không bút mực sách vỡ; chúng ta cũng không thể nói từ bỏ thế gian khi đang ở trong thế gian. Ai cũng biết rằng từ bỏ chính là từ bỏ cái hưởng thụ thế gian từ trong tâm hồn của mình: một linh mục chánh xứ xây dựng một nhà thờ nguy nga lộng lẫy, nhưng bản thân ngài không có giữ lại cho mình gì cả, đó là từ bỏ; một tu sĩ dạy học ở một trường đại học đầy đủ tiện nghi và lương tháng rất cao, nhưng vị tu sĩ không giữ gì lại cho mình, đó là từ bỏ; một linh mục chánh xừ ở trong một giáo xứ giàu có, mọi thứ không thiếu gì, nhưng ngài sống đời nghèo khó, đó là từ bỏ...

Cũng vậy, được nghỉ về quê ăn tết, vui tết với gia đình không phải là lỗi với tinh thần Phúc Âm, khi mà trong cộng đoàn bề trên cho phép, hoặc công việc truyền giáo không trở ngại gì nếu không có chúng ta. Có nhiều nhà dòng, hội dòng, cộng đoàn cho các thành viên thay nhau về nhà vui tết với gia đình bè bạn, đó cũng chính là một nét truyền giáo độc đáo làm cho người ta nhìn các linh mục tu sĩ cách gần gủi hơn, khi mà người ta có quan niệm đi tu là không được về thăm nhà, ngay cả cha mẹ qua đời cũng không được phép về.v.v...

Từ bỏ chính là từ bỏ cái tôi của mình, “tu修” là chữa là trị. Chữa là sửa chữa cái xấu nơi bản thân mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong hiến pháp nội quy của nhà dòng, trị cũng là chữa trị các thói hư khuyết điểm của mình. “Đi tu” là đi sửa chữa cái xấu cái hư của mình trong một nhà dòng hoặc trong chúng viện, hoặc trong một cộng đoàn nào đó. “Tu” là sửa chữa cái tôi của mình, là bắt cái tôi của mình đi vào khuôn phép của đường hướng tu đức mà hiến chương hay luật dòng đưa ra.

Không ai bắt lỗi một linh mục hay một tu sĩ về nhà ăn tết với gia đình, người ta chỉ bắt lỗi khi vì vui tết mà các ngài uống rượu quá chén không xứng hợp với cương vị mục tử hoặc tu sĩ của mình; cũng không ai chỉ trích một người đã “đi tu” mà còn về nhà ăn tết, nhưng người ta chỉ trích khi những người đã “đi tu” nhưng chưa từ bỏ những tham vọng tham lam của thế gian mà thôi.

3.
Trước tết mấy ngày, không khí ngoài đường phố tấp nập hẳn lên vì ai ai cũng hối hả chạy đua với thời gian, hình như họ sợ năm mới vụt cái đến rồi, bởi vì ai cũng thấy sự chuẩn bị đón mừng năm mới thật quan trọng, nó có cái gì đó rất linh thiêng trong tâm hồn của mỗi người. Cha mẹ mong con làm ăn xa về sớm, con cái trong ngóng mẹ đi làm về dẫn mình đi chợ tết, những cặp tình nhân thì như mang cả mùa xuân đi khắp các nẽo đường phố chợ mua sắm, xem hoa.v.v... Ai cũng thấy đón mừng năm mới thật quan trọng.

Cũng vậy, không một linh đạo tu đức nào cấm người “đi tu” vui tết với gia đình, nhưng vì đức vâng lời, vì tinh thần phục vụ và truyền giáo mà người tu sĩ sẵn sàng hy sinh không về quê ăn tết với gia đình bạn bè, đó chính là sự từ bỏ đích thực của họ.

Chia sẻ với gia đình bạn bè niềm vui trong ngày tết –nếu có thể được- thì rất nên, tuy rằng một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu trong một gia đình, một giáo xứ mà có người “đi tu” về quê ăn tết thì đó chính là một dấu chỉ của sự từ bỏ, là một mẫu gương sáng đậm nét ơn thiên triệu nơi các bạn trẻ trong giáo xứ, bởi vì con người thời nay cần những gương sáng, cần những chứng nhân hơn là những lời nói suôn, cần những việc làm cụ thể hơn lý thuyết.

Thiên Chúa là tình yêu, thời gian là của Chúa, quá khứ hiện tại và tương lai là của Chúa. Chúa ban cho nhân loại mỗi dân tộc đều có một một mùa xuân để mọi người được nghỉ ngơi đón xuân, chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Ngày cuối năm Quý Tỵ
-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
15 điều đừng quên khi ăn tết
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:46 29/01/2014
15 ĐIỀU ĐỪNG QUÊN KHI ĂN TẾT

Khi vui tết, đừng quên Thiên Chúa.
Khi mừng tuổi, đừng quên chúc phúc.
Khi kính nhớ tổ tiên, đừng quên cám ơn.
Khi uống rượu, đừng quên tiết chế.
Khi chơi lô tô, đừng quên lòng trong sáng.
Khi lái xe, đừng quên cầu nguyện.
Khi kẹt xe, đừng quên nhẫn nại.
Khi được lì xì, đừng quên dâng cúng.
Khi đi vui tết, đừng quên truyền giáo.
Khi họp mặt, đừng quên chia sẻ.
Khi gặp chuyện buồn, đừng quên đọc kinh.
Khi buồn rầu lo lắng, đừng quên phó thác.
Khi đắc ý, đừng quên khiêm tốn.
Khi giận dữ, đừng quên khoan dung.
Khi về quê ăn tết, đừng quên “kính Chúa yêu người”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa

------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành thụ tạo mới và là chi thể của Giáo Hội
Linh Tiến Khải
12:15 29/01/2014
Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành thụ tạo mới và là chi thể của Giáo Hội, ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phổ biến và bảo vệ đức tin, để tuyên xưng danh Chúa Kitô và không bao giờ xấu hổ vì thập giá.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 29-1-2014. Thấy tín hữu kiên nhẫn chịu mưa và lạnh Đức Thánh Cha khen họ can đảm.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về bí tích Thêm Sức hay Chứng Thực, tiếp tục bí tích Rửa Tội và gắn liền với bí tích Rửa Tội một cách không thể tách rời được. Ngài nói nói:

Hai Bí tích này cùng với bí tích Thánh Thể làm thành một biến cố cứu độ duy nhất gọi là ”khai tâm kitô”, trong đó chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, và trở thành thụ tạo mới và chi thể của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ban đầu ba Bí tích này được cử hành trong một lúc duy nhất, vào cuối lộ trình tân tòng, bình thường trong lễ Vọng Phục Sinh. Như thế, lộ trình đào tạo và tháp nhập từ từ vào cộng đoàn kitô, cũng có thể kéo dài vài năm, được đóng ấn.

Bình thường người ta nói đến bí tích ”Xức dầu”. Và như vậy qua dầu gọi là ”Dầu thánh” chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Kitô, là Đấng duy nhất được ”xức dầu” đích thật, là Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh của Thiên Chúa, trong quyền năng của Thần Khí. Đức Thánh Cha giải thích từ ”chứng thực” như sau:

Từ ”chứng thực” nhắc nhớ chúng ta rằng Bí tích này đem lại một sự lớn lên của ơn thánh rửa tội: nó kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô một cách bền chặt hơn; nó đưa tới chỗ thành toàn mối dây nối kết của chúng ta với Giáo Hội; nó ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phổ biến và bảo vệ đức tin, để tuyên xưng danh Chúa Kitô và không bao giờ xấu hổ vì thập giá (GLGHCG, 1303).

