Jonah McKeown của CNA, ngày 7 tháng 11 năm 2023, tường trình rằng phân tích mới của một cuộc thăm dò toàn quốc được cho là lớn nhất về các linh mục Công Giáo trong hơn 50 năm đã phát hiện ra rằng, cùng với những điều khác, các linh mục tự mô tả mình là “cấp tiến” thực tế đang “tuyệt chủng” trong số các sinh viên tốt nghiệp chủng viện Hoa Kỳ, với đại đa số các tân thụ phong trẻ tuổi tự mô tả mình là người bảo thủ và chính thống.



Được thực hiện bởi The Catholic Project, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Công Giáo America ở Washington, D.C., cuộc thăm dò mới nhất tập trung vào sự phân cực, năng động tính thế hệ và tác động đang diễn ra của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Phần 1 của cuộc thăm dò, được công bố vào tháng 10 vừa qua, cho thấy rằng mặc dù mức độ hạnh phúc cá nhân và sự thỏa mãn của các linh mục nói chung tương đối cao, nhưng một tỷ lệ đáng kể các linh mục gặp vấn đề với sự kiệt sức, mất lòng tin vào vị giám mục của mình và sợ bị buộc tội sai.

Báo cáo mới tháng 11 nhấn mạnh “một số chủ đề xuất hiện từ việc phân tích kỹ hơn các dữ kiện định lượng, cũng như nghiên cứu cẩn thận các dữ kiện định phẩm được thu thập từ các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các linh mục”. Nghiên cứu đã sử dụng các câu trả lời thăm dò từ 3,516 linh mục trên 191 giáo phận và giáo phận đông phương ở Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng các linh mục tự mô tả là “tự do” hoặc “cấp tiến” gần như đã biến mất khỏi nhóm linh mục trẻ nhất và các linh mục tự mô tả mình là “bảo thủ/chính thống” đạt hơn 80% trong số những người được thụ phong sau năm 2020.

Phân tích mới cũng cho thấy quy mô giáo phận có ảnh hưởng đến mức độ tin tưởng của một linh mục đối với giám mục của mình, với các linh mục ở các giáo phận nhỏ hơn có nhiều khả năng tin tưởng vào vị giám mục của họ hơn các linh mục ở các giáo phận lớn hơn. Các linh mục tự coi mình có cùng hệ tư tưởng với giám mục của họ - bất luận về mặt chính trị hay thần học - cũng có xu hướng tin tưởng ngài hơn.

Các linh mục ‘cấp tiến’ sắp ‘tuyệt chủng’

Báo cáo cho biết nó cho thấy một “sự chia rẽ đáng kể” giữa việc tự nhận mình về mặt chính trị và thần học của các linh mục lớn tuổi so với các linh mục trẻ.

Báo cáo khẳng định: “Nói một cách đơn giản, tỷ lệ các tân linh mục tự coi mình là ‘cấp tiến’ về mặt chính trị hoặc ‘cấp tiến’ về mặt thần học đã giảm dần kể từ Công đồng Vatican II và hiện nay gần như đã biến mất”.

“Hơn một nửa số linh mục được thụ phong từ năm 2010 tự coi mình là người bảo thủ. Không có linh mục nào được thăm dò được thụ phong sau năm 2020 tự mô tả mình là ‘rất cấp tiến’”.

Các nhà nghiên cứu cho biết toàn bộ 85% nhóm trẻ nhất tự mô tả mình như “bảo thủ/chính thống” hoặc “rất bảo thủ/chính thống” về mặt thần học, chỉ có 14% tự mô tả mình là “người giữa đường”.

Báo cáo cũng cho biết gần 70% các linh mục được thụ phong vào giữa đến cuối thập niên 1960 tự mô tả mình là người có phần nào đó hoặc rất “tiến bộ”. Đến năm 2020, ít hơn 5% linh mục mô tả mình như vậy.

Các nhà nghiên cứu cho biết Công đồng Vatican II và những tiết lộ năm 2002 về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt với các dữ kiện cho thấy: các linh mục phần lớn bắt đầu coi mình là người “cấp tiến” hơn sau Công đồng Vatican II và “bảo thủ” hơn sau năm 2002.

Những phát hiện của Dự án Công Giáo liên quan đến hệ tư tưởng linh mục phù hợp với các cuộc khảo sát khác về các linh mục Hoa Kỳ trong những năm gần đây, một trong số đó vào năm 2021 đã ghi nhận tri nhận ngày càng tăng về các linh mục trẻ “bảo thủ hoặc chính thống hơn về mặt thần học” so với các đồng nghiệp lớn tuổi của họ.

Ngoài ra, hai linh mục có quan hệ với các chủng viện đã nói chuyện với CNA cho biết kết quả khảo sát phù hợp với kinh nghiệm của chính các ngài về hệ tư tưởng của các thanh niên hiện đang vào và tốt nghiệp chủng viện.

Cha Carter Griffin, giám đốc Chủng viện Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C., cho biết hầu hết các bạn trẻ đến chủng viện của ngài đều mong muốn trở thành “một phần của giải pháp… họ muốn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của Giáo hội.”

Ngài cũng cảnh cáo rằng những nam thanh niên tự nhận mình là “chính thống” không nhất thiết phải ưa thích những thực hành “truyền thống”. Đúng hơn, ngài nói, những người trẻ vào chủng viện ngày nay đang tìm cách trở thành một phần của một điều gì đó lớn lao hơn chính họ, là rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo trong bối cảnh hoàn toàn trung thành với Giáo hội.

Cha Griffin nói trong một cuộc phỏng vấn với CNA, “Không ai muốn hiến mạng sống mình cho một dấu chấm hỏi… Tôi nghĩ những người cởi mở với ý tưởng bước vào chức linh mục sẽ là những người có ý định nhất trong việc đảm bảo rằng họ là người Công Giáo và họ đồng tình với mọi điều,”.

Cha Griffin nói tiếp, “ Những người sắp nhận chức linh mục bây giờ là những người thực sự yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Họ tin vào Giáo Hội. Họ tin rằng Người đã sáng lập ra Giáo Hội. Và vì vậy không có bản năng nào để tin vào bất cứ điều gì khác ngoài những gì Giáo hội tin, để dạy những gì Giáo hội tin”.

“Tôi nghĩ nhiều người trong số đó đang phản ứng trước cơn đắm tầu của chủ nghĩa duy vật thế tục, và nhiều người trong số họ đã nhìn thấy tác động của chủ nghĩa duy vật đó, chủ nghĩa thế tục đó đối với đồng nghiệp của họ. Họ đã nhìn thấy những người bị mắc kẹt trong tội lỗi và họ muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Họ muốn trở thành những người đang giúp mang lại ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho một thế giới dường như đã đánh mất chúng.”

Cha Bryce Sibley, một linh mục của Giáo phận Lafayette, Louisiana, và là điều phối viên đào tạo trí thức tại Chủng viện Notre Dame ở New Orleans, nói với CNA rằng ngài đã thấy một hiện tượng tương tự nơi các chủng sinh của mình, nói rằng ngài đã quan sát thấy “mong muốn có được sự chắc chắn, để rõ ràng hơn, trong một thế giới mà mọi thứ dường như quá lỏng lẻo, quá hỗn loạn và quá không chắc chắn.”

Cha Sibley nói rằng hầu hết các thanh niên đều “theo phe bảo thủ” khi họ vào chủng viện, trong đó nhiều người đã được đào tạo bởi những nhân cách Công Giáo bảo thủ trên mạng. Ngài nói theo kinh nghiệm của mình, “không có ai” hiện đang theo học tại chủng viện của ngài có thể tự mô tả mình là người “cấp tiến”.

Cha Sibley, người được thụ phong linh mục năm 2000, cho biết phần lớn các bạn đồng trang lứa của ngài được truyền cảm hứng để vào chủng viện, ít nhất một phần, nhờ gương của Thánh Gioan Phaolô II. Ngài cho biết theo quan điểm của mình, nhiều linh mục lớn tuổi đã được giáo dục trong thời kỳ mà “sự chú trọng đến mục vụ đến mức các quan điểm trí thức và chính thống gần như bị loại bỏ”.

Ngày nay, ngài nói, việc thiếu “tính chính thống” trong môi trường chủng viện hiện nay ít còn là vấn đề hơn so với trước đây.

Ngài nói, “Các khoa của chủng viện ngày nay thật tuyệt vời. Rất nhiều vấn đề tồn tại trong quá khứ đã được giải quyết. Thực sự mọi chủng viện mà tôi biết đều có đội ngũ giảng viên chính thống sôi nổi, những người thực sự quan tâm đến việc đào tạo các linh mục tốt”.

Đồng thời, Cha Sibley cho biết ngài tìm cách giảng dạy để nhấn mạnh tầm quan trọng không những của việc đào tạo các chủng sinh về mặt trí tuệ mà còn trao cho họ những công cụ để biến họ thành những người truyền đạt và mục tử hữu hiệu cho những người Công Giáo mà họ sẽ phục vụ.

Ngài nói, “[Chúng ta] cần các linh mục không chỉ có khả năng hiểu biết thần học, có khả năng thuyết giảng tốt mà còn có khả năng quản lý một giáo xứ, có khả năng hướng dẫn một đàn chiên.”

Cha Griffin, người đã giữ chức vụ giám đốc trong 5 năm qua, cho biết ngài nghĩ rằng sự xuất hiện của các linh mục trẻ tự nhận mình là chính thống, một phần là do các thanh niên được thúc đẩy bởi gương sáng của các linh mục mới được thụ phong trong các giáo phận và giáo xứ của họ, nhiều người trong số đó không già hơn họ là bao.

Cha Griffin nói: “Tôi nghĩ rằng điều chúng ta cần để giúp đỡ những thanh niên này là có được một tình yêu sâu sắc và trưởng thành đối với Giáo hội như hiện trạng”.

“Không phải lúc nào chúng tôi cũng mong muốn Giáo Hội như vậy, hoặc mọi quyết định của một giám mục hay một giáo hoàng đều là điều chúng tôi mong muốn. Nhưng đó vẫn là Giáo hội. Và nếu chúng ta tin điều đó thì chúng ta phải tin điều đó đến cùng.”

Trách nhiệm giải trình trước Đức Giáo Hoàng

Các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia cuộc thăm dò xem họ có coi trọng trách nhiệm giải trình của mình đối với nhiều người hoặc các phe khác nhau hay không: “Thiên Chúa”, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, “giám mục của tôi”, “các anh em linh mục của tôi”, “giáo dân trong xứ của tôi”, “hàng ngũ giáo dân” và “công chúng."

Các nhà nghiên cứu nhận thấy 67% linh mục trong nhóm linh mục được thụ phong từ năm 2000 đồng ý rằng họ coi trọng trách nhiệm giải trình của mình trước Đức Giáo Hoàng, so với 82% những linh mục được thụ phong trước năm 1980. Tương tự, 64% linh mục dưới 45 tuổi đồng ý rằng họ coi trọng trách nhiệm giải trình trước Đức Giáo Hoàng Phanxicô so với 82% linh mục trên 75 tuổi.

Cha Matthew Schneider, linh mục của Đạo Binh Chúa Kitô và là giáo sư thần học tại Belmont Abbey College, cho biết ngài tin rằng phương tiện truyền thông xã hội có xu hướng “nhấn mạnh đến những thái cực” và khuếch đại những tiếng nói chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khi ngài tin rằng hầu hết các linh mục, đặc biệt là những người được giao phó cho một giáo xứ, tập chú vào thừa tác vụ vụ hàng ngày của họ và không chú ý nhiều đến các cuộc tranh luận trực tuyến.

Cha Schneider, người duy trì sự hiện diện tích cực trên mạng xã hội, nói với CNA: “Hầu hết các linh mục mà tôi biết nhìn chung đều ủng hộ Đức Giáo Hoàng”.

“Những người ở giữa có thể bị nhấn chìm trong xu hướng tự nhiên dựa vào mạng xã hội để trở nên cực đoan. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người Công Giáo, rất nhiều linh mục, ở mức trung bình nhiều hơn. Chúng tôi muốn tuân theo toàn bộ huấn quyền. Chúng tôi tuân theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Cha Schneider nói rằng trong số các linh mục mà ngài biết, nhiều vị đánh giá cao sự nhấn mạnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về và tấm gương bản thân của việc chăm sóc những người bên lề xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngài hoặc những người đồng cấp của ngài nghĩ rằng mọi lời nói hay quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều hoàn hảo.

Cha Schneider nói thêm, “Chúng tôi thường nghĩ rằng ngài đang làm tốt công việc; chúng ta có thể phê phán một số quyết định trong một số trường hợp nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa ngài là một giáo hoàng tồi, hay ngài là một giáo hoàng độc ác. Và tôi nghĩ rất nhiều người nghĩ như thế.”

Cha Griffin nói rằng tại chủng viện của ngài, họ tìm cách nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng không phải “chỉ là một cơ quan chính trị khác mà chúng tôi đồng ý hoặc không đồng ý với” mà đúng hơn Đức Giáo Hoàng là “cha của một gia đình”.

Cha nhận định, “Các vị giáo hoàng sẽ có những tính cách khác nhau và những ưu tiên khác nhau. Và điều gì làm chúng ta trở thành người Công Giáo, một phần, là… có thể có được tình yêu ấy dành cho Đức Thánh Cha, bất kể Đức Thánh Cha là ai, và ý thức vâng phục và tôn trọng ngài”.

“Tuy nói thế, nhưng vẫn có thể có những phán đoán thuộc lãnh vực khôn ngoan mà vị giáo hoàng đưa ra khiến người ta có thể không đồng ý. Và tôi nghĩ rằng tuy có thể thực hiện một số phân biệt nào đó, tôi vẫn có thể yêu thương, tôn trọng và tuân theo mà không nhất thiết phải đồng ý với mọi điều vị giáo hoàng nói và làm.”

Tín thác và phân cực

Chuyển sang chủ đề tín thác, báo cáo tháng 10 năm 2022 quả quyết rằng trung bình, 49% linh mục giáo phận nói chung ngày nay bày tỏ sự tin tưởng vào vị giám mục của họ. Mức độ tin cậy thay đổi đáng kể giữa các giáo phận, và các dữ kiện cho thấy mức độ tin cậy đã giảm từ 63% vào năm 2001 - một năm trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục bùng nổ ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều tiết lộ về việc các giám mục xử lý sai các trường hợp lạm dụng.

Trong phân tích mới, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng kích cỡ của giáo phận có ảnh hưởng vừa phải đến niềm tin của các linh mục đối với giám mục của họ, với mức độ tin cậy giữa các giáo phận Hoa Kỳ dao động từ 100% đến chỉ còn 9%. Các nhà nghiên cứu cho biết một lý do cho điều này có thể là các linh mục trong các tổng giáo phận rất lớn gặp khó khăn trong việc đích thân tìm hiểu các giám mục của họ như các linh mục ở các giáo phận nhỏ hơn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngoài kích cỡ của giáo phận, tri nhận của một linh mục cho rằng vị giám mục của mình có chia sẻ quan điểm thần học và chính trị của mình – hay không – tự cho thấy nó có tính dự báo về mức độ tin cậy của ngài đối với vị giám mục đó.

Thí dụ, người ta nói rằng nếu một linh mục tự mô tả mình là người bảo thủ về mặt thần học và tin rằng vị giám mục của mình cũng là người bảo thủ về mặt thần học, thì có khả năng là ngài sẽ báo cáo mức độ tin tưởng cao độ vào vị giám mục của mình.

Ngược lại, nếu một linh mục nói rằng ngài không đồng tình với giám mục của mình về các vấn đề thần học hoặc quan điểm chính trị, thì vị này sẽ cho rằng mình không tin tưởng lắm vào sự lãnh đạo của giám mục.

Các nạn nhân giáo sĩ bị lạm dụng, các linh mục là những người ứng phó đầu tiên

Các nhà nghiên cứu yêu cầu các linh mục đồng ý, không đồng ý hoặc chọn không trả lời câu tuyên bố “Bản thân tôi đã từng bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục hoặc chịu hành vi sai trái về tình dục trong quá trình đào tạo hoặc chủng viện của tôi”. 85% nói không, 9% nói có và 6% nói họ không chắc chắn hoặc không muốn trả lời.

Các linh mục là nạn nhân của lạm dụng tình dục và nói về trải nghiệm của mình một cách công khai là tương đối hiếm. Một nhân vật công như vậy là Cha John Riccardo, một linh mục của Tổng Giáo phận Detroit, người đã sáng lập Dự án Giải cứu, một loạt video và khóa học thảo luận nhằm trang bị cho các giáo sĩ và lãnh đạo giáo dân để chia sẻ sứ điệp Tin Mừng.

Riccardo đã lên tiếng công khai, cả trong các video Dự án Giải cứu của ngài và những nơi khác, về việc bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, điều mà ngài nói diễn ra dưới bàn tay của nhiều người không thuộc gia đình ngài. Ngài nói rằng sự lạm dụng mà ngài phải chịu khiến ngài cảm thấy “có thể dùng một lần rồi vứt bỏ” và “có thể bị loại bỏ” nhưng ngài đã tìm được sự chữa lành thông qua Giáo hội.

Cha Riccardo nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “30 năm trước tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ [thông tin] đó - có thể với một vị linh hướng. Bây giờ, tôi luôn chia sẻ điều này”.

Ngài nhận định rằng Chúa Giêsu “không ngần ngại cho thấy những vết thương của Người” và làm cho Người dễ bị tổn thương. Đồng thời, cha nói rằng sự kiện đó là một phần lý do khiến hôm nay cha nói về việc bị lạm dụng và về việc chữa lành của cha.

Cha Riccardo nói tiếp, “Tôi chia sẻ nó vì rất nhiều lý do. Tôi nghĩ Giáo hội đang rất cần học cách trở lại làm nhân bản; tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề cơ bản nhất trong Giáo hội. Chúng ta thường hay có mối quan hệ rất chức năng và mang tính giao dịch với nhau. Không phải luôn luôn, nhưng thường hay. Và bạn không thể yêu những gì bạn không biết”.

Quay trở lại cuộc thăm dò, 69% linh mục nói rằng các ngài cảm thấy đã chuẩn bị tốt để phục vụ một nạn nhân bị lạm dụng, và 54% cho biết các ngài đã làm như vậy. 71% linh mục cho hay biết ít nhất một nạn nhân sống sót sau vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, với 11% biết năm người trở lên.

Giữ các linh mục ở lại

Chỉ 4% linh mục trả lời khẳng định cho câu tuyên bố “Tôi đang nghĩ đến việc rời bỏ chức linh mục”. Theo các nhà nghiên cứu, một số yếu tố liên quan đến khả năng cân nhắc rời chức linh mục cao hơn bao gồm sự thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của giám mục, độ tuổi trẻ hơn và sự thiếu hỗ trợ tri nhận hoặc thực sự.

Cha Griffin cho biết tại chủng viện của ngài, người ta nghĩ rất nhiều về những cách họ có thể chủ động đề cập tới những lý do khiến một người sau này có thể rời bỏ chức linh mục.

Ngài nhận định: “Nền văn hóa của quảng đại quần chúng là một nền văn hóa không thân thiện đối với việc dấn thân.

“Và những người này cũng giống như tất cả chúng ta, hít thở không khí đó. Đó là một bầu không khí thực sự có thể gây độc hại cho các cuộc hôn nhân, những cuộc hôn nhân chung thủy, cho các linh mục kiên trì. Và đó là một phần những gì chúng tôi đang nỗ lực chống lại trong nền văn hóa rộng lớn hơn này.”

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cách các linh mục ở Hoa Kỳ nhìn bản thân và chức linh mục của họ”.

“Các linh mục trẻ hơn có nhiều xác suất hơn các đồng nghiệp lớn tuổi của các ngài trong việc tự mô tả mình như người bảo thủ hoặc ôn hòa về mặt chính trị. Các linh mục trẻ hơn cũng có nhiều xác suất coi mình chính thống hoặc bảo thủ hơn các linh mục lớn tuổi về phương diện thần học. Những thay đổi này có thể là nguồn gốc của va chạo và căng thẳng, đặc biệt giữa các linh mục trẻ và lớn tuổi.”

Họ cho biết, điều đáng lưu ý là phần lớn các linh mục (71%) nói rằng họ biết ít nhất một nạn nhân của giáo sĩ lạm dụng tình dục, trong khi chỉ có 30% linh mục biết ba người trở lên.

Các nhà nghiên cứu nói tiếp: “Trong bối cảnh của tất cả những thách thức này, các linh mục phần lớn vẫn hài lòng với sứ vụ của mình và rất ít (4%) đang cân nhắc việc rời bỏ chức linh mục”.

“Chúng tôi hy vọng rằng dữ kiện được trình bày ở đây có thể củng cố sự hiểu biết đó nơi tất cả người Công Giáo, nhưng đặc biệt đối với các giám mục và linh mục của chúng ta, những người rất nhiều điều đang phụ thuộc vào.”