Ngày 03-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 12
VietCatholic Network
03:04 03/03/2012
Tiên tri Daniel đã có thể nhận ra được tội của một cá nhân ảnh hưởng đến toàn dân Israel và ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa cho dân Ngài đến mức nào. Tiên tri cũng biết rằng một người có thể sám hối nhân danh toàn dân và khẩn cầu sự can thiệp của Thiên Chúa. Trong cách thức này, lời nguyện của tiên tri Daniel đã tiên báo thánh tâm Chúa Giêsu, đấng gánh lấy trách nhiệm cho tất cả tội lỗi chúng ta và qua thập giá nên của lễ đền tội hoàn hảo cho chúng ta.

Ðức Giêsu cũng biết rằng sự thờ ơ trong việc thống hối của chúng ta là một yếu tố tán trợ cho thói tham lam, tính ích kỷ, lòng say sưa tìm kiếm quyền lực và tính hiếu chiến là những thứ ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta sám hối không chỉ cho ta nhưng cho đất nước, dân tộc, và những người Kitô hữu như ta. Trong tông thư Năm Thánh 2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thúc giục mọi Kitô hữu hãy khẩn cầu ơn tha thứ cho tội lỗi họ và tội lỗi của các chi thể của Ðức Kitô: "Vì sự liên kết hiệp nhất chúng ta với nhau trong một nhiệm thể, tất cả chúng ta, dù không chịu trách nhiệm cá nhân vàkhông có lỗi trước mặt Chúa, vẫn mang gánh nặng của những lỗi lầm và sai phạm của những người đi trước chúng ta. Cả chúng ta nữa, những con trai con gái của Giáo Hội, cũng đã phạm tội và cản trở dung nhan hiền thê của Chúa Kitô không được chiếu sáng với tất cả vẻ đẹp" (Tông huấn Mầu Nhiệm Nhập Thể).

Ta hãy sám hội cho những tội ta đã phạm và cho những tội của những người khác nữa. Chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm phạm đến ta và phạm đến nhiệm thể lớn lao hơn là Giáo Hội. Ta hãy bao gồm trong lời kinh nguyện của mình những chia rẽ và chiến tranh đang xảy ra giữa những người tuyên bố tin vào Thiên Chúa nhưng thuộc các tôn giáo khác nhau. Hận thù và thành kiến đang bao trùm thế giới.

"Lạy Cha, xin tha thứ cho những lần con đã làm tổn thương anh chị em con và cho những lần con nuôi trong lòng sự oán giận khi bị xúc phạm. Xin thương xót con".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Trên đỉnh cao đời sống
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:54 03/03/2012
Trên đỉnh cao đời sống

Là con người ngay từ khi còn nhỏ thơ bé đã muốn và luôn được bồng ẵm đưa lên chỗ cao, cụ thể là trên đôi tay, trên vai, trên đầu gối cha mẹ, được ở chỗ chính giữa gia đình...

Rồi khi dần khôn lớn và sau này ra sinh sống nơi trường đời, ước muốn vươn lên đạt được điểm cao, địa vị cao càng mạnh.

Tâm lý này thuộc về đời sống con người cùng giúp cuộc sống phát triển. Lẽ dĩ nhiên điều này phải nằm trong ranh giới của đức bác ái tôn trọng người khác. Không được vì ước muốn vươn cao của mình mà chà đạp chèn ép, khinh khi làm nhục người khác, cùng bỏ quên tương quan thực tế trong đời sống: có thăng, có trầm; có hạnh phúc niềm vui cùng có đau khổ!

Kinh Thánh thuật lại, Chúa Giêsu mang theo ba Tông đồ lên đỉnh núi cao ( Mc 9, 1-9).

Trên đó các Ông được nhìn tận mắt cảnh vinh quang sáng láng của Chúa Giêsu, người Thầy của mình.

Nơi đó các ông cảm nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên huy hoàng lộng lẫy rất tốt để cư ngụ.

Chỗ cao trên ngọn núi không chỉ là nơi yên tĩnh, mà còn hợp với ước muốn vươn lên cao của tâm trạng con người nơi các ông: đây là nơi chốn bằng an, giống tựa thiên đàng không có đau khổ, hay họ muốn quên nơi chốn có nhiều khó khăn phức tạp ở bên dưới trần gian mặt đất!

Vì thế, Ông Thánh Phero muốn xin Chúa Giêsu làm nhà ở luôn trên này. Nhưng ước muốn này của Thánh Phero không hợp với ý Chúa Giêsu muốn và cùng không hợp với thực tại đời sống.

Chúa Giêsu thì không nghĩ như Ông Phero. Ngài lên đỉnh núi cao và sau lúc vinh quang biến hình, Ngài đi xuống núi trở về trần gian mặt đất dưới thấp.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống trần gian làm người. Ngài mang Thiên Chúa đến trần gian cho con người. Nên Ngài muốn nói lên Thiên Chúa không chỉ có vinh quang trên cao, mà còn ẩn hiện cả trong bóng tối đau khổ dưới thấp nữa. Thiên Chúa cùng đồng hành với dân của Ngài trong lịch sử đời sống đau khổ và ngay trong cả sự chết. Quyền năng cao cả của Thiên Chúa được mạc khải trong cung cách con đường sống trung thành của Ngài, qua sự mỏng dòn của tình yêu ngài. Tình yêu sự hy sinh của Chúa Giêsu chịu đau khổ hạ mình xuống thấp mang lại ơn cứu độ cho con người.

Trong đời sống, ai cũng đều muốn được lên cao, và đã – hay sẽ - có những lúc đó. Nhưng ai cũng đều đã cùng sẽ phải trải qua những khúc quanh ngoặt xuống dốc, khúc tối tăm đau khổ. Đó là thực tế đời sống con người.

Cha mẹ sinh thành nuôi dậy con cái là niềm vui hạnh phúc dành cho họ, tựa như lên đỉnh cao. Nhưng sự hy sinh dấn thân, phải chịu thử thách đau khổ của họ dành cho con cái, tựa như lúc xuống phải đi cúi xuống thấp, cũng to lớn mà còn dài hơn nhiều hơn nữa. Chính tình yêu lồng khung trong sự hy sinh chịu đựng của cha mẹ mang lại cho con cái sự lợi ích hôm nay cùng ngày mai.

Nhiều khi gặp thử thách, phải chịu đựng đau khổ, con người chúng ta trong bối rối hồ nghi nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa Thần Thánh bỏ rơi một mình! Nhưng rất nhiều người đã tìm thấy ánh sáng sức lực cho tinh thần được can đảm vững mạnh qua lời cầu khấn cùng Chúa Giêsu, cùng các Thánh. Và từ đó tìm nhận ra lối đi vượt qua ngõ bí cùng cực.

Trên đỉnh núi cao ba Thánh Tông đồ được thấy vinh quang của Chúa Giêsu, các Ông ngủ quên. Khi phải xuống núi, các Ông không hiểu tại sao lại phải đi xuống dưới thấp. Nhưng ngày Chúa sống lại từ cõi chết, mắt các Ông mở ra hiểu nhận ra thực tế đời sống Chúa Giêsu như thế nào.

Trên đỉnh núi cao ba Thánh Tông đồ mệt mỏi cùng có tâm trạng sợ hãi lo lắng không hiểu Chúa Giêsu đã nói gì với Tiên tri Elija và Tiên Tri Maisen. Nhưng ngày Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống các Ông mới hiểu nhận ra Lề Luật cùng các Tiên Tri đã nói trước về cuộc hy sinh tử nạn cùng sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô mang đến ơn cứu chuộc cho con người.

Tin theo Chúa Giêsu lấy Lời Ngài là ánh sáng dẫn soi đường đi rất nhiều khi lại ngược chiều với ý muốn ước vọng của con người. Nhưng con đường tin theo Chúa đánh thức tâm trí ta trở về với thực tế đời sống: có lên cao niềm vui và cũng có xuống thấp phải hy sinh chịu đựng.

Và trong mọi hoàn cảnh như thế, luôn có Chúa hằng cùng đồng hành nâng đỡ.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Thân Nến Hình Hài Đang Sám Hối
LM. Jos. Trương Đình Hiền
09:07 03/03/2012
THÂN NẾN HÌNH HÀI ĐANG SÁM HỐI

(Chúa Nhật 2 MC năm B 2012)

Trong kinh nghiệm thường thấy, phải chăng, cuộc sống đời thường dễ biến con người “ở lại dưới thấp”, chấp nhận cuộc sống dễ dãi, tự tại an nhàn, một cuộc sống “tà tà mặt đất”, không cần phải cố gắng, nỗ lực hay phấn đấu. Đó là cuộc sống nhàn cư theo cái kiểu:

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo. (Cao Bá Quát)


Và chính cái cuộc sống ù lỳ, lười biếng đó đã biến con người vốn đã được Thiên Chúa trang bị cho những đôi cánh “thiên nga” để có thể bay bổng đó là lý trí, con tim, lương tâm và tình yêu…thì lại chọn lựa cuộc sống tối tăm của bầy vịt..

Riêng đối với những người Kitô hữu chúng ta, (nhất là các bạn trẻ), trước áp lực của những nhu cầu đơn điệu : cơm áo gạo tiền, bồ bịch vợ con, học hành thi cử…đã khiến nhiều người quên đi hay không còn màng chi đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn theo nhưng đòi hỏi của Tin Mừng như :

- Đòi hỏi sống thánh thiện : “Các con hãy thánh như Cha các con trên trời là Đấng thánh”,
- Đòi hỏi sống công chính : “Nếu các anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì chẳng được vào Nước trời”
- Đòi hỏi sống chứng nhân, gương sáng : “Chính anh em là muối cho đời….chính anh em là ánh sáng cho trần gian…”
- Đòi hỏi hy sinh : “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta”.
- Đòi hỏi yêu thương : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” “Không có tình yêu nào lớn cho bằng kẻ hy sinh mạng sống bạn hữu”
- Đỏi hỏi xả thân phục vụ : “Anh em hãy rửa chân cho nhau như Thầy đã rửa chân cho anh em”
- Đòi hỏi bác ái làm phúc : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”….

Hôm nay, bàn Tiệc Lời Chúa đã khơi gợi lên những cuộc phấn đấu lột xác của hành trình Mùa Chay được cụ thể hóa qua hình ảnh cuộc “Ra đi sát tế con” của Tổ phụ Áp-ra-ham và cuộc “Lên Núi” biến hình của Đức Kitô . Đó chính là một lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay để chúng ta định hướng lại nhịp sống đức tin nếu đức tin đang trên đà sai lệch, làm mới lại lối sống đạo của mình nếu lối sống đạo đã cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa. Vươn cao khỏi đồng bằng cuộc sống với những nếp nghĩ và cách hành xử tầm thường, cục bộ, ích kỷ, bon chen, ganh tỵ, tham lam ; đi xa khỏi cái tôi với trái tim và con mắt chật hẹp, méo mó, xoi mói, giận hờn, thù oán, kiêu căng…

Thật ra, từ khi chịu phép thanh tẩy, mỗi người Kitô hữu chúng ta được gọi vào một cuộc “biến hình” từ từ và liên tục. Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu, chúng ta thật sự được “biến hình đổi dạng và phản ảnh vinh quang rạng người của Thiên Chúa như lời xác quyết của Thánh Phaolô Tông Đồ :

“Chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18)

Lột xác- Biến đổi - Canh tân : đó là cuộc hành trình đức tin của người kitô hữu. Chọn lựa niềm tin như thế không bao giờ là chuyện giỡn chơi mà luôn là cuộc chiến đấu đòi hỏi hy sinh và can đảm. Ngay từ buổi đầu Kitô giáo, Đấng sáng lập đã từ bỏ mái ấm gia đình ở làng quê Na-da-rét để dấn thân rao giảng Tin Mừng và sau đó là vác lấy thập giá lên đồi Sọ để hiến dâng thân mình làm của lễ hy sinh. Các tông đồ đã “bỏ cha, bỏ mẹ, gia đình, thuyền và lưới” để đi theo Đức Kitô và cũng đã kết thúc cuộc hành trình đó bằng những cuộc tử đạo. Và kể từ đó, hàng hàng lớp lớp thế hệ Kitô hữu đã lần lượt nối gót trên cuộc hành trình đức tin mà cái giá phải trả chưa bao giờ thay đổi.

Trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang thắng thế, chủ nghĩa hưởng thụ đang lên ngôi và căn bệnh vô cảm đang trên đường thống trị…quả thật : chọn lựa niềm tin Kitô hữu và sống trọn hảo chọn lựa ấy mỗi ngày quả là một thách đố lớn lao. Chính vì thế, Mùa Chay gọi mời tất cả chúng ta cùng mạnh mẽ lên đường với một cuộc hành trình mới mẻ : cuộc hành trình mỗi ngày đến với Thánh lễ, là cuộc hành trình ăn năn sám hối đến với tòa giải tội, là cuộc hành trình đến với anh em để hòa giải yêu thương, cuộc hành trình đến với những người yếu đau bệnh hoạn, đói khổ để ủi an, giúp đỡ phục vụ.

Trong cuộc sống đức tin hôm nay, có bao nhiêu cuộc “lên cao” và “đi xa” như thế mà chúng ta chưa làm được hoặc chúng ta cố tình lảng tránh để tìm một nơi ẩn trú an toàn, một pháo đài chắc chắn của tiền bạc, nhà cửa, một đầm lầy dễ dãi của phương tiện hưởng thụ... để được no cơm ấm áo và không sự gì phiền nhiễu, không kẻ quấy rầy.

Riêng đối với các anh chị em dự tòng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay đã khắc họa hai hình ảnh thật rõ nét để nhắn gởi cho anh chị em về nỗ lực chọn lựa niềm tin của chính mình. Hình ảnh Áp-ra-ham đầy can đảm và phó thác cho niềm tin vào một Thiên Chúa công chính toàn năng, sẵn sàng sát tế con để thi hành thánh ý ; và hình ảnh của Đức Kitô biến hình trên núi cao Ta-bo, lột bỏ cái xác thân bình thường nhân loại để mặc lấy cái rực rỡ chói ngời của thân xác phục sinh, phải chăng đó chính là chọn lựa “ra đi tìm kiếm đức tin” của anh chị em khi dấn thân cho một niềm tin mới, là cuộc lột xác, khước từ con người cũ với những nếp suy nghĩ và ứng xử tối tăm ngoại giáo để mặc lấy những thái độ và ứng xử sáng ngời của tin Mừng, cho dù Tin Mừng ấy, đức tin ấy, chọn lựa chân lý ấy sẽ là một cái giá thật đắt phải trả cho cuộc đời dễ dãi, phẳng lặng, cho gia tộc, cho quan hệ bạn bè, và cho cả cái sinh mệnh chính trị nữa. Đức tin, một chọn lựa cao giá là thế.

Tuy nhiên, tiêu đích của cuộc hành trình đức tin không dừng lại ở thập giá hay đồi Sọ. Bởi vì nếu Đức Kitô đã hấp hối thương đau nơi vườn Giết-sê-ma-ni trên núi Cây Dầu, thì Ngài cũng đã biến hình rực rỡ trên núi Ta-bo ; hoặc nếu Ngài đã gục đầu tắt thở trong cái chết tủi nhục vào chiều Thứ Sáu trên Núi Sọ, thì cũng trên ngọn núi ở Ga-li-lê Ngài đã oai hùng tập họp các môn sinh để về trời trong chiến thắng vinh quang. Quả thật, bên kia sa mạc và biển Đỏ chính là Đất Hứa, bên kia Thập Giá chính là Phục sinh. Cuộc biến hình trên núi Ta-bo hôm nay chính là dự báo chắc chắn cho cuộc phục sinh vinh hiển của Đức Kitô sau biến cố tử nạn, và là hình ảnh báo trước viễn tượng phục sinh cho cuộc hành trình đức tin của mọi Kitô hữu, của tất cả chúng ta. Còn trong đời thường hôm nay, chúng ta tin rằng : mỗi một thánh lễ, một giờ cầu nguyện sốt sắng dâng lên, sẽ nhận được muôn ơn lành đổ xuống, một nụ cười, một cử chỉ thân ái trao ban, sẽ đem về niềm vui bất tận, một nghĩa cử thứ tha, hòa giải chân tình sẽ trả lại khung trờ bình an cho tâm hồn và cuộc sống, một chiến thắng trước cám dỗ bất chính sẽ rực sáng niềm vui trong sâu thẳm trái tim, một chút hy sinh chịu thiệt thòi mất mát để anh em khác được lợi được nhờ…, sẽ âm vang một hạnh phúc lâu dài bền vững…Vâng, đó chính là những cái phúc thật mà Đức Kitô đã long trọng loan báo trong bài giảng đầu tiên của Ngài ngày xưa. “Phúc cho ai hiền lành, phúc cho ai trong sạch, phúc cho ai biết xót thương, phúc cho ai xây dựng hòa bình…”

Khi tiến bước trên lộ trình Mùa Chay với niềm tin như thế, chúng ta sẽ hân hoan và sốt sắng trước những mời gọi hoán cải, đổi đời, hy sinh, thập giá. Sẵn sàng lên cao trong cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa để lột xác biến hình và can đảm đi xuống bon chen giữa dòng đời để hy sinh và phục vụ. Và như thế, cuộc đời của chúng ta hôm nay chẳng khác nào :

Thân nến hình hài đang sám hối,
Thiêu từng nếp cũ tháng ngày qua…


Đế rồi sẽ bừng sáng lên trong đêm Vọng Phục Sinh hay sẽ cháy sáng mãi trong vinh quang hằng sống.

