Ngày 04-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:02 04/09/2021
Chương 43:

THẾ TỤC



“Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa””(Gc 4, 4)

1. Bất kỳ những quyến luyến nào, thậm chí dù nhỏ cách mấy, đều đủ để cản trở chúng ta bay lên tới Thiên Chúa.

(Thánh John of the Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:15 04/09/2021
47. KỶ NỮ NÓI ĐÙA

Hiếu liêm Dương Thiếu Nam đi đến một huyện nọ du lãm, chơi thân với một kỷ nữ nọ, lúc đó kỷ nữ mới chỉ là một thiếu nữ. Qua mấy năm sau ông ta lại đến chơi ở huyện ấy, lúc này râu của ông ta đã dài, mà cô gái ấy giờ đã thành một bà sồn sồn.

Một hôm, ông ta cùng bạn bè đến thăm người kỷ nữ ấy, Dương Thiếu Nam cười nói với kỷ nữ:

- “Con gái mà ngày nào cũng gần gụi với đàn ông, cho nên rất mau lớn”.

Người kỷ nữ ấy không cam chịu lép vế, tiến tới vuốt râu ông ta và nói:

- “Bộ râu cong của ngài, lẽ nào cũng là ngày ngày gần gụi với đàn bà nên biến thành lão chăng?

Mọi người nghe câu đối đáp thì cười, cảm thấy câu nói của kỷ nữ mặc dù là câu nói đùa, nhưng thật ra đủ để khiến cho người ta bỗng nhiên thức tỉnh vậy !

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 47:

Người ngu nói mười câu thì có khi cũng đúng một câu, người khôn ngoan nói mười câu thì cũng có khi sai một câu, cho nên mới có câu: khôn ba năm dại một giờ. Con người ta ai cũng có khi khôn và có khi...mất khôn, khôn là vì người ta nói khi bình tĩnh, mất khôn là vì người ta phát ngôn khi nóng giận.

Dù là kỷ nữ, nhưng lời nói không kỷ nữ chút nào làm cho người nghe phải thức tỉnh, cho nên đừng coi thường những người mà mình cho là đồ bỏ của xã hội.

Thiên Chúa luôn dùng mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi việc làm để cảnh tỉnh chúng ta, để gởi thông điệp yêu thương của Ngài cho chúng ta, cho nên, người có đức tin thì luôn nhận ra ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời mình.

Đó là vì người khôn ngoan hiểu rõ câu này: vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 04/09/2021
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 7, 31-37.

“Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đến trần gian, mục đích của Ngài là cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ, đem ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà Ngài bỏ qua không đoái hoài đến những đau khổ nơi thân xác của con người, hay nói cách khác, Ngài không những cứu linh hồn con người mà còn cứu cả thân xác của họ. Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy điều ấy khi Ngài làm cho người câm nói được và người điếc nghe được.

Chúa Giêsu đã làm hai công việc trên một con người tức là Ngài chữa lành bệnh trong tâm hồn và nơi thân xác của người bệnh. Ngài đến không phải chỉ để rao giảng, để mời gọi mọi người thống hối và tin vào Ngài, nhưng Ngài còn làm nhiều việc khác để bảo đảm với những người đi theo Ngài rằng: cứ tin đi thì cơn bệnh nơi thân xác cũng sẽ được lành.

Câm và điếc thường đi đôi với nhau, ai đã bị câm thì cũng sẽ điếc, đó là bẩm sinh, nhưng có những người sau một tai nạn thì bị câm nhưng không điếc, hoặc là nghe được nhưng nói không được, những người này thường đau khổ hơn những người bị câm điếc bẩm sinh vì họ nghe được người ta nói gì, nhưng không thể nói lại cho người ta nghe về cảm nghĩ của mình, quả là đau khổ thật.

Có những lúc bạn và tôi sáng mắt mà cũng như mù, bởi vì chúng ta nhìn mà không thấy những đau khổ của người anh em bất hạnh; có những lúc bạn và tôi lớn tiếng phê bình anh em chị em vì họ thất hứa, mà chúng ta không nhìn thấy họ đang băn khoăn trong lòng vì sự thất hứa của chính mình...

Có những lúc bạn và tôi bị câm mà chúng ta vẫn cứ tưởng mình nói được, đó là lúc chúng ta thấy một em nhỏ ăn xin đang bị người bạc đãi mà chúng ta không một lời bênh vực, chúng ta thấy người đau khổ mà không một lời an ủi, chúng ta thấy các bạn thanh niên nam nữ sống lơ là với Chúa mà không một lời khuyên bảo, chúng ta đã bị câm khi thu mình trong cái vỏ an phận và thỏa mãn của mình.

Chúng ta đừng nhìn người câm điếc mà thương hại, nhưng hãy thương hại và cầu nguyện cho chính bệnh câm điếc trong tâm hồn của bạn và tôi.

Bạn thân mến,

Cha Vincent Lebbe người Bỉ (1), ngài đã dạy các con cái của ngài thuộc dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Cứu người” là cứu toàn bộ con người, bởi vì linh hồn và thân xác không thể tách lìa nhau, cứu tất cả khó khăn của họ mà không đòi điều kiện, không hỏi họ có theo (vào) đạo hay không, để tránh người ta hồ nghi các giá trị công tác xã hội của chúng ta”.

Như thế là đã rõ, mỗi khi bạn và tôi đi khuyên bảo người nghèo khó hãy theo đạo, hãy đến nhà thờ, nhưng chúng ta vẫn làm ngơ trước cảnh đói ăn của họ, và có khi không nhìn thấy họ đang lo buồn vì kế sinh nhai mà không đến nhà thờ như bao giáo dân khác được, chúng ta hãy học theo gương của Đức Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật phần hồn thì đồng thời cũng làm cho thân xác của họ được khoẻ mạnh.

“Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để cứu và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn và nơi thân xác của con người, Chúa đã dạy chúng con một bài học yêu thương trọn vẹn, đó là yêu thương nỗi khổ đau nơi thân xác và trong tâm hồn của người anh em bất hạnh. Xin Chúa ban cho chúng con có một tình yêu thương vô vị lợi, để khi chúng con đi an ủi giúp đỡ tha nhân, thì đồng thời cũng biết chia sẻ với họ những gìmà khả năng chúng con có được. Amen”

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Cha Vincent Lebbe là người Bỉ, nhưng qua truyền giáo ở Trung Quốc và mang quốc tịch Trung Quốc, ngài đã thánh lập 2 hội dòng và 2 tu hội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 04/09/2021
48. CÂU ĐÁP KÌ DIỆU CỦA TỪ HY

Binh bộ thượng thư Từ Hy xuất thân từ sai dịch mà được đề bạt lên cấp cao.

Một hôm, ông ta cùng với một trạng nguyên nọ đi vào học cung (trường học), trạng nguyên nọ chỉ tượng Khổng tử nói:

- “Ngài biết ông lão này không?”

Từ Hy nói:

- “Sao lại không biết chứ ! Có lẽ ông lão này không phải xuất thân từ khoa giáp ”.

Trạng nguyên nọ hổ thẹn không biết làm sao mà trả lời.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 48:

Tự thẩm sâu tâm hồn của con người, Thiên Chúa luôn để cho họ những ước mơ và ý chí, để họ vươn lên trong cuộc sống của mình, để những ai biết dùng ý chí và ơn Ngài trợ giúp thì sẽ đạt tới ước mơ ấy.

Đức Khổng tử không thi qua khoa bảng để đỗ tiến sĩ, nhưng tư tưởng của ngài thì những ai muốn đỗ tiến sĩ (thời phong kiến bên Tàu cũng như ở Việt Nam) đều phải biết, và có những vị rất tài giỏi kinh bang cái thế mà không qua trường lớp đào tạo nào cả, thế mới biết Thiên Chúa rất công bằng và yêu thương con người...

Có những vị tổng thống xuất thân trong một gia đình giàu có danh giá, thì cũng có những vị tổng thống xuất thân trong gia đình nghèo; có những vị giáo hoàng xuất thân trong một gia đình nông thôn, thì cũng có những vị tướng xuất thân từ cấp nhỏ nhất trong quân đội; và có những người khởi đầu sự nghiệp bằng những nghề “không giống ai” như rửa chén bát trong tiệm ăn, lượm rác.v.v...

Cái học vị khoa bảng chỉ là chứng nhận trình độ của học sinh mà thôi, nhưng năng lực thực hành và kinh nghiệm cuộc sống mới là học vị đánh giá đúng mức trình độ của con người.

Thế thì có gì mà phải khoe có hay không có học vị chứ...!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khu vườn bí mật
Lm. Minh Anh
22:10 04/09/2021
KHU VƯỜN BÍ MẬT
“Ngài đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh!”.

“The Secret Garden”, “Khu Vườn Bí Mật”, cuốn sách của nữ văn sĩ Frances H. Burnett viết năm 1911, kể về một khu vườn bị khoá kín suốt 10 năm, cho đến khi Mary, một cô bé mồ côi ngang ngạnh, tình cờ có được chìa khoá. Cô bé đã đánh thức và hồi sinh khu vườn với tình yêu và sự chăm sóc. Khu vườn sống lại với những đổi thay của những đứa trẻ chung quanh Mary. Colin, một cậu trai èo uột chôn kín tuổi thơ, luôn nghĩ mình sắp chết; Dickon, một cậu bé chỉ kết thân với động vật. Nhờ khu vườn, Mary không còn là một tiểu thư trái khoáy; Colin rũ bỏ những tuyệt vọng để tuyên bố “sẽ sống mãi”. Khu vườn sáng bừng sức sống con trẻ bởi ‘tình yêu cuộc sống’ của chúng!

Kính thưa Anh Chị em,

Tương tự như thế, qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, một người câm điếc được Chúa Giêsu đưa vào một ‘khu vườn bí mật’ khác; ở đó, Ngài chữa lành anh. Marcô viết, Ngài ‘đem anh ta ra khỏi đám đông!’. Đó là một chi tiết khá bất ngờ, giàu ý nghĩa, đầy thú vị và không ít thời sự!

Tại sao Chúa Giêsu đưa người câm điếc ra khỏi đám đông? Phải chăng, Ngài muốn tránh xa ồn ào, Ngài muốn anh ở một mình với Ngài; Ngài muốn tỉ tê với anh trong thinh lặng và cô tịch. Ngài đưa anh vào ‘khu vườn bí mật’ có tên “Giêsu”, chính Ngài! Chính nơi cô tịch bên ngoài và trầm lắng bên trong ấy, tai anh nghe được “Lời Giêsu”, mắt anh thấy được “Ánh Sáng Giêsu”, miệng anh kêu được “Tên Giêsu”, và trái tim anh cảm nếm được “Tấm Lòng Giêsu”. Cũng thế, hơn bao giờ hết, dù muốn hay không muốn, trong những ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang đưa mỗi người chúng ta đi vào ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình là chính Ngài; Ngài muốn chúng ta tránh xa đám đông, tránh xa các hoạt động thường ngày; thậm chí tránh xa cả những người khác… để ở đó, Ngài cũng có thể thầm thì với chúng ta và chữa lành hồn xác mỗi người chúng ta.

Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “đặt ngón tay vào tai người câm điếc và bôi nước miếng vào lưỡi anh”. Hôm nay, trong ‘khu vườn bí mật’ của mỗi người, Chúa Giêsu không chỉ đặt tay Ngài vào tai chúng ta, nhưng còn đặt tay Ngài vào tim của mỗi người; không chỉ muốn tai chúng ta được mở ra, Ngài còn muốn tim của chúng ta được nghe Lời Ngài, Lời cứu độ, Lời xót thương và Lời chữa lành. Trong khu vườn Giêsu, Ngài không chỉ muốn bôi nước miếng vào lưỡi chúng ta, nhưng còn muốn chúng ta uống chính Máu Ngài và được nuôi sống bằng chính Thịt Ngài. Những ngày hôm nay, khi không đến được nhà thờ, chớ gì mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Giêsu qua các giờ kinh sáng tối; ở đó, chúng ta lắng nghe Lời Chúa với một bản văn Thánh Kinh; và ở đó, chúng ta còn được rước Chúa thiêng liêng. Và như thế, Chúa Giêsu cũng có thể chạm vào tim và chữa lành linh hồn mỗi người từ ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình, của gia đình mình!

Ở đó, Chúa Giêsu còn “ngước mặt lên trời”. Đúng, Ngài đang cầu xin Chúa Cha cho chúng ta; Ngài đang thổn thức, đang đau, đang thấp thỏm, bồn chồn với chúng ta. Rồi Ngài cũng thốt lên, “Effetha!”, “Hãy mở ra!”; Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha mở lòng chúng ta để đón nhận ân sủng của Ngài và mở ra với những nhu cầu của anh chị em chung quanh, những người đang đau khổ cần được giúp đỡ mà thánh Giacôbê nhắc đến qua thư ngài hôm nay. Chính trái tim, cốt lõi sâu thẳm của chúng ta, mà Chúa Giêsu muốn “mở ra”. Ngài là Lương Y Thiên Chúa sai đến, được Isaia báo trước qua bài đọc thứ nhất, “Bấy giờ mắt người mù sáng lên, và tai người điếc mở ra!”.

Anh Chị em,

Mỗi đôi tình nhân đều có những câu chuyện bí mật, nơi chốn bí mật; ở đó, họ tỏ tình cho nhau. Vậy, hãy trở về với khu vườn bí mật của lòng mình; Chúa Giêsu đang đợi, đang chờ để truyền sức sống thần linh của Ngài cho chúng ta. Ở đó, chúng ta sẽ cất lên, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở; ca tụng Chúa vì chúng ta là những người được Ngài cứu sống như cậu bé Colin tưởng mình sắp chết được hồi sinh trong câu chuyện của Burnett, như người câm điếc được chữa lành của Tin Mừng. Những ngày hôm nay, khi mọi người, giàu cũng như nghèo, quyền thế cũng như cùng đinh đang chới với giữa biển khơi, không biết bám vào đâu; thì chúng ta, con cái Chúa, những người may mắn, không chỉ được mặc một áo phao cứu sinh có tên “Giêsu”, nhưng còn được Ngài dìu vào một hải đảo có tên “Lòng Thương Xót”. Trong Ngài, chúng ta được che chở, nuôi sống. Vì thế, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” là một điều phải lẽ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết trân quý những tuần sống ‘hiếm hoi’ trong ‘khu vườn bí mật’ lòng mình. Xin chữa lành con, để con có thể nghe và chuyển trao sứ điệp yêu thương của Chúa cho anh chị em con, ngay trong những ngày hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai ngày 6/9: Bác ái siêu việt trên lề luật. Suy niệm: Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
23:43 04/09/2021


PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành. Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 04/09/2021

2. Con người ta nếu muốn nghỉ ngơi ở trên trần thế, thì làm sao có thể nghỉ ngơi vĩnh viễn trên thiên đàng chứ?

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vương Cung Thánh Đường của Đức Thánh Cha ở Buenos Aires bị vẽ bậy các khẩu hiệu bài Công Giáo
Đặng Tự Do
18:17 04/09/2021


Những kẻ phá hoại đã tấn công Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires ở Á Căn Đình vào hôm thứ Sáu tuần trước, phun sơn lên các bức tường với nhiều khẩu hiệu chống lại Giáo Hội, các linh mục Công Giáo và Kinh thánh.

Vụ phá hoại diễn ra vào ngày 27 tháng 8 trong một cuộc tuần hành do các tổ chức cánh tả tổ chức chống lại các ưu đãi dành cho các quan chức thực thi pháp luật.

Các kẻ phá phách cũng được vẽ bậy lên Viện Bảo tàng quốc gia Cabildo và những con đường lân cận với các khẩu hiệu vô chính phủ.

Cuộc tuần hành hàng năm được tổ chức tại Plaza de Mayo, được tổ chức bởi các nhóm cổ vũ cho xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, theo La Prensa, những người tổ chức tuần hành cho biết họ không liên quan gì đến việc vẽ bậy lên Vương Cung Thánh Đường, và không biết thủ phạm là ai.

Mạng lưới Tôn trọng Tôn giáo, một tổ chức bắt đầu vào tháng 6 với sứ vụ bảo vệ các nhà thờ Công Giáo ở Á Căn Đình, đã lên án cuộc tấn công. Tổ chức phàn nàn rằng “ không có sự ngăn chặn, cũng chẳng có những hành động hoặc phản ứng nào từ chính quyền quốc gia hoặc thành phố, cũng như không có một tuyên bố nào của họ lên án những hành vi phá hoại”.

