Ngày 26-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26 tháng 2: Kính Thánh Porphyrius
PhóTế Huỳnh Mai Trác
07:26 26/02/2008
Trở lui về với lịch sử của Giáo Hội, có nhiều vị thánh có vẻ xa lạ với chúng ta nhưng rất được sùng kính trong Giáo Hội chính thống Nga và Hy lạp.

Thánh Porphyrius sinh trưởng tại Hy lạp vào thế kỷ thứ 4. Ngài nổi tiếng là người nhân đức và thánh thiện, có một đời sống khổ tu. Người là bạn của những người nghèo khổ cùng cây cỏ và sa mạc thanh tịnh. Nhưng đến năm 40 tuổi thì ngài trở về Jerusalem và chịu chức linh mục.

Sau đó ngài được bầu làm Giám mục Gaza mà ngài chẳng hề biết trước và trái với sự ước mong của ngài. Cộng đồng giáo dân Gaza đã đi mời vị Giám mục tỉnh kế cận đến phong chức Giám mục cho ngài.

Khi đã tại chức thì trong vùng có hạn hán nặng, cây cối khô cằn, mùa màng hư hại. Dân ngoại trong vùng đã kết tội vị Giám mục mới đã làm mất lòng các vị thần của họ nên mới xẩy ra tai ương này. Nhưng sau khi dâng lễ và cầu nguyện thì trời đã đổ mưa nhiều nên dân ngoại đã tin và một số đã trở lại đạo Thiên Chúa.

Trong 13 năm làm Giám mục, thánh Porphyrius đã làm việc không hề biết mệt mỏi để giáo huấn, giúp đỡ các giáo hữu như một người cha nhân lành. Ngài cũng đã đem được một số người ngoại trở về với Giáo Hội làm cho những dân ngoại khác tức giận và chống đối. Ngài đã lìa đời năm 421 giữa những tiếc thương của giáo dân.
 
Niềm tin Việt Nam: Tứ tri và tha thứ
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
07:48 26/02/2008

Niềm tin Việt Nam: Tứ tri và tha thứ

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Tha thứ bẩy lần, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Nhìn thấy chồng hai tay chắp sau lưng, thong thả bước những bước đi chậm rãi trong bếp chờ đợi giây phút nước nóng thổi tung bọt bong bóng, dì Tư mở miệng khai hỏa liền,

— Thiệt tình mà nói không dễ làm người Công Giáo!

Nghe vợ nói, ông Tư dừng lại những bước chân di động trên nền gạch màu xanh đậm. Ông Tư yên lặng, dáng vẻ chờ đợi. Thấy chồng không nói chi, dì Tư lộ vẻ khó chịu,

— Ông có nghe tui nói hay không mà sao cứ đứng lặng yên như tượng muối thế kia?

Vẫn với dáng điệu nhẫn nại, ông Tư nghiêng người, đưa tay lên vành tai trái,

— Thì tôi đang lắng nghe đây. Bà đang nói không dễ làm người Công Giáo, có đúng không?

Dì Tư gật đầu cái rụp,

— Đúng rồi! Thiệt tình là không dễ làm người Công Giáo, bởi vì Chúa đòi hỏi nhiều quá. Tui làm không có xuể.

Nhìn chòng chọc vào cặp mắt ông Tư, dì Tư dừng lại giữa chừng. Thấy vợ yên lặng, không nói thêm chi, ông Tư bước tới nhấc ra khỏi bếp ấm nước đang rền vang tiếng hú còi tàu xe lửa, rồi khoan thai đổ nước nóng vào bình trà. Nhẹ nhàng quay lại ông cất tiếng hỏi,

— Ai làm chi khiến bà nổi giận đùng đùng như Trương Phi trong tuồng cải lương hồ quảng vậy?

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Ai? Ai làm chi? Ông gõ cửa nhà bà hàng xóm của ông mà hỏi.

Ông Tư nhíu mày,

— Bà nói bà hàng xóm, mà bà hàng xóm nào?

Dì Tư nóng nảy,

— Ông khéo là hỏi, thím Tám chứ còn bà hàng xóm nào.

Hít một hơi dài vào ngực hương thơm trà đang lan tỏa, ông Tư cất giọng,

— Trà thơm quá!

Quay sang dì Tư, ông Tư nghiêng bình trà xuống hai chung trà làm bằng đất nung. Thật chậm rãi, ông đổ trà nóng đang bốc khói nghi ngút như đầu tàu xe lửa ra hai chung trà màu nâu đỏ sậm. Cầm chung trà óng ánh màu vàng lên, ông Tư mời vợ,

— Chuyện chi thì chuyện, mời bà uống một chung trà với tôi trước đã rồi vợ chồng mình nói chuyện tiếp.

Dì Tư cộ mắt,

— Nói chuyện tiếp. Ông nói chiện đây là chiện chi?

— Chiện chi, thì chuyện bà vừa mới nói đó, chuyện không dễ mà làm người Công Giáo đó.

Như bị khơi dậy lại mối thương tâm đang làm độc mưng mủ trong lòng, dì Tư đẩy tới,

— Đó! Thì ông cứ nghĩ coi, ta nói Hội Legio trong giáo xứ tổ chức bán chả giò…

Ông Tư giơ tay đưa ra ly trà,

— Khoan! Khoan hẵng bà. Đây, đây, ly trà của bà đây. Ngồi xuống, ngồi xuống uống với tôi một chung trà sáng sớm đầu ngày, rồi chuyện gì thì chuyện, vợ chồng mình sẽ bàn tiếp…

Dì Tư yên lặng nhìn chồng. Ngập ngừng trong vòng một giây, dì đưa tay ra đón nhận ly trà trên tay chồng, rồi chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế gỗ. Đưa chung trà nóng đang bốc khói nghi ngút lên miệng, dì Tư hớp một ngụm nhỏ, cất tiếng khen,

— Trà thơm quá! Ở đâu mà ông kiếm ra được trà thơm nức mũi thế này?

Ông Tư cười,

— Ở đâu ra? Bà cứ đưa tiền đây cho tôi. Tôi đón xe bus đi xuống dưới phố Việt Nam rảo rảo mấy vòng thì trà nào mà chẳng có. Tôi độ là ở dưới phố Việt, Trảm Mã Trà cũng có nếu mình có tiền.

Ông Tư đưa lên miệng chung trà, cũng hớp một miếng rồi đặt chung trà cạn đáy xuống mặt bàn,

— Nhưng trà mình đang uống là trà Bảo Lộc. Tôi thì có một lần đã được nếm Trảm Mã Trà, một lần khác Bạch Mao Hầu Trà của người Minh Hương. Nhưng tôi thấy trà Việt Nam thơm ngon chẳng kém chi ai.

Dừng lại chuyện trà, ông Tư cất tiếng hỏi vợ,

— Lúc nãy bà đang nói chuyện Hội Legio bán chả giò…

Dì Tư chép miệng,

— Ừ, đúng rồi, tự nhiên ông đổi sang nói chiện trà làm tui quên mất câu chiện tui đang muốn nói. Ta nói mùa hè năm nay Hội Legio quyết định làm chả giò bán sau thánh lễ Chúa Nhật để lấy tiền góp cho những Viện Cô Nhi bên Việt Nam. Thấy chuyện tốt lành như vậy, phần thì cũng rảnh rỗi, nhà chỉ có hai vợ chồng, cho nên tui tình nguyện đứng ra cuốn gói, rồi chiên chiên nấu nấu ba cái chả giò ở ngay nhà bà Hội Trưởng. Ông thấy gần đây cứ chiều tối thứ Bẩy tui vắng mặt không có ở nhà là bởi dzậy đó. Lục đục loay hoay phụ giúp bà Hội Trưởng đi chợ mua thịt heo, đồ gia vị, rồi hai chị em lại ngồi cuốn cuốn chiên chiên mấy trăm cái chả giò. Từng đó chiện thôi cũng đủ hết nửa ngày thứ Bẩy. Rồi sau thánh lễ Chúa Nhật, tui tình nguyện đứng sau quầy với bà Hội Trưởng để bán chả giò. Ai mua thì mình lẹ tay gói cho người ta, rồi mình thu tiền. Ông thấy chuyện buôn bán mà, mình cũng phải chịu khó tươi vui cười cười nói nói, có như dzậy người ta mới vui vẻ móc tiền ra mua chả giò cho mình chớ. Có đúng không?

Dì Tư ngưng lại một chút, tuồng như để thở, rồi thở dài sườn sượt,

— Những điều tui vừa mới nói là tâm thành của mình đối với Chúa, đối với Hội Legio, và đối với những Viện Mồ Côi ở Việt Nam. Tui không nói hơn một câu, tui không nói kém một chữ.

Dừng lại, dì Tư đưa lên miệng chung trà còn đầy tới một nửa, uống thẳng một hơi cạn đáy, rồi tiếp tục câu chuyện, lần này mặt dì trở nên đỏ tía như đang nhai trầu thuốc,

— Thế đó! Vậy mà hôm qua, mới ngày hôm qua thôi, bà Hội Trưởng hỏi tui có mần chi đụng chạm tới thím Tám, hàng xóm cách nhà mình mấy căn hay không? Tui hỏi sao bà Hội Trưởng lại nói như vậy? Bả ấy nói thím Tám đi nói với người ta tui già rồi mà không nên nết, cứ làm như còn trẻ trung lắm đó mà đứng bẹo hình bẹo dạng với người trong xứ và đám trẻ trong khi đứng bán chả giò. Mà coi chừng đó, tiền bạc vào tay tui thì vô chín mười, nhưng chung cuộc đếm lại chỉ còn một hai. Thím ấy còn nói bả ở gần nhà mình mà, cho nên thím ấy rành sáu câu vọng cổ về tui, ai mà không biết tui việc nhà thì nhác, mà việc chú bác thì siêng…

Dì Tư hỉ hỉ mũi, tuồng như xúc động,

— Nghe bà Hội Trưởng nói như vậy, tui nổi giận cành hông, chỉ muốn khóc, chỉ muốn đứng dậy đi ngay tới nhà thím Tám để mà diện đối diện hỏi cho ra lẽ. Mình thì tình ngay ý lành như hoa nhài hoa bưởi mọc ở đầu ngõ mà người ta dám dựng lên cả một tuồng một tích không đầu không đuôi về tui như dzậy đó.

Thấy vợ sụt sùi, ông Tư cầm tờ giấy napkin đưa cho vợ. Dì Tư cầm lấy miếng giấy napkin trong tay, lúng túng đưa lên đưa xuống, rồi lại nhét sâu vào trong túi áo bà ba miếng giấy lau miệng. Dì đứng lên, tay quơ quơ tìm kiếm bình trà. Ông Tư giọng ngọt ngào,

— Bà ngồi yên đó đi. Để tôi, để đó cho tôi...

Nghiêng bình trà xuống chung trà của vợ, ông Tư nói,

— Bà nói đúng, thiệt tình là không dễ làm người Công Giáo. Một mặt thì Chúa nói phải tha không phải chỉ bẩy lần mà là tới bẩy mươi lần bẩy. Một mặt khác, người ta nói đụng chạm tới danh dự của mình tới cỡ như vậy thì làm sao mà tha, làm sao mà bỏ qua cho đặng.

Dì Tư gật gật đầu trước lời an ủi của chồng,

— Vậy là ông hiểu rồi đó. Khi nghe thủng chiện về vụ thím Tám, lòng dạ tui bứt rứt như kiến bò trong bụng như rắn cuộn bắp chân. Nhưng nhớ là tội mình cũng cao thấu trời xanh, mà bao nhiêu lần rồi Chúa vẫn tha cho cái rụp, thì tự nhiên lòng tui lại chùng xuống, lại lòng dặn lòng là thôi bỏ qua, hãy tha thứ. Nhưng nhớ tới những lời người ta nói về mình, lòng tui lại xốn xang, đứng ngồi không yên, tuồng như đi ra đụng kiến lửa, đi vào chạm bọ hung.

Ông Tư gật gật đầu,

— Thì chắc chắn là như vậy rồi. Mình thì không vọc nước giỡn trăng, cứ cắm đầu lo làm việc bác ái việc thiện mà bị người ta đóng đanh như vậy thì làm sao mà không buồn? Mình thì làm người quân tử đi ngang vườn dưa, không cúi xuống sửa giầy, đứng dưới cây mận không đưa tay sửa mũ, thế mà người ta vẫn cứ đổ vạ cáo gian thì làm sao mà tha cho đặng? Nhưng bà thấy đó, Chúa Giêsu cũng đường đường là người quân tử, đi đứng lưng thẳng tắp như cây thước, không đi đường mòn không về ngõ tắt, thế mà người ta vẫn hùa nhau đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Thầy còn bị như thế thì làm sao bà là phận đệ tử mà đòi khá hơn Thầy cho được.

Nghe chồng nói tới đoạn này, dì Tư ngẩng đầu lên nhìn ông Tư, rồi lắc lắc đầu tuồng như thương cảm,

— Ông nói thiệt là hay, nghe lọt cái lỗ tai! Ta nói hôm mà coi phim Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, tui khóc hết nước mắt. Ngồi coi phim trong rạp với mấy bà trong Hội Legio, tụi tui cứ thay phiên nhau hỉ mũi khóc sụt sùi...

Ông Tư hỏi vợ,

— Bà còn nhớ cái tích tứ tri khước kim hay không?

— Tuồng đó tui coi từ hồi còn nhỏ mà, làm sao mà quên cho được. Có phải là vào thời của nhà Tống có ông Tể Tướng tên là Dương Chấn tiến cử ông Lý Mật làm quan huyện. Rồi đâu có lần Dương Chấn có dịp đi ngang qua huyện của Lý Mật. Đợi đêm khuya thanh vắng, Lý Mật mang vàng tới tạ ơn tiến cử thuả xưa của Dương Chấn. Nhưng Dương Chấn từ chối không nhận. Lý Mật mới nói, “Đêm khuya thanh vắng có ai biết đâu mà ông e ngại”. Dương Chấn lắc đầu nói, “Tại sao lại nói không ai biết? Đêm khuya thanh vắng nhưng Trời biết, Đất biết, ông biết, và tôi biết”.

Ông Tư gật đầu,

— Bà cũng nhớ dai dữ. Bởi Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết cho nên người ta mới gọi là tứ tri là vậy. Bà làm việc thiện việc lành, Chúa biết, bà biết, bà Hội Trưởng biết, và bây giờ tôi cũng biết vậy. Như vậy là tứ tri rồi.

Ông Tư gãi gãi đầu,

— Việc đời hai vợ chồng mình thăng trầm trải qua cũng nhiều. Có những chuyện bà với tôi rầu héo ruột bởi người ta đối xử với mình không tốt mặc dù mình cũng chẳng đụng chạm chi tới ai. Nhưng nếu tha được, thì tôi cũng cố gắng bỏ qua, cố gắng không để cho tâm hồn mình bị xao động, bởi tôi thấy đời sống trăm năm rồi cũng như ngọn gió thoảng qua bên song cửa. Thay vì để tâm hồn và thời giờ để giận hờn để ăn miếng trả miếng, tôi để một mảng tâm hồn và một khoảng thời giờ đó pha trà cho bà và cho tôi uống. Như thế trần gian gọi là hạnh phúc, như vậy người đạo gọi là ngộ đạo.

Nhìn vào chung trà của vợ, ông Tư nói,

— Nhơn câu chuyện của bà, tôi còn học được một điều như thế này. Thấy người ta đặt điều nói sau lưng, mình rất phiền muộn khó chịu. Nhưng còn mình, mình có nên bắt chước đi vào những vết xe đổ của người khác hay không? Tôi thấy người ta làm vàng ròng hoặc làm thép rỉ ở ngay điểm này. Đã bao nhiêu lần Chúa Giêsu bị lên án không bằng cớ, không chứng từ, không nhân chứng, nhưng Ngài vẫn tha thứ, vẫn nhắm mắt bỏ qua, vẫn nhất quyết không bước lên vũng lầy xe đổ tạo ra bởi vết chân của những kẻ vu oan giá họa cho Ngài. Tha thứ trong tôn giáo của mình cao siêu và thâm thuý tới cỡ như vậy đó.

Lời Chúa

.. .Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Ðức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Matt 18:21-22).

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin dậy chúng con biết tha thứ cho những lỗi lầm của anh chị em, như Chúa đã bao nhiêu lần tha thứ, không chấp nhất những yếu đuối mỏng ròn của chúng con.

Trích trong CD Niềm tin Việt Nam: Chú bé vô danh www.nguyentrungtay.com
 
Thánh ca: Nguyện Xin Chúa
Khổng Vĩnh Thành
09:53 26/02/2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 26/02/2008
NGÔ KHỞI HÚT MỤN NHỌT

N2T


Ngô Khởi là tướng lĩnh của nước Ngụy, vâng lệnh dẫn quân đi đánh nước Trung Sơn.

Trước khi xuất phát, ông ta phát hiện một binh lính trên chân mọc một cái mụn nhọt mưng mủ rất lớn, thì lập tức cong người quỳ xuống giúp anh ta hút mủ ra.

Người mẹ của anh lính này thấy vậy, lập tức thương tâm khóc lớn, người bên cạnh cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi bà ta: “Ngô tướng quân đối với con bà tốt như thế, tại sao bà lại khóc như vậy chứ ?”

Người mẹ ấy trả lời: “Trước đây Ngô Khởi đã hút mủ nơi cái mụn nhọt lớn của ba nó, ba nó hoài cảm trong lòng, do đó mà dũng cảm tiến lên phía trước giết địch quân, kết quả là chết trận ở sa trường, thử hỏi làm sao tôi lại không khíc được chứ ?”

(Hàn Phi tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng)

Suy tư:

Làm tướng, làm quan hay làm thủ lãnh, cái mà kẻ bề dưới thích nhất ở những người lãnh đạo chính là sự quan tâm, chia sẻ và yêu thương. Tướng quân Ngô Khởi đã làm được điều đó, nên không lạ gì ông trở thành một vị tướng tài giỏi của nước Ngụy.

Thời nay, hễ làm tướng làm quan thì ăn trên ngồi trước, chẳng ông quan nào dám ngồi ăn chung với người nghèo, chẳng ông quan nào dám xuống bếp rửa chén bát với mọi người; thời nay hể có chức quyền, bất kể chức to hay chức nhỏ, đều cảm thấy mình là người quan trọng, còn những người khác là thứ không quan trọng, cho nên chẳng có “người quan trọng” nào dám trở thành đầy tớ của nhân dân cả, thế là bất công, hối lộ, tham nhũng, trụy lạc, cướp bóc, phạm pháp và những tệ nạn khác có cơ hội mọc lên như nấm đầu mùa...

Người lãnh đạo chân chính là như lời Chúa Giê-su dạy: trở nên người phục vụ anh em và hy sinh mạng sống cho họ (Mt 20, 24-28). Tướng quân Ngô Khởi đã không nghĩ đến thân phận làm tướng của mình, để trở nên kẻ phục vụ cho người dưới quyền của mình, thế là ông được tất cả.

Người Ki-tô hữu khi phục vụ -dù là giám mục, linh mục hoặc các tu sĩ nam nữ- thì cũng vì Chúa Giê-su mà phục vụ, chứ không vì quyền lợi cá nhân hay quyền lợi của một nhóm người nào cả, bởi vì họ luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su (2 Cr 4, 10a), và họ muốn chia sẻ những đau khổ ấy của Chúa Giê-su nơi tha nhân và những người bất hạnh.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 26/02/2008
N2T


11. Bí tích Thánh Thể là kỷ niệm của khổ nạn và sự chết của Chúa Giê-su.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Thách thức và Tố cáo…
Gm Bernard Genoud
20:56 26/02/2008
Câu chuyện về cuộc nổi loạn của Dân Israen tại Mêriba, mà chúng ta vừa mới đọc trong phần đầu của Thánh Lễ, vẫn còn mang tính thời sự ngày hôm nay. Chính chúng ta vẫn thường tái diễn những điều đã xãy ra tại Massa và Mêriba. Trong tiếng Do Thái, từ Massa có nghĩa là thách thức và Mêriba có nghĩa là tố cáo.

Chính trong thời đại khó khăn ngày hôm nay, thách thức và tố cáo vẫn còn là những hành động thông thường và lan tràn khắp mọi nơi.

Hẳn thực, chúng ta thường nghe hay là phát biểu những câu nói như:

- Hội Thánh phải như thế nầy…

- Đức Giáo Hoàng chỉ cần…

- Các giám mục có thể làm…

- Phải chi các linh mục sống như thế nầy…

- Trời ôi, giới trẻ ngày nay…

- Các bậc cha mẹ bây giờ không còn có can đảm…

- Người ta đòi hỏi, yêu cầu quá nhiều chuyện…

- Thế giới văn minh ngày nay đang trôi dạt một cách bất định…

- Các thánh đường càng ngày càng trống vắng và hiu quạnh…

Những câu nói tương tự như thế phát sinh và khởi động nơi chúng ta thái độ u sầu, tăm tối, chán nản, thất vọng và đôi khi trầm cảm.

Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta có khả năng khẳng quyết được rằng: bản thân tôi không bao giờ có những tư tưởng như vậy ? Nói khác đi, ai có thể nói rằng: tôi chẳng bao giờ ngồi trên tảng đá Massa và Mêriba, để rồi càm nhàm, như con cái It-ra-en, với những ngôn từ tố cáo và thách thức ?

Chính vì vậy, bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ hôm nay rất thích ứng cho chúng ta. Còn hơn thế nữa, ngày hôm nay, Thiên Chúa đích thân trả lời cho chúng ta, như đã trả lời cho Ông Môsê: « Chính Ta sẽ đứng trước mặt các ngươi, trên tảng đá của Núi Ho-rép ».

Và trăm vạn lần vượt quá mọi so sánh, Chúa Giêsu ngày hôm nay đang nói với mỗi người anh chị em trong chúng ta: « Thầy đang ở trước mặt từng người, trong Nhà Tạm, thuộc mỗi Nhà Nguyện, bình thường và đơn sơ nhất, mà cha ông tổ tiên đã xây dựng lên, đó đây rải rác trên những vùng đất thấm nhuần Đức Tin Kitô giáo.

Anh Chị Em thân mến,

Chính Chúa Giêsu là Tảng Đá vững vàng, không ai có thể lay chuyển. Xuất phát từ nơi Ngài, tuôn trào ra những Thác Nước Hằng Sống, mà người đàn bà xứ Xa-ma-ry đã khao khát chờ mong. Nước Hắng Sống ấy có khả năng thoa dịu mọi vết thương nôn nóng và thiếu kiên nhẫn. Duy chỉ có một mình Ngài mới có thể làm cho những sa mạc của tâm hồn chúng ta, trở nên phì nhiêu, đâm chồi nảy lộc và kết sinh hoa trái. Duy một mình Ngài có khả năng mang lại một bầu trời an bình và thanh thản, cho tâm hồn của chúng ta, đã có lần bị loạn động và hoang mang, trước những cảnh tượng nghèo đói và lầm than của thế giới ngày hôm nay. Làm sao chúng ta có thể dửng dưng, không bị thương tổn đến cùng độ, trước những yếu hèn, sa ngã của những con người đáng thương hại, trong lòng Hội Thánh. Đó chính là Hội Thánh mà chúng ta tìm cách phục vụ, với những khả năng hiện hữu và khiêm hèn của chúng ta. Đồng thời, lắm lần chúng ta cũng làm hoen ố, những nét đẹp huy hoàng, thánh thiện của Hội Thánh, với bao nhiêu thiếu sót và lối nhìn thiển cận, trong cuộc sống làm người của chúng ta.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong Nhà Tạm, cũng như bây giờ Ngài đang hiện diện trên trời, với bao nhiêu vết thương đã được tôn vinh. Sau này, chúng ta sẽ thấy những vết thương ấy giống như những viên kim cương tỏa ra ánh sáng chói lòa và lấp lánh của Hồng Ân Cứu độ, trên khuôn mặt của mọi người thuộc mọi thời đại. Đức Kitô đang có mặt ở đó, trong NhàTạm. Chúng ta có biết rõ điều ấy không ? Nếu có, tại làm sao chúng ta vẫn để Ngài sống lẻ loi một mình tại nơi ấy?

Trong mỗi Nhà Tạm của chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện với một tư thế thờ lạy trong thầm lặng, trước mặt của Thiên Chúa Ngôi Cha. Chính vì vậy, khi đến cầu nguyện trước Nhà Tạm, chúng ta hòa mình vào Lời Cầu Nguyện đang bao bọc và che phủ chúng ta khắp mọi phía. Đó là Lời Cầu Nguyện của Đức Kitô.

Chỉ cần có một tấm Bánh Thánh nho nhỏ, trong một ngôi nhà thờ nho nhỏ, ở đâu đó trên mặt trái đất, địa cầu đã tạo ra được cho Thiên Chúa một niềm vui cao cả và mênh mông. Và không còn có điều gì khả dĩ làm cho Ngài buồn lòng, bởi vì từ mặt địa cầu, Người Con yêu dấu của Ngài đã dâng lên cho Ngài một Lời Cầu Nguyện, mà Ngài không thể khước từ.

Ở đó, trong Nhà Tạm, Ngôi Con có thể ban Ơn Tha Thứ để hóa giải cho mọi lời tố cáo. Ngài Tha Thứ những lời thách thức chống lại Tình Yêu của Ngài. Ngài Tha Thứ những hành động phản loạn, chống lại Lòng Nhân Từ của Ngài. Tuy nhiên, còn có rất ít người đi đến nhận lãnh Hồng Ân Tha Thứ của Ngài. Rất ít người tìm đến kín múc nơi Mạch Nước Trường Sinh, đầy Bao Dung và Đồng Cảm. Nhờ đó, sau khi được hòa giải với Thiên Chúa, họ có đầy đủ mọi khả năng và sinh lực, để tiếp tục hiên ngang bước tới trên con đường đầy gian khổ của cuộc sống làm người, trên quả đất nầy.

Hỡi Anh Chị Em,

Chúng ta hãy lợi dụng những ngày Mùa Chay còn lại, để tìm đến với Đấng đang gọi mời chúng ta: “Chính Thầy đây, đang ở trước mặt Anh Chị Em. Thầy là Tảng Đá không hề bị lay chuyển của Hội Thánh. Chính Thầy đã giao phó cho Phêrô, những Bí Tích ban phát Hồng Ân Cứu Độ.

Hỡi các con thân yêu, hãy đến với Hội Thánh. Mỗi ngày, với tất cả tấm lòng Thành Tín và Thương Yêu muôn đời, Thầy lặp đi lặp lại cho Hội Thánh Lời của Thầy: “Anh Em tha tội cho ai, thì người ấy được tha thứ. Này đây, Thầy ở lại luôn mãi với Anh Em, cho đến ngày tận thế”.

Lá thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn ở Rôma, mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai, cũng trình bày cho chúng ta một cách rõ ràng và tuyệt diệu vai trò và giá trị vững bền của Đức Cậy Trông (hay là Đức Hy Vọng), trong đời sống của người Kitô hữu. Chứng ta vẫn giữ vững lòng Cậy Trông, thậm chí khi có những thách thức bi quan đang đe dọa chúng ta, trong đời sống mục vụ. Đức Hy vọng không thể tàn lụi, khi những tiếng thét gào phản loạn đang bùng nổ và bốc cháy từ những con tim khốn khổ bị tổn thương. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể khẳng quyết rằng: “Đức Cậy Trông không lừa gạt một ai, hay là không bao giờ dẫn đưa chúng ta vào con đường lầm lạc. Thiên Chúa Ngôi Cha đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Và Chính Chúa Thánh Thần đổ tràn Tình Yêu của Ngôi Cha vào trong tâm hồn chúng ta”.

Đức Cậy Trông cũng là Lời Hứa lạ lùng và kỳ diệu, mà Chúa Giêsu đã ban tặng cho người Đàn Bà xứ Xa-ma-ry, được Phúc Âm nói tới: “Ai uống nước mà Thầy ban tặng, sẽ không còn khát. Nước mà Thầy ban cho người nào, sẽ trở thành trong tâm hồn của người ấy, một Nguồn Suối tuôn trào phát sinh Đời Sống Vĩnh Cửu. Đức Tin, Đức Cậy và lòng khát khao Tình Yêu của Bà đã lập tức chuyển hóa Bà thành một vị thừa sai đầy xác tín. Nhờ đó, với một lòng nhiệt tình hoàn toàn tự phát, bà đi khắp đó đây, tập hợp mọi người đang đợi chờ Hồng Ân Cứu Độ. Và Ơn Cứu Độ ấy chính là Đấng vừa mới thắp lên Ngọn Đèn chiếu sáng cho tâm hồn của Bà. Đó cũng là những tiêu chuẩn cần qui chiếu, khi chúng ta thực hiện những chương trình mục vụ, cũng như khi chúng ta rao giảng Đức Tin, với một ý chí năng động và tràn đầy nhiệt tình.

Cũng trong một tinh thần tràn đầy Hy Vọng và Hân Hoan như vậy, tôi muốn chia sẻ với Anh Chị Em về “Cuộc Hành Hương lạ lùng thắp sáng lòng tin tưởng” của giới trẻ, do Cộng Đoàn Taizé tổ chức tại Genève vào cuối năm 2007. Bốn chục ngàn bạn trẻ đã tụ họp thành một cộng đoàn Cầu Nguyện và thân hữu. Bốn chục ngàn bạn trẻ, xuất phát từ những chân trời khác nhau của Địa Cầu, tụ họp với nhau để cùng nhau hô to, cho toàn thể thế giới lắng nghe và hiểu biết rằng: Ở đâu Lòng Ích Kỷ, Cá nhân chủ nghĩa và tình trạng thiếu bao dung, biết dừng lại, không còn phát triển, ở đó Hòa Bình sẽ bắt đầu xuất hiện trong quả tim của mỗi người. Chỉ khi nào những giá trị cơ bản được mọi người đồng lòng, đồng giọng tung hô và xưng tụng,Tình Huynh Đệ giữa người với người lúc bấy giờ sẽ trở thành hiện thực. Sở dĩ như vậy, vì với điều kiện ấy chúng ta mới khám phá được nền móng tối hậu, trong sự nhận biết một vị Cha Chung là Thiên Chúa.

Tôi cũng sung sướng được hát lên bài ca Đức Cậy Trông, để kêu mời nhiều anh chị em tham dự một cách đông đúc và đặc biệt vào Cuộc Hành Hương tại Lộ Đức, vào cuối tháng năm. Vào thời điểm ấy, nhiều Giám mục và Hội đồng Giám mục thuộc Vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, sẽ tụ họp và gặp gỡ nhau, để mừng lễ 150 năm kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra với bà thánh Béc-na-dét. Tại Lộ Đức, cũng có một Tảng Đá và một Dòng Suối Nhiệm Mầu. Nhiều đoàn lũ đông đúc cũng sẽ cùng nhau tuôn về Lộ Đức. Trong các xứ đạo, chúng ta hãy động viên kêu mời nhau tham dự đông đúc. Tại sao không mở ra những chiến dịch, với mục đích biếu tặng vé hành hương cho những anh chị em bệnh tật, nghèo khổ, già cả, cô liêu? Chính chúng ta sẽ là những cán bộ hộ tống, cùng đi theo để tổ chức những chương trình cầu nguyện, tôn thờ và hòa giải.

Đối với những người không thể đi hành hương tại Lộ Đức, tôi kính mời những anh chị em ấy đến đông đủ tại Đền Thờ Đức Mẹ “Notre Dame des Marches”, ngày mồng 7 tháng 9 năm 2008. Ngày ấy, trong khuôn khổ của Địa phận nhà, chúng ta sẽ tề tựu đông đúc, để mừng lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Và ở nơi ấy, Mẹ đã ban phát nhiều hồng ân lạ lùng.

Như chúng ta vừa nhận thấy, chúng ta có bao nhiêu cơ hội để hy vọng, cầu nguyện, thờ lạy, vui mừng và hoà giải giữa chúng ta với nhau, và giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Và vì Tình Yêu thôi thúc chúng ta, chúng ta hãy lợi dụng một vài ngày còn lại, trước Lễ Phục Sinh, để bước lên Núi Thánh của Thiên Chúa, để hòa giải với Ngài, trong một tiến trình ăn năn, thống hối, luôn luôn đổi mới và luôn luôn đặt nền tảng trên quan hệ trực tiếp giữa hai chủ thể năng động là Ngài và chúng ta. Chúng ta còn có thì giờ để từ bỏ những tảng đá u buồn và sầu khổ là Massa và Mêriba. Nhờ đó, chúng ta sẽ đến gần Chúa Giêsu là Tảng Đá của Hồng Ân Cứu Độ, để uống Nước Trường Sinh của Ngài. Đồng thời chúng ta trở nên những nguồn suối ân sủng cho những ai đến gặp gỡ chúng ta, trên những nẻo đường hành hương, ở trên trần thế nầy.

Tôi không còn có lời cầu chúc nào tuyệt diệu cho bằng lời nguyện xin cho mỗi người trong anh chị em “Một cuộc tiến lên Lễ Phục Sinh tràn đầy Hạnh Phúc và Ánh Sáng của Thiên Chúa".

Giám Mục và cũng là Người Cha của Anh Chị Em.

( Lá thư Mục Vụ Chúa Nhật 3 Mùa Chay của Gm Bernard GENOUD, Địa Phận Genève, Lausanne và Fribourg - Thụy Sĩ )

NGUYỄN Văn Thành chuyển ý
 
Kinh nguyện và Bông hồng trắng dành cho Đức Thánh Cha
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
21:55 26/02/2008
KINH NGUYỆN VÀ BÔNG HỒNG TRẮNG DÀNH CHO ĐỨC THÁNH CHA

Ngày 13-5-1994 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) thiết lập Nữ Đan Viện Kín ”Mater Ecclesiae - Mẹ Giáo Hội” tại nội thành Vatican. Các Nữ Tu Kín thuộc Đan Viện có nhiệm vụ hỗ trợ công tác mục vụ hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng bằng kinh nguyện và bằng hy sinh mỗi ngày dâng lên THIÊN CHÚA. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo ”L'Osservatore Romano - Quan Sát Viên Roma”, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, đan viện mẫu Biển-Đức - Mẹ Sofia Cichetti - trình bày như sau.

Đan Viện chúng tôi có mục đích thật đặc biệt. Hàng ngày chúng tôi hỗ trợ Đức Thánh Cha trong công tác tông đồ phục vụ Giáo Hội Hoàn Vũ qua kinh nguyện, dâng hiến và hy sinh của chúng tôi. Ngoài ra Đan Viện có điểm đặc thù khác thể theo ý muốn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Đó là Đan Viện phải mang nét quốc tế gồm các Nữ Tu đến từ các nước trên thế giới và thay đổi cứ 5 năm một lần. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II không muốn ưu đãi bất cứ Hội Dòng nào. Trái lại, ngài muốn chứng tỏ cái phong phú, cái khác biệt cũng như đặc tính công giáo của Giáo Hội. Khía cạnh quốc tế của Đan Viện là một thách đố và minh chứng cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể sống hiệp nhất trong sự khác biệt.

Vào ngày thành lập hồi năm 1994, Đan Viện được ủy thác cho các Nữ Tu Kín Clarisse. Lý do là vì năm ấy dòng nữ chiêm niệm Clarisse mừng 800 năm sinh nhật Mẹ thánh Clara (1194-1253). 5 năm sau - 1999 - Đan Viện được ủy thác cho các Nữ Tu Kín Cát-Minh. Và ngày 8-10-2004 Đan Viện được giao cho các Nữ Tu Biển-Đức mà chúng tôi là thành phần. Cộng Đoàn chúng tôi gồm 1 Chị Phi-luật-tân, 1 Chị người Mỹ đến từ bang Colorado, 2 Chị người Pháp và 3 Chị người Ý. Chúng tôi ở tại Đan Viện này từ 3 năm qua. Chúng tôi chỉ còn 2 năm là hết thời hạn qui định.

Với tư cách nữ đan sĩ Biển-Đức, lý tưởng tu trì của chúng tôi là ”Ora et labora - Cầu nguyện và lao động”. Nhiệm vụ hàng đầu - lao công chính yếu của chúng tôi - là CẦU NGUYỆN. Thánh Lễ là trung tâm một ngày sống rồi đến Kinh Thần Vụ được hát toàn bộ theo nhạc bình ca grégorien và cầu nguyện riêng. Tiếp đến là ”Lectio divina - Đọc và suy niệm Lời Chúa”, đọc các tác phẩm của các Thánh cũng như của các Giáo Phụ. Sau Kinh Nguyện là Lao Động hầu cho Kinh Nguyện được tiếp nối trong lao công thể lý và tinh thần.

Thánh Lễ được cử hành mỗi ngày do các Vị Tuyên Úy của chúng tôi. Đã 2 lần chúng tôi được hồng phúc đón tiếp Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI đến cử hành Thánh Lễ lúc 7 giờ 30 phút sáng nơi nhà nguyện của Đan Viện. Lần đầu tiên vào ngày 2-7-2005 và lần thứ hai vào ngày 21-3-2006. Năm vừa qua - 2007 - vì không thể đến được nên Đức Thánh Cha mời chúng tôi tham dự một buổi cầu nguyện do ngài chủ sự tại nhà thờ của Phủ Thống Đốc Vatican.

Chúng tôi được phép sử dụng một mảnh đất để trồng trọt. Chúng tôi đặt tên là ”Vườn Đức Giáo Hoàng”. Chúng tôi trồng rau trái cho Đức Thánh Cha và cả cho chúng tôi nữa. Chúng tôi đặc biệt gởi biếu Đức Giáo Hoàng những bông hồng màu trắng tỏa hương thơm ngát. Đó là những bông hồng mang tên ”Gioan Phaolo II” mà chúng tôi biết rõ Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI rất thích. Ngoài ra chúng tôi chăm sóc y phục trắng của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi cũng làm y như thế trong thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Các công việc nhỏ bé này tạo mối hiệp thông với Đấng Kế Vị thánh Phêrô.

Nói chung, trọn kinh nguyện của chúng tôi - cá nhân và cộng đoàn - được dâng lên THIÊN CHÚA để cầu cho Đức Giáo Hoàng, cho các ý chỉ của ngài, cho sứ vụ kế vị Thánh Phêrô của ngài, cho các nhu cầu của Giáo Hội Hoàn Vũ và cho tất cả anh chị em đồng loại. Đặc biệt vào mỗi buổi sáng trong lời nguyện giáo dân, chúng tôi dâng một lời nguyện riêng cầu cho Đức Thánh Cha. Vào cuối mỗi Thánh Lễ và Kinh Chiều, chúng tôi đọc kinh “Oremus pro Pontifice - Cầu cho Đức Giáo Hoàng”.

Mỗi ngày, ngoài việc dâng Thánh Lễ, Rước Lễ và mọi kinh đọc cho Đức Thánh Cha, chúng tôi còn lần hạt Mân Côi theo các ý chỉ của Đức Thánh Cha. Trưa Chúa Nhật chúng tôi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha qua đài phát thanh. Mỗi chiều thứ năm và chiều Chúa Nhật có buổi Chầu Thánh Thể đặc biệt cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các ý chỉ của ngài. Trong buổi Chầu Thánh Thể vào mỗi chiều thứ năm chúng tôi còn thêm một ý chỉ mà chúng tôi biết rõ Đức Thánh Cha rất tha thiết: cầu nguyện cho các LINH MỤC và cho ơn gọi linh mục.

Thỉnh thoảng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng ký thác cho chúng tôi những ý chỉ riêng của ngài. Chẳng hạn lần đầu tiên khi đến Đan Viện ngài xin chúng tôi - với thái độ thật khiêm nhu và với trọn tâm tình hiền phụ - ngài xin chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho ngài. Ngài nói - tôi xin lập y lại lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bởi vì tôi nhớ rất rõ - ngài nói:

- Thánh Giá của chức vụ giáo hoàng đôi khi rất nặng và Cha không thể vác một mình. Cha cần sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là của những tâm hồn tận hiến, nhưng đặc biệt hơn nữa là của các Nữ Tu Kín và của Chị Em các con. Chị Em các con có một sứ mệnh đặc thù.

Đó là nguyên văn lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với chúng tôi. Ngài xin chúng tôi cầu nguyện cho ngài và cho các vị Cộng Tác với ngài. Lần thứ hai khi đến Đan Viện, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI xin chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho đại lục Âu châu, bởi vì lần đó ngài nói với chúng tôi về thánh Biển-Đức. Ngài nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải giúp Âu Châu tái khám phá và sống trở lại gốc rễ Kitô của mình.

... ”Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh của ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên THIÊN CHÚA lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Sách Công Vụ Tông Đồ 12,1-5).

(”L'Osservatore Romano”, Edition Hebdomadaire en langue française, N.7, 19 Février 2008, trang 12)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giám Mục Phi họp khẩn cấp về tình hình đất nước
Nguyễn Việt Nam
16:42 26/02/2008
Hôm thứ Ba 26/2, Hội Đồng Giám Mục Phi đã có phiên họp khẩn cấp trong khi Phi đang trên bờ của cuộc khủng hoảng chính trị.

Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đang đối phó với những đòi hỏi ngày càng gia tăng buộc bà phải từ chức vì những cáo buộc rằng những thành viên trong chính phủ, kể cả chồng bà, nhận hối lộ và tham ô công qũy. Một số các Đức Giám Mục đã tham gia trong lời kêu gọi bà Arroyo từ chức. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Phi giữ một thái độ tương đối ôn hòa hơn khi nói rằng chỉ có những vụ tham ô có bằng chứng hẳn hoi mới nên được công bố.

Cuối cuộc thảo luận, các Đức Giám Mục Phi đã yêu cầu bà Arroyo hãy tháo gỡ những hạn chế để ủy ban điều tra các cáo buộc có thể hoạt động được. Trong bản tuyên bố dài 2 trang, các Đức Giám Mục yêu cầu bà Arroyo để cho cho các nhân chứng được tự do trả lời trước tòa dù cho lời khai của họ “dính líu tới bất kể những ai”
 
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi chấm dứt cấm vận Cuba
Thúy Dung
17:01 26/02/2008
ĐHY Tarcisio Bertone và ngoại trưởng Cuba Felipe Perez Roque.
Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đưa ra lời kêu gọi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận Cuba và thúc giục Cuba hãy trả tự do cho tất cả các tù chính trị cũng như cải thiện tình trạng tự do dân chủ tại đảo quốc này. Tuyên bố của Đức Hồng Y Bertone đã được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/2 với sự hiện diện bộ trưởng ngoại giao Cuba Felipe Perez Roque.

Dẫn lời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu ra 10 năm trước, Đức Hồng Y Bertone nói rằng lệnh cấm vận Cuba là “không thể chấp nhận được về luân lý”. Ngài cho rằng tình trạng không có tự do mậu dịch trước hết “là một điều đè nặng lên người dân Cuba và nó không giúp họ dành lại được nhân phẩm và độc lập” khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền.

Đức Hồng Y nói rằng việc trả tự do cho tất cả các tù chính trị là “một hành vi tích cực” của chính quyền. Ngài cho biết Tòa Thánh chưa đưa ra một thỉnh cầu chính thức cho Cuba về việc trả tự do cho tất cả các tù chính trị xét rằng chuyến viếng thăm của ngài đang xảy ra vào một “thời điểm ngoại thường” trong lịch sử của đất nước này khi ông Fidel Castro từ chức sau 49 năm cầm quyền.

Hôm thứ Ba 26/2, Đức Hồng Y Bertone đã có cuộc gặp gỡ với tân tổng thống Cuba là ông Raul Castro, người đã được Quốc Hội nước này bầu ra hai ngày trước đó. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Raul Castro với một viên chức ngoại giao nước ngoài trong cương vị tổng thống.

Tháng Ba năm ngoái Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thúc giục Quốc Hội bãi bỏ các hạn chế liên quan đến việc du lịch Cuba và khuyến khích các quan hệ giữa công dân hai nước.

Đức Cha Thomas Wenski, chủ tịch Ủy Ban Chính Sách Đối Ngoại hôm thứ hai 26/3 đã gởi một lá thư cho dân biểu Charles Rangel của New York bày tỏ sự hài lòng vì ông và các nhà làm luật đang bảo trợ cho một dự luật cho phép qua lại tự do giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “trong nhiều năm qua đã liên tục kêu gọi nới lỏng các cấm đoán chống lại Cuba. Những chính sách này phần lớn đã thất bại trong việc dành tự do, dân chủ và sự tôn trọng sinh mạng con người” tại Cuba.

Đức Cha Thomas Wenski viết tiếp: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm theo đó sự cải thiện đời sống của người dân Cuba và khích lệ dân chủ tại Cuba sẽ tốt hơn là hạn chế sự giao tiếp giữa người dân Cuba và người dân Hoa Kỳ”.
 
Vấn đề “lãnh thổ giáo luật” trong quan hệ Công Giáo-Chính Thống Giáo Nga
Đặng Tự Do
17:20 26/02/2008
Đức Cha Hilarion của thành Vienna
Phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga nói rằng một điểm then chốt gây ra tình trạng căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Vatican là khái niệm “lãnh thổ giáo luật” (canonical territory). Đây là vấn đề cần phải được vượt qua trước khi hy vọng có được những tiến bộ trong cuộc đối thoại đại kết giữa hai Giáo Hội.

Đức Cha Hilarion của Chính Thống Giáo thành Vienna nói với thông tấn xã Interfax rằng ngài hy vọng có thể có “những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và tổng thể” về những phản đối của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với sự tồn tại của 4 giáo phận Công Giáo tại Nga. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho rằng Nga là “lãnh thổ giáo luật” của họ. Trong khi đó, Vatican không nhìn nhận khái niệm này.

Đức Cha Hilarion ghi nhận “Nhiều người phương Tây nghĩ rằng khái niệm ‘lãnh thổ giáo luật’ đã mất đi ý nghĩa hoàn toàn trong tình trạng tân tiến hiện nay, vì người Chính Thống Giáo cùng sống chung với các tín hữu Công Giáo, Tin Lành và các tôn giáo khác”.

Đức Cha Hilarion là người lãnh đạo của Chính Thống Giáo tại Áo – một quốc gia theo truyền thống là Công Giáo.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đại Kết Kitô Giáo nói rằng ngài thực sự kinh ngạc trước đề nghị của Chính Thống Giáo đòi Giáo Hội Công Giáo phải giải thể 4 giáo phận tại Nga đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dựng lên vào năm 2002. Tưởng cũng nên biết là trước đó các giáo phận tại Nga được coi là các miền giám quản tông tòa.

Đức Hồng Y Walter Kasper nêu thắc mắc là tại sao các giáo phận Công Giáo không thể tồn tại ở Nga trong khi các giáo phận Chính Thống Giáo lại có quyền hiện diện tại Tây Âu.
 
ĐTC nói: chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài là Đấng Mêsia, vị cứu tinh của nhân loại
Bình Hòa
21:51 26/02/2008
ĐTC nói: chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài là Đấng Mêsia, vị cứu tinh của nhân loại

Như chúng ta đã biết, từ thời các giáo phụ, một trong những mục tiêu của mùa Bốn Mươi là chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm vào Đêm Vọng Phục sinh. Các bài Sách thánh ngày chúa nhựt được lựa chọn nhằm mục tiêu đó. Chúa nhựt thứ nhất trình bày khởi điểm của hành trình cải hoán, đó là từ bỏ ma quỷ và tội lỗi. Chúa nhựt thứ hai trình bày đích điểm của hành trình, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô là Con Thiên Chúa. Ba chúa nhựt kế tiếp giải thích ý nghĩa của bí tích rửa tội: nước mang lại sự sống, ánh sáng đức tin hướng dẫn cuộc đời, và sự sống bất diệt nhờ sự phục sinh. Hôm qua, đức thánh cha đã có hai cơ hội diễn giảng về đề tài các bài Sách Thánh của thánh lễ: một lần, trước khi đọc kinh Truyền tin lúc 12 giờ trưa tại quảng trường thánh Phêrô, dành cho các tín hữu và các khách hành hương; một lần khác trong Thánh lễ cử hành lúc 9 giờ sáng tại một giáo xứ ở trung tâm thành phố nhân dịp kỷ niệm 100 năm cung hiến nhà thờ của họ đạo. Trước hết, xin kính mời qú vị theo dõi bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến

Vào Chúa nhựt thứ ba của Mùa Bốn Mươi, năm nay phụng vụ trưng bày cho chúng ta một trong những bản văn đẹp nhất và sâu sắc nhất của Thánh Kinh, đó là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari (Ga 4,5-42). Thánh Augustinô đã bị thu hút bởi đoạn văn này và đã viết ra bài chú giải nổi tiếng. Không thể nào tóm tắt sự súc tích của bài Tìn mừng được; cần phải đọc và suy gẫm cá nhân thôi, bằng cách đồng hoá mình với người phụ nữ đi ra giếng để múc nước, và chị ta đã gặp Chúa Giêsu ngồi trên bờ giếng, mệt lả vào một buổi trưa nồng nực, mệt nhọc sau một chuyến đi. Chúa nói với chị: “Chị cho tôi chút nước uống”. Chị ta sửng sốt bởi vì chưa từng xảy ra chuyện một người Do thái ngỏ lời với một phụ nữ Samari không quen biết. Sự ngỡ ngàng của chị ta lại càng tăng thêm khi nghe Chúa Giêsu nói đến một “nước hằng sống” có khả năng cho chị hết khát, và sẽ trở nên “nguồn mạch vọt ra sự sống trường sinh”. Người biết được tông tích đời tư của chị. Người tỏ cho chị biết rằng đã đến giờ thờ lạy Thiên Chúa duy nhất chân thật trong thần khí và chân lý, và sau cùng Người bộc lộ cho chị biết rằng mình là Đấng Mesia.

Tất cả những chuyện này khởi đầu từ kinh nghiệm cụ thể của sự khát nước. Đề tài khát được khai triển xuyên suốt Tin mừng thánh Gioan: từ cuộc gặp gỡ người phụ nữ Samaria tới lời tuyên bố vào dịp lễ Lều (Ga 7,37-38), cho đến Thập giá, khi Chúa Giêsu trước khi tắt thở đã thốt lên lời “Tôi khát” (Ga 19,28) ngõ hầu hoàn tất Kinh Thánh. Cơn khát của Chúa Giêsu là một cánh cửa mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã trở nên khát để giải khát chúng ta, cũng như Người đã trở nên nghèo nàn để cho chúng ta được nên phú quý (xc 2Cr 8,9). Thật thế, Thiên Chúa khát lòng tin và tình yêu của chúng ta. Như một người cha tốt lành và nhân hậu, Người ước ao cho chúng ta được mọi sự tốt lành, và Người chính là sự tốt lành ấy. Phụ nữ Samaria tượng trưng cho sự khắc khỏi của kẻ không gặp thấy điều mà mình kiếm tìm: bà đã có “năm người chồng” và bây giờ bà đang sống với một ông khác. Việc đi đi lại lại tới giếng để múc nước nói lên một cuộc sống nhàm chán. Tuy nhiên mọi sự thay đổi từ hôm ấy, nhờ cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu làm xáo trộn tất cả, khiến cho chị để lại vò nước và chạy đi loan báo với người trong làng rằng: “Hãy đến mà xem một người đã nói cho tôi hết những chuyện đã làm. Biết đâu là vị Mêsia chăng?” (Ga 4,28-29).

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy mở tấm lòng để tin tưởng lắng nghe lời Chúa, ngõ hầu, cũng như người phụ nữ Samaria, gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng bày tỏ cho chúng ta tình thương của Người, và nói với chúng ta rằng: Đấng Mêsia, vị cứu tinh của con “chính là Ta đây, Đấng đang nói với con” (Ga 4,26). Xin Đức Maria, người môn sinh tiên khởi va tuyệt vời nhất Ngôi Lời Nhập thể, cầu cho chúng ta được ơn đó.

Sau khi ban phép lành Tòa thánh, ĐTC còn thêm một lời kêu tình liên đới quốc tế đối với nhân dân nước Ecuador (Nam Mỹ Châu) vừa bị những cơn lụt lội tiếp theo thiên tai của núi lửa. Ngoài ra ngài cũng mời gọi các sinh viên tham dự buổi đọc kinh Mân côi vào chiều thứ bảy sắp tới, được nối mạng với các quốc gia châu Âu và châu Mỹ

Như đã nói trên đây, vào buổi sáng, Đức Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm một giáo xứ ở Testaccio, ở chân đồi Aventinô, nơi mà ngài đã khai mạc Mùa Bốn mươi cách đây non ba tuần lễ. Cơ hội viếng thăm là kỷ niệm 100 năm cung hiến thánh đường giáo xứ được uỷ thác cho các cha dòng Don Bosco phụ trách. Ngoài những lời chúc mừng nhắn nhủ theo hoàn cảnh, phần lớn bài giảng được dành để chú giải các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt thứ ba Mùa 40, với chủ đề chính là “nước” được nhắc đến trong bài đọc thứ nhất và thứ ba. Bài đọc thứ nhất kể lại việc dân Do thái vào lúc thiếu nước đã nổi lên chống lại ông Moisen và Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của những lần mà chúng ta bắt Thiên Chúa phải chiều theo thị hiếu của mình, thay vì tín thác vào chưong trình của Ngài. Bài đọc thứ ba thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với phụ nữ Samaria muốn nói lên cơn khát tinh thần của con người, khát Thiên Chúa, khát cái gì vô tận. Đồng thời Phúc âm cũng cho thấy rằng Chúa Giêsu cũng khát: Người khát lòng tin và lòng yêu mến của chúng ta; Người chờ đợi chúng ta cởi mở tấm lòng để đón nhận ân huệ mà Người muốn trao cho chúng ta.

Ngoài ra, người phụ nữ Samaria, biểu tượng cho các dự tòng đang chuẩn bị gặp gỡ Chúa Giêsu qua các bí tích, cũng trở nên mẫu gương cho chúng ta. Nhờ cuộc đối thoại với Chúa, chị đã được biến đổi, và sau khi con tim đã được Chúa thu hút, chị ta trở về làng để thuật lại tình thương mà chị đã nhận được: chị đã trở nên một nhà truyền giáo cho đồng bào của mình.
 
Khả thể đa năng của các tế bào gốc trưởng thành
Linh Tiến Khải
21:53 26/02/2008
Khả thể đa năng của các tế bào gốc trưởng thành

Phỏng vấn giáo sư Giovanni Camussi, về các khả thể của các tế bào gốc trưởng thành

Hồi hạ tuần tháng giêng vừa qua báo chí Italia đã đăng tin một nhóm chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm kỹ thuật sinh học của đại học Torino, trung bắc Italia, đã khám phá ra trong gan và thận các tế bào đa năng, giúp tái sinh các tế bào trong trường hợp các tế bào gan hay thận bị yếu kém.

Nhóm các chuyên viên nói trên do bác sĩ giáo sư Giovanni Camussi điều hợp, đã khám phá ra rằng khi đưa các tế bào này vào phòng thí nghiệm và kích thích chúng một cách thích hợp, có thể biến chúng trở thành các tế bào của nhiều cơ phận khác nhau. Các nghiên cứu tại Trung tâm liên nghành của kỹ thuật sinh học phân tử đã được bác sĩ Lorenzo Silengo bắt đầu cách đây vài năm, và được tiếp tục cho tới khi chứng minh được hiệu qủa sửa chữa trên các cơ phận thú vật.

Trong các ngày đầu tháng 2 vừa qua Bộ Giáo Dục, Khoa Học và Kỹ thuật Nhật Bản đã triệu tập Ủy Ban quốc gia về luân lý sinh học và an ninh sinh học, theo lời yêu cầu của khoa học gia Shinya Yamanaka, người đã khám phá ra các tế bào đa năng cho phép tiếp tục các nghiên cứu liên quan tới tế bào gốc, mà không cần phải phúc chế các phôi thai người trong phòng thi nghiệm.

Như đã biết, trong các ngày hạ tuần tháng 11 năm 2007, thế giới nghiên cứu y khoa đã xôn xao vì tin hai nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, trong đó có ông Shinya Yamanaka, và Hoa Kỳ đã tìm ra kỹ thuật mới, giúp biến các tế bào da thành các tế bào gốc giống như các tế bào của bào thai, nghĩa là có khả năng đa dạng biến thành bất cứ loại tế bào nào của các cơ phận trong thân thể con người. Kỹ thuật này mở ra các biên giới mới giúp chữa trị các thứ tật bệnh, mà không cần phải chế tạo các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai ấy đi, như một số các nhà khoa học đã làm cho tới nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 22-11-2007, ông Angelo Vescovi, giáo sư đại học Milano Bicocca, kiêm giám đốc Trung Tâm tế bào gốc tỉnh Terni, trung Italia, cho biết kỹ thuật mới này ghi dấu một khúc rẽ quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu, vì nó mở rộng cửa cho các viễn tương chữa trị tức khắc, mà không cần phúc chế các bào thai người. Bác sĩ cho biết cách đây 4 năm và trong dịp trưng cầu dân ý liên quan tới vấn đề này, khi ông đưa ra ý tưởng tìm phương thức khác để chế tạo các tế bào gốc mà không cần phúc chế phôi thai người, ông đã bị các đồng nghiệp chửi rủa thậm tệ. Dĩ nhiên, giờ đây từ chỗ khám phá ra kỹ thuật này cho tới chỗ chuẩn bị các tế bào và các cơ quan để thay thế các cơ phận hư hỏng trong thân thể con người, còn cần nhiều năm làm việc và tìm tòi.

