Ngày 24-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:29 24/06/2019
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

(Lc 1, 57- 66,80)

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

Xem video và nghe bài giảng

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ cũng đã mang thai đến nay được 6 tháng. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói: “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô: đó là điều không thể bỏ qua.

Thánh Gio-an sinh ra bởi một cụ bà son sẻ, còn Đức Ki-tô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh. Vì không tin Gioan sẽ chào đời, nên người cha đã hoá câm; vì tin Đức Kitô sẽ chào đời, nên Đức Maria đã thụ thai bởi lòng tin. Vậy Gioan xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước, Cựu Ước và Tân Ước. Chính Chúa Giêsu chứng thực: Cho đến thời ông Gioan thì có luật và các ngôn sứ. Vì là đại diện cho thời đại cũ, ông đã được sinh ra bởi hai ông bà già; vì là đại diện cho thời đại mới, ông đã được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ.

Ông Dacaria bị câm, hay im lặng của ông có nghĩa gì nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, và đóng lại cho tới khi Đức Kitô đến rao giảng ? Khi ông Gioan đến thì lời ngôn sứ được mở ra và khi Đấng được tiên báo đến thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng. Lưỡi được mở vì tiếng ra đời. Khi ông Gioan tiên báo về Chúa thì người ta hỏi ông rằng: Ông là ai ? Và ông trả lời: Tôi là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ đã là Lời. Ông Gio-an là tiếng trong thời gian, còn Đức Kitô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu.

Bài Tin Mừng chính ngày lễ nói về sự chọn tên Gioan. Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta: “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Thiên Chúa có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 24/06/2019

15. Kiêu ngạo thật là hung ác, có thể khiến cho thiên thần đẹp tuyệt vời trở thành ma quỷ xấu xí. Khiêm tốn thật là dễ thương, có thể làm cho người ti tiện biến thành thiên thần đẹp tuyệt vời.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 24/06/2019
53. VŨ KHÚC BÁO ĐỨC

Tô Đông Pha có nói: “Xã Hoàng Thường lúc nhỏ đã tích âm tích đức, gặp cái xương khô thì đem chôn, sau đó hồn về báo đức, có lúc tặng bảo kiếm, có lúc tặng tiền”.

Có anh học trò muốn bắt chước Xã Hoàng Thường nên trên đường đi gặp xương khô thì cởi áo dài bọc lại mà đem chôn, bản thân chịu lạnh, đến canh hai, đột nhiên nghe tiếng hồn dưới hiên nhà nói:

- “Tú tài có biết hát khúc ca Lương Châu, Y Châu không ? Nô bộc là đệ tử của khai nguyên trung niên Lê Viên muốn cùng tú tài quay một vũ khúc để tạm thời báo đức !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 53:

Bắt chước cái đức của người khác để cho mình ngày càng tốt hơn đó là chuyện nên làm, nhưng chỉ bắt chước vẻ bên ngoài mà không có cái tâm thành thật bên trong thì chỉ là hình nộm mặc áo mà thôi.

Có người xin lễ đọc kinh cho các linh hồn trong luyện ngục để mong được các linh hồn báo đáp, chứ không thành tâm kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận; lại có người muốn xin lễ cầu cho ông bà cha mẹ vì sợ người ta nói là đứa con bất hiếu cho nên xin lễ mà lại không muốn đi dâng lễ...

Đừng bắt chước vì vụ lợi, nhưng hãy bắt chước để được đổi mới cuộc sống của mình.

Đó là báo phúc vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lễ thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 24/06/2019
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

“Tên cháu là Gio-an”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”. Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1. Cương trực và công chính.

Trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng giữa trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2. Khiêm tốn tự hạ.

Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,

Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo dân phản ứng mạnh sau khi một linh mục bị cáo buộc giết người rồi làm lễ an táng cho người ấy
Đặng Tự Do
06:55 24/06/2019
Một linh mục ở thủ đô Mexico City của Mễ Tây Cơ đã bị bắt vì tội giết người chỉ một tuần sau khi chính ngài đã cử hành thánh lễ an táng cho người quá cố.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc họp báo của công tố viên địa phương Ernestina Godoy về lý do các quan chức tư pháp ở thủ đô Mexico City bắt giữ Cha Francisco Javier Bautista vào ngày 19 tháng Sáu.

Theo bà Ernestina, Cha Bautista bị buộc tội đã giết chết anh Leonardo Avendano Chavez, 29 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học Công Giáo.

Chiều ngày 11 tháng Sáu, anh Avendano đã đến giáo xứ Cristo Salvador, nghĩa là Chúa Kitô Đấng Cứu Độ, để gặp cha Bautista trong một chương trình tìm hiểu về đời sống thánh hiến.

Hai ngày sau đó, anh Avendano được tìm thấy đã chết trong chiếc xe hơi của mình.

Trong cuộc họp báo bà Ernestina giải thích rằng nhà chức trách tình nghi cha Bautista vì những lời khai của ngài với cảnh sát thiếu nhất quán.

Anh chị em giáo dân đã phản ứng rất mạnh, và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Mexico City vì cho rằng với những lý do mong manh như thế mà kết tội cha Bautista giết người thì quá vô lý. Cha Bautista được tin là mới gặp gỡ anh Chavez lần đầu tiên và chẳng có động lực nào để giết anh ta.

Anh chị em giáo dân cho biết họ rất quý mến cha Bautista vì sự tận tụy trong sứ vụ của ngài. Ngoài công việc coi sóc giáo xứ, ngài cũng là một nhà trừ quỷ của tổng giáo phận Mexico City.

Tổng giáo phận đã ra một tuyên bố vào ngày 19 tháng 6, nói rằng giới hữu trách của Giáo Hội đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện và sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra để thực thi công lý.

Thông cáo báo chí của tổng giáo phận viết:

“Cũng giống như phần còn lại của xã hội, Giáo Hội Công Giáo tại Mexico City hy vọng và tin tưởng rằng công việc của các cơ quan phụ trách điều tra và truy tố cần phải có hiệu quả, nghiêm ngặt, tuân thủ luật pháp và tôn trọng nhân quyền của nạn nhân, những người bị tình nghi, các thành viên trong gia đình họ và cả những người cuối cùng bị buộc tội.”

Cha Bautista đã cử hành Thánh lễ an táng cho anh Avendano vào ngày 14 tháng Sáu và trong thánh lễ ngài kêu gọi nhà cầm quyền phải sớm tìm ra hung thủ.

Vụ giết chết anh Avendano đã gây náo động ở Mexico City, nơi dân chúng bắt đầu phẫn nộ và mạnh mẽ chỉ trích chính phủ hiện tại - đã nhậm chức sáu tháng trước - vì sự bất lực của nhà cầm quyền trước tình trạng tội phạm liên tục gia tăng tại quốc gia này.

Từ năm 2012 cho đến nay, ít nhất 24 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Điều lạ lùng là cho đến nay chưa có ai bị bắt trong các vụ sát hại này. Phần lớn các vị bị giết vì lên tiếng tố cáo các băng đảng mua bán ma túy. Các băng đảng này coi Giáo Hội Công Giáo là một trở ngại cho công việc kinh doanh của họ.


Source:Crux
 
Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô tại Casal Bertone, Rôma.
J.B. Đặng Minh An dịch
20:13 24/06/2019


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại ít nhất là 21 quốc gia và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Theo truyền thống, người Công Giáo tham gia vào một cuộc rước qua các đường phố của một khu phố dân cư gần giáo xứ của họ, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể.

Năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tái lập truyền thống rước Thánh Thể long trọng trên các đường phố của Rôma sau một thời gian bị gián đoạn khoảng 100 năm.

Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma từ Thứ Năm sang ngày Chúa Nhật. Năm ngoái, 2018, ngài quyết định hủy bỏ hoàn toàn truyền thống này. Thay vào đó, vào ngày Chúa Nhật 3 tháng Sáu, năm ngoái, Đức Thánh Cha đã đến thành phố duyên hải Ostia, nơi ngài chủ sự thánh lễ và cuộc rước sau đó.

Năm nay, vào chiều Chúa Nhật 23 tháng 6, Ðức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa tại sân trước nhà thờ Ðức Bà An Ủi, ở Casal Bertone, Rôma.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Ngày hôm nay, lời Chúa giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn hai động từ đơn giản nhưng rất thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày: nói và cho.

Động từ thứ nhất là Nói. Trong Bài Đọc thứ nhất, ông Menkixêđê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho tổ phụ Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14:19-20). Đối với ông Menkixêđê, nói là để chúc lành. Ông chúc lành cho tổ phụ Abraham và như thế là chúc lành cho tất cả gia đình nhân loại trên trái đất (x. St 12:3; Gl 3:8). Tất cả bắt đầu từ những lời chúc lành: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử những điều tốt đẹp. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng: trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu làm phép những chiếc bánh: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 9:16). Lời chúc lành biến 5 chiếc bánh thành lương thực cho một đám đông dân chúng, nghĩa là lời chúc lành làm tuôn trào một dòng thác những thiện ích.

Tại sao chúc lành là điều tốt đẹp? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành quà tặng. Khi chúc lành, ta không làm điều đó vì chính mình, nhưng vì tha nhân. Chúc lành không phải là nói những lời hoa mỹ hay những thành ngữ sáo rỗng; nhưng là nói điều tốt, nói với tình yêu. Ông Menkixêđê đã làm như thế, khi ông tự phát chúc phúc cho tổ phụ Abraham, là người chưa hề làm điều gì cho ông. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế, và Ngài chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc chúc lành qua việc phân phát nhưng không những chiếc bánh. Bao nhiêu lần chúng ta đã được chúc lành, trong nhà thờ hay trong nhà của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta đã nhận được những lời khích lệ, hay một dấu thánh giá trên trán? Chúng ta được chúc lành vào ngày được nhận bí tích rửa tội, và chúng ta được chúc lành vào cuối mỗi Thánh lễ. Thánh Thể là trường dạy chúc lành. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, là các con yêu dấu của Ngài, và như thế Ngài khuyến khích chúng ta tiến bước. Và đến lượt chúng ta, chúng ta chúc tụng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta (x. Tv 68:27), trong khi tái khám phá ra rằng niềm vui tạ ơn giải thoát và chữa lành con tim chúng ta. Chúng ta đến với Thánh lễ với xác tín rằng chúng ta được Chúa chúc lành, và đến lượt chúng ta, ra về để chúc lành, để là máng thông truyền điều thiện hảo cho thế giới.

Điều này cũng đúng với chúng ta, là các mục tử. Chúng ta cần tiếp tục chúc lành cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, đừng ngại chúc lành, đừng ngại ban phước cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, hãy tiếp tục chúc lành: Chúa muốn chúc lành cho dân Người; Ngài hạnh phúc khi khiến chúng ta cảm nhận được tình thương mến mà Ngài dành cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta là những người được chúc phúc, chúng ta mới có thể đến lượt mình chúc lành cho người khác bằng chính tình yêu được xức dầu ấy. Thật buồn khi nghĩ đến việc mọi người ngày nay thật quá dễ dàng làm điều ngược lại: họ chửi rủa, coi thường và lăng mạ người khác. Trong cơn điên cuồng chung, chúng ta mất kiểm soát và trút cơn thịnh nộ lên mọi thứ và mọi người. Đáng buồn thay, những người hét lên nhiều nhất và to nhất, những người giận dữ nhất, thường lôi cuốn được những người khác và thuyết phục được họ. Chúng ta hãy tránh bị lây nhiễm thói hung hăng đó; chúng ta đừng để mình bị đánh bại bởi cay đắng, vì chúng ta ăn Bánh chứa đựng tất cả vị ngọt bên trong. dân Chúa thích tán tụng, chứ không thích phàn nàn; chúng ta được hình thành để chúc lành, chứ không phải để càu nhàu. Trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, trước Chúa Giêsu Đấng đã trở thành bánh, một chiếc bánh đơn sơ nhưng chứa đựng toàn bộ thực tại của Giáo hội, chúng ta hãy học cách chúc lành cho tất cả những gì chúng ta có, học cách ngợi khen Chúa, học cách chúc phúc chứ không nguyền rủa tất cả những gì đã dẫn chúng ta đến với khoảnh khắc này, và học cách nói những lời khích lệ người khác.

Động từ thứ hai là “cho”. Như thế “Cho” đi theo sau “Nói”. Tổ phụ Abraham sau khi được ông Menkixêđê chúc lành, “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả mọi thứ” (St 14:20). Chúa Giêsu cũng thế, sau khi dâng lời chúc tụng, Người trao bánh [cho các môn đệ] để phân phát. Điều này cho chúng ta thấy một ý nghĩa rất đẹp: bánh không chỉ là một thứ để tiêu thụ, nhưng còn là một phương tiện để chia sẻ. Thật đáng ngạc nhiên là trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều không đề cập đến việc Chúa hóa bánh ra nhiều như thế nào. Ngược lại, các động từ nổi bật được sử dụng là “bẻ ra”, “trao cho”, và “phân phát” (x. Lc 9:16). Tóm lại, dấu nhấn ở đây không phải là việc hóa bánh ra nhiều, nhưng là hành động chia sẻ. Đây là điều quan trọng: Chúa Giêsu không làm ảo thuật, không biến 5 chiếc bánh thành 5 ngàn rồi nói: “Xong rồi đó! Chia nhau đi”. Không. Trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện, làm phép 5 chiếc bánh rồi bắt đầu bẻ ra, trong niềm tín thác nơi Chúa Cha. Và 5 chiếc bánh không cạn kiệt. Đây không phải là ảo thuật nhưng là hành vi tin tưởng vào Chúa và ơn quan phòng của Người.

Trong thế giới này, chúng ta luôn cố gắng làm gia tăng lợi nhuận, làm tăng thêm thu nhập. Nhưng tại sao? Là để trao ban, hay để chiếm hữu? Để chia sẻ hay để tích lũy? “Nền kinh tế” của Tin Mừng được nhân lên thông qua việc chia sẻ, được nuôi dưỡng thông qua việc ban phát. Nền kinh tế của Tin Mừng không nhằm làm thỏa mãn sự tham lam của một thiểu số, nhưng mang lại sự sống cho toàn thế giới (x. Ga 6:33). Động từ Chúa Giêsu sử dụng không phải “có” nhưng là “cho”.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ một cách thật quyết đoán rằng: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Chúng ta có thể tưởng tượng những ý nghĩ đã đi qua trong đầu các môn đệ khi các ngài nói: “Chúng ta không có bánh cho chính mình, tại sao lại phải nghĩ đến người khác? Nếu họ đến để nghe Thầy của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại phải cho họ ăn? Nếu họ không mang theo thức ăn thì họ trở về nhà, đó là chuyện của họ, hay họ đưa tiền rồi chúng ta sẽ mua cho họ”. Nghĩ như thế không sai, nhưng đó không phải là lý lẽ của Chúa Giêsu, Đấng không có những lý lẽ như thế: chính các con hãy cho họ ăn. Mọi thứ chúng ta có bất kể lớn hay nhỏ đều có thể sinh hoa trái nếu chúng ta biết cho đi - đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Chúa làm những điều vĩ đại với sự nhỏ bé của chúng ta, như Ngài đã làm với năm cái bánh. Ngài không làm những phép lạ ngoạn mục hay vung một chiếc đũa thần; Ngài làm với những điều đơn sơ. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng khiêm hạ được tạo thành thuần túy từ tình yêu. Và tình yêu có thể hoàn thành những điều tuyệt vời từ những gì bé nhỏ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta điều này: vì ở đó chúng ta thấy chính Thiên Chúa được chứa đựng trong một mẩu bánh đơn sơ, mỏng manh, được bẻ ra và chia sẻ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta nhận lãnh cho chúng ta thấy mọi việc với ánh mắt của Chúa. Bí tích Thánh Thể truyền cảm hứng cho chúng ta để trao ban chính mình cho người khác. Đây là thuốc giải độc cho những suy nghĩ theo kiểu: “Xin lỗi, đó không phải là vấn đề của tôi”, hay: “Tôi không có thời gian, tôi không thể giúp bạn, nó không phải là việc của tôi”; và những cách hành động ngó lơ đi hướng khác.