Vì thế thật quan trọng lo lắng cho các trẻ em, người trẻ lãnh nhận Bí tích này. Chúng ta tất cả lo lắng để chúng được rửa tội, điều này tốt, nhưng có lẽ chúng ta không lo lắng cho lắm để chúng nhận bí tích Thêm Sức. Như vậy chúng sẽ ở dọc đường và không nhận được Chúa Thánh Thần, là Đấng thật quan trọng cho cuộc sống kitô, vì Người ban cho chúng ta sức mạnh tiến tới.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem từng người trong chúng ta có thật sự lo lắng cho các trẻ em và người trẻ của chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức hay không? Điều này quan trọng, quan trọng lắm. Và anh chị em nếu ở nhà có trẻ em và người trẻ chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, thì hãy làm sao để chúng kết thúc việc khai tâm kitô và nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đây là điều quan trọng.

Dĩ nhiên thật quan trọng cống hiến cho các người lãnh nhận bí tích Thêm Sức một chuẩn bị nhắm dẫn đưa họ tới việc gắn bó cá nhân với niềm tin nơi Chúa Kitô, và thức tỉnh nơi họ ý thức việc thuộc về Giáo Hội.

Bí tích Thêm Sức, như mọi Bí tích, không phải là công trình của con người, mà của Thiên Chúa, là Đấng săn sóc cuộc sống chúng ta đến độ nhào nắn chúng ta theo hình ảnh Con của Người, để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Người. Người làm điều đó bằng cách đổ tràn đầy Thánh Thần của Người xuống trên chúng ta. Hoạt động của Chúa Thánh Thần thấm nhuần toàn con người và cuộc sống chúng ta, như hiện rõ từ bẩy ơn mà Truyền Thống, dưới ánh sáng của Thánh Kinh, đã luôn luôn minh nhiên. Tôi không muốn hỏi xem anh chị em có nhớ bẩy ơn này không. Có lẽ tất cả anh chị em đều biết... Nhưng tôi xin nói nhân danh anh chị em. Các ơn đó là ơn nào? Là ơn Khôn ngoan, Thông minh, Khuyên nhủ, Mạnh mẽ, Hiểu biết, Đạo hạnh và Kính sợ Thiên Chúa. Tôi có ý dành các bài giáo lý tiếp theo các Bí tích cho các ơn này.

Đức Thánh Cha giải thích thêm các hiệu qủa của việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức như sau:

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong con tim chúng ta và để cho Người hoạt động, thì chính Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta và thành hình trong cuộc sống chúng ta; qua chúng ta chính Người sẽ cầu nguyện, tha thứ và trao ban hy vọng và ủi an, phục vụ các anh em khác, gần gũi các người cần trợ giúp và các người rốt hết, tạo ra sự hiệp thông và gieo vãi hòa bình. Anh chị em hãy nghĩ xem điều này quan trọng chừng nào: nhờ Chúa Thánh Thần chính Chúa Kitô đến và làm tất cả những điều đó qua chúng ta và trong chúng ta. Vì vậy thật là quan trọng các trẻ em và người trẻ lãnh nhận bí tích Thêm sức. Chúng ta tất cả, chúng ta hãy nhớ nó trước tiên để cám tạ Chúa về ơn này, và rồi để xin Người giúp chúng ta sống như các kitô hữu đích thật, luôn tiến bước với niềm vui theo Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp đến từ Bỉ và Pháp, đặc biệt nhóm học tiếng Latinh của trường trung học thánh Terexa Avila tỉnh Lille. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Êcốt, Ailen, và Hoa Kỳ, đặc biệt là đoàn hành hương giáo phận Rapid City, do Đức Giám Mục Robert Gruss hướng dẫn.

Đức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Tây Ban Nha, Argentina, Chile, Mehicô, Bồ Đào Nha và Brasil. Ngài khích lệ mọi người cảm tạ Chúa về bí tích Thêm Sức, và dấn thân sống đời chứng nhân cho Chúa.

Với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào các tham dự viên Diễn dàn của Phân khoa giáo hoàng thần học và nhóm các đại diện tổ chức Trình diễn lưu động Bergantino. Ngài cầu chúc họ là các chứng nhân tươi vui của các giá trị kitô như tình liên đới và tiếp đón. Ngài cũng chào nhóm các đầu bếp vùng Firenze và Toscana.

Chào các công nhân hãng Shellbox tỉnh Castelfiorentino do Đức Hồng Y Betori hướng dẫn, Đức Thánh Cha cầu mong các giới chức giám đốc làm tất cả những gì có thể để cho công việc là suối nguồn của phẩm giá con người trở thành nỗi ưu tư chính của mọi người. Ước gì đừng thiếu công ăn việc làm! Nó là suối nguồn của phẩm giá.

Đức Thánh Cha cũng chào ”Hiệp hội cố vấn quốc gia chống nạn cho vay nặng lãi” cùng với Đức Tổng Giám Mục Bari là Đức Cha Francesco Cacucci. Ngài cầu mong các cơ quan có thể gia tăng dấn thân trợ giúp các nạn nhân của nạn cho vay ăn lời cắt cổ, là một thảm cảnh xã hội. Khi một gia đình không có ăn, vì phải trả tiền lời cho chủ nợ, thì đây không phải là tinh thần kitô, vì nó vô nhân. Thảm cảnh xã hội này gây thương tích cho phẩm giá bất khả xâm phạm của bản vị con người.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ sáu này là lễ nhớ thánh Don Bosco. Ngài cầu mong gương mặt là cha và là thầy của thánh nhân đồng hành với giới trẻ trong các năm học hành và đào tạo. Đức Thánh Cha xin các anh chị em đau yếu đừng mất hy vọng, cả trong những lúc đau khổ cam go nhất. Ngài chúc các cặp vợ chồng mới cưới lấy nguồn cảm hứng từ mô thức dòng Salesien cho việc giáo dục con cái trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày thứ tư 29/1/2014
Bùi Hữu Thư
19:21 29/01/2014
Thân chào quý anh chị em!

Trong bài giáo lý thứ ba về các phép bí tich, chúng ta bàn về Phép Thêm Sức, là phép phải coi là sự tiếp diễn của Phép Rửa, và được liên kết bất khả phân ly với phép này. Hai bí tích này, cùng với bí tich Thánh Thể, tạo thành một biến cố độc nhất về sự cứu chuộc, là “tiến trình khai tâm của đạo Thiên Chúa”, trong đó, chúng ta được gắn liền vào Chúa Giê-su Ki-tô chịu chết và sống lại, và chúng ta trở nên những tạo vật và thành viên mới của Giáo Hội. Chính vì thế, vào lúc tiên khởi, ba bí tích này đã được cử hành trong cùng một thời điểm duy nhất, vào lúc cuối của hành trình giáo lý, thông thường vào Lễ Vọng Phục Sinh. Và như thế, đánh dấu cho hành trình đào tạo và gia nhập dần dần vào cộng đồng Ki-tô, một hành trình có thể kéo dài nhiều năm. Người ta tiến từng bước cho tới lúc rửa tội, và sau đó tới phép Thêm Sức, và tới lúc Chịu Lễ lần đầu.

Thông thường bằng tiếng Ý, người ta nói về bí tích “Cresima”, có nghĩa là “sức dầu”. Thực vậy, bằng “dầu thánh” (chrism oil), chúng ta được kết hợp, trong quyền năng của Thánh Thần vào Chúa Giê-su Ki-tô, là Đấng được “Xức Dầu” duy nhất và đích thật, “Đấng Thiên Sai”, Rất Thánh của Thiên Chúa.

Danh từ “Thêm Sức” cũng nhắc nhớ chúng ta là bí tích này gia tăng ân sủng của phép rửa: làm cho chúng ta kết hiệp mạnh mẽ hơn với Chúa Ki-tô; làm cho hoàn tất sự kết hiệp của chúng ta với Giáo Hôi; ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Thánh Thần để loan báo và bảo vệ đức tin, để tuyên xưng Thánh Danh Ki-tô và để không bao giờ phải cảm thấy xấu hổ về Thập Giá của Người (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1303).