Phát biểu về khám phá nói trên Đức Cha Elio Sgreccia, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh, cho biết nếu kỹ thuật mới này được xác nhận, nó sẽ là một khám phá mới mẻ lịch sử. Và từ nay trở đi không cần phải nói tới chuyện phúc chế các phôi thai người cho các mục đích chữa trị, đã gây ra biết bao nhiêu tranh cãi và chống đối nữa. Giáo Hội đã chống đối vì các lý do luân lý đạo đức. Giáo Hội đã khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục đường hướng sử dụng các tế bào gốc trưởng thành, và mạnh mẽ lên án việc phúc chế và hủy hoại các phôi thai người. Giờ đây hai nhóm các khoa học gia Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thành công trong việc nghiên cứu này, không phải vì lý do lòng tin, mà chỉ là thuần túy khoa học. Sự thành công này chứng minh cho thấy luân lý đạo đức và khoa học đích thật không chống đối nhau, nhưng là bà con với nhau. Luân lý đạo đức tôn trọng con người cũng ích lợi cho việc tìm tòi nghiên cứu, và nó minh xác cho thấy Giáo Hội chỉ chống đối việc nghiên cứu tìm tòi có hại cho con người, ở đây là con người phôi thai.

Theo Đức Cha Sgreccia sự kiện trong các năm qua người ta đã đầu tư biết bao nhiêu tiền bạc cho các vụ nghiên cứu bằng cách phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc, là một phí phạm vô ích. Biết bao nhiêu con người phôi thai bị giết, hàng tỉ mỹ kim của quốc gia và tiền thuế của dân chúng đã bị phung phí thay vì dùng cho khoa học và các nghiên cứu đích thật.

Phúc chế là tiến trình sản xuất các cặp cơ phận sinh vật giống hệt nhau trên bình diện di truyền, qua kỹ thuật lèo lái yếu tố di truyền. Nhân tố tế bào của một người cho được trồng vào trong một tế bào trứng, là tế bào nhận, nhưng bị lấy mất yếu tố di truyền DNA, rồi được để cho phát triển bình thường cho tới tình trạng trưởng thành.

Năm 1938 nhà nghiên cứu Hans Spemann đã đưa ra tư tưởng chuyển nhân tố này của tế bào. Năm 1997 ông Jan Wilmut người Ecốt đã dùng kỹ thuật phúc chế này để tạo ra con cừu Dolly, là con vật được phúc chế đầu tiên. Từ đó đến nay đã có 16 loại thú vật có vú khác được phúc chế và đã vượt các thành công khoa học. Nhưng nhiều súc vật phúc chế sinh ra với các vấn đề sức khỏe rất nghiên trọng. Con cừu Dolly gìa trước tuổi, bị nhiều thứ bệnh trong đó có chứng thấp khớp và đã chết cách đây mấy năm. Ngay trong việc phúc chế súc vật đã có rất ít trường hợp thành công, hay thành công, nhưng các súc vật đó sinh ra bị tật nguyền, không khỏe mạnh, khiến cho khoa học bị mang tiếng, và mất đi sự tin tưởng của mọi người.

Đặc biệt có hố sâu ngăn cách luân lý đạo đức rất lớn giữa các cuộc thí nghiệm trên súc vật và các vụ thử nghiệm trên con người. Hiện nay có một vài chính quyền chấp nhận việc phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc cho các cuộc thử nghiệm. Sau khi có tin kể trên ông Jan Wilmut đã tuyên bố là sẽ không bao giờ sử dụng việc phúc chế nữa, nhưng sẽ dồn sự chú ý tới việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành. Liên Hiệp Quốc cũng lo sợ nên có khuynh hướng cấm hoàn toàn việc phúc chế người, nhưng vẫn mở cửa cho việc phúc chế người trong mục đích trị liệu, với các kiểm soát nghiêm ngặt. Đã có 50 quốc gia cấm việc phúc chế người. 140 nước còn lại vẫn chưa có quyết định.

Sau đây chúng tôi gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bác sĩ Giovanni Camussi về khả năng của các tế bào gốc trưởng thành trong việc chữa trị gan và thận.

Hỏi: Thưa giáo sư, xin giáo sư kể lại cho mọi người biết khám phá của giáo sư liên quan tới các tế bào gốc đa năng trưởng thành của gan và thận, mà toán chuyên viên do giáo sư phối hợp, đã thành công trong việc nghiên cứu chúng.

Đáp: Đây là một bước tiến nữa trong việc nghiên cứu đã bắt đầu với việc cô lập các tế bào gốc trong mô gan hồi năm 2006. Thật thế, chúng tôi đã nhận diện ra các tế bào giống như các tế bào gốc ở trong tủy xương và kiểu hoạt động của chúng xác định chúng là các tế bào gốc. Có thể trải dài chúng ra trên kính của phòng thí nghiệm và nghiên cứu các khả năng khác nhau của chúng. Thật ra dưới hiệu qủa của các yếu tố lớn mạnh xác định, các tế bào này biến thành nhiều loại tế bào khác nhau của xương, của lá lách và của các nội mô (endoteliali).

Hỏi: Và tiếp theo đó các bác sĩ trong toán nghiên cứu đã bước sang giai đoạn thí nghiệm có đúng thế không, thưa bác sĩ?

Đáp: Vâng, đúng thế. Chúng tôi dã dùng các con chuột bị hư gan nặng để thử nghiệm và nhận thấy có sự cải tiến lớn, sau khi chích các tế bào gốc trưởng thành vào. Và các tế bào này sửa chữa mô gan bị hư hại. Hiệu qủa có được là nhờ các tế bào gốc nhưng cũng nhờ các tế bào mà chúng sản xuất ra. Chúng ta phải hiểu biết các kiểu hoạt động của tất cả mọi phân tử liên hệ, chẳng hạn như vai trò bảo vệ mà chúng thực thi, khi chúng thành công trong việc ngăn chặn cái chết của các tế bào gan được dự trù. Dĩ nhiên, mục đích chúng tôi nhắm tới đó là thành công trong việc áp dụng chúng trong các nhà thương đối với các bệnh nhân, nhưng còn cần phải nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lắm, trước khi đạt mục đích này.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về các hướng đi mới trong các nỗ lực nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành cho việc chữa trị trên bình diện quốc tế, chẳng hạn như việc đưa các tế bào gốc trưởng thành trở lại tình trạng của các tế bào gốc của bào thai?

Đáp: Tôi nghĩ rằng đó là chiến thuật hay, nhưng cần phải chứng minh các hiệu năng của chúng. Tôi xin được giải thích rõ hơn. Cần phải có thái độ cẩn trọng, khi duyệt xét các kết qủa này. Trên bình diện các tế bào gốc nói chung, không kể các khía cạnh luân lý đạo đức, cho tới nay chưa có được sự chắc chắn khoa học bảo đảm cho biết với khoảng cách thời gian người ta không gặp sự khác biệt không do ý muốn của các khoa học gia, làm nảy sinh ra các chứng ung thư của các tế bào phôi thai chẳng hạn. Vấn đề chính vẫn là sự kiện chúng ta hoàn toàn không chắc chắn đối với các nguy hiểm có thể xảy ra. Và ngay cả khi có chứng minh được sự chắc chắn đó nơi thú vật đi nữa, thì điều đó không có nghĩa là khi áp dụng cho con người nó cũng sẽ như vậy, vì có các thời gian dài hơn của sự phát triển đối với sự hình thành của các tế bào mới.

Hỏi: Như thế đâu là các ngõ thoát thưa bác sĩ?

Đáp: Phải tiếp tục lượng định 360 độ, nghĩa là trong tất cả mọi hướng, đặc biệt các hiệu qủa về lâu về dài, chứ không dừng lại để quan sát các hiệu qủa có được tức thì trước mắt. Khi biết như thế, cần phải lựa chọn rất kỹ lưỡng các bệnh nhân khi chữa trị. Việc chữa trị phải cứu sống họ khi không có cách thế chắc chắn nào khác.

Bên Hoa Kỳ người ta đã chấp thuận cho thử nghiệm một nhà thương dựa trên việc dùng các tế bào gốc trưởng thành để chữa trị các bệnh nhân theo hệ thống luân chuyển bên ngoài thân thể, và như thế có nguy cơ rất lớn là thận không hoạt động, như hậu qủa của việc giải phẫu các cơ phận. Kiểu can thiệp rất là hay, nhưng chúng tôi còn chờ các kết qủa.

Hỏi: Sự kiện trong các phòng thí nghiệm do giáo sư phối hợp các chuyên viên làm việc với các tế bào gốc trưởng thành có ý nghĩa gì hay không thưa giáo sư?

Đáp: Chúng tôi làm việc nghiên cứu trên các tế bào gốc trưởng thành cũng vì các lý do luân lý đạo đức. Nghĩa là không cần phải phúc chế các phôi thai người cho việc nghiên cứu. Đôi với tôi điều rất quan trọng trên bình diện khoa học là tiếp tục các nghiên cứu trên thú vật. Các nghiên cứu này giúp hiểu biết các hoạt động hướng dẫn các tiến trình khác nhau.

Tôi cũng đồng ý với đề nghị trên bình diện luân lý liên hiệp Âu châu phải phối hợp việc hủy bỏ các phôi thai người đã được sản xuất cho tới nay. Cả khi tôi cũng không chống lại sự kiện có thể dùng các phôi thai đã có sẵn cho các cuộc thử nghiệm. Dĩ nhiên trong trường hợp này cũng có vấn đề luân lý chứ không phải là không. Và chính vì có vấn đề luân lý nên chúng tôi chủ trương chỉ dùng các tế bào gốc trưởng thành cho các cuộc thí nghiệm, và loại trừ việc thí nghiệm trên các phôi thai người.

(Avvenire 31-1-2008)
 
ĐTC cung ứng một ''văn phạm mới'' để cải tổ Hồi giáo
Phụng Nghi
12:40 26/02/2008
Boulder, CO (CNA) – George Weigel, nhà tư tưởng Công giáo và người viết tiểu sử Đức thánh cha Gioan Phaolô II, hôm thứ năm tuần qua đã đọc một bài diễn văn về tôn giáo và chính trị thế giới, trong đó ông lý luận rằng Đức giáo hoàng Bênêđictô đã tạo ra một mẫu mực độc đáo để cho toàn thế giới hiểu biết những tương quan giữa Thiên Chúa giáo, chủ nghĩa thế tục Phương Tây và Hồi giáo.

Trong bài diễn văn, Weigel cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn nhằm chấp nhận và kịch liệt kết án những lạm dụng cụ thể về nhân quyền và tự do tôn giáo nơi một số quốc gia theo đạo Hồi.



Trong diễn văn đọc tại trường đại học Colorado ở Boulder, do Viện Nghiên cứu Tư tưởng Công giáo Aquinas bảo trợ, Weigel nói rằng Đức giáo hoàng Bênêđictô là người duy nhất thích hợp để nói lên những xung đột trên thế giới bắt nguồn từ các khác biệt về tôn giáo. Weigel tin tưởng rằng Đức giáo hoàng, đặc biệt là trong diễn từ Regensberg năm 2006, cung ứng một “văn phạm” cho các nhà lãnh đạo thế giới, có thể giúp họ hiểu và cải tổ cả chủ nghĩa tương đối của một Phương Tây thế tục lẫn bạo lực của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Khi đọc diễn từ tại trường đại học Regensburg, Đức giáo hoàng nói rằng bạo hành và cưỡng chế tôn giáo bắt nguồn từ ý tưởng cho rằng Thượng Đế là thuần ý chí chứ không phải là một đấng yêu thương và hướng theo lý trí. Ngài nói rằng niềm tin của Thiên Chúa giáo vào một đấng Thượng Đế nghe theo lẽ phải và yêu thương đã giúp người Kitô hữu hoà giải chính mình với các giá trị của Thời đại Khai sáng về tự do tôn giáo và nhân quyền, trong lúc đó những khía cạnh của thần học Hồi giáo ngăn cản một sự canh tân như thế giữa lớp tín đồ.

Weigel phản bác lại việc giới truyền thông mô tả bài diễn từ là “sai lạc” vì coi đó như là điều nhục mạ Mohamet. Ông lý luận rằng, bài diễn từ tại Regensburg không chút nào là sai lạc, mà là một suy tư quan trọng về các vấn nạn quan yếu trong chính sách thế giới ngày nay. Các vấn nạn này là:

“Hồi giáo có thể tự kiểm được không? Các nhà lãnh đạo có thể kết án và đặt ra ngoài lề các phần tử cực đoan của họ, hoặc người Hồi giáo có bị kết án khi cầm giữ con tin vì lòng cuồng nhiệt của những kẻ coi việc sát hại những người vô tội là việc làm vui lòng Thượng Đế? Phương Tây có thể phục hồi lại sự cam kết tuân theo lý trí, và do đó giúp yểm trợ cuộc canh tân Hồi giáo?”

Weigel lý luận rằng không ai khác hơn Đức giáo hoàng Bênêđictô là có khả năng đóng khung cuộc thảo luận vào đường hướng như thế. Ông nói: “Không vị tổng thống, thủ tướng, quốc vương, nữ hoàng hoặc vị tổng thư ký nào đã có thể đặt các vấn nạn này ở một trình độ tinh tế trước thính giả toàn thế giới.”

Bài diễn từ của ĐGH Bênêđictô đã cung ứng cho cộng đồng chính trị thế giới “một bản văn phạm nói lên những vấn nạn này, một văn phạm vượt văn hóa chân chính về tính duy lý và bất duy lý.”

Ông nói tiếp: “Không hề là một hành xử theo trừu tượng thần học, bài diễn từ Regensburg là một nỗ lực can đảm nhằm tạo lập một bản văn phạm công khai mới có khả năng áp dụng kỷ luật và hướng dẫn cuộc thảo luận toàn cầu tìm xem trong tranh luận đâu là khó khăn lớn lao nhất thế giới”

Weigel cũng phê phán một số phản ứng về bài diễn từ Regensburg. Mặc dầu công nhận rằng các chỉ trích của Hồi giáo về Phương Tây thường “không phải là không có thế giá”, nhưng Weigel lý luận rằng lá thư của 138 nhà lãnh đạo Hồi giáo công bố hồi tháng 10 năm 2007 “tránh né” các vấn nạn do bài diễn từ của Đức giáo hoàng đặt ra

Lá thư của các học giả Hồi giáo nhan đề “Một Từ Chung Giữa Chúng Tôi và Quý Vị” gửi cho các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo toàn cầu nhằm theo đuổi cuộc đối thoại liên tôn giáo. Nhiều nhà quan sát coi bức thư như một sự khai thông quan trọng.

Weigel nói rằng lá thư nói dài dòng về “Hai Giới Điều Lớn Lao” yêu mến Thượng Đế và yêu thương người khác như chính mình. Tuy nhiên, Weigel cho rằng lá thư không nói điều gì có thể áp dụng được vào các vấn đề thích đáng như “đức tin, tự do, và việc điều hành xã hội” như chuyện đe dọa giết chết người theo Hồi giáo cải đạo thành Kitô hữu, hoặc ngăn cấm việc thờ phượng của người Thiên Chúa giáo tại Saudi Arabia.

Ông thách đố các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải chính xác hơn trong cuộc đối thoại trong tương lai:

“138 vị lãnh đạo Hồi giáo này đồng ý hay không đồng ý rằng tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa thần quyền và thế quyền là những vấn đề ở trọng tâm mối căng thẳng giữa Hồi giáo và Phương Tây, thực ra là giữa Hồi giáo và “phần còn lại”, và hơn nữa là ngay trong nội bộ Hồi giáo. Có phải là hữu ích hơn không, khi tập trung vào các vấn đề cấp bách về lý trí cổ điển này – liên quan đến tổ chức xã hội của thế kỷ 21 – hơn là đóng khung cuộc đối thoại vào việc triển khai chung chung Hai Giới Điều Lớn, có nguy cơ dẫn đến chuyện trao đổi những điều sáo rỗng?

Weigel hỏi: “Tại sao không đi thẳng vào các vấn đề?” Ông còn quả quyết thêm rằng cuộc đối thoại chân chính cần phải có “một trọng tâm chính xác” và một cam đoan “kết án đích danh những phần tử trong cộng đồng họ đã nhân danh Thượng Đế để sát nhân.”

Weigel cũng chỉ trích “các luận điểm thế tục hóa” chủ trương rằng các quốc gia, theo với thời gian, sẽ ít sùng đạo hơn. Ông lý luận rằng, trong thực tế, sự tục hóa ở Phương Tây là một điều ngoại lệ, không phải một định luật. Luận đề về tục hóa, ông nói, đã bao phủ u ám các phân tích của những nhà tư tưởng và chính trị gia Phương Tây, họ không hiểu được nền tảng tôn giáo của nhiều phong trào trên thế giới, gồm cả chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Weigel nghĩ rằng, cuộc gặp gỡ lâu nhiều thế kỷ của người Công giáo với các giá trị tích cực của Thời kỳ Khai sáng về tự do tôn giáo và nhân quyền, có thể là mẫu mực cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Trong lúc không đồng ý với điều mà Weigel gọi là “lời bỡn cợt” của chủ nghĩa vô thần khoa học Thời kỳ Khai sáng, các lầm lỗi và thành công của Công giáo có thể giúp người Hồi giáo tìm được đường hướng cải tổ trong chính tôn giáo mình.

Weigel trưng dẫn diễn từ lễ Giáng sinh năm 2006 của Đức giáo hoàng Bênêđictô như là bằng chứng Đức thánh cha chấp thuận một chiến lược tương tự như thế. Trong diễn văn đó Đức thánh cha nói:

“Trong cuộc đối thoại được tăng cường với Hồi giáo, chúng ta phải ghi nhớ sự kiện là thế giới Hồi giáo ngày nay đang thấy họ phải đương đầu với một nhiệm vụ khẩn thiết. Nhiệm vụ này rất giống nhiệm vụ áp đặt lên người Kitô hữu kể từ Thời đại Khai sáng, và qua đó, công đồng Vatican II, do kết quả tìm kiếm lâu dài và khó khăn, đã tìm ra được những giải pháp đích thực cho Giáo hội Công giáo.”

Bài diễn từ của Weigel được trích trong nội dung cuốn sách ông mới xuất bản: ”Đức Tin, Lý Trí, và cuộc Chiến Chống Chủ Nghĩa Thánh chiến: Một lời kêu gọi hành động.” Buổi diễn thuyết được đồng bảo trợ do Hội St. Thomas More Society of Colorado.
 
Top Stories
Hanoi : l'Eglise bouddhiste d’Etat revendique la propriété du domaine où est édifiée l'ancienne délégation apostolique
Eglises d’Asie
11:52 26/02/2008
Hanoi: l'Eglise bouddhiste d’Etat revendique la propriété du domaine où est édifiée l'ancienne délégation apostolique

Depuis plus de 25 jours, les autorités gouvernementales gardent un silence absolu sur les suites qu'elles comptent donner à leur promesse de restituer à la communauté catholique le domaine de l'ancienne Délégation apostolique de Hanoi. Mais, peut-être, ne sont-elles pas étrangères à une récente intervention de « l'Eglise bouddhiste du Vietnam » patronnée par le Front patriotique, intervention qui vient à point nommé pour permettre au gouvernement de remettre à plus tard la réalisation de ses engagements. Dans une lettre envoyée au Premier ministre, le 16 février 2008, un haut dirigeant de cette Eglise revendique comme propriété du bouddhisme vietnamien, le domaine réclamé aujourd'hui par la communauté catholique. Que cette revendication ait été inspirée par le gouvernement est d'autant plus plausible que le 1er février dernier, un ancien dirigeant du Bureau des Affaires religieuses avait déjà évoqué les droits des bouddhistes sur la propriété contestée.

La lettre au Chef du gouvernement vietnamien signé du vénérable Thich Trung Hâu, affirme que la Délégation apostolique est construite sur un terrain ayant appartenu aux bouddhistes pendant 825 ans jusqu'à ce que le pouvoir colonial s'en empare pour le donner à la communauté catholique, par l’intermédiaire de Mgr Puginier. La lettre précise que la pagode Bao Thiên qui y avait été élevée, en 1057, sous le règne de Ly Thanh Tông, fut longtemps l'un des quatre monuments les plus prestigieux du patrimoine bouddhiste au Vietnam. Le religieux affirme aussi que la revendication « d'un certain nombre de personnes » exigeant que l'ancienne délégation apostolique soit remise aux catholiques crée beaucoup de mécontentement au sein de la population.

Déjà le 1er février, date à laquelle les catholiques de Hanoi avaient mis un terme à leurs manifestations de prière, l'organe du Front patriotique, Dai Doan Kêt, avait fait paraître un article sur ce sujet, signé par Lê Quang Vinh, qui fut longtemps directeur du Bureau des Affaires religieuses du gouvernement. Même si, en conclusion, l'ancien responsable soulignait qu’il ne voulait pas prendre parti dans la controverse entre les religions sur la propriété de ce terrain, il rappelait longuement l'histoire de la tour et de la pagode Bao Thiên, mentionnait l'acquisition par Mgr Puginier du terrain sur lequel sont construit l'archevêché et la Délégation apostolique, et rappelait les circonstances de la construction de la cathédrale de Hanoi. Les dernières lignes du texte laissaient entendre que ce terrain avait été le théâtre d'événements tragiques: « Ce morceau de terre de notre patrie est imprégné de la sueur, des larmes et du sang de notre peuple ».

Il existe de nombreuses sources historiques vietnamiennes relatant l'histoire de la construction de la pagode (1056) et de la tour (1057) de Bao Thiên et de leur destruction. Selon les diverses chroniques missionnaires, la délégation apostolique n'a pas été construite sur le terrain de la pagode. L'acquisition des terrains par Mgr Puginier se fit en deux temps. Dans une première étape, (1875 1876) l'évêque se rendit propriétaire des « terrains qui s’étendaient entre le camp des lettrés au sud et la pagode de Bao Thiên Tu », rapporte Jean Villebonnet dans « Hanoi chrétien » (Bulletin des Missions étrangères de Paris, 1932). C'est sur ce domaine que furent édifiés, à partir, de 1876 les divers bâtiments de la mission, puis, en 1951, le bâtiment de la Délégation apostolique. Ce n'est que plus tard, après l'établissement définitif du protectorat français (25 aout 1883), que le terrain de la pagode Bao Thiên fut confisqué par le Tông Dôc de Hanoi (gouverneur dépendant de la cour de Huê) et remis à l'évêque de Hanoi. La cathédrale sera achevée en 1887.

En favorisant l'émergence de cette soudaine revendication du groupe bouddhiste, les autorités espèrent sans doute que la polémique entre chrétiens et bouddhistes les dispensera de tenir des engagements pris devant témoins concernant la restitution du domaine réclamé par la communauté catholique.

(Source: Eglises d’Asie - Dépêches du 26 FEVRIER 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Văn Hải giáo phận Phát Diệm tổ chức tĩnh tâm cho giáo dân
Người Văn Hải
12:46 26/02/2008
PHÁT DIỆM -- Từ xa xưa tới nay, mỗi Mùa Chay đến các nhà thờ trong giáo xứ Văn Hải (Giáo xứ Văn Hải có 6 nhà thờ: một nhà thờ xứ và năm nhà thờ họ lẻ; họ Đông Hải; họ Tây Hải; họ Nam Cường; họ Nhân Hải và họ Khanh Hải) giáo dân tới nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện đông hơn so với những Mùa khác trong năm. Hơn nữa họ còn tích cực tham gia học giáo lý Mùa Chay theo chương trình chung của giáo phận. Nhưng tất cả vẫn chưa lấy đó làm đủ. Đúng vậy, bởi vì họ còn thiếu một điều đó là: Hòa giải với Chúa, hòa giải với tha nhân; đó mới là điều mà mọi người giáo dân ở đây ước ao.

Để thỏa lòng mong mỏi của mọi người, hôm nay giáo xứ Văn Hải tổ chức ngày tĩnh tâm Mùa Chay để mọi người có dịp nhìn lại chính đời sống của mình.

Ngay từ sáng sớm ngày 26/02/2008, nhiều người đã tới nhà thờ giáo xứ để chờ đón giờ khai mạc ngày tĩnh tâm. 8 giờ sáng khai mạc chương trình tĩnh tâm bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Tiếp theo, thầy Antôn Nguyễn Văn Vinh hướng dẫn cộng đoàn sám hối cộng đồng. Cha Giuse Mai Văn Thiện giảng về đề tài “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai” ; trong bài giảng đề cập đến việc giáo dục bằng tình yêu, giáo dục bằng sự nhịn nhục và giáo dục bằng cách tha thứ v.v… Kết thúc buổi sáng bằng giờ Chầu Thánh Thể.

Buổi chiều bắt đầu bằng giờ ngắm dấu đanh, tiếp đến cha Antôn Đoàn Minh Hải giảng về cùng một đề tài buổi sáng; ngài nhấn mạnh đến cách thức giáo dục con cái, ngài đưa ra những câu chuyện cụ thể đã gặp trong đời làm mục vụ 26 năm của ngài để hướng dẫn các bậc cha mẹ biết cách giáo dục con cái.

Trong thánh lễ, cha Phêrô Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ bài Tin mừng, ngài nhân mạnh đến vấn đề tha thứ: những khó khăn của việc tha thứ, lợi ích của việc tha thứ và điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ là chính mình phải tha thứ cho tha nhân.

Qua giờ đọc kinh cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu, giờ Chầu Thánh Thể và đặc biệt qua các bài giảng của các cha, mọi người đã nhận ra được chính mình, sự thiết thực của việc sống đạo và ý thức hơn về vai trò cần thiết của giáo dục Kitô giáo. Nhất là sự cần thiết của việc tha thứ cho nhau.

Đặc biệt, các cha trong hạt Văn Hải đã ngồi tòa giải tội từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, giúp nhiều người được đón nhận ơn tha tội.

Thánh lễ bế mạc ngày tĩnh tâm kết thúc, mọi người ra về với tâm tình bình an phấn khởi và biết ơn đối với cha chính xứ, cha phó xứ và các cha trong hạt Văn Hải đã nhiệt tình giúp họ được hòa giải với Chúa và hòa giải với nhau. Chắc chắn qua một ngày sống với Chúa trong bầu khí tĩnh tâm, mọi người trở về với cuộc sống đời thường; việc đọc kinh cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu và việc học giáo lý sẽ sốt sắng hơn, hiệu quả hơn, mọi người sống gắn bó yêu thương, đoàn kết với nhau hơn; vì cuộc sống đời thường có Chúa là trung tâm và là đích điểm của mọi hoạt động.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đồng Hành với Dân Tộc để đòi Công Lý (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
13:23 26/02/2008
Đồng Hành với Dân Tộc để đòi Công Lý

Dân Thánh Chuá đang đòi Công Lý,
Tâm rất công mà ý rất thành,
Quyết cùng dân tộc đồng hành,
Quyết cùng với khối dân lành kết liên.

Vạch âm mưu bạo quyền gian ác,
Dùng “dân tộc” làm “mác” bán buôn. (*)
Ta thờ Thiên Chuá chí nhân,
Thờ trong Chân Lý, Tinh Thần, không ngơi.

Chuá chí nhân nghe người cùng khốn,
Tiếng dân oan vọng chốn trời xa,
Vậy nên Ngài mới sai ta,
Chung tay, góp sức, toả ra cứu đời.

Nến Công Lý, ai ơi cứ thắp,
Cho chúng ta, cho khắp toàn dân.
Muà Chay, quyết chí góp phần,
Giúp người khốn cực, kẻ cần đỡ binh.

Dọn lòng thắp Nến Phục Sinh!

Boston, ngày 25 tháng 2 năm 2008

CHÚ THÍCH:
(*)Mác: Trade mark hay thương hiệu. Cộng sản dùng dân tộc như trade mark cuả chúng
với mục tiêu lưà bịp nhân dân trong nước và thế giới, để đưa dân tộc vào tròng nô lệ.
Các tôn giáo thoả hiệp với cộng sản và các tổ chức tôn giáo do cộng sản thành lập và tài trợ
(thí dụ Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo) đều tự xưng là “đồng hành cùng dân tộc”,
nhưng thực tế hiển nhiên là đồng hành cùng cộng sản và phản bội dân tộc, không hơn, không kém!
 
Khởi đi từ Tuần Thánh: Ánh lửa Phục Sinh sẽ có thể lại bừng sáng trở lại nơi Tòa Khâm Sứ Hà Nội!
VietCatholic Network
20:00 26/02/2008
Khởi đi từ Tuần Thánh: Ánh lửa Phục Sinh sẽ có thể lại bừng sáng trở lại nơi Tòa Khâm Sứ Hà Nội!

Từ ngày 1/02/2008, với thư của Đức TGM Ngô Quang Kiệt gửi giáo dân Hà nội, trong đó Ngài loan báo rằng: “Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh...”, thì giáo dân Hà nội đã rước Thánh giá về Tòa Giám Mục và đưa cất lều bạt về nhà, chờ đợi cho một giải pháp tốt tốt đẹp cho cả đôi bên. Trong thư Ngài cũng không quên nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa “tiếp tục cầu nguyện”.

Khi bức thư này được loan ra, thì nhiều người đã tỏ vẻ hồ nghi ngay về thiện chí của chính quyền và cũng nhắc nhở Tòa Giám Mục rằng chớ có cả tin kẻo sẽ bị lừa.

Đang khi đó một số người khác, nhất là những “ngôn sứ giả” cả từ chục năm nay lên tiếng oang oang tố cáo Giáo hội đủ điều, cũng như hăng say chửi bới Cộng sản. Họ là những người từ bao năm nay tuy có thiện chí tố cáo tội ác của cộng sản, nhưng vì cung cách "hành xử trật đường" chỉ biết chửi mà mà thiếu chiến thuật hành động, lại hành động "ngoài giáo hội", nên họ không bao giờ gây được chút ảnh hưởng nào với giáo dân hoặc với Giáo hội, cũng như không làm cho Cộng Sản khiếp đảm. Tuy nhiên khi bức thư của ĐHY Bertone về vụ Tòa Khâm Sứ được đưa ra, họ liền chớp lấy cơ hội, tố cáo là Vatican đã làm áp lực TGM Hà nội, can thiệp vào nội bộ Giáo hội Việt Nam và làm mất đi cơ hội đối đầu của giáo dân đòi công lý với chính quyền Cộng sản!

Nhân tiện đây, chúng tôi cũng muốn mở một dấu ngoặc nói thêm vài lời về các “ngôn sứ giả” này. Sở dĩ từ trước tới nay họ không có ảnh hưởng hay làm nên cơm cháo gì, vì họ không phải là tiếng nói chân chính của Giáo hội, nên họ không được giáo dân nghe theo. Thêm nữa, họ cũng chưa từng bao giờ vận động được, ngay dù một nhóm giáo dân có tầm cỡ lớn lao nào ủng hộ họ cả. Khi nhìn vào biến cố giáo dân cầu nguyện ở Hà nội, họ thấy sửng sốt, tại sao giáo dân lại can đảm và đoàn kết đến thế, họ cũng nhận ra là dù một vị linh mục vô danh nào đó ở một xứ vùng quê như Hà đông chẳng hạn cũng có ảnh hưởng gấp trăm hoặc gấp ngàn lần ảnh hưởng của họ, vì khi các vị này lên tiếng một lời là có cả từng ngàn người nghe theo ngay. Cả một cao trào đứng lên đòi công lý đã bùng nổ ra, từ Hà nội lan tới Saigòn, ra cả hải ngoại... họ mới ngả ngửa ra rằng: hàng giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân Việt Nam không "hèn nhát" như họ từng kết án từ trước đến nay! Họ cũng dễ nhận ra ngay là người Công giáo Việt Nam đâu có “sợ sệt” gì, sở dỉ từ trước đến giờ họ không hành động là bởi vì thời giờ chưa tới, một khi được các vị chủ chăn chân chính kêu gọi đứng lên, thì hàng, hàng vạn người như một sẽ đứng lên. Đấy mới là sức mạnh của sự đoàn kết và sức mạnh của niềm tin “chiên ta thì nghe tiếng ta”.

Cũng chính vì lý do các "ngôn sứ giả" này không phải là tiếng nói của Giáo hội Công giáo Việt nam, lại nữa họ cũng không phải là đại diện cho Giáo hội Việt nam, nên từ trước tới nay Giáo hội Công giáo Việt Nam đã không lên tiếng về các lời chỉ trích của các "ngôn sứ giả"này. Tuy nhiên, các người tự xưng mình là "ngôn sứ" -dù họ là linh mục chăng nữa- thì Giáo hội cũng không cản trở họ khi họ thi hành quyền công dân của mình, họ có quyền nói lên tiếng nói và lập trường của họ. Tuy nhiên họ không thể bắt buộc Giáo hội phải chấp nhận tiếng nói của họ như là tiếng nói của Giáo hội hay bắt Giáo hội phải bênh vực họ khi họ phát biểu trật đường và không đi trong khuân khổ và lập trường của Giáo hội. Không những hàng giáo phẩm hoặc Giáo Hội Việt Nam không lên tiếng mà bất cứ tổ chức nào hiệp thông đích thực với Giáo hội Việt nam cũng không đồng tình với lập luận riêng của họ. Lập trường của VietCatholic cũng vậy, không muốn "mất giờ" đi vào cuộc bút chiến với các "ngôn sứ giả" nêu trên.

Trở lại vần đề tiến trình vụ giải quyết đất Tòa Khâm Sứ: Thực tế là ngay trước khi Tòa Giám Mục Hà nội nhận được lá thư với những lời khuyên của ĐHY Bertone thì đã có những bàn thảo trong nội bộ: có nên tiếp tục cho giáo dân đội mưa và chịu giá lạnh với một thời tiết khắc nghiệt vào cuối tháng Giêng vừa qua hay không? Nhìn từ khía cạnh nhân đạo và với việc báo chí ngoại quốc đặc biệt quan tâm tới giáo dân cầu nguyện trong giá lạnh, việc khuyên giáo dân về nhà là một cử chỉ rất “nhân đạo” dưới con mắt của mọi người trên toàn thế giới, bằng không việc cầu nguyện tranh đấu cho công lý của giáo dân Hà nội sẽ trở thành “vô nhân đạo” dưới con mắt người Tây phương, và nhất là đối với anh chị em Công giáo Việt Nam ở khắp nơi, không thề nào mà không thấy sự thương tâm cắn xé tâm can khi nhìn thấy anh em đồng đạo mình phải trải qua những gian nan như vậy.

Đức TGM Hà nội không hề bị áp lực nào từ phía Vatican, bởi vì trước khi có thư của ĐHY Bertone thì đã có những cuộc điện đàm tham khảo giữa Vatican và Tòa Giám Mục Hà Nội, cũng như một số ý kiến của các Giám Mục Việt Nam, xa hơn là các nhân vật ảnh hưởng đạo đời, không những chỉ trong nước mà nhiều nơi ở hải ngoại, ngay cà ý kiến đóng góp của các cấp ngoại giao các quốc gia về vấn đề này với Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Bức thư mà ĐHY Bertone gửi cho TGM Hà nội và một thư khác gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam là cơ hội cho cả hai bên tháo được cái nút khó mở, mỗi bên đứng trước một tình thế khác nhau hoàn toàn, một bên là vì nhân đạo, bên khác là vì thể diện. Hai bên đã có những cuộc trao đổi, với những đồng ý trên nguyên tắc chung chung hầu tỏ thiện chí. Đang khi đó chính quyền Việt Nam cũng bị những áp lực ghê gớm thừ nhiều phía: đại sứ Việt Nam ở Roma bị chính phủ Ý triệu hồi đòi giải thích, đại sứ Pháp và Hoa Kỳ ở Việt Nam, v.v... nêu ra với chính quyền Việt Nam những quan tâm của họ.

Vào ngày 30/01/2007, trên trang VietCatholic có viết rằng: “Trong 2 ngày qua 30-31/01/2008 đang có những nỗ lực và cũng có thể nói là những áp lực từ nhiều phía để UBND thành phố Hà nội và Tòa Tổng Giám Mục ngồi lại với nhau, tiến tới một giải pháp tốt đẹp cho vụ việc Tòa Khâm Sứ. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phía chính quyền Hà nội cũng chỉ mong thoát ra được cái tròng ngày càng xiết chặt, nghĩa là làm sao còn giữ được chút “thể diện”, hay như có người nói trước đây là muốn “biểu hiện quyền uy”của mình”.

Khi đó chúng tôi đã biết đại khái về bản chất thỏa thuận giữa Tòa Giám Mục Hà nội và Chính quyền Hà nội, nhưng không tiện nêu ra, với mục đích để hai bên có khung cảnh thích hợp chứ không vì áp lực nào hầu đi tới một kết quả tốt đẹp cho cả hai bên.

Theo nguồn tin của chúng tôi khi đó, được biết rằng, chính quyền Hà nội và quận Hoàn Kiếm qua chỉ thị của Thủ tướng sẽ phải tìm cách thế “trao quyền sử dụng đất Tòa Khâm Sứ lại cho Tồng giáo phận Hà nội” muộn nhất là trong cuối tháng 3 năm 2008, vì sau đó vào tháng 4, 2008 sẽ có một phái đoàn ngoại giao Việt Nam gồm 4 người sang Vatican, được dẫn đầu bởi một Thứ trưởng ngoại giao về bàn về một nghị trình mà cả hai bên đều quan tâm chung.

Ngôn ngữ được dùng về vụ Tòa Khâm sứ là “trao quyền sử dụng” với chủ tâm để giữ thể diện, chứ không phải là “trả lại” Tòa Khâm Sứ. Vụ việc Tòa Khâm sứ sẽ tách rời khỏi vụ Thái Hà và Hà đông, và ngay cả đất thánh địa La vang hay Đại học Đà lạt cũng vậy, mỗi nơi sẽ do hoàn cảnh đặc thù của địa phương đó và giáo phận địa phương đó mà giải quyết, như vậy sẽ tránh đi được nỗi lo sợ của chính quyền là “đòi được Tòa Khâm sứ thì tất cả các nơi khác sẽ nổi lên đòi lại”.

Để tỏ thiện chí tối đa, giáo dân Hà nội và các thành phần Dân Chúa ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới cũng cố gắng "tạm im lặng" hầu tạo cơ hội không tấn công hay chỉ trích chính quyền, để với mục đích tạo một “khung cảnh tương đối êm đềm cho những cuộc nói truyện dẫn tới kết quả tốt đẹp”. Tuy nhiên, Đức TGM Hà nội vẫn giữ lập trường là phải nhận lại được Tòa Khâm sứ mới thôi, cũng như cần có bảo đảm từ chính quyền muốn mở ra "lộ trình để giải quyết một cách công bằng và hợp lý" cho những khiếu kiện của người dân, nhất là những tranh chấp đất đai của Giáo hội Công giáo. Đó là mục đích chính yếu của các buổi cầu nguyện đòi cho “công lý” được thực thi. Điển hình là vào ngày mùng 3 Tết, Đức TGM Hà nội đã đến cầu nguyện với giáo dân Thái Hà có 7.000 người tham dự. Điều đó nói lên quyết tâm của đức TGM Hà nội và toàn giáo dân Hà nội.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, một vài sự kiện “ngoại lai” đã làm cho nhiều người thiện chí nghi ngờ về quyết tâm của chính quyền Hà nội muốn thực tâm giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ: đó là 2 cơ quan mang mầu sắc tôn giáo, nhưng là tổ chức tôn giáo quốc doanh do đảng Cộng Sản Việt nam lập ra cho hoạt động, từ trước tới nay vẫn làm việc dưới sự chỉ đạo của chính quyền và được chính quyền cung cấp phương tiện vật chất, đó là tờ báo “Công giáo và Dân tộc” và tổ chức “Giáo Hội Phật giáo Việt nam” (hay còn gọi là Phật giáo quốc doanh). Cả hai tổ chức này đã tung ra những đòi hỏi và đặt lại vấn đề Tòa Khâm Sứ hầu hy vọng kéo dài thời gian nhùng nhằng không muốn cho việc giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ được mau chóng kết thúc.

Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao vụ giải quyết Tòa Khâm sứ cho Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBNH thành phố Hà nội. Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết các thành phần trên đều đồng ý “trao quyền sử dụng” Tòa Khâm Sứ cho Tòa giám mục Hà nội theo nhu cầu đề nghị của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, nhưng trừ ra "Chính quyền địa phương Quận Hoàn Kiếm" là vẫn còn cương quyết chống lại. Quận Hoàn Kiếm vẫn kiên trì đề nghị là "cấp cho Giáo hội một khu đất khác ở quận Hoàn Kiếm có thể rộng rải hơn" khu Tòa Khâm Sứ để khỏi phải phá hợp đồng xây dựng mà họ đã trót ký với cơ sở thương mại đầu tư, đàng khác "Quận lấy lý do làm như vậy sẽ tránh được tiền lệ đòi đất ở khắp nơi".

Không biết từ sáng kiến của ai, hai bài báo của linh mục Trương bá Cần trên tờ Công giáo và Dân tộc, thêm văn thư của hòa thượng Thích Trung Hậu, đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đòi được tham khảo trong vụ đất Tòa Khâm sứ, khi được tung ra đã và còn đang gây một phản ứng chống đối chính quyền còn mãnh liệt hơn nữa, và làm mất đi niềm tin tưởng vào thiện chí của chính quyền - đã vốn ít oi thì nay lại xuống tới mức thấp nhất - làm chính quyền mất mặt thêm, và lại thêm lúng túng ra.

Có tin cho biết: trong nội bộ quan chức chính quyền Hà nội đang lủng củng vì truyện này, một đàng họ nói việc hòa thượng Thích Trung Hậu nộp đơn “đã bị chính quyền phê phán gay gắt”, đàng khác có thành phần trong chính quyền lại đổ tội “đó là âm mưu của Bắc Kinh hay của CIA” nhằm làm suy yếu sức đối kháng của chính quyền Việt Nam trước vụ Hoàng Sa và Trường Sa.

Lại cũng có tin LM Trương bá Cần "đã bị ban Tôn giáo vụ khiển trách" khi đưa ra quan điểm trên tờ Công giáo và Dân tộc là “đã vi phạm lệnh cấm của Ban Tuyên giáo chính phủ không được đăng báo đả kích về các cuộc cầu nguyện của giáo dân nữa”. Nguồn tin còn cho biết thêm là vào ngày mai 27 /2/2008 tại Hà nội sẽ có cuộc họp Đoàn Chủ tịch UBĐKCGVN để thảo luận, và chắc chắn là có cãi vã và tranh chấp lớn lao vì tự nhiên ai cũng nhắm mũi dùi vào tờ CGvDT để lên án gắt gao!

Nguồn tin được cung cấp nêu trên - từ trước tới nay nguồn tin này thường vẫn trung thực - tuy nhiên lần này chúng tôi có hơi hồ nghi về tính cách trung thực về diễn biến và sự kiện mà chúng tôi vừa trinh bầy ở trên. Chúng tôi coi đây là một đòn giải độc cho chính quyền, khi mà chính quyền đã ngây ngô tin dùng gia nô CGvDT cũng như GHPHVN quốc doanh trong việc gây chia rẽ và trốn trách trách nhiệm và có thể tung lá bài kéo dài thời gian hoặc muốn luốt lời hứa với Vatican và Tòa TGM Hà nội. Nay thấy lá bài hỏng không xài được và bất lợi, nên giả đò "đưa con vật ra tế thần" hầu xoa dịu sự chống đối!

Một lời cảnh báo trước

Với thiện chí của mình, Đức TGM Hà nội vẫn còn đang chờ đợi việc chính quyền mau chóng thực thi những thỏa thuận đã hứa là chính quyền sẽ trả lại, hay cách nói “trao quyền sử dụng” Tòa Khâm Sứ cho Giáo hội cũng được.

Hàng giáo sĩ và giáo dân Hà nội vì đức vâng lời và cũng muốn chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết “cha con một lòng, hàng vạn con tim là một” sẵn sàng hi sinh chính kiến cá nhân, để tuân thủ theo sự hướng dẫn của chủ chăn. Thế nhưng sự kiên nhẫn sẽ có giới hạn, thời gian để giải quyết trong trật tự đã được đặt ra, và kết quả phải đạt được trong công lý và tôn trọng lẫn nhau. Một khi giáo dân Hà nội thấy mình bị lừa dối thì chiến dịch cầu nguyện sẽ lại được tái phát động, và lần này chắc chắn các buổi cầu cầu nguyện sẽ lớn mạnh hơn, kiên trì hơn và sẽ kéo theo một số những ảnh hưởng giây chuyền về cả thời gian và không gian... Hàng rào, cổng và tường ngăn cách giữa Tòa giám mục và Tòa Khâm sứ cũng sẽ trở nên vô dụng.. sẽ bị mở tung ra! Các buổi cầu nguyện cho công lý không những chỉ tổ chức tại Hà nội mà còn lan rộng ra các giáo phận tại Việt nam khác nữa.

Trước đây, có người cũng đã đặt câu hỏi, tại sao chỉ có các vị giám mục ngoài Bắc là đã lên tiếng ủng hộ Đức TGM Hà nội mà không thấy các giám mục trong Nam, ngoài Trung, hay là tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt nam lên tiếng về vụ việc này? Theo chúng tôi được biết, các vị giám mục Việt Nam cho rằng, vụ Tòa Khâm Sứ Hà nội, nên tạm để trong tầm mức địa phương Tổng giáo phận Hà nội (nghĩa là các giáo phận Miền Bắc) chung nhau giải quyết trước. Làm như vậy sẽ không làm cho chính quyền phải lo lắng mà sinh nghi ngờ một cuộc tổng nổi dậy đòi đất và đòi công lý lan tràn khắp nơi mà không đi đến kết quả thực tế. Sự lựa chọn này đáp ứng nhu cầu tình lý và trong những điều kiện hành động mà không gây rối loạn theo đúng chủ trương ôn hòa và bất bạo động của Giáo hội. Đàng khác nó cũng đã mạnh mẽ đủ đề nói lên khao khát chính đáng của giáo dân Công giáo Việt nam, và cũng đã có kế hoạch và đường lối làm cho đòi hỏi của Giáo hội Việt nam có tiếng vang trên thế giới, và được nền ngoại giao và báo chí quốc tế ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của người công dân và người Công giáo Việt Nam.

Nguồn tin của chúng tôi cũng báo cho biết: Nếu trong hạn kỳ mà chính quyền Hà nội đã hứa mà không thực thi nghiêm chỉnh thì lần này cuộc đòi hỏi bằng các buổi cầu nguyện cho công lý sẽ không bị giới hạn trong điều kiện không gian, thời gian và khí hậu nữa.

Nguồn tin còn cho biết là thêm chi tiết như sau: hiện nay, các nhóm giáo dân, một số giáo xứ trong giáo phận Hà nội đang bàn nhau dự tính sẽ có các buổi cầu nguyện cho công lý trước Tòa Khâm Sứ trở lại, sẽ được bắt đầu lại từ Tuần Thánh năm nay, tức là từ ngày Chúa Nhật Lễ Lá ngày 16/3/2008 và sẽ kéo dài liên tục với số người đông hơn và cương quyết hơn nhiều.

Những ngọn nến của cả hàng 10 ngàn người đã được thắp lên từ ngày 18 tháng 12 năm 2007 đến ngày 1/2/2008 ở Hà nội vẫn chưa bao giờ tắt, những ngọn lửa đó còn đang bừng sáng và lửa thiêng được giữ vững tại Thái Hà và Hà đông, cũng như tại các giáo xứ Hà nội chỉ chờ ngày bừng sáng trở lại mà thôi. Người giáo dân đã vượt qua “nổi sợ” dù bị đe dọa đến mạng sống trong ngày 27/1/2008 khi mà chính quyền và quân đội định tảo thanh và “làm sạch” những ngưòi cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ, cho thấy cả ngàn người đã không hề sợ bị đàn áp hay sợ chết.

Thời tiết giá buốt bất thường đột nhiên đến với Hà nội vào cuối tháng Giêng nên vì lý do “nhân đạo” mà các buổi cầu nguyện đã được tạm cho đình chỉ lại, với hy vọng thiện chí đôi bên sẽ thực thi lời hứa. Nhưng vào Tuần Thánh giữa tháng Ba sắp tới tới, không còn tiết giá mùa đông nữa, sẽ là khởi đầu lại cho một cuộc hành trình đức tin đòi công lý quyết liệt hơn.

Khởi đi từ bài “Ca lên đi” trong ngày nhạc hội Mừng Chúa Giáng Sinh với chủ đề “Kinh Hòa Bình” đòi “Công Lý”: tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh giá Chúa được dựng lên tại khung viên Tòa Khâm Sứ, thì sắp tới đây, giáo dân Hà nội cương quyết sẽ đi lại con đường Thập giá và thương khó Chúa đã đi trong Tuần Thánh, để đốt lên “Ánh Lửa Phục Sinh” tiếp tục soi vào một thế giới đen tối, lỗi lầm, thất hứa và thiếu công lý. Ánh Lửa Phục Sinh sẽ bùng sáng trở lại để công lý, nhân quyền, tự do và chân lý được thể hiện.

Tuần Thánh là tuần mà tất cả mọi người Công giáo khắp nơi, suốt cả tuần lễ, sẽ tụ tập bên nhau, cầu nguyện, suy niệm và tưởng nhớ đến sự chết và những chặng đường chông gai khổ nhục của Chúa trong chương trình cứu độ hầu giải án tội lỗi cho nhân thế và giải phóng con người khỏi gông cùm trói buộc mọi cách, hoàn lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Đó chính là con đường mà các tín hữu Công giáo mỗi năm đều mỗi suy niệm làm giá trị cho cuộc sống của mình.

Lần này đây không những giáo phận Hà nội cầu nguyện mà cả toàn các giáo phận Việt nam cũng cầu nguyện, cả thế giới đều cầu nguyện và thắp lên “Ánh Lửa Phục Sinh”. Ánh lửa thắp lên lần này sẽ không tắt nữa!

Ánh sáng và ngọn lửa của sự thật của Đức Kitô, công lý cho con người, và quyền tự do nhân phẩm giá trị thiêng thiêng của mỗi một người là động lực thúc đẩy không những chỉ người tín hữu Công giáo phải dấn thân, mà cũng là lời mời gọi mọi thành phần thuộc mọi tôn giáo Việt Nam cùng đứng lên tranh đấu cho công lý và cho sự thật vậy.
 
Đằng sau một cuộc tranh cãi lịch sử: Những lời hứa đang chờ thực hiện!
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
20:23 26/02/2008
ĐẰNG SAU MỘT CUỘC TRANH CÃI VỀ LỊCH SỬ

Những lời hứa đang chờ thực hiện

Khi những buổi cầu nguyện trong Tòa Khâm sứ được tạm rút, để dọn đường một cách hòa bình cho Nhà nước thực hiện những lời hứa của mình là trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo hội – một cách thể hiện tính nghiêm túc và đầy ôn hòa của Giáo hội Công giáo Việt Nam với Nhà nước. Thời gian chờ đợi càng kéo dài, nhiều suy tư trăn trở của giáo dân và những người quan tâm được đặt ra: Nhà nước có thực tâm để thực hiện những lời đã hứa với cả danh dự của mình không? Nếu không, phải chăng Giáo hội và TGP Hà Nội đứng đầu là TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã bị lừa?

Những suy tư trên không phải là không có cơ sở, chắc cũng bởi đã sống lâu với chế độ Cộng sản, nên những người dân đã có dạn dày kinh nghiệm. Có người chép miệng: “Chỉ khổ mấy ông Linh mục, Giám mục, cứ nghĩ ai cũng nói thật như mình nên bị lừa như chơi, làm gì có danh dự hay danh tiếng gì ở đây, hãy chờ xem những chiêu tiếp theo”. Thậm chí, có người còn lớn tiếng: Giáo hội đã thất bại?

Khi Giáo dân đang nóng lòng chờ đợi việc Nhà nước thực hiện lời hứa thì trên khu đất Tòa Khâm sứ hình ảnh búa và liềm vẫn ngự trị, câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước” đang giăng đầy hàng rào và đường phố Nhà Chung dưới tiết trời lạnh lẽo và mưa sa (thì ra, Đảng to hơn cả Xuân của đất trời và tất nhiên là to hơn cả Đất nước nên sự mừng cũng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên?). Điều đó như một sự trêu ngươi trước con mắt các giáo dân Hà Nội và những người khách vãng lai càng thêm sốt ruột.

Tuy nhiên, TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chắc vẫn có lòng tin những lời hứa trên có thể sẽ được thực hiện, nhưng với nền hành chính “rùa bò” của Việt Nam, việc thực hiện ngay là điều chưa có được? Ngài vẫn hy vọng những lời hứa trong danh dự kia sẽ được thực hiện trong nay mai.

Có thể đang có những động thái cần thiết nào đó để mọi việc tốt đẹp hơn, giữ được mối quan hệ loại trừ những căng thẳng không cần thiết. Tất cả chúng ta cần phải chờ đợi như đã từng chờ đợi bao năm nay?

Nhưng, Giáo hội đã không thất bại trong “Lễ hiện xuống” 40 ngày đêm qua. Điều dễ thấy nhất, đó là hàng ngũ giáo dân, vốn đã sống trong hoàn cảnh khốc liệt của thể chế Cộng sản với những sự khiếp nhược truyền kiếp, thì nay đã dám đứng lên, đương đầu với súng đạn, công an và cả viễn cảnh tù đày, chết chóc để đòi hỏi Công lý được thực thi.

Đã đến lúc, người dân biết mình có những quyền gì và cơ chế XIN – CHO đã ngang nhiên cướp đoạt của họ những gì, đã làm đảo lộn xã hội ra sao. Những người ăn lương phục vụ nhân dân đã trở thành ông chủ, những ông chủ thật sự bỏ tiền nuôi đầy tớ lại trở thành những kẻ ăn xin. Đó là một nghịch lý được Đảng và Nhà nước nuôi dưỡng bao năm nay. Một nhà nước ăn tiền của dân để phục vụ dân thì không thể chấp nhận tình trạng này mới là một Nhà nước pháp quyền.

Đó là điều không dễ có, khi đã qua gần hai phần ba thế kỷ người dân Việt Nam đã chịu đựng sống chung với nỗi sợ hãi.

Đó là sự khởi đầu của một “cuộc cách mạng” trong tư tưởng người giáo dân và người dân Việt Nam nói chung trên con đường phấn đấu, làm chứng cho Công lý và sự thật. Đó cũng là điều mà đất nước này, dân tộc này rất cần để xây dựng một xã hội “Công bằng, dân chủ, văn minh” như Nhà nước thường xuyên kêu gọi.

Những chất “giọng lạ” và những tiếng nói quen

Trong khi sự chờ đợi đang dồn lên ngày càng căng thẳng đầy sự nghi ngờ, thì có những “giọng lạ” cất lên liên quan sự việc này, gây sự chú ý của dư luận – Lạ vì những chất giọng lạc điệu này đến nay mới chuẩn bị xong để lên tiếng về sự kiện Tòa Khâm sứ, lại lên tiến trên báo chí Nhà nước, dù sự việc đã xảy ra cả hai tháng qua.

Đó là tiếng nói của LM Trương Bá Cần mà tôi đã có dịp đề cập trong một bức tâm thư gần đây. LM Trương Bá Cần đã không quản ngại làm người lính xung kích cho Đảng và Nhà nước trong việc bóp méo sự thật, dù vẫn là một linh mục? Phải chăng, LM Cần muốn những những tài sản của Giáo hội kia vẫn để Nhà nước quản lý (!) nếu Nhà nước vẫn còn thấy thích quản lý? LM Cần thừa biết Giáo hội đã bao lần viết đơn XIN mà vẫn chưa “Chưa được đáp ứng” – Lời LM Cần. Nên Giáo hội cần phải cứ tiếp tục XIN và… XIN nữa?. Bài viết của LM Cần cũng đã góp phần làm rối thêm cái gọi là “Thiên Chúa giáo đã kết hợp thực dân lấy chùa Phật giáo” như một số kẻ cơ hội hiện nay đang ra sức kêu gọi, cổ vũ cho một cuộc xung đột tôn giáo nhằm làm bia đỡ đạn cho Nhà nước trước sự khó xử hiện nay.

