Ngày 30-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:47 30/05/2020
Ga 20, 22 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”.Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20, 26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…

Là Kitô hữu Công Giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13, 12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1, 26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10, 21).

2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10, 30; Lc 12, 7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5, 44-45).

3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12, 7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3, 8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x.Mt 7, 16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.



 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:57 30/05/2020

39. Tự nguyện vác Thánh Giá thì hơn hẳn sự mong đợi hưởng phúc.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:02 30/05/2020
35. CÂU ĐÁP HAY CỦA KHỔNG TỬ

Có hai thầy đồ gàn tôn thờ học thuyết của Nho gia, chỉ cần hai người gặp nhau thì cãi nhau khoe mình là người nho học thật và nói người kia là nho học giả, hai người không ngớt tranh luận, nên cùng nhau đi thỉnh giáo Khổng tử.

Khổng tử đi xuống bậc thềm, cúi chào hai người và nói:

- “Tôi biết chủ trương nội dung của Nho học rất rộng rãi, luận điểm cụ thể, việc gì mà phải tương đồng toàn bộ chứ? Hai vị đều là những nhà Nho học thật, đều là những người xưa nay tôi kính trọng ngưỡng mộ, lẽ nào vẫn còn cái gì đó là giả sao? ”

Hai người rất phấn khởi và cáo từ.

Các đệ tử hỏi:

- “Tại sao thầy lại tâng bốc họ chứ? ”

Khổng tử đáp:

- “Loại người ấy chỉ cần tâng bốc để họ đi khỏi là được rồi, không nên cùng họ trò chuyện.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 35:

Đạo của Khổng tử coi nặng về lễ nghĩa, nhưng có những lúc Khổng tử cũng thiên vị người giàu sang và người hèn, người trí và người ngu.

Có nhiều cách để giáo huấn người ngu cũng như có nhiều cách để khuyến khích người tài giỏi, đó là cái tài của người thầy khôn ngoan. Đức Chúa Giê-su đã làm như thế với người tội lỗi và người thanh niên tốt lành muốn theo làm môn đồ của Ngài.

Đạo của Đức Chúa Giê-su chắc chắn không giống đạo Khổng hay bất cứ đạo nào khác, bởi vì đạo của Ngài làm cho con người ta khi sống ở đời này nhận biết nhau là anh em chị em của nhau trong Ngài, và đời sau cùng hưởng hạnh phúc trên trời với Thiên Chúa. Cho nên khi đưa ra cho nhau lời khuyên bào thì không đánh lừa nhau để khỏi “bị làm rầy”, nhưng thành tâm yêu mến và hy vọng người anh em chị em tốt hơn...

Đừng lấy lòng bịp bợm đối với người vô học, nghèo khó, nhưng hãy lấy lòng thành thật để đối đãi với tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đó chính là bổn phận và là sứ mạng truyền giáo của người Ki-tô hữu trong mọi thời đại vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 30/05/2020
LỄ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Tin mừng: Ga 20, 19-23.

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.


Anh chị em thân mến,

Chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là thời cựu ước, Thiên Chúa chọn cho Ngài một dân riêng là Ít-ra-en, và từ trong dân riêng này Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Đấng cứu thế là Mê-si-a sinh ra, đó là Đức Chúa Giê-su.

Giai đoạn hai chính là việc Đức Chúa Giê-su giáng thế làm người, chịu đau khổ, chịu đóng đinh trên thập giá, chết và sống lại và bốn mươi ngày sau thì Đức Chúa Giê-su đã về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha sau khi đã hoàn tất công việc của chuộc ở trần gian.

Giai đoạn thứ ba là Chúa Thánh Thần được sai đến để công khai hóa Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su đã thành lập, và hướng dẫn Giáo Hội đi theo con đường mà Đức Chúa Giê-su đã chỉ dẫn cho các tông đồ, để các ngài và những người kế vị các ngài là các giám mục trên khắp thế giới làm tròn sứ mạng chủ chăn của mình cho đến ngày Chúa lại đến.

Thánh Thần của hiệp nhất.

Đức Chúa Thánh Thần đến để quy tụ những ai còn hồ nghi và muốn chia rẽ Giáo Hội của Chúa, trở thành hiệp nhất như lòng mong muốn của Đức Chúa Giê-su: xin cho chúng nó nên một.

Ngày nay Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su đang bị chia rẽ, tấm áo hiệp nhất của Ngài đang bị xé ra từng mảnh vì sự kiêu ngạo và bất trung của con người, vì những phần tử muốn nổi loạn trong Giáo Hội, vì những phong trào tục hóa của những người muốn Giáo Hội phải trở thành tập đoàn hưởng thụ như một giáo hội do con người lập ra. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội trên trần gian của Đức Chúa Giê-su đang được Đức Chúa Thánh Thần soi sáng để trở thành một Giáo Hội hiệp nhất, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa.

Thánh Thần của phục vụ.

Khi có sự hiệp nhất thì công việc phục vụ của các phần tử trong Giáo Hội cũng sẽ triển nở giữa trần gian như là một hiệu quả tất yếu của Đức Chúa Thánh Thần, và đó chính là một dấu hiệu cho nhân loại biết rằng: Giáo Hội không phải tự mình mà tồn tại, nhưng chính Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội và nơi những con người ngày đêm vì tha nhân mà phục vụ.

Phục vụ lẫn nhau, phục vụ tha nhân là ơn đặc biệt của Đức Chúa Thánh Thần ban tặng cho Giáo Hội, và cho những ai hết lòng yêu mến và thực hành lời dạy của Đức Chúa Giê-su: người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con biết yêu thương nhau, bởi vì phục vụ mà không yêu thương thì như cái xác không hồn, chỉ là những người máy của thời hiện đại.

Anh chị em thân mến,

Giáo Hội dạy chúng ta biết có Bảy ơn của Đức Chúa Thánh Thần, nhưng tất cả những ơn đó là để cho chúng ta biết sống hiệp nhất, yêu thương và phục vụ tha nhân trong cuộc sống của mình; để chúng ta trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su ngay tại trần gian này, trong cuộc sông hàng ngày của mình.

Xin Đức Chúa Thánh Thần ban sự hiệp nhất trong giáo xứ của mình, ban ơn phục vụ cho hết mọi Ki-tô hữu, nhất là các vị chủ chăn và những người có trách nhiệm trong Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, để mọi người nhận ra được Giáo Hội của Ngài đang hiện diện sống động trên mặt đất này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Buổi đọc kinh Mân Côi với Đức Thánh Cha và các Đền Thánh Đức Mẹ trên thế giới
Đặng Tự Do
15:19 30/05/2020


Tập hợp lại với nhau trong lời cầu nguyện cùng Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu

Hàng ngàn người đã tham gia với khoảng 130 người tập trung tại hang đá Lộ Đức trong Vườn Vatican để đọc kinh Mân Côi với Đức Thánh Cha Phanxicô vào Thứ Bảy cuối cùng của tháng Năm.

Hàng ngàn người trên khắp thế giới đã kết hiệp với Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu sự trợ giúp của Đức Mẹ để chấm dứt đại dịch coronavirus. Đức Thánh Cha cùng với khoảng 130 người đã tập trung tại hang đá Lộ Đức trong Vườn Vatican. Hàng ngàn người khác đã cầu nguyện cùng với cộng đoàn tại Vatican khi theo dõi qua các đài truyền hình, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Trong giờ cầu nguyện, hình ảnh của nhiều đền thờ Đức Mẹ trên khắp thế giới xuất hiện trên một màn hình lớn tại hang đá Lộ Đức của Vatican và trên màn hình của những người được kết nối với sự kiện này.

Những ý cầu nguyện trong chuỗi Mân Côi này

Mầu nhiệm mùa Sáng đầu tiên được xướng lên bởi một bác sĩ và một y tá nhân danh tất cả các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống đại dịch coronavirus kinh hoàng, để cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, và các nhân viên y tế khác.

Mầu nhiệm mùa Sáng thứ hai được xướng lên bởi một người đã từng chiến thắng được coronavirus, và một người chẳng may đã mất một thành viên trong gia đình để đại diện cho những người bị ảnh hưởng bởi virus này với ý chỉ cầu cho tất cả các nhân viên quân sự, lực lượng an ninh, lính cứu hỏa và tất cả các tình nguyện viên.

Mầu nhiệm mùa Sáng thứ ba được xướng lên bởi một linh mục là tuyên uý bệnh viện và một nữ tu y tá đại diện cho tất cả các linh mục và những người tận hiến đang gần gũi những bệnh nhân với ý chỉ cầu nguyện cho các linh mục và những người tận hiến là những người đem các Bí tích và những lời an ủi Kitô giáo cho các bệnh nhân. Chúng ta đã được nhắc nhở rằng một số trong số họ đã mất mạng khi phục vụ cộng đồng của mình.

Mầu nhiệm mùa Sáng thứ tư được xướng lên bởi một dược sĩ và một nhà báo để làm nổi bật những ai tiếp tục cung cấp các dịch vụ quý giá của họ vì lợi ích của người khác trong thời gian xảy ra đại dịch. Ý định cho chục kinh này là dành cho người sắp chết, trên hết là những người chết một mình, cho những người đã chết và cho những gia đình vẫn còn phải thương tiếc cái chết của những người thân yêu.

Cuối cùng, mầu nhiệm mùa Sáng thứ năm được xướng lên bởi một thành viên của Dịch vụ Bảo vệ Dân sự Ý cùng với gia đình của mình, để đại diện cho tất cả những người làm việc nhằm hướng đến việc quản lý cuộc khủng hoảng này, cũng như tiêu biểu cho thế giới của những tình nguyện viên không ngừng đưa ra các chứng tá bác ái. Nửa sau của chục kinh được xướng lên bởi một cặp vợ chồng trẻ gần đây đã có con, là một dấu hiệu hy vọng và chiến thắng của sự sống đối với chết. Chục kinh này có ý cầu nguyện cho tất cả những ai cần phải được củng cố và tăng cường niềm tin và hy vọng, cho những người thất nghiệp, cho những người cô đơn và tất cả những đứa trẻ mới chào đời.

Những điểm nổi bật khác

Vào lúc bắt đầu và khi kết thúc bài kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện với những lời cầu nguyện mà ngài đã đề nghị được sử dụng để đi cùng với chuỗi Mân Côi trong suốt tháng Năm. Sau khi ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói vài lời cám ơn những người kết nối với biến cố này từ Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe và các Đền Thánh Đức Mẹ khác tại Mỹ châu Latinh. Ngài nói: “Với tất cả những ai tại các đền thờ ở Mỹ Latinh - Guadalupe và nhiều nơi khác - những người đang kết nối với chúng tôi, đang kết hiệp với chúng tôi trong lời cầu nguyện, tôi chào anh chị em bằng tiếng mẹ đẻ của tôi: cảm ơn anh chị em đã gần gũi với chúng tôi. Xin Mẹ chúng ta ở Guadalupe đồng hành cùng chúng ta!”

Khoảng 50 đền thờ đã được kết nối trong suốt thời điểm cầu nguyện. Các đền thờ này bao gồm Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Mễ Tây Cơ, Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Đền Thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội ở Hoa Kỳ, Walsingham ở Anh, Đức Mẹ Pompeii, Đức Mẹ Tình yêu Thiên Chúa và Đền Pietrelcina ở Ý, Đức Mẹ Lujan ở Á Căn Đình, Đức Mẹ Knock ở Ái Nhĩ Lan, Đức Mẹ Aparecida ở Ba Tây, Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần ở Assisi, Notre Dame ở Canada và Nhà thờ Truyền tin ở Israel.


Source:Vatican News
 
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật tịch thu tài sản của quan chức Trung Quốc trên đất Mỹ
Đặng Tự Do
16:02 30/05/2020


Trong một cuộc bỏ phiếu muộn ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số tôn giáo khác trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương.

Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền Liên Quan Đến Người Duy Ngô Nhĩ, được thông qua với tỉ số 413 trên 1, cũng đòi hỏi hành pháp Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng rắn hơn đối với các vi phạm nhân quyền mà các nhóm thiểu số tôn giáo khác phải chịu. Dân biểu Thomas Massie, của Kentucky, là người duy nhất phản đối dự luật này.

“Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình đang thực hiện một tội ác diệt chủng vẫn đang tiếp diễn ra chống lại khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hành động, ” Dân biểu Chris Smith, của đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, cho biết trong một bài bình luận từ diễn đàn Hạ Viện trước khi bỏ phiếu. “Ngày nay, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung. Hàng triệu người khác bị quấy rối, đánh đập, hãm hiếp và tra tấn.”

