Ngày 21-09-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Lễ Đại Trào tại thủ đô Havana
VietCatholic Network
07:12 21/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quảng trường Cách mạng ở Havana là trung tâm chính trị và hành chính của Cuba. Các cấu trúc quan trọng nhất tại quảng trường này là một ngọn tháp cao 109 mét, và bức tượng của José Martí, anh hùng dân tộc và là nhà thơ nổi tiếng cũng như một nhà báo của Cuba tranh đấu cho sự độc lập khỏi ách cai trị của người Tây Ban Nha. Ông sinh năm 1853 và qua đời năm 1895.

Quảng trường Cách mạng nằm trên vị trí cao nhất của thành phố, một khu vực trước đây gọi là Ngọn Đồi của dòng Tên. Tiềm năng biến nơi này là trung tâm hành chính của thành phố đã được xác định từ những năm đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, việc xây dựng tại địa điểm này cho đến năm 1953 mới được khởi công.

Với thắng lợi của cộng sản vào tháng Giêng năm 1959, các công việc xây dựng đã phải dừng lại và một số mục đích ban đầu của quảng trường này bắt đầu bị sửa đổi để phục vụ những mục đích tuyên truyền. Bắt đầu từ những năm 60, quảng trường được gọi là Plaza de la Revolución, tức là quảng trường Cách mạng. Chung quanh quảng trường này lần lượt mọc lên nhiều tòa nhà chính trị và hành chính. Trong số các tòa nhà này, nổi bật nhất là Bộ Nội vụ và Bộ Thông Tin và Tuyên Truyền. Nằm gần đó cũng có Thư viện Quốc gia và Nhà hát Quốc gia.

Tháp José Martí tại Quảng trường Cách mạng Havana là một đài tưởng niệm cao 109 mét trên tầng cao nhất có một đài quan sát mang lại cho du khách một cái nhìn tuyệt vời bao quát toàn thành phố về mọi hướng. Dưới chân tháp là bức tượng cao 18 mét của José Martí bao quanh bởi sáu cột đá cẩm thạch đại diện cho sáu tỉnh Cuba. Bức tượng này được tạc bằng đá cẩm thạch trắng bởi Juan Jose Sicre, một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất của Cuba.

Quảng trường Cách mạng Havana có hình vuông với diện tích 72,000 mét vuông, được kể là một trong những quảng trường thành phố lớn nhất trên thế giới. Kể từ năm 1961, và trong hơn năm mươi năm sau đó, Quảng trường Cách mạng Havana đã là địa điểm xảy ra hầu hết các sự kiện xã hội và chính trị lớn ở Cuba, do đó trở thành một biểu tượng chính trị của quốc gia này.

Bên cạnh những bức tượng José Martí, một hình ảnh lớn của nhà cách mạng Á Căn Đình Che Guevara được xây dựng ở phía trước tòa nhà Bộ Nội vụ. Cũng vậy, trước tòa nhà Bộ Thông Tin và Tuyên Truyền, người ta dựng nên một hình ảnh của một du kích quân cách mạng tên là Camilo Cienfuegos.

Quảng trường đã chứng kiến nhiều hoạt động phổ biến quan trọng tại Havana bao gồm các cuộc biểu tình khổng lồ trong đó Fidel Castro phát biểu bốc lửa kéo dài trong vài giờ.

Cho mãi đến cuối thập niên 1990, những người dân Cuba lạc quan nhất nằm mơ cũng không dám nghĩ tới có một ngày nào đó một thánh lễ Công Giáo có thể được tổ chức tại đây, mà lại được một vị Giáo Hoàng cử hành.

Chính vì thế, hình ảnh nổi bật nhất tại quảng trường này ngày 25 tháng Giêng năm 1998 là những khuôn mặt đầm đìa nước mắt của các tín hữu Công Giáo Cuba khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, quay lưng lại bức hình khổng lồ cao tới 20 tòa nhà của Che Guevara, cử hành thánh lễ.

Sự kiện tương tự được lặp lại hôm 29 tháng Ba năm 2012 khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử hành thánh lễ tại đây. Và hôm nay 20 tháng 9 năm 2015, chúng ta lại hân hạnh chứng kiến một lần nữa biến cố trọng đại này với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Giờ đây, Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến ra trước bàn thờ trong tiếng hát của ca đoàn tổng hợp nhà thờ chính tòa La Havana trong bài ca nhập lễ.

Thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Đức Thánh Cha: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Cộng đoàn: Amen

Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Đức Thánh Cha: Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh (chị) em.

Cộng đoàn: Và ở cùng cha.

Cộng đoàn: Anh (chị) em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Cộng đoàn: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh (chị) em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh (chị) em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Đức Thánh Cha: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

X: Xin Chúa thương xót chúng con.

Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.

X: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Ð: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X: Xin Chúa thương xót chúng con.

Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,

và bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,

chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,

chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,

Là Chúa Cha toàn năng.

Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa

là Con Ðức Chúa Cha.

Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;

Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.

Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.

Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,

chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,

cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha.

Amen.

Sau khi cộng đoàn vừa dứt Kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha: Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa, Chúa đã đặt sự viên mãn của lề luật nơi tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân, xin giúp chúng con tuân theo các huấn lệnh Chúa đã truyền dạy để đạt đến sự sống muôn đời. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Các bài đọc và bài Phúc Âm được lấy từ Phụng Vụ Chúa Nhật 25 THƯỜNG NIÊN - Năm B

BÀI ĐỌC 1: Wis 2: 12; 17-20

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Những kẻ gian ác nói rằng: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là Con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”

Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 53, 3-4, 5-6 và 8

Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.

1- Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Người, và xin xử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.

2- Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.

3- Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Người, vì danh Người thiện hảo.

BÀI ĐỌC 2: James 3, 16-4, 3

“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh chị em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình. Bởi đâu anh chị em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh chị em đó sao?

Anh chị em ham muốn mà không được hưởng, nên anh chị em giết nhau. Anh chị em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh chị em cạnh tranh và cãi cọ. Anh chị em không có, là tại anh chị em không xin. Anh chị em xin mà không nhận được, là vì anh chị em xin không đúng, cứ mơ tưởng thỏa mãn các đam mê của anh chị em.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Jn 8, 12

Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”- Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 9, 30-37

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum.

Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?”. Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế nầy vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Đó là Lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói như sau:

Trong phần lời nguyện, cộng đoàn đã dâng lên Chúa những ý nguyện sau:

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, và tất cả các giám mục là những vị đang dẫn dắt toàn thể Giáo Hội. Xin cho các ngài có thể thực hiện sứ mệnh của mình là loan báo niềm vui Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy với sự đơn giản và khiêm tốn trong niềm phó thác trong tay Thiên Chúa và làm chứng cho niềm vui này trong cuộc sống của mình. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa.

2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh mục, nam nữ tu sĩ, phó tế và giáo dân. Xin cho Chúa Kitô là trung tâm cuộc sống của họ, để họ làm việc không mệt mỏi phục vụ anh em mình. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa.

3. Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Bác Ái, Cuba xin cho đồng bào thân yêu của chúng con và những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước chúng con có thể xây dựng một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa.

4. Chúng con xin dâng lên Chúa Giêsu, vị Mục Tử tốt lành, tất cả các gia đình của chúng con, những người nghèo, những người bệnh, các tù nhân, người già, người trẻ. Xin cho mỗi người trên con đường của mình, được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm được lòng nhân từ và sự an ủi của Ngài. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa.

5. Xin Chúa nắm lấy bàn tay những con em chúng con ngày hôm nay được rước lễ lần đầu. Xin những gương sáng Chúa Giêsu ban cho các em biết khiêm hạ, thanh khiết con tim và vững tin, khỏe mạnh và phát triển trên đàng nhân đức. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa.

Đức Thánh Cha đáp:

Lạy Chúa dịu dàng và lòng lành vô cùng, xin lắng nghe những lời khẩn nguyện từ thẳm sâu tâm hồn chúng con. Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.
 
Sự mến chuộng của quần chúng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoa Kỳ
Bùi Hữu Thư
14:33 21/09/2015
Arlington Catholic Herald, tháng 9, 2015: Các phóng viên báo chí và truyền hình rất thích những sự mâu thuẫn – vì đem lại cho họ đề tài hấp dẫn để thảo luận. Thăm dò của Viện Gallup cho hay mức độ Đức Thánh Cha Phanxicô được người Mỹ yêu chuộng năm nay là 59 phần trăm so với 76 phần trăm vào đầu năm 2014, và tỉ số những người được thăm dò không có ý kiến, tăng lên từ 16 đến 25 phần trăm. Giữa những người Công Giáo tỉ số những người mến chuộng ngài lại giảm từ 89 phần trăm năm 2014 xuống 71 phần trăm năm nay. Trong khi có thăm dò khác lại cho hay ngài được 72 phần trăm người Hoa kỳ và 95 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ mến chuộng.

Điều giới truyền thông không nói ra – nhưng những con số đã trình bầy – là Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức được mọi người hâm mộ tại Hoa Kỳ.

Đúng là Đức Thánh Cha đã làm cho nhiều nhóm không ưa thích. Trong số này có những người hồ nghi về vấn đề thay đổi khí hậu, những người ủng hộ quyền lợi của nhóm đồng tính luyến ái, cho rằng ngài không bênh vực họ đầy đủ, và các nhóm xã hội bảo thủ lại cho rằng ngài đã làm quá nhiều cho quyền lợi của nhóm người này, rồi các nhóm chống đối việc mở mang quan hệ với Cuba, và còn có thể có các nhóm khác nữa.

Các phản ứng tiêu cực không có gì đáng ngạc nhiên, vì Đức Thánh Cha là một nhân vật nổi tiếng về những hành động phóng khoáng. Vào ngày trước khi ngài đến Hoa Kỳ, câu hỏi hiển nhiên là những sự mâu thuẫn nêu trên có ảnh hưởng gì đến sự thành công của chuyến tông du của ngài không? Câu trả lời là có lẽ không có gì đáng kể.

Đám người đón chào ngài sẽ rất đông và nồng nhiệt. Sẽ có những cử chỉ cảm động trước công chúng như việc viếng thăm khám đường tại Philadelphia, và một trung tâm Bác Ái Công Giáo tại Hoa Thịnh Đốn. Sẽ có những nghi thức đón tiếp long trọng khi ngài viếng thăm Toà Bạch Ốc, Quốc Hội và Toà Nhà Liên Hiệp Quốc.

Và tại trung tâm của những họat động này là nhân vật mặc trang phục trắng, thật hấp dẫn, một người đã chứng tỏ là một vị lãnh tụ trên hoàn cầu được dân chúng hâm mộ nhất từ xưa đến nay.

Ngài sẽ nói gì trong chuyến tông du này? Một vài chủ đề rất hiển nhiên: bảo vệ môi sinh, can thiệp khẩn cấp về tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu; bình an trên thế giới; giúp đỡ người nghèo khó và bị bỏ rơi bên lề xã hội, kể cả những người di cư tị nạn; những tệ trạng của chủ nghĩa tiêu thụ, và một nền văn hóa coi trọng kỹ thuật hơn là chăm lo cho con người; và nhu cầu bảo vệ và trân quý hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, có lẽ Đức Thánh Cha cũng sẽ nói về việc gia tăng những áp bức đối với các Kitô hữu tại Miền Trung Đông, Á Châu và các nơi khác, và những sự đàn áp tế nhị hơn nhưng cũng chân thực hơn đang gia tăng ngay tại Hoa Kỳ. Người ta hy vọng Đức Thánh Cha cũng sẽ lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề này.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Hoa Kỳ. Cũng như tại nhiều quốc gia khác, ngài có thể chia sẻ về hình ảnh lịch sử của Hoa Kỳ như một tiền đồn bảo vệ cho tự do tôn giáo, biết chấp nhận và bao dung đối với mọi thành phần khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, mầu da… Tuy nhiên song song với tự do tôn giáo và ý thức hài hoà đối với các giá trị và tín ngưỡng khác nhau, một tinh thần bất bao dung lại đang gia tăng tại Hoa Kỳ. Bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa trần thế, tinh thần này đối chọi với các tổ chức tôn giáo và các cá nhân với mục tiêu là ép họ phải ép mình tuân theo các chính sách công cộng và các thực hành phản nghịch đối với những giá trị và đức tin truyền thống.

Những lời lên tiếng mạnh mẽ của Đức Thánh Cha về vấn đề này sẽ không được một nhóm khác nữa hài lòng – đây là những những tín hữu thực sự trần thế hóa trong giới truyền thông Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù cho điều này sẽ có thể làm cho Đức Thánh Cha Phanxicô bị mất điểm thêm trong lần thăm dò ý kiến của viện Gallup sắp tới đây, ngài cũng đáng nên làm.
 
Bài giảng trong Thánh Lễ Đại Trào tại thành phố Holguín
J.B. Đặng Minh An dịch
14:09 21/09/2015
Sáng thứ Hai 21 tháng 9, lúc 8h sáng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay từ thủ đô Havana đến phi trường quốc tế Holguín . Sau 1h20’ ngài đã đến nơi.

Holguín là thành phố đông dân thứ ba của Cuba sau La Habana và Santiago de Cuba nơi Đức Thánh Cha.

Dưới đây là bài giảng trong thánh lễ tại quảng trường thành phố với sự tham dự của hàng trăm ngàn người.


Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Chúng ta đang cử hành một câu chuyện hoán cải. Chính Thánh Matthêu, trong Phúc Âm của ngài, cho chúng ta biết cuộc gặp gỡ biến đổi cuộc đời ngài đã xảy ra như thế nào. Ngài cho chúng ta thấy một “ánh mắt trao đổi” có khả năng thay đổi lịch sử ra sao.

Vào một ngày như mọi ngày, khi Matthêu, người thu thuế, đã ngồi vào bàn làm việc của mình, thì Chúa Giêsu đi ngang qua. Nhìn thấy ông, Ngài tiến lại và nói: “Hãy theo Ta”. Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài.

Chúa Giêsu nhìn vào ông. Sức mạnh của tình yêu trong cái nhìn đó của Chúa Giêsu mạnh mẽ biết bao đến nỗi đã khiến Matthêu làm như thế! Uy lực nào trong mắt Ngài đã làm cho Matthêu đứng dậy khỏi bàn của ông! Chúng ta biết Matthêu là một người thu thuế: Ông lấy tiền thuế của những người Do Thái để nộp cho người La Mã. Những người thu thuế bị xem thường và bị xem là những kẻ tội lỗi; vì thế, họ phải sống tách biệt và bị người khác khinh thường. Hiếm khi người ta ngồi đồng bàn ăn uống, nói chuyện hay cầu nguyện chung với những người như thế. Đối với dân chúng, họ là những kẻ phản bội: họ lấy tiền của dân để nộp cho ngoại bang. Những người thu thuế thuộc tầng lớp xã hội này.

Ngưọc lại, Chúa Giêsu, đã dừng lại; Người đã không nhanh chóng giữ khoảng cách với ông. Ngài nhìn Matthêu bình thản, yên bình. Ngài nhìn ông với đôi mắt của lòng thương xót; Ngài nhìn ông với cái nhìn ông chưa từng thấy ai nhìn mình như thế. Và cái nhìn này mở khóa trái tim Matthêu; nó giải thoát ông, nó chữa lành ông, và nó ban cho ông một niềm hy vọng, một cuộc sống mới, như cái nhìn ấy đã thực hiện trên ông Giakêu, trên người mù Bartimaeus, trên Maria Magdalena, trên Phêrô, và trên mỗi người trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không dám ngước mắt nhìn lên Chúa, là Đấng đã nhìn chúng ta trước. Đây là câu chuyện của chúng ta, và cũng là câu chuyện của cơ man biết bao những người khác. Mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Cả tôi nữa, tôi cũng là một kẻ có tội, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn đến tôi”. Tôi xin anh chị em, khi đang ở nhà hoặc trong nhà thờ, hãy dành ra một lúc yên tĩnh để nhớ lại với lòng biết ơn và niềm hạnh phúc những tình huống như thế, những thời khắc khi ánh mắt thương xót của Thiên Chúa được cảm nhận trong cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu đi trước chúng ta, cái nhìn của Ngài thấy trước nhu cầu của chúng ta. Ngài có thể nhìn thấy xa hơn vẻ bề ngoài của chúng ta, xa hơn những tội lỗi, thất bại và bất xứng của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn giai tầng trong xã hội của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn những điều này để hướng đến phẩm giá của chúng ta như những con trai, con gái của Ngài, hướng đến một phẩm giá đôi khi bị hoen ố vì tội lỗi, nhưng vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Ngài đến chính là để kiếm tìm tất cả những ai cảm thấy mình không xứng đáng với Thiên Chúa, không xứng đáng với những người khác. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt của Ngài nhìn đến phố phường của chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt đó trở thành niềm vui của chúng ta, hy vọng của chúng ta.

Sau khi Chúa nhìn ông với ánh mắt xót thương, Ngài nói với Matthêu: “Hãy theo Ta.” Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài. Sau cái nhìn, là một lời nói. Sau tình yêu, là sứ vụ. Matthêu không còn là Matthêu của quá khứ; ông đang thay đổi từ bên trong. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và lòng thương xót yêu thương của Ngài đã biến đổi ông. Ông để lại phía sau bàn thu thuế của mình, tiền bạc, và não trạng sống cho riêng mình. Trước đây, ông ngồi chờ đợi để thu thuế, để lấy từ những người khác. Ngày nay, với Chúa Giêsu, ông đứng dậy và cho đi, trao ban chính mình cho người khác. Chúa Giêsu nhìn ông và Matthêu gặp được niềm vui của sự phục vụ. Đối với Matthêu, và tất cả những ai đã cảm thấy cái nhìn của Chúa Giêsu, tha nhân không còn là những người để “sống bám”, để sử dụng và lạm dụng. Cái nhìn của Chúa Giêsu mang lại hoạt động truyền giáo, sự phục vụ, và sự cho đi chính mình. Tình yêu của Chúa Giêsu chữa lành cái nhìn thiển cận của chúng ta và thúc đẩy chúng ta phải nhìn xa hơn, không được hài lòng với vẻ bề ngoài hay với những gì là đúng về mặt chính trị.

Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài tiến bước trước chúng ta; Ngài mở đường cho chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Ngài mời gọi chúng ta từ từ vượt qua những định kiến của mình và sự miễn cưỡng chấp nhận rằng những người khác thua kém chúng ta có thể thay đổi. Ngài thách thức chúng ta hàng ngày với câu hỏi: “Bạn có tin không? Bạn có tin rằng một người thu thuế có thể có thể trở thành một người tôi tớ không? Bạn có tin rằng một kẻ phản bội có thể trở thành một người bạn không? Bạn có tin là con trai của một người thợ mộc có thể là Con Thiên Chúa không? Ánh mắt Ngài biến đổi cách chúng ta nhìn sự vật, trái tim của Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa là Cha, là Đấng tìm kiếm ơn cứu rỗi cho mỗi người con trai, con gái của Ngài.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa trong lời cầu nguyện, trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bí Tích Hòa Giải, trong anh chị em của chúng ta, đặc biệt nơi những ai cảm thấy bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi. Xin cho chúng ta có thể biết cách nhìn họ như Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Hãy để chúng ta chia sẻ sự dịu dàng và thương xót của Ngài với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình gặp khó khăn. Chúng ta được kêu gọi luôn mãi để học hỏi từ Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn thấy những gì là xác thực nhất trong mỗi con người, được tác thành theo hình ảnh của Cha Ngài.

Tôi biết những nỗ lực và những hy sinh của Giáo Hội tại Cuba để mang lời Chúa Kitô và sự hiện diện của Ngài đến cho mọi người, ngay cả nơi những miền heo hút nhất. Ở đây, tôi muốn nhắc đặc biệt đến là “những ngôi nhà truyền giáo”, mà vì sự thiếu hụt các nhà thờ và linh mục, đang mang lại cho nhiều người một nơi chốn cho việc cầu nguyện, cho việc lắng nghe Lời Chúa, cho việc dạy giáo lý và cho đời sống cộng đoàn. Những ngôi nhà truyền giáo này là những dấu chỉ nho nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người lân cận với chúng ta và là sự trợ giúp hàng ngày trong nỗ lực đáp lại những lời cầu xin của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Eph 4: 1-3).

Giờ đây, tôi hướng đến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, là Đấng Cuba đã đón nhận và sẽ mãi mãi mở rộng cửa đón tiếp. Tôi xin Đức Mẹ nhìn với ánh mắt tình yêu từ mẫu trên tất cả những người con của Mẹ trong đất nước cao thượng này. Xin “đôi mắt của lòng thương xót” luôn gìn giữ mỗi người trong anh chị em, ngôi nhà, cũng như gia đình của anh chị em, và tất cả những ai cảm thấy rằng họ không có một chỗ đứng. Trong tình yêu của Mẹ, xin Mẹ bảo vệ chúng ta tất cả như Mẹ đã từng chăm sóc cho Chúa Giêsu.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Havana
VietCatholic Network
15:50 21/09/2015
Cha Felix Varela sanh tại Havana năm 1788 và được chịu chức linh mục tại nhà thờ chánh tòa Havana ở tuổi 23. Ngài nổi tiếng là một người cổ võ cho nhân quyền, tự do của người nô lệ và độc lập cho Cuba khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha.

Bi trục xuất ra khỏi Cuba, ngài đã di cư sang Hoa Kỳ. Năm 1837, ngài được bổ nhiệm làm cha tổng đại diện của tổng giáo phận New York. Tuy nhiên, bị bệnh xuyễn, ngài sống những ngày cuối đời tại St. Augustine, Florida, và mất tại đây năm 1853. Xương cốt ngài được gửi về Cuba năm 1911.

Cha Felix Varela được coi là cha đẻ của nền văn học hiện đại Cuba.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Các bạn thân mến,

Tôi rất vui được hiện diện với các bạn tại đây ở Trung Tâm Văn Hóa này, nơi quan trọng xiết bao đối với lịch sử Cuba. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì dịp may này, được gặp mặt rất nhiều bạn trẻ, những người, qua việc làm, việc học hành và huấn luyện của họ, đang mơ về và đang thực sự tạo ra tương lai cho Cuba.

Tôi cám ơn Leonardo vì những lời chào mừng của bạn, và nhất là vì, dù nói tới biết bao nhiêu điều quan trọng và cụ thể như các khó khăn, các mối lo sợ, các niềm hoài nghi của chúng ta, có tính vừa thực chất vừa nhân bản, bạn vẫn đề cập với ta về hy vọng. Bạn ấy đã nói với chúng ta về các giấc mơ và khát vọng từng bén rễ vững chắc trong tâm hồn người trẻ Cuba, vượt lên trên các dị biệt của họ về giáo dục, văn hóa, niềm tin và ý nghĩ. Leonardo thân mến, xin cám ơn bạn, vì khi tôi nhìn tất cả các bạn, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi cũng là chữ "hy vọng". Tôi không thể tưởng tượng được việc một người trẻ lại không có sức sống, không có giấc mơ hay lý tưởng, không khát mong một điều gì đó vĩ đại hơn.

Nhưng ở giờ phút lịch sử này, một người trẻ Cuba nên có loại hy vọng nào? Không có gì hơn hay kém niềm hy vọng của bất cứ người trẻ nào tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì hy vọng nói với ta về một điều gì đó bén rễ sâu trong mọi trái tim con người, độc lập với các hoàn cảnh cụ thể và điều kiện lịch sử của ta. Hy vọng nói với chúng ta về nỗi khát mong, niềm hoài bão, lòng mong mỏi có được một cuộc đời thành toàn, niềm khát vọng hoàn thành những điều cao cả, những điều làm tâm hồn ta ngập tràn và nâng tinh thần ta lên những thực tại cao thượng như chân, thiện, mỹ, công lý và tình yêu. Nhưng nó cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Nghĩa là sẵn sàng không để mình bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn hạnh phúc mau qua, giả dối, lạc thú tức khắc và vị kỷ, bởi cuộc sống tầm thường và tự lấy mình làm trung tâm, một cuộc sống chỉ có thể đổ đầy lòng ta bằng buồn bã và đắng đót. Không, hy vọng phải mạnh dạn; nó phải biết nhìn quá bên kia tiện ích bản thân, những an toàn và bù đắp nhỏ mọn chỉ giới hạn chân trời ta; nó phải mở lòng ta cho những lý tưởng lớn lao giúp làm cho đời ta nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Tôi muốn hỏi mỗi người trong các bạn: Điều gì lên khuôn đời các bạn? Điều gì đang nằm sâu trong trái tim các bạn? Các hy vọng và khát vọng của các bạn đặt ở đâu? Các bạn có sẵn sàng đặt mình lên tuyến phục vụ một điều gì đó lớn lao hơn không?

Có lẽ các bạn sẽ thưa: "có, thưa cha, con được các lý tưởng đó lôi cuốn mạnh mẽ. Con cảm nhận được lời mời gọi của chúng, vẻ đẹp của chúng, ánh sáng rạng rỡ của chúng trong trái tim con. Nhưng con thấy mình yếu đuối quá, con chưa sẵn sàng quyết định đi theo con đường hy vọng. Mục tiêu thì cao cả đấy nhưng sức con thì yếu quá đi. Tốt nhất là bằng lòng với những điều nhỏ mọn, không cao cả gì nhưng thực tiễn hơn, trong vòng với hơn". Tôi có thể hiểu được phản ứng này; cảm thấy bị trĩu nặng bởi khó khăn và các điều quá đòi hỏi là chuyện thông thường thôi. Nhưng các bạn hãy ý tứ đừng để mình bị cám dỗ mà nhụt chí là thứ làm tê liệt lý trí và ý chí ta, hay lãnh cảm là hình thức bi quan triệt để trước tương lai. Các thái độ này kết thúc ở chỗ một là trốn chạy khỏi thực tế mà sa vào ảo tưởng vô ích, hai là ích kỷ tự cô lập hóa và hoài nghi bịt tai trước tiếng kêu than đòi công lý, sự thật và tình người đang nổi lên giữa ta và trong chính ta.

Nhưng ta phải làm gì? Làm thế nào tìm thấy các nẻo đường hy vọng ngay trong các hoàn cảnh ta đang sống? Làm thế nào biến các niềm hy vọng thành toàn, chân thực, công lý và chân lý trở thành một thực tại trong cuộc sống bản thân của ta, trong đất nước ta và trong thế giới ta? Tôi nghĩ: có ba ý tưởng có thể giúp duy trì niềm hy vọng của ta luôn sống động:

Hy vọng là một con đường gồm cả ký ức lẫn biện phân. Hy vọng là nhân đức để đi khắp nơi. Nó không đơn thuần là nẻo đường ta theo vì thích nó, nhưng nó có một cùng đích, một mục tiêu rất thực tế và soi dẫn đường ta đi. Hy vọng cũng được nuôi dưỡng bằng ký ức; nó không chỉ nhìn tương lai mà còn nhìn cả dĩ vãng và hiện tại nữa. Để luôn tiến tới trong đời, ngoài việc biết mình muốn đi đâu, ta cũng cần biết ta là ai và ta từ đâu đến. Các cá nhân hay các dân tộc nào không có ký ức và xóa bỏ dĩ vãng của mình đều liều mình đánh mất bản sắc và tiêu diệt tương lai của mình. Thành thử ta cần nhớ ta là ai, và di sản thiêng liêng và luân lý của ta bao gồm những gì. Tôi tin rằng điều này chính là kinh nghiệm và cái nhìn thông sáng của Cha Félix Varela, người Cuba vĩ đại. Biện phân cũng cần thiết, vì điều chủ yếu là cởi mở đối với thực tại và biết giải thích thực tại này mà không sợ thiên kiến. Các giải thích phiến diện và có tính ý thức hệ là điều vô ích; chúng chỉ làm méo mó thực tại bằng cách cố gắng nhét nó vào những khuôn khổ tiên kiến, chỉ tổ gây thất vọng và tuyệt vọng. Ta cần biện phân và ký ức, vì biện phân không mù quáng; nó được xây dựng trên các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý vững chắc, giúp ta nhìn thấy điều thiện và điều chính đáng.

Hy vọng là con đường ta cùng người khác tiếp nhận. Một tục ngữ Phi Châu nói rằng: "Muốn đi nhanh, thì đi một mình; muốn đi xa, thì đi với người khác". Cô lập và sống xa cách không bao giờ phát sinh được hy vọng; nhưng gần gũi và gặp gỡ người khác thì có. Để một mình, ta sẽ không đi tới đâu cả. Mà với loại trừ, ta cũng không thể xây dựng tương lai cho ai được, cho cả ta cũng không. Đường hy vọng đòi phải có nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, một nền văn hóa vốn có khả năng thắng vượt tranh chấp và kình chống khô cằn. Muốn tạo ra nền văn hóa này, điều sinh tử là coi các phương thức suy nghĩ khác nhau không hẳn là nguy cơ mà là phong phú và phát triển. Thế giới cần nền văn hóa gặp gỡ này. Nó cần những người trẻ biết tìm cách biết nhau và yêu nhau, cùng nhau đồng hành trong việc xây dựng xứ sở, một cuộc hành trình mà José Martí từng mơ ước: “với mọi người, và vì lợi ích mọi người".

Hy vọng là con đường liên đới. Nền văn hóa gặp gỡ tự nhiên sẽ dẫn ta tới nền văn hóa liên đới. Tôi rất thán phục trước điều Leonardo nói lúc đầu, khi bạn ấy đề cập tới tình liên đới, coi nó như nguồn tạo sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại. Không có liên đới, không nước nào có tương lai cả. Vượt lên trên các tính toán và tư lợi khác, ta không những phải quan tâm tới những người có thể là bằng hữu ta, người đồng hành với ta, mà cả những ai suy nghĩ khác với ta, những ai có ý nghĩ riêng nhưng không kém nhân bản và có tính Cuba như ta. Khoan dung không thôi chưa đủ; ta còn phải đi xa hơn thế, từ thái độ nghi ngờ và phòng ngự phải tiến qua thái độ chấp nhận, hợp tác, phục vụ cụ thể và giúp đỡ hữu hiệu. Đừng sợ liên đới, phục vụ và giúp một tay, để không ai bị loại trừ khỏi con đường này.

Con đường sống trên đươc soi sáng bởi một niềm hy vọng cao hơn: đó là niềm hy vọng phát sinh từ đức tin vào Chúa Kitô. Ngưòi tự làm Người trở thành người đồng hành với ta. Không những Người khuyến khích ta, Người còn đồng hành với ta nữa; Người ở bên cạnh ta và giơ bàn tay thân hữu của Người cho ta. Là Con Thiên Chúa, Người muốn trở thành một người như ta, đồng hành với ta trên đường. Niềm tin vào sự hiện diện của Người, vào tình bạn và tình yêu của Người làm sáng lên mọi hy vọng và mọi giấc mơ của ta. Với người cạnh bên, ta học được cách biện phân điều có thực, gặp gỡ và phục vụ người khác, và bước theo con đường liên đới.

Các bạn trẻ Cuba thân mến, nếu chính Thiên Chúa đã bước vào lịch sử ta và trở thành nhục thể nơi Chúa Giêsu, nếu Người đỡ lấy các yếu đuối và tội lỗi của ta, thì các bạn không nên sợ hy vọng, hay tương lai, vì Thiên Chúa ở cạnh bên ta. Người tin tưởng các bạn và Người hy vọng nơi các bạn.

Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn các bạn vì cuộc gặp gỡ này. Xin niềm hy vọng nơi Chúa Kitô, người bạn của các bạn, luôn hướng dẫn các bạn trên đường đời của các bạn. Và xin các bạn nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn.
 
Bài giảng soạn sẵn của Đức Phanxicô tại Buổi Kinh Chiều với các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại Havana
Vũ Van An
17:03 21/09/2015
Chúng ta tụ họp nhau trong Nhà Thờ Chính Tòa đầy lịch sử của Havana này để dùng các Thánh Vịnh ngợi ca lòng tín trung của Thiên Chúa đối với Dân của Người, trong tâm tình tạ ơn sự hiện diện và lòng thương xót hải hà của Người. Một lòng tín trung và thương xót không những được tưởng nhớ bởi toà nhà này mà còn bởi ký ức sống động của một số người cao niên trong chúng ta, những người nhờ kinh nghiệm mà biết được rằng “lòng thương xót của Người kéo dài mãi mãi và lòng tín trung của Người xuyên suốt mọi thời đại”. Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cảm tạ.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ vì sự hiện diện của Thần Khí trong các đặc sủng phong phú và đa dạng của mọi nhà truyền giáo từng đặt chân tới lãnh thổ này và trở thành người Cuba giữa người Cuba, một dấu chỉ cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Tin Mừng trình bầy Chúa Giêsu trong đối thoại với Cha của Người. Nó đem ta vào tâm điểm của tình thân mật đầy cầu nguyện giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vì giờ của Người đã tới gần, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Người, cho những ai đang ở với Người và cho những ai sắp sửa tới nữa (xem Ga 17:20). Ta nên nhớ rằng, trong giây phút chủ yếu này, Chúa Giêsu đã biến đời sống của các môn đệ Người, đời sống ta, thành một phần trong lời cầu nguyện của Người. Người xin Cha Người giữ họ hợp nhất và hân hoan. Chúa Giêsu biết rất rõ tâm hồn các môn đệ của Người, và Người biết rất rõ tâm hồn ta. Và do đó, Người xin Chúa Cha cứu họ khỏi tinh thần cô lập, tinh thần chỉ biết đi tìm trú ẩn nơi các chắc chắn riêng của họ và nơi các vùng an toàn riêng của họ, tinh thần dửng dưng đối với người khác và tinh thần chia rẽ “phe nhóm” chỉ làm méo mó gương mặt đa dạng một cách phong phú của Giáo Hội. Đó là những tình huống sẽ dẫn tới một thứ cô lập và chán nản, một nỗi buồn dần dần sẽ tạo ra oán giận, ta thán miên man, buồn chán; đó “không phải là ý Thiên Chúa dành cho ta, cũng không phải là sống trong Thần Khí” (Niềm Vui Tin Mừng, số 2), mà Người đã mời gọi họ, mà Người đã mời gọi ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cầu xin để nỗi buồn này và sự cô lập này không trổi vượt trong tâm hồn ta. Ta muốn làm cùng một việc, ta muốn tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, vào lời của Người, để ta có thể cùng nhau thưa rằng “Lạy Cha, xin giữ họ trong danh Cha… để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17:11), “để niềm vui các con nên trọn” (Ga 15:11).

Chúa Giêsu cầu nguyện và Người mời gọi ta cầu nguyện, vì Người biết rằng một số điều chỉ có thể được tiếp nhận như hồng phúc; một số điều chỉ có thể được cảm nghiệm như hồng phúc. Hợp nhất là một ơn phúc chỉ có thể ban cho ta bởi Chúa Thánh Thần; ta phải cầu xin cho được ơn phúc này và phải làm hết sức để được hồng phúc này biến cải.

Hợp nhất thường bị lẫn lộn với độc dạng; với các hành động, tâm tư và lời nói y hệt như nhau. Đó không phải là hợp nhất, mà là làm y theo. Nó giết chết sự sống của Thần Khí; nó giết chết các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho để gây ích cho dân Người. Hợp nhất bị đe dọa bất cứ khi nào ta cố biến người khác thành hình ảnh và họa ảnh của chính ta. Hợp nhất là một hồng phúc, không phải một điều để áp đặt bằng sức mạnh hay bằng sắc lệnh. Tôi vui mừng được thấy anh chị em ở đây, những người nam nữ thuộc nhiều thế hệ, nhiều hậu cảnh và trải nghiệm khác nhau, tất cả hợp nhất nhờ lời cầu nguyện chung của ta. Ta hãy cầu xin Thiên Chúa gia tăng ước nguyện của ta được gần gũi nhau. Được trở thành người lân cận, luôn có đó cho nhau, với tất cả các dị biệt, các ý thích và cách nhìn sự vật của ta. Được ăn nói thẳng thắn, bất chấp các bất đồng và tranh cãi, và không nói sau lưng nhau. Ước mong ta trở thành các mục tử gần gũi dân ta, cởi mở đối với các vấn nạn và các vấn đề của họ. Các tranh chấp và bất đồng trong Giáo Hội là điều nên chờ đợi và, tôi dám nói, còn cần thiết nữa. Chúng là một dấu chỉ cho thấy Giáo Hội đang sống động và Thần Khí vẫn còn đang hành động, còn đang dậy men Giáo Hội. Khốn thay cho những cộng đồng nào không có chữ “có” và chữ “không”! Họ như những cặp vợ chồng hết còn tranh luận, vì đã mất hết hứng thú, mất hết yêu thương.

Chúa cũng cầu nguyện để ta tràn đầy “niềm vui trọn vẹn” của Người (xem Ga 17:13). Niềm vui của các Kitô hữu, và đặc biệt của các người tận hiến nam nữ, là dấu chỉ hết sức rõ ràng sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời họ. Khi ta thấy những gương mặt buồn bã, thì điều này cảnh báo rằng một điều gì đó đang không ổn. Quả có ý nghĩa, khi đây chính là lời cầu xin mà Chúa Giêsu dã dâng lên Chúa Cha ngay trước khi Người tới Vườn Diệtsimani để làm mới lại tiếng “xin vâng” của Người. Tôi biết chắc: tất cả các anh chị em đều từng phải chịu nhiều hy sinh và đối với một số anh chị em, trong nhiều thập niên qua, những sự hy sinh này đã được chứng tỏ là khó khăn. Chúa Giêsu cầu nguyện, vào chính giờ phút hy sinh của Người, để ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui vì biết rằng Người đã chiến thắng thế gian. Sự chắc chắn này gợi hứng cho ta, hết sáng này tới sáng nọ, để ta đổi mới đức tin ta. “Với tình âu yếm không bao giờ làm ta thất vọng, nhưng luôn có khả năng phục hồi niềm vui của ta”, nhờ lời cầu nguyện của Người, và trước mặt dân của ta, Chúa Kitô “làm ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu như mới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 3).

Chứng tá tỏa sáng niềm vui này mọi lúc và ở khắp mọi nơi là điều quan trọng xiết bao, có giá trị xiết bao đối với đời sống người dân Cuba, bất chấp các mệt mỏi, các lo âu của ta và ngay cả các thất vọng, thứ cám dỗ nguy hiểm vốn gậm nhấm chính linh hồn ta!

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cầu nguyện để tất cả chúng ta nên một, và để niềm vui của Người ngụ cư trong ta. Ước mong ta cũng làm như thế, khi ta hợp nhất với nhau trong lời cầu nguyện.
 
Chặng thứ hai trong chuyến tông du Cuba: Holguín
VietCatholic Network
18:22 21/09/2015
Sáng thứ Hai 21 tháng 9, lúc 8h sáng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay từ La Habana đến phi trường quốc tế Holguín. Sau một giờ 20’ ngài đã đến nơi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một hàng dài người chờ đón Đức Thánh Cha dọc theo hai bên con đường từ phi trường quốc tế Holguín đến quảng trường cách mạng Holguín /on – gin/ nơi Đức Thánh Cha dâng thánh lễ vào lúc 10h30.

Holguín là thành phố đông dân thứ ba của Cuba sau La Habana và Santiago de Cuba nơi Đức Thánh Cha sẽ đến thăm vào ngày thứ Ba 22 tháng 9. Với diện tích 9,300 km2, thành phố này có hơn một triệu dân.

Ngày 27 tháng 10 năm 1942, Kha Luân Bố đã đặt chân đến miền đất này. Ông ghi lại trong hồi ký của mình cảm giác đầu tiên như sau: “Đó là miền đất đẹp mắt tôi chưa từng được nhìn thấy bao giờ”.

Năm 1978, Cuba tách Holguín khỏi miền Oriente. Năm sau đó, ngày 8 tháng Giêng năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thành lập giáo phận Holguín, tách ra từ tổng giáo phận Santiago de Cuba và giao cho Đức Cha Héctor Luis Lucas Peña Gómez cai quản.

Theo thống kê mới nhất, giáo phận Holguín có 442,600 giáo dân sinh hoạt trong 28 giáo xứ dưới sự coi sóc của 23 linh mục triều. Ngoài ra, giáo phận cón có 8 linh mục dòng và 45 nữ tu.

Dưới đây là bài giảng trong thánh lễ tại quảng trường thành phố với sự tham dự của hàng trăm ngàn người.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Chúng ta đang cử hành một câu chuyện hoán cải. Chính Thánh Matthêu, trong Phúc Âm của ngài, cho chúng ta biết cuộc gặp gỡ biến đổi cuộc đời ngài đã xảy ra như thế nào. Ngài cho chúng ta thấy một “ánh mắt trao đổi” có khả năng thay đổi lịch sử ra sao.

Vào một ngày như mọi ngày, khi Matthêu, người thu thuế, đã ngồi vào bàn làm việc của mình, thì Chúa Giêsu đi ngang qua. Nhìn thấy ông, Ngài tiến lại và nói: “Hãy theo Ta”. Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài.

Chúa Giêsu nhìn vào ông. Sức mạnh của tình yêu trong cái nhìn đó của Chúa Giêsu mạnh mẽ biết bao đến nỗi đã khiến Matthêu làm như thế! Uy lực nào trong mắt Ngài đã làm cho Matthêu đứng dậy khỏi bàn của ông! Chúng ta biết Matthêu là một người thu thuế: Ông lấy tiền thuế của những người Do Thái để nộp cho người La Mã. Những người thu thuế bị xem thường và bị xem là những kẻ tội lỗi; vì thế, họ phải sống tách biệt và bị người khác khinh thường. Hiếm khi người ta ngồi đồng bàn ăn uống, nói chuyện hay cầu nguyện chung với những người như thế. Đối với dân chúng, họ là những kẻ phản bội: họ lấy tiền của dân để nộp cho ngoại bang. Những người thu thuế thuộc tầng lớp xã hội này.

Ngưọc lại, Chúa Giêsu, đã dừng lại; Người đã không nhanh chóng giữ khoảng cách với ông. Ngài nhìn Matthêu bình thản, yên bình. Ngài nhìn ông với đôi mắt của lòng thương xót; Ngài nhìn ông với cái nhìn ông chưa từng thấy ai nhìn mình như thế. Và cái nhìn này mở khóa trái tim Matthêu; nó giải thoát ông, nó chữa lành ông, và nó ban cho ông một niềm hy vọng, một cuộc sống mới, như cái nhìn ấy đã thực hiện trên ông Giakêu, trên người mù Bartimaeus, trên Maria Magdalena, trên Phêrô, và trên mỗi người trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không dám ngước mắt nhìn lên Chúa, là Đấng đã nhìn chúng ta trước. Đây là câu chuyện của chúng ta, và cũng là câu chuyện của cơ man biết bao những người khác. Mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Cả tôi nữa, tôi cũng là một kẻ có tội, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn đến tôi”. Tôi xin anh chị em, khi đang ở nhà hoặc trong nhà thờ, hãy dành ra một lúc yên tĩnh để nhớ lại với lòng biết ơn và niềm hạnh phúc những tình huống như thế, những thời khắc khi ánh mắt thương xót của Thiên Chúa được cảm nhận trong cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu đi trước chúng ta, cái nhìn của Ngài thấy trước nhu cầu của chúng ta. Ngài có thể nhìn thấy xa hơn vẻ bề ngoài của chúng ta, xa hơn những tội lỗi, thất bại và bất xứng của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn giai tầng trong xã hội của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn những điều này để hướng đến phẩm giá của chúng ta như những con trai, con gái của Ngài, hướng đến một phẩm giá đôi khi bị hoen ố vì tội lỗi, nhưng vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Ngài đến chính là để kiếm tìm tất cả những ai cảm thấy mình không xứng đáng với Thiên Chúa, không xứng đáng với những người khác. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt của Ngài nhìn đến phố phường của chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt đó trở thành niềm vui của chúng ta, hy vọng của chúng ta.

Sau khi Chúa nhìn ông với ánh mắt xót thương, Ngài nói với Matthêu: “Hãy theo Ta.” Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài. Sau cái nhìn, là một lời nói. Sau tình yêu, là sứ vụ. Matthêu không còn là Matthêu của quá khứ; ông đang thay đổi từ bên trong. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và lòng thương xót yêu thương của Ngài đã biến đổi ông. Ông để lại phía sau bàn thu thuế của mình, tiền bạc, và não trạng sống cho riêng mình. Trước đây, ông ngồi chờ đợi để thu thuế, để lấy từ những người khác. Ngày nay, với Chúa Giêsu, ông đứng dậy và cho đi, trao ban chính mình cho người khác. Chúa Giêsu nhìn ông và Matthêu gặp được niềm vui của sự phục vụ. Đối với Matthêu, và tất cả những ai đã cảm thấy cái nhìn của Chúa Giêsu, tha nhân không còn là những người để “sống bám”, để sử dụng và lạm dụng. Cái nhìn của Chúa Giêsu mang lại hoạt động truyền giáo, sự phục vụ, và sự cho đi chính mình. Tình yêu của Chúa Giêsu chữa lành cái nhìn thiển cận của chúng ta và thúc đẩy chúng ta phải nhìn xa hơn, không được hài lòng với vẻ bề ngoài hay với những gì là đúng về mặt chính trị.

Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài tiến bước trước chúng ta; Ngài mở đường cho chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Ngài mời gọi chúng ta từ từ vượt qua những định kiến của mình và sự miễn cưỡng chấp nhận rằng những người khác thua kém chúng ta có thể thay đổi. Ngài thách thức chúng ta hàng ngày với câu hỏi: “Bạn có tin không? Bạn có tin rằng một người thu thuế có thể có thể trở thành một người tôi tớ không? Bạn có tin rằng một kẻ phản bội có thể trở thành một người bạn không? Bạn có tin là con trai của một người thợ mộc có thể là Con Thiên Chúa không? Ánh mắt Ngài biến đổi cách chúng ta nhìn sự vật, trái tim của Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa là Cha, là Đấng tìm kiếm ơn cứu rỗi cho mỗi người con trai, con gái của Ngài.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa trong lời cầu nguyện, trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bí Tích Hòa Giải, trong anh chị em của chúng ta, đặc biệt nơi những ai cảm thấy bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi. Xin cho chúng ta có thể biết cách nhìn họ như Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Hãy để chúng ta chia sẻ sự dịu dàng và thương xót của Ngài với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình gặp khó khăn. Chúng ta được kêu gọi luôn mãi để học hỏi từ Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn thấy những gì là xác thực nhất trong mỗi con người, được tác thành theo hình ảnh của Cha Ngài.

Tôi biết những nỗ lực và những hy sinh của Giáo Hội tại Cuba để mang lời Chúa Kitô và sự hiện diện của Ngài đến cho mọi người, ngay cả nơi những miền heo hút nhất. Ở đây, tôi muốn nhắc đặc biệt đến là “những ngôi nhà truyền giáo”, mà vì sự thiếu hụt các nhà thờ và linh mục, đang mang lại cho nhiều người một nơi chốn cho việc cầu nguyện, cho việc lắng nghe Lời Chúa, cho việc dạy giáo lý và cho đời sống cộng đoàn. Những ngôi nhà truyền giáo này là những dấu chỉ nho nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người lân cận với chúng ta và là sự trợ giúp hàng ngày trong nỗ lực đáp lại những lời cầu xin của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Eph 4: 1-3).

Giờ đây, tôi hướng đến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, là Đấng Cuba đã đón nhận và sẽ mãi mãi mở rộng cửa đón tiếp. Tôi xin Đức Mẹ nhìn với ánh mắt tình yêu từ mẫu trên tất cả những người con của Mẹ trong đất nước cao thượng này. Xin “đôi mắt của lòng thương xót” luôn gìn giữ mỗi người trong anh chị em, ngôi nhà, cũng như gia đình của anh chị em, và tất cả những ai cảm thấy rằng họ không có một chỗ đứng. Trong tình yêu của Mẹ, xin Mẹ bảo vệ chúng ta tất cả như Mẹ đã từng chăm sóc cho Chúa Giêsu.
 
Ngày thứ ba chuyến tông du Cuba của Đức Phanxicô
Vũ Van An
22:28 21/09/2015
Tường trình vắn tắt của Associated Press về ngày thứ ba chuyến tông du Cuba của Đức Phanxicô:

8 giờ 05 sáng: Chiếc máy bay chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời Havana đi thành phố miền đông là Holguin, thành phố lớn thứ tư của Cuba, nơi hàng ngàn người đã tụ tập tại quảng trường thành phố để tham dự Thánh Lễ Đại Trào vào ngày hôm nay.

Bà Idael Confesor Martinez Leyva, 58 tuổi, đầu đội chiếc nón rơm trên có cờ Vatican và Cuba tiến vào quảng trường. Bà nói rằng Đức Giáo Hoàng “sẽ biến đổi thế giới và đem tới cho chúng tôi những điều chúng tôi, nhất là giới trẻ, cần hơn cả”.

Vào buổi chiều tối, ngài sẽ tới thành phố thứ hai của Cuba là Santiago.

9 giờ 15 sáng: Máy bay chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp xuống thành phố miền đông Holguin, chặng thứ hai trong chuyến tông du Cuba trước khi thăm Hoa Kỳ.

Đức Giáo Hoàng dự tính cử hành Thánh Lễ tại Quảng Trường Cách Mạng của thành phố và viếng thăm La Loma de la Cruz, đồi thánh giá và là địa điểm quan sát nằm cao trên thành phố lớn thứ tư của Cuba. Rồi ngài sẽ tới Santiago để kính viếng đền Đức Mẹ Bác Ái tại thị trấn El Cobre gần đó.

9 giờ 35 sáng: Các trẻ em ca hát và một đám đông dân chúng, tay vẫy cờ Cuba và cờ Vatican, đang nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài tới phi trường của thành phố miền đông Holguin.

Từ sân bay, một số hô to “Thưa Đức Phanxicô! Holguin ở với ngài!” khi Đức Giáo Hoàng ra khỏi chiếc máy bay của hãng Alitalia.

Đệ nhất phó chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel, đang dẫn đầu phái đoàn chính phủ ra nghinh đón Đức Giáo Hoàng.

Từ phi trường, Đức Phanxicô sẽ tới Quảng Trường Cách Mạng của thành phố để cử hành Thánh Lễ ban sáng trước hàng ngàn tín hữu đội nón và mang dù che nắng mặt trời.

Một bức ảnh khổng lồ Trinh Nữ Bác Ái El Cobre, quan thầy Cuba, được dựng lên tại quảng trường.

10 giờ 30 sáng: Quảng Trường Cách Mạng tại Holguin đầy các tín hữu vẫy cờ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trên giáo hoàng xa, chạy qua đám đông.

Trời nóng hẳn lên một cách nhanh chóng, tới 83 độ Fahrenheit, và không khí thì khá ẩm thấp, nên một số người mặc đồ trắng để chống nắng. Chủ Tịch Cuba, Raul Castro, là một trong nhiều người đội nón rơm rộng vành.

Các nhân viên an ninh xem ra chịu để cho dân chúng tới gần Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Hôm Chúa Nhật tại Havana, một người dường như thuộc loại bất đồng đã đeo theo giáo hoàng xa và hình như kêu gọi Đức Giáo Hoàng điều gì đó trước khi bị điệu đi.

Ismabel Rodriguez, một sinh viên ngành kỹ sư, 20 tuổi, nói rằng Đức Giáo Hoàng muốn thúc giục người Cuba ủng hộ các giá trị như bác ái, cộng đồng và gia đình.

Anh nói: “Người Cuba là những người rất tử tế, nhưng chúng tôi đã đánh mất khá nhiều giá trị của mình. Bây giờ đủ cả dối trá, trộm cướp và không hề dành đủ ưu tiên cho gia đình”.

11 giờ 10 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang kêu gọi người Cuba lưu ý tới lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô phải thắng vượt việc chống lại thay đổi.

Trong bài giảng, trước các tín hữu tham dự Thánh Lễ ngoài trời ở Quảng Trường Cách Mạng tại Holguin, Đức Giáo Hoàng nói rằng Chúa Kitô, hàng ngày, thách thức ta tin vào khả thể biến cải bản thân của ta.

Ngài nói: “Người mời gọi ta từ từ thắng vượt các định kiến của ta cũng như việc ta không muốn nghĩ rằng người khác có thể thay đổi, chính ta lại càng tệ hơn”.

Hôm nay là ngày thứ ba Đức Giáo Hoàng viếng đảo quốc này. Ngài kêu gọi người Cuba phục vụ con người chứ không phục vụ các ý thức hệ và không tự khép kín mình trước những người suy nghĩ khác với mình.

1giờ 55 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi “các căn nhà truyền giáo” của Cuba, tức các căn nhà tư nhân mở cửa đón các linh mục và giáo dân tới thờ phượng trong nhiều thập niên, khi Giáo Hội Công Giáo bị bách hại.

Trong bài giảng thánh lễ ngoài trời tại Holguin, Đức Phanxicô nói rằng các căn nhà đó đáng “được nhắc đến một cách đặc biệt" vì đã giúp duy trì đức tin “bất chấp việc ít ỏi các nhà thờ và linh mục”.

Trong nhiều năm sau khi cuộc cách mạng năm 1959 của Fidel Castro biến Cuba thành một quốc gia Cộng Sản, Giáo Hội bị cấm, không được xây cất các nơi thờ phượng mới. Thập niên 1960, nhiều linh mục bị trục xuất khỏi xứ sở hoặc bị gửi tới các trại lao động ở vùng quê do quân đội quản trị.

Ngày nay có khoảng 2,600 căn nhà truyền giáo tại Cuba, phần lớn ở vùng núi và vùng quê, trong khi cả nước có 700 giáo xứ.

Từ thập niên 1990, các căng thẳng giữa Giáo Hội và Nhà Nước đã dịu lại.

Phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Cuba, Orlando Marquez, hôm Thứ Hai nói rằng gần đây, ba nhà thờ mới đã được phép xây cất tại Havana, Pinar del Rio, và Santiago.

3 giờ 55 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc thì giờ của ngài ở Holguin bằng nghi thức chúc lành cho thành phố lớn thứ tư này từ trên Đồi Thánh Giá, một địa điểm hành hương nhìn xuống thành phố.

Sau đó, ngài sẽ lên đường tới thành phố Santiago ở phía đông nam, nơi có đền thờ Quan Thầy Cuba.

Đó sẽ là địa điểm chót trong chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Cuba trước khi ngài lên đường qua Hoa Kỳ vào hôm Thứ Ba.

4 giờ 30 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời thành phố Holguin của Cuba trên chuyến bay ngắn tới Santiago.

Santiago là hành phố lớn thứ hai của Cuba và là trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến tông du nước này của Đức Phanxicô trước khi ngài bay qua Hoa Kỳ vào hôm Thứ Ba.

5 giờ 30 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Santiago nằm ở bờ biển đông nam Cuba.

Sau khi máy bay hạ cánh, Đức Giáo Hoàng xuất hiện trên thảm đỏ trải trên sân bay.

Theo dự tính, vào chiều tối hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng đền Trinh Nữ Bác Ái El Cobre, quan thầy Cuba.

8 giờ 10 tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, một bức tượng rất quan trọng đối với người Cuba: Trinh Nữ Bác Ái El Cobre, quan thầy cả nước.

Đức Giáo Hoàng tới đền thờ sau khi máy bay của ngài đáp xuống thành phố gần đây là Santiago, trạm dừng chân cuối cùng trước khi ngài bay qua Hoa Kỳ.

Đức Giáo Hoàng mang một bó hoa tới đặt trước tượng Trinh Nữ bằng gỗ cao khoảng một bộ Anh và đứng cầu nguyện ít phút.

Ngài không qùy ở ghế qùy đã dọn sẵn đặt trước tượng Đức Mẹ và thay vào đó, một chiếc ghế đã được đem tới cho ngài: Đức Phanxicô vốn bị chứng đau thần kinh tọa và đau đầu gối và phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, hôm Thứ Hai, nhìn nhận rằng Đức Phanxicô đi lại hơi khó khăn trong chuyến tông du này, nhất là lúc lên xuống bậc thang.

8 giờ 40 tối: Sau khi cầu nguyện tại Đền Đức Mẹ El Cobre, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được một ca đoàn con gái Cuba trình diễn.
Đức Giáo Hoàng đứng gần ca đoàn ngay bên trong nhà thờ. Hai thiếu nữ đã đặc biệt thay phiên nhau đơn ca khiến Beyonce cũng khó mà sánh kịp.

Đức Phanxicô tỏ ra hết sức hài lòng với cuộc trình diễn và sau đó đã hết lời cám ơn các thiếu nữ.
 
Top Stories
Vietnam; Libérée avant l’achèvement de sa peine, une célèbre dissidente prend le chemin de l’exil
Eglises d'Asie
12:43 21/09/2015
Ta Phong Tân, la célèbre responsable du blog « Justice et Vérité », âgée de 46 ans, vient d’être conduite depuis sa prison jusqu’à un terrain d’aviation. Là, un avion l’a transportée aux Etats-Unis. A l’aéroport de Los Angeles, où elle est arrivée dans la matinée du 19 septembre, une grande foule l’attendait, où se mêlaient personnalités américaines et dissidents vietnamiens exilés. Les premiers mots prononcés par Ta Phong Tân ont été des remerciements au personnel diplomatique des Etats-Unis et de l’Union européenne ainsi qu’aux ONG de défense des droits de l’homme qui l’ont soutenue.

Ta Phong Tân est loin d’être la première prisonnière politique à être directement envoyée vers les Etats-Unis après sa libération. Le dissident, lui aussi très célèbre, Nguyên Van Hai (nom de blogueur : Dieu Cay, « La pipe du laboureur »), avait été pareillement libéré de sa prison en octobre 2014 et transporté en avion jusqu’à Los Angeles.

Ta Phong Tân, née en 1968 dans la province méridionale de Bac Liêu, est une figure à la fois originale et emblématique de la dissidence vietnamienne. En effet, lorsqu’elle commence à en faire partie en 2004, elle est encore membre du Parti communiste vietnamien et cadre des services de la Sécurité publique. Dans un blog intitulé « Justice et Vérité » (Công lý và Sự thật), la jeune femme, convertie au catholicisme, diffuse des rapports sur les affaires de corruption à l’intérieur de la Sécurité publique. Ces critiques ouvertes du communisme lui valent bientôt son exclusion du parti et sa révocation, en 2006, des services de police. Ses censeurs lui reprochent ses idées erronées, ses calomnies, ses diffamations. Arrêtée au mois de septembre 2011 avec d’autres blogueurs, la dissidente est déjà bien connue à cette époque et son arrestation déclenche un vaste mouvement de protestation au sein des ONG internationales de défense des droits de l’homme et de diverses instances diplomatiques, comme celles des Etats-Unis et de l’Union européenne.

Une semaine avant la date prévue pour le procès de Ta Phong Tân, le 30 juillet 2012, un événement dramatique suscita une grande émotion dans la population du pays. Dang Thi Kim Liêng, la mère de la prisonnière de conscience, vint s’immoler par le feu devant le siège du Comité populaire de la province. Elle mourut des suites de ses brûlures alors qu’on la transportait à l’hôpital. Les réactions furent très nombreuses dans le monde et le procès de la dissidente fut reporté à une date ultérieure.

Il eut lieu le 24 septembre 2012, et l’ancien cadre de la Sécurité publique fut condamné à dix ans de prison ferme et cinq ans de résidence surveillée. Deux autres blogueurs furent condamnés lors de ce même procès, qui selon The Economist ressemblait étrangement aux procès staliniens de la défunte Union soviétique. Pendant sa détention, effectuée dans des conditions très dures, la dissidente reçut, à l’initiative de Hillary Clinton, un prix destiné à récompenser les femmes « ayant fait preuve de courage et de qualité de dirigeante ». Plusieurs autres récompenses lui ont été décernées pour son action au service des droits de l’homme et de la liberté d’expression. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 21 septembre 2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trường Việt Ngữ Đắc Lộ Nam Úc - Mừng Tết Trung Thu
Jos. Vĩnh SA
07:05 21/09/2015
Thứ Bảy ngày 19/9/2015 là ngày cuối của Học Kỳ III. Gần 1,000 học sinh trường Việt Ngữ Đắc Lộ Nam Úc đã tưng bừng tổ chức Văn Nghệ “Mừng Tết Trung Thu” cho 3 chi nhánh (3 trung tâm) của trường:

-Chi Nhánh Salisbury có khoảng gần 300 học sinh, Ban Điều Hành và các Giáo Chức chi nhánh đã tổ chức cho các em học sinh trình diễn văn nghệ mừng Tết Trung Thu từ: 9 giờ 00 sáng cho đến 11 giờ 30, sau đó các em được phát quà và phần thưởng, cùng ăn uống vui chơi chung với nhau. Ban Giám Hiệu trích một ngân khỏan tặng cho chi nhánh để giao cho chi hội Phụ Huynh lo phần ẩm thực cho các em học sinh mừng Trung Thu.

-Chi nhánh Pooraka có khoảng gần 200 em học sinh, cũng trình diễn văn nghệ bắt đầu từ lúc 9 giờ 30 cho đến 11 giờ 30 trưa. Sau khi Thầy Trưởng Chi Nhánh ngỏ lời chào mừng và khai mạc chương trình mừng Tết Trung Thu, thì 2 tràng pháo điện tử đã nổ thật giòn liên hồi nghe rất vui tai. Kế đến đội múa lân xuất hiện mở màn cho chương trình văn nghệ Trung Thu của CN Pooraka.

Chi nhánh Pooraka, các cô giáo đã hy sinh nhiều thì giờ, tập luyện cho các em học sinh có một buổi trình diễn văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc. Đặc biệt hơn nữa, các cô giáo của chi nhánh đã hội ý với nhau, mặc những bộ quốc phục áo dài thật trang nhã và đẹp, ngay cả các em học sinh cũng thế.

Mặc áo dài với mục đích để phô trương những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam cho giới trẻ noi theo.

-Chi nhánh Woodville là chi nhánh có đông học sinh nhất, gồm nhiều lớp, thuộc 2 cấp trung và tiểu học: Từ Vỡ Lòng cho đến lớp 12. Các em học sinh CN Woodville đã sáng tác và trình diễn nhiều màn văn nghệ đặc sắc như: Ca, múa, nhạc, kịch và cũng có múa Lân nữa.

Tiết mục Múa Lân là một màn trình diễn văn nghệ đặc thù trong các ngày lễ hội của người Việt, cho nên mỗi chi nhánh của trường Việt Ngữ đều có một đội múa Lân rất điêu luyện.

Các em học sinh đã thể hiện những màn trình diễn văn nghệ thật hào hứng và sôi nổi.

Sau khi trình diễn văn nghệ, các chi nhánh đều phát quà Trung Thu cho các em học sinh.

Ngoài phần quà, tặng riêng cho từng lớp, Ban Giám Hiệu và Ban Điều Hành nhà trường còn có những phần quà dành riêng cho các lớp thi đua văn nghệ xuất sắc do Ban Giám Khảo từng chi nhánh chấm điểm. Ban Giám Khảo gồm có các vị đại diện của: Ban Giám Hiệu, Giáo chức và chi hội Phụ huynh.

XEM HÌNH

Các chi hội Phụ huynh của các chi nhánh đã hăng hái đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, nhận ngân khoản tặng quà từ Ban Điều Hành trường, đi mua các thực phẩm về chế biến các món ăn cho các em học sinh. Các phụ huynh đã bỏ thì giờ, công sức nấu nướng lo phần ẩm thực mừng Tết Trung cho các em học sinh rất chu đáo, như: Nướng BBQ, làm bánh, làm chả giò, hay mua Pizza phân phát cho từng học sinh, thay cho các giáo chức. Có một số Thương gia và Phụ huynh đã mang đến trường, rất nhiều bánh, trái cây thật ngon tặng cho các em học sinh.

Có chi hội Phụ Huynh còn biếu mỗi giáo chức một tấm bánh Trung Thu ăn lấy thảo, để tỏ lòng biết ơn.

Thật là một ân tình quí báu, nói lên sự liên kết mật thiết giữa nhà trường và phụ huynh, chăm lo cho các em học sinh, mầm non của đất nước và gia đình.

Đặc biệt, năm nay Ban Giám Hiệu đã lần mò, tìm được một vị làm bánhTrung Thu tại nhà (home make) rất đặc biệt. Nguyên liệu chế biến bánh hoàn toàn nguyên chất (organic) an toàn thực phẩm, không pha chế hóa chất, như bánh bán ở các tiệm thực phẩm Á Châu. Vì là chỗ thân tình, nên vị này chỉ nhận làm giúp, riêng cho trường Đắc Lộ mà thôi. Các giáo chức rất thích dùng loại bánh này.

Được biết trường Việt Ngữ Đắc Lộ là trường sắc tộc có sĩ số học sinh đông nhất tại tiểu bang Nam Úc. Theo báo cáo hàng năm của Hiệp Hội các trường Sắc Tộc, thì trường Đắc Lộ đứng đầu danh sách, vượt trên các cộng đồng Ý, Hy Lạp..vv..là những sắc dân sinh sống từ lâu đời ở Úc. Nhưng con em của họ lại học tiếng mẹ đẻ (mother’s tongue) rất ít.

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ có 3 chi nhánh, tọa lạc trên các vùng có đông người Việt định cư:

-Chi nhánh Salisbury trong trường Thomas More college, số 23 Amsterdam Cr. Salisbury, 5108

Dạy tiếng Việt từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 9

Giờ học từ: 09 giờ 00 đến 11 giờ 30 trưa

-Chi nhánh Pooraka sinh hoạt trong trường Pooraka primary school, Số 11 South Tce. Pooraka 5095

Dạy tiếng Việt từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 7

Giờ học từ: 09 giờ 00 đến 11 giờ 30 trưa

-Chi nhánh Woodville sinh hoạt trong trường Woodville high school, số 11 Actl Rd. Woodville 5011

Dạy tiếng Việt từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 12 thi Tú Tài

Giờ học: Lớp 11 và lớp 12 từ: 01 giờ 15 đến 04 giờ 15 chiều

Các lớp từ Vỡ Lòng cho đến lớp 10, học từ: 01 giờ 30 đến 04 giờ 00 chiều
 
Cựu chủng sinh Huế mừng lễ thánh Tôma Thiện và lễ giỗ ĐHY Nguyễn Văn Thuận
Trương Trí
08:19 21/09/2015
CỰU CHỦNG SINH HUẾ MỪNG LỄ THÁNH TÔMA THIỆN

VÀ LỄ GIỖ ĐỨC CỐ Hồng Y PHANXICÔ XAVIÊ


Nhân ngày lễ Kính Thánh Tử đạo Tôma Thiện, người Anh Cả của Cựu Chủng sinh, đồng thời cũng là Thánh Bổn mạng. Cựu Chủng sinh Huế trong nước cũng như hải ngoại đều có một truyền thống tổ chức lễ Giỗ vào dịp kỷ niệm Ngài lãnh nhận phúc tử đạo.

Xem Hình

Cựu Chủng sinh Huế bao gồm cả 3 nhà Chủng viện: An Ninh, Phú Xuân và Hoan Thiện. Do đó, với một tinh thần huynh đệ kết nối tình anh em một nhà, trong đó có những cụ già trên 80 tuổi, cùng lớp với Đức Tổng Giám mục Stêphanô, có những anh trên 70 tuổi cùng lớp với Đức Tổng Giám mục Phaxicô Xaviê, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế. Không những thế, Cựu Chủng sinh Huế còn tổ chức cho thế hệ con cháu cùng sinh hoạt với gia đình Cựu Chủng sinh nhằm lưu giữ những nét đẹp của cha ông, đồng thời thúc đẩy con cái dâng mình cho Chúa thay cho cha ông mình đã không làm được. Nhờ vào những lần họp mặt mà con cháu gia đình Cựu Chủng sinh Huế luôn có một mối quan hệ thân tình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Mở đầu buổi họp mặt, anh Nguyễn Đức Long thuộc nhà Hoan Thiện khóa 1967 (HT67) chào mừng Cha Tổng Đặc trách Phêrô Trần Văn Quí, quí Niên trưởng và tất cả mọi người hiện diện trong ngày lễ Giỗ Thánh Tử đạo Tôma Thiện, người Anh Cả của Cựu Chủng sinh, đồng thời cầu nguyện cho vị Tôi Tớ Chúa: Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, Bề trên tiên khởi của Chủng viện Hoan Thiện.

Cha Tổng Đặc trách nói lời chào mừng và bày tỏ sự phấn khởi khi gia đình Cựu Chủng sinh vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp này. Ngài cũng là Giám đốc Caritas Tổng Giáo phận Huế, do đó Ngài cũng mời gọi anh em cộng tác với Giáo phận tham gia chia sẻ tình yêu thương cho những người nghèo khổ đang cần sự giúp đỡ.

Thầy Gioakim Đỗ Trinh Huệ là Hiệp sĩ Đại Thánh giá, cùng lớp với Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê chia sẻ: Cho đến bây giờ khi mà đã cháu nội cháu ngoại rồi, nhưng những ký ức về những ngày sống trong môi trường Chủng viện vẫn luôn gợi nhớ biết bao kỷ niệm. Đó là những kỷ niệm thời niên thiếu luôn khắc ghi trong tâm trí khó có thể phai nhòa. Nhất là môi trường Chủng viện đã rèn luyện cho chúng ta một nền tảng đạo đức nhân bản, cũng như một vốn liếng kiến thức và văn hóa làm hành trang vào đời. Chính vì thế, mỗi lần họp mặt gia đình Cựu Chủng sinh, anh em chúng ta ngồi lại với nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, chúng ta cảm thấy mình như trẻ lại.

Trong buổi họp mặt này, Cha Tổng Đặc trách và anh em trao đổi rất sôi nổi, đưa ra một kế hoạch để duy trì nếp sinh hoạt truyền thống này được bền vững. Đại diện của thế hệ con cháu cũng đã báo cáo lại tinh thần của Gia đình F1 trong kỳ Hội ngộ vào cuối tháng 7 vừa qua tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Ban Đại diện cũng đã trình bày bức Thư Ngõ của Cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện, Quản xứ Trung Quán, quê hương của Thánh Tôma Thiện. Theo đó, Giáo xứ Trung Quán thuộc tỉnh Quảng Bình đã được Nhà Nước giao lại phần đất của Giáo xứ và đã cấp giấy phép xây dựng, Ngài mong ước sẽ xây dựng ngôi Nhà thờ khang trang để kính Thánh Tử đạo, xin Gia đình Cựu Chủng sinh Huế hiệp dâng lời cầu nguyện và góp sức với Giáo xứ để ước nguyện sớm hoàn thành.

Đỉnh điểm của ngày họp mặt truyền thống là Thánh lễ Mừng kính Thánh Tử đạo Tôma Thiện và cầu nguyện cho việc Phong Thánh của Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhân dịp lễ Giỗ 13 năm của Ngài.

Bài ca nhập lễ: “Ngày vinh phúc hôm nay, hát mừng Tôma Thiện, một đoa hoa Chủng viện, giọt máu nhỏ thơm đầy…” dẫn vào Thánh lễ. Cha Tổng Đặc trách chủ tế Thánh lễ và toàn thể Gia đình Cựu Chủng sinh niệm hương trước di ảnh của Thánh Tử đạo Tôma Thiện.

Trong bài giảng lễ, Cha Tổng Đặc trách chia sẻ: Thánh Tử đạo Tôma Thiện, một thanh niên còn trẻ nhưng đã một lòng trung thành với Thiên Chúa, dám từ chối vinh hoa phú quí để làm chứng nhân Đức Tin. Khi Ngài bị bắt và bị điệu đến quan Phủ, thấy Ngài là một thanh niên đẹp trai lại học giỏi, quan có ý thương tiếc nên dụ dỗ Ngài bỏ Đạo sẽ gả con gái và tâu vua cho làm quan. Ngài trả lời: “Tôi chỉ muốn làm con Nước Trời chứ không màng đến chức quan của thế gian này”.

Sau Thánh lễ, mọi người chụp hình lưu niệm và cùng nhau dự bữa cơm thân mật, hẹn gặp nhau vào ngày này năm sau.

Trương Trí
 
Giải viết văn đường trường 2015 : Bản tin kết thúc
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
17:00 21/09/2015
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015 BẢN TIN KẾT THÚC

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Lễ tổng kết, công bố kết quả và trao giải Giải Viết Văn Đường Trường lần III-2015 đã diễn ra lúc 19g15 ngày 19-9-2015, tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn. Đây cũng là hoạt động kết thúc cuộc họp mặt 2015 của các tác giả văn thơ Công Giáo có liên quan với chương trình tìm kiếm và phát huy tài năng văn thơ cho Giáo Hội Việt Nam, do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng và thực hiện. Cuộc họp mặt với mục đích ấy đã được tổ chức lần đầu ngày 21-22/9/2012 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử, và đã lặp lại hai lần sau đó nhân lễ trao giải Giải Viết Văn Đường Trường lần I và II. Cuộc họp mặt năm nay bắt đầu từ trưa 18-9 và kết thúc lúc 21g00 ngày 19-9. Cho dù số người tham dự không nhiều, chỉ 60 tác giả, nhưng vẫn có thể đại diện khá tiêu biểu cho giới cầm bút Công Giáo ở cả ba giáo tỉnh của Giáo Hội Việt Nam. Giáo tỉnh Hà Nội có 6 đại biểu đến từ các giáo phận Bắc Ninh và Vinh. Giáo tỉnh Huế có 32 đại biểu đến từ tất cả các giáo phận trong giáo tỉnh. Giáo tỉnh Sài Gòn có 22 đại biểu đến từ Đà Lạt, Xuân Lộc, Cần Thơ và Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngoài các giám khảo và những tác giả có bài vào chung khảo lần này, còn có một số vị đã tham gia các hoạt động thăng tiến văn thơ Công Giáo do Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn theo đuổi từ năm 2010 tới nay, cụ thể là những tác giả thuộc bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo.

Lễ trao giải được Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn chủ tọa. Có 21 tác giả đạt giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 5 giải ba và 14 giải triển vọng (danh sách đính kèm dưới đây). Tuyển tập các tác phẩm đạt giải cuộc thi mang tựa đề “Người gieo hạt” sẽ được đăng trên website Giáo phận Qui Nhơn www.gpquinhon.org

Đây là bản tin cuối cùng kết thúc cuộc thi lần thứ ba. Giải Viết Văn Đường Trường sẽ được tiếp tục với cuộc thi lần thứ tư, 2016. Cuộc thi 2016 sẽ ưu tiên hướng đến ba chủ đề: Trước hết là chủ đề của năm thánh 2016, lòng Thương xót của Thiên Chúa. Tiếp đến là chủ đề về chăm sóc thiên nhiên và chủ đề Đạo Hiếu trong cuộc sống người Công Giáo Việt Nam. (Xin xem bản Thể lệ cập nhật cho năm 2016 ở cuối bản tin).

Cho tới lúc này, cuộc thi 2016 đã nhận được 13 bài. Mỗi năm, mỗi tác giả có quyền gửi tối đa 5 bài dự thi. Ước mong quý vị và các bạn giới thiệu rộng rãi cuộc thi này đến các cây bút văn xuôi mà các bạn quen biết, các sinh viên Công Giáo và các bạn trẻ khác.

Một lần nữa, Ban Tổ chức xin chân thành cám ơn các trang truyền thông và các ân nhân đã tích cực hỗ trợ cuộc thi và xin cám ơn mọi người đã quan tâm theo dõi.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Hẹn gặp lại ở cuộc thi năm 2016 trong niềm tin tưởng và hy vọng.

Qui Nhơn, ngày 20-9-2015

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

KẾT QUẢ

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN THỨ III (2015)

TÊN BÀI TÁC GIẢ GIÁO PHẬN GỈAI
VIA DOLOROSA - ĐƯỜNG CÒN XA Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng Sài Gòn Giải I
NGÃ BA TÌNH Antôn Trần Văn Dũng Vinh Giải II
BỨC TƯỢNG TRONG BỆNH VIỆN Đaminh Nguyễn Ngọc Hoài Nam Sài Gòn Giải III
HAI PHÍA CON ĐƯỜNG Giuse Nguyễn Đức Tuyển Bắc Ninh Giải III
CHỨNG THẦM Phêrô Nguyễn Hoàng Hải Nha Trang Giải III
ÔNG TRÙM XỨ Giuse Lê Ngọc Thành Vinh Vinh Giải III
TRÁI TIM NỞ HOA Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha Qui Nhơn Giải III
HẠT GIỐNG NẢY MẦM Marie Paul Trần Thị Kiều Thu Đà Lạt Giải triển vọng
NGƯỜI GIEO HẠT Maria Nguyễn Thị Khánh Liên Nha Trang Giải triển vọng
TIA SÁNG NIỀM TIN Đaminh Lê Thiện Long Nha Trang Giải triển vọng
ĐIỆP KHÚC TẠ ƠN M. Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung
Thanh Hóa Giải triển vọng
GIỌT NƯỚC MẮT HẠNH PHÚC Gioan Nguyễn Đức Tín Vinh Giải triển vọng
NGOẢNH ĐẦU LẠI DÙ CÓ MUỘN MÀNG Maria Thân Thị Hồng Kiều Qui Nhơn Giải triển vọng
ƠN GỌI CỦA MỘC Anna Nguyễn Bích Hạt Bắc Ninh Giải triển vọng
CHỌN CHÚA Gioakim Nguyễn Quốc Nam Nha Trang Giải triển vọng
BẢY MƯƠI LẦN BẢY Phanxicô Lê Quang Thạch
Qui Nhơn Giải triển vọng
LÀM CHỨNG THẦM LẶNG Giuse Phạm Đình Duy Nha Trang Giải triển vọng
VƯƠNG QUỐC NƯỚC TRỜI Phêrô Đặng Minh Thiên Nha Trang Giải triển vọng
TIẾNG VỌNG Maria Madalena Đặng Hoàng Hương Giang Kontum Giải triển vọng
LỰA CHỌN Vinh Sơn Chung Thanh Huy Sài Gòn Giải triển vọng
LỜI KINH MÂN CÔI Giuse Dương Duy Tân Nha Trang Giải triển vọng

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ tư - 2016

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công Giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài: đợt này cuộc thi ưu tiên nhấn mạnh hai đề tài: Lòng Chúa thương xót – Việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công Giáo Việt Nam – Trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên (theo thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô); tuy nhiên vẫn nhận cả những bài viết ngoài hai đề tài ấy, miễn là có nội dung Kitô giáo.

6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.

8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.

15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng

Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:

- một giải nhất: 20.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải 12.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải 8.000.000 $VN

- 15 giải triển vọng, mỗi giải 3.000.000 $VN

Tuyển tập truyện ngắn riêng

Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

Qui Nhơn, ngày 15-8-2015

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn
 
Văn Hóa
Đảo Corfu lôi cuốn khách du lịch thế giới vì lịch sử phong phú và phong cảnh đẹp
Lm Trần Công Nghị
00:50 21/09/2015
Đây là lần thứ 2 tôi đến thăm Corfu, tên của một thành phố và cũng là tên một hòn đảo của phía Tây Hy Lạp, với nhiều nơi tham quan lịch sử và đẹp đẽ, với nhiều ý nghĩa lịch sử tôn giáo, văn hóa và văn minh gắn bó với thần thoại Hy Lạp.



Hình ảnh

Hôm nay (20/9/2015) đi tham quan đảo với một đoàn du lịch từ tầu Holland America, nhưng tâm trí tôi vẵn luôn hướng lòng về cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Cuba. Tối Thứ Bảy hôm qua tôi cử hành thánh lễ vọng Chúa Nhật cho khách du lịch trên tầu, tôi không ngờ đã có tới gần 200 người tham dự sốt sắng, tôi đã kêu gọi họ cầu nguyện cho chuyến Tông du của Đức Thánh Cha được thành công. Mặt khác tôi vẫn tiếp tục liên lạc với Ban giám đốc và các cộng tác viên của VietCatholic mong anh chị em làm một cuộc tường trình đầy đủ và ý nghĩa về chuyến Tông du Mỹ châu quan trọng này của Đức Thánh Cha với biết bao nhiêu đề tài thức thời và khẩn cấp mà Ngài đã đề ra...

Trước đã đến thăm Corfu, nên lần này tôi chọn mục tiêu thăm 2 tu viện Chính thống giáo quan trọng và thời danh trên đảo: tu viện Đức Trinh Nữ Maria ở Paleokastritsa và tu viện nữ Vlachena.

Từ bến tầu mất 30 phút vượt những cánh rừng xanh tươi qua vùng núi cao hùng vĩ ở Paleokastritsa và qua những bãi biển đẹp như mơ. Khi xe bus tới lưng chừng chân núi tu viện, chúng tôi đi bộ lên tu viện, một quang cảnh có nét đẹp thiên nhiên, bao quanh bới biển cà, núi đồi và những rừng cây cổ thụ. Tu viện là một khu nhà khiêm tốn xây từ năm 1226, nhưng được chăm sóc chu đáo, từng chậu hoa cho tới từng lụm cây. Dân chúng địa phương và khách du lịch thập phương tấp nập tới đây để cầu nguyện xin ơn (vì Đức Trinh Nữ Maria hay làm phép lạ), nhưng cũng là để ngắm phong cảnh tuyệt vời của tu viện.

Nhà thờ tu viện vẫn mở cửa hằng ngày và các tu sĩ đọc kinh cầu nguyện, cử hành nghi lễ cho dân chúng. Chúng tôi đến đúng giờ đang có nghi lễ cầu nguyện, linh mục Chính thống giáo trong trang phục long trọng đang hát Kinh phụng vụ, giữa khói hương nghi ngút.

Tại bảo tàng viện của Tu viện là nơi chứa một kho tàng các icons hình ảnh thánh, các sách Phúc Âm cổ, áo lễ, chén lễ và các di tích lịch sử.

Sau khi thăm tu viện thời danh này, chúng tôi tiếp tục đến Kanoni để chiêm ngắm một tu viện nữ được xây cât riêng biệt tại một hòn đảo nhỏ xinh tươi. Đó là tu viện nữ Vlachema. Hòn đảo gần đó, được biết đến như Pontikonisi (tiếng Hy Lạp có nghĩa là "con chuột đảo"). Pontikonisi cũng là nhà của tu viện Pantokrator (Μοναστήρι του Παντοκράτορος); có cầu thang bằng đá trắng của tu viện mà khi nhìn từ xa cho ấn tượng của một cái đuôi.

Sau khi thăm 2 tu viện trên chúng tôi về tham quan thành phố Corfu. Tháp cao nhà thờ có thể nhìn được tứ phía từ xa, đó là nhà thớ kính thánh Spyridon là vị thánh bảo trợ của hòn đảo. Thánh Spyridon được tôn kính vì những phép lạ trừ các bệnh dịch hạch (πανώλη) từ hòn đảo, trong số nhiều phép lạ khác. Trong nhà thờ có nhiều icons đẹp và đặc biệt là quan tài xác của ngài mà dân chúng hàng ngày tập nập tới kính viếng cầu nguyện.

Cao điểm khác của thành phố là một đài tưởng niệm tự nhiên khổng lồ có pháo đài và tháp quan sát quân sự ở phía trên, với một cây thánh giá khổng lồ ở đỉnh của nó, ở chân của đài quan sát là nhà thờ Thánh George, mà kiến trúc theo phong cách cổ điển được nhấn mạnh bởi sáu Doric cột, trái ngược với phong cách kiến trúc Byzantine của phần lớn các nhà thờ Chính thống Hy Lạp.

Ở ngoại ô có nhà thờ kính 2 vị thánh: St Jason và St Sosipater (Αγιοι Ιάσων και Σωσίπατρος), nổi tiếng lâu đời nhất trên đảo, tương truyền là có thể là 2 người đầu tiên rao giảng Kitô giáo cho dân Corfu.

Vài nét về thành phố và đảo Corfu:

Corfu (Hy Lạp: Κέρκυρα, Kerkyra) là một hòn đảo Hy Lạp ở biển Ionian. Là đảo lớn thứ hai của quần đảo Ionian, ở biên giới phía tây bắc của Hy Lạp.

Hòn đảo này ràng buộc với lịch sử từ đầu với thần thoại Hy Lạp. Tên tiếng Hy Lạp Kerkyra hoặc Korkyra, có liên quan đến hai biểu tượng nước mạnh mẽ: Poseidon, vị thần của biển, và Asopos, dòng sông quan trọng. Theo truyền thuyết, Poseidon đã yêu Korkyra nữ thần xinh đẹp, con gái của Asopus thần sông Metope, và bắt cóc cô. Poseidon mang Korkyra đến hòn đảo vô danh này. Trong hạnh phúc hôn nhân, họ đặt tên đảo là với tên cô là Korkyra, dần dần phát triển thành Kerkyra (Doric). Họ sinh hạ một đứa con mà họ gọi là Phaiax. Sau này các cư dân của hòn đảo đặt tên là Phaiakes. Thuật ngữ này được phiên âm qua Latin thành Phaeacians.

Corfu là hòn đảo xanh tươi nhất của hòn đảo Hy Lạp và có nhiều vách đá được địa chất tự nhiên hình thành với những nét tương phản tuyệt vời. Trên bờ biển phía tây với những bãi biển đầy cát, các thung lũng màu mỡ ở trung tâm của hòn đảo và các khu vực rừng núi ở phía bắc. Nước thiên nhiên ở Corfu rất phong phú, thảm thực vật tươi tốt cận nhiệt đới, các lùm cây ô liu và cây tùng bách tươi xanh khắp nơi, cát vàng mê hoặc và những bãi biển sỏi và các dãy núi hùng vĩ kết hợp với khí hậu tuyệt vời cống hiến một mùa hè êm ả thoải mái. Đây thực cũng là nơi lý tưởng cho những người dự tính mọt mái nhà nghỉ hưu, nơi mà các thành phố lớn của ở Âu không dễ dàng đạt được.

Đến Corfu, bạn sẽ thấy không còn cảm tưởng hối hả và nhộn nhịp trong nếp sống phố xá thị thành lớn. Ai ai ở đây cũng như là đang phiêu lãng và an nhàn. Vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo thật đặc biệt và Corfu được mô tả như là viên ngọc quý của Địa Trung Hải. Năm 2007, thành phố cổ Corfu được chỉ định trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Corfu còn tự hào có một bến du thuyền lớn nhất và tốt nhất được tổ chức ở Địa Trung Hải, để phục vụ cho hàng ngàn du khách mỗi năm. Trong quá khứ, nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương Corfu là việc trồng và sản xuất dầu ôliu, nhưng trong 30 năm qua ngành du lịch đã qua mặt và mang lại kinh tế trù phú cho miền.

Mặc dù Corfu là một hòn đảo, nó vẫn là một nơi có nhiều tiện nghi. Điều này có nghĩa là một người nào đó lựa chọn để sống ở Corfu sẽ không cảm thấy thiếu sót vì xa thành phố lớn. Corfu có một thư viện công cộng, phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng và nhà hát. Các nhà hàng cung cấp các món ăn quốc tế, rạp chiếu phim, bowling, phòng tập thể dục câu lạc bộ...

Corfu thành phố nổi tiếng với kiến trúc Italianate (Kiều Italia) của nó, đáng chú ý nhất Liston một hàng cột cong tại quán cà phê, bên cạnh các hàng hành lang Spianada, cạnh một công viên rộng lớn nhất kể ca toàn quốc Hy Lạp.

Di dạo hay đi shopping tại Corfu, đâu đâu cũng thấy quán ăn hay quán càfê, trong tiệm ngoài đường. Các đặc sản địa phương trong ẩm thực bao gồm sofrito (mông thịt bê nướng xuất xứ Venice), pastitsáda (bucatini mì ăn với thịt bê thái nhỏ nấu chín trong nước sốt cà chua), bourdétto (cá tuyết nấu chín trong nước sốt cay), mándoles (caramel hạnh nhân), pastéli (thanh mật ong thực hiện với mè, hạnh nhân hoặc pistacchios), mandoláto (một "pastéli" hạnh nhân nghiền, đường, mật ong, và vani), và tzitzibíra, bia gừng địa phương, một phần còn lại của thời đại Anh.

Corfu có một lịch sử lâu dài của các khách sạn cho các cư dân và du khách nước ngoài, điển hình trong thế kỷ 20 bằng cách hồi tưởng lại thời thơ ấu của nhiều nhân vật danh tiếng. Bờ biển Đông Bắc đã phần lớn được phát triển với các biệt thự nghỉ lớn, đắt tiền. Các bãi biển nổi tiếng ở phía tây và ở Sidari như đang mời gọi vào một ngày lộng gió. Tại lối vào của vịnh có một lỗ trong đá và một đường hầm tự nhiên. Kênh biển này có têngọi "Canal D'Amour", tiếng Pháp có nghĩa kênh tình yêu.

Lịch sử đa văn hóa của Corfu qua nhiều thời kỳ bị chiếm đóng, nên phần nào thích nghi với văn hóa và ngôn ngữ tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh - đã tạo ra một xã hội thích nghi, nhạy cảm với nền văn hóa mới.
 
Thành phố Trung cổ Dubrovnik, Hòn Ngọc của Croatia
Lm Trần Công Nghị
12:27 21/09/2015
Ngày nay Dubrovnik tự hào là thành phố du lịch quan trọng nhất của Croatia, một điểm đến ưu tú và là một trong những thị trấn đẹp nhất ở Địa Trung Hải. Trong số 23 khách sạn sang trọng hàng đầu trong Croatia trong năm 2010, thì đã có 13 nằm ở Dubrovnik.



Hình ảnh

Đạo diễn phim thời danh George Bernard Shaw đã từng nói rằng "những người đang tìm kiếm thiên đàng trên trái đất nên đến Dubrovnik thì sẽ gặp được!". Chính Đức cố Giáo Goàng John Paul II từng là một người hâm mộ Dubrovnik và thậm chí Ngài còn được tặng danh hiệu "công dân danh dự của Dubrovnik". Điều đó đủ nói lên vẻ đẹp kỳ lạ và sức thu hút có một không hai về thành phố Trung cổ với thành lũy kiên cố và một lịch sử hào hùng của Dubrovnik.

Tôi đã từng đến thăm Dubrovnik trước, nên lần này tôi muốn có nhiều thì giờ đi thăm Bảo tàng viện của Dòng ĐaMinh tại đây, xem một số những di tích thánh được các Cha Dòng lưu trữ lại, những bức danh họa của các nghệ sĩ tiếng tăm, và các đồ trang sức của các Vua chúa liên quan tới lịch sử hưng vong cũng như thua cuộc của thành phố này. Thăm các thánh đường nguy nga và các dinh thự với kiến trúc baroc đặc biệt. Và một lần nữa đi dạo trên đường tường chiến lũy bao quanh thành để cảm nghiệm được vẻ huy hoàng và sắc đẹp lộng lẫy một thành được xậy từ thời Trung cổ, nhưng vẫn còn tồn tại dù trải qua bao cuộc tấn công và chiến tranh giành giật. Một số vết thương chiến cuộc vẫn còn đó, nhưng không hề làm mất đi nét đẹp kiêu sa của thành này. Mời qúi vị xem những hình ảnh đã được ghi lại thì cũng sẽ cảm nghiệm được... Lời không thể diễn tả hết...

Vài nét lịch sử thành Dubrovnik

Dubrovnik là một thành phố cổ trên bờ biển Adriatic tại cực nam của Croatia. Đây là một trong những khu du lịch nổi bật nhất của Địa Trung Hải, một hải cảng và trung tâm của của miềm Neretva. Dân số khoảng 43.000 trong năm 2011. Dubrovnik là biệt danh "Hòn ngọc Adriatic" và được UNESCO công nhận là “thành phố làm bằng đá và ánh sáng” và liệt kê như là một Di sản Thế giới từ năm 1979.

Thành phố Dubrovnik (tiếng Latin gọi là Ragusa) được xây dựng nhờ trục giao lưu thương mại hàng hải. Lúc đầu được người Roma thành lập và cư ngụ.Trong thời Trung cổ, là thành phố quốc gia, có một thời cạnh tranh ngang ngửa với thành phố Venice tuyệt vời của Ý.

Thành Dubrovnik nhờ sự giầu có và đường lối ngoại giao nó đã đạt được mức độ sự phát triển đáng kể trong thế kỷ 15 và 16. Đây cũng là một trong những trung tâm phát triển ngôn ngữ Croatia và văn học, nơi có nhiều nhà thơ đáng chú ý, nhà soạn kịch, họa sĩ, nhà toán học, vật lý và các học giả khác.

Dubrovnik có nhiều kiến trúc với chi tiết điêu khắc và cảnh quan tuyệt đẹp, tự hào vì có nhiều nhà thờ, tu viện, viện bảo tàng và đài phun nước ngoạn mục.

Dubrovnik là một trong nhiều thị trấn và du ngoạn điển hình trong khu vực này, bao gồm: Quần đảo Elaphiti, thị trấn hấp dẫn Cavtat, thung lũng Konavle, Đảo Mljet, Đảo Korčula, Đảo Ston và bán đảo Peljesac. Các thị trấn lân cận là Kotor và Perast ở Montenegro hay Mostar ở Bosnia và Herzegovina là nhưng điểm du lịch và thăm viếng rất hấp dẫn.

Ngôn ngữ chính thức của Dubrovnik cho đến năm 1472 là tiếng Latin. Sau đó, Thượng viện Cộng hòa đã quyết định rằng ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa sẽ là ngôn ngữ Ragusan thuộc ngôn ngữ Dalmatian Romance. Mặc dù ngôn ngữ Latin cũng còn được sử dụng, người dân bản xứ chủ yếu dùng ngôn ngữ Slave và ngôn ngữ Dalmatian cũng được sử dụng tại đây.

Những nơi đáng tham quan trong thành phố cổ:

• Cột Roland (ở phía trước của tháp chuông). Kể từ khi thành lập vào năm 1950, Lễ hội Dubrovnik mùa hè chính thức khai mở bằng cách nâng cao một lá cờ mang phương châm "Libertus - Tự Do” của thành phố.

• Tháp chuông Bell Tower, (nằm ở lối vào Ploce). Trên đỉnh tháp nổi tiếng Zelenci (Tháp mầu xanh lá cây), nơi có tượng đồng và chuông khổng lồ đánh mỗi giờ.

• Lâu đài Sponza Palace là cung điện thời Phục hưng xây kiểu Gothic, một trong những tòa nhà còn xót lại qua trận động đất thảm khốc vào năm 1667.

• Cửa Pile ở cuối phía tây công trường Placa Stradun trong Phố cổ. Đây chính là địa điểm thuận tiện nhất khi muốn bắt đầu cuộc đi dạo phố cổ Old Town và pháo đài Fort Lovrjenac. Từ đây có thể nhìn bao quát Phố Cổ và tường thành.

• Công trường Placa Stradun là con đường trung tâm của thành phố Dubrovnik. Qua các đường phố quanh co này, ta khám phá những sắc thái của Phố Cổ và các lối đi trên ngoằn nghèo của nó. Phần đa số các nhà ở tại công trường Placa và các cửa hàng trên mặt đường xây theo lối kiến trúc kiểu Baroque. Ngày nay, Placa vẫn là trung tâm mua sắm và là địa điểm tổ chức các sự kiện lớn.

• Giếng Onofrio Fountain. Qua cửa Pile ở phía tây của khu phố cổ là cầu thang và đài phun nước. đây là nơi giới trẻ ưa thích gặp gỡ nhau, khách du lịch ngồi ngắm chim bồ câu tụ tập rất nhiều.

• Fort Lovrijenac. Các pháo đài hoành tráng xây có khi cao trên 37 m. Pháo đài và tường thành giữ vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của thành phố. Pháo đài và tường thành có mục tiêu quốc phòng, và ý tưởng chính là để bảo vệ sự tự do của dân thành Dubrovnik.

• Tường Thành Dubrovnik được bao quanh bởi các bức tường thành phố 2 km dài, nổi tiếng trên toàn thế giới. Có 3 lối vào các bức tường thành phố: Stradun cửa Pile, cổng vào pháo đài Saint John và cổng chỉnh. Đi bộ trên các bức tường xung quanh phố cổ, chúng ta có được tầm nhìn tuyệt vời bao quát khắp nơi. Một cảnh quan vĩ đại và đẹp mắt không tưởng tượng nổi nó đẹp như vậy. Nhìn vào bên trong bức tường thành phố, chúng ta sẽ thấy 2 pháo đài là Fort Minceta và John Fort.

• Minceta Fort là một trong những địa điểm văn hóa nổi tiếng đẹp nhất tại Dubrovnik. Nó nằm ở phía tây bắc của thành phố bên trong các bức tường thành phố. Nó được xây dựng theo thiết kế của thời Phục Hưng và thời Juraj Dalmatinac. Từ Tháp Thánh Luca, bạn có thể nhìn bào quát tường thành phố. Tháp nhà thờ Thánh Luca bảo vệ lối vào bến cảng Dubrovnik trong suốt lịch sử của thành phố.

• Tu viện Phanxicô ở Placa số 2. Tu viện này này đẹp được xây theo kiểu Baroque, Đây là tu viện Công Giáo và có hiệu thuốc lâu đời nhất thứ ba trên thế giới.

• Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria Lên Trời là nhà thờ ban đầu được xây dựng bằng tiền đóng góp của thập tự quân Richard Lionhearted người sống sót sau vụ đắm tàu trên đường về nhà từ cuộc Thập tự chinh thứ ba.

• Tu viện Dòng Đa Minh. Đây là một quần thể di tích lịch sử đặc biệt có giá trị, trong đó, bên cạnh các di tích tôn giáo, còn có các tác phẩm rất giá trị quan trọng vì nghệ thuật cổ Dubrovnik.

Vài nét về Cộng hòa Croatia

Trong Thế chiến II, Dubrovnik trở thành một phần của Đồng minh Đức Quốc xã, đầu tiên thành này bị chiếm đóng bởi đội quân của Ý, rồi sau ngày 8 tháng 9 năm 1943, bị quân đội Đức chiếm đóng. Trong tháng 10 năm 1944, quân du kích của tướng Titô tiến vào Dubrovnik, rồi sau đó trở trở thành một phần của Nước Cộng sản Nam Tư. Ngay sau khi vào thành phố, Du kich Cộng sản Tiô bắt giam và đấu tố 78 công dân có ảnh hưởng, bao gồm cả các linh mục Công Giáo.

Quân Cộng sản Titô tiếp tục cai trị thành này trong vài năm tới và họ tiếp tục truy tố người Croatia mà đỉnh điểm là ngày 12 tháng 4 năm 1947 chúng bắt và cầm tù hơn 90 công dân của Dubrovnik.

Thành Dubrovnik bị ném bom nặng nề trong chiến tranh Croatia giành độc lập từ 1991 đến 1995. Hầu như tất cả các thiệt hại đã được sửa chữa, tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ xung quanh thị trấn cũ, sự thiệt hại hãy còn lộ rõ qua các vết đạn trên tường các đường phố và các dấu đạn tại các ngôi nhà bằng đá.

Croatia và Slovenia, tại thời điểm trước đó hai quốc gia này vẫn thuộc nước xã hội Cộng hòa Liên bang Nam Tư, nhưng vào năm 1991, họ tuyên bố độc lập. Và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Croatia đã được đổi tên thành Cộng hòa Croatia. Lịch sử ghi nhận rằng vào ngày 01 Tháng Mười 1991 Dubrovnik bị tấn công bởi quân Cộng sản Nam Tư với một cuộc vây hãm Dubrovnik kéo dài bảy tháng. Các cuộc tấn công pháo binh nặng nhất là vào ngày 06 Tháng Mười Hai với 19 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Nhưng cuối củng Croatia vẫn lấy lại được nền độc lập và tự do.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chung Sức
Nguyễn Ngọc Liên
20:58 21/09/2015
CHUNG SỨC
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Chung vai, chung sức, chung lòng
Dù cho chuyện khó cũng xong mọi bề.
(bt)