Ngày 28-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự gì Thiên Chúa kết hợp con người không được phân ly
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:42 28/09/2015
Chúa Nhật XXVII THƯƠNG NIÊN, năm B
Mc 10, 2-16

SỰ GÌ Thiên Chúa KẾT HỢP CON NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY

Gia đình là nền tảng của xã hội. Đối với người Công Giáo, gia đình là Giáo Hội nhỏ trong đó, đức tin được phát triển và lan tỏa khắp nơi. Gia đình là cái nôi để con cái được sưởi ấm, được giáo dục, được lớn lên trong đức tin. Đạo Công Giáo do Chúa Giêsu và bảy Bí tích cũng do Chúa thiết lập nên. Do đó, phép hôn phối là bất di bất dịch đúng như lời Chúa phán :” Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly “…

Thiên Chúa kết hợp người nam và người nữ là giao ước tình yêu. Hiệu quả của giao ước là “ hai người trở nên một “ như câu ca dao, tục ngữ Việt Nam viết :” Mình với ta tuy hai mà một.Ta với mình tuy một mà hai “. Thật là kỳ diệu, thật lạ lùng! Chúa thiết lập Bí tích hôn phối để bảo vệ tình yêu của con người :” Chúa dạy :” Lúc khởi đầu cuộc tạo dựng; Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó, người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ trở nên một huyết nhục.Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly “ ( Mc 10, 6-9 ). Đối với Thiên Chúa, bỏ nhau bất cứ vì lý do gì, hay ly dị là bất trung với hôn ước, bất trung với thánh ý của Thiên Chúa.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên Ađam, một người nam và sau đó, Ngài lại tạo dựng nên người nữ, đồng thời cho hai ông bà Ađam và Evà chung sống với nhau. Hôn nhân đã trở thành duy nhất và chung thủy. Hai ông bà nguyên tổ sống thật hạnh phúc trong vườn Địa Đàng…Tuy nhiên, khi ông bà phạm tội, lỗi lời Chúa: tội lỗi đã vào trần gian và cái chết đã đến cướp sinh mạng con người. Thực tế, ngay từ đầu cuộc sáng tạo vũ trụ, dựng nên con người, Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc, được sống với nhau trọn nghĩa thủy chung, nhưng rồi, vì tội lỗi, con người đã không giữ nghĩa với Chúa, nên họ cũng không chung thủy với nhau. Do đó, nhiều cặp vợ chồng đã chia tay, nhiều đứa con đã thiếu bóng cha, bóng mẹ. Họ đã sống khác điều Thiên Chúa dạy :” cả hai nên một huyết nhục “. Hãy nhìn lại lịch sử nhân loại, ta sẽ nhận ra ngay từ thời ông Môsê nhiều người đã đòi ly dị. Đến nỗi ông Môsê đã phải thốt lên những lời nặng nề đối với dân Chúa. Vua Đavít, một Vị Vua rất khôn ngoan, giỏi giang, nhưng sức mạnh của ma quỷ, sức quyến rũ của người nữ, đã làm Vua quên đi sự thủy chung với vợ của mình và đồng thời cũng quên đi sự trung thành với Thiên Chúa.Vua đã chiếm đoạt Uria. Vua Hêrôđê Antipas đã ham mê sắc dục, chiếm vợ của anh mình là Hêrôđia…Và cứ thế, nhân loại bất trung với thiên ý của Thiên Chúa trong việc đơn hôn và vĩnh hôn.

Sở dĩ, Chúa Giêsu bảo vệ hôn nhân là để gia đình được sống hạnh phúc với nhau và để con cái được cha mẹ giáo dục tốt, tránh việc con cái bị cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, và tránh các em lang thang đầu đường xó chợ, lang thang bụi đời vv…Vợ chồng trong lúc nóng giận dễ làm bừa, làm càn, làm ẩu, nên dễ gây ra cảnh đổ vỡ tang thương. Một sự nhịn là chín sự lành. Cơm sôi bớt lửa là như thế. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu ôm các trẻ em, Ngài muốn dạy mọi người hãy nhìn vào con cái, chúng vô tội, đơn sơ, trong trắng, đừng làm cho chúng đau khổ. Nếu cha mẹ “ cơm không lành canh không ngọt “, hãy nhìn đến những đứa con mà quên đi thử thách, hận thù, hãy vì con hay vì tình yêu, vì lời Chúa dạy mà tiếp tục quên đi, hàn gắn vết thương mà sống hạnh phúc với nhau. Hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô yêu thương các em bé, ôm hôn chúng là hình ảnh tuyệt đẹp chính Chúa Giêsu đã làm khi xưa trong Kinh Thánh thuật lại.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến đổi mới các bạn trẻ, các bậc cha mẹ để tất cả biết tôn trọng hôn ước mà chính họ đã làm nên khi củ hành Bí tích hôn phối. Xin Chúa chúc lành cho mọi gia đình để các gia đình luôn biết sống thủy chung với nhau, cùng là thi hành ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Bí tích hôn phối do ai thiết lập ?
2. Ai làm nên Bí tích hôn phối ? Linh mục chứng hôn hay đôi hôn phối ?
3. Đơn hôn và vĩnh hôn là gì ?
4.Tại sao con người lại đòi ly dị nhau ?
5.TRở nên một huyết nhục nghĩa là gì ?
 
Lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần
Lm. Anthony Trung Thành
08:12 28/09/2015
LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
MICHAEN, GABRIEN VÀ RAPHAEN

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ kính các tổng lãnh thiên thần Micaen, Gabrien và Raphaen. Xin được gợi ý suy niệm ba điểm sau đây: Sự hiện diện của các thiên thần; sứ mạng của các ngài; nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần.

1. Sự hiện diện của các thiên thần
Là người Kitô hữu, chúng ta xác tín về sự hiện diện của các thiên thần. Có vô số các thiên thần. Có các tổng lãnh thiên thần. Có các thiên thần bản mệnh. Đó là chân lý đức tin. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 328 dạy rằng: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thân xác mà Thánh Kinh thường gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như toàn thể Thánh Truyền”.
Thật vậy, từ Cựu Ước sang Tân Ước, nơi này nơi khác làm chứng cho chúng ta về sự hiện diện của các Thiên Thần. Xin được đơn cử một vài dẫn chứng:
Thánh vịnh 103 diễn tả:
“Chúng tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ
Bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người
Luôn sẵn sáng phụng lệnh” (Tv 103,20)
Các Thiên Thần hát mừng Chúa trong đêm Giáng Sinh: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."(Lc 2,13-14)
Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến các Thiên Thần. Ngài cho biết rằng, dù là kẻ bé mọn thì cũng có các Thiên Thần đồng hành, gìn giữ: “Anh em coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt 18,10). Ngài cho biết thêm: trong cuộc phán xét chung, khi Con Người đến trong vinh quang, có các thiên thần theo hầu (x. Mt 25,31). Và Sau khi sống lại, con người giống như các thiên thần (x.Lc 20,36). Và trong đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với ông Nathanaen rằng: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người"(Ga 1,51).
Thỉnh thoảng các tông đồ cũng nhắc tới sự hiện diện của các thiên thần. Thánh Phêrô nhắc đến các thiên thần dữ: “Thiên Chúa sẽ không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm giữ họ để chờ chuộc phán xét” (2Pr 2,4). Trong bài đọc thứ nhất, sách Khải huyền nói đến sự giao chiến giữa thiên thần Micaen với Con Mãng Xà (Kh 12,17). Thánh Phaolô nhắc đến tên tổng lãnh thiên thần, Ngài nói: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên”(1Tx 4,16).
Như vậy, niềm tin vào sự hiện diện của các thiên thần là niềm tin chắc chắn, vì có nền tảng từ Thánh Kinh và Thánh Truyền.

2. Sứ mệnh của các thiên thần
“Ngay từ khi Chúa sáng tạo trời đất, các thiên thần luôn có mặt, và suốt lịch sử cứu độ, các ngài đã hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa”(x.Giáo lý HTCG số 332).
Thánh Augustinô nói rằng: “Tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính”. Thường chúng ta nghe kể đến ba Tổng lãnh thiên thần mà Giáo Hội mừng kính hôm nay: Micaen, Gabrien và Raphaen. Tổng lãnh thiên thần Micaen với danh hiệu là “Ai bằng Thiên Chúa”. Tổng lãnh Thiên thần Gabrien với danh hiệu là “Sức mạnh của Thiên Chúa”. Tổng lãnh thiên thần Raphaen với danh hiệu là “Linh dược của Thiên Chúa”. Ngoài ra, còn có vô số các thiên thần: “Các Ngài đã đóng lại vườn địa đàng, bảo vệ ông Lót, cứu chữa Agar và con bà này, ngăn lại bàn tay của ông Abraham, Lề Luật cũng đã được thông ban nhờ thừa tác vụ của các ngài. Các ngài đã dẫn đưa Dân Thiên Chúa. Các ngài đã loan báo những sự sinh con, và những ơn gọi, đã trợ tá cho các tiên tri”(x. Giáo lý GHCG số 332).
Sách Isaia diễn tả các thiên thần Xê-ra-phim đứng chầu: “Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay” (Is 6,2).
Các thiên thần luôn luôn chiêm ngưỡng thánh nhan của Cha Thầy trên trời (x. Mt 18,10). Các thiên thần là những người làm theo lời Thiên Chúa, luôn chú ý nghe lời Ngài, sẵn sàng để chờ lệnh của Thiên Chúa.
Các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Thiên thần Gabrien truyền tin cho Đức Mẹ (x.Lc 1,26-38) và ông Giacaria (Lc 1,5-25). Thiên thần Raphaen được sai đến với ông Tôbia để thi hành nhiệm vụ: dẫn đường, cưới vợ, chữa mắt và dâng những lời cầu nguyện của ông Tôbia và cô Sara lên trước nhan Thiên Chúa(x. Tb 12,12). Thiên Thần Micaen giao chiến với con Mãng Xà.
Các thiên thần có sứ mạng bảo vệ Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài. Từ khi sinh ra ở hang đá Bêlem, các thiên thần hát lời ngợi khen “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”(Lc 2,14). Các thiên thần đã bảo vệ tuổi thơ của Chúa Giêsu, phục vụ Ngài trong hoang địa, an ủi Ngài trong lúc hấp hối. Cũng chính các thiên thần đã “loan báo tin mừng”(Lc 2,10) khi đưa tin mừng của việc Nhập thể và của sự Sống lại của Chúa Kitô. Và cũng các thiên thần sẽ loan báo cuộc trở lại của Chúa Kitô, phục vụ cho cuộc thẩm phán(x. Giáo lý HTCG số 333).
Các thiên thần không những có sứ mạng phục vụ Chúa mà còn có sứ mạng phù hộ loài người. “Từ tuổi thơ cho đến chết, cuộc sống con người được các ngài bảo vệ và được các ngài cầu bầu cho. Mỗi tín hữu có bên cạnh mình một thiên thần như vị bảo vệ và như mục tử để hướng dẫn mình tới sự sống”(x. Giáo lý HTCG số 336). Các Giáo phụ không ngừng lặp lại rằng: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Ngài sai các thiên thần là một loài cao cả hơn chúng ta, để giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành. Các thiên thần biểu lộ lòng thương yêu săn sóc của người Cha đối với từng người chúng ta”.
Nói tóm lại, sứ mệnh của các thiên thần là phụng thờ Thiên Chúa và phù hộ loài người.

3. Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần
Từ nhỏ tôi rất ấn tượng về bức tranh “chết lành”. Trong bức tranh đó: Kẻ hấp hối là một người chồng đang âu yếm nhìn vào thánh giá Chúa. Có linh mục đang ban các bí tích sau hết. Có vợ con bên cạnh. Có Chúa ngự trên cao đang chờ đón. Đặc biệt, có các thiên thần. Một thiên thần đang ở bên cạnh giường để an ủi. Một thiên thần đang xua đuổi ma quỷ. Còn bức tranh “chết dữ”: Kẻ hấp hối cũng là một người chồng. Ông không nhìn thánh giá, không chịu lắng nghe linh mục khuyên bảo, không để ý đến người vợ yêu quý của mình. Ông chỉ nhìn vào bức hình của một cô gái đang còn trong tay ma quỷ (có lẽ là người tình). Vợ khóc lóc. Ma quỷ vây xung quanh giường, rắn rết, lửa hoả ngục… Còn thiên thần đang khóc và bỏ đi.
Sứ điệp của hai bức tranh đó mời gọi chúng ta: Hãy nghe theo sự hướng dẫn, thúc giục của các thiên thần. Hãy liên kết với các thiên thần, nhất là tổng lãnh thiên thần Micaen để đẩy lùi quỹ dữ dưới mọi hình thức đang vây bủa chúng ta: Vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (x.1Pr 5,8). Hãy xin thiên thần Gabrien giúp chúng ta biết mau mắn thưa xin vâng những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến trong cuộc sống hằng ngày. Hãy xin thiên thần Raphaen đồng hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta làm nhiều việc thiện. Xin Ngài dâng lên trước toà Chúa tất cả các việc lành chúng ta làm.
Ước gì, chúng ta luôn biết cộng tác với các thiên thần sống lành để được chết lành, đừng để thiên thần phải khóc khi nhìn thấy chúng ta sa hoả ngục như trong bức tranh “chết dữ” kia. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:52 28/09/2015
31. CẮT THỊT TẶNG VỢ.
NâT

Hoàng đế hạ lệnh đem thịt tặng thưởng cho các đại thần, đã muộn rồi mà viên quan quản lý không đến phân chia, Đông Phương Sóc bèn lấy kiếm cắt thịt và nói với các đồng liêu:
- “Mùa oi bức nên về sớm một chút”, nói xong bèn bưng thịt trở về nhà.
Ngày hôm sau, có người đem chuyện này nói với hoàng đế, hoàng đế liền triệu Đông Phương Sóc lại tra hỏi, Đông Phương Sóc lột mũ quỳ xuống tạ tội, hoàng thượng nói
- “Ông đứng dậy và nên tự mình trách mình”.
Đông Phương Sóc lại quỳ xuống lạy, nói:
- “Đông Phương Sóc hỡi, Đông Phương Sóc hỡi, vì đón nhận phần thưởng gấp gáp không thể chờ được, nên vô lễ biết bao à ! Lấy kiếm cắt thịt, anh dũng biết bao à ! Cắt thịt không nhiều, liêm khiết biết bao à ! Về nhà tặng vợ, nhân ái biết bao à !”
Hoàng đế cười lớn:
- “Ta kêu ông tự mình trách mình, nhưng ông lại nói để khen ngợi mình !”
Rồi lại tặng thưởng cho Đông Phương Sóc một trăm vò rượu và một trăm cân thịt, để ông ta đem về tặng vợ.
(Hán thư)

Suy tư 31
Đông Phương Sóc không biện tội cho mình, cũng không xin tha tội, ông chỉ thành thật nói lên tâm trạng của mình mà thôi, thế là ông ta không bị phạt, không bị cách chức, trái lại còn được vua thưởng rượu và thịt đem về.
Thành thật là một đức tính tốt, không những trong cuộc sống thường ngày, mà còn ngay cả trong đời sống linh đạo tu đức nữa, thành thật làm cho tâm hồn ta được thoải mái, bình an và vui sướng.
Người đời cần sống thành thật với nhau, các tu sĩ nam nữ cần phải sống thành thật hơn người đời gấp bội, vì bản tính của các tu sĩ là thành thật, không những thành thật với mọi người, mà cần phải thành thật ngay cả với chính bản thân của mình nữa.
Linh mục tu sĩ không cắt thịt tặng vợ như Đông Phương Sóc, nhưng cũng có lúc “cắt” tiền thau trong nhà thờ, cắt tiền quyên góp xây dựng nhà thờ để mua nhà riêng, sắm của riêng cho mình và cho bà con anh chị em của mình. Tại sao vậy ?
Thưa, bởi vì khi đã không thành thật với bản thân mình thì sinh ra kiêu ngạo, nói dối và gian trá, không những trong các việc nhỏ mà ngay cả trong các việc lớn nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:54 28/09/2015
NâT

16. Tất cả mọi sự tôi đều hiến dâng cho Thiên Chúa; nếu không có gì để hiến dâng thì đem cái nghèo khó của mình để dâng cho Thiên Chúa.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ lịch sử của Đức Thánh Cha trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ
VietCatholic Network
01:02 28/09/2015
Sáng thứ Năm 24 tháng 9, lúc 9:20 Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước lưỡng viện Hoa Kỳ.

Một quan sát viên cũng ghi nhận rằng Quốc Hội sắp sửa nghe Đức Phanxicô đọc diễn văn là quốc hội có tính Công Giáo nhất từ xưa đến nay.

Trong khi đất nước Hoa Kỳ và các nhà lập pháp liên bang nói chung càng ngày cáng trở nên đa dạng hơn về tôn giáo, thì dân số Công Giáo tại Quốc Hội đã gia tăng một cách đều đặn: 31% các nhà làm luật hiện nay tuyên bố mình thuộc Giáo Hội Công Giáo trong khi số người Công Giáo là cử tri của họ chỉ chiếm 22% dân số.

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói:

(Bản dịch của Vũ Văn An)

Thưa phó Tổng Thống

Ông Chủ Tịch

Các Thành Viên Đáng Kính của Quốc Hội,

Các bạn thân mến


Tôi hết lòng cám ơn qúi vị đã mời tôi nói chuyện với Buổi Họp Hỗn Hợp này của Quốc Hội trên “lãnh thổ của người tự do và là nhà của người dũng cảm”. Tôi dám nghĩ rằng lý do của lời mời này là vì tôi cũng là một người con của lục địa vĩ đại này, mà từ đó, tất cả chúng ta đã nhận được rất nhiều và cùng có trách nhiệm chung đối với nó.

Mỗi người con trai và con gái của một đất nước nào đó đều có một sứ mệnh, một trách nhiệm bản thân và xã hội. Trách nhiệm riêng của qúi vị trong tư cách thành viên của Quốc Hội là làm cho đất nước này tăng trưởng như một quốc gia, bằng sinh hoạt lập pháp của qúi vị. Qúy vị được kêu gọi bảo vệ và duy trì phẩm giá của các đồng công dân của qúi vị trong việc mưu tìm ích chung một cách không mệt mỏi và đầy khó khăn, vì đây là mục đích chính của mọi nền chính trị. Một xã hội chính trị lâu bền là xã hội coi mình có ơn gọi tìm cách thoả mãn các nhu cầu chung bằng cách kích thích việc tăng trưởng của mọi thành viên, nhất là các thành viên yếu kém hay gặp nguy cơ nhiều hơn. Sinh hoạt lập pháp luôn đặt căn bản trên việc chăm sóc người dân. Qúi vị được những người bầu mình mời gọi, kêu gọi và triệu tập cho sinh hoạt này.

Việc làm của qúi vị là một việc làm khiến tôi suy tư hai cách về nhân vật Môsê. Một đàng, vị tổ phụ và là nhà làm luật của Israel tượng trưng cho nhu cầu nhân dân muốn duy trì sống động cảm thức thống nhất của họ bằng phương tiện ban hành luật pháp công chính. Đàng khác, nhân vật Môsê trực tiếp dẫn chúng ta tới Thiên Chúa và do đó, tới phẩm giá siêu việt của con người nhân bản. Môsê cung cấp cho chúng ta một tổng hợp rất tốt về việc làm của qúi vị: qúi vị được yêu cầu, bằng luật lệ, che chở hình ảnh và họa ảnh đã được Thiên Chúa in trên mọi gương mặt con người.

Hôm nay, tôi muốn không những nói chuyện với qúy vị, mà còn qua qúi vị, nói chuyện với toàn thể dân chúng Hiệp Chúng Quốc. Tại đây, cùng với các đại diện của họ, tôi muốn mượn dịp này đối thoại với nhiều ngàn người nam nữ đang hàng ngày cố gắng làm một công việc lương thiện trong ngày, đem cơm bánh hàng ngày về nhà, dành dụm tiền bạc và từng bước xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình họ. Những người đàn ông và đàn bà này không chỉ lo nộp thuế, nhưng còn nâng đỡ đời sống của xã hội, một cách âm thầm. Họ sản sinh ra tình liên đới bằng các hành động của mình, và họ tạo ra các tổ chức nhằm chìa bàn tay giúp đỡ cho những người thiếu thốt nhất.

Tôi cũng muốn bước vào đối thoại với nhiều người cao niên vốn là kho khôn ngoan do kinh nghiệm tích góp, và đang tìm nhiều cách, nhất là việc làm thiện nguyện, để chia sẻ các câu truyện và các tầm nhìn thông sáng của mình. Tôi biết rằng nhiều người trong số họ đã về hưu, nhưng vẫn còn hoạt động; họ tiếp tục làm việc để bồi đắp lãnh thổ này. Tôi cũng muốn đối thoại với mọi người trẻ đang làm việc để thể hiện các hoài bão vĩ đại và cao qúi của họ, những người không để mình bị hướng dẫn sai lạc bởi những đề nghị dễ dãi, và là những người đang gặp những tình huống khó khăn, phần lớn do sự thiếu chín chắn của người trưởng thành. Tôi muốn đối thoại với tất cả qúi vị, và tôi muốn làm thế qua ký ức lịch sử của nhân dân qúy vị.

Chuyến thăm viếng của tôi diễn ra vào một thời điểm khi những người thiện chí nam nữ đang đánh dấu ngày kỷ niệm của một số người Hoa Kỳ vĩ đại. Bất chấp các phức tạp của lịch sử và thực tại yếu đuối nhân bản, những người nam nữ này, với đủ các dị biệt và giới hạn của họ, đã có thể làm việc rất cam go và đầy hy sinh bản thân, một số hy sinh cả mạng sống, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ lên khuôn cho các giá trị căn bản sống mãi trong tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Một dân tộc với một tinh thần như thế sẽ sống thoát nhiều cuộc khủng hoảng, căng thẳng và tranh chấp, trong khi vẫn luôn tìm được tài nguyên để tiến lên phía trước, và làm thế một cách đầy phẩm giá. Những người nam nữ này đem lại cho chúng ta cách nhìn và giải thích thực tại. Vinh danh ký ức của họ, chúng ta sẽ được linh hứng trong việc rút tỉa các dự trữ văn hóa sâu sắc nhất của chúng ta, ngay giữa các tranh chấp, và ngay ở đây, bây giờ, mỗi ngày.

Tôi muốn nhắc tới bốn người Hoa Kỳ sau đây Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.

Năm nay đánh dấu năm thứ một trăm năm mươi ngày ám sát Tổng Thống Abraham Lincol, người bảo vệ tự do, khổ công không mệt mỏi để “quốc gia này, dưới Thiên Chúa, có được sự nở sinh mới của tự do”. Muốn xây dựng một tương lai tự do, ta cần có lòng yêu mến ích chung và hợp tác trong tinh thần phụ đới và liên đới.

Tất cả chúng ta đều ý thức, và lo lắng sâu xa đối với tình thế xã hội và chính trị của thế giới ngày nay. Thế giới của chúng ta càng ngày càng là một nơi tranh chấp bạo động, hận thù và tàn ác thú tính, vi phạm nhân danh cả Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không tôn giáo nào không nhiễm các hình thức lừa đảo cá nhân hay cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa: chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới mọi loại chủ nghĩa cực đoan, bất kể là thuộc tôn giáo hay thuộc một loại khác. Chúng ta cần một cân bằng tế nhị để đánh tan thứ bạo lực nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hay một hệ thống kinh tế, trong khi vẫn bảo vệ tự do tôn giáo, tự do trí thức và các tự do cá nhân.

Nhưng còn một cám dỗ khác mà chúng ta phải đặc biệt đề phòng: đó là chủ nghĩa giản lược thái quá chỉ thấy tốt hay xấu; hay, nếu qúy vị muốn, chỉ thấy người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới đương đại, với những vết thương mở toang từng gây đau đớn cho không biết bao anh chị em của chúng ta, thế giới này đòi chúng ta phải đối chất với mọi hình thức phân cực nhằm phân chia nó thành hai phe nhóm vừa kể. Chúng ta biết rằng khi cố gắng giải thoát mình khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta rất có thể bị cám dỗ đi nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Mô phỏng hận thù và bạo lực của các bạo chúa và các kẻ sát nhân là cách tốt nhất để chiếm chỗ của họ. Đó là điều qúi vị, trong tư cách một dân tộc, luôn bác bỏ.

Thay vào đó, đáp án của chúng ta phải là một đáp án của hy vọng và hàn gắn, của hòa bình và công lý. Chúng ta được yêu cầu tập trung can đảm và trí hiểu để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế ngày nay. Ngay trong thế giới đã phát triển, các hậu quả từ các cơ cấu và hành động bất công cũng đang hết sức hiển nhiên. Các cố gắng của chúng ta phải nhắm vào việc phục hồi hy vọng, sửa chữa các sai lầm, duy trì các cam kết, và do đó phát huy phúc lợi các cá nhân và các dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau, như một, tiến lên phía trước trong một tinh thần huynh đệ và liên đới đổi mới, quảng đại hợp tác với nhau vì ích chung.

Các thách thức trước mặt ta ngày nay đòi phải có sự đổi mới tinh thần hợp tác trên, một tinh thần đã thực hiện được rất nhiều điều tốt lành suốt trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc. Sự phức tạp, tính nghiêm trọng và tính khẩn trương của các thách thức này đòi chúng ta phải góp chung các tài nguyên và các tài năng của chúng ta, và quyết tâm hỗ trợ nhau, trong khi vẫn tôn trọng các dị biệt và các xác tín lương tâm của chúng ta.

Trên lãnh thổ này, nhiều hệ phái tôn giáo từng đóng góp lớn lao vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Ngày nay cũng như trong quá khứ, điều quan trọng là tiếng nói đức tin cần được tiếp tục lắng nghe, vì nó là tiếng nói huynh đệ và yêu thương, luôn cố gắng phát sinh điều tốt nhất nơi mỗi cá nhân và nơi mỗi xã hội. Sự hợp tác như thế là tài nguyên mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu loại trừ các hình thức hoàn cầu của nạn nô lệ, phát sinh từ các bất công trầm trọng chỉ có thể khuất phục bằng những chính sách mới và các hình thức đồng thuận xã hội mới.

Đến đây, tôi nghĩ tới lịch sử chính trị của Hiệp Chúng Quốc, nơi dân chủ đã bén rễ sâu trong tâm rí nhân dân Hoa Kỳ. Mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và cổ vũ thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên lòng tôn trọng phẩm giá của họ. “Chúng tôi chủ trương các sự thật hiển nhiên sau đây, rằng mọi người được tạo dựng bình đẳng với nhau, rằng họ được Đấng Tạo Hóa của họ phú ban một số quyền lợi bất khả chuyển nhượng, rằng trong số các quyền lợi này có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên Ngôn Độc Lập, 4 tháng Bẩy 1776). Nếu chính trị thực sự buộc phải phục vụ con người nhân bản, thì đương nhiên nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tài chánh. Thay vào đó, chính trị là biểu thức của việc ta buộc phải sống như một, để, như một, xây dựng ích chung vĩ đại nhất: tức ích chung của một cộng đồng biết hy sinh tư lợi để chia sẻ các thiện ích, các quyền lợi, đời sống xã hội của mình, trong công lý và hòa bình. Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà điều này bao hàm, nhưng tôi khuyến khích qúi vị trong cố gắng này.

Đến đây, tôi cũng nghĩ tới cuộc diễn hành mà Martin Luther King từng hướng dẫn từ Selma tới Montgomery 50 năm trước đây như là một phần của chiến dịch thực hiện cho được “giấc mơ” của ông đối với các quyền dân sự và chính trị đầy đủ cho người Hoa Kỳ gốc Phi Châu. Giấc mơ ấy tiếp tục linh hứng cho tất cả chúng ta. Tôi vui mừng thấy Hoa Kỳ tiếp tục là lãnh thổ “mộng mơ” đối với nhiều người. Các giấc mơ dẫn tới hành động, tham dự, dấn thân. Các giấc mơ đánh thức những gì sâu nhất, thật nhất trong đời sống một dân tộc.

Trong mấy thế kỷ gần đây, hàng triệu con người tới lãnh thổ này để theo đuổi giấc mơ xây dựng một tương lai cho họ trong tự do. Chúng ta, những người của lục địa này, không sợ người nước ngoài, vì phần lớn chúng ta là người nước ngoài. Tôi nói điều này với qúi vị trong tư cách người con của các di dân, vì biết rằng rất nhiều người trong qúi vị cũng là con cháu của các di dân. Thảm họa thay, các quyền lợi của những người ở đây trước chúng ta nhiều không luôn luôn được tôn trọng. Với các dân tộc này và các quốc gia của họ, từ trái tim nền dân chủ Hoa Kỳ, tôi muốn tái khẳng định lòng cảm mến và đánh giá cao nhất của tôi. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên này đôi lúc đầy sóng gío và bạo động, nhưng khó có thể dùng các tiêu chuẩn hiện tại để phán xét quá khứ. Tuy thế, khi một người lạ giữa chúng ta kêu gọi chúng ta, chúng ta không nên lặp lại các tội lỗi và sai lầm của quá khứ. Hiện nay, ta phải quyết tâm sống cao thượng và công chính bao nhiêu có thể, như chúng ta từng giáo dục các thế hệ mới đừng quay lưng đối với “ngưòi hàng xóm” của chúng ta và mọi sự bao quanh ta. Xây dựng một quốc gia đòi ta phải thừa nhận điều này: chúng ta phải không ngừng liên hệ với người khác, bác bỏ não trạng thù nghịch để tiếp nhận não trạng phụ đới hỗ tương, trong một cố gắng liên lỉ làm hết sức ta. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều này.

Thế giới chúng ta đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng tỵ nạn có quy mô chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Hai. Cuộc khủng hoảng này đem lại cho chúng ta nhiều thách thức lớn lao và nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, cũng có hàng ngàn người đang được hướng dẫn chạy lên phía bắc để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho những người thân yêu của họ, để tìm các cơ may lớn lao hơn. Đó há không phải là điều chúng ta muốn cho con cái chúng ta không? Chúng ta không nên sửng sốt bởi con số của họ, nhưng đúng hơn nên coi họ như những con người, nhìn gương mặt họ và lắng nghe truyện kể của họ, cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể đối với tình huống của họ. Đáp ứng một cách luôn nhân đạo, công chính và huynh đệ. Chúng ta cần tránh cơn cám dỗ chung ngày nay là vất bỏ bất cứ điều gì bị coi là gây phiền hà. Chúng ta hãy nhớ Luật Vàng: “Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn” (Mt 7:12).

Luật Vàng trên đây chỉ cho chúng ta một hướng đi rõ rệt. Chúng ta hãy đối xử với người khác một cách say mê và cảm thương như ta muốn họ đối xử với ta vậy. Hãy mưu cầu cho người khác cùng các khả thể như chúng ta mưu cầu cho chính mình. Chúng ta hãy giúp đỡ người khác tăng trưởng, như chúng ta muốn được giúp đỡ vậy. Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn được an toàn, thì chúng ta hãy cho đi sự an toàn; nếu chúng ta muốn sống, chúng ta hãy cho đi sự sống; nếu chúng ta muốn có cơ may, chúng ta hãy cung cấp các cơ may. Thước chúng ta dùng đo người khác sẽ là thước mà thời gian sẽ dùng cho chúng ta. Luật Vàng cũng nhắc nhở chúng ta phải nhớ trách nhiệm của mình trong việc che chở và bênh vực sự sống con người trong mọi giai đoạn phát triển của nó.

Ngay từ đầu thừa tác vụ của tôi, xác tín trên đã dẫn tôi tới chỗ kêu gọi mọi cấp phải bãi bỏ án tử hình trên khắp thế giới. Tôi xác tín rằng đây là cách tốt nhất, vì mọi sự sống đều thánh thiêng, mọi con người nhân bản đều được phú ban cho một phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội chỉ có thể có lợi khi cải tạo những người phạm tội ác. Gần đây, các hiền huynh giám mục của tôi ở đây, tại Hiệp Chúng Quốc này, vừa lặp lại lời kêu gọi của họ đòi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi ủng hộ các ngài, mà còn đưa ra lời khuyến khích đối với tất cả những ai xác tín rằng hình phạt chính đáng và cần thiết không được vượt quá chiều kích hy vọng và mục đích cải tạo.

Trong thời gian này khi các quan tâm xã hội hết sức quan trọng, tôi không thể không nhắc đến Tôi Tớ Chúa là Dorothy Day, người thành lập Phong Trào Công Nhân Công Giáo. Chủ trương tranh đấu xã hội của bà, lòng say mê công lý và chính nghĩa người bị áp bức của bà đã lấy linh hứng từ Tin Mừng, từ đức tin của bà và từ gương sáng các Thánh.

Tại rất nhiều nơi trên thế giới, biết bao tiến bộ đã được thực hiện trong phạm vi này! Biết bao điều đã được thực hiện trong các năm đầu tiên của đệ tam thiên niên kỷ này để kéo người ta ra khỏi cảnh bần cùng! Tôi biết rằng qúi vị chia sẻ niềm xác tín của tôi rằng: còn nhiều điều nữa cần phải làm, và trong thời buổi khủng hoảng và kinh tế khó khăn, chúng ta không nên đánh mất tinh thần liên đới hoàn cầu. Đồng thời, tôi muốn khuyến khích qúi vị lưu ý tới tất cả những người ở quanh ta đang bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Cả họ nữa, họ cũng cần được đem lại hy vọng. Cuộc chiến đấu chống cảnh nghèo đói phải được đánh liên lỉ và trên nhiều chiến tuyến, nhất là ở chính các nguyên nhân của nó. Tôi biết rằng nhiều người Hoa Kỳ ngày nay, cũng như trong quá khứ, đang cố gắng đương đầu với vấn đề này.

Không cần phải nói, ai cũng biết một phần trong cố gắng trên là việc tạo ra và phân phối của cải. Việc sử dụng đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng thích đáng kỹ thuật học và việc sử dụng tinh thần kinh bang tế thế là các yếu tố chủ yếu của một nền kinh tế tìm cách hiện đại hóa, bao gồm và lâu bền. “Kinh doanh là một ơn gọi cao qúi, hướng về phía sản xuất của cải và cải thiện thế giới. Nó có thể là nguồn phong phú của thịnh vượng cho vùng nó hoạt động, nhất là nếu nó coi việc tạo ra công ăn việc làm là phần chủ yếu trong việc phục vụ ích chung của nó” (Laudato Si’, 129). Ích chung này cũng bao gồm trái đất, chủ đề chính của thông điệp tôi vừa trước tác ngõ hầu “bước vào cuộc đối thoại với mọi người về căn nhà chung” (ibid., 3). “Chúng ta cần một cuộc đàm đạo bao gồm mọi người, vì thách thức môi sinh mà ta đang kinh qua, cũng như gốc gác nhân bản của nó, có liên hệ và có ảnh hưởng tới mọi người” (ibid., 14).

Trong Laudato Si’, tôi kêu gọi một cố gắng can đảm và có trách nhiệm để “tái định hướng các bước đi của chúng ta” (ibid., 61), và để tránh các hậu quả trầm trọng nhất của việc xuống cấp môi sinh do sinh hoạt của con người gây ra. Tôi xác tín rằng ta có thể tạo được khác biệt, tôi tin chắc và tôi không hoài nghi gì việc Hiệp Chúng Quốc, và Quốc Hội này, có một vai rò quan trọng để thủ diễn. Nay là lúc dành cho các hành động và chiến thuật can đảm, nhằm thực thi một “nền văn hóa chăm sóc” (ibid., 231) và “một phương thức toàn bộ để diệt trừ nghèo đói, phục hồi phẩm gia cho người bỉ loại bỏ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (ibid., 139). “chúng ta có tự do cần thiết để giới hạn và điều hướng kỹ thuật” (ibid., 112); “để nghĩ ra các cách thông minh… nhằm khai triển và giới hạn các sức mạnh của ta” (ibid., 78); và để bắt kỹ thuật “phục vụ một thứ tiến bộ khác, một thứ tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, có tính xã hội hơn, và toàn diện hơn” (ibid., 112). Về phương diện này, tôi tin tưởng rằng các định chế học thuật và nghiên cứu xuất chúng của Hoa Kỳ có thể thực hiện một đóng góp có tính sinh tử trong những năm sắp tới.

Một thế kỷ trước đây, lúc bắt đầu có cuộc Chiến Tranh Lớn, cuộc chiến tranh bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV gọi là “cuộc tàn sát vô nghĩa”, một người Hoa Kỳ nổi tiếng khác đã ra đời: đó là Đan Sĩ Dòng Xitô Thomas Merton. Ông vẫn còn là nguồn gợi hứng thiêng liêng và một kim chỉ nam cho nhiều người. Trong cuốn tự thuật của mình, ông viết: “Tôi sinh ra đời. Bản tính vốn tự do, theo hình ảnh Thiên Chúa, tuy nhiên, tôi lại là tù nhân của chính bạo lực của mình và của chính lòng vị kỷ của mình, theo hình ảnh thế gian nơi tôi đã sinh ra. Thế gian này là hình ảnh Hỏa Ngục, đầy những người như tôi, yêu Thiên Chúa, thế nhưng lại ghét Người; sinh ra để yêu Người, nhưng lại sống trong sự sợ hãi đói khát vô vọng tự mâu thuẫn chính mình”. Trên hết, Merton là người của cầu nguyện, một nhà tư tưởng dám thách thức các điều chắc chắn của thời ông và mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo Hội. Ông cũng là người của đối thoại, người cổ vũ hoà bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.

Từ viễn ảnh đối thoại này, tôi muốn thừa nhận các cố gắng trong mấy tháng gần đây nhằm giúp vượt qua các dị biệt lịch sử liên quan tới nhiều giai đoạn đau đớn trong dĩ vãng. Tôi có bổn phận bắc cầu và giúp mọi người nam nữ thực hiện cùng một việc ấy bằng bất cứ cách nào có thể. Khi các quốc gia từng tranh chấp với nhau tái tục con đường đối thoại, một cuộc đối thoại rất có thể bị ngắt quãng vì những lý do chính đáng nhất, thì các cơ hội mới đã mở ra cho mọi người. Việc này từng đòi hỏi và còn đang đòi hỏi sự can đảm và dám làm, những điều không giống hệt như vô trách nhiệm. Nhà lãnh đạo chính trị tốt là người, nhờ lưu tâm đến lợi ích của mọi người, biết nắm lấy thời cơ trong trong tinh thần cởi mở và thực tiễn. Nhà lãnh đạo chính trị tốt luôn chọn giải pháp khai mở các diễn trình hơn là chiếm hữu không gian (xem Evangelii Gaudium, 222-223).

Phục vụ đối thoại và hòa bình cũng có nghĩa là thực sự quyết tâm trong việc tối thiểu hóa và, trong trường kỳ, chấm dứt các cuộc tranh chấp vũ trang khắp thế giới. Ở đây, chúng ta phải tự hỏi: Tại sao các vũ khí giết người lại được bán cho những kẻ mưu toan giáng các đau khổ chưa từng có xuống các cá nhân và xã hội? Buồn thay, như chúng ta biết, câu trả lời đơn giản là vì tiền: đồng tiền đẫm máu, mà thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng đáng xấu hổ và đáng kết tội này, chúng ta có bổn phận đối chất vấn đề và chấm dứt việc mua bán vũ khí.

Ba người con trai và một người con gái của lãnh thổ này, bốn cá nhân và bốn giấc mơ: Lincoln, tự do; Martin Luther King, tự do trong tính đa nguyên và không loại trừ; Dorothy Day, công bình xã hội và các quyền của con người; và Thomas Merton, khả năng đối thoại và mở lòng ra với Thiên Chúa.

Bốn đại diện của nhân dân Hoa Kỳ.

Tôi sẽ kết thúc chuyến viếng thăm của tôi tại đất nước qúi vị ở Philadelphia, nơi tôi sẽ tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Tôi mong ước rằng suốt chuyến viếng thăm của tôi, gia đình sẽ là chủ đề được lặp đi lặp lại. Gia đình đã chủ yếu xiết bao đối với việc xây dựng đất nước này! Và nó vẫn còn xứng đáng xiết bao để được chúng ta hỗ trợ và khuyến khích! Thế nhưng, tôi không thể dấu được sự lo âu của tôi đối với gia đình, hiện đang bị đe dọa, có lẽ chưa từng thấy trước đó, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các liên hệ nền tảng đang bị đặt thành nghi vấn, cũng như chính căn bản của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể lặp lại sự quan trọng và, trên hết, sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.

Cách riêng, tôi muốn kêu gọi sự lưu ý đối với các thành viên gia đình dễ bị thương tổn hơn hết, đó là giới trẻ. Với nhiều người trong số họ, một tương lai đầy tiềm năng đang đón chờ, thế nhưng rất nhiều người trẻ khác xem ra đã mất hướng và không đích nhắm, bị kẹt cứng trong mê hồn trận vô vọng của bạo lực, lạm dụng và tuyệt vọng. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của chúng ta, chúng ta không thể tránh được chúng. Chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt với chúng. Nói về chúng và tìm ra các giải pháp hữu hiệu, hơn là để mình sa lầy trong tranh luận. Có thể có nguy cơ quá giản luợc, nhưng chúng ta vẫn có thể nói được rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chuyên gây áp lực khiến người trẻ không thiết lập một gia đình, vì thiếu các khả thể đối với tương lai. Rồi chính nền văn hóa này lại đề nghị với giới trẻ quá nhiều giải pháp đến nỗi cuối cùng họ cũng không dám thiết lập một gia đình.

Một quốc gia sẽ được coi là vĩ đại khi bảo vệ tự do như Lincoln đã làm; khi phát huy nền văn hóa giúp người ta có khả năng “ước mơ” các quyền đầy đủ cho mọi anh chị em của mình, như Martin Luther King từng tìm cách thực hiện; khi cố gắng tranh đấu cho công lý và cho chính nghĩa của người bị áp bức, như Dorothy Day từng làm với việc làm không biết mệt của bà, vốn là hoa trái đức tin đã trở thành đối thoại và gieo rắc hoà bình trong phong thái chiêm niệm của Thomas Merton.

Trong các nhận định này, tôi cố gắng trình bầy một vài sự phong phú trong di sản văn hóa của qúi vị, của tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Tôi mong ước tinh thần này tiếp tục phát triển và tăng trưởng, để càng nhiều người trẻ càng hay có thể thừa hưởng và cư ngụ trên một lãnh thổ từng gợi hứng cho biết bao nhiêu người mơ ước.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ!
 
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ kết thúc cuộc gặp gỡ Các Gia Đình
Vũ Van An
01:24 28/09/2015
Theo CNN, trong thánh lễ ít nhất có khoảng 1 triệu tín hữu tham dự tại Philadelphia, Đức Phanxicô đã dẫn những người tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới và toàn thể thế giới Công Giáo hướng về Thượng Hội Đồng tháng Mười sắp tới ở Vatican, bàn về gia đình. Sau đây là nguyên văn lời ngài:

Hôm nay, lời Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với những hình ảnh mạnh mẽ và gợi suy nghĩ. Những hình ảnh thách thức chúng ta, nhưng cũng làm ta phấn khởi.

Trong bài đọc thứ nhất, Giosuê nói với Môsê rằng hai thành viên trong dân đang nói tiên tri, đang nói lời Thiên Chúa, mà chẳng có “bài sai” nào cả. Trong Tin Mừng, Thánh Gioan nói với Chúa Giêsu rằng các môn đệ đã ngăn cản một ai đó trừ qủy nhân danh Chúa Giêsu. Và sự ngạc nhiên là ở chỗ này: Cả ông Môsê lẫn Chúa Giêsu đều trách những người gần gũi nhất của các ngài là quá hẹp hòi! Há mọi người không đáng là tiên tri của lời Chúa đó sao! Há mọi người lại không thể làm phép lạ nhân danh Thiên Chúa đó sao!

Chúa Giêsu từng gặp thù nghịch từ những người không chấp nhận việc người nói và làm. Đối với họ, việc Người cởi mở đối với đức tin trung thực và thành thực của những người nam nữ không phải là thành phần của Dân Chúa chọn xem ra là điều không thể dung thứ. Về phần các môn đệ, các ngài hành động cách thiện ý. Nhưng cơn cám dỗ bị chướng tai gai mắt bởi sự tự do của Thiên Chúa, Đấng đổ mưa lên cả người công chính lẫn người bất chính (Mt 5:45), bỏ cả thủ tục bàn giấy, cửa quyền và phe phái, luôn đe dọa tính chân chính của đức tin. Thành thử phải bị cực lực bác bỏ.

Một khi đã hiểu ra điều trên, ta sẽ hiểu tại sao lời Chúa Giêsu nói về “chướng tai gai mắt”, “tai tiếng”, lại gay gắt như thế. Với Chúa Giêsu, tai tiếng thực sự “không thể dung thứ” hệ ở mọi điều bẻ gẫy và hủy diệt niềm tin tưởng của chúng ta vào việc làm của Chúa Thánh Thần!

Cha chúng ta sẽ không bị ai qua mặt về lòng đại lượng và Người tiếp tục gieo vãi hạt giống. Người gieo vãi hạt giống hiện diện của Người trong thế giới, vì “tình yêu hệ ở điều này: không phải chúng ta yêu Chúa mà là Chúa yêu ta” trước nhất (1Ga 4:10). Hệ ở việc tình yêu ban cho ta sự chắc chắn sâu xa này: Thiên Chúa tìm kiếm ta; Người chờ đợi ta. Chính sự tin tưởng này làm cho các môn đệ khuyến khích, hỗ trợ và nuôi dưỡng các điều tốt đang xẩy ra quanh họ. Thiên Chúa muốn mọi con cái của Người dự phần vào bàn tiệc Tin Mừng. Chúa Giêsu nói: “Đừng giam giữ bất cứ điều tốt nào, nhưng hãy giúp nó tăng trưởng”. Nêu nghi ngại đối với việc làm của Chúa Thánh Thần, cho người ta cảm tưởng việc làm này không hiện diện nơi những người “không thuộc nhóm mình”, không “giống mình”, là một cám dỗ nguy hiểm. Vì không những nó ngăn cản việc trở về với đức tin; nó còn hủ hóa cả đức tin nữa!

Đức tin mở “cánh cửa sổ” cho ta thấy sự hiện diện và việc làm của Chúa Thánh Thần. Nó chỉ cho ta thấy: giống như hạnh phúc, thánh thiện luôn được liên kết với những cử chỉ nhỏ bé. “Bất cứ ai cho các con một ly nước nhân danh Thầy cũng sẽ được tưởng thưởng hậu hĩnh” Chúa Giêsu nói thế (xem Mc 9:41). Các cử chỉ nhỏ bé này là những cử chỉ ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng mất hút giữa mọi điều khác ta làm, nhưng chúng làm cho mỗi ngày đều ra khác. Chúng là những điều âm thầm được mẹ, được bà, được cha, được ông, được con cái thực hiện. Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của dịu hiền, âu yếm và cảm thương. Như bữa tối đầm ấm ta trông mong lúc đêm khuya, bữa trưa sớm đợi một ai đó dậy sớm đi làm. Những cử chỉ chất phác. Như chúc lành trước khi ta đi ngủ, hoặc ôm hôn sau khi đi làm về nhà. Tình yêu được biểu lộ bởi những điều nhỏ bé, bởi việc lưu ý tới những dấu hiệu nhỏ bé hàng ngày làm chúng ta cảm thấy thoải mái như ở trong nhà. Đức tin tăng trưởng khi nó được đem ra sống và được tình yêu lên khuôn. Đó là lý do tại sao các gia đình, các mái ấm của ta là các Giáo Hội tại gia thực sự. Chúng là nơi thích đáng để đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin.

Chúa Giêsu dạy ta đừng giam giữ những phép lạ nhỏ bé trên. Thay vào đó, Người muốn ta khích lệ chúng, gieo vãi chúng. Người yêu cầu ta đi vào đời sống, đời sống hàng ngày của ta, để khuyến khích mọi dấu hiệu nhỏ bé đó của tình yêu, coi chúng như các dấu hiệu chỉ sự hiện diện sống động và tích cực của Người trong thế giới.

Do đó, ta có thể tự hỏi mình: Ta cố gắng sống cách này thế nào trong nhà, trong xã hội ta? Ta muốn để lại cho con cháu ta loại thế giới nào (xem Laudato Si’, 160)? Ta không thể một mình, tự ta, trả lời được câu hỏi này. Chính Thần Khí thách thức ta trả lời trong tư cách là thành phần của gia đình nhân loại vĩ đại. Căn nhà chung của chúng ta không thể dung thứ cho các chia rẽ vô sinh. Thách thức khẩn thiết phải bảo vệ căn nhà của chúng ta bao gồm việc cố gắng đem toàn thể gia đình nhân loại lại với nhau để theo đuổi một cuộc phát triển lâu bền và toàn diện, vì ta biết rằng sự vật có thể thay đổi (xem đã dẫn, 13). Ước chi con cháu ta tìm được nơi ta các khuôn mẫu và sáng kiến hiệp thông! Ước chi con cháu ta tìm được nơi ta những con người nam nữ có khả năng nối kết với người khác trong việc đem mọi hạt giống mà Chúa Cha đã gieo vãi tới chỗ đâm hoa kết trái trọn vẹn!

Một cách dằn giọng nhưng vẫn âu yếm, Chúa Giêsu dạy ta “Nếu các con, những kẻ xấu xa, mà còn biết ban quà tốt cho con cái các con, thì Cha trên trời còn ban nhiều Thần Khí biết bao cho những kẻ cầu xin Người!” (Lc 11:13). Những lời này chứa đựng biết bao khôn ngoan! Quả thật, nói về sự tốt lành và trong sạch của trái tim, những con người nhân bản chúng ta chẳng có bao nhiêu để chứng tỏ! Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, đối với con cái, ta có khả năng đại lượng vô hạn. Nên Người làm ta an lòng: chỉ cần ta có đức tin, Chúa Cha sẽ ban cho ta Thần Khí của Người.

Các Kitô hữu chúng ta, các môn đệ của Chúa, yêu cầu các gia đình thế giới giúp đỡ ta! Biết bao người trong chúng ta đang có mặt ở đây trong việc cử hành này! Điều này tự nó đã là một điều có tính tiên tri, một thứ phép lạ trên thế giới ngày nay. Đó không phải là tất cả chúng ta đều là tiên tri sao! Đó không phải là tất cả chúng ta đều cởi mở đối với các phép lạ tình yêu vì ích lợi của mọi gia đình thế giới, và nhờ đó, thắng vượt được tai tiếng của thứ tình yêu hẹp hòi, nhỏ mọn, tự đóng kín vào chính mình, thiếu kiên nhẫn đối với người khác sao!



Và sẽ đẹp đẽ xiết bao nếu ở khắp nơi, ngay ở phía bên kia các biên giới của mình, ta biết đánh giá cao và khuyến khích thứ tiên tri và thứ phép lạ này! Ta canh tân đức tin của mình vào lời Chúa, lời mời gọi các gia đình tín trung tiến tới sự cởi mở này. Lời này mời gọi tất cả những ai muốn chia sẻ tính tiên tri của giao ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một giao ước vừa sản sinh sự sống vừa biểu lộ chính Thiên Chúa!

Bất cứ ai muốn đem vào thế giới này một gia đình chịu dạy dỗ con cái biết hứng khởi trước mọi cử chỉ nhằm khuất phục sự ác, một gia đình chịu chứng tỏ điều này: Thần Khí đang sống động và đang làm việc, sẽ được chúng ta cám ơn và đánh giá cao. Bất kể họ thuộc gia đình nào, dân tộc nào, vùng nào hay tôn giáo nào!

Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta, các môn đệ Người, ơn xứng đáng có được sự trinh trong trong tâm hồn này, một sự trinh trong không bị chướng tai gai mắt bởi Tin Mừng!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Đền Thờ Đức Bà Cả sau khi về tới Rôma
Đặng Tự Do
08:02 28/09/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đền Thờ Đức Bà Cả vào sáng thứ Hai 28 tháng 9, sau khi ngài đáp xuống sân bay Ciampino của Roma.

Đức Thánh Cha đã mang một bó hoa đến đặt trước ảnh "Salus Populi Romani" - Đức Bà Là Phần Rỗi Của Dân Rôma. Đây là một ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi theo phong thái nghệ thuật Byzantine được đặt trong nhà nguyện Thánh Phaolô của Vương Cung Thánh Đường.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giữ truyền thống thăm ảnh Đức Mẹ trước và sau mỗi chuyến tông du của ngài.

Một số người đã chờ đợi để được gặp Đức Giáo Hoàng, ngài vẫy tay chào họ. Đức Thánh Cha đã tránh được các nhiếp ảnh gia trước khi khởi hành vào ngày thứ Bảy, 19 Tháng 9, vì chiều tối thứ Sáu ngài đã thăm trước rồi.
 
Thánh lễ bế mạc Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình tại Philadelphia
VietCatholic Network
09:42 28/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình được tổ chức ba năm một lần theo sáng ý kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1994. Đây cũng là Đại Hội Quốc Tế lớn nhất quy tụ các gia đình. Các thành phố lớn đã tổ chức Đại Hội là Roma (1994 và 2000), Rio de Janeiro (1997), Manila (2003), Valencia, Tây Ban Nha (2006), Mexico City (2009) và Milan (2012).

Đây là Đại Hội đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ bởi Hội Đồng Giáo Hòang về Gia Đình và Tổng Giáo Phận Philadelphia.

Chủ đề chính Đại Hội lần này là “Tình Yêu là Sứ Vụ của chúng ta”.

Tài liệu căn bản cho Đại Hội này là tập sách “Tình Yêu là Sứ Vụ của chúng ta: Gia Đình Tràn Đầy Sự Sống” của tổng giáo phận Philadelphia. Tài liệu đã được soạn thảo để giúp đỡ cho anh chị em giáo dân am hiểu đường lối giáo huấn của Giáo Hội về gia đình, hôn nhân, tính dục, con cái, nhân phẩm con người và đời sống thánh thiện.

Tài liệu căn bản bao gồm 10 chủ đề rất dể hiểu với 10 chương như sau:

• Mục đích tối hậu của con người
• Sanh sản nằm trong chương trình của Thiên Chúa
• Hôn nhân phản ảnh giao ước của Thiên Chúa
• Con cái là tương lai của nhân lọai,
• Các ơn gọi khác bổ túc cho hôn nhân
• Gia đình là một đơn vị kiểu mẫu trong xã hội
• Giáo Hội là người mẹ nuôi dưỡng mọi gia đình

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, lời Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với những hình ảnh mạnh mẽ và khơi gợi suy tư. Những hình ảnh thách thức chúng ta, nhưng cũng làm ta phấn khởi.

Trong bài đọc thứ nhất, Giosuê nói với Môsê rằng hai thành viên trong dân đang nói tiên tri, đang nói lời Thiên Chúa, mà chẳng có “bài sai” nào cả. Trong Tin Mừng, Thánh Gioan nói với Chúa Giêsu rằng các môn đệ đã ngăn cản một ai đó trừ qủy nhân danh Chúa Giêsu. Và sự ngạc nhiên là ở chỗ này: Cả ông Môsê lẫn Chúa Giêsu đều trách những người gần gũi nhất của các ngài là quá hẹp hòi! Há mọi người không đáng là tiên tri của lời Chúa đó sao! Há mọi người lại không thể làm phép lạ nhân danh Thiên Chúa đó sao!

Chúa Giêsu từng phải đối diện với sự thù nghịch từ những người không chấp nhận những lời Ngài và những việc Ngài làm. Đối với họ, việc Chúa Giêsu cởi mở đối với đức tin trung thực và chân thành của những người nam nữ không phải là thành phần của Dân được Chúa tuyển chọn xem ra là điều không thể dung thứ. Về phần các môn đệ, các ngài đã hành động theo ý ngay lành. Nhưng có cơn cám dỗ e sợ rằng tính chân thực của đức tin bị đe doạ trước sự tự do của Thiên Chúa, Đấng đổ mưa lên cả người công chính lẫn kẻ bất lương (Mt 5:45), bỏ qua các thủ tục hành chánh, cửa quyền và phe phái. Thành thử, điều đó phải bị cực lực bác bỏ.

Một khi đã hiểu ra điều này, ta sẽ hiểu tại sao lời Chúa Giêsu nói về “tai tiếng” lại gay gắt như thế. Với Chúa Giêsu, mọi điều bẻ gẫy và hủy diệt niềm tin tưởng của chúng ta nơi hoạt động của Chúa Thánh Thần là những tai tiếng thực sự “không thể dung thứ” được!

Cha chúng ta sẽ không bị ai qua mặt về lòng đại lượng và Người tiếp tục gieo vãi hạt giống. Người gieo vãi hạt giống hiện diện của Người trong thế giới , vì “tình yêu hệ tại ở điều này: không phải là chúng ta đã yêu Chúa trước nhưng chính Chúa yêu ta” trước hết (1Ga 4:10). Tình yêu ấy ban cho ta sự chắc chắn sâu xa này: Thiên Chúa tìm kiếm ta; Người chờ đợi ta. Chính sự tin tưởng này làm cho các môn đệ khuyến khích, hỗ trợ và nuôi dưỡng các điều tốt lành đang xẩy ra chung quanh họ. Thiên Chúa muốn mọi con cái của Người dự phần vào bàn tiệc Tin Mừng. Chúa Giêsu nói: “Đừng giam giữ bất cứ điều tốt nào, nhưng hãy giúp nó tăng trưởng” Nêu lên những nghi ngại đối với tác động của Chúa Thánh Thần, cho người ta cảm tưởng rằng tác động của Ngài không thể xảy ra nơi những người “không thuộc nhóm mình”, không “giống mình”, là một cám dỗ nguy hiểm. Vì không những nó ngăn cản việc hoán cải quay về với đức tin; nó còn hủ hóa cả đức tin nữa!

Đức tin mở “cánh cửa sổ” cho ta thấy sự hiện diện và việc làm của Chúa Thánh Thần. Đức tin chỉ cho ta thấy: giống như hạnh phúc, sự thánh thiện luôn được liên kết với những cử chỉ nhỏ bé. “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Chúa Giêsu nói thế (xem Mc 9:41). Những cử chỉ nhỏ bé này là những cử chỉ ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng mất hút giữa mọi điều khác ta làm, nhưng hàng ngày chúng đều tạo ra những khác biệt. Chúng là những điều âm thầm được mẹ, được bà, được cha, được ông, được con cái thực hiện. Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của dịu hiền, âu yếm và cảm thương. Như bữa tối đầm ấm ta trông mong lúc đêm khua, bữa trưa chuẩn bị trước cho ai đó dậy sớm đi làm. Những cử chỉ gia đình. Như chúc lành trước khi ta đi ngủ, hoặc cái ôm hôn sau khi đi làm về nhà. Tình yêu được biểu lộ bởi những điều nhỏ bé, bởi việc lưu ý tới những dấu chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chúng ta cảm thấy thoải mái như ở trong nhà. Đức tin tăng trưởng khi nó được đem ra sống và được khuôn đúc bởi tình yêu. Đó là lý do tại sao các gia đình, các mái ấm của ta là các Giáo Hội tại gia thực sự. Chúng là nơi thích đáng để đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin.

Chúa Giêsu dạy ta đừng giam giữ những phép lạ nhỏ bé trên. Thay vào đó, Người muốn ta khích lệ chúng, gieo vãi chúng. Người yêu cầu ta đi vào đời sống, đời sống hàng ngày của ta, để khuyến khích mọi dấu hiệu nhỏ bé đó của tình yêu, coi chúng như các dấu chỉ nói lên sự hiện diện sống động và tích cực của Người trong thế giới.

Do đó, ta có thể tự hỏi mình: Làm thế nào để cố gắng sống như thế trong gia đình, trong xã hội ta? Chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta loại thế giới nào (xem Laudato Si’, 160)? Chúng ta không thể tự một mình trả lời được câu hỏi này. Chính Thần Khí thách thức ta trả lời trong tư cách là thành phần của gia đình nhân loại vĩ đại. Căn nhà chung của chúng ta không thể dung thứ cho các chia rẽ vô sinh. Thách thức khẩn thiết phải bảo vệ căn nhà của ta bao gồm việc cố gắng đem toàn thể gia đình nhân loại lại với nhau để theo đuổi một cuộc phát triển lâu bền và toàn diện, vì ta biết rằng mọi sự đều có thể thay đổi (xem đã dẫn, 13). Ước chi con cháu ta tìm được nơi ta các khuôn mẫu và sáng kiến hiệp thông! Ước chi con cháu ta tìm được nơi ta những con người nam nữ có khả năng nối kết với người khác trong việc đem mọi hạt giống mà Chúa Cha đã gieo vãi tới chỗ đâm hoa kết trái trọn vẹn!

Một cách dằn giọng nhưng vẫn âu yếm, Chúa Giêsu dạy ta “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13). Những lời này chứa đựng biết bao khôn ngoan! Quả thật, nói về sự tốt lành và trong sạch của con tim, những con người nhân loại chúng ta chẳng có bao nhiêu để đưa ra! Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, đối với con cái, ta có khả năng đại lượng vô hạn. Nên Người làm ta an lòng: chỉ cần ta có đức tin, Chúa Cha sẽ ban cho ta Thần Khí của Người.

Các Kitô hữu chúng ta, các môn đệ của Chúa, yêu cầu các gia đình thế giới giúp đỡ chúng ta! Biết bao người trong chúng ta đang có mặt ở đây trong buổi lễ này! Điều này tự nó đã là một điều có tính tiên tri, một thứ phép lạ trên thế giới ngày nay. Đó không phải là tất cả chúng ta đều là tiên tri sao! Đó không phải là tất cả chúng ta đều cởi mở đối với các phép lạ tình yêu vì ích lợi của mọi gia đình của thế giới, và nhờ đó, thắng vượt được tai tiếng của thứ tình yêu hẹp hòi, nhỏ mọn, tự đóng kín vào chính mình, thiếu kiên nhẫn đối với người khác.

Và sẽ đẹp đẽ xiết bao nếu ở khắp nơi, ngay ở phía bên kia các biên giới của mình, ta biết đánh giá cao và khuyến khích thứ tiên tri và thứ phép lạ này! Ta canh tân đức tin của mình vào lời Chúa, lời mời gọi các gia đình tín trung tiến tới sự cởi mở này. Lời này mời gọi tất cả những ai muốn chia sẻ tính tiên tri của giao ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một giao ước vừa sản sinh sự sống vừa biểu lộ chính Thiên Chúa!

Bất cứ ai muốn đem vào thế giới này một gia đình chịu dạy dỗ con cái biết hứng khởi trước mọi cử chỉ nhằm khuất phục sự ác, một gia đình chịu chứng tỏ điều này: Thần Khí đang sống động và đang làm việc, sẽ được chúng ta cám ơn và đánh giá cao. Bất kể họ thuộc gia đình nào, dân tộc nào, vùng nào hay tôn giáo nào!

Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta, các môn đệ Người, ơn xứng đáng có được sự trinh trong trong tâm hồn này, một sự trinh trong của con tim không bị chướng tai gai mắt bởi Tin Mừng!

Trong những lời nguyện khác nhau được dâng lên để cầu cho Giáo Hội, và các gia đình cũng có một lời nguyện bằng tiếng Việt của chúng ta.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tránh mặt Đức Giáo Hoàng vì sợ quê?
Trần Mạnh Trác
12:54 28/09/2015


ĐGM phó Thaddeus Ma Daqin cuả Thượng Hải chắc đang thất vọng vì đã không được nhìn thấy cái bắt tay giữa Đức Giáo Hoàng và chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngài đã ước ao có cái bắt tay thân hữu ấy như là một dấu hiệu tan băng giữa Vatican và Trung Quốc.

"Tôi mong muốn cái bắt tay của họ," Ngài viết. "Nếu hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và nổi bật trên thế giới này, thực sự có một cái bắt tay thân thiện, thì không chỉ tôi, một người đàn ông nhỏ ở chân đồi Sheshan, ngoại ô Thượng Hải, cảm thấy vui xướng, mà sẽ là toàn thể thế giới".

Lộ trình công du cuả hai người đã chồng chéo lên nhau, nhưng không hề có cuộc gặp gỡ vì ông Tập Cận Bình cố tình tránh né, theo lời cuà bà Jane Perlez, đoàn trưởng nhóm phóng viên báo 'The New York Times' có nhiệm vụ theo dõi chuyến công du cuả ông Tập.

"Ông ấy cố gắng kéo dài thời gian dạo phố ở Seattle nhưng không phải là vì lý do có tình cảm với thành phố ấy" bà viết.

"(Cái lý do không nói ra là) tại Washington, một nhà lãnh đạo nổi tiếng hơn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đọc thông điệp trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vào sáng thứ Năm. Nhóm cố vấn của ông Tập muốn chắc chắn rằng DGH Phanxicô, được gọi là một vị Giáo Hoàng "siêu sao", phải rời thủ đô trước khi ông Tập hạ cánh xuống Washington DC, tức là mãi tới 05:00g chiều ngày hôm ấy."

"Một thời gian gấp rút như thế đã không cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc đủ thời gian để chuẩn bị cho một chương trình làm việc 'tế nhị' với Tổng thống Obama trong bữa ăn tối tại toà Bạch Cung. Các phụ tá cuả ông Tập cho biết các cuộc thảo luận có nhiều căng thẳng cao độ về nhiều vấn đề hàng đầu giữa hai nước, ví dụ như vấn đề an ninh trên Mạng," bà Jane Perlez viết.

Trước đó vào mùa xuân, khi Trung Quốc lên kế hoạch cho chuyến đi của ông Tập tới Washington, một số quan chức cuả Trung Quốc đã thăm dò khả năng trong đó ông Tập có thể đọc một thông điệp trước Quốc hội được không, đó là một vinh dự rất cao, mới dành cho ông Shinzo Abe, thủ tướng của Nhật Bản.

Những quan chức đó được trả lời một cách lịch sự rằng - với vị trí của Trung Quốc là một đối thủ hơn là một người bạn - thì điều đó không thiết thực.

"Chắc chắn ông Tập và các trợ lý của ông đã theo dõi chặt chẽ buổi nói chuyên cuả Đức Giáo Hoàng ở Quốc hội, và sự đón tiếp ở đó ra sao," bà Jane Perlez viết.

Mặc dù ông Tập cố tình giữ một khoảng cách giữa mình với Đức Giáo Hoàng, nhưng các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican hiện nay thì tương đối ấm hơn so với quá khứ.

Cả hai vị đã được bầu cùng một lúc, vào tháng ba năm 2013. "Tôi đã gửi thư cho Chủ Tịch Tập Cận Bình khi ông ta được bầu, ba ngày sau tôi", DGH đã nói như vậy. "Và ông ta đã trả lời cho tôi."

DGH cũng có nhiều cử chỉ hoà nhã khác. Và do đó khi Ngài bay qua Hàn Quốc (năm ngoái,) Ngài được Trung Quốc cho phép sử dụng không phận, một dấu hiệu thiện chí của ông Tập.

Đức Thánh Cha cũng đã bày tỏ lòng mong muốn được đến thăm Trung Quốc, nhưng cho đến nay thì chưa có lời gì từ ông Tập cả.

Việc ông Tập còn tránh né một cuộc gặp gỡ với DGH có lẽ chỉ là vấn đề thể diện.

"Đây là chuyến công du đầu tiên cuả ông Tập kể từ khi Internet trở nên khá mạnh mẽ ở Trung Quốc" là lời cuả giáo sư Zhan Jiang, dậy môn Báo Chí ở phân khoa Ngoại Giao cuả đại học Bắc Kinh.

"Sự phô trương long trọng, quyền lực và tiền bạc là các lo lắng hàng đầu của Trung Quốc," ông cho biết.

Nếu chỉ có như vậy mà thôi thì người ta vẫn còn nhiều hy vọng, bởi vì với đức nhân ái và cử chỉ khiêm nhượng, DGH chắc chắn không cạnh tranh với ông Tập về các hào nhoáng bên ngoài cuả người đời ấy.

Hoặc giả biết đâu ông Tập, sau khi quan sát sự thu hút cuả DTC, đã chẳng khám phá ra một cái chân lý? mà thi hào Rainer Maria Rilke đã noí "càng dùng tình thương mà đãi thì càng được nhiều hơn."
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mắng yêu "Các con là một lũ điên'
Trần Mạnh Trác
13:20 28/09/2015


"Các con đúng là một lũ điên" là lời mắng yêu cuả ĐTC với gia đình Zemborain, trong khi 4 đưá bé ôm chặt lấy Ngài, không thể rời ra được.

Gia đình anh Catire Walker và chị Noel cùng 4 đứa con đã thực hiện thành công một chuyến du hành dài 13 ngàn dặm (21 ngàn km, 14 lần chiều dài VN từ Bắc xuống Nam 1500km) từ Argentina tới Philadephia để tham dự Ngày Đại Hội Gia Đình Thế Giới. Cuộc du hành kéo dài 194 ngày, vượt qua 12 cửa khẩu biên giới, trên một chiếc xe 'van' Volkswagen đã cũ.

Anh Walker tạm nghỉ công việc tiếp thị thực phẩm cho các quán ăn cuả mình, dùng tiền tiết kiệm và vận động quyên góp thêm ở trên Mạng để trang trải chi phí cho chuyến đi. Trên đường, chị Noel lo dạy các đứa con tiếp tục việc học hành theo một chương trình trực tuyến cuả Argentina. Họ đã được hàng chục gia đình mời ở lại nhà.

DTC Phanxicô cho biết Ngài đã biết được chuyến đi cuả họ nhờ đọc bài cuả họ trên trang Facebook.

Trên trang Facebook cuả họ, họ viết như sau:

"Chúng tôi là một gia đình Argentina: Carmin (2 tuổi), Mia (5 tuổi), Dimas (8 tuổi), Cala (12 tuổi), Noël (38 tuổi) and Catire (40 tuổi). Vào tháng 3 2015, chúng tôi đã bắt đầu một cuộc hành hương (trên chiếc xe Kombi VW 1980) từ Buenos Aires, Argentina đi tới Philadelphia, USA, là nơi mà đại hội Gia đình Thế Giới sẽ họp có sự tham dự cuả DTC Phanxicô. Chúng tôi đã quyết định từ lâu là sẽ thực hiện dự án (project) mà chúng tôi mơ ước này khi các đứa con lớn đủ và để làm cho dự án trở thành một kinh nghiệm sâu sa về gia đình. Tại sao vậy?

Tán dương gia đình. Đó là một món quà mà chúng tôi muốn để lại làm gia sản cho các con cuả chúng tôi và để chia sẻ với những người khác. Chúng tôi không phải là đi dự một ngày lễ cũng không phải là tham gia một cuộc đua. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn bước ra ngoài và gặp gỡ các gia đình khác. Nhận biết họ, chia sẻ một phần của cuộc sống của họ, tìm hiểu để nắm lấy sự khác biệt cũng như sự giống nhau của chúng ta và nuôi dưỡng linh hồn chúng tôi bằng những kinh nghiệm sống trên cuộc hành trình này."


Mặc dù không có hy vọng được gặp riêng DGH, anh Walker cho biết họ nhận được một cú điện thoại vào lúc 06:00 sáng Chúa Nhật, cho biết DTC muốn gặp họ tại đại chủng viện Saint Charles Borromeo, nơi Ngài tạm trú.

"Chúng tôi không thể tin được điều đó. Họ gọi chúng tôi sáng nay (và), chúng tôi đã như bị một cú sốc," cô Noel cho biết. "Nó giống như là gặp lại với một người bạn cũ," cô kể lại về cuộc gặp. "Ngài thật là ấm áp. Ngài nói với chúng tôi, chúng tôi là một lũ điên. Ngài đùa như vậy."

"Còn các đứa bé thì ôm chặt lấy Ngài thật là lâu. Không thể bỏ ra được. Không có lễ nghi gì cả, không có hình thức nào cả, giống như là với một người bạn vậy," họ cho biết.

...

Gia đình Zemborain sẽ tiếp tục đi du lịch cho đến tháng mười, rồi sẽ bay về nhà từ Miami. Họ dự định gửi chiếc xe về bằng đường tàu thuỷ, nhưng đã có một người bà con tình nguyện lái chiếc xe từ Florida về Buenos Aires cho họ.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm nhà tù: “Tất cả chúng ta cần được tẩy sạch.”
Giuse Thẩm Nguyễn
13:06 28/09/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxico đến thăm nhà tù: “Tất cả chúng ta cần được tẩy sạch.”

PHILADELPHIA (AP). Có nhà lãnh đạo thế giới nào mà chỉ cần vài lời đã đưa ra được quan điểm của mình? Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxico, sau sáu ngày thăm Hoa Kỳ của Ngài, không cần nghe Ngài nói một lời, đơn giản chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của Ngài, thế là đủ.

Trong hội trường Quốc Hội, nơi sân cỏ của Nhà Trắng, trước sự giàu có và nổi tiếng của Manhattan, Ngài đã lịch sự nhưng không thoải mái lắm – nếu không nói là Ngài muốn coi đồng hồ để biết là Ngài sẽ phải ở đây bao lâu. Nhưng khi ăn trưa với những người sống lang thang trên đường phố ở Washington hay đùa vui với các em nhỏ di dân ở khu phố nghèo Harlem, thì toàn thân Ngài như bừng sáng, linh hoat và nhiệt tình hẳn lên.

Cũng một cung cách như thế, sáng nay tại trung tâm cải huấn Curran-Fromhold ở ngoại ô Philadelphia, Đức Thánh Cha đã nói chuyện và gặp gỡ khoảng 75 tù nhân và gia đình họ. Với những bước đi chậm rãi, Ngài đi đến từng phòng, nắm chặt tay và nhìn sâu vào mặt từng người một, thì thầm lời chúc lành cho những ai cần tới và choàng tay ôm những người đứng lên ôm chào Ngài. Có những người đã nhận lãnh được chuỗi mân côi do Đức Giáo Hoàng làm phép, một báu vật đem lại vui mừng hạnh phúc cho người nhận.

“Tôi sẽ không bao giờ cởi chuỗi hạt này ra!” Ruth Colon mừng vui kêu lên sau khi đeo chuỗi mân côi vào cổ mình. Cô Colon mới 35 tuổi đang thụ án một năm vì vi phạm luật tại ngoại, giống như bao tù nhân khác, cô bị choáng ngộp bởi cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng. “ Tôi không bao giờ dám mơ ước là mình sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng” và “Dĩ nhiên” cô nhìn xung quanh và tiếp tục nói “Tôi không bao giờ nghĩ là tôi lại ở đây.”

Colon và những bạn tù khác chỉ là một phần trong hệ thống tư pháp hình sự mà hiện nay đang giam giữ khoảng 2.2 triệu người ở Hoa Kỳ, một sự gia tăng 500 phần trăm trong ba thập niên vừa qua. Cải cách tư pháp hình sự là điều cả hai đảng cùng muốn và những người ủng hộ việc cải cách này đều nghĩ rằng liệu Đức Giáo Hoàng Phanxico có thể dùng uy tín của mình để đẩy mạnh cuộc cải cách này hay không.

Hiển nhiên là Ngài đã không. Trong bài phát biểu trước Quốc Hội, Đức Giáo Hoàng đã lên án việc kết án tử hình và kêu gọi loại bỏ trên toàn cầu những hình thức xử phạt tương tự, một sự thay đổi tuy nhỏ nhưng là một sự thay đổi quan trọng trong giáo lý Công Giáo. Đức Giáo Hoàng đã không, như ngài đã từng đề cập ở những nơi khác, nhắc đến tù chung thân, biệt giam hay những vấn đề gây tranh cãi về nhà tù, về hệ thống tư pháp, mặc dù thực tế là sẽ có hai vụ hành quyết dự trù sẽ diễn ra trong tuần tới ở bang Georgia và Oklahoma.

Tuy nhiên, những người mong mỏi hay ủng hộ chính sách đặc biệt nào đó đã không để ý đến cách Đức Giáo Hoàng trình bày vấn đề. Mục đích chuyến thăm này của Ngài rất đơn giản và rõ ràng, vì lợi ích của Giáo Hội qua nhiều thập niên hay thế kỷ chứ nào đâu phải vì vài phiên họp của Quốc Hội.

Dự án của Đức Giáo Hoàng Phanxico không gì khác hơn là việc chúng ta phải thay đổi cách chúng ta nhìn nhau. “Bất cứ xã hội nào, gia đình nào mà không thể chia sẻ hay nặng lòng quan tâm đến nỗi đau của con em mình mà chỉ coi đó là điều bình thường, điều dĩ nhiên” Đức Giáo Hoàng nói, “thì xã hội ấy bị lên án, vì vẫn tiếp tục là con tin của chính nó, là con mồi cho tất cả những gì gây đau đớn.”

Nói một cách khác, một điều kiện tiên quyết cần thiết cho một xã hội mà nó tách biệt con người xa nhau hay quên lãng con người thì xã hội ấy sẽ thỏa mãn với việc phân loại cá nhân, xác định loại người nào không xứng đáng được cứu. Đức Giáo Hoàng đã nghiêm khắc quở trách cái tư tưởng này. Ngài nói “ Chúa Jesus xuống thế gian để cứu chúng ta khỏi điều dối trá là không ai có thể thay đổi,” Ngài nhắc lại “ điều dối trá là không ai có thể thay đổi.”

Để có thể thay đổi, Đức Giáo Hoàng lập luận, tất cả thành phần xã hội cần loại bỏ mọi khoảng cách xa nhau giữa họ và những người mà họ đoán xét. Ngài đưa ra mô hình mà đã nhiều lần trong các bài giảng sáng Chúa Nhật. Ngài nói với các tù nhân: “ Tôi đến đây với tư cách là một mục tử, nhưng trên hết tôi là một người anh em, để chia sẻ thân phận của anh em và coi như thân phận của riêng tôi.”

Và như Ngài đã làm vào đầu mùa hè năm nay tại nhà tù bạo lực và đông đúc ở Bolivia, Đức Giáo Hoàng đã tự hạ mình hơn, Ngài nói “ Tất cả chúng ta cần phải được tẩy sạch, và tôi là người đầu tiên trong số đó.”

Khi Tổng Thống Obama thăm nhà tù liên bang vào mùa hè năm ngoái, ông là vị Tổng Thống tại chức đầu tiên làm việc này, sau khi đi thăm về, ông đã nhận xét, “Có, nhưng với ơn của Chúa”. Những lời Đức Giáo Hoàng nói sau bức tường nhà tù thì hơi khác. Ngài không nói “ Tôi có thể là một người trong họ” mà Ngài nói “Tôi là một người trong họ.”

Có thể là rất khó cho chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa qua người khác, như Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi quý dân biểu, nghị sĩ trong Quốc Hội hôm thứ Năm tuần trước. Nhưng đôi khi thậm chí nó còn khó hơn để chúng ta nhận ra chính mình nơi khuôn mặt anh em đồng loại.
 
Đức Thánh Cha thăm Dinh Độc Lập Philadelphia kêu gọi bảo vệ tự do tôn giáo
VietCatholic Network
17:04 28/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 3 giờ 15 phút chiều 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã từ đại chủng viện thánh Carlo Borromeo đi xe tới Công viên lịch sử độc lập quốc gia để gặp gỡ cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha và các người di cư khác.

Công viên lịch sử độc lập quốc gia rộng 22 hecta nằm bên trong thành phố Philadelphia và có nhiều đài kỷ niệm và dinh thự liên quan tới cuộc chiến tranh giành độc lập 1763-1783.

Hai đài kỷ niệm chính là Independence Hall và Liberty Bell Center. Independence Hall là dinh thự xây năm 1753, nơi đã diễn ra các cuộc thảo luận của Quốc hội lập hiến và công bố Tuyên ngôn độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776 cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Dinh thự này nằm trong danh sách Gia tài nhân loại của UNESCO. Liberty Bell “Qủa chuông hòa bình” là một trong các biểu tượng của nền Độc Lập Hoa Kỳ. Chuông được đúc tại Luân Đôn năm 1752 với hàng chữ. “Hãy công bố năm ân xá cho mọi người sống trong xứ” (Lv 25.10) và được đặt tại Toà

Nhà Quốc Gia Philadelphia, hồi đó là thủ đô tạm của Hoa Kỳ. Chuông được đánh lên để tụ họp các nhà làm luật vào đầu các phiên họp quốc hội, và để quy tụ dân chúng trong các cuộc hội họp công cộng. Sau khi được đúc lại chuông được các hiệp hội tranh đấu cho quyền bầu cử của nữ giới dùng, và trong thời chiến tranh lạnh hồi thập niên 1960 trở thành nơi tụ họp của các phong trào chủ hòa. Chuông cũng đã được đem đi triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới, và năm 2003 được để trong trung tâm xây cất cho mục đích này.

Xe díp chở Đức Thánh Cha đã đi một vòng để ngài chào dân chúng. Hai Tổng Giám Mục Gomez và Miller cùng với 5 đại diện cuộc gặp gỡ đã giới thiệu lên Đức Thánh Cha sách Thánh Kinh Công Giáo cho gia đình và cho giới trẻ và Thánh Giá cuộc gặp gỡ để ngài làm phép. Chúng sẽ thánh du trong mọi tiểu bang Hoa Kỳ để chuẩn bị cho các đại hội gia đình trên bình diện quốc gia của cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha. Các cuộc gặp gỡ này đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khởi xướng hồi năm 1972 để khích lệ các cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha trở thành các tác nhân trong cuộc sống của Giáo Hội Hoa Kỳ. Sau các đại hội năm 1977 và 1985, đại hội lần thứ 4 năm 2000 đã đem lại các kết quả tốt đẹp, vi thế nó được trải rộng kinh nghiệm ra cho các sắc dân và các nền văn hóa khác. Đại hội lần thứ 5 sẽ được triệu tập vào năm 2017.

Ngỏ lời với mọi người trong buổi gặp gỡ với đề tài “Tự do tôn giáo” Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến, một trong các cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là tại đây, trước Independence Mall, là nơi sinh ra Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Chính tại nơi đây các quyền tự do xác định đất nước này đã được công bố lần đầu tiên. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định rằng tất cả mọi người nam nữ đều đã được dựng nên bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa ban cho vài quyền bất khả nhượng, và các chính quyền hiện hữu để che chở và bảo vệ các quyền bất khả nhượng đó. Các lời rúng động này tiếp tục gợi hứng cho chúng ta ngày nay cũng như chúng đã gợi hứng cho các dân tộc khác trên toàn thế giới với mục đích chiến đấu cho quyền tự do sống phù hợp với phẩm giá của họ.

Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng, cũng giống như mọi chân lý, nó cần được liên lỉ tái khẳng định, biến thành của riêng và bảo vệ. Lịch sử của quốc gia này cũng là lịch sử của một nỗ lực liên lỉ cho tới nay để hình thành các nguyên tắc cao cả ấy trong cuộc sống xã hội và chính trị. Chúng ta hãy nhớ tới các cuộc chiến đấu lớn đưa tới chỗ huỷ bỏ chế độ nô lệ, trải dài các quyền bỏ phiếu, làm cho phong trào công nhân lớn lên, cố gắng từ từ để loại bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc và thành kiến chống lại các làn sóng di cư mới Điều này chứng minh cho thấy, khi một quốc gia cương quyết trung thành với các nguyên tắc thành lập, dựa trên việc tôn trọng phẩm giá con người, thì trở nên mạnh mẽ hơn và được canh tân.

Đức Thánh Cha nói thêm trong diễn văn: Nhớ lại qúa khứ đem lại ích lợi cho cuộc sống. Một dân tộc có ký ức, thì không lập lại các sai lầm quá khứ, trái lại tin tưởng nhìn các thách đố của hiện tại và tương lai. Ký ức cứu linh hồn của một dân tộc khỏi tất cả những gì hay những ai có thể mưu toan thống trị nó hay sử dụng nó cho các lợi lộc riêng tư. Khi việc thực thi đích thực các quyền liên hệ được bảo đảm cho các cá nhân và các cộng đoàn, thì họ không chỉ tự do thực hiện các tiềm năng riêng, mà cũng còn góp phần vào hạnh phúc và sự phong phủ của xã hội nữa.

Tại nơi biểu tượng này, tôi muốn suy tư về quyền tự do tôn giáo, là một quyền nền tảng nhào nặn kiểu chúng ta tác động giữa nhau một cách xã hội và cá nhân, với các ngưởi sống gần chúng ta nhưng có các quan điểm tôn giáo khác chúng ta. Rồi Đức Thánh Cha quảng diễn quyền tự do tôn giáo như sau:

Tự do tôn giáo chắc chắn bao gồm quyền thờ phượng Thiên Chúa một cách cá nhân và cộng đồng, như lương tâm nói với chúng ta. Nhưng tự bản chất của nó, tự do tôn giáo vượt trên các nơi thờ tự cũng như vượt trên lãnh vực cá nhân và gia đình.

Các truyền thống tôn giáo phục vụ xã hội qua sứ điệp chúng loan báo. Chúng mời gọi các cá nhân và các cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, là nguồn mọi sự sống, sự tự do và lòng tốt. Chúng nhắc nhớ chiều kích siêu việt của cuộc sống con người và sự tự do không thể giản lược trước mọi yêu sách quyền bính tuyệt đối. Chỉ cần nhìn lại lịch sử của thế kỷ vửa qua để thấy các tàn bạo vi phạm bởi các chế độ, yêu sách xây dựng thiên đàng dưới thế này, thiên dàng dưới thế kia, bằng cách thống trị các dân tộc, bắt họ phục tùng các nguyên tắc xem ra không thể tranh luận được, và bằng cách khước từ mọi loại quyền lợi đối với họ. Các truyền thống tôn giáo phong phú của chúng ta tìm cống hiến ý nghĩa và định hướng. “Chúng có một sức mạnh động viên luôn mở rộng ra các chân trời mới, kích thích tư tưởng, mở rộng tâm trí và sự nhậy cảm” (Evangelii gaudium, 256). Chúng mời gọi hoán cải, hoà giải, dấn thân cho tương lai của xã hội, hy sinh chính mình để phục vụ công ích, cảm thương những người thiếu thốn, Ở trọng tâm sứ mệnh tinh thần của chúng có việc công bố chân lý và nhân phẩm cũng như các quyền con người.

Đức Thánh Cha khẳng định thêm rằng : Các truyền thống tôn giáo của chúng ta nhắc nhớ chúng ta rằng, như là các bản vị con người, chúng ta được mời gọi nhận biết Đấng Khác, là Đấng mạc khải cho chúng ta biết căn tính tương quan trước mọi mưu toan thiết lập một sự đồng nhất, mà tính ích kỷ của kẻ mạnh, hay chủ trương thích nghi của kẻ yếu, hoặc ý thức hệ của kẻ ảo tưởng có thế tìm áp đặt trên chúng ta.

Trong một thế giới, trong đó các hình thức chuyên chế khác nhau tìm hủy bỏ quyền tự do tôn giáo hay tìm giảm thiểu nó thành một loại văn hóa hạng thấp không có quyền biểu lộ nơi công cộng, hay tìm sử dụng tôn giáo như cớ cho thù hận và tàn bạo, thì tín hữu của các tôn giáo khác nhau có bổn phận phải hợp tiếng với nhau để khẩn cầu hoà bình, khoan nhượng, tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nằm dưới sự toàn cầu hoá của mô thức kỹ thuật cai trị, cố ý đồng nhất hoá một chiều con người và tìm loại trừ các khác biệt và các truyền thống, biến chúng thành việc tìm một sự hiệp nhất hời hợt. Vì thế các tôn giáo có quyền và có bổn phận giúp hiểu rẳng có thể xây dựng một xã hội, trong đó có một chế độ đa nguyên lành mạnh, thật sự tôn trọng người khác và các giá trị như chúng là.

Đức Thánh Cha ca ngợi các người Quakers đã thành lập thành phố Philadelphia lấy hứng từ Tin Mừng liên quan tới phẩm giá con người và lý tưởng của một cộng đoàn hiệp nhất bởi tình yêu thương huynh đệ. Xác tín đó đã dẫn đưa họ tới chỗ thành lập một cộng đoàn thiên dàng của tự do tôn giáo và khoan nhượng, dấn thấn huynh đệ cho phẩm giá của mọi người, đặc biệt các người yếu đuối và dễ bị tổn thưong nhất. Và tinh thần đó đã trở thành tinh thân nóng cốt của Hoa Kỳ. Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1987: “Bằng chứng định đoạt sự cao cả của anh chị em là kiểu anh chị em tôn trọng mọi bản vị con người, đặc biệt của những người yếu đuối và không được bênh đỡ nhất” (Diễn văn từ biệt tại phi trường Detroit, 19-9-1987,3)

Đức Thánh Cha đã nhân dịp này cám ơn tín hữu mọi tôn giáo tìm phục vụ Thiên Chúa của hoà bình, xây dựng tình huynh đệ và trợ giúp người thiếu thốn, bênh vực phẩm gía sự sống trong mọi giai đoạn, bênh vực người nghèo và người di cư. Anh chị em là tiếng nói của họ, và nhiều người trong anh chị em một cách trung thực đã cho phép tiếng kêu của họ được lắng nghe. Với chứng tá thường gặp phải kháng cự mạnh mẽ này, anh chị em nhắc cho nền dân chủ Mỹ nhớ tới các lý tưởng, vì thế nó đã được thành lập, và nhớ rằng xã hội bị suy yếu đi mỗi lần và ở bất cứ đâu bất công thắng thế.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt khích lệ các anh chị em di cư nói tiếng Tây Ban Nha can đảm đương dầu với các khó khăn, và đừng quên rằng họ cũng có nhiều điều hay đẹp để đóng góp cho Hoa Kỳ là quốc gia mới của họ, giống như những thế hệ đi trước họ đã làm. Ngài xin họ đừng xấu hổ vì các truyền thống cao quý, căn tính và dòng máu của họ. Trái lại, cần sống như những công dân có tinh thần trách nhiệm góp phần xây dựng cuộc sống của các cộng đoàn một cách phong phú, nhất là đóng góp đức tin sống động mạnh mẽ và giúp canh tân xã hội.

Sau khi đọc kinh Lậy Cha và ban phép lành cho mọi người Đức Thánh Cha đã đi xe về đại chủng viện thánh Carlo Borromeo cách đó 10 cây số để nghỉ ngơi trước khi đến Franklin Parkway để chủ sự buổi canh thức cho các gia đình.
 
Diễn từ chia tay của Đức Thánh Cha vào tối Chúa Nhật 27 tháng 9 tại phi trường quốc tế Philadelphia
J.B. Đặng Minh An dịch
20:17 28/09/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến tông du của ngài đến Hoa Kỳ với lời cảm ơn tới các cơ quan chức năng và các nhà tổ chức Đại Hội Thế giới các gia đình năm 2015. Dịp này ngài cũng khích lệ các gia đình vươn tới cho sự thánh thiện.

Dưới đây là diễn từ chia tay của Đức Thánh Cha vào tối Chúa Nhật 27 tháng 9 tại phi trường quốc tế Philadelphia

Những ngày bên anh chị em ngắn ngủi quá. Nhưng đó là những ngày đầy ân sủng lớn lao đối với tôi, và tôi cầu nguyện cho anh chị em. Hãy biết rằng tôi chuẩn bị ra đi với một trái tim đầy lòng biết ơn và hy vọng. Tôi biết ơn tất cả anh chị em và nhiều người khác đã làm việc rất chăm chỉ để làm cho chuyến viếng thăm của tôi có thể thực hiện được, và để chuẩn bị cho Đại Hội thế giới về gia đình. Một cách đặc biệt tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Chaput và Tổng Giáo Phận Philadelphia, chính quyền dân sự, các tổ chức, và tất cả các tình nguyện viên cũng như các nhà hảo tâm đã cùng giúp đỡ dù ít dù nhiều.

Tôi cũng xin cảm ơn các gia đình đã chia sẻ chứng từ của họ trong cuộc gặp gỡ. Thật không phải là dễ dàng để nói một cách cởi mở về hành trình trong đời của mình! Nhưng sự trung thực và khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mỗi người chúng ta đã cho thấy vẻ đẹp của cuộc sống gia đình trong tất cả sự phong phú và đa dạng của nó. Tôi cầu nguyện rằng những ngày cầu nguyện và suy niệm về tầm quan trọng của gia đình đối với một xã hội lành mạnh sẽ truyền cảm hứng cho các gia đình tiếp tục phấn đấu cho sự thánh thiện và xem Giáo Hội như một bạn đồng hành thường xuyên của họ, dù bất cứ thách thức nào mà họ có thể gặp phải. Vào cuối chuyến thăm của tôi, tôi cũng xin cảm ơn tất cả những ai đã chuẩn bị cho chuyến viếng thăm tại tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn và New York.

Tôi đặc biệt xúc động khi tuyên Thánh cho Chân Phước Junipero Serra, là người đã nhắc nhở tất cả chúng ta về ơn gọi của mình như những môn đệ truyền giáo, và tôi cũng rất xúc động khi đứng cùng với anh chị em của các tôn giáo khác tại Ground Zero, là nơi mạnh mẽ nói lên mầu nhiệm sự ác. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc chắn rằng cái ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng, và rằng, trong kế hoạch từ bi của Thiên Chúa, tình yêu và hòa bình sẽ khải hoàn trên tất cả. Thưa ngài Phó tổng thống, tôi xin ngài lặp lại lòng biết ơn của tôi với tổng thống Obama và các thành viên của Quốc hội, cùng với sự bảo đảm về lời cầu nguyện của tôi cho người dân Hoa Kỳ.

Mảnh đất này đã được chúc phúc với những ân sủng to lớn và những cơ hội. Tôi cầu nguyện rằng tất cả các bạn có thể là những người quản lý tốt và quảng đại nguồn nhân lực và vật lực đã được tin tưởng giao phó cho các bạn. Tôi cảm ơn Chúa vì tôi đã có thể chứng kiến đức tin của dân Chúa ở đất nước này, được biểu hiện trong những khoảnh khắc chúng ta cầu nguyện chung với nhau và được minh chứng trong cơ man những công việc của các tổ chức từ thiện.

Chúa Giêsu nói trong Kinh Thánh: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, khi các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé mọn của Ta, là các ngươi đã làm cho Ta". Chăm sóc của các bạn dành cho tôi và sự chào đón hào phóng của các bạn là một dấu chỉ của tình yêu các bạn đối với Chúa Giêsu và niềm tin vào Ngài. Điều đó cũng đúng như vậy khi các bạn chăm sóc cho người nghèo, người bệnh, người vô gia cư và những người nhập cư, khi các bạn bảo vệ sự sống ở mọi giai đoạn, và dành quan tâm cho cuộc sống gia đình. Trong tất cả những điều này, bạn nhận ra rằng Chúa Giêsu đang ở giữa bạn và chăm sóc của bạn đối với tha nhân là chăm sóc cho chính Chúa Giêsu.

Khi tôi ra đi, tôi xin điều này cùng tất cả anh chị em, đặc biệt là các tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đã cùng giúp đỡ cho Đại Hội thế giới về gia đình: xin đừng để cho nhiệt tình của anh chị em đối với Chúa Giêsu, Giáo Hội của mình, gia đình của chúng ta, và gia đình rộng lớn hơn của xã hội bị tàn lụi. Cầu xin cho những ngày chúng ta cùng bên nhau đem lại những hoa trái lâu dài, lòng quảng đại và sự chăm sóc cho những tha nhân được tiếp tục lâu bền! Như chúng ta đã nhận được dư dật từ Thiên Chúa - những ân sủng được ban cho chúng ta cách nhưng không, và không phải do công trạng gì của chính chúng ta - vì vậy, hãy đáp lại bằng cách trao ban cho tha nhân nhưng không.

Các bạn thân mến, tôi ôm lấy tất cả các bạn trong Chúa và tôi phó thác các bạn cho sự chăm sóc từ mẫu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn Mạng của Hoa Kỳ. Tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn và gia đình, và tôi yêu cầu anh chị em, xin vui lòng cũng cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn. Xin Chúa phù hộ nước Mỹ!
 
Thánh lễ tại Nhà thờ chính toà hai thánh Phêrô Phaolô Philadelphia
VietCatholic Network
21:14 28/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Bẩy 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chặng thứ ba trong chuyến tông du Hoa Kỳ. Ngài đã đến phi trường Philadelphia lúc 8h sáng. Từ phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe tới nhà thờ chính tòa cách đó 16 cây số để chủ sự thánh lễ với các Giám Mục và linh mục với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ Phialadelphia và toàn bang Pensylvania. Nhà thờ chính toà kính hai thánh Phêrô Phaolô được xây năm 1846, theo mẫu nhà thờ thánh Carlo ở Roma, có 1500 chỗ ngồi

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lịch sử của Giáo Hội trong thành phố Philadelphia này là một lịch sử nói với chúng ta về các thế hệ Công Giáo dấn thân đi ra các vùng ngoại biên và xây dựng các cộng đoàn cho việc phụng tự, giáo dục, bác ái, và phục vụ xã hội nói chung.

Ngài nói:

Sáng nay, tôi học được môt điều liên quan tới lịch sử Ngôi Nhà Thờ Chính Tòa này: một lịch sử đàng sau những bức tường cao và các cửa sổ của nó.Tuy nhiên, tôi dám nói rằng lịch sử Giáo Hội tại thành phố này và tại Tiểu Bang này thực sự là một lịch sử, không phải chỉ về việc xây dựng các bức tường mà còn cả về việc hạ chúng xuống nữa. Đó là một lịch sử các thế hệ các người Công Giáo dấn thân nối tiếp nhau, những người đi tới các vùng ngoại vi để xây dựng các cộng đồng thờ phượng, giáo dục, bác ái và phục vụ xã hội nói chung.

Lịch sử này thấy rõ trong nhiều đền thờ của thành phố này, và trong nhiều nhà thờ giáo xứ; những tháp cao và tháp chuông của chúng làm bằng chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng các cộng đồng của ta. Lịch sử này thấy rõ nơi các cố gắng của mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân này, những người, với lòng tận tụy, suốt hơn hai thế kỷ qua, đã chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho người nghèo, di dân, người bệnh và tù nhân. Và lịch sử này thấy rõ nơi hàng trăm trường học nơi các tu sĩ nam nữ dậy trẻ em tập đọc tập viết, tập yêu mến Thiên Chúa và công bố Người, và đóng góp, trong tư cách các công dân tốt, vào đời sống xã hội Hoa Kỳ. Tất cả các điều này là một di sản lớn lao mà anh chị em đã tiếp nhận được, và anh chị em đã được kêu gọi phong phú hóa và lưu truyền.

Phần lớn những người trong anh chị em đều biết hạnh Thánh Nữ Catherine Drexel, một trong các vị thánh vĩ đại của Giáo Hội địa phương ở đây. Khi ngài trình bầy nhu cầu các xứ truyền giáo lên Đức Giáo Hoàng Léon XIII, vị Giáo Hoàng, vốn rất khôn ngoan này, hỏi ngài: "Còn con, con sẽ làm gì?". Những lời này đã thay đổi cuộc đời Thánh Catherine, vì chúng nhắc nhở ngài rằng dù sao, mỗi Kitô hữu nam hay nữ, vì phép rửa, đều đã tiếp nhận một sứ vụ truyền giáo. Mỗi người chúng ta đều phải hết lòng đáp lại lời kêu gọi của Chúa để xây dựng Nhiệm Thể Người là Giáo Hội.

‘‘Còn con?’’. Tôi muốn dừng lại ở hai khía cạnh của những chữ này trong ngữ cảnh sứ vụ đặc biệt của ta là thông truyền niềm vui Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội, bất luận chúng ta là linh mục, phó tế hay thành viên nam nữ của các viện sống thánh hiến.

Trước nhất, các chữ "Còn con?" đã được ngỏ với một người trẻ, một thiếu nữ với những lý tưởng cao đẹp, và chúng đã thay đổi đời sống cô. Chúng đã làm cô nghĩ tới trách vụ lớn lao cần phải chu toàn, và chúng đã dẫn cô tới chỗ hiểu ra rằng cô được kêu gọi dự phần vào đó. Ước chi người trẻ trong các giáo xứ của ta, trong các học đường của ta cũng có cùng những lý tưởng cao đẹp như thế, cùng một lòng quảng đại trong tinh thần và cùng một tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo Hội như thế! Tôi xin đặt cho anh chị em một câu hỏi: Chúng ta có nên phát động thách đố này với họ không? Chúng ta có dành cho họ một chỗ đứng và giúp họ chu toàn sứ vụ của họ không? Chúng ta có tìm cách để họ có thể chia sẻ niềm hứng khởi của họ và các ơn phúc của họ với các cộng đồng của ta, nhất là qua các công trình bác ái và chăm sóc người khác? Chúng ta có chia sẻ niềm vui và niềm hứng khởi phục vụ Chúa của chúng ta không?

Một trong các thách đố lớn lao nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu vào lúc này là khuyến khích mọi tín hữu có được cảm thức trách nhiệm bản thân đối với sứ mệnh của Giáo Hội, và chuẩn bị để họ có thể đảm nhiệm trách nhiệm này trong tư cách môn đệ truyền giáo, trong tư cách men Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Điều này đòi phải có tính sáng tạo để thích ứng với các thay đổi của hoàn cảnh, trong khi thông truyền di sản quá khứ không những bằng cách duy trì các cơ cấu và các định chế, là những điều vốn hữu ích, mà trước hết còn bằng cách mở lòng mình ra đón nhận những khả thể được Chúa Thánh Thần mạc khải cho ta và bằng cách thông truyền niềm vui Tin Mừng, hết ngày này qua ngày nọ và trong mọi giai đoạn đời ta.

‘‘Còn con?’’. Quả là tuyệt diệu khi những chữ của vị giáo hoàng già nua này được ngỏ với một nữ tín hữu giáo dân. Ta biết rằng tương lai của Giáo Hội, trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng, từ nay hằng đòi nơi người giáo dân một sự dấn thân tích cực hơn. Giáo Hội tại Hiệp Chúng Quốc đã luôn dành một cố gắng hết sức lớn lao cho việc dạy giáo lý và việc giáo dục. Ngày nay, thách đố của ta là xây dựng trên các nền tảng vững chắc này và khuyến khích cảm thức hợp tác và trách nhiệm chung vào việc lên kế hoạch cho tương lai các giáo xứ và các định chế của ta. Điều này không có nghĩa từ khước thẩm quyền thiêng liêng mà ta vốn được trao phó; nhưng đúng hơn, điều này có nghĩa biện phân và sử dụng cách khôn ngoan các ơn đa dạng mà Chúa Thánh Thần vốn ban phát trên Giáo Hội. Cách đặc biệt, điều này có nghĩa biết đánh giá sự đóng góp lớn lao mà các phụ nữ, cả giáo dân lẫn tu sĩ, đã mang vào và tiếp tục mang vào đời sống các cộng đồng ta.

Anh chị em thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì cung cách mỗi anh chị em dùng để đáp lại câu hỏi của Chúa Giêsu, Đấng đã linh hứng cho ơn gọi của chúng ta: "Còn con?". Và tôi khuyến khích anh chị em đổi mới niềm vui, niềm thán phục trước cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu này và rút ra được từ niềm vui này lòng trung thành và nghị lực đổi mới. Tôi nóng lòng chờ được hiện diện với anh chị em trong những ngày sắp tới và tôi xin anh chị em mang những lời chào âu yếm của tôi đến những ai không thể hiện diện với chúng ta, nhất là đến các linh mục, tu sĩ nam nữ cao niên, đang tham dự với chúng ta cách thiêng liêng.

Trong những ngày Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới này, tôi xin anh chị em, cách riêng, suy niệm về thừa tác vụ của ta cạnh các gia đình, cạnh các cặp đang chuẩn bị hôn nhân và cạnh giới trẻ. Tôi biết rằng trong các Giáo Hội đặc thù, nhiều người đã sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của gia đình và nâng đỡ họ trên đường đức tin. Tôi xin anh chị em sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình và cho các buổi bàn luận tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới.

Với lòng biết ơn đối với tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh, và với niềm tin tưởng vững chắc trước tất cả các nhu cầu của ta, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Mẹ rất thánh của ta. Với tình yêu mẫu tử, ước chi ngài bầu cử cho Giáo Hội Mỹ Châu, để Giáo Hội này tiếp tục lớn mạnh trong việc làm chứng đầy tiên tri cho quyền năng đem lại niềm tin, niềm trông cậy và sức mạnh cho thế giới chúng ta, mà Con ngài vốn có trên thập giá. Tôi cầu nguyện cho mỗi người trong anh chị em và tôi xin anh chị em, vâng xin anh chị em vui lòng, cầu nguyện cho tôi.
 
Ghi nhanh của AP về ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Hoa Kỳ
Vũ Van An
21:42 28/09/2015
8:25 sáng: Từ khắp nước và khắp thế giới, các tín hữu Công Giáo đang tụ tập lại dự ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các người hành hương đang đậu xe dưới tầng hầm và lủng lẳng túi xách cùng ghế di động lên đường tới Benjamin Franklin Parkway, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ ban chiều mà người ta hy vọng sẽ có một triệu người, hay hơn, tham dự.

Trước Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự tính đi thăm một nhà tù Philadelphia nơi ngài sẽ nói chuyện với các tù nhân, thân nhân của họ và các nhân viên cải huấn.

9:00 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn cư ngụ tại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo sau khi tới Philadelphia, đang thăm hỏi các chủng sinh trên đường tới nhà nguyện để nói chuyện với các giám mục đến từ khắp thế giới.

Con số các giám mục, vào khoảng 300 vị, và nhiều người khác đã tụ tập tại nhà nguyện của Chủng Viện nói trên, để nghe Đức Giáo Hoàng. Chủng viện này từng được Đức Gioan Phaolô II thăm năm 1979. Nó cũng được hân hạnh nghinh đón Mẹ Teresa và ba vị Hồng Y sau này làm giáo hoàng, trong đó có Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đi thăm một nhà tù vào buổi sáng trước khi cử hành Thánh Lễ ngoài trời cho một đám đông chừng một triệu người vào buổi chiều.

9:15 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng và hứa sẽ chế tài những người có tội. Ngài hứa sẽ gặp một nhóm nạn nhân vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm.

Nói với các giám mục Hoa Kỳ, Đức Phanxicô cho rằng không thể giữ kín việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục nữa. Ngài hứa sẽ hết lòng bảo vệ người trẻ. Ngài đã thiết lập một tòa án đặc biệt để xử các vị giám mục nào không chịu che chở đoàn chiên của mình bằng cách bao che các linh mục ấu dâm thay vì báo họ cho cảnh sát.

9:30 sáng: Trong ngày cuối cùng ở Hoa Kỳ của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhưng ngài cũng thúc giục các giám mục Hoa Kỳ hướng các năng lực của các ngài vào những vấn đề khác nữa, không chỉ để chỉ trích.

Ngài nói với khoảng 300 giám mục tại nhà nguyện Chủng Viện Thánh Charles Borromeo rằng một Giáo Hội chỉ giải thích tín lý của mình là một Giáo Hội “mất cân bằng một cách nguy hiểm”.

Tuy thế, ngài vẫn chỉ trích một thế giới trong đó, con người luôn theo đuổi các khuynh hướng mới nhất và đối xử với đức tin và các mối liên hệ như thể chúng chỉ là sản phẩm trong một siêu thị.

9:50 sáng: Phát ngôn viên Tòa Thánh cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp 5 nạn nhân của lạm dụng tình dục: họ là nạn nhân của các linh mục, của thân nhân và thầy dậy. Ba phụ nữ và 2 người đàn ông gặp Đức Giáo Hoàng chừng nửa giờ cũng tại chủng viện Thánh Charles Borromeo vào ngày hôm nay.

Cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng cầu nguyện với 5 nạn nhân, lắng nghe họ kể truyện và bầy tỏ sự gần gũi với các đau khổ của họ và “nỗi đau cùng nỗi xấu hổ” của ngài đối với các nạn nhân của các giáo sĩ.

Trong một tuyên bố, Cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxico nhắc lại cam kết của ngaì sẽ đối xử hợp công lý với các nạn nhân và trừng phạt kẻ có tội.

Đức Hồng Y Sean O'Malley, cầm đầu ủy ban lạm dụng tình dục của Tòa Thánh, tổ chức cuộc gặp gỡ này cùng với Đức Tổng Giám Mục Charles Caput của Philadelphia.

10:10 sáng: Sau khi nói chuyện với 300 giám mục tại chủng viện Thánh Charles Borromeo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở vào thành phố để thăm một nhà tù.

Khi ngài rời chủng viện, các chủng sinh ở đó đã ca hát mừng ngài. Sau đó, ngài đã lên trực thăng để tới Cơ Sở Cải Huấn Curran-Fromhold. Ở đây, ngài sẽ gặp 100 tù nhân tại phòng thể dục và bài nói chuyện của ngài sẽ được phát thanh tới 3,000 tù nhân khác. Ngài cũng sẽ gặp gia đình các tù nhân và các giới chức cải huấn.

10:20 sáng: Các người tranh đấu cho các nạn nhân giáo sĩ lạm dụng tính dục đang kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra các biện pháp đặc biệt để giải quyết tai tiếng này.

Trong cuộc gặp 5 nạn nhân bị lạm dụng tính dục, Barbara Dorris thuộc Mạng Lưới Những Người Sống Thoát Nạn Giáo Sĩ Lạm Dụng Tính Dục nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần theo dõi các lời lẽ tốt đẹp của ngài về việc bảo vệ người trẻ bằng hành động. Bà nói: “lời lẽ không bảo vệ được trẻ em. Hành động mới bảo vệ được chúng và điều này thì vẫn còn thiếu”.

Họ muốn Đức Phanxicô phải áp dụng chính sách “tuyệt đối không dung tha”những linh mục lạm dụng tính dục, buộc các giám mục phải chịu trách nhiệm và công bố tên và hồ sơ hàng ngàn linh mục lạm dụng trẻ em.

10:30 sáng: Đức Giáo Hoàng đang gặp 100 tù nhân của nhà tù lớn nhất Philadelphia. Họ mặc đồng phục mầu lam ngồi ngy ngắn trước mặt Đức Phanxicô. Ngài đứng trước một chiếc ghế đặc biệt do các tù nhân chế tạo.

Một linh mục của tổng giáo phận Philadelphia đã bị ngồi tù ở đây vì tội xử lý các lời khiếu nại về giáo sĩ lạm dụng tính dục, đó là đức William Lynn, nhưng sau đó, ngài được chuyển tới nhà tù ở đông bắc Pennsylvania không lâu sau khi nghị trình thăm viếng của Đức Phanxicô được công bố.

10:50 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ để khuyến khích các tù nhân dùng thời gian ở tù của họ để cải tạo đời sống của họ. Ngài cho họ hay: mọi người đều góp phần vào cố gắng giúp các tù nhân tham dự vào xã hội trở lại.

Ngài vốn chỉ trích các hệ thống nhà tù chỉ lo chuyện trừng phạt và hạ nhục tù nhân và lên án các bản án chung thân và biệt giam, coi chúng như một hình thức tra tấn, nhục hình.

Ngài nói với các tù nhân rằng hành trình đời sống có nghĩa là làm chân mình ra dơ dáy, nên mọi người đều cần được thanh tẩy.

11:15 sáng: Sau khi nói chuyện với các tù nhân, ngài tới bắt tay từng người. Họ ngồi yên tại chỗ, nhưng cuối cùng cũng có hai người đứng lên ôm lấy Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng chúc lành cho một tù nhân ngồi xe lăn.

Ngài cám ơn họ về chiếc ghế gỗ do họ sáng chế, mà theo ngài, rất đẹp.

Sau đó, ngài không còn chương rình gì cho tới 4 giờ chiều, lúc ngài cử hành Thánh Lễ bế mạc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

12:00 trưa: Các đám đông đã bắt đầu tụ tập sớm tại Benjamin Franklin Parkway để dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành ở đây lúc 4 giờ chiều. Và nhiều người đang phải xếp hàng lâu tại các điểm kiểm soát an ninh. Điều này cho thấy số người dự Thánh Lễ sẽ rất đông.

Cơ quan quá cảnh đại chúng của Philadelphia thông báo số người đáp xe lửa vào thành phố gặp Đức Giáo Hoàng đã gia tăng đáng kể. Hơn 500 xe buýt chở 26,000 người đã tới đây từ 11 giờ sáng.

Các viên chức an ninh đang thúc giục du khách tới các địa điểm kiểm soát càng sớm càng tốt để tránh bị kẹt vào phút chót.

12:50 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng một tác phẩm điêu khắc dành để kỷ niệm năm thứ 50 một văn kiện kêu gọi có những liên hệ mạnh mẽ hơn giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho biết Đức Giáo Hoàng thăm bức điêu khắc kỷ niệm tuyên ngôn Nostra Aetate tại Đại Học Thánh Giuse, trên đường trở lại thành phố trước khi cử hành Thánh Lễ lúc chiều.

Bức điêu khắc trên được mở màn hôm thứ Sáu trong một buổi lễ có sự tham dự của giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka, bạn cố tri của Đức Giáo Hoàng lúc ngài còn ở Argentina. Bức "Synagoga and Ecclesia in Our Time" do điêu khắc gia Joshua Koffman, ở Philadelphia, thực hiện.

1:15 chiều: Các nhà tổ chức bắt đầu điều chỉnh các điểm kiểm soát an ninh để bớt thì giờ chờ đợi cho các người hành hương đang đứng đợi dài cả hàng dặm. Một điểm kiểm soát vốn dành cho các khách hành hương có vé đi vào những chỗ tốt nhất đã được mở cho công chúng.

Nhưng thì giờ chờ đợi thay đổi rất nhiều, nhiều người bị kẹt lâu, trong khi nhiều người khác lọt qua nhanh hơn nhiều. Một gia đình đáp xe buýt từ Baltimore vào sáng Chúa Nhật cho hay chắc chắn họ phải chờ khoảng 90 phút. Nhưng Ông Matthew Stambaugh, 50 tuổi, nhún vai bảo rằng “cũng đáng lắm”.

1:50 chiều: Hàng chục ngàn người phải chờ hàng giờ mới qua được các điểm kiểm soát an ninh để tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng tại trung tâm Philadelphia. Các hàng chờ này kéo dài nhiều dẫy phố trước khi vào được vùng an ninh tại Benjamin Franklin Parkway.

Phần lớn khách hành hương kiên nhẫn chờ đợi, trong khi nhiều người khác mất kiên nhẫn, chạy tứ tung để thử “thời vận” tại các điểm kiểm soát khác.

Các giới chức ở đây cho hay chính Parkway chỉ có thể chứa chừng 250,000 người. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người khác có thể chứng kiến Thánh Lễ trên những màn hình vĩ đại đặt ở các con phố lân cận và các nơi khác trong thành phố.

2:50 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang chuẩn bị rời chủng viện Thánh Charles Borromeo tới địa điểm cử hành Thánh Lễ cuối cùng và cũng là biến cố cuối cùng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầy tính lịch sử lần đầu tiên này.

Trước khi cử hành Thánh Lễ trên tại Benjamin Franklin Parkway, Ngài dự tính dừng chân tại Đại Học Thánh Giuse để làm phép bức điêu khắc kỷ niệm mối liên hệ tốt đẹp giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo.

Sau đó ngài sẽ vào trung tâm thành phố để chuyển qua giáo hoàng xa cho một cuộc diễn hành dọc Parkway tới bàn thờ dựng trước Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật của Philadelphia.

3:00 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa làm phép bức điêu khắc kỷ niệm mối liên hệ giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo tại Đại Học Thánh Giuse. Người bạn cố tri của ngài lúc còn ở Argentina là giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka cũng hiện diện trong biến cố này.

3:15 chiều: Các người sùng mộ ngài đang hoan hô, vỗ tay và ca hát khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi đầu biến cố sau cùng trong chuyến viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ trong 10 ngày của ngài.

Ngài đứng trên chiếc xe díp Wrangler mầu trắng chạy dọc Benjamin Franklin Parkway để vào địa điểm cử hành Thánh Lễ.

Khoảng 10,000 thiện nguyện viên giúp việc tổ chức Thánh Lễ này, gồm những người chỉ chỗ, hướng dẫn viên, ca viên và thừa tác viên Thánh Thể.

3:30 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bước xuống khỏi giáo hoàng xa để viếng một “hang nút” phỏng theo một trong các bức ảnh mà ngài rất sùng kính nói về các thách thức của đời sống hàng ngày.

Hang trên được dựng gần Nhà Thờ Chính Tòa Philadelphia gợi hứng từ bức ảnh “Maria, Đấng Cởi Các Nút Thắt” được Đức Giáo Hoàng tôn kính.

Nghệ phẩm này mô tả Đức Mẹ đang cởi 1 chiếc giải buộc lớn, có ý chỉ cởi bỏ các khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Nguyên tác được trưng ở một nhà thờ tại Augsburg, Đức, nơi Đức Phanxicô, lúc đó là linh mục Jorge Mario Bergoglio, thấy nó lúc ngài học ở đó giữa thập niên 1980.

Ngài đem về Argentina nhiều bản sao bức ảnh và từ đấy, bức ảnh trở thành nổi tiếng, làm nguồn cho việc sùng kính Đức Mẹ của nhiều người.

Giáo dân được yêu cầu viết tên của mình lên tấm giải buộc treo ở hang. Họ cũng được yêu cầu giúp nhiều người khác cởi những cái nút có sẵn.

4:00 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ trước hàng trăm ngàn người trong biến cố chính cuối cùng của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Ngài ra khỏi giáo hoàng xa tại chân Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Philadelphia, giữa tiếng nhạc lên cao của Dàn Giao Hưởng Philadelphia.

4:45 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng mọi người nên cởi mở đối với các phép lạ của tình yêu vì ích lợi các gia đình khắp thế giới.

Ngài nói như thế trong bài giảng lễ kết thúc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ngài. Thánh Lễ hôm nay là Thánh Lễ cử hành cho các gia đình thế giới để chính thức kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám họp tại Philadelphia này từ ngày 22 tháng Chín.
Đức Giáo Hoàng nói rằng hạnh phúc và sự thánh thiện vốn phát sinh từ những cử chỉ nhỏ bé, những cử chỉ của mẹ của bà, của cha của ông và của con cái.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: lý do chính khiến Đức Phanxicô quyết định đi Cuba và Hoa Kỳ lần này là để chủ tọa Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia.

5:15 chiều: Rất nhiều giám mục, linh mục và thừa tác viên Thánh Thể đã tỏa ra khắp nơi để trao Mình Thánh cho hàng đoàn người tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng.

Các người cầm dù trắng và vàng đứng bên cạnh các vị cho rước lễ để giáo dân thấy chỗ mà tới lãnh nhận Thánh Thể.

Hàng trăm ngàn bánh lễ hôm nay được các nữ tu dòng kín của Đan Viện S Clare sản xuất.

5:55 chiều: Các giới chức Giáo Hội cho hay Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới kỳ tới sẽ được tổ chức tại Dublin, Ái Nhĩ Lan vào năm 2018.

Ngoài Hoa Kỳ ra, Ái Nhĩ Lan vốn là “ground zero” đối với tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Và gần đây, nước này đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, trước cả Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, giáo chủ Công Giáo của Ái Nhĩ Lan cho biết: ngài rất sung sướng nghe được tin vui trên.

Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin có mặt tại Philadelphia với một phái đoàn để nghe tin trực tiếp từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

6:00 tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang rời Parkway, sau khi cử hành Thánh Lễ tại đây, để đi ra phi trường sau 10 ngày viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ.

Khi kết thúc Thánh Lễ, ngài vừa mỉm cười vừa yêu cầu “tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Đừng có quên đó!”

Trước khi bay về Rôma, ngài sẽ gặp riêng khoảng 400 nhà lãnh đạo của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, các người hỗ trợ và các thiện nguyện viên khác từng giúp tổ chức chuyến viếng thăm Philadelphia của ngài.

Khi các tín hữu bắt đầu rời Thánh Lễ, các đội công tác dùng xe đẩy đi thu rác và lon tái chế biến khắp Parkway. Những người bán hàng rong thì rao bán nước, soda, và các đồ kỷ niệm về Đức Giáo Hoàng.

6:40 tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bày tỏ lời cám ơn của ngài với khoảng 400 nhà lãnh đạo của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, các người hỗ trợ và các thiện nguyện viên khác từng giúp tổ chức chuyến viếng thăm Philadelphia của ngài.

Phó Tổng Thống Joe Biden và phu nhân Dr. Jill Biden có mặt tại phi trường để tiễn chân Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc ngài chuẩn bị lên máy trở về Rôma.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói bằng tiếng Anh khi ngài cám ơn các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các vị khác đã chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài. Ngài nói: “các ngày ở với qúy vị tuy ngắn ngủi nhưng là những ngày ơn phúc đối với tôi và, tôi cầu nguyện cho cả qúy vị nữa”.

7:45 tối: Máy bay chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cất cánh rời Philadelphia khi ngài kết thúc chuyến viếng thăm 10 ngày tại Cuba và Hoa Kỳ.

Chiếc máy bay riêng của American Airlines cất cánh mấy giờ sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ cho hàng trăm ngàn người ở trung tâm Philadelphia, để kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Thánh Lễ là đỉnh cao các hoạt động trong ngày của ngài gồm việc nói chuyện với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và các tù nhân. Nó cũng là đỉnh cao các hoạt động của cả chuyến đi bao gồm các bài diễn thuyết trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Vị giáo hoàng 78 tuổi dành sáu ngày cho những biến cố dầy đặc tại Washington, New York và Philadelphia sau chuyến viếng Cuba 4 ngày.

Ngài chính thức loan báo Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới sắp tới vào năm 2018 sẽ được tổ chức tại Dublin, Ái Nhĩ Lan. Cuộc gặp gỡ loại này là lý do chính cho chuyến đi lần này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Nhà Xứ Nghĩa Chính Thái Bình mừng lễ Quan thầy
Thanh Tuấn
08:20 28/09/2015
Giáo họ Nhà Xứ Nghĩa Chính mừng lễ Quan thầy

Chiều Chúa Nhật (27.9.2015), cộng đoàn Giáo họ Nhà xứ Nghĩa Chính đã hân hoan tổ chức mừng lễ Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên Thần – Quan thầy.

Xem Hình

Được sự sắp xếp và lo liệu của xứ Giuse Trần Xuân Chiêu, Giáo họ Nhà Xứ Nghĩa Chính đã tổ chức mừng lễ kính Thánh Quan thầy thật long trọng và ý nghĩa.

Hồi 14g30, cha xứ đặt Thánh Thể Chúa trên bàn thờ để các đoàn hội luân phiên hiệp thông trong các giờ chầu. Đến 16g00, đoàn rước gồm Ban trống, Ban kèn cùng các hội đoàn trong toàn xứ đã cung nghinh Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên Thần xung quanh khuôn Thánh đường.

Thánh lễ mừng kính Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên Thần – Quan thầy của họ Nhà Xứ - được cử hành vào hồi 16g30, do cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu chủ tế; đồng tế với ngài có cha Martinô Hoàng Văn Đình CMC.

Trong bài giảng, cha Martino Hoàng Văn Đình đã mời gọi cộng đoàn noi gương Thánh Micae, ngài nói: "chúng ta hãy nhìn lên Thánh Micae, Ngài luôn luôn lấy Thiên Chúa làm cùng đích, lấy Thiên Chúa là sức mạnh, lấy Thiên Chúa để chiến đấu với satan và chính Thiên Chúa là sức mạnh đã giúp Thánh nhân chiến đấu và đã đẩy lui sự dữ. Ước chi mỗi người trong giáo xứ hãy học ở nơi thánh Micae, và xin Thánh nhân cầu bầu cùng Chúa giúp chúng ta đẩy lùi những gương xấu, gương mù, những đam mê dục vọng của trần thế".

Kết thúc hánh lễ, vị đại diện Giáo họ đã nói lời cảm ơn quý cha, quý ban nghành đoàn thể cùng cộng đoàn đã về hiệp thông thánh lễ và cầu nguyện cho Giáo họ Nhà Xứ nhân dịp mừng lễ Quan thầy.

Thanh Tuấn
 
Xứ Đồng Tri tổng kết sinh hoạt hè và vui tết Trung Thu 2015
BTT Xứ Đồng Tri
08:41 28/09/2015
THIẾU NHI GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ TỔNG KẾT CHIẾN DỊCH HÈ VÀ VUI TẾT TRUNG THU 2015

Hòa chung trong không khí của toàn thiếu nhi đón Tết Trung Thu, vào tối Chúa Nhật 27/9/2015, được sự đồng ý, quan tâm đặc biệt của Cha xứ Phaolô Nguyễn Trung Thiên và Cha giúp xứ Giuse, Giáo xứ Đồng Trì đã tổ chức cho các em Thiếu nhi trong giáo xứ một đêm hội Trung thu và Hội Chợ Tổng kết Chiến dịch Hè 2015 với chủ đề: “Vầng trăng Giêsu – Hãy để trẻ em đến cùng Chúa”.

Xem Hình

Tuy 17h00 mới cử hành Thánh lễ cầu cho các em thiếu nhi, nhưng ngay từ sớm khoảng hơn 300 các em thiếu nhi trong nhà xứ Đồng Trì và các giáo học thuộc Giáo xứ đã cùng nhau tề tựu đông đủ và ổn định cùng nhau tập hát trong nhà thờ. Đúng 17h00, Cha xứ Phaolô đã cử hành thánh lễ đặc biệt trong ngày Tết Trung Thu này để cầu nguyện cho các em Thiếu nhi trong giáo xứ. Và Thánh lễ đã diễn ra thật sốt sắng, nghiêm trang, mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ cùng hướng về Thiên Chúa và dâng lời cầu nguyện cho các em Thiếu Nhi.

Chương trình ngày Hội của Thiếu nhi Giáo xứ Đồng Trì hôm nay gồm 2 phần:

- Phần 1: Tổng kết Chiến dịch Hè 2015 của Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo xứ

- Phần 2: Rước đèn, phá cỗ và văn nghệ vui tết Trung Thu.

Đúng 18h30, Ban Giáo Lý đã mở đầu chương trình bằng việc báo cáo trước Cha xứ những hoa trái đơn sơ dâng lên Thiên Chúa mà các em Thiếu Nhi trong giáo xứ đã đạt được trong đợt thi đua Chiến dịch Hè 2015. Cha xứ Phaolô đã trao những phần thưởng cho những bạn Thiếu Nhi đã có những thành tích thi đua xuất sắc nhất trong Chiến dịch.

Sau đó, Cha xứ Phaolô đã phát biểu và tuyên bố Khai mạc Chương trình Hội chợ và vui tết Trung Thu của Thiếu Nhi Giáo xứ.

Các em Thiếu nhi được dùng những “đồng tiền” mà mình đã tích luỹ trong suốt Chiến dịch vừa qua để đi mua sắm. Những “đồng tiền” này chính là những lá phiếu mà các em đã được Ban giáo lý phát cho mỗi khi đi tham dự thánh lễ hay tham gia các sinh hoạt của giáo xứ. Hội chợ có nhiều gian hàng với khá nhiều mặt hàng từ đồ ăn, thức uống cho đến các trò chơi trúng thưởng với những phần thưởng có ý nghĩa và những dụng cụ hỗ trợ cho việc học tập... Các gian hàng được đều do các bà mẹ Hội Mônica, và các bạn Giới trẻ giáo xứ, Giáo họ trong giáo xứ phụ trách. Các bạn Thiếu Nhi vừa tham gia đi mua sắm tại các gian hàng vừa có thể tham gia các trò chơi tập thể sôi nổi với nhiều phần quà hấp dẫn.

20h00, phần Hội Chợ kết thúc để chuyển sang phần Vui Tết Trung Thu. Mở đầu bằng việc các bạn thiếu nhi rước đèn trung thu. Sau đó, Đêm hội đã được tiếp diễn bằng việc các em thiếu nhi cùng nhau phá cỗ Trung thu và thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc như các bài hát, các bài múa của các em Thiếu nhi trong Giáo xứ, Giáo họ.

21h00, Chương trình Đêm hội kết thúc. Các em Thiếu nhi ra về trong niềm hân hoan, trên khuôn mặt đều nở những nụ cười tươi vui.

Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ, đặc biệt là những em thiếu nhi thánh thể trong ngày Tết Trung Thu này. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ và dìu dắt các em Thiếu nhi Giáo xứ Đồng Trì ngày một chăm ngoan hơn, vững mạnh hơn để xứng đáng là tương lai của Giáo Hội và xã hội.

TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ
 
Thường Huấn Hội Đồng Giáo Xứ - Giáo Phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:05 28/09/2015
Thường Huấn Hội Đồng Giáo Xứ - Giáo Phận Phú Cường

Phú Cường ngày 27/9/2015.- Đây là lần thứ 3 trong năm 2015, các thành viên HĐGX của các giáo xứ trong giáo phận đã quy tụ về hội trường sinh hoạt của Nhà thờ Chánh tòa, để tham dự buổi thường huấn này.

Xem Hình

Theo báo cáo của ông trưởng ban đại diện, số thành viên tham dự hôm nay chỉ đạt 50% số lượng thành viên toàn giáo phận, tức khoảng 160 vị.

Đúng 9 giờ, Cha Antôn Hà Văn Minh, đặc trách ban Giáo dân khai mạc bằng nghi thức rước sách Tin Mừng cùng Nến Phục sinh lên lễ đài, công bố Tin Mừng Chúa Nhật 26 thường niên và chia sẻ bài Tin mừng ấy.

Con người là bất toàn là tội lỗi, cha Antôn dẫn dắt mọi người về với đường ngay nẻo thật bằng phút hồi tâm sám hối. “Bao nhiêu phen ngụp lặn trong tội lỗi ê chề, nay con trở về vườn hoang xơ xác. Thì này đây con xin dâng những gì còn lại, trông mong ơn Chúa để làm lại đời con”. Lời bài hát đã thấm đượm trên mỗi người là lắng nghe những gì cha Antôn chia sẻ.

Tiếp theo là học hỏi về chủ đề: Khám phá lòng thương xót của Chúa qua Bí tích Thánh Thể. (Phần này cũng do cha Antôn chia sẻ).

Hình ảnh mưa bánh Manna nuôi sống đoàn dân trong hoang mạc là một trong nhiều hình ảnh nói lên Lòng Thương Xót của Chúa từ thời xa xưa. Ngày nay, hình ảnh Đức Giêsu trao ban sự sống cho nhân loại qua Bí tích Thánh Thể là một minh chúc rõ rang về Lòng Thương Xót của Ngài.

Khi trao ban tình thương cho nhân loại, Đức Giêsu chỉ mong muốn tình thương yêu ấy được thể hiện trên mỗi người chúng ta, nghĩa là chúng ta hãy có lòng thương xót với nhau. Có ai trong chúng ta cho đi chiếc bánh khi mình đang đói? có ai cho đi chiếc áo khi mình đang rét?. Điều này có vẻ như khó chấp nhận, nhưng có đấy. Chúng ta chấp nhận cho đi để có bao nụ cười được tươi nở, chấp nhận dấn thân để mang lại bao yêu thương, chấp nhận hy sinh để kiến tạo bao hạnh phúc.

Kết thúc phần học hỏi là phần giải đáp thắc mắc. Những thắc mắc về mọi mặt của các thành viên được cha đặc trách và ban đại diện ghi nhận và trả lời và ban đại diện cũng mời gọi mỗi thành viên hãy đóng góp ý kiến, thắc mắc cho buổi thường huấn lần sau.

Thánh lễ:

Thánh lễ hôm nay do Cha Tổng Đại diên Micae Lê Văn Khâm chủ tế và cha Antôn Hà Văn Minh đồng tế.

Xin Hồng ân Thiên Chúa tuôn trào trên chúng con qua thánh lễ này, để chúng con có thêm nghị lực, sức khỏe để chúng con hăng say phục vụ công việc mà chúng con đã thề hứa.

Chúng con cùng xin Chúa xuống muôn ơn cho Cha Micae là cha Tổng Đại diện của chúng con nhân dịp mừng kính thánh quan thầy của cha sắp đến.

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 30 sau phép lành bình an. Mọi người xuống dung cơm trưa tại nhà sinh hoạt và ra về trong tình yêu của Thiên Chúa.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Giáo xứ Thuận Nghĩa: Vui Trung Thu
Truyền thông TNTT
09:17 28/09/2015
Giáo xứ Thuận Nghĩa: Vui Trung Thu

Rước đèn phá cỗ em thơ vui cười!

Vâng, rằm tháng 8 hằng năm, trẻ em háo hức đón một ngày tết đặc biệt, ngày tết Trung Thu. Ắt hẳn, là những người lớn cũng không thể quên đi những kí ức tuổi thơ với những đêm trăng rước đèn lung linh trong xóm. Những tiếng trống tùng tùng cheng cheng vang dội. Những điệu múa lân múa rồng và tiếng đồng ca của đám con nít rồng rắn theo sau. Những mâm cổ lớn bánh trái cùng những chiếc đèn ông sao tỏa sáng khắp xóm làng.

Xem Hình

Để khơi lại niềm vui trong kí ức của mỗi người và giúp các em thiếu nhi có một đêm Trung Thu ý nghĩa, đoàn TNTT, giới trẻ Phan Sinh, lớp mầm ơn gọi của Giáo xứ tổ chức Đêm Trăng Yêu Thương.

Khoảng 19h, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng cho đêm văn nghệ, rước đèn phá cỗ. Hàng hàng lớp lớp các bạn nhỏ từ các ngả đường đổ về sân vận động Vũ Đăng Khoa. Bắt đầu chương trình là lời chia sẻ của cha quản xứ Antôn. Trong lời chia sẻ, bằng tất cả sự yêu thương, Ngài đã dành cho các em nhỏ những lời khuyên bổ ích và dặn dò các em rằng: "các con phải cố gắng chăm ngoan, biết hy sinh, vâng lời, biết làm vui lòng cha mẹ và bề trên. Các con có đồng ý không?" Những tiếng "dạ, vâng" non nớt đồng thanh vang lên.

Để thay đổi không khí các em ngành Ấu Nhi đã gửi tới chương trình những điệu nhảy đơn sơ vô cùng năng động đã làm cho không khí thêm nhộn nhịp hơn. Kế đến là phần đón chú Cuội, chị Hằng. Chú Cuội và chị Hằng đã mang đến cho các em thiếu nhi những câu hỏi thú vị cùng những món quà hết sức độc đá. Chương trình cũng chưa dừng lại, mà ngày càng thêm phong phú bởi sự góp vui từ các tiết mục của ngành Chiên Con. Thời trang môi trường hè thu của các đoàn sinh ngành Thiếu. Hài kịch tuổi nhỏ làm việc nhỏ của lớp Mầm Ơn Gọi. Bài vũ "Vầng trăng tuổi thơ" của giới trẻ Phan Sinh và bài ca chủ đề của các anh chị Huynh Trưởng. Và cuối cùng là phần phá cỗ Trăng Rằm và trao quà Trung Thu cho các em thiếu nhi. Những món quà bé nhỏ đơn sơ, được trao tới tay các em từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, mang lại cho các em một cái Tết Trung Thu tràn đầy niềm vui và tình yêu thương. Những nụ cười hồn nhiên trên môi các em đã điểm tô phần nào nét đẹp duyên tươi của tuổi thần tiên. Mặc dù, chương trình đã khép lại dưới ánh trăng khuya, Đêm Trăng Rằm đang dần lùi sâu vào dĩ vãng nhưng lời khuyên của Cha Antôn, sự quan tâm của các bậc phụ huynh cùng sự hy sinh của các nhà hảo tâm sẽ theo các em mãi đến suốt cuộc hành trình vô vàn gian khó.

Dẫu biết rằng đoạn đường phía trước sẽ lắm những gai chông bủa vây đeo bám nhưng chúng con hứa sẽ luôn hy sinh, cố gắng và vâng lời các bậc bề trên để đáp lại tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của Cha quản xứ, các bậc phụ huynh cùng các vị ân nhân đã dành cho chúng con.

Truyền Thông TNTT
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tuần Chín Ngày Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae
LM Nguyễn Trung Tây
22:32 28/09/2015
□ LM Nguyễn Trung Tây

Tuần Chín Ngày Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae


1. Dấu Thánh Giá (trong khi đọc…)

□ Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con

Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ.

□ Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần

Tự muôn đời cho đến hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen

□ Lạy Chúa, từ bình minh cho đến canh khuya,

Con kêu cầu danh thánh Chúa.



2. Thánh Vịnh 23

□ CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

□ Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

□ Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.



3. Kinh Mân Côi-Năm Sự Mừng

□ Thứ Nhất thì ngắm, Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

□ Lạy Cha…

□ Kính Mừng… (10 kinh)

□ Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần

Tự muôn đời cho đến hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen

□ Lạy Chúa, từ bình minh cho đến canh khuya,

Con kêu cầu danh thánh Chúa.



4. Bài Đọc

□ Bài trích sách Khải Huyền, 12:7-11

Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micaen và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không có chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:

"Thiên Chúa chúng ta thờ

giờ đây ban ơn cứu độ,

giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,

và Ðức Kitô của Người

giờ đây cũng biểu dương quyền bính.

□ Đó là Lời Chúa

Tạ ơn Chúa



5. Suy Niệm

□ Thinh lặng (5’)

Sau phút thinh lặng, chủ tế xướng,

□ Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần

Tự muôn đời cho đến hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen

□ Lạy Chúa, từ bình minh cho đến canh khuya,

Con kêu cầu danh thánh Chúa.



6. Chủ Tế: Chúng ta hãy cầu nguyện...

(Kinh của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII)

□ Lạy ơn Đức Thánh Micae, Tổng lãnh Thiên Thần, Hoàng Tử các Đạo Binh Thiên Quốc, xin che chở chúng con trong trận chiến thống trị và quyền lực của Satan, chống lại sự lãnh đạo của thế giới tối tăm, chống lại những thần linh quái ác trên trời (Ep 6,12). Xin giúp đỡ chúng con là những tạo vật được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, và là những người được Thiên Chúa cứu độ với giá máu quá đắt vì những việc làm quái ác của quỉ thần. Giáo Hội tôn kính người như Thiên Thần Hộ Thủ và như Đấng Bảo vệ chúng con. Thiên Chúa đã trao phó cho người những linh hồn được tắm gội trong Máu Cứu Chuộc để được hạnh phúc Thiên Đàng, vì vậy chúng con khẩn khoản nài xin Chúa đập tan đầu tên Satan dưới chân chúng con, để nó không thể làm hại các linh hồn trong Giáo Hội. Giờ đây chúng con kính dâng những lời nguyện này lên Thiên Chúa để xin lòng thương xót Chúa đổ tràn trên chúng con. Xin Người nắm đầu con rắn già Satan, thảy hắn xuống địa ngục và giam giữ hắn trong đó để hắn không thể cám dỗ hay làm hại chúng con nữa. Amen



7. Rảy nước phép…

8. Kinh Lạy Cha

□ Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dậy chúng ta dám nguyên rằng

Lạy Cha chúng con…

□ Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần

Tự muôn đời cho đến hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen

□ Lạy Chúa, từ bình minh cho đến canh khuya,

Con kêu cầu danh thánh Chúa.

9. Kinh Trông Cậy

□ Chúng con trông cậy...

10. Dấu Thánh Giá

_________________________________

□ LM Nguyễn Trung Tây

www.nguyentrungtay.webs.com
 
Văn Hóa
Làn gió mới
Trầm Hương Thơ
15:28 28/09/2015
LÀN GIÓ MỚI 2

Kỳ diệu thay! Chúa đưa làn gió mới
Từ tận cùng thổi tới nước Cu Ba
Cả nhân loại hân hoan cất tiếng ca
Ôi diệu kỳ! dường bao qúa dạt dào

Làn gió mới, Thánh Linh rất ngọt ngào
Làn gió đến tự phương nào ai biết?
Gió Tình Yêu thổi về thật tha thiết
"Bàn thạch" kia cương quyết vững bền luôn

Rất đơn sơ, nghèo khó, sẻ vui buồn
Phanxicô gieo muôn ngàn nhân đức
Lời Chúa dạy anh em phải tỉnh thức
Tấm gương lành rạo rực lửa chân tình

Việc Chúa làm chẳng phải chuyện vô minh
Tiếng chí ái rất xinh, và rất thánh
Mãi trên cao muôn hào quang lấp lánh
Tiếng chuông vàng, khánh bạc khắp muôn phương

Phanxicô nghèo khó chính là đường
Gieo tin yêu tình thương vào muôn lối
Đường Kitô sự thật, luôn tiếp nối
Xóa tan ngàn bóng tối, hưởng bình minh

Làn gió mới thổi đến rất chân tình
Làn gió mới rất xinh và rất thánh
Phanxicô đơn sơ, nhưng lấp lánh
Chính là Đường, sống thánh đẹp lòng Cha.

Trầm Hương Thơ
 
Thăm Olympia: Tìm ý nghĩa cao đẹp của Thế Vận Hội Olympic cổ đại
Lm Trần Công Nghị
15:38 28/09/2015
Đây là lần thứ 4 tôi đến thăm Olympia và mỗi lần đến đây đều luôn cảm thấy như có cái gì rất linh thiêng, thần thánh... quá khứ thì đã quá xa, nhưng thật gần gũi... thần thoại hay lý tưởng con người... khó mà diễn tả...

Hình ảnh

Thật vậy, cách đây cũng phải 25 năm, khi đó còn trẻ và còn rất hăng say, tôi cùng với một số thân hữu và bạn bè, tổng cộng chừng 15 người, chúng tôi đã liều lĩnh thuê xe "van" (xe thùng lớn rộng) và chúng tôi tự lái xe lấy, trong vòng 3 tuần, lái xe đi thăm một vòng, hết những nơi danh tiếng của Hy lạp. Cứ theo bản đồ, đi chỗ nào thích thì thăm lâu, ăn ngủ lại đó, còn không thích thì đi tiếp. Đúng là một cuộc du hành thích thú đề đời... Trong chuyến đi đó, chúng tôi cũng lần mò tới thăm cả Olympia.

Lần thứ hai tới thăm Olympia là được Tổng giáo phận Los Angeles tồ chức cho các linh mục đi hành hương "Theo vết chân thánh Phaolô" và cũng ghé thăm Olympus.

Lần thứ 3 và lần này, đi cách khoan thai và được tổ chức rất chu đáo chĩnh chạc, đúng là được " xe đón, cơm hầu, nước rót..." nên chả phải vất vảm cũng chẳng phải lo gì, cứ vui vẻ mà thưởng thức cảnh đẹp thôi.

Lần này sau khi đi tham quan Olympia, chúng tôi còn được mời tới thăm một xưởng sản xuất rượu vang có tiếng là Merouvon đã qua 5 thế hệ con cháu, và có dịp thử rượu đặc sản vùng này. Thật tuyệt vời!

Ý nghĩa là lý tưởng cao đẹp của Olympic cổ đại

Olympia là một trong những điểm đến phổ biến nhất cho khách du lịch ở Hy Lạp. Ngày nay bến tầu du lịch tại cảng Katakolo cách Olympia chừng 25 Km thường dùng xe bus đưa khách du lịch đến thăm ngôi làng lịch sử này.

Làng Olympia là một ngôi làng nhỏ bé, đơn sơ, nếu không có lịch sử cổ xưa Thế Vận Hội và các đền đài cổ trong khu Olympic thì không có gì đặc biệt. Trên những con phố trong làng, có những khách sạn, nhà hàng, quán ăn, các quán café, các cửa hàng phục vụ bán đồ kỉ niệm cho khách du lịch... thế thôi.

Olympia là nơi khai sinh ra Thế vận hội Olympic và là nơi thiêng liêng của thần Zeus. Chính từ Olympia đã gieo trồng những lý tưởng cao cả từ thời cổ đại. Thi đấu ở Olympic không bao giờ chỉ là trò chơi (games), nhưng là vì danh dự, ý tưởng hòa bình, đấu tranh và vật lộn dùng sức mạnh cơ thể con người cho chiến thắng.

Khi thăm viếng Olympic và khu bảo tàng khảo cổ học này, du khách sẽ bước vào một trong những "cung thánh" được bảo tồn quan trọng nhất của Hy Lạp cổ đại. Olympia nằm ở vùng Ilia dưới chân núi Kronion (Kronios Lofos). Đến thăm Olympia là ta đang bước vào lịch sử cổ đại quan trọng của Hy Lạp.

Khu Vận động Olympic cổ bị Hoàng đế Theodosius phá và nơi này cũng trải qua nhiều trận động đất, nên thực ra các đền đài, dinh thự, và nhà cửa không còn gì cả, ngoại trừ là các nền nhà, các bậc thang, các cột còn trơ lại... Tuy nhiên nhìn vào các đổ nát, những tảng đá to đồ sộ, cả trăm cột đá hoặc được dựng đứng lại hoặc còn nằm cheo veo... du khách cũng cảm nhận được nơi này từng là một cảnh trí thật hoành tráng và hùng vĩ, nằm cạnh sông Klases. Toàn khu này được gọi là Altis có nghĩa là nơi thánh của thần Zeus. Lý do trước đây không thấy dấu vết gì trong khu vực này vì lụt lội và núi sập nên đất vùi toàn vùng Olympic cho mãi tới năm 1829 các nhà khảo cổ mới bắt đầu khai quật nền móng Vận động trường Olympic thuở xưa.

Thế Vận Hội Olympic quốc tế đã chính thức được hồi sinh vào năm 1896 tại Athens ở Platia Kotzia, nhưng thực sự khởi đầu mới đơn sơ và không bao quát.

Sơ lược Lịch sử về Olympic

Truyền thống cho rằng Thế vận hội Olympic đầu tiên được tổ chức năm 776 trước công nguyên, nhưng thực sự có thể nó đã bắt được tổ chức trước đó. Các trò chơi là một hiệp ước hòa bình giữa thành Sparta và thành Elis; rồi nó mau chóng lan truyền tới các thành thọ của khắp Hy Lạp rằng, thành nào cũng có thể tham gia vào Vận hội thi đấu ở Olympic, miễn là họ tôn trọng thỏa thuận ngưng chiến tranh trong thời gian tổ chức trong các trò chơi. Giai đoạn ngưng chiến và hòa bình này lúc đầu định là một tháng, nhưng vì có nhiều nơi và nhiều người, và cả khán giả dân chúng từ xa đến xem, nên cuộc ngưng chiến được mở rộng ra đến 3 tháng, và luôn luôn được tổ chức trong suốt mùa Hè.

Bởi vì thỏa thuận ngừng chiến rất thiêng liêng này, tạo cơ hội cho các vị vua và các nhà lãnh đạo từ tất cả các nơi trong Hy Lạp có thể đến gặp nhau mà không mang theo vũ khí, Olympia đã trở thành một vị trí quan trọng cho các cuộc thảo luận chính trị và thương mại. Nó cũng làm tăng cường cảm giác của sự hiệp nhất giữa các người Hy Lạp, cùng ngôn ngữ và niềm tin tôn giáo.

Lễ hội được mở ra chỉ dành thanh niên và đàn ông Hy Lạp, nhưng sau đó người La Mã được phép cạnh tranh.

Người đủ điều kiện thi đấu phải là người tự do, không bị trừng phát bởi luật Hy lạp và đã phải trải qua 10 tháng huấn luyện tại quê hương và 1 tháng huấn luyện tại chính nơi Olympia.

Các môn thi đua gồm có: chạy đua, đấu vật, ném dĩa, phóng lao, nhảy cao, đua ngựa và đua xe ngựa, và một loại đám đá gọi là gọi là pancratium.

Nô lệ và phụ nữ, đặc biệt là những người đã kết hôn, không được phép tham dự, thậm chí nếu phụ nữ bị bắt gặp lén xem lễ hội thi đấu, thì ngay lập tức người phụ nữ này sẽ bị ném xuống vực thẳm từ sườn núi Typaeon.

Những người được kể là "mam rợ (barbarians) thì được vào quan sát nhưng không được thi đấu.

Những người chiến thắng không nhận được bất cứ khoản tiền nào, nhưng là được vinh dự. Giải thưởng là một vòng hoa ôliu từ cây Zeus thánh, và người chiến thắng được phép đắp tượng chiến thắng của mình đề lại đây. Tại quê nhà mình, người chiến thắng sẽ được thưởng các bữa ăn miễn phí cho suốt cuộc đời mình, và người ta nói rằng một thành phố nào có một nhà vô địch như vậy thì sẽ phá bức tường thành xuống, vì kể từ nay họ không cần tường đó nữa, vì đã có một công dân sáng giá như vậy rồi!.

Sân vận động trong khu Olympic có thể chứa ít nhất 20.000 người và là sân vận động lớn nhất thời đó.

Trong khu Vận động Olympic cổ, nổi bật nhất là đền thờ Zeus vì Olympia là nơi thần cư ngụ và thần nói "sấm" (oracle) tại đây. Đền thờ được xây vào thế kỷ thứ 5 bởi Livon. Trong đền thờ có đặt bức tượng Zeus do công trình của Phideas, nhưng sau này bị Hoàng đế Theodocious di chuyển về Constantinople. Chúng ta chỉ được biết về bức tượng này thông qua hình ảnh trên các đồng tiền và các mô tả qua lịch sử. Tượng cao 13 mét rưỡi. Đây là tượng thần Zeus ngồi và trên tay phải có đúc tượng nhữ thần Nike, còn bên tay trái thì cầm một cái gậy. Bức tượng được làm bằng vàng và ngà voi, và được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nó biến mất vào cuối thế kỷ thứ 4.

Trước đền thờ Hera là nơi ngọn lửa Olympic được thắp sáng từ sức nóng của mặt trời và sau đó được các vận động viên chạy dùng lửa này thắp sáng ngọn đuốc trao cho nơi nào tổ chức Thế Vận Hội, một truyền thống có từ năm 1936 trở đi.

Tại Bảo tàng viện ở Olympia còn lưu trữ nhiều vật khai thác và tìm thấy ở đây, đặc biệt có bức tượng thần Hermes do Praxiteles hoàn thành vào thế kỷ 4 trước công nguyên, và tượng thần Nike Chiến Thắng do Paeonios tạc. Theo huyền thoại Olymic thì thần Nike thường đi từ trời xuống và trao cành lá dừa cho những lực sĩ chiến thắng.

Từ năm 472, các trò chơi đã được tổ chức trong suốt năm ngày thay vì một ngày như lúc đầu. Vào ngày đầu tiên các đối thủ thi đấu sẽ đăng ký, tuyên thệ rằng họ đã được tập luyện trong 10 tháng và họ sẽ tôn trọng các quy tắc. Vào đầu tiên này, sẽ có một cuộc cạnh tranh giữa các sứ giả. Vào ngày thứ hai tổ chức các cuộc đua ngựa và các môn phối hợp có tên là Pentathlon. Vào ngày thứ ba thi các cuộc chạy đưa. Vào ngày thứ tư, đấu vật, boxing và Pancrateon. Vào ngày thứ năm, vinh danh các người chiến thắng và tiếp theo là các lễ hội mừng.

Đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên toàn bộ sân vận động đã được di chuyển về phía Đông và cho thi công hai bên sườn núi làm chỗ cho khán giả ngồi.

Olympia đã được cải tạo nhiều lần, và các tòa nhà mới được thêm vào qua các thời đại. Những người nổi tiếng đến đây để xem các trò chơi, gồm có cả Plato và Aristotle, và trước họ, trong thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên có Thales của thành Miletus đến đây xem lễ hội và đã chết vì một cơn đột quy. Còn hai tên tuổi Gelon và Hieron của thành Syracusae đã đích thân đến đây để cạnh tranh trong các trò chơi.

Người La Mã chinh phục Hy Lạp trong thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và họ đã lấy đi nhiều kho tàng của Olympia với họ. Hoàng đế Sulla thậm chí đã muốn di chuyển các trò về Roma, nhưng ông thất bại.

Sau đó, mặc dù Thế vận hội Olympic mất đi tầm quan trọng, nhưng trong suốt triều đại của hoàng đế Augustus, các cuộc thi đua ở Olympia được đề cao. Chính Augustus đã tạc tượng của mình và gia đình cũng như hậu duệ và đặt vào trong đặt đền thờ ở Olympia.

Phải kể thêm những vĩ nhân khác đã đến đây như Alcibiades, Alexander Đại đế và hoàng đế Nero.

Alexander Đại đế đã hoàn thành việc xây đền Philippeion cho cha của vua ở đây. Và chính Alexander Đại Đế đã cạnh tranh trong các trò chơi. Tuy vua không giành chiến thắng, nhưng đã chứng tỏ là người thua cuộc tốt và đàng hoàng.

Hoàng đế Nero đến Hy Lạp vào năm 67 và đã tham gia vào các cuộc đua ngựa. Mặc dù vua đã ngã ngựa trong lúc đua xe, nhưng hoàng đế lại đã tự tuyên bố mình là người chiến thắng, và sau đó lấy đi rất nhiều tượng ở Olympia đưa về Roma.

Vua Herodes Atticus cũng đã đến đây và có xây dựng một nympheum đây, và một đài phun nước cung cấp nước uống cho khu vực

Vào năm 426 sau Công nguyên, hoàng đế Theodosius II cấm không cho tổ chức thế vận thi đua nữa vì cho rằng chúng là những trò ngoại đạo, vận động viên thi đấu trần truồng vô đạo đức, và hoàng đế đã cho phá hủy các ngôi đền đài ở Olympia.

Trong các trận động đất thế kỷ thứ 6 đã phá hủy các tòa nhà ở Olympia, và bùn đất cùng nước sông nước sông Kladeos và Alfeos đã bao phũ cả vùng này. Đất lở từ núi Kronion cuối cùng bao phủ toàn bộ khu vực Vận động trường Olynpic.

Khu vực Olympic này được phát hiện vào năm 1776, và vào năm 1829 các nhà khảo cổ Pháp bắt đầu khai quật các di tích tại địa điềm này.

Các Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Athens vào năm 1896.

Sự trớ trêu về Thế Vận Hội là: Thời xưa khi tổ chức Vận hội các trò chơi là có ý ngưng chiến và ngăn chặn các cuộc chiến tranh, nhưng ngày nay Chiến tranh đã đôi lần ngăn cản các Thế Vận Hội.

Các thần thoại về Trò chơi thi đua Vận động Olympic

Olympia được kết nối với rất nhiều vị thần và những huyền thoại, và có nhiều giả thuyết về Thế vận hội Olympic đã bắt đầu như thế nào. Theo một truyền thuyết thì chính tại đây thần Zeus vật lộn với cha mình là thần Cronus, và cuối cùng đã thắng cha và lấy được ngai vua. để ghi chiến thắng này, Zeus tổ chức trò chơi thi đua Vận động Olympic.

Lại có huyền thoại khác nói rằng: năm anh em đưa Zeus từ đảo Crete đến đây, rồi ho chạy đua với nhau ở Olympia,và người anh cả tên Heracles thắng cuộc (không phải thần Heracles anh hùng) và được vinh quang với một vòng hoa ôliu.

Tuy nhiên, một câu chuyện khác nói rằng vua Oenomaus của Pisa, có con gái tên là Hippodameia đã đến tuổi lập gia đình. Điều này làm vua lo lắng, vì có lời sấm đã nói với ông rằng ông sẽ chết bởi bàn tay con rể của mình, và vì vậy ông lập kế hoạch độc ác làm thế nào ngăn ngừa con gái Hippodameia không bao giờ kết hôn được. Ông đã ra lệnh rằng bất kỳ người nào cầu hôn con gái thì sẽ phải cạnh tranh bằng cách đua xe ngựa chariots với chính ông. Nếu kẻ cầu hôn giành chiến thắng thì sẽ được cưới Hippodameias, nhưng nếu thua thì sẽ mất mạng!.

Các cuộc đua xe chariots đã bắt đầu. Mặc dầu nhiều kẻ đã mất mạng khi đấu với vua, không biết rằng nhà vua độc ác Oenomaus có những con chiến mã với sức mạnh vô địch. Vua độc ác này đã thắng và đã giết đi 33 tay cầu hôn. Rồi đến lượt chàng Pelops xuất hiện, vừa trông thấy chàng, nàng Hippodameia đã mê mẩn và rơi vào bẫy tình. Thế là nàng mua chuộc tên Myrtilos là người chăm sóc cho chiến ngựa của vua. Tay Myrtilos âm mưu sẽ tháo lõi chốt giữa bánh xe trong cỗ ngựa đua của vua, thế là khi cuộc đua bắt đầu, xe long bánh ra, vua bị ngã ngựa và bị giây ràng buộc ngựa lôi đi cho đến chết.

Sau đó thì Pelops cuới Hippodameia. Để ghi nhớ ngày Pelops chiến thắng vị vua tàn ác, cuộc thi Olympic được bắt đầu.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gió
Nguyễn Ngọc Liên
20:49 28/09/2015
GIÓ
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Gió ơi gió thổi mây trôi
Tiện tay thổi bớt lôi thôi chuyện đời.
(nđc)