Chính vì thế mà điều quan trọng là phải coi chừng sao cho con trẻ, và những vị thành niên của chúng ta đều được tiếp nhận bí tích này. Chúng ta lo lắng sao cho chúng được rửa tội, nhưng có lẽ chúng ta không chăm lo nhiều lắm cho việc chúng được chịu phép Thêm Sức. Như thế, chúng sẽ phải dừng lại dọc đường và sẽ không được tiếp nhận Thánh Thần là điều tối quan trọng trong đời sống Kitô, vì Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: chúng ta có thật sự lo lắng sao cho con trẻ và các vị thành niên của chúng ta đều nhận được phép Thêm Sức không? Điều này rất quan trọng; tối quan trọng! Và nếu trong gia đình các bạn vẫn còn các trẻ em và vị thành niên chưa chịu phép Thêm Sức ở lứa tuổi cần thiết, xin hãy cố gắng hết sức sao cho chúng hoàn tất các phép khai tâm và cho chúng được tiếp nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng!

Dĩ nhiên, cần phải giúp cho các em chịu phép Thêm Sức được chuẩn bị kỹ càng, mà mục đích là dẫn đưa chúng tới một sự kết hiệp cá nhân vào đức tin nơi Đức Ki-tô và để đánh thức nơi chúng ý thức là chúng trực thuộc vào Giáo Hội.

Phép Thêm Sức, cũng như tất cả các bí tích khác, không phải là công trình của con người, nhưng là của Chúa, Người chăm sóc cho đời sống chúng ta, bằng cách nhào nắn chúng ta theo hình ảnh của Con Chúa, để làm cho chúng ta có thể yêu thương y như Người yêu thương. Thiên Chúa làm như vậy bằng cách đổ tràn đầy trong chúng ta Thánh Thần của Người, để cho tác động của Thánh Thần xâm chiếm toàn thể con người chúng ta, tất cả đời sống của chúng ta, như được thể hiện qua bẩy ân sủng mà Thánh Truyền, dưới ánh sáng của Thánh Kinh đã luôn luôn tuyên xưng trước hết. Bẩy ân sủng này: tôi không hỏi xem các bạn có nhớ bẩy ân sủng này không. Có thể các bạn đều biết đầy đủ hết … Nhưng tôi sẽ nói hết ra ở đây. Bẩy ân sủng đó là gì? Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, ơn kính sợ Thiên Chúa. Và chính bẩy ơn này được ban cho chúng ta bởi Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức. Tôi có ý định sẽ dành nhiều bài giáo lý để đào sâu thêm về các ơn này.

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Thánh Thần vào lòng, và để cho Người tác động, thì chính Chúa Ki-tô sẽ hiện diện trong chúng ta và hình thành trong đời sống chúng ta; qua chúng ta, chính Người, chính Đức Ki-tô sẽ cầu nguyện, tha thứ, ban cho niềm hy vọng và sự an ủi, phục vụ các người anh chị em cúa chúng ta, làm cho chúng ta đến gần hơn với những ai nghèo khổ, hay hạ cấp nhất trong xã hội, tạo dựng sự hiệp thông, gieo rắc sự bình an. Các bạn thấy không, rất quan trọng: qua Thánh Thần, chính Đức Ki-tô thực hiện tất cả những điều này giữa chúng ta và cho chúng ta. Chính vì thế mà việc lo sao cho tất cả mọi trẻ em và vị thành niên phải được tiếp nhận phép Thêm Sức là điều quan trọng.

Các bạn thân mến, xin nhớ là chúng ta đã chịu phép Thêm Sức! Hãy nhớ như vậy, trước hết là để cảm tạ Chúa về quà tặng này, và sau đó là để cầu xin Người giúp chúng ta sống như những Ki-tô hữu đích thực, luôn luôn hân hoan tiến bước theo Thánh Thần Chúa đã ban cho chúng ta.
 
Ca hát reo hò ngợi khen Thiên Chúa .
Pt Huỳnh Mai Trác
19:10 29/01/2014

Người nào có thể “reo hò khi đội bóng phe nhà làm bàn thì cũng có thể reo hò ca hát vượt ra ngòai khuôn khổ để ca ngợi Thiên Chúa”. Làm thế nào để giải thích khi họ lấy làm hổ thẹn khi bột phát ngợi khen Chúa mà trong khi đó họ lại có thể reo hò náo nhiệt khi đội bóng nhà làm bàn .
Đức Giáo Hòang Phanxicô dừng lại khi ngài tả cảnh vua Davit khi chiếm lại được hòm bia Thiên Chúa trong bài đọc ngày hôm đó (@ Samuel 6,12-15,17-19) .

Ngợi khen Thiên Chúa thật là dễ dàng . Chúng ta không đòi hỏi gì , chúng ta cũng không cần cám ơn gì ! Chúng ta chỉ cần ngợi khen Chúa : Chúa là vĩ đại : “Vinh danh Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần . . .”
Chúng ta hãy nói lên với tất cả tâm tình của mình !

Vì đó cũng là một hành động công chính, bởi vì Chúa thật sự là cao cả, vì Chúa là Chúa của chúng ta . Hãy nghĩ đến một vấn đề chúng ta vấn nạn hôm nay . “ Lời cầu kinh ngợi khen Chúa phải như thế nào ? Chúng ta có thật sự ngợi khen Chúa không ? Hay khi chúng ta đọc kinh Vinh Danh hay Thánh Thánh chỉ đọc bằng môi miệng mà không có tâm tình gì cả ?

Vua Davít đã nhảy múa nói lên điều gì với chúng ta ? Cũng như Bà Sara cũng đã vui mừng nhảy múa ? Khi vua Davít vào thành thì mọi sự đã bắt đầu thay đổi : cuộc lễ lạc bắt đầu . Niềm hân hoan vui mừng thực sự cổ võ cho cuộc lễ . Cuộc lễ hội lan rộng đến từng gia đình, “ mỗi người đều được ăn bánh và hoan hô ngày lễ hội ” .

Nhưng khi Davít trở về dinh thự, Davít phải đối phó với những khiển trách và khinh thường của bà Michal, con gái của vua Saul : “Nhà ngươi không biết hổ thẹn những gì ngươi đã làm ư ? . Tại sao ngươi có thể làm như vậy được ? Ngươi là Vua sao ngươi có thể nhảy múa trước mặt chư dân ? Ngươi không biết hổ thẹn ư ?” .

Còn phần tôi có lẽ không biết bao lần tôi đã khinh thường những người thật thà chất phác đã ngơi khen Chúa một cách bộc trực không theo một khuôn mẫu nào cả .
Nhưng trong Kinh Thánh chúng ta đã đọc : “ Và Mihal đã trở thành son sẽ suốt đời vì hành động đó ! .

Lời Chúa ở đây có ý nghĩa gì ? Ước gì niềm vui vì ngợi khen Chúa mang lại cho chúng ta sự phong phú . Bà Sara đã nhảy mừng khi bà được thụ thai dù khi bà đã chín mươi tuổi ! Sự phong phú được dâng lên Chúa trong niềm hân hoan “ .

Trái lại, những người nào chỉ đóng khung trong lời cầu một cách tẻ nhạt thì cuối cùng sẽ có số phận như Michal thì sẽ son sẽ khô khan trong hình thức . Chúng ta hãy suy nghĩ và tưởng tượng là vua Davít đã nhảy múa cuồng nhiệt như thế nào trước mặt Thiên Chúa “ .Đức Thánh Cha kết luận là sự ngợi khen Thiên Chúa mang lại cho chúng ta mọi điều tốt lành :
“Các cửa ơi, hãy ngửng đầu lên, vươn mình lên, hởi cửa ngàn thu, để vua vinh hiển ngự vào, Ngài là Vua hùng mạnh và quyền uy, là Vua cao sang vinh hiển !” . (Nguồn Tin: News.va)
 
Top Stories
Pope: Confirmation completes our bond with Christ
Vatican Radio
18:50 29/01/2014
2014-01-29 Vatican - Confirmation is a sacrament that completes our bond with Christ and His Church: that’s what Pope Francis told tens of thousands of pilgrims gathered Wednesday for the weekly General Audience.

