Ngày 21-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngài phải được nâng lên
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
01:32 21/06/2019
Thiếu thời, tôi có may mắn được sống nội trú trong một cộng đoàn nhận Thánh Gioan Tiền Hô làm quan thầy. Những lời kinh nguyện hàng ngày “Lạy Thánh Gioan Tiền Hô Đức Kitô là Thánh sư chúng con, Thánh sư đã được Chúa chọn ngay từ trong lòng mẹ để dọn đường cho Chúa cứu thế, làm chứng và rao giảng về Ngài …” đã thấm đẫm và in sâu vào tâm trí tôi về một vị thánh mà đã có lần Chúa Giêsu ca ngợi là: “trong số những người sinh ra bởi người nữ, chưa từng có ai cao trọng hơn.” (Mt 11,11).

Sự ra đời của thánh nhân là một đặc ân của Thiên Chúa vì Gioan Tiền Hô - hay còn gọi là Gioan Baotixita, Gioan Tẩy Giả - là con của thầy tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, chị họ của Đức Maria. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6). Cả hai không ngừng cầu xin Chúa ban cho họ một người con vì theo quan niệm Do Thái những cặp vợ chồng không con nối dòng trong ngày Đấng cứu thế ngự đến sẽ bị khinh khi, miệt thị.

Lời khẩn cầu của họ đã được Chúa dủ lòng thương nhậm lời. Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông Da-ca-ri-a đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. Sứ thần Chúa báo tin cho ông biết Thiên Chúa đã nhận lời ông bà và vợ ông sẽ sinh một đứa con trai. Nhưng vì Da-ca-ri-a hoài nghi, vì thế Chúa đã để ông bị câm trong suốt thời gian vợ ông mang thai và sinh con.

Theo tục lệ của người Do Thái, khi con trẻ được tám ngày, người ta đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha để đặt cho em. Nhưng cả hai ông bà đều dứt khoát đặt tên cho con trẻ là Gioan. Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương” và đó là tên do sứ thần Chúa bảo ông phải đặt cho con mình. Đây là một cái tên đặc biệt vì không ai trong họ hàng bà Ê-li-sa-bét có tên đó. Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông Da-ca-ri-a lại mở ra, nói được, và dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: " Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1, 76-77).

Gioan còn được Thiên Chúa ban cho đặc ân khỏi tội nguyên tổ từ khi ông còn là bào thai nhảy mừng trong bụng mẹ khi được Đức Maria viếng thăm.(x. Lc 1,39-45). Ngoài Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ có Gioan Tiền Hô là vị thánh được Giáo hội mừng kính vào ngày sinh nhật (24/6) và ngày qua đời của mình (29/8). Tất cả chúng ta, khi mở mắt chào đời, đều mang theo mình tội nguyên tổ. Nếu lập nhiều công phúc ở trần gian mà về trời hiển thánh thì mới được mừng lễ vào ngày qua đời (ví như ngày sinh nhật tại nước trời) như bao vị thánh. Còn thánh Gioan lại được Giáo hội mừng cả lễ sinh nhật trần gian và sinh nhật nước trời nhờ đặc ân cao cả này.

Được Thiên Chúa tuyển chọn, Gioan đã thi hành sứ vụ của mình bằng những hành động dấn thân tích cực. Ngay từ khi thơ ấu, theo tiếng Chúa gọi, ông đã sống đời ẩn dật cầu nguyện trong hoang địa, tức vùng đồi núi Giu-đê. Đời sống vật chất khắc khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Nhưng càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cuộc sống trong hoang địa đã tôi luyện cho ông chú tâm lắng nghe và thực hiện ý Chúa. Tâm hồn ông luôn hướng về Đấng cứu thế mà ông sẽ phải làm kẻ "dọn đường". Ông là vị ngôn sứ cuối cùng và cao cả của Cựu ước (x. Lc 1,76; Mt 11,9), là chứng nhân đầu tiên của Đức Giêsu Kitô.

Như lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a, Gioan Tiền Hô đã xuất hiện trong hoang địa, đi rao giảng khắp vùng sông Gio-đan kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và chịu phép rửa để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông để được nghe giảng dạy. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong nước sông Gio-đan. Ngay Đức Giêsu cũng nhận lãnh phép rửa sám hối từ tay ông và tuyển chọn những môn đệ đầu tiên của mình từ những môn đệ của ông.

Danh tiếng của Gioan đã khiến một số người Do Thái lầm tưởng ông là Đấng cứu thế mà dân chúng hằng mong đợi, nhưng ông khiêm tốn trả lời: "Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16).

Trong suốt cuộc đời, Gioan luôn luôn khiêm tốn nhận mình nhỏ bé. Chính ông tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, là người tiền hô cho Đấng cứu thế đang đến. “Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. (Ga 1,23). “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." (Ga 1,27). Và trong lời chứng cuối cùng của mình về Đức Giêsu, Gioan đã đưa ra khẩu hiệu “Illum oportet crescere, me autem minui” (Ngài phải được nâng lên, còn tôi phải hạ xuống) (Ga 3,30).

Khẩu hiệu này đã trở thành lý tưởng, là luật sống cho các cộng đoàn và mỗi người nhận thánh nhân làm quan thầy. Đối với người Kitô hữu sống là sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa. Vì vậy trong cuộc sống, ta phải không ngừng “gạn đục, khơi trong”; chấp nhận gọt tỉa và vứt bỏ những gì là thừa thãi trong “cái tôi” để khuôn mặt Đức Kitô luôn nổi bật, tỏa sáng trên mỗi khuôn mặt chúng ta.

