Ngày 11-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/02: Tình Liên Đới – Suy Niệm: Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ - TGP Hà Nội
Giáo Hội Năm Châu
02:06 11/02/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”.

Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”.

Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?”

Các ông thưa: “Có bảy chiếc”.

Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát.

Các ông chia cho dân chúng.

Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ.

Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.

Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.

Số người ăn độ chừng bốn ngàn.

Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.

Đó là lời Chúa
 
Tin nơi Chúa mới là Phúc thật
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:26 11/02/2022

TIN NƠI CHÚA MỚI LÀ PHÚC THẬT
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Khác Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Phúc cho AI có TINH THẦN nghèo khó, phúc cho AI hiền lành, phúc cho AI khóc lóc…”, thánh Luca cho biết Chúa nói một cách trực tiếp: “Phúc cho CÁC NGƯƠI là những người nghèo, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ BÂY GIỜ ĐANG khóc…”.

Đối với thánh Mathêu, một cái “AI” nào đó, nghe xa xôi, chung chung. Hơn nữa: “AI có TINH THẦN”: một cái “AI” trong TINH THẦN, chứ không phải “các ngươi” trong đời thường, như thánh Luca đã nói thật cụ thể.

Dĩ nhiên mỗi cách viết của mỗi thánh sử đều có mục đích, ý hướng, ý nghĩa riêng, khó mà so sánh. Nhưng nếu nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” thì dễ hiểu hơn.

Tinh thần nghèo khó thì người rất giàu vẫn có thể có. Giàu nhưng họ sống thanh bần, không lệ thuộc của cải vật chất, đề cao đức bác ái và cho đi một cách dễ dàng... Vì đó là tinh thần mà! Tinh thần nghèo khó không có nghĩa là thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhưng là sống siêu thoát.

Còn trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa lại nói một cách trực tiếp: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, tức là phúc cho bạn và tôi là những người, chính lúc này, đang nghèo, đang đói, đang khóc… Nghèo thật sự, đói thật sự, khóc thật sự, chứ không có tinh thần gì ở đây hết! Nghèo lắm, đói lắm, đau khổ lắm, chứ không phải xa xôi, ở tận đâu đâu.

Vậy ta phải giải thích cách nào?

Chính Chúa Kitô là câu trả lời hoàn hảo. Bởi Chúa nghèo đến nỗi, con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng chính Chúa thì không có chỗ gối đầu. Chúa không có chỗ sinh ra, phải mượn chuồng lừa làm nhà, mượn máng lừa làm nôi. Chúa chết không có mảnh vải che thân, phơi thây giữa trời giữa đất...

Chúa còn nghèo về phương diện sự sống. Loài người tước đoạt đến nỗi trong vườn Giêtsêmani, Chúa hấp hối trong cơn túa mồ hôi nặng như những giọt máu. Chúa bị ngược đãi, bị chống đối, bị thù ghét, bị lột sạch danh dự và nhân phẩm, bị giết chết đau đớn, ê chề…

Vẫn chưa hết, trên thập giá tang thương, Chúa cô đơn cùng cực. Nỗi cô đơn tưởng như ngay cả Chúa Cha, chỗ dựa duy nhất của mình, cũng đã bỏ mặc. Chính miệng Chúa thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con”.

Sự nghèo khó của Chúa Kitô đi đến cùng của lòng vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục cho đến nỗi không còn gì thuộc về mình, chỉ còn thánh ý Thiên Chúa như sức mạnh cuối cùng giữa lúc lực cạn, và gục đầu phó dâng linh hồn.

Cuộc đời của Chúa Kitô rực sáng niềm tin tưởng vào thánh ý Chúa Cha. Nhờ tin, Chúa vui nhận mọi thử thách. Nhờ tin, Chúa bằng lòng đón nhận thân phận của một con người bị vùi dập, bị bạc đãi đến cùng.

Bạn thân mến, nếu Chúa Kitô trung thành với thánh ý Chúa Cha đến hết đời của mình, thì chúng ta cũng phải như thế. Vinh quang bao giờ cũng có giá của nó. Vinh quang mãi mãi đứng phía sau thập giá.

Nghĩ như thế, tôi thấy trong lời chúc: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, có một tâm huyết dành cho chúng ta lớn lắm: Hãy tin vào Thiên Chúa. vì chỉ có những ai dù đói nghèo, dù khổ sở đến đâu, nhưng vẫn vững một lòng tin, mới là người có phúc.

Có ai không muốn mình hạnh phúc! Chúa Kitô cũng vậy. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta phải nghèo, phải đói, phải khóc lóc. Nhưng Ngài muốn ta đi trên con đường mà Ngài đã đi. Đó là con đường của đức tin: Tin vào Thiên Chúa, Cha của Ngài và Cha của chúng ta.

Nghèo đói, thiếu thốn, than khóc… là những đau khổ. Nhưng trong đau khổ, hãy cứ tin. Đức tin sẽ giúp lắng bớt nỗi đau. Đức tin cho ta yên lòng vì biết Chúa nhìn thấy nỗi khổ sở, sự chịu đựng của ta. Đức tin thêm ơn sức mạnh để ta đủ nghị lực vượt thử thách. Nhờ đức tin, tâm hồn sẽ bình an và ấm áp.

Hiểu như thế, ta sẽ thấy đau khổ chính là phương tiện tuyệt vời chắp cánh cho đức tin bay cao và bay xa. Chỉ hiểu như thế thôi, đủ thấy nỗi khốn cùng chính là mối phúc. Vì nói cho cùng, ta phải nói: “Phúc cho kẻ đã tin. Và Phúc lớn cho kẻ trong đói nghèo, trong nước mắt, vẫn tin”.

Nếu Chúa đã từng cho biết: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, thì hôm nay, sống trong cuộc đời này, ta phải nói rằng, phúc cả thể cho những ai đi trong tăm tối, nhưng vẫn cảm nhận Thiên Chúa là Tình yêu.

Phúc cho người tin như thế, sẽ đúng như lời tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc I: “Phúc cho người tin tưởng vào Chúa, Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:01 11/02/2022

7. Trong số những người mong muốn được tiến bộ, không ai là không hết sức đọc sách thiêng liêng. Ai không chú trọng đến việc đọc sách thiêng liêng, thì trong đời sống tu đức của họ sẽ nhanh chóng có vấn đề.

(Thánh Antony)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:08 11/02/2022
95. CHẾ GIỄU QUỶ CÁI

Anh họ của bộ hộ thượng thư Tào Trúc Hư, là một nhân vật can đảm mà lại thích đùa.

Một hôm ông ta đến Dương Châu, giữa đường thì trọ tại phòng đọc sách của người bạn, người bạn nói:

- “Phòng này nhiều quỷ, ban đêm không thể ở.”

Nhưng ông ta vẫn cứ ở lại.

Nửa đêm, có một con côn trùng tựa như đồ vật từ trong khe cửa thò vô thụt ra bò vào trong, mỏng như tờ giấy, sau khi vào trong phòng thì từ từ biến thành một thiếu nữ đầu tóc bù xù, lè cái lưỡi dài mấy tấc, giống như người thắt cổ vậy.

Tào huynh nhìn nó cười nói:

- “Tóc thì vẫn là tóc, có điều hơi bù xù một chút, cái lưỡi thì vẫn là cái lưỡi, có điều hơi dài một chút mà thôi”.

Đột nhiên cô gái ấy ngắt cái lưỡi của mình ra bỏ trên bàn, Tào huynh cười nói:

- “Có đầu thì không có gì là sợ cả”.

Quỷ cái đem đủ trò ra hù dọa cũng không làm gì ông ta được nên hóa thân biến mất.

Sau đó, Tào huynh từ Dương Châu trở về, lại trú nơi phòng đọc sách ấy, quỷ cái thò cái đầu vào, nhìn thấy ông ta thì nhổ nước bọt, nói:

- “Lại là cái thằng cha sao chổi này nữa sao?”

Và quay đầu biến mất không trở lại.

(Duyệt Vi Thảo Đường bút ký)

Suy tư 95:

Trên đời này –có thể nói- không có gì dễ thu hút lòng người cho bằng con gái đẹp, con gái đẹp mà lại nết na thùy mỵ dễ thương thì đúng là có sức hấp dẫn người khác. Đó chính là công trình của Thiên Chúa tạo dựng.

Trên đời này –có thể nói- không có gì hiểm ác, xấu xa cho bằng con gái, con gái càng đẹp mà tâm hồn xấu đầy những mưu mô, gian xảo, ghen ghét thì độc dữ hơn cả loài rắn độc, thì càng cần phải tránh xa.

Nhìn con gái đẹp, thích con gái đẹp không phải là sự cám dỗ, nhưng ma quỷ biết cách để làm cho con gái đẹp thành cớ vấp phạm cho người khác: có người lợi dụng những cô gái có nhan sắc để kiếm tiền; có người dùng sắc đẹp để kiếm tiền cách bất chính; có người dùng những cô gái có sắc đẹp để tiến thân trên đường danh vọng; lại có người dùng gái đẹp để thỏa mãn dục vọng nhưng không hề yêu thương...

Để đánh ngã con người thế gian, ma quỷ thường dùng hai chiêu thức tiền và danh vọng; nhưng để đánh ngã các linh mục tu sĩ, thì ngoài hai chiêu thức trên, ma quỷ dùng thêm một chiêu thức độc hại hơn, đó là tình...

Chữ tình này –ngoài tình cảm cha mẹ anh em ruột thịt ra- thì những người đã dâng mình làm tôi tớ Chúa hãy cảnh giác và cảnh tỉnh, bằng không có khi hối hận không kịp...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTGM nói rằng việc loại bỏ bài thánh ca của Kitô giáo khỏi Ngày Cộng hòa của Ấn Độ gây ra đau đớn
Đặng Tự Do
04:55 11/02/2022


Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã than thở về việc loại bỏ bài thánh ca “Abide With Me”, nghĩa là “Ở Lại Với Thầy”, khỏi các lễ kỷ niệm hàng năm đánh dấu Ngày Cộng hòa.

Theo truyền thống, bài hát được phát trong buổi lễ “Beating Retreat”, nghĩa là “Đánh Trống Thu Quân” diễn ra vào ngày 29 tháng Giêng, ba ngày sau Ngày Cộng hòa, cử hành vào ngày 26 tháng Giêng.

“Beating Retreat” hay “Đánh Trống Thu Quân” là một buổi lễ quân sự có từ thế kỷ 17 ở Anh và lần đầu tiên được sử dụng để triệu hồi các đơn vị tuần tra gần đó về lâu đài. Sau này, “Đánh Trống Thu Quân”, không còn ý nghĩa “thu quân” nguyên thủy nữa, cũng không chỉ giới hạn trong việc “đánh trống”, mà là một buổi biểu diễn đặc biệt của các ban quân nhạc với mọi loại nhạc cụ, và thường được thấy ở các thuộc địa cũ của Anh thuộc Khối thịnh vượng chung.

“Abide With Me” hay “Ở Lại Với Thầy” - do nhà soạn nhạc người Tô Cách Lan Henry Francis Lyte viết vào năm 1847 - là bài thánh ca Kitô Giáo yêu thích của Mahatma Gandhi và đã trở thành bài hát chính trong buổi lễ “Đánh Trống Thu Quân” kể từ năm 1950. Nó nổi tiếng hơn nữa khi được chơi trong đám cưới của Elizabeth II với Hoàng thân Philip vào năm 1947 và được cho là đã được ban nhạc chơi trên tàu Titanic khi con tàu bị chìm vào năm 1912.

Bài thánh ca Kitô giáo đã bị Thủ tướng Narendra Modi theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo bỏ đi để thay bằng bài hát “Aye Mere Watan Ke Logon”, nghĩa là “Hỡi Đồng Bào Của Đất Nước Tôi” của Kavi Pradeep, một bài hát yêu nước được viết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962.

Các quan chức chính phủ cho biết không có lý do gì để chơi một bài thánh ca của Anh 75 năm sau khi độc lập, mặc dù nó có liên quan đến Gandhi.

Đức Cha Thomas Menamparampil, Tổng Giám mục hiệu tòa Guwahti, nói với Crux rằng một người Ấn Độ trung bình cũng cảm thấy “bị tổn thương nghiêm trọng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ cấp hình ảnh của Mahatma Gandhi,” người đã phổ biến “Ở Lại Với Thầy” ở Ấn Độ.

