Ngày 14-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 14/12/2011
MƯỢN NƯỚC
N2T

Người nọ mời khách thiếu một đôi đũa, sau khi dọn thức ăn lên thì khách khứa nhanh chóng cầm đũa gắp thức ăn, duy nhất chỉ có một người khoanh tay đứng nhìn, đàng hoàng thư thả nói với chủ nhà:
- “Xin chủ nhà cho tôi một bát nước”.
Chủ nhà nói:
- “Để làm gì ?”
Khách trả lời:
- “Rửa ngón tay cho sạch để nhón thức ăn”.

Suy tư:
Có những lúc chúng ta nên có hành động bác ái trong lúc được mời đi dự tiệc, có lẽ vì chủ nhà bận rộn lo việc tiếp khách mà quên đi một đôi đũa, đó không phải là chuyện lớn, nó chỉ lớn đối với những người vì sĩ diện mà thôi; có khi chủ nhà đã nhắc nhở người làm bếp, nhưng có lẽ họ quên, điều này thường xảy ra nên không có gì phải làm cho chủ nhà khó xử, chỉ có những người thích coi trọng mình mới làm khó dễ người khác mà thôi…
Cũng vậy, thánh lễ (bàn tiệc thánh) là một việc thờ phượng Thiên Chúa cách công khai của Giáo Hội Công Giáo, do đó mà những ai tham dự thánh lễ (tiệc Nước Trời) đều phải mặc áo đức ái, thắt lưng đức tin và rửa linh hồn bằng bí tích hòa giải, bằng không thì việc rước Mình Thánh Chúa sẽ trở thành án phạt cho họ.
Được mời dự tiệc là một sự hạnh phúc và vinh dự của người Ki-tô hữu, bởi vì Thiên Chúa mời gọi họ đến chia sẻ tiệc thiên quốc ngay tại trần gian này, nhưng có một vài người Ki-tô hữu quên mất niềm vinh dự rất hạnh phúc ấy, mà từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa và của Giáo Hội, hoặc miễn cưỡng đến tham dự…
Khi được mời dự tiệc thì chúng ta phải nghĩ rằng: mình đang chia sẻ niềm vui với mọi người, cho nên nếu có thiếu một đôi đũa, thiếu một cái ly hay thiếu một cái khăn giấy, thì cũng đừng vì thế mà làm khó dễ chủ nhà…
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 14/12/2011
N2T

28. Nếu con cảm thấy thực hành các nhân đức quá khó thì cha sẽ dạy con một phương pháp dễ dàng, đó là con hãy ngước mắt nhìn lên thiên đàng thì sẽ không còn cảm thấy khó nữa.

(ThánhAugustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe
Bùi Hữu Thư
08:19 14/12/2011
Hình Đức Mẹ Guadalupe


Khẳng định là ngài sẽ đi Mễ tây Cơ

VATICAN (CNS) – Mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe và khẳng định là ngài sẽ đi Mễ Tây Cơ và Cuba vào mùa xuân, Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi người dân Châu Mỹ La Tinh hãy gìn giữ cẩn thận đức tin của họ.

Trong bài giảng của ngài trong thánh lễ ngày 12 tháng 12 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn các quyết định của người dân Châu Mỹ La Tinh, để họ tiến triển trong “việc xây dựng một xã hội dựa trên sự phát triển những gì thiện hảo, thắng lợi của tình yêu và bành trướng về công chính.”

Đức Thánh Cha Benedict tiếp là ngài dự định thực hiện một chuyến tông du đi Mễ Tây Cơ và Cuba trước Phục Sinh để tuyên xưng lời Chúa Kitô và tăng cường niềm tin rằng đây là một thời điểm quý báu để phúc âm hóa với một đức tin vững mạnh, với một niềm hy vọng sống động, và một đức bác ái nồng cháy."

Nhiều hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha đã loan báo là chuyến đi sẽ được thực hiện từ ngày 23 đến 29 tháng Ba.

Ngoài việc đánh dấu Lễ Đức Mẹ Guadalupe, quan thầy của các Mỹ Châu, thánh lễ của Đức Thánh Cha đánh dấu ngày kỷ niệm Đệ Nhị Bách Chu Niên của các quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh, khi họ dành được độc lập đối với Tây Ban Nha khoảng giữa năm 1810 và năm 1825.

Đức Thánh Cha nói ngài không thể để cho việc kỷ niệm này qua đi mà không bầy tỏ “niềm vui của Giáo Hội về bao nhiêu ơn phúc Thiên Chúa nhân lành vô cùng đã ban cho các quốc gua yêu quý này qua bao năm qua."

Ngài nói: Kỷ niệm hai trăm năm này không chỉ nhắc lại những biến cố lịch sử, xã hội và chính trị, mà còn phải bao gồm việc công nhận đức tin Kitô giáo của đại đa số những người dân của miền đất này, và cách thức đức tin này đã đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và La Tinh với nhiều bản nhạc – kể cả Kyrie and Gloria – trích từ tác phẩm "Misa Criolla," một nhạc phẩm được viết bằng tiếng Tây Ban Nha với các thành phần của nhạc dân gian Châu Mỹ La Tinh. Các nhạc sĩ Châu Mỹ La Tinh đã hát và chơi các nhạc cụ cổ truyền như trống Bombo, sáo, lục huyền cầm, và nhiều nhạc cụ khác như “đinh con dê” (goat nails).

Trước Thánh Lễ, giới trẻ từ các nước thuộc Châu Mỵ La Tinh và quần đảo Caribbe diễn hành trên lối đi giữa mang các quốc kỳ của quốc gia họ; một số mặc các sắc phục truyền thống đủ mầu rực rỡ.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh; Marc Ouellet, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh; Norberto Rivera Carrera từ Mexico City; và Raymundo Damasceno Assis từ Aparecida, Brazil.

Đức Thánh Cha Benedict nói rằng, trong khi các quốc gia Châu Mỹ La Tinh và Quần đảo Caribbe tiếp tục phát triển và chiếm được những vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế, họ phải “bảo toàn kho tàng đức tin giầu có và sự năng động về lịch sử và văn hóa của họ.”

Ngài nói: Giá trị họ phải tiếp tục cổ võ bao gồm "vấn đề phải luôn luôn là những người bảo vệ đời sống từ khi mới thụ thai cho đến khi qua đời cách tự nhiên, và là những người bênh vực cho hòa bình; họ cũng phải bảo vệ bản chất chính thực và sứ mệnh của gia đình," tăng cường cho học đường và giúp các phụ huynh chuẩn bị con cái trở thành những công dân tốt lành và công chính.

Hiện ra bằng hình thái nghèo nàn với người da đỏ Juan Diego năm 1531, Đức Mẹ Guadalupe cho những người dân nghèo thấy rằng Con của Mẹ cũng là đấng cứu chuộc của họ, Đức Thánh Cha nói: "Mẹ luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Con của Mẹ, đấng được mạc khải là nền tảng của phẩm giá của tất cả mọi con người (và) là một tình yêu mạnh mẽ hơn quyền lực của sữ dữ và sự chết."

Đức Thánh Cha nói: người dân trong miền cũng phải cổ võ cho sự hòa giả và liên đới, phải làm nhiều hơn để bảo vệ môi sinh và "tăng cường các nỗ lực để vượt thắng nạn nghèo khổ, thất học, và tham nhũng, và loại trừ tất cả mọi hình thức bất công, bạo lực, tội phạm, bất an cho người dân, buôn lậu ma tuý và tống tiền."

Đức Thánh Cha dâng lên cho Đức Mẹ Guadalupe những ý chỉ cầu nguyện của ngài và định mệnh của tất cả mọi dân nước thuộc Châu Mỹ La Tinh và Quần Đảo Caribbe trong khi họ tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
 
ĐTC: Hy vọng trong thời buổi khó khăn
Jos. Tú Nạc, NMS
09:04 14/12/2011
Có nhu cầu về hy vọng, “Trên hết tất cả, vào lúc này quả là vô cùng khó khăn ở Ý, Âu châu và những nơi khác trên thế giới,” ĐTC Benedict XVI đã nói, Cầu xin Mẹ Maria Đồng Trinh cứu giúp nhân loại, “thấy được rằng có ánh sáng phia bên kia bức màn sương mù mà dường như vây quanh thực tế.” Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha vang khắp công trường gần quảng trường Tây Ban Nha (Spanish Steps), hàng ngàn tín hữu Roma chật kín, Chiều thứ Năm, 8/ 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong suy tư của Ngài, vị Chủ chăn giải thích ý nghĩa của đoạn trích trong Sách Khải Huyền về “dấu chỉ cao trọng” xuất hiện trên bầu trời: “Một phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội mười hai ngôi sao,” Đức Thánh Cha nói. “Người phụ nữ” của Sách Khải Huyền xuất hiện, “trang phục rực rỡ ánh mắt trời,” trong lúc “dưới chân Bà là vầng trăng,” biểu tượng của cái chết, và trên đầu của Bà là “triều thiên mười hai ngôi sao,” như số lượng các bộ tộc Israel, điều mà biểu hiện cho sự chủ yếu của Bà vào việc tham gia của các thánh. Nhưng Đức Thánh cha đã hồi tưởng, Bà cũng là phụ nữ người mà đã cưu mang, “Đức Ki-tô và phải thai sinh cho thế giới này.” Đây là người lao động của Giáo Hội hành trình trên trần thế, điều mà phải đem Đức Ki-tô đến với con người và vì đó, những cuộc gặp gỡ, “sự chống đối hung hãn của kẻ thù,” điều mà trong sự tiên đoán những biến động lớn được mô tả bằng con rồng đỏ. Người đã một lần thất bại cho tất cả, Vị Chủ chăn giải thích, bởi giáo Hội đã đau khổ, đang đau khổ và sẽ đau khổ vì những bách hại những mãi luôn trở thành người chiến thắng. “Cạm bẫy duy nhất của cái mà Giáo Hội có thể khiếp sợ, đó là tội lỗi của những thành viên của mình,” Đức Thánh Cha nói. “Mẹ Maria, nói một cách khác, Mẹ Đồng Trinh, thoát khỏi tất cả những nhuốc nhơ tội lỗi. Giáo Hội thiêng liêng, thánh thiện, nhưng vào cùng lúc đã đánh dấu tội lỗi của chúng ta.

“Đây là lý do tại sao.” Đức Thánh Cha nói tiếp, “Dân của Chúa hãy quay về với Mẹ Thiên Đàng của mình và khẩn cầu sự giúp đỡ của Bà, “Vì Bà theo ta trên chuyến hành trình đức tin và cổ vũ ta sống một đời sống Ki-tô trong ánh sáng hy vọng.
 
Ấn định ngày tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013
Tiền Hô
12:45 14/12/2011
ROMA - Trong hai ngày 12 và 13 Tháng Mười Hai 2011, tại Rôma đã diễn ra cuộc họp giữa Ủy Ban Tổ Chức Địa Phương (LOC) và Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân nhằm xác định ngày chính thức diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio de Janeiro (Brasil).

Phái đoàn từ Rio gồm có sáu vị: Đức Tổng Giám Mục Orani João Tempesta của địa phận Rio - chủ tịch LOC, hai vị giám mục phụ tá quan sát là Đức Giám Mục Antônio Augusto Dias Duarte và Paulo Cesar Costa, Đức ông Joel Portella Amado - điều phối chung, và các linh mục Márcio Queiroz - chịu trách nhiệm về truyền thông, Renato Martins - chịu trách nhiệm về các hoạt động trung ương.

Đức ông Joel giải thích về quy trình tổ chức như sau: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức bởi hai ủy ban chính: Ủy Ban Tổ Chức Trung Ương do Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân đảm trách, và Ủy Ban Tổ Chức Địa Phương là Tổng Giáo Phận Rio de Janeiro. Trong quá trình chuẩn bị cho đại hội sẽ có các kỳ họp diễn ra ở cả Rôma và Rio. Đây là kỳ họp đầu tiên.

Trong lần họp này, ủy ban Rio sẽ trình bày các công việc đã được tiến hành kể từ khi Rio được tuyên bố là nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 và đưa ra các kế hoạch làm gì, ở đâu, và làm như thế nào trong Đại Hội. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân sẽ tiếp nhận và hướng dẫn điều chỉnh. Sau đó, cả hai Ủy Ban đã quyết định ngày chính thức diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần kế tiếp là từ ngày 23 đến 28 Tháng Bảy 2013.

Dịp này, Ủy ban Rio cũng trình lên Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giáo Dân các mẫu logo (biểu trưng) dự thi đã lọt vào vòng chung khảo, để Hội Đồng chọn ra logo chính thức cho Đại Hội. Hồi cuối Tháng Mười vừa qua, ủy ban Rio cũng đã phát động cuộc thi sáng tác bài hát chủ đề cho Đại Hội. Theo đó, các bài hát dự thi cần phải dựa trên chủ đề của Đại Hội do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chọn: "Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ." (Mt 28:19). Cuộc thi này sẽ nhận bài tham dự đến hết ngày 31 Tháng Giêng năm 2012 và kết quả sẽ được công bố vào ngày 1 Tháng Ba. (JMJBrasil)
 
Ấn Độ: Cầu nguyện Giáng sinh cho các tín hữu bị bách hại ở Orissa
Nguyễn Trọng Đa
10:23 14/12/2011
Ấn Độ: Cầu nguyện Giáng sinh cho các tín hữu bị bách hại ở Orissa

Bhubaneswar - Trong việc giải quyết Kitô hữu mới ở Anandnagar, trong quận Kandhamal – nơi xảy ra các vụ thảm sát năm 2008 chống Kitô hữu -, các Kitô hữu cầu nguyện và hy vọng, chờ đợi lễ Giáng Sinh.

Tại Anandnagar, chúng tôi thấy các Kitô hữu tái định cư sau khi bị đuổi ra khỏi làng bản xứ của họ, trong khu vực Tikabali, huyện Kandhamal. Theo báo cáo của Giáo hội địa phương với hãng tin Fides, khoảng 800 người của gần 450 gia đình Kitô hữu, nạn nhân của bạo lực, đã đến với nhau ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, để dự cuộc tập họp trước Giáng sinh về "cầu nguyện và hy vọng".

Tu sĩ K.J. Markos, một nhà truyền giáo Dòng Monfort sống ở Kandhamal, thông báo rằng đây là một cuộc gặp gỡ hòa bình, với đặc trưng là bầu khí chào đón hân hoan và mừng lễ, được chuẩn bị bởi các nữ tu Thừa sai Bác ái (MC), cùng với dân làng. Các nữ tu cũng đã thông báo cho cảnh sát và chính quyền, và việc này cho phép cuộc tập họp được thực hiện suôn sẻ. Mọi người đã nghe một bài giáo lý về ý nghĩa của lễ Giáng sinh, và tham dự một buổi cầu nguyện dưới sự chỉ đạo của Linh mục Sisirkant Sabhanayak, Cha sở Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa gần Tikabali.

Cuộc tập họp cũng có sự tham dự của ông Sajan K George, Chủ tịch "Hội đồng toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ”. Ông đã có những lời khích lệ đối với các tín hữu, và kết thúc với một khoảnh khắc của lòng hiếu khách huynh đệ.

Trong những ngày qua, Tổng Giám mục John Barwa, Dòng Ngôi Lời (SVD), Tổng Giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, đã gửi một lá thư mục vụ cho giáo phận, nhắm đến lễ Giáng Sinh, kêu gọi các tín hữu hãy là "sứ giả của một thông điệp hy vọng", bất chấp sự đau khổ của quá khứ và hiện tại.

Huyện Kandhamal, vốn chiếm một phần trung tâm của Tổng Giáo Phận, đã là tâm điểm của bạo lực chống Kitô hữu trong năm 2008: hơn 100 người thiệt mạng, hơn 6.000 ngôi nhà bị đốt cháy ở 400 làng, cũng như 296 nhà thờ và nơi thờ phượng nhỏ của các Kitô hữu. Hơn 56.000 Kitô hữu trở thành người tị nạn ngay trên quê hương của họ (IDP), khoảng 30.000 vẫn còn sống trong các trại tị nạn được thành lập bởi chính phủ. Khoảng 1.000 người đã bị cảnh cáo hoặc bị đe dọa bởi hàng xóm của họ: họ chỉ có thể trở về nhà nếu họ trở thành người Ấn giáo.

Phần còn lại của những người tị nạn ưa thích rời bỏ quận Kandhamal vì lo sợ, trong thực tế họ không có cơ hội tìm sinh kế ở Kandhamal, vì ở đây họ cũng là nạn nhân của một "quyền phủ quyết”, và sự phân biệt đối xử ở cấp kinh tế và xã hội. (Agenzia Fides 12-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC Biển Đức XVI tiếp kiến Đại Giáo trưởng Jonathan Sacks
Nguyễn Trọng Đa
10:25 14/12/2011
ĐTC Biển Đức XVI tiếp kiến Đại Giáo trưởng Jonathan Sacks

Một cuộc hội kiến "lịch sử"

ROMA – Ngày 12-12, ĐTC Biển Đức XVI đã tiếp kiến tại Vatican Đại Giáo trưởng Jonathan Sacks. Đài phát thanh Vatican mô tả đây là cuộc hội kiến “lịch sử”.

Đại Giáo trưởng Yaakov Zvi, hoặc Jonathan Henry, nam tước Sacks, sinh ra ở London (Anh) năm 1948, ngài là Giáo trưởng Do Thái của các cộng đồng Do Thái hiệp nhất của Khối Thịnh Vượng Chung.

Phát biểu hồi tháng Chín, với Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols, tổng Giáo phận Westminster, tại cuộc họp của Hội đồng các Kitô hữu và người Do Thái, nhân dịp kỷ niệm chuyến tông du của ĐTC Biển Đức XVI đến Vương quốc Anh, Nam tước Sacks đã tuyên bố rằng chuyến thăm của ngài đến Vatican sẽ là sự đáp trả cho lời Giáo hoàng đã nói với ngài: “Mối quan hệ với dân tộc Do Thái là quý giá với tôi, và tôi muốn làm sâu sắc mối quan hệ này hơn nữa".

Nam tước Sacks nói thêm rằng chuyến tông du của Đức Giáo hoàng đến Vương quốc Anh đã cho phép gặp gỡ “một người của Chúa nói lời Chúa".

Chiều 12-12, Đại Giáo trưởng đã tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Gregorian cuộc nói chuyện về chủ đề "Châu Âu đã mất linh hồn của nó không?", nhân một cuộc gặp gỡ dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch của Ủy ban Toà thánh về Quan hệ tôn giáo với Do Thái giáo.

Đài phát thanh Vatican tóm tắt: "Theo Đại Giáo trưởng Sacks, thật là khẩn cấp để tìm lại các giá trị của công lý và lòng từ bi. Không giảm thiểu các bi kịch lịch sử và chia rẽ tôn giáo trong quá khứ, có thể đề xuất một đạo đức Do Thái-Kitô giáo. Hai tôn giáo không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của họ". (ZENIT.org 12-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trung Quốc: Hàng ngàn người tham dự lễ tang của vị Giám mục
Phạm Kim An
10:26 14/12/2011
Trung Quốc: Hàng ngàn người tham dự lễ tang của vị Giám mục

Roma - Hơn 3.000 người tham dự lễ tang của Đức Giám Mục yêu quý Antonio Changfeng Zong, 79 tuổi, qua đời ngày 22-11 sau cơn bệnh lâu dài.

Thánh Lễ an táng ngày 29-11có ba Giám mục, bốn mươi linh mục và hàng ngàn tín hữu, cầu nguyện cho linh hồn Đức Giám mục Zong, vị lãnh đạo giáo phận Khai Phong (Kaifeng) ở phía tây bắc Trung Quốc.

Đức Giám mục Zong sinh ra trong một gia đình Công giáo mộ đạo, tại thành phố Hưng Bình (Xingping), Giáo phận Châu Chí (Zhouzhi) ngày 13-9-1932.

Lên 12 tuổi, ngài vào Chủng viện Thánh Gioan ở Wugong Puji, và sau đó học triết học và thần học tại Đại chủng viện Phụng Tường (Fengxiang) và Tây An.

Do tình hình chính trị khó khăn trong khu vực, ngài buộc phải trở về nhà, nơi đó ngài làm nông và đúc gạch. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục đi theo ơn thiên triệu, và kiên nhẫn đợi chờ ngày truyền chức linh mục.

Ngày 29-5-1979, ở tuổi 46, - và sau khi chờ đợi 34 năm - ngài được truyền chức linh mục và đi làm việc ở nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Châu Chí.

