Trước cuộc bỏ phiếu sắp tới vào ngày 11 tháng 4 tại Brussels về việc có nên đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên Hiệp Âu Châu hay không, các Giám mục của Liên minh Âu Châu, gọi tắt là COMECE, nhắc lại sự phản đối kiên quyết của các ngài đối với đề xuất này và chỉ trích các ý thức hệ áp đặt.
Con người, trong bất kỳ tình huống nào và ở mọi giai đoạn phát triển luôn luôn thiêng liêng và bất khả xâm phạm, các Giám mục Âu Châu đã tái khẳng định và nói thêm rằng một khi niềm tin này biến mất, thì những nền tảng vững chắc và lâu dài để bảo vệ nhân quyền cũng biến mất.
Tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Liên minh Âu Châu, được đưa ra trước cuộc bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể tại Brussels hôm thứ Năm về việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các Quyền Cơ bản của Liên Hiệp Âu Châu.
Tuyên bố của các Giám mục được đưa ra một ngày sau khi xuất bản Dignitas infinita, một tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin mô tả việc phá thai là một thực hành “nghiêm trọng và đáng trách” trong danh sách các vi phạm nhân phẩm.
Tuyên bố của COMECE có tiêu đề “Hãy nói có đối với việc đề cao phẩm giá phụ nữ và quyền sống, và nói không với phá thai và áp đặt ý thức hệ”.
Các Giám mục bày tỏ cam kết hoạt động vì một Âu Châu nơi phụ nữ có thể sống vai trò làm mẹ một cách tự do và như một món quà cho họ và cho xã hội, và nơi “làm mẹ” “không hề là một hạn chế đối với đời sống cá nhân, xã hội và nghề nghiệp”.
Các ngài cảnh báo: “Việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phá thai đi ngược lại với việc thúc đẩy thực sự phụ nữ và các quyền của họ”, khi các ngài nhắc lại rằng phá thai “không bao giờ có thể là một quyền cơ bản”.
Các Giám mục COMECE tuyên bố, quyền sống “là trụ cột cơ bản của tất cả các quyền con người khác, đặc biệt là quyền sống của những người dễ bị tổn thương nhất, mong manh nhất và không có khả năng tự vệ”, giống như “đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ, người di cư, người già, người khuyết tật và người bệnh.”
Nhắc lại lập trường rõ ràng của Giáo hội về vấn đề này, các ngài nhấn mạnh rằng, với “tất cả sức mạnh và sự rõ ràng, ngay cả trong thời đại chúng ta”, phải tuyên bố rằng “việc bảo vệ sự sống của thai nhi gắn liền với việc bảo vệ mỗi nhân quyền khác”.
Các ngài cảnh báo, một khi người ta không thể hiểu được sự sống của thai nhi là một điều gì đó vô giá, thì nền tảng để bảo vệ nhân quyền sẽ luôn “phụ thuộc vào những ý muốn nhất thời của các quyền lực”, trích lời Dignitas infinita.
Các ngài đề nghị, Liên minh Âu Châu “phải tôn trọng các nền văn hóa và truyền thống khác nhau ở các Quốc gia Thành viên cũng như năng lực quốc gia của họ,” và “không thể áp đặt lên người khác, trong và ngoài biên giới của mình, các quan điểm tư tưởng về con người, tình dục và giới tính, hôn nhân và gia đình.”
Điều lệ không thể bao gồm các quyền không được tất cả mọi người công nhận
Các ngài nhấn mạnh: “Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Hiệp Âu Châu không thể bao gồm các quyền không được tất cả mọi người công nhận và gây chia rẽ”, khi các ngài nhận thấy rằng không có quyền phá thai được công nhận trong Luật pháp Âu Châu hoặc quốc tế, và “vấn đề này diễn ra như thế nào” được quy định trong Hiến pháp và Luật của các Quốc gia Thành viên có sự khác biệt đáng kể.”
Tuyên bố kết thúc với việc các Giám mục Liên Hiệp Âu Châu nhận xét rằng Hiến chương, phù hợp với những gì được viết trong Lời nói đầu, “phải tôn trọng 'sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc Âu Châu'“, cũng như “các truyền thống hiến pháp và quốc tế, và nghĩa vụ chung của các Quốc gia Thành viên.”
Cuộc bỏ phiếu để đưa câu hỏi này vào Hiến chương Liên Hiệp Âu Châu dường như là một chương khép kín cho đến khi nó được đưa trở lại cuộc sống gần đây.
Sau khi đưa quyền phá thai được đưa vào Hiến pháp Pháp vào ngày 4 tháng 3, cuộc tranh luận về việc đưa vấn đề phá thai vào một trong những quyền cơ bản của Liên Hiệp Âu Châu đã được mở lại ở cấp độ Âu Châu.
Mặc dù nghị quyết đã được đưa ra vào ngày 7 tháng 7 năm 2022 và đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên, nhưng giờ đây các Thành viên của Nghị viện Âu Châu đã quyết định khởi động lại đề xuất này và đây sẽ là chủ đề của một cuộc bỏ phiếu mới vào thứ Năm.
Source:Vatican News