Ngày 01-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/07: Sự sợ hải và lòng tin – Lm. Phêrô Trần Văn Tiến.
Giáo Hội Năm Châu
02:18 01/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.

Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:21 01/07/2024

8. Lao động và cầu nguyện không thể thiên lệch.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:26 01/07/2024
96. DÌ LỚN DÌ NHỎ

Tị Giản Túc có ba cô con gái, con gái lớn gả cho Âu Dương Tu, con thứ nhì gả cho Vương Cùng Thần, về sau Âu Dương Tu chết vợ lại lấy thêm con gái út của Tị Giản Túc.

Anh em cột chèo là Vương Cùng Thần nói đùa:

- “Con rể cũ là con rể mới, dượng lớn làm dượng nhỏ”.

Lúc ấy Lưu Nguyên Phụ vừa lấy vợ khi tuổi đã già, Âu Dương Tu viết một bài thơ chế nhạo:

- “Trong động đào hoa mạc tương tiếu, chàng Liễu nguyên là lão Lưu lang”.

Nguyên Phụ không vui vẻ nên muốn báo thù.

Một hôm, cả ba người là Cùng Thần, Nguyên Phụ, Âu Dương Tu họp nhau lại, Nguyên Phụ nói:

- “Trước đây có một thầy đồ gàn dạy con nít học chữ, đọc đến “thơ lông” “vi xà vi xà”, thì dạy rằng: “Chữ xà (rắn) thì đọc là chữ dì, nhớ đấy”. Cách ngày hôm sau, học trò đồng ấu trên đường đi học nhìn thấy người hành khất chơi đùa với rắn nên đứng lại coi, cho đến khi ăn cơm xong mới đến trường học, ông thầy đồ hỏi: “Tại sao đến trễ?”- học trò nhỏ trả lời: “Vừa rồi trên đường có người chơi đùa với dì, con và mọi người đều đứng coi, chỉ thấy ông ta đùa với dì lớn trước và đùa với dì nhỏ sau, nên mới đến trễ ạ”.

Âu Dương nghe xong thì cũng cười ha ha...

(Nhã Ngược)

Suy tư 96:

Chữ rắn và chữ dì thì khác nhau xa, vậy mà có người dạy con nít đọc rắn ra dì, chẳng qua đó là vì muốn trả thù nên mới bịa chuyện như thế mà thôi.

Chữ rắn là chữ rắn và chữ dì là chữ dì không lẫn lộn đâu được, cũng như chân lý là chân lý, sự thật là sự thật, dù chân lý có bị bầm dập thì vẫn là chân lý, dù sự thật có bị khỏa lấp bôi đen nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn là sự thật, bởi vì mặt trời vẫn còn đó và không có gì che khuất được dưới ánh mặt trời, bởi vì Đấng tạo dựng nên mặt trời vẫn còn đó vì Ngài là sự thật là chân lý.

Có những người vì thù vặt, vì tức khí, vì hậm hực mà dựng nên chuyện bậy bạ sai sự thật, để chế nhạo và có khi vu khống người khác cách ác ý, đó là vì họ coi người khác như những trẻ em đồng ấu đem chữ rắn đọc thành chữ dì, không những sai bậy mà còn phản giáo dục nữa.

Chữ rắn không phải là chữ dì, cũng như dối trá không phải là sự thật là chân lý, nhưng chỉ có những ai có ý tưởng xấu xa mới đồng hóa hai chữ ấy giống nhau mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sự im lặng thần thánh
Lm. Minh Anh
15:34 01/07/2024
SỰ IM LẶNG THẦN THÁNH
“Biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng phát xuất từ một ‘Đấng đang ngủ’ trong thuyền giữa lúc biển dậy sóng! Đúng hơn, chiêm ngưỡng sự im lặng của Thiên Chúa, một ‘sự im lặng thần thánh’ mà đối diện với nó, một niềm tin kiên định vẫn có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’.

Thử tưởng tượng, trong con thuyền nghèo nàn bị sóng đánh hòng chìm này, bạn và tôi đang ở vị trí của các môn đệ! Tình trạng cùng quẫn dập vùi vì sóng nước thật tệ, nhưng nỗi sợ hãi của lòng người lại tồi tệ hơn; vậy mà Chúa Giêsu vẫn ngủ! Cám dỗ của bạn là đánh thức Ngài, và quá nhiều linh hồn đã làm như thế qua việc không ngừng phàn nàn, tỏ ra tuyệt vọng, bỏ cầu nguyện, hoặc trút giận lên người khác. Trong những thời khắc như thế, bạn cảm thấy cuộc sống vuột khỏi tầm tay; bạn mất bình tĩnh, bất an và suy sụp!

Tin Mừng hôm nay đánh thức đức tin chúng ta; chớ gì nó mạnh đủ để có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’. Và còn hơn thế, giúp chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng nhiệm mầu của ‘Đấng hay ngủ!’. Bởi có thể Ngài cố tình như thế để bạn và tôi gia tăng sự phụ thuộc vào Ngài. Từ niềm tin, chúng ta múc lấy nội lực; bằng không, tất cả chỉ là sợ hãi, cay đắng. ‘Sự im lặng thần thánh’ của Đấng Kitô sẽ dạy chúng ta định mức đức tin của mình!

Trong “When Jesus Sleeps”, “Khi Giêsu Ngủ”, Đức Cha Martínez viết, “Chúa Giêsu đẹp tuyệt vời khi Ngài ‘mở miệng’ nói về sự sống đời đời, thực hiện hoàn hảo các phép lạ; hoặc nhìn mọi người bằng ánh mắt xót thương. Nhưng tôi lại muốn nhìn Ngài khi Ngài đang ngủ, bởi lúc đó, tôi chiêm ngưỡng Ngài ‘đến tận trái tim mình’ mà không bị ánh mắt Ngài ‘mê hoặc’ khiến tôi phải phân tâm. Không vẻ đẹp hoàn hảo và ánh huy hoàng nào của Ngài làm tôi chói mắt khiến linh hồn tôi phải đờ đẫn. Vẻ đẹp Giêsu tỉnh giấc là quá lớn so với sự nhỏ bé của tôi! Tôi cảm thấy phù hợp hơn khi Ngài ngủ, vì hào quang mặt trời sẽ thích nghi hơn với mắt tôi khi tôi được nhìn nó qua một lăng kính mờ!”.

Thật trùng hợp, “Chúa không làm điều gì mà không mặc khải ý định của Ngài cho các tôi tớ” - bài đọc một. Vấn đề là các tôi tớ phải đọc cho được thánh ý Ngài. ‘Sự im lặng thần thánh’ của Chúa Giêsu, hay việc Ngài ngủ không nằm ngoài ý nghĩa này. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con!”.

Anh Chị em,

“Ngài vẫn ngủ!”. Chúng ta cần tôn trọng và thờ lạy ‘sự im lặng thần thánh’ của Thiên Chúa ‘trong các biến cố’ đang khi phải đánh thức Chúa Kitô ‘trong trái tim mình’, và linh hồn không ngừng lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Có như thế, chúng ta mới có thể bình an đi trên nước, bước trên sóng và ngủ ngon trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể quan chiêm những gì đang xảy ra bằng ‘đôi mắt đức tin’ vốn có thể xuyên suốt mọi sự, kể cả bão tố. Qua ánh mắt ấy, có thể thấy một bức tranh toàn cảnh mà tự sức, chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy; một bức tranh tình yêu quan phòng mà Thiên Chúa đã lên kế hoạch cho từng người, không ai giống ai!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ ngủ; nhưng đừng để những thực tại rối bời lấn át trải nghiệm đức tin của con. Cho con biết, ngủ hay thức không thành vấn đề, quan trọng là Ngài có đó!”, Amen.

(Tgp. Huế)

 
Người lấy làm lạ vì họ không tin
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
22:58 01/07/2024
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 6,1-6

1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.


NGƯỜI LẤY LÀM LẠ VÌ HỌ KHÔNG TIN

Trong thời gian rao giảng Tin Mừng ở Ga-li-lê, Đức Giê-su hẳn đã có nhiều dịp trở về Na-da-rét. Thế nhưng các tác giả Nhất lãm (x. Mt 13,54-58; Mc 6,1-6; Lc 4,16tt) đã chỉ ghi lại có một lần viếng thăm này, có lẽ vì các ông cho rằng thái độ khinh thường Đức Giê-su của đồng hương trong lần viếng thăm ấy đã tiêu biểu cho thái độ chối từ Người của dân Ít-ra-en (đồng tiên tổ với Người) và thái độ không tin Người đủ của bao Ki-tô hữu (đồng thân thể với Người).

1. Thái độ không tin của đồng hương Đức Giê-su

Phần đầu của cuộc viếng thăm này rất giống với những gì Mác-cô kể lại ở 1,21-28 (biến cố tại hội đường Ca-phác-na-um) : “Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ hỏi nhau : ‘Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền…” (c.27). Nhưng phần kết lại khác hẳn. Ở đây, “nơi quê quán Người”, khán thính giả nghe mà ngạc nhiên, nhưng rồi chẳng tin gì ráo ! Do đâu vậy? “Có thể là vì thời Đức Giê-su, người Do-thái có một niềm tin phổ biến cho rằng Đấng Mê-si-a phải có một nguồn gốc siêu phàm huyền nhiệm. Sau này, trong cuốn “Đối thoại với Try--phon”, thánh Giút-ti-nô (khoảng năm 150) sẽ làm vang vọng niềm tin này khi ghi lại ý kiến sau đây của nhiều học giả Do-thái : “Nếu có kẻ nói rằng Đấng Mê-si-a đã đến, thì người ta đâu biết ai. Chỉ khi Người tỏ mình trong vinh quang, thiên hạ mới nhận ra Người”. Đó đúng là luận điệu của dân làng Na-da-rét, mà cũng là luận điệu của dân thành Giê-ru-sa-lem được Tin Mừng Gio-an ghi lại : “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến, chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27), nghĩa là chẳng ai biết rõ nguồn gốc của Người. Đối với dân làng Na-da-rét cũng thế, Đức Giê-su không thể là Đấng Mê-si-a được, vì ai nấy biết rõ tông tích họ hàng của Người” (M.E. Boismard).

Thế nên, từ chỗ là niềm hãnh diện, Đức Giê-su đã thành một chướng ngại khiến đồng hương của mình vấp ngã. Họ trở nên điếc lác và mù quáng, do đó, đã không thể đón nhận các ân huệ của Người, nhất là ân huệ Tin Mừng cứu rỗi. Thật ra, chẳng phải là họ không có lòng tin. Hằng tuần họ vẫn nhóm họp tại hội đường để thờ phượng Đức Chúa, Tạo Hóa và Chủ Tể lịch sử đấy chứ ! Nhưng lòng tin mà Đức Giê-su đòi không chỉ là lòng tin vào Thiên Chúa như Mô-sê đã truyền dạy, mà còn là lòng tin vào Người, Con Thiên Chúa hóa thân thành bác thợ mộc làng Na-da-rét. Hơn nữa, lòng tin Người đòi hỏi chẳng phải là một mớ tín điều lề luật, song là sự đảo lộn cuộc sống, là bước theo Người trên đường thập giá, đường yêu thương.

2. Thái độ không tin của môn đồ Đức Giê-su

Phần chúng ta, khi nghe được nhận xét ấy của Mác-cô (“Người lấy làm lạ vì họ không tin”) một nỗi sợ hãi có thể xâm chiếm chúng ta : tôi thì thế nào? Sợ như thế là có phúc, vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ chú ý đủ tới tình trạng của đức tin chúng ta, vì việc sống một cái gì đó với Đức Giê-su hoàn toàn tùy thuộc sức mạnh của niềm tin tưởng vào Người. Mà đức tin là cái nhìn của chúng ta về Người, sự hiệp thông giữa chúng ta với Người, việc chúng ta nắm lấy Người, là phương thế để yêu Người ngày càng hơn và chẳng bao giờ “vì Người mà vấp ngã”.

Điều đã diễn ra tại Na-da-rét có thể xảy tới với chúng ta. Câu ngạn ngữ Người nhắc lại cho đồng hương : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” cũng có thể nhắm chính các Ki-tô hữu. Và đây là trọng điểm của trình thuật.

— Có lẽ Người ngạc nhiên về niềm tin của chúng ta, về cách chúng ta tin Người. Để tin vào Đức Giê-su, phải thường xuyên vượt quá tri thức chúng ta có về Người lúc này đây. Đối với chúng ta, Người chẳng phải là bác thợ mộc làng Na-da-rét, chúng ta đã chẳng sống với Người trong ba mươi năm tuổi trẻ của Người, các phản ứng của dân làng Na-da-rét đối với Người chẳng phải là vấn đề của chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta cũng đã sống với Người nhiều năm. Chúng ta đã biết Đức Giê-su của cha mẹ chúng ta, của cha xứ chúng ta, Đức Giê-su của cuốn giáo lý, của một phong trào Công Giáo, Đức Giê-su của mọi sách báo ta đã đọc, thậm chí của các sách chống Người và chống đạo Người.

Thình lình, hay dần dần, chúng ta gặp cơn khủng hoảng kiểu dân làng Na-da-rét. Đức Giê-su là ai đối với tôi khi tôi đau khổ hay khi tôi thấy sự đau khổ? Khi một tình yêu ngây ngất đem tôi xa khỏi Đấng tôi từng nói với : Chúa là tất cả của con? Khi một cuốn sách mạnh mẽ và gây bối rối làm lung lay các xác tín của tôi? Khi một mục tử, đại diện chính thức của Người, làm tôi ngỡ ngàng, bởi lẽ thay vì hy sinh cho đoàn chiên, vị ấy lại hy sinh đoàn chiên để xin xỏ xun xoe với quyền lực?

Người vẫn có thể là Đức Giê-su của đời tôi, nếu tôi học biết Người cách khác. Phải chăng Người đã quá ư là phàm nhân, hay quá ư là Thiên Chúa đối với tôi? Mầu nhiệm một kẻ vừa là người vừa là Chúa thật chẳng dễ chấp nhận và cảm nghiệm. Lắm kiểu không tin đã phát xuất từ cái mà thật ra là đá tảng của Ki-tô giáo này. Thành thử chớ dừng lại trong cuộc tìm kiếm của chúng ta. Đối với mỗi người, có một Đức Giê-su vô danh phải khám phá. Cơn khủng hoảng kiểu Na-da-rét, đó là do chúng ta có các ý tưởng quá xưa cũ về Người. Phải học hỏi về Người không ngừng qua Thánh Kinh, qua giáo lý, qua lời giảng dạy của Giáo Hội, qua đời sống các Ki-tô hữu chứng nhân.

— Có lẽ Người ngạc nhiên về cách chúng ta sống đức tin vào Người. Để tin vào Người, phải thường xuyên đổi mới và cụ thể hóa cách sống đức tin chúng ta đang có lúc này đây. Chúng ta tưởng mình biết Người, coi Người là thành phần cuộc sống mình. So với những kẻ không tin thì chúng ta cùng làng với Người, đã luôn gặp gỡ Người. Sự thân mật với Người như thế làm chúng ta tự mãn, tự cho mình đã chu toàn bổn phận của một kẻ tin; hay ngược lại, sự thân mật ấy khiến chúng ta thỉnh thoảng mệt mỏi, việc đọc Tin Mừng làm chúng ta chán ngán.

Vì chúng ta đã đọc cách đãng trí, uể oải, hay đọc mà chẳng mấy khi đem ra thực hiện. Hãy gỡ mình khỏi những cái nhìn lý thuyết về Đức Giê-su và về Ki-tô giáo. Hãy luôn tự vấn về sức sống của đức tin mình. Vì càng được đem sống, lòng tin càng giúp ta hiểu rõ về Đức Giê-su; và càng hiểu rõ, đức tin càng có nhiều sáng kiến thực hành cụ thể đích thật. Người lúc đó mới có thể là Đức Giê-su cho chúng ta. Nỗi thất vọng của Người ở Na-da-rét phải động đến chúng ta thật sâu thẳm. Lạy Chúa, con không muốn làm Ngài thất vọng đến thế, thất vọng vì con chỉ biết tuyên xưng Chúa trên môi, qua những bài giảng thật hùng hồn, đang khi cuộc sống nơi con và quanh con chẳng được biến đổi.

Germaine Cousin (1579-1601) là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse, Pháp. Mẹ mất sớm, cô phải lớn lên trong hoàn cảnh bị cha ghét bỏ và dì ghẻ đối xử tàn tệ. Do không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà bắt cô phải ngủ trong chuồng vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc đang khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu. Mặc những lao nhọc và bất công như thế, cô vẫn luôn vui vẻ chấp nhận. Cô cũng rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô cũng vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho các thiên thần chăm sóc. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại dù ở cạnh khu rừng đầy sói — Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, nhất là các trẻ em trong làng. Cô thường dạy cho chúng biết kính sợ Chúa — Sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng chẳng thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Cô vẫn hay bị trừng phạt vì chia sẻ lương thực cho kẻ ăn xin. Có lần vào mùa đông, vì nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, bà dì ghẻ đã giật ra nhưng chỉ thấy những bông hoa mùa hè thật đẹp. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước. — Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, thợ nề vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Cô được Đức Piô IX phong thánh năm 1849 và đặt làm quan thầy các thiếu nữ thôn quê. Lễ mừng 15-06.
 
Cần có một cặp mắt mới
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:02 01/07/2024
CHÚA NHẬT XIV MÙA THƯỜNG NIÊN
Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
CẦN CÓ MỘT CẶP MẮT MỚI

Một ngày nọ, tôi đi ra ngoài phố để ăn trưa. Khi đi qua một văn phòng triển lãm nghệ thuật, tôi thấy một loạt những bức tranh rất đẹp được làm từ những hòn đá nhỏ nhặt từ bờ biển. Nghệ nhân nào đó đã khéo léo ghép vào trong những khung ảnh gỗ, tạo thành những kiệt tác, đẹp và ý nghĩa đến ngạc nhiên, đó là những bức tranh về gia đình, về tình bạn, và tình yêu. Nhìn những tác phẩm nghệ thuật này làm tôi suy nghĩ: Đối với chúng ta, những hòn đá nhỏ này không có giá trị gì cả, nhưng đối với con mắt của nghệ nhân, chúng chứa đựng những vẻ đẹp ẩn giấu và có thể tạo nên những tuyệt tác nghệ thuật. Đó là sự khác biệt giữa đôi mắt chúng ta và đôi mắt của nghệ nhân. Họ phát hiện ra vẻ đẹp trong những vật bình thường, trong khi chúng ta không thể nhận ra nó. Sự kiện trên giúp chúng ta hiểu câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

Thánh Máccô kể lại sự kiện Đức Giêsu trở về thăm quê hương Nadarét và giảng dạy trong hội đường. Những người đồng hương của Chúa hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Người. Họ ngạc nhiên về những lời thông thái, về cách giảng dạy như người có thẩm quyền, họ nhìn thấy nơi Chúa Giêsu toát lên một điều gì đó rất đặc biệt, ngoại thường, khiến họ phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, vì thành kiến về nguồn gốc và lý lịch gia đình, họ nói với nhau rằng:

“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?’ Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,2-4).

Như thế, những người Nadarét chỉ nhìn Chúa Giêsu với cặp mắt nhân loại, họ chỉ nhìn thấy “ngón tay mà không nhìn thấy mặt trăng.” Vì sự thành kiến, họ chỉ nhìn Chúa Giêsu chỉ là một con người bình thường như mọi người khác trong làng. Họ không nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ, bởi vì họ thiếu đức tin vào Người. Còn Chúa Giêsu thì lấy làm lạ vì họ không tin.

Trước sự cứng lòng của người đồng hương, thánh Máccô kết luận: “Đức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại đó.” Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu đã bị tước hết quyền năng làm phép lạ, nhưng thánh Máccô muốn nhấn mạnh rằng khi con người có thái độ cứng đầu và thiếu niềm tin thì ngay cả Thiên Chúa cũng không thể làm gì hơn để cứu độ họ. Chúa Giêsu chỉ làm phép lạ cho những ai có niềm tin vào Người. Thái độ cứng đầu, không tin là tội mà sau này Chúa Giêsu nói đến: Mọi tội khác sẽ được tha, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha. Tội đó chính là tội từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Sự từ chối của dân làng Nadarét diễn tả thái độ từ chối và cứng lòng của loài người mọi thời trước mầu nhiệm tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Thái độ này khởi đầu từ vườn địa đàng là sự bất tuân của nguyên tổ loài người và đạt tới tột đỉnh của nó nơi đồi Calvariô khi Chúa Giêsu bị kết án phải chết trên thập giá. Đó là mầu nhiệm sự dữ nơi lòng con người. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn sự dữ và cuối cùng tình yêu và sự bao dung của Thiên Chúa đã chiến thắng sự thiếu sót của con người.