The Pope, bundled up in a white winter coat on this frigid and overcast day, continued his catechesis on the seven Sacraments, telling the crowds gathered in St. Peter’s Square that Confirmation is “linked inseparably to Baptism.” These two sacraments, together with the Eucharist, the Holy Father said, “form a unique salvific event: Christian initiation” in which we become living members of the Church.

Through our anointing with the sacred chrism, Confirmation strengthens and “confirms” us in the grace of our Baptism, uniting “us more firmly to Christ.” Confirmation “completes our bond with the Church,” he noted, and “grants us a special strength of the Holy Spirit to spread and defend the faith, to confess the name of Christ and to never be ashamed of his cross.”

The working of the Holy Spirit in our lives, he noted, is reflected in the seven spiritual gifts of wisdom, understanding, counsel, fortitude, knowledge, piety and fear of the Lord.

Departing from his prepared remarks, Pope Francis several times urged families to ensure their children receive the sacrament of Confirmation, without which, he stressed, they’ve only come “half-way.”

When we welcome the Holy Spirit in our hearts, Christ Himself becomes present in us and takes form in our lives, the Pope said. Through us and our actions, it will be He "who prays and forgives, gives hope and consolation, serves our brothers, helps those in need," and helps spread communion and peace.

In remarks following his catechesis, Pope Francis challenged authorities to make employment, “a source of dignity, everyone’s central concern.” He also condemned all forms of usury, saying that when families cannot eat because they have to pay off loan sharks, “it is not Christian; it is not human.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Việt thăm và tặng quà cho đồng bào thiểu số tại Bù Đăng - Gia Lai
Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Việt
10:25 29/01/2014
Khởi đi từ ơn gọi làm tông đồ thừa sai theo linh đạo Mến Thánh Giá, Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Việt cùng hòa nhịp với Giáo Hội trên quê hương Việt Nam trong những bước chân loan báo Tin Mừng, bằng đời sống âm thầm cầu nguyện cũng như những dấn thân nhỏ bé nơi cánh đồng truyền giáo, để được thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người qua việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống1. Được sai đi loan báo Tin Mừng, chị em lên đường theo lệnh truyền: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em."

Xem hình

Từ năm 1998, Hội dòng đã bắt đầu mở rộng phạm vi truyền giáo, hướng đến việc phục vụ các anh chị em dân tộc S'tiêng, M'nông ở vùng Bù Đăng - Bình Phước - giáo phận Ban Mê Thuột, và sau đó, đến năm 2005, Hội dòng mở thêm các cộng đoàn để tiếp cận và sống với anh chị em dân tộc ở vùng Gia Lai - giáo phận Kontum.

Đến với những miền truyền giáo này, chị em mang trong lòng thao thức cùng đồng hành với bà con dân tộc, kể cho họ nghe câu chuyện về một Giêsu - Đấng là Thiên Chúa đã đến sống giữa loài người, đã thông chia hết những đau khổ, những nghèo đói của họ; Đấng sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ của sự sợ hãi và tội lỗi; Đấng là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Câu chuyện ấy được kể lại trong những hoàn cảnh thực tiễn khi chị em sống giữa họ, cùng chia sẻ những bữa cơm đạm bạc, có khi chỉ là cơm nguội và muối trắng, hay món "canh thụt" chỉ là lá sắn và nước lã bỏ vào ống tre rồi nấu lên; rồi cũng có lúc là những miếng thịt rừng, những ché rượu cần trong ngày lễ hội… Ban ngày, chị em cùng lao động với họ trên nương rẫy, trồng bắp, lúa, sắn khoai… Đêm về, cùng nhau quây quần trong những ngôi nhà vách lá đơn sơ để cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ những nỗi vui buồn, vất vả lo toan và cả những cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. Để rồi, từ những cảm thức đó, tâm hồn con người được biến đổi, lòng tin được tăng trưởng và tinh thần phó thác cũng vươn cao.

Tại cộng đoàn Phú Nhơn, thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chị em cũng đến với những anh chị em bị nhiễm bệnh phong để giúp đỡ, chia sẻ và đồng cảm với họ. Ngày nay, tuy bệnh phong không còn là bệnh nan y như khi xưa, nhưng cũng mang đến cho người mắc bệnh một nỗi tuyệt vọng và mặc cảm ghê gớm. Tiếp cận với những anh chị em này không phải là chuyện dễ dàng, vì nếu sơ ý có thể gây thêm mặc cảm cho họ. Đến với họ với đôi bàn tay của Chúa Giêsu, chị em không ngần ngại, không e dè đụng chạm vào họ, cố gắng làm những điều có thể để xoa dịu nỗi đau, động viên, chia sẻ, với ước mong khơi lên niềm hy vọng dường như đã bị chôn vùi dưới lớp tro tàn thất vọng.

Khi phục vụ những anh chị em dân tộc nghèo, những người bệnh tật, kém may may mắn, chị em đã nhận lãnh rất nhiều, đã học được những bài học từ cuộc sống của họ, từ tinh thần chấp nhận và ý chí vượt lên trên nghịch cảnh, từ việc nuôi dưỡng tinh thần lạc quan là tìm ra điều may trong sự rủi ro. Hơn nữa, chị em còn trải nghiệm về đức tin chân thành mạnh mẽ từ những tâm hồn đơn sơ chất phác. Nơi những con người chân lấm tay bùn ấy, Thiên Chúa đã đặt để những hạt giống và Ngài dạy chị em chăm bón để những hạt giống ấy nảy mầm hầu có được mùa gặt bội thu. "Ôi lạy Chúa, kỳ công Ngài vĩ đại biết bao !"

Tuy cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát nhưng những bước chân ra đi đem tình thương của Thiên Chúa đến với tha nhân sẽ không bao giờ lẻ loi, đơn độc. Chị em nhận được sự cộng tác của rất nhiều người quảng đại đã chung tay góp sức, đặc biệt là sự quan tâm của Hội Lepsory Fund for Vietnam, tại Canada. Cũng là những bàn tay lao động, cũng phải bươn chải, chạy đua với cuộc đời, nhưng quý vị trong Hội đã cùng chung một ý hướng, chung một lòng và những con tim ấy cùng chung một nhịp đập với Tình Yêu để rồi hằng năm, cứ mỗi dịp lễ Phục Sinh đến hay Tết Nguyên Đán về, những anh chị em dân tộc S'tiêng, M'nông hay những bệnh nhân phong kém may mắn, lại được thêm ấm lòng vì tình cảm của những người nơi xa xôi mà ý hướng và trái tim chia sẻ vẫn quay về và cưu mang họ. Dù ở khắp bốn phương trời nhưng ai ai cũng thao thức kể câu chuyện về một Giêsu - Vua Tình Yêu và kể bằng cả tấm lòng. Tất cả là Hồng Ân !

Họa lại cuộc đời của Thầy Giêsu và tiếp bước theo Thầy trên hành trình loan báo Tin Mừng, cuộc đời của người môn đệ sẽ không thiếu những gian truân, vì "tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15, 20). Tuy nhiên, mọi biến cố, mọi khó khăn thử thách đều được ủ ấp trong lời kinh hiến tế của người con thảo. Chị em cùng kể về một câu chuyện Giêsu ngang qua từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói yêu thương, tất cả đều chỉ nhắm đến một mục đích là để cho danh Giêsu được biết đến, được nổi bật và tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ trong thế giới này.

Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Việt
 
10 sự kiện nổi bật của Giáo phận Vinh năm 2013
Truyền thông GP Vinh
01:42 29/01/2014
10 sự kiện nổi bật của Giáo phận Vinh năm 2013

Năm 2013, trước những khó khăn, thử thách và bị bách hại, cộng đoàn giáo phận Vinh vẫn luôn cảm nhận Bàn Tay nhân hậu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Người vẫn làm những điều diệu kì, những điều mà trước khi xảy ra chúng ta không ngờ được, như lời Đức Cha Phaolô, chủ chăn giáo phận, đã chia sẻ trong thánh lễ tất niên dành cho Linh mục đoàn và Hội đồng mục vụ các giáo xứ tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài sáng ngày 23.01.2014: “Chúa đã dùng đã vẽ những vòng tròn tuyệt mỹ bằng những nét dích dắc và biến nước mắt thành nụ cười”.

Ban Biên Tập Giáo phận Vinh Online trân trọng kính mời quý bạn đọc cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của Giáo phận Vinh trong năm 2013.

1. Thánh lễ truyền chức linh mục

Tháng 01/2013, 18 Phó tế đã được Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp truyền chức linh mục tại ba địa điểm: Hướng Phương (Quảng Bình), Văn Hạnh (Hà Tĩnh) và Trại Gáo (Nghệ An). Việc tổ chức lễ truyền chức ở ba địa điểm mang những ý nghĩa đặc biệt, một mặt giúp các tiến chức được trở về quê hương trong ngày trọng đại, mặt khác giúp đông đảo giáo dân địa phương có điều kiện thuận lợi để tham dự lễ truyền chức. Sau hơn 300 năm kể từ ngày hạt giống Tin Mừng được gieo xuống quê hương Hà Tĩnh - Quảng Bình, thánh lễ truyền chức linh mục chính thức được tổ chức trên mảnh đất giàu truyền thống Đức tin này.

2. Mở các khóa học đào tạo tác viên Tin Mừng

Năm qua, lần đầu tiên Giáo phận tổ chức các khóa đào tạo Tác viên Tin mừng. Các khóa học này giúp học viên biết cầu nguyện với Lời Chúa qua một số phương pháp chia sẻ thiêng liêng, để có thể trở nên người loan báo Tin Mừng phù hợp với bối cảnh mới của xã hội. Ba khóa đầu tiên được tổ chức ở Trại Gáo dành cho các giáo lý viên, các hội dòng và hội đoàn thuộc tỉnh Nghệ An. Các khóa IV, V, VI lần lượt dành cho các học viên đến từ các giáo xứ thuộc Hà Tĩnh và Quảng Bình, riêng khóa VII được dành cho các chủng sinh khóa XII.

3. Vụ việc giáo xứ Mỹ Yên

Giống với vụ việc ở Con Cuông năm 2012, vụ đàn áp bất nhân của chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên đã được công luận lên tiếng phản đối kịch liệt. Người ta thấy được bức tranh thực tế của việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Từ vụ việc lộn xộn giữa những người lạ mặt (sau này mới biết là công an) vô cớ chặn đường người hành hương đến Linh địa Trại Gáo vào ngày 22/5/2013, gây phẫn nộ cho hàng ngàn người dân, đến việc công an bắt cóc và giam giữ hai giáo dân thuộc giáo họ Trại Gáo 27/6, đã làm người dân vô cùng bức xúc và đòi quyền tự do. Đáng chú ý là việc chính quyền sử dụng bạo lực với các loại vũ khí tấn công dân lành vào ngày 04/9, làm hàng chục người bị thương, gây hoang mang cho dư luận.

Cùng với nhiều cuộc làm việc thẳng thắn với nhà cầm quyền, Tòa Giám mục Xã Đoài đã có rất nhiều Văn thư, Tường trình, Khiếu nại, nêu rõ nội dung và bản chất sự việc, đồng thời đề xuất hướng giải quyết tốt nhất, nhưng nhà cầm quyền vẫn sử dụng báo đài để bóp méo sự thật, bao che sai phạm của cán bộ địa phương và nhất mực không thả người. Tiếng nói ủng hộ Mỹ Yên của công luận đã vang lên khắp nơi trên thế giới.

Linh mục đoàn Giáo phận đã thể hiện tình hiệp thông cụ thể với Mỹ Yên và đồng tâm nhất trí với Giám mục Giáo phận bằng cuộc họp mặt và dâng thánh lễ cầu bình an cho Mỹ Yên vào ngày 16/9 tại Đền thánh Antôn Trại Gáo. Kết thúc cuộc họp, Linh mục đoàn đã ký Bản tuyên bố thống nhất trọn vẹn với Giám mục Giáo phận trong việc giải quyết vụ việc Mỹ Yên và mạnh mẽ phản đối Công văn số 139/UBND-NC ngày 08/09/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, yêu cầu thả người vô điều kiện. Tất cả các Linh mục của Giáo phận Vinh đã ký văn bản này.

Tạ ơn Chúa và tri ân mọi người. Vụ việc đau buồn đó coi như đã khép lại với việc trả tự do cho hai ông Khởi và Hải nhân dịp lễ Giáng Sinh 2013.

4. Kỳ thi tuyển sinh vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh

Một kỷ lục trong các Kỳ thi tuyển sinh vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh, đó là kỳ thi tuyển khóa XIV diễn ra vào ngày 1/8, có số “sĩ tử” tham dự lên tới 410 thí sinh. Con số này nói lên sự phong phú ơn gọi trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh – Bình. Đây là niềm tự hào, là nguồn lực quan trọng góp phần hướng tới sự phát triển của Giáo Hội trong tương lai. Được biết điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ thi vào Đại chủng viện Vinh Thanh là phải tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

5. Khánh thành Nhà nguyện Đại Chủng Viện Vinh Thanh

Sau hơn một năm khởi công trùng tu cơ sở Đại Chủng Viện, nhà nguyện Đại Chủng viện Vinh Thanh đã chính thức được đưa vào sử dụng với Thánh lễ làm phép vào ngày 3/9. Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam, trong chuyến thăm mục vụ Giáo phận lần thứ hai, đã chủ sự và cử hành Thánh lễ. Cùng với nhiều công trình đã, đang và sẽ khánh thành trong thời gian tới, Giáo phận sẽ hoàn tất việc trùng tu này vào cuối năm 2014, đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa.

6. Lễ tấn phong Giám mục Phụ tá Giáo phận

Ngày 4/9, tại quảng trường Tòa Giám mục Xã Đoài, toàn thể giáo phận hân hoan tổ chức đại lễ tấn phong Đức Giám Mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Lần đầu tiên sau 385 năm, kể từ khi mảnh đất Bố Chính đón nhận hạt giống Tin mừng, một người con của Quảng Bình được nâng lên hàng Giám mục. Đây cũng là vị Giám mục phụ tá đầu tiên của Giáo phận Vinh trong lịch sử từ trước tới nay. Khẩu hiệu “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27) là tâm nguyện và lẽ sống mà Ngài lựa chọn suốt đời mục tử của mình.

7. Hai cơn bão tàn phá Giáo phận và vụ đắm tàu giáo xứ Phú Yên

Trong năm 2013, Giáo phận đã chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đầu tháng 10, hai cơn bão mạnh số 10 và 11 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng khủng khiếp đến các giáo xứ ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tiếp đó, vụ lật tàu kinh hoàng đã xảy ra tại giáo xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa vào ngày 28/11, khiến 8 người thiệt mạng.

8. Hội ngộ những người khuyết tật Giáo phận Vinh lần thứ hai

Lần thứ hai được tổ chức, ngày 9/11, cuộc hội ngộ người khuyết tật Giáo phận Vinh đã quy tụ hơn 1500 người khuyết tật đến từ 59 đơn vị trong giáo phận. Một thánh lễ đặc biệt cầu bình an và bữa cơm huynh đệ dành cho những người con của Giáo phận kém may mắn, kèm theo chương trình văn nghệ ấn tượng, đầy cảm động dành riêng cho các khách mời đặc biệt, cùng với hơn 1500 phần quà được trân trọng trao tặng cho các anh chị em đó. Cảm động, ý nghĩa và đầy nhân văn trong tình liên đới lá lành đùm lá rách.

9. Bế mạc Năm Đức Tin

Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận đã long trọng bế mạc Năm Đức Tin vào ngày 24/11 tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài và các nhà thờ các giáo hạt. Trong năm qua, con cái Giáo phận đã đồng tâm với các tín hữu khắp thế giới tái khám phá hành trình đức tin với niềm tín thác và hy vọng. Kết thúc cũng là khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình dấn thân và thông truyền đức tin nơi môi trường xã hội và mỗi con người mà chúng ta gặp gỡ.

