Ngày 05-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy tỉnh thức và sẵn sàng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:55 05/08/2019
Chúa Nhật XIX Thường Niên, năm C

Lc 12, 32-48

Chờ đợi luôn đi đôi với tỉnh thức. Bởi vì nếu đợi chờ mà không chóng vánh, sẵn sàng và tỉnh thức thì quả thực chẳng có ý nghĩa gì. Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay tự ví mình như ông chủ đi ăn cưới mãi tới khuya. Ông Chủ về chẳng biết giờ nào, nên người đầy tớ phải tỉnh thức để chờ đợi. Ông Chủ sẽ hạnh phúc vì tiếng gõ cửa đầu tiên thì người đầy tớ đã ra mở cửa, tay cầm đèn cháy sáng. Người đầy tớ thật nhạy cảm với tiếng gõ cửa vì anh còn tỉnh, còn chờ đợi Chủ với tinh thần nhanh nhẹn.Tay cầm đèn cháy sáng chứng tỏ anh đã khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn mà lại dự trữ cả dầu…Quá vui mừng, Ông Chủ đã làm một cử chỉ thật bất ngờ: Ông đã tự hạ mình mời tất cả các đầy tớ ngồi vào bàn ăn và tự mình phục vụ họ như một đầy tớ khiêm hạ.

Vâng, Thiên Chúa qua vai Ông Chủ đã không về bất ngờ khi đầy tớ ngủ say bởi vì Ngài không muốn bắt qủa tang đầy tớ khi họ quên lời dặn dò của Ông Chủ. Tuy nhiên, Ngài chỉ đến, chỉ về khi đầy tớ đang chờ đợi mình. Đây là thái độ sẵn sàng chờ đợi mà Ông Chủ luôn trông mong nơi những đầy tớ trung tín. Thật vậy, Thiên Chúa chỉ bất ngờ đến với những kẻ cố tình, không sẵn sàng đón Ngài. Nếu lúc nào, con người cũng hiểu Thiên Chúa luôn có mặt, Thiên Chúa luôn hiện diện, can thiệp vào mọi trạng huống của con người. Ngài luôn can thiệp, nâng đỡ, ủi an con người, do đó, con người sẽ nhận ra những cái bất ngờ thật thú vị! Người đã đồng hóa với những kẻ nghèo, những kẻ bơ vơ vất vưởng, những kẻ vô gia cư, những kẻ ốm đau tật nguyền. Giúp đỡ những người này là chúng ta làm cho chính Chúa. Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ với cung cách của một tôi tớ khiêm nhường. Người chờ đợi con người tỉnh thức đợi chờ Người. Như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại đem theo dầu. Chúa đến cách bất ngờ khi cảnh tỉnh chúng ta về cái chết. Chúa đến đột xuất, năm cô trinh nữ dại khờ trong dụ ngôn mười cô trinh nữ cho thấy: ” Năm cô trinh nữ dại khờ mang đền mà lại không đem theo dầu “. Điều này nói lên sự chểnh mang không sống đức tin, không thực hiện lời Chúa của các cô khờ dại này.

Vâng, chúng ta đừng tưởng chúng ta còn khỏe, còn sống lâu, nên không cần chuẩn bị, tỉnh tỉnh, chờ đợi. Chúng ta phải biết dùng ân huệ của Chúa làm lợi cho Ông Chủ, cho chính mình và cho người khác. Dụ ngôn những nén bạc đã nói lên điều đó. Chúa trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc, Chúa đòi chúng ta phải làm lợi ra chứ không được làm biếng, ích kỷ đem chôn dấu! Chúa sẽ căn cứ việc chúng ta làm ở đời này mà thưởng hay phạt chúng ta.

Jean-René Fracheboud viết: ”…Món quà mà Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta là Vương Quốc của Người, nhưng chúng ta cần phải tỉnh thức để đón nhận trọn vẹn món quà này, kho tàng này.Bất trắc luôn rình rập bên cạnh, bởi vì chúng ta quá bận rộn và chỉ chú tâm đến những của cải phù vân để rồi quên đi kho tàng không bao giờ hư mất ở nhà Cha trên trời, vì chúng ta hành động quá nhiều mà không để Chúa hành động trong đời ta, bởi vì chúng ta sống tách biệt với Thiên Chúa và quên đi thế giới nội tâm trong tâm hồn”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mỗi người luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chủ về. Xin cho chúng con luôn biết khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu mà lại đem theo dầu. Xin cho chúng con luôn một mực trung tín với Chúa là Đấng trung tín.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Chúa dạy chúng ta bài học gì qua dụ ngôn hôm nay ?

2.Tại sao Chúa nói phải “ Tỉnh Thức và Sẵn Sàng “ ?

3. Tại sao Chúa nói phải “ Trung Tín và Khôn Ngoan “ ?

4.Sống tình yêu nghĩa là sao ?

5.Dụ ngôn mười cô trinh nữ nói lên điều gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại sao Tháng Tám là tháng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria?
Giuse Thẩm Nguyễn
13:25 05/08/2019


Tháng Tám từ ban đầu đã có lễ kính đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria vì ơn xin chấm dứt Thế Chiến II và biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Trong Giáo Hội Công Giáo thường có những thời gian sùng kính đặc biệt dành cho mỗi tháng trong năm. Như Tháng Sáu thì dành cho việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giê-su bởi vì lễ Thánh Tâm thường rơi vào tháng này.

Tháng Tám được biết đến như là tháng dành để tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, nhưng vấn đế ở đây là tại sao lại là Tháng Tám. Trong tháng này, không có lễ kính đặc biệt nào khác và ngoài lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15 tháng Tám.(Còn gọi là Lễ Đức Mẹ Mông Triệu).

Lý do Tháng Tám liên quan đến tháng dành để tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là bởi vì cuộc Thế Chiến II và việc tôn sùng của Đức Giáo Hoàng Pius XII dành cho Đức Mẹ Fatima.

Vào những thập niên 1940, thế giới rơi vào cảnh hỗn loạn và năm 1942, ĐGH Pius XII đã vâng lời mời gọi của Đứa Mẹ Fatima mà thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 31 tháng Mười, năm 1942.

Trong lúc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, ĐGH Pius XII lại một lần nữa dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Vào ngày 4 Tháng Năm, 1944, ĐGH XII đã ấn định lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria vào ngày 22 tháng Tám, ngày thứ tám sau lễ Đức Mẹ Lên Trời. Ngài làm như thế với ước mong là nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ mà có được “sự hòa bình giữa các quốc gia, sự tự do cho Giáo Hội, sự trở lại của những người tội lỗi, tình yêu tinh khiết và thực hành các nhân đức.”