Dân biểu Smith là một người Công Giáo, và là thành viên lâu năm trong Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, và cũng là thành viên cao cấp của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, và đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền lưỡng đảng Tom Lantos. Ông đã phục vụ tại Quốc hội từ năm 1981, và đã chủ trì hơn 60 phiên điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản dự luật ngày 14 tháng Năm. Với việc thông qua của Hạ viện, giờ đây, Tổng thống Donald Trump sẽ ký ban hành luật này.

Như Dân biểu Smith giải thích trong bài phát biểu tại diễn đàn Hạ Viện, luật mới yêu cầu chính quyền của tổng thống Trump phải phân loại và báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền của bọn cầm quyền Trung Quốc và thực hiện các bước cụ thể theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu để xử phạt các quan chức Trung Quốc về những lạm dụng này bao gồm cả việc từ chối visa, tịch thu tài sản trên đất Mỹ cho đến việc cấm tất cả các giao dịch tài chính với những kẻ vi phạm nhân quyền.

Điểm nổi bật trong Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền là việc quy kết trách nhiệm và tiến hành tịch thu tài sản từng cá nhân các quan chức Trung Quốc chứ không lên án chung chung. Lợi nhuận đầu tư rất lớn và thuận lợi dưới thời Obama, cũng như các tính toán nhằm hạ cánh an toàn đã khiến các quan chức Trung Quốc lao vào các khoản đầu tư rất lớn trên đất Mỹ.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương - bao gồm các ước tính chính thức về số lượng cá nhân bị giam giữ trong các trại tập trung - và FBI phải đệ trình báo cáo lên Quốc hội về các nỗ lực của công an Trung Quốc nhằm đe dọa và quấy rối Người Duy Ngô Nhĩ và những người có quốc tịch Trung Quốc đang cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Dân biểu Smith nhắc nhớ lời khai được đưa ra trong phiên điều trần quốc hội năm 2018 của nhân chứng Mihrigul Tursun, người đã kể lại thử thách mà cô phải chịu như tra tấn, lạm dụng tình dục và giam giữ dài hạn trong một trại tập trung.

“Cô ấy đã khóc khi nói với chúng tôi rằng cô ấy đã cầu xin Chúa chấm dứt cuộc sống của mình. Các cai tù Trung Quốc đã khoá tay cô vào một cái bàn và liên tục làm tăng dòng điện chạy qua cơ thể cô và chế giễu niềm tin của cô vào Chúa. Cô bị tra tấn chỉ vì là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và là người Hồi giáo ở Trung Quốc.”

“Có hàng triệu câu chuyện như thế này đang chờ được kể về tội ác chống lại loài người do bọn cầm quyền Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người có niềm tin tôn giáo”.

Dân biểu Smith cho biết ban đầu chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung đông người và thậm chí bây giờ cố gắng còn miêu tả những trại tập trung kinh khủng này là các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, tờ New York Times và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã thu được các tài liệu vạch trần sự tàn bạo trong các trại tập trung này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng Năm, Dân biểu Smith nói với thông tấn xã Công Giáo CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Trung Quốc khét tiếng đối với nạn tra tấn.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khen ngợi Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật.

“Thế giới đã chần chừ quá lâu khi bọn cầm quyền Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung, ” ông Nury Turkel, một ủy viên của USCIRF, cho biết ngày 27 tháng Năm. “Luật Đạo luật Chính sách Nhân quyền sẽ là đạo luật lớn đầu tiên tập trung vào việc thúc đẩy quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm tôn giáo khác. Hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ theo gương của chính phủ Hoa Kỳ, và có hành động về vấn đề này.”

Theo báo cáo của USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Trong cố gắng che đậy sự thật về đại dịch coronavirus kinh hoàng, đảng Cộng sản Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tịch thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Động thái của Quốc Hội lưỡng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Crux
 
Người Công Giáo ở bang Minnesota kêu gọi công lý, chữa lành và đoàn kết sau cái chết của anh George Floyd
Đặng Tự Do
16:04 30/05/2020


Trong khi những kẻ bạo loạn và những kẻ cướp bóc xuống đường, và một phần của thành phố Minneapolis bị đốt cháy, một số người Công Giáo ở bang Minnesota đã kêu gọi công lý, chữa lành và đoàn kết sau khi George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên hôm thứ Hai.

“Tôi cảm thấy buồn. Tôi thấy bịnh. Tôi tức giận. Và tôi mệt mỏi. Tôi mệt mỏi vì những điều như vậy cứ xảy ra lặp đi lặp lại. ‘Lạy Chúa, chúng con còn phải chịu đựng những điều như vậy trong bao lâu nữa? ’” Cha Erich Rutten, Cha sở của Giáo xứ St. Peter Claver ở St. Paul, nói như trên trong một thông điệp trên YouTube vào ngày 27 tháng 5, hai ngày sau khi Floyd bị giết.

“Tình yêu của Thiên Chúa, mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, rõ ràng cho chúng ta thấy rằng chúng ta tất cả đều là con cái của một Thiên Chúa duy nhất, và rằng chúng ta đều bình đẳng trước mặt Chúa Kitô là Vua của chúng ta, trong Nước của Cha chúng ta. Chúng ta đều là anh chị em với nhau.”

Giáo xứ này là nơi sinh sống của cộng đồng Công Giáo người Mỹ gốc Phi lớn nhất tại hai thành phố St. Paul và Minneapolis, và, vào năm 1888, là nhà thờ Công Giáo đầu tiên được thành lập bởi và dành cho người Mỹ gốc Phi sống ở Minnesota.

“Đây là một trường hợp trong đó cái chủ nghĩa duy da trắng đã phải trả giá là sinh mạng một người nào đó trong cuộc sống. Ý tưởng sai lầm rằng người da trắng bằng cách nào đó có thể xô đẩy người khác xung quanh, hoặc họ là chủ sở hữu đất nước này, hoặc sở hữu thành phố Minneapolis này, đã dẫn đến sự thiếu tôn trọng khủng khiếp. Dẫn đến nghèo đói. Dẫn đến, trong trường hợp này, bạo lực, và trong nhiều trường hợp, bạo lực, ” Cha Rutten nói thêm trong video của ngài.

“Trường hợp đặc biệt này là rất nghiêm trọng, ” Cha Rutten nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ tư, “nó quá là điên.”

“Đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta phải xa lánh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và phải tiến xa hơn trong một sự hiệp nhất triệt để, trong Nước Thiên Chúa, là Vương quốc trong đó chúng ta đều là anh chị em. Tôi thực sự muốn nói: Chúng ta thật sự là anh chị em ruột thịt với nhau, ” Cha Rutten nói thêm.

Giáo xứ St. Peter Claver nằm trong một khu phố nơi các tòa nhà xung quanh bị hư hại bởi những kẻ nổi loạn vào tối thứ Năm. Nhà thờ may mắn không bị hề hấn gì.

“Đó là một đêm điên rồ, với rất nhiều điều xảy ra xung quanh đây, ” Cha Rutten nói trong một đoạn video phát hành sáng thứ Sáu.

“Điều đó chỉ làm chúng ta cảm thấy tệ hại cho cộng đồng của mình, vì quá nhiều nỗi đau và hy vọng chúng ta có thể tìm ra cách chữa lành, hòa giải và hòa bình. Tôi biết điều đó sẽ không dễ dàng.”

Giáo xứ đã livestream một buổi cầu nguyện tối thứ Sáu.

Giáo dân St. Peter Claver cũng đã kêu gọi công lý.

Estelle Jones, 75 tuổi, lãnh đạo ủy ban công lý xã hội tại St. Peter Claver, nhằm hỗ trợ cho các gia đình của những người bị giam giữ.

Hôm thứ Ba, bà nói với CNA rằng “Tôi có cảm giác buồn nôn đến mức rất khó, thậm chí không còn muốn nói về chuyện này.”

“Một cái gì đó phải dừng lại, tôi hy vọng. Thật đáng buồn, nhưng tôi hy vọng cái chết của George Floyd sẽ đánh thức cộng đồng và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, rằng chúng ta phải ngăn chặn bạo lực và sự tàn bạo của cảnh sát, và sự phân biệt chủng tộc này.”

Vào năm 2015, Jones cho biết bà đã phải chứng kiến cảnh sát tấn công cháu trai của chính mình, lúc đó vào giữa tuổi ba mươi, tại một điểm dừng giao thông. Cháu bà “bước ra khỏi xe hơi của mình, và nó hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Nó đang đứng hai tay giơ lên trời. Điều tiếp theo chúng tôi thấy là họ đã quật nó xuống đất và đánh tới tấp bằng roi điện.”

“Chúng tôi đã ở đó. Con gái tôi, mẹ nó và tôi. Đây là một trong những điều kinh khủng nhất, khủng khiếp nhất chúng tôi từng phải chứng kiến xảy ra với một người thân yêu, và chúng tôi đang đứng đó.”

Jones cho biết cháu trai của bà đã phải nhập viện vì vết thương.

Cha Rutten cho biết giáo dân của giáo xứ Thánh Phêrô Claver được kêu gọi để “khuấy động cả trong Giáo Hội và trong thế giới của chúng ta cho công lý và hòa bình chủng tộc và chữa lành, và cho thực tế rằng chúng ta thật sự là anh chị em với nhau.”

“Nhớ đến George, chúng ta cần phải tiếp tục sứ mệnh đó, ” Cha Rutten nói.

Cựu cảnh sát viên thành phố Minneapolis Derek Chauvin, là người đã quỳ trên cổ anh Floyd, đã bị bắt vào ngày thứ Sáu 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Anh ta và ba cảnh sát viên khác có mặt trong vụ bắt giữ Floyd đã bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát thành phố Minneapolis.

Trái với tuyên bố của cảnh sát vào hôm thứ Ba cho rằng Floyd đã chống cự khi bị cảnh sát bắt ra khỏi xe vì có người cáo buộc anh dùng một tờ 20 Mỹ Kim giả, các camera an ninh của các cửa hàng gần bên được tung lên YouTube cho thấy anh ta hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Anh liên tục kêu: “Tôi không thở được, xin đừng giết tôi.” Các báo cáo nói bất kể những lời van xin của người đi đường, Chauvin đã quỳ trên cổ của Floyd trong khoảng 8 phút và chỉ dừng lại khi một đồng nghiệp sờ vào mũi của Floyd và bảo “Nó chết rồi.”

Đức Tổng Giám Mục St. Paul và Minneapolis, Bernard Hebda, đã dâng một Thánh lễ cho linh hồn của George Floyd và cho gia đình của ông vào ngày 27 tháng Năm.

Trong một diễn biến thật tệ hại, cảnh sát tại phường 3 thành phố Minneapolis, là đơn vị phải chịu trách nhiệm về vụ giết chết Floyd đã phải rút lui khỏi đồn cảnh sát vào lúc 11:30 sáng thứ Năm. Những người biểu tình đã chiếm đồn cảnh sát và đốt cháy trụ sở này.


Source:Catholic News Agency
 
Phúc trình sơ khởi của các công tố viên về cái chết của anh George Floyd
Đặng Tự Do
17:46 30/05/2020
Hoa Kỳ đã bị co giật bởi các cuộc biểu tình trên toàn quốc về cái chết của một người đàn ông Mỹ gốc Phi khi bị cảnh sát bắt giữ. Các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ đã làm việc hết sức nhanh chóng để đưa ra ánh sáng vụ này. Báo cáo sơ khởi của các cơ quan điều tra cho biết như sau:

George Floyd, 46 tuổi, đã chết sau khi bị cảnh sát bắt giữ bên ngoài một cửa hàng ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota.

Cảnh quay vụ bắt giữ vào ngày 25 tháng Năm cho thấy một cảnh sát da trắng, Derek Chauvin, quỳ trên cổ Floyd trong khi anh ta bị đè chặt xuống đất. Có một lúc cả ba cảnh sát viên Derek Chauvin, Alexander Kueng và Thomas Lane cùng quỳ lên người nạn nhân.

Chauvin, 44 tuổi, đã bị buộc tội giết người.

Các sự kiện quan trọng dẫn đến cái chết của ông Floyd chỉ xảy ra trong vòng 30 phút. Dựa trên các lời khai từ các nhân chứng, cảnh quay video và các tuyên bố chính thức, đây là những gì chúng ta biết cho đến nay.

Câu chuyện đã bắt đầu với một báo cáo về một tờ bạc giả 20 Mỹ Kim.

Tối ngày 25 tháng Năm, Floyd mua một gói thuốc lá từ Cup Food, một cửa hàng tạp hóa.

Tin rằng tờ 20 đô la mà anh ta đưa ra là tờ bạc giả, một nhân viên cửa hàng đã báo cáo với cảnh sát.

Floyd đã sống ở Minneapolis trong nhiều năm sau khi chuyển đến đó từ Houston, Texas. Gần đây anh ta đã làm việc như một nhân viên an ninh cho một câu lạc bộ trong thành phố, nhưng, giống như hàng triệu người Mỹ khác, anh đã thất nghiệp vì đại dịch coronavirus.