Như vậy, để nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, chúng ta phải có đức tin. Đức tin là cặp mắt mới giúp chúng ta mở ra những chân trời mới để nhận biết Chúa Giêsu là ai. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ là một con người bình thường, có gốc gác nhân loại ở Nadarét, một con người lịch sử, chứ không phải một huyền thoại. Nhưng trong con người này, Chúa Giêsu còn là một tiên tri vĩ đại, và hơn một tiên tri, Người còn là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa, Người đến để cứu độ chúng ta.

Thiên Chúa thường dùng những con người như tiên tri Êdêkien và Phaolô được nói ở trong bài đọc I và II như là những con người bình thường để mạc khải cho con người những điều kỳ diệu và vĩ đại của Thiên Chúa. Đặc biệt qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã trở nên một người bình thường như mọi người để cứu độ loài người.

Trong một hình thức khác, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Với người trần mắt thịt, chúng ta không nhận ra Người, nhưng với cặp mắt đức tin, chúng ta nhận ra Người đang hiện diện giữa chúng ta. Cũng như nghệ nhân có thể nhìn thấy những hòn đá nhỏ trên biển là những tác phẩm nghệ thuật, với cặp mắt đức tin, chúng ta nhận ra Chúa Kitô luôn hiện diện trong đời sống chúng ta.

Từ câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, chúng ta liên hệ đến bản thân mỗi người. Chúng ta có thể rơi vào thái độ giống với thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu.

Đối với Thiên Chúa, nhiều khi chúng ta tự khép mình và đóng khung trong cái nhìn giới hạn của mình, khiến chúng ta không nhận ra khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người thường hoạt động và tỏ mình cho chúng ta qua những biến cố và con người rất bình thường, nhưng vì thành kiến, cứng lòng và mù lòa, chúng ta không nhận ra Người ẩn dấu trong đó.

Có những người Công Giáo không được học giáo lý đầy đủ, nên cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một con người như bao nhiêu người khác, hay chỉ là người sáng lập tôn giáo như những vị sáng lập tôn giáo khác, chỉ là một nhân vật do truyền thuyết dệt nên, không phải là một con người lịch sử.

Có những người Công Giáo đã chạy theo những lối sống vô luân nên chối bỏ đức tin, xa rời Giáo Hội và luôn tỏ ra cứng lòng tin, không chấp nhận hoán cải, trở về với Chúa để canh tân đời sống mình, dẫu cho gia đình và các linh mục khuyên bảo, nhưng họ vẫn lòng chai dạ đá. Chúng ta cần phải cầu nguyện cho những người này để họ nhận ra Chúa và trở về với Chúa.

Cũng có những người Công Giáo luôn có thái độ chống đối huấn quyền Giáo Hội, từ chối những người đại diện của Chúa sai đến để phục vụ họ trong giáo phận, trong giáo xứ hay cộng đoàn mình như các giám mục, các linh mục và những người hữu trách. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người này luôn biết lắng nghe tiếng Chúa qua những người Chúa chọn và sai đến phục vụ họ. Đồng thời chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đang nhiệt tâm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhưng phải đau khổ vì sự chống đối và bách hại. Xin Chúa cho họ sức mạnh, sự can đảm và bền chí trong sứ vụ đã được giao phó.

Như thế, để nhận ra Chúa Giêsu là ai chúng ta cần phải có đức tin và ơn Chúa soi sáng, tác động. Trong thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa gia tăng đức tin và mở mắt đức tin cho chúng ta để mỗi người có thể nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Người hiện diện giữa chúng ta qua những biến cố, sự kiện và con người bình thường. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y OMalley kêu gọi Vatican đừng sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của linh mục Rupnik
Đặng Tự Do
00:18 01/07/2024
Đức Hồng Y Sean O'Malley, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, gọi tắt là PCPM, đã viết thư cho các cơ quan của Giáo triều Rôma để bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian này, “sự thận trọng mục vụ sẽ ngăn cản việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật theo cách có thể ám chỉ sự miễn tội hoặc sự bào chữa một cách tế nhị” đối với những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm lạm dụng tình dục “hoặc thể hiện sự thờ ơ trước nỗi đau và sự đau khổ của rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng”.

“Chúng ta phải tránh gửi một thông điệp rằng Tòa Thánh không biết gì về nỗi đau tâm lý mà rất nhiều người đang phải chịu đựng”, Đức Hồng Y nói trong bức thư thay mặt Ủy ban gửi các nhà lãnh đạo Giáo triều vào ngày 26 tháng Sáu.

Trong những tháng gần đây, các nạn nhân và những người sống sót sau các vụ lạm dụng quyền lực, lạm dụng tinh thần và lạm dụng tình dục đã liên hệ với PCPM để bày tỏ sự thất vọng và lo ngại ngày càng tăng của họ trước việc một số văn phòng Vatican, bao gồm cả Bộ Truyền thông, tiếp tục sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của Cha Marko Rupnik.

Hiện tại, Bộ Giáo lý Đức tin đang điều tra các cáo buộc lạm dụng tâm lý và tình dục của Cha Rupnik đối với một số nữ tu sĩ, người đã bị Dòng Tên trục xuất vào tháng 6 năm 2023.

Trong lá thư của mình, Đức Hồng Y O'Malley nói rằng trong khi việc suy đoán vô tội trong một cuộc điều tra như vậy cần được tôn trọng, Tòa Thánh và các văn phòng của Tòa thánh phải “thực thi sự thận trọng mục vụ một cách khôn ngoan và lòng trắc ẩn đối với những người bị tổn hại bởi việc giáo sĩ lạm dụng tình dục”.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta hãy nhạy cảm và bước đi trong tình liên đới với những người bị tổn hại bởi mọi hình thức lạm dụng. Tôi yêu cầu các bạn hãy ghi nhớ điều này khi lựa chọn hình ảnh để đăng tải các thông điệp, bài viết và suy tư thông qua các kênh truyền thông khác nhau mà chúng ta có sẵn”, Đức Hồng Y viết.


Source:tutelaminorum.org
 
Vụ kiện chấn động tại Bỉ: Người phụ nữ quá đáng nộp đơn kiện một Hồng Y và một Tổng Giám Mục vì không cho bà ta theo học để trở thành phó tế
Đặng Tự Do
00:51 01/07/2024
Tờ Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Church ordered to compensate woman denied deacon formation”, nghĩa là “Giáo hội bị buộc phải bồi thường cho người phụ nữ bị từ chối đào tạo thành phó tế.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một tòa án đã ra lệnh cho hai nhà lãnh đạo Giáo hội Bỉ phải bồi thường sau khi một phụ nữ không được phép ghi danh vào chương trình đào tạo phó tế.

Tòa án đã ra lệnh cho Hồng Y Jozef De Kesel đã nghỉ hưu và Đức Tổng Giám Mục Luc Terlinden, người kế nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Mechelen-Brussels, mỗi vị phải trả 1.500 euro, tức là khoảng 1.600 Mỹ Kim, cho Veer Dusauchoit.

Bà Dusauchoit, 62 tuổi sống ở Herent, tỉnh Flemish Brabant của Bỉ, đã phục vụ nhiều năm tại giáo xứ địa phương của bà, nơi không còn linh mục do sự suy giảm giáo sĩ giáo phận.

Bà là thành viên của một nhóm giáo dân tổ chức các buổi cử hành Lời Chúa và Rước lễ, tang lễ và các hoạt động khác của giáo xứ - một tình trạng phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ.

Vào tháng 6 năm 2023, được linh hứng bởi một chương trình đào tạo phó tế nữ ở Đức, Dusauchoit đã nộp đơn ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế kéo dài 4 năm của tổng giáo phận Mechelen-Brussels do Đức Hồng Y De Kesel lãnh đạo –, nhưng đơn ghi danh của bà đã bị từ chối.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng bí tích truyền chức thánh được dành riêng cho nam giới. Ba bậc thánh là phó tế, linh mục và giám mục.

Dusauchoit lại nộp đơn không thành công vào tháng 10 năm 2023, sau khi Đức Cha Terlinden được bổ nhiệm làm tổng giám mục thay cho Đức Hồng Y De Kesel.

Trong một chuyên mục tháng 4 cho trang web tin tức DeWereldMorgen.be, Dusauchoit tự mô tả mình là “một người phụ nữ ngoan đạo, dấn thân hoạt động xã hội, đấu tranh cho nữ quyền và được truyền cảm hứng về mặt sinh thái”.

Bà viết: “Phụ nữ trong Giáo hội vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và không có cơ hội đảm nhận vị trí xứng đáng của mình”.

“Từ sự thất vọng này, từ niềm tin rằng việc đào tạo làm phó tế có thể giúp Giáo hội phát triển, đồng thời từ quyết tâm không đoạn tuyệt với Giáo hội, tôi quyết định ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế.”

Tuy nhiên, bà ta nói, trong khi “cả Đức Tổng Giám Mục De Kesel và Terlinden đều công khai tuyên bố ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ trong câu trả lời của các ngài cho câu hỏi của tôi, tôi không tìm thấy thái độ sẵn lòng nào như vậy”.

Dusauchoit nói rằng vào những năm 1970, vợ của các ứng cử viên phó tế được yêu cầu tham gia khóa đào tạo phó tế cùng với chồng của họ, ngay cả khi họ không thực sự được thụ phong phó tế.

Bà nói: “Việc họ không thể được phong chức phó tế trong mọi trường hợp không phải là trở ngại cho việc theo đuổi khóa đào tạo này”.

Bà ta nói thêm: “Quyết định của Đức Hồng Y De Kesel và Đức Tổng Giám Mục Terlinden từ chối cho tôi quyền được đào tạo phó tế chỉ vì tôi là phụ nữ, theo ý kiến của tôi, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới tính, là bất hợp pháp và sai phạm về mặt pháp lý”.

Dusauchoit đưa vụ việc của mình ra tòa án dân sự, lập luận rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục đã phạm tội phân biệt đối xử vì quyền bình đẳng giữa nam và nữ được quy định trong Điều 10 của hiến pháp Bỉ.

Theo báo chí Bỉ, các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục không phản đối ý kiến cho rằng Dusauchoit đã bị từ chối tham gia khóa học vì cô là phụ nữ.

Phát ngôn nhân của tòa án ở Mechelen, một thành phố thuộc vùng Flemish của Bỉ, cho biết:

“Tòa án nhận thấy rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục này đã mắc sai lầm khi đánh giá đơn ghi danh.”

“Nó chỉ liên quan đến việc được nhận vào một khóa đào tạo, chứ không phải vấn đề bổ nhiệm làm phó tế.”

Phát ngôn nhân nói thêm rằng tòa án không có quyền quyết định liệu một cá nhân ứng viên có nên được nhận vào chương trình đào tạo phó tế hay không.

Ông nói: “Tòa án không có thẩm quyền xét xử việc này. Điều này sẽ trái ngược với tự do tôn giáo. Các tổng giám mục phải có khả năng tự quyết định xem ai là ứng viên phù hợp để đào tạo”.

Bình luận về phán quyết, luật sư của Dusauchoit cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, các giám mục Bỉ bị tòa án lên án vì phân biệt giới tính. Tòa án tuyên phải bồi thường thiệt hại cho bà Dusauchoit vì việc này.”

“Tòa án tin rằng họ không thể buộc các giám mục chấp nhận bà Dusauchoit được đào tạo, vì điều này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Giáo hội”.

Đề cập đến phiên họp tháng 10 này của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, các luật sư nói thêm: “Bà. Dusauchoit hài lòng vì tòa án đã phát hiện ra rằng đã xảy ra sự phân biệt đối xử. Bà hy vọng phán quyết này có thể giúp bảo đảm rằng phụ nữ sẽ được phép tham gia khóa đào tạo phó tế trong tương lai. Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng Giám mục vào mùa thu này.”

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận Mechelen-Brussels nói với trang web Công Giáo Đức katholisch.de: “Chúng tôi đã nhận được phán quyết vào chiều hôm qua, hiện đang nghiên cứu và sau đó sẽ quyết định xem sẽ tiếp tục như thế nào”.

Đã có những căng thẳng sâu sắc giữa Giáo hội và nhà nước ở Bỉ trong những năm gần đây sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Năm 2010, Vatican phản đối sau khi cảnh sát Bỉ đột kích các tài sản của Giáo hội và làm gián đoạn cuộc họp của các giám mục khi cảnh sát tìm kiếm bằng chứng trong các vụ lạm dụng.

Giáo hội ở Bỉ hiện đang chống lại lệnh của các cơ quan bảo vệ dữ liệu nhằm các tài liệu trong sổ ghi danh rửa tội, nếu được yêu cầu.

Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ kêu gọi mở chức phó tế cho phụ nữ trong báo cáo phản hồi trước cuộc họp thượng hội đồng vào tháng 10.

Hội Đồng Giám Mục Bỉ cho biết: “Công đồng Vatican II đã tái thiết lập chức phó tế vĩnh viễn cho nam giới. Không phải tất cả các hội đồng giám mục đều đã tận dụng khả năng này.”

“Bằng cách tương tự, chúng tôi yêu cầu, dựa trên sự tham vấn của chúng tôi với tư cách là Giáo hội Bỉ, rằng chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ cũng nên được tái lập”.

“Trong phân tích của chúng tôi, việc trao các trách nhiệm mục vụ chính cho phụ nữ và truyền chức phó tế không nên là điều bắt buộc hoặc bị cấm trên toàn cầu”.

Các quốc gia khác cũng ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của người Công Giáo địa phương đối với các nữ phó tế trong báo cáo phản hồi của họ.

Tại Đức, giáp biên giới Bỉ, một tổ chức độc lập có tên là Mạng lưới Phó tế Nữ đã tổ chức các khóa đào tạo kéo dài 3 năm cho phụ nữ kể từ năm 1999, nhằm mục đích đào tạo chức phó tế.

Đức Giám Mục Ludger Schepers, Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Essen, đã cử hành Thánh lễ bế mạc khóa học vào tháng Tư.

Theo một thông cáo báo chí, Đức Cha Schepers nói trong bài giảng rằng phụ nữ cảm thấy bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội trong Giáo hội vì ơn gọi của họ.

Thông cáo báo chí cho biết: “Điều khiến vị Giám Mục tức giận là sự mất cân bằng này không được coi là một mối bất bình cần được giải quyết”.

“Mặc dù ngài chưa thể truyền giới cho phụ nữ, nhưng ngài và những người lãnh đạo khóa học đã ban phước lành cho từng phụ nữ khi họ nhận được chứng chỉ của mình.”

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing đã gửi thông điệp chúc mừng 13 phụ nữ đã hoàn thành khóa học.

Giám mục Georg Bätzing nói: “Các bạn là một phước lành cho Giáo hội của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Bỉ, một quốc gia mà ngài có quan hệ lâu dài, từ ngày 26 đến 29 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào tháng 5, Đức Thánh Cha đã được hỏi liệu ngài có cởi mở với khả năng phụ nữ được làm phó tế hay không.

Ngài nói: “Nếu đó là các phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không?”

“Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, không phải với tư cách là thừa tác viên trong các chức thánh.”


Source:Pillar Catholic
 
Tin vui lớn cho Giáo hội: Carlo Acutis và 14 vị Chân phước đã được chấp thuận phong thánh
Thanh Quảng sdb
16:34 01/07/2024
Tin vui lớn cho Giáo hội: Carlo Acutis và 14 vị Chân phước đã được chấp thuận phong thánh

Đức Phanxicô chủ trì một Công nghị Hồng Y thường trực, trong đó ĐTC đã chấp thuận phong thánh cho 15 ứng viên, bao gồm Chân phước Carlo Acutis, người trẻ đầu tiên của thiên niên kỷ được phong thánh.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Hội đồng Hồng Y đã họp với Đức Phanxicô vào sáng thứ Hai (1/7/2024) tại Điện Tông tòa Vatican, một Công nghị Thường kỳ.

Đức Thánh Cha đã dẫn đầu các Hồng Y cư trú tại Rome cầu nguyện buổi sáng Phụng vụ Giờ kinh trước khi tiến hành xem xét các nguyên nhân phong thánh cho một số Chân phước.

Đức Hồng Y Marcelo Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã trình bày một báo cáo ngắn - được gọi bằng tiếng Latin là Peroratio - về cuộc đời và phép lạ của 15 ứng viên đang được cứu xét, sau đó Công nghị đã bỏ phiếu chấp thuận phong thánh cho họ.

Các vị tử đạo và tấm gương tôn giáo về đức tin

Nhóm các vị thánh mới lớn nhất đã tử đạo tại Damascus, Syria, vào năm 1860 và được gọi là "Các vị tử đạo của Damascus".

Họ bao gồm Cha Manuel Ruiz López, OFM, và 7 bạn đồng hành với cha, và ba anh em giáo dân thuộc Công Giáo Chính Thống Maronite là Abdel Moati, Francis và Raphael Massabki.

Cả 11 người đều bị giết vì lòng căm thù đức tin trong cuộc Nội chiến Syria năm 1860, nơi chứng kiến hàng ngàn người theo đạo Thiên chúa bị dân quân Hồi giáo giết hại ở Ottoman Syria.

Theo Peroratio, anh em Massabki và 8 tu sĩ Phanxicô đã bị sát hại vào đêm ngày 9 tháng 7 năm 1860, khi họ đang cầu nguyện bên trong nhà thờ thánh Phanxicô ở Damascus.

Hai người Ý:

- Cha Giuseppe Allamano và Sơ Elena Guerra - cũng được chấp thuận để phong thánh. Cha Allamano đã thành lập Hội Truyền giáo Consolata vào những năm đầu của thế kỷ 20.

- Sơ Guerra đã dành cả cuộc đời mình cho việc giáo dục trẻ em gái và thành lập Dòng Nữ tông đồ của Chúa Thánh Linh (Oblates of the Holy Spirit) vào cuối thế kỷ 19.

Hội đồng đã chấp thuận việc phong thánh cho một nữ tu người Canada, Sơ Marie-Léonie Paradis (tên khai sinh là Virginie-Alodie Paradis), người đã thành lập Dòng Tiểu muội Thánh gia (Little Sisters of the Holy Family) vào đầu thế kỷ 20.

Tên của 14 vị Thánh mới này sẽ được ghi vào sổ bộ các vị Thánh vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024.

Carlo Acutis, Vị thánh đầu tiên của thế hệ thiên niên kỷ

Đức Phanxicô và Hội đồng Hồng Y sau đó đã bỏ phiếu chấp thuận việc phong thánh cho vị Thánh đầu tiên của Thế hệ Y, những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996 thường được gọi là thế hệ thiên niên kỷ.

Chân phước Carlo Acutis sẽ được tuyên thánh trong Năm Thánh 2025, có thể cùng với các thánh khác.

Acutis sinh ra trong gia đình người Ý tại London, Anh vào năm 1991, Chân phước Carlo là một nhà thiết kế web đã qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15 tại Monza, Ý.

Chàng được biết đến với lòng sùng kính đặc biệt, các phép lạ Thánh Thể và các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, mà chàng đã thành lập danh mục trên một trang web do chàng thiết kế.

Theo Peroratio, Chân phước Carlo đã "chào đón và quan tâm đến những người nghèo, và chàng đã giúp đỡ những người vô gia cư, những người thiếu thốn và những người nhập cư bằng số tiền chàng tiết kiệm được từ khoản trợ cấp hàng tuần của mình".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Cao Niên GxThánh Linh Họp Mặt _ Tempe-Arizona
Phan Hoàng Phú Quý
15:29 01/07/2024
Hình Ảnh Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh Họp Mặt
Xem Hình

Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh Họp Mặt Nhân Ngày Mừng Kính 2 Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ

(Tempe-Arizona) Thứ Bảy ngày 29 tháng 6 năm 2024 vào lúc 10 giờ sáng, Tất cả quý hội viên thuộc Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh đã tựu trung về Phòng Social Hall trong khuôn viên Giáo Xứ Thánh Linh (The Holy Spirit Catholic Church) để cùng nhau họp mặt, sinh hoạt và chúc mừng nhau nhân ngày Giáo Hội Mừng Kính Hai Thánh PhêRô và PhaoLô Tông Đồ.

Như chúng ta đều biết hai Thánh Tông Đồ là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế, nhưng cùng chung một ơn gọi, một niềm tin, một sứ mạng từ Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Rôma. Chúa đã đưa 2 Ngài đến cùng đích vinh quang khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được trở nên một trong Đức Kitô. “Còn nhớ hôm nào người 3 lần chối Chúa. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm hờn”. Chối Chúa? Bắt Thầy? Nhưng cuối đời hai Ngài đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt, nhờ tình yêu Thiên Chúa soi đường dẫn lối, hai Ngài đã cầm đuốc Tông Đồ rao truyền Tin Mừng cho thế giới.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông Đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm tuyệt vời và lạ lùng.

