Trong bối cảnh cuộc đàn áp xã hội dân sự tiếp tục diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận vào tháng 8 năm 2020, chế độ Aleksandr Lukashenko đang gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo phải ủng hộ nó. Đồng thời, chế độ đã tìm cách thay đổi những lời cầu nguyện cho tương lai của Belarus - mà nhiều cộng đồng đã đưa ra sau cuộc bầu cử để ủng hộ dân chủ thành những lời cầu nguyện ủng hộ chế độ. Chế độ cũng đã tìm cách cấm các buổi cầu nguyện cho các tù nhân chính trị.
Cảnh sát mật KGB, vẫn giữ nguyên tên từ thời Liên Sô, luôn giám sát chặt chẽ các đối thủ chính trị hoặc những ai có khả năng trở thành đối thủ. Trong số các mục tiêu của họ có các giáo sĩ và các thành viên tích cực của một loạt các cộng đồng tôn giáo.
Kể từ tháng 8 năm 2020, Giáo Hội Chính thống Belarus - cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Belarus - đã cách chức các giám mục cấp cao và các giáo sĩ cấp dưới được coi là không trung thành với chế độ. Một trong những giáo sĩ bị Giáo Hội Chính thống cách chức, có Tổng giám mục Artemy của Grodno, bị cách chức vào tháng 6 năm 2021. “Việc cách chức này xảy ra theo lệnh của nhà nước”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đài Âu Châu Tự do, đồng thời nói thêm rằng “họ cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm tôi”. Ngài nhận xét rằng chế độ đã tiến hành một cuộc “tổng thanh trừng” kể từ cuộc bầu cử tháng 8 năm 2020.
Chế độ đã nhiều lần chỉ trích và cảnh cáo Giáo Hội Công Giáo, cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai. Từ cuối tháng 8, 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp nhất của đất nước đã bị ngăn cản không cho về nước. Sau các dàn xếp, ngày 22 tháng 12, ngài được cho về nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 3 tháng Giêng, ngài được cho về hưu. Chế độ cũng đã trừng phạt các linh mục đã ủng hộ các cuộc biểu tình, gần đây nhất là vụ lùng bắt Cha Vyacheslav Barok vì phản đối gian lận bầu cử và các hành vi bạo lực của chế độ. Rất may, đầu tháng 7 năm 2021, ngài kịp thời trốn sang nước láng giềng Ba Lan.
Hôm 6 tháng 7, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko, tổng thống bất hợp pháp của Belarus đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi các nhà thờ Công Giáo tại Belarus hát bài thánh ca có nhan đề “Magutnyj Boža” /ma-gút-ni-dép bố-già/, nghĩa là “Chúa toàn năng yêu mến quê hương chúng ta”. Bài thánh ca đã được hát tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào ngày 3 tháng 7, ngày lễ độc lập của Belarus.
Bài thánh ca chứa đựng một lời cầu nguyện xin Chúa ban sự thịnh vượng cho Belarus. Nó được sáng tác vào năm 1943 bởi nhà thơ Công Giáo Natalia Arsenieva. Năm 1947, Belarus đang rơi vào tay Liên sô, nhà soạn nhạc Nikolai Ravensky đã phổ thơ của Natalia thành nhạc. Bài hát đã trở nên rất phổ biến. Belarus có thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng, nhưng đó là khoảng thời gian trước đó. Hitler đã bại trận từ năm 1945, hơn hai năm sau bài thánh ca ấy mới ra đời. Mặc dù vậy, do không ưa bài thánh ca này, tên độc tài Lukašenko đã táo tợn gọi nó là ‘bài thánh ca của phát xít’.
Lời bài hát này như sau: “Lạy Chúa toàn năng! Chúa tể của vũ trụ / của những mặt trời vĩ đại và những trái tim nhỏ bé! / Trên đất nước Belarus, hòa bình và thân thiện / Chúa đã lan tỏa những tia sáng vinh quang của Người. / Xin ban cho chúng con sức mạnh trong công việc hàng ngày giữa những khó khăn vất vả / ban cho chúng con lương thực hàng ngày, và ban cho quê hương chúng con, / sự tôn trọng và sức mạnh cùng với sự vĩ đại của đức tin, / vào sự thật của chúng con, vào tương lai của chúng con! / Xin hãy mang lại màu mỡ cho những cánh đồng lúa mạch, / chúng đã được đập bằng tay của chúng con! / Xin ban sức mạnh và hạnh phúc / cho đất nước và nhân dân chúng con!”
Dưới tiêu đề Magutnyj Boža, thành phố Mogilev đã tổ chức lễ hội âm nhạc tôn giáo từ năm 1993. Bây giờ là năm thứ 23, lễ hội diễn ra vào ngày lễ độc lập quốc gia vào đầu tháng 7, với sự kiện cuối cùng được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Tuy nhiên, Lukašenko, coi đây là một sự khiêu khích: “Bạn thấy đấy, họ muốn phá hủy ký ức lịch sử của chúng ta, phục hồi ông bà cố của họ và hoàn thành những gì họ đã bắt đầu. Họ muốn phá hủy quốc gia có chủ quyền của chúng ta, vẫy các cờ xí của bọn lính đánh thuê và ca ngợi bài hát của những người Công Giáo Đức Quốc xã, nhưng chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá”.
“Các cờ xí của bọn lính đánh thuê” thực ra là những lá cờ trắng - đỏ - trắng, biểu tượng của đất nước trước khi Liên Sô chiếm đóng. Đó chính là lá cờ mà Lukashenko đã tuyên thệ khi lên nắm quyền vào năm 1994.
Source:Forum 18