MỘT MÙA BỘI THU
“Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại ‘cánh đồng’ đời mình. Đúng hơn, nhìn lại những vụ mùa, những năm tháng… xem đâu là thời điểm tốt nhất, đâu là ‘một mùa bội thu’ mà Danh Thánh Chúa được hiển vinh rạng ngời, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay chúc khen, “Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.
Hãy nhìn lại cuộc sống theo từng thập kỷ, từng năm và thậm chí, từng tháng; chúng ta thử tìm kiếm những khoảnh khắc may mắn nhất cũng như thử thách nhất trong đời mình! Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương thức, “Cứ xem trái thì biết cây!”. Nhìn lại một chặng đường đã qua trong các quãng thời gian khác nhau, chúng ta sẽ biết, đâu là thời điểm ‘được mùa’, khi Danh Chúa rạng sáng; đâu là khi ‘mất mùa’ khi Danh Ngài bị che khuất. Đó có thể là khoảnh khắc khi mọi thứ diễn ra ‘suôn sẻ’ hay cả những giai đoạn ‘nghiệt ngã’. Trên thực tế, trong cái nhìn đức tin, có thể những lúc thập giá và khó khăn dồn dập nhất lại là thời điểm mang lại ‘một mùa bội thu’ nhất; bởi lẽ, đó là thời điểm mà ân sủng của Thiên Chúa được ban tràn đầy, mà chỉ khi nhìn lại, chúng ta mới nhận ra. Nhìn vào Chúa Giêsu, mọi việc Ngài làm đều nhắm đến vinh quang Thiên Chúa; thế nhưng, thật dễ dàng để nhìn thấy rằng, khoảnh khắc Ngài đau đớn nhất, chết chóc nhất trên thập giá lại là lúc Ngài mang về ‘một mùa bội thu’ cho Vương Quốc của Cha!
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Phaolô nhận ra ân huệ của Thiên Chúa dành cho đời mình; ngài nói với Timôtê, “Đức Giêsu Kitô đã tỏ ra tất cả lòng khoan dung của Ngài trong cha trước hết”. Được ân sủng của Đấng Phục Sinh, Phaolô dâng cuộc đời còn lại của mình cho sứ vụ; ngài đã có ‘một mùa bội thu’ giữa cánh đồng dân ngoại bát ngát khi Danh Chúa được nhận biết, “Nguyện danh dự và vinh quang quy về Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời!”.
Cũng thế, cuộc đời của chúng ta tựa hồ một cánh đồng cho những vụ mùa thiêng liêng. Có những quãng thời gian; trong đó, với những quyết định đã thực hiện, những hoạt động bác ái đã tham gia, khi đời sống cầu nguyện của chúng ta trở nên sâu sắc, dẫu đó có thể là những tháng ngày bi đát… thế nhưng, tất cả đã đem lại ‘một mùa bội thu’. Tạ ơn Chúa vì Danh Ngài được hiển vinh! Bên cạnh đó, có thể có những vụ mùa ‘trắng tay’, khi chúng ta mất cả giống lẫn công, cả chài lẫn chì, dẫu bên ngoài là xuôi may, thành đạt… nhưng đôi khi, bên trong, chỉ là trống rỗng, hão danh; có thể đó là những vụ mùa mà danh chúng ta được ‘rạng sáng’, đang khi Danh Chúa phải lu mờ!
Anh Chị em,
Trong những ngày hôm nay, khi đang trải qua thời gian khốn đốn vì dịch bệnh, liệu đây có phải là thời điểm của ân sủng, của xót thương mà Thiên Chúa đang dành cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn chúng ta không? Phải chăng đây là lúc mà Thiên Chúa nhân từ đang cho chúng ta nghỉ ngơi; được Ngài mời vào lại bên trong của linh hồn, nơi chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ nói cho chúng ta những gì cần nhất, dạy cho chúng ta gì cần làm. Và biết đâu, rồi đây, khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính giai đoạn đang thiếu thốn trăm bề trong những ngày cách ly này, tinh thần cũng như vật chất, lại là thời điểm chúng ta đã có ‘một mùa bội thu!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhìn lại cánh đồng đời con, xem ra con mất nhiều hơn được. Xin giúp con biết tận dụng ân sủng Chúa ban trong ‘những ngày hồng phúc’ này, để làm một điều gì đó, hầu Chúa và con có thể có ‘một mùa bội thu!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a
“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”
3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.
BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18
“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia Alleluia – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia
PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35
“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Ðó là lời Chúa.
9. Chỉ có coi thường vật chất thế tục và thận trọng bước trên đường về thiên đàng, đó mới là sự khôn ngoan lớn nhất.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Bốn kiệu phu đi về huyện quan để lãnh tiền khiêng kiệu.
Huyện quan nổi giận nói:
- “Ta ngồi trong kiệu chỉ thấy hai thằng khiêng mà thôi, sao tụi bây lại đến đòi tiền bốn đứa?”
Kiệu phu đáp:
- “Dạ, phía sau kiệu cũng có hai người khiêng nữa ạ”.
Huyện quan nói:
- -“Thì cũng chỉ vẻn vẹn hai đứa mà thôi !”
(Tiếu tiếu lục)
Suy tư 56:
Khiêng võng thì chỉ cần hai người, nhưng khiêng kiệu lớn thì cần phải có bốn người; ông quan chỉ trả tiền cho hai người khiêng khiệu là vì ông chỉ thấy hai người khiêng phía trước, là vì ông quan quan liêu, bủn xỉn và tham lam.
Con người ta ai cũng muốn nhìn về phía trước, vì phía trước của tương lai:
- Người lo xa thì nhìn phía trước và phía hai bên.
- Người khôn ngoan thì nhìn toàn diện trước sau phải trái.
- Nhưng người Ki-tô hữu thì không những nhìn toàn diện ở đời này để sống cho có nhân bản tình người, mà còn nhìn đến cả đời sau thiên đàng và hỏa ngục để cuộc sống nhân bản được thánh hóa hơn, tràn đầy tình Chúa hơn.
Trên đường đi không một ai chỉ nhìn về phía trước mà thôi, cũng vậy, người Ki-tô hữu trên đường đi về quê trời không phải chỉ nhìn mình mà thôi, nhưng còn nhìn đến những người khác chung quanh mình nữa, nhất là những người bất hạnh khốn cùng...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Chúa Nhật 24 Thường Niên B 2021
Trong tương quan cuộc sống, có những “câu hỏi và trả lời” mang theo một “hệ luỵ nhức nhối”, nhiều khi, dẫn đến thảm kịch bi đát !
- Câu hỏi và câu trả lời của mẹ con bà Hêrôđia: “Con xin gì đây” – “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Thế là cái đầu của Gioan Tiền Hô đi đứt ! (Mc 6,17-29).
- Câu hỏi của viên sĩ quan Đức và câu trả lời của tù nhân Maximilien Kolbe: “Mầy muốn gì” – “Tôi muốn chết thay cho người kia”… Thế là linh mục Maximilien Kolbe bị bỏ đói và sau đó bị tiêm thuộc độc cho chết.
- Câu hỏi và câu trả lời của quan án Gia Định và chàng thanh niên Phaolô Hạnh: “Anh có phải là người theo đạo Kitô” – “Tôi theo đạo Kitô và Kitô hữu cho đến chết”. Sau câu trả lời đó, Phaolô Hạnh bị nhiều hình khổ tàn khốc và cuối cùng bị chém đầu ngày 28.5.1859…
Hôm nay, trích đoạn Tin Mừng Maccô, nơi phần đầu tiên cũng đến với chúng ta qua những câu hỏi và câu trả lời:
“Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”.
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”.
- Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là cái “không gian” xảy ra “câu hỏi và câu trả lời” trên:
Có ý gì khi Chúa Giêsu đã chọn cái không gian “vùng Cêrarê Philip” xa xôi, tiếp giáp với vùng đất dân ngoại, nơi có hang thờ thần Pan và gần đó là đền thờ đá trắng thờ hoàng đế La mã Cêsarê để hỏi các môn sinh về “dư luận cũng như quan niệm về chính bản thân Ngài” “Thầy là ai?”. Phải chăng Ngài muốn rằng: chính ở cái nơi đầy tính chất ngoại đạo, đầy mê tín dị đoan, đầy những thần tượng thế tục, câu trả lời đúng về Ngài là ai của các môn sinh sẽ là một thành công sau mấy năm cận kề đào tạo, giáo dưỡng, lắng nghe và mục sở thị những “dấu lạ” của Ngài.
Thánh Máccô đã chuyển tải một sứ điệp đầy ý nghĩa ! Thật vậy, khi mọi sự bình yên, được dâng lễ trong nhà thờ, nghe những bài Thánh ca cao vút, những lời kinh rập ràng giữa một cộng đoàn đông vui sốt sắng…, trong không gian đẹp đẽ, thánh thiêng ấy, nếu Chúa hỏi “con có tin Chúa không”, ai lại không trả lời cái rộp “dạ tin”; hay nếu Chúa hỏi “Ta là ai?”, chắc ai cũng trả lời ngon ơ “Chúa là Đấng tốt lành, quyền năng, yêu thương…”. Thế nhưng, trong hoàn cảnh Covid nầy, nhà thờ không tới được, đâu đâu cũng thấy, cũng nghe người chết; đâu đâu cũng bị cách ly theo chỉ thị 16, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng rên đói, khổ, lầm than… mà nếu Chúa hỏi “con có tin Chúa không”, hay “Chúa là ai”, chắc không ít người lúng túng, khó trả lời: “Có Chúa mà sao thế này? Chúa tốt lành quyền năng mà sao cứ nối tiếp…”.
Thì ra, cái không gian của “câu hỏi và câu trả lời ở Cêrarê Philip” xem ra chưa bao giờ hết mang tính thời sự. Cái vùng “Cêrarê Philip” ngoại đạo, mê tín, đa thần… luôn vẫn còn hiện hữu xung quanh chúng ta, giữa cuộc sống chúng ta…; và vì thế, một đức tin trưởng thành, một lòng đạo đúng nghĩa luôn phải được trui rèn, thử thách để trụ vững trung kiên giữa một “Cêsarê Philip” của đời thường phức tạp oái ăm; chứ không phải đòi hỏi một lối đi yên bình, một cuộc sống tiện nghi, một môi trường tốt đẹp hạnh thông giữa một “thánh điện huy hoàng” để ngồi yên hưởng thụ.
Chúng ta đừng quên, câu trả lời về đức tin của Thánh Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông, Stêphanô Thể, Gagelin Kính… và bao nhiêu vị Tử đạo Việt Nam khác không diễn ra ở nhà thờ, ở trong thánh lễ đại trào, ở trong hoàn cảnh đạo Chúa được bình yên thoải mái…, mà ở nơi pháp đình, ở trong tù ngục, ở pháp trường… Chính cái không gian “Cêsarê Philip đầy oan nghiệt, đe doạ, nhục hình, cám dỗ chối đạo” đó… các Ngài đã trả lời dứt khoát “tôi tin”, “tôi là Kitô hữu cho đến chết” !
- Tiếp theo, nội dung các câu trả lời có gì lạ?
Với câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Như vậy thì cũng không tệ lắm ! Đấng Mêsia mà đám đông hiểu về Ngài cũng là một tiên tri mà ! Cho dù vẫn còn khá mơ hồ ! Thì ra cái phép lạ chữa anh mù Bếtxaiđa vừa xảy ra trước đó giống như một dấu chỉ: Với cái chạm đầu tiên của Chúa, anh mù Bếtsaiđa chỉ thấy mờ mờ. Cũng vậy, một đám đông chỉ tiếp xúc với Chúa “xa xa, a dua, hổn tạp”… thì làm sao mà nhận biết Chúa cách tỏ tường. Phải đợi Chúa chạm lần thứ hai anh mù mới thấy rõ. Và đây chính là lần thứ hai với câu trả lời của Phêrô: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Đúng phóc. Cùng đi, cùng ở, cùng ngủ, cùng ăn… với Thầy; được nghe bao lời giảng, được thấy bao phép lạ…, nào chẳng phải là “cú chạm thứ hai” đó sao ! Đã đến nước đó mà trả lời không đúng mới là lạ ! Chính vì lẽ đó mà trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh: “Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình” (EG 266). Theo ý ngĩa đó, chúng ta hôm nay cũng vậy: muốn biết rõ về Chúa Giêsu phải để cho Ngài “chạm lần thứ hai” !
Hơn nữa, hình như thánh sử Máccô muốn trình bày đỉnh điểm việc mạc khải chân dung của Chúa Giêsu – Đấng Mêsia trong giai đoạn đầu chính là ở tại Cêsarê Philip nầy qua lời tuyên xưng trọn hảo của thủ lãnh nhóm Mười Hai: “Thầy là Ðấng Kitô”. Và cũng tới đó mà thôi. Vì sau những lời đó, thì Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
- Tiếp đến: điều gì xảy ra sau câu trả lời của Phêrô?
Như vậy còn cái gì hay ho nữa đây? Không phải hay ho mà ngỡ ngàng: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Tới đây, thì rõ ràng câu trả lời của Phêrô “Thầy là Ðấng Kitô” đã mới chỉ đúng trên danh xưng chứ chưa hẵn đúng với nội hàm trong mạc khải của Thiên Chúa. Thật vậy, hầu chắc cả nhóm Tông Đồ, cũng như với hầu hết dân Israel thuở ấy, đều hiểu chân dung Đấng Kitô hoàn toàn mang tính thế tục: một quân vương đến trên ngai vàng, trên dũng lực để “tế thế kinh bang”, để mang lại giàu sang vững mạnh… Trong khi đó, lời cắt nghĩa của Thầy Giêsu lại vẽ chân dung Kitô trong dáng đứng của “Người Tôi tớ Giavê” trong Bài Ca thứ Ba của sách Isaia mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn…”.
Hèn chi đây là một “bí mật” mà Chúa Giêsu chỉ “bật mí” khi tới “Giờ” của Ngài, Giờ mà ở giữa nơi đồng không mông quạnh của Cêsarê Philip, Ngài đã long trong tiên báo: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Những lời loan báo trên đã làm các môn sinh “sốc nặng”. Bằng chứng là “vị nhóm trưởng” Phêrô đã không chịu được: Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người, để phải lãnh nhận một “gáo nước lạnh vào mặt đáng đời”: Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Không phải cách đây 2000 năm tại Cêsarê Philip mới xảy ra sự ngộ nhận về chân dung của Đức Kitô, đặc biệt nơi nhóm Mười Hai. Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không chấp nhận một Đức Kitô như thế, một Giáo Hội như thế. Con theo Ta? Dạ theo ! Con tin Ta? Dạ tin. Con vác thập giá của Ta ! Xin hẹn Ngài dịp khác ! Mà đây là cách sống đạo rất phổ thông. Chúa chỉ là “phương tiện để cậy nhờ, xin xỏ”; chứ không phải là “lý tưởng để cất bước noi theo” ! Hay, chỉ theo Chúa để được thoải mái, vinh quang, hãnh tiến… chứ không để đón nhận khổ đau, tai vạ… Thế nhưng, lời mời gọi bước theo Ngài trên con đường thập giá vẫn là tiếng gọi thâm sâu nhất, căn bản nhất, mang căn cước Kitô nhất. “Sẽ không là môn đệ Ta, nếu không bỏ mình, vác thập giá…”.
Thì ra, sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta thực thi ba điều căn bản nầy: HIỂU ĐÚNG, TIN THẬT VÀ THEO SÁT. Hiểu đúng: khi hiểu rõ Giêsu người thợ mộc Nadarét chính là Đấng Kitô, Chúa thật, người thật, được Chúa Cha sai đến. Tin thật: khi xác tín một Đức Kitô tử nạn phục sinh. Theo sát: khi chấp nhận tù bỏ chính mình và chấp nhận mọi thương đau khổ ải vình tình yêu dâng hiến hy sinh. Phải chăng đó cũng chính là “nguyên tắc vàng” mà Thánh Giacôbê đề nghị cho dân Chúa muôn nơi và muôn thuở”: “Đức tin mà không hành động là đức tin chết tận gốc rễ” (Bđ 2). Phải chăng Kitô giáo chính là sự nối kết tuyệt hảo lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô và hành động bác ái yêu thương của thánh Giacôbê ! Đức tin của tôi hôm nay chính là hiện thực hoá mối giây liên kết đó. Amen.
Trương Đình Hiền
TỪ MỘT GÓC ĐỘ THẦN THÁNH
“Satan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hãy nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’. Phải chăng đây là ‘bí quyết’ Billy Graham tiết lộ để chúng ta có thể sống sứ điệp của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay; trong đó, Marcô nói đến cuộc vật lộn của Phêrô trước nỗi khổ đau của Thầy mà ông vừa được hé lộ. Ông “can trách Ngài”, Ngài “quở trách ông!”, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Tại sao? Vì không như Thầy, Phêrô không nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’.
Yêu mến Chúa Giêsu, Phêrô vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho Ngài; ông nôn nao và hoang mang, ông cố nói lên một điều gì đó ‘cho có ý nghĩa’. Nỗ lực của Phêrô có chủ đích tốt nhưng hoàn toàn trệch hướng! Hậu quả là ông nhận lấy một lời khiển trách tồi tệ, một câu trả lời không trông mong trước mặt các bạn đồng môn; Chúa Giêsu đã đi xa đến mức gọi ông là quỷ vương, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Không thể đau hơn! Đúng, kế hoạch của Phêrô là kế hoạch của Satan, kẻ đã đề nghị Chúa Giêsu đi con đường riêng theo cách rất riêng của nó; một con đường không đau khổ, không sỉ nhục. Để hiểu được điều này, chúng ta phải tin chắc rằng, ‘lời mắng’ của Chúa Giêsu là những lời xót thương; nơi Ngài, không có một khả năng nào khác, ngoài khả năng yêu thương! Thế nhưng, đâu là ‘yêu thương’, đâu là ‘thánh khiết’ trong những lời ‘sửa dạy’ mạnh mẽ này?
Để hiểu được điều đó, chìa khoá nằm ở vế thứ hai, “Tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Khi nói điều ấy, Chúa Giêsu tiết lộ cho môn đệ một bí ẩn sâu xa nhất về sứ mạng của Ngài, một sứ mạng chấp nhận bắt bớ, bất công và chết đi. Tiết lộ điều này, rõ ràng, Chúa Giêsu có ý mặc khải ‘một điều lành’ lớn lao đến sau; Ngài sẽ không để những khổ đau ‘đông giá’ này xảy đến nếu sau đó không tiềm ẩn một ‘xuân rỡ ràng’ đang rình chờ. Ngài nói rõ, các môn đệ phải sẵn sàng đi trên con đường Ngài đi, một con đường dẫn đến sự cứu rỗi vốn nhất thiết phải đi qua nỗi buồn và niềm vui của thập giá! Ngài đang thách đố họ để họ có thể nhìn những tình huống bi thương này dưới lăng kính của Thiên Chúa, nhìn ‘từ một góc độ thần thánh’; nói khác đi, từ quan điểm của Trời, đang khi Phêrô chưa vượt được cái nhìn thế tục của đất. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải trực tiếp thách thức ông!
Lời quở của Chúa Giêsu là lời đầy yêu thương, giúp Phêrô thoát khỏi nỗi sợ và tầm nhìn hạn hẹp; từ đó, có thể đi sâu vào mầu nhiệm cao cả về sự hy sinh của Thầy, Đấng là Người Tôi Tớ Đau Khổ Isaia đã tiên báo qua bài đọc thứ nhất hôm nay, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; Đấng mà với quyền năng Thiên Chúa, sẽ trỗi dậy từ đau khổ, như lời Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Tôi sẽ bước đi trước thánh nhan Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.
Anh Chị em,
“Tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Đây là điều mà chúng ta cần gột rửa từng giây, từng phút; hầu suy nghĩ và ước muốn của mình phù hợp với suy nghĩ và ước muốn của Thiên Chúa. Đúng thế, những ngày hôm nay, chúng ta đang đấu tranh với những thánh giá Chúa cho xảy ra khi dịch bệnh ngày càng gia tăng; những đau khổ tinh thần và thể xác đang tiếp tục giày vò, chúng đang hiện diện và thách thức tình yêu, sự hy sinh của những con trai con gái của Chúa trên khắp hoàn cầu. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn những đau khổ này ‘từ một góc độ thần thánh’, dưới cái nhìn của Thiên Chúa chứ không phải cái nhìn của loài người. Hãy tin, Thiên Chúa là Cha nhân lành, Ngài có cách để cứu chúng ta. Quả thật, nếu chúng ta nhìn với con mắt đức tin, hãy xác tín rằng, Thiên Chúa đang cứu con người, cứu hành tinh này theo con đường rất riêng của Ngài. Hãy thấy cho được những ân phúc thiêng liêng đi kèm với những khổ đau, đọc cho được thông điệp Ngài gửi đến lúc này. Và như thế, chúng ta đón nhận những nghịch cảnh trong hy vọng và tin yêu, sao cho phù hợp với sự huyền nhiệm trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa, một người Cha Yêu Thương đời đời đang nhìn thấy mọi sự từ trời cao!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, hầu con thấy tay Chúa hoạt động trong mọi sự. Xin cho con biết nhìn tất cả những khổ đau đang xảy ra ‘từ một góc độ thần thánh’ như Chúa đang nhìn”, Amen.
(Tgp. Huế)
Hồng Y Charles Maung Bo của Miến Điện nói với những người Công Giáo tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest hôm thứ Tư rằng điều quan trọng là noi gương sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu trong bối cảnh những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.
“Hãy nhìn vào thế giới và cuộc sống của chúng ta. Con người hiện đại đang sống trong một cơn sốt cao. Anh ta đang rất vội vàng. Anh ta lúc nào cũng gấp rút. Anh ta bồn chồn. Anh ta muốn thủ đắc nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn,” Đức Hồng Y Bo nói hôm 8 tháng 9.
“Anh ta không hài lòng. Anh ta ghê tởm sự im lặng. Anh ta không thể chờ đợi. Tốc độ, tốc độ là giá trị số một hiện nay. Làm chậm chạp được coi là một khuyết điểm, là lãng phí thời gian”.
“Nhưng Chúa Giêsu chờ đợi. Ngài đến với chúng ta vì Ngài yêu chúng ta”.
Đức Hồng Y Bo đã nói khoảng một giờ về “Sự kiên nhẫn của Chúa trong Bí tích Thánh Thể” vào ngày thứ ba của buổi dạy giáo lý tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest.
Đức Hồng Y nói: “Thời gian không phải là một món hàng; nó là một sự hiệp thông của trái tim. Chúa Giêsu kiên nhẫn chờ đợi trong Bí tích Thánh Thể”.
Đức Hồng Y nói thêm rằng mỗi người được sinh ra từ “sự hy sinh kiên nhẫn vĩ đại” của một người phụ nữ đang chờ đợi sự xuất hiện của đứa con mình.
“Cuộc sống không phải là một nhà hàng bán đồ ăn nhanh; đó là một cuộc hành hương kiên nhẫn. Internet nhanh có thể kết nối điện thoại thông minh; nhưng chỉ có sự kiên nhẫn mới kết nối được những trái tim.”
Vị Hồng Y người Salêdiêng 72 tuổi gọi đại dịch COVID-19 là “người thầy khó chịu về sự kiên nhẫn”.
Ngài nhận xét rằng: “COVID đã dạy chúng ta đức tính này một cách đau đớn nhất”.
“COVID đã cướp đi của chúng ta việc Rước lễ Chúa nhật, Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và đỉnh cao trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nó đã mang lại những thách thức về tinh thần và cảm xúc. Nhưng thông qua bóng tối này, Chúa đã làm việc để xây dựng lại chúng ta, để chúng ta có được sự kiên nhẫn giữa mối đe dọa hiện sinh này”.
“Kiên nhẫn là một trong những đức tính tuyệt vời của truyền thống Kitô. Hãy kiên nhẫn vì Cha trên trời của anh chị em là người kiên nhẫn.”
Đức Hồng Y Bo, Tổng giám mục Yangon, nói rằng tại quê hương Miến Điện của ngài, Giáo hội đã được “thử thách qua sự kiên nhẫn của mình”, đặc biệt là trong sáu tháng qua với “những thử thách nhiều tầng” bao gồm “COVID, đảo chính, sự sụp đổ của nền kinh tế, và biến đổi khí hậu”.
“Người Công Giáo đã phải chịu đựng rất nhiều. Các nhà thờ của chúng tôi đã bị tấn công. Nhiều người trong số chúng tôi đang tị nạn trên chính mảnh đất của chúng tôi”.
Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 ở Miến Điện, Đức Hồng Y Bo ủng hộ phong trào biểu tình bất bạo động và kêu gọi người Công Giáo giúp đỡ những người đau khổ và không ngừng cầu nguyện cho hòa bình.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế đang diễn ra tại thủ đô Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9.
Đức Hồng Y Bo từng là đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế trước đó ở Phi Luật Tân vào năm 2016.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự đại hội để dâng thánh lễ bế mạc vào ngày Chúa nhật 12 tháng 9. Ngài sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên tham gia Đại hội Thánh Thể Quốc tế kể từ năm 2000.
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã bắt đầu các sự kiện của đại hội vào ngày 8 tháng 9 bằng một bài suy niệm về ngày Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria.
Các thánh lễ đã được cử hành tại một số nhà thờ ở Budapest như một phần của chương trình đại hội.
Đức Hồng Y Robert Sarah, cựu Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Các Bí tích của Vatican, đã dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Các Thánh Thiên thần ở Gazdagrét và một Phụng vụ Thánh Byzantine được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Stêphanô.
“Tôi thực sự cảm thấy Đại hội Thánh Thể này là điểm khởi đầu của việc chữa lành toàn cầu,” Đức Hồng Y Bo nói trong bài giáo lý của mình
Source:Catholic News Agency
Tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục
Vì một Giáo hội Đồng nghị:
Hiệp thông, Tham gia và Sứ mệnh
..................
Năng động tính kép của việc hoán cải: Phêrô và Cornêliô (Công vụ 10)
22. Tình tiết này kể lại, trước hết, việc hoán cải của Cornêliô, người thậm chí còn nhận được một loại truyền tin. Cornêliô là một người ngoại giáo, có lẽ là người Rôma, một viên bách quản (một sĩ quan cấp thấp) trong quân đội chiếm đóng, người hành một nghề dựa trên bạo lực và lạm dụng. Tuy nhiên, ông chuyên tâm cầu nguyện và bố thí, nghĩa là, ông vun trồng mối liên hệ với Thiên Chúa và quan tâm đến người lân cận. Chính trong nhà của ông, thiên thần đã đột nhập một cách bất ngờ, gọi tên ông, và khuyến khích ông sai — động từ của sứ mệnh! — các gia nhân của ông đi Jaffa để kêu gọi — động từ của ơn gọi! —Phêrô. Câu chuyện sau đó trở thành câu chuyện hoán cải của Thánh Phêrô, người, vào cùng ngày hôm đó, nhận được một thị kiến, trong đó một tiếng nói ra lệnh cho ngài giết và ăn thịt các động vật, trong số đó một số là ô uế. Câu trả lời của ngài rất nhất quyết: “Không đâu, lạy Chúa” (Công vụ 10:14). Ngài nhận ra rằng chính Chúa đang nói chuyện với ngài, nhưng ngài dứt khoát từ khước, vì mệnh lệnh đó phá hủy các giới luật của Kinh Torah, vốn bất khả nhượng đối với bản sắc tôn giáo của ngài, và nói lên một cách hiểu việc tuyển chọn như một khác biệt hàm nghĩa phải tách biệt và loại trừ đối với các dân tộc khác.
23. Vị tông đồ vẫn vô cùng bối rối và, trong khi ngài còn đang băn khoăn về ý nghĩa của những gì đã xảy ra, thì những người được Cornêliô sai đi đã đến và Chúa Thánh Thần chỉ cho ngài thấy họ là sứ giả của ông ta. Thánh Phêrô trả lời họ bằng những lời gợi nhớ đến những lời của Chúa Giêsu trong Vườn Diệtsimani: “Tôi là người mà các ông đang tìm kiếm” (Công vụ 10:21). Đây là một cuộc hoán cải đích thực và thích đáng, một chuyển dịch đau đớn và sinh hoa trái mênh mông biết từ bỏ các phạm trù văn hóa và tôn giáo của mình: Thánh Phêrô chấp nhận ăn chung với người ngoại giáo thức ăn mà ngài luôn coi là bị cấm, coi nó như phương thế sống và hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác. Chính trong cuộc gặp gỡ với người ta, chào đón họ, hành trình với họ và bước vào nhà họ, ngài nhận ra ý nghĩa của thị kiến của mình: không có con người nào là không xứng đáng trong con mắt Thiên Chúa, và sự khác biệt do việc được chọn thiết lập không hề bao hàm ý thích loại trừ mà là việc phục vụ và làm chứng trên phạm vi phổ quát.
24. Cả Cornêliô lẫn Thánh Phêrô đều lôi kéo những người khác tham gia vào hành trình hoán cải của mình, khiến họ trở thành những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình của mình. Hoạt động tông đồ hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa bằng cách tạo ra cộng đồng, phá vỡ các rào cản và cổ vũ các cuộc gặp gỡ. Lời nói đóng vai trò trung tâm trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật chủ đạo. Cornêliô bắt đầu bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình. Thánh Phêrô lắng nghe ông và sau đó nói chuyện, đến lượt thuật lại những gì đã xảy ra với ngài và làm chứng cho sự gần gũi của Chúa, Đấng ra đi gặp riêng mỗi người cá thể để giải thoát họ khỏi những gì khiến họ trở thành tù nhân của sự dữ và hạ nhục nhân tính (x. Cv 10 : 38). Hình thức thông đạt này tương tự như hình thức mà Thánh Phêrô sẽ áp dụng tại Giêrusalem khi các tín đồ đã cắt bì chỉ trích ngài, buộc tội ngài đã phá vỡ các quy tắc truyền thống, được họ hết sức lưu ý, trong khi coi thường sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần: “Ông vào nhà của những người đàn ông không cắt bì và dùng bữa với họ!” (Cv 11: 3). Tại thời điểm xung đột đó, Thánh Phêrô báo cáo những gì đã xảy ra với ngài và phản ứng hoang mang, không hiểu và phản kháng của ngài. Chính điều này sẽ giúp những người đối thoại của ngài, khởi đầu hung hăng và khó tính, chịu lắng nghe và chấp nhận những gì đã xảy ra. Kinh thánh sẽ giúp giải thích ý nghĩa, giống như nó đã làm tại “Công đồng” Giêrusalem, trong một diễn trình biện phân hệ ở việc cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần.
IV. Tính đồng nghị trong hành động: Các nẻo đường để tham khảo dân Chúa
25. Được Lời Chúa soi sáng và đặt cơ sở nơi Truyền thống, con đường đồng nghị bắt nguồn từ đời sống cụ thể của dân Chúa. Thực thế, nó cho thấy một tính đặc thù tạo ra một tài nguyên phi thường: đối tượng của nó - tính đồng nghị - cũng là phương pháp của nó. Nói cách khác, nó tạo thành một loại địa điểm xây dựng hoặc trải nghiệm thí điểm giúp chúng ta có thể ngay lập tức bắt đầu gặt hái được các thành quả của động lực mà sự hoán cải đồng nghị tiệm tiến sẽ đưa vào cộng đồng Kitô hữu. Mặt khác, nó có thể chỉ đề cập đến những kinh nghiệm đồng nghị đã sống, ở những bình diện khác nhau và với những mức độ thâm hậu khác nhau: các điểm mạnh và các thành công của họ, cũng như các giới hạn và khó khăn của họ cung cấp nhiều yếu tố qúy giá để biện phân hướng đi hầu tiếp tục tiến tới. Chắc chắn, ở đây, chúng ta có ý nói đến các kinh nghiệm do con đường đồng nghị hiện nay gợi lên, nhưng cũng có ý nói tới tất cả các kinh nghiệm qua đó, người ta thử nghiệm các hình thức của việc “cùng nhau hành trình” này trong sinh hoạt bình thường của Giáo Hội, ngay cả khi người ta không biết hay chưa dùng hạn từ “tính đồng nghị”.
Câu hỏi căn bản
26. Câu hỏi căn bản hướng dẫn cuộc tham khảo dân Chúa này, như đã đề cập ở phần đầu, là:
Một Giáo Hội đồng nghị, khi loan báo Tin Mừng, “cùng nhau hành trình”: Ngày nay việc “cùng nhau hành trình” này diễn ra như thế nào trong Giáo Hội đặc thù của bạn? Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để trưởng thành trong việc chúng ta “cùng nhau hành trình”?
Để trả lời, bạn được mời:
a) hãy tự hỏi những kinh nghiệm nào trong Giáo hội đặc thù của bạn được câu hỏi căn bản gợi lên trong tâm trí;
b) đọc lại những kinh nghiệm này một cách sâu sắc hơn: Chúng đã gợi lên niềm vui nào? Chúng đã gặp những khó khăn và trở ngại nào? Chúng đã đưa ra ánh sáng những vết thương nào? Chúng đã gợi ra những hiểu biết sâu sắc nào?
c) thu thập các hoa trái để chia sẻ: trong những kinh nghiệm này, tiếng nói của Chúa Thánh Thần vang lên ở đâu? Người đang yêu cầu chúng ta điều gì? Đâu là những điểm cần xác nhận, triển vọng cần thay đổi, các bước cần thực hiện? Chúng ta ghi nhận được một sự đồng thuận ở đâu? Đâu là những con đường đang mở ra cho Giáo hội đặc thù của chúng ta?
Các khía cạnh khác nhau của tính đồng nghị
27. Trong cầu nguyện, suy tư và chia sẻ được câu hỏi căn bản gợi ý, nên ghi nhớ ba bình diện trên đó tính đồng nghị được phát biểu như một “chiều kích cấu thành Giáo hội” [20].
* Bình diện phong cách bình thường mà với nó, Giáo hội sống và làm việc hàng ngày, nói lên bản chất của Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa cùng nhau hành trình và quy tụ trong các cộng đoàn được Chúa Giêsu triệu tập trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Phong cách này được thể hiện qua việc “cộng đồng lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, tình hiệp thông huynh đệ, đồng trách nhiệm và sự tham gia của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, trên mọi bình diện và phân biệt giữa các thừa tác vụ và vai trò khác nhau” [21];
* Bình diện cấu trúc và diễn trình của Giáo hội, cũng được xác định theo quan điểm thần học và giáo luật, trong đó bản chất đồng nghị của Giáo hội được phát biểu theo hướng định chế ở các bình diện địa phương, khu vực và hoàn vũ;
* Bình diện diễn trình và biến cố đồng nghị trong đó Giáo hội được triệu tập bởi thẩm quyền có năng quyền, theo những thủ tục chuyên biệt được xác định bởi kỷ luật của Giáo hội.
Mặc dù khác nhau theo quan điểm luận lý, ba bình diện này tham chiếu lẫn nhau và phải được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, nếu không một chứng từ ngược hẳn lại sẽ được truyền đi và uy tín của Giáo hội sẽ bị suy giảm. Thực thế, nếu nó không được hiện thân trong các cấu trúc và diễn trình, thì phong cách đồng nghị dễ dàng biến chất từ bình diện ý hướng và ý muốn thành bình diện văn chương hoa mỹ, trong khi các diễn trình và biến cố, nếu chúng không được một phong cách thích hợp sinh động hóa, sẽ trở thành thủ tục trống rỗng.
28. Hơn nữa, khi đọc lại kinh nghiệm, cần ghi nhớ rằng “cùng nhau hành trình” có thể được hiểu từ hai viễn ảnh khác nhau, tuy có mối liên hệ qua lại chặt chẽ. Viễn ảnh thứ nhất xem xét đời sống nội bộ của các Giáo hội đặc thù, các mối liên hệ giữa các bộ phận cấu thành các Giáo Hội này (trước hết và quan trọng nhất giữa các Tín hữu và các Mục tử của họ, cũng qua các cơ quan tham gia được quy định bởi kỷ luật giáo luật, bao gồm cả thượng hội đồng giáo phận) và các cộng đồng mà chúng được phân chia (đặc biệt là các giáo xứ). Sau đó, nó xem xét các mối liên hệ giữa các Giám mục và Giám mục Rôma, cũng qua các cơ quan trung gian của tính đồng nghị (Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và Tổng giáo phận chính, Hội đồng Giáo phẩm Đông phương và Hội đồng Giáo phẩm của các Giáo hội tự trị [sui iuris], và các Hội đồng Giám mục, với các biểu thức quốc gia, quốc tế và lục địa của họ). Sau đó, nó mở rộng các cách thức trong đó mỗi Giáo hội đặc thù tích hợp trong mình sự đóng góp của các hình thức khác nhau của đời sống đơn tu, tu trì và thánh hiến, của các hiệp hội và phong trào giáo dân, của các định chế giáo hội và giáo hội học thuộc nhiều loại khác nhau (trường học, bệnh viện, đại học, các quỹ, các tổ chức bác ái và trợ giúp, v.v.). Cuối cùng, viễn ảnh này cũng bao hàm các mối liên hệ và các sáng kiến chung với các anh chị em thuộc các giáo phái Kitô giáo khác, những người mà chúng ta chia sẻ ơn phúc cùng một Phép Rửa.
29. Viễn ảnh thứ hai xem xét dân Chúa hành trình ra sao cùng với toàn thể gia đình nhân loại. Do đó, cái nhìn của chúng ta sẽ tập chú vào tình trạng các mối liên hệ, đối thoại và các sáng kiến chung có thể có với các tín hữu của các tôn giáo khác, với những người xa rời đức tin, cũng như với các môi trường và nhóm xã hội chuyên biệt, với các định chế của họ (thế giới chính trị, văn hóa, kinh tế, tài chính, lao động, công đoàn và hiệp hội doanh nhân, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự, các phong trào quần chúng, các nhóm thiểu số, người nghèo và người bị hắt hủi, v.v.).
Mười chuyên đề cốt lõi cần được thăm dò
30. Để giúp làm nổi bật những kinh nghiệm và đóng góp một cách phong phú hơn vào cuộc tham khảo, chúng tôi trình bầy dưới đây mười chủ đề chính nêu rõ các khía cạnh khác nhau của “tính đồng nghị đã mang ra sống”. Chúng phải được thích nghi cho phù hợp với các bối cảnh địa phương khác nhau và, thỉnh thoảng, được tích hợp, giải thích, đơn giản hóa và đào sâu, đặc biệt chú ý đến những người gặp khó khăn hơn trong việc tham gia và đáp ứng:
Cẩm nang đi kèm với Tài liệu Chuẩn bị này cung cấp các công cụ, lộ trình và gợi ý để các nhóm câu hỏi khác nhau có thể gây cảm hứng cụ thể cho những khoảnh khắc cầu nguyện, đào tạo, suy tư và trao đổi.
I.CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH
Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta cùng sát vai trên cùng một con đường. Trong Giáo hội địa phương của các bạn, ai là những người “cùng nhau hành trình”? Khi chúng ta nói: “Giáo hội của chúng ta”, ai là một phần của nó? Ai đang yêu cầu chúng ta cùng nhau hành trình? Ai là những người đồng hành trên đường, kể cả những người bên ngoài chu vi giáo hội? Những người hoặc nhóm nào bị bỏ lại bên lề, một cách minh nhiên hay trên thực tế?
II. LẮNG NGHE
Lắng nghe là bước đầu tiên, nhưng nó đòi hỏi bạn phải có một tâm hồn và trái tim rộng mở, không định kiến. Giáo hội đặc thù của chúng ta có “cần lắng nghe” không? Làm thế nào để hàng ngũ Giáo dân, nhất là giới trẻ và phụ nữ, được lắng nghe? Làm thế nào chúng ta tích hợp được sự đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến? Đâu là chỗ dành cho tiếng nói của các nhóm thiểu số, người bị vứt bỏ và người bị loại trừ? Chúng ta có nhận diện được các định kiến và khuôn mẫu cản trở việc lắng nghe của chúng ta không? Chúng ta lắng nghe ra sao bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó chúng ta đang sống?
III. LÊN TIẾNG
Mọi người đều được mời lên tiếng một cách can đảm và mạnh dạn [parrhesia], nghĩa là, tích hợp tự do, chân lý và bác ái. Làm thế nào để chúng ta cổ vũ một phong cách truyền đạt tự do và chân chính trong cộng đồng và các tổ chức của nó, không trùng lắp và cơ hội chủ nghĩa? Và trong tương quan với xã hội mà chúng ta là thành phần? Khi nào và làm thế nào để chúng ta nói được điều vốn quan trọng đối với chúng ta? Mối liên hệ với hệ thống truyền thông (không chỉ là truyền thông Công Giáo) hoạt động ra sao? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu, và họ được chọn như thế nào?
IV. CỬ HÀNH
“Cùng nhau hành trình” chỉ khả hữu nếu nó dựa trên việc cộng đồng lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Làm thế nào để việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ gây hứng và điều hướng việc chúng ta "cùng nhau hành trình"? Làm thế nào để chúng gây hứng cho những quyết định quan trọng nhất? Làm thế nào để chúng ta cổ vũ sự tham gia tích cực của mọi Tín hữu vào phụng vụ và thi hành chức năng thánh hóa? Đâu là chỗ dành cho việc thi hành các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ?
V. ĐỒNG TRÁCH NHIỆM TRONG SỨ MỆNH
Tính đồng nghị nhằm phục vụ sứ mệnh của Giáo hội, trong đó tất cả các thành viên của Giáo hội được kêu gọi tham gia. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, làm thế nào mỗi người đã lãnh phép Rửa đều được mời gọi trở thành nhân vật chủ động trong sứ mệnh sai đi? Làm thế nào để cộng đồng hỗ trợ các thành viên của mình dấn thân phục vụ trong xã hội (dấn thân xã hội và chính trị, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, cổ vũ công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền và chăm lo cho Ngôi nhà chung, v.v.)? Làm thế nào để bạn giúp họ sống thực các dấn thân này theo luận lý sứ mệnh? Sự biện phân về các lựa chọn liên quan đến sứ mệnh được thực hiện như thế nào và ai tham gia vào đó? Làm thế nào các truyền thống khác nhau vốn tạo nên gia tài của nhiều Giáo hội, nhất là các Giáo hội Đông Phương, được hội nhập và thích nghi, đối với phong cách đồng nghị, theo quan điểm chứng tá Kitô hữu hiệu? Sự cộng tác hoạt động ra sao trong các lãnh thổ có các Giáo hội tự trị [sui iuris] khác nhau?
VI. ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI
Đối thoại là nẻo đường kiên trì bao gồm cả những im lặng và đau khổ, nhưng có khả năng thu thập kinh nghiệm của những con người và các dân tộc. Đâu là các địa điểm và phương thức đối thoại bên trong Giáo hội đặc thù của chúng ta? Sự dị biệt về viễn kiến, các xung đột, các khó khăn được giải quyết ra sao? Làm thế nào để chúng ta cổ vũ sự hợp tác với các Giáo phận lân cận, với và giữa các cộng đồng tôn giáo trong khu vực, với và giữa các hiệp hội và phong trào giáo dân, v.v.? Chúng ta có những kinh nghiệm nào về đối thoại và dấn thân chung với các tín đồ của các tôn giáo khác và với những người không có tín ngưỡng? Giáo hội đối thoại và học hỏi ra sao từ các thành phần khác của xã hội: thế giới chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự, người nghèo…?
VII. VỚI CÁC HỆ PHÁI KITÔ GIÁO KHÁC
Cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu thuộc các tuyên tín khác nhau, được kết hợp bởi một Phép Rửa, có một vị trí đặc biệt trong hành trình đồng nghị. Chúng ta có những mối liên hệ nào với anh chị em của các hệ phái Kitô giáo khác? Họ quan tâm đến những lĩnh vực nào? Chúng ta đã rút ra được những thành quả nào từ việc “cùng nhau hành trình” này? Đâu là các khó khăn?
VIII. THẨM QUYỀN VÀ THAM GIA
Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm. Làm thế nào để chúng ta nhận diện được các mục tiêu cần theo đuổi, cách thức đạt được chúng và các bước cần thực hiện? Thẩm quyền được thực thi như thế nào trong Giáo hội đặc thù của chúng ta? Đâu là các thực hành làm việc theo nhóm và đồng trách nhiệm? Các thừa tác vụ giáo dân và việc đảm nhận trách nhiệm của các Tín hữu được cổ vũ như thế nào? Các cơ quan đồng nghị hoạt động như thế nào ở bình diện một Giáo hội đặc thù? Chúng có phải là một kinh nghiệm hữu hiệu không?
IX. BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH
Theo phong cách đồng nghị, các quyết định được đưa ra qua việc biện phân, dựa trên sự đồng thuận phát xuất từ việc vâng phục chung đối với Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng nhau biện phân và đưa ra quyết định bằng những thủ tục và phương pháp nào? Làm thế nào để chúng có thể được cải thiện? Làm thế nào để chúng ta cổ vũ việc tham gia vào diễn trình ra quyết định trong các cộng đồng có cấu trúc phẩm trật? Làm thế nào để chúng ta nối kết giai đoạn tham khảo với giai đoạn thảo luận, diễn trình ra quyết định với thời điểm lấy quyết định? Chúng ta cổ vũ ra sao và bằng các phương tiện nào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình?
X. TỰ ĐÀO TẠO TÍNH ĐỒNG NGHỊ
Linh đạo cùng nhau hành trình được mời gọi trở thành nguyên tắc giáo dục để đào tạo con người nhân bản và con người Kitô hữu, các gia đình, và các cộng đồng. Làm thế nào để chúng ta đào tạo người ta, nhất là những người giữ vai trò trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, để họ có khả năng “cùng nhau hành trình”, lắng nghe nhau và tham gia đối thoại nhiều hơn? Chúng ta cung ứng việc đào tạo nào trong việc biện phân và thực thi thẩm quyền? Đâu là các công cụ giúp chúng ta đọc được các năng động tính của nền văn hóa trong đó chúng ta đang đắm mình sống và tác động của chúng đối với phong cách Giáo hội của chúng ta?
Đóng góp vào cuộc tham khảo
31. Mục đích của giai đoạn đầu tiên của cuộc hành trình đồng nghị là phát huy một diễn trình tham khảo rộng rãi để thu thập sự phong phú của những kinh nghiệm về tính đồng nghị đã mang ra sống, theo những cách trình bày và khía cạnh khác nhau của nó, liên quan đến các Mục tử và Tín hữu của các Giáo hội đặc thù ở mọi bình diện khác nhau, qua các phương tiện thích hợp nhất tùy theo các thực tại địa phương chuyên biệt: sự tham khảo, do Giám mục điều hợp, được ngỏ cùng “các Linh mục, Phó tế và tín hữu giáo dân của Giáo hội họ, cả các cá nhân lẫn trong các hiệp hội, mà không bỏ qua việc đóng góp có giá trị mà những người nam và nữ thánh hiến có thể cống hiến ”(EC, số 7). Việc đóng góp của các bộ phận tham gia trong các Giáo hội đặc thù, nhất là của Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ, từ đó “một Giáo hội đồng nghị [có thể thực sự] bắt đầu thành hình” [22]. Cũng có giá trị ngang hàng là việc đóng góp của các thực thể giáo hội khác mà Tài liệu Chuẩn bị sẽ được gửi đến, cũng như của những người muốn trực tiếp gửi đóng góp của chính họ. Cuối cùng, điều có tính quan trọng nền tảng là tiếng nói của người nghèo và người bị hắt hủi cũng tìm được chỗ đứng của nó, chứ không phải chỉ là tiếng nói của những người có vai trò hoặc trách nhiệm nào đó trong các Giáo hội đặc thù.
32. Sự tổng hợp mà mỗi Giáo hội đặc thù sẽ khai triển ở cuối công việc lắng nghe và biện phân này sẽ tạo nên sự đóng góp của nó vào hành trình của Giáo hội hoàn vũ. Muốn làm cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình trở nên dễ dàng và bền vững hơn, điều quan trọng là phải cô đọng thành quả của việc cầu nguyện và suy tư vào tối đa mười trang. Nếu cần phải trình bầy ngữ cảnh và giải thích chúng tốt hơn, các bản văn bản có thể được đính kèm để hỗ trợ hoặc hòa nhập chúng. Chúng ta nên nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó của cuộc tham khảo này, không phải là để tạo ra các tài liệu, mà là “để gieo trồng các giấc mơ, rút ra các lời tiên tri và viễn kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau dệt nên các mối liên hệ với nhau, đánh thức một bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo nên một sự tháo vát tươi sáng sẽ khai sáng trí óc, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay của chúng ta” [23].
Các chữ viết tắt
ITC Ủy ban Thần học Quốc tế
DV Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965)
EC Đức Phanxicô, Tông hiến Episcopalis Communio (ngày 15 tháng 9 năm 2018)
EG Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013)
FT Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020)
GS Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (ngày 7 tháng 12 năm 1965)
LG Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (ngày 21 tháng 11 năm 1964)
LS Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015)
UR Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (21 tháng 11 năm 1964)
_____________________________________________________
GHI CHÚ
[1] Các giai đoạn của hành trình đồng nghị được báo cáo dưới đây
[2] Đức Phanxicô, Diễn văn cho buổi lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17 tháng 10 năm 2015).
[3] Xem www.synod.va
[4] Đức Phanxicô, Thư gửi dân Chúa (20 tháng 8 năm 2018), phần nhập đề.
[5] Đã dẫn, số 2.
[6] Đã dẫn.
[7] Đã dẫn.
[8] Đức Phanxicô, Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[9] ITC, Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội (ngày 2 tháng 3 năm 2018), số 3.
[10] Đã dẫn.
[11] Đã dẫn, số 6.
[12] Thánh Cyprianô, Kinh Lạy Cha, 23
[13] Thánh Augustinô, Thư 194, 31.
[14] Thánh Gioan Chrysostom, Chú giải về Thánh vịnh 149.
[15] ITC, Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, số 6.
[16] Đức Phanxicô, Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[17] ITC, Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, số 69.
[18] Thánh Bênêđíctô, Luật, 3.3.
[19] Đức Phanxicô, Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[20] ITC, Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, số 70.
[21] Đã dẫn.
[22] Đức Phanxicô, Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[23] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ (ngày 3 tháng 10 năm 2018).
Chuyến viếng thăm quá ngắn đến mức bất thường ở Hung Gia Lợi vào Chúa Nhật 12 tháng 9 trong chuyến tông du nước ngoài thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã gây xôn xao trong dư luận tại nước này. Đặc biệt, ngay sau đó, ngài viếng thăm Slovakia trong một thời gian rất dài đến ngày thứ Tư 15 tháng 9 mới về.
Báo chí Hung Gia Lợi cho rằng sắp xếp này nhấn mạnh sự khác biệt của Đức Thánh Cha với Thủ tướng Viktor Orban, là người theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 84 tuổi, sẽ chỉ dành 7 tiếng đồng hồ ở thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest trước khi ngài bay ngay sang Slovakia, nơi ngài sẽ ở lại lâu hơn, thăm bốn thành phố trước khi về lại Vatican vào ngày thứ Tư.
Lịch trình của Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thủ tướng Orban. Nhưng thời gian ở lại Budapest quá ngắn ngủi đã khiến các nhà ngoại giao và truyền thông Công Giáo cho rằng Đức Giáo Hoàng, khi thực hiện chuyến đi đầu tiên kể từ khi phẫu thuật vào tháng 7, đang ưu tiên cho Slovakia và thực tế là đang hắt hủi Hung Gia Lợi.
Đức Phanxicô thường xuyên tố cáo điều mà ngài coi là sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy, kêu gọi đoàn kết Âu Châu, đồng thời chỉ trích các quốc gia cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng các hành động đơn phương hoặc chủ nghĩa cô lập.
Ngược lại, Thủ tướng Orban nói với Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia vào tuần trước rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề di cư là Liên minh Âu Châu “trao lại mọi quyền cho các quốc gia thành viên”.
Đức Giáo Hoàng thúc bách việc chào đón người di cư và tích hợp họ vào xã hội để giải quyết những gì ngài đã gọi là “mùa đông nhân khẩu học” của Âu Châu. Thủ tướng Orban nói ở Slovenia rằng những người di cư ngày nay “tất cả đều là người Hồi giáo” và chỉ có “chính sách gia đình Kitô truyền thống mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đó”.
Tờ báo Công Giáo Anh The Tablet cho biết: “Quyết định của Đức Giáo Hoàng dành nhiều thời gian ở Slovakia hơn Hung Gia Lợi xảy ra trong bối cảnh ngài chỉ trích dữ dội các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy như thủ tướng Hung Gia Lợi”.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Iraq vào tháng 3, Đức Phanxicô cho biết chặng dừng chân của ngài ở Budapest “không phải là một chuyến thăm một đất nước mà chỉ là để tham dự một thánh lễ”. Dự kiến có khoảng 75,000 người tham dự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Tờ báo National Catholic Register của Mỹ đưa tin rằng các quan chức Hung Gia Lợi, bao gồm một số giám mục, đã không thuyết phục được Đức Giáo Hoàng ở lại Hung Gia Lợi lâu hơn và thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước.
National Catholic Register cho biết một số người coi quyết định này của Đức Giáo Hoàng là “một cái tát lớn vào mặt” của Thủ tướng Orban.
Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Tổng thống Hung Gia Lợi Janos Ader trước khi cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Đức Thánh Cha sẽ nói gì với Thủ tướng Orban?
Được hỏi bởi mạng phát thanh Tây Ban Nha COPE vào tuần trước rằng ngài sẽ nói gì với Thủ tướng Orban về việc đóng cửa biên giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi đứng trước một người, tôi nhìn vào mắt anh ta và để mọi thứ diễn ra”.
Đức Giáo Hoàng sẽ rời Rôma sớm một cách bất thường vào Chúa Nhật. Ngài khởi hành lúc 6 giờ sáng để ngài có thể cử hành Thánh lễ ở Budapest và đến Slovakia vào buổi chiều, mà không qua đêm ở Hung Gia Lợi.
Khi một phóng viên hỏi tại một cuộc họp ngắn vào hôm thứ Năm tại sao Đức Giáo Hoàng lại có vẻ như muốn “chạy trốn khỏi Hung Gia Lợi”, phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói rằng điểm dừng ở đó là một “cuộc hành hương tâm linh”, và cần được nhìn trong bối cảnh tôn giáo.
Văn phòng của Thủ tướng Orban cho biết trong một email với Reuters hôm thứ Năm rằng việc Đức Giáo Hoàng dừng chân cho một sự kiện tôn giáo là “một vinh dự to lớn” và so sánh với chặng Slovakia sẽ là “sai lệch”.
Chuyến tông du này sẽ là bài kiểm tra sức mạnh đầu tiên của Đức Giáo Hoàng kể từ khi phẫu thuật, trong đó 33 cm (13 inch) ruột của ngài đã bị cắt bỏ vì chứng hẹp đại tràng.
Tại Slovakia, ngài sẽ gặp tổng thống, thủ tướng và các nghị sĩ. Slovakia chống lại tình trạng nhập cư không kiểm soát nhưng các nhà lãnh đạo của nước này tỏ ra ít cứng rắn hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi.
Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng Do Thái của Slovakia. Khoảng 105,000 người Do Thái Slovakia đã bị giết trong cuộc diệt chủng người Do Thái và ngày nay cộng đồng lên tới khoảng 3,000 người.
Tại Kosice, ngài sẽ gặp gỡ người dân Roma trong quận Lunik IX đổ nát, một trong những nơi tập trung đông người Roma nhất cả nước. Slovakia có dân số Roma khoảng 440,000 người, nhiều người ở các khu định cư ở ngoại ô các thị trấn.
Đức Phanxicô sẽ cử hành hai thánh lễ ngoài trời ở Slovakia - nơi có khoảng 65% là người Công Giáo - trong đó có một thánh lễ theo nghi thức Byzantine.
Source:Reuters
Cử hành Thánh lễ tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 10 tháng 9, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nói rằng ngài cầu nguyện xin cho lục địa này có thể khám phá lại chiều kích truyền giáo.
“Niềm tin ở Âu Châu đã trở thành một ngọn lửa kéo lét, mà ở một số khu vực trên lục địa của chúng ta có nguy cơ vụt tắt,” ngài nói trong bài giảng của mình bằng tiếng Pháp.
“Niềm tin được mang theo bởi những công trình văn hóa, niềm tin đi vào tâm hồn như thể cộng sinh với thế giới xung quanh. Một đức tin không còn được mang theo bởi thế giới Kitô sẽ có nguy cơ bị lung lay “.
Ngài nói tiếp: “Nhưng chúng ta biết rằng đức tin không chỉ được nuôi dưỡng bởi văn hóa. Đức tin được nuôi dưỡng bởi đối tượng của nó, đồng thời là chủ thể của nó, là Thiên Chúa hằng sống, Đấng cũng là nguồn mạch của đức tin đó. Mục đích của đức tin là đi đến mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống qua việc cầu nguyện và tham dự các bí tích”.
“Đức tin có một động lực truyền giáo. Đức tin đòi hỏi phải được chia sẻ với người khác. Tôi hết lòng cầu nguyện rằng chiều kích truyền giáo này của đức tin có thể được tái khám phá ở Âu Châu”.
Vị Tổng giám mục Dòng Tên 63 tuổi của Luxembourg đã phát biểu vào ngày thứ sáu của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và một Thánh lễ trong đó có nhiều người được Rước lễ lần đầu.
Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch coronavirus.
Sự kiện kéo dài tám ngày sẽ lên đến đỉnh cao vào ngày 12 tháng 9 với một thánh lễ bế mạc do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.
Tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Hollerich, chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), làm vị tổng tường trình của Thượng hội đồng năm 2023 về tính đồng nghị.
Sau sự đề cử, được coi là dấu hiệu đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng, vị Hồng Y sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát Thượng Hội Đồng Giám Mục trên thế giới tại Rôma.
Trong bài giảng tại Trung tâm Triển lãm và Đại hội Hungexpo Budapest, địa điểm chính của đại hội, Đức Hồng Y Hollerich đã suy ngẫm về bản chất của đức tin.
Ngài nói: “Đức tin mà chúng ta chia sẻ sẽ mở ra cho Giáo hội con đường đồng nghị. Một mình một người, một cộng đồng, và đôi khi là một Giáo hội địa phương, có thể lạc lối trên con đường đức tin.”
“Cuộc hành trình đồng nghị của toàn thể Giáo hội sửa chữa những con đường không được sai lầm của chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường đưa chúng ta ra khỏi sa mạc.”
Ngài nói tiếp: “Trong sa mạc của cuộc đời mình, chúng ta bị cám dỗ từ bỏ đức tin của mình hoặc giản lược đức tin xuống bầu khí riêng tư hạn hẹp của chính mình. Đức tin của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng khi chúng ta trải qua sa mạc của mình. Và thức ăn nào thích hợp để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta hơn là thức ăn Thánh Thể, là chính Chúa Giêsu, Đấng là trọng tâm của cuộc đời chúng ta?”
“Một lần nữa, lương thực đức tin trong Thánh Thể này mang tính cá vị độc đáo, nhưng đồng thời cũng mang tính cộng đồng và giáo hội nổi bật. Nếu chúng ta không sống theo chiều kích giáo hội của Hội Thánh, chúng ta sẽ tự cắt đứt cội nguồn của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và dừng lại trên con đường dẫn chúng ta đến với Ngài”.
Các diễn giả khác tại đại hội hôm thứ Sáu bao gồm Đức Hồng Y Dominik Duka của Praha, người kể lại rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào năm 1881 đã diễn ra trong bối cảnh đầy những biến động và chủ nghĩa bài giáo sĩ.
Ngài gợi ý rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế hiện nay cũng đang diễn ra trong bối cảnh không ổn định.
Vị Hồng Y 78 tuổi, người bị giam cầm dưới chế độ cộng sản, nói: “Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một lễ tạ ơn Chúa Kitô, một lễ kỷ niệm Đấng duy nhất có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Và đây là chiến thắng của Người. Tôi nhớ lại những lời đã gắn kết chúng ta trong cuộc đấu tranh và chiến thắng vào năm 1989: ‘Chân lý và tình yêu chiến thắng dối trá và hận thù’.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, tổng thống Hung Gia Lợi János Áder, một người Công Giáo, đã đưa ra chứng tá cá nhân của ông. Ông khuyến khích những người tham gia đại hội tìm kiếm những dấu chỉ được Chúa gửi đến trong cuộc sống của họ.
Đức Hồng Y Hollerich kết thúc bài giảng của mình bằng cách suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng trong ngày, Luca 6: 39-42, trong đó Chúa Giêsu thách thức các môn đồ của ngài “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
Đức Hồng Y nói rằng bài đọc khiến ngài liên tưởng đến các mạng truyền thông xã hội, nơi người ta chỉ trích gay gắt Giáo hội, từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, cũng như chỉ trích lẫn nhau.
“Và chúng ta không còn thấy con đường mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đi cùng với nhau nữa”.
Ngài nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi người Công Giáo đi theo con đường đồng nghị “với đức tin và lòng can đảm”.
“Hãy để Đại hội Thánh Thể này là cơ hội để đào sâu đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu, Bánh của sự sống đời đời, xin mau đến giúp chúng con trong những yếu đuối của chúng con! Xin hãy nâng cao niềm tin của chúng con.”
Source:Catholic News Agency
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp tới những tham dự viên của Diễn đàn Liên tôn G20, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo các tôn giáo theo đuổi hòa bình cho tất cả các dân tộc và phục vụ chân lý.
(Tin Vatican - Devin Watkins)
Diễn đàn Liên tôn G20 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 tại thành phố Bologna Ý, nhằm thúc đẩy việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thương thảo các cuộc xung đột đang gây nhiều nhức nhối trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo các tôn giáo tham gia sự kiện này hàng năm để tìm cách góp phần vào chương trình nghị sự của G20, một diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế giữa 20 quốc gia có nền kinh tế giầu mạnh nhất thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào đến những tham dự Diễn đàn Liên tôn vào tối thứ Bảy (11/9/2021).
Tôn giáo chân chính
Đức Thánh Cha ca ngợi mục tiêu của diễn đàn là chia sẻ ý tưởng và hy vọng thông qua việc đối thoại và thúc đẩy tự do tôn giáo.
ĐTC cho hay vai trò của các tôn giáo là cần thiết trong việc chiến thắng chiến tranh và hận thù, vì “tôn giáo chân chính bao gồm việc tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương những người lân cận chúng ta”.
ĐTC nói: “Hơn tất cả mọi việc bề ngoài, chúng ta được kêu gọi để thể hiện sự hiện diện vai trò làm cha của Thiên Chúa qua sự hòa hợp của chúng ta trên trái đất.
Lạm dụng Danh Thánh Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng còn lâu chúng ta mới đạt được lý tưởng đó. Ngài cho hay hơn 3.000 vụ tấn công vào các nơi thờ phượng đã diễn ra trong 40 năm qua, giết chết hơn 5.000 người.
ĐTC nói: “Thật quá dễ dàng thấy những người báng bổ Danh thánh Chúa bằng bắt bớ anh chị em mình mà vẫn được tài trợ tài chính!”
Được kêu gọi để phục vụ sự thật
Tuy thế các nhà lãnh đạo các tôn giáo luôn được kêu gọi để “phục vụ sự thật” và “tuyên bố không do dự và sợ hãi trước những điều ác xấu xa, ngay cả và đặc biệt khi những người thực hiện hành vi đó cùng tuyên xưng một niềm tin với chúng ta.”
Ghi chép của Teresa Phạm Thanh Nghiên
Lời dẫn: Giới trẻ ngày nay nói chung, cách riêng là giới trẻ Công Giáo ít nhiều luôn bị lây nhiễm những khuynh hướng xấu của xã hội. Họ chạy theo những giá trị vật chất tầm thường, sống buông thả, không có định hướng, không có kế hoạch cho tương lai, dễ sa ngã, hư hỏng... Nhưng trước khi “trách cứ” người trẻ, có lẽ nên nhìn lại trách nhiệm của người lớn tuổi. Trước khi xét đến “giá trị” của người trẻ, cần nghiêm túc nhìn về “vai trò” của thế hệ đi trước trong vấn đề “định hướng” và “đồng hành” với các bạn trẻ.
Trong “Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống” gửi Người trẻ và Cộng đoàn dân Chúa, ở Chương hai “Đức Giêsu Kitô luôn trẻ trung”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng (38): “Ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần có những cơ hội gần gũi với tiếng nói và lòng nhiệt thành của người trẻ, chính “sự gần gũi ấy tạo điều kiện để Giáo hội trở thành nơi đối thoại và nơi làm chứng về tình huynh đệ”. [12] Chúng ta cần tạo thêm nhiều không gian hơn cho người trẻ lên tiếng: “Khi có lòng thấu cảm, lắng nghe có thể dẫn đến trao đổi ơn ban cho nhau… Đồng thời, lắng nghe tạo điều kiện để việc loan báo Tin Mừng có thể thực sự chạm đến con tim cách thiết thực và phong phú”. [13]
Teresa Phạm Thanh Nghiên xin trân trọng gửi đến quý độc giả những chia sẻ của cha Giuse Lê Quang Uy – Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) về đề tài đang được nhiều người quan tâm: “Định hướng và đồng hành cùng các bạn trẻ”. Cha Giuse Lê Quang Uy là một trong những vị linh mục DCCT gây thu hút nhất, nhận được nhiều sự yêu mến, tin cậy nhất của giới trẻ và người nghèo tại Sài Gòn bởi sự gần gũi, chân thành và sự dấn thân của ngài trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.
PHẦN 1: “CHÍNH “GIỚI TRẺ” VÀ “NGƯỜI NGHÈO” ĐÃ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO CHÚNG TÔI”
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Câu hỏi đầu tiên thưa cha, xin cha chia sẻ đôi chút về thời tuổi trẻ của cha. Con nghĩ rằng nó rất thú vị và chắc hẳn nhiều người cũng tò mò muốn biết như con?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Vâng, trước đây khi chúng tôi còn trẻ, mới 20, 30 tuổi, chúng tôi gắn bó với nhóm Mai Khôi, được các cha Nguyễn Tiến Lộc, cha Vũ Khởi Phụng và cha Mai Văn Hùng linh hướng. Hiện tại các bạn đều đã lớn tuổi, trẻ nhất cũng hơn 40 mà già thì cũng gần 65 tuổi, có cháu nội cháu ngoại cả rồi, có một số bạn đã qua đời, có gần một chục bạn là Linh mục hoặc nữ tu. Họ vẫn còn hát lễ ở Nhà thờ Mai Khôi, đường Tú Xương, Quận 3, và có hẳn một nhóm Mai Khôi khá đông bên hải ngoại. Họ vừa mừng sinh nhật nhóm lần thứ 42.
Phải nói là chúng tôi mang ơn các cha và các bạn nhóm Mai Khôi, đã cho tôi một thời tuổi trẻ đầy ắp tinh thần Phục vụ và tình thân vui tươi, định hình phần lớn con người của chúng tôi để, tuy làm Linh mục nhưng chúng tôi vẫn có thể gần gũi bình dị với các bạn. Mỗi tuần bây giờ cứ đến tối thứ bảy là hai, ba chục bạn Mai Khôi chúng tôi lại “zoom” với nhau để cùng cầu nguyện rồi thăm hỏi nhau về tình hình lây nhiễm Covid…
Thế rồi sau này, ngay khi chịu chức Linh Mục cách âm thầm năm 1998 vừa xong, chúng tôi xin Bề Trên được ra phục vụ ngoài Giáo phận Bắc Ninh, có được kinh nghiệm sống rất quý với các bạn trẻ Ca đoàn, Giáo lý viên và hội Con Đức Mẹ là những người nông dân vùng quê Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cha xứ Nguyễn Huy Tảo và cha phó Trần Bá Hạnh, đều là các Linh mục chịu chức âm thầm, phải đi tù hoặc bị quản thúc nhiều năm, có nếp sống giản dị, gần gũi với Giáo dân, Mục vụ lại rất sinh động, nhiều sáng kiến, và chúng tôi đã học được cung cách sống dễ thương ấy từ các cha. Từ Giáo xứ Bâm này, chúng tôi còn được “bắn tung” đi các Giáo xứ, các Giáo phận chung quanh để giúp huấn luyện, đào tạo các bạn trẻ ngay trong những năm Miền Bắc còn rất thiếu Linh Mục…
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, con thường thấy cha cùng với các bạn trẻ mang tên Nhóm Fiat, đi chỗ này chỗ kia, làm rất nhiều việc cho người nghèo, người khuyết tật… Cha có thể chia sẻ cho chúng con biết về một số kỷ niệm của cha với các bạn trẻ được không ạ?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Năm 2001, chúng tôi về lại Sài Gòn, lo Trung tâm Mục vụ của DCCT. Và chúng tôi có cơ hội sống với giới trẻ qua các nhóm sinh viên như Hiệp Thông, Muối Đất, Đồng Hành, Hiệp Nhất, Hướng Dương; cùng nhóm y - bác sĩ giúp các bạn trẻ cai nghiện ma túy; rồi hình thành nhóm Bảo Vệ Sự Sống Sài Gòn, xây dựng Lăng Anh Hài để an táng các thai nhi, cùng với việc mở ra chuỗi 3, 4 Mái Ấm tiếp nhận và chăm sóc các bạn trẻ lỡ mang thai…
Trong suốt 10 năm, chúng tôi còn được may mắn hướng dẫn Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân, mỗi khóa cả mấy trăm bạn trẻ từ nhiều Giáo xứ và nhiều tỉnh thành tụ về DCCT Sài Gòn, nhiều bạn đã phản hồi với những chia sẻ chân thật và sống động về hành trình Đức Tin của họ, ngay cả nhiều năm sau này, khi các bạn đã có 2, 3 con rất hạnh phúc, hoặc đáng tiếc là đã bị bạo hành, ly dị, đổ vỡ gia đình.
Và rồi, qua mạng xã hội lúc ấy đang phổ biến Yahoo 360 độ, chúng tôi cùng với 6 bạn trẻ ban đầu mở ra nhóm Fiat, tính tới nay cũng được 15 tuổi đời rồi. Với những nét đặc thù là các bạn trẻ tuổi sinh viên hoặc vừa mới ra trường, đến từ nhiều tỉnh thành và vùng quê Bắc - Trung - Nam, có khi chỉ gặp nhau thường xuyên trên mạng mà thôi.
Chúng tôi bắt đầu ứng dụng cung cách “Định hướng” và “Đồng hành” trong sinh hoạt và hoạt động của nhóm Fiat. Hàng tuần các bạn lại có một địa chỉ trong thành phố để đến thăm, tắm rửa, xúc cơm, đổ cháo cho các em bại não, đàn hát chơi đùa với các em khuyết tật; lại đi thăm các cụ Nhà Dưỡng Lão, xóm Thùng, bãi Rác... Thỉnh thoảng, có những chuyến đi xa trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, cắt tóc, tắm rửa cho các bệnh nhân trại Tâm Thần, tổ chức hội chợ cho trại Phong, cho các em Tây Nguyên, rồi ra miền Trung, xuống miền Tây cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt hoặc tai họa Formosa.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Vậy từ Nhóm Fiat và các nhóm cha đã tham gia, cha có thể mở rộng góc nhìn, khái quát hơn về Giới Trẻ Công Giáo nói chung hiện nay không thưa cha?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Phải thú nhận là chính “Giới Trẻ” và “Người Nghèo” đã loan báo Tin Mừng cho bản thân chúng tôi, họ đã rèn luyện nên con người Linh mục của chúng tôi để rồi bây giờ khi đã bắt đầu già yếu rồi, chúng tôi thấy mình mắc nợ Giới Trẻ và Người Nghèo nhiều lắm.
Chúng tôi thật sự thao thức vấn đề hoạt động của Giới Trẻ trong Hội Thánh. Giới Trẻ đông, mạnh, khỏe, giỏi, nhiều sáng kiến, nhiều năng động, nhưng nghĩ cho cùng, họ lại cũng là những người… nghèo nhất, vì họ vừa mới khởi nghiệp, cuộc lập nghiệp còn đang diễn ra; họ còn thiếu nhiều kinh nghiệm đời nên dễ bị thất bại, mau nản, lại thích liều và hay thay đổi; họ cũng yếu về bản lĩnh, rất dễ bị cám dỗ, chi phối, lôi kéo, lợi dụng…Nhưng nhìn chung, họ rất cần đến Giáo Hội và ngược lại, Giáo Hội cũng rất cần đến họ, không phải để vận dụng họ ( nếu không nói là lợi dụng họ ), mà là để Giáo Hội phục vụ họ “cho họ ăn” như lệnh truyền của Chúa Giêsu, như là một đàn chiên đang cần được chạnh thương, chăm sóc.
Chúng tôi nhận thấy, chắc không đến nỗi chủ quan, rằng: mô hình hoạt động giới trẻ trong một Giáo xứ thường là hình một cái tháp, trên cùng là ông cha, rồi một ban điều hành gồm những người cũng chẳng còn trẻ gì, không chỉ tuổi tác mà cả suy nghĩ, hành động cũng… già theo khuôn phép lối mòn của cơ chế “Giáo sĩ trị”.
Dưới cùng của hình tháp là cả một khối đông các bạn trẻ đầy sức sống, nhiều tiềm năng, giàu sáng kiến, nhưng lắm khi chỉ được huy động để làm trật tự, làm hàng rào danh dự đón tiếp Đức Cha, để tập họp trong Đại hội hay các đại lễ cho đông, mặc áo thun và đội mũ, đeo khăn quàng có Logo rất đẹp, hát và làm cử điệu chung thật sôi nổi, vỗ tay cho mạnh, hô băng reo cho to, rồi… thôi. Khi kết thúc thì vui vẻ ai nấy chia tay ra về, chờ một dịp tập họp huy động khác.
Các nhóm bạn trẻ độc lập ( Hướng Đạo, Sinh Viên, Ve Chai, Bảo Vệ Sự Sống, Bạn Trẻ Đồng Hương, Người xa Quê, Cầu Nguyện Taizé, Bác Ái Xã Hội… ) thì nhiều lắm, phong phú, đa dạng, nhưng lại ít được cha xứ quan tâm như với Ca Đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể, Giáo Lý và các đội Múa Minh Họa, nhiều khi các nhóm bạn trẻ nằm ngoài cơ cấu của Giáo xứ này còn không được công nhận thuộc về Giáo xứ nữa. Có nơi vừa thay đổi cha xứ mới là lo mà dọn dẹp đi tìm chỗ khác để được phép có một khoảnh sân, hoặc một phòng nhỏ mà sinh hoạt.
Xem ra giới trẻ bị xếp vào loại phong trào, tổ chức theo chuyên đề, huy động cho đại hội, lên ào ào rồi cũng dễ xuống ào ào, rất uổng phí. Lâu dần cách làm này khiến cho bạn trẻ, nhất là dân xa quê chỉ còn coi sinh hoạt Công Giáo như là những lễ hội, vui thì đến, không hấp dẫn thì lảng ra nơi khác, không còn thiết tha gì với Thánh Lễ, với các Bí Tích vô giá mà Hội Thánh đem lại cho tuổi trẻ của họ.
Trong khi đó, phải nói: giới trẻ thật sự là tương lai của Giáo Hội, là nguồn lực lớn để phục vụ trẻ em, người già, người khuyết tật, người bệnh, người nghèo, ơn gọi đi tu… Không có họ, ai sẽ gánh vác trách nhiệm cao quý mà dễ thương này đây?
PHẦN 2: SAU CƠN ĐẠI DỊCH, CẦN MỘT SỰ “HIỆN DIỆN MỚI” BÊN CẠNH NHỮNG NGƯỜI TRẺ
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Dạ, vậy theo cha, chúng ta phải bắt đầu từ đâu để Giới Trẻ được trân trọng và hướng dẫn các bạn sống những năm tuổi trẻ của mình thật trọn vẹn?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Vấn đề là giới trẻ cần được các Linh mục, các Tu sĩ, cần được người lớn, gồm cả cha mẹ, chú ý đến 2 mặt Mục vụ quan trọng: định hướng và đồng hành. Ở phần trước, chúng tôi có kể chuyện về nhóm Fiat. Trong nhiều năm liền, các bạn Fiat đã quen dần với cách thức hoạt động vẫn hiệu quả mà không cần có ban điều hành bầu bán theo nhiệm kỳ chi cả. Các chuyến đi chỉ cần 1 trưởng đoàn, 1 thủ quỹ. Chuyến đi hoàn tất là xong nhiệm vụ. Chuyến đi sau lại có 1 trưởng đoàn và 1 thủ quỹ khác, nếu có lúng túng thì bạn trước chỉ dẫn cho bạn sau, và mọi sự lại trôi chảy vui vẻ.
Bản thân chúng tôi là Linh mục giữ trách nhiệm “định hướng” (như 1 vị Linh hướng) và “đồng hành” (như 1 thành viên trong nhóm), không giành việc của các bạn có thể làm nhưng đảm nhận những việc chỉ có Linh mục có thể làm mà thôi, đó là dâng Thánh Lễ, Giải tội và chúc lành bình an cho chuyến đi. Các khoản kinh phí từ thiện thường chính do các bạn đóng góp hoặc đi lạc quyên, họ cùng với chúng tôi tìm cách huy động các nguồn tiền và quà.
Như vậy, khái quát hơn, chúng ta thấy: các bạn trẻ cần được người lớn, cần các Linh mục, Tu sĩ, các Huynh trưởng, và nhất là cha mẹ trong gia đình giúp định hướng cho biết đâu là con đường đúng, tốt và đẹp ( chân - thiện- mỹ ) để họ bước đi tự tin và tự trọng giữa đời và giữa người.
Định hướng không phải là áp đặt, là bắt phải đúng khuôn mẫu đã có, nhưng là người lớn cùng ngồi với bạn trẻ, người lớn gợi ý rồi nhẫn nại lắng nghe bạn trẻ trao đổi, tranh cãi, có khi nghịch chiều với ý mình. Rồi cùng nhau hỏi ý Chúa Giêsu, tìm ra đáp số ngay trong Tin Mừng, trong các giáo huấn của Hội Thánh.
Rồi không phải định hướng một lần là xong đâu, còn phải đồng hành với các bạn trong các sinh hoạt và hoạt động, khởi xướng các chuyến đi, các dự án. Người lớn không chỉ huy, không điều khiển, không lãnh đạo các bạn trẻ theo nguyên tắc “Directive non Directive”, không cầm tay chỉ việc, không áp đặt chủ nghĩa kinh nghiệm, chỉ góp ý chứ không phê bình, chỉ khích lệ chứ không chê trách.
Người lớn đồng hành bằng sự hiện diện thật thà, ân cần giữa niềm vui và nhất là giữa nỗi buồn của từng bạn trẻ, của gia đình họ và của cả nhóm bạn của họ, sống tư cách dễ thương như Thánh Phaolô đã nêu gương, đó là “trở nên mọi sự cho mọi người”.
Người lớn không ngại đón nhận những thất bại do các bạn trẻ gây ra, nhưng bình tĩnh giúp họ tìm ra nguyên do, không đổ lỗi, không quy trách nhiệm cho một bạn nào đó phải “lãnh đủ” hậu quả của ông cha hay của cả nhóm. Rồi từ những vấp váp đó, khích lệ các bạn trẻ cùng nhau đứng dậy, hăng hái bắt tay làm lại, vui vẻ khởi hành lại.
Hãy để các bạn trẻ luân phiên tự nguyện nhận trách nhiệm lãnh đạo, không ứng dụng quy chế bầu bán có nhiệm kỳ, nhưng luân phiên chỉ huy, trong khi người lớn lui ra sau một bước, chỉ như một vị linh hướng, một vị đồng hành, một vị hướng đạo, nhất là như một chỗ dựa vững vàng và bao dung về tâm linh và tâm lý khi các bạn trẻ cần đến.
Tersa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, một câu hỏi có lẽ là được nhiều người mong chờ, xin cha có thể chia sẻ cho độc giả biết về một số hoạt động của các bạn trẻ trong cơn đại dịch, đặc biệt là tại Sài Gòn trong hơn 3 tháng qua không ạ?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Chính trong những tháng vật lộn đại dịch vừa qua và hiện tại, chúng ta thấy hiển hiện sức sống của các bạn trẻ, họ tham gia trong rất nhiều mặt:
Các thiện nguyện viên phục vụ các “bữa ăn nhân ái” cho người nghèo ở các ngả đường, rồi ban đêm còn tìm đến chia sẻ với những người vô gia cư… Đến khi thành phố bị phong tỏa thì lại mặc đồ bảo hộ y tế mang gạo và nhu yếu phẩm đến tận các xóm trọ nghèo, các khu cách ly heo hút.
Các thiện nguyện viên là sinh viên, là nam nữ Tu sĩ trẻ, tận tụy xin được vào phục vụ các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid, đảm nhận khâu lau dọn vệ sinh, thay bình ôxy, xúc cơm cho người đau yếu, an ủi những người hốt hoảng tuyệt vọng, và cả liệm xác, cầu nguyện cho người vừa qua đời…
Hằng ngàn shippers chạy xe honda dọc ngang khắp thành phố, giao hàng nhanh chóng cho người nhận, hơn hẳn lực lượng bộ đội và dân phòng. Các bạn nhiều khi từ chối thù lao khi biết đó là quà cứu trợ cần ưu tiên mang đến cho người nghèo, hoặc đó là bình ôxy cho người F0 điều trị tại nhà đang rất cần được thở để sống sót.
Các nhóm bạn trẻ rủ nhau tổ chức Zoom hàng tuần để thăm hỏi nhau, thông tin các hoạt động, rồi cùng hát Thánh Ca, cầu nguyện cho quê hương, cho đồng bào thoát được đại dịch, hoặc học hỏi thêm về Giáo lý, về Thánh Lễ… Họ thường mời một Linh mục hoặc một Nữ tu giúp chia sẻ Lời Chúa, nhưng họ mới chính là người điều khiển, chuẩn bị rất chu đáo và thực hiện đâu ra đó, có khi họ tập họp được 40, 50 hay cả trăm bạn trẻ khắp các miền và cả bên ngoại quốc nữa.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, con xin được hỏi cha câu cuối: cha có hình dung ra vai trò của các bạn trẻ trong khung cảnh “hậu đại dịch” sẽ như thế nào không ạ?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Rồi sẽ đến giai đoạn “hậu đại dịch”, chúng ta sẽ sống như thế nào, sẽ hành xử và đối đãi với giới trẻ ra sao?
Tôi e rằng có nguy cơ đâu lại vào đấy. “Bình thường” nhưng là cái “bình thường cũ”, đã quen, đã ăn nếp thành định kiến lối mòn lâu nay. Nhà thờ mở cửa lại, sân Giáo xứ lại tấp nập bạn trẻ đến sinh hoạt hội đoàn, lớp học, lễ lạc… như cũ, và người lớn thở phào, cảm thấy an tâm với một quy củ “vẫn chạy tốt” sau những tháng ngày ngưng trệ, phong tỏa.
Tại sao lại không có được một cái “bình thường mới”, cùng lúc vận dụng được bao nhiêu là kinh nghiệm của con tim và khối óc của các bạn trẻ khi họ từng tiếp cận người nghèo, phục vụ xã hội trong giai đoạn đại dịch gian nan khốn khổ đã qua, lại vừa có thể bắt tay vào việc phục hồi cuộc sống Đời và Đạo của chính họ, của gia đình họ, của thế hệ họ, trên nền tảng Vui Sống Tin Mừng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng?
Chẳng lẽ các bạn trẻ bản thân là công nhân từng bị thất nghiệp, bị mất đứt mấy tháng lương, sống chen chúc tù túng trong các gian phòng trọ chật hẹp mà còn bị chủ nhà đòi nợ gay gắt, tìm cách đuổi ra;
Chẳng lẽ các bạn trẻ xa quê đã từng hàng đoàn lũ lượt tháo chạy trên các nẻo đường bằng xe Honda, ôm đứa con sơ sinh, vợ chồng, bạn bè ngủ bờ ngủ bụi ngay bên lề đường hoặc bãi trống ở một cây xăng;
Chẳng lẽ các tình nguyện viên đã từng lặn lội đến các khu ổ chuột bị cách ly, các xóm trọ bị phong tỏa của người nghèo, từng vào phục vụ các bệnh viện dã chiến tràn ngập nạn nhân Covid;
Chẳng lẽ bản thân các bác sĩ và điều dưỡng trẻ đã từng được rèn luyện trong các Bệnh viện Dã chiến về chuyên môn y khoa lẫn y đức một cách căng thẳng đến kiệt sức ngất xỉu ngay giữa lằn ranh của sinh tử kiếp người…?
Tất cả những bạn trẻ ấy đâu thể sống y như trước, đâu thể đối đãi với nhau và với tha nhân y như trước?
Không đâu, họ về lại nhịp sống bình thường của xã hội và của Giáo Hội nhưng là cái “bình thường mới” với dầu đèn của Lòng Tin đủ sáng để thắng được bóng tối, với kinh nghiệm thế nào là tuyệt vọng mà vẫn một niềm Cậy Trông, và với cảm nhận sâu xa của Lòng Thương Xót từ Chúa Giêsu tràn xuống họ với họ và tràn ra mênh mang cho các nạn nhân của đại dịch và nghèo khó khốn cùng.
“I have a Dream”, theo cách nói của cố Mục sư Martin Luther King và theo một bài hát rất hay của nhóm ABBA, chúng tôi cũng đã nâng niu một Ước Mơ: đó là các Linh mục, Tu sĩ, là cha mẹ, là thầy cô giáo, là người lớn, chúng ta được mời gọi có cái nhìn cao hơn, xa hơn, rộng hơn và sâu hơn về Giới Trẻ, rồi nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết can đảm thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử lâu nay, thay vào đó là một hiện diện mới bên cạnh và ở giữa các bạn trẻ để Định Hướng và để Đồng Hành với họ…
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Con tạ ơn Chúa và cảm ơn cha. Xin cầu nguyện cho nhân loại, cách riêng cho Việt Nam sớm thoát khỏi đại dịch. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và đồng hành cùng cha và các bạn trẻ trong mỗi việc làm của con cái Người.
Cha Giuse Lê Quang Uy: Cảm ơn chị …..
Vũng Tàu- Sài Gòn ngày 11/9/2021.
Đúng ngày này, 20 năm trước, khi nhóm khủng bố lao hai máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York khiến tòa tháp đôi đổ sụp và hơn 3.000 người thiệt mạng, và không lâu sau đó, 1 chiếc máy bay khác lao vào Lầu Năm Góc. Trong nỗi sợ hãi, nhiều người bàng hoàng tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong những lúc đó?” Câu hỏi này chắc chắn vẫn đang được liên tục lặp lại, khi toàn thế giới phải đối diện, chống chọi, và bất lực trước trận “khủng bố vô hình” mang tên Covid-19.
Cha vẫn hiện diện để yêu thương con người. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa trong bức điện thư gởi cho mỗi chúng ta, trong biến cố 11/9/ 2001. Nhưng có lẽ, Người cũng vẫn muốn gửi lại cho từng chúng ta, bức thư ấy, ngày hôm nay, 11/9/2021.
Con yêu dấu!
Cha biết là con đang giận Cha lắm và nhiều người còn đang tiếp tục nổi giận với Cha.
Điều đó thật dễ hiểu. Vì tức tối, giận dữ là một phần của con người. Con Một của Cha cũng có lúc nổi giận như vậy.
Thật là đáng để giận dữ khi chứng kiến một sự thiếu công bằng, thiếu bác ái. Con có quyền và có lý để nghĩ rằng Cha là người không công bằng và thiếu bác ái khi những chiếc máy bay đã rớt xuống một cách thảm khốc như thế. Mọi người và cả những trẻ em trên chuyến bay đó đã chết. Thật bất công và vô nhân đạo!
Khi chứng kiến và nghe biết về sự kiện này, nhiều người đã tự hỏi rằng: “Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại cho phép sự việc xảy ra như vậy?”
Con ạ, Cha cho phép xảy ra như vậy là vì Cha đã dựng nên con người có tự do.
Con biết đó, Cha có thể giữ con trên dây và làm cho con nhảy múa suốt ngày mà không biết mệt. Cha cũng có thể làm cho môi miệng con cứ ca hát suốt ngày đêm mà không bị khan tiếng. Và Cha cũng có thể làm cho con bay lơ lửng trên bầu trời trong xanh như cánh diều mà không bao giờ bị rớt.
Đúng thế, Cha có thể làm được tất cả những điều đó, nhưng Cha đã không làm chỉ vì Cha yêu con vô cùng.
Cha để cho con tự do chọn lựa ca hát và nhảy múa. Cha để cho con tự do quyết định đến với Cha trong lòng tin và niềm hy vọng.
Bởi vì có tự do, cho nên một số người đã không muốn chọn lựa để ca hát và nhảy múa. Một số người đã chọn lựa giận ghét thay vì yêu thương, hận thù thay vì tha thứ và thả bom thay vì đưa tay giúp đỡ. Cha biết tất cả những điều này.
“Thiên Chúa ở đâu?"
Cha ở ngay trong vụ rớt máy bay thảm khốc ấy.
Cha ở đó và thì thầm vào tai một cô bé: “Đừng sợ, vì Cha ở với con”. Cha ở đó và cầm tay người phụ nữ khi bà sợ hãi, run rẩy. Cha ở đó và nâng người phi công bằng cánh tay của Cha như Cha đang ấp ủ một em bé.
Trong nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy, Cha ở đó như Cha đã ở bên Con Một của Cha trong Vườn Cây Dầu.
Trong nỗi đớn đau không thể nào chịu nổi ấy, Cha vẫn ở đó như Cha đã ở với Con Một của Cha khi Ngài bị đòn vọt.
Và trong nỗi kinh khiếp tột độ khi sự sống khắp kết thúc, thì Cha cũng ở đó, như đã ở bên Con Một của Cha khi Ngài bị treo lên với lời rên xiết: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”
Cha đã không bỏ rơi Ngài.
Cha đã không bỏ rơi những nạn nhân trên chuyến bay định mệnh hôm đó.
Cha ở đó khi chiếc máy bay bị rớt, và rồi, những người trên đó được trỗi dậy để vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Cha ở đó để lắng nghe sự giận dữ, để trả lời những chất vấn và chỉ cho mọi người biết lý do tại sao.
Đó không phải là cùng tận, nhưng là để sống đời đời với Cha.
Trong chốc lát, họ được đi vào trong sự tồn tại vĩnh cửu.
Trong chốc lát, họ rời khỏi thế giới và mai này con cũng sẽ như vậy. Nhưng trên tất cả sự chốc lát đó, Cha giữ lời hứa của Cha: Cô bé sẽ nhảy múa, người phụ nữ sẽ ca hát và người phi công sẽ bay vút bằng đôi cánh của mình, mãi mãi.
Ký tên: THIÊN CHÚA
Và, LỜI CẦU NGUYỆN 20 NĂM SAU….
Cha ơi, con đang đọc lá thư Cha gửi, mà dòng chữ đang bị nhoè, bị mờ rồi!
Đó là vì, nó đã được gửi đi không phải chỉ 20 năm trước, mà có lẽ, từ hơn 2000 năm trước, rồi!
Đó là vì, nước mắt con đang mặn môi, cổ họng con đang đắng chát!
Đó là vì, tận thâm sâu, con đang hoang mang lắm, đau đớn lắm, và tức giận lắm!
Lúc này đây, ngay giữa tâm dịch Covid-19, con cũng muốn cùng với mọi người trên thế giới, không trừ một ai, giận dỗi để hét lên rằng:
“Thiên Chúa ở đâu?"
Vâng,
Cha ơi, Cha có thực sự hiện hữu không?
Nếu có, thì:
Cha đang ở đâu?
Cha có nhìn thấy nỗi thống khổ, bất lực của chúng con không?
Cha có nghe thấy những lời cầu xin đầy ai oán, nước mắt của chúng con không?
Cha có thực lòng thương chúng con không?
….
Nếu Cha cứ yên lặng như thế, thì
chúng con biết hỏi ai,
chúng con biết cậy dựa vào ai đây?
Cha ơi, con đã cảm nghiệm:
Những nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn, khi mà, có biết bao người, ra đi trong những bệnh viện dã chiến, mà người thân chẳng thể nhỏ được giọt lệ tiếc thương, chẳng thể nhìn được nét mặt phút cuối cùng, chẳng thể thắp được nén hương, chẳng thể chít vòng khăn tang… mà nếu may mắn có được, là nhận lại hũ tro cốt, mà có khi lại là của ai khác! Sự cô đơn tuyệt vọng của người đi. Nỗi đau xé lòng của người ở lại…
Cha ơi, con đã tự trấn an mình rằng:
Trong cuộc chiến sinh - tử mong manh của phận người ấy, có lẽ, chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mới là điểm tựa nương vững chắc. Vì dù sao, Thiên Chúa đã dựng nên con người, chắc chắn Người không để con người chết đi là hết, nhưng Người chuẩn bị sẵn cho mỗi người một điểm đến, bên kia cánh cửa trần thế này, người trước, kẻ sau... ai cũng sẽ bước qua.
Cha ơi, con đã thầm thĩ rằng:
Giữa những tháng ngày đau thương này, con cầu xin Chúa cho con luôn nhận ra bên trong của những trái vỏ gai chi chít, xấu xí, ghê tởm của tội ác, của khổ đau, của oán thù… vẫn là một hạt nhân thật ngon, thật quý mà Chúa chuẩn bị cho những ai luôn đặt trọn niềm tín thác nơi Ngài.
Cha ơi, con có ngây ngô để nghĩ rằng:
Đằng sau sự bất lực ấy của con người, phải có cái gì đó, hay đúng hơn, phải có Đấng nào đó, vượt lên trên tất cả. Vì có như thế, con mới dám tin rằng, phẩm giá của con người là thứ bất khả nhượng. Cho nên, dù có chết cách nào, dù thân xác giá lạnh có bị cuốn trong túi, bị kéo lê, bị xô đẩy như một vật thể vô danh, thì giá trị của con người, như là hình ảnh của Đấng Tạo Thành, vẫn còn nguyên đó?
Cha ơi, con có khờ dại để an nhiên khi chứng kiến:
Những nỗi đau, những nỗi mất mát lớn đến độ:
- làm cho trí não con người chẳng thể nghĩ được gì khác nữa, vì sợ càng nghĩ, mình sẽ càng không thể hiểu;
- làm cho trái tim con người trở nên xơ cứng, chẳng còn chút cảm xúc nào nữa, vì sợ càng yếu mềm, thì lại càng đớn đau, quặn thắt;
Cho nên, ngay cả sự nâng đỡ về mặt tâm lý, tâm linh cũng chẳng thể xoa dịu được?
Và, cha ơi, con có nên buông tay, để chỉ còn lại sự tin tưởng, phó thác, vì biết rằng:
Dù con thuyền nhân loại của chúng con đang tròng trành giữa đêm đen, biển rộng, sóng lớn thì Đức Giêsu, Con Chí Ái của Cha, cũng đang ở trên con thuyền này. Ngài đang ngủ. Và chỉ đang ngủ thôi, nên chắc chắn Ngài sẽ thức giấc?
Vâng, Cha ơi,
Chúng con cần Cha!
Chúng con cần nhau!
Chúng con cần cùng nhau cất lời:
Tạ ơn Cha, chúng con vẫn còn được thở hơi sự sống cho đến hôm nay,
còn ngày mai như thế nào, chúng con chỉ xin phó thác trong tay Ngài!
Nt. Anna Ngọc Diệp
Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm
1. Giám mục Tây Ban Nha bị cáo buộc từ chức vì có mối quan hệ với tiểu thuyết gia
Tử vong tại Tây Ban Nha vì coronavirus tính đến ngày 10 tháng 9 là 85,218 người chết, trong số 4,903,021 trường hợp nhiễm coronavirus. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó là 4,763 trường hợp, và số trường hợp tử vong là 81 người.
Trong bối cảnh chết chóc kinh hoàng như thế, lẽ ra người ta phải có lòng sám hối. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi đã không diễn ra như thế. Trong một diễn biến quá đỗi đau lòng đã được tường trình trên hầu hết các phương tiện truyền thông, một Giám Mục Tây Ban Nha đã bỏ ngang sứ vụ của mình để sống với một người đàn bà đã ly dị và có hai con. Trầm trọng hơn nữa, bà ta là một tiểu thuyết gia chuyên viết các truyện dâm ô và có khuynh hướng tôn thờ Satan.
Trong suốt thời gian làm Giám Mục, vị Giám Mục này đã không ngừng ủng hộ các giáo huấn Công Giáo đôi khi phải trả giá đắt khi bênh vực Giáo Hội. Cho nên, việc ngài bỏ ngang sứ vụ để sống với một người đàn bà không ngừng chống báng Giáo Hội khiến người ta ngạc nhiên vô cùng.
Đức Hồng Y Juan José Omella, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã ra một thông báo hướng dẫn anh chị em giáo dân trước tai tiếng kinh hoàng này. Chúng tôi sẽ tường trình trong phần ngay sau đây. Trước hết, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ, qua phần trình bày của Đình Trinh, bài tường trình của ký giả Inés San Martín trên tờ Crux. Bài tường trình có nhan đề “Spanish bishop allegedly stepped down because of relationship with novelist”, nghĩa là “Giám mục Tây Ban Nha bị cáo buộc từ chức vì có mối quan hệ với tiểu thuyết gia.”
Hai tuần trước, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của một giám mục Tây Ban Nha vì “lý do hoàn toàn cá nhân”. Nhiều trang tin tức cho rằng Đức Giáo Hoàng đã sa thải ông ta vì lập trường ủng hộ cho nền độc lập của Catalonia.
Tuy nhiên, theo một số báo cáo đến từ Tây Ban Nha trong tuần này, cựu giám mục của giáo phận Solsona, Xavier Novell, 52 tuổi, đã “tự do” từ chức giám mục vì một người phụ nữ, là người hoạt động như một nhà tâm lý học và tác giả viết tiểu thuyết khiêu dâm.
Novell đã chuyển từ giáo phận của mình đến Manresa, nơi bà Silvia Caballol, 38 tuổi, sinh sống. Anh ta đang tìm một công việc, vì vị cựu giám mục này trước đây từng là một kỹ sư nông nghiệp. Sắc lệnh ngày 23 tháng 8 của Vatican thông báo rằng đơn từ chức giám mục Solsona của ông ta đã được chấp nhận, nhưng không đề cập đến việc liệu ông ta có rời bỏ chức linh mục hay không.
Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau thông cáo chung của Vatican về vấn đề này như sau:
“Giám mục Novell đã đưa ra quyết định sau một thời gian suy tư, phân định và cầu nguyện, cuối cùng ngài trình bày với Đức Thánh Cha về tình hình của ngài và đồng thời nộp đơn từ chức quản trị mục vụ của Giáo phận Solsona”.
Tờ Religion Digital báo cáo rằng vị cựu giám mục đã lặng lẽ rời giáo phận mà không nói lời từ biệt với các linh mục và các tín hữu.
Theo tạp chí Tây Ban Nha Vida Nueva, nghĩa là Đời Sống Mới, Caballol là mẹ của hai đứa trẻ và đã ly dị cha của chúng, là một người Marốc. Trong các cuốn sách của mình, cô ấy cho rằng mình là “một độc giả lão luyện các tiểu thuyết lãng mạn và khiêu dâm”.
“Tôi tự nhận mình là một người sáng tạo, thích yêu và được yêu,” cô ta viết.
Cô có hai cuốn sách đã xuất bản, một trong số đó có một cuốn chủ yếu là trình bày chủ yếu về Satan, có tựa đề “El infierno en la lujuria de Gabriel”, nghĩa là “Địa ngục trong dục vọng của Gabriel”, trong đó Caballol đi sâu vào “cuộc đấu tranh quyết liệt giữa thiện và ác, giữa Chúa và Satan, và giữa Thiên thần và Ác quỷ “.
Theo nhà xuất bản, trong cuốn sách, “thực tế, mê sảng và hư cấu đan xen trong một cuốn tiểu thuyết về sự trần trụi thô thiển và dữ dội điên cuồng; trong đó người đọc sẽ được đưa qua thế giới lẫn lộn giữa đền tội, suy thoái nhân cách, tà giáo, bạo dâm, điên loạn, dục vọng và, từng chút một, khi câu chuyện tiến triển, cũng hướng người ta tới chỗ tin rằng không hề có sự bất tử của sự bất tử và cuộc đấu tranh quyết liệt giữa thiện và ác, giữa Chúa và Satan, và giữa Thiên thần và Ác quỷ; tất cả những điều này, đều nằm dưới bàn tay của các nhân vật chính và phản diện là Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel –là kẻ tâm thần, điên loạn hay ác quỷ - và Helena - nhà tâm lý học nghiên cứu nhà tù, là kẻ tâm thần hay thiên thần?”
Nhà xuất bản tuyên bố tiếp rằng:
“Tác giả sẽ lại khiến chúng ta rung động trong cơn lốc cảm giác mà cô ấy sẽ rà soát lại, một lần nữa, với ngôn ngữ trực tiếp và cốt truyện độc đáo, hệ thống đạo đức, giá trị của chúng ta và niềm tin tôn giáo của chúng ta”.
Novell, một trong những giám mục trẻ tuổi nhất của Tây Ban Nha, đã cho thấy có sự thay đổi quan điểm luật độc thân linh mục: khi còn trẻ, ông đã kiên định cho rằng nên bãi bỏ luật độc thân linh mục, nhưng sau đó ông đã bảo vệ mạnh mẽ truyền thống này. Và cuối cùng thì ông lại đổi ý bỏ ngang sứ vụ để tìm đến với một người đàn bà đã có chồng.
Vào năm 2013, khi Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của mình, vị giám mục này đã cấm các Nhà thờ Công Giáo rung chuông. Tuy nhiên, 4 năm sau, khi khu vực này một lần nữa tổ chức một cuộc bỏ phiếu bị chính quyền Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp, ông không chỉ bỏ phiếu ủng hộ mà còn kêu gọi các linh mục thúc giục mọi người bỏ phiếu. Khi những người ủng hộ độc lập giành chiến thắng, Thủ tướng Tây Ban Nha khi đó đã phải viện dẫn một điều khoản của hiến pháp Tây Ban Nha và giải tán chính phủ Catalonia.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, sau một số báo cáo về mối quan hệ bị cáo buộc giữa giám mục và tác giả, giáo phận Solsona, hiện do một Đức Cha Romà Casanova Casanova, Giám Quản Tông Tòa điều hành, chỉ đơn giản nói rằng quyết định ngừng lãnh đạo giáo phận là một quyết định cá nhân của Novell.
Tuyên bố này nói:
“Từ thông tin được cung cấp trên một số phương tiện truyền thông về những nguyên nhân có thể khiến Giám mục Xavier Novell Goma của giáo phận Solsona từ chức,” chỉ có thể nói rằng “quyết định của vị cựu giám mục là ‘hoàn toàn vì lý do cá nhân’, và do đó, việc xác nhận, hay không, thông tin này, thuộc về lĩnh vực hoàn toàn cá nhân của ông ta”.
Source:Crux
2. Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha họp báo kêu gọi chấm dứt 'câu chuyện bệnh hoạn' về vị giám mục từ chức
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã kêu gọi anh chị em giáo dân thôi không lên án một cựu giám mục Catalan, tôn trọng quyền riêng tư của ông ta, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin ông đã đến sống với một nhà văn viết truyện hư cấu khiêu dâm hai tuần sau khi từ chức.
“Tôi chia sẻ nỗi đau của gia đình anh ta và giáo phận Solsona, đã bị rúng động bởi điều này, cùng với phần còn lại của Catalonia và các giám mục ở đó, là những người đã đồng hành cùng anh ta trong nhiều năm,” Đức Hồng Y Juan José Omella nói trong một cuộc họp báo ở Madrid hôm 9 tháng 9.
“Nhưng tôi cũng đau lòng khi mọi người đã biến chuyện này thành một câu chuyện bệnh hoạn, nát bét như vậy. Khi ai đó rời thánh chức vì lý do riêng, anh chị em nên tôn trọng quyền riêng tư của họ. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi cần được tha thứ, và chúng ta cũng nên quý trọng những người luôn trung thành”.
Vị Hồng Y đã đưa ra lập trường trên sau các báo cáo truyền thông rằng cựu Giám mục Xavier Novell Gomà hiện đang sống chung với Silvia Caballol Clemente, một bà mẹ hai con đã ly hôn, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của ông ta vào ngày 23 tháng 8.
Đức Hồng Y Omella cho biết ông đã rất “ngạc nhiên như mọi người” trước sự ra đi đột ngột của người đàn ông 52 tuổi và đã đề nghị giúp đỡ cá nhân cho ông ta, nhưng nói thêm rằng chi tiết của “trường hợp khó chịu” này vẫn chưa được biết.
Trong khi đó, vị giám mục được bổ nhiệm quản lý Giáo phận Solsona cũng kêu gọi người Công Giáo tôn trọng “lý do cá nhân” của Novell về việc rời đi.
“Giám mục Novell đã thi hành sứ vụ của mình một cách thông minh, quảng đại, đáp ứng những thách thức lớn lao ngày nay và luôn loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô với một cái nhìn rộng lớn,” Đức Cha Romà Casanova Casanova, Giám Mục giáo phận Vic, hiện là Giám Quản Tông Tòa của Solsona, cho biết trong một lá thư mục vụ ngày 5 tháng 9.
“Chúng ta phải cảm ơn ngài về những công việc ngài đã hoàn thành tốt trong toàn giáo phận, tất cả những thành quả của sự thánh thiện và sứ mệnh mà ngài đã trao ban, và do đó, ngài chấp nhận từ chức với nỗi đau chia ly chân thành, ý thức rằng chúng ta không hiểu hết được sự bối rối của sự kiện này”.
Hãng tin trực tuyến Công Giáo của Tây Ban Nha Tonión Digital đưa tin vào ngày 5 tháng 9 rằng vị giám mục đã chuyển đến Manresa để sống cùng Caballol, 38 tuổi, một nhà tâm lý học và tình dục học, người trước đây sống ở Maroc với một người chồng Ả Rập.
Được thụ phong năm 1997 sau khi theo học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, Novell trở thành giám mục trẻ nhất Tây Ban Nha vào năm 2010 và từ lâu đã thu hút nhiều tranh cãi.
Trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2015 ở Catalonia, vị Giám Mục nói với người Công Giáo “ngày tự do đã đến” cho những người ủng hộ độc lập, trong khi vào năm 2017, ông chỉ trích chính phủ Tây Ban Nha nỗ lực ngăn chặn một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đã được lên kế hoạch.
Trong cùng năm đó, Novell đã xin lỗi sau các cuộc phản đối của người đồng tính vì tuyên bố rằng “đồng tính luyến ái liên quan đến hình tượng người cha vắng mặt và biến thái”.
Tonión Digital đưa tin vào ngày 8 tháng 9 rằng Vatican đã can thiệp vào năm 2020 để ngăn Giám mục Novell quảng bá và đích thân thực hiện “liệu pháp hoán cải” cho những người đồng tính luyến ái từ bỏ con đường tội lỗi. Đó là một hành vi sẽ bị tội hình sự ở Tây Ban Nha theo luật mới về quyền của người LGBT.
Trong suốt thời gian làm Giám Mục, Đức Cha Novell đã không ngừng ủng hộ các giáo huấn Công Giáo. Cho nên, việc ngài bỏ ngang sứ vụ để sống với một người đàn bà không ngừng chống báng Giáo Hội khiến người ta ngạc nhiên vô cùng.
Tonión Digital nhận xét rằng các giáo sĩ và giáo dân trong Giáo phận Solsona vẫn không yên tâm về động cơ và hậu quả xung quanh việc từ chức, điều này “tiếp tục thúc đẩy phỏng đoán về một số liên quan bí ẩn trong quá trình này.”
Source:Crux
3. Đức Hồng Y Bo của Miến Điện nói Chúa Giêsu kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trong Bí tích Thánh Thể
Hồng Y Charles Maung Bo của Miến Điện nói với những người Công Giáo tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest hôm thứ Tư rằng điều quan trọng là noi gương sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu trong bối cảnh những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.
“Hãy nhìn vào thế giới và cuộc sống của chúng ta. Con người hiện đại đang sống trong một cơn sốt cao. Anh ta đang rất vội vàng. Anh ta lúc nào cũng gấp rút. Anh ta bồn chồn. Anh ta muốn thủ đắc nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn,” Đức Hồng Y Bo nói hôm 8 tháng 9.
“Anh ta không hài lòng. Anh ta ghê tởm sự im lặng. Anh ta không thể chờ đợi. Tốc độ, tốc độ là giá trị số một hiện nay. Làm chậm chạp được coi là một khuyết điểm, là lãng phí thời gian”.
“Nhưng Chúa Giêsu chờ đợi. Ngài đến với chúng ta vì Ngài yêu chúng ta”.
Đức Hồng Y Bo đã nói khoảng một giờ về “Sự kiên nhẫn của Chúa trong Bí tích Thánh Thể” vào ngày thứ ba của buổi dạy giáo lý tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest.
Đức Hồng Y nói: “Thời gian không phải là một món hàng; nó là một sự hiệp thông của trái tim. Chúa Giêsu kiên nhẫn chờ đợi trong Bí tích Thánh Thể”.
Đức Hồng Y nói thêm rằng mỗi người được sinh ra từ “sự hy sinh kiên nhẫn vĩ đại” của một người phụ nữ đang chờ đợi sự xuất hiện của đứa con mình.
“Cuộc sống không phải là một nhà hàng bán đồ ăn nhanh; đó là một cuộc hành hương kiên nhẫn. Internet nhanh có thể kết nối điện thoại thông minh; nhưng chỉ có sự kiên nhẫn mới kết nối được những trái tim.”
Vị Hồng Y người Salêdiêng 72 tuổi gọi đại dịch COVID-19 là “người thầy khó chịu về sự kiên nhẫn”.
Ngài nhận xét rằng: “COVID đã dạy chúng ta đức tính này một cách đau đớn nhất”.
“COVID đã cướp đi của chúng ta việc Rước lễ Chúa nhật, Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và đỉnh cao trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nó đã mang lại những thách thức về tinh thần và cảm xúc. Nhưng thông qua bóng tối này, Chúa đã làm việc để xây dựng lại chúng ta, để chúng ta có được sự kiên nhẫn giữa mối đe dọa hiện sinh này”.
“Kiên nhẫn là một trong những đức tính tuyệt vời của truyền thống Kitô. Hãy kiên nhẫn vì Cha trên trời của anh chị em là người kiên nhẫn.”
Đức Hồng Y Bo, Tổng giám mục Yangon, nói rằng tại quê hương Miến Điện của ngài, Giáo hội đã được “thử thách qua sự kiên nhẫn của mình”, đặc biệt là trong sáu tháng qua với “những thử thách nhiều tầng” bao gồm “COVID, đảo chính, sự sụp đổ của nền kinh tế, và biến đổi khí hậu”.
“Người Công Giáo đã phải chịu đựng rất nhiều. Các nhà thờ của chúng tôi đã bị tấn công. Nhiều người trong số chúng tôi đang tị nạn trên chính mảnh đất của chúng tôi”.
Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 ở Miến Điện, Đức Hồng Y Bo ủng hộ phong trào biểu tình bất bạo động và kêu gọi người Công Giáo giúp đỡ những người đau khổ và không ngừng cầu nguyện cho hòa bình.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế đang diễn ra tại thủ đô Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9.
Đức Hồng Y Bo từng là đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế trước đó ở Phi Luật Tân vào năm 2016.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự đại hội để dâng thánh lễ bế mạc vào ngày Chúa nhật 12 tháng 9. Ngài sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên tham gia Đại hội Thánh Thể Quốc tế kể từ năm 2000.
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã bắt đầu các sự kiện của đại hội vào ngày 8 tháng 9 bằng một bài suy niệm về ngày Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria.
Các thánh lễ đã được cử hành tại một số nhà thờ ở Budapest như một phần của chương trình đại hội.
Đức Hồng Y Robert Sarah, cựu Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Các Bí tích của Vatican, đã dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Các Thánh Thiên thần ở Gazdagrét và một Phụng vụ Thánh Byzantine được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Stêphanô.
“Tôi thực sự cảm thấy Đại hội Thánh Thể này là điểm khởi đầu của việc chữa lành toàn cầu,” Đức Hồng Y Bo nói trong bài giáo lý của mình
Source:Catholic News Agency
1. Lịch trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Hung Gia Lợi
Lúc 06 sáng Chúa Nhật 12 tháng 09, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay quốc tế Fiumicino để bay đến Budapest
Dự kiến lúc 07:45 ngài sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Budapest
Sau nghi thức chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Budapest, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với tổng thống và thủ tướng tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest
Lúc 09:15, ngài sẽ gặp các giám mục tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest.
Lúc 10:00, ngài gặp đại diện hội đồng đại kết các giáo hội và một số cộng đoàn do thái của Hung Gia Lợi tại Bảo tàng Nghệ thuật ở Budapest
Lúc 11:30, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Quảng trường Anh hùng ở Budapest
Sau đó, ngài sẽ chủ sự Kinh Truyền Tin
Lúc 14:30 sẽ có nghi thức chào tạm biệt tại sân bay quốc tế Budapest
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay đến Bratislava
2. Lịch trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Slovakia
Lúc 15:30, theo giờ địa phương, ngày Chúa Nhật 12 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay quốc tế Bratislava. Tại đây sẽ có nghi thức chào đón chính thức.
Lúc 16:30, Đức Thánh Cha sẽ tham dự cuộc gặp gỡ đại kết tại Toà Sứ thần ở Bratislava
Sinh hoạt cuối cùng là cuộc gặp riêng các tu sĩ dòng tên tại Toà Sứ thần ở Bratislava
Thứ Hai ngày 13 tháng 09, lúc 09:15 sẽ có nghi thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống ở Bratislava
Đức Thánh Cha sau đó sẽ gặp gỡ tổng thống tại “Sảnh Vàng” của Dinh Tổng thống ở Bratislava
Lúc 10h, ngài gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại vườn của Dinh Tổng thống ở Bratislava
45 phút sau đó, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Chính toà Thánh Martino ở Bratislava.
Buổi chiều, lúc 16h, ngài thăm riêng “Trung Tâm Bê-Lem” ở Bratislava
Lúc 16:45, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Do Thái tại Quảng trường Rybné námestie ở Bratislava
Lúc 18h, Đức Thánh Cha sẽ gặp chủ tịch quốc hội tại Toà Sứ thần ở Bratislava
Lúc 18:15, Đức Thánh Cha gặp thủ tướng tại Toà Sứ thần ở Bratislava
3. Sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày Thứ Ba 14 tháng 09 và Thứ Tư 15 tháng 09
Lúc 08:10 sáng, ngài khởi hành bằng máy bay đến Košice
Lúc 09:00, ngài đến sân bay Košice
Lúc 10:30, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Phụng Vụ Thánh Thể theo nghi thức Byzantine tại Quảng trường thể thao Mestská ở Prešov
Lúc 16:00, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Roma tại Khu vực Luník IX ở Košice
Lúc 17:00, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Sân vận động Lokomotiva ở Košice
Lúc 18:30, ngài khởi hành bằng máy bay để quay lại Bratislava. Lúc 19:30, ngài sẽ đến nơi.
Lúc 10:00, Thứ Tư ngày 15 tháng 09, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thánh Quốc gia Šaštin.
Lúc 13:30, sẽ có nghi thức chào từ biệt tại sân bay quốc tế Bratislava
Lúc 13:45, ngài khởi hành bằng máy bay về Roma
Lúc 15:30, ngài sẽ về đến sân bay quân sự Ciampino
Source:Vatican News
1. Gay go: Báo chí Hung Gia Lợi bày tỏ sự buồn phiền vì Đức Thánh Cha thăm nước này trong thời gian siêu ngắn trong khi thăm Slovakia trong thời gian siêu dài
Chuyến viếng thăm quá ngắn đến mức bất thường ở Hung Gia Lợi vào Chúa Nhật 12 tháng 9 trong chuyến tông du nước ngoài thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã gây xôn xao trong dư luận tại nước này. Đặc biệt, ngay sau đó, ngài viếng thăm Slovakia trong một thời gian rất dài đến ngày thứ Tư 15 tháng 9 mới về.
Báo chí Hung Gia Lợi cho rằng sắp xếp này nhấn mạnh sự khác biệt của Đức Thánh Cha với Thủ tướng Viktor Orban, là người theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 84 tuổi, sẽ chỉ dành 7 tiếng đồng hồ ở thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest trước khi ngài bay ngay sang Slovakia, nơi ngài sẽ ở lại lâu hơn, thăm bốn thành phố trước khi về lại Vatican vào ngày thứ Tư.
Lịch trình của Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thủ tướng Orban. Nhưng thời gian ở lại Budapest quá ngắn ngủi đã khiến các nhà ngoại giao và truyền thông Công Giáo cho rằng Đức Giáo Hoàng, khi thực hiện chuyến đi đầu tiên kể từ khi phẫu thuật vào tháng 7, đang ưu tiên cho Slovakia và thực tế là đang hắt hủi Hung Gia Lợi.
Đức Phanxicô thường xuyên tố cáo điều mà ngài coi là sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy, kêu gọi đoàn kết Âu Châu, đồng thời chỉ trích các quốc gia cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng các hành động đơn phương hoặc chủ nghĩa cô lập.
Ngược lại, Thủ tướng Orban nói với Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia vào tuần trước rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề di cư là Liên minh Âu Châu “trao lại mọi quyền cho các quốc gia thành viên”.
Đức Giáo Hoàng thúc bách việc chào đón người di cư và tích hợp họ vào xã hội để giải quyết những gì ngài đã gọi là “mùa đông nhân khẩu học” của Âu Châu. Thủ tướng Orban nói ở Slovenia rằng những người di cư ngày nay “tất cả đều là người Hồi giáo” và chỉ có “chính sách gia đình Kitô truyền thống mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đó”.
Tờ báo Công Giáo Anh The Tablet cho biết: “Quyết định của Đức Giáo Hoàng dành nhiều thời gian ở Slovakia hơn Hung Gia Lợi xảy ra trong bối cảnh ngài chỉ trích dữ dội các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy như thủ tướng Hung Gia Lợi”.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Iraq vào tháng 3, Đức Phanxicô cho biết chặng dừng chân của ngài ở Budapest “không phải là một chuyến thăm một đất nước mà chỉ là để tham dự một thánh lễ”. Dự kiến có khoảng 75,000 người tham dự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Tờ báo National Catholic Register của Mỹ đưa tin rằng các quan chức Hung Gia Lợi, bao gồm một số giám mục, đã không thuyết phục được Đức Giáo Hoàng ở lại Hung Gia Lợi lâu hơn và thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước.
National Catholic Register cho biết một số người coi quyết định này của Đức Giáo Hoàng là “một cái tát lớn vào mặt” của Thủ tướng Orban.
Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Tổng thống Hung Gia Lợi Janos Ader trước khi cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Source:Reuters
2. Đức Thánh Cha sẽ nói gì với Thủ tướng Orban?
Được hỏi bởi mạng phát thanh Tây Ban Nha COPE vào tuần trước rằng ngài sẽ nói gì với Thủ tướng Orban về việc đóng cửa biên giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi đứng trước một người, tôi nhìn vào mắt anh ta và để mọi thứ diễn ra”.
Đức Giáo Hoàng sẽ rời Rôma sớm một cách bất thường vào Chúa Nhật. Ngài khởi hành lúc 6 giờ sáng để ngài có thể cử hành Thánh lễ ở Budapest và đến Slovakia vào buổi chiều, mà không qua đêm ở Hung Gia Lợi.
Khi một phóng viên hỏi tại một cuộc họp ngắn vào hôm thứ Năm tại sao Đức Giáo Hoàng lại có vẻ như muốn “chạy trốn khỏi Hung Gia Lợi”, phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói rằng điểm dừng ở đó là một “cuộc hành hương tâm linh”, và cần được nhìn trong bối cảnh tôn giáo.
Văn phòng của Thủ tướng Orban cho biết trong một email với Reuters hôm thứ Năm rằng việc Đức Giáo Hoàng dừng chân cho một sự kiện tôn giáo là “một vinh dự to lớn” và so sánh với chặng Slovakia sẽ là “sai lệch”.
Chuyến tông du này sẽ là bài kiểm tra sức mạnh đầu tiên của Đức Giáo Hoàng kể từ khi phẫu thuật, trong đó 33 cm (13 inch) ruột của ngài đã bị cắt bỏ vì chứng hẹp đại tràng.
Tại Slovakia, ngài sẽ gặp tổng thống, thủ tướng và các nghị sĩ. Slovakia chống lại tình trạng nhập cư không kiểm soát nhưng các nhà lãnh đạo của nước này tỏ ra ít cứng rắn hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi.
Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng Do Thái của Slovakia. Khoảng 105,000 người Do Thái Slovakia đã bị giết trong cuộc diệt chủng người Do Thái và ngày nay cộng đồng lên tới khoảng 3,000 người.
Tại Kosice, ngài sẽ gặp gỡ người dân Roma trong quận Lunik IX đổ nát, một trong những nơi tập trung đông người Roma nhất cả nước. Slovakia có dân số Roma khoảng 440,000 người, nhiều người ở các khu định cư ở ngoại ô các thị trấn.
Đức Phanxicô sẽ cử hành hai thánh lễ ngoài trời ở Slovakia - nơi có khoảng 65% là người Công Giáo - trong đó có một thánh lễ theo nghi thức Byzantine.
Source:Reuters
3. Một vị Hồng Y đã nói hôm thứ Sáu rằng “đức tin ở Âu Châu đã trở thành một ngọn lửa leo lét”.
Cử hành Thánh lễ tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 10 tháng 9, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nói rằng ngài cầu nguyện xin cho lục địa này có thể khám phá lại chiều kích truyền giáo.
“Niềm tin ở Âu Châu đã trở thành một ngọn lửa kéo lét, mà ở một số khu vực trên lục địa của chúng ta có nguy cơ vụt tắt,” ngài nói trong bài giảng của mình bằng tiếng Pháp.
“Niềm tin được mang theo bởi những công trình văn hóa, niềm tin đi vào tâm hồn như thể cộng sinh với thế giới xung quanh. Một đức tin không còn được mang theo bởi thế giới Kitô sẽ có nguy cơ bị lung lay “.
Ngài nói tiếp: “Nhưng chúng ta biết rằng đức tin không chỉ được nuôi dưỡng bởi văn hóa. Đức tin được nuôi dưỡng bởi đối tượng của nó, đồng thời là chủ thể của nó, là Thiên Chúa hằng sống, Đấng cũng là nguồn mạch của đức tin đó. Mục đích của đức tin là đi đến mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống qua việc cầu nguyện và tham dự các bí tích”.
“Đức tin có một động lực truyền giáo. Đức tin đòi hỏi phải được chia sẻ với người khác. Tôi hết lòng cầu nguyện rằng chiều kích truyền giáo này của đức tin có thể được tái khám phá ở Âu Châu”.
Vị Tổng giám mục Dòng Tên 63 tuổi của Luxembourg đã phát biểu vào ngày thứ sáu của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và một Thánh lễ trong đó có nhiều người được Rước lễ lần đầu.
Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch coronavirus.
Sự kiện kéo dài tám ngày sẽ lên đến đỉnh cao vào ngày 12 tháng 9 với một thánh lễ bế mạc do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.
Tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Hollerich, chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), làm vị tổng tường trình của Thượng hội đồng năm 2023 về tính đồng nghị.
Sau sự đề cử, được coi là dấu hiệu đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng, vị Hồng Y sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát Thượng Hội Đồng Giám Mục trên thế giới tại Rôma.
Trong bài giảng tại Trung tâm Triển lãm và Đại hội Hungexpo Budapest, địa điểm chính của đại hội, Đức Hồng Y Hollerich đã suy ngẫm về bản chất của đức tin.
Ngài nói: “Đức tin mà chúng ta chia sẻ sẽ mở ra cho Giáo hội con đường đồng nghị. Một mình một người, một cộng đồng, và đôi khi là một Giáo hội địa phương, có thể lạc lối trên con đường đức tin.”
“Cuộc hành trình đồng nghị của toàn thể Giáo hội sửa chữa những con đường không được sai lầm của chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường đưa chúng ta ra khỏi sa mạc.”
Ngài nói tiếp: “Trong sa mạc của cuộc đời mình, chúng ta bị cám dỗ từ bỏ đức tin của mình hoặc giản lược đức tin xuống bầu khí riêng tư hạn hẹp của chính mình. Đức tin của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng khi chúng ta trải qua sa mạc của mình. Và thức ăn nào thích hợp để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta hơn là thức ăn Thánh Thể, là chính Chúa Giêsu, Đấng là trọng tâm của cuộc đời chúng ta?”
“Một lần nữa, lương thực đức tin trong Thánh Thể này mang tính cá vị độc đáo, nhưng đồng thời cũng mang tính cộng đồng và giáo hội nổi bật. Nếu chúng ta không sống theo chiều kích giáo hội của Hội Thánh, chúng ta sẽ tự cắt đứt cội nguồn của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và dừng lại trên con đường dẫn chúng ta đến với Ngài”.
Các diễn giả khác tại đại hội hôm thứ Sáu bao gồm Đức Hồng Y Dominik Duka của Praha, người kể lại rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào năm 1881 đã diễn ra trong bối cảnh đầy những biến động và chủ nghĩa bài giáo sĩ.
Ngài gợi ý rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế hiện nay cũng đang diễn ra trong bối cảnh không ổn định.
Vị Hồng Y 78 tuổi, người bị giam cầm dưới chế độ cộng sản, nói: “Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một lễ tạ ơn Chúa Kitô, một lễ kỷ niệm Đấng duy nhất có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Và đây là chiến thắng của Người. Tôi nhớ lại những lời đã gắn kết chúng ta trong cuộc đấu tranh và chiến thắng vào năm 1989: ‘Chân lý và tình yêu chiến thắng dối trá và hận thù’.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, tổng thống Hung Gia Lợi János Áder, một người Công Giáo, đã đưa ra chứng tá cá nhân của ông. Ông khuyến khích những người tham gia đại hội tìm kiếm những dấu chỉ được Chúa gửi đến trong cuộc sống của họ.
Đức Hồng Y Hollerich kết thúc bài giảng của mình bằng cách suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng trong ngày, Luca 6: 39-42, trong đó Chúa Giêsu thách thức các môn đồ của ngài “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
Đức Hồng Y nói rằng bài đọc khiến ngài liên tưởng đến các mạng truyền thông xã hội, nơi người ta chỉ trích gay gắt Giáo hội, từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, cũng như chỉ trích lẫn nhau.
“Và chúng ta không còn thấy con đường mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đi cùng với nhau nữa”.
Ngài nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi người Công Giáo đi theo con đường đồng nghị “với đức tin và lòng can đảm”.
“Hãy để Đại hội Thánh Thể này là cơ hội để đào sâu đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu, Bánh của sự sống đời đời, xin mau đến giúp chúng con trong những yếu đuối của chúng con! Xin hãy nâng cao niềm tin của chúng con.”
Source:Catholic News Agency