Cùng cảm nhận được ánh sáng và ân sủng từ Chúa Kitô, hôm nay có hai hội viên trong hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh cũng chia sẽ những ơn lành và hồng ân mà hai anh chị đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa.

Một người trong gia đình có 3 anh em, người anh làm Thượng tọa, cô em gái làm Ni cô, còn anh thì theo Đạo Công Giáo, trong những năm tháng sống trong lao tù cộng sản (học tập cải tạo) cùng với quý linh mục bạn tù. Anh học hỏi được rất nhiều gương sáng và lòng yêu thương bác ái từ các linh mục, thế rồi anh quyết định xin được học hỏi giáo lý và xin nhận lãnh Ơn Thanh Tẩy, sau này khi ra khỏi tù anh lập gia đình với người đồng tôn giáo, mọi buồn vui sướng khổ, gian nan, sóng gió trong cuộc đời hay hạnh phúc viên mãn, bà xã anh thường hay nói với anh : “Âu đó là thánh ý Chúa, chúng ta hãy xin vâng và cảm tạ”. Anh không ngần ngại cám ơn “Bà Xã” rất nhiều.

Một người khác kể về chuyến du lịch về Miền Đất Thánh (Nơi Chúa sinh ra và chịu đóng đinh, chịu chết) Chuyến đi 10 ngày, nhưng mới được 3 ngày thì chị bị té sưng chân, không thể mang giày được, rồi 2 vợ chồng bàn tính với nhau là sẽ tiếp tục đi với phái đoàn hành hương, nhưng chỉ ngồi trên xe Bus chứ không xuống đi bộ tham quan thắng cảnh hay những di tích lịch sử cùng mọi người được, vì chân đau nhức, thế nhưng tối đó trước khi đi ngủ, chị đã thì thầm với Chúa, chị khẳng định chỉ nói chuyện với Chúa thôi, chứ không phải cầu nguyện đâu: “ Chúa ơi ! con từ Mỹ đi hành hương vào Miền Đất Thánh, mong ước được nhìn thấy nơi chúa đã sinh ra, đã lớn lên, đã rao giảng tin mừng, đã làm nhiều phép lạ, và cuối cùng đã chết và đã sống lại, nhưng chỉ mới 3 ngày thôi mà chân con đã bị đau rồi thì con phải làm sao?”

Sáng hôm sau chị thức dậy thật sớm, nhẹ đặt chân xuống sàn nhà xem thử có đau nhức gỉ không, thì lạ lùng thay, chị không còn cảm thấy đau nhức gì hết, mặc dù chân vẫn sưng và vết bầm tím vẫn còn, chị vui mừng gọi anh xã dậy và báo tin vui “Chân em không còn đau nhức nữa” Tạ Ơn Chúa Halleluia!

Thật là kỳ diệu thay ! hạnh phúc thay ! tất cả mọi việc của Chúa làm đều là hữu lý, khi mỗi người chúng ta biết đặt niềm tin và phó thác nơi Ngài.

Buổi họp mặt được kéo dài đến 2 giờ chiều, quý hội viên được khoải đãi bữa ăn trưa, cùng nhau chia sẽ về những vui buồn trong cuộc sống và nhất là hát cho nhau nghe những bài thánh ca, tình ca và hiếu ca do chính quý hội viên trình bày, mặc dù các nam nữ danh ca đã ngoài 70, 80 bó nhưng vẫn hát rất điêu luyện và khí thế.

Mình ngồi bên nhau, mình vỗ cái tay
Mình vỗ cái tay, mới là thương nhau
Mình ngồi bên nhau, mình hát với nhau
Mình hát với nhau, mới là yêu nhau.
 
Hình Ảnh Dạ Hội Cảm Mến Tri Ân – Ghi Dấu 75 Năm Hành Trình Với Mẹ - Lm Paul Văn Chi
Tài Liệu - Sưu Khảo
*Thánh Monica* Người Mẹ Tuyệt Vời
Đinh văn Tiến Hùng
06:25 01/07/2024
*Thánh MONICA* Người Mẹ Tuyệt Vời
( Lễ Kính 27/8 )
+ Quan Thày Trung học MONICA, Gia Kiệm, Long Khánh
Kính tặng Đức Ông Phạm văn Phương nguyên Hiệu trưởng
Mến tặng Thầy Cô và Cựu Học Sịnh


*Sơ lược đời Thánh MONICA Quan Thầy

Thánh Monica rất được mộ mến, nên nhiều người đã nhận tên Thánh Monica và Bà cũng là Quan Thày của các bà mẹ, bà vợ. Nhiều đoàn thể, tu viện, trường học, thánh đường hay thành phố lấy tên Ngài như thành phố Santa Monica, Los Angeles để kỷ niệm lần đầu tiên các nhà truyền giáo đến đây đúng ngày Lễ kính Thánh Monica 27/8.

Nhờ có được một Người Mẹ Tuyệt Vời, sau này Augustinô trở thành nhà giảng thuyết hùng biện, học giả uyên bác,
một Thánh Giám Mục được phong là Tiến sĩ Hội Thánh.

*Thánh Nữ Hoan Ca.

MONICA Mẹ tuyệt vời !
Nêu gương sáng chói cho đời noi theo,
Dù đời đau khổ bao nhiêu,
Cậy trông vào Chúa mọi điều sẽ qua.

Hai mươi hai tuổi lập gia đình,
Người chồng ngoại đạo tính tình khó khăn.
Ba mươi năm sống âm thầm,
Chồng con chịu đựng tấm thân hao gầy.
Mẹ luôn cầu nguyện đêm ngày,
Cho chồng hối cải, con quay trở về,
Con trưởng dục vọng đam mê,
Ngang tàng, gian dối chẳng hề hồi tâm,
Lại theo bè rối sai lầm.

Nhìn con lòng Mẹ muôn phần xót xa,
Nguyện cầu xin Chúa thứ tha,
Nước mắt Mẹ đã chan hòa vì con,
Vững tâm nhịn nhục sắt son.
Nhận được trong giấc chiêm bao tin mừng,
Thiên Thần bảo hãy vững lòng, Con Bà rồi sẽ hồi tâm quay về. Augustinô gặp Thánh nhân,
Suy lời Ngài dạy dần dần hiểu ra,
Bè rối, dục vọng, sa hoa,
Chỉ là hư ảo mà ta theo đòi.
Người Mẹ lo lắng khôn nguôi,
Chẳng ngại vượt biển đến nơi con mình
Đêm ngày tha thiết cầu kinh,
Cho con hoán cải thiểt tha quay về
Hồng ân Thiên Chúa trở che
Con được hoán cải lời thề yêu thương.

Kỷ niệm trường xưa
(Lm Hiệu trưởng và giáo chức)
Xem Hình

*Trường xưa in dấu ngày nào,
Mang bao kỷ niêm biết bao ngọt ngào
Tuổi thơ ươm mộng tuyệt vời
Hơn nửa thế kỷ nhớ thời trinh trong,
Các thầy dạy dỗ hết lòng,
Bạn bè thân thiết học hành siêng năng,
Cha mẹ săn sóc ân cần,
Mong con khôn lớn đem thân giúp đời.
Nhưng luôn vương vấn một thời tuổi thơ,

(*) Ghi chú : Hình Lm Phạm văn Phương Hiệu Trưởng
Và Ban Giáo chức trường TH Monica


* Không Thầy đố mày làm nên

Đẹp thay các vị Ân sư
Miệt mài giáo huấn vẫn chưa thỏa lòng
Mong cho đệ tử thành công
Mai sau hữu dụng thầy mong cha chờ
Nhớ ơn thầy dạy năm xưa
Đó là báo đáp tôn sư huấn truyển.
Nhớ lời truyền dạy tổ tiên
‘ Không thầy đố mày làm nên’


*** ĐẠI HỘI 2024 ***

Theo truyền thống hàng năm,Đại Hội năm nay được tổ chức tại nhà hàng
Mon Amour trang trong ấm cúng vào ngày 22/6 /24 vừa qua.

Mở đầu là vinh danh Quốc kỳ-Quốc ca và tưởng niêm chiến sĩ trận vọng..

Mục đích Đại Hội để duy trì truyền thống đạo đức của trường Công Giáo cùng tịnh thần đoàn kết công dân bảo vệ xây dưng Đất nưóc,

Sau đó là chương trinh văn nghệ ‘Cây nhà lá vườn’ rât linh động vui tươi và hoài cổ với nón bài thơ, áo tứ thân trông các chị như gái đôi mươi, không như các bà nội trợ.
Các cụ trai cũng ‘ Chen vai sát cánh ‘ trong dáng điêụ Lý Toét chống gây ôm cái trống cơm xoay chuyển bước tới bước lui bài bản vững chãi.

Phần Thơ Nhạc thầy Huyến đã phổ thơ cuả 1 nữ sinh và 1 thầy
. Xin trưng dẫn 2 nhạc phẩm và mở đầu Trường Thi ‘ Thơ kịnh nguyên cầu’

= Kỷ niệm trường xưa; Thơ Đinh văn Tiến Hùng- Nhạc Trần văn Huyến
+ Hội ngộ cưu sinh MONICA; Thơ Phạm thị Hồng - Nhac Trần văn Huyến

*** Thơ Kinh Nguyện Cầu* **
Chúa ơi con có gì đâu,
THƠ KINH tha thiết NGUYỆN CẦU dâng lên

“Kinh cầu nhẹ gõ cửa hồn,
Trần gian dục vọng bồn chồn tâm linh,
Bao nhiêu thệ ước ân tìnhn,
Chúa thương xin để an bình tin yêu”

*Tôi không phải là thi nhân Công Giáo,
Mà chỉ là người Công Giáo yêu thơ
Cả đời tôi không biết đến bây giờ
Vẫn không thành một nhà thơ tên tuổi?

*Nhưng điều đó tôi nào đâu tiếc nuối,
Vì cuộc đời đã là một bài thơ.
Sống trọn vẹn với năm tháng ngày giờ,
Đó chính là bài thơ muôn vần điệu.

Thân thể tôi: một tác phẩm kỳ diệu,
Nhịp tim luôn cuộn dòng máu nhịp nhàng,
Dâng sức sống như biển cả mênh mang,
Đem Tình Yêu dệt bài thơ hằng sống

Trí óc tôi: một kỳ công sống động,
Nhanh hơn nhiều muôn làn sóng viễn thông,
Nguồn tư tưởng chất chứa thật mênh mông,
Triệu lời thơ cũng từ đây phát xuất.

Đã khi nào ta tìm ra sự thật,
Bởi do ai mà ta sống bấy lâu,
Buông tay xuống rồi sẽ trở về đâu?
Ôi! Đời sống là bài thơ huyền nhiệm.

Buổi sớm mai khi vầng đông xuất hiện,
Gieo nguồn sống trên khắp mặt địa cầu,
Chim ca hát, hoa khoe sắc muôn màu
Đẹp hơn cả ngàn bài thơ dệt mộng.

Có khi nào tâm hồn ta rung động,
Trước tang thương khổ lụy của bao người,
Có khi nào ta đem một nụ cười,
Trao nhân thế những lời thơ cứu khổ?

Cuộc sống này đâu có gì bền đỗ,
Bám quanh địa cầu hơi thở mong manh,
Lòng đất sục sôi muốn nổ tan tành,
Biển dâng trào, bão cuốn trôi tất cả!

Đừng kiêu căng khoe công trình vĩ đại,
Đừng tự hào với sáng chế kỳ công,
Trong phút giây sẽ biến vào hư không,
Rồi sẽ bị chìm sâu vào quên lãng!

Vườn E-đen xưa Thiên đàng sáng lạn,
Vạn vật, đất trời mởh rộng nguồn thơ,
Nhưng Nguyên Tổ bất kính Chúa tôn thờ,
Nên tội lỗi đã tràn đầy vũ trụ
Lạy Chúa lòng con đây không còn do dự
Vạn vât đât trời tinh tú cùng reo vui
Đêm huyền diệu nhìn tinh tú ngợi ca,
Ôi! Thượng Đế Đại Thi Nhân Sáng Tạo!

Tôi không phải là thi nhân Công Giáo,
Mà chỉ là người Công Giáo yêu thơ,
Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ,
Dùng lời Thơ thay cho Kinh câù nguyện.

ĐVTH

Kết thúc là tặng quà lựu niệm các Thầy 1 chiếc plaque tròn thủy tinh khắc tên rất trang nhã và quà tặng các diển diễn viên tài tử.
Hai ngày sau là du ngoạn đầy hào hứng thăm thắng cảnh, tham quan chiến hạm USS MidWay = Mile Square Park.

Trần thị Láng & Phạm thị Hồng ( Úc châu )
Tường trình từ Nam California

Xem Hình








 
Văn Hóa
Tuyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần Hai, Tín ngưỡng và Văn hóa: Chương 10, Paul Claudel
Vũ Văn An
14:42 01/07/2024

Chương 10: Hai nước Pháp (tiếp theo)

Niềm đam mê và lòng trung thành

Trong Sự quan phòng của Thiên Chúa, Péguy thấy mình phải chịu những thử thách mới về đam mê, lòng chung thủy và đức cậy vào khoảng năm 1910, khi - không có bất cứ cảnh cáo nào trước đó - ông đã yêu say đắm. Bà Geneviève Favre, mẹ của Jacques Maritain, lúc đó rất thân với Péguy và đã để lại một ghi chép dài về “cơn cuồng phong khủng khiếp” đã ập đến với ông. Trong nhiều năm, danh tính của người phụ nữ được giữ kín vì nhiều tác nhân khác nhau vẫn còn sống, bao gồm cả vợ của Péguy. Bây giờ chúng ta biết rằng nàng là Blanche Raphael, một người bạn Do Thái trẻ tuổi của Péguy từ thời còn học đại học và là cộng tác viên trong một số dự án. Một khi niềm đam mê đó bùng cháy, giống như mọi thứ khác trong cuộc đời của Péguy, nó trở thành một câu hỏi vĩnh cửu cũng như một câu hỏi bản thân.



Không giống như nhiều người đàn ông trải qua những trải nghiệm tương tự, Péguy vẫn hoàn toàn chung thủy — với mọi người — và do đó phải chịu đựng vô cùng đau khổ. Ông muốn tôn trọng tất cả các yếu tố của thực tại đã được trình bày cho Ông. Ông không thể nghĩ đến việc không chung thủy hoặc chia tay với vợ mình, mặc dù Ông có thể xin một án tuyên bố hôn nhân vô hiệu bởi vì, khi còn là những chiến binh thế tục trẻ, họ đã kết hôn bên ngoài Giáo hội. Nhưng ông cũng sẽ không bỏ qua tình cảm của mình dành cho Blanche, điều mà ông coi như một thực tại cần phải thừa nhận. Do đó, trong bốn năm cho đến khi qua đời, ngay cả sau khi Blanche kết hôn với một người đàn ông khác, Péguy vẫn đấu tranh với chính mình và với Thiên Chúa.

Như ông nhận xét, hầu hết người Công Giáo lặp lại câu “Ý Cha thể hiện” mỗi ngày mà không để ý họ đang nói gì: Péguy đã biết được cái giá phải trả thực sự của những lời cầu nguyện như vậy.

Một số bài thơ hay nhất của ông đã xuất hiện trong thời kỳ này. Tuy nhiên, để hiểu một bài thơ giống như bài thơ ông viết cho Đức Trinh Nữ thành Chartres với tựa đề “Prayer of Confidence” [Lời cầu xin tin tưởng], cần phải biết nhân vật phụ nữ khác đằng sau nhân vật mà ông đang công khai ngỏ lời. Bài thơ đó kết luận:

Khi chúng ta ngồi tại ngã tư được hình thành bởi hai con đường
Và phải chọn hối tiếc cùng với hối hận
Và số phận kép buộc chúng ta phải chọn một lộ trình
Và viên đá đỉnh của hai mái vòm xác định cái nhìn của chúng ta,
Một mình em, tình nhân của bí mật, chứng thực
Cho đường dốc nơi một con đường dẫn đi.

Em biết con đường khác mà các bước chúng ta đã chọn,
Như người ta chọn cây tuyết tùng để làm rương hòm.
Chứ không phải vì nhân đức mà chúng ta không có.
Và không phải vì nghĩa vụ, điều mà chúng ta không yêu thích.

Nhưng, khi thợ mộc tìm thấy tâm của
Gỗ, để tìm kiếm tâm của sự khốn cùng.
Và để tiếp cận trục của khốn khổ,
Và đối với nhu cầu ngu ngốc để cảm thấy toàn bộ lời nguyền rủa,
Và để làm những gì khó khăn hơn và phải chịu đựng tồi tệ hơn,
Và để nhận đòn trong tất cả sự đầy đủ của nó.

Thông qua tính khéo léo đó, tính nghệ thuật đó,
Vốn sẽ không bao giờ làm cho chúng ta hạnh phúc nữa,
Lạy Nữ Vương, xin hãy để chúng con, ít nhất, bảo vệ được danh dự của chúng con,
Và cùng với nó là sự dịu dàng giản dị của chúng con
. (48)

Đau khổ, danh dự, dịu dàng: qua trải nghiệm này, Péguy dường như đã hiểu ra rằng nỗi đau và thậm chí dễ bị tổn thương trước tội lỗi thường là những cách duy nhất để mở ra những kênh mạch mà nhờ đó ân sủng thực sự có thể đến với chúng ta, đặc biệt là những người trong chúng ta nghĩ rằng đức tin và luân lý của mình là đủ rồi. Thật vậy, trong công trình của ông, ân sủng cũng trở thành một yếu tố năng động như đức cậy và đức mến, một sức mạnh sống động không thể bị chế ngự bởi các công thức thần học và tìm cách đi vào cuộc sống của chúng ta, ngay cả qua những kênh mạch khó xảy ra nhất.

Trong đoạn văn này và hàng trăm đoạn văn khác, Péguy cho thấy khả năng độc đáo đó để đạt đến những chiều sâu bình thường không thể tiếp cận được, vượt qua những chia rẽ hời hợt. Khi ngày và đêm, sự sống và cái chết được hợp nhất thành một thể thống nhất, thì những xung đột bình thường giữa trái và phải, thế tục và thánh thiêng, và nhiều đặc điểm khác của cuộc sống hàng ngày, bằng cách so sánh, là trò chơi trẻ con. Giống như C. S. Lewis, G. K. Chesterton và một số rất ít người khác trong thế kỷ 20, Péguy là một trong những người được hoán cải nhiều nhất một khi quá trình “đi sâu” của ông diễn ra. Một đặc điểm của Péguy Công Giáo, sâu sắc này - và cho biết một điều gì đó về cuộc sống nội tâm của ông mà có lẽ ông không bao giờ sẵn sàng nói về nó một cách cởi mở - là khi ông đến thăm nhà thờ chính tòa ở Gisors chỉ vài tháng trước khi qua đời, một người bạn đã hỏi xem liệu ông có thực sự tin, theo nghĩa đen, vào sự sống lại của người chết hay không. Péguy không chỉ nói có; ông “nắm lấy vai tôi và lay tôi, nói: ‘Một ngày nào đó tôi sẽ đến và nói cho anh biết.’” (49)

Cơn Lốc xoáy Pháp



Hopkins và Péguy đã mang đến những nguồn năng lực Công Giáo độc đáo cho thi ca, nhưng có lẽ một nhà thơ và nhà viết kịch Công Giáo đầu thế kỷ 20 thậm chí còn được truyền cảm hứng thuần túy hơn - một nhân vật gần như trở thành một sức mạnh của thiên nhiên - là Paul Claudel. Năng khiếu văn học của ông đã thu hút sự chú ý từ khá sớm trong cuộc đời của ông, ngay cả từ những người lỗi lạc không theo Công Giáo. Stéphane Mallarmé, thầy cả thượng phẩm về văn học của Paris thời trẻ của Claudel, đã nhận nhà thơ trẻ hơn này dưới trướng của mình. André Gide, người đã giúp sáng lập và điều hành tờ La Nouvelle Revue française [Tân Tập San Pháp] có sức ảnh hưởng lớn, đã ca ngợi Claudel là “un cyclone figé” (cơn lốc đóng băng), (50) mặc dù khó có thể nói được điều gì đã đóng băng ở một nhà văn linh hoạt, đa năng và phong phú như vậy. Sự ngưỡng mộ của Gide vẫn sống còn trước việc Claudel đôi khi thô thiển cố gắng hoán cải ông theo đạo và việc Claudel chỉ trích Gide mãi mãi dao động giữa có và không vì việc ông thiếu niềm tin. Claudel cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự đối với Marcel Proust, nhưng Proust cũng vậy, vẫn là một người ngưỡng mộ Claudel thầm lặng. Claudel tiếp tục trở thành một phần của đoàn ngoại giao Pháp và thậm chí còn được tôn vinh vì đã làm cho tính chuyên nghiệp bàn giấy những loại công việc thực tế vốn bị những nhà văn học thuần túy hơn coi là không xứng đáng về phương diện xã hội đối với một nghệ sĩ nghiêm túc. Nhưng ông đã thành công trong cả hai công việc - một sự kết hợp hiếm có giữa ý thức thực tế và nguồn cảm hứng ở một nhà thơ, có lẽ chỉ có Wallace Stevens, giám đốc điều hành công ty bảo hiểm người Mỹ (và là người trở lại đạo trong lúc hấp hối) sánh kịp trong thế kỷ XX. Khi Claudel được bổ nhiệm làm đại sứ Pháp tại Washington vào năm 1926, ông đã là một nhân vật nổi tiếng. Và bức ảnh của ông đã xuất hiện vào năm sau trên trang bìa của tạp chí Time do cả sự nổi tiếng về văn học và chính trị của ông.

