Ngày 13-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ấp đầy niểm vui
Lm. Minh Anh
02:01 13/12/2020
ẮP ĐẦY NIỀM VUI
“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật Gaudete, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật mừng vui giữa một mùa tím chờ mong; một lần nữa, Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Gioan Tiền Hô. Tin Mừng mở đầu thế này, “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”, và nếu hiểu được tầm quan trọng của câu đầu tiên này, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa cao cả của một sứ vụ gắn liền với một trọng trách nơi một con người ‘ắp đầy niềm vui’ một khi họ ý thức rằng, họ đang được Chúa sai đi.

Một mặt, Gioan Tiền Hô là một thành viên bình thường của loài người như chúng ta, Gioan có một tên gọi như mỗi người có một tên gọi; mặt khác, Gioan còn có một sứ mệnh vượt quá chính con người Gioan như mỗi chúng ta cảm nhận một sứ mệnh vượt quá chính con người mình. Thánh Kinh nhiều lần chứng thực, Thiên Chúa ‘đã sai’ những con người; Thiên Chúa mặc khải chính bản thân Người cho một ai đó và sai người ấy đi, để rao truyền cho những người khác sự thật về bản thân Người. Isaia trong bài đọc hôm nay là một điển hình, “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”. Hơn thế nữa, ai thật sự biết Thiên Chúa, người ấy sẽ ‘ắp đầy niềm vui’, họ cảm thấy được thôi thúc phải truyền đạt Đấng mình nhận biết cho người khác, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi”; niềm vui đó trào tràn nơi Đức Mẹ, cũng là một con người được sai đi, bộc lộ trong Magnificat, Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa”.

Để luôn ‘ắp đầy niềm vui’, người được sai biết mình không phải là ai như Gioan biết mình không phải là ai, “Tôi không phải là Đấng Kitô”, “Không phải là Êlia”, cũng “Không phải là một tiên tri”. Sự hiểu biết trung thực về bản thân là bước thiết yếu trên con đường nên thánh. Mặc dầu đang thu hút sự chú ý của nhiều người nhưng Gioan không say sưa với vị thế của một người nổi tiếng, không nắm bắt quyền lực, không tìm cách trở thành một người không phải là mình; đúng hơn, Gioan đang chuẩn bị lòng người cho Đấng đến sau ông. Ma quỷ sẽ làm mọi cách để người được sai mải mê nhìn vào bản thân và tài năng mình, hầu tìm cách đánh lạc hướng đôi mắt người môn đệ khỏi Thiên Chúa và kế hoạch của Người. Gioan đã cho chúng ta một tấm gương ngời sáng của sự hiểu biết về bản thân trước mưu chước của ma quỷ. Một khi hoàn toàn tập trung vào Chúa, chúng ta cảm thấy buộc phải loại bỏ mọi sự trùng lặp phù phiếm hay lòng tự trọng được thổi phồng; từ đó, bắt đầu sống trong sự thật, đánh giá đúng tất cả quà tặng Chúa ban và sử dụng chúng cho vương quốc Người; và đó là bí quyết giữ cho lòng mình ‘ắp đầy niềm vui’.

Bí quyết thứ hai, biết mình là ai, “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa đi”, thế thôi! Lòng Gioan không có một phân chia nào giữa điều Chúa muốn và điều Gioan muốn; Gioan chỉ biết, Chúa đưa Gioan vào thế giới để tạo nên một sự khác biệt; điều này cho thấy căn rễ sự nhiệt thành nơi Gioan vốn đã mang lại cho lời Gioan rao giảng một sức mạnh. Đơn giản, Gioan được trao một sứ mệnh, trái tim Gioan dành cho sứ mệnh, và lòng Gioan ‘ắp đầy niềm vui’.

Mọi học sinh đều biết câu chuyện ‘quả táo rơi’ và Isaac Newton, cha đẻ định luật hấp dẫn vốn đã tạo ra một cuộc cách mạng nghiên cứu thiên văn thế kỷ 16; nhưng mấy ai biết, nếu không có Edmund Halley, thế giới không bao giờ có các nguyên lý của Newton. Chính Halley, một người bạn, nhưng cũng là nguồn trợ lực vĩ đại không thể thiếu của Newton; các nhà sử học gọi Halley là một trong những tấm gương vị tha nhất trong biên niên sử khoa học. Khi Newton gặt hái những phần thưởng thì Halley như một bóng mờ; về sau, Halley đã sử dụng các nguyên lý để dự đoán ‘quỹ đạo và sự trở lại’ của sao chổi, sau này mang tên ông; chỉ sau khi chết, Halley mới nhận được sự thán phục. Phải chăng, bởi sao chổi chỉ quay trở lại sau mỗi 76 năm, một ‘năng diễn’ hiếm hoi ‘đủ cho một đời người’, nhưng Halley vẫn là một nhà khoa học tận tụy, một người lòng ‘ắp đầy niềm vui’, không quan tâm ai được tín nhiệm, miễn sao các nguyên lý được nhận thức.

Anh Chị em,

Gioan Tiền Hô là một Edmund Halley, một sao chổi Halley, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại”. Thế nhưng, Gioan không phải là duy nhất; trong mọi đấng bậc, Chúa cũng đã kêu gọi, đã sai mỗi người chúng ta đi hoàn thành một sứ mệnh. Nếu trái tim chúng ta gắn bó thiết tha với kế hoạch của Người, chắc chắn chúng ta cũng tạo nên một sự khác biệt, lòng chúng ta cũng ‘ắp đầy niềm vui’ một khi mỗi người luôn ý thức rằng, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra sự vĩ đại của con, cùng lúc, nhận thức sự hư vô của mình; từ đó, con sẵn sàng cởi bỏ những sân si ích kỷ và trở nên một công cụ trung thành cho tình yêu Chúa, và như vậy, lòng con cũng sẽ ‘ắp đầy niềm vui’ hôm nay và ngày sau trên trời”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai 14/12: Phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:36 13/12/2020


Bắt đầu từ 7pm 13/12/2020 (giờ Việt Nam)

TIN MỪNG Mt 21:23-27

Phép rửa của ông Gioan bởi đâu mà có?

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Một hôm, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi:"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?" Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?" Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ". Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết". Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy".

Đó là lời Chúa.
 
Linh Mục Với Sứ Vụ Làm Trung Gian
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:57 13/12/2020
Linh Mục Với Sứ Vụ Làm Trung Gian

Chúa Kitô: Đấng trung gian duy nhất: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy." (Ga 14,6). Giáo Hội mãi luôn tuyên xưng chân lý đức tin này. Ngày từ buổi đầu, khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phêrô đã khẳng khái tuyên xưng: “Ngoài Người ra, Đức Giêsu, người Nagiarét, Đấng mà quý vị đã đóng dinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết thì không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (x.Cv 4,10-12).

Thời các Giáo Phụ, để đề cao vai trò của Giáo Hội, nhiều vị giáo phụ như thánh Inhaxiô thành Antiochia, thánh Grêgôriô thành Nysse, thánh Âugustinô đã khẳng định rằng: “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ” “Extra Ecclesiam nulla salus”. Đây là một lời tuyên tín xem ra tự tôn “quá khích” và nó tồn tại mãi cho đến Công Đồng Vaticanô II. Với sự góp phần suy tư về Giáo Hội của nhiều thần học gia như linh mục Karl Rahner, Yves Congar, M.D.Chenu Giáo Hội tuyên bố rằng: “những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.” (LG 16).

Chúa Kitô là Đấng Trung Gian nhất và Giáo Hội là một công trình do Người thiết lập để thông dự vào sứ vụ “làm trung gian” ấy. Chúa Kitô đã lấy lại hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời mà xưa Giacop đã năm chiêm bao thấy để nói với Nathanael và nhân loại mọi thời về vai trò, vị trí trung gian của Người (x.Ga 1,51). Các Tông đồ, các môn đệ được Người chọn gọi để chia sẻ vị trí vai trò trung gian ấy. Theo các dữ liệu Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật thì thánh Tông Đồ Anrê là một trong bốn vị tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi đi đánh lưới người (x.Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,1-11). Theo Tin Mừng thánh Gioan thì có thể nói Anrê, một trong hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã là vị tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu (x.Ga 1,35-39).

Tin Mừng Gioan tường thuật ba sự kiện liên quan đến Tông Đồ Anrê và ngài được xem như là người trung gian thực sự. Lần thứ nhất là sau khi gặp Chúa Giêsu và ở lại với Người một ngày thì Anrê đã dẫn anh mình là Phêrô đến giới thiệu với Chúa Giêsu và qua đó Chúa Giêsu đã tìm được “viên đá” mà Người sẽ thiết lập Giáo Hội của Người (x.Ga 1,40-42). Lần thứ hai đó là khi thấy đoàn lũ dân chúng theo mình cồn cào bụng đói thì Chúa Giêsu đã muốn thi ân cho họ và chính Anrê đã dẫn một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con các đến với Người và nhờ thế mà tình yêu quyền năng của Chúa Giêsu đã tỏ hiện để cho 5 ngàn người đàn ông, chưa tính phụ nữ và trẻ em hôm ấy đã no nê lương thực đến độ dư cả 12 thúng đầy bánh vụn. (x.Ga 5,1-15). Lần thứ ba đó là khi một số người Hy Lạp lên Giêrusalem dự lễ họ muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, ông này nói với Anrê và hai ông đã dẫn họ đến với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-23).

Chức tư tế thừa tác là một phương thế Chúa Giêsu thiết lập để chuyển thông tình yêu và ân sủng của Chúa cho nhân trần. Một phương thế làm trung gian không hiện hữu cho chính nó. Các phương thế có ra là cho người sử dụng đạt đến mục đích nhắm. Các trung gian chỉ có ra vì sự gặp gỡ hay hiệp thông giữa hai hay nhiều thực thể cần sự tiếp xúc. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng thiên chức linh mục được Thiên Chúa lập nên không vì nó và cũng không vì các tư tế thừa tác. Không sợ sai lầm để khẳng định thiên chức linh mục có ra là để làm vinh danh Thiên Chúa và để phục vụ hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Một cái nhìn của cha ông chúng ta xem ra khá gần gủi và thiết thực về thiên chức linh mục như là phương thế làm trung gian: “linh mục là máng thông ơn Thiên Chúa”.

Là cái máng đích thực thì luôn gắn liền với hai đầu cần nối kết. Cuộc đời Vị Thượng Tế duy nhất chính danh chính hiệu là Đức Giêsu Kitô cho chúng ta cảm nghiệm hiên thực này. Người hằng luôn kết hiệp với Cha trên trời, đặc biệt là mỗi khi đêm về hay mối sáng tinh sương đầu ngày. Sự kết hiệp này được chính Người xác nhận: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34);Thầy hằng ở trong Cha và Cha ở trong Thầy và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chúa Kitô đã gắn kết với nhân trân bằng sự liên đới tận cùng. Mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên phàm nhân, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Khi đi rao giảng Tin Mừng thì Người đã mang lấy mọi bệnh hoạn tận nguyền của con người vào chính bản thân mình (x.Mt 8,17). Người tự nguyện làm con chiên gánh lấy tội lỗi của nhân trần. Khi luôn tự xưng với danh Con Người thì Chúa Kitô muốn đón nhận phần phúc của từng người của toàn thể nhân loại làm phúc phận của mình để rồi tìm mọi cách thế để cho con người được sống và sống dồi dào.

Là cái máng thì phải “lõm” đi để có thế chất chứa những gì cần đón nhận và chuyển trao. Sự “lõm” đi của Đấng là Trung Gian duy nhất, Giêsu Kitô đã được Thánh Phaolô Tông Đồ diễn giải bằng bài ca tự hủy: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.... (Phil 2,6-11).

Là cái máng thì phải tuôn chảy xuống tất cả những gì mình đã đón nhận. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào môi miệng Đức Kitô những lời này: "Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con,…Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô, đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10,4-10). Quà tặng Chúa Cha trao cho Chúa Con khi vào trần gian là tấm thân xác thì Đấng làm người đã trao ban nó cho nhân loại đến tận giọt nước giọt máu cuối cùng để nhân loại được ơn tha thứ, được giao hòa với Cha trên trời.

Linh mục là người được thông phần sứ vụ của Đấng Trung Gian, Giêsu Kitô. Để thực sự làm máng thông ơn Thiên Chúa thì các ngài phải gắn liền với hai đầu cần nối kết đó là Thiên Chúa và đoàn chiên, chiên trong đàn lẫn chiên ngoài đàn. Nếu khô cằn trong đời sống nội tâm và sao lãng việc cầu nguyện thì các ngài sẽ chẳng kín múc sự gì từ trời cao. Và một lẽ tất yếu đương nhiên đó là không ai có thể trao ban những gì mình không có. Nếu các ngài thiếu sự liên đới với chiên được trao phó, một sự liên mật thiết kiểu “chung thân-đồng phận”, thì cái máng trở thành vô dụng. Khi Đức Phanxicô nói linh mục hãy mang lấy mùi chiên tức là chỉ dạy các ngài hãy sống tình liên đới cách thiết thực. Hình thái lõm đi của cái máng nhắc nhớ linh mục sự khiêm nhu và động thái tự hủy khi phục vụ mà sự hiền lành ứng xử là một cách thế biểu hiện. “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,30). Ước gì các linh mục của Chúa luôn ghi nhớ lời của Thầy chí Thánh: “Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.” (Mt 10,7-8)

Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận đó là thực hiện vai trò và ý nghĩa của thân phận cái máng chuyển thông. Dù rằng cần phải xác tín điều chủ yếu mà các linh mục cần chia sẻ cho tha nhân chính là chương trình, ý định của Thiên Chúa và ân phúc của Người, tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến cách thế trao ban. “Của cho không bằng cách cho”. Đi bước trước và luôn tôn trọng là hai động thái trong tình yêu liên đới trao ban của Chúa Giêsu.

Không ngồi một chỗ để chờ người ta đến với mình, nhưng Chúa Giêsu đã ra đi, rảo quanh các làng mạc để rao giảng Tin Mừng, thi ân giáng phúc. Hãy ra khỏi căn nhà xứ!, đừng cố thủ trong phòng thánh! Đó là lời mời gọi của Đức Phanxicô với các tư tế thừa tác trong Giáo Hội. Ngài còn nhấn mạnh rằng thà bị thương tích khi ra đi (nghĩa là bị vấp váp hay sai lỡ điều này, điều kia) còn hơn là ngồi trong pháo đài để bảo vệ “sự thánh thiện” của mình. Xin đừng quên đằng sau cái mục đích là “sự thánh thiện” ấy rất có thể là sự lười biếng, sự thiếu dấn thân, ngại khó, sợ khổ và sợ phải hy sinh vì đàn chiên.

Thái độ tôn trọng của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi mà Tin Mừng tường thuật rõ nét nhất qua lời giảng dạy của Người và nhất là qua những lần người “cử hành bí tích hòa giải” (tha tội). Trong dụ ngôn con chiên bị thất lạc, người chăn chiên không chỉ dám bỏ 99 con trên núi mà tất tả đi tìm cho được con lạc đàn. Khi tìm được thì không thấy người ấy quở trách, mắng nhiếc hay đánh đập con chiên lạc tìm thấy mà lại vui mừng vác lấy nó trên vai đem về đàn (x.Lc 15,5). Trong dụ ngôn người con hoang đàng, thì người cha già khi chợt thấy con đã vộ chạy lại ôm hôn con, ngắt đi những lời xưng thú kiểu công thức của anh và rồi vui mừng sai gia nhân lấy áo mới, giày đẹp, nhẩn quý đeo mặc cho anh. Không thấy người cha hạch hỏi anh ta đã phung phí những gì (x.Lc 15,11-32).

Những lần Chúa Giêsu “cử hành bí tích Hòa Giải” mà Tin Mừng tường thuật làm nổi rõ thái độ của Người luôn tôn trọng phẩm giá của tội nhân. Với người bất toại do các thân nhân sau khi tháo dở mái nhà để thả xuống vì người ta đông quá không vào được thì Chúa Giêsu không hạch hỏi điều gì. Thấy lòng tin của họ thì Người nói với người bất toại: “Tội con đã được tha – Hãy vác chõng mà về nhà”(x.Mt 9,1-8). Với người phụ nữ tội lỗi công khai tại nhà ông biệt phái Simon thì Chúa Giêsu đã nói với ông ta cũng như các thực khách hôm đó rằng chị ấy đã yêu mến nhiều nên được thứ tha nhiều và Người nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Trong trường hợp người phụ nữ phạm tội ngoại tình do nhiều kinh sư và người biệt phái bắt quả tang và dẫn đến Chúa Giêsu để tìm cách gài bẫy Người thì Tin Mừng đã tường thuật thái độ ứng xử của Chúa Giêsu thật diệu kỳ vừa tràn tình yêu vừa đầy sự tôn trọng (x.Ga 8,1-11). Sau khi nói với đám đông hôm ấy rằng: “Ai trong các sạch tội thì cứ việc lấy đá ném chị này trước đi” thì Chúa Giêsu lại cúi xuống viết tiếp “cái gì đó” trên đất. Thái độ cúi xuống của Người khiến chúng ta nhớ lại lời Kinh Thánh: “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.”(Kn 11,23). Chúa Giêsu cúi xuống để tạo điều kiện cho đoàn người hôm ấy rút lui trong danh dự của mình. Hầu chắc Chúa đã nhận hành vi ấy là một sự thú nhận tội lỗi và họ cũng đáng nhận sự thứ tha của Người. Còn với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình thì Người chẳng cật vấn điều gì mà chỉ hỏi: “Không ai lên án chị sao?” Và khi nhận câu trả lời của chị: “Thưa Thầy, không có ai cả” thì Chúa Giêsu đã nhận đó là lời xưng thú tội lỗi và Người ban lời xá giải: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Với các tư tế thừa tác thì “của cho và cách cho” cả hai đều cần được chú trọng. Mong sao các ngài ý thức điều thiết yếu mà mình có sứ mạng chuyển thông cho nhân trần chính là chân lý, là tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Đồng thời ước gì các ngài đừng quên cung cách chuyển thông của mình. Thiếu sự tế nhị và tôn trọng trong khi thi hành tác vụ mục tử thì rất có thể các ngài lầm tưởng rằng mình là chủ nhân của điều mình chuyển thông. Mùa Vọng sắp kết thúc, các tòa cáo giải ắt hẳn đầy người, rõ nét là ở Giáo Hội Việt Nam. Hy vọng các tín hữu sẽ gặp được Đấng đầy lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung qua các trung gian là những tư tế thừa tác.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 13/12/2020

3. Lấy việc xét mình cầu nguyện để tu sửa hoàn toàn các đức hạnh, giữ gìn sự thanh sạch của lương tâm là phương pháp hữu hiệu nhất.

(Thánh Dorothy)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 13/12/2020
7. VỢ BIẾN THÀNH THIẾP

Có một phụ nữ tính hay ghen ghét nhưng lại thông minh, mỗi khi nghe chồng nói đến chuyện kiếm tiểu thiếp (vợ bé) thì bà ta nói:

- “Gia cảnh của ông nghèo khó, tiền đâu mà đi mua vợ bé chứ? Nếu ông có tiền thì tôi bằng lòng”.

Không lâu sau, ông chồng bèn đi mượn tiền của người quen ở đó, về nhà nói với vợ:

- “Tiền đây nè, xin cho tôi cưới vợ bé”.

Bà vợ lấy tiền bỏ vào trong tay áo của mình, quỳ xuống lạy và nói:

- “Hôm nay tôi tình nguyện làm vợ bé, tiền này coi như là mua tôi vậy !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 7:

Người có tính ghen ghét nhưng lại thông minh thì thường là xảo trá gian ngoa, bởi vì người thông minh mà không có đạo đức thì là người nguy hiểm cho xã hội.

Có những giáo dân rất thông minh nhưng lại hay chỉ trích người khác, thế là sự thông minh của họ thiếu một điều quan trọng là tại sao không cầu nguyện mà lại đi chỉ trích, bởi vì thông minh mà thiếu vắng ân sủng của Thiên Chúa thì trở thành kiêu ngạo và là mầm mống của những phản loạn.

Có một vài cha phó năng nổ làm việc nhưng lại có thành kiến với một vài giáo dân trong giáo xứ, nếu được cha sở phân công tham gia các hoạt động nhưng mà nếu có những giáo dân mà ngài không thích ấy cũng tham gia, thì ngài sẽ từ chối sự phân công của cha sở, các cha phó này đều là những nguyên nhân gây mầm chia rẽ trong giáo xứ, bởi vì năng nổ kiểu này không do đạo đức nhiệt thành mà có, nhưng là vì kiêu ngạo và vì bản thân muốn được nổi tiếng mà ra...

Từ vợ qua thiếp chỉ cách nhau có một tờ giấy bạc vì lòng tham, nhưng từ thiếp qua vợ chính thì chỉ cách nhau cả một tấm lòng yêu thương.

Ai có tai thì nghe, có trí thì suy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
15/12 – Con người vô cảm, nhưng Chúa thì chạnh lòng thương – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
20:13 13/12/2020


Video bắt đầu lúc 7g tối giờ Việt Nam thứ Hai 14/12/2020

TIN MỪNG Mt 21:28-32

Ông Gio-an đã đến, và những người tội lỗi đã tin.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất". Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức trưa Chúa Nhật 13/12/2020: Giữ một bộ mặt đưa đám không thể làm chứng cho Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
08:03 13/12/2020


Bất kể sự bùng phát đáng báo động của đại dịch coronavirus, hôm Chúa Nhật 13 tháng 12, quảng trường Thánh Phêrô đã đông hẳn hơn các ngày Chúa Nhật khác. Thời tiết thật đẹp và quảng trường được trang trí huy hoàng với cây thông và cảnh Giáng Sinh. Tuy nhiên, lý do chủ yếu nhất cho sự đông đảo này là vì hôm nay là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng mà theo một truyền thống đã được bắt đầu từ ngày Chúa Nhật 21 tháng 12, năm 1969, các trẻ em mang những tượng Chúa Hài Đồng đến cho Đức Giáo Hoàng làm phép. Truyền thống này tiếng Ý gọi là “Bambinelli”.

Trước khi chúng tôi tường thuật buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm nay, xin mạn phép trình bày bài huấn dụ lịch sử của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục hôm 21 tháng 12, 1969, là bài huấn dụ đã khai mở truyền thống tốt đẹp kéo dài trong suốt 51 năm qua này.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 21/12/1969

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục nói như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta đang tiến gần đến lễ Giáng Sinh.

Trong số rất nhiều công việc chuẩn bị, chúng ta vui mừng khi thấy nhiều người đang làm các cảnh Chúa Giáng Sinh: trong nhà nguyện, trong trụ sở của các cơ quan, những nơi tôn vinh danh Chúa, và đặc biệt là trong các gia đình tốt lành và hạnh phúc với sự hiện diện của trẻ em và người trẻ.

Máng cỏ Giáng Sinh làm cho sống động ký ức về sự kiện trọng đại là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Cảnh Chúa Giáng Sinh tiêu biểu cho những gì đã diễn ra tại Bê Lem với sự đơn giản chân thực và chất phác; và nó trở thành một khung cảnh truyền giáo, nó trở thành một bài học trong tinh thần Kitô giáo, cũng như một thông điệp về văn hóa và truyền thống. Máng cỏ Giáng Sinh cho chúng ta biết Chúa Giêsu muốn bước vào thế giới của chúng ta như thế nào: nghèo nàn, nhỏ bé, bị những người tha thiết với các giá trị trần tục của trái đất này từ chối. Chúa Giêsu đã đến như thế để những người nghèo, những người bé nhỏ, những người bị ruồng bỏ có thể là những người đầu tiên đến gần Ngài.

Ngài đến để biến mình thành quà tặng cho chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi trở ngại, mọi sợ hãi; và ngay lập tức mang đến cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về thiên đàng, về vẻ đẹp không gì sánh được và niềm vui tối thượng: trong đó có vinh quang Thiên Chúa, và hòa bình cho nhân loại.

Trong những dấu chỉ khiêm tốn, quá quen thuộc nhưng quá cao siêu này, đã có một khúc dạo đầu cho cuộc sống mới, khúc dạo đầu sơ đẳng đến nỗi ngay cả trẻ em cũng hiểu được. Các em biết rằng điều đáng giá là lòng nhân lành, sự giản dị, biết quý trọng mọi thứ như một ân sủng đến từ Thiên Chúa, và như những gì chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa.

Chúng ta cảm thấy thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống phức tạp và trần tục, cảm thấy hồn nhiên, cảm thấy tất cả là bạn bè và anh chị em với nhau. Chúng ta cùng được sưởi ấm trong lò sưởi của tình yêu tốt đẹp và trong sáng, và chúng ta cảm thấy một chút hiểu biết hơn về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, cuộc sống của chúng ta theo thời gian, và trên trái đất này.

Máng cỏ thật đẹp phải không các trẻ em? Có đúng không, các bạn nhỏ? Vâng, máng cỏ thật đẹp; và vì thế, cha sẽ ngay lập tức ban phép lành, từ cửa sổ này, cho các bức tượng Chúa Hài Đồng của các con, và sau đó cha sẽ đi xuống quảng trường, để làm phép cho cảnh Giáng Sinh.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 13/12/2020

Chúa nhật 13 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui Mừng trong đó Phụng Vụ bắt đầu với bài ca nhập lễ sau: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.”

Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô cho chúng ta biết như sau về sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả:

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Sự chờ mong chúng ta đang sống là một niềm vui, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu quý, chẳng hạn như một người bạn, hay một người thân mà lâu rồi chúng ta không được gặp. Chúng ta đang sống trong niềm vui mong đợi. Và chiều kích của niềm vui này dâng trào cách đặc biệt vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, được mở đầu với lời khích lệ của Thánh Phaolô trong bài Ca Nhập Lễ “Hãy luôn vui mừng trong Chúa” (x. Pl 4: 4,5). “Hãy vui lên!” Đó là niềm vui của người Kitô hữu. Và lý do của niềm vui này là gì? Thưa vì “Chúa đã gần đến” (câu 5). Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Ngài càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các tín hữu Kitô. Có lần một triết gia đã nói đại loại như thế này: “Tôi không hiểu làm thế nào đến ngày hôm nay mà bạn còn có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có khuôn mặt ngái ngủ. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt như thế, vâng, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt của nỗi buồn. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu mến anh chị em! Mà sao anh chị em không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một lúc và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật trong Kinh thánh. Ngoại trừ Đức Mẹ và Thánh Giuse, ông là người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nhất trong nỗi chờ mong Đấng Mêsia và trong niềm vui khi thấy Người đến. Cố nhiên, chúng ta đang đề cập đến đến Thánh Gioan Tẩy Giả (x Ga 1:19-28).

Vị Thánh Sử giới thiệu Thánh Gioan Tẩy Giả một cách trang trọng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến […] Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (câu 6-7). Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng mạng sống mình. Tất cả các sách Phúc âm đều đồng ý rằng thánh nhân đã hoàn thành được sứ mệnh của mình bằng cách chỉ ra cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo. Trong thời của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhà lãnh đạo. Danh tiếng ngài đã lan rộng khắp miền Giuđêa và xa hơn nữa, đến tận miền Galilê. Nhưng ngài đã không đầu hàng dù chỉ trong phút chốc trước cám dỗ thu hút sự chú ý về phía mình; trái lại thánh nhân luôn hướng về Đấng sẽ đến. Ngài nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ngài luôn hướng sự chú ý đến Chúa, cũng như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Các thánh là những người luôn loan báo Chúa cho mọi người. Những ai không loan báo Chúa thì không phải là thánh!

Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: đừng đặt bản thân mình ở trung tâm, nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là sự tha hóa bản thân, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đã đến trong thế gian này. Chính năng động của tình yêu này khiến tôi đi ra khỏi chính mình, không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm thấy chính mình trong khi trao ban chính mình cho tha nhân, và tìm kiếm điều tốt đẹp của người khác.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã đi một chặng đường dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Con đường của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi. Cần phải làm việc để luôn có niềm vui. Thánh Gioan Tẩy Giả đã bỏ tất cả mọi thứ, từ khi còn trẻ, để đặt Chúa lên trên hết, để lắng nghe Lời Ngài bằng cả lòng trí và sức lực của mình. Thánh Gioan Tẩy Giả rút vào sa mạc, tước bỏ mọi thứ phù phiếm, để được tự do dõi theo làn gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số tính cách của ngài là độc đáo, không thể lặp lại, và không phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng lời chứng của ngài là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình và niềm vui thực sự. Đặc biệt, Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những ai trong Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách biệt khỏi chính mình và khỏi tinh thần thế gian, không thu hút mọi người chú ý đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu. Niềm vui là thế này: là định hướng nơi Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là dấu chỉ đức tin của chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, niềm vui nội tâm là biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với chúng ta, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống của chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: Chúng ta nên cư xử như thế nào? Chúng ta có phải là người vui mừng, biết cách truyền đạt niềm vui khi trở thành một Kitô hữu không, hay chúng ta luôn giống như những người buồn bã, mà tôi đã đề cập trước đó, những người với khuôn mặt ngái ngủ? Nếu tôi không có niềm vui vì đức tin của mình, tôi sẽ không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin mà buồn hiu như thế, chẳng thà đừng có thì hơn”.

Giờ đây, khi chúng ta đọc kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được hiện thực viên mãn nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ yên lặng chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; chào đón, lắng nghe, và đón nhận. Trong Mẹ Chúa trở nên gần gũi. Vì lý do này, Giáo hội gọi Đức Maria với tước hiệu “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những người hành hương.

Một cách đặc biệt, tôi chào đón nhóm đại diện cho các gia đình và trẻ em Rôma, nhân dịp ban phép lành “Bambinelli”, một dịp do Trung tâm mục vụ giới trẻ Rôma tổ chức. Năm nay có ít các bạn ở đây vì đại dịch, nhưng tôi biết rằng nhiều trẻ em và thanh niên đang tập trung trong các nguyện đường và trong nhà của họ và theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Tôi gởi lời chào thăm từng người và chúc phúc cho những bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ được đặt trong máng cỏ, là một dấu chỉ của hy vọng và niềm vui. Trong thinh lặng, chúng ta hãy chúc lành cho các trẻ nhỏ: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi các bạn cầu nguyện tại nhà, trước máng cỏ với gia đình, hãy để cho mình được lôi cuốn bởi sự dịu dàng của Chúa Giêsu Hài Đồng, chào đời trong nghèo khó và mong manh giữa chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đừng quên vui lên nhé! Kitô hữu phải có niềm vui trong lòng, ngay cả trong thử thách; chúng ta vui mừng vì được ở gần Chúa Giêsu: chính Người đem lại niềm vui cho chúng ta. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt anh chị em!


Source:Libreria Editrice Vaticana

Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Nhà hoạt động Công Giáo vì dân chủ Jimmy Lai có thể bị xử tù chung thân
Đặng Tự Do
16:45 13/12/2020
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin hôm 12 tháng 12 bày tỏ quan ngại rằng nhà hoạt động vì dân chủ Jimmy Lai có thể bị xử tù chung thân vì tội “thông đồng” với các thế lực nước ngoài, một tội danh mới theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh đưa ra.

Hôm 11 tháng 12, cảnh sát đã công bố các cáo buộc chính thức, đồng thời cho biết thêm rằng người chủ sở hữu 72 tuổi của tờ Apple Daily - một tiếng nói chỉ trích giới lãnh đạo thành phố và Bắc Kinh - sẽ phải ra trước tòa vào ngày thứ Hai 14 tháng 12. Ông là người đầu tiên bị xét xử vì tội “thông đồng” với các thế lực nước ngoài, có thể phải đối mặt với bản án chung thân, theo như truyền thống “dằn mặt” của các bọn cầm quyền cộng sản.

Đối với các bạn bè và cộng tác viên của ông, chiêu thức này của chính quyền bù nhìn ở Hương Cảng và bọn cầm quyền Trung Quốc là nhằm bịt miệng Lai. Ông là công dân Hương Cảng thứ tư chính thức bị buộc tội theo các biện pháp hà khắc, được phê duyệt vào ngày 30 tháng 6 vừa qua. Luật mới trừng phạt các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và hợp tác với các lực lượng nước ngoài. Bắc Kinh áp đặt nó để ngăn chặn các cuộc phản đối từ phong trào dân chủ. Hơn 30 người đã bị bắt theo luật này.

Vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, luật an ninh quốc gia mới dành cho Hương Cảng đã được quốc hội Trung Quốc ban hành, thông qua Hội đồng Lập pháp Hương Cảng. Trước khi luật được ban hành, ông Lai gọi đây là “hồi chuông báo tử cho Hương Cảng” và cáo buộc rằng nó sẽ phá hủy nền pháp quyền của lãnh thổ này.

Ngày 10 tháng 8 năm 2020, ông Lai bị bắt tại nhà riêng vì cáo buộc cấu kết với lực lượng nước ngoài. Các nhân viên khác của Next Digital cũng bị bắt, và cảnh sát khám xét nhà của cả ông Lai và con trai ông. Cuối buổi sáng, khoảng 200 cảnh sát Hương Cảng đã đột kích vào văn phòng của Apple Daily ở Khu công nghiệp Tseung Kwan O, thu giữ khoảng 25 hộp tài liệu. Ngân hàng HSBC, dưới áp lực của bọn cầm quyền, đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của anh ta.

Sau khi Lai bị bắt, giá cổ phiếu của Next Digital đã tăng cao tới 331% vài ngày sau đó. Tiền tại ngoại hầu tra được đặt ở mức 300,000 đô la Hương Cảng (khoảng 38,705 Mỹ kim). Ngày hôm sau, Apple Daily cho biết hơn 500,000 tờ báo đã được in ra, gấp 5 lần con số thông thường. Trên trang nhất của Apple Daily là hình ảnh ông Lai bị còng tay với dòng tiêu đề: “Apple Daily phải tiếp tục chiến đấu”.

Văn phòng các vấn đề về Hương Cảng và Macao, một cơ quan của Trung Quốc đại lục, hoan nghênh vụ bắt giữ và kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc Lai. Hiệp hội Nhà báo Hương Cảng mô tả cuộc đột kích là “khủng khiếp” và chưa từng có ở Hương Cảng. Đảng Dân chủ cáo buộc nhà cầm quyền bù nhìn của Hương Cảng đang cố tạo ra một nỗi khiếp sợ trong ngành truyền thông Hương Cảng. Trên báo chí Hương Cảng, cựu thống đốc Chris Patten gọi các sự kiện này là “cuộc tấn công quá đáng nhất từ trước đến nay”. Người đứng đầu khoa báo chí Đại học Hương Cảng gọi cuộc đột kích là một “cuộc tấn công cực đoan, đáng xấu hổ đối với tự do báo chí”.

Các nhân vật ủng hộ dân chủ khác cũng bị bắt vì các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia cùng ngày, bao gồm Agnes Chow, Wilson Li, Andy Li, và ít nhất bốn người khác.

Vào ngày 2 tháng 12, Lai đã đến trình diện với đồn cảnh sát theo một điều kiện khi được tại ngoại hầu tra sau khi bị bắt vào tháng 8 nhưng ngay lập tức anh bị cảnh sát bắt giữ vì tội lừa đảo. Trong vòng 48 giờ tiếp theo, tòa án đã từ chối mọi đơn xin tại ngoại và cho biết ông Lai bị giam cho đến tháng 4 năm 2021 vì bị “cáo buộc đã vi phạm các điều khoản thuê mướn địa ốc liên quan đến văn phòng Next Digital”.

Vào ngày 11 tháng 12, ông Lai trở thành nhân vật cấp cao đầu tiên bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia mới với cáo buộc âm mưu và cấu kết với các lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Các công tố viên đã đưa ra cáo buộc tội thông đồng với các lực lượng nước ngoài với lý do là ông Lai đã trả lời các cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nước ngoài. Ông cũng kêu gọi các chính phủ nước ngoài trừng phạt chính quyền bù nhìn Hương Cảng vì những hành động chống lại mặt trận dân chủ.


Source:Asia News
 
Đức Thánh Cha Phanxicô kỷ niệm 51 năm linh mục
Thanh Quảng sdb
17:42 13/12/2020
ĐTC Phanxicô kỷ niệm 51 năm linh mục

Tân Linh mục Bergoglio trong ngày thụ phong linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969


Được thụ phong linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969, vị Giáo hoàng tương lai đã khám phá ra ơn gọi của mình mười sáu năm trước đó, vào ngày 21 tháng 9 năm 1953, vào ngày lễ Thánh Mátthêu.

(Tin Vatican)

Năm mươi mốt năm trước, ngày 13 tháng 12 năm 1969; chỉ vài ngày trước ngày sinh nhật thứ ba mươi ba của mình, thầy Jorge Mario Bergoglio đã được thụ phong chức linh mục.

Mười một năm trước đó, ngày 11 tháng 3 năm 1958, ngài đã vào nhà tập Tu hội Dòng Tên, và chưa đầy bốn năm sau, ngài được khấn dòng, và đã tuyên khấn trọng thể vào ngày 22 tháng 4 năm 1973.

Một kinh nghiệm gặp gỡ

Vị Giáo Hoàng tương lai đã khám phá ra ơn gọi của mình vào năm 1953, vào ngày 21 tháng 9 - lễ thánh Mátthêu. Vào ngày đó, cậu thanh niên 17 tuổi, Jorge Bergoglio đi ngang qua một giáo xứ mà cậu theo học khi còn ở Buenos Aires, cậu cảm thấy cần phải đi xưng tội. Cậu thấy một linh mục mà cậu không biết, và lần hòa giải đó đã thay đổi cuộc đời của cậu.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau này kể lại: “Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm gặp gỡ.” Phát biểu trong thánh Lễ Vọng Hiện Xuống ngày 18 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh Cha nói về chuyến viếng thăm một nhà thờ cách đây rất lâu, “Tôi cảm thấy như có ai đó đang đợi tôi. Tuy nhiên, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi không thể nhớ, tôi không biết tại sao vị linh mục đó lại ở đó! hoặc tại sao tôi cảm thấy muốn đi xưng tội, dường như, sự thật là có ai đó đang đợi tôi. Người đó đã đợi tôi lâu rồi. Sau khi xưng tội, tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi tôi. Tôi không còn là tôi trước đó nữa! Tôi nghe văng vẳng một cái gì đó như một giọng nói, hoặc một lời mời gọi… và tôi đã bị thuyết phục mình phải nên trở nên một linh mục”.

Chàng Jorge Bergoglio đã cảm nghiệm được một sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình, cảm thấy trái tim mình rung động và cảm nhận được sự tuôn tràn của lòng thương xót Chúa, với ánh nhìn đầy trìu mến dịu dàng, Chúa đã gọi ngài bước vào đời tu, theo gương Thánh Ignatiô thành Loyola. Chính trong giai đoạn này, ngài đã cảm hứng lựa chọn một phương châm sống mà sau này đã trở thành huy hiệu Giám mục, và Giáo hoàng của ngài là “Miserando atque eligendo” (Chúa nhìn âu yếm và gọi) được trích từ bài giảng của Chân phước Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), khi Ngài đề cập đến đoạn Tin Mừng viết về ơn gọi của Thánh Matthêu, như ngài viết: “Vidit ergo lesus publicanum et quia misrando atque eligendo vidit, ait illi sequere me” (Chúa Giêsu đã nhìn thấy người thu thuế và vì đã nhìn thấu thánh nhân qua ánh mắt thương xót và chọn thánh nhân khi Chúa nói: “Hãy theo Ta”).

Các linh mục trong trái tim của Vị Giáo Hoàng

Tân Linh mục Bergoglio xưa và Giáo Hoàng ngày nay


Đức Thánh Cha Phanxicô thường tâm sự với các linh mục trong các bài giảng và phát biểu của mình. Đặc biệt, trong năm nay, ngài đã đề cập đến các linh mục nhiều lần liên quan đến cơn đại dịch hiện tại và những dấn thân của các ngài với tín hữu, trong các tình huống nguy ngập về sức khỏe.

Trong Thánh lễ “Truyền Dầu” (Chrism) bị hoãn lại trong năm nay, vì những hạn chế của cơn dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một Tâm thư gửi các linh mục của Giáo phận Rôma, trong đó Đức Thánh Cha nồng nhiệt ngỏ lời với các mục tử của dân Chúa, những người đã “tận tay đụng chạm tới nỗi đau của dân chúng,” luôn ở gần họ, chia sẻ với họ và giúp họ trong bước đường hành trình của niềm tin yêu hy vọng... “Là một cộng đoàn các linh mục,” ĐTC Phanxicô viết, “chúng ta không xa lạ gì trước những tình huống này; chúng ta đã không nhìn chúng qua cánh cửa sổ! mà vượt qua mọi thử thách, chúng ta tìm cách để hiện diện và đồng hành với cộng đoàn của mình; khi sói đến, chúng ta không bỏ chạy hay bỏ bầy chiên”.

Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục hãy khôn ngoan, nhìn xa trông rộng mà dấn thân; hãy nhìn về tương lai, ĐTC đề cập tới các thách đố của các linh mục “phát triển khả năng lắng nghe một cách chú ý nhưng với niềm hy vọng, thanh thản nhưng kiên cường, kiên trì nhưng không hãi sợ.”

ĐTC kết thúc lá thư của mình, bằng lưu ý rằng "Là các linh mục, thuộc dòng tộc tư tế, chúng ta phải có trách nhiệm về tương lai và kế hoạch cho dân chúng như những người anh chị em của chúng ta."

Tinh thần tông đồ của các linh mục

Sau đó, khi nói với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của miền Lombardy ở Pháp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại “lòng nhiệt thành mục vụ và sự chăm sóc sáng tạo”, người đã “giúp mọi người tiếp tục hành trình đức tin, chứ không giam mình trong nỗi đau và hãi sợ."

ĐTC nói: “Cha rất ngưỡng mộ tinh thần dấn thân tông đồ của rất nhiều linh mục, những người đã khích lệ anh chị em mình qua điện thoại, hoặc đi gõ cửa từng nhà và hỏi han: ‘Anh chị em có cần gì không? Tôi sẽ mua cho... '. “Những linh mục này đã sát cánh cùng đoàn chiên của mình, để quan tâm, chia sẻ cuộc sống hàng ngày: Các ngài là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện ủi an của Chúa.” Sau đó, ĐTC nói thêm: “Đáng tiếc một số các linh mục trong số đó đã tử vong, các bác sĩ và các nhân viên y tế cũng thiệt mạng”; và ĐTC nhớ đến nhiều linh mục đã bị nhiễm bệnh, nhưng “cám ơn Chúa” các ngài đã được chữa lành. ĐTC cám ơn tất cả các giáo sĩ ở Ý, "những người đã hiên ngang làm chứng cho lòng dũng cảm và tình yêu dành cho đoàn chiên."
 
1,700 giáo sư đã ký kháng thư bảo vệ danh tiếng Thánh Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
17:46 13/12/2020
Gần 2,000 giáo sư đã ký kháng thư bảo vệ danh tiếng Thánh Gioan Phaolô II sau những chỉ trích bùng lên sau báo cáo McCarrick.

Trong một tuyên bố vào ngày 7 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã chua chát nhận xét rằng:

“Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, chúng ta lại đang phải chứng kiến những vụ tấn công chưa từng có vào bản thân ngài.”

Tuy nhiên, cũng “chưa từng có” là lời kêu gọi đã được ký kết bởi 1,700 giáo sư làm việc tại các trường đại học Ba Lan và các viện nghiên cứu. Những người ký kết bao gồm cả Hanna Suchocka, nữ thủ tướng đầu tiên của Ba Lan, cựu ngoại trưởng Adam Daniel Rotfeld, các nhà vật lý Andrzej Staruszkiewicz và Krzysztof Meissner, và đạo diễn phim Krzysztof Zanussi.

“Một danh sách dài đầy ấn tượng về những công lao và thành tích của Đức Gioan Phaolô II đang bị thách thức và xóa bỏ ngày nay,” các giáo sư nói trong kháng cáo.

“Đối với những người trẻ, những người được sinh ra sau khi ngài qua đời, hình ảnh bị biến dạng, giả dối và bị xem thường của vị Giáo hoàng có thể trở thành hình ảnh duy nhất mà họ biết.”

“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người thiện chí hãy tỉnh táo lại. Đức Gioan Phaolô II, giống như mọi người khác, xứng đáng được nói đến một cách trung thực. Khi phỉ báng và phủ nhận Đức Gioan Phaolô II, chúng ta gây tổn hại lớn cho chính chúng ta, chứ không phải cho ngài.”

Các giáo sư cho biết họ đang phản ứng trước những cáo buộc chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là mục tử toàn thể Hội Thánh từ năm 1978 đến 2005, sau khi Tòa Thánh công bố một báo cáo vào tháng trước về cựu Hồng Y Theodore McCarrick, là người đã bị cho huyền chức. Vị Giáo Hoàng Ba Lan bị chỉ trích vì đã bổ nhiệm McCarrick làm tổng giám mục Washington vào năm 2000 và phong ông ta trở thành Hồng Y một năm sau đó.

Các giáo sư cho biết: “Trong vài ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng cáo buộc chống lại Đức Gioan Phaolô II. Ngài bị cáo buộc che đậy các hành vi ấu dâm trong các linh mục Công Giáo và có những lời kêu gọi dỡ bỏ các đài tưởng niệm công khai của ngài. Những hành vi này nhằm biến hình ảnh của một người đáng được kính trọng nhất thành một kẻ đã đồng lõa với những tội ác ghê tởm.”

“Một lý do để đưa ra những yêu cầu cấp tiến là do Tòa Thánh công bố ‘Phúc trình về Nhận thức Thể chế và Việc ra Quyết định của Tòa Thánh liên quan đến Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick’. Tuy nhiên, việc phân tích kỹ bản báo cáo không chỉ ra bất kỳ sự kiện nào có thể tạo thành cơ sở để biện minh cho những cáo buộc nói trên đối với Đức Gioan Phaolô II.”

Các giáo sư nói tiếp: “Có một khoảng cách rất lớn giữa việc thăng chức cho một trong những kẻ có hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và việc đưa ra các quyết định nhân sự sai lầm do không đủ kiến thức hoặc do nhận được các thông tin hoàn toàn sai lệch.”

“Nhân vật Theodore McCarrick được đề cập đến được nhiều người lỗi lạc, bao gồm cả các tổng thống Hoa Kỳ, tin tưởng. Ông ta lại có khiếu che giấu kỹ lưỡng mặt trái tội lỗi đen tối trong cuộc đời mình”.

“Tất cả những điều này dẫn chúng tôi đến lập luận rằng những lời vu khống và các cuộc tấn công không có nguồn gốc rõ ràng nhắm vào ký ức về Đức Gioan Phaolô II đang được thúc đẩy bởi một lý thuyết đầy định kiến, là điều đã làm chúng tôi đau buồn và lo lắng sâu sắc”.

Các giáo sư thừa nhận tầm quan trọng của việc điều tra cẩn thận cuộc đời của các nhân vật lịch sử quan trọng. Nhưng họ kêu gọi một “suy tư cân bằng và các phân tích trung thực”, thay vì những chỉ trích “cảm tính” hoặc “có động cơ ý thức hệ”.

Họ nhấn mạnh rằng Thánh Gioan Phaolô II đã có một “ảnh hưởng tích cực đến lịch sử thế giới”. Trích dẫn vai trò của ngài trong việc làm sụp đổ khối Cộng sản, bảo vệ sự thánh thiện của cuộc sống, và những “quyết định mang tính đột phá” của ngài như chuyến thăm năm 1986 tới một giáo đường Do Thái ở Rôma, hội nghị thượng đỉnh liên tôn tại Assisi cùng năm đó, và lời kêu gọi của ngài, vào năm 2000, xin tha thứ cho các tội lỗi đã phạm nhân danh Giáo hội.

Các giáo sư viết tiếp: “Một cử chỉ quan trọng khác, đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi, là việc phục hồi danh dự cho Galileo, là điều mà Đức Giáo Hoàng đã trông đợi rất sớm từ năm 1979 trong một lễ tưởng niệm trọng thể về Albert Einstein nhân một trăm năm ngày sinh của ông”.

“Việc phục hồi này, được thực hiện theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II bởi Học viện Khoa học của Tòa Thánh 13 năm sau đó, là một sự công nhận mang tính biểu tượng về quyền tự chủ và tầm quan trọng của các nghiên cứu khoa học”.

Lời kêu gọi của các giáo sư đã diễn ra sau một sự can thiệp vào đầu tháng này của Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan. Trong một tuyên bố ngày 7 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Gądecki phàn nàn về điều mà ngài gọi là “ các cuộc tấn công chưa từng có” nhắm vào Thánh Gioan Phaolô II. Ngài nhấn mạnh rằng đối với vị Giáo Hoàng Ba Lan “ưu tiên cao nhất” là chống lại tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và bảo vệ thanh thiếu niên.

Hồi tháng 11 vừa qua, hiệu trưởng trường Đại học Công Giáo John Paul II ở Lublin cũng nói rằng những lời chỉ trích chống lại Đức Gioan Phaolô II là không có cơ sở thực tế, và than thở về “những lời buộc tội đầy ngụy biện, vô lý và vu khống nhắm vào vị thánh quan thầy của chúng ta gần đây”.

Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của trường đại học ở miền đông Ba Lan nhận xét: “Các luận điểm chủ quan được một số giới đưa ra không được chứng minh bằng các sự kiện và kết quả khách quan - như những gì đã được trình bày trong báo cáo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về Theodore. McCarrick”.

Trong lời kêu gọi của mình, 1,700 giáo sư lập luận rằng, nếu việc phủ nhận Đức Gioan Phaolô II không bị phản đối, thì một bức tranh “sai lầm sâu xa” về lịch sử Ba Lan sẽ được hình thành trong tâm trí của những người Ba Lan trẻ tuổi.

Họ nói rằng hậu quả nghiêm trọng nhất của việc này sẽ là “niềm tin của thế hệ sau rằng không có lý do gì để duy trì một cộng đồng có quá khứ như vậy”.

Các nhà tổ chức sáng kiến này mô tả kháng thư này là “một sự kiện chưa từng có, một sự kiện đã tập hợp các cộng đồng học thuật lại với nhau và vượt quá sự mong đợi của chúng tôi.”


Source:Catholic News Agency
 
Cái nhìn trở lui hay trở đi của những người Công Giáo ủng hộ Joe Biden
Vũ Văn An
22:06 13/12/2020

Cứ theo thống kê được các phương tiện truyền thông loan tin thì có đến 50 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ bỏ phiếu cho Biden, người không những ủng hộ mà còn hết lòng ủng hộ nhiều chính sách mâu thuẫn hoàn toàn với truyền thống và tín lý Công Giáo.



Một trong những người ấy là John Carr, hiện là giám đốc Sáng Kiến về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng của Đại Học Georgetown và trước đây, trong 20 năm, từng là giám đốc Văn Phòng Công Lý, Hòa Bình và Phát Triển Nhân Bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nơi ông từng giúp soạn thảo văn kiện đầu tiên của Hội đồng này về việc đi bầu của người Công Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn của Kevin Christopher Robbles thuộc tập san America, ngày 10 tháng 12, 2020, Carr cho biết lý do ông ủng hộ Biden: vì điều tốt ông ta có thể đem đất nước hợp nhất với nhau, giúp vượt qua đại dịch, nâng cao những người ở dưới cùng và tôn trọng phẩm giá di dân.

Carr nhấn mạnh, “tôi minh xác rõ tôi không ủng hộ Ông Biden vì ông ta ủng hộ phe cực đoan của đảng ông về phá thai... Việc hủy diệt các trẻ em chưa sinh là một thất bại từ nền tảng trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta và là điển hình rõ ràng nhất của ‘nền văn hóa vứt bỏ’ của quốc gia ta”.

Carr nói thêm: “Nhiều thành viên của cộng đồng Công Giáo và những người khác bỏ phiếu cho ông Biden đã làm thế để cổ vũ công lý sắc tộc, kinh tế và môi trường. Chúng ta cần thúc giục Tổng thống Biden và chính quyền của ông theo đuổi các ưu tiên này, vốn nằm ở tâm điểm chiến dịch tranh cử của ông, chứ không phải nghị trình phá thai, một nghị trình sẽ phá hoại các cố gắng của ông nhằm hợp nhất quốc gia thời khủng hoảng”.

Việc thúc giục ấy hiệu quả không biết ra sao, nhưng căn cứ vào việc bổ nhiệm Xavier Becerra làm Bộ trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, hiệu quả ấy gần như không đáng kể.

Carr cho rằng muốn có hiệu quả, người Công Giáo phải nhất quán, nghĩa là đừng chỉ bênh vực trẻ chưa sinh mà thôi, mà phải “bênh vực trẻ chưa sinh và người không có giấy tờ, chống đối án tử hình và kỳ thị chủng tộc, săn sóc môi trường và những người nghèo nhất hành tinh”.

Nhà thông thái trên dường như không bao giờ lưu ý tới tác phong vốn nhất quán từ xưa đến nay của các tín hữu Kitô giáo nói chung và nhất là của tín hữu Công Giáo đối với mọi sự sống nói riêng. Sở dĩ gần đây họ lưu ý tới những người dễ bị tổn thương nhất là trẻ chưa sinh vì các em bị giết hàng loạt, giết không cần lý do, giết nhiều hơn người bị giết trong tất cả các cuộc chiến tranh thế kỷ 20 và 21. Giết có môn bài, giết mà không những không bị tội, mà còn được coi là một quyền. Giết trong nước chưa thỏa mãn, còn giúp giết ở ngoại quốc nữa, coi như một hình thức văn minh mới. Tín hữu Công Giáo lên tiếng là vì vậy, chứ đâu phải họ quên bênh vực các hình thức sống khác. Carr lẩn quẩn ở mấy văn phòng, chắc chắn không “nhất quán” bằng đại đa số các người đồng đạo của ông, đang sinh hoạt tại các giáo xứ, tham gia các phong trào như Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Vincent de Paul, Hiệp Sĩ Columbus, Hội Truyền Giáo, Sant’Egidio...

Thành thử, hướng tranh đấu phải là chính phủ Biden sắp tới, chứ không phải người Công Giáo. Người Công Giáo không bao giờ quay mặt với người nghèo, người bị bỏ rơi, di dân tỵ nạn... bởi họ biết rõ bài học: Ta đói, các con cho Ta ăn... của Mátthêu chương 25.

Về khía cạnh này, Carr cho hay “Ta nên nhắc cho giai cấp ưu tú của Đảng Dân Chủ hay chúng ta là thành phần chủ chốt của liên minh chiến thắng của họ và là chìa khóa dẫn vào tương lai của họ. Đẩy chúng ta ra, họ sẽ gặp nguy cơ chính trị và họ cần sự giúp đỡ của chúng ta để đẩy mạnh các ưu tiên được chúng ta chia sẻ”.

Dĩ nhiên, người Công Giáo sẽ làm như thế. Nhưng quan trọng vẫn là Ông Biden. Một người Công Giáo luôn đi lễ, hình như cả ngày thường, luôn đeo tràng hạt như ông, đã hết lòng ủng hộ việc giết thai nhi, thì những người vô đạo, coi tôn giáo là chuyện ngớ ngẩn, làm sao dừng chân dừng tay chém giết các em cho được. Dù sao ông cũng là xếp lớn của họ, không ủng hộ, không tiếp tay với ông sao được, ai mà đi nghe người ngoài, lợi ích chi?

Cũng có thể họ coi sự ủng hộ của những người Công Giáo như Carr hàm nghĩa: họ sẽ không hề hấn gì trong những kỳ bầu cử sau, đối với chiến dịch sát hại thai nhi nếu họ “đạt” các thành quả đáng kể ở những khía cạnh được Carr và những người Công Giáo như ông ủng hộ. Tóm lại, họ vẫn có thể “xỏ mũi” những người như Carr và coi các phản đối, đấu tranh của người Công Giáo như không có.

Dấu chỉ coi thường ấy biểu lộ rõ rệt nhất trong việc đề cử Xavier Becerra làm Bộ Trưởng Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản. Julie Asher của Catholic News Service, ngày 10 tháng 12, 2020, coi việc đề cử này “đã trở thành điểm lóe sáng của chiến tranh văn hóa... làm bùng lên ngọn lửa đảng phái điều mà Biden muốn dập tắt”.

Trước khi nói thêm, xin nhấn mạnh điều này: Xavier Becerra, lúc còn là Bộ trưởng Tư pháp California, vốn kiện Dòng Tiểu Muội Người Nghèo, một dòng tu coi sóc các nhà dành cho người cao niên nghèo, khi dòng này tìm cách bênh vực việc miễn trừ lo bảo hiểm phá thai cho các công nhân của mình. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xử cho dòng thắng kiện. Trong thời gian tranh cử, Biden nói rõ sẽ lật ngược phán quyết này. Không rõ bằng cách nào, nhưng nay, rõ ràng ông ta muốn thực hiện lời hứa ấy bằng cách bổ nhiệm Becerra.

Trong bài Tại sao Biden chọn Xavier Becerra, Kenneth Craycraft của tạp chí First Things (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2020/12/why-biden-picked-xavier-becerra) cho hay: Ông Joe Biden “đang làm trọn các lời tiên đoán cho rằng chính phủ của ông sẽ là chính phủ phò phá thai một cách đấu tranh hơn hết trong lịch sử Hoa Kỳ. Việc ông đề cử Bộ trưởng Tư pháp California Xavier Becerra làm Bộ Trưởng Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản nói lên cam kết của Biden nhất định áp đặt một chính sách phá thai cực đoan, áp chế lên công chúng Hoa Kỳ. Lúc còn là Bộ trưởng Tư pháp California, Becerra vốn là công cụ của kỹ nghệ phá thai. “Biden đã tưởng thưởng sự ủng hộ của nhóm vận động hành lang cho phá thai đối với việc ứng cử của ông bằng cách bổ nhiệm phát ngôn viên và người bênh vực không chính thức của Planned Parenthood”.

Craycraft cho rằng “Việc chọn Becerra không dính líu gì tới chính sách chăm sóc y tế tại Hiệp Chúng Quốc, mà chỉ dính líu đến việc áp đặt một nghị trình phá thai triệt để”.

Với bằng cử nhân về kinh tế và cử nhân về luật của đại học Standford, Becerra không có chuyên môn gì về y khoa, y tế công cộng hay bất cứ môn nào thuộc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nghề chính trị tại tiểu bang California và chính phủ liên bang, “việc đủ điều kiện” duy nhất của ông ta để đứng đầu nền hành chánh liên bang lo về chính sách chăm sóc y tế toàn quốc là chủ nghĩa tranh đấu phò phá thai đầy hăm hở của ông ta mà thôi. Và việc đề cử Becerra đứng đầu Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản chứng tỏ rằng quyền phá thai được tài trợ công sẽ nằm ở tâm điểm của nghị trình chính sách ‘y tế’ công của Chính Phủ Biden. Đó sẽ là thế thượng phong của Becerra, và nếu được xác nhận, ông ta sẽ thi hành nó một cách không thương tiếc”.

Craycraft cũng cho biết 24 năm làm dân biểu liên bang, Becerra nhất quán được Planned Parenthood ủng hộ. Không một dân biểu nào qua mặt được ông về sự ủng hộ này. Không lạ gì Planned Parenthood hết lời ca ngợi việc đề cử ông, gọi ông là “quán quân hàng mấy thập niên qua” của “quyền được chăm sóc y tế về tình dục và sinh sản”.

Becerra không những chỉ ủng hộ phá thai, mà còn chủ trương phải trừng phạt những kẻ bất đồng và phản đối phá thai. Thí dụ, khi thay thế Kamala Harris làm Bộ trưởng Tư pháp California năm 2017, “Becerra tiếp tục truy tố hình sự nhà báo David Daleiden vì đã vạch trần việc Planned Parenthood mua bán các bộ phận trong cơ thể người".

Becerra cũng đại diện cho California trong vụ kiện tụng về việc tiểu bang bảo vệ không thành công Đạo luật “Tự do Sinh sản, Trách nhiệm Giải trình, Chăm sóc Toàn diện và Minh bạch”. Đạo luật này yêu cầu các trung tâm mang thai phò sinh phải niêm yết các thông báo quảng cáo cho các bệnh xá phá thai và cung cấp cho khách hàng của mình các tài liệu thông tin về các dịch vụ tránh thai và phá thai miễn phí gần đó. Đạo luật này đã biến California thành cơ quan tiếp thị và quảng cáo cho Planned Parenthood và các nhà máy phá thai khác, đồng thời buộc các trung tâm thai nghén phò sinh phải đồng lõa với chiến dịch của mình. Đạo luật này đã bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ vào năm 2018, nhưng nó thể hiện mức độ trung thành của Becerra đối với kỹ nghệ phá thai. Quan trọng hơn, nó làm rõ cam kết của ông ta trong việc áp đặt ý thức hệ phá thai cực đoan lên mọi người, kể cả những người có thiện chí phản đối việc phá thai một cách ngay tình. Đạo luật này không hề nhằm bảo vệ quyền được phá thai; mà là về việc áp đặt một nghị trình đạo đức và chính trị. Không thỏa hiệp, không thảo luận, không có ngoại lệ.

Ngay cả thẩm phán Anthony Kennedy lúc đó, người có tiếng phò phá thai, cũng đã lên án Đạo luật này vì “mối đe dọa nghiêm trọng của nó... trong việc áp đặt thông điệp riêng của nó thay cho ngôn từ, suy nghĩ và cách phát biểu của cá nhân. Vì ở đây, Tiểu bang chủ yếu yêu cầu các trung tâm thai nghén phò sinh phải cổ vũ thông điệp ưu tiên của Tiểu bang nhằm quảng cáo phá thai”. Thẩm phán Kennedy nói tiếp: “Điều này buộc các cá nhân phải mâu thuẫn với những niềm tin sâu sắc nhất của họ. Những niềm tin dựa trên các giới luật triết học, đạo đức hoặc tôn giáo nền tảng, hoặc tất cả những điều này".

Năm 2017, Becerra đã tham gia với tiểu bang Pennsylvania kiện Dòng Tiểu Muội Người Nghèo tại tòa án liên bang, cố gắng buộc dòng tu này tạo điều kiện và tài trợ việc phá thai và tránh thai cho nhân viên giáo dân theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng. Các nữ tu đã giành chiến thắng 7-2 đầy cam go tại Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2020. Nhưng Biden đã nói rằng chính phủ của ông sẽ kiện các nữ tu một lần nữa. Nếu được xác nhận đứng đầu Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, Becerra sẽ có trách nhiệm thực hiện lời hứa này để tiếp tục cuộc bách hại đó. Ông sẽ giám sát việc hình thành và thực thi các chính sách theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, tức các chính sách nhằm tìm cách buộc chủ nhân phải tài trợ và tạo điều kiện cho việc phá thai và tránh thai cho nhân viên của họ bất chấp sự phản đối lương tâm đối với các thủ tục đó, một sự ép buộc mà Planned Parenthood vốn tôn vinh.

Vào năm 2007, chẳng hạn, Becerra đã đồng bảo trợ một dự luật tại Quốc hội nhằm đòi các chủ nhân phải chi trả cho việc tránh thai. Và ông đã bỏ phiếu chống lại Đạo luật Bảo vệ Lương tâm năm 2016, đạo luật này ngăn chính phủ liên bang từ chối quỹ liên bang cho các bệnh viện Công Giáo và các cơ sở khác từ chối thực hiện phá thai. Đối với Becerra, việc bảo vệ quyền phá thai là không đủ. Là thằng nhỏ chạy việc vặt của Planned Parenthood, ông ta sẽ nằng nặc đòi cho được người đóng thuế phải tài trợ cho việc đó; và ông ta sẽ cố gắng từ chối tài trợ cho những người chăm sóc sức khỏe không chịu khuất phục.

Việc đề cử Becerra làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân Bản không liên quan gì đến chính sách chăm sóc sức khỏe. Nó chỉ là việc áp đặt ý thức hệ cứng ngắc, cực đoan, phò phá thai lên đất nước và khen thưởng Planned Parenthood vì đã ủng hộ việc ứng cử của Biden. Planned Parenthood đang lên giai điệu. Biden, Harris và Becerra sẽ làm việc nhảy múa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
AsIPA Sàigòn Kết Thúc Khóa Huấn Luyện 2/2020
Gioan Lê Quang Vinh
10:59 13/12/2020
Sáng thứ 7 ngày 12/12 vừa qua, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo phận Sàigòn, đã chủ sự nghi thức kết thúc khóa huấn luyện Cộng Đoàn Giáo hội Cơ Bản AsIPA khóa 2/2020 cho giáo dân 6 giáo xứ thuộc TGP Sàigòn.

AsIPA là gì? Đó là những chữ viết tắt Asian Integral Pastoral Approach (Phương pháp tiếp cận mục vụ toàn diện Á châu). Trong phiên họp khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu (FABC) tại Bandung vào năm 1990, các Giám mục đã kêu gọi một phương thế Giáo Hội hiện diện mới tại Á châu. Đại Hội đồng AsIPA tổ chức lần đầu tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan, Bangkok từ ngày 5 đến 15 tháng 11 cùng năm.

Xem Hình

AsIPA là hình thức đơn giản nhưng sâu sắc để đem Chúa Giêsu vào trong đời sống con người bằng cách xây dựng và củng cố cộng đoàn. Trong việc chia sẻ Lời Chúa bảy bước, con người cảm nghiệm được sự hoán cải, tin tưởng và cùng cộng tác xây dựng Giáo hội.

Năm 2018, các chuyên gia AsIPA là các linh mục và giáo dân từ Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc được Đức Cha Louis mời, đã đến giúp huấn luyện khóa AsIPA đầu tiên tại Sài Gòn. Tham dự khóa này gồm các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân từ các giáo phận trong cả nước.

Trong hai năm 2019 và 2020, Tổng giáo phận Sàigòn đã mở thêm các khóa huấn luyện cho giáo dân chia thành nhiều đợt khác nhau, mỗi đợt từ năm đến bảy giáo xứ. Khóa huấn luyện 2/2020 này kéo dài 7 tuần lễ, mỗi tuần có buổi huấn luyện vào sáng thứ 7. Ban giảng huấn gồm Đức Cha Louis, Cha phụ trách AsIPA Giuse Tạ Huy Hoàng, Cha Giuse Hoàng ngọc Dũng, Cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Cha G.B Nguyễn Quang Tuyến và một số giáo dân như anh Antôn Nguyễn Văn Hùng, Gioan Phêrô Tạ Đình Vui, Antôn Uông Đại Bằng…

Số tham dự viên khóa này là giáo dân nhiệt thành từ 6 giáo xứ nội thành Sàigòn. Trong ngày kết thúc khóa, nhiều học viên vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi học hỏi được nhiều, không chỉ là cách chia sẻ Lời Chúa bảy bước, mà còn là ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng giáo xứ”.

Khóa học được kết thúc với nghi thức Sai Đi do Đức Cha Louis chủ sự cùng với Cha giáo Giuse Tạ Huy Hoàng. Trong lời nhắn nhủ cuối khòa học, Đức Cha Louis nói:

“Chúng ta cùng nhau loan báo Tin Mừng trong Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản. Đó là cách thế hiện diện mới của Hội Thánh trong thời đại hôm nay. Cách hiện diện mới của Hội Thánh qua Công đoàn cơ bản là hiện diện qua sự hiệp thông với cộng đoàn Giáo hội là giáo xứ và giáo phận. Nguyên lý hữu hình hiệp nhất tất cả là Đức Giám Mục ở địa phương và Đức Giám Mục Rôma, Tông đồ trưởng, trên toàn thế giới. Và tại giáo xứ, Cha xứ là mục tử chính thức của Cộng đoàn Cơ bản”

Đức Cha cũng nhắc lại bốn cột trụ của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản: “Thứ nhất là Lời Chúa, thứ hai là sống gần nhau, thứ ba là sứ vụ, thứ tư là hiệp thông” Ngài nhắc nhở “Chúng ta có sự gắn kết và được sai đi bởi những người kế vị các Tông đồ”

Gioan Lê Quang Vinh
 
VietCatholic TV
HĐGM Ba Lan trước ‘các cuộc tấn công chưa từng có’ vào Thánh Gioan Phaolô II sau báo cáo McCarrick
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:59 13/12/2020


Ưu tiên cao nhất của Thánh Gioan Phaolô II là chống lại tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và bảo vệ những người trẻ tuổi, một Tổng Giám Mục Công Giáo Ba Lan nói hôm thứ hai để đáp lại với những gì mà ngài gọi là “các cuộc tấn công chưa từng thấy” vào vị Giáo Hoàng người Ba Lan.

Trong một tuyên bố vào ngày 7 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã bảo vệ di sản của Đức Gioan Phaolô II sau báo cáo McCarrick. Nhiều người đã đưa ra những lời chỉ trích đối với vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan vì đã bổ nhiệm McCarrick làm Tổng giám mục Washington vào năm 2000 và nâng ông ta lên hàng Hồng Y một năm sau đó.

“Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, chúng ta đang chứng kiến những vụ tấn công chưa từng có vào bản thân ngài. Họ lấy cớ là Đức Giáo Hoàng đã không tiết lộ và không trừng phạt các giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên,” Đức Tổng Giám Mục Gądecki nói.

“Những người nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử triều đại của Đức Gioan Phaolô II biết rất rõ rằng vấn đề bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên và chống lại bất kỳ sự lạm dụng nào của các giáo sĩ là ưu tiên hàng đầu của ngài”.

“Chính ngài đã nhìn thấy tương lai của Giáo hội nơi giới trẻ, và do đó ngài là người đầu tiên đưa ra các quy định pháp lý của Giáo hội để bảo vệ những người yếu nhất, và do đó đã khởi xướng quá trình phát hiện tội phạm tình dục và trừng phạt các giáo sĩ phạm tội”.

Đức Cha Gądecki, Tổng Giám Mục Poznań và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã nhắc lại những quan điểm mà ngài đã đưa ra trong một tuyên bố vài ngày sau khi báo cáo McCarrick được công bố. Theo Đức Tổng Giám Mục Gądecki, cựu Hồng Y McCarrick đã “lừa dối một cách gian trá” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Bên cạnh đó, các giám mục Mỹ đã trình lên Vatican các thông tin không đầy đủ về McCarrick.

Ngài cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố báo cáo và nhận xét của ngài trong tài liệu rằng “Đức Gioan Phaolô II là một người rất nghiêm khắc về mặt đạo đức, và với thái độ đạo đức nghiêm khắc như thế, ngài sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ứng viên thối nát nào có cơ hội thăng tiến trong hàng giáo phẩm.”

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nói rằng phản ứng của Giáo hội ở Ba Lan đối với báo cáo chính là những gì đã được tóm tắt trong lời bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi tiếp kiến chung của ngài một ngày sau khi báo cáo được công bố.

“Hôm qua, báo cáo về trường hợp đáng buồn của cựu Hồng Y Theodore McCarrick đã được công bố. Tôi lặp lại sự gần gũi của tôi với các nạn nhân của tội lỗi lạm dụng tình dục và lặp lại cam kết của Giáo hội trong việc xóa bỏ tệ nạn này,” Đức Phanxicô nói hôm 11 tháng 11.

Tháng trước, một trường đại học Công Giáo Ba Lan cũng bác bỏ những tuyên bố cho rằng Thánh Gioan Phaolô II đã thất bại trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng của hàng giáo sĩ.

Hiệu trưởng trường Đại học Công Giáo John Paul II ở Lublin cho biết ngày 14 tháng 11 rằng những khẳng định như thế không có cơ sở thực tế và than thở về “những lời buộc tội, những nguỵ biện và vu khống nhắm vào vị thánh quan thầy của chúng ta gần đây”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng đã ghi lại những hành động của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chống lại tội lỗi lạm dụng của hàng giáo sĩ.

Ngài trích dẫn bức thư năm 1993 của Đức Giáo Hoàng Ba Lan gửi các giám mục Hoa Kỳ, trong đó vị thánh Giáo Hoàng nhắc lại lời của Chúa Giêsu rằng “ai gây ra tai tiếng thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã ban hành một chuẩn chước đặc biệt cho Giáo hội Hoa Kỳ vào năm 1994 và hai năm sau đó cho Giáo hội Ireland, để Giáo Hội tại hai quốc gia này có thể đưa ra các biện pháp không khoan nhượng đối với hành vi lạm dụng tình dục.

Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý rằng vào năm 2002, vị giáo hoàng Ba Lan đã thúc giục các Hồng Y Hoa Kỳ giải quyết nhanh chóng và kịp thời tội ác lạm dụng, để mọi người nhận thức được rằng “không có chỗ trong chức vụ linh mục và đời sống thánh hiến cho những kẻ làm hại trẻ con”.

Ngoài ra, Đức Tổng Giám Mục cũng còn đề cập đến Tông thư dưới dạng tự sắc “Sacramentorum sanctitatis tutela”, nghĩa là “Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích”, do Đức Gioan Phaolô II công bố vào năm 2001, trong đó “truyền rằng các trường hợp lạm dụng giáo sĩ trên toàn thế giới phải được báo cáo cho Bộ Giáo lý Đức tin Vatican”.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki, phó chủ tịch của Hội đồng Hội đồng Giám mục Châu Âu, nhấn mạnh thêm rằng:

“Cần phải nói rõ rằng tình trạng nhận thức hiện nay về những vấn đề này, và các hướng dẫn cũng như các chỉ thị cần tiến hành nhằm đối phó với vấn đề này phần lớn là kết quả của các quyết định và hành động của Thánh Gioan Phaolô II”.

“Những quyết định này đã truyền cảm hứng cho các bước tiếp theo để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên và giúp đỡ những người đã bị tổn hại trong Giáo hội”.


Source:Catholic News Agency