Floyd là một khách hàng thường xuyên tại Cup Food. Anh là một khuôn mặt thân thiện, một khách hàng dễ chịu, không bao giờ gây ra bất kỳ rắc rối nào, chủ cửa hàng Mike Abumayyaleh nói với NBC.

Nhưng Abumayyaleh không làm việc vào ngày xảy ra vụ việc. Một nhân viên ở tuổi thiếu niên đã báo cáo về tờ giấy bạc giả theo một giao thức của cửa hàng.

Trong một cuộc gọi tới 911, được thực hiện vào lúc 20:01, nhân viên nói với cảnh sát rằng anh ta đã yêu cầu Floyd trả lại thuốc lá nhưng Floyd từ chối.

Nhân viên này nói rằng Floyd có vẻ say rượu.

Ngay sau cú gọi này, vào khoảng 20:08, hai nhân viên cảnh sát đã đến. Floyd đang ngồi cùng hai người khác trong một chiếc ô tô đậu quanh góc phố.

Sau khi đến gần xe, Thomas Lane, một viên cảnh sát, rút súng ra và ra lệnh cho Floyd giơ tay lên. Theo các công tố viên, Thomas Lane không thể giải thích lý do tại sao anh ta nghĩ rằng cần phải rút súng ra.

Các công tố viên cho biết Lane đã còng tay và kéo Floyd ra khỏi xe. Floyd phàn nàn vì bị còng tay.

Tuy nhiên, sau khi bị còng tay, Floyd đã tuân thủ mọi yêu cầu của cảnh sát trong khi Lane giải thích rằng anh ta đang bị bắt vì xài tiền giả.

Vào khoảng 20:14, Floyd bị đẩy vào xe cảnh sát. Chauvin cũng vừa đến hiện trường cùng với Tou Thao.

Lúc 20:19, Chauvin đã kéo Floyd ra khỏi ghế hành khách, khiến anh ta ngã xuống đất.

Anh nằm đó, úp mặt, vẫn bị còng tay. Chauvin quỳ đầu gối trái giữa đầu và cổ Floyd.

“Tôi không thể thở được, xin đừng giết tôi, ” Floyd liên tục van xin.

Chauvin vẫn quỳ ghì chặt đầu Floyd trong 8 phút và 46 giây, báo cáo của các công tố viên cho biết.

Khoảng 6 phút trong khoảng thời gian đó, Floyd trở nên không có phản ứng. Thấy Floyd bất động, những người đứng xem đấu tranh với cảnh sát và yêu cầu kiểm tra mạch đập của ông.

Cảnh sát viên Alexander Kueng đã làm điều đó, kiểm tra cổ tay phải của Floyd, nhưng không thể tìm thấy nhịp mạch. Tuy nhiên, Chauvin đã không buông tha.

Hơn hai phút sau đó, lúc 20:27, Chauvin mới gỡ đầu gối ra khỏi cổ Floyd. Floyd hoàn toàn bất động được khiêng lên xe cứu thương và được đưa đến Trung tâm y tế Hennepin.

Anh được chính thức tuyên bố đã chết khoảng một giờ sau đó. Tuy nhiên, các công tố viên chưa công bố chính xác anh ta chết tại hiện trường hay đến bệnh viện mới chết.

Vào đêm trước khi chết, Floyd đã nói chuyện với một người bạn thân nhất của mình, Christopher Harris. Anh đã khuyên ông Floyd liên hệ với một cơ quan tìm việc làm tạm thời.

“Xài tiền giả, không phải là tính cách của Floyd, ” Christopher Harris khai với các công tố viên.

“Cách mà anh ấy chết thật là vô nghĩa, ” Harris nói với NBC. “Anh đã khẩn khoản xin tha mạng.”

Maya Santamaria là chủ Câu lạc bộ El Nuevo Rodeo ở phía nam thành phố Minneapolis cho đến khi bán câu lạc bộ này cho người khác chỉ vài tháng trước đây. Santamaria xác nhận với các phương tiện truyền thông địa phương rằng cả Floyd và Chauvin đều là những người bảo vệ an ninh cho cơ sở này. Chauvin đã làm việc ngoài giờ tại câu lạc bộ này trong 17 năm qua. Floyd làm việc tại đó trong khoảng một năm từ 2019.

Santamaria nói với ABC5 là bà không biết hai người từng nói chuyện với nhau hay không nhưng chắc là phải biết mặt nhau. Santamaria xác nhận với AFP rằng Chauvin là người cộc cằn, dễ nổi nóng.

Hôm thứ Sáu, Chauvin đã bị bắt. Anh ta có thể bị kết án 25 năm tù vì tội giết người cấp 3 và 10 năm vì tội ngộ sát cấp 2. Những người biểu tình đã kéo đến nhà anh ta và viết một hàng chữ thật lớn: “Kẻ giết người từng sống tại đây.”

Kellie Chauvin là vợ của Chauvin đã nộp đơn ly dị ngay trong ngày thứ Sáu chỉ vài giờ sau khi Chauvin bị bắt.

Kellie Chauvin là một người Lào, sinh năm 1974. Cô và gia đình vượt biên sang Thái Lan xin tị nạn trước khi được cho định cư tại Hoa Kỳ. Qua một cuộc hôn nhân được gia đình sắp đặt, cô lấy chồng vào năm 18 tuổi và đã có 2 đứa con. Sau khi ly dị với người này, cô quay lại trường học và tốt nghiệp khoa radiology và làm việc tại bệnh viện Hennepin. Cô đã từng đọat giải Hoa Hậu Minesota.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Pioneer Press, cô mô tả Chauvin là người có máu bạo hành. Sau cái chết của Floyd cô thấy không thể sống với một kẻ giết người nên quyết định ly dị để đưa hai đứa con và cha mẹ già rời khỏi thành phố Minneapolis.


Source:BBC
 
Trong những cơn bão loạn, vương cung thánh đường cuả Minneapolis bị vạ lây.
Trần Mạnh Trác
18:00 30/05/2020
( CNA ngày 30 tháng 5 năm 2020 ).- Sau cái chết cuả ông George Floyd, da đen, bởi những nhân viên cảnh sát vào ngày 25 tháng 5, thành phố Minneapolis cuả Minnesota đã bị tê liệt, đốt phá, và một trong những thiệt hại vì hỏa hoạn là tiểu vương cung thánh đường Đức Bà Maria.

“Nhà thờ St. Mary Basilica đã chịu một vài thiệt hại nhỏ ngày hôm qua, không ai bị thương. Đúng vào lúc mà chúng tôi đang cầu nguyện cho hòa bình và chữa lành cho thành phố của chúng tôi, ” theo lời phát ngôn viên của vương cung thánh đường trong một tuyên bố phát hành ngày 30 tháng Năm.

Nhà thờ St. Mary Basilica được thánh hoá làm nhà thờ chính tòa cuả Tổng giáo phận St. Paul và Minneapolis vào năm 1914, được nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường bởi Đức Giáo Hoàng Pius XI năm 1926, và là nhà thờ đầu tiên cuả Hoa Kỳ được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường như vậy.

Những hình ảnh đang lan truyền trên truyền thông xã hội cho thấy bên trong vương cung thánh đường có một số ghế bị hư hỏng. Mặc dù các bức ảnh phù hợp với hình ảnh của nội thất nhà thờ, một phát ngôn viên của vương cung thánh đường nói với CNA rằng cô không thể bình luận về các bức ảnh hoặc xác minh tính xác thực của chúng.

Cô Mae Desaire, giám đốc truyền thông cuả vương cung thánh đường, nói với CNA rằng nhà thờ đang tập trung vào việc cầu nguyện cho thành phố.

“Thiệt hại của chúng tôi so với những gì đang diễn ra trong thành phố thực sự chỉ là tối thiểu và chúng tôi thực sự muốn tập trung vào việc cầu nguyện đó, ” theo lời cô Mae Desaire nói với CNA.

Vương cung thánh đường sẽ livestream buổi chầu Thánh Thể nhân ngày lễ Ngũ tuần cho Công lý và Hòa bình vào tối Chủ nhật, lúc 5:30 chiều theo múi giờ Central USA.

Cô Desaire cho biết nhân viên an ninh của vương cung thánh đường sẽ làm việc với cảnh sát về vấn đề này và với hãng bảo hiểm của nhà thờ để sửa chữa thiệt hại.

Nhiều tòa nhà trên khắp hai thành phố Twin City (Minneapolis và St Paul) đã bị đốt hoặc đập phá vì các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát về cái chết cuả ông George Floyd trở thành những đêm náo loạn và cướp bóc. Ở hàng chục thành phố khác trên nước Mỹ nhiều cuộc biểu tình ôn hòa hoặc bạo loạn cũng đã diễn ra.

Nhà thờ St. Mary Basilica nằm gần trung tâm thành phố Minneapolis, và cách chỗ xẩy ra các cuộc bạo loạn ở thành phố khoảng một dặm.
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 13
Vũ Văn An
22:11 30/05/2020
c) Các vấn đề hiện thời

118. Không thiếu những người tự coi mình là người Công Giáo nhưng tin rằng việc thường xuyên tham dự Thánh Thể Chúa nhật là điều quá đáng. Nhiều người khác giữ thói quen rước lễ thường xuyên hoặc bất cứ khi nào tham dự Thánh lễ, mà không bao giờ lãnh nhận bí tích hòa giải. Không ít người coi Bí tích Thánh Thể như một việc sùng kính bản thân, có sẵn cho họ theo nhu cầu hoặc cảm xúc của riêng họ. Trong các ngày lễ phụng vụ lớn, đặc biệt là Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc một số lễ lớn tại địa phương, cũng như trong một số lễ kỷ niệm độc đáo (như đám cưới và đám tang), có một số thành viên bất thường trong hàng tín hữu đến tham dự Thánh Thể, kể cả rước lễ, mà không có bất cứ day dứt lương tâm nào; và sau đó họ biến mất cho đến năm sau hoặc dịp đặc biệt sau đó. Những thực hành này, dù không nhất quán về mặt thần học, vẫn phản chiếu ảnh hưởng không ngừng của đức tin Kitô giáo nơi cuộc sống của những người không thực hành hoặc xa cách với đạo. Phần rơi rớt này của ảnh hưởng Kitô giáo, dù có những sai lệch, vẫn có thể là khởi điểm cho một cuộc tái hòa nhập vào giáo hội một cách có ý thức hơn và đem lại khả thể hồi sinh một đức tin đang hấp hối. Tuy nhiên, trong tính lưỡng nghĩa của chúng và xét về nhiều phương diện, chúng cũng cho thấy có một hố phân cách giữa điều Giáo hội tin được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, các đòi hỏi phải có để tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể, các hậu quả mà nó giả thiết phải có trong cuộc sống bình thường, và điều nhiều tín hữu tìm kiếm trong các buổi cử hành thỉnh thoảng hoặc lẻ tẻ bí tích Thánh Thể.

d) Ánh sáng từ Thánh truyền

119. Các điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập từ thời kỳ rất xa xưa. Như chúng ta đã nói rõ, Thánh Phaolô vốn cảnh báo những người tiếp cận Bí tích Thánh Thể: “Thật vậy, ai ăn và uống mà không biện phân được Thánh Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:29); câu nói này làm nổi bật một số yêu cầu không thể thiếu. Từ Tin Mừng Gioan, ta có thể suy ra rằng việc lãnh nhận các hình bí tích mà không có đức tin, nghĩa là không có Chúa Thánh Thần, sẽ không sinh lợi ích nào cả, vì việc này vốn đòi phải có đức tin (x. Ga 6: 63-69). Thánh Giustinô Tử đạo nhắc đến những điều sau đây như những đòi hỏi cần thiết: tin rằng các của lễ là những gì chúng biểu thị; người lãnh nhận phải đã chịu phép rửa và không được bác bỏ tín lý của Chúa Kitô qua suốt cuộc sống của mình [130]. Lời huấn giáo vừa trích dẫn của Thánh Phaolô một lần nữa được vang vọng trong Didache: “Ai thánh thiện, hãy để họ tới; ai không thánh thiện, hãy để họ hoán cải!” [131], và tương tự như thế cả trong Hiến chế Tông đồ [132]. Nó cũng được phản ảnh trong lời mời phụng vụ “của thánh dành cho các vị thánh” [133], từng được Theodore thành Mopsuestia bình luận. Như Thánh Phaolô nói, ở đây, “Các thánh”, trước hết, chỉ những người đã được rửa tội, những người đã sống với Giáo hội. Lối suy nghĩ này được biểu lộ cả trong các bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu [134] và nơi Thánh Cyprianô: Việc hiệp thông với Chúa Kitô không thể tách rời việc hiệp thông với Giáo hội [135]. Vị tiến sĩ của Bí tích Thánh Thể yêu cầu các linh mục của mình, nếu cần, từ chối một số người [136]. Cũng vậy, một cách cũng rõ ràng như vậy, Thánh Augustinô đã cảnh cáo rằng thức ăn bí tích chỉ tạo ra kết quả và sự sống cứu rỗi khi nó được ăn “một cách thiêng liêng” bằng cách tin vào nội dung vô hình của nó và bằng một lương tâm ngay thẳng [137]. Điều này có nghĩa: bằng một cuộc sống tương hợp với tình yêu Chúa Kitô và các chi thể của Người.

120. Thần học Kinh viện gọi định hướng này là “đức tin được đào luyện” (fides formata), một đức tin được tình yêu lên khuôn [138] (x. § § 62-64). Theo nghĩa này, Thánh Tôma Aquinô phân biệt như sau: nội dung của bí tích này chỉ có thể được lãnh nhận trong đức tin, vì đó là “bí tích của đức tin” (mysterium fidei) [139]. “Tính bất tín” (Infidelitas) làm cho người ta không có khả năng lãnh nhận bí tích một cách rất cao độ, vì việc không tin “đã tách người ta ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” [140]; sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể vốn biểu thị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi người ta “muốn lãnh nhận điều Giáo hội ban cho”, thì trong trường hợp này, người ta đã nhận được bí tích, mặc dù đức tin của họ có thiếu sót trong nội dung của nó [141]. Một ai đó tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, nhưng không ở trong tình trạng ơn thánh, vẫn đã lãnh nhận bí tích, nhưng phạm tội nặng [142]. Thánh Tôma lập luận rằng họ đã phạm tội nói dối (falsitas): điều bí tích phát biểu, tức tình yêu kết hợp Chúa Kitô với tín hữu của Người, đã không xảy ra nơi người lãnh nhận [143]. Thánh Tôma nhận ra rằng một việc tham dự hữu hiệu vào bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể, trong mỗi trường hợp, đều đòi một mức độ chuẩn bị (disposition) khác nhau do đức tin tạo ra. Đối với bí tích rửa tội, ý định lãnh nhận điều Giáo hội ban cho đã đủ. Tuy nhiên, trong việc rước lễ, điều cần là phải hiểu bí tích như nó là và tin [144].

121. Trong các truyền thống phụng vụ, đặc biệt là ở Đông phương, mối liên kết qua lại này giữa đức tin, đức ái và việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể được tri nhận một cách rõ ràng. Chẳng hạn, khi mời giáo dân rước lễ, phụng vụ nói: “hãy đến gần bằng đức tin, đức ái và kính sợ Thiên Chúa” [145]. Trong phụng vụ của Thánh Gioan Kim Khẩu và trong phụng vụ Thánh Basilêô, phó tế, linh mục và giáo dân đọc lời tuyên xưng đức tin Kitô học, được bày tỏ trước Chúa Kitô, đang hiện diện trong Mình và Máu Thánh, ngay trước khi rước lễ. Ngài đọc: “Lạy Chúa, con tin, và tuyên xưng rằng Chúa là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến thế gian để cứu các tội nhân. Con cũng tin rằng đây là Mình Thánh không tì vết của Chúa và đây là Máu quý giá của Chúa” [146]. Truyền thống Syriac, được Thánh Ephrem làm chứng, vốn hiểu rằng những lời hứa liên quan đến hai cây trong vườn Địa đàng (St 2:17; 3: 2) phải được ứng nghiệm thực sự. Lỗi nguyên thủy trong việc ăn “cây biết thiện và ác” đã tạo ra việc sa ngã, một điều cần được giải quyết cho bằng phẳng. Ăn trái của “cây sự sống” trở thành một thực tại trong sự hiệp thông Thánh Thể với việc dâng Thánh Thể của Chúa Kitô trên Thập Giá [147]. Trong cử hành Thánh Thể, phụng vụ Lời Chúa trở thành việc ăn hữu hiệu và chỉnh sửa “cây biết thiện và ác”. Sau bữa ăn thích đáng đó, mọi người được mời ăn trái của “cây sự sống” trong Hiệp thông Thánh Thể.

e) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho bí tích Thánh Thể

122. Phép rửa là khởi đầu của một cuộc hành hương, mà đỉnh cao của nó chỉ đạt được ở Eschaton (cõi cánh chung). Vì lý do này, các Kitô hữu cứ lãnh nhận đi lãnh nhận lại Thánh Thể, là thức ăn cho cuộc hành trình. Vì lý do này, Giáo hội chưa bao giờ ngừng tụ tập để cùng nhau cử hành mầu nhiệm Lễ Vượt Qua, để đọc trong bối cảnh này “điều nhắc đến Người trong mọi Sách thánh” (Lc 24:27) và để cử hành bàn tiệc mà tại đó việc tự hiến của Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và phục sinh được truyền đạt trong thời hiện tại của các tín hữu. Tuy nhiên, người ta không thể lãnh nhận cách thỏa đáng hồng ân mà sự hy sinh hiện sinh của Chúa Kitô ngụ hàm nếu họ không sẵn lòng để bản thân đồng hình đồng dạng về hiện sinh với hồng ân đức tin này. Không có đức tin, cả Philatô lẫn binh lính La Mã và dân chúng đều không hiểu làm thế nào trong cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với chính Người (2 Cr 5:19); không có đức tin, người ta không thể tri nhận được rằng người treo trên cây thập giá chính là Con Thiên Chúa (Mc 15:39). Cái nhìn chăm chú của người tin nhìn thấy không những máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm, mà cả Giáo hội, được thành lập bằng bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể (x. Ga 19:34). Máu và nước chảy ra từ đó là nguồn và sức mạnh của Giáo hội [148]. Con Thiên Chúa thực sự trở thành “Emmanuel” trong mỗi Kitô hữu thông qua việc tham dự Mình và Máu Chúa Kitô [149].

123. [Đức tin bí tích và bí tích Thánh Thể]. Không có đức tin bí tích, việc tham dự Thánh Thể, nhất là việc rước lễ, là điều vô nghĩa. Bí tích Thánh Thể không nói đến mối tương quan không dị biệt hóa hoặc chung chung với thiên tính. Đức tin bí tích can dự vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể là một đức tin Ba Ngôi. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng mối tương quan sống động với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cảm tạ Chúa Cha vì hồng ân cứu rỗi chúng ta đã nhận được. Hồng ân cứu rỗi đã được hiện thực hóa qua hồng ân Chúa Con của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thàn, nay được nhắc lại và làm cho hiện diện trong cử hành.

124. Đức tin bí tích giả thiết phải nhìn nhận một hành động như vậy của Thiên Chúa Ba Ngôi, và bữa tiệc Thánh Thể phải được coi như một dự ứng xác thực của bữa tiệc cánh chung trong tương lai. Quyền năng của Thiên Chúa đã thấm nhập, biến đổi và thánh hóa các tín hữu, biến họ thành đồng công dân với các thánh (Eph 2:19) và công dân của Giêrusalem trên trời (x. Dt 12:22; xem Kh 21-22; Dt 11 : 13).
125. Đàng khác, đức tin bí tích còn được bày tỏ trong sự tự gắn bó bất phản hồi của Chúa Giêsu Kitô với bí tích (ex opere operato) với các hình bánh và rượu được truyền phép thông qua lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong kinh khẩn cầu Người trong kinh epiclesis, với kết quả là người nhận không những chỉ có thể hy vọng, mà còn biết rằng trong một thời điểm nhất định, họ sẽ lãnh nhận điều mà các hình đã được truyền phép biểu thị.

126. Đức tin bí tích cũng bao hàm việc bí tích hóa chính người lãnh nhận. Họ không chỉ lãnh nhận một bí tích, mà chính họ cũng trở thành một “bí tích” theo nghĩa, một việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô một cách mãnh liệt đã diễn ra nhờ hành động của Chúa Thánh Thần; và giờ đây, họ sống kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô và Giáo hội, một cuộc kết hợp giúp họ có khả năng dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ hy sinh sống động và thiêng liêng (x. Rm 12: 1) và làm chứng cho đời sống Kitô hữu. Nói một cách tượng hình, họ được biến đổi trở thành một viên đá sống của cộng đồng tuyên tín, mà Vatican II cho rằng là phương thế và là công cụ để đưa mọi người về nhà của Người.

127. [Đức tin bí tích và hiệp thông giáo hội trong bí tích Thánh Thể]. Từ quan điểm trên, việc hiện thực hóa đức tin bản thân của cá nhân không thể tách rời khỏi đức tin của cộng đồng cử hành bí tích. Có sự thống nhất và liên tục giữa điều được cử hành (lex orandi), điều được tin (lex credendi) và điều được sống (lex vivendi), mà trong khuôn khổ của chúng, đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện bản thân và việc cử hành bí tích cùng diễn tiến. Vì sự thật được các Kitô hữu tuyên xưng là một ngôi vị, tức Chúa Giêsu Kitô, nên nó cũng phải được đích thân đại diện bởi các tông đồ và những người kế vị của các ngài. Sự hiệp thông Thánh Thể với Chúa Kitô của mỗi cá nhân phải được xác minh qua sự hiệp thông đức tin với Đức Giáo Hoàng và giám mục địa phương, được nhắc đích danh trong mỗi lần cử hành Thánh Thể. Người lãnh nhận rước lễ không chỉ tuyên xưng một mình Chúa Kitô, mà còn hiệp thông với việc tuyên xưng đức tin của cộng đồng trong đó, họ tham dự Bí tích Thánh Thể.

128. Diễn dịch sang các phạm trù khác, điều này có nghĩa gắn bó rõ ràng và có ý thức với đức tin của Giáo hội, một đức tin minh nhiên bao gồm những điều sau đây: Đức tin Ba Ngôi thể hiện trong Kinh Tin Kính; Đức tin Kitô học tập trung vào ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa Tể, “chết cho nhiều người” và “cho tôi” và sự phục sinh của Người; đức tin thần khí học, đặc biệt hoạt động và hiện diện qua hai lần khẩn cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis), vốn có tính nền tảng trong việc cử hành; và đức tin vào điều Bí Tích Thánh Thể biểu thị như bí tích của thân thể Chúa Kitô và thân thể giáo hội. Tất cả những điều này được đóng khung trong cuộc hành trình đức tin, một hành trình, trong khi tin tưởng vào sức mạnh mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần và sự giúp đỡ thường trực của Người, luôn mong làm cho cuộc sống mình phù hợp với mầu nhiệm Chúa Kitô và làm chứng cho nó một cách hân hoan giữa những thăng trầm của cuộc sống. Trên hành trình này, các Kitô hữu thường chạy đến của ăn Thánh Thể, lãnh nhận hồng ân hiệp thông với Chúa Kitô, để tiếp tục lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến cho đến lúc được hưởng sự sống đời đời.

129. [Sự không nhất quán của việc tham dự Thánh Thể mà không tin điều nó cử hành]. Tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể có nghĩa là hiệp thông với thân thể Chúa Kitô (x. LG 3) và Giáo hội. Dường như không thể tiếp cận bí tích này một cách nhất quán, nếu người ta không nhìn nhận ý nghĩa của sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể; nếu người ta bác bỏ đức tin Ba Ngôi của Giáo hội, được nhắc nhiều lần trong lúc cử hành, được chính thức xác nhận qua việc đọc Kinh Tin Kính; nếu thiếu sót đức ái Kitô giáo một cách nghiêm trọng trong cuộc sống bản thân; nếu phạm bất cứ hành động có ý thức và có chủ ý nào trong một vấn đề làm tổn hại nghiêm trọng đến điều đức tin và luân lý của giáo hội dạy (tội trọng [150]).

130. [Các cách lớn lên]. Bất cứ ai đang hành trình với Chúa Kitô đều tới tham dự Bí tích Thánh Thể Chúa nhật không phải vì đó là một nghĩa vụ do Giáo hội thiết lập, nhưng do lòng mong ước được củng cố bởi lòng thương xót đầy yêu thương của Chúa. Lòng mong ước này bao gồm việc sẵn sàng chịu hòa giải bí tích với Chúa Kitô và Giáo hội, nếu cần. Giờ đây, dù không có lòng mong ước có tính xúc cảm, những người tham gia vào đức tin Công Giáo biết rằng họ đã gia nhập một cộng đồng có cơ cấu bí tích. Vì lý do này, họ cũng ý thức được rằng việc họ tham gia bí tích và, đặc biệt, Bí tích Thánh Thể là một phần của việc làm chứng công khai mà họ đã tự do dấn thân vào. Họ dấn thân làm chứng cho thực tại bí tích đức tin, để làm rõ tính hữu hình của ơn thánh và do đó củng cố tính bí tích của Giáo hội, cộng đồng họ thuộc về.

131. Vì tính nhân quả hỗ tương giữa đức tin và Bí tích Thánh Thể, ở những nơi không có hoặc thường không có việc cử hành Thánh lễ và dạy giáo lý bí tích, do các giới hạn của định chế giáo hội, ngày càng khó khám phá hơn ý nghĩa của việc thực hành Thánh Thể Chúa nhật. Đồng thời, việc thiếu tham dự thường xuyên vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh thể Chúa Kitô, vì các thất bại bản thân hoặc mục vụ, là một thiếu sót làm cản trở sự phát triển hướng đến một đức tin bí tích trọn vẹn hơn. Ngoài việc săn sóc các cuộc cử hành Thánh Thể trong tất cả các mục đích của chúng, phù hợp với ý nghĩa của chúng, điều thích đáng là đề ra các cách để tái hòa nhập vào đức tin giáo hội, khi nó bị đánh mất, một việc hòa nhập đạt tới đỉnh điểm trong Bí tích Thánh Thể, vốn làm trọn việc trở về này; và điều cũng thích đáng là đề ra các loại cử hành không có Thánh Thể khác và các không gian gặp gỡ, cầu nguyện và dạy giáo lý Kitô giáo mở rộng cho những người mà việc truyền giảng Tin Mừng chưa được chín mùi để tham gia vào Bí tích Thánh Thể một cách có ý thức.

Kỳ sau: 4. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thánh Jeanne dArc Chợ Lớn mừng bổn mạng
Lm. Trương Thành Công
08:41 30/05/2020
“ Mừng lễ bổn mạng, cộng đoàn giáo xứ chúng ta hãy noi gương thánh Jeanne d'Arc, yêu mến Chúa và yêu mến Giáo hội, dù có trải qua mọi nghịch cảnh trong đời” Đó là lời chia sẻ của linh mục chánh xứ Giuse Vũ Minh Thùy trong thánh lễ sáng nay.

Hôm nay, thứ bảy, lúc 5 giờ sáng ngày 30.5.2020, khi bình minh của đầu ngày mới còn chưa ló rạng, cộng đoàn giáo xứ Thánh Jeanne d'Arc, quen gọi là nhà thờ Ngã Sáu Sài gòn, mọi thành phần trong giáo xứ đã hiệp dâng thánh lễ mừng kính Thánh Jeanne d'Arc- bổn mạng giáo xứ. Thánh lễ do Linh mục Giuse Vũ Minh Thùy chánh xứ chủ tế, cùng với linh mục Tôma Aquinô Nguyễn Minh Khôi phó xứ và một linh mục khách mời cùng đông đảo quý sơ và cộng đoàn hiện diện.

Xem Hình

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang trọng và ấm cúng, cộng đoàn được lắng nghe Lời Chúa qua các bài đọc Phụng vụ lễ Thánh nữ tử đạo.Linh mục chánh xứ chia sẻ về mẫu gương thánh Jeanne d'Arc, vị nữ anh hùng tử đạo sinh vào thế kỷ XV.Ngài chịu kết án tử hình, không một lời ca thán chửi rủa người khác.Thánh nữ sống một cuộc đời đơn sơ, khiêm nhường và ít học, đặc biệt ngài có một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, yêu mến Giáo hội tha thiết.Ngài được đưa lên giàn hỏa thiêu, trong thái độ bình an than thản.Có thể nói, thánh nữ bị kết án oan, bị đẩy vào nghịch cảnh bi đát đau thương, nhưng ngài bằng lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa.

Thánh nhân để lại cho cộng đoàn giáo xứ bài học của lòng nhiệt thành yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội, ngang qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời.Chúng ta phải thể hiện lòng trung tín với Thiên Chúa, ngay cả trong lúc sóng gió thử thách xảy đến… bệnh tật, khổ đau.Chúng ta phải sẵn sàng cộng tác với nhau, hết mình làm việc trong ngôi nhà chung Hội Thánh và cụ thể là tại Giáo xứ thân yêu này.

Trước khi kết thúc thánh lễ, ông Vinh Sơn Bùi Ngọc Huy, Phó Chủ tịch HĐMVGX có những lời tri ân linh mục chánh xứ, quý linh mục và cộng đoàn. Ông trình bày những chuẩn bị của giáo xứ hướng tới năm 2022, kỷ niệm 100 năm xây dựng thánh đường, ôn cố tri tân, gợi nhớ lại công ơn các bậc tiền bối đã đặt nền móng xây dựng giáo xứ.Đây cũng là dịp cộng đoàn giáo xứ nhìn lại công ơn các vị chủ chăn trong lịch sử, các vị ân nhân đã đóng góp cho giáo xứ, để chúng ta tiếp nối và kế thừa công việc phát triển giáo xứ, không những về nâng cấp đại tu về vật chất, nhưng còn là đời sống đức tin của người tín hữu tại Giáo hội địa phương.

Sau thánh lễ, cộng đoàn giáo xứ quy tụ về nhà xứ dùng điểm tâm sáng với quý cha và quý tu sĩ, trong tình liên đới yêu thương của gia đình giáo xứ.

Lê Hòng Vũ
 
Lễ Khấn Lần Đầu Lớp Thiện - Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ 2020
Hồng Hương
09:03 30/05/2020
Trong niềm vui tạ ơn, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang hân hoan mừng 10 nữ tu lớp Thiện của dòng Khấn Lần Đầu. Thánh lễ tuyên khấn do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục GP Nha Trang chủ sự diễn ra tại Nguyện đường Hội Dòng sáng ngày 30.05.2020.

Xem hình Lễ Khấn Dòng

“Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến” là câu châm ngôn của Hội dòng như nói hết tâm tình tín thác và quyết tâm theo Chúa Giêsu của 10 ứng sinh tuyên khấn hôm nay. Với nến sáng trong tay, các chị tiến vào thánh đường trong tiếng hát vang bài ca ngợi tình yêu thánh hiến của cả cộng đoàn. Hôm nay, giữa tình thân của Cha Mẹ và gia đình thiêng liêng là các chị em trong Dòng, các chị sẽ nói lên lời thề giao ước của mình với Thiên Chúa.

Với bài Tin Mừng Luca 1, 39-56 trong ngày Lễ Đức Mẹ đi viếng bà Isave, Đức Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn, cách đặc biệt nhắn gởi đến 10 ứng sinh tuyên khấn hôm nay 2 điều: Thứ nhất, noi theo mẫu gương tuyệt vời của Đức Mẹ là khiêm tốn; Thứ hai là hãy luôn yêu mến Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và người bảo vệ của mình. Khi tuyên khấn “bước theo sát dấu chân của Chúa Giêsu, sống đức ái hoàn hảo” chị nữ tu Khiết Tâm đang đi lại con đường Mẹ Maria đã đi khi xưa. Đức Cha nói: “Khiêm tốn như Mẹ Maria. Các con phải thật sự sống khiêm tốn thì Chúa Thánh Thần mới có thể biến đổi và tác động để các con trở nên khí cụ và hiện thân của tình yêu Chúa đối với tất cả anh chị em của mình. Hơn ai hết, là con cái của Đức Mẹ Khiết Tâm, thật dễ dàng để các con học theo gương sống Mẹ của mình”.

Tiếp sau bài giảng là nghi thức khấn lần đầu. Các chị đọc lời cam kết khấn giữ 1 năm 3 tháng các lời khuyên Phúc m: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục trong Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Đức Cha Giuse đọc lời nguyện thánh hiến rồi sau đó làm phép và trao lúp dòng, huy hiệu dòng và Hiếp Pháp Dòng cho các chị khấn tạm như dấu chỉ từ nay các chị thuộc hoàn toàn về Chúa.

Trước khi ban phép lành, Đức Giám Mục có lời chúc mừng các chị hôm nay tuyên khấn, đến Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và Cha Mẹ của các chị. Khấn Lần Đầu chính là khởi đầu trên quãng đường dài của đời thánh hiến, các chị sẽ phải khẩn nài xin bền đỗ theo Chúa từng ngày để sau 6 năm được tiếp tục huấn luyện, các chị có thể hoan hỉ tuyên khấn trọn đời trong nhà Chúa. Tất cả thân nhân cùng cộng đoàn hãy đồng hành với chị bằng mọi cách để ơn Chúa triển nở tốt đẹp trong các nữ tu của Chúa.

Kết thúc thánh lễ, chị Tổng phụ trách Maria Hoài n dâng lời tri ân và chúc mừng Lễ Chúa Thánh Thần đến Đức Cha Giuse, Quý Cha, Cha Mẹ của các Tân Khấn Sinh.

Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang là một Hội dòng hoạt động tông đồ, do Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi sáng lập tại Nha Trang vào năm 1958 với tước hiệu “Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria”, trực thuộc Đấng Bản Quyền Gp Nha Trang, có lời khấn đơn, tạm và vĩnh viễn. Với 10 chị Thiện tuyên khấn hôm nay, Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ có 420 nữ tu hiện đang phục vụ và tu học tại Việt Nam và ngoại quốc.

Sứ mạng Hội Dòng hướng về việc cầu nguyện, quảng bá lòng yêu mến Đức Mẹ, truyền giáo, mục vụ giáo xứ, giáo dục thanh thiếu niên, y tế, cũng như chuyên làm việc thiện nguyện chăm lo cho người nghèo. Nhiệt thành sống chứng tá ơn gọi phục vụ và rao giảng Tin Mừng, các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ sẵn sàng và mau mắn đến phục vụ tại các nơi Hội thánh địa phường có nhu cầu cho dù là vùng sâu vùng xa như Tầm Ngân, Phú Phong, Bà Râu... và sắp tới là Cà Ná.

Xin được hiệp thông tạ ơn và chúc mừng Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ trong niềm vui có thêm thành viên mới. Nguyện chúc cho các chị Thiện tuyên khấn hôm nay và Hội Dòng luôn triển nở trong ân nghĩa của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Hồng Hương
 
Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 2020
Tôma Trương Văn Ân
15:17 30/05/2020
Một sự kiện Cách đây 135 năm ( 11 / 9 / 1885 – 2020 ), được lịch sử Giáo Hội Việt Nam và cách riêng lịch sử Giáo xứ Trà Kiệu thuật lại một biến cố hào hùng, nhưng cũng lắm bi thương và thử thách Đức tin của người tín hữu Công Giáo Trà Kiệu, bị Quân Văn Thân “tìm và diệt”. Với đội quân hùng hậu và thiện chiến, được trang bị vũ khí đại bác Thần Công và voi chiến, đã bao vây hòng tiêu diệt Giáo dân Trà Kiệu. Trong khi đó Giáo dân Giáo xứ Trà Kiệu quá ít so với quân Văn Thân, lại vũ khí thô sơ. Nhưng nhờ sự chở che của Đức Mẹ, sau 21 ngày (từ ngày 1 đến 21 / 9 /1885) bao vây và nhiều cuộc tấn công, quân Văn Thân đã phải rút khỏi Trà Kiệu.

Năm 2020, Công đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng được Giáo Hội chuẩn thuận, được mời gọi và hân hoan Mừng Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, mừng 135 năm Đức Mẹ hiện ra phù hộ các Tín hữu trong cơn bách hại.

Xem Hình

Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu năm nay, được tổ chức vào ngày 29 và 30 / 5 / 2020, là Đại Hội thường niên, nhưng nằm trong chuỗi sự kiện Mừng Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu của Giáo phận Đà Nẵng, với Chủ đề: Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Cơn mưa dông đầu mùa, làm giải khát cơn nắng hạn, vẫn không ngăn nổi bước chân đoàn con cái Mẹ từ khắp nơi, nhiều Đoàn hành hương của anh em Dân Tộc ít người thuộc Giáo phận Kontum, Buôn Mê Thuộc và các Tín hữu nhiều Giáo phận trong cả Nước qui tụ về đây Tôn vinh Mẹ, phó thác vào sự Bầu cử của Mẹ với Thiên Chúa. Sau những tháng ngày cách ly vì dịch bệnh Covid 19, con cái Mẹ lại càng khao khát hơn đến với Mẹ trong tâm tình yêu mến, tin yêu và phó thác.

Thánh lễ khai mạc Đại Hội lúc 17 giờ ngày 29 / 5 / 2020, do Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện Chủ sự. Ngài đã mời gọi cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ và Chân Phước An-rê Phú Yên, đã nâng đỡ mỗi người qua cơn đại dịch. Đồng thời cám ơn Giáo Hội, đã thương yêu đùm bọc dẫn dắt mỗi người, bằng nhiều phương cách khác nhau đã nâng đỡ đời sống Đức tin người tín hữu trong thời gian cách ly do đại dịch. Ngài cũng mời gọi mỗi người noi gương Mẹ “lên đường” đem niềm an vui đến cho mọi người trong môi trường mình đang sống và làm việc.

20 giờ cùng ngày, Quý Cha Dòng Thánh Thể, đặc trách giờ phụng vụ Thánh Thể, đã cùng với Cộng đoàn hành hương, mỗi người 1 cây nến nhỏ, Kiệu Thánh Thế chung quanh Quảng trường Mân Côi và điểm cuối là Linh Đài Mẹ. tại Linh Đài, Cộng đoàn sốt sắng Chầu Thánh Thể đến 24 giờ.

Hôm sau, ngày 30 / 5 / 2020: từ sáng sớm, dòng người hành hương tuôn về Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu mỗi lúc một đông. Tại Linh đài, các Giáo Hạt thay phiên nhau Chầu Thánh Thể đến 12 giờ trưa. Cùng thời gian này, tại hội trường nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu, Cha Phê-rô Phan Tấn Khành ( Phó Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích- Huế) có buổi thuyết trình và đối thoại với Giới trẻ về đề tài trích trong Tông Huấn: “ Đức Ki-tô Hằng Sống “ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gởi cho các bạn trẻ, gợi hứng từ số 43 của Tông Huấn này: Đức Maria, Người phụ nữ trẻ ở Na-da-rét. Người trẻ được mời gọi sống noi theo gương của Đức Maria, mang đậm dấu ấn đức tin, niềm vui, mang Chúa đến với anh chị em trong yêu thương phục vụ, để chăm sóc, sẻ chia….

Tại rất nhiều nơi trong khu vực hành hương, rất nhiều Hối nhân lãnh nhận Bí Tích giao hòa với Thiên Chúa và với anh em.

Buổi chiều, một niềm vui bất ngờ của Cộng đoàn Giáo phận khi Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri- Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, trong tâm tình là Người con của Giáo phận, Ngài đến với Mẹ và anh chị em, trong niềm hân hoan của đoàn con Giáo phận.

lúc 14 giờ, tại sân nhà thờ giáo xứ, sau lời tuyên bố khai mạc cuộc Cung nghinh Thánh tượng Mẹ Trà Kiệu của Đức Giám Mục Giáo phận, đoàn dâng hoa của Giáo xứ Trà Kiệu đã dâng hoa muôn sắc, với những vũ điệu nhẹ nhàng thanh thoát, tung hô Danh Mẹ, ca khen muôn nhân Đức Mẹ và lời cầu khẩn tha thiết cho đoàn con noi gương Mẹ, để đến với và sống với mọi người.

Sau đó, Đoàn kiệu Thánh tượng Mẹ có Đại diện các Giáo xứ và Giáo họ biệt lập trong Giáo phận, mỗi đơn vị có 5 nam và 5 nữ mặc quốc phục, có 1 lẵng hoa và cờ ghi Danh của Giáo xứ. Các Linh mục, Tu sĩ và các Đức Giám Mục đi cuối đoàn kiệu.

Tại Lễ đài Trung tâm hành hương, Thánh lễ mừng kính Bà Ê-li-sa-bet đi thăm Đức Maria do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự, cùng đồng tế có Đức Cha Giuse – Giám mục Lạng Sơn Cao bằng và các linh mục của Giáo phận, Linh mục các Giáo phận khác đến hành hương.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế giới thiệu sự hiện diện của Đức Cha nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Những tràng pháo tay chào nhau trong thân ái và Thánh thiện. Toàn thể cộng đoàn Dân Chúa tỏ lộ niềm vui, tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ và cám ơn nhau, vì tạm qua khỏi dịch bệnh. Niềm vui hội tụ về bên Mẹ, niềm vui Ân phúc trong Năm Thánh và niềm vui của gặp gỡ yêu thương….dù nhiều nơi trên thế giới dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse - Nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng nói đến tâm tình của những người con trở về với Mẹ. Đức Cha mời gọi cộng đoàn cảm tạ tri ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã yêu thương nâng đỡ mỗi người qua cơn dịch bệnh. Đức Cha cũng mời gọi mỗi tín hữu noi gương Đức Mẹ “Lên Đường” dưới ơn Chúa Thánh Thần, trong ngày áp Lễ Chúa Thánh Thần ( Chúa nhật ngày mai 31. 5. 2020). Để mỗi người đem Chúa, đem yêu thương đến với mọi người không phân biệt ….. “Mẹ là mẹ của tất cả mọi người”.

Sau Lời nguyện Hiệp lễ, Đoàn Dâng hoa của Giáo xứ Trà Kiệu, dâng những đóa hoa với những vũ công đẹp rực rỡ và đông đảo, làm nức lòng người tham dự. kết thúc dâng hoa, Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện, đã Đại diện cộng đoàn cám ơn Mẹ Giáo Hội, cách riêng Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã lo lắng, hướng dẫn chăm lo mục vụ cách thiết thực trong thời gian dịch bệnh phải cách ly xã hội. Cha cũng cám ơn Cha Quản xứ, cha Phó xứ và các ban ngành đoàn thể của Giáo xứ Trà Kiệu, cộng đoàn Dòng Phao Lô và cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Trà Kiệu. Cha đã cám ơn Quý Cha và quý Thầy của Dòng Thánh Thể phụ trách những giờ Chầu Thánh Thể và kiệu tối 29 / 5 / 2020. Cám ơn quý Cha và quý Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa và các y Bác sỹ thiện nguyện, đã chăm lo vấn đề y tế cho Khách hành hương. Cha cũng không quên cám ơn Chính Quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho những ngày Đại Hội, cám ơn các Đoàn thể Hùng Tâm Dũng Chí, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo, Ban Truyền thông, ca đoàn Giáo xứ Tam Tòa và tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã cộng tác cho Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu trong Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu được tốt đẹp.

Đức Giám Mục Giáo phận cũng thổ lộ tâm tình trước lúc Ban Phép lành kết thúc Thánh lễ. Ngài nói lên niềm tin yêu phó thác và lời cầu nguyện liên lỉ, cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, và xin cho ngày Đại Hội được diễn ra đúng ngày. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát và Đại Hội được diễn ra một cách tốt đẹp trong ân sủng và bình an.

Hai Đức Cha đã ban phép lành trọng thể và lời nguyện cầu với Đức Mẹ “ Cho Giáo Hội Việt Nam, mãi trung trinh với tình Mẹ yêu” đã kết thúc Kỳ Đại Hội đặc biệt này.

Tôma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hơi thở sự sống
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
14:37 30/05/2020
Hơi thở sự sống

Từ những ngày tháng năm 2020 vừa qua cùng còn đang kéo dài, bỗng chốc hơi thở sự sống con người lâm vào tình trạng báo động khẩn cấp mức độ số đỏ khắp nơi trên thế giới. Vì vi trùng bệnh đại dịch Corona truyền nhiễm xâm nhập làm cho đường hô hấp nơi buồng phổi bị phá tắc nghẽn đưa đến tử vong.

Trên thế giới rất nhiều người bị nhiễm bệnh này phải được chữa trị khẩn cấp bằng máy trợ giúp cho có thể thở được. Cho tới bây giờ theo thống kê đã có hơn năm triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh vi trùng Corona. Và hàng trăm ngàn người đã không thể qua khỏi, đã qua đời. Vì không còn thở được nữa. Một khi hơi thở không còn, thì sự sống cũng tắt lịm chấm dứt theo.

Vì thế sự chữa chạy bệnh đại dịch Corona lúc này là cuộc chạy đua với thời gian bảo vệ, phục hồi hơi thở cho người bệnh, để cứu lấy sự sống. Người nào chẳng may bị nhiễm vi trùng đại dịch Corona này, mà vượt qua được ngưỡng cửa thở lại được, họ sống còn trở lại.

Không ai nhìn thấy không khí như thế nào. Cũng không ai nhìn thấy hơi thở sự sống ra sao. Nhưng không khí cũng như hơi thở sự sống rất cần thiết. Không có hơi thở, sự sống tan biến mất ngay.

Hơi thở là báu vật được ban cho con người để có sự sống.

Trong đời sống con người

Hơi thở sự sống làm nảy sinh sức năng động trong thân thể con người chạy khắp qua làn da thớ thịt, tầng thần kinh bừng dậy vươn tăng lên. Hơi thở sự sống như nhịp điệu của chính sự sống.

Hơi thở sự sống đem lại hiệu qủa chữa trị cho thân thể cũng như trí khôn tinh thần khoẻ mạnh trở lại. Vì thế có những phương pháp chữa trị bệnh bằng tập luyện hít thở tròn đầy điều hòa thông suốt từ trên xuống dưới đến khắp cùng đường gân máu trong người.

Hầu như người mẹ nào cũng thổi hơi vào chỗ đau của em bé, khi chúng té vấp ngã khóc kêu la. Làn hơi thở của người mẹ thổi trên vết thương làm dịu cơn đau ngay cho em bé.

Những ca sĩ nổi tiếng hát giọng to nhỏ ngân dài được cũng do họ tập luyện biết hít hơi thở ra vào đều đặn. Nhờ thế, tiếng hát âm thanh họ phát ra vừa tròn đầy sinh động, vừa trong sáng hấp dẫn, và chính họ không bị mệt hết hơi nữa…

Phương pháp Yoga ngồi tịnh thiền là một phương pháp tập luyện hít thở điều hòa chân khí trong thân thể. Qua đó giúp con người có lại sự quân bình. Hít thở đúng nhịp nhàng giúp con người tìm lại vị trí trung dung điềm tĩnh ngay nơi chính bản thân mình, và suy nghĩ thấm sâu vào tận bên trong tâm hồn.

Những loài thú vật hoang dã trong vùng núi rừng, sau khi sinh con, người mẹ lấz lưỡi liếm con và hà hơi thở vào con vật con vừa sinh ra đời. con vật nhỏ từ từ bật đứng dậy lảo đảo bước đi tìm bụng mẹ bú giọt sữa đầu tiên. Nhờ thế con vật nhỏ mới sinh liền có sức chạy nhảy liền.

Trong đức tin đạo giáo

Những suy tư hình ảnh về hơi thở sự sống cần thiết hữu ích cho con người thế nào, có thể giúp hiểu nhận ra hơi thở là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần, Thần linh của Thiên Chúa.

Theo tiếng Do Thái trong Kinh Thánh „ ruach“ mang ý nghĩa „gió, làn hơi, Thần khí“.

Theo tiếng Hylạp „ pneuma“ có ý nghĩa “ không khí, Thần khí“.

Theo tiếng Latinh „ Spiritus sanctus“ - Chúa Thánh Thần- có nguồn gốc từ chữ „ spirare“ = hơi thở.

Khi tạo dựng trời đất, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa đã hà hơi thổi vào hình tượng bằng đất do Ngài tạo nặn nên. Và sự sống liền chuyền vào nảy sinh thành con người sống động. ( St 2, 7).

Chúa Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết, khi hiện ra với các Thánh Tông đồ cũng hà hơi trên họ và nói: Anh em hãy tiếp nhận Chúa Thánh Thần“ ( Ga 20, 21).

Trong ý nghĩa „ thần khí“ trí khôn ta nghĩ đến sự gì mỏng manh, không bắt nắm nhìn hiểu được, như có vẻ nửa vời. Nhưng với con người như trong Kinh thánh thuật lại „ thần khí“ là sức mạnh sự sống, là điều gì dũng mạnh như bão tố, hay như dòng nước dòng điện chuyền trôi chảy cuốn hút.

Trong trí khôn tinh thần

Khi dòng Thần Khí của Thiên Chúa chẩy tuôn vào tâm hồn ai, người đó như sống động, sức mạnh tăng thêm lên.

Nhiều người vẻ bề ngoài thân thể hình dáng không chiếu tỏa nét gì đặc biệt hấp dẫn. Nhưng họ lại có sức hấp dẫn lôi cuốn thuyết phục khi nói, khi ra cử điệu dủ chỉ nhỏ chỉ ngắn thôi. Sức mạnh từ trong người họ phát ra bên ngoài sống động trong sáng. Khả năng đó Kinh Thánh gọi là “ Charismen - đặc sủng”, là “Ơn Chúa Thánh Thần”.

Tình yêu tuy mỏng mảnh, yên lặng, xem ra không có gì gây cấn, nhưng cũng rất dũng mạnh, là một thí dụ, một hình ảnh nói về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần làn hơi thở sự sống đem lại sức sống mới.

Làn hơi đức Chúa Thánh Thần thôi thúc tạo ra sức năng động sáng tạo cho tâm trí con người, nhưng cũng giúp tâm hồn tìm lại vị thế trung dung đời sống: sự bình an điềm tĩnh.

Đây là điều cần thiết cho đời sống ngày hôm nay trong một thế giới xã hội có nhiều giằng co gây hoang mang cho tâm trí.

Làn hơi thở Đức Chúa Thánh Thần chữa lành vết thương tâm hồn tìm lại bình an cùng niềm tin vươn lên cho đời sống thể xác cũng như tâm hồn.

Mọi sinh vật đều cần không khí để thở, để sống và phát triển. Không có hơi thở không khí trong vòng ba phút trí não con người không thể suy nghĩ được, cơ thể trở nên trì trệ và có thể bị ngất xỉu. Buồng phổi cần không khí như bao tử cần cơm bánh, rau cỏ nước uống cho cơ thể. Hơi thở Không khí cần cho con người, cho xúc vật cho cây cối hoa quả mùa màng phát triển.

Hơi thở Không khí là của châu báu Trời ban cho địa cầu. Con người cần không khí để sống. Và trong hơi thở không khí chúng ta cảm thấy có cái gì khó diễn tả bằng lời nói hay bằng hình ảnh cụ thể. Ðiều khó diễn tả đó chính là sức sống. Sức sống tựa như làn gió, như cơn giông bão thổi vào con người khiến họ trở nên sinh động mạnh dạn hoạt bát.

Các Môn sinh Chúa Giêsu ngày xưa, sau khi Thầy Giêsu bị kết án tử hình treo trên thập giá, sống trong lo âu sợ hãi, sống co ro trong nhà, khoá cửa chặt chẽ. Các ông sống như người thiếu hơi thở không khí, thiếu sức sống. Vì thế tinh thần xuống dốc, bị giảm thiểu hầu như gần tàn lụi. Nhưng bỗng nhiên Chúa Giê su hiện ra giữa các ông. Ngài mang hơi thở không khí, sức sống niềm vui, niềm hy vọng đến cho họ. Có sức sống các ông trở thành người khỏe mạnh, họat bát tung cửa đi ra chung sống với đời, làm nhân chứng cho Thầy mình.

Hơi thở sức sống Thần linh Thiên Chúa đổi mới tâm hồn các ông.

Lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31.05.2020

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Mừng kim khánh Khấn Dòng 1970 -30.05. - 2020
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
14:39 30/05/2020
Mừng kim khánh Khấn Dòng 1970 -30.05. - 2020

Cách đây 50 năm Sơ Terexa Vũ Thị Phượng đã tuyên Khấn lần đầu tiên gia nhập Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp bên Việt Nam.

Lời Khấn đầu tiên cho nếp sống Hội Dòng không chỉ là một bước đi vào thử tập sống đời nữ tu, nhưng còn hơn thế nữa. Đó là bước mạnh dạn dấn thân đi vào con đường tu trì muốn chọn tình yêu Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Lời Khấn nguyện chọn nếp sống tu trì trong Hội Dòng, có thể được ví như lời của hai người nam-nữ tay trong tay trước bàn thờ Thiên Chúa ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng.

Lời Khấn hứa trong Hội Dòng mở ra cánh cửa cho người nữ tu bước đi vào sống thực hành làm quen khắc ghi vào tâm hồn nếp sống linh đạo Hội Dòng, nếp sống cộng đoàn nhà Dòng, mà bấy lâu họ đã học hỏi chuẩn bị nơi nhà thử, nhà tập.

Và cánh cửa đó mở ra cho người nữ tu một chân trời tương lai mới của đời sống người tu trì với những nhiệm vụ chung nhà Dòng đang chờ đợi tin tưởng trao cho sau này.

Con đường đời sống đời tu trì của Sơ Terexa Phượng trải qua từ 50 năm nay với nhiều biến cố thăng trầm, vui buồn, thành công cùng thất bại, hy vọng cùng lo âu hồi hộp. Nhưng đó là đời sống. Và nhờ thế, trí khôn, tâm hồn cùng ý chí của Sơ Terexa Phượng được thao luyện gặt hái giầu có thêm kinh nghiệm về nếp sống người nữ tu giữa dòng đời sống xã hội, cùng trở nên can đảm vững chắc hơn.

Dẫu thế nào đi chăng nữa, Sơ Terexa Phượng luôn luôn sống tin tưởng phó thác trong bàn tay quan phòng của tình yêu Thiên Chúa. Sơ Terexa Phượng trong đời sống luôn hằng tâm niệm tin tưởng: „ Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con. Những gì con có đều do Chúa ban cho. Con xin dâng lời cám ơn Chúa. Và con chỉ là người đầy tớ vô dụng.“

Cùng với Sơ Terexa Phượng xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn thiên triệu kêu gọi cho Sơ trở thành người nữ tu trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, và ban ân đức giúp Sơ sống trung thành với lời Khấn Dòng từ 50 năm nay.

Xin chúc mừng Sơ Terexa Vũ thị Phượng dịp mừng kỷ niệm thánh đức kim khánh Khấn Dòng.

Ad multos annos!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Những kẻ giật Thánh Giá, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ xuống sẽ không có kết quả tốt, bảo đảm!
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:01 30/05/2020


1. Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật tịch thu tài sản của quan chức Trung Quốc trên đất Mỹ

Trong một cuộc bỏ phiếu muộn ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số tôn giáo khác trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương.

Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền Liên Quan Đến Người Duy Ngô Nhĩ, được thông qua với tỉ số 413 trên 1, cũng đòi hỏi hành pháp Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng rắn hơn đối với các vi phạm nhân quyền mà các nhóm thiểu số tôn giáo khác phải chịu. Dân biểu Thomas Massie, của Kentucky, là người duy nhất phản đối dự luật này.

“Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình đang thực hiện một tội ác diệt chủng vẫn đang tiếp diễn ra chống lại khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hành động, ” Dân biểu Chris Smith, của đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, cho biết trong một bài bình luận từ diễn đàn Hạ Viện trước khi bỏ phiếu. “Ngày nay, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung. Hàng triệu người khác bị quấy rối, đánh đập, hãm hiếp và tra tấn.”

Dân biểu Smith là một người Công Giáo, và là thành viên lâu năm trong Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, và cũng là thành viên cao cấp của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, và đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền lưỡng đảng Tom Lantos. Ông đã phục vụ tại Quốc hội từ năm 1981, và đã chủ trì hơn 60 phiên điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản dự luật ngày 14 tháng Năm. Với việc thông qua của Hạ viện, giờ đây, Tổng thống Donald Trump sẽ ký ban hành luật này.

Như Dân biểu Smith giải thích trong bài phát biểu tại diễn đàn Hạ Viện, luật mới yêu cầu chính quyền của tổng thống Trump phải phân loại và báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền của bọn cầm quyền Trung Quốc và thực hiện các bước cụ thể theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu để xử phạt các quan chức Trung Quốc về những lạm dụng này bao gồm cả việc từ chối visa, tịch thu tài sản trên đất Mỹ cho đến việc cấm tất cả các giao dịch tài chính với những kẻ vi phạm nhân quyền.

Điểm nổi bật trong Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền là việc quy kết trách nhiệm và tiến hành tịch thu tài sản từng cá nhân các quan chức Trung Quốc chứ không lên án chung chung. Lợi nhuận đầu tư rất lớn và thuận lợi dưới thời Obama, cũng như các tính toán nhằm hạ cánh an toàn đã khiến các quan chức Trung Quốc lao vào các khoản đầu tư rất lớn trên đất Mỹ.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương - bao gồm các ước tính chính thức về số lượng cá nhân bị giam giữ trong các trại tập trung - và FBI phải đệ trình báo cáo lên Quốc hội về các nỗ lực của công an Trung Quốc nhằm đe dọa và quấy rối Người Duy Ngô Nhĩ và những người có quốc tịch Trung Quốc đang cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Dân biểu Smith nhắc nhớ lời khai được đưa ra trong phiên điều trần quốc hội năm 2018 của nhân chứng Mihrigul Tursun, người đã kể lại thử thách mà cô phải chịu như tra tấn, lạm dụng tình dục và giam giữ dài hạn trong một trại tập trung.

“Cô ấy đã khóc khi nói với chúng tôi rằng cô ấy đã cầu xin Chúa chấm dứt cuộc sống của mình. Các cai tù Trung Quốc đã khoá tay cô vào một cái bàn và liên tục làm tăng dòng điện chạy qua cơ thể cô và chế giễu niềm tin của cô vào Chúa. Cô bị tra tấn chỉ vì là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và là người Hồi giáo ở Trung Quốc.”

“Có hàng triệu câu chuyện như thế này đang chờ được kể về tội ác chống lại loài người do bọn cầm quyền Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người có niềm tin tôn giáo”.

Dân biểu Smith cho biết ban đầu chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung đông người và thậm chí bây giờ cố gắng còn miêu tả những trại tập trung kinh khủng này là các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, tờ New York Times và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã thu được các tài liệu vạch trần sự tàn bạo trong các trại tập trung này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng Năm, Dân biểu Smith nói với thông tấn xã Công Giáo CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Trung Quốc khét tiếng đối với nạn tra tấn.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khen ngợi Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật.

“Thế giới đã chần chừ quá lâu khi bọn cầm quyền Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung, ” ông Nury Turkel, một ủy viên của USCIRF, cho biết ngày 27 tháng Năm. “Luật Đạo luật Chính sách Nhân quyền sẽ là đạo luật lớn đầu tiên tập trung vào việc thúc đẩy quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm tôn giáo khác. Hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ theo gương của chính phủ Hoa Kỳ, và có hành động về vấn đề này.”

Theo báo cáo của USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Trong cố gắng che đậy sự thật về đại dịch coronavirus kinh hoàng, đảng Cộng sản Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tịch thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Động thái của Quốc Hội lưỡng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Crux

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình trên toàn quốc

WASHINGTON - Bảy chủ tịch các ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố sau trước cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình đang nổ ra ở Minneapolis và các thành phố khác của Hoa Kỳ.

Ngày 29 tháng 5 năm 2020

Đức Cha Shelton Fabre của Houma-Thibodaux, Chủ tịch Ủy ban chống phân biệt chủng tộc; Đức Tổng Giám Mục Nelson Pérez của Philadelphia, Chủ tịch Ủy ban Đa Văn hóa trong Giáo Hội; Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Phát triển Con người Quốc nội; Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas, Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh; Đức Giám Mục Joseph Bambera của Scranton, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề đại kết và liên tôn; Đức Giám Mục David O’Connell, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, chủ tịch Tiểu ban Vận động Công Giáo vì sự phát triển của con người; và Đức Giám Mục Joseph Perry, Giám Mục Phụ Tá của Chicago, chủ tịch Tiểu ban về các vấn đề người Mỹ gốc Phi đã đưa ra tuyên bố sau:

Chúng tôi rất đau khổ, đau lòng và phẫn nộ khi xem một video về một người đàn ông Mỹ gốc Phi bị giết trước mắt chúng tôi. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là điều này xảy ra chỉ trong vòng vài tuần sau một vài biến cố tương tự như vậy. Đây là lời mời gọi thức tỉnh mới nhất cần được đáp trả bởi mỗi người chúng ta trong một tinh thần quyết tâm hoán cải.

Phân biệt chủng tộc không phải là một điều của quá khứ hoặc chỉ đơn giản là một vấn đề chính trị được băng bó lúc nào đó thuận tiện. Đó là một mối nguy hiểm thực sự và hiện tại phải được đáp ứng một cách trực diện. Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta phải ủng hộ những hành động đúng đắn và công bằng hơn, thay vì dễ dãi và thờ ơ trước những sai lầm. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn bạo này mà vẫn cố gắng rêu rao là tôn trọng cuộc sống của mỗi con người. Hãy nhớ rằng: Chúng ta đang phục vụ một Thiên Chúa của tình yêu, lòng thương xót và công lý.

Chúng tôi được mong đợi sẽ kêu gọi các cuộc biểu tình phi bạo lực ôn hòa, và chúng tôi chắc chắn sẽ làm như thế, nhưng chúng tôi cũng ủng hộ nhiệt tình của các cộng đồng bị xúc phạm một cách quá trắng trợn. Quá nhiều cộng đồng trên khắp đất nước này cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe, những lời phàn nàn của họ về nạn đối xử phân biệt chủng tộc không được chú ý, và chúng ta không làm đủ để chỉ ra rằng sự đối xử chết người này là một dấu chỉ phản chứng đối với Tin Mừng Sự sống.

Như chúng tôi đã nói mười tám tháng trước trong lá thư mục vụ gần đây nhất của chúng tôi về chống phân biệt chủng tộc, có nhan đề Hãy Mở Rộng Lòng Chúng Ta Ra, đối với những người da màu, một số tương tác với cảnh sát có thể gây ra nỗi sợ hãi và thậm chí là nguy hiểm. Những người có lương tâm tốt không bao giờ được nhắm mắt làm ngơ khi công dân bị tước đi phẩm giá con người và thậm chí cả mạng sống của họ. Sự thờ ơ không thể là một lựa chọn. Là một Giám Mục, chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng phân biệt chủng tộc là một vấn nạn đối với sự sống.

