Ngày 22-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/03: Diễn từ về công việc của Chúa Con – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:09 22/03/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

“Tôi không cần người đời tôn vinh. Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?

“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”

Đó là lời Chúa
 
Sống và chết
Lm Thái Nguyên
06:05 22/03/2023

SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 5 MC A
https://www.youtube.com/watch?v=96Wo6s1UYu0


SỐNG VÀ CHẾT
Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A : Ga 11,1-45.

Suy niệm

Đúng như lời ngôn sứ Êdêkien đã báo: “Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta và đem các ngươi về đất Ít-ra-en… Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trên các ngươi và các ngươi sẽ được sống”. Lời này đã được ứng nghiệm cho dân Chúa, và sẽ được Đức Giêsu thực hiện.

Qua bài Tin Mừng, chúng ta cảm nhận được nét đẹp đầy cảm động về tình bạn của Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn không cầm được nước mắt bên mồ của Ladarô. Ngài đã trở nên giống chúng ta, sống thân phận của chúng ta, đau cái đau của chúng ta, khổ nỗi khổ của chúng ta. Và rồi đây Ngài cũng sẽ phải chịu đau đớn tận cùng, khi chấp nhận cực hình trên thập giá và chịu chết để cứu chuộc chúng ta.

Lúc gặp Đức Giêsu, Mátta đã thốt lên những lời than trách: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Khi Đức Giêsu đến chậm, để cho Ladarô phải chết, Ngài cho chúng ta thấy, không ai có thể ngăn chặn được cái chết thể lý. Công việc của Ngài không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển sự sống tự nhiên của con người. Ngài không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng trước tiên là để sống thân phận con người, với tất cả những hậu quả bi đát của nó do tội lỗi gây ra. Tuy nhiên, Ngài cũng đã làm cho anh Ladarô sống lại, để biểu hiện quyền năng sự sống của Thiên Chúa nơi mình.

Với bản tính con người, Ngài cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những ai đang phải gặp cảnh buồn thương khốn khổ. Nhưng với bản tính Thiên Chúa, Ngài cho chúng ta được chỗi dậy, được thông phần sự sống Thần Linh của Ngài, như Ngài đã công bố: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Tin Đức Giêsu, chúng ta thoát khỏi sự trống rỗng của cuộc đời hư không, một cuộc sống đã chết do tội lỗi để bước vào sự sống mới, sự sống đích thật của con cái Thiên Chúa, nên chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng.

Nói là sự sống mới vì sự sống cũ của ta đang bị chôn chặt dưới nấm mồ của buồn sầu, nghi nan, thất vọng, vì lo chạy theo vật chất, tiền tài, danh lợi. Nói là sự sống mới vì sự sống cũ đang trong vòng tranh chấp, kéo theo những tham lam, ích kỷ, ghen ghét, hận thù. Đức Giêsu không chỉ mở cửa mộ cho Ladarô ngày xưa, mà Ngài đang mở cửa mộ cho con người hôm nay, bởi vì mỗi người chúng ta đang chết một cách nào đó. Đó là cái chết thiếu đức tin, thiếu lòng yêu mến và cậy trông hy vọng. Đó là cái chết của một xã hội mà sự phát triển kinh tế không đi đôi với đạo đức; một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa nhưng lại tôn thờ ngẫu tượng; một xã hội văn minh tiến bộ nhưng nhân phẩm con người lại bị chà đạp thảm thương. Chẳng lạ gì thánh Gioan Phaolô II gọi thế giới hôm nay là thời đại của nền văn minh sự chết.

Thế giới văn minh, nhưng vẫn đầy dẫy những cái chết não nùng, như những cuộc tàn sát do chiến tranh, cướp bóc, đói kém, phá thai, ma túy, áp bức, khủng bố, bạo hành, ám sát, tự tử, … Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn, là cái chết của tình yêu ở trong lòng người. Đó mới là cái chết đáng sợ, vì không còn là cái chết tạm thời, nhưng là cái chết vĩnh viễn vắng bóng Thiên Chúa. Cái chết đó đang len lỏi vào đời sống đạo của chúng ta, nhất là đối với giới trẻ, những con người dễ bị mê hoặc bởi những hào nhoáng bên ngoài, và dễ buông theo lối sống ảo, là những cạm bẫy giăng mắc của sự chết.

Tôn giáo nào cũng nói đến cứu độ hay giải thoát, để đạt tới sự sống viên mãn. Nhưng thật sự chẳng có ai có quyền trên sự sống con người ngoài một mình Thiên Chúa, Đấng là chủ tể của sự sống đời này và đời sau. Càng không có ai có thể tự giải thoát mình. Chỉ có Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mới có thể giải thoát chúng ta khỏi những cái chết tai ác, vì Ngài là sự sống lại và là sự sống. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể mở những cửa mộ kiên cố của lòng ta, lăn những tảng đá đè nặng trên cuộc đời ta, để ta bước ra khỏi thế giới sự chết mà đi vào thế giới sự sống.

Sự sống lại của Ladarô dù sao cũng chỉ là tiếp nối cuộc sống dương trần, điều quan trọng là sự sống đời đời mà chính Chúa Giêsu sẽ đem lại cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Chúa, để Chúa đưa chúng ta vào cuộc sống mới từ hôm nay. Chỉ khi gắn bó với Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Ngài, ta mới có khả năng ra khỏi nấm mộ của bản thân mình, và có khả năng thông truyền niềm vui sự sống cho những người chung quanh, đúng theo ơn gọi của mình là môn đệ Đức Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
sống là biết có ngày mình phải chết,
và tất cả sẽ không còn gì hết,
thế nhưng ai cũng ngậm ngùi chua xót,
vô cùng đắng đót trước cảnh biệt ly,
kẻ ở người đi mong gì gặp lại.
Chính Chúa cũng thổn thức và xao xuyến,
đến nỗi không ngăn được dòng lệ nhỏ,
trước bạn hiền đã từ bỏ thế gian,
cho dù Chúa có quyền ban sự sống.
Chúa chẳng muốn để một ai phải chết,
nhưng đó là hậu quả của tội lỗi,
vì con người đã manh tâm phản bội,
để dục vọng cứ mặc sức cuốn lôi.
Tuy cái chết đã đi vào thế giới,
nhưng Chúa đem sự sống mới cho đời,
để ai tin vượt qua những gian tà,
bước theo Chúa trên con đường thập giá.
Cuộc đời này rồi ai cũng phải chết,
nhưng con tin tình yêu không thể chết,
khi con dâng hiến hết cuộc đời mình,
vì cái chết là điểm kết của hy sinh,
để mở ra sự sống mới huy hoàng,
mà chính Chúa đã sống lại vinh quang.
Nên cái chết chẳng còn gì đáng sợ,
chỉ đáng sợ khi con sống nghi ngờ,
thiếu niềm tin vào chính Chúa Giê-su,
nên cuộc sống thành tăm tối ngục tù.
Xin cho con lòng tin tưởng cậy trông,
luôn kiên vững không bao giờ thất vọng,
điều quan trọng là nối kết hiệp thông,
để tình yêu mỗi ngày thêm sâu rộng. Amen.


 
Tin vào Đức Giêsu để được sống lại và sống đời đời
Lm Đan Vinh
06:10 22/03/2023

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A
Ed 37,12-14; Rm 8.8-11; Ga 11,3-45
TIN VÀO ĐỨC GIÊ-SU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ SỐNG ĐỜI ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 11,3-45

(1) Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. (2) Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. (3) Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. (4) Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. (5) Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là Ma-ri-a và anh La-da-rô. (6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào, chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”. (8) Các môn đệ nói : “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (9) Đức Giê-su trả lời : “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. (10) Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”. (11) Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo : “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. (12) Các môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại”. (13) Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. (14) Bấy giờ Người mới nói rõ : “La-da-rô đã chết”. (15) Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. (16) Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy !”. (17) Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. (18) Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. (19) Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. (20) Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. (22) Nhưng bây giờ con biết : “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (23) Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” (24) Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. (25) Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (27) Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. (28) Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !”. (29) Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. (30) Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. (31) Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. (32) Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. (33) Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người hỏi : “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời : “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. (35) Đức Giê-su liền khóc. (36) Người Do thái mới nói : “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” (37) Có vài người trong nhóm họ nói : “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể cho anh ấy khỏi chết ư?” (38) Đức Giê-su thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Đức Giê-su nói : “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. (40) Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. (41) Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !”. (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn, Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Trong số những người Do thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 
          
2. Ý CHÍNH :
Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a thì La-da-rô đã chết và chôn được bốn ngày. Gặp hai bà Mác-ta và Ma-ri-a là chị người chết đang khóc thương em, Đức Giê-su đã trấn an họ rằng : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (25). Khi ra thăm mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha rồi truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ (43) và người chết liền trỗi dậy đi ra ngoài. Qua phép lạ phục sinh La-da-rô này, Đức Giê-su đã mặc khải Người chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa hằng sống. Người sẽ ban sự sống và sự sống lại muôn đời cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người. Mỗi tín hữu phải trở thành ngôn sứ của sự sống.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-5 : + La-da-rô : là tên của người bạn thân với Đức Giê-su, ở làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,3). Ngoài La-da-rô này, cũng còn một người ăn xin tên là La-da-rô trong Tin Mừng Lu-ca (x. Lc 16,20). + Bê-ta-ni-a : Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu, cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số (x. Ga 11,18). Đức Giê-su thường đến trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, còn một Bê-ta-ni-a khác là nơi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 16,20). + Mác-ta : là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính năng nổ hướng ngoại thể hiện khi đón tiếp Đức Giê-su (x. Lc 10,38-42). + Ma-ri-a : là em của Mác-ta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (x. Ga 12,1-8). Theo phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh : Bà Ma-ri-a này không phải là người đàn bà tội lỗi (x. Lc 7,36-50), không phải là người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,3-11), cũng không phải Ma-ri-a Ma-đa-lê-na được trừ khỏi bảy quỷ ám (x. Lc 8,2).
- C 6-16 : + Mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy : Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý thức nguy hiểm : Thầy có thể bị kẻ thù giết hại tại Giê-ru-sa-lem. + Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? : Đức Giê-su quyết tuân theo chương trình Chúa Cha đã truyền. + La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây : Đức Giê-su dùng chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,39). Thánh Phao-lô cũng coi cái chết chỉ là một giấc ngủ (x. 1 Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (x. Ep 5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin : Đức Giê-su mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người truyền cho La-da-rô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27 : + Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi : Theo phong tục người Do thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (x. Cv 5,6). Người Do thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói La-da-rô đã chết thật sự. + Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết : Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (x Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,23). Đến thời Đức Giê-su, nhóm Pha-ri-sêu cũng tin như vậy, nhưng nhóm Xa-đốc thì không tin (x Cv 23,8). Riêng Mác-ta tuy tin kẻ chết sẽ sống lại trong ngày tận thế như nhóm Pha-ri-sêu, nhưng vẫn muốn Đức Giê-su làm phép lạ cho em được sống lại ngay lúc này. + Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống : Đức Giê-su là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (x. Ga 5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày cánh chung, dù xác của họ có bị tiêu hủy cũng sẽ được sống lại (x. Ga 5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian : Mác-ta tuyên xưng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,19).
- C 28-37 : + Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến : Theo thói tục của người Do thái, khi có khách đến viếng xác, thì người nhà bật khóc to, và khách cũng tự nhiên phát khóc lên theo.
- C 38-44 : + Đức Giê-su thổn thức trong lòng : Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giê-su có thái độ cảm thông đầy tình người. Nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa khiến Đức Giê-su khóc một phần còn vì sự cứng lòng tin của những người Do thái hiện diện (37) và vì niềm tin nửa vời của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a (39). + Đem phiến đá này đi : Phần mộ của người Do thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa, xác chết được xức thuốc thơm, cột lại bằng giây băng vài và phủ khăn liệm, đưa vào mồ chôn cất rồi lấp ngòai cửa mồ bằng một tảng đá lớn, như hai môn đệ an táng Đức Giê-su sau này (x Ga 19,40-42). + Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày : Tuy Mác-ta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ Ngừơi có thể làm cho La-da-rô sống lại. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? : Vinh quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho La-da-rô từ cõi chết sống lại. + Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con" : Người Do thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Còn ở đây Đức Giê-su lại ngước nhìn lên trời. Đây là lối cầu nguyện của các Ki-tô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !": Đức Giê-su ra lệnh cho người chết sống lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. + Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi : La-da-rô sau khi sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Trái lại, Đức Giê-su sau khi phục sinh, những băng vải vẫn còn để lại trong mồ và khăn che đầu Người cũng được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (x. Ga 20,5-7).

4. CÂU HỎI :
1) Ma-ri-a Bê-ta-ni-a có phải là người đàn bà tội lỗi, người phụ nữ ngoại tình sắp bị ném đá hay bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na hay không?
2) Đức Giê-su nói La-da-rô đang yên giấc có ý ám chỉ điều gì? Hai trường hợp khác tương tự là những trường hợp nào?
3) Theo phong tục Do Thái thì người chết được chôn khi nào? Ở đây việc La-da-rô được chôn bốn ngày rồi mang ý nghĩa gì?
4) Thời Đức Giê-su, niềm tin về việc kẻ chết sống lại giữa hai phái Xa-đốc và Biệt phái khác nhau ra sao?
5) Tại sao Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Mác-ta và người đi theo cô khóc?
6) Khi nói : "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày" Mác-ta có hòan tòan tin vào quyền năng phục sinh kẻ chết của Đức Giê-su không? 7) Ngày nay các tín hữu hướng về đâu khi cầu nguyện? Tại sao?
8) Tình trạng của La-da-rô sau khi sống lại khác với tình trạng sống lại của Đức Giê-su thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

2. CÂU CHUYỆN :

1) TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA SẼ ĐƯỢC ƠN PHỤC SINH.
Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sĩ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sĩ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu...
Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tột cùng. Câu hỏi đầu tiên của em với bác sĩ là:
- Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sĩ?
 Vị bác sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:
- Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cháu đã cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đánh động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hãy tín thác vào tình thương và quyền năng của Chúa để được ơn Chúa chữa lành bệnh tật cho mình và giúp người khác cũng được ơn sống lại thật về phần linh hồn như em bé trong câu chuyện trên.

2) VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI VỀ PHẦN LINH HỒN :
SI-TA ĐE-LI vốn là một kẻ chuyên quậy phá kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội phá phách cướp giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau : “Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích ! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng về anh”. Vào tù lần này, ĐE-LI lại ngựa quen đường cũ : có những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn anh, nên anh đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi phải nằm thu mình trong căn hầm chật hẹp tăm tối, nằm trên nền đá ẩm mốc hôi hám, ĐE-LI đã có dịp suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã phạm. Vốn là con một trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho đi học, nhưng anh lại lười biếng và ăn cắp tiền của cha mẹ rồi sau đó bỏ nhà đi hoang. Từng được nhà trường đánh giá là một học sinh thông minh giàu sáng kiến, anh chỉ có thói xấu là ham vui. Vậy tại sao anh lại không sử dụng những tài năng đó để làm việc tốt hữu ích cho tha nhân, mà lại bỏ nhà đi hoang và phạm tội đàn áp bóc lột kẻ khác? Rồi sau đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giê-su, mà anh đã từng học biết khi còn theo học lớp giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy Đức Giê-su đang âu yếm nhìn anh và mời anh hãy đi theo Người. Rồi hình ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt lướt qua tâm trí anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt đối với họ. Chính tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm hồn sơ cứng của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giê-su. Sau hai tuần lễ, ĐE-LI được ra khỏi ngục biệt giam và trở lại phòng giam thường phạm. Anh không còn thái độ bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù”. Khi nói về anh, cha tuyên úy nhà lao đã nói : “Si-ta Đe-li là một bằng chứng sống động nhất về một phép lạ đã xảy ra : Không những anh là một con người tội lỗi được ơn sám hối, mà còn là một tạo thành mới, một tín hữu tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su”.

3) TÁC HẠI CỦA THÓI ƯA TRÌ HOÃN “HÃY ĐỢI ĐẤY” :
Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói :
 - Để mai hãy hay.
Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra, thì cả chính phủ đã bị bắt sạch không thoát một ai.
Nếu ngày Chúa lại đến không ai biết trước thì mọi người đang sống phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ đó. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng, mình còn sống lâu, còn có đủ thời gian để kịp hồi tâm sám hối trước khi chết.

4) HIỆU QUẢ ĐÁNG NGỜ CỦA THUỐC TRƯỜNG SINH :
Vào thời chiến quốc, có người dâng lên Sở vương một viên thuốc trường sinh. Ông ta bưng viên thuốc này vào hoàng cung. Quan cảnh vệ gác cổng lliền hỏi : “Thuốc này có uống được không?” Người kia đáp : “Uống được”.
Lập tức viên quan cảnh vệ liền mở viên thuốc quý ra, cầm cho vào miệng nuốt đi trước sự ngỡ ngàng của người dâng thuốc. Câu chuyện được báo cáo lên vua Sở. Vua liền truyền tống giam quan cảnh vệ vào ngục vì tội “khi quân” và xử tội chết.
Viên quan liền kêu oan rằng : “Hạ thần đã hỏi người dâng thuốc và ông ta nói : ”Thuốc có thể uống được” nên thần mới dám uống. Thế là hạ thần vô tội mà kẻ có lỗi chính là người dâng thuốc kia. Hơn nữa, người dâng thuốc lại nói đó là thuốc trường sinh nghĩa là ai uống vào sẽ được trường sinh bất tử. Thế mà thần uống vào lại sắp phải chết. Như vậy đây là “thuốc tử” chứ sao gọi là “thuốc bất tử” được?  Điều đó chứng tỏ người dâng thuốc là kẻ nói dối mà sao bệ hạ lại tin hắn?
Vua nghe quan cảnh vệ nói có lý, liền tha không giết nữa.

3. SUY NIỆM :

1. VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH KẺ CHẾT :
Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh nan y được khỏi bệnh thì nhiều người đã làm được, nhưng làm cho người đã chết được sống lại thì chỉ những người được Chúa ban ơn đặc biệt mới có thể làm được. Chẳng hạn :
Thời Cựu Ước : Ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con trai của bà góa ở Sa-rép-ta sống lại (x. 1 V 17,17-24); Ngôn sứ Ê-li-sa cũng phục sinh cho con trai của bà Su-nêm (x. 2 V 4,32-37).
Đến thời Tân Ước, tông đồ Phê-rô đã làm cho bà Ta-bi-tha đã chết được sống lại (x. Cv 9,39-42). Riêng Ðức Giê-su đã phục sinh kẻ chết ít nhất 3 lần : Cho con trai bà góa ở thành Na-in mới chết đang đem đi chôn sống lại (x. Lc 7,11-15); Cho con gái ông trưởng hội đường mới chết đang nằm trên giường được trỗi dậy (x. Mt 9,18-26); Cho anh bạn thân La-da-rô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại ra khỏi mồ (x. Ga 11,34-45). Ba người này sau khi sống lại cũng chỉ sống thêm được một thời gian rồi lại phải chết. Sự sống lại của họ nhằm tiên báo việc Ðức Giê-su sau này sẽ chiến thắng thần chết. Người sẽ trải qua cái chết và đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Ga 20,1-10). Sự phục sinh của Người là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại trong ngày tận thế như thánh Phao-lô đã khẳng định : “Nếu Ðức Ki-tô không sống lại, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng tôi là vô ích” (1 Cr 15,14), và sự phục sinh của Người chứng tỏ Người thực là Con Thiên Chúa hằng sống.

2. ĐỨC GIÊ-SU, CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI CÓ QUYỀN TRÊN SỰ CHẾT :
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy : Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm; Người chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã tiên báo sẽ đến và dân Do thái trông mong.
- Là người phàm, nên Đức Giê-su đã xúc động thổn thức và khóc thương người bạn thân khi đứng trước mộ của anh (c 33-35), đến nỗi người ta phải thốt lên : “Kìa xem ! Ông ta thương La-da-rô biết mấy !” (c 36). Nhưng là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phán một lời khiến La-da-rô chết 4 ngày được trỗi dậy và ra khỏi mồ. Vì Người “là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (x. Ga 11,25-26).
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã mở cánh cửa sự sống, phá tan sào huyệt của tử thần : Khi truyền cởi những dải băng liệm cuốn quanh người La-da-rô, Người giải phóng anh khỏi quyền lực của tử thần.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa đức tin của Mác-ta : Trước đó, đức tin của Mác-ta chỉ mới là thứ đức tin chung chung giống như đa số người Do thái đương thời. Nhưng sau khi chứng kiến La-darô sống lại, đức tin của bà đã trở thành sống động vững chắc. Trước đó, nhiều người Do thái vẫn chưa tin Đức Giê-su. Nhưng sau khi chứng kiến La-da-rô từ cõi chết sống lại, họ đã đạt đến đức tin vào Đức Giê-su. Chính khi tảng đá lấp cửa mộ La-da-rô mở ra cũng phá tan tảng đá nghi ngờ, dẫn họ tới đức tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa niềm vui : Sự chết của La-da-rô gieo tang tóc u buồn cho hai bà chị Mác-ta và Ma-ri-a. Tiếng khóc của hai người này đã khiến Đức Giê-su cảm động và không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi La-da-rô được Người cho sống lại, đám tang biến thành đám hội, lời phân ưu trở thành lời chúc mừng.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở cánh cửa niềm hy vọng : Từ nay nhân loại hy vọng Đức Giê-su là “sự sống lại và là sự sống”, cũng sẽ làm cho những ai tin vào Người được tham phần vào sự sống đời đời với Người như Người đã nói : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

3. MUỐN ĐƯỢC THAM PHẦN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI PHẢI BIẾT YÊU THƯƠNG :
- Đức Giê-su không chỉ yêu bằng thứ tình yêu thần linh, mà còn yêu thương bằng tình cảm nhân loại. Tình yêu của Người là thứ tình yêu tột đỉnh như Tin Mừng Gio-an viết : “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng !” (Ga 13,1b). Yêu đến cùng là yêu tột cùng, đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu, như lời Đức Giê-su : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
- Tình yêu của Ðức Giê-su đối với anh bạn thân La-da-rô được thể hiện qua thái độ xúc động khi trước mộ của anh. Tình yêu tự nhiên được thể hiện qua ánh mắt trìu mến, lời nói cử chỉ dịu dàng và thái độ quảng đại như bà mẹ hiền nựng đứa con thơ, như Thiên Chúa đã yêu thương con cái loài người chúng ta, đã sai Con Một đến chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng ta và đã từ cõi chết sống lại để cứu sống chúng ta (x. 1 Ga 4,9). 

4. TRỞ NÊN NGÔN SỨ CỦA SỰ SỐNG BẰNG VIỆC THỰC THI YÊU THƯƠNG :
- Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyên các bạn trẻ như sau : “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như : chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, si-đa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người ! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự Sống”. Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giê-su, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giê-su xưa đã trả lại sự sống cho La-da-rô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a… Ki-tô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang mong chờ được đáp ứng”.
- Mỗi ngày chúng ta cần tích cực chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, bằng một nếp sống bác ái cụ thể như : "Vui với người vui và khóc với người khóc”; bằng việc quan tâm thăm viếng, an ủi động viên, quảng đại chia sẻ tinh thần vật chất và khiêm tốn phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh… Yêu thương không phải bằng môi miệng nhưng bằng sự quan tâm tới người đau khổ nghèo đói bệnh tật bất hạnh đang sống ngay bên và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu, phục vụ họ như phục vụ chính Đức Giê-su bị bỏ rơi.

4. THẢO LUẬN :
Chúng ta cần phải làm gì để trở thành Ngôn Sứ của Sự Sống, sẵn sàng chia sẻ tình thương của Chúa cho đồng bào Việt Nam, cho những người bệnh tật đau khổ đang sống chung quanh chúng ta?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy đổ tràn ngập tâm hồn chúng con Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.- AMEN.
 
Chúa Kitô sống lại niềm hy vọng của chúng ta
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:04 22/03/2023
Chúa Kitô sống lại niềm hy vọng của chúng ta

Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A

(Ga 11, 1-45)

Với Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare) vừa qua, màu hồng Phụng Vụ của Giáo hội là màu của bình minh, hé mở ánh sáng huy hoàng của Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta: trỗi dậy từ trong cõi chết.

Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu

Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi : bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Ngài: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa ” (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Ngài nên nói với các môn đệ: “Lagiarô đã chết ” (Ga 11, 14). Nhưng Ngài sẽ cho sống lại, vì “sáng danh Thiên Chúa ” (Ga 11, 4).

Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư? “(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này : ” Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người ” (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là: “Lagiarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta” (Ga 11, 15), Ngài sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.

Niềm hy vọng của chúng ta

Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu: ” Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ (Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha” Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống” sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.

Chúa cho Lagiarô sống lại như Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, “Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa” (Rm 6, 9) vì Ngài sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng “nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em” (Rm 8, 11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.

Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì “thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi ” (Rm 8, 10) nhưng” nếu Đức Kitô ở trong chúng ta” và chúng ta ở trong Ngài với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Ngài. Hơn nữa : chúng ta tin vào phép rửa ” Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới “. (Rm 6, 4).

Thật là đại tin mừng : ” Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng” ( Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết“, há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Đã an táng Lagiarô ở đâu? ” Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Ngài làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.

Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Ngài đã hứa rằng, Ngài sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).

“Hãy đẩy tảng đá ra ” (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao? Chắc chắn, Ngài có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Ngài phán, khi Ngài bị treo trên thập giá, Ngài đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27, 51-52 ).

“Hãy cởi ra cho anh ấy đi ” (11, 44). Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.

Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng

Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” và hỏi “Con có tin điều đó không?” Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,). Chúa phục sinh Lagiarô là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng là những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiêl: “Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ “ (Ez 37, 12-14). “Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em“ (Ez 37, 6) : nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Đường tắt để nên thánh
Lm Minh Anh
13:55 22/03/2023

ĐƯỜNG TẮT ĐỂ NÊN THÁNH
“Tôi không cần người đời tôn vinh!”.

M. R. De Haan nói, “Sự khiêm tốn là điều chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện, nhưng đừng bao giờ cảm ơn Chúa vì có nó! Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi bạn vừa làm xong; quên ngay những lời khen khi bạn vừa giành được. Đó là ‘đường tắt để nên thánh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi bạn vừa làm xong; quên ngay những lời khen khi bạn vừa giành được!”. Đó cũng là một trong các chủ đề của Lời Chúa hôm nay! Bởi lẽ, vinh quang và danh dự không thuộc về con người; nó thuộc về Chúa! Ý thức điều này, chúng ta tìm được con ‘đường tắt để nên thánh’.

Thật sai lầm khi con người thường hay tìm kiếm những khen lao của nhau, đang khi Thánh Kinh nói, “Hãy dâng Chúa vinh quang xứng Danh Ngài!”; Chúa Giêsu thì bảo, “Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Tại sao? Vì lẽ, chỉ Thiên Chúa mới xứng với muôn lời chúc tụng, bởi Ngài tạo thành mọi sự! Ý thức điều này, chúng ta đã bước đi trên con đường thánh thiện! Vì phải ăn mày sự bố thí lời khen của con người, chúng ta lao vào công việc một cách chăm chỉ để có thể được chấp nhận; vậy mà, khi làm thế, khác nào chúng ta tự tạo cho mình một chiếc máy chém! Vì vậy, khi thanh tẩy những ý định quy về bản thân này, để tôn vinh một mình Thiên Chúa qua mọi lời nói, hành động và suy nghĩ, thì trước hết, ‘bình an’ và tiếp đến, ‘sự sống đời đời’ được ban cho chúng ta và cho nhiều linh hồn, và đó là ngõ vào ‘đường tắt để nên thánh’ cho mỗi người.

Đối lập với sự chấp nhận của con người là sự khước từ của nó. Chúa Giêsu đã trải nghiệm nỗi tuyệt vọng của sự khước từ này khi Ngài bị treo lên thập giá. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm mất hết sự chấp nhận của con người, Ngài vẫn được Chúa Cha chấp nhận; Thiên Chúa, Đấng trung thành, cũng là Đấng đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Mầu nhiệm Vượt Qua, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho thấy, việc không được con người chấp nhận không nhất thiết có nghĩa là không có sự chấp nhận của Thiên Chúa! Như vậy, được Thiên Chúa chấp nhận và khen lao còn quý hơn vạn lần so với sự chấp nhận và khen ngợi của con người.

Thật thú vị, Israel trong bài đọc Xuất Hành hôm nay không chấp nhận Thiên Chúa, Đấng cứu thoát; không tôn thờ Ngài như Ngài đáng được tôn thờ. Họ đúc một con bò vàng, quỳ xuống thờ lạy nó! Thánh Vịnh viết, “Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng bò ăn cỏ”. Điều đó khiến Thiên Chúa nổi giận đến nỗi Ngài nhất tâm tru diệt họ; và Môisen, một lần nữa, đứng ra, xin Chúa thương tha thứ. Thật xúc động với lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài”; và Thiên Chúa lại xiêu lòng!

Anh Chị em,

“Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Đó là lập trường và tiêu chí hành động của Chúa Giêsu. Điều này tiết lộ cung cách của Ngài khác hẳn với cung cách của con người. Với Ngài, Chúa Cha là ưu tiên số một, nên Ngài ra sức làm điều Cha muốn. Mục đích sống của Chúa Giêsu cũng phải là mục đích sống của cuộc đời chúng ta! Thế giới đang chứng kiến những tang thương kéo theo bao khó khăn do cuộc chiến tham tàn của những kẻ ‘tham nhũng quyền lực’ và khát khao nó một cách bệnh hoạn, bạn và tôi được mời gọi hãy trở nên những Giêsu, những Môisen, những con người của cầu nguyện, hy sinh và quên mình, hầu khấn xin Chúa thương xót nhân loại khốn cùng này. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta dâng lên Cha những hy sinh âm thầm nhỏ bé mỗi ngày, cốt chỉ để Thiên Chúa nhìn thấy và tôn vinh Ngài. Đó chính là con đường thật nhỏ, thật ngắn; một con đường mang tên “Giêsu”, cũng là ‘đường tắt để nên thánh!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con tránh xa những huyễn danh, một chỉ tìm vinh quang Chúa. Cho con khả năng cuốn hút thật nhiều người, không phải về phía con, nhưng về phía Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chỉ có Chúa mới làm cho sống
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
13:59 22/03/2023

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
CHỈ CÓ CHÚA MỚI LÀM CHO SỐNG

Chúng ta đang cử hành Chúa Nhật V Mùa Chay. Lời Chúa hôm nay nói nhiều về sự phục hồi hay sự phục sinh.

