Ngày 15-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tiền của
Lm. Jos. Hoàng Mạnh Hùng
01:26 15/02/2019
Sau những ngày nghỉ Tết, dòng người lại tấp nập trở về thành phố. Cuộc muu sinh lại tiếp tục vì các nhu cầu của đời sống. Ai cũng lo lắng sao cho có thể kiếm được thật nhiều tiền để thỏa mãn tối đa các nhu cầu sống. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền.

Thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta muốn bán nó. Chính vì thế mà người ta đã ví von đề cao đồng tiền đến mức: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý …”.

Ban đầu, người ta kiếm tiền để sống, nhưng càng ngày người ta càng muốn sở hữu nhiều hơn. Người đời thường hay "đứng núi này trông núi nọ" nên không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để theo đuổi mục đích kiếm cho thật nhiều tiền. Khi đó đồng tiền bắt đầu đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người.

Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống xã hội. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nó có thể sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực.

Nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì tiền thường đi liền với bạc: bạc tình, bạc nghĩa …. Dựa vào mãnh lực của đồng tiền, người ta có thể biến không thành có, đổi trắng thay đen hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại.

Tục ngữ Pháp có câu: “Tiền có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu”. Khi người ta mù quáng lao vào kiếm tiền bằng mọi giá thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí đánh mất cả bản thân.

“Mạnh vì gạo bạo vì tiền”, tiền bạc không những làm hư hỏng con người, mà nó còn làm cho nhân loại lạc vào sa đọa, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.

Hiểu được lòng dạ của con người, Chúa Giêsu đã dạy cho cho chúng ta bài học: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.”

Chúa không khuyên chúng ta bàng quan với tiền bạc, nhưng Người muốn chúng ta đừng quá lao tâm tổn lực chạy theo đồng tiền mà quên đi những giá trị sống khác. Đừng để hết tâm trí vào việc tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh cửu.

Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm tiền kiếm bạc, còn cái lo của Thiên Chúa là lo con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Người. “Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?”

Chúa không muốn ta sống vô lo, vô trách nhiệm. Người muốn chúng ta phải biết lo lắng, biết tính toán, biết hoạch định, biết phòng xa để cùng cộng tác với Người trong việc hoàn thiện và cứu độ thế giới.

Là người Kitô hữu chúng ta phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Người luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chim trời có giá trị không bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Chúa còn nuôi ăn, cho mặc đẹp. Huống chi con người là con cái Thiên Chúa lại không được Người quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó?

Thế nên, chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. “ Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.

Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Ngày ngày, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời kinh đền tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Chúa. Đừng quá mong cầu tiền của vì tiền của là thứ trao tay hết người này đến người khác không thể còn mãi được.

Hãy chu toàn bổn phận của mình bằng những khả năng và hoàn cảnh Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc đời mình sinh lợi thêm cho Chúa và để cuộc sống của chúng ta thực sự có ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con tin vào sự quan phòng và phó thác đời sống trong tay Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho những công việc chúng con làm để nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần xây dựng xã hội. Xin cho chúng con biết dùng tiền của làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
10 ngày đầu tháng Hai, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Pháp
Đặng Tự Do
01:58 15/02/2019
Nếu như Mễ Tây Cơ ngày nay khét tiếng là một quốc gia nơi an toàn của các linh mục là đáng lo ngại nhất thì nước Pháp đã trở thành nơi các ngôi thánh đường bị phạm thánh trầm trọng nhất.

Thật thế, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng Hai, 2019, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng đã diễn ra.

Vụ mới nhất là vụ lật nhào nhà Tạm tại nhà thờ Maisons-Laffitte.

Ngày 10 tháng Hai năm 2019, vào lúc xế trưa, cha sở giáo xứ Thánh Nicolas tại quận Maisons-Laffitte trong thành phố Yvelines phát hiện ra rằng nhà Tạm của nhà thờ đã bị lật nhào xuống đất. Cảnh sát đã được gọi đến điều tra. Dựa trên băng ghi hình từ các camera của nhà thờ, các lực lượng an ninh bắt giữ một người đàn ông 35 tuổi. Y đã thú nhận với cảnh sát hành động của mình.

Vụ việc này xảy ra ngay sau khi nhà thờ Thánh Nicolas tại Houilles cách đó 47km, ở phiá Bắc thủ đô Paris, bị phá hoại lần thứ ba trong vòng bảy ngày của tháng Hai.

Vào ngày 29 tháng Giêng, tượng Chúa Kitô vác thánh giá đã bị ném xuống đất tại khu vực dành cho ca đoàn nhà thờ Thánh Nicolas ở Houilles. Vài ngày sau, vào ngày 1 tháng Hai, kẻ gian trở lại đập nát những cánh tay của bức tượng. Vào ngày 4 tháng Hai, kẻ gian lại trở lại lần thứ ba đập nát một bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi.

Linh mục giáo xứ cho biết thiệt hại của bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi có từ thế kỷ 19 là “không thể sửa chữa” vì “hoàn toàn bị đập nát”.

Vụ phạm thánh tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon

Một vụ phạm thánh còn đáng kinh hoàng hơn nữa đã diễn ra chỉ một ngày trước đó tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon cách Paris 282 km về phiá Đông Nam.

Vào ngày 9 tháng Hai năm 2019 một bọn phá hoại, đến nay vẫn chưa bị bắt, đã lẻn vào nhà thờ. Chúng mở nhà Tạm ra quăng Mình Thánh Chúa xuống đất, khăn bàn thờ bị chúng vấy bẩn và một cuốn sách lễ Rôma bị xé nát. Chúng làm cho khung cảnh trên bàn thờ rất dơ bẩn đến mức ngày 12 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Roland Minnerath đã phải cử hành một thánh lễ đền tạ và tái thánh hiến ngôi thánh đường này trước khi có thể cử hành các thánh lễ như thường lệ.

Cha Emmanuel Pic, linh mục của giáo xứ, bày tỏ sự kinh hoàng của ngài và lưu ý rằng các thủ phạm đã tập trung tấn công vào “chính trái tim của đức tin Công Giáo” khi tấn công bàn thờ và nhà Tạm. Ngài nhấn mạnh rằng đối với người Công Giáo, bánh lễ sau khi được thánh hiến trong thánh lễ trước đó không còn là “Bánh, nhưng là thân thể của Chúa Kitô.”

Trong tổng số 541,800 dân, tổng giáo phận Dijon có 355,700 tín hữu Công Giáo chiếm 65.6% dân số.

Vụ phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants ở Nîmes

Ngày 5 tháng Hai năm 2019, văn phòng công tố viên ở Nîmes đã chính thức mở một cuộc điều tra sau một vụ phạm thánh còn nghiêm trọng hơn nữa tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants của thành phố này.

Bọn phá hoại dùng phân người vẽ lên một hình thánh giá trên một bức tường bên trong nhà thờ. Nghiêm trọng hơn thế nữa, chúng đập bể nhà Tạm lấy các bánh thánh gắn dọc theo hình thánh giá đó. Những bánh thánh khác bị chúng vất vương vãi trên mặt đất.

Trong bản tuyên bố hôm 8 tháng Hai, Đức Cha Robert Wattebled, Giám mục giáo phận Nimes nhận định rằng:

“Việc phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame-des-Enfants ở Nîmes ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giáo phận chúng ta. Dấu thánh giá và Bí tích Thánh Thể đã là mục tiêu chính của những hành động gây đau thương nghiêm trọng. Hành động thô bỉ này làm tổn thương niềm tin sâu sắc nhất của tất cả chúng ta”.

Ngài cho biết rằng trong những điều kiện như thế, việc thờ phượng không thể được tổ chức trong ngôi thánh đường này cho đến khi những hành vi tục tĩu này được sửa chữa bởi một nghi thức sám hối mà đến nay vẫn chưa được ấn định vì còn phải mất một thời gian để khử các mùi hôi do bọn phá hoại gây ra.

Thông cáo của giáo phận Nîmes cho biết: “Cộng đồng các nữ tu dòng Carmêlô, dòng Xitô nhặt phép và dòng Clara khó nghèo của Giáo phận đã tổ chức một ngày ăn chay và đền tạ chung, như một cử chỉ đền bù cho các hành động phá hoại thô bỉ này.”

Thông cáo cho biết thêm: “Tất cả các giáo xứ và cộng đồng Công Giáo cũng đã liên kết với các nữ tu trong lời cầu nguyện này, theo những cách thức khác nhau phù hợp với họ”.

Trong tổng số 623,125 dân, giáo phận Nîmes, thuộc về tổng giáo phận Montpellier có 364,500 người Công Giáo chiếm tỷ lệ 58.5% dân số.

Vụ đốt cháy nhà thờ chánh tòa Lavaur

Tối ngày 5 tháng Hai, người thư ký của giáo xứ chánh tòa thành phố Lavaur của tỉnh Tarn cách thủ đô Paris 549 km về phía Nam đã làm thêm giờ để hoàn thành các báo cáo định kỳ. Cô phát hiện một mùi khói nồng nặc phát ra từ một đám cháy trong nhà thờ. Cô gọi điện thoại báo ngay cho lính cứu hỏa nên may mắn nhà thờ được cứu. Chỉ có khăn bàn thờ và vài thứ lặt vặt bị đốt cháy. Tuy nhiên, cây thánh giá lớn bị gỡ xuống và cánh tay Chúa bị bẻ cong.

Thị trưởng thành phố Lavaur đã phản ứng rất nhanh trên Twitter: “Chúa sẽ tha thứ cho nó; nhưng tôi thì không.” Ông thề sẽ tìm ra thủ phạm bằng mọi giá.

Vụ phá hoại cây thánh giá tại cao nguyên Pyrénées

Ngày 5 tháng Hai những người đi lễ buổi sáng đã phát hiện cây thánh giá bằng gỗ bên ngoài một nhà thờ nằm giữa Hèches và Avezac-Prat-Lahitte trong vùng cao nguyên Pyrénées, ở thành phố Labastide, đã bị phá hoại. Thủ phạm đã cắt cây thánh giá ở chỗ cách mặt đất khoảng một mét, và để lại mọi thứ ở hiện trường. Khi cây thánh giá đổ xuống, cánh tay của Chúa Kitô bị gãy. Thị trưởng thành phố Labastide đã ra lệnh mở cuộc điều tra.

Bình đựng Mình Thánh Chúa bị lấy cắp tại nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien

Trước Thánh lễ sáng Chúa Nhật 3 tháng Hai, anh chị em giáo dân đã phát hiện ra kẻ gian đã đột nhập vào nhà thờ, bẻ khóa nhà Tạm trong nhà nguyện Thánh Anna của Nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien ở thành phố Lusignan cách thủ đô Paris 364km về phía Nam Tây Nam, quăng các bánh thánh khắp nơi và đánh cắp bình đựng Mình Thánh Chúa. Cảnh sát đã được gọi đến và đã bắt đầu một cuộc điều tra.

