“Chúng sẽ biết, giữa chúng có một tiên tri!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến một điều phi thường; đồng thời, mời gọi chúng ta nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’. Suốt dòng lịch sử nhân loại, điều phi thường lớn lao nhất vẫn là “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta!”.
Bài đọc thứ nhất nói đến việc Thiên Chúa sai Êzêkiel đến với dân, một dân mà Ngài gọi là phản loạn, “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel”. Và Thiên Chúa bất chấp, “Họ nghe, hoặc không nghe”, điều quan trọng với Ngài vẫn là, “Chúng sẽ biết, giữa chúng có một tiên tri!”.
Ngạc nhiên thay, vị tiên tri Êzêkiel tiên báo đó, chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, hôm nay đang hồi hương, có mặt trong hội đường như Tin Mừng cho biết. Buồn thay, cuộc gặp gỡ của Ngài với những đồng hương thật đáng thất vọng! Thoạt tiên, dân chúng ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những việc phi thường Ngài làm; thế nhưng, không lâu sau đó, bất chấp sự ngạc nhiên này về Ngài, họ “vấp phạm vì Ngài”; đúng hơn, ‘xúc phạm’ Ngài. Xúc phạm, bởi họ không hiểu làm thế nào, một người họ biết rõ đến thế, một người thân thích của họ, lại có thể trở thành một người phi thường đến vậy! Họ để cho sự gần gũi và thân quen che phủ khả năng của một niềm tin lẽ ra phải có đối với Ngài, cùng với sự vui mừng trong sự vĩ đại của Con Thiên Chúa.
Con người và cuộc đời của Chúa Giêsu cho thấy một sự thật rằng, những người thân quen có thể bị buộc tội bởi sự kỳ diệu của một Thiên Chúa hiện diện bị từ chối; dẫu đó là sự thật phi thường nhất, “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”; như thánh Gioan nói, “Ngài đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà của Ngài không tiếp nhận Ngài”. Gerard Manley Hopkins, một thi sĩ linh mục Dòng Tên, diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời qua những vần thơ, “Thế giới bị buộc tội bởi sự vĩ đại của Thiên Chúa”; nhà thơ kết luận, “Trên một thế giới bị bẻ cong, Đức Thánh Linh vẫn ấp ủ nó với bầu ngực ấm áp và ôi, với đôi cánh sáng ngời!”; đó là một thế giới không nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’.
Như vậy, Tin Mừng hôm nay muốn nói rằng, Thiên Chúa có thể đến với chúng ta qua những con người thân quen, qua bất cứ ai hay bất cứ biến cố nào. Đôi khi, chúng ta coi những gì quen thuộc là hiển nhiên; vậy mà chúng vẫn tiết lộ những bí ẩn về sự vĩ đại và phi thường của Thiên Chúa. Ngài vẫn có thể tạo nên những điều kỳ diệu ngay trong những gì chúng ta ước nó đừng bao giờ xảy ra. Và thú vị thay! Ngay ở những con người vốn có thể gây ra đau đớn cho chúng ta, những con người mà chúng ta không mong chờ, thì phép lạ của Thiên Chúa vẫn thể hiện.
Đây là điều mà thánh Phaolô khám phá ra qua bài đọc thứ hai hôm nay. Phaolô nói về một “cái gai đâm vào thịt”, được đánh đồng với những lăng mạ, gian khổ, bắt bớ và những gì được gọi là “yếu đuối”. Phaolô ám chỉ những người chống lại ngài. Tuy nhiên, trong cầu nguyện, Phaolô nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’, điều mà ngài coi là một trải nghiệm hoàn toàn tiêu cực, nay thực sự lại là một cơ hội để qua đó, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ hơn; Phaolô nghe được rằng, “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta tỏ bày trong sự yếu đuối”. Như thế, Phaolô muốn nói rằng, hãy cậy trông vào Chúa, ngước mắt lên Ngài, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở, “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Ngài xót thương chút phận!”.
Anh Chị em,
Chúng ta không có một cuộc đấu tranh nội tâm tương tự cuộc đấu tranh của những người cùng quan hệ huyết thống với Chúa Giêsu; thế nhưng, chúng ta vẫn có thể rơi vào cạm bẫy khiến Chúa Giêsu quay đi. Chúng ta không nhìn những con người gần gũi nhất bằng con mắt đức tin; vì thế, bao lần chúng ta đưa ra những phán đoán sai lầm về họ, và bao lần chúng ta để mất ơn Chúa. Chúng ta quên rằng, chính những con người và biến cố đó là hồng ân Chúa đang gửi đến cho chúng ta. Các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là những phép lạ hiển nhiên mỗi ngày Chúa dành chúng ta. Đó là ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’ mà Thiên Chúa đang ban.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa qua những con người và các biến cố. Xin giúp con vui mừng trước sự hiện diện của Chúa và lớn lên trong tình yêu thương của tha nhân khi con nhận ra rằng, Chúa đang làm phép lạ cho con qua cuộc sống của họ, và qua cả các biến cố”, Amen.
(Tgp. Huế)
23. Cám dỗ càng lớn thì càng phải kiên trì cầu nguyện.
(Thánh nữ Angela)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Năm đói, trong nhà phú ông tích trữ mấy kho gạo lớn, người trong thôn muốn mượn gạo ông ta với tiền lời là hai phân đến ba phân, nhưng ông ta nói lời lãi quá ít nên không cho vay.
Có người liền đề nghị phú ông làm buôn bán, nói:
- “Ông lão, ông có thể đem tất cả các kho gạo nấu thành cháo, cho mỗi người mượn một thùng, sau nửa năm phải trả lại hai thùng cơm. Đến năm được mùa, con cháu của ông càng nhiều, chỗ gần thì lão ông tự mình đi “xin cơm”, chỗ xa thì kêu con cháu đi “xin cơm” giùm.
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 90:
Lão phú ông giàu có thì cái gì cũng có, nhưng ông ta không có một quả tim biết thương xót người nghèo khổ, đó là cái không lớn nhất, lớn hơn cả vàng bạc châu báu của ông hiện có, cho nên ông không thể nào đi qua cửa hẹp để vào thiên đàng…
Người Ki-tô hữu đa phần đều biết: dù có mọi sự ở thế gian mà thiếu cái tâm thương xót thì cũng như không có gì.
Cái có vĩ đại nhất của con người là lòng thương xót, bởi vì lòng thương xót này từ Thiên Chúa mà ra; của cải trân quý nhất của người giàu lòng thương xót là người bất hạnh, người nghèo khó, người mồ côi.v.v…bởi vì họ chính là Đức Chúa Giê-su bị từ chối nơi các quán trọ, bị chê là dại dột nơi dinh Hê-rô-đê, bị án tử trên thánh giá…
Tập cho mình có lòng thương xót là đang xây nhà hạnh phúc cho mình trên thiên đàng vậy !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Còn nhớ, Chúa Nhật tuần trước (13 TN B), Tin Mừng Máccô nói đến “một người phụ nữ ngoại giáo bị bệnh xuất huyết 12 năm”, bằng cái nhìn đức tin, đã khám phá ra quyền năng của một Đấng Mêsia trong con người thầy Giêsu chỉ qua “cú chạm nhẹ vào chiếc gấu áo”: Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” !
Chúa Nhật hôm nay, Tin Mừng Maccô lại nói với chúng ta: cộng đồng dân Nadarét, bằng cái nhìn cố chấp trần tục, đã mù tịt trước một “Thầy Giêsu” cho dù Người đang nổi tiếng “giảng dạy khôn ngoan làm phép lạ” để cuối cùng “vấp phạm vì Người”: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người…
Qua hai thái độ khác nhau đó, Tin Mừng Máccô đã cho thấy rằng: Ở Capharnaum, ở những vùng rìa ngoại giáo, có thể “Giêsu Nadarét” đang là “Thần tượng” của nhiều người”; nhưng ở đây, giữa lòng dân Chúa, tại chính quê hương mình, “Giêsu” chỉ là bác thợ mộc, xuất thân từ một gia đình dân giả, nghèo hèn ! Thần tượng ở đâu chứ về đây là “sụp đổ” ! Mà không chỉ “dân Nadarét” thôi à nghen ! Nhiều nơi trong dân Israel thuở ấy cũng xem thường cái “lý lịch trích ngang thuộc về Nadarét”: “Ở Nadarét có gì khá đâu?” (Ga 1,46).
Nói đến “thần tượng”, có lẽ, dân Israel, vào thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, chưa hay không bị “lây lan” cái bệnh “cuồng thần tượng” như dân Hà Nội cách đây mấy năm: khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một”. Cũng vậy, không chỉ nơi giới trẻ mà rất nhiều người, “thần tượng” không còn là cha, mẹ, thầy cô, các vị anh hùng dựng nước và giữ nước…, mà phải là “Khá Bảnh”, “một anh chàng từng đi tù, bị đuổi học, chuyên đi đòi nợ thuê và chém mướn, từng phải đi trại giáo dưỡng, đặc biệt là nổi tiếng nhờ những clip, những đoạn livestream với những phát ngôn gây sốc và tục tĩu”.
Lời Chúa không nhằm “thần tượng hoá Giêsu” hay muốn tất cả chúng ta hôm nay cùng “lên đồng tập thể” trước chân dung của Ngài; nhưng là dạy chúng ta có thái độ và sự chọn lựa đầy niềm tin đối với Ngài để sống có ý nghĩa và sống vĩnh hằng: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời” (Ga 3,36); “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29).
Từ thái độ “dè bỉu, khinh thường” thiếu niềm tin của dân Nadarét dành cho Chúa Giêsu vì “lý lịch nhân thân thấp kém của Ngài” hay vì sự “quen thuộc thường tình”, Tin Mừng cũng muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa thường chọn lựa những con người, những cách thế xem ra tầm thường nhỏ bé để làm nên những công trình kỳ diệu. Vâng, Thiên Chúa cao cả quyền năng đó chính là “nhập thể làm người, mặc xác phàm nhân loại, trở nên người con của bà Maria, làm bác phó mộc lam lũ giữa muôn người…; là một Rabbi đi chân đất, một ngôn sứ chẳng có viên đá gối đầu…; sau cùng, là một tội nhân bị kết án, một vị Vua với triều thiên gai, một tên tử tội bị đóng đinh giữa những người trộm cướp… ”; hay như lời chứng của Thánh Phaolô về chính lời đoan quyết của chính Thiên Chúa: “… vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”.
Đứng trước một nhân vật, một con người như thế mà có thái độ như anh mù “Lạy Ngài con tin” (Ga 9,38); hay như người phụ nữ bệnh nhân 12 năm xuất huyết “chạm đến áo Người” với niềm xác tín: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” (Mc 5,25-34); hoặc thái độ của tên trộm bị đóng đinh vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ: “Thầy Giêsu ơi, khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42)… thì chắc chắn “phép lạ sẽ xảy ra”; phép lạ của tình yêu cứu độ, phép lạ của hồng ân hoán cải, phép lạ của niềm hy vọng vĩnh hằng…
Thật là buồn cho Chúa Giêsu trong một chuyến “hồi hương vinh quy bái tổ”: Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.
Không phải chỉ một lần ở Nadarét, mà hôm nay, có thể nhiều lần và nhiều nơi, Chúa Giêsu cũng đang mang nỗi buồn và thất vọng như thế về chúng ta. Vâng, Thánh lễ mà, tấm bánh ly rượu mà, có gì hấp dẫn đâu để ta phải thường xuyên đi đến nhà thờ ! Giáo Hội mà toàn là giáo điều cổ lỗ sĩ, trong khi người ta ly dị, phá thai, LGBT ào ào… bãi quách cái Đạo nầy ! Nhìn kìa… Mấy ông cha, mấy bà xơ toàn một màu đen ảm đạm, buồn xo ! Phải là siêu sao bóng đá, phải là nghệ sĩ xứ Hàn mới là thần tượng ! Hy sinh, nghèo khổ, khiết tịnh, Tám mối phúc… “xưa rồi diễm ơi” ! Xe phải lên đời, nhà phải mấy tấm !