Bài đọc I trích sách tiên tri Êdêkien. Vị tiên tri này được luôn nhắc đến như là một nhân vật của Mùa Chay. Ông được nhìn thấy một thị kiến về những bộ xương khô nằm la liệt trên thung lũng. Đó là hình ảnh về dân tộc Ítraen đã bị tàn lụi do tội lỗi, bệnh tật và những khó khăn khi họ phải sống trong cảnh lưu đày. Tiên tri Êdêkien cũng nhắc nhở dân ý thức rằng, nếu họ sống ở trong đất nước mình, nhưng họ vẫn còn ở xa Thiên Chúa, thì họ vẫn còn ở trong sự lưu đày tinh thần hay vẫn ở trong sự chết rồi. Chỉ có Thần Khí Đức Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi cảnh lưu đày và sự chết như thế. Nên Thiên Chúa hứa ban Thần Khí cho họ, nhờ đó, họ sẽ được tái sinh và phục hồi sự sống cách mạnh mẽ. Thiên Chúa phán:
“Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ítraen” (Ed 37,6.13).

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần của Chúa Giêsu mới có thể mang lại sự sống cho chúng ta:
“Nếu… Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Nói khác khác, không có Thần Khí của Đức Chúa, người ta dù khỏe mạnh cũng phải chết. Đó là lý do tại Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng:
“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).

Đây là điều rất hiển nhiên trong đời sống của Saolê, một vị vua của Ítraen. Khi Thần Khí rời bỏ ông, lập tức ông trở thành khốn nạn và yếu đuối (1 Sm 16,14-16). Vì thế, Thần Khí Đức Chúa là sự hiển nhiên về hoạt động và sự sống Thiên Chúa trong chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta:
“Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4,30).
Đây là điều rất quan trọng bởi vì Thần Thần là người hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật này trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng của Người trên cái chết qua phép lạ cả thể cho Ladarô sống lại. Ladarô là người bạn được Chúa Giêsu yêu quý, anh bị bệnh nặng. Chị Mácta và Maria chạy đến xin Chúa cứu chữa, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Ladarô đã chết được bốn ngày và được mai táng trong mồ. Khi chứng kiến cảnh đau buồn này, Chúa Giêsu đã khóc thương anh.

Máctha nói với Chúa: “Nếu Thầy ở đây, em con đã không chết,” có lẽ đó như là một lời trách móc. Nhưng Chúa Giêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại.” Mácta nghĩ rằng Người đang nói về sự sống lại trong ngày sau hết. Chúa Giêsu xác nhận trong hiện tại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Chị có tin thế không?” Cô trả lời: “Con tin.”

Họ tới mộ, Chúa Giêsu truyền cho họ lật viên đá cửa mồ, rồi Người lớn tiếng gọi: “Ladarô, hãy đi ra đây!” Và người chết trỗi dậy và đi ra khỏi mồ. Tin Mừng kể cho chúng ta điều đó.

Như thế, qua phép lạ này, Chúa Kitô minh chứng rằng Người thực sự là sự sống lại và sự sống. Người làm phép lạ này nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa phép lạ cho Ladarô sống lại là hình bóng báo trước về sự phục sinh của Chúa Giêsu sau này. Ở đây cũng cần phân biệt sự phục sinh của Ladarô khác biệt với sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ladarô chết và sống lại, nghĩa là quay lại sự sống trước đó (bios), là tạm thời. Còn Chúa Giêsu phục sinh là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sống sự sống vĩnh cửu (zéon). Một khi đã sống lại, Chúa Giêsu không còn chết nữa; còn Ladarô sẽ phải chết.

Có những bài học mà chúng ta cần học từ bài Tin Mừng hôm nay. Trước hết, phép lạ này là một sự diễn tả về tình yêu. Chúa Giêsu yêu quý Ladarô, Người đến thăm anh và gia đình vì Người yêu quý họ. Niềm vui của họ là niềm vui của Người, và nỗi buồn của họ là nỗi buồn của Người.

Thứ đến, đức tin là yếu tố vô cùng quan trọng trong bất cứ phép lạ nào được thực hiện cho chúng ta. Chúa Giêsu nói với Mácta:
“Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Như thế, tình yêu của Chúa Giêsu và đức tin của các người chị này làm cho quyền năng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Ladarô. Với đức tin, mọi sự đều có thể.

Bài học cuối cùng là Chúa Giêsu có quyền năng trên sự sống và sự chết. Người luôn sẵn sàng cứu giúp chúng ta với bất kỳ giá nào. Chúa Giêsu yêu mến và gọi chúng ta bằng tên riêng như Người gọi Ladarô: “Ladarô, hãy ra đây!” Nếu chúng ta lắng nghe và vâng lời Người, Người sẽ mang lại sự sống, sự phục sinh cho sự yếu hèn và thân xác hay chết nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 22/03/2023

23. Đức Mẹ Ma-ri-a là nền móng của hy vọng.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 22/03/2023
9. BIẾT ĐỦ THÌ LUÔN VUI VẺ

- “Tôi sẽ làm một người làm vườn.”

Phí Nhĩ lúc mười bốn tuổi đã nói như thế, nó đang chuẩn bị tìm một công việc.“Cả ngày làm việc trong vườn phảng phất hoa đỏ lá xanh thì là chuyện rất là tuyệt đẹp !”

Nhưng không được bao lâu thì nó không làm nữa, hơn nữa nó còn hậm hực than trách công việc này làm cho nó cả ngày từ sáng tới tối cong lưng đào xới đất, lưng và đầu gối vừa nhức mỏi vừa đau, cuối cùng nó từ bỏ công việc trồng hoa.

Sau đó nó quyết định làm một thợ săn nổi tiếng, nó nói:

- “Ở trong rừng xanh tươi và xum xuê, sự sống nhất định phải là thần kỳ.”

Nhưng rất nhanh, nó lại trở về nhà, lại còn nói thực ra nó chịu không nỗi sương mù và không khí buổi sáng ở trong rừng rậm.

Sau đó nó muốn làm một ngư phủ, nó nói như thế này:

- “Một chiếc thuyền thật đẹp, trong hồ nước trong suốt dập dờn, rất nhiều cá sống tươi rói, từ trong nước vớt lên một mẻ lưới, đó mới chính là nghề nghiệp không gì sánh bằng.”

Tuy nhiên, loại vui sướng này nhanh chóng trở thành bong bóng. Nó than trách:

- “Ở trong tình huống nào mà một người làm thế nào có thể bảo đảm được sự hào phóng? Tôi cảm thấy, thực ra nước là thứ mà con người rất ghét.”

Cuối cùng, nó hạ quyết tâm làm người đầu bếp, nó nói:

- “Đầu bếp so với các nghề khác như làm vườn, thợ săn, ngư phủ, thì được gọi là thành quả trong các nghề, người ta vẫn cứ muốn một bữa ăn ngon mà.”

Nhưng cũng giống như lần trước, cuối cùng nó trở về nhà, và tự mình tìm cho mình cả ngàn lý do:

- “Nếu không phải ngọn lửa đáng ghét kia thì tất cả đều không có vấn đề gì, tôi mà đứng trước lửa, thì dứt khoát là tan chảy ra.”

Cha của Phí Nhĩ không để cho nó lựa chọn nghề nghiệp thứ năm, ông ta nghiêm túc nói với Phí Nhĩ:

- “Nếu con muốn có hạnh phúc, thì cần phải đi học tập sự nhẫn nại chấp nhận cuộc sống khó khăn, giả như con muốn thoát khỏi không khí, đất, nước, lửa, vì nó thường đem lại cho chúng ta sự không như ý, thì tốt nhất là con nên lìa khỏi thế giới này. Ngược lại, giả như con thường nghĩ đến tình huống hiện thực đem lại cho con cái lợi, thì con sẽ cảm thấy ngẫu nhiên trong thực tế có một vài khó khăn nhỏ thì không đáng kể.”

Lời nói của phụ thân thấm in sâu trong lòng của Phí Nhĩ, từ đó về sau, khi nó nghe người khác than trách cuộc sống, thì nó đem lời khuyên của phụ thân nói ra cho họ nghe.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 9:

Người xưa nói: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một nghề cho tinh thông thuần thục thì cả đời sẽ được sung sướng.

Hạnh phúc không phải là nghề này hơn nghề kia, nhưng là bản thân mình có vui vẻ hứng thú với nghề nghiệp mình đang làm hay không.

Bởi vì hạnh phúc chính là vui vẻ tự tại với công việc hiện tại mình đang làm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng: Cách thức đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng: chứng tá
Vu Van An
13:13 22/03/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 22 tháng 3 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới tông huấn Evangelii Nuntiandi [Công bố Tin Mừng] của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe “Đại hiến chương” của việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới đương thời: Tông Huấn Evangelii nuntiandi của Thánh Phaolô VI (EN, 8 tháng Mười hai 1975). Nó mang tính thời sự, viết từ năm 1975 mà cứ như mới viết hôm qua. Truyền giảng Tin Mừng không chỉ là truyền bá tín lý và luân lý đơn thuần. Trước hết và trên hết, đó là chứng tá – người ta không thể truyền giảng Tin Mừng nếu không có chứng tá – chứng tá của cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể trong đó ơn cứu độ được nên trọn. Một chứng tá không thể thiếu bởi vì, trước hết, thế giới “đang mời gọi những người truyền giảng Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà chính những người truyền giảng Tin Mừng nên biết và quen thuộc” (EN, 76). Không phải để truyền bá một ý thức hệ hay một “tín lý” về Thiên Chúa, không. Đó là thông truyền Thiên Chúa đang sống trong tôi: đây là chứng tá, và hơn thế nữa, bởi vì “con người hiện đại sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ lắng nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy này cũng là những chứng nhân” (ibid., 41). Như vậy, chứng tá của Đức Kitô đồng thời là phương tiện đầu tiên của việc truyền giảng Tin Mừng (x. ibid., và là điều kiện thiết yếu để nó hữu hiệu (x. ibid., 76), ngõ hầu việc truyền giảng Tin Mừng có thể sinh hoa trái. Trở nên các nhân chứng.

Cần phải nhớ rằng chứng tá cũng bao gồm đức tin được tuyên xưng, nghĩa là sự gắn bó đầy xác tín và tỏ tường với Thiên Chúa Cha và Con và Thánh Thần, Đấng đã dựng nên chúng ta vì tình yêu và cứu chuộc chúng ta. Một đức tin biến đổi chúng ta, biến đổi các mối liên hệ của chúng ta, các tiêu chuẩn và giá trị quyết định lựa chọn của chúng ta. Do đó, chứng tá không thể tách rời khỏi sự nhất quán giữa điều người ta tin và điều người ta công bố, và điều người ta sống. Người ta không khả tín chỉ bằng cách phát biểu một học thuyết hay một ý thức hệ, không. Một người khả tín nếu có sự hài hòa giữa những gì người đó tin và sống. Nhiều Kitô hữu chỉ biết nói họ tin, nhưng họ sống theo một cách khác, như thể họ không tin. Và đây là đạo đức giả. Ngược với chứng tá là đạo đức giả. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói: “À, người này đi lễ Chúa nhật hàng tuần và sau đó anh ta sống như thế này, thế kia”: đó là sự thật, đó là phản chứng.

Mỗi người trong chúng ta đều phải trả lời ba câu hỏi căn bản, được Đức Phaolô VI đặt ra theo cách này: “anh chị em có tin điều anh chị em đang rao giảng không? Anh chị em có sống theo những gì anh chị em tin không? Anh chị em có rao giảng những gì anh chị em sống không? (x. sđd.). Có sự hài hòa: anh chị em có tin những gì anh chị em rao giảng không? Anh chị em có sống theo những gì anh chị em tin không? Anh chị em có công bố những gì anh chị em sống không? Chúng ta không thể hài lòng với câu trả lời dễ dàng, đóng gói sẵn. Chúng ta được kêu gọi chấp nhận rủi ro, mặc dù không ổn định, của việc tìm kiếm, hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta ngày càng đi xa hơn: vượt ra ngoài các ranh giới của chúng ta, vượt qua các rào cản của chúng ta, vượt qua các giới hạn của chúng ta, thuộc bất cứ loại nào.

Theo nghĩa này, chứng tá của đời sống Kitô hữu bao hàm một hành trình nên thánh, dựa trên Bí Tích Rửa Tội, làm cho chúng ta “được thông phần vào bản tính Thiên Chúa; như thế họ thực sự được nên thánh” (Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium, 40). Một sự thánh thiện không dành riêng cho một số ít; đó là quà tặng của Thiên Chúa và đòi phải được đón nhận và làm cho sinh hoa trái cho mình và cho người khác. Được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, phải đem tình yêu này đến cho tha nhân. Đức Phaolô VI dạy rằng lòng nhiệt thành truyền giảng Tin Mừng bắt nguồn từ sự thánh thiện, nó phát xuất từ trái tim tràn ngập Thiên Chúa. Được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng tình yêu đối với Thánh Thể, việc truyền giảng Tin Mừng, ngược lại, gia tăng sự thánh thiện nơi những người thực thi nó (x. EN, 76). Đồng thời, nếu không thánh thiện, lời của người truyền giảng Tin Mừng “sẽ khó chạm đến trái tim của con người hiện đại”, và “có nguy cơ trở nên phù phiếm và cằn cỗi” (ibid.).