 
Thánh Giuse - nhạy bén và kiên quyết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:30 03/03/2012
Trong nghi thức làm phép ảnh tượng các thánh, thừa tác viên Giáo Hội cầu nguyện:“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, chúng con cũng dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi và đời sống thánh thiện của các Ngài mà bắt chước. Chúng con nài xin Chúa làm phép + và thánh hóa tượng ảnh này để tôn kính và tưởng niệm đến…Xin Chúa đoái thương, để ai siêng năng tôn kính…trước tượng ảnh này, thì nhờ công nghiệp và sự che chở của Người, được Chúa ban ơn thánh ở đời này và vinh hiển ở đời sau. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

Người Kitô hữu tôn kính các thánh qua các ảnh tượng. Con mắt thể xác chiêm ngưỡng vị thánh thì con mắt ký ức suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của ngài để noi gương bắt chước.

Bước vào tháng kính Thánh Giuse, chiêm ngắm và học nơi Ngài hai nhân đức cần thiết cho đời sống đức tin.

1. Nhạy bén

Đọc Phúc Âm, ta thấy Thánh Giuse có tâm hồn mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa và rất nhạy bén trước ý định của Người.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là ý Thiên Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành. -Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn Thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24). - Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). - Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21). Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse nhạy bén lắng nghe và vâng phục chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Để nhạy bén với tiếng gọi của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, Ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi Ngài. Thánh Giuse hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.

2. Kiên quyết.

Phúc Âm nói rất ít về thánh Giuse. Nhưng có một điều chắc chắn đã giúp Ngài chu toàn bổn phận bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Điều đó là đức tính kiên định.

Nhạy bén tình hình thực tế nên thấy mối đe dọa cho Hài Nhi, Ngài mau mắn lên đường lánh nạn. Đường xa vạn dặm từ Do thái sang Ai cập mà vợ yếu con thơ, núi đồi hiểm trở, cướp bóc rình rập, nhưng Thánh Giuse luôn kiên quyết đã quyết định là làm cho đến cùng để bảo vệ gia đình.

Đọc Phúc Âm ta thấy rõ đức tính ấy. Từ khi đưa Đức Maria đang mang thai về quê hương Bêlem để khai sổ kiểm tra cho đến khi định cư tại Nazareth, Thánh Giuse luôn kiên quyết bảo vệ gìn giữ gia đình. Về quê quán, đường xa xôi cách trở. Khi đến nơi “Maria đã đến ngày sinh nở”, và phải sinh con “nơi hang đá bò lừa” vì “hai ông bà không tìm được nhà trọ”(Lc 2,7). Chỉ ít lâu sau được lệnh “Thiên sứ báo tin phải lên đường, đưa con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13). Vâng theo ý Chúa, “ngay đang đêm, Giuse chỗi dậy đem con trẻ và mẹ Người lên đường đi Ai cập” (Mt 2,14). Định cư tại Ai cập cho đến khi nhận được lệnh thiên sứ “hãy đưa con trẻ trở về quê hương”, Giuse “lại chỗi dậy đưa gia đình về lại quê hương Nagiaret”. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên cường vượt qua. Ngài là cột trụ gia đình, kiên nhẫn làm việc đổ mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động để nuôi sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn nhạy bén tình hình thực tế và khi đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn kiên định xin vâng trước Thiên ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Nhờ hai đức tính nhạy bén và kiên quyết mà Thánh Giuse đã trở thành đấng bao bọc che chở Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người rất hiệu quả. Đó cũng là bài học quý giá cho đời sống đức tin và trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta. Luôn nhạy bén với tiếng Chúa gọi, nhạy bén với tiếng lương tâm, với các biến cố đời sống, với những biến chuyển của thời đại và với những lời nhắn nhủ của anh chị em mình. Nhạy bén trước những mối nguy hiểm đe dọa những nguy cơ rình rập đời sống, cần kiên quyết để vượt qua. Bất cứ việc gì, đã quyết định là làm cho đến cùng với tinh thần trách nhiệm.

Thánh Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống đời thường đã biến thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.

Lạy Thánh Giuse, xin cho mỗi người chúng con học nơi Ngài, luôn biết nhạy bén và kiên quyết sống theo hướng dẫn của đức tin. Amen.
 
Lời Nguyện Xin Trong Thị Kiến
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
21:14 03/03/2012
LỜI NGUYỆN XIN TRONG THỊ KIẾN

Ba tông đồ thân tín mà Chúa Giêsu đưa vào vườn Cây Dầu, đó là Giacôbê, Gioan và Phêrô. Hôm nay họ được đưa lên núi cao, trước khi vào vườn khổ nạn với Chúa. Hai hình ảnh tương phản nhau. Hình ảnh ở vườn Cây Dầu, một Đức Giêsu đau khổ và xao xuyến đến đổ mồ hôi máu với một Chúa Giêsu trên núi cao mà thánh sử Mác-cô đã tả lại là “Y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”(Mc 9,3), không những thế, còn có tiếng của Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9,7).

Nơi Đức Giêsu, không phải là hai con người nhưng là hai bản tính. Bản tính Thiên Chúa để hôm nay thể hiện cho các tông đồ nhìn thấy “Chúa là ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Còn trong vườn cây dầu thì các tông đồ được chứng kiến bản tính nhân loại mà Đức Giêsu đã mặc lấy. Đau khổ và sợ hãi đến toát mồ hôi máu. Để các tông đồ không bị vấp ngã vì bản tính nhân loại của Đức Giêsu phải đau khổ trước sự chết thì Đức Giêsu cho các ông nhìn thấy bản tính của Thiên Chúa nhằm cho các ông được kiên vững trong lòng tin. Quả là đứng trước một thị kiến quan trọng như vậy, Phêrô không thể không thốt lên những điều được Thánh Thần Chúa thúc đẩy. Điều lạ lùng là Phêrô nói nhưng lại không biết mình nói gì. Nội dung đầy Thần Khí nhưng hành động của Phêrô thì lại rất con người!. Thần Khí đã thúc đẩy Phêrô nói lên điều mà người Kitô hữu của chúng ta khát mong, đó là cứu cánh, đó là Thiên đàng. Vì Thiên Chúa ở đâu thì Nước Trời ở đó.

Thần hứng của Phêrô thốt lên là: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Đó là tiêu điểm mà đức tin của người Kitô hữu nhắm tới. “Chúng con được ở với Chúa” là tất cả tiến trình của ơn cứu độ, là mục đích của người Kitô hữu, là cứu cánh đời đời của niềm tin. Nhưng Phêrô nói mà lại không biết mình nói gì để chúng ta thấy được rằng, trong thân xác của Phêrô có “Thánh Thần cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng than khôn tả”(Rm 8,26). Tiếng cầu ấy hôm nay thốt lên thay cho toàn thể nhân loại chúng ta một niềm khao khát được thấy Chúa và được ở với Chúa và đó là cùng đích của cuộc đời. Chúa Giêsu không nói gì, Ngài đàm đạo với Êlia – đại diện cho tiên tri; Ngài đàm đạo với Môisê – đặc trưng cho lề luật. Ngài không nói gì với Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng có tiếng của Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Và rồi Đức Giêsu đã nói, Ngài nói sau khi thị kiến đã qua đi, tất cả trở về với hiện tại. Điều Ngài nói đầu tiên là “phải xuống núi”, mặc dù Phêrô xin “được ở đây thì tốt lắm”. Điều Ngài nói tiếp theo là “Con người phải chịu đau khổ, chịu kết án và chịu chết”, là những điều mà các tông đồ sợ hãi. Nhưng hôm nay, Ngài nói thêm một điều nữa là “Các con không được nói cho ai khác cho đến khi Con Người từ trong cõi chết sống lại”. Một mặc khải tiếp theo này khiến cho các tông đồ thấy khó hiểu. Các ông hỏi nhau “từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Roma đã giải thích cho chúng ta điều thắc mắc của các tông đồ, rằng: “Thiên Chúa đã không dung tha cho chính con của Người” (Rm 8,32)và vì thế nên chúng ta được một của lễ trọn hảo, thánh thiện là chính Con Thiên Chúa tế lễ, đền tội thay cho loài người. Và sau khi đã đền thay cho loài người thì việc Đức Kitô từ trong cõi chết sống lại là hoàn tất chương trình cứu độ, con người cũng sẽ được Phục Sinh như Đức Giêsu “Là trưởng tử những kẻ từ trong cõi chết sống lại”(Cl 1,15). Như vậy, Đức Giêsu không chỉ tiên báo trước về cuộc khổ nạn, mà Ngài còn tiên báo trước về cuộc Phục Sinh chiến thắng tử thần. Và có thể nói, đây là những mạc khải trọn vẹn, những mạc khải cuối cùng cho các tông đồ thấy rõ tiến trình ơn cứu độ của Đức Kitô. Các tông đồ chưa hiểu, nhưng quan trọng là các ông nhớ để sau này, khi chứng kiến Đức Kitô từ trong cõi chết Phục Sinh, các ông nhớ lại lời Thầy đã nói với mình trước khi đi khổ nạn cho tới khi Con Người từ trong cõi chết sống lại.

Cuộc biến hình trên núi hôm nay, hay nói chính xác hơn là Chúa tỏ thánh nhan của Chúa cho các tông đồ cũng là đồng thời mạc khải hết chương trình cứu độ cho các ông thấy. Các ông thấy cả những đau khổ trong thân phận con người của Đức Giêsu. Các ông thấy cả hình ảnh một Đức Giêsu chiến thắng vinh quang, phục sinh hiển hiện. Chỉ có một điều là các ông không hiểu, vì Đức Giêsu đã từng nói với Phêrô: “Các con không biết việc của Thiên Chúa, các con chỉ biết việc của loài người”(Mt 16,23). Những gì tiếp theo nằm trong tiến trình đã được thể hiện qua thị kiến hôm nay. Ẩn ý rằng các ông không được nói với ai cho tới khi con người từ trong cõi chết sống lại. Như vậy, nếu gạt bỏ cách thức suy nghĩ tự nhiên của con người, gạt bỏ cách thức mà Chúa gọi là “tên cám dỗ” trong con người của Phêrô, đại diện cho Hội Thánh, cho mỗi người chúng ta hôm nay để chấp nhận vác Thánh Giá đi theo chân Chúa thì tất cả bừng sáng rõ ràng. Chỉ khó hiểu cho những ai không chấp nhận được con đường khổ giá của Đức Kitô. Nói như vậy để mỗi người chúng ta hôm nay đi sâu vào mầu nhiệm khổ giá và sự chết của Đức Kitô và ẩn sau khổ giá đó là vinh quang Phục Sinh của Ngài đã được tiên báo trong hình ảnh thị kiến cũng như những lời căn dặn kỹ càng của Đức Kitô với các tông đồ.

Còn gì nữa để chúng ta nghi ngờ?; Còn gì nữa để chúng ta phân vân?. Có chăng là sự luyến tiếc của những người, nói như Phêrô mà không biết ý nghĩa của lời nói, rằng: Muốn tìm Thiên Đàng ở trần gian này. Muốn định cư trên trái đất này mãi mãi. Muốn biến trần thế này trở thành thiên đàng vật chất. Chỉ có những người ấy mới không thấy tiến trình của ơn cứu độ. Cho nên, ai là người xả thân vác Thập Giá đi theo Đức Kitô thì tất cả đã bừng sáng như trên núi Tabor hôm nay. Chỉ có mỗi một điều, người ta có dám dấn bước hay không? Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta trong Mùa Chay thánh này, hãy can đảm lên, hãy mạnh mẽ lên, hãy tin tưởng hơn nữa vào trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tất cả đã được quan phòng, đã được hoạch định và đã được tiên báo.

Lạy Chúa Giêsu Kitô khổ nạn,
Xin cho chúng con nhớ lời Chúa Cha,
trong áng mây sáng chói hôm nay:
“Đây là Con Ta rất yêu dấu,
các ngươi hãy nghe lời Người”.
Chúng con xin vâng nghe lời Đức Kitô,
vì khi chúng con biết vác Thập Giá theo Người,
chúng con thấy trời mở ra.
Khi chúng con đi sâu vào mầu nhiệm khổ nạn của Ngài,
chúng con lại thấy sức mạnh của sự chiến thắng.
Và khi chúng con đi vào trong mồ mai táng với Ngài,
chúng con lại thấy sự sống Phục Sinh huy hoàng.
Xin cho chúng con một lần nữa
ý thức và thực hành Lời Chúa Cha phán hôm nay:
“Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ tu dòng Biển Đức: Mẹ Dolores được đề cử giải Oscar 2012
Vietcatholic
06:41 03/03/2012
Trong số các ngôi sao Holywood tiến bước trên thảm đỏ trong buổi lễ trao giải Oscar năm nay vừa diễn ra hôm 26 tháng 2, đã có sự hiện diện của một nữ tu dòng Biển Đức năm nay đã 73 tuổi. Minh tinh 73 tuổi này nay được gọi là Mẹ Dolores thuộc tu viện Regina Laudis ở Bethlehem, Connecticut.

Visit msnbc.com for breaking news, world news, and news about the economy



Tuy nhiên, trước khi là nữ tu, Mẹ Dolores đã từng là minh tinh Dolores Hart, một nữ diễn viên trẻ đang lên.

Mẹ Dolores là chủ đề chính của một bộ phim tài liệu <1>"Thiên Chúa quan trọng hơn là Elvis", một bộ phim được đề cử giải Oscar 2012. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đời của chính Mẹ Dolores. Đang khi có một sự nghiệp diễn xuất lẫy lừng trong đó Mẹ Dolores đã đóng 11 bộ phim cùng với Elvis Presley, nhưng thật bất ngờ Mẹ đã bỏ ngang để long trọng sống đời viện tu.

Khi còn trẻ Mẹ Dolores đóng phim chung với tài tử Elvis Presley
Mẹ Dolores đã từng thủ vai chính trong hàng loạt các bộ phim như "Where the Boys Are" cùng với George Hamilton, và "Francis of Assisi" được chiếu năm 1961.

Phim tài liệu được đề cử giải không chỉ tập trung vào sự nghiệp Hollywood và cuộc sống của Mẹ như một nữ tu, mà còn chú ý đến các hoạt động hàng ngày của các nữ tu khác tại tu viện Regina Laudis.

Dolores Hart: tiếng gọi con tim - từ Hollywood đến dòng kín Biển Đức

Vào cuối thập niên 1950-đầu 1960, lúc ông vua nhạc Rock Elvis Presley đang ở trên đỉnh cao danh vọng, các khán giả ái mộ bỗng thấy một bóng hồng xuất hiện bên cạnh ông trong các bộ phim "Loving You" (1957), King Creole (1958), và từ đó làng phim Hollywood cũng nóng lên vì sự xuất hiện của ngôi sao sáng tài sắc vẹn toàn có tên là Dolores Hart (tên trong khai sinh là Dolores Hicks), người sau đó liên tiếp được mời ký hợp đồng đóng phim (có hợp đồng lên đến 1 triệu đô la thời đó) và người ta bắt đầu thấy cô thủ những vai chính bên cạnh các nam tài tử lừng danh khác ngoài Elvis Presley như George Hamilton, Robert Wagner, Stephen Boyd, Montgomery Clift v.v... Tài diễn xuất có hồn (từng được trao giải Threater World và được đề cử nhận giải Tony cho vai diễn viên chính xuất sắc trong phim The Pleasure of His Company và vẻ đẹp quý phái của cô được so sánh với Grace Kelly- người sau này đã bỏ phim trường để về làm bà hoàng của xứ Monaco.

