Ngày 18-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 27
VietCatholic Network
06:55 18/03/2012
Có rất nhiều chứng tá về Chúa Giêsu, nhưng cũng có quá nhiều người không chịu tin Ngài. Chính Ðức Giêsu đã nói về Ngài. Gioan Tẩy Giả cũng gọi Ngài là Chiên Thiên Chúa. Thánh Kinh của người Do Thái cũng chuẩn bị cho dân chúng về Ngài. Trong nhiều cách thế Chúa Cha đã đưa hết chứng tá này đến chứng tá khác để minh định chính Ðức Giêsu là con Thiên Chúa. Tuy nhiên, bất chấp những dấu chỉ này, đa số người đã không tin nhận Ngài.

Trước khi chúng ta phán xét sự không tin của những người này, có lẽ chúng ta cũng nên tự vấn lương tâm mình. Cộng thêm với những chứng tá mà người đồng thời với Ðức Giêsu có, chúng ta còn có thêm Tin Mừng, có hai ngàn năm lịch sử Kitô Giáo, và những chứng nhân cho đức tin là các Thánh, đặc biệt là các Thánh Tử Ðạo, các vị đã lấy chính mạng sống mình để minh chứng đức tin, và biết bao người vẫn còn đang sống quanh chúng ta.

Nhìn lại cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta có thể thấy toàn bộ đời Ngài - từ lúc được thụ thai cho đến cái chết, sự Phục Sinh và lên trời vinh hiển của Ngài - đã hoàn tất đầy đủ các lời hứa của Thánh Kinh. Tuy nhiên, biết bao lần chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn ta và trong những người chung quanh ta? Bao nhiêu lần chúng ta nghĩ và hành động như thể Chúa vắng mặt hay không hề quan tâm đến cuộc đời ta?

Vấn đề của sự không tin nhận Ðức Giêsu không phải là vấn đề chúng ta tự mình có thể giải quyết được. Ngài quá cao cả để ta có thể hiểu nổi với trí óc nông cạn của ta. Thoạt đầu, chính những môn đệ của Ngài, những người sống với Ngài ngày này sang ngày khác cũng không hiểu Ngài. Theo trình thuật Phúc Âm thánh Gioan, các môn đệ đã không hiểu hoàn toàn về Ngài cho đến khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại và ban Thánh Thần Chúa ngự xuống trên họ. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đã cho con người ơn nhận biết Ngài.

Thật là một điều vui mừng khi biết Thánh Thần Thiên Chúa đã ngự vào lòng chúng ta và mạc khải Ðức Kitô cho ta. Ngài không mệt mỏi nói với ta, mọi ngày trong đời ta, về sự hoàn toàn không vương chút tì vết, về tình yêu, và lòng thương xót của Ðức Giêsu. Cầu mong cho chúng ta biết chú ý lắng nghe Ngài.

"Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, khi con trải qua những tình huống mỗi ngày trong đời con, xin mở lòng trí con. Xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu và giúp con biết lắng nghe ý Chúa trong mọi hành động và chọn lựa".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giáo phận Pháp nhóm họp tại Lộ Đức: chuẩn bị mừng 50 năm Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
13:42 18/03/2012
Roma (ZENIT.org) – Các giáo phận nước Pháp được mời tham dự lễ mừng 50 năm khai mạc Công Đồng chung Vaticanô II tại kinh thành Thánh Mẫu Lộ Đức vào thứ bẩy 24.03 và Chúa Nhật 25.03 tới: Đây sẽ là hai ngày lễ hội quy tụ về Lộ Đức để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những thành quả đã lãnh nhận được từ Công Đồng.

Đại Hội sẽ khai triển ba đề tài chính yếu mà Công Đồng chung Vaticanô II đã mang lại. Trước hết là đề tài: “Chúa Kitô” theo Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum). Đức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême sẽ trình bầy đề tài : “Chúa Kitô, ánh sáng thế giới”.

Đề tài thứ 2: “Hội Thánh” dựa theo Hiến chế tín lý về Hội Thánh (Lumen Gentium). Đức Cha Eric De Moulins-Beaufort, Giám Mục phụ tá Paris sẽ trình bầy đề tài : “Hội Thánh, dấu chỉ của Thiên Chúa và sứ giả loan báo ơn bình an”

Đề tài thứ 3: “Con người” dựa theo Hiến chế mục vụ (Gaudium et Spes). Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, kiêm chủ tịch HĐGM Pháp sẽ trình bầy đề tài : “Con người là con đường của Giáo hội”

Đức Cha Laurent Ulrich, Tổng Giám Mục giáo phận Lille , ghi nhận như sau trên trang nhà của HĐGM Pháp : “50 năm, đây là một thời kỳ thuận lợi. Nếu như không còn có nhiều chứng nhân trực tiếp đã tham dự Công Đồng chung – ngoài Đức Cha Jean Vilnet, cựu giám mục Lille đang hưu trí và Đức Cha Géry Leuliet, cựu giám mục Amiens đang hưu trí, là những Giám mục thời Công Đồng – vẫn còn có nhiều chứng nhân đã trải nghiệm biến cố này vào lúc họ đã là những người đã trưởng thành. Nhiều người vẫn còn ghi nhớ kỷ niệm của những năm 1962-1965. Phần cá nhân tôi, lúc đó vào năm 1965 tôi lên 15 tuổi, nhưng tất cả các linh mục lúc đó ở vào độ tuổi 25/30 nay đã ở tuổi 75/80. Như vậy đây vừa là một thời kỳ vừa gần và vừa xa. Chúng ta ước mong được trở về nguồn không phải để nhung nhớ, nhưng để tìm lại nghị lực và nguồn sống, tự kiểm điểm chính mình khi đối chiếu với các bản văn, gẫm suy lại những bản văn ấy 50 năm sau, để nhìn lại xem đã đạt được những gì nhờ các bản văn ấy và ngày hôm nay những gì cuộc hội họp này đạt được? ”

Đức Cha Ulrich nhấn mạnh thêm: Ở Lộ Đức, đó là lời mời được thân gửi tới tất cả các giáo phận nước Pháp mong sao mỗi giáo phận đến tham dự với một phái đoàn chừng 30 người, như vậy sẽ có tổng cộng là 2500 người.

Đại hội quy tụ tại Lộ Đức từ 24-25 .03.2012 nhắm mục đích chuẩn bị cho đại lễ mừng kỷ niệm trong các giáo phận, vào thời điểm 11.10.2012: các Giám Mục kêu mời các giáo phận tự hoạch định chương trình mừng lễ long trọng ở nhà thờ chính tòa nhân biến cố kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vaticanô II.
 
ĐTC: Từ bỏ tội lỗi để tìm thấy bình an
Đặng Thế Nhân
17:51 18/03/2012
VATICAN - Sáng Chúa Nhật 18.3.2012, quảng trường thánh Phê-rô đón tiếp rất đông khách hành hương một phần vì đang diễn ra cuộc chạy việt dã hàng năm tại Rôma nhưng như thường lệ du khách vẫn quy tụ để cùng đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Thông điệp chính trong bài huấn dụ ngắn là lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa và cũng là ơn cứu độ cho con người.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang ở vào tuần thứ tư trên hành trình tiến về lễ Phục Sinh, hành trình mà nơi đó chúng ta tiến bước cùng với Chúa Giê-su trong "hoang địa". Đây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng là để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Chúa Giê-su biết đích điểm sứ vụ của Ngài và thực ra, thập giá Chúa Ki-tô là đỉnh điểm của tình yêu, tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giê-su khẳng định điều này trong trình thuật Tin Mừng: "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3,14-15). Trình thuật này nhắc lại một điểm trong cuộc xuất hành của người Do Thái từ đất Ai Cập. trong hành trình đó, một số người bị rắn độc cắn và bị chết. Khi đó, Thiên Chúa ra lệnh cho ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây sào: ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành (x. Ds 21,4-9). Đức Giê-su sẽ được giương cao trên thập giá để bất cứ ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Ngài với lòng tin thì sẽ được cứu độ. Thánh Gioan đã nói: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" (Ga 3,17).

Thánh Âu-tinh từng suy niệm rằng: "Người thầy thuốc là người đến để chữa bệnh. Nếu người bệnh không tuân theo đơn thuốc và chỉ dẫn của thầy thuốc, anh ta tự làm hại mình. Đấng Cứu Thế đến thế gian...nếu anh không muốn được Ngài cứu chuộc, anh tự phán xét chính mình" (Sul Vangelo di Giovanni, 12,12: PL 35, 1190). Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội cho con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình. Thực vậy, mỗi người phải nhận biết tình trạng đau bệnh của mình để được cứu chữa; từng người phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá, hiện thực trong tâm hồn và cuộc sống mỗi người. Thánh Âu-tinh viết tiếp: "Thiên Chúa lên án tội lỗi và nếu anh cũng làm tương tự, anh được hiệp thông với Thiên Chúa. Khi anh bắt đầu tách mình khỏi những gì đã làm, khi đó anh khởi sự nhưng việc tốt lành bởi đã từ bỏ những việc bất chính. Nên hoàn thiện bắt đầu từ việc nhận ra những sai sót của mình." Đôi khi con người chuộng bóng tối hơn ánh sáng bởi đã bị tội lỗi ràng buộc; nhưng chỉ khi con người mở ra với ánh sáng, chỉ khi xưng thú cách chân thành lỗi phạm của mình với Thiên Chúa, khi đó con người tìm thấy bình an đích thực. Như thế, điều tiên quyết là hãy thường xuyên đến với bí tích hoà giải, đặc biệt trong Mùa Chay thánh, để nhận ơn tha thứ của Chúa và tiến bước vững mạnh trên đường hoán cải.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ thánh Giu-se. Tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã nhớ đến tôi qua lời cầu nguyện trong ngày lễ bổn mạng. Đặc biệt, xin cầu nguyện cho tôi trong chuyến viếng thăm mục vụ đến Mê-xi-cô và Cuba vào thứ sáu tuần tới. Chúng ta cùng phó thác chuyến viếng thăm cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, người được tôn kính cách đặc biệt nơi hai quốc gia này.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Hội thảo quốc tế lần thứ sáu về tài nguyên Nước vừa kết thúc tại Marseille, miền nam nước Pháp. Hội thảo năm nay với chủ đề mối tương quan nền tảng giữa tài nguyên quý giá và có giới hạn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Đức Thánh Cha mong ước sáng kiến hội thảo này đóng góp cho việc bảo đảm cho mọi người có đầy đủ nước dùng cho cuộc sống và mục đính dinh dưỡng. Đồng thời cũng đẩy mạnh trách nhiệm và liên đới trong việc sử dụng các tài nguyên hướng đến các thế hệ mai sau.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc đến hội nghị đang diễn ra ở Gniezno, thủ phủ lịch sử của Ba Lan. Hội nghị là lời nhắc nhớ cho Châu Âu về cội rễ Ki-tô giáo và việc cần thiết xây dựng một xã hội dân sự đặt nền trên các giá trị Tin Mừng. Đức Thánh Cha phó thác hội nghị cho sự chuyển cầu của Thánh Cả Giu-se, Bổn Mạng của Giáo Hội hoàn vũ và thánh Adalberto, Bổn Mạng nước Ba Lan.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành.
 