Mừng sinh nhật thánh Gioan, Giáo hội cũng mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại ơn gọi làm ngôn sứ của mình từ ngày được tái sinh trong phép rửa tội. Trong ngày đó ta cũng đã lãnh nhận ngọn nến sáng với sứ mệnh “tiền hô” của Đáng cứu thế lan tỏa cho nhân gian. Dù sống trong hoàn cảnh nào, ánh sáng của người Kitô hữu chúng ta “phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16).

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho Thánh Gioan tiền hô những đặc ân để chuẩn bị cho Chúa một dân tộc thánh thiện. Thánh nhân đã giúp cho những người đương thời ăn năn sám hối, chịu phép rửa để được ơn tha tội và đón tiếp Chúa. Xin cho những quanh co, vòng vo trong lòng chúng con được nên ngay thẳng; những mấp mô, lấn cấn trong tâm hồn được san cho phẳng để chúng con trở nên công cụ giúp người khác gặp được Chúa.

Xin cho chúng con được tiếp bước theo con đường của thánh nhân: làm chứng và rao giảng Tin Mừng với tinh thần khiêm hạ không khua chiêng, đánh trống. Cho chúng con biết mỗi ngày tự hạ mình xuống để làm tôn vinh Chúa trong những khi thành công hay thất bại. Xin cho chúng con dù ở trong hoàn cảnh nào, bậc sống nào vẫn luôn luôn khắc ghi trong lòng phương châm sống đã được hun đúc qua khẩu hiệu bao quanh ngọn lửa của cây nến Phục Sinh: "Illum oportet crescere”.

 
Thánh Thể, bài học yêu thương
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
01:37 21/06/2019
Có một thực tế dù rất nghịch lý, nhưng vẫn diễn ra không ngừng và dường như ngày càng lan rộng. Nghịch lý đó là, ai cũng muốn sống yêu thương và muốn được yêu thương, nhưng lòng người và thế giới lại thiếu tình yêu quá nhiều.

Thế giới đầy dẫy hận thù, chiến tranh, đau khổ, tàn ác, bạo lực, đói khát, bất công... Mãnh lực sự chết như ngày càng gia tăng, làm suy yếu và hủy diệt sự sống, hủy diệt phẩm giá con người.

Tình yêu, thứ mà ai cũng cần, thậm chí tối cần cho từng người, lại là thứ khó đạt đến mức lạ thường.

Nhưng cho dù lòng người và thế giới càng nhiều nghịch lý, và nghịch lý càng lớn bao nhiêu, người Kitô hữu càng được mời gọi dấn thân phục vụ cho những giá trị cao cả của tình yêu, phục vụ cho hòa bình, cho sự thăng tiến đời sống của anh chị em bấy nhiêu.

Ngày lễ Mình Máu Chúa Giêsu, ta được dẫn tới để theo học ngôi trường yêu thương phục vụ của Người. Chúa từng khẳng định về sự yêu thương phục vụ ấy: "Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".
Trong những năm truyền giáo, Chúa Giêsu cũng từng nói: "Ta sống giữa anh em như người phục vụ".

Vì luôn hiểu mình đến trần gian để phục vụ, Chúa Giêsu đã chấp nhận sinh ra, sống, và nhất là chấp nhận chết trong sự nghèo khó, khổ nhục, cả đến tủi nhục nhằm nêu gương lớn cho chúng ta về tình yêu phục vụ đối với anh chị em của mình.

Ngày lễ Mình Máu Chúa Giêsu còn là ngày lễ đặc biệt dạy ta về tình yêu hy sinh, tình yêu tha thứ, tình yêu nâng đỡ, tình yêu thương xót, tình yêu tự hạ, tình yêu cảm thấu, tình yêu đồng sớt chia... theo gương Thiên Chúa, Đấng đã trao ban Con Một của Người để thực hiện muôn mặt, muôn chiều kích của tình yêu mà Thiên Chúa muốn tuôn đổ cho loài người.

Trên thế giới này, nếu mỗi ngày, mỗi người chỉ cần học lấy một phần hay một phương diện của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình thôi, chắc chắn thế giới sẽ hòa bình, nhân loại sẽ sống trong trật tự. Sống tình yêu của Thiên Chúa, thì tình người, công lý và chân lý sẽ được vinh danh.

Ngày lễ Mình Máu Chúa Giêsu, nhắc nhở về tình yêu của Thiên Chúa, để từng người, nhất là các Kitô hữu, ý thức mà nỗ lực luôn luôn học lấy tình yêu ấy, để chỉ sống với nhau bằng tình yêu, nhằm mang lại hòa bình, hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh.

Trong ngày lễ Mình Máu Chúa Giêsu, chúng ta hãy đến sấp mình trước Thánh Thể của Chúa mà cầu xin cho mình biết bắt chước Chúa, "cắm lều" ở giữa nhân loại, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, nhất là đối với những người đau khổ, nghèo khó, những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, những người bị chà đạp nhân phẩm.

Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho bản thân ta ý thức rằng, hằng ngày có biết bao nhiêu cơ hội để ta phục vụ, từ đó ta biết tận dụng từng khoảnh khác của đời sống mà mang lại mọi điều tốt đẹp cho mình, cho thế giới xung quanh.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thể cho chúng ta biết đến với tha nhân không phải chỉ bằng tình cảm, lời nói, nhưng còn bằng cả thái độ và hành động của lòng yêu thương.

Để thế giới bới đi những ngăn cách, bớt đi những hận thù, giết chóc, bớt đi những tàn bạo, những bất công..., không phải ngồi chờ bất cứ một thay đổi lớn nào chung chung từ đám đông, nhưng là ngay lập tức, mỗi một người hãy hành động, hãy đưa bàn tay ra mà kiến thiết, mà thực hành yêu thương theo khả năng và cách thức của mình.

Đừng lo khả năng của ta giới hạn, ta chẳng biết làm gì, chẳng biết cộng tác với ai. Điều trước tiên không phải là nhìn vào mình, nhưng hãy siêng năng rước Chúa Thánh Thể vào lòng, hãy thờ lạy Người, chấp nhận kết hợp với Người và thường xuyên cầu nguyện trước tôn nhan Người. Lúc bấy giờ tình yêu của Chúa sẽ cho ta sáng kiến, sẽ dạy ta hành động, sẽ đưa ta đi trên những đại lộ của dấn thân, của phục vụ mà chính Người đã đi và muốn ta bước theo.

Một điều duy nhất cần phải nhớ: Trước khi chờ thế giới thay đổi, chính ta hãy nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để có thể thay đổi chính mình và gieo sự thay đổi ấy đến bất cứ nơi đâu ta hiện diện.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:05 21/06/2019

12. Khi ma quỷ không thể dùng khinh mạn làm nhục để cám dỗ chúng ta cụt hứng thất vọng, thì nó sẽ dùng sự tôn vinh để cám dỗ chúng ta thành kẻ kiêu ngạo.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:09 21/06/2019
50. CƯỚP NHẦM EM GÁI VỢ

Hai nhà nọ có con trai con gái, thông qua bà mối kết hợp làm thông gia.

Vì nhà trai nghèo nhà gái giàu nên nhà trai sợ “đêm dài nhiều mộng”, thế là chọn một ngày để cưỡng hôn thành thân rồi cõng con gái người ta mà chạy, chẳng ngờ cõng nhầm em gái của vợ.

Nhà gái gấp gáp đuổi theo la lớn:

- “Cướp nhầm rồi !”

Em gái vợ bị cõng trên lưng vội vàng nói:

- “Đừng nghe nó, không nhầm đâu không nhầm đâu ! Chạy mau lên, chạy mau lên !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 50:

Cưỡng hôn thì cũng giống như ăn cướp vậy.

Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su và thuộc về Ngài, cho nên có thể nói là chúng ta đã “kết hôn” với Ngài và chỉ thuộc về Ngài mà thôi, đó là một hồng ân và diễm phúc lớn của chúng ta –những người Ki-tô hữu.

Ma quỷ thường đi “cưỡng hôn” bắt ép chúng ta phạm tội, lương tâm lên tiếng kêu gọi chúng ta chống lại ma quỷ, nhưng nó vẫn thành công vì chúng ta đã khuyến khích và cổ võ nó: “Đừng nghe nó (lương tâm), phạm tội đi phạm tội đi...”

Có một vài người Ki-tô hữu biết rằng mình bị ma quỷ “cưỡng hôn” sống với nó trong tội, nhưng vẫn cứ hãnh diện với mọi người vì nghĩ rằng: hưởng thụ cho sướng cái thân, tội gì chứ ?

Tội nghiệp thay cho người bị ma quỷ “cưỡng hôn” mà vẫn sống vui vẻ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Dẩn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa C 23.6.2019
Lm Francis Lý văn Ca
16:50 21/06/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ kính Mình Máu Chúa Kitô. Lễ nầy cũng như lễ Chúa Ba Ngôi là những lễ kéo dài của Mùa Phục Sinh. Lễ kính Mình Máu Chúa Kitô là lễ diễn tả giao ước của Chúa đối với nhân loại qua việc Chúa hiện diện trong phép Thánh Thể.

Thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay, muốn đả phá một thói xấu của tín hữu thời xưa, khi họ tụ tập lại để tham dự bữa tiệc Thánh Thể, có những cử chỉ và hành động phân chia giai cấp giàu nghèo... Qua cử chỉ nầy, họ xúc phạm đến ý nghĩa thiêng liêng của Bí Tích mến yêu.

Hôm nay, ngày bổn mạng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam. Chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam được tràn đầy ơn thiêng lãnh nhận nơi nguồn sống Thánh Thể Nhiệm Mầu.

Ngày lễ hôm nay cũng là bổn mạng của Quý Thứa Tác Viên Giúp Lễ và Đặc Biệt của Bí Tích Thánh Thể trong Cộng Đoàn dân Chúa. Họ đang phục vụ Bàn Thánh, trao ban Mình Thánh Chúa cho Cộng Đoàn dân Chúa, hay đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, những người ốm đau liệt lào....

Chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho tất cả những thừa tác viên mới cũng như đang phục vụ, với ơn Chúa ban, họ sẽ tiếp tục chu toàn trách vụ mà họ đã nhận lãnh từ Giáo Hội Mẹ Thánh.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Melkisêđê là vua xứ Salem, đã dâng tiến vị thượng tế rượu và bánh. Ông đã được chúc lành. Bánh rượu của thời Cựu Ước tượng trưng cho Mình Máu Chúa Kitô của Thời Tân Ước.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô nhắc lại việc rước Mình Máu Chúa là chúng ta loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô Chết và sống lại cho đến ngày Ngài đến lần thứ hai.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa đã nuôi dưỡng dân Dothái bằng phép lạ bánh và cá hóa nhiều. Ngày nay Chúa vẫn tiếp tục nuôn dưỡng Dân Thánh bằng chính Bánh Hằng Sống.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị em thân mến,
Lề luật Chúa ban trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh:"Các con hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương các con". Chúng ta cầu xin Chúa trợ giúp để tình yêu đó được triển nở nơi mỗi người trong chúng ta:

1. Xin Chúa cho mỗi lần ăn bánh và uống rượu thánh, chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang. Chúng ta cùng ngiuyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa chúc lành cho Đoàn Thiếu Nhi Tháh Thể, Quý Thừa Tác Viên Giúp Lễ cũng như Các Thừa Tác Viên Đặc Biệt của Bí Tích Thánh Thể nhân ngày bổn mạng hôm nay. Chúng ta cùng ngiuyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là nguồn trợ lực cho mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành ttiến về Nhà Cha. Chúng ta cùng ngiuyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta ý thức sự cần thiết của việc năng lãnh nhận Bánh Thánh Thể, để mỗi lần tham dự thánh lễ chúng ta sốt sắng đón rước Chúa vào chính tâm hồn của chúng con. Chúng ta cùng ngiuyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn mồ côi. Xin cho thần linh Thánh Thể mà họ đã nhận lãnh trong cuộc lữ hành sẽ giúp họ đủ sức tiến vào tham dự tiệc cưới trên nước trời. Chúng ta cùng ngiuyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã dưỡng nuôi chúng con bằng Mình Máu Chúa. Xin giúp chúng con luôn canh tân cuộc sống, mỗi ngày gần Chúa hơn, kết hợp mật thiết với Chúa qua việc năng rước Mình Máu Thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Lễ Mình Máu Chúa : Bữa ăn chung
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:18 21/06/2019
Lễ Mình Máu Chúa : Bữa ăn chung

Tối thứ bảy, 2-6-2012, 350 ngàn người thuộc các gia đình năm châu đã tham dự lễ hội chứng từ do ĐTC Benedicto chủ tọa bắt đầu từ lúc 8 giờ rưỡi tại Công viên Bresso ở mạn bắc Milano, Italia.

Trong lễ hội này, dưới bầu trời dịu mát, đã có phần trình bày chứng từ, xen lẫn 5 câu hỏi được nêu lên với các câu trả lời ứng khẩu của ĐTC và các bài ca điệu vũ được trình diễn.

Mở đầu, bé gái Cát Tiên 7 tuổi, trong chiếc áo dài màu đỏ, đầu đội khăn đóng, cầm bó hoa đến cắm trước ảnh Thánh Gia, và em tiến đến trước ĐTC để chào ngài và nói (bằng tiếng Anh):

”Con chào Đức Giáo Hoàng, con là Cát Tiên, con đến từ Việt Nam. Năm nay con 7 tuổi và con muốn giới thiệu với Đức Giáo Hoàng gia đình con: đó là ba con tên là Đang, và mẹ con tên là Thảo, và đó là em con tên là Bình. Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo Hoàng và hồi Đức Thánh Cha còn bé như con..

”Cám ơn con rất yêu quí, và cha mẹ con.. Cha chân thành cám ơn. Con hỏi cha kỷ niệm về gia đình cha như thế nào: có nhiều lắm. Cha chỉ muốn nói ít điều. Đối với gia đình cha, điều rất quan trọng là Chúa Nhật, và Chúa Nhật thì bắt đầu ngay từ chiều thứ bẩy. Ba của cha vẫn đọc cho con cái các bài đọc của ngày lễ Chúa Nhật, rút từ cuốn sách rất phổ biến bấy giờ ở Đức, trong đó cũng có những giải thích về các bài đọc. Và thế là Chúa Nhật bắt đầu: gia đình cha đã bước vào phụng vụ trong một bầu không khí vui mừng. Ngày hôm sau, cả gia đình cha đi lễ.

“Và trong gia đình thì dĩ nhiên điều quan trọng là dùng bữa chung với nhau. Trong gia đình cha vẫn thường ca hát nhiều: anh của cha là một nhạc sĩ giỏi, sáng tác nhạc ngay từ nhỏ cho cả gia đình, và cả nhà cha đều hát.

“Và dĩ nhiên là gia đình cha cũng đi chung với nhau, đi bộ; nhà cha gần một khu rừng và vì thế đi bộ trong rừng là điều rất tốt: có những cuộc phiêu lưu và các trò chơi nữa, cùng những thứ khác.

“Thú thực là khi cha tìm cách tưởng tượng xem thiên đàng như thế nào, cha luôn hình dung ra thời cha còn trẻ, thời niên thiếu của cha. Trong khung cảnh tín thác, vui mừng và yêu thương như thế, gia đình cha thật là hạnh phúc và cha nghĩ rằng thiên đàng cũng giống như trong thời niên thiếu của cha. Theo nghĩa đó, cha hy vọng được ‘đi về nhà’, đi sang phần bên kia của thế giới.”

Trong 4 điểm trên ta sẽ nhắc lại 2 điểm và dừng lại chỉ 1 điểm thôi, phù hợp với lễ Mình Máu Chúa hôm nay.

Điểm 1 là cầu nguyện chung. Linh mục Pê-tanh đã nói: “Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau”. Việc cầu nguyện chung trong gia đình sẽ củng cố mối dây hợp nhất mọi thành phần với nhau mỗi ngày một thêm bền chặt. Đi lễ chung cũng là một cách cầu nguyện chung.

2. Ngoài việc cầu nguyện chung trong gia đình, cha Gioan Tô-mát, dòng Tên đã nhấn mạnh một khía cạnh khác, cũng quan trọng không kém, đó là việc dùng cơm chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau.

Bữa ăn chung trong gia đình có một tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó mà ngày nay nhiều người đã bỏ quên hoặc không quan tâm cho đủ. Bữa ăn chung trong gia đình làm cho mọi thành phần vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em được hợp nhất với nhau, được dịp chia sẻ những niềm vui, những quan tâm lo lắng của nhau.

“Một gia đình dùng bữa chung với nhau sẽ sống hợp nhất với nhau”, lý tưởng là như thế, nhưng không phải tất cả mọi người, mọi gia đình ngày nay đều có thể thực hiện được lý tưởng cao đẹp này. Nhiều gia đình đã bỏ mất dịp tốt này, mỗi người vội vàng lo cho mình có chút gì vào bụng rồi mau chóng đi lo công việc riêng, mỗi người không còn xếp đặt công việc để có thể tham dự bữa cơm chung trong gia đình nữa

Cha mẹ lo làm việc, xếp đặt đời sống chạy theo công việc nên không còn quan tâm đến việc ăn cơm chung với con cái; phần con cái bận việc với bạn bè hay công việc riêng của mình nên cũng chẳng màng chi đến bữa cơm chung. Mỗi người trong gia đình đều có lý do riêng để không ăn cơm chung với nhau, nhiều gia đình ngày nay tan vỡ có lẽ vì hai lý do: không cầu nguyện chung với nhau và không ăn cơm chung với nhau (ít là 1 bữa trong ngày). Chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình và kiểm điểm theo hai nguyên tắc căn bản trên: cầu nguyện chung và dùng cơm chung.

Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn chung. Chắc chắn Ngài đã từng ăn chung nhiều lần với các môn đệ : những lúc đó đủ diễn tả tình bằng hữu rồi ; giây phút cuối tại sao Ngài không lên đền thờ hoặc đến núi cao để lập bí tích Thánh Thể, mà lại cũng là trong một bữa ăn chung.

Chính vì thế thánh Gioan đã viết: “Ngài đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng”. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Ngài ở đây là việc lập Thánh Thể. Thực vậy, Chúa Giêsu đã ghi dấu đặc biệt của Ngài nơi bữa tiệc này, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau.

Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Chúa Giêsu vừa báo trước cho các môn đệ là Ngài sẽ giã từ thế gian để về cùng Cha. Ngài sẽ phải xa cách họ luôn sao? Không, trong tình yêu thương, Ngài đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Phương thế tuyệt diệu đó là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó Ngài hiện diện thực sự và trải dài sự hiện diện đó đến tận cùng thời gian qua mọi người để ban cho họ những điều tốt lành.

Con người ta ai lại chẳng cần ăn để sống, và khi ăn, ta nhớ tới Chúa Kitô hiện diện, bởi Ngài trở thành của ăn cho chúng ta.

Ta nhớ là khi sống lại, Chúa vẫn ăn : “Có gì ăn không,” họ đưa cho Ngài khúc cá nướng, Ngài ăn trước mặt họ.

Chính trong bữa ăn mà 2 môn đồ trên đường Emmaus nhận ra Chúa. Lúc hiện ra trên bờ hồ Tiberiad, Chúa cũng dọn sẵn bữa ăn cho các ông.

Trong một gia đình kia, vào mỗi chiều thứ tư sau khi người mẹ đi vắng nhà một chút trở về thì đứa con trai được mẹ đem về cho một cái bánh. Đây là chuyện bình thường đối với em trong vài lần đầu. Nhưng qua nhiều lần như thế em lấy làm lạ. Em quyết định tìm hiểu. Chiều thứ tư nọ, sau khi mẹ ra khỏi nhà, em liền lén đi theo sau. Thì ra mẹ đến Nhà thờ để họp mặt các bà mẹ Công Giáo trong họ đạo. Quan sát từ xa, em thấy đến giờ giải lao mỗi bà mẹ được phát cho một cái bánh và một chai nước. Các bà mẹ khác thì vô tư thưởng thức phần của mình. Chỉ riêng mẹ của em sau khi nhìn qua nhìn lại bà vội để cái bánh vào giỏ và chỉ ngồi uống nước.

Lúc ấy, em đã hiểu vì sao mình có được cái bánh vào mỗi chiều thứ tư. Em quay về nhà và cũng như bao ngày khác ngồi chờ mẹ về. Tuy nhiên, tâm trạng của em không còn như trước nữa. Càng nghĩ đến hình ảnh thấy về mẹ bao nhiêu thì em càng cảm thấy thương mẹ bấy nhiêu.

Và người mẹ cũng đã trở về. Em cũng vui vẻ nhận bánh như bao ngày thứ tư khác. Đưa bánh cho con, người mẹ vào nhà tiếp tục công việc của mình. Bà đâu hay biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Em cầm cái bánh hết sức nâng niu và ra góc nhà đứng ăn trong nước mắt vì cảm thấy quá hạnh phúc.

Phải chăng hình ảnh người mẹ này phần nào giúp ta hiểu sâu hơn về tình thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích cao quý này, Người muốn ở lại với chúng ta một cách trọn vẹn và lâu bền hơn.