Nếu hai ngàn năm trước, tại quê hương Nadarét, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,11) để đến nỗi “Người không làm phép lạ nào được”, thì hôm nay, Người đang đến giữa cộng đoàn chúng ta, không phải với một “Rabbi Giêsu đang nổi tiếng như cồn”, mà là một “Tấm Bánh Thánh Thể” giản đơn khiêm hạ; hay đâu đó ngoài kia, Ngài đang đến trong thân phận của một “em bé đánh giày, một lão già ăn xin, một người giúp việc, một người mẹ buôn gánh bán bưng”… liệu chúng ta có “dè bỉu, khinh khi, chối từ, ngoảnh mặt”… !
Mà dại gì làm thế ! Sao không làm một kẻ tin, một người đón nhận; bởi vì: “Còn những ai đón nhận, tức những kẻ tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
24. Tất cả những cám dỗ của ma quỷ là để tôi luyện và thử thách con, hơn nữa còn làm cho con biết nhận ra mình, có thể tìm ra mình là ai?
(Thánh Augustine)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một thầy dạy đàn đang tấu đàn trên hè phố, người ta đến nghe rất đông. Đợi đến khi tiếng đàn loãng, âm điệu giảm bớt, bèn cùng nhau giải tán, chỉ có một người không bỏ đi mà thôi.
Thầy dạy đàn phấn khởi nói:
- “Tốt lắm, lại còn có một người thông minh biết âm điệu, không phụ lòng của ta.”
Nhưng người ấy nói:
- “Nếu không phải vì cái bàn để kê cái đàn là của nhà tôi, nên tôi phải đợi để khiêng về, bằng không thì tôi cũng bỏ về sớm như người ta.”
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 91:
Làm thầy thì phải giỏi: thầy giáo dạy văn thì giỏi văn, thầy giáo dạy toán thì giỏi toán, thày giáo dạy sinh ngữ thì giỏi sinh ngữ.v.v…đó là chuyện đương nhiên, mà làm thầy trong thời đại này thì càng phải giỏi hơn nữa, bởi vì học trò ngày nay có nhiều cách để thông minh và hiểu được những điều mà thầy chưa dạy trên phương tiện đại chúng, và phụ huynh thời nay thì cũng không phải “dạng vừa”, đồng tiền họ bỏ ra thì phải xứng đáng. Đó cũng là chuyện thường tình.
Làm thầy cả (linh mục) thì phải “chiến” hơn nữa về mọi mặt, nhất là về phương diện tâm linh, bởi vì giáo dân ngày nay không như giáo dân ngày trước, họ hiểu biết giáo lý, phụng vụ và thánh nhạc nhiều hơn trước đây, và có khi chuyên sâu hơn cả các thầy cả là linh mục. Cho nên, các thầy cả coi sóc phần hồn của giáo dân cần phải chú ý, chú ý nhiều nhất là sống thật hồn nhiên, đơn sơn nhưng nghiêm trang, thánh thiện nhưng không xa cách, giỏi giang nhưng không kiêu ngạo…
Nếu không vì giữ luật của Thiên Chúa, nếu không vì yêu mến Thiên Chúa thì giáo dân sẽ bỏ về khi chúng ta –những thầy cả- giảng ngoài “đề tài”, giảng không có bác ái, giảng không có “hồn”…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ra khỏi ‘vùng an toàn’, vượt qua ‘vùng sợ hãi’, trải nghiệm ‘vùng học hỏi’ để đi đến ‘vùng tăng trưởng’, tức là đặt trọn vẹn niềm tin của mình vào Thiên Chúa, Đấng giàu ân sủng và xót thương. “Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời tuyên xưng, cũng là một lời cảm tạ thốt ra từ cõi lòng của những con người đã vượt qua tiến trình đòi hỏi nhiều can đảm để đạt tới ‘vùng tăng trưởng’ đó.
Bài đọc Sáng Thế cống hiến cho chúng ta một trong những giấc điệp đáng nhớ nhất của Cựu Ước, đó là giấc mơ của tổ phụ Giacóp. Trong Thánh Kinh, một trong những cách thức Thiên Chúa nói với con người là qua những giấc mơ họ có được. Giacóp đã phải rời khỏi Bersabê, ‘vùng an toàn’ của mình, để sang thành Haran, ‘vùng sợ hãi’, một nơi lạ nước lạ cái; giữa đường, ông mệt lả; tựa đầu trên một hòn đá và ngủ thiếp đi. Giấc mơ đã đến với ông, đó là một chiếc thang vươn cao giữa trời và đất; trên đó, sứ thần Thiên Chúa lên lên, xuống xuống. Tỉnh dậy, Giacóp nói, “Quả thực, Chúa ngự nơi này mà tôi không biết!”, “Đây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng!” cũng là ngưỡng của ‘vùng tăng trưởng’, nơi Thiên Chúa, Đấng tái tạo bình an, hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trời, nhiều như cát biển, cũng là điều Ngài đã hứa cho tổ tiên ông.
Trong Tin Mừng hôm nay, một người đàn ông và một phụ nữ tiếp cận ‘vùng tăng trưởng’ Giêsu theo những cách thức rất khác nhau, một công khai, một chùng lén; ấy thế, hai con người này đã gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa khi họ chấp ra khỏi ‘vùng an toàn’ của mình; họ đã trải nghiệm sâu sắc về sự hiện diện cứu sống và chữa lành của Chúa Giêsu một cách tuyệt vời. Theo Marcô và Luca, đây là Giairô, một viên trưởng hội đường; và một phụ nữ có tình trạng thể chất mà vì đó, bà buộc phải tự loại mình ra khỏi hội đường. Tin Mừng nói, ông này đến sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa lên, “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống!”. Ông đã ra khỏi ‘vùng an toàn’ của mình để lăn xả đến với Chúa Giêsu. Vùng an toàn của ông là uy tín, thế giá mà địa vị của ông đã sắm sẵn; với thanh danh của ông, hẳn ông đã có các thầy thuốc giỏi nhất, các nơi chữa bệnh tốt nhất. Thế nhưng, tất cả xem ra không phải là an toàn cho mạng sống của con gái ông. Đúng thế, con gái ông đã chết, và giờ đây ông chỉ biết chạy đến ‘ném mình’ dưới chân Chúa Giêsu, chỗ an toàn duy nhất và nhờ đó, ông đã được lại con. Cũng thế, với người phụ nữ bị bệnh băng huyết; có thể bà là một người giàu có, cũng có thể bà đã tiêu tốn nhiều với các thầy thuốc giỏi nhất. Thế nhưng, xem ra bà cũng bất lực với những gì mà mười hai năm qua bà nghĩ là an toàn. Giờ đây, bà đến với Chúa Giêsu ‘một cách an toàn nhất’, “Bà thầm nghĩ, nếu tôi được chạm đến áo Ngài thôi, tôi sẽ được khỏi”. Quả vậy, bà được toại nguyện, “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con!”. Bà được khỏi bệnh và đức tin bà, nay lớn lên hơn trong ‘vùng tăng trưởng’.
Anh Chị em,
Trong cuộc sống, không ai trong chúng ta được miễn trừ ‘một sự chết chóc hay một tật bệnh’ nào đó như trải nghiệm của hai nhân vật hôm nay. Vậy mà, không ít người vẫn cảm thấy yên ổn trong một ‘vùng an toàn’ nào đó của mình. Đó có thể là một gia đình thế giá, một tài sản đáng kể trong nhà băng, một địa vị đủ cả chức lẫn quyền… hay một ‘vùng an toàn’ mang tính đạo đức hơn khi tôi sáng lễ chiều kinh, không mất lòng ai và hay làm phúc bố thí; hoặc cũng có thể đáng lo hơn, khi tôi sống trong một tình trạng tội lỗi nào đó nhưng lương tâm đã thoả hiệp với một ‘vùng an toàn’ giả hiệu. Vậy mà, tất cả dường như chẳng an toàn chút nào. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thoát khỏi những ‘vùng kéo xuống’ đó, vượt qua sợ hãi để đến với ‘vùng tăng trưởng’ Giêsu. Ngài là chiếc thang nối trời với đất; nơi Ngài, chúng ta không chỉ chạm ngưỡng, nhưng ở trong thiên đàng. Trong nhà chầu Thánh Thể, Ngài mời gọi chúng ta lui tới, lên xuống trong Ngài… để được cứu sống và chữa lành. Ngài là ‘vùng tăng trưởng’ an toàn nhất đến muôn đời; đời này và đời sau.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, đôi khi con cảm thấy tê liệt vì những vấn đề của mình, xin lôi con thẳng đến ‘vùng tăng trưởng’ là chính Chúa, nơi niềm tin và hy vọng của con được thắp sáng. Hãy để con thực sự tin rằng, Chúa đang thống trị thế giới, thống trị sự sống và cả sự chết”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 6:1-6) cho chúng ta biết về thái độ không tin của những người dân cùng làng với Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng tại các làng khác ở Galilê, Chúa Giêsu trở về Nagiarét, nơi Ngài đã lớn lên cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse; và, vào một ngày sabát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người đang lắng nghe đã tự hỏi: “Anh ta lấy đâu ra tất cả sự khôn ngoan này? Chẳng lẽ anh ta không phải là con trai của người thợ mộc và bà Maria, là những người hàng xóm mà chúng ta biết rất rõ sao?” (Xem câu 1-3). Đối mặt với phản ứng này, Chúa Giêsu xác nhận sự thật thậm chí đã trở thành một phần của luận lý phổ biến trên đời này: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (câu 4). Chúng tôi nói điều này nhiều lần.
Chúng ta hãy suy ngẫm về thái độ của những người dân làng của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ biết Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận ra Ngài. Có một sự khác biệt giữa biết và nhận ra. Về bản chất, sự khác biệt này khiến chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể biết nhiều điều khác nhau về một người, hình thành ý tưởng, dựa vào những gì người khác nói về người đó, có lẽ chúng ta có thể gặp người đó thỉnh thoảng trong khu phố; nhưng tất cả những điều đó là không đủ. Đây là một kiến thức, tôi có thể nói là bình thường, hời hợt, không nhận ra sự độc đáo của con người. Tất cả chúng ta đều gặp phải rủi ro này: chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết quá nhiều về một người, thậm chí tệ hơn, chúng ta dán nhãn, gắn mác và đóng khung người đó trong định kiến của chính mình. Những người dân làng của Chúa Giêsu đã biết Ngài trong ba mươi năm theo cùng một cách đó và họ nghĩ rằng họ đã biết tất cả! “Nhưng đây không phải là cậu bé mà chúng ta đã thấy khi lớn lên, con trai của người thợ mộc và bà Maria sao? Những kiến thức này đến từ đâu?” Sự ngờ vực dẫn đến thực tế là họ không bao giờ nhận ra Chúa Giêsu thực sự là ai. Họ vẫn ở bình diện bề ngoài và từ chối những gì mới mẻ về Chúa Giêsu.
Và ở đây, chúng ta đi vào mấu chốt thực sự của vấn đề: khi chúng ta cho phép sự tiện lợi của thói quen và sự độc tài của định kiến chiếm ưu thế, thì thật khó để mở lòng ra đón nhận những gì mới mẻ và cho phép bản thân ngạc nhiên. Chúng ta kiểm soát mọi sự thông qua thái độ, thông qua định kiến. Trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình và thậm chí từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để chúng ta không bao giờ phải mất công nỗ lực thay đổi. Và điều này thậm chí có thể xảy ra trong quan hệ của chúng ta Thiên Chúa. Giữa chúng ta, là những người tin Chúa, có nhiều người nghĩ rằng chúng ta biết Chúa Giêsu, biết quá nhiều về Ngài và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ. Nhưng điều này là không đủ với Chúa. Nó không cởi mở với những gì mới mẻ và trên hết - anh chị em hãy lắng nghe – nó không cởi mở trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Không ngạc nhiên, đức tin sẽ trở thành một kinh nguyện mệt mỏi, dần dần tàn lụi và trở thành một thói quen, một thói quen xã hội.
Tôi xin nói một từ, đó là kinh ngạc. Kinh ngạc cái gì? Thưa: đó là sự kinh ngạc xảy ra khi chúng ta gặp Chúa: “Tôi đã gặp Chúa”. Nhưng chúng ta đọc trong Tin Mừng: nhiều lần những người gặp và nhận ra Chúa Giêsu cảm thấy kinh ngạc. Và chúng ta, khi gặp gỡ Thiên Chúa, phải đi theo con đường này: phải cảm thấy kinh ngạc. Nó giống như chứng chỉ bảo đảm rằng cuộc gặp gỡ là chân thật chứ không phải theo thói quen.
