Ngày 12-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 6 Thường niên C
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:49 12/02/2019
Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 6: 17. 20-26)
MỐI PHÚC THẬT


Thầy trò xuống núi truyền rao,
Tin mừng giải thoát, ơn cao đổ tràn.
Đám đông dân chúng kêu van,
Chữa lành bệnh tật, ban ngàn ân thiêng.
Dẫn đường mở lối thiêng liêng,
Thực hành Phúc Thật, ơn riêng theo Thầy.
Phúc thay nghèo khó đời này,
Nước Trời chiếm hữu, vui vầy mai sau.
Phúc ai đói khát khổ đau,
Mai ngày vui sướng, no đầy phúc vinh.
Phúc người khóc lóc cực hình,
Vui cười hớn hở, an bình cõi tiên.
Người ta thù ghét sỏ xiên,
Mong rằng hạnh phúc, cõi thiên tìm về.
Bất lương phỉ báng ê chề,
Hân hoan phần thưởng, mọi bề reo vui.
Khốn kẻ giầu có mù đui,
No say đầy đủ, sống chui phận hèn.
Vui cười thỏa mãn đời khen,
Người đời ca tụng, sang hèn chóng qua.

Phúc cho ai đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, họ sẽ được hạnh phúc và sẽ gặp may mắn. Mối phúc thật thứ nhất: Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, vì nước trời là của họ. Chúng ta đang sống trong xã hội mà các giá trị của con người đặt trong các kỷ lục thế giới. Trong cuốn Guiness Book of World Records, chúng ta đọc thấy giá trị cuộc sống được đánh giá qua các thành qủa của các môn thể thao, phát minh khoa học và kỹ thuật…và những giá trị trần thế tựa dựa vào sự phát triển và sự giầu sang phú quí. Là Kitô hữu, chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa và đi tìm hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.

Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu trình bày dẫn vào các mối phúc thật. Chúa nói rằng: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó. Ai trong chúng ta cũng sợ cái nghèo và cái khổ. Nhiều người coi sự nghèo khó là bất hạnh. Nên ai ai cũng cố gắng kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Chúng ta lo làm lụng để có của ăn, của để và một chút vốn liếng phòng thân. Thánh Phaolô nhắc nhở: Nếu ai không muốn làm, thì đừng có ăn. Chúng ta phải cật lực lao động để trang trải cuộc sống và trả các món nợ. Đó là lẽ thường, ‘tay làm hàm nhai.’ Nhưng Chúa Giêsu lại nhắc khéo chúng ta rằng các con chớ áy náy lo lắng các con sẽ ăn gì, mặc gì. Cha các con biết rõ. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và mọi sự Người sẽ ban thêm cho.

Tiền là ông chủ xấu nhưng là đầy tới tốt. Khi có tiền, chúng ta vẫn có thể sống tinh thần nghèo khó. So với các nhà tỷ phú và triệu phú thì vốn liếng của chúng ta chẳng có là bao. Có bao nhiêu tiền của mới gọi là giầu và người thiếu bao nhiêu, mới gọi là người nghèo. Có người nghèo của cải, nhưng lại giầu lòng từ bi như bà góa bỏ tiền vào thùng khấn. Sống tinh thần nghèo khó sẽ giúp chúng ta trút bỏ được những bận vướng của trần gian.

Truyện kể: Khi xảy ra nạn đói tại Hoa Kỳ, các cơ quan thiện nguyện của chính phủ đi tìm giúp đỡ những người bất hạnh ở vùng núi. Họ tìm đến những nơi nghèo khó để giúp đỡ tiền bạc, sửa chữa nhà cửa và phân phát hạt giống để gieo trồng. Nhân viên cơ quan gặp một người đàn bà sống trong một túp lều nghèo nàn. Cánh cửa thì bể nát và mái lều xiêu vẹo. Người đàn bà chỉ có nơi tạm trú nghèo hèn và thiếu thốn mọi bề. Nhân viên nói với bà rằng nếu chính phủ cho bà 200 đô la, bà sẽ làm gì với nó? Bà trả lời: Tôi sẽ cho người nghèo.

Nghèo về vật chất, đôi khi chúng ta còn có thể phấn đấu và vượt qua. Khi phải khóc lóc vì vu oan giáng họa, bị thù ghét và phỉ báng, tâm hồn chúng ta mới thấy khổ não và buồn phiền. Chúa chúc phúc cho những người phải khóc lóc và bị người ta thù ghét vì danh Chúa. Chúa phán: Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Trong tất cả mọi sự, chúng ta hãy luôn hướng lòng lên cùng Chúa. Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

THỨ HAI, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Stk 4, 1-15.25; Mc 8, 11-13).
ĐIỀM LẠ


Ân thiêng hiện hữu trên đời,
Con người hồn xác, tuyệt vời thế nhân.
Càn khôn Tạo Hóa ban ân,
Xác thân giới hạn, cõi trần không gian.
Khả năng phú bẩm thương ban,
Người nhiều kẻ ít, sẻ san giúp đời.
Tự nhiên luật sống cao vời,
Không ai vượt khỏi, cõi trời riêng tư.
Hóa Công cao cả nhân từ,
Giê-su Cứu Thế, ngụ cư thế trần
Quyền năng phép tắc vô ngần,
Nhóm người Biệt Phái, đòi cần chứng minh.
Xin vài điềm lạ hữu hình,
Mọi người chứng kiến, hết tình tin theo.
Chúa rằng thế hệ làm reo,
Không ban dấu lạ, thể theo lòng người.

THỨ BA, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Stk 6, 5-8. 7, 1-5.10; Mc 8, 14-21).
MEN


Muối men ướp mặn trần đời,
Tránh men Biệt Phái, gạn khơi mối thù.
Giữ mình xa tránh gương mù,
Coi chừng vấp phải, phạm trù thế gian.
Tông đồ quên bánh bỏ làn,
Chúa thương nhắc nhở, đừng than thiếu gì.
Nhớ rằng năm bánh là chi,
Năm ngàn thết đãi, đôi khi còn thừa.
Mười hai thúng vụn nhớ chưa,
Có lần bảy chiếc, cũng vừa đủ căn.
Bốn ngàn con số người ăn,
Còn dư bảy thúng, Chúa chăn từng người.
Lo gì cơm bánh trong đời,
Quan phòng cuộc sống, mọi thời trông mong.
Chúa rằng sự thật trong lòng,
Tình yêu men dậy, tinh trong rạng ngời.

THỨ TƯ, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Stk 8, 6-13. 20-22; Mc 8, 22-26).
CHỮA MÙ


Bét-sai-đa cạnh bờ hồ,
Thầy cùng môn đệ, ra vô rao truyền.
Tin mừng giảng dạy răn khuyên,
Nhiều người nhóm tụ, bên thuyền lắng nghe.
Người mù dẫn bước đâu dè,
Đặt tay Chúa chữa, chở che tháng ngày.
Ngắm nhìn thấy rõ mảy may,
Tạ ơn Chúa cứu, con nay tin Ngài.
Ra về đừng nói với ai,
Chúa đã căn dặn, đừng khai báo gì.
Việc lành cố gắng thực thi,
Hồn trong mắt sáng, từ bi sống đời.
Âm thầm Chúa giảng không ngơi,
Dục lòng sám hối, gọi mời ăn năn.
Bỏ đàng ghen ghét thù hằn,
Trở về bên Chúa, đường lành bước theo.

THỨ NĂM, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Stk 9, 6-13; Mc 8, 27-33).
ĐẤNG KITÔ


Xê-sa-rê mạn Bắc xa,
Dọc theo làng nhỏ, khắp nhà loan tin.
Hôm nay thử thách lòng tin,
Tông đồ môn đệ, cùng xin đáp rằng.
Người đời suy nghĩ rõ ràng,
Thầy là ngôn sứ, vào làng truyền rao.
Gio-an Tẩy Giả tự hào,
Ê-li-a đến, biết bao mong chờ.
Tiên tri xứ lạ đâu ngờ,
Không ai biết rõ, lờ mờ đoán sai.
Các con chứng thực là ai?
Phê-rô xưng tụng, thiên sai bởi trời.
Ki-tô Con Chúa xuống đời,
Hy sinh chuộc tội, loài người trần gian.
Chúa liền nghiên cấm truyền lan,
Thực thi thánh ý, ơn ban cứu đời.

THỨ SÁU, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Stk 11, 1-9; Mc 8, 34-39).
THEO THẦY


Trở thành môn đệ của Thầy,
Vai mang thánh giá, theo Thầy bước đi.
Vào đời từ bỏ tình si,
Hy sinh mạng sống, thực thi giới điều.
Chứng nhân chân lý cao siêu,
Truyền rao sứ vụ, dám liều tấm thân.
Muối men ướp mặn gian trần,
Trở nên ánh sáng, góp phần tỏa lan.
Được lời lãi cả thế gian,
Linh hồn lạc mất, gian nan được gì.
Sống đời vô nghĩa ích chi,
Hướng về cùng đích, cuộc thi cuối đời.
Triều thiên vinh sáng cao vời,
Đi vào ngõ hẹp, rạng ngời biết bao.
Tuyên xưng danh Chúa thiên cao,
Theo Thầy tới bến, dạt dào niềm vui.