Giống như Péguy, Claudel sinh ra ở vùng nông thôn nước Pháp, mặc dù có cha mẹ khá giả. Nhưng tác phẩm của Claudel hiếm khi truyền tải nhiều cảm giác về nước Pháp cổ đại hay thậm chí cả nước Pháp hiện đại. Daniel Halévy đã lập luận rằng, xét về thái độ Kitô giáo của họ, Péguy là một người tiền Cải cách trầm lặng và Claudel là một người Công Giáo hậu Cải cách sôi nổi. Giống như tất cả những khái quát hóa như vậy, điều này đúng một phần và sai một phần. Trong một vài trường hợp khi ông đề cập đến nước Pháp cổ kính, trong các vở kịch như L'annonce faite à Marie [Truyền tin cho Đức Maria] và Jeanne au bûcher [Gioanna trên dàn hỏa], Claudel đưa ra những định hướng sân khấu khá duy hiện đại gợi ý rằng sẽ tốt hơn nếu khán giả hiểu rằng, một cách nào đó, những lời sáo rỗng kịch nghệ đang được chấp nhận một cách có ý thức và có lẽ, ngay cả với sự mỉa mai có chủ ý. Do bản chất và có lẽ do đã đi nhiều nơi trên thế giới, Claudel là một nhân vật hoàn toàn hiện đại và khá thực nghiệm trong cả thơ và kịch của ông.

Là một người Công Giáo, ông chia sẻ phản ứng của Péguy chống lại chủ nghĩa duy vật khoa học hẹp hòi và chủ nghĩa duy lý được đại diện ở Pháp vào cuối thế kỷ 19, đáng chú ý nhất là bởi Ernest Renan (từ chính tay nhân vật này, Claudel đã nhận được giải thưởng của trường khi còn trẻ). Và ông cũng nhấn mạnh nguồn cảm hứng tự phát và sức sáng tạo không giới hạn mà nhà thơ nhận được từ chính Thiên Chúa (như sẽ rõ ở phần dưới, đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu). Một nhân vật, vốn là nhà thơ, giải thích trong La ville (Thành phố), một trong những vở kịch của Claudel:

Ô Besme, để biết tôi là ai và tôi nói gì,
Bạn cần một khoa học khác,
Và đối với việc đạt được nó, hãy quên đi một luận lý đáng ngờ, nó đủ để mở rộng tầm mắt của bạn về điều đang hiện hữu.
(51)

Dĩ nhiên, “Điều đang hiện hữu” lặp lại một khoảnh khắc đặc biệt trong Kinh thánh: khi Thiên Chúa nói với Môsê danh Người là “Ta là Đấng hiện hữu” (Xh 3:14). Nhưng nó cũng chỉ định chủ đề của nhà thơ là tất cả những gì đang hiện hữu. Claudel đã viết từ sự pha trộn phức tạp của thực tại. Ông theo Công Giáo, duy bảo hoàng và quốc tế, ngoài ra còn là người cởi mở, hiện đại và là người Pháp. Cách thức những dòng chảy đa dạng này đan xen vào tác phẩm của ông có thể giải thích tại sao nó lại hấp dẫn đến vậy, cả ở quê hương ông lẫn trên toàn thế giới.

Trong cùng một vở kịch (La ville), trong đó nhân vật của ông đề xuất một loại khoa học khác, ông cũng nói, “Toute parole est une explication de l'amour” (Mỗi lời nói là một cách giải thích về tình yêu). (52) Đây là một sợi chỉ vàng xuyên suốt cuộc đời của Claudel. Giống như nhiều thanh niên cùng thời, Claudel đánh mất niềm tin ở tuổi thiếu niên, nhưng không kéo dài lâu. Năm mười tám tuổi, vào ngày lễ Giáng sinh năm 1886, ông đang đứng trước bức tượng nổi tiếng Đức Mẹ đồng trinh đang mang thai ở Nhà thờ Đức Bà Paris trong giờ kinh chiều thì một niềm tin đột ngột bùng lên trong ông. Claudel cho rằng sự hoán cải của ông một phần là nhờ đọc Arthur Rimbaud, nhà thơ thiếu nhi duy hiện đại ngông cuồng, người mà trong cuộc đời và tác phẩm của mình, đã trốn chạy mọi quy ước tôn giáo, xã hội và đạo đức để sống cuộc đời của một nhà tiên kiến thi ca phóng túng, nhưng cuối cùng lại gần gũi với đạo Công Giáo (nếu thực sự, như một số người thân tuyên bố, ông đã không trở lại với đức tin).

Claudel mở đầu một tiểu luận sau này về Rimbaud với tuyên bố cho rằng ông là “un mystique à l'état sauvage, une source perdue qui ressort d'un sol saturé” (một nhà huyền nhiệm trong trạng thái man rợ, một nguồn suối đã mất nay tái hiện từ một đất bão hòa). (53) Đó là một cách đọc táo bạo và mang tính bản thân cao của một nhà thơ độc đáo đáng lo ngại, nhưng Claudel đã đồng nhất tinh thần nguyên thủy của Rimbaud với Chúa Thánh Thần và bác bỏ những thứ cản trở nguồn cảm hứng tự do này, kể cả một số phong tục tôn giáo không cần thiết. Ông thích trích dẫn Sách Huấn Ca (Sirach) 32: “ Hãy nói, hỡi những người lớn tuổi hơn vì điều phù hợp là các bạn nên nói, nhưng với nhận thức chính xác và đừng làm gián đoạn âm nhạc”, hoặc như trong cách viết trực tiếp của Bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh: “ Non impediam musicam” (Đừng cản trở âm nhạc).

Mặc dù lời kêu gọi này không cản trở điều dường như là thần thánh, nhưng âm nhạc tự nhiên có thể được hiểu theo nghĩa phản văn hóa thông thường, cuộc đời của Claudel đã phát triển gần như một cực đối lập với cuộc đời của Rimbaud. Ông có tính kỷ luật cao khi muốn thành công trong học tập, vào ngành ngoại giao Pháp và thăng tiến qua hàng loạt chức vụ quan trọng ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Ba Tây, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác. Nhiệm vụ của ông, được ông thực hiện một cách hoàn hảo, lúc đầu chỉ để ông viết mỗi ngày một giờ, nhưng ông đã không chống lại giới hạn này. Thực thế, ông đã áp dụng một kỷ luật tinh thần và viết lách nào đó là không sửa đổi nhiều khi ông viết tiếp tục và chấp nhận những gì ông được truyền cảm hứng để sản xuất mỗi ngày. Đối với ông, đó là một chế độ thành công đáng kể đã dẫn đến một khối lượng lớn các tác phẩm văn học hạng nhất. Ông cũng thực hiện những công việc khổ công trí thức của Công Giáo. Đầu sự nghiệp của mình, ở Trung Quốc, ông đã “đọc và chú thích” (với liều lượng nhỏ hàng ngày) cả hai Tổng luận của Thánh Tôma Aquinô; xuất lượng của ông trong hai mươi năm cuối đời chỉ bao gồm các bài bình luận về Kinh thánh. Các nhà phê bình đôi khi đặt ra câu hỏi liệu có thể có thứ gọi là Rimbaud Theo Thuyết Tôma hay không. Nếu câu trả lời là có, Claudel là bằng chứng.

Không những ông là một nhà ngoại giao, mà còn có các khuynh hướng bảo thủ mạnh mẽ và thậm chí theo chủ nghĩa bảo hoàng, điều mà ông hẳn phải cẩn thận khi phát biểu trong tư cách một viên chức tốt của République française [Cộng hòa Pháp]. Tuy nhiên, chúng đã tìm được đường vào một bộ ba bi kịch (1910–1920) bắt đầu với việc Napoléon bỏ tù Đức Giáo Hoàng và lịch sử của gia đình hư cấu Coûfontaine: L'otage (Con tin], Le pain dur [Chiếc Bánh Cứng], Le père humilié [Người Cha bị nhục]. Không cuốn nào trong số này dường như đại diện cho điều mà hầu hết những người biết Rimbaud đều liên tưởng đến ảnh hưởng của nhà thơ đó. Tuy nhiên, Claudel đã dựa vào Rimbaud và truyền thống thi ca hiện đại mang tính cách mạng của Pháp trong suốt cuộc đời của ông (Claudel tin vào ơn Quan Phòng, không phải ngẫu nhiên, và sự kiện ông qua đời ở tuổi 87 vào Thứ Tư Lễ Tro năm 1955 trong khi đang đọc một cuốn sách về Rimbaud có thể xác nhận niềm tin của ông). Có lẽ có ảnh hưởng lớn nhất là Rimbaud của những Sự soi sáng huyền nhiệm, thị nhân mà thế giới xuất hiện trong sự tươi mới mặc khải vĩnh viễn.

Đằng sau cả Rimbaud và Claudel, còn có Baudelaire, đặc biệt là bài tình ca “Correspondances” [Thư từ] của ông, cho thấy một cuộc tìm kiếm thi ca thậm chí còn sớm hơn để xem từng sự vật trên thế giới như có liên quan đến một ý nghĩa tâm linh tối thượng nào đó, một chiều kích bị loại khỏi thế giới như được diễn giải bởi một ngành khoa học của thế kỷ 19, đã chia cắt nó để phục vụ cho mục đích phân tích thuần lý khá hời hợt:

Thiên nhiên là một ngôi đền, có những trụ cột sống động
Bây giờ và sau đó, hãy để một số từ nhầm lẫn thoát đi.

Con người đi qua khu rừng dày đặc biểu tượng
Đang quan sát chúng với cái nhìn chằm chằm quen thuộc.

Khi những tiếng vọng dài xa hòa vào nhau
Trong một sự thống nhất tối tăm và sâu sắc,
Bao la như đêm, trong như ánh sáng ban ngày,
Mùi, màu sắc và âm thanh nói với nhau.

Có mùi tươi như da thịt trẻ nhỏ,
Dịu dàng như đàn ô-boa, xanh tươi như suối đồng cỏ,
—Và những người khác, giàu có, đắc thắng và độc ác
Vươn xa tới những điều vô tận,
Giống như hổ phách, xạ hương, Benjamin và trầm hương
Hát những chuyến vận chuyển tinh thần và ý nghĩa
. (54)

Đối với Baudelaire và những người đi trước và theo sau ông trong truyền thống thi ca hiện đại của Pháp, thiên nhiên không phải là một cỗ máy đơn giản mà là một ngôi đền mầu nhiệm.

Tác phẩm của Claudel lặp lại loại cảm giác này và làm sắc nét nó bằng cách đi theo hướng Công Giáo. Về điều này, ông cũng theo Baudelaire, Rimbaud và Verlaine – người đầu tiên và người cuối cùng công khai trở thành Công Giáo, và Rimbaud, như chúng ta đã nói, dường như cũng có bước ngoặt tương tự trên giường bệnh. (55) Kinh nghiệm nước ngoài của Claudel, chẳng hạn, khá có tính qui ước về phương diện nghề nghiệp, cung cấp trí tưởng tượng sáng tạo mạnh mẽ của ông với những nguyên liệu thô mà ông thường sử dụng rất tốt. Thật vậy, dường như ở một số điểm, ông có nói rằng ơn gọi của một người Công Giáo là cố gắng “mở rộng thế giới” và đón nhận nó trong tổng thể của nó. Trong bộ ba tác phẩm đầy kịch tính đồ sộ Le soulier de satin (Chiếc dép sa tanh), Don Rodrigo, nhân vật chính—một nhân vật ra đi và thiết lập trật tự cho Châu Mỹ Latinh và các vùng đất khác bị Tây Ban Nha chinh phục—đã giải thích cụm từ này bằng thuật ngữ tiếng Pháp: “Người Pháp sống ở Pháp, chẳng hạn, Pháp ít quá, ông ngộp thở! Ông có Tây Ban Nha ở dưới chân, và Anh ở trên đầu, và bên cạnh ông là Đức, Thụy Sĩ và Ý; ưa di chuyển tự do với điều đó!” (56)

Claudel đôi khi bị gán nhãn hiệu—một cách nhầm lẫn—là một người đồng tình với phe Phát xít cánh hữu vì tính bành trướng bảo thủ đó và đặc biệt hơn vì một bài thơ ông viết gửi cho Nguyên soái Pétain sau sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ ba và sự thành lập chính phủ Vichy. Tuy nhiên, bài thơ đó (“Paroles au Maréchal”[Lời gửi Nguyên Soái]) không phải là chủ nghĩa hợp tác mà là hy vọng rằng nước Pháp sẽ sống sót sau sự xâm lược của Đức Quốc xã. Ông hoàn toàn bảo thủ về mặt chính trị và xã hội, đồng thời thử nghiệm trong các sáng tạo của mình. Nhưng ông là loại người Công Giáo ghê tởm ba hệ tư tưởng hiện đại có ảnh hưởng nhất: Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa duy vật—tất cả đều hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của người Công Giáo về Thiên Chúa, con người và vũ trụ. Khi Đức quốc xã bắt đầu thông qua luật Nuremberg phân biệt chủng tộc chống lại người Do Thái, Claudel đã lên tiếng tố cáo chúng một cách công khai và viết thư cho các nhà lãnh đạo Do Thái ở Pháp để ủng hộ người Do Thái bị đối xử bất công ở Đức. Bất chấp tất cả những điều này, một quan điểm nhất định vẫn tồn tại ở Pháp rằng Công Giáo bảo thủ trong những năm 1930 phải bài Do Thái và do đó, hoan nghênh sự thống trị của Phát xít đối với quốc gia đó sau nhiều năm đàn áp Giáo hội bởi các chính phủ xã hội chủ nghĩa. Đó là một phán đoán sai lầm trong trường hợp của Claudel và nhiều trường hợp khác, nhưng nó thường dẫn đến sự bác bỏ hoặc phớt lờ tác phẩm của ông – mà nếu không thì rõ ràng là phi thường về phẩm chất văn học – trên cơ sở chính trị. (57)

Phẩm chất văn học rất đáng chú ý, nếu đôi khi bị che khuất bởi hệ thống viết văn không có hệ thống của Claudel. Ông viết ra những gì ông cảm thấy được truyền cảm hứng để viết mà không cần lập kế hoạch trước hay sửa đổi sau (một điểm yếu chung mà ông chia sẻ với Péguy). Một số nhà phê bình đã khẳng định rằng Claudel là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, và điều đó chắc chắn có thể biện hộ được, mặc dù sản lượng thơ của ông, giống như của T. S. Eliot, tương đối ít. Những người khác cũng cho rằng ông là nhà viết kịch Pháp vĩ đại nhất kể từ sau Racine, nhưng ở đây trường hợp này khó giải quyết hơn vì tác phẩm thử nghiệm của Claudel cho nhà hát thường khó gầy dựng (Le soulier de satin mất khoảng bảy giờ để trình diễn), đã là một sai sót nghiêm trọng, và thậm chí còn khó hơn để được khán giả tiếp nhận, điều này gần như gây một cú đánh chết người. Và sau đó là các chủ đề vũ trụ. Như một độc giả sắc sảo đã nhận xét: “Nhận ra sức sống thi ca to lớn của Claudel có nghĩa là chấp nhận sự phong phú trong ngôn ngữ của ông, sự không kiềm chế được lời nói và thói quen lấy các vị thánh, thiên thần và các vì sao làm các nhân vật kịch của ông.” (58)

Nhưng thử nghiệm và tham vọng lớn có thể khá thành công trong thi ca. Trong một bài thơ hay đầu tiên của mình, “Les muses” [các nàng thơ], bài thơ đầu tiên mà sau này trở thành Cinq grandes odes [Năm Bài Ngợi Ca] của ông, ông đã viết một cách cuồng nhiệt về nguồn cảm hứng thần thiêng. Các Nàng thơ trong trường hợp này được vẽ trên một chiếc quách được phát hiện ở Ý gần Ostia, sau đó được chuyển đến Bảo tàng Louvre. Claudel mô tả từng người trong số họ, những cô gái của Ký ức, bản thân họ được đặc trưng là “đĩnh đạc một cách khôn tả / Theo nhịp đập của Hữu thể”. Điều này có thể bị một nhà văn khác cho là sai sự thật, nhưng ở Claudel có một xung lực vũ trụ đầy thuyết phục giữ cho những lời như vậy không bay khỏi những gì người đọc cảm nhận được là tầm nhìn chân thực. Thí dụ, ông minh nhiên nói rằng ông sẽ không theo Dante vĩ đại trong việc trình bày một tầm nhìn hợp lý và có trật tự về thế giới:

Hỡi hồn tôi, chúng ta không được nghĩ ra bất cứ kế hoạch nào! Hỡi hồn man rợ của tôi,
chúng ta phải giữ cho mình tự do và sẵn sàng,
Như đàn én mảnh mai khi không có
một giọng nói, tiếng gọi mùa thu vang lên!


Có lẽ không phải chuyện ngẫu nhiên khi ông gọi linh hồn mình ở đây là man rợ [sauvage], cùng một từ ngữ được ông dùng để mô tả phẩm chất trong nền huyền nhiệm của Rimbaud.

Sự thúc đẩy hướng tới tự do thi ca này chiếm vị trí của nó trong quan điểm của Claudel về việc sáng tạo nghệ thuật như một điều không chỉ đơn thuần sonh hành với vũ trụ, mà còn tham gia vào hành động rất tự do mà chính Thiên Chúa đã thực hiện trong Sáng tạo:

Như vậy, bài thơ không phải là một chiếc bao chứa ngôn từ, nó không chỉ là
Những sự vật mà nó biểu thị, nhưng bản thân nó là một dấu hiệu, một hành vi tưởng tượng, tạo ra
Thời gian cần thiết cho các giải quyết của nó
Bắt chước hành động nhân bản được nghiên cứu về sức mạnh và sức nặng của nó.


Có một phẩm chất Ađam trong bài thơ này theo nghĩa nó mang lại cho con người cơ hội để làm tươi mới lại thế giới. Như Claudel đã nói:

Nhưng bài hát của em, Ôi Nàng thơ của nhà thơ,
Không phải là tiếng vo vo của ong, dòng suối róc rách, con chim thiên đường trong những cây đinh hương!

Nhưng vì Thiên Chúa thánh thiện đã phát minh ra mọi sự, niềm vui của em là sở hữu tên của nó,
Và khi Người nói trong im lặng, “Hãy có nó!”, nó là như vậy, tràn đầy tình yêu, bạn lặp lại, theo cách Người gọi nó,
Giống như một đứa trẻ sơ sinh nhỏ bé, đánh vần, "Đó là gì."
Hỡi tôi tớ Chúa, đầy ân sủng!
(59)

Bài thơ ghi ngày Paris 1900—Foutchéou 1904. Vì vậy, chúng ta đang đối phó với một tuyên bố quan trọng của Claudel khi ông ngoài ba mươi tuổi và bước vào tầm nhìn trưởng thành của mình. Đề cập đến ân sủng trong dòng được trích dẫn cuối cùng cũng dự đoán một bài thơ tiếp tục chủ đề này, ba năm sau, bài thơ thứ tư trong Cinq grandes odes, The Muse is Grace [Nàng thơ là ân sủng].