Cuối cùng, tại sao những người dân làng của Chúa Giêsu không nhận ra và tin Ngài? Vì lý do gì? Thưa: Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng họ không chấp nhận tai tiếng về Sự Nhập Thể. Họ không biết mầu nhiệm Nhập thể này, nhưng cũng không chấp nhận mầu nhiệm ấy: họ không biết. Họ không biết lý do và họ cho rằng thật tai tiếng khi sự bao la của Thiên Chúa lại có thể được thể hiện trong thân xác bé nhỏ của chúng ta, làm sao mà Con Thiên Chúa lại có thể là con của một người thợ mộc, làm sao Đấng Thánh lại có thể cư trú trong con người, làm sao Thiên Chúa lại được thể hiện trên khuôn mặt, lời nói, cử chỉ của một người bình dân như thế này. Đây là tai tiếng: sự nhập thể của Chúa, sự cụ thể của Chúa Giêsu, 'cuộc sống hàng ngày' của Ngài. Nhưng Thiên Chúa đã trở nên cụ thể nơi một con người, nơi Chúa Giêsu thành Nazareth, Người đã trở thành người bạn đồng hành trên đường đi, Người đã biến mình thành một người trong chúng ta. “Chúa là một trong chúng con”, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu như thế. Thật là một lời cầu nguyện cao đẹp vì ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa đang đồng hành với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta rất nhiều. Trong thực tế, một vị thần trừu tượng, xa cách có lẽ thoải mái hơn đối với chúng ta, một vị thần không tham gia vào các tình huống và chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, xa các vấn đề, tách biệt với xã hội. Chúng ta thậm chí muốn tin vào một vị thần có ‘hiệu ứng đặc biệt’, người chỉ làm những điều ngoại thường và luôn khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ. Trái lại, thưa anh chị em, chính Thiên Chúa đã nhập thể: Thiên Chúa khiêm nhường, Thiên Chúa dịu dàng, Thiên Chúa ẩn mình, Ngài đến gần chúng ta, sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Và sau đó, điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta như những người dân làng của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ rằng khi Ngài đi ngang qua, chúng ta sẽ không nhận ra Ngài. Tôi lặp lại câu nói rất đẹp của Thánh Augustinô: “Tôi sợ hãi Chúa, e sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Nhưng, thưa Thánh Augustinô, tại sao ngài lại sợ hãi? Thưa: “Tôi sợ không nhận ra Ngài. Tôi sợ rằng khi Chúa đi ngang qua mà tôi không hay: Timeo Dominum transeuntem. Chúng ta không nhận ra Ngài, chúng ta gây ra tai tiếng, chúng ta hãy toàn tâm suy nghĩ về thực tại này.
Giờ đây, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, đấng đã chào đón mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày ở Nazareth, ban cho chúng ta đôi mắt và trái tim không có định kiến, và cho chúng ta được mở rộng tầm mắt đối với những điều kinh ngạc: “Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con được gặp Chúa!”. Và khi chúng ta gặp Chúa, chúng ta có sự ngạc nhiên. Chúng ta gặp Người trong cuộc sống bình thường: mở mắt trước những ngạc nhiên của Thiên Chúa, trước sự hiện diện khiêm tốn và ẩn giấu của Người trong cuộc sống hàng ngày.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến,
Tin tức đến từ quốc gia Eswatini thân yêu, ở miền nam Phi Châu, cho thấy những căng thẳng và bạo lực. Tôi mời gọi những người có trách nhiệm và những người đang bày tỏ nguyện vọng của họ cho tương lai của đất nước, hãy cùng nỗ lực hướng tới đối thoại, hòa giải và giải quyết hòa bình qua các quan điểm khác nhau.
Tôi vui mừng thông báo rằng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 sắp tới, theo ý muốn của Thiên Chúa, tôi sẽ đến Slovakia để thăm viếng mục vụ, vào buổi chiều ngày 12. Người Slovakia ở đó rất vui… Đầu tiên, sáng ngày Chúa Nhật 12 tháng 9, tôi sẽ cử hành Thánh lễ kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest. Tôi chân thành cảm ơn những người đang chuẩn bị cuộc hành trình này và tôi đang cầu nguyện cho họ. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc hành trình này và cho những người đang làm việc trong việc tổ chức chuyến tông du.
Tôi chào tất cả các bạn với tình cảm yêu mến, những người hành hương từ Italia và các quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Slovakia! Đặc biệt, tôi chào các nhóm tín hữu từ Cosenza, Crotone, Morano Calabro và Ostuni.
Tôi hy vọng tất cả các bạn có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Cảm ơn bạn! Xin chào! Hẹn gặp lại!
Source:Libreria Editrice Vaticana
Bản thông cáo của văn phòng báo chí Tòa Thánh không cho biết rõ giờ nào cuộc giải phẫu bắt đầu, nhưng nói rằng sẽ có thông báo khi cuộc giải phẫu hoàn tất.
Trước khi đi bệnh viện, như thường lệ Đức Giáo Hoàng Francis hân hoan chào mừng công chúng tại Quảng Trường Thánh Phêrô.Ngài cho biết Ngài sẽ đến Hungary và Slovakia trong Tháng Chín.
Đức Giáo Hoàng Francis năm nay 84 tuổi đã nói trong buổi tiếp công chúng tại quảng trường thánh Phêrô tuần trước rằng xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
Nguyễn Long Thao
Vatican đã ra lệnh cấm hoạt động đối với hai hiệp hội Công Giáo có trụ sở ở miền nam nước Ý sau khi xác định rằng những điều người sáng lập cho là ‘mạc khải tư’ thật ra là không xác thực, và không có nguồn gốc siêu nhiên.
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Bertolone của Catanzaro-Squillace đã công bố quyết định của Vatican vào ngày 29 tháng 6, Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Ngài cho biết Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã mở một cuộc thanh tra tông tòa đối với hai hiệp hội Công Giáo do tư nhân thành lập có tên là Movimento Apostolico và Maria Madre della Redenzione vào năm ngoái sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn về các vấn đề quản trị và “sự chia rẽ sâu sắc” giữa các thành viên.
CDF, cùng với Bộ Giáo sĩ và Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, đã bác bỏ hai hiệp hội Công Giáo bằng một sắc lệnh ngày 10 tháng 6 được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn.
Movimento Apostolico được thành lập tại Tổng giáo phận Catanzaro-Squillace vào năm 1979, dựa trên những điều được gọi là ‘mạc khải tư’ dành cho Maria Marino.
Phong trào được chính thức công nhận là một hiệp hội tư nhân của các tín hữu vào năm 2001. Hiệp hội thứ hai, Maria Madre della Redenzione, được thành lập sau đó và được Giáo hội địa phương công nhận vào năm 2011.
Movimento Apostolico lan rộng khắp nước Ý và có mặt ở Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Congo, Cameroon, Madagascar, Ấn Độ, Benin và Ecuador.
Vatican đã ra sắc lệnh ngày 10 tháng 6 rằng những ‘mạc khải tư’ do Maria Marino tuyên bố “không có nguồn gốc siêu nhiên”.
Bức thư của Tòa Thánh cho biết: “Không có yếu tố nào có thể dùng để gán nguồn gốc siêu nhiên cho các hiện tượng được cho là đã phát sinh ra phong trào, và ngược lại, có thể đạt được sự chắc chắn về mặt đạo đức rằng đây chỉ đơn thuần là những cảm nghiệm cá nhân của người sáng lập mà không thể bắt nguồn từ một hành động siêu nhiên nào”.
Trong thư, Vatican cũng ghi nhận sự chia rẽ nghiêm trọng trong tổng giáo phận Catanzaro-Squillace, đặc biệt là giữa các linh mục giáo phận, do các hoạt động của Movimento Apostolico gây ra.
Vatican cũng nói rằng đặc sủng hình thành phong trào không phù hợp với truyền thống, và các văn bản, sự hình thành và rao giảng của phong trào này được đánh dấu bằng một “sự hời hợt về mặt giáo lý”.
Bức thư của Tòa Thánh cũng nói rằng chuyến thanh tra tông tòa cũng phát hiện ra những thiếu sót về thể chế, đặc biệt liên quan đến việc quản trị và quản lý tài chính. Tòa Thánh cũng lưu ý đến “sự hiện diện của các thực hành làm ảnh hưởng đến sự phân biệt cần thiết giữa lĩnh vực cai quản hiệp hội và lĩnh vực lương tâm của các thành viên của hiệp hội”.
Chuyến thanh tra tông tòa đã được thực hiện từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021 bởi Đức Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu Ignazio Sanna và hai giáo sư danh dự của Đại học Giáo hoàng Latêranô là nhà thần học luân lý Cha Mauro Cozzoli và luật sư giáo luật Cha Agostino Montan.
Sau khi đọc bản văn của sắc lệnh, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một suy tư cá nhân, trong đó ngài mời gọi mọi người chấp nhận quyết định của Tòa Thánh “với một tinh thần đức tin và vâng phục”.
Đức Tổng Giám Mục Bertolone nói rằng “điều tốt được thực hiện bởi nhiều người theo linh đạo của Movimento Apostolico sẽ không bị mất đi: nhiều người đã được đưa đến gần hơn với đức tin và thực hành Kitô giáo, nhiều ơn gọi thiêng liêng đã được khám phá và trau dồi, nhiều người đang tích cực hiện diện một cách linh hoạt trong các hoạt động của giáo xứ”.
Ngài kêu gọi những người liên quan đến phong trào vừa bị cấm hãy ở lại bên cạnh Giáo hội, và lưu ý rằng “ mọi người Công Giáo đích thực đều có cảm giác yêu thương dịu dàng đối với Giáo hội của mình”.
Ngài nói thêm: “Mọi người Công Giáo chân chính đều phải tuyên bố như Thánh Cyprianô và Thánh Augustinô: ‘Người ta không thể có Thiên Chúa là cha, nếu không có Giáo hội là mẹ mình’”
Source:Catholic News Agency
Tổng giáo phận Sydney đã một lần nữa mời các nhà nghiên cứu y tế Úc nộp đơn xin tài trợ 100,000 đô la cho nghiên cứu hỗ trợ cuộc sống của những người dễ bị tổn thương.
“Chúng tôi cam kết xây dựng một nền văn hóa sự sống, bao gồm các nghiên cứu khoa học tôn trọng sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher cho biết như trên trong một tuyên bố ngày 28 tháng 6.
Nghiên cứu có thể tìm hiểu về các phương pháp điều trị y tế đối với trẻ sơ sinh, hay các thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ, chăm sóc giảm nhẹ ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, tập trung vào kiểm soát cơn đau hoặc sử dụng tế bào gốc người lớn để điều trị.
Các ứng viên phải thể hiện một thành tích thành công, và nghiên cứu của họ phải đáp ứng “các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất liên quan đến tính xuất sắc của khoa học”.
“Các giáo huấn luân lý Công Giáo về tình dục con người, hôn nhân và gia đình, và cách đối xử cuối đời phải được tôn trọng”. Tổng giáo phận nhấn mạnh rằng nghiên cứu không được liên quan đến việc phá hủy phôi thai người, hoặc sử dụng các mô, bao gồm cả tế bào, có nguồn gốc từ phôi thai người hoặc thai nhi bị giết vì phá thai.
Đức Tổng Giám Mục gọi các khoản tài trợ nghiên cứu là “quan trọng hơn bao giờ hết”, trong bối cảnh luật liên bang và tiểu bang đang thúc đẩy phá thai và an tử, cũng như một cuộc bỏ phiếu lương tâm được đề xuất cho phép tạo ra những đứa trẻ có ba cha mẹ.
Khoản tài trợ năm 2022 sẽ đánh dấu lần thứ 10 kể từ năm 2003 khi tổng giáo phận quyết định tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu.
Source:Catholic News Agency
Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia đã bày tỏ sự vui mừng sau nhận được thông báo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Slovakia vào tháng Chín tới.
(Tin Vatican)
Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia cho hay đây là "một tin vui đặc biệt."
Đức Tổng nhắc lại chuyến tông du của vị tiền nhiệm trước là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Slovakia.