Ngày lễ tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được duy trì cho tới sau Công Đồng Vatican Hai.

Sau khi sửa đổi lịch phụng vụ, ĐGH Phaolo VI đã quyết định đổi ngày Lễ tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm với Lễ Đức Mẹ Nữ Vương. Lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được ấn định ngay sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su (Lễ vào ngày Thứ Bẩy sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thường rơi vào tháng Sáu) và lễ Đức Mẹ Nữ Vương được rời vào ngày 22 tháng Tám. Đây cũng là sự kiện để công nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa Đức Mẹ Nữ Vương và sự lên trời của Mẹ trên Thiên Đàng.

Mặc dù sau khi đã chuyển đổi các ngày lễ, nhiều người Công Giáo vẫn tiếp tục mừng Tháng Tám như tháng Đức Mẹ như thể họ cảm thấy sứ điệp Fatima cần được phổ biến rộng rãi hơn theo cách này.

Tháng Tám là Tháng Đức Mẹ không được chính thức chấp nhận bởi sắc lệnh của giáo quyền Công Giáo, nhưng đơn thuần chỉ vì những biến cố lịch sử phát triển từ Thể Chiến II và thông điệp Đức Mẹ Fatima.


Source: aleteia.org Why is August dedicated to the Immaculate Heart of Mary?
 
Thư của Đức Giám Mục Oscar Cantú, Giáo Phận San Jose và kinh cửu nhật về dự luật SB24.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:12 05/08/2019


 
Hồng Kông: tự do không miễn phí
Giang-Thanh
16:42 05/08/2019
Hồng Kông: Mạnh mẽ quyết đoán là yếu tố tiên quyết của một nhà lãnh đạo. Nhưng cứng rắn đến lạnh lùng như đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã dẫn đến sự phản kháng ngày càng lan rộng và đôi lúc biến dạng thành xung đột đổ máu trong Hương Cảng hôm nay.

Suốt từ hơn 2 tháng qua, các hoạt động chống đối của dân Hồng Kông vẫn chưa khi nào ngừng nghỉ. Lịch biểu tình luôn phát đi thông điệp với sự phối hợp ăn khớp bài bản trong dân chúng. Người ta cho rằng nếu không phải là một game thủ, bạn sẽ không thể hiểu nổi kế hoạch sắp đặt logic theo chiến thuật không thủ lãnh mà họ đang thực hiện.

Giờ đây, các cuộc biểu tình đã loan dần hết 18 quận của Hồng Kông, được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, mọi ngành nghề trong xã hội. Họ kiên trì bền bỉ, bất kể giữa trời nắng chang chang hay ngày mưa bão gió. Họ không hề chùn bước, đề đạt 5 yêu cầu với chính quyền.

Hôm nay người ta phát động một cuộc đình công lớn. Từ sáng sớm, cục Hàng không đã thông báo dự kiến hủy 170 chuyến bay. Trong đất liền, kế hoạch làm tắc nghẽn giao thông khiến đa số các tuyến đường sắt phía Đông, phía Tây và trung tâm thành phố đều phải ngừng chạy. Vài khu vực, xe bus cũng phải tạm ngưng hoặc chuyển trạm. Bắt đầu từ 1h chiều, các cuộc nổi dậy đồng loạt khởi động. Họ chiếm lĩnh các ngả đường, tấn công đồn cảnh sát, nhiều tuyến phố bị phong tỏa.

Sau 2 tuần im tiếng, sáng nay bà Lâm Trịnh cùng quan chức tả hữu cao cấp nhất chính quyền đã ra mắt báo giới. Tuy vậy, bà hoàn toàn không có 1 động thái nào làm vừa lòng hoặc xoa dịu dân ý, vẫn phát ngôn né tránh vấn đề.

Và như vậy, cuộc chiến sẽ vẫn tiếp diễn.

Nguyện cầu bình an cho Hồng Kông!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Mục Vụ Giáo Hạt Phú Thọ hành hương Đức Mẹ Tàpao
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:24 05/08/2019
Bắt đầu từ tối thứ sáu 2.8.2019 Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo hạt Phú Thọ khởi hành từ giáo xứ Phú Hòa đi hành hương Đức Mẹ Tà Pao.Chuyến đi không chỉ có các thành viên của ban MVTT Phú Thọ tham dự,nhưng còn có gia đình thân nhân và khách mời.Chính vì thế,qua chuyến đi các thành viên MVTT Phú Thọ có dịp gặp gỡ giao lưu trong bầu khí thân thiện tươi và sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ.

Trước giờ khởi hành,trên trang cá nhân anh Phêrô Đỗ Thức, Trưởng Ban MVTT Phú Thọ đăng bản tin: “Các thành viên MVTT Phú Thọ chúng ta cùng đếm ngược,sắp đến giờ chúng ta gặp gỡ thân tình làm nên kỷ niệm đẹp bên Mẹ Tà Pao”.Dư âm và cảm xúc năm ngoái vẫn còn đó,anh chị em MVTT Phú Thọ đã có những cảm nghiệm linh thiêng trong giờ cầu nguyện với Mẹ Tà Pao, giữa lúc đêm khuya.Trong màn đêm,tâm hồn con người dường như được bay bổng lên cao,được thanh thoát, để dừng lại và suy nghĩ về đời sống của mình,những cái được và chưa được.Dừng lại ở bên chân Chúa lắng nghe Lời Chúa phán dạy.Vì cuộc sống hôm nay đòi buộc con người ta chạy đua hối hả với công việc,thế giới có biết bao nhiêu âm thanh ồn ào,trên ti vi,mạng xã hội đầy ắp thông tin quảng cáo con người càng ngày càng mất dần cảm nghiệm đức tin.

Xem Hình

Đúng 1g của ngày mới 3.8.2019 đoàn hành hương MVTT Phú Thọ tới Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao, ai ai cũng nhanh chân lên núi với Mẹ,dù vừa trải qua quãng đường dài hơn 200 km mệt nhoài.Thật hạnh phúc cho anh chị em MVTT vì giờ này trên linh đài đang có thánh lễ do cha phụ trách Trung Tâm Hành Hương chủ tế.

Ngài nhắc nhở cộng đoàn như sau:

“Chúng ta đang sống,đang hít thở,đi lại được,có một gia đình hạnh phúc bên những người thân thương Đấy có phải là hồng ân của Chúa không? Thế nhưng, nhiều khi chúng ta không nhận ra. Chúng ta đi tìm phép lạ, muốn Chúa thực hiện những gì theo ước nguyện của chúng ta.Chúng ta cần học theo mẫu gương của Mẹ Maria,siêng năng suy niệm những việc Chúa làm trên cuộc đời mình,chúc tụng và cảm tạ tình thương của Ngài”.