Trong bối cảnh này, Claudel nhìn nhận cảm hứng và vị trí sáng tạo của nhà thơ như thế nào, hình thức câu thơ của ông cũng đáng được chú ý, bởi vì nó mang nhiều ý nghĩa thẩm mỹ hơn. Cũng như với Péguy, Claudel hoàn toàn có khả năng viết thể thơ alexandrine [mỗi câu có mười hai âm tiết] chính thức của Pháp trong những tác phẩm phải được coi là tác phẩm kém hơn của ông. Nhưng dòng thơ chính của ông, thường được gọi là thơ Claudel, mà ông đã sử dụng trong cả thi ca và kịch thơ của mình, cho thấy một sự tương đồng nào đó với các câu Kinh thánh, nghĩa là dường như ông tuân theo một loại nhịp điệu tâm lý hoặc thậm chí tâm linh, hơn là theo vần luật nghiêm ngặt. Mỗi ý tưởng được thể hiện trong một khối từ ngữ, tăng giảm rồi nhường chỗ cho một cảm hứng khác, và cứ thế nối tiếp nhau cho đến khi “hành động tưởng tượng” đạt đến độ trọn vẹn. Như với những câu Kinh thánh, điều này có nghĩa là bài viết không phải là văn xuôi hay thi ca, theo nghĩa thông thường của những thuật ngữ đó, mà là một điều bao gồm cả hai. Đối với độc giả người Anh, có lẽ sự so sánh gần nhất là với thể loại thơ được tìm thấy trong Leaves of Grass [Lá cỏ] của Walt Whitman.

Giống như nhiều nhà văn Công Giáo vào thời điểm đó, và không chỉ có họ, Claudel ghê tởm thế giới quan máy móc hiện đại và xã hội công nghiệp hóa đang thống trị sự hiện hữu hoàn cầu của con người. Ông thừa nhận rằng các quy tắc nghiêm ngặt của thể thơ alexandrine trong câu thơ cổ điển Pháp có thể được sử dụng khi một nhà thơ làm việc với chất liệu thích hợp. Tuy nhiên, đối với bản thân ông, “Chính từ tiếng chuông và sự du dương của những giờ kinh chiều mà tôi đã rút ra ý nghĩa của giai điệu thịnh vượng vay mượn từ Thánh vịnh, điều đã làm vô cùng bực tức những nhà vô địch của thể thơ alexandrine xinh đẹp của chúng ta.” (60) Bên cạnh việc tránh lặp đi lặp lại một cách máy móc, Claudel cho rằng hiệu quả mà hệ thống của ông tạo ra tương tự như “tiếng Công Giáo vĩ đại của các Thánh vịnh”. Và các Thánh vịnh mà ông muốn nói là các phiên bản tiếng Latinh của Thánh Giêrôm, mà, dù rất ngưỡng mộ Virgil, ông vẫn cho là phải coi là gần với tác phẩm vĩ đại nhất bằng tiếng Latinh. Ông thậm chí còn tự bảo vệ mình trên cơ sở đó: “Tất cả những lời chỉ trích mà bạn nhắm vào tôi, ý tưởng không mạch lạc, sự lộn xộn, bạo lực về ngữ pháp, sự tối nghĩa, cũng có thể được hướng nhiều hơn và nhiều hơn nữa” vào các Thánh vịnh. (61) Claudel dường như đã tìm thấy một thứ tự lộn xộn tương tự trong các vở kịch Hy Lạp cổ thời, trong đó ông đã phiên dịch một số.

Khi chúng ta xem xét các vở kịch của ông, điều trở nên rõ ràng - trong số nhiều điều cố tình không rõ ràng - là một phần sức mạnh của chúng bao gồm sự tương tác giữa các năng lực phóng túng khác nhau, đặc biệt là giữa tình yêu thánh thiêng của Thiên Chúa và tình yêu trần tục của đàn ông và đàn bà. Chủ đề này được đưa vào tác phẩm của Claudel tương đối sớm vì một giai đoạn tội lỗi nghiêm trọng. Vào mùa thu năm 1900, ông thực hiện một cuộc tĩnh tâm tại tu viện Ligugé, với ý định trở thành một tu sĩ Biển Đức. Vì nhiều lý do khác nhau, ông đã bị các thầy nhà tập từ chối và sau đó thậm chí còn tuyên bố rằng ông đã nghe thấy tiếng “Không” cương quyết đối với ơn gọi của ông từ chính Thiên Chúa. Chán nản, ông ở lại đoàn ngoại giao Pháp và một năm sau trên con tàu Ernest Simons trên đường đến Trung Quốc thì ông gặp và ngoại tình với Rosalie Vetch. Claudel vẫn chưa kết hôn, nhưng cô ấy đã kết hôn, và một cuộc đấu tranh dữ dội xảy ra sau đó liên quan đến việc sinh một cô con gái. Rosalie bỏ Claudel ở lại Trung Quốc vào tháng 8 năm 1904. Nhưng thậm chí nhiều thập niên sau, rất lâu sau khi Claudel đã kết hôn và ổn định cuộc sống với nhiều đứa con, giai đoạn này khiến ông cảm thấy tội lỗi và, như ông thừa nhận, dường như cũng đã để lại khoảng trống mà ông đã không thể lấp đầy. (Ông thậm chí còn bảo đảm rằng đứa con gái ngoài giá thú được chăm sóc bằng cách chia cho cô ấy một số tiền bản quyền của ông.) Tuy nhiên, vì tất cả những điều đó, nó đã bổ sung thêm cho những nỗ lực văn chương của ông vì ông coi tính tội lệ của tình yêu ngoại tình như phần nào đó mở ra cho ông và giúp ông hiểu biết đầy đủ hơn về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Một trong những vở kịch thành công đầu tiên của ông, Partage de midi [Nghỉ Buổi Trưa], là một sự diễn lại đầy kịch tính về biến cố trên tàu, nhưng không theo bất cứ văn phong hiện thực hay dễ hiểu nào. Claudel luôn là một nhà văn tượng trưng và gợi ý, và vở kịch ở đây dường như thu hút các lực lượng tự nhiên như những diễn viên quan trọng: mặt trời trên cao ở Ấn Độ Dương, đổ xuống một loại ánh sáng nào đó trong màn đầu tiên, trong khi con tàu và hành khách của nó bồng bềnh trên một yếu tố bao la, dao động; mặt trăng, trái đất và các ngôi sao dệt nên một bối cảnh mầu nhiệm trong màn thứ hai; và cái chết của những người yêu nhau, đã chia tay, và đứa trẻ, ở phần ba. Có những khoảng cách lớn, khó hiểu - tất nhiên là cố ý - giữa các tình tiết, và câu hỏi cuối cùng không thể giải quyết được là tại sao Thiên Chúa lại quyết định đưa Ysé, vai nữ chính và Mesa, vai nam chính, đến với nhau vào đúng giữa trưa trong không gian rộng lớn của biển cả. Bức tranh còn phức tạp hơn bởi việc Mesa không thể hoàn toàn hiến thân và việc Ysé dính líu đến người đàn ông thứ ba. Đương nhiên, Claudel không gợi ý rằng Thiên Chúa muốn họ phạm tội, nhưng có những dấu hiệu mơ hồ cho thấy Mesa, khép kín với chính mình, thậm chí muốn dâng mình cho Thiên Chúa trong tư cách một linh mục, phải thực sự mở lòng mình với người khác, một điều không may đã xảy ra thông qua liên hệ tội lỗi của mình. Một vở kịch như thế này là cố ý nhiều mặt; như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, ngay cả cái tên Partage cũng có ý nghĩa nước đôi, gợi ý về sự “chia sẻ” vào thời điểm chói lọi của buổi trưa cao điểm ở đầu vở kịch, nhưng cũng là một “sự phân chia”, mà bản dịch của Wallace Fowlie đã nắm bắt một cách chính xác là “Break of Noon”, một cách diễn đạt kỳ quặc bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp. (62) Chất liệu này mang tính bản thân đến mức, mặc dù một phiên bản của vở kịch đã hoàn thành vào năm 1905, Claudel đã không cho phép nó được trình diễn cho đến tận năm 1948.

Những căng thẳng giữa tình yêu nhân bản và thần linh từ lâu đã là một chủ đề trong tư tưởng Kitô giáo, và Claudel đã quay trở lại chủ đề đó với một tác phẩm thực sự hoành tráng trong Le soulier de satin [Chiếc dép sa tanh] (1919–1924). "Vở kịch" này được chia thành bốn "ngày", mỗi ngày gần như là một vở kịch. Nó có lẽ chưa bao giờ được trình diễn chính xác như đã viết. Đạo diễn nổi tiếng người Pháp Jean-Louis Barrault, người được Claudel cho phép thực hiện buổi trình diễn đầu tiên của Partage de midi, đã dàn dựng Le soulier de satin trong hơn hai ngày trong vòng chưa đầy chín tiếng đồng hồ, và một quá trình sản xuất được biên tập cẩn thận ở Thành phố New York vào những năm 1990 kéo dài khoảng bảy giờ. Ở đây Claudel trình bày một cặp vợ chồng khác bị chia rẽ: Rodrigo, một nhà quý tộc Tây Ban Nha, yêu Prouhèze, một người đẹp Tây Ban Nha lấy chồng già. Tuy nhiên, trong trường hợp này, niềm đam mê của họ dành cho nhau không được hoàn hợp. Thay vào đó, nó được kiểm soát và sau đó thăng hoa thành một sử thi rộng lớn liên quan đến việc người Tây Ban Nha—và Công Giáo—tiếp cận với Châu Phi, Châu Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Claudel đưa ra các chỉ dẫn sân khấu rất rõ ràng ngay từ đầu rằng không nên duy trì tính hư cấu của vở kịch, rằng các đồ dùng sân khấu và những công nhân lo dọn dẹp phông cảnh sân khấu phải hết sức rõ ràng khi hành động diễn ra, gợi ý cho khán giả rằng không có sự phân chia rõ ràng giữa diễn viên và khán giả. Ngoài ra, ông còn thêm hai đề từ (epigraphs) vào tác phẩm đồ sộ này: “Thiên Chúa viết thẳng bằng những đường cong”, và nhận xét của Thánh Augustinô Etiam peccata (“Ngay cả tội lỗi cũng [phục vụ Thiên Chúa]”).

Claudel không xấu hổ về vai trò của Giáo hội trong việc thuộc địa hóa thế giới. Thực thế, ông nghĩ rằng đó là một phần xung lực của Công Giáo khi mong muốn truyền giáo cho toàn thể vũ trụ, và bất cứ điều gì ít hơn sẽ là một loại đào ngũ. (Trong một vở kịch sau đó, Le Livre de Christophe Colomb [Nhật ký của Christopher Columbus], với phần âm nhạc của Arthur Honegger, bạn của Claudel, chủ đề này được trình bày dưới một hình thức sử thi khác.) Tuy nhiên, cùng với điều này, là cách trong đó một loại đóng đinh hạnh phúc trần thế là một điều kiện cần thiết của anh hùng và thánh nhân. Rodrigo đã thành công rực rỡ trong việc thuần hóa Châu Mỹ và Nhật Bản (nơi ông ta bị thương tật, mất một chi trong trận chiến). Nhưng ông ta là một nhân vật tuyệt vọng và bị sỉ nhục - thực sự là tự làm nhục mình - vào cuối câu chuyện. Claudel liên kết tất cả các loại tình tiết hài hước và kỳ cục cũng như các tình tiết phụ với cốt truyện căn bản này. Người ta tự hỏi Claudel nghĩ loại khán giả nào có thể ngồi xem hết. Nhưng nhiều đoạn bộc lộ sự ma thuật kỳ diệu của Claudel, và nhiều người, khi trung thành theo nó đến cùng, đã có ấn tượng về một điều gì đó có qui mô lớn, cả về chủ đề lẫn cách thực hiện ở chính những giới hạn của khát vọng con người—một mục tiêu mà Claudel công khai đặt ra cho nhà văn Công Giáo. Có lẽ chính tham vọng này, cùng với năng khiếu trữ tình rõ ràng của ông, đã khiến ông trở thành một tác giả hiện đại không thể bỏ qua.

Không phải tất cả công việc của ông đều khó hiểu như thế, hay gián tiếp có tính Công Giáo đến thế. (Partage de midi mặc nhiên là như vậy, nhưng diễn tiến qua một kiểu mơ mộng duy biểu tượng; Le soulier de satin công khai có tính Công Giáo, nhưng tiến hành bởi những diễn biến hoàn cầu và bất ngờ có chủ ý. Thiếu hiểu biết bên ngoài về Công Giáo của Claudel, người xem có thể coi đức tin chỉ là sự ngẫu nhiên đối với cả hai vở kịch.) Một trong những bi kịch nổi tiếng và dễ tiếp cận nhất của ông, L'annonce faite à Marie [Truyền tin cho Đức Maria] (63) thường được mô tả như một loại vở kịch mầu nhiệm thời trung cổ, và do đó, nó còn sở hữu nhiều yếu tố đơn giản một cách quyến rũ ngoài những năng khiếu thông thường của Claudel. Trái ngược với những gì tiêu đề có thể gợi ý, nó không phải là một câu chuyện về Đức Trinh Nữ Maria mà lấy bối cảnh ở vùng nông thôn nước Pháp vào thời Charles VII và Gioana thành Arc. Nhân vật trung tâm là một cô gái nông dân, Violaine, một cô gái tóc vàng với tính cách giản dị sâu sắc và ngây thơ. Trong một cảnh đầu tiên, cô bị tấn công bởi Pierre de Craon, một thợ xây và người xây dựng thánh đường, trong cơn say tình nhất thời. Anh ta ăn năn ngay lập tức và hướng cuộc sống của mình thuần túy hơn sang việc ca ngợi Thiên Chúa trong công việc của mình. Trong khi đó, em gái của Violaine, Mara, tóc đen và quỷ quyệt (và rõ ràng là một hình ảnh đối lập với Violaine), tranh giành Jacques Hury, một thanh niên trong làng với cô. Câu chuyện xoay quanh việc Pierre cho Violaine thấy rằng anh ta có một vết bệnh phong. Cô ấy hôn anh một cách dịu dàng, nhưng Mara coi đây là sự không chung thủy hoàn toàn, điều này thậm chí còn có thể xảy ra hơn khi bản thân Violaine mắc bệnh phong. Pierre được chữa khỏi một cách lạ lùng, Violaine bị trục xuất, Mara và Jacques kết hôn.

Sẽ không phải là không đi đến đâu khi thấy ở đây một vở kịch tình dục khác của Claudel: nghệ sĩ tu sĩ Pierre bị cám dỗ bởi vẻ đẹp ngây thơ, bản chất hai mặt của hai chị em. Nhưng Claudel không để câu chuyện ở đó. Tám năm sau, trong thời gian Violaine bị cô lập trong một cơ sở của người phong cùi, Mara đến với cô cùng với một đứa trẻ — vào đêm Giáng sinh — đã chết vì một tai nạn nào đó. Mara cầu xin Violaine làm cho nó sống lại, điều mà người chị độc ác tin rằng người chị tốt cách nào đó có thể làm được. Trên thực tế, Violaine đưa đứa trẻ lên vú và cho nó bú, và nó đã hồi sinh một cách kỳ diệu, với đôi mắt giờ đã chuyển sang màu xanh lam của chính Violaine. Sự tái sinh xảy ra vào dịp Giáng sinh này có tiếng vang rõ ràng. Và nó dẫn đến một loại chữa lành. Violaine, người cho đến giờ vẫn chưa đổ lỗi cho ai, giống như câu chuyện của Maria kể cho Giuse, nói với Jacques rằng nếu anh tin cô, thì anh đã chữa lành bệnh phong cho cô rồi. Mara, bị kích thích bởi sự sáp lại gần nhau giữa hai người, đã giết chết Violaine trong một vụ giống như tai nạn. Nhưng bằng phương tiện phong phú của Claudel, sau đó cô đã thú nhận tội lỗi của mình và dường như được tẩy sạch nhờ lòng bác ái của Violaine đối với đứa trẻ đã chết. Và thực sự, dường như hai chị em cần thiết cho nhau cách nào đó và cho việc xuất hiện của sự thánh thiện.

Mặc dù tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh một ngôi làng thời trung cổ thú vị, và Claudel nâng cao hiệu quả như một họa sĩ phong cảnh bậc thầy thời trung cổ, nhưng chúng ta vẫn biết rằng những thứ bên ngoài chẳng có ý nghĩa gì nhiều; cùng những căng thẳng của con người về tình yêu, ghen tuông, phản bội và tha thứ phải diễn ra trong trái tim con người. Thiên nhiên, ngay cả thiên nhiên được lý tưởng hóa trong các bức chân dung về cuộc sống thời trung cổ, đều chứa đựng những sức mạnh mà chúng ta phải vượt qua bằng những sức mạnh siêu nhiên, bằng sự can thiệp của ân sủng. Nhưng có một mối quan hệ hỗ tương giữa những căng thẳng mà thiên nhiên và bản chất con người tạo ra và việc giải quyết bằng hành động thần thiêng vượt xa chúng. Điều này cung cấp nhu cầu cho điều kia. Và cuối cùng, như Claudel vẫn thích nói về vở kịch này (trích lời Lacordaire), “il n’y a pas deux amours
,” không có hai tình yêu, chỉ có một tình yêu, tìm cách xuyên qua ánh sáng và bóng tối của cuộc đời.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Bí ẩn: Tàu ngầm Nga phóng ngư lôi vào nhau. Kyiv tuyên bố phá hủy hàng loạt hệ thống phòng không Nga
VietCatholic Media
04:39 01/07/2024


1. Ukraine phá hủy hàng loạt hệ thống phòng không của Nga trong các cuộc tấn công chính xác

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Destroys Series of Russian Air-Defense Systems in Precision Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong một vài ngày qua, Ukraine đã tích cực loại bỏ một số hệ thống phòng không của Nga khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi tấn công vào các bệ phóng hỏa tiễn của Nga và củng cố các tài sản phòng không của Ukraine.

Cơ quan an ninh SBU của Kyiv hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, cho biết họ đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Nga tại các địa điểm trên bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm và trong tỉnh Belgorod, bao gồm 4 hệ thống hỏa tiễn đất đối không Tor-M2 tiên tiến của Nga, 3 hệ thống bánh lốp tầm ngắn Pantsir-S1 và một hệ thống tầm trung Buk.

“Không phải pháo hoa. Đó là sự phá hủy các hệ thống phòng không của Nga”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong một tuyên bố hôm Thứ Hai.

Ukraine đã liên tục tấn công vào các hệ thống phòng không tiên tiến của Mạc Tư Khoa và những đánh giá gần đây cho thấy Kyiv có thể đang tập trung vào các mối đe dọa có thể gây ra cho các phi đội chiến đấu cơ F-16 mới của nước này từ hệ thống phòng không của Nga.

Ukraine dự kiến sẽ đưa các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất này gia nhập lực lượng không quân của mình trong những tuần tới, mặc dù mốc thời gian chính xác vẫn còn mơ hồ và có thể thay đổi kể từ khi các đồng minh phương Tây của Kyiv cam kết cung cấp máy bay này vào năm ngoái.

Đầu tháng này, quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công các bộ phận của hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở Crimea. Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự, gọi tắt là HUR của Ukraine, nói với truyền thông Ukraine rằng Nga đã đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không S-500 “thử nghiệm” ở Crimea. Các báo cáo trong tuần này cho thấy Nga vừa đưa một hệ thống S-500 đến mũi Chauda trên bán đảo đã bị nổ tung khi lực lượng không quân Ukraine phóng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tấn công.

Hôm Chúa Nhật, chính phủ Ukraine cho biết quân đội của họ đã phá hủy hai hệ thống phòng không của Nga trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số tổn thất của Nga đối với các loại vũ khí như vậy kể từ tháng 2 năm 2022 lên 873.

Đoạn phim được SBU và Bộ Quốc phòng Kyiv chia sẻ cuối tuần qua dường như cho thấy một máy bay điều khiển từ xa cánh cố định của Ukraine đã tấn công một trong các hệ thống Tor-M2 của Nga, sau đó là một đoạn clip quay cảnh một cuộc tấn công vào hệ thống Pantsir-S1. Pantsir-S1 được NATO gọi là hệ thống SA-22 hoặc Greyhound.

Đoạn video sau đó xuất hiện cho thấy một số cuộc tấn công khác vào hệ thống phòng không.

Hôm thứ Bảy, các quan chức Ukraine cho biết một cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào thị trấn Vilniansk, ở vùng Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine, đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em và hơn 30 người khác bị thương.

Đề cập đến cuộc tấn công, Tổng thống Zelenskiy cho biết “các thành phố và cộng đồng của đất nước phải hứng chịu hàng ngày những cuộc tấn công như vậy của Nga khi người Nga tiếp tục thất bại trên chiến trường”, đồng thời nói thêm: “Có nhiều cách để vượt qua nó”.

