Nhân lễ kính Thánh Edith Stein ngày 9 tháng 8, Ký giả Luke Coppen của tạp chí The Pillar có bài viết khá dài về vị thánh tân tòng, nữ đan sĩ Cát Minh, bị thảm sát vì đức tin tại Auschwitz.
Tám mươi năm trước, vào hôm thứ Ba, một nữ tu 50 tuổi đã bị giết tại trại tử thần Auschwitz của Đức Quốc xã.
Ngày nay, bà là một vị hiển thánh và là đồng bảo trợ của châu Âu. Bà được công nhận là một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, một triết gia nổi tiếng, một vị tử đạo và có thể là Tiến sĩ trong tương lai của Giáo hội.
Bà sinh ra với tên Edith Stein tại thành phố Breslau của Đức (nay là Wrocław thuộc Ba Lan), là con út trong số bảy người con còn sống của một gia đình Do Thái. Bà qua đời vào ngày 9 tháng 8 năm 1942, với tư cách là Nữ tu Dòng Cát Minh Teresa Benedicta Thánh Giá.
Chúng ta biết gì về những ngày cuối cùng của bà? Tại sao cái chết của bà lại trở thành nguồn gây căng thẳng giữa người Công Giáo và người Do Thái? Và bà có còn liên quan đến ngày hôm nay không?
The Pillar trình bầy mấy điểm sau đây:
Edith Stein chết ra sao?
Cha John Sullivan, O.C.D., năm 2002, đã biên soạn tuyển tập tựa là “Edith Stein: Essential Writings”, được các học giả gọi là một trong những dẫn nhập tốt nhất cho những người nói tiếng Anh muốn biết thêm về vị thánh. Cha Sullivan cũng viết phần giới thiệu cho cuốn sách.
Vị linh mục Cát Minh Không Đi Giầy này nói với The Pillar rằng chuỗi sự kiện dẫn đến cái chết của Thánh Stein bắt đầu bằng một “bức thư can đảm bênh vực người Do Thái Hòa Lan” được viết bởi các giám mục Hòa Lan, khi đó đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Bức thư được đọc ở tất cả các nhà thờ vào ngày 26 tháng 7 năm 1942.
Thánh Stein đã trốn khỏi Đức và định cư tại một tu viện Carmelite ở Echt, ngay bên kia biên giới Hòa Lan, nơi sau đó bà được đoàn tụ cùng chị gái Rosa.
Đức Quốc xã đã trả lời thư của các giám mục Hòa Lan bằng cách tăng tốc độ trục xuất và nhắm mục tiêu vào những người Do Thái đã trở lại Công Giáo trước chiến tranh.
Thánh Stein bị bắt bởi các sĩ quan Gestapo vào ngày 2 tháng 8 năm 1942. Những lời cuối cùng của bà trước khi rời tu viện được gửi đến Rosa, người cũng đã trở lại Công Giáo và đang phục vụ như một người trợ giúp cho cộng đồng Cát Minh. Bà viết "Hãy đến, chúng ta đi vì dân tộc chúng ta".
Anne Costa, tác giả cuốn “Bước theo Edith Stein: Túi khôn cho Phụ nữ của Thánh Teresa Benedicta Thánh giá,” viết rằng hai người phụ nữ được chở lên phía bắc bằng xe tải đến trại chuyển tiếp của Đức Quốc xã tại Amersfoort, “nơi bà và các bạn tù của bà bị đối xử tàn bạo.”
Cô nói với The Pillar, “Ngày 4 tháng 8, Edith đến Trung tâm Chuyển tiếp Westerbork, nơi 1,200 người Do Thái Công Giáo bị tách khỏi những người khác”.
“Có nhiều tài liệu cho biết đã nhìn thấy Edith ở đây, nơi cảm thức bình tĩnh và lòng cảm thương của bà đối với người khác đã được quan sát và phẩm bình. Bà nổi bật giữa hàng ngàn người như một sự hiện diện lặng lẽ và ôn hòa và khi ở Westerbork, bà được trích dẫn nói rằng: ‘Thế giới được tạo thành từ những đối lập, nhưng cuối cùng, không điều gì của những sự tương phản này còn lại. Điều duy nhất còn lại là tình yêu vĩ đại. Làm sao có thể khác được? '”
Stein là một trong tổng số 60,330 người được vận chuyển từ Westerbork đến Auschwitz. Những người khác bao gồm nhà văn linh đạo trẻ tuổi có ảnh hưởng Etty Hillesum và nhà viết nhật ký Anne Frank.
Cha Sullivan cho biết: “Trong vòng một tuần sau cuộc vây bắt nhanh chóng các người Do Thái Công Giáo, [Edith Stein] và các nạn nhân khác trong cuộc trả thù của Đức Quốc xã đã đến trại tử thần Auschwitz ở Ba Lan đang bị chiếm đóng.”
“Các học giả sau chiến tranh đã nhất trí cho rằng bà đã được chuyển ngay xuống đoạn đường xe lửa Auschwitz. (Không có thời gian để in trên cánh tay bà hình xăm con số khét tiếng ghê tởm của một tù nhân trong trại.)”
“Xe tải đưa các tù nhân bị kết án, nhưng không nhìn nhận rời trại Auschwitz I đến Auschwitz-Birkenau. Tại khu trại đó, hay Auschwitz II, trong một căn phòng dựng tạm được gọi là Nhà Trắng, các bình chứa khí Zyklon B đã giết chết họ. Tại một cánh đồng liền kề, vì chưa được lắp đặt các nhà hỏa táng quy mô công nghiệp, nên các thi thể được chất thành đống và đốt ngoài trời bằng các sản phẩm dầu mỏ đã sử dụng một lần”.
Đâu là ý nghĩa cái chết của bà?
Nhiều thập niên sau, một cuộc tranh luận nổi lên về ý nghĩa của cái chết của Stein. Giải thích về nguồn gốc của tranh chấp, Eugene J. Fisher, giáo sư thần học nổi tiếng tại Đại học Saint Leo ở Florida, nói với The Pillar: “Stein là một người Do Thái trở lại Công Giáo và, với tư cách là một nữ tu, đã trở thành một nhà văn và một diễn giả nổi tiếng. Bà nói một cách nổi tiếng rằng bà muốn ‘hiến thân’ như một của lễ hy sinh dâng cho ‘dân tộc của bà’, người Do Thái”.
“Bà bị Đức quốc xã bắt và chết trên đường đến trại Auschwitz. Sự căng thẳng là: nhiều người Công Giáo nghĩ rằng họ là 'dân tộc của bà’, chứ không phải người Do Thái, và bà đã chết như một thánh tử đạo Công Giáo, trong khi người Do Thái khẳng định, rất đúng, rằng bà đã bị giết bởi Đức quốc xã vì bà là người Do Thái”.
Cuộc tranh cãi càng gay gắt hơn khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố sẽ phong chân phước cho vị nữ tu Cát Minh. Các nhà lãnh đạo Do Thái bày tỏ lo ngại cho rằng bằng cách trình bày một người tân tòng từ Do Thái giáo để được người Công Giáo tôn kính, Giáo hội có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực có tổ chức nhằm cải đạo người Do Thái.
Lễ phong chân phước diễn ra tại thành phố Cologne của Đức vào ngày 1 tháng 5 năm 1987.
Ủy ban giám mục Hoa Kỳ về các vấn đề đại kết và liên tôn trong cùng tháng đó đã đưa ra một thông điệp "tư vấn" cho tất cả những người Công Giáo. Thông điệp nhấn mạnh rằng "Việc phong chân phước cho Edith Stein không hề được người Công Giáo hiểu như động lực thúc đẩy việc cải đạo không chính đáng trong cộng đồng Do Thái.”
Đúng hơn, Ủy ban cho biết, việc phong chân phước nên là “dịp duy nhất để suy tư và hòa giải chung giữa người Công Giáo và người Do Thái.”
Thông điệp viết tiếp, “Khi tôn vinh Edith Stein, Giáo hội muốn tôn vinh tất cả hàng triệu người Do Thái nạn nhân của Shoah. Sự tôn kính của Kitô giáo đối với Edith Stein không làm giảm đi mà còn làm tăng thêm nhu cầu của chúng ta trong việc bảo tồn và tôn vinh ký ức các nạn nhân Do Thái”.
“Sự tôn kính của Công Giáo đối với Edith Stein nhất thiết sẽ góp phần vào việc kiểm tra lương tâm liên tục và sâu xa về những tội lỗi đã phạm và thiếu sót của các Kitô hữu chống lại người Do Thái trong những năm đen tối của Thế chiến thứ hai, cũng như suy gẫm về những Kitô hữu đã liều mạng sống của mình để cứu các anh chị em Do Thái của họ ”.
Giáo sư Fisher, cựu phụ tá giám đốc của văn phòng đại kết và liên tôn sự vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói, ông tin rằng cuộc tranh luận – trong đó, ông có nhiều liên lụy, cuối cùng dẫn tới sự hiểu biết nhiều hơn giữa người Công Giáo và người Do Thái.
Ông nói với The Pillar: “Người Công Giáo đã học được nhiều điều từ người Do Thái về giáo huấn khinh miệt người Do Thái và đạo Do Thái của Kitô giáo cổ thời và cách những giáo huấn chống người Do Thái thấp hèn đó đã mở đường cho chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại, mặc dù chúng không có tính phân biệt chủng tộc”.
“Đối với Đức Quốc xã, tôn giáo không có gì khác biệt, chỉ là bối cảnh chủng tộc của nạn nhân. Những người Do Thái liên hệ học được lý do tại sao người Công Giáo coi nạn nhân Do Thái của Shoah này là một người chết vì Kitô giáo."
Cha Sullivan, chủ tịch Viện Nghiên cứu Cát Minh ở Washington, D.C., nói rằng gia đình Stein gặp khó khăn trong việc hiểu chuyện bà chuyển sang Công Giáo vào năm 1922, một điều xảy ra sau khi nhà triết học này đọc cuốn tự truyện của Thánh Teresa thành Ávila.
Cha nhận định, “Edith Stein là một người trở sang đức tin Công Giáo từ một trạng thái vô thần thực tế trong đó bà đã rút lui khỏi thực hành Do Thái giáo. Hầu hết những người Do Thái mà bà biết đều không hoan nghênh quyết định trở thành một Kitô hữu của bà, ngoại trừ chị gái Rosa”.
“Theo cách riêng của mình, bà cảm thấy việc bà đi theo viễn kiến đức tin của Giáo Hội Công Giáo đã mở cửa cho việc bà đánh giá cao về nguồn gốc Do Thái của bà. Bà đã dựa trên giáo huấn Công Giáo để mở rộng tầm nhìn tâm linh của mình về sự vật. Điều này không nhất thiết nhận được sự chấp thuận từ các thành viên trong gia đình bà”.
Cha Sullivan nói tiếp: “Khi nhiều năm sau đó, Giáo hội công nhận bà như bậc thánh thiện trong thời hiện đại, nhiều người Do Thái cảm thấy đó là một sự chiếm đoạt không công bằng sự đau khổ của Holocaust bởi đạo Công Giáo.”
“Tuy nhiên, đó không phải là bất cứ âm mưu nào nhằm giảm bớt nỗi kinh hoàng của Shoah, đúng hơn đó là sự công nhận cách mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn ai đó sinh ra trong đạo Do Thái kinh qua cơn thử thách lớn lao của cái chết lạ thường như một Kitô hữu dựa trên các nguyên tắc thần học được ngôi nhà đức tin mới của bà cung cấp.”
“Không ai nên bác bỏ bất cứ tín lý đức tin nào của người Do Thái khi họ tôn kính thánh tử đạo Teresa Benedicta, và chúng ta hy vọng rằng không ai nên coi bà như một loại ngựa thành Troy được thiết kế để làm suy yếu lòng sùng mộ của người Do Thái đối với các niềm tin của họ.”
Khi Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho Stein tại Rome vào ngày 11 tháng 10 năm 1998, ngài đã đề cập đến cuộc tranh luận về cái chết của bà bằng những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận.
Trong bài giảng của mình, ngài nói: “Anh chị em thân mến! Vì bà là người Do Thái, Edith Stein đã được đưa cùng với chị gái Rosa và nhiều người Do Thái Công Giáo khác từ Hòa Lan đến trại tập trung ở Auschwitz, nơi bà đã chết cùng với họ trong phòng hơi ngạt”.
“Hôm nay chúng ta tưởng nhớ họ tất cả với lòng kính trọng sâu xa. Vài ngày trước khi bị trục xuất, người nữ tu này đã bác bỏ câu hỏi về khả năng được cứu: ‘Đừng làm điều đó! Tại sao tôi phải được tha? Há không đúng sao khi tôi không được lợi gì từ phép rửa tội của mình? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận của anh chị em mình, cuộc sống của tôi, theo một nghĩa nào đó, sẽ bị hủy hoại. "
“Từ giờ trở đi, khi chúng ta tổ chức lễ tưởng nhớ vị thánh mới này từ năm này qua năm nọ, chúng ta cũng phải nhớ đến Shoah, một kế hoạch tàn ác để tiêu diệt một dân tộc - một kế hoạch mà hàng triệu anh chị em Do Thái của chúng ta đã trở thành nạn nhân. Cầu xin Chúa để thánh nhan Người chiếu sáng trên họ và ban bình an cho họ”.
Khi được hỏi ý nghĩa của cái chết của Stein là gì, Cha Sullivan nói rằng Giáo sư Fisher đã tóm tắt điều đó rất hay tại lễ kỷ niệm ngày bà được phong thánh tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ năm 1999:
“[Một số người đặt câu hỏi về phúc tử đạo của bà:] 'Ồ, các anh tuyên bố Edith Stein là một người tử đạo, nhưng cô ấy đã bị Đức quốc xã giết không phải vì cô ấy là một người Công Giáo mà vì cô ấy là một người Do Thái."] Với câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng [Gioan Phaolô II] đồng ý, nhưng ngài nói thêm bà cũng là một người tử vì đạo Công Giáo vì điều khiến bà bị bắt là một cuộc phản đối rất mạnh mẽ của các giám mục Hòa Lan khi đối đầu với những lời cảnh cáo của Đức Quốc xã. [Bà không]... chỉ được tuyên bố là một người tử vì đạo Công Giáo... Như thế Đức Giáo Hoàng tuyên bố rõ ràng bà đã chết như một người con gái của Israel, bà đã chết như một người Do Thái. "
Cha Sullivan nói thêm: “Như vốn xảy ra trong các tình huống phức tạp khác, người ta nên tránh thái độ ‘hoặc / hoặc’và thay vào đó nên áp dụng viễn kiến ‘cả / lẫn’ đối với việc bao gồm cả Do Thái lẫn Công Giáo trong số những người bị quốc xã lùng bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 1942, tại Hòa Lan, trong số hàng triệu người Do Thái bị Quốc Xã Đức bách hại và tận diệt khỏi mặt đất”.
Anne Costa nói với The Pillar rằng người ta thấy tầm quan trọng cái chết của Stein trong “việc bà hoàn toàn phó mình và sẵn lòng ‘chết cho đồng bào của mình’ và hy sinh mạng sống của mình cho bạn bè (và kẻ thù) giống như Chúa Giêsu đã làm”.
Cô nói, “Bà hoàn toàn chấp nhận ý nghĩa của việc vừa là người Do Thái vừa là Kitô hữu. Và trong khi có cuộc tranh cãi sau việc bà trở thành một vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo, tôi tin rằng bà ghê tởm sự chia rẽ đó, như đã được trích dẫn ở trên”.
Edith Stein có còn liên quan không?
Trong các bức ảnh, Edith Stein có vẻ là một nhân vật khắc khổ, thuộc thế giới khác. Nhưng, như Cha Sullivan đã nhấn mạnh trong phần giới thiệu tuyển tập các trước tác của bà, bà tin rằng những người Cát Minh không nên rút lui khỏi thế giới, nhưng đúng hơn phải sống sâu sắc trong đó như những nhà chiêm niệm.
Vị linh mục viết trong cuốn sách năm 2002 của ngài, "Vào lúc khi 'việc trốn chạy thế gian,' hay fuga mundi, là công thức an toàn cho bất cứ người Công Giáo nào đang nghiêm túc tìm cách sống một cuộc sống thánh thiện, Stein nói rằng người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong thế giới bằng cách mang Chúa đến với thế giới".
Cha Sullivan nói với The Pillar rằng cuộc đời và công việc của Stein vẫn tiếp tục gây tiếng vang trong 80 năm sau khi bà qua đời vì nhiều lý do.
Cha nói, “Bà có sức hấp dẫn rộng rãi trong việc giải quyết các cuộc đấu tranh đương thời trong xã hội: tôn trọng sự thật; cảm thương và tương cảm đối với những người trẻ tuổi gặp khó khăn trong diễn trình phát triển giáo dục / hướng nghiệp của họ; lên tiếng cảnh báo về hiện tượng biến các cá nhân vô tội thành nạn nhân của chế độ khủng bố nhà nước; nhất quán cổ vũ phụ nữ trong mọi lĩnh vực của xã hội; khuyến khích sự chuyên nghiệp hóa phụ nữ; mô hình hóa vai trò nghiên cứu triết học; và dựa vào phương thức chiêm niệm để bàn tới số phận bản thân”.
Giáo sư Fisher đồng ý cho rằng Stein vẫn còn liên quan đối với chúng ta; ông nhấn mạnh rằng câu chuyện của bà “vẫn còn là một câu chuyện từ đó cả người Do Thái lẫn người Công Giáo có thể học hỏi, và đến với nhau để đối thoại”
Anne Costa gợi ý rằng tư tưởng của Stein có thể tiếp tục đóng góp vào việc “tự biết mình nhiều hơn của phụ nữ” và “sự tốt đẹp hơn của toàn xã hội”.
Cô nói: “Công việc của bà đã ảnh hưởng và thông tri sâu sắc cho công trình về Đức Gioan Phaolô II trong lĩnh vực mà ngày nay được gọi là Thần học Thân xác, một phản ứng trực tiếp đối với sự nhầm lẫn giới tính và đạo đức tình dục của thời đại chúng ta”.
“Tuy nhiên, tôi quan sát thấy rằng có một số nhóm hoặc phong trào muốn mổ xẻ tác phẩm của Edith để đưa ra một chương trình nghị sự hoặc hệ tư tưởng hậu hiện đại, và tôi nghĩ rằng điều quan trọng là không đưa tác phẩm của bà ra khỏi bối cảnh lịch sử và văn hóa mà nó đã phát sinh. Nó cần được hiểu và chấp nhận trong bối cảnh trải nghiệm cuộc sống và cái chết của bà.”
Cô nói thêm: “Cuộc sống ban đầu của Edith được thúc đẩy bởi một cuộc tìm kiếm Sự Thật khôn nguôi về phương diện trí thức. Và khi bà tìm thấy Người, cuộc sống sau đó trở nên đơn giản hơn, yêu thương và chân thực hơn một chút. Tất cả chúng ta nên đi theo con đường đó. "
Cha Sullivan lưu ý rằng mệnh lệnh của Dòng Cát Minh Không Đi Giầy là "đánh cuộc cho tính phù hợp của thông điệp và lời kêu gọi của bà."
Cha giải thích: “Kể từ mùa xuân năm 2022, một ủy ban quốc tế đang cố gắng cung cấp tài liệu cho lời yêu cầu của Dòng muốn Tòa thánh bắt đầu diễn trình tuyên bố bà là Tiến sĩ Giáo hội. "Nếu điều đó xảy ra, tôi cảm thấy bà có thể hữu ích nếu được gọi là Tiến sĩ của niềm Hy vọng kiên cường."
Edith Stein - Dòng thời gian ngắn gọn
Ngày 12 tháng 10 năm 1891 Edith Stein sinh ra ở Breslau, một thành phố của Đế quốc Đức (nay là Wrocław, Ba Lan), vào ngày Yom Kippur, Ngày lễ Xá tội của người Do Thái.
1911 bà bắt đầu học đại học ở Breslau.
Tháng 4 năm 1913 Stein theo học tại Đại học Göttingen với Edmund Husserl, người sáng lập chính của trường phái triết học hiện tượng học.
1915 Bà phục vụ như một tình nguyện viên của Hội Hồng thập tự.
1916-18 Stein làm phụ tá cho Husserl ở Freiburg.
1919 Mặc dù bà vượt qua kỳ thi tiến sĩ một cách xuất sắc, Đại học Göttingen từ chối luận án làm giáo sư (habilitation thesis) của bà, "Triết học Tâm lý và Nhân văn", vì bà là một phụ nữ.
Ngày 1 tháng 1 năm 1922 Stein lãnh nhận phép rửa ở tuổi 30 nhân Lễ Cắt bì của Chúa Giêsu.
1923 Bà bắt đầu giảng dạy tại một trường học của các nữ tu Đa Minh ở Speyer.
1931 Stein hoàn thành luận án làm giáo sư thứ hai, "Tiềm năng và Hiện thể [Potency and Act]."
1932 Stein trở thành giảng viên tại Viện Sư phạm Khoa học ở Münster, nhưng bị buộc phải từ chức một năm sau đó sau khi Đức Quốc xã thông qua luật chống Do Thái.
Ngày 12 tháng 4 năm 1933, Bà viết một lá thư cho Đức Giáo Hoàng Piô XI, thúc giục ngài ban hành một thông điệp công khai mạnh mẽ lên án chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã. Sau này, bà viết: “Tôi biết rằng lá thư của tôi đã được chuyển đến Đức Thánh Cha nhưng không được mở ra; một thời gian sau đó tôi đã nhận được lời chúc lành của ngài cho tôi và cho những người thân của tôi. Không có gì khác xảy ra. Sau này, tôi thường tự hỏi liệu lá thư này có thể thỉnh thoảng hiện ra trong đầu ngài hay không. Vì trong những năm sau đó, điều mà tôi đã dự đoán về tương lai của những người Công Giáo ở Đức đã từng bước thành hiện thực. ”
Ngày 14 tháng 10 năm 1933 Stein vào tu viện Cát Minh ở Cologne, nơi bà viết bản nghiên cứu có ảnh hưởng “Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu”.
Ngày 15 tháng 4 năm 1934 Trong buổi lễ Mặc áo, bà mặc y phục theo dòng Cát Minh và lấy tên Teresa Benedicta Thánh Giá. Sau đó, bà viết: “Tôi hiểu thập giá là số phận của dân Chúa, một điều bắt đầu rõ ràng vào thời điểm đó (năm 1933). Tôi cảm thấy những người hiểu Thập giá Chúa Kitô nên thay mặt mọi người gánh lấy Thập giá cho mình. Tất nhiên, bây giờ tôi biết rõ hơn ý nghĩa của việc được kết hôn với Chúa trong dấu thánh giá. Tuy nhiên, người ta không bao giờ có thể thấu hiểu được nó, bởi vì nó là một mầu nhiệm.”
Ngày 21 tháng 4 năm 1935 Stein khấn tạm.
Ngày 14 tháng 9 năm 1936 Vào ngày bà lặp lại lời khấn của mình, mẹ bà qua đời ở Breslau. Bà viết, “Mẹ tôi đã giữ vững niềm tin của mình đến giây phút cuối cùng. Nhưng vì đức tin của ngài và sự tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa của ngài... là điều cuối cùng vẫn còn sống động trong cơn quằn quại hấp hối của ngài, tôi tin chắc rằng ngài sẽ gặp một vị thẩm phán rất nhân từ và ngài bây giờ là người giúp đỡ trung thành nhất của tôi, để tôi cũng có thể đạt được mục tiêu."
Ngày 21 tháng 4 năm 1938 Stein khấn trọn trong Dòng. Bà chọn các lời của Thánh Gioan Thánh Giá cho bức ảnh kỷ niệm của mình: "Từ nay trở đi, ơn gọi duy nhất của tôi là yêu."
Ngày 31 tháng 12 năm 1938 Bà vượt biên giới Đức để đến một tu viện dòng Cát Minh ở thành phố Echt của Hòa Lan, nơi bà làm việc tích cực cho một nghiên cứu về Thánh Gioan Thánh Giá. Bà được đoàn tụ sau đó với chị gái Rosa.
Ngày 9 tháng 6 năm 1939 Stein viết trong di chúc của mình: “Ngay cả bây giờ tôi vẫn chấp nhận cái chết mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tôi trong sự phục tùng hoàn toàn và với niềm vui sướng như ý muốn thánh thiện nhất của Người dành cho tôi. Tôi cầu xin Chúa chấp nhận sự sống và cái chết của tôi… để Chúa được dân Người chấp nhận và Nước của Người đến trong vinh quang, vì sự cứu rỗi của nước Đức và hòa bình của thế giới ”.
Ngày 2 tháng 8 năm 1942 Edith và Rosa bị Gestapo bắt trong nhà nguyện của tu viện ở Echt.
Ngày 4 tháng 8 năm 1942 Họ đến trại tiếp chuyển Westerbork.
Ngày 7 tháng 8 năm 1942 Gần 1,000 người Do Thái bị trục xuất khỏi trung tâm tiếp chuyển đến Auschwitz, bao gồm cả chị em nhà Stein.
Ngày 9 tháng 8 năm 1942 Stein bị giết bằng khí Zyklon B cùng với 522 người Do Thái khác, và thi thể của bà bị thiêu rụi.
Ngày 1 tháng 4 năm 1962, Đức Hồng Y Josef Frings của Cologne mở án phong chân phước cho Stein.
Ngày 9 tháng 8 năm 1972 Giai đoạn cấp giáo phận của thủ tục phong chân phước kết thúc và các tài liệu được gửi đến Rôma.
Ngày 1 tháng 5 năm 1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Stein tại Cologne.
Ngày 11 tháng 10 năm 1998 Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho Stein tại Rome.
Ngày 1 tháng 10 năm 1999 vị Giáo hoàng Ba Lan tuyên bố Thánh Stein là đồng bảo trợ của châu Âu, cùng với Thánh Bridget của Thụy Điển và Thánh Catherine của Siena