Ngày 25-03-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay Năm A - 4th Lent Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
05:57 25/03/2014
 
Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:12 25/03/2014
Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay – năm A

(Ga 9,1-41)


Bước vào Chúa Nhật IV Mùa Chay (Lætare), Phụng Vụ của Giáo Hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo Hội tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh, nghỉ để nhìn lại những gì ta đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.

"Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ) Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ". Những lời trên diễn tả niềm vui ngập tràn và thiêng thánh. Giáo Hội chúc mừng con cái mình đã hăng hái đi được nửa hành trình của Mùa Chay Thánh. Làm sao không thể không vui không mừng được. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ, " Cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng… được Thành Ðô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang…đón nhận dồi dào ơn an ủi …" (Is 66,10-11).

Vậy đâu là lý do sâu xa để vui mừng ?

Lý do ấy là : " Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa… " (Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A). Đoạn Tin Mừng thánh Gioan ghi lại hôm nay cho chúng ta câu trả lời cụ thể khi Chúa Giêsu chữa lành một người mù từ khi mới sinh. Câu Chúa Giêsu hỏi người mù là đỉnh cao của trình thuật : "Ngươi có tin nơi Con Thiên Chúa không?" (Ga 9,35) Như một "người" giữa bao nhiêu người khác, anh người mù này mới đầu gặp Chúa Giêsu, khác mọi người là anh coi Chúa Giêsu là "một ngôn sứ", sau cùng đôi mắt anh mở ra, từ ánh sáng của đôi mắt đến ánh sáng của đức tin, anh tuyên xưng Chúa Giêsu là "Chúa" và trả lời câu hỏi Ngài đặt ra cho anh : "Lạy Thầy, tôi tin!" (Ga 9,38). Như thế là đã rõ, Chúa Giêsu chữa người mù khỏi mù, anh thấy ánh sáng và anh tin vào Chúa Giêsu. Cũng như cả và nhân loại sau khi nguyên tổ phạm tội phải bước đi trong u tối, nay Chúa Giêsu đến, tự giới thiệu mình là Ánh Sáng thế gian dẫn đưa nhân loại khỏi bóng tối của tội lỗi, phục hồi phẩm giá địa vị làm con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là sự sáng thế gian

Ngài từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Ngài và qua Ngài họ thấy Chúa Cha; chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Ngài đã mở mắt người mù, để người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Ngài. Ngài giới thiệu : " Ta là sự sáng thế gian" (Ga 9, 5) ; " Là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người." (Ga 1,9) Ngài chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi những người không thấy để mà tin.

Ađam được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với con rắn xong, ông trở nên mù quáng (x. St 3, 1-7). Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà không xin bất kỳ một loại thuốc mỡ nào để chữa mắt mình ... anh chỉ hết mù khi anh tin (x. Ga 9,1-41). Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao tay đã nhìn thấy những đau khổ của người mù ngồi đó và xin làm phúc, bằng quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã làm phép lạ cho người mù được thấy.

Ađam được Thiên Chúa dựng tạo dựng bằng đất sét, bùn ướt : " Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người" ( St 2, 7), nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Ngài đã phục hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước bọt nhổ ra trộn vào đất, anh người mù nói : " Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt " (Ga 9,1-11). Ngài là quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh sáng.

Chúng ta là con cái ánh sáng

Từ ánh sáng đến đức tin hay từ đức tin đến ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của người mù giúp chúng ta hiểu rằng, ngày chúng ta chịu phép rửa tội, ánh sáng của Chúa Kitô cũng chiếu tỏa trên chúng ta, chữa chúng ta khỏi sự mù quáng tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành con cái ánh sáng. Đó là điều Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : " Bây giờ anh em là ánh sáng trong Chúa" (Eph 5, 8). Thế nên, nhờ phép rửa trong Chúa Kitô, trước kia chúng ta là những người ở trong bóng tối, nay trở thành ánh sáng. Kể từ ngày hôm đó chúng ta là con người mới hoàn toàn.

Nhờ phép rửa tội, người kitô hữu trở thành " con của sự sáng " (Eph 5, 8) hay nói cách khác, trở thành " con cái Thiên Chúa " (1 Ga 3,1). Người con đích thực của Thiên Chúa là Chúa Kitô đã chiếu tỏa rạng ngời ánh sáng Chúa Cha, để bất cứ ai được tái sinh trong Ngài, có thể thông truyền ánh sáng đức tin ấy cho người khác, tức là sinh " hoa trái của sự sáng " (Eph 5, 9). Vì vậy, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy để ánh sáng ấy chiếu tỏa trên chúng ta để qua chúng ta mọi người có thể tìm thấy Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực.

Chúa Giêsu là 'Ánh sáng thế gian' (Ga 8,12). Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến sáng và thắp sáng từ cây nến Phục Sinh tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu giúp chúng ta hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho mình được mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi tất cả những gì đe dọa sự viên mãn của cuộc sống ấy.

Lễ Phục Sinh đã gần kề, chúng ta hãy vui lên và khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị dập tắt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân.

Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, là Ánh Sáng thật và là Ðấng Cứu Thế. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco: LM. Ángel Fernández Artime
Nguyễn Kim Ngân
12:14 25/03/2014
Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco (SDB): Linh Mục Ángel Fernández Artime

Tin từ ANS –Roma, ngày 25 tháng 3 năm 2014: Tổng Tu Nghị thứ 27 vừa bầu LM Ángel Fernández Artime, Bề Trên Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình, làm Tân Tổng Quyền Dòng SDB. Tính đến nay, Ngài là vị thứ 10 kế nhiệm Thánh Gioan Bosco.

Ngài đắc cử ngay ở vòng bầu đầu tiên vào hồi 10:20 sáng. Toàn thể cử tọa đã đáp lại lời công bố chính thức kết quả này bằng một tràng pháo tay dài và nồng nhiệt.

LM Ángel Fernández Artime, 53 tuổi, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1960 tại Gozón-Luanco, Tây Ban Nha. Ngài khấn lần đầu ngày 3 tháng 9 năm 1978; khấn trọn ngày 17 tháng 6 năm 1984; thụ phong LM ngày 4 tháng 7 năm 1987.

Xuất thân từ Tỉnh Dòng León,Ngài đã giữ các chức vụ như Ủy viên đặc trách Mục Vụ Giới Trẻ, Giám Đốc trường Ourense, thành viên Ban Cố Vấn Tỉnh và Phó Giám Tỉnh. Ngài giữ chức vụ Giám Tỉnh León từ năm 2000 đến 2006.

Ngài đã là thành viên ủy ban kỹ thuật chuẩn bị Tổng Tu Nghị thứ 26. Năm 2009, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình. Với chức vụ này, Ngài đã rất quen thuộc và làm việc với Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, tức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, nay là đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài có bằng Tiến Sĩ Thần Học Mục Vụ và Thạc Sĩ Triết Học và Sư Phạm.

Này 23 tháng 12 năm 2013, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh tân tỉnh dòng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Tây Ban Nha. Chức vụ này sẽ không thực hiện được vì nay Ngài đã trở thành người Cha của toàn thể Đại Gia Đình Salêdiêng.

Nguyễn Kim Ngân
 
Đánh giá cuộc hội kiến giữa ĐGH và TT Obama.
Trần Mạnh Trác
15:11 25/03/2014


Còn 2 ngày nữa mới tới giờ hẹn giữa ĐGH và TT Obama cuả Mỹ, nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi liệu cuộc gặp gỡ giữa hai vị nguyên thủ sẽ được đánh giá ra sao? với bối cảnh đây là cuộc gặp mặt giữa 2 người có uy quyền nhất hành tinh: một người là vị lãnh đạo tinh thần uy tín cao nhất, và một người là nguyên thủ cuả một quốc gia giàu có nhất.

Liệu đây sẽ là một cuộc gặp gỡ hoành tráng giống như cuộc hội kiến với TT Putin cuả Nga ngày 25 tháng 11 năm ngoái, hay là lạnh nhạt giống như với TT Pháp Hollande ngày 24 tháng 1 vừa qua, hay là không kèn không trống như cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc Hội VN ngày 24 tháng 3 mới đây? (Xin xem note *)

Nhưng bầu không khí náo nhiệt hay căng thẳng chỉ là những cách phô trương cuả khách mà thôi. Chứ việc đón tiếp cuả chủ nhà là Toà Thánh thì luôn luôn được thực hiện theo những thủ tục và truyền thống qui định từ lâu đời. Phương châm cuả Vatican theo như lời vị thư ký báo chí của Vatican là Cha Frederico Lombardi thì "Giáo hoàng là tôi tớ cuả những tôi tớ cuả Chuá (servant of the servants of God), cho nên hễ chủ nào tới thì chúng tôi sẵn sàng đón tiếp".