Có lẽ LM Cần đã căn cứ câu Kinh Thánh “Ai xin sẽ được, ai gõ cửa sẽ mở”? Nhưng LM Cần đã sai đối tượng. Nhà nước Cộng sản vô thần Việt Nam, không phải là Chúa nên câu Kinh Thánh này không có tác dụng.

Hay LM Cần muốn có một mảnh đất dụng võ cuối cùng, khi mà Tòa soạn tờ báo “Công giáo và dân tộc” hiện nay - theo một số nguồn tin - thì đó đang là đất của những giáo dân di cư Giáo phận Vinh đã mua để dùng cho những việc của Giáo phận tại Sài Gòn từ lâu. Mà hiện nay, người ta đang có kế hoạch đòi lại?

Nhiều tiếng nói khác đã đáp lại, thể hiện sự bất bình với những bài viết nô dịch, với những cách nhìn và cách nghĩ ngược chiều sự thật có truyền thống của một số nhân vật thuộc “Giáo hội quốc doanh”.

Rồi bài viết của ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ ra đời không phải ngẫu nhiên, người ta không lạ những bài viết này có mục đích gì.

Tiếp theo là bức thư gửi ông Thủ tướng Chính phủ của Hòa thượng Thích Trung Hậu, một chức sắc trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với định hướng “Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội”. Bức thư đã lên những chứng cớ lịch sử mơ hồ, không có cơ sở, không đúng sự thật đã được các nhà sử học chứng minh. Và nêu lên một yêu cầu mà người nghe đã biết vì sao Hòa Thượng đã nói về nó chỉ trong dịp này, trong vụ này.

Nếu Nhà nước thấy cần thiết, có thể sẽ còn những tiếng nói khác đồng giọng, sẽ được đăng trang trọng trên trang nhất các báo tại Việt Nam? Miễn là đạt được những gì họ muốn.

Đến đây, tôi lại nhớ đến cách mà Hoàng đế Nero đã làm sau khi đốt cháy thành Roma là tìm người Công giáo để làm vật thiêu thân cho dân chúng hả giận trước những tội lỗi của Hoàng đế. Bằng cách vu cáo cho họ những tội lỗi như đầu độc nguồn nước, giết trẻ em, đốt thành Roma hòng tránh sự trừng phạt phẫn nộ của dân chúng.

Khi những “giọng lạ” đó vừa cất lên, ai cũng hiểu đằng sau đó là gì, bàn tay của ai đã giật những sợi dây của vở rối được đạo diễn vội vàng này.

Bằng cách điểm lại quá trình lịch sử vừa qua, người ta không khó chứng minh được một điều: Những “giọng lạ” này đã có truyền thống và bề dày hết mình phục vụ sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản vô thần lãnh đạo. Và trong quá trình đó, nhiều người đã bán rẻ chính bản thân mình, thay đổi mục đích chính của cuộc đời mình là phục vụ Giáo hội như lời tuyên thệ của họ?

Cũng nhân sự kiện và nhân vật đáng quan tâm này, nhiều bài báo mới và cũ đã được đem ra để kiểm chứng, chứng minh vai trò của các con rối trong những vở diễn gượng gạo mà người ta buộc phải mua vé vào xem xưa nay.

Cần khách quan khi đánh giá một con người

Nhiều nhân vật trong Giáo hội được xem là thuộc nhóm “quốc doanh”, là “xanh vỏ, đỏ lòng”, đã bị (hay được) đưa ra chứng minh, mổ xẻ thẳng thắn. Trong đó, đau lòng thay, có cả hàng ngũ Linh mục và Giám mục? Trong số những người được nhắc đến nhiều nhất từ xưa đến nay, điển hình như các linh mục Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm… và ngay cả các Giám mục như GM Bùi Tuần, GM Nguyễn Văn Sang cũng đã từng được đánh một dấu hỏi lớn là những “Giám mục đỏ”?

Giáo hội Công giáo xưa nay, kể cả giáo hội Hoàn vũ vẫn có những nỗi đau về những mục tử đã không hành xử đúng chức năng của mình cần có. Thậm chí, đã phản bội lại chính Giáo hội và gây bao hậu quả tang thương. Việc chứng minh, mổ xẻ đó có thể là một việc cần thiết để Giáo hội phải đối mặt với chính nỗi đau của mình đang hiện hữu mà có những canh tân, sàng lọc cần thiết.

Với đất nước, với dân tộc, để có thể đi lên kịp thế giới văn minh, không thể sống bùng nhùng trong sự dối trá lan tràn từ thấp đến cao, từ cao xuống thấp như hiện nay. Vì vậy, việc phân biệt rõ ràng đen trắng cũng là một việc hết sức cần thiết.

Nhưng, cũng cần xem xét các khía cạnh hoàn cảnh, lịch sử cũng như một quá trình nhất định để đảm bảo tính khách quan và trung thực, tránh những xúc động cá nhân. Nếu chỉ vì một hành động, một lời nói trong những hoàn cảnh tế nhị nhất định, đã quy kết thành bản chất là điều hoàn toàn không nên. Nhiều khi chỉ là cách hành xử, xưng hô vài hành động cá nhân đã được nhắc lại, trích dẫn để chứng minh những nhận định của mỗi người mà chưa có những quá trình thẩm tra cần thiết, dẫn đến những quy kết có thể sai lạc và oan uổng.

Điều đó cũng không khác mấy với việc đặt lên những người tu hành vốn đã nặng nhọc và vất vả thêm một Thánh giá mới từ chính sự quy kết của mình.

Đặc biệt, khi chúng ta nhìn nhận hàng Giáo phẩm dưới con mắt chính trị thì càng dễ đi xa sự thật hơn. Bởi Giáo hội Việt Nam không là một tổ chức chính trị, càng không thể phục vụ bất cứ thể chế hoặc phe nhóm chính trị nào.

Việc mổ xẻ này, cũng là một cơ hội để cho những ai thuộc Giáo hội nhưng đã đi theo hướng khác lối đi ngay chính của Giáo hội, có những khoảnh khắc tự nhìn lại mình trong con đường thống hối, ăn năn. Tấm gương tày liếp của một số vị trong Hàng giáo phẩm Balan và các nước Cộng sản cũ ở Đông Âu là những bài học đắt giá cho những người đã trót làm tôi hai chủ.

Chính trong những cơn hoạn nạn của Giáo hội, là một cơ hội tốt để ơn kêu gọi được phát huy mạnh mẽ nhất, để thức tỉnh lương tâm của những người lạc lối và kiểm chứng những gương mặt giả hình.

Cũng có những con người, tùy theo cách sống của họ, đã có thể có những điều gây nên cách hiểu khác nhau, thậm chí là hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng khi Giáo hội cần, bằng cách này, hay cách khác, đã có những đóng góp nhất định và cần thiết chứng tỏ lòng tin kính của mình.

Giám mục Bùi Tuần, Giám mục Nguyễn Văn Sang và một vài vị khác là những người hay viết lách, được báo chí Nhà nước ca ngợi nhiều, có phải là đích ngắm của những người không ưa sự hợp tác với Nhà nước Cộng sản?

Theo tôi, sự hợp tác chưa hẳn đã là đích ngắm, cái chính là các vị đã viết những gì ở đó. Nhiều khi chỉ là những tâm sự thật nhưng nhạy cảm, mà mỗi người nhìn theo góc nhìn của mình sẽ được hiểu khác nhau.

Ngày 28/9/2005 trên tờ Thanh Niên của Nhà nước Việt Nam, có đăng bài viết của Trần Bạch Đằng “Sự đồng nhất quý giá” có đoạn: “Tôi chia sẻ nỗi day dứt với đức giám mục Bùi Tuần trả lời trên Báo Công giáo Dân tộc nhân ngày Quốc khánh nước ta. Đức giám mục Bùi Tuần nói rõ về những khó khăn riêng của lương tâm một "chủ chăn": "Một đàng, độc lập và hòa hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng, chống Cộng lại là một mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm lịch sử tập trung vào việc giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc, lương tâm tôi cảm thấy diễn ra những xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và có chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này sang năm khác. Vì thế, xin thú thật là quá khứ của tôi trong quá khứ của đất nước có nhiều nỗi nặng nề và đau đớn riêng khó tả". http://www1.thanhnien.com.vn/Chaobuoisang/Cauchuyenthu4/2005/9/28/123824.tno

Có thể đó là một sự thật của không chỉ GM Bùi Tuần, mà là của nhiều người, nhưng GM Bùi Tuần là người đã nói ra, nhất là được nói ra trên báo Nhà nước và được nhìn khác đi? Thực tế, những người nói ra được, lại còn hơn những người không hề nói, nhưng đã làm những việc còn tệ hại hơn.

Giám mục F.X. Nguyễn Văn Sang mà nhiều người đã cho là một “Giám mục đỏ” là một thí dụ. Tôi đã thấy trên các bài viết nói nhiều về vị Giám mục này với những lời lẽ khen chê khác nhau.

Ngoài những lời khen về một vị Giám mục tuổi cao vẫn minh mẫn, chịu khó, chăm lo Giáo phận, xây dựng ngôi Thánh đường lớn lao và đẹp đẽ… thì cũng không thiếu những lời chê: Chẳng hạn trong việc “đi nước ngoài như đi chợ” – chắc thân nhà nước Cộng sản vì đã được huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân? Hoặc Ngài hay viết và nói thường tự đề cao chính bản thân mình từ những việc nhỏ nhặt như quả chuông mang tên hiệu Thánh F.X. - tên Thánh của Ngài? Lễ hội trọng thể kết hợp với lễ mừng Giám mục cho hoành tráng. Trong các bài viết, thư chung… ít khi khiêm hạ dùng chữ “tôi” như các Giám mục khác, mà thường là “Đức Giám mục Giáo phận”, “Ngài”… để tự gọi mình như một sự kiêu hãnh…? Hoặc những bài thơ của thi sĩ Bạch Lạp – GM Sang – luôn được lạm dụng nhiều nơi như tự đề cao tác giả? Trong bài cảm ơn khi khánh thành Nhà thờ Thái Bình, ngoài các ân nhân Hàng giáo phẩm, Ngài đã quên mất Giáo dân là những người đã góp công của mà chủ yếu là cảm ơn ông Huỳnh Đảm - Chủ tịch MTTQ, chính quyền hành chính các tỉnh, các cấp, bộ Công an... và những lời khen được giành cho Tòa GM và Đức Giám mục được quảng cáo quá nhiều?

Ngay cả việc Tòa Khâm sứ, chính Ngài đã đưa trích dẫn đầu tiên về việc Tháp Báo Thiên theo tài liệu của Nguyễn Xuân Khánh với một vài suy luận của mình, dù đó là một tư liệu, nhưng vẫn gây những điều khó hiểu…?

Xa hơn, có người nói rằng Ngài đã có những phát biểu nhằm biện hộ cho Nhà nước Cộng sản bằng câu nói nổi tiếng “nếu nói tự do tôn giáo, thì ngay cả ở Apganixtan cũng không thể có”? … Xa hơn nữa, là cuốn sách “Bước đường hành hương” đã nói lên những xúc động của bản thân Ngài khi được tường mặt những vị chức sắc cao cấp của Cộng sản? …

Quả thật nếu chỉ nhìn để đánh giá một con người qua chừng đó chi tiết thì chúng ta thấy có nhiều dấu hỏi ở vị Giám mục này. Những điều đó, cần được góp ý thẳng thắn, chân thành. Nhiều khi chỉ là bản tính đơn giản của một con người thẳng thắn mà thôi. Vì những điều Ngài nói đã nêu trên, thực tế cũng không phải là quá nghiêm trọng để có thể đánh giá cả cuộc đời một con người, có thể đó chỉ là một tính cách.

Một thực tế nữa là nhiều khi, ngồi ở cương vị cao trọng, người ta ít có điều kiện tiếp xúc những lời phê phán, góp ý, chủ yếu là những lời khen, mà bản thân Giám mục, thì cũng là con người như chúng ta, chưa phải là thần thánh.

Nhiều khi, cách xưng hô đúng nhưng chưa hẳn đã là hay, vì trong đó không chứa đựng sự khiêm hạ, sự tôn trọng người khác. Tôi cũng đã gặp nhiều linh mục còn rất trẻ, dù lần đầu gặp mặt, chưa biết tôi có phải là người Công giáo không và ít tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng vẫn xưng hô “Cha – con” rất tự nhiên.

Tôi chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên, nhưng nếu là người khó tính hoặc không công giáo, sẽ có lúc vị linh mục ấy được hỏi: Tôi là con của ông từ khi nào? Đa số các linh mục, đều rất hoà nhã và khiêm hạ khi gặp những người khác kể cả cách xưng hô. Điều đó không làm giảm uy tín của những vị đó, mà trái lại, người khác càng tôn trọng những vị linh mục hiểu biết và khiêm tốn hy sinh.

Câu Kinh Thánh: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” luôn luôn là bài học mỗi ngày cho mỗi người khi giao tiếp.

Nhưng điều chính yếu là chúng ta cần đánh giá, xem xét một quá trính tu hành cũng như những thành quả mà Ngài đã làm được, quả là không nhỏ cho Giáo hội. Tôi nghe rằng, ở Thái Bình không có UBĐK Công giáo mà các tu sỹ phải tham gia? Xin đừng nói rằng Ngài đã kiêm luôn chức đó.

Ngay cả vụ Tòa Khâm sứ, Ngài dù tuổi cao sức yếu, cũng đã dành khá nhiều thời gian và công sức cho việc bênh vực công lý, hiệp thông với Giáo hội rất kịp thời và dũng cảm. Xin đừng cho rằng những việc làm của Ngài là để làm việc cho Nhà nước theo lệnh của ai đó hoặc Ngài đang muốn kiếm thêm một chiếc Huy chương thứ 2.

Tôi chưa có dịp được gặp Ngài lần nào, nhưng có lần nói chuyện với TGM Ngô Quang Kiệt, TGM Ngô Quang Kiệt cười bảo tôi: “ Đức Cha Sang là một người thẳng thắn kiểu “ruột ngựa”, có sao nói thế nên có khi gây hiểu lầm thôi”.

Tôi cũng đã từng đọc nhiều bài viết của LM Thiện Cẩm, nghe khá nhiều về Ngài qua những bài viết về “Nhóm linh mục quốc doanh”. Nhưng trên diễn đàn bảo vệ Giáo hội trong vụ Tòa Khâm sứ, Ngài đã viết thẳng thắn và bảo vệ công lý, sự thật. Phải chăng đã đến lúc, Ngài hiểu được những hành động cộng tác với tờ “Công giáo và dân tộc” nay cần xem xét lại chứ không thể dùng đó làm nơi gieo trồng những giống tốt của Chân lý?

Mục đích chính của việc tranh cãi là gì?

Việc tranh cãi, đưa các bằng chứng lịch sử và thực tiễn chứng minh việc đòi lại đất đai của Giáo hội bị chiếm đoạt là điều cần thiết. Nhưng chúng ta không sa đà vào ma hồn trận mà những bàn tay nào đó đã giật dây gây nên để làm những việc mà vô hình trung đã hướng tới việc tranh chấp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó chính là âm mưu của kẻ giật dây kia.

Với những cứ liệu lịch sử, những người quan tâm, các luật sư, các nhà sử học trong và ngoài Công giáo có chính kiến và lương tâm nghề nghiệp, đã chứng minh rằng: những luận điểm, đòi hỏi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh) là vô lý.

Dù những tài sản trên, đã qua thăng trầm như thế nào trong lịch sử, thì điều hiển nhiên hôm nay là: Giáo hội đòi lại tài sản mà mình đang sử dụng ngay tình, thì bị chiếm đoạt ngang nhiên không có cơ sở pháp lý. Giáo hội có những bằng chứng, những cơ sở pháp lý không thể chối cãi bằng giấy tờ hợp luật được công nhận qua các thời kỳ chứ không phải qua một trang sách, một câu văn mơ hồ nào.

Tuyệt nhiên, đây không phải là việc tranh chấp giữa hai tôn giáo về tài sản. Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh hôm nay, không phải là chủ thể để tranh chấp những tài sản trên với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đây chỉ là chuyện giữa Giáo hội Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Xin đừng nhầm lẫn chủ thể và mục đích, để những bàn tay đang giật dây kia hiểu rằng: Những trò đó không làm cho Giáo hội lúng túng.

Bởi vì, Nhà nước đã chiếm đoạt tài sản đó từ tay Giáo hội mà không có căn cứ pháp lý, thì trước hết cần phục hồi nguyên trạng, trả lại người sử dụng trước khi bị chiếm đoạt cho hợp lẽ công bằng.

Vì vậy, cần xác định rõ mục đích của việc tranh luận này là làm rõ ràng một vấn đề đã thuộc lịch sử bị xuyên tạc một cách cố ý mà thôi.

Việc tranh cãi để chứng minh tính pháp lý và lịch sử khu đất Tòa Khâm sứ thuộc Giáo hội Việt Nam, không thể là nguyên cớ biện minh cho việc Nhà nước trì hoãn việc thực hiện lời hứa của mình.

Với quyết tâm sắt đá của mình, những người Công giáo Việt Nam hôm nay đã khẳng định ý nguyện phấn đấu cho Công lý và sự thật được sáng tỏ. Điều đó đến nhanh hay chậm, đơn giản hay phức tạp, hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước Việt Nam.

Hà Nội, Ngày 26 tháng 2 năm 2008.
 
Lại tiếp tục vào vai Nhà nước để nhận định
Thợ Gặt
22:42 26/02/2008
Lại tiếp tục vào vai Nhà nước để nhận định

1- Vài chuyện bên lề

Trước hết xin cảm ơn bạn đọc xa gần đã quan tâm tới bài viết của “thảo dân” này. Thích nhất là có một tốp thợ mới xuất hiện như Thợ Nề New York, Thợ Cầy làm cho Thợ Gặt thấy không bị lẻ loi. Bao giờ thuận lợi, đề nghị VietCatholic cho “hiệp hội thợ” này có dịp hàn huyên với nhau thì vui biết mấy. Xin cảm ơn tác giả Trương Phú Thứ đã có lời chúc tết đến gia đình Thợ Gặt. Thợ Gặt cũng có lời đáp lễ cầu chúc chân tình tới tất cả Quý bạn đọc của VietCatholic.

Tuy nhiên, cũng có bạn đọc nghi ngờ: hình như Thợ Gặt là quân sư quạt mo, quạt điện hay “dây mơ, rễ má” với bà Phó Chủ tịch thành phố nên bênh ghê quá. Điều này xin thưa là, thảo dân cũng đôi ba lần được bắt tay bà dịp hiếu hỷ nào đó chứ nếu có “dây mơ rễ má” thì có khi đã chễm chệ ở cái ghế Trưởng ban Tôn giáo thành phố từ lâu rồi. Vì bà đang là nhân vật “nguồn cốt cán” đấy. Có lần, Thợ Gặt theo một Đức TGM ra chào thành phố. Nghe bà đọc diễn văn “sao y bản chính”, liền ghé tai một vị cán bộ hỏi nhỏ: “Người đẹp ở xứ nào ra vậy?” Vị ấy trả lời: Tài năng do Tổng Bí thư Đỗ Mười tiến cử đó. Câu chuyện nhiều sếp ở ta đọc văn mẫu thì cả thế giới đều biết chứ đâu phải riêng bà. Hồi những năm 80, có một vị lãnh tụ văn chương, lý luận nổi như cồn. Khi Thợ Gặt nói chuyện với ông nhà thơ- thư ký của vị lãnh tụ đó, ông ta bảo: Khen cụ đó thì khen cả ngày. Nhưng cụ đó chỉ đọc những điều tớ viết ra mà thôi. Lúc đó, tôi nghĩ ông nhà thơ này ngạo mạn quá. Xong có mấy dịp chứng kiến thì đúng thật. Có lần trong lễ mít tinh lớn, một vị lãnh đạo đọc diễn văn khá hùng hồn. Nhưng đến đoạn: “Đọc đến đây thì dừng lại vỗ tay” vị này cũng đọc ra luôn. Mọi người ngẩn ra một lúc rồi cười ồ lên. Lại tay thư ký ẩu. Lẽ ra chỗ đó phải in đậm hoặc gạch đỏ chứ.

Bởi vậy, tôi vẫn đinh ninh bà Phó Chủ tịch thành phố không soạn 2 công văn gửi Chủ tịch HĐGMVN và Tòa TGM Hà Nội hôm 11 và 26-1 vừa qua. (ở đây không bàn đến trách nhiệm của người ký). Cái công văn đó chính tả sai be bét, đứa trẻ lớp 3 cũng biết. Ví dụ các danh từ riêng như “Đức Mẹ, Thánh Giá” không hề được viết hoa. Nếu gửi cho người Hồi giáo kiểu này thì nguy to. Hơn nữa, bà đã tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị nên biết rõ quyền hạn của HĐGM, ai lại yêu cầu GM Chủ tịch can thiệp vào vụ việc ở 42 Nhà Chung hay giáo xứ Thái Hà. Đặc biệt, bà thuộc lòng các câu kinh điển của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh nói về thái độ của Đảng đối với tôn giáo. Bà không thể “mệnh lệnh” với tôn giáo được vì đó là cách ứng xử mà Mác đã chửi thẳng “Đồ ngu, tôi đã nói với các anh từ 200 năm trước rồi cơ mà”.

2- Trở lại vụ Tòa Khâm sứ

Văn thư của Hồng y Bertone gửi TGM Hà Nội ngày 30-1-2008 đã làm cho giới chính quyền Hà Nội có thể kê cao gối ngủ ngon trong dịp Tết Mậu Tý vừa qua. Mặc dù việc cầu nguyện ở Thái Hà, Hà Đông vẫn còn rầm rộ nhưng ở xa Bờ Hồ cả chục cây số. Ông Chủ tịch quận Hoàn Kiếm lên tivi kể công “thuyết phục” giáo dân. Nhưng ai cũng thừa biết, nếu không có văn thư trên và sự vâng lời của giáo sĩ, giáo dân Hà Nội nghe theo lời khuyên của chủ chiên thì chắc sự việc đã rất khác. Một vị Bộ trưởng nói với tôi, chính Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu Vatican can thiệp. Nhưng một cán bộ cao cấp khác lại bảo, chính Vatican chủ động nêu vấn đề vì lo ngại bị chính trị lèo lái. Dù ai đặt vấn đề trước, theo tôi, như đôi trai gái yêu nhau, ai ngỏ lời trước cũng chẳng quan trọng. Vấn đề là họ chấp nhận yêu nhau.Vâng, xu thế đối thoại đang là xu thế của thời đại ngày nay.

Sau sự kiện Tòa Giám mục rước Thánh giá về và quận Hoàn Kiếm đóng cổng Tòa Khâm sứ lại, hình như sự vụ không tiến lên một bước nào. Có vài hiện tượng “lạ” như linh mục Trương Bá Cần viết bài trên Công giáo và Dân tộc số 1644 và 1645, rồi Hòa thượng Thích Trung Hậu gửi văn thư cho Thủ tướng yêu cầu phải cho Giáo hội Phật giáo Việt nam tham gia vào việc giải quyết vụ Tòa Khâm sứ. Nhiều bài viết phê phán gay gắt hai hiện tượng này, cho đó là do Nhà nước giật dây.

Theo tôi biết thì có thể là oan cho Nhà nước. Nhà nước Việt Nam thừa khôn ngoan chính trị. Họ có thể sai lầm nhiều thứ nhưng không sai lầm ngớ ngẩn với hai “vật thể lạ” này. Thật ra, những vị này cũng muốn “chia lửa” với Nhà nước lúc khó khăn, vì Nhà nước nuôi bao năm nên cũng muốn “đền ơn, đáp nghĩa”. Chỉ có điều họ “kính không bõ phiền”. Nói như linh mục Trương Bá Cần hóa ra Nhà nước này lẩm cẩm hay sao mà đất của Tòa thánh lại để cho linh mục Nguyễn Tùng Cương hiến tặng? Thật phi lý cũng giống như cơ sở 370 Cách mạng tháng Tám của báo CG&DT mà để cho Hòa thượng Thích Trung Hậu ký giấy nhượng cho báo Giác Ngộ vậy.

Nguy hiểm nhất là vị linh mục này lại khởi xướng cho việc những người di cư năm 1954 và di tản năm 1975 quay lại đòi nhà “trông coi giúp”. Mặc dù đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói thế trong thư chúc mừng Noel năm 1954 “Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về” (HCM tập 7, CTQG 2002, tr.417). Báo CG&DT chắc chắn bị Ban Tuyên giáo phê phán trong buổi giao ban thứ ba tới vì đã vi phạm lệnh cấm đăng tin bài liên quan đến vụ Tòa Khâm sứ và làm mất cả “uy tín” của “ủy ban đàn két công giáo” (theo cách gọi của Nguyễn Ngọc Lan). Một linh mục trong ủy ban này bảo sẽ “cạo trọc đầu” linh mục Trương Bá Cần trong phiên họp Đoàn Chủ tịch của Ủy ban vào ngày 27 và 28-2-2008 tại Hà Nội. Nhưng tôi cược là linh mục Trương Bá Cần sẽ cáo ốm không đi.

Có bạn đọc kêu gọi tẩy chay báo CG&DT và Ủy ban ĐKCGVN. Xin thưa, bạn đọc ở trong nước cũng thông minh lắm. Có giáo phận nhận được báo biếu, người ta gửi trả lại “vì nhầm địa chỉ”. Linh mục Võ Thành Trinh, Nguyễn Thái Bá là Chủ tịch của ủy ban này mà phải làm đơn kiện báo “Người Công giáo Việt nam”- anh em với báo CG&DT vì báo công giáo mà chửi cả Giáo hoàng và còn tuyên bố: “Và một lúc nào ai biết/ Nó sẽ cuốn phăng mọi lời Chúa răn” (Bài thơ Thỉnh Chúa số 4 ngày 28-2-1993). Tổng biên tập báo này nhiều đời không phải người Công giáo và ông Tổng biên tập hiện nay cũng chỉ đổ nước trên đầu lúc bé chứ lấy vợ cũng có phép tắc gì đâu và linh mục Võ Thành Trinh đã dứt khoát không cho vào ủy ban. Các linh mục Trương Bá Cần, Vũ Đình Bích, Phan Khắc Từ, định tẩy chay ông này vì cho là “công giáo không tử tế” và còn dọa “hoặc là có ông này hoặc là không có chúng tôi”. Nhưng ông đáp lại, ông còn tử tế hơn nhiều “đám linh mục ABC”. Kết quả, các linh mục trên lần lượt rời xới, còn ông hiện là Đảng ủy viên Mặt trận, Phó Tổng thư ký kiêm Tổng biên tập báo “Người công giáo Việt nam”. Và Nhà nước vẫn bỏ mỗi tháng 50 triệu đồng để nuôi tờ báo không có người đọc này.

Về văn thư của Hòa thượng Thích Trung Hậu còn nguy hiểm hơn bởi nó kích động thù hằn tôn giáo là điều cấm kỵ với xã hội. Nó khơi lại lịch sử Chân Lạp, Chiêm Thành, Giao Chỉ mà Nhà nước muốn khép lại từ lâu. Nó phủ nhận Nhà nước Việt nam được tạo dựng từ năm 1945 với pháp luật hiện hành. Mấy giáo sư nghiên cứu tôn giáo khi nghe tôi nói đến văn thư này đều bực tức nói: "Đây đúng là tay sai của Bắc Kinh hay CIA". Chắc chắn, cơ quan an ninh sẽ “sờ gáy” vị Hòa thượng này. Thời gian vừa qua có khá nhiều “sáng kiến, kiến nghị” của nhóm “Giao Điểm” gửi các vị lãnh đạo Nhà nước về “âm mưu của Công giáo” và như một ông giáo sư họ Chương viết trong “Về ý nghĩa của một bài học lịch sử” tháng 4-1995 đề nghị trang bị cho mỗi người 1 khẩu AK với 10 ngàn viên đạn để tiêu diệt hết dân Công giáo. Ông cũng đề nghị “lập Công giáo tự trị”, ai không theo thì trục xuất đi Philippin - hay một tác giả là Trần Văn Anh lại viết: “Jesus và các đệ tử của ông tàn ác hơn nhiều bạo chúa trong lịch sử” (Đối thoại với Bùi Tín ngày 27-2-1994)- Nói như thế là phạm thượng đấy vì Hồ Chí Minh nhiều lần ca ngợi lòng bác ái của Chúa Giêsu và còn xin “làm học trò nhỏ của Chúa Jesus Christ”. Một cán bộ nói thẳng, mấy ông muốn kiếm “” về nước thì cứ đặt vấn đề, còn kiến nghị kiểu đó, chẳng ai thèm nghe đâu. Bởi vậy, xin bạn đọc đừng mất thời giờ bàn về những “vật thể lạ” này nữa. Nhà nước Việt nam đâu phải trẻ con nít mà xui dại được.

Trở lại vụ Tòa Khâm sứ, thủ tướng đã giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và mấy cơ quan chức năng nữa cùng xem xét để giải quyết. Nhà nước cũng muốn kết thúc vụ việc trước khi 2 phái đoàn Việt Nam và Vatican do 2 Thứ trưởng ngoại giao gặp nhau tại Roma vào đầu tháng 4 tới (mỗi bên có 4 người). Tin hành lang cho biết, quận Hoàn Kiếm đề nghị cấp cho giáo hội một mảnh đất khác có diện tích lớn hơn 42 Nhà Chung cũng được, còn vẫn để Tòa Khâm sứ cho quận Hoàn Kiếm sử dụng. Làm như vậy, quận Hoàn Kiếm không lo bị bồi thường hợp đồng xây dựng cao ốc ở đây và Nhà nước tránh được hiện tượng domino “đòi đất” ở nhiều nơi khác. Một cán bộ hỏi tôi về giải pháp này, tôi nói, chắc chắn Giáo hội không chấp nhận. Bởi lẽ đơn giản, Tòa khâm sứ không phải là đất bị quản lý hay hiến tặng thì làm sao xử lý như vậy được. Hơn nữa, tại sao quận Hoàn Kiếm không lấy mảnh đất rộng sắp cấp cho giáo hội để xây mà cứ nhất định lấy Tòa Khâm sứ? Nhân đây, cũng nói thêm là cả đất Khâm sứ và đất Thái Hà đều nói hiến ngày 24-11-1964. Chẳng lẽ, linh mục Bích, linh mục Cương rủ nhau đi hiến đất cùng ngày? Đây chính là ngày kê khai đất mà chính quyền yêu cầu và ít nhất đã 3 lần phải kê khai như vậy.

Liệu người Công giáo có đủ kiên nhẫn để chấp nhận một giải pháp thiếu công bằng như thế không và điều gì sẽ xảy ra khi Tuần thánh đang đến gần?
 
Tờ Công giáo và Dân Tộc không còn lý do để tồn tại
Thérèse Mai Anh
06:46 26/02/2008
Tờ Công giáo và Dân Tộc (CGDT) ra đời ngày 10/7/1975 trong một bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị với những đặc trưng và định hướng hoàn toàn khác biệt với thực tại của Việt Nam ngày nay, một thực tại ghi đậm dấu sự hội nhập vào thế giới, thị trường tự do, cạnh tranh kinh tế quốc nội và quốc tế, và trên hết bởi kỹ thuật truyền thông tức thời, vượt qua mọi biên giới và mọi rào cản. Nên chăng nhà nước đánh giá lại sự tồn tại của tờ CGDT và dần khép lại dấu ấn của một thời bế quan tỏa cảng, bao cấp, nghi kỵ và lèo lái để mở ra một chân trời mới cho sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại thẳng thắn giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Trước hết, chúng tôi muốn nhắc lại ở đây, một nhận định của đài Chân Lý Á Châu (Veritas), đã được nhiều vị nhắc đến:

“Trong 12 số liên tục, Nguyệt san Công giáo và Dân Tộc đã lên tiếng bênh vực cho Đức Cha Gaillot, giám mục giáo phận Evreux (Pháp), dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người. Nhiều người có thể hoang mang và bị lung lạc vì những bài báo ấy. Thật ra, một giọng điệu như thế không có gì đáng làm chúng ta phải ngạc nhiên. Thời Cựu ước, có những tiên tri cung đình chuyên hụ họa cho các vua thay vì nói Lời của Chúa. Ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo những bất công đầy dẫy trong một chế độ độc tài thì người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo hội của mình.” (Veritas 19/01/1996).

Nhận định của đài Veritas tuy đề cập đến một vụ việc cụ thể nhưng nhận xét này có thể coi là tiêu biểu để phê phán một đường lối nhất quán đã được CGDT theo đuổi trong 33 năm qua: không bỏ qua dịp nào để vẽ ra một bức tranh rất u ám về Giáo hội Công giáo. Đường lối ấy được thể hiện rất rõ trong vô số những vụ việc lớn nhỏ mà tiêu biểu là vụ án Phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam (năm 1988), vụ Tổng Giám Mục Marcel-François Lefebvre.., và gần đây nhất là vụ Tòa Khâm Sứ.

Việc mô tả bất công về Giáo hội Công giáo, một Giáo hội tự bản chất là thánh thiện, và trong thực tế luôn năng động, không ngừng đổi mới để vượt lên chính mình trên con đường lữ thứ trần gian hướng về quê trời như vậy, cố nhiên, không khỏi không gây ra những phản ứng, những nghi kỵ của người tín hữu đối với những ai chịu trách nhiệm đẻ ra và duy trì tờ báo này: đó là Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM – là Mặt trận Tổ quốc và tối hậu là đảng Cộng sản Việt Nam.

Những mô tả như thế cũng để lại trong lòng người tín hữu những vết thương liên tục bị sát muối, những khổ đau tinh thần như đã được nêu trong các phát biểu của Đức Giám Mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân trong cũng như ngoài nước.

Những mô tả như thế cũng đã được đáp trả cụ thể qua việc ngày càng nhiều các linh mục coi xứ cấm không cho bán tờ báo trong khuôn viên nhà thờ.

Có một thời nhà nước tung ra những Bão Biển, Cha và Con, Tóc Mây, Xóm Đạo, Tây Dương Giatô Bí Lục. Những thứ đó không đóng góp gì cho xã hội, cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Công giáo và người Cộng sản mà chỉ gây thêm đau thương và nghi kỵ trong lòng người Công giáo. Cũng may, nhà nước cuối cùng cũng nhận thức ra điều đó và chấm dứt những trò ấu trĩ này. Người Công giáo ghi nhận thiện chí đó và cũng mong nhà nước giờ đây đi thêm một bước nữa để đặt dấu chấm hết cho tờ CGDT, một ấn phẩm, nói theo một nghĩa nào đó, cũng đã và đang mang lại những đau thương không kém trong lòng người.

Nếu tờ báo được duy trì bằng mọi giá qua cơ chế bao cấp bù lỗ thì người Công giáo không thể không thấy ở đây một dấu chỉ của sự bách hại tiếp tục.

Thật vậy, trong những năm qua, Hội đồng Giám mục Việt nam đã có Ủy ban Truyền thông Xã hội (hiện nay do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ lãnh đạo) với đầy đủ nhân sự thích hợp. Thật là một nghịch lý khi nhà nước cho phép tới hơn 600 tờ báo về đủ mọi thể loại Hình sự, An ninh, Thể thao, Du lịch, Phụ nữ … trong khi người Công giáo với 10% dân số lại không được phép có một tuần báo cho chính mình.

Việc Giáo hội Công giáo không có được một tuần báo của chính mình trong khi nhà nước tiếp tục dùng tờ CGDT như một thứ giả danh Công giáo để lũng đoạn là một bằng chứng hiển nhiên của sự thiếu tự do tôn giáo.

Biện pháp đó đã không hợp tình lại không hợp lý. Trong hoàn cảnh kỹ thuật truyền thông vượt qua mọi biên giới và mọi rào cản như hiện nay, biện pháp đó, nói cho cùng chỉ khích lệ người ta vào những trạm tin mà nhà nước vô phương kiểm soát được.

Ngược lại, nếu Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt nam có được một tuần báo phát hành rộng rãi trong khuôn khổ luật định thì đó sẽ là một dấu chỉ cụ thể của tiến bộ trong tự do tín ngưỡng, của đoàn kết dân tộc, của tôn trọng lẫn nhau, của tư duy thực tiễn biết hành động phù hợp với những quy luật tiến lên của xã hội.

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của các cơ quan chức năng nhà nước, chúng con mạnh dạn đề nghị quý Đức cha, quý cha và anh chị em giáo dân (thật ra con số cũng rất ít) đừng gởi bài cho tờ CGDT nữa để tránh hoang mang, ngộ nhận trong anh chị em giáo dân, để nhà nước thấy được nhu cầu cấp thiết của chúng ta có được một tờ báo riêng nói lên tiếng nói chân chính của giáo quyền và những nguyện vọng chính đáng của người Công giáo. Không gởi bài cho tờ CGDT nữa là quý Đức cha, quý cha và anh chị em giáo dân hỗ trợ thiết thực cho nguyện vọng chính đáng của Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt nam. Vả lại, ngày nay thực tế là người Công Giáo đã có nhiều lựa chọn hơn để xuất bản những bài viết của mình.

Linh mục Trương Bá Cần năm nay đã 78 tuổi. Ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” này, ngài thực sự cần có thời gian để nghỉ ngơi, để suy tư về chặng đường 50 năm linh mục đã qua của mình, và chuẩn bị ra trước tòa án Chung Thẩm của Chúa. Tờ CGDT, nên được đình bản vì nó không còn cần thiết cho ai, cả Giáo hội, nhà nước Việt Nam, và bản thân linh mục Cần.

Ông Phó Thiết Sơn, “giám mục dỏm” của Bắc Kinh, khi sinh tiền đã được hưởng “tiêu chuẩn” dành cho “phó chủ tịch Ủy Ban Thường Trực Quốc Hội Trung quốc”. Là một nhân vật thuộc hàng “top ten” trong một đất nước vĩ đại như thế, Ông Sơn được “bồi dưỡng” tối đa những sâm nhung đại bổ đắt tiền của Trung quốc và Hàn quốc. Ông ăn sâm nhung như ta ăn khoai mì, khoai lang vậy. Ông lại còn trẻ hơn cha Cần một tuổi. Thế mà hai năm trước ngày chết ông đã được yêu cầu “tịnh khẩu” để đừng phát biểu nhảm nhí, linh tinh. Từ cuối năm 2004, ông chỉ còn như một bóng mờ dật dờ trong nhà thờ Nam Đường ở Bắc Kinh.

Cha Cần nhà ta, sống ở một nước nghèo, ngạch trật thì cùng lắm là cán bộ Khoa Giáo Trung Ương với chức vụ tổng biên tập của một tờ báo bù lỗ trong số hàng 600 tờ báo, “tiêu chuẩn bồi dưỡng” chắc không thế nào bằng được với Phó Thiết Sơn, lại già hơn nữa, thì cũng nên “tịnh khẩu” là vừa.

Trong bài “Nhà Chúa hay nhà Chùa?” đã đăng trên VietCatholic, cha Thiện Cẩm viết:

“Trong bài viết của linh mục Trương Bá Cần, đăng trong Tuần san Công giáo và Dân Tộc, số 1644, ra ngày 15-2-2008, có một câu mà tôi thắc mắc, và nghe nói nhiều người rất bất bình, phản đối kịch liệt. Tác giả bài báo viết: ‘Trong cuộc di cư năm 1954-1955 cũng như trong cuộc di tản sau 30-4-1975, tất cả các ngôi nhà vắng chủ mà không có người được sở hữu chủ ủy quyền, trên nguyên tắc, đều do Nhà nước quản lý, cả những ngôi nhà cho người nước ngoài thuê.’ (Trang 8). Nguyên tắc nào vậy? Của Nhà nước hay của linh mục Trương Bá Cần? Nếu là nguyên tắc Nhà nước cách mạng ra thì vào ngày tháng, năm nào?”

Thực là nguy to. Rõ ràng là cha Cần nhà ta đã có những biểu hiện của tuổi già, nói năng linh tinh, nhảm nhí. Viết lách kiểu này, khi cần một con dê tế thần, nhà nước ta dám lôi ngài ra tòa về tội “Xuyên tạc đường lối chính sách nhà nước”, hay “phá hoại đoàn kết dân tộc”, là những tội danh với khung hình phạt rất nặng nề. Tuổi già mà vào tù thì khổ thân ngài.

Thành ra, tờ CGDT không những không còn cần thiết cho ngài mà có khi còn là cái họa cho ngài. Chúng ta nên để cho ngài được nghỉ. Mục đích ngài theo đuổi đúng sai ra sao có lẽ nhiều người trong chúng ta đã có câu trả lời nhưng xin để lịch sử phán xét. Phần chúng ta, trong tình anh chị em đồng đạo, có lẽ nên làm hết sức cho tòa báo được đóng cửa nhanh để ngài sớm được hưu dưỡng hầu có thời gian suy tư về quãng đời đã qua và chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu – nếu ngài còn tin có cuộc sống ấy.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Một số linh mục Việt Nam tham dự Khóa Tu Nghiệp Thần Học Mục Vụ tại Orlando, Florida
Thanh Công
13:02 26/02/2008
ORLANDO, Florida - Từ chiều ngày thứ Hai 18tới ngày 21/2/08 vừa qua, một số Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tề tụ về San Petro Retreat Center, Orlando, Florida, để tham dự Khóa Tu Nghiệp Thần Học và Mục Vụ do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, phối hợp với Miền Đông Nam tổ chức.

Khóa Tu Nghiệp do Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, và Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, dòng Xuân Bích hướng dẫn.

Ngày hội họp đầu tiên, Đức Cha Mai Thanh Lương đã nêu ra các mô thức mục vụ đã và đang được áp dụng cho các giáo xứ, cộng đồng VN trên Hoa Kỳ dựa trên kinh thánh và tình hình thực tế từ khi người Việt đến định cư tại Hoa Kỳ. Các mô thức hiện đang được áp dụng trong thực tế có thể kể: Các Trung Tâm Mục Vụ, các Giáo Đoàn sinh hoạt độc lập hoặc là 1 thành phần của các Giáo Xứ Hoa Kỳ, Các Họ Đạo chuẩn bị tương lai làm Giáo Xứ nhưng vẫn thuộc về 1 giáo xứ, Giáo Xứ Việt Nam (Giáo Xứ Thể Nhân), hoặc sinh hoạt trong một Giáo Xứ Đa Chủng Tộc v.v..

Quý linh mục trong mấy hôm cũng đã chia sẻ những ưu điểm, khuyết điểm của từng mô thức, để từ đó có thể đề nghị ra những mô thức kiểu mẫu giúp cho việc mục vụ cho người Công Giáo VN tại Hoa Kỳ đạt được kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế, các mô thức cũng đã và đang thay đổi theo thời gian, do đó, thái độ khôn ngoan nhất là thỉnh thoảng cần nhìn lại để nhận xét những mô thức đang áp dụng, và từ đó có thể cải tiến sao cho hợp với sự phát triển của thời đại.

Kế đó, để giúp cho các linh mục có cái nhìn tổng quát, Cha Hy đã nói về những cộng đoàn dưới lăng kính Lịch Sử và Giáo Hội học. Cha giải thích và đưa ra những lý luận, chứng cớ vững chắc dẫn từ kinh thánh, từ các Công Đồng rằng chính Chúa Giêsu là người lập ra Giáo Hội. Đặc biệt từ Công Đồng Trent, hoặc từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu 16:17-19. Tuy nhiên, chính con người cũng đã đặt ra các phẩm trật, theo dòng thời gian, để có thể điều hành các công việc của Giáo Hội thuận tiện hơn.

Vai trò và năng quyền của Giáo Hoàng, Giám Mục, những vị đại diện của Chúa Kitô tại trần gian, cũng được Cha giải thích tường tận. Qua những phần chia sẻ của Cha, mọi người có thể hiểu thêm sự quan trọng của vai trò Giám Mục trong việc quản trị, điều hành một giáo hội địa phương hoàn toàn độc lập và bình đẳng so với bất cứ giáo hội địa phương nào khác. Không phải chỉ có có Đức Giáo Hoàng, mà các Giám Mục cũng là những vị đại diện duy nhất của Đức Kitô trên trần gian này qua năng quyền các ngài được trao ban quản trị Giáo Hội địa phương!

Ngoài ra, Đức Cha Lương cũng có nhã ý mời một số Thầy Sáu, các giới chức đang phục vụ các cộng đồng lân cận đến trình bày những phần việc mục vụ liên quan đến vai trò của họ. Những phần chia sẻ đó, đã giúp cho quý linh mục tham dự có thể hiểu được những sự cố gắng và hy sinh, cũng như những giới hạn do hoàn cảnh của họ, từ đó có thể cảm thông những nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa, trong việc phục vụ.

Ngoài những buổi thuyết trình, chia sẻ, quý linh mục còn có tham dự tích cực những buổi kinh sáng, chiều, thánh lễ, và những giờ huynh đệ với nhau. Và quý linh mục cũng đã có dịp đóng góp các ý kiến về nhiều đề tài khác nhau như Thánh Lễ La Tinh, những tư tưởng triết học và thần học của hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thiên niên kỷ này v.v…

Ngoài ra, quý linh mục cũng đã bàn thảo tới những sinh hoạt, nhu cầu của người VN tại Hoa Kỳ, những công việc Liên Đoàn có thể làm để tạo sự hiệp nhất và gây uy tín trong Giáo Hội Hoa Kỳ, cụ thể như cần có tờ Nội san Liên Đoàn bằng 2 ngôn ngữ để phổ biến không những cho người Việt Nam mà còn cho người Hoa Kỳ nói chung, và cho các Đức Giám Mục Hoa Kỳ nói riêng, hoặc là cần củng cố website Liên Đoàn để nói lên những tiếng nói của Liên Đoàn, sau cùng chia sẻ kinh nghiệm và đề nghị một số các công tác bác ái mà Liên Đoàn có thể làm như giúp đỡ các Cha hưu dưỡng tại Hoa Kỳ, có những chương trình Sống Đạo cho người dân và đề nghị cho các giáo xứ, cộng đoàn cùng thực hiện v.v…

Vào chiều ngày thứ Tư, Giáo Xứ Philipphe Phan Văn Minh do LM Chánh Xứ Nguyễn Thanh Châu phụ trách, đã mời Đức Cha Lương và quý Cha ra tham dự giờ kinh chiều và giờ chầu Thánh Thể tại giáo xứ. Buổi Chầu đã diễn ra sốt sắng và tốt đẹp, sau đó giáo xứ đã khoản đãi buổi cơm chiều thật thân mật.

Khóa Tu Nghiệp đã kết thúc trong sự lưu luyến của mọi người. Quý Cha tham dự đã đánh giá cao sự quan trọng, chất lượng của những bài chia sẻ, cũng như những buổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Chủ Tịch Liên Đoàn, Cha Nguyễn Thanh Liêm, trong ngày cuối cùng đã đại diện quý Cha cám ơn Đức Cha Mai Thanh Lương, Cha Nguyễn Khắc Hy đã hy sinh thời gian và công sức đến giúp cho khóa. Sau đó mỗi vị tham dự đều có một phần quà lưu niệm là hình chụp chung mang về làm kỷ niệm.

Khóa đã kết thúc tốt đẹp vào trưa thứ Năm 21/2/2008,
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch sử Giáo xứ Việt Nam Paris (3)
GS. Trần Văn Cảnh
12:15 26/02/2008

Giáo Xứ Việt Nam Paris



PHẦN I: Giới thiệu tổng quát về Giáo Xứ Việt Nam Paris


CHƯƠNG 1: LỊCH SỬ GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Lich sử Giáo Xứ Việt Nam vừa rất trẻ vừa kỳ cựu. Rất trẻ vì cộng đoàn việt nam công giáo Paris mới được thiết lập chưa tròn một thế kỷ trên lịch sử 4000 năm văn hiến của Việt nam, kỳ cựu vì cộng đoàn việt nam công giáo là cộng đoàn việt nam đầu tiên ở hải ngoại, đã được khởi đầu thành lập từ những năm 40. Ngày nay trên khắp năm châu lục địa đều có các cộng đoàn công giáo việt nam: Mỹ châu, Á châu, Âu châu, Úc châu, Phi châu. Nhưng đại đa số những cộng đoàn này chỉ bắt đầu từ năm 1975, chưa quá bốn chục năm nay. Giáo Xứ Việt Nam Paris được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các giáo sĩ du học và anh chị em giáo dân, lính thợ hoặc du học sinh.

Ðể giới thiệu “Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris” một cách vắn gọn và sống động, xin mời bạn đọc lướt qua mấy sự kiện chính yếu lịch sử do một người có uy tín là Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh tóm lược, rồi đi vào nghe và tham dự một cuộc đối thoại trong một phiên họp ở Giáo Xứ Việt Nam Paris vào năm 1997, năm kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ.

1. LỊCH SỬ NON TRẺ DIỄN RA

Trong tập Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ 1947-1997, Đức ông giám đốc Mai đức Vinh đã tóm lược lịch sử Giáo xứ vắn gọn rằng:

Giáo Xứ chúng ta được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các Giáo Sĩ du học vá anh chị em giáo dân sinh sống tại Pháp vào thập niên 40, sau đệ nhị thế chiến, trong bầu không khí tranh đấu độc lập cho Quê Hương. Đại Hội Toulouse 1946 là một Đại Hội lịch sử của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp dưới nhiều khía cạnh. Nhờ ơn Chúa Thánh Thấn, thành quả của Đại Hội Toulouse là ‘Bản Điều Lệ và sinh hoạt Liên Đoàn’, đã được Giáo Quyền Pháp công nhận năm 1947. Chúng ta chọn 1947 như năm chính thức chào đời của Giáo Xứ chúng ta.

Tứ cái nhân của Đại Hội Toulouse 1946, ngày nay đã có hơn 60 Cộng Đoàn Người Việt hiện diện trên 94 giáo phận của Giáo Hội Pháp. Và Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris luôn xứng đáng là Cộng Đoàn ‘Chị cả’ của các Cộng Đoàn Việt Nam khác tại Pháp. Hơn thế, Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris còn là Cộng Đoàn thâm niên nhất trong các Cộng Đoàn Công Giáo ngày nay trên thế giới. Đó là điều không thể phủ nhận.

Nếu căn cứ vào hai mốc thời gian, hai văn kiện quan trọng của Giáo Hội về Di Dân: Tông huấn ‘Gia đình xa cách’ (Exsul Familia, 1952) và Tự sắc ‘Mục Vụ Di Dân’ (Pastoralis Migratorum Cura, 1969), thì chúng ta có thể nói, lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris trải dài trên lịch sử ỡ Mục vụ di dân" của Giáo Hội hoàn vũ.

Dựa trên những yếu tố trên đây, chúng ta có thể chia lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris làm ba thời kỳ:

* Thời kỳ ‘Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1947-1952)

* Thời kỳ ‘Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1952-1977)

8 Thời kỳ ‘Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris’ (1977-1997)


1.1. Thời kỳ ‘Liên Đoàn’ (1946-1952)

Thời kỳ ‘Liên Đoàn’ là giai đoạn hoàn toàn tự lập, chưa được giáo quyền địa phương hay tại quê nhà chính thức nhìn nhận hoặc yểm trợ. Sau đây là những sự kiện chính yếu trong thời kỳ Liên Đoàn 1946-1952:

• Hội Công Giáo ở Paris đã được thành lập từ lâu, từ đầu năm 1942, mục đích giúp đồng bào Công Giáo về đường thiêng liêng, tinh thần và vật chất. Hội ra tờ báo Hiệp Nhất, mục đích huấn luyện anh em về mọi phương diện: đạo lý, chính trị, công dân, xã hội, và tạo mối liên lạc giữa đồng bào lương và giáo.

• Hội Việt Nam Giáo Sĩ, hay Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Ðoàn, thành lập 1945 với 17 linh mục thành viên, đã góp rất nhiều vào việc thành hình và phát triển tổ chức các sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

• Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, lấy danh nghĩa là trung ương lâm thời, xin các Hội Công Giáo có từ lâu ở các tỉnh phái người đến dự cuộc Ðại Hội Nghị Quốc Gia, mở ra tại Saint Cyprien, Toulouse, trong hai ngày 31.03 và 01.04.1946, để chính thức lập ra cơ quan trung ương.

• Hơn 30 đại biểu của 17 Hội sau đây đã về dự Ðại Hội: Mazagues, Sorgues, Pierrefeu, Port de Bouc, St Chamas, Arles, Tarascon, Orange, Toulouse, Lyon, Grenoble, St Armand, Moulins, Bergerac, Badevel, La Reche/Yon và Paris. Vắng mặt vì bận việc không về dự đại hội được, nhưng gửi lời thăm và cáo lỗi, là các Hội của Agen, Alibi, Bordeaux, Angoulem, Roanne,…

• Thành quả là 1- Biểu quyết thành lập LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 2- Biểu quyết Bản Ðiều Lệ của Liên đoàn gồm 5 khoản, 20 điều., 3- Biểu quyết việc tổ chức Liên đoàn gồm 13 Tiểu đoàn, 4-Bầu Ban Quản Trị Trung Ương gồm 13 đại diện của 13 Tiểu Ðoàn Ðịa phương, 5- Bầu Ban Trị Sự Trung Ương gồm 7 vị: Trần Hữu Phương, Nguyễn Long, Nguyễn Kim Trọng, Trương Công Cừu, Cao Văn Phát, Phan Ngọc Phương và Nguyễn Ðạt, 6- Mời các Linh Mục Cố vấn và tuyên úy Nguyễn Văn Thiện, Cao Văn Luận, Nguyễn Ngọc Quang, Hoàng Mạnh Hiền và Ðinh Văn Hưởng, 7- Biểu quyết về báo chí và thông tin, 8- Biểu quyết về chương trình huấn luyện.

• Bản Ðiều Lệ đã được toàn thể Dại Biểu làm và chuẩn y tại Toulouse ngày 01.04.1946; được sửa đổi tại Fontenay-sous-Bois ngày 05.04.1947; được Hàng Giáo Phẩm xem và duyệt y, ngày 01.10.1947 (do Mgr Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục Pháp); khai ở Bộ Nội Vụ ngày 22.02.1949 (số công văn 13-579, journal officiel ngày 24.03.1949; sau cùng được Hàng Giám Mục Việt Nam nhìn nhận ngày 09.11.1951.

• Không kể 13 tiểu đoàn địa phương đã được thành lập, 4 đoàn thể và chi nhánh sau đây đã được thành lập sau đại hội Toulouse 1946: Ðoàn Lao Ðộng (1947), Ðoàn Phụ Nữ (1947), Ðoàn Chức Nghiệp (?), Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam (ra đời ngày 22.06.1947).

• Tuyên Úy và Ðoàn trưởng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo (Paris): 1947-48 Lm Nguyễn Huy Mai, anh Ðặng Vũ Cảnh (Y khoa); 1948-49 lm Trần Văn Hiến Minh, anh Nguyễn Văn Ái (Y khoa); 1949-1950 lm Nguyễn Bình An, anh Lâm Trọng Thức (Y khoa); 1951-52 lm Nguyễn Quang Lãm, anh Trần Ngọc Oành (Kỹ sư).

• Những sinh hoạt điển hình chung của Liên Ðoàn là: Cấm phòng, Hội học diễn thuyết và trại hè.

1.2. Thời kỳ ‘Truyền Giáo’ (1952-1977)

Thời kỳ ‘Truyền Giáo’ là giai đoạn được giáp quyền Pháp và Việt Nam khuyến khích và nhìn nhận theo tinh thần của tông huấn ‘Exsul Familia’ và bổ nhiệm linh mục ‘Giám Đốc các Thừa Sai’ hay ‘Giám Đốc Sở Thừa Sai Việt Nam’ (Direnteur des Missionnaires ou de la Mission) và chỉ có một ‘Sở Truyền Giáo’ (Mission) trung ương tại Paris bao trùm cả nước Pháp. Chưa có qui chế rõ rệt cho các linh mục làm mục vụ. Tổng giáo phận Paris chưa trực tiếp giúp đỡ về tài chánh. Sau đây là những sự kiện chính yếu trong thời kỳ T ổ Ch ức Truy ền Gi áo 1952-1977:

• Ngày 20.06.1949 Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam đệ lên Ðức Cha Henri Chappoulie, Thư ký Hàng Giám Mục Pháp và Giám Ðốc Quốc Gia về Tổ chức Giáo Hoàng Truyền giáo, một bản tường trình gồm hai điểm chính: 1- trình bày 4 sinh hoạt chính yếu của Liên Ðoàn, 2- Khẩn xin thiết lập “Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Paris.

• Trong thư ngày 19.02.1952, gởi cho Ðức Khâm Sứ Toà Thánh Ðông Dương tại Hà nội, Ðức Ông Rupp, cha chính Tổng Giáo Phận Paris đã mong muốn có một linh mục Việt Nam được các Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm để chuyên lo việc thiêng liêng cho người Việt Nam tại Paris.

• Với Thư đề ngày 25.10.1952, Ðức Khâm sứ Toà Thánh John Dooley tại Ðông Dương trả lời cho Dức Ông Rupp hay rằng Ngài đã gặp Các Giám Mục Việt Nam và xin giới thiệu với Ðức Tổng Giám Mục Paris và xin Ngài bổ nhiệm cha Pacifique Nguyễn Bình An.

• Ngày 24.11.1952, Ðức Ông Rupp, cha chính Ðịa Phận Paris và thư ký của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đã trả lời cho Ðức Khâm Sứ: “Trong buổi hội tháng 10 vừa qua, các Hồng Y và Tổng Giám Mục đã đồng ý ‘ký thác cho cha Pacifique An Sở Tuyên Úy người Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp. Ðể chứng tỏ rằng Cha An không chỉ là tuyên úy của Liên Ðoàn mà thôi, nhưng còn là ‘Giám Ðốc Tổ Chức Truyền Giáo”, thì từ nay thánh lễ tiếng Việt mỗi tháng sẽ không cử hành ở trụ sở Liên Ðoàn nữa, nhưng là ở trong một nhà thờ, nhà thờ Notre Dame de Liban”.

Ba nhiệm kỳ của ba cha trong thời kỳ này:

• Cha Pacifique Nguyễn Bình An 1952-1955. Ðược sự giúp đỡ và cộng tác của cha Trần Thanh Giản, Sở Truyền Giáo thuê được một căn nhà làm cơ sở sinh hoạt tại số 36bis, Bd Raspail, 75007.

• Cha Phanxicô Trần Thanh Giản 1955-1971. Nhiều việc đã được thực hiện: 1- Cải tổ Bản Ðiều Lệ Liên Ðoàn Công Giáo, 2- Qui tụ được một số linh mục cộng tác: cha Nguyễn Ngọc Lưu, cha Nguyễn Ðịnh Tường, Cha Nguyễn Văn Long, Cha Nguyễn Quang Toán, Cha Nguyễn Tiến Huynh, Cha Phan Ðình Thành; và ở các tỉnh có sự cộng tác của các cha Nguyễn Quang Cảnh ở Marseille, cha Phạm Phúc Khánh ở Nice, cha André Courtois (Lịch) ở Toulon; 3- Giải quyết vấn đề cơ sở: trước nhất ở Paris 5, sau về 32 Ave de l’Observatoire, rồi từ 1968 rời về 15, rue Boissonade, 75014.

• Cha Michel Nguyễn Quang Toán 1971-1977 với thơ bổ nhiệm của Ðức cha Daniel Pérézil, ngày 14.12.1971. Cha Nguyễn Quang Toán qui tụ được 4 linh mục cộng tác là các cha Hoàng Quang Lượng, Lê Huy Bảng, Ðoàn Thanh Dũng và Phan Thanh Văn. Những sinh hoạt nổi bật được ghi lại thời Cha Toán là: 1- Phát triển ba hội đoàn cơ bản là Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo và Hội Sinh Viên Công Giáo; 2- Tổ chức các cuộc hành hương, 3- Tổ chức những sinh hoạt xã hội cứu trợ các vụ lụt và các nạn nhân chiến tranh bên Việt Nam.

1.3. Thời kỳ ‘Giáo Xứ’ (1977-1997)

Mặc dầu tự sắc ‘Pastoralis Migratorum Cura’ đã được ban hành từ 1969, nhưng mãi đến biến cố 1975 ở Việt Nam và với làn sóng người Việt tị nạn qua Pháp, Giáo Hội Pháp mới nghĩ đến việc áp dụng tinh thần tự sắc vào việc tổ chức lại cơ cấu và sinh hoạt mục vụ cho cộng đồng người Việt tại Pháp. Việc áp dụng này chỉ thành hình cụ thể vào năm 1977, và thực sự vào năm 1986. Bởi vì mặc dầu từ 1952, Sở Truyền Giáo Việt Nam ở Paris ‘xét về nhiều mặt đã được đồng hóa như một xứ đạo, nhưng cho đến thư bổ nhiệm Cha Trương Đình Hòe vẫn còn gọi ngài là ‘Missionnaire’, mãi từ 1986, trong các thư bổ nhiệm Cha Mai Đức Vinh mới rõ rệt dùng chữ ‘curé de la paroisse Vietnamienne‘, cũng từ đây trong Ordo hằng năm của Paris mới đề chữ ‘curé’.

Ngày 28.05.1976, với tư cách là Giám Mục đặc trách về các đồng bào Á Châu, Ðức Cha André Rousset biên thơ cho cha Toán báo tin rằng trước tình hình khẩn trương và bi thương của dân tị nạn ba nước Việt Miên Lào, Ủy Ban Mục Vụ Ngoại Kiều yêu cầu Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ, cha Etcharren đã được bổ nhiệm làm việc với hai cha Guillard và Couessin, và xin cha Toán liên lạc với cha Guillard để xác định phận vụ của mình.

Nhiều Giám Mục địa phương đã bổ nhiệm tuyên Úy Việt Nam trong các năm 1975, 1976

Ðại Hội ngày 21.10.1976 qui tụ trên 30 linh mục Việt Nam từ nhiều tỉnh khác nhau về họp tại Toà Tổng Giám Mục Paris, dưới quyền chủ tọa của cha Trương Ðình Hoè, do đại hội bầu lên, để bàn về các vấn đề và hành động mục vụ khẩn cấp cho kiều bào Việt Nam

Ngày 13.09.1997, Ðức Cha Daniel Pérézil, giám mục phụ tá Parus, gởi cho cha Samuel Trương Ðình Hoè lá thơ bổ nhiệm cha làm thừa sai với quyền coi sóc các linh hồn người Việt Nam ở Paris kế vị cha Toán. Cũng trong thơ này, Ðức Cha Pérézil xác đỉnh: “Giáo Xứ Việt Nam Paris phải là cộng đoàn cầu nguyện, bí tích, tương trợ huynh đệ, sống đạo theo truyền thống và văn hoá Việt Nam”.

Nhiệm kỳ của cha Samuel Trương Ðình Hoè, 1997-1979

Sau khi đã gởi thơ bổ nhiệm cho cha Trương Ðình Hoè, ngày 29.09.1997, Ðức Cha Pérézil gởi thơ báo tin này cho cha Toán và cám ơn cha nồng nhiệt về những việc cha đã làm cho Giáo Xứ trong những năm qua.

Ngày 13.10.1977 là ngày bàn giao công vụ giữa cha Nguyễn Quang Toán và cha Trương Ðình Hoè, với sự chứng kiến của cha J.B. Etcharren, cha Bernard le Franc và cha Robert Gilbert.

Lãnh thổ hoạt động của Giáo Xứ từ nay hạn hẹp vào lãnh thổ của 8 giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Paris, trừ những nơi mà Giáp Quyền địa phương đã bổ nhiệm một tuyên úy Việt Nam khác.

Cha Trương đình Hoè đã qui tụ được một nhóm linh mục khá hùnh hậu cộng tác: cha Hoàng Quang Lượng lo phó giám đốc, cha Ngô Duy Linh lo phụng Vụ, cha Lương Tấn Hoàng và nữ tu Huỳnh Thị Na lo xã hội, cha Mai Ðức Vinh lo giáo lý, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và nữ tu Sophie Nguyễn thị Phú lo giới trẻ.

Cha Giám Ðốc Trương Ðình Hoè đã làm được hai việc quan trọng sau đây: chỉnh trang lại cơ sở giáo xứ cho ngăn nắp, sạch sẽ và khang trang hơn và nhất là đã vận động với Toà Tổng Giám Mục để những linh mục hay tu sĩ làm việc cho Giáo Xứ đều được bổ nhiệm trên giấy tờ, được trả lương và bảo hiểm xã hội.

Nhiệm kỳ của cha Denis Lương Tấn Hoàng, 1979-1980

Năm 1979, Cha Trương đình Hoè từ chức vì dòng Phanxicô cần đến ngài để lo các công tác văn hoá và huấn luyện của dòng. Cha Lương Tấn Hoàng lên thay.

Trong tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, số 122, tuần lễ 02-09.11.1980 có thông báo rằng “Vì lý do sức khoẻ, từ tháng 07, Cha Denis Hoàng đã đệ đơn xin từ chức Giám Ðốc Giáo Xứ. Nay Ðức Giám Mục chấp nhận đơn của Cha và đồng thời bổ nhiệm cha Giuse Mai Ðức Vinh thay thế. Vậy hôm nay, chủ nhật 02.11.1980, cha Bernard le Franc, thay mặt Ðức Cha Daniel Pérézil, đến đồng tế và chính thức công bố sự thay đổi này.

Nhiệm kỳ của cha Giuse Mai Đức Vinh, 1980-Hôm nay (2007)

Qua văn thư ngày 28.11.1980, cha Giuse Mai Ðức Vinh được Toà Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm cha sở Giáo Xứ. Nhiều chính sách và chương trình hoạt động mục vụ trong các lãnh vực khác nhau đã được các linh mục trong ban giám đốc và các giáo dân trong hội đồng mục vụ liên tiếp thực hiện, dưới sự lãnh đạo của cha giám đốc Giuse Mai Đức Vinh:

• 1980-1983: xây dựng cơ cấu tổ chức: 1983: Thành lập ban đại diện cho các địa điểm mục vụ: Paris, Sarcelles-Garges, Villiers-Le-Bel, Noisy-Le-Grand. 1983: Thành lập các nhóm công giáo tiến hành và bầu ban đại diện. Ngày 30.10.1983, một Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi đã được thành lập

• 1984-1989: phát triển văn hoá giáo dục: 1984: Phát hành Báo Giáo Xứ, bộ mới. 1986: Cải tiến việc giáo dục giáo lý và văn hoá Việt Nam cho Ấu Thiếu Nhi và lập Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. 1986: Chương trình tu bổ cơ sở, lập sổ vàng và vận động xin một nhà nguyện rộng lớn hơn. 1986: Phát huy lễ hội văn hoá, khởi xướng bữa tiệc xuân giáo xứ. 1987: Ðào tạo nhân sự giáo sĩ, đề nghị phong chức phó tế vĩnh viễn cho thầy Girard Xavier thuộc cộng đoàn Sarcelles. 1989: Lập “Hội yểm trợ ơn gọi tận hiến”.

• 1990-1996: Phát triển Ðời sống thiêng liêng: 1990: Thư Viện Giáo xứ chính thức khai trương. 1993: Khai trương phong trào CURSILLO. 1995: Thành lập Ban Mục Vụ Gia Ðình

• 1997-2001: Phát triển đời sống văn hoá, cơ sở vật chất và liên đới xã hội: 1997: Tu thư tập thể, viết sách chung. Nhận cơ sở mới và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở mới vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15.08.1998 và chuyển giao cơ sở Boissonade cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998. 2000: Thành lập Liên đới nghề nghiệp trong 5 ngành có nhiều người việt nam: Chuyên Gia, Thân Hữu Taxi, Doanh Thương, Dịch Vụ, Xây Dựng.

• 2002-2007: Phát triển và tự lập tài chánh: 2002: Mạng lưới đầu tiên của Giáo Xứ chào đời với tên gọi www.giaoxuvnparis.org trong Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 3, ngày 01.05.2002. 2003: Lập nhóm đặc trách ‘Tiền giúp Giáo Hộĩ’, Giáo xứ hoàn toàn tự lập về tài chánh. Qua lá thơ đề ngày 29.06.2005, Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh đã chính thức loan báo với cộng Ðoàn việc thành lập điạ điểm mục vụ mới ở Antony.

1.4. Biên niên những sinh hoạt đã thực hiện từ 1980

Ðược cha Mai Ðức Vinh mời tham dự chuẩn bị thiết lập Hội Ðồng Mục Vụ từ năm 1980 và được bầu làm Thư Ký trong Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi nhiệm kỳ 1983-1985, tôi đã cùng cha Mai Ðức Vinh ghi lại những sụ kiện chính đã được thực hiện hàng năm, một thứ biên niên. Những sự kiện này đã được ghi lại trong tập Kỷ yếu. 23 trên tổng số 26 hội đoàn, nhóm, lớp, ban,.. đang sinh hoạt hiện nay đã được thành lập từ năm 1980. Một thời thịnh đạt. Thật đáng mừng và khuyến khích. Xin trích những sự kiện chính yếu đã được ghi lại cho những năm từ 1980 đến 1997.

Qua văn thư 28.11.1980, cha Mai Ðúc Vinh được Toà Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm cha sở Giáo Xứ. Một chương trình 3 năm, 1980-1983, đã được đưa ra nhằm xây dựng nền tảng cơ cấu tổ chức cho Giáo xứ với những việc chính yếu sau đây:

1980:
• Qua văn thư 28.11.1980, cha Mai Ðúc Vinh được Toà Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm cha sở Giáo Xứ.
• Nữ tu Têrêsa Thân Thị Kim Liên vào làm việc cho Giáo Xứ
• Ban Giám Ðốc GX gồm
GÐ: Mai Ðức Vinh,
PGÐ: Hoàng Quang Lượng;
Nhân viên: Ðinh Ðồng Thượng Sách, Huỳnh Thị Na, Nguyễn Thị Phú, Thân Thị Kim Liên

• Một chương trình 3 năm, 1980-1983, đã được đua ra nhằm xây dựng nền tảng cơ cấu tổ chức cho Giáo xứ với những việc chính yếu sau đây:
• Thành lập nhóm ‘Thần học Giáo Dân’

1981:.
• Nhóm ‘Thần học Giáo Dân’ khai trương một sinh hoạt văn hoá độc đáo là tổ chức các buổi hội luận thuyết trình về những vấn đề thiêng liêng, văn hoá, xã hội
• Tăng cưỡng các nhóm trẻ sống đạo
• Ngày 13.09.1981, Ðức Tổng Giám Mục Jean Marie LUSTIGER đến thăm giáo xứ và ban phép rửa tội cho 16 em nhỏ.

1982:
Chị Têrêsa Na mãn chương trình học “Cán Sự Xã hội”, về làm việc lại cho Giáo Xứ

1983:
• Thành lập ban đại diện cho các địa điểm mục vụ: Paris, Sarcelles-Garges, Villiers-Le-Bel, Noisy-Le-Grand.

1983:
• Thành lập các nhóm công giáo tiến hành và bầu ban đại diện.
• Cộng đoàn đã tiến hành ba Hội nghị (Assises pastorales) chuẩn bị thành lập Hội đồng Mục vụ vào các chủ nhật 27-2-1983, 27-3-1983 và 10-4-1983.
• Hội Nghị chuẩn bị thành lập Hội đồng Mục vụ lần thứ nhất khai mạc lúc 13 giờ 30 chủ nhật 27-2-1983 với kinh ‘‘Cầu Xin Chúa Thánh Thần’’và bế mạc lúc 17 giờ với ‘‘Kinh Hòa Bình’’. Trong diễn văn khai mạc, Cha Giám đốc Mai Đức Vinh tuyên bố: ‘‘Để khai mạc Đại hội Mục vụ lần thứ nhất của cộng đoàn, tôi xin gửi đến mọi người lời chào thân ái và lời chúc bình an của Chúa Kitô’’. Sau đó, Cha Giám đốc đặt câu hỏi: ‘‘Vậy mục đích của Đại hội Mục vụ là gì?’ ’ và trả lời: ‘‘Như tôi đã nói trong tờ Giáo Xứ chủ nhật 23-1-1983, ‘‘Hội Nghị nhằm ý hợp nhất, thêm sáng kiến và làm tốt hơn mọi sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn.’’ Cha Giám đốc nhắc lại trong sắc lệnh Ecclesiae Sanctae công bố ngày 6-8-1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI sau khi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lập Hội đồng Mục vụ đã quy định mục đích và nhiệm vụ của Hội đồng Mục vụ là ‘‘nghiên cứu và khảo sát tất cả mọi vấn đề liên hệ đến các công việc mục vụ rồi từ đó rút ra những kết luận thực tế, hoặc định những chương trình giúp cho đời sống và hoạt động của dân Chúa phù hợp với Phúc Âm’’. Cũng trong Hội Nghị này, Cha Tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách đã trình bầy về Tình hình mục vụ chung của cộng đoàn trong đó đề cấp đến 9 địa điểm mục vụ năm 1983 là Paris, Sarcelles, Villiers-le-Bel, Goussainville, Villiers-sur-Marne, Roissy-en-Brie, Sevran, Issy-les-Moulineaux, Créteil và Noisy-le-Grand.

Sau đó, dưới sự điều khiển của GS Trần Văn Cảnh, Hội Nghị đã chia thành 8 nhóm thảo luận, mỗi nhóm gồm 10 thành viên.

Nhóm 1: Sống đạo hôm nay tại gia đình. Trưởng nhóm: Ông Phan Quang.
Nhóm 2: Sống đạo hôm nay tại gia đình. Trưởng nhóm: Bà Tạ Thanh Minh Khánh.
Nhóm 3: Giáo lý cho con em. Trưởng nhóm: Chị Nguyễn Mỹ Phước.
Nhóm 4: Đời sống đức tin của giới trẻ Việt Nam hôm nay. Trưởng nhóm: Chị Nguyễn Thị Thanh Vân.
Nhóm 5: Đời sống đức tin của giới trẻ Việt Nam hôm nay. Trưởng nhóm: Chị Nguyễn Thị Lan.
Nhóm 6: Sống đạo hôm nay trong xứ đạo. Trưởng nhóm: Ông Vũ Hoàng Dũng.
Nhóm 7: Sống đạo hôm nay trong xứ đạo. Trưởng nhóm: Ông Nguyễn Đức Thịnh.
Nhóm 8: Sứ mệnh tông đồ của giáo dân. Trưởng nhóm: Nữ tu Huỳnh Thị Na.

Hội Đồng Mục Vụ tiên khởi, khóa I (1983-1985)
đã được các đại diện các Hội Đoàn Mục Vụ và đại diện các Địa Điểm Mục Vụ thành lập vào Ðại Hội Mục Vụ I, ngày 30.10.1983 và đã được Đức Cha Michel COLONI, phụ tá tổng giám mục Ba-lê, đặc trách Ngoại Kiều Vụ chính thức công nhận ngày 11/12/1983. Thành phần gồm:
Chủ tịch: Ông Phan Quang
Phó Chủ tịch, đặc trách tôn giáo: Ông Nguyễn văn Hộ
Phó Chủ tịch, đặc trách Xã hội: Ông Trần Louis
Phó Chủ tịch, đặc trách Văn hoá và tuổi trẻ: Ông Võ Phước Thiện
Tổng thư ký: Giáo Sư Trần văn Cảnh
Phó Tổng thư ký: Bà giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh
Thủ quỹ Bà Nguyễn Đình Thái
Phó Thủ quỹ Ông Nguyễn Tiến Đạt
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh

1983:
• Mở cửa lại ‘Bữa Cơm Chủ Nhật’;
• tổ chức hai ngày thân hữu để gây quĩ điều hành và kiến thiết;
• Xây Xi măng sân trong;

1984:
• Xin nhà dòng Visitandines cho đất, mở rộng sân;
• tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam;
• Tiểu đội Legio Trẻ ra đời.

1985:
• Cha Hoàng Quang Lượng đi hưu, Cha Phêrô Bùi Duy Nghiệp từ Toulouse lên làm việc cho Giáo Xứ, lo giới trẻ và giúp cộng đoàn Sarcelles.
• Xin nhà dòng cho phép làm nhà kho ngoài sân, làm sân khấu.
• Tình diễn văn nghệ với đề tài ‘Giữ Thơm Quê Mẹ’.
• Ðại Hội Mục Vụ 20.06.1985: tu chính lần 1, Nội qui HÐMV

Hội Đồng Mục Vụ khóa II (1985-1987)
Chủ tịch Ông Phan Quang
Phó chủ tịch, đặc trách tôn giáo Ông Nguyễn văn Hộ
Phó chủ tịch, đặc trách xã hội Ông Trần Louis
Phó chủ tịch, đặc trách văn hoá và tuổi trẻ Ông Võ Phước Thiện
Tổng thơ ký Bà Tạ Thanh Minh
Phó tổng thơ ký Ông Đoàn Ngọc Hưởng
Thủ quỹ Bà Nguyễn Đình Thái
Phó thủ quỹ Ông Nguyễn Tiến Đạt
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh

1986:
• Qua sự gợi ý của BGÐ và BTV-HÐMV, nhiều giáo dân đã biên thơ cho ÐHY Lustiger, trình bày về nhu cầu cần một cơ sở mới và rộng rãi cho Giáo Xứ;
• Ðại Hội Mục Vụ kỳ I, tháng 06.1986, quyết định mở “Sổ Vàng” gây quĩ xây dựng cơ sở;
• Ðồng thời BTV đã quyết định khởi đầu tổ chức “Tiệc xuân hàng năm” để gây thêm quĩ cho Giáo Xứ.
• Thành lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể,
• Đại Hội Liên Tu Sĩ I tại Giáo Xứ.
• Chị Sophie Phú thôi làm việc cho Giáo Xứ và được nhà dòng gửi đi học y tá.
• Cũng chính năm 1986, nhiệm kỳ của Cha Mai Đức Vinh được triển hạn thêm ba năm làm Cha sở của Giáo Xứ Việt Nam trong Hạt Ngoại Kiều (Curé de la poroisse Vietnamienne dans le doyenné des Migrants) kể từ ngày 01.09.1986.

1987:
• Thầy Girard Xavier thuộc cộng đoàn Sarcelles lãnh chức Phó Tế Vĩnh Viễn.
• Chủ nhật 12.04.0987, Ðc Nguyễn Văn Bình đã đến thăm GX và cùng các cộng đoàn vùng Paris cử hành Lễ Lá tại Notre Dame des Champs, Paris 14

Hội Đồng Mục Vụ khóa III (1987-1990).
Chủ tịch Ông Nguyễn văn Hộ
Phó chủ tịch, đặc trách tôn giáo Ông Trần Louis
Phó chủ tịch, đặc trách xã hội Bà Debonnaire Lộc
Phó chủ tịch, đặc trách văn hoá và tuổi trẻ Ông Trương Quân Vương
Tổng thơ ký Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh
Phó tổng thơ ký Bà Nguyễn thị Hy
Thủ quỹ Bà Nguyễn Đình Thái
Phó thủ quỹ Chị Đào Kim Phượng
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

1988:
• Cha Bùi Duy Nghiệp trở về lo cộng đoàn Việt Nam ở Toulouse,
• Cha Vincentê Nguyễn Văn Cẩn từ ThụySĩ về làm việc cho Giáo Xứ.
• Giáo Xứ tham dự Thánh lễ Phong Thánh tại Roma.
• Ngày 02.10.1988, Dc Nguyễn Văn Sang cùng đồng tế với ÐHY Lustiger tại Notre Dame de Paris trong thánh lễ mừng Các Thánh Tử Ðạo VN. Sau đó, ngày 09.10.1988, Ngài ghé thăm GX và dâng lễ với cộng đoàn.

1989:
• Hội Yểm Trợ Ơn Gọi ra đời. Sau vụ nhà thờ ‘Notre Dame de Blanc Manteau’, Ban Giám Đốc lên yết kiến Đức Hồng Y để trình bày về ý chí bảo toàn ‘hằng tình’ (identité) của người Việt Nam. Lưu nhiệm Hội Đồng Mục Vụ thêm một năm. Đại Hội Liên Tu Sĩ II tại Giáo Xứ.
• Ngày 28.08.1989, Đức Cha Claude Frikart, Giám mục phụ tá Paris, thay mặt Đức Hồng Y J.M. Lustiger, gửi thư báo cho Cha Vinh biết: Nhiệm kỳ làm Cha sở sẽ hết vào ngày 31.08.1989, nhưng với sự đồng ý của các bề trên của Cha, theo quy định về đặc quyền mà Bộ Giáo Sĩ ra ngày 23.12.1968, và theo sự biểu quyết của Hội Đồng Giám Mục Pháp công bố ngày 13.06.1984, nhiệm kỳ của Cha được triển hạn đến 31.08.1992.

1990:
• Với sự giúp đỡ của nhà dòng Visitandines, nhiều người trong cộng đoàn góp sức trang bị lại nhà bếp, hệ thống sưởi, máy hút đồ dơ.
• Ra tờ "Mission Catholique Vietnamiene" bằng tiếng Pháp, 1 tờ A3, mỗi năm 2 số để gửi cho các ân nhân và bạn hữu ngoại quốc.
• Chiều chúa nhật, ngày 16.4.1990, thư viện đã chính thức được cha Giám Đốc Mai Đức Vinh cắt băng khánh thành với tên là “Thư Viện Giáo Xứ “.
• Ngày 17.06.1990, Văn nghệ ‘Uống Nước Nhớ Nguồn’, kỷ niệm hai năm lễ Phong Thánh.
• Ngày 25.06. 1990, Đức Cha Pierre Joatton, Giám mục giáo phận Saint Etienne, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều gửi thư bổ nhiệm Cha Giuse Mai Đức Vinh làm Đại Diện Quốc Gia cho Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp và là người có trách nhiệm phối hợp về mục vụ cho người Việt Nam ‘Délégué National pour les aumôniers vietnamiens en France et responsable de la cơrdination de la Pastorale des Vietnamiens).

Hội Đồng Mục Vụ khóa IV (1990-1992).
Chủ tịch Ông Nguyễn văn Hộ
Phó chủ tịch, đặc trách tôn giáo Ông Trần Louis
Phó chủ tịch, đặc trách xã hội Nt Christine Nguyễn thị Lan
Phó chủ tịch, đặc trách văn hoá và tuổi trẻ Chị Đào Kim Phượng
Tổng thơ ký Chị Vũ thị Lan
Phó tổng thơ ký Ông Phạm Hoà Hiệp
Thủ quỹ Ông Hoàng Minh Trứ
Phó thủ quỹ Bà Nguyễn thị Cẩm Tuyết
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

1991:
• Ủy ban Giám Mục về Ngoại Kiều can thiệp xin Đức Cha địa phận Nanterre cử Cha Giuse Nguyễn Văn Ziên đến làm việc cho Giáo Xứ một phần tư thời gian trong hai năm.
• Đại Hội Liên Tu Sĩ III tại Giáo Xứ.
• Cha Giuse Trần Anh Dũng đến làm việc cho Giáo Xứ bán thời gian.
• 19.05.1991: Cha Hoàng Quang Lượng qua đời.

1992:
• Ngày 01.09.1992, Đức Cha Claude Frikart, thay mặt Đức Hòng y J.M. Lustiger gửi thư cho Cha Mai Đức Vinh triển hạn nhiệm kỳ ‘Cha sở Giáo Xứ’ của Cha đến 31.08.1995. Làm lại nhà kho. Bầu lại BTV
• Ðại Hội Mục Vụ 13.12.1992: tu chính lần 2, Nội qui HÐMV

Hội Đồng Mục Vụ khóa V (1992-1994).
Chủ tịch Ông Nguyễn Văn Nghi
Phó chủ tịch, đặc trách tôn giáo Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh
Phó chủ tịch, đặc trách xã hội Bà Huỳnh Thái Ngoạn
Phó chủ tịch, đặc trách văn hoá và tuổi trẻ Chị Đào Kim Phượng
Tổng thơ ký Nt Christine Nguyễn thị Lan
Phó tổng thơ ký Ông Đổ Huy Hoàng
Thủ quỹ Ông Đỗ Thượng Hưng
Phó thủ quỹ Bà Debonnaire Lộc
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Ông Nguyễn Văn Hộ

1993:
• Phong trào Cursillo bắt đầu mở Tuần Tĩnh Huấn tại Rungis với sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh của Cursillo Việt Nam bên Hoa Kỳ.
• Cha Dũng nhận cộng đoàn Noisy Le Grand thay Cha Cẩn.
• Cha Sách nhận lo cộng đoàn Cergy-Pontoise.

1994:
• Chuẩn bị vận động với nhà dòng và Tòa Giám Mục làm lại hai nhà ngoài sân.
• Cha Ziên thôi làm việc cho Giáo Xứ và được Đức Cha giáo phận Nanterre cho đi học.
• Cha Cẩn thay thế Cha Ziên giúp Cha Vinh ở Sarcelles.
• 11.12.1994, ÐHY Giuse Phạm Ðình Tụng đã ghé thăm GX sau khi đã lãnh chức HY tại Roma. Cùng đến GX và dâng lễ với ngài, có các Ðc Lê Ðắc Trọng, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Như Thể, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trâm và Phạm Minh Mẫn. Chiều cùng ngày, tất cả các vị và Ðc Nguyễn Văn Thuận đến từ Roma, đã cùng đến đồng tế với ÐHY Lustiger tại Notre Dame de Paris.

Hội Đồng Mục Vụ khóa VI (1994-1997).
Chủ tịch Ông Nguyễn Văn Nghi
Phó chủ tịch Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh
Uỷ viên đặc trách tôn giáo Chị Nguyễn Thị Mỹ Phước
Uỷ viên đặc trách xã hội Ông Ngô Triệu Hùng
Uỷ viên đặc trách văn hoá và tuổi trẻ Ông Nguyễn Kim Tuấn
Uỷ viên đặc trách tài chánh Ông Đỗ Anh Sỹ
Tổng thơ ký Chị Đào Kim Phượng
Phó tổng thơ ký Ông Đổ Huy Hoàng
Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ

1995:
• Ban ‘Chuẩn Bị Hôn Phối’ bắt đãu sinh hoạt.
• Làm lại nhà ngoài sân.
• Tham dự Đại Hội Hành Hương Lộ Đức do Tuyên Úy Đoàn tổ chức.
• Cha Vinh nhận lo cộng đoàn Ermont theo lời yêu cầu của giáo phận Pontoise.
• Cha Dũng lo giới trẻ thay Cha Sách.

1996:
• Làm lại sân.
• Chuẩn bị lễ 50 năm thành lập Giáo Xứ.
• Tuần lễ ‘Đón Đức Mẹ’ là tuần khai mạc năm Tạ Ơn.
• Thiếu nhi mừng 10 năm thành lập.
• Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ được triển hạn lại một năm.
• Nhóm ‘Thân- Hữu Taxi’ thành hình.
• Đúng theo thư bổ nhiệm, Cha Vinh hết nhiệm kỳ làm Cha sở Giáo Xứ vào ngày 31.08.1996. Nhưng ngày 21.03.1996, Cha Vinh lên Tòa Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Claude Frikart, Đức Cha bảo: ‘Bây giờ không tính số năm, điều quan hệ là Cha còn khỏe (solide) không? Tôi suy nghĩ và sẽ trả lời cho Cha. Thế rồi ngày 03.06.1996, Cha Yves Mallmann phụ tá của Đức Cha Claude Frikart và là Giám Đốc của SITI (Service Interdiocésain des Travailleurs Immigrants) đến Giáo Xứ báo cho Cha Vinh hay là ‘Địa phận muốn Cha vui lòng tiếp tục nhiệm vụ làm Cha sở Giáo Xứ Việt Nam, không cần bổ nhiệm lại nữa’. L ưu nhiệm Hội Đồng Mục Vụ thêm một năm.

1997:
• Tổ chức Đại lễ Kim Khánh Giáo Xứ (1947-1997) tại nhà thờ Notre Dame des Champs và tại Giáo Xứ ở Boissonade vào hai ngày 11 và 18.05.1997.
• Xuất bản kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ngày 01.01.1997.
• Triển lãm kỷ niệm Kim Khánh về lịch sử, sinh hoạt, các đơn vị mục vụ, tổ chức các hội đoàn do sứ thần tòa thánh cắt băng khánh thành vào ngày 11.05.1997.
• Văn nghệ ‘Mùa gặt mới’ tổ chức tại Centre Culturel Boulogne - Brillancourt vào thứ bảy 10.05.1997.
• Cha Giuse Trần Anh Dũng được Tòa Tổng giám mục chính thức bổ nhiệm làm việc tại Giáo Xứ từ năm 1991, cho giới trẻ từ 1995. Từ nay ngài sẽ làm việc toàn thời cho Giáo Xứ.
• Xuất bản cuốn sách ‘Giáo lý cho người trưởng thành’ và cuốn ‘Têrêsa, vị thánh lớn nhất của thời đại mới’
• Ngày 12.10.1997, Cha Giám Ðốc và BTV tu chính lần 3, Nội qui HÐMV

HĐMV, nhiệm kỳ VII, 1997-1999
Chủ tịch Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh
Phó chủ tịch Ông Lê Đình Thông
Tổng thơ ký Ông Trần Khắc Đạt
Phó tổng thơ ký Chị Phạm Mai Hương
Uỷ viên đặc trách tôn giáo Chị Nguyễn Thị Mỹ Phước
Uỷ viên đặc trách văn hoá Ông Bùi Văn Triển
Uỷ viên đặc cơ sở Ông Nguyễn văn Thơm
Uỷ viên đặc trách tài chánh Ông Ngô Triệu Hùng
Ban Cố Vấn: Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ

2. LỊCH SỬ KỲ CỰU NHẮC LẠI

Để tóm tắt năm chục năm lịch sử, để nhìn lại cái lịch sử sảy ra, vắn gọn trong ba thời kỳ này và để mừng lễ kim khánh 50 năm thành lập Giáo Xứ, ngày 4.5.1997 một buổi thuyết trình đã được tổ chức mà một người tham dự đã ghi lại như sau:

Nằm trong chương trình mừng Kim Khánh. Chủ nhật 4.5.1997, từ 13g30 đến 15g30, tại Giáo Xứ có tổ chức buổi thuyết trình về GIÁO XỨ HÔM QUA VÀ HÔM NAY. Người đến nghe đông chật hội trường. Diễn giả là Bs. Nguyễn Văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ và Gs Trần Văn Cảnh. Ba vị đã từng gắn bó và đóng góp tích cực cho Giáo Xứ.

Khi còn là sinh viên du học, bs Ái có chân trong ban Chấp hành và là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo (1948-1952), tiền nhân của Giáo Xứ Việt Nam. Hồi hương, bác sĩ làm giám đốc Viện Pasteur toàn quốc. Hiện nay bác sĩ là giảng viên lớp Dự Bị Hôn Nhân và trợ bút của báo Giáo Xứ với bút hiệu Vân Uyên. Nên bác sĩ Ái có đủ tư cách là người trình bày về GIÁO XỨ HÔM QUA. Chính bác sĩ cung cấp nhiều tài liệu và viết bài cho cuốn KỶ YẾU GIÁO XỨ.

Ông Nguyễn Văn Hộ từng làm chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ nhiều năm (1987-1992 và 1994 đến nay).

Giáo sư Trần Văn Cảnh là một trong những người sáng lập Hội Đồng Mục Vụ (1983), soạn thảo bản nội quy HĐMV (1983) và tái bản Báo GIÁO XỨ bộ mới (1984)... Ông Hộ và Gs CẢnh trình bày về GIÁO XỨ HÔM NAY. Bs Ái như thợ khởi công còn ông chủ tịch Hộ và Gs Cảnh là người nối tiếp xây cao ngôi nhà Giáo Xứ Việt Nam.

2.1. GIÁO XỨ HÔM QUA

Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đúng là người ‘nói hay và làm hay’, khiêm tốn mở đầu phần nói truyện: Riêng tôi được hân hạnh đóng vai trò ‘Ông già kể truyện ngày xưa’ nói về giai đoạn khởi đầu của Giáo Xứ. Đối với một đời người, 50 năm chưa phải là tuổi già. Đối với một cộng đoàn 50 năm vẫn còn là thời rất son trẻ. Nhất là đối với cộng đoàn công giáo, mà tuổi thường được tính hàng thế kỷ, nếu không muốn nói là từng thiên niên. Nụ cười luôn nở trên môi và nét mặt vui tươi của diễn giả lôi cuốn cả hội trường chăm chú, thích thú nghe, không buồn ngủ hay ngán vào giữa trưa, khí trời mát nhẹ đang xuân.

Bác sĩ mở lại cho cử tọa xem những trang sử đầu của Giáo Xứ được ghi vắn tắt trong phần một cuốn Kỷ Yếu. Bằng giọng nói đầy truyền cảm và thêm luyến nhớ về những tháng năm làm việc chung với anh chị em đồng bạn để xây dựng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1947-1952), diễn giả kể lại nhiều chi tiết từng hoạt động của linh mục và giáo dân có mặt trong hình đen trắng của Kỷ Yếu. Nêu cao tính khí và lòng quảng đại, can đảm của từng người trong việc sống đạo và truyền bá Tin Mừng khi còn bôn ba hải ngoại hay hồi hương, như: dự lễ, tiếp tân, tham gia hội đoàn, học hỏi giáo lý, cắm trại, tìm trụ sở, đóng kịch, mở quán cơm bình dân, viết báo... Mỗi người một nghành nghề học và hoạt động, và được cảm tình nồng hậu của giáo quyền, chính quyền và giáo dân địa phương. Nhiều thành công đem lại kết quả mỹ mãn. Những mẩu chuyện thú vị khi họ vừa cắp sách đến trường, tu học hay bận rộn làm ăn, mà vẫn bỏ giờ ra cho cộng đoàn.

Sau giai đoạn Liên Đoàn, mọi người tản mát. Một số ở lại lập nghiệp tại Pháp. Phần đông trở về Việt Nam. Người vào Nam, kẻ ra Bắc. Tất cả đều hứng khởi, tin tưởng, muốn làm một cái gì cho Giáo Hội và cho đất nước. Trong số những người năm xưa, nay có người đã khuất. Người còn lại thuờng xuyên liên lạc với bác sĩ và thăm hỏi về cộng đoàn tiên khởi Việt Nam tại Pháp nay thế nào? Tuy nhiên, theo cử tọa cùng nhận xét chỉ còn Bs Ái và chị Lê Phương Trà (Cursillo) trở lại sống bên cộng đoàn. Thật quí hóa ! Quả thật những bậc đàn anh chúng ta đã có trái tim trên bàn tay (il a le coeur sur la main).

Tài diễn giảng của bác sĩ khéo đưa cử tọa trong hội trường rạt rào tình cảm biết ơn, khi nói: Tôi phải suy nghĩ lâu giờ trong đêm khuya để viết bài cho KỶ YẾU, cho bài thuyết trình này. Tất cả tình cảm gói ghém trong bài Hương Thơm Kỷ Niệm:

Cõi trời đất, một đời đảm nhiệm.
Phận dân chiên, chung lụy tình quê...
Giữ giới răn, cầu duyên Thiên ước:
Rạng danh Cha, xác tín Lời ban. ..


Bằng một lý luận đơn sơ chân thành, diễn giả cho rằng những người đi trước khai sinh cộng đoàn Việt Nam thành công trong một cuộc phiêu lưu không định trước để có Giáo Xứ Việt Nam hôm nay. Phần kết ‘kể truyện xưa’, bác sĩ đưa ra ba bài học rút tỉa từ những năm sinh sống trong giai đoạn đầu thành hình Giáo Xứ.

1. Không có một cuộc phiêu lưu nào diệu kỳ và chứa đựng nhiều bất ngờ đày ơn phước bằng cuộc phiêu lưu song hành với Thiên Chúa.

2. Liên Đoàn là môi trường huấn luyện, mở đầu cho tôi con đường dài vô tận, thâm sâu thăm thẳm và vô cùng gai góc, để tìm ý nghĩa sống và tin. Tìm là đi về ánh sáng của hiểu biết, của huyền nhiệm, để tin và sống thành một. Đi theo hướng đó, tin và sống không những cho riêng mình, nhưng còn với cộng đoàn và trong đoàn thể.

3. Tôi đã được gặp và chia sẻ một tình thương yêu nhau, bền chặt suốt đời. Tình yêu thương này dẫn đến sự tin cậy, tương trợ và khuyên bảo lẫn nhau, vượt qua mọi thành kiến chính trị, tôn giáo, mọi ranh giới kỳ thị đîa phương hay sắc tộc. Không còn người Trung, Nam hay Bắc. Không còn giai cấp trí thức, lao động. Không còn người tây, người ta. Không còn de đen, da trắng da vàng. Chỉ còn người với người, cố gắng đùm bọc nhau, cây dựng lấn nhau, để trở thành những người con của Thiên Chúa, theo Thiên ý mong muốn tất cả chúng ta xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa.

Lời cảm ơn cuối cùng của diễn giả chưa dứt thì tiếng vỗ tay đã vang dội hội trường, như đáp lại người nói. Trong hàng ghế, nghe thấy nhiều tiếng nói nho nhỏ: Hay, hay quá, chưa bao giờ được nghe ai nói hay như thế.

Sau phần Bs Ái, có ông Đông và ông Đạt trước kia từng sinh hoạt thời Liên Đoàn, ghe có buổi nói truyện cũng đến tham dự. Hai ông đã bổ túc một vài chi tiết và tỏ ý sẽ đến với Giáo Xứ nhiều hơn.

2.2. GIÁO XỨ HÔM NAY

Gs Trần Văn Cảnh và ông Nguyễn Văn Hộ không những là hai chứng nhân mà còn là người làm và viết nên giai đoạn lịch sử quan trọng hôm nay của Giáo Xứ Việt Nam, trình bày phần hai của buổi thuyết trình qua ba khía cạnh nổi bật: Giáo Xứ Việt Nam hôm nay đã trưởng thành, sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh trong Giáo Hội Pháp. Giáo sư Trần Văn Cảnh khai diễn:

Giáo Xứ Việt Nam trưởng thành

Sùc sống của cộng đoàn thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành vào thập niên 80, như tuổi trưởng thành của người thanh niên Việt Nam ‘tam thập nhi lập’. Tức là giai đoạn cộng đoàn công giáo Việt Nam trở thành giáo xứ thể nhân, từ 1977 đến nay.

Về nhân sự, các cha làm việc tại giáo xứ được bổ nhiệm bằng giấy tờ và được trả lương (1979) và vị giám đốc được gọi là cha sở (curé) từ 1986 và các cha phụ tá được gọi là cha phó (vicaires). Ba mươi năm gần đây, Giáo Xứ Việt Nam được lãnh đạo bởi các vị giám đốc nhiệt thành: Cha Phanxicô Trần Thanh Giản (1954-1971), Cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977), Cha Emmanuel Trương Đình Hòe (1977-1979), Cha Denis Lương Tấn Hoằng (1979-1980) và nổi bật là Cha Giuse Mai Đức Vinh, giám đốc đương nhiệm từ 1980, với các cha trong ban giám đốc là Cha Vixentê Nguyễn Văn Cẩn, Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, Cha Giuse Trần Anh Dũng và nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na. Chúng ta phải hãnh diện vì có một ban giám đốc tài ba. Nhìn thẳng vào thực tế, ban giám đốc đón nhận và khích lệ tất cả giáo dân muốn đến và nhất là lắng nghe tiếng nói của mọi người. Giáo Xứ là nơi qui tụ tập họp không phân biệt tuổi tác, chức vụ, giầu nghèo... để tuyên xưng đức tin trong tình anh em một nhà và con một Cha trên trời.

Bên cạnh ban giám đốc còn có Hội Đồng Mục Vụ, gồm từ 70 đến 80 đại diện của 6 đơn vị mục vụ ngoại ô và vài ba chục các đoàn thể, hội đoàn và nhóm đang sinh hoạt đều đặn tại Giáo Xứ. Ban Thường Vụ là những vị tận tâm được tuyển chọn và bầu trong số các thành viên Hội Đồng Mục Vụ. Và rất nhiều người tự nguyện làm cho những việc không tên. Nếu tính ra tiền thì không lấy đâu mà trả cho đủ.

Sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh.

Về hoạt động của Giáo Xứ có cả chiều sâu, lẫn chiều dài và chiều rộng. Trước 1980, Giáo Xứ mới có 5 hội đoàn: Đạo Binh Đức Mẹ, Các Bà Mẹ Công Giáo, Lớp Giáo Lý, Ban Xã hội và Ca Đoàn. Hôm nay đã có tới 22 đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, cho đủ mọi giới tham dự. Giáo Xứ Việt Nam còn bành trướng và phát triển nhiều mặt về xã hội, văn hóa, xuất bản báo chí, ấn hành sách vở... Tại các đơn vị mục vụ vùng phụ cận ở Sarcelles, Garges, Stains, Pierrefitte, Cergy Pontoise, Ermont, Noisy le Grand và Villiers le Bel ngày một phát triển và mở rộng không ngừng, có nhiều sinh hoạt độc đáo, vui tươi và hào hứng.

Về tài chánh và cơ sở. Các sinh hoạt trên được chạy đều là do nguồn tài chánh mà Ban Thường vụ đã lấy sáng kiến và tổ chức: các bữa cơm chủ nhật, bữa cơm thân hữu vào các dịp tết, hai ngày thân hữu hàng năm và xổ số Tombola... Cơ sở hiện nay còn chật hẹp, nhưng cộng đoàn đã nghĩ đến cần có nơi rộng rãi khang trang hơn để phụng thờ và bảo vệ truyền thống cha ông. Từ 1983, ban giám đốc và Hội Đồng Mục Vụ đã nhiều lần vận động với giáo quyền xin cơ sở mới. Trong khi chờ đợi, Giáo Xứ đã gây quĩ Sổ Vàng được khoảng trên 4 triệu quan. Với số tiền này, chúng ta có quyền hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Trong Giáo Hội Pháp.

Nhờ chính phủ và Giáo Hội Pháp, đặc biệt Giáo phận Paris, mà chúng ta có một chỗ đứng không nhỏ và quan trọng so với các cộng đoàn ngoại kiều khác tại Paris. Giáo Hội Pháp coi chúng ta như người con ruột được cưu mang từ khởi đầu công cuộc truyền giáo vào thời kỳ bắt đạo. Nay vì hoàn cảnh phải xa quê hương.

Mặc dầu Giáo Xứ đã có bằng ấy năm chung sống tại Pháp, theo diễn giả, chúng ta vẫn còn là người ăn nhờ ở đău, chưa tự lập, tự cường được. Chúng ta đã có ban xã hội, xuất bản nguyệt san, có lớp Pháp văn, lớp tiếng Việt... Tại sao mình không công khai để hợp thức hóa như những hiệp hội (associations) để được hưởng qui chế lương bổng và nhiều tài trợ khác. Thiết nghĩ đây cũng là điểm mới cần nghiên cứu và khởi sự cho những ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Hộ bổ túc cho đề tài bằng nhận xét là Giáo Xứ vẫn còn nhiều quí ông chưa chịu tham gia hội đoàn. Ông đề nghị lập hội Vincent de Paul hay La Vie Montante cho các ông có đất dụng võ đồng thời làm phong hpú sinh hoạt cộng đoàn.

Sau khi sơ lược những yếu tố thuận lợi cho sự vươn lên và trưởng thành của Giáo Xứ nhờ đào tạo nhân sự cẩn thận, bảo vệ văn hóa toàn diện,cầu nguyện song hành với suy tư chín chắn trong tinh thần keo sơn hợp quần gây sức mạnh. Hai diễn giả đã tạo cho cử tọa một sự tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của Giáo Xứ.

Tràng pháo tay đồng loạt biểu tượng cho tin tưởng mảnh liệt chấm dứt phần hai, để bước sang phần thảo luận, nhiều hào hứng hơn.

2.3. PHẦN THẢO LUẬN

Nghe hai phần trình bày trên, cử tọa thêm hăng say vì nhận thấy công việc của Giáo Xứ là của chính mình, của mọi ngưòi. Nên ai cũng muốn góp ý kiến cho Giáo Xứ ngày hoàn hảo hơn.

Luật sư Lê Đình Thông mở đầu phần thảo luận bằng nhận xét khá sâu sắc về Bs Ái va Gs Cảnh trong khi thuyết trình. Bs Ái lúc nào cũng vui tươi, như người đi trước mãn nguyện về công trình để lại cho thế hệ đàn em. Trái lại, Gs Cảnh đôi khi nghẹn ngào vì không biết mình là người nối tiếp có làm tròn nhiệm vụ được trao phó không.

Ông Phạm Bá Nha xin được nhận là người nối tiếp chung với đông đảo người có mặt vận động thêm con cháu đến với Giáo Xứ và quả quyết: viết tiếp những trang sử Giáo Xứ từ năm thứ 51, nếu không đẹp hơn thì ít ra cũng bằng những trang sử trước. Ông Nha còn xác tín không có xứ đạo nào có ban giám đốc và Hội Đồng Mục Vụ tận tụy hy sinh cho cộng đoàn bằng Giáo Xứ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thơm dã bỏ rất nhiều công sức ra xây cất nhà Giáo lý trong ba tháng 7, 8 và 9.1996, mà vẫn khiêm tốn cho rằng mình chỉ làm theo khả năng của người có 5 hay 1 nén bạc trong Thánh Kinh và như lời Thánh Phaolô mình chỉ là đầy tớ. Qua kinh nghiệm cần phải liều mới thành công. Trong khi chờ đợi và gây quĩ cho cơ sở mới, ông đề nghị Giáo Xứ mở những nhà cư trú cho khách vãng lai, được miễn thuế, có lợi về lâu về dài.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh kêu gọi tinh thần ‘’ta về ta tắm ao ta’’. Giáo Xứ là ngôi nhà chung của mọi người và sẵn sàng mở cửa đón tiếp bất cứ ai, không phân biệt giai cấp... đến để cùng nhau xây dựng. Giáo Xứ sẽ dành cho từng người có chỗ đùng hẳn hoi, nơi làm việc đàng hoàng và có ghế ngồi yên tĩnh cầu nguyện.

Ông Nguyễn Đức Minh lo lắng nhiều cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể. Nhiều năm phụ trách Thiếu Nhi, ông Minh thấy cộng đoàn cần quan tâm đến thế hệ con em Giáo Xứ... để đem chúng về nguồn, cho chúng tìm lại gốc và thấy được đâu là cội rễ, là truyền thống cha ông. Đoàn Thiếu Nhi cần rất nhiều sự tiếp tay trong việc dạy giáo lý, tiếng việt và đào tạo huynh trưởng. Đẹp và quảng đại là đến để làm gì cho Giáo Xứ, chứ đừng đến để đòi Giáo Xứ phải làm gì cho mình.

Ông Đặng Mạnh Đĩnh nghĩ sâu xa hơn đến chính ba cháu nhỏ trong gia đình ông, sau đây 20 năm. Làm sao ươm trồng và vun xới cho những mầm non này sống và vươn lên vừa có văn hóa Việt Nam, vừa có văn hóa tây phương. Gia đình là cành nho cần liên kết với thân nho là Giáo Xứ. Bản thân gia đình ông được hân hạnh đón nhận gia tài ơn phúc qua Giáo Xứ, hứa sẽ trả ơn. Mong sao có nhiều gia đình rộng rãi như vậy.

Ông Nguyễn Veaux và Chị Valette quan tâm đến các ông chưa có hội đoàn và người già cô đơn. Hai vị đồng quan điểm lập hội cho quí ông và tổ chức thăm người già yếu hay tổ chức hành hương cho bệnh nhân. Cha Vinh xác nhận việc thăm bệnh nhân và người già yếu xưa nay vẫn có hội Đạo Binh và các Bà Mẹ Công Giáo làm và làm thật tốt. Chỉ cần lập hội cho quí ông. Sáng kiến và tổ chức cách nào còn chờ ở quí ông. Ban giám đốc rất hoan nghênh và chờ mong. Ls Thông đặt tin tưởng vào khả năng của ông Veaux dư sức xúc tiến việc thành lập một đoàn thể quí ông.

Bà Tố Lan đưa ra nhận xét chính xác là ban giám đốc rất kiên nhẫn, nhậy bén và ghé mắt tới hết mọi người và mọi sinh hoạt trong cộng đoàn. Để bớt gánh nặng cho các ngài, xin đừng lạm dụng lòng tốt của Cha Vinh và các cha khác. Nhân dịp Kim Khánh một dịp tốt đánh động lòng hảo tâm. Bà kâu gọi mở lại Sổ Vàng để đóng góp cho quĩ cơ sở sinh hoạt mới.

Cha Giám Đốc Mai Đức Vinh tỏ ra hài lòng vì có nhiều người đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và phát triển Giáo Xứ. Đáp lại những băn khoăn và lo nghĩ trong buổi hội thảo. Cha đua ra một số dự tính cụ thể sau:

- Vì vấn đề an ninh và di chuyển, chúng ta không thể thực hiện một nơi sinh hoạt cho các em ở ngoài Paris. Trung tâm Rungis rộng rãi có sân và vườn cỏ, sẵn sàng cho chúng ta xử dụng cho mấy trăm em sinh hoạt. Nhưng vì xa và đi lại bất tiện. Chúng ta đành tìm nơi khác trong Paris. Vì thế, Cha kêu gọi các huynh trưởng của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể về các đơn vị mục vụ ngoại ô tổ chức các đoàn nhỏ. Vì tại đây không thiếu các bạn trẻ có khả năng muốn tiếp tay, đoàn ngũ hóa trẻ em. Hiện nay địa phương đã gửi người về học làm dự bị huynh trưởng. Các em này sẽ trở về địa phương và trở thành nòng cốt cho đơn vị mình.

- Nhiều lần tòa giám mục đề nghị cho Giáo Xứ một vài nhà thờ dùng làm nơi sinh hoạt. Nhưng tất cả đã không phù hợp với khả năng nhân sự và tài chánh của chúng ta. Số tiền quá khiêm tốn hiện nay, chúng ta chỉ mong khi có nơi nào thuận tiện, dùng để sửa sơ sơ mà xài. Đâu có mộng mua đất và xây nhà thờ. Trong khi chờ giải pháp mới và dịp may khác, Sổ Vàng tiếp tục mở để mọi người đóng góp vào việc chung.

Cha Vinh cám ơn trước, Gs Cảnh cám ơn sau về sự có mặt đông đảo hôm nay và tham gia tích cực của bà con trong phần thảo luận. Ai cũng cho buổi hội thảo lần này có nhiều kết quả tốt.


LỜI KẾT

Qua những dòng vắn tắt trên đây trình bày về lịch sử non trẻ mà kỳ cựu của Giáo xứ Việt Nam Paris, với cái nhìn giáo luật, Cha Mai Ðức Vinh đã chia lịch sử giáo xứ làm ba thời kỳ: Thời kỳ ‘Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1947-1952) tự lập, chưa được chính thức công nhận; Thời kỳ ‘Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1952-1977), chưa có qui chế rõ rệt cho các linh mục làm mục vụ, Tổng giáo phận Paris chưa trực tiếp giúp đỡ về tài chánh; Thời kỳ ‘Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris’ (1977-1997), Các linh mục làm mục vụ đã có qui chế rõ rệt là “cha sở” hay “cha phó” và được trả lương. Một cái nhìn thực tế và quản trị dựa trên căn bản lượng và phẩm của những hoạt động và tổ chức, sẽ chỉ chia lịch sử giáo xứ làm hai thời kỳ. Thời kỳ khai sinh và lớn lên 1947-1980 với Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam 1947-1952, Ðoàn Sinh viên công giáo, Tổ chức truyền giáo Việt Nam 1952-1977, Cải tổ LDCGVN 1954, Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ 1970, Hội các bà mẹ công giáo 1971, người Việt Nam đến Pháp tỵ nạn, 1975, Ðại diện Ủy Ban Giám Mục Ngọai kiều bên các tuyên úy Việt nam tại Pháp và Giao xứ Việt Nam 1977, Cộng Ðoàn Sarcelles 1977. Thời kỳ trưởng thành và phát triển 1980-2007 với sự tăng cường sinh hoạt cầu nguyện và sống đạo, tổ chức Hội Ðồng Mục Vụ, mục vụ giáo lý, mục vụ phụng tự, mục vụ bí tích, thành lập những họ lẻ Garges, Stains-Pierrefitte, Cergy-Pontoise, Ermont, Noisy-le-Grand, Marne-La-Vallée, Villiers-le-Bel, Antony, thành lập những hoạt động công giáo tiến hành khác biệt và phong phú, thắt chặt tương quan với Hội Liên Tu Sĩ VN tại Pháp, thắt chặt tương quan với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, thắt chặt tương quan với Giáo Hội Pháp, thắt chặt tương quan với Các Cộng Ðoàn CGVN trên thế giới.

Từ 1997 đến hôm nay, 2007, 10 năm đã trôi qua, hiện tại có bình thản cuốn vào quá khứ và mở ra tương lai theo cùng một nhịp độ, cùng một chất lượng và cùng một phẩm tính không? Giáo xứ, trên nền tảng đã được khai sinh và lớn lên trong 33 năm đầu (1947-1980), đã trưởng thành trong 17 năm tiếp theo (1980-1997) có sẽ vẫn tiếp một nhịp phát triển cho 10 năm tiếp (1997-2007) không? Trong bài 3 sắp tới, chúng ta sẽ tìm những yếu tố trả lời cho những câu hỏi này.

(còn tiếp)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Từ Bi
Sen K.
00:07 26/02/2008

MẸ TỪ BI



Ảnh của Sen K. – Philippines

Cầu xin Mẹ ban muôn ơn xuống

non nước đồng bào con sống an vui tự do ấm no

Tình Mẹ gieo rắc khắp trên Việt Nam yêu dấu

Muôn người dân Việt cùng yêu dấu nhau trong Mẹ..

(Trích ca khúc Mẹ Từ Bi của Minh Trân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền