1. Fatima và Rôma tố cáo một người tự xưng là Tổng giám mục thi hành các lễ nghi trừ tà và chữa lành

Một người được Tổng giám mục người Zambia Emmanuel Milingo truyền chức linh mục trái phép vào năm 2019 đã tự xưng là Tổng Giám Mục và đã xây dựng được một lượng người đông đảo gia nhập vào nhóm của ông. Tòa Thánh và giáo phận Leiria–Fátima đã cáo buộc ông ta là Tổng Giám Mục giả mạo và cảnh báo các tín hữu sau khi ông ta thực hiện các nghi lễ chữa lành và trừ tà tại Rôma và Fatima.

Thông báo của Tòa Thánh khẳng định việc thụ phong linh mục của ông ta là bất hợp lệ vì Emmanuel Milingo, người truyền chức linh mục cho ông ta đã bị vạ tuyệt thông.

Tháng 5, 2001, Emmanuel Milingo, lúc đó còn là một Tổng Giám Mục Công Giáo, cho rằng Giáo Hội nên cho phép các linh mục kết hôn. Để làm gương, ở tuổi 71, ông ta kết hôn với bà Maria Sung, 43 tuổi. Đám cưới của ông được cử hành bởi giáo chủ tà giáo Nam Hàn Văn Tiến Minh của cái gọi là Giáo Hội Đại Đồng Thế Giới.

Tháng 8, 2001, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập ông ta đến Rôma và nói với ông ấy rằng “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, tôi truyền cho anh hãy quay về với Giáo Hội Công Giáo.” Ông ta đồng ý xa bà Maria Sung và lưu lại Rôma.

Maria Sung đến trước quảng trường Thánh Phêrô tuyệt thực để phản đối Tòa Thánh chia rẽ 2 vợ chồng bà ta. Bà ấy kiên trì biểu tình trước Đền Thờ Thánh Phêrô trong nhiều năm, đặc biệt là vào các ngày lễ trọng khi có đông đảo khách hành hương.

Cuối cùng, khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã qua đời, những cử chỉ ân cần của ngài đã phai nhạt, Milingo bỏ trốn khỏi Rôma để tái hợp với Maria Sung vào tháng 6, 2006.

Nghiêm trọng hơn, ngày 24 Tháng Chín, 2006, ông ta tấn phong Giám Mục cho 4 người đã có gia đình. Hai ngày sau, Tòa Thánh tuyên bố vạ tuyệt thông cho cả 5 người.

Salvatore Micalef, sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Ý vào năm 1974, ông ta được Milingo truyền chức linh mục. Việc truyền chức này là vô hiệu vì Milingo đã bị vạ tuyệt thông.

Salvatore Micalef tự nhận mình là Tổng Giám Mục và giáo chủ của một giáo đoàn Công Giáo quốc tế có tên gọi là “Thánh Phêrô và Phaolô”. Dưới vỏ bọc đó, ông đã tổ chức các nghi lễ bao gồm chữa bệnh và trừ tà ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả thánh địa Đức Mẹ Fatima nổi tiếng ở Bồ Đào Nha và tại chính thành phố Rôma.

Trên thực tế, hiện nay chỉ có một giáo đoàn tòng nhân trong Giáo Hội Công Giáo được Vatican công nhận, đó là Opus Dei.

Năm ngoái, Giáo phận Leiria-Fátima ở Bồ Đào Nha đã tránh xa các cuộc tĩnh tâm được gọi là “Chữa lành và Giải thoát” được tổ chức tại các khách sạn gần đền thờ, với sự tham gia của Micalef.

Một tuyên bố có chữ ký của Cha Jorge Guarda, tổng đại diện giáo phận, nêu rõ rằng Micalef “được thụ phong linh mục và giám mục mà không có lệnh của Đức Thánh Cha” và do đó “không hiệp thông với Tòa thánh”.

Tuyên bố được đưa ra vào tháng 6 năm 2023 cho biết vụ việc cũng đã được chuyển đến Vatican.

Vào thời điểm đó, một giáo dân giúp tổ chức các dịch vụ chữa bệnh và trừ tà đã nói với giới truyền thông Bồ Đào Nha rằng các luật sư đại diện cho Micalef sẽ kiện giáo phận nếu giáo phận tuyên bố ông là một Tổng Giám Mục “giả”, đồng thời chỉ ra rằng theo thần học Công Giáo, một người được bất kỳ giám mục được thụ phong hợp lệ nào tấn phong chức linh mục và giám mục thì bản thân người đó cũng được thụ phong hợp lệ, ngay cả khi hành động đó diễn ra mà không có sự cho phép của Giáo hoàng.

Cá nhân đã hỗ trợ Micalef ở Fatima, một giáo dân trẻ người Bồ Đào Nha tên là Francisco Marques, có một trang Facebook trong đó anh ta đăng ảnh của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong tuyên bố của mình, giáo phận nhấn mạnh rằng những bức ảnh là “kết quả của những cuộc gặp gỡ tình cờ với Đức Thánh Cha, trong các buổi tiếp kiến chung, và không thể coi là cung cấp độ tin cậy cho một hoạt động không hiệp thông với Giáo hội.”

Theo tiểu sử của Micalef do giáo đoàn tự xưng của ông cung cấp, ông được thụ phong giám mục vào năm 2014 bởi hai người Mỹ, William Manseau và Peter Paul Brennan, cả hai đều là thành viên của phong trào “Married Priests Now” do Milingo sáng lập, và không ai trong số họ được Vatican công nhận.

Giáo phận Rôma đã đưa ra tuyên bố sau về Micalef.

“Theo đây, chúng tôi xin thông báo rằng ngài Salvatore Micalef, tự xưng là giáo chủ và Tổng Giám Mục của Giáo đoàn Công Giáo hai Thánh Phêrô và Phaolô, không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và không có đủ năng quyền thừa tác cần thiết để cử hành các bí tích”

“Do đó, ông không được phép tham gia hoặc cử hành các bí tích của đức tin Công Giáo trên lãnh thổ Giáo phận Rôma”

Một câu hỏi mở về vụ án Micalef là tại sao các viên chức ở Rôma phải mất hơn một năm để làm rõ tình trạng của ông sau khi Giáo phận Leiria-Fátima đưa ra tuyên bố ban đầu. Một số nhà quan sát cho rằng Vatican và Giáo phận Rôma đang tăng cường các nỗ lực cảnh giác để hướng đến lễ kỷ niệm năm tới, dự kiến sẽ thu hút khoảng 35 triệu người hành hương đến Rôma, với mối lo ngại rằng những nhân vật như Micalef có thể tìm cách lợi dụng những du khách bổ sung đó bằng cách thu hút họ đến các sự kiện song song trái phép, trong một số trường hợp là hưởng lợi từ gian lận.


Source:Crux

2. Linh mục ở Anh thoát án tù sau khi bị cáo buộc lấy tiền từ đĩa đựng tiền quyên góp

Trong một diễn biến gây chia rẽ và đau lòng, một ban điều hành giáo xứ đã quyết định kiện cha sở ra tòa. Tờ Crux cho biết như trên trong tường trình nhan đề “Priest in England avoids jail time after stealing money from collection plates”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một linh mục Công Giáo ở thủ đô nước Anh đã tránh được án tù sau khi bị kết tội lấy cắp khoảng 200 bảng Anh hay 263 Mỹ Kim từ giáo xứ của mình.

Cha Fortunato Pantisano, 44 tuổi, người Ý, đã bị kết án vào hôm thứ Hai 16 Tháng Chín, sau khi bị kết tội vào đầu tháng này vì nhận tiền từ Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở quận Fulham vào ngày 7 tháng Giêng.

Ngài bị kết án 20 tuần tù, nhưng án này được hoãn lại trong hai năm. Ngài bị kết tội vào ngày mùng một Tháng Chín, vừa qua.

Thẩm phán quận Daniel Sternberg cho biết Cha Pantisano khó có thể tiếp tục làm một linh mục sau khi bị kết án.

Vị linh mục bị cáo buộc lấy tiền sau Thánh lễ thứ hai trong ngày vào ngày 7 tháng Giêng, sự việc đã được một tình nguyện viên của giáo xứ quay phim lại khi anh này phát hiện ra số tiền bị mất trong các lần quyên góp trước đó.

Tình nguyện viên John McGranaghan đã đặt hai chiếc giỏ trong một văn phòng có khóa mà có thể ra vào từ phòng của vị linh mục.

“Đây là số tiền quyên góp của giáo dân cho hai thánh lễ sáng hôm đó. Chúng tôi vòng trở lại đếm tiền dâng cúng và thấy có hai giỏ rỗng và số tiền quyên góp đã hết,” ông ta kể lại tại phiên tòa.

“Vì những gì đã xảy ra trong những tuần trước, sau khi đã trở về nhà, tôi quyết định quay lại nhà thờ để đếm tiền vào ngày hôm đó”, ông nói thêm, và đoạn phim giám sát cho thấy Cha Pantisano đã lấy những chiếc giỏ và trả lại chúng trong tình trạng rỗng.

Trong phiên tòa, Cha Pantisano cho biết ngài không nhớ mình có lấy bất kỳ khoản tiền quyên góp nào hay không.

'Tôi không nhớ mình đã lấy tiền. Nếu tôi có lấy thì đó không phải là ý định gian dối của tôi, có thể là để mua thức ăn, tôi không nhớ nữa. Đôi khi có những trường hợp khẩn cấp như người vô gia cư cần tiền hoặc tổ chức bác ái, hoặc các linh mục cần mua thức ăn”, ngài nói.

Khi Công tố viên Nathan Paine-Davey hỏi ngài rằng liệu có đáng tin khi nói rằng ngài không nhớ đã lấy tiền hay không, vị linh mục trả lời: “Tôi là linh mục giáo xứ và tôi có quyền ở đó. Số tiền được trao cho các linh mục để quyết định phải làm gì. Tôi phủ nhận việc ăn cắp và tôi không có bình luận nào khác.”

Paine-Davey nói với tòa rằng lời khai của vị linh mục này là “không đáng tin cậy”.

“Bị cáo không thể nói cho bạn biết tại sao anh ta lại bỏ tay vào giỏ và lấy ra khỏi tầm nhìn”, ông nói.

“Mục đích của việc lấy đi những chiếc giỏ là để lấy cắp tiền khỏi tầm nhìn của camera giám sát và chỉ đến hôm nay chúng ta mới nghe được lời tường thuật mơ hồ, lan man về những gì đã xảy ra,” công tố viên tiếp tục. “Bạn không thể thò tay vào giỏ đựng tiền quyên góp. Đó là sự không trung thực.”

Luật sư Nina Reinach của Cha Pantisano cho biết vị linh mục này là “một người có phẩm chất tốt, chưa bao giờ gặp rắc rối và điều đó đáng được ghi nhận”.

Robert Walker, Giám đốc Tài nguyên của Giáo phận Westminster, nói với tòa án rằng có những quy định nghiêm ngặt về việc thu tiền mặt và mỗi linh mục không thể tự ý lấy tiền.

“Điều này đã gây ra sự ngờ vực đáng kinh ngạc giữa nhà thờ và giáo dân. Chỉ cần một người làm điều gì đó sai trái là có thể hủy hoại danh tiếng của những người còn lại”, Walker nói.


Source:Crux

3. Cuộc rước kiệu lịch sử của Chính thống giáo-Công Giáo tôn vinh Đức Mẹ tại Phần Lan

Khoảng 300 tín hữu Công Giáo và Chính thống giáo đã tập trung tại thủ đô của Phần Lan, đất nước chủ yếu theo Tin lành Luther, để tham gia cuộc rước kiệu chưa từng có nhằm tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Leo Makkonen của Helsinki chia sẻ với tờ Register rằng: “Ý tưởng về cuộc rước kiệu chung mang tính lịch sử này xuất hiện trong một cuộc gặp thân mật giữa tôi và Giám mục Công Giáo Raimo tại dinh thự của ngài”.

Vào tháng 3 năm ngoái, Tổng giám mục Chính thống giáo Makkonen và Giám mục Công Giáo Raimo Goyarrola Belda của Helsinki đã gặp nhau để thảo luận về “những cách thức mà hai Giáo hội của chúng ta có thể trải nghiệm sự hiệp nhất theo cách thực tế và mang tính địa phương như một bước đầu tiên hướng tới đối thoại và hợp tác lớn hơn giữa các cộng đồng Chính thống giáo và Công Giáo tại Phần Lan”.

Vị tổng giám mục Chính thống giáo nói thêm: “Theo tôi biết, đây là cuộc rước kiệu chung đầu tiên giữa Chính thống giáo và Công Giáo được tổ chức ở đất nước chúng tôi.”

Mặc dù Phần Lan là một quốc gia Công Giáo từ khi đất nước này theo Kitô giáo - bắt nguồn từ phương Tây vào thế kỷ 12 thông qua các cuộc Thập tự chinh của Thụy Điển - cho đến thời Cải cách Tin lành, người Công Giáo ở Phần Lan hiện chỉ chiếm 0,3% dân số.

Không giống như Công Giáo, Chính thống giáo đến Phần Lan từ phương Đông. Một số vùng của đất nước đã được các linh mục Nga hoán cải sang Kitô giáo vào thế kỷ 12, nhưng Chính thống giáo cũng đã đến Phần Lan thông qua các cuộc chinh phục đất nước sau này của Nga, đặc biệt là vào thế kỷ 19. Ngày nay, Chính thống giáo chiếm hơn 1% dân số một chút.

Sau cuộc Cải cách Tin lành, các hoạt động Công Giáo đã bị đàn áp dữ dội và chính quyền áp đặt Tin lành Lutheran như quốc giáo. Ngày nay, khoảng 65% dân số Phần Lan theo Tin lành Lutheran. Mặc dù có cùng vị thế pháp lý như một Giáo Hội quốc gia cùng với Giáo Hội Tin lành Lutheran của Phần Lan, Giáo hội Chính thống vẫn là một nhóm thiểu số nhỏ, giống như Giáo Hội Công Giáo — đó là một lý do để duy trì sự đoàn kết, theo lời tổng giám mục Chính thống giáo, vì “trong sự thống nhất chúng ta có sức mạnh”.

Trên đường đi, Heikkilä chia sẻ, các tín hữu “hát thánh ca, cầu nguyện và chỉ đơn giản là tận hưởng tình bạn với nhau”.

Marko Tervaportti từ Nhà thờ Công Giáo St. Henry nói với tờ Register rằng đoàn rước được thấm đẫm “sự tự nhiên và thân thiện”: “Chúng tôi cảm thấy đây là 'của riêng mình', như thể chúng tôi đã chờ đợi nó từ rất lâu rồi”.

“Mọi thứ diễn ra tốt đẹp và dễ dàng,” Tervaportti nói thêm. “Tôi có ấn tượng là chúng tôi bắt đầu thở bằng hai lá phổi, trích lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.”

Trong đám rước, một ca đoàn Công Giáo do một tu sĩ dòng Đa Minh chỉ huy và một ca đoàn Chính thống giáo do một ca trưởng của Nhà thờ Chính thống giáo chỉ huy đã dẫn dắt các tín hữu hát thánh ca.

Một bản sao của bứa ảnh Kozelshchyna Mẹ Thiên Chúa — một trong những báu vật tinh thần vĩ đại nhất của Giáo hội Chính thống giáo Phần Lan — cũng như một bức tượng Công Giáo của Đức Mẹ Fatima đã được mang theo trên đường đi. Các tín hữu cũng được mời mang theo ảnh tượng của riêng họ về Đức Trinh Nữ Maria.

Theo các giáo phận Công Giáo và Chính thống giáo, có khoảng 300 tín hữu Chính thống giáo và Công Giáo đã tham gia đoàn rước, “dựa trên thực tế là không phải ai cũng có chỗ ngồi khi chúng tôi đến nhà thờ Công Giáo”, Heikkilä giải thích.

Khi những người hành hương đến Nhà thờ chính tòa St. Henry vào buổi chiều, một lời cầu nguyện Công Giáo ngắn từ Phụng vụ Giờ kinh đã được cất lên. Sau đó, Đức Cha Goyarrola và Đức Cha Sergei Rajapolvi, giám mục phó của Giáo phận Chính thống giáo Helsinki, đã cùng nhau ban phước cho các tín hữu.

Heikkilä cho biết phản ứng từ những người tham gia là vô cùng tích cực. Ngoài ra, “khi chúng tôi đi qua các con phố, những người qua đường có vẻ khá thích thú với cảnh tượng độc đáo này, với nhiều người chụp ảnh”.

Ngay cả trên báo chí Lutheran, Giám mục Goyarrola chia sẻ thông qua bộ phận truyền thông của giáo phận Phần Lan, phạm vi đưa tin là tích cực: “Có một khát khao sâu sắc đối với các sự kiện cộng đồng như thế này. Có một cảm giác thuộc về nhau. Một bầu không khí vui vẻ thoải mái và một khát khao về sự gần gũi và hiệp thông ngày càng tăng lên.”

Đức Giám Mục giải thích rằng cuộc rước kiệu “tượng trưng và cụ thể hóa mối quan hệ tuyệt vời giữa Chính thống giáo và Giáo Hội Công Giáo ở Phần Lan”.

“Chúng tôi cảm thấy mình là một phần của cùng một gia đình những người tin vào Chúa Kitô. Đức Trinh Nữ Maria là mẹ của chúng tôi trong đức tin và chúng tôi muốn cùng nhau mừng lễ, vì sinh nhật của mẹ là một dịp rất được mong đợi và được tổ chức với tình yêu thương trong mỗi gia đình.”

Tương tự như vậy, Đức Tổng Giám Mục Makkonen cũng giải thích rằng “cuộc rước kiệu là biểu tượng mạnh mẽ cho đức tin và di sản chung mà chúng ta chia sẻ, đặc biệt là tình yêu thương và lòng tôn kính chung của chúng ta đối với Theotokos, Đức Trinh Nữ Maria.”

“Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện này vào đúng ngày lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, một ngày lễ lớn mà cả hai truyền thống của chúng tôi đều tôn vinh.”

Cả Giáo Hội Công Giáo ở Phần Lan và Giáo hội Chính thống giáo Phần Lan đều rất tích cực trong các vấn đề đại kết và cả hai đều là thành viên của Hội đồng Đại kết Phần Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Giám mục Goyarrola của Register vào đầu năm nay, ngài đã nhắc lại nhiều ân sủng mà Giáo Hội Công Giáo tại Phần Lan đã nhận được trong các nỗ lực đại kết của mình, giải thích rằng: “Tôi nghĩ rằng đại kết là chìa khóa cho hòa bình trên thế giới. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng hiện tại và tương lai của thế giới phụ thuộc vào sự hiệp nhất này giữa các Kitô hữu.”

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo, đã gửi lời chào đặc biệt tới vị giám mục Công Giáo nhân dịp ngài được thụ phong, động viên ngài trong việc phục vụ cho sự hiệp nhất, nói rằng “trái tim Công Giáo thực sự của vị giám mục mới luôn hướng đến chủ nghĩa đại kết”.

“Nhìn chung, cuộc rước kiệu là một biểu hiện tuyệt đẹp của sự hiệp nhất tồn tại giữa các Giáo hội của chúng ta,” Heikkilä nói về cuộc rước kiệu Đức Mẹ Maria. “Trong một thế giới thường bị chia rẽ, thật đáng khích lệ khi thấy Chính thống giáo Đông phương và Công Giáo Tây phương cùng nhau tôn vinh Mẹ Thiên Chúa như một gia đình trong Chúa Kitô.”

“Đây là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa đại kết thực tế,” Tervaportti lưu ý, “không chỉ là lời nói mà còn là hành động vì sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúng tôi đang mong đợi cuộc rước kiệu Công Giáo-Chính thống giáo vào năm tới.”

Và giám mục Công Giáo và tổng giám mục Chính thống giáo đã chia sẻ niềm vui của sự kiện này, giải thích rằng có lẽ trong tương lai, hai Giáo hội có thể lên kế hoạch cho “các sự kiện và hoạt động chung bổ sung, đặc biệt tập trung vào cuộc rước kiệu”.

“Hy vọng của tôi,” Đức Tổng Giám Mục Makkonen nói với Register, “là cuộc rước kiệu này đánh dấu sự khởi đầu của một truyền thống thường niên mới đưa hai Giáo hội thiểu số của chúng ta ở Phần Lan lại gần nhau hơn. Trong sự hiệp nhất có sức mạnh.


Source:National Catholic Register