NƯỚC MỸ HOANG MANG-VIỆT NAM BỐI RỐI

Nếu nước Mỹ hoang mang thì cả thế giới cũng hồi hộp chờ xem chuyện gì sẽ xẩy đến cho Tổng thống đắc cử Cộng hòa Donald Trump vào ngày 19/12/2016.

Riêng Việt Nam, kết qủa trong ngày này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và quan hệ với Hoa Kỳ trước rắp tâm muốn chiếm đóng Việt Nam của Trung Quốc.

Tại sao ? Vì như đã quy định, sau 41 ngày có kết qủa bầu phiếu ngày 8/11/2016, Cử Tri Đòan gồm 538 người của 50 Tiểu bang và Quân hạt Columbia (District of Columbia, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) phải họp tại Thủ đô của mỗi nơi để chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Do đó cuộc bỏ phiếu năm 2016 của “cử tri đòan” rơi vào ngày Thứ Hai 19/12/2016.

Cuộc bỏ phiếu bầu 2 chức danh Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ riêng biệt. Ứng cử viên Tổng thống phải được đa số, tức 270 phiếu, trong tổng số 538 “cử tri đòan” mới được coi là đắc cử.

Vậy “Cử tri đòan” là ai, ở đâu ra ?

Họ là số người được đảng của họ, hiện nay là Dân chủ và Cộng hòa, chọn tại mỗi Tiểu bang, tương đương với tổng số Dân biểu và Nghị sỹ của Tiểu bang ấy. Như vậy, tổng số 538 “cử tri đòan” cũng bằng với 3 số cộng lại gồm 100 Nghị sỹ, 435 Dân biểu và 3 “Cử tri đòan” đặc biệt dành cho Thủ đô Hoa Thịnh Đốn được một tu chính Hiến pháp cho phép.

Nhưng tại sao phải bầu lại khi ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã thắng 306 phiếu, hơn số phiếu 270 cần thiết, trong cuộc bầu cử của cử tri Mỹ ngày 8/11/2016 ?

LÝ DO

Bởi vì thủ tục bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã liên tục dành quyết định sau cùng cho “Cử tri đòan” từ ngày lập quốc năm 1776 nên trong suốt chiều dài lịch sử 44 đời Tổng thống của nước này (Geroge Washington-Barack Obama), cơ chế “cử tri đòan bầu Tổng thống và Phó Tổng thống” vẫn tồn tại.

Việc làm này của “cử tri đòan” được các Chuyên gia Bầu cử và Học gỉa Hiến pháp Mỹ coi như “một lớp vỏ bọc thứ hai” (extra layer) để bảo đảm sự trung thực,trong sáng và công bằng của lá phiếu cử tri đã quyết định trong ngày bầu cử Tổng thống.

Mặt khác, lối dùng “cử tri đòan” còn được coi như để ngăn chặn phe “đa số” cử tri do toa rập, kết cánh dồn phiếu cho một người phe mình trong cuộc bầu cử để nhân danh dân chủ mà thao túng, chèn ép các nhóm dân khác trong xã hội.

Do đó, khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu ngày 8/11/2016 thật ra là họ không bầu trực tiếp Tổng thống và Phó Tổng thống như ở các nước khác mà đã bầu cho những “cử tri đòan tại Tiểu bang mình” để những người này sau đó “chính thức” bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thay cho mình.

Vì vậy, khi tranh cử, hai ứng cử viên Donald Trump của Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Dân chủ đã tập trung vận động tại các Tiểu bang có nhiều “cử tri đòan” và cạnh tranh bất phân thắng bại giữa 2 đảng. Báo chí Mỹ gọi những nơi này là “Battle ground”, tạm gọi là “vùng chiến địa”. Ai thắng ở đó coi như dắc cử Tổng thống.

Việc này giải thích tại sao các ứng cử viên Tổng thống đã không vận động tranh cử tại tất cả 50 Tiểu bang.

Trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016, các Tiểu bang quan trọng như Florida, Pensylvania, Ohio, North Carolina và Michigan đã giúp ông Trump thắng cử.

TRÁI NGANG

Tuy nhiên, sau khi kiểm phiếu thì thấy Bà Clinton đã được hơn ông Trump trên 2 triệu phiếu của cử tri, hay “phiếu của đại chúng” mà người Mỹ gọi là Popular vote.

Cho đến cuối tháng 11/2016, thống kê bầu cử cho thấy số phiếu bà Clinton đạt được là 64,223,986 (48.1%), ông Trump được 62,206,395 phiếu (46.6%). Khỏang cách biệt là 2,017,591 phiếu (1.5%).

Nhưng bà Clinton không phải là người đầu tiên dù có số phiếu cử tri hơn đối thủ mà vẫn không đắc cử Tổng thống. Trong lịch sử Mỹ đã có 4 trường hợp như thế.

Trường hợp gần nhất là năm 2000, khi Phó Tổng thống Al Gore, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, tuy hơn ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush khỏang 540,000 phiếu mà vẫn thua ông Bush, người được 271 phiếu Cử tri đòan. Ông Gore chỉ thu được 266 phiếu “cử tri đòan” nên thất cử.

Lịch sử Mỹ cũng chứng minh ông Anrew Jackson, thắng phiếu đại chúng năm 1824 mà thua cho John Quincy Adams. Năm 1876, ông Sanuel Tilden hơn phiếu Rutherford B.Hayes nhưng thua phiêu “cử tri đòan”. Sau cùng là Grover Cleveland thua Benjamin Harrison năm 1888, dù có nhiều phiếu đại chúng nhiều hơn.

BẤT TÌN NHIỆM TRUMP

Vì có những trường hợp trái khoáy như thế nên cử tri bất bình. Nhiều đề nghị tu chính Hiến pháp để thay thế “cử tri đòan” bằng số phiếu của đại chúng (popular vote) nhưng không thành công vì thủ tục tu chính Hiến pháp rất rườm rà và lâu dài.

Từ năm 1948, viện trưng cầu ý kiến Gallup cho biết có tới 53 % người Mỹ muốn hủy bỏ “electoral college” (cử tri đòan). Đến năm 2013, số người muốn hủy bỏ tăng lên 63%. Và mặc dù đã có ít nhất 17 cuộc điều trần và 700 lần vận động thảo luận tại Quốc hội về đề nghị bỏ “cử tri đòan” mà vẫn chưa có lần nào được đem ra thảo luận trước các phiên khoáng đại.

Nhưng dù có được Quốc hội đồng ý chăng nữa thì quyết định bỏ “cử tri đòan” còn phải được ¾ tổng số 50 Tiểu bang đồng ý là điếu rất khó đạt được.

Vì vậy, cuộc bỏ phiếu ngày 19/12 năm 2016 được đặc biệt quan tâm của nhiều người Mỹ và nhiều nước khác vì người được chọn làm Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới (2016-2020) sẽ là ông Donald Trump, nếu ông ta bảo vệ được được ít nhất 270 trên tổng số 538 phiếu “cử tri đòan”. Kết qủa bầu cử ngày 8/11/2016 đã dành cho ông Trump tới 306 phiếu “cử tri đòan”, nhưng kết qủa bỏ phiếu sau cùng ngày 19/12/2016 mới thật sự có gía trị đối với Hiến pháp và lịch sử Mỹ.

Hơn nữa riêng với năm nay (2016), nhân vật Donald Trump đã bị nhiều giới chống đối vì tư cách, lời ăn tiếng nói làm phật lòng nhiều giới, nhất là phụ nữ, người thiểu số, người Hồi giáo và người di dân, đặc biệt người gốc Nam Mỹ. Vì vậy, mặc dù thắng cử nhưng ông ta vẫn bị nhiều người Mỹ coi là “unfit to be president”, hay “không đủ tư cách làm Tổng thống”.

Do đó hiện nay ở Mỹ đã có 2 cuộc vận động “cử tri đòan” không bỏ phiếu cho Donald Trump vào ngày 19/12/2016.

Cuộc vận động thứ nhất, tuy âm thầm nhưng tích cực trong hàng ngũ “cử tri đòan” do ít nhất 8 “cử tri đòan Dân chủ”, đứng đầu bởi P. Bret Chiafalo, Tiểu bang Washington và Michasel Baca tuộc bang Colorado.

Ông Chiafalo nói với hãng thông tấn AP (Associated Press) sẽ không bỏ phiếu cho Bà Clinton, nhưng đã cùng với ông Baca tung ra chiến dịch “Moral Electors” (tạm gọi là “Những cử tri đòan có lương tâm”) để vận động 37 Cử tri đòan Cộng hòa không bỏ phiếu cho Donald Trump, trong tổng số 306 phiếu ông Trump thu được trong ngày bầu cử 8/11/2016. Nếu họ thành công thì số phiếu còn lại của ông Trump là 169 “cử tri đòan”, tức ít hơn 1 phiếu để thành Tổng thống.

Mục đích của hai “cử tri đòan” này là tìm đủ phiếu để phủ nhận Trump rồi trao cho Hạ viện Mỹ quyết định tìm người khác của Cộng hòa làm Tổng thống. Cả hai cho biết họ đang vận động “cử tri đòan” Cộng hòa để cử cựu ứng viên Tổng thống năm 2012 Mit Romney hay đương kim Thống đốc Cộng hòa John Ksich của Tiểu bang Ohio, thay cho Donald Trump.

Theo AP ông Chiafalo nói:”This is a longshot. It’s a Hail Mary,” Chiafalo said in a phone interview. “However, I do see situations where — when we’ve already had two or three [Republican] electors state publicly they didn’t want to vote for Trump. How many of them have real issues with Donald Trump in private?” (Tạm dịch: “Đây là một chặng đường dài, ngoài tầm tay với. Nhưng tình thế của chúng tôi hiện nay là chúng tôi đã có hai hay ba “cử tri đòan” Cộng hòa cho biết là họ không muốn bỏ phiếu cho Trump. Vậy còn bao nhiêu người khác đã có vấn đề với Donald Trump mà không nói ra ?”)

Hai vận động viên này nhìn nhận họ khó thành công vì qua kinh nghiệm của lịch sử, rất ít khi xẩy ra chuyện các “cử tri đòan” bỏ hàng ngũ chống lại ứng cử viên của đảng mình.

Cho đến nay có 24 Tiểu bang ràng buộc các “cử tri đòan” phải giữ lời hứa trung thành với đảng mình, nhưng không có quyền cấm họ bỏ hàng ngũ để bỏ phiếu cho người khác. Cử tri đòan nào làm như thế thì chỉ bị phạt từ 500 đến 1,000.00 Dollars.

Những người ủng hộ bà Hillary Clinton nói họ rất vui mừng và sẵn sàng đóng tiền phạt cho “cử tri đòan Cộng hòa” quay đầu lại với Donald Trump.

Cuộc vận động chống Trump thứ hai do nhóm Change.org petition phát động kêu gọi “cử tri đòan” bỏ phiếu cho bà Clinton vì bà thu được nhiều phiếu hơn Donald Trump.

Tin của nhóm này cho hay họ đã thu được trên 4 triệu chữ ký ủng hộ cuộc vận động, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sỹ, tài tử. Một trong số ca sỹ nổi tiếng ủng hộ phong trào là Lady Gaga, nhưng không thấy có lãnh tụ nổi tiếng nào của đảng Dân chủ công khai tham gia.

Tuy viễn ảnh “hạ bệ Donald Trump” bình thường đã khó, nhưng dù có thành công ở ngày bỏ phiếu 19/12 thì chức Tổng thống, cuối cùng, vẫn thuộc về đảng Cộng hòa vì Hạ nghị viện do đảng Cộng hoà chiếm đa số có quyền quyết định tối hậu. Họ sẽ bầu cho một người của Cộng Hòa chứ chẳng bao giờ lại bỏ phiếu cho bà Hillatry Clinton của đảng Dân chủ.

Nhưng nếu trong số những “cử tri đòan” bỏ phiếu phủ nhận Donald Trump có một ít người của đảng Cộng hòa thì sự kiện lịch sử này sẽ deo đuổi ông ta suốt đời, chứ không phải là chuyện bình thường trong nền chính trị Hoa Kỳ.

VIỆT NAM VÀ 19/12/2016

Vậy kết qủa bỏ phiếu của “cử tri đòan” ngày 19/12/2016 có ảnh hương đến Việt Nam ra sao ?

Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến TPP và quan hệ “đối tác tòan diện” giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ dứt khóat “từ gĩa” TPP ngay sau ngày nhận chức 20/1/2017. Như vậy, nếu ông thắng ngày 19/12/2016 thì con đường mậu dịch của Việt Nam trong tương lai sẽ chông gai.

Điều này đã được nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Vũ Khoan nói với báo Công an Nhân dân (đăng ngày 27/11/2016) như thế này:” Trước hết, phải nói TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ.

Tình hình sẽ diễn biến ra sao thì chúng ta phải chờ đợi. Mỹ sẽ rút khỏi TPP theo tuyên bố của ông Trump, nhưng quy trình diễn ra như thế nào vẫn còn rất nhiều dấu hỏi, như những quy định của nội luật Mỹ, hay những phản ứng của các thế lực khác nhau trong lòng nước Mỹ cũng chưa thể nói trước.”

Tuy nhiên, ông Vũ Khoan lưu ý:”Bất luận thế nào, chắc chắn 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký. Việt Nam, trước tình hình bất định như vậy, cần theo dõi rất kỹ lưỡng chiều hướng và chủ động có những bước đi để đối mặt.

Một số người nói có hay không có TPP cũng không vấn đề gì. Nếu nói như vậy, ta sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì anh vào TPP làm gì, cố công đàm phán bao nhiêu năm trời, thậm chí có rất nhiều kỳ vọng, nhiều dự đoán lạc quan. Có người còn nói không có thì càng tốt, là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế. Cách nói như thế không chuẩn xác.”

Ông Vũ Khoan là một chuyên gia kinh tế, từng tham gia nhiều cuộc đàm phán với Mỹ và các nước khác để đạt được các thỏa hiệp giúp Việt Nam phát triển và cải cách nền kinh tế lạc hậu, sau 1975.

Ông cũng là người không ngại phê bình, đôi khi chỉ trích những lời nói và hành động “phi kinh tế” và “bốc đồng”của một số viên chức lãnh đạo nhà nước.

Do đó, ông mới nhìn TPP bằng con mắt thận trọng, và nói:”Theo tôi, nên đặt vấn đề thế này: TPP là một mắt xích quan trọng trong quá trình nước ta hội nhập với thế giới. Bây giờ nó không có nữa, hay nó thay đổi đi, thì ta phải tính toán, thích nghi với tình hình đó.”

Ông cũng đã có vai trò không nhỏ trong qúa trình đàm phán để đạt được thỏa hiệp thương mại Mỹ - Việt có tên là “US-Vietnam Bilateral Trade Agreement (BTA)” và Free Trade Agreement (FTA) với các nước khác trên thế giới.

Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn của báo Công an Nhân dân, ông Vũ Khoan đã cảnh giác:”Nếu không đổi mới các DNNN (Doanh nghiệp Nhà nước), không xóa bỏ những rắc rối trong thủ tục, nếu còn có cơ chế xin – cho, thì chẳng có FTA nào cứu được đâu.”

Tại sao phải đổi mới DNNN ? Bởi vì các Doanh nghiệp này làm ăn lời ít, lỗ nhiều và lỗ liên liên mà vẫn được nhà nước gánh nợ thay từ năm này qua năm khác. Bởi vì tham nhũng, lợi ích nhóm, ăn chia và nợ nước ngòai, nợ công, tiêu hao tài sản của nhân dân cũng từ những ổ này mà ra cả.

Đảng và nhà nước thì cứ nói “đổi mới” và “tái cơ cấu” mãi, nhưng càng đổi, càng tái lại càng cũ đi và xám xịt tương lai.

BÀ PHẠM CHI LAN-LÊ DÕAN HỢP

Một cuyên gia kinh tế khác, Bà Phạm Chi Lan còn cảnh báo về chuyện TPP không còn đối với Việt Nam. Bà viết trên Vietnam Forbes, số ra tháng 12-2016: “Trước tình hình mới này, Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về các khả năng trong tương lai, và đặc biệt là về việc mình phải làm gì để thích ứng với bối cảnh kinh tế chính trị trên thế giới chắc chắn sẽ khác trước.

Thứ nhất, về cải cách kinh tế. TPP với những chuẩn mực cao được kỳ vọng sẽ tạo động lực và áp lực cho VN trong việc cải cách mạnh thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cải cách thể chế trước hết là yêu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, Chiến lược phát triển của VN cho thời kỳ 2011-2020 đều coi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Do vậy, có hay không có TPP thì người VN vẫn phải tự mình chủ động tiến hành công cuộc cải cách này.”

Nhưng “cải cách thể chế” là gì ? Cơ bản là phải cải thiện, tổ chức lại của guồng máy nhà nước sao cho tinh gọn, nhẹ nhàng, bén nhạy, tổ chức nhân sự phải lấy đức và tài là chính thay vì chỉ biết lấy con ông cháu cha, bạn bè, đồng chí dù tốt ít xấu nhiều làm gốc như đang diễn ra.

Đảng và nhà nước đã nói rất nhiều về cải cách hành chính và gỉảm biên chế, nhưng càng nói cải thì lại hành dân là chính. Thủ tục, giấy tờ bảo giảm nhiều hay chỉ một cửa thì càng rườm rà rắc rối. Ra nghị quyết bớt số nhân viên, cán bộ và công chức thì khối nhân sự ăn lương của các cơ quan lại càng phình to ra.

Hãy nghe nguyên Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Lê Dõan Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nói với báo VietTimes (Dân Trí đăng lại 16/6/2016).

Nhà báo (Hỏi): ”Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1/1994), đã đưa ra 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của dân tộc: tụt hâu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Hơn 22 năm qua, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự, nó không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành những thách thức hiển hiện trong thực tế và càng ngày càng trở nên bức thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nhưng theo ông, đâu là nguy cơ nguy hại nhất?

LDH:” Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra thì nguy cơ nào cũng nguy hại. Tuy nhiên, tụt hậu về kinh tế ngày càng xa hơn, thực sự đang đe dọa đất nước và tác động đến 3 nguy cơ còn lại theo chiều hướng xấu nhanh hơn.

Mặc dù có những thành tựu đáng tự hào trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển. Năm 1990, khoảng cách Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000USD, thì sau hơn 20 năm, khi GDP bình quân của Việt Nam đạt 2.000 USD thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 USD, khoảng cách phát triển đã lên gấp 2 lần. Về giáo dục: theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Về y tế: theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia. Trong khi đó, theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc nhóm 1/4 quốc gia cuối bảng.”

Bà Phạm Chi Lan cũng bổ túc trong bài viết:”Tình trạng sụt giảm tốc độ tăng năng suất lao động, sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và những vấn đề nổi cộm trong mấy năm gần đây đều có nguồn gốc từ thể chế. Để gỡ những nút thắt tăng trưởng và tránh bị tụt hậu xa hơn, người VN biết rõ cần cải cách càng sớm, càng triệt để càng tốt. Động lực, áp lực từ bên trong đối với cải cách đang tăng cao hơn bao giờ hết. VN thấy rõ, qua những cam kết trong TPP, cần cải cách như thế nào để xây dựng một hệ thống thể chế hiện đại, nhằm khắc phục những vấn đề hiện tại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.”

Nhưng nay thì ông Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP. Và khi ông tồn tại sau cuộc bỏ phiếu ngày 19/12/2016 thì nền kinh tế của VN sẽ phải chịu thêm nhiều nút thắt từ nền Kinh tế của Trung Quốc.

Việt Nam từng hy vọng TPP sẽ giúp thoát dần lệ thuộc kinh tế đơn độc vào Trung Hoa, vì theo bà Phạm Chi Lan:”TPP được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nền kinh tế còn tương đối nhỏ và thiếu thốn nhiều bề của VN những nguồn lực cần thiết để có thể phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Đó là thị trường hàng hóa và dịch vụ, là dòng vốn đầu tư, là công nghệ, kỹ năng và tri thức, là sự kết nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu… TPP tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực đó, nên không có TPP, khả năng tiếp cận các nguồn lực này, đặc biệt từ Mỹ, sẽ khó khăn hơn. VN sẽ phải điều chỉnh những dự định, chiến lược phát triển các sản phẩm của mình cho phù hợp với bối cảnh thay đổi cả về cấu trúc thị trường và điều kiện, phương thức tiếp cận các nguồn lực.”

"Như vậy, cho dù Donald Trump có ở lại hay ra đi sau cuộc bỏ phiếu của 538 “cử tri đòan” ngày 19/12/2016 thì Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với một chính sách “kinh tế bảo thủ” mới của nước Mỹ thời đảng Cộng hòa cầm quyền. Khẩu hiệu “America first” của ông Trump được cử tri ủng hộ không phải là viên kẹo ngọt mà là viên thuốc đắng cho các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. -/-

Phạm Trần

(11/016)