Chúng tôi hiệp cùng với Đức Tổng Giám Mục Bernard A. Hebda của St. Paul và Minneapolis cầu nguyện cho sự an nghỉ đời đời của linh hồn anh George Floyd và tất cả những người khác đã mất mạng trong các trường hợp tương tự. Chúng tôi cầu xin sự chấm dứt bạo lực sau thảm kịch này và cho các nạn nhân của những cuộc bạo loạn. Chúng tôi cầu nguyện cho sự an ủi cho gia đình và bạn bè anh Floyd đang phải đau buồn. Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình trên khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Minnesota, trong khi tiến trình pháp lý được thực hiện. Chúng tôi cũng trông đợi một cuộc điều tra đầy đủ dẫn đến trách nhiệm chính đáng và công lý thực sự.

Chúng tôi tham gia với các Giám Mục anh em của chúng tôi để mời gọi mọi người đến với nhau, đặc biệt là với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Trong cuộc gặp gỡ này, tất cả chúng ta hãy tìm kiếm sự hiểu biết nhiều hơn giữa Dân Chúa. Quá nhiều người trong lịch sử đã bị tước mất nhân quyền và tiếp tục phải trải qua nỗi buồn và nỗi đau, nhưng họ vẫn nỗ lực để kiên trì và vẫn là người có đức tin mạnh mẽ. Chúng tôi khuyến khích các mục tử của chúng ta gặp gỡ và đồng hành một cách chân thực hơn với họ, lắng nghe câu chuyện của họ và học hỏi từ họ, tìm ra những cách thức thực sự để tạo ra sự thay đổi hệ thống. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ bắt đầu mang lại sự hoán cải cần thiết trong sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống thực sự, lòng bác ái và công lý ở Hoa Kỳ. Hy vọng, khi đó sẽ có nhiều tiếng nói lên tiếng và tìm cách chữa lành, chống lại sự xấu xa của nạn phân biệt chủng tộc ở vùng đất của chúng ta.

Hướng đến ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào cuối tuần này, chúng tôi mời gọi tất cả người Công Giáo cầu nguyện và làm việc cho sự tuôn đổ mới mẻ các ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu nguyện cho một sự khao khát siêu nhiên muốn thoát ra khỏi những tác hại mà sự thiên vị và thành kiến gây ra. Chúng tôi kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Thần Chân lý chạm đến trái tim của tất cả mọi người ở Hoa Kỳ và tuôn đổ xuống hệ thống thực thi pháp luật và tư pháp hình sự của chúng ta. Cuối cùng, hãy để mỗi người Công Giáo, bất kể sắc tộc của họ, cầu xin Chúa chữa lành quan điểm của chúng ta đối với nhau đã bị đổ vỡ một cách sâu sắc, và xin Người chữa lành xã hội đã tan vỡ sâu sắc của chúng ta.


Source:USCCB

3. Tôi không thở được, xin đừng giết tôi – Lạy Chúa tại sao cảnh kinh hoàng này vẫn còn xảy ra?

Trong khi những kẻ bạo loạn và những kẻ cướp bóc xuống đường, và một phần của thành phố Minneapolis bị đốt cháy, một số người Công Giáo ở bang Minnesota đã kêu gọi công lý, chữa lành và đoàn kết sau khi George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên hôm thứ Hai.

“Tôi cảm thấy buồn. Tôi thấy bịnh. Tôi tức giận. Và tôi mệt mỏi. Tôi mệt mỏi vì những điều như vậy cứ xảy ra lặp đi lặp lại. ‘Lạy Chúa, chúng con còn phải chịu đựng những điều như vậy trong bao lâu nữa? ’” Cha Erich Rutten, Cha sở của Giáo xứ St. Peter Claver ở St. Paul, nói như trên trong một thông điệp trên YouTube vào ngày 27 tháng 5, hai ngày sau khi Floyd bị giết.

“Tình yêu của Thiên Chúa, mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, rõ ràng cho chúng ta thấy rằng chúng ta tất cả đều là con cái của một Thiên Chúa duy nhất, và rằng chúng ta đều bình đẳng trước mặt Chúa Kitô là Vua của chúng ta, trong Nước của Cha chúng ta. Chúng ta đều là anh chị em với nhau.”

Giáo xứ này là nơi sinh sống của cộng đồng Công Giáo người Mỹ gốc Phi lớn nhất tại hai thành phố St. Paul và Minneapolis, và, vào năm 1888, là nhà thờ Công Giáo đầu tiên được thành lập bởi và dành cho người Mỹ gốc Phi sống ở Minnesota.

“Đây là một trường hợp trong đó cái chủ nghĩa duy da trắng đã phải trả giá là sinh mạng một người nào đó trong cuộc sống. Ý tưởng sai lầm rằng người da trắng bằng cách nào đó có thể xô đẩy người khác xung quanh, hoặc họ là chủ sở hữu đất nước này, hoặc sở hữu thành phố Minneapolis này, đã dẫn đến sự thiếu tôn trọng khủng khiếp. Dẫn đến nghèo đói. Dẫn đến, trong trường hợp này, bạo lực, và trong nhiều trường hợp, bạo lực, ” Cha Rutten nói thêm trong video của ngài.

“Trường hợp đặc biệt này là rất nghiêm trọng, ” Cha Rutten nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ tư, “nó quá là điên.”

“Đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta phải xa lánh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và phải tiến xa hơn trong một sự hiệp nhất triệt để, trong Nước Thiên Chúa, là Vương quốc trong đó chúng ta đều là anh chị em. Tôi thực sự muốn nói: Chúng ta thật sự là anh chị em ruột thịt với nhau, ” Cha Rutten nói thêm.

Giáo xứ St. Peter Claver nằm trong một khu phố nơi các tòa nhà xung quanh bị hư hại bởi những kẻ nổi loạn vào tối thứ Năm. Nhà thờ may mắn không bị hề hấn gì.

“Đó là một đêm điên rồ, với rất nhiều điều xảy ra xung quanh đây, ” Cha Rutten nói trong một đoạn video phát hành sáng thứ Sáu.

“Điều đó chỉ làm chúng ta cảm thấy tệ hại cho cộng đồng của mình, vì quá nhiều nỗi đau và hy vọng chúng ta có thể tìm ra cách chữa lành, hòa giải và hòa bình. Tôi biết điều đó sẽ không dễ dàng.”

Giáo xứ đã livestream một buổi cầu nguyện tối thứ Sáu.

Giáo dân St. Peter Claver cũng đã kêu gọi công lý.

Estelle Jones, 75 tuổi, lãnh đạo ủy ban công lý xã hội tại St. Peter Claver, nhằm hỗ trợ cho các gia đình của những người bị giam giữ.

Hôm thứ Ba, bà nói với CNA rằng “Tôi có cảm giác buồn nôn đến mức rất khó, thậm chí không còn muốn nói về chuyện này.”

“Một cái gì đó phải dừng lại, tôi hy vọng. Thật đáng buồn, nhưng tôi hy vọng cái chết của George Floyd sẽ đánh thức cộng đồng và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, rằng chúng ta phải ngăn chặn bạo lực và sự tàn bạo của cảnh sát, và sự phân biệt chủng tộc này.”

Vào năm 2015, Jones cho biết bà đã phải chứng kiến cảnh sát tấn công cháu trai của chính mình, lúc đó vào giữa tuổi ba mươi, tại một điểm dừng giao thông. Cháu bà “bước ra khỏi xe hơi của mình, và nó hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Nó đang đứng hai tay giơ lên trời. Điều tiếp theo chúng tôi thấy là họ đã quật nó xuống đất và đánh tới tấp bằng roi điện.”

“Chúng tôi đã ở đó. Con gái tôi, mẹ nó và tôi. Đây là một trong những điều kinh khủng nhất, khủng khiếp nhất chúng tôi từng phải chứng kiến xảy ra với một người thân yêu, và chúng tôi đang đứng đó.”

Jones cho biết cháu trai của bà đã phải nhập viện vì vết thương.

Cha Rutten cho biết giáo dân của giáo xứ Thánh Phêrô Claver được kêu gọi để “khuấy động cả trong Giáo Hội và trong thế giới của chúng ta cho công lý và hòa bình chủng tộc và chữa lành, và cho thực tế rằng chúng ta thật sự là anh chị em với nhau.”

“Nhớ đến George, chúng ta cần phải tiếp tục sứ mệnh đó, ” Cha Rutten nói.

Cựu cảnh sát viên thành phố Minneapolis Derek Chauvin, là người đã quỳ trên cổ anh Floyd, đã bị bắt vào ngày thứ Sáu 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Anh ta và ba cảnh sát viên khác có mặt trong vụ bắt giữ Floyd đã bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát thành phố Minneapolis.

Trái với tuyên bố của cảnh sát vào hôm thứ Ba cho rằng Floyd đã chống cự khi bị cảnh sát bắt ra khỏi xe vì có người cáo buộc anh dùng một tờ 20 Mỹ Kim giả, các camera an ninh của các cửa hàng gần bên được tung lên YouTube cho thấy anh ta hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Anh liên tục kêu: “Tôi không thở được, xin đừng giết tôi.” Các báo cáo nói bất kể những lời van xin của người đi đường, Chauvin đã quỳ trên cổ của Floyd trong khoảng 8 phút và chỉ dừng lại khi một đồng nghiệp sờ vào mũi của Floyd và bảo “Nó chết rồi.”

Đức Tổng Giám Mục St. Paul và Minneapolis, Bernard Hebda, đã dâng một Thánh lễ cho linh hồn của George Floyd và cho gia đình của ông vào ngày 27 tháng Năm.

Trong một diễn biến thật tệ hại, cảnh sát tại phường 3 thành phố Minneapolis, là đơn vị phải chịu trách nhiệm về vụ giết chết Floyd đã phải rút lui khỏi đồn cảnh sát vào lúc 11:30 sáng thứ Năm. Những người biểu tình đã chiếm đồn cảnh sát và đốt cháy trụ sở này.


Source:Catholic News Agency

4. Đại diện Tòa Thánh bày tỏ sự bất mãn trước các chế giễu tôn giáo trong thời đại dịch coronavirus

Khi mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn trong thời gian bị cô lập vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, những nhận xét tiêu cực và thậm chí kích động hận thù dựa trên bản sắc dân tộc, văn hóa hoặc tôn giáo đã tăng lên, một đại diện của Vatican cho biết như trên.

Đức Ông Janusz Urbanchot, đại diện của Tòa Thánh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, gọi tắt là OSCE, cảnh báo rằng:

“Phân biệt đối xử trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể dẫn đến bạo lực, là bước cuối cùng trong một con dốc trơn trượt bắt đầu bằng sự nhạo báng và bất khoan dung xã hội, ”

Đức Ông Urbanchot là một trong hơn 230 đại diện của các quốc gia thành viên OSCE, các tổ chức liên chính phủ, các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội dân sự tham gia cuộc họp trực tuyến từ ngày 25 đến 26 tháng Năm để thảo luận về những thách thức và cơ hội nhằm tăng cường khả năng chịu đựng trong đại dịch và trong tương lai.

Tuyên bố từ OSCE cho biết:

“Những người tham gia thảo luận về tầm quan trọng của các chính sách bao gồm việc xây dựng các liên minh nhằm củng cố các xã hội đa dạng và đa sắc tộc, cũng như sự cần thiết phải hành động sớm để ngăn chặn sự bất khoan dung đang leo thang thành xung đột mở rộng.”

Theo Vatican News, Đức Ông Urbanchot nói với cuộc họp rằng lòng căm thù đức tin Kitô và các niềm tin tôn giáo khác ảnh hưởng tiêu cực đến nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác của người dân.

Những hành động này bao gồm các mối đe dọa, tấn công bạo lực, giết người và báng bổ niềm tin cũng như những nơi thờ phượng, nghĩa trang và các tài sản tôn giáo khác.

Đức Ông Urbanchot cũng nhấn mạnh Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến vấn đề là một số nhà chức trách một mặt thì rêu rao là tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng trong thực tế cố gắng hạn chế tối đa các thực hành tôn giáo và các biểu hiện tôn giáo ở nơi công cộng.

“Ý tưởng sai lầm rằng các tôn giáo có thể có tác động tiêu cực đến xã hội hoặc đại diện cho một mối đe dọa đối với sự thịnh vượng của xã hội chúng ta đang phát triển, ” ngài cảnh báo.

“Một số biện pháp cụ thể mà các chính phủ đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 thể hiện rõ sự phân biệt đối xử đối với các tôn giáo và các thành viên của các tôn giáo.”

“Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đã bị hạn chế hoặc bị bôi bác trong toàn bộ khu vực OSCE, kể cả ở những nơi mà các nhà thờ bị ra lệnh đóng cửa và nơi các cử hành tôn giáo phải đối mặt với những hạn chế lớn hơn so với các khu vực khác của đời sống công cộng.”


Source:Crux