Phụng Vụ - Mục Vụ
Yêu thương như Giêsu
Lm. Đan Vinh
05:51 16/06/2020
Lễ Thánh Tâm A
Đnl 7, 6-11; 1 Ga 4, 7-16; Mt 11, 25-30
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 11, 25-30
(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa Cha, vì Người đã giấu không cho những kẻ học thức quyền thế biết chân lý, nhưng lại tỏ mình ra cho những người nghèo khó, yếu đuối và tội lỗi. Tiếp đến, Đức Giê-su bày tỏ về bản tính Thiên Chúa của Người ngang bằng Chúa Cha, và dạy môn đệ hãy sống gắn bó với Người, để biến ách lề luật và gánh nặng bổn phận trở nên nhẹ nhàng và sau này sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 25: + Lạy Cha: Khi cầu nguyện, Đức Giê-su thường xưng tụng Thiên Chúa là “Cha”, một tiếng gọi thân thương mới lạ đối với người Do thái, vì họ không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là Cha. + “Chúa Tể trời đất”: là một lời xưng hô có tính trang trọng. + Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn: “Giấu” ở đây không phải vì Chúa Cha không muốn mặc khải, nhưng vì những người kia tự mãn, cho mình là khôn ngoan thông thái, nên không muốn đón nhận chân lý mặc khải. Trái lại, những người bé mọn vì có tinh thần khó nghèo, nên được Thiên Chúa tỏ mình để họ biết Người, như Đức Giê-su đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9, 39). Câu này gợi lại câu chuyện về các thiếu niên Do thái trong sách Đa-ni-en: Tất cả các bậc khôn ngoan thông thái Ba-by-lon không ai hiểu được mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chỉ có các thiếu niên Do thái là được Thiên Chúa mặc khải cho (x. Đn 2, 27.30). Cũng vậy, Đức Giê-su ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn, tức là những kẻ chỉ biết tin cậy phó thác vào sự phù trì của Thiên Chúa.
- C 26-27: + Đó là điều đẹp ý Cha: Đức Giê-su luôn làm đẹp lòng Cha (x. Mt 3, 17; 26, 42; Ga 4, 34). + Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi: Ngôn sứ Đa-ni-en được mặc khải chuyện Con Người được Đấng Cao Niên (Thiên Chúa) ban tặng tất cả mọi sự (x. Đn 7, 14). Ở đây, Đức Giê-su cho thấy Thiên Chúa đã giao phó mọi sự cho Người (x. Mt 28, 18). Nhất là cho Người biết rõ về Chúa Cha để mặc khải cho lòai người, hầu ban cho lòai người được sống đời đời (x. Ga 17, 2-3). + Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho: “Biết” ở đây không phải chỉ là sự hiểu biết tri thức thông thường, nhưng là hiểu biết thâm sâu cả về tâm hồn và thể xác.
- C 28: + Tất cả hãy đến với tôi: Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy theo làm môn đệ của Người, tức là vâng nghe lời Người dạy và sống theo gương mẫu tốt lành của Người. + Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: Chính Đức Giê-su là Con Người được đề cập trong sách Đa-ni-en, ở đây lại xuất hiện dưới danh xưng Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Họ là những kẻ vất vả và mang gánh nặng nên được Người kêu gọi hãy đến với Người. Đó là những người Do thái đang sống dưới ách của Luật cũ có nhiều tập tục nặng nề (x. Mt 23, 4). Những kẻ mang gánh nặng còn là những người gặp nhiều gian nan thử thách.
- C 29-30: + Hãy mang lấy ách của tôi: “Ách” hay “gánh” của Đức Giê-su chính là đạo lý Tin Mừng mà Người rao giảng. + Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường: Đạo lý của Đức Giê-su được tóm lại trong ba điều chính sau: Một là Tin, nghĩa là trở thành môn đệ của Người. Hai là khiêm nhường, nghĩa là hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa. Ba là hiền lành, nghĩa là đối xử khoan dung nhân hậu với tha nhân. + Vì ách tôi êm ái: Đức Giê-su đòi môn đệ phải giữ luật theo tinh thần của Tám Mối Phúc (x. Mt 5, 17.20), thay cho thái độ vụ Lề Luật và nặng hình thức (x. Mt 5, 21-22). Đức Giê-su cũng dạy môn đệ đừng bắt chước các đầu mục Do thái là các kinh sư và người Pha-ri-sêu, vì họ “nói mà không làm” (x. Mt 23, 2-7). + Và gánh tôi nhẹ nhàng: Khi tuân giữ các điều Luật dạy với lòng yêu mến, thì bất cứ điều khoản nào dù khó giữ đến đâu, cũng trở nên nhẹ nhàng đối với người yêu mến Chúa.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LỊCH SỬ LỄ THÁNH TÂM:
Khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh tới vết thương ở cạnh sườn Người: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 33-34).
Trước thế kỷ 12, Hội Thánh có thói quen tôn kính các vết thương của Chúa Giê-su. Nhưng từ thế kỷ 13, Hội Thánh bắt đầu tôn kính Trái tim Chúa, là cơ quan diễm tả Tình yêu của Người. Đến năm 1695, nữ tu Mác-ga-ri-ta thuộc dòng Đức Mẹ Thăm Viếng ở Pháp, đã được Chúa Giê-su hiện ra phán bảo rằng: “Đây là Trái Tim đã yêu mến loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi”. Rồi Chúa truyền phải phổ biến lòng tôn sùng Trái Tim Chúa trên khắp thế giới. Giáo Hội cổ động việc tôn sùng này như một phương thế chống lại lý thuyết sai lầm thời đó, chủ trương Thiên Chúa là Đấng nghiêm minh công thẳng, không xót thương và sẽ trừng phạt các tội nhân. Vì thế Giáo Hội thấy cần đề cao lòng thương xót của Chúa. Nên đến cuối thế kỷ thứ 18, Giáo Hội đã thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Phương thế để tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su là siêng năng làm việc đền tạ. Việc đền tạ gồm hai phần: Một là gia tăng lòng kính mến Chúa, thay cho những kẻ đã vô tình tệ bạc với Người. Hai là dâng những lời ngợi khen, ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã cả lòng xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.
2) LUÔN VUI TƯƠI VÌ CÓ TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG:
Nhà văn TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện để khuyên người ta sống lạc quan:
Một hôm, một con chó sói kia gặp thấy con sóc có bộ lông màu nâu đang nhởn nhơ ngồi gặm củ cà rốt trên một cành cây gần mặt đất, sói liền nhe hàm răng nhọn hoắc ra, gầm gừ đe dọa và hỏi sóc nâu rằng: “Này tên sóc nâu khốn kiếp kia. Tại sao tao thấy họ hàng bọn sóc các ngươi lúc nào cũng nhảy nhót ăn uống vui vẻ như thế? Bộ chúng bay không thấy ông nội của chúng bay đang bị rầu thúi ruột đây hay sao? ” Bấy giờ chú sóc nâu kia vội leo lên một cành cây cao hơn để đề phòng bất trắc, rồi trả lời chó sói rằng: “Thưa ông sói. Sở dĩ ông luôn cảm thấy buồn thúi ruột vì ông là kẻ gian ác, lúc nào cũng để lòng giận hờn, luôn tìm cách bắt nạt và giết hại những kẻ yếu đuối hơn mình. Còn họ sóc nhà chúng ta đây luôn vui tươi nhảy nhót suốt ngày, là do chúng ta hiền lành, luôn sống hòa thuận với mọi loài vật khác và không làm hại bất cứ ai”.
Câu trả lời của chú sóc nâu rất phù hợp với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su là một người lạc quan. Dù vừa bị các đầu mục Do thái chống đối ở các thành ven Biển Hồ (x. Mt 11, 20-24), nhưng Người đã nhận ra đó là thánh ý Chúa Cha và cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều mầu nhiệm này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11, 25-26).
Còn chúng ta, sau khi gặp một vài sự chống đối hay thất bại trong việc truyền giáo, chúng ta thường cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi. Chúng ta hãy xin Chúa ban tinh thần lạc quan, để dù gặp phải đau khổ thất bại, vẫn dâng lời ngợi khen cảm tạ, vì biết rằng sự thất bại chỉ là nhất thời, là dịp để chúng ta rút kinh nghiệm. Hy vọng sẽ tới ngày chúng ta sẽ gặt mùa lúa bội thu như lời Đức Giê-su tiên báo hôm nay.
3) KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI GẶP CHÚA:
Một cô sinh viên Công giáo kia vừa bắt gặp quả tang người yêu lừa dối phản bội mình nên mang tâm trạng buồn chán. Rồi khi về đến nhà, cô lại bị mẹ rầy la vị sự ngây thơ khờ dại của mình. Cô liền chạy xe đi tìm mấy người bạn thân, để tâm sự mong nhận được lời động viên an ủi. Nhưng thật không may: đứa thì đi học, đứa thì đi làm, đứa khác đang đi chơi với bạn trai… Trời đã về chiều và đường phố đang giờ tan tầm, cô chạy lòng vòng và bị mắc kẹt tại giao lộ, phải chịu đựng những tiếng ồn ào và hít mùi khói xăng khó chịu. Gần đó có một thánh đường đang mở cửa, cô liền đem xe vào chỗ gửi và vào trong nhà thờ. Bầu khí nơi đây thật trang nghiêm yên tĩnh. Cô đến quỳ ở hàng ghế đầu sát gian cung thánh nhìn lên Chúa Giê-su và thầm thì tâm sự với Người. Nói đến đâu nước mắt tuôn trào đến đó. Sau một hồi lâu, cô cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản. Hình như tâm tư của cô đã được Chúa nghe và cảm thông rồi. Cô đã được bình an trong tâm hồn và quên đi những gì đã gây đau khổ cho mình. Cô hy vọng một tương lai tốt đẹp đang chờ đón mình. Rồi cô ra lấy xe về nhà như không có chuyện gì xảy ra trước đó.
Thật đúng như lời Đức Giê-su mời gọi trong Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được rằng: Chỉ nơi Chúa con mới tìm thấy niềm vui và sự bình an.
4) SỐNG YÊU THƯƠNG:
Trong quyển nhật ký, mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King), người đã hy sinh mạng sống để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen có đoạn như sau:
“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi chết, được ai đó kể lại rằng: Lu-thơ Kinh là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong các bạn có thể nói rằng: tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công bình, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói ăn, và kẻ rách rưới có đồ mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói rằng: Lu-thơ Kinh đã xả thân để thăm viếng những người tù tội, và yêu thương phục vụ hết mọi người, nhất là những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc… Còn tất cả những thứ khác, như giải No-bel Hòa Bình 1964 không quan trọng nên chẳng cần phải nhắc lại…”
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con giống hình ảnh yêu thương của Chúa. Chúa đã phú ban cho con một trái tim biết yêu thương. Xin cho con biết luôn tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong sự hòa thuận tha thứ và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Nhất là xin cho con biết yêu thương những người nghèo khổ đang sống bên con, vì họ chính là hiện thân của Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi khi xưa.
5) SẴN SÀNG TẶNG TRÁI TIM DUY NHẤT CHO NGƯỜI YÊU:
Một chuyện tình có thật đã được dựng thành phim và được chiếu trên đài truyền hình Pháp trong năm 1996 như sau:
Có một chàng trai tên là ANTÔN người Phi châu, mồ côi mẹ, sống với cha trên đất Pháp. Không giấy tờ cũng chẳng có việc làm, nơi ở chỉ là một góc tối trên căn gác chật hẹp. Điều trớ trêu là Antôn lại yêu VALERY, một cô gái người pháp thuộc gia đình giàu có, nặng óc kỳ thị. Tình yêu của hai người rất bấp bênh vì khác màu da chủng tộc. Nhiều lần cha mẹ của Valery đã đến gặp và nói rõ với cha của Antôn rằng, họ sẽ không bao giờ chấp nhận cho con gái của họ sống chung với một tên da đen.
Đau khổ và tuyệt vọng, đôi thanh niên nam nữ quyết định sẽ đi tìm khung trời riêng cho mình. Thế là cô gái lấy cắp tiền của cha mẹ và lên đường đi xa, nhưng họ đã bị cảnh sát bắt lại ngay trong đêm sắp trốn đi. Quá xúc động bởi nhiều biến cố dồn dập, Valery đã bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện chữa trị. Gia đình cô lợi dụng cơ hội này để cắt đứt liên lạc giữa hai người. Để ngừa hậu hoạ, cha mẹ Valery còn gọi điện báo cho cảnh sát biết tình trạng cư trú bất hợp pháp của hai cha con Antôn. Nhưng cảnh sát đã không bắt được Antôn, vì lúc đó chàng trai thất tình đang đi lang thang ngoài đường phố. Nhiều tuần lễ sau, các bác sĩ cho biết Valery phải được thay tim, mới có hy vọng sống sót. Tình cờ biết được tin này, Antôn đã ghé thăm người yêu đang đau nặng. Trở về nhà đã vắng bóng cha, chàng trai đau khổ khóc suốt đêm. Đến khi cảnh sát ập đến bắt chàng thì họ thấy chàng đã bị mê man bất tỉnh. Thay vì đưa chàng vào nhà tù, họ đã chở chàng đến bệnh viện và chỉ vài tiếng sau thì Antôn tắt thở, trong túi áo của chàng người ta tìm thấy một tờ giấy di chúc với dòng chữ: “Xin được trao tặng trái tim này cho Valery, người yêu của tôi” và sau đó Valery đã được cứu sống nhờ trái tim của người tình da đen bất hạnh và đau khổ ấy. (nguồn Internet).
3. SUY NIỆM:
1) Hôm nay, cùng với Hội Thánh, chúng ta mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su – là nguồn mạch của tình yêu. Tình yêu của Đức Giê-su bắt đầu từ việc Chúa Con vâng lời Chúa Cha xuống nhập thể làm người, sống ẩn dật 30 năm ở Na-da-rét. Sau đó, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời gần 3 năm. Người trình bày tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tiếng nói hay màu da chủng tộc...
2) Người sẵn sàng gặp gỡ tiếp xúc với mọi hạng người trong xã hội. Ai gặp được Người cũng đều được Người ban ơn cứu độ cả về thể xác cũng như tâm hồn như sau:
- Về thể xác: Dân chúng đang đói được ăn no nhờ phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều; Một phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm được ơn chữa lành; Kẻ tê liệt nằm trên chõng được ơn trỗi dậy vác chõng về nhà; Những người cùi hủi, câm điếc, đui mù, què quặt đều được ơn chữa lành; La-da-rô chết 4 ngày được ơn phục sinh ra khỏi mồ...
- Về tinh thần, Đức Giê-su cũng biến đổi nhiều tội nhân nên người tốt như: Lê-vi nhân viên thu thuế được nên môn đệ Chúa, Gia-kêu thủ lãnh thu thuế được ơn sám hối thực sự, Ma-ri-a Ma-da-le-na tội lỗi được ơn hoàn lương... Người phụ nữ ngoại tình được Người bênh vực và tha tôi; Phê-rô, kẻ trộm lành, Sao-lô được ơn sám hối và biến đổi...
Tin Mừng Gio-an đã tóm lược tình yêu của Đức Giê-su như sau: “Ngài yêu thương các môn đệ và yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13, 1), mà tột đỉnh của tình yêu đó là hy sinh chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để phục hồi sự sống cho loài người.
3) Trong lễ kính Thánh Tâm hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa mời gọi như sau:
a) “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28): Gánh nặng ở đây là gánh nặng của đau khổ, hậu quả của những lần vấp ngã, gánh nặng trách nhiệm, của sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân… Tất cả những ai đang bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi, hãy đến gặp gỡ tâm sự với Chúa Giê-su, thì sẽ tìm thấy sự bình an cho tâm hồn.
b) “Anh em hãy mang lấy ách của tôi” (Mt 11, 29): Đức Giê-su không giấu chúng ta về đòi hỏi nghiêm túc của Người là đi con đường hẹp và leo dốc ít người muốn đi. Người đòi ta phải vác thập giá là các vất vả hy sinh mà theo Người. Như thế, sự an bình thư thái Người hứa ban, không phải thứ bình an dễ dãi, nhưng là bình an nội tâm: Dù đang bị đau khổ, vẫn ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương và quyết tâm vâng theo ý Thiên Chúa như Đức Giê-su xưa: “Đừng theo ý Con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26, 39b).
c) “Hãy học với tôi”: Đức Giê-su kêu gọi chúng ta hãy trở thành môn đệ của Người, hãy học sống yêu thương với lòng “hiền hậu và khiêm nhường” như Người. Khi mang trong lòng những tâm tình của Đức Giê-su, thì tâm hồn chúng ta sẽ được thư thái bình an. Chính khi chúng ta biết loại bỏ thái độ tự mãn của các Biệt Phái để biết ăn ở khiêm hạ hiền hòa như trẻ thơ, thì chúng ta sẽ được Người mặc khải những điều lớn lao.
d) “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30): Ách của Đức Giê-su sẽ trở nên êm ái và gánh của Người sẽ hóa thành nhẹ nhàng, nếu chúng ta biết đón nhận chúng với tình yêu thương. Chính tình yêu mến Chúa sẽ biến những đau khổ vất vả ta gặp phải, trở nên êm ái và nhẹ nhàng, như thánh Au-gút-ti-nô viết : “Nơi đâu có tình yêu, thì sẽ không còn vất vả. Mà giả như có vất vả, thì người ta cũng ưa thích sự vất vả đó”.
4. THẢO LUẬN:
Theo bạn, các việc dự lễ cầu nguyện sớm tối có phải là gánh nặng không? Làm thế nào để các việc đạo đức ấy trở thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng như lời Chúa dạy hôm nay?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con luôn sống đơn sơ bé nhỏ, để có thể nghe được tiếng Chúa, để cảm thấy Chúa đang ở trong con. Con đang sống giữa một thế giới đầy những cạm bẫy và gian dối lừa lọc, xin cho trái tim con đừng hóa ra sơ cứng như đá, ích kỷ khép kín và nghi ngờ tha nhân. Xin dạy con sống hiền hòa như Chúa, để cảm thông với nỗi đau của tha nhân và sẵn sàng tha thứ những xúc phạm của kẻ khác. Xin dạy con luôn vâng theo ý Chúa qua ý bề trên, và khiêm tốn đón nhận những góp ý chân thành của anh em. Cuối cùng, xin giúp con luôn dấn thân đi con đường hẹp và leo dốc, chấp nhận những đau khổ thử thách gặp phải với lòng tin yêu phó thác. Nhờ đó, con hy vọng sẽ nên giống Chúa ở đời này và sẽ được Chúa ban hạnh phúc thiên đàng đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
Đừng sợ để chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa
Lm. Đan Vinh
06:04 16/06/2020
Chúa Nhật 12 Thường Niên A
Gr 20, 10-13; Rm 5, 12-15; Mt 10, 26-33
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 10, 26-33
(26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. (28) Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. (29) Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. (30) Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. (31) Vậy anh em đừng sợ. Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. (32) Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (33) Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
2. Ý CHÍNH:
Trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su khích lệ các Tông đồ đừng sợ hãi, nhưng hãy mạnh dạn rao giảng Tin Mừng Nước Trời vì ba lý do: Một là vì các ông đang nắm giữ chân lý. Hai là vì thế gian chỉ có thể làm hại các ông về thể xác. Ba là vì các ông có Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự. Đức Giê-su cũng hứa sẽ bênh vực những ai can đảm tuyên xưng Danh Người trước mặt người đời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 26-27: + Anh em đừng sợ người ta: Đừng sợ là lời Đức Giê-su động viên và trấn an các môn đệ nhiều lần trong thời gian đi giảng đạo như: Khi dẹp yên sóng gió (x. Mt 8, 26; Mc 4, 41), khi tiên báo các ông sẽ bị bách hại (x. Mt 10, 19-20), khi khuyên các ông vững tin vào Chúa quan phòng (x. Lc 12, 22), khuyên đừng sợ trước sự biến động trước ngày tận thế (x. Mc 13, 7), trước những thử thách về đức tin (x. Mt 10, 26-33), khi đi trên mặt nước lúc đêm tối (x. Mt 14, 27; Mc 6, 50), khi hiện ra vào chiều ngày phục sinh (x. Ga 20, 19-20). + Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ…: Chính Thiên Chúa sẽ bày tỏ sự thật về Người cho loài người, mặc cho có những kẻ cố tình che giấu bưng bít. + Điều Thầy nói lúc đêm hôm…: Điều Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ ở Ga-li-lê giống như nói trong đêm tối, thì các ông hãy can đảm rao giảng công khai giữa thanh thiên bạch nhật. + Hãy lên mái nhà rao giảng…: Điều Đức Giê-su nói riêng với các ông như nói rỉ tai, thì hãy lên mái nhà tức là trên sân thượng giống như chiếc bục giảng, để nói to cho đám đông đứng dưới sân được nghe. Tương tự như thời đó, vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Sáu hằng tuần, người có trách nhiệm sẽ lên trên sân thượng của ngôi nhà cao nhất, thổi kèn để loan báo cho mọi người biết bắt đầu ngày Sa-bát là ngày người Do thái phải nghỉ việc xác.
- C 28-31: + Anh em đừng sợ: Lời Đức Giê-su động viên các môn đệ khi sai họ đi truyền giáo. + Những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn: Sự sống của con người bao gồm cả thể xác lẫn linh hồn. Đừng sợ người đời vì cùng lắm họ cũng chỉ giết hại các ông về thể xác, chứ không thể giết hại được linh hồn thiêng liêng bất tử. + Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục: Thiên Chúa là Cha nhân từ nhưng cũng là vị Thẩm Phán công minh uy quyền. Ngày tận thế, Người sẽ xét xử để trừng phạt và tiêu diệt cả hồn lẫn xác những kẻ chống đối Người trong hỏa ngục muôn đời. + Hai con chim sẻ… Ngay đến tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi: Không có gì xảy ra cho các Tông đồ mà nằm ngoài thánh ý Chúa Cha. Loài chim sẻ chẳng đáng là bao, mà Chúa Cha cũng quan tâm gìn giữ, không để con nào bị chết đói. Hoặc những sợi tóc trên đầu chẳng mấy giá trị, thế mà Thiên Chúa cũng quan tâm đếm hết, thì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không quan tâm giúp đỡ các con cái của Người hay sao? + Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ: Thái độ của các ông là phải tin cậy phó thác cuộc sống trong tay Thiên Chúa, là Đấng đầy khôn ngoan và hằng yêu thương săn sóc các ông hơn muôn ngàn con chim sẻ.
- C 32-33: + Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên ha…: Trong ngày cánh chung (x. Mt 25, 31-46), thay vì xét xử, Đức Giê-su sẽ làm trạng sư bầu chữa cho các Tông đồ trước tòa Chúa Cha. + Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ…: hôm nay ai trung thành làm chứng cho Đức Giê-su trước mặt người đời thế nào, thì sau này Người cũng sẽ bênh đỡ họ trước tòa phán xét của Thiên Chúa như vậy. Do đó, các môn đệ cần phải can đảm làm chứng cho Chúa, dù có thể bị người đời thù ghét giết hại.
4. CÂU HỎI:
1) Thời gian giảng đạo Đức Giê-su đã trấn an các môn đệ "Đừng sợ" vào những lúc nào?
2) Tại sao Đức Giê-su lại khuyên môn đệ phải leo lên mái nhà rao giảng Tin Mừng?
3) Đức Giê-su khuyên môn đệ không nên sợ ai, nhưng phải sợ ai? Tại sao?
4) Đức Giê-su nêu 2 ví dụ nào về sự quan phòng của Thiên Chúa để khuyên môn đệ tín thác vào quyền năng và tình thương của Người?
5) Trong ngày phán xét Đức Giê-su hứa sẽ làm gì cho những ai trung thành làm chứng cho Người và sẽ đối xử ra sao với những kẻ chối bỏ Người?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục... Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 28.32).
2. CÂU CHUYỆN:
1) TRONG ĐỨC TIN KHÔNG CÓ CHỖ CHO SỰ SỢ HÃI
Một viên sĩ quan người Anh có một đức tin mạnh mẽ. Ông đang cùng vợ con đáp chuyến tàu đi sang thuộc địa là nước Ấn Độ để nhận nhiệm vụ mới. Khi tàu rời bến được hai ngày thì trời bắt đầu nổi cơn giông bão. Mọi người trên tàu đều lo sợ cuống cuồng mà vợ viên sĩ quan là người sợ hãi nhất. Đang khi đó, viên sĩ quan chồng bà vẫn tỏ ra bình chân như vại. Thấy chồng có thái độ như thế, bà vợ tấm tức khóc tỏ ý trách ông thờ ơ trước sự an nguy của vợ con. Bấy giờ viên sĩ quan chẳng nói chẳng rằng, đi vào phòng riêng lấy ra một thanh kiếm. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ đe dọa. Đầu tiên bà tái mặt đi vì sợ hãi, nhưng ngay sau đó bà lại cười lên khanh khách, không chút hãi sợ. Viên sĩ quan liền hỏi vợ: “Làm sao em lại có thể cười được khi bị anh dí mũi kiếm vào ngực như thế? ” Bà vợ trả lời: “Tại sao em phải sợ khi lưỡi kiếm ấy đang ở trong tay của người chồng rất mực thương yêu em? ” Bấy giờ viên sĩ quan mới nói: “Vậy tại sao em lại muốn anh phải lo sợ khi anh xác tín rằng cơn bão này được đặt dưới quyền năng của Thiên Chúa, là Cha hằng thương yêu và muốn sự an lành cho con cái? Do đó, chúng ta không cần phải sợ cơn bão. Ta chỉ cần làm hết sức mình, rồi phó thác vận mệnh đời ta trong tay Chúa quan phòng là đủ. Dù ta phải chết hay được sống thì mọi sự cũng đều có ích cho phần rỗi đời đời của ta.
Vậy, dù gặp bất cứ hoàn cảnh gian nan đau khổ nào, mỗi người chúng ta hãy luôn tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và xin vâng ý Chúa, noi gương Đức Giê-su trước cuộc tử nạn đã cầu xin với Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Đau khổ có giá trị giúp chúng ta thanh luyện đền tội, làm cho đức tin chúng ta thêm vững mạnh, xứng đáng làm con Thiên Chúa. Chính vì ý thức được giá trị của đau khổ như thế, nên thánh nữ Béc-na-đét Sô-bi-rớt (Bernadette Soubirous) đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi chịu đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc con chịu khổ đau”.