Sau 20 năm phục vụ như một linh mục, ngài được tấn phong Giám mục phó của giáo phận Khai Phong năm 1998. Ngài nghỉ hưu từ năm 2008, và sống với người anh em họ của ngài ở thị trấn Nam Việt (Nanyue).

Hãng tin Fides ở Vatican nói rằng trong cuộc đời ngài, Đức Giám mục Zong đã chịu đựng nhiều khó khăn để xây dựng mười ba nhà thờ địa phương. Ngài cũng sống giản dị và với lòng nhiệt thành mục vụ tuyệt vời – các đức tính này đã thu hút nhiều người Công Giáo trong khu vực đến tham dự Thánh Lễ của ngài mỗi ngày trong nhiều thập kỷ.

Sau Thánh lễ an táng ngày 29-11, các tín hữu rước thi hài Giám mục Zong đến nghĩa trang của giáo xứ Nam Việt, và an táng ngài ở đó. (CNA 12-12-2011)

Phạm Kim An
 
Hai mươi năm sau ngày đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ
Linh Tiến Khải
10:38 14/12/2011
Phỏng vấn bà Marilisa Lorusso, giáo sư lịch sử Đông Âu tại đại học Genova tây bắc Italia.

Cách đây 20 năm ngày mùng 8 tháng 12 năm 1991, đế quốc cộng sản Liên Xô đã dẫy chết trong âm thầm.

Bẩy mươi bốn năm trước đó, tức năm 1917, các người thành lập quốc gia rộng lớn nhất thế giới này là Lenin, Trotskij và Staline đã mơ ước biến Liên Xô thành một quốc gia kiểu mẫu, nơi công bằng xã hội ngự trị. Trong hơn 70 năm Liên Xô đã tự coi mình và được nhiều nước khác trên thế giới coi như trung tâm của ý thức hệ cộng sản quốc tế, và là quốc gia sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Để đạt mục tiêu đó, nhà nước cộng sản Liên Xô đã xâm lăng các quốc gia láng giềng nhỏ bé khác, bức tử nền độc lập của các dân tộc chung quanh, và thực thi một chính sách cai trị độc tài tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Sách lược thù hận, đấu tranh giai cấp, tàn phá qúa khứ để xây dựng xã hội mới đã khiến cho gần 70 triệu người bị tàn sát oan nghiệt: họ bị xử bắn, bị tra tấn, và chết vì đói khát và bệnh tật trong hàng trăm ngàn nhà tù và trại lao động cải tạo rải rác khắp nơi trong lãnh thổ Liên Xô, đặc biệt trong vùng Siberia băng giá. Thế nhưng sau hơn 70 năm thống trị, đế quốc sắt máu vĩ đại ấy đã giẫy chết và bị chôn vùi một cách nhục nhã, không vinh quang, không kèn trống.

Thật ra, cung cách cai trị độc tài, giáo điều, phản khoa học, ngu đần và tàn bạo của các lãnh tụ đỉnh cao trí tuệ cộng sản đã biến Liên Xô trở thành một xã hội băng hoại, rữa nát từ bên trong, như một căn bệnh ung thư không phương thuốc chữa trị.

Biểu tượng của sự rữa nát đó là biến cố bức tường Berlin tự dưng sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường ô nhục phân chia nước Đức này đã do lãnh tụ cộng sản Đông Đức Walter Ulbricht vâng lời đàn anh Liên Xô Nikita Krushchov dựng lên hồi tháng 8 năm 1961.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nhân dân các nước Đông Âu chuyển mình nổi lên giành độc lập, dẫn đến sự tan rã của khối Liên Bang Xô Viết.

Khách quan mà nói, ngay từ thập niên 1980, với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô hồi đó là ông Michail Gorbachiov đã thấy cần phải thay đổi cung cách cai trị và cải tổ cơ cấu xã hội liên xô. Vì thế ông đã phát động chiến dịch ”Perestroika” có nghĩa là ”triệt để tái thành lập” và ”Glasnot” có nghĩa là ”trong sáng”.

Ông Gorbachiuov cũng chủ trương phải chấm dứt chiến tranh lạnh, ngưng cuộc chạy đua vũ trang và loại trừ nguy cơ của một cuộc chiến nguyện tử. Ngày 10 tháng 10 năm 1990 ông được quốc hội Liên Xô bầu làm tổng thống, nhưng sau đó ông đã phải từ chức để cho ông Boris Eltsin lên cầm quyền.

Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1991 các tổng thống của ba cộng hòa Slave là Boris Eltsin của Nga, Leonid Kravciuk của Ucraine và Stanislav Shushkevich của Bielorussi đã nhóm họp tại một nhà nghỉ mát của chính quyền trong vùng rừng ”Belovezhskaja Pushcha” gần thành phố Minsk, để quyết định giải tán Liên Bang Sô Viết. Để cứu vãn tình thế ba người cũng đồng thời công bố việc thành lập ”Cộng đồng các quốc gia độc lập” (CSI), là một loại Liên hiệp giống Liên Bang Sô Viết, nhưng không theo chủ nghĩa độc tài toàn trị và các dây ràng buộc chằng chịt của nạn bàn giấy hành chánh rườm rà cộng sản.

Mười ba ngày sau đó, tức ngày 21 tháng 12 năm 1991 trong một cuộc họp tại Alma-Ata, khi đó là thủ đô Kazakhstan, các nước Azerbaigian, Armenia, Kazakhstan, Kirghigistan, Moldova, Tagikistan, Turkmenistan và Uzbekistan gia nhập Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Vào tháng 10 năm 1993 nước Giorgia cũng là thành viên của tổ chức này, nhưng đã ra khỏi tổ chức, sau khi xảy ra chiến tranh Nga Giorgia hồi tháng 8 năm 2008. Ba cộng hòa vùng Baltic là Estonia, Lettonia và Lituania đã không gia nhập ”Liên hiệp các quốc gia độc lập”, vì họ cảm thấy xa lạ đối với các dân tộc liên xô, và coi mình là các dân tộc bị Liên Xô xâm lăng sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Giới lãnh đạo mới của Nga hiện nay là thủ tướng Vladimir Putin và tổng thống Dmitrij Medvedev đã chỉ bất đắc đĩ chấp nhận biến cố đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ. Đề cập tới biến cố này ông Putin gọi nó là ”một thảm họa chính trị địa lý lớn nhất” trong thế kỷ XX. Thật ra ông và ông Medvedev vẫn nuôi mộng tái lập khối Liên Xô, để cho nước Nga lại được mạnh mẽ và huy hoàng như xưa.

Chính vì thế trong bài xã luận đăng trên nhật báo Izvestija hồi đầu tháng 10 vừa qua, thủ tướng Putin đã hô hào thành lập ”Liên Hiệp Âu Á” với các nước cựu cộng hòa Liên Xô. Tổng thống Medvedev lại còn tuyên bố rõ ràng hơn nữa: ”Chúng ta là một quốc gia quen hành động một cách vĩ đại, vì đó là điều chúng ta có trong dòng máu. Đất đai rộng rãi mênh mông, các chiến thắng lớn lao: tất cả là của chúng ta. Người dân Nga ngày nay không chỉ sống các vấn đề thường ngày, mà cũng tin vào sứ mệnh lịch sử của nước Nga nữa. Vì thế chúng ta hãy mau chóng làm việc để trải rộng không gian kinh tế và văn hóa, đã bị giảm thiểu sau khi Liên Xô sụp đổ. Và qúy vị biết là chúng ta sẽ thành công”. Nhưng xem ra câu chuyện không đơn gian như vậy, vì sau cuộc đầu phiếu bầu quốc hội ngày 4-12-2011, đảng cầm quyền của hai ông đã không đại thắng như họ mong ước, trái lại đã bị tố cáo là gian lận bầu cử. Và trong càc ngày này đã có hàng chục ngàn người thuộc các đảng phái quốc gia rầm rộ biểu tình phản đối. Các cuộc đụng độ đã khiến cho gần 300 người bị cảnh sát bắt giữ, và có người cho rằng sau ”Mùa Xuân A rập” bắt đầu ”Mùa Xuân nước Nga”.

Chắc chắn đã có rất nhiều lý do khiến cho cho đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhưng tóm lại có hai lý do chính. Trước hết là sự kiệt quệ lịch sử và ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản, giáo điều, cổ hủ, lỗi thời, mù quáng, một chiều, cứng nhắc, không sáng kiến. Tiếp đến là sự chán nản mệt mỏi của người dân đối với chế độ độc tài toàn trị, sau hơn 70 năm bị tước đoạt mọi quyền tự do, phải sống trong cảnh nghèo túng khó khăn, trong khi chóp bu lãnh đạo và các đảng viên sống phung phí, xa hoa hơn tư bản, và giành cho mình mọi ưu đãi. Mộng bá chủ hoàn cầu đã khiến cho nhà nước cộng sản Matscơva đổ dồn tài lực và nhân lực cho cuộc chạy đua vũ trang, trải rộng biên cương, bành trướng thế lực, và gia tăng ảnh hưởng. Trong khi đó thì nền kinh tế tập thể quốc hữu hóa hoàn toàn thất bại, vì không có khả năng đáp ứng các nhu cầu của đại đa số nhân dân.

Bên cạnh đó là guồng máy hành chánh nặng nề, trì trệ vì nạn bàn giấy rườm rà, cán bộ các cấp giáo điều, ngu dốt, và nạn gian tham hối lộ. Tuy là công dân của nước ”Liên Xô vĩ đại”, nhưng người dân Nga cảm thấy ”bị tước đoạt”, vì họ phải hy sinh ”thắt lưng buộc bụng” để nhà nước Matcơva dùng tiền bạc trợ giúp các nước chư hầu xa xôi, sống trên mồ hôi nước mắt của họ. Còn người dân các nước khác thuộc khối Liên Xô thì tức giận vì có cảm tưởng bị người Nga bóc lột, bị bắt buộc phải trồng tiả một loại ngũ cốc hay sản phẩm duy nhất để cung cấp cho đàn anh Nga. Tuy nhiên, chính sách toàn trị, dối trá, bưng bít, ngu dân, thông tin một chiều, đã không che dấu nổi các tiến bộ trên thế giới, nhất là trong lãnh vực truyền thông và tin học toàn cầu. Và chuyện gì phải đến đã đến: đế quốc cộng sản Liên Xô sup đổ, cáo chung.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Marilisa Lorusso, giáo sư lịch sử Đông Âu tại đại học Genova tây bắc Italia, và chuyên viên phân tích tình hình các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là các nước vùng Caucase như Armenia, Georgia và Azerbaigian.

Hỏi: Thưa giáo sư Marilisa Lorusso, 20 năm đã trôi qua, kể từ khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ tan tành, tình hình Đông Âu hiện nay ra sao?

Đáp: Từ thời Liên Xô sụp đổ tới nay quang cảnh đã thay đổi rất nhiều, không phải chỉ vì nước Nga và các dụng cụ nằm dưới tầm tay của nó đã thay đổi. Chúng ta cứ nghĩ tới các nước gần với nước Nga xem: bên Tây thì Cộng đồng Kinh tế Âu châu đã trở thành một Liên Hiệp và đã thu hút 3 nước thuộc khối cựu Xô viết và các nước chư hầu; bên Đông thì Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng mạnh.

Hỏi: Hai mươi năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, thủ tướng Vladimir Putin đã ”phủi bụi bóng ma” của Liên Hiệp Âu Á. Đây có phải là nỗ lực tái xây dựng một đế quốc Liên Xô ”mềm nhẹ” hơn xưa không, thưa giáo sư?

Đáp: Trong bối cảnh hiện nay nước Nga đang tìm cho mình một vai trò, và một cách im lặng nó ý thức được rằng mình không còn quyền bính để có thể cưỡng bách các nước khác như xưa, cũng không còn mãnh lực thu hút của Liên Xô trước kia nữa. Vượt ngoài các suy tư chuyên môn, văn bản hay bài viết của thủ tưởng Putin đăng tải trong các ngày đầu tháng 10 vừa qua trên nhật báo Nga Izvestija, trở thành điểm quy chiếu. Trong bài báo này ông Putin đề nghị một ”hiệp hội vượt trên quốc gia”, với ưu tiên thuộc trật tự kinh tế. Giờ đây mối dây nối kết là kinh tế chứ không phải ý thức hệ chính trị. Sự hữu hiệu của nó sẽ là bằng chứng cho thấy các tham vọng của điện Cẩm Linh.

Hỏi: Thưa giáo sư, các nước từng là thành viên của khối cựu Liên Xô có nhậy cảm đối với các đề nghị ve vuốt này của thủ tướng Putin hay không?

Đáp: Cũng còn tùy đấy. Nước Giorgia thì nhất định không là chú ý đến bất cứ sáng kiến nào của Nga, vì đã cắt đứt các liên lạc ngoại giao với Nga từ khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước hồi năm 2008. Armenia thì sẵn sàng lắng nghe hơn, vì mới ký thỏa hiệp trao đổi tự do giữa các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập. Từ Azerbaigian cho tới các quốc gia Trung Á thì tình hình phức tạp hơn. Mặc dù có sự can thiệp quân sự hồi năm 2008, xem ra không có nước nào sẵn sàng chấp nhận các đề nghị của nước Nga, mà không dành cho mình một khoảng trống để có thể thương lượng.

Hỏi: Sự tan rã của khối cộng sản Liên Xô đã được các nước cựu thành viên muốn, hay là họ đã nhận chịu như vậy, thưa giáo sư?

Đáp: Cả liên quan tới điều này cũng có các phân biệt. Chắc chắn các nước từng là các quốc gia có chủ quyền tối thượng trước khi bị sát nhập vào Liên Xô, thì có khuynh hướng giành lại nền độc lập của họ, nền độc lập mà họ đã có nhưng đã bị gián đoạn bởi sự áp chế và xâm lăng của Liên Xô. Đây là trường hơp của các cộng hòa vùng Baltic hay vùng Caucase. Đối với các nước vùng Trung Á thì thách đố lớn hơn. Tuy đã có các hình thái bất đồng ý kiến, các quốc gia vùng này đã không nỗ lực hoạt động để giải tán khối cựu Xô Viết, và họ đã sống tình trạng bất ổn định nảy sinh từ sự tan rã ấy, cũng như sự ra đi của các chuyên viên và các nhà kỹ thuật Nga. Những người này từ từ về nước và giảm sự hiện diện của họ ở ngoại quốc.

(Avvenire 7-12-2011)
 
Cuộc họp liên tôn cầu cho hòa bình tại Assisi
Linh Tiến Khải
10:44 14/12/2011
Phỏng vấn Đức Cha Rowan Douglas Williams, Tổng Giám Mục Cantebury

Cách đây 25 năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi và mời giới lãnh đạo của các tôn giáo lớn toàn thế giới tham dự.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp tục con đường đó, và cũng đã mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập về Assisi ngày 27-10-2011 để lập lại dấn thân của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình trên thế giới.

Khoảng 300 vị lãnh đạo đại diện các Giáo Hôi Kitô và các tôn giáo lớn toàn thế giới đã cùng với Đức Thánh Cha đi trên chuyến xe lửa khởi hành từ nội thành Vaticăng tới Assisi. Tại Vương cung thánh đường Đức Maria các Thiên Thần, xây trùm trên nhà nguyện Porziuncola, nơi thánh Phanxicô thành Assisi đã thành lập dòng Phanxicô và qua đời, Đức Thánh Cha đã cùng các vị cử hành lễ nghi tưởng niệm các cuộc gặp gỡ trước đó, và đào sâu đề tài của cuộc gặp gỡ lần này là ”Các người hành hương của chân lý, các người hành hương của hòa bình”.

Nói cho cùng, mỗi một người đều là một người hành hương kiếm tìm sự thật và sự thiện. Người có tôn giáo luôn luôn bước đi trên con đường tiến về với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra khả thể, và còn hơn thế nữa, sự cần thiết nói chuyện và đối thoại với tất cả mọi người. Trong mức độ cuộc hành hương được sống một cách chân thực, nó sẽ rộng mở cho cuộc đối thoại với tha nhân, không loại trừ ai, và làm cho mọi người dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình. Chính vì thế nên ngoài các vị lãnh đạo, đại diện các tôn giáo lớn, cũng còn có một số nhân vật của thế giới khoa học và văn hóa được mời tham dự. Tuy không xưng mình là tín hữu của một tôn giáo, nhưng họ cũng đi tìm kiếm chân lý và ý thức được trách nhiệm chung phải lo cho công lý và hòa bình trong thế giới này.

Sau bữa ăn trưa thanh đạm, vào ban chiều Đức Thánh Cha và các vi lãnh đạo tôn giáo đã tham dự chặng cuối cùng của cuộc hành hương đi bộ từ đền thờ Đức Maria của các Thiên Thần lên đền thờ kính thánh Phanxicô, nơi có mộ của thánh nhân. Mọi người đã cùng hàng ngàn tín hữu đã tham dự chương trình cầu nguyện tại quảng trường của đền thờ bên dưới. Trong số các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô hiện diện cũng có Đức Cha Rowan Douglas Williams, Tổng Giảm Mục Canterbury, Giáo chủ Anh giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha về ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình nói trên.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Williams, người ta nói rằng ý tưởng ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi hồi năm 1986 đã do một trong những vị tiền nhiệm của Đức Cha là Đức Tổng Giám Mục Robert Runcie gợi ý cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến Đức Giáo Hoàng viếng thăm Canterbury hồi năm 1982, có đúng thế không?

Đáp: Nói thât ra thì tôi không biết rằng sáng kiến này đã nảy sinh trong cuộc đàm đạo của Đức Tổng Giám Mục Robert Runcie với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Canterbury hồi đó. Nhưng sự kiện ngay từ đầu Anh giáo đã tham gia ngày này là điều rất ý nghĩa.

Hỏi: Theo Đức Tổng Giám Mục, ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình lần thứ 25 hồi cuồi tháng 10 vừa qua tại Assisi có tầm quan trọng nào?

Đáp: Tôi tin rằng đã không có ai chờ đợi một vài thay đổi phát xuất trực tiếp từ những cuộc gặp gỡ như vậy. Trong trường cuộc họp tại Assisi cũng thế. Nhưng nếu không đề nghị các cuộc gặp gỡ như vậy trong bầu khí hiện nay, thì sẽ là một điều rất tiêu cực. Điều quan trọng nhất là sứ điệp mà cuộc gặp gỡ muốn nói lên: đó là ”chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ nhau, chúng tôi sẵn sàng làm việc chung với nhau”. Và đây là một trong những điều cho phép các tín hữu kitô, do thái và hồi giáo hội họp với nhau và đưa ra các tuyên ngôn liên quan tới những gì có thể góp phần cho hòa bình và hòa giải. Điều này có ảnh hưởng trên tình hình, cả khi đã không có đề tài trực tiếp nào được đề ra.

Hỏi: Gương sống của thánh Phanxicô thành Assisi gặp gỡ Sultan hồi giáo có là mô thức quan trọng đối với việc tiến tới với tín hữu hồi hay không, thưa Đức Cha?

Đáp: Giai thoại ấy đã được kể lại trước nhiều người. Chẳng hạn mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng Thư Ký Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô, đã nhắc tới biến cố này trong bài phát biểu của mình. Nhưng mục sư không phải là người duy nhất.

Nhiều tu sĩ Phanxicô cũng đã nhắc tới cuộc gặp gỡ này của thánh Phanxicô với Sultan hồi giáo. Đây là một biến cố biểu tượng cho việc chấp nhận các liều lĩnh vì tình yêu đối với hòa bình và sự hòa giải, mà thánh Phanxicô và các tu sĩ của dòng đã luôn luôn tận tụy thăng tiến, và điều này phải được mọi kitô hữu lưu tâm. Cho rằng tương quan giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi đang trở thành tồi tệ là điều không đúng. Nhưng cần phải gia tăng các nỗ lực đối thoại, kể cả với các khynh hướng mà chúng ta coi là cuồng tín hay bạo lực đi nữa.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Williams, cần phải làm gì để bảo đảm cho các cuộc gặp gỡ loại này đem lai kết qủa? Đâu là phương thế tốt nhất giúp đạt được hiệu qủa thích hợp?

Đáp: Cần phải hoạt động trên bình diện địa phương. Cũng có các tài liệu được Tòa Thánh Vaticăng công bố mới đây, trong đó có tài liệu của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình liên quan tới các thách đố tài chánh trên thế giới. Tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng cùng nhau làm việc và sự cần thiết của việc làm chứng chung. Nhưng hoạt động trên bình diên địa phương vẫn luôn luôn là điều ưu tiên trong mọi trường hợp.

Hỏi: Trong cuộc họp tại Assisi có tình thân hữu mới nào nảy sinh giữa Anh giáo và các tôn giáo khác, và cả giữa Do thái giáo và Hồi giáo hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Khó mà có thể nói thay cho các người khác. Tôi đã quan sát các cuộc nói chuyện trong các bữa ăn và tôi thấy rằng nhiều nhân vật của các tôn giáo rất khác biệt trao đổi với nhau. Thật là điều quan trọng, khi có cả rabbi David Rosen từ Giêrusalem tới; ông là người đã luôn luôn rất cởi mở trong các tương quan liên bản vị. Riêng phần tôi, tôi đã củng cố thêm được một số tình bạn khác. Thật là một vinh dự lớn cho tôi được đi trên cùng chuyến xe lửa tới Assisi với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I và một số các vị lãnh đạo khác, có thể nói chuyện lâu với các vị, cũng như nói chuyện với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong bữa ăn trưa, và nhớ lại tất cả các mối dây nối kết cũng như một số các việc điều hành và các tổ chức hay hiệp hội như cộng đoàn Bose, cộng đoàn Taizé, cộng đoàn Thánh Egidio và các thành viên phong trào Tổ Ấm. Tất cả đều là các nhóm mà tôi có các liên lạc hạnh phúc, và tôi rất thích ở với các nhóm ấy.

Hỏi: Trong bài phát biểu của ngài tại Assisi, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc tới nạn khủng bố và cuồng tín. Có người cho rằng những kẻ lèo lái lạm dụng tôn giáo cho các lợi lộc chính trị riêng tư đáng lý ra phải đến tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Làm sao để có thể đến với những người này và đem lại hòa bình, thưa Đức Tổng Giám Mục Canterbury?

Đáp: Cần phải tìm ra những người có thể làm cho họ lắng nghe, tôi không nói tới người đi nước đôi, xỏ chân trong hai chiếc giầy, nhưng nói tới người đáng được tin cậy để khiến cho một loại truyền thông nào đó có thể thực hiện được. Có các nhân vật như thế, và chắc chắn phương thế tốt nhất để có thể đến được với họ là các cuộc gặp gỡ quốc tế lớn, được mọi giới truyền thông chú ý. Nhưng tôi nghĩ câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải trả lời, đó là làm thế nào để sử dụng các cuộc tiếp xúc kitô, hồi giáo, ấn giáo và bất cứ tôn giáo nào khác của chúng ta, để tạo ra các liên lạc với những người không tới tham dự, hay không được mời tham dự, và bảo đảm làm sao để họ không hoàn toàn bị chặt đứt khỏi các khung cảnh quy chiếu khác, dù họ là những người tự do hay được soi sáng, cuồng tín hay bạo lực, hay cho dù chúng ta muốn định nghĩa họ thế nào đi nữa.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Williams, người ta đã nói rằng trong ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình này tại Assisi, các tín hữu hồi chỉ được đại diện một cách giảm thiểu, vì các căng thẳng với Tòa Thánh Vaticăng liên quan tới các tín hữu kitô copte bên Ai Cập, và cuộc tranh luận do đại học hồi giáo Al Azhar khơi dậy hồi đầu năm nay, có đúng thế không?

Đáp: Tôi không chắc là sự kiện này có liên quan tới tình hình tại Ai Cập. Một số các nhân vật quan trong của Hồi giáo đáng lý ra đã hiện diện tại cuộc gặp gỡ ở Assisi, nhưng vào phút chót họ đã hủy bỏ việc tham dự. Và đó đã là điều thật đáng tiếc.

Hỏi: Cũng có người lo lắng rằng các tương quan giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi có thể trở thành tồi tệ hơn. Riêng Đức Cha thì Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Tôi không nghĩ rằng trên bình diện toàn cầu chúng ta sẽ gặp nguy cơ đó. Tôi đã nói chuyện với các giới chức của Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn để tìm hiểu lượng định của các vị liên quan tới giai đoạn mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Thật tình mà nói, tôi tin rằng chúng ta đang ở trên cùng diểm mà chúng ta đã ở trong qúa khứ. Có lẽ người ta đã tạo ra một chút ồn ào vậy thôi, còn dấn thân xây dựng các tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo vẫn rất là mạnh mẽ, chứ không thuyên giảm.

(Avvenire 3-12-2011)
 
ĐTC: Yêu thương và tương trợ trong một thế giới kinh tế đang khủng hoảng
Jos. Tú Nạc, NMS
10:56 14/12/2011
VATICAN - Trong một thế giới mà đã bị hành hạ bởi nền kinh tế toàn cầu suy sụp, ĐTC Benedict hôm thứ Bẩy 10/ 12 đã nhấn mạnh đến bổn phận của Giáo Hội có trong thời điểm này để công bố với khí lực hồi sinh thông điệp của Đức Ki-tô là hy vọng. Đức Thánh Cha đã nói với các thành viên của Tổ chức Liên minh Hợp tác Ý Đại Lợi và Liên đoàn Ngân hàng Hợp tác Ý Đại Lợi ở Sảnh đường Clementine, Vatican.

Đức Thanh Cha đã hồi tưởng thế nào mà Giáo Hội trong những giảm sút đã cổ vũ sự hiện diện sản xuất của tìn đồ Thiên Chúa giáo trong xã hội ý thông qua sự khuyến khích của các tổ chức sẵn sàng hợp tác, sự phát triển thương mại kinh doanh của xã hội cùng nhiều những công trình công cộng xã hội khác gây chú ý, mang đặc điểm bởi những hình thức của sự tham gia và tự quản lý.

Những gì đã thúc đẩy những thành viên tham gia vào một mô hình hợp tác những tổ chức. ĐTC Benedict đã nói không chỉ vì những lý do kinh tế, mà còn là một khao khát để sống với một trải nghiệp đoàn kết và hỗ tương.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý những sự kiện mà những tổ chức này có một vai trò giá trị trong việc thúc đẩy những ý niệm hoàn hảo theo tinh thần Phúc Âm, văn hóa của đời sống và gia đình.

Rút từ nguồn cảm hứng của Tông Huấn Caritas in Veritate của Ngài, Đức Thánh Cha nói rằng thậm chí trong lĩnh vực kinh tế và tài chính “mục đích đúng đắn, trong sáng và tìm kiếm những kết quả tích cực tương hợp qua lại va không bao giờ được chia rẽ.”

Kết thúc bài phát biều, Đức Thánh Cha đã thuyết phục những cử tọa mãi mãi trung thành với Tin Mừng và sự giáo huấn của Giáo Hội điều mà cổ vũ “sự phát triển xã hội, những trải nghiệm tín dụng vi mô và một nền kinh tế được định hướng bởi tính khoa học có hệ thống của sự trao đổi và phường hội.”

Thậm chí trong nền kinh tế thế giới, Đức Thánh Cha nói, tận dụng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa rất cần thiết, để sống trong yêu thương và tương trợ.
 
ĐTC: Hãy tin tưởng vào những phúc đáp của Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
18:19 14/12/2011
VATICAN – “Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta mong chờ sự đáp ứng tức khắc về lời thỉnh cầu của mình, nguyện vọng của mình” thay vào đó, chúng ta phải chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa,” ĐTC Benedict đã phát biểu hôn thứ Tư 13/ 12 khi Ngài trình bày thứ tự những bài giáo lý mới nhất của Ngài về cầu nguyện ở Sảnh đường Paul VI.

Tiếp tục tập trung vào lời cầu nguyện của chính Đức Ki-tô, với sự chú ý đặc biệt tới ngữ cảnh về những phép lạ chữa lành bệnh. ĐTC Benedict nói: “Cả hai chữa khỏi một người điếc (Mk. 7: 32-37) và cho Lazarus sống lại (Jn. 11: 1-44) đã cho chúng ta thấy Chúa Giê-su bằng lời cầu nguyện trước những trường hợp đau khổ của con người. Lời cầu của Người về những nguyên nhân này khng6 chỉ bộc lộ sự gắn bó mật thiết sâu xa của người trước nỗi đau khổ mà còn là mối quan hệ duy nhất của Người với Chúa Cha. Trong trường hợp người điếc, lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su đã dẫn Người để giới thiệu lời nguyện của mình với một dấu chỉ sâu đậm (v. 34). Đối với trường hợp của Nazarus, Người đã xua tan sự lo lắng của Martha và Mary, cùng sự than khóc trước nấm mồ của bạn mình.”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng, vào cùng lúc, Đức Ki-tô đã thấy cái chết bi thương của Nazarus trong anh sáng của ý đinh Chúa Cha và của tính đồng nhất cùng với sứ vụ của chính Người.

Tấm gương “Giê-su” dạy chúng ta rằng bằng lời cầu nguyện của chính Người, chúng ta luôn phải đặt niềm tin vào ý muốn của Chúa Cha và phấn đấu để thấy được mọi điều trong ánh sáng diệu kỳ trong những hoạch định yêu thương của Người. Chúng ta cũng phải tham gia nguyện xin, ngợi khen và tạ ơn trong mỗi lời cầu nguyện, biết rằng món quà cao quý của Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta là tình bằng hữu của Người, và rằng gương cầu nguyện của chúng ta co thể mở tâm hồn của chúng ta trước anh chị em của chúng ta đang thiếu thốn và hướng tha nhân trước sự hiện diện cứu giúp của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.”

Đức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời chào đặc biệt đến những khách hành hương nói tiếng Anh:

“Tôi gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến tất cả khách thăm viếng nói tiếng Anh hiện diện nơi đây, gồm những nhóm đến từ Việt Nam, Negiria và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Vì chúng ta chuẩn bị kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Độ vào Lễ Giáng Sinh, Tôi chân thành cầu xin cho anh chị em và gia đình dồi dào ân phúc hân hoan và bình an của người!”
 
Ấn định ngày cho Đại hội giới trẻ thế giới Rio 2013
Nguyễn Trọng Đa
21:00 14/12/2011
Ấn định ngày cho Đại hội giới trẻ thế giới Rio 2013

Đại hội giới trẻ thế giới tại Brazil trong "mùa đông", từ ngày 23 đến 28-7-2013

ROMA - Đại hội giới trẻ thế giới (WYD) tại Rio de Janeiro, Brazil, sẽ được tổ chức vào năm 2013, trong "mùa đông", từ ngày 23 đến ngày 28-7, theo Văn phòng Truyền thông của Đại hội giới trẻ thế giới.

Người ta biết rằng mùa đông Brazil là từ tháng Năm đến tháng Chín, và mùa hè là từ tháng Mười đến tháng Tư. Trong tháng Bảy, nhiệt độ mùa đông rất dễ chịu, có thể xê dịch giữa 18 ° C và 24 ° C.

Thời gian diễn ra Đại hội được qui định tại một cuộc họp của Hội đồng Toà thánh về Giáo Dân, phụ trách việc tổ chức các Đại hội giới trẻ thế giới, nhờ Phân ban giới Trẻ của Hội đồng, dưới sự chịu trách nhiệm của linh mục Jacquinet, và Uỷ Ban tổ chức địa phương của Rio đã đến Roma.

Ủy ban địa phương gồm có Chủ tịch Ủy ban, Tổng Giám Mục Orani João Tempesta, Dòng Xitô (O. Cist.), Tổng Giáó phận Rio de Janeiro, hai giám mục phụ tá đồng hành đặc biệt với Đại hội giới trẻ thế giới, Đức Giám Mục Antonio Augusto Dias Duarte và Đức Giám mục Paulo Cezar Costa, vị điều phối chung, Đức Giám mục Joel Portella Amado, và các linh mục Marcio Queiroz, Trưởng phòng Truyền thông và Renato Martins, chịu trách nhiệm cho các sự kiện trung tâm.

Uỷ ban của Rio de Janeiro đã đến Roma để xử lý các vấn đề khác nhau liên quan đến Đại hội giới trẻ thế giới, trong đó có việc lựa chọn logo cho Đại hội Rio 2013. (ZENIT.org 13-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ấn Độ: Khoảng 200 thanh niên Công giáo và Ấn giáo cùng hát trong ngày hội thánh ca
Phạm Kim An
21:03 14/12/2011
Ấn Độ: Khoảng 200 thanh niên Công giáo và Ấn giáo cùng hát trong ngày hội thánh ca

Mumbai - Giáo xứ Thánh Phêrô, ở Bandra, Mumbai, đã tổ chức Liên hoan Thánh ca lần thứ tám hàng năm cuối tuần qua, với khoảng 200 ca viên trong nhiều ca đoàn thuộc tám giáo xứ ở Mumbai. Trong số các nhóm hát, có Ban Gleehive và Kantori Cadenza, và ca đoàn 71 thành viên của giáo xứ thánh Helena ở Pune, trong đó một nửa số ca viên là người Ấn giáo. Mục tiêu của liên hoan thánh ca là thúc đẩy sự quan tâm đến thánh nhạc trong công chúng.

Cùng qui tụ với nhau, 200 ca viên mở đầu bằng điệp ca Mùa Vọng 'Hãy đến, hãy đến, hỡi Đấng Emmanuel’, sau đó là bài "Chúa Giêsu, Niềm Vui của khát vọng con người” của nhạc sĩ JS Bach. Mặc đồng phục cho liên hoan, mỗi ca đoàn hát hai bài thánh ca.

Đức Cha Robert Tyrala, chủ tịch Liên đoàn quốc tế Pueri Cantores (Thiếu nhi Ca hát), là một khách mời đặc biệt tại sự kiện này. Ngài khen ngợi các ca viên trẻ có trình độ diễn xuất cao. Ngài nói: “Âm nhạc vượt qua nền văn hóa và tôn giáo, và nâng lòng trí lên với Chúa”.

Tổ chức Pueri Cantores là một tổ chức nhằm giáo dục giới trẻ thông qua các giá trị và thánh nhạc Kitô giáo. Ở châu Á, tổ chức này có mặt ở Nhật, Sri Lanka và Hàn Quốc.

Đức Cha Tyrala nói: “Tại Ấn Độ, thánh nhạc là một phương tiện truyền giáo cho Giáo Hội Công Giáo. Tôi nhìn vào các thanh niên nam nữ này, và tôi thấy tương lai của Giáo Hội. Trong khi họ hát, tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt họ, vì ân sủng của Thiên Chúa đến với họ. Đó là một kinh nghiệm rất tốt".

Giám mục Tyrala đến châu Á để tham dự một hội nghị về "Giáo Hội tại châu Á, vai trò của các phong trào đạo đức".

Ngài giải thích: "Tôi cảm nghiệm được đời sống nội tâm của Giáo Hội châu Á. Trong lục địa này, người Công giáo là một thiểu số, và tôi nghĩ rằng có một nhu cầu rất lớn cho việc truyền giáo, thông qua các hoạt động giống như tổ chức Cantores Pueri. Thánh nhạc có thể đến với con người, và đóng một vai trò đặc biệt trong việc truyền giáo".

Vì lý do này, Ngài không ngạc nhiên khi thấy nhiều người trẻ Ấn Giáo giữa các ca viên công giáo. Ngài nói: “Phương châm của chúng tôi là ‘Chúng tôi là công cụ hòa bình của các bạn".

“Ở Ấn Độ cũng như ở nơi khác, một số người ngoài Kitô giáo có thể tìm thấy trong thánh ca một thời khắc suy tư, và câu trả lời cho một cái gì đó quan trọng hơn. Phát biểu với chúng tôi vào năm 1999, ĐTC Gioan Phaolô II kêu gọi chúng tôi "hãy là sứ giả của cái đẹp, đức tin, và đức ái”. (AsiaNews 13-12-2011)

Phạm Kim An
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tập huấn về Giáo huấn Xã hội Công giáo
Trầm Thiên Thu
11:05 14/12/2011
TGP SAIGON – Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) còn “mới lạ” với người Công giáo Việt Nam (nói chung), kể cả với hàng giáo sĩ và tu sĩ (nói riêng), vì nó không chỉ KHÓ và KHÔ mà còn KÉN (không “kén” vì trình độ cao hay thấp, mà “kén” vì phải có lòng yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội, đồng thời phải chuộng công lý và hòa bình), xin được gọi tắt cho dễ là 3K (Khô, Khó, Kén).

Ngày 13 và 14-12-2011, Ủy ban Công lý & Hòa bình (UBCLHB) tổ chức khóa tập huấn về GHXHCG tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon, với chủ đề: “GHXHCG và Con người”. Tham dự khóa tập huấn này có 50 tham dự viên (các linh mục phụ trách và các tình nguyện viên) từ các giáo phận thuộc giáo tỉnh Saigon (Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Xuân Lộc,…), đặc biệt có một khách mời là chị Lê Thị Liên, vụ trưởng vụ tôn giáo của chính phủ Việt Nam. Các thuyết trình viên là ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, LM Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Luật sư Nguyễn Văn Phương, và Nữ tu Thanh Lương. Mỗi ngày làm việc từ 8 giờ tới 16 giờ 30.

Ngày thứ nhất: Giới thiệu đại cương về GHXHCG.

1. ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp thuyết trình về “GHXHCG, nguồn gốc và quá trình hình thành”.

Chân phước Gioan Phaolô nói: “GHXHCG không là hệ thống chính trị, kinh tế,…”. GHXHCG loan truyền Tin Mừng, Giáo hội không thay thế nhà nước trong lĩnh vực trần thế. Ngày xưa, Đất Hứa không tập trung cho một số người mà được cấp đồng đều, ai cũng có “sổ đỏ”. Năm Hồng Ân là để giải thoát mọi người. Cựu ước có luật bảo vệ lê dân: Khi gặt lúa thì không được quay lại, phần còn sót lại để cho người nghèo đi mót, chủ nhân không ai được bóc lột người làm thuê,… Giám mục là cha của người nghèo, tòa giám mục là nơi trú ẩn của người nghèo, tòa giám mục không được nuôi chó dữ (vì chó dữ thấy người nghèo rách rưới sẽ cắn họ khi họ tìm đến kêu cứu). Chúa luôn đề cao phẩm giá và quyền lợi của người nghèo. Tông thư Tân Sự (Rerum Novarum) của ĐGH Leo XIII (1891) là kết quả của các thế hệ Công giáo trước đó.

2. LM Giuse Maria Lê Quốc Thăng thuyết trình về “Bản chất GHXHCG ”.

GHXHCG là thần học luân lý, không nặng lý thuyết mà chú trọng thực hành. Gặp người nghèo không thể nói suông mà phải thực tế: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). GHXHCG có 3 cấp độ: Thúc đẩy, hướng dẫn, và quyết định. Chúng ta phải “trở về nguồn” để sống theo Đức Kitô. GHXHCG là phương thế sống Tin Mừng, con người tuy là tội nhân nhưng được Thiên Chúa nâng cao nhân phẩm nê ai cũng được là “con trời” (con của Thiên Chúa). Giáo hội Hàn quốc được xã hội quý mến vì Giáo hội đứng về phía người nghèo, họ có nền “thần học tiện dân”. Phi châu có nền “thần học đen”. Còn Việt Nam chúng ta?

3. Nữ tu Thanh Lương thuyết trình về “Các nguyên tắc GHXHCG”.

Huấn quyền hướng dẫn mọi người thực hiện, đúc kết thành 4 nguyên tắc: Nhân vị, công ích, bổ trợ, và liên đới. Không ai có thể là “ốc đảo”, mọi người như một dàn nhạc và cùng hòa điệu. Tục ngữ Việt Nam nói: “Xấu đều hơn tốt lỏi” hoặc “khôn độc không bằng ngốc đàn”. Thế nên ai cũng phải sống VÌ, sống VỚI, sống CÙNG, và sống CHO.

4. LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thuyết trình bài “Hướng đến một nền nhân bản toàn diện và liên đới”.

Nền nhân bản là một hệ thống suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng thay vì lấy vất chất hay thần linh. Nền nhân bản này đặt trên nền tảng trên GHXHCG gồm gồm những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn đề hành động.

5. LS Nguyễn Văn Phương thuyết trình về “Hướng đến một nền nhân bản toàn diện và liên đới”.

Có nguyên tắc “không luật thì không có tội” và “suy đoán vô tội”. Người kết án phải chứng minh người bị kết án là có tội, người bị kết án không cần chứng minh là mình vô tội. Theo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc (10-12-1948), con người có nhiều thứ quyền lợi – tức là nhân quyền, nhưng thường chưa được xã hội tôn trọng đúng mức.

Ngày thứ nhì: Thảo luận các đề tài đã trình bày.

1. Con người Việt Nam trong cấu trúc tâm lý – văn hóa xã hội: UBCLHB sẽ làm gì để điều chỉnh cấu trúc đó? Xây dựng nền nhân bản mới ở Việt Nam như thế nào?
2. Con người Việt Nam trong bối cảnh kinh tế, chính trị xã hội hiện nay: Làm thế nào để sống ổn định và an bình?
3. Thảo luận về quy chế và đường hướng hoạt động của UBCLHB.

17 giờ là thánh lễ bế mạc và chia tay.

Khóa học này có cấp “giấy chứng nhận tốt nghiệp” cho các tham dự viên. Trong tình liên đới yêu thương, mọi người hòa đồng và phấn khởi.
 
Thi chung kết hát thánh ca tại Phát Diệm
Hồng Ân
11:29 14/12/2011
Thi chung kết hát thánh ca tại Phát Diệm

Cùng với việc tổ chức các hoạt động mục vụ khác của toàn giáo phận Phát Diệm trong năm 2011, năm kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận, Đức cha Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục giáo phận đã kêu gọi và phát động cuộc thi hát thánh ca dành cho các ca đoàn trong toàn giáo phận nhân dịp năm kỷ niệm trọng đại này. Trong suốt thời gian từ mồng 01 tháng 08 đến 28 tháng 11 năm 2011, ca đoàn các giáo xứ đã nỗ lực tập luyện để không những tham gia cuộc thi hát thánh ca đạt được kết quả cao mà còn khơi lên và hun đúc tinh thần yêu mến Chúa, đoàn kết và phục vụ nơi mỗi ca viên tại các giáo xứ.

Xem hình

Ở cấp giáo hạt, vòng thi loại đã được tổ chức từ ngày 10 đến 19 tháng 11 để chọn ra mỗi hạt một ca đoàn xuất sắc nhất tham dự cuộc thi chung kết tại tòa giám mục Phát Diệm. Các ca đoàn của các giáo hạt đã lọt vào chung kết gồm: Bạch Liên, Vô Hốt, Dưỡng Điềm, Thuần Hậu, Phúc Nhạc, Tân Khẩn, La Vân, Phát Diệm và Đồng Chưa.

Chiều ngày 28 tháng 11, trong niềm vui của ngày vọng lễ tạ ơn bế mạc năm kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận và sự háo hức đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh đến thăm mục vụ giáo phận nhà, cuộc thi chung kết được tổ chức rất long trọng, quy mô và mang tính chuyên môn cao tại nhà hát Nam Thanh.

Trong các vòng thi loại ở các giáo hạt, Ban Giám Khảo là các cha, các sơ, các thầy và một số giáo dân có chuyên môn âm nhạc. Tuy nhiên, trong cuộc thi chung kết này, Ban Thánh Nhạc của giáo phận đã mời Ban Giám Khảo hoàn toàn từ các giáo phận bạn. Với đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ và linh mục có trình độ thẩm định chuyên nghiệp, ngay từ những phút đầu của cuộc thi đã tạo nên bầu khí phấn khởi và hào hứng không những cho các đội dự thi mà cho cả đông đảo khán giả đến cổ vũ cho các đội. Thành phần Ban Giám Khảo gồm: cha Vinh Sơn Vũ Tấn Chí, trưởng ban Thánh nhạc giáo phận Thanh Hóa; cha Giuse Vũ Đình Lâm và Giuse Bùi Văn Bá, giáo phận Bùi Chu; ca sĩ Gia Ân và ca sĩ Phi Nguyễn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh; ca sĩ Duy Tân đến từ Hải Phòng; nhạc sĩ Hà Ân, thành viên Hội nhạc sĩ tỉnh Ninh Bình.

Sau lời chào mừng của cha Giuse Nguyễn Văn Yêm, trưởng Ban Thánh Nhạc giáo phận Phát Diệm và lời khai mạc của cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, trưởng giáo hạt Phát Diệm, các tiết mục dự thi bắt đầu được trình diễn. Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi ca đoàn sẽ hát hai bài liền nhau. Một bài về chủ đề Các Thánh Tử Đạo và một bài về chủ đề Giáng Sinh.

Trong cuộc thi chung kết này, các đội nhờ những kinh nghiệm có được từ vòng loại nên đã chuẩn bị cho mình những điều kiện tốt nhất từ kỹ thuật hát, dàn dựng đội hình cho đến trang phục và những biểu cảm mang phong cách riêng. Đông đảo quý cha, quý nam nữ tu sĩ và giáo dân có mặt trong hội trường nhà hát Nam Thanh đã được thưởng thức “bữa tiệc thánh ca” với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Không chỉ được nghe những dàn hợp xướng chính thức của cuộc thi, khán giả hôm nay còn được thưởng lãm những bài hát thánh ca nổi tiếng do các ca sĩ chuyên nghiệp Gia Ân, Phi Nguyễn của thành phố Hồ Chí Minh và Hồng Phượng của Hà Nội trình diễn đan xen nhau. Từ mở đầu cho đến lúc kết thúc, tiếng vỗ tay không ngừng vang lên giòn giã sau mỗi tiết mục đã nói lên sự hấp dẫn của chương trình hôm nay. Đặc biệt, trong những phút cuối chương trình khi các đội đã hoàn thành phần thi và chờ Ban Giám Khảo công bố điểm, khán giả đã được giao lưu và thưởng thức thêm những bài hát thánh ca do các ca sĩ trình bày rất ngẫu hứng tạo sự bất ngờ thú vị. Một bài hát gây xúc động cho nhiều người trong khán phòng đó là tiết mục của bạn Hải Đăng, một người khuyết tật quê ở tỉnh Kontum và đang sống tại giáo xứ Phúc Nhạc. Tuy khiếm khuyết về thân thể nhưng Hải Đăng có giọng hát rất hay và truyền cảm. Bạn đã thể hiện bài hát “Làm dấu” với tất cả niềm tin và lòng phó thác của người con vào Thiên Chúa tình yêu.

Sau khoảng thời gian ngắn tổng kết, Ban Giám Khảo đã trao lại kết quả cuộc thi cho Ban Tổ Chức. Giây phút mọi người hồi hộp và mong đợi nhất đã đến. Cha trưởng ban Thánh Nhạc lần lượt công bố thứ tự các đội như sau: giải ba thuộc các ca đoàn xứ: Vô Hốt, Dưỡng Điềm, Thuần Hậu, Phúc Nhạc, Tân Khẩn, Đồng Chưa; giải nhì thuộc về ca đoàn xứ Bạch Liên và La Vân; và ca đoàn giáo xứ chính tòa Phát Diệm đạt giải nhất. Niềm vui vỡ òa trong tiếng vỗ tay chúc mừng vang dội trong hội trường bởi lượng khán giả của ca đoàn chủ nhà Phát Diệm rất đông. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào buổi tối cùng ngày trước chương trình Diễn Nguyện mừng kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận.

Cuộc thi chung kết hát thánh ca năm 2011 đã khép lại nhưng dư âm chắc chắn sẽ còn vang vọng nơi mỗi ca đoàn và mỗi người tham dự buổi trình diễn hôm nay. Dư âm ấy không chỉ dừng lại ở những thứ tự giải nhưng trên hết là những bài học quý giá về tinh thần “hát để tôn vinh Chúa, hát trong tâm tình cầu nguyện, tạ ơn và hát để phục vụ cộng đoàn”. Đó cũng là lời chia sẻ của cha trưởng Ban Thánh Nhạc trong phần tổng kết và bế mạc cuộc thi này.

Hồng Ân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngày quốc tế nhân quyền năm 2011
Yaung Ni Oo
11:47 14/12/2011
Càng ngày nếp sống văn hóa càng thấm nhập đi sâu vào đời sống con người, hầu như mọi lãnh vực cả trong đạo giáo lẫn đời sống thường nhật. Và vì thế người ta thường chọn một ngày nào đó trong năm để nhắc nhớ mọi người đến lãnh vực nào quan trọng thời sự cho đời sống con người nhất. Vấn đề nhân quyền là một trong những lãnh vực đó. Do đó, do quy ước thỏa thuận với nhau, được Liên hiệp quốc tế công nhận, hằng năm ngày 10. 12. khắp nơi trên thế giới là ngày quốc tế nhân quyền.

Nói đến nhân quyền là nói đến quyền căn bản của con người, như bản tuyên ngôn về quyền con người đã quy định: „ Mỗi người có quyền được luật pháp bảo vệ và có quyền tự do mà không bị phân biệt xếp loại , như theo chủng tộc, mầu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, ý hướng chính trị, nguồn gốc xã hội , của cải làm chủ, sự sinh ra đời hay những hoàn cảnh nào khác.“

Ngày nay sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới càng đóng vai trò quan trọng căn bản về nhân quyền. Mọi người đều có quyền bình đằng , không được dựa theo phái tính mà phân biệt kỳ thị.

Bản tuyên ngôn về quốc tế nhân quyền ra đời năm 1948 trong bản hiến chương được Liên Hiệp quốc quy định công bố cho toàn thế giới và dần dần được các nước công nhận, có tên International Bill of Human Rights.

Ngoài bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền International Bill of Human Rights, trong dòng thời gian còn có thêm những tuyên ngôn khác cũng về nhân quyền chuyên biệt thêm vào:

1.Thỏa ước Geneve về quyền tỵ nạn
2.Thỏa ước liên hiệp quốc về quyền của trẻ con
3.Thỏa ước về bài trừ hình thức phân biệt kỳ thị nữ giới
4.Thỏa ước liên hiệp quốc chống tra tấn hành hạ.
5.Thỏa ước quốc tế bài trừ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc.
6.Thỏa ước quy định bảo vệ và hình phạt nạn diệt chủng giết người.
7.Thỏa ước quốc tế bảo vệ quyền lợi tất cả mọi người lao động phải đi làm lưu động và cả gia đình của họ.
8.Thỏa ước liên hiệp quốc về người tàn tật.

Nguồn gốc về quy định nhân quyền có từ thời xa xưa từ thế kỷ thứ 3. trước công nguyên. Bản viết cổ xưa nhất còn lưu lại những thu thập có tên Codex Ur-Nammu, nói đến sự bình đẳng của mọi công dân.

Giữa thế kỷ thứ 6. trước công nguyên, bản viết trong Kinh thánh , có tên gọi do giới Thầy cả viết (Priesterschrift), hình như bản này được soạn thảo ở Babylon, bản viết này cũng là nền tảng căn bản trong Kinh thánh Ngũ thư của đạo Do Thái và Công giáo. Theo bản viết này con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa (Sách Sáng Thế 1,27).

Năm 1215 ra đời Magna Carta. Theo bản này nhà vua Anh quốc Johann Ohneland công bố quốc gia bảo vệ tài sản tư hữu, luật thuế khoá của mọi công dân.

Năm 1525 ra đời 12 khoản luật ở Memmingen. Đây là bản tuyên bố về nhân quyền ở Âu Châu.

Năm 1542 Bản luât mới ( Leyes Nuevas) theo đề nghị của Bartolomé de las Casas về tự do của người thổ dân Indo và luật ngăn cấm bắt buộc phải làm việc lao động theo thành tích.

Năm 1628 Bản tuyên ngôn Petition of Right ( bên Anh Quốc)
Năm 1679 bản Habeas Corpus Act.
Ngày 23.10.1689 ở Anh Quốc ra đời Englische Bill of Rights
Ngày 12.06.1776 thỏa ước Virginia Bill of Rights ra đời.
Ngày 04.07.1776 Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được ký kết quy định rõ về quyền con người, về đời sống, tự do và ước mong có đời sống hạnh phúc.

Ngày 26.08.1789 Déclaration des droits de l´homme et du citoyen được các Đại biểu quốc hội Pháp công bố.

Năm 1791 Declaration des droits de la Femme et de la citoyenne do Olympe de Gouges đề nghị được quốc hội Pháp quốc thỏa thuận công bố thành luật.

Ngày 15.12.1791 ra đời Amerikanische Bill of Rights ở Hoa Kỳ .
Năm 1948 sau những bàn cãi sôi nổi cùng thử nghiệm dò xét, Liên Hiệp quốc đã công bố tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và chọn ngày 10.12. hằng năm là ngày quốc tế nhân quyền trên toàn thế giới.

Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và những luật pháp tuyên bố về những quyền cho con người từ xưa tới nay theo dòng thời gian luôn là những quy định nhắc nhớ con người phải giữ, và bổ túc cho thêm hoàn chỉnh theo với dòng thời gian cùng từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống xã hội, đời sống kinh tế cũng như chính trị và nhất là đời sống tinh thần tôn giáo.

Những nhắc nhở cùng những quy định trong các tuyên ngôn về nhân quyền không là những chữ viết, không là những khoản luật khô cứng bắt buộc ra hình phạt. Nhưng đó là những tinh hoa đúc kết tinh thần có nguồn gốc trong đời sống con người từ xưa nay. Những tuyên ngôn khoản luật đó mong giúp đời sống con người chung cũng như riêng được phát triển tích cực tốt đẹp mỗi ngày, nhất là trong đời sống chung ở xã hội.

Ngày quốc tế nhân quyền hằng năm 10.12. cũng là ngày trao giải thưởng Nobel Hòa Bình ở thủ đô Oslo, nước Na-Uy.

Giải Nobel Hòa Bình lần đầu tiên năm 1901 được trao cho hai nhân vật : Ông Henry Dunant, người sáng lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và Ông Frédéric Passy, vị sáng lập Cộng Đồng hòa bình Pháp quốc Société d´arbitré entre les Nations. Năm 1905 lần đầu tiên một người phụ nữ đựơc trao giải thưởng Nobel Hòa bình, Bà Bertha von Suttner, một phụ nữ người Áo.

Giải Nobel Hòa Bình năm 2011 được trao cho ba người phụ nữ cùng một lúc, vì họ có công chiến đấu cho tự do dân chủ: Bà Tawakkul Karman người Jemen, Bà Leymah Gbowee, người Liberia và Bà Ellen Johnson-Sirleaf, người nước Liberia. Họ là những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền.

Bà Ellen Johnson-Sirleaf, 72 tuổi là nữ Tổng Thống của nước Liberia và Bà Leymah Gbowee 39 tuổi là người tranh đấu nhân quyền cũng ở nước Liberia, còn Bà Tawakkul Karma 32 tuổi là người đứng lên chống lại nhà độc tài Saleh ở Jemen.

Ba người phụ nữ này được tuyên dương, vì đã tranh đấu bằng phương thế bất bạo động cho sự an toàn cùng quyền của người phụ nữ.

Bà Ellen Johnson-Sirleaf là vị nữ Tổng Thống đầu tiên ở lục địa Phi châu từ năm 2006. Trong cương vị Tổng Thống đứng đầu quốc gia, Bà đưa ra chương trình đường lối xây dựng hòa bình, kinh tế và an sinh xã hội, và nhất là bênh vực quyền cho người phụ nữ trong xã hội..

Cùng với nữ Tổng Thống Ellen Johnson-Sirleaf, Bà Leyman Roberta Gbowee điều hợp thành lập cơ quan hòa bình Women in Peacebuilding. Năm 2002 Bà thành lập phong trào Women of Leberia Mass Action for Peace. Với phong trào này bà đã cùng các chị em phụ nữ khác tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động chống lại Tổng thống Charles Taylor của nước Liberia. Sau khi Tổng thống Taylor bị lật đổ năm 2004 và 2005 Gbowee là thành viên của ủy ban Công lý và Hòa giải của nước Liberia.

Bà Tawakkul Karma là người phụ nữ tiên khởi trong thế giới Ả Rập được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Người phụ nữ 32 tuổi này là một trong những nhân vật có uy tín hàng đầu của những cuộc biểu tình chống Tổng Thống nước Jemen Ali Abdullah Saleh trong phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2011. Tawakkul Karman là chủ tịch của tổ chức Women Journalists without Chains.

Ủy ban trao giải thưởng Nobel Hòa Bình ở Oslo nước Na-uy khi đưa ra quyết định trao giải cho ba người phụ nữ này đã nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong đời sống: Chúng ta không có thể đạt tới nền tự do dân chủ và nền hòa bình bền vững trên toàn cầu đựơc, khi các người phụ nữ không có cơ hội bình đẳng như các người đàn ông, khi họ không có ảnh hưởng tới sự phát triển trong đời sống xã hội.

Với sự vinh danh bằng giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ba người phụ nữ Johnson-Sirleaf, Gbowee và Karman năm 2011, trong trang sử của giải thưởng Hòa Bình từ ngày thành lập năm 1901 tới nay có tất cả 15 người phụ nữ được trao giải thưởng rất có ý nghĩa quốc tế này.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình trao hằng năm cho những người dấn thân xây dựng hòa bình trong xã hội. Giải này được trao cùng với 1,1 triệu Euro.

Trong các nước còn theo chế độ cộng sản như Việt Nam, Trung Hoa, Cuba , tình trạng nhân quyền trong xã hội thường xuyên bị chà đạp. Nhà cầm quyền cộng sản thường ngụy tạo lừa đảo đưa ra lý do an ninh để chà đạp nhân quyền, đối xử tàn bạo không công bằng với người dân không đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản.

Trong một chế độ chà đạp quyền con người, như chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, không thể có hòa bình trong xã hội đựơc.




























 
Thư của Ban Tôn Giáo TP gởi Dòng Chúa Cứu Thế và thư phúc đáp của nhà dòng
Dòng Chúa Cứu Thế
06:08 14/12/2011
 
Những Ánh Nến Hiệp Thông Với Thái Hà Và Việt Nam Từ Sydney
Thông Báo
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston mời tham dự đêm thắp nến cầu nguyện cho Tự Do Tôn Giáo và đòi hỏi Công Lý cho Việt Nam
Cộng Đồng Công Giáo Houston
20:57 14/12/2011
THÔNG BÁO VỀ ĐÊM THĂP NẾN HIỆP THÔNG
CẦU NGUYỆN CHO TỰ DO TÔN GIÁO VÀ ĐÒI HỎI CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM


Trân trọng kính mời Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo và Qúi đồng hương tham dự:

ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO TỰ DO TÔN GIÁO
VÀ ĐÒI HỎI CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM


Do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston tổ chức
vào lúc 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 18 tháng 12 năm 2011
tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, số 12320 đường Old Foltin, Houston, Texas 77086

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện được tổ chức nhằm hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo và công lý tại Việt Nam. Được biết, trong thời gian gần đây, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã gia tăng sách nhiễu và đàn áp Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dưới nhiều hình thức. Một trong những phương cách họ thường thực hiện là cho công an giả dạng thường dân quá khích và thuê mướn du đãng để phá phách các cơ sở thuộc giáo hội, sách nhiễu và bắt giam tu sĩ cùng giáo dân. Điển hình là ngày 3 tháng 11 vừa qua, nhà cầm quyền đã đưa một nhóm côn đồ đến dùng búa tạ đến đập phá cửa nhà thờ Thái Hà, mắng chửi và đánh đập tu sĩ, giáo dân. Đến ngày 30 tháng 11, họ đã cho người đến ném mìn vào Nhà Nguyện Giáo Điểm Con Cuông thuộc giáo phận Vinh sau khi thực hiện hàng loạt vụ tấn công bằng gạch đá vào giáo điểm này.

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng 12 năm 2011, sẽ bao gồm các phần sau đây:
- Từ 6 đến 7 giờ: Thánh Lễ
- Từ 7 giờ đến 7 giờ 30: Rước Thánh Giá và Đức Mẹ La Vang ra linh đài
- Từ 7 giờ 30 đến 9 giờ: Chương trình văn nghệ đấu tranh và phát biểu của các diễn giả

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện đã được Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Galveston-Houston ủy nhiệm cho Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình tổ chức.
Mọi chi tiết liên hệ đến Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện, xin quý đồng hương liên lạc với Ban Tổ Chức qua số điện thoại (832) 545-0486.

Chúa Giêsu đã dậy “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho,” một lần nữa, xin quý đồng hương thu xếp tham dự Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện để giúp Giáo Hội Việt Nam vượt qua được thử thách lớn lao này.

Trưởng Ban Tổ Chức Trịnh Tiến Tinh và Linh Mục Linh Hướng Phêrô Hoàng Văn Thiên

Trân Trọng Kính Mời
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cửa Sổ
của Đặng Đức Cương
22:14 14/12/2011
CỬA SỔ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Tôi nhìn qua khung kính
Mắt chạm cửa nhà người
Cảnh nhạt nhòa ảm đạm
Mưa phủ kín tim tôi.
(Trích thơ của Nguyễn Tâm Hàn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền