Ngày 16-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những phụ nữ và ngôi mộ
Lm. Nguyễn Trung Tây
00:10 16/04/2022
 
Thánh lễ Vọng Phục sinh 16/4 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:09 16/04/2022

BÀI ĐỌC 7 Ed 36:16-17a,18-28

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

Bấy giờ, có lời Đức Chúa phán với tôi rằng:

Hỡi con người, con cái nhà Ít-ra-en đang cư ngụ trên đất của chúng, đã làm cho đất ấy ra ô uế vì lối sống và các hành vi của chúng.

Ta đã trút xuống trên chúng cơn thịnh nộ của Ta vì máu chúng đã đổ ra trên đất ấy và làm cho đất ấy ra ô uế vì các việc ô uế của chúng. Ta đã tung chúng đi các dân và gieo chúng vào các nước. Ta đã căn cứ vào lối sống và các hành vi của chúng mà xét xử. Chúng đã làm cho danh Ta bị xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến, khiến người ta nói về chúng rằng: “Đó là dân của Đức Chúa, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người.”

Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà Ít-ra-en xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến. Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Ít-ra-en:

Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng. Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần.

Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi.

Đó là Lời Chúa.

THÁNH THƯ Rm 6:3-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.

Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.

Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.

Đó là Lời Chúa.

TIN MỪNG Lc 24:1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.

Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói:

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

Đó là Lời Chúa.
 
Phục Sinh Linh Hồn Hiệp Hành
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:33 16/04/2022


PHỤC SINH LINH HỒN HIỆP HÀNH

Chúa đã sống lại rồi, Alleluia! Chúa phục sinh cũng là Đấng đã công bố Thầy là đường. Thế nên, Phục sinh là linh hồn của Hội Thánh hiệp hành. Hội Thánh bước đi trong ánh sáng phục sinh và cùng Chúa phục sinh.

1. Đi trong ánh sáng phục sinh. Muốn tiến bước đi trong đời cần phải có ánh sáng soi đường. Ánh sáng vật lý của mặt trời hay đèn điện; ánh sáng tinh thần của niềm tin, triết lý, chủ nghĩa, quan niệm, hệ giá trị…; và Hội Thánh Chúa tiến bước thì đặc biệt cần ánh sáng tâm linh phục sinh soi dẫn. Ánh sáng phục sinh là ánh sáng hiệp thông chia sẻ cho nhau như khi cộng đoàn rước nến phục sinh, là ánh sáng vượt qua mọi giới hạn trần thế, vượt qua mọi biên giới ích kỷ khép kín như hình ảnh ngôi mộ phục sinh mở ra khi các môn đệ tới thăm và bước vào. Ánh sáng phục sinh là ánh sáng hy vọng ngay trong cả trong thất bại kinh hoàng nhất là cái chết.

2. Đi cùng với Chúa phục sinh. Hội Thánh hiệp hành không chỉ bước theo những tín điều hay niềm tin, mà còn bước đi cùng Người đã sống lại là Chúa Giêsu phục sinh. Hội Thánh đồng hành cùng thế giới, nhưng không bước theo thế gian mà bước theo Chúa phục sinh. Hội Thánh nhiều khi bước đi ngược dòng với thế gian, nhưng không bước đi đơn độc 1 mình, mà bước đi cùng Chúa phục sinh. Có Chúa phục sinh hiệp hành, Hội Thánh có can đảm và sức sống phục sinh bất diệt.

Như thế, Chúa phục sinh không chỉ để cho chúng ta niềm vui mừng một ngày lễ, nhưng là cung cấp ánh sáng và sự sống phục sinh làm linh hồn cho Hội Thánh hiệp hành. Cho dù, Hội Thánh có phải tiến bước giữa muôn vàn gian khó, thì vẫn luôn tràn đầy niềm hy vọng trong ánh sáng phục sinh, vẫn luôn chan chứa niềm tin yêu vào Chúa phục sinh ban sự sống mới và sự sống đời đời. Amen.

----- Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ PHỤC SINH LINH HỒN HIỆP HÀNH https://youtu.be/u03GloiXams?t=175
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:24 16/04/2022

10. Linh mục hiến tế là cung kính Thiên Chúa khiến các thiên thần hoan hỷ, và vì giáo hội mà thiết lập sự thánh thiện để giúp cho người sống, khiến cho người sắp chết được chết lành và bản thân mình có tất cả phần thiện lương.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:28 16/04/2022
52. GỌI LẠI NHƯ THẾ

Có một thương nhân lần đầu tiên đi bái kiến quan huyện, quan huyện nghĩ rằng ông ta đã lớn tuổi, bèn tôn trọng kêu là “lão tiên”.

Thương nhân bực bội mà về, con trai vội vàng hỏi lý do, thương nhân nói:

- “Tên cẩu quan đó quá bắt nạt ta quá, đáng lẽ nó phải kêu ta bằng lão tiên sinh mới đúng, ai ngờ nó nói lửng, nói cái gì là “lão tiên”, rõ ràng là câu nói khinh dể, cho nên ta cũng không khách sáo gọi nó lại như thế”.

Con trai hỏi gọi lại bằng gì, thương nhân nói:

- “Đáng lẽ nên gọi nó là “lão phụ mẫu” (1), nhưng ta bỏ chữ sau, chỉ kêu nó hai chữ “lão phụ” !

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 52:

Trong cuộc sống, cách xưng hô cũng đóng một vai trò quan trọng, nhất là trong giao tiếp, và nhất là đối với những người lớn tuổi.

Càng có chức vụ cao thì cách xưng hô càng khiêm tốn, càng trở thành người quan trọng thì cách xưng hô nói năng càng cẩn trọng, đó chính là những người có nhân có trí và có tâm.

Có nhiều giáo dân buồn phiền vì có những linh mục trẻ măng đáng tuổi con cháu của họ, nhưng cách xưng hô của các ngài đối với họ không được tôn trọng cho lắm, và dễ gây hiểu lầm cho những người không cùng tôn giáo. Giáo dân xưng hô cha-con với linh mục thì quyền của họ, nhưng linh mục –nhất là các linh mục trẻ- thì không thể xưng cha-con với họ được, bởi vì –xét cho cùng- khi một linh mục trẻ xưng hô cha-con với một giáo dân đáng là ông nội bà nội của mình, thì đúng là phản cảm, đúng là làm quan chứ không phải làm linh mục.

Khi cử hành thánh lễ và các bí tích thì rõ ràng nhất, hữu hình nhất là các linh mục đang đại diện Đức Chúa Giê-su để cử hành, cho nên xưng hô cha-con con-cha với ngài là chuyện đương nhiên, nhưng trong cuộc sống đời thường các linh mục nên chú ý cách xưng hô với mọi người, nhất là với giáo dân của mình để khỏi phải mang tiếng “lạm dụng” cha-con con-cha…

Cách xưng hô quan trọng và tế nhị, có thể nói lên được tính cách của một con người.

(1) Thời xưa gọi quan huyện là quan phụ mẫu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Phục Sinh (C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:30 16/04/2022
CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.

“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.


Bạn thân mến,

“Chúa đã sống lại rồi- Alleluia !”

Đó là điệp khúc vui mừng của bạn và tôi và của cả nhân loại, vui mừng vì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, vui mừng vì từ nay cửa thiên đàng rộng mở chờ đón chúng ta, vui mừng vì sự ác sẽ không còn thống trị mặt đất nữa, nhưng cái vui mừng hiện tại nhất của chúng ta hôm nay chính là chúng ta đã được cùng với Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại sau bốn mươi ngày mùa chay chết cho tội lỗi.

Trong niềm vui phục sinh hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này:

1. Phục Sinh là trỗi dậy và đi lên.

Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, Ngài đã trỗi dậy ra khỏi mồ và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, đó là đức tin và là niềm vui cứu độ của chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, nghĩa là Ngài đã trỗi dậy từ thân xác bất động trở nên sống động, từ trong mộ đá lạnh tanh toả sáng vinh quang phục sinh của Thiên Chúa, từ cõi chết đi qua sự sống, đó chính là những dấu hiệu để cho chúng ta thấy được rằng, Ngài chính là Thiên Chúa và là Đấng duy nhất cứu độ trần gian.

Chia sẻ niềm vui phục sinh này với Đức Chúa Ki-tô, không phải là bạn và tôi chỉ hân hoan hát Alleluia mà thôi, nhưng chúng ta phải thật sự sống lại với Ngài, đi ra khỏi tội lỗi và nơi chốn khiến chúng ta phạm tội, để nơi nào có mặt chúng ta là ở đó ánh sáng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô chiếu rọi, để chúng ta hấp dẫn người khác đi theo ánh sáng Tin Mừng của Ngài.

2. Phục Sinh là hiệu quả của yêu thương.

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46b) và thế là mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30): hoàn tất cuộc khổ nạn, hoàn tất chương trình cứu độ ở trần gian, hoàn tất ba mươi ba năm chia sẻ thân phận làm người, để rồi đỉnh cao hoàn tất chính là sự phục sinh vinh hiển của Ngài –Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.

Phục Sinh là hiệu quả của tình yêu, Đức Chúa Giê-su Ki-tô vì yêu thương nhân loại đã đi qua sự chết và đã sống lại, đó chính là hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát và trở thành cây lúa mì đơm hoa kết trái nuôi sống muôn người. Đức Chúa Ki-tô chính là hạt lúa mì, là hạt tình yêu bởi trời gieo vào trong thế gian, để cho thế gian nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.

Đức Chúa Ki-tô đã sống lại, Ngài cũng mời gọi bạn và tôi cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu phục sinh này cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương, bởi vì tình yêu không qua đau khổ là tình yêu chưa trọn vẹn và chưa hoàn hảo. Do đó, khi chúng ta loan báo tin vui Phục Sinh cho tha nhân thì chính là lúc chúng ta làm chứng rằng, phục sinh không chỉ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại mà thôi, nhưng còn là sự sống lại cho những kẻ tin yêu Ngài mà chịu nhiều gian khổ và hi sinh.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời của Ngài đã nói, sự sống lại này đã đổi mới và thánh hóa tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.

Ba ngày trong mồ đá là biểu tượng quyền lực của ma quỷ tạm thời thắng thế, nhưng ba ngày sau trở đi thì từ trong mồ đá này, ma quỷ đã thất bại vì Đấng tạm thời khuất phục sự chết - Đức Chúa Ki-tô- đã sống lại vinh hiển, đã chiến thắng tử thần và muôn đời thống trị ma quỷ ác thần. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lòng mến đánh tan sợ hãi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:53 16/04/2022

LÒNG MẾN ĐÁNH TAN NỖI SỢ HÃI
Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục sinh

Tin Mừng theo thánh Gioan và Tin Mừng theo thánh Matthêu đều cho biết, lần đầu tiên sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ đạo đức. Các bà được diễm phúc trở thành người đầu tiên nhận lãnh sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, bởi các bà yêu mến Chúa nhiều.

Lòng yêu mến Chúa của các phụ nữ được chứng minh rõ ràng nhất trong cuộc thương khó của Chúa, vừa mới diễn ra hai ngày trước:

- Các bà đã theo Chúa đến cùng trên con đường tử nạn.
- Các bà đã đau lòng và khóc thương Chúa thật nhiều khi chứng kiến thân thể nát tan vì roi đòn và kiệt sức đến cùng cực của Chúa.
- Các bà nhìn thấy sự gian ác mà các nhà lãnh đạo tôn giáo của các bà dành cho Chúa.
- Các bà chứng kiến đến cùng thói bạo ngược, ganh tỵ, và tà tâm của tất cả những kẻ có quyền, có thế.
- Các bà đau đớn khi cây thập giá, khi mão gai, khi các trận roi đòn, khi đinh nhọn thi nhau giáng trên thân xác Chúa.
- Các bà không thể ngờ nổi, làm sao mà sự tàn ác của các nhà lãnh đạo tôn giáo, những kẻ mà các bà vẫn tin tưởng, vẫn vâng theo lời họ dạy, lại có thể lớn lao và khủng khiếp đến vậy.
- Các bà đã chứng kiến máu Chúa rơi trên đường tử nạn.
- Các bà đã chứng kiến máu Chúa đổ lai láng khi người ta giơ cao búa đóng đinh Chúa.
- Tiếng búa gõ vào da thịt và tiếng đinh nhọn gõ vào gỗ thập giá cứ chan chát, chỉ cần nghe đã thấy đau đớn, đã thấy khiếp sợ, đã thấy ớn lạnh cả người. Nhưng không hiểu sao, tất cả mọi kẻ đang hành hình Chúa Giêsu, từ những nhà lãnh đạo, kể cả những nhà lãnh đạo tôn giáo, đến những lính tráng và dân chúng, ai cũng nghe, ai cũng chứng kiến, nhưng lòng vẫn cứ sắc lạnh đến rợn người.
- Các bà càng thương Chúa bao nhiêu, thì càng lúc càng không thể hiểu hết sự tàn độc cũa con người.
- Các bà quá ngỡ ngàng trước những bi thương Chúa phải chịu và sự vô cảm đến tàn nhẫn của mọi người xung quanh.
- Các bà đã nghe thấu mọi lời sỉ vả, lăn nhục mà những kẻ chuyên “nghề” thờ phượng Chúa có thể phun ra trên môi miệng cách dễ dàng đến vậy.
- Các bà đã chứng kiến đến cùng tiếng than thở của Thầy với Chúa Cha: “Sao Cha nỡ bỏ con” mà tan cõi nát lòng.
- Các bà đã xót xa trước cảnh tượng Chúa phó linh hồn và gục đầu chết trong tức tưởi, trong đau đớn và tủi nhục.
- Các bà đã đau buốt tâm hồn khi nhìn lưỡi đòng mà người ta đã đan tâm thọc vào trái tim Thầy mình, y như lưỡi đòng ấy đang thọc vào trái tim mình vậy.
- Các bà thảng thốt quá đỗi trước thái độ bạo ngược dành cho Chúa, của tất cả những người mà các bà hằng ngày gặp gỡ, quen biết. Trong đó còn có cả những kẻ là thượng tế, tư tế, luật sĩ, kinh sư… vẫn thường to tiếng trong đền thờ, trong hội đường giảng dạy dân chúng về lề luật, về lòng nhân từ của Thiên Chúa… Sự thảng thốt, sự ngỡ ngàng, sự hãi hùng của các bà càng dâng cao, thì lòng yêu mến Chúa của các bà càng đầy ứ.
- Các bà càng uất ức vì không thể làm gì cho Chúa trong lúc Chúa phải gánh chịu, thì lòng yêu mến Chúa của các bà càng dâng cao tột độ.

Mọi sự giờ đây chỉ còn có thể dồn vào tình cảm để các bà thêm yêu Chúa mà thôi!...

Trên đường tử nạn của Chúa, vì lòng yêu Chúa, các phụ nữ bất chấp mọi nguy hiểm có thể gây ra bởi những nhà lãnh đạo Do thái giáo, những kẻ chủ mưu giết chết Chúa, để theo Chúa đến cùng, chứng kiến đến cùng cái chết đau thương của Chúa.

Giờ đây, các bà lại bất chấp mọi sợ hãi, công khai đứng về phía Chúa. Dù lính tráng không ngớt canh giữ mồ Chúa, các phụ nữ không sợ trả thù, không sợ liên lụy. Các bà đã chạy ra mồ từ tảng sáng sau khi vừa trải qua ngày lễ nghỉ.

Các phụ nữ được Chúa trả công xứng đáng: CÁC BÀ TRỞ THÀNH NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA TIN MỪNG PHỤC SINH.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho lòng chúng con thấm nhuần tình yêu Chúa, để chúng con không bao giờ bị khuất phục trước bạo lực, bất công.
Xin gieo vào tâm hồn chúng con tinh thần can đảm của những người mang lấy sức sống phục sinh của Chúa.
Xin cho chúng con biết đứng về phía lẽ phải, để đừng vì một sợ sệt nào, làm chúng con trở thành kẻ bất công lên án, thậm chí giết chết người vô tội.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Vọng Phục sinh 2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:18 16/04/2022


Lúc 7g30 tối thứ Bẩy 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Lễ Vọng Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tập trung bài giảng của ngài về cách các phụ nữ trong Tin Mừng giúp chúng ta nhìn thấy “tia sáng đầu tiên của buổi bình minh cuộc sống Thiên Chúa vươn lên trong bóng tối của thế giới chúng ta,” và dạy chúng ta nhìn, nghe và loan báo Lễ Vượt Qua của Chúa từ sự chết cho đến sự sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Lễ Vọng Phục sinh vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, với 5.500 người hành hương. Lễ kỷ niệm này là lễ trang trọng nhất và cao quý nhất trong tất cả các Lễ Trọng.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài giảng của mình và rửa tội cho bảy tân tòng. Đức Giáo Hoàng đã bị đau đầu gối trong những tháng gần đây, là điều mà ngài cũng đã đề cập khi nói chuyện với các nhà báo gần đây sau chuyến hành trình mục vụ tới Malta.

Có mặt trong thánh lễ là các thành viên của một phái đoàn từ Ukraine, bao gồm các đại diện của chính quyền địa phương và quốc hội của đất nước, là những người đã được gặp Đức Giáo Hoàng ngay trước khi nghi lễ bắt đầu.

Phái đoàn bao gồm thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, hiện phải sống lưu vong, vì quân Nga đã chiếm được thành phố này. Đức Giáo Hoàng đã đặc biệt chào đón ông trong lễ kỷ niệm.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp của những đêm đầy sao. Tuy nhiên, những đêm chiến tranh bị xé toạc bởi những ánh chớp báo hiệu cái chết. Trong đêm này, anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho những người phụ nữ của Tin Mừng dắt tay chúng ta, để cùng với họ, chúng ta có thể nhìn thấy những tia nắng đầu tiên của bình minh cuộc sống Thiên Chúa đang ló dạng trong bóng tối của thế giới chúng ta. Khi bóng đêm bị xua tan trước khi ánh sáng yên tĩnh đến, những người phụ nữ lên đường đến ngôi mộ để xức dầu cho xác Chúa Giêsu. Ở đó, họ đã có một trải nghiệm đáng kinh ngạc. Đầu tiên, các bà phát hiện ra rằng ngôi mộ trống rỗng; rồi các bà nhìn thấy hai nhân vật mặc quần áo sáng chói nói với các bà rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Lập tức các bà chạy về báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24:1-10). Các bà đã thấy, nghe, và tuyên bố. Với ba động từ này, xin cho chúng ta cũng được bước vào lễ Vượt qua của Chúa từ sự chết cho đến sự sống.

Những người phụ nữ đã nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự sống lại không phải là một lời tuyên bố được mở ra, nhưng là một dấu hiệu cần được chiêm ngưỡng. Trong một khu nghĩa trang, gần một ngôi mộ, ở một nơi mà mọi thứ lẽ ra phải trật tự và yên bình, các bà “tìm thấy hòn đá lăn ra khỏi ngôi mộ; nhưng khi họ vào thì không thấy xác đâu “(câu 2-3). Lễ Phục sinh bắt đầu bằng cách làm đảo lộn những mong đợi của chúng ta. Ngày lễ này đi kèm với món quà của một niềm hy vọng khiến chúng ta ngạc nhiên và sững sờ. Vậy mà để đón nhận món quà đó không dễ chút nào. Đôi khi - chúng ta phải thừa nhận rằng - niềm hy vọng này không tìm thấy chỗ đứng trong trái tim chúng ta. Giống như những người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta bị bao trùm bởi những thắc mắc và nghi ngờ, và phản ứng đầu tiên của chúng ta trước dấu hiệu bất ngờ là một sự sợ hãi: “Họ kinh hãi và cúi mặt xuống đất” (câu 5).

Tất cả chúng ta thường nhìn cuộc sống và thực tế với đôi mắt u ám; chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào ngày đang trôi qua này, chán nản với tương lai, chỉ quan tâm đến bản thân và nhu cầu của mình, chìm vào ngục tù của sự thờ ơ, thậm chí ngay khi chúng ta liên tục phàn nàn rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Bằng cách này, chúng ta dừng lại trước ngôi mộ của sự cam chịu và chủ nghĩa định mệnh, và chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Tuy nhiên, đêm nay, Chúa muốn ban cho chúng ta đôi mắt khác, sống động với hy vọng rằng nỗi sợ hãi, đau đớn và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng trên chúng ta. Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, chúng ta có thể từ hư vô trở thành sự sống. “Cái chết sẽ không thể cướp đi mạng sống của chúng ta được nữa” (K. RAHNER), vì cuộc sống đó giờ đây được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa bao bọc trọn vẹn và vĩnh viễn. Đúng vậy, cái chết có thể khiến chúng ta khiếp sợ; nó có thể làm tê liệt chúng ta. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy ngước nhìn lên, vén bức màn buồn phiền và u sầu khỏi đôi mắt, và mở lòng đón nhận niềm hy vọng mà Chúa mang đến!

Trong động từ thứ hai, những người phụ nữ đã nghe thấy. Sau khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống, hai người đàn ông mặc quần áo sáng chói nói với họ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết? Ngài không ở đây, nhưng đã sống lại “(câu 5-6). Chúng ta nên lắng nghe những lời đó và lặp lại chúng: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu tất cả những gì cần biết về Chúa, và có thể nuôi dưỡng Ngài trong những ý tưởng và phạm trù của riêng chúng ta, chúng ta hãy lặp lại với chính mình: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm Chúa chỉ trong những cảm xúc, thường thoáng qua, và chỉ tìm kiếm Ngài trong những lúc cần thiết, rồi sau đó đặt Ngài sang một bên và quên Ngài đi trong phần còn lại của cuộc sống và trong những quyết định hàng ngày của chúng ta, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây! Và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể giam cầm Ngài trong lời nói của chúng ta, trong công thức của chúng ta, và trong cách suy nghĩ và hành động thông thường của chúng ta, và bỏ bê việc tìm kiếm Ngài trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người khóc, những người đang phải vật lộn, đau khổ và hy vọng, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây!

Chúng ta cũng có thể nghe thấy câu hỏi được đặt ra cho những người phụ nữ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết?” Chúng ta không thể cử hành Lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục là người chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; Nếu trong cuộc đời, chúng ta thiếu can đảm để mình được Thiên Chúa tha thứ, Đấng đã tha thứ mọi sự, hãy can đảm để thay đổi, hãy đoạn tuyệt với những công việc của sự dữ, hãy quyết định dành cho Chúa Giêsu và cho tình yêu của Người. Nếu chúng ta tiếp tục giản lược đức tin thành một lá bùa hộ mệnh, chúng ta biến Thiên Chúa thành một kỷ niệm đáng yêu từ xa xưa, thay vì gặp gỡ Ngài ngày nay như một Thiên Chúa hằng sống luôn mong muốn canh tân chúng ta và thay đổi thế giới của chúng ta. Một Kitô Giáo tìm kiếm Chúa giữa đống đổ nát của quá khứ và đặt Ngài trong ngôi mộ của thói quen là một Kitô Giáo không có Lễ Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng quanh quẩn đợi chờ giữa các ngôi mộ, nhưng hãy chạy đi tìm Ngài, Đấng Hằng Sống! Chúng ta cũng đừng sợ tìm kiếm Người trong khuôn mặt của anh chị em chúng ta, trong câu chuyện của những người hy vọng và ước mơ, trong nỗi đau của những người đau khổ: Chúa ở đó!

Cuối cùng, những người phụ nữ tuyên bố. Họ đã tuyên bố điều gì? Niềm vui của sự phục sinh. Lễ Phục sinh không chỉ xảy ra để an ủi những người thương tiếc cái chết của Chúa Giêsu, nhưng làm cho họ mở lòng ra đón nhận thông điệp phi thường về sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với sự dữ và sự chết. Ánh sáng của sự phục sinh không nhằm mục đích để các phụ nữ đắm chìm trong niềm vui, mà là để tạo ra các môn đệ truyền giáo “trở về từ ngôi mộ” (câu 9) để mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là lý do tại sao, sau khi nhìn thấy và nghe thấy, các bà đã chạy đến loan báo cho các môn đệ về niềm vui phục sinh. Họ biết rằng những người khác có thể nghĩ rằng họ đã hóa điên; quả thật, Phúc Âm nói rằng những lời nói của phụ nữ “đối với các ông dường như là một câu chuyện vu vơ” (câu 11). Tuy nhiên, những người phụ nữ đó đã không quan tâm đến danh tiếng của họ, không màng đến việc giữ gìn hình ảnh của họ; họ đã không kiềm chế cảm xúc của họ hoặc cẩn trọng trong lời nói của mình. Họ chỉ có ngọn lửa trong lòng để mang tin tức, là lời tuyên xưng: “Chúa đã sống lại!”

Và thật đẹp biết bao khi một Giáo hội có thể chạy theo con đường này qua các đường phố của thế giới chúng ta! Không sợ hãi, không âm mưu, thủ đoạn, nhưng chỉ với mong muốn dẫn mọi người đến niềm vui của Tin Mừng. Đó là điều chúng ta được mời gọi để làm: trải nghiệm Chúa Kitô Phục sinh và chia sẻ kinh nghiệm với người khác; lăn đá khỏi ngôi mộ nơi chúng ta có thể đã bao bọc Chúa, để truyền niềm vui của Ngài trên thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, sống lại từ tất cả những ngôi mộ mà chúng ta đã niêm phong Ngài. Chúng ta hãy giải thoát Chúa khỏi những phòng giam chật hẹp mà chúng ta vẫn thường giam cầm Ngài. Chúng ta hãy thức tỉnh khỏi giấc ngủ yên bình của mình và để Ngài khuấy động và làm phiền chúng ta. Chúng ta hãy đưa Ngài vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta: qua những cử chỉ hòa bình trong những ngày này được đánh dấu bởi sự khủng khiếp của chiến tranh, qua những hành động hòa giải giữa những mối quan hệ tan vỡ, những hành động nhân ái đối với những người cần giúp đỡ, những hành động công bằng giữa những tình huống bất bình đẳng và sự thật trong giữa sự dối trá. Và trên hết, thông qua các tác phẩm của tình yêu và tình huynh đệ.

Thưa anh chị em niềm hy vọng của chúng ta có một cái tên: là danh thánh của Chúa Giêsu. Ngài đã vào ngôi mộ là tội lỗi chúng ta; Ngài đi xuống những vực sâu mà chúng ta cảm thấy lạc lõng nhất; Ngài len lỏi qua những mớ bòng bong của nỗi sợ hãi của chúng ta, mang gánh nặng của chúng ta và từ vực thẳm tăm tối của sự chết đã phục hồi cho chúng ta sự sống và biến sự thương tiếc của chúng ta thành niềm vui. Chúng ta hãy mừng lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Ngài vẫn sống! Hôm nay, Ngài cũng bước vào giữa chúng ta, thay đổi chúng ta và giải thoát chúng ta. Nhờ Người, cái ác đã bị cướp đi sức mạnh của nó; thất bại không còn có thể kìm hãm chúng ta bắt đầu lại; và cái chết đã trở thành một lối đi dẫn đến những khuấy động của cuộc sống mới. Vì với Chúa Giêsu, Chúa Phục sinh, không có đêm nào kéo dài mãi mãi; và ngay cả trong đêm đen mờ mịt nhất, trong bóng tối đó, sao mai vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Thưa ngài Thị trưởng, các nghị sĩ, trong bóng tối mà các bạn đang sống này, bóng tối dày đặc của chiến tranh, của sự tàn ác, tất cả chúng tôi đang cầu nguyện, cầu nguyện cùng các bạn và cho các bạn trong đêm nay. Chúng tôi đang cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho các bạn sự đồng hành của chúng tôi, lời cầu nguyện của chúng tôi và nói với các bạn: “Hãy can đảm lên! Chúng tôi đang đồng hành cùng các bạn! “ Và cũng muốn nói với bạn điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi đang kỷ niệm ngày hôm nay: Christòs voskrés! Chúa Kitô đã sống lại!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Tây Ninh Cử Hành Nghi Thức Suy Tôn Thánh Giá
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
08:53 16/04/2022
Giáo Xứ Tây Ninh Cử Hành Nghi Thức Suy Tôn Thánh Giá

Ngay sau khi cùng nhau ngắm những chặng đường đau khổ và tủi nhục mà Chúa Giêsu đã đi qua, trong bầu khí thật trang nghiêm và sốt mến, toàn thể cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tây Ninh cùng tham dự nghi thức suy tôn thánh giá, vào lúc 17h30 thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 15.4.2022, do cha xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái chủ sự.

Xem Hình

Trong cuộc khổ nạn của mình Chúa Giêsu đã đổ máu và chịu chết vì tội lỗi nhân loại. Đổ máu là dấu hiệu của chết chóc, của thất bại, nhưng qua hiến lễ thập giá của Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh đã được khai sinh và nhân loại bước vào cuộc sống mới. Trong giây phút thiêng liêng và lắng đọng này, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tây Ninh cùng nhau bước theo Chúa Giêsu trên đường thập giá của Người. Đó là đường tình yêu tự hiến của Thầy chí thánh.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Đaminh đã nhắc nhở mọi người: Chúa đã chịu chết vì tội lỗi của mỗi người. Khi xưa chính dân Do Thái đã kết án Chúa và đã đóng đinh Chúa vào thập giá, nhưng ngày nay mỗi người chúng ta cũng hằng ngày đóng đinh Chúa vào thập giá qua mỗi lỗi lần xúc phạm đến Chúa, đến anh chị em và chính bản thân. Cha Chánh xứ cũng mời gọi mỗi người hãy biết chôn vùi mọi tội lỗi dưới huyệt đá, như tâm tình vừa hứa với Chúa trong lúc đi đàng thánh giá.

Sau bài Thương Khó, cha chánh xứ kính thờ thánh giá và hôn chân Chúa. Do tình hình Dịch bệnh nên năm nay chỉ có Mình Cha chủ tế Hôn chân Chúa, còn cộng đoàn dân Chúa thì hôn chân Chúa sau phần nghi thức.

Thay vào đó mỗi Kitô hữu sấp mình thờ lạy Chúa với lòng yêu mến, biết ơn và đền tạ. Đền tạ vì tội lỗi mình mà Chúa phải chịu chết; biết ơn vì nhờ cái chết của Chúa mà con người được ơn tha tội; yêu mến vì tình thương Chúa đã dành cho nhân loại.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Truyền Thông Phú Cường
 
Thứ Sáu Tuần Thánh Tại Giáo Xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
BTTGx.Tụy Hiền
08:57 16/04/2022
Thứ Sáu Tuần Thánh Tại Giáo Xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội

Ngày kính nhớ Chúa Giêsu chịu chết chuộc tội nhân loại được bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều. Trước hết Ngắm Mười Lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu, thứ đến là suy ngắm Chặng Đàng Thánh Giá Chúa Giêsu do Cha Antôn khai mạc và Cha Giuse Trịnh Duy Suýt tiếp tục từ nhà thờ Đông Mỹ đến đồi Chúa Chiên Lành, hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, Nơi Thứ Mười Hai dừng lại tại Đền Thánh Giá Tụy Hiền và nơi thứ mười bốn tại tiền sảnh nhà thờ Tụy Hiền.

Xem Hình

Kết thúc chặng đàng thánh là nghi thức Kính Nhớ Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu do Cha Giuse Trịnh Duy Suýt chủ sự. Trong thinh lặng thánh, ngài cùng với đoàn giúp lễ tiến ra phủ phục trước cung thánh. Tiếp theo là lời nguyện và Phụng vụ Lời Chúa. Lấy ý tưởng từ Chặng Đàng Thánh do các gia đình biên soạn theo ý Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã quảng diễn lời Chúa, đặt biệt nhấn mạnh đến các gia đinh yêu thương giúp đỡ lẫn nhau như Chúa đã yêu và đã chết vì chúng ta.

Nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa thật cảm động, với phần mở khăn và kêu gọi mọi người đến bái thờ Thánh Giá Chúa, sau cùng là hiệp lễ.

BTTGx.Tụy Hiền
 
Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giáo xứ St. Maria Goretti, San Jose
Thái Phạm
16:18 16/04/2022
 
Lễ Vọng Phục Sinh Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
18:56 16/04/2022
Hình ảnh Lễ Vọng Phục Sinh tại lễ đài Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, lúc 8 giờ tối, Ngày Thứ Bảy 16/4/22.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Phạm Minh Ước SJ chủ tế cùng với Linh mục Tuyên úy Phê Rô Phạm Văn Ái SJ.

Ca đoàn Babylon xuất sắc trong phần phụng vụ thánh ca trong ngày đại lễ của cộng đoàn.

Rất đông giáo dân của cộng đoàn về dâng lễ, có cả quý khách từ các tiểu bang khác cũng có mặt, và cả khách từ Việt Nam qua cũng đến cộng đoàn dâng lễ, trong đó có rất nhiều người trẻ.

Mc Tâm Như phụ trách phần dẫn giải, kỹ thuật viên Uyen Khong phụ trách phần âm thanh cũng thật hoàn hảo giúp cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh thật tốt đẹp.

Các cháu TNTT Vinh Sơn Liêm đã phục vụ rất tốt phần chia lửa từ nến Phục Sinh.

Happy Easter đến cộng đoàn Alleliua! Alleluia!

Hình ảnh đêm lễ Vọng Phục Sinh Năm 2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tản Mạn Mầu Nhiệm Phục Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:34 16/04/2022
Tản Mạn Mầu Nhiệm Phục Sinh

“Nếu đức Kitô đã không trổi dậy (phục sinh), thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19). Cùng với thánh tông đồ dân ngoại, Kitô hữu chúng ta xác tín mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của đức tin vì nó minh chứng Đấng đã tử nạn chính là Thiên Chúa thật. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hạnh phúc vĩnh hằng cho nhân loại và mọi loài. Xin được tản mạn đôi điều về mầu nhiệm cao cả này.

CHÚA PHỤC SINH: MỘT MẦU NHIỆM

Chúa Kitô phục sinh không phải là một sự kiện hiển nhiên. Một Đức Giêsu đã chết, với nhiều người Do Thái hẳn đã rõ, còn việc Ngài phục sinh thì ít ai hay, và chắc chắn không một ai chứng kiến giây phút Ngài chổi dậy từ cõi chết. Tân Ước, đặc biệt bốn Tin Mừng làm chứng cho ta điều này. Quả thật nếu việc Chúa Kitô sống lại mà hiển nhiên, nghĩa là tự nhiên rõ ràng thì chẳng còn vấn đề tin hay minh giáo. Việc một người đã chết và tự mình phục sinh không còn chết nữa hiện đang sống sờ sờ trước mắt ta thì quả là không cần khổ công rao giảng. Thế mà việc Chúa phục sinh mãi vẫn là một mầu nhiệm, là đối tượng của đức tin chúng ta tức là vẫn mãi cần đến sự suy luận của lý trí, cần đến chọn lựa và dấn thân của mỗi người.

Chúa Phục sinh đối tượng của đức tin. Ông đã thấy và ông đã tin (x.Ga 20,1-10). Đã không ít lần chúng ta được nghe giảng về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô dựa vào chứng cứ là ngôi mộ trống. Một bằng chứng xem chừng có vẻ hùng hồn nhưng khó thuyết phục vì “cái không” chưa nói đủ về “cái có”. Tôi không buồn chưa chắc minh chứng là tôi vui; tôi không phản đối thì chưa chắc là tôi đã đồng thuận… Một kiểu chứng minh tương tự các lý lẽ minh chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo triết “kinh viện”. Thiên Chúa không là như thế này, không là thế kia tuy nhiên các lý lẽ ấy cũng khó dẫn người ta đến một kết luận rằng có một Đấng siêu việt, vì thực tế cho hay vẫn còn đó nhiều người không tin có Thượng đế.

Chúng ta còn được nghe các lý lẽ hùng hồn khác để luận bác những giả thuyết cho rằng Chúa không sống lại. Chẳng hạn giả thiết các môn đệ “chôm” xác Thầy thì có việc lính quân canh phòng cẩn mật và cả sự thiếu logic trong lời phao đồn của lính canh. Đã có lệnh rất nghiêm từ cấp trên thì sao lại ngủ quên hoặc đã ngủ quên thì sao lại có thể chứng kiến việc các tông đồ lấy trộm xác (x.Mt 28,12-15). Với giả thiết do động đất làm mất xác Đức Giêsu thì có tấm vải liệm và dây buộc làm phản chứng. Tương tự như thế với giả thiết cho rằng số hương liệu tẩm xác Chúa đã làm hủy thi hài… Những cố gắng lý luận dựa trên sự logic hay căn cứ khoa học dẫu sao cũng là những lý chứng tiêu cực. Dù ta có bác bỏ một cách thuyết phục các luận chứng của kẻ khác nói rằng ta không đúng thì cũng không chắc chứng minh được rằng ta đúng. Xin đừng sa đà vào một trong những cách thế “nguỵ biện” của khoa luận lý học: tìm cách chứng minh đối phương sai để minh chứng rằng mình đúng. Vẫn có đó nhiều trường hợp đối phương sai mà ta cũng lầm.

Thế là ta phải cần đến các chứng cứ tích cực, tức là những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra. Giả như Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho toàn dân thì ta khỏi phải loay hoay minh chứng. Đằng này Ngài hiện ra với trên năm trăm người theo lời Thánh Phaolô thuật lại (x.1Cr 15,6). Theo bốn Tin Mừng tường thuật, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra chỉ dăm ba lần với một số người ít ỏi thuộc Nhóm Mười Hai, các Môn Đệ, những bà đã từng theo giúp Ngài trước đây.

Đây là điểm ta cần lưu ý cách đặc biệt vì nó là dấu chỉ của đức tin. Các Tông đồ, các môn đệ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Vị Thầy mà họ gặp lại sau khổ nạn đã có nhiều đổi thay. Thân xác Thầy Chí Thánh đã biến đổi không còn như xưa nữa. Thân xác ấy nay không còn lệ thuộc thời gian, không gian, chợt có đó, chợt biến mất, hay dù cửa đóng then cài cũng không làm cản trở Ngài vào ra theo ý. Vóc dáng bên ngoài của thân xác ấy dường như cũng đổi thay. Khi Lazarô, người thanh niên con bà góa thành Naim, cô bé con bà Giaia cũng thân xác đó, hình dáng đó và chẳng một ai nghi ngờ còn Đức Giêsu khi sống lại thì ít ai nhận ra ngay Thầy mình dù là người rất thân quen.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐÃ ĐỔI THAY

Ngày thứ nhất trong tuần Maria Madalêna ra mộ không thấy xác Chúa. Bà ở gần bên mộ mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào mộ thì thấy hai Thiên Thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu… Bà thưa với Thiên thần: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để Người ở đâu”. Nói xong bà quay lại thấy Đức Giêsu đứng đó nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu hỏi “Này bà sao bà khóc? Bà tìm ai? “ Bà Maria tưởng là người làm vườn … (Ga 20,1.11-15). Một phụ nữ hết sức gắn bó với người mình yêu thì làm sao quên được dáng hình người ấy và cũng thật khó mà nhầm lẫn với người khác. Madalêna đã được Thầy Chí Thánh trừ bảy quỷ, đã từng theo chân Thầy đến dưới chân thập giá, hẳn hình bóng người Thầy mình yêu đã khắc đậm vào tâm khảm thế mà giờ đây lầm tưởng là người giữ vườn, kể ra hơi nghịch thường. Ta có thể lý giải rằng Madalêna đang trong cơn phiền muộn và đôi mắt đang ngấn lệ, rất dễ “trông gà hóa cuốc”. Thế nhưng với hai môn đệ đi thành Emau mà Tin Mừng Luca tường thuật thì chẳng có lý do gì để bào chữa. Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng đi với hai ông cả đoạn đường trên dưới 11 cây số thế mà họ cũng không nhận ra Ngài. Nếu dáng hình Đức Giêsu vẫn như xưa thật khó mà biện minh cho đôi mắt không chỉ một người mà cả hai người trong khoảng thời gian gần cả ngày ròng rã bách bộ bên nhau (x.Lc 24,13-29). Những lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ và môn đệ thì các Ngài đều tưởng là ma hoặc hoài nghi và hết sức kinh sợ (x.Lc 24,37; Mc 16,14; Mt 28, 17). Riêng Tin Mừng Mathêu có tường thuật Đức Giêsu Phục Sinh gặp các bà và họ ôm lấy chân Người và bái lạy Người nhưng vẫn còn sợ hãi. Trên bờ hồ Tibêria tuy trời đã sáng, Đức Giêsu đứng bên bờ hồ nhưng các môn đệ đều không nhận ra (Ga 21,4).

Với các chứng cứ Tin Mừng nêu trên chúng ta có thể khẳng định thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh đã được biến đổi khác trước nhiều. Điều này được thánh Phaolô xác nhận: “Ngày sau thân xác của chúng ta cũng sẽ được biến đổi như thân xác Phục Sinh của Đức Kitô” (x.Pl 4,21). Giả như sau này thân xác loài người chúng ta được sống lại mà vẫn như cái dáng vóc hiện tại thì bảo đảm 100% rất nhiều người chẳng muốn được sống lại. Là người, hình như ít ai hài lòng với số phận mình và với cả cái vóc dáng bề ngoài hiện nay của bản thân nhất là những người dị tật bẩm sinh (On n’est pas toujours content de son sort et même de son corps). Thật chẳng công bình chút nào đến khi thân xác được sống lại người ta lại phải mang lấy cái dáng vóc bất hạnh như hiện nay.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ MỘT ĐIỀU KHÔNG THAY ĐỔI

Thế thì chúng ta cần truy tìm một cái gì đó không thay đổi nơi Đức Giêsu Phục Sinh để làm căn cứ cho các tông đồ, các môn đệ, các bà nhận ra Thầy của mình. Phải có một cái gì đó không hề đổi thay. Xin mạo muội khẳng định đó là tình yêu của Đấng Cứu Độ. Dù trời đất có qua đi thì Lời của Ngày vẫn tồn tại và nhất là mối tình của Ngài dành cho nhân loại chẳng hề thay đổi. Cái tình, tấm lòng của một người được bày tỏ bằng nhiều cách thế: kiểu nói, cách làm, lối sống…

Phêrô và người môn đệ kia chạy ra mộ, hai Ngài vào trong mộ và người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin. Cái mà ông thấy đâu chỉ có cái ngôi mộ trống nhưng là băng vải để đó và khăn che đầu Đức Giêsu khi tẩm liệm. Khăn này không để lẫn với các dây băng nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi (x.Ga 20,1-10). Ông đã thấy dấu chỉ của một vị Thầy xưa đã từng ở giữa các ông như kẻ hầu người hạ (x.Lc 22,27). Mỗi người có nét riêng trong kiểu sống, cách thế làm việc. Đã yêu nhau thời rất dễ nhận ra nhau qua các dấu chỉ quen thuộc: tiếng dép lê, cách ho, kiểu nói, cách sắp xếp vật dụng… Sự gọn gàng ngăn nắp như thế này chính tay Thầy chứ không một ai khác vào đây. “Ông Phê-rô và môn đệ liền kia đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”(Gio 19,3-8).

Hai môn đệ trên đường Emmau cả ngày bên Thầy chí thánh mà mắt vẫn như mù dù trời vẫn sáng. Đến khi trời đã tối, vị khách được mời cầm bánh bẻ ra trao cho hai ông. Người mời phải là người phục vụ chứ. Sao khách lại làm công việc phục vụ của chủ? Khách chủ đổi ngôi. Dù trời đã tối nhưng mắt hai ông chợt sáng, vì bóng dáng vị Thầy “đến không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ…” đây rồi. Hẳn đã hơn hai lần các ngài quen thuộc hành vi bẻ bánh phục vụ này của Thầy Giêsu. Năm ngàn và bốn ngàn người đàn ông ăn no nê chưa kể đàn bà và con trẻ. Diện mạo dù có đổi thay nhưng trái tim của Thầy vẫn mãi trước sau như một.

“Maria” quay lại Madalêna thưa: “Rabbôni”. Kiểu gọi ấy Madalêna làm sao quên được. Từ khi ngươi còn trong lòng mẹ, Ta đã gọi tên ngươi. Tình cảm con người vẫn thường được bộc lộ nơi cách gọi tên nhau. Lũ nhỏ khi mẹ gọi tên chỉ cần phân biệt cung cách, giọng gọi là có thể biết phải nhanh chân để nhận quà, hoặc phải chần chừ để khỏi bị rầy la.

Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá (x.Ga 21,6). Trời đã tảng sáng bắt được gì đây? Vị khách lạ muốn làm thầy các tay ngư phủ lão luyện này chắc? Dẫu sao cũng là một tấm lòng. Đã có lòng thì quan tâm đến kẻ khác bất chấp hoàn cảnh thuận nghịch. Ba năm trước đó, Phêrô tuân lệnh cách chẳng đặng đừng, nhưng hôm nay có cái gì đó khiến ông và các môn đệ làm ngay cái điều xem ra nghịch lẽ với nghề đánh cá. Thả lưới ban ngày mà được ngay một mẻ cá lạ lùng đủ các loại (153 con). Giác quan thứ sáu chăng hay tình gặp tình. Người môn đệ Chúa yêu nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21,7). Đấng mà năm xưa động lòng xót thương đoàn lũ dân chúng đói khát, Đấng mà năm xưa động lòng trước bao vất vả sinh kế của ngư dân giờ đây vẫn mãi chạnh lòng và thương xót. Xưa, cũng hoàn cảnh tương tự thì Phêrô sợ hãi: “lạy Thầy, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” thì nay chính ông đã vội vã nhảy xuống biển, bơi đến với Thầy.

“Bình an cho anh em Thầy đây đừng sợ!” (x.Lc 24,26; Ga 20,21.26; Mt 28,10). Tấm lòng của vị Thầy năm xưa lo lắng cho các môn đệ đang vất vả vì sóng gió giữa đêm khuya trên biển cả, giờ đây trong thân xác phục sinh chẳng có đổi thay. Thầy ban cho anh em sự bình an, sự bình an không như thế gian ban tặng. Đừng sợ, Thầy đã chiến thắng thế gian.

TIN LÀ THẤY MỘT ĐIỀU VÀ QUA ĐÓ TA NHẬN MỘT ĐIỀU KHÁC

“Và đây, Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi “những tấm lòng” đang sống chung quanh ta chăng? Có thể là một người cùng niềm tin mà cũng có thể là một người khác chính kiến với ta là chính Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện. Ta dễ nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi một Mẹ Têrêsa thành Calcutta, nhưng có thể chưa thấy Ngài nơi những người tự nguyện đứng giữa làn đạn của Palestin và Israel để mong nối lại nhịp cầu yêu thương hòa bình. Ta dễ tin nhận Chúa phục sinh hiện diện nơi Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II hay nơi nhiều vị thánh, ước gì ta cũng tin nhận Ngài nơi một người anh em lương dân hay một người chị phụ nữ khác tôn giáo đang xả thân vì hạnh phúc của đồng loại, đang hiến mình để cứu sống những mảnh đời bất hạnh, những người đang xả thân để chấm dứt chiến tranh đang xảy ra ở Ukraina...

Đức Giêsu Phục Sinh luôn là mầu nhiệm, vậy cần phải có con mắt đức tin. Có được một chút đức tin hẳn ta cũng sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh nơi một khán giả đang cổ võ cách vô tư và hết tình cho cả đội bóng đá Công Giáo lẫn đội Tin Lành ở Bắc Ailen trước những pha bóng đẹp trong một trận đấu sinh tử cho dù người ngồi kế bên có thể hiểu lầm đây là tên, nếu “không vô thần thì cũng là cộng sản” (Lm. Antony De Mello).

Nhân tình thế thái, thời hiện đại có vẻ nhiễu nhương vì hận thù, chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Đừng sợ ! Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta. Vẫn có đó những tấm lòng quyết sống chết cho hòa bình xanh, những con người hiến mình cho môi sinh trong lành. Vẫn có đó những con người chấp nhận đổ máu để cho nhân phẩm con người được tôn trọng. Vẫn có đó những con tim rộng mở cho những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi. Vẫn và đang còn đó những tấm lòng chấp nhận mọi hậu quả chỉ mong cho quê hương dân tộc cất cánh vươn cao trong hoà bình và công lý, mong cho đồng bào thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Vẫn có đó và vẫn còn đó… nhiều con người và nhiều cuộc đời để ta nhận ra Chúa Phục sinh mãi cùng ta đồng hành.

Tin rằng Chúa phục sinh, Chúa đang sống cũng có nghĩa là tin rằng trái tim con người vốn chai đá đang được Thánh Thần nung đốt để hoá nên thịt mềm (x.Ed 36,26). Một vị tổng thống nước cờ hoa đã từng xin thầy giáo dạy cho con mình rằng dẫu khi nào đó trong cuộc sống nó gặp vài ba người vô lại thì hãy vững tin rằng vẫn còn đó những con người có tâm, có lòng.

