Theo Đài Vatican, một tông hiến mới sẽ được soạn thảo để thay thế tông hiến Pastor Bonus, nhằm nhấn mạnh tới việc giáo triều Rôma phải phục vụ Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương. Hội Đồng Hồng Y do Đức Phanxicô đề cử để giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội và cải tổ giáo triều đã họp tại Vatican từ thứ Ba vừa qua.

Trong một buổi họp báo, trưởng Phòng Báo Chí của Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, SJ, cho hay chúng ta có thể “mong chờ một Tông Hiến mới”. Ngài cho biết các thay đổi không phải “chỉ là nâng cấp” hay “bên lề”, mà sẽ “có thực chất”. Theo cha Lombardi, sẽ có một tái định hướng quan trọng đối với Phủ Quốc Vụ Khanh. Phủ này sẽ trở thành một “Văn Phòng của Đức Giáo Hoàng” và đây sẽ là một phần trong các chỉ thị sẽ được trao cho vị Tân Quốc Vụ Khanh, người sẽ nhận nhiệm vụ vào ngày 15 tháng này.

Thêm vào đó, sẽ có một nhân vật riêng biệt hành sử như “điều hợp viên giáo triều”; vị này sẽ được bổ nhiệm để phối trí các giao dịch giữa Đức Giáo Hoàng và trưởng các Bộ Sở.

Hội Đồng cũng nói tới vai trò giáo dân trong Giáo Hội, và vai trò này phải được thừa nhận và theo dõi một cách thích đáng và hữu hiệu ra sao trong việc quản trị Giáo Hội.

Các vị Hồng Y cũng đã tiếp tục thảo luận từ hôm thứ Ba về thượng hội đồng giám mục, trong khi Đức Phanxicô sắp sửa quyết định chủ đề cho thượng hội đồng này.

Cha Lombardi cho hay Hội Đồng có bàn qua các vấn đề liên quan tới các định chế tài chánh, nhưng sẽ đợi cho tới lúc các ủy ban khác nhau do Đức Giáo Hoàng thiết lập tường trình báo cáo rồi mới thảo luận thấu đáo hơn.

Thời biểu cho cuộc họp kế tiếp của Hội Đồng Hồng Y chưa được Đức Phanxicô quyết định, nhưng hy vọng sẽ vào đầu năm tới.

Sau đây là nội dung buổi họp báo của Cha Lombardi.

Hội Đồng các Hồng Y: Tông hiến mới về Giáo Triều

Cuộc cải tổ Giáo Triều và việc dành một vai trò rõ ràng hơn cho giáo dân là hai trong số các chủ đề chính được xem sét vào chiều qua và sáng nay tại cuộc họp của Hội Đồng Hồng Y, do Đức Giáo Hoàng thiết lập để trợ giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội. Giám Đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi S.J., nói như vậy trong cuộc thuyết trình với các nhà báo.

Trước khi bình luận về các vấn đề được các Hồng Y thảo luận, Cha Lombardi nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng phát biểu ở cuối buổi triều kiến với các tham dự viên cuộc họp nhằm kỷ niệm năm thứ 50 ngày công bố thông điệp “Pacem in Terris” của Đức Gioan XXIII, trong đó, Đức Giáo Hoàng nhắc tới các nạn nhân, hiện lên tới 90 người, của vụ đắm tầu buổi sáng nay gần đảo Lampudesa của Ý. Cha cho hay: “dưới ánh sáng thảm kịch mới này, ta hiểu rõ hơn giá trị và ý nghĩa chuyến tông du đầu tiên của triều giáo hoàng Phanxicô”.

Chuyển qua việc làm của Hội Đồng Hồng Y, Cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng hiện diện trong buổi họp chiều qua, được tổ chức giữa lúc 4 và 7 giờ tối. “Đức Thánh Cha tới cầu nguyện tại Nhà Nguyện lúc 7 giờ, và đó là lúc kết thúc công việc hợp tác của các ngài, dù các Hồng Y vẫn có thể tham gia với ngài, nếu các ngài thấy thích hợp. Sáng nay, ngài không hiện diện vì phải tiếp kiến các tham dự viên của cuộc họp do Hội Đồng Giáo Hoàng về ‘Công Lý và Hòa Bình’ tổ chức”.

Các Hồng Y chủ yếu bàn về cuộc cải tổ Giáo Triều. Cha giải thích rằng: “Chiều hướng làm việc của các ngài không cho thấy một cập nhật hóa Tông Hiến ‘Pastor Bonus’ bằng các chau chuốt và sửa đổi bên lề, nhưng đúng hơn, là một tông hiến mới với nhiều khía cạnh mới có ý nghĩa. Ta cần phải đợi một thời gian hợp lý sau Hội Đồng này, nhưng ý niệm thì là thế. Các Hồng Y cho biết rõ: các ngài không có ý định đưa ra các chau chuốt có tính thẩm mỹ viện hay các sửa đổi nhỏ nhặt đối với ‘Pastor bonus’”.

Ý định của các ngài là nhấn mạnh tới bản chất phục vụ về phía Giáo Triều và Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương “theo phương thức phụ đới, hơn là việc thi hành trung ương tập quyền. Đường hướng dự tính sẽ là mang điều đó ra áp dụng để phục vụ Giáo Hội trong mọi chiều kích”.

Một chủ đề quan trọng nữa là bản chất và các chức năng của Phủ Quốc Vụ Khanh; phủ này “nên trở thành văn phòng của Đức Giáo Hoàng; chữ ‘quốc’không nên làm người ta thắc mắc. Cơ quan này phục vụ Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ. Cuộc họp của Hội Đồng rất hữu ích vào lúc này, vì các chỉ thị sẽ được Đức Giáo Hoàng ban bố cho Tân Quốc Vụ Khanh, người chẳng bao lâu nữa sẽ đảm nhiệm vai trò của mình vào ngày 15 tháng Mười”.

Một lần nữa, liên quan tới Giáo Triều, Hội Đồng sẽ thảo luận vấn đề tương quan giữa các vị cầm đầu các bộ và Đức Giáo Hoàng, và sự phối hợp giữa các bộ phận với nhau. “Trong ngữ cảnh này, đã có lời nhắc tới vai trò của ‘Phối Trí Viên Giáo Triều’ (Moderator Curiae), và các chức năng của nhân vật này. Vấn đề mới chỉ được bàn chứ chưa có quyết định nào được đưa ra về việc chức vụ này có là một phần trong tông hiến mới hay không; tuy nhiên, nó thực sự là một trong các giả thuyết đã được Hội Đồng gợi ý”.

Liên quan tới khả thể tái tổ chức việc quản trị tài sản vật chất, các Hồng Y cũng đề cập đến vấn đề chứ chưa khảo sát chủ đề này cách sâu xa, vì các ngài còn chờ “phúc trình của các ủy ban tham vấn về vấn đề, các ủy ban này sẽ thông báo kết quả việc làm của họ [cho Hội Đồng]”.

Vấn đề giáo dân đáng được các thành viên của Hội Đồng “quan tâm đặc biệt”, vì các ngài đã nhận được nhiều gợi ý và câu hỏi về chủ đề này từ nhiều khu vực xuất xứ khác nhau của các ngài. “Khi xử lý cuộc cải tổ giáo triều và các định chế của nó, Hội Đồng cũng dự định lưu tâm đặc biệt tới các vấn đề liên hệ tới giáo dân, để chiều kích sinh hoạt này của Giáo Hội được việc cai quản Giáo Hội nhìn nhận và theo dõi cách thích đáng và hữu hiệu. Hiện đã có Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, nhưng vẫn có thể nghĩ ra nhiều cách để tăng cường khía cạnh này”.

Sáng nay, để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, cuộc thảo luận về vấn đề này đã được mở lại.

Sau cùng, Cha Lombardi cho hay: ngày hôm qua, chưa định được ngày giờ cho phiên họp tới của Hội Đồng, dù đã có gợi ý về một phiên họp trong mùa xuân sắp tới, một phiên không chính thức. Cha kết luận “Ý hướng là diễn tiến, không chờ quá lâu. Lại nữa, sẽ không chính xác nếu cho rằng giữa phiên họp này và phiên họp sau sẽ không có gì xẩy ra; các vị Hồng Y và Đức Giáo Hoàng tiếp tục trao đổi ý kiến và thông điệp, dù không có cuộc họp toàn thể của Hội Đồng”.

Trích từ trang mạng http://en.radiovaticana.va/articolo.asp?c=733985 của Đài Vatican.