Nhắc lại Putin với hậu ý là đáp lại lời thỉnh cầu cuả ĐTC, ông ta đã thành công 'trong việc duy trì hoà bình ở Syria', đã đem theo một đoàn tuỳ tùng chở trên 40 chiếc xe limousine khi tới Roma, làm cho lưu thông bị gián đoạn trong nửa ngày trời. Nhiều tờ báo ý đã nhạo báng rằng đoàn xe trông giống như là một đám rước cuả bà nữ hoàng Cleopatra ngày xưa.

Ngược lại, TT Pháp Hollande tới Roma với một tai tiếng đè nặng trên vai. Nhiều người cho rằng ông không đáng được gặp Giáo Hoàng, cho nên thái độ cuả ông là 'đã lỡ hưá thì phải tới'. Và ông đã tới Roma với một bộ mặt ảm đạm.

Còn phái đoàn VN? Xin thưa vì không có một mục đích gì cả. Không có lời công bố trước, nghiã là không có chuẩn bị. Không có tuyên bố chung, nghiã là không có đàm phán, và không có bình luận riêng, nghiã là không bên nào thấy có một ý nghĩa gì ở việc gặp gỡ....Chỉ là một cuộc du lịch. Do đó không hề có một cơ quan truyền thông nào loan tin ngoại trừ cuả Vatican.

Trớ lại vấn đề hội kiến với Obama, người Mỹ đã có nhiều nỗ lực để cho cuộc gặp gỡ này không trở thành vô nghiã, họ đã công bố và chuẩn bị thật là kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước.

Cuộc hội kiến sẽ là một thắng lợi lớn cho nước Mỹ nếu có một lời tuyên bố từ ĐTC rằng Ngài sẽ tham dự Đại Hội Quốc Tế về Gia đình tổ chức vào tháng 9 năm 2015 tới. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có một lời tuyên bố như vậy. Hôm nay ngày 25 tháng 3 đã có một cuộc họp báo cuả Toà Thánh về những công tác chuẩn bị cho Đại Hội và Đức Tổng Giám Mục Chaput tuyên bố rằng sau khi gặp gỡ riêng với ĐTC "Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyên cho việc Ngài có thể tham dự Đại Hội...", đó là một cách nói bóng bẩy rằng ĐTC chưa quyết định.

Liệu Obama có thể thuyết phục ĐTC rằng ông xứng đáng là một người được ủng hộ chăng?

Bà Kathleen Parker cuả báo The Washington Post, từng đoạt giải Pulitzer, viết rằng " không nên lẫn lộn giữa việc ĐGH gặp gỡ với việc ĐGH ủng hộ ông Obama, bà viết:

"Bên thềm cuộc họp, hình như tất cả mọi nỗ lực (cuả chính quyền Mỹ ) đều nhắm vào việc đạt được một caí gì đó từ Đức Thánh Cha. Trên trang web " We the People" của Toà Bạch Cung, người ta đăng một bản kiến ​​nghị yêu cầu mọi tôn giáo hành động trước những biến đổi khí hậu.

Một ủy ban cuả Mỷ nhằm thúc đẩy cải cách tình trạng những người nhập cư sẽ gặp Đức Thánh Cha một ngày trước khi Tổng thống Obama hội kiến, và chính vị Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông muốn thảo luận về chương trình giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập.

Tất cả những vấn đề này có thể được mô tả như là "không khó bán" cho nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, một người đã né tránh cung điện của giáo hoàng và tới ở một căn phòng khiêm tốn và đi bộ trên các đường phố của Roma trong một đôi giày tầm thường, đã từng nói rằng chúng ta có bổn phận phải bảo vệ tất cả những gì do Thiên Chúa tạo ra, và lại là một người Nam Mỹ.

Vì vậy, được Đức Giáo Hoàng lên tiếng tỏ ra lo ngại về đói nghèo, nhập cư và bảo vệ môi trường là một việc không đòi hỏi nhiều mồ hôi nước miếng. Nhưng...với vị Giáo Hoàng, nhìn thấy linh hồn riêng của người đối thoại lại là một cái gì khác.

Khi Đức Giáo Hoàng và ông Tổng Thống nhìn vào mắt nhau, họ có thể chưa nhìn thấy linh hồn của nhau, nhưng chúng ta biết rằng một trong hai người thì có một người sẽ tập trung chăm chú vào việc phát hiện ra linh hồn cuả người đối diện. Những gì xảy ra kế tiếp thì không biết sẽ ra sao."

Bà kết luận:

"Sự kinh nghiệm cuả ĐGH về các hoạt động trần thế thì ít, nhưng việc kinh doanh chính của Ngài lại là linh hồn.

Và Ngài lại là một người khôn ngoan, không dễ bị lừa (cagey, láu lỉnh), một vị Dòng Tên lõi đời - biết nhận thức sâu sắc về bản chất con người và động cơ cuả họ. Nói cách khác, Ngài biết rõ rằng Ngài đang là đối tượng của một ông tổng thống muốn có một bức ảnh đẹp. Nhưng. .. Nụ cười của Ngài trước các máy ảnh không nên được hiểu như là niềm vui với người đứng cạnh, mà nên hiểu đó là phương cách để cho sự việc được trở nên tốt hơn.

Bởi vì bên dưới lớp hào nhoáng bề ngoài là một cuộc xung đột bén nhạy giữa Giáo Hội cuả Ngài và ông Tổng Thống này. Chắc chắn, Ngài đã được giải thích triệt để về hàng chục vụ kiện chống lại chính quyền Obama liên quan đến biện pháp tránh thai qua Đạo Luật Y Tế.

...Các lý do cuả các tranh chấp có thể có vẻ bí ẩn với phần đông công chúng, nhưng vào cuối ngày, thì, vị Giáo Hoàng vẫn là một người Công Giáo. Do đó mặc dù Ngài có thể ban phép lành cho vị tổng thống và có một nụ cười thật tươi, nhưng những lời cầu nguyện của Ngài vẫn là cho sự cứu rỗi của nhân loại chứ không hàm ý cho một đảng chính trị và sẽ không có ai hiểu như vậy cả."

Note *: Nếu tin này làm cho ai ngạc nhiên, thì chúng tôi xin cam đoan là đã có cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và một phái đoàn đông đảo đại diện cho chính quyền VN ngày 24 tháng 3 vừa qua, dẫn đầu bởi ông chủ tịch Quốc Hội là Nguyễn Sinh Hùng Xin xem video.

Theo ông Hùng qua blog của ông thì cuộc họp này chính là cuộc họp 'giữa những người cầm đầu' hàng năm giữa VN và Vatican trong chương trình giao hảo, được bổ túc thêm bởi nhiều cuộc họp cấp ủy ban khác.
 
Đức Thánh Cha khuyến khích đối thoại Kitô và Hồi giáo ở Liban
LM. G. Trần Đức Anh OP
15:25 25/03/2014
Đức Thánh Cha khuyến khích đối thoại Kitô và Hồi giáo ở Liban

VATICAN. ĐTC Phanxicô ”khuyến khích các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Liban, cùng nhau hoạt động cho hòa bình và công ích, góp phần phát triển toàn diện con người và xây dựng xã hội”.

Lập trường trên đây của ĐTC được bày tỏ trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC, gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ cầu nguyện Kitô giáo và Hồi giáo lần thứ 8 tại Nhà thờ Đức Mẹ Jamhour, do Hội Ái hữu các cựu Học viên Đại học thánh Giuse và Đại Học Đức bà Jambour tổ chức, nhân dịp lễ Đức Mẹ Truyền Tin là lễ nghỉ toàn quốc tại Liban từ 4 năm nay (2010).

Cuộc gặp gỡ được nhiều đài truyền hình ở Liban trực tiếp trình chiếu. Cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng tham dự và liên tiếng trong cuộc gặp gỡ. Ngài nhấn mạnh rằng ”đối thoại hệ tại nói và nghe, cho đi và nhận lãnh, để làm cho nhau được phát triển và phong phú.. Đối thoại dựa trên việc làm chứng đức tin của mình và cởi mở đối với tôn giáo của người khác”.

Còn Đức TGM Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa Thánh đã đọc sứ điệp của ĐTC với chữ ký của ĐHY Parolin.

ĐHY Quốc vụ khanh cho biết ”ĐTC vui mừng vì được thấy lòng sùng kính chung của các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo đối với Đức Mẹ Maria. Đền thánh Đức Mẹ Liban ở Harissa là nơi được chúc phúc, mà mọi người có thể đến cầu khẩn Đức Mẹ. ĐTC Phanxicô nhác lại lời ĐGH Gioan Phaolô 2, trong cuộc viếng thăm Liban hồi tháng 5 năm 1997, đã phó thác cho Đức Mẹ dân tộc Liban có truyền thống cổ kính nhưng luôn trẻ trung. Ngài xin Đức Trinh nữ cho dân tộc này luôn xứng đáng là người thừa kế lịch sử oai hùng của mình và hăng say xây dựng tương lai trong tinh thần đối thoại với tất cả mọi người, tôn trọng các nhóm khác nhau và hòa hợp huynh đệ.” (SD 25-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP
 
Khóa hội học về Tòa Trong
Linh Tiến Khải
15:29 25/03/2014
Khóa hội học về Tòa Trong

Phỏng vấn Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải của Tòa Thánh

Trong các ngày 24 đến 28-3-2014 Khóa hội học về Tòa Trong được tổ chức tại Roma với sự tham dự của 500 người, gồm các linh mục và đại chủng sinh sắp được thụ phong linh mục. Khóa học do Tòa Ân Giải của Tòa thánh tổ chức nhằm mục đích giúp các tham dự viên đào sâu Bí tích Hòa Giải. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải đã khai mạc khóa hội học.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho phóng viên Roberto Piermarini của đài Vaticăng, về khóa học này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Piacenza, Giáo Hội hay nói về sự hoán cải và lòng thương xót, và mời gọi tín hữu trở về với Chúa. Đây là đề tài được ưa thích của việc giảng dậy trong Mùa Chay. Làm thế nào để thực hiện điều đó?

Đáp: Giáo Hội không chỉ loan báo sự hoán cải và ơn tha thứ, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của tất cả những điều này nữa, dấu chỉ đem lại sự hòa giải với Thiên Chúa và với các anh chị em khác. Như vậy chắc chắn nó là một dấu chỉ của hòa bình hữu hiệu trong thế giới. Việc cử hành Bí tích Hòa Giải được lồng khung trong toàn cuộc sống của Giáo Hội, nhất là trong tương quan với mầu nhiệm vượt qua được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, và tôi nói rằng một cách chắc chắn khi quy chiếu Bí tích Rửa Tội được sống thực, Bí tích Thêm Sức và các đòi buộc của giới răn bác ái, của tình yêu thương. Nó luôn luôn là một cử hành tươi vui, cử hành tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trao ban chính mình, bằng cách phá hủy tội lỗi của chúng ta, khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận nó với lòng khiêm nhường.

Hỏi: Bí tích Sám Hối có ảnh hưởng nào trong cuộc sống xã hội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nó hướng tới sự hòa giải trọn vẹn theo cái luận lý của ”Kinh Lậy Cha”, của Hiến Chương Tám Mối Phúc thật, và của giới răn yêu thương. Nó là một con đường thanh tẩy các tội lỗi, và cũng là một lộ trình hướng tới chỗ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô. Con đường sám hối này ngày nay vô cùng quan trọng, cũng như nó đã luôn luôn quan trọng trong quá khứ, nó như là nền tảng giúp xây dựng một xã hội sống sự hiệp thông. Cả khi trong kiểu đọc hiểu các chuyện xảy ra trong thế giới này, như các tin tức thường ngày và các tình trạng xã hội phơi bầy trước mắt chúng ta, phải luôn luôn chú ý tới tội tổ tông. Và đó là ảnh hưởng. Việc không muốn chú ý tới sự kiện con người có một bản chất bị thương tích, hướng về sự dữ, gây ra các lầm lạc nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực chính trị vv...

Hỏi: Có phải xưng cả các tội nhẹ, khi lãnh Bí tích Giải Tội không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Khi bước vào trong cái năng động tin mừng của sự tha thứ, thì tầm quan trọng của việc xưng thú cả các tội nhẹ và các bất toàn nữa trở thành điều dễ hiểu. Tại sao vậy? Bởi vì nó làm nảy sinh ra một quyết định tiến tới trong việc noi gương Chúa Kitô, trong việc bước đi theo con đường của Thần Khí, và với ước muốn thực sự biến đổi cuộc đời mình trong việc diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với người khác. Trong cách thế này người ta bước vào trong sự tương đồng với các tâm tình của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất đã đền tội lỗi cho chúng ta”, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma, và như thánh Gioan nói trong thư thứ I (Rm 3,25; 1 Ga 2,1-2). Như vậy, chắc chắn là phải xưng thú các tội trọng, các bất toàn và tất cả các tội khác nữa.

Hỏi: Vậy thì việc xưng tội phải như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Việc xưng tội phải rõ ràng, đơn sơ, và xưng trọn vẹn các tội lỗi của mình. Việc hoán cải như là sự trở về với các chương trình của Thiên Chúa Cha, bao gồm sự hối lỗi chân thành, và đây là một đặc thái khác của Bí tích Giải Tội, và vì thế việc cáo tội phải rõ ràng và sẵn sàng đền bù lại cung cách sống của mình. Như thế người ta lại hướng cuộc sống của mình trên con đường tới với Thiên Chúa và tới với tha nhân. Trước Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Bí tích và trong một cách thế nào đó cũng hiện diện nơi vị thừa tác, hối nhân xưng thú các tội lỗi của mình, bầy tỏ sự hối lỗi, và dấn thân sống tương xứng với ơn thánh của Thiên Chúa để có thể sửa mình. Ơn thánh của Bí tích Hoà Giải là ơn tha thứ tới tận gốc rễ của tội đã phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và nó chữa lành các bất toàn và các lệch lạc, bằng cách trao ban cho tín hữu sức mạnh hoán cải thực sự.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các linh mục có lòng thương xót. Điều này có nghĩa là gì thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Thật là điều quan trọng việc linh mục giải tội biết tiếp đón hối nhân. Và việc tiếp rước xa là lời cầu nguyện và việc đền tội mà linh mục phải làm cho tất cả những ai tới xưng tội. Thế rồi cần phải ”ở trong tòa giải tội” nữa, hay phải hiện diện tại tòa giải tội trong các giờ giấc phù hợp với tín hữu, và với con tim nồng cháy tình hiền phụ. Trong khi xưng tội sự trợ giúp hướng tới chỗ giúp tín hữu hiểu biết mình đích thực, dưới ánh sáng của đức tin để có thái độ hối lỗi và dốc quyết hoán cải thường xuyên, sâu thẳm để vượt thắng sự đáp trả không đủ đối với tình yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Bác ái mục vụ thúc đẩy vị linh mục giải tội phải hết sức sẵn sàng trong việc tiếp đón các con chiên bị thương tích, còn hơn thế nữa phải đi tới gặp gỡ chúng để dẫn chúng về ràn chiên. Đức Thánh Cha Phanxicô thường hay dùng một kiểu nói gợi hình trong việc trình bày Giáo Hội như là ”một bệnh xá chiến trường”. Kiểu nói rõ ràng này đã gặp may mắn. Vì thế khi dùng cùng một kiểu diễn tả này có thể nói rằng việc xưng tôi giống như khu vực cấp cứu của bệnh xá đó. Vị giải tội là mục tử, là cha, là thầy dậy, là người giáo dục, là thẩm phán đầy lòng thương xót, là bác sĩ phải trợ giúp người bị thương hồi phục hoàn toàn sức khỏe của họ.

Hỏi: Như vậy phải cung cấp cho linh mục giải tội việc đào tạo nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cần phải cung cấp cho linh mục giải tội một sự đào tạo cẩn thận để thi hành chức thừa tác một cách hữu hiệu. Phải có một sự nhậy cảm tinh thần và mục vụ, một việc chuẩn bị thần học, luân lý, và sư phạm thực sự nghiêm chỉnh hầu có thể hiểu điều hối nhân sống. Vì thế cần hiểu biết hối nhân sống ở đâu, trong khung cảnh xã hội bao quanh họ như thế nào, bối cảnh gia đình họ ra sao... Tất cả những điều đó phải là thành phần không chỉ của việc đào tạo đầu tiên, mà cũng là phần thường hằng của hàng giáo sĩ nữa. Khóa học Tòa Trong mà chúng tôi tổ chức trong những ngày này là một đóng góp bé nhỏ cho việc đào tạo các linh mục giải tội tốt.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khi nói tới bí tích Hòa Giải người ta cũng nói tới niềm vui nữa. Niềm vui trong nghĩa nào vậy?

Đáp: Vâng, Bí tích Hoà Giải là một ơn rất lớn, cũng là một ơn đối với các linh mục chúng tôi, mặc dù được mời gọi thi hành chức thừa tác này, nhưng chúng tôi cũng có các thiếu sót cần được xin tha thứ, vì thế chúng tôi cũng là các hối nhân và đồng thời là người giải tội. Niềm vui tha thứ và niền vui được tha thứ đi đôi với nhau. Vì vậy trong lãnh vực này tôi cầu chúc tất cả mọi người: các linh mục giải tội cũng như các hối nhân có thể sống kinh nghiệm niềm vui tinh tuyền này. Và đó cũng là lời chúc mừng lễ Phục Sinh của tôi.

Hỏi: Xin Đức Hồng Y cho thính giả biết chi tiết chương trình của khóa học này.

Đáp: Tòa Ân Giải của Tòa Thánh đã tổ chức khóa học về Tòa Trong này từ 25 năm nay rồi để phục vụ các tân linh mục mới thụ phong cũng như các đại chủng sinh sắp làm linh mục. Khóa học được tổ chức tại trụ sở Tòa Ân Giải quảng trường Cancelleria số 1 trong các ngày 24 tới 28 tháng 3. Các tham dự viên ghi danh được khoảng 500, thuộc nhiều châu lục khác nhau. Sau bài thuyết trình khai mạc của Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải về đề tài ”Canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô” (Niềm Vui Phúc âm, 3), sẽ có các bài thuyết trình của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự, và các Đức Ông và chuyên viên thuộc bộ Phụng Tự và Tòa Ân Giải về các Bí tích và các đề tài liên hệ. Theo sau các bài thuyết trình là các cuộc thảo luận. Chương trình diễn ra vào ban chiều từ 15.30 trở đi. Trưa ngày thứ sáu 28-3 lúc 12 giờ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên, cho tất cả các cha giải tội bình thường và ngoại thường của bốn vương cung thánh đường giáo hoàng tại Roma.

Chiều thứ sáu lúc 16.30 sẽ có lễ nghi sám hối do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô, trong đó Đức Thánh Cha sẽ giải tội cho vài người hiện diện. Các vị bề trên của Tòa Ân Giải cũng như các cha giải tội bình thường và ngoại thường khoảng 60 vị cũng sẽ ban bí tích Hòa Giải cho những người hiện diện. Nhân dịp này Hội Đồng Tòa Thánh Tái truyền giảng Tin Mừng cũng thăng tiến việc xưng tội, gọi là ”24 giờ cho Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn tội lỗi”. Vào lúc 20.00 tối các nhà thờ thánh nữ Anê in Agone, Thánh Maria Trastevere, nhà thờ các Dấu Tích Rất Thánh sẽ mở cửa suốt đêm cho tín hữu xưng tội. Thứ bẩy 29 tháng 3 nhà thờ thánh nữ Anê in Agone sẽ mở cửa và các linh mục sẽ giải tội từ lúc 10 giờ sáng cho tới 16.00 chiều. Và vào lúc 17 giờ chiều Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch hội đồng, sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc tạ ơn tại nhà thờ Chúa Thánh Thần in Sassia.

Các sáng kiến tương tự cũng được làm trong nhiều giáo phận và giáo xứ Italia và trên thế giới nhằm góp phần vào việc tái truyền giảng Tin Mừng.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải
 
Hội nghị thế giới về gia đình tại Philadelphia
Vũ Văn An
22:31 25/03/2014
Tin Zenit ngày 25 tháng Ba cho hay Hội Nghị Thế Giới về gia đình lần thứ tám sẽ được tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ từ ngày 22 tới ngày 27 tháng Chín năm 2015. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Đức TGM Vincenzo Paglia, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình cho biết như vậy. Cùng họp báo với ngài có Đức TGM Charles J. Chaput, O.F.M. Cap của Philadelphia. Hội nghị có nhiệm vụ cho “thế giới thấy kế hoạch sáng lạn của Thiên Chúa dành cho các gia đình, ngõ hầu giúp các cặp vợ chồng sống thực kế hoạch này cách hân hoan, và có mặt ở đó với họ bằng một sự chăm sóc mục tử khôn ngoan, can đảm và đầy yêu thương”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ trước đến nay vốn đặc biệt nhấn mạnh tới gia đình. Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười tới sẽ suy tư về chủ đề: “Các thách đố mục vụ của gia đình trong ngữ cảnh phúc âm hóa”.

Đức TGM Paglia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong biến cố này, là biến cố sẽ “qui tụ các Giáo Hội của Mỹ Châu”. Ngài cho hay: “Không ai hoài nghi rằng sự hiện diện trên Ngai Tòa Phêrô của vị Giáo Hoàng đầu tiên của Châu Mỹ La Tinh càng làm cho biến cố này trở nên ý nghĩa hơn nữa.

“Khởi điểm và hướng dẫn cho hành trình này đã được Đức GH Phanxicô ban cho chúng ta: vẻ đẹp của gia đình và của hôn nhân, sự cao cả của một thực tại vừa đơn giản vừa sâu sắc, một tổng hợp của hân hoan, hy vọng, gánh nặng và đau khổ, giống hệt các phần khác của cuộc đời.

“Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về nền thần học gia đình cũng như chăm sóc mục vụ mà ta có nhiệm vụ thi hành trong thế giới ngày nay. Nhiệm vụ của chúng ta là cho thế giới thấy kế hoạch sáng lạn của Thiên Chúa dành cho gia đình, ngõ hầu giúp các cặp vợ chồng sống thực kế hoạch này cách hân hoan, và có mặt ở đó với họ bằng một sự chăm sóc mục tử khôn ngoan, can đảm và đầy yêu thương”.

Vị chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tiếp tục cho hay: hội nghị tại Philadelphia sẽ đem tới cho Giáo Hội một sự hiện diện đối với mọi gia đình của thế giới “với một quan tâm chăm sóc của người mục tử”. Đức TGM Paglia nhấn mạnh một số thách đố và vấn đề phức tạp mà các gia đình ngày nay đang phải đối phó. Ngài nói rằng hội nghị sẽ cùng làm việc với các gia đình để đương đầu với các thách đố này một cách “khôn ngoan, can đảm và yêu thương”.

Kết luận, Đức TGM Paglia bày tỏ lòng hy vọng rằng Hội Nghị Thế Giới về Gia Đình sẽ chứng kiến sự tham dự tích cực của các Giáo Hội Kitô Giáo khác, cũng như các đại diện của các tôn giáo thế giới và cả những người không có tín ngưỡng. Ngài nói: “biến cố này sẽ là cơ may đem người ta lại với nhau, những người ‘vốn cam kết mang hòa bình và thiện chí tới cho thế giới chúng ta'.

“Ước mong việc chúng ta qui tụ nhau vì gia đình như thế này sẽ khuyến khích mọi người nhớ rằng chúng ta là một gia đình của nhân loại và cùng với nhau như một gia đình, chúng ta sẽ tiến bước hướng về hạnh phúc đích thực”

Thời khắc của hân hoan và ơn thánh

Đức TGM Chaput tỏ lòng biết ơn Đức Phanxicô đã chọn Philadelphia làm địa điểm của Hội Nghị Thế Giới về gia đình lần thứ tám. Sau đó, ngài đã trình bày kế hoạch tổ chức Hội Nghị. Ngài cho các ký giả tại Vatican hay: “chúng tôi sẽ qui tụ các chuyên viên kỳ khôi nhất mà chúng tôi có thể mời được để bàn tới các thách đố mục vụ, xã hội, kinh tế và văn hóa mà các gia đình hiện đang gặp phải. Xét cho cùng, mục tiêu của chúng tôi khá đơn giản. Chúng tôi muốn giúp các gia đình củng cố cuộc sống gia đình của họ theo phương cách hết sức mục vụ”.

