Ngày 12-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không thuộc về mình mà thuộc về Chúa
Lm. Minh Anh
01:18 12/08/2022
KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH MÀ THUỘC VỀ CHÚA

“Ngươi thuộc về Ta!”.

A. Lincoln nói, “Hôn nhân không phải là thiên đường, cũng không phải là địa ngục; nó chỉ đơn giản là luyện ngục!”; B. Franklin thì nói, “Người độc thân là một sinh vật không hoàn chỉnh; người ấy giống như một nửa kỳ quặc của một chiếc kéo!”. Một nhà tu đức khác lại nói, “Dù sống đời hôn nhân, hay sống độc thân; chúng ta ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi một trong những chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là “Thuộc Về”. Bài đọc Êzêkiel là một áng văn tuyệt vời nói đến Giêrusalem như một đứa bé sơ sinh được Thiên Chúa nhặt về; Ngài nói, “Ngươi thuộc về Ta!”. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết, dù sống đời hôn nhân hay độc thân, chúng ta vẫn ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa!’.

Qua ngôn sứ Êzêkiel, Thiên Chúa sánh Giêrusalem như một đứa trẻ mới sinh, rốn chưa cắt, giẫy giụa trong máu, bị vứt giữa đồng… được Thiên Chúa nhặt về. Ngài tắm rửa, dưỡng nuôi và yêu thương nó; nó lớn phổng lên, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được trang sức với những gì quý giá nhất. Thế nhưng, hỡi ôi! Nó cậy vào nhan sắc tuyệt trần của mình mà làm điều ghê tởm trước mắt Ngài. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn một dạ xót thương; Ngài tha thứ tất cả cho nó; Thánh Vịnh đáp ca thổn thức, “Giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Chúa lại ban nguồn an ủi”. Qua đó, Thiên Chúa muốn nói với nó rằng, Ngài không bao giờ để mất nó, nó ‘thuộc về Ngài!’.

Với bài Tin Mừng, nhân câu hỏi của giới biệt phái, “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?”, Chúa Giêsu trả lời bằng cách đưa họ về buổi đầu tạo dựng, nói cho họ kế hoạch của Thiên Chúa; rằng, hai người nam nữ kết hợp với nhau sẽ trở thành bất khả phân ly đến mức họ là một xương một thịt. Họ được tạo ra cho nhau, không cho ai khác; đó là những người sống trong tình yêu Chúa, sinh sôi nảy nở như ý định của Ngài. Họ thuộc về nhau, nhưng thật thú vị, vẫn ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa’; bởi lẽ, họ có ra, gặp nhau, cốt cho vinh quang Ngài! Tuy nhiên, nếu giữa họ, lợi ích cá nhân và sự hài lòng của một người chiếm ưu thế, thì họ vẫn có thể hành xử đáng tiếc khiến tình yêu vuột mất; và điều đó làm cho họ rơi vào khủng hoảng khi họ quên rằng, họ ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa!’.

Cũng trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt ra lý tưởng cao đẹp cho những người tự do từ bỏ hôn nhân vì đại cuộc Nước Trời. Ơn gọi trong mọi bậc sống đều đến từ Thiên Chúa để mỗi người nên thánh trong đấng bậc mình, nghĩa là sống như những cặp vợ chồng hay những người độc thân ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa’. Thiên Chúa ban sức mạnh, ân sủng, niềm vui và phúc lành cho những ai hăm hở bước trên con đường nên thánh riêng của mình, một con đường kỳ diệu Ngài vạch ra cho từng người, không ai giống ai.

Anh Chị em,

“Ngươi thuộc về Ta!”. Có lẽ sẽ khá dễ hiểu khi nói rằng, những người độc thân vì Nước Trời là những người thuộc về Chúa; nhưng nói rằng, những người sống bậc gia đình thuộc về nhau, nhưng vẫn ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa’ thì xem ra khó hiểu! Vậy mà quả là như thế, vì tất cả cho vinh quang Chúa! ‘Chúa có chương trình của Chúa’ trên từng người! Ân sủng của Ngài tuôn đổ dẫy đầy dù họ ở bậc sống nào; nhờ đó, mỗi người sống sung mãn trước mặt Chúa theo cách mới mẻ nhất. Nhờ ân sủng, chúng ta, những con trai con gái của Ngài được biến đổi trong Chúa Kitô mỗi ngày, được ban quyền để sống trong sự thánh khiết và lẽ thật trọn vẹn. Vì thế, dù sống đời đôi bạn, hay độc thân, chúng ta hãy cộng tác với ân sủng; hãy để ân sủng Chúa mang lại sức sống và sự tươi mới! Từ đó, chúng ta có thể tạo nên một sự khác biệt, cống hiến một điều gì đó mới mẻ, đầy hy vọng cho thế giới. Tắt một lời, dù ở bậc sống nào, chúng ta vẫn ‘không thuộc về mình mà thuộc về Chúa!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù sống đời đôi bạn hay bị coi là “nửa chiếc kéo kỳ quặc”, xin giúp con cộng tác với ân sủng Chúa, để tiếp tục tạo nên một sự khác biệt cho thế giới, vì con ‘thuộc về’ Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 13/08: Trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
02:22 12/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:07 12/08/2022

30. Vì để tránh mất đi tôi tớ của Người, mà Thiên Chúa không nhân nhượng chính mình.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:09 12/08/2022
68. QUYỀN LỰC CỦA CHÂN

Tứ chi của thân thể, mỗi thứ đều có vị trí của nó, đó là quy định của tự nhiên không cần phải cưỡng ép.

Một hôm, tai, mắt, miệng, mũi triệu tập đại hội của ngũ quan (tai, mắt, mũi, miệng và tim), đưa ra tuyên bố:

- “Vị trí của chúng tôi là cao nhất, tôn quý biết bao ! Còn cái chân là địa vị thấp nhất, cho nên chúng tôi đưa ra luật pháp tạm thời là không thể cùng nó đứng chung một đường”.

Mọi người đều rất tán thành. Cái chân nghe xong thì cũng không so đo với chúng nó.

Qua mấy ngày sau có người mời đi ăn tiệc, miệng rất là muốn đi để có thể ăn một bụng no, nhưng chân thì không muốn đi nên cái miệng hết cách, chỉ biết thèm nước dãi nhỏ xuống dài tới một mét.

Lại qua mấy ngày nữa, lỗ tai muốn nghe, mắt muốn thấy, nhưng cái mà chúng nó muốn nghe muốn thấy thì đều ở bên ngoài nhà, mà chân thì không muốn đi, cho nên tai và mắt đều đành phải bó tay.

Mọi người bèn quyết nghị thương lượng đổi lại tình trạng như trước, nhưng mũi không chịu, nó nói:

- “Mặc dù chân có thể chế phục các anh, nhưng tôi không có gì để yêu cầu nó cả, coi nó làm gì tôi nào?”

Cái chân nghe vậy, thì đi một lèo đến trước cái nhà xí (nhà cầu), đứng bất động ở đó rất lâu, mùi hôi thúi nồng nặc chui vào trong mũi, khiến cho người nôn ọe muốn chết, bụng và bao tử oán giận nói:

- “Chúng nó ở đó ồn ào ý kiến nhưng lại khổ cho chúng ta”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 68:

Con người ta, ai cũng biết mỗi bộ phận trên thân thể đều có ích cho nhau và có sự liên quan với nhau, dù cho nó ở vị trí khác nhau trên thân thể con người.

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, cho nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều có liên hệ mật thiết với nhau, từ đức giáo hoàng cho đến một giáo dân bình thường, từ người khỏe mạnh hay người đau yếu, từ người giàu có đến người nghèo, từ người tốt lành cho đến người tội lỗi, tất cả đều là những chi thể của thân thể mầu nhiệm ấy.

Có những người tự xưng mình là người Ki-tô hữu yêu mến Giáo Hội của Chúa, nhưng lại thóa mạ, bôi nhọ danh dự, chỉ trích chửi bới hàng giáo phẩm của Giáo Hội, họ chống đối các ngài giống như những người căm thù Giáo Hội tận xương tủy, là bởi lòng kiêu căng hơn là bất đồng quan điểm, và họ trở thành công cụ của ma quỷ đánh phá Giáo Hội mà không hay không biết...

“Không ai phá Hội Thánh vì yêu Hội Thánh”, nhưng người ta mượn cớ yêu mến Hội Thánh để phá Hội Thánh.

Quyền lực của cái chân thì chỉ phạt các anh em khinh dễ mình đến ngửi mùi hôi thối của nhà xí mà thôi, nhưng quyền lực của Đức Đức Chúa Giê-su thì có thể bắt cả linh hồn và thân xác của người khinh thường, bêu xấu anh em mình bỏ vào trong hỏa ngục, nơi đây đời đời hôi thối và gớm ghiếc hơn, nhà xí không thể sánh nổi.

Coi chừng đấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 12/08/2022
ĐỨC MẸ MA-RI-A HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ trọng)

Tin mừng: Lc 1, 39-56

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để mỗi người trong chúng ta suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

1. Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ; Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản mà người Ki-tô hữu phải có để được trở thành người giáo hữu, biết noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

2. Đấng cầu bàu

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian trong bụng mẹ, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế khi Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác, thì chính đó là một cách tôn vinh của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở trần gian này đã yêu mến và thực hành lời của Chúa…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và rất xứng đáng, và càng chính đáng và xứng đáng hơn nữa khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4).

Bạn thân mến,

Mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua nơi con người của Mẹ, mà chúng ta cũng cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của chính bạn và tôi, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân là để đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Chúa và Mẹ Ma-ri-a. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ mà thôi, chứ không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ, và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho chúng ta, khi còn ở đời này biết yêu mến những sự trên trời, để sống như đang sống với Mẹ trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 20 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:13 12/08/2022
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.


Bạn thân mến,

Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Đức Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Đức Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nỗ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Đức Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…” (Lc 2, 34). Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế “”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2, 35a) khi chính họ tin và nhận biết Đức Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Đức Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Ngài. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Đức Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đấu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến, để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động.

Đức Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật (Mt 5, 3-12).

Quả thật như thế, không một ai đến với Đức Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9), một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho nhân loại.

Bạn thân mến,

Lửa mà Đức Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Đức Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái yêu thương và phục vụ của chính mình.

Đừng để lửa trong tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Đức Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đến phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lửa Cháy – Sự Thật Tỏ Bày
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:51 12/08/2022
Lửa Cháy – Sự Thật Tỏ Bày

(Chúa Nhật XX TN C)

“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Nghe những lời trên của Chúa Giêsu hẳn nhiều người giật mình. Một tôn sư lỗi lạc, một vị đại ngôn sứ, một Đấng Thiên sai mà tuyên phán những lời ấy thì thật chướng tai, khó nghe. Là người, ai cũng đều khát mong được sống trong an bình. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là một sự thật hầu như hiển nhiên. Thế thì chúng ta phải hiểu nội hàm lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây như thế nào?

Để hiểu đúng và tương đối chính xác lời một ai đó thì cần thiết phải xem xét ngữ cảnh khi người ấy nói. Tin Mừng thánh Luca tường thuật ngữ cảnh trước đó là việc Chúa Giêsu khử trừ một tên quỷ câm ra khỏi người bị nó ám và người câm nói được (x.Lc 11,14-23). Tiếp đến Người tuyên bố rằng ai nghe và giữ lời Thiên Chúa mới là người có hạnh phúc thật. Rồi Người tự cho mình hơn cả Ngôn sứ Giona khi thẳng thắn công bố sự thật. Tiếp đến Chúa Giêsu nói về sự nhận thức như là ánh đèn dẫn lối chúng ta đi (x.Lc 11,37-36). Sau đó Người khiển trách nhiều người Pharisiêu và nhiều nhà thông luật đã sống và hướng dẫn kẻ khác trong sự lầm lạc cho dù biết họ sẽ tức tối tìm cách hãm hại Người (x.Lc 11,37-54). Rồi Người khuyến dụ các môn đệ đừng sợ và hãy can đảm công bố sự thật (x.Lc 12,1-12), đừng lo thu tích của cải đời này nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng là chu toàn bổn phận với nhưng người được giao phó cho mình chăm nom (x.Lc 12,13-48).

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!” (Lc 12,49). Có thể khẳng định ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống thế gian chính là ánh sáng chân lý như lời Người khẳng định với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Ánh sáng chân lý đã bừng lên thì sự thật, sự giả, điều tốt, điều xấu sẽ được phân biệt rõ ràng. Ánh sáng chân lý đã chiếu soi thì sự thiện hảo nhất thời, chóng qua và hạnh phúc đích thực, vĩnh tồn sẽ được biện phân. Cảnh mập mờ của buổi thời hỗn mang sẽ bị xoá dần và con người chúng ta cần phải chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa là hy sinh. Đau đớn là chuyện thường tình khi phải bỏ cái này để chọn cái kia, nhất là khi cái này đã từng gắn bó với mình và nó chưa hẳn là xấu.

Sự xâu xé trong tâm hồn luôn có đó khi chúng ta phải chọn lựa giữa điều lành và điều dữ, giữa một điều tốt và một điều tốt hơn, giữa hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Bị giằng co, bị xâu xé là một lẽ rất tự nhiên vì điều tốt hơn chưa thực sự ở trong tầm tay và hạnh phúc vĩnh cửu vẫn đang còn ở phía chân trời xa. Đây chính là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn đề cập.

Ai đến với tôi mà không từ bỏ cửa nhà, ruộng nương, cha mẹ, vợ con…và không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của tôi (x.Lc 14,26-27). Dù là một lối nói kiểu so sánh nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thừng đưa ra một đòi hỏi có tính triệt đễ rằng phải chọn Người trên hết và trước hết. Tất cả chỉ vì lý do này: Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi được tạo thành. Dĩ nhiên khi đã can đảm chịu xâu xé, chịu bắt bớ để chọn Người làm Thầy và làm Chúa của mình, chúng ta sẽ lại nhận được mọi sự như trên cách gấp bội và nhất là sự sống trường sinh (x.Mc 10,28-30).

Lửa đã cháy lên. Ánh sáng đã đến thế gian, Sự thật đã được tỏ bày. Vấn đề còn lại là sự chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa là phải hy sinh. Thiện hảo nào cũng có giá của nó. Để có thể sống trong bầu khí tự do và dân chủ thì rất nhiều người đã can đảm đương đầu với bạo quyền và dĩ nhiên chấp nhận sự bách hại. Để có thể thoát khỏi vòng nô lệ của thần dữ thì có đó nhiều cam go, sóng gió cần phải vượt qua. Dù là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho, nhưng hạnh phúc vĩnh cửu dứt khoát không phải là thứ hàng hoá rẻ tiền.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Hướng tới điều tốt đẹp nhất
Lm. Minh Anh
22:49 12/08/2022
HƯỚNG TỚI ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT

“Cứ để trẻ em đến với Thầy!”.

James Baldwin nói, “Trẻ con chưa bao giờ giỏi trong việc nghe lời người lớn; nhưng chúng chưa bao giờ thất bại trong việc bắt chước họ, nhất là trong việc ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’ hoặc cả những gương mù gương xấu nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật trùng hợp, cả hai bài đọc hôm nay nói đến cha mẹ và con cái. Qua Êzêkiel, Thiên Chúa phán, “Mạng sống cha, cũng như mạng sống con đều thuộc về Ta”; qua Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho bậc cha mẹ ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’, đó là “Cứ để trẻ em đến với Thầy!”.

Êzêkiel cho biết, mọi người chịu trách nhiệm về hậu quả việc làm sai trái của mình, “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết”; nhưng, trách nhiệm của cha mẹ sẽ lớn hơn khi làm gương xấu và không dạy cho con cái biết kính sợ Chúa. Làm cha mẹ là một thiên chức cao cả, nhưng hình thành toàn vẹn một nhân cách và cứu rỗi vĩnh viễn một con người là một trách nhiệm đủ để khiến bất cứ cha mẹ nào cũng có thể ‘tan chảy’ trong sợ hãi và run rẩy. Đưa con cái đến với Chúa Giêsu là khôn ngoan nhất, là ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’. Trên hết, cha mẹ phải thể hiện ‘bản năng thiêng liêng’ tốt đẹp của mình, “Cứ để trẻ em đến với Thầy!”. Cha mẹ cần dạy con cái cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và trên hết, học biết Chúa Giêsu thực sự là người bạn tốt nhất của chúng, người mà chúng có thể chia sẻ mọi điều; là món quà quý nhất để cha mẹ tặng chúng!

“Đừng ngăn cấm chúng!”. Có nhiều cách cản trở con cái đến với Chúa Giêsu! Gương xấu của người lớn là một trong những điều đáng sợ nhất! Trẻ em dễ dàng nhận ra sự không trùng khớp giữa lời dạy và hành vi thực tế của chúng ta. Điều đặc biệt đáng lo ngại là khi cha mẹ bắt đầu nhìn thấy những khiếm khuyết của mình được phản ánh trong con cái! Điều đó có thể được coi như một lời cảnh báo rằng, chúng ta cần sống đời sống Kitô hữu của mình một cách chân thực hơn. Gương sáng của chúng ta phải là chất xúc tác để con cái dễ dàng ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’, Chúa Giêsu và lời dạy của Ngài.

“Nước Trời là của những ai giống như chúng!”. Nên giống trẻ nhỏ không phải là ngu ngơ, khờ dại, chỉ biết khóc cười; nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói là tín thác hoàn toàn vào Cha trên trời như đứa trẻ hoàn toàn giao phó đời mình cho cha mẹ. Cha mẹ Công Giáo tốt chỉ có một nguyện vọng thực sự cho con cái mình, đó là chúng được vào Nước Trời! Điều này đáng giá với những lời cầu nguyện, những hy sinh qua những đêm không ngủ. Nước Trời là nơi con cái thuộc về, các bậc cha mẹ phải tuyệt đối tin tưởng rằng, Chúa sẽ ban cho con cái mình những ân sủng cần thiết để chúng chu toàn sứ mệnh một cách hiệu quả. Chúa Kitô là người cổ vũ lớn nhất của cha mẹ! Ngài không muốn gì hơn là cuộc đoàn tụ hạnh phúc trên thiên đàng, nơi cha mẹ sẽ nghe thấy những lời tuyệt vời này từ con mình, “Cảm ơn ba mẹ vì đã giúp con đến được đây!”.

Anh Chị em,

“Cứ để trẻ em đến với Thầy!”. Không ai đến với Chúa Giêsu mà không nên người hơn, nên con Chúa hơn và đặc biệt nên thánh hơn. Vì thế, đừng ngại đưa các em đến với Chúa Giêsu; dẫu chúng không biết gì, nhưng Chúa biết và Chúa vui khi thấy nó cười, chạy nhảy và thậm chí khóc trước mặt Ngài. Bên cạnh đó, những lời ca tiếng hát của cộng đoàn, sự im lặng thánh thiêng chắc chắn cũng hình thành trong các em một ký ức tốt về cầu nguyện! Phần chúng ta, cũng thế, hãy nên như trẻ nhỏ khi chúng ta tâm sự với Chúa những vui buồn của cuộc sống; chúc tụng tạ ơn Ngài và lắm khi, khóc với Ngài nữa. Nhưng cuối cùng, đừng quên rằng, ký thác đường đời cho Chúa là cách khôn ngoan để ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’. Hãy nhớ, không có sự hy sinh nào từ phía người lớn là quá tốn kém hoặc mất thời giờ kể cả việc cầu nguyện cho chúng, để bảo đảm không có đứa trẻ nào tin rằng, mình là một sai lầm, là vô giá trị hoặc bị bỏ rơi do những vết thương và sự kiêu ngạo của con người. Một xã hội như thế sẽ tốt đẹp biết bao!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con làm cớ vấp phạm cho những ai Chúa trao cho con, dù là nhỏ nhất. Cho con biết giúp các em ‘hướng tới điều tốt đẹp nhất’ là Giêsu, chính Chúa!”, Amen.

(Tgp Huế)
 
Mẹ lên trời bởi hiệp hành
Lm. Nguyễn Xuân Trường
23:12 12/08/2022
MẸ LÊN TRỜI BỞI HIỆP HÀNH

Lời Chúa trong lễ Đức Mẹ Lên Trời nói đến những con đường: Con đường tin yêu đưa Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét, con đường sống lại Chúa Giêsu mở ra cho những ai đã an giấc ngàn thu. Dù là đường lên trời hay nẻo đường đời, thì đường nào cũng là đường Mẹ hiệp hành với Chúa.

1. Đường đời yêu thương. Đức Mẹ lên đường, đon đả tới thăm bà Êlisabét. Mẹ không đi một mình mà Mẹ hiệp hành cùng Chúa, vì thế, bà Êlisabét đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này.” Trong Chúa, cả Mẹ Maria và mẹ con bà Êlisabét chan chứa niềm vui đến độ “đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” và Mẹ Maria cũng hân hoan hớn hở vui mừng. Một niềm vui vĩ đại xuất phát từ đức tin được Chúa yêu thương chúc phúc và từ tình yêu chị em chia sẻ phục vụ.

2. Đường Trời vinh phúc. Bài Sách Thánh thứ nhất diễn tả thị kiến một người nữ vinh quang rực rỡ trên trời – đó chính là hình ảnh của Mẹ Maria. Mẹ lên trời bởi cả đời Mẹ hiệp hành gắn bó với Chúa. Mẹ cưu mang Chúa trong lòng dạ. Máu thịt Mẹ đã làm nên hình dạng một Thiên Chúa làm người. Suốt đời Mẹ gắn bó với Chúa từ khi thiên thần truyền tin Mẹ chịu thai cho tới khi Mẹ đứng kề bên thánh giá. Suốt đời Mẹ liên đới chứ không tách rời Chúa. Nên Chúa mở đường về trời thì Mẹ cũng về trời với Chúa.

Như thế, ánh sáng Lời Chúa soi chiếu con đường chúng ta đi: Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, hãy chọn con đường yêu thương phục vụ tha nhân, con đường đem Chúa cho người khác như Mẹ Maria lên đường thăm bà Êlisabét. Và chính con đường ấy dẫn chúng ta lên trời cao hưởng phúc cùng Chúa. Nào, chúng ta cùng nhau hát lên và tiến bước: Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ… để hiệp hành cùng Mẹ, cùng Chúa giữa đường đời và đường tới trời cao. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Y Đoàn sau cái chết của Đức Hồng Y Jozef Tomko
Đặng Tự Do
05:12 12/08/2022


Đức Hồng Y Josef Tomko, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nâng lên hàng Hồng Y vào ngày 25 tháng 5 năm 1985 với hiệu toà Santa Sabina. Ngài đã qua đời vào ngày 8 tháng 8 tại Rôma.

Sau sự qua đi của Đức Hồng Y người Slovakia Jozef Tomko. Thành phần của Hồng Y Đoàn hiện nay gồm 116 Hồng Y Cử Tri. Trong đó, 11 vị được tấn phong bởi Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị. 38 vị được tấn phong bởi Đức Bênêđíctô 16, và 67 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Số Hồng Y không có quyền bầu Giáo Hoàng là 90 vị. Trong đó, 39 vị được tấn phong bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. 26 vị được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và 25 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tổng cộng là 206 vị.

50 vị được tấn phong bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

64 vị được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16.

92 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các vị không có quyền bầu Giáo Hoàng thường là các vị đã quá tuổi 80, trừ ra trường hợp của Hồng Y Giovanni Angelo Becciu mới 74 tuổi, đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô loại bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9 năm 2020
Source:Sismografo

 
Nhà thờ Công Giáo Bahrain sẽ được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12
Đặng Tự Do
05:14 12/08/2022


Một nhà thờ Công Giáo mới ở Bahrain, gọi là nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, sẽ được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12 bởi Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Cấu trúc phỏng theo hình dạng của Hòm Bia Giao Ước với sức chứa 2.300 người sẽ là nhà thờ Công Giáo lớn nhất vùng Vịnh.

Ngôi thánh đường được xây dựng trên một khu đất cách đây 8 năm được Hamad bin Isa Al-Khalifa, là người đã trở thành vua của Bahrain từ năm 2002. Nhà vua sẽ khánh thành nhà thờ vào ngày 9 tháng 12.

Do hạn chế của COVID-19, sẽ chỉ có một số ít người được phép tham dự buổi lễ khánh thành và thánh hiến.

Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95.000 feet vuông ở Awali, một đô thị nhỏ ở trung tâm đất nước, có dân số 1,7 triệu người.

Ngoài nhà thờ, khu phức hợp rợp bóng cây cọ còn có một tòa nhà đa năng, sân trong và khu vực đậu xe hai tầng.

Bàn thờ, giếng rửa tội, băng ghế dài và các đồ nội thất khác của nhà thờ được làm thủ công ở Ý.

Nhà thờ có mái vòm hình bát giác, một chi tiết hình học mang tính biểu tượng sâu sắc có thể được nhìn thấy ở một số nhà thờ trên thế giới như Vương cung thánh đường San Vitale ở Ravenna, Ý và Nhà thờ Aachen của Đức.

Vua Hamad đã đích thân trình bày một mô hình chi tiết dài 3 foot của nhà thờ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014.

Năm 2011, Vatican chính thức công bố Đức Mẹ Ả Rập là quan thầy cho các giáo xứ Kuwait và Ả Rập.

Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.

Việc khánh thành nhà thờ diễn ra theo lời mời chính thức của Quốc vương Hamad mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Bahrain.

Sheikh Khalid bin Ahmed bin Mohammed Al-Khalifa, cố vấn của nhà vua về các vấn đề ngoại giao, đã đích thân chuyển lời mời khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào ngày 25/11 năm ngoái.

Thống kê của Vatican ước tính rằng có gần 80.000 người Công Giáo sống ở Bahrain, phần lớn đến từ Phi Luật Tân và Ấn Độ.
Source:Arab News
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với người dân Phi Luật Tân về việc cựu tổng thống Phi Luật Tân Ramos qua đời
Đặng Tự Do
17:01 12/08/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành” tới người dân Phi Luật Tân trước cái chết của cựu tổng thống Fidel Ramos.

“Khi biết tin cựu tổng thống Fidel Ramos qua đời, tôi gửi tới các bạn và người dân Phi Luật Tân lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi”. Đức Thánh Cha đã viết như trên trong thông điệp gửi đến Tổng thống Ferdinand Marcos, người vừa lên thay Rodrigo Duterte vào ngày 30 tháng 6 vừa qua.

“Nhớ đến năm tháng phục vụ đất nước của cố tổng thống và những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy các giá trị dân chủ, hòa bình và pháp quyền, tôi phó dâng linh hồn ông cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng”

Đức Giáo Hoàng đã cầu khẩn “các phước lành thiêng liêng cho sự an ủi và bình an” cho gia đình và tất cả những người thương tiếc sự ra đi của Ramos.

Hôm thứ Ba, ngày 9 tháng 8, Ramos, một người lính được coi là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của đất nước từ trước đến nay, đã được an táng tại Nghĩa trang các Anh hùng Quốc gia trong một lễ chôn cất đơn giản.

Một chiếc máy bay trực thăng quân sự bay thấp thả hoa khi một xe chở quan tài phủ cờ có chứa một chiếc bình đựng tro cốt của ông lăn qua khuôn viên nghĩa trang đầy cây lá, có hàng chữ thập trắng đánh dấu ngôi mộ của những người lính đã chết cũng được chôn cất tại khu vực này.