2) THÁI ĐỘ CAN ĐẢM HAY NHÁT SỢ PHÁT XUẤT TỪ TRÁI TIM:
Một câu chuyện ngụ ngôn được kể lại như sau: “Ngày xưa có một chú chuột nhắt rất sợ bị mèo vồ. Một vị thuật sĩ khi thấy thái độ sợ sệt của chú chuột liền thương hại và biến chú hóa thành một con mèo to lớn. Nhưng rồi chú mèo này khi thấy con chó sói tới gần lại leo vội lên cây vị sợ bị sói ăn thịt. Vị thuật sĩ thương hại nên lại biến chú mèo thành một con chó sói to lớn. Thế nhưng chú sói này khi thấy thợ săn đến gần lại sợ hãi và ba chân bốn cẳng chạy trốn. Bấy giờ, vị thuật sĩ đành chịu thua, và nói với chú sói rằng: “Ta không thể giúp gì được cho mi đâu, vì mi chỉ có trái tim của một con chuột nhắt mà thôi !”. Nói rồi vị thuật sĩ lại biến chú sói to kia trở lại thành một con chuột nhắt như cũ.
3) CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị linh mục Hungary yêu cầu được nói chuyện riêng. Viên sĩ quan này tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng. Sau khi cửa phòng khách được đóng lại, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các linh mục bày đặt ra để mê hoặc dân nghèo, để kẻ giàu kiềm hãm kẻ nghèo trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không hề tin Chúa Giêsu Kitô là con Thiên Chúa”.
Vị linh mục nghiêm sắc mặt trả lời rằng: “Ông sĩ quan ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. Viên sĩ quan hét lên: “Ông đừng lừa dối diễu cợt tôi”. Nói xong, anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị linh mục nói lời hăm doạ: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng giết chết ông”.
Vi linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, vì điều ấy không đúng. Tôi tin Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa”.
Bấy giờ viên sĩ quan liền thay đổi thái độ: Anh ta vứt khẩu súng xuống sàn nhà và chạy đến ôm vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi đã không thể tin rằng có những người dám chết vì đức tin ấy, cho đến hôm nay khi chính tôi đã chứng kiến điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố đức tin của tôi. Bây giờ thì chính tôi cũng có thể chết vì danh Chúa Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi thấy: Điều này là có thật và mọi tín hữu có đức tin thực sự đều làm được”.
4) SỨC MẠNH THUYẾT PHỤC CỦA GƯƠNG SÁNG:
Một cậu bé có đức tin mạnh được cha mẹ gửi vào học trong một trường nội trú. Ngay buổi tối đầu tiên, trước khi lên giường ngủ, theo thói quen cậu quì gối cạnh giường và thầm thĩ đọc kinh. Bất ngờ một chiếc giày bay vèo qua đầu cậu và tiếp theo là những tiếng cười giễu cợt của lũ bạn cùng phòng.
Tối hôm sau, cậu bé lại quì gối cầu nguyện, đang lúc các em khác trong phòng chuẩn bị tiếp tục trò chơi chế nhạo. Nhưng trước thái độ trang nghiêm sốt sắng của cậu bé, các em kia đã từng bước thay đổi nhận thức: từ thái độ diễu cợt ban đầu đến thán phục, và sau cùng các em đã kết thân với anh bạn mới. Sau đó cả bọn đã bắt chước cậu bé cùng nhau quì gối đọc kinh ngắn trước khi đi ngủ. Câu chuyện này minh họa lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: Các con đừng sợ. (Mt 10, 26).
5) TÌNH YÊU HOÀN HẢO LOẠI TRỪ SỢ HÃI:
Khi đến thăm một trại cùi, ông RAOUL FOLLEREAU tiến đến bên cạnh một cô gái phong cùi và chìa tay ra bắt. Cử chỉ này khiến thiếu nữ bở ngỡ, và cô không dám đưa tay ra đáp lễ. Thấy ông Raoul ngỡ ngàng, vị giám đốc trại phong bèn giải thích:
- Thưa ông, qui luật của trại chúng tôi không cho phép bệnh nhân bắt tay khách, vì sợ lây bệnh.
- Cám ơn ông giám đốc. Nhưng qui luật trại chỉ cấm bệnh nhân bắt tay khách, chứ đâu cấm khách hôn bệnh nhân phải không?
Vừa nói xong, ông Raoul liền tiến đến ôm hôn cô gái bị cùi. Mọi người sững sờ trước cử chỉ yêu thương và thân thiện ấy. Phút chốc, cả đám người cùi nhào đến ôm lấy ông. Và một giọng nói ngẹn ngào thốt lên:
- Hôm nay chúng tôi cảm thấy mình thực sự là con người.
Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; Trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1 Ga 4, 18). Vâng, chính tình yêu hoàn hảo dành cho những người phong cùi bất hạnh đã khiến ông Raoul Follereau không một chút sợ hãi vi trùng Hansen ghê rợn, không mảy may kinh khiếp máu mủ hôi tanh của bệnh nhân phong cùi.
Cũng chính tình yêu hoàn hảo đã khiến Đức Giêsu không sợ hãi, nhưng sẵn sàng vác cây thập giá lên đồi Can-vê và chịu đóng danh chân tay vào thập giá để đền tội thay cho nhân loại.
Chính tình yêu hoàn hảo đã thúc đẩy các tông đồ can đảm chịu bách hại và bình thản chấp nhận cái chết vì danh Chúa.
6) ĐỪNG XẤU HỔ KHI TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN:
Một vị tuyên úy người Mỹ vừa giảng một bài giảng cho các binh sĩ Mỹ trong thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về Đức tin Công Giáo của bạn: Đừng xấu hổ khi phải tuyên xưng nó”.
Sau thánh lễ, một lính thuỷ do rất xúc động vì bài giảng đã chặn vị tuyên úy ngay trước cửa giáo đường và hỏi:
- Thưa Cha, Cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?
Vị tuyên úy trả lời:
- Tôi rất hạnh phúc được nghe anh xưng tội.
Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh trước giáo đường. Vị tuyên úy vội nói:
- Đừng quì gối ở đây kẻo thiên hạ đang nhìn kìa!
Chàng lính thủy liền đáp:
- Mặc kệ họ, thưa Cha, hãy cứ để họ nhìn. Con tự hào về đức tin của con.
3. SUY NIỆM:
Tin Mừng CN hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách gặp phải. Trái lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy và cả sự chết trên bước đường loan báo Tin Mừng Nước Trời.
1) ANH EM ĐỪNG SỢ:
- Sợ hãi là chuyện thường tình của kiếp người. Nỗi sợ hãi thường mang nhiều bộ mặt khác nhau: Sợ bệnh tật, sợ cô đơn, sợ bị lừa gạt, sợ bị phụ bạc, sợ chia ly, sợ bị kẻ thù làm hại… Dường như nỗi sợ luôn ám ảnh mọi người. Sợ hãi sẽ làm cho người ta trở nên khép kín, không dám tiếp xúc với người khác, không dám làm điều gì khác thường và luôn cảnh giác đề phòng tha nhân. Nếu cứ để nỗi sợ hãi ám ảnh lâu dài, chúng ta sẽ có nguy cơ bị đau bao tử, tinh thần rối loạn và sẽ mau già trước tuổi. Ông Dale Carnegie đã viết cuốn sách“Quẳng gánh lo đi và vui sống” để khuyên mọi người đừng để cho nỗi sợ chi phối cuộc đời của mình, nhưng hãy loại trừ các nỗi sợ hãi đi để vui sống.
- Về phạm vi đức tin, sự sợ hãi làm cho các tín hữu trở thành nhát đảm, không dám công khai đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện, không dám nói về Chúa và có thể chối Chúa khi phải kê khai lý lịch, khi cần tuyên xưng đức tin, giống như ông Phê-rô xưa đã chối Thầy ba lần do sợ bị phát hiện là môn đệ Chúa (x. Mt 26, 69-75).
- Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su ba lần nhắc nhở các môn đệ đừng sợ:
Đừng sợ người đời, nhưng hãy mạnh dạn nói lời Chúa cách công khai (26-27);
Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà thôi (28);
Đừng sợ vì ta có Thiên Chúa là Cha đầy quyền năng, hằng thương yêu quan phòng gìn giữ ta. Người luôn quan tâm đến từng con chim sẻ không mấy giá trị và còn nắm rõ mọi sự như có bao nhiêu sợi tóc trên đầu chúng ta (29-31).
2) CẦN VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI THƯỜNG TÌNH:
- Thực ra cảm giác sợ hãi là điều tự nhiên và không xấu. Ngay Đức Giê-su tuy khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (x. Ga 14, 1), nhưng trước cuộc khổ nạn chính Người cũng có cảm giác sợ hãi (x. Ga 12, 27; 13, 21). Trong vườn cây Dầu, Đức Giê-su đã vô cùng xao xuyến và tâm sự với ba môn đệ thân tín như sau: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 28, 37-38). Rồi khi bị treo trên thập giá, Đức Giê-su cũng có cảm tưởng như bị Chúa Cha bỏ rơi, nên đã sợ hãi và kêu lớn tiếng rằng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? ” (Mt 27, 46).
- Tuy nhiên, Đức Giê-su đã chiến thắng nỗi sợ hãi ấy, khi Người quyết vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con mà nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26, 42). Chính nhờ chiến thắng cảm giác sợ hãi và chấp nhận con đường "qua đau khổ vào trong vinh quang", mà nhân loại chúng ta mới nhận được hồng ân cứu độ. Hôm nay Chúa Giê-su Phục Sinh cũng động viên mỗi người chúng ta: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để anh em được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16, 33).
3) HÃY CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
- “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin chủ ruộng sai thêm thợ đến gặt lúa về”. Mỗi người chúng ta khi chịu phép rửa tội là chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa. Khi đi theo làm môn đệ Chúa Giê-su, là chúng ta cũng như “Chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10, 16), chúng ta cũng sẽ trải nghiệm các cơn thử thách, xỉ nhục, bắt bớ và giết hại giống như Thầy Giê-su, như Người đã dạy: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10, 24).
- Khi ban phép Thêm Sức, chủ sự đặt tay cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban bảy ơn như sau: “Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức. Xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa”.
4) TÍN THÁC VÀO CHÚA QUAN PHÒNG:
Cần cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Bình thường, ai cũng sợ bị bắt bớ đánh đòn và sợ bị giết chết. Nhưng chúng ta cần tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa như lời Chúa Giê-su dạy: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30). Do đó dù đang gặp gian nguy khốn khó, nhưng chúng ta hãy vững lòng tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương chúng ta. Người sẽ ban Thánh Thần giúp chúng ta thắng vượt mọi khó khăn để được hưởng ơn cứu độ.
4. THẢO LUẬN:
Ngày nay chúng ta thường lo sợ về những điều gì? Để thắng được nỗi sợ hãi, chúng ta phải làm gì?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA CHA TỪ BI NHÂN ÁI.
Nhiều lần chúng con đã tỏ ra khiếp nhược sợ hãi khi giao tiếp với người khác, hoặc khi gặp phải những gian nan thử thách liên tiếp xảy đến. Trong những giờ phút đen tối đó, nhiều lần chúng con đã không dám biểu lộ đức tin, đã gián tiếp chối Chúa khi không dám khai tôn giáo của mình trong bản lý lịch; Nhiều khi chúng con không dám làm dấu thánh giá chỗ đông người, không dám đeo dây chuyền có hình Thánh giá Chúa, không dám trưng bày bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng nhất trong nhà, không dám mở miệng bênh vực Chúa và Hội Thánh khi bị kẻ khác phỉ báng bất công. Xin cho con thêm can đảm để dám bênh vực công lý và làm chứng cho Chúa. Xin ban thêm đức tin để con cảm nghiệm Chúa đang ở trong con, và biết cậy trông phó thác vào Chúa. Xin cho con ơn khôn ngoan, để biết khi nào nên nói và nói về Chúa cách nào cho hiệu quả. Nhờ đó, con sẽ chu toàn được sứ mệnh làm tông đồ mở mang Nước Chúa, loan báo Tin Mừng của Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
Suy niệm Chúa Nhật tuần 12A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:46 16/06/2020
(Mt. 10, 26-33)
ĐỪNG SỢ
Các con đừng sợ người đời,
Hại thân hại xác, hại người trần gian.
Linh hồn cao trọng trên ban,
Không ai giết chết, phá tan được hồn.
Những điều kín nhiệm giả ngôn,
Bày ra ánh sáng, nên khôn giữa đời.
Rỉ tai nghe biết tạm thời,
Mái nhà rao giảng, rạng ngời công khai.
Các con hãy sợ Thiên Sai,
Ném hồn lẫn xác, khỏi ngai Vua Trời.
Con người quí trọng trong đời,
Hồn mang ảnh Chúa, cao vời biết bao.
Sánh xem chim sẻ thế nào?
Chúa thương chăm sóc, với bao ân tình.
Trên đầu số tóc đẹp xinh,
Tháng ngày Tạo Hóa, anh minh an bài.
Lo gì hãi sợ ngày mai,
Quan phòng cuộc sống, tương lai mong chờ.
Cuộc đời đáng giá vô bờ,
Quê trời hưởng phúc, phụng thờ Chúa ta.
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không thể giết được linh hồn.” Chúa khuyến khích những kẻ tin là đừng sợ. Chúa biết rõ các môn đệ của Chúa sẽ phải đối diện với những đối xử khắc nghiệt của thế gian. Họ sẽ phải chấp nhận thiệt thòi, mất mát, chịu nhạo báng chê cười và sau cùng sẽ bị giết vì danh Chúa. Hầu hết các tông đồ và những người kế vị các ngài trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội đã dùng mạng sống để minh chứng cho niềm tin.
Ngay từ khởi đầu, khi Giáo Hội còn non yếu, đã bị tẩy chay và bị bách hại. Tại Roma, cái nôi của Giáo Hội, gần 300 năm nhà cầm quyền cấm đạo. Biết bao cuộc ruồng bắt các tín hữu, giam cầm, đánh đập, bị thú dữ ăn thịt, bị thiêu sống, bị bỏ đói và bị đóng đinh thập giá. Không thiếu những hình phạt ghê rợn nào mà các Kitô hữu không phải chịu. Họ là các anh hùng của đức tin. Các anh hùng tử đạo đã trải qua biết bao gian khổ để lãnh triều thiên vinh quang. Họ đã can đảm đứng trước sự chết. Các Ngài sống rất kiên cường và không sợ hãi.
Trong số những vị anh hùng dám chết vì Đạo, trong đó có những vị Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, thầy Sáu, giáo dân, có những thiếu nữ trẻ như thánh Cecilia, thánh Agnes…Các ngài xứng đáng lãnh triều thiên tử đạo, vì các ngài hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa Kitô sống lại. Cái chết chỉ còn là phương tiện để đưa các ngài vào hưởng hạnh phúc trường sinh.
Nhìn lại cuộc sống đạo của chúng ta, chúng ta cảm thấy hổ thẹn trước những chứng nhân anh hùng. Chúng ta còn lo lắng xôn sao qúa nhiều thứ trong đời. Chúng ta lo phụng dưỡng cho thân xác và cuộc sống hưởng thụ. Chúng ta lo sợ nhiều thứ. Sợ bị đau yếu, sợ bị đói khát, sợ bị người ta khinh bỉ, sợ người dèm pha, sợ đau khổ và sợ chết. Trong trái tim ta còn nhiều nỗi sợ, vì chúng ta bám víu vào những giá trị vật chất mau qua chóng hết.
Truyện kể về trái tim con chuột. Có một chú chuột kia rất sợ mèo. Một vị Thần tội nghiệp nó, nên biến nó thành con mèo. Thành mèo rồi, nó lại sợ con chó. Vị Thần biến nó thành con chó. Thành con chó rồi, nó lại sợ cọp. Vị Thần yêu thương cho nó biến thành con cọp. Nhưng thành cọp, nó lại sợ người thợ săn. Vị Thần đành chào thua. Thần nói rằng: Ta có biến mi thành bất cứ thứ gì đi nữa, thì cũng không giúp được mi hết sợ. Vì trái tim của mi vẫn là trái tim chuột.
Mang thân phận con người, hầu như ai cũng thường đương đầu với sự sợ hãi. Chúa dậy chúng ta đừng sợ chi cả, vì chúng ta có Cha trên trời quan phòng mọi sự. Chúng ta đáng giá hơn chim sẻ bội phần. Đừng sợ, chúng ta hãy phó thác cuộc đời trong vòng tay nhân ái của Chúa.
TUẦN 12 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 7: 1- 5
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Các con đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Xét đoán là một thói xấu. Khi xét đoán chúng ta tự mãn lấy chính bản thân mình làm tiêu chuẩn để xét đoán người khác. Chúng ta thường bị thiên kiến trong khi xét đoán. Vì chúng ta phải vừa xét lại vừa đoán. Rất nhiều khi chúng ta đoán sai.
Đoán xét có nghĩa là phê phán người khác đã làm một việc gì sai trái. Chúng ta suy diễn các sự kiện rồi kết hợp lại theo suy nghĩ của chúng ta và xét đoán anh chị em. Trong khi xét đoán chúng ta bỏ xót rất nhiều nguyên cớ và sự diễn tiến của sự việc, làm cho việc kết án của chúng ta trở thành bất công. Chúa nói: Sao các con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt mình? Đâu mấy ai muốn nhận lỗi về mình.
Chúng ta chưa biết chính chúng ta làm sao chúng ta có thể biết được người khác. Người mà chúng ta chỉ nghe nói và chỉ gặp gỡ trong chốc lát làm sao chúng ta có thể biết tường tận về con người của họ. Cho nên đoán xét về người khác sẽ có nhiều sai lầm. Chúa dạy chúng ta đừng đoán xét anh chị em để chúng ta khỏi bị xét đoán.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn tỉnh thức trước những đoán xét bất công, để chúng con thong dong trước mặt Chúa.
THỨ BA
Mt. 7: 6, 12-14
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế. Đây là điều thực hành tích cực trong cuộc sống. Vì cái chúng ta muốn bao giờ cũng lớn hơn cái chúng ta làm. Lời Chúa có thể áp dụng với mọi người trong mọi khía cạnh của đời sống thường ngày.
Có biết bao nhiêu điều chúng ta muốn người khác làm cho chúng ta. Chúng ta muốn người khác yêu thương, tha thứ, phục vụ, vui vẻ, tử tế, quảng đại, nhân từ, giúp đỡ và tôn trọng chúng ta. Chúng ta muốn nhiều lắm nhưng chúng ta chẳng thực hiện đáp trả được bao nhiêu. Sống ở đời, chúng ta lãnh nhận nhiều hơn là chúng ta cho đi. Chúng ta lãnh nhận hồng ân sự sống từ Thiên Chúa và tiếp nhận sự phát triển cuộc sống từ muôn người.
Chúng ta đã cộng tác được bao nhiêu trong việc phát triển của con người và xã hội. Chúng ta là những người chịu ơn muôn đời. Chúa dạy rằng chúng ta hãy làm cho người khác điều chúng ta muốn họ làm cho chúng ta. Mỗi một giây phút chúng ta sống là một giây phút chúng ta chịu ơn người. Chúng ta hãy cố gắng sống trong tâm tình biết ơn và biết trả nghĩa.
Lạy Chúa, chúng con muốn người khác làm cho chúng con nhiều lắm, xin cho chúng con biết đáp lại bằng tình yêu Chúa.
THỨ TƯ
Mt. 7: 15-20
Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ ý tứ trong sự tin tưởng vào người đời. Đôi khi họ nói vậy mà không phải vậy. Chúa nói với các môn đệ: Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ đội lốt chiên mà đến với các con, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi. Tiên tri giả được xếp vào loại những người giả hình. Phải nhìn kỹ công việc và ý hướng họ làm, chúng ta sẽ nhận ra con người thật của họ.
Người ta nói: Trông mặt mà bắt hình dong. Người gian dối rồi cũng sẽ lộ diện qua hành động của họ. Bên ngoài là những lời nói dịu ngọt và xu nịnh, đằng sau những vẻ đẹp là sự lường gạt và gian dối. Kinh nghiệm cuộc sống, chúng ta thấy nhiều trường hợp có những người chuyên nghề đi lường gạt. Họ lấy danh nghĩa hội này, hội nọ, cơ quan này và cơ quan kia. Họ dùng lời ngon ngọt, dụ dỗ và hứa hẹn nhưng khi được việc là họ biến mất.
Chúa dạy các môn đệ hãy ý tứ các tiên tri giả, những người nhân danh Chúa đến làm nhiều việc không nên, bôi nhọ thanh danh và dẫn người khác vào được lầm lạc. Hãy để ý quan sát cứ xem quả sẽ biết cây, cây tốt sẽ sinh trái tốt. Chúng ta cần học biết sự trung thực trong cuộc sống. Khôn ngoan để nhận ra đâu là thật đâu là giả.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên nhân chứng cho sự thật, để chúng con thành thật với nhau trong mọi cách cư xử ở đời.
THỨ NĂM
Mt. 7: 21-29
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Không phải tất cả những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời, nhưng là người thực hiện ý Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Nói thì ai nói cũng được nhưng đem ra thực hành lời Chúa mới là điều quan trọng. Ma qủy cũng có thể tuyên xưng danh Chúa nhưng không thực hành ý Chúa.
Trong thời điểm này, chúng ta thấy có rất nhiều người tin Chúa nhưng không muốn thực hành ý Chúa nữa. Họ sống thờ ơ và nguội lạnh trong đời sống đạo. Một năm đến với cộng đoàn giáo xứ tham dự thánh lễ một vài lần, đặc biệt vào Thứ Tư Lễ Tro, Chúa Nhật Lễ Lá và Chúa Nhật Phục Sinh. Nhiều người lãnh nhận phép Rửa Tội, Rước lễ lần đầu và có thể nhận Bí Tích Thêm Sức. Họ nghĩ như thế là đủ và hy vọng sẽ được phúc thiên đàng ngày sau.
Khi chúng ta nằm xuống, chúng ta chỉ có một niềm hy vọng là được lên thiên đàng nhưng trong cuộc sống lữ hành trần thế chúng ta lại không màng chi đến sống đạo và tôn thờ Thiên Chúa. Không phải Chúa Giêsu dọa nạt chúng ta về ngày sau nhưng đây là một thực tại chúng ta phải sống và thi hành lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, con đường xa nhất là con đường từ miệng lưỡi tới bàn tay. Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa và đem ra áp dụng trong cuộc sống theo thánh ý của Chúa.
THỨ SÁU
Mt. 8: 1- 4
Có một người phong cùi đến phục lạy Chúa và thưa rằng: Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Bệnh phong cùi về phần xác không đáng sợ cho bằng cùi hủi của tâm hồn. Ngày xưa, phong cùi là bệnh hay lây lan nên người ta rất sợ hãi. Người bị mắc bệnh phong cùi thường phải sống tách biệt khỏi cộng đoàn.
Thời đại của chúng ta, nhờ khoa học tiến bộ, người ta đã cầm hãm được vi trùng phong cùi và đã khám ra những cách thế phòng ngừa. Tuy nhiên, những người phong cùi vẫn là những người kém may mắn và có thể nói là bất hạnh. Trong thế giới người cùi, chúng ta không hiểu được tâm tình của họ nhưng khách quan, chúng ta thấy họ bị thiệt thòi đủ mọi mặt trong cuộc sống chung. Họ bị người đời xa tránh và coi họ như con cùi con hủi hay lây. Người ta sợ sờ mó hay giao du với họ.
Xã hội còn có những bệnh ghê gớm hơn bệnh cùi như bệnh Sida thời đại. Vi trùng Siđa còn lây lan và nguy hiểm hơn vi trùng cùi, người bị bệnh sẽ chết dần chết mòn. Nguy hiểm hơn vi trùng cùi và vi trùng Siđa, đó là vi trùng của tội lỗi, của đam mê dục vọng, của kiêu căng và của sự tự mãn cũng đang giết mòn tâm hồn của chúng ta.
Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót đến sự đau khổ của người cùi. Chúa đã chữa cho ông ta được lành bệnh. Xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng con khỏi mọi loại vi trùng xấu xa.
THỨ BẢY
Mt. 8: 5-17
Viên đại đội trưởng đến van xin Chúa Giêsu: Thưa Ngài, đứa tớ bé của tôi nằm liệt ở nhà và đau đớn lắm. Chúa Giêsu nói rằng: Tôi sẽ đến chữa nó. Viên đại đội trưởng là người ngoại không dám mời Chúa vào nhà mình vì tôn trọng luật của người Do Thái. Chúa Giêsu xem ra không để ý tới luật do các luật sĩ ấn định. Chúa muốn đến chữa đứa tớ bé. Điều kiện để được lãnh nhận ơn lạ là niềm tin.
Ông đại đội trưởng có nhiều quan quân dưới quyền nhưng ông đích thân đến xin Chúa, không phải cho con ruột của ông mà là một đứa tớ bé. Ông đã đối xử nhân hậu với người làm, có lẽ ông là người tốt lành. Đối với người trên thì ông tôn trọng, đối với kẻ dưới thì ông yêu thương. Chúa cũng đối xử đại lượng với ông và Chúa nói: Ông hãy về đi, ông tin sao thì được như vậy.
Chúa khen ông có đức tin mạnh mẽ và đức khiêm tốn. Chúng ta biết ông là người ngoại, là người chỉ huy có quyền thân hành đến gặp Chúa và ông đặt niềm tin tưởng nơi quyền năng của Chúa. Ông không sợ người đời xì xèo hay dòm ngó. Ông đã tin và ông đã được như điều ông mong muốn.
Lạy Chúa, xin Chúa thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn và nhân hậu để chúng con biết quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em chúng con.
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:39 16/06/2020
2. Vì Thiên Chúa mà chịu đau khổ là bằng chứng rõ ràng Thiên Chúa yêu thích họ.
(Thánh nữ Terese of Avila)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/samac.tw
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:49 16/06/2020
BIẾT CÁI MÓNG LẠC ĐÀ (1)
Một người nhà quê lên tỉnh thấy có tiệm ăn nhỏ bán móng lạc đà, bèn bỏ đòn gánh xuống hiếu kỳ nhìn coi.
Chủ quán thấy anh ta là người nhà quê bèn nói:
- “Nếu anh biết những thứ này thì tôi sẽ tặng không cho anh mấy cái để ăn.”
