Ngày 05-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/12: Thiên Chúa Liều Lĩnh Vì Quá Yêu Chúng Ta – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:41 05/12/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Đó là lời Chúa
 
Chúa là niềm vui của con
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:06 05/12/2022

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Is 35,1-6a.8a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
CHÚA LÀ NIỀM VUI CỦA CON

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.
Tôi nhắc lại: vui lên anh em, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Đó là những lời đầu tiên mà Phụng vụ hôm nay chọn để dẫn chúng ta vào Chúa Nhật “của niềm vui” (Domenica Gaudete). Màu sắc Phụng vụ trong thánh lễ này không phải là màu tím như thường lệ của Mùa Vọng, nhưng là màu hồng, diễn tả niềm vui mong chờ Chúa đến.

Bài đọc I, được trích từ sách tiên tri Isaia, hoàn toàn là một bài tụng ca niềm vui:
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò (Is 35,1-2).

Bởi vậy, đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về một điều mà mọi người, cả người tín hữu lẫn người không có niềm tin đều ao ước là được sống hạnh phúc vui tươi. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà chúng ta luôn khắc khoải tìm kiếm từng ngày.

Tuy nhiên, tại sao mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc, nhưng chỉ có một số người thực sự hạnh phúc và ngay cả những người thực sự hạnh phúc thì chỉ được hạnh phúc trong một thời gian ngắn? Tôi cho rằng đây là lý do chính yếu làm cho chúng ta không có được hạnh phúc hoặc chỉ đạt được hạnh phúc một thời gian ngắn bởi chúng ta đã sai lầm trong việc tìm kiếm đối tượng mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Giống như chúng ta cố gắng để trèo lên đỉnh một ngọn núi cao, nhưng chúng ta chọn hướng đi sai, nên nó không đưa chúng ta lên tới nơi hoặc chỉ đưa chúng ta tới một đoạn đường rồi phải tụt xuống.

Bởi lẽ, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa là tình yêu,” nhưng con người tìm cách đảo lại như thế này: “Tình yêu là Thiên Chúa” (đây là điều mà triết gia Đức Ludwig Feuerbach đã nói). Mạc khải nói rằng: “Thiên Chúa là niềm hạnh phúc,” nhưng con người đảo lại trật tự của nó và cho rằng: “Hạnh phúc là Thiên Chúa!”

Khi làm như thế, điều gì xảy ra ở đây? Bởi lẽ, sống trên trái đất này, chúng ta không thể có hạnh phúc hoàn hảo và tuyệt đối; cũng vậy, chúng ta không thể có tình yêu tuyệt đối. Chúng ta chỉ biết và nếm hưởng một phần nào đó về hạnh phúc. Hạnh phúc ở trần gian qua nhanh và chúng ta cảm thấy hạnh phúc chỉ kéo dài một thời gian. Như thế, khi chúng ta nói: “Hạnh phúc là Thiên Chúa,” chúng ta đã thần hóa những kinh nghiệm nhỏ bé của mình; chúng ta cho những thành công, những thành quả do bàn tay hoặc trí tuệ con người làm ra là “Thiên Chúa.” Chúng ta biến hạnh phúc chúng ta thành một thần tượng hay đúng hơn thành một thứ ngẫu tượng. Điều này lý giải tại sao người tìm kiếm Thiên Chúa thì luôn tìm thấy niềm vui, trong khi đó người tìm kiếm niềm vui lại không luôn tìm thấy Thiên Chúa. Con người giảm thiểu việc tìm kiếm niềm vui của mình theo số lượng: người ta tìm cách gia tăng nhiều hơn sự vui thú và khoái cảm, hoặc tăng thêm sự hưởng lạc trong các thú vui – giống như người nghiện ma túy cần những liều nặng để có mức độ khoái cảm mạnh hơn.

Chỉ có Thiên Chúa là hạnh phúc và làm cho chúng ta hạnh phúc. Đây là lý do tại sao Thánh Vịnh nói:
“Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4).

Trong Thiên Chúa, cả những niềm vui của cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng không bị lấy đi, hoặc biến thành nỗi lo lắng, nhưng được làm cho phong phú hơn và ý nghĩa hơn, ngọt ngào hơn. Chúng ta không chỉ tìm kiếm niềm vui thiêng liêng mà còn cả những niềm vui nhân bản cao quý: như niềm vui từ gia đình vì thấy đứa con mình lớn lên, niềm vui từ tình bạn, sức khỏe, sáng tạo, nghệ thuật, cả lúc nhàn rỗi và lúc thưởng thức cảnh đẹp tự nhiên. Chỉ có Thiên Chúa có thể làm cho miệng của một vị thánh phải kêu lên: “Lạy Chúa, có Ngài là đủ làm con vui rồi! Lòng con không cần gì thêm!”

Trong Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy mọi sự mà con người thường diễn tả bằng từ hạnh phúc. Người là niềm hạnh phúc vô biên và tuyệt đối; Người là “điều mắt chưa từng thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

Đây là lúc để chúng ta công bố “tin vui” với một sự can đảm lớn lao rằng Thiên Chúa là hạnh phúc và niềm hạnh phúc này sẽ không còn đau khổ, không bị tước đoạt, không còn thập giá mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong ngày sau hết. Đó là phần thưởng cuối cùng cho những ai yêu mến Người. Trong cái nhìn đó, đau khổ được dùng để tháo gỡ những sự cản trở đối với niềm vui, để mở lòng chúng ta ra đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao như thế trong ngày cánh chung. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 05/12/2022

16. Khi không có người trả lời chúng ta, thì Thiên Chúa đang nghe chúng ta.

(Thánh Thomas Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 05/12/2022
8. MỪNG HỤT

Ở nước Tống có người nhặt được tờ khế ước của người khác đã vứt đi vì hết giá trị, anh ta rất phấn khởi và trân trọng nó, lại còn cẩn thận tính toán con số ghi trên tờ khế ước, sau đó, dương dương đắc ý nói với người hàng xóm:

- “Tôi sẽ trở thành phú ông ngay tức khắc”.

(Liệt tử)

Suy tư 8:

Tờ khế ước đã hết giá trị mà người ta vẫn trân trọng nó, bởi vì người ta không biết chữ, hoặc là người ta không chịu đọc kỹ ngày tháng bên trên tờ khế ước…

Cũng vậy, có những lúc chúng ta ngồi nhớ lại những chuyện đã qua mà hối tiếc, chúng ta ngồi lại hồi tưởng chuyện năm xưa mà trân trọng, mà hãnh diện… nhưng thực tại trước mắt thì chúng ta bỏ quên không màng nghĩ đến, hoặc nghĩ đến nhưng không muốn bắt tay vào việc.

Chuyện ngày xưa, chuyện hôm qua, hôm kia dù đẹp đến đâu thì cũng là quá khứ, chúng ta không thể niú kéo lại được. Nhưng chuyện hôm nay, chuyện bây giờ mới đáng để cho chúng ta trân trọng, bởi vì chính những giây phút này đây khi tôi làm một việc tốt, thì tôi đã trở nên nguời có ích cho xã hội, cho Giáo hội và cho cộng đoàn; chính giây phút này đây khi tôi quyết tâm sống khiêm tốn, sông yêu thương, thì tôi trở nên người hữu dụng cho mọi người…

Tôi có dùng giây phút hiện tại như là một món quà, như một ân sủng Thiên Chuá đã cho tôi mà người khác không có?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một cuộc xuất hành mới
Lm Minh Anh
21:08 05/12/2022

MỘT CUỘC XUẤT HÀNH MỚI
“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.

Trong tác phẩm “The Adversary”, “Kẻ Thù” của mình, Mark Bubeck viết, “Xác thịt, một hỏng hóc cố hữu, khiến con người tự nhiên không thể phụng sự Thiên Chúa hoặc làm vui lòng Ngài. Nó sở hữu một nội lực hấp dẫn ‘thừa hưởng’ từ sự sa ngã; nên tự nó, thể hiện một sự nổi loạn nói chung; và cách riêng, chống lại Thiên Chúa cùng sự công chính của Ngài. Xác thịt không bao giờ có thể được cải tạo hoặc cải thiện, hy vọng duy nhất để thoát khỏi quy luật sa ngã của nó là thực hành và thay thế hoàn toàn bằng một cuộc sống mới, ‘một cuộc xuất hành mới’ trong Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi rọi ý tưởng của Mark Bubeck; nhất thiết cần có ‘một cuộc xuất hành mới’ trong Chúa Kitô! Isaia nói đến ‘một cuộc xuất hành mới’ khi “Thời nô lệ chấm dứt, tội lỗi được ân xá”, thời mà Thiên Chúa Mục Tử hồi hương dân Ngài; Chúa Giêsu cũng nói đến ‘một cuộc xuất hành mới’ của con chiên lạc được chủ chiên vác trên vai, đem về nhà.

Bài đọc “Sách An Ủi” mở đầu với những lời trấn an ngọt ngào nhất từ miệng Thiên Chúa, “Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”. Thời nô lệ đã mãn, Israel hồi hương! Việc trở lại Giêrusalem được coi là ‘một cuộc xuất hành mới’; trong đó, Thiên Chúa sẽ đích thân “Ấp ủ vào lòng lũ chiên con; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Đây là cuộc xuất hành mà Israel sẽ vĩnh viễn xa rời đất lưu đày, một cuộc ra đi mà tất cả các chướng ngại phải được loại bỏ, “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”. Và “Mọi người sẽ được thấy vinh quang Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca cũng thấy trước điều đó, “Kìa Thiên Chúa chúng ta quang lâm hùng dũng!”.

Nếu thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã phát động ‘một cuộc xuất hành mới’ để tái đoàn tụ dân, thì thời Tân Ước, điều tương tự cũng được thực hiện trong Chúa Giêsu. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy, Ngài là mục tử đi tìm tội nhân trong một nhân loại tội luỵ để đưa nó về. Ngài sẽ cứu cả nhân loại thương tích bằng chính mạng sống Ngài; qua đó, Ngài phục hồi phẩm tính con cái Thiên Chúa cho mọi tội nhân. Đó là lý do của lễ Giáng Sinh! Hình ảnh con chiên lạc là biểu tượng cho cả nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta. Ngài sẽ vác từng con chiên, nghĩa là vác từng tội nhân, rửa sạch, chữa lành, hầu nó có thể thực sự trải nghiệm ‘một cuộc xuất hành mới’.

Anh Chị em,

“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Để có thể ấp ủ vào lòng lũ chiên, Thiên Chúa nhất định thực hiện bằng được cuộc xuất hành cho chúng! Xuất hành nào cũng có cái để xót xa và tiếc nuối; nhưng không cuộc xuất hành nào hạnh phúc hơn cuộc xuất hành trong Chúa Kitô. Đó là “thay thế hoàn toàn bằng một cuộc sống mới” trong Ngài như Mark Bubeck đề cập. Bản thân Ngài, Chúa Kitô cũng đã trải qua cuộc xuất hành này bằng cái chết thập giá; để từ cuộc phục sinh của mình, nhân loại được tái sinh. Tuy nhiên, cuộc xuất hành này không chỉ đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm, nhưng ngay hôm nay, trên các bàn thờ, nó đang được tái diễn; và Giêsu Mục Tử vẫn đang rong ruổi đi tìm từng người. Mùa Vọng, mùa chúng ta bỏ lại tất cả vướng bận để có thể chóng vánh rời khỏi hố sâu, bụi rậm; mùa ra khỏi những vách đá tội lỗi khiến chúng ta không nghe tiếng Ngài. Từ nơi đã rơi vào, hãy thật im ắng bên trong lẫn bên ngoài hầu cho phép linh hồn mình được nghe tiếng Ngài; hãy la lên, “Con đang ở đây!”; Ngài sẽ vội đến, vác chúng ta lên vai, ẵm chúng ta vào lòng, đưa về, băng bó và chữa lành. Từ đó, bạn và tôi được “biến đổi hoàn toàn bằng một cuộc sống mới”; đó là ‘một cuộc xuất hành mới’ đáng chờ đợi nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con đứng dậy sau mỗi lần gục ngã, vì biết rằng, Chúa đang đợi để nắm tay con, hầu con có thể bắt đầu lại bằng ‘một cuộc xuất hành mới’ ngay hôm nay!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mời gọi: Chúng ta cần khám phá sự phong phú thực sự của Lễ Giáng Sinh
Thanh Quảng sdb
02:21 05/12/2022
Đức Thánh Cha mời gọi: Chúng ta cần khám phá sự phong phú thực sự của Lễ Giáng Sinh

Phát biểu trước các phái đoàn từ Sutrio, Rosello và Guatemala, nơi đã tặng cây thông và cảnh trí Hang đá Giáng sinh năm nay tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ ý nghĩa đích thực về Lễ Giáng sinh.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

ĐTC nói: “Để gặp được Thiên Chúa, chúng ta phải đến được nơi Ngài ở; chúng ta cần hạ mình xuống, làm cho mình trở nên nhỏ bé”, giống như Chúa Giêsu đã hạ sinh trong máng cỏ chiên lừa.

Hang đá Giáng sinh, cây thông sẽ được khánh thành tại Vatican

Hai hang đá đã được dựng nên tại Quảng trường Thánh Phêrô và tại sảnh đường Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, được khánh thành chiều nay (4/12/2022) trong buổi lễ Thắp sáng Cây thông Giáng sinh truyền thống tại Quảng trường.

Giống như cây chúng ta cần đâm rễ sâu

Sau khi cảm ơn các phái đoàn, và đặc biệt là những người góp công sức dàn dựng cảnh trí Giáng sinh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ ý nghĩa và biểu tượng đằng sau Cây thông Giáng sinh và máng cỏ.

Ngài nói: “Cây Thông với ánh sáng lung linh nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng đến để đẩy lui bóng tối cuộc đời chúng ta, chúng ta bị chìm ngập trong bóng tối của tội lỗi, sợ hãi và đau khổ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Ánh sáng ấy cũng gợi nhớ cho ta, giống như cây cối, chúng ta cần có gốc rễ, “nền tảng vững chắc” để đứng vững, phát triển và chống chọi với sóng gió cuộc đời. Do đó, điều quan trọng là “phải trân trọng cội gốc, trong cuộc sống cũng như trong đức tin”.

Sự thơ bé của Chúa Giêsu

Sau đó, ĐTC chia sẻ về ý nghĩa của máng cỏ, nó “nói cho chúng ta về sự giáng sinh đơn nghèo của Con Thiên Chúa, Đấng đã làm người để gần gũi với chúng ta”.

“Trong sự nghèo khó thực sự”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “cảnh Chúa Giáng Sinh giúp chúng ta khám phá lại sự phong phú thực sự của Lễ Giáng Sinh, một Lễ Giáng Sinh khác “với lễ Giáng Sinh mua sắm và thương mại”. Nét đơn sơ của trẻ sơ sinh nhỏ bé, sự dịu dàng của bé được đặt trong nôi, được bao bọc bằng chiếc khăn trắng quấn quanh…”
 
Giáo hội Chính thống Nga lên án kế hoạch cấm Giáo hội này hoạt động tại Ukraine
Đặng Tự Do
05:38 05/12/2022


Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho rằng ý định cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Nga của chính quyền Ukraine là nhắm vào bộ phận dân chúng Ukraine dễ bị tổn thương nhất.

Phát ngôn nhân của Giáo Hội Chính thống Nga Vladimir Legoyda cho biết trên Telegram: “Giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng hành động chống lại người dân của họ, và những người không có khả năng tự vệ và không có khả năng phản đối, các tín hữu và giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống lớn nhất và duy nhất ở Ukraine”.

Ông đang bình luận về một sắc lệnh của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelenskiy, sẽ mở đường cho lệnh cấm hoàn toàn đối với Giáo Hội Chính Thống Ukraine, gọi tắt là UOC.

Chính Thống Giáo Nga cho rằng dự luật không chỉ vi phạm các quy tắc của luật pháp mà còn cho thấy “sự mất đi những tàn dư cuối cùng của lẽ phải”, vì UOC luôn ủng hộ người dân và nhà nước Ukraine bằng mọi cách có thể, luôn kêu gọi hòa bình và cầu nguyện vì hòa bình, Legoyda nói.

Ông nói, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã quyết định rằng dự luật phải phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực tự do lương tâm và nghĩa vụ của Ukraine với tư cách là thành viên của Hội đồng Âu Châu.

“Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện như thế nào, nếu vi phạm quyền tự do lương tâm là mục tiêu và bản chất của dự luật này, vẫn còn là một bí ẩn,” Legoyda nói, trong khi lo lắng về “các trò chơi chính trị sử dụng như một con bài thương lượng cho những người dân vô tội - Các tín hữu bình thường và các linh mục khiêm tốn, trung thực của Nhà thờ Chính thống Ukraine, những người mà trách nhiệm duy nhất của họ là giữ đức tin của cha ông họ,” Legoyda nói.

Bối cảnh: Sau cuộc xâm lược của Nga. UOC đã tuyên bố ngừng phụ thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, trong các cuộc khám xét các tu viện và nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống này, các cơ quan an ninh đã tìm thấy súng, lựu đạn, và các tài liệu ủng hộ “thế giới Nga”. Vì thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự định sẽ cấm Giáo Hội này hoạt động tại Ukraine.
Source:Interfax
 
Biến cố chấn động Louisiana: Linh mục và giáo dân bị sát hại và thiêu cháy
Đặng Tự Do
05:39 05/12/2022


Trung úy Kevin Collins, người đứng đầu đơn vị điều tra của Sở Cảnh sát Covington, Louisiana, nhấn mạnh tại cuộc họp báo rằng một linh mục và một giáo dân thiện chí đã bị thảm sát.

Cha Otis Young, một linh mục đã nghỉ hưu của giáo xứ, được xác định là nạn nhân đầu tiên trong vụ tấn công vào ngày 30 tháng 11. Bà Ruth Prats, một cộng tác viên mục vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Covington, Louisiana, đã được xác định là nạn nhân thứ hai trong một vụ giết người kép gây chấn động cộng đồng, văn phòng điều tra viên địa phương thông báo vào ngày 1 tháng 12.

Cha xứ hiện tại của giáo xứ Thánh Phêrô nhớ đến họ như hai người đã hiến thân “để phục vụ dân Chúa”.

“Cha Otis là một mục tử được yêu mến, người đã phục vụ Chúa và dân tộc của Ngài bằng trái tim của một mục tử cho đến khi qua đời,” Cha Daniel Brouillette phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 12. “Bà Ruth, một cộng sự tận tâm và đáng quý, đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp người dân của giáo xứ Thánh Phêrô lớn lên trong mối quan hệ của họ với Chúa.”

Ngài nói tiếp: “Vì vậy, khi chúng ta đau buồn tưởng nhớ Cha Otis và Ruth, và chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của họ được an nghỉ, chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu của chúng ta để được an ủi. Tôi cầu nguyện rằng gia đình của họ và tất cả chúng ta đều có thể biết được tình yêu và hy vọng trong Chúa và tìm được bình an trong thời gian tang tóc này.”

Nguyên nhân cái chết của Bà Ruth là do chấn thương do va chạm mạnh, được phân loại là một vụ giết người. Nguyên nhân cái chết của Cha Young, được văn phòng điều tra công bố vào ngày 30 tháng 11, là do một chấn thương mạnh và cùn, cũng được phân loại là một vụ giết người.

Bà Ruth và Cha Young được thông báo mất tích vào ngày 27 tháng 11. Sáng hôm sau, hai thi thể bị cháy được phát hiện phía sau một cửa hàng kính ở trung tâm thành phố Covington, cách Nhà thờ Thánh Phêrô khoảng nửa dặm. Những thi thể đó hiện được xác nhận là Bà Ruth và Cha Young.

Antonio Donde Tyson, 49 tuổi, đang bị giam giữ vì liên quan đến vụ giết người. Anh ta đã bị bắt vào đầu tuần này và bị buộc tội với hai tội danh giết người cấp một, hai tội danh bắt cóc cấp hai, hai tội danh cản trở công lý, một tội danh sở hữu trái phép đồ ăn cắp và một tội danh chống lại cảnh sát.

Trung úy Kevin Collins, người đứng đầu đơn vị điều tra của Sở Cảnh sát Covington, nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng các cáo buộc bổ sung dành cho Tyson có thể sắp diễn ra và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Tại thời điểm này, các chi tiết về cách thức tội phạm diễn ra vẫn đang được điều tra và một số chi tiết nhất định đang được sở cảnh sát giữ kín.

Collins từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà ty cảnh sát có về động cơ có thể xảy ra. Anh ta nói rằng họ biết nơi các thi thể bị đốt cháy, nhưng từ chối cho biết ở đâu và anh ta cũng không thể tiết lộ bất kỳ thông tin nào về nơi Bà Ruth và Cha Young bị giết. Tuy nhiên, trung úy thừa nhận rằng ty cảnh sát có bằng chứng cụ thể sẽ giúp họ xác định cách những nạn nhân bị giết, và thời gian tử vong.

Collins nói rằng anh ấy không thể bình luận về lý do tại sao các thi thể lại ở khu vực mà họ được tìm thấy, nhưng nói thêm rằng có vẻ như Tyson không có bất kỳ mối liên hệ nào với khu vực này.

Cũng không có bằng chứng cho thấy Tyson có bất kỳ mối liên hệ nào với Nhà thờ Thánh Phêrô và trường học giáo xứ. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy anh ta biết Bà Ruth, hoặc Cha Young. Michael Ferrell, Cảnh sát trưởng Covington, nói rằng tội phạm “có vẻ ngẫu nhiên,” để trả lời câu hỏi liệu Bà Ruth và Cha Young có phải là mục tiêu hay không.

Tyson đã được trả tự do khỏi Cơ sở Cải huấn Rayburn ở Louisiana khoảng ba tháng trước sau khi thụ án 30 năm một bản án lên đến 40 năm vì bị kết tội cưỡng hiếp, cướp có vũ trang và một tội trộm cắp. Khi được một phóng viên hỏi liệu Tyson có nằm trong tầm ngắm của Sở cảnh sát Covington với tư cách là người được tạm tha gần đây hay không, Collins trả lời: “Không.”

Sau đó trong cuộc họp báo, Cha Brouillette đã nói cụ thể về Prats, nêu bật những thập kỷ phục vụ của bà cho giáo xứ và cộng đồng, người đã phục vụ nhiều mục tử và được “yêu mến”.

“Vì tuổi thọ của bà ở Thánh Phêrô, cũng như trái tim nhân hậu và yêu thương của bà, bà rất nổi tiếng, được yêu mến và biết đến như một người gắn bó với giáo xứ và với cộng đồng của chúng tôi,” Cha Brouillette nói và cho biết thêm rằng cả Prats và Cha Young “rất được yêu mến và vô cùng tận tụy.”

Thánh lễ an táng cho Cha Young được cử hành vào Thứ Hai, ngày 5 tháng 12 tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô do Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond của New Orleans chủ tế.
Source:Crux
 
Diễn biến ngoạn mục: Iran dẹp bỏ cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau các cuộc biểu tình đẫm máu
Đặng Tự Do
17:19 05/12/2022


Iran đã dẹp bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau hai tháng biểu tình bạo lực chống lại luật Hồi Giáo về khăn trùm đầu khiến 200 người thiệt mạng trong tình trạng bất ổn đẫm máu

Bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước sau cái chết của Mahsa Amini, người bị bắt ở thủ đô Tehran và bị cảnh sát đánh đập vì không tuân thủ luật trùm đầu nghiêm ngặt của Iran.

Bạo loạn nổ ra khắp Iran sau khi cô bị cảnh sát đánh đập đến chết

Được biết, cô gái 22 tuổi đã chết vào ngày 16 tháng 9 sau khi bị cảnh sát đạo đức của chế độ đánh tới tấp trước khi bỏ rơi cô ta trong tình trạng hôn mê.

Sự phẫn nộ của công chúng về cái chết của Mahsa đã biến thành một cuộc tắm máu với ít nhất 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động, theo một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước.

Cô bị cáo buộc đã bị cảnh sát bắt và đánh đập vì để lộ một số sợi tóc dưới khăn trùm đầu mà phụ nữ Iran bắt buộc phải đội theo luật bất kể người phụ nữ ấy theo Hồi Giáo hay không.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc sau cái chết của cô khi hàng ngàn công dân chán nản tập hợp chống lại luật pháp nghiêm ngặt.

Những phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình đã không đội khăn. Nhiều người thậm chí còn mang khăn ra đốt trên đường phố và chia sẻ video họ xé khăn quàng cổ.

Nhưng sau nhiều tuần bất ổn, người ta hiểu rằng Iran sẽ bãi bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo để thoát khỏi tình trạng bạo loạn kéo dài.

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời Tổng chưởng lý Mohammad Jafar Montazeri cho biết: “Cảnh sát đạo đức không liên quan gì đến cơ quan tư pháp” và đã bị bãi bỏ.

Bình luận của anh ấy được đưa ra tại một hội nghị tôn giáo, nơi anh ấy trả lời một người tham gia đã hỏi “tại sao cảnh sát đạo đức lại bị đóng cửa”.

Cảnh sát đạo đức Hồi Giáo - được biết đến với tên chính thức là Gasht-e Ershad hoặc “Tuần tra hướng dẫn” - được thành lập dưới thời tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, để “truyền bá văn hóa khiêm tốn và đoan trang của khăn trùm đầu”.

Các đơn vị bắt đầu tuần tra vào năm 2006.

Biến cố giải tán lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo xảy ra khi Iran tái xét luật hijab hàng chục năm tuổi.

Montazeri nói rằng “cả quốc hội và cơ quan tư pháp đang làm việc về vấn đề có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.

Tổng thống Ebrahim Raisi cho biết trong các bình luận trên truyền hình hôm thứ Bảy rằng các nền cộng hòa và Hồi giáo của Iran đã được củng cố theo hiến pháp “nhưng có những phương pháp thực thi hiến pháp có thể linh hoạt”.

Trước năm 1978, cách ăn mặc của phụ nữ Iran được kể là cấp tiến nhất trong vùng Vịnh và Trung Đông. Nhiều người du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đã đưa vào Iran các hình thức thời trang thịnh hành nhất bây giờ.

Cách mạng 1979, sau này được gọi là Cách mạng Hồi giáo, bắt đầu vào tháng Giêng năm 1978 với các cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống lại Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi. Sau một năm đình công và biểu tình làm tê liệt đất nước và nền kinh tế, Pahlavi trốn sang Hoa Kỳ, và Ruhollah Khomeini sau thời gian lưu vong trở về Tehran vào tháng 2 năm 1979, thành lập chính phủ mới. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý, Iran chính thức trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo vào tháng 4 năm 1979. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vào tháng 12 năm 1979 đã phê chuẩn một hiến pháp dựa trên luật Hồi Giáo Sharia.
Source:aljazeera.com
 
Tổng giám mục Ukraine kêu gọi trả tự do cho các linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ
Đặng Tự Do
17:21 05/12/2022


Hai linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ đang “bị tra tấn không thương tiếc”, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết hôm thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lời kêu gọi các nhà chức trách quốc tế giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đã bị giam giữ trong hơn hai tuần.

“Chúng tôi nhận được tin buồn rằng các linh mục của chúng tôi đang bị tra tấn không thương tiếc,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói.

“Theo các phương pháp đàn áp cổ điển của chủ nghĩa Stalin, những lời thú tội mà họ không phạm phải được rút ra từ các cuộc tra tấn. Trên thực tế, hai mục sư anh hùng của chúng ta hàng ngày bị đe dọa bằng sự tra tấn và bằng cái chết.”

Đức Tổng Giám Mục Ukraine đã yêu cầu người Công Giáo trên khắp thế giới cầu nguyện cho việc trả tự do cho các linh mục.

“Yêu cầu của chúng tôi là trả tự do ngay lập tức cho hai linh mục, những người không có lỗi gì ngoài lỗi yêu thương người dân của họ, Giáo hội của họ, cộng đồng được giao phó cho họ,” ngài nói.

“Tôi kêu gọi các đại diện ngoại giao và các tổ chức nhân quyền quốc tế, yêu cầu họ làm mọi thứ có thể để cứu mạng sống của những mục tử anh hùng này. Và tôi yêu cầu tất cả các tín hữu của Giáo hội chúng ta ở Ukraine và nước ngoài, tất cả các Kitô hữu, tất cả những người thiện chí, hãy cầu nguyện cho hai linh mục này được trả tự do.”

Theo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn ở lại lãnh thổ dưới sự chiếm đóng của Nga để phục vụ các cộng đồng Công Giáo theo nghi thức Đông phương và nghi thức Latinh tại địa phương.

Đức Cha Shevchuk nói: “Sau đó, một số đồ vật quân sự đã được đặt trong nhà thờ để buộc tội các ngài sở hữu vũ khí trái phép”.

Hai Cha Levytskyi và Heleta đã bị bắt khỏi giáo xứ của các ngài, Nhà thờ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria, ở thành phố ven biển Berdyansk vào ngày 16 tháng 11 và bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga buộc tội đã thực hiện các hoạt động “lật đổ” và “du kích”.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine của Donetsk đã bác bỏ các cáo buộc, gọi việc giam giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các giáo sĩ.

“Vào thời điểm khám xét nhà thờ, nhà xứ liền kề và cơ sở của giáo xứ, cả hai linh mục đều đã bị bắt giữ; nghĩa là, họ không thể kiểm soát những cơ sở này và hành động của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga theo bất kỳ cách nào”, tuyên bố từ Giáo Hội địa phương cho biết.

“Họ không thể chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với vũ khí và đạn dược được cho là đã tìm thấy ở những nơi đó. Đây rõ ràng là một lời vu khống và một lời buộc tội sai lầm.”

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả người Ukraine là “những người tử vì đạo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi đang nói về một dân tộc đã chịu tử đạo. Nếu bạn có những người trở thành tử vì đạo, thì cố nhiên bạn có những người hành hạ họ”.

“Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về sự tàn bạo bởi vì tôi có rất nhiều thông tin về sự tàn bạo của quân đội. Nhìn chung, những người tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân thủ các quy tắc truyền thống của Nga, chẳng hạn như người Chechenya, người Buryat, v.v.”

Những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov nói: “Gần đây, có một tuyên bố rất khó hiểu, hoàn toàn không phải là Kitô giáo, đã phân loại hai sắc dân của Liên bang Nga thành những người mà từ đó chúng ta có thể mong đợi những hành động tàn bạo trong các cuộc chiến. Chúng tôi đã phản ứng với điều đó, Vùng Buryatia và Cộng hòa Chechnya đã làm như vậy. Điều đó chắc chắn không nâng cao uy tín của Tòa thánh”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Canterbury thăm Irpin và Bucha
Đặng Tự Do
17:23 05/12/2022


Đức Tổng Giám Mục Canterbury đã đến thăm địa điểm từng là một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Kyiv để bày tỏ sự chia buồn và tình liên đới với những người đã phải chịu đựng sự chiếm đóng của Nga hồi đầu năm nay.

Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm Nhà thờ Thánh Andrê ở Bucha của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nơi ngài cầu nguyện với linh mục của nhà thờ, là Cha Andriy Halavin, và cầu nguyện một mình tại nơi chôn cất 116 thi thể.

Ngài đã được cho xem những bức ảnh về những thường dân bị sát hại và phản ứng của cộng đồng trong việc chôn cất những người chết trong một cuộc triển lãm ảnh gây xúc động sâu sắc được trưng bày tại nhà thờ.

Đức Tổng Giám Mục Justin cũng đã đến thăm cái gọi là 'Cây cầu Hy vọng' ở Irpin. Ở đó, ngài đã nghe lời kể của các linh mục địa phương, những người đã tham gia vào nỗ lực giúp mọi người trốn thoát dưới làn đạn của Nga, qua con đường duy nhất thoát khỏi Bucha và Irpin do Nga chiếm đóng.

Đức Tổng Giám Mục dừng lại trước những cây thánh giá xếp trên những tấm ván bắc qua sông, tưởng niệm những người đã chết khi cố gắng trốn thoát và cầu nguyện cho những người thương tiếc họ.

Đức Tổng Giám Mục đã thực hiện chuyến viếng thăm với Đức Giám Mục Anh giáo tại Âu Châu, là Đức Giám Mục Robert Innes, người tháp tùng Đức Tổng Giám Mục trong chuyến viếng thăm Ba Lan và Ukraine.

Tổng Giám mục Justin đã được Ivan Rusyn, một mục sư Baptist và là chủ tịch của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine, gọi tắt là UETS, dẫn đi quanh Irpin và Bucha, nơi đã bị sáu hỏa tiễn của Nga tấn công vào đầu tháng 3 vài ngày sau khi ông và nhân viên của mình được di tản. Ivan và các đồng nghiệp của ông đã nói với Đức Tổng Giám Mục về những nỗi kinh hoàng mà người dân địa phương phải chịu đựng khi họ cố gắng thoát khỏi cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục đến thăm UETS, nơi ông gặp gỡ các giảng viên và sinh viên để nghe những lời kể của họ về cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga. Sau đó, ông đã cầu nguyện với các sinh viên và ban phép lành cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby nhận xét rằng: “Việc Nga xâm chiếm Ukraine là một hành động xấu xa. Có mặt ở Irpin và Bucha ngày hôm nay càng làm cho niềm tin của tôi về điều đó mạnh mẽ hơn. Cuộc chiến của người Nga tung ra các thế lực của địa ngục và hôm nay tôi đã gặp những người đã từng trải qua địa ngục đó.”

“Vì vậy, thường ở những nơi chiến tranh và xung đột, Giáo Hội phải chịu đựng cùng với các cộng đồng mà mình phục vụ. Hôm nay tôi đã gặp các linh mục anh hùng, các chủng sinh và các Kitô hữu địa phương, những người – ngay cả khi đang chịu đau khổ tột cùng vì cuộc xâm lăng tàn bạo này – đã yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ những người xung quanh họ. Hôm nay tôi cảm thấy rằng tôi đã chạm vào gấu áo choàng của Chúa Giêsu và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài trên khuôn mặt của những người ở Irpin và Bucha.”

“Thật vinh dự khi được dành thời gian với các giảng viên và sinh viên của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine. Tôi tạ ơn Chúa vì lòng trung thành can đảm của họ với Chúa Giêsu Kitô. Họ sẽ ở trong lời cầu nguyện của tôi trong một thời gian rất dài – cũng như tất cả người dân Ukraine.”

Suy tư về chuyến thăm Ukraine sắp kết thúc, Đức Tổng Giám Mục nói: “Được đến thăm Ukraine là một đặc ân sâu sắc. Chuyến thăm này đã khiến tôi càng quyết tâm đoàn kết với những người dân anh hùng của đất nước này. Tôi có một ấn tượng rất mạnh trước sự dũng cảm, kiên cường và niềm tin của những người tôi đã gặp”.

“Nhưng tôi cũng bị ấn tượng bởi mức độ tàn ác đã được gây ra bởi cuộc xâm lược bất công này – điều đó có nghĩa là quyết tâm của chúng ta sát cánh cùng người Ukraine trong cuộc đấu tranh giành tự do của họ phải lớn hơn nữa”.

“Tôi kêu gọi Giáo hội Anh, khối Hiệp thông Anh giáo và các Kitô hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho Ukraine trong Mùa Vọng này – và cho tất cả mọi người trên toàn cầu đang sống trong các cuộc xung đột và bất công.”
Source:archbishopofcanterbury.org
 
Ukraine, sự thay đổi sâu sắc của Đức Phanxicô. Ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của một dân tộc tử đạo
J.B. Đặng Minh An dịch
21:46 05/12/2022

Ký giả Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, của tờ L’Espresso có trụ sở ở Rôma có bài tường trình nhan đề “Ucraina, la svolta di Francesco. A sostegno della lotta armata di un popolo martire”, nghĩa là “Ukraine, sự thay đổi sâu sắc của Đức Phanxicô. Ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của một dân tộc tử đạo.” Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Không mệt mỏi, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cống hiến mình như một người trung gian cho hòa bình. Nhưng đối với đề xuất đàm phán mới nhất của ngài, được đưa ra cách đây một tuần trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo “America Magazine” của Dòng Tên ở New York, phản ứng từ Mạc Tư Khoa chẳng có gì khác hơn là một sự tàn bạo.

“Đây thậm chí không chỉ là bài Nga, mà còn là xuyên tạc sự thật”, với những lời này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã bác bỏ lập luận của Đức Giáo Hoàng. Đại sứ Nga tại Tòa thánh Alexander Avdeyev cũng bày tỏ “sự phẫn nộ” trước “những lời bóng gió” của Đức Giáo Hoàng. Và cuối cùng, chính bộ trưởng ngoại giao Sergey Lavrov đã coi những lời của Đức Giáo Hoàng là “không theo tinh thần Kitô”, và ông ta nói thêm rằng “Vatican đã nói rằng điều này sẽ không xảy ra nữa và có lẽ đã có sự hiểu lầm, nhưng điều này không giúp tăng thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng”.

Điều khiến Mạc Tư Khoa phản ứng là đoạn phỏng vấn trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài có “rất nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội Nga” được gửi đến để tấn công Ukraine, với một mô tả thật đáng tiếc rằng “nói chung những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không theo truyền thống Nga, như người Chechnya, Buryats, v.v. Do đó, không chỉ “lính đánh thuê”, như Đức Thánh Cha đã đôi lần than thở, mà cả quân đội của các nhóm dân tộc cụ thể, mà nhà lãnh đạo người Chechnya, Ramzan Kadyrov, cũng đã lớn tiếng phản đối.

Thực tế là – bỏ qua tất cả những sai lầm quá thường xuyên trong truyền thông – gần đây đã có nhiều thay đổi trong những gì Đức Phanxicô nói và nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine.

Sự thay đổi được bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ mà Đức Giáo Hoàng đã có tại Vatican vào ngày 7 tháng 11 với Đức Tổng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Sviatoslav Shevchuk. Và điều đó được hiện thực hóa trong “Thư của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Ukraine” được công bố vào ngày 24 tháng 11 mà chính Đức Cha Shevchuk đã yêu cầu Đức Phanxicô viết, và lá thư này rất gần với văn phong và nội dung của các thông điệp mà người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương gửi đến các tín hữu của mình.

Ngày 24 tháng 11 là hai ngày trước lễ kỷ niệm Holodomor, “nạn diệt chủng khủng khiếp, sự hủy diệt bởi nạn đói năm 1932-33, do Stalin gây ra một cách giả tạo ở Ukraine,” như Đức Phanxicô đã gọi nó không chỉ trong thư gửi người dân Ukraine mà còn cả trong buổi tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư 23 tháng 11, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27, và trong cuộc phỏng vấn với tờ “America” vào ngày 28.

Và bản thân điều này là một bước phát triển mới có ý nghĩa to lớn, trong các phán quyết của Đức Giáo Hoàng về hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, hơn nữa điều có ý nghĩa ngoại thường là việc sử dụng nhãn hiệu “diệt chủng”, mà cho đến nay chỉ có một số quốc gia trên thế giới áp dụng đối với Holodomor, được Đức Phanxicô nhắc lại “như một tiền đề lịch sử của cuộc xung đột” ngày nay.

Hơn nữa, đã có những lời độc đáo của Đức Thánh Cha mô tả cuộc chiến này, và hoàn toàn đứng về phía những người Ukraine “tử vì đạo” và chống lại nhà nước khác đang “tử đạo họ”.

Trên hết, trong bức thư của Đức Phanxicô gửi người Ukraine, có một câu nói mà đối với ngài là chưa từng có. Đó là nơi ngài viết: “Tôi nghĩ về các bạn, những người trẻ tuổi, những người dũng cảm bảo vệ tổ quốc của mình đã phải cầm vũ khí thay vì theo đuổi những ước mơ ấp ủ cho tương lai”.

Và ngài tiếp tục: “Tôi ngưỡng mộ sự phản kháng kiên định của anh chị em. Ngay cả khi trải qua thảm kịch to lớn này, người dân Ukraine chưa bao giờ nản lòng hay tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc táo bạo và mạnh mẽ, một dân tộc chịu đau khổ và cầu nguyện, khóc lóc và chiến đấu, kháng cự và tiếp tục hy vọng, một dân tộc cao cả của các vị tử đạo. Tôi vẫn gần gũi với anh chị em”.

Lần đầu tiên, tại đây, sau chín tháng chiến tranh, Đức Phanxicô nói những lời rõ ràng ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của người Ukraine chống lại người Nga. Trái ngược với đường lối hòa bình vẫn được hầu hết các tổ chức Công Giáo Ý tuyên bố, khi họ cho rằng họ đang theo đuổi đường lối của Đức Giáo Hoàng.

Nhưng Đức Giáo Hoàng nào? Phải chăng là vị Giáo Hoàng mà cách đây một tháng còn đổ lỗi cho phương Tây và NATO đã khiêu khích Nga, “sủa” ngay cửa ngõ nước này? Người đã truy nguyên cuộc xung đột này, giống như tất cả các cuộc xung đột khác, cho đến nguyên ủy là “sự điên rồ” của sản xuất và buôn bán vũ khí toàn cầu? Người đã bác bỏ quan điểm cho rằng có thể tiến hành một cuộc chiến “chính nghĩa”?

Hay vị Giáo Hoàng ngày nay thông cảm với những người lính Ukraine đang bảo vệ quê hương của họ bằng vũ khí?

Với tư cách là giám mục của Rôma và là giáo chủ của Ý, Đức Phanxicô có một số người Công Giáo đứng sau lưng ngài, những người mà các nhà lãnh đạo nổi bật nhất, các cơ cấu hiệp hội và các cơ quan báo chí đều kêu gọi hòa bình và quyết liệt không chấp nhận việc gửi vũ khí đến Ukraine.

Ngay từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine của Putin, Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Thánh Egidio, đã hô hào Ukraine đầu hàng, đưa ra lời kêu gọi yêu cầu Ukraine tuyên bố Kyiv là một “thành phố mở”, tức là mời quân xâm lược vào xâm lược mà không đưa ra bất kỳ kháng cự nào.

Vào ngày 5 tháng 11, một lần nữa Riccardi lại đọc diễn văn bế mạc cuộc biểu tình quy mô lớn theo chủ nghĩa hòa bình - với sự tham gia của hầu hết các hiệp hội Công Giáo - diễn hành qua các đường phố ở Rôma đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, với hàng chục lá cờ của cộng đoàn Thánh Egidio trên đường phố, nhưng có thể hiểu được rằng thậm chí không có một người Ukraine nào vẫy tay chào.

Đó là tờ “Avvenire,” nghĩa là “Tương Lai”, tờ báo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Ý do Marco Tarquinio chỉ đạo, hàng ngày lên tiếng vì hòa bình ở Ukraine, nhưng luôn chống lại việc gửi vũ khí đến quốc gia đó.

Đó là Stefano Zamagni và Mauro Magatti, hai trí thức Công Giáo lỗi lạc – người đầu tiên là kinh tế gia và là chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, còn người thứ hai là giáo sư xã hội học tại Đại học Công Giáo Milan và là thư ký của Tuần báo Xã hội Công Giáo Ý – người vào tháng 10 đã đưa ra một kế hoạch hòa bình sáu điểm bao gồm, trong số những điều khác, cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị của các vùng Lugansk và Donetsk nói tiếng Nga, thành lập một cơ quan chung Nga-Ukraine để khai thác tài nguyên khoáng sản của Donbas, và sự nhượng bộ trên thực tế bán đảo Crimea cho Nga.

Cho đến một tháng trước, thế giới Công Giáo này đã có một ngày thực địa để tuyên bố sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng dành cho mình.

Nhưng hôm nay thì sao? Không có gì ngạc nhiên khi bức thư ngày 24 tháng 11 của Đức Phanxicô gửi cho người dân Ukraine đã gặp phải sự đón nhận lạnh nhạt từ chính thế giới Công Giáo này.

Một thế giới đương nhiên không thiếu những tiếng nói bất hòa có hiệu quả, mặc dù rất hiếm. Trong số đó có Vittorio Emanuele Parsi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công Giáo Milan và giám đốc, tại cùng một trường đại học, Trường Cao học Kinh tế và Quan hệ Quốc tế.

Sau đây là một đoạn trích ngắn từ cuốn sách mới nhất của ông, “Nơi chiến tranh và cái giá của tự do,” do Bompiani xuất bản.

CHI PHÍ CỦA SỰ TỰ DO

Vittorio Emanuele Parsi

Nếu cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine dạy cho chúng ta chỉ một điều thôi, thì điều đó là các quy tắc cho phép loại bỏ chiến tranh khỏi Âu Châu thực sự hoạt động giữa các nền dân chủ và có hồi kết cho các cuộc chiến. Hãy lấy ví dụ về mối thù lâu đời giữa Pháp và Đức. [...] Điều khiến bất kỳ đề xuất nào về xung đột giữa Pháp và Đức ngày nay trở nên vô lý đơn giản là vì thực tế cả hai đều có chung thể chế chính trị, cùng giá trị và là các “xã hội mở” trong đó nhà nước là người bảo vệ dân sự, tự do chính trị và xã hội của công dân.

Đây là những gì đã làm xoay chuyển tình hình, trong quá khứ, nỗi sợ chiến tranh là thường trực, thì giờ đây người ta có niềm tin tuyệt đối vào hòa bình. Và chính từ đó mà có thể phát triển các thể chế quốc tế và xuyên quốc gia - Liên minh Đại Tây Dương và Liên minh Âu Châu - đã cung cấp các phương tiện để củng cố, tăng cường và bảo đảm an ninh của Âu Châu mà chúng ta đã sống cho đến ngày 24 tháng 2 vừa qua và trong đó chúng ta nên tiếp tục sống ngay cả sau đó.

Có vẻ như những người Âu Châu chúng ta đang gặp khó khăn trong việc hiểu làm thế nào mà chính lục địa của chúng ta lại là bên hưởng lợi nhất từ trật tự quốc tế tự do xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không những vậy nhiều người cũng chẳng hiểu về cách thức các thể chế của chúng ta tạo thành trụ cột chính thứ hai của nó, cùng với trụ cột được đại diện bởi Hoa Kỳ, quốc gia đứng đầu về mặt quân sự. Giá như chúng ta nhận thức rõ hơn về điều này, có lẽ chúng ta sẽ gặp ít khó khăn hơn nhiều trong việc nhận ra rằng những gì đang bị đe dọa ở Ukraine không chỉ là quyền hợp pháp của người dân Ukraine được làm chủ trong chính ngôi nhà của họ, tương lai chính trị của người anh hùng và dũng cảm đó, của đất nước bất hạnh đó, mà còn là sự tồn tại của trật tự đã tạo nên bối cảnh và khuôn khổ mà trong đó chúng ta đã phát triển Âu Châu hòa bình và dân chủ “của chúng ta”, và sự ra đi của nó sẽ khiến việc duy trì tiến trình này là điều không tưởng.

Và do đó? Và do đó, người ta phải tin rằng hòa bình ở Âu Châu chỉ có thể thực hiện được nếu không ai đe dọa biên giới của nó và cố gắng làm gián đoạn sự phát triển tự chủ của nền dân chủ trong biên giới được xác định của nó. Bởi vì điều cơ bản cần nhắc lại hôm nay là Ukraine đã bắt đầu tự chủ trong quá trình phát triển theo hướng dân chủ, trong đó định vị hướng về phương Tây là một sự bổ sung tự nhiên, xét rằng các nền dân chủ vững mạnh đều nằm ở phía tây Ukraine và không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nó đến từ phương Tây.

Bất kể tuyên truyền của Nga có thể nói gì về Ukraine và những con ngựa thành Troia ở quốc gia này lải nhải rằng, không có triển vọng cho Ukraine gia nhập NATO, vào năm 2008 Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là George W. Bush đã đề xuất cho Ukraine gia nhập; và đề xuất của ông đã bị các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các quốc gia chính ở Âu Châu, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, bác bỏ. Nếu ngày đó, không có sự phản đối này, cuộc chiến hiện nay đã không xảy ra vì chính tình trạng dằng dai trong liên kết cấu trúc của Ukraine với Liên minh Âu Châu đã gây ra sự can thiệp mạnh tay của Nga vào tiến trình chính trị Ukraine vào năm 2014, cuộc xâm lược Crimea và hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai Donbas.

Chúng ta - phương Tây, Âu Châu – phải quyết tâm chiến thắng trong kế hoạch tội ác của Điện Cẩm Linh, trong đó họ cố làm cho chúng ta không tin vào sự tốt đẹp của chính nghĩa của chúng ta mà tại thời điểm này là một với chính nghĩa của người dân Ukraine. Chúng ta không thể nhượng bộ những mối đe dọa được che đậy trong những lập luận tinh vi và xảo quyệt của Vladimir Putin.

Dưới sự xuyên tạc núp dưới những chiêu bài trấn an của chủ nghĩa hiện thực, sự thận trọng và chủ nghĩa hòa bình, là những gì lẽ ra phải gọi thẳng thừng là chủ nghĩa hoài nghi, sự hèn nhát, và vô trách nhiệm, chúng ta nghĩ rằng chúng ta vô tội mặc dù hai tay đang dâng vào lòng bàn tay hắn ta chiến lợi phẩm, kèm theo giấy phép kính ngưỡng hắn ta.

Bất kể chiến tranh có thể kéo dài, chúng ta phải giúp người Ukraine, để họ có thể lựa chọn sống như nô lệ hay chiến đấu đến cùng để sống trong tự do.
Source:L'.espresso

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Công Giáo St.Louis The King Giáo Phận Phoenix, Arizona Tổ Chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang.
Phan Hoảng Phú Quý
12:54 05/12/2022
Cộng Đoàn Công Giáo St.Louis The King Giáo Phận Phoenix, Arizona Tổ Chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang.

(Glendale-Arizona) Trong tâm tình hiệp nhất và lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo xứ St.Louis The King thuộc Địa phận Phoenix, Arizona đã long trọng tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang kỳ III trong 2 ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật 3 & 4 tháng 12 năm 2022.

Xem Hình

Với Chủ Đề: “ Mẹ là Bóng Mát” Để mọi người có cơ hội chạy đến với Đức Mẹ La Vang như là bóng mát chở che cuộc đời chúng ta, và nhất là chúng ta sống tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân Mẹ đã chúc lành cho mỗi người chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn trong cơn đại dịch Covid-19.

Chương trình trong 2 ngày Đại Hội gồm có các Thánh Lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, Kính Lòng Thương Xót, Xin Ơn Hòa Giải, Rước Kiệu Đức Mẹ, chương trình văn nghệ và xổ số may mắn.

Riêng về phần Hội Thảo gồm có 4 đề tài chính:

Đề Tài 1: Ai không có Mẹ? Do linh mục Micae Phạm Quang Hồng đến từ Úc Châu thuyết giảng

Đề Tài 2: Xin Vâng. Do Thầy Sáu Phêrô Trần Văn Kỷ thuyết giảng.

Đề Tài 3: Phúc Đức Tại Mẫu. Lm. Micae Phạm Quang Hồng thuyết giảng

Đề Tài 4: Mẹ Là Bóng Mát. Lm. Micae Phạm Quang Hồng thuyết giảng.

Mỗi đề tài là một bài học đầy mẫu gương nhân đức của Đức Mẹ, để chúng ta cùng nhau học hỏi và noi gương và nhất là chúng ta biết phó thác và cậy trông vào bàn tay quan phòng của Chúa và Mẹ, để rồi cuộc đời của chúng ta được nhiều hạnh phúc hơn, nhiều may lành và nhiều hồng ân hơn.

Trong Thánh lễ khai mạc Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Thế Phương đến từ Canada đã chia sẽ về hành trình của Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng có những đau khổ, những thách đố. Đau khổ và thách đố khi bị Thánh Giuse nghi ngờ, khi sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh nghèo hèn, nơi hang lừa máng cỏ, không chiếu, không giường, khi bị vua Hêrôđê tìm giết Chúa, phải chạy trốn qua Ai Cập tị nạn, khi mất Chúa 3 ngày trong đền thờ, và khi chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa trên thập tự giá.

Thế nhưng, dù Đức Mẹ có bị thách đố, bị đau khổ, bị mất hết tất cả, chẳng còn điễm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ biết phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa quan phòng. Và chính vì lòng trung kiên ấy mà Mẹ đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách, và đạt tới đỉnh điễm của hành trình đức tin.

Ngày nay chúng ta cũng có những thách đố và đau khổ, thách đố và đau khổ của đời sống vợ chồng, của con cái, cùa gia đình, của xã hội, của công ăn viêc làm, của bệnh tât già yếu, và nhất là đời sống tâm linh bị lung lay, bị xói mòn, nếu không muốn nói là bị mất niềm tin.

Chúng ta phải biết chọn Mẹ là Mẹ của chúng ta, để rồi học hỏi nơi Mẹ mẫu gương nhân đức, khiêm nhường và hiền lành, biết phó thác và cậy trông, hầu cho chúng ta can đãm vượt qua mọi thử thách và được giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa là cứu cánh của cuộc đời.

Mẹ là bóng mát đời ta

Cho con hạnh phúc chan hòa niềm vui

Mẹ là nguồn suối bình an

Cuộc đời có Mẹ biết bao ơn lành.

Tường thuật từ Glendale Arizona

Phan Hoàng Phú Quý.
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương mười, tiếp theo 1
Vu Van An
18:30 05/12/2022

Tôi sẽ tiến hành cuộc điều tra của mình theo một bậc thang giảm dần. Do đó, tôi sẽ xem xét đầu tiên trường hợp các cộng đồng Kitô giáo bất đồng.

Các cộng đồng Kitô giáo bất đồng



1. Người ta không thể quan niệm Giáo Hội mà không có người lãnh đạo của Giáo Hội là Chúa Kitô Cứu Thế.

Do đó, tôi xin nói rằng có những Yếu tố của Giáo hội, theo đúng nghĩa của hạn từ này, chỉ trong các cộng đồng Kitô giáo bất đồng mà thôi.

Những yếu tố của Giáo hội này, theo đúng nghĩa của hạn từ, thuộc về trật tự siêu nhiên, và chúng liên quan đến các phương tiện cứu rỗi theo mức các cộng đồng bất đồng này cung cấp chúng cho các thành viên của họ, mặc dù chúng ít nhiều bị giảm thiểu (chúng chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong Giáo Hội).

Cuối cùng, những yếu tố này của Giáo hội, theo đúng nghĩa của hạn từ, vì tự chúng được liên kết với toàn thể mà chúng là thành phần, và chính là Giáo hội, nên, như chúng ta đã thấy, đã làm cho toàn bộ Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm, mặc dù ít nhiều một cách mạnh mẽ hơn, trong các cộng đồng Kitô giáo ngoài Công Giáo.

Do đó, tất cả những gì đã nói tại số §2 của tiết trước chỉ liên quan đến các cộng đồng Kitô giáo bất đồng.

2. Tôi sẽ không nghiên cứu các đặc điểm của từng cộng đồng trong số này (vì làm thế thì cuốn sách này sẽ không bao giờ kết thúc). Tôi sẽ bằng lòng với một vài nhận xét ngắn gọn.

Chúng ta hãy lưu ý rằng trong số các cộng đồng Kitô giáo bất đồng này, trước hết, người ta thấy Giáo hội Chính thống giáo Gréco-Slave, "Các người Công Giáo cũ" và Giáo hội Anh giáo; rồi những người Thệ phản (phái Luthêrô hoặc phái Calvin), Giáo hội Giám lý, Trưởng lão, Giáo hội Giáo đoàn, Giáo hội Baptist, phái Độc vị, các nhóm tôn giáo như các nhà khoa học Kitô giáo và người Quakers...{41}

Nếu nói đến Giáo Hội Gréco-Slave (hay đúng hơn các Giáo Hội Gréco-Slave) và Giáo Hội Anh giáo, tôi nghĩ rằng để tạo cho mình một ý tưởng chính xác về họ, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải lưu ý đến sự phân biệt siêu hình giữa "bản tính" và "ngôi vị" khi áp dụng vào Giáo hội. Các yếu tố của Giáo hội có rất nhiều trong hai Giáo hội được đề cập (nhất là ở Giáo hội đầu) đến nỗi, không như các giáo phái Kitô giáo bất đồng khác, nó không phải chỉ là sự hiện diện tiềm ẩn và vô hình của ngôi vị Giáo hội mà chúng ta phải xem xét sau đó; hai Giáo hội này, ở nhiều mức độ khác nhau, xem ra sở hữu gần như toàn bộ bản tính (linh hồn và thể xác) của Giáo hội hữu hình. Tôi nói "gần như toàn bộ" bản tính của Giáo hội hữu hình. Đây là lý do tại sao họ thực sự là các sứ giả và nhân chứng của Chúa Kitô, thực sự hơn và hoàn toàn hơn bất cứ giáo phái Kitô giáo bất đồng nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn hạn từ "gần như" nữa: chữ này ám chỉ sự vắng mặt của một yếu tố mà người ta chắc chắn có thể gọi là đứng đầu, vì trong các Giáo hội này không công nhận người đứng đầu Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế, tức người kế vị thánh Phêrô, bản tính của Giáo hội ở đây trên trái đất này đã bị chặt mất đầu, như tôi đã nói trong Chương III.

Nhưng tư cách ngôi vị giả thiết phải có một bản tính toàn diện như một toàn bộ trong trật tự riêng của nó (hoặc nó không thiếu thứ gì thiết yếu) được nó hoàn thành phù hợp với việc tồn hữu và hiện hữu trong chính nó. Đây là lý do tại sao hai Giáo hội mà tôi nói đến sẽ không được hòa nhập thực sự vào trong ngôi vị của Giáo hội, bao lâu họ vẫn ly khai với Rôma{42}.

Photius, người được Giáo Hội Chính thống giáo phong thánh, đã tách Giáo Hội này khỏi ngôi vị của Giáo hội. Giáo hội Gréco-Slave hay đúng hơn các Giáo hội Gréco-Slave là những cơ quan tập thể đáng kính có hàng giám mục và việc kế vị tông đồ, giáo lý đức tin, các Bí tích, các phương tiện ân sủng và sự cứu rỗi, và nhiều vị thánh trên trời và dưới đất; họ không phải là ngôi vị của Giáo Hội trong trạng thái trần thế{43}. Hơn nữa, người ta không nhìn thấy nơi họ chuyển động tiến triển nào theo thời gian, ngay cả trong các vấn đề tín điều, hoặc tỏa ánh sáng tông truyền nào trên toàn thế giới để chứng thực sức sống riêng của ngôi vị Giáo hội ở đây trên trái đất này.

Giáo Hội Anh quốc, đại khái như thế, tôi có thể nói như vậy, và với những vấn đề khách quan ít nhiều khó đương đầu, tự thấy mình ở trong một hoàn cảnh lịch sử tương tự như hoàn cảnh lịch sử của Giáo Hội Chính thống. Bên cạnh đó, tôi tin rằng về mặt chủ quan, là mặt quan trọng đối với tôi, trong phần lớn các thành viên của Giáo Hội này, có sự hối hận chân thành, và nỗi đau khổ thực sự trước việc ly khai, một điều người ta gặp ở nơi khác chỉ ở một mức độ thấp hơn. Đó là lý do tại sao đối với tôi, trong số các giáo phái bất đồng, dường như nó là một giáo phái mà việc hợp nhất với Rôma, trong một khoảng thời gian lâu dài, ít khó thực hiện hơn cả: bất chấp các trở ngại mà trở ngại lớn nhất có lẽ là sự kiện này: tình yêu và lòng trung thành của người Anh giáo đối với Giáo hội của họ tiến cùng nhịp với sự đa dạng đáng lưu ý trong các vấn đề tín điều{44}, mà bản thân Giáo hội này coi như một đặc ân; không nói đến vấn đề thẩm quyền, đã được tranh luận rất nhiều giữa những người Anh giáo, và vấn đề hóc búa của các vụ phong chức trong Anh giáo, mà những nghiên cứu lịch sử thấu đáo hơn và mối quan tâm hỗ tương của thiện chí tránh được mọi tính nhạy cảm, người ta có thể hy vọng, sẽ có cơ hội giải quyết được.

3. Nếu bây giờ chúng ta chuyển sang các gia đình tôn giáo không phải Kitô giáo, thì điều thích hợp là tách những người, tuy không thừa nhận Chúa Kitô Cứu Thế, nhưng tin vào Thiên Chúa siêu việt, Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Người, và là Đấng đã mạc khải chính Người cho loài người (đức tin mà, tự nó, ẩn chứa mọi điều còn lại). Vì họ tuyên xưng đức tin siêu nhiên này vào Thiên Chúa, tôi nghĩ rằng điều họ có chung với Giáo hội vẫn xứng đáng có tên là Các Yếu Tố của Giáo Hội. Nhưng vì họ khước từ đức tin vào Chúa Kitô Cứu Chuộc, Đấng mà Giáo hội là Nhiệm thể và là Hiền thê, thì chỉ có thể nói họ có các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích đáng của hạn từ này.



Đó là trường hợp của Do Thái giáo và của Hồi giáo mà tôi sẽ phải xem xét ở đây.

Đạo Do Thái

1. Do Thái giáo là tôn giáo của Thiên Chúa chân thật nhưng rơi vào thế bế tắc bởi những người không biết thừa nhận Đấng Mêxia của mình: một tôn giáo thánh thiện với đôi mắt bị băng bó, một tôn giáo, sau cuộc chiến ngu xuẩn chống lại người Rôma do phái nhiệt thành phát động, năm 70, đã gây ra việc hủy diệt Giêrusalem, sự tàn phá Đền thờ, và sự tắt lịm ngọn lửa thiêng của hy tế hàng ngày, trong suốt nhiều thế kỷ vốn duy trì sự thống nhất tinh thần của những người Do Thái tại các cộng đồng tản mác khắp nơi trên thế giới (Dispersion).

Mặc dù bị tổn thương bởi truyền thống phàm nhân kể từ thời Caipha, những người Do Thái trung thành với Hội đường vẫn có đức tin siêu nhiên của Ápraham, của Môsê và của Đavít. Họ có Sách Thánh, Lời Chúa thành văn. Họ có Lề Luật và các nhà tiên tri. Họ có các Thánh vịnh và Diễm ca. Đó là các yếu tố của Giáo hội mà người ta tìm thấy trong Do Thái giáo.

Trong bản chất, đức tin của người Do Thái hướng người ta về phía tìm kiếm tình thân mật với Thiên Chúa, như một số nhân chứng lỗi lạc của nền linh đạo Do Thái, như những người Hassidim chẳng hạn, đã chứng tỏ. Tuy nhiên, công trình lớn lao của giới giáo sĩ đã phát triển theo một hướng hoàn toàn khác, trong đó sự tinh tế tâm trí chỉ lưu tâm tới chữ viết đã cố gắng xác định, lục lọi, bình luận, thường khai triển một cách võ đoán hết sức kỳ lạ ý nghĩa của những chữ viết này. Chính các giáo sĩ Do Thái của những thế kỷ đầu tiên đã soạn ra các sách Mishnah, Talmuds, Targums.

Tuy nhiên, chưa nói đến sự bất lực đáng kể của nó liên quan đến các vấn đề về Đấng Mêxia{45}, giáo huấn của các giáo sĩ Do Thái, vì tính hẹp hòi trí thức kết hợp với ý thích các chú giải tưởng tượng của nó, chắc chắn đã góp phần làm nhiều linh hồn Do Thái trệch hướng khỏi niềm tin tôn giáo. Sự thực vẫn là "chính trong Do Thái giáo của giới giáo sĩ, một Do Thái Giáo đã bảo tồn ba yếu tố thiết yếu của gia tài Do Thái (Sách, Cung thánh, Lãnh thổ), mà Israel vĩnh cửu đã rút ra được khả năng hồi sinh vô hạn của mình"{46}. Sự thực cũng vẫn là những người Do Thái thời nay, nhất là ở phương Tây, bất kể trở thành không tin một số khá lớn các yếu tố này bao nhiêu, vẫn là con cái của dân tộc Mạc khải, và của Mong chờ siêu phàm. Việc mong chờ Đấng Mêxia Cứu Rỗi không còn có lý do để hiện hữu nữa, vì Người đã đến rồi. Nhưng ước chi chúng ta, những người Do Thái và Kitô hữu, có thể cùng nhau chờ đợi sự tái lâm của Người!

2. Các yếu tố của Giáo hội hiện hữu trong Do Thái giáo thuộc trật tự siêu nhiên, nhưng, như tôi đã nói ở trên, đây là các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này. Chúng liên quan đến các phương tiện cứu rỗi đã bị cắt xén (trong Cựu Ước, các bí tích như Cắt bì có tính tiên trưng [préfigure], không ban ơn thánh; và theo tôi biết, ý tưởng về bí tích không có trong thần học Do Thái giáo. Đối với các Sách Thánh, Tân Ước bị cắt khỏi chúng). Và nếu trong chính chúng, các yếu tố đang đề cập được liên kết với Tổng thể là Giáo Hội mà chúng là một bộ phận, thì một sự ức chế đã ngăn cản chúng làm cho Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm trong đó, một điều bắt nguồn từ sự kiện này là gia đình tôn giáo này, vốn tin vào Thiên Chúa chí thánh, nhưng không tin vào Đấng Kitô Cứu Thế. Israel trước đây là Giáo hội trong một trong các thời kỳ chuẩn bị của nó. Sẽ là điều vô dụng khi nói tới sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình trong dân Israel ngày nay.

Ngoài ra, rõ ràng là nếu vào một thời điểm nào đó của lịch sử, các thủ lãnh của các tư tế lên án Con Thiên Chúa, và nếu phần lớn dân chúng theo họ bác bỏ Chân lý do các tông đồ rao giảng, thì những người anh em Luthêrô của chúng ta vô tội đối với tội lạc giáo do Luthêrô phạm phải thế nào, tất cả những người Do Thái trong các thời kỳ sau đó, sinh ra và lớn lên trong cộng đồng giáo sĩ Do Thái, và những người anh em Do Thái đương thời của chúng ta, cũng vô tội đối với dòng máu của Chúa Kitô như thế{47}.

Hồi giáo

1. Hồi giáo đứng thứ hai trong số các gia đình tôn giáo không phải là Kitô giáo trong đó, vì có kể đến trật tự siêu nhiên, nên theo tôi, nó thích đáng được công nhận các yếu tố của Giáo hội.

Nhưng nếu nó tin vào Thiên Chúa độc nhất và siêu việt, Đấng tự mặc khải chính Người cho loài người, thì nó lại từ chối niềm tin vào Đấng Cứu Thế như Do Thái giáo. Do đó, các yếu tố của Giáo hội hiện diện trong đó là các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không đúng của hạn từ này.

2. Tôi đã nói ở trên về Hồi giáo, do đó tôi xin nói ngắn gọn ở đây{48}. Tôi xin nói như Công đồng rằng nó tuyên bố có "đức tin của Ápraham", đức tin siêu nhiên mặc dù trong đó ít thuần khiết hơn so với Người Do Thái (đòi hỏi người ta cũng phải tin vào những câu chuyện ngụ ngôn đa dạng rải rác trong kinh Koran), và tự trong chính nó, không tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa. Hồi giáo cũng tôn kính (không cho nó ở vị trí đầu tiên) Lời Chúa được viết trong Cựu Ước. Nó coi Chúa Giêsu như một nhà tiên tri, được sinh ra bởi Đức Maria không có cha nhân bản.

Do đó, họ có các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này. Và các phương tiện cứu rỗi theo nghĩa tôi xin nói là càng giản lược càng tốt (không có khái niệm về ơn thánh hóa; không có bí tích, dù chỉ theo nghĩa bóng). Và vì cùng một lý do như lý do tôi đã trình bầy liên quan đến Do Thái giáo, những yếu tố này của Giáo hội (theo nghĩa không thích hợp), dù tự trong chúng vẫn liên kết với tổng thể mà chúng là một bộ phận, không thể làm cho Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm trong gia đình tôn giáo này. Liên quan đến nó, sẽ là điều vô dụng khi nói về sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình.

Bà la môn giáo

1. Tôi cũng đã nói một số điều về đạo Bà La Môn. Tôi xin lưu ý rằng khi xem xét nó, một câu hỏi mới đã xuất hiện ngay từ đầu. Thực thế, chắc chắn nó có một khái niệm nào đó về mạc khải, tuy nhiên, mạc khải này không liên quan gì đến sự mặc khải như chúng ta hiểu về nó (hơn nữa chữ sanskrit là lắng nghe [audition]). Ở đấy, người ta nói đến một mạc khải phi thời gian. Nếu trong thời gian của con người, các bản văn thánh thiêng được thu thập và truyền đạt bởi các nhà hiền triết được linh hứng và được liệt kê trên một danh sách rất dài, thì chính các bản văn thánh thiêng này là vĩnh cửu và phi tạo [incrées], "không có khởi đầu" và "phi nhân bản"{49}. Các nhà hiền triết đã truyền chúng lại cho chúng ta sau khi lắng nghe trong lúc ngồi thiền, họ đã lắng nghe, không phải lắng nghe Thiên Chúa nói với họ vào một thời điểm của lịch sử, mà là lắng nghe một bài hát không có âm tiết không có bắt đầu cũng như kết thúc.

Tương tự như vậy, đối với Ấn Độ giáo, có "sự cứu rỗi" cung cấp hoặc "bởi kiến thức thực nghiệm về thể tuyệt đối" hoặc "bởi ân sủng thần linh khiến phần linh hồn lệ thuộc dâng lên một đáp trả yêu thương"{50}. Nhưng ở đây một lần nữa các hạn từ có thể đánh lừa chúng ta: sự cứu rỗi này là sự giải thoát khỏi luật Karma [Nghiệp chướng] và luân hồi [transmigration], ân sủng phát xuất từ một trong ba đấng tối cao, vốn trổi vượt các chư thần Bà La Môn giáo (Vishna hay Çiva, gần với trái tim tín hữu Ấn giáo hơn là Brahma) là lòng nhân từ, ân huệ hoặc sự bảo vệ, nhưng không phải là hồng phúc nâng cao linh hồn từ bên trong và làm cho linh hồn tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa; và cảm nghiệm được thể tuyệt đối chỉ là một chứng thực cao siêu cho sức mạnh của tâm trí chúng ta tập trung trong lúc ngồi thiền. Cuối cùng, Thiên Chúa tối cao đã hòa quyện với năng lượng vũ trụ của Brahman đến nỗi người ta không thể khẳng định rõ ràng được sự siêu việt hoàn hảo của Người. Và Người không phải là Thiên Chúa duy nhất; có những vị thần khác, tuy vẫn chịu luật luân hồi, nhưng được hưởng một tình trạng siêu phàm trong một thời gian.

Nói tóm lại, với tất cả niềm tin, huyền thoại và suy đoán của Ấn Độ giáo, cũng như với chủ nghĩa huyền bí và yoga của nó, con người vẫn đứng trước cánh cửa của trật tự siêu nhiên, - ở mức cao nhất của các sức mạnh bẩm sinh khi chúng làm cho họ vượt qua chính mình, để đạt đến sự cực lạc của linh đạo tự nhiên, hoặc sự triển nở của một kiến thức siêu hình cao sang được nuôi dưỡng bằng sự huy hoàng mờ mịt của trí tưởng tượng sáng tạo.

2. Do đó, câu hỏi tự đặt ra là: khi một gia đình tâm linh có chung với Giáo hội những điều không thuộc về trật tự siêu nhiên, mà chỉ thuộc về trật tự bản nhiên được tạo dựng, liệu chúng ta có thể nói rằng đó là những yếu tố của Giáo hội không? Chắc chắn, Giáo hội là người bảo vệ các thiện ích và chân lý vốn là nền tảng của trật tự tự nhiên. Nhưng sứ mệnh của Giáo Hội thực chất là siêu nhiên. Do đó, điều mà Giáo Hội có chung với gia đình tâm linh đang đề cập không thực sự là các yếu tố của Giáo hội, không theo nghĩa thích hợp cũng không theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này.

Vì vậy, tôi xin nói rằng với Bà La Môn giáo, chúng ta phải xử lý với các tiền yếu tố [pré-éléments] của Giáo hội; và không phải với "phương tiện cứu rỗi" theo nghĩa Kitô giáo của hạn từ này, nhưng với các chuẩn bị của trật tự tự nhiên, ít nhiều xa xôi (và rất hỗn hợp) có thể được ân sủng sử dụng.

Và còn hơn cả trong trường hợp Do Thái giáo và Hồi giáo, sẽ vô dụng khi nói tới sự hiện diện vô hình của Giáo hội trong gia đình tôn giáo Ấn Độ giáo.

Phật giáo

Về Phật giáo, cũng đã có đề cập ở trên. Nó cũng có niềm tin chung về luân hồi, nhưng ít nhấn mạnh hơn Bà La Môn giáo về tính hữu lý nền tảng nội tại trong trật tự phổ quát. Phật giáo trên hết có tính thực tiễn, vì với họ, vấn đề đặt ra là tự giải thoát khỏi cảnh nô lệ và khỏi ảo tưởng của biến dịch [devenir], những thứ gây ra đau khổ vô tận, một cách còn triệt để hơn đạo Bà La Môn. Nó qui tội cho sự hiện hữu: cần phải tuyệt đối bác bỏ tất cả mọi hữu thể có bản thể: không có Thiên Chúa, cũng không có linh hồn, kinh nghiệm giải thoát là kinh nghiệm về sự không hiện hữu của bản ngã{51}.

Do đó, những chân lý thiết yếu liên quan đến các năng lực của bản chất chúng ta đều bị bỏ qua.

2. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn nhiều điều, và là những điều vĩ đại, chung với Giáo hội: tình cảm sâu xa về tính vô thường và hư vô vốn làm hao mòn tất cả những gì chúng ta thấy ở đây trên trái đất này; lòng khát khao một sự giải thoát dứt khoát, ngay trong cuộc sống trần thế này, nhờ lao vào kinh nghiệm tâm linh (điều này hoàn toàn khác với kinh nghiệm chiêm niệm Kitô giáo); và lòng từ bi phổ quát làm nên sự cao quý của Phật giáo Đại thừa, nhưng, điều này không xuất phát từ tình yêu thương, mà là từ sự nâng cao cực điểm người được giải thoát để họ thấy trong mọi sự chỉ là khổ đau của hiện hữu.

Nhưng rõ ràng là không có gì trong tất cả những điều này có thể cấu thành một yếu tố của Giáo hội. Do đó, tôi xin nói rằng những gì chúng ta thấy ở đây chỉ là những cái bóng [ombres] của Giáo hội (đôi khi tranh tối tranh sáng), và không phải "phương tiện cứu rỗi", nhưng là các khát vọng của trật tự tự nhiên hướng tới sự giải cứu tâm linh (mơ hồ).

Rõ ràng là vô dụng nếu nói về một "sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình" trong gia đình tôn giáo này ("tôn giáo" theo nghĩa rất giảm thiểu) một tôn giáo không công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.



Chủ nghĩa Mácxít

1. Bất chấp cuộc đấu tranh cuồng nhiệt mà ông tiến hành chống lại tôn giáo, Marx cũng đã làm nảy sinh, trong thời hiện đại, một kiểu vâng lời và tận tụy tôn giáo mới, nếu người ta chỉ hiểu hạn từ "tôn giáo" như mối dây đoàn kết một số người nào đó trên cơ sở của một giáo điều ít nhiều nghiêm khắc và nhắm các cùng đích "tuyệt đối", - "tôn giáo" đang đề cập hoàn toàn hướng về trái đất, và hoàn toàn vô thần.

Ở đây, tôi không hề nghĩ tới Đảng Cộng sản (mà trong chừng mực là đảng chính trị không liên quan đến chủ đề của tôi), mà là về gia đình tinh thần do các môn đệ của Marx tạo nên, những người mà theo tôi, vẫn là những người trung thành nhất với tư tưởng ban đầu của ông, - tôi muốn nói với những mâu thuẫn đã sống của ông ta, những mâu thuẫn đã góp phần rất lớn tạo ra sự quyến rũ mà ông ta có được (trong khi trên bình diện lý thuyết, ông ta coi thường mọi yêu sách về công lý như là ý thức hệ vô ích và trống rỗng, thì trên thực tế, trái tim ông lại bùng cháy một cơn thịnh nộ thánh thiêng chống lại bất công xã hội và sự khốn khổ của người bị bóc lột, điều này cho chúng ta thấy trong ông ta có cùng dòng máu với các nhà tiên tri thuở xưa){52}; trung thành với vấn đề mối liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và con người vốn luôn ám ảnh người thừa kế này của chủ nghĩa nhân bản phương Tây; - trung thành với ý tưởng của ông (không tưởng) cho rằng chế độ độc tài của giai cấp vô sản sẽ chỉ là một giai đoạn nhất thời, và chủ nghĩa cộng sản sẽ bảo đảm sự triển nở của nhân vị, tất cả sự tha hóa sẽ chấm dứt hoàn toàn, và sẽ khai mở trọn vẹn tín điều đầu tiên: homo homini deus [con người là thượng đế cho con người], như Feuerbach nói; Marx sẽ nói: con người đối với con người là đấng tối cao, das höchste Wesen; nói cách khác, chủ nghĩa cộng sản sẽ khai mở trong "ơn cứu rỗi" theo nghĩa của Marx.

Gia đình tâm linh mà tôi ám chỉ, tôi không bỏ qua việc nó hoàn toàn dính líu với Đảng (không phải không có xích mích); nhưng tự nó, nó khác biệt với Đảng.

2. Giữa gia đình tâm linh vô thần này và Giáo hội có một số điểm chung: đối với thế giới lao động, đòi lại các điều kiện sinh sống thực sự phù hợp với nền công lý vốn là một vấn đề thực dụng phải được thực hiện nhưng – dưới mắt Giáo hội, và của cả Marx – cũng là một vấn đề đạo đức cần được công nhận; nhìn rõ các sai lầm của việc tôn thờ lợi nhuận; ý thức rằng một chế độ kinh tế và xã hội trở nên hoàn toàn mất nhân tính phải được biến đổi một cách triệt để, - chưa nói đến tất cả những lời lên án trước đây được các Công đồng tuyên bố chống lại hành vi cho vay nặng lãi (xem Chương IV, trang 30), và ý tưởng cổ xưa thời Trung cổ, đối với tôi vẫn luôn luôn đúng, cho rằng sự giàu có của tiền bạc là một điều trái với tự nhiên.

Điều quả hiển nhiên là bởi lý lẽ của một học thuyết về cơ bản là vô thần, và không có gì ngoài trái đất, những thứ có chung này không thể cấu thành một yếu tố của Giáo hội. Tôi xin nói rằng ở đây có những dấu vết của Giáo hội, không có "phương tiện cứu rỗi" tương ứng, mà là một lời kêu gọi phải có một điều kiện xã hội xứng đáng hơn với con người, trên bình diện trần thế và chỉ có tính trần thế, và mặc dù có thể có các sai sót và ảo tưởng: các dấu vết của Giáo hội mà, trong Đảng, đã biến thành những giả mạo tồi tệ nhất.

Và rõ ràng sẽ là vô dụng nếu nói về một "sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình" trong gia đình tâm linh vô thần này.



Phong trào Híppi

1. Phong trào Híppi giới thiệu cho chúng ta một gia đình tâm linh hết sức tiêu biểu trong thời đại chúng ta. Thiết nghĩ rất thích hợp khi ta xem xét chút đỉnh gia đình đang đề cập này.

Trong yếu tính, nó là một sự bác bỏ: bác bỏ toàn bộ hệ thống đã được thiết lập, bác bỏ thế giới của cha mẹ, bác bỏ hàng loạt các dối trá của nền văn minh. Phản ứng này của một bộ phận thanh thiếu niên (có 200,000 người trong số họ tham gia cuộc gặp gỡ của họ trên Đảo Wight, 400,000 người trong cuộc gặp gỡ của họ ở Bethel, trong mùa hè năm 1969) là một hiện tượng hoàn cầu và là một hiện tượng có ý nghĩa quan trọng: vì nó xuất hiện như một bản kết án – dù đáng khen - chống lại một nền văn hóa tự hào về việc thờ ngẫu thần khoa học và tiền bạc, vốn đang mục ruỗng từ bên trong. Một việc bác bỏ như vậy tự bản thân nó không phải là một điều xấu xa. Các thánh, khi quyết định thay đổi cuộc đời các ngài, ngay từ đầu cũng đã đặt để một hành vi bác bỏ: nhưng vì các ngài đã khám phá ra một chân lý cao siêu vô tận so với thế gian, và họ đã tự hiến cho thứ chân lý này.

Không có gì tương tự như thế trong phong trào Híppi. Việc bác bỏ của họ hoàn toàn và đơn giản chỉ là một việc chạy trốn, một cuộc chạy trốn tập thể; trong khi một việc bác bỏ xứng đáng với con người đặt căn bản trên các đòi hỏi bên trong của con người cá thể, trên lòng dũng cảm, trên nỗ lực của trí hiểu và ý chí của họ muốn làm một công việc mang tính xây dựng, - trên hết cứu lấy điều mà họ cảm thấy cao quý, và tốt lành ở trong họ, và sau đó làm việc để thay đổi thế giới, trong phạm vi họ có thể.

Việc chạy trốn của những người Híppi xuất phát từ một ý chí mềm yếu và bất lực, chết chìm trong những rắc rối của tuổi thiếu niên, và của một trí hiểu vẫn còn trẻ con do lười biếng, và điều này làm cho mọi khẩu hiệu do truyền thông đại chúng của thế giới người lớn phân phối trở thành bối rối, bất luận là của Freud hay của người khác. Họ là nạn nhân của thế giới tư sản, một thế giới họ có quyền căm ghét. Trong việc chạy trốn của họ, họ mang theo tất cả những khốn cùng của nó với họ.

Trốn chạy vào đàn ngũ [grégaire] (về tính đàn ngũ này, ngày nay người ta tìm thấy nhiều điển hình khác: to get together [đến với nhau], - công thức cứu rỗi duy nhất cho những linh hồn trống rỗng), trốn chạy vào phi lý, vào thế sẵn sàng đòi hỏi và ảo tưởng bản năng, vào chủ nghĩa khoái lạc của việc giải thoát toàn bộ giác quan. Tôi thấy ở đó như thể là mặt trái ngược của Phật giáo: thay vì, bằng bất cứ giá nào, phải sẵn lòng để tự giải thoát khỏi cõi biến dịch, khỏi ảo tưởng và những dằn vặt của nó, ở đây, vấn đề là tận hưởng những điều phù du càng nhiều càng tốt, và tìm thấy niềm vui của mình, - một niềm vui tập thể, một cách tự nhiên, - ngay lúc nó diễu qua, trong khi nhắm mắt đối với tất cả những gì còn lại.

2. Đối với tôi, dường như đó là những gì thoạt nhìn người ta nhận thấy nơi gia đình tâm linh Híppi. Nhưng ngay sau đó, họ nhận ra một điều khác: điều mà tôi xin gọi là ngưỡng đầu tiên của bí ẩn con người và sự nhúc nhích của linh hồn, hay một điểm phản tỉnh đầu tiên. Việc trốn chạy của những người Híppi chỉ có thể thực hiện được với điều kiện chúng tự tạo cho mình một thế giới khép kín, một thiên đường nhân tạo nơi họ sẽ dẫn đời mình vào. Thành thử, thế giới này sẽ có những kỷ luật riêng, và những giá trị riêng của nó.

Trước hết, là các giá trị của thứ lý trí dưới tầm [infra-raison]: một sự 'thả lỏng toàn diện” bản nhiên, trên hết thông qua tự do tình dục hoàn toàn, trong đó hành vi xấu xa nhất là từ bỏ tình yêu của con người (vốn là việc hiến mình vĩnh viễn) bằng cách cương quyết thực hiện việc tách biệt tình dục khỏi tình yêu. Ở đây, đồng tính luyến ái cũng đóng một phần của nó. Nhưng nghịch lý là ở chỗ này, và là nơi xuất hiện sự khuấy động của linh hồn: sự tan vỡ của bản nhiên con người (chỉ là con người với các quy tắc đạo đức) đi đôi với lý tưởng thuần khiết của bản nhiên, lý tưởng chân thành, lý tưởng tự phát thẳng thắn. Và, trên thực tế, một sự thuần khiết nào đó do đó có thể tự xuất hiện: sự thuần khiết thực vật (những bông hoa không có gì xấu hổ) có vẻ đẹp rạng rỡ của nó, và là điều tôi không hề dám coi thường.

Và thứ hai, - bởi vì nơi người Híppi cũng như nơi mỗi con người đều có những khát vọng căn bản của linh hồn chúng ta, vốn là tinh thần, và bởi vì tất cả các cánh cửa đều mở, bao gồm cả những khát vọng đối với siêu lý [supra-rationnel], - - thế giới khép kín mà tôi đang nói về sẽ tạo ra các tiêu chuẩn của nó từ sự giả mạo tổng quát các giá trị của tinh thần: điều thánh thiêng, điều huyền nhiệm, sự xuất thần, sự phơi phới của chiêm niệm, điều siêu nhân (khi nó không phải là hạ phàm) yếu tố bao gồm trong cuộc sống huynh đệ, nghi lễ, nghi thức, với những chiếc vòng kiềng và những bông hoa của nó, và tất cả những dấu hiệu làm trí tưởng tượng vui thích, - không thiếu thứ gì ở đó, tất cả đều được đưa xuống bình diện bản nhiên và của các giác quan, và dễ dàng được rock-and-roll, L.S.D. và ma túy gây ảo giác cung cấp, hoàn toàn hỗn độn và không có bất cứ tiêu chuẩn nhân bản hoặc thần linh nào.

3. Cuối cùng, chúng ta đừng quên nhận ra sự hiện hữu của ngưỡng thứ hai của bí ẩn con người và sự khuấy động của linh hồn, và của điểm phản tỉnh thứ hai. Vì người ta không thể bằng lòng mãi với hàng giả, và có những lựa chọn không thể tránh khỏi.

Một mặt, người ta có thể chọn đi với ma quỷ: tìm kiếm những gì tồi tệ nhất trong tôn phái Tantra [tantrism] của Bà La Môn giáo và những hình thức sai lầm của chủ nghĩa bí truyền phương Đông, phó thác bản thân cho ma thuật.

Nhưng mặt khác, ngược lại, qua sự giả mạo, người ta có thể để cho những loé sáng tự phát từ tinh thần: trên hết, và điều này không hiếm nơi những người híppi, sự tuôn trào của thi ca, - tôi biết thơ không phải là ơn thánh, không hề; nhưng khi thi ca thực sự hiện diện ở đó, một điều gì đó của Thiên đường đã loé sáng trong chốc lát; - rồi sự tuôn trào của âm nhạc, - về mặt này, những người híppi nợ rất nhiều ở điệu “blues” và nhạc phúc âm của người da đen. Và với những điều này, tại sao đôi khi lại không tuôn trào các ước muốn mờ nhạt, dù yếu đến mức nào, đối với thế giới huyền nhiệm vốn là hồng phúc của Thiên Chúa hay sao?

Ở giữa những vết nhơ của một đời sống đạo đức vô chính phủ và bất quy tắc, những ước muốn như vậy có thể trào dâng trong tim, và tạo nên ở đó con đường bí mật của chúng. Chúng ta phải tính đến sự phức tạp của linh hồn con người, điều mà chỉ ánh nhìn của các thiên thần mới có thể giải mã được. Cá nhân tôi không biết bất cứ người híppi nào, nhưng tôi đã biết khá nhiều người giống như họ. Và nơi họ, đôi khi tôi có thể nhìn thấy, và kính trọng, loại thuần khiết thực vật mà tôi đã nói trên đây một chút, - có lẽ một dấu hiệu, ai mà biết được, và hình ảnh báo trước của một sự thuần khiết khác, lần này, xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa. Và đôi khi tôi cũng có thể cảm thấy các lời hứa mà cảm thức chân thực của thi ca, và những ước muốn mờ nhạt mà tôi vừa ám chỉ, chứa đựng một sự sống thực sự tập trung ở bên trên, chứ không phải ở bên dưới lý trí.

Tôi không nghi ngờ rằng trong số những người híppi, có một số có cùng một phẩm chất nhân bản, và có những người, có thể là họ không hề biết, có trong lòng họ một mối lo lắng, có lẽ bị người khác bôi bẩn, nhưng vẫn rất có thực chất, đối với những điều chân thực bị gia đình tâm linh đang đề cập dung dưỡng sự giả tạo: lo lắng thể thánh thiêng thực sự, thể huyền nhiệm thực sự, sự khiêm tốn chiêm niệm thực sự, một đời sống tận tụy huynh đệ thực sự mà chỉ có đức ái mới có thể cho được, những hân hoan thực sự đối với phụng vụ chân chính. Những điều này, tuy ít, nhưng có thể có điểm gì đó chung với Giáo hội, vốn trân quí trong ánh sáng trong khi họ khao khát trong bóng đêm.

4. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề về "các yếu tố của Giáo hội", cũng không phải vấn đề về "phương tiện cứu rỗi." Tôi xin nói rằng đúng hơn đây là vấn đề quần áo rách bươm [haillons] của Giáo hội; và một cuộc tìm kiếm đáng thương, một cách mò mẫm, một raison de vivre [lý do để sống] đặt nền tảng trong sự thật, và những gì mà người híppi gọi là "sự giải phóng thực sự của tinh thần, mà không biết họ đang nói gì" {53}.

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Trận Bakhmut là kinh hoàng nhất trong 100 năm qua. Hơn một nửa số trực thăng Ka52 của Nga bị bắn rơi
VietCatholic Media
03:15 05/12/2022


1. Nga tung tân binh quân dịch làm bia đỡ đạn tại Bakhmut, 550 tử trận trong một ngày. Hơn một nửa số trực thăng tiên tiến của Nga bị bắn rớt ở Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 5 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết trận đánh tại Bakhmut vẫn đang hết sức căng thẳng.

Cho đến nay, trận chiến Bakhmut được mô tả là một trong những trận chiến đẫm máu nhất của thế kỷ 21, với chiến trường được mô tả là “vòng xoáy” cuốn hút các tử sỉ của cả quân đội Ukraine và Nga. Với thương vong cực cao, chiếm được rất ít đất đai và cảnh quan đầy đạn pháo và xác người chết, truyền thông phương Tây và chính phủ Hoa Kỳ đã so sánh chiến sự ở Bakhmut là cuộc chiến chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ nhất.

Giá trị chiến lược thực tế của Bakhmut đã bị nhiều nhà phân tích coi là đáng ngờ. Sau cuộc phản công Kharkiv và Giải phóng Kherson, khu vực Bakhmut là một trong số ít khu vực mà Nga vẫn mở các cuộc tấn công bất kể thời tiết không thuận lợi. Nhiều nhà phân tích tin rằng động cơ chính là Nhóm Wagner có khả năng được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bakhmut bởi điện Cẩm Linh, và nó có thể mang lại những phần thưởng chính trị và tiền bạc đáng kể cho nhà lãnh đạo Yevgeny Prigozhin. Bahkmut cũng là một thử thách đối với Đại Tướng đầu trọc Sergey Surovikin, người đang bị các phương tiện truyền thông Nga coi là tướng rút lui.

Các lực lượng tấn công của Nga hiện nay chủ yếu bao gồm lính đánh thuê Wagner và những tân binh mới được huy động. Vào giữa tháng 11, có một số báo cáo rằng Nga có thể đã triển khai lại một số lực lượng từ mặt trận Kherson đến các khu vực gần Bakhmut để hỗ trợ các chiến binh của Tập đoàn Wagner. Tuy nhiên, các đơn vị này đã bị loại khỏi vòng chiến.

Quân tiếp viện cho Tập đoàn Wagner hiện nay đến từ các lực lượng mới nhập ngũ. Thương vong của phía Nga, do đó, là rất cao.

Các nguồn tin tình báo cho biết Iran đã gởi cho Nga 450 máy bay không người lái vào đầu tháng 10. Hơn 200 chiếc đã được tung vào chiến trường Bakhmut và số còn lại dùng để tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine

Trong hơn một tuần qua, Nga có lẽ đã cạn kiệt máy bay không người lái của Iran nên đã phải tung ra các chiến đấu cơ để hỗ trợ cho bộ binh trên mặt đất.

Trong ngày 4 tháng 12, thêm một máy bay SU-34 trị giá 50 triệu Mỹ Kim bị bắn hạ trên bầu trời Bakhmut khi tìm cách hỗ trợ cho bộ binh rút lui bỏ lại 2 xe tăng và 4 xe thiết giáp đang mắc kẹt trong sình lầy gần sông Bahmutka.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Avdiivka, nơi quân Nga đã phải bỏ lại 3 xe tăng và 2 xe thiết giáp cùng với 2 hệ thống pháo và 7 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Trong suốt cả ngày, quân xâm lược Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và hơn 10 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu định cư dọc theo giới tuyến. Một lần nữa, các cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố Nikopol và Kherson lại bị tấn công.

Một mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của kẻ thù vào các đối tượng của hệ thống điện Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn lãnh thổ Ukraine vẫn còn.

Quân xâm lược Nga hạn chế các quyền và tự do của dân thường trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng phía Đông Kherson. Dưới chiêu bài chống lại các nhóm trinh sát lật đổ, quân xâm lược Nga đã thiết lập một chốt chặn trên sông Chaika và chặn đường đi của các thuyền dân sự.

Tại quận Skadovsk tạm thời bị chiếm đóng, những người đưa thư đã ngừng chuyển tiền cho những người hưu trí. Để nhận lương hưu, những kẻ xâm lược buộc người già phải nộp đơn và lấy hộ chiếu của Liên bang Nga tại bưu điện.

Địch tiếp tục bị tổn thất ở các hướng Donetsk và Luhansk. Được biết, các cơ sở y tế ở Donetsk đã hoạt động hết công suất. Nhiều thương binh Nga phải được chuyển qua biên giới để chạy chữa trong các miền Belgorod và Voronez của Nga.

Vào khoảng 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật, một đơn vị của lữ đoàn hỏa tiễn phòng không Dnipro thuộc Bộ Tư lệnh Không quân phía Đông đã bắn hạ một trực thăng Ka-52 của quân Nga. Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết chi tiết này chưa được ghi nhận trong bản thống kê do báo cáo chỉ mới nhận được.

Trực thăng Ka-52 Alligator, giá 16 triệu Mỹ Kim, là phiên bản hai chỗ ngồi và cao cấp hơn nguyên bản Ka-50 Hokum. Trong những năm 1980, nó được thiết kế để tiến hành trinh sát chiến trường, chỉ định mục tiêu, hỗ trợ và điều phối các hoạt động trực thăng tấn công của nhóm. Một trong những điểm đặc biệt của Ka-52 là nó được trang bị hai ghế có thể phóng ra khi máy bay trúng phải hỏa tiễn của đối phương. Khi phi công kích hoạt chúng, hai cánh quạt trên đầu sẽ bị thổi bay, trước khi phi công phóng ra ngoài, như thế anh ta không bị cánh quạt chém chết. Ka-50 Hokum, tiền thân của Ka-52 là chiếc trực thăng tấn công đầu tiên được trang bị ghế phóng như thế. Không giống như trên trực thăng tấn công thông thường, các phi công không ngồi phía sau nhau, trên Ka-52 họ ngồi cạnh nhau. Hai phi công trên chiếc trực thăng Ka-52 được tin là đã tử trận vì không phóng ra kịp.

Không quân Nga sở hữu 90 chiếc trực thăng Ka-52. Hơn một nửa số đó đã bị bắn rơi trên chiến trường Ukraine.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 4 tháng 12, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 91,150 quân xâm lược Nga, chỉ riêng trong 24 giờ qua đã có 550 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 11 chiến xa còn nguyên vẹn, bị bắt sống tại mặt trận.

Bên cạnh đó, cho đến nay, quân Ukraine còn phá hủy hay bắt sống 2,922 xe tăng Nga, 5,892 xe thiết giáp, 1,908 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 210 hệ thống phòng không, 281 máy bay, 263 máy bay trực thăng, 1,573 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu thuyến, 4,479 xe chuyển quân và nhiên liệu, cùng 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Máy bay không người lái kamikaze của Ukraine vượt qua thử nghiệm thành công

Tập đoàn vũ khí Ukroboronprom đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm thành công máy bay không người lái tấn công của Ukraine với tầm bay lên đến 1,000 km.

“Cho đến hôm nay, một số giai đoạn thử nghiệm thành công đã được hoàn thành. Theo chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine, chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm liên quan đến môi trường gây nhiễu chiến tranh điện tử”, phát ngôn nhân nói.

“Sau khi chúng tôi thử nghiệm thành công máy bay không người lái dưới ảnh hưởng tác động điện tử, chúng tôi hy vọng có thể thử nghiệm nó trong sử dụng chiến đấu. Chúng tôi đã hứa sẽ làm như vậy vào cuối năm nay và chúng tôi đang cố gắng thực hiện lời hứa đó”

Như đã đưa tin, ngày 17 tháng 10, sau một cuộc tấn công nữa của máy bay không người lái Geran-2, ban đầu có tên là Shahed-136 do Iran sản xuất, Ukroboronprom đã công bố một bức ảnh chụp một cấu trúc kim loại với một con chim màu xanh và quốc huy màu vàng, chú thích nó: “Tầm bay: 1,000 km, tải trọng: 75 kg. Quá trình phát triển đang được hoàn thiện.”

3. Phó Thủ tướng: Nga sẽ không xuất khẩu dầu sang các nước phương Tây áp giá trần

Nga sẽ không xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp đặt mức giá ngay cả khi điều đó dẫn đến sản lượng bị cắt giảm, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trên kênh truyền hình nhà nước Nga hôm Chúa Nhật.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng quan điểm của chúng tôi không thay đổi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về điều này và chính phủ đã nhiều lần nói rằng chúng tôi tin rằng việc áp đặt giá này là phi thị trường, không hiệu quả, can thiệp thô bạo vào thị trường, trái với tất cả các quy tắc ngoại thương quốc tế,” Novak nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút”.

Novak cũng nói rằng Mạc Tư Khoa đang nghiên cứu các cơ chế cấm sử dụng công cụ giới hạn giá.

Các nền kinh tế lớn nhất của phương Tây đã đồng ý vào đầu năm nay để thiết lập mức giá cao nhất sau các vận động hành lang của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ đưa ra các chi tiết vào đầu tháng 12. Nhưng việc thiết lập một con số tỏ ra khó khăn.

Việc giới hạn giá dầu của Nga trong khoảng từ 65 đến 70 đô la một thùng, một phạm vi đang được thảo luận trước đó, sẽ không gây nhiều đau đớn cho Điện Cẩm Linh. Dầu thô Urals, tiêu chuẩn của Nga, đã được giao dịch trong hoặc gần phạm vi đó. Các nước Liên Hiệp Âu Châu như Ba Lan và Estonia đã thúc đẩy mức giá thấp hơn rất nhiều là 39 đô la một thùng.

Mức giá 60 đô la thể hiện mức chiết khấu gần 27 đô la so với dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu. Urals đã được giao dịch với mức chiết khấu khoảng 23 đô la trong những ngày gần đây. Reuters báo cáo rằng thỏa thuận của Liên Hiệp Âu Châu bao gồm một cơ chế điều chỉnh mức giá cao nhất để bảo đảm nó luôn thấp hơn 5% so với tỷ giá thị trường.

Rủi ro của việc áp đặt mức giá thấp hơn là Nga có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng, điều này sẽ làm chao đảo thị trường. Nga trước đây đã cảnh báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp cho các quốc gia tuân thủ việc áp đặt giá này.

4. Các lực lượng Nga tấn công ở phía đông và phía nam, khiến một thường dân thiệt mạng ở Kherson

Một quan chức quân sự Ukraine cho biết thị trấn Bakhmut phía đông đã trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Nga.

Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của lực lượng vũ trang quốc gia, cho biết quân đội Ukraine đang cầm cự ở Bakhmut, mô tả tình hình là “rất khó khăn, nhưng trong tầm kiểm soát.”

Các đơn vị Nga dường như đã đạt được một số tiến bộ trong thị trấn vài ngày trước, mặc dù họ phải chịu thương vong nặng nề.

“Bakhmut đã trở thành mục tiêu số một của quân xâm lược nhằm chọc thủng hàng phòng thủ của chúng tôi, tiến đến hướng Pokrovsk, Sloviansk, Kramatorsk… để chứng minh ít nhất họ cũng có một số thành công trên chiến trường,” Cherevatyi nói.

Trong khi đó tại khu vực Kherson, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Yaroslav Yanushevych cho biết lực lượng Nga một lần nữa nã pháo vào các khu dân cư.

Theo Yanushevych, điều đó bao gồm các cuộc tấn công vào các tòa nhà chung cư tư nhân và các cơ sở hạ tầng dân sự khác.

Ông cho biết một thường dân ở Kherson đã thiệt mạng và hai người khác bị thương hôm thứ Bảy.

Các quan chức Ukraine nói rằng Nga đã để lại nhiều mìn, dây bẫy và các vật thể nguy hiểm khác trên khắp vùng Kherson. Cảnh sát Quốc gia báo cáo rằng họ đã thu giữ 4,200 thiết bị nổ và phá hủy 1,250 thiết bị khác.

Tại thành phố Kherson, các đội đã khôi phục nguồn cung cấp điện, với khoảng 75% cộng đồng được sử dụng điện vào sáng Chúa Nhật, theo chính quyền quân sự khu vực.

5. Chuyên gia truyền hình nhà nước Nga nói 'Hoặc là chúng ta chiến thắng hoặc sẽ có Thế chiến thứ ba'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Pundit Says Either 'We Win or There Will Be WWIII'“, nghĩa là “Chuyên gia truyền hình nhà nước Nga nói 'Hoặc là chúng ta chiến thắng hoặc sẽ có Thế chiến thứ ba'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà tuyên truyền ủng hộ Vladimir Putin đã tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng Nga phải giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine nếu không Thế chiến III sẽ xảy ra.

Margarita Simonyan, người đứng đầu RT, cho rằng một cuộc xung đột lớn mới có thể xảy ra nếu Kyiv lấy lại Crimea, mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Samoyan cho biết: “Theo quan điểm của phương Tây và Ukraine, chiến thắng của Nga đồng nghĩa với việc Nga phải giữ lại ít nhất một thứ gì đó, bao gồm cả Crimea.

“ Họ tin rằng Ukraine nên lấy tất cả. Donbas, vùng Kherson, Zaporizhzhia và Crimea cũng vậy, điều đó sẽ phù hợp với họ. Các tùy chọn khác không phù hợp với họ. Thế chiến thứ 3 cũng không phù hợp với họ.”

Sau đó, bà ta nói thêm: “Hoặc là chúng ta giành chiến thắng theo cách mà chúng ta coi là chiến thắng của mình, hoặc Thế chiến III sớm hay muộn sẽ nổ ra. Tôi không thấy cách nào khác.”

Các bình luận đã được chia sẻ trên Twitter bởi Julia Davis, người tạo ra Russian Media Monitor, và đã được xem hơn 267,100 lần kể từ khi được chia sẻ vào thứ Bảy, ngày 3 tháng 11.

Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine sau một sắc lệnh do Putin ký vào ngày 30 tháng 9 sau khi người dân ở đó được cho là đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ việc gia nhập nước này.

Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như phần lớn các nhà lãnh đạo phương Tây, đã gọi quá trình này là một “sự giả tạo”.

Trong cuộc trao đổi, Simonyan cũng tuyên bố rằng lẽ ra quân đội Nga nên chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine và bác bỏ tuyên bố rằng Putin sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước này.

Bà ta nói: “Đây là điều hoàn toàn bị loại trừ vì nhiều lý do. Lý do phụ, nó hoàn toàn vô nghĩa, nó sẽ không giải quyết được gì vì chúng ta đã đánh bại Kyiv trong tuần đầu tiên.”

“Chúng ta đã ở Hostomel một phần của vùng ngoại ô Kyiv và mọi nơi khác. Chúng ta thực tế đã chiếm được, phải không? Tôi biết những quân nhân đã ở đó và họ kinh hoàng khi được lệnh rời đi.”

Điều Samoyan nói không đúng sự thật. Mặc dù các lực lượng Nga đã chiếm thành công một số thị trấn gần thủ đô, họ đã không chiếm được Kyiv và cuối cùng rút khỏi khu vực vào tháng Tư.

Nhưng Simonyan không có vấn đề gì với việc triển khai vũ khí hạt nhân ở phương Tây, bà ta nói thêm: “Kể từ tháng 3, chúng ta không chiến đấu chống lại Kyiv, chúng ta đang chiến đấu chống lại phương Tây. Vì vậy, tại sao chúng ta lại tấn công Kyiv bằng vũ khí hạt nhân? Chúng ta không tiến hành chiến tranh chống lại Kyiv.

“Điều đó hoàn toàn bị loại trừ, chúng ta không bao giờ ném bom Kyiv, vì lý do chính là các thánh địa của chúng ta nằm ở Kyiv.”

Bà ta nói thêm: “Nhưng ở Washington hay London, chúng ta không có thánh địa. Không một thánh địa nào của chúng ta ở đó hoặc ở Berlin.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

6. Lukashenko tuyên bố: Nga, Belarus huấn luyện cùng nhau thành 'Một đội quân duy nhất'

Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko và Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Vladimir Makei đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.

Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó”.

Tuy nhiên, ngay sau khi Ngoại trưởng Makei chết đột ngột, và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Belarus, Lukashenko bắt đầu nói khác.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia, Belarus Training Together as 'A Single Army': Lukashenko”, nghĩa là “Lukashenko tuyên bố: Nga, Belarus huấn luyện cùng nhau thành 'Một đội quân duy nhất'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang bước vào một số tháng lạnh giá khi nó bước vào quý thứ tư của một năm giao tranh. Nga đã rút lui ở một số khu vực bị chiếm đóng nhưng giờ đây đã có một đồng minh sẵn sàng sát cánh và chiến đấu cùng họ.

Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cuối tuần này cho biết đất nước của ông và Nga tiếp tục huấn luyện cùng nhau, với việc người dân Belarus chuẩn bị chiến đấu bên cạnh các đồng chí Nga chống lại Ukraine.

“Tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus đã nói với các bạn về tình hình ở Belarus, về quá trình huấn luyện và phối hợp chiến đấu của các đơn vị Belarus và Nga hiện diện ở Belarus,” ông Lukashenko nói, theo Pravda. “Tôi phải nói rằng chúng tôi đã tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc. Cả sĩ quan của chúng tôi và của các bạn đều đang huấn luyện các chàng trai.”

“Người Belarus và người Nga đang chuẩn bị. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, hàng ngũ đầu tiên của chúng tôi - những người bảo vệ Nhà nước Liên minh - có thể đẩy lùi bất kỳ sự xâm lược nào... Không ai bị chia rẽ ở đây: chúng tôi đang chuẩn bị như một nhóm duy nhất, một đội quân duy nhất ngày nay. Mọi người xung quanh chúng ta đều biết về điều đó. Chúng tôi đã không che giấu nó. Không thể che giấu nó trong thế giới ngày nay.”

Belarus là đồng minh của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và Lukashenko là đồng minh trung thành của Vladimir Putin.

Nga đã tập trung quân dọc theo biên giới phía bắc và phía tây của Ukraine vào cuối tháng Giêng trong khi nước này cũng tiến hành tập trận quân sự với nước láng giềng Belarus. Nga tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm nay và đã có thương vong nặng nề cho cả hai bên.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Nga đã không chiếm được Kyiv, Lviv và Odesa, nhưng họ đã chiếm nhiều khu vực ở phía đông Ukraine. Nga đã chiếm phần lớn vùng Donbas, bao gồm Luhansk, Severodonetsk, Donetsk và Mariupol. Họ chiếm bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nga đã mất hơn 90,000 binh sĩ trong cuộc chiến, theo ước tính từ Bộ Quốc phòng Ukraine.

Putin đã điều động quân đội từ nhiều điểm khác nhau trong vài tháng qua. Mới nhất là việc Nga có kế hoạch huy động quân đội từ Belarus vào vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine.

“Dự kiến, nhóm quân địch hoạt động trong các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của Ukraine sẽ được tăng cường do việc chuyển các đơn vị riêng lẻ từ lãnh thổ Cộng hòa Belarus sau khi họ có được khả năng chiến đấu,” bộ tổng tham mưu của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết vào tuần trước.

Trận chiến khốc liệt tiếp theo nhiều khả năng sẽ xảy ra ở Bakhmut, nằm trong khu vực Donetsk, nơi đang bị chiếm đóng nặng nề ở miền đông Ukraine. Nhiệt độ ở vùng đó của đất nước đã rất lạnh—nhiệt độ cao nhất là âm 6 độ trong năm ngày tới và chỉ âm mười độ vào ban đêm.

Thành phố có khoảng 70,000 cư dân này hầu như chỉ còn là đống đổ nát do các đợt pháo kích liên tục và các binh sĩ đang chiến đấu từ các boong-ke dưới lòng đất.

Người Nga có thể làm hao mòn quân đội và tinh thần của chính họ, ngay cả khi họ chiếm được thành phố và tuyên bố chiến thắng. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một trận chiến kéo dài 6 tháng có thể sẽ mang lại cho Nga rất ít phần thưởng.

“Ngay cả khi quân đội Nga tiếp tục tiến về phía và bên trong Bakhmut, và ngay cả khi họ buộc quân đội Ukraine rút lui khỏi thành phố, như trường hợp ở Lysychansk, bản thân Bakhmut mang lại cho họ rất ít lợi ích chiến thuật,” Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã nêu trong tuần này. “Các chi phí liên quan đến sáu tháng chiến đấu tàn bạo, dày đặc và tiêu hao xung quanh Bakhmut vượt xa bất kỳ lợi thế chiến thuật nào mà người Nga có thể có được từ việc chiếm Bakhmut.”
 
Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2022 với Giáo Triều Rôma. Bài 1: Cửa Đức Tin
VietCatholic Media
04:41 05/12/2022


Trong bài giảng đầu tiên cho Mùa Vọng 2022, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa nêu bật tầm quan trọng của nhân đức đối thần là đức tin trong hành trình Kitô hữu của chúng ta.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thưa Đức Thánh Cha, các Cha đáng kính nhất, các anh chị em của Giáo triều Rôma, tôi đã nhiều lần tự hỏi ý nghĩa và sự hữu ích của những bài giảng trong Mùa Vọng và Mùa Chay này, những bài giảng làm gián đoạn hoặc trì hoãn các công việc khác và quan trọng hơn. Điều khích lệ tôi và khiến tôi không ngại lãng phí thời gian của các vị là niềm tin rằng người ta đến với những bài giảng này không phải để nghe ý kiến hoặc tìm giải pháp cho các vấn đề của Giáo Hội vào thời điểm này, mà để nhận được sức mạnh từ các chân lý đức tin và do đó đối mặt với mọi vấn đề một cách đúng tinh thần. Nói tóm lại, để tắm rửa – hay ít nhất là một sự sảng khoái – của niềm tin, hy vọng và lòng bác ái.

Đây là lý do tại sao tôi nghĩ đến việc chọn ba nhân đức đối thần làm chủ đề cho ba bài giảng Mùa Vọng này. Đức tin, đức cậy và đức mến là vàng, nhũ hương và mộc dược mà chúng ta, những Đạo sĩ ngày nay, muốn mang đến như một món quà dâng lên Thiên Chúa, Đấng “từ trên cao đến thăm viếng chúng ta”. Tận dụng truyền thống cổ xưa – thời giáo phụ và thời trung cổ – về các nhân đức thần học, tôi sẽ cố gắng đào sâu– càng nhiều càng tốt trong ba bài suy niệm ngắn – một đường lối hiện đại và hiện sinh, nghĩa là, đáp lại những thách thức, những sự phong phú và, đôi khi, những điều thay thế được đề xuất ngày nay đối với các đức tính thần học của Kitô giáo.

* * *

Trong lời cầu nguyện của Kitô giáo, một Thánh Vịnh luôn có âm vang lớn, có nội dung sau:

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,

cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào.

Đức Vua vinh hiển đó là ai?

Là Thiên Chúa mạnh mẽ oai hùng

Thiên Chúa oai hùng khi xuất trận.

(Tv 24, 7-8).

Theo cách giải thích thiêng liêng của các Giáo phụ và phụng vụ, những cánh cửa được nói đến trong Thánh Vịnh là những cánh cửa của trái tim con người: “Phúc cho ai được Chúa Kitô gõ cửa”, Thánh Ambrôsiô bình luận. “Cánh cửa của chúng ta là đức tin… Nếu bạn muốn nâng cánh cửa đức tin của mình lên, thì vua vinh quang sẽ đến với bạn”. Thánh Gioan Phaolô II đã biến những lời trong Thánh Vịnh thành bản tuyên ngôn cho triều đại giáo hoàng của mình. “Hãy mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô!”, ngài đã hét lên với thế giới, vào ngày bắt đầu sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh của mình.

Cánh cửa lớn mà con người có thể mở hoặc đóng với Chúa Kitô là một và được gọi là tự do. Tuy nhiên, nó mở ra theo ba cách khác nhau, hay theo ba loại quyết định khác nhau mà chúng ta có thể coi là ba cánh cửa: đức tin, đức cậy và đức mến. Đây đều là những cánh cửa đặc biệt: chúng mở từ bên trong và bên ngoài cùng một lúc: bằng hai chìa khóa, một chiếc nằm trong tay con người, chiếc còn lại nằm trong tay Chúa. Con người không thể mở chúng nếu không có sự giúp đỡ của Chúa và Chúa không muốn mở những cánh cửa ấy nếu không có sự hợp tác của con người.

Đức Kitô, nguồn gốc và sự viên mãn của đức tin

Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu suy tư từ cánh cửa đầu tiên trong ba cánh cửa: đó là đức tin. Chúng ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ rằng Thiên Chúa “đã mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại” (Cv 14:27). Thiên Chúa mở cánh cửa đức tin theo nghĩa Người ban khả năng tin bằng cách sai đến những người rao giảng Tin Mừng; con người mở cánh cửa đức tin bằng cách chấp nhận khả thể này.

Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, có một bước nhảy vọt về chất liên quan đến đức tin. Không phải trong bản chất của nó, mà trong nội dung của nó. Giờ đây, vấn đề không còn là niềm tin chung chung vào Thiên Chúa, mà là niềm tin vào Chúa Kitô đã xuống thế làm người, chết và sống lại vì chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái liệt kê một danh sách dài những người tin Chúa: “Nhờ đức tin Aben… Nhờ đức tin Ápraham… Nhờ đức tin Isaác… Nhờ đức tin Giacóp… Nhờ đức tin Môise…” Nhưng Thánh Phaolô kết luận bằng cách nói: “Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa” (Dt 11, 39). Thiếu cái gì ở đây? Thưa: Thiếu Chúa Giêsu Đấng – như Bức thư nói – là “Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. “ (Dt 12:2).

Do đó, đức tin Kitô giáo không chỉ bao gồm việc tin vào Thiên Chúa; nó hệ tại ở việc tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Trước khi làm phép lạ, Chúa Giêsu hỏi: “Anh có tin không?” và sau khi hoàn thành, Ngài khẳng định: “Đức tin của anh đã cứu anh”, Ngài không ám chỉ một niềm tin chung chung vào Thiên Chúa (điều này được coi là điều hiển nhiên ở mọi người Israel); nhưng đề cập đến niềm tin vào Người, vào sức mạnh thiêng liêng được ban cho Người.

Bây giờ đây, đức tin công chính hóa kẻ gian ác, đức tin sinh ra sự sống mới. Nó được đặt ở phần cuối của một quá trình mà trong chương thứ mười của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô lần theo dấu vết, gần như trực quan, các giai đoạn khác nhau, vẽ chúng trên bản đồ cơ thể con người. Ngài nói, mọi sự bắt đầu từ đôi tai, từ việc nghe công bố Tin Mừng: “Đức tin đến từ việc lắng nghe”, fides ex auditu. Từ đôi tai, chuyển động đi đến trái tim, nơi quyết định cơ bản được đưa ra: corde creditur, “người ta tin bằng trái tim”. Từ trái tim, chuyển động quay trở lại miệng: “bằng miệng người ta tuyên xưng đức tin”: ore fit confessionio.

Quá trình không kết thúc ở đó, mà – từ đôi tai, trái tim và cái miệng – nó chuyển sang đôi tay. Vâng, bởi vì như Thánh Tông Đồ nói “đức tin hành động nhờ tình yêu” (Gl 5:6). Thánh Giacôbê Tông đồ có thể cảm thấy yên tâm. Cũng có chỗ cho “việc làm”: tuy nhiên, không phải trước, mà là sau đức tin (về mặt luận lý nếu không phải theo trình tự thời gian). Thánh Grêgôriô Cả nói: “Người ta không đạt đến đức tin bắt đầu từ các nhân đức, nhưng đạt đến các nhân đức bắt đầu từ đức tin”.

Lúc này, một câu hỏi rất thời sự được đặt ra. Nếu đức tin cứu rỗi là đức tin nơi Chúa Kitô, thì phải nghĩ sao về tất cả những người không có cơ hội tin nơi Ngài? Chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên, kể cả về tôn giáo. Các nền thần học của chúng ta - Đông phương và Tây phương, Công Giáo cũng như Tin lành - đã phát triển trong một thế giới mà trên thực tế chỉ có Kitô giáo tồn tại. Tuy nhiên, sự tồn tại của các tôn giáo khác đã được biết đến, nhưng các tôn giáo ấy đã bị coi là sai ngay từ đầu, hoặc hoàn toàn không được xem xét. Ngoài cách hiểu khác nhau về Giáo Hội, tất cả các Kitô hữu đều chia sẻ một tiên đề truyền thống: “Không có ơn cứu độ bên ngoài Giáo Hội”: Extra Ecclesiam nulla salus.

Ngày nay điều này không còn đúng nữa. Trong một thời gian, đã có một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các giá trị hiện diện trong mỗi tôn giáo. Trong Giáo Hội Công Giáo, điểm khởi đầu là tuyên nguyên “Nostra aetate” của Công đồng Vatican II, và tất cả các Giáo Hội Kitô lịch sử đều chia sẻ một định hướng tương tự. Với sự công nhận này, có một xác tín đã bám rễ cho rằng ngay cả những người bên ngoài Giáo Hội cũng có thể được cứu.

Theo quan điểm mới này, liệu còn có thể duy trì vai trò cho đến nay được gán cho niềm tin “rõ ràng” vào Chúa Kitô hay không? Trong trường hợp này, phải chăng châm ngôn cổ xưa: “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” cuối cùng, tồn tại được trong định đề “ngoài đức tin không có ơn cứu độ”? Trên thực tế, trong một số giới Kitô Hữu, điều sau là học thuyết thống trị và nó là điều thúc đẩy sự dấn thân truyền giáo. Tuy nhiên, theo cách này, sự cứu rỗi ngay từ đầu đã bị giới hạn cho một thiểu số rất nhỏ người dân.

Điều này không thể khiến chúng ta hài lòng và nó có lỗi với Chúa Kitô, tước đoạt của Ngài một phần lớn nhân loại. Người ta không thể tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, rồi giới hạn sự liên quan thực sự của Ngài vào một phần rất hẹp duy nhất của nó. Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Độ Thế Gian” (Ga 4:42); Chúa Cha đã sai Chúa Con “để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3:17): thế gian, không phải là một tập hợp ít người trên thế giới!

Chúng ta hãy thử tìm câu trả lời trong Kinh Thánh. Kinh Thánh khẳng định rằng ai chưa biết Đức Kitô, nhưng hành động theo lương tâm của mình (Rm 2:14-15) và làm điều thiện cho người thân cận (Mt 25:3 tt.) thì được Thiên Chúa chấp nhận. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta nghe từ miệng Thánh Phêrô tuyên bố long trọng này: “Quả thật, tôi thấy Thiên Chúa không thiên vị ai. Trái lại, trong mọi nước, ai kính sợ Ngài và hành động ngay thẳng đều được Ngài chấp nhận” (Cv 10:34-35).

Ngay cả những người theo các tôn giáo khác nói chung cũng tin rằng “Thiên Chúa hiện hữu và ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (Dt 11: 6); do đó, họ nhận ra điều mà Kinh thánh coi là dữ liệu cơ bản và chung của mọi niềm tin. Tất nhiên, điều này áp dụng theo một cách rất đặc biệt đối với những anh em Do Thái tin vào cùng một Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp mà Kitô hữu chúng ta tin.

Tuy nhiên, lý do chính cho sự lạc quan của chúng ta không dựa trên điều thiện mà những người theo tôn giáo khác có thể làm được, nhưng dựa trên “ân sủng muôn hình muôn vẻ của Thiên Chúa” (1Pr 4:10). Đôi khi tôi cảm thấy cần phải dâng hy tế Thánh Lễ chính xác nhân danh tất cả những người được cứu nhờ Chúa Kitô, nhưng không biết điều đó và không thể tạ ơn Người. Phụng vụ cũng thúc giục chúng ta làm như vậy. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể 4, ngoài lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục và tín hữu, một lời cầu nguyện được thêm vào “cho tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Chúa”.

Thiên Chúa có nhiều cách để cứu rỗi hơn chúng ta có thể nghĩ đến. Ngài đã thiết lập các “kênh” ân sủng của mình, nhưng Ngài không tự ràng buộc mình với những kênh ấy. Một trong những phương tiện cứu rỗi “phi thường” này là đau khổ. Sau khi Đức Kitô đã mặc lấy và cứu chuộc, thì một cách nào đó, đau khổ cũng là một bí tích cứu độ phổ quát. Người đã xuống nước sông Giođan để thánh hóa nước trong mọi phép rửa, Người cũng xuống nước của khổ nạn và sự chết, biến chúng thành khí cụ cứu rỗi tiềm tàng. Một cách mầu nhiệm, mọi đau khổ – không chỉ đau khổ của các tín hữu –, theo một cách nào đó, hoàn thành “điều còn thiếu sót* trong những gian nan thử thách của Đức Kitô” (Cl 1:24) [Thánh Phaolô viết “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh]. Giáo Hội cử hành lễ Các Thánh Anh Hài; các thánh này cũng không biết rằng họ đang chịu khổ vì Chúa Kitô!

Chúng ta tin rằng tất cả những ai được cứu rỗi đều là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô: “Chẳng có sự cứu rỗi bởi đấng nào khác, cũng chẳng có danh nào khác dưới gầm trời ban cho loài người mà nhờ đó chúng ta được cứu.” (Công vụ 4:12). Tuy nhiên, khẳng định nhu cầu phổ quát của Chúa Kitô đối với ơn Cứu Độ là một chuyện, và khẳng định sự cần thiết phổ quát của đức tin nơi Chúa Kitô để được cứu rỗi lại là một chuyện khác.

Vậy có thừa không khi tiếp tục loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật? Còn cần hơn nữa! Cần phải thay đổi lý do truyền giáo, chứ không phải thay đổi việc truyền giáo. Chúng ta phải tiếp tục loan báo Chúa Kitô; không phải vì một lý do tiêu cực – là nếu không thì thế giới sẽ bị kết án – mà vì một lý do tích cực: vì ân sủng vô hạn mà Chúa Giêsu mang đến cho mỗi con người. Đối thoại liên tôn không đối lập với việc rao giảng Tin Mừng, nhưng nó xác định phong cách của việc rao giảng Tin Mừng. Cuộc đối thoại này – Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Sứ vụ của Đấng Cứu Chuộc” – “là một phần trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội”.

Mệnh lệnh của Đức Kitô: “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15) và “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19) vẫn có giá trị vĩnh cửu, nhưng phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử của nó. Đây là những từ ám chỉ thời điểm chúng được viết ra, khi “cả thế giới” và “mọi dân tộc” là cách nói rằng thông điệp của Chúa Giêsu không chỉ dành cho dân Do Thái mà còn cho phần còn lại của thế giới. Chúng luôn có giá trị đối với tất cả mọi người, nhưng đối với những người đã thuộc về một tôn giáo thì cần có sự tôn trọng, kiên nhẫn và yêu thương. Thánh Phanxicô thành Assisi đã hiểu điều này và đem ra thực hành. Ngài dự tính hai cách để đi tới “người Hồi Giáo và những kẻ ngoại đạo khác”. Ngài viết trong Bản luật của mình:

Tuy nhiên, những anh em đi giữa những người Hồi Giáo và những người ngoại đạo khác có thể cư xử theo hai cách về mặt tinh thần giữa họ. Một cách là không tranh cãi hay tranh chấp; nhưng hãy để những người ấy là “chủ thể của sinh vật con người vì lợi ích của Chúa,” nhưng anh em vẫn tuyên xưng mình là Kitô hữu. Cách khác là khi họ thấy điều đó đẹp lòng Thiên Chúa, thì anh em công bố Lời của Thiên Chúa, để những người ấy có thể tin vào Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng Tạo Hóa của muôn vật, Chúa Cứu Thế và Cứu Chuộc của chúng ta, ngõ hầu họ có thể được chịu phép rửa tội và trở thành Kitô hữu.

Thách thức của khoa học

Với trái tim rộng mở này, bây giờ chúng ta hãy trở lại với niềm tin Kitô giáo của mình. Thử thách lớn lao mà đức tin phải đương đầu trong thời đại chúng ta không đến từ triết học như trong quá khứ, nhưng đến từ khoa học. Có một tin tức giật gân cách đây vài tháng. Một kính viễn vọng được phóng lên vũ trụ vào ngày 25 tháng 12 năm 2021 và ở vị trí cách trái đất một triệu rưỡi km, đã gửi những hình ảnh phi thường về vũ trụ vào ngày 12 tháng 7 năm nay khiến giới khoa học phải say mê.

“Kính viễn vọng mới – chúng ta đọc trên tin tức – đã mở ra một cửa sổ mới về vũ trụ, có thể đưa chúng ta quay ngược thời gian, cho đến ngay sau vụ nổ lớn ban đầu của thế giới. Đó là cái nhìn chi tiết nhất về vũ trụ sơ khai từng có được. Nó đại diện cho hương vị đầu tiên của một ngành thiên văn học mới và mang tính cách mạng sẽ tiết lộ vũ trụ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”.

Chúng ta sẽ thật ngu ngốc và vô ơn nếu không tham gia vào niềm tự hào chính đáng của nhân loại về điều này cũng đúng đối với bất kỳ khám phá khoa học nào khác. Như đã nói, nếu niềm tin được nảy sinh từ việc lắng nghe cũng như từ sự ngạc nhiên thì những khám phá khoa học này không nên làm giảm khả năng tin tưởng, mà phải làm tăng khả năng tin tưởng. Nếu sống ở thời nay, tác giả Thánh Vịnh sẽ còn nhiệt tình hát hơn nữa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo kỳ công tay Người làm” (Tv 19:2) và Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa với muôn loài”.

Chúa muốn ban cho chúng ta một dấu hiệu hữu hình về sự vĩ đại vô tận của Ngài với sự bao la của vũ trụ và muốn ban cho chúng ta một dấu hiệu về “sự khó thấu hiểu” của Ngài với hạt vật chất nhỏ nhất mà vật lý học bảo đảm dù từng được biết đến vẫn có “sự không chắc chắn” của nó. Vũ trụ không tự tạo ra nó. Chất lượng của sự tồn tại là điều quyết định chứ không phải số lượng; và chất lượng của sự sáng tạo là… được tạo ra! Hàng tỷ thiên hà, cách xa hàng tỷ tỷ năm ánh sáng, không thay đổi chất lượng này.

Chúng ta đưa ra những suy tư về đức tin và khoa học này không phải để thuyết phục các nhà khoa học không có đức tin (không ai trong số họ ở đây để nghe hoặc đọc những lời này), mà là để củng cố chúng ta là những người tin vào đức tin của chúng ta và không bị quấy rầy bởi những tiếng nói trái ngược. Đó cũng là mục đích mà Thánh Luca nói với “Theophilô lừng lẫy” rằng ngài đã viết Tin Mừng của mình: “để anh em nhận ra sự chắc chắn của những lời anh em đã lãnh nhận” (Lc 1: 4).

Đối mặt với sự mở ra trước mắt chúng ta các chiều kích vô tận của vũ trụ, hành động đức tin lớn nhất đối với Kitô hữu chúng ta không phải là tin rằng tất cả những điều này được tạo ra bởi Thiên Chúa, mà là tin rằng “muôn vật được tạo dựng nhờ Chúa Kitô và cho Ngài. “(Cl 1:16), rằng “không có Người thì không có gì” (Ga 1:3). Kitô hữu có bằng chứng về Thiên Chúa thuyết phục hơn nhiều so với bằng chứng thu được từ vũ trụ: đó là con người và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.

Các tín hữu không phải là đà điểu. Chúng ta không giấu đầu trong cát để không nhìn thấy. Chúng ta chia sẻ với mỗi người sự hoang mang trước muôn vàn bí ẩn và mâu thuẫn của vũ trụ: của tiến hóa tự nhiên, của lịch sử, của chính Kinh thánh… Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua sự hoang mang đó bằng một điều chắc chắn mạnh mẽ hơn mọi điều không chắc chắn: đó là sự khả tín của con người Đức Kitô, của đời sống và lời nói của Người. Sự chắc chắn trọn vẹn và vui mừng không đến trước mà đến sau khi đã tin.

Người công chính sẽ sống nhờ niềm tin

Đức tin là tiêu chí duy nhất có khả năng khiến chúng ta liên hệ đúng đắn, không chỉ với khoa học, mà còn với lịch sử. Khi nói về đức tin công chính hóa, thánh Phaolô trích dẫn lời sấm nổi tiếng Khabarúc: “người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Ab 2:4). Thiên Chúa có ý gì qua lời tiên tri đó, vì chính Thiên Chúa đã thốt ra lời ấy?

Thông điệp mở đầu bằng lời than thở của nhà tiên tri, vì sự thất bại của công lý và vì Thiên Chúa từ trên cao dường như thản nhiên chứng kiến bạo lực và áp bức. Chúa trả lời rằng tất cả những điều này sắp kết thúc vì một tai họa mới sẽ sớm đến – người Chanđê – sẽ quét sạch mọi thứ và mọi người. Nhà tiên tri phản đối giải pháp này. Đây lại là câu trả lời của Chúa sao? Một sự áp bức thay thế cho một sự áp bức khác à?

Nhưng ngay tại đây, Thiên Chúa đang chờ đợi nhà tiên tri: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình” (Ab 2, 2-4). Nhà tiên tri được yêu cầu thực hiện bước nhảy vọt về đức tin. Thiên Chúa không giải quyết bí ẩn của lịch sử, nhưng yêu cầu chúng ta tin tưởng vào Ngài và công lý của Ngài, bất chấp mọi thứ. Giải pháp không nằm ở việc chấm dứt thử thách, mà nằm ở việc gia tăng đức tin.

Lịch sử là cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thiện và cái ác, kẻ ác chiến thắng và người chính nghĩa chịu đau khổ. Chiến thắng bền vững của cái thiện trước cái ác không được tìm thấy trong chính lịch sử, mà vượt ra ngoài lịch sử. Chúng ta hãy bỏ lại đằng sau tất cả các hình thức của chủ nghĩa thiên niên kỷ. Tuy nhiên, Thiên Chúa có quyền tể trị và kiểm soát mọi sự kiện đến nỗi ngay cả sự kích động của kẻ ác cũng phục vụ cho những kế hoạch bí ẩn của Ngài. Quả thật, Thiên Chúa viết thẳng bằng những đường cong! Các tình huống có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, nhưng với Chúa thì không.

Thông điệp của Khabacúc đặc biệt thích hợp cho chúng ta ngày nay. Nhân loại đã trải qua trong những năm cuối của thế kỷ sự giải phóng khỏi quyền lực áp bức của các hệ thống toàn trị cộng sản. Nhưng chúng ta không có thời gian để thở phào nhẹ nhõm vì những bất công và bạo lực khác đã phát sinh trên thế giới. Có những người, khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, đã ngây thơ tin rằng chiến thắng của nền dân chủ giờ đây sẽ dứt khoát khép lại chu kỳ của những biến động lớn và rằng lịch sử sẽ tiếp tục tiến trình của nó mà không có những cú sốc kinh hoàng. Chính xác là không có thêm “lịch sử” như thế. Luận điểm này đã sớm bị bác bỏ một cách đáng tiếc bởi các sự kiện, với sự xuất hiện của các chế độ độc tài khác và sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh mới, bắt đầu từ cuộc chiến “Vùng Vịnh”, cho đến cuộc chiến bất hạnh năm nay ở Ukraine.

Trong hoàn cảnh này, câu hỏi chân thành của vị tiên tri cũng được khuấy động trong chúng ta: “Lạy Chúa, cho đến khi nào? Chúa có đôi mắt quá trong sáng đến nỗi Chúa không thể nhìn thấy điều ác sao! Tại sao có quá nhiều bạo lực, quá nhiều xác người trơ xương vì đói, quá nhiều sự tàn ác trên thế giới mà Chúa không can thiệp?” Câu trả lời của Chúa vẫn thế: ai không có tấm lòng ngay thẳng với Chúa thì dễ bi quan và vấp phạm, còn người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình và tìm được câu trả lời trong đức tin của mình. Anh ta sẽ hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói khi, trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).

Nhưng chúng ta hãy ghi nhớ kỹ điều đó trong đầu và nếu cần, hãy thông báo với thế giới: Thiên Chúa công minh và thánh thiện; Ngài sẽ không cho phép cái ác có tiếng nói cuối cùng và những kẻ bất lương thoát tội. Sẽ có một sự phán xét ở phần kết của câu chuyện, “một cuốn sách viết sẽ được mở ra, trong đó chứa đựng mọi thứ và theo đó thế giới sẽ được phán xét”: Liber scriptus proferetur – in quo totum continetur – und mundus judicetur.

Một sự phán xét đầu tiên, không hoàn hảo nhưng nằm trong tầm tay của tất cả mọi người, các tín hữu và những người không tin, hiện đã có sẵn, hơn nữa có cả trong lịch sử. Những ân nhân của nhân loại đã làm việc vì lợi ích thực sự của đất nước họ và vì hòa bình thế giới được ghi nhớ với sự vinh danh và chúc lành từ thế hệ này sang thế hệ khác; tên của bạo chúa và những kẻ bất lương tiếp tục qua nhiều thế kỷ đi kèm với sự ô nhục và bị trù dập. Chúa Giêsu đã mãi mãi đảo ngược vai trò. “Người chiến thắng vì là nạn nhân”, do đó, Thánh Augustinô định nghĩa Chúa Kitô: Victor quia victima. Dưới ánh sáng của sự vĩnh cửu – và cả của lịch sử – không phải những kẻ hành quyết mới là những người chiến thắng thực sự, mà là những nạn nhân của họ.

Điều mà Giáo Hội có thể làm, để không chứng kiến một cách thụ động lịch sử, là đứng về phía chống lại những kẻ áp bức và kiêu ngạo và luôn đặt mình, “đúng lúc cũng như toàn thời gian”, về phía người nghèo, người yếu thế, những nạn nhân, những người gánh chịu mọi bất hạnh và mọi cuộc chiến.

Những gì Giáo Hội có thể làm cũng là loại bỏ một trong những yếu tố luôn gây ra xung đột là sự cạnh tranh giữa các tôn giáo, những “cuộc chiến tôn giáo” khét tiếng. Một lực đẩy đạo đức có thể đến từ sự hiểu biết và sự hợp tác trung thành giữa các tôn giáo lớn đã ghi dấu ấn trong lịch sử chứ không phải tiến trình mới mà chúng ta mong đợi một cách vô ích từ các cường quốc chính trị. Theo nghĩa này, cần phải thấy được sự hữu ích của các sáng kiến cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các tôn giáo do thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Giáo Hoàng đương nhiệm thúc đẩy ngày nay.

Đức tin là vũ khí của Giáo Hội. Giáo Hội, giống như người công chính của Khabacúc, cũng “sống nhờ đức tin của mình”. Trong tiếng Ý, từ “đức tin” có nghĩa thứ hai, đó là chiếc nhẫn cưới mà vợ chồng trao nhau trong ngày cưới. Đức tin, nhân đức đối thần, là chiếc nhẫn cưới của Hiền Thê Chúa Kitô! Rôma từ lâu đã không còn là caput mundi, thủ đô của thế giới, nhưng nó phải là caput fidei, thủ đô của đức tin. Không chỉ có niềm tin đúng đắn, tức là chính thống, mà còn có cường độ tin tưởng.

Điều mà các tín hữu nắm bắt ngay lập tức nơi một linh mục và một mục tử là liệu họ có “tin vào điều đó” hay không, họ có tin vào những gì mình nói và những gì mình cử hành hay không. Ngày nay có rất nhiều việc sử dụng truyền dẫn không dây hay WiFi, như chúng ta nói trong tiếng Anh. Đức tin cũng được truyền đạt tốt hơn theo cách này: không ràng buộc, không nhiều lời nói và tranh luận, nhưng thông qua một luồng ân sủng được thiết lập giữa hai người.

Hành động đức tin lớn nhất mà Giáo Hội có thể làm – sau khi đã cầu nguyện và làm mọi điều có thể để tránh hoặc chấm dứt xung đột – là tuân phục Thiên Chúa với một hành động hoàn toàn tin tưởng và từ bỏ trong thanh thản, đồng thời lặp lại cùng với Thánh Tông đồ: “Tôi biết tôi tin vào ai!”: Scio cui credidi (2 Tim 1:12). Thiên Chúa không bao giờ rút lui để làm cho những ai lao vào vòng tay của Người sẽ rơi vào hư không.

Vì thế, chúng ta hãy đi gặp Chúa Kitô, Đấng đang đến, với một hành vi đức tin cũng như với một lời hứa của Thiên Chúa và do đó là một lời tiên tri: “Thế giới ở trong tay Thiên Chúa và khi lạm dụng tự do của mình, con người đã chạm đến đáy, Người sẽ can thiệp để cứu con người”. Vâng, Người sẽ can thiệp! Đây là lý do tại sao Người đến thế giới hai nghìn hai mươi hai năm trước.

1.Ambrôsiô thành Milano, Chú Giải Thánh Vịnh 118, XII, 14.

2.Gregory Đại đế, Bài giảng về tiên tri Edêkien, II, 7 (PL 76, 1018).

3. Bản luật không có sắc chỉ, XVI.

4. Sequence Dies irae.
Source:Cantalamessa
 
Chấn động Hoa Kỳ: linh mục và giáo dân bị đập đầu, thiêu sống tại Louisiana. Kirill phản đối Kyiv
VietCatholic Media
05:36 05/12/2022


1. Đức Thánh Cha kêu gọi giải quyết chung các vấn đề của vùng Địa Trung Hải

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nước vùng Địa Trung Hải hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề chung của vùng này, đặc biệt là vấn đề di dân.

Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị kỳ VIII: “Roma Địa Trung Hải đối thoại”, đang tiến hành tại Roma từ ngày 01 đến ngày 03 tháng Mười Hai này, với sự tham dự của đại diện các nước vùng Địa Trung Hải. Hội nghị do Bộ Ngoại giao Ý và Cộng tác quốc tế, cùng với Học viện nghiên cứu quốc tế, tổ chức, để thăng tiến các chính sách chung trong vùng này.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đề cao tiềm năng lớn của việc tiếp xúc chung giữa ba đại lục: Á, Âu và Phi châu; Địa Trung Hải như ngã tư của nhân loại. Nhưng ngài cũng nghĩ đến “sự thiếu khả năng tìm ra những giải pháp chung cho sự lưu động của con người trong vùng này, đưa tới sự thiệt mất bao nhiêu nhân mạng, một sự mất mát không thể chấp nhận được, như thể đó là luôn luôn không thể tránh được, nhất là trong Địa Trung Hải. Sự di dân là điều thiết yếu đối với sự sung túc của vùng này và không thể bị chặn lại. Vì thế, trong lợi ích của mọi bên, cần tìm ra một giải pháp bao quát gồm nhiều khía cạnh và những yêu cầu chính đáng, có lợi cho tất cả mọi người, bảo đảm nhân phẩm cũng như sự thịnh vượng chung. Sự liên hệ của các vấn đề với nhau đòi phải cùng nhau cứu xét, trong một cái nhìn có phối hợp và rộng rãi bao nhiêu có thể, như thời khủng hoảng đại dịch chứng tỏ không ai có thể tự cứu thoát mình.”

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng: “Sự hoàn cầu hóa các vấn đề ngày nay lại được đề ra trước cuộc xung đột bi thảm đang diễn ra tại Âu châu, giữa Nga và Ukraine, với những thiệt hại khôn tả về nhân mạng, thường dân và quân nhân, cuộc khủng hoảng nhân đạo cho bao nhiêu người vô tội, buộc lòng phải bỏ gia cư và mất những thiện ích quý nhất. Sau cùng là cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo nhất. Thực vậy, cuộc xung đột Ukraine đang tạo nên ảnh hưởng rất lớn nơi các nước Bắc Phi. Họ lệ thuộc 80% vào ngũ cốc từ Ukraine hoặc từ Nga. Cuộc khủng hoảng này khuyên chúng ta hãy cứu xét toàn bộ tình trạng thực sự trong nhãn giới hoàn cầu, cũng như những hậu quả của chúng.”

2. Giáo hội Chính thống Nga lên án kế hoạch cấm Giáo hội này hoạt động tại Ukraine

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho rằng ý định cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Nga của chính quyền Ukraine là nhắm vào bộ phận dân chúng Ukraine dễ bị tổn thương nhất.

Phát ngôn nhân của Giáo Hội Chính thống Nga Vladimir Legoyda cho biết trên Telegram: “Giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng hành động chống lại người dân của họ, và những người không có khả năng tự vệ và không có khả năng phản đối, các tín hữu và giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống lớn nhất và duy nhất ở Ukraine”.

Ông đang bình luận về một sắc lệnh của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelenskiy, sẽ mở đường cho lệnh cấm hoàn toàn đối với Giáo Hội Chính Thống Ukraine, gọi tắt là UOC.

Chính Thống Giáo Nga cho rằng dự luật không chỉ vi phạm các quy tắc của luật pháp mà còn cho thấy “sự mất đi những tàn dư cuối cùng của lẽ phải”, vì UOC luôn ủng hộ người dân và nhà nước Ukraine bằng mọi cách có thể, luôn kêu gọi hòa bình và cầu nguyện vì hòa bình, Legoyda nói.

Ông nói, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã quyết định rằng dự luật phải phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực tự do lương tâm và nghĩa vụ của Ukraine với tư cách là thành viên của Hội đồng Âu Châu.

“Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện như thế nào, nếu vi phạm quyền tự do lương tâm là mục tiêu và bản chất của dự luật này, vẫn còn là một bí ẩn,” Legoyda nói, trong khi lo lắng về “các trò chơi chính trị sử dụng như một con bài thương lượng cho những người dân vô tội - Các tín hữu bình thường và các linh mục khiêm tốn, trung thực của Nhà thờ Chính thống Ukraine, những người mà trách nhiệm duy nhất của họ là giữ đức tin của cha ông họ,” Legoyda nói.

Bối cảnh: Sau cuộc xâm lược của Nga. UOC đã tuyên bố ngừng phụ thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, trong các cuộc khám xét các tu viện và nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống này, các cơ quan an ninh đã tìm thấy súng, lựu đạn, và các tài liệu ủng hộ “thế giới Nga”. Vì thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự định sẽ cấm Giáo Hội này hoạt động tại Ukraine.
Source:Interfax

3. Biến cố chấn động Louisiana: Linh mục và giáo dân bị sát hại và thiêu cháy

Trung úy Kevin Collins, người đứng đầu đơn vị điều tra của Sở Cảnh sát Covington, Louisiana, nhấn mạnh tại cuộc họp báo rằng một linh mục và một giáo dân thiện chí đã bị thảm sát.

Cha Otis Young, một linh mục đã nghỉ hưu của giáo xứ, được xác định là nạn nhân đầu tiên trong vụ tấn công vào ngày 30 tháng 11. Bà Ruth Prats, một cộng tác viên mục vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Covington, Louisiana, đã được xác định là nạn nhân thứ hai trong một vụ giết người kép gây chấn động cộng đồng, văn phòng điều tra viên địa phương thông báo vào ngày 1 tháng 12.

Cha xứ hiện tại của giáo xứ Thánh Phêrô nhớ đến họ như hai người đã hiến thân “để phục vụ dân Chúa”.

“Cha Otis là một mục tử được yêu mến, người đã phục vụ Chúa và dân tộc của Ngài bằng trái tim của một mục tử cho đến khi qua đời,” Cha Daniel Brouillette phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 12. “Bà Ruth, một cộng sự tận tâm và đáng quý, đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp người dân của giáo xứ Thánh Phêrô lớn lên trong mối quan hệ của họ với Chúa.”

Ngài nói tiếp: “Vì vậy, khi chúng ta đau buồn tưởng nhớ Cha Otis và Ruth, và chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của họ được an nghỉ, chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu của chúng ta để được an ủi. Tôi cầu nguyện rằng gia đình của họ và tất cả chúng ta đều có thể biết được tình yêu và hy vọng trong Chúa và tìm được bình an trong thời gian tang tóc này.”

Nguyên nhân cái chết của Bà Ruth là do chấn thương do va chạm mạnh, được phân loại là một vụ giết người. Nguyên nhân cái chết của Cha Young, được văn phòng điều tra công bố vào ngày 30 tháng 11, là do một chấn thương mạnh và cùn, cũng được phân loại là một vụ giết người.

Bà Ruth và Cha Young được thông báo mất tích vào ngày 27 tháng 11. Sáng hôm sau, hai thi thể bị cháy được phát hiện phía sau một cửa hàng kính ở trung tâm thành phố Covington, cách Nhà thờ Thánh Phêrô khoảng nửa dặm. Những thi thể đó hiện được xác nhận là Bà Ruth và Cha Young.

Antonio Donde Tyson, 49 tuổi, đang bị giam giữ vì liên quan đến vụ giết người. Anh ta đã bị bắt vào đầu tuần này và bị buộc tội với hai tội danh giết người cấp một, hai tội danh bắt cóc cấp hai, hai tội danh cản trở công lý, một tội danh sở hữu trái phép đồ ăn cắp và một tội danh chống lại cảnh sát.

Trung úy Kevin Collins, người đứng đầu đơn vị điều tra của Sở Cảnh sát Covington, nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng các cáo buộc bổ sung dành cho Tyson có thể sắp diễn ra và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Tại thời điểm này, các chi tiết về cách thức tội phạm diễn ra vẫn đang được điều tra và một số chi tiết nhất định đang được sở cảnh sát giữ kín.

Collins từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà ty cảnh sát có về động cơ có thể xảy ra. Anh ta nói rằng họ biết nơi các thi thể bị đốt cháy, nhưng từ chối cho biết ở đâu và anh ta cũng không thể tiết lộ bất kỳ thông tin nào về nơi Bà Ruth và Cha Young bị giết. Tuy nhiên, trung úy thừa nhận rằng ty cảnh sát có bằng chứng cụ thể sẽ giúp họ xác định cách những nạn nhân bị giết, và thời gian tử vong.

Collins nói rằng anh ấy không thể bình luận về lý do tại sao các thi thể lại ở khu vực mà họ được tìm thấy, nhưng nói thêm rằng có vẻ như Tyson không có bất kỳ mối liên hệ nào với khu vực này.

Cũng không có bằng chứng cho thấy Tyson có bất kỳ mối liên hệ nào với Nhà thờ Thánh Phêrô và trường học giáo xứ. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy anh ta biết Bà Ruth, hoặc Cha Young. Michael Ferrell, Cảnh sát trưởng Covington, nói rằng tội phạm “có vẻ ngẫu nhiên,” để trả lời câu hỏi liệu Bà Ruth và Cha Young có phải là mục tiêu hay không.

Tyson đã được trả tự do khỏi Cơ sở Cải huấn Rayburn ở Louisiana khoảng ba tháng trước sau khi thụ án 30 năm một bản án lên đến 40 năm vì bị kết tội cưỡng hiếp, cướp có vũ trang và một tội trộm cắp. Khi được một phóng viên hỏi liệu Tyson có nằm trong tầm ngắm của Sở cảnh sát Covington với tư cách là người được tạm tha gần đây hay không, Collins trả lời: “Không.”

Sau đó trong cuộc họp báo, Cha Brouillette đã nói cụ thể về Prats, nêu bật những thập kỷ phục vụ của bà cho giáo xứ và cộng đồng, người đã phục vụ nhiều mục tử và được “yêu mến”.

“Vì tuổi thọ của bà ở Thánh Phêrô, cũng như trái tim nhân hậu và yêu thương của bà, bà rất nổi tiếng, được yêu mến và biết đến như một người gắn bó với giáo xứ và với cộng đồng của chúng tôi,” Cha Brouillette nói và cho biết thêm rằng cả Prats và Cha Young “rất được yêu mến và vô cùng tận tụy.”

Thánh lễ an táng cho Cha Young được cử hành vào Thứ Hai, ngày 5 tháng 12 tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô do Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond của New Orleans chủ tế.
Source:Crux
 
Táo bạo: Căn cứ Không Quân Putin trên đất Nga bị tấn công, hai máy bay ném bom khổng lồ nổ long trời
VietCatholic Media
16:27 05/12/2022


1. Tiên hạ thủ vi cường: Đánh bom căn cứ không quân Nga ngay trên đất Nga, nổ long trời gần Ryazan.

Lúc 6g30 sáng ngày thứ Hai 5 tháng 12, theo giờ địa phương, tức là 10g30 theo giờ Việt Nam, cư dân trong thành phố Ryazan và hai thành phố lân cận Engels và Saratov nghe thấy những tiếng nổ kinh hồn kéo dài trong nhiều giờ.

Trong chương trình truyền hình đặc biệt, Thống Đốc Ryazan là ông Pavel Viktorovich Malkov cho biết các vụ nổ đã xảy ra ở căn cứ không quân Engels ở thị trấn Dyagilevo, khiến 2 máy bay chiến lược TU-95 bị phá hủy, ba người thiệt mạng và 6 người bị thương. Các nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện vùng Saratov điều trị.

Thống Đốc Malkov không cho biết nguyên nhân gây ra vụ nổ. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, một xe chở xăng đã phát nổ tại căn cứ không quân, gây ra hỏa hoạn và cháy nổ.

Kênh Astra Telegram giải thích vụ nổ theo một hướng khác. Phương tiện truyền thông này nói rằng “một thiết bị bay không người lái đã đâm vào căn cứ không quân gần thành phố Engels. Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95 được báo cáo là bị hư hại.”

Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đã đăng một đoạn video về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Engels.

Yurii Ihnat, phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine nói trong cuộc họp báo chiều thứ Hai rằng “Một vụ nổ đã xảy ra tại căn cứ không quân Engels. Hai máy bay ném bom chiến lược đã bị hư hại. Thương vong đã được báo cáo là ba người thiệt mạng và 6 người bị thương.”

Cả hai ông Anton Gerashchenko và Yurii Ihnat đều từ chối bình luận về các cáo buộc của các blogger quân sự Nga cho rằng quân Ukraine đã dùng một hay chiếc máy bay không người lái tấn công vào căn cứ không quân Engels.

Hôm thứ Năm 1 tháng 12, trong cuộc họp báo tại Berlin sau cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết:

'Có một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra' nhằm vào Ukraine. Các không ảnh của NATO cho thấy Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc không kích quy mô lớn khác vào Ukraine với hàng chục máy bay ném bom được phát hiện tập trung tại một căn cứ không quân quan trọng.

Ít nhất 20 máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và Tu-160 đã tập trung tại căn cứ không quân Engels-2, gần thành phố Saratov, bên cạnh các thùng nhiên liệu, phương tiện hỗ trợ và vật tư sửa chữa.

Các nhà phân tích cho biết các thùng - có khả năng là hộp đạn chứa hỏa tiễn hành trình Kh-55 và Kh-101 - cũng có thể nhìn thấy gần máy bay, cho thấy một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine 'sắp xảy ra'.

Cuộc tấn công gần như chắc chắn sẽ tập trung vào việc phá hủy mạng lưới điện và nước vốn đã bị tàn phá của Ukraine sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất trong những tuần gần đây, khiến người dân chết cóng trong nhà.

Các bloggers quân sự Nga cho rằng quân Ukraine đã tung ra chiêu tiên hạ thủ vi cường để “đêm dài khỏi lắm mộng.”

Ryazan là thành phố lớn nhất và trung tâm hành chính của tỉnh Ryazan, của Nga. Thành phố nằm trên bờ sông Oka ở miền trung nước Nga, cách thủ đô Mạc Tư Khoa 196 kilômét về phía đông nam. Ryazan là một trong những thành phố lâu đời nhất của Nga. Theo Điều tra dân số năm 2010, Ryazan có dân số 524,927 người, trở thành thành phố đông dân thứ 33 ở Nga và đông dân thứ tư ở miền Trung nước Nga sau Mạc Tư Khoa, Voronezh và Yaroslavl.

Tupolev Tu-95 là một loại máy bay ném bom chiến lược và hỏa tiễn cỡ lớn, bốn động cơ, chạy bằng động cơ phản lực cánh quạt. Lần đầu tiên cất cánh vào năm 1952, Tu-95 được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Hàng không Tầm xa của Lực lượng Không quân Liên Xô vào năm 1956 và lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào năm 2015. Dự kiến, nó sẽ phục vụ Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cho đến ít nhất là năm 2040.

2. Người Nga làm gián đoạn dịch vụ internet, chuẩn bị đóng cửa các mỏ ở vùng Luhansk

Tại các khu vực bị chiếm đóng tạm thời của vùng Luhansk, những kẻ xâm lược Nga đang làm gián đoạn các dịch vụ internet để ngăn chặn các hoạt động du kích và chuẩn bị đóng cửa hàng loạt mỏ.

Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 5 tháng 12,

Theo bọn cầm quyền của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luanhsk, các doanh nghiệp khai thác mỏ không thể sinh lợi nhuận đủ để duy trì. Tại một số mỏ, các thiết bị đang được tháo dỡ và đưa sang Nga.

Ngoài ra, các dịch vụ cung cấp điện bị gián đoạn ở Kremina, Krasnorichensk và các khu định cư lân cận khác.

Tại Novoaidar, người Nga đã quyết định đình chỉ các dịch vụ internet, cố gắng ngăn chặn các hoạt động tình báo, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí của kẻ thù cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định các lần xuất kích của máy bay Nga đã giảm đáng kể. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Trong những tháng gần đây, số lần xuất kích của máy bay chiến đấu chiến thuật Nga ở Ukraine đã giảm đáng kể. Máy bay Nga hiện chỉ có thể thực hiện hàng chục phi vụ mỗi ngày, so với mức cao nhất lên tới 300 phi vụ mỗi ngày vào tháng 3 vừa qua.

Nga hiện đã mất hơn 60 máy bay cánh cố định trong cuộc xung đột, có khả năng bao gồm thêm một máy bay ném bom chiến đấu Su-24M FENCER và máy bay tấn công mặt đất Su-25 FROGFOOT vào tuần trước.

Việc giảm số lần xuất kích có thể là kết quả của mối đe dọa tiếp tục cao từ lực lượng phòng không Ukraine, những hạn chế về số giờ bay đối với máy bay Nga và thời tiết xấu đi.

Với chiến thuật tấn công mặt đất của Nga chủ yếu dựa vào nhận dạng trực quan và đạn dược không điều khiển, lực lượng không quân Nga có thể sẽ tiếp tục các hoạt động tấn công mặt đất với một tỷ lệ thấp trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

4. Olaf Scholz cảnh báo phương Tây hãy cố tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới

Olaf Scholz đã cảnh báo phương Tây tránh tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới bằng cách chia cắt thế giới thành các khối.

Viết trong một bài bình luận cho tạp chí Foreign Affairs, xuất bản hôm nay, thủ tướng Đức kêu gọi mọi nỗ lực để xây dựng quan hệ đối tác mới.

Chỉ ra Trung Quốc và Nga là hai quốc gia gây ra mối đe dọa cho một thế giới đa cực, ông nói rằng phải có sự thống nhất mạnh mẽ hơn của Âu Châu và xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi ông nói rằng phương Tây phải đứng lên bảo vệ các giá trị dân chủ và bảo vệ các xã hội cởi mở, thì “chúng ta cũng phải tránh cám dỗ để một lần nữa chia thế giới thành các khối,” Reuters đưa tin.

“Điều này có nghĩa là phải nỗ lực hết sức để xây dựng quan hệ đối tác mới, một cách thực tế và không có ý thức hệ mù quáng”

Ông nói: “Người Đức có ý định trở thành người bảo đảm an ninh Âu Châu mà các đồng minh của chúng tôi mong đợi ở chúng tôi, trong vai trò một người xây dựng cầu nối trong Liên minh Âu Châu và là người ủng hộ các giải pháp đa phương cho các vấn đề toàn cầu”.

5. Theo các trợ lý cấp cao của tổng thống Ukraine, các lực lượng Nga đã pháo kích vào khu vực Kherson 46 lần vào hôm Chúa Nhật, giết chết một thường dân.

Kyrylo Tymoshenko, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, đã đưa ra tuyên bố trong một bản cập nhật Telegram vào cuối Chúa Nhật. “Trong ngày, quân chiếm đóng đã nã pháo vào khu vực 46 lần bằng súng cối, xe tăng, pháo binh và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Một số tòa nhà tư nhân, chung cư và các tòa nhà khác đã bị phá hủy,” ông nói trích dẫn hội đồng thành phố Kherson.

Anton Gerashchenko, cố vấn cấp cao của Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết một phụ nữ 65 tuổi đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Ông cho biết như sau:

Khi một người phụ nữ và chồng của cô ấy đang băng qua sông Dnipro trên một chiếc thuyền ở quận Golopristansky, quân xâm lược Nga đã khai hỏa bằng súng máy vào họ. Người phụ nữ hưu trí đã chết vì vết thương của cô ấy.

6. Giám đốc tình báo Hoa Kỳ tiên đoán một sự 'giảm nhịp độ' trong cuộc chiến trong mùa đông. Các quan sát viên phản đối nhận định này.

Hoa Kỳ cho biết sẽ có sự “giảm nhịp độ” trong giao tranh trong những tháng mùa đông, và triển vọng sáng sủa hơn cho các lực lượng Ukraine sẽ xuất hiện trong những tháng tới khi mùa xuân đến.

Phát biểu trong một diễn đàn quốc phòng vào cuối tuần, Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, cho biết:

Hầu hết các cuộc giao tranh hiện nay xung quanh khu vực Bakhmut và Donetsk đã chậm lại với việc Nga rút khỏi khu vực phía tây Kherson và lui về phía đông của dòng sông. Và chúng tôi hy vọng đó có thể là những gì chúng ta sẽ thấy tiếp tục trong những tháng tới.”

Vladimir Putin hiện được “thông báo rõ hơn” về những khó khăn mà lực lượng của ông ta phải đối mặt ở Ukraine, và điều đó cho thấy tổng thống Nga không còn cách ly với những tin xấu phát sinh từ cuộc xâm lược Ukraine của ông ta.

Ám chỉ những đánh giá trong quá khứ rằng các cố vấn của Putin có thể đã che dấu ông, Haines nói rằng Putin giờ đây “đang hiểu rõ hơn về những thách thức mà quân đội phải đối mặt”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Hoa Kỳ đã phản đối những nhận định của Avril Haines, nói rằng họ đã sai lầm khi crcr cơ hội tối ưu để Ukraine tiến hành nhiều cuộc phản công hơn là vào mùa xuân thay vì mùa đông.

Báo cáo mới nhất của ISW viết: “Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines đã đánh giá vào ngày 3 tháng 12 rằng tốc độ của cuộc chiến ở Ukraine sẽ chậm lại trong mùa đông để cả hai bên có thể tái trang bị, tiếp tế và tái thiết, là sai lầm vì nhận định này bất chấp bằng chứng cho thấy các điều kiện trên thực địa ủng hộ một cuộc tấn công mới ngay bây giờ; và nhận định ấy cũng bất chấp xu hướng đã được chứng minh của các lực lượng Ukraine là bắt đầu các nỗ lực phản công mới tương đối nhanh chóng ngay sau các nỗ lực thành công trước đó.”

7. Phu nhân tổng thống Ukraine lên án hành động tàn bạo của binh sĩ Nga đối với trẻ em

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã có chuyến tông du đến Vương Quốc Anh và đã cùng Vua Charles Đệ Tam đã chính thức khai trương Trung tâm Chào mừng Ukraine ở Luân Đôn. Trong dịp này, Zelenska cho biết một đứa bé gái mới 4 tuổi ở thành phố Kherson đã bị lính Nga hãm hiếp, và các cơ quan an ninh Ukraine đã bắt được một trong những tên hiếp dâm vì hắn ta dùng giấy tờ giả đã ở lại thành phố Kherson cho đến khi người nhà đứa bé báo cho cơ quan an ninh SBU bắt hắn ta.

Zelenska cũng cho biết nhân viên tại một bệnh viện dành cho trẻ em ở Kherson đã dũng cảm bí mật lên kế hoạch làm thế nào để cứu những đứa trẻ khỏi bị Nga bắt sau khi thành phố bị chiếm đóng vào tháng Hai.

Họ lo ngại các lực lượng Nga bắt những đứa trẻ mồ côi và gửi chúng đến Nga. Vì thế, các bác sĩ và y tá trong bệnh viện khu vực dành cho trẻ em ở Kherson bắt đầu ngụy tạo hồ sơ bệnh án để có vẻ như chúng quá yếu không thể di chuyển được.

Bác sĩ Olga Pilyarska, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt, nói với hãng tin AP: “Chúng tôi cố tình viết sai thông tin rằng bọn trẻ bị ốm và không thể vận chuyển được. Chúng tôi sợ rằng người Nga sẽ phát hiện ra nhưng chúng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ cứu bọn trẻ bằng bất cứ giá nào.”

8. Trung Quốc sẽ giàu lên rất nhanh nếu cuộc chiến tại Ukraine kéo dài.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga sau khi G7, Liên Hiệp Âu Châu và Australia áp đặt mức giá cao nhất đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Trung Quốc, vốn tuyên bố sẽ tiếp tục trên cơ sở tôn trọng và hai bên cùng có lợi, đã tăng cường mua hỗn hợp dầu Urals của Nga trong năm nay.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra sau khi Vương quốc Anh, Nhật Bản, Đức, Ý, Pháp, Canada, Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu và Úc đi đến thỏa thuận áp mức giá cao nhất là 60 đô la một thùng đối với Nga, là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Rủi ro của việc áp đặt mức giá thấp là Nga có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng, điều này sẽ làm chao đảo thị trường. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trên kênh truyền hình nhà nước Nga hôm Chúa Nhật rằng Nga sẽ không xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp đặt mức giá ngay cả khi điều đó dẫn đến sản lượng bị cắt giảm.

Cố nhiên, Nga vẫn cần tiền vì thế, họ dồn hết số dầu đó sang cho Trung Quốc. Các quan sát viên lo ngại rằng cuối cùng Trung Quốc là nước được lợi nhất trong cuộc chiến tại Ukraine.
 
Bi kịch Iran: Thiếu nữ 22 tuổi qua đời, dẫn đến phẫn nộ, hơn 200 người lần lượt qua đời theo
VietCatholic Media
17:18 05/12/2022


1. Hơn 30 chiến binh, hai binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tấn công vào nhà thờ ở Mozambique

Các nhà phân tích an ninh cho biết chiến dịch quân sự của SADC ở Mozambique không thể giới hạn quân nổi dậy ở Cabo Delgado ở phía bắc và các phiến quân lấy cảm hứng từ Hồi giáo có thể đang chuẩn bị cho 'một bước nhảy vọt' về phía nam.

Hơn 30 chiến binh và hai binh sĩ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở tỉnh Cabo Delgado phía bắc Mozambique, khi nhóm này tấn công vào một nhà thờ Công Giáo. Phái bộ Cộng đồng Phát triển Nam Phi gọi tắt là SADC, tại Mozambique (SAMIM) cho biết trong tuần này.

Các binh sĩ trong quân đội Mozambique đã bị giết bởi quân nổi dậy có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đến từ Tanzania và Botswana, Bộ Quốc Phòng nước này cho biết.

Cuộc nổi dậy ở Mozambique đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và làm gián đoạn các dự án khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ đô la kể từ khi nó nổ ra vào năm 2017.

Bộ Quốc Phòng nói thêm: “Chúng tôi có thể xác nhận hơn 30 tên khủng bố đã bị tiêu diệt và một số lượng lớn vũ khí, đạn dược và thiết bị bị tịch thu”

2. Diễn biến ngoạn mục: Iran dẹp bỏ cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau các cuộc biểu tình đẫm máu

Iran đã dẹp bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau hai tháng biểu tình bạo lực chống lại luật Hồi Giáo về khăn trùm đầu khiến 200 người thiệt mạng trong tình trạng bất ổn đẫm máu

Bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước sau cái chết của Mahsa Amini, người bị bắt ở thủ đô Tehran và bị cảnh sát đánh đập vì không tuân thủ luật trùm đầu nghiêm ngặt của Iran.

Bạo loạn nổ ra khắp Iran sau khi cô bị cảnh sát đánh đập đến chết

Được biết, cô gái 22 tuổi đã chết vào ngày 16 tháng 9 sau khi bị cảnh sát đạo đức của chế độ đánh tới tấp trước khi bỏ rơi cô ta trong tình trạng hôn mê.

Sự phẫn nộ của công chúng về cái chết của Mahsa đã biến thành một cuộc tắm máu với ít nhất 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động, theo một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước.

Cô bị cáo buộc đã bị cảnh sát bắt và đánh đập vì để lộ một số sợi tóc dưới khăn trùm đầu mà phụ nữ Iran bắt buộc phải đội theo luật bất kể người phụ nữ ấy theo Hồi Giáo hay không.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc sau cái chết của cô khi hàng ngàn công dân chán nản tập hợp chống lại luật pháp nghiêm ngặt.

Những phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình đã không đội khăn. Nhiều người thậm chí còn mang khăn ra đốt trên đường phố và chia sẻ video họ xé khăn quàng cổ.

Nhưng sau nhiều tuần bất ổn, người ta hiểu rằng Iran sẽ bãi bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo để thoát khỏi tình trạng bạo loạn kéo dài.

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời Tổng chưởng lý Mohammad Jafar Montazeri cho biết: “Cảnh sát đạo đức không liên quan gì đến cơ quan tư pháp” và đã bị bãi bỏ.

Bình luận của anh ấy được đưa ra tại một hội nghị tôn giáo, nơi anh ấy trả lời một người tham gia đã hỏi “tại sao cảnh sát đạo đức lại bị đóng cửa”.

Cảnh sát đạo đức Hồi Giáo - được biết đến với tên chính thức là Gasht-e Ershad hoặc “Tuần tra hướng dẫn” - được thành lập dưới thời tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, để “truyền bá văn hóa khiêm tốn và đoan trang của khăn trùm đầu”.

Các đơn vị bắt đầu tuần tra vào năm 2006.

Biến cố giải tán lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo xảy ra khi Iran tái xét luật hijab hàng chục năm tuổi.

Montazeri nói rằng “cả quốc hội và cơ quan tư pháp đang làm việc về vấn đề có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.

Tổng thống Ebrahim Raisi cho biết trong các bình luận trên truyền hình hôm thứ Bảy rằng các nền cộng hòa và Hồi giáo của Iran đã được củng cố theo hiến pháp “nhưng có những phương pháp thực thi hiến pháp có thể linh hoạt”.

Trước năm 1978, cách ăn mặc của phụ nữ Iran được kể là cấp tiến nhất trong vùng Vịnh và Trung Đông. Nhiều người du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đã đưa vào Iran các hình thức thời trang thịnh hành nhất bây giờ.

Cách mạng 1979, sau này được gọi là Cách mạng Hồi giáo, bắt đầu vào tháng Giêng năm 1978 với các cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống lại Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi. Sau một năm đình công và biểu tình làm tê liệt đất nước và nền kinh tế, Pahlavi trốn sang Hoa Kỳ, và Ruhollah Khomeini sau thời gian lưu vong trở về Tehran vào tháng 2 năm 1979, thành lập chính phủ mới. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý, Iran chính thức trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo vào tháng 4 năm 1979. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vào tháng 12 năm 1979 đã phê chuẩn một hiến pháp dựa trên luật Hồi Giáo Sharia.
Source:aljazeera.com

3. Tổng giám mục Ukraine kêu gọi trả tự do cho các linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ

Hai linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ đang “bị tra tấn không thương tiếc”, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết hôm thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lời kêu gọi các nhà chức trách quốc tế giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đã bị giam giữ trong hơn hai tuần.

“Chúng tôi nhận được tin buồn rằng các linh mục của chúng tôi đang bị tra tấn không thương tiếc,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói.

“Theo các phương pháp đàn áp cổ điển của chủ nghĩa Stalin, những lời thú tội mà họ không phạm phải được rút ra từ các cuộc tra tấn. Trên thực tế, hai mục sư anh hùng của chúng ta hàng ngày bị đe dọa bằng sự tra tấn và bằng cái chết.”

Đức Tổng Giám Mục Ukraine đã yêu cầu người Công Giáo trên khắp thế giới cầu nguyện cho việc trả tự do cho các linh mục.

“Yêu cầu của chúng tôi là trả tự do ngay lập tức cho hai linh mục, những người không có lỗi gì ngoài lỗi yêu thương người dân của họ, Giáo hội của họ, cộng đồng được giao phó cho họ,” ngài nói.

“Tôi kêu gọi các đại diện ngoại giao và các tổ chức nhân quyền quốc tế, yêu cầu họ làm mọi thứ có thể để cứu mạng sống của những mục tử anh hùng này. Và tôi yêu cầu tất cả các tín hữu của Giáo hội chúng ta ở Ukraine và nước ngoài, tất cả các Kitô hữu, tất cả những người thiện chí, hãy cầu nguyện cho hai linh mục này được trả tự do.”

Theo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn ở lại lãnh thổ dưới sự chiếm đóng của Nga để phục vụ các cộng đồng Công Giáo theo nghi thức Đông phương và nghi thức Latinh tại địa phương.

Đức Cha Shevchuk nói: “Sau đó, một số đồ vật quân sự đã được đặt trong nhà thờ để buộc tội các ngài sở hữu vũ khí trái phép”.

Hai Cha Levytskyi và Heleta đã bị bắt khỏi giáo xứ của các ngài, Nhà thờ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria, ở thành phố ven biển Berdyansk vào ngày 16 tháng 11 và bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga buộc tội đã thực hiện các hoạt động “lật đổ” và “du kích”.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine của Donetsk đã bác bỏ các cáo buộc, gọi việc giam giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các giáo sĩ.

“Vào thời điểm khám xét nhà thờ, nhà xứ liền kề và cơ sở của giáo xứ, cả hai linh mục đều đã bị bắt giữ; nghĩa là, họ không thể kiểm soát những cơ sở này và hành động của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga theo bất kỳ cách nào”, tuyên bố từ Giáo Hội địa phương cho biết.

“Họ không thể chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với vũ khí và đạn dược được cho là đã tìm thấy ở những nơi đó. Đây rõ ràng là một lời vu khống và một lời buộc tội sai lầm.”

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả người Ukraine là “những người tử vì đạo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi đang nói về một dân tộc đã chịu tử đạo. Nếu bạn có những người trở thành tử vì đạo, thì cố nhiên bạn có những người hành hạ họ”.

“Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về sự tàn bạo bởi vì tôi có rất nhiều thông tin về sự tàn bạo của quân đội. Nhìn chung, những người tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân thủ các quy tắc truyền thống của Nga, chẳng hạn như người Chechenya, người Buryat, v.v.”

Những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov nói: “Gần đây, có một tuyên bố rất khó hiểu, hoàn toàn không phải là Kitô giáo, đã phân loại hai sắc dân của Liên bang Nga thành những người mà từ đó chúng ta có thể mong đợi những hành động tàn bạo trong các cuộc chiến. Chúng tôi đã phản ứng với điều đó, Vùng Buryatia và Cộng hòa Chechnya đã làm như vậy. Điều đó chắc chắn không nâng cao uy tín của Tòa thánh”
Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Canterbury thăm Irpin và Bucha

Đức Tổng Giám Mục Canterbury đã đến thăm địa điểm từng là một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Kyiv để bày tỏ sự chia buồn và tình liên đới với những người đã phải chịu đựng sự chiếm đóng của Nga hồi đầu năm nay.

Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm Nhà thờ Thánh Andrê ở Bucha của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nơi ngài cầu nguyện với linh mục của nhà thờ, là Cha Andriy Halavin, và cầu nguyện một mình tại nơi chôn cất 116 thi thể.

Ngài đã được cho xem những bức ảnh về những thường dân bị sát hại và phản ứng của cộng đồng trong việc chôn cất những người chết trong một cuộc triển lãm ảnh gây xúc động sâu sắc được trưng bày tại nhà thờ.

Đức Tổng Giám Mục Justin cũng đã đến thăm cái gọi là 'Cây cầu Hy vọng' ở Irpin. Ở đó, ngài đã nghe lời kể của các linh mục địa phương, những người đã tham gia vào nỗ lực giúp mọi người trốn thoát dưới làn đạn của Nga, qua con đường duy nhất thoát khỏi Bucha và Irpin do Nga chiếm đóng.

Đức Tổng Giám Mục dừng lại trước những cây thánh giá xếp trên những tấm ván bắc qua sông, tưởng niệm những người đã chết khi cố gắng trốn thoát và cầu nguyện cho những người thương tiếc họ.

Đức Tổng Giám Mục đã thực hiện chuyến viếng thăm với Đức Giám Mục Anh giáo tại Âu Châu, là Đức Giám Mục Robert Innes, người tháp tùng Đức Tổng Giám Mục trong chuyến viếng thăm Ba Lan và Ukraine.

Tổng Giám mục Justin đã được Ivan Rusyn, một mục sư Baptist và là chủ tịch của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine, gọi tắt là UETS, dẫn đi quanh Irpin và Bucha, nơi đã bị sáu hỏa tiễn của Nga tấn công vào đầu tháng 3 vài ngày sau khi ông và nhân viên của mình được di tản. Ivan và các đồng nghiệp của ông đã nói với Đức Tổng Giám Mục về những nỗi kinh hoàng mà người dân địa phương phải chịu đựng khi họ cố gắng thoát khỏi cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục đến thăm UETS, nơi ông gặp gỡ các giảng viên và sinh viên để nghe những lời kể của họ về cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga. Sau đó, ông đã cầu nguyện với các sinh viên và ban phép lành cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby nhận xét rằng: “Việc Nga xâm chiếm Ukraine là một hành động xấu xa. Có mặt ở Irpin và Bucha ngày hôm nay càng làm cho niềm tin của tôi về điều đó mạnh mẽ hơn. Cuộc chiến của người Nga tung ra các thế lực của địa ngục và hôm nay tôi đã gặp những người đã từng trải qua địa ngục đó.”

“Vì vậy, thường ở những nơi chiến tranh và xung đột, Giáo Hội phải chịu đựng cùng với các cộng đồng mà mình phục vụ. Hôm nay tôi đã gặp các linh mục anh hùng, các chủng sinh và các Kitô hữu địa phương, những người – ngay cả khi đang chịu đau khổ tột cùng vì cuộc xâm lăng tàn bạo này – đã yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ những người xung quanh họ. Hôm nay tôi cảm thấy rằng tôi đã chạm vào gấu áo choàng của Chúa Giêsu và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài trên khuôn mặt của những người ở Irpin và Bucha.”

“Thật vinh dự khi được dành thời gian với các giảng viên và sinh viên của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine. Tôi tạ ơn Chúa vì lòng trung thành can đảm của họ với Chúa Giêsu Kitô. Họ sẽ ở trong lời cầu nguyện của tôi trong một thời gian rất dài – cũng như tất cả người dân Ukraine.”

Suy tư về chuyến thăm Ukraine sắp kết thúc, Đức Tổng Giám Mục nói: “Được đến thăm Ukraine là một đặc ân sâu sắc. Chuyến thăm này đã khiến tôi càng quyết tâm đoàn kết với những người dân anh hùng của đất nước này. Tôi có một ấn tượng rất mạnh trước sự dũng cảm, kiên cường và niềm tin của những người tôi đã gặp”.

“Nhưng tôi cũng bị ấn tượng bởi mức độ tàn ác đã được gây ra bởi cuộc xâm lược bất công này – điều đó có nghĩa là quyết tâm của chúng ta sát cánh cùng người Ukraine trong cuộc đấu tranh giành tự do của họ phải lớn hơn nữa”.

“Tôi kêu gọi Giáo hội Anh, khối Hiệp thông Anh giáo và các Kitô hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho Ukraine trong Mùa Vọng này – và cho tất cả mọi người trên toàn cầu đang sống trong các cuộc xung đột và bất công.”
Source:archbishopofcanterbury.org