Xa hơn việc loại bỏ một bài Thánh Ca Kitô Giáo, Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng “cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do của Gandhi đang bị xem là một đường lối chính trị lỗi thời khi cả thế giới nhìn vào nó với sự ngưỡng mộ. Con đường thuyết phục này đại diện cho sức mạnh của trí thông minh và sự kiên định trong quyết tâm của xã hội.”

“Vinh quang của Mahatma không chỉ đơn thuần là đã tránh được sự hung hãn trong cuộc chiến giành tự do của mình; nó còn bao gồm việc mang lại các giá trị đạo đức và sự nhạy cảm của con người trước một tình huống chính trị đối đầu và một thế giới bạo lực rộng lớn. Thậm chí việc có suy nghĩ tôn trọng đối thủ và đưa ra cách thuyết phục nhẹ nhàng trong thời kỳ Chiến tranh giữa các quốc gia chỉ gào lên các từ ngữ loại trừ và hận thù thì quả là đáng kinh ngạc.”
Source:Crux
 
Ecuador: mưa và lũ lụt trên khắp đất nước, 25 người chết ở Quito. Các giám mục cho rằng đó là Những thảm họa có thể tránh được
Đặng Tự Do
04:56 11/02/2022


Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 25 người chết, 6 người mất tích và 53 người bị thương. Đó là con số thiệt hại do thời tiết xấu ở Quito, thủ đô của Ecuador, nơi một dòng bùn tràn vào một số ngôi nhà trong lâu đài Belisario Quevedo. Nhưng thời tiết xấu trong những ngày gần đây đã và đang ảnh hưởng đến một phần lớn đất nước, ở vùng Amazon, vùng núi Andean và vùng ven biển, với thiệt hại khủng khiếp, vẫn chưa thể định lượng được.

Theo Đức Tổng Giám Mục Luis Gerardo Cabrera Herrera, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ecuador, gọi tắt là CEE, “những thảm họa này là có thể tránh được. Trong những ngày gần đây, với nỗi đau đớn, chúng tôi đã thấy bao nhiêu anh chị em của chúng ta phải chịu đựng những cơn mưa dữ dội, lũ lụt do nước sông lên, và các hủy hoại môi trường khác. Chúng tôi tiếp tục tìm thấy xác của trẻ em, thanh niên, người lớn và người già. Là một Giáo Hội, chúng tôi ngay lập tức đặt mình phục vụ những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng ở Coca, Sucumbíos, Tena, Latacunga, Babahoyo, Montalvo, Durán, Quito và nhiều nơi khác”. Tuyên bố của Đức Cha Chủ tịch CEE nhấn mạnh rằng Caritas ở cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ đã không ngừng bảo đảm “thức ăn nóng, chăn, đệm, thực phẩm, chăm sóc y tế, trợ giúp tinh thần”.

Nhưng “nhiều thảm họa trong số này có thể tránh được nếu mỗi người hành động có trách nhiệm, đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích chung; nếu nhà nước lấy sự sống chết của người dân làm trục hành động của nó; nếu chúng ta tôn trọng thiên nhiên như một món quà của Đấng Tạo Hóa chứ không phải như một tài sản để khai thác”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cảm ơn tất cả những người Công Giáo Ecuador, những người nam nữ có thiện chí, những người tin tưởng vào hành động mục vụ của Giáo Hội, đã tham gia cứu trợ ngay lập tức cho hàng trăm nạn nhân, cũng như cảnh sát, quân đội, nhân viên cứu hỏa, dịch vụ khẩn cấp, những người làm việc không mệt mỏi và không có trong tay bao nhiêu tài nguyên. Cam kết của chúng tôi, ngoài hành động nhanh chóng, không dừng lại ở việc đồng hành với những người đã mất người thân, những người đã mất công sức của cả cuộc đời, bị chôn vùi trong bùn; nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hành động và chung sức để cuộc sống có thể bắt đầu lại”.
Source:SIR
 
Nữ tu 80 nghiện cờ bạc bị kết án tù vì biển thủ từ trường Công Giáo Los Angeles
Đặng Tự Do
16:00 11/02/2022


Trong một diễn biến thật đau lòng, một nữ tu Công Giáo và là hiệu trưởng trường trong nhiều năm đã bị kết án một năm tù vì tội biển thủ hơn 800,000 đô la từ một trường tiểu học ở khu vực Los Angeles.

Sơ Mary Margaret Kreuper khai trước tòa: “Tôi đã phạm tội, tôi đã phạm luật và tôi không có lý do gì để bào chữa. Hành động của tôi đã vi phạm lời khấn của tôi, các điều răn, luật pháp và trên hết, là sự tin tưởng thiêng liêng mà rất nhiều người đã đặt vào tôi. Tôi đã sai và tôi vô cùng xin lỗi vì những đau đớn và khổ sở mà tôi đã gây ra cho rất nhiều người”.

Sơ Kreuper 80 tuổi đã nhận tội vào tháng 7 năm 2021 vì tội lừa đảo và tham ô.

Sơ thừa nhận đã chuyển hơn 835,000 Mỹ Kim tiền quyên góp, học phí và lệ phí từ Trường Thánh Giuse ở Torrance từ năm 2008 đến năm 2018. Sơ được cho là đã sử dụng số tiền này để đánh bạc, đi du lịch và các chi phí cá nhân khác.

Một cuộc kiểm toán vào năm 2018 đã phát hiện ra vụ tham ô.

Ngoài thời gian thụ án, Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Otis D. Wright II cũng buộc Sơ Kreuper phải trả hơn 825.000 đô la cho trường như một khoản bồi thường.

Sơ Kreuper là hiệu trưởng tại Trường Công Giáo Thánh Giuse trong 28 năm.

Một nữ tu khác ban đầu liên quan đến vụ án đã không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào. Cả hai nữ tu đều nghỉ hưu vào năm 2018.

Các nữ tu là thành viên của Tỉnh Dòng Nữ Tu Thánh Giuse Cardondelet của Los Angeles. Vào năm 2018, cộng đồng đã từ chối bảo vệ hành động của hai nữ tu.

“Là một cộng đồng tôn giáo, chúng tôi sẽ không bảo vệ hành động sai trái của các nữ tu”, cộng đồng viết trong một tuyên bố năm 2018. “Điều đã xảy ra là sai. Các Sơ của chúng tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn họ đã đưa ra và phải tuân theo pháp luật.”
Source:Catholic News Agency
 
Tin tức xác nhận vị Giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu Peter Forster trở thành người Công Giáo
Đặng Tự Do
16:01 11/02/2022


Peter Forster, một cựu Giám mục Anh giáo của giáo phận Chester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo ở Tô Cách Lan năm ngoái, một trang tin tức của Anh Giáo đã đưa tin. Ông là giáo sĩ hàng đầu thứ ba của Anh Giáo trở thành người Công Giáo trong năm qua.

Church Times, một trang tin tức Anh giáo độc lập, đã xác nhận tin này trong một báo cáo ngày 4 tháng 2. Đức Cha Forster đã viết các bài đánh giá thường xuyên cho ấn phẩm cho đến hết năm 2019.

Đức Cha Forster đã lãnh đạo Giáo phận Anh giáo Chester trong hơn 22 năm và là giám mục phục vụ lâu nhất trong Anh Giáo, theo Premier Christian News. Giáo phận cũ của ngài có khoảng 273 giáo xứ. Đức Cha nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2019 ở tuổi 69 và chuyển đến Tô Cách Lan cùng bà vợ Elisabeth.

Tin tức về sự cải đạo của Forster khiến ông trở thành giám mục Anh giáo thứ ba gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái. Michael Nazir-Ali, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội vào tháng 9 và được thụ phong linh mục Công Giáo vào ngày 30 tháng 10. Jonathan Goodall, Giám mục Anh giáo của Ebbsfleet, đã từ chức vào tháng 9 để hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Cha Forster từng là thành viên của Ủy ban Anh Giáo và Công Giáo Rôma. Church Times cho biết: Ngài đã chỉ trích sự “trôi dạt” trong các mối quan hệ đại kết “từ tầm nhìn về sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn đến tầm nhìn về cơ bản đã bị suy yếu trong đó chấp nhận sự đa dạng.”

Vị giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu từng ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ trong Anh giáo và giáo phận Chester là nơi đầu tiên có giám mục nữ. Đồng thời, ông cũng chỉ trích đường lối của Anh Giáo đối với các giám mục nữ và cách thức điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ với các Giáo Hội Kitô khác. Ông cho rằng thật là “đáng kinh ngạc” khi Ủy ban Quốc tế Anh giáo- Công Giáo Rôma đã không công bố bất cứ điều gì về việc phong chức cho phụ nữ.

Anh Giáo đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 16, áp dụng một nền thần học và các thực hành bí tích khác biệt. Người đứng đầu Anh Giáo là quốc vương nước Anh, hiện là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Giáo Hội Công Giáo nói chung không công nhận các thánh chức của Anh giáo là có giá trị về mặt bí tích.
Source:Catholic News Agency
 
Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong cuộc xung đột Mỹ Nga đang leo thang
Đặng Tự Do
16:02 11/02/2022


Theo Đức Tổng Giám Mục Svatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga xung quanh Ukraine chủ yếu là do sự leo thang xung đột “giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Theo Đức Tổng Giám Mục, “Chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm và gây hấn chống lại Ukraine”. Ngài nhấn mạnh rằng quê hương của ngài thực sự đã bị Nga tấn công trong 8 năm qua.

Ngài nói: “Sự leo thang mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay không chỉ đơn giản là sự tiếp diễn của cuộc chiến ở Donbass, hay hậu quả của việc sáp nhập Crimea. Chúng ta đang chứng kiến sự leo thang xung đột giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong toàn bộ bối cảnh toàn cầu của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngài nói rằng lịch sử và vị trí địa lý của Ukraine khiến nó trở thành quốc gia bị “dễ thương tổn nhất. Chúng tôi đang ở tiền tuyến”.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là một vấn đề đối với người Ukraine. Nó có hậu quả đối với toàn thế giới, đối với Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các nước thành viên NATO.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ của Đức Giáo Hoàng tổ chức.

Ngài nói: “Chiến tranh là câu trả lời tồi tệ nhất cho các vấn đề, và chỉ ra rằng hy vọng của người Ukraine ngày nay nằm ở sự cầu nguyện và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, để tránh leo thang chiến tranh”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang tận mắt chứng kiến một sự sùng bái thần tượng thực sự về bạo lực đang gia tăng trên thế giới. Chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, phải nói 'không' thật to với hành động quân sự như một giải pháp cho các vấn đề. Chỉ có đối thoại, hợp tác và đoàn kết mới có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và khủng hoảng”.

Năm 2011, sau khi người tiền nhiệm về hưu, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk trở thành giám mục trẻ nhất lãnh đạo Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Ngài từng học tại Trung tâm Nghiên cứu Triết học và Thần học Don Bosco ở Buenos Aires, nơi ngài trở nên thân thiết với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hai vị đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma, và người Ukraine cảm thấy đủ tự tin để sửa sai vị Giáo Hoàng Á Căn Đình khi ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nói cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Người Ukraine coi đây không phải là một cuộc xung đột dân sự mà là một cuộc xâm lược của nước ngoài.

Nga đã xâm lược đất nước này sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ và ủng hộ Liên minh Âu Châu lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn vào năm 2014. Cuộc “Cách mạng Phẩm giá” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức Tổng Giám Mục Shevchuk và Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Cuộc lật đổ đã dẫn đến sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng, với việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và tuyên bố độc lập khỏi Ukraine của những người ly khai thân Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk của nước này.

Bạo lực tiếp theo trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kể từ đó đã giết chết hơn 14,000 người và buộc khoảng 1.5 triệu người phải di tản trong nước.

Vào Giáng Sinh vừa qua, Nga đã bố trí hơn 100,000 quân và thiết bị quân sự dọc theo ba khu vực trọng yếu ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, mặc dù nhiều nước, bao gồm Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Visvaldos Kulbokas, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi tình hình với “mối quan tâm”, mặc dù nói rằng ngài không thể cung cấp thêm chi tiết về các bước ngoại giao mà Tòa thánh đang thực hiện.

Tuy nhiên, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến giá trị của lời cầu nguyện “đối với việc hoán cải trái tim, đặc biệt là trái tim của các chính trị gia và phe dân quân”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm, “Mặc dù đa số người Ukraine theo Chính thống giáo, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới. Mỗi lời nói của ngài đối với tình hình Ukraine, được nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hoặc trong những dịp khác, đều rất quan trọng đối với chúng ta”.

Ngài nói thêm: “Người dân của chúng tôi rất chú ý đến từng lời mà Đức Thánh Cha ngỏ với 'Ukraine thân yêu' và những đau khổ của người dân Ukraine. Nhưng điều mà người dân Ukraine chờ đợi nhất từ Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm của ngài tới Ukraine. Khả năng chuyến thăm của ngài là kỳ vọng cao nhất của chúng tôi, và chúng tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó chuyến đi này sẽ được hiện thực hóa”.

Nhấn mạnh rằng con đường chiến tranh không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đề xuất ba câu trả lời cho tình hình, từ quan điểm “tôn giáo” chứ không phải quan điểm chính trị, hai câu trả lời đầu tiên là cầu nguyện và “đoàn kết với những người khó khăn”, “Đặc biệt là với những người già và dân số nghèo ở biên giới phía đông Donbass.

Ngài nói: “Câu trả lời thứ ba yêu cầu chúng ta trở thành những Kitô Hữu, là những người rao giảng về niềm hy vọng. Chúng ta tin rằng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta phải có ánh sáng này và báo trước tin vui cho những người đang sợ hãi, họ mất phương hướng, họ đói, họ lạnh”
Source:Crux
 
Cha Raymond J. de Souza: Tấn công Đức Ratzinger là phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:40 11/02/2022


Trong bài “Pope Benedict’s Departure From the Public-Relations Handbook”, nghĩa là “Đức Bênêđíctô Tách Ra Khỏi Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng”, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, nhận định rằng bất kể những tấn công cường tập hết sức vô lý nhắm vào nhân cách của ngài, phản ứng có chừng mực nhưng thẳng thắn, từ Giáo Hoàng Danh Dự đã giúp ích rất nhiều cho việc đọc lá thư về phương diện tâm linh.

Xin lưu ý với quý vị và anh chị em cụm từ “Public-Relations Handbook” hay “Cẩm Nang Quan Hệ Công Chúng” ở đây hiểu theo nghĩa bóng, không có nghĩa là một cuốn sách cụ thể nào cả. Chúng ta chẳng có một cuốn sách nào như thế cả, chớ có hiểu nhầm. Đó chỉ là cụm từ thường được dùng hiện nay để mỉa mai thái độ “im lặng là vàng” của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trước các cáo buộc bất kể chúng vô lý đến mức nào, chẳng hạn như báo cáo về tội lỗi lạm dụng tính dục tại Pháp, trong đó Jean-Marc Sauvé, tín đồ Tam Điểm, cáo buộc trung bình một linh mục lạm dụng ở Pháp đã lạm dụng hàng trăm trẻ em!

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong hơn 70 năm làm linh mục, Đức Joseph Ratzinger đặt cho mình sứ mệnh tìm kiếm và công bố sự thật; ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của mình là “những người cộng tác với sự thật”. Ngài đã làm chính điều đó trong phản ứng của mình trước cuộc điều tra ở Munich về lạm dụng tình dục, bảo vệ sự thật của vấn đề chống lại quan điểm thời thượng, và nâng cao toàn bộ vấn đề bằng cách đặt nó trong bối cảnh phụng vụ của tội lỗi, hoán cải, sự phán xét và ơn cứu rỗi.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã phản đối báo cáo của công ty luật Đức tiến hành cuộc điều tra, và nhóm pháp lý của ngài cho rằng các dữ kiện không hỗ trợ cho kết quả điều tra. Họ lập luận rằng bản thân cuộc điều tra đã thừa nhận “thiếu bằng chứng” và do đó đưa ra phán đoán chủ quan của riêng họ về những điều được cho rằng “rất có thể xảy ra”. Ý kiến của họ, không biện minh được và không được kiểm tra tại bất kỳ tòa án nào, không xác định được sự thật.

Nhà quan sát kỳ cựu các vấn đề về Vatican, John Allen, lưu ý rằng Đức Bênêđíctô không tuân theo “vở kịch” về quan hệ công chúng, trong đó các giám mục không dám tranh cãi về những phát hiện của những cuộc truy vấn như vậy, ngay cả khi một số tuyên bố người ta đưa ra rõ ràng là sai hoặc bị phóng đại, như trường hợp các cáo buộc ở Pennsylvania vào năm 2018, và ở Pháp vào năm ngoái 2021.

Đức Joseph Ratzinger không bao giờ tuân theo sách vở khi nói đến quan hệ công chúng. Trong khi hầu như tất cả các giám mục trên thế giới phải đợi đến sau những tai tiếng rầm rộ trên truyền thông mới có hành động chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục, thì chính Đức Hồng Y Ratzinger là người đã lãnh đạo những cải cách quan trọng của Vatican được đưa ra vào năm trước khi xảy ra vụ tai tiếng ở Boston.

Giờ đây, dư luận bị lèo lái đến mức người ta cho rằng không hợp thời khi khăng khăng đòi hỏi phải làm đúng thủ tục trong các trường hợp liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục và xem xét các cáo buộc một cách chính xác. Bất kể xu hướng đó, Đức Bênêđíctô không để mình bị cuốn theo chiều gió của kiểu quan hệ công chúng này.

Cha Federico Lombardi, người từng là phát ngôn viên Tòa Thánh dưới thời Đức Bênêđíctô, cho biết: “Tôi nghĩ việc ngài minh oan cho sự trung thực của mình là đúng. Bởi vì đó là một đặc điểm trong tính cách và hành vi của ngài trong suốt cuộc đời của ngài, mà tôi cũng có thể làm chứng cho điều này, khi đã sống gần gũi với ngài với tư cách là một cộng tác viên trong vài năm: việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che giấu những điều có thể gây đau đớn cho Giáo Hội khi phải thừa nhận; ngài không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh sai lệch về thực tại của Giáo Hội hoặc về những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người ta không thể nghi ngờ sự trung thực của ngài theo bất kỳ cách nào. Và ngài chứng thực điều này, và tôi tin rằng việc chấp nhận điều đó với sự tin tưởng và xác tín là đúng.”

Giáo Hội Công Giáo ở Đức hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc, trong đó cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đang bị lợi dụng bởi các hành lang quyền lực để đề cao các quan điểm không chính thống như một phần của “Tiến Trình Công Nghị”. Trong bối cảnh đó, sự chú ý một cách bất thường đến Đức Ratzinger trong thời gian vắn vỏi chưa đầy 5 năm làm tổng giám mục của Munich, diễn ra hơn 40 năm trước, là điều dễ hiểu. Tấn công Đức Ratzinger ở Đức là một phương tiện cho mục đích tối hậu là phá hoại đạo lý Công Giáo chính thống.

Thành ra, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Bênêđíctô đáp lại với quan điểm chính thống trên một cơ sở phụng vụ, đặt sự phục vụ Giáo hội lâu dài của mình trong bối cảnh của một tội nhân đang đứng trước mặt Chúa. Một tách biệt khác từ “vở kịch” quan hệ công chúng xảy ra khi Đức Bênêđíctô nói với tư cách là một môn đệ và mục tử Kitô, chứ không phải là người quản lý của một thực thể kinh doanh đang bị vây hãm, như thường thấy trong thái độ của hàng giáo phẩm Đức.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi ngày càng bị đánh động bởi thực tế là ngày này qua ngày khác, Giáo Hội bắt đầu cử hành Thánh Lễ - trong đó Chúa ban cho chúng ta lời của Ngài và chính bản thân Ngài - với lời thú nhận tội lỗi của chúng ta và lời thỉnh cầu xin Chúa thứ tha. Chúng ta công khai cầu xin Thiên Chúa hằng sống tha thứ [cho những tội lỗi mà chúng ta đã phạm] thiếu sót của chúng ta, gây ra bởi những lỗi lầm nghiêm trọng nhất của mình. Tôi thấy rõ rằng những từ “nghiêm trọng nhất” không áp dụng mỗi ngày và cho mỗi người theo cùng một cách. Tuy nhiên, ngày nào những từ ấy cũng khiến tôi đặt câu hỏi rằng liệu hôm nay tôi có nên nói về một lỗi nghiêm trọng nhất hay không. Và những điều ấy nói với tôi với niềm an ủi rằng dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi.”

Đề cập đến các cuộc gặp gỡ của mình “với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục,” Đức Bênêđíctô viết “bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra.”

Sau đó, Đức Bênêđíctô đã chuyển sang một trong những hình ảnh Kinh Thánh yêu thích của ngài để hiểu về cuộc sống của Giáo hội, đó là hình ảnh Chúa Giêsu ngủ trên thuyền trong khi cơn bão đe dọa. Ngài đã sử dụng hình ảnh này trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 2013. Lần này, Đức Bênêđíctô nói đến chuyện các tông đồ ngủ trong khi Chúa Giêsu trải qua những thống khổ trong vườn Giệtsimani, một đau khổ bao gồm nỗi đau của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Đức Bênêđíctô viết: “Tôi càng ngày càng đánh giá cao sự kinh hoàng và sợ hãi mà Chúa Kitô đã cảm thấy trên Núi Cây Dầu khi Ngài nhìn thấy tất cả những điều khủng khiếp mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong nội tâm. Đáng buồn thay, thực tế là trong những khoảnh khắc đó, các môn đệ đang ngủ thể hiện một tình huống mà ngày nay cũng đang tiếp tục diễn ra, và tôi cũng cảm thấy được kêu gọi phải trả lời.”

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô nhắc nhở độc giả của mình rằng các cáo buộc của công ty luật ở Munich cần được lưu ý, nhưng không được sợ hãi. Sự sợ hãi và run rẩy được dành cho những vấn đề nặng nề hơn nhiều so với những cuộc tranh cãi vô hình của nền chính trị giáo hội cay đắng của người Đức.

Người đàn ông gần 95 tuổi viết: “Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước tòa phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng chính Ngài đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Bức thư của Đức Bênêđíctô đã bị các nhà hoạt động bác bỏ, bị các luật sư bới lông tìm vết, và đang được tòa án dư luận xem xét. Đó là những phạm trù không thích đáng. Nó phù hợp hơn như một bài viết tâm linh.
Source:National Catholic Register
 
Liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh đang ló dạng ở chân trời?
Vũ Văn An
18:52 11/02/2022

Với động thái gần đây của Tòa Thánh cử nhiệm viên chức ngoại giao cao cấp nhất của mình khỏi Đài Loan đi làm sứ thần tại Rwanda, cộng đồng ngoại giao không khỏi có thắc mắc về mối liên hệ có thể có trong tương lai giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Chuyên gia về Vatican, Andrea Gagliarducci, ngày 11 tháng 2 vừa qua có bài nhận định như sau (https://www.catholicnewsagency.com/news/250360/are-diplomatic-relations-between-the-vatican-and-beijing-on-the-horizon):



Theo các nguồn tin của Vatican, việc thiết lập liên hệ ngoại giao với Bắc Kinh không ló dạng ở chân trời, bất chấp những gì một số cuộc bổ nhiệm gần đây có thể gợi ý.

Ngày 31 tháng 1, Vatican cho biết Đức Ông Arnaldo Catalan, tham vụ ngoại giao của mình ở Đài Loan, đã được cử nhiệm đến Rwanda, nơi ngài sẽ là sứ thần Tòa thánh.

Mấy ngày sau đó, tức ngày 5 tháng 2, Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu của Tòa thánh tại Hồng Kông, được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.

Các bổ nhiệm trên khiến hai phái bộ ngoại giao của Vatican có liên quan chặt chẽ với Trung Quốc không có viên chức cao cấp nào, khiến người ta đặt câu hỏi liệu Tòa thánh có đang thay đổi chiến lược ngoại giao của mình hay không.

Tòa thánh đã có một sứ thần ở Bắc Kinh. Nhưng vào năm 1949, khi Mao Trạch Đông nắm quyền, Trung Quốc và Tòa thánh đã cắt đứt liên hệ. Sứ thần Tòa thánh, Tổng giám mục Antonio Riberi, tị nạn năm 1951 tại Hồng Kông, khi đó là một lãnh địa bảo hộ của Anh, và từ năm 1952 tại Đài Loan.

Năm 1966, Tòa Khâm sứ được nâng lên thành Tòa Sứ thần, được chính thức gọi là Tòa Sứ Thần Cộng Hòa Trung Hoa, tên chính thức của Đài Loan.

Năm 1971, Liên Hiệp Quốc quyết định thay thế các đại diện của Đài Loan bằng các đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kể từ đó, Tòa thánh không còn bổ nhiệm Sứ thần tại Đài Bắc. Tòa Sứ thần luôn được lãnh đạo bởi một tham vụ ngoại giao, người thấp hơn Sứ thần một bậc. (Do đó, Đức Ông Catalan là nhà ngoại giao cao cấp nhất của Vatican tại Đài Bắc).

Nền ngoại giao Vatican cũng quan sát Trung Quốc từ một “phái đoàn nghiên cứu” đặt trụ sở tại Hồng Kông, có liên hệ với Tòa Sứ thần ở Phi luật tân. Năm 2016, Niên giám Giáo hoàng lần đầu tiên báo cáo trong phần chú thích địa chỉ và số điện thoại của phái đoàn này.

Do đó, sự ra đi của các Đức Ông Catalan và Herrera Corona dường như cho thấy có sự thay đổi đang diễn ra trong cả liên hệ Vatican-Đài Bắc và Vatican-Bắc Kinh. Vì nếu Tòa thánh muốn thiết lập liên hệ ngoại giao với Bắc Kinh, thì trước tiên Tòa thánh phải bác bỏ Đài Loan, nơi đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ là một tỉnh nổi loạn. (Tòa thánh là một trong 14 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan).

Nhưng theo một nguồn tin quen thuộc với chính sách ngoại giao Giáo hoàng, “ít có xác suất” liên hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh sẽ sớm được thiết lập.

Nguồn tin cho hay, trước hết, cả Đức Ông Catalan lẫn Đức Ông Herrera Corona “ít lâu nay đều đã chạy đua để được thăng cấp”. Việc họ được đề cử gần như đồng thời làm Sứ thần Tòa thánh là “đáng tiếc, nhưng không phải là một phần của bất cứ âm mưu hay kế hoạch nào”.

Quả tình Đức Giáo Hoàng cần bổ nhiệm các sứ thần mới, và một vài động thái khác có thể được dự kiến trong những tháng tới. Thí dụ, trước khi Đức Ông Catalan được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Rwanda và Đức Ông Herrera Corona tại Congo và Gabon, có 14 tòa sứ thần không có sứ thần lãnh đạo. Bây giờ, vẫn còn 12 sứ thần bị bỏ trống. Một số tòa rất quan trọng, chẳng hạn như Mexico, Venezuela và Liên minh châu Âu.

Vatican có 180 phái bộ đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Trong số này, 106 là các phái bộ đại diện thường trú. Ngoài ra, Tòa thánh có các Sứ thần được cử cho nhiều quốc gia. Vatican cũng thường mở văn phòng Sứ thần tại các quốc gia cần có đại diện thường trực. (Tòa cuối cùng được mở tại Armenia, mặc dù Sứ thần thường trú ở Georgia và đại diện cho Tòa thánh cả ở thủ đô Tbilisi của Georgia lẫn ở thủ đô Yerevan của Armenia).

Khoảng 10% các phái bộ thường trú hiện đang bị bỏ trống. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi sẽ có những động thái tiếp theo trong những tháng tới vì chúng đã được lên kế hoạch và là những thuyên chuyển cần thiết.

Tòa Sứ thần tại Đài Bắc và phái đoàn nghiên cứu tại Hồng Kông sẽ có lãnh đạo mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đang bị bỏ trống vào lúc này. Các tham vụ ngoại giao đã rời Đài Loan, nhưng Đức Ông Pavol Talapka, đệ nhất thư ký của tòa sứ thần, vẫn ở lại. Tại Hồng Kông, Đức Ông Alvaro Izurieta y Sea người Argentina, đến năm 2020 với tư cách là phó trưởng phái bộ và vẫn còn ở đó.

Nguồn tin từ Vatican khẳng định rằng hiện tại Trung Quốc không quan tâm đến việc có liên hệ ngoại giao với Vatican hay việc Vatican cắt đứt liên hệ với Đài Loan.

Nguồn tin giải thích, điều này là do, “mặc dù Trung Quốc rất khắt khe trong công khai với Đài Loan, nhưng có một lượng lớn thương mại giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Khoảng một triệu người Đài Loan hướng tới Trung Quốc đại lục để làm việc và sau đó quay trở lại Đài Loan”.

Nếu Tòa thánh cắt đứt liên hệ với Đài Loan, Trung Quốc sẽ “buộc phải đưa ra một số biện pháp theo dõi các mối đe dọa chống lại Đài Loan, như thế cũng khiến các mối liên hệ đối tác thương mại của nước này gặp rủi ro”.

Hơn nữa, ưu tiên trong các cuộc đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh là đàm phán lại thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục đã được nhất trí lần đầu vào năm 2018 và sau đó được gia hạn thêm hai năm vào năm 2020 trên cơ sở thử nghiệm. Sau đó, Trung Quốc và Tòa thánh sẽ phải quyết định xem nên xác nhận thỏa thuận, sửa đổi hay hủy bỏ nó.

Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, đã có năm giám mục được Tòa thánh bổ nhiệm với sự chấp thuận của cả Rôma lẫn Bắc Kinh. Nhưng tên của các giám mục mới vẫn chưa được đưa vào Niên giám Giáo hoàng, mặc dù bản tin của văn phòng báo chí Tòa thánh công bố cáo phó của các giám mục Trung Quốc.

Theo Niên giám Giáo hoàng, Trung Quốc được chia thành 150 tổng giáo phận, giáo phận và phủ doãn tông tòa trải rộng trên 20 tỉnh của giáo hội. Nhưng bức tranh này có từ năm 1950 bởi vì, kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền, các niên giám Giáo hoàng đã không được cập nhật. Các giáo phận của Trung Quốc được coi là bỏ trống, ngoại trừ Macao và Hồng Kông, những nơi có hoàn cảnh chính trị khác.

Việc phân chia các giáo phận khác nhau đối với các nhà chức trách Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 năm 2021 với Đài phát thanh Hồng Kông, Giám mục Fang Jianping của Hà Bắc, phó chủ tịch hội đồng giám mục Trung Quốc, lưu ý rằng Trung Quốc có 97 giáo phận và 40 giáo phận lúc đó không có giám mục. Do đó, ngài kêu gọi các giáo phận của đất nước nắm bắt thời điểm, sử dụng sự tin tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để nuôi dưỡng các giám mục tương lai và sau đó tấn phong họ trước khi thỏa thuận hết hạn.

Giám mục Hà Bắc cũng cho biết ngài “lạc quan” về việc thiết lập liên hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Bắc Kinh.

Nhưng vấn đề liên hệ ngoại giao, dường như, bây giờ, không có trên bàn thương thảo. Tuy nhiên, một bộ phận các nhà ngoại giao ở Vatican ủng hộ liên hệ ngoại giao với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải rời khỏi Đài Loan.

Về phần mình, Đài Loan đang nắm bắt mọi cơ hội để chứng tỏ sự gần gũi của mình với Tòa thánh. Khẩu hiệu mới của nó là “Đài Loan thân thiện - Fratelli Tutti,” có ý nhắc đến thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong những năm gần đây, Tòa Đại sứ Đài Loan bên cạnh Tòa thánh đã đặc biệt cam kết hỗ trợ các định chế của Tòa thánh và Giáo Hội Công Giáo qua các chương rình viện trợ nhân đạo. Thí dụ, vào tháng 10 năm ngoái, Đại sứ Matthew Lee đã trao 300 chiếc túi ngủ đa năng, phẩm chất cao được sản xuất tại Đài Loan cho giám đốc Caritas Ý, trong một buổi lễ có sự tham dự của một viên chức thuộc bộ phận người di cư và tị nạn của Thánh bộ Vatican về Cổ vũ Phát triển Con người Toàn diện.

Tòa thánh cũng đã gửi nhiều tín hiệu gián tiếp về sự gần gũi với Đài Loan. Năm 2017, đại hội quốc tế Tông Đồ Biển Khơi được tổ chức tại nước này. Năm 2018, một phái đoàn Lão giáo từ Đài Loan đã đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cũng trong năm 2017, hội nghị Phật giáo - Thiên chúa giáo lần thứ sáu do Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn tổ chức đã diễn ra tại Đài Loan.

Ngày 5 tháng 10 năm 2017, tại một hội nghị được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana để kỷ niệm 75 năm thiết lập liên hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Đài Loan, “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, đã nói với Đại sứ Lee rằng “Tòa thánh sẽ tiếp tục làm bạn đồng hành tận tụy của qúi vị trong đại gia đình các dân tộc, ủng hộ mọi sáng kiến góp phần vào đối thoại, cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ đích thực, và xây dựng những nhịp cầu huynh đệ và hòa bình vì lợi ích của mọi người”.

Bây giờ vấn đề là chờ đợi các bổ nhiệm mới cho tòa sứ thần ở Đài Bắc và phái bộ nghiên cứu ở Hồng Kông, cũng như theo dõi các tín hiệu cuối cùng sẽ dẫn đến việc tái tục thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa thánh về việc bổ nhiệm các giám mục. Nếu bất cứ điều gì cần thay đổi, nó sẽ được nhìn từ những biến cố này.
 
ĐTGM Gänswein nói về trào lưu muốn hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Bênêđíctô XVI
Đặng Tự Do
20:27 11/02/2022
Phát biểu với một tờ báo Ý, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 lưu ý rằng có những người 'không bao giờ yêu mến ngài như một cá nhân, không thích thần học của ngài, và triều đại giáo hoàng của ngài.'

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã tuyên bố rằng có một trào lưu không chỉ nhằm hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Bênêđíctô XVI mà còn coi những cáo buộc gần đây về việc giải quyết lạm dụng là cơ hội để xóa ngài khỏi ký ức chính thức của Giáo hội.

Trong các bình luận ngày 9 tháng 2 với nhật báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự cho biết ngài tin rằng có một phong trào “thực sự muốn phá hủy con người và sự nghiệp của Đức Bênêđíctô XVI”.

Có những người “không bao giờ yêu mến ngài như một cá nhân, không thích thần học của ngài, và triều đại giáo hoàng của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói thêm rằng các thành viên của phong trào này coi các cuộc tấn công gần đây chống lại ngài là “một cơ hội lý tưởng để thanh toán, giống như một cuộc săn tìm damnatio memoriae, nghĩa là một sự lên án ký ức để một người bị loại khỏi các trình thuật chính thức.”

Đức Tổng Giám Mục người Đức đã phát biểu ngay sau khi Đức Bênêđíctô công bố một bức thư cho các tín hữu vào hôm thứ Ba, trong đó vị Giáo Hoàng Danh Dự 94 tuổi bày tỏ nỗi buồn trước tội lỗi lạm dụng tính dục trong Giáo Hội mà trên cương vị một nhà lãnh đạo Giáo Hội ngài cảm thấy bị liên lụy, nhưng bác bỏ các cáo buộc nhắm vào ngài, và kêu gọi Giáo Hội đừng để bị tội lỗi lạm dụng tính dục làm tê liệt.

Ngài nói: “Mỗi trường hợp lạm dụng tình dục đều kinh khủng và không thể sửa chữa được. Những nạn nhân của lạm dụng tình dục có sự đồng cảm sâu sắc nhất của tôi và tôi cảm thấy rất đau buồn cho từng trường hợp riêng lẻ.”

Nhưng Đức Bênêđíctô phủ nhận rằng cá nhân ngài đã giải quyết sai các trường hợp lạm dụng, mỗi trường hợp đều được nêu chi tiết trong phụ lục của lá thư do bốn luật sư thay mặt cho Đức Bênêđíctô XVI biên soạn. Ba vị tiến sĩ về giáo luật và một luật sư cho biết tất cả bốn cáo buộc chống lại ngài trong một báo cáo mới được công bố về lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Munich và Freising đều là sai sự thật.