THỨ BẢY, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Dt 11, 1-7; Mc 9, 1-12).
BIẾN HÌNH


Biến hình sáng láng núi cao,
Áo Người chói lọi, như sao trên trời.
Môi-sen hiện đến cùng Người,
Ê-li-a sáng rạng ngời biết bao.
Giê-su Chúa cả trời cao,
Hiện thân giáng thế, gian lao khổ hình.
Ba Ngài đàm đạo cung đình,
Chứng từ lề luật, chương trình cứu nhân.
Phê-rô sung sướng xuất thần,
Ba lều cư ngụ, thiên nhân rạng ngời.
Con Ta yêu dấu xuống đời,
Ban ơn cứu độ, cho người trần gian.
Chứng nhân Cựu Ước thông ban,
Tông đồ hiện hữu, sẻ san Tin Mừng.
Chúa Con chịu khổ vô chừng,
Hy sinh thập giá, chúc mừng vinh quang.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – C
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
17:20 12/02/2019
Chúa muốn chúng ta là những người có phúc

Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – C

(Lc 6,17.20-26)

Trong Tin mừng thánh Luca hôm nay dìu chúng ta về với các Mối Phúc để sống và các mối họa để mà tránh. Trước khi nói đến phúc thì Chúa Giêsu nói đến họa “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Quả thật, nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng : “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và là sứ mạng khi Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình với dâng làng Nagiaret tại hội đường : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo, tin vui cho người nghèo”.

Vấn nạn từ mối phúc

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người, khiến người nghe những mối họa và phúc không khỏi thắc mắc : Thế nào là giàu, thế nào là nghèo ? Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Nếu Chúa Giêsu tuyên bố : “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa ?

Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi : “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?

Phúc cho kẻ nghèo

Câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo do Đức Cố Hồng Y Carôlô Maria Martini viết trong một cuốn sách, giúp chúng ta hiểu phần nào về người giàu có thể có tâm hồn nghèo khó, người nghèo lại không.

Chuyện kể rằng, vị ẩn sĩ này chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “ Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.

Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.

Khốn cho người giầu

Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu? Có lẽ vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố : “Anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này yêu chủ nọ”. Liên hệ trực tiếp, chúng ta chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của, chứ không thể làm tôi cả hai được. Vì thế, nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.

Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)

Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo

Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”(Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.

Sống lời Chúa dạy

Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những con người này, biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài giảng Chúa Nhật 6 Quanh Năm: Hạnh Phúc đầy Nghịch Lý
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:46 12/02/2019
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN
HẠNH PHÚC ĐẦY NGHỊCH LÝ
Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12. 16-20; Lc 6,17.20-20
Lời Chúa của Chúa Nhật này chứa đựng sứ điệp niềm vui và chỉ cho chúng ta con đường tốt nhất để đạt tới hạnh phúc mà con người không ngừng tìm kiếm. Con đường đó không phải là con đường mà người đời nói đến, nhưng là con đường các mối phúc thật của Chúa Giêsu, được thánh Luca trình thuật trong Tin Mừng hôm nay.
1- Tin Mừng cho người nghèo của Thiên Chúa
Theo Luca, các mối phúc là “Tin Mừng,” tin vui dành cho những người “nghèo của Thiên Chúa” để khích lệ niềm hy vọng của họ và đề nghị một sự thay đổi tận căn của con người trong xã hội về bậc thang giá trị cuộc sống. Các mối phúc thiết lập một dạng thức Kinh Thánh về truyền thống ngôn sứ. Theo Mátthêu, có tám mối phúc (x. Mt 5,1-10). Còn theo Luca, chỉ có bốn mối phúc đối lập với bốn mối họa. Khi trình bày các mối phúc đối lại với các mối họa, thánh Luca muốn đề cập đến tám loại người đối nhau: phúc cho anh em là người nghèo khó vì Nước Trời là của họ, và khốn cho các người giàu có vì các ngươi đã được an ủi rồi; phúc cho anh em là những kẻ đang phải đói, và khốn cho các ngươi là những kẻ đang no nê; phúc cho anh em là những người đang phải khóc, và khốn cho các người là những kẻ đang vui cười; phúc cho anh em là những kẻ đang bị oán ghét, và khốn cho các ngươi là những kẻ được mọi người ca tụng...
Theo đó, các mối phúc tiếp tục đường hướng của truyền thống ngôn sứ Kinh Thánh, là xây dựng lược đồ song đối, vì thế, chúng chứa đựng lời loan báo ngôn sứ về một phúc lành mà nó mang lại niềm vui, đồng thời gửi tới một lời “khốn thay,” như là lời cảnh báo, để mời gọi sự tỉnh thức và sự hoán cải.
Cũng theo cách thức này, trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia đối lập hai hạng người: hạng thứ nhất đó là phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và hạng thứ hai là khốn thay kẻ tin ở người đời và lòng dạ xa rời Đức Chúa. Hạng người thứ nhất như cây trồng bên dòng nước. Hạng thứ hai như bụi cây trong hoang địa (x. Gr 17,5-8).
2- Các mối phúc, cuộc canh tân tận căn
Các mối phúc tạo nên một trang Tin Mừng có tính cách mạng lớn nhất. Bởi lẽ, trong đó Chúa Giêsu thiết lập một cuộc thay đổi toàn diện các tiêu chuẩn nhân loại liên quan đến hạnh phúc. Nó trở thành điều kiện mà mỗi người phải có nếu muốn sống hạnh phúc. Vì thế, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức để thoát ra khỏi tiêu chuẩn mà mỗi người quan niệm về hạnh phúc khi cho rằng hạnh phúc là giàu có, tiền bạc, thành công, có địa vị xã hội, an toàn và tình yêu, quyền lực và thống trị, tính dục và hưởng lạc v.v... Chúa Giêsu biết rõ trái tim con người luôn khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Với các mối phúc này, Người đề nghị với con người một hành trình chắc chắn để tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Đây cũng là hành trình mới mẻ và đầy nghịch lý.
Bởi lẽ, tất cả những gì mà thế gian cho là bất hạnh, thì Chúa Giêsu quả quyết chúng là những mối phúc. Tất cả những ai sống nghèo khó, những ai đói khát, khóc lóc, những ai đang chịu đau khổ, những ai biết thương xót người, những ai có tâm hồn trong sạch, những ai xây dựng hòa bình, những ai chịu bách hại vì đạo, họ sẽ được chúc phúc vì Nước Trời là của họ. Và ngược lại, Chúa cũng loan báo những bất hạnh, đáng thương và những hiểm họa cho những ai giàu có, tự mãn, những kẻ vui cười và những ai được người đời ca tụng.
Trước Chúa Kitô, chưa có một ai đã dám khẳng định như thế. Các mối phúc thực sự rất nghịch lý, mà chỉ có thể hiểu được đối với những ai sống, thực hành nó, như chính Chúa Giêsu, như Đức Maria và thánh Phanxicô Assisi. Chính Chúa Giêsu, nơi con người, đời sống và cách hành xử của Người, thiết lập một chìa khóa tốt nhất để giải thích các mối phúc, một chìa khóa có giá trị hoàn vũ cho mọi thời và mọi nơi để đọc các mối phúc. Người là một người nghèo, người đau khổ, người dấn thân cho hòa bình và hòa giải, bị bách hại và hiến mạng vì công bình và thiện ích chung.
3- Các mối phúc, tóm lược Tin Mừng
Các mối phúc là một tóm lược Tin Mừng Chúa Giêsu, là lời loan báo ngôn sứ về Nước Thiên Chúa, hiện diện và khai mở trong con người Chúa Kitô, là sự công bố những thái độ nền tảng để trở thành môn đệ Chúa Giêsu, là căn cước của những công dân Nước Trời, là chương trình sống và là bản trắc nghiệm mà mỗi người mỗi ngày phải xét mình với tư cách là Kitô hữu.
Bởi vì sự mới mẻ tận căn của các mối phúc, nên có những người cáo buộc rằng chúng là ảo tưởng, là phi logic; một số người khác cho rằng chúng chỉ là một lý tưởng duy tu đức, cao xa không thể vươn tới. Tuy nhiên, khi loan báo các mối phúc, Chúa Giêsu biết rõ ý nghĩa của chúng mà Người giới thiệu và đưa ra cho những ai muốn theo đuổi con đường này. Bởi lẽ, chúng là những thái độ nền tảng để trở thành môn đệ Người, để vào Nước Trời, và đạt tới sự hạnh phúc viên mãn.
Quả thật, các mối phúc không phải là một hình thức duy tu đức, phi nhập thể, một sự thụ động vong ngã hay là một dạng thức ảo tưởng chạy trốn trách nhiệm xây dựng xã hội. Chúa Giêsu cũng không có chủ trương bần cùng hóa con người. Nhưng các mối phúc chứa đựng một nhiệm vụ cá nhân và hiệu lực đối với việc xây dựng đời sống xã hội tốt hơn nhờ sự nghèo khó và hy sinh của con người trong bất kỳ sự diễn tả nào: như sự vô vị lợi và sự cộng tác, chọn lựa sống theo sự tử tế và công bình ngay cả khi có nguy cơ bách hại, dấn thân vì hòa bình và bất bạo động, yêu thương, huynh đệ và đoàn kết giữa loài người.
Tuy nhiên, khi chọn lựa sống theo các mối phúc, có thể chúng ta phải đối diện với những chống đối và thù ghét, bởi vì tinh thần các mối phúc không phù hợp với những tiêu chuẩn của thế gian. Vì thế, chúng tạo nên sự thù ghét. Điều đó thánh Phaolô đã báo trước: “Tất cả những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3,12). Đó là sự chống đối mà Tin Mừng thánh Gioan đề cập đến, sự chống đối giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Kitô và thế giới thù địch với Thiên Chúa, giữa tin và không tin, giữa tình yêu và ích kỷ, giữa thiện và ác.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta yêu mến các mối phúc của Chúa Giêsu và sống các mối phúc đó trong đời sống hằng ngày, để chúng ta tìm thấy con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Amen

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Báo La Croix: vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức không mà là bao giờ thì ngài làm thế
Vũ Văn An
20:58 12/02/2019


Ngày 8 tháng 2 vừa qua, trên tờ La Croix của Pháp, ký giả Robert Mickens cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không mà là bao giờ thì ngài từ chức.

Theo ký giả trên, việc suy đoán liệu Đức Phanxicô có ý định là vị giáo hoàng thứ hai liên tiếp sẽ từ chức, theo gương vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô thứ 16, xuất hiện trong tâm trí nhiều người vào tuần qua khi ngài tổ chức cuộc họp báo trên chuyến bay từ Abu Dhabi trở về Vatican.

Trả lời câu hỏi của một ký giả, Đức Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được nhiều lời mời tới thăm các quốc gia Ả Rập khác, “nhưng năm nay thì không có thì giờ. Để xem liệu năm tới tôi hay một Phêrô (Giáo Hoàng) khác có sẽ đi được không!”

Không phải “liệu”, nhưng là “bao giờ”

Nhận định trên không hẳn là một thông điệp bí ẩn. Thực vậy, giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô thường thận trọng trong việc đưa ra các hứa hẹn nhất định sẽ tham dự các biến cố cách xa cả hàng tháng hay hàng năm, vì ý thức được khả năng tử vong của mình cũng như khó đoán được tương lai.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu ngay từ đầu triều đại của ngài cho thấy vấn đề không phải là liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không, mà là bao giờ thì ngài làm như vậy.

Và lý do thì đơn giản. Ngài không muốn sự từ chức của Đức Bênêđíctô thứ 16 đi vào lịch sử như một biến cố bất thường, bẩy trăm năm mới có một lần. Thay vào đó, ngài muốn nó trở thành một tiền lệ và một điều bình thường.

Tháng 8 năm 2014, trên chuyến máy bay từ Hán Thành trở về Vatican, ngài nói với các nhà báo tháp tùng “tôi luôn nghĩ tới ý tưởng rất có thể không làm hài lòng các nhà thần học (và tôi vốn không phải là một nhà thần học)... Tôi nghĩ rằng một vị giáo hoàng hưu trí không phải là một ngoại lệ”.

Về hưu trở thành định chế, không phải ngoại lệ

Ngài nói tiếp “Tôi nghĩ rằng 70 năm trứơc đây, một Giám Mục hưu trí quả là một ngoại lệ; không hề có chuyện này. Ngày nay, các giám mục hưu trí đã trở thành một định chế”.

"Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khi đưa ra biện pháp này đã thiết lập ra định chế giáo hoàng hưu trí. Ngài đã mở ra cánh cửa định chế, chứ không còn ngoại lệ nữa”.

Và ngài đã đi xa hơn: "Bạn có thể hỏi tôi: ‘Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu một ngày nào đó ngài không cảm thấy sẵn sàng để tiếp tục?' Tôi sẽ làm như vậy, tôi cũng sẽ làm như vậy! Tôi sẽ cầu nguyện mạnh mẽ về việc này, nhưng tôi sẽ làm cùng một điều như thế".

Đức Phanxicô nêu vấn đề "thoái vị" một lần nữa vào ngày 15 tháng 5 năm 2018 trong Thánh lễ sáng ngày thường tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài đã suy nghĩ về một đoạn trong Tông đồ Công Vụ nơi Thánh Phaolô, "bị ép buộc bởi Chúa Thánh Thần", chấm dứt việc phục vụ của ngài đối với cộng đồng ở Êphêsô và hướng về Giêrusalem. Đức Thánh Cha nói: điều này "chỉ cho chúng ta con đường cho mọi giám mục khi đến lúc phải rút lui và thoái vị".

Đức Phanxicô nói "Khi tôi đọc điều này, Tôi cũng nghĩ về bản thân mình, vì tôi là giám mục và tôi (cũng vậy) phải rút lui và thoái lui".

Rõ ràng, điều đó có thể xảy ra qua việc từ chức hoặc cái chết. Nhưng có một điều hoàn toàn chắc chắn, vị giáo hoàng Dòng Tên sẽ không từ chức vì bị áp lực từ những kẻ thù như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò hay Hồng Y Raymond Burke, Walter Brandmüller và hồn ma của hai "Hồng Y đa nghi" khác.

Hai giáo hoàng hưu trí cùng một lúc?

Tuy nhiên, những người gần gũi nhất với Đức Phanxicô đã nói riêng rằng họ tin rằng ngài sẽ từ chức khi ngài tin đã đến lúc; nghĩa là, sau khi ngài biện phân rằng ngài đã làm tất cả những gì ngài được kêu gọi làm và đã thực thi những cải cách vững chắc, những cải cách mà vị kế nhiệm khó có thể hủy bỏ.

Đó có thể sẽ là cách để đảm bảo rằng việc từ chức của Đức Bênêđíctô không còn là một biến cố đơn lẻ, một lần duy nhất nhưng thực sự trở thành định chế chứ không phải ngoại lệ.

Trước đây, người ta cho rằng điều không khôn ngoan là từ chức trước cái chết của Đức Bênêđíctô, lý do: việc đồng thời có hai cựu giáo hoàng còn sống, với vị thứ ba tích cực lãnh đạo Giáo hội, là điều có thể gây bất ổn.

Nhưng có một sự đồng thuận ngày càng tăng cho rằng Đức Phanxicô sẽ đưa ra quyết định của ngài, một cách tự do và bình thản, cho dù vị tiền nhiệm của ngài còn sống hay không.

Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandes, một nhà thần học người Á Căn Đình, người đã giúp soạn thảo nhiều bài diễn văn và văn kiện chính của Đức Giáo Hoàng, nói rằng việc này sẽ rõ ràng khi triều giáo hoàng của Đức Phanxicô bước vào giai đoạn cuối.

Cách đây bốn năm, Đức Tổng Giám Mục đã dự đoán rằng "Nếu một ngày nào đó ngài trực giác thấy mình sắp hết thời và không có đủ thời gian để làm những gì Chúa Thánh Thần Linh yêu cầu nơi ngài, bạn có thể chắc chắn ngài sẽ tăng tốc".

Và điều đó cũng có thể có nghĩa là tăng tốc việc từ chức. Bởi vì, như một số người thì thầm, Đức Thánh Cha Phanxicô thích nghỉ hưu hơn là chết trong chức vụ.

Nhiều việc quan trọng vẫn còn phải được hoàn thành

Đức Phanxicô là người ở bên ngoài Rôma. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên kể từ Thánh Piô X, một người Ý gốc Bắc trị vì từ năm 1903-1914, chưa từng học hay làm việc ở Thành phố vĩnh cửu.

Nhưng ngài cũng là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giám mục Rôma. Và một số nhà bình luận đã tự tin dự đoán rằng ngài có khả năng tuân theo quy tắc áp dụng cho tất cả các bề trên của Dòng Tên, trừ Cha Bề Trên Cả, là từ chức sau sáu năm giữ chức vụ. Điều này có nghĩa: ngài sẽ có thể từ chức vào tháng 3 tới.

Tuy nhiên, ngài vẫn phải kết thúc cả một danh sách công việc còn dang dở, một điều khiến cho việc từ chức chỉ trong vòng hơn một tháng nữa dường như rất khó xảy ra.

Số một trong danh sách "phải hoàn thành" là cuộc cải cách lâu dài và đang diễn ra của Giáo triều Rôma. Điều này sẽ lên đến cao điểm vào một lúc nào đó trong vài tháng tới khi Đức Phanxicô công bố một tông hiến mới nhằm hệ thống hóa việc tái tổ chức toàn diện và tái định hướng các cơ cấu trung tâm của Giáo hội Rôma.

Santa Marta và sự kết thúc thẩm quyền trung ương tập quyền và quân chủ chế trong Giáo hội

Vị Giáo hoàng người Á Căn Đình đã thực hiện cuộc cải tổ đầu tiên - và quan trọng nhất – trong triều giáo hoàng của ngài ngay trong những ngày đầu tiên sau khi được bầu.

Quyết định của ngài là tránh các căn phòng hẻo lánh dành cho các vị giáo hoàng nằm sâu bên trong Tông điện và chọn Casa Santa Marta, nơi ở của các linh mục nhân viên của Vatican và là nơi các Hồng Y cư ngụ trong thời gian cơ mật viện, làm nơi cư trú thường trực.

Sự lựa chọn chỗ ở là khởi đầu cho các cố gắng từ từ, nhưng miệt mài của Đức Phanxicô nhằm tái cung cấp chiều kích cho phạm vi và các hoạt động của Giáo triều Rôma và phân tản quyền lực của nó. Ngài cũng có kế hoạch phi huyền thoại hóa định chế ngôi vị giáo hoàng và loại bỏ các vết tích còn sót lại của triều đình giáo hoàng xưa cũ.

Đức Giáo Hoàng đã hạn chế phần lớn ảnh hưởng lâu đời và không cân xứng của Giáo Triều đối với các Giáo hội địa phương và toàn bộ Đạo Công Giáo hoàn cầu. Ngài đã thực hiện điều này chủ yếu bằng cách đặt nền tảng (không phải không gặp khó khăn và chống đối) cho các cơ cấu của tính đồng nghị (synodality), trước hết bằng cách củng cố và cải tổ Thượng hội đồng Giám mục.

Ngài cũng đã ban hành luật lệ nhằm ban cho (hoặc nhằm mục đích ban cho) các hội đồng giám mục quốc gia thẩm quyền lớn hơn trong việc quyết định và thẩm quyền giáo lý mà cho đến nay hầu như chỉ dành riêng cho Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài ở Vatican.

Nhưng dự án dài hạn này, vốn chỉ nhằm khởi động một diễn trình cần nhiều năm để chín mùi, thực ra vẫn chưa được phát động trọn vẹn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn cần cải cách hơn nữa một số định chế và văn phòng tại Vatican vốn liên quan đến ngôi vị giáo hoàng có tính quân chủ toàn diện nhưng nay đã chết.

Hầu hết các định chế và văn phòng ấy, như Phủ Giáo hoàng và Tông Viện (Apostolic Camera), đã được Đức Phaolô VI hiện đại hóa sau Công đồng Vatican II (1962-65). Nhưng chúng cần được đơn giản hóa thêm nếu không bị dứt khoát đưa vào lịch sử.

Đương đầu với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục

Ngay cả khi ngài đã hoàn thành việc cải cách Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn không thể từ chức cho đến khi ngài đối phó dứt khoát và rõ ràng hơn với bệnh dịch giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc xử lý sai lầm thuộc định chế.

Đó là điều ngài đã cẩn thận ủy nhiệm cho người khác trong bốn năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài. Nhưng việc xử lý đầy thảm hoạ lúc ban đầu đối với các cáo buộc lạm dụng ở Chí Lợi, và sau đó là sự thay đổi rõ ràng của ngài trong nhiều tháng qua, dường như là chất xúc tác để ngài tập trung chú ý vào vấn đề lạm dụng.

Hội nghị thượng đỉnh trong tháng này với các chủ tịch của các hội đồng giám mục thế giới không thể là sự kết thúc hành động của Đức Phanxicô trong việc dẫn dắt Giáo hội trên con đường đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Sở dĩ như thế là vì đây là một cuộc khủng hoảng chưa bùng nổ (mặc dù nó chắc chắn sẽ xảy ra) ở nhiều quốc gia nơi nó không phải là một vấn đề cho đến nay.

Vì vậy, Đức Giáo Hoàng có nhiều việc phải làm trong việc đối phó với sự lạm dụng trong Giáo hội. Và ngài không thể từ chức cho đến khi đặt ra một số dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực này. Thật vậy, đây mới chỉ là khởi đầu. Đức Giáo Hoàng sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa.

Luật mới về việc bầu cử - và từ chức - của Giám mục Rôma

Hầu hết các giáo hoàng trong một trăm năm qua, ít nhất những vị đã sống hơn 33 ngày, đã cập nhật các quy tắc và thủ tục phải tuân theo trong giai đoạn từ cái chết của Giám mục Rôma cho đến khi bầu người kế vị ngài. Các vị thường đã làm rất tốt việc này trong các triều giáo hoàng tương ứng của các vị.

Đức Bênêđíctô XVI đã ban hành hai bức thư theo lối "motu proprio" (tự sắc), một trong năm 2007 và một bức khác ngay trước khi từ chức năm 2013. Những văn bản này đã cập nhật tông hiến năm 1996 của Đức Gioan Phaolô II về việc trống Tông Tòa và cuộc bầu cử Giám Mục Rôma; nó cập nhật luật năm 1975 của Đức Phaolô VI; nó cũng cập nhật "motu proprio" năm 1962 của Đức Thánh Cha Gioan XIII...

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ban hành một văn kiện nào như vậy. Và, tuy nhiên, một phiên bản cập nhật hiện cấp bách hơn bao giờ hết vì điều ngài gọi là "cánh cửa định chế" mà Đức Bênêđíctô XVI đã mở ra – tức khả năng từ chức của giáo hoàng “chứ không phải chỉ là ngoại lệ".

Đức Phanxicô và những người mà ngài có thể giao phó việc chuẩn bị một văn kiện như vậy phải đối diện với một nhiệm vụ tế nhị. Chừng nào vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau 600 năm vẫn còn sống, bất cứ luật pháp nào đưa ra liên quan đến việc từ chức của giáo hoàng đều có nguy cơ bị đọc là phán quyết chống lại vị này.

Không tham khảo ý kiến của Hồng Y đoàn, Thượng hội đồng Giám mục hay bất cứ đại diện cơ quan nào khác của Giáo hội hoàn vũ, Đức Bênêđíctô đã đưa ra một số quyết định liên quan đến những việc như nơi nghỉ hưu, tước hiệu mới và trang phục của ngài.

Hầu như tất cả các luật sư giáo luật đã lập luận rằng một vị giáo hoàng nghỉ hưu không nên được gọi là Giáo hoàng hưu trí, như Đức Bênêđíctô đã quyết định, mà là Giám mục hưu trí của Rôma.

Có một cuộc tranh luận về những lợi thế và bất lợi của việc có một cựu giáo hoàng sống rất gần với người kế nhiệm mới đắc cử của mình, như Đức Bênêđíctô đã quyết định. Và có một cuộc thảo luận tương tự xung quanh câu hỏi liệu một cựu giáo hoàng có nên vẫn mặc áo giáo hoàng - một lần nữa, như Đức Bênêđíctô, và chỉ một mình ngài, đã quyết định.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cuối cùng, ban hành tông hiến để cập nhật luật lệ về việc trống Tông Tòa (bao gồm cả việc từ chức của giáo hoàng) và bầu Giám Mục Rôma, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy ngài bắt đầu dọn dẹp bàn làm việc của ngài.

Ngài rất có thể đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng - như ngài đã từng gọi nó - để "rút lui và thoái vị".

Không còn là ngoại lệ

Khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan, được bầu làm Giám mục Rôma năm 1978, ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong hơn 450 năm. Nhiều người Công Giáo hiểu chuyện tin rằng cuộc bầu cử của Đức Gioan Phaolô II sẽ mãi là một ngoại lệ đối với truyền thống lâu đời trước đó và người Ý sẽ giành lại quyền giáo hoàng vào cuối triều đại 26 năm làm giáo hoàng của ngài.

Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được chọn trong cơ mật viện bầu giáo hàng năm 2005 và lấy tên Bênêđíctô XVI, thực tại giáo hoàng không phải người Ý không còn là ngoại lệ hay hiện tượng hiếm có nữa. Nó đã trở thành định chế.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoan nghênh Đức Bênêđíctô vì cũng đã tạo ra thực tại từ chức giáo hoàng. Nhưng, cuối cùng, ngài biết khá rõ - nó thực sự vẫn chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi cho đến khi một vị giáo hoàng khác từ chức.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bác Ái Hố Nai thăm bệnh nhân
Hoàng Bá Qúy
10:49 12/02/2019
Gp Xuân Lộc:Chiều ngày mùng 5 Tết, ngày 11 tháng 02 năm 2019, nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Quốc Tế bệnh nhân, vào hồi 14g00, nhóm Bác Ái Hố Nai có niềm vui bất ngờ từ quý ân nhân cộng tác chia sẻ những phần quà đến quý ông bà trong Hội Khiếm Thị huyện Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, Đồng Nai, quý bệnh nhân bại liệt, cao tuổi, khó khăn thuộc giáo xứ Suối Cả, hạt Xuân Lộc.

Tại Hội trường của Huyện Cẩm Mỹ, lúc 15g45, ông trưởng Hội Khiếm Thị và 53 người khiếm thị cùng thân nhân đã chào mừng và chúc mừng năm mới đến 24 thành viên nhóm bác ái bằng những tràng pháo tay rộn vang.

Xem Hình

Tiếp đến, Cô Thung và cô Phương đại diện nhóm thiện nguyện cũng đáp lời chúc xuân đến quý ông bà trong hội khiếm thị.

Ông trưởng Hội Khiếm Thị đã dành tặng ca khúc Câu Chuyện Đầu Năm để chúc xuân các thành viên nhóm. Đáp lại, cô Phương đã hát tặng hội Khiếm Thị bài thánh ca Chúa Sẽ Đền Bù. Hội trường tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Niềm vui của Mùa Xuân.

Phần quà do nhóm Bác Ái dành tặng cho quý ông bà khiếm thị trị giá 250 ngàn đồng/ mỗi người và trao bằng tiền mặt tận tay mỗi người và 53 phần quà đã được trao.

Cuộc gặp gỡ thân mật, chan hòa tình cảm diễn ra trong thoáng chốc nhưng còn đọng lại trong tim mỗi người niềm xao xuyến khôn nguôi.

Chia tay hội khiếm Thị huyện Cẩm Mỹ, nhóm Bác Ái Hố Nai đã đến giáo xứ Suối Cả, hạt Xuân Lộc do cha chính xứ Đaminh Hà Văn Chương trông coi.

Sau khi chào hỏi nhóm, cha Đaminh đã giới thiệu nhóm với thân nhân những người nhận quà. Cô Thung trưởng nhóm chúc mừng Xuân mới đến cha và mọi người và cha cũng chúc xuân đến các thành viên trong nhóm.

50 phần quà trị giá 250 ngàn đồng được trao bằng tiền đến những người thân của những bệnh nhân, những người già khó khăn.

Nhóm chụp hình lưu niệm với cha Đaminh và được nhận phong bao lì xì chúc tuổi.

Kết thúc buổi gặp gỡ, cha và nhóm cầu nguyện tạ ơn tại Đài Đức Mẹ, tại đây cha Đaminh ban phép lành cho nhóm ra về bình an.

"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh". (Mc 6, 56)

Ước mong tất cả chúng ta, những người khiếm thị, những bệnh nhân và những người trong nhóm bác ái đều được chạm vào Chúa, đều được ơn chữa lành phần hồn cũng như phần xác, đặc biệt trong ngày Kính Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Qua tìm hiểu nhanh, nhóm Bác Ái Hố Nai quy tụ một số anh chị em thuộc nhiều giáo xứ trong giáo hạt Hòa Thanh và Hố Nai, có tâm hồn thiện nguyện, chung một chí hướng, bền bỉ, hiệp nhất, yêu thương, một trái tim quảng đại,chung một nhịp đập, một đôi tay nâng đỡ, một đôi chân nhanh nhẹn....Nhất là cùng một niềm tin vào Thiên Chúa Quan Phòng và lòng cậy trông tín thác, trong lời cầu nguyện.

Họ là những người cũng nặng gánh gia đình, cũng bệnh nạn, cũng có những nỗi khổ riêng, nhưng họ quên đi những điều đó và cùng sắp xếp thời gian, công việc và gia đình để vui vẻ ra đi, trao ban niềm vui cho những người kém may mắn hơn.

Xin Chúa ban phúc lành cho nhóm bác ái càng lúc càng có thêm những trái tim biết đồng cảm và chia sẻ để giới thiệu Chúa đến cho nhiều người. Nhất là nhừng người chưa nhận biết Chúa.

Ban Truyền Thông Hố Nai
 
Giáo phận Hà Tĩnh: Thánh lễ Công bố quyết định thành lập Giáo phận và Bổ nhiệm Đức Giám Mục tiên khởi
Đa minh Tiến Khởi
11:01 12/02/2019
Giáo phận Hà Tĩnh: Thánh lễ Công bố quyết định thành lập Giáo phận và Bổ nhiệm Đức Giám Mục tiên khởi

Ngày 11 tháng 2 năm 2019, tại Nhà thờ chính tòa Văn Hạnh (xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã diễn ra Thánh lễ công bố quyết định thành lập giáo phận Hà Tĩnh và trao quyết định bổ nhiệm Đức cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục tiên khởi của giáo phận. Thánh lễ có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Zalewski, đại diện Tòa Thánh; Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn; Đức Tổng Giám Mục Giu se Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và 32 Đức Giám Mục; Quý cha Tổng Đại Diện; quý cha Giảm tỉnh các tỉnh dòng và bề trên các hội dòng; hơn 400 linh mục trong và ngoài giáo phận, hàng ngàn tu sĩ nam nữ, chủng sinh và có hơn 40 ngàn người từ khắp nơi về đây tham dự.

Giáo phận Hà Tĩnh được tách ra từ Giáo phận Vinh bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An (giáo phận Vinh), phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị (Tổng giáo phận Huế), phía Nam giáp Biển đông và phía Tây giáp nước Lào. Giáo phận có diện tích tự nhiên là 14.107,4 km2, trong đó tỉnh Hà Tĩnh có 6.055,6 km2 và tỉnh Quảng Bình là 8.051,8 km2

Tân Giáo phận Hà Tĩnh được dâng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa tọa lạc tại giáo xứ Văn Hạnh. Giáo phận hiện tại có 10 giáo hạt, 116 giáo xứ và chuẩn giáo xứ, với 1278.559 tín hữu (chiếm 13,03% dân số hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), có 135 linh mục, 46 chủng sinh, hàng trăm nam nữ tu sĩ tại 39 sở dòng hoặc nhóm tu sĩ phục vụ tại các giáo xứ trong Giáo phận.

Được biết việc chia tách để thành lập giáo phận Hà Tĩnh đã được Đức Giám Mục Phê rô Trần Xuân Hạp làm đơn đệ trình Tòa Thánh từ năm 1994 nhưng khi đó Ngài đã 74 tuổi, nghĩa là đã gần đến tuổi nghỉ hưu nên các tiến trình đó còn tạm dừng. Năm 2009, Đức Cha Phao lô Maria Cao Đình Thuyên tiếp tục gửi văn thư nhắc lại thỉnh nguyện thành lập Giáo phận mới của vị tiền nhiệm, nhưng lúc đó, Đức cha Phaolô Maria cũng đã 82 tuổi, vì thế Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc chưa trả lời. Ngày 30-7-2010, sau khi Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận sứ vụ Giám mục tại Giáo phận Vinh, Bộ đã gửi văn thư hỏi ý kiến Đức cha Phaolô có tiếp tục xin tách Giáo phận không? Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tiếp tục xin tách Giáo phận như ý nguyện của hai vị tiền nhiệm. Sau những năm tháng mong ngóng, chờ đợi đến ngày Ngày 22-12-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh và bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh.

Đại lễ Thành lập Giáo phận Hà Tĩnh (ngày 11 tháng 2 năm 2019) này sẽ là một móc son ghi dấu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Mùa xuân Kỷ Hợi (2019) này sẽ là một mùa xuân đáng ghi nhớ vì kể từ đây, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có thêm một Giáo phận mới và Giáo phận Hà Tĩnh là giáo phận thứ 27 trong cả nước. Hi vọng và tin tưởng rằng; Nơi dải đất Miền Trung dẫu khô cằn, khí hậu dù khắc nghiệt này thì hạt giống Tin mừng vẫn đủ sức để đâm chồi nẩy lộc và đơm hoa kết trái dồi dào. Mảnh đất Hồng Lam địa linh nhân kiệt này, vùng đất văn nhân, văn hóa này vẫn nảy sinh những anh hùng hào kiệt để dựng xây Giáo hội, dựng xây quê hương đất nước ngày một phồn vinh tốt đẹp.

Đa minh Tiến Khởi
 
Bài giảng của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên trong Thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận Hà Tĩnh
+TGM Vũ văn Thiên
14:42 12/02/2019
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TGM GIUSE VŨ VĂN THIÊN
NGÀY KHỞI ĐẦU SỨ VỤ GIÁM MỤC CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP

Ngày 11 Tháng Hai, 2019

Kính thưa Cộng đoàn,

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vui mừng vì có thêm một Giáo phận mới, đó là Giáo phận Hà Tĩnh, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là nguyện vọng từ lâu của các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Vinh. Vì vậy, đây vừa là niềm vui của Giáo phận con, cũng là niềm vui của Giáo phận Mẹ. Cuộc sinh hạ nào cũng pha lẫn đau đớn và vui mừng. Gia đình Giáo phận Vinh từ trước là một, nay tách ra một phần để làm thành Giáo phận mới. Đó là nỗi đau đớn. Việc thành lập một Giáo phận mới đánh dấu sự trưởng thành và tạo nhiều thuận lợi cho công việc mục vụ, đem lại những hiệu quả truyền giáo. Đó là niềm vui mừng. Việc Đức Cha Phaolô trọng nhậm Giáo phận Hà Tĩnh, vừa cũ vừa mới. Cũ, vì từ hơn 8 năm nay ngài đã làm Giám mục Vinh trong đó có Giáo phận Hà Tĩnh. Mới, vì kể từ nay, ngài là Giám mục tiên khởi của Giáo phận vừa được sinh ra. Vì vậy chúng ta có rât nhiều lý do để chúc mừng Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh, chúc mừng Mẹ và chúc mừng Con, đồng thời cầu nguyện cho hai giáo phận được thăng tiến và phát triển.

Trong ngày hân hoan vui mừng này, cộng đoàn phụng vụ chúng ta dâng lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Bổn Mạng của Giáo phận Hà Tĩnh. Như chúng ta biết, trong niên lịch phụng vụ, lễ này được cử hành vào ngày 1-1 dương lịch, tức là ngày đầu năm mới. Giáo Hội tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ ở thành Nagiarét, là Mẹ Đức Chúa Trời, vì Mẹ đã sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể. Tước hiệu này vừa diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa, vừa cho thấy tình yêu thương bao la của Ngài. Thiên Chúa khiêm nhường, bỏ ngai tòa cao sang để sinh xuống làm người, làm con một người phụ nữ, như Bài đọc II đã khẳng định. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình. Thánh Luca đã kể lại trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe: khi những người chăn chiên hối hả chạy đến xem những gì đã xảy ra, họ thấy đúng như lời sứ thần loan báo, đó là “Bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Khi tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Mẹ, sống đơn sơ khiêm nhường, phó thác cậy tin nơi Chúa Quan phòng, trong mọi hoàn cảnh.