Người nhà quê cười gượng nói:
- “Lẽ nào mấy thứ này mà cũng không biết sao, chỉ cần ba chữ mà thôi.”
Chủ quán trong bụng nghĩ: “Đúng rồi”, nhưng miệng thì nói:
- “Anh nói trước chữ thứ nhất.”
Người nhà quê nói:
- “Lạc.”
Chủ quán lập tức chịu thua lấy mấy cái móng lạc đà đưa cho anh nhà quê. Ăn xong, chủ quán trong bụng không yên tâm, lại nói:
- “Anh nói ra hết đi.”
Người nhà quê nói:
- “Lạc (2) đậu phộng.”
(Tiếu lâm)
Suy tư 49:
Có những người mất tiêu cả gia tài vì tính hấp tấp của mình, có những cô gái “giao trứng cho ác” vì tính nhẹ dạ của mình, có những chàng trai ôm hận cả đời vì tính bộp chộp của mình, có những người dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời phải hối hận suốt cả đời vì không làm chủ được giác quan của mình, bởi vì tự cho mình có đủ “công lực” đề kháng mọi chước cám dỗ mà không chịu cầu nguyện.
Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó luôn làm cho người ta -dù bất cứ người nào- cũng thấy cơn cám dỗ là chuyện “tự nhiên” như ăn cơm ngày ba bữa nên không đề phòng, thế là con người ta mắc mưu ma quỷ và đắm mình trong tội mà không biết...
Người hấp tấp bộp chộp thì tưởng lầm chữ “nhân đậu phộng” cũng giống như chữ “móng lạc đà” nên mất toi mấy cái móng lạc đà. Cũng vậy, chúng ta sẽ mất ơn nghĩa của Thiên Chúa nếu chúng ta bộp chộp cho rằng không ai có thể chống trả lại được cơn cám dỗ trong cuộc sống của mình.
Người có tính bộp chộp thường thất bại nhiều hơn người điềm tĩnh.
(1) “駱駝蹄” phát âm là “luo tho ti” nghĩa là “móng lạc đà”; “落花生” phát âm là “luo hua seng” nghĩa là “nhân đậu phộng”. Hai chữ “luo” phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa.
(2) “Lạc” cũng có nghĩa là nhân.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/samac.tw
http://nhantai.info
Một người nhà quê lên tỉnh thấy có tiệm ăn nhỏ bán móng lạc đà, bèn bỏ đòn gánh xuống hiếu kỳ nhìn coi.
Chủ quán thấy anh ta là người nhà quê bèn nói:
- “Nếu anh biết những thứ này thì tôi sẽ tặng không cho anh mấy cái để ăn.”
Người nhà quê cười gượng nói:
- “Lẽ nào mấy thứ này mà cũng không biết sao, chỉ cần ba chữ mà thôi.”
Chủ quán trong bụng nghĩ: “Đúng rồi”, nhưng miệng thì nói:
- “Anh nói trước chữ thứ nhất.”
Người nhà quê nói:
- “Lạc.”
Chủ quán lập tức chịu thua lấy mấy cái móng lạc đà đưa cho anh nhà quê. Ăn xong, chủ quán trong bụng không yên tâm, lại nói:
- “Anh nói ra hết đi.”
Người nhà quê nói:
- “Lạc (2) đậu phộng.”
(Tiếu lâm)
Suy tư 49:
Có những người mất tiêu cả gia tài vì tính hấp tấp của mình, có những cô gái “giao trứng cho ác” vì tính nhẹ dạ của mình, có những chàng trai ôm hận cả đời vì tính bộp chộp của mình, có những người dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời phải hối hận suốt cả đời vì không làm chủ được giác quan của mình, bởi vì tự cho mình có đủ “công lực” đề kháng mọi chước cám dỗ mà không chịu cầu nguyện.
Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó luôn làm cho người ta -dù bất cứ người nào- cũng thấy cơn cám dỗ là chuyện “tự nhiên” như ăn cơm ngày ba bữa nên không đề phòng, thế là con người ta mắc mưu ma quỷ và đắm mình trong tội mà không biết...
Người hấp tấp bộp chộp thì tưởng lầm chữ “nhân đậu phộng” cũng giống như chữ “móng lạc đà” nên mất toi mấy cái móng lạc đà. Cũng vậy, chúng ta sẽ mất ơn nghĩa của Thiên Chúa nếu chúng ta bộp chộp cho rằng không ai có thể chống trả lại được cơn cám dỗ trong cuộc sống của mình.
Người có tính bộp chộp thường thất bại nhiều hơn người điềm tĩnh.
(1) “駱駝蹄” phát âm là “luo tho ti” nghĩa là “móng lạc đà”; “落花生” phát âm là “luo hua seng” nghĩa là “nhân đậu phộng”. Hai chữ “luo” phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa.
(2) “Lạc” cũng có nghĩa là nhân.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/samac.tw
http://nhantai.info
Trái Tim Tình Yêu
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:02 16/06/2020
Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm A
(Mt 11, 29-30)
Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy tình thương mến. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện.
Trái Tim Chúa Giêsu rất nhân hiền, một Trái Tim không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài mến thương những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11, 25-30).
Xem video và nghe bài giảng
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học : “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp, có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong phải êm ái, hiền hòa, yêu thương, khoan dung và thông cảm. Bên ngoài phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Nóng nảy trái ngược với hiền lành. Hiền lành là đức tính tốt của kẻ có lòng thương người, không độc ác, nhưng đức hạnh và hay làm điều thiện.
Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành.
Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất người ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”.
Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không
làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô hấp thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, luôn gia ân cho kẻ hiền lành).
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.
Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.
Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19, 34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Sau cùng, Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, bị chôn vùi để chúng ta được phục sinh.
Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn, đã được trao cho Hiền Thê; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa…Tình yêu tên trộm lành đã nhận được khi xưng thú tội lỗi; Phêrô đã nhận được khi liếc mắt nhìn Chúa và khóc lóc van xin sau khi chối Chúa, đúng là từ ánh mắt đến trái tim. Có nhiều kẻ đóng đinh Chúa đã trở lại với Chúa sau khi Chúa Phục sinh, họ đã giao ước với Chúa bằng tình yêu. Khi Chúa ôm hôn những người tội lỗi và thu thuế, Chúa đã trở thành bạn hữu của họ và khách họ mời dự tiệc…
Vậy, Chúa đã làm gì để đưa họ về với Chúa, nếu không phải là Trái tim Chúa lôi kéo? Trái tim Chúa Giêsu là Trái tim dịu hiền do Thần Linh ban tặng! Phúc cho những ai giữ kín trong lòng, họ được ấp ủ trong Trái tim Chúa. Phúc cho những ai hy vọng vào sự chở che dưới cánh tay Chúa.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày cầu cho ơn thánh hóa các linh mục. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (số 1589).
Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu Linh Mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất, xứng đáng là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
(Mt 11, 29-30)
Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy tình thương mến. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện.
Trái Tim Chúa Giêsu rất nhân hiền, một Trái Tim không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài mến thương những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11, 25-30).
Xem video và nghe bài giảng
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học : “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp, có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong phải êm ái, hiền hòa, yêu thương, khoan dung và thông cảm. Bên ngoài phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Nóng nảy trái ngược với hiền lành. Hiền lành là đức tính tốt của kẻ có lòng thương người, không độc ác, nhưng đức hạnh và hay làm điều thiện.
Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành.
Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất người ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”.
Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không
làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô hấp thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, luôn gia ân cho kẻ hiền lành).
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.
Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.
Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19, 34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Sau cùng, Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, bị chôn vùi để chúng ta được phục sinh.
Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn, đã được trao cho Hiền Thê; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa…Tình yêu tên trộm lành đã nhận được khi xưng thú tội lỗi; Phêrô đã nhận được khi liếc mắt nhìn Chúa và khóc lóc van xin sau khi chối Chúa, đúng là từ ánh mắt đến trái tim. Có nhiều kẻ đóng đinh Chúa đã trở lại với Chúa sau khi Chúa Phục sinh, họ đã giao ước với Chúa bằng tình yêu. Khi Chúa ôm hôn những người tội lỗi và thu thuế, Chúa đã trở thành bạn hữu của họ và khách họ mời dự tiệc…
Vậy, Chúa đã làm gì để đưa họ về với Chúa, nếu không phải là Trái tim Chúa lôi kéo? Trái tim Chúa Giêsu là Trái tim dịu hiền do Thần Linh ban tặng! Phúc cho những ai giữ kín trong lòng, họ được ấp ủ trong Trái tim Chúa. Phúc cho những ai hy vọng vào sự chở che dưới cánh tay Chúa.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày cầu cho ơn thánh hóa các linh mục. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (số 1589).
Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu Linh Mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất, xứng đáng là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Điệp khúc Thánh Tâm
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
20:12 16/06/2020
“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Mười lời nguyện Thánh Tâm Chúa Giêsu như điệp khúc lại ngân nga tràn ngập tâm hồn con khi tháng Sáu với lễ kính Thánh Tâm lại theo chu kỳ phụng vụ trở về. Như mặt đất mùa hè nóng ran chờ đợi những cơn mưa tưới mát, như cây cỏ hồi sinh sau những ngày nắng hạn. Con xin đến nương nhờ những giọt Máu và Nước đổ ra từ Thánh Tâm Chúa là nguồn Tình yêu rửa sạch và tái tạo mọi ngóc ngách khô khan trong tâm hồn.
Bắt đầu từ những nhu cầu của con thật nhiều và thật quá lớn, tưởng chừng như không có giới hạn. Nhu cầu vật chất như những cơn sóng liên tiếp bao phủ thân con. Chưa bao giờ con bằng lòng với cái tôi của mình, và với những gì con đang có. Nhiều lần con tìm kiếm những tiện nghi vật chất, sống nếp sống trưởng giả để tự thỏa mãn nhu cầu bản thân. Nhưng nhu cầu nào là tốt, là có lợi cho con? Nhu cầu nào đủ cho con và đẹp theo Thánh ý Chúa? Trong mọi nhu cầu, xin cho con biết chạy đến cùng Chúa, tin tưởng và khiêm nhường thưa với Chúa rằng: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”.
Trong những lúc con do dự, phân vân và bị cám dỗ trong hành trình sống đức tin. Con hoang mang lo sợ, nhưng trí khôn vẫn mách bảo con phải tỉnh táo, phải uyển chuyển. Óc tưởng tượng trong con vẽ ra bao nhiêu cám dỗ đang khi Satan hò reo, giăng bẫy, nhử mồi. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Xin chia sẻ cho con tinh thần kiên vững. Xin giúp con sống cho đến cùng những đòi hỏi của Tin Mừng mà không cần quan tâm, cân nhắc hậu quả. Xin giúp con vững tin vào Tình yêu Chúa mà dấn bước vào đời.
Con chỉ lo tìm kiếm sự an thân vật chất cho mình, chẳng thèm nhớ và quan tâm đến ai. Con không chấp nhận và chia sẻ với anh chị em quanh con. Con tưởng rằng với tài cán và sự tự do của mình, con có thể vượt lên khỏi đám đông nghèo hèn, thấp kém. Con đã quá ngạo mạn, đã đi ngược hướng Tình yêu Chúa. Con đã tự mình rời xa khỏi Thiên Chúa và kết cục là chỉ còn lại mình con lầm lũi gò lưng vác thánh giá mà con đã tự đặt cho đời mình. Trong những giờ cô đơn, mỏi mệt và thử thách đó. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”.
Lúc những kẻ khác ruồng bỏ con, người thân, bạn bè … bỏ rơi con. Người thì thất vọng, thương hại cho con. Kẻ thì lắc đầu, bĩu môi, khinh bỉ. Tất cả đều quay lưng lại với con, bỏ mặc con trong lúc con cần được nâng đỡ nhất. Con cô độc, con không thể bước đi một mình, chỉ có ơn Chúa mới hỗ trợ con. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Xin đừng để con sa lầy trong trạng thái vô tình, thờ ơ, lãnh đạm. Xin giúp con biết nhìn ra và chấp nhận sự hiện diện của mọi người trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn. Xin dạy con biết kề vai đỡ lấy cuộc đời của nhau. Xin cho con biết giúp đỡ và nhận sự giúp đỡ của tha nhân, để con không còn cảm giác bị bỏ rơi, ruồng rẫy trong cơn lốc cuộc đời.
Nhiều lúc con tưởng mình tài giỏi, con an tâm, hãnh diện vì đã làm được vài việc có ích cho đoàn thể, anh em. Con mong ước, lập kế hoạch, lên chương trình nhiều việc. Thế nhưng, lạy Chúa, con đã lầm: con e rằng ma quỷ đã chiếm đoạt hết, vì có thể con làm không phải vì lòng yêu mến Chúa, không làm sáng danh Chúa. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sức lực con đổ ra cho những mong ước, những chương trình đều thất bại. Lúc con tuyệt vọng, khốn khổ, ưu sầu. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”.
Lúc tâm hồn con buồn phiền, chán nản, nhận thấy các nỗ lực của con không ích lợi gì. Con chẳng thiết tha gì nữa, dấn thân, cố gắng…. Tất cả đã trở nên vô nghĩa. Chung quanh con giờ chỉ toàn là công kích, nghi ngờ, thất bại và cười khẩy khinh miệt. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Xin cho con được nghỉ ngơi trong Thánh Tâm Ngài, được tựa đầu vào ngực Ngài, được nghe và hòa cùng một nhịp đập với trái tim Ngài. Để trái tim con được tái tạo trong sạch. Được lưỡi đòng khi xưa mở ra: mở ra để lắng nghe Lời Chúa, mở ra để hy vọng, mở ra để tin yêu tha nhân.
Nhiều lúc con cảm thấy bồn chồn vì Thánh Giá của con làm con bứt rứt. Con không còn thiết tha chiến đấu nữa. Sự dữ đã khống chế con. Con bị sa ngã, quay lưng với Thánh Giá và lảng bước đi. Con không muốn chịu đau khổ và quên mất rằng Chúa là người đau khổ nhất: đau khổ ngay từ khi nhập thế trong máng cỏ lạnh lùng đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Dù vậy, Chúa vẫn quên đi những nỗi thống khổ của mình để nhớ đến những nỗi đau khổ của con. Chúa kêu gọi con hãy đến với Ngài để được nâng đỡ ủi an khi đau khổ. Chỉ có Chúa mới làm chúng con hết khổ, chỉ có Chúa mới làm chúng con vui mừng vác Thánh Giá trong khi chịu đau khổ. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”.
Cách đây hơn hai ngàn năm, tình yêu Chúa xuất phát từ trái tim cháy bỏng đã gom góp tất cả trần gian khốn nạn và tội lỗi để dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”. Xin cho con cũng được phó mình trong Tình yêu dịu ngọt của Chúa, là Cha và là Đấng Cứu Chuộc. Cho con thành khẩn cúi đầu nhận lãnh sức sống phát sinh từ cạnh sườn Chúa. Dòng nước phát sinh Giáo hội và nuôi dưỡng mọi linh hồn. Dòng nước phát sinh sự sống mới: sự sống bất diệt, thần thiêng. Sự sống giúp con chiến thắng tội lỗi và vượt qua mọi thử thách trần gian. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”.
Những lúc con đau yếu, trí óc và đôi tay con không làm được việc gì, và con bị cô độc, lẻ loi. Một mình con nằm bất động như vật hiến tế. Các ngũ quan của con ngưng hoạt động, linh hồn con đã gần kề lìa xác. Bệnh tật, già nua, yếu đuối … như những tảng đá ngàn cân đè xuống thân xác, không cho con ngẩng đầu lên nhìn Chúa và cầu khẩn được gì nữa, con đã kiệt sức rồi. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Xin Thánh Tâm đừng để con bơ vơ, nhưng xin đưa con vào ẩn náu trong Trái Tim Chúa, để con được chữa lành trong Tình yêu của Ngài.
Trí óc con trống rỗng, trước Thánh Tâm Chúa con chẳng biết thưa gì! Con hoang mang, mê muội vì những toan tính đời thường. Mặc dầu yếu đuối, sa ngã và dù chẳng có công trạng gì xứng đáng. Nhưng con vẫn luôn luôn, luôn luôn thầm thì kêu van vì những thiếu sót của con: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu xin giúp đỡ con”. Lời van xin, khẩn nài đó không chỉ là điệp khúc trong tháng Sáu nhưng là điệp khúc bất tận trong suốt cuộc đời con. Xin Thánh Tâm Chúa bảo vệ và an ủi tâm hồn con hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Amen.
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Con đường đồng nghị Đức có ít nhất 3 tiền thân. Tất cả đều kết thúc bằng ly giáo
Vũ Văn An
22:15 16/06/2020
“Synodale Weg” hay Con đường Đồng nghị ở Đức hiện đang diễn tiến và theo nhà bình luận tin tức Sandro Magister (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2020/06/15/the-synod-of-germany-has-at-least-three-antecedents-all-ended-with-a-schism/), mỗi ngày mỗi cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với “đường đi” của Giáo Hội Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ.
Theo Magister, Con đường Đồng nghị này thực ra bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo. Magister giới thiệu một bài viết của một nhà sử học ở Đại Học Bergamo, Ý, và là một chuyên gia về các mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Đó là giáo sư Roberto Pertici. Bài viết có tựa đề là “Giáo Hội Đức giữa ‘sức hấp dẫn quốc gia’ và tính tối thượng của Rôma”.
Theo Giáo sư Pertici, dù không phải là một nhà chuyên môn về lịch sử tôn giáo rất phức tạp của Đức, sử gia nào, khi đọc về “Synodale Weg” tức Con đường Đồng nghị đang diễn tiến ở Đức, đều có cảm tưởng như đã gặp nó đâu đó trong lịch sử, một thứ “déjà-vu” nào đó.
Thực vậy, dù với những nội dung mới mẻ một phần, được áp đặt bởi các khai triển văn hóa xã hội trong 50 năm vừa qua, chúng ta vẫn đang giáp mặt với một mưu toan khác của các cá nhân và các nhóm trong Đạo Công Giáo Đức muốn thiết lập một thứ Giáo Hội quốc gia, nhằm tái lập từ trung đến dài hạn tính thống nhất về tôn giáo cho nước Đức, và tái lập Giáo Hội này qua việc thệ phản hóa nền thần học, phụng vụ, và cơ cấu nội bộ.
Nếu người ta không lưu ý tới kỳ vọng quốc gia này – nhiều người khác gọi là cơn cám dỗ quốc gia – họ sẽ có nguy cơ giản lược mọi chuyện vào một thứ trôi dạt về thần học, một cuộc đấu tranh giữa chính thống và dị giáo, một cuộc xung đột trong nội bộ giáo hội: tất cả những thứ này đều đang hiện diện ở đó, nhưng có lẽ chúng không đủ để giải thích trọn vẹn hiện tượng chúng ta đang có trước mắt.
Đúng hơn, Đạo Công Giáo Đức thường dao động giữa “sức hấp dẫn quốc gia” (national appeal) (trên thực tế, là một sự lôi cuốn, có lẽ chưa được tuyên xưng, đối với Phong trào Thệ Phản, mà nó vốn cộng sinh với - không nên quên điều đó -) và việc thừa nhận tính tối thượng của Rôma: một sự dao động càng làm cho đau đớn và bi đát hơn bởi sự kiện này là từ Luther và Ulrich von Hutten trở đi, bản sắc Đức được hình thành chính trong việc đối lập với Rôma “Babylon”. Liệu người ta có thể là một “người Đức tốt” và đồng thời là một người Công Giáo, nghĩa là vâng theo một thế lực xa xôi vốn bị rất nhiều đồng bào ghét bỏ hay không? Câu hỏi này đã được khai mở trong nhiều thế kỷ của lịch sử Đức, cho đến Kulturkampf của thời Bismarck và chính sách tôn giáo của Đệ tam Quốc xã.
Vào đầu thế kỷ 19, nhân vật nổi tiếng nhất về “sức hấp dẫn quốc gia” này, và về đề xuất giáo dục thần học nâng đỡ nó chính là Heinrich Ignaz von Wessenberg (1774-1860), tổng đại diện và giám quản giáo phận Konstanz, người đã đề xuất và bảo vệ chương trình của ông về một Giáo hội quốc gia Đức không kém gì Đại hội Vienna. Đàng sau Ông là những luận đề chống Rôma cổ điển của truyền thống “Febronian” (giản lược các đặc quyền của giáo hoàng, coi ngài chỉ tối thượng về danh dự chứ không về quyền tài phán; tầm quan trọng lớn hơn được dành cho giám mục đoàn; ưu thế của công đồng trên vị giáo hoàng; và ưu quyền của nhà nước chống lại việc can thiệp của Giáo Hoàng) và cuộc đấu tranh của Đạo Công Giáo Khai sáng chống lại sự cuồng tín của các cuộc hành hương, sùng kính các thánh tích, tính độc đoán của các cơ cấu giáo hội.
Franz Schnabel, nhà sử học vĩ đại của nước Đức thế kỷ XIX, tóm tắt những ý tưởng tôn giáo của Wessenberg như thế này: thay thế khoa học duy lý bằng khoa học kinh viện; định chế hóa các nghị viện giáo hội trong các giáo phận; đào tạo hàng giáo sĩ theo khoa học hiện đại nhất; nghi vấn việc độc thân trong giáo hội; cải cách sinh hoạt phụng vụ, biến việc thuyết giảng thành “phần quan trọng nhất của việc chăm sóc các linh hồn”; dùng tiếng Đức trong Thánh lễ và Đức hóa sách nguyện, việc ca hát và các sách sùng kính; thù địch đối với các cuộc hành hương và các dòng khất sĩ; cải cách kiến trúc giáo hội theo cung cách Tin lành hay Thanh giáo, càng giản dị và u ám càng hay (đối với bàn thờ chính, chỉ một Chúa Kitô được trưng bầy, tránh hình tượng các vị thánh, ngoại trừ các thánh quan thầy của nhà thờ, tuy nhiên chỉ được đặt ở bàn thờ phụ “bao lâu vẫn còn các bàn thờ này”). Một trong những qui định của ông về hôn nhân cho phép việc chúc lành cho các cuộc kết hôn liên phái, với điều kiện các con trai tuân theo tín phái của người cha và các con gái theo tín phái của người mẹ.
Tuy không muốn kéo lịch sử lại gần, song há đó không phải là một thứ bà con họ hàng với các luận điểm của “Synodale Weg” hiện nay sao?
Một thí dụ gây chấn động khác về “sức hấp dẫn quốc gia”, đó là cuộc ly giáo của linh mục Joahannes Ronge người Silesia vào giữa thập niên 1840, khi ba thập niên đã trôi qua kể từ Đại hội Vienna, những thập niên, trong đó ý thức dân tộc Đức đã phát triển rất lớn và được kích thích quá mức, trong khi chủ thuyết giáo hoàng độc tôn (ultramontanism) đã thống trị nền chính trị của giáo hoàng.
Ronge cũng theo truyền thống “Febronian”, một truyền thống lúc ấy vẫn còn sống động ở Silesia. Tháng 10 năm 1844, ông viết một bức thư ngỏ gửi giám mục Trier là Arnoldi để tố cáo sự phô trương mà ông gán cho một thánh tích nổi tiếng, đó là “Chiếc áo dài của Chúa Kitô”, được cả hàng nửa triệu người hành hương đến kính viếng. Ronge buộc tội Arnoldi cố ý thao túng các tín hữu Công Giáo khinh suất qua "các trò đóng kịch phi Kitô giáo” với mục đích vỗ béo các kho bạc của giáo hội và cổ vũ “việc Đức làm nô lệ vật chất và tinh thần cho Rôma”. Vị linh mục người Silesia này ngỏ lời với 2 lớp thính giả khác nhau, cung ứng cho mỗi lớp một đích nhắm chuyên biệt: ông mời các nhà duy lý hiện diện trong hàng giáo sĩ Công Giáo phản đối chủ nghĩa tuân phục thần học, và “các đồng bào Đức, cả Công Giáo lẫn Thệ phản” thắng vượt cảnh chia rẽ tuyên tín của nước Đức. Sau khi bị tuyệt thông vào tháng 12 năm 1844, ông công bố thiết lập một “Tổng Giáo Hội Đức” (xem Todd H. Weir, “Chủ nghĩa thế tục và tôn giáo ở Đức thế kỷ XIX: Sự Xuất hiện của tuyên tín thứ Tư”, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2014).
Giống nhiều tín đồ của Wessenberg sau năm 1830, Ronge cũng cực đoan hóa các lập trường chính trị và tôn giáo của mình: ông tham gia các biến cố của quốc hội Frankfurt năm 1848-49, sau đó lưu vong qua Vương quốc Anh, nơi ông trở thành quán quân của “chủ nghĩa duy tục” và tự do tư tưởng.
Một cuộc ly giáo của các giáo sư và các nhà trí thức – dù vẫn có sự gắn bó đối với một nhà tiên tri và nhà sử học lừng lẫy như Ignaz von Döllinger - là cuộc ly giáo của Altkatholiken, những người Công Giáo Cũ, vào năm 1871, để phản đối việc tuyên bố tín điều Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm được Công đồng Vatican I chấp thuận vào ngày 18 tháng 7 năm 1870. Theo một trong các nhà lãnh đạo của họ, tức nhà giáo luật vĩ đại Johann Friedrich von Schulte, tín điều đó đã thay đổi bản chất của Giáo hội và hiến chế tông truyền của nó và gây ra mối đe dọa cho các quốc gia, vì nó sẽ mang lại cho Tòa Thánh nhiều khả thể can thiệp rất lớn vào đời sống nội bộ của họ, đòi hỏi sự phục tùng mù quáng của hàng giám mục, giáo sĩ và tín hữu. Mối nguy hiểm này đặc biệt hiển nhiên đối với Đế quốc Đức mới được thành lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, trong đó, có sự hiện diện mạnh mẽ của Công Giáo, có ảnh hưởng đặc biệt ở một số tiểu bang, và một đảng Công Giáo mới, Zentrum, có nguy cơ trở thành “longa manus” (cánh tay vươn dài) của Vatican trong Chính trường Đức.
Do đó, các quan tâm tín điều và tôn giáo, cũng như các quan tâm quốc gia và chống Rôma cùng hiện hữu trong Schulte và trong Altkatholiken, trong ảo tưởng tìm được sự hỗ trợ của hàng giám mục Đức, vốn tham gia khối đa số ủng hộ tín điều vô ngộ - với rất ít ngoại lệ -. Sau đó, phái Altkatholiken đã đi tìm người đối thoại cầm đầu Nhà nước (Reich) mới, đặc biệt nơi ông hoàng Bismarck, và người ta biết rằng liên minh này lúc đó là một trong những căn bản cho Kulturkampf sau đó.
Ba nỗ lực trên đã gặp phải sự lên án mạnh mẽ của Tòa Thánh, bằng các phiên xử và vạ tuyệt thông theo giáo luật, và có rất ít người theo trong hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân, mặc dù phái của Ronge, phái Deutschkatholiken, đã tồn tại trong nhiều thập niên và Giáo Hội Công Giáo Cũ vẫn sống còn cho đến nay. Xin nhắc lại, tuy không phóng đại các điều tương tự trong lịch sử, ngày nay, dường như, “hành trình đồng nghị” đang chinh phục được toàn bộ hàng giáo phẩm của Đức (tuy tính triệt để của nó chắc chắn làm cho Wessenberg phải ngạc nhiên và có lẽ cả Ronge và Döllinger nữa).
Giáo sư Pertici tin rằng triết lý làm nền của “Synodale Weg” ngày nay đã được xác định từ nhiều năm trước bởi một giáo sĩ nổi tiếng người Đức là Đức Hồng Y Walter Kasper. Giáo sư Pertici đã có dịp nói tới một hội nghị về Luther được tổ chức vào ngày 18 tháng 1 năm 2016 (W. Kasper, “Martin Luther. Một viễn cảnh đại kết”, Brescia, Queriniana, 2016) và đề xuất chứa trong đó về “việc phi tín phái hóa” cả các tín phái Thệ Phản lẫn Giáo Hội Công Giáo: một kiểu quay trở lại “nguyên trạng lúc trước”, tức trước việc bùng nổ các cuộc xung đột tôn giáo trong thế kỷ XVI. Vì một việc phi tuyên tín hóa như vậy cũng đã diễn ra trong môi trường Lutheranô, nên thế giới Công Giáo hẳn phải can đảm lắm mới tiến hành theo hướng này: Kasper nói đến việc “khám phá lại tính Công Giáo nguyên thủy, chưa bị giới hạn bởi quan điểm tín phái". Điều rõ ràng là các đề xuất của Kasper được ngỏ với Giáo hội hoàn vũ, nhưng gốc rễ Đức của chúng cũng rõ ràng không kém.
“Cuộc hành trình đồng nghị” mà hàng giáo phẩm Công Giáo Đức đề xuất chính là theo quan điểm của “sự phi tín phái hóa” này và do đó cũng là quan điểm gặp gỡ với các thành tố khác của Kitô giáo Đức.
Giáo sư Pertici cho rằng lập trường trên có thể có những lý do thần học của nó. Nhưng phần lớn các giáo phẩm Đức ngày nay lưu ý đến khía cạnh chính trị nhiều hơn.
Theo Magister, Con đường Đồng nghị này thực ra bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo. Magister giới thiệu một bài viết của một nhà sử học ở Đại Học Bergamo, Ý, và là một chuyên gia về các mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Đó là giáo sư Roberto Pertici. Bài viết có tựa đề là “Giáo Hội Đức giữa ‘sức hấp dẫn quốc gia’ và tính tối thượng của Rôma”.
Theo Giáo sư Pertici, dù không phải là một nhà chuyên môn về lịch sử tôn giáo rất phức tạp của Đức, sử gia nào, khi đọc về “Synodale Weg” tức Con đường Đồng nghị đang diễn tiến ở Đức, đều có cảm tưởng như đã gặp nó đâu đó trong lịch sử, một thứ “déjà-vu” nào đó.
Thực vậy, dù với những nội dung mới mẻ một phần, được áp đặt bởi các khai triển văn hóa xã hội trong 50 năm vừa qua, chúng ta vẫn đang giáp mặt với một mưu toan khác của các cá nhân và các nhóm trong Đạo Công Giáo Đức muốn thiết lập một thứ Giáo Hội quốc gia, nhằm tái lập từ trung đến dài hạn tính thống nhất về tôn giáo cho nước Đức, và tái lập Giáo Hội này qua việc thệ phản hóa nền thần học, phụng vụ, và cơ cấu nội bộ.
Nếu người ta không lưu ý tới kỳ vọng quốc gia này – nhiều người khác gọi là cơn cám dỗ quốc gia – họ sẽ có nguy cơ giản lược mọi chuyện vào một thứ trôi dạt về thần học, một cuộc đấu tranh giữa chính thống và dị giáo, một cuộc xung đột trong nội bộ giáo hội: tất cả những thứ này đều đang hiện diện ở đó, nhưng có lẽ chúng không đủ để giải thích trọn vẹn hiện tượng chúng ta đang có trước mắt.
Đúng hơn, Đạo Công Giáo Đức thường dao động giữa “sức hấp dẫn quốc gia” (national appeal) (trên thực tế, là một sự lôi cuốn, có lẽ chưa được tuyên xưng, đối với Phong trào Thệ Phản, mà nó vốn cộng sinh với - không nên quên điều đó -) và việc thừa nhận tính tối thượng của Rôma: một sự dao động càng làm cho đau đớn và bi đát hơn bởi sự kiện này là từ Luther và Ulrich von Hutten trở đi, bản sắc Đức được hình thành chính trong việc đối lập với Rôma “Babylon”. Liệu người ta có thể là một “người Đức tốt” và đồng thời là một người Công Giáo, nghĩa là vâng theo một thế lực xa xôi vốn bị rất nhiều đồng bào ghét bỏ hay không? Câu hỏi này đã được khai mở trong nhiều thế kỷ của lịch sử Đức, cho đến Kulturkampf của thời Bismarck và chính sách tôn giáo của Đệ tam Quốc xã.
Vào đầu thế kỷ 19, nhân vật nổi tiếng nhất về “sức hấp dẫn quốc gia” này, và về đề xuất giáo dục thần học nâng đỡ nó chính là Heinrich Ignaz von Wessenberg (1774-1860), tổng đại diện và giám quản giáo phận Konstanz, người đã đề xuất và bảo vệ chương trình của ông về một Giáo hội quốc gia Đức không kém gì Đại hội Vienna. Đàng sau Ông là những luận đề chống Rôma cổ điển của truyền thống “Febronian” (giản lược các đặc quyền của giáo hoàng, coi ngài chỉ tối thượng về danh dự chứ không về quyền tài phán; tầm quan trọng lớn hơn được dành cho giám mục đoàn; ưu thế của công đồng trên vị giáo hoàng; và ưu quyền của nhà nước chống lại việc can thiệp của Giáo Hoàng) và cuộc đấu tranh của Đạo Công Giáo Khai sáng chống lại sự cuồng tín của các cuộc hành hương, sùng kính các thánh tích, tính độc đoán của các cơ cấu giáo hội.
Franz Schnabel, nhà sử học vĩ đại của nước Đức thế kỷ XIX, tóm tắt những ý tưởng tôn giáo của Wessenberg như thế này: thay thế khoa học duy lý bằng khoa học kinh viện; định chế hóa các nghị viện giáo hội trong các giáo phận; đào tạo hàng giáo sĩ theo khoa học hiện đại nhất; nghi vấn việc độc thân trong giáo hội; cải cách sinh hoạt phụng vụ, biến việc thuyết giảng thành “phần quan trọng nhất của việc chăm sóc các linh hồn”; dùng tiếng Đức trong Thánh lễ và Đức hóa sách nguyện, việc ca hát và các sách sùng kính; thù địch đối với các cuộc hành hương và các dòng khất sĩ; cải cách kiến trúc giáo hội theo cung cách Tin lành hay Thanh giáo, càng giản dị và u ám càng hay (đối với bàn thờ chính, chỉ một Chúa Kitô được trưng bầy, tránh hình tượng các vị thánh, ngoại trừ các thánh quan thầy của nhà thờ, tuy nhiên chỉ được đặt ở bàn thờ phụ “bao lâu vẫn còn các bàn thờ này”). Một trong những qui định của ông về hôn nhân cho phép việc chúc lành cho các cuộc kết hôn liên phái, với điều kiện các con trai tuân theo tín phái của người cha và các con gái theo tín phái của người mẹ.
Tuy không muốn kéo lịch sử lại gần, song há đó không phải là một thứ bà con họ hàng với các luận điểm của “Synodale Weg” hiện nay sao?
Một thí dụ gây chấn động khác về “sức hấp dẫn quốc gia”, đó là cuộc ly giáo của linh mục Joahannes Ronge người Silesia vào giữa thập niên 1840, khi ba thập niên đã trôi qua kể từ Đại hội Vienna, những thập niên, trong đó ý thức dân tộc Đức đã phát triển rất lớn và được kích thích quá mức, trong khi chủ thuyết giáo hoàng độc tôn (ultramontanism) đã thống trị nền chính trị của giáo hoàng.
Ronge cũng theo truyền thống “Febronian”, một truyền thống lúc ấy vẫn còn sống động ở Silesia. Tháng 10 năm 1844, ông viết một bức thư ngỏ gửi giám mục Trier là Arnoldi để tố cáo sự phô trương mà ông gán cho một thánh tích nổi tiếng, đó là “Chiếc áo dài của Chúa Kitô”, được cả hàng nửa triệu người hành hương đến kính viếng. Ronge buộc tội Arnoldi cố ý thao túng các tín hữu Công Giáo khinh suất qua "các trò đóng kịch phi Kitô giáo” với mục đích vỗ béo các kho bạc của giáo hội và cổ vũ “việc Đức làm nô lệ vật chất và tinh thần cho Rôma”. Vị linh mục người Silesia này ngỏ lời với 2 lớp thính giả khác nhau, cung ứng cho mỗi lớp một đích nhắm chuyên biệt: ông mời các nhà duy lý hiện diện trong hàng giáo sĩ Công Giáo phản đối chủ nghĩa tuân phục thần học, và “các đồng bào Đức, cả Công Giáo lẫn Thệ phản” thắng vượt cảnh chia rẽ tuyên tín của nước Đức. Sau khi bị tuyệt thông vào tháng 12 năm 1844, ông công bố thiết lập một “Tổng Giáo Hội Đức” (xem Todd H. Weir, “Chủ nghĩa thế tục và tôn giáo ở Đức thế kỷ XIX: Sự Xuất hiện của tuyên tín thứ Tư”, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2014).
Giống nhiều tín đồ của Wessenberg sau năm 1830, Ronge cũng cực đoan hóa các lập trường chính trị và tôn giáo của mình: ông tham gia các biến cố của quốc hội Frankfurt năm 1848-49, sau đó lưu vong qua Vương quốc Anh, nơi ông trở thành quán quân của “chủ nghĩa duy tục” và tự do tư tưởng.
Một cuộc ly giáo của các giáo sư và các nhà trí thức – dù vẫn có sự gắn bó đối với một nhà tiên tri và nhà sử học lừng lẫy như Ignaz von Döllinger - là cuộc ly giáo của Altkatholiken, những người Công Giáo Cũ, vào năm 1871, để phản đối việc tuyên bố tín điều Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm được Công đồng Vatican I chấp thuận vào ngày 18 tháng 7 năm 1870. Theo một trong các nhà lãnh đạo của họ, tức nhà giáo luật vĩ đại Johann Friedrich von Schulte, tín điều đó đã thay đổi bản chất của Giáo hội và hiến chế tông truyền của nó và gây ra mối đe dọa cho các quốc gia, vì nó sẽ mang lại cho Tòa Thánh nhiều khả thể can thiệp rất lớn vào đời sống nội bộ của họ, đòi hỏi sự phục tùng mù quáng của hàng giám mục, giáo sĩ và tín hữu. Mối nguy hiểm này đặc biệt hiển nhiên đối với Đế quốc Đức mới được thành lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, trong đó, có sự hiện diện mạnh mẽ của Công Giáo, có ảnh hưởng đặc biệt ở một số tiểu bang, và một đảng Công Giáo mới, Zentrum, có nguy cơ trở thành “longa manus” (cánh tay vươn dài) của Vatican trong Chính trường Đức.
Do đó, các quan tâm tín điều và tôn giáo, cũng như các quan tâm quốc gia và chống Rôma cùng hiện hữu trong Schulte và trong Altkatholiken, trong ảo tưởng tìm được sự hỗ trợ của hàng giám mục Đức, vốn tham gia khối đa số ủng hộ tín điều vô ngộ - với rất ít ngoại lệ -. Sau đó, phái Altkatholiken đã đi tìm người đối thoại cầm đầu Nhà nước (Reich) mới, đặc biệt nơi ông hoàng Bismarck, và người ta biết rằng liên minh này lúc đó là một trong những căn bản cho Kulturkampf sau đó.
Ba nỗ lực trên đã gặp phải sự lên án mạnh mẽ của Tòa Thánh, bằng các phiên xử và vạ tuyệt thông theo giáo luật, và có rất ít người theo trong hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân, mặc dù phái của Ronge, phái Deutschkatholiken, đã tồn tại trong nhiều thập niên và Giáo Hội Công Giáo Cũ vẫn sống còn cho đến nay. Xin nhắc lại, tuy không phóng đại các điều tương tự trong lịch sử, ngày nay, dường như, “hành trình đồng nghị” đang chinh phục được toàn bộ hàng giáo phẩm của Đức (tuy tính triệt để của nó chắc chắn làm cho Wessenberg phải ngạc nhiên và có lẽ cả Ronge và Döllinger nữa).
Giáo sư Pertici tin rằng triết lý làm nền của “Synodale Weg” ngày nay đã được xác định từ nhiều năm trước bởi một giáo sĩ nổi tiếng người Đức là Đức Hồng Y Walter Kasper. Giáo sư Pertici đã có dịp nói tới một hội nghị về Luther được tổ chức vào ngày 18 tháng 1 năm 2016 (W. Kasper, “Martin Luther. Một viễn cảnh đại kết”, Brescia, Queriniana, 2016) và đề xuất chứa trong đó về “việc phi tín phái hóa” cả các tín phái Thệ Phản lẫn Giáo Hội Công Giáo: một kiểu quay trở lại “nguyên trạng lúc trước”, tức trước việc bùng nổ các cuộc xung đột tôn giáo trong thế kỷ XVI. Vì một việc phi tuyên tín hóa như vậy cũng đã diễn ra trong môi trường Lutheranô, nên thế giới Công Giáo hẳn phải can đảm lắm mới tiến hành theo hướng này: Kasper nói đến việc “khám phá lại tính Công Giáo nguyên thủy, chưa bị giới hạn bởi quan điểm tín phái". Điều rõ ràng là các đề xuất của Kasper được ngỏ với Giáo hội hoàn vũ, nhưng gốc rễ Đức của chúng cũng rõ ràng không kém.
“Cuộc hành trình đồng nghị” mà hàng giáo phẩm Công Giáo Đức đề xuất chính là theo quan điểm của “sự phi tín phái hóa” này và do đó cũng là quan điểm gặp gỡ với các thành tố khác của Kitô giáo Đức.
Giáo sư Pertici cho rằng lập trường trên có thể có những lý do thần học của nó. Nhưng phần lớn các giáo phẩm Đức ngày nay lưu ý đến khía cạnh chính trị nhiều hơn.
Top Stories
Diocèse de Ha Tinh : la communauté catholique vietnamienne face à la crise
Églises d'Asie
07:50 16/06/2020
Le 8 juin, le père Joseph Truong Van Thuc, le curé de la paroisse de Dien Truong, située à Quang Son dans la ville de Ba Don (province de Quang Binh), dans le diocèse de Ha Tinh, a reçu 1, 5 tonnes de riz des mains d’une chanteuse américano-vietnamienne, Trieu Ngoc Yen, et d’une association locale, qui accompagnent de nombreuses autres initiatives locales. La paroisse, fondée en 2006, compte environ 2 384 fidèles. Malgré un centre de catéchisme inauguré en 2018 et de nombreuses initiatives auprès des jeunes et des plus démunis, la communauté catholique locale a particulièrement souffert de la crise sanitaire.
La paroisse de Dien Truong, située à Quang Son dans la ville de Ba Don (province de Quang Binh), se trouve au cœur d’un territoire particulièrement difficile en terme écologique. À la saison sèche, les vents laotiens y amènent un climat extrêmement chaud et aride. La saison des pluies y est également conséquente et entraîne des inondations constantes. Chaque année, le site, situé dans une zone inondable au cœur de la ville de Ba Don, se retrouve sous l’eau. Par conséquent, les circonstances climatiques de la région entraînent de nombreuses souffrances et difficultés pour la population locale. La paroisse de Dien Truong, qui dépend du diocèse de Ha Tinh, compte actuellement près de 500 familles, soit environ 2 384 fidèles. Elle a été fondée en 2006. Le père Pierre Nguyen, vicaire de la paroisse, confie que « tous ici espèrent construire un nouveau site pour y enseigner le catéchisme et les valeurs chrétiennes aux enfants et aux jeunes ». « De plus, les enseignants volontaires donnent également des cours de soutien en anglais et en informatique. Nous voulons aider les enfants et les adolescents, pour qu’ils développent des connaissances, des compétences et se préparent à un avenir professionnel », ajoute le prêtre. Maria Hoang, une catéchiste, explique qu’en venant donner des cours à la paroisse, elle espère « aider ces enfants à grandir dans la foi et la connaissance de la Parole de Dieu, et devenir des bonnes personnes au sein de leurs familles et de la société ».
Anna Nguyen, âgée de 12 ans, qui suit des cours auprès de la paroisse, ajoute que « l’été est très chaud, l’hiver est froid, et la saison des pluies entraîne des inondations ». « Mes camarades de classe et moi, nous rêvons d’un d’une école spacieuse et digne de ce nom, pour l’Église et la société », explique-t-elle. De son côté, Maria Hoang souligne que « nous voulons aider les jeunes à sortir de la pauvreté ». « Il faut donc leur donner l’opportunité d’étudier ici. Grâce à un enseignement fondamental et une bonne éducation, les jeunes générations actuelles peuvent se mettre davantage au service de l’Église et de la société. Nous travaillons dans ce but. » Ainsi, un an après le début des travaux de construction du centre Nha Hoc Giao Ly (Maison pour l’apprentissage du catéchisme), Mgr Paul Nguyen Thai Hop, évêque de Ha Tinh, a inauguré les lieux qui sont entrés en fonction le 9 septembre 2018. « Les autorités locales ont autorisé et encouragé l’initiative », assure Maria Hoang.
1, 5 tonne de riz face à la crise
Ces derniers mois, cependant, la pandémie a affecté les activités économiques et la vie de tous les habitants du quartier. Les activités pastorales ont été interrompues pendant six semaines. Beaucoup de familles ont rencontré des difficultés. Les pauvres manquent de nourriture, et pendant cette période, le père Joseph Truong Van Thuc, le curé de Dien Truong a lancé des activités caritatives et sociales pour leur venir en aide. Ces activités sont soutenues par la chanteuse américano-vietnamienne Trieu Ngoc Yen et par une association locale (Hoi Tu Thien Nu Cuoi Than Ai), qui accompagnent de nombreuses autres initiatives locales. Le 8 juin, le père Joseph a reçu d’eux plus d’1, 5 tonnes de riz pour la communauté catholique Chay de la paroisse.
Un volontaire local confie : « Je peux témoigner de la vie des gens d’ici. Nous avons une connaissance précise de leur situation actuelle. » Un autre jeune volontaire ajoute qu’après avoir « distribué du riz aux gens dans la cour paroissiale, notre groupe a continué les visites afin d’offrir des sacs de riz aux personnes âgées isolées ». « Beaucoup de gens du quartier ont du mal à s’en sortir », ajoute-t-il. Après la crise sanitaire, la plupart des paroissiens commencent à retourner travailler dans les champs. Pour le volontaire, « la force de la municipalité de Quang Son est le développement de la reforestation et le bétail ». « La communauté catholique locale se concentre également sur le développement de l’économie familiale et de sa contribution sociale et économique », ajoute-t-il.
(Source: Églises d'Asie - le 16/06/2020, Avec Asianews, Hanoï)
La paroisse de Dien Truong, située à Quang Son dans la ville de Ba Don (province de Quang Binh), se trouve au cœur d’un territoire particulièrement difficile en terme écologique. À la saison sèche, les vents laotiens y amènent un climat extrêmement chaud et aride. La saison des pluies y est également conséquente et entraîne des inondations constantes. Chaque année, le site, situé dans une zone inondable au cœur de la ville de Ba Don, se retrouve sous l’eau. Par conséquent, les circonstances climatiques de la région entraînent de nombreuses souffrances et difficultés pour la population locale. La paroisse de Dien Truong, qui dépend du diocèse de Ha Tinh, compte actuellement près de 500 familles, soit environ 2 384 fidèles. Elle a été fondée en 2006. Le père Pierre Nguyen, vicaire de la paroisse, confie que « tous ici espèrent construire un nouveau site pour y enseigner le catéchisme et les valeurs chrétiennes aux enfants et aux jeunes ». « De plus, les enseignants volontaires donnent également des cours de soutien en anglais et en informatique. Nous voulons aider les enfants et les adolescents, pour qu’ils développent des connaissances, des compétences et se préparent à un avenir professionnel », ajoute le prêtre. Maria Hoang, une catéchiste, explique qu’en venant donner des cours à la paroisse, elle espère « aider ces enfants à grandir dans la foi et la connaissance de la Parole de Dieu, et devenir des bonnes personnes au sein de leurs familles et de la société ».
Anna Nguyen, âgée de 12 ans, qui suit des cours auprès de la paroisse, ajoute que « l’été est très chaud, l’hiver est froid, et la saison des pluies entraîne des inondations ». « Mes camarades de classe et moi, nous rêvons d’un d’une école spacieuse et digne de ce nom, pour l’Église et la société », explique-t-elle. De son côté, Maria Hoang souligne que « nous voulons aider les jeunes à sortir de la pauvreté ». « Il faut donc leur donner l’opportunité d’étudier ici. Grâce à un enseignement fondamental et une bonne éducation, les jeunes générations actuelles peuvent se mettre davantage au service de l’Église et de la société. Nous travaillons dans ce but. » Ainsi, un an après le début des travaux de construction du centre Nha Hoc Giao Ly (Maison pour l’apprentissage du catéchisme), Mgr Paul Nguyen Thai Hop, évêque de Ha Tinh, a inauguré les lieux qui sont entrés en fonction le 9 septembre 2018. « Les autorités locales ont autorisé et encouragé l’initiative », assure Maria Hoang.
1, 5 tonne de riz face à la crise
Ces derniers mois, cependant, la pandémie a affecté les activités économiques et la vie de tous les habitants du quartier. Les activités pastorales ont été interrompues pendant six semaines. Beaucoup de familles ont rencontré des difficultés. Les pauvres manquent de nourriture, et pendant cette période, le père Joseph Truong Van Thuc, le curé de Dien Truong a lancé des activités caritatives et sociales pour leur venir en aide. Ces activités sont soutenues par la chanteuse américano-vietnamienne Trieu Ngoc Yen et par une association locale (Hoi Tu Thien Nu Cuoi Than Ai), qui accompagnent de nombreuses autres initiatives locales. Le 8 juin, le père Joseph a reçu d’eux plus d’1, 5 tonnes de riz pour la communauté catholique Chay de la paroisse.
Un volontaire local confie : « Je peux témoigner de la vie des gens d’ici. Nous avons une connaissance précise de leur situation actuelle. » Un autre jeune volontaire ajoute qu’après avoir « distribué du riz aux gens dans la cour paroissiale, notre groupe a continué les visites afin d’offrir des sacs de riz aux personnes âgées isolées ». « Beaucoup de gens du quartier ont du mal à s’en sortir », ajoute-t-il. Après la crise sanitaire, la plupart des paroissiens commencent à retourner travailler dans les champs. Pour le volontaire, « la force de la municipalité de Quang Son est le développement de la reforestation et le bétail ». « La communauté catholique locale se concentre également sur le développement de l’économie familiale et de sa contribution sociale et économique », ajoute-t-il.
(Source: Églises d'Asie - le 16/06/2020, Avec Asianews, Hanoï)
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thăng Long, Sài Gòn: Hồng ân Chúa Thánh Thần
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:48 16/06/2020
“Chúng ta phải làm chứng cho Chúa trong môi trường sống hằng ngày, đó là bổn phận Chúa đòi hỏi chúng ta” Trên đây là lời chia sẻ của Đức Tổng GM Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ ban bí tích Thêm sức tại Giáo xứ Thăng Long.
Chiều nay 15.6.2020, lúc 17g30 phút, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, TGP Sài gòn đã về thăm mục vụ Giáo xứ Thăng Long.Đón Đức Tổng GM có linh mục chánh xứ Thăng Long Barnaba Trần Cương Quyết, HĐMVGX, các em sắp được lãnh nhận bí tích Thêm sức, cha mẹ, người đỡ đầu và các anh chị Giáo Lý Viên.Vì ngoài trời đang mưa lất phất, nên cộng đoàn ngồi tại chỗ bên trong thánh đường cùng đón chào vị cha chung.
Xem Hình
Trước khi bắt đầu thánh lễ, Linh mục chánh xứ Barnaba Trần Cương Quyết trình bày sơ lược về giáo xứ Thăng Long trước Đức Tổng GM và cộng đoàn.Đây là lần đầu tiên ngài về thăm mục vụ giáo xứ Thăng Long.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng ấm cúng, Đức Tổng Giám Mục Giuse chủ tế cùng với linh mục chánh xứ và rất đông đảo cộng đoàn tham dự ngồi chật kín nhà thờ.
Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Giuse khai triển về các ơn huệ Chúa Thánh Thần.Đặc biệt là ơn khôn ngoan, một trong 7 ơn Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu.Ơn khôn ngoan giúp chúng ta biết chọn lựa làm điều tốt, cho dù có chịu thua thiệt, chúng ta không làm ăn gian dối, không tham lam lấy của người khác, nhưng chúng ta sống tôn trọng sự thật, công bình và bác ái.Bí tích Thêm Sức ban ơn Chúa Thánh Thần cho chúng ta một cách dồi dào hơn, nhờ đó chúng ta can đảm ra đi làm chứng cho Chúa qua môi trường sống hằng ngày.Chúng ta phải là những chứng nhân của Tin Mừng giữa dòng đời, bên cạnh những người không cùng niềm tin tôn giáo với mình, những người bà con lối xóm, nơi phố chợ, xưởng thợ.Giáo xứ đã có được cơ sở vật chất như ngày nay, đó là nhờ sự chung tay góp sức của nhiều người, từ cha xứ và cộng đoàn giáo xứ.Nhưng chúng ta còn phải tiếp tục xây dựng đời sống đức tin của giáo xứ, trong việc làm chứng nhân Tin Mừng tình thương cứu độ.Đó là trách nhiệm Chúa đòi hỏi chúng ta, chúng ta có lỗi khi không chu toàn việc đó.Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng việc chia cơm sẻ áo cho người nghèo, nói về Chúa cho họ, sống yêu thương tha thứ cho nhau, luôn trung tín trong gia đình.
Sau đó là Nghi thức ban bí tích Thêm Sức cho 40 em thiếu nhi, 12 em nam và 28 em nữ.Các em này đã qua thời gian học hỏi giáo lý 3 năm.
Tiếp theo là Phần Phụng Vụ Thánh Thể.Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục chánh xứ có lời tri ân Đức Tổng Giám Mục Giuse, cùng với bó hoa của một em thiếu nhi vừa lãnh nhận bí tích dâng tặng Đức Tổng GM.
Giáo xứ Thăng Long, bổn mạng giáo xứ kính Thánh Gia Thất, hiện tại giáo xứ có 468 gia đình, 1815nhân khẩu, chia làm 5 giáo khu, trong đó có 1 giáo khu đền thánh Vincente, nhà thờ tại địa chỉ 84/80 Tôn Thất Hiệp, phường 13, quận 11 thành phố Sài Gòn.
Martinô Lê Hoàng Vũ
Chiều nay 15.6.2020, lúc 17g30 phút, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, TGP Sài gòn đã về thăm mục vụ Giáo xứ Thăng Long.Đón Đức Tổng GM có linh mục chánh xứ Thăng Long Barnaba Trần Cương Quyết, HĐMVGX, các em sắp được lãnh nhận bí tích Thêm sức, cha mẹ, người đỡ đầu và các anh chị Giáo Lý Viên.Vì ngoài trời đang mưa lất phất, nên cộng đoàn ngồi tại chỗ bên trong thánh đường cùng đón chào vị cha chung.
Xem Hình
Trước khi bắt đầu thánh lễ, Linh mục chánh xứ Barnaba Trần Cương Quyết trình bày sơ lược về giáo xứ Thăng Long trước Đức Tổng GM và cộng đoàn.Đây là lần đầu tiên ngài về thăm mục vụ giáo xứ Thăng Long.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng ấm cúng, Đức Tổng Giám Mục Giuse chủ tế cùng với linh mục chánh xứ và rất đông đảo cộng đoàn tham dự ngồi chật kín nhà thờ.
Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Giuse khai triển về các ơn huệ Chúa Thánh Thần.Đặc biệt là ơn khôn ngoan, một trong 7 ơn Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu.Ơn khôn ngoan giúp chúng ta biết chọn lựa làm điều tốt, cho dù có chịu thua thiệt, chúng ta không làm ăn gian dối, không tham lam lấy của người khác, nhưng chúng ta sống tôn trọng sự thật, công bình và bác ái.Bí tích Thêm Sức ban ơn Chúa Thánh Thần cho chúng ta một cách dồi dào hơn, nhờ đó chúng ta can đảm ra đi làm chứng cho Chúa qua môi trường sống hằng ngày.Chúng ta phải là những chứng nhân của Tin Mừng giữa dòng đời, bên cạnh những người không cùng niềm tin tôn giáo với mình, những người bà con lối xóm, nơi phố chợ, xưởng thợ.Giáo xứ đã có được cơ sở vật chất như ngày nay, đó là nhờ sự chung tay góp sức của nhiều người, từ cha xứ và cộng đoàn giáo xứ.Nhưng chúng ta còn phải tiếp tục xây dựng đời sống đức tin của giáo xứ, trong việc làm chứng nhân Tin Mừng tình thương cứu độ.Đó là trách nhiệm Chúa đòi hỏi chúng ta, chúng ta có lỗi khi không chu toàn việc đó.Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng việc chia cơm sẻ áo cho người nghèo, nói về Chúa cho họ, sống yêu thương tha thứ cho nhau, luôn trung tín trong gia đình.
Sau đó là Nghi thức ban bí tích Thêm Sức cho 40 em thiếu nhi, 12 em nam và 28 em nữ.Các em này đã qua thời gian học hỏi giáo lý 3 năm.
Tiếp theo là Phần Phụng Vụ Thánh Thể.Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục chánh xứ có lời tri ân Đức Tổng Giám Mục Giuse, cùng với bó hoa của một em thiếu nhi vừa lãnh nhận bí tích dâng tặng Đức Tổng GM.
Giáo xứ Thăng Long, bổn mạng giáo xứ kính Thánh Gia Thất, hiện tại giáo xứ có 468 gia đình, 1815nhân khẩu, chia làm 5 giáo khu, trong đó có 1 giáo khu đền thánh Vincente, nhà thờ tại địa chỉ 84/80 Tôn Thất Hiệp, phường 13, quận 11 thành phố Sài Gòn.
Martinô Lê Hoàng Vũ
Tuần Tạ Ơn của Giáo Phận Xuân Lộc hậu Covid-19: Ngày thứ tư: Giáo xứ Tạ Ơn
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
11:59 16/06/2020
Tuần Tạ Ơn hậu đại dịch của Giáo phận đã đến chặng ngày toàn Giáo xứ Tạ Ơn, Chúa Nhật 14/6/2020. Khá ý nghĩa khi ngày Giáo xứ Tạ ơn lại trùng với ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa, nên nhiều cha xứ đã không chỉ dâng Thánh Lễ với ý nguyện mời gọi toàn giáo xứ Tạ Ơn, nhưng còn tổ chức các giờ Chầu Thánh Thể cho từng giới tham dự.
Xem Hình
Đi từ tâm tình đạo đức của người giáo dân Việt Nam vốn gắn bó với văn hóa truyền thống, các giáo xứ như Giáo xứ Thái Hiệp, dù với lễ nhất trong ngày, nhưng Cha Xứ đã tổ chức Thánh Lễ với những nghi thức rước chủ tế, dâng lễ vật…nhằm để đánh động, khơi gợi tâm tình tạ ơn bên trong cho người giáo dân qua những hành vi cử chỉ bên ngoài.
Hay như tại Cộng đoàn Đền Thánh Martino- Hố Nai, trong những Thánh Lễ ngày Chúa Nhật do quý Cha Đa Minh dâng với sự tham dự của cộng đoàn, nhất là với các anh chị em di dân đang sinh sống và làm việc tại vùng Hố Nai, hoặc Biên Hòa, quý Cha đều mời gọi và hướng cộng đoàn đến tâm tình tạ ơn như Thư Chung Đức Cha Giáo phận kêu mời. Đồng thời, cũng tại nơi đây, cộng đoàn Đền Thánh đã cùng quý tu sĩ tham dự giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn và tôn vinh Bí tích Tình Yêu.
Trong vai trò của người mục tử chăm lo cho đoàn chiên về đời sống thiêng liêng, cũng như hướng dẫn mọi thành phần trong cộng đoàn sống và đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Giáo Phận, Cha Giuse Hà Đăng Định, Chánh Xứ Thánh Tâm đã ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa của Ngài trong ngày Giáo xứ tạ ơn “Hòa chung tâm tình tạ ơn với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc cũng như toàn thể gia đình Giáo Phận, các cộng đoàn Dòng tu trên địa bàn giáo xứ Thánh Tâm, các giáo họ, các giới, các hội đoàn cũng như các gia đình trong giáo xứ đã sống tâm tình tạ ơn Chúa bằng việc tổ chức các giờ kinh tối tại gia đình, chầu Thánh Thể, dâng các Thánh lễ theo đơn vị theo lịch chung của Giáo Phận và thực hiện các chương trình bác ái. Hôm nay, trong bầu khí Giáo xứ tạ ơn, con mời quý Cộng Đoàn cùng nhớ lại khoảnh khắc vui mừng của chiều ngày 09/5/2020, ngày Đức Cha Giáo Phận cho phép các giáo xứ dâng Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Khi nghe tiếng chuông giáo xứ ngân vang, nhiều người trong cộng đoàn chúng ta đã không nén được nỗi vui mừng và xúc động. Nhắc lại trải nghiệm này để cộng đoàn giáo xứ luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa đã thương ban cho cộng đoàn bình an trong suốt mùa dịch vừa qua và ước mong cộng đoàn Giáo xứ chúng ta luôn yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Thánh Lễ hằng ngày, để cuộc đời của mỗi người chúng ta thực sự trở thành lời tạ ơn liên lỉ và sốt sắng”.
Chắc chắn rằng, với sự nhiệt tâm của từng vị mục tử của mỗi giáo xứ- mà cha Chánh Xứ Thánh Tâm chỉ là một trong các ngài- cộng đoàn Dân Chúa ở khắp nơi trong Giáo phận đã cùng được hòa vang lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Đồng thời, cũng nhờ sự hướng dẫn của các chủ chăn nơi từng giáo xứ, người giáo dân đã và đang được khơi lên những hoạt động tạ ơn cụ thể với Thiên Chúa và anh chị em mình, đặc biệt với những người đang còn đau khổ vì dịch bệnh, những người bị ảnh hưởng nặng nề của cơn khủng hoảng này như lời Đức Cha Giáo phận mong đợi “Giáo phận chúng ta cùng nhau làm những việc lành phúc đức bằng việc quan tâm, cầu nguyện và nâng đỡ những anh chị em đang đau khổ, nghèo đói, gặp khó khăn.”
Để rồi, chắc chắn nơi mỗi giáo xứ, cộng đoàn sẽ vẫn tiếp tục khẩn nài xin Thiên Chúa và Mẹ Maria giúp cho nhiều nơi trên thế giới chấm dứt hẳn dịch bệnh này.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Hình ảnh: Giáo xứ Thái Hiệp &Cộng đoàn Đền Thánh Martino
Xem Hình
Đi từ tâm tình đạo đức của người giáo dân Việt Nam vốn gắn bó với văn hóa truyền thống, các giáo xứ như Giáo xứ Thái Hiệp, dù với lễ nhất trong ngày, nhưng Cha Xứ đã tổ chức Thánh Lễ với những nghi thức rước chủ tế, dâng lễ vật…nhằm để đánh động, khơi gợi tâm tình tạ ơn bên trong cho người giáo dân qua những hành vi cử chỉ bên ngoài.
Hay như tại Cộng đoàn Đền Thánh Martino- Hố Nai, trong những Thánh Lễ ngày Chúa Nhật do quý Cha Đa Minh dâng với sự tham dự của cộng đoàn, nhất là với các anh chị em di dân đang sinh sống và làm việc tại vùng Hố Nai, hoặc Biên Hòa, quý Cha đều mời gọi và hướng cộng đoàn đến tâm tình tạ ơn như Thư Chung Đức Cha Giáo phận kêu mời. Đồng thời, cũng tại nơi đây, cộng đoàn Đền Thánh đã cùng quý tu sĩ tham dự giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn và tôn vinh Bí tích Tình Yêu.
Trong vai trò của người mục tử chăm lo cho đoàn chiên về đời sống thiêng liêng, cũng như hướng dẫn mọi thành phần trong cộng đoàn sống và đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Giáo Phận, Cha Giuse Hà Đăng Định, Chánh Xứ Thánh Tâm đã ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa của Ngài trong ngày Giáo xứ tạ ơn “Hòa chung tâm tình tạ ơn với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc cũng như toàn thể gia đình Giáo Phận, các cộng đoàn Dòng tu trên địa bàn giáo xứ Thánh Tâm, các giáo họ, các giới, các hội đoàn cũng như các gia đình trong giáo xứ đã sống tâm tình tạ ơn Chúa bằng việc tổ chức các giờ kinh tối tại gia đình, chầu Thánh Thể, dâng các Thánh lễ theo đơn vị theo lịch chung của Giáo Phận và thực hiện các chương trình bác ái. Hôm nay, trong bầu khí Giáo xứ tạ ơn, con mời quý Cộng Đoàn cùng nhớ lại khoảnh khắc vui mừng của chiều ngày 09/5/2020, ngày Đức Cha Giáo Phận cho phép các giáo xứ dâng Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Khi nghe tiếng chuông giáo xứ ngân vang, nhiều người trong cộng đoàn chúng ta đã không nén được nỗi vui mừng và xúc động. Nhắc lại trải nghiệm này để cộng đoàn giáo xứ luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa đã thương ban cho cộng đoàn bình an trong suốt mùa dịch vừa qua và ước mong cộng đoàn Giáo xứ chúng ta luôn yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Thánh Lễ hằng ngày, để cuộc đời của mỗi người chúng ta thực sự trở thành lời tạ ơn liên lỉ và sốt sắng”.
Chắc chắn rằng, với sự nhiệt tâm của từng vị mục tử của mỗi giáo xứ- mà cha Chánh Xứ Thánh Tâm chỉ là một trong các ngài- cộng đoàn Dân Chúa ở khắp nơi trong Giáo phận đã cùng được hòa vang lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Đồng thời, cũng nhờ sự hướng dẫn của các chủ chăn nơi từng giáo xứ, người giáo dân đã và đang được khơi lên những hoạt động tạ ơn cụ thể với Thiên Chúa và anh chị em mình, đặc biệt với những người đang còn đau khổ vì dịch bệnh, những người bị ảnh hưởng nặng nề của cơn khủng hoảng này như lời Đức Cha Giáo phận mong đợi “Giáo phận chúng ta cùng nhau làm những việc lành phúc đức bằng việc quan tâm, cầu nguyện và nâng đỡ những anh chị em đang đau khổ, nghèo đói, gặp khó khăn.”
Để rồi, chắc chắn nơi mỗi giáo xứ, cộng đoàn sẽ vẫn tiếp tục khẩn nài xin Thiên Chúa và Mẹ Maria giúp cho nhiều nơi trên thế giới chấm dứt hẳn dịch bệnh này.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Hình ảnh: Giáo xứ Thái Hiệp &Cộng đoàn Đền Thánh Martino
Cộng Đoàn Thánh Linh Tempe Arizona Tổ Chức Thánh Lễ Thêm Sức Cho Học Sinh Năm 2020
Phan Hoàng Phú Quý.
12:06 16/06/2020
(Tempe-Arizona) Chúa Nhật ngày 14 tháng 6 năm nay giáo hội long trọng mừng kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, là lương thực và sức mạnh giúp mỗi người chúng ta sống để phụng thờ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân hầu đạt được mục đích vĩnh cữu là nước Thiên Đàng. Như Lời Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời.”
Xem Hình
Qua ý chỉ nêu trên, cộng đoàn Công Giáo Thánh Linh đã tổ chức thánh lễ Thêm Sức cho 22 em học sinh niên khóa năm 2020
Trong tâm tình tạ ơn và nguyện cầu, chúng ta cùng khấn xin Chúa Thánh Thần ngự đến canh tân và đồi mới đời sống của mỗi người chúng ta, nhất là các em được nhận lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay được 7 Ơn Chúa Thánh Thần trợ lực hầu sống mạnh mẽ và can trường hơn trong việc giữ đạo, biết kính Chúa, yêu người và siêng năng làm việc tông đồ hơn.
Cộng đoàn Dân Chúa cùng đứng lên và cất cao lời ca nhập lễ để đón vị chủ tế Đức Ông Peter Bùi Đại từ từ tiến về cung thánh.
Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài, suối nguồn thánh ân hiện xuống, này dương gian, xin Ngài đổi mới. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, chiếu sáng thế gian u mê tối tăm. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, hiển linh Ngài ơi.
ÐK: Lạy Ngài xin đến dẫn đắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu.
Trong phần chia sẽ lời Chúa vị Chủ tế đã nhấn mạnh đến 2 món quà quan trọng mà Thiên Chúa đã thương ban cho các em trong ngày hôm nay đó là: Ơn Chúa Thánh Thần và Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
Tiền tài, danh vọng, địa vị trong xã hội sẽ không mang lại hạnh phúc nếu chúng ta không sống trong tình yêu Thiên Chúa, do đó chúng ta cần Chúa Thánh Thần để Ngài trợ lực, hướng dẫn, soi sáng cho chúng ta sự hiểu biết và ơn khôn ngoan để chúng ta sống cho Chúa, cho tha nhân.
Ngoài Ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng cần kết hiệp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện, những hy sinh, những công việc bác ái và đặc biệt là hiệp dâng thánh lễ và rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa mỗi ngày vì Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống ai hay lãnh nhận sẽ được trường sinh.
Muốn lãnh nhận 2 điều quan trọng nêu trên, chúng ta phải tuyệt đối có niềm tin.
Hướng về bậc phụ huynh ngài nhắn nhũ: phải truyền giao cho con em mình một Đức tin tuyệt đối, một đức tin mạnh mẽ, một mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, thì con em chúng ta sẽ luôn luôn có Chúa bên cạnh và ơn trợ lực của Ngài mãi mãi trong đời sống hằng ngày của các em. Đặc biệt trong ngày hôm nay chúng ta trao phó cho Chúa con em của cộng đòan chúng ta những người con được chịu phép Thêm Sức được thêm đức tin, đức cậy, đức mến cho các em và xin cho các em luôn xem Chúa như người bạn đồng hành và người trợ giúp không ngừng nghỉ của các em trong đời sống này.
Vị chủ tế đã cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần rồi ngài xức dầu và chúc lành cho các em.
Cô Nguyễn Ngọc Bích trưởng Ban Giáo Lý của Cộng Đoàn Thánh Linh đã ngỏ lời cám ơn Đức ông chánh xứ, quý vị trong BĐH, quý phụ huynh, quý cha mẹ đỡ đầu và quý thầy cô đã hy sinh nhiều công sức và nghị lực để hướng dẫn, nâng đỡ, khuyến khích và giáo dục các em trong suốt một thời gian dài và hôm nay cùng nhau hiệp dâng thánh lễ một cách trang nghiêm và sốt sáng để cầu nguyện cho các em nhân ngày các em nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria tuôn đỗ muôn hồng ân trên Đức Ông, trên quý gia đình và cộng đoàn, và xin chúc mừng các em.
Phan Hoàng Phú Quý.
Xem Hình
Qua ý chỉ nêu trên, cộng đoàn Công Giáo Thánh Linh đã tổ chức thánh lễ Thêm Sức cho 22 em học sinh niên khóa năm 2020
Trong tâm tình tạ ơn và nguyện cầu, chúng ta cùng khấn xin Chúa Thánh Thần ngự đến canh tân và đồi mới đời sống của mỗi người chúng ta, nhất là các em được nhận lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay được 7 Ơn Chúa Thánh Thần trợ lực hầu sống mạnh mẽ và can trường hơn trong việc giữ đạo, biết kính Chúa, yêu người và siêng năng làm việc tông đồ hơn.
Cộng đoàn Dân Chúa cùng đứng lên và cất cao lời ca nhập lễ để đón vị chủ tế Đức Ông Peter Bùi Đại từ từ tiến về cung thánh.
Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài, suối nguồn thánh ân hiện xuống, này dương gian, xin Ngài đổi mới. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, chiếu sáng thế gian u mê tối tăm. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, hiển linh Ngài ơi.
ÐK: Lạy Ngài xin đến dẫn đắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu.
Trong phần chia sẽ lời Chúa vị Chủ tế đã nhấn mạnh đến 2 món quà quan trọng mà Thiên Chúa đã thương ban cho các em trong ngày hôm nay đó là: Ơn Chúa Thánh Thần và Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
Tiền tài, danh vọng, địa vị trong xã hội sẽ không mang lại hạnh phúc nếu chúng ta không sống trong tình yêu Thiên Chúa, do đó chúng ta cần Chúa Thánh Thần để Ngài trợ lực, hướng dẫn, soi sáng cho chúng ta sự hiểu biết và ơn khôn ngoan để chúng ta sống cho Chúa, cho tha nhân.
Ngoài Ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng cần kết hiệp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện, những hy sinh, những công việc bác ái và đặc biệt là hiệp dâng thánh lễ và rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa mỗi ngày vì Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống ai hay lãnh nhận sẽ được trường sinh.
Muốn lãnh nhận 2 điều quan trọng nêu trên, chúng ta phải tuyệt đối có niềm tin.
Hướng về bậc phụ huynh ngài nhắn nhũ: phải truyền giao cho con em mình một Đức tin tuyệt đối, một đức tin mạnh mẽ, một mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, thì con em chúng ta sẽ luôn luôn có Chúa bên cạnh và ơn trợ lực của Ngài mãi mãi trong đời sống hằng ngày của các em. Đặc biệt trong ngày hôm nay chúng ta trao phó cho Chúa con em của cộng đòan chúng ta những người con được chịu phép Thêm Sức được thêm đức tin, đức cậy, đức mến cho các em và xin cho các em luôn xem Chúa như người bạn đồng hành và người trợ giúp không ngừng nghỉ của các em trong đời sống này.
Vị chủ tế đã cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần rồi ngài xức dầu và chúc lành cho các em.
Cô Nguyễn Ngọc Bích trưởng Ban Giáo Lý của Cộng Đoàn Thánh Linh đã ngỏ lời cám ơn Đức ông chánh xứ, quý vị trong BĐH, quý phụ huynh, quý cha mẹ đỡ đầu và quý thầy cô đã hy sinh nhiều công sức và nghị lực để hướng dẫn, nâng đỡ, khuyến khích và giáo dục các em trong suốt một thời gian dài và hôm nay cùng nhau hiệp dâng thánh lễ một cách trang nghiêm và sốt sáng để cầu nguyện cho các em nhân ngày các em nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria tuôn đỗ muôn hồng ân trên Đức Ông, trên quý gia đình và cộng đoàn, và xin chúc mừng các em.
Phan Hoàng Phú Quý.
Tuần Tạ Ơn của Giáo Phận Xuân Lộc hậu Covid-19: Ngày thứ Năm: Tu sĩ Tạ Ơn
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
21:01 16/06/2020
Tuần Tạ Ơn của Giáo Phận Xuân Lộc hậu Covid-19: Ngày thứ Năm: Tu sĩ Tạ Ơn
“Lạy Chúa đến bao giờ? ”
Một câu hỏi thật thống thiết giữa những tháng ngày đại dịch, mà xem ra nhiều người đã từng ngước mắt lên trong nước mắt để cật vấn, đôi khi có vẻ như hờn trách Chúa.
Còn hiện tại?
“Lạy Chúa đến bao giờ? ” vẫn còn đó câu hỏi ấy với Chúa tại nhiều quốc gia mà đại dịch vẫn còn hoành hành, vẫn có những ca nhiễm mới, những người chết vì virus corona loại chủng mới này.
Xem Hình
Nhưng, cũng chính tại thời điểm này, tại Việt Nam nói chung, Giáo phận Xuân Lộc nói riêng, và từng cộng đoàn dòng tu, mỗi tu sĩ đang được sống trong bình an, đã chứng kiến sự thoát khỏi cơn nguy hiểm dịch bệnh cách kỳ diệu. Đó chính là một ân huệ to lớn đến từ Thiên Chúa dành ban cho đất nước Việt Nam, cho Giáo phận, cho từng người, mà không tâm tình, ngôn từ tạ ơn nào có thể diễn đạt cách trọn vẹn cho hết.
Do đó, sau khi những giãn cách xã hội gỡ bỏ, và cho đến hôm nay, khi mà đại dịch Covid-19 dường như không còn khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, không còn những ca nhiễm mới, thì ắt hẳn, mỗi tu sĩ của Giáo phận, già hay trẻ, lớn hay nhỏ, đang phục vụ nơi đâu, đều có đó một tâm tình tạ ơn thật đặc biệt trong cảm nghiệm riêng của mỗi người.
Lời tạ ơn sau một trận đại dịch, khi mà phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội cách nghiêm ngặt, người tu sĩ chân nhân ra thêm giá trị và vẻ đẹp biết bao tính cộng đoàn trong đời tu, mới thấy cần lắm những cử chỉ bên ngoài diễn đạt yêu thương, tính thuộc về.
Lời tạ ơn của người tu sĩ trong Giáo phận Xuân Lộc còn nặng sâu hơn nữa, khi nhớ lại những ngày tháng đại dịch, nhờ sự khôn ngoan của Đức Cha Giáo phận, những cộng đoàn có “tính cố định”, vẫn được có cơ hội cử hành, tham dự Thánh Lễ, được rước Chúa, được nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, và có cơ hội cầu nguyện cho thế giới và mọi người trong cơn đại dịch khẩn cấp Covid –19 này.
Vì thế, với lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận, tại mỗi dòng tu, hay cộng đoàn tu sĩ đang phục vụ trong địa bàn Giáo phận, đều hiệp thông với ý nguyện của Vị Chủ Chăn để dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lời tạ ơn ý nghĩa nhất, mà có lẽ, trong lịch sử đời cá nhân, sẽ chỉ có một lần duy nhất từng người được trải qua và cảm nghiệm. Trong tâm tình tạ ơn, những Thánh Lễ, giờ Chầu và kinh nguyện Tạ Ơn Chúa – tùy theo sự sắp xếp linh động cụ thể- chắc chắn đã được các tu sĩ Giáo Phận Xuân Lộc cử hành và hiệp thông trong sốt mến và đặc biệt nhất.
Nhớ lại những thời gian đại dịch để rồi đi tới sự cụ thể hóa tâm tình tạ ơn trong cùng một nhịp đập với Giáo phận, Lm. Giuse Tiến Dũng, O.P – Tu viện Martino- chia sẻ một cái gì rất riêng trong lời tạ ơn này “Trong đại dịch Covid-19, người ta thấy được sự tàn phá khủng khiếp của cái ác và sự bất lực của con người. Hàng trăm ngàn người chết, trong đó có cả nam nữ tu sĩ, linh mục và những người can đảm ở tuyến đầu! Lời cầu nguyện thống thiết dường như lọt thỏm trong những tang thương, nhưng Chúa đã nghe và người ta nhận ra rằng: nhân loại và thế giới này tồn tại không dựa vào cái ác, nhưng là nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa…Có lẽ, không ít người và bản thân con nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện, và sống chết không phải là chuyện hên xui…nên con sẽ cố gắng bớt đi những công việc không chính đáng để có thêm thời gian gần Chúa và cầu nguyện với Chúa.”
Với hoàn cảnh cụ thể trong môi trường mục vụ bệnh nhân, có đó một tâm tình chia sẻ thật gần gũi trong ngày Tu sĩ Tạ ơn hậu Covid-19 này “Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng trước những câu hỏi về đại dịch này. Tuy nhiên, điều mà mỗi người tu sĩ xác tín là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người... Được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được sự chăm sóc hướng dẫn khích lệ của các vị Cha chung. Cộng đoàn Dân Chúa nói chung, cách riêng những người sống đời thánh hiến chúng ta tạ ơn Chúa đã gìn giữ mạng sống của chúng ta. Để bày tỏ lòng biết ơn, cộng đoàn tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và các Bệnh nhân đáp lại lời mời gọi của Đức cha Giáo phận cử hành tuần lễ tạ ơn hậu Covid. 19. Trong ngày hôm nay 15/6 cộng đoàn chúng con cùng với các Bệnh nhân cử hành Thánh Lễ và giờ chầu Thánh Thể tạ ơn Chúa đã gìn giữ mạng sống chúng con. Trong tâm tình đó xin mượn lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.” (Tv 15, 5-6) – Lm. Anthony Chân Hồng, O.H
Và,
Lời nguyện tạ ơn dù chỉ là của cá nhân, nhưng thiết nghĩ, đó cũng là lời tạ ơn chung của những tu sĩ Xuân Lộc dâng lên Thiên Chúa vì ơn lành đặc biệt Người đã ban trên đất nước Việt Nam, trên Giáo phận quê hương, trên từng cộng đoàn dòng tu, trên từng cá nhân người tu sĩ, sau khi thoát khỏi đại dịch Covid-19
“Lạy Chúa, chúng con tự hỏi rằng: Tại sao Việt Nam chúng con không ai chết vì dịch bệnh, Giáo Phận chúng con, dòng tu chúng con không ai bị lây nhiễm Covid 19. Tại sao chúng con lại được hồng ân đặc biệt này? - Vì Chúa yêu chúng con! Đúng lắm! Nhưng “tại sao Chúa lại yêu chúng con? ” Lạy Chúa, chúng con không biết trả lời sao cho phải. Nhưng một người nào đó đã nói: “mầu nhiệm Chúa yêu ta trả lời thỏa đáng được cho lí do hiện hữu của các mầu nhiệm khác, nhưng lại không cắt nghĩa được chính mình” quả là hữu lý.
Xin cho chúng con đủ công tâm để nhận mình không có gì đáng yêu nhưng cũng đủ ngây thơ để tin mình được yêu và sống chết cho tình yêu đó. Để tình đời không còn mê hoặc được chúng con. Để gian nguy không làm chúng con lùi bước. Xin cho chúng con luôn biết phó thác trọn vẹn nơi Ngài, dù màn đêm che phủ và bão tố dập dồn, xin cho chúng con mãi vui sống dưới bóng cánh Ngài như chú gà con bé bỏng đơn sơ. Lạy Chúa, bài ca tạ ơn của chúng con có thể sẽ dài vô tận nhưng chúng con xin ngừng lại nơi đây để chiêm ngưỡng và thờ lạy.” (Nt. Maria Tăng Thị Thiêng, Đa Minh Thánh Tâm)
“Lạy Chúa đến bao giờ? ”
Một câu hỏi thật thống thiết giữa những tháng ngày đại dịch, mà xem ra nhiều người đã từng ngước mắt lên trong nước mắt để cật vấn, đôi khi có vẻ như hờn trách Chúa.
Còn hiện tại?
“Lạy Chúa đến bao giờ? ” vẫn còn đó câu hỏi ấy với Chúa tại nhiều quốc gia mà đại dịch vẫn còn hoành hành, vẫn có những ca nhiễm mới, những người chết vì virus corona loại chủng mới này.
Xem Hình
Nhưng, cũng chính tại thời điểm này, tại Việt Nam nói chung, Giáo phận Xuân Lộc nói riêng, và từng cộng đoàn dòng tu, mỗi tu sĩ đang được sống trong bình an, đã chứng kiến sự thoát khỏi cơn nguy hiểm dịch bệnh cách kỳ diệu. Đó chính là một ân huệ to lớn đến từ Thiên Chúa dành ban cho đất nước Việt Nam, cho Giáo phận, cho từng người, mà không tâm tình, ngôn từ tạ ơn nào có thể diễn đạt cách trọn vẹn cho hết.
Lời tạ ơn sau một trận đại dịch, khi mà phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội cách nghiêm ngặt, người tu sĩ chân nhân ra thêm giá trị và vẻ đẹp biết bao tính cộng đoàn trong đời tu, mới thấy cần lắm những cử chỉ bên ngoài diễn đạt yêu thương, tính thuộc về.
Lời tạ ơn của người tu sĩ trong Giáo phận Xuân Lộc còn nặng sâu hơn nữa, khi nhớ lại những ngày tháng đại dịch, nhờ sự khôn ngoan của Đức Cha Giáo phận, những cộng đoàn có “tính cố định”, vẫn được có cơ hội cử hành, tham dự Thánh Lễ, được rước Chúa, được nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, và có cơ hội cầu nguyện cho thế giới và mọi người trong cơn đại dịch khẩn cấp Covid –19 này.
Vì thế, với lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận, tại mỗi dòng tu, hay cộng đoàn tu sĩ đang phục vụ trong địa bàn Giáo phận, đều hiệp thông với ý nguyện của Vị Chủ Chăn để dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lời tạ ơn ý nghĩa nhất, mà có lẽ, trong lịch sử đời cá nhân, sẽ chỉ có một lần duy nhất từng người được trải qua và cảm nghiệm. Trong tâm tình tạ ơn, những Thánh Lễ, giờ Chầu và kinh nguyện Tạ Ơn Chúa – tùy theo sự sắp xếp linh động cụ thể- chắc chắn đã được các tu sĩ Giáo Phận Xuân Lộc cử hành và hiệp thông trong sốt mến và đặc biệt nhất.
Nhớ lại những thời gian đại dịch để rồi đi tới sự cụ thể hóa tâm tình tạ ơn trong cùng một nhịp đập với Giáo phận, Lm. Giuse Tiến Dũng, O.P – Tu viện Martino- chia sẻ một cái gì rất riêng trong lời tạ ơn này “Trong đại dịch Covid-19, người ta thấy được sự tàn phá khủng khiếp của cái ác và sự bất lực của con người. Hàng trăm ngàn người chết, trong đó có cả nam nữ tu sĩ, linh mục và những người can đảm ở tuyến đầu! Lời cầu nguyện thống thiết dường như lọt thỏm trong những tang thương, nhưng Chúa đã nghe và người ta nhận ra rằng: nhân loại và thế giới này tồn tại không dựa vào cái ác, nhưng là nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa…Có lẽ, không ít người và bản thân con nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện, và sống chết không phải là chuyện hên xui…nên con sẽ cố gắng bớt đi những công việc không chính đáng để có thêm thời gian gần Chúa và cầu nguyện với Chúa.”
Với hoàn cảnh cụ thể trong môi trường mục vụ bệnh nhân, có đó một tâm tình chia sẻ thật gần gũi trong ngày Tu sĩ Tạ ơn hậu Covid-19 này “Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng trước những câu hỏi về đại dịch này. Tuy nhiên, điều mà mỗi người tu sĩ xác tín là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người... Được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được sự chăm sóc hướng dẫn khích lệ của các vị Cha chung. Cộng đoàn Dân Chúa nói chung, cách riêng những người sống đời thánh hiến chúng ta tạ ơn Chúa đã gìn giữ mạng sống của chúng ta. Để bày tỏ lòng biết ơn, cộng đoàn tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và các Bệnh nhân đáp lại lời mời gọi của Đức cha Giáo phận cử hành tuần lễ tạ ơn hậu Covid. 19. Trong ngày hôm nay 15/6 cộng đoàn chúng con cùng với các Bệnh nhân cử hành Thánh Lễ và giờ chầu Thánh Thể tạ ơn Chúa đã gìn giữ mạng sống chúng con. Trong tâm tình đó xin mượn lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.” (Tv 15, 5-6) – Lm. Anthony Chân Hồng, O.H
Và,
Lời nguyện tạ ơn dù chỉ là của cá nhân, nhưng thiết nghĩ, đó cũng là lời tạ ơn chung của những tu sĩ Xuân Lộc dâng lên Thiên Chúa vì ơn lành đặc biệt Người đã ban trên đất nước Việt Nam, trên Giáo phận quê hương, trên từng cộng đoàn dòng tu, trên từng cá nhân người tu sĩ, sau khi thoát khỏi đại dịch Covid-19
“Lạy Chúa, chúng con tự hỏi rằng: Tại sao Việt Nam chúng con không ai chết vì dịch bệnh, Giáo Phận chúng con, dòng tu chúng con không ai bị lây nhiễm Covid 19. Tại sao chúng con lại được hồng ân đặc biệt này? - Vì Chúa yêu chúng con! Đúng lắm! Nhưng “tại sao Chúa lại yêu chúng con? ” Lạy Chúa, chúng con không biết trả lời sao cho phải. Nhưng một người nào đó đã nói: “mầu nhiệm Chúa yêu ta trả lời thỏa đáng được cho lí do hiện hữu của các mầu nhiệm khác, nhưng lại không cắt nghĩa được chính mình” quả là hữu lý.
Xin cho chúng con đủ công tâm để nhận mình không có gì đáng yêu nhưng cũng đủ ngây thơ để tin mình được yêu và sống chết cho tình yêu đó. Để tình đời không còn mê hoặc được chúng con. Để gian nguy không làm chúng con lùi bước. Xin cho chúng con luôn biết phó thác trọn vẹn nơi Ngài, dù màn đêm che phủ và bão tố dập dồn, xin cho chúng con mãi vui sống dưới bóng cánh Ngài như chú gà con bé bỏng đơn sơ. Lạy Chúa, bài ca tạ ơn của chúng con có thể sẽ dài vô tận nhưng chúng con xin ngừng lại nơi đây để chiêm ngưỡng và thờ lạy.” (Nt. Maria Tăng Thị Thiêng, Đa Minh Thánh Tâm)
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vụ án Hồ Duy Hải - Tín hiệu vui
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
20:19 16/06/2020
Trong những ngày này, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đang dự kỳ họp thứ 9. Một số đại biểu đã làm nóng nghị trường khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến ngành Tòa án.
Đặc biệt, trọng án giết người cướp tài sản ở bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An từ tháng 1.2008, đã có quá nhiều dư luận bất lợi cho ngành Điều tra - Tố tụng và Tòa án.
I. TÍN HIỆU VUI.
Khi bị bắt, Hồ Duy Hải mới là thanh niên 23 tuổi. Sau 12 năm ngồi tù, chưa biết có đáng tội hay không, nay Hải đã 35 tuổi. Anh đã mất tất cả tuổi xuân, mất mọi cơ hội để bước vào tương lai, mất mọi cơ hội để trang bị cho mình sự nghiệp nhằm bảo đảm cho bản thân và cho gia đình, mất biết bao nhiêu cơ hội yêu đương để tiến đến hôn nhân như bao thanh niên khác... Vậy mà mãi cho đến giờ phút này, mạng sống của anh vẫn cứ cheo leo.
Qua biết bao nhiêu ý kiến của dư luận khắp nơi, nhất là sau mỗi một phiên tòa từ địa phương đến trung ương, dư luận cứ như những đợt sóng nối nhau dữ dội.
Sóng dư luận càng dồn dập, quyết liệt, mạnh mẽ, cao ngất sau phiên giám đốc thẩm từ ngày 6-8.5, khi Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 16 thẩm phán tại phiên tòa đồng giơ tay giữ nguyên bản án sơ và phúc thẩm: tử hình Hồ Duy Hải (bị xem là can phạm duy nhất giết chết hai nữ nhân viên Hồng, Vân của bưu điện Cầu Voi).
Rồi đến lượt nghị trường Quốc hội cũng phải nóng lên với nhiều ý kiến Đại biểu, mà trong từng nội dung phát biểu ấy, người ta thấy có nỗi âu lo cho nền tư pháp nước nhà, nếu cứ để những lùm xùm như thế này tiếp tục diễn ra. Người ta cũng thấy lương tâm của những Đại biểu này trước vấn đề sự sống và mạng của con người. Người ta còn thấy, trong những phát biểu ấy ngầm đề nghị, phải làm sao cho mỗi người dân tâm phục khẩu phục trước bất cứ một bản án nào.
Trải qua tất cả những điều ấy, hôm nay 16.6.2020, những ai quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải đều cảm thấy vui hơn, hy vọng hơn, lòng nhẹ nhõm hơn khi biết rằng, trong cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số thành viên Ủy ban đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Báo Tuổi Trẻ cho biết: "Đoàn giám sát đánh giá về vụ Hồ Duy Hải là có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử" (https://tuoitre.vn/da-so-uy-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xem-lai-quyet-dinh-giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-20200616130900361.htm).
II. CẦN XÉT KỸ VỤ ÁN CẦU VOI.
Theo báo Tuổi Trẻ thứ hai ngày 18.5.2020, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đang xem xét vụ án đang nóng bỏng này.
Theo đó, giám đốc thẩm vừa bác luận chứng tối cao viện kiểm sát, vừa bỏ qua mọi giải trình của luật sư và quyết giết Hồ Duy Hải, trong khi cả viện kiểm sát lẫn luật sư đều chỉ ra nhiều sai sót trong tố tụng.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với Tuổi Trẻ: "Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật".
Chắc chắn không ai muốn tòa án tha bỗng kẻ có tội. Nhưng nếu lên án chết cho ai thì phải bảo đảm không còn bất cứ tình tiết nào bị nghi ngờ.
Nếu còn bất cứ chi tiết nào của vụ án bị những nhà chuyên môn về luật và dư luận khắp nơi chỉ ra là chưa rõ ràng, mà vẫn cho rằng, "chúng không thay đổi bản chất vụ án", thì e rằng, tòa án làm chưa nghiêm.
Nguy hiểm hơn, nếu bất cứ vụ án nào cũng bị khép vào thuật ngữ "không thay đổi bản chất" để rồi cứ lên án, ai dám chắc, án ấy không khởi đi từ sự chủ quan của người ra án. Do đó ai dám chắc, án ấy không sai, không oan?
Nếu chỉ dùng thuật ngữ này cho vụ án Cầu Voi rồi vĩnh viễn dừng lại, thì có thể một mạng người nữa sẽ chết (có thể chết oan).
Nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm, khi thuật ngữ "không thay đổi bản chất" cứ theo đà của nó, bị áp dụng lan tràn thì tòa án trở thành nơi chất chứa tội ác kinh khủng một khi có kẻ ác nắm quyền thẩm phán!
Điều tra lại một cách công tâm, độc lập không bị ảnh hưởng ai, hoàn cảnh nào là điều cần thiết.
Sau khi mọi sự đã rõ, nếu Hải đáng tội chết, anh ta phải chết. Nếu không, anh ta phải được trả lại danh dự, trả lại tất cả sự oan khiên mà anh phải chịu ròng rã trong ngần ấy năm trời.
Còn kẻ nào có tội thì phải bị trừng trị. Ngoài tội đoạt cách không còn nhân tính hai mạng người vô tội, kẻ có tội thật sự còn phải bị trừng trị nặng hơn cho cái tội đổ trút lên cuộc đời người vô tội, đến nỗi bị hàm oan trong quá nhiều năm và cả đến ba lần cái chết treo lơ lững như ngàn cân treo sợi tóc.
Nếu không làm được như thế, mà vẫn quyết tâm giết Hồ Duy Hải, như đã từng quyết giết hết lần này đến lần khác, trong khi có nguy cơ tội phạm còn đâu đó, thì linh hồn hai cô gái trẻ Hồng, Vân không những chưa thanh thoát mà còn bị xúc phạm.
Nếu không làm được như thế, lòng những ai quan tâm vụ án này không thể an.
Càng đáng lo hơn khi người dân thấy bản thân mình, mạng sống mình quá rẻ rúng. Họ có thể trở thành nạn nhân của những phán xét chủ quan tại tòa.
Đặc biệt, trọng án giết người cướp tài sản ở bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An từ tháng 1.2008, đã có quá nhiều dư luận bất lợi cho ngành Điều tra - Tố tụng và Tòa án.
I. TÍN HIỆU VUI.
Khi bị bắt, Hồ Duy Hải mới là thanh niên 23 tuổi. Sau 12 năm ngồi tù, chưa biết có đáng tội hay không, nay Hải đã 35 tuổi. Anh đã mất tất cả tuổi xuân, mất mọi cơ hội để bước vào tương lai, mất mọi cơ hội để trang bị cho mình sự nghiệp nhằm bảo đảm cho bản thân và cho gia đình, mất biết bao nhiêu cơ hội yêu đương để tiến đến hôn nhân như bao thanh niên khác... Vậy mà mãi cho đến giờ phút này, mạng sống của anh vẫn cứ cheo leo.
Qua biết bao nhiêu ý kiến của dư luận khắp nơi, nhất là sau mỗi một phiên tòa từ địa phương đến trung ương, dư luận cứ như những đợt sóng nối nhau dữ dội.
Sóng dư luận càng dồn dập, quyết liệt, mạnh mẽ, cao ngất sau phiên giám đốc thẩm từ ngày 6-8.5, khi Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 16 thẩm phán tại phiên tòa đồng giơ tay giữ nguyên bản án sơ và phúc thẩm: tử hình Hồ Duy Hải (bị xem là can phạm duy nhất giết chết hai nữ nhân viên Hồng, Vân của bưu điện Cầu Voi).
Rồi đến lượt nghị trường Quốc hội cũng phải nóng lên với nhiều ý kiến Đại biểu, mà trong từng nội dung phát biểu ấy, người ta thấy có nỗi âu lo cho nền tư pháp nước nhà, nếu cứ để những lùm xùm như thế này tiếp tục diễn ra. Người ta cũng thấy lương tâm của những Đại biểu này trước vấn đề sự sống và mạng của con người. Người ta còn thấy, trong những phát biểu ấy ngầm đề nghị, phải làm sao cho mỗi người dân tâm phục khẩu phục trước bất cứ một bản án nào.
Trải qua tất cả những điều ấy, hôm nay 16.6.2020, những ai quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải đều cảm thấy vui hơn, hy vọng hơn, lòng nhẹ nhõm hơn khi biết rằng, trong cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số thành viên Ủy ban đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Báo Tuổi Trẻ cho biết: "Đoàn giám sát đánh giá về vụ Hồ Duy Hải là có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử" (https://tuoitre.vn/da-so-uy-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xem-lai-quyet-dinh-giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-20200616130900361.htm).
II. CẦN XÉT KỸ VỤ ÁN CẦU VOI.
Theo báo Tuổi Trẻ thứ hai ngày 18.5.2020, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đang xem xét vụ án đang nóng bỏng này.
Theo đó, giám đốc thẩm vừa bác luận chứng tối cao viện kiểm sát, vừa bỏ qua mọi giải trình của luật sư và quyết giết Hồ Duy Hải, trong khi cả viện kiểm sát lẫn luật sư đều chỉ ra nhiều sai sót trong tố tụng.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với Tuổi Trẻ: "Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật".
Chắc chắn không ai muốn tòa án tha bỗng kẻ có tội. Nhưng nếu lên án chết cho ai thì phải bảo đảm không còn bất cứ tình tiết nào bị nghi ngờ.
Nếu còn bất cứ chi tiết nào của vụ án bị những nhà chuyên môn về luật và dư luận khắp nơi chỉ ra là chưa rõ ràng, mà vẫn cho rằng, "chúng không thay đổi bản chất vụ án", thì e rằng, tòa án làm chưa nghiêm.
Nguy hiểm hơn, nếu bất cứ vụ án nào cũng bị khép vào thuật ngữ "không thay đổi bản chất" để rồi cứ lên án, ai dám chắc, án ấy không khởi đi từ sự chủ quan của người ra án. Do đó ai dám chắc, án ấy không sai, không oan?
Nếu chỉ dùng thuật ngữ này cho vụ án Cầu Voi rồi vĩnh viễn dừng lại, thì có thể một mạng người nữa sẽ chết (có thể chết oan).
Nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm, khi thuật ngữ "không thay đổi bản chất" cứ theo đà của nó, bị áp dụng lan tràn thì tòa án trở thành nơi chất chứa tội ác kinh khủng một khi có kẻ ác nắm quyền thẩm phán!
Điều tra lại một cách công tâm, độc lập không bị ảnh hưởng ai, hoàn cảnh nào là điều cần thiết.
Sau khi mọi sự đã rõ, nếu Hải đáng tội chết, anh ta phải chết. Nếu không, anh ta phải được trả lại danh dự, trả lại tất cả sự oan khiên mà anh phải chịu ròng rã trong ngần ấy năm trời.
Còn kẻ nào có tội thì phải bị trừng trị. Ngoài tội đoạt cách không còn nhân tính hai mạng người vô tội, kẻ có tội thật sự còn phải bị trừng trị nặng hơn cho cái tội đổ trút lên cuộc đời người vô tội, đến nỗi bị hàm oan trong quá nhiều năm và cả đến ba lần cái chết treo lơ lững như ngàn cân treo sợi tóc.
Nếu không làm được như thế, mà vẫn quyết tâm giết Hồ Duy Hải, như đã từng quyết giết hết lần này đến lần khác, trong khi có nguy cơ tội phạm còn đâu đó, thì linh hồn hai cô gái trẻ Hồng, Vân không những chưa thanh thoát mà còn bị xúc phạm.
Nếu không làm được như thế, lòng những ai quan tâm vụ án này không thể an.
Càng đáng lo hơn khi người dân thấy bản thân mình, mạng sống mình quá rẻ rúng. Họ có thể trở thành nạn nhân của những phán xét chủ quan tại tòa.
Phỏng vấn GS-TS Nguyễn Mạnh Hùng : Không Thể Coi Thường Nguy Cơ Chiến Tranh Ở Biển Đông
Phạm Trần
20:44 16/06/2020
Trung Quốc dọa thiết lập “nhận diện phòng không” (ADIZ, Air Defense Indentification Zone) ở Biển Đông để chống ai?
Lời giới thiệu:
Câu hỏi đang đặt ra ở Biển Đông là Trung Quốc có âm mưu gì khi bất ngờ gia tăng đe dọa và phủ nhận quyền chủ quyền của các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, vào lúc cả thế giới lo phòng, chống dịch nạn Vũ Hán, xuất phát từ Trung Quốc từ đầu năm 2020 (Coronavirus disease 2019 (COVID-19).
Để trả lời cho thắc mắc này, cũng như liệu tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có đưa đên nguy cơ chiến tranh hay không, xin mời bạn đọc theo dõi nội dung Cuộc phỏng vấn của tôi với Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus), Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dậy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Giáo sư Hùng là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lươc và quan hệ Quốc tế ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS). Ngoài ra ông còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu nổi tiếng ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba.
Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Á Châu và Đông Nam Á được đăng trên các Tạp chí chuyên môn (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.
****
NỘI DUNG: ÂM MƯU TRUNG QUỐC
H: Thưa Giáo sư, sau vụ Trung Quốc cho tầu Hải Dương 8 vào tận bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu chỉ lối 370 cây số hướng Đông-Nam, để thăm dò dầu khí dài tới 113 ngày (4/7 – 14/10/2019), thì từ đầu năm 2020, Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động đe dọa an ninh bất thường ở Biển Đông trong thời gian có bệnh dịch Covid 19 phát xuất từ Vũ Hán (TQ), trong đó có những việc cụ thể như: Xây dựng thêm hai "trạm nghiên cứu" mới tại đá Chữ Thập và đá Subi (tháng 03/2020); Tấn công Tầu đánh cá của Việt Nam ngày 3/4; ra lệnh cấm đánh bắt 3 tháng, từ 1/5 đến khoảng 16/ 8; công bố thành lập 2 Huyện Hoàng Sa và Trường Sa (18/4); đặt tên và định vị tọa độ cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Xin ông nhận định về những sự kiện này, và liệu việc làm của Trung Quốc xẩy ra vào lúc cả Thế giới tập trung lo phòng và chữa dịch Vũ Hán có hậu ý gì khác ngoài chủ trương muốn chiếm thế thượng phong ở Biển Đông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Thưa ông, những người nghiên cứu chiến lược đều biết rõ rằng mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, từng bước đẩy Hoa Kỳ ra ngoài, và giảm thiểu tối đa ảnh hương quân sự của Hoa Kỳ trong vùng biển quan trọng này. Chính sách để thực hiện mục tiêu đó có tính cách uyển chuyển và thời cơ. Tất cả những điều ông nói phản ánh chính sách này, mỗi khi có cơ hội Trung Quốc lại lấn thêm môt bước nhỏ quan trọng nhưng không đủ sốc để gây ra chiến tranh, nhằm tạo ra những “sự đã rồi”(fait accompli) trong việc thưc hiện mục tiêu tối hậu. Đại dịch Covit-19 khiến nhiều nước, nhât lá các nươc trong khu vực và Hoa Kỳ phải tập trung vào việc đối đầu với nó đã tạo cho Trung Quốc cơ hội này. Thế thượng phong ở Biển Đông thì Trung Quôc đã tạo đươc từ năm 2017 qua việc tân tạo và quân sự hóa đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn, và bãi Subi. Tam giác chiến lươc này cho Trung Quốc khả năng phóng chiếu sức mạnh quân sự đến tất cả các đá và bãi trên Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson, Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cảnh báo từ hai năm trước (2018) rằng Trung Quốc hiện có khả năng “kiểm soát” Biển Đông “trong mọi tình huống” trừ khi có chiến tranh vơi Hoa Kỳ.”
TẠI SAO ĐỒNG LỌAT CHỐNG TẦU?
H: Cũng trong khoảng thời gian này Trung Quốc đã gửi Công hàm cho Liện Hiệp Quốc bác bỏ quyền chủ quyền ở Biển Đông của Phi Luật Tân và Mã Lai đồng thời tái khẳng định chủ quyền duy nhất của Bắc Kinh trong vùng Lưỡi Bò (hay còn gọi là dường 9 Đoạn, chiếm ¾ tổng diện tích trên 3 triêu cây số vuông). Nhưng Việt Nam cũng gửi Công hàm tới Liên Hiệp Quốc để bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó thì Nam Dương, vào ngày 26/05 (2020), cũng đã gửi Công hàm đến Liên Hiệp Quốc để khẳng định “bản đồ 'đường 9 đoạn' Trung Quốc dùng cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.” Như vậy, thưa ông, lý do nào đã thúc đẩy 4 Quốc gia Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương và Việt Nam đã “cùng nhau đồng loạt” chống lại tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Ngoài những hành động lấn lươt có từ trước, những hành động có tinh cách khiêu khích và thử thách gần đây --như việc chĩa súng radar vào tầu Philippines, đưa tầu khào sát địa chất đươc hỗ trợ bới hai tầu hải giám và môt tầu dân vệ biển đe dọa công ty khoan dầu West Capella hoạt đông trong vùng biển thuôc chủ quyên của Mã Lai Á, đánh chìm tầu đánh cá của Việt Nam, và tiêp tục cho ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vưc “ngư trường truyên thống” của họ bât chấp sư phản đôi và xua đuổi của Indonesia-- buôc các nươc này phải lên tiếng.
Có hai điều đáng lưu ý trong trương hợp này. Thứ nhất, các nươc ASEAN tuy không cùng lên tiếng chung, nhưng các phản đôi riêng lại xuất hiên gần như cùng một lúc và bênh vưc lập truờng của nhau về chủ quyền biển đảo và ủng hộ Viêt Nam chống viêc tầu Trung Quôc đâm chìm tầu cá Việt Nam. Thư hai, và có lẽ quan trọng hơn, là việc tầu sân bay và các tầu chiến của Hoa Kỳ đã có mặt để theo rõi tầu khảo sát của Trung Quốc, gián tiếp ủng hô viêc khai thác dâu khí của Mã Lai A trong vùng biển mà họ có chủ quyền theo luât quốc tê và luật biển. Hai động thái này có ảnh hưởng hỗ tương. Sự hiện diên dồn dập của các tầu chiến Hoa Kỳ --USS Gabriel Giffords, USS Montgomery, USS Cesar Chavez, USS America, USS Bunker Hill, USS Barry, và USS Mustin—trong hai tháng 4 và 5, nhất là việc tầu chiến Hoa Kỳ lần đâu tiên hiện diện theo rõi tầu khảo sát của Trung Quôc khiến các quôc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mạnh dạn hơn trong việc cùng chống Trung Quốc. Ngươc lại sư cương quyết của một số quôc gia ASEAN cùng lên tiếng chống sự lấn lươt của Trung Quôc khuyến khich Hoa Kỳ có phản ứng mạnh hơn, cụ thể hơn.”
MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG
H: Trước việc Hải quân Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh quân sự đe dọa Đài Loan, một “thực thể đồng minh của Mỹ”; tấn công đánh chìm một Tầu đánh cá Việt Nam (04/2020) và gia tăng hành động nước lớn muốn “ăn hiếp” các nước nhỏ ở Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông (tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vụ đảo Điếu Ngư (Senkaku), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, vào ngày 22/4 (2020), đã tuyên bố cực lực phản đối Bắc Kinh và kêu gọi các Quốc gia khác buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nhưng, trong khi đó thì Hải quân Mỹ cũng đã tuần tra “nhiều hơn“ và “sát” hơn các vị trí biển-đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng ở Biển Đông. Trong bối cảnh này, Giáo sư có nghĩ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang muốn “phô trương sức mạnh” xem ai là cường quốc quân sự ở Châu Á hay hai nước đang có những động tác có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh ở Châu Á? Note: ( Pompeo:“We've also seen that the Chinese Communist Party is exerting military pressure on Taiwan and coercing its neighbors in the South China Sea, even going so far as to sink a Vietnamese fishing vessel. We hope other nations will hold them to account.” –State Department, 04/22/2020--)
Gs Nguyễn Mạnh Hùng: “Phô trương sức mạnh (show of force) là biện pháp thông thường để răn đe, làm áp lực mà không gây ra chiến tranh. Sự hiện diện dồn dâp của các tầu chiến Hoa Kỳ và việc tầu sân bay USS America và USS Gabrielle Giffords theo rõi tầu khảo sát địa chất của Trung Quôc trong vùng biển thuôc chủ quyền của Mã Lai Á mà tôi nói ở trên thuộc dạng này. Tuy nhiên, phô trương sức mạnh theo kiểu tầu chiến và máy bay tác chiến kèm sát nhau tao ra căng thẳng. Tình trạng căng thẳng này dễ đưa đến những va chạm, đụng độ không cố ý, có thể leo thang lên chiến tranh. Nếu Trung Quốc lấn tới mà Hoa Kỳ không chịu lùi thì không thê coi thường nguy cơ chiên tranh ơ Biển Đông.
Ngoài ra, nêu Hoa Kỳ thưc sự có quyết tâm ủng hộ ASEAN chống sự “bắt nạt” của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần làm một số việc như sau:
-Thư nhất, tuyên bố ủng hộ quyền các quôc gia Đông Nam Á khai thác dầu khi trong vùng biển thuôc chủ quyền của họ theo luật quôc tế và luật biển.
-Thư hai, để hỗ trơ cho lời nói, Hoa Kỳ phải tiếp tục cho tầu chiến, như trường hợp USS Gabrielle Giffords và USS America, biểu dương lực luợng và theo dõi tầu khảo sát địa chất của Trung Quốc đi vào vùng tranh chấp để de dọa và ngăn cản không cho các nước trong khu vực khai thác tài nguyên của họ.
-Thứ ba, tái thương thuyêt để gia nhập TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement), sau được đổi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)., môt cái neo kinh tế cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Á châu-Thái Bình Dương. (*)
-Thư tư, phê chuẩn công ước về luật biển 1982 để có tư cách chính thống đòi hỏi Trung Quôc tuân thủ luật biển.”
NGA VÀ BIỂN ĐÔNG
4). H: Thưa ông, là một trong những Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Chính trị Quốc tế ở vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ông lý giải thế nào về thái độ, có vẻ như muốn “đứng ngoài” của Nga, đặc biệt là của Tổng thống Vladimir Putin, một đồng minh của cả Trung Quốc và Việt Nam, trong vấn đề Biển Đông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng:” Nước Nga dươi thơi Putin không còn có sưc mạnh và tham vọng của Liên Xô trong thời cực thịnh của nó. Ngày nay, Nga chỉ có thể là kẻ phá đám (spoiler) chứ không phải là siêu cường ngang hàng vơi Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nga liên kết vơi Trung Quôc để chống lại thế độc tôn của Hoa Kỳ, nhưng cũng không muốn là đối tác hạng hai của Trung Quôc. Vả chăng, Biển Đông ở quá xa Nga và sát nách với Trung Quôc. Là cuờng quốc hạng hai Nga không có quyền lợi chiến lược và khả năng hành động hiệu quả ở Biển Đông trong thế cạnh tranh Mỹ-Trung. Điều này có thể giải thích lập trường lấp lửng của Nga.”
ADIZ-TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?
H: Thưa Giáo sư, trong những ngày gần đây đã có tin, xuất phát từ báo South China Morning Post ở Hong Kong, nói rằng Trung Quốc sẽ công bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ, Air Defense Indentification Zone) ở Biển Đông, bao trùm lên Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Bắc Kinh đã làm như thế vào năm 2013 ở vùng Biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản ( đảo Điếu Ngư, Senkaku). Ông thấy quyết định này của Trung Quốc, trong tương lai, sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh và giao thông trên không phận Biển Đông như thế nào?
Gs Nguyễn Mạnh Hùng:” South China Morning Post đăng tin này như quả bóng thăm dò (trial balloon) của Trung Quốc. Vùng nhân dạng phòng không của Trung Quôc ở vùng biển Hoa Đông không đươc các máy bay quân sự ngoại quốc tôn trọng, nhưng nó buộc các hãng hàng không dân sự phải tuân thủ. Nếu Trung Quôc làm viêc này ở Biển Đông nó sẽ đặt các quốc gia có tranh chấp biển đảo vơi Trung Quôc vào một tình trạng khó xử. Chấp nhận có nghĩa là mặc nhiên công nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, nhưng chống lại thì không đủ sức. Ngươc lại Trung Quôc cũng phải suy tình kỹ. Môt mặt vùng nhân dạng phòng không phủ lên toàn thể đương lưỡi bò thi quá lớn chưa chăc không lực Trung Quôc có khả năng tuần tra, và phản ứng của Hoa Kỳ và các cường quôc khác sẽ rât mạnh khiến nó bị vô hiêu hóa. Không làm đươc mà gây thù oán khiến nhiều nước và các cường quôc hợp lại với nhau để chống lại thì chưa chắc có lợi trong lúc này. Nếu họ chỉ tuyên bô vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Hoàng Sa thì lại là môt việc khác.”
NÚT THẮT COC Ở ĐÂU?
H: Như ông đã biết, cuộc thương thuyết về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đã kéo dài gần 4 năm mà vẫn chưa có kết quả. Xin ông có thể cho biết lý do và trở ngại ở “nút thắt” nào.
Gs Nguyễn Mạnh Hùng:” Trở ngại chính là các nươc ASEAN không đoàn kêt và nhất trí vì quyên lợi bất đồng và bị Trung Quôc chi phối trong khi đó Trung Quôc muốn kéo dài việc ký kết để có thời gian thực hiện các “viêc đã rồi” hầu có thế thượng phong trong việc thương thuyết. Ngoài ra trong khi ASEAN muốn bộ Quy tắc Ứng xử có tính cách ràng buộc thì Trung Quôc không muốn thế. Viêt Nam muốn bộ Quy tăc Ưng Xử áp dụng cho cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, điều mà Trung Quôc không muốn. Đó là chưa kể những bất đồng về cơ chế giải quyết tranh chấp và cách tiếp cận trong việc xử lý tranh chấp.”
Thành thật cảm ơn Giáo sư.
Phạm Trần
(06/2020)
========
(*) Chú thích của Phạm Trần:
(Tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở)
--Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3 tháng 06, 2005 và có hiệu lực ngày 28 tháng 05, 2006. Sau đó, thêm 5 nước đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, và Việt Nam. Ngày 14 tháng 11 năm 2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của 9 nước (8 nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của tổng thống Mỹ Barack Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 diễn ra tại Hoa Kỳ. Vào cuối năm 2016, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, theo chính sách mới của Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này.
Ngày 11 tháng 11 năm 2017, các bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Lời giới thiệu:
Câu hỏi đang đặt ra ở Biển Đông là Trung Quốc có âm mưu gì khi bất ngờ gia tăng đe dọa và phủ nhận quyền chủ quyền của các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, vào lúc cả thế giới lo phòng, chống dịch nạn Vũ Hán, xuất phát từ Trung Quốc từ đầu năm 2020 (Coronavirus disease 2019 (COVID-19).
GS Nguyễn Mạnh Hùng |
Giáo sư Hùng là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lươc và quan hệ Quốc tế ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS). Ngoài ra ông còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu nổi tiếng ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba.
Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Á Châu và Đông Nam Á được đăng trên các Tạp chí chuyên môn (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.
****
NỘI DUNG: ÂM MƯU TRUNG QUỐC
H: Thưa Giáo sư, sau vụ Trung Quốc cho tầu Hải Dương 8 vào tận bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu chỉ lối 370 cây số hướng Đông-Nam, để thăm dò dầu khí dài tới 113 ngày (4/7 – 14/10/2019), thì từ đầu năm 2020, Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động đe dọa an ninh bất thường ở Biển Đông trong thời gian có bệnh dịch Covid 19 phát xuất từ Vũ Hán (TQ), trong đó có những việc cụ thể như: Xây dựng thêm hai "trạm nghiên cứu" mới tại đá Chữ Thập và đá Subi (tháng 03/2020); Tấn công Tầu đánh cá của Việt Nam ngày 3/4; ra lệnh cấm đánh bắt 3 tháng, từ 1/5 đến khoảng 16/ 8; công bố thành lập 2 Huyện Hoàng Sa và Trường Sa (18/4); đặt tên và định vị tọa độ cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Xin ông nhận định về những sự kiện này, và liệu việc làm của Trung Quốc xẩy ra vào lúc cả Thế giới tập trung lo phòng và chữa dịch Vũ Hán có hậu ý gì khác ngoài chủ trương muốn chiếm thế thượng phong ở Biển Đông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Thưa ông, những người nghiên cứu chiến lược đều biết rõ rằng mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, từng bước đẩy Hoa Kỳ ra ngoài, và giảm thiểu tối đa ảnh hương quân sự của Hoa Kỳ trong vùng biển quan trọng này. Chính sách để thực hiện mục tiêu đó có tính cách uyển chuyển và thời cơ. Tất cả những điều ông nói phản ánh chính sách này, mỗi khi có cơ hội Trung Quốc lại lấn thêm môt bước nhỏ quan trọng nhưng không đủ sốc để gây ra chiến tranh, nhằm tạo ra những “sự đã rồi”(fait accompli) trong việc thưc hiện mục tiêu tối hậu. Đại dịch Covit-19 khiến nhiều nước, nhât lá các nươc trong khu vực và Hoa Kỳ phải tập trung vào việc đối đầu với nó đã tạo cho Trung Quốc cơ hội này. Thế thượng phong ở Biển Đông thì Trung Quôc đã tạo đươc từ năm 2017 qua việc tân tạo và quân sự hóa đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn, và bãi Subi. Tam giác chiến lươc này cho Trung Quốc khả năng phóng chiếu sức mạnh quân sự đến tất cả các đá và bãi trên Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson, Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cảnh báo từ hai năm trước (2018) rằng Trung Quốc hiện có khả năng “kiểm soát” Biển Đông “trong mọi tình huống” trừ khi có chiến tranh vơi Hoa Kỳ.”
TẠI SAO ĐỒNG LỌAT CHỐNG TẦU?
H: Cũng trong khoảng thời gian này Trung Quốc đã gửi Công hàm cho Liện Hiệp Quốc bác bỏ quyền chủ quyền ở Biển Đông của Phi Luật Tân và Mã Lai đồng thời tái khẳng định chủ quyền duy nhất của Bắc Kinh trong vùng Lưỡi Bò (hay còn gọi là dường 9 Đoạn, chiếm ¾ tổng diện tích trên 3 triêu cây số vuông). Nhưng Việt Nam cũng gửi Công hàm tới Liên Hiệp Quốc để bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó thì Nam Dương, vào ngày 26/05 (2020), cũng đã gửi Công hàm đến Liên Hiệp Quốc để khẳng định “bản đồ 'đường 9 đoạn' Trung Quốc dùng cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.” Như vậy, thưa ông, lý do nào đã thúc đẩy 4 Quốc gia Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương và Việt Nam đã “cùng nhau đồng loạt” chống lại tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Ngoài những hành động lấn lươt có từ trước, những hành động có tinh cách khiêu khích và thử thách gần đây --như việc chĩa súng radar vào tầu Philippines, đưa tầu khào sát địa chất đươc hỗ trợ bới hai tầu hải giám và môt tầu dân vệ biển đe dọa công ty khoan dầu West Capella hoạt đông trong vùng biển thuôc chủ quyên của Mã Lai Á, đánh chìm tầu đánh cá của Việt Nam, và tiêp tục cho ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vưc “ngư trường truyên thống” của họ bât chấp sư phản đôi và xua đuổi của Indonesia-- buôc các nươc này phải lên tiếng.
Có hai điều đáng lưu ý trong trương hợp này. Thứ nhất, các nươc ASEAN tuy không cùng lên tiếng chung, nhưng các phản đôi riêng lại xuất hiên gần như cùng một lúc và bênh vưc lập truờng của nhau về chủ quyền biển đảo và ủng hộ Viêt Nam chống viêc tầu Trung Quôc đâm chìm tầu cá Việt Nam. Thư hai, và có lẽ quan trọng hơn, là việc tầu sân bay và các tầu chiến của Hoa Kỳ đã có mặt để theo rõi tầu khảo sát của Trung Quốc, gián tiếp ủng hô viêc khai thác dâu khí của Mã Lai A trong vùng biển mà họ có chủ quyền theo luât quốc tê và luật biển. Hai động thái này có ảnh hưởng hỗ tương. Sự hiện diên dồn dập của các tầu chiến Hoa Kỳ --USS Gabriel Giffords, USS Montgomery, USS Cesar Chavez, USS America, USS Bunker Hill, USS Barry, và USS Mustin—trong hai tháng 4 và 5, nhất là việc tầu chiến Hoa Kỳ lần đâu tiên hiện diện theo rõi tầu khảo sát của Trung Quôc khiến các quôc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mạnh dạn hơn trong việc cùng chống Trung Quốc. Ngươc lại sư cương quyết của một số quôc gia ASEAN cùng lên tiếng chống sự lấn lươt của Trung Quôc khuyến khich Hoa Kỳ có phản ứng mạnh hơn, cụ thể hơn.”
MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG
H: Trước việc Hải quân Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh quân sự đe dọa Đài Loan, một “thực thể đồng minh của Mỹ”; tấn công đánh chìm một Tầu đánh cá Việt Nam (04/2020) và gia tăng hành động nước lớn muốn “ăn hiếp” các nước nhỏ ở Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông (tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vụ đảo Điếu Ngư (Senkaku), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, vào ngày 22/4 (2020), đã tuyên bố cực lực phản đối Bắc Kinh và kêu gọi các Quốc gia khác buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nhưng, trong khi đó thì Hải quân Mỹ cũng đã tuần tra “nhiều hơn“ và “sát” hơn các vị trí biển-đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng ở Biển Đông. Trong bối cảnh này, Giáo sư có nghĩ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang muốn “phô trương sức mạnh” xem ai là cường quốc quân sự ở Châu Á hay hai nước đang có những động tác có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh ở Châu Á? Note: ( Pompeo:“We've also seen that the Chinese Communist Party is exerting military pressure on Taiwan and coercing its neighbors in the South China Sea, even going so far as to sink a Vietnamese fishing vessel. We hope other nations will hold them to account.” –State Department, 04/22/2020--)
Gs Nguyễn Mạnh Hùng: “Phô trương sức mạnh (show of force) là biện pháp thông thường để răn đe, làm áp lực mà không gây ra chiến tranh. Sự hiện diện dồn dâp của các tầu chiến Hoa Kỳ và việc tầu sân bay USS America và USS Gabrielle Giffords theo rõi tầu khảo sát địa chất của Trung Quôc trong vùng biển thuôc chủ quyền của Mã Lai Á mà tôi nói ở trên thuộc dạng này. Tuy nhiên, phô trương sức mạnh theo kiểu tầu chiến và máy bay tác chiến kèm sát nhau tao ra căng thẳng. Tình trạng căng thẳng này dễ đưa đến những va chạm, đụng độ không cố ý, có thể leo thang lên chiến tranh. Nếu Trung Quốc lấn tới mà Hoa Kỳ không chịu lùi thì không thê coi thường nguy cơ chiên tranh ơ Biển Đông.
Ngoài ra, nêu Hoa Kỳ thưc sự có quyết tâm ủng hộ ASEAN chống sự “bắt nạt” của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần làm một số việc như sau:
-Thư nhất, tuyên bố ủng hộ quyền các quôc gia Đông Nam Á khai thác dầu khi trong vùng biển thuôc chủ quyền của họ theo luật quôc tế và luật biển.
-Thư hai, để hỗ trơ cho lời nói, Hoa Kỳ phải tiếp tục cho tầu chiến, như trường hợp USS Gabrielle Giffords và USS America, biểu dương lực luợng và theo dõi tầu khảo sát địa chất của Trung Quốc đi vào vùng tranh chấp để de dọa và ngăn cản không cho các nước trong khu vực khai thác tài nguyên của họ.
-Thứ ba, tái thương thuyêt để gia nhập TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement), sau được đổi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)., môt cái neo kinh tế cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Á châu-Thái Bình Dương. (*)
-Thư tư, phê chuẩn công ước về luật biển 1982 để có tư cách chính thống đòi hỏi Trung Quôc tuân thủ luật biển.”
NGA VÀ BIỂN ĐÔNG
4). H: Thưa ông, là một trong những Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Chính trị Quốc tế ở vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ông lý giải thế nào về thái độ, có vẻ như muốn “đứng ngoài” của Nga, đặc biệt là của Tổng thống Vladimir Putin, một đồng minh của cả Trung Quốc và Việt Nam, trong vấn đề Biển Đông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng:” Nước Nga dươi thơi Putin không còn có sưc mạnh và tham vọng của Liên Xô trong thời cực thịnh của nó. Ngày nay, Nga chỉ có thể là kẻ phá đám (spoiler) chứ không phải là siêu cường ngang hàng vơi Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nga liên kết vơi Trung Quôc để chống lại thế độc tôn của Hoa Kỳ, nhưng cũng không muốn là đối tác hạng hai của Trung Quôc. Vả chăng, Biển Đông ở quá xa Nga và sát nách với Trung Quôc. Là cuờng quốc hạng hai Nga không có quyền lợi chiến lược và khả năng hành động hiệu quả ở Biển Đông trong thế cạnh tranh Mỹ-Trung. Điều này có thể giải thích lập trường lấp lửng của Nga.”
ADIZ-TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?
H: Thưa Giáo sư, trong những ngày gần đây đã có tin, xuất phát từ báo South China Morning Post ở Hong Kong, nói rằng Trung Quốc sẽ công bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ, Air Defense Indentification Zone) ở Biển Đông, bao trùm lên Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Bắc Kinh đã làm như thế vào năm 2013 ở vùng Biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản ( đảo Điếu Ngư, Senkaku). Ông thấy quyết định này của Trung Quốc, trong tương lai, sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh và giao thông trên không phận Biển Đông như thế nào?
Gs Nguyễn Mạnh Hùng:” South China Morning Post đăng tin này như quả bóng thăm dò (trial balloon) của Trung Quốc. Vùng nhân dạng phòng không của Trung Quôc ở vùng biển Hoa Đông không đươc các máy bay quân sự ngoại quốc tôn trọng, nhưng nó buộc các hãng hàng không dân sự phải tuân thủ. Nếu Trung Quôc làm viêc này ở Biển Đông nó sẽ đặt các quốc gia có tranh chấp biển đảo vơi Trung Quôc vào một tình trạng khó xử. Chấp nhận có nghĩa là mặc nhiên công nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, nhưng chống lại thì không đủ sức. Ngươc lại Trung Quôc cũng phải suy tình kỹ. Môt mặt vùng nhân dạng phòng không phủ lên toàn thể đương lưỡi bò thi quá lớn chưa chăc không lực Trung Quôc có khả năng tuần tra, và phản ứng của Hoa Kỳ và các cường quôc khác sẽ rât mạnh khiến nó bị vô hiêu hóa. Không làm đươc mà gây thù oán khiến nhiều nước và các cường quôc hợp lại với nhau để chống lại thì chưa chắc có lợi trong lúc này. Nếu họ chỉ tuyên bô vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Hoàng Sa thì lại là môt việc khác.”
NÚT THẮT COC Ở ĐÂU?
H: Như ông đã biết, cuộc thương thuyết về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đã kéo dài gần 4 năm mà vẫn chưa có kết quả. Xin ông có thể cho biết lý do và trở ngại ở “nút thắt” nào.
Gs Nguyễn Mạnh Hùng:” Trở ngại chính là các nươc ASEAN không đoàn kêt và nhất trí vì quyên lợi bất đồng và bị Trung Quôc chi phối trong khi đó Trung Quôc muốn kéo dài việc ký kết để có thời gian thực hiện các “viêc đã rồi” hầu có thế thượng phong trong việc thương thuyết. Ngoài ra trong khi ASEAN muốn bộ Quy tắc Ứng xử có tính cách ràng buộc thì Trung Quôc không muốn thế. Viêt Nam muốn bộ Quy tăc Ưng Xử áp dụng cho cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, điều mà Trung Quôc không muốn. Đó là chưa kể những bất đồng về cơ chế giải quyết tranh chấp và cách tiếp cận trong việc xử lý tranh chấp.”
Thành thật cảm ơn Giáo sư.
Phạm Trần
(06/2020)
========
(*) Chú thích của Phạm Trần:
(Tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở)
--Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3 tháng 06, 2005 và có hiệu lực ngày 28 tháng 05, 2006. Sau đó, thêm 5 nước đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, và Việt Nam. Ngày 14 tháng 11 năm 2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của 9 nước (8 nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của tổng thống Mỹ Barack Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 diễn ra tại Hoa Kỳ. Vào cuối năm 2016, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, theo chính sách mới của Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này.
Ngày 11 tháng 11 năm 2017, các bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ơn toàn xá trong mùa đại dịch Covid-19 đã từng có trước đây chưa?
Nguyễn Trọng Đa
08:34 16/06/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Về sắc lệnh của Tòa n Giải nới rộng các điều kiện để nhận được ơn toàn xá, ngay cả khi không xưng tội và rước lễ (cho đến khi hai điều kiện này có thể được thực hiện về thể lý), liệu việc nới rộng này đã được thực hiện trước đây không? Vẻ đẹp của đặc ân này là hàng ngày chúng ta có thể lần chuỗi Mân côi, cầu nguyện cho sự chấm dứt đại dịch, cầu nguyện cho Đức Thánh Cha của chúng ta, và hưởng một ơn toàn xá. Tôi mong ước cả thế giới biết điều này và sẽ sử dụng thời gian hiện tại, để giúp đỡ nhiều hơn cho các linh hồn trong luyện ngục. Và ai mà biết được, Chúa nhân từ của chúng ta sẽ có thể giữ một trong các ơn toàn xá này trong ngân hàng cho chúng ta, khi chúng ta có thể cần đến nó! - T. B., Courtenay, British Columbia, Canada.
Đáp: Trước tiên, chúng tôi phải trình bày văn bản của sắc lệnh nói trên:
“Ơn toàn xá được ban cho các nạn nhân mắc bệnh Covid-19, thường được biết đến với tên gọi là coronavirus, cho các nhân viên y tế, thành viên gia đình và tất cả những người trong mọi khả năng, kể cả cầu nguyện, chăm sóc cho họ.
“Anh em hãy hân hoan trong hy vọng, nhẫn nại trong khốn khó và trung thành trong nguyện cầu" (Rm 12:12). Những lời được Thánh Phaolô viết cho Hội Thánh ở Rôma đang vang vọng suốt giòng lịch sử của Hội Thánh, và đang hướng dẫn phán đoán của tín hữu trước tất cả mọi đau khổ, bệnh nạn và tai ương.
“Trong thời khắc hiện nay, thời khắc mà toàn thể nhân loại, bị đe dọa bởi một thứ bệnh vô hình và âm ỉ, mà hiện nay đôi khi đã quen thuộc với tất cả đời sống của chúng ta, ngày ngày đang ghi dấu bởi những nỗi sợ hãi buồn thương, những mối bất ổn và nhất là bởi tràn lan những niềm khổ đau cả về thể lý lẫn luân lý.
“Hội Thánh, theo gương của Vị Thầy Thần Linh, luôn hết lòng chăm sóc cho bệnh nhân. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ vẽ, giá trị nơi đau khổ của con người có tính cách lưỡng diện: "Nó có tính cách siêu nhiên, vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm thần linh Cứu Chuộc thế giới, đồng thời nó cũng mang chiều kích sâu xa về nhân bản, vì nơi nó con người khám phá ra chính bản thân mình, nhân tính của mình, phẩm giá của mình, sứ vụ của mình" (Tông thư Salvifici Doloris, số 31).
“Cả Đức Thánh Cha Phanxicô nữa, trong những ngày gần đây, đã tỏ ra lòng gắn bó hiền phụ của mình, và đã lập lại lời ngài mời gọi không ngừng cầu nguyện cho những ai bị nhiễm bệnh Coronavirus.
“Để tất cả những ai đang chịu đau khổ bởi dịch bệnh COVID-19, ở trong chính mầu nhiệm đau khổ ấy, được tái nhận thức "nỗi đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô" (cùng nguồn, 30), Tòa n Giải này, nhờ quyền bính của Đức Thánh Cha (ex auctoritate Summi Pontificis), tin tưởng vào lời Chúa Kitô và bằng tinh thần đức tin, cứu xét thứ dịch bệnh đang diễn ra này, một thứ bệnh cần phải sống bằng một tinh thần hoán cải riêng tư, ban tặng ơn toàn xá như được sắp xếp sau đây.
“Ơn Toàn Xá được ban cho thành phần tín hữu đang bị Coronavirus, những con người đang bị cách ly theo lệnh của thẩm quyền y tế, ở trong các bệnh viện hay ở nhà riêng của họ, miễn là, bằng một tinh thần xa lánh hết mọi tội lỗi, họ kết hiệp một cách thiêng liêng, qua truyền thông, vào việc cử hành Thánh Lễ, vào việc lần chuỗi Mân Côi, thực hành việc đạo đức Viếng Đàng Thánh Giá, hay các hình thức tôn sùng khác, hoặc ít là họ đọc Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và một lời nguyện cầu sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, hiến dâng cơn thử thách này, bằng tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và bác ái với anh chị em mình, với ý muốn hoàn tất các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Thánh Cha), sớm bao nhiêu có thể.
“Các nhân viên chăm sóc sức khỏe, các phần tử trong gia đình và tất cả những ai, theo gương của Người Samaritanô nhân lành, bản thân có cơ nguy bị lây nhiễm, chăm sóc cho bệnh nhân bị Coronavirus, theo những lời của Đấng Cứu Chuộc thần linh: "Không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống mình vì bạn hữu của mình" (Ga 15:13), sẽ nhận được cùng Ơn Toàn Xá này, với các điều kiện giống như thế.
“Tòa n Giải này cũng sẵn lòng ban Ơn Toàn Xá, với các điều kiện tương tự, trong trường hợp dịch bệnh toàn cầu hiện nay, cho cả những tín hữu thực hiện một lần Viếng Thánh Thể, hay chầu Thánh Thể, hoặc đọc Thánh Kinh ít là nửa giờ, hay lần hạt Mân Côi, hoặc Đi Đàng Thánh Giá, hay lần Chuỗi Kinh Thương Xót, để nài xin Thiên Chúa Toàn Năng chấm dứt dịch bệnh này, an ủi những ai bị nhiễm lây và ban ơn cứu độ đời đời cho những ai được Chúa gọi về với Ngài.
“Hội Thánh cầu nguyện cho những ai không thể lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cùng với Của Ăn Đàng, bằng cách ký thác từng người và hết mọi người cho Lòng Thương Xót thần linh, nhờ mối liên kết các thánh cùng thông công, và bằng cách ban cho thành phần tín hữu này một Ơn Toàn Xá vào giờ chết, miễn là họ dọn mình xứng đáng và đã từng đọc một ít kinh nguyện trong cuộc đời của họ (trong trường hợp Hội Thánh bù đắp cho 3 điều kiện cần phải làm). Để có được ân xá này cần phải sử dụng tượng chịu nạn hay cây Thánh Giá (xem Enchiridion indulgentiarum, số 12.)
“Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh, Sinh Lực của Bệnh Nhân và là Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu, Vị Biện Hộ của chúng ta, giúp nhân loại đang trải qua khổ đau, bằng cách cứu chúng ta khỏi sự dữ của dịch bệnh này, và chuyển cầu cho chúng ta được hết mọi sự thiện cần cho phần rỗi và việc thánh hóa của chúng ta.
Sắc lệnh này có hiệu lực bất kể những gì trái ngược. Ban hành tại Rôma, nơi Tòa n Giải, ngày 19-3-2020.” (bản dịch Việt ngữ của Cha Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh.)
Bạn đọc của chúng tôi hỏi liệu việc nới rộng các điều kiện để nhận được ơn toàn xá, liên quan đến việc xưng tội và rước lễ, đã được thực hiện trước đây chăng.
Thông thường, để nhận được ơn toàn xá, người ta phải rước lễ cùng ngày với hành vi được ban ơn toàn xá, và xưng tội khoảng 20 ngày trước hoặc sau. Trong trường hợp này, các điều kiện ấy có thể được hoãn lại cho đến khi có thể về thể lý.
Mặc dù không được chỉ định, nhưng có vẻ hợp lý trong sự nhượng bộ rằng có thể hưởng được một ơn toàn xá mỗi ngày trong đại dịch, và rằng các điều kiện sẽ được chu toàn bằng một lần xưng tội và rước lễ khi điều này trở nên khả thi về thể lý.
Ơn toàn xá này có thể được áp dụng cho chính mình, đặc biệt là khi nguy tử, hoặc cho một linh hồn trong luyện ngục. Mặc dù không phải là một điều kiện, nhưng có vẻ thích hợp để áp dụng ơn toàn xá cho các người đã chết vì căn bệnh này.
Mặc dù việc nới rộng hiện nay của các điểu kiện hưởng ơn toàn xá là mới và thích ứng với điều kiện hiện tại, nhưng nó không phải là chưa từng có trước đây. Theo một cách nào đó, nó được ngụ ý trong ơn toàn xá này về lúc nguy tử, mà khi không có linh mục, Hội Thánh ban cho các tín hữu, “miễn là họ dọn mình xứng đáng và đã từng đọc một ít kinh nguyện trong cuộc đời của họ (Cẩm nang n xá, số 28).”
Ơn toàn xá này là trường hợp duy nhất khi một ơn toàn xá có thể được hưởng hai lần trong một ngày: “Các tín hữu Kitô có thể có hưởng một ơn toàn xá được đề cập ở đây lúc nguy tử (in articulo mortis), cho dù họ đã nhận được một ơn toàn xá khác cùng ngày rồi. Việc ban ơn toàn xá này, ở số 28, được lấy từ Tông hiến Indulgentiarum Doctrina (học thuyết về các ân xá), số 18, do Giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 1-1-1967.
Không giống như bí tích xức dầu bệnh nhân, phép lành của giáo hoàng, khi giáo dân nguy tử, cùng với ơn toàn xá kèm theo, chỉ có thể được ban một lần trong cùng một cơn bệnh. Nên một người phục hồi từ căn bệnh ấy có thể hưởng phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá lần nữa, khi hấp hối.
Các phép lành Toà thánh và ơn toàn xá lần đầu tiên được ban cho các Thập tự quân, hoặc cho các người hành hương bị chết trong khi đi hành hương để hưởng ơn toàn xá Năm Thánh. Các Giáo hoàng Clement IV (1265-1268) và Grêgôriô XI (1370-1378) đã mở rộng ơn toàn xá cho các nạn nhân của bệnh dịch hạch. Việc ban ơn toàn xá đã trở nên thường xuyên hơn, nhưng vẫn bị giới hạn về thời gian, hoặc được dành cho các Giám mục để tương đối ít người được hưởng ơn toàn xá. Điều này đã khiến Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV (1740-1758) ban hành tông hiến Pia Mater vào năm 1747, trong đó ngài đã ban năng quyền cho tất cả các Giám mục, cùng với khả năng tái uỷ quyền cho các linh mục.(Zenit.org 16-6-2020)
Nguyễn Trọng Đa
https://zenit.org/articles/widening-of-plenary-indulgences/
Hỏi: Về sắc lệnh của Tòa n Giải nới rộng các điều kiện để nhận được ơn toàn xá, ngay cả khi không xưng tội và rước lễ (cho đến khi hai điều kiện này có thể được thực hiện về thể lý), liệu việc nới rộng này đã được thực hiện trước đây không? Vẻ đẹp của đặc ân này là hàng ngày chúng ta có thể lần chuỗi Mân côi, cầu nguyện cho sự chấm dứt đại dịch, cầu nguyện cho Đức Thánh Cha của chúng ta, và hưởng một ơn toàn xá. Tôi mong ước cả thế giới biết điều này và sẽ sử dụng thời gian hiện tại, để giúp đỡ nhiều hơn cho các linh hồn trong luyện ngục. Và ai mà biết được, Chúa nhân từ của chúng ta sẽ có thể giữ một trong các ơn toàn xá này trong ngân hàng cho chúng ta, khi chúng ta có thể cần đến nó! - T. B., Courtenay, British Columbia, Canada.
Đáp: Trước tiên, chúng tôi phải trình bày văn bản của sắc lệnh nói trên:
“Ơn toàn xá được ban cho các nạn nhân mắc bệnh Covid-19, thường được biết đến với tên gọi là coronavirus, cho các nhân viên y tế, thành viên gia đình và tất cả những người trong mọi khả năng, kể cả cầu nguyện, chăm sóc cho họ.
“Anh em hãy hân hoan trong hy vọng, nhẫn nại trong khốn khó và trung thành trong nguyện cầu" (Rm 12:12). Những lời được Thánh Phaolô viết cho Hội Thánh ở Rôma đang vang vọng suốt giòng lịch sử của Hội Thánh, và đang hướng dẫn phán đoán của tín hữu trước tất cả mọi đau khổ, bệnh nạn và tai ương.
“Trong thời khắc hiện nay, thời khắc mà toàn thể nhân loại, bị đe dọa bởi một thứ bệnh vô hình và âm ỉ, mà hiện nay đôi khi đã quen thuộc với tất cả đời sống của chúng ta, ngày ngày đang ghi dấu bởi những nỗi sợ hãi buồn thương, những mối bất ổn và nhất là bởi tràn lan những niềm khổ đau cả về thể lý lẫn luân lý.
“Hội Thánh, theo gương của Vị Thầy Thần Linh, luôn hết lòng chăm sóc cho bệnh nhân. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ vẽ, giá trị nơi đau khổ của con người có tính cách lưỡng diện: "Nó có tính cách siêu nhiên, vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm thần linh Cứu Chuộc thế giới, đồng thời nó cũng mang chiều kích sâu xa về nhân bản, vì nơi nó con người khám phá ra chính bản thân mình, nhân tính của mình, phẩm giá của mình, sứ vụ của mình" (Tông thư Salvifici Doloris, số 31).
“Cả Đức Thánh Cha Phanxicô nữa, trong những ngày gần đây, đã tỏ ra lòng gắn bó hiền phụ của mình, và đã lập lại lời ngài mời gọi không ngừng cầu nguyện cho những ai bị nhiễm bệnh Coronavirus.
“Để tất cả những ai đang chịu đau khổ bởi dịch bệnh COVID-19, ở trong chính mầu nhiệm đau khổ ấy, được tái nhận thức "nỗi đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô" (cùng nguồn, 30), Tòa n Giải này, nhờ quyền bính của Đức Thánh Cha (ex auctoritate Summi Pontificis), tin tưởng vào lời Chúa Kitô và bằng tinh thần đức tin, cứu xét thứ dịch bệnh đang diễn ra này, một thứ bệnh cần phải sống bằng một tinh thần hoán cải riêng tư, ban tặng ơn toàn xá như được sắp xếp sau đây.
“Ơn Toàn Xá được ban cho thành phần tín hữu đang bị Coronavirus, những con người đang bị cách ly theo lệnh của thẩm quyền y tế, ở trong các bệnh viện hay ở nhà riêng của họ, miễn là, bằng một tinh thần xa lánh hết mọi tội lỗi, họ kết hiệp một cách thiêng liêng, qua truyền thông, vào việc cử hành Thánh Lễ, vào việc lần chuỗi Mân Côi, thực hành việc đạo đức Viếng Đàng Thánh Giá, hay các hình thức tôn sùng khác, hoặc ít là họ đọc Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và một lời nguyện cầu sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, hiến dâng cơn thử thách này, bằng tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và bác ái với anh chị em mình, với ý muốn hoàn tất các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Thánh Cha), sớm bao nhiêu có thể.
“Các nhân viên chăm sóc sức khỏe, các phần tử trong gia đình và tất cả những ai, theo gương của Người Samaritanô nhân lành, bản thân có cơ nguy bị lây nhiễm, chăm sóc cho bệnh nhân bị Coronavirus, theo những lời của Đấng Cứu Chuộc thần linh: "Không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống mình vì bạn hữu của mình" (Ga 15:13), sẽ nhận được cùng Ơn Toàn Xá này, với các điều kiện giống như thế.
“Tòa n Giải này cũng sẵn lòng ban Ơn Toàn Xá, với các điều kiện tương tự, trong trường hợp dịch bệnh toàn cầu hiện nay, cho cả những tín hữu thực hiện một lần Viếng Thánh Thể, hay chầu Thánh Thể, hoặc đọc Thánh Kinh ít là nửa giờ, hay lần hạt Mân Côi, hoặc Đi Đàng Thánh Giá, hay lần Chuỗi Kinh Thương Xót, để nài xin Thiên Chúa Toàn Năng chấm dứt dịch bệnh này, an ủi những ai bị nhiễm lây và ban ơn cứu độ đời đời cho những ai được Chúa gọi về với Ngài.
“Hội Thánh cầu nguyện cho những ai không thể lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cùng với Của Ăn Đàng, bằng cách ký thác từng người và hết mọi người cho Lòng Thương Xót thần linh, nhờ mối liên kết các thánh cùng thông công, và bằng cách ban cho thành phần tín hữu này một Ơn Toàn Xá vào giờ chết, miễn là họ dọn mình xứng đáng và đã từng đọc một ít kinh nguyện trong cuộc đời của họ (trong trường hợp Hội Thánh bù đắp cho 3 điều kiện cần phải làm). Để có được ân xá này cần phải sử dụng tượng chịu nạn hay cây Thánh Giá (xem Enchiridion indulgentiarum, số 12.)
“Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh, Sinh Lực của Bệnh Nhân và là Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu, Vị Biện Hộ của chúng ta, giúp nhân loại đang trải qua khổ đau, bằng cách cứu chúng ta khỏi sự dữ của dịch bệnh này, và chuyển cầu cho chúng ta được hết mọi sự thiện cần cho phần rỗi và việc thánh hóa của chúng ta.
Sắc lệnh này có hiệu lực bất kể những gì trái ngược. Ban hành tại Rôma, nơi Tòa n Giải, ngày 19-3-2020.” (bản dịch Việt ngữ của Cha Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh.)
Bạn đọc của chúng tôi hỏi liệu việc nới rộng các điều kiện để nhận được ơn toàn xá, liên quan đến việc xưng tội và rước lễ, đã được thực hiện trước đây chăng.
Thông thường, để nhận được ơn toàn xá, người ta phải rước lễ cùng ngày với hành vi được ban ơn toàn xá, và xưng tội khoảng 20 ngày trước hoặc sau. Trong trường hợp này, các điều kiện ấy có thể được hoãn lại cho đến khi có thể về thể lý.
Mặc dù không được chỉ định, nhưng có vẻ hợp lý trong sự nhượng bộ rằng có thể hưởng được một ơn toàn xá mỗi ngày trong đại dịch, và rằng các điều kiện sẽ được chu toàn bằng một lần xưng tội và rước lễ khi điều này trở nên khả thi về thể lý.
Ơn toàn xá này có thể được áp dụng cho chính mình, đặc biệt là khi nguy tử, hoặc cho một linh hồn trong luyện ngục. Mặc dù không phải là một điều kiện, nhưng có vẻ thích hợp để áp dụng ơn toàn xá cho các người đã chết vì căn bệnh này.
Mặc dù việc nới rộng hiện nay của các điểu kiện hưởng ơn toàn xá là mới và thích ứng với điều kiện hiện tại, nhưng nó không phải là chưa từng có trước đây. Theo một cách nào đó, nó được ngụ ý trong ơn toàn xá này về lúc nguy tử, mà khi không có linh mục, Hội Thánh ban cho các tín hữu, “miễn là họ dọn mình xứng đáng và đã từng đọc một ít kinh nguyện trong cuộc đời của họ (Cẩm nang n xá, số 28).”
Ơn toàn xá này là trường hợp duy nhất khi một ơn toàn xá có thể được hưởng hai lần trong một ngày: “Các tín hữu Kitô có thể có hưởng một ơn toàn xá được đề cập ở đây lúc nguy tử (in articulo mortis), cho dù họ đã nhận được một ơn toàn xá khác cùng ngày rồi. Việc ban ơn toàn xá này, ở số 28, được lấy từ Tông hiến Indulgentiarum Doctrina (học thuyết về các ân xá), số 18, do Giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 1-1-1967.
Không giống như bí tích xức dầu bệnh nhân, phép lành của giáo hoàng, khi giáo dân nguy tử, cùng với ơn toàn xá kèm theo, chỉ có thể được ban một lần trong cùng một cơn bệnh. Nên một người phục hồi từ căn bệnh ấy có thể hưởng phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá lần nữa, khi hấp hối.
Các phép lành Toà thánh và ơn toàn xá lần đầu tiên được ban cho các Thập tự quân, hoặc cho các người hành hương bị chết trong khi đi hành hương để hưởng ơn toàn xá Năm Thánh. Các Giáo hoàng Clement IV (1265-1268) và Grêgôriô XI (1370-1378) đã mở rộng ơn toàn xá cho các nạn nhân của bệnh dịch hạch. Việc ban ơn toàn xá đã trở nên thường xuyên hơn, nhưng vẫn bị giới hạn về thời gian, hoặc được dành cho các Giám mục để tương đối ít người được hưởng ơn toàn xá. Điều này đã khiến Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV (1740-1758) ban hành tông hiến Pia Mater vào năm 1747, trong đó ngài đã ban năng quyền cho tất cả các Giám mục, cùng với khả năng tái uỷ quyền cho các linh mục.(Zenit.org 16-6-2020)
Nguyễn Trọng Đa
https://zenit.org/articles/widening-of-plenary-indulgences/
VietCatholic TV
Tổng thống Trump có thể gặp rắc rối sau khi lật nhào một quyết định của Obama về giới tính
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 16/06/2020
1. Tổng thống Trump có thể gặp những khó khăn rất lớn trong những ngày tới sau khi lật nhào một quyết định của Obama
Tạp chí National Review vừa tường trình rằng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của Hoa Kỳ vừa công bố một qui định bãi bỏ chính sách của Chính phủ Obama về việc tái định nghĩa giới tính.
Điều 1557 của Obamacare cấm việc kỳ thị dựa vào chủng tộc, mầu da, quốc gia gốc, giới tính, tuổi tác hay khuyết tật trong các chương trình hay hoạt động liên quan tới y tế. Gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của ông đã đưa ra một quy định tái định nghĩa lại “giới tính” để bao gồm “bản sắc phái tính”.
Bằng cách tái định nghĩa “giới tính”, chính sách của Obama đòi buộc phải đối xử với người nam về sinh học nhưng tự nhận mình là phụ nữ; và đối xử với phụ nữ về sinh học nhưng tự nhận mình là nam giới, theo cái gọi là “bản sắc phái tính” của họ thay vì giới tính sinh học thực sự của họ.
Nói dễ hiểu là thế này, một người là nam giới có thể tự nhận mình là có “bản sắc phái tính” nữ và như thế theo điều 1557, anh ta có thể thản nhiên đi vào một nhà vệ sinh chỉ dành cho người phụ nữ. Ai ngăn cản anh ta thì vi phạm điều 1557. Nhưng nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra thì chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm. Hàng loạt các cơ sở như trường học, nhà hàng, công sở phải cấp tốc xây dựng các nhà vệ sinh Unisex, gây ra những tốn kém rất lớn.
Trong một quyết định được mô tả là rất can đảm, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của chính quyền Tổng thống Trump đã đảo ngược quyết định này của Obama và một lần nữa “giới tính” chỉ có nghĩa là giới tính sinh học, như đã được quy định trong các đạo luật về dân quyền của Hoa Kỳ.
Roger Severino, giám đốc Văn phòng Dân quyền của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, nói rằng: “Chúng tôi coi ‘bản sắc phái tính’ là một diễn giải bất hợp pháp về luật dân quyền. Quy tắc mới nhất này chỉ đơn thuần phù hợp với thực tại pháp lý đó”.
Quyết định đảo ngược quy định của chính quyền Trump gần như chắc chắn sẽ gặp sự giận dữ của các nhà hoạt động cấp tiến và các đồng minh của họ trong các phương tiện truyền thông. Khi lần đầu tiên công luận biết rằng chính phủ Trump đang xem xét việc hủy bỏ việc tái định nghĩa “giới tính” của Obama, tờ New York Times đã sai lầm khi khẳng định rằng “‘Người chuyển giới có thể bị xác định như không còn hiện hữu dưới chính phủ Trump”.
Tuy nhiên, động thái mới này đã thực thi một lời hứa chủ chốt mà Ông Trump đã đưa ra cả trong chiến dịch tranh cử lẫn trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ, trong đó, Ông lên tiếng ủng hộ việc hủy bỏ các chính sách thời Obama tái định nghĩa “giới tính” để bao gồm “xu hướng giới tính” và “bản sắc phái tính”. Động thái này, mặc dù ở gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên, là một bước nữa để những người ủng hộ ông thấy rằng ông sẵn sàng giữ đúng lời đã hứa bất chấp hậu quả.
2. Sau hai năm thi hành, hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh mang lại những kết quả quá nhỏ bé
Từ nhiều tháng nay, những tin tức về Trung Quốc thường xuất hiện hầu như hằng ngày trên các cơ quan truyền thông thế giới, nhất là từ hạ tuần tháng giêng năm nay với sự bộc phát dịch virus Vũ Hán, hay cũng gọi virus Trung Quốc, và ngày càng bành trướng gây đại họa cho toàn thế giới. Rồi đến cuộc đụng độ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành luật an ninh tại Hương Cảng, tiếp đến là sự chống đối của các nước Ðông Nam Á đối với chính sách bá quyền và yêu sách lãnh hải của Trung Quốc tại vùng Á châu Thái Bình Dương
Trong bối cảnh đó, hôm 9 tháng 6, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Ðức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện, 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến sau khi được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.
Lễ nghi nhậm chức tại Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy, Giám Mục giáo phận Hạ Môn, cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.
Tòa Thánh đã không lên tiếng gì về việc Ðức Cha Lâm Gia Thiện nhận chức tại Nhà Thờ ở Phúc Châu hôm 9 tháng 6.
Tổng giáo phận Phúc Châu được coi là giáo phận đông tín hữu Công Giáo và giầu nhất tại Trung Quốc, với khoảng 300 ngàn giáo dân, 120 Linh Mục và hơn 500 nữ tu, nhưng giáo phận này từ nhiều năm nay ở trong tình trạng phân rẽ giữa cộng đoàn thầm lặng và cộng đoàn chính thức.
Ðức Cha Lâm Gia Thiện năm nay 86 tuổi, thuộc cộng đoàn Giáo Hội thầm lặng, được Tòa Thánh bổ nhiệm năm 2016. Trong thập niên 1980, ngài đã bị bọn cầm quyền Bắc Kinh kết án 10 năm lao động khổ sai.
Từ sau khi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2018, cho đến nay mới chỉ có 2 Giám Mục được chọn tại Hoa Lục và được Ðức Thánh Cha Phanxicô chính thứ bổ nhiệm.
Vị thứ nhất là Ðức Cha Antôn Diệu Thuận, 54 tuổi, tân Giám Mục giáo phận Tể Ninh tỉnh Nội Mông, chịu chức ngày 26 tháng 8 năm 2019.
Vị thứ hai là Ðức Cha Stephanô Tư Hồng Vĩ 44 tuổi, tân Giám Mục Phó giáo phận Hán Trung tỉnh Thiểm Tây, được thụ phong ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vị chủ phong là Ðức Cha Mã Anh Lâm, Giám Mục giáo phận Côn Minh tỉnh Vân Nam chủ tịch Hội đồng Giám Mục Trung Quốc. Ðức Cha Mã là 1 trong 7 Giám Mục đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô tha vạ tuyệt thông ngày 22 tháng 9 năm 2018, cùng ngày hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết.
Từ sau khi ban hành “Các qui luật mới về các hoạt động tôn giáo”, Nhà Nước Trung Quốc đòi các giáo sĩ phải gắn bó với “Giáo Hội độc lập”, yêu tổ quốc và tùng phục chính sách của đảng cộng sản. Sau khi Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết, áp lực này trên các Linh Mục càng gia tăng.
Trong hai năm trời mà chỉ có 2 Giám Mục được chính thức bổ nhiệm và thụ phong tại Trung Quốc, không kể một vài vị được âm thầm hợp thức hóa, hoặc công nhận, và hiện nay vẫn còn hơn 40 giáo phận tại nước này không có Giám Mục. Ngoài ra, trong thời gian qua, mặc dù đã ký hiệp định với Tòa Thánh, nhưng nhiều nơi ở Trung Quốc có những vụ phá đổ thánh đường và thánh giá Công Giáo. Nhiều người tự hỏi: trong những tình cảnh như thế, Hiệp định tạm thời mà Tòa Thánh ký kết với Nhà Nước Trung Quốc sẽ ra sao, có tiếp tục hay không?