Ngày 28-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/09: Đời sống Đức Tin – Mừng kính Tổng Lãnh Thiên Thân Micae, Gabriel & Raphael – Thầy Phó Tế Phêrô Trần Văn Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:32 28/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 4Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Đó là lời Chúa
 
Một giá cả tiềm ẩn
Lm. Minh Anh
03:23 28/09/2022

MỘT GIÁ CẢ TIỀM ẨN
“Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”.

Paul Dickson nói, “Thiên Chúa ban cho con người mọi sự, để nó toàn quyền sử dụng chúng cho vinh quang Ngài. Thế nhưng, thiên nhiên luôn có những khuyết điểm tiềm ẩn của nó; vì thế, con người phải chấp nhận ‘một giá cả tiềm ẩn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Dickson cho biết, việc sử dụng thiên nhiên đòi hỏi con người chấp nhận rủi ro, phương chi việc đi theo Đấng tạo thành nó. Trong Tin Mừng hôm nay, một người khoe, “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”; Chúa Giêsu nói, “Con Người không có nơi gối đầu”. Câu trả lời khá bấp bênh của Ngài khiến chúng ta tự hỏi, liệu người ấy có hiểu điều anh ta sẽ làm không? Bởi lẽ, việc theo Chúa luôn đòi hỏi ‘một giá cả tiềm ẩn’, vì không phải lúc nào cũng hào nhoáng!

Chúng ta có thể ước mơ làm nhiều điều cho Chúa, nhưng cuộc đấu tranh ngày này qua ngày khác nhiều lúc thật khó chịu. Những thách thức không đáng có thì muôn mặt. Một người vợ mới cưới thất vọng khi khám phá chồng cô không thể cáng đáng tài chánh; một người mẹ tuyệt vọng khi hay tin đứa con kỳ vọng bỏ học; một người cha vui mừng khi vừa nhận một công việc tốt, nhưng sớm phát hiện, ông chủ mới là một bạo chúa. Cũng thế; việc theo Chúa có những rủi ro tương tự, người môn đệ sẽ trả ‘một giá cả tiềm ẩn’; vì không phải lúc nào cũng huy hoàng.

Chúa Giêsu còn nói với một người được gọi, khi người này xin về chôn cất người thân, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!”. Ý của người ấy là anh cần phải về nhà để chăm sóc cha mình cho đến khi ông qua đời. Theo Origen, câu nói này còn mang một ý nghĩa thần học sâu sắc, “‘Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’ ngụ ý về mặt tâm linh. Không lãng phí thời gian cho những thứ đã chết! Vô luân, ô uế, đam mê, ham muốn xấu xa và tham lam; đó là việc tôn thờ ngẫu tượng. Những thứ này làm cho bạn chết. Hãy đuổi chúng đi! Hãy cắt chúng như cắt khối u để toàn thân khỏi nhiễm bẩn, để bạn không nghe nó nói, ‘Hãy để kẻ chết “tâm linh” chôn kẻ chết tâm linh!’. Việc cắt bỏ này là ‘một giá cả tiềm ẩn’ phải trả. Với một số người, điều này có vẻ mâu thuẫn khi Đấng Cứu Rỗi không cho phép người môn đệ chôn cất cha mình; trên thực tế, Ngài không cấm điều đó; đúng hơn, Ngài đặt trước điều này ‘một lời công bố về Vương Quốc thiên đàng’, nơi mọi người sống. Còn người chết, thì ai cũng chôn được!”.

Tin Mừng còn nói đến một người thứ ba được gọi, người này xin “về từ giã gia đình trước đã”. Chúa Giêsu nói, “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Ngài không khắt khe và thô lỗ với những người sẽ là môn đệ, nhưng một khi chọn theo Ngài, Chúa muốn chúng ta tính toán, ngã giá cách tự do, cho dù đó là ‘một giá cả tiềm ẩn’.

Thật thú vị, Gióp, một con người tuyệt đối tin vào Đấng tạo dựng các sao trời, Đấng mà “Chỉ một mình Ngài trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển”. Ấy thế, Gióp cũng phải trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ khi phải bước đi trong đức tin; từ đáy tuyệt vọng, Gióp thốt lên những lời tuyệt vời, “Khi Chúa nhậm lời tôi kêu, tôi cũng không chắc Ngài nghe tôi”. Dẫu thế, Gióp vẫn kiên trì khấn xin; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa!”.

Anh Chị em,

“Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”. Theo Chúa Kitô, bạn và tôi phải sẵn sàng trả ‘một giá cả tiềm ẩn’. Điều này nghe có vẻ liều lĩnh nhưng đó là sự thật. Việc theo Ngài đòi tôi trả giá mỗi ngày, nhưng việc trả giá mỗi ngày này lại giúp tôi có khả năng để trả những giá cao hơn cho những hy sinh lớn hơn. Nhưng bạn đừng quên, như hai mặt của đồng tiền, giá tiềm ẩn cũng có hai mặt! Giá để ‘trả’; và giá để ‘nhận!’. Bước theo Giêsu, chúng ta đi trên đường thập giá của Đấng tự huỷ chính mình; nhưng bước theo Giêsu, chúng ta còn nhận được không chỉ gấp trăm ở đời này mà còn được cả Nước Trời, được Giêsu, được Con Thiên Chúa, được thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết sức con hèn yếu, xin trợ lực con; cho con biết, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai, một ai dám trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ để được cả Nước Trời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Khiêm tốn phục vụ trong tin yêu
Lm. Đan Vinh
06:06 28/09/2022

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN C
Kb 1,2-3;2,2-4; 2Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ TRONG TIN YÊU

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 17,5-10

(5) Các Tông đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (6) Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (7) Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : “Mau vào ăn cơm đi !”, (8) chứ không bảo : “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !” (9) “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? (10) Đối với anh em cũng vậy : Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

2. Ý CHÍNH : Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Người muốn các ông phải tránh thái độ công thần khi đòi Chúa trả công cho mình ngay đời này. Trái lại, phải khiêm tốn phục vụ và chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng với tinh thần quảng đại vô vụ lợi.

3. CHÚ THÍCH :

- C 5-6 : + Tông đồ : Ở đây đức Giê-su nói riêng với nhóm Tông đồ chứ không phải nói chung với các môn đệ. Tông đồ là tước hiệu dành riêng cho Nhóm 12 được Đức Giê-su tuyển chọn từ nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10,1; 6,12-13). Các Tông đồ phải từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su và sau này sẽ được Người trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và được sai đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. + Xin thêm lòng tin cho chúng con : Đứng trước những đòi hỏi của Luật Mới (x. Lc 17,1-4) và sứ vụ phải mở rộng Nước Thiên Chúa, các Tông đồ cảm thấy bất lực. Các ông đã xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin đang yếu kém của các ông (x. Lc 8,25). Các ông đã xin Người mở rộng tâm hồn để đón nhận được ánh sáng đức tin. + “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải” : Hạt cải là loại hạt giống nhỏ nhất (x. Mt 13,32). Khi so sánh lòng tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh về mặt phẩm chất hơn về số lượng của đức tin. Một sự phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện với đức tin, thì vẫn có thể đạt được kết quả lớn lao kỳ diệu. Vì khi ấy người ta làm việc không dựa vào sức riêng, nhưng nhờ vào quyền năng Thiên Chúa. + “Thì dù anh em có bảo cây dâu này : “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” : Cây dâu là một cây đại thụ, rễ của nó rất lớn và có thể sống tới 600 năm. Nhưng chỉ cần một lời nói phát xuất từ niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, cũng có thể bứng được cây đó khỏi mặt đất và xuống mọc trong lòng biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 17,20). Ở đây Đức Giê-su không khuyến khích người ta cầu xin phép lạ giật gân, và chắc không bao giờ Người lại thực sự di dời cây dâu xuống trồng dưới lòng biển. Vì Người luôn từ chối làm phép lạ để chứng minh Người là Con Thiên Chúa như đòi hỏi của các đầu mục Do thái nhiều lần. Đây chỉ là một kiểu nói nhằm đề cao sức mạnh của lòng tin thôi.
- C 7-8 : + Có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên... : Theo tập tục thời đó, người đầy tớ không được tự do làm việc theo ý mình, nhưng phải luôn làm theo ý của ông chủ. Ở đây, người đầy tớ vừa cày ngoài ruộng về, hoặc vừa dẫn chiên từ đồng cỏ về nhà. Ông chủ đòi anh ta phải tiếp tục phục vụ bữa ăn tối cho ông. Bổn phận của người đầy tớ là phải làm việc hết mình theo ý muốn của ông chủ.
- C 9-10 : + Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? : Qua hình ảnh đầy tớ. Đức Giê-su muốn dạy người làm việc cho Chúa không được vênh vang đòi Chúa phải đền ơn mỗi lần làm được một việc gì. Trái lại, họ cần ý thức thân phận tôi tớ thấp hèn của mình để sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Chúa truyền. + “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” : “Đầy tớ vô dụng” không có nghĩa là không làm được gì. Ở đây, “đầy tớ vô dụng” là một kiểu nói cường điệu ám chỉ “mang thân phận hèn kém”. Người Tông đồ cần tránh thái độ “công thần”. Vì các thành quả tuy bề ngoài do các ông làm, nhưng thực sự đều nhờ ơn Chúa giúp, như lời Người phán : “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Thánh Phao-lô cũng khiêm tốn nhận rằng : “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tóm lại, khi rao giảng Tin Mừng ta cần noi gương khiêm hạ của Đức Giê-su (x. Pl 2,6-8).

4. CÂU HỎI :
1) Tông đồ là những ai?
2) Tại sao các ông lại xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin?
3) Khi so sánh đức tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn dạy điều gì?
4) Đức Giê-su nói về sức mạnh của một đức tin chân chính qua câu nói nào?
5) Tại sao Người lại muốn các Tông đồ phải tránh thái độ “công thần”?
6) Tại sao Đức Giê-su muốn các Tông đồ phải luôn tự nhủ : mình chỉ là “những đầy tớ vô dụng”?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).

2. CÂU CHUYỆN :

1. ĐỨC TIN HẠT CẢI CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA :

Ngày nay, trên thế giới, ít có người không biết tên Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một nữ tu đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý nhất : Năm 1963, Ấn Độ đã tặng Mẹ giải thưởng “Bông Huệ Tuyệt Vời”; Phi-líp-pin thì tặng giải thưởng Mas-say-say; Năm 1974 Rô-ma tặng Mẹ giải “Hòa Bình Gio-an 23” và đến năm 1979, Mẹ được tặng giải No-ben Hòa Bình thế giới. Mẹ đã qua đời vào năm 1997 hưởng thọ 87 tuổi. Dù chỉ là một nữ tu không chút địa vị quyền hành, không có nhiều tiền bạc hay quyền lực... thế mà khi qua đời, Mẹ lại được nhiều vị đứng đầu quốc gia như Tổng Thống, Chủ Tịch Nhà Nước của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... hay các nước nhỏ như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia... hiện diện hay cử đại biểu đến dự lễ an táng, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vào năm 1948, Mẹ đã nhìn thấy một người đàn bà đang bị đói ăn đang ôm đứa con nhỏ mới sinh nằm bên một đống rác hôi thối, ruồi nhặng bu đầy chung quanh. Cảnh tượng ấy làm Mẹ xúc động như nhìn thấy Đức Giê-su đang bị bỏ rơi trên cây thập giá. Từ đó Mẹ đã quyết hiến trọn cuộc đời để phục vụ những người cùng khổ. Họ là những người đang bị bệnh tật, đói rách, không nhà phải nằm ngủ trên các hè phố hay bãi rác công cộng để chờ chết mà không được ai chăm sóc. Mẹ đã mang họ về nhà dòng và phục vụ họ thật chu đáo, cho đến khi qua đời. Nhờ lời cầu nguyện và sự cộng tác giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, Mẹ và các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã lập được gần 300 nhà hấp hối như thế. Cuộc đời và công việc của Mẹ Tê-rê-sa, một nữ tu nghèo nhưng đã làm được những việc phi thường nhờ đức tin, đã minh chứng cho Lời Chúa dạy hôm nay : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta?

2. KHIÊM NHƯỜNG LÀ NỀN TẢNG MỌI NHÂN ĐỨC :

Một thầy Ráp-bi già bị bệnh phải nằm liệt giường. Các môn đệ rủ nhau đến thăm và thì thầm nói chuyện với nhau cố ý làm vui lòng ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức tuyệt vời của thầy.
Một người trong bọn nói : "Từ thời vua Sa-lo-mon đến nay, chưa có ai khôn ngoan được như thầy mình". Người khác nói : "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham”. Người thứ ba nói : "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của thánh Gióp". Người thứ tư thêm vào : "Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, thì chỉ có hai vị đứng đầu là ông Mô-sê và thầy chúng ta mà thôi".
Nghe các môn đệ khen như vậy, nhưng xem ra thầy ráp-bi vẫn tỏ thái độ không vui. Chờ cho đám môn đệ ra về rồi, vợ thầy mới lên tiếng hỏi :
- Ông có nghe thấy họ ca tụng ông không?
- Có.
- Thế tại sao ông vẫn không vui?
Vị ráp-bi liền than phiền :
- Vì không thấy ai nhắc đến nhân đức khiêm nhường của tôi cả.
Muốn được người ta ca ngợi sự khiêm nhường của mình thì thầy ráp bi này lại chẳng có nhân đức khiêm tốn chút nào ! Cho dù thầy có khôn ngoan như vua Sa-lo-mon, đức tin có mạnh mẽ ngang ngửa với tổ phụ Áp-ra-ham, lòng kiên nhẫn có được như thánh Gióp và có sống thân mật với Đức Chúa như mục tử Mô-sê… mà không có lòng khiêm hạ thì tất cả các nhân đức nói trên cũng chỉ là con số không to tướng. Cũng vậy, nếu chúng ta tập thành được nhiều nhân đức, có chu toàn được các bổn phận đạo đức hằng ngày, có làm được nhiều việc từ thiện lớn lao, nhưng chúng ta lại tự mãn và khoe khoang thành tích ấy ra để được người đời ca tụng, thì chúng ta lại không còn phải là người thực sự thánh thiện nữa.
Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ : "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10).

3. QUAN TÂM PHỤC VỤ MANG LẠI HẠNH PHÚC THỰC SỰ :

Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự : "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tôi cả. Tôi có đủ mọi sự, nhưng không biết tại sao trong lòng vẫn cảm thấy trống vắng. Xin cho tôi lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời tư của cô ta, Câu chuyện ấy như sau :
“Chồng tôi đã chết lâu, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì bị xe đụng. Tôi cảm thấy như đã bị mất tất cả và không thể chợp mắt ngủ được, cũng chẳng thiết gì ăn uống và không muốn nở nụ cười với ai. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Ngoài trời đang rất lạnh và tôi thấy tội nghiệp con mèo, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha một ly sữa cho nó uống. Nó kêu meo meo rồi đến ngồi bên cạnh và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi sau đó tôi nghĩ : nếu việc giúp đỡ một chú mèo con mà có thể làm cho tôi cười được, thì việc giúp cho một người nào đó chắc sẽ còn làm tôi được hạnh phúc nhiều hơn nữa.
Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh mì mang sang cho một bà cụ hàng xóm đang bị bệnh. Từ đó mỗi ngày tôi đều để tâm làm một vài việc gì đó giúp cho người chung quanh. Và quả thực tôi đã dần dần tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là : ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ được người khác đem lại hạnh phúc cho ta; Trái lại ta sẽ có hạnh phúc thực sự khi biết quan tâm phục vụ tha nhân, làm cho người khác được hạnh phúc".
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ đã bật khóc. Quả thật, cô đã có rất nhiều thứ mà đồng tiền mang lại, nhưng cô lại không cảm thấy hạnh phúc, là thứ mà đồng tiền không thể mua được. Và cô đã quyết định sẽ thực hành theo gương cô thư ký kia là làm cho người khác vui. Chính khi quên mình để nghĩ đến người khác lại là cách hữu hiệu để mang lại niềm vui cho bản thân mình (Charlene Johnson).

4. THỰC THI BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ CỦNG CỐ ĐỨC TIN :

Có một bà cụ già nọ đã trải qua một thời gian nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa khi phải đối diện với nhiều tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy ra cho mình. Trong lúc tâm hồn bối rối hoang mang, bà đến gặp cha linh hướng để xưng tội và xin ngài một lời khuyên. Bà hy vọng vị linh mục này sẽ nói với bà về sự hiện hữu và lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng bà rất ngạc nhiên khi cha linh hướng lại cho bà lời khuyên không mấy ăn nhập với thắc mắc của bà : Cha khuyên bà hãy về nhà thực thi những cử chỉ đẹp, hãy cảm thông với những nỗi đau khổ bất hạnh của người chung quanh. Dù không mấy thỏa mãn về đáp án này nhưng bà vẫn làm theo lời khuyên của cha. Quả thật sau một thời gian, bà đã lấy lại được niềm tin trước đó. Những nghi ngờ về sự hiện hữu và lòng nhân từ của Thiên Chúa cũng tự nhiên biến mất.

3. SUY NIỆM :

Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã cho biết đức tin là một hồng ân nên các ông phải cầu xin Chúa ban. Tiếp đến Người đề cao sức mạnh của một người có đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Đức Giê-su muốn các môn đệ tránh thái độ “công thần”, tự hào khi làm được việc tốt và đòi Chúa phải thưởng công ngay cho mình. Trái lại các ông phải luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân, hăng hái chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng vô vụ lợi.

1) “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” :
- Đức tin là ơn do Chúa thương ban : Trong cuộc sống chúng ta thấy đức tin không luôn đi đôi với sự khôn ngoan của thế gian, nhưng là một ơn do Chúa thương ban, như lời Đức Giê-su đã thưa với Chúa Cha : “Lay Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Do đó, muốn có đức tin vững mạnh chúng ta phải noi gương các Tông đồ để cầu xin Chúa : "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).
- Sức mạnh của đức tin : Tiếp theo, Đức Giê-su đã đề cao sức mạnh của đức tin khi nói : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Nói câu này, Đức Giê-su không khuyến khích các Tông đồ làm phép lạ để cho người ta tin, nhưng Người muốn các ông ý thức về sức mạnh của một đưc tin đích thực. Nếu có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như Người đã hứa : “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14,12-13).
- Thành quả của đức tin : Quả thật, sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ quyền năng Thánh Thần, các Tông đồ đã thực hiện được nhiều dấu lạ : Sau bài giảng của Tông đồ Phê-rô, đã có ba ngàn người xin tòng giáo. Các Tông đồ còn làm nhiều phép lạ trên những người tin (x. Cv 2,41; 5,12-16). Như vậy, dù yếu đuối, các ông cũng đã trở nên mạnh mẽ nhờ cậy vào ơn Chúa giúp. Về vấn đề này, thánh Phao-lô viết : “Chúa quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10c).

2) Đức tin phải đi đôi với thái độ khiêm tốn phục vụ :
- Phục vụ cách khiêm tốn : Người tín hữu phải biết phục vụ Chúa và tha nhân một cách khiêm tốn vô điều kiện, giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy mình còn phải phục vụ bữa tối cho ông chủ, rồi sau đó mới được ăn.
- Phải tránh thái độ “công thần” : Đức Giê-su đã dạy các môn đệ : "Đối với anh em cũng vậy : Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Phải tránh thái độ “công thần”, nghĩa là tự hào về công việc tốt đã làm để đòi Chúa phải thưởng công, như người biệt phái trong dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện đã cầu nguyện kể công và khinh thường người thu thuế (x. Lc 18,11.13).

3) Chúng ta phải làm gì?
- Xin thêm đức tin : Noi gương các Tông đồ xưa, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa : "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Chính nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều lớn lao. Chẳng hạn : Sẽ giúp cho nhiều tội nhân hồi tâm trở về; Sẽ giúp nhiều anh em lương dân nhận biết tin thờ Thiên Chúa; Sẽ kêu gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp công sức tiền bạc để làm các việc từ thiện bác ái lớn lao, noi gương Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm. Đàng khác, Tin và yêu luôn đi đôi với nhau : Có yêu Chúa nhiều thì mới tin vững vàng vào Chúa được. Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến Chúa nữa.
- Loan Tin Mừng bằng việc bác ái : Ngày nay, loan báo Tin Mừng không những phải dựa vào ơn Chúa giúp, mà còn phải khiêm nhường dấn thân phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su (x. Ga 13,6.13-15). Thực tế cho thấy : Việc chia sẻ bác ái cụ thể có sức thuyết phục khiến nhiều người dễ dàng đón nhận đức tin hơn bài giảng hùng hồn, như Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã dạy : “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41).
- Yêu phải đi đôi với tin : Có yêu Chúa nhiều thì mới vững tin vào Chúa. Trươc khi trao quyền chăn chiên cho Si-mon Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã ba lần sát hạch ông về lòng mến dành cho Người : “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (x. Ga 21,15-17). Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng mến Chúa cho chúng ta.
- Phục vụ trong khiêm hạ : khi đã làm tất cả những việc được giao rồi, chúng ta cần tránh tự mãn khoe khoang thành quả đạt được, nhưng phải luôn tự nhủ : “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ ban thưởng cho các tôi trung của Người, cho họ được tham dự bàn tiệc Nước Trời và sẽ phục vụ lại họ (x. Lc 12,37).

4. THẢO LUẬN :

1) Khi bạn làm việc tông đồ mà cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả thường do những nguyên nhân nào?
2) Bạn cần làm gì để lấy lại tinh thần hăng say phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ các thói hư tật xấu khỏi lòng trí con. Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ bị thiệt thòi khi dấn thân, sẵn sàng từ bỏ những điều con thường cậy dựa xưa nay. Xin cho con một đức tin sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khổ chung quanh con. Xin cho con một đức tin quảng đại, dám hy sinh bản thân vì Chúa và tha nhân. Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngược dòng và khước từ những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Xin cho con một đức tin vui tươi, vì biết những gì đang chờ đợi con lúc cuối đời, sung sướng và hy vọng vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón nhận. Cuối cùng, xin cho con một đức tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp những khó khăn gian khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn cậy trông và phó thác cho duy một “Thiên Chúa Là Tình Yêu”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Sống mầu nhiệm Mân côi giữa đời thường
Lm. Đan Vinh
06:11 28/09/2022

CN 27 TN – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Lc 1,26-38
SỐNG MẦU NHIỆM MÂN CÔI GIỮA ĐỜI THƯỜNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 1,26-38.

(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
(c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

2. Ý CHÍNH :

Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức Trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a cũng phải là thái độ mà các tín hữu chúng ta cần học tập nơi Mẹ khi lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiệp cùng Mẹ xây dựng hòa bình bằng việc chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và các thói hư nơi bản thân mình.

3. CHÚ THÍCH :

- (c 26) + Gáp-ri-en : là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là : Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau : Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27) + Trinh nữ : Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời thưa với sứ thần : “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14; Mt 1,23). + Đã đính hôn : Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít : Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giê-sê cha của Đa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a : hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn : Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
- (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi” : Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su : nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
- (c 32) + Con Đấng Tối Cao : Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam !” : “Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, mà Ma-ri-a chỉ thắc mắc : làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.
- (c 35) + Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...” : Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a : Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng : Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa : Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh” : “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
- (c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.
- (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” : Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” : Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính : vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.
HỎI : Thắc mắc của Đức Ma-ri-a và của ông Da-ca-ri-a (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không? :
ĐÁP : Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau : Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin tưởng : Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân sủng” vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), và Mẹ đã được bà Ê-li-sa-bét khen ngợi : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

4. CÂU HỎI :

1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì?
2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế?
3) Lúc thưa “Xin vâng” để được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa?
4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao?
5) Sứ thần muốn nói gì qua câu : ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

2. CÂU CHUYỆN :

1) KINH MÂN CÔI MANG LẠI BÌNH AN CHO HỘI THÁNH :

- Vào thế kỷ 13, ở miền Nam nước Pháp đã xuất hiện lạc thuyết An-bi-gioa (Albigeois). Nhờ tràng chuỗi Mân côi do Đức Mẹ trao ban, nên chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đa-minh đã đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh Công Giáo.
- Thế kỷ 16, đạo Tin lành do linh mục Lu-ther khởi xướng đã nổi lên mạnh mẽ và nhờ sự hỗ trợ của các lãnh chúa mà đạo Tin Lành lan tràn đi khắp các nước Âu châu. Nhưng dân thành Lu-xem-bourg vẫn trung thành với Hội Thánh Công Giáo. Một hôm rất đông người dân trong thành phố đã được mời tới nhà thờ để nghe một vị mục sư Tin lành nổi tiếng giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng trong nhà thờ, thì một giáo dân đã xướng kinh Mân côi và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng, khiến vị mục sư không thể bắt đầu buổi giảng. Cuối cùng ông đành phải bước xuống tòa giảng và rời nhà thờ. Chính nhờ kinh Mân Côi mà thành Lu-xem-bourg đã giữ vững được đức tin Công Giáo.
- Năm 1571, vua Thổ đã điều hằng ngàn chiến thuyền đi xâm chiếm các nước Âu Châu. Viên tướng chỉ huy đạo quân bách chiến bách thắng đã ngạo mạn đe dọa sẽ biến thành Rô-ma nước Ý và là thủ đô của đạo Công Giáo biến thành một cái chuồng ngưa. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng Pi-ô V một mặt kêu gọi các vua Âu châu đoàn kết chống đỡ, thành lập một đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha để ra tiền tuyến nghênh địch, mặt khác ngài cũng kêu gọi mọi người Công Giáo Âu châu siêng năng lần hạt Mân Côi để xin Mẹ Ma-ri-a phù giúp.
Cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra tại vịnh Le-pan-te vào ngày 07 tháng 10. Tuy quân số ít oi ô hợp và vũ khí thô sơ, nhưng đạo quân thánh giá đã chiến thắng vẻ vang, chặn đứng được đà tiến của 10 ngàn chiến thuyền của quân Hồi Hồi được trang bị vũ khí hùng hậu. Từ Ro-ma, khi nghe tin chiến thắng, Đức Pi-ô V đã kêu gọi mọi người trong giáo triều đang hiện diện cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa, vì chính nhờ lời cầu bầu đắc lực của Mẹ Mân Côi mà Hội Thánh đã thoát khỏi cơn đại nạn bị tiêu diệt. Sau đó, Đức Pi-ô V cũng đã truyền thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hằng năm để tỏ lòng biết ơn Chúa và ghi nhớ biến cố lịch sử này.
- Trước năm 1917, nước Bồ Đào Nha ở vào tình trạng bị suy thoái nặng nề về đức tin. Hội Thánh Công Giáo đã bị bè phái Tam Điểm bách hại. Một số nhà thờ bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị chính quyền theo phái Tam Điểm bắt bớ, rất nhiều hội đoàn nổi lên chống đối Hội Thánh. Thế nhưng từ khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma, kêu gọi thực thi ba mệnh lệnh, trong đó chủ yếu là năng lần hạt Mân Côi, thì Hội Thánh tại Bồ Đào Nha đã dần được bình an. Rất nhiều hoạt động cổ võ việc lần hạt Mân Côi đã xuất hiện để xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho quê hương đất nước. Từ đó đến nay Bồ Đào Nha trở thành cái nôi của kinh Mân Côi.
Các biến cố nói trên cho thấy phép lần hạt Mân Côi chính là một phương thế hữu hiệu mang lại sự bình an cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu. Mỗi lần hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fa-ti-ma (Bồ đào nha), Đức Mẹ đều kêu gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Ở đâu người ta siêng năng lần hạt Mân Côi thì ở đó Hội Thánh sẽ được bình an. Các gia đình nào năng đọc kinh Mân Côi trong giờ kinh tối gia đình, thì gia đình đó sẽ được hòa hợp hạnh phúc.

2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JE-SUM PER MA-RI-AM):

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (Fulton Oursler), một tín hữu đã bị mất đức tin và bỏ đến nhà thờ trong nhiều năm, bấy giờ đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp phải quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ nơi có Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đã lôi cuốn ông đi vào nhà thờ và đẩy ông đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phun-tơn tự nhiên thốt ra một lời cầu nguyện như sau : “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm, và trở lại con đường vô tín như cũ. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp muôn vàn khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới : Ông đã có lại đức tin và sau đó từng bước hóa giải được mọi vấn đề khó khăn gặp phải ! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một lối sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà Phun-tơn đã đến được với Chúa Giê-su.

3) ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH MÂN CÔI :

Trên một chuyến xe lửa về Pa-ris, một anh sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, anh thấy cụ già rút từ trong túi áo ra một tràng chuỗi mân côi và từ từ chìm đắm trong lời cầu nguyện. Chàng sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, khi cụ già đã đọc kinh xong, chàng ta liền lên tiếng :
- Thưa ông, nếu cháu không lầm thì ông vẫn còn tin vào những chuyện tôn giáo nhảm nhí ấy chứ?
Cụ già bình tĩnh trả lời :
- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Chàng sinh viên nở một nụ cười ngạo mạn và nói :
- Lúc còn nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ sau khi đã học lên đại học, cháu làm sao còn tin được những chuyện nhảm nhí ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho cháu. Ông cứ tin cháu đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt kia đi, và hãy học để biết thêm những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông đã tin từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín cả.
Cụ gìa bình tĩnh hỏi chàng sinh viên :
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?
Chàng sinh viên liền hăng hái đề nghị :
- Ông cứ cho cháu biết địa chỉ của ông, cháu sẽ gởi đến cho ông những quyển sách mới. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.
Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho chàng sinh viên. Vừa đọc qua danh thiếp, anh chàng liền tái mặt vì xấu hổ, anh lặng lẽ đi sang toa tàu khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của cụ già có ghi hàng chữ : “Louis Pasteur - viện nghiên cứu khoa học Paris”.

4) KHI GẶP NGUY KHỐN HÃY ĐỌC KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC MẸ CỨU GIÚP:

a) Năm 1507, ông VA-LEN-TI-NÔ bị một bọn cướp bắt cóc tống tiền. Chúng đã xiềng chân và xích tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao tối tăm hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Va-len-ti-nô và gia đình ở nhà luôn tin cậy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi một ngày kia, sau khi đọc kinh Mân Côi, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy xiềng xích chân tay đều tự bung ra. Bấy giờ ông đã lần mò trong bóng tối, gõ tay vào tường của cây tháp, đến một chỗ ông chỉ nghe bục bục. Ông đẩy mạnh và viên đá đã nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá ra và đã tìm được lối thoát ra ngoài bình an. Phải chăng chính Đức Mẹ đã cầu cùng Chúa ra tay giải thoát ông.

b) Kinh Mân côi không phải chỉ cứu người ta về phần thể xác, mà còn cứu chữa về phần hồn nữa: HÉ-LÈ-NE là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người đàn ông phải chết mê chết mệt. Ngày kia nàng ta đã theo một người bạn vào bên trong một nhà thờ, gặp ngay lúc vị linh mục đang giảng về hiệu lực của kinh Mân côi. Trở về nhà, nàng nhờ người mua một cỗ tràng hạt, và âm thầm lần hạt mỗi ngày vì sợ bị cười nhạo. Ít lâu sau, nàng được Chúa ban ơn lòng được bình an mỗi khi lần hạt. Sau đó, nàng đã được Chúa ban ơn ăn năn sám hối, tình nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, và đã sống một cuộc sống thánh thiện cho đến chết.

c) Một bà nọ thuộc hàng quí tộc, một hôm bị bệnh nặng hấp hối gần chết. Người nhà liền đến mời đức cha DU-PAN-LOUP đến thăm và ban các bí tích sau hết. Sau khi hoàn tất, bệnh nhân đã bình thản hỏi : “Thưa Đức cha, liệu con có được ơn cứu độ không?”- “Cha hy vọng là được”. Bấy giờ bệnh nhân liền nói cách xác tín : “Phần con, con tin chắc con sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa”. Đức cha ngạc nhiên hỏi lại : “Sao con lại tin chắc như thế?” Bệnh nhân trả lời : “Thưa Đức cha, từ ngày còn bé đến nay, mỗi ngày con đều lần hạt Mân Côi, trong kinh Kính Mừng có lời cầu xin Mẹ Thiên Chúa thương cứu con khi nay và trong giờ lâm tử. Lẽ nào bây giờ lúc con sắp chết, chẳng lẽ Mẹ lại ngoảnh mặt không cầu cùng Chúa cho con được ơn cứu độ hay sao?”.

3. THẢO LUẬN :

1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để có thể thưa “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa, dù gặp nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng?
2) Bạn nên làm gì để động viên người khác cũng xin vâng ý Chúa khi gặp điều rủi ro như : thi rớt đại học, người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, làm ăn thua lỗ thất bại...?

4. SUY NIỆM :

Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta vừa nghe Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,26-38) kể lại sự việc sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a. Câu chuyện này cho chúng ta thấy tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Trinh Nữ Ma-ri-a chính là thái độ mà Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thực hiện khi đọc kinh Mân Côi noi gương Đức Mẹ. Vậy cấu trúc của kinh Mân Côi là gì? Cần có tâm tình nào khi đọc kinh Mân Côi? Kinh Mân Côi mang lại hiệu quả thế nào?

1) VỀ CẤU TRÚC CỦA KINH MÂN CÔI :

Kinh Mân Côi gồm hai phần là miệng đọc kinh và lòng suy niệm các mầu nhiệm:
a) Phần kinh đọc :
- Kinh Lạy Cha do Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.
- Kinh Kính mừng phần đầu là lời thiên sứ Gáp-ri-en (x. Lc 1,28) và lời bà Isave chào chúc Đức Mẹ (x Lc 1,41-42). Phần sau ”Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” là do Đức Piô V cho thêm vào kinh Kính Mừng năm 1569.
- Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được Đức Piô V thêm vào.
b) Phần suy niệm : Suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su và Đức Mẹ.
- Đầu tiên chỉ có 15 mầu nhiệm chia thành 3 phần là năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. Gần đây Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm vào 5 sự Sáng là những sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giê-su đi giảng đạo.
- Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm các mầu nhiệm kèm theo thì giống như con người chỉ là xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fa-ti-ma dạy : "Phải đọc kinh Mân côi và suy ngắm các mầu nhiệm".

2) THEO GƯƠNG ĐỨC MA-RI-A :

Điểm quan trọng mà Hội Thánh muốn các tín hữu noi gương Đức Mẹ trong lễ Mân Côi là thái độ cậy trông, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa như sau :
- “Xin vâng” : Trái với sự kiêu ngạo, không vâng lời Thiên Chúa của bà E-và khi kết hợp với ông A-đam trong vườn địa đàng khi xưa, Đức Ma-ri-a là E-và Mới thời Tân Ước đã cộng tác với A-đam Mới là Chúa Giê-su để lắng nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và cúi đầu “Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Ma-ri-a thụ thai, như kinh Truyền Tin : “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây, Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Ngay sau khi thụ thai Mẹ đã lập tức đem Thai Nhi Cứu Thế đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a, làm cho thai nhi Gio-an mới 6 tháng tuổi đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà I-sa-ve (x. Lc 1,41). Nhất là Mẹ còn thể hiện sự “xin vâng” khi đứng dưới chân thập giá để hiệp dâng người Con yêu là Chúa Giê-su lên cho Thiên Chúa hầu góp phần cứu độ loài người.
- Phó thác : Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người vô tín nhận biết Thiên Chúa, cũng như giúp các tội nhân bỏ các thói hư và xóa bỏ khỏi môi trường sống các tệ nạn xã hội như sì-ke ma túy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật... không dễ thực hiện, nhưng cũng không khó đối với Thiên Chúa, vì : “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a năng cầu nguyện với Chúa Giê-su và làm theo lời Người dạy, như Mẹ đã yêu cầu các người giúp việc trong tiệc cưới Ca-na hãy vâng lời Chúa Giê-su : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3-5).
- Tạ ơn Chúa : “Tất cả đều là hồng ân” : Khi gặp điều may lành, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa. Nhưng ngay cả những lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng phải sẵn sàng thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng : mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Vì Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”, Ngài không bao giờ triệt đường của chúng ta như người ta thường nói : “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời thánh Phao-lô dạy: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).

3) NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN :

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta khẳng định có một mối liên hệ sâu xa giữa hai tước hiệu của Mẹ là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” và “Nữ Vương Ban Sự Bình An”. Qua đó chúng ta rút ra bài học: muốn sống trong bình an, người ta không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi.
Kinh Mân Côi chính là một khí cụ mang lại ích lợi cho mọi thành phần dân Chúa : Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi sẽ đem lại sức mạnh tinh thần; Ai đang sống trong tội lỗi, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ nhận được ơn tha thứ của Chúa; Ai đang gặp phải rủi ro bất hạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ tìm ra phương thế đạt được hạnh phúc; Ai đang khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp ánh lửa tin yêu còn ẩn giấu trong lòng họ sẽ được bùng lên thành ngọn lửa tin yêu Chúa... Vì kinh Mân Côi chính là phương thế Chúa ban qua lời Mẹ cầu bầu, để mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đến cho loài người.

5. LỜI CẦU :

Lạy Mẹ Mân Côi, “Nữ Vương Hòa Bình”, xin giúp chúng con biết siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con sẽ cộng tác với Mẹ xây dựng hòa bình và tích cực góp phần cứu độ thế giới, bắt đầu từ bản thân, rồi đến gia đình, khu xóm, giáo xứ, đất nước và ra đến toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để hiệp cùng Mẹ, mỗi ngày chúng con sẽ cải tạo môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu Nước Trời bình an hạnh phúc mau xuất hiện theo đúng thánh ý Thiên Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Mẹ đầy ơn phúc
Lm. Thái Nguyên
06:17 28/09/2022


MẸ ĐẦY ÂN PHÚC

Ngày 07 Tháng 10 - Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Lc 1, 26-38

Suy niệm

Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Mẹ lại rộn ràng với những lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Mẹ. Cần buông xuống mọi lo âu và phiền não trong đời, để mỗi ngày ta được thanh thản cất lên lời ca ngợi: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc…", là lời chào của sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ.

Mẹ đầy ơn phúc vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Tình thương ấy đã chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, qua việc giữ gìn Mẹ khỏi vết nhơ nguyên tội, và còn bao bọc Mẹ mãi vẹn toàn, để nhờ đó Mẹ góp phần lớn lao nhất vào công trình cứu độ loài người, vì được tuyển chọn để làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Từ suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ, cũng được Chúa yêu thương và tuyển chọn qua việc tẩy xóa tội nguyên tổ để trở nên con người mới trong Đức Kitô.

Mẹ đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Sự cao trọng nhất của một con người là có Thiên Chúa ở cùng. Trong Cựu Ước, những người có Thiên Chúa ở cùng là những người được kêu gọi và sai đi thực hiện Thánh ý Người. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ vượt trên hết mọi người khác, vì được tràn đầy Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời. Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Không lạ gì mà bà Êlisabét ca ngợi Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42). Mẹ đã sinh Đức Kitô cho nhân loại, nhờ Mẹ mà chúng ta mang danh hiệu Kitô hữu, là những người có Chúa ở cùng như lời chúc của linh mục trong mỗi thánh lễ.

Mẹ thật có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ (Lc 1, 45). Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn đi ngay trong đêm tối của đức tin. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ, để được chung hưởng hạnh phúc với Mẹ, như lời Chúa phán:“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Sau một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Người tôn vinh, được Giáo Hội tôn kính với biết bao danh hiệu rạng ngời. Để giờ đây, chúng ta thì thầm lời kinh: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…”. Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadetta, Đức Mẹ luôn cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, và khuyên con cái Mẹ hãy lần hạt. Đức Mẹ nói với Bernadette như sau: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã bắt đầu chớm nở ở đời này cho những ai lần chuỗi Mân côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Kinh Mân Côi là chìa khóa vạn năng để chúng ta mở ra kho ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Chân Phước Alan nói rằng:“Sau Hy Tế trong Thánh Lễ, một Hy Tế cao trọng nhất, cùng những kỷ niệm sống động của những đau khổ của Chúa Kitô, thì không còn loại sùng kính nào tốt hơn, đem ích lợi nhiều cho các linh hồn bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng nhắc lại những kỷ niệm và diễn lại cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô”. Như vậy, lần chuỗi Mân Côi không chỉ hướng về Mẹ mà còn hướng về chính Đức Giêsu, con Mẹ và là Con Thiên Chúa.

Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời hợt, chưa đi sâu vào chính nội tâm mình, vì đang bị vây bủa bởi những bon chen và lợi lộc vật chất. Thật ra, tâm hồn mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đang bị nhiều thứ chế ngự, phân rẽ, khó lòng tìm thấy bình an và niềm vui sống cho cuộc đời mình, Chính qua việc lần chuỗi, mà chúng ta thống nhất con người toàn diện là thân, tâm, trí: tay cầm chuỗi, miệng thì thầm, tâm thì niệm, trí thì suy, để chìm sâu vào trong các mầu nhiệm mân côi, là cả cuộc đời Chúa Giêsu bên cạnh sự hiện diện của Đức Mẹ, để đón nhận sức sống linh thiêng cho đời mình.

Chỉ những ai tin vào lòng thương xót Chúa qua chuỗi kinh mân côi, người đó mới có khả năng tái tạo cuộc sống tốt đẹp hơn; mới có sức mạnh kiên trì để vượt qua những thử thách; mới có đầy an ủi và nâng đỡ để đón nhận những đau thương; mới có niềm vui và phấn khởi để nâng cao và sáng tạo cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Chỉ những ai sốt sắng lần chuỗi mân côi mới khám phá ra năng lực kỳ diệu của lời kinh, để sống một cuộc đời đẹp nhất như Chúa hằng mong đợi.

Lời nguyện

Ma-ri-a, lạy Mẹ đầy ơn phúc!

lòng con đầy yêu mến và cảm phục,

vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng,

là nữ tỳ rất mực tôi trung,

để cho nhân thế mãi tôn sùng.

Vì Mẹ thương nhân loại sống lầm than,

giữa thế gian bao khốn khó nguy nàn,

nên Mẹ đã đem đến những ân ban,

để thế giới hưởng bình an của Chúa.

Mẹ đã yêu thương nhiều lần xuất hiện,

để mời gọi chúng con biết hướng thiện,

biết quay về với nẻo chính đường ngay,

tìm đến Chúa trong đời sống hằng ngày.

Bằng chuỗi lần Mân Côi Mẹ chỉ dạy,

cùng với lòng sám hối kể từ nay,

và một lòng yêu mến Mẹ dâng đầy,

để con luôn ở trong tay Từ Mẫu.

Xin cho con buông xuống mọi lo âu,

đừng để cho tội lỗi gây buồn sầu,

nhưng để cho tình yêu luôn nung nấu,

để tình Mẹ thẩm thấu trái tim con.

Xin cho con thôi tranh chấp hơn thua,

đừng đặt nặng danh lợi và tiền của,

kẻo mất sự hiện diện Chúa nơi con,

và ân sủng bình an cũng chẳng còn.

Xin cho con cận kề bên Mẹ,

niềm vui nỗi buồn con thỏ thẻ,

xin Mẹ cùng chia sẻ với con,

này đây xác hồn con dâng trọn,

thì thầm lời kinh nguyện từng chiều,

kinh Kính Mừng với tất cả tình yêu. Amen.
 
Lễ Kính Tổng Lãnh Thiên Thân Micae - Quỷ Ám
LM Nguyễn Trung Tây
07:45 28/09/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Lễ Kính Tổng Lãnh Thiên Thân Micae - Quỷ Ám


Vào năm 1973, người ta xôn xao với bộ phim Quỷ Ám/The Exorcist, do William Friedkin đạo diễn, kể câu chuyện về một bé gái sống tại thành phố Philadelphia của Hoa Kỳ bị quỷ nhập vào người. Bộ phim Quỷ Ám đã khiến nhiều người trong rạp kinh hoàng, chết sững khi chứng kiến đầu của cô bé bị quỷ ám trong phim xoay tròn một vòng chung quanh cần cổ, hoặc khi cô bé mở miệng phát ra âm thanh trầm trầm âm vọng từ đáy vực sâu.

Ma quỷ là một thực thể tồn tại trên cõi đời, không ai có thể từ chối. Trước khi bắt đầu bước chân rao giảng Tin Mừng Lời Chúa, Đức Giêsu đi vào trong sa mạc cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Trong hoang địa với đá sỏi xương rồng, ma quỷ hiện ra ba lần cám dỗ Đức Giêsu. Nhưng cả ba lần, Ngài đều lắc đầu từ chối.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ta không bị ma quỷ cám dỗ, nhưng lại bị quỷ ma nhập thẳng vào người, làm chủ thân xác của người đó. Trong những trường hợp đặc biệt này, chúng ta gọi là bị quỷ ám.

Đi ngược lại dòng thời gian vào những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất, vào thời Đức Giêsu đi giảng đạo, Ngài cũng gặp gỡ rất nhiều người bị quỷ ám. Câu chuyện quỷ ám nổi tiếng trong Tân Ước đã xẩy ra tại vùng đất Gêrasa, phía Đông của Biển Hồ Galilêa, Bắc Do Thái, được trình bày trong Máccô 5:1-20. Theo như thánh sử Máccô, người thanh niên xứ Gêrasa đã bị, không phải một, nhưng là cả một đạo binh quỷ nhập vào người. Khi bị quỷ ám, anh ta không còn tự chủ được mình nữa. Người thanh niên bị quỷ ám từ bỏ gia đình, sống trong mồ mả. Ban đêm cũng như ban ngày, người thanh niên la hét, lấy đá đập vào người, sống một đời sống tăm tối của quỷ và ma. Bởi bị cả một đạo binh khoảng hai ngàn con quỷ nhập vào người (Maccô 5:13), không còn xiềng xích hoặc gông cùm nào có thể kìm chế nổi người thanh niên nữa. Vào giây phút gặp gỡ Đức Giêsu, người thanh niên bị quỷ ám xứ Gêrasa không còn vương mang hình dạng nét người.

Thật sự ra bộ phim Quỷ Ám/The Exorcist đã được dàn dựng dựa trên một câu chuyện có thật. Nhân vật bị quỷ ám ở ngoài đời không phải là một cô bé gái, nhưng là một chú bé trai. Sau những lần thất bại không trục xuất nổi con quỷ ra khỏi người chú bé, các thầy Dòng Alexian thuộc thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri quyết định làm Tuần Chín ngày kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, người đã từng đánh bại và trục xuất Lucifer cùng đồng bọn phản loại từ thiên đàng rơi thẳng xuống hỏa ngục. Nhờ những lời cầu nguyện đêm ngày của các Thầy Dòng Alexian, vào ngày cuối cùng của Tuần Chín ngày, Sứ Thần Micae đã trục xuất con quỷ dữ ra khỏi người chú bé.

Ngày hôm nay thế giới đang bị tàn phá trên nhiều phương diện. Vào ngày lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, kính mời cộng đoàn dân Chúa dâng lời cầu nguyện xin Tổng Lãnh Thiên Thần Micae qua bàn tay quyền năng của Thiên Chúa giải thoát thế giới khỏi những trận tấn công của thần dữ.
(Trích Suy Niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản)
 
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:11 28/09/2022
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con

Suy Niệm Chúa Nhật XXVII Thường Niên - C

(Lc 17, 5-10)

Đức tin là chủ đề nổi bật của Chúa Nhật này, Chúng ta cũng nghe về đức tin trong bài đọc I, trích sách tiên tri Khabacúc, được Thánh Phaolô lấy lại trong thơ gởi tín hữu Roma: “Người công chính sẽ nhờ đức tin mà được sống” (1,17). Bài Tin Mừng bắt đầu bằng lời van xin các tông đồ với Chúa Giêsu là : “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!”(Lc 17,5).

Khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh thời tiên tri Khabacúc, nước Giuđa lâm vào cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo điên. Bên ngoài, sức ép của các quốc gia lân cận ngày càng mạnh. Ðặc biệt cuộc xâm lấn vũ trang của đế quốc Babylon là không tránh nổi. Niềm tin của họ vào Thiên Chúa bị thử thách. Phần lớn trong số họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Thiên Chúa để phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Số khác, tức là những người tin vẫn một mực trung thành tin tưởng vào sự Thiên Chúa cứu giúp.

Tiên tri Habacuc dạy chúng ta bài học sơ đẳng rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy vững tin vào Chúa, và phải bắt chước các Tông Đồ xưa thưa : "Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con!"

Các môn đệ hiểu rằng lời dạy của Thầy Giêsu không phải là tư tưởng mới, nhưng kêu gọi họ hoán cái tận căn, từ bỏ hoàn toàn để theo và tin vào Đấng mà họ gọi là “Chúa” và là “Thầy”. Đức Giêsu khẳng định rằng nếu có đức tin, họ sẽ tìm được câu trả lời. Vì thế, khi đối diện với lời van xin của họ là gia tăng về số lượng, Ngài liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con” (Lc 17, 6). Chúng ta gọi lòng tin như thế là lòng tin chuyển núi dời non. Chúng ta thường quan tâm đến hiệu quả của công việc mà quên đi chính việc làm. Chúa muốn chúng ta làm việc với lòng tin giống như người đầy tớ trong nhà làm việc thế nào? Anh ta làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả công tức khắc. Lòng trung tín bảo anh làm hết mọi công việc đã phân chia cho anh và anh cũng tin chắc chủ sẽ thi hành phận sự của chủ là thưởng công cho anh.

Đức tin không hành động theo trật tự lô gích của thế giới này. Đức tin hành động các tổng quát bất ngờ và không thể dự kiến trước được, như: “Gió muốn thổi đâu thì thổi: ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8). Theo nguyên lý sự sống: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí” (Ga 3, 6). Thế nên, đức tin đặt chúng ta vào trong tương quan trực tiếp với Thiên Chúa và cho phép chúng làm điều tưởng chừng như không thể.

Khổ đau có thể làm chúng ta lo sợ; nhưng đức tin giúp chúng ta không bị chi phối bởi những thất bại của thế gian này. Đúng là để có thể cầm cự tốt cho đến thời đã ấn định, như Thánh Phaolô mời gọi Timôthê người con yêu quý của ngài “Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha” (2 Tim 1, 6-8). Đức tin là tham dự vào “sức mạnh của Thiên Chúa” trong Thánh Thần của tình yêu và lý trí. Trong khi đợi chờ sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa và ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, vẫn còn hạt giống của niềm tin cho phép chúng ta tuyên xưng rằng Chúa đến là điều chắc chắn như lời Ngài hứa: “Người sẽ thực hiện, không chỉ với thời gian ấn định. Chắc chắn giờ sẽ đến”.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con và ban Thánh Thần tình yêu xuống đầy lòng chúng con, để chúng con có sức nhổ tận gốc tất cả những ngờ vực và sống bằng lòng trung thành của chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 28/09/2022

14. Yêu là một kho tàng quý báu rất lớn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:59 28/09/2022
10. VƯƠNG ĂN PHẬT THỦ

Lương vương đã ăn đủ thứ trái cây ở miền bắc, và không biết ở miền nam có trái cây gì thơm ngon không, bèn sai người đi nước Ngô tìm hỏi.

Người nước Ngô đem đến tặng một giỏ quýt, Lương Vương ăn xong thì cảm thấy mùi vị rất thơm ngon, lại phái người đi nước Ngô tìm những trái cây thơm ngon khác, người nước Ngô bèn đem trái cam đường tặng ông ta, Lương vương ăn xong thì cảm thấy ngon hơn trái quýt. Thế là phán đoán nước Ngô nhất định phải có những loại trái cây khác ngon hơn, bèn sai người đi đất Ngô âm thầm điều tra xem.

Một hôm, sứ giả ngửi được mùi thơm, ngước đầu lên coi thì thấy một quả lớn cong cong vàng óng ánh nằm trên đầu cành, bèn đi vào một gia đình xin ăn thử. Chủ nhà cười và giới thiệu trái cây là phật thủ và đặc điểm của nó là nhìn đẹp mùi thơm nhưng không thể ăn, sứ giả cho rằng ông ta nói láo.

Trở về bẩm báo với Lương vương, Lương vương chính thức sai phái sứ thần đi nước Ngô nhờ giúp đỡ tìm trái phật thủ. Ngô vương nhiều lần giải thích đặc điểm của phật thủ, nhưng với sứ thần nếu không có phật thủ thì không được, nên Ngô vương chỉ biệt tặng một giỏ phật thủ.

Sứ thần từ phương xa vội vàng trở về nước Lương, dâng lên phật thủ, trong đại điện mùi thơm tỏa khắp nơi, Lương vương nhìn thấy phật thủ vừa lớn vừa vàng thì mặt mày hớn hở, vội vàng lấy một trái cắn một miếng thật lớn, miếng cắn này làm đau lòng Lương vương, ngay cả nước mắt cũng xót mà chảy ra.

(Úc Li tử)

Suy tư 10:

Có những người thích ăn ngon và ăn những thức ăn quý hiếm sơn hào hải vị; có người thích mặc đẹp cầu kỳ, mặc những mô đen càng quằn quại thì càng thích; lại có người thích tìm tòi những trái cây mới lạ mà ăn. Tất cả đều là sở thích của mỗi người, không có gì đáng tội, cái đáng tội là quá ham mê theo sở thích mà quên mất đức bác ái với người khác, quên mất làm tròn bổn phận của mình.

Có một vài người Ki-tô hữu hao tốn rất nhiều thời gian, phí cả sức lực và trí óc cho việc tìm kiếm tiền tài danh vọng thế gian, nhưng cuối cùng những thứ ấy không làm cho họ được vào Nước Trời; có một vài người Ki-tô hữu không ngần ngại làm hại tha nhân để đạt được mục đích của mình, nhưng mục đích ấy không làm cho họ được sống đời đời, bởi vì họ thiếu đức ái trong cuộc sống.

Trái phật thủ chỉ để làm kiểng chơi thôi chứ ăn không được, nhưng vua nước Lương đã vì quá mê ăn trái cây lạ nên không những đã hại mình, mà còn thiếu đức ái đối với các thuộc hạ của mình.

Đặt đức ái và hậu quả tai hại của việc làm trước mặt mình đã, rồi sau đó thích ăn gì thì cứ ăn, thích mặc đẹp thì cứ mặc, thích đi du lịch thì cứ đi, thích làm đại ca anh hai thì cứ làm. Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thành quả tuyệt vời của niềm tin
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
21:26 28/09/2022


Trong cuộc sống đời thường, niềm tin là một năng lực thần kỳ có thể giúp con người vượt qua mọi trở lực và đạt được những thành quả phi thường.

Đối với người không có niềm tin vào bản thân thì việc dễ hóa thành khó, vì thế họ gặp thất bại triền miên; Còn đối với người vững tin thì việc dù khó mấy cũng hóa nên dễ dàng, nên họ dễ đạt được nhiều thành công trong cuộc đời.

Rất nhiều sự việc tưởng như không thể làm được, là chuyện trong mơ… đã trở thành hiện thực, nếu được thực hiện với niềm tin.

Cách đây 30 năm, chuyện hạ cánh xuống Sao Hỏa, cách Trái Đất 225 triệu Km, là chuyện hoang đường, là điều không tưởng… Thế nhưng nhờ niềm tin vào khả năng của mình, các khoa học gia đã được thực hiện được dự án nầy từ năm 2018.

Chúa Giê-su cũng xác nhận niềm tin mang lại nhiều thành quả lớn lao. Ngài nói: “Đối với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được” (Mc 9, 23).

Và qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy các môn đệ rằng: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, (là thứ hạt rất nhỏ bé) thì dù các con có bảo cây dâu nầy (là cây đại thụ to lớn): "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời các con” (Lc 17, 6).

Niềm tin mang lại ơn chữa lành

Qua các trình thuật của Tin mừng, chúng ta thấy nhiều bệnh nhân được chữa lành cách lạ lùng nhờ lòng tin, cụ thể là:

- Một phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm, vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, bà tin rằng chỉ cần đụng đến áo Chúa Giê-su là được chữa lành, nên đã tìm cách tiếp cận Chúa và khi vừa đụng đến áo Ngài, căn bệnh nan y của bà liền biến mất (Mc 5,34).

- Hôm ấy, ông Giai-rô là trưởng hội đường đến gặp Chúa Giê-su, nài xin Ngài cứu chữa con gái ông sắp chết. Sau đó, gia nhân đến báo cho ông biết là con gái ông chết rồi, hết hy vọng rồi, đừng làm phiền Chúa nữa. Tuy vậy, Chúa Giê-su dạy ông cứ vững tin thì nó sẽ được cứu sống và ông vững tin vào lời Chúa nói. Nhờ đó, đứa bé chết rồi được cứu sống (Mc 5, 22- 42).

- Ông đại đội trưởng người Rô-ma đến gặp Chúa Giê-su tại Ca-phác-na-um, nài xin Ngài chữa lành tôi tớ ông đau nặng đang nằm liệt giường. Đặc biệt, ông tin rằng Chúa Giê-su không cần phải đến tận nhà, chỉ cần đứng tại chỗ, phán một lời là tôi tớ ông sẽ được chữa lành. Thế là nhờ niềm tin đó, người tôi tớ được khỏi bệnh (Mt 8, 5-13).

- Anh Ba-ti-mê là người mù thành Giê-ri-khô nhờ lòng tin vào quyền năng Chúa Giê-su nên được thoát khỏi cảnh mù lòa (Mc 10, 46-52).

Và rất nhiều lần khác, Chúa Giê-su xác nhận rằng chính nhờ lòng tin mà các bệnh nhân được lành bệnh. Ngài nói với họ rằng: “Lòng tin của con đã cứu chữa con.”

Lòng tin mang lại sự sống đời đời

Một thành quả tuyệt vời của lòng tin là những ai tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ thì sẽ được lãnh nhận sự sống đời đời. Chúa Giê-su xác nhận điều nầy khi Ngài phán:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Như vậy, niềm tin là báu vật thiêng liêng đáng trân quý nhất trên đời mà mỗi người phải cố công thủ đắc cho bằng được.

Lạy Chúa Giê-su,

Niềm tin là yếu tố cần thiết nhất giúp chúng con vượt qua mọi gian nan thách thức trong cuộc sống cũng như đạt được thành công trong cuộc đời nầy. Đặc biệt niềm tin vào Chúa là chìa khóa giúp chúng con đạt được sự sống đời đời trên thiên quốc.

Vì thế, hiệp ý với các Tông đồ, chúng con tha thiết cầu xin: “Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Amen.
 
Các Thiên linh huyền nhiệm
Lm. Minh Anh
22:11 28/09/2022

CÁC THIÊN LINH HUYỀN NHIỆM
“Ngàn ngàn hầu hạ Ngài, vạn vạn túc trực Ngài”.

W. J. Bryan nói, “Quả dưa hấu có sức mạnh hút từ mặt đất gấp 200.000 lần trọng lượng của nó. Bạn có thể cho tôi biết nó lấy vật liệu từ đâu ra để tô màu cho mình; sau đó, hình thành một lớp màu trắng, một tầng màu đỏ, và được dát dày bằng những hạt màu đen; mỗi hạt đến lượt nó, tự rút ra gấp 200.000 lần! Giải thích cho tôi bí ẩn của quả dưa, bạn có thể yêu cầu tôi giải thích cho bạn bí ẩn của Chúa, mà giữa Ngài với chúng ta, dày đặc ‘các thiên linh huyền nhiệm!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, chúng ta gặp lại ‘quả dưa hấu’ của Brian trong Lời Chúa ngày kính các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Qua đó, một nguyên tắc căn bản của thần học Công Giáo được nhắc lại! Rằng, sự cứu rỗi luôn mang tính trung gian! Rằng, cá nhân con người không thể tự mình đến với Thiên Chúa; và Thiên Chúa cũng không tự mình đến với con người! Trước tiên là Đức Kitô, Trung Gian Thiên Linh Huyền Nhiệm Tối Cao; cùng Ngài, Đức Mẹ, thánh Giuse và muôn vàn thần thánh; ngoài ra, lớp lớp thiên thần! Vì khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người thì vô cùng, nên Thiên Chúa lấp đặc nó bằng ‘các thiên linh huyền nhiệm!’.

Bài đọc Đaniel của ngày lễ mô tả sự dày đặc đó, “Từ trước nhan Ngài, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra, ngàn ngàn hầu hạ Ngài, vạn vạn túc trực Ngài”. Đó là ‘các thiên linh huyền nhiệm’, ‘các lớp’, ‘các tầng’ trung gian khác, còn gọi là các thiên thần! Đó còn là các từ ngữ, biểu tượng, nghệ thuật, linh mục, nữ tu, giáo lý viên, âm nhạc, sách vở, nhà thờ, khoá học, vô số các thứ, vô số địa điểm và bao con người… ‘dẫn’ Thiên Chúa đến chúng ta. Ngay việc sử dụng danh tính “Thiên Chúa”, hoặc “Cha”, hay “Kitô” cũng giả định phải có sự trung gian của ngôn ngữ!

Vì thế, dẫu ai đó nói, “Tôi muốn ‘bỏ qua người trung gian’ để trực tiếp đến với Chúa”, họ vẫn không thể! Tại một thời điểm nào đó ở tuổi thơ, họ học biết Chúa, hấp thụ Ngài từ những người khác. Vì vậy, ngay những kiến thức căn bản nhất, rõ ràng là bẩm sinh chúng ta có về Chúa cũng phải qua trung gian; thậm chí cả khi điều đó chỉ là tự nhiên hay bởi thiên nhiên. Ngày lễ hôm nay nói đến một trong các trung gian đó, ‘các thiên linh huyền nhiệm’ vốn lấp đầy khoảng trống giữa Chúa và người, truyền thông điệp Ngài, bảo vệ con người và chiến đấu chống lại Satan. Các ngài truyền một số thông điệp quan trọng nhất của Chúa. Ý nghĩa thay, tâm tình tán tụng của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, này con xin đàn ca kính Chúa!”.

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay minh hoạ vai trò trung gian của Philipphê khi ông dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu. Ai trong chúng ta mà không cần một sự trung gian tương tự? Vì ngoài những cái hữu hình, bạn sẽ dâng gì lên Chúa để “thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người?”. Khi Philipphê đưa bạn mình đến gặp Giêsu, Ngài đã làm một điều không tưởng! Ngài mang cho Nathanael một sự mặc khải về cách Thiên Chúa nhìn mỗi người; Ngài nhìn trong tận đáy lòng bạn và tôi, mời gọi chúng ta hiệp thông mật thiết với Ngài trên chốn thiên đàng. Ngài biết Nathanael trước khi anh có cơ hội mở lời. Trong cái nhìn đức tin, Philipphê không phải là một trong ‘các thiên linh huyền nhiệm’ đó sao?

Anh Chị em,

“Ngàn ngàn hầu hạ Ngài, vạn vạn túc trực Ngài”. Trong cuộc đời chúng ta, biết bao nhiêu ‘thiên linh huyền nhiệm’ Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị, để bạn và tôi có thể biết Ngài, yêu mến Ngài, phụng sự Ngài. Trước hết, đó là Mẹ Giáo Hội; tiếp đến, cha mẹ ông bà chúng ta và bao con người, bao phương tiện khác để chúng ta cũng có thể nhận được các mặc khải mầu nhiệm. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cả triều thần thiên quốc; trong đó, các thiên thần có cánh và vô vàn các ‘thiên thần không cánh’. Họ là ‘các lớp’, ‘các tầng’ làm nên sự dày đặc lấp kín khoảng không giữa Thiên Chúa và con người; giữa Vua các vua, Chúa các chúa với bạn và tôi. Đến lượt chúng ta, bạn và tôi cũng hãy trở nên một ‘thiên linh huyền nhiệm’, dẫn bao người khác đến với Đức Giêsu Kitô, Thiên Linh Huyền Nhiệm Tối Cao.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban ‘các thiên linh huyền nhiệm’ để bảo vệ, dạy con biết và yêu mến Chúa; xin giúp con trở nên một thiên linh huyền nhiệm, dẫn người khác đến với Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo Lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Các yếu tố của biện phân, sự thân thuộc với Chúa
Vu Van An
14:43 28/09/2022


Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 28 tháng 9, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến yếu tố đầu tiên của nó là sự thân thuộc gần gũi với Chúa. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta tái tục các bài giáo lý về chủ đề biện phân - bởi vì chủ đề biện phân rất quan trọng để biết điều gì đang diễn ra trong chúng ta, biết về các cảm xúc và ý tưởng của chúng ta, chúng ta phải biện phân xem chúng từ đâu đến, chúng dẫn ta đến đâu, đến những quyết định nào - và hôm nay chúng ta tập trung vào yếu tố đầu tiên trong số các yếu tố cấu thành ra nó, đó là việc cầu nguyện. Để biện phân, chúng ta cần ở trong một môi trường, trong trạng thái cầu nguyện.

Cầu nguyện là trợ cụ không thể thiếu cho sự biện phân tâm linh, đặc biệt khi nó liên quan đến chiều kích xúc cảm, giúp chúng ta có thể nói với Thiên Chúa cách đơn giản và thân thuộc, như người ta nói với một người bạn. Đó là việc biết cách vượt quá các suy nghĩ, để đi vào sự thân mật với Chúa, với một sự tự phát xúc cảm. Bí quyết sống của các thánh là sự thân thuộc và tin cậy nơi Thiên Chúa, điều này lớn lên trong các ngài và giúp các ngài luôn dễ dàng hơn nhận ra điều gì đẹp lòng Người. Cầu nguyện chân chính là sự thân thuộc và tin cậy nơi Thiên Chúa. Nó không phải là đọc những lời cầu nguyện như một con vẹt, bla, bla, bla, không. Lời cầu nguyện đích thực là tính tự phát và tình âu yếm dành cho Chúa. Sự thân thuộc này vượt qua nỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ rằng ý muốn của Người không có lợi cho chúng ta, một sự cám dỗ đôi khi lướt qua suy nghĩ của chúng ta và làm cho trái tim chúng ta bồn chồn và không chắc chắn, hoặc thậm chí cay đắng.

Việc biện phân không khẳng định sự chắc chắn tuyệt đối, nó không phải là một phương pháp thuần túy như hóa học, nó không khẳng định sự chắc chắn tuyệt đối, bởi vì nó nói về cuộc sống, và cuộc sống không phải lúc nào cũng hợp luận lý, nó có nhiều khía cạnh không thể gói gọn trong một phạm trù tư tưởng. Chúng ta muốn biết chính xác những gì nên làm, nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, chúng ta không luôn hành động theo. Biết bao lần chúng ta cũng có kinh nghiệm như thánh tông đồ Phaolô mô tả: “Vì tôi không làm điều thiện tôi muốn, nhưng làm điều ác tôi không muốn” (Rm 7:19). Chúng ta không chỉ là lý trí, chúng ta không phải là máy móc, nhận được các chỉ dẫn để thi hành chúng không đủ: những trở ngại, giống như những hỗ trợ, đối với việc quyết định theo Chúa chủ yếu có tính xúc cảm, phát xuất từ trái tim.

Điều có ý nghĩa là phép lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện trong Tin Mừng Máccô là phép lạ trừ quỷ (xem 1: 21-28). Trong hội đường ở Caphácnaum, Người giải thoát một người khỏi ma quỷ, giải thoát họ khỏi hình ảnh giả tạo của Thiên Chúa mà ngay từ đầu Satan đã gợi ý: đó là hình ảnh Thiên Chúa không muốn chúng ta hạnh phúc. Người bị quỷ ám trong đoạn Tin Mừng đó biết rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng điều này không dẫn anh ta tin vào Người. Thực thế, anh ta nói, "Ông đến để hủy hoại chúng tôi" (câu 24).

Nhiều người, ngay cả các Kitô hữu, cũng nghĩ như vậy: đó là, Chúa Giêsu có thể là Con Thiên Chúa, nhưng họ nghi ngờ việc Người muốn chúng ta được hạnh phúc; thật vậy, một số người lo sợ rằng nếu coi trọng đề nghị của Người, điều Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta, có nghĩa là hủy hoại cuộc sống của chúng ta, làm giảm các ước muốn của chúng ta, những khát vọng mạnh mẽ nhất của chúng ta. Những suy nghĩ sau đây đôi khi len lỏi vào trong chúng ta: Thiên Chúa đòi hỏi quá nhiều nơi chúng ta, chúng ta sợ rằng Thiên Chúa đòi hỏi quá nhiều nơi chúng ta, Người không thực sự yêu thương chúng ta. Thay vào đó, trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta thấy dấu hiệu của cuộc gặp gỡ Chúa là niềm vui. Khi gặp Chúa trong lời cầu nguyện, tôi trở nên vui mừng. Mỗi người trong chúng ta đều trở nên vui tươi, một điều đẹp đẽ. Trái lại, buồn hay sợ là dấu hiệu xa cách Thiên Chúa: “Nếu anh muốn có sự sống đời đời, hãy tuân giữ các giới răn”, Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có (Mt 19:17). Thật không may cho chàng trai trẻ đó, một số trở ngại đã không cho phép anh thực hiện mong muốn trong lòng là theo sát "thầy tốt lành" một cách gần gũi hơn. Anh ta là một thanh niên ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh ta đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu, nhưng anh ta cũng rất chia rẽ trong tình cảm của mình, đối với anh ta thì sự giàu có là điều quá quan trọng. Chúa Giêsu không buộc anh ta phải quyết định, nhưng bản văn ghi rằng người thanh niên “buồn”, quay lưng lại với Chúa Giêsu (câu 22). Những người quay lưng lại với Chúa không bao giờ hạnh phúc, mặc dù họ có vô số tài sản và khả thể tùy ý sử dụng. Chúa Giêsu không bao giờ buộc bạn phải theo Người, không bao giờ. Chúa Giêsu cho bạn biết ý muốn của Người, Người hết lòng cho anh chị em biết mọi điều, nhưng Người để anh chị em tự do. Và đây là điều đẹp nhất của việc cầu nguyện với Chúa Giêsu: Người cho phép anh chị em tự do. Mặt khác, khi chúng ta xa cách với Chúa, chúng ta còn lại một điều gì đó buồn bã, một điều gì đó xấu xí trong lòng.

Biện phân những gì đang xảy ra trong chúng ta không phải là điều dễ dàng, vì những vẻ bề ngoài có tính lừa dối, nhưng sự thân thuộc với Thiên Chúa có thể làm tan biến các mối nghi ngờ và sợ hãi một cách nhẹ nhàng, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận “ánh sáng dịu dàng” của Người, theo cách diễn đạt tuyệt vời của Thánh John Henry Newman. Các thánh chiếu sáng bằng ánh sáng phản chiếu và bằng các cử chỉ đơn giản hàng ngày, các ngài chỉ cho ta thấy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng biến điều không thể thành điều có thể. Người ta nói rằng hai vợ chồng sống với nhau một thời gian dài, yêu thương nhau, thì kết cục sẽ ra giống nhau. Một điều tương tự cũng có thể nói về lời cầu nguyện đầy xúc cảm: một cách tiệm tiến nhưng hữu hiệu, nó giúp chúng ta ngày càng có thể nhận ra những gì đáng kể nhờ tính đồng bản nhiên, như một điều gì đó nảy sinh từ sâu thẳm hữu thể chúng ta. Cầu nguyện không có nghĩa là nói lời nói, lời nói, không: cầu nguyện có nghĩa là mở lòng ra với Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu đi vào lòng tôi và làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người. Và ở đó chúng ta có thể biện phân khi nào là Chúa Giêsu và khi nào là chúng ta với những suy nghĩ của mình, một điều rất nhiều lần khác xa với những gì Chúa Giêsu muốn.

Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này: để sống mối liên hệ bằng hữu với Chúa, như một người bạn nói với một người bạn (x. Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 53). Tôi biết một người nam tu sĩ già làm người gác cổng của một trường nội trú, và mỗi khi có thể thầy đều đến gần nhà nguyện, nhìn lên bàn thờ và nói: “Xin chào” vì thầy rất gần gũi với Chúa Giêsu. Thầy không cần phải nói bla bla bla, không: "Xin chào, con gần gũi Chúa và Chúa gần gũi con." Đây là mối liên hệ mà chúng ta phải có trong lời cầu nguyện: gần gũi, gần gũi đầy xúc cảm, như anh chị em, gần gũi với Chúa Giêsu. Một nụ cười, một cử chỉ đơn giản và không đọc những lời không chạm chi tới trái tim. Như tôi đã nói, anh chị em hãy nói chuyện với Chúa Giêsu như một người bạn nói chuyện với một người bạn khác. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải xin cho nhau: xem Chúa Giêsu là bạn của chúng ta, như người bạn lớn nhất, người bạn trung thành của chúng ta, Đấng không tống tiền, trên hết là Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Người. Người vẫn ở cửa trái tim của chúng ta. Chúng ta nói “Không, với Chúa, con không muốn biết bất cứ điều gì”. Và Người vẫn im lặng, Người luôn ở gần trong tầm tay, trong tầm tay của trái tim vì Người luôn thành tín. Chúng ta hãy tiếp tục với lời cầu nguyện này, chúng ta có thể nói lời cầu nguyện “xin chào”, lời cầu nguyện chào Chúa bằng trái tim của chúng ta, lời cầu nguyện âu yếm, lời cầu nguyện gần gũi, ít lời nhưng bằng hành động và việc làm tốt. Cảm ơn anh chị em.
 
Một số các nhà lãnh đạo Công Giáo lên tiếng ủng hộ ĐHY Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
17:01 28/09/2022


Khi Đức Hồng Y Joseph Đức Hồng Y Quân bắt đầu phiên tòa ở Hương Cảng, một số nhà lãnh đạo Công Giáo và các nhà hoạt động nhân quyền đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ vị giám mục hiệu tòa 90 tuổi.

Đức Hồng Y Quân và năm người khác bị buộc tội không đăng ký hợp lệ một quỹ hỗ trợ pháp lý dành cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Là một nhà phê bình thẳng thắn đối với chế độ cộng sản của Bắc Kinh, Đức Hồng Y Quân từng là người được ủy thác của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, giúp thanh toán các hóa đơn pháp lý và y tế cho những người biểu tình bị bắt và bị thương trong các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hương Cảng.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, học giả và nhà hoạt động nhân quyền, đã công khai bày tỏ tình đoàn kết của họ với Đức Hồng Y Quân khi phiên tòa bắt đầu xét xử ngài:

Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã viết bài ủng hộ Đức Hồng Y Quân trên tờ Avvenire vào ngày 23 tháng 9.

“Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là 'người của Chúa'; can đảm phục tùng tình yêu của Chúa Kitô, Đấng muốn ngài làm tư tế của Ngài, trong tình yêu sâu đậm, như Don Bosco, với tuổi trẻ.”

Ngài kết luận tuyên bố của mình rằng “Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân không thể bị lên án. Hương Cảng, Trung Quốc và Giáo hội có một người con tận tụy nơi ngài, không có gì phải xấu hổ”.

Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, Rhode Island, đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện trên Twitter vào ngày 19 tháng 9 khi phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân dự kiến bắt đầu, nó đã bị hoãn lại vì thẩm phán nhiễm coronavirus.

“Hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến người anh em trong đức tin của chúng ta, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân 90 tuổi, người đang bị xét xử ở Trung Quốc, và cũng hãy cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, nơi thường xuyên bị chính quyền tấn công và bách hại. Và cầu nguyện cho các Kitô hữu ở khắp mọi nơi đang bị bách hại vì đức tin của họ.”

Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas, đã viết vào ngày 18 tháng 9:

Hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người sẽ phải hầu tòa vào ngày mai tại một tòa án ở Hương Cảng. Cuộc chiến của vị Hồng Y 90 tuổi để bảo vệ người dân Hương Cảng khỏi Cộng sản nên được viết bằng chữ Vàng.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã chia sẻ lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Lạy Đức Maria Cởi Bỏ Nút Thắt, xin hay chống lại tất cả những điều bất công, chúng con xin Mẹ cầu bầu cho người anh em của chúng con, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, xin cho công lý có thể được thực hiện và trái tim của ngài được an ủi.

Đức Cha Athanasius Schneider, Giám Mục Phụ Tá của Maria Santissima ở Astana, Kazakhstan, đã dâng lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Chúng con cầu xin Chúa bảo vệ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một người con trung thành của Giáo hội, người đang bị xét xử với tư cách là bị cáo ở Hương Cảng. Cầu mong niềm tin luôn ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh cho ngài trong thời khắc mong manh này. Cầu mong Đức Maria, Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, ở bên cạnh ngài để truyền cảm hứng cho ngài với lòng can đảm.

Vào ngày 1 tháng 9, Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chia sẻ sự thất vọng của mình rằng Đức Hồng Y Quân đã không có mặt trong cuộc họp Hồng Y Đoàn vào tháng Tám.

“Có lẽ Giáo hội nên tự do hơn và ít bị ràng buộc hơn vào luận lý của thế gian, dựa trên quyền lực, và vì thế, tự do hơn trong việc can thiệp và, nếu cần, chỉ trích những chính trị gia g đàn áp nhân quyền. Trong trường hợp này, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không dám chỉ trích Bắc Kinh.”

Đức Hồng Y Muller nói rằng, trong cuộc họp Hồng Y Đoàn, không có quan chức cấp cao nào của Vatican hoặc thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đề cập đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân hay phiên tòa của ngài.

“Sẽ có một phiên tòa bất công vào tháng tới. Không ai đặt ra câu hỏi về vấn nạn của người anh trai Đức Hồng Y Quân của chúng tôi. Cả Niên trưởng Hồng Y Đoàn là Đức Hồng Y Giovanni Batista Re, cả Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đều không lên tiếng. Không ai bày tỏ tình đoàn kết, không có sáng kiến cầu nguyện nào cho vị Hồng Y Trung Hoa”, vị Hồng Y người Đức than thở

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã nói như sau ngay khi Đức Hồng Y Quân bị bắt vào tháng 5:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc đơn giản vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố đáp ứng án phí là một quyền thích hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, có người đại diện hợp pháp như thế làm sao lại có thể coi là tội phạm”.
Source:Catholic News Agency
 
Kirill cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng.
Đặng Tự Do
17:03 28/09/2022


Thượng Phụ Kirill đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin và là người ủng hộ trung thành cho cuộc xâm lược Ukraine, đã lên tiếng chỉ trích những người phản đối chiến tranh

Ông nói trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi có lệnh động viên: “Nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực”.

“Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.”

“Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo”.

“Họ hy sinh bản thân vì người khác. Và do đó, chúng tôi tin rằng sự hy sinh này rửa sạch mọi tội lỗi mà người đó đã phạm phải, và thiên đàng chắc chắn là phần thưởng dành cho họ”.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét cay đắng rằng Putin đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính ông ta; trong khi Thượng Phụ Kirill đem Chúa ra để hứa thiên đàng cho các chiến binh Nga lao mình vào cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ cho Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Priest Tells Russians Not to Fear Death Amid Mobilization”, nghĩa là “Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói với người Nga rằng đừng sợ cái chết khi bị gọi nhập ngũ.”

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã kêu gọi công dân Nga đừng sợ chết trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin quyết định điều động quân dự bị đến chiến đấu ở Ukraine.

“Hãy dũng cảm lên để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của bạn, bạn sẽ được ở với Chúa trong vương quốc của Ngài, trong vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu,” ông nói trong một bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Mạc Tư Khoa.

Kirill, người đã biện minh cho quyết định xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ, đưa ra nhận xét ngay sau khi các quan chức Nga cho biết có tới 300.000 quân dự bị sẽ được triệu tập để chiến đấu.

Kirill tuyên bố trong bài giảng của mình rằng một người có “đức tin chân chính” không phải sợ cái chết.

Theo ông, một người trở nên “bất khả chiến bại” khi có một “chiều kích mạnh mẽ gắn liền với vĩnh cửu” trong người đó, và anh ta không còn sợ hãi cái chết nữa.

Ông nói: “Niềm tin làm cho một người trở nên rất mạnh mẽ, bởi vì nó chuyển ý thức của anh ta khỏi cuộc sống hàng ngày, từ những lo lắng về vật chất, sang chăm sóc cho tâm hồn, cho sự vĩnh cửu. Cụ thể là, nỗi sợ hãi cái chết đã đẩy một chiến binh ra khỏi chiến trường, đẩy kẻ yếu đến chỗ phản bội và thậm chí nổi loạn chống lại anh em của mình. Nhưng đức tin chân chính phá tan nỗi sợ hãi về cái chết”.

Lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga trước đây đã đưa ra ý tưởng rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc.

Ông kêu gọi người Nga trong bài giảng của mình đừng coi người Ukraine là kẻ thù.

Theo Kirill, người dân Ukraine “đang gặp nguy hiểm,” và nói thêm rằng bây giờ “điều rất quan trọng là không có cảm giác trong lòng rằng có kẻ thù”.

Kirill kêu gọi hội thánh của mình cầu nguyện cho việc tăng cường “tình cảm huynh đệ của các dân tộc ở Nước Nga Thánh thiện,” để “sự thống nhất của Giáo hội, vốn là bảo đảm cho hòa bình trên đất nước Nga rộng lớn, càng trở nên mạnh mẽ hơn.”

Kirill cũng lưu ý rằng các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine tiếp tục cầu nguyện cho “việc thiết lập hòa bình trên các vùng rộng lớn của nước Nga lịch sử”.

Giáo chủ Kirill, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho xung đột bằng cách đưa ra các bài phát biểu về Nga như một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6, ông nói rằng Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill cho biết ông tin rằng điều này đang xảy ra bởi vì Nga “khác” với các dân tộc khác.

Ông Putin cho biết động viên bán phần của ông sẽ ảnh hưởng đến những công dân đang trong lực lượng dự bị, và họ sẽ trải qua các khóa huấn luyện bổ sung trước khi được triển khai.
Source:Newsweek

3. So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry

Trong một diễn biến gây ra đau buồn sâu sắc cho thế giới Chính Thống Giáo, Thượng Phụ Kirill, trong cố gắng bênh vực cho lệnh động viên của Putin, đã cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng, bất kể những tội lỗi họ đã phạm trong chiến tranh.

Ký giả Peter Anderson có bài tường trình nhan đề “A comparison of last Sunday's sermons by Kirill and Onufry”, nghĩa là “So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 9, cả Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine, đã đưa ra các bài giảng cho các tín hữu của họ. Bài giảng của Thượng phụ Kirill đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Tuy nhiên, bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Onufry cũng rất quan trọng. Hai bài giảng rất khác nhau về đường lối. Theo Thượng phụ Kirill, những người chết ở Ukraine vì chiến đấu cho Nga sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi do hoàn thành lời thề trong quân ngũ. Trái lại, theo Đức Tổng Giám Mục Onufry, những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các cộng đồng Ukraine cần những lời cầu nguyện để hoán cải trái tim của họ. Điều này rõ ràng ngụ ý rằng thiên đường không được bảo đảm cho những kẻ giết người, hiếp dâm, và phá hủy.

Vào ngày Chúa Nhật, Thượng phụ Kirill đã cử hành Phụng vụ Thánh mừng sinh nhật của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong nhà thờ chính tòa Thánh Alexander Nevsky gần Peredelkino. Nhà thờ chính tòa này gần nơi ở của vị Thượng Phụ và là nơi ngài đã cử hành cáclễ nghi trong thời kỳ tự cô lập của mình trong đại dịch. Đoạn bài giảng của vị Thượng Phụ nhận được sự quan tâm lớn nhất như sau:

Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.

Đối với “sự cần thiết phải thực hiện lời thề”, tôi hiểu rằng tất cả những người tham gia lực lượng vũ trang Nga có nghĩa vụ phải thực hiện lời thề sau: “Tôi, (tên đầy đủ), long trọng tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của tôi - là Liên bang Nga. Tôi xin thề tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của điều lệ quân đội, mệnh lệnh của chỉ huy và cấp trên. Tôi thề sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự với phẩm giá cao, can trường bảo vệ tự do, độc lập, trật tự hiến pháp của nước Nga, nhân dân và Tổ quốc”. Bởi vì lời tuyên thệ là bắt buộc đối với tất cả các binh sĩ, có vẻ như theo ngài Thượng Phụ, tất cả những người lính Nga chết khi đang thi hành nghĩa vụ quân sự đều đang thực hiện lời thề của họ và sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi.

Cùng ngày Chúa Nhật đó, Đức Tổng Giám Mục Onufry đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Truyền tin ở Sviatoshyn. Trang web chính thức của Nhà thờ Chính thống Ukraine đã nêu bật một số nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Onufry. Những nhận xét này như sau:

Chúng con cầu xin Chúa đổ đầy tình yêu thương trong lòng mọi người, và nhất là những kẻ ngày nay giết hại dân tộc chúng con, phá hủy các thành phố, làng mạc của chúng con, để họ nhớ rằng Chúa đã không mang chúng ta đến thế gian này để giết nhau, để cướp đi từ nhau một điều gì đó mà chúng ta mong muốn, nhưng để chúng ta sống trong hòa bình, trong tình yêu dành cho Chúa và cho nhau.

Những điều đã nói ở trên đặt ra một số câu hỏi. Sau đây chỉ là một số điều: Những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các khu định cư của Ukraine có cần hoán cải trước khi mọi tội lỗi của họ được rửa sạch không? Liệu Thượng phụ Kirill có cho rằng những người lính Ukraine chết trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được rửa sạch mọi tội lỗi của họ không? Có khả năng những nhận xét của Thượng phụ Kirill sẽ làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận thú vị của Chính thống giáo và các nhà thần học khác.
Source:Sismografo
 
So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry
Đặng Tự Do
17:05 28/09/2022


Trong một diễn biến gây ra đau buồn sâu sắc cho thế giới Chính Thống Giáo, Thượng Phụ Kirill, trong cố gắng bênh vực cho lệnh động viên của Putin, đã cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng, bất kể những tội lỗi họ đã phạm trong chiến tranh.

Ký giả Peter Anderson có bài tường trình nhan đề “A comparison of last Sunday's sermons by Kirill and Onufry”, nghĩa là “So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry”.

Hôm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 9, cả Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine, đã đưa ra các bài giảng cho các tín hữu của họ. Bài giảng của Thượng phụ Kirill đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Tuy nhiên, bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Onufry cũng rất quan trọng. Hai bài giảng rất khác nhau về đường lối. Theo Thượng phụ Kirill, những người chết ở Ukraine vì chiến đấu cho Nga sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi do hoàn thành lời thề trong quân ngũ. Trái lại, theo Đức Tổng Giám Mục Onufry, những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các cộng đồng Ukraine cần những lời cầu nguyện để hoán cải trái tim của họ. Điều này rõ ràng ngụ ý rằng thiên đường không được bảo đảm cho những kẻ giết người, hiếp dâm, và phá hủy.

Vào ngày Chúa Nhật, Thượng phụ Kirill đã cử hành Phụng vụ Thánh mừng sinh nhật của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong nhà thờ chính tòa Thánh Alexander Nevsky gần Peredelkino. Nhà thờ chính tòa này gần nơi ở của vị Thượng Phụ và là nơi ngài đã cử hành cáclễ nghi trong thời kỳ tự cô lập của mình trong đại dịch. Đoạn bài giảng của vị Thượng Phụ nhận được sự quan tâm lớn nhất như sau:

Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.

Đối với “sự cần thiết phải thực hiện lời thề”, tôi hiểu rằng tất cả những người tham gia lực lượng vũ trang Nga có nghĩa vụ phải thực hiện lời thề sau: “Tôi, (tên đầy đủ), long trọng tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của tôi - là Liên bang Nga. Tôi xin thề tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của điều lệ quân đội, mệnh lệnh của chỉ huy và cấp trên. Tôi thề sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự với phẩm giá cao, can trường bảo vệ tự do, độc lập, trật tự hiến pháp của nước Nga, nhân dân và Tổ quốc”. Bởi vì lời tuyên thệ là bắt buộc đối với tất cả các binh sĩ, có vẻ như theo ngài Thượng Phụ, tất cả những người lính Nga chết khi đang thi hành nghĩa vụ quân sự đều đang thực hiện lời thề của họ và sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi.

Cùng ngày Chúa Nhật đó, Đức Tổng Giám Mục Onufry đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Truyền tin ở Sviatoshyn. Trang web chính thức của Nhà thờ Chính thống Ukraine đã nêu bật một số nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Onufry. Những nhận xét này như sau:

Chúng con cầu xin Chúa đổ đầy tình yêu thương trong lòng mọi người, và nhất là những kẻ ngày nay giết hại dân tộc chúng con, phá hủy các thành phố, làng mạc của chúng con, để họ nhớ rằng Chúa đã không mang chúng ta đến thế gian này để giết nhau, để cướp đi từ nhau một điều gì đó mà chúng ta mong muốn, nhưng để chúng ta sống trong hòa bình, trong tình yêu dành cho Chúa và cho nhau.

Những điều đã nói ở trên đặt ra một số câu hỏi. Sau đây chỉ là một số điều: Những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các khu định cư của Ukraine có cần hoán cải trước khi mọi tội lỗi của họ được rửa sạch không? Liệu Thượng phụ Kirill có cho rằng những người lính Ukraine chết trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được rửa sạch mọi tội lỗi của họ không? Có khả năng những nhận xét của Thượng phụ Kirill sẽ làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận thú vị của Chính thống giáo và các nhà thần học khác.
Source:Sismografo
 
Lời kêu gọi của Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục Orange liên quan đến Dự Luật số 1 của California
+ Đức Cha Kevin Vann Giám Mục Orange
21:13 28/09/2022

Xin anh chị em giúp phổ biến video này, đặc biệt cho người Việt tại tiểu bang California

Kính thưa quý ông và và anh chị em,

Tôi là Đức Giám Mục Kevin Vann, là Giám Mục của Giáo Phận Orange, California, gần 10 năm nay, tôi xin gửi đến quý ông bà và anh chị em một thông điệp. Nhưng trước tiên tôi xin giới thiệu đến quý ông bà và anh chị em một người. Đây là mẹ tôi, bà cố Theresa Vann. Trước đây tôi cũng có tóc màu đỏ hung giống bà cố. Đây là tấm hình khi mẹ tôi tốt nghiệp Trường Học và Bệnh Viện Y Khoa Thánh Gioan ở Springfield, llinois. Mẹ tôi luôn tự hào về về chiếc áo Blouse màu trắng và chiếc mũ y tá mà mẹ tôi mang hầu như hàng ngày. Mẹ tôi tự hào như vậy vì mẹ tôi là một y tá hộ sinh. Niềm vui lớn nhất của mẹ tôi là giúp cho các em bé được sinh ra và chăm sóc cho các bà mẹ. Sau này mẹ tôi dạy cho các sinh viên y khoa về lĩnh vực hộ sinh. Đó là cuộc sống của mẹ tôi.

Tôi để hình mẹ tôi ở đây để giới thiệu bà cố tới quý ông bà và anh chị em và để gửi tới quý vị một thông điệp. Mẹ tôi sẽ hết sức đau buồn với hoàn cảnh xã hội hiện tại vì tất cả sự chăm sóc của bà cố dành cho các trẻ sơ sinh, và trẻ nhỏ. Nhiều tối mẹ tôi đi làm về và nói chuyện với cha tôi và người giữ trẻ về những việc mẹ tôi đã làm để cứu biết bao trẻ nhỏ cũng như các bà mẹ mang thai trong những năm làm việc của mình. Điều đáng chú ý tại California, Dự luật số 1 là sự đau lòng cho mẹ tôi vì dự luật này cho phép được phá thai muộn cho đến ngày sinh nở. Điều này sẽ làm mẹ tôi thật đau lòng. Vì thế, niềm xác tín của tôi về vấn đề này không phải đến từ tôi mà là từ mẹ tôi, người đã dạy chúng tôi về việc chăm lo cho trẻ nhỏ. Trong lúc nuôi dạy anh em tôi, bà cố đã đi học để lấy hai bằng thạc sỹ để có thể dạy sinh viên y khoa về tầm quan trọng của sự sống trước khi được sinh ra, về trẻ nhỏ, và về việc bảo vệ sự sống. Trong những ngày này, tôi nghĩ về mẹ tôi nên tôi chia sẻ với quý ông bà và anh chị em tấm hình của bà cố.

Trong thời gian này chúng ta cần suy nghĩ về sự liên lụy của Dự luật số 1. Hiện nay trong các giáo phận tại California đang có những thay đổi và nỗ lực để giúp phụ nữ và trẻ em. Chẳng hạn, We Were Born Ready là chiến dịch giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và các gia đình ở California. Đó là những nỗ lực của Hội Đồng Giám Mục California giúp đỡ các bà mẹ, trẻ em, và trẻ sơ sinh. Vì vậy, phá thai là việc không cần thiết. Một lẫn nữa đây là bà cố của tôi và tôi có vài thông điệp giúp ông bà anh chị em nghĩ về những thách đố của Dự luật số 1 và hãy bỏ phiếu “No” cho dự luật này.

Dự luật số 1 là một viễn cảnh xấu nhất cho việc phá thai tại California. Nó là một đạo luật rất tốn kém và sai lạc trong cuộc bầu cử vì nó cho phép phá thai muộn mà không đặt bất cứ giới hạn nào – cho bất cứ lý do gì, vào bất cứ thời điểm nào, ngay cả trước lúc sinh ra, và được chi trả bằng tiền thuế của người dân.

Dự luật số 1 không cần thiết. Đáng buồn là California đã có sẵn những luật cho phép phá thai dễ dãi nhất trong nước, và những luật đó tiếp tục có hiệu lực ngay cả khi không có sự sửa đổi, gồm có sự cho phép việc phá thai muộn có giới hạn, điều mà chỉ cho phép vì lý do sức khỏe và sự sống của người mẹ. Dự luật số 1 hủy bỏ giới hạn thông thường này. California không giới hạn việc chi tiêu của tiểu bang cho việc phá thai, và với hàng ngàn người kéo đến từ các bang khác, số tiền tiêu tốn cho phá thai sẽ lên tới hàng trăm triệu đô-la.

Xin anh chị em đừng trao cho các nhà làm luật tiểu bang tờ ngân phiếu trống để chi cho việc phá thai, và đừng để họ biến California thành trung tâm phá thai. Hãy là tiếng nói cho sự sống và phẩm giá con người tại California. Bỏ phiếu “No” cho dự luật số 1 trong cuộc bầu cử tháng 11 này. Đây là điều mà mẹ tôi muốn. Xin cảm ơn quý ông bà và anh chị em.

+ Đức Cha Kevin Vann

Giám Mục Orange
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Ve Chai Tổng Giáo Phận Hà Nội 2022: Hiệp hành trong Bác ái
BBT - TGP Hà Nội
09:49 28/09/2022
Như đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, cứ vào ngày lễ kính thánh Quan thầy Vinhsơn Phaolô hằng năm (27/9), gia đình Ve chai Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội lại quy tụ về một giáo xứ trong TGP để cùng mừng lễ quan thầy và trao đổi cho nhau những kinh nghiệm thực tế về công việc bác ái mình đã làm tại địa phương. Giáo xứ Nam Xá thuộc giáo hạt Lý Nhân là điểm dừng chân tiếp theo của các bạn trẻ trong ngày đại hội Ve chai lần thứ XI. Đại hội được diễn ra vào lúc 15h00 – 21h15 ngày 27/9/2022 với chủ đề “Hiệp hành trong Bác ái”.

Xem Hình

Trở về sẻ chia niềm vui với gia đình Ve chai TGP trong ngày hội ngộ có sự hiện diện của cha Đặc trách Ve chai TGP Giuse Vũ Đức Quý; cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Đặc trách Ve chai TGP; quý Cha trong TGP; hơn 200 bạn trẻ đại diện đến từ các nhóm Ve chai thuộc các Giáo xứ trong TGP và cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ sở tại.

Sau giây phút đón tiếp, vào lúc 15h00, các bạn trẻ cùng quy tụ nơi ngôi thánh đường giáo xứ Nam Xá để trong bình an và trọn niềm phó thác, các bạn được lặng thầm bên Chúa Giêsu Thánh Thể mà kín múc nguồn mạch ơn thiêng và được Người chạm vào trong tâm hồn.

Với sự năng động của tuổi trẻ, ngay sau giây phút lắng đọng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, các bạn trẻ cùng tập trung trước sân khấu để lan tỏa sức trẻ với lòng nhiệt huyết qua những bài cử điệu và trò chơi sôi động.

Nhường chỗ cho sự sôi động, vào lúc 16h00, cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Đặc trách Ve chai TGP đã chúc mừng và có bài chia sẻ ý nghĩa với các bạn trẻ. Cha Phaolô đã nhắc lại ý nghĩa và những hiệu quả tích cực trong việc làm Ve chai. Tuy nhiên, giữa một bối cảnh với biết bao những tiện nghi đã làm các bạn trẻ xao lãng việc làm bác ái của mình, mà nguyên nhân chính là sự lạm dụng trong việc sử dụng điện thoại. Các bạn dường như dành nhiều thời gian hơn cho việc lướt web, tiêu pha một cách lãng phí …

Chính vì lẽ đó, Cha Phaolô mời gọi các bạn hãy năng hoạt động trong lĩnh vực Ve chai để biết quý trọng đồng tiền hơn, năng đến với những người nghèo khổ để biết cảm thông với họ. Và ngài cũng mong muốn phong trào Ve chai của TGP được mở rộng và hoạt động hiệu quả hơn.

Kết thúc bài chia sẻ, các bạn trẻ cùng nhau rước ảnh thánh quan thầy Vinhsơn xung quanh khuôn viên Giáo xứ để bước vào Thánh lễ trọng thể kính Thánh nhân diễn ra vào lúc 17h00. Thánh lễ do Cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Đặc trách Ve chai TGP chủ tế.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Phanxicô Xaviê Trần Truyền Giáo, Đặc trách Giới trẻ TGP đã nhấn mạnh đến tình yêu Thiên Chúa mà các bạn trẻ cần phải có nơi cuộc đời mình. Để từ đó, nhờ noi gương Người, các bạn biết năng tham gia các hoạt động bác ái, ngang qua công việc làm Ve chai của mình mà góp chút tình yêu thương nhỏ nhoi cho những người nghèo khổ.

Cuối Thánh lễ, một bạn trẻ thay lời cho gia đình Ve chai TGP bày tỏ tâm tình tri ân tới quý Cha, quý Sơ, cộng đoàn hiện diện và các bạn trẻ trong các Giáo xứ đã hiệp thông và sẻ chia niềm vui trong ngày Đại hội của gia đình Ve chai TGP.

Chương trình ngày Đại hội được nối dài với đêm văn nghệ diễn ra vào lúc 19h45, với các bài cử điệu và các bài thánh ca đến từ các ca sĩ khách mời và chính các bạn trẻ thuộc gia đình Ve chai TGP.

Ngay sau đó, vào lúc 21h00 các bạn trẻ cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm Ve chai tại giáo xứ mình. Đồng thời đóng góp ý kiến trong việc duy trì và phát triển Ve chai TGP mỗi ngày một phát triển hơn.

Đêm đã dần buông, ngày Đại hội cũng chính thức khép lại. Ước mong dư âm của ngày Đại hội sẽ phần nào tạo nên động lực, để làm mới lại tinh thần hăng say nơi các bạn trẻ trong công việc bác ái đơn sơ mà ý nghĩa của mình với việc làm Ve chai bác ái. Nhờ đó, nhiều người nghèo khổ được cảm thông và gia tăng lòng mến Chúa nơi các bạn trẻ.

BBT
 
VietCatholic TV
Putin sẽ bị ám sát nếu dùng vũ khí hạt nhân. Căng thẳng sau vụ rò rỉ bí ẩn đường ống dẫn khí đốt
VietCatholic Media
03:13 28/09/2022


1. Chuyên gia tuyên bố: Các tướng lĩnh của Vladimir Putin có thể giết ông ta nếu ông ta cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân

Tờ Mirror của Anh có bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin's generals could kill him if he tries to use nuclear weapon, claims expert”, nghĩa là “Chuyên gia tuyên bố: Các tướng lĩnh của Vladimir Putin có thể giết ông ta nếu ông ta cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vladimir Putin có thể bị giết bởi chính các đồng minh của mình trước khi có cơ hội tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, một chuyên gia đã đưa ra lập trường trên trong bối cảnh các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội nói rằng lệnh động viên khổng lồ của Nga là một “sai lầm chết người”.

Trong một bài phát biểu bất thường vào sáng thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố lệnh động viên đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến 2 và đưa ra lời đe dọa hạt nhân lạnh lùng đối với phương Tây.

Nhà lãnh đạo hiếu chiến của Nga nói rằng phương Tây đang âm mưu phá hủy đất nước của ông và cáo buộc các nước khuyến khích Ukraine đẩy mạnh các hoạt động quân sự vào chính nước Nga.

Putin nói rằng ông có vũ khí để đáp trả các mối đe dọa từ phương Tây.

Tổng thống Nga cũng xác nhận việc thực hiện động viên quân sự một phần, nói cách khác là tập hợp và chuẩn bị cho dân thường trở thành quân nhân tại ngũ.

Giáo sư Peter Duncan tại Trường Nghiên cứu Slavonic và Đông Âu, gọi tắt là SSEES, của UCL nói với Express.co.uk rằng Putin “bị cô lập với thực tế” và nếu cố gắng bóp cò hạt nhân, ông có thể sẽ bị giết.

Nếu Putin muốn ra lệnh tấn công quân sự, ông sẽ phải thông qua Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Valery Vasilyevich Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga.

“Tôi nghĩ rằng nếu Putin bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân, thì hoàn toàn có khả năng Shoigu và Gerasimov sẽ từ chối và sau đó họ sẽ phải chống lại Putin và giết ông ấy”, Giáo sư Duncan nói.

Ông nhấn mạnh rằng: “Khi không tuân theo mệnh lệnh của Putin, họ không có lựa chọn nào khác là giết ông ta, trước khi bị giết. Nhưng giết Putin không phải là chuyện dễ dàng như vậy, họ phải nhờ những người trong FSB giúp họ giết Putin”.

Kênh General SVR Telegram cho rằng những nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga sẽ nói với Putin rằng họ không có vũ khí “đầy đủ” và cảnh báo về sự “thiếu hoàn toàn động lực của quân đội”, đa số các quân nhân không hiểu lý do xâm lược Ukraine.

Kênh Telegram dường như được điều hành bởi một cựu trung tướng Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, gọi tắt là SVR, và cung cấp thông tin của Nga với những tin tình báo từ bên trong Điện Cẩm Linh.

Bằng cách huy động quân dự bị không được đào tạo, Putin đã phạm phải một “sai lầm chết người” dẫn đến “một số lượng lớn nạn nhân” sẽ “không giúp đạt được các mục tiêu” trong nỗ lực ám ảnh của ông đối với đất nước Ukraine.

Làm sâu sắc thêm “cuộc đối đầu quân sự” sẽ không chỉ “dẫn đến hàng trăm nghìn nạn nhân trong quân đội Nga” mà còn “đặt thế giới trên bờ vực của một thảm họa hạt nhân”, kênh này cho biết, mặc dù không thể xác minh độc lập các tuyên bố này.

Các nhân vật quân sự được cho là đã nói với Putin rằng, ông ta nên “tỏ ra khôn ngoan” và quay lại bàn đàm phán.

2. Những gì chúng ta biết cho đến nay về vụ rò rỉ bí ẩn được tìm thấy trong 2 đường ống dẫn khí đốt dưới biển của Nga đến Âu Châu

Các nước Âu Châu hôm thứ Ba đã chạy đua để điều tra vụ rò rỉ không rõ nguyên nhân trong hai đường ống dẫn khí đốt của Nga chạy dưới Biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Cơ sở hạ tầng này là trung tâm của cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Cơ quan Hàng hải Thụy Điển đã đưa ra cảnh báo về hai vụ rò rỉ trong đường ống Nord Stream 1, ngay sau khi một vết rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 gần đó được phát hiện, khiến Đan Mạch hạn chế vận chuyển trong bán kính 5 hải lý.

Tại sao điều này lại quan trọng: Cả hai đường ống đều là tiêu điểm trong cuộc chiến năng lượng leo thang giữa các thủ đô Âu Châu và Mạc Tư Khoa, vốn đã gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây, khiến giá khí đốt tăng vọt và gây ra một cuộc săn lùng các nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

“Có một số dấu hiệu cho thấy đó là một cuộc tấn công có chủ ý. Trong khi vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, bạn hãy tự hỏi: Ai sẽ thu lợi trong vụ này?”

Nga cũng cho biết vụ rò rỉ đường ống này của Nga là nguyên nhân đáng lo ngại và việc phá hoại là một trong những nguyên nhân có thể xảy ra.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Không có khả năng nào có thể bị loại trừ ngay bây giờ.”

Cả hai đường ống đều không bơm khí đốt đến Âu Châu vào thời điểm rò rỉ được phát hiện, nhưng sự việc sẽ hủy hoại mọi kỳ vọng còn lại rằng Âu Châu có thể nhận khí đốt qua Nord Stream 1 trước mùa đông. Nga đang ráo riết gây khó khăn cho Âu Châu về vấn đề năng lượng để làm nản các cố gắng ủng hộ Ukraine.

Nhà điều hành mạng Nord Stream AG cho biết: “Việc phá hủy xảy ra cùng ngày đồng thời trên ba đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng có”. “Hiện vẫn chưa thể ước tính thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt.”

Mặc dù cả hai đường ống đều không hoạt động, cả hai đường ống vẫn chứa khí được nén.

Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen cho biết trong một bình luận bằng văn bản rằng khí đốt rò rỉ đã được phát hiện ở Nord Stream 2 giữa Nga và Đan Mạch hôm thứ Hai.

Gazprom, công ty do Điện Cẩm Linh kiểm soát với độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống, từ chối bình luận.

Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu thông qua Nord Stream 1 trước khi đình chỉ hoàn toàn dòng chảy vào tháng 8, đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra khó khăn kỹ thuật. Các chính trị gia Âu Châu cho rằng đó là lý do để ngừng cung cấp khí đốt.

Đường ống Nord Stream 2 mới vẫn chưa đi vào hoạt động thương mại. Kế hoạch sử dụng nó để cung cấp khí đốt đã bị Đức loại bỏ vài ngày trước khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng Hai.

Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu cho biết bất kỳ sự việc ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ

Bất kỳ hành động cố ý nào nhằm phá vỡ cơ sở hạ tầng năng lượng của Âu Châu, “sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất có thể,” Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết như trên vào tối thứ Ba.

Von der Leyen, người đã nói trong một tweet rằng cô ấy đã nói chuyện với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen về “hành động phá hoại #Nordstream,” đã nhấn mạnh rằng “điều tối quan trọng là bây giờ phải điều tra các vụ việc, ngõ hầu có được sự rõ ràng đầy đủ về các sự kiện và lý do”.

Bà nói thêm: “Bất kỳ sự việc ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của Âu Châu là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất có thể.”

Những bình luận của cô sau khi phát hiện ra ba vết rò rỉ trong đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 gần đảo Bornholm của Đan Mạch ở Biển Baltic.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cũng cho biết hôm thứ Ba rằng vụ việc “có thể là một hành động có chủ ý.”

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết hôm thứ Ba trong một tuyên bố báo chí, văn phòng của bà coi việc rò rỉ đường ống Nord Stream là “hành động có chủ ý”.

Các bình luận của Thủ tướng Đan Mạch sau khi phát hiện ra ba lỗ rò rỉ trong đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 gần đảo Bornholm của Đan Mạch ở Biển Baltic.

Frederiksen nói thêm: “Chúng tôi không nhận thấy mối đe dọa quân sự trực tiếp chống lại Đan Mạch.”

Khi được phóng viên hỏi liệu cô có coi vụ việc như một lời tuyên chiến hay không, Frederiksen trả lời “không”.

“Theo đánh giá của chúng tôi, rò rỉ không phải do tai nạn mà do các vụ nổ”, Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Dan Jørgensen nói và nhấn mạnh rằng các đường ống bị hư hỏng có độ sâu từ 70 đến 80 mét và ông nghĩ rằng vụ rò rỉ khí đốt Nord Stream sẽ kéo dài “ít nhất một tuần”.

3. Các cuộc tấn công đốt phá vào các văn phòng nhập ngũ ngày càng gia tăng sau khi Putin bắt đầu lệnh động viên

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Arson Attacks on Enlistment Offices Spike After Putin Starts Mobilization”, nghĩa là “Các cuộc tấn công đốt phá vào các văn phòng nhập ngũ ngày càng gia tăng sau khi Putin bắt đầu lệnh động viên.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các cuộc tấn công vào các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ ở Nga đã tăng đột biến sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều động một phần công dân đến chiến đấu ở Ukraine.

Các báo cáo về các vụ đốt phá được cho là nhằm vào các trung tâm nhập ngũ và các tòa nhà chính quyền địa phương đã tăng nhanh trong tuần trước, dường như là để phản ứng lại tuyên bố hôm thứ Tư của Putin về việc Nga động viên một phần. Đó là lệnh động viên đầu tiên kể từ Thế chiến II. Theo báo cáo của Kyiv Post hôm thứ Hai, có ít nhất 20 trường hợp được báo cáo về việc đốt phá các văn phòng ở Nga trong vòng sáu tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược của Ukraine, nhưng tỷ lệ các cuộc tấn công này “đã tăng mạnh”.

Các sự việc đầu tiên được báo cáo sau đợt điều động một phần xảy ra vào thứ Tư, khi các văn phòng tuyển dụng ở Saint Petersburg và Nizhny Novgorod ở miền Tây nước Nga được tường trình là đã bị phóng hỏa. Theo tờ báo, các văn phòng ở thành phố Nizhny Novgorod đã bị ném bom xăng qua cửa sổ để đốt cháy.

Ngày hôm sau, nhiều nỗ lực đốt phá hơn đã được báo cáo ở các vùng Orenburg và Zabaikal của Nga, mặc dù thông tin chi tiết về những sự việc này vẫn còn rất ít. Cùng ngày, một tòa nhà hành chính địa phương ở Tolyatti, thành phố nằm cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 1,000 km về phía đông, đã bị thiêu rụi một phần, tờ The Mạc Tư Khoa Times đưa tin.

Hôm thứ Sáu, một “đối tượng phóng hỏa” được cho là đã đột nhập vào một tòa nhà hành chính địa phương ở Volgograd, một khu vực của Nga không xa biên giới với Ukraine. Các văn phòng tuyển mộ nhập ngũ ở vùng Amur và Khabarovsk cũng đã bị tấn công bằng bom xăng cùng ngày, và một bưu điện ở vùng Altai đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong một vụ đốt phá.

Vào hôm thứ Bảy, một người đàn ông lớn tuổi được cho là đã bị bắt vì cố gắng phóng hỏa một trung tâm tuyển mộ nhập ngũ ở thị trấn Kansk, trong khi một số lốp xe hơi bị đốt cháy bên ngoài văn phòng United Russia ở Bashkortostan. Ngày hôm sau, thêm nhiều văn phòng tuyển dụng bị bốc cháy, lần này là ở các thành phố Leningrad, Mordovia và Kaliningrad, trong khi một tòa nhà chính phủ gần Volgograd bị thiêu rụi và một tòa nhà phúc lợi xã hội ở một khu định cư nông thôn ở vùng Leningrad. “Một chai chứa chất dễ cháy” đã được ném qua cửa sổ của nó.

Cho đến thứ Hai, vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm cho hầu hết các cuộc tấn công này, là cá nhân hay nhóm có tổ chức.

Các cuộc tấn công ồ ạt này dường như phản ánh sự bất bình ngày càng tăng của người dân đối với chính phủ Nga sau thông báo huy động một phần vào hôm thứ Tư. Trong số những công dân được nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine có những người hiện đang phục vụ trong lực lượng dự bị và những người có “một số chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”. Putin biện minh rằng quyết định này là một biện pháp “để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.”

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

4. Lo ngại điệp viên Nga đột nhập vào Đức trong bối cảnh tranh luận về việc có cho các thanh niên Nga được tị nạn hay không

Đức đang tranh luận gay gắt về việc liệu có nên cho các thanh niên Nga đang lũ lượt rời bỏ quốc gia này được tị nạn hay không, và nếu có, thì đâu là những điều kiện để được tị nạn.

Nữ Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết Đức có khả năng sẵn sàng cung cấp sự bảo vệ cho những người đào ngũ từ bất kỳ đâu trên thế giới, những người phải đối mặt với hậu quả nếu họ từ chối chiến đấu, nhưng các trường hợp đó sẽ phải được quyết định trên cơ sở cá nhân do lo ngại về an ninh.

Các chuyên gia đang cảnh báo về khả năng cao là các đặc vụ của cơ quan an ninh liên bang Nga, gọi tắt là FSB – là cơ quan kế nhiệm KGB - có thể sử dụng cơ hội này để xâm nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.

Bộ Nội vụ Đức đã cảnh báo Vladimir Putin có thể sử dụng cơ hội này để cố gắng đưa một số lượng lớn các điệp viên Nga vào Đức, nhưng các chuyên gia về tị nạn cũng kêu gọi chính phủ quan tâm đến thực tế là những người từ chối lệnh động viên của Putin bị đàn áp tại quê nhà.

Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng có một đạo luật được Liên Hiệp Âu Châu đưa ra gần đây, có thể bảo vệ Đức trước một dòng chảy khổng lồ của người Nga vào nước này.

Berlin mong muốn có được một lập trường chung của Âu Châu, đặc biệt là cảnh giác với thực tế là nếu họ chính thức phát đi tín hiệu sẵn sàng cấp quyền tị nạn cho nam giới Nga, thì Đức có thể bị tràn ngập bởi hàng trăm nghìn người trong số họ và gia đình.

Các quốc gia Âu Châu khác, chẳng hạn như Ba Lan, đã từ chối làm như vậy, trong khi Latvia và Estonia đã ban hành lệnh cấm người Nga nhập cảnh vào quốc gia của họ và Phần Lan đang trong quá trình làm như vậy, sau khi 20.000 người được báo cáo đã vượt qua biên giới vào cuối tuần. Trong khi đó, Slovakia cho biết họ sẽ quyết định rất cẩn thận cho từng trường hợp cụ thể.

Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, cho biết nước này sẽ không cấp quyền tị nạn cho những người Nga chạy trốn khỏi đất nước.

“Người Nga nên ở lại và chiến đấu chống lại Putin.”

Tổng thống Phần Lan cũng chia sẻ ý kiến của Lithuania. Tổng thống Sauli Niinistö và Hội Đồng Bộ Trưởng đã đề xuất những hạn chế đáng kể trong việc cấp thị thực cho công dân Nga nhập cảnh vào nước này sau những báo cáo cho thấy số người băng qua biên giới Nga-Phần Lan tăng gấp đôi trong vài ngày qua.

Vài giờ sau khi Điện Cẩm Linh gây chấn động nước Nga khi tuyên bố động viên lần đầu tiên sau thế chiến thứ hai, với ít nhất 300,000 quân, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đổ xô rời khỏi đất nước.

Theo BBC, hàng dài xe cộ chờ đợi để vượt biên giới giữa Nga và Georgia dài khoảng 10km, nơi mọi người đã chờ đợi hơn 20 giờ để vượt qua.

Đầu tuần này, bốn trong số năm quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có biên giới với Nga tuyên bố sẽ không cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch nữa.

5. NASAMS là gì? Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hàng đầu do Mỹ sản xuất đang hướng tới Ukraine

Hoa Kỳ đã gửi hai hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine, và chúng đã có mặt để bảo vệ thường dân vô tội. Trong ngày đầu tiên 4 chiếc Sukhoi của Nga trị giá tổng cộng 230 triệu Mỹ Kim đã bị bắn hạ khi chúng đang thực hiện các cuộc không kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự và các khu dân cư. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào hôm Chúa Nhật 25 tháng 9.

Đáp lại, cánh diều hâu của Nga hối thúc tổng thống Putin tấn công hạt nhân ngay lập tức trước khi quá muộn. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Hoa Kỳ đã cảnh báo Hoa Kỳ vượt qua “lằn ranh đỏ” khi cung cấp NASAMS cho Ukraine.

Vậy NASAMS là gì? Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are NASAMS? Top U.S.-Made Missile Defense Systems Heading to Ukraine”, nghĩa là “NASAMS là gì? Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hàng đầu do Mỹ sản xuất đang hướng tới Ukraine” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS 'Face the Nation hôm Chúa Nhật rằng Ukraine đã nhận được các hệ thống phòng không tinh vi từ Mỹ.

Zelenskiy cho biết Ukraine đã nhận được Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia, gọi tắt là NASAMS từ Mỹ, là hệ thống mà ông đã vận động hành lang trong những lần trước đó khi thuyết phục quốc tế giúp đỡ về thiết bị và viện trợ quân sự.

Ngoài NASAMS, Zelenskiy cho biết Ukraine đang cần HIMARS hay Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, pháo binh cũng như hệ thống phòng không.

“Chúng tôi hoàn toàn cần Hoa Kỳ thể hiện vai trò lãnh đạo và trao cho Ukraine các hệ thống phòng không”, Zelenskiy nói hôm Chúa Nhật. “Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Biden vì một quyết định tích cực đã được đưa ra. Và cảm ơn Quốc hội Hoa Kỳ, chúng tôi đã nhận được NASAMS. Đó là hệ thống phòng không.”

NASAMS là gì?

NASAMS là hệ thống phòng không tầm trung được thiết kế để xác định và tiêu diệt máy bay, hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái. Chúng thường được sử dụng để bảo vệ các tài sản chiến lược quan trọng hoặc các quần thể dân sự.

Hệ thống này được phát triển bởi Kongsberg, một công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ có trụ sở tại Na Uy, hợp tác với tập đoàn quốc phòng khổng lồ Raytheon của Mỹ. Dự án bắt đầu được tiến hành vào những năm 1990 và nó đi vào hoạt động đầy đủ tại Na Uy vào năm 1998.

Theo hai công ty, hệ thống này đã giúp bảo vệ Washington DC khỏi các mối đe dọa từ trên không kể từ năm 2005.

Raytheon nói rằng nó “cung cấp cho các lực lượng phòng không một hệ thống phòng thủ hiện đại, có thể điều chỉnh theo nhu cầu.”

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết NASAMS sẽ giúp bảo vệ Ukraine trước một loạt các mối đe dọa trên không từ Nga.

“NASAMS chỉ là sản phẩm mới nhất trong bộ đa dạng các khả năng phòng không mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine,” William LaPlante, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về khí tài chiến tranh và bảo trì, cho biết vào ngày 31 tháng 8. “Đây là những hệ thống đã được chứng minh sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự trong chiến trường. “

Tại sao Ukraine muốn có NASAMS?

Kyiv đã vận động hành lang một cách tuyệt vọng cho công nghệ này khi Ukraine cố gắng đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu vào tháng Hai. Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt các lô hàng NASAMS đến Ukraine vào cuối tháng 8.

“Tôi rất biết ơn người dân và Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Biden, vì các bạn đã làm việc về vấn đề này. Và tôi cũng muốn thấy vấn đề này được hỗ trợ,” Zelenskiy nói.

Nhưng ông nói thêm rằng hệ thống phòng thủ NASAMS vẫn chưa đủ để giúp bao phủ tất cả các khu vực mà ông cần. Ông nói: “Tin tôi đi, nó gần như không đủ để trang trải cho cơ sở hạ tầng dân sự, trường học, bệnh viện, trường đại học, nhà của người Ukraine”.

Zelenskiy yêu cầu được tiếp tục giúp đỡ, cho rằng chiến thắng trong cuộc chiến sẽ giúp Ukraine an toàn hơn cho những người tị nạn trở về nhà và sẽ giúp đất nước có thể tự tái thiết, đồng nghĩa với việc không còn phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ.”

“Tại sao chúng ta cần điều này? Chúng tôi cần an ninh để thu hút người Ukraine của chúng tôi trở về nhà. Nếu an toàn, họ sẽ đến, định cư, làm việc ở đây và sẽ đóng thuế và khi đó chúng tôi sẽ không bị thâm hụt 5 tỷ đô la trong ngân sách của mình,” Zelenskiy nói. “Vì vậy, nó sẽ là một điều tích cực cho tất cả mọi người. Vì tính đến ngày hôm nay, mỗi tháng Hoa Kỳ chu cấp cho chúng tôi 1,5 tỷ đô la để hỗ trợ ngân sách của chúng tôi trong cuộc chiến đấu, chống lại cuộc chiến này. Tuy nhiên, nếu mọi người của chúng tôi sẽ quay lại - và họ rất muốn quay lại, họ có rất nhiều động lực - họ sẽ làm việc ở đây.”

“Và sau đó Hoa Kỳ sẽ không phải tiếp tục cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ này,” Zelenskiy tiếp tục. “Tôi xin lỗi, tôi đang sử dụng ngôn ngữ này về chiến tranh, nhưng nó sẽ là đôi bên cùng có lợi cho tất cả mọi người. Đối với Hoa Kỳ, đó sẽ là khoản tiết kiệm đáng kể, nhưng đối với chúng tôi, đó sẽ là cơ hội để bảo đảm lãnh thổ của chúng tôi và làm cho nó an toàn cho người dân của chúng tôi “.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Ukraine có nhận thêm một lô hàng NASAMS hay không và nước này sẽ nhận tổng cộng bao nhiêu.

Ukraine đã thực hiện một loạt các cuộc phản công thành công trong những tháng gần đây, trong khi Nga buộc phải thực hiện một cuộc điều động một phần để gửi thêm binh sĩ ra tiền tuyến.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.
 
Nhà thờ bị đốt, ĐGM tìm thấy Mình Thánh Chúa còn nguyên vẹn. ĐHY Pell: Đứng vững với Lời Thiên Chúa
VietCatholic Media
05:12 28/09/2022


1. Lần đầu tiên số Công Giáo tại Bắc Ái Nhĩ Lan đông hơn Tin lành

Tờ “The Independent”, nghĩa là Độc Lập, cho biết trong cuộc kiểm tra dân số hồi tháng Ba năm nay và được công bố hôm 22 tháng Chín vừa qua, tại Bắc Ái Nhĩ Lan có 45,7% dân số là tín hữu Công Giáo và 43,5% là tín hữu Tin lành. Con số này xác nhận đà tiến triển dân số tại miền này từ nhiều năm này. Từ năm 1921, sau cuộc chiến tranh độc lập, đảo Ái Nhĩ Lan được chia thành Cộng hòa Ái Nhĩ Lan ở miền nam, và Bắc Ái Nhĩ Lan thuộc Anh quốc.

Cách đây 11 năm (2011), trong cuộc kiểm tra dân số, 48% dân Bắc Ái Nhĩ Lan là người Tin lành, tức là ít hơn 5% so với năm 2001. Hiện thời tại miền này có 1,5% dân số là các tín hữu thuộc các tôn giáo không Kitô. Số người không có tôn giáo là 9,3%, tức là nhiều hơn 5,6% so với năm 2011.

Phản ứng về kết quả cuộc thăm dò trên đây, ông John Finucane, thuộc đảng Sin-Fein yêu cầu chính phủ Ái Nhĩ Lan chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất hai miền nam bắc Ái Nhĩ Lan. Vì theo ông, sự phân chia đảo này thành hai là một thất bại. Những kết quả kiểm tra dân số cho thấy rõ có sự thay đổi lịch sử hiện nay tại đảo này và sự khác biệt của xã hội làm cho tất cả chúng ta được phong phú.

2. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về thánh Tôma Aquinô

Sáng ngày 22 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ XI về thánh Tôma Aquinô. Ngài đề cao đặc tính thời sự của học thuyết của thánh nhân và mời gọi mọi người noi gương thánh Tôma say mê tìm hiểu chân lý về Chúa và biểu lộ qua chứng tá cuộc sống hằng ngày.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng Y Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin và đông đảo các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về thánh Tôma.

Trong diễn văn trao cho các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Thánh Tôma là nguồn mạch một truyền thống tư tưởng được nhìn nhận là ‘sự mới mẻ ngàn đời’. Đạo lý thánh Tôma không được trở thành một đồ vật giữ trong bảo tàng viện, nhưng là một nguồn mạch sống động, như đề tài hội nghị của anh chị em là “Vetera novis augere”, làm tăng trưởng những gì cổ kính bằng những điều mới mẻ”. Nói theo thành ngữ của triết gia Jacques Maritain, cần thăng tiến một ‘học thuyết Tôma’ sinh động, có khả năng canh tân để trả lời cho những vấn nạn ngày nay”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến đạo lý của thánh Tôma về công trình sáng tạo, sự phong phú trong giáo huấn của thánh nhân về sự tạo dựng của Chúa, như đã được nhắc đến trong thông điệp “Laudato sì”, về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại. Sự sáng tạo đối với thánh Tôma là sự biểu lộ đầu tiên lòng quảng đại tuyệt vời của Thiên Chúa, hay đúng hơn là lòng thương xót nhưng không của Chúa. Thánh Tôma dạy, đó là chìa khóa tình thương mở bàn tay của Thiên Chúa và giữ cho bàn tay ấy luôn rộng mở. Rồi thánh Tôma chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa chiếu tỏa rạng ngời trong sự khác biệt có trật tự của các thụ tạo. Vũ trụ các thụ tạo, hữu hình và vô hình, không phải là một khối duy nhất, cũng chẳng phải là sự khác biệt vô hình dạng, nhưng họp thành một trật tự, một toàn thể, trong đó tất cả các thụ tạo được liên kết, vì tất cả đều đến từ Thiên Chúa và tiến về Thiên Chúa và vì chúng tác động trên nhau tạo nên một mạng các mối quan hệ”.

3. Đức Giám Mục Cameroon tìm thấy Mình Thánh Chúa nguyên vẹn

Đức Giám Mục Giáo phận Mamfé đã tìm thấy Mình Thánh Chúa còn nguyên vẹn trong nhà thờ bị đốt tại Cameroon bên Phi châu.

Tối ngày 16 tháng Chín vừa qua, một lực lượng võ trang đã tràn vào làng Nchang, thuộc lãnh thổ giáo phận Mamfé, đốt nhà thờ Đức Mẹ tại đây, và bắt cóc 9 người gồm 5 linh mục, 1 nữ tu và 3 giáo dân.

Trong những ngày qua, Đức Cha Aloysius Fondong, Giám mục giáo phận Mamfé sở tại đã đến nhà thờ để tìm Mình Thánh Chúa và thấy Mình Thánh và chén thánh giữ Mình Thánh Chúa còn nguyên vẹn. Một Video do tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, phổ biến hôm 21 tháng Chín vừa qua, cho thấy Đức Cha Fondong đi vào nhà thờ bị đốt cháy, tìm thấy nhà tạm được đặt trên một tường gần thánh giá. Sau khi mở nhà tạm, Đức Cha bái quì và rước Mình Thánh ra khỏi nhà tạm.

Đức Cha nói: “Vụ đốt phá nhà thờ và bắt cóc thật là điều đáng kinh tởm. Họ thử thách sự kiên nhẫn của Chúa!”

Đài “Radio Evangelium” của giáo phận Mamfé nói rằng khoảng 60 người võ trang đã tấn công cộng đoàn Công Giáo Mamfé và bắt cóc 9 người vừa nói. Họ đòi tiền chuộc mạng 50.000 Mỹ kim. Nhưng Giáo hội từ khước làm theo yêu cầu của họ.”

Cha Christopher Eboka, Giám đốc truyền thông của giáo phận Mamfe, nói với phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, ngày 21 tháng Chín vừa qua, là cha đã liên lạc với 9 người bị bắt cóc, họ cho biết không bị tra tấn, nhưng nếu không trả tiền chuộc mạng thì họ sẽ lần lượt bị giết”.

Trong số 27 triệu dân Cameroon, có 20% nói tiếng Anh và từ năm 2016, có những lực lượng ở vùng này đòi ly khai để trở thành một nước độc lập vì họ than rằng ở chung với phần nói tiếng Pháp, họ bị thiệt thòi về nhiều phương diện.

Thống kê chính thức cho biết đã có ít nhất 4.000 người bị giết và hơn 700.000 người phải di tản vì các cuộc xung đột, và 70.000 người tị nạn sang Nigeria.

Một thông cáo của các giám mục Cameroon nói rằng Giáo hội đã phải trả giá đắt đỏ vì tình trạng xung đột này: “Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi năm 2016, dân chúng chịu đau khổ kinh khủng, những người của Chúa thường bị những kẻ bắt cóc, tra tấn và những kẻ vô lương tâm chiếu cố. Một làn sóng bách hại hàng giáo phẩm nay trở thành một thứ trò chơi mới cho cuộc tranh đấu và đủ loại tín hiệu đe dọa được gửi tới các thừa sai đang tận hiến cuộc đời để phục vụ dân chúng”.

4. Đức Hồng Y Pell: Đứng vững với Lời Thiên Chúa

Trước các ngả nghiêng về luân lý và tín lý ngày càng trầm trọng thêm hiện nay, Đức Hồng Y George Pell, nguyên chủ tịch Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh, lên tiếng trên tạp chí First Things, khuyên nên đứng vững với Lời Thiên Chúa:

Cách đây khá lâu, trong những ngày còn ở chủng viện, một người bạn linh mục trẻ của tôi đã tham dự một bài giảng dẫn nhập vào Sách Khải huyền và Kinh thánh. Giảng viên nói với cả lớp rằng có khoảng cách đáng kể giữa thông điệp, sứ điệp và giáo huấn thực sự của Thiên Chúa và các văn bản chúng ta có trong Cựu ước và Tân ước. Vị giảng viên không nói, như bề trên tổng quyền Dòng Tên, rằng chúng ta không biết Chúa Giêsu Kitô đã dạy gì vì lúc đó chưa có máy ghi âm, không có điện thoại để ghi lại khoảnh khắc ấy. Nhưng quả bà ấy đi theo hướng đó.

Bạn tôi ngây ngô hỏi Công đồng Vatican II có nói gì về chủ đề này không. Vị giảng viên, tự tin vào chuyên môn của mình, giải thích rằng có. Tài liệu được gọi là gì? Nhanh như chớp, câu trả lời đến ngay: “Dei Verbum,” Lời Thiên Chúa. Chỉ khi bà dừng lại để mỉm cười và tận hưởng sự đóng góp của mình, giảng viên mới nhận ra rằng bà đã sai lầm. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được viết bằng các hình thức và phong cách khác nhau và ở các thời đại khác nhau bởi các tác giả loài người. Mặc dù chúng không được tổng lãnh thiên thần Gabriel đọc từng chữ, như người Hồi giáo cho rằng Kinh Qur'an được như thế, chúng vẫn là Lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Hai chủ đề chính gây căng thẳng một cách sáng tạo trong bốn kỳ họp của Công đồng Vatican II ở Rôma (1962–65) là “aggiornamento”, hoặc cập nhật mọi điều, và “ressourcement”, hoặc trở lại các nguồn để lấy linh hứng. Tất nhiên, cả hai thuật ngữ đều bao hàm khá nhiều khía cạnh. Chúng ta đọc các dấu chỉ thời đại để đưa Giáo hội đến chỗ được cập nhật. Nhưng như nhà thần học Tin lành người Thụy Sĩ Karl Barth đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: cập nhật là gì? Sự thật được tìm thấy vào thời kỳ nào và ở những chỗ nào?

Đối với người Công Giáo, nguồn là gì? Tương phản với những người Thệ phản, người Công Giáo minh nhiên nại tới cả Kinh thánh lẫn Truyền thống, như đã được Công đồng Trent dạy bảo. Dei Verbum, hay Hiến chế tín lý về Mạc khải Thiên Chúa, được khai triển trong bốn phiên họp, là một trong những đóng góp tốt nhất của Công đồng, giải quyết nhiều căng thẳng trí thức trong Giáo hội và về phương diện đại kết. Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là sáng tạo của con người, cũng không phải là kẻ áp bức, nhưng tự mạc khải chính mình Người và sứ điệp cứu rỗi của Người qua Chúa Giêsu Kitô, “Đấng trung gian và tóm kết toàn thể mạc khải.”

Thánh kinh và Thánh truyền gắn kết với nhau, phát xuất từ cùng một nguồn cội thần linh, và hướng tới cùng một mục đích. Thánh truyền lưu truyền Lời Thiên Chúa, được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần giao phó cho các tông đồ. “Truyền thống thánh thiêng và Sách thánh tạo nên một kho thánh thiêng duy nhất của Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum, 7–8). Những quan điểm này đã được tái khẳng định gần như nhất trí trong Thượng Hội Đồng Rôma về Lời Chúa năm 2008.

Trong những thời kỳ hậu công đồng này, giống như các giáo hội và giáo phái khác ở phương Tây, Giáo Hội Công Giáo phải đối đầu với một điều mới mẻ trong lịch sử của mình. Giáo Hội sống ở một số quốc gia nơi nhiều người, đôi khi là đa số, sống phi tôn giáo, dù không phản tôn giáo. Những người ngoại giáo thời La Mã cổ xưa không phải là phi tôn giáo - hầu hết là mê tín, tin vào nhiều loại thần thánh. Tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô và các cộng đồng Kitô giáo của họ đều đau buồn vì sự vô tín của phương Tây, nhưng thường bị chia rẽ một cách cay đắng và nền tảng về cách tốt nhất để xoay chuyển tình thế này.

Vấn đề trên có thể được phát biểu nhiều cách. Có phải những lời dạy của Chúa Kitô — và nhất là các ý tưởng Công Giáo về sự hy sinh và tình dục, về nhu cầu cầu nguyện và ăn năn — chỉ là lỗi thời, bị thay thế giống như niềm tin rằng mặt trời quay quanh trái đất không? Có phải thuyết tiến hóa và hàng triệu năm của loài khủng long đã đánh bật thần thoại Do thái-Kitô giáo ra khỏi vị trí của nó không? Mọi người có bị bắt buộc phải tin với Comte rằng thời đại của tôn giáo đã qua đi, rằng không còn có thể giữ cho Kitô giáo được cập nhật nữa?

Tất nhiên, những người có đức tin sẽ bác bỏ những hình thức vô tín ngưỡng triệt để này và đương đầu với tình hình bằng những hạn từ nhiều sắc thái hơn. Thế giới hiện đại đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo và mù chữ, giảm đói và tăng tuổi thọ. Không thể phủ nhận những tiến bộ ngoạn mục của khoa học, kỹ thuật và y học. Trong những lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn biết nhiều hơn tổ tiên chúng ta, mặc dù có quá nhiều người trẻ của chúng ta mong manh và khốn khổ, bị xiềng xích bởi thói quen theo nhiều cách không hay ho khác nhau. Thí dụ, tỷ lệ tự tử của thanh niên ở Úc quá cao. Tại sao lại có sự tương phản giữa sự tiến bộ và sự gia tăng đau khổ?

Trong khi chúng ta tiếp tục tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta và tiếp tục chiêm ngưỡng những lời dạy tuyệt vời của Chúa Giêsu, Con của Đức Maria, Đấng đã bị đóng đinh bởi người La Mã và các nhà chức trách tôn giáo Do Thái gần hai nghìn năm trước, há chúng ta lại không nhận ra tốt hơn bao giờ hết rằng trong khi Chúa Giêsu là một thiên tài và một nhà tiên tri, Người cũng là một con người với những giới hạn về tuổi tác, văn hóa và tôn giáo của Người hay sao? Do đó, Kitô hữu có được phép, cùng với những vị giáo phẩm cao cấp nói tiếng Đức, bác bỏ các giáo huấn căn bản của Kitô giáo về tình dục vì họ tin rằng những lời giáo huấn đó không còn phù hợp với kiến thức khoa học hiện đại không? Hơn thế nữa, các Kitô hữu có bị khoa học hiện đại buộc phải bác bỏ các giáo huấn đó và các giáo huấn Kitô giáo tương tự như vậy không?

Hai sự phát triển gần đây đáng chú ý. Tại cuộc họp gần đây của Con đường Đồng nghị Đức, gần hai phần ba số giám mục Đức dường như đã đi hơi xa một chút theo hướng bác bỏ, và Bộ Giáo lý Đức tin đã không bình luận gì. Bây giờ các giám mục Bỉ cũng đang di chuyển cùng một hướng. Những lực lượng này, những lực lượng muốn phá hủy tính độc hữu của hôn nhân dị tính, giáo huấn luân lý Do thái – Kitô giáo cổ xưa ấy, và hợp pháp hóa hoạt động tình dục đồng tính, đang làm việc để truyền bá chất độc của họ.

Tân Ước vạch rõ bổn phận của Người Kế vị Thánh Phêrô, con người đá tảng, nền đá (Mt. 16:18), là củng cố đức tin của anh em mình — nhất là khi một số người đang suy yếu (Lc. 22:32). Hiện đang cần có hành động dứt khoát từ Bộ Giáo lý Đức tin, để ngăn chặn tình trạng xấu thêm và sửa chữa sai lầm.

Lời tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich rằng ngài không còn muốn thay đổi học thuyết của Giáo hội đáng được hoan nghênh, và Đức Hồng Y Reinhard Marx cũng đã phần nào đi theo hướng này. Đây là những bước phát triển tốt; nhưng phần lớn các giám mục Đức thì sao?

Ai có sự thật trong cuộc tranh chấp này? Ý kiến khai sáng của phương Tây và những người Công Giáo Đức có thiện cảm với nó, hay giáo huấn Kitô giáo truyền thống, vốn được đa số áp đảo những người thờ phượng Công Giáo ủng hộ? Kitô hữu quyết định như thế nào? Đâu là các tiêu chuẩn? Ban đầu chúng ta có thể quay trở lại với Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc Bộ Giáo luật, nhưng việc quay trở lại với thuật ngữ và các giáo huấn của Công đồng Vatican II cũng rất hữu ích.

Đâu là chữ cuối cùng cần được khám phá? Câu trả lời phụ thuộc vào các sự thật đang được thảo luận, vì Giáo hội không có tài chuyên môn đặc thù nào để quyết định sự thật của khoa học, lịch sử, hay kinh tế học. Tuy nhiên, với huấn quyền Công Giáo, cả Cựu ước lẫn Tân ước đều dạy rằng mạc khải có thẩm quyền về luân lý cũng như đức tin. Do đó, các chân lý luân lý phải được công nhận và thừa nhận trong truyền thống tông đồ.

Giáo huấn Công Giáo cho rằng giáo hoàng, các giám mục và tất cả các tín hữu là những người phục vụ và bảo vệ truyền thống tông đồ, không có quyền bác bỏ hoặc bóp méo các yếu tố thiết yếu, đặc biệt khi truyền thống đang được khai triển và giải thích. Điều đang tranh cãi khi chúng ta bác bỏ giáo huấn luân lý căn bản về tình dục (chẳng hạn) không phải là một đoạn trong Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc giáo luật của Giáo hội, hoặc thậm chí là một sắc lệnh công đồng. Chính Lời Thiên Chúa, vốn được trao phó cho các tông đồ, đang bị bác bỏ. Chúng ta không biết rõ hơn Thiên Chúa.

Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa, như thấy trong Kinh Thánh, được chấp nhận như Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phục tùng và tuân theo. Chúng ta đứng vững dưới Lời Thiên Chúa.
 
TT Zelenskiy loan tin chiến thắng: Tái chiếm nhà ga lớn nhất. Cựu TT Nga hô hào tấn công hạt nhân
VietCatholic Media
15:34 28/09/2022


1. Tổng thống Zelenskiy nói rằng quân đội Ukraine đang giành được thắng lợi ở tiền tuyến

Trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine cho biết quân đội Ukraine đang “thắng lợi” trên tiền tuyến.

“Về tình hình chiến sự, tôi sẽ nói ngắn gọn và không đi vào chi tiết, mặc dù sẽ có nhiều tin tốt: chúng ta đang thắng lợi trên các mặt trận và giải phóng được nhiều vùng đất của mình”

Ông cũng nói rằng Ukraine sẽ hành động để bảo vệ những người sống ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine - bao gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donbas, Kharkiv và Crimea - bất chấp các cuộc trưng cầu dân ý gần đây của Nga.

“Trò hề này trong lãnh thổ bị chiếm đóng không thể được gọi là các cuộc trưng cầu dân ý,” Zelenskiy nói thêm.

Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết hàng loạt các phòng tuyến của Nga đã sụp đổ trong khu vực Lyman của vùng Donetsk. Các video trên các mạng xã hội cho thấy thiết giáp của quân Ukraine tràn ngập phòng tuyến của quân Nga giữa các chiến xa Nga đang bốc cháy. Tại khu vực Kherson, quân Nga bị vây ở đây đã cố gắng vượt sông Dnipro để thoát vòng vây. Tuy nhiên, sà lan của họ đã bị đánh chìm, gây thiệt hại nặng về nhân sự và khí tài chiến tranh.

2. Ukraine giương cao cờ ở thị trấn vừa được giải phóng, tuyên bố cắt giảm nguồn cung cấp của Nga

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Ukraine Raises Flag in Liberated Village, Touts Cutoff of Russian Supplies”, nghĩa là “Ukraine giương cao cờ ở thị trấn vừa được giải phóng, tuyên bố cắt giảm nguồn cung cấp của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết lá cờ Ukraine đã được kéo lên tại một thị trấn mới được giải phóng ở khu vực Kharkiv khi cuộc phản công ở phía đông của nước này chống lại lực lượng Nga tiếp tục thành công.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã chia sẻ trên Twitter một đoạn video cho thấy một người lính đứng trên lá cờ Nga đã bị hạ trước khi giương cao lá cờ Ukraine ở làng Kupyansk-Vuzlovy. Ukraine đã đề cập đến tầm quan trọng chiến lược của việc chiếm lại thị trấn này, nói rằng nó có một trong những ga đường sắt lớn nhất miền đông Ukraine.

“Thị trấn Kupyansk-Vuzlovy ở vùng Kharkiv đã được giải phóng,” Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên. “Một trong những ga đường sắt lớn nhất ở phía đông Ukraine nằm ở đó. Quân xâm lược đã sử dụng nó trong tuyến đường tiếp tế của họ. Cuộc tấn công ở vùng Kharkiv vẫn tiếp tục.”

Ông Oleg Synegubov, người đứng đầu Cục Quân sự khu vực Kharkiv của Ukraine, cho biết Nga đã giành được quyền kiểm soát thị trấn và nhà ga trong vòng vài giờ sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2, theo Ukrainska Pravda.

“Kupyansk-Vuzlovy là một trong những tuyến đường sắt hậu cần lớn nhất trên lãnh thổ của vùng Kharkiv,” Synegubov cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình Ukraine. “Nhờ một chiến dịch quân sự thành công, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã đưa tuyến đường trở lại dưới sự kiểm soát của chúng ta và giờ đây đã kiểm soát hoàn toàn.”

Việc giành lại thị trấn và nhà ga là một trong nhiều thành công mà quân đội Ukraine gần đây đã báo cáo trong cuộc phản công ở phía đông diễn ra trong tháng này, khoảng một tuần sau khi cuộc phản công ở khu vực phía nam Kherson bắt đầu vào cuối tháng 8.

Theo báo cáo, chỉ có 6% khu vực Kharkiv vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga tính đến hôm thứ Ba. Kyrylo Tymoshenko, Phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết tổng cộng 454 khu định cư ở Kharkiv đã được giải phóng.

Synegubov nói rằng việc giải phóng lãnh thổ gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, “tốn rất nhiều công sức vì Nga không rút lui và không ngừng cố gắng tập hợp lại và triển khai lực lượng dự bị.” Theo báo cáo, 9 người đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkiv vào hôm thứ Hai.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã chia sẻ một đoạn video lên Facebook hôm thứ Ba mà họ tuyên bố cho thấy 15 binh sĩ Nga bao gồm cả hai thiếu tá bị bắt trong một khu vực nhiều cây cối gần Kharkiv.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố “động viên một phần” quân đội vào tuần trước, có thể lên đến 300.000 quân dự bị của Nga sẽ sớm tham chiến.

Một số chuyên gia cho rằng các binh sĩ mới sẽ có “phẩm chất thấp” và ít tạo ra sự khác biệt trong nỗ lực chiến tranh của Nga do “các vấn đề nghiêm trọng và mang tính hệ thống” trong quân đội Nga.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga để đưa ra bình luận.

3. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hô hào mở cuộc tấn công hạt nhân, phương Tây tê liệt vì sợ hãi sẽ không dám phản ứng lại

Dmitry Medvedev, phó chủ tịch diều hâu của hội đồng an ninh Nga, đồng minh của Putin, nguyên là thủ tướng và tổng thống Nga, đã đưa ra một cảnh báo khác về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và phương Tây trong một phát biểu dài trên Telegram, trong đó ông đặc biệt chỉ trích tổng thống Mỹ Joe Biden và tân thủ tướng Anh Liz Truss.

Medvedev nói:

Tôi phải nhắc lại cho các bạn một lần nữa - đối với những người khiếm thính chỉ nghe thấy chính họ. Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết, trong những trường hợp định trước, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Nếu chúng tôi hoặc đồng minh của chúng tôi bị tấn công bằng loại vũ khí này. Hoặc nếu hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của chính quốc gia của chúng tôi. Tổng thống Nga đã trực tiếp nói về điều này gần đây.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở các nước láng giềng thù địch của chúng tôi. Ví dụ, ở Ukraine của Đức Quốc xã, ngày nay do các nước Nato trực tiếp kiểm soát.

Ông ta phàn nàn rằng Biden và Truss “yêu cầu Nga bỏ tay khỏi 'nút hạt nhân'“ trong khi cáo buộc Truss đã “hoàn toàn sẵn sàng bắt đầu ngay lập tức các cuộc tấn công hạt nhân với nước ta”.

Sau đó, ông tiếp tục nói rằng ông không tin phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine hoặc dám trả đũa nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nếu mối đe dọa đối với Nga vượt quá giới hạn nguy hiểm đã thiết lập, chúng tôi sẽ phải đáp trả. Không cần xin phép bất kỳ ai, không cần tham khảo ý kiến lâu dài. Và nó chắc chắn không phải là một trò lừa bịp.

Hãy tưởng tượng rằng Nga buộc phải sử dụng vũ khí ghê gớm nhất để chống lại chế độ Ukraine, vốn đã thực hiện một hành động xâm lược quy mô lớn, gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của nhà nước chúng tôi. Tôi tin rằng Nato sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ngay cả trong tình huống này.

Rốt cuộc, an ninh của Washington, London và Brussels quan trọng hơn nhiều đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương hơn là số phận của Ukraine, thứ mà không ai cần, ngay cả khi nước này được cung cấp dồi dào các loại vũ khí khác nhau.

Dmitry Medvedev thường được mô tả là người có chừng mực. Tuy nhiên, cách ông ta cáo buộc “Ukraine đã thực hiện một hành động xâm lược quy mô lớn” cho thấy ông ta bắt đầu nói năng mê sảng.

Sau tuyên bố của Medvedev, các tuyên truyền viên Nga bắt đầu dệt mộng. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Olga Skabeeva hối thúc Putin tung ra đòn hạt nhân và dự đoán phương Tây sẽ ép buộc Kyiv đầu hàng trong vòng 48 giờ sau đó. Không phải Ukraine mà thôi, các nước trong vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ cũng phải đầu hàng và quay về với thế giới Nga.

4. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đưa ra hướng dẫn cho công dân trong trường hợp Nga tấn công hạt nhân Ukraine

Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, gọi tắt là NSDC, sẽ sớm công bố một giao thức hành động cho các công dân trong trường hợp Nga tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Ukraine.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Thư ký NSDC, là Oleksiy Danilov, cho biết:

“Chúng ta đang nói về vũ khí hạt nhân tầm ngắn, còn được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nếu quân xâm lược sử dụng loại vũ khí này, sẽ có một số thủ tục nhất định phải được thực hiện. Chúng tôi đã phát triển các hướng dẫn này trong NSDC, mà chúng tôi sẽ cố gắng công bố rộng rãi nhất có thể trong những ngày tới,” ông nói.

Đồng thời, Danilov lưu ý rằng các cường quốc hạt nhân đã thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.

Ông nói: “Đây là trách nhiệm của mọi siêu cường hạt nhân”.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia bày tỏ âu lo rằng những lời đe dọa của Nga sẽ kích thích các quốc gia phi hạt nhân khác tạo ra “những quả bom bẩn” để bảo vệ mình khỏi “những người hàng xóm điên rồ”.

“Khi người Nga bắt đầu khua khoắng vũ khí hạt nhân trước thế giới ngày nay, số lượng được gọi là bom bẩn sẽ xuất hiện theo cấp số nhân. Bởi vì sẽ không có quốc gia nào được bảo vệ khỏi một người hàng xóm điên rồ. Cái gọi là bom bẩn này không quá khó khăn để chế tạo”.

Theo Danilov, Ukraine sẽ bảo vệ đất đai của mình cho dù thế nào đi nữa. “Nếu không có phản ứng văn minh từ cộng đồng quốc tế và các nước NATO đối với một cuộc tấn công táo bạo như vậy, nếu nó xảy ra, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ đầu hàng, không bảo vệ đất đai của mình. Chúng ta sẽ không bị chặn lại bởi quân đội của Putin,” ông kết luận.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh ngày 28 tháng 9

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh

Ukraine đã tăng cường các hoạt động tấn công ở phía đông bắc đất nước trong vài ngày qua.

Các đơn vị đang tiến chậm trên ít nhất hai trục về phía đông từ hai dòng sông Oskil và Siverskyy Donets, nơi các lực lượng đã củng cố sau đợt tiến công trước đó của họ hồi đầu tháng.

Nga đang tăng cường một lực lượng phòng thủ mạnh mẽ hơn trước đây, có thể là do bước tiến của Ukraine hiện đang đe dọa các phần của vùng Luhansk khi cuộc bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga kết thúc.

Giao tranh ác liệt cũng tiếp tục diễn ra ở khu vực Kherson, nơi lực lượng Nga ở hữu ngạn sông Dnipro vẫn dễ bị tổn thương.

Nga tiếp tục nỗ lực tiến tới gần Bakhmut ở Donbas ngay cả khi nước này phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng ở hai sườn phía bắc và nam của mình. Điều này có thể là do áp lực chính trị khi Nga đang sử dụng các lực lượng lẽ ra nên tăng cường cho các cánh khác.

6. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh ngày 27 tháng 9

Tổng thống Putin dự kiến sẽ phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Nga vào thứ Sáu ngày 30 tháng 9.

Có khả năng thực tế là Putin sẽ sử dụng diễn văn của mình để chính thức thông báo việc sáp nhập các vùng bị chiếm đóng của Ukraine vào Liên bang Nga. Các cuộc trưng cầu dân ý hiện đang được tiến hành trong các lãnh thổ này dự kiến kết thúc vào ngày 27 tháng 9.

Các nhà lãnh đạo của Nga gần như chắc chắn hy vọng rằng mọi thông báo sáp nhập đều sẽ được coi là sự minh chứng cho 'hoạt động quân sự đặc biệt' và sẽ củng cố sự ủng hộ của những người Nga yêu nước đối với cuộc xung đột.

Khát vọng này có thể sẽ bị hủy hoại bởi nhận thức trong nước ngày càng tăng về những thất bại chiến trường gần đây của Nga và sự bất an đáng kể trong lệnh động viên bán phần được công bố vào tuần trước.

7. Zelenskiy gọi các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo của Nga là một nỗ lực để đánh cắp lãnh thổ của một quốc gia khác

Tổng thống Ukraine hôm thứ Ba cho biết các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo của Nga tại 4 khu vực ở miền đông Ukraine là “một nỗ lực nhằm đánh cắp lãnh thổ của một quốc gia khác” và “nhằm xóa bỏ các quy tắc của luật pháp quốc tế.”

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Volodymyr Zelenskiy cho biết người dân ở các vùng do Nga chiếm đóng ở Ukraine “buộc phải điền vào một số giấy tờ trong khi bị đe dọa bởi súng tiểu liên, tất cả chỉ vì một tấm bìa TV đẹp”.

Ông nói: “Đây là một nỗ lực hết sức giễu cợt nhằm buộc người dân nam giới trên lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine phải bị xung quân vào quân đội Nga để gửi họ đến chiến đấu chống lại quê hương của họ”.

8. Nato tố cáo 'trưng cầu dân ý' ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng là 'giả tạo' và 'vi phạm luật pháp quốc tế'

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết các cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại bốn khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine sau khi bị Nga sáp nhập là một “sự giả tạo” và “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.

Stoltenberg đã tweet rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy “và nói rõ rằng các Đồng minh NATO đang kiên định ủng hộ đối với chủ quyền và quyền tự vệ của Ukraine”.

“Cuộc trưng cầu dân ý giả do Nga tổ chức không có tính hợp pháp và là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Những vùng đất này là của Ukraine,” Stoltenberg nói.

Sau đó, ông nói về ba sự việc rò rỉ riêng biệt trên đường ống Nord Stream 1 và 2, nói rằng mặc dù sự thật chưa rõ ràng, nhưng “Nga hiện đang vũ khí hóa năng lượng”.

Ông nói thêm rằng Nga đã làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách tổ chức các cuộc bỏ phiếu “giả tạo”, huy động thêm binh sĩ vào quân đội của mình và đe dọa tấn công hạt nhân nếu nỗ lực quân sự của họ hiện nay thất bại.

“Tất cả những điều này là sự leo thang nghiêm trọng của xung đột. Thông điệp của chúng tôi là bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào là hoàn toàn không thể chấp nhận được “, Stoltenberg nói. “Nó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột và Nga phải biết rằng chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành.”

9. Ngoại trưởng Pháp cho biết sẽ có thêm các lệnh trừng phạt theo sau các cuộc trưng cầu dân ý giả do Nga tổ chức ở Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna cho biết hôm thứ Ba rằng các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức ở Ukraine bị chiếm đóng là “một trò hề.”

Bà cho biết một vòng trừng phạt mới của Âu Châu chống lại Nga sẽ được thực hiện “trong những ngày tới” để đáp lại cuộc bỏ phiếu.

Colonna bác bỏ mô tả của các cuộc bỏ phiếu là “bầu cử”, khi cô hỏi, “Làm thế nào bạn mong đợi mọi người tự do thể hiện bản thân mình dưới sự ép buộc và trong các lãnh thổ bị chiếm đóng bởi một thế lực nước ngoài?”

“Không có sự chân thành nào trong các phiếu bầu,” cô nói.

Cô kêu gọi một phản ứng rõ ràng từ cộng đồng quốc tế.

Các lá phiếu này “không có tính hợp pháp, không có giá trị, chúng tôi sẽ không công nhận chúng”, bà nói và nhấn mạnh thêm rằng chúng sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt hơn nữa từ Pháp, Liên minh Âu Châu và các đồng minh quốc tế khác.

10. Quan chức Liên Hiệp Quốc nói: Những luận điệu đáng báo động của Nga liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”

Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo gọi luận điệu thẳng thừng của Nga về việc sử dụng bất kỳ và “tất cả các hệ thống vũ khí” để “tự vệ” là “không thể chấp nhận được”.

“Chúng tôi cũng đã nghe thấy những luận điệu đáng báo động liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này là không thể chấp nhận được. Những lời lẽ như vậy không phù hợp với Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh các cuộc chạy đua vũ trang, được đưa ra vào ngày 3 tháng Giêng năm 2022”, DiCarlo nói trong khi phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba.

Bà nói thêm: “Hãy để tôi nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký đối với tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Liên bang Nga, trong đó đề cao việc không sử dụng và loại bỏ dần vũ khí hạt nhân”.

Một số bối cảnh khác: Bình luận của bà được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh một loạt thất bại đáng xấu hổ trên chiến trường Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm thứ Tư tuần trước, ông cảnh báo rằng “Trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta và để bảo vệ nước Nga và nhân dân của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng ta. Đây không phải là một trò đùa”.

Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, Dmitry Medvedev, phó chủ tịch diều hâu của hội đồng an ninh Nga, đồng minh của Putin, nguyên là thủ tướng và tổng thống Nga, đã đưa ra một cảnh báo khác về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và phương Tây trong một phát biểu dài trên Telegram.

Ông ta thẳng thừng tuyên bố rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, do tê liệt vì sợ hãi, phương Tây sẽ không dám trả đũa, và sẽ ngưng ngay lập tức với hỗ trợ Ukraine.
 
Các HY, GM lên tiếng bênh vực ĐHY Quân. Những câu nói gây xao xuyến Kitô Hữu thế giới của Kirill
VietCatholic Media
17:00 28/09/2022


1. Một số các nhà lãnh đạo Công Giáo và những người khác lên tiếng ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân khi phiên tòa của ngài bắt đầu

Khi Đức Hồng Y Joseph Đức Hồng Y Quân bắt đầu phiên tòa ở Hương Cảng, một số nhà lãnh đạo Công Giáo và các nhà hoạt động nhân quyền đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ vị giám mục hiệu tòa 90 tuổi.

Đức Hồng Y Quân và năm người khác bị buộc tội không đăng ký hợp lệ một quỹ hỗ trợ pháp lý dành cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Là một nhà phê bình thẳng thắn đối với chế độ cộng sản của Bắc Kinh, Đức Hồng Y Quân từng là người được ủy thác của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, giúp thanh toán các hóa đơn pháp lý và y tế cho những người biểu tình bị bắt và bị thương trong các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hương Cảng.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, học giả và nhà hoạt động nhân quyền, đã công khai bày tỏ tình đoàn kết của họ với Đức Hồng Y Quân khi phiên tòa bắt đầu xét xử ngài:

Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã viết bài ủng hộ Đức Hồng Y Quân trên tờ Avvenire vào ngày 23 tháng 9.

“Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là 'người của Chúa'; can đảm phục tùng tình yêu của Chúa Kitô, Đấng muốn ngài làm tư tế của Ngài, trong tình yêu sâu đậm, như Don Bosco, với tuổi trẻ.”

Ngài kết luận tuyên bố của mình rằng “Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân không thể bị lên án. Hương Cảng, Trung Quốc và Giáo hội có một người con tận tụy nơi ngài, không có gì phải xấu hổ”.

Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, Rhode Island, đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện trên Twitter vào ngày 19 tháng 9 khi phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân dự kiến bắt đầu, nó đã bị hoãn lại vì thẩm phán nhiễm coronavirus.

“Hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến người anh em trong đức tin của chúng ta, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân 90 tuổi, người đang bị xét xử ở Trung Quốc, và cũng hãy cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, nơi thường xuyên bị chính quyền tấn công và bách hại. Và cầu nguyện cho các Kitô hữu ở khắp mọi nơi đang bị bách hại vì đức tin của họ.”

Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas, đã viết vào ngày 18 tháng 9:

Hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người sẽ phải hầu tòa vào ngày mai tại một tòa án ở Hương Cảng. Cuộc chiến của vị Hồng Y 90 tuổi để bảo vệ người dân Hương Cảng khỏi Cộng sản nên được viết bằng chữ Vàng.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã chia sẻ lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Lạy Đức Maria Cởi Bỏ Nút Thắt, xin hay chống lại tất cả những điều bất công, chúng con xin Mẹ cầu bầu cho người anh em của chúng con, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, xin cho công lý có thể được thực hiện và trái tim của ngài được an ủi.

Đức Cha Athanasius Schneider, Giám Mục Phụ Tá của Maria Santissima ở Astana, Kazakhstan, đã dâng lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Chúng con cầu xin Chúa bảo vệ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một người con trung thành của Giáo hội, người đang bị xét xử với tư cách là bị cáo ở Hương Cảng. Cầu mong niềm tin luôn ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh cho ngài trong thời khắc mong manh này. Cầu mong Đức Maria, Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, ở bên cạnh ngài để truyền cảm hứng cho ngài với lòng can đảm.

Vào ngày 1 tháng 9, Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chia sẻ sự thất vọng của mình rằng Đức Hồng Y Quân đã không có mặt trong cuộc họp Hồng Y Đoàn vào tháng Tám.

“Có lẽ Giáo hội nên tự do hơn và ít bị ràng buộc hơn vào luận lý của thế gian, dựa trên quyền lực, và vì thế, tự do hơn trong việc can thiệp và, nếu cần, chỉ trích những chính trị gia g đàn áp nhân quyền. Trong trường hợp này, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không dám chỉ trích Bắc Kinh.”

Đức Hồng Y Muller nói rằng, trong cuộc họp Hồng Y Đoàn, không có quan chức cấp cao nào của Vatican hoặc thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đề cập đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân hay phiên tòa của ngài.

“Sẽ có một phiên tòa bất công vào tháng tới. Không ai đặt ra câu hỏi về vấn nạn của người anh trai Đức Hồng Y Quân của chúng tôi. Cả Niên trưởng Hồng Y Đoàn là Đức Hồng Y Giovanni Batista Re, cả Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đều không lên tiếng. Không ai bày tỏ tình đoàn kết, không có sáng kiến cầu nguyện nào cho vị Hồng Y Trung Hoa”, vị Hồng Y người Đức than thở

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã nói như sau ngay khi Đức Hồng Y Quân bị bắt vào tháng 5:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc đơn giản vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố đáp ứng án phí là một quyền thích hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, có người đại diện hợp pháp như thế làm sao lại có thể coi là tội phạm”.
Source:Catholic News Agency

2. Thượng Phụ Kirill cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng.

Thượng Phụ Kirill đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin và là người ủng hộ trung thành cho cuộc xâm lược Ukraine, đã lên tiếng chỉ trích những người phản đối chiến tranh

Ông nói trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi có lệnh động viên: “Nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực”.

“Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.”

“Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo”.

“Họ hy sinh bản thân vì người khác. Và do đó, chúng tôi tin rằng sự hy sinh này rửa sạch mọi tội lỗi mà người đó đã phạm phải, và thiên đàng chắc chắn là phần thưởng dành cho họ”.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét cay đắng rằng Putin đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính ông ta; trong khi Thượng Phụ Kirill đem Chúa ra để hứa thiên đàng cho các chiến binh Nga lao mình vào cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ cho Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Priest Tells Russians Not to Fear Death Amid Mobilization”, nghĩa là “Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói với người Nga rằng đừng sợ cái chết khi bị gọi nhập ngũ.”

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã kêu gọi công dân Nga đừng sợ chết trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin quyết định điều động quân dự bị đến chiến đấu ở Ukraine.

“Hãy dũng cảm lên để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của bạn, bạn sẽ được ở với Chúa trong vương quốc của Ngài, trong vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu,” ông nói trong một bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Mạc Tư Khoa.

Kirill, người đã biện minh cho quyết định xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ, đưa ra nhận xét ngay sau khi các quan chức Nga cho biết có tới 300.000 quân dự bị sẽ được triệu tập để chiến đấu.

Kirill tuyên bố trong bài giảng của mình rằng một người có “đức tin chân chính” không phải sợ cái chết.

Theo ông, một người trở nên “bất khả chiến bại” khi có một “chiều kích mạnh mẽ gắn liền với vĩnh cửu” trong người đó, và anh ta không còn sợ hãi cái chết nữa.

Ông nói: “Niềm tin làm cho một người trở nên rất mạnh mẽ, bởi vì nó chuyển ý thức của anh ta khỏi cuộc sống hàng ngày, từ những lo lắng về vật chất, sang chăm sóc cho tâm hồn, cho sự vĩnh cửu. Cụ thể là, nỗi sợ hãi cái chết đã đẩy một chiến binh ra khỏi chiến trường, đẩy kẻ yếu đến chỗ phản bội và thậm chí nổi loạn chống lại anh em của mình. Nhưng đức tin chân chính phá tan nỗi sợ hãi về cái chết”.

Lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga trước đây đã đưa ra ý tưởng rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc.

Ông kêu gọi người Nga trong bài giảng của mình đừng coi người Ukraine là kẻ thù.

Theo Kirill, người dân Ukraine “đang gặp nguy hiểm,” và nói thêm rằng bây giờ “điều rất quan trọng là không có cảm giác trong lòng rằng có kẻ thù”.

Kirill kêu gọi hội thánh của mình cầu nguyện cho việc tăng cường “tình cảm huynh đệ của các dân tộc ở Nước Nga Thánh thiện,” để “sự thống nhất của Giáo hội, vốn là bảo đảm cho hòa bình trên đất nước Nga rộng lớn, càng trở nên mạnh mẽ hơn.”

Kirill cũng lưu ý rằng các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine tiếp tục cầu nguyện cho “việc thiết lập hòa bình trên các vùng rộng lớn của nước Nga lịch sử”.

Giáo chủ Kirill, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho xung đột bằng cách đưa ra các bài phát biểu về Nga như một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6, ông nói rằng Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill cho biết ông tin rằng điều này đang xảy ra bởi vì Nga “khác” với các dân tộc khác.

Ông Putin cho biết động viên bán phần của ông sẽ ảnh hưởng đến những công dân đang trong lực lượng dự bị, và họ sẽ trải qua các khóa huấn luyện bổ sung trước khi được triển khai.
Source:Newsweek

3. So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry

Trong một diễn biến gây ra đau buồn sâu sắc cho thế giới Chính Thống Giáo, Thượng Phụ Kirill, trong cố gắng bênh vực cho lệnh động viên của Putin, đã cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng, bất kể những tội lỗi họ đã phạm trong chiến tranh.

Ký giả Peter Anderson có bài tường trình nhan đề “A comparison of last Sunday's sermons by Kirill and Onufry”, nghĩa là “So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 9, cả Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine, đã đưa ra các bài giảng cho các tín hữu của họ. Bài giảng của Thượng phụ Kirill đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Tuy nhiên, bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Onufry cũng rất quan trọng. Hai bài giảng rất khác nhau về đường lối. Theo Thượng phụ Kirill, những người chết ở Ukraine vì chiến đấu cho Nga sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi do hoàn thành lời thề trong quân ngũ. Trái lại, theo Đức Tổng Giám Mục Onufry, những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các cộng đồng Ukraine cần những lời cầu nguyện để hoán cải trái tim của họ. Điều này rõ ràng ngụ ý rằng thiên đường không được bảo đảm cho những kẻ giết người, hiếp dâm, và phá hủy.

Vào ngày Chúa Nhật, Thượng phụ Kirill đã cử hành Phụng vụ Thánh mừng sinh nhật của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong nhà thờ chính tòa Thánh Alexander Nevsky gần Peredelkino. Nhà thờ chính tòa này gần nơi ở của vị Thượng Phụ và là nơi ngài đã cử hành cáclễ nghi trong thời kỳ tự cô lập của mình trong đại dịch. Đoạn bài giảng của vị Thượng Phụ nhận được sự quan tâm lớn nhất như sau:

Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.

Đối với “sự cần thiết phải thực hiện lời thề”, tôi hiểu rằng tất cả những người tham gia lực lượng vũ trang Nga có nghĩa vụ phải thực hiện lời thề sau: “Tôi, (tên đầy đủ), long trọng tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của tôi - là Liên bang Nga. Tôi xin thề tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của điều lệ quân đội, mệnh lệnh của chỉ huy và cấp trên. Tôi thề sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự với phẩm giá cao, can trường bảo vệ tự do, độc lập, trật tự hiến pháp của nước Nga, nhân dân và Tổ quốc”. Bởi vì lời tuyên thệ là bắt buộc đối với tất cả các binh sĩ, có vẻ như theo ngài Thượng Phụ, tất cả những người lính Nga chết khi đang thi hành nghĩa vụ quân sự đều đang thực hiện lời thề của họ và sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi.

Cùng ngày Chúa Nhật đó, Đức Tổng Giám Mục Onufry đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Truyền tin ở Sviatoshyn. Trang web chính thức của Nhà thờ Chính thống Ukraine đã nêu bật một số nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Onufry. Những nhận xét này như sau:

Chúng con cầu xin Chúa đổ đầy tình yêu thương trong lòng mọi người, và nhất là những kẻ ngày nay giết hại dân tộc chúng con, phá hủy các thành phố, làng mạc của chúng con, để họ nhớ rằng Chúa đã không mang chúng ta đến thế gian này để giết nhau, để cướp đi từ nhau một điều gì đó mà chúng ta mong muốn, nhưng để chúng ta sống trong hòa bình, trong tình yêu dành cho Chúa và cho nhau.

Những điều đã nói ở trên đặt ra một số câu hỏi. Sau đây chỉ là một số điều: Những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các khu định cư của Ukraine có cần hoán cải trước khi mọi tội lỗi của họ được rửa sạch không? Liệu Thượng phụ Kirill có cho rằng những người lính Ukraine chết trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được rửa sạch mọi tội lỗi của họ không? Có khả năng những nhận xét của Thượng phụ Kirill sẽ làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận thú vị của Chính thống giáo và các nhà thần học khác.
Source:Sismografo
 
Thánh Ca
Đại nhạc hội Hát Lên Mừng Chúa 2015- DVD 1
Khanh Lai
01:12 28/09/2022

 
Đại nhạc hội Hát Lên Mừng Chúa 2015- DVD 2
Khanh Lai
01:13 28/09/2022