Bí tích Thánh Thể là một Hy Tế và là một bữa ăn. Trong chuỗi ba năm về chủ đề gia đình của Hội Thánh Việt Nam, chúng ta đang sống “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn” : Ước gì các gia đình, nhất là các gia đình gặp khó khăn biết tái lập lại việc đi lễ Chúa Nhật chung với nhau để dự “Bữa ăn của Chúa”; và về gia đình, có những bữa ăn chung với nhau, không hằng ngày được, thì chí ít, hằng tuần. Được như thế, chắc chắn gia đình sẽ bớt và hết khó khăn để được sống hạnh phúc trong bàn tiệc Nước Chúa. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(góp nhặt và biên tập)

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàng triệu người cung nghinh Mình Thánh Chúa trên các đường phố Âu Châu trong ngày Lễ Corpus Christi
Đặng Tự Do
17:43 21/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 20 tháng Sáu vừa qua. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh rước kiệu rất ngoạn mục Mình Máu Thánh tại các quốc gia Âu Châu với các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, từ năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Tại Köln, thánh lễ Corpus Christi đã được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cử hành tại Kölner Dom, tức là Nhà thờ Chánh Tòa Köln của tổng giáo phận. Người Đức gọi lễ Mình Máu Thánh Chúa là Fronleichnam. Danh từ này vượt ra khỏi biên giới nước Đức và rất phổ biến tại Âu Châu như tại Thụy Sĩ, Áo và Hung Gia Lợi.

Xét về mặt dân số Công Giáo tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất Châu Âu với số người Công Giáo lên đến hơn 2 triệu người.

Thánh lễ đã được diễn ra trước tiền đình nhà thờ vì ngôi nhà thờ lớn này không đủ sức chứa hàng chục ngàn những người tham dự. Cùng đồng tế với ngài còn có 5 Giám Mục trong đó có 3 Giám Mục Phụ Tá và hai Giám Mục đã về hưu.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki kính cẩn cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các đường phố cùng với các Giám Mục, linh mục và đông đảo anh chị em giáo dân trong một đoàn rước đầy mầu sắc.

Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.

Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.

Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.

Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.

Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.

Nhân đây, Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về lịch sử ngày lễ Corpus Christi.

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
 
Sự giả dối tại xã hội Hoa Kỳ ngay nay.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:23 21/06/2019

Tấm ảnh này vạch trần cái giả dối trơ trẽn của những kẻ nhân danh quyền phụ nữ, quyền dân chủ để cướp đi mạng sống của em bé chưa kịp chào đời.

 
Chuyện lạ bốn phương: Linh mục Venezuela dâng lễ thu hút như siêu sao ca nhạc hát
Đặng Tự Do
17:22 21/06/2019
Cha Luis Antonio Salazar, linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn đã rất nổi tiếng sau khi xây dựng một mạng xã hội để rao giảng Kinh Thánh trên Instagram.

Ngài còn nổi tiếng hơn nữa sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống tên độc tài Nicolás Maduro và công khai ủng hộ cho lãnh tụ đối lập Juan Guaido. Ngài tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trong lớp áo dòng của mình. Người ta có thể thấy ngài ban phép lành cho những người biểu tình; và một lúc sau cũng có thể thấy cảnh ngài bị cảnh sát rượt chạy chung với người dân.

Cha Salazar nói:

“Nếu mọi người ra đường, bạn cũng phải ra đường với họ. Như thế, mới gọi là đồng hành”.

Cha Salazar được kể là một người rất đẹp trai. Thực tế là ngài đã từng tham gia vào cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới tại Caracas trước khi đi tu.

Hai năm trước đây, cha Salazar đã bắt đầu sử dụng iPhone của mình để quay một loạt video với tên gọi là “Sống Phúc Âm” một chương trình truyền hình hiện đại về thần học phát vào mỗi thứ Bảy, lôi cuốn hơn 30,000 người theo dõi trên Instagram.

Các video của ngài thường dài không quá một phút thảo luận về một loạt các đề tài như sự bình an nội tâm, cuộc thương khó Chúa Kitô, tội lỗi. Gần đây hơn là các đề tài về công lý và hòa bình cũng như sự tham gia vào cuộc sống chính trị của người Công Giáo.

Các thánh lễ về công lý và hòa bình của ngài mỗi cuối tuần lôi cuốn hàng ngàn những người trẻ là những người thích được chụp hình selfie chung với ngài sau các thánh lễ.

Carol Alvarez, 23 tuổi, sinh viên, người phải cuốc bộ mỗi tuần hơn 10km để tham dự các thánh lễ của cha Salazar trong một nhà thờ treo đầy các ảnh tượng Đức Mẹ, nói.

“Đối với tôi, ngài là linh mục siêu sao nhạc rock, vị linh mục của ngàn năm mới này”


Source:Aleteia
 
Top Stories
Hong Kong religious authorities call for total withdrawal of controversial bill
Églises d'Asie
13:31 21/06/2019
Hong Kong religious authorities have joined the growing pressure of the population. On Wednesday, June 19, in a joint statement, Cardinal John Tong Hon, Apostolic Administrator of Hong Kong and Reverend Eric So Shing-yit, President of the Hong Kong Christian Council, declared that he accepted the public and personal apologies and the head of the Executive and the recognition of its shortcomings, while calling on the Hong Kong Special Administrative Region Government to appease the population by abandoning the extradition bill rather than suspending it and launching investigations. on accusations of violence against protesters.

The communique of Cardinal Tong and Reverend So Shing-yit was published on June 19, the day after Carrie Lam's public apology for his handling of the events - despite the statement of the head of the executive, she rejected calls for the total withdrawal of the bill. She said that the suspension of the bill was tantamount to withdrawing it because it would no longer be debated and passed by the legislature before the end of its term. Yet the statement issued on June 19 insists on going further: "Although the government has made it clear that the extradition bill has already been 'suspended', we still ask that the government make an explicit public statement announcing that the law has been 'withdrawn' in order to meet the high demands of the population. "Cardinal Tong and Reverend So Shing-yit also called on the Hong Kong Special Administrative Region government to "launch an independent and thorough investigation into the clashes between the police and demonstrators on June 12 to serve as a lesson in the future. " For its part, the Hong Kong Conference of Six Religious Leaders, which includes Catholic, Protestant, Buddhist, Taoist, Muslim, and Confucian representatives, also issued a statement to accept Carrie Lam's apology. In their statement, they also ask people to return to their daily routine to end the crisis, while calling on the government to indulge against the protesters arrested.

The Anglican Church of Hong Kong has also issued a letter to the faithful on recent events, commending the youth for its action for the good of society. Biddy Kwok, chairman of the Justice and Peace Commission of Hong Kong, believes that only the resignation of Carrie Lam can put an end to the social conflict. "Even though she apologized, she did not admit any fault and she refused to withdraw the bill. She only said that she would do better during the next three years of her term ",he added. Christians played a visible role against the controversial bill. After Sunday's demonstration on June 16, which took two million people into the street, Bishop Joseph Ha Chi-shing, Auxiliary Bishop of Hong Kong, participated in a prayer time organized by the young people in front of the Legislative Council. Hong Kong, in the presence of hundreds of Christians. Wong Siu-tung, a spokesman for a group of Christian pastors, also called on the government to resolve the situation by saying that to allow a return to normal, the latter "must take concrete measures, because the rivalry has was provoked by the government, not by the citizens, " believing that Carrie Lam " apologized but did not support them with concrete actions ".

(Églises d'Asie - le 20/06 /2019, With Ucanews and South China Morning Post, Hong Kong)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phẩm giá của Ki-tô hữu
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
09:02 21/06/2019
Ki-tô hữu là người có một phẩm giá cao quí. Phâm giá này phát xuất từ Đức Ki-tô, Đấng vừa là người, lại vừa là Chúa. Là người, vì Đức Ki-tô là con Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và là Con Đức Chúa Cha (Mc 1,11 ), là Chúa vì là Ngôi Hai Thiên Chúa

Ki-tô hữu phát xuất từ Đức Ki-tô, vì những ai đã lãnh Phép Rửa thì thuộc về Người và mang danh Người. Vì vậy, họ được gọi là Ki-tô hữu. Danh xưng này được dân chúng ở An-ti-ô-khi-a tặng cho họ vào thời bấy giờ.: “Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu”.(Cv 11,26) Sở dĩ như vậy, vì họ là những người đã theo Đức Ki-tô và sống theo lời giảng dạy của Người.

Chắc hẳn vì những lý do trên, nên Đức Giáo Hoàng Lê-ô Cả đã nói trong một bài giảng lễ Giáng Sinh rằng : “Hỡi các Ki-tô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, nên đừng để mình bị thoái hóa do việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua…Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và Nước của Thiên Chúa.” (PVCGK quyển 1 Giờ Kinh Sách bài đọc 2, trang 366)

Thiết tưởng đôi khi cũng phải nhắc lại phẩm giá này, vì có nhiều người chưa biết hay đã quện mà hóa ra mặc cảm, sợ hãi hay coi thường, trong khi phải nhớ kỹ và lấy làm hiên ngang một cách chính đáng và không ngại ngùng nhận mình là Ki-tô hữu, đồng thời can đảm khi phải tỏ mình ra là như thế.

Đã có những thời, những lúc Ki-tô hữu bị mạ lỵ và vu khống cho đủ điều. Những điều này Đức Giê-su đã báo trước và dạy rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những gì chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.” (Ga 15, 18-21)

Ki-tô hữu bị ghét không phải vì họ là những người xấu xa, tuy trong số họ cũng có những người như thế, nhưng chỉ vì họ là những người sống theo lời dạy của Đức Ki-tô. Mà những lời này thường đi ngược lại với cách sống và lối suy nghĩ của người đời và vô hình trung trở thành một động cơ gián tiếp cảnh cao họ. Do đấy, một tác giả vô danh ở thế kỷ II sau Công Nguyên, đã viết : “Linh hồn ở trong thân xác, nhưng không do thân xác thì các Ki-tô hữu cũng ở trong thế gian, nhưng không bởi thế gian… Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm gì hại cho xác thịt mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú. Thế gian cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy” (Thư gửi ông ông Đi-a-nhê-tô).

Biết thế, Ki-tô hữu cần phải kiên trì đón nhận khi gặp những sự thù địch và bạc đãi từ phía những kẻ ghen ghét mình, vì ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ (Mt 1 2,22), và Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh (Mt 11,12), Sức mạnh ở đây là sự can đảm chống lại các sự đối kháng của thế gian do bả vinh quang, quyền lực và các thú vui vật chất cùng với sự quyến rũ của tiền bạc.

Phẩm giá thì cao quí, nhưng Ki-tô hữu, người được hưởng, nhiều khi lại kkông biết quí trọng cho đủ. Vì thế, đây là lúc phải nghĩ lại mà tìm hiểu kỹ hơn về phẩm giá của mình để quí trọng và bảo toàn vẻ đẹp và sự cao quí đó. Phẩm giá này không hệ tại sự giầu sang hay địa vị trong xã hội mà là của chung dành cho mọi người mang danh là Ki-tô hữu. Nó còn tạo thành một sự bình đẳng trong cộng đoàn phụng vụ, và biến các các Ki-tô hữu thành anh chị em với nhau trong một đức tin, như lời chào của vị tư tế trong thánh lễ : “Chúa ở cùng anh chị em”.
 
VietCatholic TV
Bài “Hát lên mừng Chúa” bất ngờ trở thành bài hát chính thức trong các cuộc biểu tình ở Hương Cảng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:13 21/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bài thánh ca “Sing Hallelujah to the Lord” – “Hát lên mừng Chúa” của các Kitô hữu đã bất ngờ nổi lên thành một bài hát chính thức trong các cuộc biểu tình ở Hương Cảng thu hút hàng triệu người trên đường phố nhằm chống lại một dự luật dẫn độ.

Các cuộc biểu tình trên khắp thế giới thường hình thành các bài hát chính thức của riêng họ, thường là các bài hát với giai điệu phản kháng và đoàn kết, nhằm mục đích giữ cho đám đông tràn đầy năng lượng và tập trung vào các mục tiêu tranh đấu.

Nhưng bài thánh ca đang được hát vang ở Hương Cảng không nằm trong những trường hợp này.

Trong tuần qua, bài thánh ca đã được nghe gần như không lúc nào ngơi tại địa điểm biểu tình chính, trước Hội đồng Lập pháp của thành phố, và tại các cuộc tuần hành và thậm chí tại các cuộc đối thoại căng thẳng với cảnh sát.

Câu chuyện bắt đầu khi một nhóm sinh viên Công Giáo hát một số bài hát Công Giáo tại địa điểm biểu tình chính, và bài “Sing Hallelujah to the Lord” đã ngay lập tức thu hút đám đông, mặc dù chỉ có khoảng 10% người Hương Cảng theo Kitô Giáo.

Edwin Chow, 19 tuổi, chủ tịch của Liên đoàn sinh viên Công Giáo Hương Cảng cho biết, đây là bài được chọn, vì mọi người dễ hát theo, với một thông điệp đơn giản và giai điệu dễ nghe.

Các sinh viên đã hát các bài hát này trước hết với hy vọng mang lại một tính cách hợp pháp cho cuộc biểu tình. Các cuộc tụ họp tôn giáo có thể được tổ chức mà không cần phải có giấy phép tại trung tâm tài chính thế giới ở vùng viễn đông này.

“Các cuộc hội họp tôn giáo là các trường hợp ngoại lệ, và nó có thể bảo vệ người biểu tình. Nó cũng cho thấy đó là một cuộc biểu tình ôn hòa,” Chow nói.

Bài thánh ca đã được Linda Stassen-Benjamin, người Mỹ, sáng tác vào năm 1974 nhân dịp lễ Phục sinh. Năm từ chính của bài hát được lặp đi lặp lại như một vần thơ tứ tuyệt trong một cung bậc trầm, điều này mang lại cho bài hát một không khí trang nghiêm.

Các cuộc biểu tình trong 10 ngày qua phần lớn là các cuộc biểu tình hòa bình mặc dù cảnh sát vào hôm thứ Tư tuần trước đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.

“Hãy ngừng bắn, nếu không chúng tôi hát ‘Sing Hallelujah to the Lord’”, các tấm biển phản đối viết như trên đã được giơ lên cao sau khi đạn cao su được bắn ra.

Người biểu tình nói rằng các bài hát tôn giáo thường giúp xoa dịu căng thẳng với cảnh sát.

Cha Timothy Lam, 58 tuổi, một linh mục Công Giáo tại Grace Church Hương Cảng, là người đã tham dự cuộc biểu tình với các giáo sĩ khác, nhận xét rằng “Nó có tác dụng làm dịu tình hình.”

“Cảnh sát có rất nhiều thiết bị, họ rất căng thẳng và đang lùng bắt người. Các sinh viên đã hát bài này để cho thấy họ là những người ôn hòa,” Cha Lam nói thêm.

Bà Carrie Lam, hay còn gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga (林鄭月娥, Lam Cheng Yuet-ngor), là Đặc Khu Trưởng Hương Cảng, đã hoãn việc thảo luận dự luật dẫn độ và xin lỗi trước sự phản đối dữ dội của phe đối lập.

Các nhà phê bình cho rằng luật này sẽ làm suy yếu nền tư pháp và pháp trị độc lập của Hương Cảng, được bảo đảm bởi công thức “một quốc gia, hai hệ thống”, được đưa ra khi thuộc địa cũ của Anh bị đặt trở lại thời kỳ cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.

Carrie Lam là người Công Giáo và một số người biểu tình cho biết họ nghĩ rằng việc họ hát bài “Sing Hallelujah to the Lord” có thể giúp cho bà “ăn năn trở lại”.

Jamie, một sinh viên 18 tuổi không theo Công Giáo, cho biết:

“Nói cho cùng, bà ấy cũng là người Công Giáo, và đó là một trong những lý do chính khiến chúng tôi hát bài này.”

Nội dung bài Sing Hallelujah to the Lord, tác giả Linda Stassen-Benjamin, 1974

Sing Hallelujah to the Lord

Sing Hallelujah to the Lord

Sing Hallelujah, sing Hallelujah

Sing Hallelujah to the Lord

Sing Hallelujah to the Lord

Sing Hallelujah

Hallelujah

Sing Hallelujah to the Lord

Jesus is risen from the dead

Jesus is Lord of heaven and earth

Jesus is living in His church

Jesus is coming for His own