1. Giáo phận Kenya thương tiếc những người Công Giáo thiệt mạng sau khi xe buýt lao xuống dòng sông
Đức Cha Joseph Mwongela của Kitui thúc giục giáo phận của ngài tiếp tục cầu nguyện ít nhất 32 nạn nhân, bị thiệt mạng khi một chiếc xe buýt chở một dàn hợp xướng Công Giáo lao xuống sông Enziu.
Ca đoàn từ Giáo xứ Chúa Chiên Lành ở Mwingi đã thuê một chiếc xe buýt của chủng viện giáo phận để chở các thành viên và người thân đến nơi lặp lại lời thề hôn phối của một cặp vợ chồng già. Một gia đình mất 11 người. Ít nhất 30 người đã được giải cứu.
“Thật đáng buồn. Mọi người bị tàn phá, nhưng chúng tôi đang hành trình với họ. Chúng tôi muốn họ có hy vọng. Chuyện buồn này đã xảy ra, nhưng Mùa Vọng là một mùa của hy vọng,” Đức Cha Mwongela nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Mọi người đã liên kết rất tốt. Họ đã ở rất gần nhau”.
Cha Michael Ngunia của Giáo xứ Chúa Chiên Lành bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn khi có những người đã chết trong khi đi tham dự một sự kiện vui mừng như thế.
“Dàn hợp xướng đã hát và nhảy múa trên bờ sông để sẵn sàng cho lễ cưới. Một lúc sau, nhiều người trong số họ đã chết. Đó là điều rất khó khăn cho cộng đồng”, Đức Cha Mwongela cho biết nhà thờ đã cử các đội hỗ trợ tâm lý xã hội cho các gia đình và lên kế hoạch cho một thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân.
“Họ đã hứa sẽ xây một cây cầu trên con sông này, nhưng tôi nghĩ họ cũng nên tập trung vào tất cả những cây cầu khác, ở đây và xa hơn nữa, những nơi không có cầu,” Đức cha nói.
Chiếc xe buýt, với sức chứa 51 người, được cho là quá tải sau khi có thêm nhiều người nhảy lên khi nó bắt đầu băng qua con sông khi nước dâng lên cao khiến tài xế không phân biệt được chỗ nào là sông, chỗ nào là cầu.
Tổng thống Uhuru Kenyatta đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và kêu gọi người dân Kenya tránh băng qua những cây cầu bị ngập trong mùa mưa.
Source:Crux
2. Cuộc triển lãm 126 máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican
Lúc 4g chiều ngày 5 tháng 12 vừa qua, cuộc triển lãm 126 máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican đã được Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa, khai mạc.
Do đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành nên triển lãm được trưng bày tại hàng cột Bernini ở quảng trường thánh Phêrô. Triển lãm sẽ mở cửa trong 5 tuần, từ Chúa Nhật ngày 5 tháng 12 đến Chúa Nhật ngày 9 tháng Giêng, từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày, trừ ngày 24 và 31 tháng 12 sẽ đóng cửa sớm vào lúc 5 giờ chiều.
Cuộc triển lãm lấy tên là triển lãm 100 máng cỏ Giáng Sinh nhưng thực tế sẽ gồm 126 hang đá đến từ các nước Âu Châu như Đức, Hung Gia Lợi, Slovenia, Slovakia và Croatia, và nhiều nơi khác trên thế giới như Kazakhstan, Peru, Indonesia, Uruguay, Colombia và Hoa Kỳ.
Nhiều tổ chức cũng tham gia vào sự kiện này. Công ty xe buýt của Roma đã thực hiện một hang đá Giáng sinh trên phần đầu của một xe buýt, trong khi công ty kẹo sôcôla của dòng Trappist thì làm một hang đã Giáng sinh nặng 100 ký, hoàn toàn bằng sôcôla.
30 trường học của miền Lazio của Ý cũng hăng hái tham gia cuộc triển lãm với các hang đá do các trẻ em làm.
Cuộc triển lãm các Máng Cỏ Giáng Sinh tại Vatican là một truyền thống đã có từ 44 năm nay và hiện do Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa phụ trách.
Trong thời gian mấy năm trở lại đây, cuộc triển lãm này được chú ý đến nhiều hơn sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông thư dưới dạng tự sắc Admirabile Signum nghiã là Dấu Chỉ Tuyệt Vời, trong đó ngài nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh.
Trong tông thư, Đức Thánh Cha viết:
Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.
Anh chị em thân mến, máng cỏ Giáng Sinh là một phần của quá trình quý giá nhưng đầy thách đố trong việc truyền lại đức tin. Bắt đầu từ thời thơ ấu, và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, máng cỏ dạy chúng ta biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, biết trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, biết cảm nhận và tin rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, cùng với con cái Người, là anh chị em với nhau, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và để nhận ra rằng trong hiểu biết đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự. Như Thánh Phanxicô, chúng ta có thể mở lòng mình ra với ân sủng đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời cầu nguyện khiêm nhường có thể được nảy sinh: đó là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ với chúng ta tất cả, và vì thế không bao giờ để chúng ta cô đơn.
3. Đức Giáo Hoàng loan báo có thể có cuộc gặp mới với giáo chủ Chính thống giáo Nga
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết đã có kế hoạch cho một cuộc gặp thứ hai có thể xảy ra với người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, sau cuộc gặp gỡ lịch sử năm 2016 của họ tại Cuba. Đó là biến cố đã trở thành một bước ngoặt trong việc hàn gắn mối quan hệ bị cắt đứt bởi cuộc Đại Ly Giáo kéo dài hàng ngàn năm chia rẽ Kitô Giáo.
Đức Phanxicô cho biết ngài dự định sẽ gặp đặc phái viên Giáo Hội Nga vào tuần tới để “đồng ý về một cuộc gặp có thể xảy ra” với Thượng phụ Kirill. Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng Kirill sẽ đi công du trong những tuần tới, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cũng “sẵn sàng đến Mạc Tư Khoa” ngay cả khi các giao thức ngoại giao chưa được hoàn thành.
“Bởi vì nói chuyện với một người anh em, không có giao thức nào cả,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên khi từ Hy Lạp trở về Rôma. “Chúng tôi là anh em. Chúng tôi nói mọi chuyện trước mặt nhau như anh em”.
Hai giáo hội chia rẽ trong Đại Ly Giáo năm 1054 và vẫn bị chia cắt vì một loạt vấn đề, bao gồm cả quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và các cáo buộc của Chính thống giáo Nga cho rằng Giáo Hội Công Giáo đang chiêu dụ tín đồ ở các vùng đất thuộc Liên Sô cũ.
Đức Phanxicô đã đưa ra những bình luận sau cuộc gặp gỡ với hai nhân vật nổi bật trong Chính thống giáo, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống ở Síp và Hy Lạp trong chuyến đi kéo dài 5 ngày đến hai quốc gia đó. Gặp gỡ cuối tuần qua với Đức Tổng Giám Mục Ieronymos, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp, Đức Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi sâu sắc về tất cả những sai lầm mà người Công Giáo đã gây ra đối với Chính thống giáo, khi lặp lại lời xin lỗi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Hy Lạp vào năm 2001.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói với nhật báo Ý Corriere della Sera vào ngày 7 tháng 10 rằng một cuộc gặp mới giữa Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng sẽ được công bố ngay trước khi nó diễn ra.
Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ngài nói rõ rằng nội dung và kết quả của cuộc gặp là quan trọng, và hiện tại chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Nga “không nằm trong chương trình nghị sự của quan hệ song phương”.
Cuộc gặp gỡ ngày 12 tháng 2 năm 2016 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill tại Cuba là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống Nga, là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Chính thống giáo. Hai vị đã gặp nhau tại phòng khánh tiết của sân bay Havana trong khi Đức Phanxicô đang trên đường đến Mễ Tây Cơ.
“Chúng ta là anh em,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngày hôm đó khi ôm lấy Đức Thượng Phụ Kirill.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion, nói với nhật báo Ý, cho biết cuộc họp ở Havana “đã tạo một động lực mới”.
Source:AP
4. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga nói về triển vọng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, đã bình luận về các báo cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến khả năng có một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Toàn văn thông báo của ngài như sau:
Vào ngày 20 tháng 12 tới đây, cuộc gặp của tôi được lên kế hoạch với Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ diễn ra tại Rôma. Tôi dự định thay mặt Đức Thượng phụ Kirill chúc mừng sinh nhật lần thứ 85 của ngài và thảo luận với ngài về nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương giữa hai Giáo hội của chúng ta. Trong số những vấn đề này, có thể có cuộc gặp của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng phụ Kirill. Cho đến nay, địa điểm cũng như ngày diễn ra cuộc họp vẫn chưa được xác định.
Về chuyến thăm của Thượng phụ Kirill đến Phần Lan, tôi có thể tường thuật như sau. Cách đây vài năm, Đức Thượng phụ đã nhận được lời mời từ người đứng đầu Giáo hội Tin lành-Luther của Phần Lan, Tổng Giám mục Chính thống của Phần Lan và Giám mục Công Giáo của Helsinki. Tuy nhiên, 'nhiều vấn đề đã xảy ra', tình hình giữa các Chính thống giáo đã thay đổi và một đại dịch đã bắt đầu. Hiện công tác chuẩn bị cho chuyến thăm này đã bị dừng lại.
Đối với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Mạc Tư Khoa, tôi có thể nói rằng vấn đề này chưa được thảo luận trên bình diện song phương.
Tôi hy vọng rằng cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 20 tháng 12 sẽ tạo cơ hội để thảo luận về tất cả các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Source:Moscow Orthodox Patriarch