10. Đêm Ánh Sáng III

Tối 21/12, Đêm Ánh Sáng III – Đêm An Bình đã diễn ra tại giáo xứ Yên Đại. Với thông điệp, trong bóng đêm của bức tranh xã hội năm qua, niềm hy vọng vào Đức Kitô - Ánh Sáng đích thực vẫn chiếu rọi vào những góc khuất và khoả lấp khát mong kiếm tìm niềm hạnh phúc của con người. Đêm Ánh sáng đã trở thành bữa tiệc dư tràn cho bà con lương giáo. Niềm vui Giáng sinh tràn ngập tâm hồn những người hiện diện.

“Đêm Ánh Sáng III” như điểm hội tụ tinh thần liên đới, hiệp nhất và yêu thương của cộng đoàn Giáo phận Vinh trong suốt năm 2013. Đây thực sự là “Đêm An Bình” cho toàn thể người tín hữu trên dải đất Nghệ - Tĩnh – Bình, mở ra bình minh của “Sự Thật và Tình Yêu” đang và sẽ chiếu tỏa, soi rọi vào những mảng tối của thời cuộc và lòng người.

Mùa xuân và năm mới Giáp Ngọ đang gõ cửa. Đại gia đình Giáo phận Vinh lại tiếp tục lên đường trong sứ vụ Tân Phúc âm hóa, để dấn thân phục vụ sự sống, loan báo Tin Mừng cho muôn người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhà cầm quyền CSVN bị áp lực mạnh về nhân quyền
Người Việt
21:18 29/01/2014
GENEVA (NV).- Nhà cầm quyền CSVN đang đối diện với áp lực rất mạnh về nhân quyền chưa từng có do chính người Việt Nam mở chiến dịch tố cáo ngay tại Liên Hiệp Quốc.



Nhiều tổ chức khác nhau, cả trong và ngoài Việt Nam, hiện đang có mặt ở Âu châu và sẽ đến trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, phơi bày thực trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện đang tồi tệ, trái ngược hoàn toàn với những gì được chế độ vẽ vời và tuyên truyền.

Ngày 5/2/2014 tới đây, đại diện nhà cầm quyền Việt Nam, hội viên Liên Hiệp Quốc và thành viên Hội đồng Nhân Quyền LHQ, sẽ phải trình bày bản báo cáo định kỳ 4 năm một lần gọi là “Báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát” (Universal Periodic Review gọi tắt là UPR) trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Ở những lần báo cáo trước của Hà Nội, hầu như chỉ có các tổ chức quốc tế vận động dư luận và Hội đồng Nhân quyền, trình bày sự thật về tình hình nhân quyền Việt Nam không hề cải thiện như CSVN báo cáo. Đặc biệt lần này, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở hải ngoại cũng như những người đến từ Việt Nam sẽ đến Geneva để đích thân nói lên thực trạng nhân quyền Việt Nam.

Đây là nỗ lực đầu tiên được các tổ chức dân sự của cộng đồng người Việt hải ngoại và các tổ chức dân sự trong nước phối hợp hành động. Như vậy, chế độ Hà Nội không chỉ đối diện với sự tố cáo của các tổ chức quốc tế là những người bên ngoài, mà sẽ phải đối diện với chính sự tố cáo của người Việt Nam, trong đó có nhiều người là nhân chứng sống đến từ nước Việt Nam.

Cho lần báo cáo định kỳ của CSVN sắp diễn ra chỉ một tuần lễ nữa, Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (OHCHR) và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã mời một số tổ chức vận động nhân quyền trong và ngoài nước Việt Nam đến trụ sở LHQ để được nghe những tiếng nói của những người vốn là nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị.

* Sang Geneva vận động



Một số tổ chức sẽ có mặt ở Geneva gồm có VOICE, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân chính trị. Tổ chức Việt Tân cũng có một phái đoàn tham dự.

Hiện các phái đoàn này đang đi tiếp xúc, vận động từ chính phủ và quốc hội Liên Hiệp Âu châu, các văn phòng các nước thành viên LHQ trong Hội Đồng Nhân Quyền, và Hội đồng Nhân Quyền LHQ. Những tuần lễ gần đây, một số tổ chức xã hội dân sự đã đến tiếp xúc với nhiều tòa đại sứ ngoại quốc tại Hà Nội, yêu cầu họ đưa thông tin đến đại diện nước họ tại LHQ về thực trạng nhân quyền Việt Nam.

Để chuẩn bị tham dự báo cáo định kỳ UPR của Việt Nam ngày 5/2/2014, từ năm ngoái, một số tổ chức dân sự của người Việt Nam đã soạn thảo các bản báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam, soạn thảo bằng Anh ngữ để các nhóm làm việc về UPR của LHQ sử dụng làm căn cứ, đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam, thay vì chỉ căn cứ vào sự tuyên truyền một chiều của CSVN.

Một số bản báo cáo tập trung về một mặt như tự do tôn giáo, tự do hội họp và phát biểu, tự do báo chí và thông tin, chế độ tù đày và sự tra tấn. Qua các bằng chứng cụ thể từ các vụ đàn áp người dân ngay trên đường phố đến những vụ bỏ tù dựa vào các điều luật mơ hồ và đi ngược Công uốc Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ sẽ có cơ hội nhìn vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trung thực hơn.

Nhà cầm quyền Việt Nam 'khoe khoang' là “luôn luôn tôn trọng” nhân quyền. Nhân kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12/2013, bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh viết một bài phổ biến trên trang mạng TTXVN ca ngợi rằng “nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ, thúc đẩy quyền con người”. Thật là mỉa mai, hiện đang có hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ rải rác trên khắp nước trong những điều kiện giam giữ tồi tệ và sự đối xử độc ác.

Một ngày trước buổi báo cáo định kỳ của CSVN, ngày 24/1/2014, sẽ có một cuộc hội thảo ngay tại trụ sở LHQ với đề tài “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.” Ngoài những diễn giả thuộc nhiều tổ chức quốc tế đến từ Mỹ và Châu Âu, còn có một số người đến từ Việt Nam.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2013 bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 mà Việt Nam đã trúng cử ở khu vực Á châu vì không có nước nào khác tranh chỗ, không phải vì Việt Nam có nhân quyền đáng ca ngợi.

TTXVN khi loan báo tin này khoe rằng “Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…”

Tuần lễ trước đó, CSVN ký vào bản “Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn” của LHQ, mở đường để được vào làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền. Nhưng từ đó đến nay, chưa đầy 2 tháng, đã có ít nhất 6 người dân chết trong tay công an rồi vu cho họ “tự tử” hay chết bệnh dù thân thể của họ đầy dấu vết tra tấn nhục hình.

Các cuộc tụ tập của người dân hay đi thăm viếng nhau của những người bất đồng chính kiến thì bị bắt giữ, đánh đập. Những gì diễn ra tại Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn chứng minh cho thế giới thấy nhân quyền tại Việt Nam được nhà cầm quyền Việt Nam “bảo đảm tốt hơn” ra sao. (TN)

(Nguồn: nguoivietonline)
 
Văn Hóa
Lời chúc Xuân
Vi Vu
01:20 29/01/2014
Giáp Ngọ về với kiếp nhân sinh.
Nguyện dâng lời chúc tạ ân tình.
Cầu cho gia tộc cùng thân hữu.
An khang Thịnh vượng Hạnh phúc vinh.

Sức khỏe dồi dào Phước Lộc Thọ.
Chúc cho Quê Mẹ Thấy bình minh.
"Mã đề Dương cước anh hùng tận".
"Thân Dậu niên lai kiến thái bình".



