Lần đầu tiên sau 10 năm, hôm Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Thượng Phụ Aram I, lãnh đạo Giáo hội Cilicia Armenia có thẩm quyền đối với khoảng 800.000 Kitô hữu Armenia ở Li Băng, Syria, Síp, Iran và Hy Lạp.

Cuộc gặp diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín trong văn phòng riêng của Đức Thánh Cha và Vatican không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào. Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Thượng Phụ Aram I tại Vatican là vào tháng 6 năm 2014. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Thượng Phụ vì sự cam kết đạt được sự hiệp nhất Kitô giáo và khẳng định rằng nỗi đau khổ của các vị tử đạo Armenia phải được tôn kính “như những vết thương của chính thân xác Chúa Kitô.”

Giáo hội Cilicia của Armenia hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Tông đồ Armenia, có hơn 5 triệu thành viên trên toàn thế giới. Ngoài sự hiện diện trong khu vực được đề cập, Giáo hội Cilicia của Armenia còn có hai giáo phận và 34 giáo xứ ở Hoa Kỳ, cùng với sáu giáo xứ ở Canada.

Trong khi hiệp thông hoàn toàn, Giáo hội Cilicia Armenia độc lập về mặt hành chính với Giáo hội Tông truyền ở Armenia.

Armenia là quốc gia đầu tiên chấp nhận Kitô giáo làm quốc giáo khi Vua Tiridates III được Thánh Grêgôriô Soi sáng cải sang Kitô Giáo vào đầu thế kỷ thứ tư. Năm 506, một thượng hội đồng Armenia đã bác bỏ các giáo lý Kitô học của Công đồng Chalcedon vào năm 451, mà không có giám mục Armenia nào tham dự.

Kể từ thời điểm đó, Giáo hội Armenia tuyên bố mình có quyền tự trị, dưới quyền tài phán của một Đức Thượng Phụ lấy tên là Catholicós, một danh hiệu ban đầu được gán cho nhà lãnh đạo một cộng đồng Kitô giáo bên ngoài ranh giới của Đế chế Rôma.

Vào tháng 12 năm 1996, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ của toàn thể người Armenia Karekin II đã ký một tuyên bố chung khẳng định nguồn gốc chung của Giáo hội Armenia và Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Đức Thượng Phụ Aram I sinh ra ở Beirut, Li Băng, và học tại Chủng viện Thần học Armenia ở Antelias và tại Học viện Đại kết Bossey ở Geneva. Ngài là Catholicós của Giáo hội Cilicia Armenia từ năm 1995.

Ngoài việc chuyên về triết học và lịch sử Giáo hội ở Trung Đông, ngài còn là người sáng lập Hội đồng các Giáo hội Trung Đông và cũng là người sáng lập cuộc đối thoại thần học giữa Chính thống giáo Byzantine và Chính thống giáo Đông phương.


Source:Catholic News Agency