“Sự hận thù phi lý này ngày càng gia tăng vì những công chức lười biếng này. Họ không quan tâm và sự im lặng của họ là đáng báo động”.

Mạng lưới cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến tòa án, “để chất vấn với sự bất khoan dung tôn giáo ngày càng tăng và để thúc đẩy Nhà nước và các quan chức nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
18:18 04/09/2021


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một số thay đổi tạm thời đối với Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô. Đó là một nhóm các linh mục đã nghỉ hưu cầu nguyện và hỗ trợ các hoạt động phụng vụ của ngôi thánh đường này.

Các định mức mới cắt giảm chi phí của Kinh Sĩ Đoàn và đặt việc quản lý tài chính dưới sự điều hành của văn phòng quản lý Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng đã ban hành những thay đổi đối với Kinh Sĩ Đoàn vào ngày 28 tháng 8. Những thay đổi này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 và có thời hạn một năm trong khi các quy chế pháp lý của Kinh Sĩ Đoàn được hoàn thiện.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những thay đổi đã được thực hiện “để tạo điều kiện cho việc bắt đầu cải cách Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô.”

Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô được Thánh Giáo Hoàng Lêô IX thành lập năm 1043 để bảo đảm việc cầu nguyện thường xuyên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, và trong những năm trước đó, Kinh Sĩ Đoàn còn có nhiệm vụ để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng quản lý các dâng cúng được được tặng cho Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả việc dâng cúng bất động sản.

Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô được đặt dưới sự điều động của vị Giám quản Đền Thờ, hiện là Đức Hồng Y Mauro Gambetti. Kinh Sĩ Đoàn gồm có một vị tổng đại diện và 34 thành viên. Các thành viên được chọn từ những nhân vật đáng chú ý nhất trong Giáo Hội Công Giáo khi họ nghỉ hưu.

Nhiều người trong số họ đến từ Giáo triều Rôma và nhận được tiền trợ cấp của Vatican ngoài khoản phí trả cho các thành viên của Kinh Sĩ Đoàn. Một trong những cải cách ngày 28 tháng 8 của Đức Thánh Cha Phanxicô là các thành viên Kinh Sĩ Đoàn chỉ có thể nhận được lương bổng nếu các ngài không được nhận lương hưu hoặc các lương khác từ Vatican.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Bo tố cáo các nhà lãnh đạo Miến Điện đẩy quốc gia vào con đường chết
Đặng Tự Do
18:18 04/09/2021


Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon cho biết: Cái chết và sự tuyệt vọng trong 7 tháng qua ở Miến Điện đã được hoạch định bởi luật pháp của những cái đầu đâm thẳng vào trái tim của người dân. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Miến Điện đã công kích “cái gọi là các nhà lãnh đạo lâm thời” và nói rằng họ đã “thất bại trong vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của mình”.

Trong một bài giảng trong Thánh Lễ Chúa Nhật 29 tháng 8 tại Nhà thờ Đức Bà, Đức Hồng Y Charles Bo đã sử dụng bài đọc Kinh Thánh trong ngày để vạch mặt hàng “lãnh đạo” đất nước. Ngài nói rằng họ đã gieo chết chóc và tuyệt vọng ở Miến Điện bởi một thúng các luật lệ và quy định xuất phát từ những cái 'đầu' chống lại 'lòng dân' của họ.

Đức Hồng Y tố cáo mười tám tháng Covid-19 với những mất mát về cuộc sống và sinh kế, 7 tháng xung đột dân sự, thất vọng, chết chóc và tuyệt vọng, là “ánh sáng bộc lộ những thảm họa tự nhiên và nhân tạo” đã kéo dài “một đêm đen những giọt nước mắt thầm lặng” của người dân Miến Điện.

Ngài đề cập đến những tai ương của quốc gia Đông Nam Á sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2, lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Trong khi phê phán giới cầm quyền, vị Hồng Y, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, đã ca ngợi những người dân vĩ đại được “trang bị bằng đạo đức cá nhân và lòng quảng đại”.

Vị Hồng Y 72 tuổi này đã thu hút sự chú ý đến Thư của Thánh Giacôbê, trong đó kêu gọi các Kitô hữu là những người làm theo Lời chứ không chỉ là những người nghe, và Tin Mừng của thánh Máccô, trong đó Chúa Giêsu tố cáo việc tuân thủ những luật pháp đi ngược lại với điều răn yêu thương. Những người Pharisêu và các luật sĩ đã thách thức Chúa Giêsu khi các môn đệ của Ngài không lau rửa tay trước khi dùng bữa. Đức Hồng Y Bo cho biết các bài đọc trong ngày kêu gọi hành trình đi “từ cái đầu đến trái tim”, “hướng tới sự chân thực hơn trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống của quốc gia”, được đánh dấu bằng tình yêu.

Ngài nói: “Những cái chết và sự tuyệt vọng trong bảy tháng qua là hệ quả của các luật lệ và quy định của những cái đầu”, đang đánh vào “trái tim” của con người, vốn tượng trưng cho “tình yêu”. Đức Hồng Y thúc giục : “Hãy vượt ra ngoài luật pháp để đi vào tình yêu: hãy chuyển từ tâm trí theo luật pháp, hướng đến luận lý của trái tim, hướng đến tình yêu”. Ngài nói thêm rằng bên trong của chúng ta, nguồn gốc của sự ô uế, như Chúa Giêsu nói, cần được thanh tẩy.

Đức Hồng Y nhận xét rằng: về mặt thể chất, khoảng cách giữa đầu và trái tim, chỉ khoảng 18 inch, nhưng cuộc hành trình từ đầu, nơi đầy các khái niệm, và pháp luật đến một trái tim đầy tình yêu là một cuộc hành trình suốt đời. “Sự chân thực chỉ có thể đạt được khi có sự hài hòa giữa đầu và trái tim”, khi chúng ta đi từ “một người Pharisêu đến môn đệ của Chúa Giêsu”, từ các chính phủ áp bức đến vương quốc của Thiên Chúa, từ dối trá đến sự thật.

Đức Hồng Y Bo kêu gọi đồng bào tái xây dựng lại bản thân bằng cách “mang trái tim nhân ái vào cuộc sống của chúng ta”. Ngài cảnh báo rằng sự phân đôi giữa cái đầu và trái tim của “những kẻ thống trị chúng ta”, chỉ “mang lại những thống khổ to lớn.”

Ám chỉ bọn cầm quyền của đất nước đang mua vũ khí từ “khắp nơi trên thế giới” để củng cố quyền lực của mình, Đức Hồng Y Bo thúc giục, “chúng ta hãy tự trang bị cho mình tình yêu thương dành cho nhau”. Lòng chân thành thực sự “cuối cùng đến từ tình yêu”.
Source:Catholic News Agency
 
Biden thề sẽ chống đến cùng luật cấm phá thai khi tim thai nhi đã đâp của Tiểu bang Texas
Vũ Văn An
19:25 04/09/2021

Theo Catholice World News, Tổng thống Biden đã phẫn nộ phản ứng khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từ khước ngăn chặn việc thi hành một đạo luật của Tiểu bang Texas dự liệu các hình phạt vì phá thai nếu khám phá thấy trái tim thai nhi đã biết đập. Tòa Bạch Ốc đã phát hành bản tuyên bố bác bỏ đạo luật này, coi nó như “một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu vào hiến quyền của phụ nữ” và nói rằng sự thất bại hành động của Tối cao Pháp viện đối với đạo luật sẽ tạo ra “sự hỗn loạn bất hợp hiến”. Biden đoan hứa sẽ “phát động một cố gắng của toàn bộ chính phủ” để duy trì quyền phá thai không giới hạn tại Texas.



Biden hoảng trước đạo luật của Texas vì theo Reuters, đạo luật này hầu như loại trừ hầu hết các vụ phá thai tại Texas, tiểu bang đông dân nhất thứ hai của Mỹ. Vì có đến từ 85 tới 90 phần trăm yêu cầu được phá thai là khi đứa trẻ được chừng 6 tuần lễ, trùng hợp với lúc nhịp đập của trái tim thai nhi có thể được nhận thấy.

Không hiểu chính phủ Biden sẽ làm cách nào để ngăn cản việc thi hành đạo luật này tại Texas, một đạo luật, mà Tối Cao Pháp viện Hoa kỳ với số phiếu 6 chống 3, đã duy trì. Theo Reuters, đạo luật này sống còn nhờ một yếu tố ngoại thường là để việc chấp pháp cho các công dân tư nhân. Những người này có thể nhận được khoản tiền thưởng trị giá lên đến $10,000 vì đã tạo được một vụ kiện chống bất cứ phụ nữ nào phá thai sau khi thai nhi được 6 tuần hay bất cứ ai giúp họ thực hiện vụ phá này.

Đó hình như là điểm được Biden lưu ý đặc biệt khi ông cho rằng “Nó tháo khoán nhiều cuộc hỗn loạn phản hiến và trao quyền cho những kẻ chấp pháp tự bổ nhiệm sẽ gây ra nhiều hậu quả tàn hại... Những kẻ hoàn toàn xa lạ nay được ban quyền tự pha mình vào các quyết định tư riêng và bản thân nhất của người đàn bà”.

Trong một bản giải thích không có chữ ký, khối đa số của Tối cao Pháp viện nói rằng cấu trúc ngoại thường của đạo luật Texas, tức để việc chấp pháp cho các cá nhân khởi kiện, đã giới hạn khả năng hành động của nó và phán quyết của nó không phản ảnh tính hợp hiến tối hậu của luật.

Theo Reuters, Chủ tịch Cộng Hòa của Thượng viện Florida, Wilton Simpson, nói với đài truyền hình địa phương ngày 2 tháng 9 rằng ông dự kiến sẽ theo guơng Texas và đệ trình một đạo luật tương tự tại thượng viện Tiểu bang vào kỳ họp tới.

Carol Tobias, chủ tịch Ủy Ban Quyền Sống Toàn Quốc, phát biểu: “Đạo luật này sẽ bắt đầu cứu mạng sống cho hàng chục ngàn thai nhi Texas và chúng ta mong đến ngày mạng sống thai nhi sẽ được duy trì khắp nước Mỹ”.

Cũng theo Reuters, phá thai vẫn còn là một vấn đề tạo phân cực sâu xa và phần lớn đảng viên Dân Chủ ủng hộ quyền phá thai, trong khi đa số đảng viên Cộng Hòa chống các quyền này. Tuy nhiên, con số phá thai được báo cáo cho các Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ đã giảm trong những thập niên gần đây: xuống còn 620,000 vụ năm 2018 so với 790,000 vụ năm 2009.

Ngả mà Biden dựa vào có thể là Quốc hội. Vì theo Reuters, Quốc Hội có quyền ra luật lệ về phá thai cho cả nước. Và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chỉ trích nặng nề đạo luật của Texas và thề sẽ soạn một dự luật chống lại nó khi Quốc hội họp lại.

Đảng Dân chủ chỉ có một đa số nhỏ nhoi tại Quốc Hội, và dù dự luật có được Hạ viện thông qua, thì cũng khó thành công ở Thượng viện, là định chế đòi tới 60 trong số 100 thành viên phải đồng ý trong hầu hết các đạo luật. Đảng Dân Chủ chỉ có 50 thành viên tại Thượng Viện.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá bế mạc kỷ niệm 350 năm thành lập
Đằng Giao / Người Việt
21:44 04/09/2021
Dòng Mến Thánh Giá bế mạc kỷ niệm 350 năm thành lập

GARDEN GROVE, California (NV) – Thánh Lễ bế mạc kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá diễn ra tại nhà thờ St. Columban, Garden Grove, lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 4 Tháng Chín, trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp.

Chưa tới 9 giờ sáng mà đông đảo giáo dân đã tề tựu, hăng hái chuẩn bị cho buổi lễ.

Ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, đàn ông sắp xếp ghế ngồi, phụ nữ chuẩn bị thức ăn, nước uống trong lúc các thiếu nữ tha thướt trong những cánh áo dài óng ả chăm chú trưng bày tờ chương trình cũng như áo thun, dĩa CD, và những tặng phẩm ra bàn để trao tặng cho giáo dân sau Thánh Lễ.

Không gian ấm áp nắng vàng lại càng ấm hơn vì âm vang tôn vinh Thiên Chúa từ thánh đường vang ra, trong lúc ca đoàn đang ráo riết tập dượt.

Một năm hồng ân hóa thành hai

“Buổi lễ này rất có ý nghĩa với tôi vì hai năm trước, tôi đã có mặt tại buổi lễ khai mạc để chung vui với người em là Soeur Mary Tim, thuộc Dòng Mến Thánh Giá, Los Angeles,” cô Thủy Phạm, cư dân Sacramento, nói. “Và hôm nay tôi lại được dự lễ bế mạc.”

Những giáo dân khác lại có niềm vui khác khi đi lễ.

Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles trong hoạt cảnh diễn nguyện nhắc lại cuộc đời và cuộc hành trình của cố Giám Mục Pierre Lambert de la Motte, người sáng lập dòng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà An Trần, ở Garden Grove, tay lần tràng hạt, nói: “Tôi nghĩ hôm nay là một ngày thật đặc biệt. Đúng ra thì lễ bế mạc này đã phải xảy ra từ Tháng Chín năm ngoái, nhưng vì đại dịch cho nên đình hoãn đến năm nay. Nghĩa là thay vì chỉ có một năm hồng ân, chúng ta có đến hai năm, và linh thiêng hơn nữa là hồng ân được trao tặng cho con dân Chúa giữa lúc cả thế gian hoảng sợ vì trận dịch quái ác.”

Ông Quân Đinh, ở Garden Grove, cũng lưu ý đến một năm “bonus” này.

Ông nói: “Lễ khai mạc mạc kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Dòng Mến Thánh Giá diễn ra tại nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove, hôm 14 Tháng Chín, 2019 và chúng ta chỉ có một năm hồng ân, nghĩa là, đúng ra, lễ bế mạc này phải xảy ra từ Tháng Chín năm rồi.”

Ông cười: “Chắc vì đại dịch, Chúa ban cho con ngài một năm nữa đó thôi.”

Trong số đông tu sĩ tham dự, có Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange.

Thánh Lễ bế mạc kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam diễn ra trong không khí trang trọng, Giám Mục Marc Trudeau, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, chủ tế.

Ngoài ra, Thánh Lễ còn có sự tham gia của Giám Mục Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, trong vai trò thuyết giảng; Linh Mục Chu Vinh Quang, chánh xứ giáo xứ St. Mary’s by the Sea Church, Huntington Beach, trong vai trò trưởng lễ, Phó Tế Gabriel Saavedra, thuộc nhà thờ St. Bruno, Whitier, và Phó Tế Nguyễn Đức Tuấn, thuộc nhà thờ St. Columban, Garden Grove.

Mở đầu buổi lễ là hoạt cảnh diễn nguyện nhắc lại cuộc đời và cuộc hành trình của cố Giám Mục Pierre Lambert de la Motte, từ Pháp đến Việt Nam, với sự tham gia của rất đông nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, Los Angeles.

Suốt buổi lễ, công đức của Giám Mục Pierre Lambert de la Motte, người sáng lập Dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam năm 1670 tại Bắc Việt và 1671 tại Nam Việt được nhắc lại với sự sùng kính.

Trong phần thuyết giảng, Giám Mục Nguyễn Thái Thành nhắc đến sự thay đổi ý nghĩa của thập tự giá.

Vị giám mục nói: “Thập tự giá từng bị coi là hình tượng của hận thù, của nhục nhã, của giam cầm. Nhưng từ khi Chúa thay nhân loại chịu chết và sống lại thì thập tự giá trở thành hình tượng của sự cứu rỗi, tình yêu và hy vọng.”

“Và Dòng Mến Thánh Giá đã có công rất lớn trong suốt 350 năm qua trong việc san sẻ Đức Tin và tình thương cũng như hy vọng ra khắp nơi,” vị giám mục nói.

Từ Pháp đến Việt Nam

Dòng Mến Thánh Giá tiếng Pháp gọi là “Amantes de la Croix,” và tiếng Anh gọi là “Congregation of the Holy Cross Lovers.”

Đây là một dòng tu dành cho nữ giới Công Giáo do Giám Mục Lambert de la Motte, cũng là người sáng lập Hội Thừa Sai Paris, đến Đông Dương thành lập đầu tiên.

Đây là dòng nữ tu Công Giáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Sang thế kỷ 21, dòng này phục vụ trong nhiều giáo phận ở Việt Nam.

Mến Thánh Giá là dòng tu nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật được gọi là “Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá,” trực thuộc quyền giám mục sở tại và hướng về việc truyền giáo cũng như chuyên làm việc thiện nguyện và giáo dục thanh thiếu niên.

Dòng Mến Thánh Giá hiện nay chia làm nhiều nhánh, mỗi nhánh đều độc lập và tự trị, và mỗi nhánh có một nữ tu tổng phụ trách của hội dòng (tương đương bề trên tổng quyền ở các dòng tu khác).

Tuy là tự trị và độc lập, nhưng toàn thể Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam đều hiệp thông với nhau và liên lạc chặt chẽ với nhau.

Đến năm 2005 có khoảng 24 dòng nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam và một tại Hoa Kỳ, ba tại Thái Lan, và hai tại Lào.

Một số nhánh lớn của Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam là Mến Thánh Giá Nha Trang, Mến Thánh Giá Chợ Quán, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Mến Thánh Giá Phát Diệm, Mến Thánh Giá Gò Vấp, Mến Thánh Giá Cái Mơn, Mến Thánh Giá Los Angeles v.v…

Hiện giờ, Dòng Mến Thánh Giá tại Los Ageles có khoảng 85 nữ tu.

“Từ Tháng Ba năm ngoái, hôm nay là ngày đầu tiên vợ chồng tôi mới dám quay lại dự lễ trong nhà thờ và chúng tôi cảm thấy vô cùng hân hoan vì đã dám sinh hoạt bình thường,” bà Lý Thị Nghĩa, cư dân Garden Grove, chia sẻ. “Xin cám ơn Dòng Mến Thánh Giá đã cho chúng tôi can đảm.”

Theo dự đoán của Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, chánh xứ giáo xứ St. Columban, vào cuối tháng này, khoảng 20 nữ tu của dòng sẽ dọn vào một khu riêng trong khuôn viên nhà thờ St. Columban để tiện việc hoạt động tại Orange County. [đ.d.]
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lạm Dụng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:36 04/09/2021
Lạm Dụng

Khi nghe đến hai từ lạm dụng người ta thường vội liên tưởng đến các dữ kiện mang tính thời sự thời gian vài năm gần đây đó là lạm dụng tình dục (Sexual abuse). Hình như chủ đề này cũng thu hút khán thính giả, độc giả nhất là khi nó đụng chạm đến nhiều quan chức tai to mặt lớn, nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo, nhiều ngôi sao điện ảnh, ca nhạc… Xin được bỏ qua chủ đề này để tập chú vào chủ đề “lạm dụng quyền lực” (Abuse of power or abuse of authority)

Lạm dụng là dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã quy định và lạm quyền là làm những việc vượt quá quyền hạn của mình (Tự Điển Tiếng Việt Nxb KHXH – 1994). Lạm dụng quyền lực theo chiều kích xã hội đó là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn quyền lực cho phép, vượt quá quyền hạn mà pháp luật giao cho khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhấn mạnh đến tình trạng lạm quyền trong Giáo hội mà hình thức giáo sĩ trị là một trong những hình thức Ngài lưu ý cách đặc biệt với nhiều lời huấn dụ thẳng thừng.

Tình trạng lạm dụng quyền lực có mối liên hệ hỗ tương với việc lạm dụng thể chế (Institutional abuse). Chính cái thể chế (cơ cấu tổ chức và luật lệ) là một trong những nguồn gốc phát sinh nạn lạm quyền. Có thể nói xưa lẫn nay thể chế là sản phẩm do những người nắm quyền xây dựng nên, cả ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Một lẽ thường tình đó là các thể chế luôn nghiêng phần lợi cho các cá nhân hay tập thể nắm quyền. Là sản phẩm do con người làm ra nhưng khi nó trở thành cơ cấu tổ chức, thành văn bản luật lệ thì chúng được xem như là “thiên ý” là “chân lý tối cao”.

Bên cạnh đó có một nguy cơ cũng là chước cám dỗ khó vượt qua đó là đồng hóa thể chế với các thực thể thiêng liêng cao quý là Quốc gia, Dân tộc, Giáo hội. Dưới cái nhìn đức tin thì Kitô hữu tin rằng Giáo hội mãi luôn trường tồn nhưng Giáo hội không đồng nhất với cơ cấu tổ chức, với luật lệ. Một Quốc gia hay Dân tộc không đồng nhất với một thể chế chính trị nào. Đã là thể chế thì không luôn là bất biến mà trái lại cần được chỉnh sửa hay đổi thay. Đồng nhất hóa thể chế với các thực thể thiêng liêng cao quý là một phương sách mà nhiều người nắm quyền thường sử dụng để bảo vệ quyền chức của mình và như thế làm nảy sinh tệ nạn lạm quyền.

Chúng ta cũng cần nói đến một nguyên nhân làm nảy sinh nạn lạm quyền đó là sự tiếm quyền. Tiếm quyền là chiếm lấy quyền lực, địa vị một cách không chính đáng và không hợp pháp. Người ta có thể tiếm quyền bằng nhiều cách thế như bạo lực, xảo kế, lọc lừa… Không chỉ khi chiếm quyền cho bản thân mình mà khi trao quyền cho một ai đó thiếu công minh và hợp lý thì cũng là một dạng tiếm quyền. Chính vì thế cần nỗ lực diệt trừ sự tiếm quyền cũng là cách thế ngăn ngừa sự lạm quyền ngay từ trong trứng nước. Theo thiển ý một cách thế xem ra hạn chế nạn tiếm quyền đó là bầu cử cách công khai, dân chủ, bình đẳng... Người đứng đầu trong các quốc gia và cả trong Giáo Hội Công Giáo cùng nhiều Giáo hội các tôn giáo hiện nay là kết quả của việc bầu cử. Hy vọng rằng hình thức này được áp dụng cách công bằng dân chủ xuống các cấp thấp hơn.

Một hình thái kéo theo như tất yếu của nạn lạm quyền đó là tình trạng lộng quyền. Lộng quyền là sử dụng quyền lực của mình cách ngang ngược mà có khi là vượt quá quyền hạn được giao, có khi là vượt cả quyền hạn của cấp trên. Xin đừng quên rằng sử dụng quyền lực trong những trường hợp không cần thiết, có khi là hữu lý nhưng không hợp tình chút nào là một trong những hình thái lộng quyền.

Trong thời buổi nhiễu nhương thì các tệ nạn “tiếm quyền”, “lạm quyền”, “lộng quyền” dường như xuất hiện nhan nhãn. Dĩ nhiên nỗi khổ luôn chất chồng lên vai, lên cổ đám đông dân chúng. Theo Tin Mừng tường thuật thì để cho con người thực sự làm chủ ngày Sabbat (thể chế, luật lệ), để diệt trừ nạn lạm quyền thì Chúa Giêsu không chỉ mạnh mẽ cất cao lời chân lý nhiều khi rất chói tai mà Người còn rất nhiều lần cố tình vi phạm một vài lề luật, cố tình bỏ qua không ít truyền thống của Do Thái giáo thời bấy giờ.

Nếu tệ nạn lạm quyền cứ mãi tồn tại và biến hóa đủ kiểu nhiều cách thì chúng ta cần khiêm tốn với cố nhạc sĩ Tô Hải thú nhận: “Tôi là một thằng hèn”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Trong Cõi Người Ta : Một chút suy tư từ biến cố Bà Phương Hằng
Sơn Ca Linh
08:40 04/09/2021
Trong Cõi Người Ta : Một chút suy tư từ biến cố “Bà Phương Hằng”

“Trăm năm trong cõi người ta” (Kiều)
Dễ gì tìm được “người ta tốt lành” !

Người ta láu cá lanh chanh,
Người ta chèn ép, đua tranh, tội tù...
Người ta kiêu ngạo, đui mù,
Người ta chia rẽ, hận thù, giết nhau.
Người ta bệnh hoạn yếu đau,
Người ta vô cảm sở cầu lợi danh.
Người ta dối trá tinh ranh,
Người ta phản bội sở khanh thấp hèn.
Người ta ích kỷ nhỏ nhen,
Người ta hời hợt đua chen hão huyền.
Người ta đau khổ truân chuyên,
Người ta thất vọng hết điên lại khùng.
Người ta độc ác muôn trùng,
Người ta vất vả lao lung một đời.
Người ta trác táng ăn chơi,
Người ta mỏi mệt tơi bời xác thân.
Người ta bội nghĩa vong ân,
Người ta bất kể “gieo vần phu thê”.
Người ta khoác lác u mê,
Người ta tham dục, đam mê, biếng lười.
Người ta khóc, người ta cười,
Người ta chết, người ta rời bến mê !...

Trăm năm “một cõi đi về”,
Làm “người ta tốt” khó bề làm sao !
Thôi thì ngước mắt lên cao,
Nguyện cầu Thượng Đế dạt dào thi ân.
Phận mình mỗi bước ân cần,
Dõi theo “Chính Lộ” xoay vần tháng năm.
Mỗi ngày một chút chuyên chăm,
Lắng nghe Lời Chúa âm thầm bước đi.
Thế gian rồi sẽ đến kỳ,
Men thì dậy bột muối thì cá tươi.
“Người ta” ai cũng một thời,
Làm “người ta tốt” một đời phúc vinh.

Sơn Ca Linh (4.9.2021)
 
VietCatholic TV
Vui hay buồn? Vị LM nho nhã đứng bên ĐTC sẽ không đứng đó nữa. Nhà thờ chính tòa Sydney suýt nổ tung
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:55 04/09/2021

1. Đức Ông Guido Marini, chưởng nghi của Đức Giáo Hoàng được bổ nhiệm làm giám mục

Chúng ta sẽ không còn thấy một nhân vật thường đi bên cạnh Đức Thánh Cha nữa. Đức Ông Guido Marini là người đi bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô trong các buổi lễ Giáo hoàng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm vị linh mục 56 tuổi này làm Giám mục Giáo phận Tortona. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên hôm 29 tháng 8. Từ năm 2007, Đức ông Guido Marini đã là chưởng nghi trong các cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng. Danh tính người kế nhiệm ngài vẫn chưa được nêu.

Đức Ông Guido Marini đã được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm chưởng nghi vào năm 2007. Ngài được Đức Bênêđíctô tái bổ nhiệm vào vị trí quan yếu này với nhiệm kỳ 5 năm vào năm 2012. Vào thời điểm diễn ra mật nghị năm 2013, ngài đã phát biểu công thức nghi lễ nổi tiếng “Extra omnes”, nghĩa là “Tất cả ra ngoài”, để ra lệnh đóng các cánh cửa Nhà nguyện Sistina để các Hồng Y được có bầu khí riêng tư trong việc bầu vị giáo hoàng tiếp theo.

Vào năm 2014 và 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái gia hạn chức vụ của Đức Ông Marini, bất chấp một số đồn đoán trên báo chí cho rằng có những khác biệt trong các vấn đề nhạy cảm về phụng vụ giữa vị Giáo hoàng Á Căn Đình và Cha Marini. Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng cũng giao cho ngài trách nhiệm chỉ huy dàn hợp xướng của Nhà nguyện Sistina.

Với tư cách là chưởng nghi trong các buổi cử hành của Đức Giáo Hoàng, vị linh mục người Ý đã có thể đồng hành với Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô trong các cuộc tông du. Luôn sát cánh cùng Đức Giáo Hoàng trong các buổi lễ, ngài bảo đảm việc tổ chức phụng vụ đúng cách trong khi sẵn sàng can thiệp khi hoàn cảnh bắt buộc.

Ở Vatican, Đức Ông Marini đặc biệt quý trọng vì sự kín đáo, lòng tốt, sự quan tâm đến người khác và lòng mộ đạo nổi bật của ngài.

Sinh năm 1965 và được thụ phong linh mục năm 1989 tại Tổng giáo phận Genoa, ngài là thư ký riêng và là chưởng nghi cho các cử hành phụng vụ của các tổng giám mục khác nhau của Genoa, bao gồm các Đức Hồng Y Dionigi Tettamanzi, Tarcisio Bertone, và Angelo Bagnasco.
Source:Aleteia

2. Đức Tổng Giám Mục Kaigama nhận xét chua chát: Cả thế giới đang theo dõi chúng ta bị giết

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của tổng giáo phận Abuja, nói rằng cuộc chiến của Chính phủ Liên bang chống lại bọn cướp và quân nổi dậy là một phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Muhammadu Buhari và mọi con mắt đang đổ dồn vào Nigeria.

Ngài đã đưa ra lập trường trên hôm Chúa Nhật trong khi thuyết giảng tại Nhà thờ Thánh Augustinô, ở Cứ điểm Mục vụ Waru, Abuja.

Theo Đức Cha Kaigama, điều quan trọng là Chính phủ Liên bang phải hỗ trợ các cơ quan an ninh trong việc chấm dứt các vụ giết người và tấn công của bọn cướp ở nhiều nơi trên đất nước.

“Bạo lực, đổ máu và các cuộc tấn công khủng khiếp xảy ra gần đây hơn ở nhiều vùng trên đất nước thân yêu của chúng ta là một nỗi xấu hổ khủng khiếp đối với quốc gia của chúng ta và là một mâu thuẫn bi thảm đối với các nguyên lý của cả Kitô Giáo và Hồi giáo”.

“Thế giới đang theo dõi Nigeria với sự hoang mang tột độ. Những vụ giết người đáng trách và các tội ác liên quan, cho dù đáng bất bình như thế nào, vẫn không kêu gọi được chính phủ hành động một cách chủ động và dứt khoát”.

Ngài kêu gọi Chính phủ Liên bang hiểu những mối quan tâm của các cá nhân và các nhóm có thiện chí về tình hình an ninh trong nước theo chiều hướng tích cực, và nói rằng họ là những yêu nước đóng góp cho các vấn đề quốc gia hiện tại chứ không phải là một thách thức đối với thẩm quyền chính trị.

Ngài than thở: “Thật không may khi những người Nigeria tốt bụng, những người mạnh dạn lên tiếng ủng hộ những gì đúng đắn và đưa ra những chẩn đoán khách quan về các vấn đề quốc gia lại đang bị bách hại”
Source:Naja News

3. Đức Hồng Y Dolan thăm các địa điểm Công Giáo ở Manhattan trong loạt video mới

Vào tuần thứ năm của Lễ Phục Sinh, năm 2021, Đức Hồng Y Timothy Dolan đã tung ra một loạt video hướng dẫn về các thực hành Công Giáo. Từ Nhà thờ Thánh Patrick cổ kính ở Manhattan, vị Hồng Y đã trình bày các chức năng, và các khía cạnh khác nhau của các nhà thờ liên quan đến đức tin. Chương trình đã thành công đến nỗi nó đã thúc đẩy Hồng Y sản xuất nhiều video hơn.

Giờ đây, Đức Hồng Y Dolan, 71 tuổi, đang đưa mọi người đi thăm các địa điểm Công Giáo ở New York. Trong video mới nhất, Đức Hồng Y Dolan đã đến thăm Nhà thờ Máu Châu Báu. Nằm ở trung tâm của Little Italy, giáo xứ được nhiều người biết đến sau khi xuất hiện trong bộ phim The Godfather.

Lối nói chuyện tự nhiên, và thu hút của Đức Hồng Y Dolan khiến ngài trở thành người dẫn chương trình xuất sắc cho loạt phim này. Giọng điệu trò chuyện khiến người xem cảm thấy như họ đang đi ngay bên cạnh vị Hồng Y. Nhiệt tình của ngài ấy đối với lịch sử Công Giáo phong phú của New York càng thu hút người xem.
Source:Aleteia

4. Cảnh sát phá hỏng mưu toan đặt bom nhà thờ chính tòa Đức Bà Sydney

Trong phiên tòa hôm thứ Ba 31 tháng 8, các công tố viên đã tố cáo kế hoạch của một tín đồ Nhà nước Hồi giáo nhằm vào một nhà thờ ở Sydney và đến Trung Đông để chiến đấu cho những nhóm người khát máu. Họ bác bỏ ý kiến của các luật sư bào chữa cho rằng đó chỉ là những “suy nghĩ viển vông hay tưởng tượng”.

Tòa án tối cao New South Wales đã nghe điều trần về tên Isaac el Matari, 22 tuổi, cư ngụ tại Greenacre ở phía tây nam Sydney. Tên này từng nói với một người mà hắn liên lạc thường xuyên rằng “trong sâu thẳm trái tim tôi, tôi thực sự muốn và vẫn muốn thực hiện một vụ tấn công khủng bố”.

Matari đã nhận tội thực hiện một hành động chuẩn bị và lên kế hoạch cho một hành động khủng bố và chuẩn bị cho các cuộc xâm nhập ra nước ngoài với mục đích tham gia vào các hoạt động khủng bố.

Tội danh trở thành thành viên của một nhóm khủng bố cũng được thêm vào trong cáo trạng của bị can.

Tòa án đã nghe cảnh sát báo cáo rằng anh ta muốn thiết lập một căn cứ thánh chiến ở Blue Mountains và bàn bạc âm mưu tấn công nhà thờ chính tòa Đức Bà ở khu trung tâm Sydney và “chiếm đóng” một thị trấn nhỏ như Orange.

Các luật sư của El Matari bào chữa rằng anh ta đã thực hiện rất ít hành động để biến những tuyên bố “hoành tráng và ảo tưởng” của mình thành hiện thực.

Tuy nhiên, công tố viên đã trình ra trước tòa các bằng chứng cho thấy vào năm 2017, khi mới 18, El Matari đã bị bắt giam ở Li Băng khi hắn ta cố gắng gia nhập hàng ngũ các chiến binh IS. Không nản lòng, hai năm sau, ngay khi vừa được tha, hắn ta xin được thị thực vào Pakistan với mục đích cuối cùng là đến Afghanistan để gia nhập vùng đất Khorasan của IS vào năm 2019.

Được biết đến với cái tên IS KP, cánh tay của tổ chức khủng bố IS ở Afghanistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom chết người vào sân bay quốc tế Kabul vào tuần trước.

Công tố viên Sophie Callan nói với tòa án rằng El Matari cũng đã nhiều lần đề cập đến ý định “chiến đấu trên tiền tuyến” cho IS.

Công tố viên Callan lập luận rằng những cuộc nói chuyện về thu thập vũ khí và visa – bị cảnh sát bí mật ghi lại - không chỉ là “viễn vông” nhưng là một dấu chỉ cho thấy “ý chí quyết tâm khủng bố.”

Công tố viên Callan tuyên bố kẻ cực đoan đã đi xa tới mức dàn xếp một “cuộc hôn nhân giả” ở Úc để các quan chức di trú phải cho hắn ta trở lại Úc sau các hoạt động ở Trung Đông.

Kế hoạch của El Matari đã thất bại, và anh ta bị cảnh sát chống khủng bố bắt giữ vào ngày 2/7/2019. Trong vài ngày tới, tòa án New South Wales sẽ đưa ra xét xử mạng lưới những kẻ có liên quan với El Matari.
Source:News Australia
 
VCTĐ của Đức Thánh Cha ở Buenos Aires bị vẽ bậy các khẩu hiệu bài Công Giáo. Thư từ bệnh viện dã chiến
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:51 04/09/2021


1. Vương Cung Thánh Đường của Đức Thánh Cha ở Buenos Aires bị vẽ bậy các khẩu hiệu bài Công Giáo

Những kẻ phá hoại đã tấn công Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires ở Á Căn Đình vào hôm thứ Sáu tuần trước, phun sơn lên các bức tường với nhiều khẩu hiệu chống lại Giáo Hội, các linh mục Công Giáo và Kinh thánh.

Vụ phá hoại diễn ra vào ngày 27 tháng 8 trong một cuộc tuần hành do các tổ chức cánh tả tổ chức chống lại các ưu đãi dành cho các quan chức thực thi pháp luật.

Các kẻ phá phách cũng được vẽ bậy lên Viện Bảo tàng quốc gia Cabildo và những con đường lân cận với các khẩu hiệu vô chính phủ.

Cuộc tuần hành hàng năm được tổ chức tại Plaza de Mayo, được tổ chức bởi các nhóm cổ vũ cho xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, theo La Prensa, những người tổ chức tuần hành cho biết họ không liên quan gì đến việc vẽ bậy lên Vương Cung Thánh Đường, và không biết thủ phạm là ai.

Mạng lưới Tôn trọng Tôn giáo, một tổ chức bắt đầu vào tháng 6 với sứ vụ bảo vệ các nhà thờ Công Giáo ở Á Căn Đình, đã lên án cuộc tấn công. Tổ chức phàn nàn rằng “ không có sự ngăn chặn, cũng chẳng có những hành động hoặc phản ứng nào từ chính quyền quốc gia hoặc thành phố, cũng như không có một tuyên bố nào của họ lên án những hành vi phá hoại”.

“Sự hận thù phi lý này ngày càng gia tăng vì những công chức lười biếng này. Họ không quan tâm và sự im lặng của họ là đáng báo động”.

Mạng lưới cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến tòa án, “để chất vấn với sự bất khoan dung tôn giáo ngày càng tăng và để thúc đẩy Nhà nước và các quan chức nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình”.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một số thay đổi tạm thời đối với Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô. Đó là một nhóm các linh mục đã nghỉ hưu cầu nguyện và hỗ trợ các hoạt động phụng vụ của ngôi thánh đường này.

Các định mức mới cắt giảm chi phí của Kinh Sĩ Đoàn và đặt việc quản lý tài chính dưới sự điều hành của văn phòng quản lý Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng đã ban hành những thay đổi đối với Kinh Sĩ Đoàn vào ngày 28 tháng 8. Những thay đổi này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 và có thời hạn một năm trong khi các quy chế pháp lý của Kinh Sĩ Đoàn được hoàn thiện.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những thay đổi đã được thực hiện “để tạo điều kiện cho việc bắt đầu cải cách Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô.”

Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô được Thánh Giáo Hoàng Lêô IX thành lập năm 1043 để bảo đảm việc cầu nguyện thường xuyên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, và trong những năm trước đó, Kinh Sĩ Đoàn còn có nhiệm vụ để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng quản lý các dâng cúng được được tặng cho Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả việc dâng cúng bất động sản.

Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô được đặt dưới sự điều động của vị Giám quản Đền Thờ, hiện là Đức Hồng Y Mauro Gambetti. Kinh Sĩ Đoàn gồm có một vị tổng đại diện và 34 thành viên. Các thành viên được chọn từ những nhân vật đáng chú ý nhất trong Giáo Hội Công Giáo khi họ nghỉ hưu.

Nhiều người trong số họ đến từ Giáo triều Rôma và nhận được tiền trợ cấp của Vatican ngoài khoản phí trả cho các thành viên của Kinh Sĩ Đoàn. Một trong những cải cách ngày 28 tháng 8 của Đức Thánh Cha Phanxicô là các thành viên Kinh Sĩ Đoàn chỉ có thể nhận được lương bổng nếu các ngài không được nhận lương hưu hoặc các lương khác từ Vatican.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Bo tố cáo “các nhà lãnh đạo” Miến Điện đẩy quốc gia vào con đường chết

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon cho biết: Cái chết và sự tuyệt vọng trong 7 tháng qua ở Miến Điện đã được hoạch định bởi luật pháp của những cái đầu đâm thẳng vào trái tim của người dân. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Miến Điện đã công kích “cái gọi là các nhà lãnh đạo lâm thời” và nói rằng họ đã “thất bại trong vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của mình”.

Trong một bài giảng trong Thánh Lễ Chúa Nhật 29 tháng 8 tại Nhà thờ Đức Bà, Đức Hồng Y Charles Bo đã sử dụng bài đọc Kinh Thánh trong ngày để vạch mặt hàng “lãnh đạo” đất nước. Ngài nói rằng họ đã gieo chết chóc và tuyệt vọng ở Miến Điện bởi một thúng các luật lệ và quy định xuất phát từ những cái 'đầu' chống lại 'lòng dân' của họ.

Đức Hồng Y tố cáo mười tám tháng Covid-19 với những mất mát về cuộc sống và sinh kế, 7 tháng xung đột dân sự, thất vọng, chết chóc và tuyệt vọng, là “ánh sáng bộc lộ những thảm họa tự nhiên và nhân tạo” đã kéo dài “một đêm đen những giọt nước mắt thầm lặng” của người dân Miến Điện.

Ngài đề cập đến những tai ương của quốc gia Đông Nam Á sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2, lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Trong khi phê phán giới cầm quyền, vị Hồng Y, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, đã ca ngợi những người dân vĩ đại được “trang bị bằng đạo đức cá nhân và lòng quảng đại”.

Vị Hồng Y 72 tuổi này đã thu hút sự chú ý đến Thư của Thánh Giacôbê, trong đó kêu gọi các Kitô hữu là những người làm theo Lời chứ không chỉ là những người nghe, và Tin Mừng của thánh Máccô, trong đó Chúa Giêsu tố cáo việc tuân thủ những luật pháp đi ngược lại với điều răn yêu thương. Những người Pharisêu và các luật sĩ đã thách thức Chúa Giêsu khi các môn đệ của Ngài không lau rửa tay trước khi dùng bữa. Đức Hồng Y Bo cho biết các bài đọc trong ngày kêu gọi hành trình đi “từ cái đầu đến trái tim”, “hướng tới sự chân thực hơn trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống của quốc gia”, được đánh dấu bằng tình yêu.

Ngài nói: “Những cái chết và sự tuyệt vọng trong bảy tháng qua là hệ quả của các luật lệ và quy định của những cái đầu”, đang đánh vào “trái tim” của con người, vốn tượng trưng cho “tình yêu”. Đức Hồng Y thúc giục : “Hãy vượt ra ngoài luật pháp để đi vào tình yêu: hãy chuyển từ tâm trí theo luật pháp, hướng đến luận lý của trái tim, hướng đến tình yêu”. Ngài nói thêm rằng bên trong của chúng ta, nguồn gốc của sự ô uế, như Chúa Giêsu nói, cần được thanh tẩy.

Đức Hồng Y nhận xét rằng: về mặt thể chất, khoảng cách giữa đầu và trái tim, chỉ khoảng 18 inch, nhưng cuộc hành trình từ đầu, nơi đầy các khái niệm, và pháp luật đến một trái tim đầy tình yêu là một cuộc hành trình suốt đời. “Sự chân thực chỉ có thể đạt được khi có sự hài hòa giữa đầu và trái tim”, khi chúng ta đi từ “một người Pharisêu đến môn đệ của Chúa Giêsu”, từ các chính phủ áp bức đến vương quốc của Thiên Chúa, từ dối trá đến sự thật.

Đức Hồng Y Bo kêu gọi đồng bào tái xây dựng lại bản thân bằng cách “mang trái tim nhân ái vào cuộc sống của chúng ta”. Ngài cảnh báo rằng sự phân đôi giữa cái đầu và trái tim của “những kẻ thống trị chúng ta”, chỉ “mang lại những thống khổ to lớn.”

Ám chỉ bọn cầm quyền của đất nước đang mua vũ khí từ “khắp nơi trên thế giới” để củng cố quyền lực của mình, Đức Hồng Y Bo thúc giục, “chúng ta hãy tự trang bị cho mình tình yêu thương dành cho nhau”. Lòng chân thành thực sự “cuối cùng đến từ tình yêu”.
Source:Catholic News Agency
 
Thông tấn xã HĐGM Mỹ ủng hộ ĐTGM Nguyễn Năng – Cẩm nang phòng chống dịch của Bác Sĩ Phan Xuân Trung
Giáo Hội Năm Châu
19:15 04/09/2021


1. Thông tấn xã HĐGM Mỹ ủng hộ ĐTGM Nguyễn Năng

Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gọi tắt là USCCB vừa có bài viết ca ngợi Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn, cũng như các linh mục, tu sĩ của thành phố. Bài viết có nhan đề “Vietnamese archbishop as COVID-19 surges: ‘How can our hearts not ache?’”, nghĩa là “Trong khi COVID-19 tăng mạnh, Tổng Giám Mục Việt Nam đặt câu hỏi ‘Sao lòng chúng ta không nhói đau’”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng của Sài Gòn đã khuyến khích mọi người trong tổng giáo phận của ngài, nơi đang là một tâm chấn COVID-19, hãy bám lấy hy vọng và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngài cho biết người dân địa phương đã khóa cửa trong ba tháng để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể delta nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn rất nghiêm trọng, UCANews đưa tin.

“Khó khăn, thách thức bây giờ không chỉ là lương thực, vật dụng y tế, tài chính mà còn là những đau khổ về tâm lý, tinh thần vì người thân bị nhiễm bệnh, qua đời vội vàng mà không thể hỏa táng ngay. Họ sẽ trở về nhà trong những hũ tro”, ngài nói.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố báo cáo trung bình mỗi ngày có 241 ca tử vong. Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng cũng có các linh mục và tu sĩ đã chết vì COVID-19, trong khi nhiều người khác đã hồi phục.

UCANews đưa tin rằng giáo xứ Bình An ghi nhận 70 người chết trong tháng Bảy và tháng Tám, và nhiều giáo xứ khác có từ 10 đến 20 người chết. Nhiều gia đình có hai hoặc ba người thân đã qua đời, trong khi một số gia đình không còn ai sống sót cả.

“Làm sao trái tim chúng ta không nhói đau khi chứng kiến những cảnh tượng đau buồn này và nhìn thấy những đứa trẻ bị bỏ lại một mình vì gia đình chúng đã chết vì COVID-19?” Đức Cha Năng đặt câu hỏi. UCANews cho biết ngài cam kết các linh mục và giáo xứ sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi do COVID-19 gây ra.

Lưu ý rằng nếu một thành viên đau khổ thì tất cả các thành viên đều khổ đau, Đức Tổng Giám Mục cho biết Giáo Hội địa phương hiệp thông với những người đang phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần và thể xác.

Ngài nói: “Chúng ta đau buồn và khóc như chính Chúa Giêsu đã làm khi đứng trước quan tài của con trai bà góa thành Nain và trước mộ anh Lagiarô.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi mọi người gửi đi thông điệp này: Đừng đánh mất hy vọng. Ngài trích dẫn lời Thánh Phaolô: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi”.

Đức Cha Năng cho biết ngài và các linh mục địa phương cử hành thánh lễ hàng ngày với những lời cầu nguyện đặc biệt cho những người đã chết vì COVID-19, và ngài thúc giục các gia đình Công Giáo nên đọc kinh cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng.

Đức Tổng cũng yêu cầu người Công Giáo địa phương làm mọi cách để biến thông điệp hy vọng thành hiện thực bằng những lời cầu nguyện, thăm hỏi, an ủi, động viên, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau. Đừng để ai phải thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu hiểu biết của chúng ta.

“Niềm hy vọng của chúng ta “cắm neo chắc chắn vững vàng” nơi mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Đức Kitô. Đó là bảo đảm để không bao giờ chúng ta phải thất vọng khi bước đi trong đêm tối.” Đức Cha nói trong lá thư viết ngày 1 tháng 9.

UCANews cho biết nữ tu Maria Trần Ngọc Thảo Linh, một thành viên của Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt đã qua đời vì COVID-19 hôm 24 tháng 8 vừa qua khi mới 32 tuổi.

Trong một lá thư gửi cho các nữ tu khác trước khi qua đời, Sơ Linh cho biết vi-rút là cây thánh giá Chúa đã trao cho chị để chị hết lòng sống ơn gọi yêu mến thánh giá của mình. Tất cả mọi người đều có thập giá để giúp họ theo Chúa và nên thánh.

“Suy nghĩ về sự sống và cái chết, em thấy nó chỉ là tên gọi của hai hình thái sống khác nhau mà thôi. Thực tế thì, chúng ta có bao giờ chết đâu. Vậy đó, nên em cũng chẳng năn nỉ Chúa cho mình được khỏi bệnh hay được sống lâu,” sơ viết.

“Nếu bước đi trên một cuộc hành trình, điều người lữ hành mong mỏi nhất là có thể đến đích sớm bao nhiêu có thể. Thì cũng vậy, nếu cái chết đến sớm có lẽ là điều đáng mừng, phải không? Tuy cái chết không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đích lắm rồi.”

Ngày 2 tháng 9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết hơn 91,000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại nhà, 21,000 bệnh nhân khác đang điều trị tại các trung tâm cách ly và hơn 40,000 bệnh nhân phải nhập viện.

Khoảng 6,2 triệu người trong số 9 triệu người ở trung tâm thương mại này đã được tiêm chủng nhưng chỉ có 350,384 người được tiêm chủng đầy đủ.

Thành phố có kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho 4.5 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát trong những tháng tới.
Source:Crux

2. Cẩm nang phòng chống dịch của Bác Sĩ Phan Xuân Trung.

Xin nhấn vào đây