Ngài nói: “Một lần nữa chúng ta lại được chào đón đấng kế vị các tông đồ, là ĐTC Phanxicô đến Slovakia.
Đức Tổng Giám Mục Zvolensky, lưu ý tin này có “liên quan đến biến cố long trọng của các vị thánh Cyril và Methodius, là những sứ giả đức tin. Chính các ngài đã dạy chúng ta lòng tôn kính đối với ĐTC; bây giờ chúng ta có thể chào đón ngài đến Slovakia giữa chúng ta”.
ĐTGM kêu mời “mọi người hãy bắt đầu chuẩn bị nội bộ để có thể đón nhận sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Đức Tổng Giám Mục Stanislav cho hay chuyến tông du tới “là một thông điệp nhạy cảm đối với những người đau khổ, những người sống bên lề của xã hội, những người có nhu cầu cả về vật chất và lẫn tâm linh. Sau đó là mối quan tâm lớn của ĐTC đối với lợi ích của đại gia đình nhân loại, một sự nhạy cảm tuyệt vời của ngài trước nhu cầu của những người trẻ…”
Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský kết luận “những chủ đề trên chắc chắn sẽ là một trong chủ đề của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Slovakia. Tôi nghĩ chúng ta có quyền mong đợi một sự củng cố tinh thần tuyệt vời”.
Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng |
Xem hình
Thánh lễ tạ ơn và để đáp lại lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cộng đồng mở cuộc lạc quyên, để giúp đỡ cho đồng bào tại quê nhà đang gặp khó khăn trong cơn dịch Covid 19 Vu Hán bùng phát trong nước. Có sự hiện diện của quý Ông Trần Ngọc Cẩn, Nguyễn Ngọc Trúc và đại diện của các cộng đoàn bạn, và ban mục vụ của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, về hiệp dâng Thánh lễ hôm nay.
Trong bài chia sẻ lời Chúa của Chúa Nhật Thứ 14 Thường niên Năm B.
Tin Mừng (Mc 6,1-6)
(Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ trên quê hương của mình)
Cha Quảng sau khi chia sẻ đoạn tin mừng trên, đã nói về cuộc lạc quyên, và Cha đã nhắc lại những khi quê nhà có những thiên tai, bão lụt. Mặc dù sống xa quê hương, với nhiều những lo toan trong cuộc sống, nhưng mỗi khi chúng ta được kêu gọi giúp đỡ, thì chưa bao giờ chúng ta làm ngơ. Nạn dịch toàn cầu năm nay, chúng ta may mắn sống ở đất nước Úc, nơi chính phủ lo cho chúng ta, còn nơi quê nhà, mọi người sống trong lo âu sợ hãi, họ bắt đi cách ly cũng còn phải đóng tiền! Cha cũng nhắc lại những thành quả đạt được của cộng đồng Công Giáo chúng ta đã làm trong những năm gần đây, để giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua cơ quan Caritas chuyển đến những nơi cần giúp đỡ.
Cuối lễ, ông Trần Ngọc Cẩn Đại diện Ban Điều hợp Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne lên kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng cho cuộc lạc quyên, và trình chiếu một phút clip vài hình ảnh cứu trợ tại VN. với bài Kinh Hòa Bình được lồng trong clip. Sau đó, Ca đoàn Babylon đã cùng cộng đoàn hát bài “Đâu có tình yêu thương.” Và chính thức cuộc lạc quyên giúp đồng bào trong mùa dịch Tầu tại quê nhà.
Chúng tôi kêu gọi quý cộng đoàn sẽ có những cuộc quyên góp cho mục đích này và kêu gọi anh
chị em có thể đóng góp qua bất cứ hình thức gây quỹ nào có thể.
Mọi đóng góp cho ngân quỹ, xin quý vị chuyển khoản vào các trương mục dưới đây hoặc gởi cho
quý cha Tuyên Úy và Ban Mục Vụ các Cộng Đoàn.
Khi chuyển khoản, xin nhớ ghi chú “Support HDGMVN”.
• Trương Mục Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne:
o Tên Trương Mục: Vietnamese Catholic Community – Melbourne
o BSB: 063217 - Account Number: 10455074
• Trương Mục Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang
o Tên Trương Mục: Our Lady of La Vang Shrine
o BSB: 083347 - Account Number: 529783746
• Trương Mục Trung Tâm Thánh Vincent Liêm
o Tên Trương Mục: St. Vincent Liem Vietnamese Catholic Community
o BSB: 083355 - Account Number: 628745710
Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc với:
• Chị Thư Ký Maria Hồ Thị Thanh – 0403 419 798 – thanh.htt@gmail.com
• Chị Thủ Quỹ Maria Quách Thị Sáng – 0434 361 579 – sangfootscray@gmail.com
Ngày 15 tháng 8 năm 2021, nhân dịp kết thúc Thánh Tượng Mẹ La Vang thánh du thăm viếng
các cộng đoàn Việt Nam tại TGP Melbourne, chúng tôi sẽ tổng kết và gửi về cho Caritas của
HĐGMVN trong công cuộc cứu giúp các nạn nhân Covid-19..
Theo Daniel Esparza, trên Aleteia ngày 07/04/2021, trong sách Étte, ta không tìm thấy Thiên Chúa ở đâu cả. Làm thế nào mà cuốn sách này đi vào Kinh thánh được?
Đọc Kinh Thánh, và hiểu nó cho đúng, càng đúng càng tốt, thường là một nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi cả kiên nhẫn lẫn rèn luyện. Nó đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết, một số kiến thức tổng quát về bối cảnh trong đó những bản văn này được viết ra, và sự khiêm tốn tri thức để thừa nhận mình thường sai lầm hơn là không. Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất, Kinh Thánh cần được đọc với một tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng đối phó với nhiều “kỳ cục” của nó.
Nói Kinh Thánh đầy những điều kỳ quặc là một cách nói chưa đạt. Nói nó là một cuốn sách đầy thách đố vừa đúng vừa sai cùng một lúc. Trước hết, Kinh Thánh không phải là một cuốn sách, mà là một tập hợp của một số cuốn sách riêng biệt, hầu hết (nếu không phải là tất cả) được viết ra từ sự đan kết của các nguồn khác nhau, đôi khi công khai mâu thuẫn nhau. Nó cũng là phó sản của diễn trình lao công miệt mài và chi li của nhiều thế hệ nhà văn, nhà sưu tập và nhà biên tập. Nó là một tập hợp các bản văn được soạn thảo, hiệu đính và hệ thống hóa qua nhiều thiên niên kỷ.
Không có gì ngạc nhiên khi không chỉ có một cuốn Kinh thánh. Và cũng không cần phải nói điều hiển nhiên, là có vô số bản dịch khác nhau, một số bản dịch hay hơn những bản dịch khác. Có những Kinh thánh khác nhau theo nghĩa đen. Người Do Thái có Kinh thánh của họ, các Kitô hữu Thệ Phản có Kinh thánh của họ, và các Kitô hữu Chính thống và Công Giáo Rôma cũng có Kinh thánh của họ — cuốn Kinh thánh lớn nhất trong số đó, tổng cộng bao gồm 73 cuốn sách. Ngược lại, qui điển của Luthêrô chỉ bao gồm 66 cuốn. Chắc chắn, tất cả những cuốn Kinh thánh này đều có liên quan mật thiết với nhau và thường chồng chéo lên nhau. Nhưng chúng không giống nhau.
Diễn trình quyết định bản văn nào được đưa vào Kinh thánh và bản văn nào không được đưa vào, gọi là việc lập qui điển (canonization), một thuật ngữ dường như bắt nguồn từ chữ canes (cây lau) mà thời xưa người ta dùng làm thước đo, và khi được truyền qua cách sử dụng của Kitô giáo, nó có nghĩa là “chuẩn mực” hoặc “quy tắc”. Quy điển của người Do Thái, được ráp nối trong rất nhiều thế kỷ, thường được gọi là “Tanakh”. Từ này là từ viết tắt của các chữ cái đầu tiên của mỗi một trong ba bộ sưu tập chính có trong nó: “T” tắt của Torah (năm cuốn sách đầu tiên), “N” tắt của Nevi'im (có nghĩa là “các tiên tri” và bao gồm không những các sách có tên của các nhà tiên tri làm tiêu đề của chúng, mà còn là các sách lịch sử về Giôsuê, Các Thẩm phán, Samuen và các Vua), và “K” tắt của Kethuvim (có nghĩa là “các trước tác”, bao gồm ít nhiều mọi thứ khác).
Nhưng Kinh thánh của Kitô giáo xếp các cuốn sách theo một thứ tự khác. Trong khi Tanakh bắt đầu với Sáng thế ký và kết thúc với Sách Étte, các Kitô hữu đã tổ chức lại quy điển, xếp ưu tiên cách hiểu của họ về các cuốn sách này như được nhìn dưới ánh sáng của Chúa Giêsu: thay vì Kethuvim, Kinh thánh Kitô giáo bắt đầu bằng “Cựu ước” (nghĩa là Tanakh) và kết thúc với Nevi'im, các sách tiên tri. Điều này để làm nổi bật sự kiện này là Chúa Giêsu, Đấng vốn dạy “lề luật và các tiên tri”, là sự nên trọn của cả hai — một quyết định biên tập có ý nghĩa hoàn hảo đối với các Kitô hữu. Nhưng tại sao những người biên tập Kinh thánh Do Thái lại quyết định kết thúc quy điển của họ bằng một cuốn sách (hết sức bạo lực) hoàn toàn không đề cập đến Thiên Chúa? Tại sao Kinh thánh Do thái bắt đầu bằng một cuốn sách trong đó Thiên Chúa hiện diện khắp nơi (sách Sáng thế) và kết thúc bằng một cuốn sách trong đó, người ta không thấy Người ở đâu? Thực sự, làm thế nào cuốn sách này đi vào Kinh Thánh? Một số nguồn cổ xưa cho rằng sách này cách nào đó đã lẻn vào qui điển, và việc đưa nó vào trong đó là một vấn đề gây tranh cãi trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.
Một số tác giả nói rằng Thiên Chúa không nhất thiết vắng mặt, nhưng chỉ “ẩn mình” trong đó.
Sách Étte là bằng chứng cho thấy việc người Do Thái sống dưới ách thống trị của một thế lực ngoại bang có tính cách thách thức như thế nào. Là một câu chuyện ngắn, cuốn sách kể về câu chuyện của bà Étte, một phụ nữ Do Thái ở Ba Tư, người cuối cùng trở thành nữ hoàng và ngăn chặn một cuộc diệt chủng chống lại dân tộc của mình — bằng cách đảo ngược cuộc tàn sát ban đầu nhằm vào họ. Các học giả đồng ý rằng cuốn sách không có tính lịch sử: nó là một xây dựng hư cấu nhằm giải thích cả nguồn gốc của lễ hội Do Thái (Purim) lẫn một điều gì đó khác nữa. Chắc chắn, sự kiện một câu chuyện trong Kinh thánh không bao giờ đề cập đến Thiên Chúa quả thực rất đáng ngạc nhiên. Như Kristin Swenson giải thích trong A Most Peculiar Book: The Inherent Strangeness of the Bible (Một cuốn sách lạ thường nhất: Sự kỳ lạ vốn có của Kinh thánh), “Với những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở thế kỷ thứ nhất, chuyện đủ gây rắc rối là thêm vào đó các tình tiết và những lời cầu nguyện để nâng cao mức độ sùng đạo nơi các nhân vật hàng đầu của cuốn sách, và cũng làm hiển nhiên việc Thiên Chúa can dự vào mọi việc. Các mục thêm vào bằng tiếng Hy Lạp đã được đưa vào kinh thánh Công Giáo Rôma và Chính thống giáo. Trong các kinh thánh của Kitô giáo Thệ phản, chúng chỉ xuất hiện như một phần của Ngụy thư”. Thực thế, nếu bạn khảo sát bản Revised Standard Catholic Version (Phiên bản Tiêu chuẩn Tái duyệt Công Giáo) của Kinh thánh, bạn sẽ thấy sách Étte được đánh số khá kỳ lạ: chẳng hạn, chương 16 được lồng vào giữa chương 8 và chương 9. Hơn nữa, sách bắt đầu các chương 11 và 12, và chỉ lúc đó chương 1 mới được tiếp tục. Những chương xen kẽ này tương ứng với những "bổ sung sùng đạo" vốn đã được đưa vào Bản Bẩy Mươi. Khi sưu tập bản Phổ thông bằng tiếng Latinh, Thánh Jerome thấy sáu chương này không phải là thành phần của bản văn gốc tiếng Do Thái. Ngài đã thêm chúng vào cuối cuốn sách. Nhiều phiên bản sau này của bản Phổ Thông (thực sự là bản Tân Phổ Thông [Nova Vulgata] được sửa đổi năm 1969) đã trực tiếp lồng chúng vào câu chuyện.
Vì vậy, trước khi những bổ sung sùng đạo này được đưa vào, cuốn sách đã không đề cập đến Thiên Chúa chi cả. Trong cuốn Introduction to the Old Testament (Hebrew Bible) (Dẫn nhập vào Cựu ước [Kinh thánh] Do Thái), học giả nổi tiếng Christine Hayes đã so sánh sách Étte với các tác phẩm khải huyền khác — nhất là Sách Đanien. Cả hai cuốn sách đều kể câu chuyện về mối đe dọa sống chết triệt để đối với dân tộc Do Thái: mối đe dọa của một cuộc diệt chủng khác. Đanien ra lệnh cho dân chúng trung thành chờ đợi Thiên Chúa giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong Étte, mối nguy hiểm hoàn toàn được xử lý qua hành động của con người. Nhưng thực sự có đúng như thế hay không?
Nhìn vào nguyên bản tiếng Do Thái có thể làm sáng tỏ sự vắng mặt biểu kiến này. Truyền thống giáo sĩ [rabbinical] giải thích rằng kết từ tứ tự [Tetragrammaton], tức “YWHW,” thực sự có mặt, mặc dù dưới dạng ẩn giấu trong các chữ đầu phức tạp khác nhau tìm thấy trong nguyên bản tiếng Do Thái: hoặc chữ cái đầu hoặc chữ cái cuối của bốn từ liên tiếp, có thể là tính đi hay tính lùi, sẽ bao gồm Danh Thánh Chúa, YHWH — thực thế, những chữ cái này đã được nhận ra trong ít nhất ba thủ bản tiếng Do Thái cổ tô màu đỏ. Như thế, cuốn sách vẫn cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn đầu dòng lịch sử ngay cả (hoặc đặc biệt) khi chúng ta dường như không nhận thấy như thế. Tóm lại, Étte có ý được đọc như một bằng chứng về đức tin bền bỉ, về hành động đầy tín thác và táo bạo của con người cuối cùng được truyền cảm hứng và dẫn dắt bởi một Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với con người, đến nỗi chúng ta cần chú ý đến cả những chi tiết dường như không liên quan đến việc nhận ra Người.
1. Một nhà thờ Công Giáo khác tại Canada bốc cháy, nhưng nhà thờ này không nằm trên đất của người da đỏ
Thủ hiến Jason Kenney của Alberta đã lên án cái các cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo sau khi một giáo xứ lâu đời bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn.
“Hôm nay tại Morinville, nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị phá hủy trong một hành động tội phạm là đốt phá,” Thủ hiến Kenney cho biết trong một tuyên bố.
“Nhà thờ lịch sử này nằm ở trung tâm của Morinville và là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng nói tiếng Pháp của Alberta”.
Thủ hiến cho biết các viên chức cảnh sát đã được gọi đến Giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Morinville, cách Edmonton khoảng 40 km về phía bắc, vào đầu giờ ngày thứ Tư.
Iain Bushell, tổng giám đốc cơ sở hạ tầng và dịch vụ cộng đồng của Morinville, xác nhận nhà thờ đã hoàn toàn bị thiêu rụi.
Ông cho biết ngọn lửa quá dữ dội khiến các nhân viên cứu hỏa không thể vào được tòa nhà 114 tuổi và mái nhà bị sập một thời gian ngắn sau đó.
Bushell, một lính cứu hỏa, cho biết hai tháp chuông chính và mặt tiền của nhà thờ đã hoàn toàn biến mất.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, Thủ hiến Kenney mô tả vụ hỏa hoạn là “tội ác thù hận bạo lực nhắm vào cộng đồng Công Giáo”.
Thủ hiến cho biết chính phủ sẽ tăng gấp đôi kinh phí để giúp bảo vệ các nhà thờ và các mục tiêu dễ phải gánh chịu các hành động phá hoại và bạo lực khác. Và ông cho biết Bộ trưởng Tư pháp sẽ làm việc với các cảnh sát trưởng để tăng cường giám sát các địa điểm có thể bị nhắm mục tiêu.
Vài giờ sau, đại diện bộ lạc Kootenay ở British Columbia lại thông báo rằng một cuộc tìm kiếm sử dụng radar xuyên đất đã tìm thấy 182 bộ hài cốt trong những ngôi mộ vô danh tại một địa điểm gần một ngôi trường dân cư cũ.
Các vụ tìm kiếm sử dụng radar xuyên đất những ngôi mộ vô danh đang rộ lên ở Canada, và được sử dụng như một chất xúc tác cho một trào lưu tấn công đốt phá, vẽ bậy và cướp bóc các nhà thờ Công Giáo.
Vụ cháy nhà thờ ở Morinville xảy ra sau khi bốn nhà thờ Công Giáo nhỏ trên vùng đất của người bản địa ở vùng nông thôn miền nam British Columbia bị phá hủy bởi các đám cháy. Một nhà thờ Anh giáo cũ bỏ trống ở tây bắc British Columbia cũng vừa bị đốt vào sáng gày thứ Năm 1 tháng 7.
Tại Edmonton vào sáng Chúa Nhật, anh chị em giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Rất Thánh Mân Côi đã phát hiện bức tượng lớn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị vẽ bậy chằng chịt các bàn tay bằng sơn đỏ. Các dấu chân sơn đỏ cũng xuất hiện ở cửa trước, trong khi các con thú nhồi bông được đặt xung quanh chân tượng.
Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Richard Smith của Tổng Giáo Phận Công Giáo Edmonton, cho biết giáo xứ Rất Thánh Mân Côi và Tổng Giáo Phận Edmonton “sát cánh với Người Bản Địa trong thời điểm đau buồn sâu sắc này. Cùng với họ, chúng tôi than thở về di sản đáng buồn của các Trường Nội Trú dành cho người bản địa và mong muốn các mối quan hệ của chúng ta được hàn gắn”.
Khoảng 150,000 trẻ em bản địa bị buộc phải đi học tại các trường nội trú, đã hoạt động hơn 120 năm ở Canada. Hơn 60% trường học được điều hành bởi Nhà thờ Công Giáo.
Trang web của chính phủ Alberta liệt kê nhà thờ Morinville là di tích lịch sử. Việc xây dựng nhà thờ được hoàn thành vào năm 1907 và thánh lễ đầu tiên được tổ chức vào ngày 1 tháng Giêng năm 1908.
Source:National Post
2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada - Đức Thánh Cha sẽ tiếp phái đoàn của người da đỏ
Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội đang kêu gọi đốt phá và cướp bóc các nhà thờ Công Giáo trên toàn cõi Canada, hôm thứ Ba, ngày 29 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Richard Gagnon, Tổng Giám Mục Winnipeg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada đã ra tuyên bố sau.
Thứ ba, ngày 29 tháng Sáu năm 2021
Sau thông báo ngày 10 tháng 6 năm 2021 liên quan đến việc phái đoàn Người bản địa đến gặp Đức Thánh Cha để thúc đẩy các cuộc gặp gỡ đối thoại có ý nghĩa và chữa lành, các Giám mục Công Giáo Canada vui mừng thông báo rằng, do các hạn chế đi lại toàn cầu, cuộc gặp gỡ dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 2021.
Đức Thánh Cha Phanxicô cam kết sâu sắc lắng nghe trực tiếp từ Người bản địa, bày tỏ sự gần gũi chân thành của ngài, đề cập đến tác động của quá trình thuộc địa hóa và vai trò của Giáo hội trong hệ thống Trường Nội Trú dành cho người bản địa, với hy vọng đáp ứng những đau khổ của Người bản địa và những tác động chấn thương liên tục giữa các thế hệ. Các Giám mục Canada rất biết ơn tinh thần cởi mở của Đức Thánh Cha trong việc quảng đại mở rộng lời mời gặp gỡ cá nhân với từng nhóm trong ba nhóm đại biểu riêng biệt - First Nations, Métis và Inuit - cũng như buổi tiếp kiến cuối cùng với tất cả các đại biểu trên vào Ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Chuyến thăm mục vụ này sẽ bao gồm sự tham gia của một nhóm đa dạng gồm những Trưởng Lão, những người gìn giữ tri thức, những người đã từng theo học các Trường Nội Trú dành cho người bản địa và thanh niên từ khắp đất nước, cùng với một nhóm nhỏ gồm các Giám mục và các nhà lãnh đạo bản địa. Việc lập kế hoạch cho phái đoàn đang được tiến hành và các thông tin chi tiết khác sẽ được thông báo khi chúng tôi có các thông tin.
Các Giám mục Canada tái khẳng định hy vọng chân thành rằng những cuộc gặp gỡ sắp tới này sẽ dẫn đến một tương lai hòa bình và hòa hợp chung giữa các Dân tộc Bản địa và Giáo Hội Công Giáo ở Canada.
29 tháng 6 năm 2021
Source:CCCB
3. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ cầu nguyện đại kết cho Li Băng
Theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 1 tháng Bẩy đã là ngày cầu nguyện cho Li Băng. Cùng tham dự Ngày cầu nguyện với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite; Đức Thượng phụ Youhanna 10 của Chính thống giáo Đông phương; Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem Đệ Nhị của Chính thống Syria thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Aram Đệ Nhất của Giáo hội Armenia ở Cicilia; Đức Thượng phụ Ignatius Youssef Đệ Tam của Công Giáo Syro thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Youssef Absi của Công Giáo Hy lạp nghi lễ Melkite; Mục sư Joseph Kassab, chủ tịch Hội đồng tối cao các cộng đồng truyền giáo ở Syria và Li Băng; và Đức Cha Michel Kassarji, giám mục Beirut của Giáo Hội Công Giáo Chanđê.
Về phía Tòa Thánh, còn có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương; Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng; và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.
Các hoạt động vào sáng thứ Năm 1 tháng 7
Đến trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, Đức Thánh Cha cùng các tham dự viên đọc kinh Lạy Cha và sau đó các ngài thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Tiếp đến các ngài xuống trước mộ thánh Phêrô, mỗi vị đốt một ngọn nến nhỏ và thinh lặng cầu nguyện trong ít phút.
Sau khi cầu nguyện Đức Thánh Cha và các Thượng phụ đến Hội trường Clêmentina để bắt đầu phần hội nghị riêng.
Các hoạt động vào chiều thứ Năm 1 tháng 7
Lúc 6 giờ chiều, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các Giáo hội ở Li Băng đã cử hành giờ cầu nguyện đại kết.
Giờ cầu nguyện bắt đầu với cuộc rước sách Phúc Âm. Tiếp đến là lời khẩn cầu và ngợi khen Chúa Ba Ngôi và sau đó là lời cầu nguyện cầu xin hoà bình.
Phần thứ hai của giờ cầu nguyện là phần phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: bài thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia (29:11-14), với những lời sau của Thiên Chúa: “Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi – những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ, để ban cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng”.
Bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (12:9-21): “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa”.
Bài Phúc âm trích từ Tin mừng thánh Luca (6,17-36), với những lời kết thúc: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Tiếp đến, các ý nguyện được dâng lên cầu nguyện cho tinh thần liên đới và hoà giải, kiến tạo hoà bình và hoà hợp cho vùng Trung Đông, các quốc gia và cộng đoàn vốn đang là nạn nhân của bạo lực và xung đột; cầu cho Kitô hữu Li Băng xây dựng cộng đoàn sống động và đóng góp cho xã hội. Lời nguyện cũng được dâng lên cầu cho toàn thể nhân loại và các nhu cầu: cho người nghèo, người bệnh, người trẻ và người cao niên, người di dân và tị nạn, người bị bách hại vì tư tưởng và tôn giáo.
Sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha. Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thinh lặng cầu xin ơn hoà bình và sau đó các bạn trẻ trao cho mỗi vị một ngọn đèn được thắp sáng như dấu chỉ mong muốn trở thành người mang ánh sáng hoà bình cho thế giới.
Trong diễn từ của mình trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha nói:Chư huynh thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp để cầu nguyện và suy tư, xuất phát bởi mối quan tâm đối với Li Băng, một mối quan tâm mạnh mẽ, khi nhìn thấy đất nước mà tôi mang trong lòng và tôi muốn đến thăm, rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tôi biết ơn tất cả những người tham gia đã sẵn sàng chấp nhận lời mời và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta là những Mục tử, được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của Dân Thánh Thiên Chúa, trong hoàn cảnh tăm tối này, chúng ta đã cùng nhau cố gắng định hướng chính mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Và dưới ánh sáng của Người, trước hết chúng ta thấy rõ những lỗi lầm của mình: những sai lầm đã mắc phải khi chúng ta không làm chứng cho Tin Mừng một cách nhất quán và sau cùng, những cơ hội đã mất trên con đường huynh đệ, hòa giải và hiệp nhất trọn vẹn. Về điều này, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ và với tấm lòng sám hối, chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” (Mt 15:22).
Đây là tiếng kêu của một người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu chính tại Tirê và Sidon, và trong cơn đau khổ, đã khẩn thiết van nài Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy cứu con!” (câu 25). Ngày nay, tiếng kêu này đã trở thành tiếng kêu của cả một dân tộc, những người dân Li Băng thất vọng và kiệt quệ, cần những điều chắc chắn, hy vọng, và hòa bình. Với lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta muốn đồng hành với tiếng kêu này. Chúng ta đừng bỏ cuộc, chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin từ Thiên đàng cho nền hòa bình mà loài người đã vất vả xây dựng trên mảnh đất này. Chúng ta hãy khẩn thiết van nài cho Trung Đông và Li Băng. Đất nước thân yêu này, một kho tàng văn minh và tâm linh, nơi đã tỏa sáng trí tuệ và văn hóa qua nhiều thế kỷ, nơi làm chứng cho một trải nghiệm độc nhất về chung sống hòa bình, không thể bị phó mặc cho số phận hay cho những ai theo đuổi tư lợi ích của họ. Li Băng là một quốc gia nhỏ nhưng lớn, và còn hơn thế nữa: Li Băng là một thông điệp phổ quát về hòa bình và tình anh em đến từ Trung Đông.
Một cụm từ Chúa phán trong Kinh thánh đã vang lên giữa chúng ta ngày nay, hầu như đáp lại tiếng kêu cầu nguyện của chúng ta. Đây là một vài lời mà Thiên Chúa đã phán, đó là Ngài có “kế hoạch cho hòa bình chứ không phải cho sự phá hủy” (Giê 29:11). Có các dự án cho hòa bình chứ không phải cho bất hạnh. Trong những thời điểm bất hạnh này, chúng ta muốn khẳng định với tất cả sức mạnh của mình rằng Li Băng, phải là, và vẫn là một dự án hòa bình. Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất khoan dung và đa nguyên, một ốc đảo của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng tồn tại, đặt thiện ích chung lên trên những lợi thế riêng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng điều cần thiết là những người nắm quyền phải tối hậu và dứt khoát đặt mình vào mục tiêu phục vụ hòa bình thực sự chứ không phải các lợi ích của chính họ. Đã quá đủ rồi cái cảnh tạo ra lợi thế của một số ít người trên da thịt của nhiều người! Đã quá đủ rồi cái cảnh sự thật bị bóp méo chiếm ưu thế hơn hy vọng của mọi người! “ (Diễn từ cuối cuộc đối thoại, Bari, ngày 7 tháng 7 năm 2018). Hãy ngừng sử dụng Li Băng và Trung Đông cho các lợi ích và lợi nhuận nước ngoài! Người Li Băng phải được trao cơ hội trở thành nhân vật chính của một tương lai tốt đẹp hơn, trên đất nước của họ và không bị các can thiệp quá mức từ bên ngoài.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Những người Li Băng thân mến, các bạn đã làm nổi bật mình qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, vì sự tháo vát và cần cù của mình. Những cây hương nam cao vút của các bạn, biểu tượng của đất nước, gợi lên sự giàu có hưng thịnh của một lịch sử độc đáo. Và chúng cũng nhắc nhớ rằng những cành lớn chỉ có thể mọc ra từ rễ sâu. Cầu mong sao cho những tấm gương của những người đã có thể xây dựng các nền móng chia sẻ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, để nhìn thấy sự đa dạng không phải là trở ngại nhưng là khả năng. Hãy đắm mình trong giấc mơ hòa bình của những bậc tiền bối. Chưa bao giờ, như trong những tháng gần đây, chúng ta hiểu rằng một mình chúng ta không thể tự cứu mình và những vấn đề của một số lại không liên quan đến những vấn đề của người khác. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn. Với các công dân: chúng tôi kêu gọi anh chị em đừng nản lòng, đừng mất niềm tin, nhưng hãy tìm trong cội nguồn lịch sử của mình niềm hy vọng sẽ nảy mầm trở lại. Với các nhà lãnh đạo chính trị: chúng tôi cầu mong rằng theo trách nhiệm của mình, các bạn có thể tìm ra các giải pháp cấp bách và ổn định cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay, và hãy nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Với các cộng đồng người Li Băng hải ngoại thân yêu: chúng tôi mong anh chị em có thể sử dụng các tài nguyên và những nguồn lực tốt nhất để phục vụ quê hương. Với cộng đồng quốc tế: hãy tạo ra các nỗ lực chung, và các điều kiện để đất nước này không sụp đổ nhưng khởi hành trên con đường phục hồi. Điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Là các tín hữu Kitô, hôm nay chúng ta muốn đổi mới cam kết xây dựng tương lai cùng nhau, bởi vì tương lai sẽ hòa bình chỉ khi nó là của chung. Mối quan hệ giữa con người không thể dựa trên việc theo đuổi lợi ích, đặc quyền và tư lợi phe phái. Không, tầm nhìn của Kitô Hữu về xã hội đến từ các Mối phúc, bắt nguồn từ sự hiền lành và lòng thương xót, phải dẫn đến việc bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng là Cha và muốn hòa hợp các con cái của Ngài trong thế giới này. Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở thành những người gieo hòa bình và là những nghệ nhân của tình huynh đệ, không sống trên những oán hận và thù hằn trong quá khứ, không trốn tránh những trách nhiệm của hiện tại, nhưng nuôi dưỡng cái nhìn hy vọng về tương lai. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa chỉ ra một con đường duy nhất cho lộ trình của chúng ta: đó là con đường hòa bình. Do đó, chúng ta hãy bảo đảm với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta và những người thuộc các tôn giáo khác sự cởi mở luôn luôn và sự sẵn sàng cộng tác để xây dựng tình huynh đệ và thúc đẩy hòa bình. Nó “không yêu cầu phải có kẻ thắng hay người thua, mà đòi hỏi chúng ta là những anh chị em, những người, bất chấp những hiểu lầm và vết thương của quá khứ, đi từ xung đột đến thống nhất” (Diễn văn trong cuộc họp liên tôn ở vùng đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Với ý nghĩa này, tôi hy vọng rằng ngày này sẽ được tiếp nối bằng các sáng kiến cụ thể nhân danh đối thoại, dấn thân giáo dục và đoàn kết.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Hôm nay chúng ta đã lấy lại những lời đầy hy vọng của nhà thơ Gibran: “Xa hơn bức màn đen của đêm tối, có một bình minh đang chờ đợi chúng ta”. Một số bạn trẻ vừa đưa cho chúng ta một số đèn thắp sáng. Họ, những người trẻ tuổi, là những ngọn đèn cháy sáng trong giờ phút đen tối này. Niềm hy vọng về tương lai sáng bừng trên khuôn mặt họ. Họ phải nhận được sự lắng nghe và chú ý, bởi vì sự tái sinh của đất nước phải thông qua họ. Và tất cả chúng ta, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy hướng đến những hy vọng và ước mơ của những người trẻ. Và chúng ta hãy nhìn những người trẻ: đôi mắt của họ sáng lên, nhưng đọng quá nhiều nước mắt, lay động lương tâm và những lựa chọn trực tiếp. Những ánh sáng khác tỏa sáng ở chân trời Li Băng: họ là những phụ nữ. Tượng đài Mẹ Của Tất Cả xuất hiện trong tâm trí chúng ta, Mẹ, từ ngọn đồi Harissa, ôm lấy những người đến với đất nước này từ Địa Trung Hải bằng ánh mắt từ mẫu của mình. Đôi tay rộng mở của Mẹ hướng về biển cả và hướng về thủ đô Beirut, để chào đón những hy vọng của mọi người. Phụ nữ là những người tạo ra sự sống, là những người tạo ra hy vọng cho tất cả mọi người; họ phải là những người được tôn trọng, được đánh giá cao và tham gia vào quá trình ra quyết định của Li Băng. Và cả những người già, những người là cội nguồn, những người già của chúng ta: hãy nhìn họ, hãy lắng nghe họ. Cầu mong họ bảo ban cho chúng ta sự huyền bí của lịch sử, cho chúng ta những nền tảng của đất nước để tiếp tục. Họ muốn quay lại với những giấc mơ: chúng ta hãy lắng nghe họ, để trong chúng ta những giấc mơ đó được chuyển thành lời tiên tri.
Diễn giải lại câu thơ này một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không có con đường nào khác để đến với bình minh khác hơn là trải qua đêm đen. Và trong đêm đen khủng hoảng, chúng ta cần phải đoàn kết. Cùng nhau, thông qua sự trung thực của đối thoại và sự chân thành của ý định, chúng ta có thể mang lại ánh sáng cho những vùng tối. Chúng ta hãy giao phó mọi nỗ lực và cam kết cho Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, bởi vì, như chúng ta đã cầu nguyện, “khi những tia sáng rạng ngời của lòng Chúa thương xót bừng lên, bóng tối vụt tắt, chạng vạng kết thúc, bóng tối lùi dần và màn đêm tan biến”. (x. Thánh Grêgôriô thành Narek, Sách Ai Ca, 41). Hỡi anh chị em, hãy để màn đêm xung đột biến mất và bình minh hy vọng sống lại. Hãy để những thù hận chấm dứt, những bất đồng tan biến, và Li Băng sẽ trở lại tỏa sáng hòa bình.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Hình ảnh “Pachamama” hoặc “Mẹ đất” đã đi kèm với các hoạt động khác nhau trong Thượng Hội Đồng Amazon năm 2019 ở Rôma. Gần đây Pachamama đã được sử dụng làm Mặt Nhật để Mình Thánh Chúa trong một nhà thờ ở Mễ Tây Cơ.
Cha José Luis González Santoscoy là một linh mục trẻ, và là cha phó giáo xứ Thánh Gioan Macías ở Zapopan, phía tây Guadalajara. Ngài đã đăng trên Facebook một Mặt Nhật kỳ quái được chế tác theo hình ảnh Pachamama, một phụ nữ mang thai đang khỏa thân, với Mình Thánh Chúa được đặt trong bụng bà ta.
Hình ảnh khốn nạn và xúc phạm này đã nhận được những lời chỉ trích gay gắt trên FaceBook, các mạng xã hội khác và cả trên các phương tiện truyền thông xã hội.
ACI Prensa đã liên lạc với Cha González nói. Vị linh mục trẻ quát lại nhà báo: “Tôi hoàn toàn không có bình luận gì cả, vấn đề đã được thảo luận với giám mục của tôi, với các nhà chức trách của tôi”.
Cha González là một người nổi tiếng tại Mễ Tây Cơ vì các hoạt động dành cho người nghèo. Ngài đã được triều yết riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị linh mục trẻ này tỏ ra là một người rất cấp tiến, đặc biệt trong lãnh vực Phụng Vụ. Hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một Mặt Nhật do ngài vẽ kiểu, không giống với các Mặt Nhật thường thấy.
Cho đến giờ này Tổng Giáo Phận Guadalajara chưa đưa ra tuyên bố về vụ việc trong bối cảnh đang có nhiều cuộc vận động yêu cầu tổng giáo phận huyền chức Cha González.
Cha Juan Pedro Oriol, cha sở của giáo xứ St. John Macías, cho biết ngài không hay biết gì cũng chẳng cho phép cha phó González sử dụng Mặt Nhật Pachamama kỳ lạ như thế.
“Tôi đã đi khỏi vào ngày thứ Hai 28 tháng 6 để đi nghỉ vài ngày và việc này được thực hiện mà tôi không hề hay biết và không có sự cho phép của tôi, điều đó thực sự vô cùng kinh tởm đối với tôi”.
Cha Oriol chỉ ra rằng “Mặt Nhật này rõ ràng không thuộc về giáo xứ,” và “trong giáo xứ của chúng tôi, Mặt Nhật truyền thống luôn được sử dụng, và chúng tôi chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày”.
“Trong kỳ nghỉ này, tôi thực sự đang cố gắng tìm một Mặt Nhật khác tương tự cái cũ. Cho đến lúc này, chúng tôi chưa bao giờ sử dụng một Mặt Nhật nào khác ngoài Mặt Nhật chúng tôi có trong phòng thánh của mình và chúng tôi sử dụng nó hàng ngày để trưng bày và tôn thờ Thánh Thể, cũng như khi chúng tôi có giờ chầu về đêm hoặc các giờ thánh đặc biệt”.
Pachamama là một vị thần trong dãy Andes. Trong Thượng Hội Đồng Amazon, nó đã được trình bày như thể nó thuộc về khu vực Amazon.
Vào ngày 4 tháng 10 năm 2019, tại một sự kiện được tổ chức ở Vườn Vatican bởi Mạng lưới Liên vùng Amazon cùng với Phong trào Công Giáo vì Khí hậu, một số người tham dự đã thực hiện một nghi lễ bản địa bao gồm việc bái lạy hai hình tượng phụ nữ khỏa thân được chạm khắc bằng gỗ, vài ngày sau được xác định là các Pachamamas.
Khi bị chất vấn, họ nói Pachamama là “Đức Mẹ vùng Amazon”. Tuy nhiên, các nhà văn hóa chỉ ra rằng Pachamama là một vị thần ngoại giáo trong dãy Andes.
Các hình ảnh Pachamama sau đó được dựng lên và trưng bày trên bàn thờ trong nhà thờ Santa Maria thuộc dòng Carmelô ở Traspontina.
Vào ngày 21 tháng 10, hai người đàn ông đã đánh cắp ít nhất năm bức chạm khắc bằng gỗ của Pachamama từ nhà thờ Santa Maria và ném chúng xuống sông Tiber như một hình thức phản kháng.
Tháng 11 năm 2019, Đức Cha José Luis Azcona, giám mục hiệu tòa của Marajó, đã lên tiếng tố cáo “việc thờ ngẫu tượng” trong các sự kiện tại Thượng hội đồng Amazon.
Cùng tháng đó, Cha Hugo Valdemar, kinh sĩ xá giải của Tổng giáo phận Mexico, đã đốt một số hình tượng Pachamama bằng giấy, như một cử chỉ phạt tạ, trong khi một người đứng cạnh giơ cao hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe.
Source:Catholic News Agency
1. Vatican bác bỏ tính chất siêu nhiên trong những ‘mạc khải’ của một phong trào tại Ý
Vatican đã ra lệnh cấm hoạt động đối với hai hiệp hội Công Giáo có trụ sở ở miền nam nước Ý sau khi xác định rằng những điều người sáng lập cho là ‘mạc khải tư’ thật ra là không xác thực, và không có nguồn gốc siêu nhiên.
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Bertolone của Catanzaro-Squillace đã công bố quyết định của Vatican vào ngày 29 tháng 6, Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Ngài cho biết Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã mở một cuộc thanh tra tông tòa đối với hai hiệp hội Công Giáo do tư nhân thành lập có tên là Movimento Apostolico và Maria Madre della Redenzione vào năm ngoái sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn về các vấn đề quản trị và “sự chia rẽ sâu sắc” giữa các thành viên.
CDF, cùng với Bộ Giáo sĩ và Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, đã bác bỏ hai hiệp hội Công Giáo bằng một sắc lệnh ngày 10 tháng 6 được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn.
Movimento Apostolico được thành lập tại Tổng giáo phận Catanzaro-Squillace vào năm 1979, dựa trên những điều được gọi là ‘mạc khải tư’ dành cho Maria Marino.
Phong trào được chính thức công nhận là một hiệp hội tư nhân của các tín hữu vào năm 2001. Hiệp hội thứ hai, Maria Madre della Redenzione, được thành lập sau đó và được Giáo hội địa phương công nhận vào năm 2011.
Movimento Apostolico lan rộng khắp nước Ý và có mặt ở Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Congo, Cameroon, Madagascar, Ấn Độ, Benin và Ecuador.
Vatican đã ra sắc lệnh ngày 10 tháng 6 rằng những ‘mạc khải tư’ do Maria Marino tuyên bố “không có nguồn gốc siêu nhiên”.
Bức thư của Tòa Thánh cho biết: “Không có yếu tố nào có thể dùng để gán nguồn gốc siêu nhiên cho các hiện tượng được cho là đã phát sinh ra phong trào, và ngược lại, có thể đạt được sự chắc chắn về mặt đạo đức rằng đây chỉ đơn thuần là những cảm nghiệm cá nhân của người sáng lập mà không thể bắt nguồn từ một hành động siêu nhiên nào”.
Trong thư, Vatican cũng ghi nhận sự chia rẽ nghiêm trọng trong tổng giáo phận Catanzaro-Squillace, đặc biệt là giữa các linh mục giáo phận, do các hoạt động của Movimento Apostolico gây ra.
Vatican cũng nói rằng đặc sủng hình thành phong trào không phù hợp với truyền thống, và các văn bản, sự hình thành và rao giảng của phong trào này được đánh dấu bằng một “sự hời hợt về mặt giáo lý”.
Bức thư của Tòa Thánh cũng nói rằng chuyến thanh tra tông tòa cũng phát hiện ra những thiếu sót về thể chế, đặc biệt liên quan đến việc quản trị và quản lý tài chính. Tòa Thánh cũng lưu ý đến “sự hiện diện của các thực hành làm ảnh hưởng đến sự phân biệt cần thiết giữa lĩnh vực cai quản hiệp hội và lĩnh vực lương tâm của các thành viên của hiệp hội”.
Chuyến thanh tra tông tòa đã được thực hiện từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021 bởi Đức Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu Ignazio Sanna và hai giáo sư danh dự của Đại học Giáo hoàng Latêranô là nhà thần học luân lý Cha Mauro Cozzoli và luật sư giáo luật Cha Agostino Montan.
Sau khi đọc bản văn của sắc lệnh, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một suy tư cá nhân, trong đó ngài mời gọi mọi người chấp nhận quyết định của Tòa Thánh “với một tinh thần đức tin và vâng phục”.
Đức Tổng Giám Mục Bertolone nói rằng “điều tốt được thực hiện bởi nhiều người theo linh đạo của Movimento Apostolico sẽ không bị mất đi: nhiều người đã được đưa đến gần hơn với đức tin và thực hành Kitô giáo, nhiều ơn gọi thiêng liêng đã được khám phá và trau dồi, nhiều người đang tích cực hiện diện một cách linh hoạt trong các hoạt động của giáo xứ”.
Ngài kêu gọi những người liên quan đến phong trào vừa bị cấm hãy ở lại bên cạnh Giáo hội, và lưu ý rằng “ mọi người Công Giáo đích thực đều có cảm giác yêu thương dịu dàng đối với Giáo hội của mình”.
Ngài nói thêm: “Mọi người Công Giáo chân chính đều phải tuyên bố như Thánh Cyprianô và Thánh Augustinô: ‘Người ta không thể có Thiên Chúa là cha, nếu không có Giáo hội là mẹ mình’”
Source:Catholic News Agency
2. Cảnh sát điều tra đám cháy tại nhà thờ Công Giáo ở Yellowknife
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là những hình ảnh sinh hoạt của Giáo phận Mackenzie-Fort Smith nơi vừa xảy ra vụ cháy sáng sớm thứ Sáu 2 tháng 7. Đó là vụ cháy mới nhất trong chuỗi các vụ cháy nhà thờ khắp Canada
Cảnh sát Canada đang điều tra những gì họ cho là một đám cháy đáng ngờ tại nhà thờ Công Giáo Đồng Chính Tòa Thánh Patrick ở Yellowknife.
Ngọn lửa bùng phát ngay sau nửa đêm Thứ Năm. Tòa nhà bị hư hại nhẹ. Không ai bị thương.
Gần đây đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn tại các nhà thờ trên khắp Canada sau khi phát hiện ra những nơi được cho là nơi chôn cất hài cốt trẻ em vô danh, liền kề với một Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở Kamloops.
Trong một thông cáo báo chí, cảnh sát ở Yellowknife cho biết do thiệt hại xảy ra đối với các tòa nhà tôn giáo khác trên khắp đất nước, họ coi đám cháy là đáng ngờ và đã mở một cuộc điều tra hình sự.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức được thảm kịch của hệ thống trường học nội trú, đang diễn ra trên khắp đất nước của chúng ta. Biến cố này đang gây lo ngại cho cộng đồng của chúng ta ở Yellowknife,” Chỉ huy trưởng cảnh sát Dyson Smith cho biết trong một tuyên bố.
Một số băng ghế của nhà thờ đã bị hư hại do ngọn lửa. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được biết một cách chính thức, nhưng một thông báo từ giáo phận điều hành nhà thờ cho biết một thiết bị gây cháy đã được ném qua một cửa sổ bị vỡ.
Đức Cha Jon Hansen của Giáo phận Mackenzie-Fort Smith, đã đưa ra một tuyên bố:
“Vào ngày 1 tháng 7, ngay sau nửa đêm, một đám cháy đã được cố tình đốt bởi một thiết bị gây cháy được ném qua cửa sổ vỡ của Nhà thờ Đồng Chính Tòa Thánh Patrick ở Yellowknife.”
“Nhờ những người hàng xóm tốt bụng nên đám cháy nhanh chóng được phát hiện và cơ quan cứu hỏa đã ứng phó và dập tắt được ngọn lửa. Hỏa hoạn chỉ tàn phá một diện tích nhỏ trong nhà thờ”.
“Cộng đồng Công Giáo tại giáo xứ Thánh Patrick đang được thông báo về thiệt hại đối với nhà thờ của họ và chắc chắn sẽ rất đau buồn trước tin này. Kế hoạch dự kiến cho các thánh lễ cuối tuần là các linh mục sẽ cử hành ngoài trời, nếu thời tiết cho phép, trong bãi đậu xe của nhà thờ.”
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng vụ hỏa hoạn này là một trong nhiều sự kiện tương tự đã diễn ra trên khắp Canada nên chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu mọi người cầu nguyện cho hòa bình”.
Source:CBC
3. Tổng Giáo Phận Sydney, Úc Đại Lợi tài trợ 100,000 đô la cho nghiên cứu y học hỗ trợ sự sống
Tổng giáo phận Sydney đã một lần nữa mời các nhà nghiên cứu y tế Úc nộp đơn xin tài trợ 100,000 đô la cho nghiên cứu hỗ trợ cuộc sống của những người dễ bị tổn thương.
“Chúng tôi cam kết xây dựng một nền văn hóa sự sống, bao gồm các nghiên cứu khoa học tôn trọng sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher cho biết như trên trong một tuyên bố ngày 28 tháng 6.
Nghiên cứu có thể tìm hiểu về các phương pháp điều trị y tế đối với trẻ sơ sinh, hay các thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ, chăm sóc giảm nhẹ ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, tập trung vào kiểm soát cơn đau hoặc sử dụng tế bào gốc người lớn để điều trị.
Các ứng viên phải thể hiện một thành tích thành công, và nghiên cứu của họ phải đáp ứng “các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất liên quan đến tính xuất sắc của khoa học”.
“Các giáo huấn luân lý Công Giáo về tình dục con người, hôn nhân và gia đình, và cách đối xử cuối đời phải được tôn trọng”. Tổng giáo phận nhấn mạnh rằng nghiên cứu không được liên quan đến việc phá hủy phôi thai người, hoặc sử dụng các mô, bao gồm cả tế bào, có nguồn gốc từ phôi thai người hoặc thai nhi bị giết vì phá thai.
Đức Tổng Giám Mục gọi các khoản tài trợ nghiên cứu là “quan trọng hơn bao giờ hết”, trong bối cảnh luật liên bang và tiểu bang đang thúc đẩy phá thai và an tử, cũng như một cuộc bỏ phiếu lương tâm được đề xuất cho phép tạo ra những đứa trẻ có ba cha mẹ.
Khoản tài trợ năm 2022 sẽ đánh dấu lần thứ 10 kể từ năm 2003 khi tổng giáo phận quyết định tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu.
Source:Catholic News Agency
Theo một chương trình đã được sắp xếp từ trước, chiều Chúa Nhật 4/7, Chúa Nhật thứ 14 Mùa Quanh Năm, Đức Thánh Cha đã được đưa vào bệnh viện Gemelli ở Roma, nơi ngài sẽ được phẫu thuật đại tràng.
Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cho biết như sau: “Chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Roma, nơi ngài sẽ được phẫu thuật theo lịch trình vì chứng hẹp và viêm túi thừa của đại tràng.”
Bác sĩ Sergio Alfieri, là người đứng đầu khoa Phẫu thuật Phức hợp về Tiêu hóa, là người sẽ tiến hành phẫu thuật cho Đức Thánh Cha. Ông chuyên về phẫu thuật tổng quát, tiêu hóa, đại tràng - trực tràng, dạ dày và tuyến tụy.
Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella, đang thăm Pháp, đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông cho biết ông đã nhận được tin Đức Thánh Cha đã vào bệnh viện Gemelli.
Tổng thống Ý gửi đến Đức Thánh Cha “tâm tình trìu mến của tất cả người dân Ý”, và cá nhân ông “đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong những giờ phút này”. Ông cũng gửi lời chúc chân thành nhất, cầu chúc Đức Thánh Cha hồi phục tốt, khỏe hơn và nhanh chóng bình phục.
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết bản tin y tế sẽ được công bố khi kết thúc ca phẫu thuật.
Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho ca phẫu thuật được tốt đẹp và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha mau bình phục.
Trước đó vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô như thường lệ.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã tập trung vào thái độ không tin của những người cùng làng với Chúa Giêsu.
Ngài đã đọc kinh Truyền Tin như thường lệ.
Sau đó, Đức Thánh Cha nói:
Tin tức đến từ quốc gia Eswatini thân yêu, ở miền nam Phi Châu, cho thấy những căng thẳng và bạo lực. Tôi mời gọi những người có trách nhiệm và những người đang bày tỏ nguyện vọng của họ cho tương lai của đất nước, hãy cùng nỗ lực hướng tới đối thoại, hòa giải và giải quyết hòa bình qua các quan điểm khác nhau.
Tôi vui mừng thông báo rằng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 sắp tới, theo ý muốn của Thiên Chúa, tôi sẽ đến Slovakia để thăm viếng mục vụ, vào buổi chiều ngày 12. Người Slovakia ở đó rất vui… Đầu tiên, sáng ngày Chúa Nhật 12 tháng 9, tôi sẽ cử hành Thánh lễ kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest. Tôi chân thành cảm ơn những người đang chuẩn bị cuộc hành trình này và tôi đang cầu nguyện cho họ. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc hành trình này và cho những người đang làm việc trong việc tổ chức chuyến tông du.
Tôi chào tất cả các bạn với tình cảm yêu mến, những người hành hương từ Italia và các quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Slovakia! Đặc biệt, tôi chào các nhóm tín hữu từ Cosenza, Crotone, Morano Calabro và Ostuni.
Tôi hy vọng tất cả các bạn có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Cảm ơn bạn! Xin chào! Hẹn gặp lại!
Sau khi kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngài nghỉ ngơi một lát rồi mới rời nhà trọ thánh Marta vào nhà thương.
Source:Holy See Press Office
Chúa Nhật mùng 4 tháng Bẩy Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 14 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta thái độ bất tín của những người đồng hương với Chúa Giêsu.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 6:1-6) cho chúng ta biết về thái độ không tin của những người dân cùng làng với Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng tại các làng khác ở Galilê, Chúa Giêsu trở về Nagiarét, nơi Ngài đã lớn lên cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse; và, vào một ngày sabát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người đang lắng nghe đã tự hỏi: “Anh ta lấy đâu ra tất cả sự khôn ngoan này? Chẳng lẽ anh ta không phải là con trai của người thợ mộc và bà Maria, là những người hàng xóm mà chúng ta biết rất rõ sao?” (Xem câu 1-3). Đối mặt với phản ứng này, Chúa Giêsu xác nhận sự thật thậm chí đã trở thành một phần của luận lý phổ biến trên đời này: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (câu 4). Chúng tôi nói điều này nhiều lần.
Chúng ta hãy suy ngẫm về thái độ của những người dân làng của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ biết Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận ra Ngài. Có một sự khác biệt giữa biết và nhận ra. Về bản chất, sự khác biệt này khiến chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể biết nhiều điều khác nhau về một người, hình thành ý tưởng, dựa vào những gì người khác nói về người đó, có lẽ chúng ta có thể gặp người đó thỉnh thoảng trong khu phố; nhưng tất cả những điều đó là không đủ. Đây là một kiến thức, tôi có thể nói là bình thường, hời hợt, không nhận ra sự độc đáo của con người. Tất cả chúng ta đều gặp phải rủi ro này: chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết quá nhiều về một người, thậm chí tệ hơn, chúng ta dán nhãn, gắn mác và đóng khung người đó trong định kiến của chính mình. Những người dân làng của Chúa Giêsu đã biết Ngài trong ba mươi năm theo cùng một cách đó và họ nghĩ rằng họ đã biết tất cả! “Nhưng đây không phải là cậu bé mà chúng ta đã thấy khi lớn lên, con trai của người thợ mộc và bà Maria sao? Những kiến thức này đến từ đâu?” Sự ngờ vực dẫn đến thực tế là họ không bao giờ nhận ra Chúa Giêsu thực sự là ai. Họ vẫn ở bình diện bề ngoài và từ chối những gì mới mẻ về Chúa Giêsu.
Và ở đây, chúng ta đi vào mấu chốt thực sự của vấn đề: khi chúng ta cho phép sự tiện lợi của thói quen và sự độc tài của định kiến chiếm ưu thế, thì thật khó để mở lòng ra đón nhận những gì mới mẻ và cho phép bản thân ngạc nhiên. Chúng ta kiểm soát mọi sự thông qua thái độ, thông qua định kiến. Trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình và thậm chí từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để chúng ta không bao giờ phải mất công nỗ lực thay đổi. Và điều này thậm chí có thể xảy ra trong quan hệ của chúng ta Thiên Chúa. Giữa chúng ta, là những người tin Chúa, có nhiều người nghĩ rằng chúng ta biết Chúa Giêsu, biết quá nhiều về Ngài và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ. Nhưng điều này là không đủ với Chúa. Nó không cởi mở với những gì mới mẻ và trên hết - anh chị em hãy lắng nghe – nó không cởi mở trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Không ngạc nhiên, đức tin sẽ trở thành một kinh nguyện mệt mỏi, dần dần tàn lụi và trở thành một thói quen, một thói quen xã hội.
Tôi xin nói một từ, đó là kinh ngạc. Kinh ngạc cái gì? Thưa: đó là sự kinh ngạc xảy ra khi chúng ta gặp Chúa: “Tôi đã gặp Chúa”. Nhưng chúng ta đọc trong Tin Mừng: nhiều lần những người gặp và nhận ra Chúa Giêsu cảm thấy kinh ngạc. Và chúng ta, khi gặp gỡ Thiên Chúa, phải đi theo con đường này: phải cảm thấy kinh ngạc. Nó giống như chứng chỉ bảo đảm rằng cuộc gặp gỡ là chân thật chứ không phải theo thói quen.
Cuối cùng, tại sao những người dân làng của Chúa Giêsu không nhận ra và tin Ngài? Vì lý do gì? Thưa: Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng họ không chấp nhận tai tiếng về Sự Nhập Thể. Họ không biết mầu nhiệm Nhập thể này, nhưng cũng không chấp nhận mầu nhiệm ấy: họ không biết. Họ không biết lý do và họ cho rằng thật tai tiếng khi sự bao la của Thiên Chúa lại có thể được thể hiện trong thân xác bé nhỏ của chúng ta, làm sao mà Con Thiên Chúa lại có thể là con của một người thợ mộc, làm sao Đấng Thánh lại có thể cư trú trong con người, làm sao Thiên Chúa lại được thể hiện trên khuôn mặt, lời nói, cử chỉ của một người bình dân như thế này. Đây là tai tiếng: sự nhập thể của Chúa, sự cụ thể của Chúa Giêsu, 'cuộc sống hàng ngày' của Ngài. Nhưng Thiên Chúa đã trở nên cụ thể nơi một con người, nơi Chúa Giêsu thành Nazareth, Người đã trở thành người bạn đồng hành trên đường đi, Người đã biến mình thành một người trong chúng ta. “Chúa là một trong chúng con”, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu như thế. Thật là một lời cầu nguyện cao đẹp vì ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa đang đồng hành với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta rất nhiều. Trong thực tế, một vị thần trừu tượng, xa cách có lẽ thoải mái hơn đối với chúng ta, một vị thần không tham gia vào các tình huống và chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, xa các vấn đề, tách biệt với xã hội. Chúng ta thậm chí muốn tin vào một vị thần có ‘hiệu ứng đặc biệt’, người chỉ làm những điều ngoại thường và luôn khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ. Trái lại, thưa anh chị em, chính Thiên Chúa đã nhập thể: Thiên Chúa khiêm nhường, Thiên Chúa dịu dàng, Thiên Chúa ẩn mình, Ngài đến gần chúng ta, sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Và sau đó, điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta như những người dân làng của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ rằng khi Ngài đi ngang qua, chúng ta sẽ không nhận ra Ngài. Tôi lặp lại câu nói rất đẹp của Thánh Augustinô: “Tôi sợ hãi Chúa, e sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Nhưng, thưa Thánh Augustinô, tại sao ngài lại sợ hãi? Thưa: “Tôi sợ không nhận ra Ngài. Tôi sợ rằng khi Chúa đi ngang qua mà tôi không hay: Timeo Dominum transeuntem. Chúng ta không nhận ra Ngài, chúng ta gây ra tai tiếng, chúng ta hãy toàn tâm suy nghĩ về thực tại này.
Giờ đây, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, đấng đã chào đón mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày ở Nazareth, ban cho chúng ta đôi mắt và trái tim không có định kiến, và cho chúng ta được mở rộng tầm mắt đối với những điều kinh ngạc: “Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con được gặp Chúa!”. Và khi chúng ta gặp Chúa, chúng ta có sự ngạc nhiên. Chúng ta gặp Người trong cuộc sống bình thường: mở mắt trước những ngạc nhiên của Thiên Chúa, trước sự hiện diện khiêm tốn và ẩn giấu của Người trong cuộc sống hàng ngày.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến,
Tin tức đến từ quốc gia Eswatini thân yêu, ở miền nam Phi Châu, cho thấy những căng thẳng và bạo lực. Tôi mời gọi những người có trách nhiệm và những người đang bày tỏ nguyện vọng của họ cho tương lai của đất nước, hãy cùng nỗ lực hướng tới đối thoại, hòa giải và giải quyết hòa bình qua các quan điểm khác nhau.
Tôi vui mừng thông báo rằng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 sắp tới, theo ý muốn của Thiên Chúa, tôi sẽ đến Slovakia để thăm viếng mục vụ, vào buổi chiều ngày 12. Người Slovakia ở đó rất vui… Đầu tiên, sáng ngày Chúa Nhật 12 tháng 9, tôi sẽ cử hành Thánh lễ kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest. Tôi chân thành cảm ơn những người đang chuẩn bị cuộc hành trình này và tôi đang cầu nguyện cho họ. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc hành trình này và cho những người đang làm việc trong việc tổ chức chuyến tông du.
Tôi chào tất cả các bạn với tình cảm yêu mến, những người hành hương từ Italia và các quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Slovakia! Đặc biệt, tôi chào các nhóm tín hữu từ Cosenza, Crotone, Morano Calabro và Ostuni.
Tôi hy vọng tất cả các bạn có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Cảm ơn bạn! Xin chào! Hẹn gặp lại!
Source:Libreria Editrice Vaticana