Ngày 29-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chiều kích vô cùng
Lm. Minh Anh
02:45 29/11/2021
CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG
“Các dân nước sẽ đổ về đó!”.

Trong cuốn “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào một con người hơn là một sản phẩm! Người ấy như một bảng chỉ dẫn; không quan trọng già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần nó chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng của Chúa Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi dân, mọi nước. Bàn tiệc Lời Chúa của Mùa Vọng cống hiến những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia và Matthêu mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã đến giữa loài người, với tư cách một con người; ‘một chồi lộc Đavít’ được sinh ra trong khung cảnh tăm tối của Bêlem, rồi đây sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân!

Isaia nói đến “Núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”. Ở Cận Đông cổ đại, các ngọn núi được coi là nơi sinh sống của bậc thần linh. Isaia nghĩ đến núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc từ khắp nơi tuôn về để tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa. Mùa Vọng, mùa chúng ta nghĩ đến đền thờ của giao ước mới, Đền Thờ Giêsu; Ngài đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Đền Thờ Giêsu, qua nhiều thế kỷ, các quốc gia và các dân tộc với con số vô ngần đã tìm về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’ người, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó!

Sau khi các môn đệ của Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ Giêrusalem, Tin Mừng đã loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên cương, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn. Và thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ, Đền Thờ chính là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp yêu thương và hoà bình, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, một thông điệp được lắng nghe nhưng cần được lắng nghe nhiều hơn nữa! Là Kitô hữu, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để mang Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài cho bao người chưa nhận biết ơn cứu độ. Để làm điều đó cách hiệu quả, chúng ta cần đón nhận Ngài, mời Ngài vào nhà mình và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn; nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; để cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!

Tin Mừng hôm nay nói đến việc mời Chúa Giêsu vào nhà của viên đại đội trưởng, một người thuộc dân ngoại, khi ông cầu xin Ngài chữa lành cho đứa đầy tớ. Trước niềm tin của ông, Chúa Giêsu sững sờ, “Nghe vậy, Ngài ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Ngài, “Quả thật, Tôi bảo các ông, Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời””. Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc của Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương đông, phương tây vốn sẽ nói lên ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ!

Anh Chị em,

“Nhân chứng như một bảng hướng dẫn, chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến, sống, và hoạt động giữa chúng ta, là thông điệp trọng tâm của lễ Giáng Sinh mà chúng ta phải chỉ cho người khác. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta coi lại sự hiện diện của Ngài trong trái tim mình! Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, viên đại đội trưởng vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ đến nhà ông mà còn vào trong lòng ông; vì vào nhà mà không vào lòng cũng bằng không. Ngài đã từng vào nhà một người biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một nơi để gối đầu!”. Thế nhưng, một khi đã đầy ắp Ngài, chúng ta được cứu độ, và ra đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để cách sống của con khiến Tin Mừng bị mai một; cho con trở thành chứng nhân, để khi nhìn vào con, mọi người nhìn thấy một ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 30/11- Môi giới nước Trời. Kính Thánh Anrê Tông Đồ. Thầy Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:04 29/11/2021

PHÚC ÂM: Mt 4, 18-22

“Các ông bỏ lưới mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.
 
Không Chờ Con Khóc
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:36 29/11/2021
Không Chờ Con Khóc

Thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa vọng – Is 25,6-10a; Mt 15,29-37

Đến trần gian này, sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là mạc khải chân dung cũng như thánh ý của Đấng Toàn Năng. Chân dung Đấng Toàn Năng là Cha đầy lòng thương xót đã được tỏ bày qua lời giảng dạy của Chúa Kitô và nhất là qua cuộc đời của Người, các hoạt động, cung cách hành xử và đỉnh cao là cuộc tử nạn phục sinh của Người.

Bài Tin Mừng ngày thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa Vọng mà Giáo hội cho trích đọc giúp chúng ta thấy được hình ảnh Đấng Toàn Năng đầy lòng thương xót qua tấm lòng cũng như hành động của Đấng làm người, Giêsu Kitô. Thánh sử Luca tường thuật sau khi rời khỏi miền Tia và Xiđon thì Chúa Giêsu lên núi và ngồi xuống (x.Mt 15,29). Người ngồi xuống để rao giảng với tư cách một vị thầy dạy chân lý. Và khi đám đông dân chúng đem theo những kẻ què quặt, đui mù tàn tật, câm điếc và nhiều thứ bệnh khác đặt dưới chân Người thì Người thể hiện là một vị lương y lành nghề đã chữa cho tất cả được khỏi bệnh.

Tuy nhiên điều khiến chúng ta phải kinh ngạc đó là sau ba ngày sống với đám đông dân chúng như là vị thầy dạy chân lý, vị thầy thuốc lành nghề, thì Chúa Giêsu lại chạnh lòng thương trước rất nhiều cái “bao tử” đang cồn cào của đám đông. Không chờ con khóc mà mẹ vẫn biết nhu cầu của con để đáp ứng thì mới đúng là từ mẫu. Không chờ đám đông khẩn xin như họ đã xin chữa bệnh, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước chăm lo nhu cầu thiết thực của đám đông lúc bấy giờ. Người nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Và Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để ban cho đám đông no nê từ bảy chiếc bánh và ít con cá nhỏ được hóa ra nhiều. Lời Ngôn sứ Isaia xưa nói về bữa tiệc cánh chung nay đã được Chúa Giêsu hiện thực hóa. “Ngày ấy trên núi này, Thiên Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc đầy thịt béo và rượu ngon..”(Is 25,61 tt).

Thánh Gioan Tông đồ nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta" (1Ga 4,10). Và Ngài nói tiếp: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Và đây là một trong những thánh ý Thiên Chúa được tỏ bày qua lời của Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong lần thứ nhất Người hóa bánh ra nhiều: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Đi bước trước để phục vụ tha nhân đó mới chính là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tuy nhiên để có thể sống như thế thì tiên vàn chúng ta phải biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân. Có tấm lòng và sự gắn bó thiết thân thì mới có thể nhận ra anh chị em quanh chúng ta, những người đang sống với chúng ta đang có nhu cầu gì về vật chất cũng như tinh thần, về thể lý cũng như tâm linh. Với hàng mục tử thì Đức Phanxicô có kiểu nói là hãy nhuốm mùi chiên. Với thân phận con chiên thì cũng nên có chút tấm lòng mục tử và dĩ nhiên là có sự tri âm, tri kỷ cách nào đó với chiên cùng đàn cũng như chiên ngoài đàn. Thiết tưởng rằng dù trong vai vị nào thì không gì hơn hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, Đấng vừa là mục tử nhân lành vừa là con chiên ngoan hiền gánh tội trần gian (x.Ga 1,29; 10,11).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 29/11/2021

77. Phàm nhìn theo cách nhìn của thế tục thì thấy mình là người thông thái khôn ngoan, nhưng trong mắt của Thiên Chúa thì là người ngu ngốc ngông cuồng.

(Thánh Isidore)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 29/11/2021
24. KHÓC NHẦM BỊ ĐÁNH

Có một tên lưu manh đến đâu cũng nói dối để được ăn.

Một hôm, ngẫu nhiên đi ngang qua chỗ một gia đình có tang, nên phấn khởi nói:

- “Có cách rồi”.

Bèn đi đến trước linh đường khóc hu hu.

Không ai biết hắn ta là ai, hắn ta nói:

- “Tôi và lão ông đây kết giao rất tốt, mấy tháng không gặp thì đã quy tiên rồi ! Hồi nãy tôi gõ cổng mới biết được, cho nên ngay cả đồ cúng tế cũng không kịp mua, nên đến khóc trước để bày tỏ tình cảm của tôi”.

Người nhà tang rất cảm động, bèn mời hắn ta ăn uống một bữa no nê.

Tên lưu manh ăn xong thì về nhà, trên đường gặp một người quen rất nghèo, người ấy nghe chuyện hậu hĩnh như vậy thì vội vàng nói thật kỳ diệu.

Ngày hôm sau, người nghèo ấy cũng học cách đi tìm nhà tang, vừa đi vào nhà thì lớn tiếng khóc, người nhà này hỏi anh ta, anh ta cũng nói:

- “Trước đây người chết này và tôi có quan hệ với nhau rất tôt”.

Không ngờ vừa nói xong, thì một nắm tay đã bay đánh vào mặt anh ta rất mạnh. Thì ra người chết của nhà này là cô dâu còn rất trẻ.

(Tiếu Đảo)

Suy tư 24:

Thời nay, chữ “quan hệ” được người ta dùng khá nhiều: quan hệ bạn bè, quan hệ tình yêu, quan hệ giới tính, quan hệ vợ chồng, quan hệ làm ăn, quan hệ xác thịt, quan hệ mập mờ, quan hệ trong sáng, quan hệ tình cảm.v.v...

Tất cả những quan hệ trên đây đều ngắn ngủi, đều như gió thổi mây bay và thường đem lại đau khổ cho nhau.

Qua bí tích Rửa Tội mà người Ki-tô hữu có quan hệ rất gần gũi mật thiết với Thiên Chúa, sự quan hệ này làm cho người Ki-tô hữu được thông phần hạnh phúc với Người, được chia sẻ những đau khổ và sự phục sinh với Đức Chúa Giê-su, được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, và nhất là được hưởng phần gia nghiệp Nước Trời với Thiên Chúa khi kết thúc từ giã cuộc đời này.

Mối quan hệ này làm cho con người chỉ kém thiên thần một chút thôi (Tv 8, 6), bởi vì nó được bảo đảm bằng sự chết và sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô.

Mối quan hệ này chỉ bị cắt đứt khi chúng ta nhận cái xác chết -ma quỷ- làm người thân quen của mình mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuse
Thầy Phêrô Nguyễn Thái Ánh, O.P.
20:05 29/11/2021
















 
Trải nghiệm buông bỏ
Lm. Minh Anh
23:06 29/11/2021
TRẢI NGHIỆM BUÔNG BỎ

“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”.

Năm 1986, Elie Wiesel, một ‘sứ giả’ sống sót từ trại Auschwitz, được trao giải Nobel Hoà Bình. Tiếc thay! Tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm giải thoát trại tử thần này, ông đã cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, dù biết rằng, Chúa giàu lòng thương xót; nhưng xin Chúa đừng xót thương những người đã tạo ra nơi này!”. Ôi, lẽ ra, ông phải cầu xin điều ngược lại! Nelson Mandela nói, “Nếu còn thù hận, khác nào tôi đang ở trong tù!”. Elie Wiesel không có một ‘trải nghiệm buông bỏ!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Trải nghiệm đi theo Chúa Giêsu, nên giống Ngài, là một ‘trải nghiệm buông bỏ’. Elie Wiesel không có trải nghiệm đó, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu thì có. Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê hôm nay cho thấy điều đó. Trở thành Kitô hữu, là trở thành một người buông bỏ, một người tự do!

Tin Mừng tường thuật ơn gọi đi theo Chúa Giêsu của bốn môn đệ tiên khởi. Ngài bảo các ông, “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”. Lập tức, họ bỏ chài, bỏ cha mà đi theo Ngài! Đây là cách thức Matthêu kể lại lần gặp đầu tiên của Chúa Giêsu với những con người rồi đây, sẽ trở nên những đầu tàu. Điều đánh động nhất trong hai cuộc gặp gỡ ấy là tính đơn sơ đến ngạc nhiên của chúng; Ngài thấy, Ngài gọi, họ đi theo Ngài. Thế thôi! Họ đã bỏ lại sự an toàn, phương tiện kiếm sống và thậm chí, cả gia đình; họ tin tưởng bước theo một người có tên Giêsu, dù không biết Ngài sẽ đi đâu và điều gì sẽ xảy đến. Tuy nhiên, câu chuyện mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế; bởi lẽ, về sau, họ sẽ có dịp trở lại ghe thuyền, sẽ đánh cá và thăm gia đình. Rất sớm, Phêrô đã nhờ Thầy chữa bà mẹ vợ cho khỏi cơn sốt. Vì thế, điều quan trọng không chỉ là những hành vi bên ngoài, nhưng là thái độ bên trong; họ có thể sử dụng mọi thứ một cách tự do, không lệ thuộc, không đeo bám; và đây là một ‘trải nghiệm buông bỏ!’.

Với Tin Mừng Gioan, cuộc gọi này có nhiều ý nghĩa hơn! Anrê được Chúa Giêsu gọi trực tiếp; đang khi Phêrô, em ông, được gọi qua Anrê, người đưa ông đến gặp Ngài. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này, là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng”. Thông thường, một người thấp kém hơn có thể là công cụ để Thiên Chúa kêu gọi một ai đó làm những việc lớn lao cho Ngài. Đây cũng là một ‘trải nghiệm buông bỏ’ ở một cấp độ cao hơn! Anrê được mời gọi hưởng nhận “Kho Báu Thiêng Liêng”, “Đấng Messia”, trở nên tông đồ của Ngài, không phải vì Anrê ‘là gì’ hay ‘có gì’; mọi sự do tình yêu Ngài dành cho Anrê. Như vậy, không ai có thể cậy mình, tự cao tự đại trước Ngài.

Ý tưởng ‘trải nghiệm buông bỏ’ cũng được tìm thấy trong thư Rôma hôm nay. Phaolô nhấn mạnh sự cấp thiết phải loan báo Tin Mừng, “Người ta kêu cầu thế nào được với Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin được Đấng mà họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế nào được, nếu không được ai sai đi?”. Đúng vậy, nếu từ đầu, Thiên Chúa mặc khải tất cả cho mọi người, chắc Ngài không cần đến ai! Có lẽ, sẽ không có các tông đồ, để “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu” như lời Thánh Vịnh đáp ca! Chính thế giới không tin là tác nhân quan trọng, mà các tông đồ và chúng ta được kêu gọi và được sai đi!

Anh Chị em,

“Hãy theo Tôi!”. Đi theo Chúa Giêsu là một hành trình liên lỉ chọn lại Ngài. Ngài phải được đặt lên trên hết tất cả mọi chọn lựa, cân nhắc, hơn thua của chúng ta. Điều này đồng nghĩa với việc phải liên tục ‘trải nghiệm buông bỏ’ những gì không phải là Giêsu, cũng như những gì không phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Câu chuyện ơn gọi của Anrê khá thích hợp cho những ngày đầu của Mùa Vọng; bởi lẽ, Mùa Vọng là mùa nghe Chúa Giêsu gọi chúng ta một lần nữa. Nó phải là một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới mẻ đối với mỗi người. Hãy dâng mình hoàn toàn cho kế hoạch và mục đích thiêng liêng của Thiên Chúa. Câu trả lời của chúng ta đầu Mùa Vọng, phải như Anrê; không do dự, bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ bất cứ điều gì và mọi thứ ngăn cản chúng ta đáp lại tiếng Ngài; nó có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu muốn và sẵn sàng làm điều đó ngay khi Ngài yêu cầu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã gọi và tiếp tục gọi con trong Mùa Vọng này, xin cho con biết sống ‘trải nghiệm buông bỏ’ như Anrê. Cho con thấy điều Chúa muốn, và can đảm chu toàn, bất kể giá nào!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Biến thể Omicron khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải hủy chuyến viếng thăm quảng trường Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12
Đặng Tự Do
05:37 29/11/2021


Chính quyền Ý cho biết chủng Covid mới đã tràn vào Ý. Trong bối cảnh này, để tránh các cuộc tụ tập và nguy cơ lây lan, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không thực hiện nghi lễ truyền thống trước công chúng tại các quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12, tới đây, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Thay vào đó, ngài sẽ thực hiện một “hành động sùng kính riêng tư”, thông báo của văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên vào ngày 27 tháng 11.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch. Sáng 27 tháng 11, bệnh nhân đầu tiên có biến thể Omicron đã được xác nhận ở Ý.

Do đó, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện một mình với Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sẽ kêu cầu Mẹ “bảo vệ những người Rôma, thành phố mà họ đang sống và những người bệnh tật cần sự bảo vệ của Đức Mẹ trên khắp thế giới.”

Tuy nhiên, thông cáo báo chí không nêu rõ nơi diễn ra hành động sùng kính này là ở đâu.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2020, trước tình hình đại dịch coronavirus nguy ngập, Đức Thánh Cha cũng đã hủy bỏ việc tham dự sự kiện công cộng.

Nhưng cuối cùng, dưới cơn mưa tầm tã vào sáng sớm hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trung tâm thành phố Rôma để lặng lẽ kính viếng Mẹ Maria Vô nhiễm. Ở đó, Đức Thánh Cha đã giao phó thành phố và thế giới cho sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Maria.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Vào lúc 7 giờ sáng nay, Lễ trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha, để thực hiện một hành động kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong lặng lẽ.

Vào lúc có chút ánh sáng đầu tiên của bình minh, dưới cơn mưa, ngài đã đặt một bó hoa hồng trắng ở chân cột đài Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha, sau đó, cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Rôma và các cư dân của thành này, giao phó cho Mẹ tất cả những người trong thành phố và trên thế giới đang đau khổ vì bệnh tật và chán nản.

Rời quảng trường Tây Ban Nha vài phút trước 7:15 sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma và cử hành thánh lễ trong Nhà nguyện Chúa Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả nơi gìn giữ di tích thiêng liêng từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở về Vatican.

Việc tôn kính trong lặng lẽ này tại cột đài Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha đã diễn ra thay cho buổi lễ của Đức Thánh Cha với các tín hữu của Rôma tại tượng Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha, để tránh việc tụ tập đông đảo khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID19.

Truyền thống các chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới quảng trường Tây Ban Nha, diễn ra vào ngày 8 tháng 12 hàng năm nhân lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, chưa bao giờ bị gián đoạn kể từ khi được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 khởi xướng. Thông thường, hành động sùng kính này diễn ra vào cuối ngày, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Rôma.

Đức Giáo Hoàng thường đi trước các vị đại diện của các thành phần khác nhau của xã hội Rôma. Theo phong tục, những người lính cứu hỏa sử dụng thang của họ để đặt một vòng hoa lên cánh tay của bức tượng Đức Mẹ Maria.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ quốc gia và một ngày lễ ở Ý kể từ năm 1854. Nó được thiết lập theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9.
Source:Aleteia
 
9 linh mục Brazil tự kết liễu cuộc sống gây lo ngại cho Hội Đồng Giám Mục
Đặng Tự Do
16:48 29/11/2021


Trong một diễn biến quá đỗi đau lòng, ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát từ đầu năm đến nay. Tờ Crux có bài tường thuật nhan đề “Number of priest suicides causing concern in Brazilian Church”, nghĩa là “Số các linh mục tự tử gây lo ngại cho Giáo Hội tại Brazil”.

SÃO PAULO - Ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát vào năm 2021, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tâm thần của các giáo sĩ ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trong số các yếu tố chính có thể dẫn đến tự tử là chứng trầm cảm trong công việc và hội chứng kiệt sức; các linh mục cũng phải đối diện với khối lượng công việc quá mức và một nền văn hóa thể chế mà nhiều khi có thể gây ra sự cô đơn.

Một yếu tố khác dường như được kết nối với phản ứng mạnh mẽ và hấp tấp của Giáo hội trong các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng và quấy rối tình dục. Lo sợ các tai tiếng trên mạng xã hội, một số linh mục – bất kể có tội hay không – xem ra đang gặp khó khăn trong việc đối phó với các giao thức mới của Giáo hội.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 7 tháng 11, khi Cha José Alves de Carvalho, 43 tuổi, được tìm thấy đã chết tại nhà xứ ở thành phố Bom Jesus, bang Piauí. Cha De Carvalho gần đây đã bị buộc tội lạm dụng một cô gái 14 tuổi, dẫn đến việc bị tạm đình chỉ ad cautelam, nghĩa là “như một biện pháp phòng ngừa”. Sau khi quyết định tạm đình chỉ này được đưa ra, một ngày sau, ngài tự sát.

Cách thức quản lý của hàng giáo phẩm bị cáo buộc là kém cỏi trong các trường hợp như trường hợp của Cha De Carvalho đã bị chỉ trích gay gắt trong một bài viết bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội sau khi ngài qua đời. Bài viết này được cho là của một linh mục nào đó tên là “Cha Simeão”, trong đó, trọng tâm của thông điệp là các linh mục nên yêu chính bản thân mình hơn là Giáo hội.

Cha Simeão viết: “Thưa anh em, bất kỳ linh mục nào cũng có thể gặp phải tình huống như thế. Một lời tố cáo, ngay cả khi không có bất kỳ bằng chứng nào, khi được gửi đến một giám mục giáo phận đều có thể gây ra án treo tương tự như đối với Cha José”. Bài viết được chia sẻ bởi hàng chục thành viên giáo sĩ và giáo dân.

Bài viết nhận xét tiếp rằng:

“Tôi nghĩ về những người anh em tôi đã gặp, những người đã bị đình chỉ và không thể làm được gì. Những người anh em đã và đang luôn vô tội”.

Tác giả nói rằng cấu trúc của Giáo hội Brazil không có “thời gian cũng như ưu tiên việc chăm sóc các linh mục” và đề cập đến một số khó khăn mà các thành viên trong hàng giáo phẩm phải đối mặt.

Bài báo nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những doanh nhân và những nhân viên trong chiếc áo chùng thâm. Yêu Giáo Hội thôi chưa đủ. Điều đó không đủ để giúp chúng ta sống sót khi đối mặt với rất nhiều thử thách liên quan đến các linh mục mà thời đại hiện nay đang đặt ra cho chúng ta. Điều tốt nhất mà Giáo hội có thể làm là cầu nguyện cho chúng ta. Giáo Hội hiếm khi nâng đỡ chúng ta, hiếm khi lắng nghe chúng ta, không biết cách chăm sóc, không có thời gian để yêu thương”

Cha Lício Vale, một nhà tâm lý học và chuyên gia về tự tử, cho biết một số linh mục dường như đang mắc phải chứng bệnh giống như “chứng hoang tưởng đang bị săn lùng”, vì Giáo hội đưa ra lập trường nghiêm khắc liên quan đến việc trừng phạt những kẻ lạm dụng.

Ông nói với Crux: “Tôi nghĩ rằng Giáo hội đang trải qua một quá trình thích ứng. Từ một nền văn hóa không trừng phạt những kẻ bạo hành, Giáo Hội đang chuyển sang một thể chế hoàn toàn khắc nghiệt. Đó là một quá trình quan trọng, để bảo đảm người phạm tội phải bị trừng phạt. Nhưng các linh mục đã bị buộc tội sai phải được bồi thường - bao gồm cả việc đền bù công khai”.

Vale nói thêm rằng nỗi sợ hãi về việc bị công chúng làm ô nhục dường như đang khiến một số giáo sĩ tuyệt vọng.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm đạt được sự cân bằng. Cho đến lúc đó, điều chúng ta thực sự nên làm là xác định xu hướng lạm dụng trong những năm đào tạo ban đầu. Trong bối cảnh chúng ta thiếu linh mục, những vấn đề như vậy nhiều lần bị bỏ qua. Nhưng sớm muộn gì chúng cũng sẽ xuất hiện.”

Trên thực tế, theo Vale, các yếu tố chính hiện đang dẫn các linh mục đến tình trạng đau khổ về tinh thần phải được giải quyết trong thời gian học ở chủng viện.

“Các linh mục và chủng sinh trẻ là thành quả của một thời đại tập trung vào cái tôi của mình và việc theo đuổi thành công không kiềm chế. Não trạng chạy theo sự nghiệp hiện ở khắp mọi nơi. Các chủng viện và giám mục Brazil phải xem xét lại việc đào tạo các linh mục, và làm nổi bật tình huynh đệ thay vì sự cạnh tranh”

Mô hình giáo dục và sứ vụ linh mục của những người muốn thăng tiến trong sự nghiệp tạo ra những khó khăn trong việc thiết lập cuộc sống hàng ngày dựa trên sự hiệp thông với những người khác, với các linh mục hoặc giáo dân của một giáo xứ.

Vale nói thêm :”Nó cũng cản trở một linh mục tiếp cận với chiều kích tự lực”.

Khi hoàn toàn tập trung vào các nhiệm vụ thường xuyên của mình, linh mục quên chăm sóc tâm linh cho chính mình, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần, và đời sống cộng đồng của mình.

“Các triệu chứng của hội chứng kiệt sức và chán nản công việc bao gồm buồn bã và mệt mỏi liên tục, trì hoãn, mất ngủ và khó làm việc. Chúng ta có thể dễ dàng xác định những vấn đề như vậy giữa nhiều linh mục”.

Theo ý kiến của nhà tâm lý học Ênio Pinto, người đã làm việc với các linh mục trong nhiều thập kỷ, hầu hết các chủng viện ngày nay đều có các chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhưng đôi khi họ thiếu các thông số khoa học cần thiết để thực sự giúp đỡ các chủng sinh trong quá trình đào tạo của họ.

“Giáo hội phải phát triển một quan điểm phê phán hơn về sức khỏe tâm thần. Nhiều lần, Giáo Hội hiểu một cách ngây thơ về những vấn đề như vậy, bao gồm cả tiêu chí để quyết định cử một linh mục đi tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.”

Đức Cha Joel Portella Amado, Giám Mục Phụ Tá của Rio de Janeiro, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, đã theo dõi các trường hợp tự tử của các linh mục. Ngài nói rằng Giáo hội cần phải suy nghĩ lại về cách thức sứ vụ linh mục được cảm nhận.

“Nếu hình ảnh của vị linh mục là một Siêu Nhân có thể hữu ích trong quá khứ, thì bây giờ không còn như thế nữa.”

Theo Đức Cha Amado, những vụ tự sát của các linh mục là một phần của cuộc khủng hoảng lớn hơn trong xã hội Brazil, “nơi chúng tôi đang trải qua vô số thất vọng, thiếu các điểm tham chiếu và khả năng hiện thực hóa.”

Ngài nhấn mạnh rằng mỗi linh mục phải là một phần của một “cộng đồng tư tế được đào tạo”.

“Các linh mục cần học cách sống và chia sẻ với cộng đồng của mình. Nhiều người có ý kiến rằng sứ vụ linh mục ngụ ý sự cô đơn, nhưng đó là một sai lầm”.
Source:Crux
 
Đức Ông Stephen Rossetti: Ma quỷ tấn công chức linh mục
Đặng Tự Do
16:49 29/11/2021


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #165: Priesthood Under Attack”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 165. Ma quỷ tấn công chức linh mục”.

Một linh mục đến với chúng tôi sau nhiều năm khó khăn khi cử hành Thánh lễ. Mọi sự bắt đầu khi ngài ở trên bàn thờ và chuẩn bị nói những lời truyền phép. Ngài đã trải qua một cảm giác giống như một cơn hoảng loạn. Một ngày, ngài phải ngưng ngang thánh lễ vì không thể tiếp tục. Kể từ đó, ngài cảm thấy việc cử hành Bí tích Thánh Thể quá sức mình giống như một nỗ lực và một gánh nặng. Ngài nói thêm, “Nguồn gốc của nó, cho đến nay, là một bí ẩn hoàn toàn.”

Khi chúng tôi cầu nguyện cho ngài, rõ ràng là ngài đang bị ám ảnh bởi ma quỷ. Chúng tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát trong một cuộc trừ tà nhỏ và ngài cảm thấy có gì đó nâng đỡ. Ngài cảm thấy một cảm giác tự do mới. Cuối lời cầu nguyện, ngài nói, “Tôi cảm thấy tuyệt vời!” Kể từ đó, ngài đã cảm thấy “nhẹ nhõm rất nhiều” khỏi gánh nặng trước đây và “nhiệt tình đổi mới” sứ vụ linh mục và việc cử hành Bí tích Thánh Thể của mình.

Satan luôn nhắm vào các linh mục và bí tích Thánh Thể. Nó đặc biệt thù ghét những người được đồng hình với Chúa Giêsu, những người là công cụ của Hy tế Thánh Thể. Cuộc tấn công tập trung vào chức tư tế và Giáo hội mà chúng ta đang trải qua là chưa từng thấy. Trong năm ngoái thôi, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã báo cáo về 95 vụ tấn công chưa từng có nhắm vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

Vị linh mục sau đó đã chia sẻ với tôi một câu chuyện sâu sắc. Một người bạn và một giáo dân ngoan đạo đã nói với ngài tầm quan trọng của việc có các linh mục; và họ cầu nguyện cho ngài và tất cả các linh mục hàng ngày. Sau đó, ngài nói: “Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cửa vào Nhà Tạm mở toang và trống không. Đó là cách nó sẽ như thế nào nếu không còn linh mục nữa”.

Trong cuốn Các Linh Mục của Chúa Kitô, Chân phước Conchita tường thuật rằng Chúa của chúng ta nói với cô ấy: “Các chủng sinh nên được cảnh báo mạnh mẽ về những cám dỗ mà họ sẽ phải đối mặt và cuộc chiến không hồi kết mà ma quỷ sẽ gây ra chống lại họ mỗi ngày trong cuộc sống của họ, những cuộc đàn áp, những tai họa, v.v., mà họ sẽ phải chịu”.
Source:Catholic Exorcism
 
Đức Hồng Y Bassetti nhận định rằng ngày càng có nhiều linh mục cô đơn không thể tưởng tượng được
Đặng Tự Do
16:49 29/11/2021


“Các linh mục chúng ta ngày nay đang có nhiều vấn đề, nhưng trên hết là một sự cô đơn không thể tưởng tượng nổi”. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI /si-e-i/, đã mô tả như trên về tình trạng của các linh mục.

“Bất cứ ai đứng đầu một cơ chế đều trải qua sự cô đơn, và ngay cả các giám mục đôi khi cũng thấy nặng nề”, Đức Hồng Y Bassetti nói như trên sau khi ca ngợi “bầu không khí vui vẻ” mà các giám mục Ý đã trải qua trong những ngày này.

“Nhìn thấy hơn 200 giám mục ở cùng nhau trong bốn ngày, chia sẻ mọi thứ, từ thức ăn cho đến các chủ đề, là một kinh nghiệm đầy ân sủng trong tập thể giám mục”. Điều này đã được lặp lại bởi Đức Cha Erio Castellucci, phó chủ tịch CEI, người đã nói về “trải nghiệm liên quan đến tính đồng nghị trong cuộc sống hàng ngày, và về tính đồng nghị trong suy tư”.

“Tính đồng nghị là một chủ đề có vẻ xa vời và không thú vị. Nhưng tình hình sẽ khác nếu trên thực tế, chúng ta không tập trung nhiều vào bản thân nhưng vào xã hội. Nếu chúng ta có kinh nghiệm đối đầu và đối thoại, thì những gì đã xảy ra trong Công đồng Vatican II sẽ xảy ra: chúng ta càng suy tư về Giáo hội, chúng ta càng mở lòng ra với thế giới, bởi vì Giáo hội là vì thế giới, không phải vì chính mình, và chúng ta muốn đóng góp phần của chúng ta cho thế giới ngày nay”.

Tổng kết phiên khoáng đại vừa kết thúc, Đức Cha Giuseppe Baturi, phó chủ tịch CEI, nhấn mạnh về sự tham gia: “Các giám mục thể hiện bằng hành động và bằng lời nói mong muốn tham gia nhiều hơn vào các quyết định được đưa ra với tư cách giám mục, kết quả của sự phân định của cộng đồng và lắng nghe lẫn nhau. Ngày nay chúng ta thấy rõ hơn nhu cầu có thời gian lắng nghe nhau và vun đắp tình huynh đệ”.
Source:SIR
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thánh tông đồ Andreas,
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:13 29/11/2021
Hình ảnh Thánh tông đồ Andreas,

Chúa Giêsu Kitô khi đi ra rao giảng nước Thiên Chúa cách đây hơn hai ngàn năm, đã tuyển chọn 12 người đàn ông làm học trò thân cận. Rồi Ngài uỷ thác trao cho họ sứ mạng Tông đồ tiếp tục công việc loan truyền tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa giữa lòng xã hội con người.

Với cương vị sứ mạng thánh thiêng đó họ là những cột trụ xây dựng Giáo hội Chúa ở trần gian.

Một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô là ông Andreas.

Vậy đâu là hình ảnh vị Thánh Tông đồ Andreas?

Trong danh sách 12 tông đồ theo Phúc âm Thánh Mattheo (10,1-4), và Thánh Luca ( 6,13-16) Andreas được sắp xếp vào hàng thứ hai. Còn nơi phúc âm theo Thánh Marco ( 3,13-19) và sách Công vụ các Tông đồ ( 1,13-14), Adreas được liệt kê hàng thứ tư.

Tên Andreas của vị tông đồ này không là tên theo ngôn ngữ Do Thái, nhưng có nguồn gốc tiếng Hylạp. Gia đình Andreas sinh sống ở vùng Galilea, nơi ngôn ngữ cùng văn hóa Hylạp có ảnh hưởng rất rộng rãi phổ biến thời lúc đó. Cũng nơi đây Chúa Giêsu đã kêu gọi tuyển chọn cùng với Ông Phero làm học trò tông đồ tiên khởi của Ngài.( Mt 4,18-19 – Mc 1,16-17).

Căn cứ theo phúc âm Thánh Gioan thuật lại, Andreas đã là môn đệ của Thánh Gioan tẩy gỉa. Như thế Andreas là người đi tìm kiếm, là người cùng chia xẻ niềm hy vọng của dân chúng đang khao khát mong chờ vị cứu tinh, là người muốn học hỏi làm quen lời Chúa trong đời sống.

Vì thế khi nghe Thánh Gioan tẩy giả chỉ tay giới thiệu Chúa Giêsu là “con chiên Thiên Chúa” ( Ga 1, 36), Andreas đã đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu ngay.

Vị Tông đồ Andreas được nhắc đến trong phúc âm Thánh Gioan ( Ga 6, 5-13) là người đã giới thiệu dẫn một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đến với Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã dùng số lương thực qúa ít ỏi này làm phép lạ biến hóa ra nhiều cho năm ngàn người đang đói có lương thực ăn no đủ, và còn dư thừa tới 12 thúng giỏ đầy.

Andreas đã có tầm nhìn quan tâm chú ý đến tình cảnh con người lúc họ đói khát, và đứng ra làm trung gian giữa Chúa Giêsu và những người đi theo nghe Chúa Giêsu rao giảng lúc đó ở bờ hồ Galileo. Địa điểm biến cố lịch sử “ phép lạ bánh hóa ra nhiều” in đậm dấu vết lịch sử Chúa Giêsu này có tên là Tabgha. Ngày nay nơi này trở thành một trung tâm hành hương lịch sử tôn giáo bên nước Do Thái.

Trong biến cố đời Chúa Giêsu lên đền thờ Jerusalem trước lễ Vượt Qua của người Do Thái, có những người Hylạp, có thể họ là những người có lòng kính sợ Chúa, cùng đến tham dự và cầu nguyện tôn thờ Thiên Chúa của Do Thái giáo. Tông đồ Andreas và tông đồ Philippe là hai vị có tên nguồn gốc tiếng Hylạp, nói được tiếng Hylạp nên đã đóng vai trò người thông dịch, người trung gian giữa Chúa Giêsu nhóm người Hylạp này ( Ga 12, 20-21).

Hai vị tông đồ trung gian thông dịch này đến nói với Chúa sự thể có người Hylạp trong chúng ta nữa. Chúa Giêsu đã nói với hai ông:”Đã đến giờ Con người được tôn vinh. Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”( Ga 12,23-24)

Câu trả lời của Chúa Giêsu bao gồm ẩn chứa ý nghĩa điều Ngài muốn nói: Vâng, cuộc gặp gỡ giữa Thầy và những người Hylạp không là một cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa Thầy và một ít người muốn biết vì tò mò. Với sự chết của Thầy, có thể so sánh như hạt lúa rơi vào lòng đất, sẽ biến thành giờ phút vinh hiển cho Thầy.

Qua sự chết của Thầy sẽ nẩy sinh hoa trái kết qủa to lớn. Hạt lúa giống chết là hình ảnh biểu tượng về đời sống của Thầy, là người bị đóng đinh vào thập tự, sẽ trở thành bánh sự sống cho trần gian, khi Thầy phục sinh sống lại từ cõi chết. Và trở thành ánh sáng cho nhân loại nơi các nền văn hóa.

Như vậy qua những lời đó, Chúa Giêsu tiên báo Giáo hội cho người Hylạp, Giáo hội cho các dân ngoại, Giáo hội cho thế giới như hoa qủa của lễ Vượt Qua.

Theo truyền thuyết xa xưa, Tông đồ Andreas không chỉ là người thông dịch, người trung gian cho một ít người Hylạp trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu như Phúc âm thuật lại. Nhưng Tông đồ Andreas là vị tông đồ cho người Hylạp từ hàng năm rồi. Vì thế trong biến cố ngày lễ Ngũ Tuần, lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ cũng đã có mặt. Những người Hylạp đã tin rằng Tông đồ Andreas vào những năm sau cùng đời sống đã dấn thân là vị rao giảng tin mừng Chúa Giêsu cho thế giới Hylạp.

Tông đồ Phero, người anh em của Andreas, đã từ Jerusalem qua ngả Antiochia sang tới Vatican bên nước Ý truyền gíao thành lập Giáo Hội Công Giáo tiếng Latinh ở Roma. Trái lại Tông đồ Andreas là vị rao giảng lời Chúa trong thế giới Hylạp, Thành Constantinopel là thủ phủ của Giáo hội Hylạp. Thánh tông đồ Andreas rất được tôn kính như vị Thánh tổ phụ của Chính Thống giáo.

Hai Giáo hội Roma và Konstantinopel trở thành hai Giáo hội anh chị em với nhau. Ngày 23.09.1964 Đức Thánh Cha Phaolô VI. đã đưa Xương Thánh của thánh Tông đồ Andreas, được gìn giữ bảo quản tôn kính bên Roma, trả lại cho Giáo hội Chính Thống Hylạp ở thành phố Patras nước Hylạp, nơi theo truyền thuyết ngày xưa Tông đồ Andreas chết tử đạo bị đóng đinh vào thập gía.

Theo các nhà sử học thời xưa trong Giáo hội cho rằng Thánh tông đồ Andreas đã rao giảng ở miền Nam nước Nga, ở vùng Bithynien bên nước Thổ nhĩ Kỳ và bên nước Hylạp.

Bút tích về Thánh tông đồ Andreas thuật lại Ông chịu chết tử vì đạo ở Patras bên Hylạp. Ông bị kết án tử hình đóng đinh vào thập tự như Chúa Giêsu Kitô ngày xưa. Nhưng vì lòng khiêm nhường không muốn ngang hàng như Chúa Giêsu, Thầy của mình, nên Thánh Andreas đã xin được đóng đinh vào thập gía chéo hình chữ X.

Trong Giáo hội có ba hình tượng thập gía khác nhau.

Thập gía của Chúa Giêsu Kitô thẳng đứng hai cánh ngang phía trên đầu thân cây hướng lên trời cao.

Hình thập gía dốc ngược hai cánh ngang nằm phía bên dưới gần mặt đất của Thánh Phero, vì ngài xin được đóng đinh vào thập gía ngược, đầu dốc xuống đất.

Và hình thập giá chéo hình chữ X của Thánh Andreas.

Vì thế hình thập tự chéo hình chữ X được khắc vẽ hoặc nơi tay cầm hoặc đàng sau lưng đi kèm theo với hình tượng Thánh Andreas. Đó là hình ảnh biểu tượng đặc trưng của Thánh Tông đồ Andreas. Và ngài được tôn kính hằng năm ngày 30.11. trong nếp sống phụng vụ của Giáo Hội.

Thánh tông đồ Andreas là môn đệ được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên đã để lại gương sống khao khát đi tìm Chúa, lòng cởi mở sẵn sàng đi theo Chúa, quan tâm tới nhu cầu người khác và xây dựng mối tương quan giao hảo giữa Thiên Chúa và con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương Ba, tiếp
Vũ Văn An
17:31 29/11/2021

Điểm mấu chốt

Chúng ta hãy nhắc nhở bản thân một lần nữa về diễn tiến bên ngoài của cuộc đời Chúa Giêsu. Tuổi trẻ của Người có thể được coi như một chuẩn bị lâu dài, như một khai tâm tiệm tiến cho một thiếu niên bước vào sứ mệnh phổ quát của mình; Phép rửa của Người như một cuộc trao ban Thánh Thần và sứ mệnh, thời gian ở trong sa mạc, với cơn cám dỗ của ma quỷ, như một thử nghiệm và tôi luyện hiện sinh cuối cùng. Giờ đây, Người bước vào đời hoạt động của Người, trước hết kêu gọi một số cá nhân đi theo Người. Không phải với tư cách là khán giả, mà là như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình, những người phải tham gia vào tính vô điều kiện đáng sợ của cuộc sống Người. Trong cuộc giáp mặt của Người với thử thách, họ cũng sẽ giáp mặt cùng với Người, như Người khẳng định với họ khi Người nói với họ trong Bữa Tiệc Ly: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan” (Lc 22:28). Họ đã làm điều đó một cách tự do, vì bất cứ lúc nào họ cũng có cơ hội để bỏ rơi Người ("anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?"). Trong tình hiệp thông trung thành hoàn toàn như các môn đệ này, thoạt đầu, dường như chỉ liên hệ tới nhân đức nhân bản, như giữa công tước và thuộc hạ. Nhưng vì Chúa Giêsu là hơn thế, làm nhiều hơn thế, và đòi hỏi nhiều hơn một người bình thường, nên cả lòng trung thành của các môn đệ cũng phải hơn lòng trung thành chỉ có tính nhân bản; nó là đức tin. Tuy nhiên, hai điều này không bao giờ gặp nhau nếu Chúa Giêsu không hoàn tất hành động tối cao của Người trong hình thức nhân bản, một hình thức, do đó, về yếu tính, phải cởi mở và dễ tiếp cận đối với con người: hình thức tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Người không làm theo ý Người mà làm theo ý muốn của Chúa Cha. Người nhắc lại điều này giữa nước mắt và mồ hôi máu, trên Núi Cây Dầu, khi nhấn chìm ý chí nhân bản của chính Người, vượt quá giới hạn của ý chí và khả năng của Người, trong thánh ý Chúa Cha. Sự vâng phục này, phá tung các giới hạn của mọi khả năng con người để đi vào sự vô hạn của Thiên Chúa, là hình thức người Tôi tớ tự do chấp nhận Tình yêu vĩnh cửu, một Chúa Ba ngôi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Đó là quyết định tối cao của Tình yêu không sợ hãi bám víu vào hình thức thần linh của mình (như Thánh Phaolô nói) mà, đúng hơn, là từ bỏ nó trong sự cô đơn của hình thức nhân bản, trong sự vô danh của một đời sống cá nhân không nổi bật và cuối cùng, trong một sự vâng phục Thiên Chúa cho đến chết, thậm chí cái chết đáng xấu hổ nhất trên Thập giá. Sự vâng lời tự do hiến dâng trong tình yêu, chấp nhận cả những hậu quả khắc nghiệt nhất, đó chính là khuôn mẫu cuộc sống của Thiên Chúa làm người. Và trong khái niệm trung tâm này, người bình thường cũng được mở cửa bước vào tham gia cuộc sống, hành động và những đau khổ của Thiên Chúa làm người.



Sự vâng lời tự do hiến dâng trong tình yêu, đó là nơi mà những điều khôn sánh chạm vào nhau, đến mức hình thành một bản sắc duy nhất. Về phía con người, sự vâng phục của tình yêu này mang tên khác biệt là đức tin. Đức tin này, như một hành vi nhân bản, là một nỗ lực phôi thai tự đỡ đẻ chính mình (“Lạy Chúa, con tin; xin giúp đỡ sự thiếu đức tin của con”) đã được Chúa tiếp nhận đưa vào sự vâng lời của chính Người, thực sự như thế, ngay ở cố gắng đầu tiên, đã được vỗ về, linh hứng, nâng đỡ và đưa đến thành quả nhờ ân sủng và sức mạnh của khuôn mẫu và gương sáng của Người (gratia praeveniens et consequens [ơn dự phòng và ơn tiếp hậu]). Hơi giống với cách trong đó, trong lãnh vực thuần túy nhân bản, sự tín thác, sự tận tâm, tiếng Yes (bằng lòng) cuối cùng của một cô gái đã được đánh thức và đưa đến sự thành toàn cuối cùng của nó nhờ sức mạnh yêu đương của một chàng trai trẻ. Giờ đây, sự phó thác bản thân của con người chúng ta, dù có thể tự tưởng tượng mình vô hạn bao nhiêu đi chăng nữa, có lẽ luôn phải chịu đâu đó các giới hạn vô thức, chẳng hạn, khi người mà ta đã trao thân gửi phận cho nay trở nên hoàn toàn bất trung, không biết yêu thương và xấu xa, đến nỗi mối ràng buộc với anh ta không thể kéo dài hơn nữa. Ngược lại, đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô được thử thách chính ở việc loại bỏ mọi giới hạn như vậy đối với việc tự hiến. Vì bất cứ sự bất trung nào về phía Chúa Kitô đều bị loại trừ tuyệt đối — ngay cả khi sự trung thành của Người có thể đã trở nên vô hình đối với chúng ta trong việc bị bỏ rơi hoàn toàn trong đêm đen Thập giá, vì lòng trung thành của Thiên Chúa theo định nghĩa là vô hạn và không hối tiếc, nên bất cứ hành động yêu thương nào, bất cứ lòng sùng kính vâng lời nào cũng có thể là vô điều kiện và không có giới hạn, như một sự đáp trả và phó mình cho quyền năng của ân sủng Thiên Chúa, một quyền năng cho phép và giúp nó có khả năng. Đó là một hành vi mà trong sự viên mãn của nó có nghĩa là đức tin — đức mến — đức cậy: đức tin đầy yêu thương, đức cậy hy vọng mọi sự, hoặc đức mến tràn đầy hy vọng, tin tưởng mọi sự, hoặc đức cậy đầy tin tưởng, yêu tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Đó là hành vi nằm ở cốt lõi bản sắc Kitô hữu – đến nỗi chúng ta đã bất ngờ tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình: “Kitô hữu là ai?” Người Kitô hữu là người “sống bằng đức tin” (xem Rm 1:17), nói cách khác, là người đã cam kết toàn bộ hiện hữu của mình với một cơ hội duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, vâng phục vì mọi người chúng ta cho tới Thập giá, đã mở ra cho chúng ta cơ hội tham gia vào công cuộc cứu chuộc thế giới, vào tiếng Xin Vâng đối với Thiên Chúa.

Về phía Chúa Kitô, hành vi vâng lời vì yêu thương là nền tảng cho sự hiện hữu của Người, vì Con Thiên Chúa đi vào hiện hữu, không phải vì thúc ép, nhưng vì sứ mệnh. Sự kiện Người hiện hữu mà thôi, và theo cách Người hành động, vốn đã cho chúng ta biết rằng Người là biểu hiện của tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta, Chúa Cha, Đấng đã dâng Con của Người cho những kẻ tội lỗi. Trong “sự dâng hiến” này có bao hàm ý niệm hy sinh, và trong điều này, sự thuận ý, sự vâng lời của Nạn nhân. Vì vậy, trong cuộc đời của Chúa Con vâng lời, cũng sáng lên một cách hết sức tỏ tường mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Con vâng lời, không phải vâng lời chính mình, mà là vâng lời một đấng khác, nhưng bằng một tình yêu vĩnh cửu, vốn là nền tảng cho khả thể của một sự vâng lời như thế và đồng thời cho sự thống nhất của đấng chỉ huy và của đấng vâng lời. Vì nếu Chúa Con vâng lời Thiên Chúa Cha trên cơ sở phục tùng tự nhiên, thì Người chỉ làm nhiệm vụ của mình bằng cách vâng lời và tính tự do tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa sẽ không được tỏ hiện trong đó. Nhưng nếu đấng ấy vâng lời một cách nhưng không, nghĩa là xuất phát từ tình yêu thương thuần túy, thì nơi đấng được dâng hiến, tình yêu thương nhưng không đối với tội nhân chúng ta của đấng dâng hiến được tỏ hiện, một tình yêu nhưng không đến nỗi Thánh Phaolô không ngần ngại gọi đó là sự điên rồ. Và nếu, sau khi cho toàn bộ dấu chỉ tình yêu này mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào lịch sử nhân loại, sau sự sống, cái chết và sự Phục sinh của đấng được hiến dâng, Thần Khí chung của Chúa Cha và Chúa Con được phái vào Giáo hội và thế giới như một nhân chứng vĩnh viễn của biến cố này, thì Thần Khí này sẽ không bao giờ là hoặc làm chứng cho bất cứ điều gì khác ngoài tình yêu nhưng không điên rồ của Thiên Chúa, một tình yêu vĩnh viễn không thể tiếp cận và không thể sử dụng được bởi mọi mưu kế gian manh của con người.

Vì điều được mạc khải về bản chất của tình yêu này trong sự hiện hữu của Chúa Con là sự từ bỏ quyền sở hữu bản thân. Chỉ riêng sự từ bỏ này đã mang lại cho việc chu toàn sứ mệnh của Người một tác động mạnh mẽ chưa từng có. Người đã từ chối mọi điều thấy trước và phó thác nó hoàn toàn cho Sự Quan Phòng thấy trước mọi điều của Chúa Cha, Đấng sai đi và hướng dẫn Người. Điều này giải phóng Người khỏi mọi nghĩa vụ phải tính toán, cân đo đong đếm, ngoại giao, và cho Người nguồn năng lực bất tận không cần quan tâm gì đến những bức tường mâu thuẫn, đau đớn, thất bại và cái chết, vì Chúa Cha đang dẫn dắt Người và sẽ đem Người lên, ngay cả lúc cuối đêm thăm thẳm. Như thế, nhờ hành động hoàn toàn vâng phục của Người, Chúa Con đã đạt được tự do hoàn toàn, và toàn bộ không gian vô biên của Thiên Chúa, vốn thực sự là sự chết, đêm đen vô tận, sự sống vĩnh cửu, giờ đây được mở rộng để Người hành động. Ngay từ ban đầu, Người đã vượt lên trên mọi sự “quan tâm lo lắng” (“đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc” (Mt 6:25) và trong trạng thái vô tư của người đã để mọi sự, một lần và mãi mãi, cho người Cha luôn chăm sóc và chu cấp.

Người ta có thể thấy thần học tín lý, trong hai trụ cột căn bản của nó – Nhập Thể và Ba Ngôi - cũng là hiện thân của học thuyết Kitô giáo về sự sống. Tín điều và hiện hữu thăng trầm với nhau. Vì Chúa Giêsu Kitô không những là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng trong cuộc đời và trong đau khổ của Người đã tỏ cho chúng ta và mang ân sủng của Chúa Cha đến cho chúng ta; Người cũng là người thật, Đấng trong tư cách như thế đã bước vào sự sống Kitô hữu một cách “độc đáo” và như “người đầu tiên”. Người thiết lập và cung cấp cho chúng ta lãnh vực đức tin, nhưng theo cách mà chính Người hoàn thành hành vi đức tin như khuôn mẫu và gương mẫu của nó. Quả thật, nếu Thiên Chúa có thể tỏa sáng và được nhận ra dù bằng hàng nghìn cách rời rạc trong lãnh vực tạo vật của Người, thì trong lãnh vực này chỉ có một cách duy nhất để Người có thể xuất hiện trong chính yếu tính của Người (mặc dù vẫn còn bị che phủ trong mầu nhiệm), và đó là sự thuận ý vô điều kiện của tạo vật thiêng liêng, một tạo vật tuyên bố sẵn lòng đi bao xa tùy theo ý muốn của Thiên Chúa, thuận ý để được sử dụng và tiêu hao bao nhiêu tùy Thiên Chúa cho là cần thiết, và qua sự phục tùng của mình, tạo vật này sẵn lòng cung cấp càng nhiều không gian càng hay để Thiên Chúa tự ý lựa chọn.

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, đó có thể là lời cầu nguyện hàng ngày của chúng ta. Chúng ta vốn cầu nguyện: “Danh Cha cả sáng” và chúng ta hiểu một cách nghèo nàn xiết bao những chữ này có nghĩa gì. "Danh Cha" có nghĩa là nhờ danh này, chúng con, ở trên thế giới này, biết Cha một cách khác biệt; có nghĩa là điều mà thực tại duy nhất của Cha như Thiên Chúa duy nhất, chân thật, toàn năng và yêu thương đã mạc khải cho chúng con; những việc làm mà một mình Cha mới có thể làm và qua đó Cha đã tạo cho Cha một “cái tên” nơi chúng con, đây là điều cần được “cả sáng”, thắng vượt và được nhìn nhận là thánh, là thần linh. Cầu mong thực tại thần linh của Cha nắm quyền lực nơi chúng con; cầu mong nó thắng thế nơi chúng con, bất chấp mọi chống đối của chúng con; cầu mong nó vượt qua, nơi chúng con, mọi gánh nặng đối lập đang đè nặng lên chúng con.

Chúng ta cũng vốn cầu nguyện: "Nước Cha trị đến". Bản thân Người là Vương quốc của Thiên Chúa, bao lâu Người được công nhận là Chúa độc nhất. Người, đúng như Người là, chứ không phải như chúng ta thích tưởng tượng Người là. Dù các định kiến của chúng ta nổi bật trong lĩnh vực này, nó vẫn chỉ là lĩnh vực của chính chúng ta. Người, bằng quyền lực của chính Người, chứ không phải chúng ta, bằng quyền lực của chính chúng ta, thứ mà chúng ta cho là sử dụng nhân danh Thiên Chúa để đạt được quyền lực của mình theo cách riêng của chúng ta. Không gì có thể che khuất quyền năng của Thiên Chúa một cách trầm trọng, có thể cản trở Nước của Người trị đến nhiều hơn là việc chúng ta lạm dụng quyền lực của chính chúng ta để đẩy mạnh việc trị đến của Nước Thiên Chúa.

Chúng ta còn cầu nguyện: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” Như ở trên trời với Cha thế nào, thì ở dưới đất cũng thế giữa chúng con. Nếu ý Cha tràn đầy trên trời — “chỗ” Cha đang ở, chỗ tên Cha được cả sáng và Nước Cha đã trị đến — thì nguyện ý Cha cũng tràn đầy trái đất, nơi chúng con đang ở và quản lý, nơi tên Cha vẫn còn ít được biết đến và Nước Cha vẫn hiếm khi có thể phát hiện được. Trái đất của chúng con có những quy tắc riêng của nó, mà Cha đã đặt bên trong nó và giao phó cho chúng con để chúng từ từ diễn ra. Vậy, xin Cha hãy ban ơn để trong những lề luật này, những lề luật trần gian chứ không phải thiên giới, tạo vật chứ không phải thần linh, ý trên trời của Cha có thể được biết đến và kết hợp, và việc này nhờ sự quản lý và hợp tác của chúng con, mà cuối cùng phải trong tinh thần và cảm thức, không phải của trái đất, nhưng phải là của trên trời.

Bởi thế, chúng ta cầu nguyện, và nếu chúng ta không muốn lảm nhảm tệ hơn những người ngoại giáo, thì chúng ta sẽ nhận ra, trong sự tỉnh táo của tạo vật, sự khác biệt rõ ràng giữa trời và đất trong những lời này và, trong đức cậy Kitô giáo, chúng ta sẽ bám chặt lấy lời hứa rõ ràng rằng Ý Thiên Chúa sẽ thắng, nếu chúng ta dành chỗ cho nó, không những cho Thiên Chúa ở trên trời mà còn ở đây, giữa chúng ta trên mặt đất.

Giao ước và Xin vâng

Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy việc sử dụng thuật ngữ “giao ước” để mô tả mối liên hệ này là bấp bênh như thế nào. Không thể có trường hợp Thiên Chúa và con người thiết lập một thỏa thuận với nhau, trong đó mỗi bên đưa ra những điều kiện riêng của mình và sau đó cả hai cùng đồng ý một phương thức ở giữa. Trong giao ước này, không có hai đối tác bình đẳng theo một nghĩa nào đó như thông lệ, thực thế, điều này ít ỏi đến nỗi mô tả con người như một “đối tác của Thiên Chúa”, về mặt thần học, quả không đúng điệu chút nào (giống như mô tả Đức Maria như “đối tác” của Chúa Thánh Thần vậy!). Nay, ở đây, điều xem ra như giao ước hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đơn phương của Thiên Chúa. Quyết định này (trở nên rõ rệt nơi Ápraham) sau đó dẫn đến một lời hứa và việc chấp nhận lời hứa này, một điều đối với con người có nghĩa là họ được đặc ân chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa đối với mình như một thực tại, khẳng định nó, tin nó, xây dựng đời mình dựa trên sự thật này của ân sủng. Trên núi Sinai, cuộc tuyển chọn cá nhân trở thành cuộc tuyển chọn tập thể, mà mọi người được tự do thỏa thuận. Trong hành vi ân sủng này, trong sự tự do quyết định của một mình Thiên Chúa, là việc cho phép được chấp nhận một cách tự do thực tại trọn vẹn của sự lựa chọn này và của việc Thiên Chúa cư ngụ giữa mọi người. Ở đây một lần nữa, chúng ta lại thấy sự thống nhất giữa tự do và vâng lời.



Sự đáp trả tự do này đối với Thiên Chúa được nên trọn trong lời xin vâng của Đức Maria, trong tư cách “nữ tử Sion”, đối với sự hoàn thành đầy ân sủng giao ước trong việc Nhập Thể của Thiên Chúa. Lời Xin Vâng của ngài là sự nên trọn của biến cố Sinai và là mô hình và khuôn mẫu của mọi cuộc sống Kitô hữu trong Giáo hội sắp tới. Đó là sự nên trọn của ba lời thỉnh cầu đầu tiên trong Kinh Lạy Cha, những thỉnh cầu mà nhờ sự phù hợp hoàn hảo này, cũng sẽ được Thiên Chúa hoàn toàn lắng nghe. Tính vô điều kiện, và do đó là tính bất khả hủy tiêu, của lời Xin vâng này của Đức Maria mở ra con đường dẫn đến sự tự hiến tối hậu, không do dự và không đòi hỏi gì của Thiên Chúa cho thế giới, vượt quá điều không có gì tối hậu hơn nữa có thể mong đợi nơi Thiên Chúa. Điểm yếu của tiếng Xin vâng trong Cựu ước đã buộc Thiên Chúa phải bao quanh giao ước của Người bằng những điều kiện và đe dọa. Chính Người sẽ không bất trung, nhưng Israel thì sẽ bất trung, và chính vì Thiên Chúa không thể rút khỏi giao ước của Người mà dân Israel sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp cho sự bất trung đối với Đấng chân thật đời đời. Do đó, trong lời xin vâng dứt khoát của Thiên Chúa tại thời điểm đó có chứa một cách ngụ ý và ẩn tàng một tiếng Không. Nhưng “Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi rao giảng giữa anh em, Silvanô và Timôtê và tôi, không phải là Vâng và Không; nhưng trong Người luôn là Vâng. Vì mọi lời hứa của Thiên Chúa đều tìm được chữ Vâng ở nơi Người ”(2Cr 1:19–20). Lời xin vâng hữu hình này mà Thiên Chúa ngỏ cùng thế giới trong Chúa Kitô và cái chết cứu chuộc của Người hoàn toàn phù hợp với lời Xin vâng ít nghe thấy (đối với thế giới) nhưng không thể tách biệt của “nữ tỳ của Chúa”, và tiếng Xin vâng này là cơ sở và hữu thể của Giáo Hội Tân Ước. Bất cứ ai lấy lời Xin vâng này làm của mình đều là thành viên sống động của Dân Thiên Chúa, và người này càng có khả năng thốt ra lời ấy một cách toàn diện, họ càng là thành phần của Giáo hội.

Lời Xin vâng của Dân Thiên Chúa vang lên ở Sion, ở Đức Maria, ở Giáo hội hoàn toàn được điều kiện hóa và làm cho khả hữu không những bởi ân sủng lời hứa của Thiên Chúa mà còn bởi việc nên trọn của nó nhờ ân sủng trong Chúa Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chính Người là sự hợp nhất bất khả phân ly giữa lời Có của Thiên Chúa ngỏ với con người và lời Xin vâng của con người ngỏ với Thiên Chúa. Như thế, Người là Giao ước mới và vĩnh cửu tồn hữu. Người là thế một cách như chúng ta đã thấy, nhân tính của Người sẵn sàng hoàn toàn tuân theo thần tính của Người, để làm cho Thiên Chúa tỏ hiện và để Người được tiêu thụ và sử dụng hoàn toàn trong chức vụ này: cùng một lúc là cả Linh Mục lẫn Lễ Vật Hy Sinh.

Lời Xin vâng tuyệt đối, nghĩa là thoát khỏi mọi tình trạng hạn chế (có ý thức hoặc vô thức), của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ, Nàng dâu, Maria, Giáo Hội của Người là tiêu chuẩn để đo lường tính Kitô giáo của Kitô hữu. Đó là hình thức đời sống Kitô hữu mà người nào muốn làm cho đời sống của mình phù hợp với khuôn mẫu này có thể bước vào. Một hình thức vô điều kiện, chấp nhận vô điều kiện, đòi hỏi mọi sự, quá nhiều đối với người có tội (người luôn đòi hỏi các điều kiện), nhưng vẫn là một hình thức giúp người ta biết chấp nhận (trong đức tin) một cách nhẹ nhàng, nhưng cương quyết và đôi khi tàn bạo, (Thập giá, chẳng hạn, không tàn bạo đó sao?) việc trải nghiệm các hậu quả không tưởng tượng được của lời Xin vâng. Vì họ đã nói Xin vâng, không phải cho kế hoạch thấy trước của riêng họ, nhưng cho các kế hoạch của Thiên Chúa đời đời vĩ đại hơn, những kế hoạch, trong mọi biến cố, trông khác với những gì con người tưởng tượng cho mình. Từ trải nghiệm này về Người khác, chúng ta có thể quyết định xem liệu lời Xin vâng của chúng ta ngỏ cùng Thiên Chúa hay ngỏ cùng chính chúng ta, bất kể đó là sự vâng lời của đức tin hay sự suy đoán của bản thân, bất kể đó là Vương quốc của Thiên Chúa hay vương quốc của loài người sẽ trị đến.

Vì vậy, Sự Phán xét thực sự, một sự phán xét vốn tách chiên ra khỏi dê và làm sáng tỏ đức tin và việc không tin, là Thập giá. Chúa Giêsu hứa Thập giá với Phêrô bằng những lời này: “Người khác sẽ thắt dây lưng cho anh và chở anh đi đến nơi anh không muốn đi” (Ga 21:18). Tiên tri Agabô dự báo Thánh Phaolô sẽ chịu những đau khổ trong tương lai bằng cách lấy thắt lưng của Thánh Phaolô và trói tay chân ngài lại, mà nói rằng: “Đây là điều Thánh Thần phán : ‘người có dây lưng này sẽ bị người Do-thái trói lại như thế ở Giêrusalem mà nộp vào tay người ngoại’” (Cv 21 : 10–12). Việc cương quyết mở rộng ý chí con người, luôn quan tâm sợ hãi lo tự bảo tồn, đến tầm cỡ ý chí thần linh vô tư và không lường trước không đạt được nhờ hành động của con người mà là nhờ đau khổ bị áp đặt. Bao lâu con người là người hành động, thì người ta đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng khi làm như thế, họ không vâng lời Thiên Chúa. Sự tuân phục đau khổ đem đến điều này. Không có gì có thể thay thế trải nghiệm này, việc “giới thiệu” hay “dẫn nhập” vào sự bao la của Thiên Chúa. Về chính Chúa Kitô, chúng ta được cho biết rằng Người “đã học được sự vâng phục qua những gì Người chịu đau khổ” (Dt 5: 8). Như thế, giữa hiểu biết và học hỏi, có một sự khác biệt thiết yếu trong con người, và, đúng hơn, trong mối liên hệ với đức tin. Vì lý do này, khái niệm “thử thách” (của con người bởi Thiên Chúa) là một trong những phạm trù căn bản của Kinh thánh. Có thể nói, chính Thiên Chúa chỉ “chắc chắn” về một con người khi Người đã thử người ấy như vàng trong lò. “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gcb 1: 2).

Kỳ sau: Nó dẫn xa hơn bạn nghĩ
 
VietCatholic TV
Cẩn thận: Omicron đánh tới Rôma, ĐTC phải hủy bỏ một truyền thống đẹp từ thời ĐGH Gioan XXIII
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 29/11/2021

1. Biến thể Omicron khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải hủy chuyến viếng thăm quảng trường Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12

Chính quyền Ý cho biết chủng Covid mới đã tràn vào Ý. Trong bối cảnh này, để tránh các cuộc tụ tập và nguy cơ lây lan, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không thực hiện nghi lễ truyền thống trước công chúng tại các quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12, tới đây, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Thay vào đó, ngài sẽ thực hiện một “hành động sùng kính riêng tư”, thông báo của văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên vào ngày 27 tháng 11.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch. Sáng 27 tháng 11, bệnh nhân đầu tiên có biến thể Omicron đã được xác nhận ở Ý.

Do đó, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện một mình với Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sẽ kêu cầu Mẹ “bảo vệ những người Rôma, thành phố mà họ đang sống và những người bệnh tật cần sự bảo vệ của Đức Mẹ trên khắp thế giới.”

Tuy nhiên, thông cáo báo chí không nêu rõ nơi diễn ra hành động sùng kính này là ở đâu.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2020, trước tình hình đại dịch coronavirus nguy ngập, Đức Thánh Cha cũng đã hủy bỏ việc tham dự sự kiện công cộng.

Nhưng cuối cùng, dưới cơn mưa tầm tã vào sáng sớm hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trung tâm thành phố Rôma để lặng lẽ kính viếng Mẹ Maria Vô nhiễm. Ở đó, Đức Thánh Cha đã giao phó thành phố và thế giới cho sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Maria.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Vào lúc 7 giờ sáng nay, Lễ trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha, để thực hiện một hành động kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong lặng lẽ.

Vào lúc có chút ánh sáng đầu tiên của bình minh, dưới cơn mưa, ngài đã đặt một bó hoa hồng trắng ở chân cột đài Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha, sau đó, cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Rôma và các cư dân của thành này, giao phó cho Mẹ tất cả những người trong thành phố và trên thế giới đang đau khổ vì bệnh tật và chán nản.

Rời quảng trường Tây Ban Nha vài phút trước 7:15 sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma và cử hành thánh lễ trong Nhà nguyện Chúa Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả nơi gìn giữ di tích thiêng liêng từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở về Vatican.

Việc tôn kính trong lặng lẽ này tại cột đài Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha đã diễn ra thay cho buổi lễ của Đức Thánh Cha với các tín hữu của Rôma tại tượng Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha, để tránh việc tụ tập đông đảo khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID19.

Truyền thống các chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới quảng trường Tây Ban Nha, diễn ra vào ngày 8 tháng 12 hàng năm nhân lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, chưa bao giờ bị gián đoạn kể từ khi được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 khởi xướng. Thông thường, hành động sùng kính này diễn ra vào cuối ngày, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Rôma.

Đức Giáo Hoàng thường đi trước các vị đại diện của các thành phần khác nhau của xã hội Rôma. Theo phong tục, những người lính cứu hỏa sử dụng thang của họ để đặt một vòng hoa lên cánh tay của bức tượng Đức Mẹ Maria.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ quốc gia và một ngày lễ ở Ý kể từ năm 1854. Nó được thiết lập theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9.


Source:Aleteia

2. Thông điệp của Đức Thánh Cha cho người dân Síp và Hy Lạp

Giữa các lo âu về một biến thể nguy hiểm của coronavirus là biến thể Omicron, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một video cho người dân Síp và Hy Lạp, thể hiện quyết tâm thực hiện chuyến hành hương theo chân các Thánh Tông Đồ Phaolô và Banaba.

Đức Thánh Cha nói:

Kính gửi các anh chị em Síp và Hy Lạp, kaliméra sas! Chào buổi sáng tốt lành!

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta và tôi đang chuẩn bị hành hương đến những vùng đất của các bạn tráng lệ, được chúc phúc bởi lịch sử, văn hóa và Phúc âm! Tôi đến với niềm vui, đúng hơn nhân danh Phúc Âm, theo bước chân của những nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên, đặc biệt là các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba. Thật là tốt khi trở về nguồn cội và điều quan trọng là Giáo hội phải khám phá lại niềm vui của Tin Mừng. Chính với tinh thần đó tôi đang chuẩn bị cho cuộc hành hương đến các suối nguồn này, và tôi xin mọi người giúp tôi chuẩn bị với những lời cầu nguyện của họ.

Nhờ gặp gỡ các bạn, tôi sẽ có thể làm dịu cơn khát của mình tại những suối nguồn của tình huynh đệ, là điều rất quý giá vào thời điểm chúng ta vừa mới bắt đầu một hành trình đồng nghị toàn cầu. Có một “ân sủng đồng nghị”, một tình huynh đệ tông đồ mà tôi rất ao ước, và vô cùng kính trọng: đó là hy vọng được viếng thăm các vị Tổng Giám Mục kính mến Chrysostomos và Hieronymos, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống địa phương. Là anh em trong đức tin, tôi sẽ có ân sủng được anh chị em đón nhận và gặp gỡ anh chị em nhân danh Chúa Bình an. Hỡi anh chị em Công Giáo thân mến, tôi đến với anh chị em, những người tụ họp trong xứ ấy thành từng đàn chiên nhỏ mà Chúa Cha hết sức yêu thương dịu dàng và Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành đã lặp lại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32). Tôi đến với tình cảm là mang đến cho anh chị em sự cổ vũ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Đến thăm các bạn cũng sẽ cho tôi cơ hội để uống từ những suối nguồn cổ kính của Âu Châu: Síp, là tiền đồn trên lục địa của Thánh Địa Giêrusalem; Hy Lạp, quê hương của nền văn hóa cổ điển. Nhưng ngay cả ngày nay, Âu Châu cũng không thể bỏ qua Địa Trung Hải, vùng biển đã chứng kiến sự truyền bá Tin Mừng và sự phát triển các nền văn minh vĩ đại. Địa Trung Hải [chữ Đức Thánh Cha dùng là Mare Nostrum là tiếng Latinh, nghĩa là là Biển của chúng ta, đó là tên người La mã gọi Địa Trung Hải] nối liền rất nhiều vùng đất, mời gọi chúng ta cùng nhau chèo thuyền, không bị chia rẽ khi theo đuổi những con đường riêng biệt của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn đòi hỏi những nỗ lực và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên diện rộng.

Biển, nơi đón nhận nhiều dân tộc, với những bến cảng rộng mở nhắc nhở chúng ta rằng nguồn sống chung nằm ở sự chấp nhận lẫn nhau. Ngay bây giờ tôi đã cảm thấy được chào đón bởi tình cảm của các bạn và tôi cảm ơn những người đã chuẩn bị cho chuyến thăm của tôi trong một thời gian. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người, trong những năm gần đây và cho đến tận ngày nay, đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo, đổ bộ lên bờ lục địa và những nơi khác, và không gặp được lòng hiếu khách nhưng là sự thù địch và thậm chí là sự bóc lột. Họ là anh chị em của chúng ta. Bao nhiêu người đã mất mạng trên biển! Ngày nay biển của chúng ta, Địa Trung Hải, là một nghĩa trang lớn. Là một người hành hương đến những nguồn suối của nhân loại, tôi sẽ đến Lesvos một lần nữa, tin chắc rằng những nguồn mạch của sự sống chung sẽ nảy nở trở lại trong tình huynh đệ và sự hòa nhập cùng nhau. Không có cách nào khác và với tầm nhìn này, tôi đến với các bạn.

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi rất mong được gặp tất cả các bạn, tất cả các bạn! Không chỉ tất cả những người Công Giáo! Tôi cầu xin Đấng Tối Cao chúc phúc cho tất cả các bạn, khi tôi mang đến trước mặt Người ngay cả bây giờ khuôn mặt và những kỳ vọng của các bạn, những lo lắng và hy vọng của các bạn. Na íste pánda kalá! Cầu mong bạn luôn khỏe mạnh!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

3. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 11


Chúa Nhật 28 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng cũng là Chúa Nhật đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca có chủ đề là “Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, tức là Chúa nhật đầu tiên chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, nói cho chúng ta biết Chúa sẽ đến vào thời cánh chung. Chúa Giêsu loan báo những biến cố và hoạn nạn hoang tàn, nhưng chính ở điểm này, Ngài mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Vì mọi thứ sẽ ổn thỏa chăng? Không, nhưng chính là vì Ngài sẽ đến. Chúa Giêsu sẽ trở lại, Chúa Giêsu sẽ đến, Ngài đã hứa như thế. Người nói như thế này: “Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21:28). Thật là vui khi lắng nghe lời khích lệ này: hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy chờ đợi Người với niềm vui ngay cả trong gian truân, khủng hoảng của cuộc sống và trong những thảm kịch của lịch sử. Hãy chờ đợi Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng cao đầu, không bị đắm chìm trước những khó khăn, đau khổ, thất bại? Thưa: Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề. Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện “(câu 34.36).

“Tỉnh thức”, cảnh giác. Chúng ta hãy dừng lại ở khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô Hữu. Từ những lời này của Chúa Kitô, chúng ta thấy rằng sự cảnh giác được liên kết với sự chú ý: hãy chú ý, hãy cảnh giác, đừng để bị phân tâm, tức là hãy luôn tỉnh thức! Cảnh giác có nghĩa là: không để lòng lười biếng, không để đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy cẩn thận vì anh chị em có thể là một “Kitô Hữu đang ngủ” - và chúng ta biết: có nhiều Kitô Hữu đang ngủ, những Kitô Hữu bị mê hoặc bởi tinh thần thế gian - Kitô Hữu không có lòng nhiệt thành thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện - họ cầu nguyện như vẹt - không nhiệt tình với sứ mệnh, không say mê Tin Mừng. Đó là những tín hữu Kitô luôn hướng nội, không thể nhìn ra chân trời. Và điều này dẫn đến “ngủ gật”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, thờ ơ với mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với chúng ta. Và đây là một cuộc sống đáng buồn, cứ tiếp tục như thế này thì không có hạnh phúc ở đó.

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải cảnh giác để không kéo lê ngày tháng trong những thói quen, đừng để lòng ra nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (xem câu 34); đừng để những muộn phiền của cuộc sống đè nặng chúng ta. Vì vậy, hôm nay là một dịp tốt để tự hỏi: điều gì đè nặng lên trái tim tôi? Điều gì gây gánh nặng cho tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi phải ngồi vào ghế của sự lười biếng? Thật đáng buồn khi thấy các Kitô Hữu “ngồi trên ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường làm tôi tê liệt, những tệ nạn, những thói hư tật xấu nào đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và đối với gánh nặng trên vai của những người anh em, tôi đang chú ý hay đang thờ ơ? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp giữ cho trái tim chúng ta không chây lười. Nhưng, thưa cha, hãy nói cho chúng con biết: chây lười là gì? Thưa: Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng, thậm chí của đời sống Kitô Hữu. Chây lười là sự lười biếng thâm căn, kết tủa thành nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và khát vọng hoạt động. Đó là một trạng thái tinh thần tiêu cực, nó là một tinh thần xấu xa đóng đinh linh hồn trong sự bất động, và đánh cắp niềm vui của nó. Nó bắt đầu với nỗi buồn đó, và cứ thế trượt dài đến mức mất đi niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Châm ngôn 4:23). Hãy bảo vệ trái tim: điều này có nghĩa là phải cảnh giác, cảnh giác! Hãy tỉnh táo, hãy giữ lấy trái tim của mình.

Và hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn cảnh giác là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21:36). Lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành nguội lạnh, thì lời cầu nguyện sẽ khơi dậy nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, trở lại với trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi giấc ngủ và tập trung nó vào những gì là quan trọng, vào mục đích chúng ta tồn tại. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không sao nhãng việc cầu nguyện. Tôi đã thấy trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Trong hình bóng Ngài”, một sự phản ánh tuyệt đẹp về lời cầu nguyện: nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Lời cầu nguyện của trái tim có thể giúp ích cho chúng ta, ngay cả với những lời khẩn cầu ngắn lặp đi lặp lại. Trong Mùa Vọng, hãy quen với những lời khẩn cầu ngắn, chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ cần thành tâm cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời điểm chuẩn bị cho Giáng Sinh này thật đẹp: chúng ta hãy nghĩ về máng cỏ, hãy nghĩ về Giáng Sinh, và hãy nói từ trái tim: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày, và tâm hồn sẽ luôn tỉnh táo! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”: đó là lời cầu nguyện mà cùng nhau chúng ta hãy nói ba lần, tất cả cùng nhau. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: xin Mẹ, Đấng luôn trông đợi Chúa với tâm hồn cảnh giác, đồng hành với chúng ta trên hành trình Mùa Vọng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tôi đã gặp các thành viên của các hiệp hội và nhóm người di cư và những người, với tinh thần huynh đệ, chia sẻ cuộc hành trình của họ. Họ đang ở đây ở quảng trường này, với lá cờ lớn đó! Chào mừng! Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến điều này: có bao nhiêu người di cư phải đối mặt với những nguy hiểm rất nghiêm trọng, ngay cả trong những ngày này, và bao nhiêu người đang mất mạng tại biên giới của chúng ta! Tôi cảm thấy đau lòng vì tin tức về tình hình trong đó rất nhiều người đã chết ở eo biển Anh, những người bị kẹt ở biên giới Belarus, có cả nhiều trẻ em trong số đó; và bao nhiêu những người chết đuối ở Địa Trung Hải. Quá nhiều đau đớn khi nghĩ đến họ. Trong số những người bị buộc hồi hương về lại Bắc Phi, nhiều người đã từng là nạn nhân của những kẻ buôn người, những kẻ biến họ thành nô lệ: họ bán phụ nữ, tra tấn đàn ông... Có những người di cư, mới tuần này thôi, đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm một nguồn nước sống nhưng lại tìm thấy ở đó một ngôi mộ; và bao nhiêu những đau khổ của nhiều người khác. Đối với những người di cư đang ở trong những tình huống khủng hoảng này, tôi xin cam đoan với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi, từ thẳm sâu trái tim mình: anh chị em hãy biết rằng tôi luôn gần gũi với anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện và hành động. Tôi cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo và các nơi khác, đặc biệt là Caritas quốc gia và tất cả những người dấn thân giảm bớt đau khổ của họ. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành đối với những người có thể đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là đối với các Chính quyền dân sự và quân sự, cầu xin cho sự thấu hiểu và đối thoại thắng thế hơn bất kỳ hình thức lợi dụng nào; và cầu xin cho họ biết định hướng ý chí cùng các nỗ lực hướng tới các giải pháp tôn trọng phẩm giá của những người này. Chúng ta hãy nghĩ về những người di cư, về sự đau khổ của họ, và cầu nguyện trong im lặng

Tôi chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau: có rất nhiều lá cờ từ các quốc gia khác nhau. Tôi chào các gia đình, các nhóm trong giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Đông Timor - tôi thấy những lá cờ ở đó - từ Ba Lan và Lisbon; cũng như của Tivoli.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành và một hành trình Mùa Vọng sốt sắng, một hành trình hướng về Chúa Giáng Sinh, hướng về Chúa. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tê tái: 9 linh mục Brazil tự kết liễu cuộc sống. HĐGM lên tiếng. Đức Hồng Y Bassetti: Các linh mục quá cô đơn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:47 29/11/2021


1. 9 linh mục Brazil tự kết liễu cuộc sống gây lo ngại cho Hội Đồng Giám Mục

Trong một diễn biến quá đỗi đau lòng, ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát từ đầu năm đến nay. Tờ Crux có bài tường thuật nhan đề “Number of priest suicides causing concern in Brazilian Church”, nghĩa là “Số các linh mục tự tử gây lo ngại cho Giáo Hội tại Brazil”.

SÃO PAULO - Ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát vào năm 2021, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tâm thần của các giáo sĩ ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trong số các yếu tố chính có thể dẫn đến tự tử là chứng trầm cảm trong công việc và hội chứng kiệt sức; các linh mục cũng phải đối diện với khối lượng công việc quá mức và một nền văn hóa thể chế mà nhiều khi có thể gây ra sự cô đơn.

Một yếu tố khác dường như được kết nối với phản ứng mạnh mẽ và hấp tấp của Giáo hội trong các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng và quấy rối tình dục. Lo sợ các tai tiếng trên mạng xã hội, một số linh mục – bất kể có tội hay không – xem ra đang gặp khó khăn trong việc đối phó với các giao thức mới của Giáo hội.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 7 tháng 11, khi Cha José Alves de Carvalho, 43 tuổi, được tìm thấy đã chết tại nhà xứ ở thành phố Bom Jesus, bang Piauí. Cha De Carvalho gần đây đã bị buộc tội lạm dụng một cô gái 14 tuổi, dẫn đến việc bị tạm đình chỉ ad cautelam, nghĩa là “như một biện pháp phòng ngừa”. Sau khi quyết định tạm đình chỉ này được đưa ra, một ngày sau, ngài tự sát.

Cách thức quản lý của hàng giáo phẩm bị cáo buộc là kém cỏi trong các trường hợp như trường hợp của Cha De Carvalho đã bị chỉ trích gay gắt trong một bài viết bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội sau khi ngài qua đời. Bài viết này được cho là của một linh mục nào đó tên là “Cha Simeão”, trong đó, trọng tâm của thông điệp là các linh mục nên yêu chính bản thân mình hơn là Giáo hội.

Cha Simeão viết: “Thưa anh em, bất kỳ linh mục nào cũng có thể gặp phải tình huống như thế. Một lời tố cáo, ngay cả khi không có bất kỳ bằng chứng nào, khi được gửi đến một giám mục giáo phận đều có thể gây ra án treo tương tự như đối với Cha José”. Bài viết được chia sẻ bởi hàng chục thành viên giáo sĩ và giáo dân.

Bài viết nhận xét tiếp rằng:

“Tôi nghĩ về những người anh em tôi đã gặp, những người đã bị đình chỉ và không thể làm được gì. Những người anh em đã và đang luôn vô tội”.

Tác giả nói rằng cấu trúc của Giáo hội Brazil không có “thời gian cũng như ưu tiên việc chăm sóc các linh mục” và đề cập đến một số khó khăn mà các thành viên trong hàng giáo phẩm phải đối mặt.

Bài báo nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những doanh nhân và những nhân viên trong chiếc áo chùng thâm. Yêu Giáo Hội thôi chưa đủ. Điều đó không đủ để giúp chúng ta sống sót khi đối mặt với rất nhiều thử thách liên quan đến các linh mục mà thời đại hiện nay đang đặt ra cho chúng ta. Điều tốt nhất mà Giáo hội có thể làm là cầu nguyện cho chúng ta. Giáo Hội hiếm khi nâng đỡ chúng ta, hiếm khi lắng nghe chúng ta, không biết cách chăm sóc, không có thời gian để yêu thương”

Cha Lício Vale, một nhà tâm lý học và chuyên gia về tự tử, cho biết một số linh mục dường như đang mắc phải chứng bệnh giống như “chứng hoang tưởng đang bị săn lùng”, vì Giáo hội đưa ra lập trường nghiêm khắc liên quan đến việc trừng phạt những kẻ lạm dụng.

Ông nói với Crux: “Tôi nghĩ rằng Giáo hội đang trải qua một quá trình thích ứng. Từ một nền văn hóa không trừng phạt những kẻ bạo hành, Giáo Hội đang chuyển sang một thể chế hoàn toàn khắc nghiệt. Đó là một quá trình quan trọng, để bảo đảm người phạm tội phải bị trừng phạt. Nhưng các linh mục đã bị buộc tội sai phải được bồi thường - bao gồm cả việc đền bù công khai”.

Vale nói thêm rằng nỗi sợ hãi về việc bị công chúng làm ô nhục dường như đang khiến một số giáo sĩ tuyệt vọng.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm đạt được sự cân bằng. Cho đến lúc đó, điều chúng ta thực sự nên làm là xác định xu hướng lạm dụng trong những năm đào tạo ban đầu. Trong bối cảnh chúng ta thiếu linh mục, những vấn đề như vậy nhiều lần bị bỏ qua. Nhưng sớm muộn gì chúng cũng sẽ xuất hiện.”

Trên thực tế, theo Vale, các yếu tố chính hiện đang dẫn các linh mục đến tình trạng đau khổ về tinh thần phải được giải quyết trong thời gian học ở chủng viện.

“Các linh mục và chủng sinh trẻ là thành quả của một thời đại tập trung vào cái tôi của mình và việc theo đuổi thành công không kiềm chế. Não trạng chạy theo sự nghiệp hiện ở khắp mọi nơi. Các chủng viện và giám mục Brazil phải xem xét lại việc đào tạo các linh mục, và làm nổi bật tình huynh đệ thay vì sự cạnh tranh”

Mô hình giáo dục và sứ vụ linh mục của những người muốn thăng tiến trong sự nghiệp tạo ra những khó khăn trong việc thiết lập cuộc sống hàng ngày dựa trên sự hiệp thông với những người khác, với các linh mục hoặc giáo dân của một giáo xứ.

Vale nói thêm :”Nó cũng cản trở một linh mục tiếp cận với chiều kích tự lực”.

Khi hoàn toàn tập trung vào các nhiệm vụ thường xuyên của mình, linh mục quên chăm sóc tâm linh cho chính mình, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần, và đời sống cộng đồng của mình.

“Các triệu chứng của hội chứng kiệt sức và chán nản công việc bao gồm buồn bã và mệt mỏi liên tục, trì hoãn, mất ngủ và khó làm việc. Chúng ta có thể dễ dàng xác định những vấn đề như vậy giữa nhiều linh mục”.

Theo ý kiến của nhà tâm lý học Ênio Pinto, người đã làm việc với các linh mục trong nhiều thập kỷ, hầu hết các chủng viện ngày nay đều có các chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhưng đôi khi họ thiếu các thông số khoa học cần thiết để thực sự giúp đỡ các chủng sinh trong quá trình đào tạo của họ.

“Giáo hội phải phát triển một quan điểm phê phán hơn về sức khỏe tâm thần. Nhiều lần, Giáo Hội hiểu một cách ngây thơ về những vấn đề như vậy, bao gồm cả tiêu chí để quyết định cử một linh mục đi tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.”

Đức Cha Joel Portella Amado, Giám Mục Phụ Tá của Rio de Janeiro, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, đã theo dõi các trường hợp tự tử của các linh mục. Ngài nói rằng Giáo hội cần phải suy nghĩ lại về cách thức sứ vụ linh mục được cảm nhận.

“Nếu hình ảnh của vị linh mục là một Siêu Nhân có thể hữu ích trong quá khứ, thì bây giờ không còn như thế nữa.”

Theo Đức Cha Amado, những vụ tự sát của các linh mục là một phần của cuộc khủng hoảng lớn hơn trong xã hội Brazil, “nơi chúng tôi đang trải qua vô số thất vọng, thiếu các điểm tham chiếu và khả năng hiện thực hóa.”

Ngài nhấn mạnh rằng mỗi linh mục phải là một phần của một “cộng đồng tư tế được đào tạo”.

“Các linh mục cần học cách sống và chia sẻ với cộng đồng của mình. Nhiều người có ý kiến rằng sứ vụ linh mục ngụ ý sự cô đơn, nhưng đó là một sai lầm”.
Source:Crux

2. Ma quỷ tấn công chức linh mục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #165: Priesthood Under Attack”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 165. Ma quỷ tấn công chức linh mục”.

Một linh mục đến với chúng tôi sau nhiều năm khó khăn khi cử hành Thánh lễ. Mọi sự bắt đầu khi ngài ở trên bàn thờ và chuẩn bị nói những lời truyền phép. Ngài đã trải qua một cảm giác giống như một cơn hoảng loạn. Một ngày, ngài phải ngưng ngang thánh lễ vì không thể tiếp tục. Kể từ đó, ngài cảm thấy việc cử hành Bí tích Thánh Thể quá sức mình giống như một nỗ lực và một gánh nặng. Ngài nói thêm, “Nguồn gốc của nó, cho đến nay, là một bí ẩn hoàn toàn.”

Khi chúng tôi cầu nguyện cho ngài, rõ ràng là ngài đang bị ám ảnh bởi ma quỷ. Chúng tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát trong một cuộc trừ tà nhỏ và ngài cảm thấy có gì đó nâng đỡ. Ngài cảm thấy một cảm giác tự do mới. Cuối lời cầu nguyện, ngài nói, “Tôi cảm thấy tuyệt vời!” Kể từ đó, ngài đã cảm thấy “nhẹ nhõm rất nhiều” khỏi gánh nặng trước đây và “nhiệt tình đổi mới” sứ vụ linh mục và việc cử hành Bí tích Thánh Thể của mình.

Satan luôn nhắm vào các linh mục và bí tích Thánh Thể. Nó đặc biệt thù ghét những người được đồng hình với Chúa Giêsu, những người là công cụ của Hy tế Thánh Thể. Cuộc tấn công tập trung vào chức tư tế và Giáo hội mà chúng ta đang trải qua là chưa từng thấy. Trong năm ngoái thôi, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã báo cáo về 95 vụ tấn công chưa từng có nhắm vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

Vị linh mục sau đó đã chia sẻ với tôi một câu chuyện sâu sắc. Một người bạn và một giáo dân ngoan đạo đã nói với ngài tầm quan trọng của việc có các linh mục; và họ cầu nguyện cho ngài và tất cả các linh mục hàng ngày. Sau đó, ngài nói: “Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cửa vào Nhà Tạm mở toang và trống không. Đó là cách nó sẽ như thế nào nếu không còn linh mục nữa”.

Trong cuốn Các Linh Mục của Chúa Kitô, Chân phước Conchita tường thuật rằng Chúa của chúng ta nói với cô ấy: “Các chủng sinh nên được cảnh báo mạnh mẽ về những cám dỗ mà họ sẽ phải đối mặt và cuộc chiến không hồi kết mà ma quỷ sẽ gây ra chống lại họ mỗi ngày trong cuộc sống của họ, những cuộc đàn áp, những tai họa, v.v., mà họ sẽ phải chịu”.
Source:Catholic Exorcism



3. Trong phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý: Đức Hồng Y Bassetti nhận định rằng “ngày càng có nhiều linh mục cô đơn không thể tưởng tượng được”

“Các linh mục chúng ta ngày nay đang có nhiều vấn đề, nhưng trên hết là một sự cô đơn không thể tưởng tượng nổi”. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI /si-e-i/, đã mô tả như trên về tình trạng của các linh mục.

“Bất cứ ai đứng đầu một cơ chế đều trải qua sự cô đơn, và ngay cả các giám mục đôi khi cũng thấy nặng nề”, Đức Hồng Y Bassetti nói như trên sau khi ca ngợi “bầu không khí vui vẻ” mà các giám mục Ý đã trải qua trong những ngày này.

“Nhìn thấy hơn 200 giám mục ở cùng nhau trong bốn ngày, chia sẻ mọi thứ, từ thức ăn cho đến các chủ đề, là một kinh nghiệm đầy ân sủng trong tập thể giám mục”. Điều này đã được lặp lại bởi Đức Cha Erio Castellucci, phó chủ tịch CEI, người đã nói về “trải nghiệm liên quan đến tính đồng nghị trong cuộc sống hàng ngày, và về tính đồng nghị trong suy tư”.

“Tính đồng nghị là một chủ đề có vẻ xa vời và không thú vị. Nhưng tình hình sẽ khác nếu trên thực tế, chúng ta không tập trung nhiều vào bản thân nhưng vào xã hội. Nếu chúng ta có kinh nghiệm đối đầu và đối thoại, thì những gì đã xảy ra trong Công đồng Vatican II sẽ xảy ra: chúng ta càng suy tư về Giáo hội, chúng ta càng mở lòng ra với thế giới, bởi vì Giáo hội là vì thế giới, không phải vì chính mình, và chúng ta muốn đóng góp phần của chúng ta cho thế giới ngày nay”.

Tổng kết phiên khoáng đại vừa kết thúc, Đức Cha Giuseppe Baturi, phó chủ tịch CEI, nhấn mạnh về sự tham gia: “Các giám mục thể hiện bằng hành động và bằng lời nói mong muốn tham gia nhiều hơn vào các quyết định được đưa ra với tư cách giám mục, kết quả của sự phân định của cộng đồng và lắng nghe lẫn nhau. Ngày nay chúng ta thấy rõ hơn nhu cầu có thời gian lắng nghe nhau và vun đắp tình huynh đệ”.
Source:SIR