Chúa đã phục sinh, Chúa đã thắng thần dữ nhưng cuộc chiến giữa thiện-ác, lành-dữ vẫn đang tiếp diễn. Xin góp một chút tình nhỏ cho Chúa Phục Sinh hiện diện với con người nơi chính bản thân ta. Chúa đã phục sinh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Ngài vẫn đang diệt trừ sự dữ, điều xấu xa và làm cho nhân loại được sống, sống dồi dào qua người này, người kia cách nhiệm mầu. Góp một tiếng nói thẳng thắn để khử trừ sự bất công, gian ác ra khỏi môi trường ta sống, góp một việc làm bé nhỏ để xoa dịu nỗi đau của người bé phận, kém may mắn kề bên có lẽ là một trong những phương thế tuyên xưng Chúa đã phục sinh cách khả tín. Phải chăng chính vì khi ấy “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong tôi?”(x.Gal 2,20)

Kitô hữu chúng ta tiên vàn không lấy những ý thức hệ làm nền tảng cho động lực xây dựng thế giới, xây dựng xã hội loài người tiến đến chỗ hoàn thiện, nhưng động lực ấy phải được đức tin hướng dẫn và đức tin sẽ hoạt động trong đức ái (x.Gl 5,6). Trước hết, họ phải là những con người được tình yêu của Đức Kitô đụng chạm tới; những con người mà trái tim của họ đã được Đức Kitô chinh phục bằng tình yêu tự hiến cách vô điều kiện và đến cùng. Và qua đó, Người khơi dậy tình yêu tha nhân trong lòng họ. Như thế, Lời hướng dẫn của họ sẽ là câu rút từ Thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (5,14). (x.TĐ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Số 33).

MỘT VẤN NẠN MANG TÍNH THỜI SỰ:

Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhưng đừng quên phải trân trọng hoa trái ơn cứu độ. Chúa Kitô đã chịu tử nạn và phục sinh để ban sự sống đời đời cho nhân loại. Dù rằng sự sống đời đời là sự sống đằng sau cánh cửa sự chết, nhưng lại được đặt nền tảng ngay trong sự sống hôm nay, một sống trong công lý và sự thật, một sự sống trong tình yêu và an bình.

Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để con người được làm con cái Thiên Chúa. Chúa Kitô tự nguyện nên khó nghèo để chúng ta được nên sang giàu. Người chấp nhận chịu kết án bất công để chúng ta được sống trong công lý. Người chấp nhận bị cáo gian để chúng ta được sống trong sự thật, vì Người đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý. Người đón nhận mọi hậu quả của sự ganh tương, hận thù để chúng ta được sống trong an bình và tình yêu. Người chấp nhận chịu đóng đinh vào khổ giá để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ, giúp ta bước vào cảnh đời tự do của con cái Chúa…

“Thế hệ chúng ta phải hy sinh, phải chịu khổ, để cho thế hệ mai sau được hạnh phúc” Một khẩu hiệu hữu lý, hữu tình nhưng đã được lạm dụng và lợi dụng cho các chiêu bài chính trị một thời. Phải hy sinh, phải chịu khổ mãi cho cái ngày mai không bao giờ thấy mà vô tình hay hữu ý lãng quên rằng ngay thế hệ hôm nay cũng cần được trân trọng, cũng đáng được hưởng hạnh phúc. Tương tự như thế, một thái độ sống thụ động, cam chịu sự bất công, cam chịu bao cảnh gian dối, gian ác…với tình cách đại trà và lâu dài cũng có thể là đáng trách vì chưa trân trọng hoa trái của ơn cứu độ.

Thánh Luca tường thuật về sự kiện Chúa lên trời: Các Tông đồ trở về lòng đầy hân hoan đi rao giảng Tin Mừng. Các Ngài hân hoan vì cảm nghiệm luôn có Thầy Chí Thánh ở với mình. Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành với ta, đặc biệt bằng Thánh thần Người ban tặng. Chúa đang sống với chúng ta trên con đường gặp gỡ, yêu thương tha nhân của chúng ta. Tuy nhiên con đường ấy không phải lúc nào cũng êm ả, thuận buồm xuôi gió. Tình yêu đích thật luôn gắn liền với thập giá. Một lần nữa ta hãy nghe lời của Đức Kitô sai bảo chúng ta như xưa với các Tông Đồ: “Thầy sai anh em đi như con chiên ở giữa sói rừng. Vậy anh em hãy sống khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,15). Hãy sống yêu thương bằng cả con tim và khối óc, hết cả tấm lòng và hết cả sức lực, bằng cả tình cảm rất con người với mọi tính toán cân nhắc đồng thời bằng cả đức tin và niềm cậy trông. Đừng sợ, vì Chúa Kitô Phục Sinh đã chiến thắng thế gian.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột.
 
Hình ảnh ánh sáng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
09:10 16/04/2022
Hình ảnh ánh sáng

Trong đời sống con người cần có ánh sáng cho sinh hoạt trong đời sống: ánh sáng đèn điện, ánh sáng đốt thắp từ ngọn đèn dầu, từ ngọn nến.

Nhưng ánh sáng chiếu tỏa từ mặt trời quan trọng hơn hết. Phải nó là nền tảng cho sự sống, không có thứ loại ánh sáng nào khác có thể thay thế được. Nhờ ánh sáng đó sự sống mới phát triển cùng tồn tại được.

Ánh sáng vô hình, cùng không có âm thanh. Nó không có thể nắm bắt lại được. Ánh sáng chiếu tỏa và rồi lại qua đi. Mặt trời mọc lên chiếu sáng, sau đó theo chu kỳ vận hành lại lặn đi, sang vùng không gian bên kia, và ngày hôm sau lại mọc trở lại. Cứ mọc lặn như thế làm nên ban ngày có ánh sáng chiếu tỏa, ban đêm không có ánh sáng chiếu soi.

Vậy có thể diễn tả hình ảnh về ánh sáng trong đời sống được không?

Ánh sáng cần thiết cho sự sống trong thiên nhiên phát triển cùng tồn tại trên địa cầu. Cây cỏ thảo mộc cần có ánh sáng mới mọc lớn lên trổ sinh cành lá xanh tươi.

Ánh sáng quan trọng cần thiết cho đời sống thể xác và cả trí khôn tinh thần của con người. Chất bổ dưỡng (Vitamine) D, theo ngôn ngữ ảo thuật của khoa học y khoa, cũng được sản xuất tạo thành do từ ánh sáng mặt trời cho cơ thể con người. Khi thiếu không đủ chất bổ dưỡng D cơ thể sẽ trở nên yếu nhược bệnh tật, nhất là xương cốt.

Theo Kinh Thánh thuật lại (Sách Sáng Thế 1, 1-31) ngay từ khởi đầu khi bóng tối còn bao trùm khắp không gian, mọi nơi chốn còn trống rỗng, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, đã tạo dựng trước tiên ánh sáng: “Hãy có ánh sáng!” Và liền có ánh sáng.”.

Ánh sáng là công trình sáng tạo thiên nhiên đầu tiên làm khởi thủy căn bản cho các công trình sáng tạo thiên nhiên đất đai sông nước địa cầu, cho sự sống cây cỏ thảo mộc, thú vật và con người được thành hình tiếp tục phát triển và tồn tại.
Ánh sáng thuộc về nền tảng sự sống trong vũ trụ. Và ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong niềm tin tinh thần đạo giáo. Với người Kitô giáo, ánh sáng là sứ điệp đức tin quan trọng ngày lễ mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Hình ảnh ánh sáng không chỉ ở trong cung thánh, trong lòng thánh đường, nhưng còn cả ngoài thiên nhiên nữa.

Người Kitô giáo mừng kính lễ Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, từ đêm tối tội lỗi luôn luôn vào ngày chúa nhật trăng tròn tiết đầu mùa xuân, ban ngày và ban đêm dài ngắn bằng như nhau.

Bóng tối dài thời tiết mùa Đông bị ánh sáng mặt trời dần chiếu tỏa lấn lướt khiến đêm ngắn lại, ngày có ánh sáng chiếu soi dài thêm ra. Vạn vật trong thiên nhiên như thức giấc sau mùa Đông đen tối gía lạnh.

Thảo mộc cây cối bật bung nụ hoa xanh tươi tốt trồi ra bên ngoài từ thân cành cây…

Thú vật chui ra khỏi hang chuồng chạy nhảy bay lượn sinh con, kiếm mồi nuôi mình cùng con còn non mới chào đời.

Và con người cảm thấy thể xác cũng như tinh thần khoan khoái phấn khởi, sức sống niềm vui tươi bừng lên.

Từ hơn hai năm nay bị bệnh đại dịch Covid 19 đe dọa sức khoẻ đời sống con người, họ phải sống trong lo sợ, trong giới hạn, trong xa cách nhau, khiến mọi người trên thế giới buồn cùng mất bình an.

Và từ tháng trời nay ( từ ngày 24.03.2022) những tin tức hình ảnh hằng ngày nói về cảnh chiến tranh kinh hoàng bên đất nước Ukraina gây cảnh tàn phá chết chóc, khủng hoảng phải chạy trốn đi tỵ nạn, đe dọa hòa bình an ninh đời sống, gây nên cảnh đen tối đưa đến hoang mang lo sợ chao đảo sinh hoạt đời sống vật chất cũng như tinh thần khắp nơi trong mọi lãnh vực...

Nên không khí có ánh sáng chiếu soi là hình ảnh đóng vai trò quan trọng cần thiết cho sức sống niềm hy vọng, niềm vui vươn lên giữa cảnh lo âu hoang mang.

Ánh sáng luôn luôn giữ vai trò nền tảng trước tiên cho sức sống phát triển vươn lên, cho niềm hy vọng, cho sự sống mới nảy sinh.

Ánh sáng mặt trời mùa Xuân làm cho vạn vật thức giấc, sức sống mới bung nở vươn lên trong trời đất, sau những tháng dài chìm ngập trong bóng tối mùa Đông như đã chết.

Hình ảnh này giúp hiểu rõ nét hơn về mầu nhiệm phép lạ Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại: Từ cõi bóng tối đêm đen sự chết nảy sinh sự sống mới.

Con người do tội lỗi của Ông Bà nguyên tổ Adong Evà khi xưa trong vườn điạ đàng, bị chìm ngập trong án hình phạt tội lỗi. Nhưng nhờ qua sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, được sinh ra mới trở lại, nhận được ánh sáng mới, khung cảnh trời đất mới. Đó là ơn cứu chuộc của Thiên Chúa giải thoát sự sống phần linh hồn con người khỏi án hình phạt tội lỗi. Thân xác con người chết. Nhưng linh hồn được Thiên Chúa cứu độ cho về sống lại bên Ngài.

Đây là niềm tin, niềm hy vọng của người Kitô giáo. Thiên Chúa không để con người do Ngài tạo dựng cùng nuôi dưỡng thương yêu mãi mãi phải nằm trong mồ mả bóng tối sự chết.

Ánh sáng Chúa Giêsu Kitô phục sinh, biểu hiện qua hình ảnh ánh sáng Cây Nến Chúa Phục Sinh, chiếu tỏa ánh sáng niềm vui, niềm hy vọng ngày lễ mừng Chúa Giesu Kitô sống lại, loan báo tin mừng sự sống mới cho con người.

Mừng lễ Chúa Phục sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Ơn tái sinh nơi một gia đình
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:59 16/04/2022
ƠN TÁI SINH NƠI MỘT GIA ÐÌNH

MỪNG CHÚA PHỤC SINH

Ngày anh chị gặp nhau, rồi trở thành vợ chồng, anh vẫn chưa là người Công Giáo. Thế là chị bị rối do ngăn trở khác đạo.

Vào những năm khó khăn, gia đình anh chị bỏ đi kinh tế mới, lúc ấy đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn. Chồng không đạo, vợ bị rối, hai con sinh ra cũng đi trên lối mòn mà cha và mẹ chúng đã đi: không đứa nào được rửa tội.

Hoàn cảnh khó khăn, tưởng thoát ly gia đình ra đi như thế, tưởng sức chồng công vợ hợp tác mà thành, cộng với đôi bàn tay chai sần ngày ngày hòa trộn cùng những giọt mồ hôi mặn chát, xót xa, sẽ tạo ra cơm, ra mắm, ít nữa là cháo, là rau. Nhưng không ngờ, cuộc sống khắc nghiệt cho đến mức quá tàn nhẫn: càng lam lũ bao nhiêu, càng trắng tay bấy nhiêu.

Những ngày đầu phá đất hoang, sức trai vạm vỡ như anh, đã mang lại cho gia đình hy vọng: sẽ thoát khỏi đói nghèo. Nhìn những gốc cây bị lật ngược, sỏi đá được gom thành đống; gốc cây thì làm củi cho vợ, sỏi đá đắp nền nhà, mà cứ vui, mà phấn khởi. Một niềm tin đổi đời đang nhóm lên từng ngày của cả vợ lẫn chồng…

Nhưng thật mỉa mai chua xót, khi mà niềm vui chưa một lần dám thốt thành lời để khoe với họ hàng, cha mẹ, vẫn còn chôn kín trong hy vọng, thì những con muỗi rừng, những con muỗi đói đã chực cướp lấy mạng sống anh, và đứa con gái đầu lòng. Bao nhiêu tiền có được, chị bỏ ra hết để mong giữ được mạng sống của chồng, của con...

Cơn sốt rét tạm lắng, nhưng bệnh sốt rét vẫn cứ còn. Túng thiếu quá đỗi, chị kêu người ta bán luôn cả rẫy mì còn non nớt. Gia đình khốn khó, một người bệnh đã khổ, đàng này chị phải cưu mang đến hai người bệnh và đứa con trai thứ còn bồng trên tay.

Mọi vất vã, mọi thương đau đè nặng trên đôi vai quá mong manh của một phụ nữ như chị. Ðôi mắt chị thâm quần, lòng mắt đờ đẫn, xa xăm. Trên đôi mắt chứa nhiều niềm đau hơn nỗi vui ấy, những giọt nước mắt đã ráo khô tự lúc nào.

Chị đã khóc. Khóc nhiều lắm. Khóc cho gia đình. Khóc cho chồng, cho con. Chị khóc cho chính mình, cho số phận bạc phước, cho cả kiếp sống của chị bị Thượng Ðế lãng quên. Chị khóc nhiều lắm, nhưng nước mắt đã lăn ngược vào tim mất rồi...

Quá khắc nghiệt. Ba tiếng "kinh tế mới" nghe như đứt từng đoạn ruột. Gia đình anh chị chỉ còn một con đường duy nhất: chạy trốn!

Bỏ! Bỏ hết! Bỏ tất cả!

Tất cả chỉ là đôi bàn tay trắng cộng với ốm đói và bệnh tật...!

Ngày về lang thang, mang theo một gia tài rách rưới trở về quê cha đất mẹ mong tìm lại cuộc sống bình an...!

Ra đi, anh chị mang trong mình nhiều hy vọng. Nay trở về, chỉ là màn đêm chờ đợi. Sự đau buồn đã cướp mất của anh chị cả đến những tia hy vọng cuối cùng.

Một tấm tranh lợp nhà còn không có, sức khỏe của anh cũng không còn như xưa, nước da xanh như tàu lá chuối.

May nhờ một ông chủ lò chén mướn anh làm một việc hết sức nhẹ nhàng, gần như là bảo vệ: trông coi nhà cửa. Hàng ngày chị đi gánh nước mướn tạm sống qua ngày. Ông chủ lò chén thương tình cất cho gia đình anh chị một căn chòi vách tre, mái lợp lá.

Thế là cũng đủ cho những kẻ nghèo mạt kiếp như anh chị và các con của mình có nơi dung thân tạm sống qua ngày.

Hàng ngày chị gánh nước đi ngang trường học. Thấy đám trẻ con hồn nhiên quá, vui quá, những tiếng đánh vần bi bô cứ vang lên từng ngày, nghe mà nao lòng lắm.

Có đêm chị nằm mơ thấy hai đứa con chị cãi nhau về kết quả của một bài toán. Chị còn thấy đứa con gái lớn của chị đọc thuộc lòng một bài thơ mà ban sáng, chị nghe trong một lớp học nào đó, đám học sinh đọc thật to...

Giật mình tĩnh giấc, nước mắt chị ràn rụa, thấm ướt cả chiếc gối kê đầu: con chị còn chưa đánh vần nỗi một chữ cái đầu. Hóa ra kết quả của một bài toán, và tiếng đọc thơ của con chị chỉ là niềm mơ ước cháy bỏng tâm hồn người mẹ, làm chị xót xa đoạn trường, đã theo chị đi và từng giấc ngủ như thế…

Chị bàn với anh, thôi thì gia đình có nghèo, sự lận đận, anh chị cố gắng mà chịu. Dù sao kinh tế gia đình đã có phần ổn định, đã có thể lo cho con đi học, chắc chắn không đầy đủ như con người ta, nhưng được đi học, sau này chúng nó không tủi thân.

Vậy là chị lại nắm tay các con dẫn tới trường học. Nhưng chị có ngờ đâu, con chị đã qua cái tuổi học lớp một rồi. Tuy vậy, con trai chị vẫn được nhận vào lớp một.

Hết cách, chị đưa con gái vào trường bổ túc văn hóa. Ngay năm đầu tiên, các con đã đem về cho anh chị những niềm vui quá bất ngờ, quá lớn lao, có sức an ủi làm mát lòng cha mẹ chúng: Con gái anh chị chỉ một năm học đầu tiên đã học đúp hai lớp, lớp một và lớp hai. Còn cháu trai được xếp hạng nhì, đem về nào phần thưởng, nào giấy khen. Nhận giấy mời đến trường dự lễ phát thưởng của con mình, anh chị như có phần trút bớt nỗi lầm lũi, bớt tủi thân.

Cháu gái con anh chị, sau khi đi học hai năm, đã học hết chương trình cấp một. Tin vào sự thông minh của con mình, cuối năm lớp sáu, anh chị làm đơn xin chuyển trường cho con từ bổ túc sang trường phổ thông. Người ta chấp nhận. Hết năm lớp 12, con gái anh chị thi vào Ðại học Sư phạm. Ngày cô chị bắt đầu vào đại học, thì cũng là ngày cậu em lên lớp 10. Cô chị tốt nghiệp đại học, cậu em cũng tốt nghiệp phổ thông…

Cô con gái của anh chị sau vài năm đi dạy học, đã có người yêu. Vô cùng may mắn, người yêu của cô là một người Công Giáo, cũng dạy học như cô.

Kể từ khi con gái làm bạn với người Công Giáo, bỗng dưng cảm thức đức tin ngày xưa trở lại trong lòng chị. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, cụm từ "người Công Giáo", đối với chị đã trở thành xa vắng từ lâu, đức tin đã tắt ngúm, bây giờ bỗng le lói.

Chị nhớ lại, ngày xưa chị cũng đã từng theo mẹ đến nhà thờ. Lớn lên chị cũng đã từng mặc áo dài tha thước đi dự lễ ngày Chúa nhật. Thế là chị quyết định cho con theo đạo lập gia đình.

Ðiều khó khăn chị gặp phải lúc này là anh không đồng ý quyết định của hai mẹ con. Chị lén chồng đưa con tới nhà thờ gặp linh mục. Chị đã thật thà kể hết mọi chuyện trong gia đình của mình cho linh mục nghe.

Vị linh mục quyết định đến thăm gia đình anh chị. Lần đầu tiên cả gia đình còn ngại, xa cách linh mục. Nhưng cuối cùng, anh đã chấp nhận cho con theo đạo, và chấp nhận làm phép chuẩn với chị để chị thong dong giữ đạo...

Sau bao nhiêu năm trời xa cách, vị linh mục đã coi sóc nhiều giáo xứ. Bây giờ vị linh mục trẻ ngày xưa cũng đang vào tuổi già, bất ngờ thăm lại gia đình anh chị.

May mắn, anh chị vẫn còn ở ngôi nhà xưa, nhưng khang trang, sạch sẽ. Giờ đây anh chị cũng đã già, nhưng cả hai vẫn còn khỏe mạnh. Gặp lại vị linh mục ân nhân ngày nào, anh chị mừng mừng tủi tủi, xúc động tràn lên khóe mắt...

Vị linh mục còn nhận thêm một tin vui lớn hơn tất cả mọi niềm vui. Chắc chắn, đó là việc Chúa thực hiện để chúc lành cho gia đình này: Vài năm sau khi lãnh nhận phép chuẩn, chính anh đã tự ý xin học đạo.

Cậu con trai của anh chị, ngày xưa anh từng tuyên bố, nó là con đích tôn, phải lo giữ đạo ông bà. Vậy mà trong thời gian học giáo lý, anh cũng đưa cháu theo, cả hai cha con cùng ngồi chung bàn học giáo lý. Giờ đây, cả nhà, từ anh chị đến con cháu, dâu rể đều là Kitô hữu...

Các con của anh chị đã ổn định cuộc sống. Anh chị sống chung trong căn nhà xưa với người con trai và nàng dâu của mình. Người con gái và chàng rể có nhà mới cách xa chừng vài trăm mét. Anh chị có đến sáu cháu nội ngoại và hai cháu cố. Một cháu nội và hai cháu ngoại của anh chị cũng mới lập gia đình vài năm nay...

Tuy không quá giàu có, các con của anh chị sống thảo hiếu với cha mẹ chúng. Tiếc là khi vị linh mục đến thăm, không gặp lại các cháu và dâu rể của anh chị vì tất cả đều đi làm, phải đến chiều mới về.

Dù vậy, niềm vui vẫn tràn ngập trong gia đình anh chị. Mọi vất vả, mọi đau khổ ngày nào, tạo nên kết quả của ngày hôm nay, đã trở thành một kỷ niệm, một dấu ấn mà tâm khảm của mọi người trong nhà này không dễ xóa nhòa.

***

Nhớ lại đêm Phục Sinh năm ấy, khi chứng kiến chồng và con của mình lần đầu tiên trở thành Kitô hữu, thành môn đệ của Chúa Kitô, thành Con Thiên Chúa, đứng chung hàng ngũ cùng mọi người con của Hội Thánh Công Giáo, chị lại xúc động...

Còn vị linh mục lại thêm một lần xã tín, Chúa đâu chỉ phục sinh thân xác của mình, mà Chúa còn phục sinh trong cõi hồn con người để tái sinh, để đổ tràn đầy sức sống Phục Sinh của Ngài.

Từ ngàn xưa, đêm vọng Phục Sinh đã là đêm tưng bừng, đêm tràn ngập ánh sáng, cả Hội Thánh vui mừng trong khúc ca Alleluia mà ngợi khen Chúa.

Ðêm mà Thiên Chúa đi tìm con người, mang lên vai trở về để trao tặng tình yêu và ơn cứu độ (Lc 15, 5).

Ðêm mà mọi Kitô hữu vô cùng hân hoan diễn tả lòng yêu mến Chúa, sự tôn thờ Thiên Chúa của mình bằng những lời ca hay nhất, bằng những tiếng reo vang dội: "Vang lên muôn lời ca, ta ca tụng Chúa, vì uy danh Ngài cao cả".

Ðêm cực thánh, đêm đại lễ, xứng đáng là đêm của mọi đêm, lễ mẹ của mọi lễ. Chúa Kitô đã làm cho nấm mồ chôn xác Ngài trở thành huyệt mả chôn tội lỗi.

Chúa Kitô đã chỗi dậy, đã khải thắng, đã giết chết tử thần. Chính đêm nay Chúa Kitô phục sinh đã làm bừng lên sức sống mới.

Và trong đêm vô cùng thánh thiện của lễ Phục Sinh năm ấy, anh và con trai của anh chị bước lên cung thánh dỏng dạc tuyên xưng đức tin trước mặt cả cộng đoàn đông hàng ngàn người.

Dòng nước vừa mới làm phép xong, đã trở nên dòng nước thanh tẩy và thánh hiến.

Và gia đình anh chị là những người đầu tiên lãnh nhận ơn thánh hiến từ dòng nước mới ấy: Từ đêm Vọng Phục Sinh ấy, họ đã thuộc về Chúa Kitô. Tôi tin, trong đời sống của mình, họ đã từng chết cho tội lỗi để sống cho Chúa Kitô. Rồi khi quyết định nhận chìm quá khứ trong dòng nước của đêm khải hoàn, gia đình anh chị đã tái sinh.