Do đó, chúng ta phải ý thức rằng việc truyền giảng Tin Mừng nhắm đến những người không phải chỉ là những người khác, những người tuyên xưng các đức tin khác hoặc không tuyên xưng đức tin nào, mà còn là chính chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô và là những thành viên tích cực của dân Chúa. Và chúng ta phải hoán cải mỗi ngày, đón nhận lời Chúa và thay đổi cuộc sống của chúng ta: mỗi ngày. Và đây là cách trái tim được truyền giảng Tin Mừng. Để làm chứng như thế, Giáo hội nói chung cũng phải bắt đầu bằng việc truyền giảng Tin Mừng cho chính mình. Nếu Giáo hội không truyền giảng Tin Mừng cho chính mình, thì Giáo hội vẫn là một bảo tàng. Thay vào đó, chính bằng cách truyền giảng Tin Mừng cho chính bản thân mình mà Giáo Hội liên tục được cập nhật. Giáo Hội cần phải không ngừng lắng nghe những gì Giáo Hội phải tin, những lý do để Giáo Hội hy vọng, điều răn mới của tình yêu. Giáo Hội, một dân Chúa đắm chìm trong thế gian, và thường bị cám dỗ bởi các ngẫu thần – nhiều ngẫu thần – và Giáo Hội luôn cần được nghe loan báo về các công trình của Thiên Chúa. Tóm lại, điều này có nghĩa là Giáo Hội luôn có nhu cầu được truyền giảng Tin Mừng, Giáo Hội cần đọc Tin Mừng, cầu nguyện và cảm nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn mình (x. EN, 15). Một Giáo hội tự truyền giảng Tin Mừng để rao giảng Tin Mừng là một Giáo hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, buộc phải bước đi trên con đường nhiều đòi hỏi, con đường hoán cải và canh tân. Điều này cũng đòi hỏi khả năng thay đổi những cách hiểu và sống sự hiện diện truyền giảng Tin Mừng của mình trong lịch sử, tránh nương náu trong những khu vực được bảo vệ của luận lý “mọi việc luôn được thực hiện theo cách này”. Đó là những nơi trú ẩn làm cho Giáo hội sinh bệnh. Giáo hội phải tiến lên, phải liên tục phát triển; nhờ cách này, Giáo Hội sẽ mãi trẻ trung. Giáo hội này hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, do đó là một Giáo Hội tham gia vào kế hoạch cứu độ nhân loại của Người, đồng thời, hoàn toàn hướng về nhân loại. Giáo hội phải là một Giáo hội gặp gỡ đối thoại với thế giới đương thời, dệt nên những mối liên hệ huynh đệ, tạo ra những không gian gặp gỡ, thực hiện những thực hành tốt về lòng hiếu khách, chào đón, công nhận và hội nhập người khác và điều khác, và quan tâm đến ngôi nhà chung vốn là sáng thế. Đó là, một Giáo hội gặp gỡ đối thoại với thế giới đương thời, đối thoại với thế giới đương thời, nhưng gặp gỡ Chúa mỗi ngày, đối thoại với Chúa, và để cho Chúa Thánh Thần, tác nhân của việc truyền giảng Tin Mừng, bước vào. Không có Chúa Thánh Thần chúng ta chỉ có thể quảng cáo Giáo hội chứ không truyền giảng Tin Mừng. Chính Thần Khí trong chúng ta thúc đẩy chúng ta hướng tới việc truyền giảng Tin Mừng, và đây là sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, tôi xin mời anh chị em đọc đi đọc lại tông huấn Evangelii nuntiandi: Tôi xin nói thật với anh chị em, tôi thường xuyên đọc nó, bởi vì đó là kiệt tác của Thánh Phaolô VI, nó là di sản ngài để lại cho chúng ta, để truyền giảng Tin Mừng.
 
Đức Thánh Cha chia sẻ nhân Ngày Nước Thế giới: Không với chiến tranh, không lạm dụng và không lãng phí nước
Thanh Quảng sdb
17:54 22/03/2023
Đức Thánh Cha chia sẻ nhân Ngày Nước Thế giới: Không với chiến tranh, không lạm dụng và không lãng phí nước

Đánh dấu Ngày Nước Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng nước là một nhu cầu thiết yếu không bao giờ được lãng phí, lạm dụng hoặc làm cớ cho chiến tranh.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Ngày 22 tháng 3 đánh dấu Ngày Nước Thế giới, một sự kiện hàng năm nhắc nhớ tới nhu cầu cơ bản này và nâng cao nhận thức của 2 tỷ người đang sống không được tiếp cận với nước sạch.

“Nước,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “không bao giờ được là đối tượng của sự lãng phí hoặc lạm dụng, hoặc là cớ cho chiến tranh, nhưng phải được bảo tồn vì lợi ích của chúng ta và của các thế hệ tương lai.”

Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Phanxicô Assisi' trong bài ca ngợi sự sáng tạo, mà trong Tông huấn Laudato sì ĐTC lặp lại: “Lạy Chúa, xin chúc tụng Chúa qua Chị Nước, người rất hữu ích, khiêm tốn, quý giá và trong sạch.”

Bằng những từ ngữ đơn giản này ĐTC cho "chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp của sự sáng tạo và nhận thức được những thách thức liên quan đến việc chăm sóc nó."

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Hội nghị về Nước của Liên Hợp Quốc lần thứ hai đang diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trong những ngày này.

Hội nghị thượng đỉnh về nước của Liên hợp quốc năm 2023

Hàng ngàn đại biểu sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về nước kéo dài ba ngày bắt đầu vào thứ Tư.

ĐTC nói: “Tôi cầu nguyện cho sự thành công của Hội nghị và hy vọng rằng sự kiện quan trọng này sẽ thúc đẩy các sáng kiến có lợi cho những người đang phải chịu cảnh khan hiếm nước, có nước để tiêu dùng”.

Trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh về nước của Liên Hợp Quốc, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu đang rình rập và nguy cơ thiếu hụt sắp xảy ra do tiêu thụ quá mức và vì nạn biến đổi khí hậu.

Bản báo cáo mô tả thế giới đang “đi đâm đầu vào con đường nguy hiểm một cách mù quáng của sự lãng phí quá mức và một sự khai thác nước một cách vô tội vạ!”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi tín hữu lập lại hành động tận hiến hàng năm cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.
Thanh Quảng sdb
18:19 22/03/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu lập lại hành động tận hiến hàng năm cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.



Nhân Lễ Truyền Tin trọng thể vào Thứ Bảy đánh dấu một năm kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Đức Trinh Nữ Maria tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với lời cầu xin cho hòa bình trên thế giới.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung vào ngày 22 tháng 3, Đức Thánh Cha đã kêu gọi lặp lại hành động tận hiến lịch sử này và kêu gọi các giáo xứ, các nhóm cầu nguyện lặp lại việc tận hiến hàng năm này cho Đức Mẹ.

ĐTC nói: “Chúng ta đừng mệt mỏi khi giao phó chính nghĩa hòa bình cho Nữ vương Hòa bình. “Vì vậy, tôi muốn mời gọi mỗi tín hữu và cộng đoàn, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện, cứ vào ngày 25 tháng 3 hãy lập lại hành vi tận hiến cho Đức Mẹ, để Mẹ gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất và bình an.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi mọi người đừng quên cầu nguyện cho “những người tử vì đạo Ukraine đang chịu quá nhiều đau khổ”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu tất cả các giám mục trên thế giới hiệp thông với ngài thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, một tháng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Từ mũi Florida đến Seattle, mỗi giáo phận Hoa Kỳ tham gia hành vi thánh hiến này dưới nhiều hình thức như Giám mục Fairbanks đã dâng lễ thánh hiến này trên bờ biển Bering, hướng về Nga, nước láng giềng của giáo phận ngài chỉ cách vài trăm dặm về phía tây.

Hành động thánh hiến này cũng được Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đại diện Đức Thánh Cha, tại Thánh địa Fatima ở Bồ Đào Nha.

Tại Mátxcơva, người Công Giáo theo dõi và cầu nguyện cùng với chương trình truyền hình trực tuyến thánh lễ của Đức Thánh Cha từ Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Đức Trinh Nữ Maria đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trong những lần hiện ra vào năm 1917.

Thánh bộ Phụng tự cho việc tận hiến cho Đức Maria là cách công khai nhìn nhận “vai trò đặc biệt của Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội, tầm quan trọng phổ quát và mẫu mực của việc Mẹ làm chứng cho Tin Mừng, tin tưởng vào sự bầu cử của Mẹ, và về hiệu quả của sự bảo trợ của Mẹ.

Trong quá khứ, một số vị Giáo hoàng đã thánh hiến Giáo hội và thế giới cho Đức Maria. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 31 tháng 10 năm 1942.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - người đã ba lần thánh hiến toàn thể Giáo hội và thế giới cho Đức Maria đã thâm tín qua hành động tận hiến cho Đức Maria, chúng ta đón nhận sự trợ giúp của Mẹ trong việc dấn thân trọn vẹn cho Chúa Kitô.

Trước thánh lễ tận hiến vào năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích đây là “một hành động hoàn toàn tin tưởng của những người con, giữa sự đau khổ của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đang đe dọa thế giới, hướng về Mẹ phó thác mọi nỗi sợ hãi và đau khổ cho Mẹ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng Hương Bắc Hải Họp Mặt Lần Đầu Tiên Tại Houston Texas Hoa Kỳ
Giuse Khổng Hữu Nguồn
16:44 22/03/2023
Đồng Hương Bắc Hải Họp Mặt Lần Đầu Tiên Tại Houston Texas Hoa Kỳ

Sáng Chúa nhật 19.3.2023, khoảng 150 người con Giáo xứ Bắc Hải Hố Nai xa xứ đã tìm đến nhau bằng sợi dây tình cảm “đồng hương” tại Houston Texas Hoa Kỳ.

Xem Hình

Gặp gỡ nhau trong bầu khí đồng hương, mọi người tươi cười rộn ràng vui vẻ, tay bắt mặt mừng, chuyện trò thăm hỏi nhau về cuộc sống nơi đất khách quê người. Ở đây, tất cả đối đãi với nhau bằng cái tình đồng hương ấm áp, chân tình, bằng cái nghĩa của người Bắc Hải xa xứ nhưng chưa bao giờ quên mất cội rễ trong tim! “Về thăm Bắc Hải quê tôi nhé, ơn nghĩa nhân tình ai kém đâu!”.

Đồng hương được hiểu là những người có cùng quê hương; nhưng với những đồng hương Bắc Hải ở bất kỳ nơi đâu, ý nghĩa hai chữ đồng hương thật là trân qúy biết dường nào!

Sau giờ phút đón tiếp, gặp gỡ, chào mừng Qúy Cha, Qúy Ông Bà cố, Qúy Vị đồng hương từ nhiều nơi trong nước Mỹ về đây kết nối tình thân giữa mùa Chay Thánh để suy tư, cầu nguyện, sống theo tinh thần thánh cả Giuse, sống lòng bao dung và cùng nhau xây dựng Giáo hội cũng như nâng đỡ nhau nơi đất khách quê người.

Linh mục Giuse Vũ Đức Tùng là người con dân gốc Nam Am Bắc Hải. Ngài cử tọa buổi họp mặt đồng hương và dâng thánh lễ, qua những câu chuyện trong Tin Mừng, ngài giúp mọi người thay đổi cách nhìn, thay đổi lối sống bản thân bằng tâm tình cảm tạ, có trách nhiệm trước sự đói kém của anh chị em mình và có bổn phận chăm nom đến những người chung quanh, theo gương Chúa Giêsu Kitô.

Mỗi người con Bắc Hải xa quê đều có sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng chính cách sống của mình. Cần tham gia các sinh hoạt xã hội, gắn kết hoạt động chung bằng sự cảm thông, quảng đại tha thứ, vui tươi... cho xứng danh là người Công Giáo, xứng đáng là người con giáo xứ Bắc Hải thân yêu!

Trước khi kết lễ, ông Quang trưởng ban đại diện dâng lời cảm ơn cha Giuse, qúy cố, qúy ông bà cô bác anh chị em đồng hương giáo xứ Bắc Hải cũng như qúy ân nhân đã đóng góp công sức cho việc tổ chức ngày họp mặt đồng hương được mọi sự tốt đẹp.

Sau lễ, mọi nguời ngồi bên nhau dùng bữa cơm trưa thân mật, xen kẽ là chương trình: xem video ngắn sơ lược về lịch sử giáo xứ Bắc Hải do ông Châu thực hiện và văn nghệ cây nhà lá vườn hát cho nhau nghe.

Ngày họp mặt đồng hương giáo xứ Bắc Hải lần I khép lại bằng chụp hình lưu niệm, mọi người chia tay trở về với công việc thường ngày và hẹn gặp lại nhau vào ngày 19 tháng 3 năm 2024 cũng tại Houston Texas.

Giuse Khổng Hữu Nguồn

Cựu Truyền Thông Giáo Xứ Bắc Hải
 
VietCatholic TV
Liều: Su-35 Nga chặn B52 Mỹ trong không phận quốc tế. Putin tê tái: 2 TOR-M2 hiện đại vừa nổ tung
VietCatholic Media
03:04 22/03/2023


1. Khoảnh khắc kịch tính: Máy bay chiến đấu SU-35 của Nga chặn hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 của Mỹ trên Biển Baltic vài ngày sau khi bắn rơi máy bay không người lái Reaper của Mỹ

Ký giả Chris Jewers của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Dramatic moment Russian SU-35 fighter jet intercepts two US B-52 nuclear bombers over Baltic Sea days after downing of American Reaper drone”, nghĩa là “Khoảnh khắc kịch tính: Máy bay chiến đấu SU-35 của Nga chặn hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 của Mỹ trên Biển Baltic vài ngày sau khi bắn rơi máy bay không người lái Reaper của Mỹ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đây là khoảnh khắc kịch tính khi một máy bay chiến đấu của Nga chặn một cặp máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ trên Biển Baltic, chỉ vài ngày sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một chiếc Su-35 duy nhất đã được điều động để gặp các máy bay ném bom chiến lược B-52 đang bay về phía biên giới Nga, nhưng nó đã quay trở lại căn cứ sau khi hai chiếc máy bay B-52 rời đi sau một cuộc đối đầu căng thẳng.

Diễn biến này diễn ra khi Mạc Tư Khoa cho biết họ đã cho hai máy bay ném bom hạt nhân của mình bay qua Biển Nhật Bản trong hơn bảy giờ, trong một tuyên bố được đưa ra khi thủ tướng Nhật Bản đang bắt đầu chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine - và khi lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Mạc Tư Khoa.

Máy bay Tupolev Tu-95MS của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân và Mạc Tư Khoa thường xuyên cho chúng bay qua vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để phô trương sức mạnh và như một chiến thuật đe dọa.

Diễn biến này cũng xảy ra sau vụ tai nạn ngày 14 tháng 3 của một máy bay không người lái do thám của quân đội Hoa Kỳ rơi xuống Hắc Hải sau khi nó bị máy bay phản lực của Nga chặn lại, trong cuộc chạm trán quân sự trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa Nga và Mỹ kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

“Vào ngày 20 tháng 3, các cơ sở radar của lực lượng phòng không thuộc quân khu phía Tây đang làm nhiệm vụ trên Biển Baltic đã phát hiện hai mục tiêu trên không bay về hướng biên giới quốc gia Liên bang Nga”, Igor Konashenkov nói.

Ông cho biết các mục tiêu là máy bay ném bom chiến lược B52H của Không quân Hoa Kỳ.

Đoạn phim ấn tượng, được ghi lại từ Su-35, dường như đã xác nhận điều này vào thứ Ba. Đoạn video quay từ cự ly gần cho thấy một trong hai máy bay Mỹ bay vút trên mây.

Trước đó, hai máy bay Mỹ đã được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu của Ba Lan.

Flightradar24 đã vạch ra lộ trình của máy bay ném bom B52 Stratofortress trên khắp Âu Châu vào thứ Hai, cho biết nó đang bay ở độ cao 26.500ft. Lộ trình chạy xuyên Tây Ban Nha từ nam lên bắc, vòng quanh nước Pháp, trước khi bay qua Anh.

Sau đó, nó đi ra biển phía bắc, băng qua Đan Mạch, bay vào Thụy Điển rồi lao xuống Ba Lan, trước khi đi theo Biển Baltic đến Estonia, trước khi quay trở lại để bay đến Thụy Điển.

Igor Konashenkov cho biết một máy bay chiến đấu Su-35 đã cất cánh để ngăn chặn hành vi xâm phạm biên giới và nói thêm, 'sau khi máy bay quân sự nước ngoài rời khỏi biên giới quốc gia Liên bang Nga, máy bay chiến đấu Nga đã quay trở lại sân bay căn cứ của nó.'

Igor Konashenkov cho biết chuyến bay của Su-35 tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận. “Không được phép vi phạm biên giới quốc gia của Liên bang Nga”, nó nói.

Căng thẳng giữa Washington và Mạc Tư Khoa đang ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh khi Vladimir Putin tiếp tục cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đã có những lo ngại trong nhiều tháng rằng một số sự việc xảy ra ở hoặc trên Hắc Hải có thể dẫn đến leo thang xung đột ở Ukraine, mà một số nhà phân tích cho rằng có thể lan ra biên giới NATO.

Igor Konashenkov cũng cho biết hôm thứ Ba rằng Nga đã cho hai máy bay ném bom hạt nhân chiến lược của riêng mình - Tu-95MS 'Bears' có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - bay qua Biển Nhật Bản.

Thời điểm của chuyến bay mới nhất dường như rõ ràng hơn bình thường, vì Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Kyiv trong chuyến thăm để thể hiện tình đoàn kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong cuộc chiến chống lại Nga.

Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK chiếu cảnh Kishida lên một chuyến tàu tại thị trấn Przemysl của Ba Lan gần biên giới Ukraine.

Igor Konashenkov cho biết các máy bay ném bom chiến lược đã thực hiện 'chuyến bay theo kế hoạch', được hộ tống bởi máy bay chiến đấu. Ông ta cho biết vụ việc được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và được thực hiện trên vùng biển trung lập.

Vào tháng 2, lực lượng phòng không Bắc Mỹ đã được cử đi đánh chặn một số máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu của Nga khi chúng bay qua không phận quốc tế gần Alaska.

Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Mạc Tư Khoa về các đảo ở bắc Thái Bình Dương bắt đầu từ cuối Thế chiến thứ hai, là một đồng minh Á Châu quan trọng của Hoa Kỳ và là thành viên của Nhóm Bảy nền dân chủ giàu có, và đã tham gia Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Chuyến đi của ông Kishida tới Ukraine cũng trùng với chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa. Washington đã lên án chuyến thăm của ông Tập, nói rằng thời điểm diễn ra chỉ vài ngày sau khi một tòa án quốc tế buộc tội ông Putin về các tội ác chiến tranh cho thấy Bắc Kinh đang cung cấp cho Mạc Tư Khoa 'vỏ bọc ngoại giao' để thực hiện thêm các tội ác khác.

Nga đang bế tắc ở Ukraine và đang phải đối diện với sự suy sụp tinh thần của các tướng lãnh và binh lính Nga sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh vào hôm 18 tháng Ba. Các quan sát viên cho rằng Putin có thể sẽ tìm cách mở rộng chiến tranh để huy động thêm quân ngõ hầu tránh một sự sụp đổ có thể thấy trước.

2. Nhật Bản phân bổ 30 triệu USD viện trợ phi sát thương cho Ukraine

Nhật Bản đã quyết định phân bổ 470 triệu USD dưới hình thức viện trợ song phương mới cho ngành năng lượng và các ngành công nghiệp khác của Ukraine, cũng như 30 triệu USD vũ khí phi sát thương thông qua quỹ ủy thác của NATO.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố điều này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv.

Trong bài phát biểu của mình, Kishida cũng tuyên bố: “Đồng thời, Nhật Bản đang cung cấp nhiều hỗ trợ khác cho nhu cầu của Ukraine, trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn, phát thanh và truyền hình, giáo dục, củng cố hành chính công và bảo vệ di sản văn hóa, sử dụng kinh nghiệm độc đáo của Nhật Bản..”

3. Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Ukraine trong việc gửi xe tăng Abrams phiên bản cũ

Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine một số xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ trong sự “phối hợp chặt chẽ” với phía Ukraine nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Tướng Patrick Ryder, đã cho biết như trên hôm thứ Ba trong một cuộc họp báo.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết: “Kể từ khi chúng ta đưa ra thông báo gửi xe tăng Abrams tới Ukraine, chúng ta đã cam kết khám phá các lựa chọn để cung cấp khả năng bọc thép càng nhanh càng tốt.

Theo Ryder, sau khi nghiên cứu và phân tích sâu hơn, “Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp chặt chẽ với Ukraine đã đưa ra quyết định cung cấp biến thể M1A1 của xe tăng Abrams”. Vị tướng này nhấn mạnh rằng điều này sẽ cho phép “đẩy nhanh đáng kể thời gian giao hàng và chuyển giao khả năng quan trọng này cho Ukraine vào mùa thu năm nay”.

Ryder cũng làm rõ rằng, nếu Mỹ và Ukraine tiếp tục tập trung vào mẫu M1A2 hiện đại hơn, thì sẽ mất hơn một năm để giao hàng.

Đồng thời, ông cũng thông báo với báo chí rằng những chiếc xe tăng chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine sẽ được trang bị vũ khí tương tự M1A2, bao gồm hệ thống vũ khí và lớp giáp bảo vệ tiên tiến như pháo 120 ly và súng máy hạng nặng 50 ly..

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, vào hôm thứ Ba, truyền thông Mỹ đưa tin rằng chính phủ Mỹ có kế hoạch giảm đáng kể thời gian cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine bằng cách gửi các phiên bản cũ hơn của M1A1 thay vì đợi các đơn vị mới được sản xuất.

4. Hỏa tiễn Nga đánh trúng nhà dân ở Odessa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 22 tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết:

Đối phương đã phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Odesa. Hậu quả của cuộc tấn công là một tòa nhà dân cư bị hư hại.

“Nhờ hoạt động hiệu quả của lực lượng phòng không của chúng ta, một phần hỏa tiễn đã bị bắn hạ, nhưng một hỏa tiễn đã vượt qua được, khiến một tòa nhà dân cư bị hư hại một phần. Có thương vong, nhưng không có ai thiệt mạng, theo các báo cáo sơ bộ”

Ông lưu ý rằng các hỏa tiễn đã được phóng bởi máy bay chiến đấu Su-35 từ trên biển.

Như đã đưa tin, cuộc tấn công của Ukraine phá hủy một lô hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga được vận chuyển bằng đường sắt ở khu vực Dzhankoy của Crimea, gửi tín hiệu tới những kẻ xâm lược rằng họ nên rút khỏi bán đảo bị xâm lược.

5. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói về ý nghĩa vụ tấn công chuyến tầu Dzhankoy

Các vụ nổ làm rung chuyển thị trấn Dzhankoy ở phía bắc Crimea bị xâm lược tạm thời và làm hỏng đường ray một ngày trước đó, nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoặc một phần hoạt động hậu cần của quân Nga ở Melitopol và Kherson tạm chiếm. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Tư 22 Tháng Ba.

Khi được hỏi liệu các vụ nổ ở Dzhankoy có ảnh hưởng đến nguồn cung cấp đạn dược của đối phương cho Crimea tạm thời bị xâm lược và các vùng lãnh thổ khác của Ukraine hay không, ông nói: “Vụ nổ ở Dzhankoy, không ảnh hưởng đến việc cung cấp hỏa tiễn cho Hạm đội Hắc Hải bởi vì có các hệ thống giao thông đường sắt khác, đặc biệt là ở Simferopol, nằm gần các căn cứ của Hạm đội Hắc Hải hơn. Nhưng đối với những vùng sâu hơn trong lãnh thổ của chúng ta, nguồn cung cấp sẽ bị ảnh hưởng. Dzhankoy là một trong những điểm giao nhau của các tuyến đường hậu cần, ví dụ, chạy đến Melitopol hoặc Kherson. Do đó, ngoài việc một số lớn hỏa tiễn bị phá hủy, chúng ta cũng tiêu diệt hoàn toàn hoặc gây trở ngại cho công tác hậu cần của các nhóm đối phương đóng quân trên lãnh thổ của chúng ta”

Như đã đưa tin, các vụ nổ đã được nghe thấy ở thị trấn Dzhankoy ở phía bắc bán đảo Crimea tạm thời bị xâm lược một ngày trước đó. Theo Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, do vụ nổ, các hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga, được vận chuyển bằng đường sắt, đã bị phá hủy hoàn toàn ở Dzhankoy.

Theo các bloggers quân sự Nga thạo tin, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang truy lùng 3 người lính Nga gốc là người Tatar. Các binh sĩ Nga áp tải chuyến tầu chở hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr-NK được tường trình nổ tung theo con tầu. Tuy nhiên, có 3 binh sĩ người Tatar mất tích. Có giả thuyết cho rằng họ đã mật báo cho quân Ukraine tấn công con tầu này và biến mất ngay trước khi vụ tấn công xảy ra. Quân Ukraine không thể tấn công bất cứ đoàn tầu nào vì đó có thể là một tội ác chiến tranh, và thực tế là họ cũng không đủ phương tiện để tấn công tràn làn như thế.

Tuy nhiên, theo truyền thống, người Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cũng bác bỏ giả thuyết người Tatar cho rằng người Nga thường có khuynh hướng chạy tội, và cũng có nguy cơ đây là cái cớ để đàn áp người Tatar.

6. Lực lượng đặc nhiệm của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine tiêu diệt hai hệ thống TOR-M2 của địch

Lực lượng đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine đã phá hủy hai hệ thống hỏa tiễn phòng không TOR-M2 mà Nga sử dụng để phòng không. Phát ngôn nhân của An ninh quân đội Ukraine, gọi tắt là SBU, đã cho biết như trên.

“Các lực lượng đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine đã mất hai hệ thống TOR-M2: chúng đã bị phá hủy bởi máy bay không người lái kamikaze. Các thành viên của Trung tâm Hoạt động Đặc biệt 'A' của chúng ta đã trấn áp thành công các hệ thống phòng không của Nga”.

Tor là một trong số ít hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn do Nga sản xuất có hiệu quả cao trong việc chống lại hỏa tiễn hành trình và đạn dẫn đường chính xác. Hầu hết các hệ thống Tor đều trên các xe bánh xích Giám Mục-355 cho phép nó theo kịp xe tăng và các phương tiện bọc thép khác trên mọi địa hình.

Mỗi xe phóng của Tor-M2 mang theo 16 đạn hỏa tiễn. Nga kháo rằng phiên bản nâng cấp của đạn hỏa tiễn 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ tới 1000m/s - gấp 3 lần âm thanh.

Ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Tor-M2 phản ứng cực nhanh khi chỉ mất từ 1-3 giây để khai hỏa vào các mục tiêu.

7. Trung Quốc nói Putin 'miễn nhiễm' với việc truy tố tội ác chiến tranh

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, nói rằng Trung Quốc tôn trọng các quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình đã được lên kế hoạch trước và vẫn sẽ được tiến hành như đã dự trù. Giải thích như thế xem ra yếu quá, cho nên hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân đổi sang một luận điệu khác.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Says Putin Has 'Immunity' From War Crimes Prosecution”, nghĩa là “Trung Quốc nói Putin 'miễn nhiễm' với việc truy tố tội ác chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trung Quốc đã tung sức mạnh chính trị đáng kể của mình sau lưng Vladimir Putin hôm thứ Hai bằng cách thách thức quyền truy tố tổng thống Nga của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Vương Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng ICC nên “có lập trường khách quan và công bằng” và “tôn trọng quyền miễn trừ tài phán của nguyên thủ quốc gia theo luật pháp quốc tế.” Ông nói: “Tòa án nên “tránh chính trị hóa và tiêu chuẩn kép”.

“Lập trường của Trung Quốc luôn là đối thoại và đàm phán mang lại lối thoát cơ bản cho cuộc khủng hoảng Ukraine,” ông Vương nói, bình luận của ông được đưa ra ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mạc Tư Khoa trong chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày.

Trong một thông báo công khai hiếm hoi hôm thứ Sáu, tòa án The Hague /hây/ đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vì điều mà tòa xác định là “trách nhiệm hình sự cá nhân” của nhà lãnh đạo Nga 70 tuổi trong việc bắt cóc trái phép trẻ em từ Ukraine sang Nga – đó là một tội ác chiến tranh.

Các quan chức Nga công khai thừa nhận việc trục xuất trẻ em từ các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Ukraine về Nga, một ủy ban độc lập thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết trong một báo cáo tuần trước, mặc dù không thể xác nhận con số chính xác về số lượng trẻ em liên quan.

Kyiv cho biết ít nhất 16.221 trẻ em đã bị buộc phải chuyển đến Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Mạc Tư Khoa phủ nhận cáo buộc của Ukraine rằng hành vi này là một sai trái hình sự.

Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh bắt giữ. ICC cũng đang tìm cách bắt giữ Maria Lvova-Belova, ủy viên Nga về quyền trẻ em.

Cả Trung Quốc và Nga đều không phải là các bên ký kết Quy chế Rome, hiệp ước của Liên Hiệp Quốc mà theo đó ICC được thành lập. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa không công nhận tòa án và do đó coi các quyết định của ICC là “vô hiệu về mặt pháp lý”.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là người đứng thứ 2 trong hội đồng an ninh của nước này, đã đe dọa tòa án bằng một cuộc tấn công hỏa tiễn trong một bài đăng nóng bỏng trên Telegram. Ông ta nói rằng ICC đã to gan khi truy tố nhà lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân.

Lệnh của ICC có ý nghĩa thực tế vì nó đưa ra những hạn chế rất lớn đối với Putin khi ông muốn du lịch đến 123 quốc gia tham gia Quy chế Rôma. Trong số đó có Nam Phi, quốc gia dự kiến sẽ mời Tổng thống Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 năm nay.

Bộ Ngoại giao Nam Phi chưa trả lời các câu hỏi được gửi qua email về các nghĩa vụ pháp lý của mình.

Dù có bị bắt hay không, quyết định của ICC sẽ đeo bám Putin trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống và có lẽ là suốt đời. Những người thể hiện sự ủng hộ chính trị công khai dành cho anh ta vào thời điểm này cũng có thể thấy mình bị liên lụy nhiều hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi quyết định ban hành lệnh bắt giữ là “quyết định lịch sử, từ đó trách nhiệm lịch sử sẽ bắt đầu”. Kyiv đã kêu gọi ông Tập gây áp lực với ông Putin để chấm dứt cuộc chiến kéo dài một năm của ông ta.

Các nhà phân tích nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng quyết định của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Mạc Tư Khoa vào thời điểm nhạy cảm như vậy nói lên niềm tin của ông vào sự liên kết chiến lược lâu dài với Nga chống lại phương Tây. Điện Cẩm Linh cho biết cuộc xung đột Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa ông và ông Putin.

Nadège Rolland, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Trung Quốc tại Cục Nghiên cứu Á Châu Quốc gia, cho biết việc NATO tiếp tục bận tâm đến cuộc chiến ở Ukraine cuối cùng sẽ có lợi cho Trung Quốc bằng cách rút các nguồn lực ra khỏi Á Châu.

Rolland nói với Newsweek rằng ông Tập không có vẻ lo lắng về tình trạng bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh của Putin, vì bản thân ông ta cũng không khá hơn bao nhiêu.

“Có ai thực sự tin rằng nhà lãnh đạo của một quốc gia từng bị các chính phủ trên thế giới nghi ngờ tiến hành tội ác diệt chủng và chống lại loài người lại cảm thấy xấu hổ khi bị bắt gặp đang bắt tay nói chuyện với một tên tội phạm chiến tranh đang bị truy tố không?” cô ấy hỏi.

8. Video cho thấy các chiến binh sử dụng xe hơi 'Kamikaze' được điều khiển từ xa nhắm vào xe tăng Nga

Trong nhiều dịp khác nhau, Nga khoe khoang rằng họ có một loại robot chiến đấu cực kỳ lợi hại. Cho đến nay, một số robot như thế đã xuất hiện trên chiến trường, nhưng không gây ra một bước đột phá nào. Trái lại, trong một video vừa được phía Ukraine công bố, các binh sĩ của nước này hiện đang sử dụng một loại vũ khí có tính năng tương tự. Họ không gọi là robot nhưng gọi là xe hơi đánh bom tự sát hay kamikaze.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Fighters Use Remote-Controlled 'Kamikaze' Cars on Russian Tanks”, nghĩa là “Video cho thấy các chiến binh sử dụng xe hơi 'Kamikaze' được điều khiển từ xa nhắm vào xe tăng Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các binh sĩ Ukraine đang sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa chứa thuốc nổ để tiêu diệt các mục tiêu của Nga, theo đoạn video mới được quay tại chiến trường.

Sau hơn một năm từ khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine, giao tranh giờ đây chủ yếu tập trung ở các vùng cực đông Ukraine, ở thành phố Bakhmut, là nơi từng diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến.

Một số binh sĩ Ukraine ở những tiền tuyến này hiện đang chuyển sang sử dụng xe hơi điều khiển từ xa “kamikaze”, còn được gọi là phương tiện mặt đất không người lái, để tấn công các mục tiêu của Nga, theo một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội vào cuối tuần qua.

Đoạn video, lần đầu tiên được đăng như một phần của bộ phim tài liệu trên YouTube về Lữ đoàn tấn công biệt lập số 3, cho thấy một nhóm binh sĩ Ukraine được trang bị vũ khí hạng nặng đang chuẩn bị một phương tiện chiến đấu điều khiển từ xa trước khi xuất phát.

Những người lính sau đó được nhìn thấy đang điều khiển chuyển động của chiếc xe trên điện thoại, ra lệnh cho nó phát nổ gần một chiếc xe tăng của Nga.

Video từ bộ phim tài liệu đã được đăng vào cuối tuần qua trên Twitter, và đã thu hút được hơn 175.000 lượt xem vào chiều thứ Hai.

“Lữ đoàn tấn công số 3 của Ukraine đang sử dụng UGV kamikaze chứa đầy chất nổ vào các vị trí của Nga,” Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, viết trên Twitter.

Việc sử dụng các UGV này cũng được nhấn mạnh bởi kênh Telegram thân Nga Báo cáo của lực lượng dân quân Novorossiya ZOV, cảnh báo rằng vũ khí “có thể gây nguy hiểm cho xe bọc thép, tàu thuyền và binh sĩ”.

Thông tin thêm về mức độ sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa, bao gồm số lượng có trong kho vũ khí và tần suất các binh sĩ sử dụng loại vũ khí này, chưa được quân đội Ukraine công bố.

Lữ đoàn tấn công biệt lập thứ ba được thành lập vào năm ngoái từ Trung đoàn Azov, và các binh sĩ của họ đã chiến đấu trong trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut. Trong suốt cuộc xung đột, Nga cũng đã sử dụng UGV, bao gồm cả các phương tiện “Marker” của họ, bốn trong số đó đã được gửi đến miền đông Ukraine vào tháng Giêng.

Quân đội Ukraine sẽ được tăng cường sức mạnh, theo thông báo hôm thứ Hai, khi Liên minh Âu Châu và Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ đạn dược lớn. Liên Hiệp Âu Châu sẽ cung cấp 1 triệu viên đạn pháo 155 ly cho Ukraine trong vòng 12 tháng tới, trong khi Mỹ sẽ đóng góp gói an ninh mới trị giá 350 triệu USD bao gồm đạn pháo 155 ly cho Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, hỏa tiễn chống bức xạ tốc độ cao, gọi tắt là HARM, lựu pháo, hệ thống và đạn cối 81 ly và 60 ly, súng phóng lựu, vũ khí nhỏ, thuyền ven sông và tàu chở nhiên liệu hạng nặng, v.v.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để bình luận.
 
Đòn bất ngờ: Đường ống dẫn dầu lớn nhất Nga nổ tung. Lính Dù Nga bị vây ngược ở Bakhmut, 920 tử trận
VietCatholic Media
16:45 22/03/2023


1. Quân Nga hết động lực tại thành phố Bakhmut, Lữ Đoàn Dù Nga bị vây, mất cả ngàn quân và 13 chiến xa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết đối phương vừa phát động một cuộc tấn công lớn khác vào lãnh thổ Ukraine bằng máy bay không người lái Shahed-136. Theo thông tin sơ bộ, lực lượng vũ trang đã phá hủy 16 trong số 21 máy bay không người lái do Nga phóng.

Thống Đốc Crimea do Nga dựng nên là Sergey Aksyonov phát biểu rằng cuộc tấn công cường tập này là để trả đũa cho vụ tấn công một chuyến tầu hỏa xa của Nga vận chuyển hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, các cuộc tấn công của Nga thường phối hợp giữa các hỏa tiễn hành trình và các máy bay không người lái. Lần này, chỉ toàn là máy bay không người lái của Iran cho thấy Nga bắt đầu có vấn đề về việc cung cấp hỏa tiễn.

Vào rạng sáng ngày 22 tháng 3, tại Rzhyshchiv, một cuộc tấn công của đối phương đã phá hủy một phần tầng 4 và 5 của hai ký túc xá năm tầng và một tòa nhà ba tầng của một trung tâm giáo dục chuyên nghiệp. Bốn người được cho là đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Bảy người phải nhập viện, trong đó có một đứa trẻ mới 11 tuổi.

Trong ngày qua quân Ukraine đã đẩy lui 112 cuộc tấn công của quân Nga chủ yếu ở thành phố Bakhmut và vùng ngoại ô. Trong một động thái bất ngờ, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 36 của Ukraine được bổ sung cho chiến trường Ukraine đã bao vây một Lữ Đoàn Dù Nga được giao nhiệm vụ cắt đứt xa lộ T0504 huyết mạch Kostiantynivka-Bakhmut. Quân Nga trong thành phố Bakhmut đã được điều động rút ra để cứu nguy cho Lữ Đoàn Dù này tại Bohdanivka.

Trong bản tin tình báo ngày 22 tháng Ba, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng cuộc tấn công của Nga vào Bakhmut đã mất đà mà họ có được trong thời gian ngắn ngủi.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong những ngày gần đây, các lực lượng Ukraine đã khởi động một cuộc tấn công về phía Tây của thành phố Bakhmut trong tỉnh Donetsk, có lẽ là nhằm giảm áp lực trên tuyến đường tiếp tế H-32 bị đe dọa. Giao tranh tiếp tục xung quanh trung tâm thành phố và các lực lượng Ukraine vẫn có nguy cơ bị bao vây.

“Tuy nhiên, có một khả năng thực tế là cuộc tấn công của Nga vào thị trấn đang mất đi động lực hạn chế mà nó đã có được, một phần là do một số đơn vị của Bộ Quốc phòng Nga Nga đã được phân bổ lại cho các khu vực khác”

Trong 24 giờ qua, 920 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 5 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 3 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 2 hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 22 Tháng Ba, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 167.490 quân Nga tại Ukraine.

Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.557 xe tăng, 6.887 xe thiết giáp, 2.589 hệ thống pháo, 509 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 272 hệ thống phòng không, 305 máy bay, 290 trực thăng,, 2.183 máy bay không người lái, 909 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.434 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 270 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Quan chức Nga nói: Máy bay không người lái Ukraine tấn công đường ống dẫn dầu quan yếu bên trong lãnh thổ Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Strikes Major Oil Pipeline Inside Russian Territory: Official”, nghĩa là “Quan chức Nga nói: Máy bay không người lái Ukraine tấn công đường ống dẫn dầu quan yếu bên trong lãnh thổ Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một quan chức chính phủ Nga cáo buộc rằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã nhắm vào một trạm đường ống dẫn dầu lớn trên lãnh thổ Nga.

Aleksandr Bogomaz, thống đốc vùng Bryansk của Nga, đã tuyên bố như trên. Bryansk nằm dọc theo rìa phía tây xa xôi của Nga và đáng chú ý là có chung đường biên giới với rìa đông bắc của Ukraine. Trong tuyên bố của mình, Bogomaz nói rằng máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào một trạm bơm do công ty dầu mỏ Transneft vận hành.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn một năm, lâu hơn nhiều so với hầu hết các chuyên gia tin rằng Nga dự kiến của Nga về cuộc xâm lược quốc gia láng giềng của mình có thể diễn ra. Với cuộc xung đột kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho các nguồn tài nguyên của Nga và với việc nhiều quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Nga xâm lược Ukraine, các mặt hàng xuất khẩu còn lại của nước này đã trở nên quan trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí rộng lớn. Gần đây, gã khổng lồ năng lượng của Nga, Gazprom, đã công bố một thỏa thuận lớn để cung cấp dầu cho Trung Quốc.

Theo tờ Moscow Times, đường ống được cho là mục tiêu hôm thứ Ba đã được xây dựng từ thời Liên Xô và được gọi là Druzhba, nằm cách biên giới với Ukraine vài km và là một trong những đường ống lớn nhất thế giới. Nó được biết là cung cấp dầu cho các quốc gia Âu Châu như Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Slovakia và Cộng hòa Tiệp. Bogomaz nói rằng không có thương vong trong cuộc tấn công và các biện pháp đang được thực hiện ở các khu vực lân cận để giải quyết tình hình.

“Lực lượng vũ trang Ukraine, sử dụng máy bay không người lái, đã tấn công lãnh thổ của trạm bơm Novozybkov của Transneft JSC,” Bogonaz nói. “Không có thương vong. Các dịch vụ sửa chữa đang hoạt động tại hiện trường. Để bảo đảm an ninh trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động sửa chữa, các khu định cư Mamai, Trostan, Druzhba, Snovskoye, Dubrovka đã bị cắt điện. Sau khi thực hiện các biện pháp vận hành và điều tra, việc cung cấp điện sẽ được nối lại.”

Newsweek không thể xác minh độc lập báo cáo từ Bogomaz. Các quan chức Ukraine vẫn chưa xác nhận hay phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công, hay bình luận gì về tình hình. Newsweek đã liên hệ với các quan chức chính phủ Ukraine qua email để bình luận.

Tờ Moscow Times trong báo cáo về tình hình lưu ý rằng các khu vực ở Nga gần Ukraine đã báo cáo nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng một nhóm “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” đã vượt biên sang Bryansk và thực hiện một “cuộc tấn công khủng bố”, giết chết một người lớn và một trẻ em, đồng thời bắt giữ một cửa hàng làm con tin trước khi bị đẩy trở lại Ukraine.

3. Putin cảnh cáo kế hoạch gửi đạn uranium đã bị làm nghèo tới Ukraine của Anh sẽ kích hoạt phản ứng của Nga

Vladimir Putin vừa tuyên bố Nga sẽ “buộc phải phản ứng” nếu Anh gửi đạn pháo làm từ Uranium nghèo tới Ukraine.

Ông cáo buộc phương Tây triển khai vũ khí có “thành phần hạt nhân”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Uranium có thể được làm giàu bằng cách tăng hàm lượng U-235 cao hơn đáng kể đối với Uranium. Người ta làm giàu Uranium để sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân và sản xuất vũ khí hạt nhân.

Uranium cũng có thể làm nghèo đi bằng cách giảm hàm lượng U-235. Người ta làm nghèo Uranium để sử dụng trong các vật liệu che chắn bức xạ trong xạ trị y khoa, các container vận chuyển vật liệu phóng xạ, và cả trong quân sự như các lớp giáp của xe tăng và xe thiết giáp.

Trong thập niên 1970, Ngũ Giác Đài báo cáo rằng Nga đã thiết kế được một lớp giáp cho các xe tăng từ T-72 về sau mà các loại đạn chống tăng của Hoa Kỳ và NATO không thể xuyên thủng. Sau các nghiên cứu, Hoa Kỳ chỉ ra rằng Uranium đã được làm nghèo là giải pháp để để xuyên thấu các lớp giáp này.

Uranium nghèo có tính phóng xạ nhẹ ở dạng rắn. Nhưng nó là một chất rất nặng, đặc hơn chì 1,7 lần và được dùng để làm cứng đạn để chúng có thể xuyên qua áo giáp và thép.

Khi một vũ khí được chế tạo với đầu hoặc lõi Uranium nghèo va chạm vào một vật thể rắn, chẳng hạn như thành xe tăng, nó sẽ xuyên thẳng qua vật thể đó và sau đó phun trào thành một đám hơi bốc cháy.

Hơi lắng xuống dưới dạng bụi, độc hại và cũng có tính phóng xạ yếu.

Bộ Quốc Phòng Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ cung cấp cho Kyiv đạn xuyên giáp cùng với xe tăng Challenger 2 - nhưng khẳng định chúng có nguy cơ phóng xạ thấp.

Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh khẳng định Uranium nghèo “là một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân”.

“Quân đội Anh đã sử dụng Uranium nghèo trong đạn xuyên giáp của mình trong nhiều thập kỷ,” tuyên bố nói thêm.

“Nga biết điều này, nhưng đang cố tình làm sai lệch thông tin. Nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học từ các nhóm như Hiệp hội Hoàng gia đã đánh giá rằng bất kỳ tác động nào đối với sức khỏe cá nhân và môi trường từ việc sử dụng đạn Uranium nghèo có thể sẽ thấp.”

Cựu chỉ huy xe tăng của Quân đội Anh - và chuyên gia vũ khí hóa học – Đại Tá Hamish de Breton-Gordon, cho biết bình luận của ông Putin là “thông tin sai lệch cổ điển”.

Ông cho biết các viên đạn Uranium nghèo được sử dụng bởi xe tăng Challenger 2 chỉ chứa các nguyên tố vi lượng của uranium đã bị làm cạn kiệt.

Ông nói thêm rằng thật “buồn cười” khi cho rằng các viên đạn Uranium nghèo có liên quan đến vũ khí hạt nhân sử dụng uranium được làm giàu theo bất kỳ cách nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu, cho biết ngày càng những bước tiến gần hơn đến một “vụ va chạm hạt nhân” tiềm năng giữa Nga và phương Tây, hãng tin Interfax đưa tin.

Trả lời các báo cáo rằng Vương quốc Anh sẽ cung cấp đạn dược có chứa Uranium nghèo cho Ukraine, ông Shoigu cho biết Mạc Tư Khoa sẽ đáp trả.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc gửi đạn Uranium nghèo đến Ukraine có nghĩa là Vương quốc Anh “sẵn sàng vi phạm luật nhân đạo quốc tế như năm 1999 ở Nam Tư”.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ có kết cục tồi tệ đối với Luân Đôn,” ông Lavrov nói thêm.

Vào tối thứ Ba, một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ sẽ không gửi bất kỳ loại vũ khí nào có Uranium nghèo tới Ukraine.

Đạn với Uranium nghèo đã được sử dụng ở Iraq và Balkan, nơi một số người cho rằng nó có liên quan đến dị tật bẩm sinh.

Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2022 cho biết Uranium nghèo là một mối lo ngại về môi trường ở Ukraine.

“Uranium nghèo và các chất độc hại trong chất nổ thông thường có thể gây kích ứng da, suy thận và làm tăng nguy cơ ung thư”, cơ quan này cho biết.

“Độc tính hóa học của Uranium nghèo được coi là một vấn đề quan trọng hơn những tác động có thể có của tính phóng xạ của nó”.

4. Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Trong Tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc, đoạn nói về cuộc chiến ở Ukraine cho biết như sau:

Phía Nga đánh giá tích cực lập trường khách quan và không thiên vị của phía Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine. Các bên phản đối bất kỳ quốc gia và khối nào của họ làm tổn hại đến lợi ích an ninh hợp pháp của các quốc gia khác để đạt được các lợi thế quân sự, chính trị và các lợi thế khác. Phía Trung Quốc đánh giá tích cực thiện chí của phía Nga trong việc nỗ lực tái khởi động đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.

Nga hoan nghênh sự sẵn sàng của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết chính trị-ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine và những ý tưởng mang tính xây dựng được nêu trong tài liệu do phía Trung Quốc soạn thảo với nhan đề “Về lập trường của Trung Quốc trong việc dàn xếp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Các bên lưu ý rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, cần tôn trọng mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn sự hình thành đối đầu khối, đồng thời ngăn chặn các hành động tiếp tục thúc đẩy xung đột.

Các bên nhấn mạnh rằng đối thoại có trách nhiệm là cách tốt nhất để giải quyết bền vững cuộc khủng hoảng Ukraine và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ những nỗ lực mang tính xây dựng trong vấn đề này.

Các bên kêu gọi chấm dứt tất cả các bước góp phần làm leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự, tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đến mức có thể chuyển sang giai đoạn không thể kiểm soát. Các bên phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt nhằm phá vỡ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

5. Tổng Thư Ký NATO Stoltenberg tuyên bố đã thấy 'một số dấu hiệu' Nga đã yêu cầu vũ khí từ Trung Quốc

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba đã cảnh báo Trung Quốc về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, khi các nhà lãnh đạo của cả hai nước đang gặp nhau tại Mạc Tư Khoa để đàm phán.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang cung cấp vũ khí sát thương cho Nga nhưng chúng tôi đã thấy một số dấu hiệu cho thấy đây là yêu cầu từ Nga và đây là vấn đề được chính quyền Trung Quốc xem xét ở Bắc Kinh,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels.

Ông nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc không nên cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, điều đó sẽ hỗ trợ một cuộc chiến bất hợp pháp.”

Bảy trong số 30 đồng minh đã đáp ứng mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO là 2% GDP vào năm 2022, ít hơn một quốc gia so với năm 2021 trước khi Nga xâm lược Ukraine, người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Ba, khi kêu gọi các đồng minh tăng cường đầu tư quốc phòng nhanh hơn.

Reuters đưa tin ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Nato ở Brussels rằng liên minh này ban đầu dự kiến có thêm hai quốc gia nữa đạt được mục tiêu.

Ông nói: “Nhưng vì GDP của một số đồng minh đã tăng nhiều hơn dự kiến, hai đồng minh mà chúng ta kỳ vọng ở mức 2% hiện đang ở mức dưới 2% một chút.

Ông Stoltenberg không tiết lộ quốc gia nào đã đạt được mục tiêu nhưng đề cập đến báo cáo thường niên của NATO sẽ được công bố sau đó vào thứ Ba.

6. Ukraine ăn mừng phá hủy hỏa tiễn hành trình của Nga

Như chúng tôi đã đưa tin, Thông tấn xã quốc gia UkrInform của Ukraine cho biết một vụ nổ đã diễn ra ở Dzhankoy thuộc Crimea bị xâm lược tạm thời. Vụ nổ đã phá hủy hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr đang trong quá trình vận chuyển bằng đường sắt. Đây được kể là một đòn trí mạng đánh vào guồng máy chiến tranh của Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Celebrates Destruction of Russian Cruise Missiles”, nghĩa là “Ukraine ăn mừng phá hủy hỏa tiễn hành trình của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine đang ăn mừng việc phá hủy lô hàng hỏa tiễn hành trình “Kalibr” của Nga ở Crimea.

Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết trong một thông cáo hôm thứ Hai rằng một “vụ nổ” đã phá hủy một số hỏa tiễn đang được vận chuyển bằng đường sắt ở khu định cư Dzhankoy “tạm thời bị xâm lược” ở phía bắc Crimea.

Thông cáo tiếp tục nói rằng vụ nổ “bí ẩn” “tiếp tục quá trình phi quân sự hóa của Nga và chuẩn bị cho việc giải phóng người dân trên bán đảo Crimea của Ukraine”.

Ukraine đã không xác nhận bất kỳ chi tiết bổ sung nào về vụ việc, bao gồm thương vong của quân Nga hoặc cách thức hỏa tiễn bị phá hủy, tại thời điểm xuất bản.

Igor Ivin, thị trưởng của Dzhankoy thân Nga, nói rằng vụ nổ là do “một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát”, theo hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga.

Cơ quan truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin rằng một người đàn ông 33 tuổi đã bị thương do mảnh đạn và phải nhập viện do hậu quả của vụ tấn công, trích dẫn một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga với Ivin, người báo cáo rằng nhiều máy bay không người lái đã tham gia vào cuộc tấn công và các mảnh vỡ từ những máy bay không người lái này đã được tìm thấy ở hai con phố khác nhau. Ông nói thêm rằng “một số cơ sở” đã bị hư hại trong cuộc tấn công, bao gồm một cửa hàng tạp hóa và một ngôi nhà riêng.

Tình báo quân sự Anh năm ngoái cho biết Dzhankoy là nơi có một trong những “sân bay quân sự quan trọng nhất của Nga ở Crimea”, đồng thời là “đầu mối đường bộ và đường sắt quan yếu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho các hoạt động của Nga ở miền nam Ukraine”.

Hỏa tiễn Kalibr, được đưa vào sử dụng từ năm 1994, là một trong những vũ khí tầm xa quan trọng nhất của Nga và đã được phóng trong cuộc xâm lược Ukraine từ các tàu thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga đã khoe trong một thông điệp Telegram rằng họ sẽ “không bao giờ cạn kiệt” hỏa tiễn Kalibr sau khi phóng một loạt đạn hồi tháng 12.

Tuy nhiên, quan chức tình báo Estonia Margo Grosberg cho biết vào Tháng Giêng rằng Nga sẽ cạn kiệt hỏa tiễn trong vòng vài tháng. Grosberg không phải là người duy nhất bày tỏ sự hoài nghi về nguồn cung cấp dồi dào của Nga.

Trong tháng này, Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong một tweet rằng Nga đang “cạn kiệt” kho dự trữ vũ khí lỗi thời.

Phát ngôn nhân của GUR, Andriy Yusov, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng “cuộc tấn công chớp nhoáng bằng hỏa tiễn của Nga đã thất bại”, đồng thời tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa không còn đủ khả năng sử dụng nguồn cung hỏa tiễn Kalibr, Iskander và Kinzhal đang cạn kiệt của mình.

Ukraine cũng ăn mừng việc phá hủy một hỏa tiễn khác của Nga hôm thứ Hai trong khi thông báo rằng các hệ thống phòng không “Crotale NG” của Pháp, do Pháp cung cấp vào năm ngoái, đã đi vào hoạt động.

“Hệ thống phòng không tầm ngắn 'Crotale NG' của Pháp đang phục vụ quân đội Ukraine,” Bộ Quốc phòng Ukraine đã tweet trong khi chia sẻ video về hoạt động của hệ thống này. “Hai lần phóng nhắm vào một hỏa tiễn hành trình của Nga Lần thứ nhất: bắn trượt mục tiêu. Thứ hai: Trúng phóc!

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

7. Quan chức Ukraine và phe đối lập Nga khẳng định Putin vừa thăm Crimea và Mariupol là Putin giả

Ký giả Will Stewart của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “ “, nghĩa là “Putin bị cáo buộc gửi thế thân tới Mariupol: Ukraine nói cái cằm của Putin bộc lộ mọi thứ sau chuyến thăm lãnh thổ bị xâm lược của nhà lãnh đạo Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Vladimir Putin đã bị Ukraine chế giễu hôm nay vì bị cáo buộc gửi một người trông giống như ông ta tới Mariupol bị chiến tranh tàn phá trong một chuyến thăm an ninh cao.

Quan chức Kyiv Anton Gerashchenko đã đăng ba bức ảnh chụp cái cằm của Putin và đặt câu hỏi liệu chúng có phải của cùng một người đàn ông hay không.

Anh ta chế nhạo: 'Có chuyện gì với cái cằm của ông thế, ông Putin ơi?'

Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ đã đăng: 'Có vẻ như gần đây các nghệ sĩ trang điểm của ông ta cho các chuyến đi gần đây của người đàn ông chuyên trốn trong hầm trú ẩn đến Crimea và Mariupol bị xâm lược đã phải làm việc với một bản sao phẩm chất khá thấp, thậm chí không phải là bản sao mà là bản sao của bản sao. Tôi tự hỏi cái nào trong số chúng là thật?”

Anton Gerashchenko đưa ra 3 bức ảnh. Một bức ảnh cho thấy Putin, 70 tuổi, một tháng trước trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang ở Mạc Tư Khoa.

Bức ảnh thứ hai là Putin trong chuyến thăm tới cảng hải quân Sevastopol ở Crimea vào ngày 18 tháng 3.

Bức ảnh thứ ba là từ đoạn phim được phát hành vào ngày hôm sau cho thấy nhà độc tài ở Mariupol bị chiến tranh tàn phá.

Hình ảnh đầu tiên cho thấy chiếc cằm của anh ta căng và chính xác.

Nhưng hình ảnh ở Sevastopol - được chụp từ Ukraine vào năm 2014 - khiến cằm chảy xệ, trong khi cằm ở Mariupol có vẻ săn chắc hơn nhưng ít giống hơn so với hình ảnh ở Mạc Tư Khoa.

Một nguồn tin người Nga cho biết: 'Ông ta có những khoảnh khắc trông giống như một babushka, tức là một bà nội không có răng.'

Đã có nhiều tuyên bố lặp đi lặp lại rằng Putin sử dụng thế thân trong một số chuyến đi bên ngoài Mạc Tư Khoa hoặc khi có nhiều người xung quanh.

Kênh Telegram General SVR khẳng định Putin chưa từng tới Sevastopol hay Mariupol, thành phố bị xâm chiếm sau trận chiến đẫm máu năm ngoái.

“Thông tin từ các nguồn của Điện Cẩm Linh rằng Vladimir Putin đã đến thăm Crimea và Mariupol là KHÔNG đúng sự thật”, kênh truyền hình có nguồn tin nội bộ tuyên bố.

Ở Crimea, một thế thân của Putin đã được chú ý với một chuyến thăm ngắn và chỉ với mục đích quay video.'

Nhân viên thế thân bị 'cấm tiến hành các cuộc trò chuyện có ý nghĩa và tổ chức các cuộc họp kéo dài, vì sợ xấu hổ hoặc gây ra các sai lầm cho người dưới quyền.'

Kênh chống Putin của Nga cáo buộc: 'Điều tương tự cũng áp dụng cho chuyến thăm Mariupol.

'Kẻ thế thân đã được quay phim nhưng không nói nhiều và không ở các nơi ấy trong một thời gian dài.'

Tại Mariupol, người ta nhìn thấy tổng thống lái xe trong đêm mà không thắt dây an toàn với rất ít nhân viên an ninh.

'Việc 'Putin' lái xe 'tự phát' vòng quanh Mariupol, không chặn đường, không có đoàn xe bảo vệ, và đi 'đến với người dân' ở thành phố tiền tuyến bị xâm lược không chỉ là phi thực tế, mà thậm chí còn đáng buồn cười.

'Tổng thống lúc đó đang ở cách xa hàng trăm km, ấm áp và hoàn toàn an toàn.'

Putin với 'sự hèn nhát bệnh hoạn' của mình đã không 'liều mạng'.

Kênh này khẳng định: 'Tích cực sử dụng thế thân, gần đây, Putin ngày càng trở thành một tổng thống 'giả mạo'.

'Cả nước cười nghiêng ngả vì thế thân không giống bản gốc' về ngoại hình, hành vi và thói quen.

Thay vào đó, Putin thực sự đang được 'điều trị' và chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

8. Zelenskiy: Hôm nay chúng ta có một số quyết định quốc phòng quan trọng cần thiết để hỗ trợ các chiến binh của chúng ta

Các đối tác quốc tế của Ukraine hôm nay đã thông qua một số quyết định quốc phòng quan trọng – mọi thứ cần thiết để hỗ trợ những người bảo vệ Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cho biết như trên trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào.

Chúc các bạn sức khỏe, đồng bào Ukraine!

Hôm nay chúng ta có một số quyết định quan trọng, chủ yếu là các quyết định về quốc phòng.

Các đối tác Âu Châu của chúng ta đã đồng ý về một kế hoạch chung để đẩy nhanh việc cung cấp đạn pháo cho pháo binh của chúng ta.

Quyết định này trị giá 2 tỷ euro. Nó cung cấp cho cả việc cung cấp khẩn cấp và sản xuất đạn dược.

Đây là một bước đi chiến lược. Nó cho chúng ta niềm tin vào sự đoàn kết của thế giới đối với chúng ta, vào sự bất biến của phong trào hướng tới việc chiến thắng nhà nước khủng bố.

Tôi biết ơn tất cả các đối tác của chúng ta ở Âu Châu! Gửi tới tất cả những ai thực sự quan tâm đến việc làm cho Âu Châu trở nên mạnh mẽ và tự do.

Một gói phòng thủ mới từ Hoa Kỳ cũng đã được công bố ngày hôm nay. Số tiền là 350 triệu đô la.

Đây là hỏa tiễn cho HIMARS, đạn pháo và các loại đạn dược khác - mọi thứ chúng ta thực sự cần để hỗ trợ các chiến binh của mình.

Tôi biết ơn Tổng thống Biden, Quốc hội và tất cả người Mỹ!

Tôi đã tổ chức ba cuộc trò chuyện quốc tế ngày hôm nay.

Với Thủ tướng Áo Nehalyer, chúng ta đã thảo luận về hợp tác song phương - các vấn đề nhân đạo và chính trị. Chúng ta cũng thảo luận về các cơ hội chung để khôi phục công lý bị vi phạm bởi sự xâm lược của Nga.

Tôi cảm ơn Áo đã tham gia nhóm đang chuẩn bị thành lập Tòa án đặc biệt về hành động xâm lược của Nga đối với đất nước chúng ta.

Tôi cũng cảm ơn Ái Nhĩ Lan - Ngài Thủ tướng - vì đất nước của ông đã gia nhập nhóm này. Vòng tròn các đối tác sẵn sàng hợp tác để trừng phạt Nga vì hành vi gây hấn của họ chắc chắn sẽ mở rộng, khiến triển vọng trừng phạt ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Cũng cần phải trừng phạt - khá công bằng và hợp pháp - tội ác ban đầu đã làm nảy sinh tất cả các tội ác khác của cuộc chiến này.

Đây chính xác là những gì Toà án đặc biệt sẽ cung cấp. Mỗi ngày chúng ta mang sự sáng tạo của nó đến gần hơn.

Nhân tiện, hôm nay vấn đề này, cũng như công việc chung của chúng ta với Tòa án Hình sự Quốc tế, đã được thảo luận tại Luân Đôn trong hội nghị của các bộ trưởng tư pháp Âu Châu.

Tôi đã nói chuyện với những người tham gia Hội nghị và kêu gọi họ hỗ trợ tất cả các yếu tố của nỗ lực quốc tế để bảo đảm rằng kẻ xâm lược chắc chắn bị trừng phạt.

Điều rất quan trọng là chúng ta đã thảo luận với cả Thủ tướng Áo và Thủ tướng Ái Nhĩ Lan về khả năng điều trị y tế và phục hồi chức năng cho những người dân của chúng ta bị thương do vũ khí của Nga.

Với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, chúng ta tập trung vào các vấn đề quốc phòng, vào các bước khá thiết thực sẽ giúp thực hiện Công thức Hòa bình của chúng ta.

Tôi đã thông báo cho anh ấy về tình hình ở tiền tuyến, những nhu cầu và khả năng chính của chúng ta.

Tôi cảm ơn Ngài Thủ tướng vì sự hiểu biết đầy đủ về tình hình và niềm tin vững chắc của ông rằng sức mạnh của các giá trị Âu Châu mạnh hơn sự căm ghét của Nga đối với tự do Âu Châu.

Hôm nay, như mọi khi, tôi muốn tuyên dương các chiến binh của chúng ta. Tất cả những người đang chiến đấu cho đất nước của chúng ta.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới biệt lập số 56 và 57 - cảm ơn các bạn! Cảm ơn vì sức mạnh và sự kiên cường của bạn trong việc bảo vệ Bakhmut!

Các chiến binh của lữ đoàn cơ giới biệt lập số 72 Black Zaporizhian, lính dù của lữ đoàn 79, các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 35 và 36, tiểu đoàn trinh sát biệt lập số 74, pháo binh của lữ đoàn Zaporizhzhia Sich số 55 - Tôi rất vui khi có thể liên tục cảm ơn các bạn vì kết quả, vì sức mạnh của các bạn, vì sự kiên cường của các bạn ở khu vực Donetsk!

Hướng Kherson... Lữ đoàn pháo binh biệt động 406 và tiểu đoàn trinh sát biệt động 131 - làm tốt lắm các bạn! Luôn chính xác, luôn mạnh mẽ!

Tôi biết ơn từng người và tất cả những người hiện đang chiến đấu!

Vinh quang cho tất cả những người bảo vệ nền độc lập của đất nước chúng ta!

Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ!

Niềm tự hào cho Ukraine!
 
Nhà thờ Pháp bị vẽ bậy với những chữ ca ngợi Satan. Các HY lên án các GM Đức chúc lành cho tội lỗi
VietCatholic Media
16:59 22/03/2023


1. Nhà thờ Pháp bị phá hoại với những hình vẽ ca ngợi Satan

Các bức tường của Nhà thờ Thánh Tâm, nằm ở trung tâm thành phố Bordeaux, Pháp, đã bị phá hoại bằng hình vẽ bậy của Satan và các biểu tượng cộng sản và vô chính phủ vào đêm 12 rạng sáng 13 tháng 3.

Ngoài ra, những kẻ phá hoại đã đốt rác trên lối đi dạo của nhà thờ.

Tin tức đã được xác nhận vào ngày 13 tháng 3 bởi Constance Pluviaud, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Tổng giáo phận Bordeaux.

“Vào đêm ngày 12-13 tháng 3, cửa và một số bức tường ở mặt tiền Nhà thờ Thánh Tâm đã bị vẽ bậy. Một đám cháy rác trước nhà thờ đã được dập tắt bởi những người lính cứu hỏa được gọi đến hiện trường. Vụ hỏa hoạn này không làm hư hại nhà thờ,” tổng giáo phận báo cáo trong một tuyên bố.

Hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những thông điệp như “Lucifer đúng,” “Ác quỷ, hãy mang tôi theo với bạn,” “Cảm ơn, Satan,” và “Những người hàng xóm ghét Giáo hội.”

Theo Pluviaud, giáo xứ đã đệ đơn khiếu nại lên chính quyền về thiệt hại tài sản.

Étienne Guyot, quận trưởng của New Aquitaine và Gironde, đã than thở trên Twitter rằng Nhà thờ Thánh Tâm đã bị tấn công với “những biểu tượng đáng ghét và những hành động phá hoại”.

Guyot cũng tố cáo “những hành vi không thể dung thứ này. Một cuộc điều tra đã được mở ra để những thủ phạm có thể được xác định và đưa ra trước công lý.”

Tổng giáo phận Bordeaux cho biết họ “chia sẻ những cảm xúc mạnh mẽ của các tín hữu Công Giáo và cư dân bị sốc trước hành động này.”

Nhà thờ nằm ở Gironde, được thiết kế bởi kiến trúc sư Jean-Jules Mondet vào thế kỷ 19. Nó được xây dựng theo lệnh của Đức Hồng Y Ferdinand-François-Auguste Donnet, tổng giám mục của Bordeaux từ năm 1837 đến năm 1882.

Mình Thánh Chúa được trưng bày 24 giờ mỗi ngày trong nhà nguyện chầu thánh thể liên tục của nhà thờ.


Source:National Catholic Register

2. Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng mãn nhiệm của Bộ Giám mục, tái phê bình Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo tại Đức.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang Web “Religión Digital” ở Tây Ban Nha, hôm 15 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Ouellet, người Canada, nhận định rằng: “Những người khởi xướng Tiến Trình Công Nghị ở Đức thiếu phương pháp. Một phần phương pháp hệ tại đặt ý kiến của các giáo dân ngang hàng với các giám mục và cùng quyết định theo thể thức dân chủ. Đây là điều không phù hợp với đạo lý của Hội thánh về Giáo hội.”

Trong những tháng qua, đã có nhiều người phê bình những chủ trương cải tổ của Công Giáo tại Đức và cảnh giác trước một cuộc ly giáo. Tuy nhiên, Đức Hồng Y nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục không nghĩ các Giám Mục Đức đang dẫn dắt dân Chúa tới một cuộc ly giáo. Ngài nói: “Tôn tin tưởng nơi lý trí của các giám mục Đức, có thể tránh tình trạng cực đoan hóa về lâu về dài, khiến cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức trở nên xa lạ đối với Giáo hội hoàn vũ”.

Hồi cuối tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ nhiệm vì lý do tuổi tác của Đức Hồng Y Ouellet, 79 tuổi, sau 13 năm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, và ngài đã bổ nhiệm người kế nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Robert Francis Prevost người Mỹ. Đức Tổng Giám Mục sẽ nhận nhiệm vụ từ giữa tháng Tư tới đây.

Đức Cha Prevost năm nay 68 tuổi (1955), sinh tại Chicago và thuộc dòng thánh Augustinô (OSA), được gửi đi truyền giáo tại Peru từ năm 1985. Năm 1999, cha được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng thánh Augustinô tại Mỹ, rồi hai năm sau đắc cử Bề trên Tổng quyền của Dòng, trong hai nhiệm kỳ. Năm 2014, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục, Đại diện Tông tòa Chiclayo ở Peru. Đức Tổng Giám Mục Prevost thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Ouellet cũng cho biết trong vòng hơn 12 năm qua, tỷ lệ con số linh mục được Tòa Thánh chọn làm giám mục gia tăng từ một phần mười lên ba phần mười. Theo Đức Hồng Y, tình trạng khó khăn này là “vì chúng ta sống trong những môi trường, trong đó các giá trị xã hội nhiều khi trái ngược với truyền thống Công Giáo. Sự quan tâm tới Giáo hội giảm sút, cũng như sự vâng lời giám mục. Trước đây, khi giám mục đến viếng thăm mục vụ là một dấu chỉ vui mừng. Ngày nay, giám mục có thể đến và thấy chỉ có một ít người chờ ngài. Một yếu tố khác, đó là sự phức tạp của trách vụ giám mục ngày nay, từ những đòi hỏi về truyền thông khiến trách vụ của giám mục tế nhị hơn. Vì thế nhiều ứng viên giám mục không cảm thấy mình đương đầu được với trách vụ.”

3. Đức Hồng Y Müller và Đức Hồng Y Burke Lên Án Các Giám Mục Đức Về Phép Lành Cho Người Đồng Tính

Thượng hội đồng giám mục Đức đã chấp thuận một cách áp đảo việc chúc lành của Giáo hội đối với các cuộc kết hợp đồng tính và các cuộc kết hợp giữa những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, nhưng động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số thành viên của hàng giáo phẩm Công Giáo, những người đã cáo buộc các giám mục Đức từ bỏ đức tin.

Đức Hồng Y Gerhard Müller và Đức Hồng Y Raymond Burke đã quở trách các giám mục Đức và kêu gọi họ bị xử phạt trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình The World Over with Raymond Arroyo của EWTN, được phát sóng vào tối thứ Năm, ngày 16 tháng Ba.

“Phải có một phiên tòa và họ phải bị kết án và họ phải bị cách chức nếu họ không hoán cải và không chấp nhận giáo lý Công Giáo,” Đức Hồng Y Müller nói với Arroyo trong cuộc phỏng vấn.

“Thật đáng buồn khi đa số các giám mục đã biểu quyết rõ ràng chống lại giáo lý được mặc khải, và đức tin được mặc khải của Giáo Hội Công Giáo và tất cả lối suy nghĩ Kitô giáo của chúng ta, chống lại Kinh thánh, lời Chúa trong Kinh thánh và trong truyền thống tông đồ và trong giáo lý xác định của Giáo Hội Công Giáo,” Đức Hồng Y nói thêm.

Đức Hồng Y Müller cho biết các giáo dân và các giám mục ủng hộ các nghị quyết này tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Đức “bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng LGBT và chạy theo thời đại, mang tính duy vật và hư vô.”

Ông nói: “Thật là báng bổ khi chúc lành cho những hình thức sống đó, theo Kinh thánh và giáo lý của Giáo hội là một tội lỗi vì tất cả các hình thức tình dục bên ngoài hôn nhân hợp lệ đều là tội lỗi và không thể được chúc lành.

“Nếu bạn nhìn vào Kinh Thánh, thì tuyệt nhiên chỉ có hôn nhân giữa người nam và người nữ được kết hợp trong tình yêu thể xác và tâm hồn,” Đức Hồng Y nói, “và có khả năng trở thành cha mẹ và tìm thấy một gia đình”.

Đức Hồng Y Burke kêu gọi Vatican trừng phạt các giám mục đã bỏ phiếu ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái.

“Cho dù đó là một sự rời bỏ, giảng dạy dị giáo và phủ nhận một trong những tín lý, hay bội giáo theo nghĩa đơn giản là rời bỏ Chúa Kitô và từ bỏ giáo huấn của Người trong Giáo hội để theo một hình thức tôn giáo nào khác, thì đây đều là những tội ác,” Đức Hồng Y Burke nói. “Ý tôi là, đây là những tội lỗi chống lại chính Chúa Kitô và rõ ràng là có tính chất nghiêm trọng nhất. Và Bộ Giáo luật đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp.”

Đức Hồng Y cảnh báo rằng Giáo hội đang bị “lạm dụng” để thúc đẩy một chương trình nghị sự về ý thức hệ.

“Đây là những phát minh của con người, những ý thức hệ của con người đang được thúc đẩy và Giáo hội đang bị lạm dụng,” Đức Hồng Y Burke nói thêm. “Và những gì nó làm là biến Giáo hội thành một loại cơ quan của con người, gần giống như một cơ quan chính phủ đang bị thao túng để thúc đẩy một số chương trình nghị sự nhất định. Và vì vậy chúng ta cần thức tỉnh với những gì đang xảy ra.”

“Bạn sẽ nhận thấy rằng trong rất nhiều bài nói chuyện được đưa ra trong Tiến Trình Công Nghị, bạn chưa bao giờ nghe đến danh Chúa của chúng ta,” Đức Hồng Y Burke nói. “Bạn chưa bao giờ nghe nói về những gì Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đang dạy chúng ta, những gì Ngài yêu cầu chúng ta. Vì vậy, đây là một tình huống rất nghiêm trọng.”

Đức Hồng Y cũng trả lời đề nghị của Arroyo rằng “những người phản đối những cải cách này thường bị chế giễu là chống lại Giáo hoàng.”

“Chúng ta là những người yêu mến Đức Giáo Hoàng và đang cố gắng giúp ngài thực hiện sứ mệnh của mình, trong khi những người này đơn giản phớt lờ những gì Rome đang nói với họ, những gì Tòa thánh Phêrô đang nói với họ, cho thấy họ không có sự tôn trọng đối với Đức Giáo Hoàng, họ thực sự mới là đối phương của Đức Giáo Hoàng. Tôi nghĩ rõ ràng là bất kỳ người hợp lý nào cũng có thể thấy điều đó,” ngài nói.

Đức Hồng Y Burke nói với Arroyo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đôi khi nói những điều rất rõ ràng và phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề này.”

Ngài nói: “Những gì các tác nhân của cuộc đảo chính đức tin đang làm chỉ đơn giản là phớt lờ những tuyên bố này và đưa ra những tuyên bố trái ngược.”


Source:National Catholic Register