Giorgio Bernardelli của AsiaNews vừa có bài tường thuật cuộc phỏng vấn Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục Hà Tĩnh. Ngài nói về niềm vui của các tín hữu đối với lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự mong đợi của họ về chuyến viếng thăm của ngài, tình liên đới mà các Kitô hữu thể hiện trong COID-19, tất cả những điều này đã thúc đẩy sự tự tin của họ. Việt Nam có thể là hình mẫu cho mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc? Điều này “sẽ không dễ dàng đối với Trung Quốc vì bối cảnh khác biệt”. Việt Nam muốn mở cửa với thế giới. Người Việt Nam có thể là “công dân tốt” cũng như “làm chứng cho Tin Mừng”.
Sau đây là nội dung bài viết của Bernardelli:
Trong số các đại biểu tham dự Thượng Hội đồng ở Vatican cách đây vài tuần, các giám mục Việt Nam nổi bật. Một trong số họ, Đức Giám Mục Luy (Louis) Nguyễn Anh Tuấn của Hà Tĩnh (miền bắc Việt Nam), cựu Giám Mục Phụ Tá của Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát biểu với AsiaNews về tình hình hiện tại của Giáo hội tại Việt Nam, dưới ánh sáng của bức thư gần đây của Đức Giáo Hoàng Phan-xicô gửi tới Giáo Hội của ngài cách đây vài tuần.
Trong đó, lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng ngỏ lời trực tiếp với người Công Giáo Việt Nam, sau khi ký kết thỏa thuận với chính phủ mở đường cho sự hiện diện của đại diện thường trực của Tòa thánh tại nước này.
Đức Cha Anh Tuấn cho biết: “Mọi người rất vui mừng khi nhận được lá thư này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là lần đầu tiên ngài nói chuyện trực tiếp với các tín hữu. Bây giờ họ đang chờ đón ngài tại Việt Nam. Bức thư là một dấu hiệu của điều này. Ngoài ra, ngài còn nói, ‘nếu tôi không đi, Đức Gi-oan XXIV chắc chắn sẽ đi’.”
“Chúng tôi đã chờ đợi Đức Giáo Hoàng từ lâu; chúng tôi đã muốn mời ngài trong vài năm. Bây giờ tôi nghĩ chính phủ cũng muốn có chuyến thăm này, ngay cả khi nó (lời mời) vẫn chưa được ban hành chính thức”.
Đối với Đức Giám Mục Tuấn, bầu không khí Giáo hội tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Ngài giải thích: “Nhóm làm việc chung giữa Vatican và các đại diện chính phủ đã làm việc với sự kiên nhẫn tuyệt vời”.
“Chuyến thăm Vatican gần đây của Chủ tịch Nước với việc ký kết thỏa thuận về sự hiện diện của đại diện thường trực của Tòa thánh tại Hà Nội là một bước quan trọng. Chúng tôi mong đợi nó sẽ giúp các hoạt động mục vụ của chúng tôi phát triển.
“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã được dành cho nhiều tự do hơn. Và tôi phải nói rằng sự kiện đau buồn của đại dịch đã là cơ hội để phát triển, đặc biệt là ở Sài Gòn (TP.HCM), nơi bị ảnh hưởng rất nặng nề.
“Nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ các nạn nhân và chính phủ đã ghi nhận sự đóng góp này. Niềm tin vào chúng tôi đã tăng lên. Và tôi nghĩ đó là cơ hội để làm chứng cho đức tin thông qua các hoạt động phúc lợi”.
Trong bức thư gửi người Công Giáo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi người Công Giáo Việt Nam hãy trở thành “Kitô hữu tốt và công dân tốt”, điều mà ngài cũng ngỏ với người Công Giáo Trung Quốc trong chuyến thăm Mông Cổ. “Đây là những lời nói mà chính phủ chúng tôi đánh giá rất cao”, vị giáo phẩm Việt Nam nói.
“Không chỉ người Công Giáo, mà mọi người Việt Nam đều phải là một công dân tốt. Đối với chúng tôi, đây cũng là một cách làm chứng cho Tin Mừng. Trở thành công dân tốt ở Việt Nam ngày nay là làm môn đệ tốt của Chúa Kitô.”
Nhưng liệu con đường theo đuổi ở Việt Nam có thực sự là một hình mẫu cho mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc? “Chính Đức Giáo Hoàng đã nói [như thế] với người Trung Quốc,” Đức Giám Mục Anh Tuấn nói. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình hình ở Trung Quốc rất khác so với ở Việt Nam.
"Trung Quốc là một nước rất lớn, chính phủ của họ mạnh và muốn kiểm soát. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cần thế giới, tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác trong lĩnh vực kinh tế. Họ muốn nói với thế giới rằng Việt Nam ngày nay là một đất nước cởi mở và tin tưởng người Công Giáo.
“Đó không phải là trường hợp ở Trung Quốc ngày nay. Hai đại biểu (Trung Quốc) đến dự Thượng Hội đồng phải xin phép chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng người Việt Nam chúng tôi thì không: chúng tôi có thể tự do đi lại.
“Cho đến vài năm trước, điều này không xảy ra với chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi có thể di chuyển tự do. Đây là một sự khác biệt cơ bản. Do đó, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra chúng tôi như một hình mẫu, nhưng sẽ không dễ để Trung Quốc noi theo ngài vì bối cảnh khác biệt”.
Sự phát triển ở một đất nước như Việt Nam vẫn là một thách thức rộng mở. Đức Giám Mục giải thích: “Khoảng cách giữa các thành phố lớn và khu vực nông thôn là rất rộng. Trong giáo phận của tôi, tôi thấy những người trẻ rời tới Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, thậm chí cả Hoa Kỳ và Châu Âu nơi họ có thể kiếm sống.
“Chúng ta cũng phải tính đến điều này khi xem xét việc chăm sóc mục vụ. Chúng ta hãy giáo dục những người trẻ về đức tin như một kiến thức thiêng liêng mà họ có thể mang theo bất cứ nơi đâu trong tương lai. Nhưng Giáo hội chúng ta vẫn đang tìm kiếm giải pháp để chăm sóc mục vụ cho họ. Chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn với các Giáo hội ở các quốc gia nơi đến – đây cũng là một khía cạnh của Giáo hội đồng nghị.
“Bất cứ nơi nào người Công Giáo Việt Nam quy tụ lại thành một cộng đồng, họ sống đức tin một cách sống động; nhiều người xác nhận điều này. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách cử các nhà truyền giáo đi cùng họ để làm việc không chỉ với người Việt Nam mà còn phục vụ các Giáo hội địa phương nơi họ định cư”.
“Thừa tác vụ ad vitam [phục vụ sự sống]” sở dĩ khả hữu cũng nhờ sự kiện là ở Việt Nam có nhiều ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho thấy sức sống của Giáo hội Việt Nam.
“Năm ngoái,” vị giáo phẩm lưu ý, “chúng tôi có 105 ứng viên cho chủng viện trong giáo phận của tôi, nhưng chúng tôi chỉ có thể nhận 30. Một số giám mục gửi những ứng viên mà họ không thể tiếp nhận đến các quốc gia khác như New Zealand hay Úc. Ơn gọi vẫn còn nhiều, nhất là ở nông thôn và thành thị.
“Người ta có thể coi xu hướng này là một vấn đề xã hội. Ở những vùng nghèo nhất, các gia đình Công Giáo sùng đạo hơn. Nhưng tôi nhìn vào ý nghĩa thiêng liêng của nó: đó là nơi Chúa mời gọi chúng ta phục vụ Nước Thiên Chúa. Suy cho cùng, Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: 'Phúc cho những ai nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các bạn'.”