Cũng như Grace Kelly, Dolores Hart cũng đột ngột rời bỏ Hollywood nhưng là để đáp lại một mối tình lớn nhất trong đời mình, lớn đến nỗi chính cô cũng không ngờ là cô có thể bỏ lại sau lưng danh vọng và tên tuổi đang chói ngời như sao của mình, bỏ lại những hợp đồng bạc triệu và hôn ước với một kiến trúc sư trẻ tuổi giàu có hết lòng yêu thương mình để đáp lại một tiếng gọi thiêng liêng của trái tim, cái mà người theo đạo Công giáo gọi là "ơn kêu gọi" để thề nguyện sống suốt đời còn lại của cô trong một dòng tu kín có tên là Đan viện Biển Đức Regina Laudis ở Bethlehem thuộc tiểu bang Connecticut.

Ơn thiên triệu đặc biệt dành cho Dolores

Một điều lạ ở Dolores Hart là trong lúc mọi người còn phân vân tự hỏi vì sao một cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân, tài sắc vẹn toàn và đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân như cô lại có những quyết định lạ lùng và khó hiểu như vậy, kể cả những lời võ đoán rằng sự nghiệp tu trì của một ngôi sao điện ảnh như cô ắt sẽ không tồn tại được bao lâu, hay "Dolores đi tu vì mang bầu với Elvis", Dolores đã chứng tỏ những lời xét đoán phiến diện về sơ là hoàn toàn sai lạc. Người nữ tu ấy đã sống một đời tận hiến suốt hơn nửa thế kỷ qua trong dòng tu kín (tức là một môi trường sống chuyên biệt về cầu nguyện và làm việc trong sự yên lặng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài) với một tinh thần lạc quan và vâng phục tuyệt đối.

Lần lượt, theo thời gian và luật đào thải của tự nhiên, những ông vua điện ảnh bạn diễn của Dolores Hart như Elvis Presley, George Hamilton... rồi cũng lần lượt giã từ sân khấu điện ảnh để đi về cõi vĩnh hằng. Ít ai còn nhớ đến và nói về người nữ điện ảnh thần thoại Dolores Hart. Nhưng bỗng dưng có tin Dolores Hart sẽ tái xuất hiện trong dịp lễ trao giải Oscar lần thứ 84 để chứng kiến sự kiện cuốn phim tài liệu nói về cuộc đời tu trì như của bà có tựa đề là "Chúa chính là một Elvis lớn lao hơn" mà bà đã đồng ý cộng tác và giúp hoàn thành theo ý bề trên của mình là Đức Cố Tổng Giám Mục Pietro Sambi có thể được nhận giải thưởng nghệ thuật cao quý nhất này.

Lạy Chúa, con đây

Thật ra Dolores đã trở ra thế giới bên ngoài vài lần trước đây, khi vâng lệnh mẹ bề trên -sáng lập viên cùa dòng Abbess Benedict Duss- vận dụng năng khiếu và kinh nghiệm diễn xuất của mình vào những việc có lợi cho công ích. Dolores kể lại khi mới gia nhập hội dòng, sơ đã hồn nhiên nói với mẹ bề trên rằng mình rất vui vì không còn phải lo lắng cho bất cứ vai diễn nào nữa vì đã dứt khoát lìa bỏ sự nghiệp làm phim lại sau lưng, nhưng không ngờ mẹ bề trên đã làm sơ ngạc nhiên pha chút tức giận khi nói rằng "Rất tiếc mà nói rằng sơ đã sai lầm hoàn toàn khi nghĩ như thế, Bây giờ mới là lúc sơ cần phải đóng một vai trò và chú tâm vào vai trò của mình". Khi thấy Dolores tỏ ý bực mình, Mẹ bề trên nói tiếp "Có nhiều điều mà sơ đã chối bỏ nhưng lại rất cần thiết phải sử dụng đến chúng ở đây".

Xem cuộc phỏng vấn Sr Dolored của ABC

Và cứ thế, đức vâng lời và ý muốn phục vụ tha nhân đã không còn làm cho vị nữ tu đặc biệt này ngần ngại khi trở ra ngoài đời, đứng trước ống kính của các ký giả để điều trần trước quốc hội vào năm 2006 về chứng rối loạn bệnh lý thần kinh ngoại vi tự phát, căn bệnh chưa có thuốc chữa mặc dù đã ảnh hưởng đến rất nhiều người ở Mỹ. Ngoài ra, Dolores còn dùng ảnh hưởng Hollywood của mình để giúp phát triển một dự án về nghệ thuật trình diễn cho cộng đoàn của mình, với sự tiếp tay tích cực của giới tài tử điện ảnh mà bà quen thân như Paul Newman, Patricia Neal, một dự án đã đem lại cho cộng đoàn ở Bethlehem nhiều thành quả tốt đẹp về nghệ thuật phục vụ nhân sinh.

Theo lời kể của chính Mẹ Dolores, khi được Đức TGM Sambi mời bà lên gặp ngài tại Washington DC hai năm trước đây và ngỏ ý muốn mời bà tham dự làm phim về cuộc đời các nữ tu dòng kín, Mẹ Dolores đã ngần ngại và tính từ chối với lý do bà đã không giữ liên lạc với giới làm phim ở Hollywood nữa, nhưng ĐGM Sambi vẫn kiên trì thuyết phục bà và nói "Chúa sẽ lo liệu tất cả" và khuyên bà nên cầu nguyện để ơn Chúa sẽ "làm điều gì đó, vì thế giới này cần biết về đời sống của những người tu kín như thế nào" Bà ra về và thuật lại những lời ĐGM Sambi đã nói với bà cho các chị trong đan viện nghe với nỗi phân vân và lo lắng. Bà kể rằng không hiểu sao, tự dưng 2 ngày sau HBO gọi vào tu viện và ngỏ lời mời mời bà cộng tác làm cuốn phim tài liệu "God is a bigger Elvis", một sự lạ mà cho đến nay bà vẫn cho là "Có bàn tay Chúa sắp đặt".

Cuốn phim tài liệu trên hiện đang được đề cử nhận giải Oscar năm nay, và Mẹ Dolores sẽ đến tham dự buổi trao giải thưởng cao quý này.

Một tình yêu để lại

Một trong những thắc mắc lớn nhất của cả những người ái mộ lẫn người theo dõi sự kiện về Mẹ Dolores là từ đâu và bắt đầu từ lúc nào bà đã chịu ảnh hưởng của "ơn kêu gọi" và làm sao bà lại có thể dứt bỏ đời thường của một người đang ở độ tuổi thanh xuân phơi phới một cách dễ dàng không vương vấn, không cả một dấu hiện báo trước? Ngay cả vị hôn phu của cô là Donald Robinson cũng không thể lý giải tại sao sau 5 năm hò hẹn, bỗng Dolores thổ lộ ngay sau khi họ vừa làm lễ đính hôn là cô thật sự chỉ muốn đi tu. Ông đã không tin ở tai mình, vì thấy Dolores vẫn tiếp tục đi đóng phim bình thường. Ông không hề ngờ rằng ơn kêu gọi dành cho Dolores đã bắt đầu từ trước khi cô quen biết ông, vào năm 21 tuổi và sự nghiệp điện ảnh đang ở vào thời kỳ rực rỡ nhất.

Một người bạn của Dolores kể lại là khi nghe cô than thở rằng đóng phim căng thẳng quá, nhưng chỉ sau vài tuần lễ thì lại đường ai nấy đi, cô phải chia tay với những người bạn mới quen mà cô quý mến, điều này để lại nhiều trống rỗng trong lòng cô gái trẻ đơn sơ dễ mến.

Thấy thế, người bạn đề nghị Dolores đến nhà dòng Biển Đức để tĩnh tâm và học hỏi lối sống và làm việc của các nữ tu là những người mà cô này cho là rất ổn định và đáng phục. Ban đầu Dolores có vẻ ngại ngần nhưng sau đó vẫn cứ đi thử. Cô đến tu viện sống vài ngày và không muốn trở về. Nhưng nhà dòng cũng chưa muốn thu nhận cô với lý do cô là người của Hollywood, rất "đáng ngờ vực", vả lại nhà dòng cho rằng cô vẫn chưa là một phụ nữ chín chắn ở lứa tuổi 21.

Dolores trở về tiếp tục đóng phim và còn đính hôn với một trí thức đạo đức và thành công nữa, nhưng mọi người không thể ngờ rằng trong tâm hồn cô gái trẻ ấy, định mệnh đã dành sẵn cho Chúa một chỗ đứng bất khả xâm phạm, một tình yêu cao hơn hết mọi cám dỗ của vật chất xa hoa trên đời mà nhiều người mơ cũng chưa có được !

Dolores vẫn kín đáo có những chuyến đi tĩnh tâm ở nhà dòng Biển Đức, và sau 2 năm, khi hội đủ điều kiện nhà dòng đưa ra là cô đã lặng lẽ rời bỏ ánh sáng hào nhoáng của đêm dạ hội ra mắt cuốn phim Come Fly With Me để chính thức gia nhập dòng Biển Đức.

Ngôi sao đang lên của sân khấu điện ảnh Hollywood từ đó được biết đến qua cái tên sơ Judith, sau đó là sơ Dolores khi khấn trọn đời vào năm 1970.

Mặc dù cuộc sống mới có đem lại rất nhiều thử thách, nhất là vào năm đầu, sơ Dolores đã tìm được nhiều sự yểm trợ tinh thần của các chị em nữ tu và của mẹ bề trên, người luôn đóng vai trò linh hướng sáng suốt và khôn ngoan khi phải bất ngờ thu nhận một đệ tử "không giống ai", để biến nhân vật nổi tiếng hơn bất cứ ai mà bà từng thu nhận trở thành một nữ tu sống trọn lời khấn "khó nghèo, trong sạch, và vâng lời".

Có thể nói, như một cuốn phim với nhiều tình tiết giả tưởng, cuộc đời của sơ Dolores đã đem lại rất nhiều bất ngờ không những cho riêng bà mà còn cho cả chính ngững người đã có ít nhiều liên hệ với bà, trong đó có ông Donald John Robinson. Những gì xảy ra trong đời ông từ khi quen biết và đính hôn với Dolores có thể được viết thành một câu chuyện ăn khách, nhưng ông đã chọn lối sống kín đáo và lặng lẽ để gìn giữ những kỷ niệm mà ông đã có với vị hôn thê mà ông trọn đời yêu quý, người đã bỏ rơi ông cho một ơn gọi thiêng liêng cao cả hơn mà chỉ có những người tín hữu với một ý thức đặc biệt như ông mới hiểu và vui lòng chấp nhận.

Chẳng thế mà tuy bị Dolores "bỏ rơi", Donald vẫn vui lòng chấp nhận và vẫn giữ mối quan hệ lành mạnh thủy chung với bà cho đến ngày ông nhắm mắt lìa đời vào tháng 11 năm 2011, ông vẫn không hề lập gia đình với ai, viện cớ "Chẳng ai thay thế được Dolores". Được biết, ông vẫn có thói quen đến thăm bà tại đan viện Biển Đức đều đặn hai lần một năm vào dịp Noel và Phục Sinh. Khi ông qua đời vài tháng trước đây, toàn bộ tài sản và của cải của ông đã được trao lại cho đan viện Biển Đức để các sơ có thêm tài lực mà làm việc phục vụ công ích.

Donald John Robinson (1933-2011), người đã đi bên lề cuộc đời của tài tử, nữ tu Dolores cho đến cuối đời mà vẫn không nguôi tình yêu dành cho bà.

Xem đoạn phim Francis of Assisi

Một đoạn trong phim "Francis of Assisi" mà Dolores thủ vai chính, nói về cuộc đời một vị công nương (Clare) đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa vương giả để sống đời tu trì, ngày cha cô đến đòi con về cũng là ngày cô xuống tóc và khấn dòng. Cuốn phim cũng như một lời báo trước cuộc đời tu trì của tài tử Dolores Hart được bắt đầu 2 năm sau đó:

Dường như, sự trở lại Hollywood của Dolores lần này không ngoài mục đích chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, trong thời đại điên đảo ngày nay khi các giá trị nhân bản và đạo đức đang đến hồi suy thoái và hỗn loạn nhất, khi giới trẻ tìm mãi vẫn không thấy được những mẫu gương cao quý để nói theo, vẫn có những điều tốt đẹp và lạ thường đang xảy ra một cách hết sức bình thường, như cuộc đời và mối tình đơn sơ thành thật của Dolores Hart, một nữ tu sinh ra với một sứ mạng đặc biệt không một lý giải trần gian nào có thể giải thích cặn kẽ, trừ khi chấp nhận gọi đó bằng hai chữ "ơn Chúa" với lòng xác tín. Như Mẹ Dolores, sau mấy chục năm tu trì vẫn chưa thể nào tự hiểu nổi.
 
Con đường nên thánh gian nan: linh mục Flanagan của Boys Town (4/4)
Trần Mạnh Trác
09:59 03/03/2012
Boys Town

Và như vậy vào ngày 12 tháng 12 năm 1917, với 90 đôla vay từ một người bạn để trả tiền nhà, ngài đưa 5 đứa con trai về ở với ngài trong căn nhà đầu tiên, khu Byron Reed Building ở đường 25th và đường Dodge.

Số trẻ tăng mau, ngày 1 tháng 6, 1918 thì cha Flanagan cùng 32 đứa trẻ dọn tới một căn nhà lớn hơn gọi là German-American Home ở số 4206 đường South 13th Street.

Những đứa bụi đời ấy, đa số là những phạm nhân được tòa án giao cho, có đứa từ đường phố xin vào, và có đứa do người ta bắt được trao tới. Cha Flanagan ghi danh và cho chúng lái xe tới trường sau khi cam đoan với nhà trường là chúng sẽ cư xử ngoan ngõan.

Noel năm đó, số trẻ tăng lên đến 100 rồi 150.

Nhờ sự giúp đỡ của các Sơ của nhà dòng Notre Dame Sisters và nhiều thầy giáo khác đã được huấn luyện kỹ lưỡng, cha Flanagan quyết định thực hiện một chương trình giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ bụi đời, lấy phòng khách của căn nhà làm lớp học, chương trình chú ý đến từng đứa một theo trình độ của chúng.

Một tờ nguyệt san được phát hành có tên là Father Flanagan's Boy’s Home Journal, bán 10 cent một số, có thông tin về sinh họat, có bài viết của cha Flanagan, có thực đơn làm bếp, có chuyện vui và có cả những chỉ dẫn sửa nhà sửa cửa.

Ngày 18 tháng 5, 1921 Cha Flanagan ký giấy mua một nông trại có tên là Overlook Farm, cách Omaha 10 dặm. Ngài dựng 5 căn nhà gỗ và dọn các trẻ về đó.

Nông trại đủ rộng để cho các trẻ có thể trồng rau, chơi baseball, chơi football, chạy việt dã.

Tháng 3 năm 1922, nhiều thương nghiệp và tôn giáo của Omaha đã quyên góp đủ tiền để xây cho nông trại một tòa nhà 5 tầng, vừa làm văn phòng, vừa làm phòng học, phòng ăn, phòng thể thao, phòng ngủ, nguyện đường, và trạm y tế.

Nông trại được đăng ký là Boys Town, bầu ra thị trưởng riêng, mục đích là để giáo dục và luyện nghề cho các trẻ trai từ 10 cho đến 16 tuổi.

Vào năm 1930, dân số Boys Town tăng lên 280 em.

Trung tâm Boys Town luôn mở rộng cánh cửa cho mọi người. Không có hàng rào, không có một cản trở nào nếu một đứa trẻ muốn bỏ đi. Cha Flanagan thường nói rằng ngài "không xây một nhà tù", "Đây là một Nhà, chúng ta không bắt nhốt những đứa con của gia đình."

Ngài đã giải thích rõ hơn cái ý tưởng giáo dục ấy trong lời phát biểu ở Ái Nhĩ Lan sau này:"Tôi không tin một đứa trẻ có thể hóan cải nhờ vào xiềng xích và chuồng cọp, hay là vì sợ hãi mà phát huy nhân phẩm được"

Chương trình sinh họat hằng ngày được thiết kế giống như một ngày 'bình thường' của các trẻ em 'bình thường' khác, thức dậy vào lúc 7:30am và đi ngủ vào khoảng 9pm-10pm tùy theo ngày trong tuần. Ban ngày các em học và làm việc, ban đêm chơi giải trí, đánh bài, nghe radio.

Trong những sinh hoạt đó cha Flanagan đã nêu gương trước, cách riêng những gương sáng đạo đức. Ngài kính mến Đức Mẹ một cách đặc biêt và không quên lần chuỗi hàng ngày. Ngài có mặt ở nhà nguyện trứơc khi mọi người tới. Ngài khuyến khích các trẻ trai cầu nguyện theo niềm tin của chúng. Tôn chỉ của ngài là "mọi đứa con trai cần cầu nguyện; cầu nguyện gì thì là tùy ở chúng."

Nguyên tắc căn bản mà ngài áp dụng khi làm việc với giới trẻ là chúng cần có tình thương để phát triển. Câu châm ngôn nổi danh của ngài là "Không có đứa con trai nào xấu cả. Chỉ có môi trường xấu, phương pháp xấu, gương xấu, ý tưởng xấu".

Danh tiếng của Boys Town từ từ lan rộng nhờ những chương trình Radio của cha Flanagan, nhờ các buổi trình diễn hợp ca của ca đòan Boys Town và nhờ những thành công trong việc trả về cho xã hội những công dân tốt. Nhưng sự quảng bá rầm rộ nhất đến từ Hollywood, qua hai phim lấy Boys Town làm bối cảnh do Spencer Tracy và Mickey Rooney đóng. Cả Thế Giới bắt đầu nói tới Boys Town.

Cuốn phim thứ nhất 'Boys Town' phát hành năm 1938 kể chuyện thành lập Boys Town của cha Flanagan và đã đem lại cho tài tử Tracy giải Oscar là diễn viên xuất sắc nhất. Trong lúc nhận giải, ông Tracy đã cao hứng nói thao thao bất tuyệt về cha Flanagan và kết luận "nếu qúi vị hiểu được ngài qua những diễn xuất của tôi thì tôi xin chân thành cám ơn qúi vị".

Người ta đã đúc thêm một phiên bản của tượng Oscar và trao cho Boys Town, với dòng chữ khắc như sau: "Kính tặng Cha Flanagan, lượng từ bi nhân hậu và lòng can đảm phi thường của cha đã rọi sáng những đóng góp khiêm nhừơng của tôi. Ký tên Spencer Tracy."

Cuốn phim thứ hai là 'Men of Boys Town,' cũng do Spencer Tracy thủ vai, phát hành năm 1941.

Di sản của linh mục Flanagan

Cha Flanagan đã trở thành một thẩm quyền trên lĩnh vực giáo dục con trẻ. Lúc sinh thời Ngài đã trực tiếp lo cho hơn 6.000 thiếu niên, đã đi khắp Hoa Kỳ để quảng bá quan điểm của mình về trẻ vị thành niên.

Sau Thế chiến II, Tổng thống Truman đã mời ngài sang châu Á và châu Âu để cố vấn cho các chương trình trẻ mồ côi nạn nhân chiến tranh.

Năm 1946, Cha Flanagan đến thăm quê hương Ái Nhĩ Lan yêu quý. Ngài đi thăm các nhà tù, các trường dậy nghề cho thanh thiếu niên và các cơ sở giáo dục của dòng Christian Brothers. Ngài rất thất vọng và công khai lên án các chương trình và các tổ chức của Ái Nhĩ Lan là những "tổ chức trừng phạt", một "nỗi ô nhục của dân tộc."

Ngài đề nghị cho Ái Nhĩ Lan một giải pháp và tha thiết cầu xin quê nhà áp dụng nó. Nhưng về điều này, giống như Chúa Kitô ngày xưa đã bị xua đuổi khỏi quê hương mình, ngài bị công khai chế nhạo và bị tẩy chay bởi chính phủ và các giới chức của dòng Christian Brothers.

Một trong những mong ước cuối cùng của ngài là những cải thiện sẽ được du nhập vào Ái Nhĩ Lan.

(Buồn thay ngày nay, sau hơn 60 năm, Ái Nhĩ Lan vẫn chưa cải tiến phương pháp giáo dục và đang sa vào một cuộc khủng hỏang lớn. Khi điều tra về các lạm dụng trong hệ thống giáo dục, nhiều người tiếc là đã bỏ lỡ một cơ hội 'ngàn năm một thuở' vì không nghe theo lời khuyên của Cha Flanagan lúc đó. Bản 'Điều Trần Ryan' năm 2009 của chính phủ viết: " Những chứng cớ cho thấy tuy Cha Flanagan không phải là người duy nhất đã lên tiếng chống đối cơ chế này. Tuy nhiên, ngài đã thẳng thắn và can đảm không sợ mích lòng, dù cho lúc đó ngài đang được khen ngợi là một vị anh hùng dân tộc, để lên tiếng rất mạnh mẽ và gọi cơ chế này, không những chỉ là bất nhân, mà còn là phi kitô giáo.")

Năm 1947, ngài tiếp tục đi công tác qua Nhật và Đại hàn rồi qua Áo và cuối cùng, năm 1948, qua Đức.

Ngài nói tiên tri về cái chết và về tương lai của công việc trước khi qua đời vì một cơn đau tim đột xuất tại Berlin (Đức) vào ngày 15 tháng 5 năm 1948, "Những công việc mà bạn nhìn thấy sẽ được tiếp tục cho dù tôi còn có hay không, bởi vì đó là công việc của Chúa, chứ không phải của tôi."

Thực vậy, sứ mệnh của ngài đã lan rộng ra sau khi ngài không còn nữa. Ngày nay, chương trình Boys Town đã được thực hiện ở 10 tiểu bang và ở Washington DC, chương trình còn điều hành hai bệnh viện, một trung tâm đào tạo quốc gia và một đường dây nóng. Trên bình diện quốc tế, chương trình Boys Town săn sóc trực tiếp và gián tiếp cho 1.4 triệu thanh thiếu niên và gia đình của chúng.

Thi thể của Ngài đã được đưa về Nhà, là Nebraska, và chôn trong nguyện đường Dowd của Boys Town.

Thay lời kết

Trong khi tìm hiểu và vinh danh cuộc đời thánh thiện của linh mục Flanagan, chúng ta không thể không so sánh với các linh mục Việt Nam ở quốc ngọai hiện nay, và nói chung với các tu sĩ nam nữ VN.

Cũng cùng một nghịch cảnh tha hương hay bị bức bách trên con đường tận hiến, cũng cùng một sứ mệnh là xoa dịu nỗi đau thương cho những người đồng hương, còn mang nhiều vết tích thương đau từ một lịch sử và cơ chế đầy bạo hành.

Cũng như linh mục Flanagan, các ngài đang hy sinh trọn vẹn cuộc đời cho 'đòan Lữ Hành' được 'sống tốt hơn'. Chúng ta xin vinh danh các ngài.

Người VN có câu "Thời Thế tạo Anh Hùng", hy vọng rằng hòan cảnh tương đồng sẽ tạo ra nhiều 'Flanagan VN' trong tương lai.
 
Anh: phát hiện một Tin Mừng ngụy thư mới
Nguyễn Trọng Đa
08:59 03/03/2012
Anh: phát hiện một Tin Mừng ngụy thư mới

Trong bộ sưu tập papyrus đến từ Oxyrhynchos

ROMA - Một Tin Mừng ngụy thư mới đã được phát hiện ở Anh, bởi Khoa trưởng Phân khoa Thần học thuộc Đại học Tây Ban Nha Navarra, thành phố Pamplona, là Juan Chapa, cũng là giáo sư dạy Tân Ước. Nội dung và hình thức của Tin Mừng này nhắc nhớ lại bốn sách Tin Mừng: Matthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Đoạn Tin Mừng này thuộc về bộ sưu tập nổi tiếng Papyrus đến từ Oxyrhynchos (Oxyrhynchos cổ đại, ở miền trung Ai Cập), được bảo quản và xuất bản bởi Đại học Oxford, dưới sự bảo trợ của “Hội khám phá Ai Cập” (EES) ở London và “Viện Hàn lâm Anh".

Sách ngụy thư có nghĩa là sách không “được Giáo Hội đưa vào danh sách chính thức của Kinh Thánh": Đối với các Kitô hữu, "qui điển" của Kinh Thánh, vốn được coi là "linh hứng", thực sự kết thúc với cái chết của Thánh Tông Đồ cuối cùng, Thánh Gioan thánh sử, ở Êphêsô năm 101, thọ 98 tuổi.

Tài liệu mới được phát hiện có kích thước 7 cm x 7 cm. 22 dòng viết ở cả hai mặt giấy. Phía trước, người ta tìm thấy các lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, và – theo giải thích của giáo sư Chapa - là "lời mời gọi đi theo Ngài cách triệt để, và sự ám chỉ đến Giêrusalem và Nước Chúa.”

Nhà nghiên cứu Tây Ban Nha nói thêm, mặt bên kia kể một phần phép lạ “trừ quỷ” do Chúa Giêsu thực hiện, nhưng không đúng chính xác như những gì nói trong bốn sách Tin Mừng. Hơn là một cuộc trừ quỷ, trích đoạn này có thể là một tổng hợp của những gì đã kể trong các Tin Mừng ngụy thư khác - không được công nhận trong qui điển Kitô giáo như là "linh hứng" – điều này nhấn mạnh "tầm quan trọng của hoạt động này nơi các Kitô hữu tiên khởi."

Theo nhà nghiên cứu bản văn trên giấy papyrus, người đã cộng tác từ nhiều năm qua với dự án xuất bản các văn bản papirus được sưu tập ở Anh, người ta chưa rõ tầm quan trọng của sự phát hiện này.

Tuy nhiên, giáo sư đảm bảo rằng phát hiện này sẽ "cho sự sáng tỏ mới về Kitô giáo của hai thế kỷ đầu tiên”, và biết rõ hơn về những gì “các Kitô hữu đầu tiên ở Ai Cập đã đọc và họ suy nghĩ đến điều gì, cũng như hiểu về sự thành hình các sách Tin Mừng."

Giáo sư giải thích: “Nó nổi bật nhờ độ tuổi của nó, vì nó đã được viết vào khoảng năm 200, một thời kỳ mà còn rất ít bản viết tay được lưu giữ, và thời kỳ mà người ta tìm được rất ít chứng tá của Tin Mừng ngụy thư.”

"Chúng ta chỉ có hơn chục bản viết tay của các Tin Mừng qui điển của thời ấy, và bốn bản viết tay của các Tin Mừng ngụy thư: Tin Mừng theo thánh Tôma, "Tin Mừng Egerton" - được biết đến như là Papyrus Egerton 2, bằng chứng duy nhất của một Tin Mừng nổi tiếng - và các Tin Mừng khác mà các chuyên viên gán cho Tin Mừng theo thánh Phêrô.

Bốn sách Tin Mừng trong Tân Ước là những sách mà Giáo Hội đã chuyển giao như là bằng chứng đích thực của thời kỳ các thánh tông đồ, và các sách còn lại của cùng một loại, mà không thêm bất cứ điều gì mới cho trình thuật Tin Mừng qui điển, hoặc phổ biến một tín điều đặc biệt nào đó, không được coi là "linh hứng."

Dường như các sách này phản ánh nỗ lực của các Kitô hữu muốn bổ sung, bằng nhiều chi tiết liên quan những gì mà các sách Tin Mừng qui điển không nói...về thời thơ ấu của Chúa Giêsu chẳng hạn. Các sách này đã được viết trong vòng 400 năm, từ thế kỷ thứ hai đến cuối thế kỷ thứ sáu.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ thứ hai đã có "danh sách" các cuốn sách qui điển, như của thánh Irenaeus, người vào khoảng năm 175 đã công nhận việc sử dụng bốn sách Tin Mừng, Công vụ Tông đồ, các thư của thánh Phaolô, thánh Phêrô, thánh Gioan và sách Khải huyền. (ZENIT.org 2-3-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giáo Hội phải chống lại dối trá và lừa gạt
Lã Thụ Nhân
09:01 03/03/2012
Giáo Hội phải chống lại dối trá và lừa gạt

Vatican City (VIS) - Năm nay, việc giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều sẽ được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục của Kinshasa, Cộng hoà Dân chủ Congo, ngài tập trung vào chủ đề "sự hiệp thông của các Kitô hữu với Thiên Chúa". Bắt đầu bằng dấu thánh giá, Đức Hồng Y đã suy tư rằng Thiên Chúa là ánh sáng, sự thật, lòng khoan dung và là người dẫn đường yêu thương, sau đó chuyển sang suy xét về tình yêu của thế giới, sự thiếu đức tin vào Chúa Kitô và tội lỗi của các linh mục.

Dấu thánh giá hơn cả một thói quen, nó là một "hành vi qua đó chúng ta làm tăng thêm sự chói lọi của kiến thức và tính năng động của tự do cho mỗi hành động của chúng ta". Nó là một dấu chỉ với ý nghĩa là "sự hy sinh cho tình yêu. Đó là sự chết cho phục sinh". Vì vậy, nó ngụ ý từ bỏ sự phù phiếm, thanh thế, chiếm hữu, thống trị, và thánh hóa các hoạt động của chúng ta cho Chúa Kitô.

Trong bối cảnh những suy ngẫm của ngài về Thiên Chúa là đường, sự thật, và là sự sống, Đức Hồng Y Monsengwo Pasinya đề cập đến một số các sự kiện kịch tính nhất thời đại chúng ta, chẳng hạn như chiến tranh, diệt chủng, bạo lực chính trị, phá thai và tất cả các hình thức thao túng của con người . Ngài cũng mời gọi thính giả của ngài không thờ ơ "đối với sự đàn áp và bóc lột của con người đối với con người", và không hạ thấp cảnh giác, "ngay cả những mầu nhiệm sự dữ ở xa chúng ta".

Đức Hồng Y cho hay: "Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng. Nói cách khác, chúng ta phải lựa chọn để từ bỏ tội lỗi" và để cho Sự Thật biến đổi đời sống chúng ta thông qua hành trình hoán cải. Hiểu biết Thiên Chúa là Sự Thật mang tầm quan trọng đặc biệt đối với người "không có nhận thức về tội lỗi của mình, đối với người bị mất cảm giác tội lỗi vì họ không đặt bản thân mình vào vấn đề của Thiên Chúa", và đối với người không có tiêu chuẩn đạo đức và nhầm lẫn giữa thiện và ác. Xu hướng này liên quan đến "sự thờ ơ tôn giáo, vốn khẳng định rằng tất cả các tôn giáo là như nhau, nhưng thực tế là tìm kiếm một nền luân lý lỏng lẻo".

Đức Hồng Y cảnh báo rằng các linh mục cũng không thoát được những lỗi này, "trong chừng mực khô khan tinh thần dẫn họ vào những khiếm khuyết tượng tự. Do đó, thừa tác vụ linh mục chỉ đơn thuần trở thành chức năng và không mang ý nghĩa thực sự của Thiên Chúa". Đức Tổng Giám Mục của Kinshasa cũng sử dụng ví dụ về các Tông Đồ Phêrô và Giuđa. Tông Đồ Phêrô "bộc lộ sự quảng đại, sự gắn bó với Chúa Kitô của mình, tuy nhiên, ngài đã sa ngã do thiếu thận trọng và đưa bản thân vào chốn nguy hiểm, dù ngay lập tức ngài từ bỏ chốn sa ngã và đau buồn trong cay đắng về tội lỗi của mình". Đây là một bài học cho tất cả các linh mục. "Sự quảng đại của chúng ta không bảo vệ chúng ta thoát khỏi tội lỗi. Chúng ta phải thận trọng, và đừng bất cẩn đặt mình vào khả năng sa ngã. Trong tất cả các tình huống, bất cứ điều gì xảy ra, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Sự sỉ nhục lớn nhất chúng ta có thể tỏ rõ với Ngài là nghi ngờ lòng thương xót của Ngài, như Giuđa đã làm".

Đức Hồng Y cho biết: "Sống trong sự thật là sống theo Tám Mối Phúc Thật. Nghĩa là khước từ những điều dối trá trong lời nói và hành động của chúng ta. Nghĩa là chối từ thứ đạo đức giả vốn đẩy chúng ta bộc lộ khác với bản chất vốn có".
Giáo Hội cũng phải chống lại sự dối trá và lừa gạt, cả trong Giáo Hội và trong thế gian, và đấu tranh "để người ta biết và sống với sự thật của Tin Mừng Chúa Kitô".

Lã Thụ Nhân
 
Tòa Thánh mời gọi giúp đỡ thiết thực cho các Kitô hữu Thánh Địa
Lã Thụ Nhân
09:02 03/03/2012
Tòa Thánh mời gọi giúp đỡ thiết thực cho các Kitô hữu Thánh Địa

Vatican City (AsiaNews) - "Sự cô đơn chính là thời điểm cảm nhận mạnh mẽ" của các Kitô hữu nơi Thánh Địa, có thể "được vượt thắng bằng tình huynh đệ của chúng ta" và hỗ trợ cho sứ mạng của Giáo Hội ở những nơi này, mặc dù "một sứ vụ mục vụ cụ thể, đồng thời cung cấp sự phục vụ xã hội đáng khen ngợi dành cho tất cả mọi người mà không có ngoại lệ. Bằng cách này, tình huynh đệ, có thể vượt qua những chia rẽ và phân biệt đối xử, làm gia tăng và đưa ra động lực canh tân để đối thoại đại kết và hợp tác liên tôn, "vốn là công việc của hòa bình".

Bằng những lời lẽ này, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương yêu cầu các giám mục trên thế giới "đặt mình bên cạnh các Kitô hữu ở Giêrusalem, Israel và Palestine, cũng như các quốc gia gần họ - Jordan, Syria , Lebanon, Cyprus, Ai Cập - cùng nhau hình thành nên vùng đất được chúc phúc".

Đức Hồng y viết thêm rằng việc quyên góp cho các tín hữu của Thánh Địa là lúc mà "chúng ta chia sẻ mối bận tâm của Đức Thánh Cha "dành cho gười dân các nước mà sự thù nghịch và hành động bạo lực tiếp diễn, nhất là Syria và Thánh Địa" (Diễn văn trước Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh, ngày 9 tháng Giêng, 2012). Ngay sau đó, Đức Thánh Cha một lần nữa đã can thiệp nhiệt thành vào Syria, nhắc lại "lời kêu gọi cấp thiết chấm dứt bạo lực... vì lợi ích chung của toàn xã hội và khu vực" (kinh Truyền Tin, Chúa Nhật 12 Tháng Hai, 2012)"

Nhắc lại rằng việc quyên góp diễn ra theo truyền thống vào thứ Sáu trước lễ Phục Sinh, Đức Hồng Y Sandri cho hay "năm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh có vẻ phù hợp hơn bao giờ hết như là một dấu chỉ khó khăn của cả linh mục và tín hữu, vốn bị ràng buộc với những đau đớn của toàn bộ Trung Đông. Đối với các môn đệ của Chúa Kitô, sự thù địch thường như cơm bánh hàng ngày làm nuôi dưỡng đức tin và đôi khi tạo nên âm vang của việc tử vì đạo. Việc di dân Kitô giáo bị làm trầm trọng thêm bởi sự thiếu hòa bình, có xu hướng làm kiệt đi niềm hy vọng, thay vào đó là nỗi lo sợ phải đối mặt một mình với một tương lai mà dường như chỉ tồn tại sự bỏ rơi trong chính đất nước mình ".

"Tuy nhiên, như trường hợp của hạt lúa trong Tin Mừng (x. Ga 12,24), những thử thách gian nan của các Kitô hữu tại Thánh Địa không nghi ngờ gì nữa nhằm chuẩn bị cho một ngày mai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, bình minh của ngày mới này, đòi hỏi sự hỗ trợ về trường học, trợ giúp y tế, nhà ở quan trọng, nơi hội họp, và tất cả mọi thứ khác mà lòng quảng đại của Giáo Hội đã đặt ra. Đức tin thật tuyệt vời chúng ta khám phá nơi giới trẻ, những người làm chứng cho Tám Mối Phúc Thật và lòng yêu nước của họ, họ đã dấn thân làm việc cho công lý và hòa bình qua các phương tiện truyền giáo bất bạo động. Thật là niềm tự hào chính đáng và đức tin kiên vững được thông truyền bởi những người đưa ra lời hòa giải và tha thứ, để biết rằng đây là đáp trả đích thực với bạo lực và ngay cả lạm dụng quyền lực. Chúng ta có nhiệm vụ khôi phục di sản tinh thần mà chúng ta nhận được từ hai thiên niên kỷ qua nơi các Kitô hữu trung thành với chân lý đức tin. Chúng ta có thể và phải làm điều này bằng lời cầu nguyện, bằng cách hỗ trợ cụ thể, và bằng cuộc hành hương. Năm Đức Tin, đánh dấu kỷ niệm 50 năm của Công đồng Đại kết Vatican II, sẽ mang lại động lực đặc biệt cho chúng ta để dẫn bước chân chúng ta hướng về Vùng Đất đó, cuộc hành trình đầu tiên trong trái tim chúng ta qua các mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô cùng với Mẹ Thánh của Chúa".

Thư các của Đức Hồng Y đính kèm báo cáo của Quản Thủ Thánh Địa "tiếp tục không ngừng con đường của nhiều thế kỷ, bảo tồn và bảo vệ các Nơi Thánh trong Vùng Đất của Chúa Giêsu, giữ gìn phụng vụ trong các nhà thờ cách sống động, để hỗ trợ những người hành hương, tăng cường các công trình tông đồ để hỗ trợ các cộng đoàn Kitô hữu". Tài liệu chứa một danh sách các dự án, công trình được lên chương trình và thực hiện trong năm 2010/2011.

Lã Thụ Nhân
 
Gia đình có vai trò không thể thiếu trong việc loan truyền đức tin
Lã Thụ Nhân
09:03 03/03/2012
Gia đình có vai trò không thể thiếu trong việc loan truyền đức tin

Vatican City (VIS) - Hội đồng Lễ quy thứ mười hai của Ban Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây đã tổ chức cuộc họp thứ bảy. Kết quả những thảo luận của họ đã được công bố trong một thông cáo báo chí.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, bắt đầu cuộc họp báo bằng cách nhắc lại rằng Hội nghị Thông thường lần thứ 13 của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày 07 đến 28 tháng Mười với chủ đề: "Tân Phúc Âm Hóa đối với việc loan truyền đức tin Kitô giáo". Kế đến, các thành viên của Hội đồng chuyển sự chú ý của họ đến bản dự thảo "Instrumentum laboris" hoặc tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, dừng lại xem xét chi tiết vấn đề của "những người tiếp nhận việc tái truyền giáo và đặc tính của các Kitô hữu trong mối quan hệ của họ với Chúa Kitô".

Thông cáo lưu ý rằng "cuộc thảo luận đặc biệt sôi nổi liên quan đến địa vị đứng đầu của đức tin tại thời điểm này trong lịch sử, mang đặc điểm bởi cuộc khủng hoảng đức tin, cũng là cuộc khủng hoảng trong việc loan truyền đức tin. Đề cập đến 'việc không sinh hoa trái của loan báo Tin Mừng hiện nay' cũng do ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại, làm cho việc loan truyền đức tin đặc biệt khó khăn, và biểu trưng một thách đố cho cả Kitô hữu và Giáo Hội. Trong bối cảnh này, Năm Đức Tin sẽ là một dịp tốt để phát triển quà tặng của đức tin nhận được từ Chúa, để sống và truyền tải nó cho tha nhân".

Thông cáo cho biết thêm: "Nơi đầu tiên cho việc loan truyền đức tin đã được nhận biết chính là gia đình. Đức tin được thông truyền cho giới trẻ, trong gia đình, người trẻ học cả nội dung và thực hành đức tin Kitô giáo. Kế đến, những nỗ lực không thể thiếu của các gia đình này được mở rộng bằng việc dạy giáo lý trong các tổ chức giáo hội, nhất là thông qua phụng vụ với các Bí tích và bài giảng, hoặc bằng cách tạo không gian cho lòng đạo đức bình dân nơi các hội đoàn giáo xứ, các phong trào và cộng đoàn giáo hội".
Lã Thụ Nhân
 
Thế giới nhìn từ Vatican 24/02 - 02/03/2012 Nữ tu dòng Biển Đức: Mẹ Dolores được đề cử giải Oscar 2012
VietCatholic Network
15:32 03/03/2012
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 gặp gỡ Học viện Giáo Hoàng về sự sống ở Vatican

Hôm 27 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các tham dự viên đến từ Học viện Giáo Hoàng về sự sống đang tham dự một cuộc họp tại Vatican. Trong ba ngày, hội nghị đã xem xét một số các nghiên cứu gần đây về "Chẩn đoán và điều trị vô sinh". Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với công việc của các vị trong học viện.

Ngài nói:

"Tôi chào thăm và cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ quảng đại cho việc bảo vệ và ủng hộ sự sống."

Đức Thánh Cha đã nói về những đau khổ mà các cặp vợ chồng vô sinh phải trải qua và cách thế Giáo Hội có thể giúp đỡ họ.

Ngài nhấn mạnh:

"Giáo Hội quan tâm đến sự đau khổ của các cặp vợ chồng vô sinh, và mối quan tâm của Giáo Hội dành cho họ dẫn đến sự khích lệ các nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên, khoa học không phải lúc nào cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng, và vì vậy tôi muốn nhắc nhở những người đang gặp tình cảnh vô sinh là đừng vì thế mà trở nên thất vọng đối với ơn gọi hôn nhân của mình"

Học viện Giáo Hoàng về sự sống được thành lập vào năm 1994 bởi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Vị chủ tịch đầu tiên của là Jérôme Lejeune, là khoa học gia đã phát hiện ra nhiễm sắc thể gây ra hội chứng Down và bây giờ Giáo Hội đang trong tiến trình cứu xét án phong chân phước cho ngài.

Học viện Giáo Hoàng về sự sống bao gồm 70 thành viên chuyên về lĩnh vực y sinh học. Các vị được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng xin anh chị em tín hữu cầu nguyện cho ngài trong thời gian tĩnh tâm

Một vài giờ trước khi bắt đầu kỳ tĩnh tâm Mùa Chay của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ các tín hữu hành hương qua cửa sổ phòng làm việc của ngài tại điện Tông Tòa trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 2 với hàng ngàn khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha đã nói về mùa Chay và đưa ra một số ý tưởng về cách thế sống 40 ngày suy tư, cầu nguyện và hoán cải này.

Ngài nói:

"Khi chúng ta bắt đầu mùa thánh thiện này, tôi khuyến khích tất cả mọi người, được hướng dẫn bởi quyền năng của Thiên Chúa, sẽ nhiệt thành trong lời cầu nguyện, sám hối và trong những việc bác ái, để chiến thắng tội lỗi và được thanh tẩy cho lễ Phục Sinh."

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cảnh báo về sự nguy hiểm trong một cuộc sống mà không quy hướng về Thiên Chúa. Ngài cho biết đó là một sự cám dỗ đã luôn luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Đức Thánh Cha cũng đã xin anh chị em tín hữu hiện diện cầu nguyện cho ngài trong những ngày tĩnh tâm.

Ngài nói:

"Tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em cho tuần tĩnh tâm sẽ bắt đầu chiều nay với các cộng tác viên của tôi trong Giáo Triều Rôma."

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng sẽ kéo dài cho đến thứ Bẩy 3 tháng 3 trong tuần thứ Nhất Mùa Chay tại nhà nguyện Redemptoris Mater của Tòa Thánh. Năm nay, những bài tĩnh tâm do Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya từ Congo phụ trách. Chủ đề của kỳ tĩnh tâm này là "Tình hiệp thông với Thiên Chúa của người Kitô hữu".

Nhà nguyện Redemptoris Mater của Vatican là một trong những nơi đẹp nhất trong dinh Tông Tòa. Nhà nguyện này được xây dựng vào năm 1996 theo lòng mong muốn của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng và các vị trong giáo triều Rôma bắt đầu mỗi buổi sáng lúc 9 giờ với kinh nhật tụng. Và mỗi ngày sẽ kết thúc bằng việc chầu Thánh Thể.

Trong suốt bảy ngày cho đến khi kết thúc vào Thứ Bảy 3 Tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ không có bất kỳ cuộc tiếp kiến nào với công chúng, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi: Mỗi nhà cần có một Thánh Kinh

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi đã hiện diện trong buổi ra mắt của "BUC", một dự án nhằm tăng cường xuất bản các sách Công Giáo trên phạm vi toàn cầu. Dự án này hướng đến việc xuất bản các tác phẩm nhằm canh tân đời sống tâm linh trong xã hội ngày nay. Sáng kiến này đã được đưa ra bởi nhà xuất bản San Pablo và tạp chí Famiglia Cristiana của Ý.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, là chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa, cho biết

“Từ viết tắt BUC đọc lên giống như từ ngữ 'cuốn sách' trong tiếng Anh. Thoạt đầu, chúng ta nghĩ đến tập hợp những cuốn sách và những trang giấy. Nhưng xa hơn đó là những tài liệu tôn giáo với một linh đạo cụ thể, một ánh sáng cho cho người đang tiến bước trong cuộc sống đương đại. Hơn thế nữa, đó là một sự trở về nguồn gốc sâu xa của xã hội nơi văn hóa bị lãng quên và hời hợt. "

Cuốn sách của Đức Hồng Y với nhan đề "Con người là gì?" là cuốn đầu tiên được xuất bản trong dự án BUC. Theo Đức Hồng Y, dự án BUC sẽ cung cấp cho một cái nhìn rộng về ý nghĩa của tâm linh. Bên cạnh thần học, BUC cũng nới rộng đến các chủ đề về thơ ca, nghệ thuật và triết học.

Nhân dịp này, Đức Hồng Y cho biết thêm:

"Trong các gia đình Kitô hữu, chúng ta luôn luôn phải có một cuốn Thánh Kinh, đó là cái gì đó thiết yếu trong mọi gia đình. Tốt nhất là có toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng bên cạnh đó cũng thật là cần thiết để có những tác phẩm về kinh nghiệm Kitô giáo. Và đó chính là các khía cạnh tích cực của dự án này."

Một bộ sưu tập sẽ được phân phối tại Ý là nơi đang có một sự quan tâm lớn về tâm linh trong công chúng. Một nghiên cứu của Hiệp hội các nhà xuất bản Ý nói rằng sách về đề tài tâm linh đã tăng 6%, với 900.000 độc giả mới trong thập kỷ qua.

Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các linh mục Rôma, khích lệ các ngài tìm thấy sức mạnh trong ơn gọi

Hôm 23 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với các linh mục triều của giáo phận Rôma. Ngài đã rất vui mừng để gặp lại toàn thể các linh mục và trìu mến gọi họ là "các linh mục của mình".

Trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha đã nói về tầm quan trọng của ơn thiên triệu trong việc phục vụ Giáo Hội. Ngài nói rằng Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục kêu gọi, và mỗi linh mục nên nhớ thời điểm các ngài nghe thấy tiếng gọi của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta không phải là những thực thể vô danh chẳng có ý nghĩa gì trong thế giới này. Chúng ta có một lời mời gọi. Một giọng nói đã gọi tôi, và tôi đã đi theo. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, chúng ta nên suy tư về lời mời gọi này, cố gắng để dấn thân sâu hơn nữa trong cách thế được mời gọi. "

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khích lệ các vị thể hiện đức tin bên trong và bên ngoài nhà thờ, trong quá trình làm việc của họ như là các linh mục trong tình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 gặp gỡ với các thành viên của Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô

Hôm 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với đại diện của Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô. Họ đã trao cho Đức Giáo Hoàng số tiền đã quyên góp được trong các giáo xứ tại Rôma vào ngày 29 tháng 6. Số tiền này sẽ được Đức Giáo Hoàng trao tặng cho các tổ chức từ thiện.

Đức Thánh Cha đã nêu bật công việc Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô ở các nước đang phát triển, trong việc trợ giúp việc nhận con nuôi, cũng như trợ giúp thực phẩm cho những người nghèo. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến tầm quan trọng của những việc bác ái, đặc biệt là trong Mùa Chay.

Ngài nói:

"Mùa phụng vụ này mời gọi chúng ta suy tư về trung tâm của đời sống Kitô hữu: đó là tình bác ái"

Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô đã được thành lập tại Rôma vào năm 1869 bởi một nhóm những người trẻ, do Đức Hồng Y Iacobini lãnh đạo. Đức Giáo Hoàng ủy thác cho họ thực hiện các công việc bác ái cho người nghèo trong giáo phận Rôma.

Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Mexico

Chuyến tông du hải ngoại thứ 23 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ là châu Mỹ La tinh: với Mexico, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 3, và Cuba từ ngày 26 đến 28 tháng 3.

Năm 1999, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Mexico để cung bố Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu. Với tài liệu này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự hiệp nhất của Giáo Hội tại châu Mỹ, bất chấp sự khác biệt văn hóa - xã hội. Ngài khẳng định rằng Giáo Hội phải được hiệp nhất để có thể đối mặt với những thách đố về phúc âm hóa và để đề cao các giá trị nhân bản.

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến Mexico, ngài sẽ thăm các khu vực khác hơn là những nơi vị tiền nhiệm ngài đã ghé thăm.

Thông cáo chính thức của Tòa Thánh cho biết, ngài sẽ viếng thăm León, trong tiểu bang Guanajuato, là một phần trung tâm của đất nước.

Sáng thứ Sáu 23 Tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để sang Leon, nơi ngài sẽ được Tổng thống Mexico, ông Felipe Calderon, Đức Tổng giám mục José Martín của Leon, và đại diện Hội đồng Giám mục Mexico đón tiếp.

Vào tối thứ Bảy, ngày 24 tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc họp chính thức với Tổng thống Felipe Calderon và phái đoàn chính phủ tại Rul Conde. Buổi tối, Đức Thánh Cha sẽ chào đón và chúc lành cho trẻ em và tất cả các tín hữu tụ tập tại quảng trường La Paz.

Vào sáng Chúa Nhật 25 tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial ở thành phố của Silao, dưới chân đồi Cubilete, nơi có đặt tượng đài Chúa Kitô Vua. Đại diện của các tín hữu của 91 giáo phận của Mexico sẽ có mặt.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Kinh Chiều trong Vương Cung Thánh Đường Leon và đọc một thông điệp gởi đến tất cả các Giám mục Mexico và các đại diện Hội đồng Giám mục châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê.

Vào sáng ngày 26 tháng 3, các vị trong chính quyền dân sự và tôn giáo của Mexico sẽ tạm biệt Đức Thánh Cha tại sân bay Leon, trước khi ngài khởi hành lên đường thăm Cuba.

Vua Tonga quà tặng Đức Giáo Hoàng với hình ảnh có chữ ký của mình

Ngày 24 tháng 2, Đức vua Siaosi Tupou đệ Ngũ của nước Tonga đã triều yết Đức Thánh Cha tại Vatican. Trong cuộc tiếp kiến, hai vị đã thảo luận về các lĩnh vực xã hội cả hai bên cùng quan tâm, cũng như tình hình kinh tế của quốc gia này, và đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại Tonga.

Đức vua Siaosi Tupou đệ Ngũ sau đó đã trao tặng cho Đức Thánh Cha một bức ảnh có chữ ký của mình. Đức Thánh Cha đã tặng nhà vua một huy chương triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Harambee kỷ niệm 10 năm với các dự án mới ở châu Phi

Hiệp hội Harambee kỷ niệm đệ thập chu niên của mình với bảy dự án giáo dục mới ở châu Phi. Harambee đã được thành lập nhân dịp phong thánh cho Thánh Josemaría Escrivá, người sáng lập Opus Dei.

Cô Linda Corbi cho biết:

"Nhiệm vụ của chúng tôi là để giúp mọi người ở châu Phi, trên cơ sở từng cá nhân một, thể hiện nơi sự hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết nhu cầu của họ. Bằng cách đó, chúng ta có thể giúp họ nhiều hơn. Vấn đề không phải chỉ là chuyển hàng hóa từ phương Tây sang châu Phi, nhưng thay vào đó là một sự hiểu biết lẫn nhau để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Theo ý nghĩa này, chúng tôi biết là chúng tôi đầy tham vọng. "

Hiệp hội Harambee phải đối mặt với những thách thức như cải thiện việc đào tạo giáo viên và các lớp học với nhu cầu đặc biệt như ở các nước như Kenya, Benin và Sao Tomé. Hiệp hội cũng tổ chức các giải thưởng quốc tế Harambee mỗi hai năm cho những phim tài liệu, những câu chuyện và hình ảnh về Châu Phi. Giải thưởng quốc tế Harambee lần thứ 5 đã diễn ra năm nay tại Lisbon.

Linda Corbi cho biết:

"Ý tưởng chính là mở một cửa sổ hứa sang châu Phi, một cửa sổ tích cực. Quá nhiều thời gian, phương Tây chỉ nhận được tin tức tiêu cực về châu Phi và điều này là không công bằng. Vì vậy, điều quan trọng là mở cửa cho khả năng truyền tải các giá trị tích cực. "

Harambee hoạt động nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa phương Tây và châu Phi. Danh xưng Harambee đến từ một từ tiếng Swahili có nghĩa là ‘tất cả cùng nhau’.

Nữ tu dòng Biển Đức được đề nghị giải Oscar

Trong số các ngôi sao Holywood tiến bước trên thảm đỏ trong buổi lễ trao giải Oscar năm nay vừa diễn ra hôm 26 tháng 2, đã có sự hiện diện của một nữ tu dòng Biển Đức năm nay đã 73 tuổi. Minh tinh 73 tuổi này nay được gọi là Mẹ Dolores thuộc về tu viện Regina Laudis ở Bethlehem, Connecticut.

Tuy nhiên, trước khi là nữ tu, Mẹ Dolores đã từng là minh tinh Dolores Hart, một nữ diễn viên trẻ đang lên.

Mẹ Dolores là chủ đề chính của một bộ phim tài liệu "Thiên Chúa quan trọng hơn là Elvis", một bộ phim đã được đề nghị vào giải Oscar 2012. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đời của chính Mẹ Dolores. Đang khi có một sự nghiệp diễn xuất lẫy lừng trong đó Mẹ Dolores đã đóng 11 bộ phim cùng với Elvis Presley, nhưng thật bất ngờ Mẹ đã bỏ ngang để long trọng thề sống đời viện tu.

Mẹ Dolores đã từng thủ vai chính trong hàng loạt các bộ phim như "Where the Boys Are" cùng với George Hamilton, và "Francis of Assisi" được chiếu năm 1961.

Phim tài liệu vừa được giật giải không chỉ tập trung vào sự nghiệp Hollywood và cuộc sống của Mẹ như một nữ tu, mà còn chú ý đến các hoạt động hàng ngày của các nữ tu khác tại tu viện Regina Laudis.

Cuốn phim Doonby mang chủ đề Phò Sinh vào văn hóa nhạc pop

Doonby là một cuốn phim về một người phụ nữ đã quyết tâm phá thai vào những năm 1960. Đặc biệt, Norma McCorvey đã đóng một vai quan trọng trong cuốn phim này.

Câu chuyện diễn ra tại thị trấn nhỏ Texas Smithville, nơi một anh chàng đẹp trai vừa trôi giạt vào thị trấn này từ một chuyến xe buýt liên tiểu bang.

Chàng lãng tử, do John Schneider thủ vai, đã lọt vào mắt xanh của cô con gái vị bác sĩ địa phương. Tuy nhiên, sở trường âm nhạc và sự cuốn hút của chàng đã gợi lên những nghi ngờ trong lòng người dân địa phương và vì thế cuối cùng chàng bị dân chúng tống khứ đi chỗ khác.

Peter Mackenzie, nhà biên kịch và đạo diễn của bộ phim đã mất 15 năm để viết kịch bản. Ban đầu ông không định mời McCorvey, nhưng sau khi gặp gỡ luật sư của cô, là một cư dân tại thị trấn này, Mackenzie đã mời bà.

Bộ phim đã được chiếu ở các rạp trên toàn cõi Hoa Kỳ hôm 24 tháng 2.

Norma McCorvey là ai?

Norma McCorvey sinh ngày 22 tháng 9 năm 1947 và thường được biết đến với tên Jane Roe là nguyên cáo trong vụ án Roe vs Wade dẫn đến phán quyết cho phép phá thai của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào năm 1973.

Trước đây, Norma McCorvey thường được coi là nhân vật biểu tượng của phong trào phò phá thai tại Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây Norma McCorvey đã thay đổi suy nghĩ của mình và trở thành một người tích cực chống phá thai.

Norma sinh tại Simmesport, Louisiana, và lớn lên tại Houston, Texas trong một gia đình theo nhóm “Nhân chứng của Đức Giê-hô-va”. Người cha rời bỏ gia đình khi cô 13 tuổi, sau đó cha mẹ cô ly dị. Cô và anh trai đã được mẹ nuôi dưỡng. Nhưng người mẹ này là một người nghiện rượu và rất bạo lực đến mức Norma cảm thấy khó lòng sống nổi với bà.

Vì thế, Norma đã bỏ trường trung học ở tuổi 14. Hai năm sau đó, cô kết hôn với Woody McCorvey nhưng đã bỏ ông vì thói bạo hành trong gia đình của ông này. Cô lại quay về ở với mẹ và đã sinh đứa con đầu lòng. Năm sau, McCorvey một lần nữa mang thai và đã sinh một em bé mà cô đã cho người khác nhận làm con nuôi.

Năm 1969, ở tuổi 21, trong khi làm việc công việc lương thấp và sống chung với cha cô, Norma mang thai lần thứ ba. Cô trở về Dallas, nơi bạn bè khuyên cô nên khai gian là đã bị hãm hiếp, để có đủ điều kiện phá thai hợp pháp.

Tưởng cũng nên biết là tại thời điểm đó, tiểu bang Texas cho phép phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm và loạn luân. Norma sau đó đã thừa nhận với cảnh sát là mình khai gian.

Cô đã tìm cách phá thai bất hợp pháp, nhưng cảnh sát biết được và đã đóng cửa cơ sở y tế này. Bực mình, Norma đã quyết định nhờ đến luật sư.

Hai luật sư trẻ đầy tham vọng là Linda Coffee và Sarah Weddington đã đẩy vụ này lên đến Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Sau này, McCorvey tố cáo mình đã bị hai luật sư dụ dỗ trong mưu toan của họ nhằm thách thức luật pháp cấm phá thai của tiểu bang Texas.

Phụ lục: Dolores Hart: tiếng gọi con tim-từ Hollywood đến dòng kín Biển Đức

Vào cuối thập niên 1950-đầu 1960, lúc ông vua nhạc Rock Elvis Presley đang ở trên đỉnh cao danh vọng, các khán giả ái mộ bỗng thấy một bóng hồng xuất hiện bên cạnh ông trong các bộ phim "Loving You" (1957), King Creole (1958), và từ đó làng phim Hollywood cũng nóng lên vì sự xuất hiện của ngôi sao sáng tài sắc vẹn toàn có tên là Dolores Hart (tên trong khai sinh là Dolores Hicks), người sau đó liên tiếp được mời ký hợp đồng đóng phim (có hợp đồng lên đến 1 triệu đô la thời đó) và người ta bắt đầu thấy cô thủ những vai chính bên cạnh các nam tài tử lừng danh khác ngoài Elvis Presley như George Hamilton, Robert Wagner, Stephen Boyd, Montgomery Clift v.v... Tài diễn xuất có hồn (từng được trao giải Threater World và được đề cử nhận giải Tony cho vai diễn viên chính xuất sắc trong phim The Pleasure of His Company và vẻ đẹp quý phái của cô được so sánh với Grace Kelly- người sau này đã bỏ phim trường để về làm bà hoàng của xứ Monaco.

Cũng như Grace Kelly, Dolores Hart cũng đột ngột rời bỏ Hollywood nhưng là để đáp lại một mối tình lớn nhất trong đời mình, lớn đến nỗi chính cô cũng không ngờ là cô có thể bỏ lại sau lưng danh vọng và tên tuổi đang chói ngời như sao của mình, bỏ lại những hợp đồng bạc triệu và hôn ước với một kiến trúc sư trẻ tuổi giàu có hết lòng yêu thương mình để đáp lại một tiếng gọi thiêng liêng của trái tim, cái mà người theo đạo Công giáo gọi là "ơn kêu gọi" để thề nguyện sống suốt đời còn lại của cô trong một dòng tu kín có tên là Đan viện Biển Đức Regina Laudis ở Bethlehem thuộc tiểu bang Connecticut.

Ơn thiên triệu đặc biệt dành cho Dolores

Một điều lạ ở Dolores Hart là trong lúc mọi người còn phân vân tự hỏi vì sao một cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân, tài sắc vẹn toàn và đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân như cô lại có những quyết định lạ lùng và khó hiểu như vậy, kể cả những lời võ đoán rằng sự nghiệp tu trì của một ngôi sao điện ảnh như cô ắt sẽ không tồn tại được bao lâu, hay "Dolores đi tu vì mang bầu với Elvis", Dolores đã chứng tỏ những lời xét đoán phiến diện về sơ là hoàn toàn sai lạc. Người nữ tu ấy đã sống một đời tận hiến suốt hơn nửa thế kỷ qua trong dòng tu kín (tức là một môi trường sống chuyên biệt về cầu nguyện và làm việc trong sự yên lặng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài) với một tinh thần lạc quan và vâng phục tuyệt đối. Lần lượt, theo thời gian và luật đào thải của tự nhiên, những ông vua điện ảnh bạn diễn của Dolores Hart như Elvis Presley, George Hamilton. ..rồi cũng lần lượt giã từ sân khấu điện ảnh để đi về cõi vĩnh hằng. Ít ai còn nhớ đến và nói về người nữ điện ảnh thần thoại Dolores Hart. Nhưng bỗng dưng có tin Dolores Hart sẽ tái xuất hiện trong dịp lễ trao giải Oscar lần thứ 84 để chứng kiến sự kiện cuốn phim tài liệu nói về cuộc đời tu trì như của bà có tựa đề là "Chúa chính là một Elvis lớn lao hơn" mà bà đã đồng ý cộng tác và giúp hoàn thành theo ý bề trên của mình là Đức Cố Tổng Giám Mục Pietro Sambi có thể được nhận giải thưởng nghệ thuật cao quý nhất này.

Lạy Chúa, con đây

Thật ra Dolores đã trở ra thế giới bên ngoài vài lần trước đây, khi vâng lệnh mẹ bề trên -sáng lập viên cùa dòng Abbess Benedict Duss- vận dụng năng khiếu và kinh nghiệm diễn xuất của mình vào những việc có lợi cho công ích. Dolores kể lại khi mới gia nhập hội dòng, sơ đã hồn nhiên nói với mẹ bề trên rằng mình rất vui vì không còn phải lo lắng cho bất cứ vai diễn nào nữa vì đã dứt khoát lìa bỏ sự nghiệp làm phim lại sau lưng, nhưng không ngờ mẹ bề trên đã làm sơ ngạc nhiên pha chút tức giận khi nói rằng "Rất tiếc mà nói rằng sơ đã sai lầm hoàn toàn khi nghĩ như thế, Bây giờ mới là lúc sơ cần phải đóng một vai trò và chú tâm vào vai trò của mình" Khi thấy Dolores tỏ ý bực mình, Mẹ bề trên nói tiếp "Có nhiều điều mà sơ đã chối bỏ nhưng lại rất cần thiết phải sử dụng đến chúng ở đây". Và cứ thế, đức vâng lời và ý muốn phục vụ tha nhân đã không còn làm cho vị nữ tu đặc biệt này ngần ngại khi trở ra ngoài đời, đứng trước ống kính của các ký giả để điều trần trước quốc hội vào năm 2006 về chứng rối loạn bệnh lý thần kinh ngoại vi tự phát, căn bệnh chưa có thuốc chữa mặc dù đã ảnh hưởng đến rất nhiều người ở Mỹ. Ngoài ra, Dolores còn dùng ảnh hưởng Hollywood của mình để giúp phát triển một dự án về nghệ thuật trình diễn cho cộng đoàn của mình, với sự tiếp tay tích cực của giới tài tử điện ảnh mà bà quen thân như Paul Newman, Patricia Neal, một dự án đã đem lại cho cộng đoàn ở Bethlehem nhiều thành quả tốt đẹp về nghệ thuật phục vụ nhân sinh.