Có người Công Giáo nào, sau nhiều năm lặn lội trong biển đời mênh mông, đức tin xem ra vuột mất, bị cuộc đời vùi dập, đức tin như chỉ còn là sợi chỉ mỏng như tơ chôn chặt thẳm sâu trong lòng, giờ đây có dịp bùng lên, lại không cảm thấy niềm an ủi tràn đầy, lại không cảm thấy cuộc đời quá đổi thiêng liêng, và như trút bỏ cả một gánh nặng lương tâm bấy nhiêu năm.

Dẫu đức tin đã trở thành như chỉ là kỷ niệm, thì cảm thức về một kỷ niệm như thế vẫn đủ để người ta nhận ra mình, vẫn đủ để thêm sức cho người ta trở lại với huyền nhiệm của tình yêu, một thứ tình không phải đến từ con người nhưng do Thiên Chúa rộng rãi trao ban.

Cũng vậy, thắp sáng trên tay ánh lửa lấy từ nến phục sinh, chính chị cũng đã nhận ra rằng, ngọn lửa đức tin mà bao năm tháng chỉ còn trơ một chút tàn, bỗng dưng bùng cháy, xóa tan mọi mặc cảm, xóa tan mọi bất bình an. Trong đêm mừng Chúa Phục Sinh vui mừng của năm ấy, chị đã khóc. Không còn là giọt nước mắt đau khổ của một thời nghiệt ngã gắn liền với ba chữ "kinh tế mới", nhưng là giọt hạnh phúc của tình yêu Thiên Chúa, của ơn Phục Sinh khải thắng trong chính tâm hồn, trong chính gia đình anh chị.

Ngày xưa chị cũng khóc. Nhưng giọt nước mắt của hai lần khóc khác nhau lắm. Giọt nước mắt bây giờ cứ tự nhiên rơi xuống trên làn môi đầm thắm và hạnh phúc, không còn là giọt đau xót ngẹn ứ và ảm đạm.

Ơn tái sinh quá diệu kỳ. Không chỉ hồi sinh sức sống của tâm hồn, mà còn trả lại cho con người biết bao nhiêu niềm thương, niềm bình an, thay cho những gì là thương đau chừng như giết chết con người trong vũng của thê lương bất hạnh.

Mới hay, khi con người tìm về tình yêu của Chúa, hoặc trở lại với tình yêu muôn đời bền vững ấy, họ sẽ nhận lại mọi phẩm chất, mọi giá trị, bất kể là sự sống của tâm hồn hay của thể chất.

Nguyện xin bình an của Chúa Kitô Phục sinh ở lại trong tâm hồn của mỗi thành viên trong gia đình anh chị.

Chúng ta cũng thế. Chúng ta cũng rất cần ơn tái sinh của Ðấng Phục Sinh, để bình an và sức sống mới của Ngài có khả năng biến đổi những gì còn khô cằn, còn mang dáng dấp sự chết trong ta thành ánh sáng của hoa trái thánh thiện. Vì thế nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ở lại trong cuộc đời mỗi chúng ta.
 
Khi Trời Giải Nghĩa Yêu !
Sơn Ca Linh
08:38 16/04/2022
Khi “Trời Giải Nghĩa Yêu” !

“Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Người ta yêu,
Khi cố trao nhau những món quà rất cao, rất lạ !
biệt thự triệu đô, nhẫn kim cương, hột xoàn…
Gấm vóc lụa là, những chiếc xe hạng sang…
Để gọi là “tình yêu mâm vàng chén ngọc” !

Người ta yêu,
Khi rưng rức giọt lệ sưng vù mắt khóc,
Khi lê thê những bức thư tình dài trang…
Khi quấn quýt ngọt ngào những đêm hoang,
Khi héo hắt buồn đau những ngày xa vắng !

Người ta yêu,
Khi ký kết một “hợp đồng giai đoạn”,
“Hay thì còn ở, dở thì bỏ đi” !
Chẳng có gì bền vững, dài lâu… chỉ nhiệm kỳ,
Câu nệ làm chi chuyện trung thành, chung thủy !

Người ta yêu,
Chỉ còn đẹp trong tiểu thuyết hay trong mộng mị,
Giữa đời thường chỉ vọng nhiều tiếng nấc oán than !
Biết bao gam màu tăm tối, phản bội, gian nan…,
Chôn tình yêu dưới những nấm mồ hoang lạnh !...

Người ta yêu,
Họa hiếm lắm mới có một chuyện tình lấp lánh,
Khi ai đó sẵn sàng từ bỏ cả ngai vàng,
Khi hoàng tử, công chúa khước từ danh vị cao sang,
Để nên giống người yêu,
Một phụ nữ tầm thường, một đàn ông dân giả !...

Nhưng, Chúa yêu,
Một tình yêu nhiệm mầu rất lạ,
Khi trao ban Người Con Một chí thánh tự trời cao,
Một của cho đi, một quà tặng hiến trao,
Để Giao ước tình yêu thắm màu ơn cứu độ !

Và Chúa yêu,
Khi chấp nhận làm con người bé nhỏ,
Để đồng hành, nhịp bước giữa anh em.
Sẵn sàng làm tôi tớ, cúi xuống rửa chân,
Chọn thập giá, mối tình sâu bằng cái chết !

Lại một “Chiều Thứ Sáu” trở thành bất diệt,
Khi thế gian lặng nghe “Trời giải nghĩa yêu” (1) !
Nghe vọng về bài tình khúc mỹ miều,
Chúa đã yêu con người,
Bằng mối tình sâu mãi muôn đời bất diệt !

Sơn Ca Linh (Thứ Sáu – Thứ Bảy Tuần Thánh 2022)

GHI CHÚ:

(1) Những lời trong bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo;
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu...

 
Có Những Đêm Chờ Sáng
Sơn Ca Linh
21:14 16/04/2022
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1).

Có một đêm Sabat,
Để cô Mai-đệ-liên chong đèn chờ sáng !
Và đã có 50 đêm,
Những người mẹ, người chị Ukraina
Thức trắng cầm canh !
Và nếu sau một đêm,
Ngày thứ Bảy Sabat với huyệt mộ yên lành,
Cô Mai-đệ-liên bỗng thức choàng,
Với Đấng Phục Sinh và niềm vui vỡ òa “hạnh ngộ” !

Thì đã sau 50 đêm,
Bình minh nào ở Ukraina cũng rền vang tiếng nổ,
Mắt mẹ, mắt chị thâm quầng, hằn dấu thương đau.
Đấng Phục Sinh,
Ngài có về không mà chẳng thấy tăm hơi,
Toàn chết chóc, thê lương, những nấm mồ hoang lạnh !

Nhưng vì Ngài đã phục sinh,
Nên Ma-đệ-liên đã reo vang niềm vui thiêng thánh,
Nên bước chân của Gioan, Phêrô…
Của những chàng trai, cô gái trên vạn nẻo Emmau,
Đã bừng lên khí thế để nhịp bước, mặc kệ khổ sầu,
Khi mang lửa trong tim,
Ngọn lửa của “Tin vui sáng bình minh Ngày Thứ Nhất” !

Nên chắc chắn,
Sau những đêm không ngủ dưới làn mưa đạn chất ngất,
Những mẹ, những chị,
Những chàng trai lính chiến Ukraina,
Vẫn rạng ngời trong tim niềm hy vọng bao la,
Sẽ có một bình minh,
Một “sáng phục sinh” cho một ngày chiến thắng !

Nên đã hai ngàn năm,
Thế giới vẫn còn những “đêm chờ sáng”,
Vẫn còn những “cô trinh nữ chong đèn đợi Đấng Tình Quân” !
Vẫn còn những mẹ, những chị… chịu thương chịu khó âm thầm,
Để căn nhà thế giới,
Vẫn ấm, vẫn sáng lên lên niềm tin yêu hy vọng !

Nên cho dẫu hôm nay,
Vẫn còn đó những đêm dài chiến tranh, bom đạn…
Vẫn ngập tràn hận thù, chết chóc, thương đau…
Nhưng vì Ngài đã chấp nhận đi qua “một chiếc cầu”,
Đã bị treo lên,
Nên cả nhân loại dù loang lổ vết thương,
Đã được chính Ngài nâng lên từ dạo ấy !

Thì ra,
Câu chuyện bình minh Ngày Thứ Nhất, Chúa sống lại,
Đang gọi mời không chỉ riêng ai,
Hãy có những đêm chờ sáng mong đợi Ngài,
Bởi ở nơi cuối đường kia,
Đấng Phục Sinh đang trở về và Ngài đang đứng đợi !

Sơn Ca Linh (Phục Sinh 2022)

 
VietCatholic TV
Lễ Vọng Phục Sinh sớm nhất trên thế giới đã diễn ta tại Giêrusalem, bên ngôi mộ trống
VietCatholic Media
07:22 16/04/2022


Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 16 tháng Tư, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.

Theo truyền thống của Giáo Hội Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Giêrusalem, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh vào lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục Phụ Tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục Phụ Tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.

Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana là sứ thần Tòa Thánh tại Israel và Palestine và Đức Cha Giorgio Lingua, là sứ thần Tòa Thánh tại Jordan.

Trong thông điệp Phục sinh gởi cho các tín hữu trong vùng ký bởi 13 nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô tại Giêrusalem bao gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Giáo Hội Armenia Tông Truyền, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria, Chính Thống Giáo Ethiopia, và các hệ phái Tin Lành, các vị viết:

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại (1 Pet 1:3).

Chúng tôi, các Thượng Phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem, cùng nhau gửi lời chúc Phục Sinh của chúng tôi và lời hân hoan công bố Tin Mừng Phục Sinh của Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Từ Giêrusalem, nơi Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, chúng tôi ban phước lành cho các tín hữu đang cử hành Lễ Phục Sinh vào thời điểm hồng phúc này.

Trong hơn hai ngàn năm qua, những người hành hương đã theo bước chân của Chúa Giêsu và tuôn đến Giêrusalem để nhìn thấy ngôi mộ trống. Sự phục sinh của Chúa chúng ta là một sự kiện lịch sử bao gồm sự đổi mới toàn bộ trật tự vũ trụ và canh tân khuôn mặt của toàn bộ sáng tạo. Đây là thời gian mà Gia Đình Kitô Giáo trên toàn thế giới ghi nhớ công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Giêrusalem, Thành phố của Hy vọng và Phục sinh, vẫn là một biểu tượng thiêng liêng cho ơn cứu rỗi và một sự phản chiếu của Giêrusalem mai sau trên trời. Trong thực tế, tính chất thiêng liêng, hiệp nhất và siêu nhiên này của Giêrusalem vẫn tiếp tục là một ngọn hải đăng cho hy vọng, hòa bình, và cuộc sống cho người dân trong khu vực này và trên toàn thế giới. Chúng tôi cầu nguyện rằng ở đây, nơi Thánh Địa này, chúng tôi có thể tiếp tục mà không bị cản trở để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi như những biểu hiện của Tin Mừng sống động trong việc phục vụ người nghèo, tìm kiếm công lý và bước đi trong ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng trước khi Chúa Giêsu lên trời vinh hiển, Ngài đã phải trải qua cuộc thương khó, và trước khi bước vào vinh quang Ngài đã bị đóng đinh. Chúng ta cầu nguyện lên Thiên Chúa toàn năng để những người đang bước theo con đường thập giá có thể thấy rằng đó là con đường của hy vọng, bình an và sự sống. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những ai đang đau khổ tại khu vực này và trên toàn thế giới, và tất cả những ai đang phải chịu đựng trong im lặng; cho những người tị nạn, và những người phải di dời, cho những ai đang bị áp bức, những ai trong tình cảnh quẫn bách, cho tất cả nạn nhân của bạo lực và phân biệt đối xử, và cho tất cả những người cố gắng mưu cầu công lý và hòa giải.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta từ trong kẻ chết là lời nhắc nhở thường xuyên rằng quyền năng của sự dữ và cái chết sẽ không có tiếng nói cuối cùng, thay vào đó sự sống đã chiến thắng cái chết và bóng tối. Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với chính Ngài trong Đức Chúa Giêsu Kitô và mời gọi chúng ta tiếp bước Người trong sứ vụ hòa giải. Xin Chúa Phục Sinh củng cố chúng ta qua Thánh Thần của Ngài để chúng ta có thể bước đi trong ánh sáng phục sinh của Người để yêu mến, phục vụ và mang lại Tin Mừng cho tất cả mọi người.

Chúa Kitô đã sống lại. Alleluia! Ngài thực sự đã sống lại. Alleluia!
 
Phụng Vụ huy hoàng lễ Vọng Phục sinh tại Vatican. Ukraine cử phái đoàn tham dự
VietCatholic Media
23:00 16/04/2022

Lúc 7g30 tối thứ Bẩy 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Lễ Vọng Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tập trung bài giảng của ngài về cách các phụ nữ trong Tin Mừng giúp chúng ta nhìn thấy “tia sáng đầu tiên của buổi bình minh cuộc sống Thiên Chúa vươn lên trong bóng tối của thế giới chúng ta,” và dạy chúng ta nhìn, nghe và loan báo Lễ Vượt Qua của Chúa từ sự chết cho đến sự sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Lễ Vọng Phục sinh vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, với 5.500 người hành hương. Lễ kỷ niệm này là lễ trang trọng nhất và cao quý nhất trong tất cả các Lễ Trọng.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài giảng của mình và rửa tội cho bảy tân tòng. Đức Giáo Hoàng đã bị đau đầu gối trong những tháng gần đây, là điều mà ngài cũng đã đề cập khi nói chuyện với các nhà báo gần đây sau chuyến hành trình mục vụ tới Malta.

Có mặt trong thánh lễ là các thành viên của một phái đoàn từ Ukraine, bao gồm các đại diện của chính quyền địa phương và quốc hội của đất nước, là những người đã được gặp Đức Giáo Hoàng ngay trước khi nghi lễ bắt đầu.

Phái đoàn bao gồm thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, hiện phải sống lưu vong, vì quân Nga đã chiếm được thành phố này. Đức Giáo Hoàng đã đặc biệt chào đón ông trong lễ kỷ niệm.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp của những đêm đầy sao. Tuy nhiên, những đêm chiến tranh bị xé toạc bởi những ánh chớp báo hiệu cái chết. Trong đêm này, anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho những người phụ nữ của Tin Mừng dắt tay chúng ta, để cùng với họ, chúng ta có thể nhìn thấy những tia nắng đầu tiên của bình minh cuộc sống Thiên Chúa đang ló dạng trong bóng tối của thế giới chúng ta. Khi bóng đêm bị xua tan trước khi ánh sáng yên tĩnh đến, những người phụ nữ lên đường đến ngôi mộ để xức dầu cho xác Chúa Giêsu. Ở đó, họ đã có một trải nghiệm đáng kinh ngạc. Đầu tiên, các bà phát hiện ra rằng ngôi mộ trống rỗng; rồi các bà nhìn thấy hai nhân vật mặc quần áo sáng chói nói với các bà rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Lập tức các bà chạy về báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24:1-10). Các bà đã thấy, nghe, và tuyên bố. Với ba động từ này, xin cho chúng ta cũng được bước vào lễ Vượt qua của Chúa từ sự chết cho đến sự sống.

Những người phụ nữ đã nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự sống lại không phải là một lời tuyên bố được mở ra, nhưng là một dấu hiệu cần được chiêm ngưỡng. Trong một khu nghĩa trang, gần một ngôi mộ, ở một nơi mà mọi thứ lẽ ra phải trật tự và yên bình, các bà “tìm thấy hòn đá lăn ra khỏi ngôi mộ; nhưng khi họ vào thì không thấy xác đâu “(câu 2-3). Lễ Phục sinh bắt đầu bằng cách làm đảo lộn những mong đợi của chúng ta. Ngày lễ này đi kèm với món quà của một niềm hy vọng khiến chúng ta ngạc nhiên và sững sờ. Vậy mà để đón nhận món quà đó không dễ chút nào. Đôi khi - chúng ta phải thừa nhận rằng - niềm hy vọng này không tìm thấy chỗ đứng trong trái tim chúng ta. Giống như những người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta bị bao trùm bởi những thắc mắc và nghi ngờ, và phản ứng đầu tiên của chúng ta trước dấu hiệu bất ngờ là một sự sợ hãi: “Họ kinh hãi và cúi mặt xuống đất” (câu 5).

Tất cả chúng ta thường nhìn cuộc sống và thực tế với đôi mắt u ám; chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào ngày đang trôi qua này, chán nản với tương lai, chỉ quan tâm đến bản thân và nhu cầu của mình, chìm vào ngục tù của sự thờ ơ, thậm chí ngay khi chúng ta liên tục phàn nàn rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Bằng cách này, chúng ta dừng lại trước ngôi mộ của sự cam chịu và chủ nghĩa định mệnh, và chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Tuy nhiên, đêm nay, Chúa muốn ban cho chúng ta đôi mắt khác, sống động với hy vọng rằng nỗi sợ hãi, đau đớn và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng trên chúng ta. Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, chúng ta có thể từ hư vô trở thành sự sống. “Cái chết sẽ không thể cướp đi mạng sống của chúng ta được nữa” (K. RAHNER), vì cuộc sống đó giờ đây được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa bao bọc trọn vẹn và vĩnh viễn. Đúng vậy, cái chết có thể khiến chúng ta khiếp sợ; nó có thể làm tê liệt chúng ta. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy ngước nhìn lên, vén bức màn buồn phiền và u sầu khỏi đôi mắt, và mở lòng đón nhận niềm hy vọng mà Chúa mang đến!

Trong động từ thứ hai, những người phụ nữ đã nghe thấy. Sau khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống, hai người đàn ông mặc quần áo sáng chói nói với họ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết? Ngài không ở đây, nhưng đã sống lại “(câu 5-6). Chúng ta nên lắng nghe những lời đó và lặp lại chúng: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu tất cả những gì cần biết về Chúa, và có thể nuôi dưỡng Ngài trong những ý tưởng và phạm trù của riêng chúng ta, chúng ta hãy lặp lại với chính mình: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm Chúa chỉ trong những cảm xúc, thường thoáng qua, và chỉ tìm kiếm Ngài trong những lúc cần thiết, rồi sau đó đặt Ngài sang một bên và quên Ngài đi trong phần còn lại của cuộc sống và trong những quyết định hàng ngày của chúng ta, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây! Và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể giam cầm Ngài trong lời nói của chúng ta, trong công thức của chúng ta, và trong cách suy nghĩ và hành động thông thường của chúng ta, và bỏ bê việc tìm kiếm Ngài trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người khóc, những người đang phải vật lộn, đau khổ và hy vọng, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây!

Chúng ta cũng có thể nghe thấy câu hỏi được đặt ra cho những người phụ nữ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết?” Chúng ta không thể cử hành Lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục là người chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; Nếu trong cuộc đời, chúng ta thiếu can đảm để mình được Thiên Chúa tha thứ, Đấng đã tha thứ mọi sự, hãy can đảm để thay đổi, hãy đoạn tuyệt với những công việc của sự dữ, hãy quyết định dành cho Chúa Giêsu và cho tình yêu của Người. Nếu chúng ta tiếp tục giản lược đức tin thành một lá bùa hộ mệnh, chúng ta biến Thiên Chúa thành một kỷ niệm đáng yêu từ xa xưa, thay vì gặp gỡ Ngài ngày nay như một Thiên Chúa hằng sống luôn mong muốn canh tân chúng ta và thay đổi thế giới của chúng ta. Một Kitô Giáo tìm kiếm Chúa giữa đống đổ nát của quá khứ và đặt Ngài trong ngôi mộ của thói quen là một Kitô Giáo không có Lễ Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng quanh quẩn đợi chờ giữa các ngôi mộ, nhưng hãy chạy đi tìm Ngài, Đấng Hằng Sống! Chúng ta cũng đừng sợ tìm kiếm Người trong khuôn mặt của anh chị em chúng ta, trong câu chuyện của những người hy vọng và ước mơ, trong nỗi đau của những người đau khổ: Chúa ở đó!

Cuối cùng, những người phụ nữ tuyên bố. Họ đã tuyên bố điều gì? Niềm vui của sự phục sinh. Lễ Phục sinh không chỉ xảy ra để an ủi những người thương tiếc cái chết của Chúa Giêsu, nhưng làm cho họ mở lòng ra đón nhận thông điệp phi thường về sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với sự dữ và sự chết. Ánh sáng của sự phục sinh không nhằm mục đích để các phụ nữ đắm chìm trong niềm vui, mà là để tạo ra các môn đệ truyền giáo “trở về từ ngôi mộ” (câu 9) để mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là lý do tại sao, sau khi nhìn thấy và nghe thấy, các bà đã chạy đến loan báo cho các môn đệ về niềm vui phục sinh. Họ biết rằng những người khác có thể nghĩ rằng họ đã hóa điên; quả thật, Phúc Âm nói rằng những lời nói của phụ nữ “đối với các ông dường như là một câu chuyện vu vơ” (câu 11). Tuy nhiên, những người phụ nữ đó đã không quan tâm đến danh tiếng của họ, không màng đến việc giữ gìn hình ảnh của họ; họ đã không kiềm chế cảm xúc của họ hoặc cẩn trọng trong lời nói của mình. Họ chỉ có ngọn lửa trong lòng để mang tin tức, là lời tuyên xưng: “Chúa đã sống lại!”

Và thật đẹp biết bao khi một Giáo hội có thể chạy theo con đường này qua các đường phố của thế giới chúng ta! Không sợ hãi, không âm mưu, thủ đoạn, nhưng chỉ với mong muốn dẫn mọi người đến niềm vui của Tin Mừng. Đó là điều chúng ta được mời gọi để làm: trải nghiệm Chúa Kitô Phục sinh và chia sẻ kinh nghiệm với người khác; lăn đá khỏi ngôi mộ nơi chúng ta có thể đã bao bọc Chúa, để truyền niềm vui của Ngài trên thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, sống lại từ tất cả những ngôi mộ mà chúng ta đã niêm phong Ngài. Chúng ta hãy giải thoát Chúa khỏi những phòng giam chật hẹp mà chúng ta vẫn thường giam cầm Ngài. Chúng ta hãy thức tỉnh khỏi giấc ngủ yên bình của mình và để Ngài khuấy động và làm phiền chúng ta. Chúng ta hãy đưa Ngài vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta: qua những cử chỉ hòa bình trong những ngày này được đánh dấu bởi sự khủng khiếp của chiến tranh, qua những hành động hòa giải giữa những mối quan hệ tan vỡ, những hành động nhân ái đối với những người cần giúp đỡ, những hành động công bằng giữa những tình huống bất bình đẳng và sự thật trong giữa sự dối trá. Và trên hết, thông qua các tác phẩm của tình yêu và tình huynh đệ.

Thưa anh chị em niềm hy vọng của chúng ta có một cái tên: là danh thánh của Chúa Giêsu. Ngài đã vào ngôi mộ là tội lỗi chúng ta; Ngài đi xuống những vực sâu mà chúng ta cảm thấy lạc lõng nhất; Ngài len lỏi qua những mớ bòng bong của nỗi sợ hãi của chúng ta, mang gánh nặng của chúng ta và từ vực thẳm tăm tối của sự chết đã phục hồi cho chúng ta sự sống và biến sự thương tiếc của chúng ta thành niềm vui. Chúng ta hãy mừng lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Ngài vẫn sống! Hôm nay, Ngài cũng bước vào giữa chúng ta, thay đổi chúng ta và giải thoát chúng ta. Nhờ Người, cái ác đã bị cướp đi sức mạnh của nó; thất bại không còn có thể kìm hãm chúng ta bắt đầu lại; và cái chết đã trở thành một lối đi dẫn đến những khuấy động của cuộc sống mới. Vì với Chúa Giêsu, Chúa Phục sinh, không có đêm nào kéo dài mãi mãi; và ngay cả trong đêm đen mờ mịt nhất, trong bóng tối đó, sao mai vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Thưa ngài Thị trưởng, các nghị sĩ, trong bóng tối mà các bạn đang sống này, bóng tối dày đặc của chiến tranh, của sự tàn ác, tất cả chúng tôi đang cầu nguyện, cầu nguyện cùng các bạn và cho các bạn trong đêm nay. Chúng tôi đang cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho các bạn sự đồng hành của chúng tôi, lời cầu nguyện của chúng tôi và nói với các bạn: “Hãy can đảm lên! Chúng tôi đang đồng hành cùng các bạn! “ Và cũng muốn nói với bạn điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi đang kỷ niệm ngày hôm nay: Christòs voskrés! Chúa Kitô đã sống lại!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Thánh Ca
Con đường Chúa đã đi qua
Khanh Lai
22:23 16/04/2022