Sau thánh lễ đoàn đã bắt đầu giờ cầu nguyện bên Đức Mẹ Tà Pao.Các anh chị em đã suy niệm bài Tin Mừng theo thánh Luca chương 1 từ câu 39-45 thuật lại biến cố Đức Maria đi thăm viếng bà chị họ Êlisabeth.Các anh chị nhìn ngắm Mẹ Maria, hình ảnh vị Tông đồ Truyền Thông. Mẹ Maria ra đi trong sự vui mừng hân hoan,những bước chân nhanh nhẹn, vượt rừng băng suối, những bước chân không ngại khó khăn thử thách.Hành trình của Đức Maria cũng là hành trình anh chị em MVTT đi công tác.Chúng ta đi tác nghiệp,đi lấy tin chỗ này chỗ kia,các giáo xứ hay các sự kiện được mời tác nghiệp,hy sinh thời giờ,công việc riêng của mình để làm việc truyền thông.Chúng ta xin Mẹ Maria cho mỗi người lòng hay say nhiệt tình,luôn ra đi để phục vụ,sử dụng hết khả năng Chúa ban để loan báo Tin Mừng.Thế nhưng.việc làm truyền thông quan trọng nhất vẫn là phải có Chúa đồng hành,làm sáng danh Chúa chứ không tìm kiếm thỏa mãn ý riêng mình,không làm cho người khác biết,cũng không phải để nổi nang,câu like chạy theo thị hiếu của độc giả,tìm đăng lên những tin “hot”,tin giật gân gây hoang mang trong đời sống.Làm sao để những thông tin chúng ta đưa lên mạng tạo nên sự hiệp nhất và thông cảm,xóa bỏ mọi chia rẽ nghi ngờ.Như Đức Mẹ đi thăm bà chị họ,trong cung lòng Mẹ có Chúa Giêsu,ước gì trong các công việc chúng ta làm cũng phải có Chúa,nỗ lực mang Chúa đến cho mọi người chung quanh.

Giờ cầu nguyện trở nên sâu lắng hơn trong giây phút thing lặng sau phần gợi ý suy niệm sau bài Tin Mừng,những tâm tình nguyện ước của mỗi người dâng lên cho Mẹ Maria,để Mẹ mang lên cùng Chúa, để chúng ta bớt đi những nỗi lo toan cuộc sống và luôn sống phó thác vào Thiên Chúa, vì Đức Giêsu đã nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”(Mt 6,33-34)

Trong giờ cầu nguyện,anh chị em MVTT Phú Thọ cũng nhớ đến những người không tham dự được, những anh em đang đau bệnh và những người thân nhân đã qua đời.

Sau cùng đoàn chụp hình chung kỷ niệm trên Linh Đài Đức Mẹ Tà Pao và xuống núi ăn khuya.

Chương trình tiếp theo của anh chị em MVTT Phú Thọ là thăm quan đồi cát đón bình minh ngày mới ló rạng,tắm biển và thăm quan thành phố Mũi Né.

Như vậy,trọn vẹn một ngày với 24 giờ sinh hoạt thư giãn qua làn nước và hát với nhau,anh chị em MVTT Phú Thọ đã trở về nhà như được tiếp thêm lửa nhiệt tình để hăng say hơn trong công tác truyền thông Tin Mừng theo mẫu gương đời sống của Mẹ Maria.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Dẫn Nhập Tổng Quát
Vũ Văn An
16:47 05/08/2019


DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

1.Thượng hội đồng giám mục năm 2008 đã được giao cho chủ đề Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI lấy lại và đào sâu các chủ đề được khai triển trong Thượng hội đồng lúc đó trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của ngài, tựa là Verbum Domini. Ngài đặc biệt nhấn mạnh: "Sự suy tư thần học chắc chắn luôn coi linh hứng và sự thật như hai khái niệm chủ chốt cho khoa giải thích trong giáo hội về các sách thánh. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận nhu cầu hiện tại mốn đào sâu một cách thỏa đáng các thực tại này để chúng ta có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu liên quan đến việc giải thích các bản văn thánh thiêng theo bản chất của chúng. Trong viễn cảnh này, tôi tha thiết cầu mong rằng việc nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể tiến triển và nó sẽ mang lại kết quả cho khoa học Thánh Kinh và cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu "(số 19). Đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha, Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh mong muốn đề xuất được một đóng góp vào việc thấu hiểu chính xác hơn các khái niệm linh hứng và sự thật, với ý thức đầy đủ rằng các khái niệm này hoàn toàn lưu ý tới chính bản chất của Thánh Kinh và ý nghĩa của nó đối với đời sống của Giáo hội.

Cộng đồng phụng vụ, trong đó mọi tín hữu gặp gỡ Thánh Kinh, là nơi trong đó, việc công bố Lời Chúa có ý nghĩa nhất và long trọng nhất. Trong thờ phượng Thánh Thể - gồm có hai phần chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể (xem Sacrosanctum Concilium số 56) - Giáo hội cử hành "mầu nhiệm vượt qua; bằng cách đọc ‘trong tất cả các sách thánh điều có liên quan đến nó'(Lc 24:27), bằng cách cử hành Bí tích Thánh Thể, trong đó 'việc chiến thắng và toàn thắng của cái chết của Người trở thành hiện thực' và đồng thời bày tỏ lời cảm tạ ‘với Thiên Chúa vì hồng ân khôn tả của Người' (2 Cr 9:15) trong Chúa Giêsu Kitô 'để ca ngợi vinh quang của Người' (Ep 1: 12) bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần"(Sacrosanctum concilium 6).

Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Thiên Chúa Cha, trong lời nói và công trình cứu độ của Người, và sự kết hợp của cộng đồng tín hữu với Người, là trung tâm của cộng đồng này. Mục đích của toàn bộ cuộc cử hành là làm cho Chúa Giêsu hiện diện ở giữa cộng đồng tín hữu, và cho phép ta gặp gỡ và kết hiệp với Người và với Thiên Chúa Cha. Chúa Kitô, trong mầu nhiệm Vượt qua của Người, được công bố trong bài đọc Lời Chúa, và được cử hành trong phụng vụ Thánh Thể.

Phụng vụ Lời Chúa và Bối cảnh Thánh Thể của nó

2. Mỗi tuần, vào Chúa Nhật, tức là ngày của Chúa, ngày mà Giáo hội coi là "ngày lễ nguyên ủy" (Sacrosanctum Concilium số 106), sự phục sinh của Chúa Kitô được cử hành một cách vui tươi và long trọng đặc biệt. Vào ngày này, trong đó bàn tiệc Lời Chúa phải được trình bày cho các tín hữu "một cách phong phú hơn" (Sacrosanctum Concilium số 51), người ta hát các câu thánh vịnh và ba bản văn Thánh Kinh được công bố, mà bản đầu thường lấy từ Cựu Ước, sau đó là các trước tác không phải là Tin Mừng của Tân Ước, và cuối cùng là một bản lấy từ một trong bốn Tin Mừng. Sau khi đọc từng bản trong hai bản văn đầu tiên, người đọc nói: "Lời của Chúa" và các tín hữu đáp: "Tạ ơn Chúa." Khi kết thúc việc loan báo Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục hát hoặc nói "Đó là Lời Chúa" và dân chúng đáp lại: "Lạy Chúa Giêsu Kitô Ngợi khen Chúa" Trong các cuộc đối thoại ngắn ngủi này, hai đặc điểm của đọc và nghe được nhấn mạnh: người đọc làm nổi bật tầm quan trọng trong hành động của mình và kêu gọi các độc giả ý thức đầy đủ sự kiện này những gì được truyền đạt cho họ thực sự là Lời của Thiên Chúa hay chuyên biệt hơn là Lời của Chúa (Chúa Giêsu), Đấng, trong con người của Người vốn là Lời của Thiên Chúa (xem Ga 1:1-2). Về phần mình, các tín hữu bày tỏ thái độ tôn trọng khiêm hạ họ dùng để tiếp nhận Lời Chúa ngỏ cùng họ: đầy lòng biết ơn, họ lắng nghe với niềm vui và lời ca ngợi Tin mừng của Chúa Giêsu.

Mặc dù những khoảnh khắc khác nhau này của phụng vụ không phải lúc nào cũng được chu toàn một cách hoàn hảo, phụng vụ Lời Chúa tạo thành một nơi ưu tuyển để truyền đạt: Thiên Chúa, trong lòng nhân từ của Người, ngỏ lời với dân của Người bằng lời nói của con người, và dân Người chào đón Lời Chúa với lòng biết ơn và ca ngợi. Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, đỉnh cao và thành tựu của việc Thiên Chúa truyền đạt với nhân loại, được cử hành trong phụng vụ Lời Chúa, và một cách đầy đủ hơn nữa trong phụng vụ Thánh Thể. Trong phụng vụ này, ơn cứu chuộc loài người được thể hiện, và, đồng thời, sự tôn vinh Thiên Chúa cao nhất và hoàn hảo nhất cũng được thể hiện. Việc cử hành không phải là một hình thức nghi lễ bề ngoài, vì mục tiêu của nó là nhằm việc các tín hữu "học cách tự dâng chính mình và, từ ngày này qua ngày nọ, được hoàn toàn tiêu giao (consommés), nhờ trung gian của Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau để cuối cùng, Thiên Chúa là tất cả nơi mọi người” (Sacrosanctum Concilium số 48). Sự kiện Thiên Chúa ngỏ lời của Người cho loài người trong lịch sử cứu độ và sai Con của Người xuống thế gian, Đấng vốn là lời nhập thể của Người (Ga 1,14), có mục đích duy nhất là hiến tặng con người sự kết hiệp với Người.

Bối cảnh nghiên cứu linh hứng và sự thật của Thánh Kinh

3. Trên cơ sở những gì chúng ta đã phát biểu cho đến nay về Lời Chúa trong phụng vụ Lời Chúa và liên quan đến việc cử hành Thánh Thể, chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta lắng nghe lời ấy trong bối cảnh thần học, Kitô học, cứu thế học và giáo hội học. Thiên Chúa đề xuất ơn cứu độ, một cách dứt khoát và hoàn hảo trong Chúa Kitô của Người, thể hiện sự hiệp thông giữa chính Người và các tạo vật của Người, những người được Giáo hội của Người đại diện. Nơi đây, nơi thích hợp nhất để công bố Thánh Kinh, cũng tạo thành bối cảnh thỏa đáng nhất để nghiên cứu linh hứng và sự thật. Như chúng ta đã nói, sau khi công bố các bản văn thánh kinh, phụng vụ luôn khẳng định rằng đó là "Lời Thiên Chúa" (hay "Lời Chúa"). Lời khẳng định này có một ý nghĩa kép: trước hết, nó nhằm mục đích xác định một Lời phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng cũng là một lời nói về Thiên Chúa. Hai ý nghĩa này liên kết mật thiết với nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới biết Thiên Chúa; và do đó, chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói về Thiên Chúa một cách thỏa đáng và đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao chỉ có lời phát xuất từ Thiên Chúa mới có thể nói về Thiên Chúa một cách chính đáng mà thôi.

Việc khẳng định "Lời Thiên Chúa" ("Lời Chúa") mời gọi các tín hữu ý thức những gì họ đang lắng nghe và dành cho nó sự chú ý thích đáng. Họ phải có lòng tôn trọng và lòng biết ơn phải lẽ đối với Lời phát xuất từ Thiên Chúa, phải chú ý để nhận thức và hiểu những gì Lời này thông đạt về Thiên Chúa, và do đó bước vào sự kết hợp luôn sống động hơn với Người.

Tài liệu của chúng ta, với chủ đề "Linh hứng và Chân lý của Thánh Kinh" sẽ khai triển hai đề tài này. Khi người ta nói đến linh hứng của Thánh Kinh, họ khẳng định rằng tất cả các cuốn sách của nó "có Thiên Chúa là tác giả và chúng được truyền tải như vậy cho chính Giáo hội" (Dei Verbum 11). Do đó, để nghiên cứu khái niệm linh hứng của Thánh Kinh, điều thích đáng là tìm kiếm và xác minh những gì các bản văn Thánh Kinh nói về nguồn gốc thiêng liêng thích đáng của chúng. Sau đó, liên quan đến sự thật của Thánh Kinh, trước hết chúng ta phải nhớ rằng mặc dù có nhiều chủ đề đa dạng trong Thánh Kinh, tuy nhiên, chỉ có một luận đề chính và có tính trung tâm: Thiên Chúa là chính ơn cứu rỗi. Có nhiều nguồn tài liệu khác và các ngành khoa học khác để có được thông tri đáng tin cậy về các vấn đề đủ loại; nhưng Thánh Kinh - như Lời của Thiên Chúa - là nguồn có thẩm quyền để nhận biết Thiên Chúa. Theo Hiến chế tín lý Dei Verbum của Công đồng Vatican II, chính Thiên Chúa và dự án cứu rỗi của Người dành cho con người đã tạo thành nội dung mặc khải của Người nhờ phép hoán xưng (antonomase). Luận đề này được phát biểu ở phần đầu của chương thứ nhất trong hiến chế của công đồng: "Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1:9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2:18; 2Pr 1:4) "(Dei Verbum số 2). Do đó, Thánh Kinh phục vụ việc truyền tải mặc khải (xem Dei Verbum 7-10). Đó là lý do tại sao, khi nghiên cứu vấn đề sự thật của Thánh Kinh, chúng ta sẽ tập trung việc nghiên cứu của chúng ta vào câu hỏi sau đây: "Các bản văn Thánh Kinh khác nhau truyền tải những gì về chính Thiên Chúa và về dự án cứu rỗi của Người?"

Ba phần của tài liệu

4. Phần đầu tiên trong tài liệu của chúng ta liên quan đến linh hứng của Thánh Kinh, tìm cách làm nổi bật nguồn gốc thần thiêng của nó, trong khi phần thứ hai nghiên cứu câu hỏi về sự thật của Lời Chúa, bằng cách làm nổi bật những gì đã được nói về chính Thiên Chúa và dự án cứu rỗi của Người. Một đàng, chúng ta muốn gia tăng ý thức để biết rằng Lời này phát xuất từ Thiên Chúa, và đàng khác, sự chú ý của những người nghe Lời Chúa và những người đọc Thánh Kinh phải tập trung vào những gì Thiên Chúa, bằng chính ý chí của Người, đã thông đạt về chính Người và về kế sách cứu độ của Người có lợi cho con người. Chúng ta được mời gọi chào đón Lời mà Thiên Chúa - đầy tình yêu và lòng nhân từ - đã mạc khải cho chúng ta, với cùng một thái độ chúng ta vốn dành cho việc cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, vốn là mầu nhiệm Thiên Chúa và sự cứu rỗi của chúng ta. Mục đích là để chào đón, trong hiệp thông với các tín hữu khác, ơn phúc được lắng nghe và được hiểu những gì chính Người truyền đạt về chính Người, và do đó để làm mới và làm sâu sắc thêm mối liên hệ bản thân của chúng ta với Người.

Phần thứ ba của tài liệu đề cập đến một số thách thức phát sinh từ chính Thánh Kinh, và đặc biệt là một số nét dường như mâu thuẫn với tư thế Lời Thiên Chúa của nó . Cách riêng, chúng ta chỉ ra hai thách thức lớn đối với người đọc. Thách thức đầu tiên phát xuất từ các tiến bộ đáng kể đã diễn ra trong hai thế kỷ qua trong việc nhận thức lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc ở Cận Đông cổ đại vốn tạo nên môi trường văn hóa của Israel và Thánh Kinh.

Thông thường, có những khác biệt quan trọng giữa các dữ kiện của các khoa học này và những gì chúng ta có thể diễn dịch từ câu chuyện trong Thánh Kinh, nếu nó được đọc như một niên sử có mục đích tường thuật chính xác các biến cố, theo thứ tự thời gian một cách tỉ mỉ. Những khác biệt này tạo nên khó khăn đầu tiên và dẫn đến việc tự hỏi liệu người đọc có thể tin vào sự thật lịch sử của những câu chuyện Thánh Kinh hay không. Một thách thức khác có liên hệ với sự kiện: nhiều bản văn Thánh Kinh chứa đầy bạo lực. Chúng ta có thể lấy làm thí dụ các Thánh vịnh nguyền rủa, hoặc mệnh lệnh Thiên Chúa ban cho Israel để tận diệt toàn bộ một dân số. Các độc giả Kitô giáo bị sốc và mất phương hướng bởi các bản văn như vậy. Hơn nữa, có những độc giả ngoài Kitô giáo trách cứ các Kitô hữu vì đã có những phần khủng khiếp trong các bản văn thánh thiêng của họ, và buộc tội họ tuyên xưng và truyền bá một tôn giáo tạo hứng cho bạo lực. Phần thứ ba của tài liệu, ngoài các điều khác, tự đề cho mình nhiệm vụ đương đầu với các thách thức giải thích này, bằng cách, một mặt, chỉ cách vượt qua chủ nghĩa cực đoan [fondamentalisme] (xem Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh, Giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, 1993, I. F), và mặt khác, cách để tránh chủ nghĩa hoài nghi. Một khi đã vượt qua các trở ngại này, chúng ta có thể hy vọng rằng khả thể tiếp nhận Lời Chúa một cách có suy nghĩ và thích đáng sẽ được mở ra.

Do đó, mục đích của tài liệu này là cung cấp một đóng góp giúp cho, nhờ việc thâm hậu hóa cái hiểu của chúng ta đối với các khái niệm linh hứng và sự thật, Lời của Thiên Chúa, trong cộng đồng phụng vụ và ở bất cứ nơi nào khác, được chào đón một cách luôn phù hợp hơn với ơn phúc này của Thiên Chúa, nhờ đó, Người tự thông đạt Người và mời gọi con người hiệp thông với Người.

Kỳ tới: Phần Thứ Nhất: CHỨNG TỪ CỦA CÁC BẢN VĂN THÁNH KINH VỀ NGUỒN GỐC THẦN THIÊNG CỦA NÓ
 
Văn Hóa
Chúa Hiển Dung
Đinh Văn Tiến Hùng
22:03 05/08/2019
*Phút giây rực sáng vòm trời,
Tông đồ ngây ngất dâng lời ngợi ca,
Uy quyền Chúa đã tỏ ra,
Thân con tạo vật chỉ là bụi tro !

Gíao Hội Công Giáo rất tôn trọng Thánh Kinh vì phát xuất từ Mặc khải và Thánh truyền, nên công nhận Thánh Kinh chính là Lời Chúa. Công đồng Vatican II đã công bố :
“ Thánh Kinh viết bởi Chúa Thánh Thần “
Trong Tin Mừng, 3 Thánh Sử Matthêu, Luca và Marcô đều trình thuật những sự kiện tương đồng nên được gọi là Tin Mừng Nhất Lãm. Theo các nhà Kinh thánh và Thần học cho rằng các ngài đã được linh ứng và dựa theo những tài liệu có cùng nguồn gốc, nội dung gần giống nhau.
Chính vì thế, việc Chúa Hiển Dung hay thường gọi Chúa Biến Hình có những điểm tương tự trong 3 đoạn Tin Mừng như sau :
-Chúa Biến Hình uy nghi rực rỡ trên núi.
-Chúa đem theo 3 Tông đồ thân yêu : Phêrô, Gioan và Giacôbê.
-Cùng xuất hiện với Chúa, có tổ phụ Môsê và tiên tri Êlia.
-Các Tông đồ say mê ngây ngất, Phêrô xin dựng 3 lều cho Chúa, Môsê và Êlia.
-Tiếng phán từ trời : “Này là con Ta yêu dấu ! Hãy vâng nghe lời Người ! “

Ta hãy đọc 3 đoạn Tin Mừng của 3 Thánh Sử để thấy rõ những điều trình bày trên :
*Mátthêu - Chương 17 từ câu 1 đến 8 :
“Sáu ngày sau, Đức Giê-su mang theo mình Phêrô, Giacôbê và Gioan em ông, và đưa họ riêng biệt ra, lên một núi cao. Ngài đã Biến Hình trước mặt họ, mặt Ngài sáng láng như mặt trời, áo Ngài nên trắng phau như ánh sáng. Và này có Môsê và Êlia hiện ra cho họ, đang đàm đạo với Ngài. Cất tiếng lên, Phêrô nói với Đức Giêsu : Thưa Thày ! May quá có chúng tôi ở đây. Nếu Thày muốn chúng tôi sẽ dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Môsê, 1 cho Êlia. Ông còn đang nói, thì đây một đám mây sáng ngời rợp bóng trên họ và tiếng tự đám mây phán rằng : Ngài là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sùng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài ! Vừa nghe, các tông đồ ngã sấp mặt xuống và kinh hãi quá đỗi. Nhưng Đức Giêsu tiến lại và đụng đến họ. Ngài nói : Hãy chỗi dậy, đừng sợ ! Ngẩng mặt lên họ không thấy ai, duy chỉ có một mình Đức Giêsu thôi.”

*Marcô- Chương 9 từ câu 2 đến 8 :
“Sáu ngày sau, Đức Giêsu mang theo mình Phêrô, Giacôbê cùng Gioan và đưa chỉ một mình họ lên núi cao, riêng biệt ra. Ngài đã Biến Hình trước mặt họ, áo Ngài nên rạng ngời trắng tinh, không thợ giặt trần gian nào làm được trắng như thế. Có Êlia hiện ra cho họ cùng với Môsê và hai vị đàm đạo với Đức Giêsu. Cất tiếng lên, Phêrô nói với Đức Giêsu : Rabbi ! May quá, có chúng tôi ở đây. Để chúng tôi dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Êlia, 1 cho Môsê. Vì ông không biết phải nói gì, vì họ kinh hãi quá. Xảy đến, một đám mây rợp bóng trên họ và một tiếng phán ra từ đám mây : Ngài là Con chí ái Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài ! Bỗng đưa mắt nhìn quanh, họ không thấy ai, duy chỉ có mình Đức Giêsu ở với họ.”


*Luca – Chương 9 từ câu 28 đến 36 :
“Xảy ra từ sau những lời đó, chừng được 8 ngày, thì đem theo mình Phêrô, Gioan và Giacôbê, Ngài lên núi cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện thì sắc mắt Ngài ra khác, y phục Ngài nên trắng ngời chớp sáng. Này có hai người đang đàm đạo với Ngài, đó là Môsê và Êlia hiện ra trong vinh quang. Hai vị nói đến việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại
Giêrusalem. Phêrô cùng các bạn li bì giấc ngủ. Tỉnh dậy, họ thấy vinh quang của Ngài và có hai người đứng với Ngài. Vào lúc hai vị đang từ biệt Ngài, Phêrô nói với Đức Giêsu : Thưa Thày ! May quá có chúng tôi ở đây, để chúng tôi dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Môsê, 1 cho Êlia. Nhưng ông không biết mình nói gì. Ông đang nói thế, thì một đám mây kéo lại và rợp bóng trên các Ngài và lúc các Ngài đi vào đám mây thì các môn đệ kinh hãi. Có tiếng phán ra từ đám mây : Ngài là Con Ta, KẻTa đã chọn, các ngươi hãy nghe Ngài. Trong khi tiếng phán ra thì chỉ còn mình Đức Giêsu ở đó, họ không hề mách lại gì cho ai hay các điều họ đã được thấy.”

Thánh Phêrô là một nhân chứng hùng hồn, vì Ngài là một trong 3 tông đồ đã chứng kiến việc Chúa Biến Hình trên núi, Ngài đã thuật lại trong Thư thứ 2 từ câu 16-19 :
“Vì không phải như những kẻ học đòi những chuyện hoang đường xảo mị, mà chúng tôi thông rõ cho anh em quyền năng và quang lâm của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Song như những người đã được phúc cung chiêm sự oai nghi lẫm liệt của Ngài. Vì Ngài đã lĩnh lấy nơi Thiên Chúa Cha vinh dự huy hoàng, khi mà vinh quang lẫm liệt đã được tuyên ra về Ngài một lời thề này : Ngài là Con Chí Ái Ta, kẻ Ta đem lòng sùng mộ ! Tiếng ấy chúng tôi đã nghe từ trời ban xuống, lúc chúng tôi được ở với Ngài trên núi thánh. “

Trong Thánh Vịnh cũng báo trước sự Hiển Dung của Chúa qua tường thuật sau :
“Chúa là Vua hiển trị ! Hỡi địa cầu hãy nhảy mừng lên, vui lên đi ngàn muôn hải đảo ! Mây u ám bao quanh Người, bệ rồng là công minh chính trực. Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến trước nhan vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người.”
( Tv.97 : 1- 2 & 5- 6 )

Đặc biệt, Thiên Chúa đã mặc khải cho Thánh Gioan qua sách Khải Huyền được xác quyết ngay đoạn mở đầu
Chương I từ câu 1- 3 :
“Mặc khải của Đức Giêsu Kitô : Thiên Chúa ban cho Ngài để Ngài tỏ cho các tôi tớ Ngài biết các điều kịp phải xảy đến và Ngài đã sai Thần sứ của Ngài đến triệu báo cho tôi tớ Ngài là Gioan, kẻ đã làm chứng về Lời của Thiên Chúa,
cùng về chứng của Đức Giêsu Kitô, về mọi điều ông thấy. Phúc cho người đọc và những kẻ nghe lời lẽ của sấm ngôn và nắm giữ các điều đã viết trong đó, bởi chưng thời buổi đã gần.”

Trong Cựu Ước, việc Chúa Hiển Dung không trực tiếp qua sự xuất hiện của Ngài, nhưng thường qua những thị kiến như ánh sáng , ngọn lửa, sấm chớp,đám mấy, tiếng phán ra từ trên không hay qua lời các Thiên Sứ và Tiên Tri.
Gần đây, ngay trong thời đại chúng ta, Chúa cũng đã Hiển Dung qua các thị kiến mà các Vị Thánh đã nhận :
-Thánh Teresa Avila được thi kiến về Hỏa ngục.
-Thánh Margaret Mary Alacoque về Thánh Tâm Chúa Giêsu.
-Thánh Faustina Kowalska – Sứ giả Lòng thương xót- thị kiến về Hỏa ngục.
-Chân phước Anne Catherine Emmerich về buổi Tiệc ly.
-Đấng Nhân đức Maria Valtorta được mặc khải qua thị kiến về cuộc đời Chúa Giê-su.
-Sơ Mary of Jesus of Agreda thuật lại những mặc khải qua tác phẩm ‘Thần đô Huyền nhiệm’.

Nhưng trong Tân Ước , sự kiện Chúa Biến Hình màu nhiệm và xác tín hơn báo trước việc Chúa chịu nhiều đau khổ và chết trên thập giá để cứu chuộc loài người, toàn thắng sự chết để Phục Sinh và vinh quang uy quyền Về Trời.
Hiển nhiên hơn cả là trong nhiệm tích Thánh Thể để mãi mãi chứng tỏ Lòng Chúa thương xót loài người.
Ta có thể xác tìn mạnh mẽ Chúa Hiển Dung là sự nối kết chặt chẽ của Trình tự Cứu nhân loại qua : THẬP GIÁ- PHỤC SINH- LÊN TRỜI- THÁNH THỂ.

Qua dẫn chứng việc Chúa Hiển Dung trình thuật trong Tin Mừng cho chúng ta những bài học giá trị :
-Núi cao một địa điểm cách xa trần tục, tượng trưng cho cao cả, thánh thiện.
-Chúa chỉ mặc khải cho 3 tông đồ thân yêu nhất được tuyển chọn, vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít.
-Chúa Biến Hình thay đổi hình dạng, dạy chúng ta phải thay đổi cuộc sống tối tăm tội lỗi.
-Dung Nhan Chúa sáng chói và áo trắng tinh, thể hiện uy quyền và trong sáng của Chúa.
-Chúa đưa 3 tông đồ lên núi để xác tín sự liên hệ của Ngài với Thiên Chúa. Con đường khổ nạn theo kế hoặch của Thiên Chúa và qua đau khổ sẽ tới vinh quang.
-Môsê đại diện Lề luật, người đại diện cho nhân loại nhận 10 Giới Luật Chúa truyền và Chúa muốn Lề luật phải nên trọn hảo- Elia đứng đầu các Ngôn sứ, lời các tiên tri về Đấng Thiên Sai phải được kiện toàn.
-Sáu ngày trước, khi Chúa thông báo cho các môn đệ về cuộc tử nạn Ngài sẽ chịu, nên các ông tỏ ra buồn chán thất vọng, vì các ông cũng suy nghĩ như người Do Thái đương thời, tin vào Đức Giêsu Đấng Thiên Sai đầy quyền lực sẽ giải phóng dân tộc , chinh phục và thống trị thế giới. Nên Phêrô hỏi Chúa : “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày, vậy chúng con sẽ được gì ? Và cả 2 anh em ông Giacôbê và Gioan cũng xin được ngồi bên tả hữu Thày. Các ông bị Ngài khiển trách, nên Chúa đưa các ông theo để vực dậy niềm tin yêu mạnh mẽ cho các ông.
-Vẻ đẹp rực rỡ báo trước Phục Sinh vinh hiển, mà chính Chúa Cha tôn vinh Chúa Con :”Này là con Ta yêu dấu!”
Và chúng ta muốn được sống lại vinh quang theo Chúa :”Hãy vâng nghe lời Ngài ! “

Sự ngất ngây của 3 tông đồ trên núi, chính là tiên báo sự hưởng hoan lạc Nước Trời. Muốn được diễm phúc Nước Trời, chúng ta phải biến đổi mình trong cuộc sống hàng ngày, xa rời bóng tối tội lỗi, để ánh sáng yêu thương của Thiên Chúa luôn bao bọc chúng ta. Lên Núi Thánh- Cửa Nước Trời muốn đạt tới đỉnh phải gạt bỏ những tội lỗi cồng kềnh khỏi vướng mắc.
Giờ đây, mỗi ngày, mỗi phút giây, Chúa vẫn tiếp tục Biến Hình trong thiên nhiên, tạo vật, nhân loại và trong chính mỗi người chúng ta. Hãy đón nhận và cám tạ Hồng Ân đầy tình thương cao vời của Thiên Chúa.

-Ôi sáng láng hỡi nguồn reo ánh sáng,
Hãy lắng nghe từng tiếng nguyện lời kinh,
Chiếu hào quang xua đuổi bóng tội tình,
Biến chúng con thành chói lòa xán lạn !
( Thánh Thi Phụng vụ )

“Lạy Chúa Giêsu xin biến đổi con qua lời cầu nguyện.
Mỗi lần con nhìn thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi vui của Chúa trong nụ cười của con.
Thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu có bộ mặt chán nản thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh.
Amen.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Paris Về Đêm
Dominic Đức Nguyễn
08:18 05/08/2019
PARIS VỀ ĐÊM
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Paris đêm huyền diệu
Ánh đèn màu mờ ảo lung linh
Anh vẫn đi tìm em
Đi tìm hoài như một kẻ vô tâm
(Trích thơ của Tôn Thất Phú Sĩ)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 5/8/2019: ĐTC gửi thư cám ơn các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm Thánh Gioan Vianney qua đời.
VietCatholic TV
08:52 05/08/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 4 tháng 8, 2019.
2. Đức Thánh Cha gửi thư cám ơn các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm Thánh Gioan Vianney qua đời.
3- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng Tám: cho gia đình.
4- Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong tiến trình cải tổ Giáo triều.
5- Đức Thánh Cha tiếp 5000 Hướng đạo sinh Công Giáo Italia.
6- Đức Thánh Cha bất ngờ tới thăm nhà trọ Regina Mundi của các Nữ Tử Bác Ái.
7- Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho Đại hội Truyền giáo toàn quốc Indonesia.
8- Giáo hội vùng Amazonia âu lo cho số phận của người dân tại đây.
9- Khai mạc Ngày Thánh Mẫu lần thứ 42 tại trụ sở Tỉnh Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc ở Missouri.
10- Đức Thánh Cha khích lệ người trẻ Cuba trở thành các chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh.
11- Bom được gỡ bỏ tại mộ thánh Giuse.
12- Giới thiệu Thánh Ca: Bỏ Ngài Con Biết Theo Ai.
 
ĐTC kêu gọi đọc kinh chung trong nhà – Lòng Thương Xót còn làm được gì cho một tên khốn nạn như tôi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:57 05/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 8

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 8 là các gia đình có thể là những trường học phát triển con người thực sự.

Trong cuốn “Video của Đức Giáo Hoàng” vừa được công bố nhằm trình bày ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 8, Đức Phanxicô yêu cầu chúng ta định hướng ý định cầu nguyện của mình sao cho các gia đình trở thành nơi phát triển thực sự của con người. Theo Đức Thánh Cha, các gia đình là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể để lại cho thế giới và tương lai.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các gia đình phải là nơi cầu nguyện. Cầu nguyện chung với nhau phải dành được một vị trí đặc biệt trong các gia đình. Chúng ta phải dành những nỗ lực xứng đáng để có thể “cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung với nhau”.

Đức Thánh Cha nói:

“Trong gia đình, chúng ta học được những điều sẽ ở lại với chúng ta trong suốt cuộc đời mình. Gia đình là nơi mà các giá trị của chúng ta được hình thành, và trên hết, đó là nơi đầu tiên chúng ta khám phá tình yêu thông qua cha mẹ và anh chị em của chúng ta, như một sự phản ánh của tình yêu Thiên Chúa. Yêu thương và được yêu thương khiến chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải con đường này cho chúng ta. Chúng ta hãy sống tình yêu này trong gia đình của chúng ta, hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện.

Loại thế giới nào chúng ta muốn để lại cho tương lai?

Chúng ta hãy để lại cho hậu thế một thế giới với các gia đình.

Chúng ta hãy chăm sóc cho gia đình chúng ta, bởi vì gia đình là những trường học thực sự cho tương lai, là những không gian của tự do và những trung tâm của nhân loại.

Và chúng ta hãy dành một vị trí đặc biệt trong gia đình để cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện xin cho các gia đình, qua cuộc sống cầu nguyện và yêu thương, sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết là ‘những trường học cho sự phát triển nhân bản đích thực’.

Cha Frédéric Fornos, linh mục Dòng Tên, giám đốc quốc tế của Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu theo ý Đức Giáo Hoàng (bao gồm Phong trào Giới trẻ Thánh Thể) nhấn mạnh rằng, chính là trong bối cảnh gia đình của chúng ta, qua những vui buồn, qua những chiến thắng và thất vọng, chúng ta lần đầu tiên học cách yêu thương và để cho mình được yêu thương. Gia đình là nơi chúng ta khám phá tình yêu và sự phục vụ, chia sẻ, đối thoại, tha thứ và hòa giải, thông qua cha mẹ và anh chị em, cũng như các thành viên khác trong gia đình. Yêu thương và được yêu thương khiến chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Mỗi gia đình đều khác nhau và phải vượt qua những thử thách rất lớn để phát triển và mang lại sức sống cho thế giới ngày nay.

Với ý cầu nguyện này, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc các gia đình sống một cuộc sống cầu nguyện và yêu thương nhằm ủng hộ sự phát triển nhân bản và siêu nhiên.

Trong nhiều lần và nhiều dịp khác nhau như trong các thánh lễ tại Santa Marta, Đức Thánh Cha kêu gọi các gia đình chú tâm vào những cuộc đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và học cách chấp nhận và tha thứ cho nhau.

Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại mối nguy hiểm từ chủ nghĩa cá nhân cực đoan, làm suy yếu mối quan hệ gia đình và cuối cùng coi mỗi thành viên trong gia đình là một đơn vị biệt lập, điều đó tạo ra nguy cơ không khoan dung và thù địch ngay trong gia đình. Nếu không có cuộc sống cầu nguyện chung với nhau, bao nhiêu rủi ro và bất hạnh đang chờ đón chúng ta trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Lòng Thương Xót còn làm được gì cho một tên khốn nạn như tôi

Một hôm, người ta đến báo cho thánh Phanxicô Salê (1567 – 1622) rằng: trong nhà giam có một kẻ bất hạnh bị kết án tử hình, và trong cơn phẫn nộ tuyệt vọng, anh ta từ chối mọi bí tích và phó linh hồn cho ma quỷ. Và không một phút chậm trễ, Đức Giám Mục Phanxicô Salê tức khắc chạy tới nhà giam.

Ngài âu yếm ôm hôn anh ta an ủi và cùng khóc với anh ta. Ngài giúp anh ta lấy lại lòng tin tưởng vào lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, ngài cũng cố gắng giúp anh ta biết chấp nhận cái chết bi thảm sắp tới để đền tội. Để chuẩn bị cho việc đền tội, anh ta cần phải xưng tội. Nhưng anh ta nói:

– Điều đó vô ích, vì tôi đã được dành cho Hỏa ngục rồi, và sẽ sớm làm mồi cho ma quỷ.

Đức Giám Mục Phanxicô Salê ôn tồn hỏi:

– Nhưng con của ta, con không thích làm mồi cho Thiên Chúa nhân từ và làm nạn nhân cho thập giá Đức Giêsu hơn sao?

– Tất nhiên là muốn, nhưng Thiên Chúa còn có thể làm gì cho một thằng khốn nạn như tôi?

– Chính là để cho những người như con mà Cha trên trời đã gởi Con Trai của Ngài xuống thế gian, và chính cho cả những người xấu xa hơn cả con nữa, như những tên đao phủ, như Giuđa phản Chúa, mà Đức Giêsu đã đổ máu Ngài ra.

Phạm nhân nói:

– Cha có bảo đảm với tôi rằng: tôi có thể trông nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà không cần đến một sự trâng tráo nào không?

– Trái lại, sẽ là một sự trâng tráo lớn khi không nghĩ rằng lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi.

– Nhưng Thiên Chúa là Đấng công chính, Ngài sẽ kết tội tôi.

– Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, Ngài sẽ cứu con nếu con xin Ngài tha thứ với lòng ăn năn sám hối và khiêm nhường.

Động lòng bởi những lời nói tốt lành, tên phạm nhân đã xin xưng tội và kiên tâm đón nhận cái chết. Và anh đã sốt sắng lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa:

– Ôi Giêsu, con xin trao phó đời con trong tay Ngài, con tin tưởng vào Ngài.