Theo lời kể của chính Mẹ Dolores, khi được Đức TGM Sambi mời bà lên gặp ngài tại Washington DC hai năm trước đây và ngỏ ý muốn mời bà tham dự làm phim về cuộc đời các nữ tu dòng kín, Mẹ Dolores đã ngần ngại và tính từ chối với lý do bà đã không giữ liên lạc với giới làm phim ở Hollywood nữa, nhưng ĐGM Sambi vẫn kiên trì thuyết phục bà và nói "Chúa sẽ lo liệu tất cả" và khuyên bà nên cầu nguyện để ơn Chúa sẽ "làm điều gì đó, vì thế giới này cần biết về đời sống của những người tu kín như thế nào" Bà ra về và thuật lại những lời ĐGM Sambi đã nói với bà cho các chị trong đan viện nghe với nỗi phân vân và lo lắng. Bà kể rằng không hiểu sao, tự dưng 2 ngày sau HBO gọi vào tu viện và ngỏ lời mời mời bà cộng tác làm cuốn phim tài liệu "God is a bigger Elvis", một sự lạ mà cho đến nay bà vẫn cho là "Có bàn tay Chúa sắp đặt"

Cuốn phim tài liệu trên hiện đã được đề cử nhận giải Oscar năm nay, nhưng không trúng giải. Tuy vậy Mẹ Dolores đã đến tham dự buổi trao giải thưởng cao quý này.

Một tình yêu để lại

Một trong những thắc mắc lớn nhất của cả những người ái mộ lẫn người theo dõi sự kiện về Mẹ Dolores là từ đâu và bắt đầu từ lúc nào bà đã chịu ảnh hưởng của "ơn kêu gọi" và làm sao bà lại có thể dứt bỏ đời thường của một người đang ở độ tuổi thanh xuân phơi phới một cách dễ dàng không vương vấn, không cả một dấu hiện báo trước? Ngay cả vị hôn phu của cô là Donald Robinson cũng không thể lý giải tại sao sau 5 năm hò hẹn, bỗng Dolores thổ lộ ngay sau khi họ vừa làm lễ đính hôn là cô thật sự chỉ muốn đi tu. Ông đã không tin ở tai mình, vì thấy Dolores vẫn tiếp tục đi đóng phim bình thường. Ông không hề ngờ rằng ơn kêu gọi dành cho Dolores đã bắt đầu từ trước khi cô quen biết ông, vào năm 21 tuổi và sự nghiệp điện ảnh đang ở vào thời kỳ rực rỡ nhất. Một người bạn của Dolores kể lại là khi nghe cô than thở rằng đóng phim căng thẳng quá, nhưng chỉ sau vài tuần lễ thì lại đường ai nấy đi, cô phải chia tay với những người bạn mới quen mà cô quý mến, điều này để lại nhiều trống rỗng trong lòng cô gái trẻ đơn sơ dễ mến. Thấy thế, người bạn đề nghị Dolores đến nhà dòng Biển Đức để tĩnh tâm và học hỏi lối sống và làm việc của các nữ tu là những người mà cô này cho là rất ổn định và đáng phục. Ban đầu Dolores có vẻ ngại ngần nhưng sau đó vẫn cứ đi thử. Cô đến tu viện sống vài ngày và không muốn trở về. Nhưng nhà dòng cũng chưa muốn thu nhận cô với lý do cô là người của Hollywood, rất "đáng ngờ vực", vả lại nhà dòng cho rằng cô vẫn chưa là một phụ nữ chín chắn ở lứa tuổi 21. Dolores trở về tiếp tục đóng phim và còn đính hôn với một trí thức đạo đức và thành công nữa, nhưng mọi người không thể ngờ rằng trong tâm hồn cô gái trẻ ấy, định mệnh đã dành sẵn cho Chúa một chỗ đứng bất khả xâm phạm, một tình yêu cao hơn hết mọi cám dỗ của vật chất xa hoa trên đời mà nhiều người mơ cũng chưa có được ! Dolores vẫn kín đáo có những chuyến đi tĩnh tâm ở nhà dòng Biển Đức, và sau 2 năm, khi hội đủ điều kiện nhà dòng đưa ra là cô đã lặng lẽ rời bỏ ánh sáng hào nhoáng của đêm dạ hội ra mắt cuốn phim Come Fly With Me để chính thức gia nhập dòng Biển Đức. Ngôi sao đang lên của sân khấu điện ảnh Hollywood từ đó được biết đến qua cái tên sơ Judith, sau đó là sơ Dolores khi khấn trọn đời vào năm 1970. Mặc dù cuộc sống mới có đem lại rất nhiều thử thách, nhất là vào năm đầu, sơ Dolores đã tìm được nhiều sự yểm trợ tinh thần của các chị em nữ tu và của mẹ bề trên, người luôn đóng vai trò linh hướng sáng suốt và khôn ngoan khi phải bất ngờ thu nhận một đệ tử "không giống ai", để biến nhân vật nổi tiếng hơn bất cứ ai mà bà từng thu nhận trở thành một nữ tu sống trọn lời khấn "khó nghèo, trong sạch, và vâng lời".

Có thể nói, như một cuốn phim với nhiều tình tiết giả tưởng, cuộc đời của sơ Dolores đã đem lại rất nhiều bất ngờ không những cho riêng bà mà còn cho cả chính ngững người đã có ít nhiều liên hệ với bà, trong đó có ông Donald John Robinson. Những gì xảy ra trong đời ông từ khi quen biết và đính hôn với Dolores có thể được viết thành một câu chuyện ăn khách, nhưng ông đã chọn lối sống kín đáo và lặng lẽ để gìn giữ những kỷ niệm mà ông đã có với vị hôn thê mà ông trọn đời yêu quý, người đã bỏ rơi ông cho một ơn gọi thiêng liêng cao cả hơn mà chỉ có những người tín hữu với một ý thức đặc biệt như ông mới hiểu và vui lòng chấp nhận. Chẳng thế mà tuy bị Dolores "bỏ rơi" Donald vẫn vui lòng chấp nhận và vẫn giữ mối quan hệ lành mạnh thủy chung với bà cho đến ngày ông nhắm mắt lìa đời vào tháng 11 năm 2011, vẫn không hề lập gia đình với ai, viện cớ "Chẳng ai thay thế được Dolores". Được biết, ông vẫn có thói quen đến thăm bà tại đan viện Biển Đức đều đặn hai lần một năm vào dịp Noel và Phục Sinh. Khi ông qua đời vài tháng trước đây, toàn bộ tài sản và của cải của ông đã được trao lại cho đan viện Biển Đức để các sơ có thêm tài lực mà làm việc phục vụ công ích.

Donald John Robinson (1933-2011), người đã đi bên lề cuộc đời của tài tử, nữ tu Dolores cho đến cuối đời mà vẫn không nguôi tình yêu dành cho bà.

Một đoạn trong phim "Francis of Assisi" mà Dolores thủ vai chính, nói về cuộc đời một vị công nương (Clare) đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa vương giả để sống đời tu trì, ngày cha cô đến đòi con về cũng là ngày cô xuống tóc và khấn dòng. Cuốn phim cũng như một lời báo trước cuộc đời tu trì của tài tử Dolores Hart được bắt đầu 2 năm sau đó:

Dường như, sự trở lại Hollywood của Dolores lần này không ngoài mục đích chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, trong thời đại điên đảo ngày nay khi các giá trị nhân bản và đạo đức đang đến hồi suy thoái và hỗn loạn nhất, khi giới trẻ tìm mãi vẫn không thấy được những mẫu gương cao quý để nói theo, vẫn có những điều tốt đẹp và lạ thường đang xảy ra một cách hết sức bình thường, như cuộc đời và mối tình đơn sơ thành thật của Dolores Hart, một nữ tu sinh ra với một sứ mạng đặc biệt không một lý giải trần gian nào có thể giải thích cặn kẽ, trừ khi chấp nhận gọi đó bằng hai chữ "ơn Chúa" với lòng xác tín. Như Mẹ Dolores, sau mấy chục năm tu trì vẫn chưa thể nào tự hiểu nổi.
 
ĐHY Dolan nói lên sự thất vọng về cách đối xử của Tòa Bạch Ốc trong Thư cập nhật hóa gửi các Giám Mục Hoa Kỳ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
15:14 03/03/2012
Tin HĐGMHK ngày 2 tháng ba năm 2012.

WASHINGTON - ĐHY Timothy M. Dolan của New York bày tỏ sự thất vọng trong việc Chính Phủ đối xử với Hội Thánh trong khi Tòa Bạch Ốc và Hội Thánh tìm cách giải quyết những vấn đề về tự do tôn giáo được tìm thấy trong một sắc lệnh trong đạo luật cải tổ y tế.

Sắc lệnh này đã khiêu khích Hội Thánh khi đòi hỏi rằng tất cả các chủ nhân, kể cả những chủ nhân tôn giáo, phải trả tiền cho các biện pháp ngừa thai -- gồm cả những thuốc gây phá thai và triệt sản -- cho nhân viên bất kể việc giáo huấn của Hội Thánh chống lại chúng.

Ngài cũng hứa sẽ cung cấp tài liệu giáo dục cho các giáo xứ và theo đuổi các nỗ lực lập pháp và tư pháp để khôi phục lại việc tôn trọng tự do tôn giáo trong quốc gia.

Bức thư được đăng ở: http://www.usccb.org/issues-and-action/religious-liberty/upload/Dolan-to-all-bishops-HHS.pdf. http://www.usccb.org/issues-and-action/religious-liberty/upload/Dolan-to-all-bishops-HHS.pdf

Đối với quan tâm của Hội Thánh về tự do tôn giáo, ĐHY Dolan đã viết: "Tổng Thống đã mời chúng ta ‘ủi thẳng các nếp nhăn.’ Chúng ta đã chấp nhận lời mời ấy. Thật không may, điều này dường như bị chặn đứng: Chẳng hạn việc phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc thông báo cho quốc gia rằng các sắc lệnh ấy là một việc đã rồi (và ông ta lúng túng khi nhận xét rằng đằng nào thì các giám mục chúng ta cũng luôn chống đối việc Cải Tổ Y Tế, một lời buộc tội thô bỉ và xúc phạm, nếu không phải là hoàn toàn sai.")

ĐHY Dolan cũng nói rằng "Tòa Bạch Ốc đã thông báo cho Quốc Hội rằng các sắc lệnh đáng sợ này được ấn hành trong Sổ Đăng Ký Liên bang mà 'không thay đổi.'" Ngài nói thêm rằng lời nói của Tổng Trường Y Tế được trích dẫn rộng rãi rằng, 'Các hãng bảo hiểm tôn giáo không thực sự thiết kế các chương trình bảo hiểm mà họ bán dựa trên niềm tin tôn giáo của họ.’ Điều đó không báo trước điềm tốt về việc họ thật sự sẽ đạt đến một ‘nhượng bộ’ có thể chấp nhận được."

ĐHY Dolan cũng kể lại một cuộc họp gần đây tại Tòa Bạch Ốc giữa các nhân viên của HĐGMHK và nhân viên Tòa Bạch Ốc, và nói: "nhân viên của chúng ta trực tiếp hỏi rằng các mối quan ngại rộng rãi về tự do tôn giáo – đó là, việc xét lại các lệnh buộc thẳng thừng, hoặc mở rộng khoản miễn trừ bôi bác – có phải tất cả là những điều đã được quyết định rồi không. Họ đã cho biết là có. Việc ‘ủi thẳng các nếp nhăn’ chỉ có thế. Thay vào đó, họ đã khuyên HĐGM rằng chúng ta nên lắng nghe những tiếng nói "giác ngộ” về sự nhượng bộ, chẳng hạn như bài xã luận khủng khiếp đáng tiếc nhưng không mấy ngạc nhiên gần đây trên tạp chí America."

"Tòa Bạch Ốc dường như nghĩ rằng chúng ta, các giám mục, đơn thuần không biết hoặc không hiểu giáo huấn Công giáo và do đó, phải nhận một gợi ý từ định nghĩa riêng của họ về tự do tôn giáo, và giờ đây họ đã đề cử những vị thầy chính thức của Công giáo mà chính họ chọn."

ĐHY Dolan cũng cho biết: "Chúng ta sẽ tiếp tục nhận những lời mời để gặp và nói lên mối quan tâm của chúng ta với bất cứ ai của bất kỳ đảng phái nào, là những người sẵn sàng sửa chữa các vi phạm về tự do tôn giáo mà chúng ta hiện nay đang phải chịu, vì điều này hầu như phi đảng phái. Nhưng khi làm như thế, chúng ta không thể dựa vào những hứa hẹn sửa đổi được ghi nhận mà không có hạn kỳ và không có sự bảo đảm rằng các đề nghị sẽ giải quyết cách cụ thể những quan tâm bằng một phương cách không trái ngược với những nguyên tắc và giáo huấn của chúng ta."

Ngài nói thêm rằng "Quốc Hội có thể cung cấp nhiều hy vọng hơn, vì các vị dân biểu quan tâm đã đề ra dự luật để bảo vệ điều được coi là hiển nhiên: tự do tôn giáo. Trong khi đó, trong cuộc tranh luận gần đây của chúng ta ở Thượng Viện, các đối thủ của chúng ta đã tìm cách để làm cho mập mờ điều thực sự là vấn đề tự do tôn giáo bằng cách cho rằng thuốc gây phá thai và những thuốc như thế là ‘vấn đề sức khỏe của phụ nữ’. Chúng ta sẽ không cho phép sự lừa dối này đứng vững. Quyết tâm của chúng ta để tìm ra các biện pháp sửa chữa bằng pháp lý vẫn còn mạnh. Và đó là về các biện pháp sửa lại cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo. Chỉ có thế."

ĐHY Dolan nói thêm rằng "Có lẽ các tòa án sẽ cho chúng ta nhiều hy vọng nhất."

ĐHY Dolan đã cảnh báo các giám mục rằng "trong bầu khí này, chúng ta phải chuẩn bị cho những thời gian khó khăn. Một số, giống như tạp chí America, muốn chúng ta đầu hàng và ngừng tranh đấu, cho rằng đây này chỉ đơn thuần là một vấn đề chính sách, còn một số khác muốn chúng ta thà đóng cửa tất cả mọi thứ hơn là tuân hành sắc lệnh (trong một bài báo tuyệt vời, ĐHY Francis George đã viết rằng chính quyền dường như muốn chúng ta ‘từ bỏ’ các trường học, bệnh viện, và các tác vụ từ thiện của chúng ta ‘cho Mùa Chay’), một số người, như Đức Cha Robert Lynch đã ghi nhận một cách khôn ngoan rằng liệu chúng ta có thể phải tham gia vào việc bất tuân dân sự, và nguy cơ bị đóng tiền phạt rất nặng; một số lo lắng rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với một quyết định giữa hai sự lựa chọn phản luân lý cách ghê tởm: một là trợ cấp dịch vụ vô luân hai là không còn cung cấp bảo hiểm [cho nhân viên] nữa, một con đường mà không ai trong chúng ta muốn đi."

ĐHY Dolan nói thêm rằng "chúng ta biết rất rõ rằng tự do tôn giáo là gia tài của chúng ta, là di sản và niềm tin vững chắc của chúng ta, vừa là người Công giáo vừa là người Mỹ trung thành. Đã có nhiều mối đe dọa tự do tôn giáo trong nhiều thập niên và nhiều năm qua, nhưng chúng thường đến từ bên ngoài. Điều đáng buồn là đe dọa này đến từ bên trong. Như tổ tiên chúng ta đã làm với những đe dọa trước đây, chúng ta sẽ không mệt mỏi bảo vệ chân lý vượt thời gian và bền vững của tự do tôn giáo.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.từ nguyên bản tại: http://www.usccb.org/news/2012/12-039.cfm
 
Đức Thánh Cha bế mạc tuần tĩnh tâm mùa chay
LM. Trần Đức Anh OP
13:01 03/03/2012
VATICAN - Sáng thứ bẩy, 3-3-2012, ĐTC Biển Đức 16 và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đã bế mạc tuần tĩnh tâm mùa chay.