Tổng thống Marcos tham gia cùng người thân và góa phụ của cựu tổng thống khi chiếc bình đựng hài cốt được hỏa táng bằng bạc được hạ xuống đất sau và 21 phát súng đại bác.
Source:Licas News
 
Đức Hồng Y Michael Czerny vinh danh Edith Stein, kể câu chuyện của chính mình
Đặng Tự Do
17:02 12/08/2022


Hôm thứ Ba, một vị Hồng Y của Vatican đã đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày xảy ra vụ giết hại Edith Stein, một người Do Thái cải đạo sang Công Giáo. Ngài đã cử hành thánh lễ gần trại tử thần Auschwitz trước đây và kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của gia đình ngài và số phận của họ dưới thời Đức Quốc xã.

Đức Hồng Y Michael Czerny là một trong những vị Hồng Y có liên hệ mật thiết nhất với triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Là một tu sĩ Dòng Tên làm mục vụ tại El Salvador, Đức Hồng Y Czerny hiện lãnh đạo Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện chịu trách nhiệm về các danh mục ưu tiên của Đức Phanxicô là di cư, môi trường, phát triển và công bằng xã hội. Là một người Canada gốc Tiệp, Đức Hồng Y Czerny gần đây đã cùng với Đức Phanxicô có chuyến thăm quan trọng đến Canada để xin lỗi người dân bản địa về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành các các trường nội trú dành cho người bản địa.

Hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Czerny đã tưởng niệm ngày Edith Stein bị giết trong phòng hơi ngạt của Auschwitz bằng cách cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng Carmêlô gần đó ở Oswiecim, một thị trấn của Ba Lan từng bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong chiến tranh. Ở đó, ngài đã có một bài giảng kể lại câu chuyện của Stein và cách câu chuyện này giao thoa với câu chuyện của ngài và của những người thân của ngài, là những người đến từ Brno, thuộc Tiệp Khắc cũ.

Edith Stein là một người Đức gốc Do Thái sinh năm 1891 tại Breslau, nay là thành phố Wroclaw của Ba Lan, là người đã cải sang Công Giáo vào năm 1922 và trở thành một nữ tu. Cô gia nhập dòng Carmêlô ở Köln, nhưng được chuyển đến Hà Lan sau khi Đức Quốc xã tăng cường tấn công vào năm 1938. Cô bị bắt vào năm 1942 sau khi Hitler ra lệnh bắt giữ những người Do Thái và bị đưa đến trại Auschwitz, nơi cô bị giết vào ngày 9 tháng 8 năm 1942. Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho Stein là một vị tử đạo vào năm 1998 và phong cô ấy trở thành vị thánh bảo trợ của Âu Châu vào năm sau đó.

Đức Hồng Y Czerny, 76 tuổi, lưu ý rằng ngài và Thánh Stein chia sẻ “nguồn gốc Do Thái, đức tin Công Giáo, ơn gọi sống tu trì”, cũng như việc Thánh Stein và bà ngoại của Czerny, Anna Hayek, cùng tuổi và “có một kết thúc bi thảm tương tự. “

“Gia đình mẹ tôi - cả cha mẹ và hai anh em - cũng theo đạo Công Giáo nhưng có chung nguồn gốc Do Thái mà kẻ thù căm ghét. Bà ngoại của tôi là Anna, ông nội Hans và các chú của tôi là Georg và Carl Robert, tất cả đều bị giam giữ ở Terezín, nơi ông nội tôi đã chết,” Đức Hồng Y Czerny nói, khi đề cập đến trại tập trung Theresienstadt ở Tiệp Khắc cũ.

“Bà và các chú của tôi đã được chở đến trại Auschwitz. Từ đây các chú của tôi bị đưa đến các trại lao động và cuối cùng bị sát hại ở đó,” ngài nói.

Bà nội của ngài qua đời vì bệnh sốt vào năm 1945, nhưng gia đình không có dấu vết về nơi bà được chôn cất.

Mẹ của Đức Hồng Y Czerny, một người Công Giáo đã được rửa tội, bị buộc phải làm công việc nông trại trong chiến tranh vì tổ tiên là người Do Thái và bị bỏ tù ở Theresienstadt và Leipzig trong 20 tháng; cha ngài buộc phải đi làm thuê vì ông không chịu ly hôn với bà. Năm 1948, họ chuyển đến Canada tị nạn với cậu bé Michael, sinh năm 1946, và anh trai của cậu.

Đức Hồng Y Czerny đã thay mặt Đức Phanxicô có những chuyến thăm nhân đạo để trợ giúp cho những người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine. Ngài cho biết ngài rất vinh dự được kỷ niệm Thánh Stein trong năm chiến tranh này khi Nga đang gây ra chiến tranh mà ngài nói rằng điều đó “thúc giục chúng tôi ghi nhớ”mãnh liệt hơn

“Tưởng nhớ Thánh Edith và Bà Anna của tôi cùng với sáu triệu người khác, chúng ta thương tiếc và cầu xin cho chúng ta đừng. Thông qua sự chuyển cầu của họ, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới.”
Source:AP
 
Các người Công Giáo Đức muốn mở rộng các vai trò giáo dân, khoan dung hơn với những người bất đồng
Vũ Văn An
17:15 12/08/2022

Theo Elise Ann Allen của tập san CruxNow, trong một báo cáo mới tóm tắt các kết luận của diễn trình tham khảo quốc gia giữa những người Công Giáo Đức, các giám mục của đất nước nêu rõ lòng mong muốn được thấy Giáo Hội bao gồm phụ nữ và giáo dân nhiều hơn, cũng như những người không đồng ý về một số giáo huấn luân lý nào đó.



Với tiêu đề “Vì một Giáo hội đồng nghị - cộng đồng, tham gia và sứ mệnh”, báo cáo tóm tắt các kết luận của “Đường lối Đồng nghị” của Hội đồng Giám mục Đức gửi tới Thượng hội đồng Giám mục ở Rôma, trước Thượng hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị tại Vatican vào năm tới.

Bản dịch tiếng Anh của báo cáo có thể được tìm thấy tại đây: www.dbk.de/fileadmin/redaktion/diverse_downloads/presse_2022/2022-114eng-Report-of-the-German-Bishops-Conference-to-the-World-Synod-of -Bishops-2023.pdf

Báo cáo dài 13 trang được chia thành hai phần, phần đầu phản ảnh kinh nghiệm của chính nước Đức với các cuộc tham khảo đồng nghị được thực hiện ở cấp giáo phận và tổng giáo phận, cũng như cấp quốc gia của hội đồng giám mục.

Phần thứ hai tóm tắt phản hồi từ cuộc tham khảo này về 10 chủ đề đã được liệt kê trong thủ bản chính thức dành cho việc tham khảo tại các Giáo Hội địa phương, gọi là “Thủ bản cho Thượng hội đồng về Tính đồng nghị”.

Trong số những điều khác, báo cáo lưu ý rằng các phụ nữ, thanh niên và tín hữu thuộc Giáo Hội, nhưng có quan điểm khác về các vấn đề như hôn nhân đồng tính, ngừa thai và phá thai, thường cảm thấy bị “gạt ra ngoài lề” bởi các cộng đồng Giáo Hội của họ, và cần có thêm không gian để nghe các tiếng nói của họ.

Báo cáo cũng ủng hộ việc giáo dân nói chung, đặc biệt là phụ nữ, có vai trò lớn hơn trong một số cử hành phụng vụ, chẳng hạn như lễ rửa tội và tang lễ, trong đó họ cho rằng nên cho phép phụ nữ và giáo dân nói chung có nhiều không gian hơn để giải thích sách thánh.

Người ta cũng đề nghị rằng giáo dân được trao một vai trò lớn hơn trong việc quản lý giáo xứ của họ, cũng như có tiếng nói trong việc chọn mục tử của họ.

Các giám mục Đức viện dẫn rằng việc tham dự Thánh lễ ngày càng giảm, việc tham gia vào các hội đồng giáo xứ cũng như các hiệp hội Công Giáo khác giảm dần và sự sụt giảm doanh thu sau đó từ hệ thống thuế nhà thờ của Đức, là một trong những lý do chính để tổ chức con đường đồng nghị của họ.

Được phát động trong nỗ lực hồi sinh Giáo Hội Công Giáo ở Đức và khôi phục lòng tin tiếp theo việc công bố một báo cáo do Giáo Hội ủy quyền vào tháng 9 năm 2018 nêu chi tiết hàng nghìn trường hợp lạm dụng tình dục bởi các linh mục Công Giáo trong suốt sáu thập niên, con đường đồng nghị chủ yếu nhằm vào việc trao cho giáo dân một vai trò nổi bật hơn trong việc điều hành Giáo Hội.

Phần lớn các cuộc thảo luận đã diễn ra trong một loạt các cuộc họp lớn thu hút cả giáo dân lẫn giám mục.

Trong báo cáo của mình, các giám mục Đức nhấn mạnh rằng phạm vi chính của diễn trình là “giải quyết các nguyên nhân có hệ thống của việc lạm dụng và sự che giấu của nó, để Tin Mừng có thể được công bố một cách đáng tin cậy một lần nữa trong tương lai.”

Các ngài nhấn mạnh rằng “tính liên tục của giáo huấn và sự hiệp thông của giáo hội hoàn vũ phải được duy trì trong diễn trình này.”

Tuy nhiên, con đường đồng nghị ngày càng trở nên gây tranh cãi vì bao gồm các nhà thần học và chuyên gia nói thẳng, những người ủng hộ việc đi ngược lại với một số giáo huấn phổ quát nào đó, kêu gọi phụ nữ được thụ phong linh mục và để các linh mục ban phép lành cho các cặp đồng tính.

Cũng đã có những phiếu bầu trong con đường đồng nghị ủng hộ việc loại bỏ chế độ độc thân linh mục vốn có tính bắt buộc và cho phép các giáo sĩ kết hôn, và tuyên bố rằng hôn nhân đồng tính không phải là tội lỗi. Diễn trình này cũng khẳng định rằng giáo dân có tiếng nói lớn hơn trong việc bầu chọn các giám mục.

Giáo Hội Công Giáo với 22 triệu người của Đức có ảnh hưởng quá cỡ đến các vấn đề của giáo hội nhờ sự giàu có của nó, phần lớn phát xuất từ các khoản tiền thu được như một phần của hệ thống thuế nhà thờ của Đức.

Tháng trước, Vatican đã đưa ra một tuyên bố không ký tên cảnh cáo rằng con đường đồng nghị của Đức có nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất của Giáo Hội và cam kết này thiếu thẩm quyền để buộc các giám mục phải thay đổi về tín lý hoặc luân lý.

Đáp lại tuyên bố của Vatican, những người tổ chức con đường đồng nghị, trong đó có Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, cho biết họ "ngạc nhiên" trước lời khiển trách, nhưng đã tái khẳng định thẩm quyền của giám mục trong việc đưa ra các quyết định mục vụ của mình trong lãnh thổ riêng của mình, và bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, những vấn đề gây tranh cãi có thể được thảo luận trong một bối cảnh chính thức hơn.

Bätzing cũng cho biết những đề xuất cải cách của con đường đồng nghị sẽ được đệ trình lên Thượng hội đồng Giám mục hoàn cầu về Tính đồng nghị, hiện đang diễn ra trong ba giai đoạn, và sẽ lên đến cao điểm với cuộc tập họp đông đảo các giám mục ở Rome vào năm 2023.

Trong phần tóm tắt của các ngài, các giám mục Đức cho biết các báo cáo từ các giáo phận cho thấy những người đã rời bỏ Giáo Hội và những người “bị loại khỏi các chức vụ hoặc thừa tác vụ của Giáo Hội,” bao gồm cả đàn bà và đàn ông đã kết hôn, cũng cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, cũng như những người “không thuộc tầng lớp trung lưu có học thức”, chẳng hạn như người di cư và những người bị ảnh hưởng bởi nghèo đói.

Bản báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, cả những lời chỉ trích, nói rằng việc lắng nghe các tín hữu, “cũng như các dấu chỉ của thời đại, được coi là nền tảng của diễn trình đồng nghị”.

Theo báo cáo, các tín hữu cũng muốn Giáo Hội tham gia nhiều hơn vào các chủ đề nóng bỏng như công bằng xã hội, nghèo đói, biến đổi khí hậu, di cư, các vấn đề hòa bình và tích cực hơn trên mạng xã hội.

Từ góc độ bên ngoài, Giáo Hội bị các phương tiện truyền thông coi “như được khảm xà cừ, quá phẩm trật và lỗi thời”, báo cáo cho biết như thế, thêm rằng giáo dân - đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và tình nguyện viên - “muốn làm cho họ được truyền thông biết đến như tiếng nói của Giáo Hội cùng một cách như các giám mục của họ.”

Tín hữu cũng bày tỏ mong muốn có một cuộc thảo luận chân thành và cởi mở với các nhà lãnh đạo của họ “mà không phải lo lắng” về các chủ đề liên quan đến tình dục vốn được nhiều người coi là “cấm kỵ”, chẳng hạn như ngừa thai, phá thai và hôn nhân đồng tính.

Báo cáo cho rằng “Các nhà thần học sợ bị thu hồi giấy phép giảng dạy nếu họ đưa ra những tuyên bố có sắc thái, cởi mở,” trong khi giáo dân thường “cảm thấy thấp kém và thường không được các giáo sĩ và những người khác có nền tảng thần học hiểu biết về khả năng lên tiếng và có tiếng nói”.

Các giám mục cho biết phản hồi mà các ngài nhận được cho thấy "phụng vụ phẩm chất cao" đang được cử hành ở tất cả các giáo phận của Đức, nhưng với sự suy giảm về số lượng tham dự Thánh lễ và số lượng linh mục, có một sự thiếu nối kết giữa cuộc sống hàng ngày và Thánh lễ Chúa nhật.

Các giám mục nói rằng, “Cần có sự giải thích các nghi thức, một ngôn ngữ cụ thể, dễ hiểu, để chúng được thực hiện theo cách liên quan đến thực tại cuộc sống của người ta, nhằm chống lại tình trạng 'mù chữ phụng vụ' phổ biến".

Để đạt được mục tiêu này, các ngài cho biết một số đề xuất đã được đưa ra để tạo nên “một thừa tác giảng giải do giáo dân thực hiện”, cũng như “cải cách sách bài đọc, các buổi lễ bằng ngôn ngữ đơn giản, văn hóa chào đón, thu hẹp khoảng cách giữa cung thánh và cộng đoàn”.

Các giám mục cho biết các yêu cầu đã được đưa ra đối với các cử hành phụng vụ do “phụ nữ, thanh niên và tình nguyện viên được đào tạo thích hợp” dẫn đầu. Các ngài nói rằng những cử hành phụng vụ này bao gồm cử hành Lời Chúa, Giờ Kinh Phụng vụ, tang lễ và các buổi phụng vụ kỹ thuật số.

Báo cáo viết, “Kinh nghiệm từ các giáo phận cho thấy những hình thức phụng vụ này giúp việc tham gia tích cực hơn (hơn là trong Bí tích Thánh Thể được tri nhận như là tập trung vào vị linh mục). Chúng cũng giúp đặc sủng của phụ nữ, chẳng hạn, được mang vào việc công bố và giải thích Sách Thánh”.

Theo báo cáo, các cử hành phụng vụ như vậy “phải được mở rộng vì chúng giữ cho đời sống thờ phượng được sống động ở những nơi mà linh mục không còn có thể có mặt được nữa.”

Các giám mục cho biết cũng có những yêu cầu rõ ràng về việc hỗ trợ hôn nhân và lễ rửa tội được thực hiện bởi giáo dân, và nói, "Nhìn chung, sự đa dạng nhiều hơn được kêu gọi cho cả các hình thức thờ phượng thay thế và truyền thống để thu hút các nhóm tín hữu khác nhau."

Ở bình diện tổng quát, báo cáo cho biết cách tiếp cận “từ trên xuống” của Giáo Hội để đưa ra quyết định đã bị chỉ trích bởi các tín hữu, những người kêu gọi chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn và đề nghị nên mở rộng vai trò phó tế.

Báo cáo cho biết, phụ nữ, thanh niên và tình nguyện viên đặc biệt quan tâm đến việc thiếu sự tham gia của họ vào đời sống Giáo Hội và dẫn lời một người nói: “Chúng tôi không muốn quyết định chỉ được đưa ra về chúng tôi, mà là với chúng tôi”.

Họ đề nghị thay đổi thái độ, cũng như thay đổi cơ cấu liên quan đến sự tham gia, tính minh bạch, trong việc lựa chọn giám mục và bổ nhiệm các linh mục quản xứ địa phương, cũng như giới hạn thời gian cho các chức vụ và nhiệm vụ, kiểm soát quyền lực và thực thi quyền lực và việc phát hiện và trừng phạt những hành vi lạm quyền khi chúng xảy ra.

Báo cáo cũng kêu gọi để phụ nữ tham gia đầy đủ vào cuộc họp của Thượng hội đồng về Tính đồng nghị ở Vatican vào năm tới và được trao quyền biểu quyết trong bối cảnh đó.

Trong báo cáo, các giám mục của Đức cho biết nhiều yêu cầu đã được đưa ra để các linh mục “được miễn quyền lãnh đạo giáo xứ” ở bình diện hành chính, cho phép các ngài tập trung vào các bí tích và vai trò mục tử của các ngài, cho phép giáo dân có năng lực thực hiện các vai trò hành chính.

Báo cáo kết thúc với phần trích dẫn từ một người đã cung cấp phản hồi và người này nói rằng nếu các nhà lãnh đạo Giáo Hội muốn khôi phục lòng tin, “các giám mục cần phải có chủ trương rõ ràng về các vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta, chẳng hạn như quyền bình đẳng cho tất cả những người đã được rửa tội được đảm nhận các văn phòng Giáo Hội, đánh giá lại luân lý tình dục và cách tiếp cận không phân biệt đối xử với những người đồng tính và lạ [queer] tính. "

Người này nói rằng “Có một chủ trương rõ ràng cũng có nghĩa là nói một ngôn ngữ mà người ta có thể hiểu và điều đó không nấp sau những từ ngữ phức tạp”.

Về các vụ tai tiến lạm dụng, người này nói, “cần phải có sự chấp nhận trách nhiệm một cách rõ ràng; quyền lực cần phải được kiểm soát và nỗ lực để phục hồi các nạn nhân của lạm dụng tình dục và tinh thần. "

Các ngài nói rằng, một Giáo Hội đồng nghị, “chỉ có thể thành công nếu tất cả các tín hữu được đảm nhận trách nhiệm và tham gia vào các quyết định ở cấp giáo xứ và giáo phận.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
TGP. Huế Chuẩn Bị Ngày Hành Hương Thường Niên 14 & 15 / 8 / 2022
Tôma Trương Văn Ân
10:06 12/08/2022
Trong 2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khiến việc hành hương tại Trung tâm Thánh mẫu La Vang phải tạm ngưng, đoàn con cái Đức Mẹ chỉ biết hướng lòng về Mẹ La Vang qua các Thánh lễ trực tuyến.

Xem Hình

Năm nay, khi đại dịch tạm kiểm soát được tại Việt nam, Con cái Mẹ khắp nơi, từ đầu tháng 8-2022 đã hành hương về Linh địa La Vang, và trong hai ngày lễ chính, Thánh lễ khai mạc lúc 16 giờ 30 ngày 14 và kết thúc sáng 15.8.2022, chắc chắn số lượng người đến hành hương sẽ rất đông. vì vậy Ban tổ chức gấp rút chuẩn bị chu đáo từ khâu hậu cần đến các nghi thức phụng vụ. chủ đề của dịp hành hương năm nay là: MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG HIỆP HÀNH.

Được Ban tổ chức cho biết: Tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, sẽ có dâng hoa, thuyết trình, diễn nguyện, thức cùng với Mẹ. Các Thánh Lễ Khai mạc và bế mạc sẽ diễn ra tại Lễ Đài trước tiền sảnh Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Tôma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh niềm hy vọng ủi an.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:03 12/08/2022
Hình ảnh niềm hy vọng ủi an.

Nhân loại đang sống trong hoang mang lo sợ, vì bệnh đại dịch lây lan truyền nhiễm kéo dài từ hơn hai năm nay, rồi chiến tranh lúc này bên đất nước Ukraina gây cảnh tàn phá tử vong, bỏ quê hương xứ sở di cư đi tỵ nạn, đời sống tinh thần văn hóa cùng kinh tế xuống dốc, chao đảo xáo trộn mất an ninh... Và bây giờ tình trạng khí hậu thiên nhiên, môi trường đời sống trong vũ trụ cành lúc càng nóng lên, nước trở nên khan hiếm, rừng cây bị cháy bị tàn phá hủy hoại, đời sống kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề…là đề tài nóng bỏng thời sự, là nỗi lo âu to lớn của nhân loại khắp hoàn cầu.

Trong hoàn cảnh như thế, con người đi tìm kiếm bến bờ niềm an ủi hy vọng không chỉ cho đởi sống lúc này, nhưng họ còn có tâm tình suy nghĩ tin tưởng sâu xa hơn nữa: một đời sống bên kia sau quãng đời trên trần gian! Họ trông mong một đời sống thiên đàng bên kia thế giới trần gian này…

Khi đọc kinh lần chuỗi mân côi, nơi chặng thứ năm mùa Mừng có lời suy ngắm cầu xin: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

Lời suy niệm cầu xin này diễn tả tâm tình mừng kính Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời hồn xác sau cuộc sống trên trần gian, mà Giáo hội mừng lễ này hằng năm vào ngày 15. Tháng Tám giữa mùa hè nóng bức.

Con người được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, sinh thành tác tạo cho sống trên trần gian có giới hạn về thời gian sinh sống. Vì thế, tâm hồn con người, nhất là người tín hữu Chúa Kitô, có suy nghĩ hướng về một đời sống sau này trên trời.

Nhưng hình ảnh trời được hiểu như thế nào? Phải chăng đến một lúc nào đó trong đời sống trời bỗng dưng ụp xuống trên ta?

Theo trí tưởng tượng Trời được vẽ trình bày là một không gian xa xôi tận trên cao, vượt xa khỏi tầm nhìn của con mắt vươn tới, cùng cả trí hiểu biết tưởng tượng ra nữa. Trời có chiều kích không gian luôn ẩn hiện trong tâm trí đầu óc con người.

Theo đức tin Kiô giáo, Trời thể hiện cụ thể với hình hài nơi thân thể của Đấng đã từ trời cao xuống trần gian làm người ở thành Nazareth bên nước Do Thái từ trước đây hơn hai ngàn năm: Chúa Kitô Giesu, Con Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô Giesu, Thiên Chúa ở giữa con người trần gian. Trời cao đã xuống sinh sống với con người trần gian.

Thiên Chúa nơi Chúa Giesu Kitô đã chia sẻ thân phận nếp sống với con người, để con người trần thế có được đời sống không còn bị là nô lệ cho tội lỗi nữa. Chúa Giêsu Kitô mang đến sự bình an, niềm vui và sự sống cho con người trần gian.

Chúa Giêsu Kito đến trần gian không phải để nhân danh Thiên Chúa luận tội kết án, nhưng để cứu độ trần gian cho khỏi hình phạt của tội lỗi. Vì thế con người không cần hoài nghi lo âu đến một lúc nào đó trời bỗng dưng ụp xuống trên thân thể. Trời đang ở giữa trần gian.

Hằng năm người tín hữu Chúa Kitô mừng kính lễ Đức Mẹ Maria về trời, sau quãng đường đời sống trên trần gian. Đức Mẹ Maria là con người tiên khởi, trong số những người đã đi vào giấc ngủ ngàn thu, được Thiên Chúa cất nhắc đưa về trời cả hồn lẫn thân xác.

Đức Mẹ Maria đã đạt tới đích điểm về tới trời, đó là niềm tin của chúng ta, và cũng nói lên niềm hy vọng sau cuộc sống giới hạn trên trần gian, con người cũng được Thiên Chúa cứu độ thâu nhận như Đức Mẹ: xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng!

Lễ mừng kính Đức Mẹ Maria về trời là lễ của tất cả mọi tín hữu tin theo Chúa Giêsu Kitô, với niềm trông mong, sau quãng đời hành trình trên trần thế, cũng được Thiên Chúa cứu độ cho về trời như Đức Mẹ Maria.

Như Đức Mẹ Maria đã bước qua ngưỡng cửa sự chết nghìn thu sang vào sự sống, con người chúng ta cũng xin được như vậy. Đức Mẹ Maria đã trở nên hình ảnh dấu chỉ niềm hy vọng an ủi cho con người.

Trời cao đã không ụp xuống trên Đức Mẹ Maria. Nhưng Đức Mẹ đã cưu mang Trời cao là Chúa Giesu Kitô ngay trong cung lòng mình. Lời xin vâng bằng lòng cho chương trình như ý Thiên Chúa muốn thực hiện đã khiến Maria trở thành mẹ của con Thiên Chúa, Đấng từ trời cao xuống trần gian làm người với thân xác hình hài một con người giữa trần gian.

Con người có thể gặp được trời ngay trong đời sống. Đức giáo haòng Benedictô 16. đã có suy niêm:” Trời không phải là một nơi chốn vượt xa khỏi trên những vì tinh tú. Trời là điều gì lớn lao hơn nhiều. Qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đinh và đã sống lại, con người có chỗ ở nơi Thiên Chúa…Có Thiên Chúa là có trời.”

Trong Chúa Giêsu Kitô trời đã xuống trần gian, để con người qua gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô tìm được trời và sự sống cho tương lai mai sau.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác về trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Sân bay Nga ở Belarus nổ lớn. Nga mất 24 chiếc Su-35, mỗi chiếc 85 triệu USD. Du khách Nga bỏ chạy
VietCatholic Media
03:04 12/08/2022


1. Tám vụ nổ tại Sân bay Belarus, nhà độc tài vội vã trấn an người dân

Sân bay quân sự ở Belarus, nơi các máy bay Nga được cho là đóng quân, được cho là đã xảy ra ít nhất là 8 vụ nổ.

Trích dẫn các nhân chứng, kênh tin tức Hajun của Belarus, một kênh truyền thông xã hội theo dõi cuộc chiến Ukraine, đã tweet rằng đã có “ít nhất tám vụ nổ” vào đêm hôm thứ Tư gần sân bay Ziabrovka, trong vùng Gomel.

Xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước vào hôm thứ Năm 11 tháng 8, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko phủ nhận tin tức này, và nói rằng vào khoảng 11 giờ đêm theo giờ địa phương “một chiếc xe đã bị bốc cháy sau khi động cơ của nó được thay thế” và không có ai bị thương. Theo nhà độc tài “vấn đề chỉ có như thế mà thôi”.

Đáp lại, kênh tin tức Hajun tiếp tục tweet một video về một trong những vụ nổ được quay ở khoảng cách 16 dặm từ sân bay “cho thấy một tia sáng lớn trong một vụ cháy các máy bay”.

Hãng thông tấn độc lập Meduza đưa tin rằng các hình ảnh vệ tinh được chụp vào cuối tháng 6 đã chỉ ra sự hiện diện của các thiết bị quân sự Nga tại Ziabrovka, giáp với vùng Chernihiv của Ukraine. Các nhà báo Belarus cũng đã theo dõi chuyển động của các thiết bị này kể từ mùa xuân.

Vào ngày 7 tháng 7, các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Belarus đã chuyển giao sân bay cho Nga và “các biện pháp đang được thực hiện để trang bị cho căn cứ quân sự của Nga” ở đó.

Bộ Quốc phòng Belarus trước đó thông báo rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được tổ chức từ ngày 9/8 đến ngày 25/8, mặc dù các địa điểm chính xác không được nêu tên và không rõ liệu các vụ nổ có liên quan đến những cuộc tập trận này hay không.

Franak Viačorka, cố vấn cấp cao của lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, đã tweet rằng đã có “ít nhất tám vụ nổ” tại sân bay gần biên giới Ukraine, nơi “máy bay quân sự Nga thường đóng quân.”

Ông nói thêm rằng “cho đến nay, không có xác nhận liệu những vụ nổ này có liên quan đến bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào do quân đội Nga và Belarus tiến hành trên lãnh thổ Belarus hay không.”

Ukraine cho rằng các vụ nổ được báo cáo có thể được thực hiện bởi những người Belarus đang hỗ trợ lực lượng của Kyiv.

Yuriy Ignat, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói với Belsat TV: “Chúng tôi biết rằng họ là những người cực kỳ tốt bụng và thông minh, những người đã giúp đỡ nhà nước của chúng tôi... rất tốt.”

“Và chúng tôi chỉ cảm ơn những người dân Belarus anh em, những người sẽ giúp Ukraine đánh bại quân xâm lược và đuổi chúng ra khỏi đất của chúng tôi. Và ra khỏi quê hương của các bạn nữa,” Yuriy Ignat nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Belarus và Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người nắm giữ quyền lực bất chấp cuộc bầu cử năm 2020 bị quốc tế lên án là gian lận, đã dựa vào Vladimir Putin để giữ ông ta tại vị. Ông đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ của đất nước mình để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.

Ngay sau khi chiến tranh bắt đầu, người Belarus đã tham gia vào các hành động phá hoại các tuyến đường tiếp tế quan trọng của Nga.

Đây không phải là căn cứ không quân đầu tiên của Nga bị tấn công trong tuần này. Hôm thứ Ba, căn cứ không quân Saki ở Crimea do Nga chiếm đóng đã bị tấn công. Kyiv chưa công khai nhận trách nhiệm, nhưng các lực lượng vũ trang Ukraine đã chế nhạo Nga về vụ tấn công.

2. Nga mất 24 máy bay chiến đấu tốt nhất của mình, chuyển sang máy bay lỗi thời

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 12 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng Nga đang phải chuyển sang sử dụng các máy bay chiến đấu “lỗi thời” sau khi nước này mất khoảng hai chục máy bay Su-35 trong cuộc tấn công liên tục vào Ukraine.

Trong các ngày qua, Nga đã bắt đầu sử dụng máy bay ném bom Su-24M “cũ” sau khi lực lượng của Mạc Tư Khoa mất “hai phi đội” SU-35 trong cuộc chiến.

“Máy bay SU-35 cũng cho thấy kém phẩm chất. Trong cuộc xâm lược toàn diện, quân xâm lược Nga đã mất hai phi đội máy bay như vậy — đó là khoảng 24 chiếc,” Chuẩn tướng Oleksiy Hromov cho biết như trên.

Mỗi chiếc SU-35 giá khoảng 85 triệu Mỹ Kim. Trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, SU-35 được coi là niềm tự hào trong ngành công nghiệp quân sự của Nga. Huyền thoại này đã sụp đổ.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa, theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, thu hút sự lên án nhanh chóng và rộng rãi của quốc tế. Mặc dù Putin và các cố vấn của ông tin rằng họ có thể nhanh chóng giành quyền kiểm soát và lật đổ chính phủ ở Kyiv, cuộc tấn công ban đầu đã bị quân đội Ukraine và những người dân bình thường chống lại hành động xâm lược đẩy lùi.

Chuẩn tướng Oleksiy Hromov nói thêm rằng rằng độ chính xác trong các cuộc không kích gần đây của Không Quân Nga là rất thấp, vì các phi công của họ được tường trình muốn tránh bị bắn hạ.

“Máy bay và máy bay trực thăng của kẻ thù tránh bay vào phạm vi phòng không của chúng tôi, và do đó độ chính xác của các cuộc tấn công này thấp”, vị tướng này cho biết.

Mạc Tư Khoa tiếp tục nói rằng “hành động quân sự” của họ ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, mặc dù họ đã phải thu hẹp đáng kể các mục tiêu ban đầu. Các lực lượng của Putin hiện đang tập trung nỗ lực trong phạm vi hẹp hơn vào khu vực Đông Nam Donbas trong những tháng gần đây, sau khi không đạt được tiến bộ đáng kể trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến.

Putin và các nhà lãnh đạo khác của Điện Cẩm Linh nói rằng cuộc xâm lược của họ là cần thiết để “phi Quốc Xã hóa” Ukraine, mà tổng thống, Volodymyr Zelenskiy, là người Do Thái và được bầu với gần 3/4 số phiếu bầu vào năm 2019. Vào thời điểm đó, thủ tướng Ukraine cũng là Do Thái. Các thành viên của gia đình Zelenskiy đã chết trong Holocaust.

Hôm thứ Tư, các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết rằng 9 máy bay quân sự của Nga đã bị phá hủy tại một căn cứ ở Crimea. Crimea được công nhận là một phần của Ukraine theo luật pháp và các hiệp ước quốc tế, nhưng Mạc Tư Khoa đã sáp nhập khu vực này vào năm 2014; và Nga cũng hậu thuẫn cho các phiến quân ly khai ở các khu vực phía đông Ukraine. Nga bác bỏ thông tin cho rằng các chiếc máy bay đã bị phá hủy.

Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis, người trước đây từng là Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu, mô tả việc phá hủy chín chiếc máy bay là một “bước đi lớn” đối với Ukraine trong các bình luận với MSNBC. Stavridis cũng nói rằng Nga thực sự hốt hoảng khi Ukraine có thể tấn công một căn cứ Không Quân ở sâu trong hậu phương, cách xa giới tuyến đến 160km trong bối cảnh đang “chuẩn bị cho các hoạt động tấn công ở phía nam.”

Vào giữa tháng 7, quân đội Ukraine thông báo rằng họ đã bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu Su-35 gần thành phố Nova Kakhovka. Video máy bay bị bắn rơi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đoạn video cho thấy chiếc máy bay phản lực lao xuống một cánh đồng và phát nổ khi va chạm, tạo ra những đám khói đen dày đặc bốc lên không trung.

Lực lượng của Kyiv đã được hỗ trợ rất nhiều trong các nỗ lực phòng thủ của họ bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao hay HIMARS do Mỹ gửi đến như một phần của viện trợ quân sự hàng tỷ đô la. Các đồng minh của Mỹ và NATO đã tập hợp lại phía sau Ukraine, cung cấp hỗ trợ nhân đạo đáng kể cũng như vũ khí. Theo một số nhà phân tích quân sự, HIMARS đã trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến tại Ukraine.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thất bại

Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã nói rằng Vladimir Putin bây giờ khó có thể thành công trong việc chiếm đóng Ukraine.

Ben Wallace nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã “chùn bước” và “bắt đầu thất bại”, khi ông cam kết hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và quân sự cho Ukraine.

Đan Mạch đã cùng với Vương quốc Anh cung cấp nhiều viện trợ hơn cho Ukraine tại một hội nghị ở Copenhagen vào hôm thứ Năm, do Wallace đồng tổ chức. Bộ trưởng Quốc phòng cho biết điều quan trọng là phải hiểu rằng giao tranh và thiệt hại về nhân mạng vẫn đang diễn ra, nhưng nói thêm rằng Nga đã “bắt đầu thất bại trong nhiều lĩnh vực”.

“Cho đến nay, họ đã thất bại và khó có thể thành công trong việc chiếm Ukraine. Cuộc xâm lược của họ đã chùn bước và liên tục được sửa đổi lại đến mức họ chỉ thực sự tập trung vào các phần phía nam và phía đông, đó là một biến tấu rất khác, rất xa so với cái gọi là cuộc hành quân đặc biệt kéo dài ba ngày của họ”.

“Ba ngày bây giờ là hơn 150 ngày và gần sáu tháng, với thiệt hại đáng kể lớn về cả thiết bị và thực sự là các binh sĩ của Nga”.

Ông nói thêm:

“Tổng thống Putin đã đánh cược rằng cùng lắm là đến tháng 8, sau vài tháng của cuộc chiến, tất cả chúng ta sẽ cảm thấy nhàm chán với cuộc xung đột và cộng đồng quốc tế sẽ đi theo những hướng khác nhau. Hôm nay là bằng chứng cho điều ngược lại.

Chúng ta bước ra khỏi cuộc họp này với nhiều cam kết tài chính hơn, nhiều cam kết đào tạo hơn và nhiều cam kết viện trợ quân sự hơn, tất cả đều được thiết kế để giúp Ukraine giành chiến thắng, giúp Ukraine đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình và thực sự để bảo đảm rằng tham vọng của Tổng thống Putin phải thất bại ở Ukraine”.

4. Các quan chức Ukraine nhận định rằng Nga phát triển 'chiến thuật mới' để chống lại HIMARS của Mỹ

Theo một quan chức Ukraine, Nga đang phát triển một “chiến thuật mới” để chống lại tác động của Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp khiến quân đội Nga rơi vào “tình trạng tuyệt vọng”.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với Sky News trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm rằng chiến thuật mới này được gọi là “phân tán”.

Ông nói: “Bây giờ họ ít xếp đạn vào cùng một chỗ hơn. Nhưng nó không giúp được gì cho họ.”

16 hệ thống HIMARS đã được gửi đến đất nước bị chiến tranh tàn phá, đã thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây vì thành công được báo cáo của họ trong các cuộc không kích chống lại Nga. Hàng chục kho đạn của Nga nằm trong số các mục tiêu mà Ukraine cho biết đã phá hủy, làm sáng tỏ lý do tại sao Nga có thể cố gắng phân tán đạn của mình.

Theo nhà sản xuất HIMARS Lockheed Martin, các hệ thống này có phạm vi “được công nhận và chứng minh” lên đến 300 km, tương đương khoảng 186 dặm và có thể mang lại “các cuộc tấn công chính xác tầm xa, nhanh chóng”. Tập đoàn cho biết, các loại bom, đạn đang trong quá trình phát triển sẽ có thể cung cấp tầm bắn lớn hơn 499 km, khoảng 310 dặm, trong tương lai.

Danilov nói với Sky News rằng binh lính Nga “sợ hãi” vũ khí này.

“Đầu tiên, họ không biết hỏa tiễn sẽ bay từ đâu, họ không thể đánh chặn chúng,” ông nói. “Họ rơi vào trạng thái thôi miên.”

Theo Danilov, thành công của Ukraine với HIMARS là “bất ngờ” đối với Nga, đến mức từ HIMARS “là một từ đồng nghĩa với từ “cái chết”

Gói hỗ trợ an ninh mới nhất của Mỹ cho Ukraine, trị giá 1 tỷ USD, bao gồm đạn HIMARS bổ sung. Trong một thông cáo của Ngũ Giác Đài hôm thứ Hai, Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách, giải thích rằng Ukraine đã thành công trong việc sử dụng một loại vũ khí HIMARS, cụ thể là Hệ thống Hỏa tiễn Phóng hàng loạt GMLRS, để chống lại Nga.

“Bản thân các loại bom, đạn, GMLRS này… đang có ảnh hưởng rất sâu sắc,” ông nói. “Đây là một đầu đạn nặng 200 pound, nó tương đương với một cuộc không kích, thành thật mà nói - một cuộc không kích được dẫn đường chính xác. Đây là những loại bom, đạn được dẫn đường bằng GPS. Họ đã rất hiệu quả trong việc đánh vào những thứ mà trước đây người Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh một cách đáng tin cậy. “

5. Cầu Crimea kẹt xe khi người Nga chạy trốn sau vụ nổ căn cứ không quân Saki

Sergei Aksyonov, người được Nga bổ nhiệm cai quản Crimea đã lên tiếng kêu gọi mọi người bình tĩnh sau khi có các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người Nga đi nghỉ hè ở Crimea đã hốt hoảng bỏ chạy khỏi bán đảo này sau các vụ nổ tại một căn cứ không quân Saky trong khu vực mà Mạc Tư Khoa chiếm giữ của Ukraine từ năm 2014.

Khói đen từ căn cứ không quân Saki nằm ở phía tây bán đảo có thể nhìn thấy từ các bãi biển đông đúc gần đó sau cuộc tấn công hôm thứ Ba mà người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, Sergei Aksyonov, cho biết đã khiến một người chết và 14 người bị thương.

Vụ nổ làm dấy lên làn sóng chạy khỏi khu vực vốn là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nhiều năm qua với video quay cảnh những người lái xe qua cầu Kerch nối Crimea với lãnh thổ Krasnodar của Nga.

Trong một đoạn video, một người phụ nữ bày tỏ lòng biết ơn rằng chiếc xe của cô ấy ít nhất cũng đang di chuyển dù trong tình trạng ùn tắc giao thông, mặc dù cô ấy đã khóc lóc than thở về việc mình phải rời Crimea như thế nào.

Một sĩ quan quân đội Nga Trung úy Kizhe, đã tung lên Twitter một video về cảnh kẹt xe khi mọi người đang cố hết sức bỏ chạy khỏi Crimea. Đến sáng thứ Năm, video này đã được xem hơn nửa triệu lần. Không giấu được sự bực tức, Trung úy Kizhe viết:

“Cuộc hành quân đặc biệt. Mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Người Nga đang chạy trốn khỏi Crimea, trên các con đường tắc nghẽn giao thông kinh hoàng.”

Cho đến nay, Nga vẫn bác bỏ các thiệt hại trong cuộc tấn công vào sân bay. Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tiếp tục khẳng định rằng không có máy bay nào bị phá hủy hay hư hỏng, bất chấp các không ảnh từ các nguồn độc lập cho thấy ít nhất 8 chiếc máy bay Nga đã bị phá hủy hay hư hại rất nặng.

Hãng tin Live Kuban đã mô tả cách cư dân Krasnodar phải đối mặt với sự kiểm tra của cơ quan thực thi pháp luật và xe hơi bị kẹt trong một vụ tắc đường “không thể tin được”.

Hãng tin Visegrad 24 đã tweet: “Đoạn đường ùn tắc giao thông hướng về Cầu eo biển Kerch nối Crimea với Nga hiện đã kéo dài hàng chục km. Khách du lịch Nga đang chạy trốn vì mạng sống của họ.”

Mặc dù được quốc tế công nhận là của Ukraine, các bãi biển và khu nghỉ dưỡng ở Hắc Hải của Crimea vẫn là khu vực nghỉ dưỡng quan trọng của người Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014. Các cuộc tấn không vào căn cứ không quân này có khả năng ảnh hưởng đến ngành du lịch vốn được cho là an toàn cho đến nay.”

Ksenia Korkina, một du khách Nga đến Crimea, người đã chứng kiến các vụ nổ, cho biết có “khoảng 15 vụ nổ” kéo dài tới 40 phút. “Nhiều người đi nghỉ đang cố gắng tìm nơi trú ẩn — một số người đang trốn sau những tán cây, trẻ em khóc lóc. Mọi người đang cố gắng bảo vệ nhau,” cô nói với Mạc Tư Khoa Thời Báo
 
Vẻ vang dân Việt: Giáo chủ Anh Giáo đề cao Đức Hồng Y Thuận như chứng tá hy vọng giữa thất vọng và chia rẽ
VietCatholic Media
05:11 12/08/2022


1. Hồng Y Đoàn sau cái chết của Đức Hồng Y Jozef Tomko

Đức Hồng Y Josef Tomko, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nâng lên hàng Hồng Y vào ngày 25 tháng 5 năm 1985 với hiệu toà Santa Sabina. Ngài đã qua đời vào ngày 8 tháng 8 tại Rôma.

Sau sự qua đi của Đức Hồng Y người Slovakia Jozef Tomko. Thành phần của Hồng Y Đoàn hiện nay gồm 116 Hồng Y Cử Tri. Trong đó, 11 vị được tấn phong bởi Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị. 38 vị được tấn phong bởi Đức Bênêđíctô 16, và 67 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Số Hồng Y không có quyền bầu Giáo Hoàng là 90 vị. Trong đó, 39 vị được tấn phong bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. 26 vị được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và 25 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tổng cộng là 206 vị.

50 vị được tấn phong bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

64 vị được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16.

92 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các vị không có quyền bầu Giáo Hoàng thường là các vị đã quá tuổi 80, trừ ra trường hợp của Hồng Y Giovanni Angelo Becciu mới 74 tuổi, đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô loại bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9 năm 2020


Source:Sismografo

2. Nhà thờ Công Giáo Bahrain sẽ được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12

Một nhà thờ Công Giáo mới ở Bahrain, gọi là nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, sẽ được thánh hiến vào ngày 10 tháng 12 bởi Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Cấu trúc phỏng theo hình dạng của Hòm Bia Giao Ước với sức chứa 2.300 người sẽ là nhà thờ Công Giáo lớn nhất vùng Vịnh.

Ngôi thánh đường được xây dựng trên một khu đất cách đây 8 năm được Hamad bin Isa Al-Khalifa, là người đã trở thành vua của Bahrain từ năm 2002. Nhà vua sẽ khánh thành nhà thờ vào ngày 9 tháng 12.

Do hạn chế của COVID-19, sẽ chỉ có một số ít người được phép tham dự buổi lễ khánh thành và thánh hiến.

Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95.000 feet vuông ở Awali, một đô thị nhỏ ở trung tâm đất nước, có dân số 1,7 triệu người.

Ngoài nhà thờ, khu phức hợp rợp bóng cây cọ còn có một tòa nhà đa năng, sân trong và khu vực đậu xe hai tầng.

Bàn thờ, giếng rửa tội, băng ghế dài và các đồ nội thất khác của nhà thờ được làm thủ công ở Ý.

Nhà thờ có mái vòm hình bát giác, một chi tiết hình học mang tính biểu tượng sâu sắc có thể được nhìn thấy ở một số nhà thờ trên thế giới như Vương cung thánh đường San Vitale ở Ravenna, Ý và Nhà thờ Aachen của Đức.

Vua Hamad đã đích thân trình bày một mô hình chi tiết dài 3 foot của nhà thờ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014.

Năm 2011, Vatican chính thức công bố Đức Mẹ Ả Rập là quan thầy cho các giáo xứ Kuwait và Ả Rập.

Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.

Việc khánh thành nhà thờ diễn ra theo lời mời chính thức của Quốc vương Hamad mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Bahrain.

Sheikh Khalid bin Ahmed bin Mohammed Al-Khalifa, cố vấn của nhà vua về các vấn đề ngoại giao, đã đích thân chuyển lời mời khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào ngày 25/11 năm ngoái.

Thống kê của Vatican ước tính rằng có gần 80.000 người Công Giáo sống ở Bahrain, phần lớn đến từ Phi Luật Tân và Ấn Độ.
Source:Arab News

3. Trong bài giảng bế mạc Hội Nghị Lambeth, giáo chủ Anh Giáo nhắc đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Hội Nghị Lambeth của Anh Giáo diễn ra mỗi một thập niên một lần. Năm nay hội nghị này đã diễn ra hết sức căng thẳng. Nhiều Giám Mục Phi Châu không đến dự. Và nhiều vị đến dự đã không rước lễ và tuyên bố rằng các vị không rước lễ vì không hiệp thông với cac Giám Mục khác.

Sau những ngày họp căng thẳng, Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Justin Welby, cũng là giáo chủ khối Hiệp Thông Anh Giáo đã có bài giảng bế mạc Hội nghị tại Nhà thờ Chính tòa Canterbury vào ngày 7 tháng 8 năm 2022. Trong đó, ngài đã nhắc đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
‘Đừng sợ, hỡi bầy chiên nhỏ bé’.

‘Đừng sợ Ápram. Lời của Chúa trường tồn muôn thuở. '

Khi chúng ta sợ hãi, chúng ta bám vào những gì chúng ta biết. Chúng ta ghì chặt những gì khiến chúng ta cảm thấy kiểm soát được. Đó là những thứ chúng ta sở hữu, những tài sản chúng ta tích trữ cho riêng mình, câu chuyện chúng ta tự kể về mình là ai, sức mạnh của chúng ta là gì, đâu là tầm quan trọng của chúng ta và những gì có thể. Khi sợ hãi, chúng ta muốn được thoải mái với điều quen thuộc và quen thuộc với điều thoải mái.

Và những điều ấy – các giả định của chúng ta, các tài sản của chúng ta - trở thành một tấm chăn êm ái cuối cùng sẽ làm chúng ta nghẹt thở. Vì chúng cấm chúng ta nối kết với nhau và với Chúa Kitô.

Chúng ta làm cho các thế giới và các tham vọng của mình nhỏ lại vì như thế cảm thấy an toàn hơn, và chúng định nghĩa và hạn chế chúng ta.

Vì vậy, các định chế, quyền hành, địa vị, chức vụ mà chúng ta bám lấy vì sợ - nỗi sợ bản thân cho chính mình, nỗi sợ tập thể cho tương lai Giáo Hội – kết cục đã làm nỗi sợ của chúng ta nên trọn.

Tuy nhiên, chúng ta nên biết rõ sự kiện này: trong thế giới tan vỡ này, có những lý do rất thực để lo sợ. Tiếng gầm của bầy sư tử là có thật. Và thực tại là có quá nhiều đau khổ. Chúng ta đã rên rỉ tập thể khi nghe tin về trận động đất sáng nay. Có quá nhiều điều không chắc chắn. Có những người ở đây biết rõ sự bấp bênh của nguồn cung cấp lương thực, sự bấp bênh của đói nghèo, sự bất an của cuộc sống ở những nơi xung đột và bất ổn và thiên tai. Người trên khắp thế giới đang sống với thực tại sợ hãi hàng ngày. Đối với rất nhiều người, nó thực sự rất có thực.

Làm thế nào Thiên Chúa có thể nói với chúng ta ‘đừng sợ hãi’?

Chúng ta không thích bị nói phải làm gì. Chúng ta nghĩ rằng các mệnh lệnh giới hạn chúng ta.

Tuy nhiên, không phải mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các mệnh lệnh của Thiên Chúa giải phóng chúng ta. Chúng giải phóng chúng ta để chúng ta bước vào một thế giới mới mà Người làm chúng ta nhìn thấy và biết đến.

Và vì vậy, chúng ta liên tục được mời gọi bắt đầu cuộc hành trình từ sợ hãi bước tới đức tin. Và khi chúng ta trượt từ đức tin xuống sợ hãi, thì Chúa Kitô đến với chúng ta như Người từng đến với các môn đệ sợ hãi ở phòng trên lầu. Người xuất hiện với chúng ta và nói “đừng sợ”. Người đến với chúng ta, Người không kêu gọi chúng ta đi tìm Người. Chúng ta được giải phóng để nhìn ra bên ngoài. Để hình dung một cách mới nhằm nối kết với thế giới xung quanh chúng ta, cũng như giữa chúng ta. Để tưởng tượng thế nào là ý nghĩa của việc được trao vương quốc trong thế giới của Người.

Như Chúa Giêsu đã nói, Nước Thiên Chúa ở gần chúng ta, Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta. Như chúng ta đã nghe rất xúc động ngày hôm qua, nó được tìm thấy nơi cậu bé ôm chiếc áo thun dưới chiếc gối có chữ ký của một giám mục, người đã làm cậu bé nhớ rằng cậu có một người cha nơi Thiên Chúa và là người cha vĩnh cửu.

Cách đây vài năm, vào năm 2016, tôi rất ngạc nhiên khi một tờ nhật báo lớn của đất nước này phát hiện và đăng tải sự kiện cho rằng người đàn ông mà tôi nghĩ là bố tôi không phải là bố tôi. Ông bố tôi là một người khác. Tôi được biết đây là điểm duy nhất để cố vấn pháp luật hàng đầu của Giáo hội Anh vào lúc đó được coi là phải ra tay hành động. Tổng thư ký nói với ông ta “Đức Tổng Giám Mục vừa điện thoại cho hay ngài là con hoang, ông ta bèn nói ‘không sao, cách đây vài năm, chúng ta đã thay đổi luật lệ để nói rằng bạn không thể làm giám mục nếu bạn là con hoang. Ít nhất tôi biết chắc chúng ta đã thay đổi luật lệ. Xin lỗi, để tôi kiểm tra!’ Nó đã được thay đổi thật vào năm 1952, nhưng ông ta nói với tôi sau đó rằng, khi chạy xuống hành lang, ông ấy nghĩ ‘nếu chúng ta chưa thay đổi nó thì ngài không phải là giám mục. Và nếu ngài không phải là giám mục thì các linh mục mà ngài đã phong chức không phải là linh mục. Và nếu các ngài không phải là linh mục thì những người mà các ngài kết hôn sẽ không phải là đã kết hôn’”.

Nhưng chính tôi ngạc nhiên khi thấy trong tôi một sự chắc chắn không thể lay chuyển, đó là Thiên Chúa, Đấng đã biết tôi, hiện biết rõ danh tính thực sự của tôi ở tầng sâu nhất, ở tầng sâu hơn nhiều so với xét nghiệm DNA.

Nó được tìm thấy trong một câu chuyện mà tôi sẽ kể cho anh chị em nghe về Đức Hồng Y Văn Thuận, nguyên Tổng Giám mục Sài Gòn, bị biệt giam chín năm và thêm bốn năm tù. Cuối cùng ngài được thả ra, nhưng được giữ ở một khu vực xa nhà của ngài. Một ngày nọ, ngài đi chơi gần khu rừng. Bỗng có ba người từ khu rừng đi ra và gặp ngài, hỏi ngài có phải là mục tử không. Ngài nói phải, và họ yêu cầu ngài đi ba ngày đường để rửa tội cho ngôi làng của họ. Họ là người miền núi. Ngài đã đi, và tìm thấy một ngôi làng đã trở lại với Chúa Kitô bằng cách nghe đài phát thanh của Phái Ngũ Tuần. Nên ngài đã rửa tội cho họ, vài ngàn người, thành các Kitô hữu, chắc chắn là những Kitô hữu Công Giáo, ngài nói thế, với một nụ cười. Nhưng Vương quốc Thiên Chúa phá vỡ các rào cản giáo phái của chúng ta và vượt qua các biên giới cũng như những người bảo vệ biên giới thần học của chúng ta.

Nước Trời được nhìn dưới khía cạnh làm thế nào chúng ta lên đường như một phong trào cách mạng vốn là Giáo Hội của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, vì nó dẫn chúng ta từ việc ghì chặt, đến việc tự do đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, từ khan hiếm tranh giành đến dồi dào, hiếu khách và hào phóng - vì Thiên Chúa làm chúng ta dám tham gia một cách sống hoàn toàn mới, và Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện việc dám này.

Những gì chúng ta đạt được không phải là những gì thế giới nói với chúng ta rằng chúng ta nên ước muốn. Điều thế giới trân qúy không phải là điều Thiên Chúa trân qúy. Thành thử, theo Thiên Chúa có thể không giúp chúng ta giàu có hoặc có quyền. Nhưng nó hướng dẫn chúng ta đến sự giàu có vượt trên kho báu - kho báu trên trời, và một thế giới trông giống như Vương quốc hơn một chút.

Một thế giới trong đó mọi người không đau khổ vì nơi họ sinh ra, nơi tai tiếng đói nghèo và bất bình đẳng lớn lao không hiện hữu, nơi người ta không bị bách hại vì đức tin, phái tính, tính dục. Nơi mà chúng ta không cho phép người giàu nói với anh chị em của chúng ta rằng họ quan trọng nhưng sau đó bị làm ngơ về mặt vật chất.

Vì trong mệnh lệnh này, ‘đừng sợ hãi’, mắt chúng ta được mở ra trước lời hứa của Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi hoán cải cuộc sống một lần nữa, một sự hoán cải hàng ngày nói với chúng ta nên cầu nguyện với Thiên Chúa: ‘Con trông cậy Chúa. Chúa sẽ nghe những lời cầu nguyện của con, những lời phản đối của con, những lời ngợi khen của con, những lời than thở của con, Chúa sẽ nghe trái tim con than khóc với Chúa trong cơn giận dữ'; nói với chúng ta, bất cứ điều gì xảy ra, tôi vẫn tin tưởng rằng một cách tuyệt vời và bí ẩn nào đó Chúa sẽ nuôi con vĩnh viễn, với một chiếc bánh quế và rượu nho mà con vốn cầu xin cho có. Chính trong bánh thánh, con thấy một Thiên Chúa bị đóng đinh.

Sự hoán cải trên mở rộng thế giới của chúng ta.

Trong những tuần và ngày qua, chúng ta đã gặp gỡ những người từ khắp nơi trên thế giới, từ những bối cảnh và trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Và trong những cuộc gặp gỡ này, chúng ta đã tìm ra liều thuốc giải độc cho nỗi sợ hãi. Chúng ta thấy trong Tin Mừng Gioan: tình yêu hoàn hảo đánh bay nỗi sợ hãi.

Lời hứa của Thiên Chúa sẽ được ứng nghiệm. Người sẽ lấy sự phong phú từ sự cằn cỗi và sự giàu có từ sự nghèo khó của chúng ta. Đó là lời hứa của Người với chúng ta. Và điều đó giải phóng để chúng ta trở thành người triệt để, mạnh dạn, can đảm, cách mạng ngay hôm nay.

Để có lòng can đảm, để có niềm tin vào Thiên Chúa. Can đảm đủ để thách thức thế gian, thậm chí thách thức cả các Kitô hữu khác, bằng cách yêu thương nhau không ngừng.

Có lòng can đảm của các giám mục và người phối ngẫu ở đây, các giáo sĩ và giáo dân xung quanh Hiệp thông Anh giáo, những người đã làm cho Tin mừng được những người đang sống trong sợ hãi biết đến. Những người đến nhà thờ với số lượng lớn hơn trong tuần lễ sau khi một vụ đánh bom tự sát đã giết chết 160 người trong số họ. Những người bay cùng với Hiệp hội Hàng không Truyền giáo tới vùng hẻo lánh của Papua New Guinea, và sau đó làm việc khắp vùng đồi núi trong một tuần để ban phép thêm sức. Những người phản đối các lạm dụng quyền công dân, chống lại việc gian lận phiếu bầu cử, chống lại việc bắn người da màu không mang vũ khí tại một điểm dừng giao thông thông thường.

Khi chúng ta lớn lên trong tình yêu thương, nỗi sợ hãi của chúng ta thu nhỏ lại và Vương quốc của Thiên Chúa tìm được không gian, tìm được quyền cai trị của nó trong trái tim và trong cuộc sống của chúng ta trong tư cách dân Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô - không phải chỉ là lời chào xuông, mà là – anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, những người đối với nhau và đối với tôi đã trở nên thân thương và dễ mến hơn trong mười ngày qua. Khi qúy anh chị em, cũng như tôi, về nhà : đừng sợ hãi, hãy vững lòng, hãy can đảm lên - vì chính Chúa Cha vui lòng ban vương quốc của Người cho anh chị em!
 
TQLC Ukraine thắng lớn, cắt đứt đường tiếp tế cho Kherson. Âu Châu tặng thêm Kyiv gần 2 tỷ viện trợ
VietCatholic Media
16:56 12/08/2022


1. Thủy Quân Lục Chiến Ukraine tấn công mạnh tại vùng Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 12 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ đoàn Pháo binh Biệt kích 406 của Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã được tung vào chiến trường Kherson. Lực lượng tinh nhuệ này được đặt theo tên của Đại Tướng Oleksiy Almazov.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết “Lữ đoàn Pháo binh Biệt kích 406 đã triển khai pháo binh và pháo kích dữ dội vào các vị trí của Nga để dọn đường cho cuộc phản công tái chiếm Kherson.”

Một video trên mạng xã hội cho thấy Lữ đoàn Pháo binh Biệt kích 406 đang thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội. Newsweek đã liên hệ với Hải quân Ukraine để có thêm bình luận và được trả lời rằng các cảnh quay là xác thực và thông tin là chính xác.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Điện Cẩm Linh gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Thứ Năm đánh dấu ngày thứ 169 của cuộc chiến.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 10 tháng 8, Nga đã mất khoảng 42.800 binh sĩ, 1.832 xe tăng, 4.086 phương tiện chiến đấu bọc thép, 971 đơn vị pháo binh, 261 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 133 hệ thống phòng không, 232 máy bay chiến đấu, 193 máy bay trực thăng, 766 máy bay không người lái, 185 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 3.005 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, cùng 89 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Hai rằng Nga đã phải chịu từ 70.000 đến 80.000 thương vong - người chết và bị thương - kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

2. Máy bay quân sự Nga đã vào vùng nhận dạng phòng không Alaska ít nhất 3 lần trong tuần này

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ hôm thứ Năm đã tiết lộ sự việc thứ ba của một máy bay quân sự Nga bay vào vùng nhận dạng phòng không Alaska, gọi tắt là ADIZ, trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 8.

CNN trước đó đã đưa tin hôm thứ Ba về hai sự việc máy bay quân sự Nga bay vào ADIZ của Alaska.

ADIZ là không phận quốc tế tiếp giáp với Alaska kéo dài ở những nơi cách lãnh thổ Hoa Kỳ hơn 100 dặm (hay hơn 160 km). Quân đội Mỹ bắt đầu các thủ tục nhận dạng máy bay trong ADIZ vì lợi ích an ninh quốc gia.

NORAD đã không tiết lộ sự việc thứ ba xảy ra vào ngày nào.

Quân đội Mỹ cũng đã đưa ra một bức ảnh chụp sự việc thứ hai từ trên không, cho thấy một chiếc F-22 đang bay trong tầm nhìn của máy bay Il-20 của Nga.

3. Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở phía đông

Quân đội Ukraine đã ngăn chặn và thậm chí đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng Nga ở phía đông, bộ tham mưu của họ cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Sáu 12 tháng 8.

“Quân xâm lược Nga đã cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật nhưng không thành công” gần thành phố Kramatorsk, nhưng họ đã bị “đẩy lùi”.

Quân đội Ukraine cũng cho biết họ cũng đã đẩy lùi các lực lượng Nga đang tiến về Bakhmut và Avdiivka.

“ Các binh sĩ Ukraine đã gây thương vong cho quân xâm lược Nga và buộc họ phải bỏ chạy”, Bộ Tổng tham mưu cho biết và nói thêm rằng Nga đã không thành công tại Avdiivka, “bị tổn thất và rút lui.”

Quân đội Ukraine cho biết các cuộc pháo kích và không kích dữ dội đã được cảm nhận trên toàn bộ chiến tuyến phía đông.

4. Lãnh tụ đối lập Úc kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên phạm phải những sai lầm tương tự với Trung Quốc như họ đã làm với Nga

Ông Peter Dutton đã cảnh báo cộng đồng quốc tế không nên phạm phải những sai lầm tương tự với Trung Quốc như họ đã làm với Nga, khi căng thẳng về Đài Loan tiếp tục leo thang.

Lãnh đạo phe đối lập đồng thời nhấn mạnh những lời chỉ trích của ông đối với chính phủ Trung Quốc, và nói rằng cộng đồng quốc tế phải hối tiếc vì đã không có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuộc xâm lược Ukraine.

Ông nói hôm thứ Sáu 12 tháng 8 rằng: “Chẳng có nghĩa lý gì khi nói rằng trong thời gian vài tháng hoặc vài năm nữa người Trung Quốc sẽ tràn vào Đài Loan, chúng tôi không thấy điều này sẽ xảy ra”.

“Chúng ta rất đúng khi chiếu sáng một hành vi, làm rõ nó... Nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta có cơ hội tốt nhất để giữ gìn hòa bình trong khu vực của chúng ta”.

Bắc Kinh đã bắn 11 tên lửa đạn đạo qua và gần Đài Loan sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này vào tuần trước.

Quyền Thủ tướng Richard Marles tái khẳng định sự cần thiết của một lực lượng quốc phòng 'có năng lực' và 'mạnh mẽ' trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.

Ông Marles, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng, không trả lời về việc Australia sẽ tự bảo vệ mình như thế nào khi đối mặt với một cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc, nhưng kêu gọi giảm leo thang.

“Thế giới muốn thấy điều đó... tất cả chúng ta sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu chúng ta thấy các hoạt động hòa bình bình thường trở lại xung quanh”

'Theo quan điểm của Australia... cam kết của chúng tôi ở đây dựa trên thực tế là chúng tôi có một chính sách không thay đổi là không muốn thấy bất kỳ sự xáo trộn nào đối với hiện trạng trên eo biển Đài Loan.'

Ông Peter Dutton đã đưa ra lập trường trên để đáp lại các nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiếu Thiên (Xiao Qian, 肖千). Trong một bài phát biểu hôm thứ Năm tại câu lạc bộ báo chí Quốc gia, đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh “không có chỗ cho sự thỏa hiệp” đối với yêu sách lãnh thổ cho hòn đảo tự trị thuộc quyền của Bắc Kinh.

Ông nói rằng sự thay đổi chính phủ gần đây của Úc là cơ hội để “thiết lập lại” mối quan hệ phức tạp của Úc với Trung Quốc.

“Thật không may, trong vài năm qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đã rơi vào một tình huống khó khăn, vì những lý do mà ai cũng biết, giữa hai dân tộc chúng ta.

Đây là điều mà chúng tôi không muốn thấy. Nó đi ngược lại lợi ích của hai quốc gia và hai dân tộc của chúng ta.

Bây giờ, sau cuộc bầu cử liên bang gần đây, chúng ta có một chính phủ Úc mới, tất nhiên các vấn đề đối nội của đất nước này là sự lựa chọn của người dân Úc, nhưng việc này cung cấp cho chúng ta một cơ hội có thể để thiết lập lại mối quan hệ giữa hai nước.”

Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan vẫn là một chủ đề gây chia rẽ, Đại sứ Trung Quốc nói rằng vấn đề này phải được giải quyết một cách thận trọng.

“Chúng tôi hy vọng rằng phía Úc có thể nhìn nhận quan hệ bang giao giữa Trung Quốc và Úc với một thái độ nghiêm túc. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 'Một Trung Quốc', xem xét vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và không thỏa hiệp.”

Ông nhấn mạnh không có chuyện nhân nhượng khi nói đến Đài Loan.

“Đây là một quyết tâm đối với vấn đề Đài Loan, không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Đó không phải là vấn đề phát triển kinh tế hoặc quan hệ thương mại hoặc các vấn đề cụ thể trong một số lĩnh vực khác.

Về Đài Loan, đó là vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ và đất đai của chúng tôi, không có chỗ cho chúng tôi thỏa hiệp.

Ông Tiếu Thiên nói rằng 80 triệu cư dân Đài Loan cần phải được giáo dục cải tạo để hiểu đúng về Trung Quốc.

Vài giờ sau khi ông Tiếu Thiên phát biểu, Trung Quốc đã ngừng các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật gần Đài Loan.

Ông Dutton nhấn mạnh thêm về những lời chỉ trích của ông đối với chính phủ Trung Quốc, nói rằng rất tiếc rằng hành động mạnh mẽ hơn đã không được thực hiện đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine.

5. Hoa Kỳ ủng hộ việc thiết lập vùng phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Mỹ ủng hộ các lời kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine sau khi xảy ra giao tranh liên quan đến các lực lượng Nga và Ukraine ở khu vực lân cận nhà máy.

“Đánh nhau gần một nhà máy hạt nhân là nguy hiểm và vô trách nhiệm và chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga ngừng mọi hoạt động quân sự tại hoặc gần các cơ sở hạt nhân của Ukraine và trao trả toàn quyền kiểm soát cho Ukraine, đồng thời ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine về một khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức hoạt động quân sự gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, lớn nhất Âu Châu.

“Tôi kêu gọi các lực lượng quân sự của Liên bang Nga và Ukraine ngừng ngay lập tức tất cả các hoạt động quân sự ở khu vực lân cận nhà máy và không nhằm vào các cơ sở hoặc môi trường xung quanh nó”.

Trong bản báo cáo hôm thứ Năm 11 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Nga núp trong nhà máy điện hạt nhân vẫn tiếp tục pháo kích trong đêm gần Nikopol, bên kia sông Dnipro từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ tại Enerhodar. Phát ngôn nhân lên án những kẻ tấn công đang ẩn náu trong khu vực của nhà máy điện để đề phòng bị phản công.

Các ngoại trưởng G7 đã cảnh báo trong một tuyên bố chung rằng Nga mạo hiểm “sự an toàn và an ninh” của địa điểm này và kêu gọi Mạc Tư Khoa cho phép các thanh sát viên an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến thăm ngay lập tức - và giao lại nhà máy hạt nhân cho Ukraine.

Hôm thứ Hai, chỉ huy Nga phụ trách nhà máy hạt nhân lớn nhất Âu Châu loan báo 'đã gài mìn khắp nhà máy điện và nói với người Ukraine rằng ông ta sẽ cho nổ tung nó nếu họ cố gắng tái chiếm', công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Kyiv cho biết như trên.

Thiếu tướng Valery Vasilyev, người chỉ huy lực lượng bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, đã nói với người Ukraine làm việc trong nhà máy điện hạt nhân về những quả bom và cảnh báo: 'Đây sẽ là đất của Nga hoặc là đất bị thiêu rụi'.

Vasilyev cũng nói với binh lính Nga của ông ta rằng ngay cả khi họ nhận được 'mệnh lệnh khó khăn nhất, chúng ta phải thực hiện nó một cách vinh dự'.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm trên lãnh thổ do Nga chiếm được từ tháng 3, nhưng vẫn tiếp tục được vận hành bởi các kỹ thuật viên Ukraine làm việc dưới sự giám sát của quân đội Mạc Tư Khoa.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba Anton Gerashchenko, một cố vấn cấp cao của Bộ Nội vụ nhận xét rằng những tuyên bố của Thiếu tướng Valery Vasilyev là “những lời đe dọa hạt nhân đối với toàn thế giới”.

6. Chính phủ Thụy Điển đã quyết định dẫn độ một người đàn ông bị truy nã về Thổ Nhĩ Kỳ vì tội lừa đảo

Morgan Johansson, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển, cho biết chính phủ Thụy Điển đã quyết định dẫn độ một người đàn ông bị truy nã về Thổ Nhĩ Kỳ vì tội lừa đảo. Ông cho biết đây là trường hợp đầu tiên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ một số người để đổi lại việc cho phép Thụy Điển và Phần Lan chính thức đăng ký gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã bãi bỏ quyền phủ quyết của mình đối với nỗ lực gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 6 sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, trong đó Ankara cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp những người mà họ nói là chiến binh của Đảng Công nhân Kurdistan, gọi tắt là PKK.

Là một phần của thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ trình một danh sách những người mà họ muốn Thụy Điển dẫn độ, nhưng kể từ đó, nước này đã bày tỏ sự thất vọng vì sự thiếu tiến bộ. Người đàn ông ở độ tuổi 30, sẽ là trường hợp đầu tiên được biết đến bị dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi thỏa thuận được ký kết.

“ Đây là một vấn đề bình thường, thường ngày. Người được đề cập là một công dân Thổ Nhĩ Kỳ và bị kết án về tội lừa đảo ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013 và 2016”, Bộ Trưởng Morgan Johansson nói.

“Tòa án tối cao đã xem xét vấn đề như thường lệ và kết luận rằng không có trở ngại nào đối với việc dẫn độ”

7. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, hoan nghênh những trợ giúp của Anh và Đan Mạch

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, đã có mặt tại Hội nghị các nhà tài trợ Ukraine ở Copenhagen cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch và Anh.

Trong diễn từ tại đây, ông nói:

“Những lời nói và thỏa thuận với Nga không có giá trị nhiều hơn những tờ giấy mà họ viết ra. Họ tiếp tục thỏa thuận để chờ cho chúng ta chia rẽ. Nga thành công khi chia rẽ được chúng ta, khi đối đầu với chúng ta một chọi một, tập hợp các nguồn lực của mình và đánh bại chúng ta. Nga bị đánh bại và lùi bước khi mất thế chủ động, khi vấp phải sự phản kháng phối hợp.”

Ông tiếp tục cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, Morten Bøedsko và Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã tiếp tục hỗ trợ họ, và cũng dành lời khen ngợi Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã phát biểu trong cuộc họp thông qua liên kết video.

8. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch cho biết các nhà tài trợ cam kết viện trợ hơn 1,55 tỷ USD cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bødskov cho biết một nhóm gồm 26 quốc gia đã cam kết viện trợ hơn 1,55 tỷ USD cho Ukraine sau khi tổ chức hội nghị với các bộ trưởng từ các nước đồng minh tại Copenhagen để thảo luận về hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, bao gồm đào tạo quân sự và cung cấp vũ khí.

“Những người tham gia hôm nay đã cam kết chi hơn 1,5 tỷ euro cho Ukraine. Vương quốc Anh đang thành lập một quỹ để thu thập tài chính cho việc tăng cường sản xuất vũ khí,”ông nói tại một cuộc họp báo, phát biểu cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Ukraine, Ben Wallace và Oleksii Reznikov.

Reznikov cho biết ông “hài lòng với kết quả” của hội nghị các nhà tài trợ.

“Tôi rất vui vì tất cả chúng ta đều có nhận thức chung, rằng không có thời gian để mệt mỏi, rằng đó là một cuộc chạy marathon. Đối với marathon bạn cần năng lượng và nói thẳng ra năng lượng chính trong trường hợp này là tiền. Các đối tác của chúng tôi biết rằng chúng tôi cần tài trợ và họ nói rõ sự sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi về mặt tài chính”, Bộ trưởng Ukraine nói.

9. Thủ tướng Đức cam kết sẽ giao thêm vũ khí cho Ukraine trong “tương lai gần”

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

“Đức đã phá vỡ truyền thống của mình và cung cấp vũ khí cho một vùng chiến sự”, Scholz nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo ở Berlin.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai gần,” Scholz nói, mà không đưa ra chi tiết cụ thể.

Vào tháng 7, chính phủ Đức đã công bố danh sách các viện trợ quân sự gây chết người và không gây chết người được cung cấp cho Ukraine.

Các thiết bị quân sự mà Đức gửi tới Ukraine tính đến thời điểm hiện tại bao gồm 14.900 quả mìn chống tăng; 500 hỏa tiễn phòng không; 10 xe pháo tự hành Panzerhaubitze 2000; và 2.700 hệ thống phòng không cơ động Strela; cũng như các thiết bị chống máy bay không người lái, đạn pháo và súng ngắn.
 
Vị Giám Mục bị bách hại quỳ giữa đuờng phản đối độc tài. HY gốc Do Thái kể câu chuyện của chính mình
VietCatholic Media
16:59 12/08/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với người dân Phi Luật Tân về việc cựu tổng thống Phi Luật Tân Ramos qua đời

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành” tới người dân Phi Luật Tân trước cái chết của cựu tổng thống Fidel Ramos.

“Khi biết tin cựu tổng thống Fidel Ramos qua đời, tôi gửi tới các bạn và người dân Phi Luật Tân lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi”. Đức Thánh Cha đã viết như trên trong thông điệp gửi đến Tổng thống Ferdinand Marcos, người vừa lên thay Rodrigo Duterte vào ngày 30 tháng 6 vừa qua.

“Nhớ đến năm tháng phục vụ đất nước của cố tổng thống và những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy các giá trị dân chủ, hòa bình và pháp quyền, tôi phó dâng linh hồn ông cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng”

Đức Giáo Hoàng đã cầu khẩn “các phước lành thiêng liêng cho sự an ủi và bình an” cho gia đình và tất cả những người thương tiếc sự ra đi của Ramos.

Hôm thứ Ba, ngày 9 tháng 8, Ramos, một người lính được coi là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của đất nước từ trước đến nay, đã được an táng tại Nghĩa trang các Anh hùng Quốc gia trong một lễ chôn cất đơn giản.

Một chiếc máy bay trực thăng quân sự bay thấp thả hoa khi một xe chở quan tài phủ cờ có chứa một chiếc bình đựng tro cốt của ông lăn qua khuôn viên nghĩa trang đầy cây lá, có hàng chữ thập trắng đánh dấu ngôi mộ của những người lính đã chết cũng được chôn cất tại khu vực này.

Tổng thống Marcos tham gia cùng người thân và góa phụ của cựu tổng thống khi chiếc bình đựng hài cốt được hỏa táng bằng bạc được hạ xuống đất sau và 21 phát súng đại bác.
Source:Licas News

2. Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh liên đới với Giáo hội tại Nicaragua bị bách hại

Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là Celam, liên đới với Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua đang bị nhà cầm quyền nước này bách hại.

Hôm ngày 04 tháng Tám vừa qua, chế độ của Tổng thống Daniel Ortega đã ra lệnh quản thúc tại gia Đức Cha Rolando José Álvarez, Giám mục giáo phận Matagalpa, cấm cản ngài đi cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Trước đó, nhà nước đã ra lệnh đóng cửa sáu đài phát thanh Công Giáo trong giáo phận này. Đức Cha đã phản đối nhà cầm quyền Nicaragua hạn chế tự do tôn giáo.

Trong thông cáo, công bố hôm ngày 05 tháng Tám, các giám mục Mỹ Latinh cho biết đang cầu nguyện và gần gũi những người đang chịu đau khổ, đồng thời bày tỏ đau buồn vì cuộc bách hại các linh mục và giám mục tại Nicaragua, trục xuất các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, xúc phạm đến các thánh đường và đóng cửa các cơ quan ngôn luận Công Giáo.

Các giám mục Celam nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua vẫn luôn là một nơi xây dựng hiệp nhất và hòa bình, kiến tạo những quan hệ sâu đậm giữa các dân tộc và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói, do đó những lời cáo buộc của nhà cầm quyền Nicaragua chống Giáo hội, là điều vô lý. Các giám mục Mỹ Latinh kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện cho tự do của Giáo hội tại Nicaragua.

Từ khi xảy ra khủng hoảng, Giáo hội tại nước này đã bị gần 200 cuộc tấn công và xúc phạm đến các thánh đường, những vụ xách nhiều và hăm dọa các giám mục và linh mục. Vụ mới nhất quản thúc tại gia Đức Cha Álvarez đã tạo nên sự phẫn nộ trên thế giới. Những hình ảnh cho thấy Đức Cha đang quỳ trên đường, trong khi cảnh sát ngăn chặn không cho ngài đến nhà thờ chính tòa để cử hành thánh lễ.

Nhà nước cáo buộc Đức Cha muốn lật đổ chính quyền và chuẩn bị chính thức truy tố ngài.

3. Đức Hồng Y Michael Czerny vinh danh Edith Stein, kể câu chuyện của chính mình

Hôm thứ Ba, một vị Hồng Y của Vatican đã đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày xảy ra vụ giết hại Edith Stein, một người Do Thái cải đạo sang Công Giáo. Ngài đã cử hành thánh lễ gần trại tử thần Auschwitz trước đây và kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của gia đình ngài và số phận của họ dưới thời Đức Quốc xã.

Đức Hồng Y Michael Czerny là một trong những vị Hồng Y có liên hệ mật thiết nhất với triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Là một tu sĩ Dòng Tên làm mục vụ tại El Salvador, Đức Hồng Y Czerny hiện lãnh đạo Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện chịu trách nhiệm về các danh mục ưu tiên của Đức Phanxicô là di cư, môi trường, phát triển và công bằng xã hội. Là một người Canada gốc Tiệp, Đức Hồng Y Czerny gần đây đã cùng với Đức Phanxicô có chuyến thăm quan trọng đến Canada để xin lỗi người dân bản địa về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành các các trường nội trú dành cho người bản địa.

Hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Czerny đã tưởng niệm ngày Edith Stein bị giết trong phòng hơi ngạt của Auschwitz bằng cách cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng Carmêlô gần đó ở Oswiecim, một thị trấn của Ba Lan từng bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong chiến tranh. Ở đó, ngài đã có một bài giảng kể lại câu chuyện của Stein và cách câu chuyện này giao thoa với câu chuyện của ngài và của những người thân của ngài, là những người đến từ Brno, thuộc Tiệp Khắc cũ.

Edith Stein là một người Đức gốc Do Thái sinh năm 1891 tại Breslau, nay là thành phố Wroclaw của Ba Lan, là người đã cải sang Công Giáo vào năm 1922 và trở thành một nữ tu. Cô gia nhập dòng Carmêlô ở Köln, nhưng được chuyển đến Hà Lan sau khi Đức Quốc xã tăng cường tấn công vào năm 1938. Cô bị bắt vào năm 1942 sau khi Hitler ra lệnh bắt giữ những người Do Thái và bị đưa đến trại Auschwitz, nơi cô bị giết vào ngày 9 tháng 8 năm 1942. Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho Stein là một vị tử đạo vào năm 1998 và phong cô ấy trở thành vị thánh bảo trợ của Âu Châu vào năm sau đó.

Đức Hồng Y Czerny, 76 tuổi, lưu ý rằng ngài và Thánh Stein chia sẻ “nguồn gốc Do Thái, đức tin Công Giáo, ơn gọi sống tu trì”, cũng như việc Thánh Stein và bà ngoại của Czerny, Anna Hayek, cùng tuổi và “có một kết thúc bi thảm tương tự. “

“Gia đình mẹ tôi - cả cha mẹ và hai anh em - cũng theo đạo Công Giáo nhưng có chung nguồn gốc Do Thái mà kẻ thù căm ghét. Bà ngoại của tôi là Anna, ông nội Hans và các chú của tôi là Georg và Carl Robert, tất cả đều bị giam giữ ở Terezín, nơi ông nội tôi đã chết,” Đức Hồng Y Czerny nói, khi đề cập đến trại tập trung Theresienstadt ở Tiệp Khắc cũ.

“Bà và các chú của tôi đã được chở đến trại Auschwitz. Từ đây các chú của tôi bị đưa đến các trại lao động và cuối cùng bị sát hại ở đó,” ngài nói.

Bà nội của ngài qua đời vì bệnh sốt vào năm 1945, nhưng gia đình không có dấu vết về nơi bà được chôn cất.

Mẹ của Đức Hồng Y Czerny, một người Công Giáo đã được rửa tội, bị buộc phải làm công việc nông trại trong chiến tranh vì tổ tiên là người Do Thái và bị bỏ tù ở Theresienstadt và Leipzig trong 20 tháng; cha ngài buộc phải đi làm thuê vì ông không chịu ly hôn với bà. Năm 1948, họ chuyển đến Canada tị nạn với cậu bé Michael, sinh năm 1946, và anh trai của cậu.

Đức Hồng Y Czerny đã thay mặt Đức Phanxicô có những chuyến thăm nhân đạo để trợ giúp cho những người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine. Ngài cho biết ngài rất vinh dự được kỷ niệm Thánh Stein trong năm chiến tranh này khi Nga đang gây ra chiến tranh mà ngài nói rằng điều đó “thúc giục chúng tôi ghi nhớ”mãnh liệt hơn

“Tưởng nhớ Thánh Edith và Bà Anna của tôi cùng với sáu triệu người khác, chúng ta thương tiếc và cầu xin cho chúng ta đừng. Thông qua sự chuyển cầu của họ, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới.”
Source:AP