Ngày 10-04-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:38 10/04/2025

98. Ở đâu có sự kính sợ Thiên Chúa, thì ở đó có sự thuần khiết thống trị.

(Thánh Basilius Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:42 10/04/2025
12. QUẢ ĐẤM Ở KINH THÀNH

Con trai mới từ kinh thành trở về nhà nói rằng trong kinh thành mọi thứ đều rất đẹp.

Buổi tối, trời trăng sáng rực, con trai bèn nói:

- “Ở đây không có gì đẹp, kinh thành có nhiều mặt trăng hơn ở đây”.

Phụ thân nổi giận nói:

- “Chỉ có một mặt trăng mà thôi, chứ có quỷ nào nữa?” -

Nói xong thì đánh cho nó một thoi.

Con trai vừa khóc vừa nói:

- “Ai lạ gì quả đấm của ba, nhưng quả đấm ở kinh thành có sức mạnh hơn của ba nhiều !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 12:

Chỉ có một mặt trăng mà thôi nhưng ánh sáng chiếu khắp mặt đất, thành thị nhiều mặt trăng nhưng chỉ chiếu sáng có một vùng nhỏ mà thôi, vì đó không phải là mặt trăng nhưng là đèn điện.

Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi nhưng Ngài đã làm được tất cả mọi sự, con người ta dù có tài giỏi đến đâu thì cũng chỉ giỏi trong một chừng mực nào đó, bởi vì con người là loài tạo vật chứ không phải là Thiên Chúa.

Nhưng thời nay có những người tự cho mình là toàn năng như Thiên Chúa, nên đã “phán” những lời làm mất uy tín giáo hội và mất uy tín cá nhân mình, lại còn làm dao động đức tin nơi những người tin vào Thiên Chúa, họ tự cho mình là người toàn năng trong vấn đề đức tin và luân lý, họ cho mình là người bề trên của anh chị em nên họ đã đánh mất chính mình…

Quả đấm của cha (Thiên Chúa) thì con không lạ gì vì Ngài rất nhân từ và yêu thương con, nhưng quả đấm của người khác (thế gian) thì mạnh mẽ làm tổn thương tâm hồn và thân xác của con, bởi vì họ không có tình người, không có đức tin và nhân cách thì lại càng tệ hơn…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Đá Sỏi Bên Đường
Lm Vũđình Tường
13:45 10/04/2025
Đá sỏi bên đường ngày nắng khô; ngày ướt nhẹp, đêm hóng sương, ngày đón gió. Đá hao mòn. Ta nhìn vẫn thế. Lâu ngày, dầy tháng mới biết đá hao mòn. Đá góc cạnh sắc bén biến thành viên sỏi phải trải qua nhiều năm.

Trước cuộc khổ nạn, Đức Kitô cưỡi lừa cùng môn đệ tiến vào thành thánh Giêrusalem. Ngài đi âm thầm, không ai biết, chẳng ai hay. Gặp Ngài trên đường, sáng kiến mới nảy sinh, dân chúng bẻ cành lá trải đường thay thảm đỏ đón Đức Kitô. Phải chăng Thiên Chúa mặc khải cho con người biết ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, thiên nhiên cũng luôn đón chào Đấng tạo dựng nên chúng. Trong trường hợp này, ta có thể nói chính cành lá, cánh hoa bên đường cùng chung vui với người cầm cành lá vui mừng đón chào Thiên Chúa. Truyền thống đón chào bằng lá phát sinh. Kitô hữu có Chúa Nhật lễ lá mừng kính ngày Đức Kitô tiến vào thành thánh. Dân chúng cầm cành lá phất phới, múa chào Đức Kitô, miệng hoan ca chúc tụng tôn vinh. Nhóm chống đối Ngài. Họ có chức, có quyền, thế giá. Họ nghe chướng tai, nhìn gai mắt; lên tiếng cấm dân chúng không được chúc tụng tôn vinh Đức Kitô. Ngài lên tiếng.

'Nếu các ông ngăn cấm dân chúng ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, thì những hòn sỏi bên đường sẽ lên tiếng ca tụng Ngài' Lc:19,40.

Đá sỏi không có cảm xúc, không biết khổ đau, u sầu bởi đá sỏi không có hệ thần kinh, cũng không có con tim nên không đớn đau, buồn tủi. Con người không lên tiếng ca tụng Thiên Chúa, thì đã đá sỏi lên tiếng tung hô, chúc tụng, tôn vinh. Đức Kitô mặc khải mọi loài thụ tạo, lớn cũng như nhỏ, ngay cả vật vô tri, vô giác, đều ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa. Ngoài tiếng thiên thần và các thánh ngày đêm tôn vinh chúc tụng, còn có tiếng vạn vật không ngừng, hoan ca, chúc tụng Thiên Chúa. Ca tụng Chúa để biểu lộ niềm tin, lòng mến và tâm tình tạ ơn.

Con người không hiểu ngôn ngữ loài thụ tạo. Có hiểu thì cũng rất lơ mơ, và hầu như không biết gì về ngôn ngữ của thế giới thiên nhiên. Mỗi loài Chúa dựng nên đều có ngôn từ riêng của chúng. Chúng hiểu nhau; ta nghe được nhưng không hiểu. Ta không siêu việt như ta tự hào. Ai hiểu thấu tiếng ve kêu suốt hè. Đây là cách ve gọi nhau. Gặp rồi ve vẫn gọi. Ai hiểu tiếng ếch, nhái. Ếch kêu đón mưa. Điềm báo rất chính xác, trời sắp mưa. Ngoài ra, tai nghe mà không hiểu. Chim hót chào nắng sớm hay nói chuyện. Có tiếng chim ca, có nắng ấm, trời xanh, mây trắng. Vắng tiếng chim ca, trời âm u, ảm đạm. Tiếng côn trùng rỉ rả thâu đêm, đàn dơi tung cánh rủ nhau săn mồi; muỗi vo ve mỗi tối; tiếng ong, cánh bướm. Không ai hiểu chúng nói gì. Tiếng sấm vang giữa trời, chớp sáng loè con mắt, tiếng mưa rơi, tiếng suối reo vang, tiếng gió hú, cánh gió nhẹ bay, tiếng kêu kẽo kẹt cây va chạm nhau. Ta nghe hoài. Hiểu rất ít.

Đức Kitô biến nước lã thành rượu ngon tại Cana Gn. 2. Ngài ra lệnh cho sóng gió yên lặng Gn 6:16tt. Bệnh tật vâng lời Đức Kitô Lc. 17. Ngài mở mắt cho người mù Gn. 9. Cho Lazarus chết sống lại Gn. 11. Ngoại trừ con người; mọi loài thụ tạo vâng phục Thiên Chúa, vang lên bài ca chúc tụng và dâng lời tạ ơn. Chúa yêu thương con người hơn cả, và muốn nghe tiếng thỏ thẻ của người yêu. Chúa lắng nghe tiếng ta chúc tụng, tạ ơn và ngay cả lời ta cầu xin, than vãn, thở than. Đã không kính thờ, tôn vinh Thiên Chúa, con người lại đi tôn sùng tài năng cá nhân, phục tùng sáng kiến mới, phát minh khoa học. Tự nguyện làm nô lệ cho sắc đẹp, của cải, chức tước. Cuộc sống nào cũng cần có niềm tin. Không tin Đấng tạo dựng đất trời, sẽ tin vị thần do bàn tay, khối óc con người làm ra.

Loài người được Chúa yêu thương nhất lại là kẻ làm phiền Ngài nhiều nhất. Viên sỏi lề đường, vật vô tri, vô giác còn biết tạ ơn Thiên Chúa. Còn ta thì sao?

TiengChuong.org
 
Kiệt tác
Lm. Minh Anh
14:18 10/04/2025
KIỆT TÁC
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môsê cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ và phẩm phục. Môsê phải tìm các nghệ nhân. Họ lấy vàng bạc, vải vóc và đá quý để thiết kế chúng lộng lẫy nhất có thể. Mục đích của Chúa gợi lên mục đích chung cho mọi công trình lớn nhỏ của Ngài: “Tôn vinh vẻ huy hoàng và biểu lộ vinh quang Thiên Chúa”. Chúng phải là những kiệt tác phô diễn sự thánh thiện của Ngài!.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘kiệt tác’ phô diễn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng không chỉ là những gì được đem vào đền thờ, nhưng còn là những con người và những chứng từ không lời của họ.

Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu: đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Chúa hứa, nhưng còn trên những việc Ngài làm! Việc vĩ đại nhất Chúa Cha đã làm là phục sinh Chúa Con mà Giáo Hội đang hướng về; và Chúa Con vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Cha qua các chứng nhân của Ngài và qua các Bí tích. Đó cũng là những ‘kiệt tác’ phô diễn sự thánh thiện của Chúa.

Chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu; tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ những ‘kiệt tác’ bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa mới có thể có tiếng nói mạnh nhất, vang vọng nhất! “Người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!” - Phaolô VI. Các việc bạn làm có phù hợp với lời bạn nói? Chúng có nói lên điều bạn tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ?”.

Gioan kết thúc Tin Mừng hôm nay: “Ở đó, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu”. Bất chấp bao chống đối, lời nói và việc làm của Ngài vẫn có khả năng thâm nhập trái tim con người. Sự chống đối khủng khiếp - thậm chí, thâm độc - không thể cản trở người khác tin Ngài. ‘Mầu nhiệm’ này lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh! Ở đâu có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, ở đó luôn có những ‘kiệt tác hoán cải’ lớn nhất!

Giêrêmia đã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Dẫu bao bạo hành, bách hại của dân, ông vẫn chứng tỏ là một ngôn sứ được Chúa sai đến để hoán cải họ; lời nói và việc làm của ông đầy thuyết phục, “Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Người đã nghe tiếng tôi!”.

Anh Chị em,

“Hãy tin các việc đó!”. Hãy chiêm ngắm một Giêsu co ro trong hang đá Bêlem; lặng nhìn một Giêsu giãy giụa trên đồi Sọ để thấy “việc” Thiên Chúa làm! Hãy trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để hiểu Thiên Chúa là ai, Giêsu là ai, may ra con tim của bạn và tôi có thể dịch chuyển. Nếu các việc làm của Chúa Con tiết lộ danh tính Ngài, thì “thập giá” là ‘kiệt tác’ biểu lộ danh tính Ngài trọn vẹn nhất, Ngài là Con Thiên Chúa! Nhờ ‘kiệt tác tử nạn và phục sinh’ - kiệt tác của mọi kiệt tác - bạn và tôi được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng còn là những ‘kiệt tác’ cho vinh quang Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng khởi đi từ việc hoán cải chính mình và con cũng trở nên một ‘kiệt tác’ của Chúa. Tại sao không?”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Ông Roger Landry đến thăm một trại phong ở Việt Nam: ‘Không có bàn tay, đức tin vĩ đại’
Vũ Văn An
14:26 10/04/2025
Lời chứng xúc động từ những vùng xa xôi trên thế giới khi Hội Truyền giáo Giáo hoàng mang Thánh Thể đến với những người cần nhất.

Alyssa Murphy, trên National Catholic Register, ngày 9 tháng 4 năm 2025, cho hay: Hiện đang là giám đốc của Hội Truyền giáo Giáo hoàng Hoa Kỳ, Đức Ông Roger Landry đã đi khắp thế giới để mang Chúa Kitô đến những vùng xa xôi trên Trái đất.

Chuyến đi gần đây nhất của ngài đã đưa ngài đến Việt Nam, nơi ngài đã đến thăm những người Công Giáo mắc bệnh phong. Làm chứng về những gì ngài đã thấy sau khi cử hành Thánh lễ trong một nhà thờ chật kín người, Đức Ông Landry kể lại:

“Sau đó, chúng tôi có vinh dự lớn lao khi đưa Chúa Giêsu đến với những người phong cùi trong cộng đồng này, những người không thể tham dự Thánh lễ”, ngài nhớ lại, “Người phong cùi đầu tiên mà chúng tôi đến thăm, với cơn đói cồn cào, ngước mắt lên nhìn Chúa qua đôi mắt ngấn lệ và đón nhận Chúa trên lưỡi vì anh ấy không còn tay nữa. Đôi tay của anh ấy đã được trao lại cho Chúa. Và anh ấy đã đón nhận với đức tin lớn lao”.

Đức Ông Landry đã chia sẻ một cuộc gặp gỡ khác mà ngài đã có trong cộng đồng người phong cùi ở Kon Tum, “để trao Mình Thánh Chúa cho một người phụ nữ trong nhà của bà ấy”.

“Bà ấy rất phấn khích khi được rước Chúa Giêsu, bà ấy bò dọc hành lang bằng cả bốn chân; mặc dù bà ấy không còn tay, bà ấy đã đến trên một tấm thảm đã được trải sẵn, để chào đón Chúa Giêsu”, Đức Ông Landry nói trong khi nước mắt trào ra.

“Và sau đó, bà ấy đã đón nhận Người bằng tình yêu thương lớn lao”.

Vị linh mục, người thường xuyên đóng góp bài viết trên các trang của Register, đã kết thúc bằng cách nhắc nhở tất cả chúng ta:

Đức Ông Roger Landry đến thăm trẻ em ở Kon Tum, Việt Nam trong chuyến thăm với tư cách là giám đốc Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Ảnh lịch sự)


“Đây là đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những gì Hội Truyền giáo Giáo hoàng phấn đấu thực hiện: để có thể mang Chúa Giêsu, Ánh sáng của Thế giới, đến với mọi người bất kể họ đang đau khổ như thế nào. Bởi vì ngay cả khi chúng ta bước đi trong thung lũng tối tăm, chúng ta không sợ điều ác, vì Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta.”

Khu của người phong hủi cũng được Hội từ thiện Truyền giáo Thánh Giuse Hoa Kỳ hỗ trợ.

Một món quà quan trọng khác mà Hội Truyền giáo Giáo hoàng có thể trao tặng cho những người mắc căn bệnh này là giày dép. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Đức ông Landry đã giải thích lý do tại sao điều này lại quan trọng như vậy, ngài viết:

“Dép là vật dụng thiết yếu để giữ cho chân họ không bị chảy máu, vì bệnh phong hủi có thể lây truyền sang người khác thông qua dịch tiết. Mỗi đôi dép được may riêng cho từng kích cỡ bàn chân khác nhau của người phong hủi. Chúng tôi cũng đã lấy khuôn cho những người phong hủi mới cần đóng dép.”

Nhóm cũng gặp gỡ những đứa trẻ không có gia đình chăm sóc. Như Đức Ông Landry giải thích:

“Chúng tôi cũng gặp gỡ những bé gái mồ côi của trại phong. Các nữ tu chăm sóc những người phong, trẻ mồ côi và những người thuộc các bộ tộc thường không được văn hóa Việt Nam rộng rãi chấp nhận, đã đến thăm đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng ở Măng Đen, với bức tượng Đức Mẹ với đôi bàn tay cụt, người mà những người phong vô cùng sùng kính."

Đức Mẹ Măng Đen


Nhiều người đã mất chân tay hoặc bị khuyết tật cầu nguyện xin Đức Mẹ chuyển cầu dưới danh hiệu đặc biệt này.

Đức Ông Landry hiện đang đi đến Thái Lan và các nước châu Á khác. Xin hãy cầu nguyện cho ngài và công việc quan trọng của Hội Truyền giáo Giáo hoàng!

Đức Mẹ Măng Đen, cầu cho chúng con!
 
Khăn Veronica là dấu hiệu hy vọng cho thời hiện đại, theo lời một viên chức Vatican
Vũ Văn An
15:02 10/04/2025

Triển lãm Thánh Nhan tại Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô vào ngày 6 tháng 4 năm 2025. (Nguồn: Tranh Vải của Nhà thờ Thánh Phê-rô tại Vatican.)


Elise Ann Allen của Crux, ngày 10 tháng 4 năm 2025, tường trình: Một viên chức Vatican và là người phát ngôn của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô cho biết truyền thống cổ xưa về lòng sùng kính Khăn của Bà Veronica và Thánh Nhan của Chúa Giêsu là dấu hiệu của hy vọng và lời mời gọi quay trở lại với những điều cốt yếu trong một thế giới luôn kết nối và chuyển động.

“Cuối cùng, cử chỉ của Bà Veronica là một cử chỉ của hy vọng. Tại sao? Nó khiến chúng ta hiểu rằng đàn ông muốn hỗ trợ người khác, rằng đàn bà muốn hỗ trợ người khác. Đây chính là hy vọng”, Cha Enzo Fortunato thuộc dòng Phanxicô nói với Crux.

Cựu giám đốc phòng báo chí của Vương cung thánh đường và tu viện Phanxicô ở Assisi, Fortunato hiện là người phát ngôn của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, một vị trí mới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào đầu năm nay, và là giám đốc biên tập của tạp chí Quảng trường Thánh Phê-rô.

Mặc dù các sách Tin mừng không đề cập rõ ràng đến Bức khăn của Bà Veronica - một sự sùng kính cổ xưa của Kitô giáo đối với những gì được cho là dấu ấn thiêng liêng của khuôn mặt Chúa Giêsu trên tấm khăn của một góa phụ tên là Veronica, người đã dùng nó để lau mặt Người khi mang cây thánh giá đến Núi Golgotha, nơi Người bị đóng đinh - Fortunato cho biết đó là "một sự sùng kính tuyệt đẹp".

Việc tôn kính tấm khăn "đưa chúng ta trở về với trái tim, vượt ra ngoài tính xác thực của thánh tích", đến chính cử chỉ đó, ngài nói.

Cũng giống như khi mọi người dựng tượng các vị thánh, hoặc các hình ảnh hoặc đồ vật thánh khác để tôn kính, ngài nói rằng đây là những sự sùng kính "đưa chúng ta trở về với trải nghiệm hoặc truyền thống, và đối với thánh tích này cũng vậy".

Tấm khăn của Bà Veronica là một sự sùng kính cổ xưa trong Giáo Hội Công Giáo, và trong khi có một số phiên bản được cho là của tấm khăn, thì phiên bản được lưu giữ tại Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô đã có từ thế kỷ thứ 7, tức là hơn 1300 năm.

Nó được đặt trong một hộp đựng thánh tích bằng bạc và được cất giữ bên trong một trong những cột xung quanh bàn thờ chính tại Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, phía trên bức tượng Bà Veronica cầm tấm khăn, và được trưng bày một lần một năm vào Chúa Nhật thứ năm của Mùa Chay, Chúa Nhật cuối cùng trước Chúa Nhật Lễ Lá, đánh dấu sự bắt đầu của Tuần Thánh.

Năm nay, tấm khăn được trưng bày trong một buổi lễ phụng vụ vào Chúa Nhật, ngày 6 tháng 4 tại Quảng trường Thánh Phê-rô, sau đó là Thánh lễ do Hồng Y người Ý Mauro Gambetti, linh mục trưởng của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, chủ trì.

Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô năm nay là một “nhà thờ trạm”, nghĩa là nó là một phần của truyền thống lâu đời ở Rome khi các tín hữu và người hành hương tụ họp hàng ngày trong 40 ngày tại một trong những nhà thờ ở Rome, nơi thánh tích của các vị thánh và các vị tử đạo được tôn kính để cầu nguyện.

Cha Fortunato, người đã có mặt tại buổi lễ và triển lãm Veronica’s Veil vào Chủ Nhật, lưu ý rằng có những phiên bản khác của tấm khăn che mặt được cho là xác thực, bao gồm cả Holy Face of Manoppello nổi tiếng và được tôn kính nhiều.

Cha Fortunato cho biết: “Chúng tôi không quan tâm nhiều đến thánh tích mà là việc tôn kính Thánh Nhan Chúa Giêsu”, đồng thời cho biết việc tôn kính tấm khăn hàng năm tại Nhà thờ Thánh Phê-rô “là một nghi lễ dẫn chúng ta đến việc tôn kính Thánh Nhan Chúa Giêsu và đưa nghi lễ này vào các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta”.

Ngài cho biết, đó là lời mời gọi “nhìn thấy các nét trên khuôn mặt của Chúa Giêsu trong mỗi con người” và nó cung cấp một điểm khởi đầu trung tâm “trong hành trình tâm linh, trong hành trình đức tin. Sự tôn kính Thánh Nhan Chúa Giêsu”.

Ngài chỉ ra những thánh tích acheiropoieta [sản phẩm không do tay người làm ra] khác, nghĩa là những thánh tích được cho là có nguồn gốc thần thánh, và không phải do bàn tay con người vẽ, bao gồm Thánh Nhan Manoppello và Thánh Vải Liệm Turin, được nhiều người tin là tấm vải liệm của Chúa Giêsu.

Lòng sùng kính những đồ vật linh thiêng này có thể đặc biệt hữu ích trong Mùa Chay, Cha Fortunato cho biết, lưu ý rằng ba trụ cột tinh thần của mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí, hay các hành động từ thiện.

“Tôi tin rằng Thánh Nhan Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với một trong những khía cạnh trung tâm của hành trình tâm linh và đó là nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô trên khuôn mặt của mọi người. Tôi tin rằng ngày nay, trên hết, các Ki-tô hữu thiếu điều này”, ngài nói.

Trong khi cầu nguyện trước một bức tượng hoặc thực hiện một hành động từ thiện nhỏ là điều dễ dàng, thì sống bác ái và tìm thấy Chúa Kitô trong các mối quan hệ hàng ngày của một người, đặc biệt là giữa những tội lỗi và sai lầm của một người, lại khó khăn hơn, ngài nói.

Mặc dù Tin Mừg không đề cập đến Bà Veronica hay việc bà lau mặt cho Chúa Giêsu, Cha Fortunato lưu ý rằng những con phố Via Crucis mà Chúa Giêsu đi qua ở Jerusalem rất nhỏ, nghĩa là mọi người có thể dễ dàng đến đủ gần để khạc nhổ vào Chúa Giêsu, điều này được đề cập trong kinh thánh, và cũng dễ dàng như vậy để ai đó tiếp cận Người bằng một hành động "thương cảm".

Cha Fortunato đã nói về truyền thống hành hương đến Nhà thờ Thánh Phê-rô để tham dự cuộc triển lãm thường niên và sự nổi bật của các cuộc hành hương trong Năm Thánh Hy vọng đang diễn ra, với chủ đề "Những người hành hương của Hy vọng".

"Những lý do hành hương khác nhau và chắc chắn ở trung tâm là mong muốn bắt đầu lại một cuộc hành trình, mong muốn gột rửa cuộc sống khỏi tội lỗi và mong muốn tái lập mối quan hệ với tư cách là con cái của Chúa,” ngài nói, lưu ý rằng có nhiều điểm đến hành hương khắp Rome.

Hành hương cũng là một khía cạnh đặc biệt của thời gian Mùa Chay, ngài nói, “Cuộc sống là một cuộc hành trình. Tôi tin rằng nếu chúng ta tưởng tượng cuộc sống như một cuộc hành trình, thì sẽ dễ dàng nắm bắt được tầm quan trọng của cuộc hành hương, (là) đưa bản thân vào chuyển động để đến đích.”

“Nhiều người trong chúng ta ngày nay trải qua sự bối rối và mất phương hướng, không có điểm tham chiếu… Thay vào đó, cuộc hành hương cho chúng ta biết rằng việc có một điểm đến giúp xây dựng cuộc sống của một người” và tập trung vào “điều cốt yếu trong mọi thứ, đó là, mang theo một vài thứ hữu ích cho cuộc hành trình.”

Trong một xã hội ngày càng hoàn cầu hóa với đầy rẫy “những thứ phù du bóp nghẹt cuộc hiện sinh của chúng ta và dần dần khép chặt nó trong một hàng rào”, hành động hành hương mang lại phương hướng và chiều sâu cho cuộc sống, ngài nói.

Cha Fortunato bày tỏ niềm tin của mình rằng thông điệp mà lòng sùng kính đối với Khăn Bà Veronica và Thánh Nhan Chúa Giêsu mang lại cho xã hội hiện đại là “tái khám phá khuôn mặt” của Chúa giữa thế giới.

“Chúng ta sống trong một xã hội mà trên hết, nghĩ về người trẻ như được kết nối ở binh diện ảo, nhưng (họ) ít được kết nối ở bình diện hiện sinh thực sự”, ngài nói thêm, “Chỉ cần tham dự một cuộc tụ họp của những người trẻ tuổi hoặc một cuộc họp mặt gia đình hoặc bữa trưa tại nhà”.

Mọi người ngồi với điện thoại di động của họ “và không có cuộc đối thoại nào, không có khả năng nhìn vào mặt nhau, vào mắt nhau”, Cha Fortunato nói, “lòng sùng kính đối với Thánh Nhan Chúa Giêsu kêu gọi và có thể là động lực để thực hiện một hành trình được tạo nên từ khả năng có những mối quan hệ thực sự dẫn chúng ta rời khỏi thế giới ảo và khôi phục lại vẻ đẹp của thế giới thực, của khuôn mặt mà tôi nhìn thấy trước mắt mình mỗi ngày”.

“Tôi tin rằng việc khôi phục lại điều này là một trong những thách thức quan trọng nhất hiện nay”, ngài nói.

Đối với một thành phố và một thế giới luôn vội vã và muốn mọi thứ ngay lập tức, “dừng lại là một cơ hội tuyệt vời và cũng giúp chúng ta hiểu được giá trị của thời gian”, ngài nói.
 
Tổng giáo phận Kansas City thương tiếc linh mục từ Ấn Độ bị sát hại
Đặng Tự Do
17:57 10/04/2025


Đức Tổng Giám Mục Joseph Fred Naumann của Kansas City ở Kansas cho biết Cha Arul Carasala là “một người bạn và một linh mục vĩ đại”, khi ngài phát biểu vào hôm thứ sáu 4 Tháng Tư, tại giáo xứ của vị linh mục bị bắn chết một ngày trước đó tại thị trấn Seneca.

Cha Carasala là cha sở tại Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ từ năm 2011, năm ngài trở thành công dân Hoa Kỳ. Ngài xuất thân từ Ấn Độ, nơi ngài được thụ phong linh mục.

Đức Cha Naumann cho biết: “Chúng tôi cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng Cha Arul, người yêu mến Chúa Giêsu và nhiệt thành theo Người trên thế gian này, hiện đang ở bên Chúa chúng ta”.

“ Tôi đã chia sẻ trong bài giảng của mình rằng việc trở thành một linh mục ngày nay đòi hỏi tình yêu anh hùng. Phẩm chất đó thể hiện rõ ở Cha Arul, người đã rời Ấn Độ để đến vùng đất trung tâm của nước Mỹ và phục vụ người dân của Giáo Hội Công Giáo ở đông bắc Kansas,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Trong khi chúng ta tiếp tục thương tiếc sự mất mát của Cha Arul, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không mất hy vọng. Chúa ở cùng chúng ta trong nghịch cảnh. Ngài có thể mang lại điều tốt lành từ điều xấu xa. Ngài có thể mang lại sự sống từ cái chết. Chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu hơn trong thời điểm đau buồn này và cầu xin Ngài an ủi trái tim chúng ta. Lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả những ai yêu mến Cha Arul,” ngài nói thêm.

Theo KMBC News, cảnh sát đã bắt giữ Gary Hermesch, 66 tuổi, đến từ Tulsa, Oklahoma, tại hiện trường. Ông đã bị giam giữ tại Nhà tù Quận Nemaha vì tình nghi giết người cấp độ một, theo KBI.

Cha Carasala đã phục vụ tổng giáo phận Kansas trong hơn 20 năm.

Cha đến từ Hyderabad, Ấn Độ, được thụ phong linh mục vào năm 1994 tại Giáo phận Cuddapah ở Telangana.

Đức Hồng Y Anthony Poola của Hyderabad cho biết ngài “vô cùng tiếc thương” khi nghe tin về cái chết của vị linh mục.

Ngài nói với Crux: “Lời chia buồn chân thành của tôi và những kỷ niệm về cuộc đời và sự phục vụ của ngài là minh chứng cho tác động mà ngài đã tạo ra đối với cuộc sống của những người xung quanh”.

“Xin cho linh hồn ngài được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, và xin gia đình, bạn bè và cộng đồng mà ngài phục vụ tìm thấy sự an ủi và an ủi trong ký ức của họ về ngài. Những lời cầu nguyện và lòng biết ơn của tôi đối với những việc làm tốt của ngài là một sự tôn vinh tuyệt đẹp đối với di sản của ngài,” Đức Hồng Y nói thêm.

Ngay sau cái chết của vị linh mục, Đức Giám Mục Naumann đã viết rằng ngài “đau lòng” vì vụ giết người.

“Hành động bạo lực vô nghĩa này đã khiến chúng ta đau buồn vì mất đi một vị linh mục, một nhà lãnh đạo và một người bạn đáng kính”, vị tổng giám mục viết.

“Cha Carasala là một mục tử tận tụy và nhiệt thành, người đã trung thành phục vụ Tổng giáo phận của chúng ta trong hơn hai mươi năm, bao gồm cả khi làm cha sở của khu vực Nemaha-Marshall. Tình yêu của ngài dành cho Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài được thể hiện rõ qua cách ngài phục vụ giáo dân của mình với lòng quảng đại và sự chăm sóc tuyệt vời. Các giáo dân, bạn bè và anh em linh mục của ngài sẽ vô cùng nhớ ngài,” ngài tiếp tục.

“Trong thời điểm đau buồn này, chúng ta hãy phó thác Cha Carasala cho lòng thương xót của Chúa và cầu nguyện cho gia đình của ngài ở Cuddapah, Ấn Độ, cộng đồng giáo xứ của ngài tại giáo xứ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ ở Seneca, và tất cả những ai đang đau buồn vì sự ra đi của ngài. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho thủ phạm, để Chúa có thể chạm đến và biến đổi trái tim của ông ta,” Đức Cha Naumann nói.

“Không có mối đe dọa nào đang diễn ra đối với cộng đồng, nhưng tôi nhận ra nỗi đau và sự kinh hoàng mà một sự kiện như vậy mang lại. Trong những khoảnh khắc như thế này, chúng ta hướng về Chúa, người luôn gần gũi với những trái tim tan vỡ. Khi chúng ta đau buồn, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trong đức tin và hy vọng vào sự Phục sinh của Chúa Kitô”, ông viết.


Source:Crux
 
40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Sáu Tuần Thứ 5 Mùa Chay – Ngày 11-04
J.B. Đặng Minh An dịch
18:00 10/04/2025


Gr 20:10-13

Tv 17(18):2-7

Ga 10:31-42

“Các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10:38)



Diễn giả Kitô giáo nổi tiếng, chuyên gia, nhà lãnh đạo và tác giả, Craig Groeschel, đã viết một cuốn sách có tựa đề gây sốc vào năm 2011: The Christian Atheist, nghĩa là Kitô Hữu vô thần. Phụ đề là, Tin vào Chúa nhưng sống như thể Người không tồn tại. Trên trang web của tác giả, ông hỏi, “Hãy dành một chút thời gian trung thực và tự hỏi: 'Tôi có đặt toàn bộ niềm tin của mình vào Chúa, nhưng lại vẫn sống như thể mọi thứ đều tùy thuộc vào tôi không?”

Khi đối mặt với một sự thật khó chịu, không mong muốn về Chúa hoặc ý muốn của Người dành cho chúng ta, thì việc cách ly Người vào những chiếc hộp ngày càng nhỏ hơn trong cuộc sống của chúng ta là một nhiệm vụ tương đối dễ dàng. Chúng ta có thể nói, “Chúa ơi, con sẽ thờ phượng Người trong tinh thần và sự thật vào ngày Chúa Nhật, như Người xứng đáng được như thế, nhưng phần còn lại của cả tuần phải là của con!” Vào một số ngày Chúa Nhật, thật may là không có camera giám sát ở nhà và trong xe hơi để ghi lại những giờ trước và sau những khoảnh khắc thánh thiện của chúng ta. Người ta thậm chí có thể tưởng tượng ra một Chúa là người chăm sóc được chỉ định cho nhà thờ giáo xứ của chúng ta. Người mở cửa vào Chúa Nhật, chào đón chúng ta vào, và sau đó chúng ta nhốt Người trong đó cho đến hết tuần. “Hẹn gặp lại Chúa vào tuần tới nhé!”

Để từ chối Người, chúng ta không cần phải làm bất cứ điều gì kịch tính như cố gắng bắt giữ hoặc ném đá Chúa Giêsu. Nếu chúng ta chỉ đơn giản là lờ Người đi, để Người ra khỏi những quyết định quan trọng, hoặc ngăn cách Người khỏi trái tim và cuộc sống của chúng ta, thì thực tế chúng ta đã khước từ Người. Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn là sự hiệp thông sâu sắc hơn, chứ không phải là sự lên án (x. Rm 8:1). Khi chúng ta để Chúa Giêsu tự do hoạt động trong cuộc sống của mình, cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa và mục đích lớn hơn.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con một lần nữa mời Chúa vào lòng con và toàn thể cuộc sống con. Amen.
 
Lan can rước lễ đang trở lại khi các nhà thờ đón nhận vẻ đẹp và sự tôn kính
Đặng Tự Do
18:01 10/04/2025


Ngày càng nhiều giáo xứ Công Giáo tại Hoa Kỳ đang khôi phục lại lan can bàn thờ, đổi mới lòng tôn kính và thay đổi trải nghiệm của tín hữu về Bí tích Thánh Thể.

Vào mỗi Chúa Nhật tại Nhà thờ St. Anne ở Richmond Hill, Georgia, gia đình Hilleary — mẹ Michelle, cha Brian và năm người con — sẽ rước lễ tại lan can bàn thờ.

“Nó tạo ra một không gian thiêng liêng hơn. Và nó thu hút sự chú ý của bạn đến điều thiêng liêng,” Michelle Hilleary nói với Register.

“Nó làm cho cung thánh trở nên trang nghiêm,” cô con gái 15 tuổi của bà, Malia, nhận xét.

Nhà thờ St. Anne là một trong những nhà thờ mới và cũ đã phục hồi lại lan can bàn thờ để mọi người có thể rước lễ một cách tôn kính.

Cha Dawid Kwiatkowski cho biết sự phát triển này được giáo dân của ngài hoan nghênh.

“Ngày càng có nhiều người đến,” Cha Kwiatkowski nhớ lại vào năm 2022, khi ngài trở thành cha xứ mới và gặp “những gia đình trẻ đang tìm kiếm sự đón nhận Thánh Thể một cách tôn kính hơn.”

Cha Kwiatkowski kể lại rằng cha sở trước đã có ý định phục hồi lại lan can rước lễ. Sau đó, một gia đình đã đề nghị tài trợ 50.000 đô la cho lan can bàn thờ nếu ngài có thể quyên góp được số tiền còn lại cần thiết để hoàn thành dự án. “Trong vòng một tuần, tôi đã tìm được những nhà tài trợ còn lại”, ngài nói, giải thích rằng các giáo dân đã ủng hộ việc bổ sung lan can bàn thờ với tổng chi phí là 90.000 đô la.

“Tôi cần lắp một lan can bàn thờ có thể đáp ứng nhu cầu của mọi người,” vị linh mục giải thích. Bao gồm cả những người muốn quỳ và nhận bằng lưỡi, quỳ và nhận bằng tay, hoặc đứng và nhận theo cả hai cách.

Thẩm mỹ phụng vụ đóng vai trò quan trọng. Cha Kwiatkowski cho biết về lan can mới: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng lan can bàn thờ về cơ bản trông giống như nó vẫn luôn ở đây”.

Trong nhiều tuần trước mỗi Thánh lễ Chúa Nhật, cha giải thích cho giáo dân cách sử dụng lan can bàn thờ, tùy thuộc vào lựa chọn của mọi người về cách rước lễ, và cha đăng những lời giải thích này trên trang web của giáo xứ.

Cho đến nay, ngài đã phát hiện ra rằng “khoảng 90% mọi người sẽ quỳ gối để rước lễ. Ngay cả khi họ đang rước lễ bằng tay, họ vẫn sẽ quỳ gối và sử dụng lan can bàn thờ.” Đương nhiên, những người không thể quỳ gối sẽ đứng.

Những giáo dân như gia đình Hilleary thực sự rất trân trọng điều này.

Michelle Hilleary cho biết: “Khi bạn nhận Mình Thánh Chúa ở tư thế quỳ, bạn sẽ có thời gian để suy ngẫm về Người mà bạn đang nhận”. “Điều này chắc chắn tạo ra bầu không khí tôn kính và vẫn cho phép mọi người nhận theo cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất”.

Người chồng Brian cũng thích thanh chắn Tiệc Thánh Thể.

“Nhà thờ St. Anne trước đây là một nhà thờ tuyệt đẹp, và trong vài năm trở lại đây, nơi này đã trở thành một nơi tôn nghiêm và đẹp đẽ hơn để thờ phượng,” Brian nói. “Tôi biết rằng việc mang một lan can bàn thờ vào một nhà thờ mà trước đây không có lan can nào có thể gây lo ngại cho một số người Công Giáo, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng điều đó giúp chúng ta nhớ rằng bàn thờ, nơi Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong nhà thờ của chúng ta, phải là một nơi chào đón để tụ họp và tiếp nhận Người, nhưng luôn là một nơi thánh thiêng. “

Những đứa con nhà Hilleary cũng nhận ra giá trị này.

“Nó cho phép những người giúp lễ hỗ trợ Thánh lễ theo cách tôn kính và trật tự hơn, giúp giảm bớt sự xao lãng làm mất đi vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể,” Seamus, 17 tuổi, một người giúp lễ, cho biết. Anh trai của cậu, Christian, 12 tuổi, cũng là một cậu bé giúp lễ, nói thêm, “Nó làm tăng sự tôn kính vì tôi cảm thấy rằng bây giờ có nhiều người quỳ xuống hơn là đứng lên khi họ đang rước lễ.”


Source:National Catholic Register
 
Văn Hóa
Đọc Joseph Ratzinger, Nhà thần học của tính liên tục: tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ
Vũ Văn An
19:14 10/04/2025

Ơn thánh và Ơn gọi không Ân hận: Các Ghi chú về Khảo luận de Judaeis [Về Người Do Thái]



Trong thời gian Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ý thức rất rõ mối liên kết giữa “giáo huấn có tính khinh miệt” của Kitô Giáo và phong trào bài Do Thái về phương diện chủng tộc, nên đã nhờ Đức Hồng Y Augustin Bea, Dòng Tên, hướng dẫn việc soạn thảo một sơ đồ về người Do Thái để Công Đồng thảo luận. Nhưng tới cuối Công Đồng này với sự khuyến khích của một vị Giáo Hoàng mới (Phaolô VI), cách tiếp cận của Giáo Hội đối với Do Thái Giáo đã thay đổi, do đó từ sơ đồ De Judaeis (Về Người Do Thái) của Đức Hồng Y Bea, Vatican II đã chấp nhận một sơ đồ khác cuối cùng trở thành Tuyên bố De Ecclesiae Habitudine ad Religiones non-Christianas (Về Các Tôn Giáo Không Phải Là Kitô Giáo”, được biết đến nhiều hơn dưới tên Tuyên Bố Nostra Aetate, vốn là hai chữ đầu tiên của Tuyên bố.

Dù đã về hưu từ năm 2013, Đức Bênêđíctô XVI luôn suy tư về văn kiện này và trên tạp chí Communio, một tạp chí do chính ngài đồng sáng lập, số 45 Mùa Xuân 2018, ngài đã viết một tiểu luận khá chi tiết về tiền thân của nó là khảo luận De Judaeis của Đức Hồng Y Bea. Khác với văn kiện ““Khi Thiên Chúa Đã Ban Ơn Và Kêu Gọi, Thì Người Không Hề Đổi Ý” (Rm 11:29) hay “Một Suy Tư về Các Vấn Đề Thần Học Liên Quan Đến Các Mối Liên Hệ Công Giáo-Do Thái Giáo Nhân Dịp Kỷ Niệm Năm Thứ 50 Tuyên Ngôn ‘Nostra Aetate’” của Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo Với Người Do Thái của Tòa Thánh, tiểu luận của Đức Bênêđíctô XVI đã gây nên một cuộc tranh luận hào hứng giữa ngài và một số thần học gia Công Giáo và một số giáo sĩ cao cấp của Do Thái Giáo. Qua cuộc thảo luận này, người đọc sẽ thấy nét sắc sảo, trung thực và trong sáng của một nhà thần học, người vẫn duy trì được các nét nổi bật
này dù đã 91 tuổi, lúc viết tiểu luận này.

Tiểu luận được đăng trên Communio ấn bản tiếng Đức dưới tiêu đề dịch sang tiếng Anh là "Grace and Calling without Repentance’: Notes on the Treatise De Iudaeis" (Ơn thánh và Ơn gọi không Ân hận: Các Ghi chú về Khảo luận Về Người Do Thái). Chúng tôi đã cho đăng bản dịch tiểu luận này cùng các phản ứng từ trong Giáo hội và từ các giới Do Thái giáo trên VietcatholicNews ngày 13 tháng 5 năm 2019 dưới tựa đề: Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, lược bỏ các phần tranh luận.



Ơn Thánh và Ơn Gọi không Hối Hận: Nhận định về khảo luận “De Judaeis” (Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI)

“Giao ước giữa Thiên Chúa và Israel không thể hủy tiêu vì liên tục tính trong lựa chọn của Thiên Chúa. Nhưng cùng một lúc, nó vẫn cùng được xác định bởi toàn bộ bi kịch sai lầm nhân bản... Cuộc hành trình của Thiên Chúa với Dân của Người cuối cùng đã tìm thấy bản tóm lược và khuôn mạo tối hậu trong Bữa Ăn Sau Cùng của Chúa Giêsu Kitô, một bữa tiệc dự ứng và mang theo trong nó Thập Giá và Phục Sinh”.

1.Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI DO THÁI GIÁO VÀ NGƯỜI KITÔ GIÁO

Kể từ Auschwitz, rõ ràng Giáo hội cần suy nghĩ lại vấn đề bản chất của Do Thái giáo. Với tuyên bố Nostra aetate, Công đồng Vatican II đã cung cấp những chỉ dẫn căn bản đầu tiên. Để chắc chắn, trước tiên chúng ta phải xác định khảo luận về người Do Thái [De Iudaeis] muốn nói gì. Cuốn sách được ca ngợi một cách xác đáng của Franz Mußner về chủ đề này, trong yếu tính, là một cuốn sách nói về ý nghĩa tích cực lâu dài của Cựu Ước. Điều này chắc chắn rất quan trọng, nhưng nó không tương ứng với chủ đề De Iudaeis. Vì “Do Thái giáo”, theo nghĩa hẹp, không hẳn là Cựu Ước, một di sản, trong yếu tính, vốn là của chung của cả người Do Thái lẫn Kitô hữu. Thực thế, có hai đáp ứng trong lịch sử đối với việc phá hủy đền thờ và cuộc lưu đày triệt để mới của Israel: Do Thái giáo và Kitô giáo. Đúng là Israel đã nhiều lần trải nghiệm tình huống đền thờ bị phá hủy và dân tan tác. Tuy nhiên, lần nào họ cũng đều được phép hy vọng sẽ xây lại đền thờ và trở lại vùng đất hứa. Sau khi đền thờ bị phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên, và dứt khoát sau thất bại của cuộc nổi dậy Bar Kokhba, tình hình cụ thể đã ra khác. Trong tình hình này, sự phá hủy đền thờ và sự phân tán dân Israel phải được coi là kéo dài ít nhất một thời gian rất lâu. Cuối cùng, điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong diễn trình phát triển là đền thờ với việc thờ phượng của nó sẽ không được khôi phục, cả khi tình hình chính trị cho phép việc này. Nhưng đối với người Do Thái, có một phản ứng khác đối với sự hủy diệt và phân tán, một phản ứng, ngay từ đầu, đã đoán trước các biến cố này có tính dứt khoát và đã giả định rằng tình huống do đó mà có là một diễn trình đã được đức tin của chính Israel dự ứng. Đây là phản ứng của các Kitô hữu, những người không hoàn toàn tách rời khỏi Do Thái.áo lúc ban đầu, nhưng chủ trương sẽ duy trì liên tục tính Israel trong đức tin của họ. Như chúng ta biết, chỉ một phần nhỏ của Israel có khả năng chấp nhận phản ứng này, trong khi phần lớn hơn chống lại nó và tìm kiếm một giải pháp khác. Tất nhiên, ngay từ đầu, hai cách này không hề tách biệt rõ ràng với nhau, và do đó, mỗi bên đã liên tục phát triển trong khi tranh luận với nhau.

Như sách Công vụ Tông đồ cho thấy, cộng đồng phát sinh từ sứ điệp, đời sống, sự đau khổ và Thánh giá của Chúa Giêsu thành Nadarét lúc đầu hoàn toàn đã sinh hoạt từ bên trong Israel. Tuy nhiên, nó dần dần mở rộng việc công bố của nó vào các lãnh thổ Hy Lạp và do đó rõ ràng đã tiến tới chỗ xung đột với Israel. Kết thúc của sách Công vụ rất có ý nghĩa đối với diễn trình này. Ở Rôma, Thánh Phaolô một lần nữa đã bắt đầu với người Do Thái, cố gắng thuyết phục họ giải thích Kinh thánh dưới ánh sáng biến cố Chúa Giêsu, nhưng ngài đã gặp phải sự bác bỏ, một sự bác bỏ đã được tiên báo trong Isaia 6: 9-10. Nếu ở đây, sự tách biệt của hai cộng đồng xem ra đã hoàn tất, thì diễn trình chắc chắn vẫn còn kéo dài hơn ở nơi khác, đến nỗi cuộc đối thoại vẫn tiếp tục trong khi cả hai bên xung đột với nhau.

Cộng đồng Kitô giáo đã phát biểu bản sắc của mình trong các trước tác Tân Ước, một việc, xét về yếu tính, vốn đã bắt đầu có từ hậu bán thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, phải mất một thời gian nữa trước khi các trước tác này kết hợp thành qui điển (canon), có nghĩa một văn kiện có thẩm quyền đối với bản sắc Kitô giáo. Tuy nhiên, những trước tác này không tự đứng một mình mà liên tục tham chiếu “Cựu Ước”, tức Kinh Thánh của Israel. Mục đích của chúng là để chứng minh sự giải thích chân chính của các sách Cựu Ước về các biến cố liên quan tới Chúa Giêsu Kitô. Qui điển Kitô giáo, vì thế, trong bản chất, gồm hai phần: Cựu Ước, tức Kinh thánh của Israel và giờ đây là Do Thái giáo, và Tân Ước, là bộ sách soi sáng một cách chân chính lối giải thích Cựu ước dưới ánh sáng Chúa Giêsu. Do đó, các “sách Cựu Ước” vẫn chung cho cả hai cộng đồng, mặc dù chúng được giải thích cách khác nhau. Ngoài ra, nơi các Kitô hữu, bản dịch tiếng Hy Lạp của các sách Cựu Ước có từ khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, gọi là Bản Bẩy Mươi (Septuagint), trên thực tế, đã được công nhận là qui điển cùng với Kinh thánh Do Thái. Về mặt này, kinh điển Kitô giáo đã mở rộng hơn so với người Do Thái. Ngoài ra, có một số khác biệt không đáng kể giữa bản Bẩy Mươi và bản văn tiếng Do Thái. Trong thời gian dần dần loại trừ lẫn nhau này, Do Thái giáo đã đưa bản văn Do Thái tới hình thức sau cùng của nó. Hơn nữa, trong những thế kỷ đầu tiên sau Chúa Kitô, trong Mishna và Talmud, cách đọc kinh thánh của họ đã được hình thành một cách dứt khoát. Tất cả điều này không thay đổi sự kiện cả hai bên cùng chia sẻ một sách thánh.

Trong hậu bán thế kỷ thứ hai, Marcion và phong trào của ông đã cố gắng phá vỡ sự hợp nhất này, đến nỗi Do Thái giáo và Kitô giáo trở thành hai tôn giáo đối lập nhau. Với mục đích này trong tâm trí, Marcion đã tạo ra một qui điển cho Tân Ước, hoàn toàn trái ngược với Kinh Thánh của Israel. Thiên Chúa của Israel (Cựu Ước) và Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô (Tân Ước) được quan niệm như hai vị thiên chúa khác nhau và đối nghịch nhau. Đối với Marcion, Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị Thiên Chúa của công lý tàn nhẫn; Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa của lòng thương xót và tình yêu. Do đó, ông đã thành lập một qui điển Tân Ước chỉ gồm Tin Mừng Luca và mười thư của Thánh Phaolô, tất nhiên các thư này phải được chỉnh sửa để phục vụ mục đích của ông. Sau một thời gian hoạt động ngắn, Marcion đã bị Giáo hội Rôma phạt tuyệt thông, và tôn giáo của ông bị loại trừ, coi như không thuộc Kitô giáo nữa. Tất nhiên, cơn cám dỗ kiểu Marcion vẫn tồn tại và xuất hiện trở lại trong một số tình huống nhất định trong lịch sử Giáo hội.

Ở giao điểm này, chúng ta nên lưu ý Do Thái giáo và Kitô giáo đã phát triển theo những con đường khác nhau qua một diễn trình khó khăn và do đó tự hình thành hai cộng đồng riêng biệt. Tuy nhiên, bất chấp các trước tác có thẩm quyền nhờ đó cả hai bản sắc riêng của họ được phát biểu, họ vẫn liên kết với nhau qua nền tảng chung là “Cựu Ước” như Kinh Thánh chung của họ.

Ở thời điểm này, câu hỏi đặt ra là hai cộng đồng riêng biệt, vốn hợp nhất nhờ một Kinh thánh chung, đã phán xử nhau ra sao. Ở đây, chúng ta gặp khảo luận De Iudaeis (về người Do Thái), thường được gọi là Adversus Judaeos (chống người Do Thái) và được thai nghén trong bối cảnh bút chiến. Những phán kết tiêu cực về người Do Thái, vốn cũng phản ánh các vấn đề chính trị và xã hội của việc sống chung, đã được nhiều người biết đến và liên tiếp dẫn đến các sai phạm bài Do Thái. Mặt khác, như đã thấy trên đây, Giáo hội Rôma với việc bác bỏ Marcion trong thế kỷ thứ hai cho thấy rõ các Kitô hữu và người Do Thái giáo tôn thờ cùng một Thiên Chúa. Sách thánh của Israel cũng là sách thánh của thế giới Kitô Giáo. Đức tin của Ápraham cũng là đức tin của các Kitô hữu; Ápraham cũng là “cha trong đức tin” của họ.

Tất nhiên, điểm chung căn bản này bao gồm các cách giải thích tương phản nhau:

1) Đối với người Do Thái, rõ ràng Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia và do đó, các Kitô hữu đã sai khi viện dẫn Kinh thánh của họ, tức “Cựu Ước”. Luận điểm căn bản của họ là và phát biểu như sau: Đấng Mêsia mang lại hòa bình; Chúa Kitô đã không mang hòa bình vào thế giới.

2) Kitô hữu đáp lại điều trên như sau: sau khi đền thờ bị phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên và vì tình trạng tứ tán (diaspora) (trước mắt không có kết thúc) của dân Israel, Kinh thánh, tức “Cựu Ước”, phải được giải thích cách mới mẻ; dưới hình thức trước đó, nó không thể mang ra sống và hiểu được nữa. Trong câu nói của Người về việc đền thờ bị phá hủy và xây dựng lại trong ba ngày, Chúa Giêsu đã lường trước biến cố phá hủy đền thờ và tuyên bố một hình thức thờ phượng mới, mà trung điểm sẽ là việc hiến tế thân xác Người, nhờ đó giao ước Sinai sẽ được mang đến hình thức dứt khoát của nó, trở thành giao ước mới. Đồng thời, giao ước sẽ được mở rộng cho tất cả các tín hữu, do đó đem lại cho lời hứa về lãnh thổ ý nghĩa sau cùng của nó.

Do đó, với các Kitô hữu, điều rõ ràng là thông điệp của Chúa Giêsu Kitô, cái chết và sự Phục sinh của Người đã biểu thị bước ngoặt thời gian do Thiên Chúa ấn định. Và việc giải thích các sách thánh thiêng dưới ánh sáng Chúa Giêsu Kitô là, như nó đã là, một sự giải thích được Thiên Chúa hợp pháp hóa.

Theo truyền thống, Cựu Ước được chia thành ba loại sách: Torah (Luật pháp), Nebiim (Tiên tri) và Ketubim (các sách Khôn ngoan và Thánh vịnh). Trong Do Thái giáo, người ta chỉ nhấn mạnh hoàn toàn vào Torah; và trên thực tế, những cuốn sách khác (ngoại trừ các Thánh vịnh), đặc biệt là những các sách tiên tri, chỉ có sức nặng thứ yếu. Nơi các Kitô hữu, viễn ảnh đã thay đổi. Toàn bộ Cựu Ước bây giờ được hiểu là lời tiên tri, như một bí tích chỉ tương lai (sacramentum futuri). Ngay năm cuốn sách của Môsê, trong yếu tính, cũng là lời tiên tri. Điều này ngụ hàm một cách tiếp cận năng động đối với Cựu Ước, những bản văn của chúng không được đọc một cách tĩnh tụ mà phải được hiểu hoàn toàn như một chuyển động hướng về Chúa Kitô. Trong triết lý hành động (Praxis) của Giáo Hội, điều này đã dẫn đến một sự phân phối lại một cách cụ thể các nhấn mạnh: các sách Khôn ngoan là nền tảng của giáo huấn luân lý cho các dự tòng và cho đời sống Kitô hữu nói chung. Bộ Torah và các sách tiên tri được coi như Kitô học dự ứng. Các Thánh vịnh trở thành sách cầu nguyện vĩ đại của Giáo hội. Theo truyền thống, Vua Đavít được coi là tác giả của chúng. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, tác giả là Chúa Giêsu Kitô đầu tiên, Đấng là Đavít thực sự và do đó là người cầu nguyện các Thánh vịnh. Các Thánh vịnh được đọc từ Người và với Người.

Do đó, ý nghĩa lịch sử thuở đầu của các bản văn không bị bác bỏ, nhưng phải được vượt quá. Hai dòng đầu tiên của câu đối (Distychon) nổi tiếng về bốn ý nghĩa của Kinh thánh đã nói rõ chuyển động này: Littera facta docet. Quid credas allegoria. Moralis quid agas. Quo tendas anagogia (nghĩa đen dạy sự kiện. Phúng dụ đạy điều bạn tin. Luân lý dạy điều bạn hành động. Thần bí dạy số phận bạn [nguyên tác không phiên dịch 2 câu thơ này]).

Tuy nhiên, đến thời Thánh Grêgôriô Cả, có một sự thay đổi đối với sự nhấn mạnh các ý nghĩa này: “Phúng dụ”, tức lối đọc Kitô học toàn bộ Kinh thánh, mất đi một phần tầm quan trọng của nó, và ý nghĩa luân lý ngày càng trở nên quan trọng hơn. Với Thánh Tôma Aquinô và quan điểm mới về thần học của ngài, phúng dụ bị mất giá từ căn bản (chỉ có nghĩa đen mới được sử dụng trong các luận điểm). Thực thế, Đạo đức học Nicomachean của Aristốt trở thành nền tảng cho nền luân lý Kitô giáo. Ở đây nguy cơ toàn bộ Cựu Ước mất ý nghĩa là điều hiển nhiên.

2. QUAN ĐIỂM MỚI CỦA VATICAN II VỀ VẤN ĐỀ

Trong số 4 của Tuyên bố thứ hai của Công đồng Vatican về mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo được phát biểu một cách quyết định. Các sai lầm lịch sử bị bác bỏ, và nội dung thực sự chân chính của truyền thống Kitô giáo trong các vấn đề của Do Thái giáo được phát biểu, nhờ thế đưa ra một hạn độ có giá trị cho khảo luận De Judaeis vừa được chỉnh sửa. Năm 2015, Ủy ban Liên hệ Tôn giáo với người Do Thái đã công bố “Một Suy tư về các Vấn đề Thần học liên quan đến mối liên hệ Công Giáo-Do Thái Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Tuyên bố Nostra Aetate (số 4)”, trong đó, Ủy Ban trình bầy bản tóm tắt có thế giá về các khai triển trước đó. Từ cái nhìn tổng quát này, người ta có thể nói rằng quan điểm mới về Do Thái giáo phát triển sau Công đồng có thể được tóm tắt trong hai tuyên bố:



1) “Học lý thay thế” mà từ trước đến nay đã xác định ra suy tư thần học về vấn đề này, nên bị bác bỏ. Quan điểm này cho rằng sau khi bác bỏ Chúa Giêsu Kitô, Israel đã không còn là người mang các lời hứa hẹn của Thiên Chúa nữa, đến nỗi giờ đây nó có thể được gọi là dân “có lần đã là Dân Ngài chọn” (Lời cầu nguyện Dâng Loài người cho Thánh tâm Chúa Giêsu).

2) Thay vào đó, điều đúng hơn là nói về giao ước không bao giờ bị thu hồi, một chủ đề được khai triển sau Công đồng liên quan đến thư Rôma 9-11.

Cả hai luận đề trên, tức Israel không bị thay thế bởi Giáo hội, và giao ước không bao giờ bị thu hồi, trong căn bản đều đúng, nhưng về nhiều mặt không chính xác (imprecise) và cần được xem xét một cách có phê phán hơn.

Đầu tiên, cần lưu ý rằng trước Công đồng, không hề có “ học lý thay thế” đúng nghĩa: không có phiên bản nào trong ba phiên bản của The Lexikon für Theologie und Kirche (Buchberger - Rahner - Kasper) có một mục về học lý thay thế. Nó cũng không có trong các từ vựng Thệ Phản như Religion in Geschichte und Gegenwart (tái bản lần thứ 3). Tuy nhiên, cần phải nói rằng trong mục lục của ấn bản Kasper của cuốn Lexikon, hạn từ Substitutionstheorie (học lý Thay thế) xuất hiện dưới các mục về “ Cựu Ước II, (Breuning), “Israel III” (Breuning) và “Dân Thiên Chúa I” (W. Kraus).

“Học lý thay thế” không tồn tại đúng nghĩa thế nào, thì ý niệm về vị trí của Israel trong lịch sử cứu độ sau Chúa Kitô cũng không phải là điều được thần học hiểu một cách thống nhất như thế. Dù đúng là các bản văn như chuyện dụ ngôn của những người làm thuê trong vườn nho (Mc 12: 1-11) hoặc tiệc cưới (Mt 22: 1-14; Lc 14: 15-24), trong đó các người được mời không đến và sau đó bị thay thế bởi những người khác, phần lớn đã lên khuôn cho việc hiểu Israel bị bác bỏ và cách thức việc này hành xử ra sao trong lịch sử cứu độ hiện nay.

Mặt khác, điều rõ ràng là Israel hay Do Thái giáo luôn duy trì một vị trí đặc biệt và không bị đơn giản chìm lỉm vào thế giới các tôn giáo khác. Trên hết, hai quan điểm luôn chống lại ý niệm cho rằng Dân Do Thái đã hoàn toàn bị cắt đứt khỏi lời hứa:

1) Israel tuyệt đối là người sở hữu Kinh thánh. Đúng là thư 2 gửi tín hữu Côrintô có nói rằng khi đọc Kinh thánh, một tấm màn che kín cõi lòng của Israel và tấm màn này sẽ chỉ bị cất đi khi họ quay về với Chúa Giêsu Kitô (2 Cr 3: 15tt). Nhưng dù sao, vẫn còn trường hợp này là, với KinhThánh, người ta vẫn giữ được sự mặc khải của Thiên Chúa trong tay mình. Các Giáo phụ, như Thánh Augustinô, nhấn mạnh rằng Israel phải được coi là vẫn tồn tại bên ngoài cộng đồng Giáo hội để chứng thực tính chân chính của Sách Thánh.

2) Thánh Phaolô không những nói đến việc “toàn thể Israel được cứu rỗi”, mà cả Sách Khải Huyền của Thánh Gioan cũng thấy hai nhóm người được cứu chuộc: 144,000 người từ mười hai chi tộc Israel (diễn tả bằng ngôn ngữ khác cùng một điều Thánh Phaolô muốn nói qua cụm từ “toàn bộ Israel”); và bên cạnh họ, “một số lượng lớn không ai có thể đếm được” (Kh 7: 9) như là đại diện cho thế giới ngoại giáo được cứu rỗi. Theo viễn ảnh Tân Ước, quan điểm cánh chung này không chỉ đơn giản liên hệ đến một điều gì đó cuối cùng sẽ xẩy ra sau nhiều thiên niên kỷ; đúng hơn, “điều cánh chung” luôn luôn cũng là điều đang hiện diện.

Căn cứ vào cả hai quan điểm trên, điều rõ ràng đối với Giáo hội là Do Thái giáo không phải là một tôn giáo trong số các tôn giáo khác, nhưng ở trong một tình huống độc đáo và do đó phải được Giáo hội công nhận như thế. Trên cơ sở này, thời Trung cổ, các vị giáo hoàng đã khai triển ý niệm về nghĩa vụ phải bảo vệ cả hai: một mặt, các Kitô hữu phải được bảo vệ chống lại người Do Thái, nhưng người Do Thái cũng phải được bảo vệ. Trong thế giới trung cổ, cùng với các Kitô hữu, chỉ có họ hiện hữu như một tôn giáo hợp pháp (religio licita).

Vấn đề thay thế xuất hiện không chỉ liên quan đến toàn bộ Israel đúng nghĩa, nó còn được làm cho cụ thể trong các yếu tố cá thể trong đó việc tuyển chọn được trình bầy: 1) việc ban cho luật lệ phụng tự, bao gồm việc phung tự ở đền thờ và các ngày lễ lớn của Israel; 2) các luật phụng tự liên quan đến cá nhân người Israel: ngày sabát, cắt bì, quy định về thực phẩm, quy định về sạch sẽ; 3) các giáo huấn pháp lý và đạo đức của Torah; 4) Đấng Mêsia; 5) lời hứa về đất đai. Sau đó, chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề giao ước.

3. VẤN ĐỀ THAY THẾ

Do đó, ở phần đầu, chúng ta hãy đề cập tới các yếu tố thiết yếu của lời hứa có thể áp dụng khái niệm thay thế; điểm thứ hai sau đó sẽ đề cập tới vấn đề giao ước.

3.1. Việc phụng tự (cult) ở Đền thờ

Chữ “không” thay thế có nghĩa gì đối với việc phụng tự ở đền thờ do Torah quy định? Chúng ta hãy hỏi một cách cụ thể: Bí tích Thánh Thể có thay thế các nghi thức tế lễ hay không, hay các nghi thức này vẫn còn cần thiết? Tôi nghĩ rằng ở đây điều trở nên rõ ràng là quan điểm tĩnh tụ về luật pháp và lời hứa, 1 quan điểm đứng đằng sau chữ không chưa được xác định đối với “ học lý thay thế”, nhất thiết sụp đổ ở điểm này. Ngay từ đầu, vấn đề phụng tự ở Israel rõ ràng đã hoạt động trong một biện chứng pháp giữa sự chỉ trích việc phụng tự và việc trung thành với các lề luật điều hành việc thờ phượng có tính phụng tự. Tôi muốn đề cập đến chương thứ ba của phần đầu trong cuốn sách của tôi, tựa là Tinh Thần Phụng Vụ. Chúng ta gặp sự phê phán việc phụng tự trong các bản văn như 1 Samuen 15:22, Hôsê 6: 6, Amốt 5: 21-27, v.v. Trong lãnh thổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, sự phê phán việc phụng tự ngày càng dẫn đến chỗ hoàn toàn bác bỏ hệ thống phụng tự hy tế. Các nhà phê bình đã tìm ra hình thức cụ thể trong ý tưởng hy lễ thuần lý [rational sacrifices → Logos-Opfers]. Tuy nhiên, Israel luôn duy trì quan điểm cho rằng một hy lễ thuần túy thiêng liêng là điều không đủ. Tôi xin nhắc đến hai bản văn: Đanien 3: 37-43 và Thánh Vịnh 51: 19tt.

Thánh vịnh nói rõ ràng trong câu 18tt: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm... Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát”. Sau đó, thật đáng ngạc nhiên, trong câu 20, là lời yêu cầu và dự đoán như sau: “thành luỹ Giêrusalem, xin Ngài xây dựng lại. Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế”. Các nhà bình luận hiện đại nói với chúng ta rằng, cuối cùng, các yếu tố bảo thủ đã lập lại những gì bị các câu thơ trước đó bác bỏ. Thực thế, có một mâu thuẫn nào đó giữa hai nhóm câu thơ. Nhưng sự kiện câu thơ cuối cùng là một phần không thể chối cãi của bản văn qui điển cho thấy một hy lễ thiêng liêng mà thôi được coi là không đủ. Ta cũng thấy cùng một điều này trong bản văn Đanien đã đề cập trên đây.

Đối với các Kitô hữu, việc hoàn toàn hiến tế của Chúa Giêsu khi bị đóng đinh là điều duy nhất khả hữu và đồng thời là sự tổng hợp cần thiết của cả hai quan điểm do Thiên Chúa ban cho: Chúa trong thân xác tự hiến toàn bộ cho chúng ta. Hy lễ của Người bao gồm thân thể, thế giới vật lý hoàn toàn có thật. Nhưng điều này được thu nhận vào chữ “Tôi” của Chúa Giêsu Kitô và do đó, hoàn toàn được nâng lên hàng bản vị. Đối với các Kitô hữu, điều rõ ràng là tất cả các việc phụng tự trước đây đều chỉ tìm được ý nghĩa của chúng và sự nên trọn của chúng bao lâu chúng hướng tới hy tế của Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, mà chúng liên tục tham chiếu, toàn bộ có ý nghĩa. Thực thế, thực sự không có sự “thay thế”, mà là một hành trình cuối cùng trở thành một thực tại. Thế nhưng, điều này đòi hỏi các hiến tế bằng động vật cần phải biến đi, thay vào đó (“thay thế”), là Bí tích Thánh Thể.

Thay vì một quan điểm tĩnh tụ về việc thay thế hoặc không thay thế, có một sự xem xét năng động về toàn bộ lịch sử cứu độ, một lịch sử tìm được ἀνακεφαλαιώσις (sự quy tụ) của nó trong Chúa Kitô (xem Eph 1:10).

3.2. Luật phụng tự (cultic laws)

Câu hỏi liên quan đến luật phụng tự ảnh hưởng đến từng cá nhân (cắt bì, ngày Sa-bát, v.v.) xoay quanh cuộc tranh cãi về quyền tự do của Kitô hữu đối với lề luật, đặc biệt theo cách hiểu của Thánh Phaolô. Ngày nay, điều rõ ràng là, một mặt, các qui định này dùng để bảo vệ bản sắc Israel trong cuộc đại phân tán dân tộc của họ. Mặt khác, việc bãi bỏ tính cách ràng buộc của chúng là điều kiện cho việc phát xuất của Kitô giáo toàn thế giới từ các dân ngoại. Về mặt này, những câu hỏi chính xác đó cho đến nay vẫn chưa phải là một vấn đề thực sự cho cả hai bên kể từ khi có sự tách rời giữa Israel và Giáo hội. Trong các bút chiến liên tín phái của thế kỷ XVI, người Thệ phản khiển trách người Công Giáo đã tái lập giữa các Kitô hữu, chủ nghĩa duy pháp lý cũ với nghĩa vụ phải ăn chay trước khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, kiêng thịt vào thứ Sáu, v.v. (nghĩa là “thay thế” các quy tắc cũ bằng các quy tắc mới). Ở đây không cần thảo luận thêm về điều này.

3.3. Lề luật và luân lý

Đối với các giới luật có tính pháp lý và luân lý của Torah, do chính sự kiện phát triển cụ thể của lề luật, điều rõ ràng đối với cả người Do Thái là điều gọi là mô hình pháp luật giải nghi (casuistic model of law) cần được phát triển. Về phương diện này, cuộc tranh cãi giữa Kitô hữu và người Do Thái là điều không cần thiết ở đây.

Còn về giáo huấn luân lý thực tế, mà ta tìm thấy biểu thức có tính yếu tính của nó trong Mười Giới Răn, điều Chúa nói sau Bài giảng trên núi trong Mt 5: 17-20 có giá trị; tức là lề luật vẫn còn giá trị, dù nó cần được đọc lại trong các tình huống mới. Nhưng việc đọc lại này không phải là một sự bãi bỏ cũng không phải là một sự thay thế, mà là một sự sâu sắc hóa tính giá trị không đổi thay. Ở đây, thực sự không có sự thay thế.

Điều lạ là trong tình huống hiện nay, chính ở điểm này, nhiều người chủ trương một sự thay thế: tám mối phúc được cho là đã thay thế các điều răn; Bài giảng trên núi được coi là đã nới lỏng hoàn toàn nền luân lý của Cựu Ước. Về toàn bộ vấn đề này, tôi xin nhắc đến chương thứ tư trong cuốn đầu tiên trong bộ sách Jesus of Nazareth (Chúa Giêsu thành Nadarét) của tôi (64-127). Ở đây, chủ nghĩa Phaolô hiểu sai đã dẫn đến quan điểm sai lầm cho rằng, trong các hướng dẫn nền tảng cho đời sống Kitô hữu, một sự thay thế triệt để đã được thể hiện. Thực ra, điều khá rõ ràng đối với Thánh Phaolô là giới luật luân lý của Giao ước cũ, được tóm tắt trong giới răn kép về tình yêu, vẫn có giá trị đối với các Kitô hữu, dù trong bối cảnh tình yêu mới đối với Chúa Giêsu Kitô và được Người yêu mến. Ở đây điểm một và điểm ba đã kết hợp với nhau trong Thánh Phaolô, và đây chính là sự mới mẻ thực sự của Kitô giáo: Chúa Kitô bị đóng đinh đã mang lấy mọi tội lỗi của chúng ta. Nơi Israel, hy tế của Ngày Chuộc Tội và lễ dâng đền tội hàng ngày có mục đích gánh lấy và hủy bỏ mọi bất công trên thế giới. Tuy nhiên, hy lễ bằng động vật chỉ có thể là một cử chỉ hướng tới sức mạnh hòa giải trong sự thật.

Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng gánh lấy mọi đau khổ và tội lỗi của thế giới vào chính Người, giờ đây chính là sự hòa giải đó. Đối với người Kitô hữu, được liên kết với cái chết của Người trong phép rửa có nghĩa là được nép mình trong tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống riêng của người ta nay không còn liên hệ và luật luân lý không còn hiện hữu với họ nữa. Đúng hơn, nó có nghĩa là việc nên một với Chúa Kitô trong tự do yêu thương nội tâm có thể và phải được sống như mới. Tất nhiên, cuộc tranh cãi về Kitô giáo của Thánh Phaolô sẽ tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có sự rõ ràng mới mẻ liên quan đến sự kiện giáo huấn luân lý trong Cựu ước và Tân ước, cuối cùng, giống hệt như nhau và thực sự không có “thay thế” ở đây.

3.4. Đấng Mêsia

Vấn đề danh tính Mêsia của Chúa Giêsu là và vẫn là vấn đề tranh cãi thực sự giữa người Do Thái và Kitô hữu. Mặc dù tự nó, nó sẽ không ngưng cho thấy sự tách biệt của hai con đường, nhưng các tìm tòi gần đây về Cựu Ước đã mở ra nhiều khả thể mới để đối thoại. Các khai triển trong khoa giải thích gần đây liên quan đến việc định lại niên biểu và diễn giải lại các niềm hy vọng lớn lao của Israel (St 49:10; Ds 24:17; Sm 7: 12-16; Tv 89: 20-46; Am 9:14tt; Is 7:10-17; 9: 1-6; 11: 1-9; Mk 5: 1-5; Hg 2: 20-23; Dcr 4: 8-14; và các bản văn khác nhau của các Thánh vịnh) cho thấy sự đa hình và đa dạng trong các hình thức hy vọng trong đó nhân vật phần lớn có tính cách chính trị về một tân Đavít – Đấng Mêsia làm vua - chỉ là một hình thức hy vọng trong số những hình thức khác. Rõ ràng là toàn bộ Cựu Ước là một cuốn sách về hy vọng. Đồng thời, niềm hy vọng này tự phát biểu dưới hình thức thay đổi. Một điều hiển nhiên nữa là niềm hy vọng này ngày càng ít có tính trần gian và chính trị hơn, và tầm quan trọng của thống khổ như một yếu tố thiết yếu của hy vọng ngày càng trở nên nổi bật hơn.


Căn cứ vào các chứng từ của Tân Ước nói về Chúa Giêsu, rõ ràng Người rất thận trọng đối với danh hiệu Mêsia và những ý tưởng thường được liên kết với danh hiệu này. Điều này trở nên rõ ràng, như trong nhận xét của Chúa Giêsu liên quan đến Đấng Mêsia như là con của Đavít theo Thánh vịnh 110. Chúa Giêsu nhắc người ta nhớ rằng các kinh sư miêu tả Đấng cứu thế là con trai của Đavít. Tuy nhiên, trong Thánh vịnh, Đấng Mêsia không xuất hiện như là con trai của Đavít, mà là Chúa của vị này (Mc 12: 35tt). Ngay cả khi, trong công thức tuyên xưng đức tin đang khai triển giữa các tông đồ, tước hiệu Kitô-Mêsia được áp dụng vào Chúa Giêsu, nhưng ngay lập tức, Người bổ sung và sửa chữa các ý tưởng ẩn tàng trong danh hiệu này với một bài giáo lý về sự đau khổ của vị cứu tinh (xin xem Mc 8: 27-33; Mt 16: 13-23). Trong lời tuyên bố của Người, Người đã không dựa vào truyền thống Đavít, mà chủ yếu dựa vào hình thức con người đã được Đanien phát biểu như một hình tượng hy vọng. Nói chung, điều chính yếu đối với Người là ý niệm thống khổ, đau khổ và cái chết thay cho người khác, và chuộc tội. Ý tưởng về người đầy tớ đau khổ của Chúa, về sự cứu rỗi qua đau khổ, là điều thiết yếu đối với Người: những bài ca về người đầy tớ đau khổ trong Isaia, cũng như những thị kiến mầu nhiệm về đau khổ trong Dacaria, đã xác định hình ảnh Người như Đấng Cứu Thế. Các bản văn này diễn tả các trải nghiệm đức tin của Israel trong thời kỳ lưu đày và bắt bớ thời ảnh hưởng Hy Lạp. Chúng xuất hiện như những giai đoạn thiết yếu trong cuộc hành trình của Thiên Chúa với dân của Người, vốn hướng về Chúa Giêsu thành Nadarét. Nhưng cả Môsê, người đứng ra vì dân của mình và hiến chính cái chết của mình vì người khác, dường như cũng rất minh bạch đối với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Trong nghiên cứu quan trọng của mình tựa là Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen (Munich, 1968), Peter Kuhn đã cho thấy ý tưởng tự hạ mình, và thậm chí cả sự đau khổ của Thiên Chúa, không xa lạ gì đối với Do Thái giáo. Và ông chứng minh rằng có những cách tiếp cận đáng kể đối với việc giải thích của Kitô giáo về niềm hy vọng cứu rỗi trong Cựu Ước, dù các khác biệt sau cùng vẫn còn đó.

Trong các cuộc tranh luận thời trung cổ giữa người Do Thái và Kitô hữu, về phía người Do Thái họ thường quen trích dẫn Isaia 2: 2-5 (Mk 4: 1-5) như là cốt lõi của niềm hy vọng về Đấng Mêsia. Chúng ta thấy đấng tự nhận mình là Mêsia phải chứng minh danh tính của mình trước các lời lẽ này: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia... và họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến (Is 2: 4; Mi 4: 3f). Rõ ràng các lời lẽ này đã không được ứng nghiệm, nhưng vẫn còn là một kỳ vọng về tương lai.

Thực thế, Chúa Giêsu hiểu các lời hứa của Israel trong một sự hiểu biết rộng lớn hơn, trong đó cuộc khổ nạn của Thiên Chúa trên thế giới này, và do đó, sự đau khổ của người công chính, trở nên ngày một có tính trung tâm hơn. Cả giọng điệu chiến thắng cũng không chiếm ưu thế trong các hình ảnh của Người về vương quốc Thiên Chúa; chúng cũng được đặc trưng bởi cuộc đấu tranh của Thiên Chúa cho và với nhân loại. Trong thời gian này, cỏ dại mọc chung với lúa mì trong cánh đồng của vương quốc Thiên Chúa và không bị triệt phá. Lưới đánh cá của Thiên Chúa chứa cả cá tốt lẫn cá xấu. Men của vương quốc Thiên Chúa thấm nhiễm thế giới từ từ, từ bên trong, để biến đổi nó.

Trong cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu trên đường đi Emmau, các môn đệ học biết rằng chính thập giá phải là trung tâm thiết yếu của hình tượng đấng Mêsia. Đấng này không xuất hiện chủ yếu dưới dấu chỉ của nhân vật vương quyền Đavít. Phúc âm Thánh Gioan, như một bản tóm tắt kết thúc cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người Do Thái (đồng thời phản ảnh cuộc đối thoại tương lai giữa người Do Thái và Kitô hữu), đã đưa ra một câu chuyện khác về tâm điểm của nhân vật Chúa Giêsu và việc giải thích niềm hy vọng của Israel. Trong tin mừng Gioan, lời tuyên bố thiết yếu về hình thức của lời hứa được kết nối với nhân vật Môsê: “Ta sẽ làm xuất hiện cho chúng một tiên tri giống như ngươi trong số những người của chúng... các ngươi hãy lắng nghe người này” (Đnl 18:15). Nhân vật Môsê được mô tả là đã nhìn thấy Chúa mặt đối mặt (Đnl 34:10). Đệ nhị luật lưu ý rằng lời hứa cho đến nay vẫn chưa được nên trọn và “kể từ đó không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34:10). Trong chương đầu tiên Tin Mừng của ngài, Thánh Gioan đã tuyên bố như một chương trình rằng những gì được chờ đợi trong những lời lẽ này nay được nên trọn trong Chúa Giêsu: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18, xem 13:25). Để bắt đầu, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu không muốn mang đến một thế giới hoà bình mới và hoàn thiện ngay tức khắc, như lời tiên tri trong Isaia 2 và 4. Đúng hơn, Người muốn mặc khải Thiên Chúa cho con người (cho cả dân ngoại nữa) và tiết lộ thánh ý Người, Đấng vốn là Đấng cứu rỗi thực sự của con người.

Trong phân tích của tôi về bài diễn văn cánh chung của Chúa Giêsu trong tập thứ hai bộ Jesus of Nazareth (24-52), tôi đã chỉ ra rằng theo cách hiểu lịch sử của Chúa Giêsu, “thời của dân ngoại” xuất hiện giữa việc đền thờ bị hủy diệt và ngày tận thế. Tất nhiên, lúc đầu, độ dài của nó được coi là rất ngắn. Nhưng như một phần của lịch sử Thiên Chúa và con người, thời gian này là điều cần thiết (45-49).

Mặc dù thời kỳ Thiên Chúa giao dịch với thế giới này không trực tiếp rõ ràng như trong các bản văn của Cựu Ước, nhưng nó tương ứng với việc diễn biến của niềm hy vọng Israel. Điều này ngày càng trở nên mỗi ngày một rõ ràng hơn trong giai đoạn sau (Đệ nhị Isaia, Dacaria, v.v.).

Thánh Luca nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, đang trên đường với hai môn đệ, cũng đã dẫn dắt họ vào một cuộc hành trình nội tâm. Như thể Người đang đọc lại Cựu Ước với họ. Nhờ cách này, họ học cách hiểu một cách hoàn toàn mới các lời hứa và hy vọng của Israel và nhân vật Mêxia. Họ khám phá ra rằng số phận của Đấng bị đóng đinh và sống lại, Đấng đang đồng hành một cách mầu nhiệm với các môn đệ, đã được tiên báo trong những cuốn sách này. Họ học cách đọc mới về Cựu Ước. Bản văn này mô tả sự hình thành của đức tin Kitô giáo ở các thế kỷ thứ nhất và thứ hai và do đó mô tả con đường luôn luôn phải được tìm kiếm và theo đuổi cách mới mẻ. Nó cũng mô tả bản chất cuộc đàm đạo giữa người Do Thái giáo và người Kitô giáo như nó nên là cho đến hôm nay, một cuộc đàm đạo, thật không may, đã chỉ xảy ra trong những khoảnh khắc hiếm hoi.

Các giáo phụ ý thức rất rõ việc kết cấu mới này của lịch sử khi, thí dụ, họ mô tả sự chuyển dịch của lịch sử theo sơ đồ ba phần umbra (hình bóng) imago (hình ảnh) veritas (sự thật). Thời của Giáo hội (hay “thời của người ngoại giáo”) chưa phải là thời của veritas công khai (= Is 2 và Mk 4). Nó vẫn là một imago; nghĩa là, vẫn còn ở trong buổi tạm thời (interim), mặc dù trong một sự cởi mở mới mẻ. Thánh Bernard thành Clairvaux đã mô tả chính xác điều này khi ngài thay đổi trình thuật về cuộc xuất hiện hai chiều của Chúa Kitô thành sự hiện diện ba chiều của Chúa, gọi thời gian của Giáo hội là cuộc xuất hiện giữa (Adventus medius) (Jesus of Nazareth, phần hai, 290-91).

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng toàn bộ câu chuyện về Chúa Giêsu như được kể trong Tân Ước, từ câu chuyện cám dỗ tới câu chuyện Emmau, cho thấy rằng thời Chúa Giêsu, “thời dân ngoại”, không phải là thời biến đổi vũ trụ trong đó các quyết định cuối cùng giữa Thiên Chúa và con người đã hoàn tất, nhưng là thời của tự do. Trong thời gian này, Thiên Chúa gặp gỡ loài người qua tình yêu bị đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô để tập hợp họ vào vương quốc của Thiên Chúa qua một lời xin vâng tự do. Đó là thời của tự do, và đó cũng có nghĩa là thời gian trong đó sự ác tiếp tục có sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa trong thời gian này là một sức mạnh kiên nhẫn và yêu thương, một sức mạnh vẫn có hiệu quả chống lại sức mạnh của sự ác. Đó là thời Thiên Chúa kiên nhẫn, một thời thường là quá lớn đối với chúng ta, thời của những chiến thắng, nhưng cũng là thời tình yêu và sự thật bị đánh bại. Giáo hội cổ đại tóm tắt yếu tính của thời này trong câu “Regnavit a ligno Deus” [Thiên Chúa trị vì từ một cây gỗ]. Cùng ở trên đường với Chúa Giêsu như các môn đệ Emmau, Giáo hội không ngừng học cách đọc Cựu Ước với Người và do đó hiểu nó như mới. Giáo hội học cách nhận ra rằng đây chính là những gì đã được tiên báo về “Đấng Mêxia”. Và trong cuộc đối thoại với người Do Thái, Giáo hội cố gắng hết lần này đến lần khác để chứng minh rằng tất cả những điều này đều được “ghi chép” (scriptural).Vì điều này, thần học linh đạo luôn nhấn mạnh rằng thời của Giáo hội không phải là tới thiên đường, nhưng tương ứng với một cuộc xuất hành bốn mươi năm của Israel khắp thế giới. Đó là con đường của những người đã được giải phóng. Trong hoang địa, Israel không ngừng được nhắc nhở rằng hành trình qua sa mạc của họ là kết quả của cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Israel trên đường luôn mong muốn trở lại Ai Cập, và không nhận ra điều tốt của tự do là điều tốt thế nào, thì điều tương tự cũng xảy ra với Kitô giáo trong hành trình Xuất hành của họ như thế. Hết lần này đến lần nọ, điều trở nên khó khăn là nhận ra mầu nhiệm giải phóng và tự do như một hồng phúc cứu rỗi, và luôn có ước nguyện muốn trở lại với thân phận trước khi được giải phóng. Nhưng hết lần này đến lần khác, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, họ vẫn có thể học được rằng tự do là hồng phúc tuyệt vời dẫn họ đến sự sống đích thực.

3.5. Lời hứa về lãnh thổ

Lời hứa về lãnh thổ được dành cụ thể cho con cái Ápraham như một dân tộc hiện hữu trong lịch sử. Các Kitô hữu hiểu mình là hậu duệ thực sự của Ápraham (như được mô tả một cách đầy ấn tượng, trước hết, trong Thư gửi tín hữu Galát), nhưng không như một dân tộc theo nghĩa lịch sử trần thế. Họ là một dân tộc hiện hữu giữa mọi quốc gia. Vì vậy, họ không mong đợi bất cứ xứ sở cụ thể nào trên thế giới này. Thư gửi tín hữu Do Thái minh nhiên mô tả cách hiểu này về lời hứa lãnh thổ: “Nhờ đức tin, ông [Ápraham] đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều... những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành... do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Hr11: 9f). “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Hr 11:13). Thư gửi Diognetus khai triển thêm quan điểm này: Kitô hữu sống ở các quốc gia liên hệ với tư cách là công dân có trách nhiệm, biết rằng kinh thành thực sự, xứ sở thực sự họ đang tiến đến, nằm trong tương lai. Lời hứa lãnh thổ nhắc đến thế giới tương lai và tương đối hóa việc thống thuộc khác nhau đối với các xứ sở đặc thù. Phép biện chứng của việc thuộc về thế giới này một cách có trách nhiệm và đồng thời của việc đang trên đường hành trình đã xác định cách hiểu của Kitô hữu về lãnh thổ và quốc tịch. Tất nhiên, điều này phải luôn luôn được thực hiện, chịu đựng và trải nghiệm một cách mới mẻ.

Mặt khác, Do Thái giáo luôn cố kết với ý niệm dòng dõi cụ thể phát xuất từ Ápraham và do đó nhất thiết phải luôn tìm kiếm một ý nghĩa nội tâm cụ thể cho lời hứa về lãnh thổ.

Sự thất bại của cuộc nổi dậy Bar Kokhba (132-135 sau Công nguyên), 1 cuộc nổi dậy vốn được nhiều bộ phận của hàng giáo sĩ hỗ trợ về mặt thần học, trong một thời gian dài có nghĩa phải từ bỏ các hình thức duy thiên sai chính trị đúng nghĩa. Mặt khác, Maimonides (1135-1204) đã đưa ra một hướng đi mới trong đó ông tìm cách đặt cơ sở cho sự kỳ vọng lãnh thổ trong thần học, để tạo cho nó một hình thức duy lý. Tuy nhiên, một thực tế cụ thể đã không xuất hiện cho đến thế kỷ 19. Sự đau khổ của cộng đồng thiểu số Do Thái lớn ở Galicia cũng như ở khắp phương Đông trở thành khởi điểm để Theodor Herzl thành lập chủ nghĩa Zion, nhằm mục đích một lần nữa đem lại một quê hương cho những người Do Thái di tản, đáng thương và đau khổ. Các biến cố Shoah (diệt chủng Do Thái) càng làm cho vấn đề phải có một nhà nước riêng cho họ trở thành một vấn đề cấp bách hơn đối với người Do Thái. Trong Đế quốc Ottoman đang suy tàn, nơi Thánh địa vốn thuộc về, phải có thể biến quê hương lịch sử của người Do Thái một lần nữa trở thành của riêng họ. Đồng thời, có hàng loạt các lý do nội bộ và viễn kiến cụ thể. Đa số những người theo chủ thuyết Zion là những người không tin, và chính trong các điều kiện thế tục, họ đã biến vùng đất này thành quê hương của người Do Thái. Nhưng các lực lượng tôn giáo cũng luôn hoạt động trong chủ nghĩa Zion, và trước sự ngạc nhiên của những vị sáng lập bất khả tri, một lòng sùng đạo vẫn thường xuất hiện trong thế hệ sau đó. Vấn đề điều gì đã tạo nên dự án duy Zion cũng gây tranh cãi đối với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, ngay từ đầu, lập trường nổi bật đã là: việc chiếm hữu lãnh thổ hiểu theo nghĩa thần học (theo nghĩa duy thiên sai chính trị) là điều không thể chấp nhận được. Sau việc thành lập Israel như một quốc gia vào năm 1948, một học thuyết thần học đã xuất hiện và cuối cùng đã giúp cho Vatican có khả năng công nhận Nhà nước Israel về phương diện chính trị.

Cốt lõi của nó là niềm tin rằng một nhà nước hiểu theo nghĩa thần học chặt chẽ, tức một nhà nước đức tin Do Thái [Glaubenstaat] tự coi mình là sự hoàn thành các lời hứa theo nghĩa thần học và chính trị là điều không thể tưởng tượng được trong lịch sử, theo đức tin Kitô giáo và trái với cách hiểu Kitô giáo về các lời hứa. Tuy nhiên, đồng thời, điều cũng rõ ràng là, giống như mọi dân tộc, người Do Thái có quyền tự nhiên có một vùng lãnh thổ cho riêng họ. Như đã được chỉ ra, điều hợp lý là tìm lãnh thổ cho nó tại chính nơi cư trú lịch sử của người Do Thái. Trong tình hình chính trị của Đế quốc Ottoman đang sụp đổ và sự bảo hộ của người Anh, người ta có thể thấy điều này nhất quán với các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Theo nghĩa này, Vatican đã công nhận Nhà nước Israel như một quốc gia lập hiến hiện đại và coi nó như quê hương hợp pháp của người Do Thái, lý lẽ của điều này không thể dẫn khởi trực tiếp từ Kinh thánh. Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, nó vẫn nói lên lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Israel.

Tuy nhiên, đặc tính phi thần học (nontheological) của nhà nước Do Thái có nghĩa là nó không thể được coi là sự hoàn thành các lời hứa của Kinh thánh. Thay vào đó, diễn trình lịch sử cho thấy một sự phát triển và diễn biến các lời hứa, như chúng ta đã thấy trong tương quan với các chiều kích khác của lời hứa. Ngay trong cộng đồng kiều dân lớn đầu tiên của Israel dưới thời vua Nebucôđônôxo (Nebuchadnezzar), tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Người đã hoạt động ngay giữa lúc phán xét và đem lại một ý nghĩa mới, tích cực cho cộng đồng kiều dân. Chỉ trong lưu đầy, hình ảnh về Thiên Chúa của Israel, tức chủ nghĩa độc thần, mới được phát triển đầy đủ. Theo các tiêu chuẩn thông thường, vị thần nào không thể bảo vệ xứ sở của mình thì không còn là một vị thần nữa. Trái ngược với sự chế giễu của những người trình bầy Thiên Chúa của Israel như người chiến bại và không có lãnh thổ, thì giờ đây rõ ràng là chính khi từ bỏ lãnh thổ, thiên tính của Thiên Chúa đã được mặc khải, một Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của một quốc gia đặc thù, mà là một Thiên Chúa mà cả thế giới thuộc về. Người thực hiện quyền thống trị trên toàn thế giới và có thể phân phối lại theo ý muốn của Người. Do đó, Israel, lúc lưu đầy, cuối cùng đã nhận ra rằng Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa đứng trên mọi thần thánh, Đấng tự do định đoạt lịch sử và các quốc gia.

Cuộc đàn áp Do Thái giáo của văn hóa Hy Lạp, theo ý kiến riêng của nó, dựa trên một hình ảnh sáng suốt về Thiên Chúa, một hình ảnh, trên nguyên tắc, nên thống nhất đối với những người có học. Do đó, không có chỗ cho tính đặc thù và việc chọn lựa Israel của Thiên Chúa. Ấy thế nhưng, trong cuộc tranh luận giữa thuyết đa thần Hy Lạp và Thiên Chúa duy nhất của cả trời lẫn đất, Đấng mà Israel phụng thờ, nơi những người tìm kiếm Thiên Chúa thời cổ đại đã xuất hiện một sự sùng kính bất ngờ đối với Thiên Chúa của Israel. Biểu thức cụ thể của việc này là phong trào của “những người sợ Thiên Chúa”, những người đã tập hợp xung quanh các hội đường. Trong tiểu luận của tôi, tựa là Volk und Haus Gottes bei Augustin [Dân tộc và Nhà Thiên Chúa Theo Thánh Augustinô], mô phỏng phân tích của Thánh Augustinô, tôi đã cố gắng làm rõ các lý do khiến có diễn trình này. Yếu tính toàn bộ có lẽ có thể tóm tắt như sau: tư tưởng cổ thời cuối cùng đã đi đến một đối lập giữa việc thần thánh được tôn thờ trong tôn giáo và cấu trúc thực sự của thế giới. Các vị thần thánh tôn giáo phải bị bác bỏ như không có thực, và sức mạnh thực sự, một sức mạnh vốn tạo ra và cư ngụ trong thế giới, rõ ràng không liên quan gì về phương diện tôn giáo.

Trong tình huống đó, Thiên Chúa của Do Thái xuất hiện cả như sức mạnh nguyên thủy của mọi hữu thể (như triết học đã khám phá ra), lẫn, đồng thời, như một sức mạnh tôn giáo nói với con người trong tính cụ thể của họ và cho phép họ gặp gỡ thể thần thiêng.

Sự trùng hợp này giữa ý niệm triết học và thực tạ tôn giáo này là một điều mới mẻ và có thể khiến tôn giáo trở thành một thực tại có thể biện minh một cách hợp lý. Điều duy nhất gây trở ngại là Thiên Chúa tự trói buộc Người vào một dân tộc duy nhất và hệ thống pháp lý của họ. Nếu, như trong lời rao giảng của Thánh Phaolô, sự trói buộc này được nới lỏng và Thiên Chúa của người Do Thái có thể được mọi người coi là Thiên Chúa của họ, thì sự hòa giải giữa đức tin và lý trí đã đạt được (xem thêm cuốn sách ngắn của tôi, Der Gott des Glaubens und der Gott der Philosophen).

Bằng cách này, người Do Thái đã mở cửa dẫn tới Thiên Chúa qua sự phân tán cuối cùng của họ trên thế giới. Thế giới phân tán (Diaspora) của họ không đơn thuần và chủ yếu chỉ là một thân phận bị trừng phạt; đúng hơn, nó biểu thị một sứ mệnh.

4. “GIAO ƯỚC KHÔNG BAO GIỜ BỊ THU HỒI”

Với mọi điều đã nói cho đến nay, chúng ta đã bình luận về yếu tố căn bản đầu tiên của sự đồng thuận mới về mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo như được trình bày trong các suy tư của Ủy ban Liên hệ Tôn giáo với người Do Thái. Yếu tố căn bản đầu tiên này nói rằng “học lý thay thế” không thích đáng đối với mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo. Chúng ta đã nghiên cứu luận đề này theo các yếu tố căn bản vốn tạo nên việc chọn lựa Israel. Chúng ta đi đến kết luận cho rằng việc phê bình lý thuyết thay thế thực sự đã đi đúng hướng, nhưng phải được xem xét lại trong các chi tiết của nó. Giờ đây, chúng ta phải chuyển sang yếu tố thứ hai của sự đồng thuận mới này, đó là ngôn từ của câu “giao ước không bao giờ bị thu hồi”.

“Suy tư” đề cập ở trên chỉ rõ: luận đề cho rằng “giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân tộc Israel của Người kéo dài và không bao giờ bị vô hiệu hóa” (số 39) đã không được đưa vào Tuyên bố Nostra aetate. Lần đầu tiên nó được công bố là do Đức Gioan Phaolô II ngày 17 tháng 11 năm 1980 tại Mainz. Kể từ đó, nó đã được đưa vào Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (số 121) và do đó, theo một nghĩa nào đó, thuộc về giáo huấn hiện thời của Giáo Hội Công Giáo.

Cũng như trường hợp phê phán lý thuyết thay thế, cốt lõi của điều được nói ở đây nên được coi là chính xác, nhưng một số chi tiết cần được làm rõ và đào sâu. Trước hết, cần lưu ý rằng trong việc liệt kê các đặc sủng Israel trong thư Rôma 4, Thánh Phaolô không nói tới “giao ước” mà nói tới “các giao ước”. Thực thế, điều không may là thần học của chúng ta chỉ thấy giao ước ở số ít, hoặc có lẽ chỉ trong một sự đặt cận kề nhau thật sát giữa Giao ước cũ (thứ nhất) và Giao ước mới.

Đối với Cựu Ước, “giao ước” là một thực tại năng động được cụ thể hóa trong một loạt các giao ước liên tiếp. Tôi xin đề cập đến các hình thức chính: giao ước Nôê, giao ước Ápraham, giao ước Môsê, giao ước Đavít, và cuối cùng, dưới nhiều che đậy khác nhau, lời hứa Giao ước mới. Lời mở đầu của Tin Mừng Mátthêu, và câu chuyện thời thơ ấu ở Tin Mừng Luca đều đưa ra một tuyên bố về giao ước Đavít. Mỗi Tin Mừng đều theo cách riêng cho thấy giao ước đã bị con người phá vỡ và đi đến kết thúc ra sao. Nhưng chúng cũng cho thấy Thiên Chúa đã từ gốc cây Jesse làm cho một ngành mọc lên ra sao, do đó tạo ra một khởi đầu mới cho giao ước với Thiên Chúa (x. Is 11: 1). Triều đại Đavít đến hồi kết liễu như mọi triều đại trần gian. Ấy thế nhưng, lời hứa đã được nên trọn: vương quốc của ông sẽ không hề chấm dứt (Lc 1: 33).

Thư gửi tín hữu Galát rất quan trọng đối với vấn đề của chúng ta: các chương ba và bốn vẽ ra một sự so sánh giữa giao ước Ápraham và giao ước Môsê. Giao ước Ápraham được mô tả là phổ quát và vô điều kiện. Giao ước Môsê, mặt khác, được phê chuẩn 430 năm sau đó. Nó có giới hạn và bị cột vào điều kiện phải chu toàn lề luật. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là nó có thể thất bại khi các điều kiện không được thỏa mãn. Nó có chức năng trung gian, nhưng nó không hủy bỏ tính dứt khoát và tính phổ quát của giao ước Ápraham.

Một giai đoạn mới của thần học giao ước có thể được tìm thấy trong Thư gửi tín hữu Do Thái, một điều đã tiếp nối lời hứa về giao ước mới (được công bố một cách rõ ràng đặc biệt trong Giêrêmia 31) và so sánh nó với các giao ước trước đó. Tất cả được tập hợp với nhau dưới tiêu đề “giao ước đầu tiên”, mà hiện nay, được thay thế bằng giao ước cuối cùng, tức giao ước “mới”.

Chủ đề giao ước mới xuất hiện trong nhiều biến thể khác nhau trong Giêrêmia, Êdêkien, Đệ Nhị Isaia và Hôsê. Gây ấn tượng đặc biệt là mô tả câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và Israel trong chương thứ mười sáu của Êdêkien. Thiên Chúa yêu thương tiếp nhận Israel đến với chính Người lúc nó còn niên thiếu trong một giao ước tình yêu, có tính dứt khoát. Israel không trung thành và tự đánh điếm mình với tất cả các loại thần thánh. Cơn giận của Thiên Chúa đối với việc đó không phải là lời cuối cùng của Người. Thay vào đó, Người tiếp nhận Israel trong một giao ước mới và không thể phá hủy. Ngôn từ trong câu “Giao ước không bao giờ bị thu hồi” mà chúng ta đang khảo sát là chính xác bao lâu chưa có sự lên án nào về phía Thiên Chúa. Nhưng việc con người vi phạm giao ước thì rõ ràng là chuyện thuộc về lịch sử thực sự giữa Thiên Chúa và Israel. Hình thức đầu tiên của việc này được mô tả trong Sách Xuất hành. Sự vắng mặt lâu dài của Môsê trở thành dịp để dân tự ban cho mình một vị thần hữu hình, đấng mà họ tôn thờ: “Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi” (Xh 32: 6). Khi trở lại, “Môsê thấy dân sống buông thả” (Xh 32:25). Thấy giao ước bị phá vỡ, Môsê đã ném các bảng đá mà chính Thiên Chúa đã khắc chữ vào dân và làm bể chúng (Xh 32,19). Lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự đã trả lại các bảng đá cho Israel, nhưng đồng thời, họ là những tấm bảng thay thế và cũng là dấu hiệu cảnh báo gợi lại giao ước bị phá vỡ.

Điều đó có nghĩa gì đối với vấn đề của chúng ta? Một mặt, giao ước giữa Thiên Chúa và Israel là không thể phá hủy vì liên tục tính trong việc lựa chọn của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, nó cũng được đồng xác định bởi toàn bộ bi kịch sai lầm của con người. Tất nhiên, vì sự khác biệt vô hạn giữa các bên ký kết giao ước, hạn từ "giao ước" không thể được hiểu theo nghĩa của các đối tác bình đẳng. Sự bất bình đẳng của hai đối tác làm cho giao ước trông giống mô hình phương Đông hơn theo nghĩa tiếp nhận các ân huệ từ vị vua vĩ đại. Điều này cũng được phát biểu dưới hình thức ngữ học: hạn từ chỉ sự hợp tác ngang hàng (partnership) là syntheke đã không được sử dụng. Thay vào đó, hạn từ dieditke đã được lựa chọn, đó là lý do tại sao Thư gửi tín hữu Do Thái không nói đến “giao ước” mà là “di thư” (testament). Do đó, các sách thánh thường không được gọi là “Old and New Covenant” (Giao ước cũ và mới), mà là “Old and New Testament” (Di thư cũ và mới).

Toàn bộ cuộc hành trình của Thiên Chúa với dân của Người cuối cùng đã tìm thấy bản tóm tắt và hình tượng cuối cùng của nó trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu Kitô, một bữa tiệc dự ứng và mang theo mình Thập giá và Phục sinh. Chúng ta không cần phải thảo luận các vấn đề phức tạp của việc hình thành hai truyền thống: một mặt là Thánh Máccô và Thánh Mátthêu, và mặt kia là Thánh Luca và Thánh Phaolô. Trong một trường hợp, truyền thống Sinai được tiếp nhận. Điều xảy ra ở đó đã trở nên sự hoàn thành dứt khoát ở đây. Do đó, lời hứa giao ước mới của Giêrêmia 31 giờ là một thực tại hiện tại. Giao ước Sinai, tự chính bản chất của nó, luôn luôn là một lời hứa, một cách tiếp cận điều là cuối cùng. Sau mọi hủy diệt, giao ước mới là tình yêu của Thiên Chúa tiến xa đến cái chết của Chúa Con.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng đưa ra phán quyết cuối cùng về công thức “giao ước không bao giờ bị thu hồi”. Đầu tiên, chúng ta đưa ra hai phản biện có tính ngữ học. Hạn từ “thu hồi” vốn không thuộc từ vựng chỉ hành động của Thiên Chúa. Như được sử dụng để mô tả câu chuyện lịch sử của Thiên Chúa với loài người, “giao ước” trong Kinh Thánh không phải ở số ít, nhưng xảy ra từng giai đoạn. Giờ đây, vượt lên trên các phản biện về hình thức này, chúng ta phải nói một cách có phê phán về phương diện nội dung rằng công thức này không nhấn mạnh tới bi kịch thực sự của câu chuyện giữa Thiên Chúa và con người. Đúng, tình yêu cũa Thiên Chúa không thể bị hủy diệt. Nhưng lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và con người cũng bao gồm sự thất bại của con người, việc phá vỡ giao ước và hậu quả bên trong của nó: việc phá hủy đền thờ, việc phân tán Israel và lời kêu gọi ăn năn, nhằm phục hồi khả năng của con người đối với giao ước. Tình yêu của Thiên Chúa không thể đơn giản làm ngơ tiếng không của con người. Nó làm tổn thương chính Thiên Chúa và do đó nhất thiết làm tổn thương chính con người. Nếu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa và mức độ nghiêm khắc trong các hình phạt của Người được mô tả trong các sách tiên tri cũng như trong Torah, thì cần phải nhớ rằng các hành động trừng phạt của Thiên Chúa đã trở nên nỗi đau cho chính Người. Đó không phải là việc kết thúc tình yêu của Người, mà là một bình diện mới của tình yêu. Tôi muốn trích dẫn ở đây một bản văn duy nhất trong đó sự đan kết qua lại giữa giận dữ và tình yêu và do đo, sự dứt khoát của tình yêu trở nên rõ ràng. Sau mọi mối đe dọa trước đó, tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa trong mọi nét vĩ đại của nó xuất hiện trong Hôsê 11: 7-9: “Dân Ta có khuynh hướng quay lưng lại Ta. Chúng gọi thần Baan, nhưng nào nó có giúp đỡ gì chúng. Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi? Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành?... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa”.

Giữa tội lệ của con người và mối đe dọa thất bại cuối cùng là nỗi đau khổ của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức... vì Ta là Thiên Chúa, không phải loài tử sinh... và Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận”. Những gì được nói ở đây một cách tàn ác và đáng sợ được hiện thực hóa trong các lời lẽ thánh thể của Chúa Giêsu Kitô: Người tự hiến cho đến chết và trong Phục sinh thiết lập ra Giao ước mới.

Việc thiết lập lại giao ước Sinai trong Giao ước mới bằng máu Chúa Giêsu, nghĩa là, trong tình yêu chiến thắng tử thần của Người, đem lại cho giao ước một hình thức mới và giá trị vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đáp ứng trước hai biến cố lịch sử mà ngay sau đó đã thay đổi từ căn bản tình huống của Israel và hình thức cụ thể của giao ước Sinai: sự phá hủy đền thờ, một điều ngày càng không thể thay đổi và sự tứ tán dân Israel ra khắp thế giới. Ở đây, chúng ta đụng tới “yếu tính” của Kitô giáo và “yếu tính” của Do Thái giáo, 1 yếu tính, lần lượt, khai triển câu trả lời cho các biến cố này trong Talmud và Mishnah. Làm thế nào đem giao ước ra sống? Đây là câu hỏi đã tách thực tại cụ thể của Cựu Ước thành hai con đường, Do Thái giáo và Kitô giáo.

Công thức “Giao ước không bao giờ bị thu hồi” có thể hữu ích trong giai đoạn đầu của cuộc đối thoại mới giữa người Do Thái và Kitô hữu. Nhưng về lâu về dài, nó không thích hợp để nói lên một cách thỏa đáng độ lớn lao của thực tại. Nếu các công thức ngắn gọn được coi là cần thiết, tôi xin, trước hết, nhắc đến hai hạn từ của Kinh thánh trong đó các yếu tố chủ yếu tìm được biểu thức giá trị. Đối với người Do Thái, Thánh Phaolô viết: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:29). Đối với mọi người, Kinh thánh viết, “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2: 12tt).

Theo bản tiếng Anh của Nicholas J. Healy Jr
 
VietCatholic TV
Tướng Syrskyi – Công lý nhãn tiền: Tu-22M3 Nga 100 triệu vừa gây án, nổ tung. TT Trump gây bất ngờ
VietCatholic Media
03:46 10/04/2025


1. Tướng Syrskyi tuyên bố: Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine phá hủy máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga

Một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã phá hủy một máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga đã hạ cánh “cách đây vài ngày”, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh LB.UA được xuất bản vào ngày 9 tháng 4.

“Vài ngày trước, các hoạt động thành công của chúng tôi đã phá hủy một máy bay ném bom Tu-22M3. Ngay khi hạ cánh, nó đã bị máy bay điều khiển từ xa của chúng tôi bắn trúng”, Syrskyi nói trong cuộc phỏng vấn khi thảo luận về tác động của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa tầm xa của Ukraine.

Tu-22M3, máy bay ném bom siêu thanh do Liên Xô phát triển có giá trị khoảng 100 triệu đô la, vẫn là thành phần chủ chốt của Không quân Nga và đã được sử dụng trong các cuộc không kích chống lại Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đã phá hủy 370 chiến đấu cơ của Nga tính đến ngày 9 tháng 4.

Các nhà chức trách Nga cho biết vào ngày 2 tháng 4 rằng một máy bay ném bom Tu-22M3 đã bị rơi ở vùng Irkutsk của Siberia do trục trặc kỹ thuật. Phi công đã thiệt mạng trong vụ tai nạn, trong khi bốn thành viên phi hành đoàn khác buộc phải phóng ra ngoài.

Tỉnh Irkutsk nằm cách biên giới với Ukraine gần 4.000 km, hay 2.500 dặm, vượt xa tầm bắn của bất kỳ loại vũ khí tầm xa nào của Ukraine. Do đó, chiếc máy bay ném bom Tu-22M3 mà Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, đề cập đến là một chiếc khác.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương của Ukraine chiếc máy bay Tu-22M3 bị phá hủy vào ngày Chúa Nhật 6 Tháng Tư, tại căn cứ không quân Shaykovka của trung đoàn 52 không quân ném bom hạng nặng.

Năm ngoái, lực lượng Ukraine đã bắn hạ một máy bay ném bom Tu-22M3, khiến nó rơi xuống Stavropol Krai. Các máy bay khác cùng loại đã bị hư hại trong các cuộc tấn công vào phi trường Olenya ở Murmansk của Nga vào tháng 7 năm 2024.

[Kyiv Independent: Ukrainian drone destroys Russian Tu-22M3 long-range bomber, Syrskyi claims]

2. Tổng thống Donald Trump giải thích về lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày: Mọi người đang “vui mừng”

Trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Trump đã quyết định tạm dừng áp dụng thuế quan qua lại trong 90 ngày vào hôm Thứ Tư, 09 Tháng Tư. Ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng mọi người “có chút lo lắng” và “bực bội” trong những ngày thị trường hỗn loạn.

Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố vào buổi chiều rằng ông sẽ tạm dừng hầu hết các mức thuế quan trả đũa trong 90 ngày nhưng đồng thời tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125 phần trăm sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Thông báo này được đưa ra sau nhiều ngày bất ổn khi Tổng thống Trump và các cố vấn của ông liên tục khẳng định rằng ông sẽ không lùi bước trong các lời đe dọa áp thuế, bao gồm mức thuế cơ bản 10 phần trăm trên toàn diện và thuế quan có đi có lại đối với hàng chục quốc gia, bao gồm nhiều đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.

Hàng ngàn tỷ đô la đã bốc hơi khỏi thị trường trong vài ngày qua và giá chứng khoán của S&P 500 đã gần chạm đến vùng thấp nhất trong lịch sử vào sáng thứ Tư. Sự bất ổn về cuộc chiến thương mại của tổng thống cũng ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu khi thuế quan đáp trả của Tổng thống Trump có hiệu lực vào nửa đêm thứ Tư.

“Tôi nghĩ là mọi người hơi quá đà một chút,” tổng thống nói khi một phóng viên hỏi ông hôm thứ Tư về quyết định hoãn áp dụng thuế quan có đi có lại trong 90 ngày.

“Họ đang trở nên phấn khích, bạn biết đấy, họ đang trở nên phấn khích một chút, một chút sợ hãi... bởi vì chúng ta có một công việc lớn phải làm”.

“Không có vị tổng thống nào khác làm những gì tôi đã làm... và điều đó phải được thực hiện,” ông nói thêm. “Nhưng ai đó phải làm điều đó... vì nó không bền vững.”

Ông cũng nhắc đến sự sụt giảm trên thị trường trái phiếu và nói rằng “mọi người đang cảm thấy hơi lo lắng” vì điều đó.

Thị trường chứng khoán tăng vọt sau thông báo của Tổng thống Trump về việc tạm dừng thuế quan, với chỉ số thị trường chung tăng vọt hơn 8 phần trăm trong phiên giao dịch chiều thứ Tư. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2.721 điểm, tương đương 7,23 phần trăm, trong khi Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng vọt hơn 11 phần trăm.

Tổng thống Trump cho biết mặc dù Hoa Kỳ sẽ tạm dừng thuế quan qua lại đối với khoảng 75 quốc gia, mức thuế cơ sở 10 phần trăm trên toàn diện vẫn sẽ được duy trì. Tòa Bạch Ốc đã tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125 phần trăm sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng thuế đối với Hoa Kỳ lên 84 phần trăm.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã leo thang vào tuần trước khi Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế quan tương hỗ là 34 phần trăm đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã làm rõ rằng hình phạt này sẽ được cộng thêm vào mức thuế quan 20 phần trăm đối với Trung Quốc đã áp dụng, nâng tổng mức thuế quan đối với Trung Quốc lên 54 phần trăm.

Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 34 phần trăm đối với Hoa Kỳ, sau đó Tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ áp thêm mức thuế 50 phần trăm đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng mức phạt lên 104 phần trăm. Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế đối với Hoa Kỳ lên 84 phần trăm, Tổng thống Trump đáp trả bằng cách tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125 phần trăm.

Tại Tòa Bạch Ốc, hôm thứ Tư Tổng thống Trump gọi Trung Quốc là “kẻ lạm dụng lớn nhất trong lịch sử”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh muốn “thỏa thuận” với Hoa Kỳ nhưng không biết “phải thực hiện như thế nào” vì “họ là những người khá kiêu hãnh”.

Liên minh Âu Châu cũng tuyên bố vào đầu thứ Tư rằng họ sẽ áp thuế 25 phần trăm đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

[Newsweek: Donald Trump Explains His 90-Day Tariff Pause: People Were Getting 'Yippy']

3. Bắc Kinh đang ‘xác minh’ những tuyên bố về công dân Trung Quốc chiến đấu cho Nga ở Ukraine

Reuters đưa tin, vào ngày 9 tháng 4, Bắc Kinh cho biết họ đang “xác minh” các báo cáo rằng lực lượng Ukraine đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc đang chiến đấu cùng lực lượng Nga ở Ukraine.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Phía Trung Quốc đang xác minh thông tin có liên quan với phía Ukraine”.

“Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu công dân của mình tránh xa các khu vực có xung đột vũ trang và tránh tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang dưới mọi hình thức.”

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo quân đội Ukraine đã bắt giữ hai chiến binh Trung Quốc gần các làng Tarasivka và Bilohorivka thuộc Tỉnh Donetsk.

Tổng thống cho biết sáu công dân Trung Quốc đã đụng độ với lực lượng Ukraine và hiện có hai người bị Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU giam giữ, 4 người còn lại được tin là đã tử trận.

Tổng thống Zelenskiy chỉ đạo Ngoại trưởng Andrii Sybiha ngay lập tức liên lạc với Bắc Kinh. Sybiha xác nhận rằng Ukraine đã triệu tập đại biện lâm thời của Trung Quốc để lên án vụ việc và yêu cầu giải thích chính thức.

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh việc tuyển dụng công dân Trung Quốc rõ ràng — dù trực tiếp hay gián tiếp — làm nổi bật cam kết của Điện Cẩm Linh trong việc tiếp tục hành động xâm lược. Ông nói thêm rằng Trung Quốc, giống như Iran và Bắc Hàn, đang tạo điều kiện cho nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Hoa Kỳ gọi sự phát triển này là “đáng lo ngại”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce cho biết tại cuộc họp báo ngày 8 tháng 4: “Chúng tôi biết về các báo cáo cho rằng Ukraine đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc đang chiến đấu thay mặt cho Nga tại Ukraine”.

Trong khi Trung Quốc tự coi mình là một bên trung lập và là bên hòa giải tiềm năng trong cuộc chiến, nước này đã tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

Bắc Kinh đã trở thành nguồn cung cấp chính các loại hàng hóa có mục đích sử dụng kép hỗ trợ sản xuất vũ khí cho Điện Cẩm Linh.

Không giống như quân đội Bắc Hàn, những người đã chiến đấu trên lãnh thổ Nga, quân đội Trung Quốc được cho là đã bị bắt bên trong Ukraine, có khả năng đánh dấu sự leo thang đáng kể trong sự can dự của nước ngoài.

Bắc Hàn ước tính đã điều động 12.000 quân tới Tỉnh Kursk của Nga vào năm 2024 để hỗ trợ lực lượng Nga đẩy lùi cuộc xâm lược xuyên biên giới của Ukraine.

Các nguồn tin từ các phương tiện truyền thông địa phương cho biết ban đầu lực lượng đặc biệt Ukraine chỉ gọi hai người Trung Quốc bị bắt là lính. Tuy nhiên, chính xác thì họ là sĩ quan Trung Quốc.

[Kyiv Independent: Beijing 'verifying' claims about Chinese nationals fighting for Russia in Ukraine]

4. Các tài liệu thu thập được cho thấy hơn 160 công dân Trung Quốc chiến đấu cho Nga ở Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết tính đến đầu tháng 4, có ít nhất 163 công dân Trung Quốc đang phục vụ trong Quân đội Nga.

Một tài liệu khác cho thấy ảnh và thông tin hộ chiếu của 13 tân binh Trung Quốc được tuyển chọn để phục vụ trong quân đội Nga tính đến ngày 2 tháng 4.

“Có 155 công dân Trung Quốc đang chiến đấu chống lại người Ukraine trên lãnh thổ Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy xác nhận thông tin này với các nhà báo vào ngày 9 tháng 4.

“Chúng tôi đang thu thập thông tin, chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều thông tin khác nữa.”

Các tài liệu mà Đại Úy Yusov trình bày liệt kê tên, dữ liệu cá nhân, nơi phục vụ và chức vụ trong quân đội Nga của những công dân Trung Quốc khác.

Đại Úy Yusov cũng trình diện trước các phóng viên báo chí 2 lính Trung Quốc bị bắt như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Hai người lính Trung Quốc khai tên là Vương Quang Quân và Trương Nhân Ba, sinh năm 1991 và 1998. Vương Quang Quân bị bắt gần Bilohorivka ở tỉnh Luhansk, trong khi Trương Nhân Ba bị bắt gần Tarasivka, xa hơn về phía nam.

Vương Quang Quân khai rằng anh ta đã trả 300.000 rúp (khoảng 3.000 đô la) cho một người trung gian ở Trung Quốc để gia nhập quân đội Nga để đổi lấy lời hứa cấp quyền công dân.

Trong một video được công bố trước đó mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Quân khai rằng biệt kích Ukraine giống như từ trên trời rơi xuống. Họ đè cổ anh ta xuống đất trong khi bắn bỏ những người Nga đang cố gắng chống cự.

“Chúng tôi ghi nhận rằng đây là công dân Trung Quốc, họ đang chiến đấu chống lại chúng tôi, sử dụng vũ khí chống lại người Ukraine trên lãnh thổ Ukraine,” tổng thống nói.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách nói rằng họ đang “xác minh” các khiếu nại, đồng thời nhắc lại rằng công dân Trung Quốc bị cấm tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi vụ việc là “đáng lo ngại”, đồng thời cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình. “Chúng tôi đã biết về những báo cáo đó”, phát ngôn nhân Tammy Bruce cho biết vào ngày 8 tháng 4.

[Kyiv Independent: Over 160 Chinese nationals fight for Russia in Ukraine, obtained documents show]

5. Tướng Nga bị tình nghi tham ô được tường trình sẽ chỉ huy đơn vị hình sự Storm-Z ở Ukraine

Thiếu tướng Nga Ivan Popov, cựu chỉ huy Tập đoàn quân vũ trang hợp thành số 58 bị tình nghi gian lận quy mô lớn, đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga để đi chiến đấu ở Ukraine, hãng tin thân nhà nước Kommersant đưa tin vào ngày 9 tháng 4.

Nguồn tin từ cơ quan an ninh của Kommerstant cho biết Popov dự kiến sẽ chỉ huy một trong những biệt đội Storm-Z, một nhóm tấn công tiền tuyến chủ yếu gồm các tù nhân và được biết đến với tỷ lệ thương vong cao.

Luật sư của sĩ quan này và Bộ Quốc phòng đã kháng cáo lên tòa án quân sự giám sát vụ án để đình chỉ phiên tòa và trả tự do cho Popov để anh ta đi chiến đấu ở Ukraine, truyền thông Nga đưa tin.

Popov bị bắt vào tháng 5 năm 2024 vì tình nghi tham gia vào vụ trộm 1.700 tấn kim loại dùng để xây dựng công sự ở khu vực bị Nga tạm chiếm thuộc Tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine.

Vị tướng này đã bị cách chức khỏi chức vụ chỉ huy vào năm 2023 sau khi ông được cho là đã bỏ qua lệnh của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov và cố gắng trực tiếp khiếu nại lên Điện Cẩm Linh về điều kiện chiến trường kém.

Vào tháng 3, Popov đã gửi một bức thư ngỏ tới Putin, nói rằng ông luôn là một “người lính trung thành” và xin phép được quay trở lại phục vụ trong quân đội.

[Kyiv Independent: Russian general suspected of fraud to reportedly lead Storm-Z penal unit in Ukraine]

6. Tướng Syrskyi cho biết: Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Ukraine đã giảm, chủ yếu chỉ còn sự trợ giúp của Âu Châu

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh LB.UA được công bố vào ngày 9 tháng 4 rằng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Kyiv đã giảm, thay vào đó các nước Âu Châu hiện đang cung cấp phần viện trợ chính.

Washington là nhà tài trợ quân sự hàng đầu cho Kyiv trong suốt cuộc chiến toàn diện, nhưng việc Tổng thống Trump lên nắm quyền đã mang lại sự thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tổng thống Trump đã cho phép tiếp tục cung cấp viện trợ theo sự chấp thuận của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden – ngoại trừ lệnh tạm dừng mọi khoản viện trợ quân sự vào tháng 3 – nhưng vẫn chưa ký bất kỳ gói viện trợ mới nào.

“Tất nhiên, sự hỗ trợ từ các đối tác đóng vai trò quan trọng (trong việc thay đổi tình hình chiến lược trong cuộc chiến)”, Syrskyi cho biết trong cuộc phỏng vấn. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 100 tỷ đô la viện trợ quân sự kể từ khi cuộc chiến toàn diện của Nga nổ ra vào năm 2022, bao gồm 67 tỷ đô la vũ khí.

“ Hiện tại, sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ đã giảm và sự hỗ trợ chủ yếu đến từ các đối tác của chúng tôi ở Âu Châu”, vị chỉ huy nói thêm.

Một số nước Âu Châu đã cam kết thêm các gói viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng thúc giục Âu Châu tăng tỷ lệ viện trợ cho Ukraine và chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của chính mình.

“Nhưng chúng ta cũng phải dựa vào sức mạnh của chính mình. Chúng ta đã thành công trong việc sản xuất pháo binh và thành công đáng kể trong chiến tranh điện tử”, Syrskyi nói.

“Máy bay điều khiển từ xa cũng vậy. Rất nhiều loại, mẫu máy bay điều khiển từ xa được sử dụng để tấn công Nga ở cấp độ chiến thuật, tác chiến và chiến lược.”

Nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ nước ngoài, Ukraine đã tăng cường sản xuất quốc phòng trong nước trong những năm qua. Ngân sách năm 2025 của nước này đã phân bổ 55 tỷ Hr, hay 1,3 tỷ đô la, cho sản xuất vũ khí.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 2 rằng khoảng 40% vũ khí và thiết bị mà Ukraine sử dụng trên chiến trường là do Ukraine sản xuất, trong khi Hoa Kỳ đóng góp khoảng 30%.

[Kyiv Independent: US aid has dropped, main support comes from Europe, Syrskyi says]

7. Cập nhật về vụ xả súng hàng loạt ở Virginia: Video cho thấy những tay súng bị cáo buộc sau vụ tấn công

Một đoạn video cho thấy cảnh hai người đàn ông có vũ trang đi bộ trên phố ở đông bắc Virginia sau vụ xả súng hàng loạt khiến ba người chết và ba người khác bị thương vào chiều Thứ Ba, 08 Tháng Tư, theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ.

Theo Thiếu tá Elizabeth Scott, phát ngôn viên của Văn phòng Cảnh sát trưởng Spotsylvania, vụ xả súng xảy ra vào khoảng 5.30 chiều thứ Ba tại một khu nhà chung cư ở Quận Spotsylvania, ngay bên ngoài Fredericksburg.

Trong video, hai nghi phạm được nhìn thấy đang chạy trốn khỏi hiện trường mang theo súng. Sau đó, họ được nhìn thấy quay lại và chạy theo hướng khác.

Theo Gun Violence Archive, tính đến năm 2025, đã có 72 vụ xả súng hàng loạt. Chỉ riêng tại Virginia đã xảy ra 3 vụ, bao gồm cả vụ việc hôm thứ Ba

Vào năm 2024, Virginia chứng kiến tổng cộng 13 vụ xả súng hàng loạt.

Sau vụ nổ súng hôm thứ Ba, Thiếu tá Scott cho biết ba người bị thương đã được đưa đến bệnh viện với vết thương do súng bắn, nhưng tình trạng của họ vẫn chưa được biết. Bà nói thêm rằng tất cả các nạn nhân đều được tìm thấy bên ngoài.

Theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Spotsylvania, bốn cá nhân đã bị buộc tội vào hôm Thứ Tư, 09 Tháng Tư, vì có liên quan đến vụ nổ súng.

Các nghi phạm—hai thanh niên 16 tuổi, một thanh niên 17 tuổi và một thanh niên 18 tuổi—phải đối mặt với các cáo buộc cố ý gây thương tích và sử dụng vũ khí trái phép. Các nhà chức trách cho biết ba nghi phạm đã bị bắt giữ vào sáng thứ Tư, trong khi nghi phạm thứ tư, hiện đang nằm bệnh viện vì vết thương do súng bắn, sẽ bị bắt giữ sau khi được thả.

Các nhà điều tra tin rằng vụ nổ súng là kết quả của một vụ cướp trong quá trình bán súng trái phép.

Sau vụ nổ súng, các nhân chứng đã tiết lộ những gì họ trải qua trong vụ việc. Một cá nhân nói với DC News Now rằng họ nghe thấy “10 hoặc 15 phát súng”, sau đó là một khoảng dừng ngắn và sau đó là nhiều tiếng súng hơn.

Một người hàng xóm khác kể với FOX 5: “Tôi đang đi xuống đồi. Tôi đang nhìn về phía trước và thấy khoảng ba hoặc bốn cá nhân và tôi nghe thấy tiếng súng và tôi thấy những viên đạn bay khắp nơi. Sau đó, tôi thấy một số người chạy xuống đường và sau một lúc, chúng bắt đầu đi bộ trở lại, cầm súng lớn và chúng bắt đầu đi lên đồi, sau đó chúng cắt ngang sau những ngôi nhà và đó là lúc các cảnh sát đầu tiên đến hiện trường.”

Các quan chức kêu gọi người dân tránh xa hiện trường vụ án và cư dân sống gần đó hãy ở trong nhà trong khi chính quyền điều tra.

Trường công lập thành phố Fredericksburg thông báo trên trang web của trường rằng các lớp học sẽ bắt đầu muộn hai giờ vào thứ Tư “do tác động sâu sắc mà sự việc này gây ra cho các thành viên trong cộng đồng trường chúng tôi”.

Tuyên bố cho biết: “Sự chậm trễ này sẽ cho chúng tôi thời gian cần thiết để chuẩn bị các tòa nhà và đội ngũ nhân viên để chào đón sinh viên với sự quan tâm và hỗ trợ mà họ có thể cần trong thời điểm khó khăn này”.

Một cuộc điều tra đang được tiến hành và chính quyền đang kêu gọi các nhân chứng gửi bất kỳ video nào về vụ việc. Cảnh sát nhấn mạnh rằng vụ việc không gây ra mối đe dọa liên tục nào đối với an toàn công cộng.

[Newsweek: Virginia Mass Shooting Update: Video Shows Alleged Gunmen After Attack]

8. Đồng minh của Hoa Kỳ mở rộng lực lượng F-35 trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga

Nhật Bản, một đồng minh hiệp ước quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á, đã mở rộng lực lượng chiến đấu cơ tàng hình F-35A trong bối cảnh Nga liên tục có hoạt động quân sự gần nước này.

Nhật Bản là một phần của Chuỗi đảo thứ nhất, một chiến lược ngăn chặn hàng hải của Hoa Kỳ nhằm hạn chế quyền tiếp cận quân sự của Nga và Trung Quốc vào Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Nhật Bản đã tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng cách mua 105 máy bay phản lực F-35A và 42 máy bay phản lực F-35B từ Washington.

Quân đội Nga thường xuyên hoạt động ở Biển Nhật Bản, còn được gọi là Biển Đông ở Nam Hàn, nằm ở phía nam Viễn Đông của Nga và phía tây Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa tin một máy bay do thám Il-20 của Nga đã bay từ bắc xuống nam vào ngày 4 tháng 4 trong không phận quốc tế trên Biển Nhật Bản ngoài khơi bờ biển các đảo Hokkaido và Honshu của Nhật Bản. Sau đó, nó đã trở về Viễn Đông của Nga.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản thông báo rằng ba chiến đấu cơ F-35A đã đến Căn cứ Không quân Komatsu vào ngày 1 tháng 4, nằm ở tỉnh Ishikawa phía tây giáp Biển Nhật Bản. Chúng sẽ thay thế các chiến đấu cơ F-15 cũ hơn.

Theo đài truyền hình công cộng Nhật Bản NHK, tổng cộng bảy chiến đấu cơ F-35A sẽ được điều động đến Komatsu trong năm tài chính này. Căn cứ không quân này dự kiến sẽ nhận thêm 29 máy bay phản lực F-35A từ năm tài chính 2026 đến 2029, tạo thành một phi đội gồm 36 máy bay hiện đại.

Komatsu hiện là địa điểm thứ hai tại Nhật Bản có chiến đấu cơ F-35A của nước này sau Căn cứ không quân Misawa, nằm ở tỉnh Aomori phía đông bắc trên bờ biển Thái Bình Dương, báo cáo cho biết. Máy bay phản lực F-35A đầu tiên của Nhật Bản đã được chuyển đến Misawa vào năm 2018.

Việc mở rộng điều động chiến đấu cơ F-35A của Nhật Bản diễn ra sau khi Hoa Kỳ gửi một số máy bay F-35 của nước này tới Nhật Bản theo hai nhóm, với nhóm F-35A điều động tại Căn cứ Không quân Kadena vào Tháng Giêng và nhóm F-35B tại Căn cứ Không quân Thủy quân Lục chiến Iwakuni vào tháng 3.

F-35 là một họ máy bay tàng hình có ba biến thể. Biến thể phổ biến nhất là F-35A, hoạt động trên đường băng thông thường. F-35B có thể cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, còn F-35C được chế tạo riêng để điều động trên Hàng Không Mẫu Hạm.

Máy bay F-35B của Nhật Bản sẽ được điều động trên hai tàu khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo, hiện đang được cải tiến thành Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên của Nhật Bản kể từ Thế chiến II.

[Newsweek: US Ally Expands F-35 Force Amid Russia Threat]

9. Để lấy lòng Tổng thống Trump, Nga tuyên bố không cần phải bảo vệ Iran

Mạc Tư Khoa tuyên bố họ không có nghĩa vụ phải giúp Iran trong trường hợp có khả năng bị Hoa Kỳ tấn công sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Tehran không nên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hôm Thứ Hai, 07 Tháng Tư, Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ đang đàm phán trực tiếp với Tehran về chương trình hạt nhân mà các nước phương Tây lo ngại sẽ dẫn đến việc nước này phát triển vũ khí. Tehran, nước cho biết chương trình của mình là vì mục đích hòa bình, cho biết cuộc họp ở Oman sẽ thông qua một bên trung gian.

Tổng thống Trump cảnh báo nếu các cuộc đàm phán không thành công thì “đó sẽ là một ngày rất tồi tệ đối với Iran”. Trước đó, ông đã đe dọa sẽ ném bom và áp thuế bổ sung đối với Iran nếu Tehran không đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết một cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iran sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho khu vực. Mạc Tư Khoa sẵn sàng đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ nào cần thiết trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran, là quốc gia có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa không cần phải đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ nào cho Tehran trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Hamidreza Azizi, một chuyên gia về Iran, nói với Newsweek rằng các nhà lãnh đạo Iran biết rằng họ sẽ phải tự lo liệu nếu có một cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Được thúc đẩy bởi kinh nghiệm chung về các lệnh trừng phạt cứng rắn do Hoa Kỳ dẫn đầu, Nga và Iran có mối quan hệ quân sự chặt chẽ, đã trở nên sâu sắc hơn kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin. Tehran đã cung cấp máy bay điều khiển từ xa Shahed cho Mạc Tư Khoa, một loại vũ khí đã tàn phá cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong cuộc xâm lược của Putin.

Trong khi Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Iran-Nga vào tháng Giêng, hiệp ước này không có điều khoản nào về phòng thủ chung nếu một bên bị tấn công. Bình luận của Ryabkov cho thấy giới hạn của mối quan hệ đối tác đó, xét theo những lời đe dọa của Tổng thống Trump.

Phát biểu cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Hai, Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp đang được tiến hành giữa Hoa Kỳ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran.

Sau đó, Iran cho biết các cuộc đàm phán sẽ diễn ra gián tiếp và CNN là một trong những hãng tin đưa tin các quan chức Hoa Kỳ sẽ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với các quan chức Iran tại Oman.

Tổng thống Trump cho biết “thỏa thuận sẽ tốt hơn là làm điều hiển nhiên” và nói thêm rằng điều hiển nhiên “không phải là điều tôi muốn tham gia”.

Ông cho biết “đây đang trở thành một vùng đất rất nguy hiểm”, đồng thời nói thêm rằng Tehran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu các cuộc đàm phán không thành công thì đó sẽ là “một ngày rất tồi tệ” đối với Iran.

Ryabkov cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào của Hoa Kỳ vào Iran cũng sẽ gây ra hậu quả xấu cho khu vực và ông cho biết Nga sẽ cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào khác thông qua hoạt động hòa giải.

Hamidreza Azizi, nghiên cứu viên tại tổ chức tư vấn Đức SWP Berlin, phát biểu với Newsweek hôm thứ Ba rằng mặc dù mối quan hệ giữa Tehran và Mạc Tư Khoa ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng những hạn chế trong mối quan hệ song phương của họ vẫn luôn hiện hữu.

Ông cho biết Nga chưa bao giờ muốn vướng vào một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa Iran với Hoa Kỳ hoặc Israel và xét đến mối quan hệ ngoại giao đang diễn ra giữa Mạc Tư Khoa với chính quyền Tổng thống Trump, nước này càng không muốn can dự.

Nga cũng coi trọng đáng kể mối quan hệ của mình với Israel và các nước láng giềng Ả Rập của Iran ở Vịnh Ba Tư, ông nói thêm. Điều Tehran muốn từ Mạc Tư Khoa là sự ủng hộ chính trị, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đó là lý do tại sao họ đã khởi xướng một lộ trình ba bên mới về vấn đề hạt nhân, cùng với Trung Quốc.

“Iran cần sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an hơn bao giờ hết. Nhưng các nhà lãnh đạo Iran hoàn toàn nhận thức được rằng họ sẽ phải tự lo liệu nếu một cuộc tấn công thực sự xảy ra”, Azizi nói thêm.

[Newsweek: Russia Says It Won't Have to Defend Iran in Win for Trump]

10. Đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột với Nga kể từ Thế chiến II đề nghị ngừng bắn

Nhật Bản cho biết mặc dù quan hệ với Nga đang gặp khó khăn nhưng nước này vẫn có ý định ký kết hiệp ước hòa bình với quốc gia láng giềng ven biển về tranh chấp Lãnh thổ phía Bắc.

Tranh chấp về quần đảo Kuril do Nga kiểm soát đã bắt nguồn từ Thế chiến II.

Hôm Thứ Ba, 08 Tháng Tư, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nhắc lại cam kết về hiệp ước hòa bình với Nga trong ấn bản Sách xanh ngoại giao năm 2025.

Nga và Nhật Bản chưa bao giờ ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến II, chủ yếu là do tranh chấp về nhóm đảo bị Nga tạm chiếm mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.

Vào cuối Thế chiến II, Liên Xô đã chiếm các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai thuộc quần đảo Kuril. Tokyo tuyên bố các đảo này là “Lãnh thổ phía Bắc” của mình, và vấn đề này đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong nhiều thập niên.

Nằm giữa hòn đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản và Bán đảo Kamchatka của Nga, vị trí của hòn đảo này mang lại nhiều lợi ích về quân sự và chính trị.

Phiên bản mới nhất của Sách xanh ngoại giao, là báo cáo thường niên về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, cho biết vấn đề Lãnh thổ phía Bắc vẫn là “mối quan tâm lớn nhất” của nước này liên quan đến quan hệ song phương với Nga.

Theo tài liệu này, chính phủ Nhật Bản “vẫn cam kết thực hiện chính sách giải quyết vấn đề Lãnh thổ phía Bắc và ký kết hiệp ước hòa bình”.

Nga vẫn duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ đối với các đảo, đã từ chối đàm phán với Nhật Bản về vấn đề này “vì các biện pháp mà Nhật Bản đã thực hiện liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga”.

Nga đã dừng các cuộc đàm phán hòa bình với Nhật Bản sau khi Tokyo áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa sau khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Hơn nữa, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Nga liên quan đến các động thái của Nga nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự, bao gồm các cuộc tập trận quân sự, tại và xung quanh bốn hòn đảo phía bắc và vùng biển xung quanh, mà Nhật Bản coi là không thể chấp nhận được và trái ngược với lập trường của Nhật Bản liên quan đến các hòn đảo này”, Sách xanh ngoại giao cho biết.

[Newsweek: US Ally in Conflict With Russia Since World War II Offers Truce]

11. Xe công binh vượt qua bùn của Nhật Bản ra mắt tại tiền tuyến Ukraine

Trong 38 tháng kể từ khi Nga mở rộng cuộc chiến với Ukraine, Nhật Bản đã cam kết viện trợ khoảng 10 tỷ đô la cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Nhưng khoản viện trợ này hoàn toàn “không gây chết người”, theo chuyên gia quan hệ quốc tế Nhật Bản Higashino Atsuko.

Điều đó có thể gây ngạc nhiên cho các lữ đoàn Ukraine đi trên xe công binh Nhật Bản. Một chiếc Morooka PC-065B do Nhật Bản sản xuất—một xe xích nặng năm tấn với thùng hàng và cần cẩu ba tấn—lần đầu tiên xuất hiện dọc theo tuyến đầu ở Ukraine trong một video gần đây.

Vào tháng 5 năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã cam kết với Kyiv một lô 101 xe, bao gồm xe tải Toyota và một số xe PC-065B. Các xe bắt đầu đến Ukraine qua Ba Lan vài tuần sau đó.

PC-065B không có vũ khí, nhưng chúng thực hiện vai trò tiền tuyến quan trọng khiến chúng và xa đoàn gặp nguy hiểm—và chúng cũng gián tiếp gây ra thiệt hại tương đương cho lực lượng Nga.

Với khả năng di chuyển tuyệt vời trên bùn, sàn chở hàng rộng rãi và cần cẩu, PC-065B có thể giúp các kỹ sư xây dựng hầm trú ẩn kiên cố và các công sự khác giúp bộ binh Ukraine ít hơn về số lượng so với Nga sống sót trước pháo binh và máy bay điều khiển từ xa, cũng như đẩy lùi các cuộc tấn công mạnh mẽ của Nga.

PC-065B đã tham gia cùng hàng trăm xe hậu cần tương tự trong quân đội Ukraine—một số được tối ưu hóa cho mục đích xây dựng, một số khác phù hợp hơn cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa hoặc nhiệm vụ cứu thương. Những Xe thiết giáp hậu cần M-113AS4 cũ của Úc, BV-206 và BVS-10 do Thụy Điển sản xuất và NM199 cũ của Na Uy này có chung một số đặc điểm chính.

Chúng nhẹ so với kích thước của chúng, điều này có nghĩa là khả năng di chuyển tuyệt vời trong bùn giống như keo chiếm ưu thế ở vùng nông thôn Ukraine vào mùa xuân. Khả năng di chuyển tương tự cũng hữu ích quanh năm ở các đầm lầy phía nam Ukraine.

Không phải vô cớ mà BVS-10 được phát hiện trong vai trò cứu thương của Lữ đoàn Phòng thủ Bờ biển số 40 mới, một đơn vị thủy quân lục chiến Ukraine bảo vệ bờ phải của Sông Dnipro ở Tỉnh Kherson, miền nam Ukraine.

Nhược điểm của trọng lượng nhẹ của những chiếc xe này là chúng cực kỳ dễ bị tấn công bởi máy bay điều khiển từ xa, và pháo binh của Nga—thực sự là bất kỳ loại hỏa lực nào. Trong ba năm chiến đấu gian khổ, quân đội Ukraine đã mất khoảng 15 xe hỗ trợ bánh xích của họ. Những tổn thất này chưa bao gồm bất kỳ chiếc PC-065B nào do Nhật Bản sản xuất.

[Forbes: Japan’s Mud-Loving Engineering Vehicle Makes Its Debut Along The Ukrainian Front Line]

12. Tổng thống Zelenskiy: Nga nỗ lực tiến vào Kharkiv, tỉnh Sumy trong cuộc tấn công mùa xuân mới

Nga đang cố gắng đột phá vào đông bắc Ukraine và tiếp tục tiến về phía đông bằng một cuộc tấn công mùa xuân mới, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà báo hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư.

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 9 tháng 4 rằng cuộc tấn công mùa xuân của Nga ở đông bắc Ukraine “thực tế đã bắt đầu”. Trước đó, Tổng thống Zelenskiy đã cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào các tỉnh Kharkiv và Sumy vào mùa xuân này.

“Hôm nay, hơn 67.000 binh lính Nga đang ở hướng Kursk. Nga đã hoàn tất việc chuyển quân để tấn công theo hướng Sumy”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Ông cho biết thêm rằng Quân đội Ukraine đã có những bước đi thành công nhằm ngăn chặn quân đội Nga tiến về phía tỉnh Kharkiv và Sumy từ tỉnh Belgorod của Nga.

“Có rất nhiều nỗ lực ở đó, hàng ngày. Nga đang phải chịu tổn thất... Sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa theo hướng Kharkiv và Sumy,” Tổng thống Zelenskiy nói.

Tổng thống Zelenskiy cảnh báo rằng Nga không thay đổi mục tiêu chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine trong cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine và vẫn tiếp tục gây áp lực theo mọi hướng.

“Chúng tôi tin rằng họ không thay đổi kế hoạch của mình - hướng Sumy, Kharkiv, Zaporizhia. Họ không quên phía đông. Điều này cung cấp quyền tiếp cận biên giới của các tỉnh Donetsk và Luhansk. Đây là kế hoạch của họ ngay từ đầu cuộc chiến”.

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh rằng Nga đã đạt được những thành tựu chiến thuật lớn nhất vào tháng 11 năm 2024, đồng thời nói thêm rằng sau đó, tổn thất của Nga tăng lên rất nhiều và tiến triển cũng giảm sút.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 26 tháng 3, Tổng thống Zelenskiy cho biết, “Chúng ta phải nhìn nhận tình hình bằng con mắt mở to. Putin đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới, đặc biệt là ở các tỉnh Sumy và Kharkiv.”

“Tôi có thể xác nhận rằng Putin đang cố gắng giành thời gian và đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân. Chúng tôi thấy sự chuẩn bị cho hoạt động sắp tới này”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: Zelensky: Russia attempts to advance in Kharkiv, Sumy oblasts in new spring offensive]
 
TT Zelensky: Ukraine phải đối phó với tên phản bội nguy hiểm. Đàn UAV Kyiv tấn công 11 khu vực Nga
VietCatholic Media
16:07 10/04/2025


1. Cuộc tấn công mùa xuân của Nga đã ‘bắt đầu’, Syrskyi nói

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn LB.UA được công bố vào ngày 9 tháng 4 rằng cuộc tấn công mùa xuân mới của Nga nhằm vào Ukraine “thực tế đã bắt đầu”.

Bình luận của Syrskyi được đưa ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa đang tập hợp lực lượng để tiến hành một cuộc tấn công mới vào tỉnh Kharkiv và Sumy vào mùa xuân năm nay.

“Tôi có thể nói rằng tổng thống hoàn toàn đúng và cuộc tấn công này thực tế đã bắt đầu rồi”, Syrskyi nói.

Tổng tư lệnh lưu ý rằng trong gần một tuần, các hoạt động tấn công của Nga đã tăng gần gấp đôi ở mọi khu vực chính.

Các quan chức và chuyên gia Ukraine đã cảnh báo rằng Nga có thể sẽ mở một cuộc tấn công mới vào hai khu vực đông bắc để củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán tiềm năng. Diễn biến này diễn ra sau khi Nga giành lại phần lớn lãnh thổ của mình ở Kursk, một vùng biên giới của Nga mà Kyiv đã tấn công vào năm ngoái để phá vỡ các kế hoạch tấn công vào Sumy.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tìm cách làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Ukraine, nhưng Mạc Tư Khoa đã từ chối lệnh ngừng bắn 30 ngày mà Washington và Kyiv đã đồng ý và tiếp tục tấn công, với hy vọng sẽ lợi dụng thời gian này để chiếm thêm lãnh thổ.

Nga đã có những bước tiến đáng kể trên chiến trường, chủ yếu là ở Tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, vào mùa thu năm ngoái, nhưng đà tiến quân của nước này đã chậm lại vào những tháng đầu năm 2025.

Khi được hỏi liệu cuộc tập trận Zapad 2025 sắp tới ở Belarus vào tháng 9 có phải là một phần trong công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công mới hay không, Syrskyi thừa nhận rằng các cuộc tập trận quân sự có thể được sử dụng để tái điều động và tập hợp một nhóm lực lượng mới.

Đồng thời, tổng tư lệnh quân đội Ukraine không mong đợi cuộc tập trận mùa thu sẽ được sử dụng cho mục đích đó, mặc dù Kyiv “phải tính đến yếu tố này”.

[Kyiv Independent: Russia's spring offensive has 'already begun,' Syrskyi says]

2. Đàn máy bay điều khiển từ xa nhắm vào 11 khu vực của Nga: Cập nhật về chiến tranh Ukraine ngày 9 tháng 4

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ trước đó, Ukraine đã phóng hàng chục máy bay điều khiển từ xa bay qua nhiều vùng rộng lớn của Nga, trong đó có ba phi trường quân sự là mục tiêu của các cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không của nước này đã chặn khoảng 160 máy bay điều khiển từ xa trên 11 khu vực trong cuộc tấn công kéo dài 10 giờ gây gián đoạn hoạt động hàng không thương mại.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lần đầu tiên thừa nhận rằng lực lượng của ông đã tiến hành một cuộc tấn công vào khu vực Belgorod của Nga, mặc dù một nhà phân tích quân sự nói với Newsweek rằng hoạt động này không có quy mô lớn.

Thường không nhận trách nhiệm trực tiếp, Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa tầm xa để nhắm vào cơ sở hạ tầng công nghiệp và quân sự của Nga sâu trong tiền tuyến.

Bầy máy bay điều khiển từ xa mà Kyiv gửi đi cho thấy họ không có ý định làm chậm lại việc tấn công vào các địa điểm ở Nga. Các cuộc không kích do cả hai bên tiến hành không hề giảm bớt, bất chấp các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Saudi Arabia vào tháng trước.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của họ đã chặn 158 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trên các khu vực của Nga trong một loạt các cuộc tấn công kết thúc vào lúc 6 giờ sáng giờ Mạc Tư Khoa thứ Tư sau 10 giờ. Các báo cáo khác cho biết có hơn 160 máy bay điều khiển từ xa.

Hầu hết máy bay điều khiển từ xa bị bắn hạ ở các khu vực Krasnodar, Rostov, Kursk và Belgorod giáp biên giới Ukraine.

Các vùng Bắc Ossetia, Voronezh, Penza, Nizhny Novgorod, Saratov, Orenburg và Oryol cũng như Stavropol và Crimea đã sáp nhập cũng bị tấn công. Thống đốc Orenburg Yevgeny Solntsev cho biết máy bay điều khiển từ xa đã cố gắng nhắm vào một phi trường, nhưng không có thương vong hoặc phá hủy.

Theo kênh Astra Telegram dẫn lời người dân địa phương, một phi trường quân sự khác ở Mozdok, Bắc Ossetia, nơi điều động các máy bay MiG-31K mang hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal, cũng là mục tiêu của một cuộc tấn công.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh khói bốc lên gần khu vực này, mặc dù chính quyền Nga không thừa nhận bất kỳ cuộc tấn công nào vào phi trường, đồng thời khẳng định rằng hệ thống phòng không đã đẩy lùi cuộc tấn công.

Tại khu vực Saratov, kênh Telegram Shot đưa tin về các vụ nổ ở Engels, nơi có căn cứ không quân cho máy bay ném bom chiến lược. Tại Lãnh thổ Krasnodar, máy bay điều khiển từ xa đã được gửi đến Slavyansk-on-Kuban, nơi một nhà máy lọc dầu đã bị tấn công trong nhiều cuộc không kích.

Tổng thống Zelenskiy lần đầu tiên công khai thừa nhận sự hiện diện của quân đội Ukraine ở khu vực Belgorod, khu vực thứ hai của Nga nơi quân đội Kyiv tiến hành xâm nhập.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW hôm thứ Ba cho biết lực lượng Nga đã tiến quân nhẹ về phía Demidovka, phía tây bắc thành phố Belgorod.

Nhà phân tích quân sự Emil Kastehelmi, từ Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, nói với Newsweek rằng hoạt động này vẫn đang diễn ra “nhưng có vẻ không quá chuyên sâu”.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết cuộc tấn công mùa xuân mới của Nga vào Ukraine đã bắt đầu, sau lời cảnh báo của Tổng thống Zelenskiy rằng Mạc Tư Khoa đang tập hợp lực lượng cho một cuộc tấn công mới vào tỉnh Kharkiv và Sumy của Ukraine.

Bất chấp các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Saudi Arabia vào tháng trước, Nga vẫn tiếp tục bắn phá Ukraine, và tuần trước, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelenskiy, đã giết chết ít nhất 18 người, trong đó có chín trẻ em.

Tổng thống Zelenskiy lên án phản ứng từ đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine về cuộc tấn công vì không đề cập đến Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Washington “sợ ngay cả khi nói đến từ 'Nga' khi nói về hỏa tiễn giết chết trẻ em”.

Trong khi đó, Bỉ cho biết sẽ chuyển giao hai chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine trong năm nay và hai máy bay khác vào năm 2025.

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Zelenskiy, Thủ tướng Bỉ Bart De Wever cho biết nước ông sẽ thực hiện lời hứa trở thành nhà cung cấp chiến đấu cơ lớn nhất cho Ukraine.

[Newsweek: Drone Swarms Target 11 Russian Regions: Ukraine War Update April 9]

3. Nga tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt, thỏa thuận tài nguyên với Hoa Kỳ thông qua nhà đàm phán Dmitriev, Tổng thống Zelenskiy nói

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu với các nhà báo rằng Mạc Tư Khoa đang sử dụng nhà đàm phán của mình, Kirill Dmitriev, tên phản bội để dẫn dắt các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ về phát triển tài nguyên và gỡ bỏ một phần các tài sản bị đóng băng của Nga.

Dmitriev, nhà lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga do nhà nước kiểm soát, đã gặp các quan chức Hoa Kỳ tại Washington thay mặt cho Putin vào tuần trước. Trước chuyến đi, quan chức Nga cho biết Washington và Mạc Tư Khoa đã bắt đầu thảo luận về các dự án liên quan đến khoáng sản đất hiếm của Nga.

Dmitriev đang truyền đạt các đề xuất của Mạc Tư Khoa tới Washington, sử dụng các mối quan hệ của mình ở Trung Đông, Tổng thống Zelenskiy cho biết. Đặc phái viên Nga trước đây đã đóng vai trò trong kênh ngoại giao hậu trường giữa Mạc Tư Khoa và Tổng thống Trump khi Tổng thống Trump lần đầu đắc cử vào năm 2016.

“Kế hoạch này có vẻ như sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ rào cản quan hệ kinh tế. Ví dụ, Nga muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với những người cụ thể sẽ đứng sau hướng đi này hay hướng đi kia, ví dụ như khoáng sản của Nga mà họ sẽ cung cấp cho Hoa Kỳ”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Ủy viên trừng phạt của tổng thống Ukraine, Vladyslav Vlasiuk, cho biết vào cuối tháng 2 rằng Nga quan tâm nhất đến việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nhà tài phiệt Nga và xuất khẩu năng lượng.

Các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ euro tài sản của Nga sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, trong đó khoảng hai phần ba được giữ ở Âu Châu.

Theo Tổng thống Zelenskiy, Nga không thể giải tỏa hoàn toàn toàn bộ tài sản của mình tại Liên Hiệp Âu Châu, nhưng có thể giải phóng các khoản tiền nhỏ hơn từ 2 đến 5 tỷ euro, hay 2,2-5,5 tỷ đô la, thông qua các bên trung gian là các nhà lãnh đạo Trung Đông.

Trước đó, tổng thống cho biết Mạc Tư Khoa đang gây áp lực buộc các chính phủ nước ngoài giúp giải ngân số tiền này bằng cách đưa ra các thỏa thuận liên quan đến hàng hóa công nghệ cao như phụ tùng chế tạo máy bay.

Liên Hiệp Âu Châu đã bắt đầu sử dụng tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Trước đó vào ngày 9 tháng 4, khối này đã phân bổ một đợt hỗ trợ tài chính khác trị giá 1 tỷ euro, hay 1,1 tỷ đô la, như một phần của chương trình cho vay G7 dành cho Kyiv.

Dmitriev sinh ra tại Kyiv, Thủ đô Ukraine năm 1975. Cha là một nhà sinh vật học nổi tiếng người Ukraine. Mẹ là người Nga. Ở tuổi 14, Dmitriev là một trong những học sinh trao đổi đầu tiên của Liên Xô đến Hoa Kỳ, nơi hắn theo học tại Cao đẳng Fооthill ở California. Dmitriev tiếp tục tốt nghiệp với bằng danh dự từ chương trình kinh tế tại Đại học Stanford và nhận bằng MBA tại Harvard.

Sống ở Mỹ từ 1989 đến 2007. Từ 2007 đến năm 2011 sống ở Ukraine. Sau đó, được vợ tiến cử sang Nga làm việc cho con gái Putin Katerina Tikhonova, một năm sau được tiến cử làm cán bộ kinh tài cho Putin, giám sát quỹ đen của Putin lên đến 40 tỷ đô la.

[Kyiv Independent: Russia seeks sanctions relief, resource deal with US via negotiator Dmitriev, Zelensky says]

4. Các hoạt động tấn công của Nga được cho là đang tăng cường trên khắp tiền tuyến của Ukraine

Các hoạt động tấn công của Nga trên khắp tiền tuyến ở Ukraine đã tăng cường ngay khi Washington đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn, CNN đưa tin vào ngày 9 tháng 4, trích dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu và binh lính Ukraine.

Tin tức này được đưa ra sau khi Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi tuyên bố vào ngày 9 tháng 4 rằng cuộc tấn công mùa xuân mới của Mạc Tư Khoa “thực tế đã bắt đầu”.

Trong hơn một tuần, lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công hung hăng hơn ở nhiều khu vực, đặc biệt là phía nam Pokrovsk thuộc Tỉnh Donetsk — một trung tâm hậu cần quan trọng nằm cách Donetsk bị Nga tạm chiếm khoảng 70 km, hay 40 dặm, về phía tây bắc.

Tướng Syrskyi trước đó tuyên bố rằng bất chấp áp lực mới, Nga đang “chậm lại” ở khu vực Pokrovsk và không đạt được những thành tựu lãnh thổ lớn. Trước đó, ông cho biết 7.000 quân Nga đã thiệt mạng gần Pokrovsk chỉ riêng trong tháng Giêng.

Một sĩ quan trinh sát Ukraine được điều động trong khu vực nói với CNN rằng Mạc Tư Khoa đã điều động quân tiếp viện và thiết bị để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mở rộng.

Khu vực Lyman, nằm ở phía bắc Donetsk, cũng chứng kiến các cuộc đụng độ leo thang. Theo Anastasia Blyshchyk, phát ngôn nhân của Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 66 của Ukraine, quân đội Ukraine ở đó bị áp đảo về số lượng, đôi khi với tỷ lệ 10:1.

Lực lượng Nga đang tiến công từ phía đông, nhằm chiếm các tuyến đường hậu cần quan trọng nối Lyman với phần còn lại của Donetsk và Luhansk. Khu vực thứ hai vẫn gần như hoàn toàn nằm dưới sự xâm lược của Nga, với lực lượng Ukraine chỉ nắm giữ một vài thị trấn nhỏ.

Dữ liệu chiến đấu được CNN phân tích xác nhận sự gia tăng hoạt động của Nga trên khắp tiền tuyến trong hai tuần qua.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo vào tháng 3 rằng Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới vào vùng Kharkiv và Sumy ở đông bắc sau khi Mạc Tư Khoa tiến nhanh vào vùng Kursk.

Bất chấp những nỗ lực làm trung gian ngừng bắn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Nga đã bác bỏ đề xuất của Hoa Kỳ và Ukraine về lệnh ngừng bắn toàn phần trong 30 ngày, tiếp tục hành động tấn công nhằm chiếm thêm đất trước các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.

Dữ liệu từ nhóm giám sát chiến trường DeepState cho thấy Mạc Tư Khoa chỉ chiếm được 133 km2, hay 50 dặm vuông, vào tháng 3, mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2024.

Tuy nhiên, áp lực lại đang gia tăng. Giao tranh đã gia tăng vào cuối tháng, đặc biệt là ở Donetsk, nơi lực lượng Nga đang thử nghiệm khả năng phòng thủ của Ukraine.

Ngày 15 tháng Giêng, Tổng thống Zelenskiy cho biết quân đội Ukraine có 880.000 binh sĩ, có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ đất nước chống lại 600.000 quân Nga tập trung ở các khu vực khác nhau.

Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine cho biết vào ngày 3 tháng 4 rằng Mạc Tư Khoa có kế hoạch tăng cường lực lượng thêm 150.000 quân vào năm 2025, tương đương với khoảng 15 sư đoàn bộ binh cơ giới.

[Kyiv Independent: Russian offensive operations reportedly intensify across Ukraine's front line]

5. Trung Quốc phản hồi tuyên bố của Tổng thống Zelenskiy về việc lính Trung Quốc bị bắt ở Ukraine

Hôm thứ Tư, Trung Quốc cho biết họ đang làm việc với Ukraine để xác minh các báo cáo rằng hai công dân Trung Quốc đã bị bắt khi đang chiến đấu cho quân đội Nga bên trong khu vực Donetsk của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Ba rằng lực lượng của ông đã bắt giữ hai người đàn ông Trung Quốc và Kyiv đang tìm kiếm phản hồi chính thức từ Bắc Kinh. Đây là một sự can thiệp hiếm hoi của nhà lãnh đạo Ukraine, người đã tìm cách giữ Trung Quốc ở lại phe mình kể từ khi bắt đầu chiến tranh với hy vọng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể giúp kiềm chế người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

“Trung Quốc đang xác minh thông tin với phía Ukraine,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư.

“Tôi xin nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu công dân Trung Quốc tránh xa các khu vực có xung đột vũ trang, tránh mọi hình thức tham gia vào xung đột vũ trang và đặc biệt tránh tham gia vào các hoạt động quân sự của bất kỳ bên nào”, ông nói thêm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ rất lo ngại về thông tin bắt giữ binh lính Trung Quốc, đồng thời gọi Trung Quốc là “bên tiếp tay chính” cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Trong khi đó, lực lượng đặc biệt của Ukraine đã đăng một video lời khai của một lính Trung Quốc. Anh ta cho biết đã bị bắt tại Bilohorivka. Anh ta cho biết biệt kích Ukraine giống như từ trên trời rơi xuống. Họ đè cổ anh ta xuống đất trong khi xả súng bắn vào những ai chống cự.

Các kênh quân sự Nga trước đây đã đưa tin về cái chết của “lính đánh thuê” Trung Quốc trong hàng ngũ của Mạc Tư Khoa ở Ukraine. Một công dân Trung Quốc tham gia vào cuộc xung đột cũng đã báo cáo về cái chết của những người lính Bắc Hàn chiến đấu cho Nga.

[Newsweek: China Responds to Zelensky's Claim Chinese Soldiers Captured in Ukraine]

6. Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ ‘chưa đưa ra quyết định’ về việc cắt giảm sự hiện diện quân sự ở Âu Châu

Văn phòng báo chí Ngũ Giác Đài trả lời đài truyền hình Ba Lan TVP Info vào ngày 8 tháng 4 rằng Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc giảm sự hiện diện quân sự tại Âu Châu.

“Chưa có quyết định nào được đưa ra”, Ngũ Giác Đài cho biết. “Cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO là mạnh mẽ, nhưng Hoa Kỳ mong đợi các đồng minh Âu Châu sẽ dẫn đầu phòng thủ thông thường của Âu Châu”.

Tuyên bố này được đưa ra sau báo cáo của NBC News rằng các quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ đang cân nhắc cắt giảm tới một nửa trong số 20.000 quân bổ sung được gửi tới Âu Châu sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022.

Lực lượng Hoa Kỳ vẫn đồn trú ở Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic như một phần trong động thái răn đe và trấn an của NATO.

Việc rút quân có thể diễn ra khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gây áp lực buộc các đồng minh Âu Châu phải có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của lục địa.

Bộ Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu thông báo vào ngày 8 tháng 4 về việc di dời nhân sự và thiết bị của Hoa Kỳ khỏi Sân bay Rzeszow-Jasionka của Ba Lan, một trung tâm hậu cần quan trọng cho viện trợ quân sự cho Ukraine.

Hoạt động tái điều động, bao gồm di chuyển tài sản đến các địa điểm khác ở Ba Lan, diễn ra sau nhiều tháng lập kế hoạch và là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tối ưu hóa các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên khắp khu vực.

Cuộc tranh luận về quân đội và sự tham gia trong tương lai của Hoa Kỳ diễn ra khi NATO phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump đã kêu gọi tăng chuẩn mực của liên minh từ 2% lên 5% GDP, một mục tiêu vượt xa các cam kết hiện tại của hầu hết các thành viên.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen gần đây đã cảnh báo rằng Âu Châu phải xây dựng lộ trình rõ ràng và phối hợp với Washington để đảm nhận gánh nặng quốc phòng lớn hơn.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết Tổng thống Trump vẫn ủng hộ NATO nhưng mong đợi một “con đường thực tế” từ các đồng minh để giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

[Kyiv Independent: US made 'no decision' yet on cutting military presence in Europe, Pentagon says]

7. Tổng thống Trump cho biết thay đổi chính sách thuế quan gây sốc ‘xuất phát từ trái tim’

Ông cho biết quyết định đột ngột thay đổi kế hoạch thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xuất phát “từ trái tim” và không tham khảo ý kiến luật sư.

Trong bài đăng bất ngờ trên Truth Social hôm thứ Tư, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ cái gọi là thuế quan có đi có lại đối với nhiều đối tác thương mại đã có hiệu lực vào đầu ngày và thay vào đó sẽ chỉ áp dụng mức thuế 10 phần trăm đã áp dụng vào tuần trước.

“Trong vài ngày qua, tôi đã suy nghĩ về điều đó,” Tổng thống Trump trầm ngâm tại Phòng Bầu dục vào thứ Tư. “Tôi nghĩ rằng có lẽ nó đã xuất hiện vào sáng sớm nay, khá sớm vào sáng nay,” Tổng thống Trump nói, đồng thời nói thêm: “Tôi chỉ viết ra thôi, tôi không — chúng tôi không có quyền sử dụng — chúng tôi không có quyền tiếp cận luật sư … Chúng tôi đã viết ra từ trái tim mình, đúng không? Nó được viết từ trái tim, và tôi nghĩ nó cũng được viết rất hay.”

Tổng thống Trump đã viết bài đăng Truth Social của mình cùng với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Thông báo này dường như gây bất ngờ cho các nhà lập pháp Cộng hòa khác.

Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực sau khi Tổng thống Trump áp dụng thuế quan, làm dấy lên nỗi lo về chi phí cao hơn cho việc vay nợ của chính phủ. Thị trường trên toàn thế giới đã trải qua nhiều ngày hỗn loạn, điều này sẽ không làm mất đi sự chú ý của giám đốc điều hành Phố Wall tỷ phú Lutnick và giám đốc quỹ đầu cơ Bessent.

Thị trường ngay lập tức phản ứng tích cực với động thái ngưng áp thuế của Tổng thống Trump, với cổ phiếu của “Bảy công ty công nghệ hàng đầu” của Hoa Kỳ dự kiến tăng hơn 1 ngàn tỷ đô la - gần bằng quy mô nền kinh tế của Hòa Lan – vào hôm thứ Tư.

Bessent, người đầu tiên phát biểu trước giới truyền thông sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump, cho biết sự thay đổi chiến thuật này không phải do sự biến động của thị trường, mà là do mong muốn điều chỉnh các thỏa thuận thương mại mới với các đối tác thương mại bị ảnh hưởng, những đối tác đã liên tục gửi yêu cầu đàm phán đến Tòa Bạch Ốc.

“Đây chỉ là vấn đề giải quyết,” Bessent cho biết. “Mỗi giải pháp trong số này sẽ được thiết kế riêng, sẽ mất một thời gian và Tổng thống Trump muốn đích thân tham gia, vì vậy đó là lý do tại sao chúng tôi tạm dừng trong 90 ngày.”

Tổng thống Trump đã phản bác lại điều này trong các bình luận sau đó. “Tôi đã theo dõi thị trường trái phiếu”, ông nói tại Tòa Bạch Ốc. “Tôi thấy đêm qua mọi người đang có chút lo lắng”.

“Trong vài ngày qua, tình hình có vẻ khá ảm đạm — tôi đoán họ nói đó là ngày lớn nhất trong lịch sử tài chính. Đó là một sự thay đổi khá lớn,” Tổng thống Trump nói.

“Không có vị tổng thống nào khác làm những gì tôi đã làm.”

[Politico: Shock tariff policy change ‘came from the heart,’ says Trump]

8. Tổng thống Trump nói Liên Hiệp Âu Châu phải mua 350 tỷ đô la năng lượng của Hoa Kỳ để được giảm thuế

Tổng thống Hoa Kỳ cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng Liên minh Âu Châu sẽ phải cam kết mua 350 tỷ đô la năng lượng của Hoa Kỳ để được miễn trừ khỏi mức thuế quan toàn diện. Ông bác bỏ lời đề nghị của Brussels về mức thuế “không đổi không” đối với xe hơi và hàng hóa công nghiệp.

Bình luận của Tổng thống Trump tại cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc là để đáp lại lời phát biểu trước đó của Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen vào thứ Hai rằng Liên Hiệp Âu Châu đã đề nghị giảm thuế quan của khối này xuống 0% đối với xe hơi và hàng công nghiệp nhập khẩu từ Hoa Kỳ nếu Tổng thống Trump đáp lại.

Khi được một phóng viên hỏi liệu lời đề nghị đó có đủ để ông nhượng bộ hay không, Tổng thống Trump trả lời: “Không, chưa đủ”.

“Chúng ta có khoản thâm hụt với Liên minh Âu Châu là 350 tỷ đô la và nó sẽ biến mất nhanh chóng,” Tổng thống Trump nói. “Một trong những cách mà khoản thâm hụt đó có thể biến mất dễ dàng và nhanh chóng là họ sẽ phải mua năng lượng của chúng ta từ chúng ta... họ có thể mua nó, chúng ta có thể cắt giảm 350 tỷ đô la trong một tuần. Họ phải mua và cam kết mua một lượng năng lượng tương tự.”

Đề xuất của Von der Leyen được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuần trước áp thuế 20 phần trăm đối với Liên Hiệp Âu Châu và mức thuế tối thiểu 10 phần trăm đối với các đối tác thương mại khác. Đáp lại, các thị trường tài chính trên toàn thế giới đã mất hàng ngàn tỷ đô la giá trị, với cổ phiếu Âu Châu vào thứ Hai đã phải chịu mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

“Nhiều người nói rằng, 'Ồ, thặng dư chẳng có nghĩa lý gì cả.' Theo tôi, điều đó có ý nghĩa rất lớn. Nó gần giống như một báo cáo lỗ lãi vậy,” Tổng thống Trump nói.

Tổng thống đã phát biểu tại Phòng Bầu dục vào thứ Hai cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã đến Washington để hội đàm với Tổng thống Trump và tìm cách giảm nhẹ thuế quan của Hoa Kỳ. Trong các bình luận với báo chí sau cuộc họp, tổng thống Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi lời chỉ trích Liên Hiệp Âu Châu nhưng cho biết ông sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận với khối này, miễn là khối này cam kết thu hẹp thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ bằng cách mua thêm năng lượng của Hoa Kỳ.

Ý tưởng mua năng lượng của Hoa Kỳ để ngăn chặn thuế quan không phải là mới. Ngay sau khi Tổng thống Trump tái đắc cử, von der Leyen đã đề xuất mở các cuộc đàm phán để mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG của Hoa Kỳ. Nhưng POLITICO đưa tin rằng Hoa Kỳ đã không đưa ra sự rõ ràng nào về cách thức thực hiện thỏa thuận.

Vào thứ Hai, khi được hỏi liệu thuế quan toàn cầu của ông có phải là chiến thuật đàm phán mạnh tay hay là vĩnh viễn, Tổng thống Trump cho biết: “Có thể có thuế quan vĩnh viễn và cũng có thể có đàm phán, bởi vì có những thứ chúng ta cần ngoài thuế quan”.

Ông nói thêm: “Nếu chúng ta có thể thực hiện một thỏa thuận thực sự công bằng và một thỏa thuận tốt cho Hoa Kỳ, không phải là một thỏa thuận tốt cho những người khác, thì đây là nước Mỹ trước tiên. Bây giờ là nước Mỹ trước tiên.”

Sau đó trong buổi họp báo, một phóng viên hỏi Tổng thống Trump rằng có hai hoặc ba quốc gia trong danh sách của ông mà ông cảm thấy đã tiến xa hơn trong việc giảm thuế quan của họ, và Tổng thống Trump đã nhắc đến Liên Hiệp Âu Châu: “Liên minh Âu Châu. Ý tôi là mặc dù họ đã đối xử tệ với chúng tôi, nhưng về cơ bản họ đã giảm thuế xe hơi. Tôi đoán là họ đã giảm xuống còn 2,5 và tôi nghe nói có thể là không còn gì nữa.”

Nhưng ông cũng chỉ ra rằng ông muốn Liên Hiệp Âu Châu giảm các tiêu chuẩn của mình để cho phép nhiều hàng hóa của Hoa Kỳ hơn vào thị trường của mình, gọi các biện pháp an toàn là “thuế quan phi tiền tệ”.

“Đó là thuế quan mà họ áp đặt lên những thứ khiến bạn không thể bán được xe hơi... họ làm cho nó trở nên rất khó khăn, các tiêu chuẩn và các bài kiểm tra,” Tổng thống Trump nói. “Họ đưa ra các quy tắc và quy định chỉ được thiết kế vì một lý do: bạn không thể bán sản phẩm của mình ở những quốc gia đó. Và chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Những thứ đó được gọi là rào cản phi tiền tệ.”

Để chỉ ra động lực thúc đẩy hành động của Tổng thống Trump, tổng thống đã nhắc lại thời điểm thuế quan của Hoa Kỳ ở mức cao ngất ngưởng.

“Bạn biết đất nước chúng ta mạnh nhất từ năm 1870 đến năm 1913,” Tổng thống Trump nói. “Bạn biết tại sao không? Tất cả đều dựa trên thuế quan. Chúng ta không có thuế thu nhập. Sau đó, vào năm 1913, một thiên tài nào đó đã nghĩ ra ý tưởng đánh thuế người dân nước ta, chứ không phải các quốc gia nước ngoài đang cướp bóc đất nước chúng ta.”

[Politico: Trump says EU must buy $350B of US energy to get tariff relief]

9. Tổng thống Zelenskiy cho biết lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ gây áp lực lên Nga, nhiều cuộc đàm phán hơn đang diễn ra

Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn mới với Nga và Ukraine trong các cuộc họp riêng biệt vào những tuần tới và lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ gây áp lực buộc Nga phải tuân thủ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu với các nhà báo hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư.

“Tôi tin rằng trong những tuần tới sẽ có một cuộc gặp giữa người Mỹ và người Nga và giữa người Mỹ và người Ukraine,” Tổng thống Zelenskiy nói.

“Tôi tin rằng một số giới hạn thời gian nhất định sẽ tạo cơ hội gây áp lực lên Nga. Nếu bạn có lệnh ngừng bắn trong một khoảng thời gian không rõ ràng — đó là một cuộc xung đột đóng băng”, ông nói.

Hoa Kỳ trước đây đã dẫn đầu các cuộc đàm phán riêng với Ukraine và Nga tại Saudi Arabia để đạt được lệnh ngừng bắn. Vào ngày 6 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga đang từ chối lệnh ngừng bắn vô điều kiện vì họ muốn tiếp tục phóng hỏa tiễn tấn công từ Hắc Hải.

“Có thể sẽ có sự gia hạn, nhưng điều quan trọng là phải có một thời hạn mà tất cả các bên sẽ thm gia: bao gồm cả những người hòa giải và các bên trong chiến tranh,” ông nói.

Tổng thống Zelenskiy kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện với Nga để ngăn chặn Mạc Tư Khoa phá vỡ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào.

“Chúng tôi tin rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn có điều kiện nào cũng sẽ bị phía Nga phá vỡ. Do đó, chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất mà phía Mỹ có thể làm là ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Ông cho biết Hoa Kỳ đã cam kết sẽ hành động quyết liệt nếu lệnh ngừng bắn không đạt được.

“Nếu họ không thành công, họ hứa sẽ thực hiện các bước tương ứng mạnh mẽ. Những bước đó sẽ là gì, tôi không biết. Họ biết rằng các lệnh trừng phạt và hỗ trợ quân sự cho Ukraine là quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chờ hai bước này”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Hoa Kỳ thấy các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài là “không có lợi”.

Mạc Tư Khoa đã cho thấy dấu hiệu không muốn tiến tới thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Chính quyền Nga đã liệt kê các yêu cầu tối đa trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine và Hoa Kỳ

Ukraine đã đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất, tuyên bố vào ngày 11 tháng 3 rằng Kyiv đã sẵn sàng nếu Nga cũng đồng ý với các điều khoản. Cho đến nay, Mạc Tư Khoa đã từ chối.

[Kyiv Independent: Temporary ceasefire will pressure Russia, more talks on the way, Zelensky says]

10. Tổng thống Trump sa thải một quan chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ tại NATO

Tổng thống Trump đã sa thải một trong những sĩ quan quân đội hàng đầu của Hoa Kỳ tại trụ sở NATO ở Brussels, làm gia tăng sự bất ổn về vai trò của Hoa Kỳ trong liên minh kéo dài gần tám thập niên này.

Nữ Đề đốc Hải quân Shoshana Chatfield, đại diện của Hoa Kỳ tại ủy ban quân sự NATO, đã bị miễn nhiệm, theo hai quan chức NATO và một nhà ngoại giao từ một quốc gia NATO, những người được phép giấu tên để thảo luận về một chủ đề nhạy cảm. Họ không nói lý do.

Việc loại bỏ một sĩ quan Hoa Kỳ nổi tiếng như vậy tại NATO càng làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ ngày càng mong manh của Washington với liên minh. Những lời lẽ thù địch của chính quyền đối với các đồng minh lâu năm của NATO — bao gồm cả những lời chỉ trích của Phó Tổng thống JD Vance về các vấn đề văn hóa Âu Châu, việc Tổng thống Trump liên tục khăng khăng rằng Hoa Kỳ nên sở hữu Greenland, và mức thuế quan khổng lồ áp dụng cho một số đối tác thương mại thân cận nhất của Hoa Kỳ — là một phần của sự rạn nứt ngày càng lớn trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Reuters là hãng đầu tiên đưa tin về việc sa thải Chatfield.

Chatfield được giới truyền thông bảo thủ chú ý vào năm 2023, ngay sau khi nhậm chức. Những người chỉ trích gọi bà là “thức thời” vì những bình luận bà đưa ra khi bắt đầu làm chủ tịch của Naval War College vào năm 2019.

Bà cho biết: “Tôi muốn thấy các thành viên trong nhóm này tôn trọng lẫn nhau về sự khác biệt, về tính đa dạng, về cuộc đối thoại để đưa ra các ý tưởng và sự hợp tác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã lên án những nỗ lực đa dạng hóa trong quân đội là gây chia rẽ trong hàng ngũ và làm mất đi khả năng giành chiến thắng trong các cuộc chiến của Ngũ Giác Đài. Sean Parnell, phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc sa thải diễn ra sau khi Thượng viện xác nhận Matthew Whitaker, đại sứ mới của Hoa Kỳ tại NATO vào tuần trước. Nó cũng diễn ra khi các bộ trưởng quốc phòng từ khắp liên minh chuẩn bị họp cho một loạt các cuộc họp về việc tăng cường các nỗ lực quốc phòng của Âu Châu và lập kế hoạch viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Chatfield là một trong số khoảng 200 sĩ quan quân đội bị Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville chặn thăng chức vào năm 2023 vì ông phản đối chính sách ủng hộ phá thai của Ngũ Giác Đài.

Là một phi công trực thăng chuyên nghiệp với nhiều lần điều động ở nước ngoài, bà là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Học viện Chiến tranh Hải quân. Bà được thăng chức đề đốc và được bổ nhiệm vào chức vụ hiện nay ở NATO sau khi Tuberville bãi bỏ quyền đề cử.

Chatfield có nhiều kinh nghiệm với liên minh trước khi đảm nhiệm vai trò mới nhất của mình. Bà giữ chức vụ phó đại diện quân sự tại Brussels từ năm 2015 đến năm 2017. Trước đó, bà là trợ lý quân sự cao cấp tại trụ sở quân sự của NATO tại Mons, Bỉ. Ủy ban Quân sự NATO, bao gồm các chỉ huy quân sự từ tất cả 32 thành viên, giữ vai trò tương tự như chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Nhóm này tư vấn cho các đồng minh về các vấn đề quân sự và lập kế hoạch hạt nhân.

Bà không phải là viên chức cao cấp đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Trump đột ngột sa thải. Tổng thống Trump đã sa thải Đô đốc Lisa Franchetti, Tham mưu trưởng Hải quân và Tướng Charles Quinton Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân vào tháng 2 mà không có lý do chính thức nào. Phó tham mưu trưởng Không quân, Tướng James Slife và Trung tướng Không quân Jennifer Short, trợ lý quân sự cao cấp của Hegseth cũng bị sa thải trong cuộc thanh trừng vào tháng 2.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã sa thải Tướng Timothy Haugh, nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, mà không nêu lý do.

Những thay đổi trong giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh Âu Châu và liên minh NATO đang cân nhắc một liên minh mới trong đó Washington đóng vai trò nhỏ hơn.

Hegseth sẽ không tham dự cuộc họp trực tiếp tại trụ sở NATO, nơi hơn 50 quốc gia sẽ thảo luận về viện trợ quân sự cho Ukraine — mặc dù ông có thể tham dự trực tuyến.

Cuộc họp, được gọi là Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, do cựu giám đốc Ngũ Giác Đài Lloyd Austin chủ trì cho đến khi Hegseth trao lại quyền điều hành cho Đức và Vương quốc Anh vào năm nay.

Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết đang có những cuộc thảo luận về sự tham gia của Hegseth, trong khi hai quan chức NATO cho biết họ hy vọng nếu ông không tham dự, Whitaker sẽ tham dự. Cả hai đều được giấu tên để thảo luận về các cuộc thảo luận nội bộ.

Thay vì đến dự cuộc họp hàng tháng, Hegseth dự kiến sẽ đến thăm Panama và lực lượng đặc nhiệm của Lục quân được phân công đến Trung và Nam Mỹ. Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập đến việc “đòi lại” kênh đào Panama.

[Politico: Trump fires a top US military official to NATO]

11. Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine sẵn sàng thỏa thuận khoáng sản với Hoa Kỳ, nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng

Ukraine sẵn sàng ký một thỏa thuận khoáng sản với Hoa Kỳ, nhưng chỉ khi nó bảo đảm quan hệ đối tác bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu với các nhà báo hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tư.

Tổng thống Zelenskiy cho biết chính phủ Ukraine hoan nghênh đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản của nước này, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào.

“Nếu đây là quan hệ đối tác thực sự, thì chúng ta cần phải nói về sự bình đẳng. Nó phải là 50/50”, Tổng thống Zelenskiy nói, nhấn mạnh rằng đây là một trong những điều kiện mà nhóm kỹ thuật Ukraine sẽ đưa ra trong các cuộc đàm phán.

Theo Tổng thống Zelenskiy, một thỏa thuận triển vọng có thể giúp hiện đại hóa nền kinh tế Ukraine, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh và tạo ra việc làm thông qua các liên doanh với các công ty công nghệ cao của Mỹ.

Tổng thống nhấn mạnh rằng Ukraine sẵn sàng đóng góp đất đai và tài nguyên của mình, nhưng mong muốn Hoa Kỳ sẽ mang đến công nghệ và vốn.

Tổng thống Zelenskiy cũng mô tả cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người được cho là đã thúc giục Kyiv ký một thỏa thuận sơ bộ ngay lập tức.

“Tôi đã bảo ông ấy ngừng gõ ngón tay vào hợp đồng và hãy nói cụ thể”, Tổng thống Zelenskiy nói, đồng thời nói thêm rằng đề xuất này chưa sẵn sàng và một số điều khoản mâu thuẫn với luật pháp Ukraine. “Chúng ta cần tạo ra một câu chuyện thành công với mối quan hệ của chúng ta với Hoa Kỳ. Chúng ta muốn đạt được thành công và an ninh”.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Hiệp hội Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine tại Brussels, Thủ tướng Denys Shmyhal xác nhận rằng Ukraine hiện đang đàm phán chính thức với Hoa Kỳ

Shmyhal nhấn mạnh rằng Ukraine có “ranh giới đỏ rõ ràng” không thể vượt qua. Thứ nhất là tuân thủ hiến pháp Ukraine, và thứ hai, thỏa thuận phải phù hợp với quá trình hội nhập Âu Châu của Ukraine và các nghĩa vụ liên quan, cũng như tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.

“Ukraine đang thành lập một phái đoàn đặc biệt về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cũng hợp tác với các công ty luật quốc tế và sẽ cử phái đoàn của chúng tôi đến Hoa Kỳ vào cuối tuần này”, Thủ tướng cho biết.

Phiên bản mới nhất của thỏa thuận khoáng sản Ukraine-Hoa Kỳ được cho là trao cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát rộng rãi đối với tài nguyên thiên nhiên của Ukraine thông qua một quỹ đầu tư chung. Thỏa thuận này được chính quyền Tổng thống Trump định hình là rất quan trọng đối với con đường hướng tới hòa bình của Ukraine, nhưng không đưa ra cam kết an ninh cụ thể nào để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược.

Phiên bản khung của thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Zelenskiy vào ngày 28 tháng 2. Nội các Ukraine đã phê duyệt dự thảo và chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Yuliia Svyrydenko hoặc Ngoại trưởng Andriy Sybiha là người ký kết.

Tuy nhiên, kế hoạch đã sụp đổ sau cuộc tranh cãi căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Zelenskiy, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance. Tổng thống Zelenskiy rời Tòa Bạch Ốc mà không ký thỏa thuận.

[Kyiv Independent: Zelensky: Ukraine ready for minerals deal with US, but only on equal terms]
 
Bạo lực súng đạn ở Mỹ: Linh mục thánh thiện bị sát hại thương tâm. Bài học từ vụ Theodore McCarrick
VietCatholic Media
17:56 10/04/2025


1. Tổng giáo phận Kansas City thương tiếc linh mục từ Ấn Độ bị sát hại

Đức Tổng Giám Mục Joseph Fred Naumann của Kansas City ở Kansas cho biết Cha Arul Carasala là “một người bạn và một linh mục vĩ đại”, khi ngài phát biểu vào hôm thứ sáu 4 Tháng Tư, tại giáo xứ của vị linh mục bị bắn chết một ngày trước đó tại thị trấn Seneca.

Cha Carasala là cha sở tại Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ từ năm 2011, năm ngài trở thành công dân Hoa Kỳ. Ngài xuất thân từ Ấn Độ, nơi ngài được thụ phong linh mục.

Đức Cha Naumann cho biết : “Chúng tôi cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng Cha Arul, người yêu mến Chúa Giêsu và nhiệt thành theo Người trên thế gian này, hiện đang ở bên Chúa chúng ta”.

“ Tôi đã chia sẻ trong bài giảng của mình rằng việc trở thành một linh mục ngày nay đòi hỏi tình yêu anh hùng. Phẩm chất đó thể hiện rõ ở Cha Arul, người đã rời Ấn Độ để đến vùng đất trung tâm của nước Mỹ và phục vụ người dân của Giáo Hội Công Giáo ở đông bắc Kansas,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Trong khi chúng ta tiếp tục thương tiếc sự mất mát của Cha Arul, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không mất hy vọng. Chúa ở cùng chúng ta trong nghịch cảnh. Ngài có thể mang lại điều tốt lành từ điều xấu xa. Ngài có thể mang lại sự sống từ cái chết. Chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu hơn trong thời điểm đau buồn này và cầu xin Ngài an ủi trái tim chúng ta. Lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả những ai yêu mến Cha Arul,” ngài nói thêm.

Theo KMBC News, cảnh sát đã bắt giữ Gary Hermesch, 66 tuổi, đến từ Tulsa, Oklahoma, tại hiện trường. Ông đã bị giam giữ tại Nhà tù Quận Nemaha vì tình nghi giết người cấp độ một, theo KBI.

Cha Carasala đã phục vụ tổng giáo phận Kansas trong hơn 20 năm.

Cha đến từ Hyderabad, Ấn Độ, được thụ phong linh mục vào năm 1994 tại Giáo phận Cuddapah ở Telangana.

Đức Hồng Y Anthony Poola của Hyderabad cho biết ngài “vô cùng tiếc thương” khi nghe tin về cái chết của vị linh mục.

Ngài nói với Crux: “Lời chia buồn chân thành của tôi và những kỷ niệm về cuộc đời và sự phục vụ của ngài là minh chứng cho tác động mà ngài đã tạo ra đối với cuộc sống của những người xung quanh”.

“Xin cho linh hồn ngài được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, và xin gia đình, bạn bè và cộng đồng mà ngài phục vụ tìm thấy sự an ủi và an ủi trong ký ức của họ về ngài. Những lời cầu nguyện và lòng biết ơn của tôi đối với những việc làm tốt của ngài là một sự tôn vinh tuyệt đẹp đối với di sản của ngài,” Đức Hồng Y nói thêm.

Ngay sau cái chết của vị linh mục, Đức Giám Mục Naumann đã viết rằng ngài “đau lòng” vì vụ giết người.

“Hành động bạo lực vô nghĩa này đã khiến chúng ta đau buồn vì mất đi một vị linh mục, một nhà lãnh đạo và một người bạn đáng kính”, vị tổng giám mục viết.

“Cha Carasala là một mục tử tận tụy và nhiệt thành, người đã trung thành phục vụ Tổng giáo phận của chúng ta trong hơn hai mươi năm, bao gồm cả khi làm cha sở của khu vực Nemaha-Marshall. Tình yêu của ngài dành cho Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài được thể hiện rõ qua cách ngài phục vụ giáo dân của mình với lòng quảng đại và sự chăm sóc tuyệt vời. Các giáo dân, bạn bè và anh em linh mục của ngài sẽ vô cùng nhớ ngài,” ngài tiếp tục.

“Trong thời điểm đau buồn này, chúng ta hãy phó thác Cha Carasala cho lòng thương xót của Chúa và cầu nguyện cho gia đình của ngài ở Cuddapah, Ấn Độ, cộng đồng giáo xứ của ngài tại giáo xứ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ ở Seneca, và tất cả những ai đang đau buồn vì sự ra đi của ngài. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho thủ phạm, để Chúa có thể chạm đến và biến đổi trái tim của ông ta,” Đức Cha Naumann nói.

“Không có mối đe dọa nào đang diễn ra đối với cộng đồng, nhưng tôi nhận ra nỗi đau và sự kinh hoàng mà một sự kiện như vậy mang lại. Trong những khoảnh khắc như thế này, chúng ta hướng về Chúa, người luôn gần gũi với những trái tim tan vỡ. Khi chúng ta đau buồn, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trong đức tin và hy vọng vào sự Phục sinh của Chúa Kitô”, ông viết.


Source:Crux

2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Sáu Tuần Thứ 5 Mùa Chay – Ngày 11-04

Gr 20:10-13

Tv 17(18):2-7

Ga 10:31-42

“Các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10:38)



Diễn giả Kitô giáo nổi tiếng, chuyên gia, nhà lãnh đạo và tác giả, Craig Groeschel, đã viết một cuốn sách có tựa đề gây sốc vào năm 2011: The Christian Atheist, nghĩa là Kitô Hữu vô thần. Phụ đề là, Tin vào Chúa nhưng sống như thể Người không tồn tại. Trên trang web của tác giả, ông hỏi, “Hãy dành một chút thời gian trung thực và tự hỏi: 'Tôi có đặt toàn bộ niềm tin của mình vào Chúa, nhưng lại vẫn sống như thể mọi thứ đều tùy thuộc vào tôi không?”

Khi đối mặt với một sự thật khó chịu, không mong muốn về Chúa hoặc ý muốn của Người dành cho chúng ta, thì việc cách ly Người vào những chiếc hộp ngày càng nhỏ hơn trong cuộc sống của chúng ta là một nhiệm vụ tương đối dễ dàng. Chúng ta có thể nói, “Chúa ơi, con sẽ thờ phượng Người trong tinh thần và sự thật vào ngày Chúa Nhật, như Người xứng đáng được như thế, nhưng phần còn lại của cả tuần phải là của con!” Vào một số ngày Chúa Nhật, thật may là không có camera giám sát ở nhà và trong xe hơi để ghi lại những giờ trước và sau những khoảnh khắc thánh thiện của chúng ta. Người ta thậm chí có thể tưởng tượng ra một Chúa là người chăm sóc được chỉ định cho nhà thờ giáo xứ của chúng ta. Người mở cửa vào Chúa Nhật, chào đón chúng ta vào, và sau đó chúng ta nhốt Người trong đó cho đến hết tuần. “Hẹn gặp lại Chúa vào tuần tới nhé!”

Để từ chối Người, chúng ta không cần phải làm bất cứ điều gì kịch tính như cố gắng bắt giữ hoặc ném đá Chúa Giêsu. Nếu chúng ta chỉ đơn giản là lờ Người đi, để Người ra khỏi những quyết định quan trọng, hoặc ngăn cách Người khỏi trái tim và cuộc sống của chúng ta, thì thực tế chúng ta đã khước từ Người. Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn là sự hiệp thông sâu sắc hơn, chứ không phải là sự lên án (x. Rm 8:1). Khi chúng ta để Chúa Giêsu tự do hoạt động trong cuộc sống của mình, cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa và mục đích lớn hơn.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con một lần nữa mời Chúa vào lòng con và toàn thể cuộc sống con. Amen.

3. Lan can rước lễ đang trở lại khi các nhà thờ đón nhận vẻ đẹp và sự tôn kính

Ngày càng nhiều giáo xứ Công Giáo tại Hoa Kỳ đang khôi phục lại lan can bàn thờ, đổi mới lòng tôn kính và thay đổi trải nghiệm của tín hữu về Bí tích Thánh Thể.

Vào mỗi Chúa Nhật tại Nhà thờ St. Anne ở Richmond Hill, Georgia, gia đình Hilleary — mẹ Michelle, cha Brian và năm người con — sẽ rước lễ tại lan can bàn thờ.

“Nó tạo ra một không gian thiêng liêng hơn. Và nó thu hút sự chú ý của bạn đến điều thiêng liêng,” Michelle Hilleary nói với Register.

“Nó làm cho cung thánh trở nên trang nghiêm,” cô con gái 15 tuổi của bà, Malia, nhận xét.

Nhà thờ St. Anne là một trong những nhà thờ mới và cũ đã phục hồi lại lan can bàn thờ để mọi người có thể rước lễ một cách tôn kính.

Cha Dawid Kwiatkowski cho biết sự phát triển này được giáo dân của ngài hoan nghênh.

“Ngày càng có nhiều người đến,” Cha Kwiatkowski nhớ lại vào năm 2022, khi ngài trở thành cha xứ mới và gặp “những gia đình trẻ đang tìm kiếm sự đón nhận Thánh Thể một cách tôn kính hơn.”

Cha Kwiatkowski kể lại rằng cha sở trước đã có ý định phục hồi lại lan can rước lễ. Sau đó, một gia đình đã đề nghị tài trợ 50.000 đô la cho lan can bàn thờ nếu ngài có thể quyên góp được số tiền còn lại cần thiết để hoàn thành dự án. “Trong vòng một tuần, tôi đã tìm được những nhà tài trợ còn lại”, ngài nói, giải thích rằng các giáo dân đã ủng hộ việc bổ sung lan can bàn thờ với tổng chi phí là 90.000 đô la.

“Tôi cần lắp một lan can bàn thờ có thể đáp ứng nhu cầu của mọi người,” vị linh mục giải thích. Bao gồm cả những người muốn quỳ và nhận bằng lưỡi, quỳ và nhận bằng tay, hoặc đứng và nhận theo cả hai cách.

Thẩm mỹ phụng vụ đóng vai trò quan trọng. Cha Kwiatkowski cho biết về lan can mới: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng lan can bàn thờ về cơ bản trông giống như nó vẫn luôn ở đây”.

Trong nhiều tuần trước mỗi Thánh lễ Chúa Nhật, cha giải thích cho giáo dân cách sử dụng lan can bàn thờ, tùy thuộc vào lựa chọn của mọi người về cách rước lễ, và cha đăng những lời giải thích này trên trang web của giáo xứ.

Cho đến nay, ngài đã phát hiện ra rằng “khoảng 90% mọi người sẽ quỳ gối để rước lễ. Ngay cả khi họ đang rước lễ bằng tay, họ vẫn sẽ quỳ gối và sử dụng lan can bàn thờ.” Đương nhiên, những người không thể quỳ gối sẽ đứng.

Những giáo dân như gia đình Hilleary thực sự rất trân trọng điều này.

Michelle Hilleary cho biết: “Khi bạn nhận Mình Thánh Chúa ở tư thế quỳ, bạn sẽ có thời gian để suy ngẫm về Người mà bạn đang nhận”. “Điều này chắc chắn tạo ra bầu không khí tôn kính và vẫn cho phép mọi người nhận theo cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất”.

Người chồng Brian cũng thích thanh chắn Tiệc Thánh Thể.

“Nhà thờ St. Anne trước đây là một nhà thờ tuyệt đẹp, và trong vài năm trở lại đây, nơi này đã trở thành một nơi tôn nghiêm và đẹp đẽ hơn để thờ phượng,” Brian nói. “Tôi biết rằng việc mang một lan can bàn thờ vào một nhà thờ mà trước đây không có lan can nào có thể gây lo ngại cho một số người Công Giáo, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng điều đó giúp chúng ta nhớ rằng bàn thờ, nơi Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong nhà thờ của chúng ta, phải là một nơi chào đón để tụ họp và tiếp nhận Người, nhưng luôn là một nơi thánh thiêng. “

Những đứa con nhà Hilleary cũng nhận ra giá trị này.

“Nó cho phép những người giúp lễ hỗ trợ Thánh lễ theo cách tôn kính và trật tự hơn, giúp giảm bớt sự xao lãng làm mất đi vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể,” Seamus, 17 tuổi, một người giúp lễ, cho biết. Anh trai của cậu, Christian, 12 tuổi, cũng là một cậu bé giúp lễ, nói thêm, “Nó làm tăng sự tôn kính vì tôi cảm thấy rằng bây giờ có nhiều người quỳ xuống hơn là đứng lên khi họ đang rước lễ.”


Source:National Catholic Register

4. Theodore McCarrick đã dạy chúng ta điều gì về sự băng hoại trong giới giáo sĩ

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài phân tích nhan đề “What Theodore McCarrick Taught Us About Clerical Corruption”, nghĩa là “Theodore McCarrick đã dạy chúng ta điều gì về sự băng hoại trong giới giáo sĩ” đăng trên tờ National Catholic Register ngày 7 tháng Tư, 2025.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Cựu Hồng Y và cựu linh mục bị huyền chức Theodore McCarrick đã qua đời. Việc phơi bày những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng của ông ta đánh dấu một giai đoạn khác của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ông đã sống những năm cuối đời trong cô đơn với căn bệnh mất trí nhớ, cho nên, không còn nhiều điều để nói về chi tiết vụ án của ông.

Cái chết của ông là một dịp để nhớ lại những gì McCarrick đã dạy chúng ta về tình trạng băng hoại trong giới giáo sĩ, và nó vẫn phổ biến như thế nào trong lịch sử cứu rỗi. Những ngày trước Tuần Thánh là thời điểm tốt để nhắc nhở về điều đó.

Trong giai đoạn năm 2002 của vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y Bernard Law của Boston là nhân vật chính của sự cẩu thả và che đậy. Năm 2018, McCarrick là một điều gì đó khác biệt, một kẻ gian đã leo được lên vị trí cao trong hàng ngũ. Vụ án của ông đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về sự băng hoại lan rộng trong Giáo Hội.

Vụ án McCarrick thường được nói đến theo cách đó, với sự chuyển hướng tập trung từ bản thân McCarrick sang những người đã cho phép ông ta, cố ý hoặc vô tình. Một quan điểm phổ biến là tất cả đều là cố ý, và mọi người đều biết, từ người giữ đồ thánh đến Đức Giáo Hoàng. Thực tế thì khác, như được làm rõ trong một báo cáo chi tiết của Vatican được công bố vào năm 2020.

McCarrick là bậc thầy trong việc bác bỏ các cáo buộc. Vào đầu những năm 1990, ông đã đích thân chuyển các cáo buộc ẩn danh về bản thân cho sứ thần tòa thánh và FBI. Không ai bị lạm dụng khi còn là trẻ vị thành niên lên tiếng cho đến năm 2017, theo chương trình bồi thường nhanh chóng cho các nạn nhân của Tổng giáo phận New York. Điều đó đã được giải quyết trong một cuộc điều tra nhanh chóng do giáo dân lãnh đạo, dẫn đến việc McCarrick bị trục xuất khỏi Hồng Y đoàn vào năm 2018 và chức linh mục vào năm 2019.

Điều mà vụ án McCarrick cho thấy là vào những năm 1990, bất kỳ cáo buộc nào chống lại một giám mục sẽ không được chấp nhận trừ khi có bằng chứng hình sự vượt quá mọi nghi ngờ hợp lý. Năm 1993, lời buộc tội nhắm vào Đức Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago, gây xôn xao toàn cầu, đã được rút lại. McCarrick đã lợi dụng môi trường đó. Sau trường hợp cáo gian Đức Hồng Y Joseph Bernardin, việc bác bỏ các cáo buộc chống lại các giáo sĩ cấp cao trở nên dễ dàng hơn, trừ khi có bằng chứng không thể chối cãi. Hãy nhớ rằng cáo buộc sai trái đầu tiên chống lại Đức Hồng Y George Pell của Sydney là vào năm 2002, chưa đầy 10 năm sau Đức Hồng Y Bernardin; và lời cáo gian ấy đã bị nhanh chóng bác bỏ như thế nào.

Trường hợp của McCarrick đã cho thấy một nền văn hóa giáo sĩ quá bảo vệ các thành viên cao cấp nhất của mình và không bảo vệ nạn nhân. Việc cần phải nhắc nhở về những thiếu sót của nền văn hóa giáo sĩ là bằng chứng cho thấy sự hiểu biết theo Kinh thánh về thực tế của Giáo Hội đã bị xói mòn đáng kể. Kinh thánh dạy rằng sự băng hoại trong hàng giáo sĩ, đặc biệt là các thầy tế lễ thượng phẩm của Israel, tương đương với các Giám Mục của chúng ta, không nên gây ngạc nhiên — có lẽ thậm chí nên mong đợi điều đó.

Cách đây không lâu trong khoa hộ giáo Công Giáo, có một niềm vui lệch lạc trong việc chỉ ra các giáo hoàng băng hoại trong lịch sử. Câu chuyện được kể như bằng chứng rằng, ngay cả trong tay những kẻ gian ác, Chúa Thánh Thần vẫn giữ cho giáo lý của Giáo Hội được an toàn. Điều đó đúng, nhưng kỹ thuật hộ giáo đó nhấn mạnh đến tính toàn vẹn của giáo lý và bỏ qua cái giá thực sự về mặt con người và tinh thần do tình trạng băng hoại gây ra.

McCarrick qua đời vào Mùa Chay. Phụng Vụ trong tuần thứ tư và thứ năm của Mùa Chay bao gồm các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ hằng ngày cho thấy rõ ràng rằng những kẻ thù chính của Chúa Giêsu là các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Họ âm mưu giết Chúa Giêsu. Những ai chăm chú đọc Kinh Thánh đều biết rằng sự băng hoại của giáo sĩ là một thảm kịch thường xuyên xảy ra trong lịch sử cứu độ.

Những bài học như vậy đã được tiên tri Ezekiel dạy rõ ràng, người đã chỉ trích những người mục tử độc ác của Israel. Giáo Hội không né tránh những văn bản như vậy, buộc tất cả các giáo sĩ phải đọc chúng trong Kinh Nhật Tụng mỗi mùa thu — với những lời bình luận sâu sắc của Thánh Augustinô được thêm vào để có biện pháp tốt.

Thánh Luca ghi lại rằng sứ vụ công khai của Chúa Giêsu diễn ra trong thời kỳ “chức tư tế thượng phẩm của Annas và Caiaphas” (3:2). Các tư tế thượng phẩm lúc đó được chính quyền La Mã bổ nhiệm và do đó chịu ơn những kẻ chiếm đóng đế quốc Israel. Đồng lõa với chế độ La Mã — giống như những người thu thuế, và theo một số cách, chính xác họ là như vậy — họ có thể phản bội chính dân tộc mình.

Annas là thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 6 đến năm 15 sau Chúa Giáng Sinh. Ông đã bị phế truất nhưng vẫn có ảnh hưởng, đã sắp xếp để năm người con trai của mình được bổ nhiệm làm thầy tế lễ thượng phẩm, cũng như con rể của ông, Caiaphas, làm thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 15 đến năm 36 sau Chúa Giáng Sinh. Việc Luca đề cập đến chức thầy tế lễ thượng phẩm của “Annas và Caiaphas” cho thấy ảnh hưởng liên tục của Annas, như một người đứng đầu một doanh nghiệp gia đình béo bở hơn là một người nắm giữ một chức vụ thiêng liêng.

Vào thứ năm của tuần thứ hai của Mùa Chay, Dụ ngôn Người Giàu và Lagiarô (Luca 16:19-31) được đọc. Người giàu phớt lờ người nghèo Lagiarô sống ở cửa nhà mình. Khi thấy mình ở trong hỏa ngục vì tội lỗi, ông cầu xin Tổ phụ Ápraham sai Lagiarô trở về từ cõi chết để bảo “năm người anh em” của ông sửa đổi lối sống của họ. Tổ phụ Ápraham nói với người giàu rằng anh em ông đã có “Môisê và các tiên tri” và rằng ngay cả khi Lagiarô trở về từ cõi chết, họ cũng sẽ không tin.

Có thể đọc dụ ngôn này như một bản cáo trạng đối với người giàu có Caiaphas, người thích “chỗ ngồi tốt nhất trong các hội đường và những chỗ danh dự trong các bữa tiệc, người nuốt chửng nhà của các bà góa và giả vờ cầu nguyện rất lâu. Ông ta sẽ phải chịu sự kết án nặng hơn” (Mc 12:39-40).

Caiaphas có năm người anh em vợ giữ chức vụ thượng tế. Và một Lagiarô khác đã sống lại từ cõi chết. Thay vì có sự hoán cải trong lòng, Caiaphas, Annas và các đồng nghiệp giáo sĩ của họ quyết định rằng Chúa Giêsu phải chết.

Caiaphas đang chờ đợi trong cánh gà, sẵn sàng để thay thế vị trí của mình trên sân khấu trong Tuần Thánh. Mỗi ngày trong Tuần Thánh, Caiaphas và các thầy cả tế lễ đều làm việc theo kế hoạch của họ. Giờ của họ là giờ đen tối.

Sự băng hoại của giới giáo sĩ đã kéo dài từ thời Kinh thánh cho đến ngày nay không phải là điều đáng ngạc nhiên. Các giáo sĩ nắm giữ quyền lực. Thực tế thần học của sự kế vị tông đồ có hậu quả kèm theo là trao cho các giám mục quyền lực to lớn trong Giáo Hội, và đôi khi cả những quyền lực trên thế giới. Lord Acton đã viết vào thế kỷ 19 rằng quyền lực có xu hướng làm tha hóa, nhưng điều đó đã rõ ràng đối với tiên tri Ezekiel. Đây là sự cám dỗ lâu đời trong Giáo Hội, và là lý do tại sao Giáo Hội là semper reformanda, nghĩa là luôn luôn phải xét mình và cần được cải cách.

Vụ án của McCarrick đã dẫn đến những cải cách quan trọng, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đồng đều. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng được hình thành và thực hiện một cách hoàn hảo, vết nhơ mà McCarrick để lại cho Giáo Hội sẽ không bao giờ được tẩy sạch hoàn toàn. Đền thờ cần được tẩy sạch vào thời Caiaphas. Đền thờ vẫn đang cần làm như vậy. Đền thờ sẽ luôn cần phải làm như vậy.


Source:National Catholic Register
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay: Dụ Ngôn Người Cha Nhân Lành. Trình bày: Kim Thúy, Tấn Đạt, Lm. Hùng Cường,Viễn Xứ
Kim Thúy
02:19 10/04/2025