Nhân dịp này, Đức TGM Chaput ca ngợi Đức Phanxicô là người “đã nhập thân sứ điệp sót thương và vui tươi vốn nằm ở tâm điểm Tin Mừng. Sự hứng khởi của ngài đối với sự sống và lòng cảm thương của ngài đối với các nhu cầu chân thực của người ta đã gây hứng để chúng ta chú tâm vào sứ mệnh yêu thương chung của chúng ta và làm thế nào để tình yêu này lên men cho mọi gia đình và các thành viên của chúng”. Đức TGM “thành thực cầu xin để Đức Thánh Cha có thể tham gia với chúng ta trong buổi cử hành vào năm tới”.

Để hỗ trợ cho lời “cầu xin” trên, Đức TGM Chaput nhấn mạnh tới tầm ý nghĩa của Hội Nghị “không riêng cho tín hữu Công Giáo, mà còn cho mọi người có thiện chí, khi chúng ta làm nổi bật vẻ đẹp và sự thật của đời sống gia đình, một thực tại, vì là nơi ưu tuyển nhất của yêu thương, nên đang cung cấp cho ta năng động tính của tình âu yếm nhân bản hỗ tương, một tình âu yếm đang đổ đầy mọi mái ấm và mọi thành viên gia đình một thứ ánh sáng và hơi ấm độc đáo và dồi dào sinh lực”.

Ngài cũng cho hay: “những cuộc tụ tập như thế này là một nguồn vui lớn lao… và cũng trở thành những thời khắc ơn thánh. Chúng có sức mạnh biến cải, một cách hết sức tích cực, toàn bộ cộng đồng công cộng”.

Đức TGM không quên “quảng cáo” cho Philadselphia: “Philadelphia là một trong các thành phố vĩ đại nhất của quê hương tôi và phong phú đặc biệt trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó là nơi Hiệp Chúng Quốc khởi sự như một quốc gia. Các lý tưởng chính trị được thai nghén tại Phialadelphia vốn phục vụ các nhân quyền và tự do nhân bản hơn hai thế kỷ qua, không phải chỉ ở Hiệp Chúng Quốc mà ở khắp mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân phẩm trong Niềm Vui Tin Mừng và ở những chỗ khác. Và ngài vốn nhấn mạnh đặc biệt tới sức mạnh của gia đình như là người bảo đảm sự triển nở nhân bản. Ta càng khuyến khích và hỗ trợ sự lành mạnh của các gia đình, xã hội càng trở nên 'sống động' hơn”.

Chưa hết, theo Đức TGM, “Philadelphia còn là hình tượng của Công Giáo Hoa Kỳ, với hai vị thánh Hoa Kỳ vĩ đại. Mẹ Katharine Drexel dành cuộc đời phục vụ người Hoa Kỳ gốc Phi Châu và Người Thổ Dân Bắc Mỹ. Và Đức Giám Mục John Neumann từng tạo lập các trường nhà xứ, nay trở thành kiểu mẫu quốc gia và giúp các gia đình di dân nghèo giáo dục con cái họ. Thành thử, Philadelphia có một di sản lớn về nền giáo dục Công Giáo, cũng như nhiều thập niên phục vụ người di dân, các nhóm thiểu số, những người khuyết tật, người cao niên, người đói và người nghèo. Ngày nay, việc phục vụ này vẫn đang được tiếp diễn trong mọi thừa tác vụ xã hội Công Giáo của chúng tôi”.

Ấy thế nhưng Đức TGM Chaput không dấu diếm rằng “Giáo Hội tại Philadelphia cũng là một cộng đồng rất cần được canh tân tiếp theo cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong thập niên qua. Theo nghĩa ấy, Philadelphia là hình ảnh ghi vội của Giáo Hội hoàn cầu. Chúng ta có bổn phận giúp các nạn nhân của lạm dụng và gia đình họ hàn gắn, và bảo vệ các trẻ em và thiếu niên khỏi bị hại trong các năm trước mặt”.

Ngài nhấn mạnh nhiệm vụ của Giáo Hội trong việc “giúp người ta tìm gặp Thiên Chúa và sống đức tin của họ một cách hân hoan và xác tín. Câu truyện thống hối và (có) đời sống mới là câu truyện của Israel xưa và đó cũng là câu truyện của Giáo Hội ngay lúc thịnh đạt nhất trong suốt lịch sử của mình”.

Cũng nên biết, trong cuộc họp báo còn có sự hiện diện của Thống Đốc Pennsylvania Tom Corbett và phu nhân Susan, Thị Trưởng Philadelphia Michael Nutter và Phó Thị Trưởng Everett Gillison. Thống Đốc và Thị Trưởng đã nhận làm đồng chủ tịch danh dự của Hội Nghị. Đức TGM Chaput cho biết: nhiều nhà lãnh đạo liên tôn và đại kết trong cộng đồng kinh doanh của Philadelphia cũng đã chấp thuận lời mời tham gia làm đồng chủ tọa trong Ban Lãnh Đạo Tổ Chức (Executive Leadership Cabinet).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Điều Hành Giới Trẻ Giáo phận Thanh hóa tĩnh tâm Mùa Chay 2014
BBT Giáo Phận Thanh Hóa
12:07 25/03/2014
Ban Điều Hành Giới Trẻ Giáo phận Thanh hóa tĩnh tâm Mùa Chay 2014

“Thường ngày trên mặt báo, có rất nhiều tin về bạo lực, tệ nạn xã hội. Đó là mặt trái, là bóng tối của thế giới hôm nay. Chúng ta cần tìm ánh sáng, tìm bình an, tìm tình yêu để phủ lấp bóng tối, bạo lực và hận thù. Chúng ta cần tìm ra một ngôn ngữ mới để diễn tả giá trị của Tin Mừng. Chúng ta đang sống trong mùa Chay 2014. Đã bao nhiêu mùa Chay qua đi dọc theo dòng chảy cuộc đời của mỗi chúng ta. Có bao giờ bạn tự hỏi: dư âm còn lại của từng mùa Chay Thánh nơi bạn là gì?”.

Xem Hình

Cuộc tĩnh tâm của BĐH Giới trẻ giáo phận đã bắt đầu như thế. 126 bạn trẻ thành viên BĐH Giới trẻ của 29 giáo xứ trong 6 giáo hạt của giáo phận đã hưởng ứng lời kêu gọi của UBMV Giới trẻ giáo phận quy tụ về TGM Thanh hóa để tham gia kỳ tĩnh tâm Mùa Chay kéo dài 2 ngày 24-25.3 cùng nhau nhìn lại một năm đã trôi qua, sống giây phút hiện tại của Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình 2014.

Họ, ngoài tính chất đại diện cho giới trẻ trong toàn giáo phận, là số “còn lại” trong cơn bão di dân, là gạch nối gữa những bạn trẻ xa quê và những bạn trẻ ở nhà. Những năm gần đây, do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghề nông đem lại thu nhập thấp, cho nên ngày càng kém hấp dẫn và mất dần chỗ đứng trong sự lựa chọn của các bạn trẻ. Lực lượng lao động trẻ tại các vùng quê ồ ạt đổ về các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế - công nghiệp để tìm kiếm việc làm và thử vận may cho cuộc đời để lại một khoảng trống mênh mông không người thay thế cho các hoạt động tại các giáo xứ.

Cha Gioan Baotixita Lê Văn Quân đặc trách giới trẻ giáo hạt Sông Mã cho biết: các bạn trẻ còn lại ở nhà là những bạn đang còn đi học, một số có ngành nghề ổn định tại quê hương, một số phát triển nghề truyền thống như ở giáo xứ Kẻ Bền với nghề khai thác, làm đá mỹ nghệ. Riêng Vân Lung, một giáo xứ của người dân tộc Mường, nằm trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành, tổng số bạn trẻ là 600 nhưng hơn một nửa đã đi làm xa, chỉ trở về giáo xứ trong dịp Tết Nguyên Đán, sau đó lại lần lượt lên đường.

Chính vì thế, việc quan tâm thúc đẩy khuyến khích đời sống đức tin, luân lý và hoạt động của các bạn trẻ trong giáo xứ và những bạn đi làm xa là một nhu cầu cấp thiết và cũng là một câu hỏi lớn đặt ra cho các vị mục tử, UBMV Giới trẻ và UB Di dân GP.

Cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh, Chủ tich UBMV Giới trẻ GP cho biết: 3 năm trở lại đây. Năm nào cũng vậy, UBMV Giới trẻ tổ chức tĩnh tâm cho BĐH Giới trẻ GP nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức, học hỏi quy chế giới trẻ của UBMV Giới trẻ trực thuộc HĐGM Việt Nam (2011), giới trẻ giáo phận sống 80 năm thánh giáo phận (2012), Giới trẻ sống năm Đức Tin (2013), giới trẻ sống năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình (2014).

Điều đó được thể hiện qua cuộc tĩnh tâm năm nay “Tân Phúc Âm hóa giới trẻ” do thầy Phaolô Nguyễn Thái Sơn, chuyên đặc trách về tĩnh tâm giới trẻ và sinh viên của Dòng Tên Việt Nam hướng dẫn. Thầy cho rằng: “Mùa Chay còn là mùa của gặp gỡ ở chiều sâu. Gặp gỡ Đức Giê-su. Gặp gỡ tha nhân. Gặp gỡ chính bạn và tôi. Ở chính nơi sâu thẳm của những cuộc gặp gỡ này, bạn thấy mình cần hoán cải để đón nhận và sống món quà tình thương”, đồng thời mong muốn: “Sau cuộc tĩnh tâm, bạn sẽ ý thức rõ ràng trong cầu nguyện bạn là một thành viên trong các gia đình mà bạn thuộc về, và bạn được mời sống tình thương, vốn là gia sản duy nhất của từng cấp bậc gia đình của bạn, bao gồm gia đình Chúa Ba Ngôi; Giáo Hội, xét như dấu chỉ của Nước Trời, gia đình giáo phận Thanh Hóa, gia đình giáo xứ, gia đình máu huyết”.

Vị Cha chung của Giáo phận, qua bài giảng của thánh lễ Truyền Tin (25.3) đã nhắn nhủ BĐH Giới trẻ GP: Hãy trở thành những đối tượng đón nhận tin vui của Chúa đồng thời hãy trở thành những người đem tin vui của Chúa đến với những người khác. Hãy cộng tác với Thiên Chúa nhứ mẫu gương Mẹ Maria đã xin vâng. Chính vì lời xin vâng này, Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Sẵn sàng đón nhận và thực thi thánh ý Chúa là bí quyết của bình an. Các bạn trẻ hãy học lấy gương Mẹ Maria, thì cuộc đời các bạn cũng bình an và vui tươi. Và tương lai của giáo phận đặt trên đôi vai các bạn trẻ.

Hai ngày tĩnh tâm trôi qua như một làn gió thoảng, nhưng đó là ngọn gió lành giúp người bộ hành trẻ trên sa mạc đời thêm sức mạnh và lòng can đảm quyết tâm dấn bước vì sứ vụ “Tân Phúc Âm Hóa Giới trẻ”.
 
Lễ ra mắt Ban Tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Lần 5 tại Seattle.
Nguyễn An Quý
12:29 25/03/2014
Lễ ra mắt Ban Tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Lần 5 tại Seattle.

SEATTLE. Đại Hội Giới trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ được hình thành do sự khuyến khích của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Khi còn sống, ngài luôn mong ước làm sao giới trẻ Việt Nam tại đất nước Hoa Kỳ có cơ hội gặp gỡ nhau để cùng nhau sinh hoạt trong bầu khí vui tươi lành mạnh, hầu tạo cho tuổi trẻ sống với niềm tin Công Giáo Việt Nam và duy trì tinh thần Hồn Việt. Từ ý tưởng đó, một số bạn trẻ nhiệt thành đã thực hiện việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Lần I vào năm 2003 với tên gọi VYC 1. Theo dự trù lúc bấy giờ, Đại Hội Lần 1 sẽ có Đức Y Hồng Thuận tham dự và chủ trì, thế nhưng khi đến kỳ Đại Hội diễn ra thì ngài không còn nữa. Từ Đại Hội lần đầu, toàn thể giới trẻ hiện diện và những bạn trẻ nhiệt thành đã đi đến quyết định cứ 3 năm tổ chức Đại Hội một lần và như thế Đại Hội đã được duy trì vào các lần kế tiếp như Đại Hội 2 năm 2006, Đại Hội 3 năm 2009, Đại Hội 4 năm 2012 và Đại Hội 5 sẽ được tổ chức tại Seattle vào dịp cuối tuần ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm 2015.

Xem Hình

Trong những lần Đại Hội vừa qua, nhiều bạn trẻ ở Seattle cũng đã hăng say tham dự khá đông đảo. Qua những lần tham dự các kỳ Đại Hội một số bạn trẻ Seattle gồm những anh chị thuờng tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn giáo xứ của xứ Cao Nguyên Tình Xanh. Tất cả đều có ước mơ làm sao tổ chức được Đại Hội Giới Trẻ tại Seattle để mang sức sống Hồn Việt về xứ tình xanh này. Một số anh em đã thông qua cha chánh xứ để xin đăng cai việc tổ chức Đại Hội Lần 5. Qua một thời gian nghiên cứu và bàn thảo, cha chánh xứ giáo xứ CTTĐVN Seattle đã đi đến quyết định khuyến khích và hổ trợ giới trẻ thực hiện cho bằng được việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ tại Seattle. Một số bạn trẻ tiên phong đã đảm nhận công việc thăm dò địa điểm để tổ chức Đại Hội và cũng đã đệ trình lên Tòa Giám Mục Seattle về việc tổ chức Đại Hội. Đức Tổng Giám Mục TGP Seattle sau khi nghe các anh em đại diện trình bày về ý nghĩa và sinh hoạt của những ngàyĐại Hội Giới Trẻ thì ngài rất hài lòng và ủng hộ việc tổ chức Đại Hội này ngay trong Tổng Giáo Phận Seattle do giáo xứ Các Thánh Tử Đạo tổ chức.

Ngày 19 tháng 2 năm 2014 theo lời mời gọi của cha chánh xứ, một phiên họp khoáng đại gồm hơn 80 vị đại diện các Cộng Đoàn, các Hội Đoàn, các Ban Ngành trong giáo xứ đã tham dự buổi họp vào lúc 7 giờ tối tại giáo xứ. Ngay trong buổi họp hôm đó, các vị đại diện có mặt đã bầu lên được một Ban Tổ Chức khá hùng hậu, đa số là các bạn trẻ giữ vai trò nòng cốt. Qua phần thảo luận, các bạn trẻ đã thấy tầm quan trọng của việc tổ chức trong vai trò trưởng ban nên toàn đại hội buổi họp đã đồng ý bầu 2 bạn trẻ đồng giữ chức gọi là Đồng Trưởng Ban (Co-Chair) đó là anh Lưu Công Tiên và anh Trần Cần, dưới 2 Đồng Trưỡng Ban còn có đến 4 bạn trẻ giữ chức vụ Phó Ban gọi là Vice- Chair gồm cô Phạm Mộng Tuyền, anh Nguyễn Phụng, anh Vũ Hưng anh Triệu Minh Quân. Đó là Bộ Tham Mưu của Ban Tổ Chức dưới sự lãnh đạo của cha chánh xứ. Toàn Ban tổ chức còn được chia ra 16 Khối gồm Khối Văn Nghệ, Khối Y Tế, Khối Tài Chánh, Khối Tài Liệu, Khối Khánh Tiết, Khối Trật Tự, Khối Chương Trình, Khối Website, Khối Ẩm Thực, Khối Quảng Bá, Khối Nội Dung, Khối Khối Ghi Danh, Khối Phụng Vụ, Khối Sinh hoạt, Khối Tiếp Tân và Khối Kỹ Thuật. Mỗi khối đều có một Trưởng Khối phụ trách điều hành công việc trong khối của mình. Khối cũng có rất nhiều tiểu ban mang tính chuyên môn riêng như Khối Kỹ Thuật thì có Ban âm thanh,Ban ánh sáng, Ban Truyền Tin, Ban Phối hợp để lo công tác sắp đặt và điều hành tại nơidiễn ra Đại Hội. Sau khi thành hình được Ban Tổ Chức Đại Hội, toàn thể anh chị em trong Ban Tổ Chức đã hội họp nhiều lần để thống nhất trong việc tổ chức và phân định nhiệm vụ của từng Khối trong Ban Tổ Chức. Người viết ghi nhận điều làm cho anh em giới trẻ cũng như những vị tham gia vào Ban Tổ chức Đại Hội an tâm trong thơì gian chuẩn bị để tổ chức Đại Hội tại Seattle là trong các Buổi Họp của Ban Tổ Chức tại Seattle đều có sự tham gia và đóng góp ý kiến qua hệ thống viễn liên của một số anh em đã có kinh nghiệm trong những lần tổ chức trước đây tại California như anh Nguyễn Minh Trí, luật sư Nguyễn Quốc Lân, cô Thùy Trang. Trong buổi họp đầu tiên, tôi còn ghi nhận sự hổ trợ tối đa của giới trẻ tại California qua lời phát biểu của anh Trí từ California với tất cả tâm tình của một người trẻ đầy nhiệt huyết trong ý hướng hổ trợ cho Đại Hội giới trẻ tại Seattle được thành công. Cha chánh xứ đã chọn buổi lễ Ra Mắt Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Kỳ 5 ( VYC5 ) vào Chúa Nhật III Mùa Chay. Chúa Nhật có chủ đề: "Nước Ta cho là mạch nước vọt đến sự sống ". Nơi Cung thánh hôm nay được trang trí hình ảnh diễn tả lại khung cảnh nơi giếng nước xưa kia mà Chúa đã gặp gỡ người đàn bà xứ Samarian. Một giải lụa màu trắng từ trong một chiếc bình khá lớn trải dài dưới chân bàn Thánh như dòng nước tuôn chảy ra và không bao giờ ngừng đúng như Chúa đã nói" Nước ta cho là nước Hằng sống ". Lễ Ra Mắt được cử hành trọng thể trong thánh lễ tạ ơn vào lúc 11giờ 30 sáng Chúa Nhật 23 tháng 3 năm 2014 tại nhà thờ giáo xứ CTTĐVN Seattle do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế. Trong bài giảng lễ, cha chánh xứ cũng đã nhấn mạnh về ý nghĩa khung cảnh được bài trí như dòng suối bất tận và chính ý nghĩa đó hôm nay giáo xứ cùng hân hoan chào mừng Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Kỳ 5 tại Seattle. Đại Hội sẽ được tổ chức vào dịp lễ July 4, 2015 từ Thứ sáu ngảy 3 đến Chúa Nhật ngày 5 tháng 7 năm 2015. Ngài nói: Hôm nay Ban Tổ Chức Đai Hội Giới Trẻ được ra mắt giáo xứ trong khung cảnh tươi mát này, xin cho tất cả giới trẻ được mang đầy sức sống của nguồn mạch sự sống đời đời và xin cho các anh chị trong ban tổ chức Đại hội làm việc không ngừng nghỉ để mang lại sự than2h công cho Đại Hội.

Sau lời nguyện kết lễ toàn Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Kỳ 5 ( VYC5 ) tiến lên trước Cung Thánh để ra mắt cộng đoàn Dân Chúa hiện diện trong Thánh lễ. Cha chánh xứ tuyên bố: thưa quý ông bà và anh anh chị, sau nhiều lần hội họp để bàn định việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam toàn Quốc sẽ được tổ chức tại Seattle do giáo xứ chúng ta đảm nhận. Đại Hội sẽ được tổ chức vào dịp cuối tuần dịp lễ July 4, năm 2015. Xin giới thiệu với cộng đoàn giáo xứ đây là toàn Ban Tổ Chức Đại Hội, anh Lưu Công Tiên và anh Lê Cần là Đồng Trưởng Ban, quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau trong trách nhiệm tổ chức Đại Hội với sự hợp tác của 4 vị phó ban và toàn thể quý ông bà đại diện cho các Cộng Đoàn, Các Hội Đoàn cùng tham gia hổ trợ cho việc tổ chức Đại Hội. Ngài lần lượt giới thiệu tên từng của các vị hiện diện. Sau phần giới thiệu từng người là nghi thức tuyên hứa, cha chánh xứ trịnh trọng hỏi: Các anh chị có ý thức bổn phận của mình trong Ban Tổ Chức chỉ vì yêu mến Chúa và tha nhân chứ không vì một lợi ích nào khác không? toàn thể Ban Tổ Chức đồng thanh thưa: Thưa Có

- Cha chánh xứ: Các anh chị có hứa cam kết sẽ phục vụ với lòng khiêm tốn, tìm kiếm ý Chúa trước tiên, làm hết khả năng mình, tôn trọng lẫn nhau khi làm việc, luôn hướng về một đường lối chung, và hăng say làm việc trong sự hiệp nhất không ?

Toàn ban tổ chức thưa: Thưa, con hứa

- Cha chánh xứ: Quý anh chị có hứa sẽ trung thành dấn thân phục vụ từ đầu đến cuối dù có gặp khó khăn thử thách, luôn cầu nguyện, tin tưởng và hợp tác với ơn Chúa không ?

Toàn Ban Tổ chức: Thưa, con hứa.

Cha chánh xứ ban phép lành cho tất cả anh chị em trong ban tổ chức: Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý anh chị em trong Ban Tổ Chức Đại Hội Giơì Trẻ lần thứ 5. Xin Chúa là Đấng khơỉ sự công việc nơi quý anh chị, tiếp tục ban ơn Thánh dồi dào để giúp qúy anh chị đạt được kết quả tốt lành như lòng Ngài hằng mong ước. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen

Phần chúc lành của cha chánh xứ kết thúc, tòan thể anh chị em quỳ gối đọc lời nguyện cầu: " Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống phục vụ yêu thương- Nơi cộng đoàn: biết tâm đầu ý hợp- Trong gia đình: biết mặn mà dễ thuơng- Ngoài xã hội, biết đối xử tốt và thương xót- Với mọi người, biết nhân nhượng và tôn trọng nhau - Khi làm việc, biết siêng năng và tận tình- Trong mọi sự, biết tha thứ, chịu đựng và tin tưởng. Ở mọi nơi luôn chiếu toả lòng Chúa hiền hậu và khiêm nhường- Trước cám dỗ luôn chiến thắng, để bền đỗ trong ơn thánh- Nhờ đó chúng con trở nên Tông Đồ được Chúa sai đi- Để xây dựng hoà bình và làm chứng về Chúa cho mọi người. Amen"

Sau lời nguyện cầu toàn anh chị em đứng dậy và hưóng mặt về cộng đoàn dân Chúa trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Thánh lễ kết thúc vào khoàng 1 giờ 20 phút.

Mời các bạn trẻ Việt Nam khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, ai chưa biết xứ Cao Nguyên Tình Xanh đầy thơ mộng, xin hãy về tham dự Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức tại Seattle vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ năm 2015 từ thứ sáu ngày 3 đến Chúa Nhật ngày 5 tháng 7 năm 2015. Chương trình Đại Hội sẽ được thông báo sau, ngay từ bây gìờ các bạn hãy chuẩn bị cho chuyến đi thăm thành phố du lịch của xứ Cao Nguyên Tình Xanh nhân dịp nơi đây có VYC5. Muốn biết giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle, xin goị về (206) 325-5626.

Nguyễn An Quý
 
Giáo xứ Hàng Bột Hà Nội thăm khu điều trị bệnh phong Ba Sao – Hà Nam
Gx Hàng Bột
22:49 25/03/2014
Cộng đoàn Giáo xứ Hàng Bột: thăm khu điều trị bệnh phong Ba Sao – Kim Bảng – Hà Nam

Trong tâm tình của Mùa Chay Thánh năm 2014 là sống bác ái yêu thương, sáng thứ Bảy, ngày 22 tháng 3, cộng đoàn giáo xứ Hàng Bột tổ chức chuyến viếng thăm Khu điều trị bệnh nhân Phong Ba sao thuộc huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam do Cha Phaolô Nguyễn Văn Kiều chính xứ Hàng Bột làm trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn còn có quý Sơ dòng thánh Phaolô Hàng Bột, Ban Caritas và khoảng 50 người giáo dân trong giáo xứ Hàng Bột.

Xem hình

Tiếp đón cộng đoàn giáo xứ Hàng Bột tại Hội trường của Khu điều trị bệnh phong Ba Sao có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Kim Bảng, giám đốc khu điều trị, ông Lê Ngọc Mão, chủ tịch Hội đồng bệnh nhân, cán bộ công nhân viên và khoảng 60 bệnh nhân.

Mở đầu buổi tiếp đón, ông Lê Ngọc Mão – Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân giới thiệu với cộng đoàn giáo xứ Hàng Bột về Ban giám đốc, cán bộ công nhân viên và số lượng bệnh nhân cùng một số hoạt động cũng như tình hình chung trong gia đình trại phong Ba Sao. Theo đó, số lượng cán bộ công nhân viên là 30 người và số lượng bệnh nhân đang điều trị là 85 người trong số đó có 22 người là bệnh nhân nặng, phải có người giúp đỡ trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Phát biểu tại hội trường, Cha Phaolô Nguyễn Văn Kiều rất tâm đắc với lời giới thiệu của Ông chủ tịch Hội đồng bệnh nhân về gia đình trại phong Ba Sao. Từ gia đình nói lên sự yêu thương, ấm cúng và gắn bó với nhau một cách mật thiết để trở nên một gia đình lớn. Đối với người Công Giáo thì từ gia đình không chỉ mang ý nghĩa ở trần gian mà còn mang ý nghĩa của một gia đình lớn hơn nữa đó là gia đình Nước Trời. Đồng thời, ngài cũng nêu lên mục đích của chuyến đi thăm khu điều trị phong Ba Sao lần này là thăm viếng, động viên tinh thần và chia sẻ vật chất theo tinh thần của Mùa Chay Thánh mà mỗi người Kitô hữu là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Đáp lại lời phát biểu của Cha Phaolô Nguyễn Văn Kiều, ông Nguyễn Kim Bảng, giám đốc khu điều trị cảm ơn Cha Phaolô và cộng đoàn giáo xứ Hàng Bột đã đến thăm và chia sẻ tình cảm cũng như vật chất với những bệnh nhân trong gia đình trại phong Ba Sao. Đó là những người kém may mắn đã mắc phải chứng bệnh mà người ngoài xã hội vẫn thường quan niệm không tốt và xa cách họ.

Cũng theo Ông giám đốc, hiện nay số bệnh nhân phong trong khu điều trị hầu như đã được khỏi bệnh, nhưng di chứng của bệnh thì vẫn còn đó. Ông cũng mong rằng, mọi người ở ngoài xã hội cũng nhìn nhận những người mắc căn bệnh này một cách tích cực hơn để họ bớt đi những mặc cảm về căn bệnh đã và đang mắc phải.

Sau buổi tiếp đón, Cha Phaolô Nguyễn Văn Kiều và Ông giám đốc phát những phần quà nhỏ bé cho những bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Lúc 11 giờ trưa, tại ngôi nhà nguyện trong khu điều trị bệnh phong Ba Sao, Cha Phao lô Nguyễn Văn Kiều xức dầu thánh cho một số bệnh nhân ở đây. Sau đó Ngài và cộng đoàn sốt sắng hiệp dâng thánh lễ Chúa Nhật III Mùa chay, cầu xin Chúa ban cho mọi thành phần trong gia đình trại phong được mạnh khỏe, bình an và ngày một thăng tiến về đức tin.

Một số hình ảnh về Thánh lễ và buổi tiếp đón:

Gx Hàng Bột
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Trộn tro của nhiều người chết được không?
Nguyễn Trọng Đa
22:38 25/03/2014
Giải đáp phụng vụ: Trộn tro của nhiều người chết được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Có hợp pháp để hòa trộn tro của một số người chết và đặt các tro này trong một chiếc bình cho một lễ tang không? Giáo Hội có các qui định nào về trường hợp này không? - W. G., Denver, Colorado, Mỹ.


Đáp: Cho đến khi Bộ Giáo luật năm 1983 được công bố, việc hỏa táng là không một sự lựa chọn cho người Công Giáo nói chung.

Việc hỏa táng đã được phổ biến trong thời La Mã cổ đại, nhưng các Kitô hữu, cũng như hầu hết người Do Thái trước họ, tin sự sống lại của người chết và ưa thích việc an táng hơn. Việc thực hành Kitô giáo này cũng được củng cố bởi niềm tin vào sự thánh hóa thân xác như là đền thờ của Thiên Chúa, qua bí tích rửa tội và được nuôi dưỡng bởi phép Thánh Thể.

Quan niệm này của sự thánh hóa thân xác và qua thân xác là dựa vào mầu nhiệm Nhập Thể, vì chính Ngôi Lời đã thánh hóa thân xác con người bằng cách đã làm người. Giáo lý này cũng là nền tảng cho việc tôn kính di tích của các thánh.

Do đó, Giáo Hội không chỉ thực hành việc chôn cất người chết, mà ngay từ ban đầu đã chỉ định các khu vực đặc biệt cho việc an táng. Các địa điểm này đã được xem là đất thánh, và một nghi thức đã được soạn thảo để thánh hiến chúng như là nghĩa trang.

Mặc dù việc an táng là một thực hành của Giáo Hội phổ quát trong nhiều thế kỷ, không có luật chung cấm việc hỏa táng. Việc này đã thay đổi vào năm 1886, khi Tòa Thánh cấm việc hỏa táng, vốn được cổ vũ bởi nhiều nhóm Tam Điểm như là một cách thức bác bỏ niềm tin Kitô giáo vào sự sống lại. Lệnh cấm này được đưa vào Bộ Giáo luật năm 1917.

Năm 1963, Giáo Hội bắt đầu nới lệnh cấm hỏa táng và cho phép việc hỏa táng trong trường hợp là tập tục quốc gia, thiếu nơi chôn cất, tránh lây lan trong trường hợp dịch bệnh, và các sự xem xét tương tự. Khi làm như vậy, Giáo Hội công nhận rằng trong đa số các trường hợp hỏa táng, các người thực hiện việc hỏa táng cho người thân không làm như vậy như là một cách thức để phủ nhận việc thân xác sẽ sống lại, nhưng chủ yếu là vì mục đích thực tế.

Đó là cơ sở của Bộ Giáo luật sửa đổi được nói trong Điều 1176 :

"§3. Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo” (Bản dịch Bộ Giáo Luật do các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh, thực hiện).

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo lặp lại tình trạng này trong số 2301: " Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu việc này không phương hại tới đức tin vào sự sống lại của thân xác” (Ban giáo lý Tổng giáo phận Sài Gòn).

Lúc đầu, không có bất kỳ nghi thức tang lễ nào trước sự hiện diện của hài cốt hỏa táng. Nhưng theo thời gian, việc này đã thay đổi, và nhiều quốc gia đã thực thi các nghi thức và việc cầu nguyện đặc biệt cho mục đích này.

Tuy nhiên , nguyên tắc lâu đời của sự tôn trọng hài cốt Kitô hữu vẫn là nguyên vẹn, không thay đổi. Vì lý do này, một số Hội đồng Giám mục quốc gia và nhiều Giáo phận, nơi mà việc hỏa táng là phổ biến, đã triển khai các quy định cơ bản cho người Công Giáo.

Trong số các quy định chung phổ biến nhất, được các Giáo phận đưa ra, có:

- Người ta nói chung thích việc hỏa táng diễn ra sau thánh lễ an táng có sự hiện diện của thi hài người chết. Ở một số nước, Tòa Thánh đã ban phép chuẩn cho Thánh lễ an táng diễn ra có sự hiện diện của hài cốt hỏa táng.

- Tro cốt hỏa táng nên được đặt ở một nghĩa trang Công Giáo trong một bình đựng thích hợp. Việc đặt này có thể là dưới đất, hoặc trong hang, hầm hay nhà hài cốt. Giáo Hội khuyên rằng nơi chôn cất được tưởng nhớ một cách ổn định.

- Tro cốt không nên được đặt trong bình đựng không phù hợp, chẳng hạn như đồ trang sức, hộp đĩa hoặc khoang không gian. Tro cốt cũng không được chế tác thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hoặc vật trưng bày.

- Các tập tục, như rải tro trên mặt nước hoặc trên không trung, hoặc giữ tro cốt ở nhà, không được xem là các hình thức tôn kính hài cốt mà Giáo Hội đòi hỏi.

- Các tập tục khác, như hòa trộn tro cốt hoặc phân chia tro cốt cho nhiều gia đình hoặc bạn bè, là không thể chấp nhận được đối với người Công Giáo.

Do đó, không thể chấp nhận cho người Công Giáo hòa trộn tro cốt cho một lễ tang. Tuy nhiên, có thể chấp nhận việc đặt các thi hài trong quan tài bên cạnh nhau cho lễ an táng, và sau đó các thi hài được hỏa táng và tro cốt của họ được hòa trộn với nhau. (Zenit.org 25-3-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Hoa Dưới Nắng Xuân
Tấn Đạt
21:21 25/03/2014
NỤ HOA DƯỚI NẮNG XUÂN
Ảnh của Tấn Đạt
Hoa không thể nở không có nắng,
và người không thể sống không có
tình yêu.
A flower can not blossom without sunshine
and a man can not live without love.
(Max Muller)