1. 'Cả hai khối u đều biến mất' — phải chăng Chân Phước Solanus Casey đã làm phép lạ ở Michigan?
Một gia đình ở Michigan cho biết cô con gái 16 tuổi của họ đã được chữa lành một cách khó hiểu vào mùa hè năm ngoái, và rằng đó có thể là một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Solanus Casey, người đang được Vatican xem xét để tuyên thánh.
Mary Bartold là học sinh trung học đến từ DeWitt, Michigan; cô chơi bóng mềm và thích nghệ thuật.
Theo lời kể của mẹ cô, là bà Susan, Mary bắt đầu bị đau dạ dày vào cuối tháng 4 năm ngoái. Cơn đau kéo dài trong nhiều tuần mà không thuyên giảm. Cuối cùng, gia đình đã đến phòng cấp cứu và từ đó được chuyển đến một đoàn bác sĩ và chuyên gia.
Nhưng lúc đầu, không ai có câu trả lời. Không có câu trả lời, Susan lo rằng Mary bị u nang buồng trứng có thể vỡ — là điều mà Susan lo lắng có thể gây tử vong hoặc khiến Mary không thể có con.
Trong nhiều tuần, gia đình chờ đợi trong sợ hãi, lo lắng về chẩn đoán, dự đoán tổng thể và về tương lai.
Sau hơn một tháng gặp các bác sĩ với ít câu trả lời, các xét nghiệm y tế cuối cùng đã phát hiện ra hai khối u ở buồng trứng của Mary. Chúng cần phải được cắt bỏ. Ca phẫu thuật được lên lịch vào ngày 2 tháng 8, 2024.
Việc chờ đợi thật khó khăn. Vào ngày 6 tháng 7 — với gần một tháng phải chờ đợi — “Tôi đã nói với Rick rằng tôi muốn đến Đền thánh Solanus ở Detroit”
Susan đã từng đến đó trước đây.
Trên thực tế, Chân phước Solanus đã là một người cầu bầu mạnh mẽ cho bà trong suốt thời gian bà bị bệnh vào năm 2019. Gia đình đã cầu nguyện xin sự cầu bầu của ngài khi chồng của Susan là Rick gặp vấn đề về tim, và Rick đã được chữa lành. Và nhiều thập niên trước đó, Susan nhớ lại, khi một người dì đang hấp hối, gia đình đã cầu nguyện xin sự cầu bầu của Cha Solanus, một tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin được yêu mến ở miền Trung Tây Michigan.
Susan giải thích: “Chúng tôi cũng là người Detroit nên không có gì lạ khi chúng tôi biết đến Cha Solanus Casey, linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn, từ lâu trước khi ngài được phong chân phước”.
Vì vậy, khi Mary bị bệnh, “Rick và tôi đã xuống đó và cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho sự bình an của Mary. Và tôi cầu nguyện rằng cháu sẽ cởi mở để thảo luận và cầu nguyện, và tất nhiên, tôi cũng cầu nguyện để cháu được chữa lành.”
Họ tiếp tục cầu nguyện. Và tuần tiếp theo, Susan biết ơn vì Mary đã bày tỏ sự cởi mở để nhận được phép xức dầu cho bệnh nhân. “Đó là điều tôi đã cầu nguyện với Cha Solanus”.
Nhưng theo quan điểm của Susan, những ân sủng không dừng lại ở đó. Những lời cầu nguyện cũng không dừng ở đó — bạn bè, đồng nghiệp và các linh mục trên khắp giáo phận đã đồng ý cầu nguyện một tuần cửu nhật với Chân phước Solanus trong chín ngày trước ca phẫu thuật dự kiến của Mary vào ngày 2 tháng 8.
Vào sáng ngày 30 tháng 7 — ngày lễ của Chân phước Solanus Casey, và ba ngày trước ca phẫu thuật — Mary đã đi siêu âm để giúp chuẩn bị cho đội ngũ y tế cho ca phẫu thuật.
Mary rất lo lắng, Susan cũng vậy. Trên đường đến bệnh viện, “Tôi chỉ nhớ mình đã nắm chặt vô lăng bằng những đốt ngón tay trắng bệch và chỉ nói, 'Cha Solanus ơi, hôm nay là ngày lễ của cha… Con biết cha có tin tốt lành cho con.'“
Ngày hôm sau, Susan nhận được một cuộc gọi mà bà nói rằng bà sẽ không bao giờ quên:
“Bác sĩ nói với tôi, 'Tôi chưa bao giờ hân hạnh có cơ hội được gọi một cú điện thoại như thế này trong đời mình. Mọi thứ đã biến mất. Cả hai khối u đều đã biến mất.'“
Các bác sĩ khác đã xác nhận tin tức này. Mary không cần phẫu thuật. Cô ấy không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào cả.
Giáo phận Lansing nói với The Pillar, sau các cuộc điều tra sơ khởi ở địa phương với sự hợp tác đắc lực của các bác sĩ, rằng giờ đây toàn bộ hồ sơ đã được chuyển đến Bộ Tuyên Thánh của Vatican.
Source:Pillar
2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Hai tuần thứ 5 Mùa Chay – Ngày 07-04
Đn 13:1-9, 15-17, 19-30, 33-62
Tv 22(23)
Ga 8:12-20
Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Đanien. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” (Đn 13:45-46)
Trong bài đọc đầu tiên hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện về Susannah và các trưởng lão. Đây là một câu chuyện hấp dẫn, trong đó đức hạnh đấu tranh với sự độc ác, sự thật đấu tranh với sự dối trá, và nỗi sợ hãi đấu tranh với lòng dũng cảm. Susannah tốt bụng và xinh đẹp, sau một trải nghiệm đau thương, đã được giải thoát khỏi “bóng tối của sự chết” như đã cầu nguyện trong thánh vịnh hôm nay – sau khi bà bị ám hại bởi âm mưu của hai người đàn ông tội lỗi, đồi bại. May mắn thay, tình thế đã đảo ngược khi những kẻ buộc tội dễ dàng bị lật đổ, và công lý, trong trường hợp này, được thực thi thông qua lòng dũng cảm của Đanien và sự cởi mở của cậu đối với sự công chính, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy.
Chúng ta có thể hỏi: những tiếng nói khác - sự bất mãn và phản đối thánh thiện từ những người hiểu rõ trong lòng sự thật về hoàn cảnh của Susannah - ở đâu?
Chúng ta có thể thoải mái tưởng tượng mình vào vai Đanien trong câu chuyện này, anh hùng đứng lên bảo vệ điều đúng đắn và công bằng. Nhưng chúng ta có thực sự làm vậy hay không? Tôi có làm vậy không? Bạn có làm vậy không? Rất nhiều người đã không làm vậy, và như thường lệ, rất nhiều người tiếp tục quay đi và lắc đầu bất chấp những bất công gây sốc đang lan tràn khắp cùng giữa chúng ta ngày nay. Chiến tranh, đói nghèo, lòng tham, lời nói dối và thông tin sai lệch, sự chà đạp lên tính thiêng liêng của cuộc sống ở mọi giai đoạn, được tạo điều kiện bởi sự im lặng của những người tốt. Nhận thức được sự thật, đôi khi tất cả chúng ta đều phớt lờ sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, sợ hãi về những gì nó có thể có ý nghĩa đối với vị thế của chính mình.
Hãy nhớ rằng chúng ta sẽ phải giải trình về bất kỳ hành động hèn nhát nào như vậy trước tòa án của Vương quốc thiên đàng.
Lạy Chúa công chính và nhân từ, xin đánh thức trái tim con để con nói và hành động mạnh dạn theo đúng công lý và chân lý của Chúa đòi hỏi. Xin tha thứ cho con vì nhiều lần con đã không làm như vậy. Amen.
3. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cầu nguyện cho các nạn nhân động đất ở Miến Điện
Hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho người dân Miến Điện, những người đang “phải chịu đựng quá nhiều đau khổ vì trận động đất”.
Trận động đất 7,7 độ richter vào ngày 28 tháng 3 đã giết chết ít nhất 1.600 người ở Miến Điện và 18 người ở nước láng giềng Thái Lan.
Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, đã ra tuyên bố rằng Giáo hội “cùng chung tay đoàn kết với người dân đất nước khi họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác”.
Đức Hồng Y cho biết: “Sự kiện bi thảm này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc, đa chiều đang diễn ra ở Miến Điện, nơi mà theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, gần 20 triệu người, trong đó có 6,3 triệu trẻ em, đang rất cần được hỗ trợ”.
“Giáo Hội Công Giáo khẳng định sự ủng hộ không ngừng nghỉ của mình đối với những người bị ảnh hưởng và gửi lời chia buồn đến các gia đình đã mất đi những người thân yêu của họ. Chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng tại các nơi thờ phượng trong chùa và nhà thờ Hồi giáo”, ông nói.
Vào ngày 28 tháng 3, Đức Hồng Y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – cho biết Đức Phanxicô “vô cùng đau buồn trước sự mất mát về sinh mạng và sự tàn phá rộng khắp” do trận động đất gây ra.
Tuyên bố cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời cầu nguyện chân thành đến linh hồn những người đã khuất và cam kết sẽ luôn gần gũi về mặt tinh thần với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này”.
Đức Hồng Y Parolin nói thêm: “Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện rằng các nhân viên cấp cứu sẽ được hỗ trợ trong việc chăm sóc những người bị thương và phải di dời nhờ vào những món quà thiêng liêng là lòng kiên cường và sự bền chí”.
Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Bo cho biết Giáo hội tại Miến Điện “rất cảm động” trước thông điệp này.
Đức Hồng Y cho biết thêm Liên Hiệp Quốc đang huy động nguồn lực để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng, thừa nhận Miến Điện “là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này”.
“Cộng đồng thế giới đã thể hiện sự đoàn kết của mình thông qua phản ứng quan tâm của mình. Giáo Hội Công Giáo sẽ huy động sự hỗ trợ để hỗ trợ các nhu cầu cứu sinh về thực phẩm, thuốc men và nơi trú ẩn”, Đức Hồng Y cho biết.
Ông cũng nói về cuộc nội chiến đang diễn ra ảnh hưởng đến quốc gia Á Châu này. Miến Điện đã trải qua nhiều thập niên dưới sự cai trị của quân đội từ năm 1962 đến năm 2011 sau khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh, và giai đoạn dân chủ ngắn ngủi của nước này đã biến mất vào năm 2021 sau một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc nội chiến sau đó đã khiến hơn 75.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Nhiều phiến quân đến từ các nhóm thiểu số và một số lượng lớn là người theo Kitô giáo ở quốc gia có đa số là Phật tử.
“Cuộc khủng hoảng nhân đạo này đòi hỏi phải chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức từ tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột để bảo đảm việc cung cấp viện trợ nhân đạo thiết yếu một cách an toàn và không bị cản trở bởi những người ủng hộ trong nước và quốc tế”, Bo cho biết.
Đức Hồng Y kết luận: “Một lệnh ngừng bắn như vậy là bắt buộc để giải quyết nhu cầu cấp thiết về thực phẩm, thiết bị y tế, nơi trú ẩn và sự bảo vệ cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và cuộc xung đột kéo dài”.
Source:Crux
4. Tiến sĩ George Weigel: Chống lại chính trị bất bình
Tiến sĩ George Weigel là sử gia và là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Against the Politics of Grievance”, nghĩa là “Chống lại chính trị bất bình”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
“Nhạy bén” – “Woke” được dùng ngày nay là chữ viết tắt của cái từng được gọi là “uyển chuyển chính trị” - “political correctness”, đã thêm dầu vào lửa để thổi bùng một nền chính trị cực đoan dựa trên những than phiền gây ra thiệt hại to lớn cho cơ thể chính trị của Hoa Kỳ, đồng thời lấp đầy tâm trí tuổi trẻ với đầy rẫy những điều vô nghĩa về lịch sử. “Dự án 1619” của tờ New York Times, đã làm sai lệch câu chuyện về Hoa Kỳ bằng cách đọc toàn bộ lịch sử quốc gia của chúng ta qua lăng kính của tội lỗi nguyên thủy của Hoa Kỳ, là chế độ nô lệ, là hình thức Plato của sự nhạy bén quá trớn - wokery. Nó đã đầu độc chương trình giảng dạy của trường học và bảo trợ cho chính trị kích động chủng tộc sau vụ sát hại George Floyd.
Thật không may, đúng lúc chính trị bất bình dường như đang cạn kiệt ở cánh tả Mỹ, thì nó lại nổi lên với sự trả thù ở cánh hữu Mỹ. Những khẩu hiệu như “chúng ta đã bị lừa” - làm méo mó hồ sơ về kiến trúc an ninh gìn giữ hòa bình thành công nhất từng được tạo ra là NATO, và tạo ra vỏ bọc cho thuế quan có thể phá hủy động cơ tăng trưởng kinh tế thành công nhất thế giới – là những ví dụ nổi bật minh họa cho một chính trị bất bình mới, là mặt trái của sự thức tỉnh. Và dưới hình thức đám đông cuồng loạn trên các phương tiện truyền thông xã hội, chính trị bất bình cánh hữu ngày càng giống một cách đáng báo động với thứ văn hóa triệt hạ của cánh tả.
Không phải tất cả những nỗi bất bình đều là không có thật. Một số là có thật, và chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải giải quyết và khắc phục chúng. Nhưng chính trị bất bình chắc chắn sẽ dẫn đến sự tan rã của các cộng đồng chính trị—hoặc, cũng thâm độc không kém, nó khiến cho việc hình thành các cộng đồng chính trị trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Tại sao người dân Palestine không thể hình thành và duy trì một cộng đồng chính trị tự quản có khả năng tạo ra hòa bình? Thưa, bởi vì như người bạn của tôi, nhà Ả Rập học Fouad Ajami quá cố, đã nói vào năm 2001, “Một bóng tối, một mùa đông dài, đã giáng xuống người Ả Rập... những người đã buông thả bản thân cho những mối hận thù độc ác nhất của họ.” Và vì thế, “Không có gì phát triển ở giữa một trật tự chính trị độc đoán và những người dân thường xuyên quan hệ với những kẻ độc tài.”
Tại sao Trung Quốc lại tìm kiếm bá quyền toàn cầu thay vì đưa dân số năng động, sáng tạo của mình vào một trật tự thế giới hòa bình, thịnh vượng? Thưa, một phần câu trả lời nằm ở những con quỷ Maoist cá nhân của Tập Cận Bình. Những con quỷ đó lại lợi dụng sự bất bình mà Tập và các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc khác gọi là “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc. Do đó, nền chính trị dựa trên sự bất bình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tạo ra một hệ thống kiểm soát xã hội tinh vi về mặt công nghệ kết hợp với sự xâm lược quốc tế. Trong khi đó, bên kia eo biển Đài Loan, nền dân chủ đầu tiên trong năm nghìn năm văn minh Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, một phần vì người dân không đắm chìm trong sự bất bình vô tận.
Rồi đến Nga. Cuộc chiến của Vladimir Putin chống lại phương Tây được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông ta vào Ukraine. Tuy nhiên, trước và trong sự thách thức đó đối với mọi công pháp quốc tế liên quan đến các vấn đề thế giới, Putin đã phát động các hình thức chiến tranh hỗn hợp, từ đầu độc không gian thông tin toàn cầu bằng những lời nói dối đến cắt đứt cáp thông tin liên lạc ở Biển Baltic, cho đến ám sát những đối thủ chính trị tìm nơi ẩn náu ở phương Tây. Tất cả những điều đó đã được biện minh dựa trên những bất bình trong lịch sử của Nga, thường được gói ghém trong những câu như “Chúng tôi không được tôn trọng”, cùng với niềm tin kỳ lạ của trùm KGB Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô - một trong những chế độ chuyên chế tồi tệ nhất trong lịch sử loài người – lại được hắn ta coi là thảm họa địa chính trị lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ 20.
Hãy đối chiếu những ví dụ về chính trị dựa trên sự bất bình và thường gây chết người này với những phi công Tuskegee - những phi công người Mỹ da đen chiến đấu trong thế chiến thứ Hai trong phi đoàn không quân chiến đấu 332 và phi đoàn không quân ném bom số 477.
Từ lâu, tôi đã nuôi dưỡng lòng kính trọng sâu sắc đối với những phi công quân sự người Mỹ gốc Phi đầu tiên này, những người đã vượt qua hàng thế kỷ định kiến và phân biệt chủng tộc để trở thành những phi công chiến đấu thành công trong Thế chiến thứ hai. Bất kỳ ai đã xem các bộ phim The Tuskegee Airmen và Red Tails đều không thể không kinh hoàng trước những gì những người đàn ông anh hùng này phải chịu đựng để phục vụ đất nước trong Không quân Hoa Kỳ. Họ đã chiến thắng, không phải thông qua chính trị bất bình, mà bằng cách tuân theo phương châm “Vươn lên trên” - không phải ám chỉ việc bay những chiếc P-51 của họ phía trên những chiếc B-17 mà họ bảo vệ khỏi Không quân Đức, mà là vượt lên trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vô nghĩa, là điều đã gây hại cho những kẻ phân biệt chủng tộc ít nhất là cũng nhiều như nó đã gây hại cho các nạn nhân của định kiến này.
Đời sống công cộng của người Mỹ ngày nay sẽ được cải thiện đáng kể nếu những người nghiện chính trị bất bình, thức tỉnh và MAGA, áp dụng khẩu hiệu của những phi công Tuskegee trong Red Tails: “Không có gì là khó khăn. Mọi thứ đều là thử thách. Vượt qua nghịch cảnh để đến với các vì sao.”
Nguyên tắc cốt lõi của học thuyết xã hội Công Giáo về sự đoàn kết dạy chúng ta rằng một nền dân chủ tự quản chỉ có thể được duy trì bằng ý thức chung về tình bạn công dân và trách nhiệm chung—là kiểu mà người Mỹ thể hiện khi, trên khắp quang phổ chính trị từ MAGA đến woke, họ đã nhanh chóng giúp đỡ những người hàng xóm của mình khi cơn bão Helene tàn phá miền tây Bắc Carolina. Sẽ rất hữu ích nếu các viên chức công của chúng ta kêu gọi tinh thần đó, thay vì xúi giục con quỷ bất bình, trong việc tập hợp sự ủng hộ cho các chính sách mà họ muốn đề xuất.
Source:First Things