Cầu nguyện cho chuyến đi Mễ Tây Cơ và Cuba
Bùi Hữu Thư
19:27 18/03/2012
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedict XVI

ROME, Chúa Nhật 18 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện cho chuyến đi Mễ Tây Cơ và Cuba sắp tới của ngài.

Sau kinh Truyền Tin sáng nay, ngày 18 tháng 3, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nói với các khách thăm viếng bằng tám thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Croát, Slovac, Bồ Đào Nha và Ý.

Trong phần lớn các ngôn ngữ này, ngài đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Mễ Tây Cơ và Cuba sắp tới của ngài, từ ngày 23 đến 28 tháng 3, 2012.

Sau đó, chào mừng các người khách nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng lập lại lời yêu cầu mọi người cầu nguyện cho chuyến đi của ngài, và bầy tỏ lòng mong ước là "sẽ tăng cường được đức tin của các tín hữu thuộc các quốc gia trên toàn thể Châu Mỹ La Tinh".

Ngài đã mời gọi mọi người "đồng hành" với ngài cách thiêng liêng, để cho chuyến thăm viếng mục vụ này "mang lại nhiều kết quả dồi dào cho đời sống Kitô hữu và canh tân giáo hội", sẽ đóng góp được cho sự "tiến bộ" của các dân tộc này.

Ngài đã nói tiếp bằng tiếng Ý: "Tôi xin các bạn đặc biệt cầu nguyện cho chuyến thăm mục vụ tại Mễ Tây Cơ và Cuba, và trao phó "cho sự cầu bầu của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, được mọi người yêu mến và tôn kính tại các quốc gia này."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ xứ Ở Sunshine, Melbourne, Úc châu, có tân chính xứ người Việt Nam
Trần Văn Minh
09:17 18/03/2012
Melbourne, Vào lúc 19 giờ ngày thứ Bảy, 17 tháng 3 năm 2012. Tại nhà thờ Our Lady of The Immaculate Conception vùng Sunshine, thuộc Tổng giáo phận Melbourne. Thánh lễ bổ nhiệm Linh mục Peter Hoàng OMI chính thức làm Linh mục chánh xứ Nhà thờ Our Lady đã được cử hành trọng thể.

Xem hình ảnh

Buổi lễ do Đức Tổng giám mục Denis Hart thuộc Tổng giáo phận Melbourne chủ tế cùng các cha trong Dòng OMI đồng tế. Phần thánh ca do hai ca đoàn lớn trong giáo xứ phụ trách. Ca đoàn Phillipine phụ trách phần Anh ngữ và Ca đoàn Theresa cuả Cộng đoàn Thánh Phê rô phụ trách thánh ca Việt Nam.

Sau phần giới thiệu, Đức Tổng giám mục Denis đã trao tay chià khóa giáo xứ Our Lady Sunshine cho Linh mục Peter Hoàng.

Vào một buổi chiều thời tiết thật lý tưởng, Giáo dân đủ mọi sắc tộc trong giáo xứ đã vì lòng yêu mến Linh mục Peter Hoàng hân hoan đến tham dự thánh lễ nhận chức rất đông đảo. Trong các ghế trong nhà thờ, còn hiện diện các tu si Dòng OMI trong tu phục dòng cũng đến tham dự.

Sau phần cộng đoàn tuyên xưng đức tin, nghi thức chính của buổi lễ giao quyền chánh xứ được Đức Tổng giám mục Denis trao cho Linh mục Peter Hoàng tiến hành. Tân chánh xứ mở cửa nhà tạm là nơi Thánh Thể Chúa ngự. Đức Tổng giám mục, các linh mục đồng tế cùng cộng đoàn giáo dân quỳ chầu nghe chủ tế đọc kinh.

Tiếp theo là phần các nghi thức của lễ giao quyền được Đức Tổng giám mục trực tiếp chuẩn giao cho Linh mục tân chánh xứ Peter như: xông hương Nhà tạm, Giếng rưả tội, Đền Đức Mẹ, nơi cất giữ dầu thánh dùng cho các nghi thức ban các phép bí tích của giáo xứ, cuối cùng xông hương tòa cáo giải. Xong tất cả các nghi thức trên. Đức Tổng giám mục chủ tế và Linh mục tân chánh xứ trở lại bàn thánh để tiếp tục dâng Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui của toàn thể giáo xứ vì đã có một vị linh mục tân chánh xứ, dù ở cương vị mới nhưng Linh mục Peter lại rất thân quen với tất cả giáo dân trong giáo xứ.

Cũng trong niềm vui hân hoan đó, quan khách và mọi người được mời qua hội trường nhà xứ để dự bưã tiệc mừng do các cộng đoàn trong giáo xứ chung tay tổ chức.


Được biết, Linh mục Peter Hoàng đã phụ trách phó xứ của Giáo xứ Our Lady từ hơn mười năm và trong thời gian này, ngài đã kêu gọi giáo dân Việt Nam lập nên một Cộng đoàn Công giáo Việt Nam thật lớn mạnh lấy tên là Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Phê Rô. Cộng đoàn sinh hoạt thật nề nếp với đủ các ban ngành, hai ca đoàn là Ca đoàn Theresa và Ca đoàn Phêrô thay nhau phụng vụ trong các Thánh lễ của cộng đoàn. Nay với cương vị chánh xứ chắc chắn sẽ giúp cho cộng đoàn thêm vững mạnh hơn.

Xin kính chúc mừng linh mục tân chánh xứ Giáo xứ Our Lady Sunshine và chúc Linh mục Peter hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Thiên Chúa và Giáo hội trao cho để chăn dắt đàn chiên như một mục tử tốt lành.
 
CĐCGVN - Nam Úc tĩnh tâm Mùa Chay
Jos. Vĩnh SA
09:13 18/03/2012
Chúa Nhật ngày 18 tháng 3, thứ IV Mùa Chay, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã mời được linh mục Giuse Đinh Thanh Bình SDB thuộc tỉnh Dòng Don Bosco Úc Châu, từ thành phố Melbourne đã bay lên Adelaide Nam Úc cách 800 cây số để giảng tĩnh tâm cho Cộng Đồng.
Cha Bình là linh mục trẻ, hoạt bát, năng động của tỉnh Dòng Don Bosco Úc Châu và Tân Tây Lan, Cha có giọng nói truyền cảm và hùng hồn, lại điển trai nữa, Cha Bình chuyên về ngành giáo dục đặc trách tuyên úy cho giới trẻ.
Lần này cha Bình về Adelaide giảng thuyết với chủ đề: GIÁO DỤC ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH
Chương trình giảng tĩnh tâm đã được Ban Tuyên Úy và Ban Mục Vụ sắp xếp như sau:
-9.30am: Kinh nguyện khai mạc, Đức ông Minh Tâm quản nhiệm CĐ giới thiệu Cha Bình đến toàn thể Cộng Đoàn tham dự.
-9.45am: Hướng dẫn I: Cha Đinh Thanh Bình SDB
-10.30am: Giải lao
-10.45am: Hướng dẫn II
-11.30am: Giải lao
-11.45am: Hướng dẫn III
-12.30pm: Nghỉ ăn trưa do xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa bán thức ăn phục vụ gây quĩ
-01.30pm: Chầu Thánh Thể, nghi thức sám hối chung do Cha GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm cử hành, sau đó các giờ chầu tiếp tục dành cho 4 họ đạo và các đoàn thể trong Cộng Đồng thay phiên nhau chầu cho đến lúc 04.30pm kết thúc các giờ chầu Thánh Thể.

Xem Hình Nơi Đây

Sau nghi thức sám hối, trong lúc các họ đạo, các đoàn thể chầu Thánh Thể, thì có 5 linh mục ngồi tòa giải tội, để các hối nhân đến hòa giải với Thiên Chúa.
Ngoài Đức ông Quản Nhiệm, Cha phó quản nhiệm và Cha giảng phòng, Cộng Đồng còn mời thêm được 2 linh mục Việt Nam đang phục vụ trong tổng giáo phận Adelaide là Cha Tòng và cha Hào đến tiếp sức, giúp giải tội cho đến lúc 04.45pm các linh mục mới nghỉ giải tội, để chuẩn cho Thánh Lễ đồng tế bế mạc ngày tĩnh tâm của Cộng Đồng vào lúc 05 giờ 00 chiều.
Ngày hôm nay các em Thiếu Nhi cũng được phụ huynh đưa đến tham dự ngày tĩnh tâm, nhưng các em được các Sơ và các huynh trưởng chia thành từng đội, sinh hoạt ngoài trời và được hướng dẫn tĩnh tâm cách riêng, cho thích hợp theo từng lứa tuổi của các em.
Đến lúc 5.00pm thì các em cùng tập trung vào hội trường, tham dự Thánh Lễ chung với Cộng Đồng.
Đặc biệt hôm nay, các em xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa đã nhận cung cấp và phục vụ ẩm thực ăn trưa cho Cộng Đồng để gây quĩ.
Nhiều gia đình đi tham dự tĩnh tâm đã ở lại trung tâm để nghỉ ngơi thư giãn, mua thức ăn, cùng nhau tụ họp gia đình ăn trưa giống một ngày đi picnic. Trong trung tâm Cộng Đồng có một khu vực sân hóng mát có mái cánh buồn che nắng và nhiều bóng cây rợp mát. Hôm nay thời tiết thành phố Adelaide nắng đẹp, gió mát nhiệt độ khoảng 25 độ C….Thích hợp cho những cuộc du ngoạn Pinic ngoài trời.
Được biết Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Nam Úc hàng năm đều có tổ chức ngày tĩnh tâm trong Mùa Chay trước Tuần Thánh để mọi tín hữu chuẩn bị tâm hồn, hãm mình hy sinh bước vào Tuần Thánh suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa và đón mừng Phục Sinh.




 
Tĩnh tâm cho anh chị em Dự Tòng tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:06 18/03/2012
SYDNEY - Sáng Chúa Nhật 18/03/2012, 17 anh chị em Dự Tòng tại Cabramatta và Lakemba đã đến hội trường nhà thờ Sacred Heart Giáo đoàn Cabrramatta tham dự buồi tĩnh tâm Mùa Chay để chuẩn bị đón nhận Bí tích Rửa Tội vào Chúa Nhật Phục Sinh. Trước khi khai mạc buỗi tĩnh tâm, ông Giuse Huỳnh Công Lợi Giảng Viên Giáo Lý giới thiệu ông Vũ Văn An Trưởng Ban Truyền Giáo đến sinh hoạt và chia sẻ đề tài sống Đạo qua 3 chủ đề Tin, Thờ, Mến.

Xem hình Dự Tòng được Xức Dầu

Sau giờ nghỉ dùng cơm trưa tại hội trường, Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Ban Truyền Giáo TGP Sydney đến chào mừng các anh chị em Dự Tòng và Cha thuyết giảng về 7 phép Bí Tích và 10 Điều Răn. Cha cũng đố những câu đố về Kinh Thánh và Giáo Lý để trắc nghiệm và ôn lại lại những tháng ngày học hiểu về nền tảng Đạo Công Giáo. Các anh chị em Dự Tòng tỏ ra rất xuất sắc trả lời chính xác những câu đố được nêu ra. Cuộc đố vui rất là vui nhộn và hào hứng tạo bầu khí gắn bó và thân tình trong buổi tĩnh tâm.

Sau cùng các anh chị em Dự Tòng được Ban Truyền Thông giới thiệu về trang Website VietCatholic Network, trang Website của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney và những trang Website Công Giáo để tìm những tài liệu hữu ích học hỏi về Giáo Hội. Đến 4 giờ chiều các anh chị em Dự Tòng di chuyển vào nhà thờ tham dự Thánh lễ do Cha Paul Văn Chi và Giuse Trần Anh Thụ cùng hiệp dâng Thánh lễ với nghi thức thắp Nến sám hối trong Mùa Chay và anh chị em Dự Tòng đón nhận nghi thức Xức Dầu chuẩn bị cho ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Kết thúc Thánh lễ các anh chị em Dự Tòng cùng chụp chung tấm hình lưu niệm với Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Anh Thụ, Ban Truyền Giáo và Vú Bõ đỡ đầu.
 
Tuần huấn luyện thường niên Giáo Lý Viên giáo phận Vinh
Antôn Hoàng Cảnh Hồng
11:19 18/03/2012
Vinh – Giáo hạt Cửa Lò. Năm nay 2012 chương trình tập huấn của giáo phận thường niên đối với các giáo hạt trong toàn giáo phận có thay đổi một số về thể thức tổ chức. Cũng như bao giáo hạt đóng trên địa bàn, giáo hạt Cửa Lò năm nay được tập huấn vào ngày 12 tháng 03, tuần III mùa chay. Hơn nữa, giáo hạt Cửa Lò năm vừa qua được Đức Giám mục cho thành lập về thêm hai giáo xứ Trang Cảnh và Đồng Vông. Như vậy hiện nay giáo hạt cửa lò gồm sáu giáo xứ: Tân Lộc, Lộc Mỹ, Đồng Vông, Lập Thạch, Trang Cảnh và Làng Anh với con số hơn 16.900 giáo dân nằm rãi dài trên các địa bàn thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Xem hình ảnh

Sáng ngày 12 tháng 3 đoàn giảng huấn và quý cha cùng với hơn 200 giáo lý viên đã tề tịu đông đủ, theo chương trình và cách tổ chức tuần huấn luyện năm nay sẻ được kéo dài một tuần thay vì 3 ngày như các năm trước, trong các chương trình giáo án thì năm nay sẻ đào tạo giáo lý viên cấp 1 và sang năm cứ thế đi lên cấp 2, 3.

Khai mạc buổi huấn luyện diễn ra tại phòng học tầng ba nhà mục vụ giáo xứ Lập Thạch khang trang rộng rãi, trong tâm tình hân hoan sốt mến và ham học hỏi, Ban tổ chức đã xắp xếp cho các thầy cô giáo lý viên rước lời Chúa sau phần giới thiệu thành phần về tham dự. Đoàn rước lời Chúa từ từ tiến về giảng đài trong không gian tĩnh lặng linh thiêng với tiếng người dẫn trầm trầm “ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng là bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Kính thưa cộng đoàn phụng vụ: Cùng với Thánh Thể, Lời Chúa là lương thực thần thiêng nuôi sống và hướng dẫn các Kitô hữu trên đường lữ hành dương thế. Ý thức được điều ấy, Giáo Hội luôn tôn kính Lời Chúa ngang bằng với Thánh Thể và tìm mọi cách cho con cái mình được lắng nghe và hiểu Lời Chúa để thực hành Lời Chúa trong đời sống mình.

Nghi thức suy tôn Lời Chúa, vốn được thực hành từ rất lâu trong Giáo hội, nay đã trở thành lễ nghi quen thuộc với các tín hữu. Việc chúng ta cung nghinh Lời Chúa hôm nay cũng nằm trong truyền thống và tâm tình trên đây.

Hơn nữa, là những giáo lý viên, những người được gọi và được chọn làm tông đồ loan giảng Lời Chúa nhằm nuôi dưỡng đức tin của dân Chúa, chúng ta không thể không xem Lời Chúa là nguồn mạch, là động lực và kim chỉ nam cho đời sống ơn gọi và sứ mạng của chúng ta.

Vậy, với tâm tình tạ ơn, yêu mến và tin tưởng vào Chúa, Đấng ban Lời Hằng Sống cho nhân loại, chúng ta cùng tham dự nghi thức thiêng thánh này.

Xin cộng đoàn cùng hát chung bài: Lời Hằng sống...

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi.

Vâng, lạy Chúa. Niềm xác tín của vịnh gia từ ngàn xưa chắc chắn cũng là tâm tình của mỗi chúng con khi cùng nhau quy tụ quanh Lời Chúa hôm nay. Hơn thế nữa, với ơn gọi và sứ mạng đặc biệt của một GLV, chúng con diễm phúc được đóng góp phần bé nhỏ của mình vào sứ mạng rao giảng của Chúa Giêsu, và mang nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Giáo Hội Việt Nam nói chung và của giáo phận Vinh nói riêng. Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này.

Vậy, trước sự hiện diện của Chúa qua Sách Thánh này, chúng con thành kính suy tôn và tin phục. Chúng con xin đón nhận Lời như nguồn lực thần thiêng, như thầy dạy tuyệt vời, để trước khi rao báo Lời cho các học viên của mình, chúng con đã được chính Lời uốn nắn và biến đổi. Có như thế, chúng con mới trở thành những chứng nhân trên đường loan báo Tin Mừng, trong tác vụ giảng dạy giáo lý của chúng con.

Vậy giờ đây, lạy Chúa, xin hãy nói với chúng con, chúng con đang sẵn sàng và khao khát được nghe Chúa nói”. Và lời bài hát “ Xin cho con biết lắng nghe” được quý thầy cô giáo lý viên cất lên trong tâm tình sốt mến.

Đoàn giảng huấn của giáo phận năm nay về huấn luyện cho các thầy cô giáo lý viên gồm: thầy Giuse Đậu Quang Long. Soeur Têrêxa Đan thị Minh Tuyết dòng Thánh Phaolô, Soeur Cêcilia Đỗ thị Chanh dòng Thừa Sai Bác ái, Soeur Têrêxa Trần thị Kim Uyên dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Kết thúc giờ khai mạc đại diện giáo lý viên đã hứa quyết tâm học tập tốt, cố gắng vượt qua mọi trở ngại để dành trọn thời gian cho tuần học”. Cả tuần tập huấn diễn ra một cách bình an không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra.

Trưa nay thứ bảy ngày 17 tháng ba, ngày cuối cùng của tuần huấn luyện, Ban tổ chức đã xắp xếp tổng kết bế mạc sau giờ cuối, thầy trò nắm xiết tay nhau trong tâm tình tạ ơn và tri ân tạm biệt. Thay mặt Ban giáo lý hạt đã nói lên tinh thần hy sinh cao cả trong suốt cả tuần huấn luyện, các thầy cô là những người làm nhiều công việc khác nhau, như Công ty, kinh doanh, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán, nông nghiệp v.v., thế mà hầu như suốt tuần qua con số tham gia không hề thiếu, bên cạnh đó một số các em huynh trưởng và một số vị từ các giáo xứ với tinh thần ham học hỏi đã tự đăng ký xin học cả tuần, đặc biệt Ban giáo lý hạt cám ơn đến tinh thần hy sinh của HĐ Mục vụ, các Ban ngành và bà con giáo dân giáo xứ Lập Thạch đã phục vụ hết mình trong suốt cả tuần huấn luyện nhất là Ban hậu cần giáo xứ Lập Thạch đã lo cho từng cái ăn, thức uống, nơi chốn, ngủ nghỉ, để giáo lý viên an tâm học tập. Với thánh lễ tạ ơn bế mạc trưa nay quý cha đã về đồng hiệp dâng cầu nguyện. Trong nghi thức “SAI ĐI” gồm ba phần nhỏ:

1.Giới thiệu và trao lửa tin yêu.
2. Trao thánh giá và Lời Chúa.
3. Cuối cùng là lệnh lên đường.

“Ngọn lửa được thắp từ nến PS và trao cho các anh chị GLV. Hành vi này biểu trưng việc đón nhận Chúa Kytô với tất cả niềm tin yêu của các anh chị GLV. Truyền thống GLV Giáo phận Vinh là một dòng chảy qua nhiều thế hệ, nhiều thăng trầm thời cuộc và nhiều thách đố trong đời sống và sứ vụ, dòng chảy này được nuôi dưỡng bằng chính Đức Kytô Phục Sinh. Đấng chiến thắng mọi ác thần bằng hiến tế yêu thương trên thập giá. Một ngọn lửa vừa thắp lên, không ở lại với một người, mà sẻ được trao ngay cho người khác, thành nhiều ngọn lửa thắp sáng không gian, thắp sáng dòng đời, và nhất là Ngọn lửa này làm bùng lên trong trái tim mỗi GLV. Niềm tin vào Chúa Giêsu và tình yêu dành cho Hội Thánh. Cũng chính ngọn lửa này thúc bách họ phải ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.”

Cha đặc trách đã thay mặt Đức giám mục thẩm vấn và sai các giáo lý viên “lên đường ra khơi thả lưới ” Ngài trực tiếp trao ngọn lửa được thắp từ nến Phục Sinh cho các giáo lý viên, Thánh giá và lời Chúa được hai vị đại diện giáo lý viên lên đón nhận và cùng với quý thầy cô giáo lý viên, nến trên tay tung về khắp các giáo xứ để tiếp nối sứ mạng mà Thầy Chí Thánh kêu mời. Với lòng nhiệt huyết tông đồ trên cánh đồng truyền giáo, hàng trăm tiếng hô vang to của giáo lý viên “CHÚNG CON SẴN SÀNG” “CHÚNG CON SẴN SÀNG”.

Thánh lễ được kết thúc với tâm tình tạ ơn Chúa với bài hát “Kinh Hoà Bình” và bài hát “ Thần khí Chúa đã sai tôi đi...Sai tôi đi loan báo Tin Mừng....”. Với những tấm hình lưu niệm được các máy ảnh nghi liên tiếp, để lại trong lòng người một tuần huấn luyện, hay nói một cách khác một tuần cùng vào “Sa mạc” với Chúa Giêsu và thánh Phaolô ngày xưa.

Cám tạ tri ân Thiên Chúa, cám ơn Đức Cha, Ban giáo lý đức tin của giáo phận, cám ơn quý cha và hết thảy mọi thành phần dân Chúa đã cùng cầu nguyện và âm thầm giúp đỡ cách này hay cách khác, đã làm cho tuần huấn luyện của giáo hạt chúng con trở nên tốt đẹp và bình an. Nguyện xin Thánh Cả Giuse luôn canh tân gìn giữ Giáo Hội và luôn bầu cử cùng Chúa cho chúng con. Và xin mọi người cùng vui chung trong ngày mai 19/3 ngày lễ trọng đại của Ngài và tất cả mọi thành phần dân Chúa.
 
Sinh viên Công giáo hành trình Mùa chay thăm Tu viện Xitô Châu Sơn
Thanh Thái
11:42 18/03/2012
HÀ NỘI - Ngày 17 tháng 3 năm 2012, Cộng đoàn Sinh viên Công giáo Thái Hà cùng Ban đại diện Liên Đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam đã tổ chức chuyến hành hương trong mùa chay để cùng nhau nhìn lại chính bản thân, con người của mình, để cùng suy ngẫm và sống đúng với tinh thần mùa Chay Thánh.

Xem hình ảnh

Hành trình của đoàn diễn ra trong 1 ngày, quy tụ khoảng 130 bạn sinh viên. Trong chuyến đi này, các bạn cùng nhau làm việc bác ái tại Khu điều trị phong Ba Sao – Hà Nam, sau đó các bạn sẽ được cùng nhau cảm nghiệm tinh thần chay tịnh tại Đan viện Xito – Châu Sơn – Ninh Bình mà đỉnh điểm là hành trình 14 Nơi Thương Khó của Đức Giesu.

Về mục đích của cuộc hành trình, anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam cho biết: “Chuyến đi nhằm giúp cho các bạn sinh viên sống đúng với tinh thần và ý nghĩa đích thực của mùa Chay Thánh qua những công việc như làm bác ái, tĩnh tâm, hành hương, cầu nguyện…Ngoài ra, các bạn sẽ được cùng nhau sống với bầu khí thánh thiêng của mùa chay, cùng nhau trải nghiệm nỗi đau khổ của Đức Giesu khi Người phải vác cây Thập Giá trên vai, để các bạn sống đúng với bổn phận của một người sinh viên Công Giáo”.

Đúng 5h30, 3 chiếc xe khách chở đoàn xuất phát và đến 7h30, chiếc xe đầu tiên đã có mặt tại cổng của Khu điều trị Phong Ba sao. Sau khi chào xã giao đối với ban lãnh đạo Khu điều trị phong, các bạn sinh viên đã được chia nhỏ để đến với gia đình các bệnh nhân tại đây. Những tâm tư, sự chia sẻ pha lẫn với những câu chuyện đậm chất sinh viên đã làm cho các bệnh nhân mà phần lớn là các cụ không khỏi xúc động. Sau đó, các bạn sinh viên đã cùng với các bệnh nhân nơi đây quây quần trên sân, cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau chơi những trò chơi vui nhộn, cùng hát và nhảy những bài cử điệu ý nhĩa.

“Ông thấy thật hạnh phúc, những tình cảm mà các cháu dành cho ông là những món quà quý giá nhất mà ông nhận được. Tuy ông không may mắn như các cháu, nhưng mỗi người khi đến đây đều đem đến cho ông một niềm vui, một tình cảm đáng trân trọng. Vì thế ông và mọi người nơi đây luôn cố gắng sống thật vui, thật khỏe, để khỏi phụ tấm lòng của những người đã đặt chân đến nơi đây”. Một cụ ông 72 tuổi tâm tư.

Kết thúc hành trình tại Khu điều trị phong, đoàn lại tiếp tục lên đường. Đúng 11h15, đoàn đã có mặt tại Đan viện Xito. Một ngôi Thánh Đường cổ kính hiện ra trước mặt mọi người. Đúng vào giờ kinh trưa của các đan sĩ, các bạn sinh viên đã tức khắc hòa mình vào bầu khí linh thiêng của Đan viện. Đó là công việc đầu tiên của đoàn sau khi đến đây. Bạn Giuse Nguyễn văn Kiên – Cộng đoàn sinh viên Bác ái Martino chia sẻ: “Mình được nghe nói đến Đan viện Châu Sơn nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến bầu khí trang trọng và linh thiêng nơi đây, mình đã thực sự cảm thận được tinh thần của mùa Chay Thánh qua hình ảnh của những đan sĩ trong Đan viện”.

Tâm điểm của chuyến hành hương về Đan Viện lần này đó là hành trình trải nghiệm 14 Nơi Thương Khó của Đức Giesu. Cuộc hành trình bắt đầu từ trong đan viện, đi qua một quãng đường ngắn, rồi đoàn sẽ đi lên một ngọn núi cao, tượng trưng cho ngọn núi khi xưa Chúa đã vác Thập giá. 14 lần vang lên tiếng kinh, 14 lần vang lên những lời cầu nguyện chung, 14 lần vang lên tiếng suy niệm về sự đau khổ mà khi xưa Chúa đã nhận lấy để cứu nhân loại và rất nhiều những lời nói thầm mà các bạn sinh viên nói với Chúa. Những mệt nhọc, những khó khăn, vất vả, các bạn sinh viên đều vượt qua để cùng đến với Chúa trong cuộc hành trình thiêng liêng này.

Kết thúc 14 nơi Thương Khó, cũng là lúc cả đoàn cùng nhau bước vào Thánh Lễ tại một chiếc hang nằm trên núi. Đó là cao điểm của cuộc tưởng niệm ngày hôm nay. “Các bạn sinh viên đã cùng nhau vượt qua 14 nơi Thương Khó của Chúa, các bạn hãy cùng nhau nhìn lại bản thân mình, cuộc sống sinh viên đầy rẫy nhưng thử thách và cạm bẫy mà các bạn gặp phải. Ngày hôm nay hãy coi đó như những cây Thập Tự mà Chúa gửi đến nơi cuộc đời các bạn. Nếu các bạn biết vác Thập giá Chúa mỗi ngày, và các bạn chiến thắng được những thử thách mà Chúa gửi đến thì chắc chắn Chúa sẽ thưởng công cho những gì mà các bạn đã làm với Ngài”. Đó là lời nhắn nhủ mà Cha Simon Hòa chủ tế đã gửi đến nơi mỗi bạn sinh viên trong bài chia sẻ Tin Mừng.

Kết thúc Thánh lễ trên núi, đoàn đã đến chúc mừng bổn mạng của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội. Đức Cha là chính biểu tượng cho mỗi bạn sinh viên về lòng cam đảm làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mà Ngài đã vượt qua. Cái tên thân thương “Đức Tổng” mà hết thảy mọi người đều gọi dù khi Ngài không còn trên cương vị này nữa. Dù Ngài không còn trên cương vị Tổng Giám Mục nhưng qua đời sống âm thầm cầu nguyện nơi Đan viện, qua lời giáo huấn của Ngài mỗi khi có dịp gặp gỡ đã làm cho mọi người hiểu hơn về bổn phận của người sống đời tận hiến cho Thiên Chúa.

Trước khi chia tay Đan Viện, tất cả các bạn sinh viên đã cùng nhau quây quần lại, và cùng nhau suy nghĩ về hành trình mà một ngày qua các bạn đã trải qua, mỗi người đều mang trong mình một tâm trạng, một suy nghĩ riêng, nhưng ắt hản ai cũng cảm nhận được sự huyền nhiệm của mùa Chay Thánh mà các bạn đang trải qua, để rồi trong cuộc sống của mỗi người, các bạn sẽ thực sự trở thành những chứng tá của Chúa giữa lòng thế gian, đem Tin Mừng của Chúa đến với những người xung quanh của mình.

Hành trình kết thúc, 3 chiếc xe lại dẫn đoàn về lại Hà Nội, khép lại một ngày đầy ý nghĩa. Mùa đông lạnh lẽo dần kết thúc, hơi ấm của tình yêu Thiên Chúa tỏa lan khắp mọi người, ai cũng cảm thấy lòng mình được tràn đầy niềm vui, tràn đầy nghị lực và ân sủng Chúa.
 
Giới trẻ giáo xứ Cồn Thoi và Hợp Thành GP. Phát Diệm tĩnh tâm Mùa Chay
Hào Lê
16:01 18/03/2012
Giới trẻ giáo xứ Cồn Thoi và Hợp Thành tĩnh tâm Mùa Chay

Nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội sám hối để lãnh nhận được nhiều ơn Chúa trong Mùa Chay thánh, cha xứ An-tôn Đoàn Minh Hải đã dành riêng sáng Chúa Nhật III Mùa Chay là ngày tĩnh tâm cho các bạn giới trẻ 2 giáo xứ Cồn Thoi và Hợp Thành.

Mặc dù thời tiết hôm nay rất lạnh kèm theo những hạt mưa lất phất nhưng ngay từ sớm các bạn trẻ đã nô nức kéo nhau đến nhà thờ Cồn Thoi. Gần 700 bạn trẻ đã tham gia buổi tĩnh tâm này. Đến giúp buổi tĩnh tâm hôm nay có cha Giuse Mai Văn Thiện – quản hạt Văn Hải, cha Phao-lô Nguyễn Văn Định - Trưởng Ban MVGT. Giáo phận, cha Phê-rô Nguyễn Văn Phương – Phó xứ Chính Tòa Phát Diệm. Cùng với cha chính xứ An-tôn, quý cha đã miệt mài ngồi tòa ngay từ 8h00 – 11h00 để ban Bí tích Hòa Giải cho các bạn trẻ. Hầu hết các bạn trẻ đã gặp gỡ Chúa và kín múc nguồn ân sủng của Ngài qua việc lãnh nhận Bí tích Giao Hòa.

