Ngày 02-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sa mạc tâm hồn
Lm Vũđình Tường
15:56 02/03/2017
Sa mạc là hiện thực của khắc nghiệt. Ngày nóng phỏng da chân, đêm lạnh buốt cõi lòng. Sáng gió nóng xém da, chiều gió cõng cát bào da mặt. Bộ mặt sa mạc thay đổi từng phút giây. Mỗi cơn gió đều cuốn nhiều tấn cát và bão cát càng ghê hơn, trong phút chốc núi cát chỗ này biến thành thung lũng và gò lẫm chỗ kia thành núi cát vời vợi. Sinh vật và côn trùng sống trong sa mạc cũng nguy hiểm hơn, chất độc giết mồi nhanh hơn và nếu bị chúng cắn cuộc sống nguy hiểm hơn. Để trốn nắng chúng chui sâu vào trong cát, tránh được nóng nhưng phải chịu sức nặng ngàn cân đè trên người.

Sa mạc tâm hồn cũng chia sẻ chung bản sắc của samạc thiên nhiên. Nơi sa mạc tâm hồn, tình người bị thui chột bởi cơn nóng giận, tình cảm lạnh lẽo bởi lời chua ngoa, chì chiết. Tình người sáng sớm lấp sau mặt buồn rầu, ủ rũ. Trưa đến mặt đỏ, tai tía và chiều ngó bâng quơ người thân quen. Tình người không chết cứng thì cũng héo tàn. Sa mạc thiên nhiên cây hoang gai cuốn đầy thân; sa mạc tâm hồn cũng khá chông gai cho những ai cần phải liên hệ tới.
Đầu Mùa Chay Giáo Hội kêu gọi con nguời thay đổi cách sống, bắt đầu từ trong sâu thẳm của cõi lòng. Kiểm điểm lại lối sống, thay cũ đổi mới để trở nên tốt hơn, chân thành hơn và đáng mến hơn. Để có sức mạnh nội tâm thêm sức giúp thay đổi từ thẳm sâu cần làm ba việc chính. Thứ nhất là thực thi bác ái, thứ hai là siêng năng cầu nguyện và thứ ba là ăn chay hãm mình.

Bác ái không phải chỉ trong hành động mà còn bác ái từ lời nói đến cách nhìn. Giúp người nghèo khó là hành động bác ái. Nói lời yêu thương tha thứ là bác ái trong ngôn từ; cái nhìn trìu mến là bác ái trong cách nhìn.

Cầu nguyện là hình thức bác ái rất tốt. Cầu cho nguời thương và người không thương, cho kẻ buồn sầu, lo âu, đói ăn hoặc sợ hãi trong chiến tranh là bác ái khi cầu nguyện. Ngoài việc cầu bình an cho chính mình còn cầu cho mọi nguời nhận biết tình yêu Chúa và nếm hưởng tình Chúa bao la.
Thứ ba là chay tịnh bởi chay tịnh chính là hình thức hãm mình, làm chủ bản tính con nguời mình. Làm chủ lối suy nghĩ, cách nói và làm chủ con tim đều đến từ chay tịnh. Mục đích chính là làm cho tâm hồn được yên tịnh, cõi lòng thanh thản.

Bác ái, cầu nguyện và chay tinh đi chung với nhau, hỗ trợ nhau giúp biến đổi samạc tâm hồn thành vùng đất tốt, giúp con tim cằn cỗi thành con tim sống động, con tim nhạy cảm trước ưu tư khó khăn của người đồng loại.

Có một sự thật trong cuộc sống mà con người cần phải luôn lưu tâm. Sự thật đó nghe có vẻ trái nghịch nhưng thực tế cho biết: Quá chú trọng đến mình sẽ đánh mất chính mình. Không rõ mình là ai, muốn gì. Càng cho mình là trung tâm điểm thì nguời khác sẽ là phụ thuộc. Vì phụ thuộc nên người khác không quan trọng. Bởi coi thường người khác nên người khác đối xử bình thường. Vì bị coi thường nên họ không tích cực khi cộng tác, không cởi mở khi giao tiếp và e dè trong tình thân hữu. Tìm kiếm vinh quang cho mình thường bị lạc. Đi tìm có nghĩa là chưa thấy nên tiếp tục tìm kiếm. Nếu không cẩn trọng ma quỉ lợi dụng dẫn đường chúng muốn ta đi. Đường chúng hướng dẫn, thúc dục ta đi vào là con đường ham ăn, thích uống, nghiện ngập, thứ đến là mong tìm vinh quang và để có tiền chi tiêu cho ăn chơi thì phải tìm của cải, vật chất. Đức Kitô đáp lại cám dỗ của ma quỉ là con người quan trọng hơn cơm bánh, vinh quang trần thế sớm muộn gì cũng tàn lụi và làm chủ của cải chính là làm nô lệ cho của cải. Khi ma quỉ đưa ra lời hứa hẹn thưởng của cải, giầu sang cho ai thờ lậy chúng. Đây là lời hứa của quân ăn cướp bởi mọi vinh quang đất, trời đều do Chúa tạo dựng, ma quỉ không thể lấy của Chúa mà cho người khác, chúng lạm ngôn, lừa gạt khi hứa cho vinh quang trần thế vì thế chúng xứng danh là cha kẻ nói dối, quân lừa gạt. Hơn nữa ma quỷ không đủ khả năng ăn cướp của Chúa tạo dựng.
Mùa chay chúng ta đi tìm lại con người mình, nhận biết mình bé nhỏ, tầm thường, khiêm nhường sống chung với anh em.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Quỷ kế tinh ranh
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:24 02/03/2017
QUỶ KẾ TINH RANH

(Chúa Nhật I Mùa Chay A)

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha khiến chúng ta không thể xao lãng và xem thường chước cám dỗ, nhất là khi chước cám dỗ ấy lại do chính thần dữ chủ mưu gây ra. Bước vào Chúa Nhật thứ nhất của mùa Chay thánh, qua ba bài đọc Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta trực diện với chước cám dỗ để nhận rõ sự thâm độc của thần dữ để rồi bền bỉ chiến đấu đến cùng.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện tiên tổ loài người thất bại trước chước cám dỗ của Satan. Thế nhưng bài tin mừng cho thấy Satan đã phải chuốc lấy thất bại trước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai đã làm một so sánh mang tính đối nghịch giữa sự thất bại của tổ tiên loài người với sự chiến thắng của Chúa Kitô chỉ muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của công trình cứu độ của Đấng làm người.

Xin được mạo muội vạch trần một nét tinh ranh của Satan trong chước cám dỗ của nó và mong sao chúng ta thêm phần cảnh giác. Đã là quỷ thì kế mưu cám dỗ của nó hẳn là tinh ranh và xảo quyệt khó lường. Sự thường nếu lấy điều xấu mà cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Chính vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để cám dỗ loài người chúng ta. Với tổ tiên loài người thì nó dụ dỗ họ tìm biết sự thiện sự ác. Phân biệt điều lành điều dữ, là điều đáng làm và là việc phải làm cho đúng với phận người. Nỗ lực tìm biết điều lành, điều dữ quả thật là việc làm đáng khen, vì đó là việc rất tốt, việc chính đáng và phải đạo, đạo làm người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu thì ma quỷ cám dỗ Người tìm sự thành công trong công cuộc cứu độ nhân trần. Thực thi công trình cứu độ đạt kết quả là một điều tốt, đáng ước mong, vì đó là mục đích của việc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Có thể nói rằng quỷ kế của Satan là đề ra một việc tốt, một việc phải làm và đáng làm nhưng rồi lại khôn khéo dẫn dụ chúng ta thực hiện việc ấy bằng những phương thế sai lạc, nghĩa là trái với đuờng lối của Thiên Chúa. Luân lý Công Giáo khẳng định rõ nguyên tắc “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Để đạt một đích tốt phải phải sử dụng những phương tiện tốt hoặc mang tính trung dung nghĩa là tự chúng không xấu. Chủ trương của ngài Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, miễn là bắt được chuột” không phù hợp với luân lý Công Giáo.

Satan đâu có cám dỗ tổ tiên loài người làm điều xấu, nó chỉ xúi giục tiên tổ nỗ lực tìm biết sự lành sự dữ. Cái tinh quái của nó là ở chỗ xúi giục tiên tổ lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình làm tiêu chí để phân biệt điều tốt xấu, lành dữ. Chi tiết này được trình bày qua dữ kiện là sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì thấy mình trần truồng. Người ta thấy mình trần truồng là khi hướng cái nhìn vào bản thân mình.

Phải xác định rằng chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng và thẩm quyền khẳng định sản phẩm mình làm ra là tốt hay xấu vì chính họ đặt ra tiêu chuẩn kỷ thuật sản phẩm. Chúng ta nhận ra hiện thực này qua những lần thu hồi xe hơi lỗi kỷ thuật của nhiều nhà sản xuất như Honda, Toyota… Như thế, chỉ có mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mới có thẩm quyền xác định các sự vật hiện tượng, các hành vi nào là tốt hay xấu, lành hay dữ. Như thế con người chúng ta chỉ có thể tìm biết điều lành điều dữ cách chuẩn xác dựa vào thánh ý Thiên Chúa, dựa vào chương trình và ý định của Người.

Cái sai lầm của tổ tiên loài người là lấy bản thân mình, lấy lợi ích riêng của mình làm tiêu chí để thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Khi nghiêng chiều theo chước cám dỗ này thì sự lành dữ, tốt xấu không còn mang tính khách quan. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa và được mùa lúa thì úa mùa xoài…là những điều như hiển nhiên. Như thế một dữ kiện có thể tốt với người này và xấu với người kia. Nếu nhân loại cứ theo sự chủ quan để chọn lựa và hành xử thì sẽ sinh ra hỗn độn.

Satan khi cám dỗ Chúa Giêsu cũng thực hiện chiêu trò này. Nó không cám dỗ Người từ bỏ công cuộc cứu độ nhân loại nhưng nó lại cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng của Người chứ không theo thánh ý Cha trên trời. Cám dỗ thứ nhất: Sử dụng của cải vật chất, cơm áo gạo tiền thì dễ thành công lắm chứ, vì có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được mà. Cám dỗ thứ hai: Sử dụng quyền năng phi thường thì dễ lôi cuốn lòng người và nói gì người ta cũng dễ nghe theo. Cám dỗ thứ ba: Thoả hiệp với mãnh lực sự xấu. Chỉ là tận dụng nó hay là lợi dụng nó mà thôi, có gì đâu phải ầm ỉ. Chúng quả thật là tinh vi và xảo quyệt.

Để chiến thắng chước mưu ma quỷ thì Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong sự tỉnh thức và nỗ lực hết mình. Để có được động thái hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trên trời qua lời thân thưa: “…Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, thì Chúa Giêsu đã phải tuôn mồ hôi pha lẫn cả máu đào.

Xây cất nhà thờ là một điều tốt, thành lập một giáo xứ mới cũng có thể là điều tốt, thuyên chuyển nhân sự dễ dàng cũng có thể là điều tốt… tuy nhiên để đạt được những điều tốt ấy thì không thể thoả hiệp với sự dữ, không thể sử dụng những phương thế làm cớ cho những tâm hồn bé mọn vấp phạm… Quỷ kế của Satan luôn tinh quái và chước mưu cám dỗ của nó vẫn còn đó dưới nhiều hình thái tinh vi. Và chúng ta cần phải bền chí khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không hề cám dỗ bất cứ một ai, và Người cũng chẳng thể để mặc chúng ta sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Người. Chắc chắn qua lời cầu xin trên, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy cẩn trọng với chước mưu ma quỷ cám dỗ và hãy biết lánh xa dịp tội. Biết mình yếu thi đừng ra đầu gió. Chuyện đơn giản mà thực ra không mấy dễ dàng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Syria - Đức Tổng Giám mục của Giáo hội Maronite cho hay Mùa Chay này thật thê lương cho các giáo hội Syria vì nhiều linh mục đã phải di tản.
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
01:53 02/03/2017
Damascus (Theo Thông Tấn xã Fides ngày 1/3/2017) Các Kitô hữu tại Syria đang chuẩn bị để sống một "Mùa Chay Thê Lương", và giữa nhiều yếu tố đưa tới sự thê lương đau khổ và buồn đau cho các Giáo Hội của Syria là có nhiều linh mục phải di tản vì chiến tranh, khiến nhiều tín hữu không còn cơ hội tham dự các nghi lễ phụng vụ nữa. Đây là những điểm mà Đức Tổng Giám mục Samir Nassar, Thượng phụ của Giáo Hội Maronites ở Damascus đề cập tới trong lá thư mục vụ Mùa Chay của Ngài.

Đức Tổng giám mục Samir trong bức thư gửi cho Thông tấn xã Fides, cho hay "Các giáo xứ đã thấy rõ số lượng giáo dân xút giảm và hoạt động mục vụ trống trải đáng kể. Giáo Hội tại Damascus đã chứng kiến sự ra đi của một phần ba hàng giáo sĩ của họ (27 linh mục). Đây là lý do chính làm suy yếu vị trí và vai trò của các Kitô hữu đã bị coi là thiểu số mà nay lại bị suy giảm vì tình trạng thiếu linh mục. Đức Tổng Giám Mục Giáo phái Maronite cho hay Ngài cũng như Giáo Hội đành bó tay, chỉ còn biết trông chờ những sự giúp đỡ từ các cơ quan nhân đạo hỗ trợ cho các gia đình đang bị phân tán và đổ vỡ". Chính trong trạng thái bi thương và túng nghèo này – Đức Tổng Giám Mục Nassar cho hay - Mùa Chay 2017 thê lương này là thời gian sa mạc để mỗi Kitô đưa ra một mối cam kết đối với Giáo Hội, đề ra con đường dẫn tới Chúa Kitô phục sinh. Chúa Kitô là Ánh Sáng của thế gian đã mời gọi tất cả mọi người bất luận nam nữ: "Hãy đến với Ta, tất cả những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, và Ta sẽ cho các ngươi được an vui thảnh thơi". (GV) (Agenzia Fides, 1/3/2017)
 
Hai học giả phò phụ nữ tranh luận về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
02:04 02/03/2017
Theo tin của Catholic News Agency ngày 27 tháng Hai, năm 2017, Erika Bachiochi, một học giả tại Trung Tâm Đạo Đức Học và Chính Sách Công, và Tiến Sĩ Mary Anne Case, giáo sư luật tại Đại Học Chicago, đã có cuộc tranh luận sôi nổi tại Colorado về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Cả hai đã đối chọi nhau về nhiều khía cạnh từ linh mục phụ nữ tới bản sắc phái tính.

Thực vậy, đối với Erika Bachiochi, Giáo Hội Công Giáo có thể cung cấp một nền thần học phò phụ nữ chân chính, không những che chở và bảo vệ tư thế của nàng như một người phò phụ nữ mà còn thăng tiến khả năng của nàng trong việc trở nên mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của đời sống.

Không nên đặt để các đặc điểm hay vai trò lên giới tính

Tiến Sĩ Mary Anne Case nghĩ khác. Bà tin rằng dù phong trào Công Giáo phò phụ nữ có hiện hữu, nhưng Giáo Hội Công Giáo định chế, tức Vatican và Huấn Quyền, thì rõ ràng chống lại phụ nữ.

Hai học giả phụ nữ xuất thân từ hai hậu cảnh khác nhau trên gặp nhau trong cùng một diễn đàn về phong trào phò phụ nữ tại Cuộc Tranh Luận Lớn Lần Thứ Mười của Viện Aquinas về Tư Tưởng Công Giáo, tổ chức tại Boulder, Colorado, ngày 23 tháng Hai năm 2017. Hai người phụ nữ này trình bầy các luận điểm bất đồng về phong trào Công Giáo phò phụ nữ và đối chứng về câu hỏi: Giáo Hội có chống phụ nữ không?

Case trả lời có, còn Bachiochi thì trả lời không.

Trong nhận định mở đầu, Case cho hay: “trong đời tôi, cái Giáo Hội từng biến tôi thành người phò phụ nữ đã phản bội tôi. Theo tôi, Giáo Hội đã làm chúng ta thất vọng, và tôi nghĩ Giáo Hội tương đối mới làm chúng ta thất vọng gần đây thôi. Giáo Hội tiên khởi không hề chống phụ nữ. Các sách Tin Mừng không chống phụ nữ”.

Tuy nhiên, theo Case, khi dứt khoát nói “không” với việc phong linh mục cho phụ nữ hồi thập niên 1970, Giáo Hội đã đóng sập cửa đối với nửa dân số trong Giáo Hội.

“Vấn đề với Giáo Hội Công Giáo là: mọi thẩm quyền đều phát xuất từ việc phong chức. Huấn Quyền không cần chỉ bao gồm đàn ông và các vị Hồng Y”. Case nói thế và gợi ý rằng ít nhất cũng phải cho phép phụ nữ tham dự diễn trình đưa ra quyết định.

Tại cuộc tranh luận, nữ giáo sư luật này mang một huy hiệu trên áo, có từ thập niên 1970, nói rằng: “nếu qúy vị không chịu phong chức cho phụ nữ thì đừng rửa tội cho họ”.

Bà cho hay điều trên nói lên nhiệm cục cứu rỗi: nếu phụ nữ không thể làm linh mục vì họ không phải là hình ảnh của Chúa Kitô, thì làm sao họ được cứu rỗi, vì cứu rỗi chỉ có bao lâu ta là hình ảnh của Chúa Kitô?

Case cũng nhắc đến một số tư tưởng gia vĩ đại nhất của Giáo Hội Công Giáo như Thánh Tôma Aquinô, người từng nói rằng “phụ nữ nhất thiết ở trạng thái tùng phục” và đàn bà là “đàn ông sinh lầm” (misbegotten males). Bà cũng cho rằng bức bích họa “Tạo Dựng Con Người” ở Nhà Nguyện Sistine đúng là tạo dựng đàn ông, chứ không nói chi tới Evà.

Trong 50 năm vừa qua, Case tin rằng Giáo Hội đã bác bỏ ý niệm đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau khi du nhập ý niệm bổ túc, nhất là nhìn theo nền Thần Học Thân Xác của Thánh Giáo Hoàng Gioan Pholô II. Bà cho rằng đặt để các đặc điểm hay vai trò lên từng phái tính là bác bỏ sự bình đẳng của họ.

Bà nói: “Không nên có ý niệm gì liên quan tói vai trò của người nam hay người nữ”. Vì theo Thánh Augustinô, linh hồn vốn không có giới tính.

Người vĩ đại nhất không phải là giáo sĩ mà là vị thánh

Lên tiếng trả lời, Bachiochi nói rằng: “giáo huấn giáo hoàng bác bỏ quan điểm có tính duy yếu tính (essentialist) cho rằng đàn ông và đàn bà sở hữu các đặc điểm cố định hoàn toàn loại bỏ nhau”. Tính dục không lấy mất sự bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà, nó đơn thuần chỉ làm họ khác biệt mà thôi.

Dù Bachiochi có thời phò chọn lựa (phá thai) và là một nhà duy nữ xã hội chủ nghĩa, nhưng sau đó, bà đã thay đổi các niềm tin của mình để hướng về các giáo huấn và niềm tin của Đạo Công Giáo. Bà đồng ý với Case về một số bình diện; bà nói: “nên có nhiều tiếng nói của phụ nữ hơn trong Giáo Hội”.

Tuy nhiên, các dị biệt đáng kể nhất giữa hai học giả này là về các giáo sĩ và giáo huấn về tính dục. Trong khi Case cho rằng phụ nữ có thể và nên được thụ phong làm linh mục Công Giáo, thì Bachiochi cho rằng ý niệm thụ phong này nặc mùi chủ nghĩa duy giáo sĩ. Bà nói: “là một Kitô hữu đã chịu phép rửa, tôi đâu có kém thế giá gì hơn các linh mục. Linh mục có thế giá thay mặt cho Chúa Kitô trong các bí tích, còn tôi, tôi có thế giá thay mặt cho Người ở mọi lãnh vực khác trong đời tôi”.

Bà nói thêm: quá chú ý tới các linh mục phụ nữ cũng có thể lấy mất những việc làm tốt đẹp mà các phụ nữ chuyên nghiệp và tu trì đang thực hiện bên trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, Case nhấn mạnh rằng người đàn ông trong Giáo Hội Công Giáo “có mọi cơ hội…Làm thế nào Giáo Hội không chống lại phụ nữ… nếu phụ nữ không được tham gia việc đưa ra quyết định?”

Về điểm trên, Bachiochi đồng ý cần phải có nhiều tiếng nói phụ nữ hơn trong Giáo Hội, nhưng bà lưu ý: Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân vốn đang tìm các tiếng nói phụ nữ, và nhiều nhà lãnh đạo nổi danh khác như Mary Ann Glendon, người từng phục vụ tại nhiều hội đồng của Tòa Thánh, và Nữ Tu Prudence Allen, R.S.M., một triết gia được bổ nhiệm vào Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Bachiochi tiếp tục tìm nhiều dị biệt căn bản trong ý niệm hiện đại về phong trào phò phụ nữ (feminism), một ý niệm hiện coi phá thai và ngừa thai là nòng cốt của toàn bộ phong trào. Theo kinh nghiệm riêng của bà, ý niệm này cũng có thể là sự suy sụp đối với phụ nữ.

Thay vào đó, Bachiochi cho rằng phong trào Công Giáo phò phụ nữ quả đang hiện hữu, và được Giáo Hội che chở, nhờ giáo huấn của Giáo Hội về các quyền tính dục và sinh sản, nhất là việc Kế Hoạch Hóa Gia Đình Cách Tự Nhiên.

Bacchiochi nói: “tôi tin rằng Đạo Công Giáo, và nhất là giáo huấn gây tranh cãi về tính dục của Giáo Hội Công Giáo, có tính phò phụ nữ một cách sâu sắc. Chính các giáo huấn về đơn hôn, ly dị, kiểm soát sinh sản, phá thai và sát nhi đã lôi cuốn phụ nữ ở thế kỷ thứ nhất gia nhập đoàn chiên Kitô Giáo”.

Bà nói thêm: “là một kế hoạch phò phụ nữ, Kế Hoạch Hóa Gia Đình Cách Tự Nhiên thực hiện được điều việc phá thai bỏ sót… nó làm đàn ông phải lưu ý tới thực tại”; bà cho rằng nhờ kiểu kế hoạch hóa này, người đàn bà ít bị áp lực phải dùng thuốc viên ngừa thai hay IUD (dụng cụ đặt trong tử cung để ngừa thai) hơn, và người đàn ông bị áp lực nhiều hơn phải chịu trách nhiệm trong hành vi tính dục của họ.

Bà cũng lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo, cách riêng, đã luôn phò phụ nữ, thấy rõ trong việc nhìn nhận các phụ nữ làm thánh, làm các nhà lãnh đạo chính trị, và làm các học giả, trong việc tạo ra các hệ thống giáo dục và chăm sóc y tế xoay quanh lợi ích của phụ nữ.

Ngoài ra, Bachiochi còn nhận định thêm rằng: “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được Giáo Hội Công Giáo kính chào là con người nhân bản vĩ đại nhất trong lịch sử. Người vĩ đại nhất giữa chúng ta không phải là các giáo sĩ mà là các vị thánh”.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 1/3/2017
VietCatholic Network
19:04 02/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

2- ĐTC cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

3- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ Tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

4- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

5- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

6- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai

7- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

8- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố.

9- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

Trong buổi tiếp kiến chung với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 1/3/2017. ĐTC đã nói: Mùa Chay là thời gian ăn chay hãm mình để sống lại với Chúa Kitô, để canh tân căn tính được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “bên trên”, từ tình yêu của Thiên Chúa. Mùa chay là lộ trình của hy vọng, là dấu chỉ bí tích của sự hoán cải, đòi hỏi nhiều dấn thân. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, ĐTC đã chủ sự thánh lễ khai mạc mùa chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma.

Từ Vatican ĐTC đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4.30 chiều, ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma. Đi trong đoàn rước với ĐTC, có hàng chục Hồng Y, Giám mục, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhắc nhở về ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và mời gọi mọi người trở về cùng tâm hồn thương xót của Chúa Cha. Ngài nói:

”Mùa chay là một con đường dẫn chúng ta đến chiến thắng của lòng thương xót trên tất cả những gì không phù hợp với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Mùa chay là con đường đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ đau khổ đến vui mừng, từ sự chết đến sự sống. Cử chỉ xức tro qua đó chúng ta bắt đầu hành trình, nhắc nhớ chúng ta về thân phận nguyên thủy của mình: chúng ta đã được rút từ đất, chúng ta đã được hình thành bằng bụi đất… Chúa muốn tiếp tục ban cho chúng ta hơi thở sự sống, cứu chúng ta khỏi những thứ hơi thở khác là sự nghẹt thở vì sự ích kỷ của chúng ta, nghẹt thở vì những tham vọng nhỏ nhoi và âm thầm dửng dưng lãnh đạm; sự nghẹt thở bóp nghẹt tinh thần, thu hẹp chân trời và làm cho nhịp tim đập bị gây mê”.

ĐTC nói thêm rằng: “Mùa chay là mùa để từ khước. Từ khước sự nghẹt thở vì ô nhiễm do thái độ gây ra do sự dửng dưng, không nghĩ đến cuộc sống của người khác; nghẹt thở vì mỗi toan tính coi rẻ sự sống, nhất là sự sống của những người mang trong thân thể mình gánh nặng của bao nhiêu sự hời hợt… Mùa chay cũng là mùa tái hô hấp, là mùa mở rộng con tim cho hơi thở của Đấng Duy nhất có khả năng biến đổi chúng ta là bụi đất thành con người. Đây không phải là mùa xé áo trước sự ác quanh chúng ta, nhưng đúng hơn là mùa dành không gian trong cuộc sống chúng ta cho tất cả những điều thiện mà chúng ta có thể thực hiện được”.

Trong nghi thức sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko 93 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (SD 1-3-2017)

- Đức Thánh Cha cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

ĐTC cổ võ thái độ khiêm tốn và cùng thực thi các công tác từ bi thương xót như con đường tìm về hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng chiều Chúa Nhật 26-2-2017 khi viếng thăm giáo xứ “Các Thánh” (All Saints) của Anh giáo tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập giáo xứ này. Đây cũng là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ Anh giáo ở Roma.

Trong số những người hiện diện ở Thánh Đường, có ĐGM Anh giáo Robert Innes đặc trách vùng Âu Châu, Mục Sư Jonathan Boardman, chánh sở Giáo xứ Anh giáo “Các Thánh”, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Kasper nguyên chủ tịch Hội đồng này, và ĐHY George Pell người Úc, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Trong bài giảng sau đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Corinto, ĐTC nhắc đến những chia rẽ trong cộng đoàn này và những khó khăn thánh Phaolô gặp đối với cộng đoàn tại đây, và ngài nói rằng:

“Khi chúng ta là cộng đoàn các tín hữu Kitô đã chịu phép rửa, đứng trước những bất hòa, chúng ta hãy đặt mình trước tôn nhan thương xót của Chúa Kitô để vượt thắng những bất hòa ấy, chúng ta cũng hãy làm như thánh Phaolô đã làm tại một trong những cộng đoàn Kitô tiên khởi…”

ĐTC nói thêm rằng: “Một tình hiệp thông chân thực và vững chắc sẽ tăng trưởng và vững mạnh khi ta cùng nhau hoạt động cho những người túng thiếu. Qua chứng tá hòa hợp về đức bác ái, tôn nhan thương xót của Chúa Giêsu sẽ trở nên hữu hình trong thành thị của chúng ta”.

ĐTC cũng đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Anh giáo hãy khiêm tốn cảm tạ Chúa vì sau 2 thế kỷ nghi kỵ nhau, giờ đây đã có thể nhìn nhận rằng ơn thánh phong phú của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi những người khác. Ngài nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì giữa các tín hữu Kitô có sự gia tăng ước muốn xích lại gần nhau hơn, ước muốn này được biểu lộ qua việc cầu nguyện chung và cùng làm chứng tá Tin Mừng, nhất là qua những hình thức phục vụ khác nhau. Chúng ta hãy khích lệ nhau trở thành những môn đệ ngày càng trung thành với Chúa Giêsu, ngày càng tự do đối với những thành kiến quá khứ, và ngày càng mong muốn cầu nguyện cho nhau và với nhau”.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã chúc lành cho sáng kiến giáo xứ “Các Thánh” của Anh giáo kết nghĩa với Giáo Xứ Công Giáo cùng tên ở Roma. ĐTC cũng cho biết ngài cùng với các cộng sự viên đang nghiên cứu dự án viếng thăm nước Nam Sudan cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo, theo mời đề nghị của một số GM Công Giáo, Tin Lành Trưởng lão và Anh giáo. (SD 26-2-2017)

- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

Ngày 28 tháng Hai, năm 2013, rất đông các tín hữu đã tới Công Trường Nhà Thờ thánh Phêrô để tạm biệt Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân dịp ngài xuất hiện lần cuối cùng ở nơi công cộng trong tư cách Giáo Hoàng. Trong khoảnh khắc lịch sử này, ngài nói:

"Tôi chỉ đơn thuần là một kẻ hành hương bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình của mình trên trái đất này. Tuy nhiên, với trái tim của tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự suy tư của tôi, với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, tôi vẫn muốn làm việc cho lợi ích chung và lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Và tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi lời chúc tốt đẹp của anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và của thế giới. Tôi xin cảm ơn anh chị em…”

Những tình cảm mạnh mẽ vẫn còn in đậm trong tinh thần của các tín hữu hiện diện ở công trường trong ngày hôm ấy. Khó mà quên được tác động của chuyến bay lịch sử tới Castel Gandolfo bằng trực thăng với Đức Giáo Hoàng từ nhiệm trên đó, dưới đất là một tấm thảm gồm các cánh tay vẫy vẫy chào tạm biệt ngài.

Di sản cầu nguyện của Đức Bênêđíctô XVI sẽ được làm mới lại vào ngày 28 tháng 2 này, vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô kết thúc triều đại Giáo Hoàng của ngài. Hàng năm, vào ngày quan trọng này, nhiều tín hữu trên toàn thế giới vẫn tổ chức những buổi cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Bênêđíctô và theo các ý chỉ của ngài. Ngày kỷ niệm lần thứ tư này cũng sẽ là một thời điểm quan trọng, dẫn đến ngày sinh nhật lần thứ 90 của Đức Bênêđíctô (ngày 16 tháng 4 năm 2017).

- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

Đối diện với những chất vấn của ủy ban hoàng gia điều tra lạm dụng tình dục, các Giám Mục Úc đã đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội. Đức TGM Anthony Fisher của Sydney nói rằng ngài sẽ không báo cáo với cảnh sát nếu ai đó thú nhận lạm dụng một đứa trẻ, và sẽ ban phép xá giải cho người phạm tội sau khi ngài đã “sử dụng tất cả khả năng để thuyết phục hối nhân” báo cáo sự việc với cảnh sát.

Trong khi đó, Đức TGM Denis Hart của Melbourne nói rằng ngài sẽ giữ lại không ban phép xá giải nếu hối nhân không chịu báo cáo với cảnh sát. Khi được hỏi về việc ngài sẽ phản ứng ra sao nếu chính đứa trẻ bị lạm dụng tiết lộ sự việc trong tòa giải tội, Đức TGM Fisher nói rằng ấn tín bí tích giải tội là bất khả xâm phạm. Ngài sẽ không báo cảnh sát nhưng ngài “sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thuyết phục đứa trẻ” cùng đi với ngài ra gặp cảnh sát. Nhưng nếu đứa trẻ từ chối không đi thì ngài đành bất lực.

Đức TGM Philip Wilson của Adelaide không đồng ý về điểm này. Ngài nói rằng ấn tín bí tích giải tội chỉ được áp dụng cho những tội lỗi được thú nhận trong tòa giải tội, và “khi một đứa trẻ nói với chúng ta về điều đã xảy ra, đứa trẻ ấy không phải là đang xưng tội”, cho nên ấn tín bí tích giải tội không được áp dụng trong trường hợp này.

- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

Ngày 22 tháng Ba tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule. Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu. Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trình thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá.

Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu từ tháng 5, 2016. Phí tổn cho việc tu bổ, khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tông truyền hỗ trợ. Tổng thống Abbas của Palestine và vua Abdallah II của Giordani, trong quá khứ, cũng đã tuyên bố hỗ trợ việc trùng tu này.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo Hội nói trên đã cùng nhau quyết định các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka kêu gọi các tín hữu lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ trong việc sửa đổi luật cho phép phá thai dễ dàng hơn. Hiện tại Sri Lanka chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp đe dọa đến sự sống của người mẹ. Nhưng tin tức truyền thông cho biết chính phủ đang cân nhắc thay đổi những luật liên quan.

Hiru News ngày 1 tháng 2 tuyên bố rằng bộ trưởng bộ Tư pháp của Sri Lanka đang tìm cách hợp thức hóa phá thai trong các trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân, hay người mang thai dưới 16 tuổi hay khi bị suy thai nghiêm trọng.

Hội đồng Giám mục kêu goi người Công Giáo phản đối cố gắng này và kêu gọi các chính trị gia Công Giáo chặn đứng sự thay đổi luật này.

Đức Cha Valence Mendis của Chilaw, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục cho biết là toàn thể Hội đồng Giám mục đã ký một lá thư bày tỏ sự chống đối của các ngài. Các Giám mục xin cầu nguyện để đền tội cho nỗ lực phá thai, ngay cả trong trường hợp bị cưỡng hiếp hay loạn luân.

K.K. Karunathilake của phân khoa Khoa học xã hội của đại học Kelaniya cho biết là mỗi ngày có khoảng 600 vụ phá thai ở Sri Lanka. (Ucan 24/02/2017).

- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi lên cầm quyền tổng thống Trump đã ký nhiều sắc lệnh, trong đó có việc xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Tổng thống Trump cho biết việc xây bức tường biên giới sẽ bắt đầu trong vài tháng tới đây.

Không cần phải nói, ai cũng đã biết lập trường của Giáo Hội đối với người di cư tỵ nạn. Kể từ khi lên làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã luôn luôn kêu gọi “xây cầu” và “đạp đổ” mọi bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và các giai tầng xã hội. Từ vài năm qua, đứng truớc làn sóng người di cư tỵ nạn của các nước Trung Đông và Phi châu tìm vào Âu châu ngài khích lệ các chính quyền tiếp đón họ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập cuộc sống xã hội.

Hồi cuối tháng giêng vừa qua, ĐHY Peter Turkson, chủ tịch Bộ thăng tiến phát triển nhân bản toàn vẹn, cũng đã bầy tỏ âu lo của Toà Thánh trước quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ xây tường biên giới với Mêhicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tin SIR ĐHY bên lề một đại hội tại đại học giáo hoàng Laterano, ĐHY nói: “… Toà Thánh âu lo, vì nó không chỉ liên quan tới tình hình của Mehicô, mà còn là dấu hiệu cho thế giới nữa. Không phải chỉ có Hoa Kỳ muốn xây tường chống lại người di cư, nhưng điều này cũng xảy ra bên Âu châu. Tôi cầu mong các nước Âu châu không bắt chước ông Trump…”

Chính sách của tổng thống Trump chống lai người di cư cũng khiến cho các Giám Mục Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối. ĐC Joe Vasquez, Giám Mục Austin, chủ tịch Uỷ ban di dân của HĐGM Hoa Kỳ, đã khẳng định rằng, Giáo Hội Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để gần gũi và liên đới với các người di cư và gia đình họ. Ngài cho rằng bức tường biên giới này sẽ khiến cho người di cư, nhất là những nguời dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, sẽ bị các tay buôn người và buôn lậu khai thác bóc lột tệ hại hơn nữa.

ĐHY Daniel Di Nardo, TGM Galveston-Houston, chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng bầy tỏ sự âu lo sâu xa đối với việc này. Theo ĐHY, lệnh xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô sẽ chỉ khiến cho dân chúng hoảng loạn sợ hãi. Chúng không phải là kiểu tốt nhất giúp bảo đảm an ninh cho người Mỹ.

Đức Tân Hồng Y Joe Tobin, TGM Newark, cũng truyên bố: “Một quốc gia đầy sợ hãi thì nói tới việc xây các bức tường … chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi trước khi nó dẫn chúng ta vào trong bóng tối”.

- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Sáu 24 tháng Hai tuần trước, chính phủ Iraq cho biết sân bay quốc tế Mosul và doanh trại quân đội Ghazlani ở lân cận, và cả vùng ngoại ô phía tây nam Mosul đã được hoàn toàn giải phóng.

Ngay từ khi chiếm được sân bay Mosul, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã ra sức phá hoại để sân bay này không còn dùng được nữa. Tuy nhiên, theo nhận định sơ khởi của các chuyên viên, công binh Iraq có thể phục hồi nhanh chóng các đường băng cho các máy bay vận tải quân sự đáp xuống.

Các tin tức mới nhất cho biết, sau khi chiếm được phi trường Mosul vào hôm thứ Năm 23 tháng Hai, lực lượng Iraq đã chiếm được quận Al Maamun và đang tấn công khu vực trọng điểm của tây Mosul bao gồm tòa nhà chính phủ, ty cảnh sát thành phố, tòa án, bệnh viện quân đội, lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và viện bảo tàng Mosul.

Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng đây có thể là “giai đoạn hết sức nguy hiểm” đối với thường dân. 750,000 người được tin là còn kẹt trong vùng giao tranh.

- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam

Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Phan Thiết, đăng trên VietCatholic hôm nay ngày 1 tháng 3, 2017, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Chính toà Giáo phận Phan Thiết, đã được về cùng Chúa lúc 8g00, thứ Tư ngày 1 tháng 3 năm 2017 tại Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi, 32 năm Linh mục và 16 năm Giám mục.

Theo thông tin được đăng trên trang mạng diện toán của Giáo phận Phan Thiết, Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9g00 sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 3 năm 2017 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phan Thiết.

Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, cũng được trích từ trang mạng điện toán của Giáo phận Phan Thiết:

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống sinh ngày 02 tháng 7 năm 1952 tại Cao Mộc, Thái Bình.

Năm 1964: học tiểu chủng viện Long Xuyên.

Năm 1971: học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết.

Năm 1978: tu học tại Đại Chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.

26-10-1985: Thụ phong Linh mục, do Ðức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình.

1985-1992: Phụ tá giáo xứ Tân Mỹ, Hóc Môn, Sài Gòn.

1987-1992: Ðặc trách xứ Bạch Ðằng, Hóc Môn, Sài Gòn.

1992-1993: Phụ khảo tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

1993-1998: Du học tại Paris-Pháp, đậu văn bằng Thạc sĩ Thần học.

1998-2001: Giáo sư tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

14-07-2001: ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hiệu tòa Tortiboli.

17-08-2001: Lễ tấn phong tại Vương Cung Thánh Đường Ðức Bà Sàigòn. Chủ phong: Đức Tổng Giám mục GB. Phạm Minh Mẫn; phụ phong: ĐGM. GB. Bùi Tuần và ĐGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

25-07-2009: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết.
 
31000 nạn nhân đói ở Nam Sudan, khoảng nửa số phải chạy qua nước cựu thù Sudan.
Xavier Nguyễn Đông
21:03 02/03/2017

(AP và Agenzia Fides 02/03/2017) Theo tin từ Khartoum, Sudan, thì khoảng một nửa số người tị nạn cuả Nam Sudan đã đến Sudan trong hai tháng qua. Căn cử vào số liệu chính thức cuả văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn (UNHCR) thì đã có thêm 31.000 người Nam Sudan phải bỏ nhà ra đi vì nạn đói và xung đột.

Chimh phủ cuả Nam Sudan và Liên Hiệp Quốc, trong một công bố chính thức về nạn đói vào ngày 20 tháng 2, cho biết tình hình là đặc biệt nghiêm trọng tại một số khu vực của tiểu bang Unity.

Trong số những nạn nhân mới được phát hiện ra thì có hơn 80% chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong đó có khá nhiều trẻ mồ côi hoặc bị đi lạc. Chúng cần được cứu trợ một cách khẩn cấp.

Những người tị nạn đã được vận chuyển đến những nơi tạm cư để có thể nhận được thức ăn, nước uống và một chỗ trú chân. Họ được phân phát các dụng cụ nhà bếp để có thể tự nấu nướng.

Đại diện của đảng cầm quyền Umma cuả Sudan đã kêu gọi cư dân trong các vùng biên giới hãy tiếp nhận những người tị nạn. Nhiều tổ chức từ thiện cuả Sudan, được công nhận bởi nhà nước, đã kêu gọi lạc quyên đề cung cấp viện trợ cho Nam Sudan. Theo văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc UNHCR, thì kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, đã có gần 330.000 người Nam Sudan phải đi tị nạn vì chiến tranh và thiếu thốn thực phẩm
 
Mễ Du: Đức Giám Mục của giáo phận sở tại phủ nhận về các cuộc hiện ra
Chân Phương
23:46 02/03/2017
Mễ Du: Đức Giám Mục của giáo phận sở tại phủ nhận về các cuộc hiện ra

Hôm Thứ Hai 27.02.2017, Đức Giám Mục Ratko Peric của Giáo phận Mostar-Duvno (Herzegovina – Nam Tư cũ) đã ban hành một tuyên bố nói rằng Đức Trinh Nữ Maria chưa bao giờ hiện ra tại Mễ Du (Međugorje), và thêm rằng những cuộc hiện ra đang được ghi nhận chỉ là một hình thức thêm thắt (manipulation) của những thị nhân và linh mục đang làm việc ở đó.

"Khi xem xét tất cả mọi thứ mà tòa án của giáo phận cho đến nay đã điều nghiên được về bảy ngày đầu tiên của cuộc hiện ra ấy, chúng tôi có thể nói rằng: không hề có những cuộc hiện ra nào của Đức Mẹ tại Mễ Du", Đức Cha Peric, Giám Mục bản quyền của Mễ Du nói.

Ngài cũng lưu ý rằng Giáo Hội đã nhiều lần điều tra về hiện tượng này, bắt đầu từ đầu đầu thập niên 1980 và đã kết thúc qua một ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thành lập hồi năm 2010, cũng như các quan điểm mà Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra vào năm 2016. "Quan điểm của tòa án giáo phận rõ ràng và dứt khoát là: không hề có sự hiện ra đáng tin cậy nào liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria", Đức Giám Mục Peric cho biết.

Ngài phủ nhận độ tin cậy của các cuộc hiện ra trong những ngày đầu tiên có hiện tượng Mễ Du, ngài nói rằng nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các thị nhân liên quan khi nói về Đức Mẹ tại Mễ Du. "Có một lần, chúng tôi đã nghe cuốn băng thâu lại cuộc trò chuyện giữa các nhân viên mục vụ của giáo xứ Mễ Du với các chàng trai và cô gái tuyên bố rằng họ đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria ở tuần đầu tiên, chúng tôi có thể đoan chắc rằng các cuộc hiện ra được loan báo này là không đáng tin cậy. Và nếu Đức Mẹ, Mẹ Chúa Giêsu, đã không hiện ra thì những thị kiến, những thông điệp và những bí mật có liên quan cũng không hề có", Đức Giám Mục cho biết.

Đức Giám Mục Peric cũng nói về "hiện tượng mơ hồ" liên quan đến cuộc hiện ra, ngài tuyên bố rằng "người phụ nữ hiện ra" tại Mễ Du có cách cư xử khá khác so với Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa trong những cuộc hiện ra đã được Giáo Hội công nhận về tính xác thực. "Bà ấy ban đầu thường không nói gì, bà ấy có một nụ cười kỳ lạ, bà ấy biến mất sau khi có những câu hỏi chủ đích, rồi sau đó lại trở lại; bà ấy làm theo lời các thị nhân và linh mục để đi từ ngọn đồi xuống phía nhà thờ, mặc dù miễn cưỡng. Bà ấy không chắc chắn là sẽ hiện ra bao nhiêu lần, còn cho phép một số ‘thị nhân’ đứng lên tấm khăn choàng của mình ngay trên mặt đất, còn cho phép người khác chạm vào quần áo và cơ thể của mình. Điều này thực sự không phải là Đức Mẹ trong Tin Mừng", Đức Giám Mục Ratko Peric cho biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bổ nhiệm một đặc phái viên của ngài đến Mễ Du là Đức Giám Mục Henryk Hoser từ Ba Lan, người sẽ điều nghiên các vấn đề về mục vụ. Đức Cha Hoser sẽ thăm Mễ Du nhưng ngài sẽ không khởi động một cuộc điều tra mới về những cuộc hiện ra được cho là của Đức Mẹ, vốn đã bắt đầu từ năm 1981 và còn tiếp tục cho đến hiện nay. Ngài dự kiến sẽ thu thập thông tin về tình hình và nhu cầu mục vụ của các tín hữu đến Mễ Du từ khắp nơi trên thế giới. (Croatia News)

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ làm phép viên đá góc nhà thờ Xóm Cát, xứ Lam Điền Tổng Giáo Phận Hà Nội
Giáo hạt Thanh Oai
23:20 02/03/2017
Thánh lễ làm phép viên đá góc nhà thờ Xóm Cát, xứ Lam Điền Tổng Giáo Phận Hà Nội

Vào lúc 9 giờ 30 ngày 28 tháng 02 năm 2017, tại Xóm Cát xứ Lam Điền Tổng Giáo phận Hà Nội, do cha Antôn Nguyễn Văn Độ quản nhiệm. Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội đã về dâng Thánh lễ và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng. Đồng tế với ĐHY có các quí cha trong giáo phận. Tham dự Thánh lễ đặc biệt này còn có các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và cộng đoàn dân Chúa các xứ bạn.

Xem Hình

Nhà thờ Xóm Cát ra đời vì những lý do đặc biệt. Giáo xứ Lam Điền, sau lưng là Quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 20 km, một thời tòng giáo toàn thể. Một thôn mà có 2 nhà thờ, 2 chùa, một đình, diện đối diện, trông rất từ bi và bác ái. Từ năm 1946, do thời cuộc hỗn loạn, lòng người thay đổi, cha xứ ra đi, giáo dân chẳng những mai một mà còn bỏ đạo đến ¾, từ chánh trương, trùm quản trở xuống. Nhà thờ theo dòng thời gian xuống cấp, nhà xứ và trường học không còn, ruộng vườn bị lấn chiếm, không còn nhà xứ, trường học, sống đạo rất khó khăn. Xóm Cát, tuy thuộc họ sở tại xứ Lam Điền, nhưng lại ở bên kia sông đáy, đối diện với 1 chùa, rất trung thành với Đạo Chúa, giáo dân quyết tâm dâng 6 sào Bắc bộ đất để xây dựng nhà thờ. Nhờ thờ ấy cho tới bây giờ cũng bị mục nát. Niềm mong ước có được ngôi nhà thờ mới thay thế nhà thờ dột nát đã được thai nghén từ lâu. Niềm mong ước đã bừng sáng lên khi Đức Hồng Y quyết định cho phép chúng con xây lại ngôi nhà thờ mới.

Mở đầu Thánh lễ, ĐHY đã nói lên ý nghĩa đặc biệt này, viên đá góc, cũng là viên đá yêu thương, khởi đầu một tương lai tốt đẹp. Trong bài giảng, ĐHY nhấn mạnh đến bổn phận cũng như trách nhiệm của từng người trong việc truyền giáo và làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm để mọi người nhận biết Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, đến phần Nghi thức làm phép và đặt viên đá góc. Ngài đọc lời nguyện, rảy nước thánh, xông hương, và trét vữa hồ trên phiến đá. Cuối cùng, ĐHY đọc lời nguyện kết thúc Nghi thức đặt viên, phép lành trọng thể và ban lời huấn từ cho dân chúng.

BTT. Giáo hạt Thanh Oai
 
Thánh lễ Tro khai mạc Mùa Chay tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn
Trần Ngọc Huấn
23:30 02/03/2017
Thánh lễ Tro khai mạc Mùa Chay tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn

Cùng với toàn thể Giáo Hội, Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng long trọng khai mạc Mùa Chay Thánh năm 2017 với Thánh lễ Tro được cử hành tại Nhà thờ Chính Tòa lúc 19 giờ ngày 01 tháng 3 do Đức Giám Mục Giuse Châu Ngọc Tri chủ sự.

Trước Thánh lễ, cộng đoàn cùng suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu qua các bài nguyện ngắm.

Khoảng 19 giờ, thánh lễ được bắt đầu. Đồng tế với Đức Cha Giuse cho Cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Thảo, cha Phó Antôn và quý Cha trong Tòa Giám mục. Đông đảo mọi thành phần Dân Chúa, cả những anh chị em lâu ngày không tới nhà thờ, cũng hiệp dâng Thánh lễ này.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ sự ngỏ lời với Cộng đoàn hiện diện: Sứ điệp mùa Chay của Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta khi bước vào Mùa Chay Thánh – mùa của sự hoán cải, của sự trở lại, của sự hiệp thông, của tình bác ái chia sẻ - để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô tử nạn và Phục sinh vì chúng ta. Chúng ta cùng sốt sắng thực thi lời Chúa, hăng hái thực thi sứ điệp của Đức Thánh Cha để bước vào Mùa Chay một cách thánh thiện và đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.

Trong tình hiệp thông, ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống của Giáo phận Phan Thiết mới qua đời vào 8 giờ sáng hôm nay.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn tinh thần của Mùa Chay mà Chúa và Giáo Hội mời gọi, đó là hãy làm hòa với Thiên Chúa, làm hòa với tha nhân và kết nối lại mối dây liên kết thiêng liêng với Chúa và liên đới với tha nhân.

Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắc chúng ta Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa. Chúng ta đang hiện diện nơi đây, chắc chắn mỗi người đều có những lỗi lầm, dù lớn dù nhỏ, xúc phạm đến Thiên Chúa, đến tha nhân. Đó là khi chúng ta không tuân giữ lề luật của Chúa, chúng ta bất xứng với tình yêu của Thiên Chúa là Đấng Cứu độ chúng ta. Làm hòa với Chúa không dễ bởi cần nối lại mối tương quan như trước. Chúng ta phải có sự chân thành và tình yêu mến để đi vào mối tương quan sâu xa với Chúa. Tình yêu Chúa sẽ cho ta sức mạnh để từ bỏ tội lỗi, để tiếp tục sống trong ơn nghĩa Chúa.

Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, cả những điều thầm kín sâu ẩn nhất trong lòng chúng ta. Ngài luôn quan phòng và thấu hiểu chúng ta. Dù chúng ta tội lỗi, nhưng chúng ta biết ăn năn hối cải, thực lòng yêu mến Chúa, chúng ta sẽ được Chúa thứ tha. Khi ta yêu mến Chúa chân thành, chúng ta sẽ cảm nếm được mạnh mẽ tình Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta luôn được mời gọi kết nối lại mối dây thân tình với Chúa.

Năm nay, sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha nhấn mạnh cho chúng ta rằng: Đức Kitô- Ngôi Lời là món quà và tha nhân là quà tặng cho chúng ta. Yêu mến Chúa, ta phải yêu mến anh em. Làm hòa với Chúa, nối lại tương quan với Chúa, ta cũng phải làm hòa với anh em và nối lại tương quan với anh em. Mùa Chay cũng là dịp chúng ta thực thi mạnh mẽ hơn tinh thần bác ái với tha nhân bởi mỗi người đều là quà tặng của Chúa ban cho chúng ta. Khi cảm nghiệm lòng Chúa yêu thương, chúng ta cũng sẽ biết sống tình thương yêu với tha nhân.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn về một bài thơ của một nữ thi sĩ Công Giáo mang đầy tâm tình mùa Chay. Khi ăn Chay, con sẽ chay những lời nói dối, những lời ganh ghét, những cơn nóng giận, hận thù, trách oán, tính toán hơn thua, cả lời nói hơn thua, những lời hiểm khích, đả kích lẫn nhau, những lời phỉ báng, kết án anh em… Nhưng thay vào đó, con sẽ sống trong sự ăn năn thống thối để xứng đáng với ơn Chúa, cho môi miệng mãi thốt ra những lời yêu thương chân thành, những cử chỉ bác ái, quan tâm, chia sẻ, sống vui tươi chan hòa với mọi người, quảng đại giúp đỡ mọi người, nói lời thân ái – thiết tha – dịu hiền.

Sau bài giảng, Đức Cha làm phép Tro. Tro này được đốt từ những lá đã làm phép và rước trong Chúa Nhật Lễ Lá năm phụng vụ 2016. Tiếp đó, ngài lãnh tro xức trên đầu và cộng đoàn tiến lên lãnh tro, cùng với lời nhắc “Hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng”, người hãy nhớ mình là bụi tro và một mai sẽ trở về tro bụi.

Thánh lễ tiếp diễn với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc với Phép lành của Đức Cha chủ sự lúc 20 giờ 15.

BTT.GPLSCB
 
Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Mùa Chay 2017
Toma Trương Văn Ân
23:57 02/03/2017
Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Mùa Chay 2017

Sáng ngày Thứ Tư Lễ Tro – 1 / 3 / 2017, Cộng đoàn Giáo phận hành hương về Đồi Sọ, thuộc Giáo xứ An Ngãi – Giáo phận Đà Nẵng, tham dự nghi thức Ngắm Đàng Thánh giá trọng thể, và Thánh Lễ Tro khai mạc Mùa Chay, trên đường dẫn vào lễ đài, có rất nhiều tấm Pano về chủ đề về đường hướng mục vụ năm 2017 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha.

Xem Hình

Mở đầu nghi thức lúc 8 giờ 30, Cha Giuse Nguyễn Thanh Sơn – Quản xứ Hòa Khánh đã Chủ sự ngắm Đàng Thánh Giá, với chủ đề: Đàng Thánh Giá và Bí Tích Hôn Nhân. Trong đường hướng mục vụ năm 2017 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.

Cộng đoàn Tín hữu tràn kín cả một sườn đồi, cùng nhau suy gẫm, ngắm nguyện những khó khăn đau đớn, cực hình Chúa đã chịu và cái chết nhục nhã đau thương, vì yêu thương mỗi người chúng ta.

Trong mỗi chặng đó, tất cả lời cầu nguyện và suy niệm: Đàng Thánh Giá trong tương giao với Bí tích Hôn phối, để cầu nguyện cho những người đang sống trong Bậc vợ chồng và các bạn trẻ, con em. Để các bạn trẻ ý thức và cẩn trọng trong việc chọn lựa Bạn đời cho mình, biết đồng lao cộng khổ với nhau “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời” (Lời hứa trong Bí tích Hôn phối).

Lời cầu nguyện với Thiên Chúa và Mẹ maria, và suy niệm, còn qui hướng, phân tích, chỉ ra những khó khăn, hy sinh... những Thánh giá của đời sống hôn nhân, và cầu cho vợ chồng biết từ bỏ tính ích kỷ, vụ lợi. Không thể cứ sống cho riêng mình, cho việc thỏa mãn những tính ích kỷ cá nhân, nhưng cùng nhau nhìn về một hướng, biết từ bỏ những gì cản trở con đường tình yêu….. trọn đời chung thủy với nhau và nâng đỡ nhau.

Suy niệm còn dẫn dắt tâm tình mỗi người thấm sâu hơn giá trị Ki-tô giáo: Hôn ước là niềm vui và hạnh phúc, nhưng còn là giao ước của trách nhiệm lúc “ gian nan cũng như khi bệnh hoạn”(trích tập Đàng Thánh Giá Mùa Chay 2017 Gp Đà Nẵng).

Có một thưc trạng, trong đời sống hôn nhân, có nhiều lần vấp ngã, nhưng xin Chúa trợ giúp, để biết mau mắn chỗi dậy, làm lại từ đầu luôn là điều cần thiết cho hạnh phúc gia đình.

Trong tiết trời se lạnh, hơn 90 phút nguyện ngắm suy niệm, tại đỉnh đồi nơi đặt đài Đức Mẹ, Chặng cuối của Đàng Thánh Giá, nhiều người lớn tuổi cũng cố gắng đi đến được chân tượng Mẹ, đến nơi, Tín hữu hành hương cũng thấm mệt, nhưng tràn đầy niềm vui, ước muốn được kết hiệp mọi Thánh giá của đời sống hôn nhân gia đình với Thánh Giá Chúa, đề niềm an vui hạnh phúc luôn tràn đầy trong gia đình cho đến trọn đời.

Tiếp đó Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã Chủ sự Thánh Lễ Tro tại Lễ đài ở chân Đồi Sọ.

Ngay trước Thánh lễ, Cha Phao lô Đoàn Quang Dân- Quản xứ An Ngãi đã chào mừng Đức Cha, đây là chặng cuối mục vụ của Đức Cha, sau 10 tháng 18 ngày Đức Cha nhận trách vụ Giáo phận Đà Nẵng. Cha cũng chào mừng Cha Tổng, Quý Cha, Quý Tu sĩ và cộng đoàn.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha chào bình an cộng đoàn. Ngài thỏa nguyện được đi nguyện gẫm Đàng Thánh Giá tại Đồi Sọ An Ngãi, điều Ngài ao ước. Đức Cha cảm nhận được Đức tin và lòng đạo đức bình dân của người Tín hữu, sự hiệp nhất, sự hy sinh, nguyện cầu, chay tịnh…. làm Ngài cảm động.

Trong bài giảng, Đức Cha mời gọi mỗi người sám hối, cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái. Sám hối là từ bỏ tội lỗi, điều xấu, …. Trở về với lòng thương xót Chúa. Đức Cha trích sách Tiên tri Giô-en “ hãy xé lòng, đừng xé áo”, để huấn giáo Cộng đoàn phụng vụ. Xé lòng là đặt giá trị con người làm điều quan trọng, nhận ra tiếng Chúa và nhận ra Chúa trong anh chị em xung quanh, chứ không phải bên ngoài. Nhận ra tình yêu thương của Chúa để được tha thứ và để được yêu thương;

Cầu nguyện còn mang giá trị là đối thoại, là cảm nhận sự hiện diện của Chúa, là Đức Tin, là tình yêu …..vào Thiên Chúa. Đặc biệt năm nay cầu nguyện cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình. Nhiều khi hai người yêu nhau không nói lời nào, nhưng bằng ánh mắt, bằng cử chỉ và tâm tình…. Họ cũng cảm nhận được yêu thương hạnh phúc. Mỗi người chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là tin yêu, muốn đối thoại trong thinh lặng, thinh lặng để hiểu nhau, điều muốn nói Chúa đã biết, và lắng nghe tiếng Chúa. Ngài nhấn mạnh “ cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc” và như Thánh nữ Teresa Calcuta “Hoa quả của THINH LẶNG là Cầu Nguyện, Hoa quả của CẦU NGUYỆN là Ðức Tin, Hoa quả của ÐỨC TIN là Tình Yêu, Hoa quả của TÌNH YÊU là Phục Vụ, Hoa quả của PHỤC VỤ là Bình An.”;

Vấn đề chay tịnh, Đức Cha xoáy ý chính: không phải chay về thể lý, mà là xé lòng, giá trị đạo đức mới là căn bản. Xé sự kiêu ngạo hận thù, những cám dỗ quyền lực, áp đặt và vật chất….sự khinh mạn anh em…xé những điều làm chúng ta mất tình yêu thương, trái những giá trị Ki-tô giáo.

Và cuối bài giảng, Đức Cha huấn từ: việc bác ái là sẻ chia, bớt đi những gì là cần thiết của bản thân để cùng đồng hành với anh em, sẻ chia trong khiêm hạ trong thinh lặng không phô trương ….tất cả mọi người đều có thể sẻ chia “ không ai giàu đến mức không nhận lãnh và cũng không ai nghèo đến mức không có để sẻ chia” sẻ chia những giá trị đạo đức trong hành trình Ki-tô hữu hằng ngày. ( Đức Cha Giuse)

Ngay sau bài giảng, Đức Cha đã làm phép tro, các Cha đồng tế đã xức tro trên mỗi người hiện diện, như lời nhắc nhở mỗi người ý thức thân mình là tro bụi, biết sám hối quay về với Thiên Chúa, sống trong hạnh phúc yêu thương của Thiên Chúa và anh em.

Cuối Thánh lễ, Cha Phao lô – Quản xứ An Ngãi, cám ơn Đức Cha, quý Cha Đồng tế, quý Tu sĩ và cộng đoàn, Ngài cũng không quên cám ơn Chính Quyền và tất cả những người đã góp công sức cho ngày hành hương khai mạc Mùa Chay 2017 được tốt đẹp, và hẹn gặp trong dịp khai mạc Mùa chay năm tới.

Đáp từ, Đức Cha đã Đại diện cộng đoàn cám ơn Cha quản xứ và cộng đoàn Giáo xứ An Ngãi. Đức Cha bày tỏ cảm xúc đặc biệt khi đi hành hương tại đây, để lại những lắng đọng trong tâm hồn, mặc dù Ngài đã đi Đàng Thánh Giá nhiều nơi nổi tiềng như ở Giê-ru-sa-lem, hí trường Cô-lô-xê, Fatima, Lộ Đức …

Trước lúc kết thúc ngày hành hương, Đức Cha đã cầu chúc mọi giá trị tốt đẹp nhất của Ki-tô Giáo, tâm tình đạo đức thân thương, đến với nhau trong yêu thương… như Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô “Lời Chúa là Hồng ân và Tha nhân là Hồng ân”

Toma Trương Văn Ân

Được biết:

+ Đồi Sọ do Cha Phê-rô Nguyễn Đức Mân chọn đặt 14 chặng Đàng Thánh Giá năm 1964.

+ Năm 2000, Cha Gioakim Trần Kim Thượng xây lễ đài để phục vụ cho Thánh Lễ khai mạc Mùa Chay Năm Thánh 2000.

+ Lễ đài được trùng tu từ ngày 10/10/2013, sau 4 tháng thi công, lễ đài mới đã hoàn thành khang trang đẹp, các khu vực bố trí hợp lý đúng công năng.

+ Bên trên lễ đài, tượng Chúa Giê-su đang cầu nguyện màu trắng, cao hơn 6m, phần chân tượng rỗng bên trong có thể làm phòng áo cho các Chủ sự Phụng vụ.

+ Ngay sát chân tượng, một cây Thánh Giá lớn, Cách lễ đài về bên phải chừng 40m, một bia đá khắc 10 điều răn của Chúa. Ngay giữa sân bên phải, một bia đá cao, khắc câu Lời Chúa “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” ( Lc21.31)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đảng nói cha ma nào nghe
Phạm Trần
23:48 02/03/2017
ĐẢNG NÓI CHẢ MA NÀO NGHE

“Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.”

Đó là xác nhận của Tổng Bí thư đảng Cộng ản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày 24/02/2017 tại Hà Nội, do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) phổ biến.

Nhưng tại sao cho đến nay, sau 5 tháng thi hành Nghị quyết Trung ương 4/XII (30/10/2016) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và 10 năm áp dụng Quy định số 115- QĐ/TW, ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị về “19 điều đảng viên không được làm” mà đảng viên vẫn coi “kỷ luật đảng” là thứ nói chả ai nghe và làm theo ?

Thậm chí, theo lời ông Trọng : “Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, toà án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.”

Vì vậy ông kết luận:”Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống…”

Than phiền, chê trách về công tác xây dựng đảng của ông Trọng không mới mà chỉ chứng minh đảng không còn kiểm soát được đảng viên viên nữa. Hay vì thượng đã bất chính thì hạ phải tắc lọan ? Nhân nào thì sinh ra qủa nấy là lẽ tuần hòan của tạo hoá không ai cưỡng được.

Nhưng những người cầm đầu đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) từ xưa cho đến bây giờ cứ tưởng học tập lời “Bác nói” càng nhiều thì cán bộ, đảng viên sẽ biết sợ để tu thân tích đức mà cống hiến hết mình cho dân cho nước.

Khổ nỗi, ông Hồ nói nhiều điều dạy đảng viên nghe rất nổ như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hay “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nhưng chính các cháu ngoan của ông lại tham nhũng ngập đầu và tranh nhau làm chủ nhân dân để bóc lột mồ hôi nước mắt. Thậm chí có kẻ còn cam tâm cúi đầu trước ngọai bang để được yên thân mà miệng cứ oang oang kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.

Vì vậy không lạ khi thấy những khẩu hiệu như “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh” ; “đảng ta là đạo đức, là văn minh”; “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm’’; “trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh’’ đã được xào qua xáo lại không biết bao nhiêu triệu lần mà tham nhũng thì lúc nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng” và “tinh vi” . Tình trạng kèn cựa trong đảng, lợi ích nhóm, nịnh trên nạt dưới, vây bè kết cánh cũng đã được nói hết trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa đảng XII.

NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT

Vậy tại sao 3 công tác “kiểm tra”, “giám sát” và “kỷ luật” trong đảng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt ?

Theo quy định thì : “ Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.”

Và nục đích của Quy định 115- QĐ/TW ngày 07/12/2007 là để “tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.”

Cả hai tài liệu cùng nhằm mục tiêu bảo vệ chặt chẽ kỷ luật đảng đối với ngót 4 triệu đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo và những người đứng đầu.

Về tư tưởng, đảng viên phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh; phải tuyệt đối trung thành với đảng; phải thường xuyên “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để rèn luyện bản thân.

Nhưng Nghị quyết Trung ương 4/XII, ngày 30/10/2016 lại thừa nhận:” Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao.”

Tại sao lại như thế nhỉ ?

Có thắc mắc vì công tác này, trên nguyên tắc đã bắt đầu từ sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời năm 1969 với “khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.” (Theo tài liệu Ban Tuyến gíao 4/10/2016)

Chả ai biết chuyện học tập này có đi đến đâu không. Chỉ biết mãi đến ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX thời Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư đảng thì công tác “học Bác” mới chính thức trở thành phong trào với Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. (Tài liệu Ban Tuyên giáo, 4/10/2016)

Tài liệu tuyên truyền này viết tiếp :”Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Sau 2 nhiệm kỳ 10 năm, ông Mạnh về vườn “vui thú điền viên” mà công tác học Bác vẫn ngổn ngang trăm bề khiến cho người kế nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng phai lăn lưng ra yêu cầu tại khoá đảng XI “đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân.”

Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhưng sau 5 năm thi hành Bộ Chính trị do ông Trọng cầm đầu lại thấy :”Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.”

Sau 5 năm xôi hỏng bỏng không, ông Tổng Trọng lại tung chưởng tại Đại hội XII để “tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Tài liệu của Ban Tuyên giáo viết:”Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW. Trong đó, nhấn mạnh, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.”

Như vậy, nếu tính sơ từ thời Nông Đức Mạnh (10 năm) đến gần nửa nhiệm kỳ khóa XII của ông Nguyễn Phú Trọng (7 năm), đảng CSVN đã mất toi 17 năm học Bác mà vẫn chưa làm nên cơm cháo gì. Đấy là không ai đếm, đong được những tháng năm, thời giờ và tiền bạc của dân đã bị tiêu phí cho chuyện “học” ít mà “hành” nhiều này.

Vậy mà Tuyên giáo vẫn còn khoe:”Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức.

Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.” (Tuyên giáo, 4/10/2016)

Thật tội nghiệp cho cái miệng Tuyên giáo cứ nói như con vẹt. Chả nhẽ họ không biết rằng cán bộ, đảng viên CSVN đã suy thoái nghiệm trọng. Nền móng đảng cũng đang rữa ra từng mảng khi Nghị quyết 4/XII, 30-10-2016 thừa nhận hiện nay, đang có “số không nhỏ cán bộ, đảng viên” :

(1) “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.

(2) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

(3) Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.

(4) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.”

Trong khi ấy thì trong Quy định số 115- QĐ/TW ngày 07/12/2007 về 19 điều cấm đảng viên không được làm, có ghi :

1- Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm.

2- Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tản phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Như vậy thì tình hình hiện nay trong nội bộ đảng CSVN có rối như canh hẹ không, hay khi cá Đối đã bằng đầu thì đảng có hét lên cũng chả ai thèm nghe ? -/-

Phạm Trần

(03/017)
 
Văn Hóa
Rio de Janeiro vào mùa Lễ hội Carnival
John
22:23 02/03/2017


Rio de Janeiro là một thành phố ven biển rất rộng lớn của Brazil, nổi tiếng với những bãi biển tuyệt vời như Copacabana và Ipanema, với tượng Chúa Cứu Thế cao 38m trên đỉnh núi Corcovado và đường giây cáp treo lên đỉnh núi đá granite Sugarloaf nhìn toàn diện thành phố. Thành phố này cũng được biết đến với khu phố ổ chuột favelas sắc màu rực rỡ, lễ hội Carnaval sôi động với các xe hoa diễu hành, trang phục rực rỡ và các vũ công samba, được coi là lớn nhất thế giới.

Hình ảnh tham quan Rio de Janeiro

Rio de Janeiro có nghĩa là “Sông của tháng Giêng”, hoặc đơn giản là Rio, là đô thị thứ hai đông dân nhất ở Brazil và thứ sáu đông dân ở châu Mỹ. Rio de Janeiro là thủ phủ của bang Rio de Janeiro, tiểu bang thứ ba đông dân của Brazil. Một phần của thành phố đã được công nhận là di sản thế giới, có tên là "Rio de Janeiro: Carioca cảnh đẹp giữa núi và biển". Được UNESCO công nhận vào ngày 1/7/2012 như là một cảnh quan văn hóa.

Thành phố có biệt danh là: Cidade Maravilhosa (thành kỳ diệu) Princesa Maravilhosa (Công Chúa diệu vợi) Cidade dos Brasileiros (Thành của người Brazil). Các cư dân của thành phố được gọi là Cariocas. Bài hát chính thức của Rio là "Cidade Maravilhosa", bởi nhà soạn nhạc André Filho.

Rio de Janeiro là một trong những thành phố được nhiều người đến thăm viếng nhất ở Nam bán cầu và được biết đến với môi trường tự nhiên đặc biệt như: lễ hội Carnival, nhảy samba, nhạc bossa nova, và những bãi biển thơ mộng như Barra da Tijuca, Copacabana, Ipanema và Leblon.

Ngoài những bãi biển, một số trong những điểm mốc nổi tiếng nhất bao gồm tượng khổng lồ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế xây trên đỉnh núi Corcovado, được xếp hạng là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới; hay như xe cáp đưa lên đỉnh Núi Sugarloaf nhìn bao quất cảnh thành phố; thêm vào đó còn có hý trường Sambódromo thường dùng làm khán đài diễu hành trong lễ hội Carnival; và Sân vận động Maracana là một trong những sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới.

Rio de Janeiro là nơi vừa mới tổ chức Thế vận hội mùa Hè năm 2016 và Thế vận mùa hè cho người tạn tật Paralympics cũng năm 2016.

Trước đó Thành phố cũng đã tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2013, là Đại hội Giới trẻ thứ hai tại Nam Mỹ và đầu tiên ở Brazil.

Rio de Janeiro được thành lập ngày 1/3/1565 và trên diện tích rộng 1.221 cây số vuông (hay 486 đặm vuông). Dân số hiện nay có chừng 6.5 triệu người. Nếu kể cả vùng đô thị thì là 13 triệu người. Vào dịp mùa lễ hội Carnival có thêm chừng 1 triệu du khách tới thăm viếng. Trong mấy ngày thăm Rio chúng tôi đếm được chừng 15 chiếc tầu du lịch… thế nên đi đâu cũng gặp người là người.

Vài nét về lịch sử Rio de Janeiro

Người châu Âu đầu tiên tiến vào vịnh Guanabara Bay vào ngày 1 tháng 1 năm 1502 bởi một đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha do thuyền trưởng Gaspar de Lemos trong hạm đội của Pedro Alvares Cabral và Gonçalo Coelho, vì thế mà có tên là Rio de Janeiro “Dòng Sông Tháng Giêng”.

Trong năm 1555, một trong những hòn đảo của Guanabara Bay, bây giờ gọi là Đảo Villegagnon, bị 500 thực dân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Pháp tên là Nicolas Durand de Villegaignon chiếm đóng. Tiếp sau họ xây dựng pháo đài và đặt tên là Villegagnon Fort Coligny trên đảo cốt ý thiết lập thuộc địa của Pháp trong vùng Antarctique.

Nhưng rồi thành phố Rio de Janeiro được thành lập chính thức bởi người Bồ Đào Nha vào ngày 1 tháng 3 năm 1565 và được đặt tên là São Sebastião do Rio de Janeiro (thành phố thánh Sebastianô của thành Rio de Janeiro), để vinh danh Thánh Sebastianô, vị thánh quan thầy của Vua Bồ Đào Nha Sebastião.

Cho đến đầu thế kỷ 18, thành phố bị đe doạ hoặc xâm chiếm bởi nhiều đế quốc thuộc địa, chủ yếu là người Pháp, và những nhóm cướp biển như Jean-François Duclerc và René Duguay-Trouin.

Sau đó, năm 1763 nó trở thành thủ đô của Quốc gia Brazil, trực thuộc Đế quốc Bồ Đào Nha.

Năm 1808, khi Triều đình Bồ Đào Nha chuyển rời từ Bồ Đào Nha đến Brazil, Rio de Janeiro trở thành tòa của Nữ hoàng Maria I của Bồ Đào Nha, sau đó vào năm 1815, dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Regent, và vua tương lai João VI của Bồ Đào Nha, Brazil được thành một vương quốc trong Vương quốc thống nhất Bồ Đào Nha, Brazil, và Algarves.

Rio tiếp tục là thủ đô của vương triều Lusitanian bao trùm nhiều châu lục cho đến năm 1822, khi chiến tranh đòi độc lập của Brazil bắt đầu.

Rio de Janeiro sau đó được coi là thủ đô của vương quốc độc lập, có tên là Đế Quốc Brazil, cho đến năm 1889, và sau đó là thủ đô của Cộng Hoà Brazil cho đến năm 1960, khi thủ đô được chuyển đến thành tân lập Brasilia.

Rio de Janeiro có ngân sách thu thập thành phố lớn thứ hai trong cả nước, và lớn thứ 30 trên thế giới vào năm 2008, ước tính vào khoảng 343 tỷ Real (khoảng gần 201 tỷ Mỹ kim).

Đây là trụ sở của các hãng dầu Brazil, hãng khai thác mỏ, và các công ty viễn thông, bao gồm cả hai tập đoàn lớn là Petrobras và Vale và tập đoàn viễn thông Telemedia Grupo Globo lớn nhất của châu Mỹ Latin.

Rio cũng là nơi có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, nó là trung tâm lớn thứ hai về nghiên cứu và phát triển của Brazil.

Phần lớn của thành phố, thường được gọi tắt là Khu Bắc (Zona Norte), kéo dài về phía tây bắc trên vùng đồng bằng gồm biển và trên đồi và một số núi đá. Khu Nam (Zona Sul) của thành phố, nằm ở các bãi biển ven bờ biển mở, kéo dài từ khu Trung tâm và từ Khu Bắc của dãy núi ven biển. Khu Tây (Zona Oeste) kéo dài cắt bởi địa hình miền núi, hiện dễ dàng tiếp cận hơn bởi đường mới và đường hầm vào cuối thế kỷ 20.

Khu Centro hoặc Downtown là cốt lõi lịch sử của thành phố, cũng như là trung tâm tài chính. Các nơi chốn, tòa nhà và dinh thự đáng chú ý bao gồm công viên Paço Imperial; nhiều nhà thờ lịch sử, như nhà thờ Candelaria (trước đây là nhà thờ chính tòa), São Jose, Santa Lucia, Nossa Senhora do Carmo, Santa Rita, São Francisco de Paula, và các tu viện Santo Antônio và São Bento. Nhà thờ chính tòa mới Rio de Janeiro Cathedral bằng bê tông và hiện đại (trông giống hình tổ ong hay chiếc rổ úp cá) cũng nằm tại Trung tâm.

Chung quanh quảng trường Cinelândia, có một số địa danh nổi tiếng thời vàng son của Rio là Nhà hát thành phố và Thư viện Quốc gia. Các bảo tàng gồm có Museu Nacional de Belas Artes (Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia) và Museu Historico Nacional (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) là quan trọng nhất.

Các di tích lịch sử quan trọng khác ở trung tâm Rio bao gồm có Passeio Publico, một khu vườn công cộng thế kỷ 18. Đường phố chính gồm Avenida Rio Branco xây dựng từ năm 1906 và Avenida Vargas có từ năm 1942. Một số đường phố thời thuộc địa như Rua do Ouvidor và đường Uruguaiana, từ lâu được là các khu đạo phố và là khu mua sắm Saara phổ biến. Có một khu phố truyền thống khác được gọi là Lapa, khu vực danh cho người lãng du “bohemian” gần nhà thờ chính tòa mới và đường lapa là nơi người dân thành phố và khách du lịch hay lui tới tham quan.

Lễ hội Carnival ở Rio và Brazil



Carnaval, chính là ngày ‘Mardi Grass’ (Thứ Ba Béo) có nguồn từ truyền thống các quốc gia Công Giáo Âu châu cho phép dân chúng vui vẻ và được phép “ăn thịt” trước Ngày Thứ tư “Lễ Tro” bắt đầu mùa Chay 40 ngày.

Hình ảnh Lệ hội Carnival ở Rio

Trong 40 ngày Mùa Chay, người Công Giáo phải kiêng cữ “ăn chay” (tức là không ăn no) và không được ăn thịt nhất là vào mỗi ngày thứ Sáu. Mục đích là để tham dự vào hành trình sám hối tội lỗi, cầu nguyện, làm việc lành phúc đức và nhất là hiệp thông vào sự Thương khó, Tử nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ trần gian.

Truyền thống các cuộc diễu hành Carnaval ỡ Brazil bị ảnh hưởng nhiều từ người Pháp dòng họ Bourbon, người Đức, tổ tiên của người Áo, bởi các gia đình Hoàng gia người Bồ Đào Nha. Khi lễ hội Carnival trải qua các truyền thống văn hóa thì cuộc vui được các tầng lớp thượng lưu và cả lớp bình dân kết hợp tạo thành lễ hội muôn mầu sắc. Đặc biệt tại Brazil có thêm yếu tố nhạc điệu Samba do giới da đen trước đây là nô lệ sáng tạo, âm nhạc này bắt đầu ảnh hưởng mạnh từ nửa đầu của thế kỷ 20, nên Carnival càng sôi động với nhạc kích động, tiếng trống cực mạnh và rực rỡ sắc mầu.. Rio de Janeiro có nhiều diễu hành Carnaval, bao gồm các trường samba nổi tiếng (Escolas de Samba) diễu hành tại trung tâm triển lãm Sambadrome (mỗi năm chọn 12 ban Samba nổi tiếng nhất đễ điểu hành) và Carnival blocos phổ biến vui chơi đường phố, mà cuộc diễu hành ở hầu hết mọi góc của thành phố. Những nơi có Carnival nổi tiếng nhất là:

Cordão do Bola Preta: Diễu hành ở trung tâm của thành phố. Nó là một trong những carnavals truyền thống nhất. Trong năm 2008, 500.000 người đã tham dự trong một ngày. Năm 2011, một kỷ lục 2 triệu người tham dự!

Suvaco do Cristo: Cuộc diễu hành ở Botanic Garden, ngay bên dưới cánh tay tượng của Chúa Kitô Đấng Cứu Thế. Suvaco do Cristo có nghĩa là 'dưới nách của Chúa Kitô.

Carmelitas: Ban nhạc cho là được tạo ra bởi các nữ tu Carmelite, nhưng trên thực tế chỉ là tên mà Ban nhạc muốn chọn. Diễu hành ở Santa Teresa, từ nơi Bairro này ai cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh đẹp.

Simpatia é Quase Amor: Một trong những cuộc diễu hành phổ biến nhất ở bãi biển Ipanema. Simpatia é Quase Amor có nghĩa là 'Thân thiện gần như Yêu'.

Banda de Ipanema: Diễu hành truyền thống nhất tại bãi biển Ipanema. Nó thu hút một loạt các người vui chơi, trong đó có gia đình và một phổ rộng của các dân LGBT.

Năm 1840, các Carnaval đầu tiên được tổ chức với các trang trí bịt mặt. Và từ đó dân chúng tham dự lễ hội hay trang trí che mặt, vẽ mặt, hay đeo mặt nạ, và đàn bà phụ nữ hay mặc trang phục lôi cuốn, hớ hênh, mầu mè giả tạo… đàn ông thanh niên cũng mầu mè và thường là thời khí nóng bức nên họ cởi trần, trang trí kỳ quái..

Còn tiếp...

Trong bài kế tiếp chúng tôi sẽ giới thiệu về hai địa điểm danh tiếng là: Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế trên núi Corcovado và Đi cáp treo lên đỉnh núi Sugar Loaf nhìn toàn cảnh thành phố Rio de Janeiro. Đặc biệt là về nền văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc của Brazil.
 
Văn tế bạn Giuse Vũ Duy Thống
Bùi Nghiệp
23:11 02/03/2017
VĂN TẾ BẠN (@)
Rất thương nhớ bạn hiền: Giu-se Vũ Duy Thống, Lớp Khai Phá 64 Chủng viện Tê-rê-sa Long Xuyên. Đương nhiệm giám mục chính toà GP Phan Thiết.Từ trần 08h00 ngày 01.3.2017.

Anh Thống!
Anh Vũ Duy Thống!
Đến chốn đời đời;
Về nơi hằng sống.

Thái bình xưa quê cũ, Nhâm thìn (1952) khởi tấu đời thường;
Phan Thiết mới xứ này - Đinh dậu (2017) hồi quy đất trọng.
Từ nhi đồng bền lý tưởng, cậu chủng sinh dấn bước thiên sai;
Đến đáo thọ vững tâm can, ngài giám mục ra tay lương đống.

Nhớ trước đây:
Lối tu hành trắc trở dở dang;
Đường tục lụy lao đao khốn đốn.
Vẫn khuyên dạ: Hãy trung thành;
Luôn nhủ lòng: Đừng chộn rộn.

Từng khổ ải, làm công nhân cho xưởng dệt long đong;
Đã bôn ba, chạy thương mại với chợ trời lật lọng.
Còn bán mặt cho đất, trúc- mây- tre tổ hợp loay hoay;
Lại trao lưng cho trời, hợp tác xã nông trường bì bõm.

Nghiên bút chớ buông tuồng!
Sách đèn đừng lơi lỏng.
Lúc phùng thởi không vênh váo cười vang;
Khi vận hạn chẳng hổ ngươi khóc rống.

Đường Thiên sai thử thách nổi giông;
Ơn Chúa gọi cam go trào sóng.
Luôn phó dâng nhất dạ cậy trông;
Hằng tin tưởng duy tâm hy vọng.

Đến ngày!
“Tình yêu Chúa nồng nàn thúc bách”(*), câu khấn nguyền mỗi buổi thầm thì;
Sứ mệnh Cha tha thiết kêu vời, tiếng đoan hứa hằng đêm đánh động.
Đời linh mục, nhận ra công săn sóc cây mầm;
Nghiệp giáo sư, lo gắng sức vun bồi hạt giống.

Vất vả thay công việc xới cày, cần cù tháng tháng, gieo đơm hoa ngan ngát lừng thơm;
Miên man với tay nghề liềm hái, tích luỹ năm năm, gặt kết quả ngọt ngon mượt óng.
Tiếng Phúc âm lan mặt đất rền vang;
Lời chân lý trải không gian vẳng vọng.

Suối thoải mái, uống nước trong hoan hỷ no lòng;
Đồng thênh thang, ăn cỏ mượt thoả thuê mát họng.
Mắt nhìn xa quan sát, gậy chủ chăn canh sói dữ gầm gừ;
Thân gác cửa đề phòng, tay mục tử dắt chiên khờ ngập ngọng.

Người nghệ sĩ:
Bút hằng đêm đang thao thức đợi chờ;
Nghiên mỗi tối cứ bồi hồi trông ngóng.
Chút hơi sương lất phất lại in hằn;
Vài “hạt nắng vô tư” mà lắng đọng.

Tạo say mê từng nét nhạc tuyệt vời;
Gây thấm đẫm những lời ca diễm mộng.
Chải chuốt điệu thấp cao;
Trau tria cung trầm bổng.

“Thông vi vu” cùng gió cuốn miên man;
Vũ dào dạt với mây vờn lồng lộng.
Mật thiết với trời cao;
Hoà giao cùng biển rộng.

“Đôi khi” thôi để đủ sức mong manh;
“Một chút” đó cho vừa thân bé bỏng.
Nói chẳng cùng mỗi bước dập dìu;
Kể sao hết từng trang sống động.

Thường hạnh ngộ:
Với bạn bè thoải mái vui vầy;
Cùng bằng hữu hả hê hào phóng.
Tay trong tay hoan hỷ thân thương;
Mặt đối mặt nồng nàn quý trọng.

Ôn thời gian quá khứ cơ hàn;
Giữ kỷ niệm xa xưa rực nóng.
Năm mươi năm dư tình bằng hữu, kết liên tựa sắt cùng đồng;
Nửa thế kỷ trọn nghĩa tri âm, gắn bó như hình với bóng.

Từ thuở ấy phận nhỏ duyên xoàng;
Đến hôm nay quyền oai chức trọng.
Vẫn nhớ thuở sách đèn;
Không quên thời lều chõng.

Than ôi!
Chứng trầm kha lá phổi im lìm;
Cơn bạo bệnh buồng tim bất động.
Dăm ngày đột ngột, xác phàm sinh kiếp thế mong manh;
Mấy khắc nào ngờ, thân phù thế phần người dòn mỏng.

Trăm đồng đạo ủ ê;
Vạn chiên non bi thống.
Mây bặt trôi để biển lặng chào đưa;
Gió ngừng thổi cho rừng nghiêm tiễn tống.

Khóc bạn hiền tử biệt, trần thế hỡi đưa đường;
Buồn bằng hữu sinh ly, Thiên Đàng ơi mở cổng!
Tạm biệt anh Ba!
Vẫy chào bác Thống!

Bùi Nghiệp (Lớp Khai Phá 1964)

(@) Bài tôi viết chỉ trong tâm tình người đồng lớp xưa, nên có những xưng hô anh em, bác tớ… Nơi Giáo Hội ngài là chủ chăn của tôi, nhưng trong tình thân trường cũ luôn luôn là bằng hữu, người đọc hiểu cho.
(*) Khẩu hiệu của Giám Mục Vũ Duy Thống: TÌNH YÊU CHÚA KY TÔ THÚC BÁCH TÔI.
-Những chữ trong ngoặc kép “…”, là một với rất nhiều tên tác phẩm văn và ca khúc do Đức Cha sáng tác.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 1/3/2017
VietCatholic Network
19:03 02/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

2- ĐTC cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

3- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ Tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

4- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

5- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

6- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai

7- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

8- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố.

9- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

Trong buổi tiếp kiến chung với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 1/3/2017. ĐTC đã nói: Mùa Chay là thời gian ăn chay hãm mình để sống lại với Chúa Kitô, để canh tân căn tính được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “bên trên”, từ tình yêu của Thiên Chúa. Mùa chay là lộ trình của hy vọng, là dấu chỉ bí tích của sự hoán cải, đòi hỏi nhiều dấn thân. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, ĐTC đã chủ sự thánh lễ khai mạc mùa chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma.

Từ Vatican ĐTC đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4.30 chiều, ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma. Đi trong đoàn rước với ĐTC, có hàng chục Hồng Y, Giám mục, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhắc nhở về ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và mời gọi mọi người trở về cùng tâm hồn thương xót của Chúa Cha. Ngài nói:

”Mùa chay là một con đường dẫn chúng ta đến chiến thắng của lòng thương xót trên tất cả những gì không phù hợp với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Mùa chay là con đường đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ đau khổ đến vui mừng, từ sự chết đến sự sống. Cử chỉ xức tro qua đó chúng ta bắt đầu hành trình, nhắc nhớ chúng ta về thân phận nguyên thủy của mình: chúng ta đã được rút từ đất, chúng ta đã được hình thành bằng bụi đất… Chúa muốn tiếp tục ban cho chúng ta hơi thở sự sống, cứu chúng ta khỏi những thứ hơi thở khác là sự nghẹt thở vì sự ích kỷ của chúng ta, nghẹt thở vì những tham vọng nhỏ nhoi và âm thầm dửng dưng lãnh đạm; sự nghẹt thở bóp nghẹt tinh thần, thu hẹp chân trời và làm cho nhịp tim đập bị gây mê”.

ĐTC nói thêm rằng: “Mùa chay là mùa để từ khước. Từ khước sự nghẹt thở vì ô nhiễm do thái độ gây ra do sự dửng dưng, không nghĩ đến cuộc sống của người khác; nghẹt thở vì mỗi toan tính coi rẻ sự sống, nhất là sự sống của những người mang trong thân thể mình gánh nặng của bao nhiêu sự hời hợt… Mùa chay cũng là mùa tái hô hấp, là mùa mở rộng con tim cho hơi thở của Đấng Duy nhất có khả năng biến đổi chúng ta là bụi đất thành con người. Đây không phải là mùa xé áo trước sự ác quanh chúng ta, nhưng đúng hơn là mùa dành không gian trong cuộc sống chúng ta cho tất cả những điều thiện mà chúng ta có thể thực hiện được”.

Trong nghi thức sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko 93 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (SD 1-3-2017)

- Đức Thánh Cha cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

ĐTC cổ võ thái độ khiêm tốn và cùng thực thi các công tác từ bi thương xót như con đường tìm về hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng chiều Chúa Nhật 26-2-2017 khi viếng thăm giáo xứ “Các Thánh” (All Saints) của Anh giáo tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập giáo xứ này. Đây cũng là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ Anh giáo ở Roma.

Trong số những người hiện diện ở Thánh Đường, có ĐGM Anh giáo Robert Innes đặc trách vùng Âu Châu, Mục Sư Jonathan Boardman, chánh sở Giáo xứ Anh giáo “Các Thánh”, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Kasper nguyên chủ tịch Hội đồng này, và ĐHY George Pell người Úc, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Trong bài giảng sau đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Corinto, ĐTC nhắc đến những chia rẽ trong cộng đoàn này và những khó khăn thánh Phaolô gặp đối với cộng đoàn tại đây, và ngài nói rằng:

“Khi chúng ta là cộng đoàn các tín hữu Kitô đã chịu phép rửa, đứng trước những bất hòa, chúng ta hãy đặt mình trước tôn nhan thương xót của Chúa Kitô để vượt thắng những bất hòa ấy, chúng ta cũng hãy làm như thánh Phaolô đã làm tại một trong những cộng đoàn Kitô tiên khởi…”

ĐTC nói thêm rằng: “Một tình hiệp thông chân thực và vững chắc sẽ tăng trưởng và vững mạnh khi ta cùng nhau hoạt động cho những người túng thiếu. Qua chứng tá hòa hợp về đức bác ái, tôn nhan thương xót của Chúa Giêsu sẽ trở nên hữu hình trong thành thị của chúng ta”.

ĐTC cũng đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Anh giáo hãy khiêm tốn cảm tạ Chúa vì sau 2 thế kỷ nghi kỵ nhau, giờ đây đã có thể nhìn nhận rằng ơn thánh phong phú của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi những người khác. Ngài nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì giữa các tín hữu Kitô có sự gia tăng ước muốn xích lại gần nhau hơn, ước muốn này được biểu lộ qua việc cầu nguyện chung và cùng làm chứng tá Tin Mừng, nhất là qua những hình thức phục vụ khác nhau. Chúng ta hãy khích lệ nhau trở thành những môn đệ ngày càng trung thành với Chúa Giêsu, ngày càng tự do đối với những thành kiến quá khứ, và ngày càng mong muốn cầu nguyện cho nhau và với nhau”.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã chúc lành cho sáng kiến giáo xứ “Các Thánh” của Anh giáo kết nghĩa với Giáo Xứ Công Giáo cùng tên ở Roma. ĐTC cũng cho biết ngài cùng với các cộng sự viên đang nghiên cứu dự án viếng thăm nước Nam Sudan cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo, theo mời đề nghị của một số GM Công Giáo, Tin Lành Trưởng lão và Anh giáo. (SD 26-2-2017)

- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

Ngày 28 tháng Hai, năm 2013, rất đông các tín hữu đã tới Công Trường Nhà Thờ thánh Phêrô để tạm biệt Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân dịp ngài xuất hiện lần cuối cùng ở nơi công cộng trong tư cách Giáo Hoàng. Trong khoảnh khắc lịch sử này, ngài nói:

"Tôi chỉ đơn thuần là một kẻ hành hương bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình của mình trên trái đất này. Tuy nhiên, với trái tim của tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự suy tư của tôi, với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, tôi vẫn muốn làm việc cho lợi ích chung và lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Và tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi lời chúc tốt đẹp của anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và của thế giới. Tôi xin cảm ơn anh chị em…”

Những tình cảm mạnh mẽ vẫn còn in đậm trong tinh thần của các tín hữu hiện diện ở công trường trong ngày hôm ấy. Khó mà quên được tác động của chuyến bay lịch sử tới Castel Gandolfo bằng trực thăng với Đức Giáo Hoàng từ nhiệm trên đó, dưới đất là một tấm thảm gồm các cánh tay vẫy vẫy chào tạm biệt ngài.

Di sản cầu nguyện của Đức Bênêđíctô XVI sẽ được làm mới lại vào ngày 28 tháng 2 này, vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô kết thúc triều đại Giáo Hoàng của ngài. Hàng năm, vào ngày quan trọng này, nhiều tín hữu trên toàn thế giới vẫn tổ chức những buổi cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Bênêđíctô và theo các ý chỉ của ngài. Ngày kỷ niệm lần thứ tư này cũng sẽ là một thời điểm quan trọng, dẫn đến ngày sinh nhật lần thứ 90 của Đức Bênêđíctô (ngày 16 tháng 4 năm 2017).

- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

Đối diện với những chất vấn của ủy ban hoàng gia điều tra lạm dụng tình dục, các Giám Mục Úc đã đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội. Đức TGM Anthony Fisher của Sydney nói rằng ngài sẽ không báo cáo với cảnh sát nếu ai đó thú nhận lạm dụng một đứa trẻ, và sẽ ban phép xá giải cho người phạm tội sau khi ngài đã “sử dụng tất cả khả năng để thuyết phục hối nhân” báo cáo sự việc với cảnh sát.

Trong khi đó, Đức TGM Denis Hart của Melbourne nói rằng ngài sẽ giữ lại không ban phép xá giải nếu hối nhân không chịu báo cáo với cảnh sát. Khi được hỏi về việc ngài sẽ phản ứng ra sao nếu chính đứa trẻ bị lạm dụng tiết lộ sự việc trong tòa giải tội, Đức TGM Fisher nói rằng ấn tín bí tích giải tội là bất khả xâm phạm. Ngài sẽ không báo cảnh sát nhưng ngài “sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thuyết phục đứa trẻ” cùng đi với ngài ra gặp cảnh sát. Nhưng nếu đứa trẻ từ chối không đi thì ngài đành bất lực.

Đức TGM Philip Wilson của Adelaide không đồng ý về điểm này. Ngài nói rằng ấn tín bí tích giải tội chỉ được áp dụng cho những tội lỗi được thú nhận trong tòa giải tội, và “khi một đứa trẻ nói với chúng ta về điều đã xảy ra, đứa trẻ ấy không phải là đang xưng tội”, cho nên ấn tín bí tích giải tội không được áp dụng trong trường hợp này.

- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

Ngày 22 tháng Ba tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule. Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu. Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trình thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá.

Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu từ tháng 5, 2016. Phí tổn cho việc tu bổ, khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tông truyền hỗ trợ. Tổng thống Abbas của Palestine và vua Abdallah II của Giordani, trong quá khứ, cũng đã tuyên bố hỗ trợ việc trùng tu này.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo Hội nói trên đã cùng nhau quyết định các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka kêu gọi các tín hữu lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ trong việc sửa đổi luật cho phép phá thai dễ dàng hơn. Hiện tại Sri Lanka chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp đe dọa đến sự sống của người mẹ. Nhưng tin tức truyền thông cho biết chính phủ đang cân nhắc thay đổi những luật liên quan.

Hiru News ngày 1 tháng 2 tuyên bố rằng bộ trưởng bộ Tư pháp của Sri Lanka đang tìm cách hợp thức hóa phá thai trong các trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân, hay người mang thai dưới 16 tuổi hay khi bị suy thai nghiêm trọng.

Hội đồng Giám mục kêu goi người Công Giáo phản đối cố gắng này và kêu gọi các chính trị gia Công Giáo chặn đứng sự thay đổi luật này.

Đức Cha Valence Mendis của Chilaw, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục cho biết là toàn thể Hội đồng Giám mục đã ký một lá thư bày tỏ sự chống đối của các ngài. Các Giám mục xin cầu nguyện để đền tội cho nỗ lực phá thai, ngay cả trong trường hợp bị cưỡng hiếp hay loạn luân.

K.K. Karunathilake của phân khoa Khoa học xã hội của đại học Kelaniya cho biết là mỗi ngày có khoảng 600 vụ phá thai ở Sri Lanka. (Ucan 24/02/2017).

- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi lên cầm quyền tổng thống Trump đã ký nhiều sắc lệnh, trong đó có việc xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Tổng thống Trump cho biết việc xây bức tường biên giới sẽ bắt đầu trong vài tháng tới đây.

Không cần phải nói, ai cũng đã biết lập trường của Giáo Hội đối với người di cư tỵ nạn. Kể từ khi lên làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã luôn luôn kêu gọi “xây cầu” và “đạp đổ” mọi bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và các giai tầng xã hội. Từ vài năm qua, đứng truớc làn sóng người di cư tỵ nạn của các nước Trung Đông và Phi châu tìm vào Âu châu ngài khích lệ các chính quyền tiếp đón họ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập cuộc sống xã hội.

Hồi cuối tháng giêng vừa qua, ĐHY Peter Turkson, chủ tịch Bộ thăng tiến phát triển nhân bản toàn vẹn, cũng đã bầy tỏ âu lo của Toà Thánh trước quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ xây tường biên giới với Mêhicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tin SIR ĐHY bên lề một đại hội tại đại học giáo hoàng Laterano, ĐHY nói: “… Toà Thánh âu lo, vì nó không chỉ liên quan tới tình hình của Mehicô, mà còn là dấu hiệu cho thế giới nữa. Không phải chỉ có Hoa Kỳ muốn xây tường chống lại người di cư, nhưng điều này cũng xảy ra bên Âu châu. Tôi cầu mong các nước Âu châu không bắt chước ông Trump…”

Chính sách của tổng thống Trump chống lai người di cư cũng khiến cho các Giám Mục Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối. ĐC Joe Vasquez, Giám Mục Austin, chủ tịch Uỷ ban di dân của HĐGM Hoa Kỳ, đã khẳng định rằng, Giáo Hội Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để gần gũi và liên đới với các người di cư và gia đình họ. Ngài cho rằng bức tường biên giới này sẽ khiến cho người di cư, nhất là những nguời dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, sẽ bị các tay buôn người và buôn lậu khai thác bóc lột tệ hại hơn nữa.

ĐHY Daniel Di Nardo, TGM Galveston-Houston, chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng bầy tỏ sự âu lo sâu xa đối với việc này. Theo ĐHY, lệnh xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô sẽ chỉ khiến cho dân chúng hoảng loạn sợ hãi. Chúng không phải là kiểu tốt nhất giúp bảo đảm an ninh cho người Mỹ.

Đức Tân Hồng Y Joe Tobin, TGM Newark, cũng truyên bố: “Một quốc gia đầy sợ hãi thì nói tới việc xây các bức tường … chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi trước khi nó dẫn chúng ta vào trong bóng tối”.

- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Sáu 24 tháng Hai tuần trước, chính phủ Iraq cho biết sân bay quốc tế Mosul và doanh trại quân đội Ghazlani ở lân cận, và cả vùng ngoại ô phía tây nam Mosul đã được hoàn toàn giải phóng.

Ngay từ khi chiếm được sân bay Mosul, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã ra sức phá hoại để sân bay này không còn dùng được nữa. Tuy nhiên, theo nhận định sơ khởi của các chuyên viên, công binh Iraq có thể phục hồi nhanh chóng các đường băng cho các máy bay vận tải quân sự đáp xuống.

Các tin tức mới nhất cho biết, sau khi chiếm được phi trường Mosul vào hôm thứ Năm 23 tháng Hai, lực lượng Iraq đã chiếm được quận Al Maamun và đang tấn công khu vực trọng điểm của tây Mosul bao gồm tòa nhà chính phủ, ty cảnh sát thành phố, tòa án, bệnh viện quân đội, lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và viện bảo tàng Mosul.

Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng đây có thể là “giai đoạn hết sức nguy hiểm” đối với thường dân. 750,000 người được tin là còn kẹt trong vùng giao tranh.

- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam

Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Phan Thiết, đăng trên VietCatholic hôm nay ngày 1 tháng 3, 2017, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Chính toà Giáo phận Phan Thiết, đã được về cùng Chúa lúc 8g00, thứ Tư ngày 1 tháng 3 năm 2017 tại Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi, 32 năm Linh mục và 16 năm Giám mục.

Theo thông tin được đăng trên trang mạng diện toán của Giáo phận Phan Thiết, Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9g00 sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 3 năm 2017 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phan Thiết.

Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, cũng được trích từ trang mạng điện toán của Giáo phận Phan Thiết:

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống sinh ngày 02 tháng 7 năm 1952 tại Cao Mộc, Thái Bình.

Năm 1964: học tiểu chủng viện Long Xuyên.

Năm 1971: học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết.

Năm 1978: tu học tại Đại Chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.

26-10-1985: Thụ phong Linh mục, do Ðức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình.

1985-1992: Phụ tá giáo xứ Tân Mỹ, Hóc Môn, Sài Gòn.

1987-1992: Ðặc trách xứ Bạch Ðằng, Hóc Môn, Sài Gòn.

1992-1993: Phụ khảo tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

1993-1998: Du học tại Paris-Pháp, đậu văn bằng Thạc sĩ Thần học.

1998-2001: Giáo sư tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

14-07-2001: ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hiệu tòa Tortiboli.

17-08-2001: Lễ tấn phong tại Vương Cung Thánh Đường Ðức Bà Sàigòn. Chủ phong: Đức Tổng Giám mục GB. Phạm Minh Mẫn; phụ phong: ĐGM. GB. Bùi Tuần và ĐGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

25-07-2009: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết.