Ngày 06-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chết lành
Vũ Văn An
00:49 06/11/2009
Trong ít năm gần đây, càng ngày tôi càng dây dưa với cái chết. Sự dây dưa này do nhiều nguồn khác nhau: do công việc của tôi trong tư cách một y sĩ chuyên chăm sóc người già, do công tác mục vụ của tôi trong tư cách một linh mục Dòng Tên tại một trung tâm giảng dạy y khoa và do cố gắng cá nhân của tôi trong tư cách một nhà giáo dục muốn cải thiện việc chăm sóc người hấp hối. Tôi dành phần lớn thì giờ của mình để chăm sóc người hấp hối, dạy các sinh viên y khoa và các y sĩ về việc chăm sóc cuối đời và cùng các linh mục, các lãnh tụ giáo xứ và nhiều người khác tìm tòi các nguồn tài liệu trong truyền thống đức tin Công Giáo nói về lúc chấm dứt sự sống.

Thỉnh thoảng, tôi cũng thắc mắc về chính cái chết của mình, không biết nó sẽ như thế nào và liệu tôi có được chết lành hay không. Các suy tư ấy phần lớn xoay quanh vấn đề “chết lành” nghĩa là gì và nghĩ tới thánh nhan Chúa khi tôi được gọi ra khỏi đời này. Hoàn cảnh đặc biệt của đời tôi trong tư cách một linh mục Dòng Tên, người sẽ chết mà không có vợ, có con, khiến cho việc sắp xếp hoạch định của tôi có hơi khác thường và chắc chắn không thích hợp với đại đa số người khác vốn không khấn sống tu dòng. Nhưng qúy bạn cũng nên cho phép tôi được chia sẻ chút ít ý kiến liên quan đến việc tôi muốn hiểu và nghĩ tưởng ra sao về việc chết lành.

Chết lành chắc chắn không phải là chết theo lối khắc kỷ. Hiển nhiên là tôi sẽ sợ. Ý nghĩ phải rời bỏ cái nắng ấm áp của Cape Cod Bay, âm thanh của dòng sông đầy cá hồi ở Montana và vòng thân mật và hỗ trợ của bạn bè và con cái họ chắc chắn là điều tôi chẳng thấy hứng thú là bao. Nhưng suốt cuộc đời, tôi đã hiểu Thiên Chúa như một Đấng khá quen thuộc với nỗi sợ sệt và âu lo xao xuyến của tôi. Và tôi cảm nhận rằng Chúa đối xử với tôi như một người cha đang cố gắng kéo đứa con thơ ra khỏi những điều có lẽ chỉ mua vui nhất thời cho nó nhưng sau cùng nhất định không làm nó thỏa mãn hoàn toàn. Sự chết do đó sẽ là lực kéo dứt khoát khiến tôi rơi vào vòng tay Thiên Chúa…

Bị những kẻ cổ vũ trợ tử và an tử làm cho khiếp sợ, nhiều người cảm thấy hấp hối là một diễn trình khủng khiếp ngay trong nó. Dĩ nhiên, hấp hối đâu phải là việc dễ chịu. Luôn luôn có đau đớn buồn bực thực sự đối với những ai biết mình đang mất đi những điều tốt đẹp trong đời. Tôi biết tôi sẽ rất buồn khi không còn được nghe nhạc Mozart nữa, khi mất đi những cái ôm hôn của con cái và nhiều cái dịu ngọt của cuộc đời. Nhưng tôi cũng biết rằng chẳng có lý do gì khiến tôi phải đau đớn cùng cực, khốn khổ với những hơi thở càng lúc càng ngắn lại cũng như những trận ói mửa liên tiếp. Tiếc thay, nhiều người tốt lành đã ủng hộ việc trợ tử vì họ từng chứng kiến những cái chết không lành, đầy đau đớn và những khốn khổ không nhất thiết phải có. Những đớn đau khốn khổ ấy sở dĩ xẩy ra vì các y sĩ và các bệnh viện, như một toàn thể, đã không coi việc chăm sóc có chuyên môn đối với người hấp hối là một ưu tiên.

Điều ấy ngày nay đang thay đổi. Đau đớn có thể giảm thiểu được mà không cần làm cho bệnh nhân mất ý thức. Có sai sót, nhưng sẽ tới lúc việc thuốc thang giảm đau sẽ được điều chỉnh hay thay đổi. Các phản ứng phụ của thuốc thang, như táo bón, sẽ được dự phòng và chữa trị. Hơi thở ngắn có thể được giảm bớt nhờ một loạt các cố gắng, tùy theo mỗi trường hợp. Ói mửa, dù là một triệu chứng khó chữa, nhưng vẫn có thể điều trị được bằng những loại thuốc táo bạo hay các biện pháp giảm đau khác.

Một số người coi việc nghĩ đến đường dài của hấp hối cũng như các triệu chứng khiến chết trở thành khó khăn là một việc bệnh họan từ bên trong. Cho nên, đối với tôi, điều chủ yếu là phải muốn được chết lành. Chết lành đòi phải có dự kiến và chọn lựa. Điều ấy không có nghĩa ta có thể kiểm soát và dàn dựng mọi khía cạnh của diễn trình hấp hối. Mất kiểm soát chính là một phần của diễn trình chết. Nhưng ta có thể lo liệu để các mục tiêu của ta được tôn trọng khi ta giáp mặt với cái chết.

Dự liệu để chết lành có nghĩa là phải đưa ra các chỉ thị từ trước. Các chỉ thị này sẽ nói cụ thể ý muốn được chăm sóc của ta khi gặp trọng bệnh hay tai nạn đến không thể nói năng gì được nữa. Chỉ thị từ trước này có nhiều hình thức, tùy tình trạng sống của ta. Có thể là một di chúc, một thừa ủy nhiệm (proxy) chăm sóc sức khỏe, hay một bản ủy quyền (power of attorney) dài hạn để người khác quyết định chăm sóc sứ khỏe cho ta. Tại nhiều quốc gia, việc soạn thảo các chỉ thị này tương đối dễ dàng không cần tới luật sư. Nhưng điều quan trọng nhất khi soạn ra các chỉ thị này là cuộc bàn thảo trong đó, người bệnh phát biểu rõ ràng mục tiêu của mình là thế nào lúc ở cuối đời.

Trong nghề y của mình, tôi thường đề nghị ba điều: Thứ nhất, người ta phải cho tôi rõ tôi được tiến xa như thế nào để duy trì sự sống cho họ khi tình thế trở nên mập mờ hay xem ra bi đát. Thứ hai, bệnh nhân cần bàn thảo với gia đình về các ước nguyện của mình để gia đình nắm rõ. Thứ ba, bệnh nhân phải chỉ định một người khác phát ngôn giùm mình (để tôi có được ai đó mà tham khảo ý kiến nếu bệnh nhân yếu quá đến nói không được). Chỉ thị từ trước không hề là một thuốc bách bệnh. Chúng sẽ vô dụng, nếu bác sĩ không biết gì về chúng, nếu gia đình không mang theo chúng tới bệnh viện trong trường hợp cấp cứu bất thần hay nếu chúng không được cập nhật hóa khi tình trạng bệnh nhân thay đổi. Rất có thể có người sẽ dùng các chỉ thị từ trước này để hạn chế việc chữa trị hay làm nhanh diễn trình chấm dứt sự sống. Nhưng đối với hầu hết các bệnh nhân của tôi, các chỉ thị từ trước này rất có giá trị. Muốn được soạn thảo tốt, các chỉ thị từ trước cần được suy nghĩ và bàn hỏi cẩn thận. Chúng giúp đem sự chết ra công khai và cho phép việc chăm sóc dựa trên ý muốn của bệnh nhân xẩy ra được. Đó là khía cạnh tư riêng của việc xem sét chết lành là thế nào.

Nhưng chết lành không đơn thuần chỉ là vấn đề sắp xếp ổn thỏa mọi sự việc và lo liệu để người được thừa ủy nhiệm chăm sóc sức khỏe của ta biết ta đang ở phòng cấp cứu. Đây là lúc ta gặp Chúa một cách dứt khoát. Chết lành có ba yếu tố chủ chốt.

Thứ nhất, chăm sóc y khoa phải được đặt trong viễn tượng thích đáng của nó. Không ai ra khỏi đời này mà còn sống nhăn. Các bác sĩ có thể chữa ta trong một thời gian, họ có thể giảm đau cho ta lúc ta hấp hối, và họ còn có thể làm được việc tốt là ngăn trở sự chết ngay cả lúc ta rõ ràng đang hấp hối, nếu ta cho phép. Chết lành hay chết tốt đòi phải có một bác sĩ lành hay một bác sĩ tốt. Tức một bác sĩ biết chú tâm tới ước nguyện của tôi, tỉnh táo để ý tới việc kiểm soát triệu chứng và giảm đau; bác sĩ ấy cũng phải là một cố vấn khôn ngoan khi giáp mặt với buồn phiền và sợ hãi, và phải nhạy cảm đối với tính năng động của việc không bao giờ tự ý lấy đi sự sống nhưng cũng không được kéo dài sự sống ấy nếu gánh nặng của trị liệu vượt quá ích lợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng là việc chăm sóc của y khoa không phải là tập chú của hấp hối. Bác sĩ và các thành viên khác của toán chăm sóc không phải là các siêu sao của buổi trình diễn khi đề cập tới màn cuối cùng. Lúc ấy, họ đóng vai phụ, một vai phụ khá quan trọng.

Người đóng vai chủ yếu trong lúc này chính là người đang hấp hối, những ai yêu thương họ và Thiên Chúa. Bác sĩ tốt hay bác sĩ lành là người hiểu rõ các giới hạn trong nghề nghiệp của mình. Người ta thường nghe các y sĩ nói với họ: “Xin lỗi, nhưng tôi không còn làm được điều gì khác nữa”. Câu trả lời tốt đẹp và khôn ngoan hơn chắc chắn là câu như thế này: “Tôi không có phương pháp điều trị thần kỳ, không có thuốc gì mới, không có phương pháp mổ xẻ nào có thể thay đổi được bệnh tình của ông/bà. Nhưng tôi hứa sẽ ở bên ông/bà, cố gắng giảm thiểu các triệu chứng và không bỏ mặc ông/bà phải chịu bệnh một mình”. Đặt việc chăm sóc y khoa vào viễn tượng thích đáng của nó có nghĩa là bệnh nhân và gia đình họ không luôn mong được nhiều hơn và đặt những hy vọng lầm chỗ vào các bác sĩ và cách chữa trị khi chết đã trở thành hiển nhiên. Dưới ánh sáng đời sống vĩnh cửu, và hy vọng vào phục sinh của chúng ta, thì những cố gắng vô vọng nhằm kéo dài diễn trình chết cho một ai đó mắc chứng bệnh không thể chữa được là đâu đó nằm giữa ngu xuẩn và phạm thượng.

Thứ hai, chết lành đối với người có đức tin trong Đạo Công Giáo có nghĩa là nhạy cảm đối với truyền thống luân lý của Giáo Hội. Điều này đòi ta phải tìm trung dung giữa những người bác khước bất cứ loại chăm sóc nào nhằm duy trì sự sống và những người nghĩ rằng là Công Giáo thì phải đòi cho được bất cứ thứ ống nào hay thứ điều trị nào được đem tới chất chồng lên người sắp chết. Thái độ đầu gần như là an tử vì không biết qúy chuộng tính tốt lành của sự sống và bổn phận phải qúy trọng hồng ơn Chúa đã ban cho ta. Thái độ thứ hai quả đã thay thế niềm tin vào Thiên Chúa bằng chủ nghĩa duy sinh (vitalism); nó cho thấy: mỗi nhịp tim đều thánh thiêng mà không hiểu được rằng giá trị tuyệt đối của sự sống chỉ có thể tìm thấy trong việc kết hợp với Chúa.

Nói một cách thực tiễn, khi một ai đó đương đầu với căn bệnh chết người, thì sự khôn ngoan của Giáo Hội là họ không bắt buộc phải theo đuổi những cách chưa trị quá đau đớn, không chịu đựng nổi hay chỉ nhằm kéo dài cơn hấp hối. Một người mắc bệnh ung thư hay khí thũng nặng, hay đang đương đầu với giai đoạn chót của suy thoái tim mạch không nên cho rằng sẽ lỗi luật luân lý nếu từ khước việc hồi sinh hay giảm thiểu những kỹ thuật cao có tính táo bạo (aggressive) tại phòng chăm sóc cuối cùng (intensive care).

Thứ ba, và là điều quan trọng nhất, chết lành nghĩa là phải sống lành với Chúa. Chuẩn bị chết phải là việc hàng ngày của mọi Kitô hữu, không có nghĩa lúc nào cũng duyệt lại các chỉ thi từ trứơc hay suy nghĩ thắc mắc về các mâu thuẫn luân lý có thể có, nhưng là hàng ngày cố gắng sống thân mật hơn với Chúa và sống tốt cuộc sống của mình. Mặc dù dự kiến sự chết bằng các chỉ thị từ trước, chăm sóc y khoa tốt và nhạy cảm luân lý đều là những điều quan trọng, nhưng điều chủ yếu để chết lành vẫn là sống trong Chúa Kitô.

Người ta phải sống cuộc sống thiêng liêng ra sao trong hy vọng được chết lành? Câu hỏi này có cả triệu câu trả lời, và làm ta nhớ tới câu hỏi người thanh niên giầu có đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, con phải làm gì đề hưởng được sự sống đời đời?”. Ở cốt lõi của nó, chết lành chỉ xẩy tới vào lúc cuối đời cho những ai tận tụy yêu Chúa và yêu người lân cận. Cái chết của Kitô hữu chính là thời điểm sinh vào sự sống đời đời với Thiên Chúa. Thực hiện các lựa chọn từ viễn tượng giường chết là tuyệt diệu quan tâm tới sự khác biệt giữa điều chủ yếu và tốt lành với điều tầm phào và xấu xa. Trong cuốn “Tập Dụng Thần Công” của mình, Thánh Inhaxiô thành Loyôla thúc giục ta dùng một loạt các phương pháp để thực hành các thao tác nhằm chọn bậc sống hay quyết định bất cứ điều đặc thù nào. Một trong các phương pháp ấy là coi sự chọn lựa ấy như thể “tôi sắp sửa qua đời”. Cuốn “Gương Phúc Chúa Kitô” (1, 23, 1) nhìn đời sống người Kitô hữu dưới lăng kính sự chết: “mọi hành động của bạn, mọi tư tưởng của bạn, phải là hành động hay tư tưởng của người đang chờ chết trước khi đời tàn. Sự chết sẽ chẳng có chi kinh hoàng khủng khiếp nếu bạn có một lương tâm thanh tĩnh… Vậy thì tại sao không tránh xa tội thay vì trốn chạy khỏi cái chết? Nếu hôm nay, bạn không đủ can đảm đương đầu với cái chết, thì ngày mai chắc lại còn không đủ can đảm hơn nữa”.

Thánh Cyprianô, vị giám mục và tử đạo người Bắc Phi vào thế kỷ thứ 3, từng nghi vấn đức tin của những Kitô hữu tự hào cầu nguyện hàng ngày cho Nước Chúa trị đến và ý Chúa thể hiện, nhưng lại không chấp nhận sự chết và tìm mọi cách tránh né tính hay chết của mình như sau: “Quả là phi lý xiết bao khi cầu xin cho ý Chúa được thể hiện mà lại không mau mắn vâng theo khi Người gọi ta ra khỏi đời này! Thay vào đó, ta đã vẫy vùng và chống đối như những tên nô lệ bướng bỉnh và được điệu tới trước nhan thánh Chúa lòng đầy buồn bã và than van, chứ không tự ý chấp nhận cuộc ra đi, coi nó như một bức bách cần thiết”.

Mục đích của Thánh Cyprianô là khuyến khích các Kitô hữu đương đầu với việc tử đạo, nhưng lời của ngài cũng khuyên dạy ta là những người đang sống trong một nền văn hóa ngày càng mù mờ về ý nghĩa thiêng liêng của sự chết và nhu cầu phải sống cuộc sống ta dưới ánh sáng vĩnh cửu: “Hãy một tâm một trí, hảy kiên định trong đức tin, và bền vũng trong can đảm, sẵn sàng vâng theo ý Chúa, bất kể ý ấy ra sao. Hãy dẹp bỏ sự sợ chết mà nghĩ tới sự sống đời đời tiếp theo nó. Điều ấy sẽ chứng tỏ cho người ta thấy chúng ta thực sự sống đức tin của mình. Hỡi anh em thân thương, ta không bao giờ được quên rằng chúng ta đã từ bỏ thế gian. Hiện ta đang sống như khách lạ và chỉ trong một khoảng thời gian mà thôi. Và khi ngày về nhà xẩy tới, chấm dứt cảnh lưu đầy của ta, giải thoát ta khỏi xiềng xích thế gian, và tái lập ta vào thiên đàng và nước Chúa, ta hãy chào đón nó”.

Học để biết chào đón ngày về quê Cha ấy xem ra là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng cầu nguyện, đặt kế hoạch và nghĩ về đời sống làm Kitô Hữu của mình cũng như niềm hy vọng của ta sẽ dẫn ta tới những chọn lựa quan trọng, giúp ta có thể chết trong ánh sáng đức tin. Một lần nữa, điều ấy không có nghĩa chúng ta sẽ có được cái can đảm của Thánh Cyprianô hay đức anh hùng của các tử đạo. Tôi không có là cái chắc rồi đấy. Nhưng trong cái sợ của tôi, tôi muốn dự kiến càng nhiều càng tốt để được chết trong tình yêu Chúa Kitô hơn là chết trong những cái quá lạm vô kế hoạch của việc chăm sóc sức khỏe. Và tình yêu của Chúa Kitô chính là tất cả nội dung của chết lành.

Phóng dịch bài “On Dying Well” của Myles N. Sheehan S.J., đăng trên tập san The America, số 29 tháng 7 năm 2000
 
Nên khôn
Lm Vũđình Tường
05:56 06/11/2009
Tình trạng nô lệ của những thế kỉ trước vừa chấm dứt. Hình ảnh người chủ đối xử với nô lệ như súc vật chưa tàn phai; một hình thức nô lệ mới xuất hiện dưới danh nghĩa đấu tranh giai cấp.

Phân biệt giai cấp trong xã hội là điều không thể tránh được. Xã hội dù lớn hay nhỏ, từ xưa đến nay, đều phân biệt giai cấp. Giai cấp giầu nghèo, thượng lưu, có học, thất học, chủ thợ tồn tại trong xã hội. Tự nó việc phân chia không xấu. Cách người ta xử dụng biến nó thành tốt hay xấu.

Mục đích tốt

Phân chia giai cấp với mục đích tìm hiểu mức sống, nhu cầu của từng giới mong đề ra chương trình hữu ích, thực tiễn như giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh, điều hành tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giúp phát triển ngành, nghề, tài năng, giúp mọi người hưởng mức sống cao hơn, ổn định hơn là việc làm của nhà lãnh đạo khôn ngoan.

Mục đích xấu

Phân chia giai cấp với mục đích lợi dụng giai cấp, khích động chia rẽ cho mưu đồ chính trị là hình thức nô lệ mới.

Nô lệ cũ con người sống khổ, lao nhọc vất vả ngày đêm. Quyền làm người bị tước đoạt nhưng còn miếng ăn, quyền sống. Nô lệ giai cấp con người bị tước quyền làm người, tước luôn cả quyền sống. Thân xác và tinh thần bị đoạ đày trước khi đấu tố mạng sống. Chết trong uất nghẹn, tủi hờn.

Lãnh đạo quỉ quyệt phân tích khuyết điểm giai cấp xã hội, gây bất hoà, tạo hố ngăn cách giữa giai cấp. Dùng giai cấp triệt hạ giai cấp. Những vụ đấu tố đẫm máu là thành quả rùng rợn của phân chia giai cấp do kẻ cầm quyền giật giây, khích động, chỉ đạo giết người.

Mơ màng sống

Tiền của nằm trong hầu bao của thiểu số lãnh đạo. Trong khi đó đại chúng đói khát. Nhà tù nhiều hơn trường học. Nghĩa trang nhiều hơn bệnh viện. Bằng cấp khan hiếm nên kẻ có học sinh kiêu ngạo. Thất nghiệp triền miên. Mong có đủ cơm ăn, áo mặc là giấc mơ của đại đa số. Nghèo đói vì công nhân xưởng thợ ít so với đội quân nghe lén đông đảo, đội ngũ rình bắt, hành hạ người khác chính kiến.

Dùng tài lãnh đạo, tổ chức, trói buộc, kiểm soát đại chúng, tạo dựng một hàng rào vô hình, kiểm soát, rình mò, nghe lén, kết án, triệt hạ nhau. Các nhà văn hoá trở thành khí cụ tuyên truyền. Văn hoá tuyên truyền trở nên què quặt, tật nguyền. Vì thế cả kẻ làm văn hoá lẫn kẻ thưởng thức chúng bị lây bệnh, cũng tật nguyền, sa đoạ, suy nghĩ bệnh hoạn.

Giá trị thật

Giá trị thật không hẳn ở cái ghế đang ngồi, nơi đang đứng, không nằm ở túi tiền trong ngân hàng, tranh treo bảo tàng viện, và nhạc vàng bày bán nơi nơi. Tất cả chỉ là phương tiện giúp nuôi sống và phục vụ tha nhân. Những gì con người có mà không phục vụ tha nhân, cái có đó ích gì cho đại chúng, cho cộng đồng nhân loại. Giá trị thật của vật chất, tài năng không nằm ở những gì có mà quan trọng là xử dụng đúng và hữu ích tài năng, của cải trời ban.

Giá trị vật chất, ít nhiều, cao thấp là do xã hội ban cho. Tùy vào mức độ hữu dụng mà chúng có giá trị. Chúng có giá trị cao nhất khi mang lại sự sống hay bảo vệ sự sống.

Li nước lạnh coi có vẻ bình thường nhưng rất quí khi hết nước trên con tầu vượt biên vì nó mang lại sự sống. Người du hành qua sa mạc quí nước hơn vàng ròng vì nước cần cho sự sống. Vàng là đồ trang sức và mấy ai cần trang sức khi đi qua sa mạc. Chúng ta coi thường muối và phí phạm muối vì sống trong đất nước bao bọc chung quanh bởi biển. Hơn nữa muối là món hàng rẻ tiền; trong khi những dân tộc sống trong vùng không có biển, muối vừa đắt vừa hiếm. Muối quí hơn các gia vị khác vì muối cần cho sự sống.

Vật chất, tài năng nào mang lại và bảo vệ sự sống vật chất, tài năng đó được coi là quan trọng. Vì nếu không có sự sống thì vàng, kim cương, đá quí ích chi. Không có sự sống chúng trở thành vô nghĩa.

Sự sống quí nhất

Đức Kitô ca tụng bà goá là người bỏ ít tiền nhất vào trong hộp tiền dâng cúng nhưng lại được coi là hành động cao quí nhất vì bà cho:

  • với tấm lòng thành.
  • hết những gì bà có.
  • đi sự sống của chính mình.
  • con tim yêu mến nồng nàn.
Bà goá nghèo vật chất; tâm hồn bà trong sáng, tràn ngập yêu thương, nghèo vật chất, giầu tình thương. Tâm hồn bà không có giai cấp.

Giầu vật chất, quyền cao chức trọng mà không giúp thăng tiến đời sống đại chúng, nâng cao an sinh xã hội là nghèo yêu thương, thiếu an bình nội tâm và cô đơn lòng mến. Nghèo vật chất nhưng giầu lòng mến, chan chứa tình người, đầy nhân ái là giầu vĩnh cửu.

Cuối đời khôn dại không phải do lắm của, nhiều tiền mà chính là có lắm kẻ yêu, nhiều người mến vì những thứ này không ai lấy đi được, chúng bất biến với thời gian.

Bà goá đánh mất chính mình; bà tìm được tình Chúa. Thương người ít, giai cấp thấp, thương nhiều giai cấp cao trong nước Chúa.
 
Ánh mắt Thiên Chúa
+TGM. Ngô Quang Kiệt
16:11 06/11/2009
Người làm sao chiêm bao làm vậy. Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra trong ánh mắt thế ấy. Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ. Người đã thấy và đã phán đoán. Qua cách quan sát và phán đoán ta có thể thấy được tâm hồn của Người.

***

Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ. Hàng hàng lớp lớp người tiến đến dâng cúng. Tin Mừng thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất. Chúa chỉ quan tâm tới một người nghèo nhất. Một bà góa. Bà góa này chắc chắn phải gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nhưng Chúa đã chú ý đến bà. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.

Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo tốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn. Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới. Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác. Thì ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà. Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi vừa dạy dỗ tôi về cách sống đạo và về cách nhìn người.

Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa. Đừng khoe khoang kiêu ngạo vì Chúa chỉ yêu thích tâm hồn bé nhỏ khiêm nhường. Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội, trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 06/11/2009
CẢNH SÁT VÀ VỊ KINH SƯ

N2T


Có vị kinh sư người Do Thái trú ngụ tại một thôn trang nhỏ trên thảo nguyên lớn ở nước Nga, hai mươi năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm ông ta vượt ra ngoài thảo nguyên lớn đi đến hội đường để cầu nguyện; mà hành động mỗi sáng mai như thế đều có một viên cảnh sát theo dõi, người này rất ghét người Do Thái.

Cuối cùng một buổi sáng nọ, viên cảnh sát này đi đến trước mặt vị kinh sư và ra lệnh cho ông ta nói ông ta đi đâu.

Vị kinh sư nói: “Tôi không biết.”

- “Không biết, câu nói này có ý nghĩa gì ? Hai mươi năm qua tôi thấy ông vượt qua thảo nguyên này đi qua giáo đường bên ấy để cầu nguyện, vậy mà ông nói với tôi là ông không biết ?! Tôi sẽ cho ông biết thế nào là lễ độ mới phải.”

Đang nói giữa chừng thì viên cảnh sát vươn tay nắm chòm râu của vị kinh sư già, đem ông ta bỏ vào tù, khi viên cảnh sát lấy ổ khóa để khóa lại thì vị kinh sư già chớp mắt nói:

- “Này ông bạn, trước đây tôi nói không biết, là nói đúng đó !”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Liên tiếp hai mươi năm theo dõi vị kinh sư già vượt qua thảo nguyên lớn để đến hội đường cầu nguyện, vậy mà viên cảnh sát vẫn cứ làm bộ như không biết vị kinh sư già đi đâu, để kiếm cớ bắt bỏ tù !

Hai mươi năm mỗi ngày như mọi ngày vị kinh sư già mỗi sáng sớm đều vượt qua thào nguyên lớn để đi đến hội đường Do Thái để cầu nguyện, vậy mà khi bị viên cảnh sát bắt tra hỏi thì vị kinh sư già nói không biết mình đi đâu !

Vị sư già trả lời không biết mình đi đâu, vì viên cảnh sát đã biết vị kinh sư già đi đâu rồi mà vẫn còn hỏi, vậy thì vị kinh sư già trả lời “không biết” là rất đúng.

Người Ki-tô hữu sống trong mọi thời đại đều biết mục đích của mình đi đến nhà thờ là để được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua thánh lễ và qua các bí tích, dù cho có những cản trở nguy hiểm khó khăn, bởi vì tình yêu của Chúa Giê-su chính là động cơ thúc bách họ đến với Ngài, để được ban ơn, che chở, an ủi và thêm sức mạnh cho đức tin của mình...

Tất cả mọi người người trên thế gian này đều biết người Ki-tô hữu đi đến nhà thờ để làm gì, chỉ có những người sáng mắt mà như mù, có tai mà như điếc, có lương tâm mà như không có, thì mới không biết người Ki-tô hữu đến nhà thờ để làm gì, cho nên họ vẫn luôn là những kẻ đối đầu với Thập Giá của Chúa Giê-su...

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 32 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 06/11/2009
CHỦ NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 12, 38-44.

“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai bối cảnh rất nổi bật để cho chúng ta so sánh, hai bối cảnh này không phải tự nhiên mà bạn và tôi khám phá ra, nhưng là do Chúa Giê-su –Đấng luôn yêu thích sự khiêm tốn- chỉ ra cho chúng ta thấy, hai bối cảnh đó là: sự khoe khoang, kiêu ngạo xúng xính trong bộ áo sang trọng của các kinh sư, và sự nghèo khó nhưng quảng đại của người đàn bà goá.

Chúa Giêsu rất không thích sự kiêu ngạo, cho nên Ngài rất nhạy cảm nhận ra sự đối chọi giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa khoe khoang và kín đáo của các kinh sư và những người dân nghèo khó nhưng rất hảo tâm.

Qua mọi thời đại, cái kiêu ngạo luôn luôn bị người ta kết án, bởi chính kiêu ngạo thường làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người và giữa con người với nhau. Kiêu ngạo khoe khoang xúng xính trong bộ áo thụng sang trọng của các kinh sư đã làm cho họ cách xa quần chúng, và lời giảng dạy của họ như gió thổi mây bay qua tâm hồn của người nghe, mà đa số là những người nghèo khó bần cùng trong xã hội. Họ giảng dạy như cái phèng la rỗng tuếch vang to, nhưng lại làm điếc tai người nghe vì những xa hoa và thói khoe khoang của họ, cho nên, Chúa Giê-su đã dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng...”, và cũng ngụ ý nghiêm khắc cảnh cáo bạn và tôi: đừng có trở nên những người kiêu ngạo khoe khoang với những gì mình đang có với tha nhân.

Chúa Giê-su rất yêu mến những người khiêm tốn, cho nên Ngài đã nhận ra ngay tấm lòng hảo tâm của người đàn bà nghèo khó goá bụa, bởi vì bà đã đem hết gia tài của mình có bỏ vào hòm dâng cúng, hoặc chúng ta có thể nói, bà đã đem cả mạng sống của mình để làm công việc bác ái mà không khoe khoang.

Chúa Giê-su không những đã cảm nghiệm được sự khiêm tốn chính là nền tảng để đón nhận mọi nguồn mạch ân sủng, nhưng Ngài còn sống triệt để sự khiêm tốn khi trở thành một con người nghèo khó hơn cả chúng ta, do đó, Ngài đã nói với các môn đệ: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết...”, giá trị của sự khiêm tốn là ở đó: dâng hết những gì mình có mà không khoe khoang, không đánh trống rung chuông báo cho mọi người biết công việc bác ái mình đã làm.

Hạt lúa gieo xuống đất âm thầm đâm chồi nảy lộc không khoe khoang, không xúng xính, nhưng đã nuôi sống con người bằng những hạt lúa no tròn, đó là thành quả của sự huỷ mình ra không.

Bạn thân mến,

Có nhiều giáo dân không thèm đi lễ nhà thờ của giáo xứ mình, bởi vì họ không chịu được sự phách lối của mấy ông bà trong ban hành giáo; có một vài giáo dân bỏ tiền bỏ của ra cho hội từ thiện này, hội từ thiện nọ để được báo chí khen ngợi, nhưng chưa bao giờ họ mua một bó hoa tặng Đức Mẹ trong nhà thờ nghèo khó của mình...

Người đàn bà goá nghèo chỉ bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm, nhưng Chúa Giê-su đã khen bà là người dâng cúng nhiều nhất, vì gia tài của bà chỉ có chừng ấy, nhưng cái thâm thuý nhất nơi hành động của người đàn bà goá nghèo chính là: bà biết phó thác cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình cho Thiên Chúa duy nhất của bà.

Thiên Chúa cũng sẽ khen ngợi bạn và tôi như thế, khi chúng ta biết vì tha nhân mà phó thác cuộc sống của mình trong tay Ngài.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 06/11/2009
N2T


3. Kiên nhẫn bảo vệ chúng ta khỏi phạm tội và không sa hỏa ngục.

(Thánh Cyprian)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 06/11/2009
N2T


274. Sáng tạo thì không có biên giới, cuộc sống chính là sáng tạo đối với sự vĩnh hằng.

 
Bà góa nghèo bỏ nhiều tiền hơn ai hết
Tuyết Mai
23:08 06/11/2009
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình". (Mc 12, 41-44).

Trên thế giới hiện nay, cũng còn có rất nhiều người giầu có, như trên cái đất Mỹ của tôi và của những anh chị em đang sống đây! Hình như ngày nào chúng ta cũng đổ đi những thức ăn dư thừa, không phải vì tôi và anh chị em có tánh phí của đâu! Nhưng vì cứ tiếc cho nên cứ để dành vào tủ lạnh, rồi thì đến ngày đổ rác, thức ăn dư cứ thế tồn đọng, quá đát, không còn ăn được, nên cũng phải đành mà cho vào thùng rác. Sự thật cho thấy rằng trên những đất nước giầu có, chính phủ giúp đỡ nhiều người thuộc giới nghèo, cho nên không mấy ai mà bị đói cơm cả! Ngược lại chúng ta có thể chết nhiều vì nhiều chứng bệnh do ăn uống quá dư, quá nhiều, mà không cần kiêng cữ. Bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh mỡ trong máu cao, bệnh tim, và còn nhiều chứng bệnh do chúng ta ăn uống quá nhiều. Con nít và người lớn bên Mỹ, cuối tuần thường dẫn cả nhà đi ăn những nơi nhà hàng (All you can eat) có nghĩa là ăn cho thật đầy bụng với một giá mà ai cũng có thể trả nổi, không mắc lắm mà cũng không rẻ lắm! Thường cuối tuần mọi gia đình mong cho được thoải mái trong sự ăn uống vì mẹ, vợ, và chị em gái, thì suốt cả trong tuần đã phải rất mệt mỏi trong việc vừa đi làm vừa lo việc bếp núc, nên đi ăn (buffet) là chuyện rất thường tình cho hầu hết mọi gia đình trên đất Mỹ này!??

Người nghèo trên đất Mỹ chúng ta cũng ít thấy! Nếu chúng ta được sống trong những vùng thuộc giai cấp trung lưu, nhưng cũng rất nhiều những anh chị em nghèo thật sự, không được sự giúp đỡ của ai vì lý do gì đó hoặc thuộc di dân lậu, thì sẽ được chứng kiến rất là nhiều những con người đáng thương, sống lây lất, ở chung đụng chen chúc nhau trong những chung cư nghèo nàn, đổ nát!?? Hằng đêm là những tiếng súng nghe chan chát bên tai, do băng đảng đi thanh toán nhau, mà không biết bất cứ lúc nào, dân cư ở đây sẽ bị lạc đạn mà chết oan uổng. Không khác gì ở nhiều nơi mà anh chị em nghèo chúng ta đang sống trên đất nước Việt Nam hiện nay. Đáng thương nhất là những anh chị em của chúng ta, những ai đang sống trên những đống rác thật cao, cao như trái núi, và nghề nuôi sống hằng ngày của những anh chị em này, là đi lượm rác để tìm độ nhật.

Nhưng thưa anh chị em, ai bảo nghèo lại khổ đâu nhỉ!? Chưa chắc đâu! Như bài hát chúng ta thường nghe các em hay nghêu ngao là "Ai bảo chăn trâu là khổ; chăn trâu sướng lắm chứ! Ngồi mình trâu phất cờ ngọn lau và miệng hát nghêu ngao. ...". Cũng như có biết bao nhiêu con người đồng áng nghèo khổ, ngày ngày là ống quần và tay áo, không bao giờ mà không vén cho thật cao, lội bùn lội đất, để chăm lo việc đồng áng, nhưng ai bảo là họ khổ? Khổ sao mà họ hay hát và hò thế!? Thưa có đúng không anh chị em? Nếu không đúng sao chúng ta thường được xem những hình ảnh của những anh chị em ca nhạc sỹ, luôn cho chúng ta những hình ảnh của đồng ruộng, tươi xanh bát ngát, của những cặp trai gái, tán tỉnh nhau bằng cách bên này hò thì bên kia đáp trả, sao những hình ảnh này cho chúng ta cảm thấy cuộc đời nghèo này, mà hạnh phúc quá!?? Vợ chồng sống trong một mái nhà tranh nhưng đượm tình và thắm thiết biết là bao!!!? Nhà nhà là những mái thì bằng rơm chất lên, vách thì là đất, những cây chống thì chỉ là những thân cây cũng đủ để cho bốn vách nhà được vững. Ấy vậy! mà chòm xóm láng giềng sống với nhau thật là bình an, hiền hòa, biết lo lắng cho nhau, chia sẻ nhau những khó khăn, những thiếu thốn, những muộn phiền. Họ biết sống chia với nhau thành một nhóm, hay một xóm nhỏ, hay một xã nhỏ, ai ai cũng đều biết nhau. Ai hoạn nạn là liền sẽ được giúp đỡ và giúp nhau ý kiến cho mọi sự việc, thế cho nên có phải những con người nghèo khổ này, thường là sự yêu thương, chia sẻ, và đùm bọc là thiết yếu và là hàng đầu trong cuộc sống của họ, cho nên chuyện bà già góa này biết hy sinh tất cả những gì mình có, để dâng lên cho Chúa, xin Chúa chúc lành cho bà, cũng không có gì là lạ với bà cả, bởi nghèo thì chuyện nhiều bữa không có gì bỏ bụng là chuyện thường, mà cũng có chết đâu mà sợ!?? Có phải bà biết phó dâng lên Chúa tất cả vì lòng mến yêu Chúa!? Có phải vì bà biết Chúa mới là tất cả!? Mới là Đấng ban cho bà tất cả!? Có phải bà hiểu rằng ngoài Chúa ra, bà chẳng là gì cả!? Có chăng chỉ là loài ăn bám, vô dụng, không nghĩa lý gì trước mặt người đời và không là gì trong một xã hội mà bà đang sống!?

Có phải Đức Tin của bà vào Thiên Chúa thật là đáng khen hay không!? Nên bà đã được Chúa Giêsu khen thưởng vì bà biết dâng lên Chúa tất cả, mà không giữ lại một phần nào cho bà, khi mà bà biết rằng bữa ăn tới đây bà sẽ bị đói!?? Hay bà biết rằng Chúa sẽ nuôi bà và bà sẽ không bao giờ bị đói!? Ngay cả trước đây, hiện tại, và mãi mãi trong suốt cuộc đời của bà, vì Đức Tin của bà đã thắng được tất cả! Bà hiểu rằng ngay cả vài đồng bạc của bà chẳng nuôi sống bà được, dù chỉ là một ngày!?

Có khi nào anh chị em có thời giờ mà ngừng nghỉ, hay cho phép mình lấy một ngày nghỉ làm việc, mà sống thật sự thoải mái cho chình mình hay chưa!?? Hay vì tiếc rẻ mất một ngày làm việc thì chúng ta sẽ bị nghèo hay sẽ bị đói??? Anh chị em có nghĩ rằng, ngay ngày hôm nay đây, Chúa có thể lấy đi sự sống của mình hay không? Và như thế thì thưa anh chị em, chúng ta đã chuẩn bị cho nơi chúng ta sẽ đến hay không? Nếu có thể, xin anh chị em hãy nên dừng lại, dù một chút thôi để suy nghĩ lại xem. ... Nếu ngay khắc này chúng ta ra đi, thì Nơi chúng ta đến sẽ là Nơi đâu. ... !?????

Lậy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con hiểu rằng dù có nắm trong tay cả một kho tàng trần gian, nhưng để mất linh hồn vào hỏa ngục đời đời, thì có đáng để chúng con gọi là hưởng thụ trong một thế giới mà tất cả chỉ là ảo tưởng và là phù vân. ... Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh tổ chức cuộc họp giữa các văn nghệ sĩ toàn cầu
Nguyễn Long Thao
08:49 06/11/2009
VATICAN CITY 5 /11/09 -Tòa Thánh Vatican đã họp báo để phổ biến tin Đức Thanh Cha Bênêđictô XVI sẽ có cuộc gặp gỡ với các văn nghệ sĩ vào ngày 21 tháng 11 tới đây.

Cuộc gặp gỡ có mục tiêu chính là đẩy mạnh sự hợp tác giữa Giáo Hội và văn nghệ sĩ.

Trong cuộc họp báo Đức TGM Gianfranco Ravasi, Chủ Tịch Hồi Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa cho biết cuộc gặp gỡ nhằm kỷ niệm 10 năm ngày ĐGH Gioan Phaolô II ban hành “ Thư Gửi Giới Văn Nghệ Sĩ” và 45 năm ngày ĐGH Phaolô VI gặp gõ giới văn nghệ sĩ thế giới.

Đức TGM cũng cho biết cuộc gặp gỡ này không giống với những buổi gặp gỡ thường lệ mà ĐTC dành cho công chúng, nhưng dành cho tất cả các văn nghệ sĩ hay các văn nghệ sĩ lấy Kitô Giáo làm chủ đề sáng tác. Cuộc họp cũng có mục đích Giáo Hội muốn đối thoại với thế giới nghệ thuật qua nhiều giai đoạn và phương thế khác nhau.

Theo Đức TGM có tất cả 255 văn nghệ sĩ trên toàn thế giới đã nhận lời tham dự hội nghị và các vị này sẽ được chia thành nhóm tùy theo ngành nghệ thuật chuyên môn của họ như Hội Họa, Điêu Khắc, Kiến Trúc, Văn Chương, Âm Nhạc, Kịch Nghệ, Truyền Hình, Nhiếp Ảnh, Khiêu Vũ.

Theo chương trình các văn nghệ sĩ sẽ được chào đón bằng buổi trình diễn thánh ca của ca đoàn nhà thờ Sistine. Sau đó ĐTC sẽ tiếp kiến các văn nghệ sĩ và tặng các vị này Huân Chương Giáo Hoàng.
 
Cuộc đối thoại giữa Giáo hội và giới làm nghệ thuật
Phụng Nghi
10:30 06/11/2009
VATICAN CITY (Tổng hợp từ VIS và Chiesa) - Trưa ngày 5 tháng 11 tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Tổng giám mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, kiêm chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Di sản Văn hóa của Giáo hội, và ông Antonio Paolucci, giám đốc Viện Bảo tàng Vatican, đã tổ chức một cuộc họp báo để loan tin cuộc gặp gỡ sắp tới của Đức giáo hoàng Benedict XVI với giới nghệ sĩ sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 11 này tại Nguyện đường Sistine ở Roma.

Tổng giám mục Ravasi nhắc lại rằng cuộc gặp gỡ này, do cơ quan ngài phụ trách đề xướng, là để mừng kỷ niệm 10 năm Lá thư Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi các Nghệ sĩ hôm 4 tháng 4 năm 1999, và 45 năm cuộc gặp gỡ giới nghệ thuật của Đức giáo hoàng Phaolô VI vào ngày 7 tháng 5 năm 1964.

Tổng giám mục giải thích: “Đây không giống như một buổi triều yết chung với Đức thánh cha, mở ra cho bất cứ nghệ sĩ nào hay đặc biệt dành riêng cho những nghệ sĩ cảm hứng từ đức tin Kitô giáo, nhưng trái lại nhằm trình bầy ước muốn đối thoại giữa Giáo hội và thế giới nghệ thuật, một cuộc đối thoại cần được phát triển qua nhiều giai đoạn và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau.”

255 nhà nghệ sĩ đã nhận lời mời tham dự cuộc họp này; họ đến từ nhiều châu lục, và là thành phần của 5 thể loại nghệ thuật: hội hoạ và điêu khắc; kiến trúc; văn học và thi ca; âm nhạc và ca hát; điện ảnh, kịch trường, khiêu vũ và nhiếp ảnh.

Thiệp mời tham dự cuộc họp được Hội đồng giáo hoàng về văn hoá sắp xếp.

Ban Hợp ca Nguyện đường Sistine sẽ hát lúc khai mạc và hồi kết thúc cuộc họp 21 tháng 11. Trước bài diễn từ của Đức giáo hoàng, sẽ tuyên đọc trước cử tọa những đoạn trích từ Lá thư gửi các Nghệ sĩ của cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Sau phiên họp, một buổi tiếp tân sẽ được tổ chức tại khu "Braccio Nuovo" thuộc Viện Bảo tàng Vatican, và các nghệ sĩ sẽ được trao tặng một huân chương có tên Đức giáo hoàng để ghi nhớ biến cố này.

Động cơ đưa tới cuộc họp đã được tổng giám mục Ravasi trình bầy hôm 10 tháng 9 vừa qua khi loan báo tin về buổi họp: “có những lúc liên minh giữa đức tin Kitô giáo và nghệ thuật đã bị đổ vỡ.”

Liên minh giữa đức tin và nghệ thuật không thể tách rời khỏi căn tính của Giáo hội. Do thái giáo cấm trưng bày các tượng ảnh thánh. Nhưng đức tin vào Thiên Chúa nhập thể đã mau chóng nhắc cho Giáo hội áp dụng nghệ thuật La mã và Hy lạp, coi đó như là ngôn ngữ tạo hình của mình.

Cuộc hôn nhân tài tình này giữa Giáo hội và nghệ thuật đã có lúc gặp phải sự chống đối của những người theo chủ thuyết bài trừ thánh tượng (iconoclasm). Vào thiên kỷ đầu tiên ở phương Đông, và thiên kỷ thứ hai tại phương Tây, trước nhất là giáo phái Tin Lành và ngày nay là khuynh hướng chung chống đối nghệ thuật tạo hình, không chỉ trong phạm vi nghệ thuật mà còn cả ở sự bảo trợ khuyến khích của hàng giáo sĩ.

Bằng cuộc gặp gỡ với những người làm nghệ thuật trong một nơi chỗ thượng đẳng nghệ thuật Kitô giáo, đó là Nguyện đường Sistine, Đức giáo hoàng Benedict XVI muốn rõ rệt ngăn chận sự suy thoái đó và bắt đầu một cuộc đối thoại, hy vọng rằng một liên minh có hiệu quả giữa nghệ thuật và Giáo hội có thể lại xuất phát.

Vào thời điểm “nơi những vùng mênh mông của thế giới, đức tin đang có nguy cơ tàn lụi như một ngọn lửa sắp hết dầu”, giáo hoàng Ratzinger có thể đang nghĩ đến điều mà Thánh Gioan người xứ Damas đã nói trong cơn sóng gió dầy đặc của chủ thuyết bài trừ thánh tượng:

“Nếu một người ngoài đạo đến nói với bạn: “Xin chỉ ra cho tôi coi đức tin của bạn!”, thì hãy đưa anh ta đến nhà thờ và chỉ cho anh ta thấy những trang hoàng lộng lẫy nơi đó, cũng như giải thích cho anh ta về những bức tranh linh thánh được trưng bầy.”

Chỉ mấy hôm trước khi cuộc họp giữa Đức giáo hoàng và các nghệ sĩ tại Nguyện đường Sistine ngày 21 tháng 11 được loan báo, trên bàn Đức thánh cha Benedict XVI đã có bản kêu gọi nói về những nguyên nhân chính thúc đẩy cuộc họp.

Lời kêu gọi nhằm vào mục tiêu “trở về nghệ thuật thánh thiêng thuần túy Công giáo” và không phải do các nghệ sĩ ký tên mà do các học giả và những nhân vật khác, những người vì nhiều lý do khác nhau đã nồng nhiệt quan tâm đến định mệnh của nghệ thuật Kitô giáo. Hai cái tên nổi bật trong số các vị này: đó là Martin Mosebach, và Enrico Maria Radaelli.

Mosebach là một nhà văn thành danh người nước Đức và được đương kim giáo hoàng Joseph Ratzinger biết rõ. Tác phẩm mới nhất của ông "The heresy of the shapeless. The Roman liturgy and its enemy (Tính dị giáo và vô hình tượng. Phụng vụ Roma và kẻ thù của nó)” được xuất bản năm nay, có cả một bản dịch ra tiếng Ý của Cantagalli. Đây là một lời biện giải gây choáng váng, nhân danh nghệ thuật cao cả của Kitô giáo, và còn hơn thế, của phụng vụ Công giáo được coi như một nghệ thuật, với những lời công kích chua cay nhắm vào chủ thuyết chống thánh tượng đang ngự trị chính trong nội bộ Giáo hội Công giáo.

Còn Radaelli, môn sinh của nhà đại triết gia và nhà ngữ văn Công giáo Romano Amerio, là một học giả uyên thâm về khoa mỹ học thần học (theological aesthetics). Tuyệt tác của ông, cuốn "Ingresso alla bellezza (Đường vào mỹ lệ) xuất bản năm 2008, là một dẫn nhập tuyệt hảo vào huyền nhiệm của Thiên Chúa qua “Hình ảnh (Imago)” của Người là Đức Kitô. Vẻ mỹ lệ là hình thức biểu dương của chân lý.

Lời kêu gọi được phát sinh từ những cuộc hội thảo tổ chức trong các tháng gần đây trong thư viện thuộc ủy ban giáo hoàng về di sản văn hóa của Giáo hội, được chủ đạo do vị phó chủ tịch của ủy ban này là Tu viện trưởng Dòng Biển đức Michael J. Zielinski. Các tham dự viên hoạt động tích cực trong những cuộc họp đó gồm có Linh mục Nicola Bux và Linh mục Uwe Michael Lang, là những tham vấn viên trong văn phòng phủ giáo hoàng về nghi thức phụng vụ. Cha Lang cũng còn là viên chức trong thánh bộ phụng tự. Tuy nhiên, người ta thấy trong số những người đề xuất lời kêu gọi không có tên vị giáo sĩ nào, không có đề cập đến viên chức Tòa thánh nào, mà những người ký tên trong bản kêu gọi đều là giáo dân thuộc nhiều giới thẩm quyền và ngành chuyên môn khác nhau.

Sau lời dẫn nhập vắn tắt, bản kêu gọi trình bầy 7 chương nhỏ đề cập đến những nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ hiện nay giữa Giáo hội và nghệ thuật, đến những tham khảo thần học, đến công tác ủy nhiệm, đến các nghệ sĩ, đến không gian linh thánh, đến thánh nhạc, đến phụng vụ.

Chính phần kết thúc văn bản mới là lời kêu gọi, được trình bầy như sau:

“Vì tất cả những nguyên nhân trình bầy trên kia, chúng con tha thiết mong nhận được từ Đức thánh cha sự lắng nghe đầy từ ái của người hiền phụ, sự chú tâm khoan hậu của Đấng đại diện Chúa Kitô. Thưa Đức thánh cha, chúng con nài xin ngài đọc lời kêu gọi phát xuất từ tâm tư của chúng con về mối quan ngại thúc bách nhất liên quan đến những tình trạng kinh hoàng của nghệ thuật thánh và kiến trúc thánh đương đại, cũng như lời yêu cầu đơn sơ và khiêm tốn nhất của chúng con xin ngài trợ giúp để cho nghệ thuật và kiến trúc thánh thiêng lại một lần nữa mang tính Công giáo đích thực. Nếu được như thế các tín hữu có thể lại hưởng được ý thức về những kỳ công và được vui mừng thấy lại vẻ đẹp mỹ lệ trong Ngôi nhà của Chúa. Nếu được như thế Giáo hội lại một lần nữa lấy lại được chỗ đứng chính đáng của mình, giữa một thời đại của tình trạng man rợ phi lý, trần tục và dị hình này, làm người chủ xướng và bảo vệ đích thực cũng như chăm chút về một hình thái nghệ thuật vừa mới mẻ vừa thực sự “nguyên thủy”: một nghệ thuật hôm nay cũng như mãi mãi nở hoa trong mọi thời đại tiến bộ, lại triển nở hoa trái từ gốc rễ xa xưa và từ nguyên ủy vĩnh cửu, trung thành với ý thức sâu sắc nhất về vẻ Mỹ lệ bừng sáng lên từ Chân lý của Chúa Kitô.”

Toàn văn lời kêu gọi cùng với danh sách những người ký tên có thể truy cập bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên web site danh riêng cho mục tiêu này:

> Appeal to His Holiness Pope Benedict XVI for an authentically Catholic sacred art

http://www.appelloalpapa.blogspot.com/
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ khánh thành trụ sở mới của Giáo Hoàng Học Viện Phaolô VI
Bùi Hữu Thư
11:05 06/11/2009
Chúa nhật này khi ngài tông du đến Brescia

BRESCIA, ngày thứ sáu 6 tháng 11, 2009 (El Mundo visto desde Roma). - Ngày Chúa Nhật Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ khánh thành trụ sở mới của Giáo Hoàng Học Viện Phaolô VI tại Brescia.

Giải Thưởng Phaolô VI cho Sources Chrétiennes
Theo một tuyên cáo của học viện, Trung Tâm Giáo Dục, Văn Hóa và Đối Thoại Quốc Tế được thành lập để tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, được di chuyển tới điạ điểm mới, một “toà nhà có kiến trúc sang trọng,” 30 năm sau khi trú ngụ tại Trung Tâm Mục Vụ Phaolô VI.

Trụ sở mới sẽ có các văn khố, thư viện, các bộ sưu tầm của Đức Phaolô VI về nghệ thuật tân và cổ, một thính đường, một phòng nghiên cứu và trắc nghiệm về giảng huấn.

Các sinh hoạt của Học Viện Phaolô VI được khởi sự ngay sau khi Đức Gioan Baotixita Montini qua đời, tại Castel Gandolfo ngày 6 tháng 8, 1978.

Tuyên cáo tiếp, "Một số người Công Giáo tại Brescia cảm thấy có nhu cầu phải nghiên cứu về cá nhân, giáo huấn và thời đại Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sống và sinh hoạt.”

Do đó nẩy sinh ra Học Viện Phaolô VI để khởi xướng các công trình giáo huấn Kitô tại Brescia.

Cho đến nay, học viện đã được sự bảo trợ của một Uỷ Ban Cổ Võ Quốc Tế, và sau đó có nhiều cá nhân trong giáo hội và ngoài đời đã tham gia, kể cả Đức Joseph Ratzinger, khi ngài còn là Hồng Y.

Trong các mục tiêu của học viện, phải kể đến là việc thiết lập một văn khố các tài liệu; một thư viện chuyên môn; việc xuất bản một tờ báo và nhiều loạt sách; việc tổ chức các cuộc hội thảo và hội nghị quốc tế về các đề tài nhất định, và việc thiết lập một giải thưởng quốc tế.

Giải thưởng này mang danh Phaolô VI, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II định nghĩa là một “Giải Nobel Công Giáo” và được cấp mỗi 5 năm cho các cá nhân hay tổ chức hoạt động trong lãnh vực văn hóa dựa trên đức tin.

Trong lễ khánh thành, Đức Thánh Cha Benedict cũng sẽ trao ban giải thưởng lần thứ sáu này, cho Bộ Sưu Tầm các Văn Bản của các Giáo Phụ của “Sources Chrétiennes,” (một học viện được thành lập năm 1942 bởi các ông Henri de Lubac và Jean Daniélou.)

Được chọn lựa bởi Uỷ Ban Khoa Học và Uỷ Ban Điều hành của Học Viện Phaolô VI với số phiếu đa số tuyệt đối, Bộ Sưu Tầm trúng giải được công nhận là nhờ sự cam kết và kiên trì của "Sources Chrétiennes" trong việc khám phá và xuất bản các nguồn tài liệu Kitô và Trung Cổ.

Với giải thưởng này và các sinh hoạt, Học Viện tiếp tục tìm được sự giao cảm với các nền văn hóa và thế giới được Đức Gioan Baotixita Montini yêu mến.

Theo Học Viện, “như Đức Phaolô VI đã nói: qua đối thoại, nỗ lực, và nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa mới có được sự thiết lập mối tương quan với nhân loại qua sự mạc khải.”
 
Đức Giáo Hoàng kêu gọi phải tranh luận lành mạnh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:11 06/11/2009
Nhưng Đức Thánh Cha nói phải tìm kiếm sự thật trong bác ái

VATICAN (Zenit.org).- Đúc Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói phải có sự tranh luận lành mạnh trong Giáo Hội, cách riêng liên quan với những vấn đề huấn quyền chưa quyết định,

Đức Giáo Hoàng đưa ra sự khẳng định này hôm thứ Tư trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, trong đó ngài suy tư về sự bất đồng giữa Abelard và thánh Bernard thành Clairvaux.

Đức Thánh Cha đặc điểm hóa những phương pháp về thần học được tiêu biểu bởi hai nhân vật này như là “thần học tâm hồn” và “thần học của lý trí. ” Ngài giải thích sự chống đối của các ngài làm nẩy lên một sự tranh cãi thường sôi nổi.-

Nhưng, Đưc Giáo Hoàng nói, có một bài học trong kinh nghiệm của các ngài cần phải học hôm nay.

“Hơn hết,” ngài nói, “tôi tin [sự đối mặt] chứng tỏ lợi ích và nhu cầu cho một sự tranh cãi lành mạnh trong Giáo Hội, cách riêng khi những vấn đề tranh cãi chưa được huấn quyền quyết định.”

Huấn quyền là một “điểm thiết yếu để qui chiếu,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rõ, như cả hai Bernard và Abelard chứng minh. Dầu kẻ sau lãnh án giáo hội, ngài “luôn luôn công nhận, không nghi ngờ, uy quyền Giáo Hội.

Đi theo đường lối

Đức Giáo Hoàng nói rằng cái án của Abelard phải là một ghi nhớ trong thần học có hai kiễu nguyên tắc.

Có những nguyên tắc cơ bản “được ban cho chúng ta bởi Mạc Khải và, do đó, luôn có tầm quan trọng hàng đầu,” ngài nói, và “những nguyên tắc có tính giải thích được gợi ý do triết học, tức là, do lý trí, có một nhiệm vụ quan trọng, nhưng chỉ có tính khí cụ.”

Đức Giáo Hoàng đề nghị rằng khi cán cân này bị đảo lộn thì “ suy tư thần học lâm nguy vì bị tiêm nhiễm với những sai lầm, và lúc đó huấn quyền có nhiệm vụ thực thi sự phục vụ cần thiết cho chân lý thích hợp.

Một bài học khác

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chỉ tới một bài học khác phải học từ Thánh thành Clairvaux và Abelard: bác ái.

“Sự đối đầu thần học giữa Bernard và Abelard kết thúc với sự hoà giải trọn vẹn giữa các ngài, “Đức Giáo Hoàng ghi nhận, “ nhờ sự trung gian của một người bạn chung, Peter Đáng Kính. […]Abelard chứng tỏ đức khiêm tốn, trong sự công nhận những sai lầm của mình: Bernard sử dụng một sự từ tâm vĩ đại.”

Như vậy, Đức Giáo Hoàng nói, “Tồn tại trong cả hai điều phải thật sự ở trong tâm hồn khi một sự tranh cãi thần học nẩy sinh, tức là, phải bảo vệ đức tin của Giáo Hội vả làm cho chân lý chiến thắng trong bác ái.”

“Mong sao điều này cũng là thái độ khi có những sự đối đầu trong Giáo Hội,” Đức Thánh Cha khích lệ, “luôn luôn giữ như mục tiêu sự theo đuổi chân lý.”
 
Các khoa học gia ngày nay cần sự kính sợ Đấng Sáng Tạo
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:17 06/11/2009
VATICAN (Zenit.org ).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói tính chất hiện đại sẽ hưởng nhờ từ cảm giác sự sợ linh hứng các tác giả khoa học hiện đại,.

Đức giáo Hoàng khẳng định điều này hôm Thứ Sáu 30/10 khi ngài ngõ lời với một nhóm đang cử hành Năm Quốc Tế Thiên Văn Học diễn ra trong hai ngày đại hội.

Đức Thánh Cha nói việc cử hành này […] mời chúng ta xem xét sự tiến triển bao la của sự hiểu biết khoa học trong thời hiện đại và, cách riêng, lại hướng cái nhìn của chúng ta lên trời trong một tinh thần kinh ngạc, chiêm ngắm và dấn thân theo đuổi chân lý, bất cứ nơi nào có thể gặp được chân lý,”.

Năm Quốc Tế Thiên Văn Học do UNESCO triệu tập để kỷ niệm lần thứ 400 việc ông Galileo sử dụng viễn vọng kính lần đầu tiên.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng việc cử hành cũng trùng hợp với việc mới khánh thành sở chỉ huy Đài Quan sát Vatican.

“Như các bạn biết,” ngài nói, “lịch sử của Đài Quan Sát liên kết rất thật với hình ảnh ông Galileo, với những cuộc tranh cải bao quanh cuộc nghiên cứu của ông, và sự cố gắng của Giáo Hội đạt tới một sự hiểu biết đúng và hiệu quả về tương quan giữa khoa học và tôn giáo.”

Về việc này, Đức Thánh Cha cám ơn những kẻ “dấn thân trong việc đối thoại và suy tư đang tiếp tục về sự bổ sung đức tin và lý trí trong việc phục vụ một sự hiểu biết nguyên vẹn về con người và chỗ đứng của họ trong vũ trụ.”

Các tham dự viên đại hội cũng sẽ đi du lịch Tháp Gió tại Vatican, được xây dựng năm 1582 trong lúc cải tổ Gregorian về cuốn lịch và việc đặt đầu tiên đài Quan Sát Vatican. Trong Ngày thứ Bảy, các vị ấy sẽ đi du lịch những cơ sở chỉ huy mới của Đài Quan sát Vatican, mà Đức Giáo Hoàng chính thức khánh thành tháng trước,

Sự lạ lùng và kinh ngạc

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gợi ý Năm Quốc Tế Thiên Văn Học sẽ giúp “tái tạo lại cho dân chúng khắp thế giới chúng ta sự lạ lùng và kinh ngạc bất thường đặc điểm hóa thời kỳ vĩ đại của sự khám phá trong thế kỷ thứ 16.”

“Tôi nghĩ rằng, ví dụ, về niềm hân hoan của các khoa học gia College Roman, những kẻ chỉ một ít bước cách đây thực hiện những sự quan sát và tính toán đưa tới sự chấp nhận toàn cầu của lịch Gregorian,”.

Đức Giáo Hoàng khẳng định niềm hân hoan này cần được tái diễn ngày nay.

“Thời đại chúng ta,” ngài nói, “được treo lơ lững tại mép của những khám phá khoa học có lẻ lớn hơn và xa hơn, sẽ hưởng lợi từ cũng một cảm giác kính sợ và ý muốn đạt tới một tổng hợp thật sự nhân văn về sự hiểu biết linh hứng các tác giả khoa học hiện đại.”

“Đồng thời,” Đức Thánh Cha nói thêm,” các khoa học gia vĩ đại của thời đại khám phá cũng nhắc chúng ta rằng sự hiểu biết thật sự luôn luôn được hướng tới sự khôn ngoan, và, thay vì hạn chế những con mắt tâm trí, nó mời chúng ta ngước nhìn lên lãnh vực cao hơn của tinh thần.”

“Sự hiểu biết, nói tóm, phải được hiểu và theo đuổi trong tất cả bề ngang giải thóat của nó,” Đức Giám Mục thành Rome khẳng định. “Sự hiểu biết đó chắc chắn có thể được qui về sự tính toán và kinh nghiệm, nhưng nếu nó mong ước sự khôn ngoan, có khả năng hướng dẫn con người trong ánh sáng của những khởi đầu trước hết của nó và những mục đích cuối cùng của nó, nó phải được dấn thân theo đuổi chân lý cuối cùng mà, tuy ở bên kia sự nắm bắt trọn vẹn của chúng ta, vẫn là chìa khóa cho hạnh phuc và tự do đích thực chúng ta, thước do nhân tính thật sự chúng ta, và tiêu chuẩn cho một tương quan đúng với thế giới vật chất và với các anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại.

Trung tâm vũ trụ

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI suy tư về việc “không phải chúng ta, cũng không phải trái đất trên đó chúng ta đứng, là trung tâm của vũ trụ.”

“Nhưng,” ngài nói,” vì chúng ta tìm đáp ứng thách đố của năm này—là ngước mắt nhìn trời hầu tái khám phá chỗ của chúng ta trong vũ trụ-- sao chúng ta không thể được đuổi kịp trong sự lạ lùng do tác giả Thánh vịnh đã diển tả từ lâu rồi? […] Con người là gì mà Chúa phãi nhớ đến nó, hay là phàm nhân là gì ười, mà Chúa phải bận tâm"

“Hy vọng của tôi là sự lạ lùng và sự phấn khởi có được do những hoa quả của Năm Quốc Tế Thiên Văn Học, sẽ dẫn xa hơn sự chiêm ngắm những sự lạ lùng của tạo vật tới sự chiêm ngắm Đấng Sáng Tạo,” Đưc Thánh Cha kết luận, “ và chiêm ngắm Tình Yêu này là động cơ sự sáng tạo của Người—Tình yêu mà, theo những lời của Dante Alighien, “chuyển động mặt trời và những hành tinh khác.”’
 
Lần đầu tiên tân Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế là người Canada
Ngọc Loan
17:34 06/11/2009
Rome: Dòng Chúa Cứu Thế đã bầu Cha John M. Brehl, 54 tuổi người Canada, là Tân Bề Trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế hiện có 5300 tu sĩ trên toàn thế giới.

107 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã tham dự Tổn Tu Nghị Dòng và đã bầu Cha Brehl với kết quả qua lần bầu thứ chính.

Cha Hohn M. Brehl sinh trưởng tại Toronto, Canada sẽ là Tân Bề Trên Cả lần đầu tiên người Canada của Dòng Chúa Cứu Thế đã được Thánh Alphongsô Liguori thành lập vào năm 1730. Các Tu Sì Dòng Chúa Cứu Thế hiện đang phục vụ và có mặt trên 70 quốc gia trên thế giới.

Cha Brehl sinh năm 1955, khấn Dòng lần đầu tiên vào năm 1976 và được thụ phong Linh Mục vào năm 1980 sau khi tốt nghiệp học viện Thần Học Toronto.

Trong tỉnh Dòng Demonton-Toronto, Cha Brehl đã là Bề Trên Tỉnh Dòng

Cha sẽ kế vị Bề Trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế Joseph W. Tobin người Hoa Kỳ sau 12 năm làm Bề Trên Cả. Vì đã qua 12 năm nên Cha Tobin không được bầu lại.

Có lẽ một sự trùng hợp trong tuần này, 2 vị đều xuất thân từ Toronto và đã được đưa lên vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội đó là Cha Hohn M. Brehl và Giám Mục Tân Cử người Việt Nam đầu tiên tại Canada là Cha Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu, đây là vị Giám Mục thứ 3 Việt Nam được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tại hải ngoại.
 
Đức Giáo Hoàng: Những giá trị luân lý cung cấp nền tảng cho Xã Hội
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:45 06/11/2009
Đức Thánh Cha khuyến khích Panama làm việc cho sự bình đẳng trong xã hội

VATICAN (Zenit.org).-Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói một xã hội mãnh liệt dựa trên “tính vững chắc các giá trị luân lý ủng hộ, nâng cao phẩm giá và đề cao nó,’.

Đức Giáo Hoàng nói điều này hôm nay khi tiếp kiến Delia Cadenas Christie, tân đại sứ Panama đến trình ủy nhiệm thư làm việc bên cạnh Tòa Thánh. Trong bài phát biểu của ngài, ngài nhấn mạnh “các yếu tố không thể thay thế để tạo dựng một khung xã hội lành mạnh và xây dựng một xã hội mãnh liệt.”

Cách riêng, Đức Thánh Cha qui chiếu về “sự bảo vệ những phương diện hàng đầu như sự cam kết kiến tạo công bình xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, ra sức xây dựng hoà bình, sự bất khả xâm phạm quyền sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, cũng như che chở gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rõ rằng Giáo Hội đóng góp “một cách dứt khoát làm kích động hiện tại và làm sống động niềm hy vọng cho một tương lai hứa hẹn”

Và ngài nói thêm rằng “trong khung cảnh của những khả năng tương ứng và của sự tôn trọng hỗ tương, nhiệm vụ của Giáo Hội, vì sứ vụ riêng, không thể lẫn lộn với nhiệm vụ của nhà nước, và không thể đồng hóa với bất cứ chương trình chính trị nào.”

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng, vì khác với nhà nước, Giáo Hội “chuyển động trong một lãnh vực thuộc bản chất tôn giáo và thiêng liêng, có khuynh hướng cổ võ phẩm giá con người và bảo trợ những quyền cơ bản con người.”

“Tuy nhiên, sự phân biệt này không hàm ý sự thờ ơ hay sự không biết nhau, vì mặc dầu có tước hiệu khác nhau, Giáo Hội và Nhà Nước đồng qui về thiện ích chung của chính các công dân, phục vụ ơn gọi cá nhân và xã hội của họ,” ngài nói thêm.

500 năm đã trôi qua

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc lại rằng Giáo Phận Santa Maria la Antigua được thiết lập năm 1513, làm nó thành “Giáo Phận thứ nhất trên vùng đất vững mạnh của lục địa Mỹ châu.”

Để kỷ niệm 500 năm của giáo phận, Giáo Hội tại Panama đang chuẩn bị nhiều sáng kiến mà, theo Đức Thánh Cha, “sẽ phản chiếu tính gốc rễ của cộng đồng giáo hội trong quê hương của đại sứ, cộng động này không ngụy tạo một lợi ích nào khác hơn là lợi ích của dân chúng mà Giáo Hội là một thành phần và Giáo Hội đã phục vụ và đang phục vụ với sự cao quí và quảng đại.”

Đức Giáo Hoàng nói ngài cầu xin Thiên Chúa “cho biến cố này sẽ nâng cao sự sống Kitô hữu của tât cả những người con thân yêu quốc gia này, ngõ hầu đức tin sẽ tiếp tục là một nguồn linh hứng để chú tâm một cách tich cực và có lợi, đến những thách đố mà Nước Cọng hoà này đối mặt hiện nay.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI công nhận “sự cam kết mà các thẩm quyền Panama đã tỏ bày thường xuyên hầu tăng cường những thể chế dân chủ và một đời sống công dựa trên những trụ cột đạo đức hùng mạnh.”

Trong vấn đề này, ngài nói rõ, “ phải cần đến những công sức để khích động một hệ thống pháp lý hiệu nghiệm và độc lập, và một hành động này trong mọi lãnh vực với tính lương thiện, sự trong sáng trong việc quản lý cộng đồng và với trình độ nghiệp vụ và sự siêng năng trong việc giải quyết các vấn đề ảnh hưởng các công dân.”

“Điều này ủng hộ sự phát triển của một xã hội công bằng và huynh đệ, trong đó không một khu vực dân chúng nào bị bỏ rơi hay bị đẩy tới bạo lực và cho ra rìa,” ngài nói thêm.

Ngài cũng nói rõ “vai trò sáng giá Panama thực hiện cho sự vững bền chính trị khu vực Trung Mỹ, tại một thời điểm trong đó tình hình này đề cao một sự tiến triển nhất quán và hài hoà của cộng đồng nhân bản không tùy thuộc mà thôi vào sự phát triển kinh tế hay những khám phá kỹ thuật.”
 
Đức Thánh Cha cống hiến sự suy tư về sự Hiệp Thông các Thánh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:49 06/11/2009
VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói phương cách tốt nhất để cung kính và cảm giác thật sự được liên kết với các tín hữu đã qua đời là cầu nguyện cho họ, bằng cách dâng những hành vi của dức tin, cậy và đức mến.

Đức Giáo Hoàng suy niệm hôm Chúa Nhật 1/11 về lễ trọng các Thánh trước lúc đọc kinh Truyền Tin trưa với các tín hữu qui tụ trong Quảng trường thánh Phêrô.

Ngài lưu ý rằng ngày lễ này “mời Giáo Hội lữ hành dưới đất thực hành trước sự cử hành vô tận của cộng đồng trên trời, và sống lại niềm hy vọng vào sự sống đời đời.”

Nhắc lại Giáo Hội đang cử hành Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha ngợi khen “tất cả các linh mục thánh, cả những linh mục Giáo Hội đã phong thánh, đề nghị các ngài như là những gương các nhân dức thiêng liêng và mục vụ, cũng như những linh mục--nhiều hơn nhiều—mà Chúa biết.”

Đức Thánh Cha nói thêm “Mỗi một người chúng ta vui thích nhớ tới một số người trong các ngài, những kẻ giúp chúng ta lớn lên trong đức tin va đã làm chúng ta cảm thấy sự tốt lành và sự gần gũi của Thiên Chúa”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng suy niệm về sự nhớ Tất cả các Tín Hữu quá cố, và khuyên các tín hữu “ sống sự cử hành hằng năm này trong sự kinh nhớ với một tinh thần đích thực.”

Qui chiếu về truyền thống viếng các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người quá cố, Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng ta hãy nhớ rằng, trong các ngôi mộ, chỉ những hài cốt của những người thân yêu chúng ta nghỉ, đang khi chờ đợi sự sông lại cuối cùng. Linh hồn các ngài- như Kinh Thánh nói_đã ở trong tay Thiên Chúa.”

“Do đó, phương cách thích đáng và hiệu nghiệm nhất để cung kính các ngài là cầu nguyện cho các ngài, dâng những việc đức tin, cậy và mến.”

Bằng cách cầu nguyện cho những kẻ chết, ngài nói, ta có thể “cảm nghiệm sự hiệp thông sâu sắc nhất” với các tín hữu quá cố.

“Sự hiệp thông các thánh tôt đẹp và an ủi là dường nào,” Đức Giáo Hoàng nói. “đó là một thực tại truyền một chiều kích khác cho toàn diện sự sống chúng ta”.

“Chúng ta không bao giờ cô đơn! Chúng ta là thành phần của một ‘công ty’ thiêng liêng trong đó hiển trị tình liên đới: sự tốt của mỗi người là có ích cho mọi người và, ngược lại, hạnh phúc chung toả chiếu trong mỗi người.”

Sư hiệp thông các thánh, ngài nói thêm, đã có thể được cảm nghiệm tới một mức nào rồi ‘trong thế giới này, trong gia đình, trong tình bạn, cách riêng trong cộng đồng thiêng liêng của Giáo Hội.”
 
Nhóm Anh giáo đầu tiên ở Anh gia nhập Giáo hội Công giáo
Trần Mạnh Trác
21:19 06/11/2009
ROME, ngày 06 Tháng 11 2009 (LifeSiteNews.com) - Trong một động thái bất ngờ, chi nhánh Anh Giáo Truyền Thống (Traditional Anglican Communion (TAC)), là nhóm lớn nhất đã thoát ly Anh Giáo vì vấn đề chuyền chức cho phụ nữ và hỗ trợ đồng tính luyến ái, đã chính thức chấp nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Benedict để hiệp thông với Giáo Hội Công giáo.

Mặc dù nhóm TAC không lớn, chỉ có 20 giáo xứ hoặc hơn, nhưng việc biểu quyết toàn nhóm để chấp nhận lời mời sẽ là một biểu hiệu tượng trưng mạnh mẽ giáng vào chính Giáo Hội Anh Giáo tại chính quê hương mình, nơi dẫn đầu việc chấp nhận các giáo sĩ phụ nữ và người đồng tính luyến ái. Được biết rằng các quyết định của Vatican mở rộng cửa cho Anh Giáo Truyền Thống là để đáp ứng lại các yêu cầu lặp đi lặp lại bởi nhóm TAC.

Trong một thông báo bất ngờ vào ngày 20 tháng 10, Vatican nói rằng một tài liệu đang được chuẩn bị để tạo ra "những Giáo Hạt tòng nhân" cho phép Anh Giáo "Truyền Thống" gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn giữ lại Truyền Thống phụng vụ và mục vụ của họ, bao gồm cả các giáo sĩ đã lập gia đình. Đức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cho biết chương trình này là để đáp ứng những yêu cầu từ nhiều nhóm Anh Giáo trên khắp thế giới, từ giáo sĩ, giáo dân và giám mục, là những người phản đối việc chấp nhận đồng tính luyến ái trong Anh Giáo, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Anh.

Trang web của TAC tại Vương Quốc Anh cho phát hành bản tin như sau "Hội Nghị này, đại diện cho Cộng đồng Anh Giáo Truyền Thống ở Anh, xin hoan hỉ cảm ơn ĐGH Benedict XVI về Tông Hiến sắp tới cho phép tái hợp Anh Giáo với Tòa Thánh, và yêu cầu Tổng Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục Anh Giáo Truyền Thống thực hiện các bước cần thiết để thực hiện Tông Hiến này."

Các cấp lãnh đạo của cộng đồng Anh Giáo Truyền Thống ở Canada đã nói với LSN (LifeSiteNews.com) trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng là các vấn đề về sự sống và gia đình là nhân tố chính trong việc thu hút vào Giáo Hội Công Giáo. Giám mục Carl Reid của Anh Giáo Truyền Thống tại Canada, đã nói "Khi nói đến vấn đề đạo đức, đặc biệt là về gia đình và phò sự sống, hội viên của chúng tôi rất mạnh mẽ đứng trên cùng một chiến tuyến với người Công giáo La Mã."

Lời mời của ĐGH tới những người Anh Giáo Truyền Thống đã làm Phái Tả trong cả hai thế giới thế tục và tôn giáo không hài lòng. ĐGH Benedict XVI đã bị nhà thần học Công Giáo và cựu đối thủ khét tiếng là Hans Kung tấn công, và vô số các nhà báo coi bước đi cuả Vatican như là một việc quay lùi kim đồng hồ trở lại Truyền Thống trước năm 1960. Kung cáo buộc ĐGH Benedict, cựu đồng nghiệp đại học, là “ăn cướp” tôn giáo (ecclesiastical "piracy") và cho rằng, bước đi này phá hoại những công trình đối thoại Đại Kết cuả nhiều thập niên dài.

John Allen, nhà báo Công Giáo Mỹ National Reporter ở Rome, đã phân tích một cách điềm tĩnh hơn, nói rằng lời mời những người Anh Giáo đang có thỏa thuận về bản chất sự thật, về học thuyết và về nội dung Kinh Thánh, thực sự là một phần của kế hoạch lớn của ĐGH để chống lại chủ nghiã thế tục Chuyên Chính theo "Quan Niệm Tương Đối” đang phát triển, mà ĐGH đã cảnh báo là lực lượng đang phá hoại các cấu trúc của nền văn minh của chúng ta.

"GH Benedict XVI đang mở cửa cho... Anh Giáo Truyền Thống một phần vì họ là một trong các nhóm Kitô hữu ít dễ bị, theo định nghiã của Jacques Maritain, 'quỵ lụy trước thế giới,' có nghĩa là bị bán cho duy vật chủ nghĩa ".

LM John Zuhlsdorf, một linh mục người Mỹ viết blogger với các kết nối bên trong Vatican, đã nhận xét rằng với quyết định này, ĐGH đã xứng đáng nhận danh hiệu là "Giáo Hoàng của thống nhất."

Các người Anh Giáo có thể tận dụng lợi thế của cấu trúc mới, cha Zhusldorf viết, "Họ là những Kitô hữu đã cách ly khỏi sự hợp nhất. Đức Giáo hoàng Benedict nhấn mạnh đến vai trò của mình là một Giáo Hoàng thúc đẩy sự thống nhất, hiểu rằng họ không đơn thuần là những Kitô hữu đang đồng ý với Ngài nhưng đã là những người ly khai.. Và Ngài tìm cách tái hội nhập họ. "

"Nếu chúng ta muốn chống chế độ độc tài của quan niêm tương đối," Cha Zuhlsdorf tiếp tục, "chúng ta cần có một danh tính Công Giáo mạnh mẽ. Nếu chúng ta muốn truyền giáo, chúng ta cần một danh tính Công giáo mạnh mẽ.. Nếu chúng ta muốn tham gia vào phong trào Đại Kết đúng đắn, chúng ta cần một danh tính Công giáo mạnh mẽ. Phụng Vụ chính là thành phần quan trọng của 'Kế hoạch Marshall' cuả Giáo Hội. "
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến Tổng Thống Kazakhstan
Bùi Hữu Thư
21:59 06/11/2009
Hai vị thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế và đối thoại liên tôn

Bản Đồ Kazakhstan
Rôma, Thứ sáu 6 tháng 11 2009 (Le Monde vu de Rome) – Đề tài thảo luận ngày 6 tháng 11 tại Vatican giưã Đức Thánh Cha Benedict XVI tổng thống Kazakhstan là cuộc khủng hoảng kinh tế và đối thoại liên tôn.

Tổng thống Kazakhstan sau đó thăm Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh và Đức Ông Dominique Mamberti, thư ký Tòa Thánh về ngoại giao.

Một tuyên cáo của văn phòng truyền thông Tòa Thánh cho hay các cuộc đàm thoại cho phép nhắc đến “cuộc khủng hoảng kinh tế dưới ánh sáng của Thông Điệp 'Caritas in Veritate', việc đối thoại liên tôn và việc cổ võ cho hoà bình vào thời kỳ trước khi Kazakhstan được bầu làm chủ tịch Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (OSCE).”

Hai bên cũng có thảo luận về “mối tương quan tốt đẹp giữa Kazakhstan và Tòa Thánh, cũng như một vài vấn đề thời sự về đời sống quốc gia này.”

Cuối cùng trong các cuộc tiếp xúc “đã có đề cập đến việc sống chung hòa bình giữa các tín hữu thuộc các miền khác nhau, và ước mong các tín hữu sẽ đóng vai trò ngày càng năng động hơn trong đời sống quốc gia và chăm lo cho tiện ích chung.”

Ông Noursoultan Nazarbayev đã tham chính từ năm 1990. Dưới thời Sô Viết, ông là Thủ Tướng Nội Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Sô Viết Kazakh (1984-1989) và Tổng Thư Ký Đảng Cộng Sản Kazakh (1989-1991). Ông được bầu làm Tổng Thống Kazakhstan năm 1991 và đang giữ nhiệm kỳ thứ ba trong 7 năm vào năm 2005.

Nước Kazakhstan sẽ giữ vai trò chủ tịch của OSCE năm 2010.

Trong số trên 15 triệu dân, Kazakhstan có gần 47 % người Hồi giáo và 44 % Chính Thống giáo Nga.
 
Top Stories
Preparations for the jubilee of the Vietnamese Church
Asia-News
06:37 06/11/2009
The opening ceremony will be held November 23 in So Kien. The archbishop of Hanoi, Mgr. Kiet, in an interview says they expect 30 cardinals and bishops, 4 thousand priests and 100 thousand faithful. 200 trumpet players from the Diocese of Bui Chu and 200 drummers from that of Thai Binh, a great race of 750 items from Thanh Hoa, Hung Hoa and Lang Son.

Hanoi (AsiaNews) - 30 cardinals and bishops, priests 4 thousand and 100 thousand faithful are expected, November 23, at So Kien, for the opening ceremony of the Vietnamese Church jubilee, marking 350 years since the creation of the two dioceses of North and South Vietnam (1659-2009) and 50 years since the establishment of the Catholic hierarchy in Vietnam. The date of the ceremony is that of the eve of the Feast of the Vietnamese martyrs.

For what is expected to be the largest gathering of Catholics in the recent history of Vietnam, the archbishop of Hanoi, Mgr. Joseph Ngo Quang Kiet (pictured), speaks of "enormous obstacles" that he has had to deal with, since "local authorities do not understand how they must perform the ceremonies." "Nevertheless, now everything is on the right path," he adds, and attributes the change to the generous efforts of the dioceses of the north and particularly Hanoi.

In an interview broadcast on the Bishops Conference website, Msgr. Kiet stresses the "practical challenges involved in coordinating such a large crowd from many dioceses." "After all, I know Kien is just a small town with scarce logistical equipment”.

The decision to choose So Kien as a place of the opening ceremony has created some concern, but "historically was the first site that the Vietnamese church could provide a vast complex of durable buildings. It is harmonious and, on an area of four hectares, includes the cathedral, the office of the Vicariate of Tay Dang Ngoai and the major seminary. Everything is still intact, apart from the seminary". Its deterioration is due to the inability of Catholics to overcome bureaucratic obstacles and achieve the renewal of permits.

From the geographical point of view, finally, "So Kien is at a fairly equal distance from Hanoi and Ninh Binh, Nam Dinh, Thai Binh and this will make it easier for the faithful of these dioceses to participate in the ceremony."

Returning to the opening ceremony of the jubilee, Msgr. Kiet made it known that "the Diocese of Haiphong has prepared a giant torch. There will be a great musical group, with 200 trumpets from the Diocese of Bui Chu and 200 drummers from that of Thai Binh, a great race of 750 elements from Thanh Hoa, Hung Hoa and Lang Son". A large number of young volunteers, 300 of them coming from distant dioceses of Phat Diem and Vinh, will assist those present. In preparation for the start of jubilee, all dioceses in the country will celebrate a novena, November 15 to 23. After the general opening ceremony, finally, the 28 dioceses will repeat the novena locally. The Jubilee will continue until the Epiphany in 2011, when it will close at the national Marian shrine of La Vang.
 
Procedono i preparativi per il giubileo della Chiesa vietnamita
Asia-News
06:43 06/11/2009
La cerimonia di apertura si terrà il 23 novembre a So Kiet. L’arcivescovo di Hanoi, mons. Kiet, in una intervista dice che sono attesi 30 cardinali e vescovi, 4mila sacerdoti e 100mila fedeli. Verranno 200 suonatori di tromba dalla diocesi di Bui Chu e 200 tamburi da quella di Thai Binh, un grande corso di 750 elementi da Thanh Hoa, Hung Hoa, e Lang Son.

Hanoi (AsiaNews) - Sono attesi 30 cardinali e vescovi, 4mila sacerdoti e 100mila fedeli, il 23 novembre, a So Kien, per la cerimonia di apertura del giubuleo della Chiesa vietnamita, per i 350 anni dalla creazione delle due diocesi del Nord e del Sud Vietnam (1659-2009) e i 50 anni dalla istituzione della gerarchia cattolica in Vietnam. La data della cerimonia è quella della vigilia della festa dei martiri vietnamiti.

Per quella che è prevista essere la più grande adunanza di cattolici della storia recente del Vietnam, l’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet (nella foto), parla di “enormi ostacoli” che ha dovuto affrontare, dato che “le autorità locali non capiscono come debbono svolgersi le cerimonie”. “Ciò malgrado, ora tutto è su una buona strada”, aggiunge e attribuisce il cambiamento agli sforzi generosi delle diocesi del nord e in particolare a Hanoi.

In un’intervista diffusa dal sito della Conferenza episcopale, mons. Kiet sottolinea la “concreta sfida rappresentata dal coordinamento di una così grande folla proveniente da tante diocesi”. “Dopo tutto, So Kien è solo una cittadina, con scarse attrezzature logistiche”.

La decisione di scegliere So Kien come luogo della cerimonia di apertura ha creato qualche preoccupazione, ma “storicamente è stata la prima sede che la Chiesa vietnamita ha potuto dotare di un vasto e durevole complesso di costruzioni. E’ armonioso e, su un’area di quattro ettari, comprende la cattedrale, l’ufficio del vicariato di Tay Dang Ngoai e il seminario maggiore. Tutto è ancora intatto, a parte il seminario”. Il suo degrado è dovuto alla impossibilità per i cattolici di superare gli intralci burocaratici e ottenere il rinnovo del permesso.

Dal punto di vista geografico, infine, “So Kien è piuttosto equidistante da Hanoi e da Ninh Binh, Nam Dinh, Thai Binh e ciò renderà più facile per i fedeli di tali diocesi partecipare alla cerimonia”.

Tornando alla cerimonia di apertura del giubileo, mons. Kiet fa sapere che “la diocesi di Haiphong ha preparato una torcia gigantesca. Ci sarà un grande complesso musicale, con 200 trombe dalla diocesi di Bui Chu e 200 tamburi da quella di Thai Binh, un grande corso di 750 elementi da Thanh Hoa, Hung Hoa, e Lang Son”. Un gran numero di giovani volontari, 300 dei quali provenienti dalle diocesi lontane di Vinh e Phat Diem, darà assistenza ai presenti. In preparazione dell’inizio del giubuleo, tutte le diocesi del Paese celebreranno una novena, dal 15 al 23 novembre.

Dopo la cerimonia generale di apertura, infine, il 28 ogni diocesi la ripeterà a livello locale. Il giubuleo proseguirà fin all’Epifania del 2011, quando sarà chiuso al santuario mariano nazionale di La Vang.
 
Pope Benedict XVI appoints Father Vincent Nguyễn Hiếu and Father William Mc Grattan as Auxiliary Bishops for the Archdiocese of Toronto
Archdiocese of Toronto
08:12 06/11/2009
TORONTO (6 November 2009) - The Holy Father, Pope Benedict XVI, has appointed Father Vincent Nguyen of the Archdiocese of Toronto and Father William McGrattan of the Diocese of London as Auxiliary Bishops for the Archdiocese of Toronto.

His Grace, Thomas Collins, Archbishop of Toronto, responded to the news with the following statement:

“We thank the Holy Father for blessing us with two new shepherds to assist the people of the Archdiocese of Toronto as we grow together in faith. I have worked closely with both Father Nguyen and Father McGrattan; as bishops, they will bring a love of the church and an abundance of gifts to their new roles. I look forward to collaborating extensively with them in the days ahead.”

Bishop-elect Nguyen spoke of the announcement: “I am humbled to have been asked by the Holy Father to serve the people of the Archdiocese of Toronto as Auxiliary Bishop. To the faithful of the Archdiocese, please pray for me as I embark upon this new ministry as I will pray for you. I will do all I can to assist Archbishop Collins as we strive to strengthen and nurture the diverse faith community of the Archdiocese.”

Bishop-elect McGrattan commented on the Holy Father’s appointment: “I am blessed to have served the people of the Diocese of London for the last 22 years. While it will be most difficult to leave the wonderful family I have come to know so well, I eagerly await the opportunity to meet the faithful of the Archdiocese of Toronto. Please pray that I will be faithful in this challenging ministry. I hope that as I come to know the priests, deacons and lay leaders, we will be able to share the blessings of pastoral ministry which I experienced in London.”

Father Vincent Nguyen was born in Viet Nam in 1966, the sixth in a family of seven boys and two girls. He came to Canada in 1984, entering St. Augustine’s Seminary in 1993. Ordained a priest in 1998, he has served in parish ministry in Mississauga and Toronto while also providing pastoral leadership for Vietnamese Catholics in the Archdiocese of Toronto. Father Nguyen traveled to Rome for studies in 2005 and was awarded a Licentiate in Canon Law from the Pontifical University of St. Thomas Aquinas (Angelicum), Rome in 2008. He returned to Toronto and was appointed as Vice-Chancellor of Spiritual Affairs in August 2008. In September 2009, he was appointed as Chancellor of Spiritual Affairs and Moderator of the Curia.

Father William McGrattan was born in London, Ontario in 1956, the oldest of two children. He entered St. Peter’s Seminary in 1982 and was ordained to the priesthood in 1987, serving in parish ministry in Chatham, Ontario. Father McGrattan studied in Rome and earned his Licentiate in Fundamental Moral Theology from the Pontificio Universita Gregoriana, Rome in 1992. He returned to London, joining the faculty of St. Peter’s Seminary, teaching theology courses and eventually serving as Vice Rector and Dean of Theology. Since 1997, he has served as Rector of St. Peter’s Seminary in addition to serving on numerous boards and committees.

As one of the most diverse dioceses in the world, the Archdiocese of Toronto is home to 1.9 million Catholics who celebrate Mass each week in over 30 different languages. More than 800 diocesan and religious priests serve the Catholic community in 225 parishes across the Archdiocese.
 
Latest crackdowns on priests of Vinh Diocese
J.B. An Dang
08:23 06/11/2009
Police have harassed a priest for not administering the sacrament of marriage for an unknown couple and kidnapped another priest to force him to sign in a minute of meetings to remove a statue of Our Lady.

About 150 priests from the diocese of Vinh have gathered at the Bishop Office in Xa Doai from Nov. 3-7 for their annual retreat during which they have also discussed on the diocesan plan for the coming Holy Jubilee, the situations of their parishes, and issues they have recently faced.

Security for priests in the diocese of Vinh has also been on the agenda. Months after the brutal attacks against Fr. Paul Nguyen Dinh Phu and Fr. Peter Nguyen The Binh, relationship between Catholics and local government remains tense. The two priests were beaten to half dead by police and a pro-government mob at the parish of Tam Toa in July.

Fr. John Nguyen Minh Duong of Ke Sat reported that on Aug. 27 while administering sacrament of marriage for 22 couples at the church of Con Se, Quang Binh, he suddenly saw another couple, not in the group of those who had been well prepared for the holy sacrament. This couple showed up unexpectedly and asked him to confer the sacrament upon them as well.

Fr. John Nguyen refused to do so, explaining that since they had not completed a Marriage Preparation course as required by the church, and their Catholic background was virtually unknown to him, he was not permitted to honor their request.

Since that bizarre incident, the priest had been continuously receiving death threats in his mobile from an anonymous caller.

Parishioners searched for the couple who failed to receive the sacrament and found the culprit who was hired to send death threats to their pastor. This person shamelessly confirmed that he indeed was the caller who made such serious threats against Fr. John Nguyen. Parishioners also found a knife in his pocket. They immediately sent him to the nearest police station. However, for reasons unknown to parishioners, he was released almost immediately by the police. In their more shocking surprise, the next day, the priest and a few church council-members received a citation from the police charging them of attacking the man and illegally taking him in custody.

In a letter dated Sep. 5 sent to Bishop Paul Marie Cao Dinh Thuyen and various Vietnam’s security agencies, Fr. John Nguyen - the pastor of Con Se and Ke Sat - expressed his “shocking surprise” to see the injustice imposed against him and his parishioners when they as “victims have been turned into criminals". But, his letter seemed to go into deaf ears. He and church council members have continually been harassed by local police.

Poilce armed with dogs and batons at the scene
Parishioners look in despair
What happened to the pastor of Bau Sen, Fr. Peter Nguyen Van Huu, was also quite peculiar. On early morning of Nov. 5, he was kidnapped by a group of local police when he was on his way to the annual retreat at the Bishop Office in Xa Doai.

He was detained by local police while the statue of Our Lady in his parish’s cemetery being removed. Hundreds of heavily armed and well-entrenched militants were deployed in the area to protect for a large number of police officers remove the statue.

On Sept. 21, 2008 the People's Committee of Bo Trach county, Quang Binh province issued Decision 3150 QĐ – CC to coerce the parish of Bau Sen to remove the statue within 5 days from the date of Decision's issuance. The statue of the Virgin Mary was placed by parishioners in April of last year on a boulder in the parish cemetery across the road from Bau Sen Church.

The infamous decision shocked the Catholic community throughout the region since the statue had been placed on a religious premise. A wave of protest had taken placed with tremendous support from fellow Christians at home and abroad, which somewhat helped to deter the government's action to a lesser degree until typhoon Ketsana put a stop to the effort.

But when the storm was over, on Oct 16, the government again mobilized heavy equipment and bulldozers to resume their removal task. An anonymous source in the pro-government Fatherland Front said provincial authorities approved a budget of 1.2 billion dong (US$ 68,000), a considerable amount for a poor province like Quang Binh, to complete the demolition work. Intimidating tactics and threats against Fr. Peter Nguyen and his parishioners had also been employed.

After police had removed the statue and taken it away, Fr. Peter Nguyen was taken to the site where he was asked by the police to sign on unknown document which he consistently refused. Subsequently, he was released after the police failed to obtain a signature from him.

As of now, the fate of Our Lady statue is still unknown. Bau Sen's parishioners are asking for the public support and prayers during this crisis, that the religious item to be soon returned to its site as intended by the Catholic community of Bau Sen, rather than being held as a hostage in a power show-down from the authority.
 
MALAISIE: Une Eglise anglicane « ouverte » mais prudente, face à la proposition de rattachement faite par le Saint-Siège
Eglises d'Asie
10:35 06/11/2009
Evêque du diocèse anglican de Malaisie-Ouest depuis 2006, Mgr Ng Moon Hing est un fervent partisan de l’œcuménisme. Les relations avec l’Eglise catholique locale sont excellentes, se réjouit le prélat, qui précise que les responsables anglicans et catholiques se rencontrent chaque mois dans un souci de dialogue, spécialement dans le cadre de la Fédération chrétienne de Malaisie et des forums interreligieux. Mais souligne-t-il, il faut distinguer le rapprochement avec l’Eglise catholique de « l’intégration » au sein de celle-ci, qui « est une toute autre question ».

Le 20 octobre dernier, le Vatican a annoncé son intention de mettre en place une « structure canonique » destinée à accueillir au sein de l’Eglise catholique les anglicans en désaccord avec la ligne doctrinale actuelle de leur Eglise. Au cours de la conférence de presse révélant cette ouverture proposée par le pape Benoît XVI, le cardinal William Levada, préfet de la Congrégation pour la doctrine de la foi, a déclaré: « Notre but est de répondre aux nombreuses demandes et initiatives émanant aussi bien du clergé anglican que de certains fidèles anglicans à travers le monde. » Présentant les grandes lignes de la future « constitution apostolique » qui sera très probablement publiée dans quelques semaines, le cardinal Levada a précisé que les anglicans pourront conserver « des éléments de leur patrimoine spécifique spirituel et religieux », ainsi qu’« une liturgie particulière ».

La proposition de Rome, fruit d’un long travail de rapprochement entre les Eglises catholique et anglicane, intervient en pleine crise de la Communion anglicane, au bord du schisme en raison des divergences concernant notamment l’ordination des femmes, l’union des homosexuels et l’ordination des homosexuels à la prêtrise ou à l’épiscopat.

C’est ce dernier point surtout qui fait dire à Mgr Ng Moon Hing qu’il désapprouve certaines des récentes orientations prises par son Eglise et entérinées par l’archevêque de Cantorbéry, chef spirituel de la Communion anglicane. Il rejoint ainsi d’autres responsables anglicans, nombreux en Asie, qui s’élèvent contre ce qu’ils qualifient de « dérives théologiques », en particulier depuis 2003, date à laquelle le premier évêque homosexuel vivant en couple, Gene Robinson, a été consacré au sein de l’Eglise anglicane américaine.

L’Eglise anglicane de Malaisie est sensible au geste d’ouverture du pape, déclare encore le prélat, mais « elle ne peut y répondre dans l’immédiat, avant d’avoir plus de détails ». Il rapporte par ailleurs que l’annonce du cardinal Levada a remporté un large écho dans le pays, ayant été diffusée dans toutes les paroisses par le biais d’Internet.

L’Eglise anglicane a été introduite en Malaisie à la fin du XVIIIème siècle, pour les besoins spirituels de la colonie de la British East India Company, établie sur l’île de Penang. Mais ce n’est qu’en 1819 que fut consacrée la première église anglicane, l’église Saint-George, à Penang. Aujourd’hui, au sein de la Communion anglicane, le diocèse de Malaisie-Ouest fait partie de la Province épiscopalienne de l’Asie du Sud-Est, laquelle compte également trois autres diocèses (Kuching, Sabah et Singapour). Selon Mgr Ng Moon Hing, la communauté anglicane de son diocèse compte environ 30 000 âmes; sur la partie malaisienne de l’île de Bornéo, celui de Kuching, à Sarawak, déclare 160 000 fidèles et celui de Sabah, 60 000.

Quant aux catholiques en Malaisie, ils sont au nombre de 800 000, répartis entre neuf diocèses. Les méthodistes forment la deuxième communauté chrétienne avec quelque 300 000 fidèles (1).

(1) Chiffres: Ucanews, 29 octobre 2009, Conseil œcuménique des Eglises (COE), 2004.

En Malaisie, où l’islam est religion officielle, les chrétiens représentent environ 7 % de la population.

(Source: Eglises d'Asie, 6 novembre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu đã được ĐTC Benedictô XVI bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Toronto, Canada
LM Trần Công Nghị
08:50 06/11/2009
TORONTO - Hôm nay ngày 6.11.2009 Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã bổ nhiệm LM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu và LM William McGrattan làm giám mục phụ tá cho Tổng giáo phận Toronto, Canada.

Sau khi nhận được tin bổ nhiệm này, Đức TGM Thomas Collins, Tổng giám mục Toronto, đã nói như sau:

“Chúng ta cám ơn Đức Thánh Cha đã ban phước cho chúng ta với 2 vị mục tử mới để giúp cho dân Chúa TGP Toronto càng ngày càng lớn lên trong đức tin. Tôi đã từng làm việc sát cánh với cả hai Cha Nguyễn Mạnh Hiếu và Cha Mc Grattan, giờ đây trong địa vị là giám mục, hai vị sẽ mang tình yêu Giáo hội và nhiều ân huệ cho vai trò mới của mình. Tôi mong những ngày tới đây công tác chặt chẽ với các vị thật nhiều".

Giám mục tân cử Nguyễn Mạnh Hiếu nhân được tin đã phát biểu như sau: "Tôi khiêm cung được Đức Thánh Cha kêu gọi làm giám mục phụ tá để phục vụ dân Chúa trong Tổng giáo phận Toronto. Với tín hữu của Tổng giáo phận, xin hãy cầu nguyện cho tôi trong sứ vụ mới này và tôi cũng cầu nguyện cho anh chị em. Tôi sẽ làm tất cả những gì đề giúp Đức Tổng Giám Mục Collins dang khi chúng ta làm bền chặt và nuôi dưỡng cộng đồng đức tin đa dạng của tồng giáo phận.

Cha Vincent Hiếu sinh ngày 8.51966 tại Việt Nam, là người con thứ 6 trong gia đình 7 anh em trai và 2 chị em gái.

Năm 1981, khi lên 15 tuổi, rời Việt Nam và được tạm cư tại Nhật Bản, và từ Nhật Bản được đến định cư ở Canada vào năm 1984.

Trong thời gian ở Canada theo học bổ túc Trung học và Đại học, đậu bằng Cử nhân Kỹ sư điện tại Đại học Toronto.

Năm 1993 nhập học Đại chủng viện St. Augustine và cũng lãnh bằng Cử nhân Thần học tại đây. Ngài được thụ phong linh mục 9.5.1998 cho Tổng giáo phận Toronto.

Sau khi chịu chức linh mục năm 1998, Cha Hiếu đã được bổ nhiệm làm phó xứ St. Patrick ở Mississauga (1998-2001); Giám quản giáo xứ St. Monica ở Toronto (2001-2003); và Chánh xứ St. Cecilia coi sóc Cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Toronto (2003-2005).

Năm 2005, Cha Hiếu được gửi sang Roma du học và đã đậu bằng cử nhân Giáo luật do trường Đại học Công giáo St. Thomas Aquinas (Angelicum) ở Roma cấp vào năm 2008. Đang khi đó cũng là sinh viên của Giáo hoàng Học viện Canada (Pontificio Collegio Canadese (2005-2008).

Sau khi trở về lại Toronto, ngài được bổ nhiệm làm Phó Chưởng Ấn phụ trách Linh Vụ vào tháng 8 năm 2008. Và mới tháng 9 năm 2009 vừa qua, Cha Hiếu được bổ nhiệm làm Chưởng Ấn và Điều Hợp viên của Tòa Tổng Giám Mục. Và hôm nay, ngài được Đức thánh Cha Benedictô XVI làm làm giám mục phụ tá Toronto và cũng là giám mục gốc Việt nam tiên khởi của Canada.

TGP Toronto có thể nói là một giáo phận đa dạng nhất thế giới và có khoảng 1.9 triệu người Công giáo. Mỗi Chúa Nhật có thánh lễ bẳng 30 ngôn ngữ hầu đáp ứng cho nhu cầu của các sắc dân khác nhau. Có 800 linh mục triều và dòng phục vụ trong 225 giáo xứ của giáo phận.

Hợp với niềm vui của TGP Toronto và của Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Canada, toàn Ban Biên Tập của VietCatholic và Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam xin kính chúc đức giám mục tân cử Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu được tràn đầy hồng ân Chúa và sức khỏe trong trọng trách mới của Ngài.

Niềm vui có vị tân giám mục Việt Nam thứ hai tại hải ngoại không những chỉ làm niềm vui chung của Giáo hội Việt Nam mà còn là niềm hãnh diện của tập thể người Việt Nam khắp thế giới. Chúc mừng, chúc mừng, chúc mừng!
 
Chính quyền Quảng Bình đã xúc phạm và triệt hạ thánh tượng Mẹ La Vang khỏi núi Bầu Sen
Tổng hợp
11:16 06/11/2009
QUẢNG BÌNH - Trong đêm 4.11 rạng ngày ngày 5.11 toàn thễ giáo dân giáo xứ Bầu Sen đã bị các lực lượng cảnh sát phong toả "nội bất xuất ngoại bất nhập", người dân bị phong toả và cấm di chuyển. Thế rồi lúc khoảng 4 giờ sáng ngày 5.11.2009 đã có khoảng 600 cảnh sát cơ động và các lực lượng khác đến bao vây khu vực giáo xứ Bầu Sen và toàn bộ xã Phúc Trạch, thị trấn Troóc, huyện Bố Trạch, cốt ý ngăn cản không cho ai tới lui hầu làm cản trở việc chính quyền địa phương triệt hạ tượng Đức Mẹ La Vang ở trên mỏm núi đá thuộc nghĩa trang giáo xứ Bầu Sen.

Hình ảnh tháo dỡ tượng (Photos: CTV dcctvn)

Tiếp đến vào lúc 5 giờ sáng hệ thống điện trong khu vực bị cúp toàn diện, điện thoại bàn bị tê liệt; điện thoại di động bị cắt sóng, trong khi đó xe cẩu dài cùng với nhiều xe khác được tập trung đến khu vực nghĩa trang và nhà thờ Bầu Sen để tháo dỡ tượng Đức Mẹ ở mỏn núi đá.

Đang khi đó một lực lượng cảnh sát đã đến bắt cha Phêrô Nguyễn Văn Hữu, chánh xứ Chày và áp giải ngài đi đến Hang Tám Cô.

Khoảng 11 giờ trưa, tượng Đức Mẹ La Vang đã bị cưa và đưa vào “rọ”, bất chấp sự phản đối của giáo dân vì hành động xúc phạm thánh tượng và đức tin tôn giáo của người dân. Sau khi bất thành trong việc cưỡng ép giáo họ Bàu Sen nhận chuyển tượng về, nhà cầm quyền đã dùng bạo lực phá tường bao nhà thờ và đưa tượng vào khuôn viên nhà thờ.

Khi công việc hạ tượng đã hoàn tất, Công an áp giải Cha Hữu đến hiện trường và ép Cha ký vào biên bản gì đó. Nhưng cha Hữu kiên quyết chối từ. Sau đó, Công an đã phải thả ngài.

Ngày hôm trước 4/11/2009 nhà cầm quyền đã cốt ý đưa một số giáo dân ra toà án xét xử "để răn đe và thu hút dư luận địa phương". Những giáo dân này "bị quy" cho là đã chặt cây rừng xâm phạm tài sản của Nhà nước.

Nguồn tin từ các cấp chính quyền và dân địa phương cho hay là số tiền chi cho dự án phá tượng thánh lên đến 1,2 tỷ. Tuy nhiên người dân địa phương cho hay dự án này bị chậm vì nhiều sự kiện khó hiểu liên tiếp xảy ra.

Sự kiện thứ nhất: Trong lúc dự án đang tiến hành con trai ông chủ tịch địa phương đã bất ngờ tự tử mà không rõ nguyên nhân. Anh vốn là một sinh viên chăm chỉ, không hiểu sau anh đột ngột về quê và quyết định kết liễu đời mình.

Sự kiện thứ hai: Chính quyền đã thuê một công ty ở Nghệ An vào làm đường và tiến hành phương tiện đến tháo dỡ. Khi làm đường gần xong, thì cơn bão số 9 ập đến, nước ngập khu vực khiến dự định phải tạm thời đình chỉ.

Sự kiện thứ ba: Bão qua, nước cạn, công ty đưa phương tiện trở lại tiếp tục triển khai, thì bất ngờ, người con của ông chủ công ty này bị cái gầu máy xúc rơi vào chết ngay tại hiện trường, khiến ông chủ công ty này bỏ của chạy lấy người còn lại.

Lần này chính quyền thuê một công ty từ Khánh Hoà cho công tác tháo tượng nhưng với danh nghĩa là "cẩu gỗ", tuy nhiên, khi ra Quảng Bình công ty này mới biết là mục đích tháo dỡ tượng Đức Mẹ La Vang ở Bầu Sen, khiến công ty này lúng túng.
 
Báo cáo danh sách Ân Nhân đóng góp vào Qũy Cứu Trợ Dân Chúa Âu Châu cho nạn nhân bão lụt
Lm Stephanô Bùi Thượng Lưu
11:40 06/11/2009
Xin chân thành cảm tạ Qúi vị Ân Nhân đã đóng góp vào trương mục Dân Chúa Âu Châu nhằm cứu trợ nạn nhân bão lụt Việt Nam.

Tổng cộng số tiền thu được tính đến ngày 3.11.2009 là 14.805,36 € tương đương >$21.909,00 USD

Danh sách ân nhân cứu trợ bão lụt Việt Nam qua trương mục Dân Chúa Âu Châu

Quý Danh Thành phố + Quốc gia Số tiền
CĐCGVN Thánh Gia Berlin, Đức 1.947,66 €
CĐCGVN Thánh Micae Paderborn-Esen Đức 4.247,00 €
Nhóm 2065 Hjoerring, Đan Mạch 444,22 €
Trần Thị Tuyết Mai Mariehamn, Phần Lan 100,00 €
Gđ. ẩn danh Đức 100,00 €
Nguyễn Văn Đức Stuttgart, Đức 30,00 €
Gđ. Lê Văn Yên Oberkochen, Đức 100,00 €
Gđ. Bùi Văn Khẩn Altheim, Đức 150,00 €
Nguyễn Thị Bích Tiến Đức 100,00 €
Gđ. Trịnh Văn Cách Malmö, Thụy Điển 2000Kr= 191,50 €
Gđ. Minh&Mai Malmö, Thụy Điển 500Kr= 47,85 €
Cụ Maria Trịnh Thị Mạnh Malmö, Thụy Điển 1000Kr= 95,75 €
Ân nhân ẩn danh Đức 300,00 €
Linh mục ẩn danh Đức 200,00 €
Trường Việt Ngữ Heidenberg, Đức 500,00 €
Nhóm gia đình HD Đức 347,05 €
CĐ. Thánh Giuse Hiển Stuttgart, Đức 223,00 €
Lễ Các Thánh Tử Đạo tại Heidenheim, Đức 72,69 €
CĐ. Thánh Phêrô Kupferzel, Đức 75,00 €
CĐCGVN Thánh Giuse Kristiansand, Na Uy 1666,14 €
Ân nhân ẩn danh Đức 750,00 €
Tôn Quốc Sử Oberursel, Đức 500,00 €
Hoàng Văn Thân Đức 100,00 €
Gđ. Vũ Tứ Hòa Stolberg, Đức 200,00 €
Ân nhân ẩn danh D 411 Đức 100,00 €
Đại Xinh Quách Đức 100,00 €
Trần H./Saumer M. Đức 100,00 €
Vương Quốc Anh Đức 100,00 €
Bùi Phan Khoan Düsseldorf, Đức 100,00 €
Mai Khánh Hòa Đức 100,00 €
Gđ. Nguyễn Oldenburg, Đức 55,00 €
Gđ. Phạm Văn Đồng Troyes, Pháp 50,00 €
3 em Thi, Dũng, Việt Hessental, Đức 100,00 €
Nguyễn Thị Sai Stuttgart, Đức 50,00 €
Gđ. Phạm Ngọc Chi Heidenheim, Đức 50,00 €
Gđ. Ngô Chánh Heidenheim, Đức 50,00 €
Nguyễn Xuân Phong Heidenheim, Đức 50,00 €
Ân nhân ẩn danh Oslo, Na Uy 1000NOK= 120,30 €
Bà Thanh Oslo, Na Uy 600NOK= 72,20 €
Ẩn danh Đức 20,00 €
Nguyễn Thao Đức 50,00 €
Therese Nguyễn L.43 300,00 €
Nguyễn Ngọc Hoàng Yến Phạm Đức 50,00 €
Lm. Nguyễn Ngọc Long Düsseldorf, Đức 200,00 €
Ân nhân ẩn danh Đức 500,00 €
 
Chúc Mừng tân cử Giám Mục phụ tá Toronto Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu
LM. Phêrô Nguyễn Thế Tuyên
18:12 06/11/2009
Chúc mừng

Tân cử Giám Mục Phụ Tá TorontoVinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu
Giám Mục gốc người Việt Nam đầu tiên ở Canada.



160 thành viên Linh Mục & Tu Sĩ Nam Nữ và Chủng Sinh trong tổ chức Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada xin chúc mừng và tạ ơn Chúa với Đức Tân cử Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Toronto Vincent Nguyễn mạnh Hiếu. Niềm vui gần như nổ tung trong lòng mỗi người chúng tôi, khi hôm nay, ngày 6.11.2009 nghe tin Cha Vincent Nguyễn mạnh Hiếu, linh mục Việt Nam đầu tiên được chọn lên hàng Giám Mục ở Canada. Liên Giáo sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada dù ít oi và còn yếu kém nhiều mặt, nhưng cũng đã được đóng góp vào công việc lãnh đạo Giáo Hội Canada qua vai trò Giám Mục phụ tá mà Cha Vinhcent vừa được bổ nhiệm.

Kính thưa Đức Cha Vinh Sơn, chúng con hãnh diện và cầu nguyện cho Đức Cha trong sứ mạng Giám Mục nơi “không là quê hương của mình” nầy. Xin Đức Cha nhớ đến và nâng đỡ anh em linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ tại Canada.

Ba mươi lăm ngàn Giáo Dân Công Giáo Việt Nam trong 20 Cộng Đoàn, Giáo Xứ Việt Nam từ khắp nước Canada rộng lớn xin chúc mừng và xin tạ ơn Chúa với Đức Cha tân cử Vincent Nguyễn mạnh Hiếu. Phải nói rằng chúng tôi không bao giờ dám mơ có một Giám Mục Việt Nam ở Canada vì số người Việt Công Giáo quá ít mà lại bị phân tán mỏng trên một lãnh thổ rộng lớn xếp hàng thứ nhì thế giới nầy. Nhưng Chúa đã thương đoái đến số người Việt Nam ít ỏi nầy qua việc tuyển chọn Cha Vinsơn Nguyễn mạnhn Hiếu lên hàng Giám Mục.

Chúng con xin chúc mừng Đức Giám Mục Tân cử và sẽ cầu nguyện thật nhiều cho Đức Cha trong chức vụ Giám Mục. Xin Chúa luôn giữ gìn, để Đức Cha luôn là mục tử nhân hậu và luôn là niềm hảnh diện cho người Việt Nam tha hương. Hy vọng trong tương lai, Đức Cha có dịp đến thăm các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam trên khắp Canada để chúng con có dịp khoe và “nổ” với người Canada.

Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada cũng như toàn thể Giáo Dân Công Giáo Việt Nam tại Canada xin tỏ lòng tri ân Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins của Toronto, người đã thương người Việt Nam tại Canada cách riêng qua việc tuyển chọn và đề bạt chức Giám Mục phụ tá cho Cha Vinh Sơn Hiếu. Chúng tôi xác tín rằng đây là một nghĩa cử đầy tình yêu thương nâng đỡ dành cho không những Cha Hiếu nhưng cho ba mươi lăm ngàn người Công Giáo Việt Nam tại Canada. Uớc mong tình yêu thưong nâng đỡ nầy luôn được tiếp tục và mở rộng trong tương lai. Xin chân thành tri ơn Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins.

Xin chúc mừng. Xin tạ ơn Chúa muôn ngàn đời. Xin cầu nguyện cho Đức Giám Mục tân cử Vinh Sơn Nguyễn mạnh Hiếu. Most Reverend Vincent Nguyễn, we are so proud of you!

Linh mục Phêrô Trần thế Tuyên
Chủ tịch




 
Ngày hội giới trẻ tại Giáo xứ Xóm Thuốc, Sàigòn
Maria Vũ Loan
19:08 06/11/2009
Vào lúc 17 giờ ngày 06/11/2009, giới trẻ hạt Gò Vấp đã tấp nập đổ về giáo xứ Xóm Thuốc, Sài Gòn, để dự ngày hội giới trẻ lần V, với chủ đề tình yêu gia đình.

Hình ảnh Ngày Hội Giới Trẻ

Mở đầu ngày hội là hát, cười vui với khăn quàng nhiều màu, có bong bóng xanh đỏ vàng, trong tiếng nhạc vui tươi, điệu múa tập thể và một quang cảnh nhà thờ sạch đẹp, một hệ thống âm thanh hoàn hảo.

Khi Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đi qua hàng rào danh dự là quí ông Hội Đồng Mục Vụ chỉnh tề trong đồng phục veston, để vào lòng nhà thờ, rồi tiến lên cung thánh thì quang cảnh trở nên vui tươi hơn nữa. Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Chủ thay mặt cha quản hạt và quí cha tuyên bố khai mạc ngày hội trong tiếng reo hò và tiếng nổ của bong bóng vui như tiếng pháo và hàng ngàn cánh tay giơ lên.

Chủ đề của ngày hội được chia làm ba phần rõ rệt là TÌNH YÊU GIA ĐÌNH – TÌNH YÊU LỨA ĐÔI – TÌNH YÊU THIÊN CHÚA và mở đầu là việc các bạn trẻ đặt câu hỏi với Đức Cha. Những câu hỏi đại loại như: Chúng con đã lớn, thích được tự do, nhưng cha mẹ cứ cấm điều này cản việc nọ, chúng con nên làm gì? Đức cha cười rất tươi: “Câu hỏi này khó quá vì tôi không có con. Nhưng tôi được nghe nhiều bậc cha mẹ kể lể về con mình và các bạn trẻ than thở về cha mẹ mình nên tôi nhận định thế này: Có nhiều lý do khiến cha mẹ và con cái chưa hiểu nhau. Thí dụ như tuổi tác; các bạn còn trẻ nhưng cha mẹ thì trải nghiệm trong cuộc sống nên có suy nghĩ khác nhau, nhưng xin các bạn xác tín rằng: cha mẹ thương tôi vô cùng, chỉ mong muốn cho tôi những điều tốt đẹp nhất, xuất phát từ tình yêu thương.

Và xin được nhắn nhủ các bậc làm cha mẹ rằng: tuy thương con, nhưng phải biết giúp con phát triển, tạo điều kiện để con đi đúng hướng vào đời….”

Các bạn hăng say đặt câu hỏi, Đức Cha trả lời dí dỏm, nhà thờ cứ vang dội tiếng cười, tiếng vỗ tay. Xen kẽ giữa ba tiêu đề là những hoạt cảnh, điệu múa tập luyện công phu và cả điệu hip hop được dập mạnh trên cung thánh nữa. Có thể nói, giáo xứ Xóm Thuốc và giới trẻ Gò Vấp chuẩn bị ngày hội này thật kỹ càng.

Sang tiêu đề thứ hai là tình yêu đôi lứa, tạo được tình huống rất vui vì đi vào tâm lý của các bạn trẻ.

Một loạt các câu hỏi rất thực tế của các bạn trẻ: Chúng con phải yêu như thế nào mới là tốt? Cấm quan hệ trước hôn nhân, cấm phá thai thì Giáo Hội có khắt khe quá không? Việc sống thử đối với các bạn trẻ Công giáo thì mức độ tội thế nào?

Có một số bạn trẻ đã xin được trả lời, nhưng những câu trả lời đơn sơ ấy vừa không đầy đủ lại vừa “thật” quá nên làm cả nhà thờ cười nghiêng cười ngả. Ai có tham dự mới nhận thấy chưa bao giờ ở đây có một ngày hội thân mật và vui như thế! Rồi Đức Cha đã trả lời chung cho các câu hỏi cũng rất thỏa đáng và rõ ràng: “Để giải đáp những câu hỏi nêu trên, chúng ta phải nhìn lại vấn đề Kitô giáo Công giáo có tầm nhìn như thế nào về tình dục?

Dựa vào Tin Mừng, trong quan hệ hôn nhân thì tính dục là một cái gì thật là đẹp, là một quà tặng của Thiên Chúa, tự nó không có tội; vì thế quan hệ nam nữ phải nằm trong mối tương quan là tình yêu. Quan sát một đôi bạn trẻ sống với nhau, đã là vợ chồng có cưới hỏi đàng hoàng, và hãy nhìn một thanh niên đi ra ngoài đường tìm một cô gái điếm đứng ở gốc cây (người ta gọi là người đẹp gốc cây!) thì cả hai bên đều có cùng một hành động, nhưng khác nhau ở chỗ chàng thanh niên thực hiện việc “ăn bánh trả tiền”, thỏa mãn tình dục cho cá nhân người đó, là tự dâm trên thân xác phụ nữ; còn việc ăn ở của nam nữ khi đã kết hôn trở thành ngôn ngữ của tình yêu, được liên kết với các yếu tố như chung thủy, hy sinh, chân thành…thì tính dục đã trở thành quà tặng của Thiên Chúa trong tương quan của tình yêu. Và mục đích của hôn nhân là yêu thương và sinh sản con cái.”

Sang tiêu đề thứ ba là tình yêu Thiên Chúa, các bạn trẻ có những câu hỏi liên quan đến việc dâng mình cho Chúa khá nhiều: Cha mẹ muốn con đi tu nhưng con không thích thì phải làm sao? Muốn đi tu nhưng là con cả trong gia đình nhiều anh em, còn bứt rứt trong sự lựa chọn? Một bạn đang có một người yêu xinh xinh, bỗng dưng lòng muốn đi tu thì làm sao!? Con đã có gia đình nhưng muốn làm phó tế vĩnh viễn thì đăng ký ở đâu?

“Để trả lời những câu hỏi này thì phải đi tìm ý Chúa, chú ý ba điều: thứ nhất là cầu nguyện, thứ hai là nhận định xem mình cảm nhận được ý Chúa thế nào, thứ ba là bàn hỏi với người có kinh nghiệm; tức là dò tìm thánh ý Chúa, một thánh ý luôn luôn muốn chúng ta được hạnh phúc. Còn ở Việt Nam, vì còn nhiều linh mục làm việc nên chưa cần lắm đến phó tế vĩnh viễn đang sống đời hôn nhân, thôi thì các bạn chờ nhé!”

Một bạn trẻ hỏi thêm một câu “bao chót” rất vui: Tại sao cha mẹ cứ bắt phải đọc kinh đi lễ? Đức Cha trả lời cũng vui rằng: “Bạn yêu một cô gái đẹp mà cứ để trong lòng, không nói ra, không tặng hoa, không thường xuyên gặp gỡ…thì chán chết! Chúa cũng vậy thôi! Yêu Chúa phải cầu nguyện đọc kinh, đến nhà thờ…Vậy nhân đức là một thói quen tốt, cần tập luyện nhiều ngày.”

Lại hát và diễn kịch, những vở kịch ý nghĩa của tình mẹ, của lòng cha. Hay nhất là hoạt cảnh một bạn trẻ mới lớn được Chúa Giêsu yêu thương dìu dắt trên mọi nẻo đường, mọi công việc nhưng bị chàng trai xấu rủ rê yêu đương, cháng trai khác dùng tiền cám dỗ, bạn gái xấu lôi kéo vào rượu chè be bét và sau cùng tiến gần đến thần chết bằng việc hút chích xì-ke…nhưng Chúa yêu thương, chịu giằng xé để giành lại bạn trẻ ấy một cách mãnh liệt, thật cảm động về tình Chúa yêu thương.

Trước khi thánh lễ được cử hành do Đức giám mục và quí cha trong hạt đồng tế, hàng ngàn bạn trẻ ấy đã cùng cầu nguyện trong bóng đêm mờ ảo, chỉ có khuôn mặt Chúa Giêsu là sáng lên từ từ. Thật là đẹp!

Ngày hội giới trẻ của hạt Gò Vấp thật hoành tráng, tưng bừng, trật tự trong niềm vui, hân hoan và thánh thiêng. Quả là một đêm tuyệt vời!
 
Người chết nối linh thiêng vào đời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:02 06/11/2009
Hàng năm, theo truyền thống, ngày 5 tháng 11, linh mục đoàn Gíao phận Phan thiết đến kính viếng Nghĩa trang Linh mục thuộc giáo xứ Vinh an, và dâng lễ cầu nguyện cho các ngài.

Hình ảnh thánh lễ

Đức Cha Giuse Vũ Thống chủ sự giờ kinh nguyện trước phần mộ các ngài. Đông đủ linh mục đoàn cùng các tu sĩ, thân nhân và bà con giáo dân hiệp thông tưởng niệm. Không gian tĩnh mịch, trầm lắng và thánh thiện. Cảnh vắng lặng của một thế giới an bình. Khói hương quyện bay trên các phần mộ. Nhớ về các linh mục đã khuất bóng.Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà soi vào trí nhớ gợi lại bao thân thương, bao trìu mến.

Từ nghĩa trang, đoàn rước tiến vào Nhà thờ hiệp dâng thánh lễ.

Đức cha Giuse nói đến ba dịp trong năm quy tụ linh mục đoàn đông đủ. Ngày thứ năm tuần thánh, linh mục đoàn hiệp nhất trong chức linh mục. Tĩnh tâm năm, hiệp hnất trong thinh lặng thánh, hiệp thông hội thảo mục vụ và tháng 11 ngày lễ cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Ngày lễ hôm nay biểu lộ đức tin sống động. Niềm tin vào sự sống đời đời, tin mầu nhiệm các thánh cùng thông công và tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sau thánh lễ, Đức cha chia sẽ thông tin và thông báo các vấn đề mục vụ. Cơm trưa nghĩ ngơi, linh mục đoàn về Nhà thờ Thanh Xuân dâng lễ an táng bà cố Anna, mẹ Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu, thư ký TGM Phan thiết.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Giuse suy niệm Tin mừng Ga 17, 4-8, và ca ngợi công đức người mẹ của linh mục.

Ngày hôm nay, các linh mục trong giáo phận đã có một dịp tốt để thể hiện mầu nhiệm hiệp thông bằng thánh lễ ban sáng cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời. Buổi chiều có sự diện của hai Giám mục, gần trăm Linh mục, đông đảo Chủng sinh, Tu sĩ, tang quyến và cộng đoàn.

Tình thương hiệp thông ấy đem lại niềm an ủi cho tang quyến. Lời nguyện cầu của Chúa Giêsu trở thành lời hy vọng cho cộng đoàn tham dự thánh lễ chiều nay. “Con muốn rằng con ở đâu thì những kẻ thuộc về con cũng sẽ ở đó với con”. Bà cố Anna trong suốt hành trình dương thế đã chu toàn mọi phận vụ của người tín hữu. Bà đã dâng cho Chúa một thành viên ưu tú trong gia đình mình. Đây là chính là một đóng góp lớn cho giáo hội. Cùng với các linh mục đồng tế trong thánh lễ chiều nay như là một lời cảm ơn gởi đến bà cố Anna. Và cũng để nói lên niền vui, niềm an ủi cùng với gia đình là tất cả những đóng góp, những hy sinh trong cuộc sống cho giáo hội đều được Thiên Chúa đón nhận và chuẩn bị cho những bước đường tương lai hành hương về quê trời.

Khi nói về cái chết của mình Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói: Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. Cái chết như vậy có nghĩa là một sự hội ngộ khiến chúng ta đựoc quy tụ về với đấng đã sinh thành ra mình. Đây là một cuộc trở về nhà cha thật sự.

Bà Cố Anna đã ra đi, bà đã hoàn thành cuộc đời trong tuổi thọ đáng kính 93 tuổi. Cuộc sống đạo đức tốt lành của bà như là một sự dọn mình chết lành, luôn sẵn sàng, Chúa có thể gọi bất cứ lúc nào. Vì thế bà cố đã ra đi bình an thư thái. Bà chết trong Chúa như lời sách Khải huyền đã nói: ngay từ bây giờ, phùc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ(Kh 14,13).

Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

Bà cố khởi đầu một hành trình mới về nhà cha. Nói theo ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn, bà cố đã bắt đầu một cõi đi về: vừa tàn mùa xuân rồi vào mùa hạ, rọi xuống trăm năm một cõi đi về. Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi không còn ở lại, còn tình yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hình bóng con người. Những người thân trong tang quyến, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của bà vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà.

Bà cố ra đi trong ơn nghĩa Chúa, trong niềm thương nhớ của gia đình, của giáo xứ.

Người Việt Nam sống chết đều gắn bó với quê hương, vì lá rụng về cội. Khi sinh ra cái nhau của ta được chôn nơi sân trong vườn nhà mình, có khi là dưới viên đá lát lối đi. Khi ta chết, ta cũng muốn được chết tại quê hương, được chôn cất trong đất của tổ tiên, đất Thánh. Quê hương là đất nước là nơi chôn nhau cắt rốn, vì vậy người Việt nam suốt đời gắn bó với quê hương, với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Thi sĩ Chế Lan Viên đã viết về mãnh đất quê hương ấy qua hai câu thơ ý nghĩa:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
.

Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa bà ra đi về nhà Cha, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Chúng ta tin rằng bà cố đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa Quang Lâm. Và chúng ta có thể hát lên với Ông Gióp: tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế, từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.

Lễ cầu cho các linh mục đã qua đời và Lễ tang chiều nay cho mẹ một linh mục, như nối linh thiêng vào đời. Nụ cười người ra đi luôn nở trên môi. Lời nguyện cầu của cộng đoàn là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Đấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận và dẫn đưa con cái Chúa về dự tiệc vui muôn đời.
 
Linh mục đoàn 3 giáo phận Bắc Ninh, Thanh Hóa và Phát Diệm tĩnh tâm thường niên 2009
Phát Diệm
23:19 06/11/2009
PHÁT DIỆM - Tại Tòa Giám mục Phát Diệm, từ 03 đến 07 – 11-2009, linh mục đoàn 3 giáo phận Bắc Ninh, Thanh Hóa và Phát Diệm (161 linh mục và phó tế) đã tham dự tuần tĩnh tâm thường niên. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, trưởng ban tổ chức, lo thiết kế chương trình. Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh giảng tĩnh tâm. Với sự đón tiếp và lo liệu tận tình của Đức Cha Phát Diệm, Giuse Nguyễn Năng, linh mục đoàn 3 giáo phận đã thực sự có tuần tĩnh tâm bổ ích và đầy ý nghĩa.

Hình ảnh tĩnh tâm linh mục

Theo lộ trình cuốn Lời Hứa Ban Sự Sống của tác giả Timothy Radcliffe OP, Đức cha giảng phòng đã giúp các tĩnh tâm viên khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, đơn giản mà thiết thực trong hành trình đời linh mục. Ơn gọi linh mục quả là kho tàng linh thánh và cao quý mà Thiên Chúa thương ban cho nhân loại. Thế nhưng, kho tàng ấy lại được gửi gắm nơi những phàm nhân, những con người linh mục bất toàn, tựa những chiếc bình sành mỏng manh dễ tan và dễ vỡ. Điều bất toàn nơi con người tôi, nơi công việc, cách hành xử, nơi cộng đoàn, nơi xã hội tôi đang sống là gì? Nhận diện bản thân, khám phá những dấu chỉ thời đại để có những giải pháp hữu hiệu vươn tới Thiên Chúa trong tác vụ linh mục phải luôn là trăn trở và kiên tâm thực hành mỗi ngày của từng linh mục; qua việc trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa (Lectio Divina), xét mình mỗi ngày và xưng tội mỗi tháng, liên đới với anh em linh mục trong việc xây dựng và mở mang Nước Chúa…

Trong các giờ Hội thảo mục vụ, ba Đức cha đã nhịp nhàng giới thiệu ý nghĩa và việc cử hành năm thánh 2010. Cùng với với ý kiến đớng góp của linh mục đoàn, các ngài cũng chỉ ra những nguy cơ đang đe dọa đời sống linh mục Việt Nam, những cơ may và những mối tương quan cần đặt lại.

Ngoài những giờ sinh hoạt chung 3 giáo phận, mỗi giáo phận có những giờ sinh hoạt riêng cho giáo phận mình, cùng trao đổi những ưu khuyết năm qua và định hướng mục vụ cho tương lai.

Hơn nữa, trong tinh thần hiệp thông và chia sẻ, mỗi linh mục đã đóng góp 3 ý lễ để trợ giúp nạn nhân cơn bão số 11 nơi hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Tâm hồn linh mục được mở rộng với Chúa và với anh chị em.

Tuần tĩnh tâm năm nay thật đẹp; đẹp bởi trời thu mát mẻ với cái heo may nắng vàng miền Bắc; đẹp bởi con người linh mục được thực sự đặt mình trước Thiên Chúa và sứ mạng tông đồ; đẹp bởi tình hiệp thông huynh đệ giữa linh mục đoàn 3 giáo phận; và đẹp bởi sự gần gũi, thân thương, cùng sẻ chia mọi công việc, từ những việc dọn bàn ăn, rửa bát… của các Đức cha chủ chăn 3 giáo phận.

Rồi đây, trên cánh đồng của 3 giáo phận lại rộn rã những bước chân, lại vang vang lời loan báo Tin mừng của 161 tông đồ với bầu nhiệt huyết và con tim đã vui trở lại. Một mùa bội thu đầy hứa hẹn!
 
Thông Báo
Phát hành sách Đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina.
Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
16:48 06/11/2009
Nhóm Phiên Dịch

CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ


58/1 Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3

Thành phố HỒ CHÍ MINH

Tel: 08 3820 3514

Fax: 08 3820 5541

E-mail: pascaltinh@gmail.com

THÔNG BÁO



NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

xin trân trọng thông báo



Nhân kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ vừa hoàn thành tập sách Đọc Tin Mừng Chúa nhật theo Lectio Divina – Năm C. Sách dày 172 trang, khổ 14,2 x 20,3 cm, giấy fort Indo 2 màu, bìa couché 4 màu, giá 20.000 đồng/cuốn. Sẽ phát hành vào trung tuần tháng 11 này.

Tp. HCM, ngày 06 tháng 11 năm 2009

Tm. Nhóm Phiên Dịch

Thường trực Ban Điều Hành
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Thu
Joseph Ngọc Phạm
23:06 06/11/2009

LÁ THU



Ảnh của Joseph Ngọc Phạm.

Trong trí nhớ mùa thu vàng chốn cũ

Chiều nay đứng dưới hàng phong rực rỡ

Mà ngỡ rưng rưng màu huyết phượng năm nào. ...

(Trích thơ của Hoàng Xuân Sơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền