Trên VietCatholic mấy ngày qua, Cha Nguyễn Văn Nghĩa của Giáo phận Ban Mê Thuột có bài viết về vạ tuyệt thông, phần lớn là các nhận định tiêu cực về nó với ước nguyện bãi bỏ nó vì những nhận định tiêu cực này.

Tuyệt thông Martin Luther


Theo Cha, vạ tuyệt thông là “cái giá phải trả cho sự thiếu khoan dung, đúng hơn là các hành vi ‘dứt sữa nhau’”. Dứt sữa được cha hiểu là “triệt đường sống của một ai đó”.

Sau đó, Cha dựa vào lịch sử để quả quyết chính vạ tuyệt thông mới “thực sự cắt đứt mối hiệp thông giữa hai Hội Thánh”, Chính Thống và Công Giáo năm 1054; cũng chính vạ tuyệt thông năm 1521 “mới chính là lưỡi dao làm đoạn tuyệt các mối liên lạc giữa Hội Thánh Công Giáo với anh em Tin lành”; năm 1533, vạ tuyệt thông được ban hành cho Vua Henry VIII, với hậu quả là ông vua này “tổ chức một Giáo Hội Quốc Gia”. Kết luận là “Đọc những dòng trên đây, chắc hẳn chúng ta nhận ra sự tác hại của lưỡi dao ‘dứt phép thông công’”. Vì, “Án hình ‘dứt phép thông công’ chính là một sự triệt đường sống về tâm linh, về tinh thần”.

Các nhận định của Cha Nghĩa có thể không sai, chỉ có điều, các trường hợp được Cha Nghĩa trưng dẫn đều đã diễn ra cách nay ít nhất cũng đã 5, 6 thế kỷ rồi, trong lúc ấy, cái hiểu về vạ tuyệt thông đã có nhiều thay đổi và là những thay đổi khá triệt để, ít nhất không còn là “dứt sữa nhau” như kiểu nói của Cha Nghĩa nữa. Rất tiếc, trong bài viết của ngài, Cha Nghĩa đã không trình bầy những thay đổi này, khiến độc giả có thể có sự hiểu lầm về việc, như Cha viết: “Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo chúng ta đã mạnh mẽ lên án việc chấm dứt sự sống của kẻ khác bằng án tử hình. Nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Quốc Hội nước Việt Nam chúng ta cũng đã từng xem xét việc bãi bỏ án hình này. Thế thì tại sao chúng ta không bỏ hẳn thứ án hình ‘dứt phép thông công’, một án hình không khác gì tiêu diệt sự sống tâm linh của người bị án”.

Chúng tôi xin dựa vào một số tác giả để trình bầy cái hiểu hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo về vạ tuyệt thông.

Jimmy Akin trên trang mạng https://www.catholic.com/magazine/online-edition/excommunication-its-not-what-you-think ngày 14 tháng 7 năm 2023 có bài viết The Truth About Excommunication. Theo ông, một trong các hiểu lầm thông thường là với vạ tuyệt thông, người phạm tội “bị đá ra khỏi Giáo Hội. Nó đã có nghĩa này, nhưng hiện nay không còn nghĩa đó nữa”.

Muốn hình dung vạ tuyệt thông là gì ta phải nhìn vào giáo luật, một luật đã thay đổi đáng kể trong các thế kỷ qua. Trong phần lớn thế kỷ 20, giáo luật được hiện thân trong Bộ Giáo Luật năm 1917, nhưng Bộ Luật này đã được thay thế bằng bộ luật mới năm 1983. Năm 2021, Đức Phanxicô đã thay thế Cuốn VI của Bộ Luật năm 1983 về các Chế Tài Hình Sự Trong Giáo Hội, trong đó, có vạ tuyệt thông.

Theo Bộ Luật 1917, với vạ tuyệt thông, người phạm tội quả bị đá ra khỏi Giáo Hội. Nó dự liệu rằng “vạ tuyệt thông là hình phạt qua đó, người ta bị loại trừ khỏi hiệp thông tín hữu” (điều 2257 §1). Tuy nhiên, điều này đã không còn được nhắc lại trong Bộ Luật năm 1983, và do đó, nó mất hiệu lực (Bộ Giáo Luật 1983, 6 §1). Như thế, ngày nay, bị vạ tuyệt thông không có nghĩa người phạm tội không còn ở trong Giáo Hội nữa, họ vẫn là Kitô hữu và nếu là linh mục thì họ vẫn là linh mục và Giáo Hội không bao giờ dám đụng đến mối liên hệ trực tiếp giữa họ và Thiên Chúa.

Điều đáng tiếc là trên trang mạng của Giáo phận Vĩnh Long, trong bài “Vạ Tuyệt Thông Là Gì?” năm 2014, tác giả đã định nghĩa vạ tuyệt thông theo bộ Giáo luật 1917: “Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự ‘hiệp thông’ với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội”.

Định nghĩa như thế dường như đã chỉ tham khảo các tài liệu có trước năm 1983, tức trước khi Bộ Giáo Luật 1917 chính thức bị khai trừ bởi bộ giáo luật mới năm 1983. Thực vậy, Từ điển “Modern Catholic Dictionary” của Cha John A. Hardon, S.J. định nghĩa “Vạ tuyệt thông. Một hình phạt của Giáo Hội qua đó, một người bị ít hay nhiều loại trừ khỏi hiệp thông tín hữu”. Từ điển này được Imprimatur năm 1979 và Ấn bản bỏ túi của nó đã được chuyển dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2008 bởi Linh mục Đặng Xuân Thành và Nhóm Chánh Hưng, lẽ dĩ giữ nguyên định nghĩa này.

Một cuốn từ điển khác bằng tiếng Pháp “Dictionnaire de la foi Chrétienne” của các tác giả Olivier de la Brosse, Antonin-Marie Henry và Philippe Rouillard, được dịch sang tiếng Viêt với tựa đề “Từ điển Đức tin Kitô giáo” không rõ tên dịch giả và năm xuất bản, cũng định nghĩa vạ tuyệt thông tương tự như Cha Haldon: “Vạ tuyệt thông. Hình phạt trị liệu, hoặc sự khiển trách khiến cho một Kitô hữu phạm pháp và cố chấp bị loại trừ ra khỏi sự hiệp thông của các tín hữu”. Điều này dễ hiểu vì cuốn nguyên ngữ được xuất bản năm 1968.

Điều đáng lưu ý là Bộ Bách Khoa Từ Điển Công Giáo bằng tiếng Anh, xuất bản đầu thế kỷ 20, trùng hợp với Bộ Giáo Luật 1917, đã có cái nhìn khá nhẹ nhàng về vạ tuyệt thông. Nó định nghĩa như sau: “vạ tuyệt thông (tiếng Latinh ex, ra khỏi,và communio hay communicatio, hiệp thông - loại trừ khỏi sự hiệp thông), sự khiển trách chính yếu và nghiêm khắc nhất, là một hình phạt về mặt thiêng liêng, có tính chữa lành (medicinal), tước quyền tham dự vào các ơn phúc chung của xã hội giáo hội. Là một hình phạt, nó giả thiết việc có tội; và là hình phạt nghiêm trọng nhất mà Giáo hội có thể áp dụng, đương nhiên nó giả thiết phải có một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Nó cũng là một liều thuốc chữa lành chứ không phải là một hình phạt mang tính báo thù, nhằm mục đích, không hẳn để trừng phạt thủ phạm cho bằng sửa sai họ và đưa họ trở lại con đường lẽ phải. Do đó, nó nhất thiết phải tính đến tương lai để ngăn chặn việc tái diễn một số hành vi phạm tội gây hậu quả nặng nề bên ngoài, hoặc đặc biệt hơn là thúc giục người phạm tội thực hiện các nghĩa vụ do hành vi phạm tội của mình gây ra. Mục đích và tác dụng của nó là mất đi sự hiệp thông, tức là mất đi những ơn phúc thiêng liêng vốn được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của xã hội Kitô giáo; do đó, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến những người nhờ phép rửa được gia nhập vào xã hội đó. Chắc chắn có thể và thực sự tồn tại những biện pháp hình sự khác dẫn đến việc mất đi một số quyền cố định; trong số đó có những lời chỉ trích khác, ví dụ: đình chỉ giáo sĩ, cấm đoán giáo sĩ và giáo dân, phạm tội bất hợp pháp, v.v. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông được phân biệt rõ ràng với những hình phạt này ở chỗ nó tước bỏ mọi quyền lợi xuất phát từ tư thế xã hội của người Kitô hữu. Quả thật, người bị vạ tuyệt thông không ngừng là một Kitô hữu, vì phép rửa của họ không bao giờ có thể bị xóa bỏ; tuy nhiên, họ có thể bị coi là một kẻ bị lưu đày khỏi xã hội Kitô giáo và không hiện hữu, ít nhất trong một thời gian, dưới con mắt của thẩm quyền giáo hội. Nhưng sự lưu đày như vậy có thể chấm dứt (và Giáo hội mong muốn điều đó), ngay khi người phạm tội đã có được sự đền tội thích đáng. Trong khi đó, tư thế của họ trước mặt Giáo hội là một người xa lạ. Họ không được tham gia vào việc thờ phượng công cộng cũng như không nhận Mình Thánh Chúa Kitô hoặc bất cứ bí tích nào. Hơn nữa, nếu là giáo sĩ, họ không được phép thực hiện một nghi lễ thánh thiêng hoặc thực hiện một hành vi thẩm quyền thiêng liêng nào”.

Như thế, Bách khoa Từ điển Công Giáo này, tuy vẫn theo từ nguyên mà định nghĩa tuyệt thông là bị trục xuất khỏi hiệp thông tín hữu, nhưng hiểu là các phúc lợi chung của xã hội Kitô giáo, chứ không hẳn bị đẩy ra ngoài Giáo Hội. Hơn nữa định nghĩa này nhấn mạnh tới khía cạnh chữa lành (medicinal) hơn là trừng phạt (vindictive). Dù sao, tư duy Công Giáo đầu thế kỷ 20, được phản ảnh trong bộ Giáo luật 1917, chưa thoát ra ngoài não trạng nếu chưa hẳn là báo thù thì ít nhất cũng trừng phạt tối đa để bảo vệ công lý.

Thực ra, bảo vệ công lý, cho tới tận nay, năm 2023, vẫn là mục tiêu của các án hình trong Giáo Hội. Thực vậy, với Tông hiến “Pascite Gregem Dei” (Hãy chăm sóc Đoàn chiên Thiên Chúa) ngày 23/5/2021, tức tông hiến sửa đổi Cuốn VI của Bộ Giáo luật 1983 liên quan đến các án hình trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô yêu cầu các đấng bản quyền: “quan tâm đến ba mục đích làm cho nó [án hình] cần thiết trong cộng đoàn Giáo hội, tức là tái lập các đòi hỏi của công lý, sửa sai tội nhân và sửa chữa các tai tiếng”.

Vốn là vị Giáo Hoàng của lòng thương xót, Đức Phanxicô lưu ý đặc biệt đến đức ái trong việc áp dụng án hình. Nhưng đức ái được ngài nói đến là đức ái buộc “ một người Cha cũng dấn thân sửa lại những gì đôi khi bị sai lệch”.

Về khía cạnh này, Đức Phanxicô viết: “Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, từ thời các Tông đồ, Giáo hội đã thiết lập các quy luật lệ và qui định ứng xử mà, suốt nhiều thế kỷ, đã lên khuôn một bộ các chuẩn mực bó buộc chặt chẽ nhằm bảo toàn sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa. Các Giám mục có trách nhiệm bảo đảm sao cho chúng được tuân giữ, vì chúng phản ảnh đức tin mà tất cả chúng ta đều tuyên xưng, và từ đó chúng rút ra sức mạnh bó buộc của chúng; được xây dựng trên đức tin, chúng biểu lộ lòng thương xót từ mẫu của Giáo hội, vốn biết rằng mục đích của nó luôn là sự cứu rỗi các linh hồn”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến trách nhiệm của các chủ chăn: “Trách nhiệm áp dụng đúng đắn án hình cách cụ thể thuộc về các chủ chăn và các bề trên của mỗi cộng đoàn. Đó là một nhiệm vụ không thể được tách rời với nhiệm vụ mục vụ được giao phó cho họ, và phải được thực thi như một đòi hỏi đức ái cụ thể và bất khả lẩn tránh không chỉ đối với Giáo hội, với cộng đoàn Kitô hữu và với các nạn nhân có thể có, nhưng còn đối với người đã phạm tội, đang cần đến cả lòng thương xót và sự sửa chữa của Giáo hội”.

Ngài viết thêm: “Trong quá khứ, sự thiệt hại lớn lao đã diễn ra do việc không đánh giá được mối tương quan mật thiết hiện hữu trong Giáo hội giữa việc thực thi đức ái và việc nại đến – khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi – các chế tài kỷ luật. Cách suy nghĩ này, như kinh nghiệm đã dạy, có nguy cơ dẫn đến việc khoan thứ tác phong vô luân, mà với nó, chỉ những lời khuyến cáo hay những gợi ý mà thôi thì không phải là một phương dược đầy đủ được. Hoàn cảnh này thường bao hàm mối nguy hiểm với thời gian, tác phong như thế trở thành cố thủ, khiến việc sửa sai càng khó khăn hơn và, trong nhiều trường hợp, tạo ra tai tiếng và hoang mang nơi các tín hữu. Chính vì thế, đối với các chủ chăn và bề trên, việc áp dụng các hình phạt trở nên cần thiết. Sự chểnh mảng của một chủ chăn trong việc nại đến hệ thống hình sự cho thấy rõ rằng họ không chu toàn cách đúng đắn và trung thành chức năng của mình, như tôi đã minh nhiên khẳng định như thế trong các văn kiện gần đây, trong số đó là các Tông thư dưới hình thức “Tự sắc” (“Như một người mẹ yêu thương”, ngày 4/6/2016 và “Các con là ánh sáng cho trần gian”, ngày 7/5/2019)”.

Trong ba mục đích của án hình nói chung, khía cạnh sửa sai phạm nhân nổi bật nơi các chế tài hình sự gọi là dược hình [medicinal] như cách dịch của Cha Giuse Đỗ Đức Dũng, SDB (http://vietcatholic.com/Media/RevisedBook6Canonlaw.pdf). Thực vậy, theo Đức Cha Markus Graulich, phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp, trong cuộc phỏng vấn của Edward Pentin thuộc National Catholic Register (nhân dịp ban hành tông hiến Pascite Gregem Dei (https://vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText= Tông hiến của Đức Phanxicô thay thế Quyển Sáu Bộ Giáo Luật 1983 theo giải thích của Tòa Thánh), trong Giáo hội, “sự cứu rỗi các linh hồn… luôn phải là luật tối cao (điều 1752). Theo nghĩa này, luật hình sự phục vụ cho việc cứu rỗi các linh hồn. Điều đó rất rõ ràng trong điều gọi là hình phạt chữa trị (tuyệt thông, ngưng chức và cấm chế [interdict]). Tất cả đều như một lời mời gọi rút chân ra khỏi hành vi sai lạc. Các hình phạt khác được gọi là hình phạt đền tội [thục hình, Đỗ Dũng] vì chúng cố gắng khôi phục công lý và cải tạo người phạm tội”.

Như thế, vạ tuyệt thông không nhằm mục đích nào khác ngoài việc chữa trị, mong người sai phạm trở về. Nếu họ không trở về thì theo ý kiến của Edward Peters, một giáo luật gia kỳ cựu, giáo sư luật tại Đại Chủng Viện Sacred Heart của Tổng giáo phận Detroit, là do họ muốn như thế, chứ không phải do chức sắc của Giáo Hội muốn báo thù (https://www.simplycatholic.com/excommunication/) hay triệt đường sống, “dứt sữa nhau”.

Thực ra, như trên đã nói, trong Giáo Hội quả đã có thời người ta có não trạng đó, coi vạ tuyệt thông như chuyện “dứt sữa nhau”. Xin trích dẫn Bách Khoa Từ Điển Công Giáo cũ: “ Trong những thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt giữa vạ tuyệt thông và việc loại trừ để đền tội; để dị biệt hóa chúng một cách thỏa đáng, chúng ta phải chờ sự suy giảm của định chế đền tội công khai và sự tách biệt rõ ràng giữa những điều thuộc tòa trong, hoặc tòa án lương tâm và tòa ngoài, hoặc tòa án công khai của giáo hội; tuy nhiên, việc nhận cho một tội nhân thực hiện việc đền tội công khai là hậu quả của việc bị vạ tuyệt thông thực sự trước đó. Mặt khác, việc chính thức bị loại khỏi việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác chỉ là một vạ tuyệt thông giảm nhẹ và giống hệt với vạ tuyệt thông nhẹ. Dù sao đi nữa, trong những thế kỷ đầu tiên, vạ tuyệt thông không được coi là một biện pháp đơn giản bên ngoài; nó đụng tới linh hồn và lương tâm. Nó không những cắt đứt mối ràng buộc bên ngoài đã duy trì cá nhân ở vị trí của mình trong Giáo hội; nó còn cắt đứt mối liên kết nội bộ, và án phạt ở dưới đất được trên trời chuẩn nhận. Đó là lưỡi gươm thiêng liêng, hình phạt nặng nề nhất mà Giáo hội có thể giáng xuống (xem các văn bản giáo phụ được trích dẫn trong Sắc lệnh Gratian, cc. xxxi, xxxii, xxxiii, C. xi, q. iii). Do đó, trong sắc chỉ “Exsurge Domine” (16 tháng 5 năm 1520) Đức Leo X đã lên án một cách chính đáng đề xuất thứ 23 của Luther, theo đó “vạ tuyệt thông chỉ là những hình phạt bên ngoài, chúng không tước đoạt những lời cầu nguyện thiêng liêng chung của Giáo hội khỏi người ta”. Đức Piô VI cũng lên án (Auctorem Fidei, 28 tháng 8, 1794) đề nghị thứ 46 của Thượng hội đồng giả Pistoia, một đề nghị khẳng định rằng hiệu lực của vạ tuyệt thông chỉ mang tính bên ngoài vì từ bản chất của nó, nó chỉ loại trừ khỏi sự hiệp thông bên ngoài với Giáo hội, như thể, theo Đức Giáo Hoàng, vạ tuyệt thông không phải là một hình phạt tinh thần ràng buộc trên thiên đàng và ảnh hưởng đến các linh hồn. Do đó, mệnh đề nói trên đã bị lên án là sai lầm, nguy hiểm, đã bị lên án trong mệnh đề thứ hai mươi ba của Luther, và ít nhất có thể nói là sai lầm”.

Chuyện tất nhiên xẩy ra là đã có rất nhiều lạm dụng trong việc áp dụng não trạng này. Cũng theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo cũ, nó đã được áp dụng bừa bãi, cả cho những tội phạm chẳng có chi là trầm trọng, khiến lòng dân khinh bỉ án hình này. Thành thử Công đồng Trent buộc phải khuyến cáo mọi Giám Mục và giáo phẩm phải chừng mực hơn trong việc sử dụng nó (Sess. XXV, c. iii, De ref.). Công đồng phán quyết: “mặc dù lưỡi gươm tuyệt thông là chính gân cốt của kỷ luật Giáo Hội, và rất có tính bổ ích trong việc giữ cho người ta tuân hành bổn phận của họ, nhưng nó phải được sử dụng cách điều độ và hết sức thận trọng; kinh nghiệm dạy rằng nếu nó được thi hành một cách bừa bãi hoặc vì những lý do không nghiêm trọng, nó sẽ bị khinh bỉ thay vì sợ hãi, và tạo nhiều điều xấu hơn điều tốt”.

Chính vì thế mà Tông hiến Pascite Gregem Dei của Đức Phanxicô có phụ đề là “tránh các điều xấu nghiêm trọng hơn”. Tuy nhiên, ý hướng của Đức Phanxicô vẫn không hẳn là làm nhẹ các điều khoản liên quan đến vạ tuyệt thông như đã được qui định trong Bộ Luật năm 1983, không những thế còn tăng cường chúng.

Thật vậy, trong cuộc phỏng vấn của Edward Pentin, Đức Cha Markus Graulich, phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp, nhận định rằng “luật hình sự ban đầu của Bộ luật năm 1983 khá yếu và thường không đủ mạnh mẽ. Ông thường tìm thấy những cụm từ như ‘có thể bị trừng phạt’ và toàn bộ việc thi hành bản văn chứa trong Quyển VI không khuyến khích việc áp dụng các hình phạt. Nhiều điều được để mặc cho quyết định của các giám mục và các bề trên khác trong Giáo hội, và không phải lúc nào các ngài cũng có thể (và đôi khi có lẽ không sẵn lòng) áp dụng luật hình sự vào thực tế. Ông nên nhớ rằng toàn bộ việc duyệt xét Bộ Giáo luật diễn ra sau Công đồng Vatican II khi nhiều nhà thần học và mục tử đặt câu hỏi liệu có cần phải có luật trong Giáo hội hay không, chứ chưa nói đến luật hình sự. Trong những năm gần đây, nhất là trong hai thập niên gần đây, mọi sự đã thay đổi. Có một ý thức mới tin rằng Giáo hội không chỉ cần bất cứ luật lệ nào mà cần một thứ luật lệ tốt. Cuộc khủng hoảng xung quanh việc lạm dụng các vị thành niên cũng đã dẫn đến một đánh giá mới về luật hình sự trong Giáo hội. Đã có một sự nhấn mạnh mới về hình phạt đối với những người lạm dụng các vị thành niên và Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI, và Đức Phanxicô đã ban hành các luật lệ chuyên biệt trong lĩnh vực này. Vì những luật này không phải là một phần của Bộ luật chung, một trong những mục đích của cuộc cải cách là tích nhập luật lệ mới này vào Bộ luật chung. Thời thế đã thay đổi và luật lệ cần phải được cập nhật”.

Đúng như nhận định của nhà giáo luật học Eaward Peters khi ông viết: “Phần lớn người Công Giáo biết rằng vạ tuyệt thông đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội kể từ thời xa xưa. Nhiều người cho rằng thủ tục gây tranh cãi này bị xếp vào loại sách lịch sử sau Công Đồng Vatican II. Cho như thế là sai. Vạ tuyệt thông vẫn còn là phần quan trọng của bộ giáo luật. Thực vậy, có những dấu hiệu cho thấy trong những năm tới nó sẽ còn đóng một vai trò trong đời sống Giáo Hội lớn hơn điều chúng ta quen thấy”.

Sở dĩ như thế, vì theo Đức Cha Markus Graulich, “Giờ đây, chúng ta đang phải đối phó với các vi phạm hoặc trọng tội chống lại đức tin và sự hợp nhất của Giáo hội, chống lại thẩm quyền Giáo hội và việc thi hành nhiệm vụ, chống lại các bí tích, chống lại danh tiếng và tội giả dối, chống lại các nghĩa vụ đặc biệt và sự sống, phẩm giá và tự do của con người.

"Bây giờ cũng có một điều luật khá dài, điều 1336, với một danh sách các hình phạt có thể có. Trước đây, đối với các giám mục và bề trên, không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ‘một hình phạt chính đáng’ sẽ là như thế nào. Bây giờ các ngài có nhiều thí dụ sẵn đấy, bao gồm 14 mệnh lệnh, lệnh cấm và tước quyền bao gồm việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ”.

Ngài cũng cho là “Cách dùng lời của bộ luật cũ thường không khuyến khích việc áp dụng luật hình sự. Điều này, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong Tông Hiến về việc ban hành Bộ luật mới, thường gây ra thiệt hại lớn hơn và dẫn đến những tình huống trong đó một số hành vi lệch lạc trở nên cố thủ và không dễ sửa chữa. Tôi sẽ đưa ra một số thí dụ, cố gắng không quá kỹ thuật: Điều luật đầu tiên của Quyển VI, tức điều 1311, có đoạn thứ hai mới thiết lập giọng điệu cho những điều tiếp theo. Đoạn này quả quyết rằng một phần của việc lãnh đạo mục vụ trong Giáo hội cũng là việc hướng dẫn cộng đồng ‘qua việc áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt, phù hợp với các quy định của luật, luôn phải được áp dụng một cách công bằng theo giáo luật và lưu ý đến việc phục hồi công lý, cải tạo phạm nhân, và sửa chữa tai tiếng’. Ở đây, chúng ta cũng tìm thấy mục tiêu của các chế tài hình sự trong Giáo hội: khôi phục công lý, cải tạo người phạm tội và sửa chữa tai tiếng. Điều đó cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tông hiến của ngài”.

Ngài nói thêm: “Rồi điều luật 1341 trong phiên bản cũ xác định rằng, ‘Vị bản quyền phải thận trọng chỉ khởi xướng một diễn trình tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt sau khi đã xác định chắc chắn rằng việc sửa chữa hoặc quở trách theo tình huynh đệ hoặc các biện pháp mục vụ khác không thể sửa chữa đầy đủ việc tai tiếng, khôi phục lại công lý, cải tạo người phạm tội’. Bộ giáo luật sửa đổi nêu rõ: ‘Vị bản quyền phải bắt đầu một thủ tục tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt khi ngài nhận thấy mọi phương pháp chăm sóc mục vụ, đặc biệt là việc sửa chữa theo tình huynh đệ, lẫn việc cảnh cáo hoặc sửa sai, cũng không khôi phục được công lý, cải tạo được phạm nhân, sửa chữa được tai tiếng’. Điều này có vẻ như không phải là một thay đổi lớn, nhưng nó vẫn quan trọng, vì quan điểm đã thay đổi và hy vọng cả việc thực hành cũng vậy.

“Trong một số điều luật của Quyển VI hiện nay, chúng ta thấy, đối với một số hành vi trọng tội nào đó, một người ‘có thể bị trừng phạt’. Cụm từ này hiện đã không còn. Nếu ai đó mắc một vi phạm hoặc một trọng tội được liệt kê trong luật hình sự, người đó phải bị trừng phạt. Điều này lấy đi việc biện phân của các Giám mục và Bề trên, vì các ngài không còn có thể quyết định liệu có nên áp dụng hình phạt hay không, mà phải bảo đảm để luật lệ được áp dụng”.

Áp dụng luật trong ý hướng cứu rỗi các linh hồn, chứ không phải để “dứt sữa nhau”. Vì ngoài việc không tước bỏ tư cách Kitô hữu kể cả tư cách giáo sĩ (điều 1338 §2), Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những đứa con ương ngạnh trở về và sẵn lòng mở cửa dẫn vào ơn thánh cho họ. Thực vậy, điều 1352 §1: “ Nếu một hình phạt cấm lãnh nhận các bí tích hay á bí tích, vạ cấm cũng bị đình chỉ bao lâu phạm nhân còn ở trong tình trạng nguy tử”. Một điều khoản khác, điều 1335§2, nói đến việc một linh mục bị vạ tuyệt thông có thể thi hành thừa tác vụ của mình trong trường hợp “ Nếu một vạ cấm cử hành các bí tích hay á bí tích hoặc cấm thi hành các hành vi lãnh đạo, thì lệnh cấm ấy bị đình chỉ, mỗi khi điều đó cần thiết để giúp các tín hữu lâm cơn nguy tử”.

Đúng như nhận định của Tân Bách Khoa Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, dù soạn thảo trước năm 1983, nên vẫn định nghĩa vạ tuyệt thông theo lối cũ, nhưng cho rằng “Giáo Hội không hề là số sót thánh thiện vô tâm trừ khử những kẻ tội lỗi (xem Mt 13:28-30); đúng hơn nó mãi mở rộng cửa chờ kẻ có tội ăn năn trở về, để sự phân rẽ của kẻ có tội ương ngạnh có một tầm nhìn hy vọng (xem 2Tx 3:15; 2Cr 2:5-11).