Bình luận về những diễn biến mới nhất tại Syria, Sứ thần Tòa thánh cho biết, mặc dù có một số lo ngại, nhưng sự thay đổi chế độ gần đây là một "sự đột phá đầy hy vọng" đối với đất nước này và kêu gọi các Kitô hữu tại Syria cùng cộng đồng quốc tế đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước.

Khi Syria bắt đầu năm mới mà không có Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad, Đức Hồng Y Mario Zenari cảm thấy thận trọng lạc quan về tương lai của đất nước sau năm mươi năm dưới chế độ độc tài và mười ba năm nội chiến đẫm máu.

Phát biểu với Vatican News, vị Sứ thần Tòa thánh người Ý cho biết một số diễn biến gần đây mang lại lý do để hy vọng, mặc dù ngài cảnh báo, vẫn phải chờ xem liệu những lời hứa của giới lãnh đạo mới có được thực hiện bằng hành động cụ thể hay không.

Vào ngày 31 tháng 12, người đàn ông quyền lực mới của Syria, Ahmed al-Sharaa, còn được gọi là Abu Mohammed al-Jolani, đã gặp các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Damascus trong bối cảnh các nhóm thiểu số Syria ngày càng lo ngại về việc tìm kiếm sự bảo đảm từ chế độ mới.

Phái đoàn được tiếp đón tại Dinh Tổng thống bao gồm các tu sĩ dòng Phanxicô từ Giáo phận Thánh địa, các giám mục và linh mục Công Giáo Syria, cùng đại diện của các hệ phái Kitô giáo khác.

Trong cuộc họp, thủ lĩnh của nhóm Hồi giáo Hay'at Tahrir al-Sham, gọi tắt là HTS đã bảo đảm với các nhà lãnh Kitô giáo giáo rằng đất nước Syria mới sẽ bao gồm tất cả mọi người và chúc họ một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới bình an.

“Sự kiện này là điều không thể tưởng tượng được chỉ ba tuần trước và các giám mục và linh mục có mặt tại cuộc họp đã ra về với cảm giác hy vọng về tương lai của Syria”, Đức Hồng Y Zenari, người cũng đã gặp Ngoại trưởng mới, Asaad Hassan al-Shaibani, theo lời mời của ông vào tuần trước, cho biết.

“Ở cấp độ lãnh đạo, có sự hiểu biết về một số nguyên tắc và giá trị cơ bản”, Sứ thần Tòa Thánh giải thích. “Tuy nhiên”, ngài nói thêm, “vẫn còn phải xem liệu lời nói có chuyển thành hành động hay không”.

Mặc dù có một số sự lạc quan chung, nỗi sợ hãi vẫn còn, đặc biệt là trong số các Kitô hữu, khi một số người vẫn đang cân nhắc việc di cư do những trải nghiệm trong quá khứ về sự đàn áp và bất ổn.

Sự pha trộn giữa hy vọng và lo sợ này đã đánh dấu lễ mừng Giáng sinh tại Syria. Trước tình hình này, Đức Hồng Y Zenari đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các Kitô hữu ở lại và đóng góp vào việc tái thiết đất nước: “Đây không phải là lúc rời khỏi Syria, mà là lúc các Kitô hữu ở bên ngoài đất nước này trở về”, ngài nói. “Các Kitô hữu đã được trao cơ hội—ít nhất là trên lời nói—để tham gia vào việc tái thiết Syria mới, thúc đẩy các giá trị như nhân quyền, tự do và tôn trọng tất cả mọi người. Điều quan trọng là phải có mặt và tích cực trong công cuộc tái thiết này”, ngài nhấn mạnh.

Sứ thần Tòa thánh Vatican đã mô tả những dấu hiệu tiến triển nhỏ trong những tuần qua là một “sự đột phá đầy hy vọng” về một tương lai tươi sáng hơn: “Đây không phải là một cánh cửa rộng mở như Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng đây là một sự khởi đầu”, ngài nói.

Liên quan đến những vi phạm nhân quyền khủng khiếp dưới chế độ Assad, Đức Hồng Y Zenari nhận xét rằng những nỗi kinh hoàng đó, vốn đã được biết đến trước khi mở cửa các nhà tù Syria vào tháng 12, đòi hỏi phải suy ngẫm “đặc biệt là cộng đồng quốc tế” và một nền công lý vô tư để ngăn chặn các chu kỳ trả thù. “Rơi vào vòng tròn trả thù sẽ là thảm họa”, ngài cảnh báo, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với nhiều “Người Samari nhân hậu” thuộc mọi tôn giáo đã giúp đỡ người khác trong những năm đó, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của họ.

Về vấn đề quan trọng là bảo vệ quyền phụ nữ tại đất nước Syria mới, Sứ thần Tòa thánh Vatican nhận xét rằng đây phải là ưu tiên hàng đầu, “không chỉ đối với các Kitô hữu mà còn đối với tất cả người dân Syria”.

Sứ thần kết thúc bằng lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ Syria trong nỗ lực tái thiết, bắt đầu từ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế, thay vì chỉ “chờ đợi và quan sát” hòa bình và phát triển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Để Syria có thể tự đứng vững, chúng ta phải tập trung vào việc tái thiết nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu”, ngài nói.


Source:Vatican News