CHƯƠNG BẢY: CÁC NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ ĐỒI MỚI
225.Nhiều nơi trên thế giới đang cần có những nẻo đường hòa bình để chữa lành các vết thương chưa lành. Cũng đang cần có những người kiến tạo hòa bình, những người đàn ông và đàn bà được chuẩn bị để làm việc một cách mạnh dạn và sáng tạo nhằm khởi xướng các diễn trình hàn gắn và gặp gỡ đổi mới.
BẮT ĐẦU LẠI TỪ SỰ THẬT
226. Cuộc gặp gỡ đổi mới không có nghĩa là quay trở lại thời điểm trước khi xảy ra xung đột. Tất cả chúng ta đều thay đổi theo thời gian. Đau đớn và xung đột biến đổi chúng ta. Chúng ta không còn sử dụng việc che đậy, kiểu nói nước đôi, các nghị trình dấu mặt và cách cư xử tốt nhằm che đậy thực tại như người ta vốn dùng trong đường lối ngoại giao trống rỗng. Những kẻ thù ác liệt cần phải nói từ sự thật một cách thẳng thắn và rõ ràng. Họ phải học cách trau dồi ký ức sám hối, một ký ức có thể chấp nhận quá khứ để không che khuất tương lai bằng những hối tiếc, những nan đề và kế hoạch của riêng họ. Chỉ bằng cách dựa trên sự thật lịch sử của các biến cố, họ mới có thể có các cố gắng rộng lớn và bền bỉ để hiểu nhau và phấn đấu cho một tổng hợp mới vì lợi ích của mọi người. Mọi “tiến trình hòa bình đều đòi hỏi sự cam kết lâu dài. Đó là một nỗ lực kiên nhẫn để tìm kiếm sự thật và công lý, để tôn vinh ký ức của các nạn nhân và từng bước mở đường cho một niềm hy vọng chung mạnh hơn mong muốn trả thù” [209]. Như các Giám mục Congo đã từng nói về một cuộc xung đột tái diễn đi tái diễn lại: “Các thỏa ước hòa bình trên giấy tờ sẽ không đủ. Chúng ta sẽ phải tiến xa hơn, bằng cách tôn trọng các đòi hỏi của sự thật liên quan đến nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tái diễn đi tái diễn lại này. Người dân có quyền biết những gì đã xảy ra” [210].
227. “Thật ra, sự thật là người bạn đồng hành không thể tách biệt của công lý và lòng thương xót. Cả ba cùng có tính chủ yếu để xây dựng hòa bình; hơn thế nữa, mỗi điều đều ngăn cản điều kia khỏi bị thay đổi… Sự thật không nên dẫn đến sự trả thù, mà đúng hơn phải dẫn tới sự hòa giải và tha thứ. Sự thật có nghĩa là nói cho các gia đình tan nát vì nỗi đau những gì đã xảy ra với những người thân đã mất của họ. Sự thật có nghĩa là thú nhận những gì đã xảy ra với các vị thành niên bị tuyển mộ bởi những kẻ tàn ác và bạo lực. Sự thật có nghĩa là thừa nhận nỗi đau của những người đàn bà là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng… Mọi hành động bạo lực vi phạm chống lại con người đều là vết thương trên da thịt nhân loại; mỗi cái chết do bạo lực làm thu nhỏ chúng ta như những con người… Bạo lực dẫn đến bạo lực nhiều hơn, hận thù tới hận thù nhiều hơn, chết đến chết nhiều hơn. Chúng ta phải phá vỡ vòng lẩn quẩn, một vòng lẩn quẩn xem ra không thể thoát được này” [211].
NGHỆ THUẬT VÀ KHOA KIẾN TRÚC HÒA BÌNH
228. Con đường dẫn đến hòa bình không có nghĩa là làm cho xã hội độc dạng một cách nhạt nhẽo, mà là đem mọi người đến chỗ làm việc chung với nhau, sát cánh, theo đuổi những mục tiêu có lợi cho mọi người. Hàng loạt các đề xuất thực tiễn và các kinh nghiệm đa dạng có thể giúp đạt được các mục tiêu chung và phục vụ lợi ích chung. Các vấn đề mà xã hội đang gặp phải cần được nhận diện rõ ràng, để có thể đánh giá cao sự hiện hữu của các cách hiểu và cách giải quyết chúng khác nhau. Con đường dẫn đến sự hợp nhất xã hội luôn đòi hỏi phải thừa nhận khả thể này là những người khác, ít nhất là một phần, có quan điểm chính đáng, một điều gì đó đáng giá để đóng góp, ngay cả khi họ mắc lỗi lầm hoặc hành động tồi tệ. “Chúng ta đừng bao giờ giới hạn người khác vào những gì họ có thể đã nói hoặc đã làm, nhưng hãy coi trọng họ vì lời hứa mà họ vốn nhập thân” [212], một lời hứa luôn mang theo nó một tia hy vọng mới.
229. Các Giám mục Nam Phi đã nhấn mạnh rằng sự hòa giải đích thực đạt được một cách chủ động, “bằng cách tạo ra một xã hội mới, một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác, thay vì mong muốn thống trị; một xã hội dựa trên việc chia sẻ những gì mình có với người khác, thay vì mỗi người ích kỷ tranh giành để có được càng nhiều của cải càng tốt; một xã hội trong đó giá trị của việc chung sống với nhau như những con người cuối cùng quan trọng hơn bất cứ nhóm nhỏ hơn nào, cho dù đó là gia đình, quốc gia, chủng tộc hay văn hóa” [213]. Như các Giám mục Nam Hàn đã nhấn mạnh, hòa bình thực sự “chỉ có thể đạt được khi chúng ta nỗ lực theo đuổi công lý qua đối thoại, theo đuổi hòa giải và cùng phát triển” [214].
230. Làm việc để vượt qua sự chia rẽ của chúng ta mà không làm mất đi bản sắc của chúng ta như các cá nhân phải giả thiết điều này là cảm thức căn bản thuộc về hiện diện nơi mọi người. Thật vậy, “xã hội được hưởng lợi khi mỗi người và nhóm xã hội cảm thấy thực sự như ở nhà. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái đều cảm thấy như ở nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, thậm chí một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí khi họ tự mình gánh vác nó, những người còn lại trong gia đình vẫn đến giúp người này; họ nâng đỡ người này. Vấn đề của người này là vấn đề của họ… Trong gia đình, mọi người đều đóng góp vào mục đích chung; mọi người đều hoạt động vì lợi ích chung, không phủ nhận cá nhân tính của mỗi người nhưng khuyến khích và nâng đỡ nó. Họ có thể cãi nhau, nhưng có một điều không thay đổi: tình liên kết gia đình. Những tranh chấp trong gia đình luôn được giải quyết sau đó. Các niềm vui và nỗi buồn của mỗi thành viên của nó đều được mọi người cảm nhận. Đó là ý nghĩa của một gia đình! Ước chi chúng ta có thể nhìn các đối thủ chính trị hoặc hàng xóm của mình theo cách chúng ta nhìn con cái hoặc vợ / chồng, mẹ hoặc cha của mình! Điều này sẽ tốt biết bao! Chúng ta có yêu xã hội của chúng ta hay nó vẫn còn là một điều gì đó xa vời, một điều gì đó ẩn danh không liên quan đến chúng ta, một điều gì đó không được chúng ta cam kết dấn thân?”[215]
231. Đàm phán thường trở nên cần thiết để lên khuôn các nẻo đường cụ thể dẫn đến hòa bình. Tuy nhiên, các diễn trình thay đổi dẫn đến nền hòa bình lâu dài được các dân tộc tạo ra trước hết; mỗi cá nhân có thể hành động như một chất men hữu hiệu bằng lối sống cuộc sống mỗi ngày của họ. Những thay đổi lớn lao không được tạo ra phía sau các bàn làm việc hoặc trong các văn phòng. Điều này có nghĩa “mọi người đều có vai trò căn bản trong một dự án sáng tạo vĩ đại đơn nhất: viết một trang sử mới, một trang đầy hy vọng, hòa bình và hòa giải” [216]. Có một “khoa kiến trúc” hòa bình, trong đó các định chế khác nhau của xã hội đóng góp, mỗi định chế tùy theo lĩnh vực chuyên môn riêng, nhưng cũng có một “nghệ thuật” hòa bình bao gồm mọi người chúng ta. Từ các tiến trình hòa bình khác nhau từng diễn ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới, “chúng ta đã học được điều này là những cách thức tạo hòa bình này, những cách thức đặt lý lẽ lên trên trả thù, những cách thức tạo hài hòa tinh tế giữa chính trị và luật pháp, không thể bỏ qua sự tham gia của những người bình thường. Hòa bình không đạt được bằng các khuôn khổ quy phạm và các sắp xếp định chế giữa các nhóm chính trị hoặc kinh tế có ý nghĩa… Điều luôn hữu ích là lồng vào các tiến trình hòa bình của chúng ta kinh nghiệm của những lĩnh vực thường bị bỏ qua, để chính các cộng đồng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển một ký ức tập thể” [217].