 
Xuân đến trong Xuân
Trầm Hương Thơ
10:03 29/01/2014
XUÂN ĐẾN TRONG XUÂN

Chớp mắt mà xuân đã đến rồi
Ngước nhìn ngày tháng cứ dần trôi
Nhịp đời trẩy hội về bên ấy
Níu lại thời gian chút bồi hồi

Ửng hồng đôi má của em tôi
Vây quanh bếp lửa bánh sôi rồi
Ngây thơ trong trắng hồn nhiên lắm!
Mong mặc áo mới để khoe thôi

Vài cô én lượn đón xuân đưa
Mấy cụm mai vàng ủ lá thưa
Khói bếp thơm hương mùi nếp mới
Rượu nồng chưa uống đã say sưa

Xuân đến ngoài sân em biết chưa?
Chúa Xuân yêu thương mấy cho vừa
Ấm nồng đượm thắm ôm lộc biếc
Run run nếm cảm phút giao thừa

Xin dâng ngày mới, dâng năm mới
Từng phút, từng giây của cuộc đời
Từng hơi thở mới trong Thần Khí
Chúa ở trong Xuân khắp cõi Trời.

Trầm Hương thơ
28.01.2014
 
Lễ Tân Niên - Tình Xuân
Trầm Thiên Thu
10:57 29/01/2014
Tiết Đông nay đã qua rồi
Mưa phùn lạnh lẽo ngừng rơi bên thềm.

Đó là ý Giáo Hội trần thế (Giáo Hội chiến đấu, Giáo Hội lữ hành) “gợi ý” trước khi chúng ta bước vào Thánh lễ Tân niên. Tại sao Giáo Hội muốn (hoặc “đề nghị”), hay tự ý chúng ta “chọn” và nghĩ như vậy? Tại sao không cho “tự do”, hoặc “tùy ý” hoặc “bắt buộc” (tức là Luật – Luật nghĩa là PHẢI thi hành). Chín người, mười ý; mỗi người mỗi vẻ. Nhưng Thiên Chúa chỉ CÓ và chỉ LÀ MỘT (x. Dt 13:8). Viết HOA, Đậm hay Nhạt [lạt] đều mang ý nghĩa “khác nhau”). Chắc chắn TẤT CẢ không ngoài Ý CHÚA.

Thế giới không có ngày Tết như Việt Nam, thế nên Rôma chẳng quan tâm gì tới dân tộc quá “bé nhỏ” như chúng ta. Mà cũng chẳng thành vấn đề, quan trọng là “thằng bé” với Chúa thế nào. Chúa CẦN cái đó. Được CỨU hay không là NHỜ cái đó, tức là ĐỨC TIN, được công chính và được sống đều nhờ Đức Tin (Rm 1:17).

Đã qua cái lạnh (lạnh lùng, lạnh lẽo, lạnh nhạt) của mùa Đông, để nhường chỗ cho cái ấm áp của Mùa Xuân. Thật vậy, Chúa Xuân đã lên ngôi, Tết đã về thực sự: Xin chúc mừng năm mới mọi người luôn thánh đức!

Ngôn sứ Isaia nói: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:1-2). “Nhánh nhỏ” trở nên “mầm non” để thành cây. Thực vật là thế, cuộc sống cũng thế, và đức tin cũng vậy. “Cái nhỏ” nhưng không tầm thường, ngược lại rất quan trọng: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền” (tục ngữ Việt Nam).

Có TIN mới YÊU, nhưng công lý của Chúa hoàn toàn “khác” với chúng ta: “Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11:3-4). Ngày nay, Giáo Hội gọi đó là Công lý và Hòa bình Xã hội, là Giáo huấn Xã hội Công Giáo.

Thiên Chúa giải nghĩa rộng hơn, đồng thời liên quan con Rắn, vì Tết Nguyên Đán năm nay là Quý Tỵ: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11:5-9).

Có Chúa rồi thì chúng ta chẳng còn lo sợ gì, dù thân xác chúng ta bị hủy diệt. Muốn có HÒA BÌNH thì phải thể hiện CÔNG LÝ. Hòa bình liên quan Công lý. Đất nước nào chưa thể hiện công lý thì chưa thực sự có hòa bình. Chỉ có Nước Chúa (Thiên đàng, Thiên đường) mới là Đệ Nhất Quốc: “Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân” [Tv 71(72):3].

Một quốc gia như vậy thì sao lại không hạnh phúc chứ? Trên cả tuyệt vời. Tại sao? Nguyên nhân hoặc lý do rất đơn giản: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất” [Tv 71(72):7-8].

Nước quá bé nhỏ, nhưng lại là nước vĩ đại nhất và bền vững nhất, bởi vì quốc gia đó có CÔNG LÝ và HÒA BÌNH đích thực, chứ không nói suông như chúng ta: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ” [Tv 71(72):12-13].

Thiên Chúa là Vua Công Lý, Vương Quốc Ngài sẽ bền vững, và chắc chắn rằng “danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời” , vì thế, chúng ta hãy đồng chúc khi mùa Xuân lên ngôi: “Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc” [Tv 71 (72):17].

Ngày đầu Xuân, với kinh nghiệm “xương máu” của bản thân, Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-15).

Và thánh nhân chúc tết mọi người: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16-17).

Tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ yêu thương, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính Đức-Giêsu-Tình-Yêu đã xác định về “mối liên kết của tình yêu” rất minh bạch: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14:23-24a). Nghe thì thấy đơn giản, nhưng lại vô cùng phức tạp và khó thực hiện. KHÓ THỰC HIỆN chứ không phải KHÔNG THỂ THỰC HIỆN. KHÓ mà LÀM ĐƯỢC mới HAY, mới GIỎI, hơn nhau là chỗ đó: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:24b).

Chúa Giêsu biết chắc là chúng ta không dễ thực hiện đúng theo Ý Ngài, chứ Ngài biết thừa, thế nên Ngài rất thông cảm, Ngài chỉ cần chúng ta thành tâm cố gắng, vấn đề là chúng ta MUỐN hay KHÔNG MUỐN, chứ không phải LÀM ĐƯỢC hay KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Chúa Giêsu quá nhân từ rồi đấy! Và Ngài hứa với mỗi chúng ta trong ngày đầu Xuân mới này: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!” (Ga 14:26-27).

Chúa Giêsu nói gì thì còn hơn “đinh đóng cột”. Bạn đủ tin mà tín thác chưa?

Xuân về, Tết đến. Tất cả là của Chúa, thời gian cũng là của Chúa. Với Chúa, KHÔNG là CÓ, và CÓ là KHÔNG:

Ngàn năm Chúa kể là gì
Tựa hôm qua đã qua đi mất rồi
Khác nào một trống canh thôi
Dù KHÓC hay CƯỜI, vì Chúa luôn luôn!
(Tv 90:4)

Lạy Chúa, chúng con tin kính và yêu mến Ngài, xin giúp chúng con thể hiện niềm tin yêu đó qua động thái yêu thương tha nhân, hôm nay và mãi mãi. Đó là TÌNH XUÂN của chúng con đó. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giao Thừa
Nguyễn Đức Cung
22:15 29/01/2014
GIAO THỪA
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Tiếng pháo giao thừa về
Râm ran ngoài đầu ngõ
Khói xanh nhòa sắc đỏ
Gợi buồn nhớ miên man…
(Trích thơ của Vũ Kim Thanh)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 23/01 - 29/01/2014
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:59 29/01/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ghen tương và đố kỵ là những cánh cửa mà qua đó ma quỷ xâm nhập vào thế giới.

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm, 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ghen tương và đố kỵ như những cánh cửa mà qua đó ma quỷ xâm nhập vào thế giới. Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài liên quan đến bài đọc Một trích từ sách Samuel Quyển Thứ Nhất, thuật lại rằng, sau khi những dũng sĩ được tuyển chọn đã thắng được quân Phi-li-tinh nhờ sự can đảm của Đa-vít, những người phụ nữ Israel đã tràn ra đường phố ca hát và nhảy múa, và để gặp vua Sau-lơ. Sau-lơ rất đỗi hạnh phúc nhưng có một điều ông không hài lòng. Nghe những người phụ nữ hát vang ca ngợi Đa-vít, "cay đắng và nỗi buồn" xuất hiện trong trái tim của Sau-lơ. Ông đã rất giận dữ với những lời hát này.