ĐTC đã ứng khẩu cám ơn vị giảng tĩnh tâm là ĐHY Laurent Monsengwo, TGM giáo phận Kinshasa, Congo và nói rằng: ”Trong những ngày này, ĐHY đã dẫn chúng tôi, có thể nói là đi vào ”mảnh vườn lớn” là thư thứ I của thánh Gioan Tông Đồ, cũng như trong toàn Kinh Thánh, với khả năng rất chuyên môn về chú giải Kinh Thánh và với kinh nghiệm tu đức và mục vụ của ĐHY. ĐHY đã hướng dẫn với cái nhìn luôn hướng về Thiên Chúa và chính với cái nhìn ấy, chúng tôi đã học về tình yêu, về đức tin kiến tạo nên sự hiệp thông”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ĐHY Monsengwo ”đã thêm vào các bài suy niệm những câu chuyện hay, phần lớn lấy từ đất nước Phi châu yêu quí của ĐHY, mang lại vui mừng và giúp đỡ chúng tôi. Tôi đặc biệt có ấn tượng mạnh về câu chuyện mà ĐHY kể về một người bạn bị hôn mê, người ấy có cảm tượng đang ở trong một con đường hầm tăm tối, nhưng sau cùng đã thấy một chút ánh sáng, nhất là nghe được bản nhạc hay. Tôi thấy điều này cũng có thể là một dụ ngôn về cuộc sống chúng ta: nhiều khi chúng ta ở trong một đường hầm tăm tối giữa đêm khuya, nhưng nhờ đức tin, sau cùng chúng ta thấy ánh sáng và nghe được bài ca hay, nhận thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, của trời đất, của Đấng Tạo hóa. Quả thực là chúng ta được cứu độ nhờ hy vọng”.

Cùng với những lời ứng khẩu trên đây, ĐTC đã trao cho ĐHY Monsengwo một thư cám ơn chính thức về những bài suy niệm về tình hiệp thông với Thiên Chúa, qua việc chú giải một số đoạn trong thư thứ I của thánh Gioan Tông Đồ, trong một hành trình tái khám phá mầu nhiệm hiệp thông mà chúng ta được tháp nhập vào nhờ bí tích Rửa Tội.

ĐTC cũng khẳng định rằng ngài vui mừng vì, qua sự hiện diện và cách thức diễn tả của ĐHY, ngài có thể đón nhận chứng tá đức tin đặc thù của Giáo Hội tin, yêu và hy vọng tại Phi châu: một gia sản tinh thần mang lại sự phong phú cho toàn thể Dân Chúa và thế giới, đặc biệt trong viễn tượng tái truyền giảng Tin Mừng. Trong tư cách là người con của Giáo Hội tại Phi châu, ĐHY đã làm cho chúng tôi cảm nghiệm sự trao đổi hồng ân là một trong những khía cạnh đẹp nhất của tình hiệp thông trong Giáo Hội, trong đó những xuất xứ khác nhau về địa lý và văn hóa được diễn tả hòa hợp trong sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Giáo Hội.

Chúa nhật 4-3-2012, ĐTC Biển Đức 16 sẽ viếng thăm Giáo xứ thánh Gioan Tẩy Giả de la Salle ở Roma.
Giáo xứ này ở miền tây nam Roma, có thánh đường được thánh hiến năm 2009 và có 13 ngàn dân cư, phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ.

Khi đến nơi vào lúc 9 giờ, ĐTC sẽ được ĐHY Giám quản Vallini, Đức Cha Phụ tá khu vực Paolo Schiavon, và cha sở và 12 LM tiếp đón. Sau khi găp các trẻ em và người trẻ của giáo xứ, ngài sẽ chủ sự thánh lễ, trước khi trở về Vatican để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.
Khác với vị tiền nhiệm, mỗi năm ĐTC Biển Đức 16 chỉ viếng thăm 2 giáo xứ ở Roma, một vào mùa vọng và một vào mùa chay (Apic 1-3-2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Kontum: Thư mục vụ Mùa Chay 2012
+GM Micae Hoàng Đức Oanh
10:28 03/03/2012

Số 18/VT/'12/Tgmkt


Kon Tum, ngày 03 tháng 03 năm 2012

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2012

Anh chị em trong gia đình Giáo phận Kon Tum thân mến,

Ngày 22.02, gia đình Giáo phận Kon Tum bước vào Mùa Chay; qua ngày 23.02, Cha Lu-Y Nguyễn Quang Hoa bị đánh trọng thương trên đường đi làm mục vụ về. Cả Giáo phận đều bàng hoàng. Để tránh những bức xúc quá đáng, chúng ta cần đón nhận biến cố này sao cho phù hợp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu mà chúng ta đang sống ?

1. Sự việc ngày 23.02.2012.

Trưa ngày 23.02.2012 vừa qua, sau khi dâng lễ an táng cho Bà Y Kun ở làng Turia Yốp (thôn 6, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trở về tới khúc đường qua vườn cao su gần hồ Kon Proh (thôn 9), Cha Lu-Y Nguyễn Quang Hoa, phó xứ Kon Hring, đã bị 3 thanh niên lạ mặt dùng cây sắt đánh trọng thương. Tạ ơn Chúa, dầu bị đánh nhiều nhát chí tử, nhưng Chúa cho cha sức mạnh chịu đựng thật đặc biệt. Nay sức khoẻ của Cha đang bình phục nhanh. Xin cám ơn tất cả bà con xa gần đã thương gọi điện thoại hoặc đến thăm hỏi ủi an, giúp đỡ và cầu nguyện.

Quãng đường từ chỗ dâng lễ về tới Kon Hring chỉ vỏn vẹn độ 10 cây số. Hai bên đường đều có dân sinh sống, chỉ trừ đoạn đường cao su dài độ hai cây số là có vẻ vắng. Sao lại có thể xảy ra chuyện đáng tiếc nhanh chóng và gọn nhẹ đến như thế giữa ban ngày? Nó gây đau thương cho nhiều người, cách riêng gia đình thân nhân và Giáo phận. Làm sứt mẻ tình cảm nhiều bên. Thêm lắm hiểu lầm. Sau nhiều phản ứng theo tính loài người, nay đến lúc phải nhìn sự việc dưới ánh sáng lòng tin vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, để có cách ứng xử cho phải phép và phải đạo.

Hằng ngày, hơn một lần, người Công giáo tuyên xưng: Lạy Cha chúng con! Tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa là CHA, mọi người là anh chị em con một cha. Do đó 3 em đánh Cha Hoa cũng là con cháu, là anh em của Cha Hoa, của mỗi chúng ta. Với cái nhìn đức tin đó, chúng ta dễ dàng cảm thông và quảng đại với các em, lại càng thương hơn cùng nhìn nhận ra phần trách nhiệm thiếu sót của mình. Phải chăng thiếu sót nghiêm trọng này là đã không nghiêm chỉnh thi hành sứ mạng được sai đi loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người trong đó có ba thanh niên này? Lệnh Chúa truyền vẫn còn đó. Hằng ngày Mẹ Hội Thánh vẫn nhắc lại lệnh truyền này sau mỗi thánh lễ! “Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bình an”. Ra đi xây dựng một xã hội bình an, một xã hội biết nhìn nhận và thương yêu nhau như Chúa yêu thương. Nếu 3 thanh niên hôm 23.02 đã được nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, hẳn các em sẽ không hành xử cách đau thương như thế và các em sẽ thuộc nằm lòng chân lý này: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha Thiên Chúa độc nhất và chân thật và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chính bản thân chúng tôi phải tự đấm ngực thưa: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Thật đúng như lời Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” yêu thương này. (1Cr 9,16).

2. Những suy nghĩ tiếp.

Anh chị em thân mến,

Chiều 29.02.2012, chúng tôi đã đến thăm anh chị em giáo dân tại vùng Cha Lu-Y Hoa bị đánh. Phần để an ủi và trấn an anh chị em; phần để tìm hiểu thêm chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Chúng tôi cũng đã gặp anh em công an Huyện. Tất cả chúng tôi đều cảm thông và trao đổi chân thành với nhau về chuyện mới xảy ra, về chuyện đạo chuyện đời. Chẳng ai muốn thế! Anh em công an đã nhiệt tình đón nhận và khích lệ các ý kiến của chúng tôi. Tới đây chúng tôi thấy gì?

2.1. Về đời sống vật chất.

Dân vùng này còn nghèo. Từ ăn mặc cho đến nhà cửa. Đường xá còn giới hạn. Cách làm ăn còn thấp. Chuyện học hành của con cái còn chưa cao. Không có sức bật đi lên. Mong được chính quyền quan tâm nhiều hơn. Mong có nhiều nhà hảo tâm giúp những “phương tiện phát triển” hơn là miếng cơm manh áo, đặc biệt giúp việc giáo dục đào tạo con em nên những người có đầu có tim phát triển hài hòa, thống nhất. Mong Giáo hội có điều kiện đóng góp phần mình.

2.2. Về đời sống tinh thần và tâm linh.

Anh chị em ở đây đa phần là Công giáo. Anh chị em ý thức sâu xa: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Mặc dầu vật chất còn thấp, nhưng niềm khát khao được thể hiện niềm tin lại thật cao. Vì thế, anh chị em ở đây vẫn cảm thấy “chưa có tự do tôn giáo”. Lý luận của anh chị em thật đơn giản: vì “chưa có ba thứ” (1) chưa có nhà thờ, (2) chưa có linh mục tu sĩ, (3) chưa có các sinh hoạt tôn giáo bình thường. Dẫu vậy anh chị em vẫn một lòng gắn bó với Tin Mừng bác ái yêu thương. Anh chị em vẫn có tâm hồn bình an và quảng đại, cụ thể anh chị em đã đón nhận biến cố vừa xảy ra cách rất Tin Mừng, mặc dầu không thoát khỏi cảnh đau xót! Được sống và thể hiện niềm tin tôn giáo là một nhu cầu bức thiết của người tin, cho nên họ tìm mọi cách để “được sống Đạo như được thở”. Cần xin phép, người công giáo không quản ngại. Nhưng xin mãi không được, thì phải “chui”. Cầu nguyện chui! Cử hành phụng vụ chui! In sách đạo chui! Mua đất để làm nơi thờ phượng chui! Làm nhà thờ nhà nguyện chui! Không chui như thế thì chết mất! Chui thì phải chấp nhận thiệt thòi. Biến cố 23.02 tại Turia Yốp có đúng là câu trả lời cho cái chuyện “chui” không? Có đúng như Văn Thư ký ngày 21.02.2012 của UBND Xã Đăk Hring gửi cho Tòa Giám Mục chúng ta không? Chúng ta chưa dám tin như thế! Mong rằng ở những trường hợp như vậy sẽ không ai chụp cho chúng ta cái mũ “phản động”, “diễn tiến hòa bình” hay “chống đối chính quyền” .v.v…

2.3. Vài đề nghị thiết thực cụ thể.

Để phần nào xoa dịu nỗi đau của anh chị em cũng là của chính chúng tôi, chúng tôi có một vài đề nghị cụ thể như sau.

* Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh 2012.

Chúng tôi có ý đích thân đến cử hành phụng vụ Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh 2012 ngay tại vùng này. Chương trình chi tiết cụ thể, các linh mục tại địa sở Kon Hring sẽ trình bày với chính quyền huyện Đăk Hà và xã Đăk Hring. Đây được coi như một nghĩa cử xoa dịu, an ủi anh chị em Vùng Đăk Hring. Đây cũng được coi như một hình thức thể hiện quyền sống đạo.

* Thăm viếng, ủy lạo và giúp đỡ.

Nhân dịp này, chúng tôi mong có nhiều tổ chức bác ái từ thiện – dĩ nhiên là cần được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện dễ dàng – quan tâm và giúp đỡ nâng cao cuộc sống của anh chị em, đặc biệt là việc học hành của con em trong vùng, để không một em nào thất học, tất cả đều được học đến nơi đến chốn, được tiếp nhận một nền giáo dục phát triển toàn diện.

Anh chị em thân mến,

Đây không còn là lúc ngồi than trách ai, mà là sống. Sống mầu nhiệm mùa chay, mùa sám hối và sống theo Tin Mừng yêu thương. Chỉ có Thánh Thần Chúa soi sáng và đổi mới mỗi chúng ta thực sự trở nên những anh em của nhau và với nhau, để ai nấy đều sống chan hoà yêu thương nhau. Hãy chuyển biến cố hôm 23.02 tại Turia Yốp thành cơ hội giúp mọi người bình tĩnh ngồi lại với nhau, nhìn nhận ra nhau đều là con dân Việt, đều là anh em của nhau và mau chóng quên đi những tiêu cực vừa xảy ra, để cùng nhau hợp lực xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tươi đẹp. Sống Mùa chay thiết thực như thế cũng là sống yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào thật cụ thể và thiết thực. Với người Công giáo đích thực, yêu Chúa yêu người yêu quê hương là một, bằng một tình yêu thống nhất và hài hòa. Mong nhờ biến cố hôm 23.2 , vùng này được công khai sinh hoạt tôn bình thường.

“Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến canh tân bộ mặt trái đất và lòng trí chúng con!”

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kontum
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên giáo xứ Tân Thuận, Xóm Chiếu
Trầm Thiên Thu
10:39 03/03/2012
TGP SAIGON – Giáo xứ Tân Thuận (còn gọi là nhà thờ Antôn) tọa lạc tại 253 Trần Xuân Soạn, P. Tân Kiểng, Q. 7, thuộc Giáo hạt Xóm Chiếu, TGP Saigon, được thành lập năm 1961, LM quản xứ tiên khởi là Antôn Đỗ Minh Độ. LM quản xứ hiện nay là Gioakim Lê Hậu Hán, cha sở thứ 5 của giáo xứ.

Nhà thờ được xây mới năm 1965, trùng tu nhà thờ năm 2000, nhưng số giáo dân và di dân ngày càng đông, nhà thờ không đủ đáp ứng nhu cầu phụng vụ. Do đó, được phép của giáo quyền, 9g30 sáng thứ Bảy, 3-3-2012, ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn đã chủ tế thánh lễ và nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới.

Cùng đồng tế với ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn có hơn 40 linh mục trong và ngoài TGP Saigon. Có khoảng 1.000 người tham dự. Trong số quan khách có các vị đại diện của ban tôn giáo chính phủ, các vị đại diện của Tin Lành và Phật giáo.

ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn chia sẻ: “Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi mấy điều: (1) Thiên Chúa là sự sống, Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống, thì Ngài cũng ban cho chúng ta tình yêu. Đó là hạt giống. (2) Chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải tìm đến tận gốc rễ yêu thương là Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta cách mến Chúa và yêu người, chúng ta phải thực hành tình yêu thương đó. Vì thiếu yêu thương mà thế giới có chiến tranh, có đổ máu. Chúng ta cần có ơn của Chúa Thánh Thần thì chúng ta mới có thể yêu thương nhau. Tạ ơn Chúa làm cho Gx Thuận Phát tiến triển. Xin Chúa luôn đồng hành, mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón nhận ty Chúa và chia sẻ yêu thương với mọi người”.

Phần nghi thức đặt viên đá đầu tiên, 3 mẹ con vị ân nhân cầm “viên đá nền tảng”, tiếp theo là các đại diện các gia đình trong xứ cầm viên đá có ghi tên gia trưởng. Như vậy, gia đình nào cũng được “ghi danh” trên bảng tri ân của giáo xứ khi nào nhà thờ hoàn thành.

Mọi người thuộc Gx Thuận Phát vui mừng phấn khởi không chỉ vì sắp sửa có ngôi nhà thờ mới, mà họ còn được tận hưởng một niềm vui thánh đức khác là giáo xứ đang còn dư âm mừng Năm Thánh 50 năm thành lập giáo xứ (1961-2011). Có một “nét mới” ở Gx Thuận Phát là chung quanh nhà thờ có những câu Kinh thánh được ghi trên các rèm của các mái che di động như: “Có thì nói có, không thì nói không” (Gc 5:12), “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:3), “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8),…

Những câu Kinh thánh ngắn gọn nhưng chắc hẳn có tác dụng tốt, vì hằng ngày giáo dân nhìn thấy sẽ dần dần thấm sâu vào tiềm thức để có thể phát sinh hành động.

Xây dựng nhà thờ là việc là rất tốn kém cả vật chất và thời gian, cần nhiều người hợp tác về nhân lực và tài chính. Thật may mắn cho Gx Thuận Phát khi có một vị ân nhân đặc biệt đã tình nguyện “nâng” cả ngôi thánh đường sắp xây dựng mới hoàn toàn này. Vị ân nhân đó là bà quả phụ Micae Bùi Văn Sáu, nhũ danh Luxia Nguyễn Thị Thanh.

Được biết tổng chi phí xây dựng nhà thờ mới là 32 tỷ đồng. Giáo dân Gx Thuận Phát vui vẻ “khoe” rằng: “Quả thật, đó là Hồng ân Thiên Chúa, vì Chúa đã gởi một vị ân nhân đến cho chúng tôi”.