Cũng trong ngày 3 tháng Hai, nhà Tạm cũng bị bẻ khoá và bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị đánh cắp tại nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Talmont cách Lusignan 149km về phía Tây Nam.

Ngoài các vụ phạm thánh nghiêm trọng như trên, Giáo Hội tại Pháp còn phải chịu đựng những hình thức tấn công khác như ném đá vào nhà thờ làm bể cửa kính mầu, xô đổ các bức tượng như tại Saint -Gilles, Sainte-Croix, và Saint-Hilaire-de-Riez.


Source:Catholic Herald
 
Nguyên văn Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tham dự viên Hội Nghị của Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp
Vũ Văn An
06:23 15/02/2019
Thưa Ông chủ tịch Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp,
Thưa các Nguyên thủ quốc gia,
Thưa Ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý,
Thưa Bộ trưởng,
Thưa các Đại biểu và Đại diện thường trực của các quốc gia thành viên,
Thưa quý bà qúy ông:

Tôi đã vui sướng chấp nhận lời mời mà ông đã gửi cho tôi, Thưa ông Chủ tịch, thay mặt cho Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp, dự lễ khai mạc phiên họp thứ bốn mươi hai của Hội đồng quản trị của Tổ chức liên chính phủ này.

Sự hiện diện của tôi nhằm mục đích mang đến đây những mong muốn và nhu cầu của vô số anh em chúng ta đang chịu đựng trên thế giới. Tôi ước chúng ta có thể nhìn vào khuôn mặt của họ mà không đỏ mặt, vì cuối cùng lời kêu gọi của họ đã được nghe và mối quan tâm của họ được giải quyết. Họ sống trong những tình huống bấp bênh: không khí bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, sông ngòi bị ô nhiễm, đất bị axit hóa; họ không có đủ nước cho bản thân hoặc mùa màng của họ; cơ sở hạ tầng về vệ sinh của họ rất thiếu thốn, nhà cửa của họ khan hiếm và có khuyết điểm.

Và những tình huống này tiếp tục ở một thời điểm khi, mặt khác, xã hội của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kiến thức khác. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối diện với một xã hội có khả năng thúc đẩy các mục đích tốt đẹp của nó; và cuộc chiến chống lại đói khát cũng sẽ chiến thắng, nếu nó được thực hiện nghiêm túc. Việc quyết tâm trong cuộc chiến này là điều tối quan trọng, để chúng ta có thể nghe - không như một khẩu hiệu mà như một sự thật – “Nạn đói không có hiện tại hay tương lai. Chỉ có quá khứ”. Để có việc này, cần có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và những người sở hữu tài nguyên. Trách nhiệm không thể trốn tránh, được truyền từ người này sang người khác, mà là phải được đảm nhận để đưa ra các giải pháp cụ thể và có thực chất. Đây là những giải pháp cụ thể và có thực chất mà chúng ta phải truyền từ người này sang người khác.

Tòa Thánh luôn khuyến khích những nỗ lực của các cơ quan quốc tế để giải quyết vấn đề nghèo đói. Trước đây vào tháng 12 năm 1964, Thánh Phaolô VI đã yêu cầu ở Bombay và sau đó nhắc lại trong các trường hợp khác, phải thành lập một Quỹ Hoàn cầu để chống đói nghèo và tạo động lực quyết định cho sự phát triển toàn diện các khu vực trở thành nghèo khó nhất của nhân loại (xem Diễn văn với các tham dự viên Hội nghị Thế giới về Thực phẩm, ngày 9 tháng 11 năm 1974). Và kể từ đó, những người kế nhiệm của ngài đã tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến tương tự, trong đó một trong các điển hình đáng chú ý nhất chính là Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp.

Phiên họp thứ 42 này của Hội đồng quản trị Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp tiếp tục theo luận lý học này và có trước nó là một công trình hấp dẫn và quan trọng: tạo ra những khả thể chưa từng có, để xua tan mọi do dự và đưa vào từng thị trấn các điều kiện để đương đầu với những nhu cầu gây khốn cho nó. Cộng đồng quốc tế từng soạn thảo Nghị trình Phát triển Bền vững 2030 cần phải thực hiện các bước tiếp theo để đạt được 17 mục tiêu đã cấu thành ra nó. Về phương diện này, sự đóng góp của Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp là rất chủ yếu để có thể hoàn thành hai mục tiêu đầu tiên của Nghị trình, những mục tiêu liên quan đến xóa bỏ cảnh nghèo, đấu tranh chống đói và cổ vũ chủ quyền lương thực. Và không điều nào trong số này có thể làm được nếu không đạt được sự phát triển ở nông thôn, một sự phát triển đã được nói đến từ lâu nhưng đã không thành hiện thực. Và thật nghịch lý khi một phần lớn trong số hơn 820 triệu người bị đói và suy dinh dưỡng trên thế giới sống ở nông thôn, và - điều này thật nghịch lý - đang tham gia vào việc sản xuất lương thực và nông nghiệp. Ngoài ra, cuộc di cư từ nông thôn đến thành phố là một xu hướng hoàn cầu mà chúng ta không thể làm ngơ trong các cân nhắc của chúng ta.

Do đó, việc phát triển địa phương có giá trị ngay trong chính nó chứ không phải vì các mục tiêu khác. Mục đích là để đảm bảo rằng mỗi con người và mỗi cộng đồng có thể thể hiện đầy đủ các năng lực của chính họ, do đó sống một cuộc sống của con người xứng đáng với cái tên đó. Điều cần thiết là phải giúp thể hiện điều này, không phải từ trên xuống, mà với họ và vì họ - “Pour et avec” (vì và với), như Ông chủ tịch nói.

Tôi thúc giục những người có trách nhiệm trong các quốc gia và các tổ chức liên chính phủ, cũng như những người có thể đóng góp từ các khu vực công và tư, phát triển các kênh cần thiết để các biện pháp phù hợp có thể được thực hiện tại các vùng nông thôn trên trái đất, để họ có thể là các kiến trúc sư có trách nhiệm trong việc sản xuất và tiến bộ của nó.

Các vấn đề đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của nhiều anh em của chúng ta trong thời điểm hiện tại không thể được giải quyết theo cách cô lập, họa hoằn hoặc phù du. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta phải kết hợp lực lượng, đạt cho được sự đồng thuận, tăng cường các dây nối kết. Các thách thức hiện tại rất khó hiểu và phức tạp đến mức đôi khi chúng ta không thể tiếp tục đối đầu với chúng, với các giải pháp khẩn cấp. Cần phải cung cấp tác lực (agency) trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, mà không coi họ chỉ là những người nhận viện trợ đơn thuần mà cuối cùng có thể tạo ra sự lệ thuộc. Một khi người ta đã quen với sự lệ thuộc, thì không còn phát triển nữa. Mục đích là luôn phải khẳng định tính trung tâm của con người nhân bản, hãy nhớ rằng “ các diễn trình mới đang lên khuôn không thể luôn phù hợp với các khuôn khổ nhập cảng từ bên ngoài; cần phải dựa vào chính nền văn hóa địa phương” (Thông Điệp Laudato si’, 144), một nền văn hóa luôn luôn độc đáo. Và theo nghĩa này, cũng như trường hợp mới xảy ra trong những năm gần đây, Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp đã đạt được kết quả tốt hơn nhờ việc tản quyền lớn hơn, cổ vũ sự hợp tác bắc-nam, đa dạng hóa các nguồn tài trợ và phương thức hành động, và cổ vũ hành động dựa trên bằng chứng và đồng thời tạo ra kiến thức. Tôi khuyến khích qúy vị một cách thân ái tiếp tục đi trên con đường này, con đường khiêm tốn, nhưng đúng đắn. Một con đường luôn luôn dẫn đến việc cải thiện điều kiện sống của những người thiếu thốn nhất.

Cuối cùng, tôi chia sẻ một số suy nghĩ chuyên biệt hơn liên quan đến chủ đề “Đổi mới và sáng nghiệp nông thôn”, một chủ đề hướng dẫn phiên họp này của Hội đồng quản trị Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp. Cần đánh cuộc cho sự đổi mới, khả năng sáng nghiệp (entrepreneurship), tác lực của các tác nhân địa phương và hiệu năng của các diễn trình sản xuất để đạt được biến đổi nông thôn, hầu xóa bỏ tận gốc sự suy dinh dưỡng và phát triển môi trường nông thôn một cách bền vững. Và trong bối cảnh này, cần phải cổ vũ một “nền khoa học có lương tâm” và đặt kỹ thuật thực sự phục vụ người nghèo. Mặt khác, các kỹ thuật mới không nên tương phản với các nền văn hóa địa phương và kiến thức truyền thống, mà nên bổ sung và hành động đồng bộ với chúng.

Tôi khuyến khích tất cả qúy vị có mặt ở đây và những người thường xuyên làm việc trong Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế để công việc, các nỗ lực và bàn luận của qúy vị có thể có lợi cho những người bị bác bỏ - trong nền văn hóa vứt bỏ này - và có lợi ích cho các nạn nhân của sự thờ ơ và ích kỷ; nhờ vậy chúng ta có thể đạt được việc đánh bại hoàn toàn nạn đói và một vụ mùa bội thu của công lý và thịnh vượng. Cảm ơn qúy vị.
 
Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp bị cáo buộc lạm dụng tính dục trong trường hợp lảng nhách. Các cha nên cẩn thận.
Anthony Nguyễn
19:00 15/02/2019
Tờ Le Monde trong số ra ngày thứ Sáu 15 tháng Hai cho biết Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura, 74 tuổi, là Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đang bị điều tra “tấn công tình dục” trong một trường hợp được một số ký giả Công Giáo thuộc hệ thống truyền hình KTO ghi nhận là “lảng xẹt”.

Ngày 17 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của một thanh niên trẻ được chọn làm giám đốc điều hành Tòa Đô Chính thủ đô Paris. Theo truyền thống tại Pháp, trong buổi lễ này có sự hiện diện của tổng thống, đại diện các tôn giáo, và đại diện của các cơ quan ngoại giao. Đức Sứ Thần Tòa Thánh có một vai trò quan trọng trong buổi lễ này.

Người thanh niên này tố cáo Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura đã có cử chỉ khiếm nhã khi ôm chúc mừng anh ta trong phòng tiếp tân rất đông người.

Cáo buộc của người này có phần vô lý, vì biến cố này diễn ra ở chỗ đông người, có nhiều người khác cũng chúc mừng anh ta theo cùng một kiểu cách tương tự. Tuy nhiên, theo điều 40 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm của công tố viên khi xảy ra các tố cáo, công tố viên Rémy Heitz đã chính thức mở cuộc điều tra vào ngày 23 tháng Giêng.

Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura là người miền Lombardia, Italia, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1944 tại Borgosatollo. Ngài được thụ phong linh mục lúc mới 25 tuổi tại giáo phận Brescia và phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1978.

Ngài có bằng tiến sĩ về Văn Chương và Giáo Luật. Ngài đã từng phục vụ trong các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Tây, Bolivia và Anh Quốc cho đến năm 1984 khi được triệu hồi về làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Ngày 25 tháng Ba, 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Bờ Biển Ngà, Burkina Faso và Niger. Năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Chí Lợi. Hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Canada.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp vào ngày 22 tháng Chín, 2009. Ngài giữ nhiệm vụ này cho đến nay.

Từ câu chuyện này có lẽ các cha nên cẩn thận hơn. Nhiều vị đứng chào anh chị em sau các thánh lễ hành xử “tây” quá. Bắt tay có lẽ đủ rồi, ôm làm gì! “Cẩn tắc vô ưu.”


Source:Catholic Herald
 
Tại sao Đức Thánh Cha bổ nhiệm Hồng Y Nhiếp Chính vào lúc này? Giáo Hội sắp có biến chuyển lớn?
Anthony Nguyễn
20:21 15/02/2019
Ngày 8 tháng Hai vừa qua, trên tờ La Croix của Pháp, ký giả Robert Mickens cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không mà là bao giờ thì ngài từ chức.

Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 14 tháng Hai, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình, và Đời sống làm Hồng Y Nhiếp Chính.

Những diễn biến này đã gây ra các đồn đoán cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị từ chức theo gương của Đức Bênêđíctô. Nhiều người còn đi xa đến mức tiên đoán rằng vị Giáo Hoàng tương lai là Đức Hồng Y Müller, người vừa công bố “Manifesto della fede” - Tuyên Ngôn Đức Tin- hôm 8 tháng Hai.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Rome Reports, Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, người vừa được chỉ định làm Hồng Y Nhiếp Chính, giải thích quyết định vừa qua của Đức Thánh Cha như sau:

“Tôi đoán gần đây có ai đó đã đặt một mảnh giấy trước mặt Đức Thánh Cha và nói với ngài, ‘Thưa Đức Thánh Cha, ngài phải chỉ định một vị Hồng Y Nhiếp Chính. Đó là một phần trong cấu trúc của Giáo hội. Tôi chắc rằng ngài nói, ‘À nhỉ, vậy anh nên cho tôi một danh sách tất cả các Hồng Y?’ Tôi đoán chỉ có vậy thôi.”

Vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell là Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã qua đời ngày 5 tháng 7, 2018. Từ đó đến nay vì nhiều công việc bận rộn Đức Thánh Cha chưa nghĩ đến việc bổ nhiệm người thay thế. Đức Hồng Y Farrell nhận định như trên với Rome Reporst.

Nhân nói về cái chết của Đức Hồng Y Tauran và cảm tưởng của mình khi được chỉ định làm Hồng Y Nhiếp Chính, Đức Hồng Y Farrell:

“Tôi bị sốc và ngạc nhiên. Tôi đã nói với Đức Thánh Cha rằng: ‘Vâng, con chấp nhận, nhưng với một điều kiện là ngài phải nói vài lời trong đám tang của con’. Tôi còn biết nói gì hơn? Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện như thế này. Tôi phải thú nhận rằng tôi thực sự không biết chi tiết về những gì vị Hồng Y Nhiếp Chính phải làm. Nhưng tôi chắc chắn sẽ có ai đó sẽ huấn luyện tôi và cho tôi biết chính xác những gì tôi phải làm.”


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ an táng Viện Phụ Gioan Vương Đình Lâm - Đan Viện Phước Sơn- Bà Rịa
Trần Chuyên
09:33 15/02/2019
Lúc 9 giờ 00 ngày 11/02/2019 Thánh lễ an táng Viện Phụ Gioan Vương Đình Lâm Được tổ chức trong bầu khí ấm cúng tại Tu Viện Phước Sơn- Bà Rịa.

Chủ tế Thánh lễ Đức Viện Phụ Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, đồng tế có quý Đức Viện Phụ Chi Dòng Xitô Thánh Gia, quý cha Linh tông, quý linh mục thuộc Hội Dòng Xitô, cùng quý linh mục trong và ngoài giáo phận.

Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý họ tộc, quý các thành phần cộng đoàn dân Chúa và anh em Cựu đệ tử Phước Sơn.

Xem Hình

Di hài được an táng trong khuôn viên đan viện. Và Thánh lễ an táng kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.

"Điểm lại cuộc đời Viện Phụ quý mến M. Duy-Ân, chúng ta nhận ra hồng ân của Chúa tràn đổ trên cuộc đời của ngài như chính tên gọi “Duy-Ân” của ngài:

CHA NGUYÊN VIỆN PHỤ GIOAN VƯƠNG ĐÌNH LÂM

Thánh Phaolô mô tả người môn đệ Chúa Kitô như những vận động viên chạy trên thao trường. Nếu vận động viên khi chạy trên thao trường là phải bỏ tất cả, quên đi chặng đường đã qua và lao mình về phía trước, chỉ hướng tới một đích điểm để nhận phần thưởng dành cho người chiến thắng, thì Phaolô chính là một mẫu gương người môn đệ kiên cường đó, khi ngài dám nói: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14). Quả thật ngài đã hiên ngang tuyên bố với Timôthê: “Cha đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2Tm 4, 7-8).

Chúng ta hy vọng rằng: Viện phụ M. Duy Ân Vương Đình Lâm cũng xứng đáng là một môn đệ trung thành như Phaolô: Hôm nay ngài đã đạt tới đích điểm của cuộc đời, sau một cuộc chạy đua thật dài, qua 89 năm hiện hữu trên trần gian.

Sinh ra trong một gia đình đạo đức với hai người con thánh hiến trong chức linh mục: là bản thân ngài với bào đệ là cha Phi Khanh Vương Đình Khởi,OFM.

Năm 1946 lúc lên 16 tuổi, ngài đã cùng người chú họ tức Cha Vương Đình Bích sau này, đến gõ cửa trường Đệ Tử Phước Sơn ở Quảng Trị. Rồi sau 4 năm ngày 21/3/1950 vào thỉnh sinh và 20/ 08/1950 ngài đã vào tập sinh tại Đan Viện Phước Sơn, nơi đã ghi dấu ấn cuộc đời của Cha Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Sáng Lập Dòng. Năm 1953 trong cơn bão lửa của chiến tranh Việt – Pháp. Đan Viện Phước Sơn đã bị li tán và di cư vào Miền Nam. Toàn thể Cộng đoàn Phước Sơn được quy tụ lại tại mảnh đất Nhà Chung Sàigòn, Long Thành Mỹ, Quận Thủ Đức (Quận 9, Tp HCM ngày nay). Từ nơi đây Thầy M. Duy-Ân Vương Đình Lâm và một số anh em trẻ được cha bề trên cả Sigard Kleiner đưa qua tu học tại Thụy Sĩ, rồi qua học tiếp tại Roma cho đến năm 1963. Trong thời gian tu học, Viện phụ quá cố của chúng ta đã thụ phong linh mục năm 1957 và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong học tập với học vị tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh.

Sau khi hồi hương cha đã được bề trên đặt làm Giám Đốc Đệ Tử, rồi năm 1970 Chúa đã đặt trên vai cha trọng trách Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng và Viện Phụ Đan Viện Phước Sơn. Trải qua 35 năm trong chức vụ, trong những hoàn cảnh đầy tế nhị và khó khăn của đất nước cha đã nhờ ơn Chúa, lèo lái con thuyền của Hội Dòng cho đến 2005. Năm 2007 mặc dù đã mãn nhiệm bề trên, cha vẫn được tín nhiệm giao trọng trách khai lập Cộng Đoàn Thánh Giuse, tại California, Hoa Kỳ.

Cách đây 07 năm, cha đã trở về Nhà Mẹ Phước Sơn để an dưỡng tuổi già. Nhưng chính trong thời gian cuối đời này, Chúa đã cho cha trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo, cha đã chấp nhận và hiệp thông trong sự thương khó Chúa Giêsu vì phần rỗi các linh hồn. Trưa ngày 07/02/2019 (ngày mùng 3 tết Kỷ Hợi), cha đã trút hơi thở cuối cùng để về với Đấng mà cha đã suốt đời tìm kiếm thánh nhan.

Điểm lại cuộc đời Viện Phụ quý mến M. Duy-Ân, chúng ta nhận ra hồng ân của Chúa tràn đổ trên cuộc đời của ngài như chính tên gọi “Duy-Ân” của ngài. Chúng ta chung lời cảm tạ và qua bàn tay Mẹ Maria, thánh cả Giuse, chúng ta dâng ngài lên Cha trên trời như món quà đầu xuân của năm Kỷ Hợi 2019." (Trích Lời dẫn đầu Lễ An táng)

Trần Chuyên
 
Chia vui với giáo phận Hà Tĩnh
Phạm Huy Thông
12:26 15/02/2019
Chia vui với giáo phận Hà Tĩnh

Nhân dịp ngày Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận chức cai quản giáo phận Hà Tĩnh, tôi thông báo đến các trí thức quen biết Ngài. Ai cũng nhiệt tình hưởng ứng tham gia ngày nhận chức của Đức Cha.

Ngài cho người đón tiếp chúng tôi ở khách sạn lớn mang tên Đại Bàng của thành phố Hà Tĩnh. Đây cũng là nơi đón tiếp các Giám mục, Đức TGM Marek Zalewski- đại diện không thường trực cuả tòa thánh tại Việt Nam. Chúng tôi muốn vào chào Ngài ngay buổi tối nhưng Ngài nói để các Giáo sư nghỉ ngơi vì đi đường dài mệt mỏi, sáng mai ăn sáng xong hãy vào. Sáng hôm ngày 10-2-2019, dù có biển hiệu xe ưu tiên, chúng tôi cũng bị cảnh sát giữ lại cách nhà thờ Vạn Hạnh cả cây số vì cả biển người, xe đổ về quá đông. Tòa Giám mục phải cử một xe dẫn đường chúng tôi đi lối tắt vào tận cổng nhà xứ. Các phái đoàn từ chính quyền, Ban tôn giáo Chính phủ, Bộ công an, các Giám mục và thân nhân quen biết rất đông vào chúc mừng nhưng thấy đoàn chúng tôi, Ngài vẫn ưu ái mời vào. Ngài ôm lấy cụ Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm Minh Triết,năm nay đã 88 tuổi như đôi bạn thân thiết, rồi GS Nguyễn Huệ Chi, GS Công Nghĩa Tụ- một nhà khoa hoc, đảng viên nhưng nay đã thành mục sư Tin Lành và Giáo sư Thần học. Tôi giới thiệu TS Đinh Hoàng Thắng-nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan. Ngài nói cần TS giúp đỡ cho đường đi của người dân kiện công ty Formosa ra tòa án quốc tế Lahay ở Hà Lan. Bắt tay TS Nguyễn Quang A, Ngài nói rất hân hạnh được gặp người nổi tiếng. Vợ chồng anh Đoàn Văn Vươn cũng đi để cảm ơn Ngài đã lên tiếng cùng Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên trong vụ án giữ trang trại tôm của anh ở Tiên Lãng,Hải Phòng năm 2012. Ngài nói: Anh chị này bây giờ cũng nổi tiếng quá rồi. Chúng tôi nói mấy lời chúc mừng và chia sẻ với Ngài. Chúc mừng vì Ngài đựơc Tòa thánh tín nhiệm bổ nhiệm là giám mục tiên khởi của giáo phận thứ 27 của Việt Nam nhưng cũng chia sẻ những khó khăn với Ngài khi phải khởi nghiệp từ ban đầu về cả nhân sự, cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Khắc Mai tặng Ngài bài thơ chữ Hán của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Nước Việt ngàn năm trị vững bền” (ảnh trên). Ngài nói: giáo dân Việt Nam chúng tôi sẽ chung tay cùng nhân dân cả nước quyết tâm giữ toàn vẹn đất nước. Tôi thay mặt các nhân sĩ, trí thức tặng
Ngài bức tranh đá chùa Một Cột- biểu tượng văn hóa của nước Việt,với ước mong Ngài cũng là một danh nhân văn hóa Việt, là một cây cầu nối kết các tôn giáo cùng đại đoàn kết toàn dân để dựng xây đất nước Việt Nam ngày một hùng cường. Ngài ưu ái chụp ảnh với cả đoàn rồi cho người hướng dẫn chúng tôi ra nhà thờ, bố trí ở chỗ trang trọng ngay gian giữa. Mọi người rất chú ý tới lời chúc mừng của Đức TGM Marek Zalewski- đại diện cuảTòa thánh tại Việt Nam nhất là lời chúc mừng của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh- Chủ tịch HĐGMVN. Đức TGM cũng mong Ngài là được như cái tên của mình “Thái rồi Hợp” để xây dựng giáo hội, thành danh nhân văn hoá của nước Việt. Chính Ngài đã hoàn tất ý nguyện của Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp từ năm 1994 muốn lập giáo phận Hà Tĩnh, rồi Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên đã xây dựng nhà thờ Vạn Hạnh khang trang như chuẩn bị làm nhà thờ chính tòa của giáo phận mới. Phát biểu cảm tưởng cuối lễ, Ngài đã cảm ơn Tòa thánh, chính quyền các cấp đã quan tâm đặc biệt ghi nhớ công lao của các vị tiền nhiệm cũng như cả cộng đoàn hơn 250.000 giáo dân Hà Tĩnh. Ngài cũng nói rằng, tuy chia hai nhưng nếu hữu sự, Vinh chỉ cần ới một tiếng là Hà Tĩnh có mặt ngay.

Sau thánh lễ, chúng tôi được mời vào trong phòng ăn cùng với các Đức Giám Mục, quan chức Ban tôn giáo Chính phủ, Bộ công an…Ngài đến từng bàn, nâng cốc cảm ơn chúng tôi đã không quản xa xôi đến chia sẻ với Ngài trong ngày đặc biệt này. Chúng tôi đã nhiều lần gặp Ngài ở Vinh hay Hà Nội nên rất biết Ngài hay quan tâm giới trí thức. Tôi giới thiệu các GS, TS với các Đức Giám Mục. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh mời các nhân sĩ, trí thức chụp ảnh cùng và nói thường xuyên đọc bài của TS Nguyễn Quang A, Đinh Hoàng Thắng. Đức TGM Marek Zalewski rất mừng vì khi gặp GS Công Nghĩa Tụ lại được nghe tiếng Ba Lan ở Việt Nam vì GS Tụ từng học TS ở Ba Lan.

Tôi cũng rát vui được gặp PGS.TS Hoàng Dũng, nhà báo Nguyễn Thái, nữ tu nhà văn Quỳnh Giao ở Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình do Ngài sáng lập.

Chúng tôi trên đường về còn vào thắp hương cho danh nhân Nguyễn Trường Tộ ở Xã Đoài. Ngài gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của đoàn và muốn đóng góp tiền thuê xe. Tôi cảm ơn Ngài và xin dành để dịp khác.

Về đến Hà Nội đã muộn nhưng ai cũng vui vì có một chuyến đi đáng ghi nhớ.

Phạm Huy Thông
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cây trong thiên nhiên
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:26 15/02/2019
Hình ảnh cây trong thiên nhiên

Nơi vùng thung lũng bên dòng suối nước, trên vùng đồi núi rừng cao sâu hằng hà sa số cây cối mọc dầy đặc chằng chịt vươn cao lên không trung xanh tươi. Và nơi những công viên, dọc bờ đường, vườn chung quanh nhà, hay nơi khoảng ruộng đồng người ta cũng trồng những hàng cây xanh tươi tỏa bóng mát.

Cây cối mang lại bóng mát che nắng mưa, cản chắn dông gío, thẩm hút lọc không khí cho trong lành trở lại. Cây cối với những cành lá xum xuê xanh tươi còn là nơi cho chim trời đến trú ngụ làm tổ ở sinh con.

Cây cối là loài thụ tạo mà Thiên Chúa, đấng Tạo Hóa càn khôn đã tạo dựng nên trong công trình sáng tạo thiên nhiên vào ngày sáng tạo thứ ba. ( St 1, 11-13).

Vậy cây cối trong thiên nhiên nói gì với sự sống con người?

Nhà thơ Hermann Hesse có suy tư: „ Cây cối với tôi luôn luôn là người rao giảng loan báo. Tôi kính trọng chúng, khi chúng cùng chung sống giữa dân gian, trong gia đình, trong rừng sâu, nơi đồng ruộng. Và tôi cũng kính trọng chúng cả khi chúng đứng một mình.“

Cây cối là hình ảnh biểu tượng cho đời sống con người. Cây cối nối liền trời cao và đất thấp lại với nhau. Vì cây cối sống phát triển nhờ vào ánh sáng mặt trời từ trên cao chiếu dọi xuống, và thẩm hút nước sức lực là thức ăn từ dưới lòng đất lên.

Thân cây với những cành lá vươn cao lên không trung hứng ánh sáng hơi nóng từ mặt trời chiếu tỏa xuống nhờ không biết bao nhiêu nhánh rễ cây to nhỏ chui lan tỏa trong lòng đất nối liền giữ cho cây được phát triển đứng vững giữa trời sương gío.

Cây tỏa bóng râm mát cho người cùng thú vật, và cũng là mốc điểm chỉ đường phương hướng cho người đi dạo.

Rễ cây to nhỏ chằng chịt chui âm thầm ẩn dưới lòng đất rất quan trọng là nguồn chuyên chở mang thức ăn sự sống còn phát triển cho thân vững chắc lớn mạnh, cho có cành lá hoa trái xum xuê xanh tươi.

Con người hai chân đứng trên mặt đất không có rễ như cây âm thầm ẩn dưới lòng đất, nhưng dẫu vậy con người cũng có nguồn gốc rễ cây đời sống. Hình ảnh cây gia phả dòng tộc con người diễn tả điều đó. Sức sống cho cây đời sống con người tuy con mắt thường nhìn thấy, nhưng có nguồn sức lực không luôn luôn lộ diện ra bên ngoài không thể nhìn bằng con mắt thường được. Nguồn sức sống nơi dòng máu luân chuyển, nơi các tầng thần kinh ẩn hiện trong thân thể trái tim âm thầm lan toả ra khắp cùng nuôi dưỡng thân xác cây đời sống con người..

Cây to lớn phát triển đứng vững xanh tươi là do nguồn thức ăn mang đến sức lực từ những nhánh chùm rễ nhỏ âm thầm thẩm hút những tia dòng sức lực nhỏ bé bơm lên thân cây.

Cũng vậy cây đời sống con người cần phải mọc rễ sâu trong vòng liên kết với gia đình trước hết, sau đó với vòng bạn bè thân hữu, với quê hương, với Giáo Hội xứ đạo. Có thế, đời sống từ từ ngày qua ngày nhận được sức lực tinh thần, sự gìn giữ che chở cùng điểm tựa cho cây đời sống làm người phát triển đứng vững giữa những chao đảo thử thách trong đời sống.

Như chùm rễ cây thẩm hút nhựa sức sống cho cây phát triển lớn lên, sức lực tinh thần phấn khởi vươn lên, hơi nồng ấm, tình yêu thương bao bọc che chở cây đời sống mỗi người nhận được không chỉ duy riêng cho nhu cầu bản thân mình, nhưng tùy theo hoàn cảnh còn cho đi tiếp. Điều này củng cố làm cây đời sống con người phát triển củng cố thêm vững mạnh.

Thân cây phát triển thành một trụ cao lớn do từ những chùm rễ nuôi dưỡng cùng chia sẻ xây dựng nên. Rồi thân cây lại chia mọc thêm nhánh cành tiếp tục vươn ra và như thế cây càng thêm to lớn.

Cây đời sống mỗi người cũng phải phát triển bung nở vươn ra thêm lớn mạnh, chia sẻ trao tặng những gì mình nhận được. Nếu không sẽ lâm vào tình trạng sống cô đơn, sống co quắp một mình và đời sống trở thành nghèo nàn.

Tình yêu và sức lức cây đời sống mỗi người nhận được giúp ta phát triển lớn mạnh thêm. Nếu cùng chia sẻ cho đi sẽ không hao ít đi, trại lại có nhiều thêm. Khi vòng tình liên đới trong đời sống càng rộng, đời sống sẽ càng giầu thêm tình người cùng có thêm kinh nghiệm sống.

Cánh lá một cây tựa như triều thiên vương miện của cây vươn lên không trung theo hướng mặt trời chiếu tỏa, để thẩm hút không khí cùng ánh sáng hơi nóng ấm cho nụ hoa trái bung nở chín mùi.

Cũng vậy, khi cây đời sống con người biết mở ra cho hơi nồng ấm tình người, cho tình yêu tràn vào, đời sống sẽ phát triển tựa như một triều thiên vương miện.

Sức lực từ trên Trời Cao làm cho đời sống con người phát triển trưởng thành chín mùi, khi con người tiếp tục trao tặng cho đi. Và như thế họ sẽ lớn mạnh vươn lên vượt khỏi chính mình. Họ vui mừng hạnh phúc, vì gây chia sẻ được niềm vui hạnh phúc cho người khác.

„Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.“ ( Geremia 17,7-8).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long