1. Gần hai mươi ngàn bạn trẻ Pháp hành hương tại Chartres
Gần hai mươi ngàn bạn trẻ đã tham dự cuộc hành hương dài 80 cây số, từ Paris đến Chartres, bên Pháp và tham dự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, do Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, chủ sự.
Đây là cuộc hành hương kỷ lục về số tham dự viên, trong số bốn mươi hai cuộc hành hương từ trước đến nay, do Hội “Đức Mẹ Kitô giáo” (Notre-Dame de Chrétienté) tổ chức và được truyền tới hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo Pháp.
Đức Cha Matthieu Rougé, Giám mục Giáo phận Chartres, đã đón tiếp đoàn hành hương và đồng hành với họ trên đoạn đường thuộc giáo phận của ngài.
Đức Hồng Y Müller đã cử hành thánh lễ ngày 20 tháng Năm, trong cuộc hành hương này tại nhà thờ chính tòa Chartres, theo nghi thức truyền thống tiền Công đồng.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y nhắc đến cuộc hành hương của các bạn trẻ từ Paris tới Chartres vượt qua những lúc khó khăn, vất vả thể lý, và cả những cám dỗ và nghi ngờ. Ngài ví kinh nghiệm này với hành trình của Giáo hội qua dòng lịch sử. Các nghị phụ Công đồng chung Vatican II, trong Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cũng mô tả con đường của Giáo hội lữ hành hướng về Chúa Ba Ngôi: “Giáo hội tiến bước trong cuộc lữ hành của mình qua những bách hại của thế gian và những an ủi của Chúa, loan báo thập giá và cái chết của Chúa, cho đến khi Chúa trở lại. Sức mạnh của Chúa Phục Sinh là sức mạnh của Giáo hội, giúp Giáo hội chiến thắng, trong kiên nhẫn và bác ái, những sầu muộn và khó khăn xảy đến cho Giáo hội, vừa từ bên trong lẫn bên ngoài, và trung thành biểu lộ mầu nhiệm nước Chúa giữa trần gian, cho đến ngày sau cùng được biểu lộ trong ánh sáng vẹn toàn” (LG 8).
Đức Hồng Y Müller nhận xét rằng trong số những khó khăn ngày nay, có tình trạng nhiều giới lãnh đạo muốn thay thế Kitô giáo bằng chủ nghĩa vô thần. Họ muốn cướp mất cái hồn của Âu châu, biến nó thành nạn nhân chế độ vô thần của họ thời hậu nhân bản, bằng cách đẩy mạnh chủ trương của họ giải trừ Kitô giáo.
Đức Hồng Y kêu gọi các tín hữu Công Giáo đừng chiều theo những lời tuyên truyền và “thuốc phiện” của những tôn giáo chính trị thay thế Kitô giáo, và ngài khẳng định rằng “sự tự hủy diệt qua tự sát và an tử (Eutanasia), ma túy và rượu, hoặc phủ nhận phái tính nam hoặc nữ của chúng ta, đó không phải là những chọn lựa đối với các Kitô hữu. Đức Hồng Y cũng nhắc lại rằng các tín hữu Kitô là cộng đoàn tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trong lịch sử nhân loại.
2. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh sẽ viếng thăm Ukraine
Lần đầu tiên từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ đến nước này vào ngày 21 tháng Bảy tới đây, trong tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ sự buổi lễ kết thúc cuộc hành hương của các tín hữu Công Giáo Latinh tại Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv.
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết hôm thứ Bảy, ngày 18 tháng Năm vừa rồi, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin thi hành sứ vụ này.
Đền thánh Berdychiv thuộc tỉnh Zhytomyr, cách thủ đô Kyiv khoảng 150 cây số về hướng tây, vẫn thu hút các tín hữu Công Giáo Latinh đến từ các nơi ở Ukraine cũng như từ các nước khác. Tại đây, trong hai năm qua, các tín hữu đã đặc biệt cầu xin ơn hòa bình cho đất nước bị tấn công.
Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv được ủy thác cho các cha Dòng Cát Minh nhặt phép coi sóc. Đây vốn là một đan viện được ông Yanush Tychkevych, Tỉnh trưởng Kyiv, thành lập năm 1630, như dấu chỉ biết ơn Đức Mẹ vì sự giải thoát khỏi quân Tartare gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Nga. Ông cũng tặng cho Đan viện ảnh Đức Mẹ Tuyết, Mẹ Thiên Chúa, được họa hồi thế kỷ XVI. Chẳng bao lâu sự tôn kính ảnh Đức Mẹ lan truyền và đông đảo các tín hữu đến hành hương. Họ được những ơn đặc biệt của Đức Mẹ. Ngày 23 tháng Năm năm 1647, Đức Cha Stanislav Zaremba, Giám mục Latinh của thành Kyiv, phê chuẩn lòng sùng mộ và việc tôn kính Ảnh Mẹ Thiên Chúa ở Berdychiv, khởi đầu truyền thống hành hương từ đó. Ngày 27 tháng Mười năm 2012, do quyết định của Hội đồng Giám mục, nơi đây trở thành Đền thánh quốc gia.
Trước đây, Đức Hồng Y Parolin đã đến Ukraine hai lần: lần đầu hồi tháng Sáu năm 2016 và 5 năm sau đó, ngài tham dự các buổi lễ kỷ niệm 30 năm độc lập khỏi khối Liên xô, mừng vào tháng Tám năm 2021.
3. Công nghị Thường trực Công Giáo Ukraine nhóm họp tại Munich
Trong những ngày này, từ 21 đến 24 tháng Năm, Công nghị Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đang nhóm họp tại Munich, miền nam nước Đức, dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, và bàn về tình hình Giáo hội cũng như chính trị xã hội tại Ukraine và nước ngoài.
Khóa họp khai mạc với thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Đức Maria Phù hộ và thánh Anrê tại Munich, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập địa phận đại diện Tông tòa Công Giáo Ukraine tại Đức. Trong khuôn khổ kỷ niệm này, có buổi giới thiệu bản dịch tiếng Đức cuốn sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương và cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk “Thiên Chúa không bỏ rơi Ukraine”.
Công nghị Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương gồm có Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk, 54 tuổi, và bốn giám mục thành viên, trong đó có cả Đức Cha Bohdan Szyurakh, Giám mục Ukraine sở tại. Đức Cha sinh trưởng tại thành phố Lvov và từ ba năm nay, là giám mục Công Giáo Ukraine tại Đức và các nước Bắc Âu.
Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương có khoảng năm triệu tín hữu Công Giáo trên thế giới, thuộc ba mươi sáu giáo phận, trong số này có hai mươi giáo phận ở nước ngoài và mười sáu giáo phận còn lại ở Ukraine.
Trong số hai mươi giáo phận ở nước ngoài, có mười hai giáo phận ở Bắc và Nam Mỹ.
4. Sứ điệp Video Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Kỷ niệm 100 năm Công đồng Trung Hoa
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi những hướng đi do Công đồng Trung Hoa đề ra cho Giáo Hội Công Giáo tại nước này, và ngài phó thác các tín hữu Công Giáo Trung Hoa cho sự phù trợ của Đức Mẹ, đồng thời cầu mong toàn Giáo hội tìm ra những con đường mới để loan báo và làm chứng cho Tin mừng trong thế giới ngày này.
Đức Thánh Cha bày tỏ những chia sẻ trên đây, sáng hôm 21 tháng Năm vừa qua, trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên Hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma, nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Công đồng Trung Hoa đầu tiên.
Hội nghị có chủ đề là: “100 năm Công đồng Trung Hoa: giữa lịch sử và hiện tại”. Cộng tác với Đại học vào việc tổ chức Hội nghị này, có hãng tin Fides và Ủy ban mục vụ Trung Hoa.
Công đồng đầu tiên và duy nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, Concilium Sinense, khai mạc ngày 15 tháng Năm năm 1924 và tiến hành cả trong tháng Sáu tiếp đó, tại nhà thờ chính tòa thánh Inhaxiô Loyola, với mục đích tạo điều kiện và đồng hành trong sự phát triển một Giáo hội bản xứ tại Trung Hoa, với các giám mục địa phương. Tham dự Công đồng này, có các giám mục, các vị tổng đại diện, các tu sĩ và linh mục thừa sai, dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Celso Costantini, Khâm sứ Tòa Thánh tại Trung Hoa, với sứ mạng tái đẩy mạnh sứ mạng của Giáo hội tại đất nước này, dưới ánh sáng thông điệp “Maximum Illud”, do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV công bố, hồi năm 1919, tái khẳng định rằng đức tin nơi Chúa Kitô “không phải là điều xa lạ đối với một quốc dân nào”, và tại mọi nơi trên thế giới, trở thành tín hữu Kitô không có nghĩa là đặt mình dưới sự bảo vệ và quyền bính của một nước khác, và tránh né luật lệ của mình”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Các nghị phụ đã theo vết các đại thừa sai, như cha Matteo Ricci - Lợi Mã Đậu; bước theo hướng đi của thánh Phaolxe hơing đồ, khi người rao giảng rằng cần trở nên “mọi sự cho mọi người” để loan báo và làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh”...
“Công đồng Thượng Hải không những chỉ giúp đẩy vào quên lãng những áp đặt sai lầm thịnh hành trong thời kỳ trước đó. Vấn đề không phải là “thay đổi chiến lược, nhưng là đi theo những con đường phù hợp hơn với bản chất và sứ mạng của Giáo hội, chỉ tín thác nơi ơn thánh của Chúa Kitô và trong sự thu hút của Chúa”.
Và Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, trong tình hiệp thông với Giám mục Roma, đang tiến bước trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh họ sống, họ làm chứng về đức tin với những công việc từ bi bác ái. Qua chứng tá, họ đóng góp thực sự vào sự sống chung hòa hợp trong xã hội, xây dựng căn nhà chung”.
“Ai theo Chúa Giêsu thì yêu chuộng hòa bình và liên kết với tất cả những người đang hoạt động cho hòa bình, trong một thời đại chúng ta thấy những thế lực vô nhân đạo hoạt động mạnh mẽ”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Cả chúng ta, giống như các nghị phụ Công đồng Thượng Hải, chúng ta có thể nhìn về tương lai. Và ký ức về Công đồng này cũng có thể gợi ý cho toàn thể Giáo hội những con đường mới và hành trình cần táo bạo khởi xướng để loan báo và làm chứng cho Tin mừng ngày nay”.