Như thế, "một chiến thắng vĩ đại đã biến thành một thất bại to lớn trong trái tim nhà vua, người đang phải gặm nhấm cùng một niềm cay đắng đã làm tan nát con tim Cain."

Lúc Chúa hỏi Cain “Sao ngươi tức giận? Sao sắc mặt ngươi tối sầm như thế?” thần sắc của Cain lúc đó thế nào, thì thần sắc của Sau-lơ giờ đây cũng thế.

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

"Con sâu của ghen tương dẫn đến sự oán giận, ganh ghét, cay đắng và kích thích cả những phản ứng bản năng như giết đối phương đi. Không phải ngẫu nhiên mà cả Sau-lơ và Cain đều quyết tâm giết người . Chính ghen tương và đố kỵ đã khiến Sau-lơ quyết định giết Đa-vít đi.

Thực tế này cùng được lặp đi lặp lại ngày hôm nay trong trái tim chúng ta. Đó là những trăn trở dằn vặt tim ta, khiến ta không thể chấp nhận việc anh chị em chúng ta có được một cái gì đó mà chúng ta không có. Và do đó "thay vì ca ngợi Thiên Chúa, như những người phụ nữ Israel đã làm trong chiến thắng" chúng ta muốn rút lui vào chính mình để "hầm cho nhừ cảm xúc của chúng ta, luộc đi luộc lại chúng trong nồi nước lèo cay đắng."

Ghen tương và đố kỵ là những cánh cửa thông qua đó ma quỷ thâm nhập vào thế giới này. Chính Kinh Thánh đã khẳng định như thế: "qua những đố kỵ của ma quỷ mà cái ác đã nhập vào thế giới".

Ghen tương và đố kỵ mở tung cửa cho mọi điều ác, gây ra xung đột thậm chí giữa các tín hữu với nhau. Đức Thánh Cha đã đề cập một cách rõ ràng cuộc sống của các cộng đồng Kitô giáo, và nhấn mạnh rằng khi một số thành viên ghen tương và đố kỵ, các cộng đoàn này kết thúc trong chia rẽ. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự chia rẽ này là một "chất độc cực mạnh", tương tự như chất độc được tìm thấy trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, trong trình thuật về câu chuyện của Cain và Abel .

Đức Thánh Cha cũng đã mô tả những gì xảy ra trong con tim của một người đang chất chứa những ghen tương và đố kỵ. Đầu tiên là cay đắng: “người ghen tương và đố kỵ là một người cay đắng, người ấy không hát, không ngợi ca, không biết niềm vui là gì, vì mải miết kiếm tìm những gì người khác có mà mình không có”. Và thật là không may, cay đắng “lây lan qua toàn bộ cộng đoàn” vì tất cả những người rơi vào trạng thái nhiễm chất độc này trở thành “những kẻ gieo vãi đắng cay”.

Hoa quả độc hại thứ hai của ghen tương và đố kỵ là tin đồn. Có những người không thể chấp nhận để cho bất cứ ai khác có được bất cứ điều gì và do đó, “giải pháp là đạp người khác xuống, để tôi vươn lên một chút cao hơn. Và công cụ để thực hiện điều này là tin đồn: cứ tìm đi và bạn sẽ thấy rằng ghen tương và đố kỵ luôn ẩn núp đằng sau những tin đồn.”

Tin đồn chia rẽ các cộng đoàn, và phá hủy cộng đoàn. Nó là vũ khí của ma quỷ. Bao nhiêu cộng đoàn Kitô hữu xinh đẹp mà chúng ta đã từng thấy họ thăng tiến mạnh mẽ dường nào nhưng sau đó những con sâu của ganh ghét và đố kỵ chui vào một số thành viên của cộng đoàn và nỗi buồn ập đến khi họ có hành vi phạm tội.

Do đó, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chớ quên bài học của Sau-lơ: sau một chiến thắng vĩ đại, một quá trình thất bại có thể bắt đầu ngay tức khắc. Thánh Gioan Tông Đồ cảnh cáo chúng ta: “Ai ghét anh em mình thì là một kẻ giết người.” Và một người ghen tị là một người đang bắt đầu ghét anh em mình.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với niềm hy vọng rằng: “Hôm nay, trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, để hạt giống của ghen tương và đố kỵ không thể được gieo giữa chúng ta, để ghen tương và đố kỵ không có chỗ trong con tim chúng ta, và trong trái tim của cộng đoàn chúng ta. Như thế, chúng ta có thể tiếp tục vui vẻ ca ngợi Chúa. Ân sủng giúp chúng ta không rơi vào nỗi buồn, vào sự oán giận, vào ghen tương và đố kỵ là một hồng ân lớn lao.”

2. Kitô hữu phải xây dựng những nhịp cầu đối thoại, đừng để lòng oán giận sưng lên trong con tim chúng ta

“Kitô hữu phải xây dựng những nhịp cầu đối thoại, chứ không phải những bức tường của sự oán giận.” Đây là những lời của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu 24 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về cuộc xung đột giữa vua Sau-lơ và Đa-vít là trọng tâm của bài Cựu Ước được đọc trong ngày.

Đức Giáo Hoàng nói:

“Đa-vít đã có cơ hội để giết Sau-lơ, nhưng ông chọn một con đường khác: con đường đối thoại, để kiến tạo hòa bình.”

“Tất cả các Kitô hữu, luôn luôn phải đi theo con đường hòa giải, đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Để dự phần vào cuộc đối thoại, điều quan trọng là phải nhu mì, khiêm nhường, ngay cả sau một cuộc tranh cãi hoặc một cuộc chiến. Điều quan trọng là phải linh hoạt, đừng cứng nhắc đến mức gây ra đổ vỡ.”

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhìn nhận rằng không dễ dàng gì để xây dựng đối thoại, đặc biệt là khi chúng ta đang chia rẽ vì oán giận.

Ngài nói:

“Chúng ta đều biết rằng để được nhu mì, khiêm nhường, chúng ta phải nuốt đi rất nhiều những tự hào - nhưng chúng ta bắt buộc phải làm như vậy, vì đó là cách chúng ta kiến tạo hòa bình, với sự khiêm nhường.”

“Khiêm nhu có thể là khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nhưng để cho lòng oán giận sưng lên trong con tim của chúng ta thì còn tồi tệ hơn nhiều lần so với cố gắng để xây dựng một nhịp cầu đối thoại. Khi chúng ta cho phép sự bất bình phát triển, chúng ta kết thúc nơi sự cô lập trong ‘nồi canh đắng’ của hận thù.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều quan trọng là không nên chần chừ quá lâu sau một cơn bão, sau một vấn đề. Hãy kiến tạo ngay những nhịp cầu đối thoại càng sớm càng tốt, bởi vì thời gian làm cho các bức tường bất bình càng lúc càng cao thêm, giống như loài cỏ dại phát triển thật nhanh - và khi bức tường oán giận và chia cách đã quá cao, hòa giải trở nên khó khăn hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Tôi sợ những bức tường, những bức tường cứ cao lên vun vút hàng ngày, chất chồng những oán giận và hận thù. Chúng ta hãy theo gương của Đa-vít, người đã đánh bại hận thù với một thái độ khiêm cung”

3. Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 27 tháng Giêng, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Đức Thánh Cha đã diễn giải bài đọc thứ Nhất trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Đa-vít làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: “Nếu không có sự xức dầu ấy thì Đa-vít chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Đa-vít và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: “Đa-vít ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục”

“Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ trong cơ man những Giám mục thánh thiện, và Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở mà chúng ta không biết.”

Đức Thánh Cha nhận xét có những người nêu vấn nạn: “‘Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!’ Đúng vậy, tôi cũng đọc thấy những điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiêu việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không? Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Đa-vít, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!”