Qua mầu nhiệp nhập thể của Ngôi Lời, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới, mở ra một tương lai tươi sáng, để rồi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Qua việc thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, cộng đoàn dân Chúa nơi đây bước sang một trang sử mới, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội để thăng tiến đức tin và nỗ lực truyền giáo. Khi tôn nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm Bổn mạng của Giáo phận này, chắc chắn các vị hữu trách muốn phó thác Giáo phận nơi lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ, đồng thời cũng mong muốn Giáo phận này luôn như một người mẹ ấp ủ đoàn con, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, để quy tụ và dẫn đưa về quê trời. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương đều là một phần của Giáo Hội hoàn vũ, nơi đó có trọn vẹn Giáo Hội với bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Như thế, Giáo phận Hà Tĩnh của chúng ta cũng phản ánh đầy đủ hình ảnh thân thể huyền nhiệm của Đức Giêsu, gồm nhiều chi thể khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một sứ mạng là loan báo Tin Mừng, và cùng chung tình hiệp thông để nối kết với 26 Giáo phận khác trong nước, để cùng vươn xa tới tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.

Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng là ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình là niềm ước vọng của con người, từ khi hiện hữu trên trái đất. Hài Nhi Giêsu giáng sinh tại Belem chính là Hoàng tử Hòa bình. Người đến để thiết lập hòa bình giữa Thiên Chúa và con người. Người cũng kêu gọi con người hãy xây dựng hòa bình khởi đi từ chính tâm hồn cá nhân mỗi người, để đón nhận Chúa và đón nhận anh chị em mình. Một khi tâm hồn được bình an, chúng ta có thể cầu nguyện như Thánh Phanxicô, vị thánh nghèo quê ở Assisie: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.

Khi tôn vinh Đức Maria trong ngày ra mắt chính thức Giáo phận mới Hà Tĩnh và ngày khởi đầu sứ vụ Giám mục của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chúng ta cầu nguyện cho Giáo phận này được bình an. Theo các dữ liệu thống kê, Giáo phận Hà Tĩnh có diện tích 14.091 km2; 278.559 tín hữu Công Giáo, trên tổng dân số 2.137.505 người, chiếm 13,03% dân số. Để phục vụ đoàn chiên Hà Tĩnh, có 135 Linh mục, 19 Tu sĩ nam, 188 nữ tu và 56 chủng sinh đang được đào tạo tại Đại chủng viện thánh Phanxicô Xavier. Với con số nhân sự như trên, chúng ta thấy đây là một Giáo phận có nhiều hứa hẹn cho một công cuộc truyền giáo mới, mở ra một trang sử đầy triển vọng, hướng tới tương lai.

Hà Tĩnh cũng là dẻo đất khô cằn, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, lũ lụt thiên tai thường xuyên. Được tôi luyện trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắt nghiệt, con người nơi đây trở nên kiên cường và mạnh mẽ. Trong bài phỏng vấn Vatican News sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Hà Tĩnh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhận định: “Trên mảnh đất khô cằn này, suốt bề dày của lịch sử, nhất là thời bao cấp, người dân phải gồng mình lên để sống và để làm chứng cho niềm tin”. Khi được hỏi về những ưu tư trong sứ vụ Giám mục, Đức Cha Phaolô đã cho biết: ưu tư hàng đầu của ngài là giáo dục và tạo việc làm cho giới trẻ. Vị chủ chăn không khỏi đau lòng khi chứng kiến số đông con cái mình phải đi tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn trong nước và ở nước ngoài. Vì lo thoát nghèo và vì mưu sinh, nên phần lớn bạn trẻ chỉ học tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là những bế tắc chưa tìm được giải pháp, vì thế cánh cửa tương lai vẫn chưa thực sự mở ra cho giới trẻ. Chia tay Giáo phận Vinh sau 8 năm gắn bó, vẫn còn đó những giấc mơ chưa tròn, như ngài tâm sự trong thánh lễ chia tay ngày 22-1-2019, đó là Công trình Thánh địa Trại Gáo, Cầu Rầm, trường cho người khiếm thị, trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người nghèo, người khuyết tật…

Cùng với ưu tư về đời sống văn hóa, nghề nghiệp và đức tin của giới trẻ, Đức Giám Mục Hà Tĩnh cũng nói lên những lo lắng về hòa bình và quyền lợi của người dân, nhất là những người nghèo tại mảnh đất khô cằn và hằng năm bão giông lũ lụt. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 8 năm nay, ngài đã nỗ lực cố gắng nói lên tiếng nói của người nghèo, để bảo về quyền lợi của họ và mong cho họ được đối xử công bằng. Với châm ngôn đời Giám mục “Sự thật và tình yêu”, Đức Cha Phaolô đã thực hiện chức năng ngôn sứ, can đảm dấn thân phục vụ mọi người, chứng minh những giá trị Tin Mừng và giới thiệu giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực xã hội. Người thực hiện chức năng ngôn sứ bao giờ cũng trải qua những thương đau và chống đối, nhưng quyền năng Chúa luôn ở với họ. Những ưu tư của Đức Cha Phaolô cũng là hướng đi của Hội đồng Giám mục Á châu, được thể hiện qua, vị Tân Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), Đức Hồng y Charles Bo. Trong một bài phát biểu mới đây, ngài đã phác họa lộ trình 5 điểm cho Giáo hội tại Châu Á với các mục tiêu: công lý, hoà giải, quyền của người bản địa và đối thoại để đạt được công lý, hoà bình và thịnh vượng cho mọi người (Nguồn: Website của Hội đồng Giám mục VN). Lộ trình này nhằm đưa Giáo Hội Công Giáo tại Á châu đẩy mạnh việc hòa giải như một cuộc Tân Phúc âm hoá. Đem giá trị của Tin Mừng chiếu rọi vào các nền văn hóa phong phú như một “bức tranh khảm” muôn màu muôn vẻ của châu lục này.

“Có nơi mô như miền quê ta. Miền đất quanh năm bao mùa nắng gió, thương cha một đời gập ghềnh bờ đê, nắng trũng hai vai mưa thâm mắt cá, cho cây lúa vẫn xanh dưới trời chang chang.Có nơi mô như người quê ta, thương nhau quả cà cùng chia làm ba, yêu nhau em gửi qua câu dân ca, sông La có cạn núi Hồng hết cây, thì em vẫn nỏ hết tình” (Về Hà Tĩnh người ơi – Tg Xuân Thủy). Câu ca này diễn tả nỗi nghèo của miền quê đất cằn gió nóng, đồng thời cũng cho thấy tình người đậm đà gắn bó keo sơn. Tình người nơi đây sẽ được thăng hoa và đậm đà hơn nữa, nếu được thấm nhuần chất men của Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho sứ vụ của Đức Cha Phaolô tại mảnh đất này đem lại những hiệu quả tốt đẹp. Cầu nguyện cho Giáo phận Hà Tĩnh sẽ có những mùa gặt bội thu, để rồi “đi mô ta cũng nhớ về Hà Tĩnh”, vì trên mảnh đất khô cằn và nghèo nàn này, đức tin sẽ tỏa sáng, hòa bình, công lý, sự thật và tình yêu sẽ nở hoa và tỏa sắc khoe hương.

+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 
Lời chúc mừng của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh nhân ngày công bố thành lập Giáo phận Hà Tĩnh
+ TGM Giuse Nguyễn Chí Linh
14:48 12/02/2019
Lời chúc mừng của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ngày 11 Tháng 2, năm 2019

Kính thưa…

Hôm nay là ngày công bố thành lập Giáo phận Hà tĩnh đồng thời là ngày tựu chức của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Ngày mai, tại nhà thờ Chính Toà Xã Đoài, Nghệ An, Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, sẽ tựu chức Giám mục Giáo phận Vinh. Hai biến cố chỉ cách nhau có một ngày cốt là để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng sâu xa hơn, hai biến cố đều có chung một mẫu số: Giáo phận Vinh được tách làm đôi.

Thực ra giấc mơ chia tách giáo phận đã có từ thời Đức cha Phêrô Gioan Trần xuân Hạp. Rất tiếc là giấc mơ chưa thành thì ngài đã qua đời. Người sau đó tiến hành thủ tục chia tách chính là Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đang hiện diện trước mặt chúng ta đây. Chính ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ Văn Hạnh này làm nhà thờ chính toà và làm cơ sở nền tảng cho Giáo phận mới.

Ngài được mệnh danh là vị Giám mục trên từng cây số. Hộ khẩu thường trú là xe chứ không phải nhà. Bây giờ tuổi ngài đã cao nhưng sức ngài vẫn chưa yếu. Hiện ngài đang hưu dưỡng tại Nghệ An, không biết sắp tới đây ngài có về giúp Hà Tĩnh không, nhưng chúng con tin rằng ngài vẫn tiếp tục để lại dấu ấn và luôn sẵn sàng có mặt trên từng cây số cả hai Giáo phận máu thịt của ngài.

Kính thưa Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,

Đức cha là Giám mục tiên khởi của Tân Giáo Phận Hà Tĩnh. Bỗng dưng con có ý nghĩ tên của Đức cha rất đẹp nhưng lại là một nghịch lý. Thái là cắt ra từng mảnh. Hợp là liên kết lại. Đã thái ra rồi thì không thể hợp lại nữa thưa Đức cha.

Thế mà trong ngày lịch sử này con lại thấy thái rồi vẫn hợp được. Có người bảo rằng ở các nước tiên tiến, người ta văn minh đến độ dẫn một con bò đến một chiếc máy, chỉ cần đẩy nó vô đó là mấy phút sau nó thành thịt bò đóng hộp.

Nhưng văn minh như thế không ăn thua. Việt Nam chưa phải là nước tiên tiến, nhưng người Việt Nam thì thông minh không ai bì kịp. Trong một tương lai không xa, người Việt Nam chỉ cần bỏ thịt bò hộp vô máy, lập tức nó sẽ đùn ra đầu kia một con bò sống rừng rực sức khoẻ, có thể dẫn đi cày được ngay.

Chắc có người thầm nhủ ông này là Giám mục mà nổ Trảng Bom. Nói thế là nói phét. Làm gì lại có chuyện như thế.

Có lẽ tôi lấy ví dụ hơi vụng về. Nhưng ý tôi chỉ muốn nói rằng lịch sử Giáo Hội luôn là một quá trình biện chứng giữa tan rồi hợp. Hay nói cho cụ thể: thái xong rồi hợp, thái ra để hợp lại.

Năm 1659 Việt Nam chỉ có hai Giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thế mà theo dòng thời gian, hai Giáo phận đó dần dà đã được thái nhỏ ra thành 26 Giáo phận, nay thêm Hà Tĩnh nữa là 27 Giáo phận. Điều kỳ diệu là mỗi lần thái nhỏ ra là mỗi lần Giáo Hội lại biến thành một khối hiệp thông mới.

Trong thánh lễ đón tiếp vị chủ chăn mới của Giáo phận Hà Tĩnh ngày 23/01/2019, cũng tại nhà thờ này, tất cả những bài phát biểu đều đã đề cao tình hiệp thông. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp phân tích rằng Nghệ Tĩnh Bình, vốn là đất cày lên sỏi đá, “mưa thối đất, nắng đỏ trời”, đã trở thành xinh tươi màu mỡ nhờ sự hợp lực của mọi tầng lớp và mọi thế hệ Kitô hữu. Đức cha Alphong Nguyễn Hữu Long khẳng định rằng Nghệ An, Hà Tĩnh giống như anh em ruột thịt tuy hai mà một. Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Sỹ Hướng đại diện cho giáo phận Vinh đã ví von đại cuộc Hà Tĩnh sẽ êm thấm như cảnh thuận vợ thuận chồng tát cạn biển đông. Cha Phêrô Trần phúc Chính, thay lời cho đại gia đình Hà Tĩnh đã thân thưa với Đức cha Phaolô tân nhiệm rằng giáo phận mới là một con thuyền các thuỷ thủ chèo chống nhịp nhàng dưới quyền điều khiển của một vị giám mục thuyền trưởng duy nhất.

Nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng tất cả đều tuyên xưng và tôn vinh tình hiệp nhất, tất cả đều cam kết chung lưng đấu cật xây dựng toà nhà Giáo Hội.

Đúng như ý nghĩa của kẹo cu đơ. Bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu loại bánh cạnh tranh nhưng kẹo ta vẫn cứ hiên ngang với thời gian.

Dòng sông Cả từ đây chia Giáo Phận Vinh thành đôi bờ ngăn cách. Nhưng cầu Bến Thuỷ vẫn còn đó, lúc nào cũng nối liền hai khối yêu thương. “Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Tình cũng là bí quyết Đức cha Phaolô Hà Tĩnh chọn làm châm ngôn Giám mục.

Hà Tĩnh là “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chí sĩ Phan Đình Phùng, nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn, nhà sử học Trần Trọng Kim, nhà thơ Xuân Diệu, Cù Huy Cận v.v…

Thay lời cho HĐGM, con kính chúc Đức cha sẽ là một danh nhân Công Giáo kiệt xuất đi vào lịch sử của Hà Tĩnh.

Cuối cùng, trong bầu khí mùa xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, tôi cầu chúc mọi người, mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện, cách riêng dân Chúa Hà Tĩnh một tương lai tươi sáng tuyệt vời như mùa mùa Xuân Giáo Hội.

Trân trọng cám ơn,

+ TGM Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
 
Tân Giáo phận Hà Tĩnh: Mừng ngày thành lập Giáo phận và khởi đầu sứ vụ của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Pet. Duy Lượng
15:09 12/02/2019
Tân Giáo phận Hà Tĩnh: Mừng ngày thành lập Giáo phận và khởi đầu sứ vụ của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp
11 Tháng 2, năm 2019

HÀ TĨNH - Ngày 22-12-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh và bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh.

Đây là tin vui cho Giáo Hội Việt Nam, đồng thời cũng là niềm vui, niềm tự hào của người Công Giáo thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Giáo phận Hà Tĩnh là bằng chứng cho thấy Giáo Hội tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng về số lượng các tín hữu cũng như sự lớn mạnh về đời sống Đức tin.

Theo dòng lịch sử, Giáo phận Hà Tĩnh có một quá trình chuẩn bị thành lập khá lâu dài. Dưới thời Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp, vào năm 1994, ngài đã đệ trình Tòa Thánh xin chia tách Giáo phận. Nhưng lúc đó, Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp đã 74 tuổi, nghĩa là đã gần đến tuổi nghỉ hưu. Chính vì thế tiến trình đó tạm dừng. Vào năm 2009, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên tiếp tục gửi văn thư nhắc lại thỉnh nguyện thành lập Giáo phận mới của vị tiền nhiệm. Nhưng lúc đó, Đức cha Phaolô Maria cũng đã 82 tuổi, vì thế Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc chưa trả lời. Ngày 30-7-2010, sau khi Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận sứ vụ Giám mục tại Giáo phận Vinh, Bộ đã gửi văn thư hỏi ý kiến Đức cha Phaolô có tiếp tục xin tách Giáo phận không? Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tiếp tục xin tách Giáo phận như ý nguyện của hai vị tiền nhiệm.

Sau những năm tháng hy vọng và chờ đợi, Giáo phận Hà Tĩnh cũng được khai sinh. Hôm nay, ngày 11 tháng 2 năm 2019, ngày chính thức công bố Quyết định thành lập giáo phận Hà Tĩnh và là ngày Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, vị Giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh, chính thức nhậm tòa.

Vào đúng 9h00, thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận Hà Tĩnh và Mừng ngày ra mắt chính thức Giáo phận mới Hà Tĩnh, ngày khởi đầu sứ vụ Giám mục của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, được cử hành. Hiện diện trong thánh lễ có Đức Tổng Giám Mục Zalewski, Đại diện Tòa Thánh; Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn; 33 Đức Giám Mục; Quý cha Tổng Đại Diện; quý cha Giảm tỉnh và bề trên các hội dòng; hơn 400 linh mục thuộc giáo phận Hà Tĩnh và các giáo phận khác; hàng ngàn tu sĩ nam nữ và có hơn 40 ngàn người tham dự.

Sau lời khai lễ, Đức Tổng Giám Mục Zalewski, Đại diện Tòa Thánh trao quyết định thành lập Giáo phận Hà Tĩnh và trao Tông sắc Bổ nhiệm Giám mục cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Zalewski dẫn Đức cha Phaolô lên Ngai Tòa và các đại diện dân Chúa trong Giáo phận tiến đến cúi chào Đức cha Phaolô tỏ lòng tôn kính và vâng phục. Từ giây phút lịch sử này, tân Giáo phận Hà Tĩnh chào đời và bắt đầu cuộc sống mới.

Giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên đã nhấn mạnh: “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vui mừng vì có thêm một Giáo phận mới, đó là Giáo phận Hà Tĩnh, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Việc thành lập một Giáo phận mới đánh dấu sự trưởng thành và tạo nhiều thuận lợi cho công việc mục vụ, đem lại những hiệu quả truyền giáo”. Ngài cũng ước mong cho “Tình người nơi tân Giáo phận sẽ được thăng hoa và đậm đà hơn nữa, nếu được thấm nhuần chất men của Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho sứ vụ của Đức Cha Phaolô tại mảnh đất này đem lại những hiệu quả tốt đẹp. Cầu nguyện cho Giáo phận Hà Tĩnh sẽ có những mùa gặt bội thu, để rồi ‘đi mô ta cũng nhớ về Hà Tĩnh’, vì trên mảnh đất khô cằn và nghèo nàn này, đức tin sẽ tỏa sáng, hòa bình, công lý, sự thật và tình yêu sẽ nở hoa và tỏa sắc khoe hương”.

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Zalewski Đại diện Tòa Thánh gửi lời chúc mừng đến Đức cha Phaolô cùng tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận Hà Tĩnh: “Tôi rất vui mừng, biết ơn và vinh hạnh vì được hiện diện trong thánh lễ này để cùng cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa lời ngợi ca trong thời khắc đầu tiên khai mạc sứ vụ mục tử của Đức cha Phaolô, vị Giám mục tiên khởi của tân Giáo phận Hà Tĩnh. Dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu, sứ mạng của một người Mục tử là đi trước đoàn chiên. Các vị mục tử có khả năng đọc được dấu chỉ và tiếng nói của Chúa, để từ đó, các mục tử với lòng khiêm nhường bước theo tiếng nói của sự thật, chứ không phải phục vụ tiếng nói hay ý tưởng của con người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin tưởng giao phó đoàn chiên Giáo phận Hà Tĩnh cho Đức cha Phaolô, là một bộ phận của Giáo Hội hoàn vũ để, Đức cha chăn dắt và hướng dẫn đoàn chiên tiến về nhà Cha trên trời. Với tâm tình này, Đức Thánh Cha Phanxicô ưu ái ban phép lành Tông Tòa đến Đức cha Phaolô, quý linh mục tu sĩ và toàn thể anh chị em trong Giáo phận Hà Tĩnh”.

Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát biểu và gửi lời chúc mừng, ngài nói: “Năm 1659, Việt Nam chỉ có hai giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thế mà theo dòng thời gian, hai giáo phận đó dần dà đã được thái nhỏ ra thành 26 giáo phận, nay thêm Hà Tĩnh nữa là 27 giáo phận. Điều kỳ diệu là mỗi lần thái nhỏ ra là mỗi lần Giáo Hội lại biến thành một khối hiệp thông mới. Trong bầu khí mùa xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, Đức cha cầu chúc mọi người, mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện, cách riêng dân Chúa Hà Tĩnh một tương lai tươi sáng tuyệt vời như mùa mùa Xuân Giáo Hội”.

Đáp lời, Cha quản hạt Văn Hạnh, Phêrô Hoàng Biên Cương, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, quý Đức Hồng Y, quý Giám mục và mọi thành phần trong Giáo Hội đã thành lập tân Giáo phận Hà Tĩnh nơi mảnh đất miền trung nghèo khó, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại giàu tình người và can trường trong đức tin.

Hôm nay là một ngày tròn đầy niềm vui và hồng phúc của hơn 278 ngàn con tim trong Giáo phận Hà Tĩnh. Sau 173 năm cưu mang và 25 năm chuyển dạ, hôm nay Giáo phận Vinh sinh ra người con là Giáo phận Hà Tĩnh. Thay lời cho đại gia đình Hà Tĩnh, ngài đã thân thưa với Đức cha Phaolô tân nhiệm rằng Giáo phận mới là một con thuyền, các thuỷ thủ sẽ chèo chống nhịp nhàng dưới quyền điều khiển của một vị Giám mục thuyền trưởng duy nhất.

Sau cùng, trong giờ phút linh thiêng, Đức cha Phaolô đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã trao cho ngài sứ vụ cao cả, bất chấp giới hạn và khiếm khuyết của con người. Muôn ngàn đời xin được ca ngợi lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Đức cha Phaolô xin chân thành cám tạ Đức Thánh Cha Phanxicô đã lắng nghe nguyện vọng của cộng đoàn dân Chúa về việc thành lập tân Giáo phận Hà Tĩnh. Ngài cũng gửi lời tri ân tới Bộ Loan Báo Tin Mừng, quý Đức Tổng Giám Mục, quý Giám mục, quý cha Đại diện và cũng như tất cả mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp thông và cầu nguyện cho ngài và cho Giáo phận mới.

Với bài ca du dương trầm bổng kết lễ, các ca viên của ca đoàn giáo xứ Trung Nghĩa, dưới sự điều hành của cha quản xứ Giuse Nguyễn Công Bình, đã hướng cộng đoàn dâng lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng Giáo phận, những tâm tình tạ ơn. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đồng hành, hướng dẫn Giáo phận để mọi thành phần dân Chúa được thăng tiến hơn trong đời sống đạo.

Hà Tĩnh là Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tân Giáo phận Hà Tĩnh ở miền Trung Việt Nam, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, được dâng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa tọa lạc tại giáo xứ Văn Hạnh. Giáo phận có 278.559 tín hữu (chiếm 13,03% dân số hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình). Giáo phận có 10 giáo hạt, 116 giáo xứ và chuẩn giáo xứ, 135 linh mục, 46 chủng sinh, hàng trăm nam nữ tu sĩ tại 39 sở dòng hoặc nhóm tu sĩ phục vụ tại các giáo xứ trong Giáo phận.

Là một giáo phận mới, có địa bàn rộng lớn, số giáo dân đông và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đời sống giáo dân còn gặp nhiều khó khăn, vì thế công tác loan báo Tin Mừng tuy có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Ước mong rằng, dưới sự dẫn dắt của Đức cha Phaolô tân Giáo phận Hà Tĩnh sẽ ngày càng vững bước trong cuộc lữ hành đức tin.

 
Giới thiệu chương trình Hội Ngộ Giới Trẻ Mùa Chay tại Melbourne
Hội Ngộ Giới Trẻ Mùa Chay Melbourne
20:51 12/02/2019
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Câu “Ngài lại phục sinh, He rose again” có nghĩa là gì?
Nguyễn Trọng Đa
11:11 12/02/2019
Giải đáp phụng vụ: Câu “Ngài lại phục sinh, He rose again” có nghĩa là gì?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây, một giáo dân đã hỏi tôi câu hỏi về một tín khoản mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, đó là “và ngày thứ ba Ngài lại phục sinh (rose again) từ trong kẻ chết”. Thưa cha, “Ngài lại phục sinh, he rose again” có nghĩa là gì? Cảm ơn cha. - P. H., Toronto, Canada.


Đáp: Cụm từ này cũng được tìm thấy trong Kinh Tin Kính Nicene bằng tiếng Anh, nhưng là hiếm được sử dụng ở Canada.

Trong các Tin Kính bằng tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và các ngôn ngữ khác, người ta đọc thấy “và ngày thứ ba, Ngài phục sinh từ cõi chết”. Không còn chữ “lại, again” nữa.

Đối với một số người, từ ngữ “lại, again” dường như ngụ ý rằng Chúa Giêsu đã sống lại hơn một lần từ cõi chết.

Đây chỉ đơn giản là một “lối nói nước đôi” (quirk) của ngữ pháp tiếng Anh, mà không có trong tất cả các ngôn ngữ khác. Nó không nhất thiết có nghĩa rằng hành động đã được thực hiện trước đó.

Chẳng hạn, nếu chúng ta nói: “Phêrô đang đi trong rừng, anh ta vấp phải một cái rễ và ngã úp mặt xuống. Sau tiếng rên rỉ, và dụi mũi, anh ta lại đứng dậy (he got up again)”. Việc anh ta lại đứng dậy không có nghĩa là anh ta đã ngã hơn một lần.

Cấu trúc tiếng Anh như thế cũng được sử dụng trong Kinh Thánh King James và các bản dịch khác của Tân Ước, khi nói đến sự phục sinh của Chúa Kitô.

Chẳng hạn, mời đọc Mt 20: 18-19:

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ lại trỗi dậy (he shall rise again)”.

(kiểu như thế được lặp lại trong Mc 10: 33-34 và Lc 18: 31-33).

Ngoài ra, 1 Cr 15: 3-4:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã lại trỗi dậy (he rose again), đúng như lời Kinh Thánh”.

Hoặc trích từ Hamlet của Shakespeare (Chương 5, Cảnh 2), trong đó Laertes nói:

“Nó là đây, Hamlet. Hamlet, ngươi đã giết người;

Không thuốc nào trên thế giới có thể là tốt cho ngươi.

Trong ngươi không có nửa giờ được sống.

Công cụ nguy hiểm là trong tay ngươi,

Không bị cản trở và nhiễm độc. Sự thực hành lầm lỗi

đã rơi xuống tôi. Lo, tôi nằm ở đây,

Không bao giờ lại trỗi dậy (rise again). Mẹ của bạn bị đầu độc

Tôi không thể làm gì hơn. Hãy quy lỗi cho nhà Vua”.

Trong các trường hợp này, chữ “lại, again” có thể có nghĩa là “lại, lại nữa, anew”, hoặc “lại từ đầu, lại nữa, afresh”, hoặc quay trở lại vị trí và điều kiện trước đó. Do đó, “lại trỗi dậy, lại phục sinh, rose again” không có nghĩa là “phục sinh lần thứ hai, rose a second time”, mà là trở lại tình trạng trước đó, trở lại ở giữa các người đang sống.

Cách sử dụng từ ngữ “lại, again”, tương đối phổ biến trong tiếng Anh đầu thế kỷ XVII, là ít hơn trong thành ngữ hiện đại, và điều này sẽ giải thích sự nhầm lẫn khó hiểu của một số bạn đọc thời nay. (Zenit.org 12-2-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/he-rose-again/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vũ Điệu Tango
Đặng Đức Cương
12:57 12/02/2019
VŨ ĐIỆU TANGO
Ảnh của Đặng Đức Cương

Tango vũ điệu mê hồn
Mười hai bước nhảy bồn chồn chơi vơi
Thăng trầm mười tám lả lơi
Hai mươi ba bước như khơi nỗi sầu
(Trích thơ của Châu Nam Kim Minh)