John L. Allen Jr., chủ bút tạp chí mạng Crux, ngày 31 tháng 3 năm 2024, nhận định rằng Phép lành Urbi et Orbi vào Chúa nhật Phục sinh của Đức Thánh Cha, có nghĩa là “cho thành phố và thế giới,” thường được hiểu là một trong những tuyên bố chính sách đối ngoại hàng đầu trong năm của ngài, một kiểu đánh giá 365 độ về tình hình hoàn cầu.
Do đó, những vấn đề và điểm nóng nào mà một vị giáo hoàng chọn làm nổi bật – và, cũng thế, những vấn đề mà ngài chọn bỏ qua – được hiểu là một bản chụp X-quang của nghị trình ngoại giao và địa chính trị hiện nay của Vatican.
Với ý nghĩ đó, đâu là những điểm chính rút ra từ bài phát biểu Urbi et Orbi mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đọc hôm nay tại Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn bằng chính giọng nói của ngài, bất chấp những khó khăn gần đây về hơi thở và cách nói liên quan đến bệnh viêm phế quản, và với dường như tràn đầy năng lực và nhấn mạnh?
Đầu tiên, ngài không tiết lộ bất cứ sáng kiến hay đề xuất ngoại giao mới đầy ấn tượng nào. Lần gần nhất mà ngài đưa ra là lời kêu gọi trao đổi tù nhân toàn diện giữa Nga và Ukraine, “tất cả vì lợi ích của mọi người”.
Vẫn còn phải xem đề xuất đó thực tế đến mức nào. Hiện tại, ước tính rằng Nga đang giam giữ khoảng 4,000 tù binh Ukraine, một nửa trong số đó đã bị bắt trong cuộc vây hãm Mariupol năm 2022. Mặc dù Ukraine chưa công bố con số chính thức về số tù binh Nga của mình nhưng các chuyên gia tin rằng hàng nghìn binh sĩ Nga đã bị bắt, hoặc đầu hàng.
Sau một cuộc hoán đổi lớn vào cuối tháng 1 với khoảng 200 tù binh chiến tranh của cả hai bên do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất làm trung gian, đã có hy vọng về một cuộc trao đổi lớn khác xung quanh ngày Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, như đã xảy ra năm ngoái, và năm nay rơi vào ngày 5 tháng 5. Tuy nhiên, triển vọng cho một thỏa thuận như vậy có thể mờ nhạt trong bối cảnh các quan chức Ukraine gần đây phàn nàn rằng Moscow đang trì hoãn và cố đổ lỗi cho Kiev về sự chậm trễ.
Thứ hai, trong khi những nhận xét của Đức Phanxicô về cuộc xung đột Nga/Ukraine rõ ràng được tạo ra để có vẻ công bằng, tuy nhiên, ngài có thể một lần nữa khiến một số người Ukraine khó chịu khi lên án việc “tái vũ trang” vào thời điểm Tổng thống Volodymyr Zelensky đang thúc ép Mỹ phải thông qua một gói viện trợ 60 tỷ đôla Mỹ.
Zelensky cảnh cáo, nếu không có sự hỗ trợ đó, Ukraine có thể phải rút lui để bảo toàn đạn dược và việc trang bị thêm vũ khí mới là ưu tiên quốc tế cao nhất của nước này.
Trong những trường hợp khác, ngôn ngữ có vẻ làm giảm đi những nỗ lực như vậy của Đức Phanxicô có thể bị làm ngơ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người Ukraine đã đủ nghi ngờ về những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng nhằm không né tránh Putin và Nga đến mức khó có thể coi lời hùng biện của ngài “hòa bình không bao giờ được tạo ra bằng vũ khí” là hoàn toàn trung lập hoặc ôn hòa.
Thứ ba, hơn bao giờ hết, thật đáng lưu ý đến các khu vực và dân tộc được Đức Thánh Cha bỏ qua cũng như những khu vực và dân tộc mà ngài nói đến.
Có thể đoán trước được, Đức Phanxicô tập chú vào Thánh địa và các Kitô hữu ở đây, lặp lại lời kêu gọi tiếp cận nhân đạo ở Dải Gaza và ngừng bắn ngay lập tức giữa người Israel và Hamas. Ngài cũng đề cập đến Syria, Lebanon, Armenia và Azerbaijan, Haiti, và một số cuộc xung đột ở châu Phi, bao gồm Sudan, vùng Sừng châu Phi, vùng Kivu của Cộng hòa Dân chủ Congo và tỉnh Cabo Delgado của Mozambique. Ngài cũng gửi lời kêu gọi đến những người Rohingya bị áp bức ở Myanmar, cầu nguyện để “mọi luận lý bạo lực có thể bị loại bỏ một cách dứt khoát”.
Có lẽ yếu tố tương đối mới duy nhất trong cuộc duyệt xét hoàn cầu của ngài là việc ngài đề cập đến Tây Balkan, nơi mà theo ngài, “những bước quan trọng đang được thực hiện nhằm hướng tới hội nhập vào dự án châu Âu”. Đó là ám chỉ đến các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu hiện đang được tiến hành với sự tham gia của các quốc gia như Montenegro, Bắc Macedonia và Albania, với hầu hết các nhà quan sát coi Montenegro là sự bổ sung tiếp theo có nhiều khả năng nhất.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến các vấn đề như buôn người, mất an ninh lương thực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khủng bố.
Mặt khác, điều đáng chú ý là khi đề cập đến số phận của người Rohingya ở Myanmar, ngài không đề cập đến những điều kiện thử thách tương tự mà người thiểu số Uyghur ở gần Trung Quốc phải đối đầu. Cũng không có bất cứ lời kêu gọi giảm căng thẳng nào ở Biển Đông, mặc dù thực tế là Đài Loan gần đây đã tiến hành các vụ thử tên lửa để đáp trả các hành động xâm nhập “vùng xám” của Trung Quốc dường như nhằm củng cố các yêu sách của Bắc Kinh đối với hòn đảo này.
Trong một bỏ qua đáng chú ý tương tự, Đức Phanxicô đã không ám chỉ đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ấn Độ, kể cả ở bang Manipur, nơi mà phần lớn người dân tộc thiểu số là Kitô giáo đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công từ những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, với hơn 300 nhà thờ được cho là đã bị phá hủy. Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới, đại diện của các nhóm thiểu số ở Ấn Độ, bao gồm cả cộng đồng Thiên chúa giáo, nói rằng họ lo ngại rằng chiến thắng áp đảo như dự kiến của Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông có thể đồng nghĩa với việc khí hậu Ấn Độ sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian tới đối với tự do tôn giáo.
Về lý do tại sao Đức Phanxicô không nói to điều này, luận lý có vẻ khá rõ ràng: Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những nước đối thoại quan trọng nhất của Vatican vào lúc này, bao gồm cả thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, và có sự do dự khi làm hoặc nói bất cứ điều gì có thể bị coi là khiêu khích.
Một hệ quả là mối lo ngại cũng dễ hiểu rằng những lời chỉ trích công khai có thể gây ra phản ứng ngược, từ đó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn dưới danh nghĩa làm cho chúng tốt hơn.
Một luận lý tương tự có thể giúp giải thích tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến Nicaragua, nơi chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega đã cấm mọi cử hành tôn giáo ở ngoài trời nhân dịp Lễ Phục sinh trong năm thứ hai liên tiếp. Vợ của Ortega, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã công bố kế hoạch thay thế các cuộc rước tôn giáo bằng các sự kiện tôn vinh hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa.
Có lẽ mối lo ngại là nếu Đức Giáo Hoàng tỏ ra rõ ràng lên án chế độ này thì cuộc đàn áp thực sự có thể trở nên dữ dội hơn.
Tuy nhiên, như có người phân tích nó, ấn tượng rõ ràng từ thông điệp Urbi et Orbi năm 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một lần nữa, vị giáo hoàng này đang cố gắng bước một bước tế nhị, lên tiếng khi nhận thấy điều đó có thể hữu ích và cắn lưỡi khi, một cách cân bằng, sự thận trọng có vẻ như phần tốt hơn của lòng dũng cảm.
Tất nhiên, liệu các giáo hoàng có luôn đạt được sự cân bằng đó một cách thích hợp hay không là một vấn đề cần tranh luận một cách hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người ta phải thừa nhận tính phức tạp của thao tác.