Kyiv cần phải “tiêu diệt các bệ phóng hỏa tiễn của Nga, tấn công tầm xa và tăng số lượng hệ thống phòng không hiện đại ở Ukraine”, ông Zelenskiy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

2. Vì sao tàu ngầm Nga phóng ngư lôi vào nhau ở 'Hồ NATO'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Why Russian Submarines Torpedoed Each Other in 'NATO Lake'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, hai tàu ngầm Nga đã đối đầu với nhau trong một cuộc tấn công ở Biển Baltic, nơi NATO tiến hành các cuộc tập trận quân sự của riêng mình vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa liên minh và Mạc Tư Khoa.

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO do cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin có nghĩa là vùng nước này bị bao quanh bởi các thành viên liên minh, khiến nó có biệt danh là “Hồ NATO”.

Nằm giữa nhóm thành viên NATO này là vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga, nơi Hạm đội Baltic của Nga đặt trụ sở chính, khiến nơi này trở thành tiền tuyến trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào giữa Mạc Tư Khoa và liên minh.

Theo các phương tiện truyền thông Phần Lan, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã tấn công vào nhau. Cho đến nay vẫn chưa rõ điều gì đã xảy ra và tổn thất của Nga như thế nào. Trong khu vực Kaliningrad, gần đây xảy ra nhiều trường hợp nhiễu và bị đánh chặn GPS, không biết đó có phải là lý do dẫn đến sự việc hay không.

Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tass giải thích rằng sau cuộc diễn tập chống tàu ngầm, đã được Bộ Quốc Phòng Nga chính thức công bố, các tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk và Dmitrov đã tiến hành thêm một cuộc đọ sức huấn luyện. Họ cho biết thủy thủ đoàn của Novorossiysk “đã thực hiện một cuộc tấn công bằng ngư lôi” bằng cách sử dụng đạn không có đầu đạn vào chiếc Dmitrov.

Tass cũng nói rằng các tàu ngầm cũng đang thực hành các thao tác chiến đấu, chẳng hạn như né tránh các cuộc tấn công của đối phương và phát hiện, theo dõi và phóng ngư lôi chống lại tàu ngầm đối phương. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tờ The National Interest đưa tin rằng Nga vẫn còn 65 chiếc tàu ngầm lớp Kilo đang phục vụ. Tờ báo này nói thêm rằng tốc độ 20 hải lý một giờ của tàu ngầm này là “hơi chậm” và không giống như tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động vô thời hạn, tàu ngầm lớp Kilo có tầm hoạt động khoảng 8.600 dặm hay 13840 km.

Trong khi các tàu này được coi là kém hơn các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Novorossiysk được trang bị sonar tiên tiến và có thể mang theo vũ khí, bao gồm cả hỏa tiễn hành trình Kalibr, có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Nga dường như đang dựa nhiều hơn vào hạm đội tàu ngầm của mình để khoe khoang sức mạnh. Gần đây, nước này đã triển khai một đội tàu bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan tới Cuba, nơi nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Caribe trong vùng biển quốc tế gần bờ biển Hoa Kỳ.

Tàu Kazan được trang bị hỏa tiễn siêu thanh Zircon và để đáp trả, NATO đã triển khai máy bay chống ngầm P-8 Poseidon để theo dõi hoạt động của tàu.

Cuộc tập trận Baltic của Nga diễn ra trong một tuần khi NATO tiến hành các cuộc tập trận quân sự Baltops, với thành viên mới nhất của liên minh là Thụy Điển, lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận. Cuộc tập trận của NATO kết thúc hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, bao gồm quét mìn trên biển, phát hiện tàu ngầm, đổ bộ và cách ứng phó với thương vong hàng loạt. Diễn biến này xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, DC, bắt đầu từ ngày 9 tháng 7.

Cuộc tập trận diễn ra sau thông báo của Đan Mạch rằng nước này có thể hạn chế sự di chuyển của các tàu chở dầu trong “hạm đội bóng tối” của Nga, vốn vận chuyển dầu của Nga để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng tuổi tác của chúng khiến chúng trở thành rủi ro về môi trường.

Trong khi đó, một số thành viên NATO đã phản ứng mạnh mẽ trước một sắc lệnh trên trang web của chính phủ Nga, sau đó bị xóa, đề xuất thay đổi biên giới trên biển của Nga ở phía đông Biển Baltic.

3. QUÁI THÚ KHỔNG LỒ. Nga lên kế hoạch chế tạo siêu Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ 100.000 tấn 'Storm II' tấn công phương Tây… nhưng giấc mơ của Putin có thể KHÔNG BAO GIỜ nhìn thấy ánh sáng

Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “BIG BEAST Russia planning massive 100,000-ton supercarrier ‘Storm II’ to take on West…but Putin’s dream may NEVER see light of day”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

VLADIMIR Putin đang mơ ước chế tạo một siêu Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ nặng 100.000 tấn nhằm cạnh tranh với phương Tây. Siêu Hàng Không Mẫu Hạm được tường trình sẽ phóng chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Nga

Andrey Belousov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cùng với Phó đô đốc đã nghỉ hưu của Putin, Vladimir Pepelayev, khoe khoang kế hoạch của Nga một lần nữa phô diễn sức mạnh quân sự của mình.

Andrey Belousov đã giao cho Cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nga Pepelyaev nhiệm vụ phát triển Hàng Không Mẫu Hạm đầy triển vọng tại Viện nghiên cứu Krylov.

Belousov tiết lộ rằng con tàu tương lai sẽ có lượng giãn nước từ 70.000 đến 90.000 tấn và sẽ chạy bằng lò phản ứng hạt nhân.

Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ cũng có khả năng phóng các chiến đấu cơ tàng hình - Su-57.

Ông nói với RIA: “Hàng Không Mẫu Hạm đầy hứa hẹn của chúng ta chắc chắn phải có lượng giãn nước từ 70 đến 90 ngàn tấn, nhưng điều quan trọng nhất không phải là lượng giãn nước, không phải máy bay điều khiển từ xa mà là máy bay.

“Ngày nay, chúng ta có Su-33 và MiG-29K/Cube. Trong tương lai, Hàng Không Mẫu Hạm của chúng ta sẽ được trang bị Su-57”.

Pepelyaev nói thêm rằng Nga sẽ cần ít nhất 4 Hàng Không Mẫu Hạm như vậy để bắt kịp phương Tây. Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga nhận định mỉa mai rằng các tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga đều bắt đầu công việc của mình với những đề án rất lớn, hy vọng tên tuổi họ sẽ được lưu danh trong lịch sử, nhưng thực tế hơn, qua những đề án rất lớn như thế, họ sẽ thu được những khoản tiền khổng lồ.

Hạm đội của Nga tụt hậu so với các đối thủ vì Mỹ và Trung Quốc đều đã hạ thủy các Hàng Không Mẫu Hạm gây ấn tượng mạnh của riêng mình.

Nhưng dự án đầy tham vọng này có thể không bao giờ thành công sau khi những nỗ lực trước đó đã thất bại thảm hại.

Thiết kế cuối cùng của Hàng Không Mẫu Hạm mang tên Storm dự kiến sẽ được khởi công trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2030.

Tuy nhiên, dự án trị giá 5 tỷ Mỹ Kim này không có tiến triển đáng kể nào kể từ khi được giới thiệu vào năm 2017.

Chi phí đáng kinh ngạc để chế tạo một Hàng Không Mẫu Hạm tầm cỡ như thế tỏ ra là một gánh nặng không thể chịu nổi đối với nền kinh tế Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Gần một nửa Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hoặc hỏa tiễn của Ukraine kể từ khi bạo chúa Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin, Đô đốc Kuznetsov, cũng có lịch sử rắc rối khi gặp phải nhiều vụ hỏa hoạn và tai nạn chết người trong suốt vòng đời 30 năm của nó.

Con tàu đã được sửa chữa lớn kể từ năm 2017 khi nó được triển khai trong các cuộc tấn công dã man của nhà độc tài vào Syria.

Pepelayev cho biết: “Nếu chúng tôi tin vào các cơ quan truyền thông mở, con tàu sẽ hoàn thành việc sửa chữa và hiện đại hóa trong năm nay.

“Rất có thể, các hệ thống giám sát, kiểm soát hàng không, hệ thống tự vệ và năng lượng điện sẽ được hiện đại hóa.

“Rõ ràng, hệ thống hỏa tiễn tấn công sẽ không bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho hàng không trên boong. Đúng hơn là nó sẽ được hiện đại hóa.”

Tuy nhiên, thật bẽ mặt cho Putin, ảo tưởng của ông về việc có một hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm có thể là điều xa vời.

Chuyên gia hải quân HI Sutton trước đây đã nói với The Sun rằng Đô đốc Kuznetsov có thể không bao giờ nhìn thấy ánh sáng, khiến sức mạnh hải quân Nga chỉ còn là quá khứ.

“Với những thách thức tài chính của Nga, việc hoàn thành công việc và đưa nó trở lại phục vụ quân ngũ có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

“Và ngay cả nếu Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov có thể được phục hồi, thì công việc cũng đã chậm trễ rất nhiều so với những gì đáng lẽ phải có.

“Có một dấu hỏi nghiêm trọng về khả năng tiếp tục duy trì các chiến hạm lớn nhất của Nga.

“Đây là vấn đề tự hào dân tộc, nhưng chúng ngày càng lỗi thời, như vụ chìm tàu Moskva đã cho thấy.”

“Vì vậy, đây có thể là dấu chấm hết cho siêu hạm đội thời Chiến tranh Lạnh của Nga. Hạm đội mặt nước tương lai của Nga trông nhỏ hơn và được tạo thành từ các tàu nhỏ hơn”.

4. Liên Hiệp Âu Châu áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Belarus, thực hiện các biện pháp chống lẩn tránh

Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố Liên minh Âu Châu đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus vào ngày 29 Tháng Sáu do nước này dính líu đến cuộc chiến của Nga chống Ukraine.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết: “Các biện pháp toàn diện này nhằm mục đích tăng cường một số biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với Nga, và do đó giải quyết vấn đề lách luật xuất phát từ mức độ hội nhập cao hiện có giữa nền kinh tế Nga và Belarus”.

Belarus là đồng minh chủ chốt của Mạc Tư Khoa và ủng hộ hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine, mặc dù nước này không trực tiếp đưa lực lượng của mình tham gia chiến sự.

Liên Hiệp Âu Châu hôm 24 Tháng Sáu đã đưa ra vòng trừng phạt thứ 14 đối với Nga, nhằm giải quyết việc lách các biện pháp hiện có và hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ ngành năng lượng của Nga.

Hai ngày sau, các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu cũng đồng ý về gói trừng phạt mới nhắm vào Belarus.

Theo Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, các hạn chế mới đối với Belarus nhằm vào các lỗ hổng thương mại, dịch vụ, vận tải và chống gian lận.

Liên Hiệp Âu Châu mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với hàng hóa và công nghệ có công dụng kép và tiên tiến. Hội đồng cũng đưa ra các hạn chế đối với hàng hóa có thể nâng cao năng lực công nghiệp của Belarus, cũng như hàng hóa xa xỉ, liên quan đến hàng hải và công nghệ.

Liên Hiệp Âu Châu áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Belarus. Hội đồng cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp vàng và kim cương từ Belarus, cũng như khí heli, than đá và các sản phẩm khoáng sản, bao gồm cả dầu thô.

Một số dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực kiến trúc, kỹ thuật, tư vấn công nghệ thông tin, kinh doanh và quản lý, cùng những dịch vụ khác, sẽ bị cấm đối với chính phủ, cơ quan công quyền, các tập đoàn hoặc cơ quan của nước này.

Liên Hiệp Âu Châu cũng mở rộng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong lãnh thổ của mình bằng các phương tiện giao thông ghi danh tại Belarus.

“Quyết định hôm nay yêu cầu các nhà xuất khẩu Liên Hiệp Âu Châu phải đưa vào hợp đồng tương lai của họ cái gọi là 'điều khoản cấm Belarus', qua đó họ cấm tái xuất khẩu sang Belarus hoặc tái xuất khẩu để sử dụng ở Belarus các hàng hóa và công nghệ nhạy cảm, đặc biệt là các khí tài chiến tranh,” tuyên bố cho biết.

Liên Hiệp Âu Châu cấm quá cảnh qua Belarus hàng hóa và công nghệ có công dụng kép hoặc hàng hóa có thể đóng góp cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Các công ty Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ được yêu cầu bảo đảm rằng các công ty con ở nước thứ ba của họ không tham gia vào “các hoạt động dẫn đến kết quả mà các lệnh trừng phạt muốn ngăn chặn”.

5. Bản đồ tiết lộ cuộc tấn công của Ukraine vào 30 máy bay Nga trong năm nay

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Map Reveals Ukrainian Strikes on 30 Russian Aircraft This Year”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Theo lực lượng vũ trang Ukraine, hơn 30 máy bay Nga đã bị hư hại hoặc phá hủy trong năm nay và công bố bản đồ cho thấy nơi xảy ra cuộc tấn công.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là Stratcom, cho biết trên Telegram rằng đồ họa của họ lần đầu tiên cho thấy các địa điểm tấn công vào chiến đấu cơ của Nga ở tiền tuyến.

“Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục tiêu diệt hiệu quả chiến đấu cơ của Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí phương Tây”, StratCom cho biết trong bài đăng trước khi liệt kê các máy bay mà họ cho biết đã bị tấn công.

Bản đồ của tổ chức này cho thấy hầu hết các cuộc tấn công xảy ra ở miền đông Ukraine bị tạm chiếm, về phía mặt trận phía nam giáp khu vực Zaporizhzhia và Crimea. Nó cũng cho thấy các cuộc tấn công trên Biển Azov và hai cuộc tấn công ở Nga.

StratCom cho biết các máy bay bị bắn hạ bao gồm 9 chiếc Sukhoi Su-25, một chiếc Su-57, một chiếc Su-35, một chiếc Su-35S, khoảng 13 chiếc Su-34 và hai chiếc MiG-31.

StratCom cũng cho biết các lực lượng phòng không Ukraine đã tấn công hai máy bay cảnh báo và điều khiển sớm Beriev A-50, một máy bay ném bom động cơ phản lực Ilyushin Il-22M11 và một máy bay ném bom tấn công hàng hải và chiến lược tầm xa Tupolev Tu-22M3.

StratCom nhận xét rằng: “Một số máy bay bị hư hỏng nhưng có thể quay trở lại phi trường để sửa chữa lâu dài và nói thêm rằng trong một số trường hợp, không thể xác định một cách đáng tin cậy các mô hình của máy bay bị phá hủy”.

Vào tháng 2, các quan chức Nga cho biết một chiếc A-50 đã bị bắn rơi, và Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, cho biết rằng vào tháng 5, hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Ukraine đã phá hủy hai chiếc MiG-31 ở Crimea trong một cuộc tấn công bằng ATACMS.

Vào tháng 2 và tháng 3, các quan chức Ukraine đã báo cáo về việc nhiều máy bay Su-34 bị bắn rơi, mặc dù ISW cho biết họ không thể xác minh độc lập những tuyên bố này. Các quan chức Ukraine cho biết vào tháng 5, Lữ đoàn cơ giới số 110 của nước này đã bắn rơi một số máy bay phản lực Su-25 của Nga ở khu vực Donetsk.

ISW cho biết trong một đánh giá ngày 28 tháng 6 rằng hàng loạt máy bay Nga bị bắn rơi, đặc biệt là A-50 và Il-22. Điều này đã cản trở hoạt động hàng không của Nga trên bầu trời Ukraine.”

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh của mình tăng cường năng lực phòng không và chiến đấu cơ tiên tiến, chẳng hạn như F-16, một lô sẽ được giao vào mùa hè này.

6. Kuleba gặp Bộ trưởng Armenia khi Yerevan rời khỏi Mạc Tư Khoa

Hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã gặp Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan bên lề Diễn đàn Dubrovnik ở Croatia.

Điều này xảy ra khi Yerevan đang tìm cách tách mình ra khỏi Nga và liên tục cáo buộc Mạc Tư Khoa là đối tác không đáng tin cậy.

Kuleba và Mirzoyan đã thảo luận về tình hình an ninh ở Âu Châu và Nam Caucasus. Theo Ngoại trưởng Kuleba, cả hai cũng tập trung vào các cách thế để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương và hợp tác quốc tế giữa hai quốc gia, “đặc biệt là trong bối cảnh Ukraine sẽ trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu trong tương lai”.

Bộ trưởng nói: “Tôi cảm ơn Armenia vì đã tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên ở Thụy Sĩ và đã thông báo với người đồng cấp của tôi về công việc tiếp theo nhằm thực hiện công thức hòa bình trên con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine”.

Armenia từ lâu đã dựa vào Nga như một đồng minh chính trong khu vực.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga từ chối hành động trong các cuộc xung đột giữa Nagorno-Karabakh, một thực thể được Armenia hậu thuẫn trên lãnh thổ Azeri được quốc tế công nhận. Nagorno-Karabakh đã được tái hòa nhập vào Azerbaijan sau chiến thắng cuối cùng của nước này vào năm 2023.

Sau đó, Yerevan liên tục đe dọa rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự do Nga đứng đầu.

Vào tháng 3, Mirzoyan tiết lộ rằng nước này đang xem xét việc ghi danh làm thành viên của Liên minh Âu Châu, nhằm tăng cường quan hệ với phương Tây.

Armenia phần lớn đã kiềm chế không tham gia vào cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine. Nước này đã chuyển lô viện trợ nhân đạo đầu tiên cho Ukraine vào tháng 9 năm 2023.

7. Zelenskiy: Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường chống lại Ukraine trong tuần này

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường chống lại Ukraine chỉ trong tuần này. Ông cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

Bom dẫn đường trên không là loại vũ khí được dẫn đường chính xác, có tầm bắn ngắn hơn hỏa tiễn nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều. Các loại vũ khí này được phóng từ máy bay trong lãnh thổ Nga, ngoài tầm bắn của phòng không Ukraine.

Thương vong dân sự do các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không thường được báo cáo ở các khu vực gần biên giới Nga, chẳng hạn như các tỉnh Kharkiv, Donetsk và Sumy.

“Ukraine cần các lực lượng và phương tiện cần thiết để tiêu diệt những phương tiện mang những quả bom này, đặc biệt là chiến đấu cơ ném bom của Nga”, ông Zelenskiy nói.

Ông nói: “Các cuộc tấn công tầm xa và hệ thống phòng không hiện đại là cơ sở để ngăn chặn cuộc khủng bố hàng ngày của Nga”, đồng thời ông cảm ơn “tất cả các đối tác hiểu được điều này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov ngày 25 Tháng Năm cho biết Nga đã thả gần 10.000 quả bom dẫn đường xuống Ukraine kể từ đầu năm 2024.

8. DTEK cho biết 90% công suất sản xuất năng lượng của công ty bị mất do tấn công của Nga

Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, đã mất gần 90% công suất sản xuất năng lượng do các cuộc tấn công của Nga, Giám đốc Ildar Saliieev cho biết hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

Salieiev cho biết Nga đã tấn công các nhà máy nhiệt điện DTEK hơn 180 lần, gây thiệt hại ít nhất 350 triệu Mỹ Kim.

“Chỉ riêng năm nay, chúng tôi sẽ chi gần 100 triệu Mỹ Kim từ quỹ của mình để sửa chữa các nhà máy nhiệt điện. Các chuyên gia của chúng tôi đang tìm kiếm thiết bị dự phòng trên toàn thế giới có thể mua, mang về và lắp đặt ở Ukraine,” ông nói thêm.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong một cuộc tấn công mới nhằm vào mạng lưới năng lượng.

Do hậu quả của các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine bắt đầu thực hiện cắt điện luân phiên vào ngày 15 tháng 5.

Theo nhà điều hành năng lượng nhà nước Ukrenergo, người Ukraine sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài hàng ngày cho đến cuối tháng 7 do việc sửa chữa theo lịch trình tại các nhà máy điện hạt nhân.

Việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện bị phá hủy sẽ mất “nhiều năm chứ không chỉ vài tháng”.

“Vấn đề chủ yếu là thời gian và sự sẵn có của các thiết bị cần thiết. Các đơn đặt hàng sản xuất thiết bị đã được đặt tại các cơ sở sản xuất trên khắp các châu lục”, Saliieev cho biết.

Ông cũng mô tả thiệt hại từ các cuộc tấn công của Nga là “rất lớn” và nói thêm rằng công việc khôi phục vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ.

Giám đốc điều hành của công ty cho biết, bất chấp thiệt hại nghiêm trọng, tất cả các cơ sở của DTEK sẽ được khôi phục “sớm hay muộn”.

Theo Trường Kinh tế Kyiv, trong cuộc xâm lược toàn diện, hơn 18 Giga Watt công suất phát điện đã bị mất do sự xâm lược của Nga, bao gồm cả việc chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Các nhà máy thủy điện Kakhovka và Dnipro cũng như các nhà máy nhiệt điện Zmiiv và Trypillia đều bị phá hủy hoàn toàn.

Kể từ đầu năm 2024, Nga đã tiến hành 8 cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn.
 
Kyiv đập tan âm mưu đảo chính, bắt 2 đầu sỏ. Belarus đe dọa hạt nhân Ukraine. Tranh luận Biden-Trump
VietCatholic Media
17:09 01/07/2024


1. Các quan chức cho biết Ukraine vừa ngăn chặn âm mưu đảo chính

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Thwarts Alleged Coup Scheme, Officials Say”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, một nhóm người đã bị bắt giữ vì nghi ngờ lên kế hoạch đảo chính ở Kyiv.

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên báo chí hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cho biết cảnh sát “đã vạch trần một nhóm các nhà hoạt động giả danh đang chuẩn bị hành động khiêu khích ở Kyiv vào ngày 30 tháng 6”.

Bốn công dân đã bị các công tố viên địa phương buộc tội phân phối tài liệu kêu gọi bạo lực lật đổ chính phủ và trật tự hiến pháp Ukraine. Hai người đã bị tạm giam, hai người kia trốn thoát và đang bị ráo riết truy nã.

Các nhà điều tra cho biết, từ tháng 5 đến tháng 6, một nhóm người đã phát tán các bài đăng trực tuyến làm mất uy tín của giới lãnh đạo hiện tại của Ukraine và thúc đẩy việc cướp chính quyền bằng bạo lực.

Kẻ cầm đầu bị cáo buộc là người tổ chức cuộc đảo chính, được tường trình là nhà lãnh đạo công đoàn địa phương với thành tích trước đó là tham gia vào các hoạt động khiêu khích chống lại chính phủ nhưng “không có kết quả”. Người này đã thuê một hội trường ở Kyiv với sức chứa khoảng 2.000 người.

Nhà chức trách cũng cho biết ông ta đang cố gắng tuyển mộ quân nhân và lực lượng dân quân tư nhân để giúp thực hiện kế hoạch.

Các đồng phạm của người tổ chức được cho là đến từ vùng Dnipropetrovsk ở phía đông và vùng và Kyiv ở phía bắc Ukraine.

Theo văn phòng Tổng công tố Ukraine, các nhà lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ ở Prykarpattia cũng được đề nghị tham gia nhóm, nhưng họ từ chối vì nhận ra “rõ ràng là bất hợp pháp”.

Những tên tham gia vào âm mưu lật đổ đã lặp lại ý kiến của nhà độc tài Vladimir Putin được đưa ra hôm 28 Tháng Năm. Putin đã tuyên bố sai lầm rằng Tổng thống Zelenskiy đã hết nhiệm kỳ, và quyền lực tổng thống nên được chuyển giao cho chủ tịch quốc hội Ukraine.

Thực ra, nếu thiết quân luật không được áp dụng do tình trạng chiến tranh, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo đã được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 và nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Zelenskiy đã kết thúc vào ngày 20 tháng 5. Nhưng Ukraine đã ban hành thiết quân luật sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2, 2022. Đạo luật Thiết quân luật cấm rõ ràng các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và chính quyền địa phương.

Hôm 28 Tháng Năm, vừa qua, Ông Ruslan Stefanchuk, Chủ tịch Quốc hội Ukraine, cho biết:

“Theo Hiến pháp Ukraine, tổng thống thực hiện quyền hạn của mình cho đến khi tổng thống mới được bầu nhậm chức. Vì vậy, Volodymyr Zelenskiy vẫn và sẽ giữ chức tổng thống Ukraine cho đến khi kết thúc thiết quân luật. Tất cả điều này đều phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Ukraine. Rõ ràng là những câu chuyện mà Nga công bố hôm nay vừa dễ đoán vừa buồn cười”.

Một số nhà phê bình Zelenskiy, bao gồm cả các nhà tuyên truyền Nga, cho rằng Hiến pháp không cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông dưới tình trạng thiết quân luật.

Họ cho rằng ông không còn là tổng thống hợp pháp vào ngày 20 tháng 5. Tuy nhiên, các luật sư hiến pháp hàng đầu phản đối tuyên bố này, và nói rằng Hiến pháp cho phép gia hạn như vậy.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và phát ngôn nhân Ủy ban Âu Châu Peter Stano đã lên tiếng ủng hộ tính hợp pháp của Zelenskiy vào ngày 21 Tháng Năm.

Stano nói: “Chúng tôi ở Liên Hiệp Âu Châu cũng không nghi ngờ gì về việc tổng thống Ukraine là Volodymyr Zelenskiy.

Theo thống kê vào tháng 2, năm nay, trong tổng số 35.670.000 dân Ukraine, có đến 17.3% là người Nga do Liên Xô đưa sang để cài cắm trong mưu toan thực dân hóa Ukraine. Người Ukraine chính cống chiếm 77.8%.

2. Tổng tham mưu trưởng Belarus đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật 'nếu chủ quyền bị đe dọa'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Media: Belarusian chief of general staff threatens to use tactical nukes 'if sovereignty threatened'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng tham mưu trưởng Belarus Pavel Muraveiko cho biết nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga triển khai trên lãnh thổ của mình nếu chủ quyền hoặc nền độc lập của Belarus bị đe dọa, hãng tin nhà nước Belarus Belta đưa tin hôm 30 Tháng Sáu.

“Chúng tôi đã học được cách sử dụng những vũ khí này. Chúng tôi biết cách áp dụng chúng một cách tự tin. Chúng tôi có thể làm điều đó. Và bạn có thể chắc chắn: chúng tôi sẽ làm điều đó nếu chủ quyền và độc lập của đất nước chúng tôi bị đe dọa”, Pavel Muraveiko nói trong một chương trình phát sóng truyền hình, theo Belta.

Một ngày trước đó, quân đội Belarus tuyên bố rằng Ukraine được cho là đang triển khai lực lượng của mình tới biên giới quốc gia chung để thực hiện “các hành động phá hoại, khủng bố” tiềm tàng, hãng tin nhà nước Belta đưa tin.

Tờ Kyiv Independent không có bất cứ thông tin nào cho thấy Ukraine đang di chuyển lực lượng của mình đến gần biên giới Belarus hơn. Các hãng thông tấn nhà nước Belarus có lịch sử lâu dài về những tuyên bố không có căn cứ.

Trong khi Belarus không có vũ khí hạt nhân của riêng mình, Nga được cho là đã chuyển một số kho vũ khí hạt nhân của mình sang Belarus.

Trung tâm chống thông tin sai lệch của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết vào tháng 5 rằng Nga có thể lựa chọn tiến hành một hoạt động tâm lý mới nhằm “khuấy động sự hoảng loạn hàng loạt” ở Ukraine. Theo trung tâm này, kế hoạch này nhằm buộc Kyiv tin rằng quân đội Belarus sẽ tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ sớm có một loạt tuyên bố khiêu khích của các lãnh đạo cao nhất Nga và Belarus đe dọa Ukraine”, tuyên bố cho biết.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, quân đội Belarus tuyên bố rằng Ukraine được cho là đang triển khai lực lượng của mình tới biên giới quốc gia chung để thực hiện “các hành động phá hoại, khủng bố”.

Trong video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây do thông tấn xã quốc doanh Belta của nhà nước Belarus thực hiện, Đại tá Vadim Lukashevich, chỉ huy một lực lượng biên phòng của Belarus, nói với Belta: “Tình hình ở biên giới Belarus-Ukraine có đặc điểm là căng thẳng ngày càng gia tăng”.

Ông nói thêm: “Họ đang cố gắng lôi đất nước chúng ta vào cuộc chiến”.

Lực lượng Nga phát động cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine từ Belarus vào đầu năm 2022 nhưng bị thất bại gần Kyiv và buộc phải rút lui.

Bộ Quốc phòng Belarus hồi đầu tháng 6 thông báo rằng họ đang tăng cường an ninh ở biên giới với Ukraine sau một loạt “sự việc an ninh”.

Lukashevich tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã bố trí các thiết bị quân sự, bao gồm cả những thiết bị do Mỹ sản xuất, ở Zhytomyr, giáp biên giới Belarus.

Lukashevich cũng cáo buộc Ukraine đã gài mìn và các chất nổ khác gần biên giới với Belarus. Lukashevich tin rằng điều này cho thấy kế hoạch của lực lượng Ukraine nhằm tấn công thêm vào Belarus, phá hoại và thực hiện các hành động khủng bố.

Lukashevich không cung cấp bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố của mình.

3. Bộ Tổng tham mưu cho biết Nga mất 3 máy bay, 350 xe tăng trong tháng 6

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Nga đã mất 3 máy bay, 350 xe tăng và hơn 58 hệ thống phòng không trong tháng 6. Hơn 33.700 binh sĩ Nga cũng được tường trình đã thiệt mạng trong 30 ngày qua.

Quân đội Ukraine đã tấn công hơn 330 khu vực tập trung nhân sự, thiết bị quân sự, 5 căn cứ và 20 kho đạn dược.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov báo cáo rằng người Nga đã mất ít nhất 352 xe tăng, 58 hệ thống phòng không, 3 máy bay và 1.758 xe quân sự trong tháng Sáu.

Nga phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv và Vovchansk trở thành nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất.

Lực lượng của Mạc Tư Khoa đã tiến xa tới 10 km trong khu vực nhưng đã bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên.

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết hôm 12 Tháng Sáu rằng Nga đã “sa lầy” ở thị trấn Vovchansk đang bị bao vây nhưng vẫn liên tục bổ sung lực lượng bằng các đơn vị từ các hướng khác.

4. Đảng cực hữu của Le Pen giành chiến thắng lớn ở vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Pháp

Hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu, Pháp đã tiến một bước gần hơn đến việc thực hiện điều từng được coi là cơn ác mộng không thể tưởng tượng được: đó là một chính phủ cực hữu lần đầu tiên lên nắm quyền ở Paris.

Đảng Tập hợp Quốc gia của Marine Le Pen đã giành được thắng lợi lớn trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử sớm, diễn biến này có thể đảo ngược chính trị chính thống trên khắp Âu Châu và xa hơn, với những tác động khó dự đoán đối với thị trường và an ninh toàn cầu.

Theo ước tính ban đầu của các nhà thăm dò Ipsos, Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu đang trên đường giành được 34% phiếu bầu vào hôm Chúa Nhật trong khi liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chịu tổn thất đáng kinh ngạc, đứng thứ ba với 20,3% phiếu bầu. Liên minh cánh tả đã thể hiện mạnh mẽ với 28,1% phiếu bầu.

Hénin-Beaumont, ở miền Đông nước Pháp, nhận xét rằng: “Người dân Pháp đã cho thấy rằng họ muốn vạch ra một ranh giới dưới 7 năm cai trị khinh thường của Macron”. Bà nói thêm: “Chúng tôi vẫn chưa thắng, vòng thứ hai sẽ rất quan trọng… chúng tôi cần đa số tuyệt đối để Jordan Bardella, trong 8 ngày nữa, có thể được Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng”.

Theo những dự đoán ban đầu dựa trên các cuộc thăm dò ý kiến, đảng của Le Pen dự kiến sẽ giành được 230 tới 280 ghế trong quốc hội 577 ghế, liên minh cánh tả 125 tới 165 ghế và liên minh của Macron chỉ được từ 70 đến 100 ghế.

Tuy nhiên, dự đoán về số ghế ở giai đoạn này chỉ mang tính phỏng đoán và phụ thuộc vào các quyết định chính trị được đưa ra trong những ngày tới trước vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7 tháng 7. Bản thân Macron sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027, bất kể kết quả thế nào của cuộc bầu cử quốc hội này.

Pháp đang bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử sớm quan trọng có vẻ sẽ có tác động vang dội khắp lục địa vào thời điểm quan trọng. Các chính phủ trung dung của Liên Hiệp Âu Châu đã phải đối mặt với những thách thức từ cuộc chiến Ukraine.

Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của Pháp hoài nghi về vai trò của Pháp trong cả NATO và Liên Hiệp Âu Châu và một chiến thắng của đảng này ở Paris sẽ có khả năng phá vỡ các liên minh phương Tây khi họ đang căng thẳng.

Nếu những ước tính ban đầu được xác nhận trong các kết quả sau đó, đảng của Le Pen, hiện do Jordan Bardella, 28 tuổi, lãnh đạo, có cơ hội tốt để thành lập một chính phủ 'chung sống' dưới sự lãnh đạo của ông Macron.

Hôm Chúa Nhật, tổng thống Pháp kêu gọi các lực lượng “dân chủ và cộng hòa” đoàn kết chống lại đảng của Le Pen. Theo một tuyên bố từ Cung điện Elysée, ông Macron nói: “Đối mặt với sự trỗi dậy của Đảng Tập hợp Quốc gia, chúng ta cần thúc đẩy sự đoàn kết rộng rãi, rõ ràng là dân chủ và cộng hòa trước vòng hai”. “Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao… cho thấy tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu đối với đồng bào của chúng ta và cách họ muốn làm rõ tình hình chính trị.”

Tổng thống Pháp đã gây sốc cho cả nước và các đồng minh quốc tế của Pháp khi ông kích hoạt cuộc bỏ phiếu chỉ vài tuần trước Thế vận hội Olympic, sau thất bại nhục nhã trong cuộc bầu cử quốc hội Âu Châu vào tháng 6.

Đó là một động thái táo bạo nhằm ngăn chặn bước tiến của phe cực hữu bằng cách buộc cử tri Pháp phải lựa chọn một quốc hội mới. Dựa trên sức mạnh của những dự đoán ban đầu cho đến nay, canh bạc của ông Macron có vẻ sẽ thất bại.

Tiếp theo là gì?

Ở những khu vực bầu cử có ba ứng cử viên đủ điều kiện đi tiếp vào vòng hai vào Chúa Nhật tới, ứng cử viên đứng thứ ba sẽ phải chịu áp lực phải rút lui để đánh bại Đảng Tập hợp Quốc gia. Có vẻ như Macron sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn trong nhiều lĩnh vực về việc có nên rút các ứng cử viên của mình trong nỗ lực đánh bại đảng của Le Pen hay không.

Cựu Thủ tướng Édouard Philippe, một đồng minh của Macron, kêu gọi người dân bỏ phiếu chống lại Đảng Tập hợp Quốc gia và các ứng cử viên cực tả France Unbowed. Philippe, cựu thủ tướng của Macron và là nhà lãnh đạo đảng trung hữu Horizons, cho biết: “Tôi cho rằng không nên bỏ phiếu cho các ứng cử viên của Đảng Tập hợp Quốc gia, cũng như cho những ứng cử viên cánh tả France Unbowed”.

5. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Tấn công kinh hoàng vào dân thường ở Kharkiv, tỉnh Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào tỉnh Zaporizhzhia đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em

Cô cho biết hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, quân đội Nga đã tấn công thị trấn Vilniansk ở tỉnh Zaporizhzhia khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em và 36 người bị thương.

Vilniansk, một thị trấn có dân số trước chiến tranh gần 15.000 người, nằm cách thành phố Zaporizhzhia khoảng 30 km và cách tiền tuyến phía nam khoảng 50 km.

Một số vụ nổ đã được báo cáo sau khi cảnh báo không kích vang lên trong khu vực.

Theo Cảnh sát tỉnh Zaporizhzhia, Nga đã phóng hai hỏa tiễn vào Vilniansk, làm hư hại một cơ sở hạ tầng quan trọng, một cửa hàng và các tòa nhà dân cư. Cơ sở thương mại, nhà cửa và xe cộ bốc cháy sau vụ tấn công.

Thống đốc Ivan Fedorov nói ngay sau vụ tấn công: “Cuộc tấn công diễn ra vào ban ngày vào một ngày cuối tuần ở nơi mọi người đang dành thời gian rảnh rỗi ở trung tâm thành phố. Không có bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào”

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang đưa tin hôm 29 Tháng Sáu rằng có 8 trẻ em trong số những người bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói: “Các thành phố và cộng đồng của chúng tôi phải hứng chịu những cuộc tấn công như vậy của Nga mỗi ngày”.

“Có nhiều cách để khắc phục điều này – bằng cách tiêu diệt những kẻ khủng bố tại nơi chúng đang ở, loại bỏ các bệ phóng hỏa tiễn của Nga, tấn công chúng bằng vũ khí tầm xa và tăng số lượng hệ thống phòng không hiện đại ở Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy nói.

6. Thanh tra Ukraine cho biết hơn 14.000 thường dân Ukraine bị Nga giam cầm

Hơn 14.000 thường dân Ukraine đang bị Nga giam cầm, Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets cho biết hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy.

Trong số ba loại người Ukraine bị Nga giam giữ – trẻ em, tù nhân chiến tranh và thường dân – việc trao trả thường dân là “phức tạp nhất”, Lubinets nói.

Nhận xét của ông đã được hãng thông tấn Interfax Ukraine đưa tin.

Lubinets cũng lưu ý rằng Ukraine tiếp tục nỗ lực giải cứu 20.000 trẻ em và “hàng chục ngàn” người Ukraine được tường trình mất tích.

Lubinets đưa ra bình luận trên sau khi 10 thường dân bị Nga bắt giữ được trao trả cho Ukraine theo sau một sự can thiệp từ Vatican, bao gồm một nhà hoạt động người Tatar ở Crimea và hai linh mục của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine.

Ông cũng lưu ý rằng đây là trường hợp đầu tiên Vatican tham gia vào nỗ lực trao trả những người Ukraine trưởng thành bị giam cầm. Trước đây, Vatican chỉ hỗ trợ nỗ lực trao trả trẻ em Ukraine.

“Cho đến nay, Vatican đã giúp chúng tôi đưa trẻ em Ukraine trở về. Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp với họ. Tôi hy vọng sự trở lại này sẽ là một khởi đầu mới… Có lẽ một kênh liên lạc mới cuối cùng đã được mở ra”, Lubinets nói.

Vào ngày 25 tháng 6 vừa qua, 90 binh sĩ Ukraine đã được đưa về từ nơi giam giữ của Nga trong một chương trình trao đổi tù binh chiến tranh thường xuyên giữa hai bên.

Tính đến ngày 28 Tháng Sáu, 3.310 người Ukraine đã được trả tự do khỏi sự giam giữ của Nga.

Kyiv đặt mục tiêu tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân toàn diện, vốn là một trong những chủ đề tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6.

7. Nga tuyên bố 36 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine bị bắn rơi trong đêm ở 6 khu vực

Hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố rằng các lực lượng phòng không đã phá hủy 36 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm nhằm vào một số khu vực ở phía Tây Nam nước Nga.

Ông cho biết 15 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ ở tỉnh Kursk, 9 chiếc ở tỉnh Lipetsk, 4 ở tỉnh Voronezh, 4 ở tỉnh Bryansk, 2 ở tỉnh Oryol và 2 ở tỉnh Belgorod.

Như thường lệ, Konashenkov không cung cấp thông tin chi tiết về thiệt hại hoặc thương vong do vụ tấn công gây ra.

Konashenkov thường xuyên tuyên bố sai sự thật rằng lực lượng phòng không Nga đã ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine.

Nga đã báo cáo các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào các khu vực biên giới của nước này trong vài tháng. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công các mục tiêu ở Nga tới tận Cộng hòa Tatarstan, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 1.200 km

Điện Cẩm Linh cũng cho biết họ đang đối phó với mối đe dọa do máy bay điều khiển từ xa phương Tây gây ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã ra lệnh cho quân đội Nga phát triển các biện pháp để đối phó với điều mà Bộ này gọi là “sự khiêu khích” từ máy bay điều khiển từ xa chiến lược của Mỹ hoạt động trên Hắc Hải, đồng thời cho rằng chúng đang làm tăng nguy cơ “đối đầu trực tiếp” giữa Nga và NATO.

Trong tuyên bố ngày 28 Tháng Sáu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay điều khiển từ xa đang được sử dụng để tiến hành trinh sát và tìm mục tiêu cho “vũ khí có độ chính xác cao do các nước phương Tây cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine”.

Tuyên bố nói thêm: “Điều này cho thấy sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine từ phía chính quyền Kyiv”.

Máy bay điều khiển từ xa của NATO hoạt động trên Hắc Hải không có gì bí mật và có thể bị theo dõi bằng cách sử dụng các trang web theo dõi chuyến bay công khai.

Hắc Hải đã trở thành một trong những sân khấu chính của cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, trong đó Kyiv đã có nhiều thành công trong việc tấn công lực lượng hải quân Nga trong khu vực.

8. 1 người thiệt mạng, 9 người bị thương trong cuộc tấn công của Nga vào kho bưu điện Kharkiv

Nga đã tấn công vào một kho bưu điện ở Kharkiv bằng một quả bom dẫn đường vào ngày 30 Tháng Sáu, khiến một người thiệt mạng và 9 người khác bị thương, trong đó có một đứa trẻ 8 tháng tuổi, Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết như trên vào hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy.

Trước đó vào ngày 30 Tháng Sáu, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường nhằm vào Ukraine chỉ trong tuần qua.

Theo Syniehubov, cuộc tấn công đã giết chết một nhân viên và phá hủy 8 phương tiện đậu bên ngoài tổng kho thuộc sở hữu của Nova Poshta, là dịch vụ bưu chính tư nhân lớn nhất Ukraine.

“Việc phân tích các mảnh vỡ đang được tiến hành. Có thể có 9 người ở nơi xảy ra vụ tấn công, họ đang được tìm kiếm”, Syniehubov nói thêm.

Nova Poshta cho biết trong một tuyên bố trên X rằng vào lúc 6h30 chiều giờ địa phương hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu, cuộc tấn công xảy ra gần trung tâm phân phối, nhưng “tất cả công nhân làm ca đều ở trong hầm tránh bom và không bị thương”.

Thống đốc Syniehubov cho biết: “Có những nạn nhân trong số người dân cũng như các tài xế xe tải”, đồng thời cho biết thêm rằng kho hàng đã bị hư hại.

Ông cho biết cuộc tấn công “gần như ở trung tâm thành phố”. Một vụ nổ khác được báo cáo ở Kharkiv vào khoảng 4h30 chiều Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

Nga đã dùng hỏa tiễn tấn công kho chứa Nova Poshta ở Korotych thuộc tỉnh Kharkiv vào tháng 10/2023, khiến 8 người thiệt mạng và 17 người bị thương.

9. Đối với người Ukraine, cuộc tranh luận Tổng thống Biden-Trump là một vấn đề có tính rủi ro cao

Người Ukraine nghĩ như thế nào về cuộc tranh luận gần đây giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Trump? Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như sau trong bài tường trình nhan đề “For Ukrainians, the Biden-Trump debate was a high stakes affair”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi các ứng cử viên tổng thống Mỹ đầy hy vọng Tổng thống Joe Biden và Donald Trump tranh luận trên màn ảnh, có rất nhiều điều đang chờ đợi chúng ta.

Oleksandr Merezhko, nhà lãnh đạo ủy ban quan hệ đối ngoại của quốc hội Ukraine, nói với POLITICO rằng: “Mặc dù có thể mệt mỏi và già nua, nhưng Tổng thống Biden vẫn là một nhân vật dễ đoán đối với người Ukraine, vì ông ấy ủng hộ việc cung cấp viện trợ cho Kyiv để giúp chúng tôi chống lại Điện Cẩm Linh.”

“Câu hỏi rõ ràng là người Ukraine mong đợi điều gì từ cựu Tổng thống Trump, người coi cuộc chiến của Nga chống lại chúng ta giống như tranh chấp giữa hai đứa trẻ cần được giải quyết.”

“Đó là một tia hy vọng khi cựu Tổng thống Trump gọi tối hậu thư của Putin về việc Kyiv phải từ bỏ các khu vực và giải giáp vũ khí như một điều kiện hòa bình là không thể chấp nhận được.”

Merezhko nhận xét: “Đây là một dấu hiệu cho thấy cựu Tổng thống Trump, ít nhất là một cách công khai, không phải là người ủng hộ việc cố gắng làm hài lòng Nga thông qua việc nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine”.

Theo Merezhko, cựu Tổng thống Trump có thể vẫn còn ảo tưởng rằng cuộc xâm lược của Nga có thể được ngăn chặn thông qua một thỏa thuận với Putin.

Merezhko nói: “Nếu ông ấy trở thành tổng thống, ảo tưởng này sẽ nhanh chóng qua đi khi ông ấy nhận ra rằng Putin không quan tâm đến các thỏa thuận, ông ấy chỉ quan tâm đến một điều – đó là sự phá hủy chế độ nhà nước của Ukraine”.

Trump lợi dụng cuộc xâm lược toàn diện của Điện Cẩm Linh để khiến Tổng thống Biden tỏ ra yếu đuối, nói rằng Putin sẽ không bao giờ xâm lược nếu chính ông Trump là tổng thống.

Về phần mình, Tổng thống Biden gọi Putin là tội phạm chiến tranh, người sẽ không dừng lại nếu chiếm được Ukraine và sẽ tấn công các nước khác ở Âu Châu, vì ông ta đang hướng tới mục tiêu “khôi phục đế chế Xô Viết của mình”.

Ông Trump sau đó nói rằng người Ukraine, những người đấu tranh cho độc lập và chủ quyền chống lại cuộc xâm lược của Nga “đang bị giết một cách vô ích và ngu ngốc”.

“Những điều khoản của Putin không thể chấp nhận được. Nhưng hãy nhìn xem, đây là một cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên bắt đầu nếu chúng tôi có người lãnh đạo trong cuộc chiến này”, ông Trump nói. “Tổng thống Biden đang trao 200 tỷ Mỹ Kim trở lên cho Ukraine. Đó là rất nhiều tiền. Mỗi lần Zelenskiy đến đất nước này, ông ấy đều ra đi với 60 tỷ Mỹ Kim. Người rao bán hàng vĩ đại nhất từ trước đến nay.”

Các đồng minh của cựu Tổng thống Trump tại Quốc hội đã trì hoãn gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Ukraine trong sáu tháng - một sự chậm trễ khiến Ukraine phải trả giá bằng lãnh thổ và sinh mạng. Ông miêu tả viện trợ Ukraine như thể đó là một dự án đầu tư thất bại chứ không phải đóng góp cho sự ổn định của cả lục địa đồng minh và thị trường toàn cầu.

Ông Trump nói: “Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến giữa Putin và Zelenskiy với tư cách là tổng thống đắc cử trước khi tôi nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng”. Tuy nhiên, ông không trình bày chính xác việc giàn xếp sẽ như thế nào.

“Một số người Ukraine sau cuộc tranh luận cảm thấy như thể họ đang nằm trên đường ray, trong khi một đoàn tàu chở hàng không có thắng đang lao vùn vụt tới, và người có thể chuyển đường đoàn tàu đã quay người bỏ đi,” Olga Rudenko, tổng biên tập tờ Kyiv Post, nói.

Rudenko nói: “Điều duy nhất giữa chúng tôi và đoàn tàu là khả năng xảy ra một phép lạ”.

Những người quan sát khác cũng thất vọng tương tự.

“Mọi điều cựu Tổng thống Trump nói về Ukraine đều sặc mùi chủ nghĩa dân túy. Mặc dù ở đây có ít binh lính và ít nguồn lực nhưng ông ấy đã đúng”, nhà báo Ukraine Andriy Tanasiuk nói. “Tổng thống Biden nói sự thật, nhưng thật không may, chúng tôi cũng chưa nghe tin gì từ ông ấy về bất kỳ bước thực sự nào hướng tới hòa bình.”

Mặt khác, Merezhko kêu gọi người nghe coi những lời của cựu Tổng thống Trump liên quan đến Ukraine như muối bỏ bể. Merezhko nói, với tư cách là một chính trị gia đối lập, lẽ đương nhiên, cựu Tổng thống Trump sẽ chỉ trích mọi thứ mà Tổng thống Biden đã làm, bao gồm cả chính sách của ông ấy đối với Ukraine.

Đồng thời, các quan chức Kyiv cho rằng ban đầu cựu Tổng thống Trump có thể cố gắng đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán. “Nhưng khi nhận ra điều này là không thực tế, ông ấy sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine và thậm chí có thể tăng cường sự hỗ trợ này,” Merezhko nói.

Ukraine không cần một tổng thống Mỹ, người sẽ đưa ra những lời ủng hộ tốt nhất, mà là một tổng thống Mỹ sẽ đưa ra những bước đi thực sự và táo bạo để xoay chuyển cục diện cuộc chiến, Dmytro Burkov, nhà báo và nhà kinh tế từ Ukraine, cho biết. Vì vậy, bất cứ ai nhậm chức đều phải phấn đấu vì chiến thắng của Ukraine, không sợ điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thua trong cuộc chiến, ông Burak nói thêm. Ông chua chát lặp lại nhận định của nhiều người Ukraine rằng có quá nhiều chính trị gia phương Tây sợ hãi trước viễn ảnh Nga sẽ thua trong cuộc chiến.

Burak cho biết Ukraine không hề nhận được con số đến 200 tỷ Mỹ Kim. Thật vậy, các nước Âu Châu đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine, cung cấp tổng cộng hơn 100 tỷ euro viện trợ cho Ukraine, trong khi Mỹ đã cung cấp 74 tỷ euro kể từ năm 2022, theo số liệu theo dõi viện trợ của Viện Kiel của Đức.

Ông Burkov nói: “Thật tốt là không có cuộc thảo luận nào về việc liệu Ukraine có nên được hỗ trợ hay không, hay liệu nó có thể được trao cho Điện Cẩm Linh để làm gì đó hay không. Điều quan trọng là người dân Mỹ cần nhận ra rằng chiến thắng của chúng tôi là vì lợi ích của họ và cung cấp cho chúng tôi các công cụ hiệu quả để đạt được điều đó”.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo được công bố hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình hình chiến sự tại Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Tại Vovchansk, tỉnh Kharkiv, giao tranh được cho là tập trung vào Nhà máy tổng hợp, nơi lực lượng Ukraine đang cố gắng đánh bật lực lượng Nga khỏi cứ điểm này ở phía đông nam thị trấn. Thị trấn vẫn còn tranh chấp.

Không có bước tiến nào được xác nhận của Nga xung quanh Chasiv Yar trong 72 giờ qua. Giao tranh được cho là khốc liệt nhất ở Ivanivske và Klishchiivka, phía nam thị trấn. Các lực lượng Ukraine được tường trình đã phản công ở Klishchiivka và đạt được những thắng lợi về mặt chiến thuật.

Theo hướng Kurakhiv, phía tây Thành phố Donetsk, lực lượng Nga đã tiến xa hơn trong thị trấn Krasnohorivka và hiện có khả năng kiểm soát hầu hết thị trấn, trong khi lực lượng Ukraine hiện chỉ hiện diện ở cực bắc của khu định cư.

Khu vực Avdiivka-Pokrovsk vẫn có thể là nỗ lực chính của Nga và tiếp tục chứng kiến nhịp độ hoạt động cao nhất của Nga. Lực lượng Nga đã đạt được những tiến bộ nhỏ trên một mặt trận tương đối rộng về phía các làng Niu-York, Pivnichne và Pivdenne. Trong tuần tới, khu vực Avdiivka-Pokrovsk có thể vẫn là khu vực tập trung hoạt động quan trọng của lực lượng Nga khi họ cố gắng duy trì áp lực lên quân phòng thủ Ukraine và giành được các lợi ích lãnh thổ tùy theo cơ hội.
 
Hai LM DCCT vừa được tự do, ứa nước mắt kể lại những đau thương 19 tháng bị Nga giam cầm, hành hạ
VietCatholic Media
17:11 01/07/2024


1. Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Ukraine được Nga trả tự do

Nhờ sự trung gian của Tòa Thánh, mười tù nhân người Ukraine, trong đó có hai linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã được Nga trả tự do, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, sau mười chín tháng bị giam giữ.

Trang mạng của Giáo hội này đăng hình của hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế được trả tự do, là cha Ivan Levyzky và Bohdan Heleta, hai vị trông rất gầy ốm.

Hai vị đã bị quân Nga bắt hồi giữa tháng Mười Một năm 2022, tại thành phố cảng Verdyansk, thuộc tỉnh Zaporizhzhia ở miền đông Ukraine và đưa tới một nơi không được tiết lộ. Báo chí Nga nói rằng hai linh mục bị cáo về tội “khủng bố, sở hữu chất nổ và hai súng ngắn”. Hai vị đã tự nguyện ở lại với cộng đoàn trong lãnh thổ bị Nga tạm thời xâm lược, thi hành sứ vụ cho các tín hữu Công Giáo Đông phương cũng như Latinh.

Suốt trong thời gian bị giam cầm, Giáo hội không có tin tức nào về hai linh mục, chỉ biết là hai vị đã bị tra tấn. Gần đây, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine Đông phương, đã nhận được tin hai linh mục còn sống, và nay là tin trả tự do cho hai vị. Ngài cám ơn Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh và mọi nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh đã can dự vào việc giải thoát hai linh mục.

Tổng thống Zelenskiy cũng thông báo việc trả tự do cho hai linh mục và tám người khác. Trong sứ điệp trên mạng, ông Zelenskiy cám ơn Tòa Thánh vì đã làm trung gian trả tự do cho các thường dân tù nhân.

2. Thanh tra Ukraine cho biết hơn 14.000 thường dân Ukraine bị Nga giam cầm

Hơn 14.000 thường dân Ukraine đang bị Nga giam cầm, Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets cho biết hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy.

Trong số ba loại người Ukraine bị Nga giam giữ – trẻ em, tù nhân chiến tranh và thường dân – việc trao trả thường dân là “phức tạp nhất”, Lubinets nói.

Nhận xét của ông đã được hãng thông tấn Interfax Ukraine đưa tin.

Lubinets cũng lưu ý rằng Ukraine tiếp tục nỗ lực giải cứu 20.000 trẻ em và “hàng chục ngàn” người Ukraine được tường trình mất tích.

Lubinets đưa ra bình luận trên sau khi 10 thường dân bị Nga bắt giữ được trao trả cho Ukraine theo sau một sự can thiệp từ Vatican, bao gồm một nhà hoạt động người Tatar ở Crimea và hai linh mục của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine.

Ông cũng lưu ý rằng đây là trường hợp đầu tiên Vatican tham gia vào nỗ lực trao trả những người Ukraine trưởng thành bị giam cầm. Trước đây, Vatican chỉ hỗ trợ nỗ lực trao trả trẻ em Ukraine.

“Cho đến nay, Vatican đã giúp chúng tôi đưa trẻ em Ukraine trở về. Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp với họ. Tôi hy vọng sự trở lại này sẽ là một khởi đầu mới… Có lẽ một kênh liên lạc mới cuối cùng đã được mở ra”, Lubinets nói.

Vào ngày 25 tháng 6 vừa qua, 90 binh sĩ Ukraine đã được đưa về từ nơi giam giữ của Nga trong một chương trình trao đổi tù binh chiến tranh thường xuyên giữa hai bên.

Tính đến ngày 28 Tháng Sáu, 3.310 người Ukraine đã được trả tự do khỏi sự giam giữ của Nga.

Kyiv đặt mục tiêu tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân toàn diện, vốn là một trong những chủ đề tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 Tháng Sáu

Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Quanh Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về hai phép lạ dường như có liên quan với nhau. Khi Chúa Giêsu đang trên đường đến nhà Giairu, một trong những người lãnh đạo hội đường có con gái bị bệnh nặng, một người phụ nữ bị bệnh xuất huyết đã chạm vào áo choàng của Ngài trên đường đi. Ngài dừng lại để chữa lành cho cô. Trong khi đó, chúng ta được biết con gái của Giairu đã chết, nhưng Chúa Giêsu không dừng lại. Người đến nhà, vào phòng cô gái, cầm tay cô và đỡ cô dậy, cho cô sống lại (Mc 5:21-43). Hai phép lạ, một phép lạ là chữa lành và một phép lạ là sự sống lại.

Hai sự chữa lành này được kể trong cùng một câu chuyện. Cả hai đều xảy ra thông qua tiếp xúc vật lý. Thật vậy, người phụ nữ chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu nắm lấy tay cô gái. Tại sao sự tiếp xúc vật lý này lại quan trọng? Đó là bởi vì hai người phụ nữ này bị coi là không trong sạch và do đó không thể chạm vào được - một người bị băng huyết và người kia vì cô ấy đã chết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho phép mình được chạm vào và không ngại chạm vào. Chúa Giêsu cho phép mình được chạm vào và không ngại chạm vào. Ngay cả trước khi Ngài thực hiện việc chữa lành thể xác, Ngài đã thách thức niềm tin tôn giáo sai lầm rằng Chúa tách biệt những người trong sạch, đặt họ sang một bên, với những người không trong sạch ở một bên khác. Thay vào đó, Thiên Chúa không thực hiện kiểu chia ly này, bởi vì tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài. Sự ô uế không đến từ thức ăn, bệnh tật hay thậm chí là cái chết; sự ô uế đến từ một trái tim không trong sạch.

Chúng ta hãy học bài học này: trước những đau khổ thể xác và tinh thần, trước những vết thương mà tâm hồn chúng ta mang, trước những hoàn cảnh đè bẹp chúng ta, và ngay cả khi đối mặt với tội lỗi, Thiên Chúa không giữ khoảng cách với chúng ta. Thiên Chúa không xấu hổ về chúng ta; Chúa không phán xét chúng ta. Ngược lại, Ngài đến gần để cho người ta chạm đến Ngài và chạm vào chúng ta, và Ngài luôn khiến chúng ta sống lại từ cõi chết. Ngài luôn nắm tay chúng ta để nói: con gái, con trai, hãy trỗi dậy! (x. Mc 5:41). Hãy tiến tới phía trước; hãy phấn đấu về phía trước! “Lạy Chúa, con là kẻ có tội”—

“Hãy phấn đấu về phía trước; Thầy gánh lấy tội lỗi, để cứu anh em” – “Nhưng lạy Chúa, Chúa không phải là kẻ có tội” – “Không, nhưng Thầy đã chịu mọi hậu quả của tội lỗi để cứu anh em”. Điều này thật đẹp!

Chúng ta hãy khắc ghi hình ảnh Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong tâm hồn chúng ta. Chính Thiên Chúa là Đấng nắm lấy tay anh chị em và nâng anh chị em dậy lần nữa. Chính Ngài là Đấng để cho nỗi đau của anh chị em chạm đến Ngài và chạm vào anh chị em để chữa lành anh chị em và ban cho anh chị em sự sống trở lại. Ngài không phân biệt đối xử với bất cứ ai vì Ngài yêu thương tất cả mọi người.

Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa là như vậy không? Chúng ta có để cho mình được Chúa, Lời Ngài, tình yêu của Ngài chạm đến không? Chúng ta có liên hệ với anh chị em của mình bằng cách đưa tay đỡ họ dậy hay chúng ta giữ khoảng cách và chụp mũ mọi người dựa trên sở thích và thành kiến của mình? Chúng ta dán nhãn cho mọi người. Hãy để tôi hỏi anh chị em một câu: Thiên Chúa, Chúa Giêsu, có dán nhãn cho con người không? Mong mọi người giải đáp câu hỏi này. Thiên Chúa có dán nhãn cho con người không? Và tôi có sống bằng cách liên tục dán nhãn cho mọi người không?

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn lên trái tim của Thiên Chúa, để Giáo hội và xã hội không loại trừ hay đối xử với bất kỳ ai là “ô uế”, để mỗi người, với quá khứ riêng của mình, được chào đón và yêu thương mà không có nhãn hiệu, thành kiến, hoặc các tính từ.

Chúng ta hãy cầu nguyện nhờ Đức Trinh Nữ Chí Thánh. Xin Mẹ là Mẹ hiền dịu chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau!

Tôi đặc biệt chào các em thiếu nhi của Nhóm Truyền giáo “Misyjna Jutrzenka” từ Skoczów, Ba Lan; và các tín hữu đến từ California và Costa Rica.

Tôi chào các nữ tu thuộc Dòng Nữ Tử Giáo Hội, những người trong những ngày này đang hành hương theo bước chân của Đấng sáng lập, Đấng Đáng Kính Maria Oliva Bonaldo, cùng với một nhóm giáo dân. Tôi cũng chào các bạn trẻ đến từ Gonzaga, gần Mantua.

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ các vị tử đạo Rôma. Chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ tử đạo, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những thế kỷ đầu. Nhiều anh chị em của chúng ta ở nhiều nơi trên thế giới phải chịu sự phân biệt đối xử và bách hại vì đức tin của họ; qua đó họ mang lại sự phong phú cho Giáo hội. Những người khác phải đối mặt với một cuộc tử đạo “găng tay trắng”. Chúng ta hãy hỗ trợ họ và được truyền cảm hứng từ chứng tá tình yêu của họ dành cho Chúa Kitô.

Vào ngày cuối cùng của tháng Sáu này, chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu chạm đến trái tim của những người khao khát chiến tranh, để họ có thể chuyển đổi sang các kế hoạch đối thoại và hòa bình.

Anh chị em thân mến chúng ta đừng quên những người Ukraine, Palestine, Israel, Miến Điện và nhiều nơi khác đang chịu quá nhiều đau khổ vì chiến tranh!

Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.