Trong thành phố của chúng ta, nơi mọi người khao khát tình yêu và sự chăm sóc, nơi mọi người gánh chịu sự suy thoái và bỏ bê, nơi rất nhiều người già phải sống một mình, nơi có bao gia đình gặp khó khăn, những người trẻ phải vật lộn để kiếm được cơm bánh và thực hiện ước mơ của mình, Chúa nói với mỗi người trong anh chị em: “Các con hãy cho họ một cái gì đó để ăn”. Anh chị em có thể trả lời: “Nhưng con còn ít quá; con không làm nổi đâu.” Điều đó không đúng; cái “nhỏ bé” của anh chị em có giá trị lớn trong mắt Chúa Giêsu, với điều kiện anh chị em đừng khư khư giữ nó cho riêng mình, nhưng đặt nó vào cuộc chơi. Hãy đặt cả chính mình vào cuộc chơi! Anh chị em không đơn độc, vì anh chị em có Bí tích Thánh Thể, là lương thực đi đường, là bánh Chúa Giêsu. Chiều nay cũng thế, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng từ thân mình của Người bị trao nộp vì chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận thánh thể với trái tim, bánh này sẽ tuôn trào trong chúng ta sức mạnh của tình yêu: chúng ta sẽ cảm thấy được chúc lành và được yêu thương và đến lượt mình chúng ta cũng muốn chúc lành và yêu thương tha nhân, bắt đầu từ nơi đây, từ thành phố của chúng ta, từ những con đường mà chúng ta sẽ đi kiệu qua chiều nay. Chúa đến trên các con đường để chúc lành cho chúng ta và để ban cho chúng ta ơn can đảm. Và Ngài cũng yêu cầu chúng ta trở thành lời chúc lành và quà tặng cho những người khác.

Sau Thánh lễ, Đức Hồng Y De Donatis, là Giám quản giáo phận Rôma, đã chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa trên một lộ trình dài 1.2km, qua các con đường chung quanh, kết thúc tại sân vận động San Serena. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ban phép lành Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
James Carroll: “Hãy hủy bỏ chức linh mục”, III -IV
Vũ Văn An
23:57 24/06/2019


III. “Một khai mở nhỏ”

Tuy nhiên, sự kiện Vatican II đã xảy ra, ngược với mọi chống đối mạnh mẽ như trên, đủ để chứng thực niềm hy vọng, cả nửa thế kỷ sau, rằng Giáo hội có thể sống sót cơn suy sụp đạo đức hiện thời của giai cấp lãnh đạo của nó. Đó là niềm hy vọng được khơi dậy bởi sự xuất hiện vào năm 2013 của vị giáo hoàng xuất thân từ Á Căn Đình. Chúng ta sẽ cố gắng quên đi các thất bại rõ ràng của Đức Phanxicô, sáu năm sau khi làm giáo hoàng của ngài, và nhớ lại những gì làm cho những khả thể ban đầu đó trở nên hấp dẫn đến thế, không những chỉ đối với các tín hữu mà còn đối với nhiều người đã từ bỏ tôn giáo.

Với tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc đầu, dường như giống một người đến để giải cứu. Tôi nghĩ đến những lời đầu tiên đơn giản đến ngạc nhiên của ngài từ ban công Nhà Thờ Thánh Phêrô ngay sau khi được bầu: “Fratelli e sorelle, buonasera!” (anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi tối!). Ngài không sử dụng đôi giầy nhung đỏ hay cung điện giáo hoàng. Ngài ôm và hôn đôi chân phồng rộp của một tù nhân Hồi giáo trong nhà tù Rôma và hành hương tới biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ. Ngài mở cánh cửa vào Cuba và đóng lại thứ xung lực Công Giáo cổ xưa muốn cải đạo người Do Thái. Ngài từng lập luận rằng tôn giáo không phải là một doanh nghiệp có tổng số bằng số không (zero-sum enterprise), nghĩa là sự thật của một đức tin phải gây thiệt hại cho sự thật của các tín ngưỡng khác. (ngài nói với một nhà báo “Chủ nghĩa cải đạo là điều vô nghĩa long trọng”). Ngài đã ban hành một thông điệp thúc đẩy việc chăm sóc môi trường hoàn cầu, và mang lại một nền tảng thần học cho nỗ lực này.

Đức Giáo Hoàng khởi đầu như một nhà khoa học, cố gắng giải quyết các giả định cũ về cuộc đụng độ giữa niềm tin tôn giáo và cuộc tìm tòi thuần lý. Nhà hóa học trở thành tu sĩ Dòng Tên có lẽ đã quen thuộc với nguyên tắc thay đổi mô hình (paradigm shift) - tức việc lật ngược bằng chứng mới của khuôn khổ khoa học đang thịnh hành. Các ý tưởng đã thành hình mãi mãi ở trên con đường trở nên bất ổn. Tôn giáo cũng vậy. Đức Phanxicô tin các “điều nền tảng” của truyền thống, đây là lý do tại sao một số lượng lớn người sùng đạo truyền thống nhìn nhận ngài là người của họ. Nhưng ngài tin các điều nền tảng một cách khá lỏng lẻo. Trong cuốn sách “Tên của Thiên Chúa là Lòng thương xót”, Đức Phanxicô khám phá mối liên kết giữa các ý tưởng chuyên biệt có tính tôn giáo và các mối quan tâm mà mọi con người nhân bản đều có chung. Bằng cách công khai đo lường những gì ngài nói, làm và tin so với tiêu chuẩn đơn giản của lòng thương xót – vốn là “thẻ căn cước của Thiên Chúa - Đức Phanxicô luôn vượt qua các giới hạn trong chủ trương của ngài.

Có một chân trời chưa được xác định – ta hãy gọi nó bằng cái tên cũ – của thể thánh thiêng, thể mà con người nhân bản vẫn hướng tới theo bản năng. Nhưng ngày nay niềm khao khát siêu việt như vậy hiện hữu ở bên ngoài các phạm trù duy thần và vô thần. Đức Phanxicô phần nào làm hiệu hướng về phía chân trời đó với một tài hùng biện bẩm sinh. Ngài đưa ra ít thông điệp giải thích hơn là một lời mời khám phá. Đối với Đức Phanxicô, việc hiểu vai trò của ngài không phát xuất từ ý thức hệ (ngài không phải là một người “cấp tiến”) mà từ những mối liên hệ lâu dài và mật thiết với người nghèo và người vô gia cư. Nơi những người bị loại bỏ ở Buenos Aires, ngài đã nhận ra, như chính ngài nói, “mọi người bị bỏ rơi trên thế giới của chúng ta”.

Các nhà phê bình Đức Phanxicô đã tìm thấy nhiều lý do để đẩy lùi các sáng kiến của ngài. Ngài từng bị tấn công bởi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do không giới hạn và bởi những người cuồng tín khinh miệt việc ngài đánh giá cao Hồi giáo. Steve Bannon, cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, đã tấn công Đức Phanxicô vì ngài đã chỉ trích chủ nghĩa dân túy duy quốc gia (và Đức Phanxicô gây phẫn nộ nơi một số giới; ngài bị họ coi như hiện thân của xác tín chống Trump). Nhưng bên trong Giáo hội, sự chống đối quyết liệt nhất phát xuất từ những người bảo vệ chủ nghĩa giáo sĩ trị - cột sống của quyền lực nam giới và là thành lũy chống lại bất cứ sự nới lỏng nào đối với các thực hành tình dục vốn bảo vệ nó. Trong cộng đồng Công Giáo rộng lớn hơn, vấn đề gây chia rẽ là vấn đề cho phép những người ly dị tái hôn được Rước lễ. Vấn đề này đã chia rẽ hàng giáo phẩm một cách nghiêm trọng, và Đức Phanxicô đã đứng về phía những người muốn thay đổi quy luật. Ngài từng nói, “Giáo hội không hiện hữu để kết án người ta, nhưng mang đến một cuộc gặp gỡ với tình yêu thâm căn hay thương xót của Thiên Chúa. Không cho những người đang bị vây khốn niềm an ủi của rước lễ vì một tín lý trừu tượng là tiến gần đến sự tàn nhẫn. Có lần, Đức Phanxicô từng giải thích rằng “Ngay cả khi tôi thấy mình trước một cánh cửa khóa kín, tôi vẫn luôn cố gắng tìm một chỗ nứt, một khe hở nhỏ xíu, để tôi có thể cạy mở cánh cửa đó ra”.

Nhưng cánh cửa đặc thù này - việc rước lễ dành cho người ly dị và tái hôn - đã mở toang hàng loạt các vấn đề được cuộc cách mạng tình dục đặt ra, một cuộc cách mạng đã làm to chuyện các giới hạn của nền thần học luân lý của Giáo Hội cả một thế kỷ nay. Khi trí tưởng tượng Công Giáo, dưới ảnh hưởng của thánh Augustinô, đã quỉ quái hóa sự bồn chồn náo nức tình dục vốn được xây dựng trong thân phận con người, tiết dục (self-denial) được đề xuất như một cách đạt hạnh phúc. Nhưng việc từ bỏ tình dục như một tiêu chuẩn đạo đức đã sụp đổ nơi người Công Giáo, không phải vì các áp lực từ chủ nghĩa duy hưởng lạc của “thế tục” hiện nay mà vì sức nặng vô nhân đạo và phi lý của nó. Cuộc tranh cãi trong hàng giáo phẩm của Giáo hội về ly dị và tái hôn đã dẫn đến một nỗ lực muộn màng muốn bắt nhịp với số lượng lớn lao các giáo dân Công Giáo đã thay đổi suy nghĩ của họ về chủ đề này - bao gồm nhiều người ly dị và tái hôn đơn giản không chịu để mình bị tuyệt thông, bất kể các giám mục nói gì.

Các nhà phê bình Đức Giáo Hoàng, trong số các đồng giáo phẩm của ngài, đã dấn thân vào âm mưu, rao truyền tin đồn, rò rỉ, và công khai thách thức - một cố gắng tập hậu liều lĩnh nhằm làm suy yếu một giáo hoàng bị coi là không đủ cam kết để bảo vệ quyền lực giáo sĩ. Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, trước đây là Khâm sứ Tòa thánh ở Washington, D.C., đã phục kích Đức Phanxicô trong khi ngài đang hành hương ở Ái Nhĩ Lan, công bố một lá thư cho rằng chính Giáo hoàng đã che đậy hành vi lạm dụng của hàng giáo sĩ. Viganò đã phục kích Đức Phanxicô trước đó, trong chuyến ngài viếng thăm Washington năm 2015, bằng cách sắp xếp một cuộc gặp riêng với thư ký tòa án Kentucky, người đã từ chối cấp giấy chứng nhận hôn nhân cho các cặp đồng tính. Viganò được sự hỗ trợ của kẻ thù người Hoa kỳ của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Raymond Burke, người đã hợp tác với Bannon trong việc cổ vũ một trường cánh hữu nhằm đào tạo “các đấu sĩ” thần học ở Ý. Điềm báo trước các sự kiện này là một bức thư của 13 Hồng Y trước thượng hội đồng năm 2015 gửi cho Đức Giáo Hoàng và sau đó bị rò rỉ; bức thư này cảnh báo chống lại bất cứ thay đổi nào về vấn đề ly dị và tái hôn. Các người chỉ trích giống các vị này lo lắng rằng sự thay đổi trong kỷ luật của Giáo hội đối với vấn đề đơn nhất này sẽ dọn đường – cho hàng loạt thay đổi khác liên quan đến vấn đề tình dục, giới tính, và thực sự toàn bộ thế giới quan Công Giáo. Về điều này, những người bảo thủ đúng.

Một lần nữa, tất cả các điều trên chỉ tay vào chính chức linh mục và nền tảng thần học của nó. Đó là mấu chốt của vấn đề. Trong nhiều năm, tôi đã không chịu từ bỏ đức tin của tôi vì các tha hóa của Giáo hội định chế, nhưng giờ đây, các quan chức và điều tra viên tự phục vụ mình của Vatican không phải là vấn đề nữa. Mà là chính các linh mục.

IV. Nền văn hóa bác bỏ

Cơ thể biết khi nào nó yêu, và cơ thể biết khi nào nó bị mắc kẹt vào một điều gì đó vượt quá sức chịu đựng. Vào mùa hè năm ngoái, cơ thể tôi đã biết, khi các tiết lộ ở Ái Nhĩ Lan kích hoạt cả một sự sụp đổ đức tin đau lòng.

Bị thách thức bởi sự ô nhục của đồng minh thân cận của mình, tức Hồng Y Theodore McCarrick của Washington, hiện đã bị cởi áo dòng; bởi các lời cáo buộc, như của Viganò, về sự đồng lõa của mình trong việc che đậy lạm dụng tình dục; và bởi sự đổ nát luân lý của Giáo hội trên khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp ứng bằng cách im lặng, phủ nhận và triệu tập một cách như thường lệ các vị mặc áo đỏ thẫm về Rôma.

Các sự kiện trong các tháng tiếp theo chỉ làm tăng qui mô thất bại của Giáo Hội. Với một sự bình thản làm người ta phát điên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đầu năm nay, đã thừa nhận rằng việc các nữ tu bị các linh mục và giám mục hãm hiếp vẫn là một vấn đề Công Giáo chưa được giải quyết hơn cả. Ở Châu Phi, mà trước đây, AIDS trở nên phổ biến, các linh mục bắt đầu ép các nữ tu trở thành người phục vụ tình dục, bởi vì, là trinh nữ, họ có thể sẽ không mang vi khuẩn HIV. Người ta tường trình rằng các linh mục như vậy thường tài trợ việc phá thai khi các nữ tu mang thai. Đức Phanxicô nói một cách bình thản “Đúng là có nhiều linh mục và giám mục đã làm như thế”. Các nữ tu đã lên tiếng ở Ấn Độ để buộc các linh mục tội hiếp dâm. Hồi tháng Tư, một giám mục đã bị buộc tội hãm hiếp và giam cầm bất hợp pháp một nữ tu, người mà ông ta bị cáo buộc đã tấn công thường xuyên trong hai năm, tại tiểu bang Kerala ở miền Nam. (Vị giám mục này đã bác bỏ các cáo buộc). Nữ tu này nói rằng bà chỉ báo cáo giám mục cho cảnh sát sau khi kêu cứu Giáo quyền nhiều lần nhưng bị phớt lờ.

Hồi tháng Hai, một tường trình của Washington Post cho rằng ở đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã biết về việc giáo sĩ lạm dụng có hệ thống các trẻ em đang ở trong các viện dành cho người điếc ở Argentina, nhiều thập niên trước đây. Khởi đầu, việc lạm dụng được đưa ra ánh sáng không phải bởi các viên chức Giáo hội mà bởi các thẩm quyền dân sự. Các nạn nhân bị điếc báo cáo rằng họ không được khuyến khích học ngôn ngữ ký hiệu, nhưng dấu hiệu bằng tay thường được sử dụng bởi các linh mục lạm dụng là ngón trỏ để trên môi: có nghĩa phải im lặng.

Cùng tháng đó, Vatican đã buộc phải thừa nhận rằng họ đã có những qui thức bí mật đã thiết lập từ lâu để xử lý “các đứa con của những người được tấn phong”. Theo các qui thức này, linh mục nào vi phạm lời khấn sống độc thân và làm cha một đứa trẻ, thì được khuyến khích bỏ chức linh mục để “đảm nhận trách nhiệm làm cha của mình, nhưng không hề bắt buộc phải làm như vậy. Một chuyên gia Vatican tuyên bố rằng việc làm cha một đứa con của linh mục không phải là “một tội ác theo giáo luật”.

Về phần McCarrick, vị Hồng Y này đã bị tòa án Vatican thấy là có tội lạm dụng trẻ vị thành niên và bị trừng phạt bằng cách bị tước mất tư cách giáo sĩ. “Việc bị giáng xuống bậc giáo dân”, đối với các giáo sĩ, vốn được mô tả như tương đương với án tử hình. Sự thực, hình phạt được cho là nhục nhã này chỉ có nghĩa là McCarrick giờ đây chia sẻ địa vị thế tục của mọi người không được tấn phong trên hành tinh này. Ở đây, cũng vậy, chủ nghĩa giáo sĩ trị vẫn đang thống trị: Bởi vì một linh mục bị cởi áo dòng vẫn giữ được ưu thế của mình “về phương diện hữu thể học”, nên sự sỉ nhục hệ ở việc người ta làm cho hữu thể ông xuất hiện và sống như mọi người khác, một điều tự nó cho thấy đẳng cấp giáo sĩ tri nhận hàng giáo dân như thế nào.

Một tín hiệu về điều người ta có thể mong đợi từ cuộc họp các giám mục ở Rôma đã phát xuất vào tháng Hai từ chính Đức Phanxicô, người, vào hôm trước cuộc tụ họp, đã tấn công những người bị ngài gọi là “những kẻ tố cáo”. Ngài nói một cách giận dữ “những kẻ suốt đời buộc tội, buộc tội và buộc tội là... đều là bạn, anh em họ và thân nhân của ma quỷ". Lời công kích kịch liệt bắn lia bắn lịa đó dường như nhắm vào cả các nạn nhân tìm kiếm công lý lẫn các nhà phê bình cánh hữu, những người rõ ràng đã nhắm vào ngài. Tại cuộc họp, các giám mục đã ngoan ngoãn sử dụng các khẩu hiệu như minh bạch và thống hối, nhưng lại không thiết lập các cơ cấu phòng ngừa và giải trình trách nhiệm mới. Một sắc lệnh ban hành hồi tháng 3 làm cho việc tường trình các cáo buộc lạm dụng thành bắt buộc, nhưng nó chỉ áp dụng cho các viên chức của thị quốc Vatican và các nhà ngoại giao của nó, và báo cáo không phải cho chính quyền dân sự mà cho các viên chức khác của Vatican. Đức Phanxicô tuyên bố “một trận chiến toàn diện” chống lại việc giáo sĩ lạm dụng và nói rằng Giáo hội phải bảo vệ trẻ em “khỏi những con sói hung dữ”. Nhưng ngài không nói gì về việc ai nuôi dưỡng những con sói như vậy hay ai thả chúng ra. Tồi tệ hơn, ngài làm chệch hướng bản chất chuyên biệt Công Giáo của nỗi kinh hoàng này bằng cách nhận định rằng việc lạm dụng trẻ em và trục trặc tình dục xảy ra ở khắp mọi nơi, như thể tội ác của hàng giáo sĩ Công Giáo không quá tệ. Xuất hiện như một dấu chấm câu, chỉ một ngày sau khi cuộc họp của Vatican ngưng, là một tường trình đầy đủ từ Úc về vấn đề của Đức Hồng Y George Pell. Trước đây là người đứng đầu ngành tài chính của Vatican và là một trong những cố vấn thân cận nhất của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Pell đã bị kết tội xâm phạm tình dục hai cậu bé giúp lễ trong phòng áo ngay sau khi chủ tế Thánh Lễ.

Ở Châu Mỹ và Châu Phi; ở Châu Âu, Châu Á và Châu Úc, bất cứ nơi nào có các linh mục Công Giáo, đều có những đứa trẻ bị làm mồi và bị liệng qua một bên. Nếu không có các nhà báo và luật sư mở cuộc thập tự chinh, việc lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục Công Giáo vẫn sẽ bị giấu kín, và tràn lan. Một cơ cấu quyền lực chỉ phải giải trình trách nhiệm với chính mình sẽ luôn luôn lạm dụng những kẻ vô quyền. Theo một nạn nhân, Hồng Y Law của Boston, trước khi bị buộc phải từ chức vì hỗ trợ các linh mục săn mồi, đã cố gắng làm anh ta câm miệng bằng cách nại đến ấn tòa thánh thiêng: Ấn tay vào đầu người này, Hồng Y Law nói: “tôi buộc anh, bởi quyền lực tòa giải tội, không được nói với bất cứ ai khác về điều này”.

Một linh mục đã làm điều ấy. Đó là sự công nhận có tính quyết định. Việc lạm dụng trẻ vị thành niên xảy ra ở nhiều nơi, đúng, nhưng sự vi phạm như vậy của một linh mục hiện hữu ở một trật tự khác, và không chỉ đơn giản vì tầm mức hoàn cầu của nó. Đối với người Công Giáo, các linh mục là bí tích sống động của sự hiện diện của Chúa Kitô, được ủy quyền trước hết để truyền phép bánh và rượu, một điều vốn xác định ra linh hồn của đức tin. Biểu tượng này của Chúa Kitô đã xuất hiện để đại diện cho một điều hết sức xấu xa. Ngay khi tôi viết câu này, tôi nghĩ tới những người đàn ông tốt lành mà tôi đã phụ thuộc để thi hành thừa tác vụ linh mục trong nhiều năm, và họ có thể coi kết luận của tôi như sự phản bội của một người bạn. Nhưng sự tha hóa định chế của chủ nghĩa giáo sĩ trị vượt quá mối quan tâm đó, và nỗi lo lắng nên được dành cho các nạn nhân của các linh mục. Sự đau khổ của họ phải là thước đo vĩnh viễn mọi đáp ứng của chúng ta.
Trong khi một số lượng nhỏ các linh mục là những kẻ ấu dâm, thì rõ ràng là một số lượng lớn hơn nhiều đã nhìn đi hướng khác. Một phần, đó có thể là do nhiều linh mục đã tự thấy không thể giữ lời thề độc thân, bất kể là thỉnh thoảng hay liên tục. Những người đàn ông như vậy đã thỏa hiệp một cách sâu xa. Đồng tính hay dị tính, nhiều linh mục hoạt động tình dục tán thành một cơ cấu bất trung bí mật, một âm mưu bất toàn chắc chắn làm suy yếu việc họ tuân giữ luân lý.

Ở bình diện sâu xa hơn, các giáo sĩ Công Giáo có thể chần chừ, không phán xét các đồng nghiệp săn mồi của họ, bởi vì một linh mục, ngay cả khi là một người chính trực hoàn toàn, vẫn luôn dễ bị tổn thương đối với cảm giác thiếu sót đối với lý tưởng bất khả thi: là trở thành một “Chúa Kitô khác”. Trong một hệ thống như vậy, đâu là chỗ dành cho con người nhân bản? Tôi nhớ các bậc thầy tĩnh tâm thường trích dẫn Kinh thánh để khích lệ các linh mục chúng tôi trong những ngày ở chủng viện “phải hoàn thiện, thậm chí như Cha trên trời của anh em là Đấng Hoàn thiện”. Chúng tôi được cho biết, sự hoàn thiện về luân lý là một mệnh lệnh của ơn gọi. Việc một lời nói khéo nhằm đề cao như thế phát xuất từ những người đàn ông rõ ràng không hoàn hảo đã không làm gì được để giảm nhẹ gánh nặng trong lời khuyên. Do kinh nghiệm bản thân, tôi biết các linh mục được mớm lời để bí mật cảm thấy mình không xứng đáng như thế nào. Dù nguyên nhân của nó là gì, nền văn hóa mặc cảm tội lỗi của giáo sĩ về sự thiếu sót đạo đức đã khiến tất cả các linh mục đều im lặng che dấu sự rối loạn sâu xa trong thân phận của mình. Nền văn hóa phụ đó đã có giấy phép, được bảo vệ và cho phép những người đàn ông xấu xa mặc áo thầy tu đó sẵn sàng khai thác người trẻ.

Chính chức linh mục là điều độc hại, và nay tôi thấy chính việc phục vụ của riêng tôi cũng thế. Thói quen nhìn đi chỗ khác đủ phổ quát để giữ tôi ở lại hồi đó. Khi tôi còn là tuyên úy tại Đại học Boston, đồng nghiệp cùng làm việc ở khuôn viên đại học với tôi, tuyên úy tại Học Viện Tiểu bang tại Boston, là một linh mục tên là Paul Shanley, người mà hầu hết chúng ta đã xem như một anh hùng vì việc làm của ông trong tư cách người giải cứu các trẻ bụi đời. Trên thực tế, ông là một kẻ lạm dụng tham lam các trẻ bụi đời và nhiều người khác, sau khi bị tờ The Boston Globe vạch trần, đã thụ án 12 năm tù. Nó ám ảnh tôi vì tôi mù quáng trước sự săn mồi của ông, và do đó đồng lõa trong một nền văn hóa cố ý không biết và bác bỏ.

Một cách xảo quyệt, sự cố ý không biết không chỉ phát xuất từ các giáo sĩ mà cả một số lượng lớn tín hữu. Tôi đã lưu ý đến sự coi thường rộng rãi của người Công Giáo đối với các giáo huấn của Giáo hội về ly dị và tái hôn, nhưng về vấn đề ngừa thai nhân tạo, sự bất đồng của người Công Giáo thậm chí còn bi thảm hơn nữa: đối với hai thế hệ trước đây, như sinh suất của người Công Giáo đã cho thấy rõ, đại đa số thành viên của Giáo Hội đã phớt lờ lệnh cấm trang trọng về luân lý của hàng giáo phẩm - không phải trong tinh thần đối kháng tích cực mà như thể lệnh cấm này không hề hiện hữu. Người Công Giáo nói chung quả đã hoàn thiện hóa nghệ thuật nhìn đi chỗ khác.

Kỳ tới: V. "Thầy ở đó"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Bình, Sàigòn : Tôn vinh Thánh Thể
Martinô Lê Hoàng Vũ
05:40 24/06/2019
Giáo xứ Phú Bình, Sàigòn: Tôn vinh Thánh Thể

“Tôn vinh Thánh Thể là tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, Ngài ở lại với con người”.Đó là tâm tình cộng đoàn giáo xứ Phú Bình suy niệm trong giờ cung nghinh Thánh Thể diễn ra trong khuôn viên nhà thờ.

Xem Hình

Chiều nay Chúa Nhật 23.6.2019 Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô tại Giáo xứ Phú Bình,hạt Phú Thọ TGP.Sài gòn đã long trọng cung nghinh tôn vinh Thánh Thể chung quanh nhà thờ.Lúc 17g cha chánh xứ Gioan B. Trần Văn Trí đã rước Mình Thánh Chúa qua các trạm chầu,cộng đoàn suy tôn thờ lạy suy niệm và chiêm ngắm Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể.Thật vậy,tôn vinh Thánh Thể là tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.Ngài đã hạ mình đến thăm con người,Ngài trở nên lương thực nuôi sống con người,bánh và rượu trở nên Thịt Máu Chúa.Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có sáng kiến tuyệt diệu ở lại với con người.

Các bài suy niệm mời gọi cộng đoàn sống tình yêu thương chia sẻ của bí tích Thánh Thể,cùng nhau xây dựng cộng đoàn giáo xứ trở nên cộng đoàn đức tin và đức ái.

Kiệu Mình Thánh Chúa đi qua 4 trạm chầu,và trạm chầu cuối cùng ở tượng đài Đức Mẹ phù hộ.Sau đó cộng đoàn tiến vào nhà thờ hiệp dâng thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.Cùng đồng tế với cha cha sở Gioan B. Trần Văn Trí có cha Giuse Vũ Văn Quyên, cha Giuse Vương Sĩ Tuấn.Trong thánh lễ chiều này khu đạo Thánh Thể mừng lễ quan thày.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Giáo xứ Tân Việt: Thiếu nhi rước lễ lần đầu
Vinh sơn Trần văn Đẩu
05:47 24/06/2019
“ Ước mong sao các em thiếu nhi cảm nhận được con người yếu đuối, khô khan và nguội lạnh của mình, năng chạy đến với lò sưởi tình yêu đang bừng cháy của Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể…”

Lời chia sẻ trên đây của cha phó Giuse Đỗ đức Hạnh đã giúp 125 em thiếu nhi giáo xứ Tân Việt ý thức được sự hệ trọng trong ngày các em được Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do cha phó Giuse Đỗ đức Hạnh chủ sự diễn ra lúc 7g30 Chúa Nhật 23/6/2019.

Đến hiệp dâng Thánh lễ, còn có sự hiện diện của các phụ huynh và rất đông công đoàn dân Chúa.

Đúng 7g30 các em Rước Lễ lần đầu đón cha chủ tế tiến vào nhà thờ bắt đầu Thánh lễ.

Đầu lễ cha chủ tế nhắn nhủ trước cộng đoàn: ”Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Ki Tô cũng là bổn mạng Gia đình TNTT Tân việt, giáo xứ chúng ta có 125 em Xưng Tội, Rước Lễ lần đầu trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng chúc mừng các em.

Chia sẻ Tin Mừng, cha chủ tế nói: Các em thiếu nhi thân mến, con người cần ăn uống để duy trì sự sống về thể chất, còn về mặt tinh thần cũng vậy, chúng ta cũng phải siêng năng tham dự Thánh Lễ năng rước Chúa và lòng, đó chính là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, chính Mình và Máu Thánh Chúa là thần lương nuôi sống và dẫn đưa chúng ta đến sự song muôn đời với Chúa.

Ước mong sao các em thiếu nhi cảm nhận được con người yếu đuối, khô khan và nguội lạnh của mình năng chạy đến với lò sưởi tình yêu đang bừng cháy của Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên hứa Huynh trưởng. Sau một thời gian tìm hiểu và học hỏi, 17 em chính thức trở thành Huynh Trưởng GLV của gia đình TNTT Giáo xứ tân việt. Xin cho các em luôn gắn bó và sống xứng đáng với lý tưởng mình đã chọn.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể. Đây là thời khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời các em, thời khắc lần đầu tiên các em được đón Chúa và lòng, là dấu ấn rất quan trọng trong đời sống đức tin của các em. Từ nay, các em được gắn bó mật thiết với Chúa Giê su Thánh Thể.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ. Vị đại diện phụ huynh cám ơn 2 cha, quý seur và các anh chi Huynh Trưởng GLV đã hướng dẫn dạy dỗ các em trong suốt thời gian qua.

Một ngày hồng ân lớn lao đến với các em khi các em được kết hợp với Chúa cách mật thiết hơn mỗi khi tham dự Thánh Lễ và Rước Mình Thánh Chúa. Nhờ đó các em được nuôi dưỡng và lớn lên trong nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch sự sống là chính Thánh Thể trào tuôn.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California: Thiếu nhi rước lễ lần đầu
Magarita Nguyễn Phương Lan
06:10 24/06/2019
Chúa Nhật ngày 23/6/2019 tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno thuộc tiểu bang California, Cha Chánh Xứ Giuse Victor Đinh Toàn và Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùngcùng với Hội Thánh hoàn vũ hân hoan Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa và cũng là lễ bổn mạng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trên Toàn Quốc.

Xem Hình

Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ lại việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vựơt Qua trước khi Ngài bước vào cuộc tử nạn. Đây là Bí Tích của tình yêu, hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Trong Thánh Lễ hôm nay, Chúng ta đặc biệt dâng lên Chúa 11 con em của chúng ta trong Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang mà hôm nay lần đầu tiên được diễm phúc rước Chúa vào lòng. Còn niềm vui sướng hạnh phúc nào bằng giây phút này, giây phút linh thiêng và quí báu, Chúa đã thực sự đến viếng thăm linh hồn mỗi con em của chúng talần đầu tiên. Với niềm hân hoan, chúng ta sấp mình thờ lạy Chúa, cùng dâng lên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ. Lạy Chúa! Lòng mơ ước của chúng con bấy lâu, nay đã được toại nguyện.Xin Chúa chúc lành cho các em và cũng như mỗi người chúng ta biết ở lại trong tình thương của Người..

Magarita Nguyễn Phương Lan.
 
Rước Kiệu Mình Thánh Chúa tại giáo xứ CTTĐVN Seattle.
Nguyễn An Quý
06:19 24/06/2019
Tukwila. Hòa chung niềm vui với Giáo Hội hoàn vũ trong ngày mừng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, giáo xứ CTTĐVN có cuộc rước kiệu Thánh Thể vào chiều thứ bảy ngày 22 tháng 6 năm 2019 lúc 5 giờ 30. Chiều thứ bảy, một buổi chiều khá đẹp khi Cao nguyên tình xanh bước vào những ngày của tiết hạ chí, nhiệt độ ngoài trời trên dưới 70 độ F với ánh nắng dịu dàng nên thật tuyệt vời cho một cuộc cung nghinh rước kiệu Mình Thánh Chúa chung quanh khuôn viên nhà thờ.

Xem Hình

Đúng 5 giờ 30 với nghi thức chào kính Mình Thánh Chúa được long trọng cử hành và bắt đầu cuộc rước kiệu. Đoàn rước đuợc dẫn đầu với Thánh Giá nến cao, chiêng trống, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Chúa Hài Đồng, Đoàn Quốc phục, các Đoàn Thể gồm Liên Minh Thánh Tâm, Legio Mariae, Huynh Đoàn Đa Minh, Liên Đoàn Tông Đồ Fatima, Hội Canh Tân Đặc Sủng, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, các Giáo Đoàn Fatima, Mân Côi, Mông Triệu, Mẫu Tâm, La Vang, Mình Thánh Chúa ngự trong hào quang do quý cha thay nhau cung thỉnh và có 4 đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm cầm phong du hầu Mình Thánh Chúa. Đoàn kiệu di hành qua những đoạn đường chung quanh nhà thờ kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ và trở vể nhà thờ lúc 5 giờ 55 phút. Mình Thánh Chúa trở về nhà thờ và được đặt trên bàn Thánh để giáo dân chầu. Giờ chầu khá trọng thể trong sự sốt sắng của toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện kéo dài gần 10 phút và kết tghúc gờ chầu lúc gần 6 giờ để chuẩn bị thánh lễ.

Đúng 6 giờ một ca viên trong Ca Đoàn đọc lời dẫn lễ, lời dẫn lễ vừa dứt, ca đòan hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với linh mục đoàn cung nnghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát ca đoàn.

Mở đầu thánh lễ cha chủ tế Đào Xuân Thành ngỏ lời chào mừng quý xơ, và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện và giới thiệu linh mục đoàn, ngài nói: chúng ta vừa trải qua cuộc cung nghinh Mình Thánh Chúa chung quanh nhà thờ, xin Chúa luôn đồng hành với cộng đoàn Giáo xứ chúng ta, chào mừng quý xơ, quý Giáo Đoàn, Hội Đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện, dâng thánh lễ hôm nay có cha Nguyễn Văn Khải, ngài đến với giáo xứ trong những ngày tĩnh tâm vừa qua, giaó xứ cám ơn cha rất nhiều, cùng đồng tế có cha Miên, cha Lân và Cha Nghiệp, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu ).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ Chúa Nhật Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Tin mừng Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa cho hàng ngàn người được ăn no nê với 2 con cá và 5 chiếc bánh qua câu chuyện sau đây: Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Cha Nguyễn Văn Khải phụ trách giảng lễ. Bài giảng khá phong phú với lối trình bày giản dị đã thu hút cộng đoàn hiện diện lắng nghe một cách chăm chú và suy gẩm về tình yêu của Chúa đối với con người qua nhiệm tích Mình Máu Thánh mà Ngài đã truyền lại trong phép bí tích Thánh Thể. Ngài nhấn mạnh: Chúa yêu thương loài người qúa bội, Chúa yêu thương chúng ta cũng quá bội, trước khi về Trời, Ngài đã để lại dấu ấn tình yêu qua việc truyền lại cho các Tông Đồ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Ngày nay các linh mục tế lễ trên bàn thờ cũng làm lại cử chỉ đó để bánh và rược trở nên mính và máu thánh Chúa. Những ai tin vào Chúa sẽ đón nhận bí tích Thánh Thể làm của ăn nuôi linh hồn. Chúng ta hãy năng đón nhận bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu để được sống với Chúa...ngài nói tiếp: Giáo xứ vừa trải qua cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa chung quanh nhà thờ thật tuyệt vời qua các Giáo Đoàn, Hội Đoàn với đủ các màu sắc rất là đẹp để tung hô Chúa cả trời cao đang ngự trong hình bánh bé nhỏ, bí tích Thánh Thể..." Bài giảng khá dài, nhưng qua cách trình bày thật sống động và khá dí dỏm nên đã tạo cho cộng đoàn hiện diện nhiều trận cười thoải mái và không biết chán.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chánh xứ đã có lời cám ơn cha Nguyễn Văn Khải, ngài nói: trong 2 ngày qua, cha đã đến với giáo xứ chúng con trong những bài giảng Tĩnh Tâm thật giá trị, cha đã đem lại sức sống cho giáo xứ qua việc phân tích về tình yêu của Thánh Tâm, giá trị của việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa qua Phong Trào Tôn Vương Gia Đình. Giáo xứ chân thành cám ơn cha. Xin cho một tràng pháo tay để cám ơn cha. Giáo xứ cũng mời gọi các gia đình nên tham gia việc Tôn Vương Gia Đình mà Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đang vận động, giáo xứ cũng có tượng Thánh Tâm Chúa rất là đẹp, xem chi tiết trong báo Niềm Tin.

Trở lại với cộng đoàn dân Chúa, ngài cám ơn tất cả các ban ngành đã cộng tác với nhau trong việc tổ chức cuộc rước Kiệu Mình Thánh Chúa vừa qua.

Thánh lễ kết thúc lúc 7 giờ 30 với phép lành cuối lễ, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 24/6/2019: Triển lãm ảnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Paris
VietCatholic Network
01:38 24/06/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 23 tháng 6, 2019.

2- Đức Thánh Cha công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Lisbon 2022.

3- Đức Thánh Cha cổ võ nền Thần học Đón tiếp và Đối thoại.

4- Đức Thánh Cha tiếp 500 bác sĩ Công Giáo quốc tế.

5- Đức Thánh Cha khuyến khích Diễn đàn của các Thị trưởng Campania.

6- Hơn 111 triệu Euro giúp các Giáo Hội đau khổ.

7- Các Giám mục Úc châu viếng thăm Tòa Thánh.

8- Những người di cư và tị nạn ‘những đóng góp và những thách đố hiện tại’.

9- Triển lãm ảnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Paris.

10- Hàng triệu người Ba Lan tham gia các cuộc rước kiệu Thánh Thể.

11- Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết: Thập Giá Hòa Bình tiếp tục tồn tại.

12- Giáo hội Hồng Kông đồng hành cùng dân tộc.

13- Một Giám Mục Trung quốc thà bị bách hại chứ không gia nhập Hội Công Giáo Yêu nước.

14- Nhà thờ Thái Hà yêu cầu dừng thi công trên đất của Nhà thờ.

15- Giới thiệu Thánh Ca:.Tiếng Gọi Trong Đêm.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Ðức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô tại Casal Bertone, Rôma.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:26 24/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại ít nhất là 21 quốc gia và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Theo truyền thống, người Công Giáo tham gia vào một cuộc rước qua các đường phố của một khu phố dân cư gần giáo xứ của họ, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể.

Năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tái lập truyền thống rước Thánh Thể long trọng trên các đường phố của Rôma sau một thời gian bị gián đoạn khoảng 100 năm.

Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma từ Thứ Năm sang ngày Chúa Nhật. Năm ngoái, 2018, ngài quyết định hủy bỏ hoàn toàn truyền thống này. Thay vào đó, vào ngày Chúa Nhật 3 tháng Sáu, năm ngoái, Đức Thánh Cha đã đến thành phố duyên hải Ostia, nơi ngài chủ sự thánh lễ và cuộc rước sau đó.

Năm nay, vào chiều Chúa Nhật 23 tháng 6, Ðức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa tại sân trước nhà thờ Ðức Bà An Ủi, ở Casal Bertone, Rôma.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Ngày hôm nay, lời Chúa giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn hai động từ đơn giản nhưng rất thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày: nói và cho.

Động từ thứ nhất là Nói. Trong Bài Đọc thứ nhất, ông Menkixêđê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho tổ phụ Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14:19-20). Đối với ông Menkixêđê , nói là để chúc lành. Ông chúc lành cho tổ phụ Abraham và như thế là chúc lành cho tất cả gia đình nhân loại trên trái đất (x. St 12:3; Gl 3:8). Tất cả bắt đầu từ những lời chúc lành: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử những điều tốt đẹp. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng: trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu làm phép những chiếc bánh: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 9:16). Lời chúc lành biến 5 chiếc bánh thành lương thực cho một đám đông dân chúng, nghĩa là lời chúc lành làm tuôn trào một dòng thác những thiện ích.

Tại sao chúc lành là điều tốt đẹp? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành quà tặng. Khi chúc lành, ta không làm điều đó vì chính mình, nhưng vì tha nhân. Chúc lành không phải là nói những lời hoa mỹ hay những thành ngữ sáo rỗng; nhưng là nói điều tốt, nói với tình yêu. Ông Menkixêđê đã làm như thế, khi ông tự phát chúc phúc cho tổ phụ Abraham, là người chưa hề làm điều gì cho ông. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế, và Ngài chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc chúc lành qua việc phân phát nhưng không những chiếc bánh. Bao nhiêu lần chúng ta đã được chúc lành, trong nhà thờ hay trong nhà của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta đã nhận được những lời khích lệ, hay một dấu thánh giá trên trán? Chúng ta được chúc lành vào ngày được nhận bí tích rửa tội, và chúng ta được chúc lành vào cuối mỗi Thánh lễ. Thánh Thể là trường dạy chúc lành. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, là các con yêu dấu của Ngài, và như thế Ngài khuyến khích chúng ta tiến bước. Và đến lượt chúng ta, chúng ta chúc tụng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta (x. Tv 68:27), trong khi tái khám phá ra rằng niềm vui tạ ơn giải thoát và chữa lành con tim chúng ta. Chúng ta đến với Thánh lễ với xác tín rằng chúng ta được Chúa chúc lành, và đến lượt chúng ta, ra về để chúc lành, để là máng thông truyền điều thiện hảo cho thế giới.

Điều này cũng đúng với chúng ta, là các mục tử. Chúng ta cần tiếp tục chúc lành cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, đừng ngại chúc lành, đừng ngại ban phước cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, hãy tiếp tục chúc lành: Chúa muốn chúc lành cho dân Người; Ngài hạnh phúc khi khiến chúng ta cảm nhận được tình thương mến mà Ngài dành cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta là những người được chúc phúc, chúng ta mới có thể đến lượt mình chúc lành cho người khác bằng chính tình yêu được xức dầu ấy. Thật buồn khi nghĩ đến việc mọi người ngày nay thật quá dễ dàng làm điều ngược lại: họ chửi rủa, coi thường và lăng mạ người khác. Trong cơn điên cuồng chung, chúng ta mất kiểm soát và trút cơn thịnh nộ lên mọi thứ và mọi người. Đáng buồn thay, những người hét lên nhiều nhất và to nhất, những người giận dữ nhất, thường lôi cuốn được những người khác và thuyết phục được họ. Chúng ta hãy tránh bị lây nhiễm thói hung hăng đó; chúng ta đừng để mình bị đánh bại bởi cay đắng, vì chúng ta ăn Bánh chứa đựng tất cả vị ngọt bên trong. dân Chúa thích tán tụng, chứ không thích phàn nàn; chúng ta được hình thành để chúc lành, chứ không phải để càu nhàu. Trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, trước Chúa Giêsu Đấng đã trở thành bánh, một chiếc bánh đơn sơ nhưng chứa đựng toàn bộ thực tại của Giáo hội, chúng ta hãy học cách chúc lành cho tất cả những gì chúng ta có, học cách ngợi khen Chúa, học cách chúc phúc chứ không nguyền rủa tất cả những gì đã dẫn chúng ta đến với khoảnh khắc này, và học cách nói những lời khích lệ người khác.

Động từ thứ hai là “cho”. Như thế “Cho” đi theo sau “Nói”. Tổ phụ Abraham sau khi được ông Menkixêđê chúc lành, “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả mọi thứ” (St 14:20). Chúa Giêsu cũng thế, sau khi dâng lời chúc tụng, Người trao bánh [cho các môn đệ] để phân phát. Điều này cho chúng ta thấy một ý nghĩa rất đẹp: bánh không chỉ là một thứ để tiêu thụ, nhưng còn là một phương tiện để chia sẻ. Thật đáng ngạc nhiên là trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều không đề cập đến việc Chúa hóa bánh ra nhiều như thế nào. Ngược lại, các động từ nổi bật được sử dụng là “bẻ ra”, “trao cho”, và “phân phát” (x. Lc 9:16). Tóm lại, dấu nhấn ở đây không phải là việc hóa bánh ra nhiều, nhưng là hành động chia sẻ. Đây là điều quan trọng: Chúa Giêsu không làm ảo thuật, không biến 5 chiếc bánh thành 5 ngàn rồi nói: “Xong rồi đó! Chia nhau đi”. Không. Trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện, làm phép 5 chiếc bánh rồi bắt đầu bẻ ra, trong niềm tín thác nơi Chúa Cha. Và 5 chiếc bánh không cạn kiệt. Đây không phải là ảo thuật nhưng là hành vi tin tưởng vào Chúa và ơn quan phòng của Người.

Trong thế giới này, chúng ta luôn cố gắng làm gia tăng lợi nhuận, làm tăng thêm thu nhập. Nhưng tại sao? Là để trao ban, hay để chiếm hữu? Để chia sẻ hay để tích lũy? “Nền kinh tế” của Tin Mừng được nhân lên thông qua việc chia sẻ, được nuôi dưỡng thông qua việc ban phát. Nền kinh tế của Tin Mừng không nhằm làm thỏa mãn sự tham lam của một thiểu số, nhưng mang lại sự sống cho toàn thế giới (x. Ga 6:33). Động từ Chúa Giêsu sử dụng không phải “có” nhưng là “cho”.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ một cách thật quyết đoán rằng: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Chúng ta có thể tưởng tượng những ý nghĩ đã đi qua trong đầu các môn đệ khi các ngài nói: “Chúng ta không có bánh cho chính mình, tại sao lại phải nghĩ đến người khác? Nếu họ đến để nghe Thầy của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại phải cho họ ăn? Nếu họ không mang theo thức ăn thì họ trở về nhà, đó là chuyện của họ, hay họ đưa tiền rồi chúng ta sẽ mua cho họ”. Nghĩ như thế không sai, nhưng đó không phải là lý lẽ của Chúa Giêsu, Đấng không có những lý lẽ như thế: chính các con hãy cho họ ăn. Mọi thứ chúng ta có bất kể lớn hay nhỏ đều có thể sinh hoa trái nếu chúng ta biết cho đi - đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Chúa làm những điều vĩ đại với sự nhỏ bé của chúng ta, như Ngài đã làm với năm cái bánh. Ngài không làm những phép lạ ngoạn mục hay vung một chiếc đũa thần; Ngài làm với những điều đơn sơ. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng khiêm hạ được tạo thành thuần túy từ tình yêu. Và tình yêu có thể hoàn thành những điều tuyệt vời từ những gì bé nhỏ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta điều này: vì ở đó chúng ta thấy chính Thiên Chúa được chứa đựng trong một mẩu bánh đơn sơ, mỏng manh, được bẻ ra và chia sẻ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta nhận lãnh cho chúng ta thấy mọi việc với ánh mắt của Chúa. Bí tích Thánh Thể truyền cảm hứng cho chúng ta để trao ban chính mình cho người khác. Đây là thuốc giải độc cho những suy nghĩ theo kiểu: “Xin lỗi, đó không phải là vấn đề của tôi”, hay: “Tôi không có thời gian, tôi không thể giúp bạn, nó không phải là việc của tôi”; và những cách hành động ngó lơ đi hướng khác.

Trong thành phố của chúng ta, nơi mọi người khao khát tình yêu và sự chăm sóc, nơi mọi người gánh chịu sự suy thoái và bỏ bê, nơi rất nhiều người già phải sống một mình, nơi có bao gia đình gặp khó khăn, những người trẻ phải vật lộn để kiếm được cơm bánh và thực hiện ước mơ của mình, Chúa nói với mỗi người trong anh chị em: “Các con hãy cho họ một cái gì đó để ăn”. Anh chị em có thể trả lời: “Nhưng con còn ít quá; con không làm nổi đâu.” Điều đó không đúng; cái “nhỏ bé” của anh chị em có giá trị lớn trong mắt Chúa Giêsu, với điều kiện anh chị em đừng khư khư giữ nó cho riêng mình, nhưng đặt nó vào cuộc chơi. Hãy đặt cả chính mình vào cuộc chơi! Anh chị em không đơn độc, vì anh chị em có Bí tích Thánh Thể, là lương thực đi đường, là bánh Chúa Giêsu. Chiều nay cũng thế, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng từ thân mình của Người bị trao nộp vì chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận thánh thể với trái tim, bánh này sẽ tuôn trào trong chúng ta sức mạnh của tình yêu: chúng ta sẽ cảm thấy được chúc lành và được yêu thương và đến lượt mình chúng ta cũng muốn chúc lành và yêu thương tha nhân, bắt đầu từ nơi đây, từ thành phố của chúng ta, từ những con đường mà chúng ta sẽ đi kiệu qua chiều nay. Chúa đến trên các con đường để chúc lành cho chúng ta và để ban cho chúng ta ơn can đảm. Và Ngài cũng yêu cầu chúng ta trở thành lời chúc lành và quà tặng cho những người khác.

Sau Thánh lễ, Đức Hồng Y De Donatis, là Giám quản giáo phận Rôma, đã chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa trên một lộ trình dài 1.2km, qua các con đường chung quanh, kết thúc tại sân vận động San Serena. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ban phép lành Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.


Source:Libreria Editrice Vaticana