232. Việc xây dựng hòa bình xã hội của một quốc gia không có kết thúc; đúng hơn, đó là “một nỗ lực luôn còn đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc, đòi hỏi sự dấn thân của mọi người và thách thức chúng ta làm việc không mệt mỏi để xây dựng sự hợp nhất quốc gia. Bất chấp các trở ngại, khác biệt và quan điểm khác nhau về đường lối đạt được sự chung sống hòa bình, nhiệm vụ này kêu gọi chúng ta kiên trì trong cuộc đấu tranh nhằm cổ vũ nền ‘văn hóa gặp gỡ’. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đặt ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế chính con người, chủ thể được hưởng phẩm giá cao nhất, và việc tôn trọng công ích. Ước mong quyết tâm này giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ muốn trả thù và thỏa mãn các quyền lợi đảng phái ngắn hạn” [218]. Các cuộc biểu tình bạo động công khai, về mặt này hay mặt khác, không giúp tìm được các giải pháp. Chủ yếu vì, như các Giám mục Colombia đã lưu ý một cách đúng đắn, “nguồn gốc và mục tiêu của các cuộc biểu tình dân sự không phải lúc nào cũng rõ ràng; một số hình thức thao túng chính trị nào đó có hiện diện và trong một số trường hợp, chúng đã bị khai thác cho quyền lợi đảng phái” [219].
Bắt đầu với người nhỏ bé nhất
233. Xây dựng tình bạn xã hội không những kêu gọi sự sáp lại gần nhau giữa các nhóm người đứng về các phe khác nhau trong một giai đoạn lịch sử khó khăn nào đó, nhưng còn kêu gọi sự gặp gỡ đổi mới với những thành phần nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Vì hòa bình “không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà còn là một cam kết không mệt mỏi - đặc biệt là về phía những người trong chúng ta có trách nhiệm lớn hơn – trong việc nhìn nhận, bảo vệ và khôi phục một cách cụ thể phẩm giá vốn thường bị bỏ qua hoặc làm ngơ của anh chị em chúng ta, để họ có thể coi mình như các nhân vật chủ đạo chính của vận mệnh quốc gia của họ” [220].
234. Thông thường, những thành viên dễ bị tổn thương hơn trong xã hội là nạn nhân của những sự khái quát hóa không công bằng. Nếu đôi khi, những người nghèo và những người mất hết sở hữu phản ứng bằng những thái độ có vẻ như chống đối xã hội, chúng ta nên nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, những phản ứng đó phát sinh từ một lịch sử khinh miệt và loại trừ xã hội. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh từng nhận xét rằng “chỉ có sự gần gũi làm chúng ta thành bạn bè mới có thể giúp chúng ta đánh giá cách sâu sắc các giá trị của người nghèo ngày nay, các nguyện vọng chính đáng của họ và cách sống đức tin của họ. Chọn người nghèo sẽ dẫn chúng ta đến tình bạn với người nghèo” [221].
235. Những người làm việc cho việc chung sống xã hội thanh bình không bao giờ nên quên rằng bất bình đẳng và thiếu sự phát triển toàn diện của con người khiến hòa bình trở thành bất khả hữu. Thật vậy, “không có các cơ hội bình đẳng, các hình thức xâm lược và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển và cuối cùng sẽ bùng nổ. Khi một xã hội – bất kể là địa phương, quốc gia hay hoàn cầu - sẵn lòng bỏ mặc một phần của chính nó ở ngoài rìa, thì không có chương trình hoặc nguồn lực chính trị nào dành cho các hệ thống giám sát hoặc thực thi pháp luật có thể bảo đảm được sự thanh bình vô thời hạn” [222]. Nếu chúng ta phải bắt đầu lại, nó luôn phải từ những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta.
GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA THA THỨ
236. Có những người không thích nói về hòa giải, vì họ nghĩ rằng xung đột, bạo lực và đổ vỡ là một phần hoạt động bình thường của một xã hội. Trong bất cứ nhóm người nào cũng luôn có những cuộc tranh giành quyền lực ít nhiều tinh vi giữa các phe phái khác nhau. Có người nghĩ rằng cổ vũ sự tha thứ có nghĩa là nhường cơ sở và ảnh hưởng cho người khác. Vì lý do này, họ cảm thấy tốt hơn là giữ nguyên trạng mọi điều, duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm khác nhau. Lại có những người khác tin rằng hòa giải là một dấu hiệu của sự yếu kém; không có khả năng đối thoại thực sự nghiêm túc, họ quyết định tránh né các vấn đề bằng cách phớt lờ các bất công. Không thể đối phó với các vấn đề, họ chọn nền hòa bình biểu kiến.
Xung đột bất khả kháng
237. Tha thứ và hòa giải là chủ đề trung tâm của Kitô giáo và, theo nhiều cách khác nhau, của các tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, có nguy cơ là sự hiểu biết và trình bày không thỏa đáng các xác tín sâu sắc này có thể dẫn đến định mệnh thuyết, thờ ơ và bất công, hoặc thậm chí bất khoan dung và bạo lực.
238. Chúa Giêsu không bao giờ cổ súy bạo lực hoặc bất khoan dung. Người công khai lên án việc sử dụng vũ lực để giành lấy quyền lực trên người khác: “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20: 25-26). Thay vào đó, Tin Mừng cho chúng ta biết phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) và nêu gương người đầy tớ bất nhân, chính mình được tha thứ, nhưng lại không thể tha thứ cho người khác (x. Mt 18: 23-35).
239. Đọc các bản văn khác của Tân Ước, chúng ta có thể thấy các cộng đồng Kitô giáo sơ khai, sống trong một thế giới ngoại giáo nổi tiếng về sự băng hoại và sai lầm rộng rãi, đã tìm cách biểu lộ sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và sự hiểu biết không hề sai sót. Một số bản văn rất rõ ràng về phương diện này: chúng ta được yêu cầu phải khuyên nhủ đối phương “một cách dịu dàng” (2 Tm 2:25) và khuyến khích “đừng nói xấu ai, tránh cãi vã, phải hòa nhã và biểu lộ lịch sự đối với mọi người. Vì chính chúng ta đã từng ngu dại” (Tt 3: 2-3). Sách Tông Đồ Công Vụ ghi nhận rằng các môn đệ, mặc dù bị một số nhà cầm quyền bắt bớ, nhưng “đã được mọi người yêu mến” (2:47; xem 4: 21.33; 5:13).
240. Tuy nhiên, khi chúng ta suy ngẫm về sự tha thứ, hòa bình và hòa hợp xã hội, chúng ta cũng bắt gặp câu nói choáng váng của Chúa Kitô: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10:34-36). Những lời này cần được hiểu trong đồng văn của chương trong đó chúng hiện diện, nơi rõ ràng Chúa Giêsu đang nói về lòng trung thành đối với quyết định của chúng ta bước theo chân Người; chúng ta không xấu hổ về quyết định đó, ngay cả khi nó kéo theo nhiều khổ cực khác nhau, thậm chí cả người thân của chúng ta cũng từ chối chấp nhận nó. Lời lẽ của Chúa Kitô không khuyến khích chúng ta tìm kiếm xung đột, mà chỉ đơn giản chịu đựng nó khi nó chắc chắn xảy đến, để việc tôn trọng con người không dẫn đến việc suy giảm lòng trung thành nói là để phục vụ điều được coi là hòa bình trong gia đình hoặc xã hội. Thánh Gioan Phaolô II đã nhận định rằng Giáo hội “không có ý định lên án mọi hình thức xung đột xã hội có thể có. Giáo hội nhận thức rõ ràng rằng trong dòng lịch sử, các xung đột quyền lợi giữa các nhóm xã hội khác nhau chắc chắn sẽ phát sinh, và khi đối mặt với những xung đột đó, các Kitô hữu thường phải có một lập trường, một cách trung thực và dứt khoát ” [223].
Kỳ tới: Xung đột chính đáng và sự tha thứ