Đức Bênêđíctô bị buộc tội có sơ suất trong việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục khi ngài còn là Đức Tổng Giám Mục của Munich và Freising từ năm 1977 đến năm 1982, nhưng các luật sư khẳng định rằng vào thời điểm đó, Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger không hề biết rằng các linh mục được nêu có liên quan đến tội lỗi lạm dụng tình dục.

Trong một bản ghi nhớ 82 trang mà họ đã thay mặt Đức Bênêđíctô đệ trình cho các nhà điều tra Munich, họ đã nhầm lẫn tuyên bố rằng ngài không tham gia một cuộc họp vào năm 1980 để thảo luận về việc cho phép một linh mục đến tổng giáo phận trị liệu.

Tiến sĩ Korta đã vô tình mắc phải lỗi phiên âm và ghi nhầm rằng Đức Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980. Người ta không thể gán lỗi phiên âm này cho Đức Bênêđíctô XVI như là một lời tuyên bố sai sự thật có ý thức hoặc một “lời nói dối”.

Hơn nữa, sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu Đức Bênêđíctô cố tình phủ nhận sự hiện diện của ngài tại cuộc họp: trên thực tế, biên bản cuộc họp được đưa ra bởi Đức Joseph Ratzinger. Do đó, sự hiện diện của Đức Joseph Ratzinger là hiển nhiên. Hơn nữa, một tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI được xuất bản vào năm 2020 cho biết: “Với tư cách là một giám mục, trong cuộc họp Giáo Vụ năm 1980, ngài chỉ đồng ý rằng linh mục được đề cập có thể đến Munich để trải qua liệu pháp tâm lý”

Tuy nhiên, các kẻ thù của Đức Bênêđíctô đã sử dụng cái lỗi bé tí này để phát động các cuộc tấn công vào danh dự của ngài.

Giám mục Georg Bätzing, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, yêu cầu Đức Bênêđíctô XVI phải xin lỗi vì đã giải quyết sai các trường hợp lạm dụng đồng thời ông bày tỏ sự cảm kích đối với Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng giám mục đương nhiệm của Munich, mặc dù Đức Hồng Y Marx phải đối mặt với ít nhất hai trường hợp chính ngài giải quyết sai.

Cuộc tấn công hèn hạ

Trong cuộc phỏng vấn với Corriere della Sera, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng bất kỳ ai biết Đức Bênêđíctô đều “biết rằng cáo buộc nói dối là vô lý” và nói thêm rằng “cần phải phân biệt giữa mắc một lỗi nhỏ và nói dối.”

Ông đề cập đến những nhận xét được đưa ra trên tờ Quan Sát Viên Rôma của Đức Hồng Y Fernando Filoni, người đã viết về “sự trung thực sâu sắc và rất cao về mặt đạo đức và trí tuệ” của Đức Bênêđíctô và giải thích rằng “Tôi không bao giờ tìm thấy ở ngài bất kỳ bóng tối hay cố gắng che giấu hoặc giảm thiểu bất cứ điều gì.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô XVI đã đọc bài báo đó. Không có ai gợi ý hay yêu cầu Đức Hồng Y Fernando Filoni viết bài đó, nhưng ngài viết theo lương tâm mình. “Những người thân cận với Đức Bênêđíctô đều biết rõ Đức Joseph Ratzinger- Bênêđíctô XVI đã nói gì và làm gì liên quan đến toàn bộ vấn đề về tội ấu dâm”.

“Ngài là người đầu tiên hoạt động với tư cách là một Hồng Y và sau đó ngài tiếp tục đường lối minh bạch với tư cách là Giáo hoàng,” Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiếp tục. “Ngay từ triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã thay đổi tâm lý hiện tại và đặt ra đường lối mà Giáo hoàng Phanxicô đang tiếp tục.”

Thư ký riêng lâu năm của Đức Bênêđíctô nói rằng, “thật không may, nhiều người đã bị lừa bởi cuộc tấn công hèn hạ này; có rất nhiều bùn được ném. Đó là một thực trạng đáng buồn”. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nói rằng mặc dù Đức Bênêđíctô vẫn “rất yếu, như một lẽ tự nhiên ở tuổi của ngài, sự yếu đuối về thể chất không làm mất đi sự hiện diện tinh thần và trí tuệ của ngài.”

Các cuộc tấn công nhằm vào Đức Bênêđíctô XVI diễn ra vào khoảng thời gian diễn ra cuộc họp toàn thể quan trọng của “Tiến Trình Công Nghị” của Đức, cuộc họp cuối tuần qua đã bỏ phiếu để kêu gọi những lời chúc phúc cho người đồng tính; những thay đổi đối với Giáo lý về đồng tính luyến ái; phong chức linh mục cho phụ nữ; bãi bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo hội Latinh; và truất quyền Giáo Hoàng trong việc bổ nhiệm Giám Mục để trao cho giáo dân quyền bầu các tân giám mục.


Source:National Catholic Register
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Đồng Hành
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
21:50 11/02/2022
Thượng Hội Đồng Giám Mục Về “Đồng Hành” (Synodality)

Thượng Hội Đồng về Đồng Hành là gì?

Ngày 10 tháng 10, 2021, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) đã khai mở Thượng Hội Đồng (THĐ) Giám Mục Thế Giới với chủ đề: “Cho một Giáo Hội Đồng Hành: Hiệp Thông, Tham Gia, và Sứ Vụ.” THĐ này sẽ kéo dài trong hai năm (2021-2023) và sẽ là một cuộc hành trình của chia sẻ, suy ngẫm, và lắng nghe từ tất cả các thành phần trong toàn thể Giáo Hội.

Thượng Hội Đồng (Synod) là gì?

Là một cuộc hội họp, theo truyền thống, của các Giám Mục, để giúp Giáo Hội cùng tiến về một hướng. Chữ THĐ (Synod) có nguồn từ chữ Hy-lạp σύνοδος (syn-hodos), có nghĩa là “cùng một hướng hay cùng một đường. THĐ đã thường được tổ chức vào thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội Kitô, giúp các Giám Mục có những cơ hội gặp gỡ và thảo luận về những vấn đề quan trọng của đời sống Giáo Hội.

Năm 1965, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập THĐ Giám Mục (GM) ở mức độ toàn cầu cho Giáo Hội. Ngài muốn có một phương cách để tiếp tục sự trao đổi huynh đệ và tập đoàn đã có từ thời Đệ Nhị Công Đồng Vatican (1962-1965). Từ đó, các THĐ đã được tổ chức cứ 2 hay 3 năm một lần, để thảo luận về các đề tài như: Phép Thánh Thể, Lời Chúa, Trung Đông, Tân Phúc Âm hóa, Gia Đình, Giới Trẻ, và vùng rừng Amazon ở Nam Mỹ. Trong từng trường hợp, các GM bỏ phiếu chấp thuận một tài liệu chung, rồi ĐGH, tự ngài, công bố một Tông Huấn (apostolic exhortation) - mở những đường lối và chiếu tia sáng mới về những điều đã được thảo luận trong THĐ để lan tỏa đến toàn thể Giáo Hội.

Có gì đặc biệt của “THĐ về Đồng Hành” lần này?

Không như các THĐ trước, THĐ này không nói về một vấn đề đặc biệt nào đó nhưng về việc trở nên con người mà Chúa kêu gọi chúng ta phải là, như một Giáo Hội, tất cả chúng ta phải cùng nhau, giữa thực trạng của thế giới ngày nay.

THĐ lần này là hoàn toàn chưa từng có, vì, trước hết, THĐ không chỉ kéo dài một tháng của các GM, nhưng là một tiến trình đồng hành (synodal process) kéo dài đến hai năm, cho toàn thể dân Chúa, là tất cả những người đã chịu Phép Rửa. Tất cả đều được mời gọi và không bỏ sót hay loại trừ ai. Thứ hai, chủ đích của THĐ là giúp toàn thể Giáo Hội trải nghiệm “cuộc đồng hành” (synodality). Không phải chỉ trả lời “những câu hỏi gợi ý” nhưng là gặt hái những hoa trái mà Đức Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta ngay tại đây và bây giờ. Thứ ba, mục tiêu của THĐ là không chỉ NÓI về “đồng hành” (synodality) nhưng thực hiện việc “đồng hành” từ giờ trở đi, trong mỗi giáo phận, giáo xứ, và quốc gia trên toàn thế giới. Điều này kêu gọi tất cả chúng ta, tại mỗi cấp bực của Giáo Hội, đổi mới cách sống và cùng hành động để tiến tới.

Vậy, “đồng hành” (synodality) là gì?

Đồng hành, tự cơ bản, là cùng du hành, là cùng bước đi với nhau. Điều này xảy ra qua việc lắng nghe lẫn nhau để nhận được điều Chúa đang nói với chúng ta. Qua việc nhận ra rằng Đức Chúa Thánh Thần có thể NÓI qua bất cứ ai để giúp chúng ta cùng bước đi trên cuộc lữ hành như là đoàn dân của Chúa. “Cùng bước đi” là trọng điểm để định nghĩa về Giáo Hội, như dân Chúa trên đường hành hương giữa lòng thế giới.

Trong thời Giáo Hội sơ khai, Thánh Gioan Chrysostom (Kim Khẩu) đã nói rằng, theo ngài, “Giáo Hội” và “Đồng Hành” (Synod) có đồng nghĩa, vì Giáo Hội là cùng nhau bước tới. Trong nghĩa này, Đồng Hành là cách Giáo Hội canh tân từ gốc rễ sâu thẳm nhất để hợp nhất với nhau và thi hành sứ vụ của chúng ta tốt hơn, trong thế giới. “Đồng Hành”, cụ thể, là cách sống và làm việc đòi hỏi một sự tiếp cận ở mức độ cơ bản và nhiều hợp tác, phân định lâu dài về con đường cùng tiến tới.

Đồng Hành làm nổi bật một sự thật rằng tất cả chúng ta đều có điều gì quý giá để đóng góp cho Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Trong cách này, “Giáo Hội đồng hành” (synodal Church) là một Giáo Hội lắng nghe: “Lắng nghe lẫn nhau để mỗi người đều học được điều gì đó. Giáo dân, GM, ĐGH, tất cả đều lắng nghe lẫn nhau, và tất cả lắng nghe Đức Chúa Thánh Thần, ‘Thần Trí của Chân Lý’ (Gioan 14:17), để nhận biết điều Ngài đang nói với Giáo Hội.” (Phát biểu của ĐGH Phanxicô tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập THĐ.GM. Thế giới. 15/10/2015). Điều này, một cách tự nhiên, kêu gọi chúng ta thay đổi những cách hành động để trở nên con người chính thực hơn của chúng ta, như một Giáo Hội: Cùng bước tới, giữa lòng nhân loại, hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.

Nhưng tại sao lại là “Đồng Hành về Đồng Hành?” (Synod on Synodality)

Một THĐ (một “Đồng Hành) về Đồng Hành nghe có vẻ như xem một phim (movie) về những phim hay đọc một cuốn sách về những cuốn sách hoặc một giấc mộng trong một giấc mộng. Nhưng tiên vàn, THĐ này là một lời mời gọi toàn thể Giáo Hội lên tiếng và được lắng nghe. Không Kitô hữu nào “là một hòn đảo” (bị lẻ loi). Qua THĐ này, Giáo Hội đang nói rằng: tiếng nói của mỗi người đều quan trọng vì Chúa có thể nói qua bất cứ ai - không chỉ là các GM, LM, Phó Tế, nam nữ Tu Sĩ nhưng là TẤT CẢ CHÚNG TA.

ĐGH Phanxicô đã phát biểu rằng sự tiếp cận hợp tác, bao hàm của Đồng Hành chính xác là “con đường mà Chúa kỳ vọng vào Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.” Đây thực sự là một cuộc cách mạng của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội rằng Chúa đang kêu gọi chúng ta trở nên những con người xứng đáng, cho tương lai, và bắt đầu từ hôm nay.

THĐ là một cuộc đối thoại mở về những vấn đề mục vụ cụ thể

Không nên lầm lẫn THĐ như là một cuộc tranh luận chính trị. ĐGH nói: “THĐ không phải là một nghị viện, nhưng là một khoảng không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Thần hành động.” Ông Dario Vatali, tư vấn, tổng thư ký của THĐ, đã nói: “Trong một thể chế dân chủ, một cách tổng quát, ý kiến của đa số quyết định mọi sự. Trong Giáo Hội Đồng Hành, nguyên tắc xếp đặt cuộc sống của Giáo Hội là “sensus fidei” (được hiểu là: Tri giác của các giáo hữu - the sense of the faithful). Đây là tiếng nói của Chúa Thánh Thần biểu lộ qua các Kitô hữu.

Một trong những cải cách quan trọng trong triều đại Giáo Hoàng của ĐGH Phanxicô là tông hiến “Episcolapis Communio” (Sự Hiệp Thông của các GM) là những nguyên tắc và qui định cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Tòa Thánh đã gửi một tập “câu hỏi gợi ý” đến tất cả Kitô hữu trên thế giới (qua các giáo phận), những cuộc hội thảo, ý kiến này sẽ được hoàn tất trước phiên họp của HĐGM quốc gia. Bản phúc trình những kết quả sẽ là tài liệu hướng dẫn cho những GM sẽ tham gia THĐ.GM. Thế Giới. Cùng với tông huấn “Episcopalis Communio”, ĐGH còn gửi một thông điệp đến tất cả những GM, LM, Tu Sĩ, và Giáo Dân, rằng không nên quên Giáo Hội không chỉ là phẩm trật, nhưng còn là tất cả những người đã chịu Phép Rửa.

Một vài tiếng nói

ĐGH Phanxicô đang tổng kết cuộc hành trình, bắt đầu từ các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm để nhấn mạnh một chiều kích thiết yếu của Giáo Hội, đó là: ĐỒNG HÀNH (Synodality). Ngài nói: “Đồng Hành là con đường mà Chúa kỳ vọng vào Giáo Hội ở thiên niên ký thứ ba.”

Philip Goyret của Giáo Hoàng Đại Học Thánh Giá (Pontifical University of the Holy Cross) đã nói: “Chúa Giêsu lập Giáo Hội và trao cho các Tông Đồ. Điều này có thể làm cho người ta hiểu rằng Giáo Hội là một hệ thống kim tự tháp. Đã có những sự thật và vài sự không hoàn chỉnh ở đây, vì một GM không phải là một ông vua.”

Tiến sĩ Jessica Murdoch, Phó Giáo Sư môn Thần Học Cơ Bản và Tín Điều của Đại Học Villanova (Mỹ) đã nói rằng: “Nói một cách thực tế thì THĐ là một ủy ban tư vấn. Là một ủy ban giúp ĐGH cách thảo luận những vấn đề đương đại, và nhận những phản hồi và tư vấn từ hàng Giám Mục. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI có thể đã tạo ra khuôn mẫu này, nhưng trong thực tế thì các ĐGH đã luôn làm điều này, tham khảo ý kiến với các GM về nhiều vấn đề khác nhau, cách này hay cách khác.”

Bà Murdoch tiếp tục rằng: “Đồng hành, như một ý tưởng, thực sự chỉ có nghĩa bằng hữu. Là cách mà các thành phần khác nhau của Giáo Hội cùng hòa hợp như Nhiệm Thể của Chúa Kitô.” Điều này xem ra đơn giản, nhưng vẫn rất dễ bị giải thích lệch lạc. “Sự rủi ro ở đây là khi đến với nhau, chúng ta sẽ có một Giáo Hội nhạt nhẽo, với mỗi thành phần hành động như nhau.” Và: “Có một sự phong phú bao la giữa các đặc sủng đa dạng trong Giáo Hội, và mỗi thành phần đóng một vai trò thích hợp. Nhưng khi mỗi người cố đóng vai trò của người khác, thì chúng ta không những mất đi sự phong phú đó mà “nhiệm thể” cũng không thể hoạt động bình thường.

Tháng 3, 2018, Ủy Ban Thần Học của Thánh Bộ về Đức Tin và Tín Điều đã xuất bản một tài liệu có tựa đề: “Đồng hành (Synodality) trong cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội.”

Tài liệu ghi nhận rằng trong lịch sử của Giáo Hội, các chữ thượng hội đồng (synods) và công đồng (councils) là những từ có thể thay thế nhau trong những cuộc hội họp chính thức của Giáo Hội. Tài liệu thêm rằng quan điểm hiện đại hơn về một THĐ như một điều tách biệt khỏi một công đồng, chỉ xuất hiện sau Công Đồng Vatican II, và sự phát triển của nó được theo sau bởi thuyết tân học hay việc sử dụng những chữ mới (neologism), như chữ synodality.

Ủy ban này tiếp rằng nói về Giáo Hội như “đồng hành” (synodal), tự bản chất, là điều mới lạ và đòi hỏi “một sự cẩn thận làm rõ về thần học.” Nguyên tắc của đồng hành (synodality) được đặc biệt định nghĩa là “hành động của Thần Khí trong sự hiệp thông của Nhiệm Thể Chúa Kitô và trong hành trình loan báo Tin Mừng của dân Chúa.”

Sensus fidei (được hiểu là: Tri giác của các giáo hữu)

Sensus fidei là một ý tưởng khác thường được trích dẫn để thúc đẩy một sự tiếp cận hợp tác nhiều hơn hay làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo Hội. Cũng như “synodality”, “tri giác của các giáo hữu” (Sensus fidei) dễ bị hiểu lầm và giải thích sai lạc.

LM Thomas Petri, OP, một nhà thần học luân lý và là phó giám đốc, trưởng khoa giáo hoàng về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại các viện nghiên cứu Đa Minh ở Washington, DC, nói rằng, cũng như “synodality”, “sensus fidei” đã là một một lối diễn tả của sự hiệp thông thích hợp giữa những thành viên của Giáo Hội.

Một vài người đề nghị rằng “sensus fidei” có thể được hiểu là trao quyền cho các tín hữu, cách cá nhân hay tập thể, để sử dụng một loại quyền bính tách biệt với phẩm trật (hierarchy), hay trên cả tông truyền của Giáo Hội. Điều này không đúng, cha Petri nói: “Một vài bình luận gia dường như thu gọn “sensus fidei” thành một lối diễn tả ‘kinh nghiệm cá nhân’ của bất cứ cá nhân hay tập thể nào. Đây là một sự làm nghèo đi điều mà ‘sensus fidei’ phải là và mang rủi ro ca tụng kinh nghiệm của con người như bình chứa của mặc khải, ngang hàng với Kinh Thánh và Tông Truyền.”

Phẩm trật của năng quyền (order of authority)

Bà Murdoch còn cảnh báo về những diễn giải nhằm phủ nhận phẩm trật năng quyền quan trọng của Giáo Hội. Giáo Hội dạy rằng “phẩm trật năng quyền” đã được thành lập cách thiêng liêng. Cấu trúc thiết yếu của năng quyền này: Giáo Dân được hướng dẫn bởi các LM, cai quản bởi các GM, dưới quyền ĐGH, đã được thành lập cách thiêng liêng. Những cấu trúc khác như: Hội đồng giáo xứ (parish council, khác với HĐ mục vụ: pastoral council), Hội đồng GM, hay Thượng Hội Đồng GM, mặc dù được coi là hữu ích nhưng không được nhìn nhận là một phần của cấu trúc phẩm trật được thành lập cách thiêng liêng của Giáo Hội.

Trong khi THĐ (synod) đã và đang được định đặt để khích lệ sự hiệp thông giữa các GM, và với ĐGH. Bà Murdoch nói rằng rất quan trọng để nhớ rằng THĐ là một tổ chức của con người, không phải thiêng liêng (divine). “Cuối cùng thì các GM dưới quyền của ĐGH, và Giáo Hội thì dưới quyền năng của Chúa. Cho nên, một sự hiểu sai về “synodality” sẽ san phẳng phẩm trật năng quyền đã được thiết định để trở nên “đa số chủ nghĩa.” Trí khôn tập thể và quan điểm của các GM, và những vị khác trong Giáo Hội, có thể chắc chắn là dụng cụ quan trọng nhưng cũng có những giới hạn rõ ràng.”

Không có việc đong đo nào của sự thảo luận, tranh luận, hay bầu phiếu trong THĐ có thể thay thế những nguồn năng quyền chân chính trong Giáo Hội. Những nguồn đó được mặc khải thánh thiêng và huấn quyền (magisterium) không lay chuyển, được truyền xuống bởi Hội Thánh cùng với, và được bảo vệ, bởi quyền năng của ĐGH. Khi người ta sao lãng những điều này, bà Murdoch nói, các THĐ có thể và đã bị sai lầm. “Đã có một số THĐ cố thay đổi hay tương đối hóa (relativize) những nguồn năng quyền chân chính này trong Giáo Hội.” (Kinh nghiệm tản quyền đã đưa đến những sự phân chia thảm hại trong các giáo hội Anh Giáo và Chính Thống Giáo.)

Cha Petri đã đồng ý về điều này và ghi nhận rằng ĐGH đã cảnh cáo về việc tổng hợp (conflating) cách trí tuệ hay xã hội những tư tưởng được cho là “hợp thời” với những phát triển chân chính trong Giáo Hội. Ngài nói: “Trong tông huấn ‘Episcopalis communio’, tôi đã lưu ý rằng không nên nhầm lẫn “sensus fidei” (Tri giác của các giáo hữu) với những thay đổi trong dư luận quần chúng.” Và, “một sự diễn tả xác thực thì được liên tục với giáo huấn chân chính, đến từ một cuộc sống được hình thành bởi Lời Chúa trong thâm tâm của Giáo Hội, và không chỉ tìm kiếm sự cứu rỗi của riêng mình nhưng cả những tha nhân cho sự phát triển của Giáo Hội và sự thăng tiến của Vương Quốc của Chúa.”

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp
 
VietCatholic TV
Dominicans pray for Fr. Joseph Tran Ngoc Thanh, demanding justice
VietCatholic Media
04:41 11/02/2022

1. Details emerge about man accused of murdering priest in Vietnam

Fr. Joseph Tran Ngoc Thanh, O.P., was murdered while hearing confessions just after celebrating Holy Mass.

A bishop in Vietnam has released a letter that sheds light on the possible motives of the man accused of murdering a Dominican priest on January 29.

Nguyen Van Kien was charged with murdering Fr. Joseph Tran Ngoc Thanh, while the Dominican priest was hearing confessions on January 29.

Stabbed several times, Fr. Thanh was taken to the hospital but died of his wounds hours later.

“He was also paranoid about being bullied and prevented from getting married”

Bishop Aloisius Nguyen Hung Vi of the Kontum diocese, where Fr. Thanh served as a missionary priest, released an open letter to clear up “confusion” about Kien’s motives.

“From the information obtained from his parents, Kien is not insane in the usual sense … he is lethargic and does not practice faith,” the bishop wrote, as reported by VirCatholic News.

“Kien is from a Catholic family. His parents are kind and devout. He has two brothers and one sister, and his sister stays at a Church-run hostel,” he wrote.

The article in VietCatholic News summarized the bishop’s letter:

“Kien could work on farms and repair motorbikes and other things. He would also sometimes get mad, mess around, loudly curse other people, smash television sets — even the altar in his house — and even beat his family members. He was also paranoid about being bullied and prevented from getting married, the bishop added.”

“We hope the confusion surrounding this painful event will soon be brought to light,’ the bishop wrote, in what VietCatholic News said was a reference to rumors circulating the diocese about what motivated Kien to attack the priest.

Dominican community mourns brother

In a letter to his Dominican brothers and sisters around the world, Fr. Thomas Nguyen Truong Tam, O.P., the Prior Provincial of the Dominican Order in Vietnam professed his gratitude for the condolences and prayers the community had received after the priest’s tragic death.

“It was shocking and stunning to learn of the horrific death of our beloved Brother Joseph Tran Ngoc Thanh, O.P., who selfishlessly gave his life to the Lord at his confessional last Saturday night. Even now, it is hard for me to tell you what we have gone through. We have just lost a very nice and holy brother and we did mourn and grieve over his passing away, “ he added.

“With the belief that ‘the blood of the martyrs is the seed of the Church’ (Tertullian), we hope fr. Joseph Thanh’s blood shall not frighten us but strengthen us instead to devote our life to preach the Word of God and to serve our brothers and sisters in our mission sites,” Fr. Thanh continued.

2. Archbishop Aupetit: Pope Francis asked me to stay in Congregation of Bishops after Paris resignation

Archbishop Aupetit: Pope Francis asked me to stay in Congregation of Bishops after Paris resignation

Archbishop Michel Aupetit said on Friday he will stay on in his position as a member of the Vatican’s Congregation for Bishops, after receiving encouragement from Pope Francis.

In an interview with Vatican News on Feb. 4, Aupetit said Pope Francis “renewed his support for me” and again said he thought the former archbishop of Paris had been a “victim of hypocrisy and clericalism.”

“He also wanted to show his confidence by asking me to remain in the Roman Congregation for Bishops, of which, as you know, I am already a member, and where I come every two weeks,” Aupetit told the French webpage of the Vatican’s news office.

The Congregation for Bishops is the department of the Roman Curia responsible for identifying and selecting candidates for bishop, before presenting them to the pope for a final decision.

Aupetit submitted his resignation to Pope Francis in late November 2021 after the magazine Le Point published a report portraying the archbishop as a divisive and authoritarian figure.

The report also raised concerns about Aupetit’s contacts with a woman dating back to 2012, when he was vicar general of the Archdiocese of Paris. The 70-year-old archbishop has said he was not in a relationship with the woman.

Pope Francis accepted Aupetit’s resignation on Dec. 2, but later expressed doubt about the validity of the criticisms against the archbishop.

During an in-flight press conference on Dec. 6, 2021, the pope told journalists he had accepted Aupetit’s resignation because the archbishop had “lost his reputation so publicly.”

Aupetit told Vatican News on Feb. 4 that he and Pope Francis also spoke at length about the situation of the Catholic Church in France, and about the retired archbishop’s plans for charitable projects.

3. Australian police officer stops Catholic Mass to check for masks

Parishioners recalled the incident as “troubling” and “confronting.”

A Catholic Mass in Perth, Australia, was disrupted when police officers stormed in to check if congregants were wearing masks. The authorities interrupted the liturgy after receiving tips about improper mask behavior in St. Bernadette’s Catholic Church, in Mount Hawthorn.

The incident

The city of Perth has very strict COVID-19 regulations, which require masks to be worn at all indoor public events. A photograph circulating among news outlets shows the officer in question standing in the nave to check the details of the parishioners.

Patrick Horneman, who took the photo, wrote in the caption:

“During a Catholic Mass in Perth tonight a policeman allowed himself in, strutting up the aisle demanding correct mask behavior and checking exemptions.”

According to The West Australian, police found five unmasked people in the pews and only one had proof of an exemption. After briefly speaking with the “offenders” the police reportedly left the church and the Mass continued. Still, the encounter was described by some parishioners as “troubling” and “confronting”.

In an interview with Perth Now, a parishioner identified as Matthew recalled the reaction of the congregation:

“Everyone was sort of pretty stunned, I suppose. Then as soon as it started it was sort of over as he left.” Matthew said people were left shaken by the incident. “It’s just pretty confronting seeing police vests and stuff in church,” he noted, adding “He didn’t remove his hat, which is pretty disrespectful in that environment.”

Police statement

The authorities have yet to issue a formal apology to members of St. Bernadette’s. Instead, they have released a statement which seems to attempt to justify the move. Perth Police said:

“On Thursday evening, police responded to a report from a member of the public of people not wearing masks inside a church in Mount Hawthorn,” they said. “Upon attendance, five people were spoken to by police and complied in wearing a mask. One person provided proof of an exemption.”

Archdiocese of Perth

The Catholic Archdiocese of Perth has called the incident “highly regrettable.” According to 7News, Archbishop Tim Costelloe remarked:

“It is my hope that other ways can be found to deal with this delicate issue in future and my office stands ready to cooperate with the police in this matter. It is the formal and very public policy of the Archdiocese of Perth to do everything it can to facilitate compliance with all the government’s requirements in relation to the COVID-19 pandemic.” The Archbishop added, “It is a matter of regret to me that the police were placed in a position which led them to take the action they did.”
 
Linh mục trừ tà tiết lộ những gì thấy lù lù trước TV. Modi loại bỏ bài thánh ca khỏi ngày quốc lễ
VietCatholic Media
04:50 11/02/2022


1. Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc loại bỏ bài thánh ca của Kitô giáo khỏi Ngày Cộng hòa của Ấn Độ gây ra 'đau đớn'

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã than thở về việc loại bỏ bài thánh ca “Abide With Me”, nghĩa là “Ở Lại Với Thầy”, khỏi các lễ kỷ niệm hàng năm đánh dấu Ngày Cộng hòa.

Theo truyền thống, bài hát được phát trong buổi lễ “Beating Retreat”, nghĩa là “Đánh Trống Thu Quân” diễn ra vào ngày 29 tháng Giêng, ba ngày sau Ngày Cộng hòa, cử hành vào ngày 26 tháng Giêng.

“Beating Retreat” hay “Đánh Trống Thu Quân” là một buổi lễ quân sự có từ thế kỷ 17 ở Anh và lần đầu tiên được sử dụng để triệu hồi các đơn vị tuần tra gần đó về lâu đài. Sau này, “Đánh Trống Thu Quân”, không còn ý nghĩa “thu quân” nguyên thủy nữa, cũng không chỉ giới hạn trong việc “đánh trống”, mà là một buổi biểu diễn đặc biệt của các ban quân nhạc với mọi loại nhạc cụ, và thường được thấy ở các thuộc địa cũ của Anh thuộc Khối thịnh vượng chung.

“Abide With Me” hay “Ở Lại Với Thầy” - do nhà soạn nhạc người Tô Cách Lan Henry Francis Lyte viết vào năm 1847 - là bài thánh ca Kitô Giáo yêu thích của Mahatma Gandhi và đã trở thành bài hát chính trong buổi lễ “Đánh Trống Thu Quân” kể từ năm 1950. Nó nổi tiếng hơn nữa khi được chơi trong đám cưới của Elizabeth II với Hoàng thân Philip vào năm 1947 và được cho là đã được ban nhạc chơi trên tàu Titanic khi con tàu bị chìm vào năm 1912.

Bài thánh ca Kitô giáo đã bị Thủ tướng Narendra Modi theo chủ nghĩa dân tộc Giêrusalem bỏ đi để thay bằng bài hát “Aye Mere Watan Ke Logon”, nghĩa là “Hỡi Đồng Bào Của Đất Nước Tôi” của Kavi Pradeep, một bài hát yêu nước được viết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962.

Các quan chức chính phủ cho biết không có lý do gì để chơi một bài thánh ca của Anh 75 năm sau khi độc lập, mặc dù nó có liên quan đến Gandhi.

Đức Cha Thomas Menamparampil, Tổng Giám mục hiệu tòa Guwahti, nói với Crux rằng một người Ấn Độ trung bình cũng cảm thấy “bị tổn thương nghiêm trọng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ cấp hình ảnh của Mahatma Gandhi,” người đã phổ biến “Ở Lại Với Thầy” ở Ấn Độ.

Xa hơn việc loại bỏ một bài Thánh Ca Kitô Giáo, Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng “cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do của Gandhi đang bị xem là một đường lối chính trị lỗi thời khi cả thế giới nhìn vào nó với sự ngưỡng mộ. Con đường thuyết phục này đại diện cho sức mạnh của trí thông minh và sự kiên định trong quyết tâm của xã hội.”

“Vinh quang của Mahatma không chỉ đơn thuần là đã tránh được sự hung hãn trong cuộc chiến giành tự do của mình; nó còn bao gồm việc mang lại các giá trị đạo đức và sự nhạy cảm của con người trước một tình huống chính trị đối đầu và một thế giới bạo lực rộng lớn. Thậm chí việc có suy nghĩ tôn trọng đối thủ và đưa ra cách thuyết phục nhẹ nhàng trong thời kỳ Chiến tranh giữa các quốc gia chỉ gào lên các từ ngữ loại trừ và hận thù thì quả là đáng kinh ngạc.”
Source:Crux

2. Ecuador: mưa và lũ lụt trên khắp đất nước, 25 người chết ở Quito. Các giám mục cho rằng đó là “Những thảm họa có thể tránh được”

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 25 người chết, 6 người mất tích và 53 người bị thương. Đó là con số thiệt hại do thời tiết xấu ở Quito, thủ đô của Ecuador, nơi một dòng bùn tràn vào một số ngôi nhà trong lâu đài Belisario Quevedo. Nhưng thời tiết xấu trong những ngày gần đây đã và đang ảnh hưởng đến một phần lớn đất nước, ở vùng Amazon, vùng núi Andean và vùng ven biển, với thiệt hại khủng khiếp, vẫn chưa thể định lượng được.

Theo Đức Tổng Giám Mục Luis Gerardo Cabrera Herrera, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ecuador, gọi tắt là CEE, “những thảm họa này là có thể tránh được. Trong những ngày gần đây, với nỗi đau đớn, chúng tôi đã thấy bao nhiêu anh chị em của chúng ta phải chịu đựng những cơn mưa dữ dội, lũ lụt do nước sông lên, và các hủy hoại môi trường khác. Chúng tôi tiếp tục tìm thấy xác của trẻ em, thanh niên, người lớn và người già. Là một Giáo Hội, chúng tôi ngay lập tức đặt mình phục vụ những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng ở Coca, Sucumbíos, Tena, Latacunga, Babahoyo, Montalvo, Durán, Quito và nhiều nơi khác”. Tuyên bố của Đức Cha Chủ tịch CEE nhấn mạnh rằng Caritas ở cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ đã không ngừng bảo đảm “thức ăn nóng, chăn, đệm, thực phẩm, chăm sóc y tế, trợ giúp tinh thần”.

Nhưng “nhiều thảm họa trong số này có thể tránh được nếu mỗi người hành động có trách nhiệm, đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích chung; nếu nhà nước lấy sự sống chết của người dân làm trục hành động của nó; nếu chúng ta tôn trọng thiên nhiên như một món quà của Đấng Tạo Hóa chứ không phải như một tài sản để khai thác”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cảm ơn tất cả những người Công Giáo Ecuador, những người nam nữ có thiện chí, những người tin tưởng vào hành động mục vụ của Giáo Hội, đã tham gia cứu trợ ngay lập tức cho hàng trăm nạn nhân, cũng như cảnh sát, quân đội, nhân viên cứu hỏa, dịch vụ khẩn cấp, những người làm việc không mệt mỏi và không có trong tay bao nhiêu tài nguyên. Cam kết của chúng tôi, ngoài hành động nhanh chóng, không dừng lại ở việc đồng hành với những người đã mất người thân, những người đã mất công sức của cả cuộc đời, bị chôn vùi trong bùn; nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hành động và chung sức để cuộc sống có thể bắt đầu lại”.
Source:SIR

3. Nhật ký trừ tà số 175: Ác quỷ từ truyền hình

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #175: Demons from Television”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 175: Ác quỷ từ truyền hình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhóm của chúng tôi đã trừ quỷ ở một số ngôi nhà, các nhà xứ, trường học và các tòa nhà quanh các nhà thờ. Một trong những thành viên trong nhóm thường có mặt là một người có sự nhạy cảm về tâm linh. Những người như vậy thường có thể cho chúng ta biết vị trí của ma quỷ, loại ma quỷ nào, và chúng đã bị trục xuất ra chưa.

Luôn luôn, ma quỷ sẽ tập trung ở những khu vực đã diễn ra các hành vi tội lỗi, và đặc biệt là các hành vi ma quỷ. Chúng tôi thường tìm thấy ma quỷ ở những nơi quan hệ tình dục bất chính. Chúng tôi cũng tìm thấy một con quỷ trong văn phòng của một người thực hành Reiki.

Reiki được quảng cáo là một kỹ thuật chữa bệnh bằng năng lượng giúp thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng thông qua đụng chạm nhẹ trên thân thể người bệnh. Những người thực hành Reiki sử dụng bàn tay của họ để cung cấp năng lượng cho cơ thể bệnh nhân, cải thiện lưu thông huyết mạch và cân bằng năng lượng để hỗ trợ chữa bệnh.

Một người Nhật Bản tên là Mikao Usui đã phát triển reiki vào đầu những năm 1900, bắt nguồn từ thuật ngữ rei trong tiếng Nhật, có nghĩa là “phổ quát” và ki, dùng để chỉ năng lượng sinh lực quan trọng chảy qua mọi sinh vật. Giờ đây, reiki được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng không thiếu các trường hợp kết hiệp với những lời kêu gọi năng lực ma quỷ.

Một người bị quỷ ám có một số ma quỷ trong không gian làm việc của người ấy. Điều tồi tệ nhất là một khu vực nơi các nghi lễ huyền bí đã được thực hiện và các bức tượng tôn giáo bị biến dạng: nó hoàn toàn bị thống trị bởi Satan!

Sau khi thực hiện các phép trừ tà ở một nơi trong vài năm, tôi nhận thấy một mô hình. Ở những nơi có ti vi, tất cả những người có khả năng nhạy cảm tâm linh đều ghi nhận một con quỷ trên ghế chính trước ti vi. Đôi khi tôi biết những người có liên quan đến địa điểm đó và tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều đã xem nội dung khiêu dâm hoặc các hình ảnh dâm ô tỏ tường. Tại sao hầu như luôn có một con quỷ ở nơi đó?

Sau khi suy tư về những gì chúng ta đang xem trên màn hình ngày nay và những gì xã hội coi là “bình thường” dù đó là những hình ảnh kích dục và chứa đầy bạo lực. Những gì bị coi là phản cảm chỉ cách đây vài thập kỷ nay được coi là có thể chấp nhận được để xem hàng ngày. Xã hội của chúng ta có thể không coi những nội dung dâm ô đó là cơ hội cho tội lỗi, nhưng ma quỷ thì xem đó là cơ hội bằng vàng để cướp linh hồn người ta!

Xem những nội dung như vậy sẽ không dẫn đến việc bị quỷ nhập ngay lập tức, nhưng điều đó là lời mời ma quỷ vào nhà. Và những con quỷ hiện diện càng mạnh, chúng sẽ càng gieo rắc nhiều hỗn loạn, xung đột và cám dỗ. Sự hiện diện nhất quán của ma quỷ trước ti vi phải khiến chúng ta có ý thức và cảnh giác hơn về những gì chúng ta xem. Có một số chương trình tốt trên truyền hình, nhưng có nhiều chương trình rất nguy hiểm cho linh hồn chúng ta.

Thay vì mở cửa cho ma quỷ bằng cách xem những chương trình sa đọa như vậy, tại sao chúng ta không đọc kinh Mân Côi trong phòng khách của gia đình hàng ngày? Làm như thế, chúng ta mời Đức Trinh Nữ và các thiên thần xinh đẹp vào nhà của chúng ta.


Source:Catholic Exorcisms
 
Đau buồn: Nữ tu đã 80 tuổi nghiện cờ bạc bị kết án tù vì biển thủ từ trường Công Giáo Los Angeles
VietCatholic Media
15:57 11/02/2022


1. Nữ tu 80 nghiện cờ bạc bị kết án tù vì biển thủ từ trường Công Giáo Los Angeles

Trong một diễn biến thật đau lòng, một nữ tu Công Giáo và là hiệu trưởng trường trong nhiều năm đã bị kết án một năm tù vì tội biển thủ hơn 800,000 đô la từ một trường tiểu học ở khu vực Los Angeles.

Sơ Mary Margaret Kreuper khai trước tòa: “Tôi đã phạm tội, tôi đã phạm luật và tôi không có lý do gì để bào chữa. Hành động của tôi đã vi phạm lời khấn của tôi, các điều răn, luật pháp và trên hết, là sự tin tưởng thiêng liêng mà rất nhiều người đã đặt vào tôi. Tôi đã sai và tôi vô cùng xin lỗi vì những đau đớn và khổ sở mà tôi đã gây ra cho rất nhiều người”.

Sơ Kreuper 80 tuổi đã nhận tội vào tháng 7 năm 2021 vì tội lừa đảo và tham ô.

Sơ thừa nhận đã chuyển hơn 835,000 Mỹ Kim tiền quyên góp, học phí và lệ phí từ Trường Thánh Giuse ở Torrance từ năm 2008 đến năm 2018. Sơ được cho là đã sử dụng số tiền này để đánh bạc, đi du lịch và các chi phí cá nhân khác.

Một cuộc kiểm toán vào năm 2018 đã phát hiện ra vụ tham ô.

Ngoài thời gian thụ án, Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Otis D. Wright II cũng buộc Sơ Kreuper phải trả hơn 825.000 đô la cho trường như một khoản bồi thường.

Sơ Kreuper là hiệu trưởng tại Trường Công Giáo Thánh Giuse trong 28 năm.

Một nữ tu khác ban đầu liên quan đến vụ án đã không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào. Cả hai nữ tu đều nghỉ hưu vào năm 2018.

Các nữ tu là thành viên của Tỉnh Dòng Nữ Tu Thánh Giuse Cardondelet của Los Angeles. Vào năm 2018, cộng đồng đã từ chối bảo vệ hành động của hai nữ tu.

“Là một cộng đồng tôn giáo, chúng tôi sẽ không bảo vệ hành động sai trái của các nữ tu”, cộng đồng viết trong một tuyên bố năm 2018. “Điều đã xảy ra là sai. Các Sơ của chúng tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn họ đã đưa ra và phải tuân theo pháp luật.”
Source:Catholic News Agency

2. Tin tức xác nhận vị Giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu Peter Forster trở thành người Công Giáo

Peter Forster, một cựu Giám mục Anh giáo của giáo phận Chester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo ở Tô Cách Lan năm ngoái, một trang tin tức của Anh Giáo đã đưa tin. Ông là giáo sĩ hàng đầu thứ ba của Anh Giáo trở thành người Công Giáo trong năm qua.

Church Times, một trang tin tức Anh giáo độc lập, đã xác nhận tin này trong một báo cáo ngày 4 tháng 2. Đức Cha Forster đã viết các bài đánh giá thường xuyên cho ấn phẩm cho đến hết năm 2019.

Đức Cha Forster đã lãnh đạo Giáo phận Anh giáo Chester trong hơn 22 năm và là giám mục phục vụ lâu nhất trong Anh Giáo, theo Premier Christian News. Giáo phận cũ của ngài có khoảng 273 giáo xứ. Đức Cha nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2019 ở tuổi 69 và chuyển đến Tô Cách Lan cùng bà vợ Elisabeth.

Tin tức về sự cải đạo của Forster khiến ông trở thành giám mục Anh giáo thứ ba gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái. Michael Nazir-Ali, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội vào tháng 9 và được thụ phong linh mục Công Giáo vào ngày 30 tháng 10. Jonathan Goodall, Giám mục Anh giáo của Ebbsfleet, đã từ chức vào tháng 9 để hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Cha Forster từng là thành viên của Ủy ban Anh Giáo và Công Giáo Rôma. Church Times cho biết: Ngài đã chỉ trích sự “trôi dạt” trong các mối quan hệ đại kết “từ tầm nhìn về sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn đến tầm nhìn về cơ bản đã bị suy yếu trong đó chấp nhận sự đa dạng.”

Vị giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu từng ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ trong Anh giáo và giáo phận Chester là nơi đầu tiên có giám mục nữ. Đồng thời, ông cũng chỉ trích đường lối của Anh Giáo đối với các giám mục nữ và cách thức điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ với các Giáo Hội Kitô khác. Ông cho rằng thật là “đáng kinh ngạc” khi Ủy ban Quốc tế Anh giáo- Công Giáo Rôma đã không công bố bất cứ điều gì về việc phong chức cho phụ nữ.

Anh Giáo đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 16, áp dụng một nền thần học và các thực hành bí tích khác biệt. Người đứng đầu Anh Giáo là quốc vương nước Anh, hiện là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Giáo Hội Công Giáo nói chung không công nhận các thánh chức của Anh giáo là có giá trị về mặt bí tích.
Source:Catholic News Agency

3. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong cuộc xung đột Mỹ Nga đang leo thang

Theo Đức Tổng Giám Mục Svatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga xung quanh Ukraine chủ yếu là do sự leo thang xung đột “giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Theo Đức Tổng Giám Mục, “Chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm và gây hấn chống lại Ukraine”. Ngài nhấn mạnh rằng quê hương của ngài thực sự đã bị Nga tấn công trong 8 năm qua.

Ngài nói: “Sự leo thang mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay không chỉ đơn giản là sự tiếp diễn của cuộc chiến ở Donbass, hay hậu quả của việc sáp nhập Crimea. Chúng ta đang chứng kiến sự leo thang xung đột giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong toàn bộ bối cảnh toàn cầu của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngài nói rằng lịch sử và vị trí địa lý của Ukraine khiến nó trở thành quốc gia bị “dễ thương tổn nhất. Chúng tôi đang ở tiền tuyến”.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là một vấn đề đối với người Ukraine. Nó có hậu quả đối với toàn thế giới, đối với Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các nước thành viên NATO.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ của Đức Giáo Hoàng tổ chức.

Ngài nói: “Chiến tranh là câu trả lời tồi tệ nhất cho các vấn đề, và chỉ ra rằng hy vọng của người Ukraine ngày nay nằm ở sự cầu nguyện và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, để tránh leo thang chiến tranh”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang tận mắt chứng kiến một sự sùng bái thần tượng thực sự về bạo lực đang gia tăng trên thế giới. Chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, phải nói 'không' thật to với hành động quân sự như một giải pháp cho các vấn đề. Chỉ có đối thoại, hợp tác và đoàn kết mới có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và khủng hoảng”.

Năm 2011, sau khi người tiền nhiệm về hưu, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk trở thành giám mục trẻ nhất lãnh đạo Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Ngài từng học tại Trung tâm Nghiên cứu Triết học và Thần học Don Bosco ở Buenos Aires, nơi ngài trở nên thân thiết với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hai vị đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma, và người Ukraine cảm thấy đủ tự tin để sửa sai vị Giáo Hoàng Á Căn Đình khi ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nói cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Người Ukraine coi đây không phải là một cuộc xung đột dân sự mà là một cuộc xâm lược của nước ngoài.

Nga đã xâm lược đất nước này sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ và ủng hộ Liên minh Âu Châu lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn vào năm 2014. Cuộc “Cách mạng Phẩm giá” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức Tổng Giám Mục Shevchuk và Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Cuộc lật đổ đã dẫn đến sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng, với việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và tuyên bố độc lập khỏi Ukraine của những người ly khai thân Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk của nước này.

Bạo lực tiếp theo trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kể từ đó đã giết chết hơn 14,000 người và buộc khoảng 1.5 triệu người phải di tản trong nước.

Vào Giáng Sinh vừa qua, Nga đã bố trí hơn 100,000 quân và thiết bị quân sự dọc theo ba khu vực trọng yếu ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, mặc dù nhiều nước, bao gồm Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Visvaldos Kulbokas, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi tình hình với “mối quan tâm”, mặc dù nói rằng ngài không thể cung cấp thêm chi tiết về các bước ngoại giao mà Tòa thánh đang thực hiện.

Tuy nhiên, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến giá trị của lời cầu nguyện “đối với việc hoán cải trái tim, đặc biệt là trái tim của các chính trị gia và phe dân quân”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm, “Mặc dù đa số người Ukraine theo Chính thống giáo, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới. Mỗi lời nói của ngài đối với tình hình Ukraine, được nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hoặc trong những dịp khác, đều rất quan trọng đối với chúng ta”.

Ngài nói thêm: “Người dân của chúng tôi rất chú ý đến từng lời mà Đức Thánh Cha ngỏ với 'Ukraine thân yêu' và những đau khổ của người dân Ukraine. Nhưng điều mà người dân Ukraine chờ đợi nhất từ Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm của ngài tới Ukraine. Khả năng chuyến thăm của ngài là kỳ vọng cao nhất của chúng tôi, và chúng tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó chuyến đi này sẽ được hiện thực hóa”.

Nhấn mạnh rằng con đường chiến tranh không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đề xuất ba câu trả lời cho tình hình, từ quan điểm “tôn giáo” chứ không phải quan điểm chính trị, hai câu trả lời đầu tiên là cầu nguyện và “đoàn kết với những người khó khăn”, “Đặc biệt là với những người già và dân số nghèo ở biên giới phía đông Donbass.

Ngài nói: “Câu trả lời thứ ba yêu cầu chúng ta trở thành những Kitô Hữu, là những người rao giảng về niềm hy vọng. Chúng ta tin rằng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta phải có ánh sáng này và báo trước tin vui cho những người đang sợ hãi, họ mất phương hướng, họ đói, họ lạnh”
Source:Crux