Ngày tĩnh tâm bắt đầu lúc 7h45 và kết thúc lúc 12h00. Sau khi ổn định và ôn hát là nghi thức sám hối cộng đồng. Đây là những giây phút để cho các bạn trẻ lắng đọng đặt mình trước nhan Chúa, cùng nhìn lại mối tương quan với Chúa, với anh em và chính mình trước tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Trong nghi thức sám hối, có những gợi ý xét mình rất cụ thể và thiết thực với đời sống của giới trẻ ngày nay, hầu giúp các bạn trẻ dễ xét mình hơn. Nghi thức sám hối thật sốt sắng và cảm động.

Tiếp theo là phần chia sẻ của cha Phao-lô Nguyễn Văn Định, Trưởng Ban MVGT Giáo phận với chủ đề:“Gới Trẻ sống Lời Chúa nơi bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội”. Với lòng yêu mến giới trẻ và với tư cách là người đồng hành với giới trẻ đã lâu, cha đã nêu cho các bạn trẻ thấy những điểm tích cực của người trẻ ngày nay: có nhiều sáng tạo, năng động, những phong cách sống phong phú và đa dạng. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều những mặt tiêu cực mà các bạn trẻ cần phải tỉnh táo xa tránh và loại bỏ. Các bạn trẻ hãy biết trau dồi cho mình những đức tính nhân bản cần thiết như trung thực, quả cảm, cao thượng, lễ độ…. mà người trẻ ở bất kì thời đại nào cũng không thể thiếu. Sống trong một xã hội tục hóa, duy vật chất, ảnh hưởng bởi các chủ nghĩa tương đối, coi thường các giá trị thiêng liêng người trẻ dễ đánh mất đức tin của mình hoặc nếu không cũng bị chao đảo và lung lạc. Vì vậy, các bạn trẻ cần đào sâu Lời Chúa và giáo lý để có thể đứng vững khi vào đời.

Những chỉ dẫn của Cha Trưởng Ban MVGT đã được các bạn trẻ mổ xẻ rất sôi nổi trong giờ hội thảo, dưới sự chủ tọa của Cha Phao-lô và Cha chính xứ An-tôn. Có bạn trẻ nhận định về tình trạng của người trẻ ngày nay dễ bị đánh mất mình trước những nền văn minh sự chết với những tệ nạn, những cám dỗ của lối sống hưởng thụ và tràn lan những sự dối trá, độc ác. Và cứ đà này, bạn trẻ cho rằng trong tương lai sự ác, sự dữ sẽ thắng sự thiện hay nói cách khác là ma quỷ sẽ thắng
Thiên Chúa. Quả là một sự nhìn nhận khá xác thực về người trẻ nhưng cũng là một báo động rằng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng đang bị lung lay. Sau khi Cha xứ An-tôn giải thích về quyền năng của Thiên Chúa và quyền lực của sự ác, của Satan, thì các bạn trẻ đã giơ tay nhất trí rằng không bao giờ quyền lực sự ác thắng được sự thiện mà chúng chỉ hoành hành và lớn mạnh nhất thời thôi. Có bạn trẻ thao thức làm sao có thể giữ và sống đức tin ngày hôm nay được khi mà gặp quá nhiều cám dỗ? Có bạn đã can đảm nhận rằng bỏ đọc kinh tối sáng ngày thường đã lâu, vậy xin có cách nào để sống đức tin? Rất nhiều vấn nạn các bạn trẻ đặt ra xoay quanh đời sống đức tin và lối sống của “tuổi trẻ thời @” hôm nay. Nhiều bạn trẻ đề nghị nên có nhiều buổi như thế này trong năm để các bạn có dịp gặp gỡ, trao đổi và hâm nóng tinh thần sống đạo. Đáp ứng nguyện vọng của các bạn trẻ, Cha xứ An-tôn đã hẹn gặp các bạn vào dịp hè tới.

Ngày tĩnh tâm được đẩy lên tới đỉnh cao với thánh lễ đồng tế lúc 11h00. Các bạn trẻ tham dự thánh lễ rất sốt sáng. Trong bài giảng lễ Cha xứ An-tôn đã mời gọi các bạn trẻ ý thức đây cơ hội tốt nhất và là dịp thuận tiện để các bạn làm cuộc thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình, xứng đáng là một người trẻ Công Giáo luôn có Chúa ở cùng, khi ngài chia sẻ Tin Mừng Ga 2,13-25: Chúa Giê-su thanh tẩy đền thờ.

Kết thúc thánh lễ các bạn trẻ ra về trong niềm hân hoan và vui sướng của những con người mới với trái tim vừa được đổi mới.

Hào Lê
 
Sống Đạo
Vũ Văn An
18:57 18/03/2012
Sống Đạo

Thân tặng anh chị em dự tòng Sydney

Được sự cho phép của Thầy Lợi, tôi xin có mấy lời với quí anh chị về việc sống đạo, qua ba đề mục: biết, thờ và mến.

Thực ra, biết, thờ, mến là tựa đề của Bộ Sách Giáo Lý bằng tiếng Anh (To Know, Worship and Love) hiện được dùng trong các trường Công Giáo của ít nhất hai tổng giáo phận Sydney và Melbourne. Ban Truyền Giáo chúng tôi đã chuyển bộ giáo lý này, gồm 13 cuốn, sang tiếng Việt và dựa vào bản dịch này để soạn ra Bộ Giáo Lý Biết Thờ Mến, gồm 11 cuốn, dùng trong chương trình giáo lý của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Cộng Đồng.

Dĩ nhiên ở đây, tôi không cố ý trình bày nội dung bộ giáo lý này, cho bằng mượn tên của nó để nói ít điều về việc sống đạo của quí anh chị em dự tòng.

I. Biết

1. Đức tin cứu con

Điều quan trọng nhất trong việc sống đạo là tin. Hẳn quí anh chị em đã được Thầy Lợi giúp nắm vững điều này: chúng ta được cứu rỗi là nhờ đức tin, chứ không nhờ điều gì khác. Chính Chúa Giêsu khi chữa lành người ta cũng nhấn mạnh điều ấy. Hẳn quí anh chị em còn nhớ đoạn Tin Mừng Thánh Matthêu nói về người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, được Chúa chữa khỏi. Ai còn nhớ câu Chúa Giêsu nói với bà khi bà lẻn đến rờ vào tua áo của Người? “lòng tin của con đã chữa con” (Mt 9:22).

Rồi đoạn khác (Mt 15:28) nói về người đàn bà có đứa con gái bị quỉ ám xin Chúa chữa nó, nhưng bị Người làm ngơ, bèn đi theo tiếp tục năn nỉ. Chúa thử lòng bà ta, mới nói kháy: không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con. Đố ai biết, bà già này đáp lại ra sao không? “thưa ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Chúa phục bà, bèn nói sao? “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”!

Xin kể câu truyện thứ ba trích từ Tin Mừng Thánh Máccô (Mc10:52) nói về người mù Thành Giêricô, ngồi bên vệ đường, nghe Chúa Giêsu đi ngang qua, lớn tiếng xin Người cứu giúp. Người gọi anh ta tới, hỏi anh muốn Người làm gì cho anh, anh ta đáp: xin cho con được nhìn thấy. Và Chúa Giêsu đã nói gì với anh ta? “lòng tin của anh đã cứu anh” và anh ta nhìn thấy!

Chính vì thế, Thánh Phaolô, trong thư Rôma (10:10), tuyên bố rằng: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”.

2. Tin là gì?

Chữ “tin” được sử dụng nhiều cách khác nhau. Đây là một số thí dụ:

* Tôi tin đội Swans của Sydney sẽ thắng giải AFL năm nay.
* Tôi tin thầy giáo sẽ cho tôi thêm giờ làm bài.
* Tôi tin tôi sẽ thắng cuộc thi đua ấy.

Qua đó, ta thấy “tin” có thể có nghĩa “hy vọng”, “nghĩ” hay “theo ý kiến tôi”. Dù dùng thế không hoàn toàn chính xác, nhưng người ta quen dùng như thế rồi.

Những lúc khác, ta dùng chữ “tin” theo nghĩa sâu sắc hơn. Như khi ta nói: ta tin một ai đó, trường hợp này “tin” nghĩa là “tin tưởng” (trust). Ta gắn bó với và xác nhận các tài năng nơi người khác. Sau đây là một số thí dụ:

* Tôi tin anh và tin rằng anh có thể đạt các mục tiêu của anh.
* Tôi tin vào tình yêu của gia đình tôi dành cho tôi.
* Tôi tin khả năng công bình và khoan dung của người Úc.

Nhiều lúc khác, ta dùng chữ “tin” để diễn tả điều gì đó được ta nắm giữ như là sự thật. Đây là một số thí dụ:

* Tôi tin cuộc đời có ý nghĩa.
* Tôi tin có sự sống ở đời sau.
* Tôi tin mọi người bình đẳng.

Lại có những lúc ta dùng chữ “tin” để diễn tả niềm tin của ta vào một con người. Đây là niềm tin của ta vào con người ấy. Nó phát xuất từ chứng tá họ đưa lại, từ cách họ sống đời sống họ. Đây là một vài thí dụ:

* Tôi tin mẹ tôi.
* Tôi tin đứa trẻ.
* Tôi tin Chúa.

Các niềm tin như trên đem lại ý nghĩa cho đời sống. Chúng nâng đỡ người ta qua những giờ phút dù khó khăn nhất, và có khi người ta còn sẵn sàng chịu đau và chịu chết cho những niềm tin họ nắm giữ. Như Martin Luther King chẳng hạn, đã tin chắc chắn vào sự bình đẳng giữa mọi chủng tộc, đến nỗi đã hiến đời mình để truyền giảng niềm tin ấy và cuối cùng đã chết vì niềm tin này. Thánh Maria MacKillop tin mạnh mẽ rằng mọi trẻ em đều có quyền được giáo dục, đến độ đã hiến đời mình lập các trường học cho con cái nhà nghèo. Những niềm tin sâu sắc như thế tác động mạnh trên các hành vi và các lựa chọn của ta.

3. Niềm tin tôn giáo

Các tôn giáo đều có các tín điều. Một vài thí dụ nổi tiếng là

* Mohammad là tiên tri của Allah (Hồi giáo)
* Sau khi chết, mọi loài đều tái sinh dưới hình thức khác (Ấn độ giáo)
* Qua thiền niệm, người ta có thể đạt tới niết bàn [nirvana] (Phật giáo)

Phần lớn các tín điều của Công Giáo được gồm tóm trong Kinh Tin Kính Nixêa sau đây:
Tôi tin kính một Thiên Chúa
Là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng,Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,Được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.
Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành; vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phôngxiô Philatô.
Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại. Và sự sống đời sau.Amen
.

Gọi là Kinh Tin Kính Nixêa vì kinh trên do Công đồng chung thứ nhất của toàn thể Giáo Hội, nhóm họp tại Nixêa, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, giữa các tháng Năm và 8 năm AD 325, soạn ra. Nó chứa những điều được Giáo Hội Công Giáo coi là chân thực một cách sâu xa và vĩnh viễn liên quan đến Thiên Chúa, đến đời người, và đời sau. Chúng là những ý niệm then chốt quanh đó trọn bộ Đạo Công Giáo chuyển xoay, và là những ý niệm được các tín hữu ủng hộ bênh vực. Nhiều Kitô hữu giữ vững niềm tin của mình đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình hơn là chối từ chúng.

4. Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết

Qúi anh chị đã được thầy Lợi giúp học hỏi các chân lý hay tín điều trên cả hơn nửa năm nay, nên tôi tin chắc quí anh chị đã nắm vững ý nghĩa của từng chân lý ấy. Chỉ xin thưa rằng lịch sử gần hai ngàn năm qua của Giáo Hội Công Giáo là lịch sử học hỏi các chân lý này, không phải chỉ của các em thiếu nhi, các dự tòng như quí anh chị, mà của toàn thể Giáo Hội. Thực vậy, toàn thể Giáo Hội, không trừ ai, từ những bậc thông thái và cao niên nhất như các vị giáo hoàng, các nhà thần học đến những người mới bập bẹ biết nói, đều chuyên chăm tiếp tục hết thế hệ này đến thế hệ nọ học hỏi các chân lý của đức tin. Bởi vì đó là những kho tàng, những giếng khơi bất tận mà không ai có thể tự hào múc cạn được.

Có tiếp tục học hỏi, ta mới thực sự nắm vững và biết phân biệt được đâu mới thực sự là chân lý đức tin mà ta có bổn phận phải tuân theo. Nhiều người cho rằng ta phải tin rằng Chúa dựng nên vũ trụ này trong 6 ngày như Thánh Kinh nói. Đúng là Thánh Kinh nói như thế, nhưng không phải chữ nào trong Thánh Kinh ta cũng phải tin một trăm phần trăm theo nghĩa đen. Đó chỉ là cách để Thánh Kinh giải thích tại sao ta phải nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy, sau 6 ngày làm việc. Điều Thánh Kinh nhấn mạnh chính là: mọi sự đều do Thiên Chúa dựng nên. Và đó là điều ta phải tin và điều ấy được cô đọng trong kinh tin kính Nixêa: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha Phép Tắc vô cùng dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Kinh tin kính trên cũng đâu có đề cập gì tới việc Đức Mẹ hiện ra ở nơi này hay ở nơi kia. Nên việc hiện ra ấy, Giáo Hội để tùy quyền tự do của tín hữu, muốn tin hay không tùy họ, không bắt buộc. Nói tóm lại, những điều phải tin đều đã được Giáo Hội long trọng tuyên bố bằng văn kiện, như các tín điều Đức Mẹ không mắc tội tổ tông, hay Đức Mẹ hồn xác lên trời, được các đức giáo hoàng long trọng công bố trong các năn 1854 và 1950. Do đó, muốn biết rõ về đức tin, ta cần phải tiếp tục học hỏi, qua các bài giảng của các cha trong Thánh Lễ Chúa Nhật, qua sách vở báo chí, truyền thanh, truyền hình Công Giáo...

II. Thờ

1. Chúa là đấng dựng nên ta

Trong số các chân lý của Đạo, các chân lý về Thiên Chúa đứng hàng đầu và là nền tảng của Đạo. Chúng ta tin nhận Người là đấng dựng nên ta (Đức Chúa Cha), là đấng cứu rỗi ta (Đức Chúa Con) và là đấng thánh hóa ta (Đức Chúa Thánh Thần).

Nói tóm lại, cả con người ta sở dĩ có, được tồn tại cả hồn lẫn xác, được cứu vớt, được nên tốt lành, tất cả là nhờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đến cha mẹ ta, những vị chỉ sinh ra ta về phần xác, mà ta còn thờ còn kính: thờ cha kính mẹ, hết dạ quí yêu suốt đời, mỗi lần nghĩ tới, chỉ những nước mắt ngắn nước mắt dài, dù đã già như tôi. Thì làm sao ta lại không thờ không kính đấng đã dựng nên ta cả hồn lẫn xác, tiếp tục cho ta tồn tại và làm ta nên tốt nên lành nhờ các ơn thánh Người ban?

2. Thờ và kính

Chữ thờ trong tiếng Việt chỉ có nghĩa là tôn kính và coi là thiêng liêng và việc này áp dụng cả cho người phàm trần là cha mẹ ta, ta tôn kính các ngài và coi các ngài là thiêng liêng, cả khi còn sống lẫn lúc các ngài đã qua đời, nhất là trường hợp sau.

Còn chữ kính, tiếng Việt hiểu là tôn trọng, không coi nhẹ mà coi nặng, thường dành cho người trên mình: kính trên nhường dưới hay những vị có công với mình: kính thầy yêu bạn.

Tiếng Việt, khi nói thờ cha kính mẹ, hình như có sự phân biệt về cấp bậc tôn kính giữa cha và mẹ. Thờ dường như có nghĩa mạnh hơn là kính. Và đây cũng là nét đặc trưng của Đạo Công Giáo khi phân biệt thờ khỏi kính.

a. Thờ chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi, như quí anh chị đã học khi nói tới điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn: Ngươi chỉ được thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Không được thờ bất cứ ai khác, không được thờ bất cứ người phàm trần hay thần thiêng nào khác, càng không được thờ các đồ vật như sắc đẹp, quyền lực, tiền bạc hay danh vọng…

b. Nhưng thờ là thế nào? Điều răn thứ nhất thực ra không dùng chữ thờ, to worship, cho bằng dùng chữ phủ phục, to bow down. Đây là thái độ được Cựu Ước coi là chủ yếu khi ta tới trước mặt Thiên Chúa: xem 1 Sm 15:25 (lời vua Sa-un nói với tiên tri Samuen: “tôi đã phạm tội… Xin ông tha tội cho tôi và trở lại với tôi, để tôi phục xuống lạy Đức Chúa).

Theo Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 4:10), chính Chúa Giêsu, khi bị ma quỉ cám dỗ trong sa mạc dịp Người ăn chay 40 đêm ngày trong đó, cũng đã phát biểu điều răn thứ nhất như sau: “Đã có lời chép rằng: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải phụng sự một mình Người mà thôi”.

Nhưng bái lạy chỉ là một hình thức bề ngoài. Nội dung của thờ lạy này thực sự là gì? Cả Cựu Ước cũng như Tân Ứơc đều cho hay nội dung đó như sau:

* Sách Đệ Nhị Luật 6:5: Trong bài diễn văn thứ hai của mình trước khi Dân Do Thái vào Đất Hứa, sau khi truyền lại Mười Điều Răn, Môsê đã nhấn mạnh tới điểm chủ yếu của Mười Điều Răn này bằng cách nói lớn với Dân: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.

* Sách Tin Mừng Thánh Máccô 12:30: Một kinh sư kia tới hỏi Người xem điều răn nào đứng đầu mọi điều răn, Chúa Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”.

* Theo Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 4:19-26) thì thờ lạy như thế chính là “thờ lạy trong thần trí và sự thật”. Vì sự thật là trước mặt Thiên Chúa, ta phải nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nhìn nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất; nên phải ca tụng, tôn vinh Người, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ.

* Giáo Hội đã làm như thế ngay từ những ngày đầu. Thánh Justin Tử Đạo sống vào đầu thế kỷ thứ hai, đã mô tả (xem First Apology 66.1-3) cách các Kitô hữu sơ khai thờ phượng Chúa ra sao: họ tụ tập nhau vào ngày đầu tuần, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại, để nghe lời Chúa trong Sách Thánh, được vị chủ tọa giải thích sau đó. Rồi bánh và rượu được đem tới, được vị chủ toạ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trên hai của lễ này, rồi bánh và rượu được phân phối cho tín hữu.

Trong lời mô tả trên, ta thấy có hành vi cảm tạ, chính chữ cảm tạ này được dùng để chỉ Thánh Lễ của ta hiện nay. Quả thế, “eucharist” hiện được ta hiểu là thánh lễ, nhưng khởi nguyên nó có nghĩa là lễ tạ ơn. Nói cho cùng thánh lễ của ta theo hệt mẫu này, mẫu mà họ mô phỏng theo Chúa Giêsu trên đường Emmau. Người cũng đã cử hành Lễ Tạ Ơn ấy ngay sau khi sống lại với hai môn đệ đang hết sức chán nản, chán nản đến độ không nhìn ra Thầy mình đang cùng đi một đường với mình và đang giảng giải Thánh Kinh cho mình nghe. Không hệ gì, họ sẽ nhận ra Người lúc Người bẻ bánh mời họ cùng ăn. Vì vậy mà Thánh Lễ luôn có hai phần: phần lời Chúa và phần phụng vụ Thánh Thể.

Quí anh chị hẳn đã nắm được đây là đỉnh cao việc thờ lạy Thiên Chúa của ta cùng với cộng đồng dân Chúa. Và để thực thi điều răn thứ nhất Giáo Hội muốn chúng ta tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật quanh năm và những lễ buộc như Giáng Sinh, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Dĩ nhiên, ta phải tham dự việc thờ lạy này với nội dung đích thực của nó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ta.

Ngoài ra, từng cá nhân, ta vẫn luôn có thể thờ lạy Chúa bằng cách cầu nguyện với Người, truyện trò thân tình với Người bất cứ lúc nào, lúc vui, lúc buồn, lúc hân hoan, lúc sầu khổ, để cảm tạ, ngượi khen, cầu cứu Người nâng đỡ ủi an, giúp ta sức mạnh vượt qua các khó khăn trên đời…

c. Kính Đức Mẹ và các Thánh: Đối với Đức Mẹ, các thánh, các vĩ nhân của nhân loại, trong đó có các anh hùng dân tộc, có cha mẹ, ông bà ta, những người đã miệt mài sinh thành ra ta cả thân xác lẫn tinh thần, như lời hát của Nguyễn Đức Quang trong bài Du Ca Việt Nam ngạo nghễ: “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, Xương da thịt này cha ông ta miệt mài”, thì ta luôn có chữ kính trọng, coi nặng ơn mưa móc, cố gắng phát huy tinh thần của các ngài, giữ thơm quê mẹ như một bài hát của ông Phạm Duy.

Ta không thờ lạy Đức Mẹ và các Thánh, không coi các ngài là thần minh, là chúa tể. Các ngài cũng là tạo vật như ta, hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa trong mọi sự. Tự các các ngài, các ngài không thể làm gì cho ta ngoài việc cầu cùng Chúa cho ta. Ta gọi hành động các ngài cầu cùng Chúa cho ta này là sự cầu bầu. Kinh Kính Mừng chứng tỏ điều ấy. Ta đọc ở phần thứ hai của Kinh: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen”. Chúng ta không xin Đức Mẹ ban ơn này ơn nọ cho ta. Việc ban ơn này là việc chỉ một mình Chúa mới ban được cho ta mà thôi. Về việc cầu bầu này, Đức Mẹ và các thánh sẵn sàng làm cho ta vì Đức Mẹ là Mẹ ta, các thánh là anh chị em ta trong mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” mà ta vốn đọc thấy trong Kinh Tin Kính.

Ngoài ra, vai trò của Đức Mẹ và của các thánh nói chung còn là làm gương cho ta. Còn có ai sáng ngời về đức tin, đức cậy và đức mến hơn Đức Mẹ? Một phụ nữ vừa đính hôn, chưa về với chồng, mà sẵn sàng mang thai như thiên thần loan báo, không có sự cộng tác của chồng, theo luật Do Thái sẽ bị ném đá cho đến chết, nếu không có đức tin vào lời Chúa, ai mà dám! Đức Mẹ dám nhận lời vì tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời xin vâng của ngài lúc truyền tin, do đó, đã trở thành bất hủ trong lịch sử cứu rỗi. Đức tin của ngài sáng ngời hơn cả đức tin của tổ phụ Ápraham. Vì cùng lắm, Ápraham chi mất đứa con là Isaác, chứ đâu có mất mạng. Đức Mẹ chấp nhận cả khả thể mất mạng để vâng nghe lời Chúa! Ngài đáng được ta bắt chước, noi theo.

Ngoài ra lòng sùng kính đối với Đức Mẹ còn hết sức thích hợp với tâm tình nhân bản của ta. Con người bao giờ cũng có lòng biết ơn đối với những người làm ơn cho mình. Có thể nói rằng trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại, không có việc xuống thế làm người và chịu chết của Chúa Giêsu, thì không có sự cứu rỗi. Đức Mẹ là người đã làm cho việc xuống thế ấy thành sự thực, không biết ơn ngài thì ta đâu phải là người? Người Công Giáo sùng kính ngài là vì thế.

III. Mến

Như trên đã thấy, Đạo Công Giáo không phải là Đạo của sách vở, chỉ để học hỏi cho biết, mà là Đạo phải đem ra sống, sống với mình và sống với người khác.

Trên đây, ta đã được nghe Chúa Giêsu nói tới điều răn hàng đầu. Ai nhớ là điều gì không? Cũng trong chương 12: 31, Tin Mừng Thánh Máccô trên, sau khi nói tới điều răn hàng đầu ấy, Chúa Giêsu nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Yêu như chính mình là đủ rồi. Người bình thường như chúng ta, yêu người khác như yêu chính mình là đủ rồi, Chúa chỉ đòi có thế. Yêu người hơn yêu mình dành cho các anh hùng, cho các thánh, những người dám hy sinh cả mạng sống mình vì người khác. Xin mở ngoặc một chút: nếu nói thế thì hình như bà mẹ nào cũng anh hùng cả, vì bà mẹ nào không thương con hơn thương chính bản thân mình? Thành thử, nếu tôi làm giáo hoàng, tôi phong thánh cho mọi bà mẹ. Nhưng cũng có người nói: mẹ thương con chẳng qua là thương mình? Thôi ta không bàn đến chuyện đó ở đây.

Trở lại với việc yêu người như yêu chính mình. Yêu như thế là yêu thế nào? Ở đây, ta nhớ lời giáo huấn của Đức Khổng Tử: kỷ sở bất dục vật thi ư nhân: điều mình không muốn làm thì đừng làm cho người khác. Câu này cũng tìm thấy trong sách Tobia của Cựu Ước, chương 4 câu 15: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả”. Chúa Giêsu thì nói một cách tích cực hơn. Theo Tin Mừng Thánh Mátthêu, chương 7, câu 12, Chúa nói thế này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Tin Mừng Thánh Luca, chương 6, câu 31 cũng thuật lại cùng một câu tích cực như vậy. Hãy làm cho người khác điều mình muốn họ làm cho mình.

Phần lớn chúng ta không muốn như thế, chỉ muốn thiên hạ làm cho mình thôi, còn mình thì không chịu nhúc nhích dù chỉ một ngón tay! Thành thử khuôn vàng thước ngọc này không hẳn là chuyện dễ làm.

Chưa hết, ở một chỗ khác, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn về việc yêu người này. Nó không thuộc lãnh vực tình cảm hay xúc cảm, mà thuộc phạm vi ý chí. Bởi thế, dù mình không thích kẻ thù, kẻ thù thì ai mà thích cho được, không ai bắt được mình phải thích kẻ thù của mình cả, nó đi ngược lại bản tính con người, nhưng Chúa bảo: con phải yêu cả kẻ thù của con nữa (Mt 5:44). Không thích, nhưng vẫn phải yêu kẻ thù. Chỉ có ý chí mới làm được việc đó, mới “điều gì mình không thích nó làm cho mình thì đừng làm cho nó” hay “điều gì mình mong nó làm cho mình thì hãy làm cho nó điều đó”. Nói cho ngay, đôi khi mình không thích mình, mình giận mình, mình bực mình, nhưng mình đâu có ngưng yêu mình đâu? Thành thử chân lý: yêu người như yêu mình vẫn đúng. Ta cũng nên nhớ rằng, sau khi nói: tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”, Chúa Giêsu kết luận: vì Luật Môsê và lời các tiên tri là thế đó”. Ta biết Cựu Ước gồm ba phần: luật Môsê, các lời tiên tri và các thánh vịnh. Nên khi Chúa bảo: Luật Môsê và lời các tiên tri là thế đó, có nghĩa là khuôn vàng thước ngọc trên đã tóm tắt hết bộ Sách Thánh rồi. Nói cách khác nó hết sức quan trọng.

Trước khi dừng lời, tôi muốn cùng quí anh chị nhắc lại các lời của Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của ngài để chứng tỏ rằng yêu người là yêu Chúa. Lời thứ nhất (3:17): “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?”. Câu thứ hai (4:20-21), ngài nói rõ ràng và quả quyết hơn: “Nếu ai nói: ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là người nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”.
 
Giáo Họ Ngoại Hải - Ba Làng - Thanh Hóa Bế Mạc Tuần Chầu Và Mừng Lễ Thánh Giuse Quan Thầy
Maria Én Trần
19:08 18/03/2012
GIÁO HỌ NGOẠI HẢI - BA LÀNG - THANH HÓA BẾ MẠC TUẦN CHẦU VÀ MỪNG LỄ THÁNH GIUSE QUAN THẦY

GPTH_Hôm nay đã là 18/03, chỉ còn một ngày nữa thôi, toàn thể giáo hội hoàn vũ vui mừng đón chào ngày lễ Thánh Giuse – bạn trăm năm của Đức Maria.

Thánh Giuse là quan thầy của giáo hội Việt Nam, của Giáo phận Thanh Hóa, của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, của nhiều hội đoàn, nhiều bậc gia trưởng trong giáo phận. Và một điều quan trọng nữa, Thánh Giuse cũng là quan thầy của Đức Cha giáo phận – Giuse Nguyễn Chí Linh, người cha chung đáng kính của giáo phận Thanh Hóa.

Xem hình

Ba Làng là nơi sinh ra vị chủ chăn đáng kính của giáo phận Thanh Hóa. Nơi đây với dấu tích Cửa Bạng ghi dấu bước chân của cha Đắc Lộ gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên. Ngày Cha Đắc Lộ đến với Cửa Bạng cũng là ngày 18/03 như hôm nay. Trên trời mây đen vần vũ, giông tố ầm ầm báo hiệu một chặng đường gian nan. Cha đã cầu nguyện với Thánh Giuse để Ngài chở che cho chuyến đi. Và lạ lùng thay, đúng ngày 19/03, trời yên biển lặng, và cha Đắc Lộ cập bến bình an nơi Cửa Bạng. Để từ đó, hôm nay có một giáo phận Thanh Hóa an bình, mạnh mẽ.

Để ghi nhớ sự kiện đó, người dân Cửa Bạng đã xây dựng đền thờ kính Thánh Giuse tại họ Ngoại Hải – Ba Làng. Thánh Giuse cũng là Thánh quan thầy của giáo họ. Trùng hợp thay, họ Ngoại Hải cũng là nơi mà Đức Cha giáo phận sinh ra. Hôm nay, tuy chưa phải 19/03, nhưng với sự hiện diện của Đức Cha Giuse, quí cha hạt Ba Làng, giáo họ đã ăn mừng lễ quan thầy một cách thực sự long trọng.

Càng đặc biệt hơn nữa, 18/03, giáo họ Ngoại Hải bế mạc tuần chầu lượt. Niềm vui nhân đôi, nhân ba trong một thánh lễ sốt sắng và ngôi thánh đường giản dị.

Giáo họ Ngoại Hải cách nhà thờ xứ Ba Làng không xa, thánh đường giáo họ cũng lặng lẽ hướng mình ra biển lớn. Hai bên cổng nhà thờ là tượng đài Thánh Giuse, một bên Ngài đứng trên con thuyền với ý nghĩa bảo trợ cho mỗi chuyến ra khơi của xứ biển. Đoàn rước tiến từ nhà thờ xứ sang nhà thờ họ cùng với tiếng trống mạnh mẽ đặc trưng của Ba Làng, trong tiếng kèn và xa xa là tiếng sóng biển vỗ về.

Biển Ba Làng hôm nay cũng dịu dàng như ngày nào cha Đắc Lộ cập bến Cửa Bạng. Màn sương bao phủ đảo nhỏ, những con thuyền lấp ló ngoài xa đang trở về sau những ngày lênh đênh. Đám con nít tụ tập hàng dài trên bờ cát với những trò chơi riêng của chúng. Trên khuôn mặt thơ ngây là những nụ cười tỏa nắng. Niềm vui của trẻ thơ chính là biểu hiện của một cuộc sống an vững trong đức tin.

Thánh đường bé nhỏ lại càng bé nhỏ hơn bởi sự có mặt đông đủ của bà con giáo dân, của quí cha, quí khách. Trong bài giảng lễ Đức Cha kể những câu chuyện huyền nhiệm vế tấm gương Thánh Giuse. Câu chuyện về chiếc cầu thang mà người ta tin là do Thánh Giuse xây nên ở Mĩ đến bây giờ vẫn là một bí ẩn. Một chiếc thang không có điểm tựa, không có lan can, không một chiếc đinh ốc mà vẫn vững vàng suốt hơn 100 năm. Loại gỗ được sử dụng cũng không hề tìm thấy tương tự trên đất Mĩ cũng như nơi nào trên thế giới. Và người làm ra chiếc cầu thang ấy, là một cụ già râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, với một con lừa, cái búa, mấy chiếc đinh cùng với cái thước. Sau 8 tháng hì hục với công việc một cách âm thầm, lặng lẽ, cụ già cũng biến mất một cách bí ẩn như chưa từng tồn tại…Tất cả đem đến cho con người ta niềm tin, chính Thánh Giuse thợ - người bạn trăm năm của Đức Maria đã làm nên cây cầu thang huyền diệu với 33 bậc (tượng trưng cho cuộc đời Chúa Giêsu). Ngày nay, chiếc cầu thang là một điểm tham quan và khám phá của hàng chục ngàn người mỗi năm.

Qua câu chuyện cũng như qua Kinh Thánh, chúng ta hiểu được phần nào bản tính của Thánh Giuse. Người là một gia trưởng vĩ đại, là người tôi tớ trung thành, một người đàn ông chân chính. Tính cách của Ngài đơn sơ, ân cần, chịu đựng… Cuộc đời của Ngài âm thầm tin nghe lời Chúa, chăm sóc cho Đức Giêsu và Mẹ Maria. Và Ngài cũng luôn cầu bầu cho tất cả chúng ta, cho giáo phận Thanh Hóa an bình đi tới Quê Trời…

Kết thúc thánh lễ, lắng nghe những lời chúc tâm tình từ đoàn chiên Ba Làng, Đức Cha bày tỏ mong muốn của người là xây dựng Đền Thánh Giuse trở thành một trung tâm hành hương của cả giáo hội Việt Nam.

Cuối cùng, Đức Cha, quí cha và mọi người cùng hướng ra biển để cầu nguyện cho những chuyến ra khơi an lành, thuyền về nặng đầy tôm cá.

Nhân dịp này xin gửi tới Đức Cha giáo phận đáng kính, tới các hội đoàn và những ai chọn Thánh Giuse làm quan thầy lời chúc mừng thân thương, bình an, thánh đức…

Maria Én Trần

 
Hành trình Mùa Chay tại GP Thanh Hóa: Những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo
Ban Truyền thông
19:24 18/03/2012
Hành trình Mùa Chay tại GP Thanh Hóa: Những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo

Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật thứ ba của Mùa Chay. Đã có rất nhiều những hành động ý nghĩa, những hoạt động thiêng liêng diễn ra trên giáo phận Thanh Hóa. Đó là những chuyến viếng thăm của Đức Cha giáo phận, của Caritas, của Hội Bác ái Phanxico…và rất nhiều những cá nhân âm thầm, lặng lẽ tới với những người nghèo, người tật nguyền, người già neo đơn…Tuy rằng những món quà so về vật chất thì có phần bé nhỏ, nhưng giá trị tinh thần thì lớn lao. Những số phận đáng thương ấy cần những bàn tay chia sẻ, cần những lời động viên để họ hòa nhập với cộng đồng, còn những món quà nào hơn thế nữa…

Xem hình

Theo tinh thần bác ái Mùa Chay đó, trong tuần vừa qua, Caritas Thanh Hóa cùng với đại diện của Hội Lòng thương xót Chúa ( Chị Nam, chị Nhung) đã đi tới nhiều giáo xứ còn khó khăn trong giáo phận Thanh Hóa. Trong đó có các giáo xứ như: Ngọc Sơn, Nhân Lộ, Phong Ý, Hữu Lễ, Cổ Định, Tân Đạo, Kẻ Láng…

Món quà của chuyến đi là những bao gạo nhỏ. Đối tượng là các ông, các bà già nghèo, cô đơn, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tật nguyền…Tính chung chung trong cuộc hành trình này, có khoảng 17-18 tấn gạo được phát. Trung bình mỗi người nhận được 10kg gạo.

Chị Nam và chị Nhung là những người không phải sinh ra trên mảnh đất xứ Thanh. Nhưng có đi cùng các chị mới biết tấm lòng các chị không dành riêng cho mảnh đất nào. Bác ái thì có gì mà phân chia quê hương. Các chị đi đến đâu dường như ở đó cũng thân quen. Nhiều giáo dân nhận ra các chị, tay bắt mặt mừng. Giáo phận Thanh Hóa thật may mắn khi được đón tiếp các chị với những tấm lòng đẹp.

Trông các chị cũng đã cao tuổi, nhưng sức đi của các chị khiến nhiều người trẻ phải khâm phục. Trong một ngày các chị có khi đi tới ba giáo xứ. Con đường ngoằn nghèo, sỏi đá và đôi khi gập gềnh như thử thách con người. Nhưng niềm vui được giúp đỡ người nghèo chiến thắng tất cả.

Trên xe, các chị không bao giờ quên lần hạt cầu nguyện. Cầu nguyện cho các linh hồn, cầu nguyện cho chuyến đi được bình an, cầu nguyện cho những người còn chịu nhiều đau khổ…Các chị cũng tâm sự rất nhiều những kỷ niệm của các cuộc hành trình thiện nguyện. Các chị chỉ lo sợ không có sức khỏe để đi nhiều mà thôi. Ước nguyện của các chị cũng như các ân nhân là được tới thăm, chia sẻ với những người nghèo chứ không đơn giản chỉ là đi phát quà.

Cha Antôn Trịnh Đình Thiệu – Giám đốc Caritas là người luôn đồng hành cùng các chuyến đi bác ái. Dường như cha không mệt mỏi bao giờ, trong suốt chuyến đi, bao giờ cha cũng nở nụ cười thật tươi.

Cha còn công việc bộn bề trong vai trò Thường vụ giáo xứ Chính Tòa, cha còn công trình xây dựng nhà thờ đang dang dở…nhưng cha chưa bao giờ từ chối được đồng hành cùng giáo dân nghèo. Có đi cùng cha mới biết, đi đến đâu, giáo xứ nào cha cũng nhận được tình cảm trìu mến. Nhiều giáo dân còn cố theo cha để đưa cha vài con gà, vài đồng bánh…chút quà từ chính vườn nhà…

Đó chính là những món quà ý nghĩa nhất, chân thật nhất của tình liên đới thiêng liêng mà những người có đạo dành cho nhau.

Cha Antôn cùng với hai chị của Hội Lòng thương xót Chúa cũng có dự định sẽ lên thăm bà con dân tộc Hmong. Hi vọng ước mong đó sẽ thực hiện được để bà con dân tộc – những người ở nơi xa xôi nhất cũng được ấm lòng trong Mùa Chay yêu thương này.

Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các ân nhân xa gần, tới Hội Lòng thương xót Chúa, Caritas và tất cả những ai đã và đang hướng lòng mình về với cội nguồn, về với người nghèo…Xin chúc một Mùa Chay sốt sắng và yêu thương…

Ban Truyền Thông
 
Giáo xứ Tuy Hòa tôn vinh Thánh Giuse:
GX Tuy Hòa
21:15 18/03/2012
Giáo xứ Tuy Hòa tôn vinh Thánh Giuse

Trong niềm hân hoan của ngày mừng lễ Thánh Quan Thầy Giuse, Bổn Mạng nhà thờ và giáo xứ Tuy Hòa, cộng đoàn giáo xứ đã tổ chức 7 ngày tôn vinh Thánh Cả. Trong suốt 7 ngày, khi đêm vừa chợt xuống, giáo dân trong giáo xứ đã tụ tập trước tượng đại Thánh Giuse để suy niệm và dâng kinh nguyện tôn kính và kêu xin người cầu thay nguyện giúp.

Xem hình

Tối Chúa Nhật, 18.3.2012, cộng đoàn đã long trọng cử hành cuộc tôn vinh Thánh Cả cách đặc biệt với chương trình rước kiệu và diễn nguyện thật sinh động sốt sắng. Khuôn viên thánh đường đêm nay rực sáng lên với những cây nến lung linh trên tay của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ : cha chính xứ Giuse Trương Đình Hiền, chủ trì cuộc cử hành, cha phó, quý cha Đồng Công, thầy xứ, các cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá và Phaolô Đà Nẵng, rất đông các em thiếu nhi, các hội đoàn Legio Mariae và Các Bà Mẹ Công Giáo trong bộ áo dài đồng phục thân thương, các chức việc và đông đảo bà con giáo dân...

Thánh Giuse đã được giáo xứ chọn làm vị Thánh Bổn Mạng của nhà thờ và giáo xứ kể từ khi Nhà thờ được xây dựng cách đây hơn 50 năm. Kể từ đó, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ và giáo xứ Tuy Hòa vẫn yên lành và ngày càng được kiện toàn và phát triển về số lượng cũng như về chất lượng mục vụ. Chắc chắn, giáo xứ có được một hiện trang tốt đẹp như thế, cũng là nhờ sự che chở bảo bọc và lời cầu thay nguyện giúp đầy thần thế của Thánh Cả Giuse. Ngày 19.3, cộng đoàn sẽ cùng hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, với Giáo Hội Việt Nam, với Giáo phận Qui Nhơn, long trọng cử hành Thánh Lễ mừng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria và là Cha nuôi Đấng Cứu Thế.

Trong dịp đặc biệt nầy, giáo xứ sẽ tổ chức một cuộc liên hoan cộng đồng liền sau thánh lễ để cụ thể hóa tình hiệp thông và niềm vui của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ nhân trong biến cố mừng "Ngày Truyền Thống" tốt đẹp và thân thương nầy.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thắp Nến
Diệp Hải Dung
21:19 18/03/2012
THẮP NẾN
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia, hình chụp tại Trung Tâm Bringelly, Sydney)
Thắp Nến, thắp sáng Hoà Bình,
Kiếm tìm Công Lý, xây tình Yêu Thương.
Nến là ngọn đuốc soi đường,
Cho ai lạc lối biết phương tìm về..
(Trích thơ của BS Vũ Linh Huy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền