V.Người công bố như Người được công bố: khai triển truyền thống trong Giáo Hội
Câu hỏi 75: Bao nhiêu điều trong những điều chúng ta biết về Chúa Giêsu tùy thuộc vào việc phục sinh?
Tôi dám nói mọi điều chúng ta nói về Chúa Giêsu đều tùy thuộc việc phục sinh. Nhưng không được hiểu phục sinh như một biến cố cô lập, không liên hệ gì tới thập giá cho bằng nói rõ đó là sự phục sinh của đấng chịu đóng đinh (xem câu hỏi 67). Thêm vào thập giá-phục sinh như một biến cố duy nhất không thể tách biệt, chúng ta phải liên kết biến cố này với đời sống nhân bản và lịch sử của Chúa Giêsu trước đó và với đời sống liên tục đầy Thần Khí của Giáo Hội tiếp theo đó. Toàn bộ phức thể này tạo nên “biến cố Kitô” nghĩa là toàn bộ câu truyện của Chúa Giêsu.
Điều khiến Giáo Hội sơ khai có thể di chuyển từ việc Chúa Giêsu tuyên bố về nước Thiên Chúa qua việc công bố Chúa Giêsu như Đấng Kitô và Chúa là trải nghiệm phục sinh đầy tính mạc khải. Điều trải nghiệm này mạc khải không những chỉ là các môn đệ nay biết Người một cách họ chưa biết Người trước đây, nghĩa là, nhận thức của họ về Người đã thay đổi. Điều trải nghiệm này mạc khải, trong căn bản, là nhiều điều hơn việc Chúa Giêsu nay ra khác, là Người đã thay đổi, đã biến thành hữu thể nhân bản mới, Con Người. Chúa Giêsu vốn công bố rằng Thiên Chúa sẽ minh oan cho thừa tác vụ của Người bằng cách sử dụng hình ảnh khải huyền về “Ngày của Con Người”. Sự thất bại và bị bác bỏ của Người đã được đảo ngược và vượt qua nhờ “biến cố” khải huyền thập giá-phục sinh. Kết luận tất yếu phát sinh từ cùng một Thần Khí, Đấng đã xức dầu và linh hứng Chúa Giêsu trong thừa tác vụ của Người và biến đổi Người trong vòng ôm yêu thương thần linh là Chúa Giêsu nay là Con Người. Đây có lẽ là khẳng định minh nhiên sớm sủa nhất về căn tính của Người, sử dụng danh hiệu Kitô học mà chúng ta có.
Khẳng định trên rất nhanh chóng dẫn tới tầm nhìn thông sáng cho rằng nếu Người được đồng nhất hóa với hành vi cuối cùng và có tính quyết định của tính sáng tạo Thiên Chúa trong việc phục sinh, thì Người được đồng nhất hóa với toàn bộ sinh hoạt sáng tạo của Thiên Chúa.Như thế, Người được coi như Con Người, Đấng chẳng bao lâu nữa sẽ trở lại trong quyền năng và vinh quang vĩ đại (Mc 13:24-27); như Con Người được hiển dương bên tay hữu Thiên Chúa (Mc 14:62); như Con Người có thẩm quyền trên trái đất để tha tội và thách thức quyền lực thời Người (Mc 2:10.28); như Con Người từng phải chịu bị bác bỏ và sát hại (Mc 8:31; 9:31; 10:33). Chẳng bao lâu sau, các tước hiệu khác đã xuất hiện giúp Giáo Hội nới rộng và phát triển cái hiểu Kitô học của mình, nhưng tất cả những phát triển này đều bắt nguồn và đặt cơ sở trên trải nghiệm phục sinh có tính trung tâm và dứt khoát. Chất xúc tác không thể thiếu là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt Giáo Hội sơ khai vào toàn bộ sự thật về Chúa Giêsu (Ga 16:12-15).
Câu hỏi 76: Có phải cha muốn nói Chúa Giêsu trở nên một điều Người không là trước đó không?
Không. Không khi nào có lúc Chúa Giêsu không là Con Người và là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô và là Chúa. Có những bản văn Kinh Thánh, nếu xét một cách cô lập, dường như có thể nói ngược lại. Thí dụ, diễn từ của Thánh Phêrô trong Lễ Ngũ Tuần, nhằm mục đích công bố việc phục sinh, hiển dương Chúa Giêsu và tuôn đổ Thần Khí, đã kết luận: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Câu này nghe như thể Chúa Giêsu lần đầu tiên được thiết lập như vậy lúc phục sinh, thế nhưng cũng cùng tác giả này (Luca), trong trình thuật tuổi thơ, từng đã trình bầy Chúa Giêsu như Con Thiên Chúa, Đấng sẽ chiếm ngai Đavít (Lc 1:32). Hai nhận xét, vì thế, là điều cần thiết:
Thứ nhất, các bản văn cá thể có thể bị cô lập khỏi đồng văn của chúng trong các trước tác Tân Ước và được phân tích vì các vị trí và ý nghĩa khả hữu của chúng bên trong tính năng động đang diễn ra và có tính đa diện của nền Kitô học đang diễn biến của Giáo Hội sơ khai. Điều này là một đảm nhiệm hữu ích và cần thiết đối với các chuyên gia tìm cách hiểu một cách rõ ràng hơn việc nền Kitô học của Giáo Hội phát triển ra sao. Nhưng ngay các chuyên gia cuối cùng cũng phải tái lồng các bản văn vào đồng văn của chúng và coi chúng như một phần của nền thần học tổng thể của tác giả. Hơn nữa, dù tôn trọng tính đa dạng và tính cá thể của một số trước tác Tân Ước, mục đích tối hậu của một phân tích như thế là tìm sự nhất quán nằm ở bên dưới nhằm biện minh cho việc khai triển Kitô học thậm chí trong tính đa dạng của nó. Tôi tìm thấy nó trong việc công bố Thiên Chúa đã làm Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Tất cả các khẳng định Kitô học sau này đều là một cố gắng giải thích ý nghĩa của Chúa Giêsu phục sinh trong các hoàn cảnh khác nhau.
Thứ hai, khi chúng ta gọi Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Kitô, là Con Người và là Con Thiên Chúa, chúng ta tìm cách diễn tả ý nghĩa đời sống Người nói chung dưới ánh sáng đức tin phục sinh. Nói rằng Chúa Giêsu phục sinh nay là Con Thiên Chúa là nói rằng Người luôn luôn là Con Thiên Chúa bất kể chúng ta đẩy nguồn gốc của Người trở lại lúc Người chịu phép rửa, lúc Người được tượng thai, hay lúc khởi đầu sáng thế (xem câu hỏi 14). Nhưng mặt khác, chúng ta nói rằng Người là Con Thiên Chúa bằng cách sống loại sự sống nhân bản Người sống thực sự với đủ mọi chiến đấu và cám dỗ, vui mừng và sầu khổ mà Người đích thân trải nghiệm. Các khẳng định Kitô học sau này của Giáo Hội không nhằm mục đích bác bỏ tính thực tại trọn vẹn của đời sống và kinh nghiệm nhân bản của Người; chúng nhằm để khẳng định nó. Sự sống nhân bản này là chính sự sống nhân bản của Thiên Chúa! Nhưng đây là một sự sống nhân bản trong đó, Người lớn lên trong khôn ngoan, tuổi đời và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và ngườ ta (Lc 2:40.52).
Câu hỏi 77: Kitô học xem ra rất mơ hồ. Tại sao chúng ta không thể coi Chúa Giêsu như một con người tốt lành, một tiên tri hay một vị thánh, người muốn đem người khác đến việc trọn vẹn tin vào quyền năng của Thiên Chúa?
Dù mọi người không cần bước vào mọi điểm tinh tế của việc triển khai Kitô học, điều quan trọng vẫn là hiểu ra rằng nguồn gốc của nó nằm cụ thể ở kinh nghiệm sống cụ thể của các cộng đồng tiên khởi. “Đức Giêsu là Chúa!” không phải là một tuyên bố lý thuyết. Nó là một trong các tuyên bố tuyên tín sớm nhất. Chính trải nghiệm việc Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động giữa cộng đồng thờ phượng đã phát sinh ra tuyên xưng đức tin căn bản này. Bất cứ các cố gắng nào sau đó của chúng ta để thủ đắc cái hiểu lý thuyết về đức tin của mình, chúng ta đều phải trở về trải nghiệm nguyên khởi trong thờ phượng này. Nếu linh hứng của Chúa Thánh Thần không được coi như gốc rễ và cơ sở của Kitô học, thì dĩ nhiên nó chỉ là trò chơi chữ mà thôi. Một Kitô học chân chính phát sinh từ và quay trở lại cộng đồng tụ họp với nhau và được lên sức mạnh nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu.
Nhiều người ngày nay, kể cả các Kitô hữu, giản lược Chúa Giêsu vào điều chúng ta biết về Người theo phương diện lịch sử. Chắc chắn, Người là một con người tốt lành, một con người thánh thiện, một tiên tri, nhưng Người cũng hơn một tiên tri (Mt 12:38-42 song hành). Đó là lý do tại sao điều quan trọng là coi các sách thánh của chúng ta không những chỉ viết theo viễn ảnh quan tâm lịch sử mà còn theo viễn ảnh đức tin phục sinh. Đức tin này là đáp ứng đối với sáng kiến sáng tạo của một vị Thiên Chúa muốn ơn cứu rỗi của mọi người. Theo tôi, Kitô học luôn luôn nên được nhìn như một biểu thức sâu xa nhất của cứu thế học nghĩa là ý của Thiên Chúa muốn mang chúng ta tới sự viên mãn của ơn giải thoát con người. Ở tận gốc gác của nó, Kitô học nói lên việc Thiên Chúa tự can dự đích thân vào diễn trình cứu rỗi đầy sáng tạo của lịch sử thế giới. Việc tự can dự này tiến diễn tiệm tiến và mỗi ngày một sâu sắc thêm từ sáng thế tới nhập thể. Điều chúng ta tin về Chúa Giêsu là: Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta như chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi. Chúa Giêsu là “bộ mặt nhân bản của Thiên Chúa” (J.A.T. Robinson), “bí tích cuộc gặp gỡ Thiên Chúa” (E. Schllebeeckx), “lời ban sự sống” mà chúng ta nghe được, thấy được bằng chính đôi mắt mình, mà chúng ta nhìn và rờ bằng tay, Đấng ở với Chúa Cha và được mạc khải cho chúng ta (1Ga 1:1-2). Nhập thể không những chủ yếu đối với đức tin Kitô giáo; nó còn là điều đem lại cho đức tin ấy đặc tính khác biệt và căn để của nó.
Câu hỏi 78: Tại sao có lúc chúng ta gọi Chúa Giêsu là “Thiên Chúa”, có lúc lại gọi Người là “Con Thiên Chúa”?
Thực sự, danh hiệu thích đáng dành cho Chúa Giêsu, và là danh hiệu cuối cùng trổi vượt trong việc phát triển Kitô học Tân Ước là “Con Thiên Chúa”. “Thiên Chúa” (ho theos) trong Tân Ước dành gần như tuyệt đối cho Chúa Cha. Ngay Thánh Gioan, người cho chúng ta khẳng định rõ ràng nhất về địa vị thần linh của Chúa Giêsu, cũng đã dị biệt hóa trong Tự Ngôn (1:1) giữa liên hệ của Ngôi Lời với “Thiên Chúa” (ho theos) và Ngôi Lời như đấng thần linh (theos). Lần duy nhất Chúa Giêsu được trực tiếp nhắc đến như ho theos diễn ra lúc Tôma quỳ thờ lạy Chúa Giêsu phục sinh: “lạy Chúa và là Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Khi chúng ta sử dụng hạn từ “Thiên Chúa” cho Chúa Giêsu, chúng ta phản ảnh việc khai triển đức tin Ba Ngôi vốn gồm Cha, Con và Thánh Thần bên trong xác tín của chúng ta, dẫn khởi từ chủ nghĩa độc thần Do Thái, rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Một trong các căng thẳng cổ điển của đức tin Kitô giáo là duy trì chủ nghĩa độc thần, rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, thế nhưng lại khẳng định tính ba (threeness) trong tính một (oneness) đó.
Thánh Phaolô cho chúng ta một bản văn khá sớm và đáng lưu ý, có lẽ trưng dẫn một kinh tin kính rất tiên khởi, bên trong ngữ cảnh cuộc tranh luận về việc thờ ngẫu tượng: “... nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8:6). Thánh Phaolô ám chỉ lời tuyên xưng đức tin chính của Israel: “Hỡi Israel, hãy nghe, Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Chúa duy nhất” (Đnl 6:4). Nhưng ngài chia tuyên xưng ấy để “Chúa” chỉ Chúa Giêsu, còn “Thiên Chúa” chỉ Chúa Cha. Thiên Chúa, Chúa Cha, là nguồn gốc và mục đích của muôn loài, nhất là của hiện hữu chúng ta, nhưng được trung gian qua Chúa Giêsu như Chúa. Thế nhưng, cả hai vị đều được gọi là “duy nhất” – một Thiên Chúa và một Chúa. Chúa Giêsu luôn ở trong lòng Chúa Cha (Ga 1:18) và bất cứ chúng ta nói gì về Người như đấng thần linh chỉ có thể được nói như Con duy nhất của Chúa Cha (Ga 1:14). Một bài thánh ca tiên khởi khác phát biểu cùng một ý tưởng: “...và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:11).
Câu hỏi 79: Cha có thể nói ít điều hơn nữa về Chúa Ba Ngôi được không? Làm thế nào Thiên Chúa vừa là một vừa là ba?
“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Sẽ dễ dàng hơn khi nói về Chúa Ba Ngôi trong các lần tỏ hiện lịch sử hơn là suy đoán về đời sống thần linh ở bên trong. Như một tác giả đã viết, bất cứ ai nói về Ba Ngôi cũng nói về thập giá Chúa Kitô chứ không nói về những khó hiểu ở trên trời (J. Moltmann). Chính Chúa Giêsu trong cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Người đã mạc khải thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực tại Ba Ngôi này đặt cơ sở trên sự kiện Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần xức dầu và được Chúa Cha sai đi lúc Người chịu phép rửa (Mc 1:9-11). Trọn đời sống nhân bản của Người là một đời sống đáp ứng một cách đầy vâng lời đối với thánh ý Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mối liên hệ này lên tuyệt đỉnh khi Người phó Thần Khí Người cho Chúa Cha trên thập giá và khi Chúa Cha ôm lấy Người, nâng Người lên và biến đổi Người, trong cùng một Thần Khí ấy. Gioan đã thấy rõ ràng rằng việc tự hiến hỗ tương này đã phá vỡ mọi giới hạn nhân bản và biểu thị mối liên hệ yêu thương đời đời. Do đó, Chúa Giêsu nói: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:4-5).
Các kinh tin kính và công đồng sau đó chỉ tìm cách khẳng nhận lời quả quyết của Kinh Thánh này về mối liên hệ đời đời với Chúa Cha trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúng khẳng định rằng mạc khải ban cho trong Chúa Giêsu thông truyền sự thật về thực tại Thiên Chúa. Chúng không cố gắng giải thích điều đó là thế ra sao, mặc dù nhiều nhà thần học, như Thánh Augustinô trong De Trinitate (Về Chúa Ba Ngôi), đã tìm cách thăm dò những cách trong đó một mầu nhiệm như thế có thể khả niệm đối với chúng ta. Đối với tôi, cái nhìn thông sáng quan trọng và nền tảng nhất là đây: ở ngay tâm điểm thực tại, ở ngay tâm điểm của hiện hữu, nghĩa là, trong thực tại sống của Thiên Chúa hằng sống, Đấng dựng nên mọi loài, có mối liên hệ. Thiên Chúa không sống trong sự cô lập huy hoàng, một đấng chuyển động bất di bất dịch lôi kéo mọi sự về mình nhưng không cho lại bất cứ điều gì, một hữu thể dửng dưng và vô cảm, cách xa và không để các đau khổ của chúng ta đụng tới. Đúng hơn, Thiên Chúa có tính bản vị, Đấng trong tư cách Cha, thông truyền toàn bộ sự sống thần linh cho Chúa Con và vẫn mãi là Chúa Cha. Ngược lại, Chúa Con là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1:15), Đấng đời đời phản ảnh vinh quang của Chúa Cha và làm Người được chúng ta biết đến (Ga 1:14.18). Vị gắn kết mối liên hệ từ Chúa Cha tới Chúa Con này, Chúa Cha như nguồn và gốc khởi diễn mối liên hệ và Chúa Con như đáp trả và hình ảnh phản ảnh vinh quang Chúa Cha, là Chúa Thánh Thần. Đây là chỗ chúng ta tham dự vào. Ở đây, há chúng ta không nhìn thấy ý nghĩa các tình yêu của chúng ta hay sao, bất kể tình yêu của chúng ta là tình yêu sáng tạo của cha mẹ (eros), tình yêu lên sức mạnh cho nhau của bạn bè (philia) hay tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu (agape: xem Ga 15:12-17)?)