Theo Gerard O’Connell của Tạp chí America, Đức Hồng Y Angelo Scola, người về nhì trong Mật nghị bầu giáo hoàng mới đây, trong vòng vài tuần lễ nay, đã hai lần lên tiếng mạnh mẽ chống lại những người, đặc biệt trong Giáo Hội, thường xuyên và ngày càng tấn công Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y nói, “một trong những dấu hiệu mâu thuẫn mạnh mẽ và nói lên một sự suy yếu nào đó của Dân Chúa, nhất là tầng lớp trí thức. Đó là một thái độ sai lầm sâu xa vì quên rằng ‘giáo hoàng là giáo hoàng’”.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên Trang web của Tổng giáo phận Milan nhân dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của ngài vào ngày 18 tháng 7, Đức Hồng Y nói: “Không phải bởi mối đồng cảm về tính khí, văn hóa, mẫn cảm, hay tình bạn, hoặc vì người ta chia sẻ hoặc không chia sẻ các tuyên bố của ngài mà người ta nhìn nhận ý nghĩa của ngôi vị giáo hoàng trong Giáo Hội”.
Vốn là một nhà thần học và cựu viện trưởng của Giáo hoàng Đại học Lateran, Đức Hồng Y tuyên bố, “chắc chắn nhờ việc thi hành đồng nghị thừa tác vụ Phêrô, [Đức Giáo Hoàng] là người bảo đảm tối hậu, triệt để và chính thức sự hiệp nhất của Giáo Hội”.
Rồi, nhân đề cập đến vô vàn cách thức tấn công đã được phát động chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong những năm này, vị cựu Hồng Y-thượng phụ Venice và hiện là tổng giám mục Milan tuyên bố, “tôi coi các hình thức tuyên bố, thư từ, trước tác, các cao ngạo đòi phán xét các hành động của ngài, nhất là khi họ đưa ra các so sánh gây khó chịu với các triều giáo hoàng trước đây, như một hiện tượng nhất thiết tiêu cực cần được xóa bỏ càng sớm càng tốt”.
Cả trong cuộc phỏng vấn lẫn trong phần giới thiệu mới cho ấn bản thứ hai của cuốn tự truyện của ngài, Ho scommesso sulla libertà (“Tôi Đánh cuộc cho Tự do”), viết với nhà báo người Ý Luigi Geninazzi và phát hành vào ngày 13 tháng 6, Đức Hồng Y người Ý nhấn mạnh rằng người ta cần “tìm cách học hỏi về Đức Giáo Hoàng” (imparare il papa), một kiểu nói ngài cho rằng ngài đã tiếp nhận từ Thánh Gioan Phaolô II.
Đức Hồng Y Scola nói “Nó có nghĩa: phải có lòng khiêm nhường và kiên nhẫn để đồng cảm với lịch sử bản thân của ngài, với cách ngài phát biểu đức tin của ngài, cách ngài ngỏ lời với chúng ta và đưa ra các quyết định lãnh đạo và cai quản”. Ngài nói thêm: điều này “càng cần thiết hơn đối với vị giáo hoàng người Mỹ Latinh, là người có não trạng và cách tiếp cận khác với người Châu Âu chúng ta”. Đức Hồng Y nhắc nhớ rằng, “một điều tương tự cũng đã xảy ra với Thánh Gioan Phaolô II”.
Đức Hồng Y Scola tuyên bố, “tôi thực sự coi là đáng ngưỡng mộ và gây xúc động khả năng phi thường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc làm ngài trở thành người gần gũi với mọi người, và nhất là với những người bị loại bỏ, những nạn nhân của 'nền văn hóa vứt bỏ' như ngài thường nhắc nhở [chúng ta ] trong sự nhạy bén của ngài muốn truyền đạt Tin Mừng cho thế giới”.
Hơn nữa, theo Đức Hồng Y, “một số cử chỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khiến tôi rất ngạc nhiên và chắc chắn rất có ý nghĩa đối với mọi người, kể cả những người không tin. Với tính khí của tôi, tôi sẽ không thể làm được; nhưng mỗi người có nhân cách riêng của mình”.
Trong phần giới thiệu cuốn tự truyện của ngài, Đức Hồng Y 78 tuổi, người có mối quan hệ rất mật thiết với Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã viết, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tìm cách lay động các cõi lòng bằng cách đặt thành nghi vấn các thói quen và phong tục lâu đời trong Giáo Hội, mỗi lần mỗi tạo ra hàng rào ngăn cách, có thể nói như vậy”.
Đức Hồng Y cho rằng “Điều này có thể gây ra một số ngỡ ngàng và bực bội, nhưng những cuộc tấn công ngày càng nặng nề và xấc xược hơn chống chính bản thân ngài, đặc biệt là những người xuất thân từ trong Giáo Hội, quả là sai lầm”.
Đức Hồng Y Scola nói thêm, “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được người ta dạy cho biết rằng 'giáo hoàng là giáo hoàng', người mà tín hữu Công Giáo có nghĩa vụ phải âu yếm, tôn kính và vâng lời, vì ngài là dấu hiệu hữu hình và là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội theo gương Chúa Kitô”. Hơn nữa, ngài nói, “sự hiệp thông với người kế vị của Thánh Phêrô không phải là vấn đề đồng cảm văn hóa, hay thiện cảm nhân bản, hay một cảm quan tình cảm; đúng hơn, nó liên quan đến chính bản chất của Giáo Hội”.
Kết luận về sự phê phán mạnh mẽ của ngài đối với các cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y bày tỏ mối quan tâm của ngài đối với “các tranh cãi và chia rẽ ngày càng trở nên cay đắng, và cũng gây thiệt hại cho sự thật và tình bác ái”. Nhưng, ngài khẳng định, “tôi không thấy nguy cơ ly giáo; thay vào đó, tôi lo sợ có sự đi thụt lùi” trở lại với “cuộc tranh luận sau công đồng giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến” về di sản của Vatican II.
Ngài thấy sự trở lui đó trong “việc tái xuất hiện các giọng nói đầy kích động” trong “việc tương phản vô ích” giữa “những người bảo vệ Truyền thống bị hiểu một cách cứng ngắc” và “những người muốn đề xuất điều được dự kiến như muốn thích nghi thực hành và tín lý theo các đòi hỏi của thế giới”. Nhưng giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Scola tin rằng cách để vượt qua các căng thẳng này là tín thác nơi Chúa Thánh Thần, “Đấng không để Người bị chế ngự bởi luận lý học của các phe đối lập”.